Tuesday, December 4, 2012

TRẦN VĂN GIÀU * HỒI KÝ VI

9. Binh vận thành công
Công tác “binh vận”, lạ thay, là loại công tác đầu tiên nhất của tôi khi
tôi mới vào Đảng Cộng sản. Năm ấy, năm 1929, ở thành phố Toulouse
(miền Nam nước Pháp) tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp. Đáng lý
công việc của tôi là thanh vận, sinh vận; còn có các anh Đỗ Định Thiện,
Nguyễn Văn Dựt, Nguyễn Văn Nghĩa, Trần Thiên Tường, họ đang hoạt
động trong hội tương tế của người Việt Nam. Tôi được khu ủy Đảng Cộng
sản Pháp chỉ định làm công tác bất hợp pháp –dễ bị bắt bỏ tù nếu bị phát
hiện là tuyên truyền cách mạng trong binh lính Việt Nam, đồn đóng trong
vùng này. Miền Nam nước Pháp, khí hậu tương đối ấm, cho nên các đơn vị
quân Đông Dương thường được bố trí ở miền Nam. Nói quân Đông Dương
là chủ yếu nói quân Việt Nam, họ phải sẵn sàng hoặc để đàn áp các cuộc bãi
công, biểu tình lớn của thợ thuyền Pháp, hoặc để đưa sang Maroc, Syrie
“dẹp loạn” như hồi 1925, 1927. Nói làm “binh vận”, chứ thực ra khi ấy tôi
chưa có đủ trình độ chính trị để viết bài, tôi chỉ dịch ra quốc ngữ Việt Nam
những bài tiếng Pháp do các đồng chí Pháp viết. Dịch xong, tôi đánh máy
vào bản giấy sáp rồi đem quay rônêô hàng trăm tờ, các đồng chí Pháp đem
phát hành ở đâu, tôi không rõ, và kết quả tuyên truyền tới đâu tôi cũng
không biết, chỉ biết rằng mỗi tờ báo “Cờ Đỏ” binh vận có hai bài ngắn và
mấy cái tin còn ngắn hơn, hai trang thôi.
Về Sài Gòn, từ 1930 đến 1934, tôi không làm chút binh vận nào. Đến
khi bị bắt, bị đày đi Côn Đảo (1935) thì tôi thấy có ba chú lính khố xanh hộ
tống tôi, trong số đó có một chú cai lùn lùn, mập mập, má phị ra. Hỏi ra thì
mới biết tay này là Trương Văn Giàu, người Chợ Giồng (Gò Công) không
xa quê tôi, chỉ cách hai, ba làng. Ông Giàu đi giải ông Giàu! Tôi đoán mò,
đoán mò lại may là trúng, chắc cái thằng cha cai Giàu này, lính của Tây, có
xa gần bà con với ông Quản Định đánh Tây ngày trước chăng? Cùng họ
Trương kia mà. Tôi bèn nói chuyện Trương Định khởi nghĩa ở Tân Hoà (Gò
Công) hồi 1862. Trúng chỗ ngứa của cai Giàu rồi; y ngồi nghe chăm chú mà
không nói gì. Tôi bắt trớn tuyên truyền chống thực dân Pháp và tuyên truyền
cho đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ba lính khố xanh này nói
rằng hôm nay Tây đem tụi tôi ra toà xử án thì họ cũng thuộc toán lính đi
canh gác cho phiên toà, họ đã nghe và còn nhớ những lời tôi đối đáp với toà
Tây. Họ thích thú, khâm phục. Cai Giàu ước mong có ngày lại gặp tôi khi tôi
mãn án. Từ chợ Tầm Vu qua Chợ Giồng cũng gần thôi. Năm năm sau (năm
1940), ông Giàu (tù nhân Tà Lài) lại gặp quản Giàu theo toán lính dẫn tù lên
căng. Đúng là duyên nợ rồi! Thế là tôi bắt được một cái mối quan trọng ở
trong cơ binh khố xanh, tên gọi là “Binh đoàn lưu động Gia Định”. Không
215
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
biết ông quản Trương Văn Giàu nói chuyện gì với các ông quản, thầy đội,
chú cai xung quanh ông ở binh đoàn lưu động, rồi họ đồn đi đồn lại với nhau
thế nào, mà mỗi kỳ đổi phiên, các anh ở binh đoàn đều kiếm tôi nói chuyện,
nhất là sau khi Pháp bại trận đã đầu hàng Đức (tháng 7 năm 1940). Thực ra
thì tụi tôi tìm đến các anh em ấy nhiều hơn. Tụi tôi đều là cán bộ làm dân
vận hơi rành, dân vận gần như thành tập quán của chúng tôi, song ở cái đất
căng Tà Lài, chỉ có một nhà người Thượng mà sự giao tiếp của chúng tôi có
tính chất “vụ lợi” trước hết: nhờ y đi mua gà, mua rượu hay bất kỳ món gì
lặt vặt. Rốt cùng, chỉ còn có trung đội lính khố xanh để mà tuyên truyền, với
cả hai, ba thằng Tây, mấy thằng Tây này từ ngày Pháp bị Đức chiếm đóng
thì cũng hay xuống trại tìm Văn với tôi để đàm đạo về tương lai, về chiều
hướng của chiến tranh thế giới.
Làm cái nghề tuyên truyền này giống như cày ruộng khô rồi sạ lúa.
Lúa sạ có thể bị chuột nhấm chim mổ một phần; nhưng dưới đất xới vẫn còn
phần nhiều những hạt no tròn, chờ ít đám mưa giông đổ nước trời xuống thì
hạt lúa mọc nanh, lên lá, trông mỗi ngày thì không thấy lớn, đi đâu một vài
tuần trở lại thì đồng ruộng đã xanh um.
Ở căng Tà Lài, tụi tôi làm binh vận ráo riết và có thể khoe là rất giỏi.
Tôi đã có dịp kể lại việc đó ở chương I. Nói thật là cũng nhờ Tây: tụi nó
nghi rằng chúng tôi cố làm binh vận, nên mới tuần chúng thay một bán đội
hay một tiểu đội. Té ra, cả binh đoàn lưu động Chí Hoà - Gia Định đều luân
phiên lên Tà Lài để chúng tôi tuyên truyền cách mạng. Rõ là nhiều khi cái
ngốc của kẻ địch làm cái hay của mình.
Năm 1943, tôi từ rừng U Minh trở về Sài Gòn, tự nhiên tôi tìm cách
nối lại liên lạc với Trương Văn Giàu và các bạn của anh ta. Lúc này ở Sài
Gòn tụi Tây nó lập hai binh đoàn khố xanh: binh đoàn lưu động Gia Định
(Brigade mobile de Gia Dinh); và binh đoàn phụ thuộc sở Sen Đầm Chợ
Lớn (Brigade auxiliaire de la Gendarmerie de Cho Lon). Nghe nói cả hai
đơn vị này cộng lại đến hơn hai ngàn, gần ba ngàn lính.
Làm đảo chính rồi, Nhật giữ nguyên số lính khố xanh này, từ nay gọi
là Bảo an binh, bắt hết tụi Tây sĩ quan và hạ sĩ quan người Pháp, giao quyền
cho mấy ông quản người Việt Nam, trong số cầm đầu Bảo an binh đó thì
Trương Văn Giàu đóng vai nhứt nhì.
Một hôm, sau đảo chính 9 tháng 3 vài tuần, Bảy Trân và tôi ngồi bàn
chuyện thời sự trên gác của nhà in Phú Hữu (gần chợ Sài Gòn), có người nhà
chạy lên báo: hai người Nhật đến đứng trước cửa!
216
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
–Nhật hay ta?
–Có lẽ Nhật, họ mang gươm dài.
–Để xem.
Ngó xuống, thấy đó là Trương Văn Giàu và một thầy đội (chú Bội, em
vợ của chủ nhà in Nguyễn Phú Hữu).
–Đi đâu, làm gì mà để thợ thầy người ta hết hồn vậy?
Trương Văn Giàu đứng nghiêm chào, nói: Đại biểu cho nhiều anh em,
chúng tôi đi thăm ông.
Từ nay, Bảy Trân, Thạch cùng tôi phụ trách binh vận có nhiệm vụ
chuyển hai binh đoàn cơ động bảo an thành lực lượng vũ trang mà Đảng có
thể sử dụng trong khởi nghĩa sắp tới. Không chủ quan, tụi tôi nhận thấy rằng
chắc chắn sẽ có sự chuyển biến tốt đó; Pháp thì không còn nữa, Nhật thì
không nắm được, nó sắp thua rồi, không ai lại đi phò một ông vua phi nghĩa
sắp mất ngôi; bù nhìn thì không có uy tín, triển vọng gì hết. Tương lai trước
mắt thuộc về cách mạng do Đảng lãnh đạo. Bên Nga hồi cách mạng tháng
Mười, Đảng Bôn-sơ-vích và Lenin đã từng nắm được những đơn vị bộ binh
và hải quân quan trọng. Ta đây rồi cũng làm được như vậy. Khẩu hiệu công
nông binh liên hiệp, Đảng ta đã nêu lên từ khi Đảng mới ra đời và thế hệ
đồng chí nào cũng ra sức làm binh vận hết, đều đã “sạ lúa”. Vả lại, bọn tôi
qua mấy ông quản, thầy đội mà làm binh vận thì thành công mau lẹ, gần y
như bọn tôi qua các giáo sư mà vận động sinh viên, học sinh trung học và
chuyên nghiệp vậy.
Đến tháng 6, tháng 7 thì Trân, Thạch và tôi đã có thể vào các trại Bảo
an binh để nói chuyện với lính và hàng cai, đội, đội quản. Lần lượt không
phải chỉ có Bảo an binh Gia Định, Chí Hoà, Chợ Lớn theo Đảng Cộng sản,
theo Mặt trận Việt Minh, mà luôn cả Bảo an binh ở tất cả hai mươi tỉnh Nam
Kỳ, không trừ một tỉnh nào, đều đi về với cách mạng, khi nổ ra tổng khởi
nghĩa. Được như vậy, chủ yếu không phải nhờ tài ba đặc biệt gì của tụi tôi
đâu, mà nhờ kết quả công tác của nhiều thế hệ trước, trước hết là nhờ Hồng
quân Liên Xô đại thắng, lại nhờ Đảng đã tạo nên một cao trào yêu nước, cứu
nước của nhân dân rộng lớn, có sức hút đa số đồng bào (gồm cả binh lính)
vào cuộc chiến đấu chung; nếu Đảng không huy động nổi một cao trào nhân
dân sâu sắc (gồm công, nông, thanh) và rộng lớn (gồm đủ các tỉnh), thì thật
cũng khó vận động cho được những đơn vị lính lớn, làm cho cả đại đa số (có
thể nói là toàn bộ) Bảo an binh các tỉnh đi về với cách mạng.
217
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Trong số các anh em Bảo an binh đã góp phần quan trọng vào sự
thành công của binh vận của Đảng hồi 1945, hãy ghi nhớ tên tuổi các anh
Trương Văn Giàu (Sài Gòn), người lập công đầu; Nguyễn Văn Thiện (Gia
Định), Nguyễn Văn Xuyên (Chợ Lớn), Oanh (Tân An), Thế (Biên Hoà),
Hiển (Mỹ Tho), Đoàn Hồng Phước (Gò Công), Lê Văn Lâm (Thủ Dầu Một),
v.v… hầu hết họ đều trở thành chiến sĩ, sĩ quan, cán bộ quân sự và chính trị
của cách mạng. Trong cuộc cách mạng tháng Tám ở Nam Kỳ, không có một
tỉnh thành nào mà Bảo an binh chống lại khởi nghĩa cả; ngụy quyền không
điều động được một đơn vị nhỏ nào để chống lại khởi nghĩa cả, chắc lẻ tẻ
cũng có phần tử chống đối hay không tán thành, nhưng họ đều bị cô lập,
không ra mặt chống đối.
Bọn tôi còn chú ý, tuy không nhiều lắm, đến việc vận động lính cảnh
sát, trong cảnh sát có lính cứu hoả (trong cứu hoả có anh Giỏi làm việc rất
giỏi, thu phục được đại đa số anh em, đưa họ ra chiến đấu). Tôi nhớ rằng,
sau 9 tháng 3, Nhật giao quyền tổ chức và chỉ huy cảnh sát địa phương cho
một số người thuộc một đảng thân Nhật. Những người này, lo xa, quyết định
thải hồi một số cảnh sát cũ thời Pháp và chiêu mộ một số cảnh sát mới trong
thanh niên có chút học thức. Họ mở lớp huấn luyện chính trị cho cảnh sát
mới và cũ. Trong việc huấn luyện này, họ lại nhờ anh em sinh viên “xếp bút
nghiên”đã hay đang theo lớp huấn luyện “các vấn đề cách mạng Đông
Dương”của tôi. Vấn đề được đặt ra là có nên nhảy vào đây không? Tôi cho
là nên, là cần, là một dịp hiếm có. Người ta đưa thanh niên tới cho mình
tuyên truyền mà mình từ chối là vô lý. Sao không có thể cảm hoá ít nhất là
một phần, số thanh niên sắp làm nghề cảnh sát, một cái nghề đụng chạm với
các cuộc đấu tranh của quần chúng. Tụi cầm quyền đế quốc hay bù nhìn thì
muốn cho cảnh sát chống lại nhân dân. Ta thì muốn cho cảnh sát đồng tình
với nhân dân. Vậy cứ nhận cái việc huấn luyện chính trị cho cảnh sát mới là
phải, huống chi chương trình huấn luyện do huấn luyện viên –tức là người
của ta –quyết định chứ không phải để thằng Nhật quyết định. Thật ra thì
thằng Nhật không chú ý lắm vì nó đã có sở Kempeitai mạnh của nó rồi. Tôi
đồng ý cho Huỳnh Văn Tiểng và mấy chú nữa đi dạy chính trị và văn hoá
cho lớp học cảnh sát Sài Gòn. Lớp này đông người học. Và như dự đoán, số
đông họ sẽ ngả về cách mạng; ngả về cách mạng mạnh nhất là phe cứu hoả;
cảnh sát cứu hoả Sài Gòn sẽ là một đơn vị chiến đấu can đảm.
Còn một thứ lính người Việt do Nhật chiêu mộ, tổ chức, huấn luyện,
trang bị sau 9 tháng 3: lính gọi là Hai Hô.125 Hai Hô từa tựa như “lính thủy
125 Hai Hô: Heiho (兵補:Binh Bổ) đơn vị vũ trang bản xứ do quân đội Nhật Bản thành
lập ở các nước bị Nhật chiếm đóng.
218
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
đánh bộ”. Họ được biên chế thành từng tiểu đoàn riêng lẻ, do sĩ quan Nhật
trực tiếp chỉ huy. Binh vận của Đảng trong Hai Hô nhằm chống lại chủ
nghĩa Đại Đông Á, nhằm làm tan rã các đơn vị xem như là đánh thuê đó.
Bọn tôi mới hoạt động được chút ít thôi. Khi Nhật đầu hàng một số lính Hai
Hô đi với nhóm “Huỳnh Long” rồi tan rã; nhưng cũng có những sĩ quan (hay
học viên sĩ quan) và binh lính đi về với cách mạng, theo Đảng như các anh
Sĩ, Phương, Tiến, họ trở thành cán bộ quân sự hay cán bộ tuyên truyền của
kháng chiến. Không có Hai Hô bênh vực ngụy quyền Sâm, Ngà.
10. Tuyệt đại đa số nông dân xung quanh Sài Gòn
vẫn đứng dưới cờ Đảng Cộng sản như trước nay
Xứ ủy và Thành uỷ tin tưởng vào lực lượng nông dân và nhân dân
xung quanh Sài Gòn, tin tưởng vào cái “vành đai đỏ” nổi tiếng. Tôi nắm
chắc lịch sử địa phương, từ cuộc khởi nghĩa 1885 đến cuộc khởi nghĩa 1940,
qua các cuộc khởi nghĩa 1913, 1916; qua những phong trào nhân dân 1925,
1926, đặc biệt là phong trào cách mạng 1930, 1931; 1936, 1937, (những năm
này quân khởi nghĩa, dân biểu tình phần lớn là từ ngoại thành vào nội thành
cả ngàn, cả vạn; trước sau cái truyền thống đó được giữ gìn và phát triển);
cho nên tôi vững tâm giao việc vận động quần chúng ở hai tỉnh Gia Định và
Chợ Lớn cho hai Tỉnh ủy. Tỉnh ủy Chợ Lớn do anh Hoành làm bí thư, Tỉnh
uỷ Gia Định do anh Khung làm bí thư (Khung là thợ Ba Son, cùng ở căng
Tà Lài với tôi, Hoành là nông dân bản địa có mặt trong khởi nghĩa 1940 ở
tỉnh nhà). Tin thì tin lắm, nhưng tôi cũng có cách kiểm tra; tin chắc nhất khi
nào tận mắt tôi thấy, tận tai tôi nghe những cuộc biểu tình, thị uy tuần hành
và các khẩu hiệu được hô lên từ quần chúng đông đảo.
Tôi nhớ đâu là hồi tháng 7, sau cuộc tuyên thệ của Thanh niên Tiền
phong tại vườn Ông Thượng,126 chúng tôi nhờ Tỉnh ủy Chợ Lớn tổ chức một
126 Vườn Ông Thượng: sau 1955 là vườn Tao Đàn, nay là công viên Văn Hóa. Thời Pháp
thuộc, mang tên Pháp là Jardin de la Ville (Vườn hoa Thành phố), ta gọi là Vườn Ông
Thượng hay Vườn Bờ Rô. Ông Thượng là Thượng công Lê Văn Duyệt, tổng trấn Gia
Định. Còn cái tên Bờ Rô thì theo Vương Hồng Sển (trong Sài Gòn năm xưa) “đến nay
còn phân vân bất nhứt, mạnh ai nấy nói và giải thích, không ai nhượng cho ai:
- Một thuyết, do anh giáo Trần Văn Xường, dạy ở Chợ Lớn, nay đã khuất, Xường, tiếng
Tàu, tức là Tường, vẫn cho rằng, hoặc người Tây coi sóc vườn có tên là ông Bureau,
hoặc giả, ông nầy làm thêm văn phòng (bureau) và khi người phu muốn lãnh tiền thì lên
"bureau" mà lãnh, nên gọi vườn như vậy. Nay anh Xường đã không còn, tôi xin miễn
luận.
219
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
cuộc tập hợp nhân dân Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn, dưới danh nghĩa Thanh
niên Tiền phong; tập hợp ở Chợ Đệm, căn cứ chính trị của bọn tôi, quê nhà
của Bảy Trân. Chỉ kêu gọi dân ở Tam Tân và ở ven đường số 4, vậy mà hôm
đó tập hợp được hơn mười ngàn người, chật ních trong ngoài nhà máy xay
của ông Võ Lợi Trinh. Nhà máy xay này lớn nhất nhì trong tỉnh. Bản thân
nhà doanh nghiệp Võ Lợi Trinh cũng thuộc ban lãnh đạo Thanh niên Tiền
phong Chợ Lớn. Người ta thấy trên bàn chủ tịch đoàn có kỹ sư Kha Vạn
Cân, thị trưởng thị xã Chợ Lớn, đồng thời là một thủ lĩnh Thanh niên Tiền
phong. Các diễn giả quen thuộc với đồng bào từ hồi Ủy ban hành động,
Đông Dương Đại hội (1936), nói không hạn chế, không phải dè dặt gì hết.
Về tình hình chiến tranh thế giới, về tình hình Việt Nam, về cách mạng giải
phóng dân tộc, về nhiệm vụ cần kíp giành độc lập, thống nhất, tự do. Họ
được hoan hô như sấm dậy. Chủ toạ cuộc mít tinh, kỹ sư Cân nói với mấy
người ngồi hai bên: “Giống y như hồi 1930 hay 1936”. Mà xem chừng anh
ấy đã chẳng e ngại gì lại còn tự hào về Thanh niên Tiền phong của anh. Trân
và tôi đi vòng ngoài xem người ta, nghe dân nói chuyện để đánh giá ý thức
chính trị của quần chúng, đánh giá khí thế của nhân dân. Không phải chỉ ở
Trung Huyện (là huyện sát thành phố) mà ở huyện nào của tỉnh Chợ Lớn
cũng vậy: Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hoà đều có tập hợp biểu tình lớn.
Ở Gò Vấp các anh Khung, Chiêu (và cả ông chủ quận đương quyền
lúc ấy) cũng tổ chức mít tinh biểu tình rất thành công, tập hợp hàng ngàn,
hàng vạn người. Ở các huyện khác phong trào lên đều.
Chúng tôi tin chắc trăm phần trăm là cái “vành đai đỏ” nổi tiếng của
Sài Gòn bây giờ vẫn đỏ như trước và đỏ hơn lúc nào hết; khi cần, có thể
nhanh chóng đưa từ ba trăm ngàn đến bốn trăm ngàn dân của Chợ Lớn, Gia
Định biểu tình võ trang vào thành phố, tiếp ứng với công nhân, thanh niên
- Một thuyết thứ 2 là theo như tôi đã nghe người tuổi tác dẫn giải cho biết, thì "Bờ Rô" có
lẽ do chữ "préau" của Pháp. Vả lại, hiển nhiên "Préau" là sân có lợp nóc để tránh mưa
gió của các tu viện, bịnh viện, ngục thất và học đường, mỗi lycée nào cũng có, trường
Chasseloup có một préau, không biết nay ra thể nào, và préau nầy ở mé đường Lê Quý
Đôn, sát cửa vào.
Vậy tôi xin chừa danh từ "vườn Bờ Rô" cho người cao kiến dạy lại. Riêng như tôi biết và
chứng cớ rành mạch thì nơi mé sân túc cầu, phía đường Huyền Trân, lúc đầu tôi có thấy
một bệ khá cao và rộng, đời Tây, họ làm nơi diễn tuồng, diễn thuyết, có khi dọn làm sân
đánh võ "boxe" và gọi là "préau". Qua năm có bày hội chợ, gọi kermesse, lối những niên
1930-35 gì đó, thì họ đặt thêm nhiều chậu kiểng cau vàng và lấy préau nầy làm "théâtre
de verdure" - "rạp hát ngoài trời hoặc lộ thiên" gì gì đó.”
220
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
và binh lính. Chắc chắn như hai cộng hai bằng bốn. Nếu cần thì sẽ huy động
nhân dân ở nam Biên Hoà, nam Thủ Dầu Một và bắc Tân An nữa, đường đi
30, 35 cây số có xa xôi gì, đêm đi thì sáng tới.
11. Tìm súng đạn cho các đội xung phong của công nhân và
thanh niên
Đây là vấn đề “đau đầu” nhất, nhưng giải quyết cũng không khó lắm.
Trong Nam Kỳ chúng tôi không có chủ trương làm chiến tranh du
kích; nhưng cho dầu không đánh du kích cũng phải có vũ khí thì mới khởi
nghĩa thành công. Chúng tôi tính làm khởi nghĩa kiểu cách mạng tháng
Mười Nga năm 1917, không tính làm theo kiểu cách mạng Tàu. Vài năm
nay, nhất là từ đầu năm 1945, chúng tôi tập trung nghị lực và trí tuệ vào việc
xây dựng một “đạo quân chính trị”lớn. Cách mạng là sự nghiệp của nhân
dân; riêng lực lượng của Đảng không làm nổi cách mạng; phải có sự tham
gia, nổi dậy của hàng triệu đồng bào. Nhưng tay không thì dù đông mấy
cũng không giành chính quyền được trong khi các lực lượng chống lại cách
mạng có đầy đủ vũ trang. Vậy phải gấp rút chuẩn bị vũ trang cho ta.
Vũ trang thì có hai thứ: Vũ khí thô sơ thì dễ kiếm, ai cũng có thể có
như mác thông, tầm vông, vạt nhọn, đao kiếm, mũi chĩa, xà búp, phảng kéo
ngay ra, nhân dân tự vũ trang lấy. Thứ này coi vậy mà cần lắm, không phải
vô ích đâu, xem thường không được. Nhưng, ở cái thời kỳ kỹ thuật máy móc
này, rõ ràng quả là những vũ khí thắng quân Tống, đánh Nguyên, đánh
Minh, diệt Thanh không đủ nữa. Cần phải có súng đạn càng nhiều càng tốt
để trang bị cho các lực lượng xung kích, cần có tinh thần cao mà cũng phải
biết sử dụng mấy loại súng nhỏ hiện đại. Khỏi cần phải bàn cãi.
Lấy đâu ra súng đạn đó mới là vấn đề.
1) Xin, mua, giật, đánh cắp của Nhật; ở đâu cũng làm, người nào cũng
làm; lẻ tẻ làm, mà cũng làm có tổ chức; kết quả không đến đỗi quá ít. Lặn
mò dưới sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, kiếm cũng được khá nhiều; Pháp rồi
Nhật đều có ném vũ khí xuống cho Bà Thủy cất dùm.
2) Đào mấy hầm súng đạn ta chôn hồi 1940, 1941: chẳng còn gì ráo, rỉ
sét hết sạch, không dùng được. Nhưng đào lấy những hầm súng mà Pháp nó
giấu trước ngày 9 tháng 3, thì kết quả khá, súng đạn còn tốt vì bọn Pháp biết
221
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
bảo quản, giấu có kỹ thuật và cũng mới giấu đó thôi, mấy tháng trước đảo
chính.
3) Mở kho của Pháp còn lại sau đảo chính. Lấy cơ quan của Nhật do
người Việt Nam quản lý.
Việc Phạm Ngọc Thạch kiếm súng đạn có kết quả lớn nhất mà không
ly kỳ bằng việc Thanh niên đi “ăn cắp”, bí mật hoặc công khai. Hãy kể một
số vụ:
1. Lợi dụng sự lơ đễnh và sự tín nhiệm của Hồ Vĩnh Ký và Huỳnh
Văn Phương (chánh và phó giám đốc Sở Công an mật thám Nam Kỳ dưới
quyền thống đốc Nhật Minoda), Thanh niên Tiền phong lấy ở bót Catinat
non già 200 khẩu rulô Mauser nhưng không có nhiều đạn.
2. Ta lấy ở Bộ Tư lệnh Hải quân (bến Chương Dương sau này) gồm
30 hòm súng lục và nhiều lựu đạn.
3. “Chơi tay trên”với Nhật, những anh em Thanh niên có dự vào việc
lấy khẩu cung mấy thằng cò Tây bị Nhật bắt (tụi này khai những chỗ chôn
súng đạn trước ngày 9 tháng 3), ta liền tổ chức mấy chuyến đi đào cấp tốc,
đến khi quân Nhật đi đào thì thấy đã có ai đào trước rồi, tụi Nhật phải về tay
không, tức mình lại cho đám cò Tây thêm mấy trận đòn đáng kiếp. Bằng
kiểu “chơi tay trên”đó, trong tháng 7 (1945), ta lấy được ở Thủ Thừa, (tỉnh
Tân An, cửa ngõ Đồng Tháp Mười, chính nơi tôi định lập một chiến khu)
350 khẩu súng mút với 2.000 trái lựu đạn. Ta lấy ở Bến Súc (tỉnh Thủ Dầu
Một, cửa ngõ của rừng Đông Nam Kỳ) một số súng cũng bằng số súng lấy ở
Thủ Thừa. Và ta lấy ở nhà một cô đầm, đường Frostin,127 60 khẩu mút, súng
lục, và nhiều đạn. Nực cười là “đáng lý”các đảng thân Nhật được những của
quý này, nhưng lại là ta! (Sau rồi, vài ba ngày sau khi khởi nghĩa giành
chính quyền tôi mới có đủ bằng cớ rằng nhóm Hồ Vĩnh Ký, Huỳnh Văn
Phương cũng đã lợi dụng cái thế chánh, phó giám đốc Công an mật thám để
thu tóm một số súng đạn đáng kể mà họ tính dùng vào việc chống đối chính
quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo, mà họ gọi là chính quyền Kerensky).
4. Ly kỳ nhất trong cái vụ “ăn cắp” súng ở Sài Gòn là vụ lấy 380
khẩu tiểu liên Sten (rất ít đạn), 15 cây trung liên (càng ít đạn) và 2.000 trái
lựu đạn ở kho gọi là Pyrotechnie, gần đầu cầu Thị Nghè, mút đường
127 Đường Frostin: Đường Bà Lê Chân, Tân Định (nối Hai Bà Trưng với Trần Quang
Khải).
222
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Chasseloup,128 ngó qua Sở Thú.129 Anh em Thanh niên, trong đó có Huỳnh
Văn Tiểng làm kế “nội ứng ngoại công”, khoét tường thành, từ ngoài vào
khuân vũ khí ở trong đưa ra. Hôm sau Tiểng đi họp, đầu bị băng như để
tang! Tụi Thanh niên có “vốn” cũng dám chia một mớ cho công nhân. “Bồ”
với nhau mà!
5. Thương lượng với Nhật liền sau khi Nhật đầu hàng để nó “nhả”
một số súng đạn, ít nhất là súng đạn mà chúng đã lấy của Pháp ngày 9 tháng
3.
Công đầu trong việc thương lượng với kẻ thù đã đầu hàng để lấy súng
đạn thuộc về Phạm Ngọc Thạch có Ngô Tấn Nhơn giúp. Làm việc này,
Thạch không tự ý mà có xin chỉ thị của Xứ ủy và sau khi đã thảo luận riêng
với tôi. Có thảo luận với tôi, có sự đồng ý của tôi, nhưng nếu không có một
người dám nghĩ, dám làm và có uy tín xã hội lớn như Phạm Ngọc Thạch thì
cũng không ai làm được.
Khi Chính phủ Nhật đã tuyên bố hạ khí giới không điều kiện, miễn là
ngôi báu của Thiên Hoàng tồn tại, thì ở Sài Gòn, nhiều sĩ quan Nhật làm
harakiri, mổ bụng quyên sinh, số khác khóc lóc, đau khổ, hoặc lấy rượu
mạnh giải phá thành sầu. Quân Nhật ở Đông Dương chưa đánh trận nào với
Mỹ trên đất này: bấy lâu nay họ tưởng đâu còn có dịp đánh một trận cuối
cùng hết sức đẫm máu, một trận quyết định, xáp lá cà khi quân Mỹ hoặc đổ
bộ lên Trung Kỳ của Việt Nam, hoặc đổ bộ lên quần đảo Nhật Bản. Nhưng
thực tế lịch sử không diễn ra như vậy. Mỹ không đổ bộ lên Đông Dương,
cũng không đổ bộ lên quần đảo Nhật mà Đông Kinh đã đầu hàng, sau khi
Mỹ ném bom nguyên tử và đại quân của Liên Xô tiến đánh quân Nhật ở
Mãn Châu. Trước, người Nhật hy vọng và hùng hổ bao nhiêu, thì bây giờ,
họ thất vọng và tiêu điều bấy nhiêu. Phạm Ngọc Thạch và tụi tôi định sử
dụng cái tâm lý đó để làm lợi ích cho cách mạng Việt Nam. Thạch, và đi với
Thạch là Ngô Nhơn, đến xin gặp thống chế Terauchi, tổng tư lệnh quân Nhật
ở Đông Nam Á. Gặp được. Khi người ta thất thế rồi, mất cái oai phong rồi,
thì người ta “dễ” hơn trước. Nhưng Thạch trân trọng “phân ưu”với ông
thống chế, đồng thời nói thẳng với Terauchi:
“Nhật bại trận rồi; người Việt Nam không còn lý do gì để chống Nhật;
trái lại, kẻ thù của ông hôm qua (đế quốc phương Tây) là kẻ thù của người
Việt Nam ngày nay và ngày mai, Việt Nam quyết tiếp tục cuộc chiến tranh
128 Đường Chasseloup-Laubat: sau đổi thành đường Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị
Minh Khai
129 Sở Thú: Thảo Cầm Viên.
223
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Rồi đây, đế quốc Anh, Pháp, Mỹ sẽ
sớm vào Đông Dương, sẽ ra sức gác lại ách đô hộ cũ trên cổ của dân tộc
Việt Nam. Dân tộc Việt Nam sẽ ra sức đánh bại chúng nó để bảo vệ độc lập
tự do. Nay chúng tôi thay mặt Thanh niên Tiền phong, cũng là thay mặt tất
cả những người yêu nước ở miền Nam Việt Nam, yêu cầu ông hai điều:
- Điều thứ nhất là chúng tôi yêu cầu quân đội Nhật đừng can thiệp
vào việc nội bộ của người Việt Nam, của nước Việt Nam đang ở trong thời
kỳ biến động lớn.
- Điều thứ hai là chúng tôi cần súng đạn chống đế quốc thực dân,
chúng nó sắp trở lại Đông Dương, chúng tôi không yêu cầu quân đội Nhật ở
Sài Gòn tiếp sức, chỉ yêu cầu quân đội Nhật giao lại cho chúng tôi súng đạn
mà Nhật đã lấy của Pháp, và một phần súng đạn của Nhật mà nay mai Nhật
phải bị tước đi; những vũ khí đó, chúng tôi xem là mình có quyền và có lý
được tiếp nhận, sử dụng. Lẽ nào quân đội Nhật lại giao hết những vũ khí đó
cho Anh, Mỹ, Pháp là bọn thực dân xâm lược mà không trao trả cho người
Việt Nam chống xâm lược? Thống chế nghĩ sao?”.
Thống chế Terauchi như muốn khóc. Ông suy nghĩ một phút rồi ông
trả lời cho Thạch và Nhơn:
“Tôi là sĩ quan của quân đội Nhật có kỷ luật. Tôi chỉ có thể làm theo
lệnh của Đông Kinh. Tôi không thể giao nạp súng đạn Nhật cho những
người yêu nước Việt Nam được, nhưng có thể giao nạp súng đạn Pháp cho
các ông, xem như đó là tài sản hợp pháp lý của Việt Nam. Đó là điều thứ hai
mà ông bác sĩ yêu cầu. Còn điều thứ nhất thì: chắc chắn là trong tình cảnh
bại trận, sắp bị giải giáp đưa về Nhật, quân Nhật sẽ không can thiệp làm gì
vào nội bộ của Việt Nam. Còn riêng tôi thì nay mai tôi sẽ bị treo cổ. Tụi nó
không giết tôi thì tôi cũng sẽ tự kết liễu cuộc đời. Thua thì chết, tất nhiên.
Tôi chúc ông và các bạn của ông những điều may mắn nhất”.
Phạm Ngọc Thạch và Ngô Tấn Nhơn từ giã ra về, thì bất ngờ Têrauchi
lễ phép trao cho Thạch hai món vũ khí tượng trưng: một con dao găm sáng
ngời, cán bằng sừng đen, sắc nhọn, dài chừng hơn hai tấc và một cây súng
lục cỡ 6/35 bịt bạc ở cán. Terauchi nói: “Bác sĩ và kỹ sư hãy xem đây là
tượng trưng cái ý tôi muốn nộp vũ khí cho dân tộc Việt Nam để chống bọn
da trắng chứ không phải nộp cho kẻ thù đã ném bom nguyên tử xuống nước
Nhật của tôi”.
Thạch cảm động nhận dao và súng –hai món vũ khí “tư trang”của sĩ
quan cao cấp để tự sát khi cần thiết mà không để bị địch bắt làm tù binh.
Thạch thành công trong cuộc thương thuyết tế nhị, tưởng là khó, té ra
là dễ. Anh đem hai món vũ khí về giao lại cho tôi. Hàng chục anh em chứng
kiến. Tiểng cứ săm soi mãi, muốn chia của làm kỷ niệm (như lời Tiểng
thường nói: kỷ niệm Nhật đầu hàng Việt Nam). Chú Nguyễn An Tịnh, con
trai của Nguyễn An Ninh, bấy giờ còn là thằng nhóc săm soi hai món vũ khí
cứ xin mãi. Tôi không xem rẻ hai món “đồ chơi”, súng để bắt ghen, dao để
xẻ bưởi; quan trọng ở chỗ khác, nhưng khi ấy tôi không có một chút ý thức
nào về giá trị bảo tàng của hai vật. Cuối tháng 10, khi tôi phải rời chiến
trường thì tôi để lại Tổng hành dinh ở Chợ Đệm hai món kỷ niệm kia, không
biết chúng nó về tay ai, nhưng chắc chắn là không phải về tay của những ai
biết của, biết người.
Còn sau đây là nội dung bản báo cáo của Trương Văn Giàu gửi cho
tôi ngay sau khi anh ấy nhận được số súng đạn Pháp mà Terauchi hứa hẹn
(bản này Trương Văn Giàu cũng có ghi trong lý lịch của anh, mà chắc quân
đội còn giữ):
- 2.000 (hai ngàn) khẩu mút cơ tông.
- 10.000.000 (mười triệu) viên đạn
- Súng hỏng hơi nhiều, đạn lép không ít.
Xứ ủy và Thành ủy đã ra lệnh cho bên Tổng Công đoàn, cho bản thân
Nguyễn Lưu lập tức chọn 1.500 đoàn viên công đoàn đưa vào quân ngũ. Một
số súng đạn được giao thẳng cho Tổng Công đoàn. Lúc này Tổng Công đoàn
(và Thanh niên Tiền phong) đã sử dụng bãi tập cảnh sát để huấn luyện quân
sự cho từ 3.000 đến 5.000 người mỗi đợt.
Được một lần đến 2.000 khẩu súng, 10 triệu viên đạn, tôi mừng mà
cũng lo, lo lắm. Tiểng hỏi tại sao lo? Tôi nói thật: bọn Pháp riêng ở Nam Kỳ,
nếu tính mỗi lính một cây súng thì phải có ít nhất 20.000 khẩu. Hôm 9 tháng
3, nghe nói tụi Pháp bị bắt giam 17.000 quân Pháp. Vậy còn hơn 15.000
khẩu súng nữa ở đâu? Về ai? Nhật đã trao bao nhiêu súng đạn cho các đảng
thân Nhật, cho các giáo phái thân Nhật? Những tổ chức lâu nay thân Nhật,
cố nhiên là liền sau khi Nhật hạ khí giới, họ cũng đã yêu cầu, cũng đã tìm
cách có súng đạn, súng đạn chỉ có thể là súng đạn Pháp là chính. Mối lo lớn
của tôi là ở đó. Tiểng cho là phải, nhưng Tiểng khẳng định rằng ngay cả
quân đội Cao Đài cũng không có nhiều súng đạn lắm đâu! Ai biết chắc?
225
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
12. Tương quan lực lượng ở Sài Gòn giữa tháng Tám
So sánh lực lượng –khi ấy gọi là “tương quan lực lượng” –là một vấn
đề mà ở thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa, ta phải xem kỹ như người thợ máy xem
cây kim áp lực trên bàn cầm lái. Chỗ hơn thua, sống chết, thành bại không
thể coi thường.
So sánh các lực lượng chính trị ở Sài Gòn và ở Nam Kỳ vào nửa đầu
tháng Tám năm 1945, tôi rất mừng và nhận thấy rằng những mục tiêu về lực
lượng so sánh mà Xứ ủy và Thành ủy đặt ra, thoạt tiên tưởng đâu là chủ
quan, quá cao, không thực hiện nổi, thì bây giờ trở thành sự thật, sự thật
trông thấy, rờ được. Hồi đầu năm, khi đặt mục tiêu về lực lượng so sánh (tức
là ở Nam Kỳ, toàn bộ Nam Kỳ, phải làm sao cho Đảng và Mặt trận trở thành
đoàn thể mạnh nhất, lớn nhất, tất nhiên là có tổ chức chặt chẽ và kỷ luật
nghiêm túc nhất, còn ở Sài Gòn, trung tâm kinh tế chính trị số một của Nam
Kỳ, thì Đảng và Mặt trận phải mạnh hơn tất cả các đảng phái cộng lại). Bọn
tôi không phải không biết rằng đó là việc khó, rất khó, phải thực hiện những
bước nhảy vọt liên tục mới được. Đặt mục tiêu thì căn cứ vào đâu? Hiển
nhiên là không thể chỉ căn cứ vào ý muốn riêng của mình. Có ý muốn của
mình, một ý muốn vĩ đại: làm cuộc khởi nghĩa thành công, giành lại độc lập
cho nước nhà, tự do cho đồng bào, danh dự cho dân tộc; ý muốn vĩ đại tất
phải sanh ra nghị lực vĩ đại. Song không đủ. Chúng tôi còn căn cứ vào cái
“vốn” sức mạnh đã có: Đảng bộ Nam Kỳ lập lại được cơ sở và hệ thống,
Tổng Công đoàn kể cũng khá đông, ảnh hưởng chính trị to lớn mà Đảng đã
tích lũy từ ngày thành lập đến giờ, và đặc biệt quan trọng, là cái thế của cách
mạng. Thế đó rất lớn: Thế tiến công, chiến thắng của Liên Xô (và của Đồng
Minh), và thế thất bại mau chóng và không tránh khỏi của Đức, kế đó của
Nhật, mà Đảng và Mặt trật từ mấy năm nay chống lại trục phát xít quân
phiệt Đức-Ý-Nhật, nên được uy tín cao của người đoán trước đúng, lại phải
kể đến cái thế càng ngày càng xìu, càng ngày càng bết của các chánh đảng
và giáo phái thân Nhật; tất cả những điều mà lãnh tụ của họ, cán bộ của họ
đã nói từ mấy năm nay, nay hoá ra sai, là láo hết, họ mất hết uy tín. Quần
chúng tự kinh nghiệm mà thức tỉnh. Do có cái thế đó mà ta có nhiều khả
năng xây dựng lực lượng thật nhanh. Không có gì là chủ quan. Không có gì
là “ý chí chủ nghĩa”. Ở đời, nhất là trong đời hoạt động chính trị, lắm khi
phải táo bạo, táo bạo có tính toán. Tôi nhớ Lenin khen Danton là nhà chiến
lược tài ba của cuộc đại cách mạng Pháp 1789 với lời hô hào bất hủ: “Phải
táo bạo, táo bạo hơn nữa, luôn luôn táo bạo!” (De l’audace, encore de
l’audace, toujours de l’audace).
226
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Trong cuộc “chạy đua với thời gian” (“chạy đua với đồng hồ”) chúng
tôi đạt thắng lợi mong muốn. Nhiều đồng chí nói chơi: “Nhờ thời trời!”.
“Trời” đây là thời thế khách quan như vừa nói. Cho nên, tôi cũng lại nói
chơi “có trời mà cũng có ta”, được vậy là do nỗ lực phi thường của tất cả các
đồng chí. Vui thật, trong cách mạng mà nhớ truyện Kiều; thú thật! Những
cái vui thú nho nhỏ này làm giảm bớt căng thẳng của tâm hồn.
Nói so sánh lực lượng ở đây, lúc này (tháng 8 năm 1945), theo quan
niệm bọn tôi không phải là so sánh lực lượng ta với lực lượng Nhật. Nhật
đang thua và sắp đầu hàng. Nó đầu hàng rồi thì nó không còn là đối tượng
đánh đổ của cách mạng nữa. (Nhận định và lập luận này rất quan trọng đối
với chúng tôi, một lập luận có khác với lập luận của một số đồng chí khác
chủ trương tiến đánh đồn trại của Nhật, thừa khi Nhật đầu hàng). Vả lại, cho
dù nó thua to ở các đảo Thái Bình Dương và bị dội bom cực kỳ dữ dội trên
đất Nhật, ở Đông Dương (và nói chung trên lục địa Á Châu) chúng còn thừa
sức ngăn chặn ta, đánh lui và tiêu diệt một phần lực lượng vũ trang non yếu
của ta nếu ta tiến công vào đồn trại của chúng; nếu ta xem việc đánh đồn trại
của Nhật là việc chính của khởi nghĩa cách mạng sau khi Nhật đã hạ khí
giới, đầu hàng Đồng Minh rồi, thì khởi nghĩa cách mạng sẽ không thành
công được. So với Nhật đã thua trận, ta vẫn yếu hơn rất nhiều, rất nhiều.
Không so sánh lực lượng như vậy được. Nói so sánh lực lượng ở đây, lúc
này, là so sánh lực lượng của ta với lực lượng của các chánh đảng và giáo
phái thân Nhật, thân Pháp lâu nay ở Nam Kỳ, ở Sài Gòn. Chúng ta thấy:
- Đảng quốc gia độc lập (xem như Đảng cầm quyền khi Nhật sắp giao
hay đã giao trả Nam Kỳ cho Nam Triều) là một đảng không có chân đứng;
bên trên thì nó gồm mấy nhóm trí thức rời rạc, mất tin tưởng, mất tinh thần,
đang tìm cách tháo lui “có trật tự”; bên dưới, nó chẳng có quần chúng nhân
dân. Chỗ dựa “dân sự” của nó cho tới nay là bộ máy cai trị của Pháp được
Nhật duy trì, nhưng bộ máy này từ sau 9 tháng 3 đã rệu rã lắm, mất hiệu lực,
từ xã ấp đến quận tỉnh, bộ máy này đã có nhiều dịp, nhiều cớ để khiếp sợ
nhân dân sắp nổi dậy. Chỗ dựa quân sự của chúng là Bảo an binh thì hầu hết
(nếu không phải là tất cả) đã ngả về nhân dân yêu nước, về cách mạng rồi;
lực lượng cảnh sát thì mỏng, không tin được, cũng ngả nghiêng về phía ta,
họ chẳng có một sư, một lữ, một trung đoàn, một tiểu đoàn, một đại đội nào
để mà dựa, chính quyền bù nhìn Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm giống như
một cái hàng rào mục, hễ bị xô là đổ nhào.
- Đạo Cao Đài phái Trần Quang Vinh thì tín đồ còn đông. Nghe nói
tất cả các phái Cao Đài cộng lại có đến vài triệu. Vài triệu đó là kể cả nam
phụ lão ấu. Mà đã có vài ba phái Cao Đài đang nghiêng về phía Mặt trận
227
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Việt Minh rồi (theo báo cáo của Tào Tỵ thì ở Bạc Liêu, phái Cao Đài hiệp
nhất của Cao Triều Phát từ bấy lâu nay đã hứa hẹn đi với ta, còn theo báo
cáo của Bảy Trân, Cao Đài cứu quốc của anh Khảm, viên chức cao cấp ở
soái phủ Nam Kỳ, thì phát triển lực lượng rất nhanh ngay tại Sài Gòn). Tín
đồ Cao Đài thấy mình bị đánh lừa, Nhật đánh lừa, lãnh tụ của họ đánh lừa.
Tuy vậy, tín đồ Cao Đài thường nghe theo và ít suy nghĩ sâu, thực lực Cao
Đài còn lớn và họ còn hai, ba vạn quân dưới dạng lính và dạng thợ tập trung
ở Sài Gòn và ngoại ô. Dù sao thì số này so với lực lượng nửa quân sự của ta
ở thành phố cũng không đông đảo bằng –chưa kể về mặt tinh thần.
- Đạo Hoà Hảo nhỏ hơn đạo Cao Đài; ở Sài Gòn họ cũng ít người
hơn, ít nào cũng mấy ngàn.
- Năm, bảy nhóm chính trị khác, vài ba nhóm đông đến trăm hay hơn
nữa. Mà ở Sài Gòn thì số trăm, số ngàn đó có là bao nhiêu đâu?
- Trốtkít mới tổ chức lại với danh nghĩa “nhóm trí thức”, “nhóm
Tranh đấu”, hãy còn yếu ớt thôi. Nhưng cái nguy cơ trốtkít bây giờ không
phải ở số lượng của họ, mà chính là ở cái tính “mưu sĩ” của họ; một số
người đâm bị thóc, thọc bị gạo, kéo phe này chống phe kia, tự nó không tổ
chức nổi một đảng thống nhất nhưng nó lại có khả năng làm một thứ keo
lỏng lâm thời gắn những tổ chức chống cộng sản đệ tam, có khả năng làm
“quân sư”cho mỗi tổ chức ấy.
- Mấy năm, mấy tháng trước đây, nhiều tổ chức thân Nhật được tập
hợp hết sức lỏng lẻo trong “Phục quốc”, đồng minh do Trần Văn Ân chủ
trương (theo gậy chỉ huy của Nhật), nói là tôn phù Cường Để. Bấy giờ họ
đang vận động tập hợp dưới danh nghĩa “Mặt trận quốc gia thống nhất”
trước mắt họ không tỏ dấu hiệu gì chống lại Việt Minh. Dầu cho tập hợp lại,
họ vẫn rời rạc trên thực tế vì không có nòng cốt nào lãnh đạo, mấy ông quân
sư hay gọi là “thầy dùi”trốtkít của họ ở Sài Gòn nói thì hay mà chẳng có sức
mạnh, nhất là chẳng có đường lối gì cho những đảng quốc gia đi theo được.
- Những tổ chức có vũ trang ở Sài Gòn có khá nhiều. Có những tổ
chức tập hợp được hàng trăm súng (không kể quân Cao Đài). Riêng một
nhóm như Huỳnh Long của Lý Hoa Vinh đã có tới vài ba trăm khẩu (tôi biết
được vì có người tay trong). Nhóm Quốc Dân quân Vũ Tam Anh cũng tương
đương với nhóm Huỳnh Long. Nhóm Quốc Gia của Nguyễn Hoà Hiệp
không chịu kém hơn Vũ Tam Anh và Lý Hoa Vinh. Phiền nhất là tôi không
biết chắc họ có bao nhiêu súng, bao nhiêu đạn? Những con số đều là đồn
đại. Bao nhiêu người thì không quan trọng lắm, là vì, lúc này, ai có súng, có
gạo, có áo quần thì có quân, muốn mấy ngàn cũng có được. Các giáo phái
228
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
thì ngoài súng, họ có dân đông, nên có vô số vũ khí thô sơ, lâu nay họ lập
nhiều lò rèn, họ tập quân sự ráo riết lắm. Như vậy đang hình thành ở Sài
Gòn và ở Nam Kỳ nhỏ hẹp này một cái thế mà khi ấy tôi gọi cho vui là “thế
Chiến quốc”, “thế Xuân Thu”. Nam Kỳ nhiều đạo giáo, nhiều chính đảng,
nhiều bè nhóm tan hợp bất thường, cũng nhiều những tay thuộc lòng chuyện
Tàu, nào Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc, Tuỳ Đường, nào Thủy Hử, Anh
Hùng Náo v.v…
Trong tình hình chung rối rắm đó, lực lượng của Đảng Cộng sản và
Mặt trận Việt Minh nổi bật lên như là lực lượng có tổ chức, kỷ luật nhất, có
đông đảo nhân dân đi theo nhất, nhất là có đường lối cách mạng giải phóng
dân tộc sáng ngời, có cả một quá khứ mười mấy năm tranh đấu, hy sinh vì
đại nghĩa. Dựa trên lực lượng của công nhân, thanh niên, binh lính, nông dân
ngoại thành ở Sài Gòn, ta có một “đạo quân chính trị” hùng hậu không ai bì
kịp. Ở cả Nam Kỳ cũng vậy. Vẫn hãy còn mấy vùng “trắng” về cơ sở Đảng,
song ở đó vẫn có Thanh niên Tiền phong. Đạo quân chính trị càng lớn thì
càng có sức thu hút nhân dân, thu hút các nhóm và tổ chức yêu nước, thu hút
đồng bào không thuộc đảng phái nào.
Mỗi ngày qua, sức ta thêm, thế ta tăng, uy tín cách mạng lên vùn vụt.
Nếu nói từ sau tháng Ba, tháng Tư đến tháng Tám năm 1945 ở Nam Kỳ đã
có một hiện tượng “Phù Đổng” thì đó là một sự thật lịch sử.
Mỗi ngày qua, dưới áp lực của một cao trào nhân dân rầm rộ và đều
khắp do ta tổ chức, bộ máy ngụy quyền thêm rệu rã. Hình thành một cái thế
mà bọn tôi gọi là “lưỡng quyền tương tranh”(Huỳnh Văn Tiểng thích cái
nhóm từ “lưỡng quyền tương tranh”lắm –dualité des pouvoirs), giữa ngụy
và ta ở toàn bộ nông thôn, mà chẳng phải chỉ có ở nông thôn thôi, thế lưỡng
quyền đó lan đến tỉnh lỵ và cả Sài Gòn nữa; bên kia là ngụy mục nát, bên
này là ta phát triển và củng cố nhanh chóng, được dân tín nhiệm; bên kia là
ngụy, chỉ có hình thức chính quyền; bên này là ta, có thực lực, một thực lực
có tổ chức, có hệ thống hoạt động công khai, công khai nêu lên trước đồng
bào cái quyết tâm giành chính quyền về tay nhân dân, giành độc lập tự do
cho đất nước.
Với tương quan lực lượng đó, có thể khởi nghĩa thành công được một
cách chắc chắn, nếu ta tổ chức và chiến đấu khởi nghĩa có khoa học, có nghệ
thuật.
229
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Phần thứ

No comments: