Wednesday, November 11, 2009

NƯỚC MẮT MỘT THỜI 12

**

NƯỚC MẮT MỘT THỜI
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)

39.

Mẹ tôi vừa được cởi trói tháo còng ngay tại trong sân nhà thì cũng là lúc toàn bộ của cải nhà tôi từ cái chum đựng thóc, cái bàn, cái giường đến những thứ gọi chung là chổi cùn rế rách đều được mang hết ra sân, xếp thành hàng thành lối và được mấy thanh niên trong đó có cả Én, đem tờ giấy kê biên hôm trước ra đối chiếu kiểm tra lại từng món. Khi họ hô lên tiếng “hai cái màn”, và người kiểm tra báo lại “đủ”, tôi đã hơi giật mình. Chẳng ai nhận ra sự gian trá của tôi nhưng tôi vẫn cứ cảm thấy xấu hổ.

Những cái gọi là tài sản của nhà tôi, to như cái nhà, nhỏ như cái nồi đều được dán hoặc đeo vào một tờ giấy hồng điều viết hai chữ QUẢ THỰC. Như đã nói ở trên, đây là danh từ lần đầu tiên xuất hiện trong ngôn ngữ nước ta và sau đó cũng không thấy ai nhắc lại nữa. “Quả thực” nghĩa là gì? Là kết quả có thực hay một hiện thực có kết quả? Chịu chả hiểu nổi. Sau này, tôi hỏi, chả thấy ai trả lời rành rọt được. Hình như đó hai chữ được sinh ra từ cuộc cách mạng điền địa bên Trung Quốc, bên ta cứ thế bê nguyên si sang.

Thật bất ngờ, đúng lúc đó, tôi lại gặp được con bò thân yêu của tôi. Cả tháng nay, sau cái lần tôi bị ông bà nông dân đuổi bắt,tôi đã không trông thấy nó. Nó được dẫn từ ngoài ngõ vào, lộp cộp gõ móng oai vệ xuống nền sân gạch. Hôm nay trông nó khác quá. Hình như tươi tỉnh và béo tốt hơn. Người ta cũng dán tờ giấy hồng điều có hai chữ “quả thực” lên trán nó, chỗ có đốm lông trắng quen thuộc. Lúc con bò được dẫn ra giữa sân cũng là lúc đội thiếu nhi gióng lên hồi trống ếch mạnh mẽ, rộn ràng. Con bò sợ quá, co rúm người lại và lập tức từ đít nó phụt dài ra một luồng chất lỏng đen đen, thối hoăng. Nhưng hình như lúc ấy chẳng ai để ý đến cái điều vừa phạm thượng vừa mất vệ sinh này. Tất cả lỗ tai, con mắt đều đang đổ dồn vào cái mồm rộng hoác vêu vao như mồm cá ngão của lão Đội Khoảnh. Ong ta đang công bố danh sách những người được chia “quả thực”. Nào là: “Ông Cấp, ông Toàn, hai hộ chung nhau con bò”. Nào là: “Căn nhà gỗ lim 7 gian sẽ được chia lại cho gia đình ông Kền 4 gian. 3 gian còn lại dành cho cụ Vĩnh và cô En. Còn vừơn chè thì ông Dụng một nửa, bà Rốt một nửa…”
-Thế còn của nhà tôi đâu?
-Tôi không được cái gì à?
- Lão Dụng giả nghèo giả khổ đấy. Tôi chuyên thấy hắn ra chợ Thông uống rượu, ăn thịt chó.

Ông bà nông dân tranh giành của cải cãi nhau như đám mổ bò. Đội Khoảnh buộc phải đứng lên hè vỗ tay nói lớn:
- Bà con trật tự. Rồi đâu có đấy. Xóm ta còn những 5 địa chủ nữa kia mà. Ai còn phá quấy, tôi cho du kích gô cổ lại đấy.

Đã tưởng mọi người tạm im. Nào ngờ, ông Khán Vĩnh lập cập đứng lên:
-Dạ, thưa Đội, nhà cháu xin không nhận mấy gian nhà ấy ạ. Vì nhà cháu đã có nhà rồi.

Mọi người trố mắt nhìn ông Khán Vĩnh như nhìn một sinh vật lạ.

Đây cũng là lúc mẹ con tôi đang nóng lòng chờ xem Đội sẽ giải quyết chỗ ở cho chúng tôi thế nào. Mấy hôm nay, với các gia đình địa chủ, sau khi tịch thu tài sản xong, Đội thường chừa lại căn bếp cho họ. Như vậy mẹ con tôi chăc chắn sẽ được Đội cho lại căn bêp, vừa chật vừa nóng như cai lô cốt ấy!

Chiều hôm ấy là một chiều tan nát . Một gia đình bền vững nồi đồng cối đá, nhà ngói cây mít như nhà tôi bỗng chốc tan vỡ, phân ly. Bố tôi thì đến nay vẫn không biết lưu lạc, sống chết ra sao. Cái bát, chiếc tô, nắm đũa, mọi bữa vẫn được úp chung với nhau trong cùng một chiếc chạn, bây giờ phải xa lìa nhau, cái theo bà Rốt, cái đến nhà bà Đề. Và cả con bò yêu quý của tôi nữa, chiều nay không biết nó phiêu bạt đến đâu?

Mắt tôi cay xè, cổ tôi nghẹn đắng.

Trước khi rút đi, Đội Khoảnh còn lệnh cho lão Kền bật lửa đốt đi đám sách chữ nho của ông nội tôi để lại, được những người đến tịch thu tài sản nhà tôi gom lại chất thành đống to lù lù ở một góc sân. Đội Khoảnh giải thích với mọi người rằng đó là “Văn tự ruộng đất của giai cấp địa chủ”, cần phải tiêu hủy sạch sành sanh. Tôi định cãi lại rằng, không phải thế, vì ngày nhỏ từng được học chữ nho tôi biết được trong đám văn tự này có quyển là Tam Quốc Chí, truyện Tàu nổi tiếng của Trung Quốc, có quyển là Kim Vân Kiều truyện của Việt Nam, nhưng Đội cấm không cho nói, tôi đành đứng im ấm ức, bất lực nhìn những cái lưỡi bằng lửa của con quái vật chập chờn đang nhanh chóng liếm đi hết trang sách này đến dòng chữ kia.

Mấy mẹ con tôi quét vội căn bếp đầy bồ hóng rồi kê vào đấy chiếc giường tre ọp ẹp, xiêu vẹo, vẫn bị vứt lay lắt ở góc bếp, Đội vừa tuyên bố cho lại, cho mẹ và em gái tôi nằm. Còn tôi thì đã có cái nong vẫn dùng để phơi đỗ. Đêm hôm ấy và những đêm sau, để nằm cho vừa, tôi cứ phải cong người lại như con tôm.

Đêm đầu tiên xuống bếp ở thật lắm chuyện dở khóc, dở cười. Lúc chập tối vừa nằm xuống thì giông gió nổi lên, cả một tảng bồ hóng to như nắm giẻ đen chụp xuống mặt đứa em út tôi làm nó không sao mở mắt ra được. Nó khóc và nước mắt lại bôi đen biến nó thành cái mặt hề làm cả nhà không nhịn được cười và nó đang khóc cũng phải cười theo. Nhưng sau đó thì cả nhà tôi không còn ai cười được nữa. Mưa to quá, nước chảy lênh láng vào nhà, tràn lên cả chiếc nong tôi đang nằm. Cả nhà tôi phải dồn cả vào chiếc giừơng ọp ẹp, chật hẹp. Chúng tôi đành thức ngồi chờ sáng. Nửa đêm hôm ấy, mẹ tôi kêu thất thanh:
-Trộm ! Các con ơi trộm ! Khổ quá, mất hết rồi, còn gì đâu mà trộm đến.

Chúng tôi dù sợ run như cầy sấy nhưng vẫn còn đủ bình tĩnh để nhận ra tên trộm ấy là một ông già.

Mẹ con tôi vùng chạy ra ngoài sân. Mưa đã tạnh. Anh trăng hạ tuần đủ soi cho tôi nhìn thấy kẻ tên trộm ấy là ông Khán Vĩnh. Ong ngồi thụp xuống trước mặt chúng tôi, hai tay xá vào mẹ tôi lia lịa:
- Con là Vĩnh đây. Con đến đây để tạ tội với ông bà và các cô, các cậu.

Mẹ tôi luống cuống đỡ ông đứng dậy rồi nói như xin lỗi:
-Ấy chết, sao ông lại làm thế. Ngày trước cũng đã không được rồi, nói gì hôm nay, chúng tôi khác gì con chó, con bò…

Ong Khán Vĩnh vẫn không chịu đứng lên, vẫn cứ giữ nguyên thái độ lễ phép ban đầu:
-Dạ thưa, đứa nào nó hỗn láo với bà và các cô, các cậu thì trời đất qủy thần sẽ vặn cổ nó. Còn chúng con thì xưa nào nay thế, có cho vào cối giã nát, tấm lòng của chúng con đối với ông bà và các cô, các cậu vẫn không hề thay đổi.

Mẹ con tôi đành cùng ngồi xụp xuống nền sân gạch với ông. Ong lại nói tiếp, giọng thều thào:
-Thằng con giai con trưa nay nó tố bà là nó tố điêu đấy. Nó nghe người ta xúi có tố nhiều thì mới được chia nhiều quả thực nên nó mới ngu dại như thế. Con đã bảo với nó nhiều lần mà nào nó có chịu nghe đâu . Con bảo rằng năm đói không có ông bà bên này bớt mồm bớt miệng thì cả nhà mình chết nhăn răng cả rồi.
-Thật là quân ăn cháo đái bát ! *

Nghe ông nói chúng tôi sợ quá. Tai vách mạch rừng, vạ miệng như chơi. Chúng tôi đã giả vờ đứng lên để ông đừng nói thêm nữa nhưng ông vẫn chưa thôi:
-Bà ơi, trưa nay nhìn thấy thằng con của con nó nắm tóc, bẹo tai, ấn đầu, xỉ nhục bà, con đau lòng lắm. Thà nó làm thế với con, con còn mát dạ hơn.

Ông Khán Vĩnhvẫn còn muốn nói nữa. Tôi đành bịa ra chuyện có người đang rình rập nghe ngóng ở ngoài vườn chè. Ông chịu đứng dậy ra về, nhưng đi rồi, vẫn quay lại chĩa miệng về phía vườn chè chửi đổng :
-Mẹ cha quân khốn kiếp, rình với rập. Ong có sợ cái con c… đây này.

Đêm hôm ấy lại thêm một lần nữa tôi bối rối. Những gì vừa xảy ra đối với chúng tôi là gì nhỉ? Thực hay hư? Bi hay hài? Đúng hay sai? Cách mạng hay ngược lại? Chịu.

40.

Tôi lại thắp lên 3 nén nhang, gióng 5 tiếng chuông và gõ 7 tiêng mõ. Tiếng En lại hiện về:

Anh yêu thương của em! “Hãy trả lời lòng anh mấy câu-Tình duyên với em trong kiếp nào”. Sao anh lại viết câu hát ấy ra mặt bàn học của anh. Anh tưởng sẽ không có lúc em đọc được câu hát ấy của anh hay sao. Chỉ có điều em phải đọc nó trong một trạng thái không bình thường, trong lúc em thì vui cười, còn anh thì đau khổ và uất ức. Mà em đã nói với anh nhiều rồi mà. Tình duyên của chúng ta là ở kiếp này, ở ngày hôm qua và ngày hôm nay, chứ không ở kiếp nào khác đâu, dù kiếp này, chúng ta không đến được với nhau. Anh ơi, em xin được kể lại với anh chuyện này nhé. Tối hôm qua, lão Đội Khoảnh đến nhà em, bỗng dưng bắt em chép rồi học thuộc lòng một bài thơ không biết lão ta học được từ ở đâu ấy, có nội dung thế này: “Anh đã trót yêu con địa chủ. Lỡ yêu rồi biết bỏ làm sao…”. Hình như lão ta muốn răn đe em. Nhưng em không sợ. Vì có gì mà phải sợ anh nhỉ! Em bảo với anh ta, nếu có tội thì địa chủ mới là kẻ có tội, chứ con cái người ta thì tội tình gì . Lão bảo, tội “liên quan”. Đấy, anh thấy đấy, người cầm cân nảy mực ở một xã mà còn thế, trong luật cải cách ruộng đất làm gì có cái tội này. Cho nên những người sinh ra trong một hoàn cảnh như anh lúc này khổ sở là chuyện tất nhiên anh à. Lúc ấy, em với nói với lão ta, giả sử em yêu anh con trai nhà địa chủ thì anh tính sao đây. Đội Khoảnh cười, nửa đùa nửa thật: “Thì tôi sẽ nâng thành phần gia đình cô từ bần nông lên địa chủ cho ngang bằng với nó! Xóm Quyết Thắng tôi phụ trách này, chỉ tiêu trên giao là phải có 9 địa chủ mà tôi mới tìm ra được có 7 đây”. Nghe thế, em mới giật mình hỏi lại lão: “Vậy ra quy định một gia đình có là địa chủ hay không là do chỉ tiêu trên giao và tuỳ thuộc vào ý muốn của các anh, chứ không phải do họ có nhiều ruộng đất, hoặc có bóc lột hay không”. Đội Khoảnh cười ruồi, phụ hoạ: “Và phụ thuộc vào tài năng của từng ông cán bộ Đội. Giống như người bác sĩ ấy, có giỏi mới phát hiện ra những con vi trùng, con giun con sán đang ẩn náu trong từng cơ thể con người. Nếu không cứ thấy béo tốt tưởng là khoẻ mạnh!”. Thảo nào, ông Toạ chuyên giết thịt lợn xóm ta hôm kia đang là trung nông hôm nay lên địa chủ, anh nhỉ! Em nói lại với Đội Khoảnh nhưng không thấy lão ta đáp lại. Cải cách ruộng đất ở quê mình là thế đó, đấy anh.


41.

Rằm tháng 7 âm lịch, ngày “xá tội vong nhân”, người ta nói ngày này dưới âm phủ, Diêm Vương xoá án giảm tội cho những linh hồn không may bị đầy xuống đây. Mẹ tôi bảo, người ta cúng các cô hồn, chả lẽ mình không. Nhưng biết lấy gì mà cúng trong khi tiền chẳng có mà gạo cũng không. Rồi mẹ tôi bảo xem trong nhà có thứ gì có thể giấu được trong người thì tìm cách đem xuống chợ tỉnh mà bán.

Tôi lục lọi mãi mới thấy được hai món đồ là chiếc kính râm của bố tôi và chiếc bút máy Oerơvơ lâu nay tôi vẫn dùng đi học.

Giấu hai thứ đó vào cạp quần, chờ đến lúc trưa tròn bóng, tức là lúc mọi người nhà nào về nhà ấy nghỉ ngơi, cơm nước, tôi mới lẻn ra khỏi cổng làng. Rất may chả có ai hỏi gì tôi. Dù vậy, tôi vẫn hồi hộp vừa đi vừa ngoái lại phía sau. Tôi sợ có người chạy theo bắt lại vì tối hôm qua không hiểu vì cớ gì mà lão Kền lại sang nhà đứng ngoài chõ mồm nói thách mé ngày hôm nay Đội cấm ngặt không cho bất cứ một người nào trong gia đình tôi được ra khỏi nhà. Lão nói xong đi ngay không một lời giải thích nên chúng tôi cứ nghĩ chắc gần đến ngày quốc khánh, sợ bọn phản động phá hoại lễ lạt nên Đội mới ra lệnh thế chăng nên cứ đánh liều ra đi.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau, tôi xuống đến thị xã. Phố xá vắng lặng rợn người. Mỗi cơn gió thổi hun hút trên đường phố tôi cứ có cảm giác nó đang được khởi hành từ làng tôi mang theo một nỗ buồn hiu hắt.

Đang đi trên hè phố, bỗng tôi giật mình, vì thấy người đàn bà bán chè đỗ đen kia trông giống mẹ thằng Hùng, bạn tôi quá. Cách đây 3 năm, khi học lớp nhì trên thị xã, tôi ở với dì của tôi, thuê chung nhà với mẹ thằng Hùng. Chúng tôi thân nhau lắm, thường ăn chung một miếng ăn, chơi chung một khẩu súng bắn pháo xiết. Hoà bình lập lại, tôi về quê, còn Hùng vẫn ở lại thị xã với mẹ. Quê quán của nó ở đâu tôi không biết và mẹ con nó cũng chẳng biết quê tôi ở đâu. Vậy mà không hiểu vì sao, cách đây ít ngày, từ thị xã tin bay về làng tôi rằng, mẹ thằng Hùng trong buổi “Tố khổ hỗ trợ nông dân” của những người buôn thúng bán mẹt đã gào thét: “Thằng con trai tôi, khổ lắm, nó từng bị thằng bạn ở cùng nhà nghe đâu bây giờ là con địa chủ thường xuyên chĩa súng pháo xiết vào người, bắt giơ tay lên và bắt làm tù binh giải đi. An hiếp người ta đến thế là cùng”. Vậy đó, trò trẻ con lúc này cũng bị nâng lên thành vấn đề giai cấp.

Tôi lấy nón lá che mặt đi qua chỗ mẹ thằng Hùng.

Đi được một quãng thấy người ta đang xúm đen xúm đỏ xem xét một cái gì đó, tôi cũng ghé vào. Một cái tủ lưới mắt cáo bày bức ảnh chụp cảnh xử tử một “tên địa chủ cường hào gian ác” phạm tội “âm mưu giật mìn phá hoại cống ngăn mặn Trà Lân”. Mới nhìn mà đã sởn da gà. Sao mà giống bố tôi thế. Cũng cái lưng còng. Cục yết hầu to như quả ổi . Mắt hoa lên, chân tay bủn rủn, tôi đứng không vững, phải ngồi thụp xuống hè phố. Một người đàn ông nhìn như soi vào mặt tôi. “Thằng này, con trai mà nhát”.

No comments: