Thursday, July 23, 2009

TRIỆU TỬ DƯƠNG * HỒI KÝ

TRIỆU TỬ DƯƠNG

HỒI KÝ

Cuộc đời thăng trầm của Triệu Tử Dương

Triệu Tử Dương trong bức ảnh chụp năm 1985.
Triệu Tử Dương năm 1985.

Từ con một địa chủ trở thành bí thư tỉnh uỷ Quảng Đông, phải lao động cưỡng bức thời Cách mạng Văn hoá rồi vẫn trở thành lãnh đạo của tỉnh lớn nhất Trung Quốc, làm tổng bí thư rồi mất tất cả sau sự kiện Thiên An Môn, Triệu Tử Dương trải qua ba chìm bảy nổi suốt cuộc đời chính trị của mình.

Triệu Tử Dương sinh ra ở tỉnh Hà Nam (miền trung Trung Quốc) năm 1919, con trai một địa chủ giàu có. Ông gia nhập Đảng Cộng sản năm 1938.

Năm 1951, nhờ áp dụng thành công các biện pháp cải cách nông nghiệp ở tỉnh Quảng Đông, ông trở thành bí thư tỉnh uỷ. Tuy nhiên, trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá năm 1967, Triệu Tử Dương bị phê phán là phản bội tư tưởng của chủ tịch Mao Trạch Đông, là “tàn dư hôi thối của giai cấp địa chủ” và phải đội mũ lừa trong khi bị diễu trên đường phố Quảng Châu. Sau 4 năm lao động tại một xí nghiệp, ông được cử tới vùng Nội Mông năm 1971 và trở về Quảng Đông năm 1972.

Năm 1973, thủ tướng Chu Ân Lai giao cho ông điều hành tỉnh lớn nhất của Trung Quốc - Tứ Xuyên. Khi đó, tỉnh này đang thiếu hụt lương thực trầm trọng, hậu quả của Bước Đại Nhảy vọt. Trong vòng 3 năm, Triệu Tử Dương đã xoay chuyển nền kinh tế tại đây, tăng sản lượng công nghiệp 81% và nông nghiệp 25%. Thành tích này khiến ông được Chủ tịch Đặng Tiểu Bình, người mang sẵn tư tưởng cải cách và lên điều hành Trung Quốc sau khi Mao Chủ tịch qua đời năm 1976, chú ý.

Năm 1980, Triệu Tử Dương về Bắc Kinh đảm trách cương vị phó thủ tướng, và 6 tháng sau là thủ tướng, điều hành toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Năm 1987, ông trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản. Dưới sự lãnh đạo của Triệu Tử Dương, tuy lĩnh vực công nghiệp nặng vẫn gặp khó khăn, Trung Quốc đã đạt được những thành công lớn trong công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. Cựu tổng bí thư cũng mở rộng các mối quan hệ thương mại với phương Tây, nhất là Mỹ. Dưới thời của ông, thương mại Trung- Mỹ tăng gấp 10 lần.

Tuy nhiên, sự quá nóng của nền kinh tế cuối thập kỷ 1980 gây ra lạm phát, và Triệu Tử Dương phải chịu phần lớn trách nhiệm. Năm 1989, ông bị mất chức do có những quan điểm "gây chia rẽ" về vụ Thiên An Môn.

Triệu Tử Dương vẫn là đảng viên Đảng Cộng sản cho đến khi ông mất.

M.C. (theo BBC, AP, New York Times)

Thay lời giới thiệu Vài nét về “sự kiện Thiên An Môn” hay sự kiện “4-6”

Ngày 15 tháng 4 năm 1989, Hồ Diệu Bang (Hu Yao Bang) nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tạ thế. Bắt đầu từ ngày 16 tháng 4, trước Đài liệt sĩ tại quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh) có người đến đặt vòng hoa, câu đối v.v.. tưởng niệm. Số người đến tham dự ngày càng đông (trong đó tuyệt đại đa số là học sinh và sinh viên). Ngoài những lời viếng, điếu… thông thường, dần dần xuất hiện một số khẩu hiệu công kích tệ nạn tham nhũng và một số người lãnh đạo đương thời, trở thành một phong trào lớn (ngày 27 tháng 4 có tới hàng chục vạn học sinh xuống phố diễu hành). Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc không nhất trí trong việc đánh giá phong trào học sinh này. Có người cho rằng đó là một phong trào chống chủ nghĩa xã hội, chống đảng cộng sản có cương lĩnh, có kế hoạch, có tổ chức. Có người, như Triệu Tử Dương (lúc ấy là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc), không cho là như vậy. Cuối cùng, ngày 4-6-1989, hàng chục vạn quân đội đã được huy động để giải tán những học sinh, sinh viên đang tuyệt thực tại quảng trường. Theo số liệu chính thức của Trung Quốc thì có khoảng hơn 6.000 sĩ quan và chiến sĩ quân đội, cảnh sát vũ trang, công an, bị thương, hàng chục người bị chết. Có hơn 3.000 người không phải là quân nhân bị thương và khoảng 200 người bị chết. Sau sự kiện này, Triệu Tử Dương mất chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và theo cuốn “Triệu Tử Dương nhuyễn cấm trung đích đàm thoại” do nhà xuất bản Khai Phóng, Hồng Kông phát hành tháng 3 năm 2007 thì Triệu Tử Dương bị giam lỏng từ đó đến khi chết (đầu năm 2005) Sau đây là bản dịch “Phát ngôn của tôi” của Triệu Tử Dương liên quan đến sự kiện này. Dương Danh Dy (người dịch) ♦ Phát ngôn của tôi Phát biểu của Tổng Bí thư Triệu Tử Dương (Zhao Zi Yang)
tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII
Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 23 tháng 6 năm 1989 Hội nghị trung ương (Trung ương) lần thứ 4 khóa XIII sẽ đưa ra xử lý vấn đề của tôi, tôi hoan nghênh các đồng chí phê bình tôi. Mấy năm nay, công tác của tôi có không ít khuyết điểm, sai lầm, thiếu sót và những chỗ không được việc, không xứng với kỳ vọng của đảng, nhân dân và các đồng chí già. Bây giờ tôi xin thuyết minh và tự phê bình về một số sự thực sai lầm mà tôi đã phạm phải. I Tôi xin nói trước một số sự thực về phong trào học sinh và động loạn[1] từ khi phát sinh đến nay cũng như tình hình tư tưởng của tôi lúc đó. Từ tháng tư đến nay, học sinh tuần hành càng phát triển càng lớn, tôi và mọi người đều nghĩ là phải làm thế nào nhanh chóng dẹp yên sự việc. Tôi đã nói, chúng ta xưa nay không tán thành những học sinh không tuân theo qui định của pháp luật chưa xin phép đã xuống đường tuần hành thị uy, và càng không tán thành bãi khóa, tuyệt thực. Tôi luôn luôn kêu gọi phải giải quyết vấn đề trên quỹ đạo dân chủ và pháp luật. Tôi còn nói, cho dù theo luật pháp có thể phê chuẩn tuần hành, thì những người lãnh đạo và tổ chức đảng[2] nhà trường vẫn nên tích cực tiến hành công tác thuyết phục, ngăn cản, hết sức hướng dẫn học sinh thông qua con đường bình thường dùng phương thức khác biểu đạt ý kiến. Thái độ này của tôi là luôn luôn rất rõ ràng. Thế nhưng tôi cũng nhìn thấy hai đặc điểm rất đáng chú ý của phong trào học sinh lần này: một là học sinh đã đưa ra các khẩu hiệu như ủng hộ hiến pháp, thúc đẩy dân chủ, phản đối hủ bại v.v... Những yêu cầu này về cơ bản nhất trí với chủ trương của đảng và chính phủ, chúng ta không thể từ chối; hai là người tham gia tuần hành và người ủng hộ bọn họ nhiều vô cùng, nhân sĩ các giới đều có, Bắc Kinh trở thành biển người. Trong tình hình ấy, lúc đó tôi đã nẩy ra một cách nghĩ, tức là muốn dẹp yên sự việc thì trước tiên phải nhìn vào đa số, khẳng định chủ mưu của số đông người. Nhiệt tình của học sinh yêu cầu cải cách, phản đối hủ bại là đáng quí, là nên được khẳng dịnh đầy đủ. Đồng thời còn cần phải tiếp thu những ý kiến hợp lý của quần chúng, áp dụng những biện pháp chỉnh đốn, sửa chữa tích cực. Làm như vậy sẽ khiến cho tâm tình của số đông người dịu đi. Khiến đa số quần chúng hiểu được và ủng hộ cách làm của đảng và chính phủ, sau đó mới giải quyết tốt vấn đề của một số ít kẻ xấu. Liên hệ cách nghĩ này với đương thời, tôi cảm thấy xã luận ngày 26 tháng 4 là có vấn đề, đó là không khẳng định chủ lưu của đa số người, mà từ chỉnh thể đã đưa ra định tính có tính chất mâu thuẫn địch ta một cách chung chung mà đa số người khó chấp nhận, mặc dù khẳng định là có một số cực ít người phản đối bốn nguyên tắc cơ bản, đục nước béo cò. Thế nhưng hành vi của mấy chục vạn người, mà chỉ dùng sự thao túng của số ít người là rất khó giải thích cho thông được. Các học sinh cho rằng xã luận ngày 26 tháng 4 đã chụp cho họ một chiếc mũ, nên tâm tư đã trở nên dữ dội. Vì thế lúc đó tôi chủ trương sửa đổi xã luận đôi chút, làm nhẹ đi một tý. Cách nhìn này của tôi, chỉ nói trong Hội nghị thường vụ Trung ương, chỉ trao đổi ý kiến với một số ít đồng chí lãnh đạo Trung ương. Suy nghĩ của tôi lúc đó là, cách nghĩ đó của tôi có đúng hay không là một vấn đề; và tại hội nghị đảng có nêu ra hay không lại là vấn đề khác. Tôi cảm thấy, dù thế nào đi nữa, cách nghĩ của tôi đều có thể đưa ra trong Hội nghị Thường vụ, đề xuất ra là không nên có vấn đề nữa. Tất nhiên sau này mọi người đều ý thức được vấn đề này. Trên thực tế khẩu khí ăn nói, cách nêu, cũng từng bước thay đổi, cũng đều nói những lời khẳng định nhiệt tình yêu nước của đông đảo học sinh. Tôi cảm thấy nếu ngay từ đầu đã viết những lời nói đó vào trong xã luận ngày 26 tháng 4 mà không định tính là mâu thuẫn địch ta về chỉnh thể, thì có khả năng đa số người không bị chọc giận đến như vậy, cộng thêm các việc làm khác của chúng ta, có khả năng sự việc không đến nỗi ghê gớm như vậy. Đó là cách suy nghĩ của tôi lúc đó. II Tôi đã suy nghĩ tỉ mỉ về những ngày có phong trào học sinh và phát sinh động loạn tới nay, tôi đã làm như thế nào, những chỗ nào làm tốt, những chỗ nào làm không tốt hoặc không thỏa đáng. Trước lễ truy điệu đồng chí Hồ Diệu Bang, nội bộ Thường vụ không có bất đồng gì, chí ít thì cũng không có bất đồng lớn nào. Hàng ngàn hàng vạn học sinh tụ tập tại quảng trường Thiên An Môn, tâm tình mọi người đúng là có căng thẳng và lo lắng. Lúc đó tôi phân tích, sợ rằng có ba loại người: tuyệt đại đa số người là xuất phát từ tình cảm thương nhớ đồng chí Hồ Diệu Bang; một bộ phận bất mãn với công tác của chúng ta, muốn mượn cớ phát huy; số ít kẻ phản đối đảng và chủ nghĩa xã hội, cố tình muốn làm lớn sự việc. Tôi nói Trung ương đảng đang tổ chức lễ truy điệu, các học sinh cũng muốn tỏ lòng thương tiếc, chúng ta không thể không cho phép bọn họ thương tiếc. Vì thế tôi chủ trương, trừ những hành vi phi pháp như đánh người, đập phá, cướp, đốt, chống đối, phải xử lý theo pháp luật, nói chung nên dùng thái độ hòa dịu. Tôi nhớ là lúc đó không có ai đề xuất ý kiến phản đối. Trước lễ truy điệu, có một việc duy nhất là đêm ngày 19 tháng 4, đồng chí Lý Bằng (Li Peng) gọi điện thoại cho tôi, nói học sinh [đang ở] tại phố Tân Hoa Môn sao vẫn chưa áp dụng biện pháp? Tôi nói đồng chí Kiều Thạch ở tuyến một đã chuẩn bị các loại dự án, đồng chí ấy sẽ tùy cơ xử trí. Ngoài ra không nghe thấy Thường vụ có ý kiến bất đồng gì khác. Sau khi lễ truy điệu kết thúc, tôi nêu ra ba ý kiến: (1) Hoạt động truy điệu đã kết thúc. Đời sống xã hội nên trở về quỹ đạo bình thường, phải kiên quyết khuyên can ngăn cản học sinh tuần hành, phải để cho bọn họ quay lại học tập. (2) Áp dụng phương châm khai thông đối với học sinh, nên triển khai đối thoại nhiều tầng nấc, nhiều con đường và các loại hình thức, thông cảm lẫn nhau, tăng thêm hiểu biết. (3) Bất kể như thế nào đều phải tránh đổ máu. Nếu xuất hiện các hành vi trái pháp luật như đánh người, đập phá, cướp, đốt thì phải trừng trị theo pháp luật. Đồng chí Lý Bằng và các đồng chí khác trong Thường vụ đều đồng ý. Sau khi sự việc xảy ra nghe nói, đồng chí Lý Bằng đã báo cáo ba ý kiến này lên đồng chí Tiểu Bình. Đồng chí Tiểu Bình cũng biểu thị đồng ý. Chiều ngày 23 tháng 4 tôi rời Bắc Kinh đi thăm Triều Tiên, khi tiễn tôi tại ga xe lửa, đồng chí Lý Bằng còn hỏi còn có ý kiến gì không, tôi nói là ba ý kiến đó thôi. Từ ngày 24 đến sáng sớm ngày 30 tháng 4 tôi không ở Bắc Kinh, không hiểu rõ tình hình đoạn thời gian này lắm. Sáng sớm ngày 26 tháng 4 tôi ở Triều Tiên được xem bức điện gửi từ nhà tới về bài nói của đồng chí Tiểu Bình và kỷ yếu hội nghị Thường vụ (Xã luận của “Nhân dân nhật báo” ngày 26 tháng 4 chưa điện tới). Tôi lập tức điện trả lời biểu thị “tôi hoàn toàn đồng ý quyết sách do đồng chí Tiểu Bình đưa ra nhằm đối phó với vấn đề động loạn trước mắt.” Tôi hiểu là tinh thần chung của quyết sách của đồng chí Tiểu Bình là muốn ổn định, không muốn động loạn, Điểm này quan trọng vô cùng đối với đất nước chúng ta, bây giờ và trong tương lai, chúng ta đều phải mang hết sức ra để làm được việc này. Bài nói của tôi tại đại hội kỷ niệm “Ngũ tứ”[3] tại Bắc kinh ngày 3 tháng 5, trước đó đã được các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư thẩm duyệt. Khi xét duyệt không ít đồng chí đã đề xuất một số ý kiến sửa chữa, căn cứ vào những ý kiến này chúng tôi đã sửa chữa nhiều chỗ trong bản thảo. Theo trí nhớ của tôi thì chỉ có hai đồng chí đề xuất phải thêm, phản đối tự do hóa tư sản vào. Lúc đó suy tính tới việc trong dự thảo đã trình bày tương đối đầy đủ phải kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản rồi, còn khái niệm tự do hóa tư sản chỉ việc phủ định kiên trì bốn nguyên tắc. Vì suy nghĩ như vậy nên không thêm vào cũng có thể được. Ngoài ra, suy tính từ mặt kỹ thuật, toàn bộ bản thảo là trực tiếp kỷ niệm “Ngũ tứ”, ý kiến của hai đồng chí đó đưa vào đoạn nào cũng cảm thấy không thuận lắm về câu chữ. Vì thế không tiếp thu. Xưa nay chúng ta thảo luận sửa chữa bản thảo đều không thể tiếp thu đưa vào hết mỗi ý kiến cá nhân. Bài nói của tôi khi hội kiến đại biểu hội nghị hàng năm Hội đồng quản trị Ngân hàng châu Á với ý định vốn có là muốn thúc đẩy dẹp yên phong trào học sinh, đồng thời cũng muốn làm cho người đầu tư nuớc ngoài tăng cường niềm tin vào sự ổn định của Trung Quốc. Sau khi bài nói được phát biểu, ban đầu nghe được đều là một số phản ánh tốt, lúc đó tôi cũng không ý thức được là có vấn đề gì, đồng chí Lý Bằng cũng nói với tôi, nói bài nói rất hay, khi đồng chí hội kiến Hội đồng quản trị cũng sẽ phối hợp chặt chẽ. Giọng điệu của bài nói lần này tương đối ôn hòa, lúc đó tôi không hề cảm thấy có mâu thuẫn gì cả. Do khi tôi thăm Triều Tiên chưa về nước, đồng chí Lý Bằng công bố bài xã luận thứ hai của “Nhân dân nhật báo” (ngày 29 tháng 4), giọng điệu đã dịu đi, nên sau này tại cuộc đối thoại được Quốc Vụ viện ủy quyền tiến hành, người phát ngôn đã biểu thị rõ ràng là bài xã luận thứ nhất (26 tháng 4) không nhằm vào đông đảo học sinh, khẳng định nhiều lần 99,9% học sinh là tốt, một số yêu cầu do học sinh đề xuất cũng là cái chính phủ đang muốn giải quyết. Bài nói của tôi ngày 4 tháng 5 đã đặc biệt chú ý tới những tình huống đó, về đại thể giữ được sự nhất trí với giọng điệu trên. Ngoài ra có một số lời (như vấn đề phản đối động loạn) trong bài nói ngày 3 tháng 5 tôi đã nói không ít. Cảm thấy có thể không cần lặp lại nữa. Bài nói lần đó của tôi chỉ có hai điểm nội dung mới: một là tôi đã phân tích tình trạng quần chúng đối với đảng và chính phủ vừa hài lòng lại vừa không hài lòng. Tôi vẫn cho rằng phân tích đó phù hợp với tình hình thực tế đương thời. Hai là, tôi đề xuất phải trong không khí bình tĩnh tỉnh táo, lý trí, kiềm chế, trật tự, trên quỹ đạo dân chủ và pháp trị giải quyết vấn đề, tôi nghĩ sau này gặp phải một số vấn đề như vậy vẫn cần phải tranh thủ giải quyết trên quỹ đạo này. Bài nói lần đó của tôi, từ phản ánh của các mặt lúc đó thấy hiệu quả vẫn khả dĩ. Sau này, các đồng chí phê bình bài nói của tôi chưa được Thường vụ thảo luận, đó là sự thực, thế nhưng bài nói của các vị đồng chí lãnh đạo Trung ương khi tiếp khách nước ngoài (trừ phương án hội đàm chính thức ra) xưa nay không hề đưa ra cho Thường vụ thảo luận, nói chung đều căn cứ vào phương châm của Trung ương, tự mình chuẩn bị. Ngày hôm sau (ngày 5 tháng 5), bài nói của đồng chí Lý Bằng khi hội kiến đại biểu hội nghị hàng năm của Ngân hàng châu Á cũng không qua thảo luận tại Thường vụ, mà giọng điệu cũng không khác gì với bài nói của tôi. Mặc dù có những tình huống trên, nhưng bài nói của tôi vẫn dẫn tới một số phỏng đoán, đó là điều tôi không liệu trước. Nếu như tôi thận trọng một chút, suy tính tới tình hình đó sớm, thì lúc đó có thể không nói những câu đó. Về Hội nghị Thường vụ ngày 8 tháng 5 và Hội nghị Bộ Chính trị ngày 10 tháng 5. Sau buổi tuần hành lớn ngày 27 tháng 4, các học sinh kiên trì yêu cầu chúng ta thay đổi định tính của bài xã luận ngày 26 tháng 4, tôi vô cùng khó xử. Suy nghĩ của tôi lúc đó là hãy vòng qua vấn đề khó này trước đã, làm mấy việc tốt về mặt xây dựng liêm chính và dân chủ, khiến quần chúng nhìn thấy chúng ta đang thực sự có những cố gắng, sự tình rồi cũng có thể từng bước yên ắng đi, đợi đến khi mọi người đều trở lại bình tĩnh có thể sẽ tương đối dễ đạt được ý kiến thống nhất hơn. Vì thế tại hai hội nghị trên, tôi đã đề xuất báo cáo với Ủy ban Thường vụ quốc hội tình hình thanh lý công ty, công bố thu nhập và thân thế của cán bộ cao cấp, hủy bỏ việc cung cấp đặc biệt cho người lãnh đạo dưới tám mươi tuổi (hoặc bẩy nhăm tuổi), do Ủy ban Thường vụ quốc hội căn cứ vào pháp luật, tổ chức các Ủy ban chuyên môn tiến hành điều tra độc lập các vụ án được báo cáo liên quan đến cán bộ cấp cao và gia đình (đồng chí Vạn Lý suy tính chu đáo hơn tôi, đồng chí kiến nghị do Quốc hội thành lập Ủy ban liêm chính có quyền uy), trên cơ sở thảo luận rộng rãi chế định các đạo luật báo chí và luật tuần hành thị uy v.v... Những kiến nghị này của tôi, chỉ nêu lên một chút trong Hội nghị Thường vụ và Hội nghị Bộ Chính trị, sau đó còn chuẩn bị thảo luận nữa và cũng chưa chính thức có quyết định. Suy nghĩ cơ bản của tôi là, coi liêm chính là một việc lớn của cải cách thể chế chính trị để nắm, đồng thời kết hợp chặt chẽ liêm chính với dân chủ, pháp chế, tính công khai, minh bạch, quần chúng giám sát, quần chúng tham dự v.v.. Sáng ngày 13 tháng 5, khi tôi và đồng chí Thượng Côn báo cáo tại nơi ở của đồng chí Tiểu Bình, đã báo cáo với đồng chí Tiểu Bình những suy nghĩ này. Đồng chí Tiểu Bình tán thành, nói, phải nắm chắc thời cơ này giải quyết cho tốt vấn đề hủ bại một chút, phải gia tăng độ minh bạch. Về vấn đề tôi hội đàm với M. Gorbachov. Từ sau Đại hội 13, khi tôi tiếp người lãnh đạo chủ yếu của các đảng nước ngoài, đã từng nhiều lần thông báo với họ, hội nghị Trung ương lần thứ nhất khóa 13 có một quyết định, vị trí của đồng chí Tiểu Bình với tư cách là người quyết sách chủ yếu của đảng ta không thay đổi. Mục đích của tôi là để trên thế giới càng biết rõ hơn rằng địa vị của đồng chí Tiểu Bình trong đảng ta không vì việc rút khỏi Thường vụ mà phát sinh thay đổi, về tổ chức là hợp pháp. Chuyến thăm Triều Tiên lần này, tôi cũng đã nói vấn đề này với Chủ tịch Kim Nhật Thành. Tôi nói với Gorbachov, vấn đề này trên thực tế là thông lệ. Vấn đề là ở chỗ đã đưa tin công khai. Sau khi tôi từ Triều Tiên trở về, nghe nói bài nói của đồng chí Tiểu Bình về phong trào học sinh ngày 25 tháng 4 được truyền đạt rộng rãi, khiến trên xã hội có nhiều bàn luận, nói “Thường vụ báo cáo với đồng chí Tiểu Bình không phù hợp nguyên tắc” còn có một số lời rất khó nghe. Tôi cảm thấy tôi cần phải tiến hành làm rõ và thuyết minh. Hai ngày trước khi Gorbachov đến thăm, khi tôi cùng công nhân và cán bộ công đoàn tọa đàm đối thoại, trong hội nghị cũng có người đề xuất vấn đề như vậy, lúc đó căn cứ vào quyết định của Hội nghị Trung ương lần thứ nhất khóa 13, tôi đã nói rõ, hiệu quả rất tốt. Họ nói trước đây họ không hiểu, bây giờ biết rồi, thế là tốt (các đồng chí Kiều Thạch, Hồ Khởi Lập, Diêm Minh Phục v.v.. đều có mặt). Trước đó, đồng chí Trần Hy Đồng, nhằm thẳng vào bàn luận sai lầm của người ta về việc “buông rèm coi việc nước” đã có những giải thích với các đồng chí công tác tại các trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp, thuyết minh tình hình các quyết định có liên quan của Hội nghị Trung ương đảng lần thứ nhất khóa 13, hiệu quả cũng tốt. Vì thế tôi nghĩ là nếu thông qua việc đưa tin công khai, cho quần chúng biết tình hình, có thể có ích cho việc giảm bớt bàn tán. Nội dung tôi thông báo cho Gorbachov lúc đó là: Hội nghị Trung ương lần thứ nhất khóa 13 đã trịnh trọng đưa ra quyết định, trong những vấn đề nghiêm trọng nhất, vẫn cần đồng chí Tiểu Bình cầm lái. Từ Đại hội 13 đến nay khi chúng tôi xử lý những vấn đề trọng đại nhất, nói chung đều thông báo cho đồng chí Tiểu Bình và xin ý kiến dồng chí (tôi đã có ý thức khi không nói, có thể triệu tập hội nghị do đồng chí quyết định), nói chung đồng chí Đặng Tiểu Bình cũng hết sức ủng hộ công tác của chúng tôi, ủng hộ quyết sách do tập thể chúng tôi đưa ra. Theo lý mà nói, những câu nói có nội dung như vậy, không nên để cho người ta có ấn tượng rằng, mọi việc đều do Tiểu Bình (quyết) định. Quả thật tôi không nghĩ là, làm như vậy, ngược lại đã là tổn thương đồng chí Tiểu Bình, tôi xin nhận hết trách nhiệm về việc này. Về Hội nghị Thường vụ đêm ngày 16 tháng 5. Sau khi tôi từ Triều Tiên trở về, nghe được các mặt phản ứng rât mạnh đối với bài xã luận 26 tháng 4, đã trở thành một cái nút ảnh hưởng tới tâm tình của học sinh. Lúc đó tôi đã từng nghĩ liệu có thể tìm được phương thức thích đáng cởi cái nút này, nhằm làm dịu tâm tư của học sinh. Ngày 4 tháng 5 tôi nói với đồng chí Lý Bằng ý kiến của tôi về bài xã luận đó. Đồng chí Lý Bằng biểu thị phản đối. Vì vậy tôi cảm thấy muốn suy nghĩ lại là rất khó, rất khó. Tôi lại cùng thương lượng với đồng chí Thượng Côn, và đã tính tới chuyện trước tiên hãy đi vòng qua vấn đề này, làm nhạt đi tính chất vấn đề, rồi từng bước quay lại. Lúc đó đồng chí Tiểu Bình đang tập trung tinh lực suy nghĩ tới việc gặp Gorbachov, chúng tôi không tiện làm phiền, nên đã nói ý kiến trên với các đồng chí công tác tại chỗ đồng chí Tiểu Bình, và cũng dùng phương thức trao đổi ý kiến cá nhân lần lượt nói chuyện với mấy đồng chí trong Thường vụ, muốn từ từ vượt qua khúc quanh này. Thế nhưng đến ngày 13 tháng 5, mấy trăm học sinh tuyên bố tuyệt thực, trong đó có một yêu cầu chủ yếu là thay đổi định tính của bài xã luận nói trên. Tôi cảm thấy sự tình vô cùng nghiêm trọng, vấn đề này đã không thế đi vòng được nữa. Vì vậy trong Hội nghị Thường vụ tối ngày 16 tháng 5 mới nêu sự kiện này (đây là lần đầu tiên đề xuất tại hội nghị chính thức). Đồng chí Lý Bằng nói, câu “đây là một cuộc âm mưu có kế hoạch, là một lần động loạn, mà thực chất là về căn bản phủ định sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc, phủ định chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là một cuộc đấu tranh chính trị nghiêm trọng bầy ra trước mặt toàn đảng và nhân dân cả nước” là nguyên văn lời nói của đồng chí Tiểu Bình, không thể động tới được. Lúc đó tôi không đồng ý cách nói đó, vì tôi cho rằng, xã luận được viết theo tinh thần chủ yếu của Hội nghị Thường vụ ngày 24 tháng 4, câu nói của đồng chí Tiểu Bình là sau khi đã căn cứ vào báo cáo của Hội nghị Thường vụ do đồng chí Lý Bằng chủ trì mới nói ra. Thái độ của đồng chí Tiểu Bình là luôn luôn ủng hộ công tác của Thường vụ, chỉ cần là quyết định do tập thể Thường vụ đưa ra bao giờ đồng chí cũng ủng hộ. Vì vậy trách nhiệm phải do chúng ta chịu. Tại Hội nghị Thường vụ tối ngày 16 tháng 5 tôi biểu thị, từ Triều Tiên tôi đã gửi điện về tán thành quyết sách của đồng chí Tiểu Bình, vì thế tôi cũng phải chịu trách nhiệm về bài xã luận ngày 26 tháng 4. Lúc đó tôi chỉ nêu vấn đề, đề nghị Thường vụ suy nghĩ, không yêu cầu đưa ra quyết định, hơn nữa đêm đã khuya, nên không bàn tiếp. Ngày 17 tháng 5, hội nghị Thường vụ họp ở chỗ đồng chí Tiểu Bình, đồng chí Lý Bằng, Diêu Y Lâm phê bình tôi, qui kết toàn bộ trách nhiệm phong trào học sinh leo thang vào bài nói ngày 4 tháng 5 tại Hội nghị hàng năm của Ngân hàng châu Á, với mức độ gay gắt khiến tôi không ngờ. Hội nghị Thường vụ lần này một lần nữa khẳng định định tính của bài xã luận ngày 26 tháng 4, đồng thời đưa ra quyết sách điều quân đội vào Bắc Kinh thiết quân luật. Tôi biểu thị: có quyết sách tốt hơn là không có, nhưng tôi vô cùng lo lắng nó sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng, để tôi chấp hành quyết sách đó rất khó đắc lực được. Tại hội nghị đảng tôi đã thẳng thắn nói ra mối lo của mình. Sau cuộc họp, tôi lại suy nghĩ kỹ thêm, rất sợ là do trình độ nhận thức và trạng thái tư tưởng của tôi sẽ ảnh hưởng và làm lỡ việc kiên quyết quán triệt chấp hành quyết sách này. Trong tâm tư tương đối nóng vội và dưới tình huống xúc động đó đã nghĩ tới việc từ chức, sau khi biết, đồng chí Thượng Côn lập tức khuyên tôi, nói nếu tôi từ chức sẽ có tác dụng kích động trong quần chúng, và nói, nội bộ Thường vụ vẫn còn có thể tiếp tục cộng sự. Tôi đã suy nghĩ đi suy nghĩ lại về lời nói trung thực của đồng chí Thượng Côn, cảm thấy lời nói của đồng chí là chính xác. Trong tình hình lúc đó, dù thể nào tôi cũng không được làm cho đảng khó khăn. Vì thế tin từ chức không lọt ra. Nhưng sự phát triển của tình hình vẫn khiến tôi lo nghĩ trùng trùng. Ngày 18 tháng 5, tôi lại viết thư gửi đồng chí Tiểu Bình, yêu cầu đồng chí xem xét lại ý kiến của tôi một lần nữa, và gọi điện thoại cho đồng chí Thượng Côn, đề nghị đồng chí ấy nói thêm một lần nữa với đồng chí Tiểu Bình. Tôi cảm thấy dù thế nào, nêu cách nhìn bất đồng của mình trong đảng là được phép, nếu là Tổng Bí thư mà có ý kiến bất đồng lại không nêu ra sẽ không phải là một thái độ có trách nhiệm. Bây giờ nhớ lại, tin từ chức tuy không lọt ra nhưng lúc ấy mà có ý nghĩ đó, xét từ toàn cục, là rất không thỏa đáng. Về việc sáng sớm ngày 19 tháng 5 đến quảng trường Thiên An Môn thăm học sinh tuyệt thực. Lúc đầu sau khi học sinh tuyệt thực ba ngày, tôi đã chuẩn bị tới thăm họ, sau nay tôi lại mấy lần đề xuất phải đi, nhưng do hàng loạt nguyên nhân nên chưa thành. Ngày 19 tháng 5 học sinh tuyệt thực bước vào ngày thứ bẩy, có nguy cơ chết người, đã tới bước ngoặt khẩn cấp. Tiếng kêu gọi của nhân sĩ các giới trong ngoài đảng, yêu cầu tôi và đồng chí Lý Bằng tới quảng trường Thiên An Môn khuyên giải, thuyết phục học sinh tuyệt thực như cơn mưa tuyết bay tới, nhân dân quần chúng cũng bất mãn dữ dội trước việc chúng tôi cứ lần lữa không tới công tác. Có đồng chí nói nếu như Thủ tướng Chu còn sống, ông đã đến với quần chúng từ lâu rồi. Tôi cảm thấy nếu chúng tôi không tới thì bất kỳ thế nào cũng không thể ăn nói với nhân dân được. Mặc dù lúc đó sức khỏe của tôi đã cảm thấy không thích hợp, nhưng tôi vẫn hạ quyết tâm, nhất định phải đi. Do các học sinh đã tuyệt thực bẩy ngày, trong tình hình như vậy sau khi tôi đi, ngoài việc làm cảm động, khuyên giải họ ngừng tuyệt thực ra, liệu còn nói được gì? Sau khi chúng tôi đi thăm, ngay trong ngày tâm tình học sinh tuyệt thực có dịu đi đồng thời 9 giờ tối hôm đó tuyên bố ngừng tuyệt thực. Tôi không thể nói bài nói của tôi đã có tác dụng rất lớn về mặt này, nhưng chí ít cũng không có phản tác dụng. Sau khi thăm xong học sinh trở về, tự tôi đã thấy bệnh tình của mình nặng thêm. Về vấn đề tôi không tham dự hội nghị triệu tập tối ngày 19 tháng 5. Tôi phải thuyết minh, ngày hôm đó do bị ốm nên tôi đã xin phép Thường vụ được nghỉ. Tại hội nghị, đồng chí Kiều Thạch cũng tuyên bố như vậy. Thư xin nghỉ của tôi được gửi đi trước khi nhận được thông báo họp. Xin nghỉ phép trước, nhận được thông báo họp sau. Ban đầu tôi chóng mặt, nhức đầu, đứng không vững, đến đêm thì bệnh tim phát tác. Thực tình là như vậy. Tôi xin phép nghỉ ốm ba ngày, sau khi hết hạn, tôi không còn công tác để làm, và cũng không để cho tôi tham gia bất kỳ hội nghị nào, tôi cũng chẳng biết tình hình gì nữa. Từ những điều trên có thể thấy, trong khi xử lý phong trào học sinh và vấn đề động loạn, cách nghĩ đương thời của tôi là phải tìm cách làm dịu sự đối lập của học sinh, tranh thủ số đông trong học sinh khiến phong trào học sinh từng bước yên tĩnh dần. Tôi vô cùng lo lắng, trong tình huống mâu thuẫn với đa số người còn chưa dịu đi mà đã áp dụng thủ đoạn cứng rắn, đặc biệt là sử dụng vũ lực, sẽ khó tránh khỏi phát sinh xung đột và đổ máu. Làm như vậy sẽ làm cho sự tình càng mở rộng. Cho dù dẹp yên được phong trào học sinh cũng sẽ để lại hậu di chứng rất lớn. Bây giờ nhớ lại thấy định tính của xã luận “26-4” lỏng lẻo, và cũng không nhất định có thể làm dịu mâu thuẫn mà có khả năng làm cái nẩy xẩy cái ung, nêu ra những vấn đề khó mới, cuối cùng cũng không có cách gì loại bỏ được mâu thuẫn gay gắt thêm. Gần đây đồng chí Tiểu Bình phát biểu bài nói vô cùng quan trọng, khiến tôi được giáo dục rất nhiều. Đồng chí nói, cơn sóng gió này đến không thể dùng ý chí con người để di chuyển được, là kết quả tất yếu của sự kết hợp ảnh hưởng giữa tình hình lớn quốc tế với tình hình nhỏ trong nước. Còn nói, đến bây giờ tốt hơn so với đến chậm. Nếu như từ tầm cao đó quan sát vấn đề, một số suy nghĩ vốn có của tôi tất nhiên sẽ trở thành không cần thiết. Đúng là lúc đó tôi chưa nhận thức đến tầm cao đó và độ sâu đó, tôi nguyện kết hợp học tập bài nói của đồng chí Tiểu Bình suy nghĩ hơn nữa vấn đề này. III Về vấn đề khuyết điểm, sai sót cũng như trách nhiệm trong công tác kinh tế, đồng chí Tiểu Bình đã nói, đồng chí Lý Bằng cũng đã nói. Thái độ của tôi là, kể từ sau khi tôi đến công tác tại Quốc Vụ viện cho đến trước Đại hội 13, những sai sót trong công tác kinh tế chủ yếu là do tôi chịu trách nhiệm. Báo cáo của đồng chí Lý Bằng trước Quốc hội năm 1989, trước khi Hội nghị Bộ Chính trị thảo luận đã gửi riêng cho tôi để trưng cầu ý kiến. Vì trong bản thảo đầu tiên khi nói đến nguyên nhân sai sót đã liên tục dùng mấy cái “nhiều năm nay”, tôi kiến nghị đối với vấn đề của mấy năm qua cần phải áp dụng thái độ phân tích. Như qui mô xây dựng cơ bản trong dự toán, sau năm 85 đã được khống chế, cái không khống chế được là bộ phận ngoài kế hoạch; nói một cách chung chung là cải cách muốn thành công gấp, cũng không phù hợp tình hình thực tế. Sau khi nghe xong đồng chí Lý Bằng nói, thế thì tập trung nói vấn đề của năm 88. Tôi nghe xong không biểu thị dị nghị. Có đồng chí phê bình tôi không để cho đồng chí Lý Bằng nói đến sai sót trong mấy năm qua, trút sai sót trong mấy năm đã qua ấy lên đầu đồng chí Lý Bằng. Tôi cần phải thuyết minh, không có chuyện đó, xưa nay tôi cũng không hề có cách suy nghĩ đó. Trước năm 1987, nói chung tình hình kinh tế nước ta là tốt, là tràn đầy sức sống. Đó là kết quả của cải cách, mở cửa. Mấy năm nay kinh tế thu được thành tích rất lớn, nhưng cũng có không ít khuyết điểm và sai sót. Với tư cách là người phụ trách chủ yếu công tác tuyến một, tôi phải chịu trách nhiệm về những sai sót đó. Năm nào cũng ép qui mô xây dựng cơ bản, nhưng năm nào cũng khống chế không nổi, cũng vẫn chưa tìm được biện pháp khống chế có hiệu quả đối với xây dựng cơ bản ngoài kế hoạch và quỹ tiêu dùng tăng trưởng quá nhanh. Các đồng chí Tiểu Bình, đồng chí Trần Vân, đồng chí Tiên Niệm, đồng chí Bành Chân v.v.. đều đã nhắc nhở tới vấn đề nông nghiệp. Thế nhưng mãi đến trước hội nghị nông nghiệp năm ngoái, trong một thời gian dài chúng tôi vẫn không áp dụng biện pháp tương đối thích hợp. Những sai sót đó, là trách nhiệm của tôi. Trước năm 1988, nước ta chưa có lạm phát rõ ràng. Tất nhiên cũng đã tích lũy một số nhân tố có thể làm gay gắt lạm phát. Nguyên nhân trực tiếp gây ra lạm phát rõ rệt năm ngoái là, do đánh giá tình hình kinh tế năm trước quá lạc quan, trong tình hình vật giá đã bắt đầu không ổn định, lại chuẩn bị tăng nhanh bước đi cải cách giá cả và công khai tuyên bố cải cách giá cả, tuyên truyền mở cửa giá cả, dẫn tới mọi người hoảng sợ, tạo ra tâm lý đề phòng dữ dội của quần chúng đối với vật giá leo thang. Phàm là các nước làm kinh tế hàng hóa đều vô cùng coi trọng vấn đề này, nhưng lúc đó chúng ta lại không hiểu lắm. Tâm lý đề phòng tăng giá của mọi người quá cao, chúng ta lại không kịp thời tăng thêm lãi suất tiết kiệm, giải quyết vấn đề bảo vệ giá trị gửi tiền tiết kiệm, vì thế đã phát sinh việc đổ xô đi mua hàng, quan trọng nhất là đã tạo thành lãi suất tiết kiệm giảm với mức độ lớn, khiến ngân hàng thiếu tiền, buộc phải phát hành nhiều tiền mặt. Chú trọng nói rõ một số việc phát sinh trong năm 1988 là để phân tích chính xác nguyên nhân xuất hiện vấn đề, chứ không hề có ý muốn đùn đẩy trách nhiệm nào. Bởi vì những sai sót lớn của năm 1988 cũng do tôi chịu trách nhiệm chủ yếu. Tiện đây nói thêm một chút, trong báo cáo của đồng chí Lý Bằng, đại biểu 4 vị Thường vụ đã phê bình tôi không phân tích, không tính tới điều kiện đã cổ vũ cơ quan Đảng, chính và đơn vị sự nghiệp tự mình “tạo nguồn thu”. Điều này không phù hợp với sự thực. Nửa đầu năm ngoái, tôi đã gọi riêng điện thoại cho đồng chí Giang Trạch Dân, yêu cầu Thượng Hải uốn nắn vấn đề cơ quan Đảng, chính thành lập công ty tạo nguồn thu. Trong báo cáo còn phê bình tôi “luôn luôn tuyên dương” hiện tượng hủ bại tại giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội là “không thể tránh khỏi”. Tôi không nhớ là đã nói câu đó ở đâu. Từ đầu năm ngoái tôi đề xuất “cơ quan Đảng, chính phải liêm khiết” ở Quảng Đông đến nay, tôi bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề ngặn chặn hủ bại, giải quyết liêm khiết. Từ thời gian đó trở đi, tôi đã nói không ít lần về vấn đề ngăn chặn hủ bại và vấn đề liêm khiết. Tôi đã nói, xem xét kinh nghiệm từ nhiều nước thấy, trong thời kỳ đầu của phát triển kinh tế hàng hóa, dễ phát sinh hiện tượng hủ bại. Nhưng chúng ta là nước xã hội chủ nghiã, nên và hơn nữa có thể hạn chế hiện tượng hủ bại ở mức thấp nhất, đề xuất “kinh tế phải phồn vinh, cơ quan Đáng, chính phải liêm khiết”. Tất nhiên, làm thế nào ngăn chặn được hủ bại, duy trì được liêm khiết là một vấn đề phức tạp, tuy vậy hội nghị Ban Bí thư đã chuyên nghiên cứu rồi và còn có một số hội nghị tọa đàm, cũng đã tổng kết kinh nghiệm của một số vùng, nhưng đến nay, trong điều kiện cải cách mở cửa vẫn chưa tìm được những biện pháp hoàn chỉnh để làm thế nào chỉnh đốn xử lý một cách có hiệu quả hiện tượng hủ bại, nhưng nếu như muốn nói đến trách nhiệm, thì cũng do tôi chịu. IV Các đồng chí đã đề xuất nhiều ý kiến phê bình tôi về vấn đề phản đối tự do hóa của giai cấp tư sản, tôi nghĩ, nhân việc này muốn trình bầy với mọi người tình hình tư tưởng của tôi. Tử mở cửa đến nay trào lưu tư tưởng nghi ngờ tính ưu việt của chủ nghiã xã hội, ý đồ làm theo chế độ dân chủ phương Tây trong phần tử trí thức nào đó, nhất là trong một số thanh niên giáo viên, thanh niên học sinh đúng là đã có sinh sôi nẩy nở. Lần này phong trào học sinh làm lớn đến như vậy, là không tách rời khỏi ảnh hưởng của loại trào lưu tư tưởng đó. Mấy năm nay, nắm việc phản đối tự do hóa của giai cấp tư sản còn chưa đủ lực, hiệu quả không lớn, buông lỏng công tác xây dựng Đảng và chính trị tư tưởng, để tồn tại những vấn đề đó, tôi đều có trách nhiệm quan trọng. Tôi thường xuyên suy nghĩ tới vấn đề đó, cảm thấy rất không đơn giản, rốt cuộc làm thế nào mới có thể ngăn chặn và phản đối được loại trào lưu tư tưởng này? Đúng là một vấn đề, cần nghiêm túc nghiên cứu và giải quyết. Phản đối trào lưu tư tưởng tự do hóa tư sản, tăng cường giáo dục về bốn nguyên tắc cơ bản, tăng cường công tác chính trị tư tưởng là vô cùng quan trọng về mặt này, trước đây tôi vẫn thường xuyên nhấn mạnh, đặc biệt là từ năm nay, trong các mặt như tăng cường xây dựng Đảng, tăng cường công tác chính trị tư tưởng, tăng cường giáo dục tình hình, tăng cường nghiên cứu lý luận v.v.. tôi đều đã nói một số lời. Tôi còn căn cứ vào tinh thần nhiều lần nói chuyện của đồng chí Tiểu Bình, đề xuất phải kiên trì hai tay nắm, tức một tay nắm phát triển kinh tế hàng hóa có kế hoạch xã hội chủ nghĩa, một tay nắm tăng cường công tác trên lĩnh vực tư tưởng và chính trị. Tất nhiên, nói tóm lại là nắm vẫn chưa đủ, đặc biệt là rất không quán triệt. Đúng như là đồng chí Tiểu Bình đã đề xuất: một tay rắn, một tay mềm. Tôi xin chịu trách nhiệm chủ yếu đối với việc này. Trong thời gian này tôi cảm thấy một vấn đề tương đối phức tạp, đó là tiến hành công tác tư tưởng chính trị như thế nào mới có thể thu được hiệu quả tốt. Tôi thường nghe được một số phản ảnh, chỉ dùng những biện pháp vốn có tiến hành giáo dục, hiệu quả thường không rõ rệt, thậm chí dẫn tới tâm lý chống lại, về mặt này tôi suy nghĩ tương đối nhiều, thế nhưng vẫn chưa giải quyết vấn đề được thật tốt. Đồng thời tôi cũng cảm thấy chỉ dựa vào giáo dục tư tưởng không thôi là không đủ, muốn từ tư tưởng của người ta giải quyết vấn đề chủ nghĩa xã hội ưu việt hay là chủ nghĩa tư bản ưu việt, suy cho cùng vẫn phải dựa vào việc người ta từ trong thực tiễn của mình cảm thụ thiết thực được tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Điều này tất nhiên là phải làm tốt cuộc cải cách của chúng ta, phát triển một cách tốt đẹp chủ nghĩa xã hội dân chủ thích hợp với tình hình đất nước chúng ta. Từ sau tháng 4 năm 1987, đồng chí Tiểu Bình nhiều lần nói tới ý tứ như thế này: phản đối tự do hóa tư sản là một cuộc đấu tranh lâu dài, và cũng là một quá trình giáo dục lâu dài, không thể làm phong trào, phải dựa vào cải cách để làm tốt, phát triển kinh tế lên, hiển thị ra tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, dùng thực tiễn thuyết phục một số người nghi ngờ chế độ xã hội chủ nghĩa. Tôi vô cùng tán thành những quan điểm đó của đồng chí Tiểu Bình. Cải cách bao gồm cải cách thể chế kinh tế và cải cách thể chế chính trị, hai mặt này ảnh hưởng lẫn nhau. Bây giờ xem ra, ngoài việc cải cách thể chế kinh tế, phát triển kinh tế ra, chủ nghĩa xã hội cũng phải hiển thị được tính ưu việt của mình trên thể chế chính trị, trên vấn đề dân chủ. Trong thực tiễn, tôi càng ngày càng cảm thấy, cải cách thể chế chính trị vừa không được vượt trước, nhưng cũng không được lạc hậu hơn cải cách thể chế kinh tế, mà về đại thể nên tiến hành đồng bộ. Nếu như quá chậm hơn thì cải cách thể chế kinh tế sẽ khó có thể tiếp tục được, hơn nữa còn sản sinh ra các loại mâu thuẫn xã hội, chính trị. Tôi vốn từng nghĩ là, chỉ cần làm tốt cải cách thể chế kinh tế, phát triển kinh tế lên, mức sống mọi người được nâng cao, thì mọi người sẽ vừa ý, xã hội sẽ ổn định. Nhưng sau này phát hiện tình hình không hoàn toàn như vậy. Sau khi mức sống, trình độ văn hóa của nhân dân được nâng cao thì ý thức tham gia chính trị, ý thức dân chủ sẽ được tăng cường. Nếu như giáo dục tư tưởng theo không kịp, xây dựng dân chủ và pháp chế theo không kịp thì xã hội vẫn không ổn định. Tháng 12 năm ngoái, tôi đã nói tại hội nghị của quân đội, tình hình của nhiều nước đều thuyết minh, phát triển kinh tế thường thường và không thể mang lại sự thỏa mãn, vừa ý cho mọi người và sự ổn định xã hội. Tôi thấy là điều này đã nêu ra với chúng ta hai vấn đề, một là phải kiên trì nắm cả hai tay, không thể xem thường công tác trong lĩnh vực tư tưởng chính trị; hai là cải cách thể chế chính trị phải theo kịp, chủ yếu là xây dựng dân chủ và pháp chế xã hội chủ nghĩa phải theo kịp. Trong công tác thực tế, tôi còn cảm thấy sâu sắc rằng, thời đại đã khác rồi, xã hội và quan niệm tư tưởng của người ta cũng phát sinh thay đổi. Dân chủ đã trở thành trào lưu thế giới (tất nhiên trên thế giới đúng là có một dòng nước ngược chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội, bọn chúng cũng luôn luôn giương ngọn cờ dân chủ, nhân quyền, cần phải chú ý đến tình huống phức tạp trung gian này), quan niệm dân chủ của mọi người đã phổ biến tăng cường, nhiều vấn đề xã hội nếu hoàn toàn dùng biện pháp vốn có rất khó giải quyết. Ở nước ta, kiên trì sự lãnh đạo của đảng cộng sản, không làm chế độ đa đảng phương Tây, nguyên tắc cơ bản này quyết không được dao động. Thế nhưng một đảng lãnh đạo phải giải quyết được vấn đề dân chủ, giải quyết được những vấn đề tiêu cực, không lành mạnh trong nội bộ đảng và nhà nước cho đến việc giám sát đôn đốc có hiệu quả hiện tượng hủ bại nào đó thì lãnh đạo một đảng mới có thể tăng cường được sức sống. Vì vậy tôi nghĩ, đảng chúng ta phải thích ứng với thời đại mới, tình hình mới, học được cách dùng biện pháp mới như dân chủ và pháp chế v.v.. để giải quyết vấn đề mới. Ví dụ như, phải tăng cường độ minh bạch trong đời sống chính trị, phát huy đầy đủ tác dụng của Quốc hội, tăng cường và hoàn thiện chế độ hợp tác và chế độ hiệp thương nhiều đảng dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, hoàn thiện và cải tiến chế độ bầu cử, tăng cường sự giám sát đôn đốc của nhân dân quần chúng đối với đảng và chính phủ, dùng luật pháp cụ thể để bảo đảm và qui phạm tự do ngôn luận, cho phép tuần hành qua xin phép và phê chuẩn hợp pháp v.v..Tóm lại phải làm cho nhân dân thiết thân cảm thụ được rằng, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa có thể hưởng thụ được dân chủ và tự do chân chính mà thiết thực. Như vậy, chủ nghĩa xã hội mới có thể tăng cường sức hấp dẫn, sức ngưng tụ đối với nhân dân, tính ưu việt của nó mới càng hiển thị ra được. Do vậy cơ quan lãnh đạo và người lãnh đạo các cấp của chúng ta phải tiến hành công tác và sinh hoạt trong điều kiện thích ứng với dân chủ và pháp chế. Thực hiện dân chủ, ý kiến rối rắm, bề ngoài có một số “loạn”. Thế nhưng, có những “phiền phức” nhỏ, bình thường trong phạm vi dân chủ và pháp chế mới có thể tránh được loạn lớn. Quốc gia mới có thể ổn định lâu dài. Tuy vậy trung gian còn có một vấn đề tương đối phức tạp đó là phải khu biệt giữa yêu cầu dân chủ bình thường, thi hành quyền lợi dân chủ bình thường với những tự do hóa của giai cấp tư sản. Chúng ta không cho phép giương ngọn cờ dân chủ để thực hiện tự do hóa tư sản; đồng thời trong khi phản đối tự do hóa tư sản, chúng ta cũng không ngần ngại phát huy dân chủ. Điều này đòi hỏi phải từng bước vạch rõ một số giới hạn chính sách trong thực tiễn, và cuối cùng điều này cũng phải được giải quyết trên quỹ đạo pháp chế, thống nhất một cách tốt đẹp hai điều đó lại. Từ nay trở đi, mặt quan trọng của vai trò lãnh đạo của đảng phải thể hiện ở chỗ tích cực lãnh đạo nhân dân tiến hành xây dựng dâm chủ và pháp chế, làm cho nhà nước xã hội chủ nghĩa nước ta trở thành quốc gia pháp trị chân chính. Hơn nữa nếu đảng ta không giương cao ngọn cờ dân chủ, sẽ bị người khác đoạt lấy. Tôi cảm thấy, sớm hay muộn chúng ta vẫn phải đi con đường này. Đi một cách bị động, không bằng tự giác, chủ động mà đi, bởi vì tôi nhìn thấy, có nước xã hội chủ nghĩa khi mâu thuẫn xã hội tương đối gay gắt, địa vị của đảng đã suy yếu lớn mà làm cải cách chính trị, thì rất khó khống chế tình hình. Tôi nghĩ chúng ta nên chủ động xây dựng dân chủ khi địa vị lãnh đạo của đảng còn tương đối vững chắc. Như vậy dưới sự lãnh đạo của đảng ta có thể phát triển một cách có kế hoạch, có bước đi, có trật tự một loại chế độ xã hội chủ nghĩa kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản, thích hợp với tình hình đất nước ta. Đương nhiên nếu làm như vậy, trong quá trình xây dựng dân chủ và pháp chế vẫn có một số đau đớn, ma sát, thậm chí chấn động, nhưng những cái đó quyết không phải là chủ nghĩa xã hội phát sinh khủng hoảng. Sau khi đảng ta đã trải qua một cuộc tự mình điều chỉnh, tự mình hoàn thiện, càng thêm thích ứng với yêu cầu của thời đại mới, sẽ có một bộ mặt mạo mới, hăng hái phấn chấn lãnh đạo nhân dân cả nước tiến lên. Chủ quan tôi cho rằng, đó chính là sự suy nghĩ chân chính cho tiền đồ của đảng và đất nước. Nhiều năm nay, trong cải cách kinh tế chúng ta đã tích cực, mạnh bạo, nhưng trên cải cách chính trị, chúng ta luôn luôn giữ thái độ thận trọng. Tôi cũng đã từng tự xưng là “nhà cải cách về kinh tế, nhà bảo thủ về chính trị”; mấy năm gần đây, tư tưởng tôi có sự thay đổi, cảm thấy nếu không đưa được cải cách chính trị vào chương trình làm việc quan trọng hàng ngày, thì không chỉ những vấn đề khó trong cải cách kinh tế rất khó giải quyết, mà các loại mâu thuẫn xã hội, chính trị cũng sẽ ngày càng gay gắt hơn. Cách suy nghĩ đó của tôi, đã ảnh hưởng tới tôi khi quan sát và xử lý một số vấn đề cụ thể. Tôi cảm thấy, trong hội nghị đảng hôm nay, tôi nên nói rõ một số lời tự đáy lòng, tâm sự với các đồng chí. Rất có thể là loại suy nghĩ đó là sai lầm, hy vọng các đồng chí phê bình, giúp đỡ. V Tôi không có ý kiến gì về việc trong báo cáo của mình đồng chí Lý Bằng kiến nghị tước bỏ hết mọi chức vụ lãnh đạo của tôi, nhưng đối với việc đề xuất hai chỉ trích tôi: “ủng hộ động loạn” và “chia rẽ đảng”, tôi bảo lưu ý kiến. Đối với việc xử lý như thế nào phong trào học sinh và động loạn, đúng là tôi đã căn cứ vào phạm vi cho phép của điều lệ đảng, đã nêu ra những ý kiến bất đồng của mình trong hội nghị đảng. Cho dù là những ý kiến đó có thể thực hiện được và có hiệu quả hay không, nhưng đều là những ý kiến về việc làm thế nào dẹp yên được động loạn, trước sau tôi chưa bao giờ đề xuất ý kiến ủng hộ động loạn. Xem xét lại tình hình thực tế thấy, việc phong trào học sinh và động loạn mở rộng cũng không thể nói là do tôi ủng hộ. Trên thực tế, trong đoạn thời gian từ ngày 23 tháng 4 đến cuối tháng, phong trào học sinh và động loạn mở rộng rất nhanh, nhưng thời gian đó tôi không ở trong nước. Trong báo cáo đồng chí Lý Bằng nói, bài nói của tôi tại hội nghị hàng năm của Ngân hàng châu Á đã khiến động loạn leo thang, trên thực tế, sau khi tôi nói chuyện, tình hình các trường đại học lũ lượt mở lại lớp học cho thấy sự phê bình đó không phù hợp sự thực, các báo thủ đô lúc đó đều đưa tin. Điều này chí ít có thể thuyết minh, lần nói chuyện đó của tôi không dẫn đến việc phong trào học sinh leo thang. Từ sau ngày 19 tháng 5 thực hành thiết quân luật, tôi không còn công tác, tất nhiên cũng không phát biểu thêm bài nói nào, sau đó động loạn leo thang, càng không có lý do để nói tôi là nguyên nhân. Nếu như nói vì tôi xin nghỉ ốm không thể tham gia hội nghị ngày 19 tháng 5, nên sự phát triển của tình hình sau đó chủ yếu là do nguyên nhân của tôi dẫn tới, thì giải thích như thế nào cũng đều không xuôi. Về vấn đề “chia rẽ đảng”, thế nào mới là hành động chia rẽ đảng? Trong lịch sử đảng đã có những vụ án làm ví dụ. Trong “Về một số chuẩn tắc trong sinh hoạt chính trị trong đảng” cũng đã có qui định. Xưa nay đảng ta chưa bao giờ coi việc đề xuất ý kiến bất đồng trong đảng, thậm chí bảo lưu ý kiến thì bị gọi là chia rẽ đảng. Giữa những người lãnh đạo, trong những bài nói công khai về trọng điểm có lúc có một số bất đồng, cách xử lý cũng không nhất trí lắm, người ta có thể nói thế này thế nọ trong trung gian, những sự việc như thế không ngừng xuất hiện. Không thể vì thế mà gọi là chia rẽ đảng. Như trong báo cáo của mình, đồng chí Lý Bằng chỉ trích tôi trong bài nói tại hội nghị hàng năm Ngân hàng châu Á không đề cập tới xã luận ngày 26 tháng 4, còn chỉ trích tôi trong tình hình đã xuất hiện động loạn mà trong bài nói vẫn nói “Trung Quốc sẽ không xuất hiện động loạn lớn”. Thế nhưng ngay ngày hôm sau, khi phát biểu tại hội nghị hàng năm Ngân hàng châu Á, đồng chí Lý Bằng cũng không đề cập tới bài xã luận ngày 26 tháng 4, hơn nữa còn nói Trung Quốc cần cố gắng “tránh động loạn”. Tôi cho rằng trong một số bài nói như vậy tại các trường hợp bất đồng, thời gian bất đồng mà trọng điểm lại bất đồng, thậm chí cách xử lý lại rất không nhất trí, có một số là không thích hợp, thậm chí là sai lầm nữa đều không thể dao to búa lớn nói là “chia rẽ đảng”. Càng không thể coi việc tôi xin nghỉ ốm mà không thể tham dự hội nghị ngày 19 tháng 5 là hành động “chia rẽ đảng”. Ngoài ra, nói một số đơn vị là “túi khôn”, “nhóm túi khôn” của tôi, do đó những đơn vị này có người xuống đường tuần hành diễn thuyết dường như là có quan hệ gì đó với tôi. Tôi cần thuyết minh, không tồn tại việc có “túi khôn” và “nhóm túi khôn” gì đó. Khi tôi công tác tại Quốc Vụ viện, có lúc nhân một số vấn đề lý luận kinh tế tìm người tọa đàm. Những người tham gia tọa đàm thường đến từ nhiều đơn vị, có khi cũng có người ở đơn vị này nọ. Ngoài ra tôi và các đơn vị đó không có liên hệ gì. Những đơn vị này cũng không hề do tôi trực tiếp quản, giữa họ có quan hệ lệ thuộc của mình. Nói bọn họ thành “túi khôn” của tôi vừa không đúng sự thực, và cũng không cần thiết làm cho những đơn vị này phải mang thêm ba lô. Mặc dù điều lệ đảng qui định đảng viên có quyền tiến hành biện bạch về những ý kiến xử lý mình, điều 4 chương một trong “Điều lệ đảng” qui định “khi tổ chức đảng thảo luận, quyết định xử lý kỷ luật đảng hoặc đưa ra giám định đối với đảng viên, người đó có quyền tham gia và tiến hành biện bạch,... tổ chức đảng bất kỳ cấp nào cho đến Trung ương đều không có quyền tước đoạt quyền lợi nói trên của đảng viên.” Hôm nay tôi chỉ chú trọng đưa ra biện bạch về hai chỉ trích nói trên, hy vọng được suy xét tới. Người dịch: Dương Danh Dy Trích dịch từ: Tôn Phượng Minh (宗鳳鳴/Zong Fengming), “Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng”, (趙紫陽軟禁中的談話/ Triệu Tử Dương nhuyễn cấm trung đích đàm thoại/ Zhao Ziyang: captive conversations. ISBN: 9789627934219), NXB “Khai phóng” (Kai fang chu ban she), Hongkong Chú thích
[1] Chỉ Phong trào mồng 4 tháng 6 (1989) tại Trung Quốc kết thúc bằng vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh). [2] Đảng Cộng sản Trung quốc. [3] phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc chống đế quốc và phong kiến. Mở đầu bằng cuộc biểu tình ngày 4.5.1919 của thanh niên học sinh, sinh viên Bắc Kinh phản đối quyết định của Hội nghị Hoà bình Pari chuyển tỉnh Sơn Đông (Shandong) từ thuộc địa của Đức thành thuộc địa của Nhật. © Thời Đại Mới Trở về trang chủ Thời Đại Mới 11-8-07

No comments: