Friday, March 4, 2016

LÝ CHÍ THỎA * MAO TRẠCH ĐÔNG 7

Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 72

Posted: 21/11/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63], [64], [65], [66], [67], [68], [69], [70], [71], [72]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Việc chúng tôi ra đi, Uông Đông Hưng coi như bị gạt bỏ. Đón chúng tôi ở Cáp Nhĩ Tân là các quan chức trong Uỷ ban cách mạng tỉnh Hắc Long Giang, họ tổ chức cho chúng tôi một chuyến tham quan thành phố kéo dài trọn một tuần lễ. Chúng tôi đi kiểm tra một đơn vị địa phương quân được vũ trang đầy đủ, tham dự buổi luyện tập chuẩn bị chiến đấu với Liên Xô. Thăm tổ hợp địa đạo xây dựng ngầm chống oanh kích, các bệnh viện dã chiến đặt ở ngoại ô thành phố. Tuy các thiết bị bệnh viện còn đơn giản, thiếu thốn, nhưng cũng đủ sức phục vụ cấp cứu khi chiến tranh xảy ra. Chúng tôi yêu cầu ra thăm đảo Trương Bảo, nhưng bị khước từ. Ở đó rất nguy hiểm, những cuộc đụng độ nhỏ vẫn thường xảy ra hàng ngày giữa hai bên.

Từ Cáp Nhĩ Tân chúng tôi đi tàu hoả đến thị xã nhỏ thuộc Mông Đường Giang, quang cảnh ở đây thật tuyệt vời. Suốt đêm đi dạo trên dãy hồ nhỏ Thanh Bá, trải rộng, từng hồ nhỏ rải rác trên miệng núi lửa đã tắt, khiến chúng tôi liên tưởng tới chuỗi hạt trai vương vãi. Đây là một nơi tuyệt đẹp, còn hoang sơ, nơi hổ và gấu vẫn còn cư ngụ. Sau cách mạng tháng Mười nhiều người Nga chạy đến đây sinh cơ lập nghiệp, làm nghề săn thú lấy da. Sau Cách mạng văn hoá 1966, họ chạy tán loạn, sống rải rác khắp nơi.
Cuối cùng, sau mười ngày được các quan chức đưa tham quan, mở tiệc chiêu đãi, chúng tôi đi bằng xe hơi đến huyện Ninh Hằng cùng với hai bác sĩ của tỉnh Hắc Long Giang. Cuộc đời “bác sĩ chân đất” của tôi bắt đầu.
Tôi ở trong văn phòng của Uỷ ban nhân dân xã, chung phòng với lương y Lý. Ông cư xử với tôi như một người cha, luôn quan tâm chăm sóc. Những cánh đồng bao quanh thật rộng lớn, chạy dài đến tận chân trời, vượt quá tầm mắt nhìn, hoàn toàn khác hẳn đồng ruộng phía nam, từng cánh đồng nhỏ bao quanh làng xã. Đất đai ở đây phì nhiêu, màu đen, chủ yếu trồng ngô, đậu tương.
Nhà cửa cũng khác với nhà ở miền nam. Nhà làm bằng đất sét, mái rơm. Bên trong nhà, những chiếc lò nhỏ, mặt lò xây bằng gạch, sưởi ấm về mùa đông và cũng là nơi ăn uống, chỗ ngủ của gia đình. Trên chiếc giường lớn ấy, cả gia đình ngủ chung không phân biệt tuổi tác và giới tính.
Khác với đa số những vùng khác trong nước, rừng nguyên sinh Hắc Long Giang còn nguyên, chưa bị nạn phá rừng tàn phá, củi rất nhiều, dùng làm chất đốt cho các gia đình.
Huyện Ninh Hằng, dân cư gồm người Trung Quốc và người thiểu số Triều tiên. Nhà của người Triều tiên, gọn gàng, đẹp hơn do có giấy màu trang trí dán bên thành lò. Người Trung Quốc phủ cỏ lên trên lò, vì thế nhà của họ trông đơn sơ, luộm thuộm. Đời sống nông dân ở Ninh Hằng không quá nghèo khổ như vài vùng ở tỉnh Giang Tây, nhưng vẫn thuộc diện nghèo. Trong làng không có cơ sở y tế, muốn khám bệnh bắt buộc phải ra tỉnh. Nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện đi khám bác sĩ vì quá xa, quá tốn kém. Khái niệm phục vụ y tế hiện đại không tồn tại ở đây. Một lần trong lúc thu hoạch mùa màng, một bà già bị một cái dằm đâm thẳng vào mắt. Tôi không có thuốc, cũng chẳng có dụng cụ để khám chữa, muốn chuyển bà lên bệnh viện thành phố. Chuyện đi bệnh viện tỉnh là chuyện hoang đường. Mọi cố gắng của tôi thuyết phục không dẫn đến kết quả, bà không đủ khả năng chi phí chuyến đi.
Chúng tôi, những bác sĩ duy nhất, họ bây giờ mới thấy. Hàng ngày chúng tôi đi từ làng này đến làng khác, giúp mọi người về y tế, bằng cách sử dụng những thuốc đơn giản nhất, những phương pháp khám xét đơn giản nhất. Tôi nghĩ, Mao, khi gửi tôi, đã hy vọng rằng nông dân nhìn tôi như “di sản của tư sản”, sẽ căm ghét, nhưng không, họ rất vui vẻ đón tiếp. Chúng tôi không từ chối bất cứ sự giúp đỡ nào, dù sao chăng nữa, đối với họ vẫn tốt hơn không có.
Bệnh lao và giun sán rất phổ biến ở đây. Họ nuôi lợn thả rông, đây là nguyên nhân reo rắc trứng giun sán. Dù chất đốt dư giả, nông dân ít khi nấu chín thức ăn đủ diệt mầm bệnh. Tôi nhiệt tình tham gia điều trị chứng giun sán giúp những người lao động bình thường.
Nhưng tôi không thể gặp được Lý Liên. Trung Quốc và Liên Xô đang trên miệng hố chiến tranh, Hắc Long Giang nơi có nhiều khả năng trở thành chiến địa. Vì thế Lý Liên và các đồng nghiệp rất không may mắn, bị chuyển về Trường Cán bộ 7-5 ở Hồ Nam, cách xa hàng nghìn dặm, đúng lúc trước khi tôi tới. Tôi nhớ gia đình kinh khủng. Tôi nghĩ, phải chăng đây là số phận ma quái, khắc nghiệt đã chia rẽ chúng tôi. Đôi khi nhận được thư nhà, tôi chỉ biết lơ mơ về tình cảnh vợ con. Người ta vẫn đồn thổi không hay về lý do vì sao tôi phải đi Hắc Long Giang. Có người nói vì tôi dính dáng chuyện chính trị, người khác bảo tôi bị Liên Xô bắt cóc, lại có tin tôi đào tẩu sang Liên Xô. Gia đình tôi cũng như tôi rất buồn với những tin đồn thất thiệt.
Nhưng những ngày tháng tôi sống ở nông thôn thật thanh bình và êm đềm. Mọi chuyện đấu tố bên ngoài chẳng lọt vào chỗ chúng tôi. Cách mạng văn hoá, cuộc đấu đá tranh giành quyền lực vẫn đang xảy ra trong nước, nhưng ở đâu đó xa xôi lắm, chúng tôi không cảm nhận thấy ở làng quê Ninh Hằng này.
Ngày 6-11-1970, bốn tháng sau, khi tôi đang ở trạm xá, đột nhiên xuất hiện một chiếc xe Jeep do Tư lệnh Trương, tỉnh đội trưởng lái đỗ xịch ngay trước cửa, người đã từng tháp tùng chúng tôi tham quan. Ông đi tìm hết làng này sang làng khác, phải mất vài tiếng đồng hồ mới tìm ra tôi. Văn phòng Trung ương ra lệnh, tôi phải quay về Bắc Kinh ngay, có việc khẩn cấp.
Tôi nhảy vội lên xe Jeep của Tư lệnh Trương, không kịp thay quần áo, để lại Trương và bác sĩ Ngưu điều hành đội y tế. Chiếc xe chạy thẳng về Mông Đường Giang, nơi có một sân bay duy nhất trong vùng. Đến đó khoảng mười giờ đêm, Tư lệnh Trương, người hiếu khách, làm bữa liên hoan chia tay. Tôi không thể từ chối, những quy tắc bất thành văn. Tôi rất lo về cuộc gọi khẩn cấp, không hiểu chuyện gì xảy ra.
Đến sân bay Mông Đường Giang khoảng 11 giờ đêm, một máy bay Il-62, tầm trung có 4 động cơ, Liên Xô sản xuất, có hơn trăm ghế đang chờ, sẵn sàng cất cánh. Tôi là người khách duy nhất trong chuyến bay. Máy bay cất cánh ngay sau khi tôi vào khoang.
Máy bay hạ cánh tại sân bay đặc biệt Tây Uyển ở Bắc Kinh lúc hơn hai giờ sáng. Trương, người lái xe của Mao đã chờ tôi. Xe chạy qua các phố xá tối om, vắng lặng hướng về Trung Nam Hải. Tôi mặc bộ quần áo mùa đông nông dân Hắc Long Giang, quần bông, chiếc áo da lót bông thô nặng. Trên đường đi, tôi toát mồ hôi trên đường đến nơi Mao ở trong khu bể bơi. Y tá Ngô Tự Tuấn đón tôi.
– Mao Chủ tịch đang chờ anh – cô ta nói thầm – Vào ra mắt Chủ tịch trước, tôi sẽ kể cho anh nghe mọi chuyện sau.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa

Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 61

Posted: 26/10/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Tôi thường xuyên xa gia đình, nhất là trong tình hình nước sôi lửa bỏng của cuộc đấu đá chính trị. Việc tôi trở về đoàn tụ vui mừng khôn xiết, bữa cơm tối xum họp với vợ con buổi đầu tiên trở về. Nhưng Lý Liên lo lắm. Tôi biết vợ tôi rất ngại Giang Thanh tham gia công tác chính trị, tin sự thù hận của Giang nhân dịp này sẽ trút lên đầu chúng tôi. Nhưng hình như còn có một cái gì đó làm vợ tôi bất an thì phải. Khi lũ trẻ đi ngủ, Lý Liên nói nhỏ:
– Em nhận được tin khủng khiếp lắm.
Vợ tôi thì thầm. Từ khi tiến hành Cách mạng văn hoá, chúng tôi thậm chí ở trong nhà riêng cũng buộc phải thì thầm.
– Điền Gia Anh đã tự sát.

Tin ấy làm tôi kinh hoàng. Điền Gia Anh, một trong số những người bạn thân nhất của tôi, đã chết. Điền Gia Anh, một trong số những thư ký chính trị của Mao, ông thường thông tin cho tôi những vụ việc xảy ra ở trung ương, giữa chúng tôi có nhiều điểm giống nhau. Mấy tháng gần đây, tôi thường nghĩ đến Điền Gia Anh, đặc biệt khi biết Trần Bá Đạt và Giang Thanh tham gia “Tiểu tổ Trung ương Cách mạng văn hoá” mới. Điền Gia Anh và Giang Thanh không hợp nhau. Sự ủng hộ của Trần Bá Đạt trong Đại nhảy vọt, dẫn đến Trần và Điền mâu thuẫn nghiêm trọng.
Điền Gia Anh không bao giờ ủng hộ Đại nhảy vọt, sự bất mãn của ông tăng lên sau khi Bành Đức Hoài bị thanh trừng năm 1959. Tôi biết, anh bạn Điền sẽ bị rắc rối, nhưng không thể ngờ anh tự huỷ hoại đời mình khi cuộc Cách mạng văn hoá mới sơ khai. Nhiều người trong số bạn thân của tôi chết trong Cách mạng văn hoá, nhưng Điền Gia Anh là người đầu tiên.
Tôi rất sốc, khi không một ai báo tin Điền tự tử. Dĩ nhiên, nhân viên quanh Mao ở Hàng Châu và Vũ Hán chắc chắn biết. Vì sao họ giữ kín cả với tôi?
Lý Liên cho biết sau khi bắt đầu “Cách mạng văn hoá vô sản vĩ đại” chính thức phát động ngày 16-5, Uông Đông Hưng, mới được cử làm giám đốc Tổng Văn phòng, có nói chuyện với Điền Gia Anh, sau đó cử một số nhân viên tới tịch thu các tài liệu của Điền – dấu hiệu đầu tiên cho thấy người ta xếp Điền Gia Anh vào diện thanh lọc. Lệnh thu hồi tài liệu ở một quan chức cao cấp cần phải có sự chỉ đạo từ một thủ trưởng rất cao. Hoặc từ Chu Ân Lai, hoặc từ chính Mao. Ngay đêm ấy, sau khi các tài liệu bị tịch thu, Điền Gia Anh treo cổ.
Lý Liên lo ngại cho tôi. Tại sao Mao cử tôi quay về Bắc Kinh trước khi ông có mặt? Vợ tôi cho rằng đang Mao kiểm tra, thử thách tôi. Ông muốn biết thái độ của tôi với Cách mạng văn hoá như thế nào, đứng bên nào, liệu còn trung thành nữa hay không? Nhà tôi yêu cầu từ nay phải kín đáo, đừng thổ lộ bất cứ với ai, e rằng chẳng bao lâu nữa tôi lại nằm trên thớt, rồi không chịu nổi sự nhục mạ, suy sụp tinh thần có khi cũng tự vẫn.
Đảng viên đảng cộng sản không được phép tự sát. Việc đó được xem như sự phản bội đảng. Người thân trong gia đình những người tự sát đến hết đời mình cũng phải mang cái mác “vợ kẻ phản bội” “con kẻ phản bội” và phải cắn răng chịu đựng suốt đời. Lý Liên có thể bị đuổi việc, bắt buộc phải lao động làm thuê. Hơn thế, cả vợ tôi, các con thơ dại cũng có thể bị đi đầy. Đêm ấy, vợ tôi thì thầm, van xin:
– Nếu anh tự tử, cả nhà cũng chết theo!
Tôi hứa, không bao giờ tự tử. Nhưng tôi hiểu, có thể sẽ bị công kích, gia đình tôi cũng sẽ phải chịu đau khổ. Một người trong gia đình bị lăng nhục, cả nhà bị nhục. Không có con đường nào trốn thoát.
Trong đầu tôi vụt ra một ý, chỉ có một cách duy nhất hoá giải. Tôi khuyên Lý Liên:
– Trong ngày mà họ bắt anh, em phải nộp đơn ly dị ngay.
Nghĩ lại, sao tôi lại xuẩn ngốc đến như thế. Ly dị không thể cứu được gia đình tôi. Trong những năm Cách mạng văn hoá, tôi chứng kiến rất nhiều gia đình, chết, ly dị, ly thân cũng chẳng thay đổi, hoãn lại bản án đã đưa ra.
Tôi chuẩn bị đương đầu với thử thách đầu tiên. Lý Liên nói đúng: Mao cử tôi về Bắc Kinh để kiểm tra độ trung thành.
Hôm sau, tôi báo cáo Uông Đông Hưng, Chủ tịch ra lệnh cho tôi gặp Đào Chú và tìm hiểu bước đi của Cách mạng văn hoá. Đào phải có mặt ở Bắc Kinh ngày hôm sau. Uông Đông Hưng yêu cầu tôi gặp Đào tại sân bay, thu xếp nơi ăn chỗ ở cho Đào trong khu Trung Nam Hải.
Trên đường từ sân bay về, tôi thông báo cho Đào biết về sự phân công của Mao. “Dễ ợt, không thành vấn đề” – Đào trả lời và đề nghị hôm sau sẽ thăm Trường Đại học Liên hợp Y khoa Bắc Kinh, giờ đây được đổi tên thành Đại học Y khoa Trung Quốc. Đào bảo:
– Tôi sẽ bảo người trong nhóm “Tiểu tổ Trung ương Cách mạng văn hoá” đưa anh đến đó.
Tôi ngần ngại. Tôi rất khó chịu sự tả khuynh của nhóm này. Gặp họ nghĩa tôi hoà nhập với họ, quan tâm dính líu vào chính trị, điều tôi không muốn. Người ta có thể cho tôi là người của họ, “phái hữu khuynh”. Với tôi, gặp Đào Chú không ngại, vì chính Mao thu xếp việc này. Nhưng gặp người hữu khuynh có thể tôi vào vòng nguy hiểm. Tôi gặp bất cứ ai trong phe hữu khuynh ngoài Đào ra có thể gặp rắc rối sau này mà không có người bảo vệ. Mao có thể nói, chỉ ra lệnh gặp Đào Chú, không gặp người khác.
Uông Đông Hưng đoán được sự tiến thoái lưỡng nan, ông bảo vệ tôi, nói với Đào:
– Chủ tịch yêu cầu bác sĩ Lý nói chuyện với đồng chí, không phải với các thành viên khác. Tôi không nghĩ anh ấy cần gặp một ai khác.
Đào Chú đồng ý. Ông yêu cầu tôi đi cùng Giang Huy Chung Bộ trưởng Bộ y tế, khi ông thăm Đại học Y khoa. Một số nhân viên trong Ban Tuyên giáo của Đào Chú tháp tùng chúng tôi.
Trường Đại học Y khoa Trung Quốc trong tình trạng hỗn loạn, khi chúng tôi đến khu Đại học đang có biến cố lớn. Giang Huy Chung chịu trách nhiệm trực tiếp về tình hình ở trường Đại học. Sinh viên bãi khoá, các đại tự báo (báo chữ to) phê phán, chỉ trích cán bộ công nhân viên nhà trường, được treo, dán đầy mọi nơi. Tôi không còn hồn vía nào nữa, khi thấy một trong số các khẩu hiệu nhằm thẳng chống chính Bộ trưởng Giang Huy Chung. Người ta gọi ông là “cặn bã của Quốc dân đảng”. Giang từng là bác sĩ phẫu thuật trong quân đội Tưởng Giới Thạch, nhưng gia nhập cộng sản từ năm 1934, sau khi bị bắt làm tù binh ở An Huy. Trong quá khứ, đảng đã từng hân hoan chào đón “những người đảo ngũ” từ Quốc Dân đảng trở về. Với tôi, Giang đã vào đảng rất sớm trong thời gian kháng Nhật, trước cả nội chiến Quốc-Cộng. Từ trong tâm can, tôi tin Giang hoàn toàn vô tội. Không khí ở khu Đại học chứng minh đầy đủ sự khủng bố chính trị.
Tôi tự hỏi, những người không ủng hộ tôi trong Nhóm Một, nếu họ điều tra lý lịch, chắc chắn cũng bị tấn công không thương tiếc. Quá khứ sẽ tiêu ma sự nghiệp và đời tôi. Tôi mới vào đảng sau giải phóng. Cha tôi từng giữ chức vụ cao cấp trong Quốc dân đảng, vợ tôi con đại địa chủ. Mặc dù lý lịch tôi đã được điều tra kỹ, không vướng mắc gì từ năm 1953 nhưng cũng vô nghĩa trong tình hình hiện nay.
Khi chờ Giang, sinh viên mít tinh ở hội trường. Sinh viên tụ tập từng nhóm, bàn tán hăng hái. Tôi nghe thấy các khẩu hiệu sinh viên thét vang khi chúng tôi bước vào. Tôi ngồi phía sau, chẳng ai biết tôi là ai, Giang Huy Chương lên bục, đồng chí Hứa đại diện Ban Tuyên Giáo, người mà Đào Chú cử đi cùng, lẩn vào đám đông, biến mất tăm. Đám sinh viên vô tổ chức la hét, đấu tố người đứng trên bục, tôi nghe thấy họ buộc tội Bộ trưởng y tế phục vụ cho các “quan”, phớt lờ sức khỏe quần chúng nhân dân. Họ trích dẫn “Chỉ thị 26-6 (1965)” của Mao để chứng minh đều họ lên án.
Bỗng nhiên tôi hiểu, bản chỉ thị 26-6 này chính là bức giác thư Mao ra lệnh tôi viết tóm tắt sau cuộc trò chuyện, trước đêm tôi với Uông Đông Hưng đi Thạch Tư. Lúc đó, tôi gửi bản ấy cho Bành Chân và Bộ trưởng Giang Huy Chung. Nội dung của cuộc nói chuyện giữa Chủ tịch và tôi đã biến thành “Chỉ thị 26 tháng Sáu”, được sử dụng để tấn công Giang Huy Chung, bạn tôi.
Tôi khổ sở lắm. Tôi quý, rất ngưỡng mộ Giang Huy Chung. Giá như tôi không gửi bài viết của Mao chỉ trích Bộ y tế, có lẽ ông đã tránh được cuộc đấu tố như thế này. Tất cả mọi người trong hội trường, chỉ có Bộ trưởng Giang biết tôi là người viết bản chỉ thị, đi cùng ông đến đây theo đề nghị của Đào Chú, theo phán bảo của Mao và cũng là người duy nhất biết tôi bác sĩ của Mao. Rời cuộc họp tôi chưa hết bàng hoàng, thề không bao giờ tham gia những cuộc họp như thế nữa. Giờ đây tôi hiểu, tôi quá may mắn, quá khứ không bị phanh phui. Nếu phải trả lời những câu hỏi về quá khứ, về thành phần gia đình, chắc chắn đời tôi tiêu. Uông Đông Hưng biết tôi rất lo lắng.
Vận hạn chính trị Đào Chú phải trả quá lớn, quá nhanh. Ông bị mất chức vào tháng 12 năm ấy, chỉ vì không chịu lệ thuộc dưới trướng Giang Thanh, lại ủng hộ những người lãnh đạo khác, kể cả Giang Huy Chung và tỉnh đảng bộ Hồ Bắc, Vương Nhiệm Trọng, những người đã rơi tầm ngắm sẽ bị thanh trừng.
Sau khi Đào Chú và Giang Huy Chung bị thanh trừng. Đồng chí Hứa bên Ban Tuyên Giáo, người đi kèm chúng tôi đến Trường Đại học Trung Quốc rồi lẩn mất vào đám đông, đột nhiên tái xuất hiện, rồi tấn công tôi. Ông viết thư cho giám đốc “Tiểu tổ Trung ương Cách mạng văn hoá” Trần Bá Đạt, tố cáo tôi, đồng minh thân cận của Đào Chú, người bị thanh trừng, đã đến Đại học Y khoa để bảo vệ Giang Huy Chung. Trần Bá Đạt chuyển bức thư đó cho Mao. Mao cho tôi xem thư này.
Tôi nhắc với Chủ tịch:
– Nhưng chính Chủ tịch đề nghị tôi về Bắc Kinh gặp Đào Chú.
Mao cười, bảo:
– Nếu họ buộc tội anh có mối quan hệ chặt chẽ với những người ấy, có lẽ tôi cũng nên thông báo với họ, anh và tôi có quan hệ rất gần gũi, thân thiết lắm.
Ông khuyên tôi nên viết một tờ báo khổ chữ to, tố cáo Giang Huy Chung. Tôi không làm, nhưng Mao cũng chẳng biết. Chủ tịch đã cứu tôi, ông gạch tôi khỏi danh sách những người cùng phe Đào Chú. Nhưng những người khác, hoàn toàn vô tội, vô can như tôi, không có được một sự che chở may mắn như thế, sẽ chết.
***
Mao muốn tôi tham gia tích cực vào Cách mạng văn hoá. Ông không cho phép tôi đứng ngoài cuộc chiến. Việc thử thách lòng tin của tôi được tiếp tục. Hai tuần sau khi quay về Bắc Kinh, ông gọi tôi vào buồng ngủ trong khu Hương Cúc.
Mao muốn tôi và y tá trưởng Ngô Tự Tuấn sáng hôm sau đi cùng con gái ông, Lí Nạp, vào Đại học Bắc Kinh.
– Hãy xem những tờ báo chữ to, thảo luận trao đổi với sinh viên, xem họ bị buộc tội phản cách mạng đúng hay sai! – Ông ra lệnh.
Náu mình bởi cuộc nghỉ hè ở Hàng Châu và Vũ Hán, Mao đẩy Lưu Thiếu Kỳ chịu trách nhiệm phát động cuộc Cách mạng văn hoá. Lưu Thiếu Kỳ đưa những đội quân công nhân đến các trường Đại học điều khiển phong trào chính trị đang bùng phát. Nhưng Mao lại nghi ngờ thay bằng sự ủng hộ, ông cổ vũ sinh viên nổi dậy, nhưng những người do Lưu cử đến ngăn chặn sinh viên, phê bình kết án họ là bọn phản cách mạng.
Tôi chẳng thích đi cùng Lí Nạp, nhiều người ở Đại học Bắc Kinh biết cô là sinh viên khoa lịch sử của trường. Tôi e rằng, nếu người ta nhìn thấy ba chúng tôi đi với nhau, họ sẽ nghĩ là Mao tham gia phong trào.
Nhưng Mao chẳng lo điều này.
– Cái gì cơ? – Ông trả lời – Thật là tuyệt, nếu ở Đại học Bắc Kinh người ta nghĩ rằng cả tôi bị cuốn vào cách mạng văn hoá. Theo tôi, các đồng chí nên ủng hộ sinh viên.
Lí Nạp mời một số bạn học và giáo sư gặp chúng tôi ở hội trường. Tôi nói dăm ba câu. Sau đó sinh viên bắt đầu phàn nàn về giới lãnh đạo Đại học Bắc Kinh. Lý Bình, phó hiệu trưởng, người tôi từng tiếp xúc, khi Lí Nạp bị cảm, phải đưa vào bệnh viện, lại là đối tượng chú ý đặc biệt của những người nổi loạn.
Sinh viên tố cáo, Đảng uỷ nhà trường đã ngăn cuộc cách mạng của họ, khi đội công nhân thay thế ban lãnh đạo đảng lại không ủng hộ sinh viên nổi dậy, còn buộc tội họ phản cách mạng. Sau khi nghe sinh viên tố cáo, chúng tôi đi bộ quanh khu trường Đại học, đọc báo chữ to dán khắp nơi. Tất cả sinh viên ở Đại học đổ xuống đường, tụ tập thành những nhóm nhỏ, tiến hành các cuộc thảo luận chính trị sôi nổi.
Những cái gì xảy ra ở Đại học Bắc Kinh, tôi không quá quan tâm. Vấn đề chính trị thật sự không phải ở khu trường Đại học, mà ở hàng ngũ các nhà chính trị chóp bu của đảng. Tôi cho rằng, bản thân các nhà lãnh đạo phải tìm ra phương cách giải quyết bất đồng của mình. Không cần thiết phải lôi sinh viên vào vạc dầu sôi này.
Mao, tất nhiên, nghĩ khác. Ông tuyên chiến với chính những người lãnh đạo đảng của ông, và giờ đây, thậm chí hơn cả năm 1957, không tin vào đảng có thể tự thay đổi. Ông không thể dựa vào trí thức, có thể thay đổi ý thức hệ của đảng. Khi ông kêu gọi “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, họ đã hưởng ứng, nhưng không những phê phán, chỉ trích đảng, họ còn phê phán, chống chủ nghĩa xã hội và cả Chủ tịch nữa.
Trong thời kỳ Cách mạng văn hoá, Mao vượt qua sự cản trở thói quan liêu trong đảng và chính quyền, đặt niềm tin vào cánh tay của thanh niên đang sùng bái ông. Chỉ có thanh niên mới có lòng dũng cảm đấu tranh với các lực lượng chính trị già cỗi, cổ hủ. Mao tâm sự với tôi, khi chúng tôi còn ở Vũ Hán.
– Chúng ta cần dựa vào họ để bắt đầu làm cách mạng. Nếu làm khác đi, chúng ta không thể đánh đổ được bọn yêu ma, quỷ quái.
Mao không cần tôi báo cáo về tình hình ở Đại học. Ông biết quá rõ cái gì đang xảy ra ở đó, nhưng đã cử tôi tới, như một lần nữa kiểm tra quan điểm của tôi với Cách mạng văn hoá.
Ông muốn biết liệu tôi có coi sinh viên là bọn phản cách mạng hay không.
– Không, dĩ nhiên là không rồi – Tôi trả lời không cần suy nghĩ – chẳng lẽ lại có nhiều bọn phản cách mạng đến thế trong đám sinh viên?
– Đúng – Mao tán thành – Đó chính là điều tôi muốn nghe ở anh.
Tôi đã thành công trong cuộc thử thách đầu tiên. Ngay sau đó, Mao cho giải tán đội công nhân do Lưu Thiếu Kỳ thành lập, buộc tội họ âm mưu tiêu diệt sinh viên, có ý đồ gây rối.
Việc quay lại Bắc Kinh, Mao muốn cho mọi người biết sự lùi bước đã kết thúc, ông sẽ trực tiếp chỉ đạo quần chúng. Ngày 29-6-1966, Mao triệu tập cuộc họp trong Đại lễ đường Nhân dân, có đến 10 nghìn học sinh sinh viên, trung học và Đại học để nghe tin về sự giải tán đội công nhân. Sinh viên bị kết án nổi loạn được tha bổng, miễn hình phạt. Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình bị buộc chịu trách nhiệm trước quần chúng vì đã cử đội công nhân trong khi Mao vắng mặt.
Bản thân Mao không có ý định tham dự các cuộc họp đặc biệt. Ông từ chối công khai mối quan hệ với Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình trước quần chúng. Coi như không biết có các vị lãnh đạo khác, cũng như học sinh, sinh viên, ông lặng lẽ vào thính phòng, Trước khi cuộc họp bắt đầu, tôi tháp tùng và ngồi sát ông, sau bức rèm cánh gà, ông chăm chú lắng nghe, không nói một lời, cho đến khi Lưu Thiếu Kỳ tiến hành “tự phê bình”.
Bài phát biểu của Lưu “tự phê bình” rất giống bài tự phê bình của Mao năm 1962. Lưu Thiếu Kỳ công nhận ông không làm gì sai trái, chỉ chấp nhận ông và các đồng sự – “những nhà cách mạng lão thành đang đứng trước những vấn đề phát sinh mới” giải quyết chưa tốt. Do thiếu kinh nghiệm, không có sự nhạy cảm cần thiết để dẫn dắt cuộc Đại cách mạng văn hoá vô sản này đi đúng hướng.
Khi nghe đến điều đó, Mao cười lớn, mỉa mai:
– Các nhà cách mạng lão thành ư? Bọn phản cách mạng lão thành thì đúng hơn!
Tim tôi giật thót. Tôi từng coi cuộc Cách mạng văn hoá là sự lừa đảo, bây giờ thể hiện rõ nét. Mục tiêu chính nhằm vào Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, coi họ là bọn phản động chui vào đảng, “lấy danh nghĩa đảng, thao túng chính quyền đi theo con đường tư bản”. Chiến dịch cách mạng văn hoá được kêu gọi phát động để tiêu diệt họ.
Sau Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai lên diễn đàn. Ông cố gắng giải thích cho sinh viên ý nghĩa và mục đích Cách mạng văn hoá. Mao đứng lên, định bỏ về phòng 118, nơi ông ưa thích trong toà nhà Quốc vụ viện, cách không xa phòng họp.
Nhưng đột nhiên ông thay đổi quyết định, nói với tôi:
– Chúng ta cần phải ủng hộ cuộc cách mạng của quần chúng chứ.
Khi Chu Ân Lai kết thúc bài phát biểu. Cánh gà phía sau hậu trường được kéo ra, thật bất ngờ như có phép mầu nhiệm, Mao chủ tịch từ hậu trường, tiến ra khán đài. Đám đông rồ lên reo hò. Mao vẫy tay chào mừng tất cả mọi người, cả hội trường sôi động hô theo nhịp: “Mao chủ tịch muôn năm! Mao chủ tịch muôn năm!” Bản thân Mao lúc ấy đi đi lại lại trên sân khấu, từ tốn, nét mặt thản nhiên, tay vẫy vẫy.
Đám hò reo vẫn chưa ắng xuống, tiếng hô vẫn nghe rõ, khi Mao rời sân khấu, trong niềm vui hoan hỉ về phòng 118. Chu Ân Lai, như một con chó trung thành, lẽo đẽo theo sau.
Mao không thèm để ý Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, coi như họ không có mặt, cả hai người kinh ngạc, sửng sốt, ở lại sân khấu. Nhiều người vẫn không nhận ra khoảng cách giữa ông và Lưu, Đặng.
***
Ba ngày sau, 1-8-1966, Mao viết một bức thư gửi học sinh trường Trung học, trực thuộc Đại học Thanh Hoa. Nơi có một nhóm thanh niên lập ra ở đó một tổ chức nổi loạn, mang tên “Hồng vệ binh”. Mao khen ngợi, nhận xét rằng “nổi loạn là đúng đắn”. Lời của Mao được được in lại trong nhà in sinh viên và tức thời trở thành khẩu hiệu vang dội, kêu gọi tập hợp thanh niên toàn Trung Hoa. Các nhóm Hồng vệ binh bắt đầu ra đời ở các trường trung học và Đại học trong toàn quốc.
Để ủng hộ “báo chữ to”, dán khắp nơi trong khu trường Đại học, Mao viết một áp phích lớn của riêng mình, tiêu đề “Ném bom Tổng hành dinh” được chính quyền trung ương truyền bá nhanh chóng. Mao phê phán, ít nhất trong 50 ngày qua hoặc lâu hơn nữa, chính “các đồng chí” kể cả chính quyền trung ương lẫn địa phương đã chống đối đảng, đi theo bọn tư sản, phản động cố gắng dẫn tới độc tài tư sản. Họ ra sức – Mao khẳng định – phá hoại Đại cách mạng văn hoá vô sản. Do kích động của Mao, Cách mạng văn hoá tiến sâu thêm những bước mới. Thanh niên xông ra ngoài phố tấn công cơ sở đảng, tin tưởng rằng chính Mao ủng hộ họ, vì ông đã viết “nổi loạn là đúng đắn”, vì vậy việc họ tham dự là tốt, là đúng đắn.


Mao vẫn tiếp tục phớt lờ hệ thống quan liêu của đảng. Ngày 10-8-1966 Mao “đón tiếp đội quân quần chúng” ở cổng phía tây của Trung Nam Hải. Về sau này, ông chào đón hàng triệu Tiểu Hồng vệ binh, từ khắp nơi trong cả nước tiến về Bắc Kinh, trên quảng trường Thiên An Môn. Tính đến cuối năm 1966, tám lần tôi đứng với Mao trên lễ đài hoặc ngồi trong xe mui trần, khi ông gặp Tiểu Hồng vệ binh, từ các miền xa xôi đất nước để được nhìn thấy lãnh tụ vĩ đại.
Lâm Bưu cũng thường xuyên ở bên Mao, đương nhiên, chứng suy nhược thần kinh tiêu tan khi ông tham gia vai trò chính trị mới, chẳng còn sợ ánh sáng mặt trời, chẳng sợ gió. Ông thường xuyên tháp tùng Mao, mỉm cười và vẫy tay đám đông đứng dưới lễ đài.
Tới lúc này tôi biết được rõ sự đối đầu của Mao với Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, mà lần đầu tiên cảm nhận trong đại hội đảng lần VIII, năm 1956, giờ đã trở nên đỉnh cao, hai người sớm muộn cũng bị loại bỏ. Dù vậy, đa số nhân dân vẫn chưa rõ mục đích thật sự Cách mạng văn hoá của Mao. Với người thân tín, tôi và vài người khác, Mao cả quyết Lưu và Đặng là kẻ phản động. Nhưng trước công luận ông tỏ ra ôn hoà. Khi tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 11, tiến hành từ 1 đến 12-8-1966, Chủ tịch bắt đầu nói về mối quan hệ này.
– Nếu như đảng ta là đảng duy nhất được tồn tại – ông nói – Nhà nước ta sẽ biến thành nhà nước quân chủ. Một điều hoàn toàn xa lạ, rất lạ nếu trong đảng ta không có mâu thuẫn nội bộ, có những ý kiến trái chiều.
Người ta cứ tưởng ông sẽ khoan dung với những người bất đồng chính kiến. Mao nói tiếp:
– Chúng ta không thể cấm người khác mắc khuyết điểm, nhưng chúng ta cần phải biết khoan dung, cho phép họ sửa chữa thiếu sót, sai lầm.
Nhưng đó chỉ là những lời lừa gạt, Mao không những không cho phép ai chống lại quan điểm của ông mà cũng chẳng khoan dung với ai bất đồng chính kiến. Bất cứ ai trước kia đã từng chống ông, phê phán ông, sớm muộn cũng sẽ bị trừng phạt không thương tiếc.
Nhưng lời của Mao chỉ làm người nghe hiểu sai. Mao thực tế không cho phép một bộ phận nào của dân chúng chống lại quan điểm riêng của ông. Ông không tha thứ cả những người có ý nghĩ khác.
Tục ngữ Trung Hoa có câu: “Muốn phủ giòng sông bằng nước đá dầy một mét, phải cần nhiều năm”. Đối với Mao, cũng phải cần nhiều năm để ông loại bỏ kẻ thù, ông tiếc, mãi đến bây giờ mới làm được điều này, mối hận thù ông theo đuổi rất lâu, từ trước khi giải phóng. Để tạo nên thắng lợi, ông sẵn sàng đẩy đất nước rơi vào hỗn loạn.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa


Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 62

Posted: 29/10/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Được sự ủng hộ của Mao, đám sinh viên nổi loạn trở lên điên cuồng bỏ trường, xuống đường tìm kiếm nhà những người bị tình nghi có khuynh hướng “tư sản”. Khi Hồng vệ binh bắt đầu đổ xô vào những nhà riêng, tra hỏi chủ nhà, cố tìm tòi lục soát tìm bằng chứng “ghét chế độ xã hội chủ nghĩa” thì cuộc sống yên lành của tôi ở đường Quảng Xương cũng bị đạp vỡ.
Ngay từ lúc bắt đầu, mục đích chính của Cách mạng văn hoá đánh vào tầng lớp trên của hệ thống y tế. Các nhà lãnh đạo của Bộ Y tế bị đấu tố liên tục. Trong khu nhà tôi có ba gia đình thứ trưởng. Sau khi Hồng vệ binh và nhân viên phe phái Giang Thanh trong Tiểu tổ Cách mạngg văn hoá nguỵ trang giả làm Hồng vệ binh đi quấy rối, xông vào khám xét, chúng đóng chiếm luôn khu chúng tôi ở, lôi thốc các thứ trưởng ra đường, vào lục soát, khám xét nhà của họ. Tôi chưa phải là mục tiêu nhưng khu tôi trở nên hỗn loạn, từng đoàn thanh niên trẻ tuổi đi khắp nơi, tung tin cáo buộc vô cớ, mọi người đều bị nghi ngờ. Tôi nơm nớp lo sợ bị lôi đi hỏi cung, đấu tố. Lý Liên yêu cầu tôi đừng về nhà, hãy tạm lánh sống trong Trung Nam Hải. Chừng nào tôi ở gần Mao, bọn sinh viên không thể thọc tay kéo tôi ra được.

Mao cho phép tôi ở lại, ông giao cho tôi và y tá trưởng Ngô Tự Tuấn nhiệm vụ mới. Chúng tôi cần phải đọc tất cả các báo cáo từ khắp nơi chuyển tới tư dinh ông, sàng lọc tin tức, ghi chép, báo cáo những tin chú ý và quan trọng nhất. Khi bùng nổ các hoạt động chính trị trong nước, số lượng thông tin, thư từ chuyển về nhiều đến mức tất cả nhân viên của Mao chắc chắn đọc không xuể, không đủ sức đọc hết.
Tôi vui vẻ đồng ý tham gia. Tất cả các dạng tin tức, nhiều thứ trước đây bí mật, bỗng nhiên lại thành công khai. Thậm chí những tài liệu và văn kiện giải quyết của chính quyền trung ương được các sinh viên – Hồng vệ binh xuất bản. Trong đó chứa những báo cáo từ các cuộc họp ở đó các quan chức hàng cao cấp nhất bị đấu tố.
Đọc các báo cáo về diễn biến phong trào tôi không tham gia, dính líu. Sống ở Trung Nam Hải, hiếm khi có mặt ở nhà, tôi nén chịu, dù rằng chỉ tạm thời, để tránh khỏi nguy hiểm. Tôi đau lòng vì vẻ đẹp của Quảng Xương đã bị phá huỷ nhiều đến thế, nhưng tôi cảm ơn số phận đã mang tôi vào Trung Nam Hải.
Chẳng bao lâu, Trung Nam Hải cũng không còn là nơi an toàn. Mọi người làm việc ở đây đều bị nghi ngờ. Thậm chí Chu Ân Lai cũng không an toàn, bị Giang Thanh và những người đồng lõa với bà buộc tội xét lại. Về điều này, tờ Văn Báo đã đăng, trong một bài báo do Ngô Hảo viết, đã giả mạo sử dụng bí danh của Chu, bóng gió ông ly khai Đảng cộng sản. Tôi đi dạo bể bơi trong nhà, Chu đến để thảo luận tình hình đang phát sinh với Mao, đem theo tờ báo có bài đăng về ông. Bài báo được kẻ thù của ông trong Quốc dân đảng viết. Chu vạch ra rằng, trong khi bài được đăng tải ông đã rời Thượng Hải, vì thế không có lý do gì ông là tác giả bài viết. Chủ tịch chưa bao giờ kể với tôi sự kiện bê bối này, nhưng tôi biết, Chu Ân Lai không quên bài báo này đến tận khi chết. Mao hoàn toàn nhất trí với báo cáo của Chu, nhưng nổi giận vì cách làm vô trách nhiệm của các cộng sự vợ ông, Vương Lý và Quan Phương.
Cái chết của Điền Gia Anh gây ra sự đánh giá trái ngược. Nhiều người ở Trung Nam Hải kính trọng, quý mến ông, cái chết của ông làm đau buồn, gây xúc động cho bạn bè. Nhưng Điền chính thức bị dán nhãn kẻ phản bội, tất cả những ai có quan hệ thân thiết với ông đều bị tình nghi. Chu Ân Lai vẫn giữ lòng trung thành với Mao, ông lo ngại ở Trung Nam Hải có thể còn những kẻ phản bội khác giấu mặt, ai đó trong số nhân viên của Điền Gia Anh chuẩn bị phản bội Chủ tịch. Ông chỉ thị Uông Đông Hưng tăng cường các biện pháp an ninh, tiến hành một đợt kiểm tra mới tất cả các cán bộ, nhân viên để đảm bảo độ tin cậy. Uông trao nhiệm vụ cho thuộc hạ của mình, Dư Quan, một người tốt bụng, thông minh. Tất cả những ai có lý do nghi ngờ về sự tin cậy, được đưa vào diện “tầng lớp điều tra”.
Chúng tôi, làm việc ở Trung Nam Hải, được kêu gọi đánh giá thái độ chính trị của mình, phải tố cáo những người có nghi ngờ về Mao chủ tịch, đảng, chủ nghĩa xã hội. Với sự chú ý đặc biệt, người ta để ý tới những người bạn và đồng nghiệp của Điền Gia Anh. Tôi cũng nằm trong số này.
Sau vài tuần, Đổng Bằng, vợ goá của Điền, bị kết tội. Là vợ của kẻ phản bội, người ta liệt bà vào “tầng lớp điều tra”. Nhưng Đổng Bằng tuyên bố, một lòng một dạ trung thành với Mao chủ tịch, giờ đây đảng lại ghép tội, xếp vào “tầng lớp điều tra”. Bà “muốn vạch rõ ranh giới” giữa mình và người chồng “phản bội” Điền Gia Anh, bà một lòng một dạ trung thành với đảng nhưng bị nghi ngờ vì chồng. Chỉ khi nào chứng minh được điều đó, Đổng Bằng mới có thể xoá bỏ được cái nhãn “vợ của kẻ phản bội”. Bà ta xoay ra tố cáo tôi, cách bà ta muốn đổi lại, chứng minh lòng trung thành, sùng kính đảng của bà.
Lời tố cáo của Đổng Bằng mạnh về logic, nhưng yếu về bằng chứng. Bà tố cáo, tôi và Điền Gia Anh rất thân thiết với nhau, thường xuyên trao đổi mọi công việc, nhưng lại không tìm ra bằng chứng cụ thể nào về thái độ, hành vi chống đảng của tôi. Nhưng bà lý luận, nếu Điền Gia Anh là phần tử chống đảng, thì tôi, bạn thân của Điền cũng phải như thế.
Lại một người nữa, Bằng Thanh Thuỷ, thư ký của Điền cũng buộc tội tôi. Khác với Đổng Bằng, anh ta chẳng có chứng cớ gì cả. Anh ta tố cáo về cuộc họp giữa tôi, Uông Đông Hưng và Lâm Khắc, thư ký trước đây của Mao năm 1963, trong thời gian đi công tác trên tầu hoả với Mao, tôi không đồng ý với chính sách đấu tranh giai cấp của Chủ tịch. Tôi không thích chiến dịch “cải tạo xã hội chủ nghĩa” mới. Bằng Thanh Thuỷ thậm chí lại còn trích dẫn lời tôi: “Chủ tịch chẳng muốn nhân dân một ngày được thanh bình. Chúng ta vừa mới bắt đầu sản xuất một lượng đủ nông phẩm để nuôi nhân dân, quyết định của Chủ tịch lại làm đảo lộn mọi chuyện”. Bằng Thanh Thuỷ buộc tội tôi đả kích tính cách Mao, gọi Mao là kẻ đa tình, tán tỉnh ve vãn các cô gái trẻ.
Chính Bằng Thanh Thuỷ chẳng nghe thấy tôi nói những vụ việc như thế bao giờ. Thế nhưng người ta tin lời tố cáo của Bằng. Lâm Khắc, người hay kể các cuộc nói chuyện của chúng tôi với Điền và Bằng. Trong bầu không khí khủng bố chính trị của Cách mạng văn hoá, những lời phát biểu như thế coi như sự thể hiện phản cách mạng. Nếu Giang Thanh hoặc đồng sự của bà biết điều này, tôi chắc là khó thoát khỏi bị tống giam.
Nhưng Uông Đông Hưng bảo vệ tôi. Ông không có cách nào khác. Chính Uông cũng nằm dưới sự nghi vấn chẳng nhẹ chút nào, Hồng vệ binh theo dõi ông và Ban an ninh Trung ương từng cử chỉ, từng hành động. Tôi là phần đầu trong mắt xích dẫn tới ông ta. Uông thường giới thiệu tôi là bác sĩ riêng của Mao, nếu tôi trở thành kẻ phản động, Uông cũng là kẻ phản động. Hơn nữa, Uông có mặt khi tôi nói những điều phản động, tại sao Uông không tố cáo, như thế Uông có dấu hiệu đồng tình và cộng thêm với những lý do khác, cũng sẽ bị kết tội phản động. Nếu tôi bị bắt, người ta sẽ buộc tôi phải thú tội đã tâm sự với các nhân viên của Mao, dĩ nhiên, sẽ truy ra người khác. Tôi sẽ làm luỵ đến Uông, bởi vì chính Uông cũng nói rất nhiều điểm xấu về đời tư của Mao.
Uông không hoảng hốt, bình tĩnh, nói:
– Trường hợp xấu nhất, chúng ta cùng nhau ngồi tù. Trong nhà tù được ăn, sống tự do, chẳng lo gì đến công việc. Việc gì mà phải sợ?
Nhưng giờ đây quyền lực của Uông đối với tôi rất lớn. Cả hai bức thư tố cáo họ giao cho ông. Nếu ông ghét tôi, chuyển thư này cho Giang Thanh hay đồng minh của bà, chắc chắn tôi bị bắt.
Uông không thể đốt nó đi được, người ta theo dõi rất kỹ, nếu đốt thư tố cáo, một bằng chứng khuất tất mà ông dấu kín. Ông giữ thư ở nhà riêng, chỗ thật kín đáo. Uông nói Dư Quan, người chịu trách nhiệm các cuộc điều tra ở Trung Nam Hải, cảnh cáo Bằng Thanh Thuỷ để anh chàng này ngừng mưu đồ tố cáo ngầm.
Đến ngày 7-5-1967, thành lập Trường Cán bộ, hàng triệu cán bộ cộng sản bị dán nhãn “tầng lớp điều tra” được đẩy đến đi lao động khổ sai ở vùng sâu vùng xa, trong số những người Uông đẩy đi có cả Bằng Thanh Thuỷ. Anh ta ở lại đó hơn thập niên, đến năm 1978.
Một vài tháng sau khi tố cáo tôi, Hồng vệ binh thuộc Ban An ninh Trung ương do Uông Đông Hưng lãnh đạo đã hằn học tấn công vào Uông. Bài báo chữ to của nhân viên dưới quyền ông, xuất hiện ở Trung Nam Hải, yêu cầu phải bỏ Uông Đông Hưng vào vạc dầu, hoặc thiêu sống. Đặc biệt dữ dội là bích trương của Trương Trí Thanh, lái xe của Chủ tịch. Nhà của Uông không còn là nơi an toàn nữa. Hồng vệ binh bất kỳ lúc nào cũng có thể xông vào khám xét. Uông cần phải vứt bỏ các tài liệu.
Uông Đông Hưng mang những bức thư, buộc tội chúng tôi, đến nộp Chu Ân Lai, người có thể trở thành mắt xích tiếp theo trong chuỗi xích, và yêu cầu cất giữ chúng.
Chu sợ hãi. Giữ các bức thư như thế này có thể xem như thể cầm than hồng trong tay. Nhưng vị thế của thủ tướng cũng đang lung lay, buộc phải cần sự ủng hộ, bảo vệ Uông Đông Hưng. Chu Ân Lai đã giấu các bức thư trong két sắt, khoá lại. Các bức thư ấy nằm lại ở đó cho tới lúc Chu Ân Lai qua đời vào tháng giêng 1976. Chỉ khi đó Uông Đông Hưng mới lấy lại chúng và đốt đi.
Cuộc tấn công vào Uông Đông Hưng kết thúc nhanh chóng vì Mao yêu cầu phải chấm dứt. Mao nói với tôi: “Hệ thống an ninh không được phép phá huỷ”. Mao lệnh cho Chu Ân Lai, nay đến lượt Chu, yêu cầu không một ai làm việc quanh Chủ tịch được tham gia cuộc Cách mạng văn hoá. Ông cảnh cáo người lái xe, Trương Trí Thanh, phải biết vị trí công tác của Uông Đông Hưng, không ai được làm tổn hại đến người chịu trách nhiệm bảo vệ sinh mạng của Chủ tịch. Mao ra lệnh cho Trương:
– Hãy thông báo chỉ thị của tôi với tất cả nhân viên khác.
Uông nhân cơ hội sử dụng lệnh của Chủ tịch củng cố thêm vị thế trong Ban An ninh trung ương. Tất cả Hồng vệ binh trong cuộc đấu tố kẻ phản quốc đều được gửi vào “Trường Cán bộ 7 tháng 5” ở Giang Tây. Cơ quan Ban An ninh của Uông Đông Hưng là cơ sở duy nhất ở Trung Quốc, không những sống sót qua Cách mạng văn hoá, không bị thiệt hại, mà còn mạnh hơn. Điều này được thấy rõ trong cái nền hỗn loạn chung. Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương đảng không làm việc, nhiều nhà lãnh đạo phải rời khỏi chỗ của mình và bị đàn áp. Sự lộn xộn không trừ cả Quốc vụ viện, do Chu Ân Lai đứng đầu.
Để làm dịu tình, Mao thành lập một Uỷ ban chính trị đặc biệt. Trong Uỷ ban này có sự tham gia của các thành viên bao gồm “Tiểu Tổ Trung ương Cách mạng văn hoá”, cả Chu Ân Lai, Bộ trưởng công an Tạ Phú Trị, Diệp Quần – vợ Lâm Bưu, và Uông Đông Hưng.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa


Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 63

Posted: 31/10/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Mao cần Uông Đông Hưng, người phụ trách an ninh bảo vệ Chủ tịch, thiếu Uông, Mao không yên tâm. Càng muốn tóm hết kẻ thù, ông càng cảm thấy không an toàn. Sau khi phát hiện khu Hương Cúc, tư dinh trong Trung Nam Hải bị gài “bọ” nghe lén, Mao giờ đây nghi ngờ tới cả nơi ở của mình, sợ rằng khi vắng mặt, lại có thêm “bọ” mới.
Chẳng bao lâu Mao chuyển sang biệt thự thuộc Building I, đồi Châu Xuân ngoài Bắc Kinh. Tôi sống cùng ông, nhưng một vài ngày sau Mao cho rằng chỗ này nhiễm chất độc, yêu cầu chuyển sang nơi khác.

Chúng tôi vào Đào Dư Thái, một khu nhà rộng, nơi chính phủ tiếp khách quốc tế, phía tây Trung Nam Hải., nơi vua chúa ngày xưa thường câu cá. Bây giờ ở đó là cả một quần thể biệt thự, được xây dựng hài hoà trong hàng cây và hồ thả cá. “Tiểu Tổ Cách mạng văn hoá Trung ương” đặt bộ chỉ huy trong khu nhà đó. Giang Thanh, Trần Bá Đạt và một số thành viên khác cũng chiếm vài biệt thự quanh đấy. Mao dọn vào biệt thự số 10. Giang Thanh ở biệt thự số 11.
Tuy nhiên chẳng mấy chốc ở Đào Dư Thái, Mao cũng cảm thấy không an toàn. Ông cho khắp chốn đều nguy hiểm, quyết định quay về phòng 118 trong toà nhà Quốc vụ viện, nơi trong số nhân viên phục vụ có nhiều phụ nữ trẻ, sống tạm ở đó vài tháng. Đến cuối năm 1966, lại quay về Trung Nam Hải, nhưng không về khu Hương Cúc, mà về building nơi ông ở từ năm 1950, nơi có bể bơi trong nhà. Những căn phòng mới xây hiện đại, rộng hơn những căn hộ trước đây, Chủ tịch sống ở đây cho đến trước khi qua đời mấy tuần.
Ngay sau khi quay về Bắc Kinh tháng 7, Mao lại bận rộn với đám phụ nữ, cho phục hồi các buổi dạ vũ, hoà nhạc mà cuộc Cách mạng văn hoá làm gián đoạn. Một tháng sau, Giang Thanh từ Thượng Hải quay về cũng vào khu này sống.
Ông vui vẻ cùng các cô gái thưởng thức những buổi hoà nhạc và vở kinh kịch “Hoàng Đế quyến rũ nữ tỳ”, nhưng Hồng vệ binh xác định đó là kinh kịch phản cách mạng bị cấm. Giờ đây, Giang Thanh nắm quyền điều khiển văn hoá, bà đã thay đổi hoàn toàn. Tôi hoảng lên vì phong cách và trang phục của bà. Giang Thanh mặc bộ quần áo rộng hết cỡ to đến nỗi Mao có thể mặc vừa, đi đôi giầy da cứng, dành cho đàn ông, đế thấp. Giang Thanh trở nên kiêu ngạo theo kiểu nhà độc tài. Trong tay bà là số phận của hàng triệu con người, bà ra những sắc lệnh cứng nhắc, thái quá. Điều lệnh mới, bà không cho phép tổ chức những buổi dạ vũ hội, đến cuối tháng 8, khuyên Mao không tham dự và đuổi bọn đàn bà đi.
– Tôi trở thành sư mất – Mao phàn nàn với tôi ngay sau sự kiện này.
Nhưng sau vài tuần, đám phụ nữ quay về. Phòng 118 lại trở thành tụ điểm vui chơi, giải trí của các cô gái trẻ sống trong các phòng Phúc Kiến, phòng Giang Tây (mỗi tỉnh của Trung Quốc đều có 1 phòng mang tên 1 tỉnh trong khu Đại lễ đường Nhân dân, trang trí theo phong cách địa phương) đến mua vui cho Mao. Ngay cả khi Cách mạng văn hoá đạt tới đỉnh cao và quảng trường Thiên An Môn chìm ngập trong tiếng hò reo, trên đường phố Hồng vệ binh đi tuần suốt đêm, Mao tiếp tục cuộc sống đế vương, vui vầy với đám bạn gái trong cung Hội trường đại biểu toàn quốc, được bao bọc bởi bức tường xung quanh Trung Nam Hải.
***
Những phụ nữ, người trước đây từng gần gũi với Mao, trong thời gian Cách mạng văn hoá bị rơi vào tai hoạ và giờ đây tìm Mao che chở.
Trương Ngọc Phượng là người đầu tiên. Đầu tháng 11-1966, cô đến cổng bảo vệ Trung Nam Hải, mang theo quà biếu Mao, một chai rượu “Mao Đài” và hộp chocolate. Từ lâu Trương không trực tiếp phục vụ Chủ tịch, không có giấy phép ra vào, cô đành gọi y tá của Mao, Ngô Tự Tuấn giúp. Tuy vậy, Trương vẫn thuộc biên chế phục vụ trên đoàn tàu đặc biệt của Chủ tịch. Nhưng từ khi về Bắc Kinh, họ chưa gặp nhau vài tháng. Trương Ngọc Phượng – khi đó mới ngoài hai mươi – đã đi lấy chồng, giờ đây đang rơi vào tai hoạ.
Hồng vệ binh ở bộ phận phục vụ chuyến tầu đặc biệt, lật đổ bí thư đảng cũ, tiếm quyền bí thư. Trương Ngọc Phượng, đảng viên, cô trung thành với bí thư cũ, ủng hộ ông từ lâu nên cũng vào tầm ngắm. Trương mang chút quà lấy cớ đến thăm, mong sao được Mao che chở.
Khi Ngô Tự Tuấn báo cáo về Trương Ngọc Phượng, Mao không những gặp người tình cũ của mình, còn đồng ý giúp đỡ. Mối quan hệ đặc biệt giữa ông và cô nhân viên phục vụ tầu đặc biệt ai cũng biết, nên chẳng ai nghi ngờ khi cô ta quay về kể lại cuộc gặp với Chủ tịch. Khi cô nói với các bạn đồng nghiệp, chính Chủ tịch nói, bí thư đảng uỷ cũ không bị phế truất, người ta phục hồi công tác cho Trương Ngọc Phượng, chẳng ai dám động đến cô nữa.
Lưu, một trong số bạn gái của Mao, làm việc trong Đoàn văn công Không quân, là người tiếp theo đề nghị ông che chở, cũng lại nhờ qua Ngô Tự Tuấn. Lưu đi cùng hai bạn gái. Khi gặp Ngô Tự Tuấn, ba cô gái khóc như mưa. Lưu kể, tổ Cách mạng văn hoá thâu tóm lực lượng không quân. Đơn vị các cô làm ở đó chia thành hai phái: phái nổi loạn, muốn loại bỏ sự lãnh đạo hiện thời của đảng và “phái bảo hoàng”, cương quyết giữ lại sự tồn tại cũ của nó. Trong số thành viên của phái bảo hoàng, có những phụ nữ trẻ này. Tất cả các bạn gái Mao trong thời gian trước đã được kiểm tra cẩn thận về lý lịch cũng như sự trung thành tuyệt đối với đảng.
Khi Hồng vệ binh chiếm lĩnh, nắm quyền kiểm soát, họ quẳng các cô gái ra lề đường không thương tiếc. Gặp Ngô Tự Tuấn, họ đã bị tống khứ ra đường đã 2 ngày nay.
Mao vui vẻ cho gặp cả 3 người, ông bảo:
– Nếu họ không muốn đồng chí, có thể ở lại với tôi. Họ nói đồng chí bảo vệ Hoàng đế phải không? Tốt lắm, Hoàng đế là tôi đây.
Mối quan hệ trước đây với Chủ tịch giúp Lưu rất nhiều. Mao trao đổi với Diệp Quần, trưởng ban Cách mạng văn hoá trong Quân uỷ đừng động đến cô gái này và bạn cô ta. Diệp Quần còn đi xa hơn. Theo gợi ý của bà, Tư lệnh không quân Vương Phú Thắng bổ nhiệm Lưu làm lãnh đạo Uỷ ban cách mạng văn hoá trong đoàn văn công. Từ một cô gái đã bị ném ra hè đường Lưu đã nhanh chóng biến thành người hoạt động nổi tiếng của cuộc Cách mạng văn hoá.
Lưu và các bạn cô từ sau đó thường xuyên viếng thăm Mao. Mao thường một vài ngày tách ra về Đào Dư Thái để thư giãn với họ. Một lần Giang Thanh về Đào Dư Thái không báo trước, làm các cô một bữa lo sợ. Rất may, y tá trường đã kịp báo, họ nhanh chóng tẩu thoát, trước khi vợ Chủ tịch xộc vào phòng ông.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Mao gọi Ngô Tự Tuấn.
– Trong khi lãnh đạo cao cấp muốn gặp tôi, tất cả phải được sự đồng ý của tôi. Vì sao Giang Thanh lại dược ngoại trừ? Nói cho Uông Đông Hưng, ra chỉ thị cho bảo vệ, không cho bất cứ ai vào, khi tôi chưa cho phép.
Từ lúc đó đến khi Mao qua đời, Giang Thanh phải xin phép mỗi khi muốn thăm chồng.
Tình bạn giữa những cô gái này và Diệp Quần phát triển tốt đẹp. Năm 1969, khi Lưu mang thai, Diệp Quần cho là con Mao, thu xếp cho Lưu một buồng dành cho lãnh đạo cao cấp trong bệnh viện đa khoa của không quân, hàng ngày gửi đồ ăn ngon cho Lưu. Khi đứa bé được ra đời, Diệp Quần đến tỏ vẻ thích thú “Thật là tin đáng mừng!” Vợ Lâm Bưu reo lên. “Chủ tịch có một vài con trai, nhưng một số đã chết, còn số đang sống lại bị bệnh tật. Đây mới đích thực thằng bé tiếp tục nối dõi tông đường”. Nhiều người đã tin rằng đứa bé giống Mao như lột.
Tôi và Ngô Tự Tuấn thăm Lưu trong bệnh viện. Cương vị của tôi ở chỗ Mao đòi hỏi tôi phải để ý sức khoẻ cả bạn gái ông. Lưu nghĩ rằng tôi, cũng như Diệp Quần, tin Mao là cha đẻ của đứa bé. Nhưng tôi không kể cho ai biết rằng Mao bị vô sinh, không có khả năng sinh con.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa



Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 64

Posted: 02/11/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63], [64]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Tới tháng giêng 1967 cả nước trong tình trạng hỗn loạn. Những cuộc đụng độ đã nổ ra, một vài nơi đã có tiếng súng. Các cơ quan đảng, chính phủ tê liệt. Sản lượng các nhà máy tụt xuống, một số nơi đóng cửa. Giao thông đình trệ. Lâm Bưu và Giang Thanh đứng đầu đám nổi loạn, đưa ra các khẩu hiệu: “Lật đổ tất cả”, “Tiến hành nội chiến”.
Xí nghiệp, trường học phân hoá làm 2 phe phái. Các nhóm tạo phản vũ trang tiếp tục tấn công các cơ quan đảng uỷ. Những người phe cánh của đảng cộng sản – “phần tử bảo hoàng” – đánh nhau chống lại chúng. Dù vậy cả trong đảng bộ cũng không có hoà bình. Những người lãnh đạo cũng chia năm xẻ bẩy, hung hăng tấn công lẫn nhau, đồng thời mỗi người cũng hy vọng sẽ chiếm thế thượng phong và giành được quyền lực.

Hiện tại phe phái phần tử bảo thủ vẫn mạnh hơn. Các đảng bộ trong nhiều năm đã nhận được quyền lực rất lớn, nên khó có thể dễ dàng đánh đổ họ. Ý nghĩa tư tưởng và nguyên tắc trong cuộc tranh giành quyền lực này không có giá trị gì hết.
Cuối tháng giêng, Mao đứng về phía nổi loạn, yêu cầu trục xuất các đảng bộ phe bảo thủ. Mao kêu gọi quân đội ủng hộ phái tả khuynh nổi loạn. Mao làm điều này, như ông nói với tôi, Cách mạng văn hoá không thể thành công, nếu không ủng hộ những người tả khuynh. Nhiệm vụ của quân đội, phải ủng hộ lực lượng cánh tả, công nghiệp và nông nghiệp, cũng như trong việc quân sự hoá tất cả cơ quan chính phủ và huấn luyện quân sự cho tất cả học sinh, sinh viên. Sau một vài tháng, gần hai triệu binh lính đã được kêu gọi “ủng hộ cánh tả”.
Tại Bắc Kinh, Mao tìm sự giúp đỡ của Uông Đông Hưng và Sư đoàn cận vệ Trung ương. Sư đoàn cận vệ dưới bí số 8341, sư đoàn này không trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Mao có đường dây nóng riêng với Uông, có thể ra mệnh lệnh trực tiếp không cần thông qua văn phòng bộ Tổng tham mưu của Lâm Bưu và tư lệnh quân khu. Nhưng Mao không gặp Uông hàng ngày, chỉ tôi gặp, tôi trở thành mắt lưới của hệ thống. Mao lờ hết các nghi thức chính quyền, ông ra lệnh mồm cho tôi chuyển tới Uông.
Mùa xuân năm 1967, tôi thông báo cho Uông Đông Hưng biết, Mao muốn Uông cử một đội thuộc Sư đoàn Cận vệ trung ương đến một số nhà máy ở Bắc Kinh, bắt đầu từ Nhà máy dệt Bắc Kinh. Đến lượt Uông, ông lại ra lệnh cho viên phó ban, Dương Đức Trung, thành lập Văn phòng “ủng hộ phái hữu”. Văn phòng “ủng hộ phái hữu” lại thành lập “Uỷ ban quân quản” gồm 8 thành viên trong Sư đoàn cận vệ. Hai thành viên của Uỷ ban quân quan chịu trách nhiệm tiếp quản Nhà máy dệt Bắc Kinh, cựu chiến binh Vạn Lý Trường Chinh, Quý Vĩnh Sinh và phó chính uỷ Sư doàn cận vệ Tôn Yên. Quý và Tôn nhanh chóng dẫn đoàn đến tiếp quản nhà máy.
Mao không cho phép tôi đứng ngoài. Ông giao cho tôi nhiệm vụ cùng với quân đội tới nhà máy dệt như một quan sát viên và liên lạc viên, như theo cách ông nói, tôi là tai mắt của Mao, sau đó báo cáo lại tất cả tình hình cho ông. Nhiều thành viên Nhóm Một được cử tới các nhà máy khác.
Tôi không thích nhiệm vụ được giao. Nó chính là cạm bẫy. Tình hình chính trị hiện nay quá phức tạp đối với tôi, làm sao tránh được thiếu sót. Tôi oán Giang Thanh đã bày ra cái trò này. Bà ta thường vẫn buộc tội tôi chỉ đứng từ Trung Nam Hải ngó xem chứ không tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng. Thái độ trung lập, không tham gia dính líu tôi thấy là phương kế tốt, Giang Thanh coi đó là thái độ xấu. Mao cũng vậy, yêu cầu tôi tham gia “Đại cách mạng văn hoá vô sản”, ý ông muốn biết tôi đứng bên phía nào. Mao nói, đây là cơ hội để tôi cải tạo bản thân thông qua bão tố cách mạng.
Tôi cố tìm ra một sự thoả hiệp bằng cách giới hạn hoạt động của mình ở nhà máy trong lĩnh vực y tế. Tôi đề nghị tổ chức một đội y tế dưới sự lãnh đạo của tôi. “Như vậy chúng ta có thể gần gũi công nhân một cách tự nhiên và nhận được thông tin mà chúng ta cần” – Tôi báo cáo Chủ tịch. Ông đồng ý.
Tôi đến nhà máy đầu tháng 7, sau Uỷ ban quân quản mấy tuần.
Nhà máy dệt Bắc Kinh nằm ở phía đông thành phố, khoảng nửa giờ đạp xe từ Trung Nam Hải. Ngoài vải bông, vải pha nilon nhà máy còn sản xuất cả quần áo lót. Xuất khẩu chính sang Rumani là quần áo lót dệt kim nữ sang Rumani. Nhà máy có khoảng gần 1000 công nhân, chia làm hai phe. Đảng uỷ nhà máy bị xoá xổ, người ta giáng cấp trưởng và phó bí thư đảng uỷ xuống làm đốc công. Nhưng cuộc chiến đấu để xem ai sẽ điều khiển nhà máy vẫn tiếp tục. Tám trăm trong số một nghìn công nhân vẫn quan sát cuộc đấu đá của các phe phái, không chấp nhận phe nào cả. Tuy thế số người còn lại đã hiểu mối quan hệ với các cuộc đập phá không thể cắt nghĩa nổi. Chẳng ai làm việc, các vụ đấm đá bằng tay không đã bùng lên trong các cuộc đấu khẩu.
Quý Viễn Sinh và Tôn Yên thay mặt Uông Đông Hưng cũng chẳng thể nào dàn hoà được cuộc đấu tranh. Nhưng thấy tôi đến, họ lại tin có một khả năng đoàn kết được 2 nhóm. Họ quyết định và bày tỏ nguyện vọng để tôi báo cáo với Mao.
– “Chúng tôi được Mao chủ tịch cử đến đây” – Các sĩ quan trong Sư đoàn cận vệ nhấn mạnh với các người cầm đầu phe phái – “Mao chủ tịch muốn các bên đoàn kết lại”.
Khi những người lãnh đạo nhà máy không tin Mao cử nhóm quân đội, các sĩ quan đưa tôi ra làm chứng cớ: “Nếu các đồng chí không tin, hãy nhìn xem, cùng đi với chúng tôi là bác sĩ riêng của Chủ tịch”.
Các người cầm đầu phe phái không tin tôi chữa bệnh cho Mao. Bản thân tôi chưa bao giờ nói cho người khác biết công việc tôi làm. Ngoài đời, tôi chẳng nhất thiết cho họ biết mối quan hệ của tôi với Mao.
Khi Quý Viên Sinh và Tôn Yên chìa ra những bức ảnh, trong đó tôi đứng sau Chủ tịch trong khi, Mao duyệt Hồng vệ binh. Thái độ hoài nghi bắt đầu giảm. Về sau tôi hiểu, khi tôi rời nhà máy, một số công nhân theo sau bám đuôi, khi thấy ô tô đi vào Trung Nam Hải, họ mới tin tôi là bác sĩ riêng của Chủ tịch. Như vậy, với cương vị làm việc của tôi đã đóng góp tốt vai trò của mình. Các phe phái đang giao tranh, cuối cùng tin rằng, nhóm quân đội đúng là do chính Mao chủ tịch gửi tới, đồng ý chấp nhận vai trò trung gian giải hoà của nhóm quân sự. Sự xung khắc của họ nhanh chóng được giải quyết. Tháng 9-1967, “Uỷ ban cách mạng” mới thành lập, nắm quyền điều khiển nhà máy, công việc sản xuất hồi phục dần.
Tôi báo cáo cho Mao tất cả mọi diễn biến. Ông lộ vẻ vui mừng. Ông không tin giai cấp công nhân lại có những bất đồng nội bộ nghiêm trọng đến thế. Công nhân cần phải đoàn kết lại, Mao nhấn mạnh. Mao viết một thông điệp ủng hộ công nhân để chứng tỏ rằng phái bộ quân sự hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông. “Tongzhimen, nimen hao ma?”, (Công việc của các đồng chí thế nào?), Mao viết, trao tờ thông điệp cho tôi.
Tôi chuyển thông điệp cho Uông Đông Hưng và ông chuyển nó cho Uỷ ban cách mạng nhà máy. Các thành viên của Uỷ ban phấn khởi đến mức, không trì hoãn, triệu tập hội nghị tất cả tập thể để xem lời dạy của Mao chủ tịch đối với công nhân. Người ta đề nghị tôi lên diễn đàn, nhưng tôi từ chối. Khi công nhân biết rằng Mao chủ tịch tự tay viết cho họ một vài lời, vỗ tay như sấm. Bức thông điệp Mao được treo trên bảng thông tin trong sân nhà máy để mọi người xem nó.
Sau đó lãnh đạo nhà máy cho chụp ảnh bức thông điệp, phóng to gấp nhiều lần, dán trước cổng ra vào để công nhân trông thấy.
Ít lâu sau Uỷ ban cách mạng được tuyên dương là Uỷ ban kiểu mẫu, làm việc dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Mao chủ tịch. Oai quyền của Uông Đông Hưng và sự ngưỡng mộ trong vụ này ở nhà máy được tăng lên gấp bội. Tới mùa xuân 1968 năm xí nghiệp đầu đàn khác cũng dưới sự kiểm soát của Uông Đông Hưng – Nhà máy in Trung Quốc, Liên hiệp chế biến gỗ miền bắc, Nhà máy hoá chất số 2, Nhà máy ô tô Nam Châu và Nhà máy ô tô 7 tháng 2. Các nhà máy này trở nên nổi tiếng cả nước như những xí nghiệp gương mẫu, do chính Mao chủ tịch lãnh đạo.
Bỗng nhiên nhiều người muốn chuyển sang Sư đoàn 8341 và Nhà máy dệt Bắc Kinh, họ mong muốn làm việc ở đó để được dưới sự lãnh đạo trực tiếp và che chở của Mao chủ tịch. Trong nhóm đầu tiên của những người hăng hái có những phụ nữ trong nhân viên phục vụ Hội nghị đại biểu toàn Trung Quốc và bộ phận chung của Trung Nam Hải. Tất cả họ đều là các cô gái trẻ phục vụ phòng 118. Uông Đông Hưng và Mao chào mừng quyết định của họ. Những phụ nữ này mặc quân phục đến nhà máy trong tiếng sấm vỗ tay và tiếng vang của dàn nhạc. Công nhân nam giới tổ chức mit tinh. Để ghi nhận sự kiện này, các phóng viên kéo đến nhà máy. Báo ảnh Nhân dân Nhật báo và Báo ảnh Quân Giải phóng đều đăng ảnh các nữ chiến sĩ đến nhà máy dệt.
Nhìn thấy ảnh, Giang Thanh không hài lòng. Bà lên án nhân viên phục vụ Hội nghị đại biểu toàn Trung Quốc trá hình giả danh quân đội. Thời ấy nhiều người mặc quân phục, kề cả Giang Thanh. Nhưng Giang cho rằng giả danh mặc quân phục chỉ dành cho người có chức vụ cao chứ không dành cho những nhân viên thấp kém. Bà chỉ thôi càu nhàu khi Uông Đông Hưng nói, chính Mao chủ tịch cho phép những cô gái này mặc quân phục.
Sau đó, Diệp Quần và Tổng tham mưu Hoàng Trung Thành đến thăm nhà máy. Mục đích của họ, cổ vũ hình mẫu điều khiển trực tiếp của Mao chủ tịch. Để tỏ lòng tôn kính đặc biệt, họ chọn Tôn Yên, phó ban Quân quản, hứa với ông cùng kết hợp trong hoạt động, yêu cầu Tôn Yên tiến hành các cuộc đàm phán của các phe thù địch bằng cách tăng cường Uỷ ban về vấn đề quân sự và đại bản doanh không quân. Với sự liên kết chặt chẽ với Tôn Yên, Diệp Quần và Hoàng Trung Thành chỉ đạo hoạt động ở nhà máy, cử người thân tín đến theo dõi lâu dài.
Với sự quan tâm đặc biệt của Diệp Quần và Hoàng Trung Thành, liên lạc trực tiếp của Mao với nhà máy không còn nữa, thực hiện qua đường dây trung gian.
Tôi cảm thấy cả Uông Đông Hưng và Tôn Yên đều trung thành với Mao, không hề tin “sự lãnh đạo” của Diệp Quần đưa người vào nhà máy. Tôi lo ngại việc Diêp Quần can thiệp sẽ gây khó khăn cho Uông Đông Hưng với Tôn Yên. Nếu Tôn Yên lộ chuyện nói có mối quan hệ mật thiết với Diệp Quần và Hoàng Trung Thành cái gì sẽ xảy ra? Mao có nghi ngờ hay không?
Tôi bày tỏ sự nguy hiểm của mình với Uông: “Tôn Yên cũng là thuộc hạ của anh, Mao có thể nghĩ là anh ngả sang người khác”.
Uông Đông Hưng không đồng ý với cảnh báo của tôi. Dưới bão tố Cách mạng văn hoá, Uông muốn tăng quyền lực bằng cách liên minh với tất cả những ai có khả năng giúp. Chỉ có Giang Thanh, Uông vẫn ghét từ trước, mong muốn loại bỏ bà ta từ lâu nên không liên kết. Với Lâm Bưu, Uông đối xử khác. Đây là người mai kia sẽ kế vị Mao, Uông không bỏ lỡ cơ hội chiếm niềm tin và sự ủng hộ của Lâm Bưu.
Tháng 8-1966, khi nguyên soái nguyên soái Lâm Bưu ốm, tôi cùng với Uông tới thăm. Uông Đông Hưng nói với tôi, ông tiến hành cuộc thăm viếng có tính chất cá nhân, chứng minh mối quan hệ của mình với Mao. Tin rằng liên minh Lâm Bưu với Giang Thanh mang tính chiến thuật, Uông kể cho Lâm Bưu về sự xung khắc không thể dàn hoà được của mình với vợ Chủ tịch. Uông đã tin vị thế Lâm Bưu vững chắc, không cần dựa vào Giang Thanh.
Tới tháng Tám, Lâm Bưu và Uông Đông Hưng đã thoả thuận được. Nguyên soái hứa giúp nếu Uông rơi vào cảnh hiểm nghèo. Uông Đông Hưng đồng ý thông báo cho Lâm Bưu tất cả những việc xảy ra quan trọng quanh Mao.
Chiến lược của Uông cực kỳ nguy hiểm. Tôi nói với ông:
– Nếu thậm chí tin bóng gió về sự thoả thuận của đồng chí lọt ra, đó sẽ là tai hoạ.
Uông nghĩ khác.
– Tôi thề làm tất cả những gì có thể làm được đánh đổ Giang Thanh – Uông cũng không nghĩ tới đường thoái – Rò rỉ tin? Ai bẩm báo? Không phải anh và không phải tôi. Thế thì ai đây?
Tôi, người duy nhất Uông nói cho biết về sự thoả thuận với Lâm Bưu. Nhưng mỗi lần, thấy sự thái quá của Uông dành cho nguyên soái và vợ ông ta, tôi phát nôn. Tôi không bao giờ an tâm dưới quyền lãnh đạo của Lâm Bưu, không tin sự trung thành tuyệt của Bưu đối với Mao. Uông Đông Hưng đang đùa với lửa.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa


Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 65

Posted: 05/11/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63], [64], [65]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Quan hệ của tôi với Mao xấu đi. Việc không tham gia tích cực trong chiến dịch chính trị gây cho Mao sự nghi ngờ về lòng trung thành. Chẳng cần phải ủng hộ phe đối lập, chỉ cần ai đó đứng bên ngoài cuộc tranh giành chính trị do Mao phát động, có lẽ chỉ cần như vậy cũng đủ bị Chủ tịch nghi ngờ rồi.
Dấu hiệu đầu tiên rõ nhất thể hiện không hài lòng của Mao với tôi, ngày 13-6-1967. Hôm ấy Mao đi Vũ Hán, đây là lần đầu tiên từ khi tôi trở thành bác sĩ riêng, ông không bảo tôi đi cùng. Thay thế tôi, một bác sĩ quân y do Lâm Bưu giới thiệu.

Tôi thất kinh, cả Uông Đông Hưng cũng thế. Việc gạt tôi khỏi chuyến đi, Uông cho rằng là mưu kế của Giang Thanh. Còn nguyên soái chắc khó biết nguyên nhân thực sự vì sao tôi ở lại. Giang Thanh hỏi ông chọn một bác sĩ cho Chủ tịch. Uông sợ Giang Thanh sử dụng thời gian vắng mặt của Mao để loại bỏ tôi.
Bạo lực Cách mạng văn hoá tiếp tục lan rộng. Các cuộc đánh nhau trên đường phố không ngừng tiếp diễn, các vụ bắn nhau tăng lên. Đặc biệt nghiêm trọng, tình hình ở Vũ Hán, nơi Mao dự định đứng ra làm người trung gian hoà giải các phe thù địch.
Nhưng cả Bắc Kinh cũng nằm trên vực thẳm của sự hỗn loạn. Với chuyến đi của Mao, việc điều khiển thủ đô rơi vào tay Giang Thanh. Uông Đông Hưng sợ một ai đó trong số đồng đảng của Giang Thanh có thể bắt cóc tôi. Uông yêu cầu tôi đừng quay lại nhà máy dệt, nơi có nhiều tay chân của Giang Thanh.
– Cứ ở lại ở Trung Nam Hải. Nếu thấy nguy hiểm, đừng chậm trễ chạy đến Vũ Hán với tôi.
Uông nói đúng. Từ Trung Nam Hải, nếu xảy ra chuyện gì, ít ra tôi có thể tìm thấy khả năng liên kết với Vũ Hán.
Tôi ở lại Trung Nam Hải, nhưng té ra lại chỉ để trở thành người nhân chứng, chứng kiến những điều tồi tệ nhất mà Uông Đông Hưng từng lo ngại. Mao vắng, phe Giang Thanh kiểm soát quyền lực, ngay cả đặc khu cũng rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Đối tượng đầu tiên của cuộc tấn công lại là vị nguyên thủ quốc gia, Lưu Thiếu Kỳ. Ngay sau khi Mao đi khỏi, hàng trăm sinh viên thức đêm tập hợp nhau ở cổng phía tây Trung Nam Hải, đông kín phố Phủ Hữu, thét vang khẩu hiệu đòi lật đổ Lưu. Bức tường bao bọc màu đỏ tươi giờ đây dán đầy các báo chữ to, kể tội người mà Mao từng tuyên bố, sẽ kế vị ông. Đến chiều tình trạng càng tồi tệ, giao thông tê liệt. Đến đêm, sinh viên dựng lều, cắm trại chiếm ngay cổng ra vào. Khu vực này trở nên rối loạn, hàng ngàn người mồ hôi nhễ nhại dưới cái nóng thiêu đốt của mặt trời tháng 7, thực phẩm thiu thối, nồng nặc mùi phân nước tiểu vung vãi khắp nơi. Tôi vẫn ở trong Trung Nam Hải, trằn trọc nằm trong văn phòng cơ quan, lo lắng không biết ngày mai cái gì sẽ xảy ra. Trong lịch sử nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa, chưa bao giờ có chuyện Trung Nam Hải bị bao vây như thế này. Nhân viên Ban bảo vệ Trung ương có nhiệm vụ bảo vệ an ninh khu nhà ở các nhà lãnh đạo, án binh bất động, trong khi dân chúng nổi loạn kéo đến mỗi lúc một đông. Tất cả đều gì Uông Đông Hưng phòng bị chẳng có tác dụng. Ông đang ở Vũ Hán với Mao.
Ngày 18-7 tình trạng trở nên thật tồi tệ. Tôi đang ngồi trong văn phòng đọc báo, một cậu bảo vệ hộc tốc xộc vào báo tin. Lưu Thiếu Kỳ bị Hồng vệ binh bắt ngay trước cửa nhà khách Quốc vụ viện, chúng đang đấu tố ông. Tôi hộc tốc chạy đến đó.
Đám đông vây quanh, hầu hết cán bộ nhân viên Tổng văn phòng thư ký. Lính và sĩ quan đứng nhìn, không một ai có hành dộng nào thể hiện sự can thiệp. Lưu Thiếu Kỳ và vợ ông – Vương Quang Mỹ đứng giữa đám đông giận dữ vây quanh. Đặc biệt đám nhân viên Tổng văn phòng thư ký xô đẩy, đấm đá hai người. Áo sơ-mi của Lưu đã bị xé toạc, vài cái cúc áo bật tung. Người ta tóm tóc lôi ông đi. Khi tôi rẽ đám đông tới gần, nhìn thấy người ta bẻ gập cánh khuỷu ông ra sau lưng, ấn đầu giúi người ông gập về phía trước theo hình thước thợ, tư thế “tầu bay”. Cuối cùng họ đẩy ông ngã, ấn mặt xuống đất, đấm đá túi bụi. Lính và nhân viên sĩ quan của Sư đoàn cận vệ từ chối can thiệp, họ đứng yên. Tôi không thể xem tiếp sự tàn nhẫn này được nữa. Lưu Thiếu Kỳ gần 70 tuổi và ông là người đứng đầu quốc gia.


Tôi rời nơi đây, đi đến khu chung cư của vợ chồng Đặng Tiểu Bình-Trác Lâm và gia đình Đào Chú-Tăng Tri. Cả hai gia đình cũng bị tấn công, đấu tố. Họ đều bị đám đông lôi kéo xô đẩy, reo hò đả đảo nhưng không bị đấm đá.
Dương Đức Trung đứng xem cuộc đấu tố, tôi hỏi anh xảy ra cái gì thế. Anh ta bảo lệnh của Tiểu tổ Cách mạng văn hoá từ đêm qua tấn công các nhà lãnh đạo tối cao. Biết tin này, Dương gọi điện cho Uông Đông Hưng nhưng không có hồi âm.
Uông lâm vào tình thế lưỡng nan. Uông không thể báo cáo trực tiếp cho Mao chuyện bạo loạn ở Trung Nam Hải. Nếu báo cáo, có nghĩa ông chống lại quyết định của Tiểu tổ Cách mạng văn hoá, chẳng ai dại gì bị phái hữu khuynh tấn công. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Uông và Mao lâu nay đang có vấn đề, Mao đang đặt những câu hỏi mối quan hệ giữa Uông và Lưu Thiếu Kỳ. Uông tháp tùng Lưu Thiếu Kỳ và phu nhân viếng thăm Indonesia năm 1963. Tuy Uông đã báo cáo đầy đủ cho Mao chuyến đi, nhưng ông vẫn nghi ngờ việc Uông quá thân thiết với Lưu Thiếu Kỳ, vì thế Uông không dám bảo vệ Lưu, người mà Mao muốn lật đổ.
Chỉ ba ngày sau sự kiện ở Trung Nam Hải tấn công vợ chồng Lưu, Đặng và Đào, ngày 21-7, Uông Đông Hưng gọi điện cho tôi. Uông đến chỗ Mao ở Thượng Hải. Máy bay của không quân chờ tôi tại sân bay Bắc Kinh. Tôi cần phải gặp ông cấp tốc tại Thượng Hải.
Sau vài giờ tôi đã ở Thượng Hải. Từ sân bay, tôi được đưa về tư dinh của Chủ tịch ở phía tây thành phố. Chưa có bao giờ sự bảo vệ Mao lại có nhiều người và cực kỳ nghiêm mật như thế. Bạo lực giờ đây xảy ra khắp nơi, sự an toàn của của Chủ tịch trở thành công tác đặc biệt của Uông. Tất cả các nhân viên phục vụ, thư ký… đều tăng lên, các phòng trong khu nhà tổng hợp đầy lính canh gác.
Vẫn bệnh phế quản cũ đang hành hạ, ngoài ra, Mao bị nổi mụn rộp ở cơ quan sinh dục, nó thuộc loại bệnh hoa liễu. Quan hệ tình dục của ông vẫn quá nhiều, trong khi mối quan hệ của tôi với Chủ tịch căng thẳng, tôi không thể xác định được nguồn lây nhiễm. Tôi chữa mụn rộp bằng thảo mộc và viêm phế quản bằng kháng sinh Ceporin. Tôi khuyến cáo, mụn rộp dễ lây lan qua đường tình dục, nhưng Mao phớt lờ lời tôi. Ông cho rằng bệnh mụn rộp không nghiêm trọng.
Chủ tịch muốn nghe chuyện, đề nghị tôi kể tình hình ở Bắc Kinh. Tôi kể những người nổi loạn kéo vào Trung Nam Hải và hạ nhục Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Đào Chú. Mao im lặng. Không biết rõ tôi ủng hộ phe nào trong cuộc đấu đá chính trị, vì thế Mao giữ kẽ với tôi. Nhưng sự im lặng của Mao chứng tỏ ông không hài lòng về sự kiện ở Bắc Kinh.
Đến tối tôi quay lại gặp ông, Mao lại yêu cầu kể những gì đã xảy ra ở Trung Nam Hải. “Họ hoàn toàn không nghe lời tôi” – ông phàn nàn, khi tôi kết thúc câu chuyện. Điều này liên quan tới “Tiểu tổ Cách mạng văn hoá Trung ương”, có cả vợ ông tham gia. Mao bảo, ông không ra lệnh cho họ xúc phạm những nhà lãnh đạo. “Họ phớt lờ tôi” – ông nhắc lại, tỏ ra rất lung túng. Tôi tin ông không ra lệnh đấu tố như vậy.




Tôi ở lại với Mao ở Thượng Hải gần một tháng. Mao đang chờ quay lại Vũ Hán, ông rời Vũ Hán từ hôm 14-6, nhưng tình hình vẫn không ổn định đến mức Chu Ân Lai, đang ở đó, lo ngại an ninh của Chủ tịch, khuyên Mao đừng đến. Đấu đá phe phái ở đây đã ở mức thành bạo lực. Viên tư lệnh vùng Trần Tái Đạo, người suýt chết đuối khi đi kèm Mao trong chuyến bơi sông Dương Tử, bị tấn công dữ dội của phe đối lập nổi loạn, tìm cách lật đổ ông. Trước khi Mao đi Vũ Hán để đứng ra hoà giải, Tiểu tổ cách mạng văn hoá Trung ương phái Vương Lý – một người cực tả đi đàm phán giữa hai phe, Ông này thực tế ủng hộ những người chống viên tư lệnh. Và khi đó phe cánh của Trần Tái Đạo đã bắt giam Vương Lý.
Chu Ân Lai là người đầu tiên tới Vũ Hán để điều tra tình hình, điều đình thả Vương Lý.
Còn khi Mao tới, như thường lệ, người ta thu xếp để ông nghỉ ở nhà khách “Minh Dương” nằm bên Đông Hồ, thế nhưng điều này không đạt được. Phe cánh viên tư lệnh vùng vẫn đang giam giữ Vương Lý. Để biểu thị lòng trung thành của mình đối với Mao, nhóm này bơi qua tới đảo, nơi Mao nghỉ, hy vọng giải thích tình hình để Mao biết. Bảo vệ của Mao đã tóm những người khách không mời bơi qua hồ.
Khi Mao biết, ông ra lệnh thả những người bị bắt. Tin vào lòng trung thành của quần chúng, biết Trần Tái Đạo người ủng hộ, Mao tin những người bơi đến chỗ ông không có ý định độc ác. Chủ tịch muốn gặp cả hai phe thù địch và đạt được sự hoà giải giữa bọn họ. Tuy nhiên những người nổi loạn có vũ trang. Chu Ân Lai lo ngại. Chu đề nghị Mao nhanh chóng rời Vũ Hán, hứa ở lại ông sẽ cố gắng lập lại ổn định trong thành phố.
Mao nghe lời. Nhờ đứng ra làm trung gian của Chu Ân Lai, Vương Lý cuối cùng được thả tự do. Cả Vương Lý và Trần Tái Đạo được đưa về Bắc Kinh.
Mấy tháng sau tôi lại bay cùng Mao tới Vũ Hán. Chủ tịch không tin, cả hai phe nhóm địa phương là bọn phản cách mạng. Ông nói với tôi, khi lên máy bay. “Chuyện xảy ra do Vương Lý khiêu khích dẫn đến ẩu đả. Khi cử Chu Ân Lai đứng ra hoà giải, thật nguy hiểm. Chu buộc tôi phải đi Thượng Hải ngay. Nhưng tôi nghĩ cả hai phe chẳng phải là bọn phản cách mạng”. Mao cho rằng Vương Lý, Quan Phương và Từ Bành Nhưỡng là những người rất quá khích trong Tiểu tổ Cách mạng văn hoá, một trong số đó xúi bẩy, gây chuyện, rồi nhân đó trả thù cá nhân.
Việc Mao quay lại Vũ Hán thể hiện sự thắng lợi. Để chứng minh trong thành phố không có bọn phản cách mạng và để tận dụng lòng yêu mến của toàn dân, Mao chủ tịch ngồi trên xe Jeep mui trần đi chầm chậm dọc các phố. Tôi ngồi ngay sau ông, xung quanh hàng trăm nhân viên bảo vệ vũ trang mặc thường phục. Đám đông quần chúng gồm cả hai phe, chống và ủng hộ Trần Tái Đạo, đều hoan hỉ chào đón Mao bằng những lời hô vang: “Mao chủ tịch muôn năm! Mao chủ tịch muôn năm!” Mao vui vẻ vẫy chào quần chúng cả hai phe.
Khi vắng mặt Chủ tịch, Vương Lý và Quan Phương đã tấn công cựu chiến hữu của Mao – Bộ trưởng ngoại giao, nguyên soái Trần Nghị. Nguyên soái không tán thành Cách mạng văn hoá. Tháng 2-1967 cùng với những tướng lĩnh cao cấp khác, ông đã phản đối sự can thiệp của quân đội và Tiểu Hồng vệ binh. Tháng 8, Vương Lý và Quan Phương, được Giang Thanh ủng hộ, đã tổ chức nhóm “tạo phản 16 tháng 5” – lấy ngày bắt đầu Cách mạng văn hoá. Họ chiếm trung tâm Bộ ngoại giao và đốt cháy Tổng lãnh sự quán Anh.
Về tới Bắc Kinh tháng 8, Mao thanh trừng ngay Vương Lý và Quan Phương. Sau đó, đến tháng Giêng, bắt giam Từ Bành Nhưỡng người có liên quan.
Dĩ nhiên, bộ ba này là kẻ cực tả, gây bạo động, nhưng người ta đem nó ra làm vật tế thần. Quyền lực thực sự trong “Tiểu tổ Cách mạng văn hoá Trung ương” nằm ở Khang Sinh, Trần Bá Đạt và Giang Thanh, là kẻ quyết định mọi đường lối hành động.
Mao không che dấu việc không hài lòng vợ mình. Một hôm khi chúng tôi còn ở nhà khách Minh Dương, Vũ Hán, Mao đang đọc một số mẩu truyện Lữ Hậu, bỗng nhiên ông ngửng đầu, nói với tôi về nhân vật chính trong truyện Lữ Hậu, một cô hầu gái đĩ thõa, A Thanh, có rất nhiều tình nhân, những tình nhân này thường xuyên đánh nhau vì ghen tuông. A Thanh rất thích những cuộc ẩu đả của các tình địch. Đột nhiên Mao nói: “Diệp Quần rất giống A Thanh”, ám chỉ vợ Lâm Bưu. “Cả Giang Thanh cũng vậy”.
Bất chấp khó chịu do bà vợ gây ra, nhưng Mao cũng chẳng có động thái gì ngăn cản hành dộng của Giang Thanh.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa


Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 66

Posted: 07/11/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63], [64], [65], [66]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Mùa xuân 1968, Giang Thanh hằn học tấn công tôi, nhưng Mao không có một động thái nào ngăn cản vợ.
Cuộc tấn công bắt đầu nhằm vào từ vợ tôi. Khang Sinh quyết định cho tên Lý Liên vào danh sách bọn phản cách mạng giấu mặt. Quá khứ của vợ tôi không có gì bí mật với ai, Khang Sinh chẳng cần khó nhọc gì để biết vợ tôi từng làm việc cơ quan người Anh, cũng như người Mỹ, ngoài ra, còn có người thân ở Đài Loan. Đó là ba điều họ nghi ngờ vợ tôi. Liệu cô ta có phải gián điệp Anh, Mỹ, Quốc dân đảng? Cũng có thể vợ tôi làm việc cho cả ba? Khang Sinh yêu cầu tiến hành điều tra cẩn thận trường hợp Lý Liên.

Giang Thanh muốn đồng thời điều tra cả tôi một thể. Tôi cũng thuộc thành phần phản cách mạng, bà ta nói, rất khả nghi không thua gì vợ. Tất cả tư liệu về tôi được chuyển cho Uông Đông Hưng.
Uông, đương nhiên, bảo vệ tôi, khuyên cả Khang Sinh, và Giang Thanh, lý lịch tôi đã được kiểm tra kỹ từ lâu. Dĩ nhiên, ông sẽ nghiên cứu xem lại vấn đề, nhưng tin rằng tôi không liệt vào loại người nguy hiểm.
Giang Thanh không chịu, bà thay đổi chiến thuật. Ngày 1-7-1968, kỷ niệm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc. Sau buổi lễ tại Đại lễ đường, vợ Chủ tịch bị đau răng, yêu cầu bác sĩ kiểm tra. Uông Đông Hưng cử tôi.
Tôi từ chối. Giang Thanh cần nha sĩ chứ không cần bác sĩ. Ngoài ra, chắc gì Giang Thanh đã tin tôi. Bà ta từng buộc tội tôi phản động khi tôi chăm nom sức khỏe từ những lần trước. Tôi nghi, đây chính là cái bẫy. Kẻ thù chính của Giang Thanh ở Trung Nam Hải chính là Lưu Thiếu Kỳ, Uông Đông Hưng. Tuyên bố tôi phản động chính là bước đi đầu tiên để kết tội Chu và Uông phản động. Giang Thanh đang có âm mưu chính trị thông qua đòn tâm lý.
Giang Thanh cũng là kẻ thù nguy hiểm số một của Uông Đông Hưng cần tính sổ. Nhưng hiện thời ông vẫn phải tỏ ra cộng tác với Giang. Uông yêu cầu tôi gọi nha sĩ, nhân cơ hội này giúp tôi hoà giải và thể hiện sự kính trọng với vợ Chủ tịch để mọi chuyện yên thấm. Tôi miễn cưỡng đồng ý.
Tôi yêu cầu hai nha sĩ nổi tiếng của Quân Y viện 301 đến Đào Thái, nơi Giang Thanh ở, đến khám răng. Giang Thanh bắt họ chờ 6 ngày, cuối cùng mới đồng ý cho kiểm tra. Một răng lung lay do bị sâu, cần nhổ. Giang Thanh đồng ý nhổ.
Nha sĩ yêu cầu tiêm kháng sinh trước khi nhổ, bảo y tá tiêm thử phản ứng kháng sinh trước. Phản ứng âm tính, không có dấu hiệu dị ứng.
Sau nửa giờ tiêm bà ta kêu khó chịu, lên cơn kích động, bảo toàn thân ngứa ngáy. Bà hét lên cho rằng đã bị tiêm thuốc độc. Hoảng loạn, y tá chạy tới tôi cầu cứu. Tôi khám Giang Thanh. Mạch và tim bình thường, không thấy vết phát ban hay mẩn ngứa trên da, (dấu hiệu phản ứng thuốc). Tôi định truyền dịch để trấn an, nhưng bà từ chối, thay vào đó yêu cầu gọi Uông Đông Hưng.
– Lý Chí Thoả định đầu độc tôi! – Vợ Chủ tịch giận dữ la lên, ngay lúc Uông vừa bước chân vào.
Uông đề nghị tôi ra ngoài, mình ông ở lại với Giang Thanh.
Sau đó ông gặp tôi. Thậm chí khi nghe lời giải thích, đã thử phản ứng trước khi tiêm, Uông vẫn còn nghi ngờ bị dị ứng thuốc. Tôi không tán thành. Tôi đã kiểm tra tim mạch, đo huyết áp, khám da, mọi thứ bình thường, không có gì sai.
Tự nhiên tôi bị Giang Thanh đánh cho một chuỳ quá nặng. Giang kết tội tôi dùng thuốc cố ý đầu độc. Tôi nói với Uông:
– Tôi phải gặp Chủ tịch báo cáo việc này ngay.
Uông lắc đầu, bảo:
– Không thể được. Giang Thanh yêu cầu tôi phải trực tiếp báo cáo Chủ tịch việc anh đầu độc. Nếu anh xuất hiện ở Mao sớm hơn, bà ta sẽ bù lu bù loa nữa. Tôi đã mời Chủ tịch đến Đào Thái.
Uông khuyên tôi chờ Mao, sẽ giải thích cho Mao cái gì đã xảy ra và bảo vệ tôi.
Tôi chờ trong sự đơn độc ở phòng khách phía bên ngoài buồng Giang Thanh. Các vệ sĩ, người giúp việc cho bà chuồn mất, họ sợ cơn thịnh nộ của bà, nhưng không muốn làm hại gì với tôi.
Một giờ đã qua, nhưng Mao vẫn chưa tới. Tôi cảm thấy mình như người có tội chờ phán quyết.
Mao cuối cùng vào phòng khách, y tá trưởng Ngô Xuân Dung tháp tùng. Tôi đứng dậy chào. Nhưng ông chỉ nhìn chằm chằm tôi, không nói một lời, coi như tôi không có mặt ở đây, vào phòng vợ. Khi Uông Đông Hưng ra khỏi buồng, tôi hỏi ông nói với chủ tịch những gì.
– Tôi nói với Chủ tịch, Giang Thanh muốn ông xem bị dị ứng thuốc sau khi tiêm như thế nào.
Tôi điên tiết:
– Nhưng tôi đã nói với anh, tôi đã kiểm tra, mọi việc bình thường. Vì sao anh không nói cho Mao biết? Anh biết, bà ta nói dựng chuyện để hại tôi.
Ngay lúc ấy cửa phòng Giang Thanh mở, Mao từ trong bước ra. Ông lại chằm chằm nhìn tôi, lẳng lặng bỏ đi, không nói một lời, coi như không thấy tôi ở đó.
Bấy giờ thậm chí Uông Đông Hưng cũng hoang mang.
– Giang Thanh chơi trò lừa đảo, gian lận con đen. Người của bà ta có thể bắt cóc anh bất cứ lúc nào. Tốt hơn hết, anh nên quay về Nhà máy dệt. Hãy quay về ở đó, đừng đi đâu, quân của tôi sẽ cố gắng bảo vệ, may ra anh có thể an toàn.
Tôi liều lĩnh về nhà báo tin cho Lý Liên, tôi có thể bị bắt hoặc bị bắt cóc. Nhưng vợ tôi không có nhà, đang đi làm. Tôi viết mẩu giấy, báo tin sẽ vắng nhà một thời gian.
Tôi trốn ở Nhà máy dệt Bắc Kinh hai tuần, không biết số phận tôi sẽ ra sao. Khi không thể chịu nổi, tôi đến chỗ Uông. Uông kể tôi mọi chuyện.
Khi tôi trốn khỏi Đào Thái, Giang Thanh gọi y tá, thư ký, vệ sĩ, đầu bếp lập biên bản khép tôi tội cố ý đầu độc, yêu cầu mọi người ký tên. Dĩ nhiên, họ tuân lệnh. Ngay đêm đó Lâm Bưu và Diệp Quần tới thăm Giang Thanh. Vợ Chủ tịch nói với hai người, tôi là quân phản cách mạng từ trước năm 1949. Bà ta đưa phần thuốc chưa dùng cho Diệp Quần và yêu cầu phân tích, đồng thời muốn xác nhận thuốc đó là thuốc độc và cũng hy vọng kết quả sẽ như thế.
Diệp Quần gọi Uông Đông Hưng. Cả Giang Thanh, Lâm Bưu và Diệp Quần hài lòng nếu Uông xác nhận đây là thuốc độc.
Uông khuyên Diệp Quần chờ kết quả kiểm tra khách quan trong phòng xét nghiệm mẫu thuốc do Giang Thanh mới chuyển cho họ. Vấn đề chẳng đơn giản như vợ chủ tịch yêu cầu. Uông nhắc khéo Diệp Quần, thuốc lấy từ khoa dược, dưới sự quản lý của đội bảo vệ Trung ương do Uông Đông Hưng đứng đầu, ông là người chịu trách nhiệm cuối cùng về thuốc men. Theo nguyên tắc, bác sĩ chỉ có thể kê đơn cho Mao, Giang Thanh hoặc những nhà lãnh đạo cao cấp khác, nhưng bản thân bác sĩ không có quyền mang đơn đi lĩnh thuốc. Nếu có vấn đề gì sai sót, khoa dược chịu trách nhiệm.
Diệp Quần mang thuốc đến Viện hàn lâm Y học quân sự phân tích. Kết luận, thuốc tương ứng đúng với nhãn hiệu trên lọ, không tìm thấy chất độc.
Giang Thanh nổi cơn điên. Khi Diệp Quần đưa bản kết luận của Viện Y học, vợ Chủ tịch vứt cả thuốc lẫn giấy xuống sàn, kêu la, bảo kết quả kiểm nghiệm do “phần tử xấu” ở Viện hàn lâm Y học quân sự viết ra.
Diệp Quần đáp trả để bảo vệ uy tín bản thân và cho chồng. Bà giải thích, Lâm Bưu và bà coi yêu cầu của Giang Thanh có tầm quan trọng lớn nhất. Lâm Bưu tự tay trao thuốc cho chủ tịch Viện hàn lâm Y học quân sự, việc phân tích được tiến hành nghiêm túc và cẩn thận, chính xác.
Không gì có thể làm dịu Giang Thanh, từ ấy hai người đàn bà coi nhau lạnh lùng. Diệp Quần, tuy nhiên, cảnh giác hơn. Bà vơ lấy thuốc và bản kết luận, trao lại cho Uông Đông Hưng.
Liên minh Giang Thanh và Lâm Bưu bắt đầu rạn nứt. Uông Đông Hưng ngả về phía Lâm Bưu. Tôi là con tốt thí trong ván bài chính trị của họ.
Răng Giang Thanh lại đau. Chiếc răng quá mõm, chỉ cần lay lay nhẹ nó tự rơi ra. Lần này Lâm Bưu và Chu Ân Lai lo chuyện tìm bác sĩ. Khi hai nha sĩ Vương Thế Bình, Bằng Trịnh Giang đến, Giang Thanh lại nói tôi muốn đầu độc, yêu cầu họ ký và biên bản quy kết tôi cố ý đầu độc bà.
Vương Thế Bình và Bằng Trịnh Giang không chịu ký, báo cáo sự việc với Uông Đông Hưng. Ông khuyên họ nói sự thật cho Giang Thanh. Cả hai làm theo lời khuyên, Giang Thanh nổi khùng, tống cổ 2 nha sĩ ra ngoài.
Trong tay Giang Thanh vẫn còn một văn bản của thuộc hạ đã ký. Bà đưa nó Chu Ân Lai và yêu cầu ra trát bắt tôi.
Chu lâm vào thế kẹt. Ông lưu ý bà, tôi là bác sĩ riêng của Mao chủ tịch và chỉ có Chủ tịch mới có thể ra trát được. Giang Thanh lại đề nghị Chu Ân Lai gặp Mao chủ tịch.
Chu thảo luận với với Uông Đông Hưng. Uông đề nghị Chu giải thích cho Mao mọi chuyện, yêu cầu Mao đứng ra giải quyết. Uông không muốn báo cáo trực tiếp với Mao. Nếu thuốc có vấn đề, Uông cũng không tránh được vạ lây.
Chu Ân Lai gặp Mao, ông bảo vệ tôi. Ông nói, tôi đã nhiều năm ở Nhóm Một, nhiều người ở Trung Nam Hải biết tiếng. Công việc của tôi không phải luôn luôn làm vừa lòng mọi người, nhưng Chu tin rằng tôi chưa khi nào và không có ý hại ai cả.
Chỉ sau vài tuần sự kiện này Mao cuối cùng đồng ý với ông.
– Lý Chí Thoả – ngày đêm ở với tôi – ông nói với Chu – Nếu anh ta là phản cách mạng, vì sao anh ta không đầu độc tôi thay vì Giang Thanh? Anh ta hại tôi dễ hơn nhiều chứ. Khi Giang Thanh buộc tội bác sĩ và y tá về thuốc giả. Tôi giải thích cho bà ấy, một phần trong thuốc ngủ của tôi cũng là thuốc giả. Như vậy chúng ta phải chấp nhận chuyện này, để dùng lượng thuốc nhỏ hơn yêu cầu.
Tôi biết, mối quan hệ của Mao với bản thân tôi không được như trước. Ông không trực tiếp can thiệp giúp tôi. Uông Đông Hưng tin Giang Thanh không từ bỏ ý định hại tôi. Tôi thấy rất nguy hiểm tính mạng. Uông bảo: “Đừng có về nhà, Giang Thanh sẽ cho người bắt cóc hay bắt giam, tốt nhất quay trở lại Nhà máy dệt Bắc Kinh, ở đấy có lương y Lý đáng tin cậy. Nếu gặp chuyện bất trắc, bảo ông ta đến gặp tôi”.
Tôi ở lại nhà máy hai tháng trong sự lo lắng triền miên. Trong khi Giang Thanh và Tiểu tổ Cách mạng đang lạm dụng quyền lực trong chính quyền. Không ai ngăn cản được bà, kể cả Mao. Ông cũng chẳng biết Giang Thanh sẽ định làm gì. Bà ta sẵn sàng chỉ đạo trực tiếp bắt cóc, thủ tiêu tôi, nhưng sau đó sẽ phủi tay, trả lời, không biết gì hết.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa

Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 67

Posted: 09/11/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63], [64], [65], [66], [67]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Tôi vẫn còn lẩn trốn trong nhà máy, 27-7-1968, Mao ra lệnh cho công nhân sáu “nhà máy tự quản” và các “đội tuyên truyền công nhân” dưới sự điều hành của một nhóm thuộc Sư đoàn 8341, đến chiếm Đại học Thanh Hoa. Mao quyết định, trường Đại học Thanh Hoa và Bắc Đa cũng sẽ thực hiện dưới hình thức tự quản.
Thanh Hoa, một trong số đại học tốt nhất, nổi tiếng nhất trong nước, đặc biệt về ngành khoa học và kỹ thuật. Những sinh viên nổi loạn cũng xuất phát từ trường đại học nổi tiếng Bắc Đa. Mùa xuân 1966, Vương Quang Mỹ, phu nhân Lưu Thiếu Kỳ, phụ trách đội công nhân được cử đến Thanh Hoa tiến hành Cách mạng văn hoá. Bà đã ủng hộ lãnh đạo đảng, trái ý kiến của số đông phái cải cách và sinh viên. Đến tháng Tư 1967, sinh viên trả thù, sau khi một người trong ban lãnh đạo sinh viên, Khoái Đại Phú, tấn công quyết liệt bà. Năm 1963, Vương Quang Mỹ, với cương vị phu nhân Chủ tịch nước đón tiếp vợ chồng Tổng thống Indonesia Sukarno, bà mặc bộ quần áo truyền thống “Chí bảo”, đeo chuỗi thạch ngọc. Sinh viên viện cớ, đây là bằng chứng bà theo lối sống sa hoa của tầng lớp tư sản. Trong thời kỳ đấu tố, Đại học Thanh Hoa năm 1967, sinh viên ép buộc bà mặc bộ quần áo “chí bảo”, lấy dây xâu 2 quả bóng bàn đeo lủng lẳng vào cổ trong khi hàng ngàn sinh viên hô vang khẩu hiệu đả đảo. Từ đó, trường Đại học trở thành vô chính phủ, không người điều hành. Bây giờ muốn khôi phục lại trật tự, Mao không ngần ngại sử dụng sức mạnh.

Lúc 4 giờ chiều, công nhân nhà máy dệt và một đội quân thuộc sư đoàn 8341 rời nhà máy xuống Đại học Thanh Hoa. Tôi không thuộc nhóm với họ, nhưng muốn đi xem cuộc chiếm đoạt Đại học Thanh Hoa như thế nào.
Tôn Dung, phó ban quân quản Nhà máy dệt, chỉ huy cánh quân của nhà máy. Chúng tôi ngồi trên xe tải, mỗi xe chở hơn 10 người. Hàng trăm xe tải thuộc các xí nghiệp, nhà máy khác cũng ầm ầm đổ về cổng trường Đại học Thanh Hoa, thành một lực lượng hùng hậu chiếm đóng. Sau này người ta bảo có tới 30 ngàn người. Trước cổng trường Đại học, Giang Đăng Trung, chính uỷ Sư đoàn Cận vệ, chỉ huy chung chiến dịch ra mệnh lệnh. Tất cả xuống xe, tập hợp thành hàng ngũ, tiến thẳng vào khu Đại học. Tôi đi cuối cùng với lương y Lý.
Ban đầu, cuộc hành quân có tổ chức, nhưng khi đến các dãy nhà cao tầng khoa vật lý, hàng người đi đầu đột nhiên đứng lại, hỗn loạn. Sinh viên trong trường dựng chướng ngại vật ngăn chúng tôi. Giang Đăng Trung ra lệnh phá bỏ chướng ngại, đi tiếp.
Trời bắt đầu xẩm tối, nhọ mặt người, khó nhìn rõ mọi thứ. Tôi cứ thế theo người phía trước một cách mù quáng, chẳng biết mình đang đi đâu, làm gì.
Đột nhiên, tôi nghe tiếng nổ vang giời, tất cả rối loạn, hoang mang. Người ta kêu có bom nổ, có người chết. Hàng quân dừng lại, ngay lúc ấy tôi nhìn thấy người ta khênh đi ba thi thể đẫm máu ra ngoài.
Trời tối hẳn, không còn nhìn thấy gì nữa. Tất cả cả thông tin hỗn loạn, rối bời, nhưng chúng tôi vẫn tiến về phía trước. Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng gió rít rất mạnh. Những người đi trước bỗng nhiên bỏ hàng ngũ quay đầu chạy toán loạn về phía sau, tay đưa lên che đầu. Tôi đứng khựng lại, hoảng hốt, cố đoán cái gì đang xảy ra. Khi lương y Lý, cởi áo ngoài trùm lên đầu tôi, mới biết tiếng gió rít do trận mưa đá mà sinh viên từ trên tầng cao ném xuống. Những hòn đá to nhỏ bằng quả táo con hay to hơn bay tứ tung, rơi rào rào như mưa, đội hình chúng tôi tan vỡ, mạnh ai nấy chạy thục mạng tứ phía. Lương y Lý vừa che vừa kéo tôi chạy theo hướng ông nghĩ dó là cổng ra vào. Nhưng ông không thông thuộc khu Đại học rộng lớn, hơn nữa trời tối như mực, chẳng nhìn thấy gì. Cuối cùng cũng chạy ra tới cổng, chúng tôi hoàn toàn lạc khỏi đoàn của nhà máy, chẳng nhận ra ai quen. Trời bỗng đổ cơn mưa như trút nước, chúng tôi ướt như chuột lột. Ngồi bên vệ đường, chịu trận mưa xối xả, chẳng biết phải làm gì. Khoảng 4 giờ sáng, hàng ngũ lại được củng cố từ nhiều người lạc đường, nhưng chẳng biết phải làm gì.
Bỗng nhiên có chiếc xe đỗ sát ngay bên cạnh. Tự nhiên tôi nghe thấy ai gọi tên tôi. Tay lái xe cho Mao, Trương Trí Thanh ló đầu ra, nói to:
– Nhanh lên, ông ấy đang tìm các anh đấy, bác sĩ Lý.
Tôi vẫn ngu ngơ, chẳng hiểu, hỏi lại:
– Nhưng ai tìm tôi?
– Còn ai khác, ngoài Chủ tịch? Ông đang ở chỗ Đại lễ đường. Ông cũng yêu cầu sinh viên có mặt ở đó.
Tôi từ giã lương y Lý, lên xe đưa về toà nhà Quốc vụ Viện. Khi tôi đến, các trợ lý Mao vây quanh tôi, hỏi dồn dập:
– Xơi có nhiều không, bác sĩ Lý? Bao nhiêu đá trúng ông?
Bộ dạng tơi tả khiến họ nghĩ tôi bị thương trong cuộc ẩu đả loạn xạ ở đó.
Đói, mệt, lạnh, đau đầu nhưng tôi tránh được trận ném mưa đá. Vương Thuý Dung đưa cho tôi lọ dầu cao hổ, rồi bôi dầu và day day vào 2 huyệt thái dương cho đỡ nhức đầu. Sau khi ăn bát mỳ và uống thuốc giảm đau, tôi thấy khoẻ hẳn lên.
Mao chờ tôi ở phòng 118. Khi tôi đến, Mao đang ngồi uống cà phê và đọc sách. Ông đứng dậy, nhìn tôi, đi thẳng đến, chúc mừng. Tôi đi nhanh về phía ông. Mao nắm lấy cả hai tay tôi trong tay ông, ngắm kỹ tôi trước khi nói. Tôi cảm thấy rằng ông quý tôi thực, dù rằng có sự căng thẳng quan hệ của chúng tôi với Giang Thanh.
– Anh chịu đựng quá nhiều. – Mao an ủi – Ướt sạch rồi còn gì.
Tôi nói rằng mưa rất to.
– Anh đang ở trong tình trạng khó khăn, phải thế không? – Mao nói, sau khi biết tôi đã trải qua biết bao chuyện không hay. “Anh bị thương à? Thôi, đừng khóc!”
Ông nhầm khi nhìn thấy dầu xoa trên mặt tưởng nước mắt của tôi.
– Dạ, tôi không bị thương. Tôi nói. Nhưng có ba người bị thương do bom. Tôi không biết họ sống chết ra sao.
Uông Đông Hưng đứng đấy, báo cáo một người chết, hai người bị thương nhẹ.
– Vì sao anh không thay quần áo và nghỉ một chút? – Mao gợi ý.
Mao mời một số lãnh đạo sinh viên cực đoan Khoái Đại Phú của Đại học Thanh Hoa, Nhiếp Nguyên Tử của Đại học Bắc Đa, Đàm Hậu Lan của Đại học Hồng Thanh Bắc Kinh, Hàn Ái Tinh của Đại học Hàng không Bắc Kinh và Vương Đại Tân từ Đại học Địa chất để cùng họp với các thành viên “Tiểu tổ trung ương Cách mạng văn hoá” thảo luận tình hình. Tôi được mời tham gia cuộc gặp này.
Lần này Mao cứng rắn bảo vệ tôi. Việc mời tôi tham dự cuộc họp, Mao muốn mọi người trong Tiểu tổ Cách mạng, Lâm Bưu, Chu Ân Lai, Khang Sinh và Giang Thanh biết, tôi vẫn là người thân tín của ông. Thấy tôi với Mao, họ hiểu tôi không còn đơn độc, tất nhiên họ không dễ gì bắt cóc tôi nữa.
Giang Thanh hoan hỉ chào đón mọi người, nhưng không nói với tôi một lời nào, xem như không có tôi trong cuộc họp. Mao có thể xoá tội cho tôi, nhưng bà ta thì không. Lời buộc tội đầu độc của bà vẫn còn đó. Nhưng cách cư xử giờ đây tôi không quá quan tâm. Dưới cái ô của Mao tôi cảm thấy mình an toàn. Tôi vẫn thuộc biên chế “Nhóm Một”.
Tuy nhiên sự bảo vệ của Mao vẫn tạm thời, tôi đã qua vài lần thử thách, nhưng ông vẫn chưa thực tin, còn phải chịu vài lần thử thách nữa.
Cuộc gặp Mao với sinh viên trong ngày ấy đã trở thành ngày trọng đại của Cách mạng văn hoá. Mao yêu cầu các phe phái sinh viên đoàn kết lại, cảnh cáo rằng nếu họ còn tiếp tục chia rẽ, sẽ xuất hiện hai Thanh Hoa, hai Bắc Đa, hai Đại học Hồng Thanh.
Những sinh viên đứng đầu nhóm nổi loạn, đặc biệt lời phát biểu của Hồng Anh Sinh:
– Cả hai phe đều dùng lời của Chủ tịch để bào chữa cho hành động của mình – Anh ta nói với Mao – Nhưng lời của Chủ tịch có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau, hiểu khác nhau, thậm chí đối kháng với nhau. Trong khi Chủ tịch còn sống, Chủ tịch có thể hoá giải các cuộc tranh cãi, những vấn đề như thế sẽ được giải quyết ổn thoả. Nhưng chúng ta sẽ làm gì khi Chủ tịch không còn trên đời này nữa?
Khang Sinh và Giang Thanh nổi giận, lôi đình.
– Sao anh dám nói ra ý nghĩ ngu xuẩn đến thế?
Họ trút giận xuống đầu anh chàng sinh viên này.
Nhưng Mao tỏ ra thích câu hỏi của anh chàng sinh viên. Ông cũng đã từng bóng gió nhắc đến vấn đề bác sĩ trong thư của mình gửi Giang Thanh trước đây.
– Khi tôi còn trẻ, tôi thường tự đặt ra những câu hỏi – ông tán thành ý kiến của chàng sinh viên – những câu hỏi mà người khác không dám đặt ra. Dĩ nhiên, lời tôi đưa ra có thể có nhiều cách giải thích khác nhau. Điều này khó tránh khỏi. Hãy nhìn qua Khổng giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo – tất cả các đạo giáo này chia rẽ thành nhiều giáo phái khác nhau, mỗi giáo phái lại được giải thích, hiểu một cách khác với nguyên lý ban đầu. Không có những sự giải thích khác nhau, sẽ chẳng có sự phát triển hoặc thay đổi nào cả. Sự tù túng, trì trệ cứ kéo dài, thì những học thuyết nguyên thuỷ cũng sẽ diệt vong.
Nhưng cuộc gặp này không đạt được mục đích theo ý muốn. Sinh viên không thể đoàn kết được, vì thế, việc Mao đặt niềm tin vào thế hệ trẻ là sai lầm. Vài ngày sau, 5-8-1968, Mao thông báo rằng muốn tặng công nhân một vài giỏ soài, số hoa quả này do Mian Arsad Hussein, bộ trưởng Bộ ngoại giao Pakistan tặng ông. Quà là dấu hiệu ông muốn nói với nhân dân cả nước, Mao mất lòng tin vào đám sinh viên quậy phá, thù địch và giờ đây đặt niềm tin của mình vào công nhân.
Chẳng bao lâu, người ta đưa những người cầm đầu sinh viên về nông thôn, tiếp theo sau, hàng triệu học sinh và sinh viên đi cải tạo lao động. Họ cần phải được học tập, cải tạo ở nông thôn, Mao nói: “Học sinh, sinh viên phải học hỏi sự đói nghèo ở ngay những người nông dân nghèo khổ”.
Mao đưa soài cho Uông Đông Hưng, để ông chia chúng sao cho mỗi một nhà máy đầu đàn ở Bắc Kinh, gồm cả Nhà máy dệt, nơi tôi sống ở đó, đều có được một giỏ. Đáp lại, công nhân tổ chức mít tinh, ở đó vang lên những trích dẫn của Mao. Chào mừng món quà của Chủ tịch, họ đã bọc soài bằng sáp ong, tin rằng để giữ được lâu dài không hỏng. Khi mà những giỏ soài được bày trong tủ kính ở phòng lớn của nhà máy, những công nhân lần lượt xếp hàng đi qua ngang nó, kính cẩn cúi xuống.
Tuy nhiên không ai nghĩ tới tẩy trùng soài, trước khi bọc sáp, sau một vài ngày triển lãm, soài bắt đầu thối. Theo chỉ thị của Uỷ ban cách mạng nhà máy, họ đem gọt bỏ vỏ, đun phần mềm soài trong nước, bỏ vào lọ to. Mỗi khi tổ chức lễ kỷ niệm cũng đưa ra, mọi người nghiêm trang, kính cẩn chào.
Người ta thành kính cám ơn món quà của ông. Món quà giỏ soài được tán dương như một bằng chứng về sự quan tâm của Chủ tịch đối với số phận người công nhân lao động lầm than. Sau đó tất cả công nhân nhà máy xếp hàng lần lượt, mỗi người có thể uống một thìa đầy nước thánh dược do quả soài thiêng liêng được đun sôi trong nước.
Tiếp theo, Uỷ ban Cách mạng cho làm soài bằng sáp, đặt lên ban thờ nhà máy thay cho hoa quả thật, công nhân lại tiếp tục xếp hàng kính cẩn trước báu vật linh thiêng.
Khi tôi kể cho Mao về sự tôn sùng, món quà của ông, Mao cười phá lên, tỏ ra khoái câu chuyện này.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa


Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 68

Posted: 12/11/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63], [64], [65], [66], [67], [68]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Mao đã che chở tôi, nhưng giờ đây it được gặp ông. Ông chẳng cần chăm sóc về y tế, tôi trở thành bác sĩ ở Nhà máy dệt Bắc Kinh, phục vụ y tế cho công nhân và gia đình họ. Cách vài ngày tôi phải báo cáo mọi việc cho Chủ tịch. Công nhân nhà máy thật may mắn, tôi cũng cảm thấy vui mừng. Nhà máy đã trở lại bình yên, tiếp tục sản xuất. Đây là một trong những nhà máy “dưới sự quản lý trực tiếp của Mao” và cũng từng là nơi các bè phái mâu thuẫn, đụng độ gay go nhất.
– Thế họ nói gì về Cách mạng văn hoá? – Mao hỏi, một hôm nghe tôi báo cáo. – Người ta vẫn lấy vợ và sinh con chứ? Anh không cảm thấy Cách mạng văn hoá còn rất xa xôi với lợi ích của nhân dân hay sao?

Cách mạng văn hoá cũng rất xa xôi đối với tôi nữa. Mao nhận xét đúng, biết bao người phớt lờ, họ hy vọng cuộc Cách mạng văn hoá biến đi. Nhưng vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, nhiều địa phương trong cả nước, cuộc cách mạng vẫn tiếp diễn, đụng độ vẫn xảy ra, đau thương, khổ ải vẫn tiếp diễn. Xung quanh vẫn xảy ra bạo lực họ không thể nào làm ngơ những gì đang diễn ra. Không có sự chỉ đạo của lãnh tụ tối cao, cuộc tàn sát vẫn không thể ngừng.
Tháng 10-1968, Mao gọi tôi trở lại Trung Nam Hải, ông bị đau răng mấy ngày nay rồi.
Khi trở về, tất cả mọi thứ đều lạ hoắc. Nhóm Một hoàn toàn thay đổi. Uông Đông Hưng chuyển dụng cụ, máy móc văn phòng của tôi lên tầng ba khu nhà của ông, vì Mao Viên Tân và Lí Nạp đã chiếm khu làm việc của tôi làm nơi ở. Chẳng còn lấy một người nào trong số đội ngũ trước đây. Cũng như tôi, mọi người đều tham gia Uỷ ban quân quản trong nhà máy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Mao, làm nhiệm vụ “tai mắt” cho Chủ tịch. Vệ sĩ của Mao, Chu Phổ Minh, về nhà máy Xe lửa 7-2, nữ nhân viên Cơ mật, Tô Thành Nghị, về Đại học Thanh Hoa, ở đó, người phụ nữ ít học này chẳng bao lâu trở thành phó giám đốc Uỷ ban cách mạng, (ngang chức Hiệu phó), một trong những trường Đại học đầu đàn của Trung Quốc.
Những người lính mặc thường phục sư đoàn 8341 của Uông Đông Hưng tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ Mao. Điều khó khăn cho tôi, số phụ nữ trẻ quanh Mao lại quá nhiều. Tôi không quen ai trong nhóm trợ lý, phục vụ, vệ sĩ mới, nhưng rõ ràng tất cả những người hầu hạ kể cả đám vệ sĩ rất tôn sùng Chủ tịch hơn thời kỳ đầu tôi vào làm việc. Có lẽ những nhân viên cũ cũng bị đầy ải, gặp nhiều tai ương như tôi. Càng hiểu về ông ít bao nhiêu, họ càng sùng bái ông nhiều bấy nhiêu. Bằng cách thay thế những người quanh mình, Mao nhận sự tôn kính, được nghe những lời tâng bốc, nịnh hót nhiều hơn.
Tôi khám cho Chủ tịch. Một lớp cao răng xanh lè bọc kín răng, tôi không biết răng nào sâu vì không có dụng cụ nha khoa để khám. Tôi nói với ông, tôi không phải nha sĩ nên không chẩn đoán được bệnh, vì thế phải mời bác sĩ chuyên khoa.
– Anh có thể chữa cho tôi được – Mao nài nỉ – Chúng ta không cần nha sĩ.
Tôi từ chối, sợ mang hại cho ông.
– Chữa răng, thuộc một chuyên ngành riêng. – Tôi nhắc lại – Không phải nha sĩ, tôi chỉ làm hỏng răng của Chủ tịch.
Mao không nói gì cả. Nhưng tôi biết, im lặng là biểu hiện ông không hài lòng. Tuy nhiên tôi không thể làm gì hơn. Uông Đông Hưng muốn tôi cứ chữa thử.
– Đây là lần đầu tiên Chủ tịch gọi anh, sau vụ Giang Thanh kết tội – Uông nhắc tôi – Tất cả các nhân viên của Mao đã bị thay, trừ anh. Điều này rất quan trọng, hãy thử làm tất cả những gì có thể làm được để Chủ tịch khỏi cơn đau. Nên nhớ, Giang Thanh vẫn còn bí mật mai phục, anh biết điều đó chứ gì.
Đấy là sự thật. Giang vẫn còn tìm lý do để bắt tôi. Khi Diệp Quần và Chu Ân Lai từ chối ủng hộ lời buộc, bà ta quay sang Ngô Tự Tuấn. Biết tôi với Ngô Tự Tuấn làm việc với nhau một vài năm, Giang Thanh kéo cô ta về Đào Dư Thái, kiên trì thuyết phục cô y tá ký biên bản buộc tội tôi. Nếu có bằng chứng của Ngô Tự Tuấn, Giang Thanh hy vọng, lời buộc tội sẽ có trọng lượng.
Ngô Tự Tuấn từ chối, vợ Chủ tịch trút cơn giận dữ xuống đầu cô gái, buộc tội cô cùng bè đảng, bao che tôi. Khi Giang Thanh ra lệnh điều tra, sợ bị hỏi cung, Ngô Tự Tuấn chạy đến Uông Đông Hưng, Uông đã thu xếp cho cô một chỗ làm việc trong văn phòng của ông ở Trung Nam Hải.
Tôi cám ơn sâu sắc Ngô Tự Tuấn, tìm mọi cách giúp đỡ cô ấy. Lần này khi Mao gọi, tôi kéo cô ấy theo, hy vọng cô có thể kể cho Chủ tịch nghe về tai hoạ của mình. Mao ngạc nhiên nhìn cô gái. Ông nghĩ rằng Ngô Tự Tuấn vẫn còn làm việc ở nhà máy xe lửa. Ông chú ý lắng nghe câu chuyện của cô.
– Giờ đây người ta khó tuyên bố tôi không phải là phản cách mạng – Ngô Tự Tuấn kết thúc câu chuyện của mình. Mao cười phá lên.
– Rất tốt – ông nói – Tư dinh của tôi trở thành hầm trú ẩn đối với bọn phản cách mạng. Các đồng chí – cả hai người phản cách mạng cũng có thể ở lại đây với tôi.
Ông nói thêm rằng từ nay không ai trong hai chúng tôi có dính dáng tới Giang Thanh nữa. Bà ta có thể tìm cho mình bác sĩ và y tá riêng.
– Hãy lẩn đi khi nhìn thấy bà ta – Mao nói đùa.
Tôi khó có thể lẩn tránh được Giang Thanh. Các con đường bên trong Trung Nam Hải thường giao cắt nhau. Mỗi lần gặp, bà không bao giờ hỏi tôi, coi như không nhìn thấy,
Tôi tìm nha sĩ. Trong điều kiện bình thường điều này không khó, nhưng trong tình hình lộn xộn Cách mạng văn hoá lan ra trong các bệnh viện, việc kiếm nha sĩ quả rất khó. Chính Bệnh viện Bắc Kinh cũng chia làm hai phe đối địch. Người ta lật đổ giám đốc và bí thư đảng uỷ cũ, nhưng chưa bổ nhiệm lãnh đạo mới. Việc mời một bác sĩ răng ở phe nào đó được coi như một bằng chứng, tôi và cả Mao ủng hộ chính phe này chứ không phải phe kia. Tôi chẳng biết phái nào cần ủng hộ, phái nào không trong cuộc đấu đá chính trị để không mắc thêm sai lầm.
Cuối cùng tôi mời được nha sĩ đầu ngành của Bệnh viện Thượng Hải, bay về Bắc Kinh. Mao bắt ông này chờ vài hôm, dù rằng tôi từ tốn nhắc khéo, nha sĩ đã sẵn sàng điều trị răng cho ông.
Mao nổi xung.
– Tôi đã nói với anh, tôi không muốn nha sĩ – Mao thét lên – nhưng anh vẫn cứ bắt tôi phải làm cái mà tôi không muốn. Thật chẳng ngạc nhiên vì sao Giang Thanh ghét anh.
Đó là những lời cay độc, không công bằng. Tôi không phải nha sĩ, không thể làm công việc mình không biết. Mao không muốn tôi ép ông làm điều ông không muốn, ngược lại ông lại ép tôi làm công việc tôi không thể. Mao cương quyết, dứt khoát từ chối chấp nhận nha sĩ, tôi buộc phải đầu hàng.
Hàng ngày, tôi chữa răng cho ông theo hướng dẫn của nha sĩ, cách khám, cách điều trị và tham khảo sách nha khoa. Mao mắc bệnh nha chu viêm nặng. Tất cả vùng lợi hư hại, viêm nhiễm nặng. Mao chẳng cho bất kỳ ai làm sạch hàm răng của ông. Tôi chỉ còn cách yêu cầu ông súc miệng nước sát trùng, lấy hết thức ăn trong khe răng, bôi kháng sinh tại chỗ vùng viêm nhiễm. Sau một tháng, bệnh tình ông đỡ nhiều.
Bệnh tật của Mao không những chỉ đơn thuần tính chất bệnh lý, còn có quan hệ với chính trị. Những người lãnh đạo đảng đang bị phân hoá sâu sắc, trong khi chuẩn bị triệu tập đại hội lần thứ 9 vào tháng tư năm 1969. Nguyên tắc chỉ đạo của Đại hội VIII tháng 4-1956, cách đây 13 năm vẫn còn nguyên, chưa bị thay đổi. Nguyên tắc này ủng hộ tư tưởng lãnh đạo tập thể, hứa rằng Trung Quốc không bao giờ có tệ sùng bái cá nhân, từ bỏ tư tưởng đường lối Mao Trạch Đông, phê phán “chủ nghĩa phiêu lưu” của Mao – đã bị Mao loại bỏ. Những người chịu trách nhiệm thông qua nghị quyết này, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình đã bị bắt giữ.
Những năm Đại cách mạng văn hoá vô sản, Mao đã lái những nguyên tắc sang chiều hướng khác. Trong quá trình chuẩn bị đại hội IX thậm chí việc nhắc lại về lãnh đạo tập thể cũng coi mắc tội phản cách mạng, thế là thần tượng Mao đạt tới đỉnh cao nhất. Tất cả người Trung Quốc mặc áo “kiểu Mao”, mang “sổ tay bìa đỏ”, lặp lại những trích dẫn từ các bài phát biểu của ông. Thậm chí sự mua bán đơn giản nhất trong cửa hàng cũng phải theo lời trích dẫn của Mao. Chân dung Mao treo khắp mọi nơi. Hàng trăm triệu người trong cả nước, bắt đầu một ngày, họ tụ tập trước chân dung xin ông chỉ dẫn. Buổi chiều mọi người lại tụ tập, cúi đầu trước ảnh Mao, báo cáo mọi việc và xưng tội. Một ngày làm việc, bắt đầu và kết thúc, họ cùng nhau đọc tập thể những câu của Mao trích trong cuốn sổ tay bìa đỏ.
Những câu nói của Mao không những là tư tưởng chỉ đường của cả nước, còn là bản thần chú tập thể của nhân dân.
Chủ nghĩa phiêu lưu của Mao, biểu hiện ở Đại nhảy vọt, đưa đất nước đến nạn đói lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Ngày nay chúng tôi biết rằng nạn đói làm chết ít nhất 25 đến 30 triệu người. (Một số người đưa ra con số cao hơn – 43 triệu). Cách mạng văn hoá đẩy đất nước vào hỗn loạn, huỷ diệt gia đình, huỷ diệt tình bạn, phá hoại tận gốc rễ đời sống xã hội Trung Quốc.
Người đứng đầu quốc gia, Lưu Thiếu Kỳ, bị Mao buộc tội gây ra tất cả những khiếm khuyết trong nghị quyết đại hội VIII, đã bị khai trừ ra khỏi đảng và bị trừng phạt. Thậm chí vào tháng Tư năm 1969 tôi không hiểu Lưu Thiếu Kỳ ở đâu, nhưng sợ không dám hỏi.
Khá lâu sau khi đại hội đảng bế mạc, tôi mới biết, tháng 10-1969 người ta giải Lưu Thiếu Kỳ vào trại Khải Phương, ông bị bệnh nặng. Tháng sau ông qua đời, vì không ai chạy chữa thuốc men.
Đặng Tiểu Bình, cũng vậy, người ta thanh trừng ông. Một phần mười số Uỷ viên Bộ chính trị bị loại. Phần đông lãnh đạo các tỉnh mất chức, điều hành tỉnh nằm trong tay “Uy ban cách mạng” dưới sự quản lý của quân đội. Phần lớn uỷ viên Trung ương đảng của Đại hội VIII bị bãi nhiệm.
Đại hội IX của đảng phải trở thành điểm tột bậc kết quả của Mao trong việc thâu tóm quyền lực vào tay cá nhân. Đại hội IX đã chính thức từ bỏ nguyên tắc của đại hội VIII, khôi phục Mao thành lãnh tụ tối cao, tư tưởng của ông là tư tưởng chỉ đạo, dẫn dắt toàn thể nhân dân. Đại hội bầu ra Ban chấp hành Trung ương đảng mới, từ đó bầu ra uỷ viên bộ chính trị. Ý nguyện của Mao trở thành điều lệ chính thức của đảng, cả cuộc Đại cách mạng văn hoá vô sản của Mao cũng được công bố thành công rực rỡ một cách hợp thức hoá trong đại hội.
Quá trình tiến gần tới hội nghị mối quan hệ giữa những người còn sống sót sau các cuộc thanh trừng, với những người đã liên kết với nhau để đạp đổ Ban lãnh đạo cũ trở nên cực kỳ gay gắt. Mao ít xuất hiện, theo dõi từ xa những chuyện đụng độ, nhưng liên minh Lâm Bưu và Giang Thanh bắt đầu rạn nứt. Chu Ân Lai, người một lòng một dạ trung thành với Mao, cũng rất lo lắng bị buộc tội phản bội, ông bị mắc kẹt ở giữa. Hai nhóm cầm quyền cạnh tranh nhau, nhóm Lâm Bưu và nhóm Giang Thanh, đều cố sức cài người của mình vào Ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị.
Chu Ân Lai lo buồn ra mặt, từ xưa ông không bao giờ bàn luận với tôi về các vấn đề chính trị, nhưng một buổi tối, khi thấy tôi đi vào nhà Uông Đông Hưng, ông kéo tôi ra một nơi tâm sự. Ông muốn biết Mao nói gì về thành phần tương lai của ban lãnh đạo đảng.
– Không thấy nói gì cả – Tôi trả lời thành thật – Mao chỉ kể muốn “Tiểu tổ Cách mạng văn hoá Trung ương” và các nhóm chính trị đặc biệt thảo luận đề cương của ông.
Giang Thanh nắm quyền chỉ đạo tiểu tổ, hơn nữa các thành viên tiểu tổ cũng nằm trong nhóm chính trị đặc biệt, vì thế ảnh hưởng của Giang Thanh đến thành phần Ban chấp hành mới rất lớn. Chính Giang Thanh là người tìm cách buộc tội Chu Ấn Lai, tôi nhận thấy cần cảnh báo để ông biết mối thù không đội trời chung của Giang Thanh đối với ông.
– Ngay từ lúc Cách mạng văn hoá bắt đầu, Giang Thanh đã nhằm thẳng mục tiêu vào đồng chí – Tôi nói với ông, giải thích thêm. Khi Giang Thanh tuyên bố Cách mạng văn hoá là sự đụng độ giữa Tân cách mạng với “cựu chính phủ”, vậy chính phủ cũ là ai? Dĩ nhiên, trước hết là chính thủ tướng. Chính Chủ tịch rất không hài lòng, bất bình khi thấy Giang Thanh và phe cánh thành lập tổ chức “16 tháng 5” trong Bộ ngoại giao đối đầu với Chu Ấn Lai và Bộ trưởng ngoại giao Trần Nghị. “Chủ tịch cho rằng đây là tổ chức phản động, ông nói với Tiểu tổ Cách mạng Văn hoá và trước hàng chục ngàn quần chúng, không ai chống đồng chí”. Tôi nói với ông. “Tôi nghe thấy Giang Thanh trao đổi với Khang Sinh và Trần Bá Đạt, bà không tán thành ý kiến ấy. Chả có ai trong nhóm họ ủng hộ, họ vẫn âm mưu lật đổ đồng chí”.
Chu Ấn Lai hoảng hốt, ông bảo: “Hàng thập niên nay, tôi đã hết sức giúp đỡ Giang Thanh”. Chu kể, trong chiến tranh thế giới thứ II, ông đang ở Trùng Khánh, Giang Thanh bị đau răng muốn chữa bệnh, ông phải bay đến Hồ Nam đưa Giang Thanh về Trùng Khánh. Cả hai lần sang Liên Xô chữa bệnh, năm 1949 và 1956, chính ông phải dàn xếp đưa Giang Thanh đi.
Đột nhiên, Chu sợ co rúm lại, hỏi: “Đồng chí đã nói với ai điều này chưa?” Chu hỏi như muốn biết thêm. Tôi bảo, Uông Đông Hưng biết hết mọi chuyện, chúng tôi thường trao đổi với nhau, nhưng từ lâu tôi không bao giờ nói chuyện chính trị với bất cứ ai. Nghe xong, Chu mới thở phào, nhẹ nhõm, yêu cầu dừng câu chuyện ở đây.
Chu Ân Lai, một trong số những nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, còn được Mao tin, đến mức Lâm Bưu có lần đánh giá tính cách Chu, bảo với Uông Đông Hưng, gọi ông là “viên hầu cận dễ bảo”. Chu quá trung thành, đến mức khúm núm, đôi khi đến xấu hổ. Ngày 10-11-1966 tôi có mặt trong cuộc hội đàm giữa Mao và Chu, kế hoạch gặp gỡ lần thứ bảy với Hồng vệ binh trên quảng trường Thiên An Môn. Mỗi lần, khi thấy Mao xuất hiện, số người tụ tập tăng lên rất nhiều. Lần này hy vọng 2,5 triệu sinh viên tới dự. Nhưng quảng trường chỉ chứa được nửa triệu người, làm sao bố trí hết được, không khéo sẽ gây lộn xộn, phức tạp. Chu Ân Lai đề nghị một phần sinh viên xếp hàng dọc theo đại lộ Trường Nhân, cũng như trên một số phố lớn phía bắc quảng trường. Mao sẽ đi theo các phố trên xe mui trần vẫy chào họ.
Cố gắng giải thích kế hoạch của mình ở phòng 118, Chu trải bản đồ ra nền nhà, quỳ trên thảm, chỉ cho Mao hướng ô tô của ông phải đi qua. Mao đứng hút thuốc, nhìn Chu đang bò trên sàn nhà.
Nhìn Chu quỳ trước Mao tôi cảm thấy thật xấu hổ, rất ngượng. Một người với cương vị như ông, thủ tướng nước Trung Hoa, sao lại làm như vậy. Mao xem ra thú vị nhìn cảnh tượng này. Không ở đâu có sự tương phản rõ ràng nhất về quan hệ độc tài, quân phiệt giữa Mao và Chu Ấn Lai trong quan hệ hai người. Mao đòi hỏi Chu lòng trung thành tuyệt đối, nhưng chính Mao đối với Chu lại không thế. Chu luôn luôn lo bị phế truất. Chu quá trung thành, khúm núm, sợ sệt, vì thế Mao cho Chu giữ chức thủ tướng.
Chu cũng khúm núm trước cả Giang Thanh. Tháng 12-1966, khi Giang Thanh đi đến cửa phòng Đại lễ đường, Chu Ấn Lai đang điều khiển cuộc họp quan trọng, trưởng ban bảo vệ của Chu, Trần Nguyên Trung lịch sự yêu cầu bà chờ trong khi thủ tướng đang bận họp.
Giang Thanh nổi điên, quát:
– Mày, thằng Trần Nguyên Trung kia, mày hành xử như một con chó ngoan vâng lời thủ tướng, nhưng đối với tao, mày hành động như một con chó sói.
Giang Thanh ra lệnh cho Uông Đông Hưng bắt giam vệ sĩ thủ tướng. Uông từ chối, chuyển Trần sang việc khác.
Đặng Dĩnh Siêu, vợ Chu, người tri kỷ nhất của ông, phụ hoạ theo:
– Đồng chí cần bắt giam Trần Nguyên Chung – Bà nói với Uông. Chúng tôi không muốn bao che anh ta.
Uông vẫn khước từ, bảo với tôi:
– Trần Nguyên Chung phục vụ thủ tướng và vợ ông ta suốt đời. Họ muốn tống cổ anh ta chỉ để làm dịu sự bực tức này!
Cuối cùng Uông cũng phải đưa Trần vào Trường Cán bộ 7-5 đi lao động nông thôn một thời gian ngắn.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi cuộc tranh dành quyền lực giữa Lâm Bưu và Giang Thanh lộ ra, Chu Ấn Lai ra sức bảo vệ và đứng về phe cánh của bà, dù mọi sự tấn công ông đều xuất phát từ Giang Thanh. Chu, một chính trị gia xảo quyệt, biết rõ hơn ai hết việc Mao chỉ trích phê phán Giang Thanh, sự ghẻ lạnh giữa hai người ngày một tăng, nhưng Chu hiểu, dù sao họ vẫn là vợ chồng, vẫn gần gũi nhau, trung thành và cần lẫn nhau.
Khi ủng hộ Giang Thanh, Chu đã vô tình phản bội Uông Đông Hưng.
Uông Đông Hưng, nhân vật then chốt trong cuộc đấu đá chính trị. Là người đứng đầu Sư đoàn 8341, bộ phận điều khiển 6 nhà máy và hai Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Đa, thay mặt Mao điều hành mọi vấn đề. Uông có quyền lực lớn, được xem một trong số những chiến hữu thân cận nhất của Chủ tịch. Nhưng trong cuộc xung đột giữa Giang Thanh và Lâm Bưu, ông lại đứng về phía nguyên soái. Không chỉ vì ghét Giang Thanh, Uông vẫn hận Mao, vì Mao vẫn còn để bụng chuyến đi của ông đến Indonesia với Lưu Thiếu Kỳ. Dù vậy Uông vẫn hy vọng, trong đại hội IX người ta sẽ đưa ông vào Bộ chính trị.
Thoạt đầu Chu Ân Lai ủng hộ Uông làm ứng cử viên, ghi tên ông đầu tiên trong danh sách đề cử đặc biệt.
Không ngờ đêm trước khi đại hội khai mạc, Uông Đông Hưng bị chảy máu dạ dày, vào bệnh viện cấp cứu. Chu Ân Lai gọi tôi và y tá Ngô Tự Tuấn đưa ông đến báo tin cho Mao, yêu cầu tôi giải thích bệnh tình của Uông. Khi tôi kể bệnh này rất nguy hiểm đến tính mạng nếu máu dạ dày chảy quá nhiều, Chu bật khóc, nói:
– Đồng chí Uông Đông Hưng tốt thế, sao lại nên nông nỗi này.
Y tá Ngô Tự Tuấn và tôi cũng rơi nước mắt, cả ba chúng tôi sụt sùi trước mặt Mao.
Mao vẫn giữ vẻ ngoài dửng dưng, nét mặt chẳng thay đổi, không nói một lời. Khi chúng tôi hết khóc, ngồi yên, im lặng, ngượng ngùng nhìn nhau, chẳng biết phải làm gì. Cuối cùng Mao bảo:
– Nếu Uông ốm, hãy tìm các bác sĩ giỏi nhất chữa cho ông ta. Chúng ta chẳng có thể làm được gì được hơn.
Sau khi chúng tôi ra về, Mao nói với y tá, chúng tôi khóc Uông như khóc người nhà chết. Nước mắt của chúng tôi làm ông nghi, Chu Ân Lai, Uông Đông Hưng, Ngô Tự Tuấn và tôi ngoài sự thân thiết, còn có cái gì ẩn náu na ná như cùng một phe cánh.
Sự nghi ngờ của Mao không mảy may tác động đến Uông Đông Hưng.
– Tất cả chúng ta làm việc cho Mao, chẳng làm việc vì ai! – Uông nói, khi tôi thăm ông trong bệnh viện.
Nhưng Chu Ân Lai lại sợ. Ông không dám làm gì thêm vì lo mối nghi ngờ của Mao tăng lên. Giang Thanh, Khang Sinh cương quyết chống việc đề cử Uông vào Bộ chính trị, đến gặp Chu, ép Chu vào phe họ. Chu đồng ý. Trong lúc Uông ốm nặng, cắt bỏ phần loét dạ dày, Chu đến vận động ông rút lui danh sách ứng cử.
Uông Đông Hưng giận điên người,
– Chu hành động theo ý muốn của Giang Thanh và Khang Sinh – Uông nói trong cơn giận dữ khi tôi ngồi bên giường bệnh với ông – Một con người vô liêm sỉ.
Tất cả hai phái buộc phải tìm cách thoả hiệp. Đại hội IX của đảng họp tháng 4, vẫn bầu Uông Đông Hưng là Uỷ viên trung ương đảng, kiêm Uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị mặc dù Giang Thanh phủ quyết. Lâm Bưu ủng hộ Uông Đông Hưng, Lâm Bưu và phe cánh ông có ảnh hưởng lớn trong bầu cử. Lâm Bưu đọc báo cáo chính trị tổng kết Đại hội IX, được Mao chính thức tuyên bố “Đồng chí chiến đấu thân cận và người kế thừa”. Tư tưởng Mao Trạch Đông một lần nữa được xác nhận là tư tưởng chỉ đạo Trung Quốc.
Con trai Lâm Bưu – Lâm Lập Quả cũng nhận được chức vụ cao. Sau Đại hội IX không lâu, người ta bổ nhiệm anh làm phó Tư lệnh Không quân, “lãnh đạo trẻ thế hệ thứ ba”. Tướng lĩnh thuộc lực lượng Không quân sưu tập những lời phát biểu của Lâm Lập Quả, gửi cho Mao. Trong không quân, tên của Lâm Lập Quả thường làm người ta nhắc tới sau tên của bố. Người ta cũng kêu gọi trung thành với Lâm Lập Quả.
Sau tất cả các sự việc xảy ra, tinh thần thần tôi suy sụp hẳn. Mao đã đạt được sự thay đổi các nguyên tắc của Đại hội VIII. Trong 13 năm trong cao trào đấu tố, tranh dành quyền lực gay go quyết liệt, những người cộng sản tôi kính trọng đã bị thanh trừng, người ta đã loại bỏ hơn 80% uỷ viên Trung ương đảng khoá trước. Hầu hết những mới đều xa lại với tôi, họ thuộc phe cánh Giang Thanh hay Lâm Bưu.
Phe cánh và đồng bọn chúng đã tiếm quyền lãnh đạo Trung Quốc. Tôi mất hết hy vọng. Đất nước tôi biết bao giờ mới có hạnh phúc.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa

Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 69

Posted: 14/11/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63], [64], [65], [66], [67], [68], [69]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Với quá trình đưa Lâm Bưu đến đỉnh cao quyền lực, cả đất nước Trung Hoa bị quân sự hoá. Được giao trọng trách vãn hồi trật tự trong nước, quân đội đã kiểm soát các cơ quan đảng, chính phủ, các đơn vị sản xuất trong tất cả các cấp của xã hội. Bí thư các tỉnh đã bị thay thế bằng các tư lệnh vùng, quân đội kiển soát toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước từ trên xuống dưới, thậm chí cả những làng quê Mao thường đến thăm. Lâm Bưu người dẫn đầu cả nước học tập, nghiên cứu tư tưởng Mao Trạch Đông và giải phóng quân đi đầu trong việc nghiên cứu, vì vậy toàn dân cũng phải học tập tư tưởng Mao. Mọi người ai cũng muốn được vinh danh như quân đội. Tất cả mặc quân phục, tôi cũng vậy. Riêng Mao vẫn mặc đồng phục “kiểu Mao”, rộng thùng thình. Ông chỉ mặc quân phục trong những trường hợp hy hữu phải xuất hiện trước quần chúng để biểu thị sự ủng hộ quân đội.

Nước ta hồi đó có hai kẻ thù chính: Liên Xô và Mỹ. Tháng 3-1969 bắt đầu xung đột vũ trang biên giới Xô-Trung trên đảo Trân Bảo, tỉnh Hắc Long Giang. Những tháng tiếp theo, lệnh tổng động viên cả nước. Hơn 10 triệu nhân dân các thành phố sơ tán về nông thôn trong điều kiện sống thô sơ. Họ đưa cán bộ đảng, chính quyền, các tầng lớp trí thức, giáo viên những người trong cuộc Các mạng văn hoá chưa kịp gạt bỏ đưa đi cải tạo lao động khổ sai trong cái gọi là “Trường Cán bộ 7-5”. Các học sinh, sinh viên mà Mao kêu gọi tạo phản chống trí thức, giờ đây được đưa đến vùng nông thôn để học tập, trải nghiệm cuộc sống lao động nghèo khổ cuả nông dân. Nhưng tầng lớp trí thức hầu như không được về nông thôn, họ phải sống trong tình trạng cực kỳ khốn khổ trong các trại cấm ở vùng sâu vùng xa, bắt buộc phải làm việc quần quật từ sáng tinh mơ đến tối khuya. Thực chất mục đích đưa đến Trường Cán bộ 7-5 không phải để học tập mà ai cũng biết đó là sự trừng phạt, bị kỷ luật. Học sinh trung học, sinh viên các trường cao đẳng Đại học, một thời Mao kêu gọi nổi loạn chống chính quyền được gửi đến “cao – lên miền sơn cước; thấp – về vùng sâu vùng xa” để những “người nghèo khổ, tầng lớp lao động lầm than giúp học hành lại”.
Lo ngại chiến tranh mở rộng, các vùng biên giới tăng cường sơ tán. Tháng 8-1969, những người không đi sơ tán ở các thành phố biên giới, được lệnh đào hầm sâu đề phòng oanh kích trên không, kể cả bom hạt nhân.
Tại Bắc Kinh, người ta xây các địa đạo ngầm ngang dọc dưới lòng thành phố. Trong trường hợp bị ném bom, người dân có thể ẩn náu ở đây vài tuần liền.
Trong thời đỉnh điểm cao trào quân sự hoá, cuộc chiến đang sôi động, nóng bỏng, một hôm Mao ra một câu đố, hỏi tôi:
– Anh thử suy nghĩ, phía Bắc và phía Tây có Liên Xô, Ấn Độ ở phía Nam, Nhật Bản ở phía Đông. Nếu tất cả kẻ thù liên kết lại, tấn công chúng ta từ 4 phía bắc-nam-đông-tây, anh nghĩ ta phải làm gì?
Mao giả sử chúng ta bị kẻ thù bao vây tứ phía, điều tôi cũng từng suy nghĩ, nhưng không biết phải trả lời như thế nào và phải làm gì. Tôi nghĩ cả ngày không ra câu trả lời, đành đến gặp Mao thú nhận, chịu không thể trả lời câu hỏi.
– Hãy nghĩ thêm một lần nữa đi – Mao gợi ý – Sau Nhật bản là Mỹ. Có phải cha ông chúng ta đã dạy, hoà với nước ở xa, chiến tranh nước ở gần không?
Tôi sững sờ. Báo chí chúng ta đăng đầy các bài chỉ trích, chống Mỹ. Trung Quốc đang viện trợ giúp Việt Nam đánh Mỹ.
Tôi hỏi trong hoài nghi:
– Liệu chúng ta có thể đàm phán với Hoa Kỳ được không?
Mao giải thích:
– Mỹ và Liên Xô rất khác nhau. Hoa Kỳ chưa bao giờ chiếm đóng lãnh thổ Trung Quốc. Tổng thống mới của Mỹ, Richard Nixon từ lâu người của cánh hữu, ông ta đi tiên phong chống cộng sản. Tôi thích giao tiếp với phái hữu. Họ nói cái điều mà họ thực nghĩ – không như những người cánh tả, nghĩ một đằng làm một nẻo.
Cả tôi và Uông Đông Hưng chẳng ai tin lời Mao. Sự đối kháng tương hỗ giữa Trung Quốc và Mỹ dẫn đến chiến tranh Triều tiên, tháng 6-1950, sự công kích chống Mỹ cho đến nay vẫn chưa nguội đi. Đế quốc Mỹ bị buộc tội có ý định thống trị bằng vũ lực đối với tất cả các nước châu Á. Chủ nghĩa tư bản, chúng ta đã tin cho rằng đang suy yếu và chết dần bởi các mâu thuẫn nội tại.
Nhưng Mao nói hoàn toàn nghiêm túc, điều này nghĩa là Trung Quốc đang nằm trong quá trình cải tổ chính sách đối ngoại của mình.
Tư tưởng hữu khuynh của Tổng thống Richard Nixon cũng hướng nước Mỹ theo con đường mới. Tổng thống Mỹ gửi Mao một bức công hàm hữu nghị có tính chất thăm dò qua Tổng thống Pakistan, Yahub Khan và chủ tịch nước Rumani, Nicolai Chausescu. Ông xác nhận, không ủng hộ đề nghị của Liên Xô về xây dựng một hệ thống an ninh tập thể ở châu Á, phản đối đòn tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc.
Lợi ích của Mao trùng với lợi ích chiến lược của Richard Nixon. “Hệ thống an ninh tập thể ở châu Á là cái gì?” Mao giải thích, sau khi Richard Nixon xác nhận. “Đó là hệ thống chiến tranh châu Á, thành lập tấn công Trung Quốc”. Mao thường sinh sự trong quan hệ với Liên Xô, coi Liên Xô đe doạ Trung Quốc và cá nhân ông. Mao bảo:
– Bom nguyên tử và tên lửa của Trung Quốc lúc này chưa có khả năng bay tới Mỹ. Nhưng nó có thể dễ dàng bay tới Liên Xô.
Tháng 12-1969 thủ tướng Chu Ân Lai nhận bức điện của đại sứ Trung Quốc ở Ba Lan, nơi Trung Quốc và Mỹ tiến hành các cuộc hội đàm vô tiền khoáng hậu, hai nước từng thù địch trong suốt nhiều năm.
Trong buổi liên hoan đa phương nhân dịp khai mạc Hội chợ Thời trang ở Warsaw, đại sứ Mỹ ở Ba Lan đã đề nghị một cuộc gặp riêng với sứ quán Trung Quốc, còn bóng gió, có một đề nghị rất đáng quan tâm.
Mao cho tôi xem bức điện, ông rất vui:
– Chúng ta đã từng nói những điều chưa nói trong 11 năm qua. Giờ đây chúng ta có thể bắt đầu tiến hành cuộc hội đàm nghiêm túc. Richard Nixon chắc chắn chân thành, khi ông ta nói rằng rất quan tâm thảo luận với chúng ta.
Tôi mừng bởi Mao mong muốn phục hồi lại mối quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ, tôi nói với ông về sự phục hồi mua các tạp chí y học của Mỹ. Do lệnh cấm của Cách mạng văn hoá đối với các ấn phẩm nước ngoài, tôi cảm thấy mình lạc lõng, xa lạ với nền y học hiện đại của thế giới. Mao đã già, chẳng mấy lúc theo dõi sức khỏe cho ông khó khăn hơn. Tôi muốn học hỏi càng sớm và càng nhiều càng tốt sự tiến bộ của nền y học hiện đại. Tôi giải thích với Chủ tịch, nếu không tiếp cận với các tạp chí y học Mỹ, chúng ta không thể nào có khả năng hiểu biết những tiến bộ về y học và khoa học hiện đại.
– Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để thu thập thông tin về chúng ta – Mao trả lời. Vì sao chúng ta lại ngu ngốc đến thế và nhắm mắt trước cái gì xảy ra ở nước ngoài? Anh hãy liệt kê tất cả những tạp chí y học anh muốn có đưa cho tôi.
Mao chuyển yêu cầu của tôi mua các tạp chí cho Chu Ân Lai và Khang Sinh.
– Tôi muốn họ suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ của chúng ta với nước ngoài – Mao nói. Đặc biệt với Hoa Kỳ.
Trên báo chí công khai, Trung Quốc vẫn tiếp tục lên án Hoa Kỳ, vẫn ủng hộ Bắc Việt trong cuộc chiến tranh đang tiếp diễn. Nhưng đằng sau hậu trường, cuộc đàm phán nối lại quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ vẫn lặng lẽ tiến hành khẩn trương. Mao bắt đầu đàm phán với kẻ thù xa của mình để chuẩn bị chiến tranh với người “anh cả” kế bên.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa


Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 70

Posted: 16/11/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63], [64], [65], [66], [67], [68], [69], [70]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Trong thời gian cả nước Trung Quốc được động viên cho chiến tranh, Mao tiến hành cuộc đàm phán để giảm căng thẳng với Hoa Kỳ, thì sự bất bình của Mao với con người chỉ vừa mới đây được tuyên bố, người sẽ kế vị, người bạn chiến đầu thân thiết nhất của ông lại tăng lên. Tôi phát hiện lần đầu tiên sự thù địch của Chủ tịch với Lâm Bưu trong chuyến đi về phương nam tháng 5-1969, ngay sau khi Đại hội đảng IX.

Ở Trung Nam Hải, số lượng lính bảo vệ Mao tăng lên không rõ ràng. Lính sư đoàn 8341 của Uông Đông Hưng vẫn thường trực bảo vệ. Đối với tôi trở lại làm việc Nhóm Một, sự gây ấn tượng là cái khác, số lượng các cô gái trẻ quanh Mao không giảm đi. Họ đi cùng với Mao trong các chuyến công du, không những thế, nơi nào Mao đến, nơi ấy quanh ông xuất hiện những cô gái trẻ, đẹp mới. Trong chuyến đi của chúng tôi tháng 5-1969, công du Vũ Hán, Hàng Châu và Giang Nam, tất cả nhân viên phục vụ ở biệt thự Mao toàn những cô gái trẻ. Để đảm bảo nghỉ ngơi, tiêu khiển cho ông, người ta cử các cô ca sĩ, diễn viên múa của đoàn văn công tỉnh đến phục vụ. Ông tỏ ra đặc biệt chú ý hai cô ca sĩ được đưa đến phòng của Chủ tịch, họ còn mang theo cả hai cô em gái của mình.
Khẩu hiệu công khai của Cách mạng văn hoá thực hành chủ nghĩa khổ hạnh. Nhưng đảng càng thuyết giáo chủ nghĩa khổ hạnh, đạo đức cách mạng bao nhiêu, thì sự khoái cảm tình dục của Chủ tịch lại càng tăng. Trong thời gian chờ đợi kết quả Cách mạng văn hoá đạt được chiến thắng, Mao đùa giỡn trên giường với ba, bốn, và thậm chí năm cô gái cùng một lúc.
Phía sau phòng Mao, lính vẫn đứng canh bảo vệ an toàn. Chỉ trong chuyến đi này, tôi hiểu sự bảo vệ Chủ tịch được tăng cường nghiêm túc như thế nào sau khi Mao ra lệnh quân đội ủng hộ Cách mạng văn hoá trấn áp phái đối kháng.
Mao không thích vệ sĩ của ông mặc quân phục. “Tại sao có nhiều lính xung quanh chúng ta thế?” – Mao thường xuyên phàn nàn. Sự có mặt của những người lính bóp nghẹt tự do của ông. Những người mặc quân phục, ông biết điều này, đã thông báo tất cả những gì họ thấy cho thủ trưởng của họ. Ông không thích bên cạnh ông có người để mắt, nhòm ngó. Mao yêu cầu bỏ lính gác đi.
Tôi cho rằng sự phản đối của Mao với lính tráng phản ánh cuộc đấu tranh đang tăng lên với Lâm Bưu. Nhưng Uông Đông Hưng không tin, khi tôi trao đổi với ông sự quan ngại của Mao, Uông bảo: “Vô lý, tại sao Mao khó chịu về những người lính gác”. Tôi giải thích: “Uỷ ban quân quản chiếm đóng khắp nơi. Ban lãnh đạo quân đội ủng hộ hữu khuynh. tất nhiên nhân viên phải là quân lính cũng ủng hộ phái hữu. Chỉ sư đoàn Bảo vệ 8431, tổ chức duy nhất không trực thuộc Bộ quốc phòng, nhưng chúng ta cũng vẫn phải mặc quân phục”. Uông Đông Hưng một chính trị gia sắc sảo, nhưng trường hợp này ông không nhận ra. Uông khước từ ủng hộ sự phản ứng mặc quân phục tăng lên, chỉ vì điều này dẫn đến hố sâu ngăn cách, chia rẽ giữa Mao và Lâm Bưu.
Sự cố nhỏ tháng 11 năm 1969 làm tôi tin nhận xét của tôi hoàn toàn có cơ sở. Cuối tháng 9 chúng tôi rời phía Nam, đến Vũ Hán vào giữa tháng 10. Nhưng cuối tháng 10 năm ấy, đợt không khí lạnh gió tràn về bất thường, nhiệt độ giảm xuống đột ngột. Theo kinh nghiệm, tôi biết thế nào Mao sẽ bị cảm, nếu chúng tôi không trở về vùng ấm áp. Như thường lệ, Mao từ chối. Ông bảo, cần tập quen với thời tiết giá lạnh. Tôi biết, thế nào Chủ tịch cũng bị cảm, Trương Diêu Tự, người phục trách bảo vệ Chủ tịch cũng lo. Nếu Mao ốm, người ta có thể quy tội sơ xuất. Trương yêu cầu Diệp Quần nói chuyện với Lâm Bưu, nhờ ông khuyên Mao quay về vùng ấm hơn.
Tôi đang ngồi với Mao, Trương Diêu Tự báo cáo Lâm Bưu sẽ tới, trao đổi, đề nghị Mao về vùng ấm hơn. Mao lặng đi một lúc, nét mặt không thay đổi, rõ ràng ông không đồng ý. Nhưng tôi không thể ngờ sau khi Trương Diêu Tự đi ra, ông nổi xung đến như vậy, bảo:
– Tại sao bất cứ việc gì xảy ra ở đây Trương lại thông báo cho người khác? Khi lũ người kia (ám chỉ Lâm Bưu, Diệp Quần) đánh phát rắm, Trương Diêu Tự cũng thực hiện như một chiếu chỉ của hoàng cung à?
Mao không làm theo sắc lệnh của hoàng cung Lâm Bưu.
Thời tiết nóng không trở lại Vũ Hán. Cuối tháng 11, Mao dù sao chăng nữa cũng không tránh khỏi cảm lạnh, nhưng không chịu chữa rị ngay, dẫn đến biến chứng thành phế quản phế viêm, khi bệnh khá trầm trọng, lúc ấy ông đồng ý cho tôi điều trị.
Mao biết tôi đã nhiều lần khuyên ông trở về vùng ấm, muốn điều trị ngay từ ban đầu nhưng tất cả đều bị ông khước từ. Mao cũng còn biết Giang Thanh chưa hết nguôi giận, vẫn tìm mọi cách tấn công tôi, hơn nữa Giang Thanh vẫn buộc tội tôi đầu độc. Trong cuộc chiến ăn miếng trả miếng này, giờ đây là lúc Giang Thanh dễ dàng trả thù lấy cớ chuyện ốm đau của Mao.
Mao một lần nữa bảo vệ tôi. Ông yêu cầu viết bệnh án giải thích lý do và quá trình bị cảm lạnh và bệnh phế quản phế viêm của ông.
– Tôi muốn anh không bị dây dưa trách nhiệm do tôi bị ốm – ông nói – Chính tôi có lỗi trong việc đã không đi về phương nam ấm áp theo lời anh khuyên.
Mối quan hệ giữa Mao với Lâm Bưu trở nên căng thẳng. Tôi tin sự liên minh Uông Đông Hưng với nguyên soái sẽ trở nên thật nguy hiểm. Tôi nhắc lại lời cảnh cáo với Uông về điều này, nhưng ông không tin.
Uông trung thành với Mao, nhưng ông vẫn muốn tăng cường quyền lực trong tay. Ông vội vã bắt mối quan hệ với bất cứ ai có thể giúp ông tăng quyền lực. Uông liên kết với Lâm Bưu trong hoàn cảnh Cách mạng văn hoá đang tiến hành. Không ai khi ấy được Mao tin hơn Lâm Bưu, người khởi xướng chiến dịch nghiên cứu tư tưởng Mao, từng tâng bốc, “một lời của Mao đáng giá hàng vạn lời của người khác”. Khi ấy làm việc với Lâm Bưu nghĩa là làm việc với Mao. Tình bạn, tình đồng chí giữa hai người đời đời bền vững.
Nhưng tình hình hiện tại đã thay đổi, Uông vẫn không thay đổi cách nhìn, cách hành xử và ông hiểu ra diễn biến quá muộn.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch



Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 71

Posted: 19/11/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63], [64], [65], [66], [67], [68], [69], [70], [71]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Đầu năm 1971 ở Nhóm Một xuất hiện tin đồn, một trong số phụ nữ của Mao, thư ký riêng Văn phòng, đã yêu một thành viên trong đám nhân viên của Mao. Uông Đông Hưng quyết định giải quyết nhanh gọn vụ quan hệ này. Là một người mẫu mực trong gia đình, nhất mực thương yêu vợ con, Uông không bao giờ nghĩ đến sự phản bội vợ, vì thế không hiểu về sự “nẫng tay trên” của Mao. Nhưng Mao là người khác thường, Uông chấp nhận sự bất thường trong đời sống của Mao. Dù sao vẫn ngần ngại thái độ của các nhân viên của Mao. Trong thời gian ở Vũ Hán, Uông triệu tập cuộc họp phê bình cô thư ký và bạn trai, nhưng lại muốn tôi làm chủ toạ cuộc họp.

Tôi từ chối. Tôi quý cô gái trẻ này. Khác hẳn với nhiều người làm việc quanh Chủ tịch, cô ta ngây thơ, chất phác, phục vụ Mao chỉ vì quá kính trọng và quá sợ mỗi khi gặp Mao. Tôi không tin lời buộc tội hai người có tình ý với nhau. Cô gái và anh chàng kia chỉ mới nói đùa, cợt nhả, thế thôi chứ chưa có chuyện gì khác. Chuyện ngồi lê đôi mách làm họ phẫn nộ, cả Mao cũng không tán thành kiểu làm thế. Nhưng Uông Đông Hưng không buông tha, còn phê phán tôi quá e dè, nhút nhát. “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với anh, sẽ mất việc ở Nhóm Một” – Uông thuyết phục tôi – “Nhưng anh có thể tìm việc làm ở chỗ khác dễ dàng”. Đã từng bị Mao đày 2 lần, Uông vẫn còn chưa quên nỗi hận, nhưng vẫn chưa biết sự ủng hộ của Mao đối với Uông đến mức nào. Để tránh tối đa khỏi bị đi đầy lần nữa, tuy vậy ông vẫn nơm nớp sẵn sàng đón nhận tai hoạ, Uông cũng lên dây cót tinh thần để tôi sẵn sàng chuẩn bị. Dù sao Uông vẫn là sếp, tôi buộc phải chấp hành mệnh lệnh. Tôi triệu tập cuộc họp theo lệnh của Uông.
Cô gái trẻ rất buồn khi bị phê bình, cô nhờ hai người bạn gái, trong đó có Trương Ngọc Phượng, đưa đến gặp Mao để giãi bày. Tôi cũng không biết cô ta đã nói những gì với Chủ tịch, nhưng chẳng bao lâu Mao đích thân nói, tôi đã mắc sai lầm lớn khi làm theo lời Uông.
– Anh chẳng lịch sự chút nào, có phải thế không anh chàng lịch sự?
Mấy ngày sau, Mao nói với tôi giọng chế nhạo trên chuyến tầu từ Vũ Hán đi Hàng Châu.
– Anh đã xông vào việc chẳng liên quan gì đến anh. Thế mới biết, anh còn phải học hỏi nhiều hơn nữa. Khi nào trở về Bắc Kinh, tôi muốn anh thành lập đội y tế đi xuống địa phương, nơi đó anh có thể thực tế phục vụ nhân dân, giao tiếp với họ và học được hỏi nhiều điều ở những người nông dân nghèo. Chuyến đi này sẽ mang lại cho anh nhiều lợi ích.
Tôi chọn Hắc Long Giang, một tỉnh xa nằm ở đông bắc Trung Quốc, giáp giới Liên Xô, gần đảo Trân Bảo. Chính ở đó vẫn chưa lắng yên cuộc đụng độ giữa hai quân đội ta và Xô viết. Chính ở đây tất cả dân lành phải đào hầm trú ẩn tránh bom. Tôi muốn xem, nhân dân chuẩn bị chiến tranh ra sao. Mao đồng ý kế hoạch của tôi.
Hầu như chẳng có gì giữ tôi ở Bắc Kinh, thậm chí dưới sự che chở của Chủ tịch cũng khó cứu được tôi. Cục diện trong Bộ y tế năm 1969 lại bị nóng lên, kể cả trong đường Quảng Xương, nơi tôi sống, cũng chẳng yên. Một trong phe phái đánh nhau đã cắt nước và hệ thống sưởi, còn phe kia kiểm soát việc thu chi phát lương, lại không chịu trả lương cho những ai không chịu công khai tuyên bố mình là người của nhóm họ. Tôi từ chối không muốn dính vào phe này hay phe kia.
Khi tình hình trở lên khó kiểm soát, Mao và Uông chuyển hồ sơ của tôi từ Bộ Y tế sang Ban bảo vệ an ninh để cho an toàn, đồng thời tôi chuyển gia đình vào khu chung cư trong dãy nhà nhiều tầng, thuộc Trung Nam Hải, khu nhà dành cho cán bộ nhân viên Tổng văn phòng.
Rồi chẳng bao lâu, người ta tuyên bố đưa cán bộ, trí thức chuyển về Trường Cán bộ 7-5, văn phòng Lý Liên được chuyển về khu vùng sâu vùng xa của Hắc Long Giang, sát biên giới Trung-Xô, để lại cho tôi 2 thằng con phải chăm sóc.
Lý Liên sống không những trong điều kiện ăn ở tồi tệ, mà còn sợ hãi triền miên. Lý lịch tư sản tiếp tục gây cho cô ấy nhiều. Nhóm cô ta đêm đêm họp để đào bới quá khứ chính trị đồng nghiệp của mình và Lý Liên luôn phải chịu sự phê bình. Hai chúng tôi hiểu rõ, địa vị của tôi làm bác sĩ riêng cho Mao mới che chở vợ khỏi sự ngược đãi lớn lao. Nếu tôi mất việc, cô ta sẽ khốn khổ.
Ở Hắc Long Giang tôi có thể gặp và giúp đỡ động viên Lý Liên. Kể cả đội y tế của tôi chuyển sang vùng khác, dù sao chăng nữa cũng sẽ còn gần nhau hơn tôi ở lại Bắc Kinh. Đi xa hẳn bầu chính trị căng thẳng ở thủ đô, tôi tin có nhiều cơ hội chúng tôi được gặp nhau.
Hắc Long Giang thích hợp với cuộc đi đày của tôi còn có lý do khác. Nơi đây, vùng Nhị Thành thường là nơi lưu đày các quan thượng thư phạm tội triều đình nhà Thanh. Tôi cũng cảm thấy mình là kẻ thất sủng, bị đi đày. Vì thế tôi chọn vùng Nhị Thành làm nơi đội y tế làm việc.
Uông Đông Hưng không muốn tôi đi. Ông có kế hoạch riêng, muốn đưa tôi sang chỗ khác. Ở bệnh viện Bắc Kinh vẫn chưa ổn định, Uông băn khoăn làm sao có một tổ chức phục vụ y tế riêng phục vụ Chủ tịch và cán bộ cao cấp của đảng. Uông quyết định chuyển đổi Câu lạc bộ Dương Phong Gia Đạo gần Hồ Bắc, phía ngoài Trung Nam Hải thành bệnh viện đặc biệt dành cho Mao và các lãnh tụ cao cấp. Đó là Quân y viện Giải phóng quân 305, các khoa phòng trực tiếp dưới sự chỉ đạo của quân đội. Uông muốn cử tôi làm giám đốc bệnh viện.
Nhưng Uông Đông Hưng có lỗi trong vụ đi đày của tôi, khi ông bắt tôi phải tổ chức phê bình người tình của Mao. Lòng tin của Chủ tịch đã từng bị mất mát, vì tôi không tham gia tích cực cuộc Cách mạng văn hoá, kèm theo lời buộc tội của Giang Thanh, Khang Sinh, được lấy lại nay mất đi chỉ vì nghe lời ông. Thật vô lý, khi tôi trở thành vật tế thần. Uông Đông Hưng vẫn mù quáng chống Giang Thanh bằng cách thân cận với Lâm Bưu, quên rằng giờ đây Mao đã hết tin Lâm Bưu và cả chính Uông.
Để chăm lo con cái mình, tôi mướn người giúp việc, còn tôi thành lập một đội y tế gồm 7 thành viên, hai bác sĩ của Bệnh viện Bắc Kinh, bác sĩ ngoại khoa Ngưu và một y tá trong Quân y viện 305 mới thành lập, dưới quyền giám đốc Trương, cán bộ chính trị Ban bảo vệ Trung ương, và lương y Lý, người đã giúp đỡ và bảo vệ tôi ở Đại học Thanh Hoa khi bị ném đá. Chúng tôi lên tầu ngày 29-6-1970 hướng về Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa


Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 72

Posted: 21/11/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63], [64], [65], [66], [67], [68], [69], [70], [71], [72]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Việc chúng tôi ra đi, Uông Đông Hưng coi như bị gạt bỏ. Đón chúng tôi ở Cáp Nhĩ Tân là các quan chức trong Uỷ ban cách mạng tỉnh Hắc Long Giang, họ tổ chức cho chúng tôi một chuyến tham quan thành phố kéo dài trọn một tuần lễ. Chúng tôi đi kiểm tra một đơn vị địa phương quân được vũ trang đầy đủ, tham dự buổi luyện tập chuẩn bị chiến đấu với Liên Xô. Thăm tổ hợp địa đạo xây dựng ngầm chống oanh kích, các bệnh viện dã chiến đặt ở ngoại ô thành phố. Tuy các thiết bị bệnh viện còn đơn giản, thiếu thốn, nhưng cũng đủ sức phục vụ cấp cứu khi chiến tranh xảy ra. Chúng tôi yêu cầu ra thăm đảo Trương Bảo, nhưng bị khước từ. Ở đó rất nguy hiểm, những cuộc đụng độ nhỏ vẫn thường xảy ra hàng ngày giữa hai bên.

Từ Cáp Nhĩ Tân chúng tôi đi tàu hoả đến thị xã nhỏ thuộc Mông Đường Giang, quang cảnh ở đây thật tuyệt vời. Suốt đêm đi dạo trên dãy hồ nhỏ Thanh Bá, trải rộng, từng hồ nhỏ rải rác trên miệng núi lửa đã tắt, khiến chúng tôi liên tưởng tới chuỗi hạt trai vương vãi. Đây là một nơi tuyệt đẹp, còn hoang sơ, nơi hổ và gấu vẫn còn cư ngụ. Sau cách mạng tháng Mười nhiều người Nga chạy đến đây sinh cơ lập nghiệp, làm nghề săn thú lấy da. Sau Cách mạng văn hoá 1966, họ chạy tán loạn, sống rải rác khắp nơi.
Cuối cùng, sau mười ngày được các quan chức đưa tham quan, mở tiệc chiêu đãi, chúng tôi đi bằng xe hơi đến huyện Ninh Hằng cùng với hai bác sĩ của tỉnh Hắc Long Giang. Cuộc đời “bác sĩ chân đất” của tôi bắt đầu.
Tôi ở trong văn phòng của Uỷ ban nhân dân xã, chung phòng với lương y Lý. Ông cư xử với tôi như một người cha, luôn quan tâm chăm sóc. Những cánh đồng bao quanh thật rộng lớn, chạy dài đến tận chân trời, vượt quá tầm mắt nhìn, hoàn toàn khác hẳn đồng ruộng phía nam, từng cánh đồng nhỏ bao quanh làng xã. Đất đai ở đây phì nhiêu, màu đen, chủ yếu trồng ngô, đậu tương.
Nhà cửa cũng khác với nhà ở miền nam. Nhà làm bằng đất sét, mái rơm. Bên trong nhà, những chiếc lò nhỏ, mặt lò xây bằng gạch, sưởi ấm về mùa đông và cũng là nơi ăn uống, chỗ ngủ của gia đình. Trên chiếc giường lớn ấy, cả gia đình ngủ chung không phân biệt tuổi tác và giới tính.
Khác với đa số những vùng khác trong nước, rừng nguyên sinh Hắc Long Giang còn nguyên, chưa bị nạn phá rừng tàn phá, củi rất nhiều, dùng làm chất đốt cho các gia đình.
Huyện Ninh Hằng, dân cư gồm người Trung Quốc và người thiểu số Triều tiên. Nhà của người Triều tiên, gọn gàng, đẹp hơn do có giấy màu trang trí dán bên thành lò. Người Trung Quốc phủ cỏ lên trên lò, vì thế nhà của họ trông đơn sơ, luộm thuộm. Đời sống nông dân ở Ninh Hằng không quá nghèo khổ như vài vùng ở tỉnh Giang Tây, nhưng vẫn thuộc diện nghèo. Trong làng không có cơ sở y tế, muốn khám bệnh bắt buộc phải ra tỉnh. Nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện đi khám bác sĩ vì quá xa, quá tốn kém. Khái niệm phục vụ y tế hiện đại không tồn tại ở đây. Một lần trong lúc thu hoạch mùa màng, một bà già bị một cái dằm đâm thẳng vào mắt. Tôi không có thuốc, cũng chẳng có dụng cụ để khám chữa, muốn chuyển bà lên bệnh viện thành phố. Chuyện đi bệnh viện tỉnh là chuyện hoang đường. Mọi cố gắng của tôi thuyết phục không dẫn đến kết quả, bà không đủ khả năng chi phí chuyến đi.
Chúng tôi, những bác sĩ duy nhất, họ bây giờ mới thấy. Hàng ngày chúng tôi đi từ làng này đến làng khác, giúp mọi người về y tế, bằng cách sử dụng những thuốc đơn giản nhất, những phương pháp khám xét đơn giản nhất. Tôi nghĩ, Mao, khi gửi tôi, đã hy vọng rằng nông dân nhìn tôi như “di sản của tư sản”, sẽ căm ghét, nhưng không, họ rất vui vẻ đón tiếp. Chúng tôi không từ chối bất cứ sự giúp đỡ nào, dù sao chăng nữa, đối với họ vẫn tốt hơn không có.
Bệnh lao và giun sán rất phổ biến ở đây. Họ nuôi lợn thả rông, đây là nguyên nhân reo rắc trứng giun sán. Dù chất đốt dư giả, nông dân ít khi nấu chín thức ăn đủ diệt mầm bệnh. Tôi nhiệt tình tham gia điều trị chứng giun sán giúp những người lao động bình thường.
Nhưng tôi không thể gặp được Lý Liên. Trung Quốc và Liên Xô đang trên miệng hố chiến tranh, Hắc Long Giang nơi có nhiều khả năng trở thành chiến địa. Vì thế Lý Liên và các đồng nghiệp rất không may mắn, bị chuyển về Trường Cán bộ 7-5 ở Hồ Nam, cách xa hàng nghìn dặm, đúng lúc trước khi tôi tới. Tôi nhớ gia đình kinh khủng. Tôi nghĩ, phải chăng đây là số phận ma quái, khắc nghiệt đã chia rẽ chúng tôi. Đôi khi nhận được thư nhà, tôi chỉ biết lơ mơ về tình cảnh vợ con. Người ta vẫn đồn thổi không hay về lý do vì sao tôi phải đi Hắc Long Giang. Có người nói vì tôi dính dáng chuyện chính trị, người khác bảo tôi bị Liên Xô bắt cóc, lại có tin tôi đào tẩu sang Liên Xô. Gia đình tôi cũng như tôi rất buồn với những tin đồn thất thiệt.
Nhưng những ngày tháng tôi sống ở nông thôn thật thanh bình và êm đềm. Mọi chuyện đấu tố bên ngoài chẳng lọt vào chỗ chúng tôi. Cách mạng văn hoá, cuộc đấu đá tranh giành quyền lực vẫn đang xảy ra trong nước, nhưng ở đâu đó xa xôi lắm, chúng tôi không cảm nhận thấy ở làng quê Ninh Hằng này.
Ngày 6-11-1970, bốn tháng sau, khi tôi đang ở trạm xá, đột nhiên xuất hiện một chiếc xe Jeep do Tư lệnh Trương, tỉnh đội trưởng lái đỗ xịch ngay trước cửa, người đã từng tháp tùng chúng tôi tham quan. Ông đi tìm hết làng này sang làng khác, phải mất vài tiếng đồng hồ mới tìm ra tôi. Văn phòng Trung ương ra lệnh, tôi phải quay về Bắc Kinh ngay, có việc khẩn cấp.
Tôi nhảy vội lên xe Jeep của Tư lệnh Trương, không kịp thay quần áo, để lại Trương và bác sĩ Ngưu điều hành đội y tế. Chiếc xe chạy thẳng về Mông Đường Giang, nơi có một sân bay duy nhất trong vùng. Đến đó khoảng mười giờ đêm, Tư lệnh Trương, người hiếu khách, làm bữa liên hoan chia tay. Tôi không thể từ chối, những quy tắc bất thành văn. Tôi rất lo về cuộc gọi khẩn cấp, không hiểu chuyện gì xảy ra.
Đến sân bay Mông Đường Giang khoảng 11 giờ đêm, một máy bay Il-62, tầm trung có 4 động cơ, Liên Xô sản xuất, có hơn trăm ghế đang chờ, sẵn sàng cất cánh. Tôi là người khách duy nhất trong chuyến bay. Máy bay cất cánh ngay sau khi tôi vào khoang.
Máy bay hạ cánh tại sân bay đặc biệt Tây Uyển ở Bắc Kinh lúc hơn hai giờ sáng. Trương, người lái xe của Mao đã chờ tôi. Xe chạy qua các phố xá tối om, vắng lặng hướng về Trung Nam Hải. Tôi mặc bộ quần áo mùa đông nông dân Hắc Long Giang, quần bông, chiếc áo da lót bông thô nặng. Trên đường đi, tôi toát mồ hôi trên đường đến nơi Mao ở trong khu bể bơi. Y tá Ngô Tự Tuấn đón tôi.
– Mao Chủ tịch đang chờ anh – cô ta nói thầm – Vào ra mắt Chủ tịch trước, tôi sẽ kể cho anh nghe mọi chuyện sau.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa



Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 73

Posted: 24/11/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63], [64], [65], [66], [67], [68], [69], [70], [71], [72], [73]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Mao ngồi trên ghế sofa, khó thở, mặt tím tái.
– Kỳ này nguy to rồi! – Ông nói một cách khó nhọc – Tôi ốm quá, đành phải gọi anh trở về. Bảo y tá trưởng đưa phim chụp tim phổi của tôi để anh xem. Mai khám, rồi cho tôi biết mắc bệnh gì.
Tôi báo cáo sơ qua công việc ở Ninh Hằng. Tôi nói, rất vui được thực hiện trách nhiệm “bác sĩ chân đất”, cuộc sống không đến mức khó khăn lắm. Sau đó đi ngay, tôi cần xem qua phim X-quang.
– Có một cái gì đó khá nghiêm trọng đấy, giám đốc Lý ạ! – Ngô Tự Tuấn nói khi đưa phim cho tôi.

Tôi ngượng, không hiểu. Giám đốc Lý? Vì sao cô ta gọi tôi như vậy?
– Người ta bổ nhiệm đồng chí làm Giám đốc Bệnh viện 305 – cô ta giải thích – Hoàng Hữu Sơn, tham mưu trưởng (Giải phóng quân) đã thông báo việc bổ nhiệm.
Trong khi tôi đang bị lưu đày, Tổng tham mưu trưởng, Tổng cục Cục chính trị và Tổng cục Hậu cần Quân giải phóng quyết định bổ nhiệm tôi làm giám đốc Bệnh viện 305. Tôi hỏi Ngô Tự Tuấn:
– Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Cái gì đó rất nghiêm trọng to lớn nghĩa là gì? – tôi hỏi.
Vấn đề ở Lâm Bưu. Sự rạn nứt giữa Lâm và Mao mỗi ngày một trầm trọng xảy ra trong phiên họp toàn thể Ban chấp hành trung ương lần thứ 2 khoá IX, diễn ra ở Lư Sơn trong tháng 8 và 9 năm 1970. Tôi lúc ấy còn ở Hắc Long Giang. Lâm Bưu muốn phục hồi chức vụ Chủ tịch nhà nước – chức vụ này Lưu Thiếu Kỳ đã giữ từ năm 1959, sau khi Mao từ chức. Từ khi Lưu Thiếu Kỳ bị thanh trừng, chức vụ bị bãi bỏ. Lâm Bưu muốn khôi phục, gợi ý đề nghị Mao lại trở thành Chủ tịch nhà nước. Lâm Bưu biết Mao sẽ từ chối, hy vọng người ta sẽ chọn ông. Đồng thời Lâm Bưu đã thăm dò ý kiến nhiều người khác.
Trong số những người ủng hộ, Lâm Bưu muốn có Uông Đông Hưng. Sau này Uông kể với tôi, Diệp Quần trước hội nghị ở Lư Sơn yêu cầu Uông ủng hộ chồng bà chức vụ chủ tịch nước. Diệp Quần cho rằng nếu người ta không giao Lâm Bưu nắm chức vụ cao cấp, như chức Chủ tịch nước, chuyện Lâm là người thừa kế của Mao trở nên vô nghĩa.
Diệp Quần biết rằng Mao không ưa ý tưởng này. Nhưng nếu đa số đứng về phía Lâm Bưu, buộc Chủ tịch phải chấp nhận.
Tại Hội nghị Lư Sơn, những người cùng cánh thân cận nhất của Lâm Bưu – Tư lệnh Không quân Vương Phát Trần, Tư lệnh Hải quân Lý Thế Bằng, Cục trưởng Tổng cục Hậu cần Khưu Hội Tác, thay mặt Lâm Bưu, đã công khai thăm dò ý kiến đại biểu ngoài hội nghị. Cựu giám đốc “Tiểu tổ trung ương Cách mạng văn hoá” và Uỷ viên thường vụ Bộ chính trị Trần Bá Đạt ủng hộ Lâm Bưu. Ông viết tiểu phẩm “Với thiên tài”, ca ngợi Mao và thiên tài của ông đã đưa Trung Quốc lên bậc thang tiến bộ, đồng thời đi đến kết luận về sự cần thiết phục hồi chức vụ chủ tịch nước. Tiểu phẩm được phân phát cho từng nhóm coi như một phần tài liệu của hội nghị trung ương trong Bản tin số 2 Bắc-Nam Trung Quốc.
Nhiều người tham gia Hội nghị Trung ương đảng hiểu nhầm, cho rằng Bản tin phản ánh quan điểm của Mao.
Nhưng Mao chống thẳng thừng. Đầu năm 1970 trong cuộc họp thường vụ Bộ chính trị, Mao tuyên bố không lại trở lại giữ chức chủ tịch nước. Hầu hết người dự hội nghị không hiểu thâm ý, lại cho rằng cần thiết phải khôi phục chức danh Chủ tịch nước, nếu Mao khước từ, người duy nhất có khả năng giữ chức vụ này chỉ còn lại Lâm Bưu. Đó là chiến lược của Lâm.
Lâm Bưu lại phạm phải sai lầm như Lưu Thiếu Kỳ đã mắc. Lâm Bưu muốn có hai chức vụ chủ tịch ở Trung Quốc, Mao chỉ là một trong số đó. Dưới mắt Mao, điều này là tội không tha thứ được. Để mọi người hiểu ý, Mao triệu tập phiên họp Thường vụ Bộ chính trị mở rộng ngày 25-8-1970. Phiên họp quyết định tịch thu Bản tin số 2, Trần Bá Đạt bị thanh trừng, chiến dịch phê bình Trần Bá Đạt bắt đầu.
Uông Đông Hưng cũng vướng. Uông nghe theo đề nghị của Diệp Quần, ở Lư Sơn ông đã phát biểu ủng hộ Lâm Bưu. Mao nổi xung, buộc tội Uông phản bội, đứng sang phe cánh Lâm. Quyết định trừng phạt Uông, tuy nhiên, Mao không muốn thải hồi. Người ta tạm thời chuyển Uông sang chức vụ mới, ngồi chơi xơi nước để có thời gian “nghĩ về hành động của mình”. Uông, người vẫn còn thần phục Mao, đã thú nhận tất cả, kể cho Chủ tịch nghe về quyết tâm Diệp Quần đưa chồng lên chức vụ cao nhất trong nước. Chu Ân Lai muốn tống khứ Uông, bổ nhiệm Giang Đăng Trung làm người kế vị Uông trong Ban bảo vệ trung ương. Còn Khang Sinh, hành động theo chỉ thị của Chu, đề nghị Vương Lẵng Nha giữ chức giám đốc bộ phận tổng hợp. Chu Ân Lai âm thầm tiến hành việc bổ nhiệm không cho Uông Đông Hưng biết.
Uông vẫn kiên nhẫn, chờ đợi. “Tôi mắc khuyết điểm lớn” – Uông than thở với tôi – “Tôi đã viết bản kiểm điểm tường trình mọi hành động, xin được phê bình trong nội bộ. Lời phát biểu trong hội nghị của tôi đã vượt quá giới hạn nhiệm vụ và quyền hạn, khiến Chủ tịch nổi giận. Bây giờ tôi rất hối tiếc, sự sám hối này không cho phép tôi mắc khuyết điểm tiếp theo”. Nhưng Uông vẫn căm những người tìm cách lật đổ, chiếm vị trí của ông. Đó là Chu Ân Lai, Khang Sinh, Giang Đăng Trung và Vương Lẵng Nha.
– Họ sẽ biết tay tôi, hãy đợi đấy! – Uông thề với tôi.
“Khuyết điểm” của Uông được thông báo cho tất cả Nhóm Một. Thậm chí Mao buộc tội Ngô Tự Tuấn thuộc nhóm Uông Đông Hưng, hạn chế vai trò của cô, chỉ cho phép làm công việc duy nhất phục vụ y tế.
Người ta cũng thải hồi cả những cô gái trong Đội văn công Không quân – kể cả Lưu và hai người em gái họ, người mà, như một số người đồn đại, đang nuôi con nhỏ của Mao. Lý do, ba cô khá gần gũi thân thiết với Diệp Quần và Lâm Bưu. Mao ngờ rằng họ làm nội gián.
– Bọn họ không đáng tin cậy. Sau này ông nói với tôi.
Trương Ngọc Phượng, cô gái phục vụ trước đây trên đoàn tàu hoả của Mao, thay thế những người bị thải hồi, chuyển vào Trung Nam Hải. Cùng với cô còn có hai cô ở Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ lễ tân Vương Hải Dung – về sau trở thành thứ trưởng Bộ ngoại giao và phó vụ trưởng Vụ các vấn đề Châu Mỹ – Thái Bình Dương, Tăng Vĩnh Xương – người thường xuyên phiên dịch cho Mao. Họ trở thành người liên lạc giữa Mao với các nhà lãnh đạo cao cấp, lập một hệ thống kiểm soát chặt chẽ với bất kỳ ai muốn gặp Chủ tịch, đến mức cả Chu Ân Lai muốn gặp Mao cũng buộc phải thông qua họ.
Người ta chẳng quyết định một cái gì cụ thể tại phiên họp ở Lư Sơn trong tháng 8 và tháng 9. Cuộc đấu đá giành quyền lực trong đảng vẫn tiếp diễn.
Trong quá trình làm giảm quyền lực Lâm Bưu, vai trò của Giang Thanh tăng lên. Ngô Tự Tuấn kể, điều tôi dự đoán từ lâu, cuối cùng đã hiện rõ tại hội nghị Lư Sơn. Nếu Giang Thanh im lặng, không tố cáo sự không chung thuỷ của Mao bao nhiêu, ông ủng hộ khát vọng nắm quyền của Giang Thanh tăng bấy nhiêu. Giờ đây, tháng 11, điều này đang xảy ra và trong thời gian đấu đá chính trị nóng bỏng như trước đây, trong khi kết quả chưa rõ ràng, Mao ngã bệnh.
Trong khi hội nghị đang họp, Mao cảm thấy khó chịu trong người. Vẫn chứng bệnh cảm, dẫn đến viêm phế quản, ông từ chối gặp bác sĩ, đến khi tình trạng bệnh của ông mỗi ngày một nặng. Cuối tháng 10, thấy ông bệnh khá nặng, Chu Ân Lai gọi 3 bác sĩ đến khám, họ cho chụp tim phổi, dùng kháng sinh, vì ông bị viêm phổi.
Sự đa nghi của Mao muôn màu muôn vẻ, ông nghi ngờ có âm mưu lật đổ. Lâm Bưu, người mà Chủ tịch tin tưởng, đang mong ông chết. Mao biết thuốc cũng không phải thật ghê gớm mỗi khi tôi chữa trị. Ông tin bệnh viêm phổi có thể gây chết người khi phổi bị sưng nặng. Mao cũng đồ rằng, Lâm Bưu đứng đằng sau ba người bác sĩ, đến khám bảo ông mắc bệnh viêm phổi. Mao không tin họ, dù rằng Chu Ân Lai cử họ đến.
Nhưng sức khoẻ của ông xấu dần, cuối cùng Trương Ngọc Phượng đề nghị gọi tôi từ Hắc Long Giang trở về. Uông Đông Hưng muốn gọi tôi từ lâu, nhưng không dám, lo rằng bất cứ ai ông nhắc đến sẽ bị quy kết, người của nhóm ông.
Thực tế Mao mắc bệnh viêm phổi. Các phim X-quang đều xác định đúng như thế. Nhưng tôi không dám nói thật, e khi bảo ông bị viêm phổi, người ta gắn tôi vào nhóm Lâm-Uông. Tôi bảo ông vẫn bị chứng viêm phế quản cũ, không có gì trầm trọng, chỉ cần tiêm dăm mũi kháng sinh ông sẽ khỏe ngay.
Khi nghe chẩn đoán này, Mao lấy nắm tay đấm đấm vào ngực.
– Lâm Bưu muốn tôi thối phổi – Mao kêu lên – Anh chỉ những bức phim X-quang này cho bác sĩ của ông ta, xem họ nói ra sao. Họ là những người khôi hài, ba chàng trai ấy mà. Người khám tôi, không thốt ra lời nào. Người thứ hai nói nhiều, nhưng chẳng khám. Còn người nữa đeo khẩu trang, không nói cũng không khám. Nếu bọn họ vẫn còn nghĩ sưng phổi, tôi sẽ cấm tiêm. Và anh xem, liệu tôi có chết không.
Tôi nói chuyện với cả ba bác sĩ, giải thích cho họ rằng vì sao chúng tôi giấu Mao bệnh viêm phổi. Chủ yếu để Mao nhận điều trị thích hợp.
Họ đồng ý, nhưng giám đốc bệnh viện Trung Nam Hải không hài lòng. “Chúng tôi làm sao biết được những gì xảy ra ở Lư Sơn” – ông nói – “Làm sao chúng tôi biết chính trị và sức khoẻ của Chủ tịch lại liên quan với nhau đến thế? Chúng tôi thật kém may mắn, dù đã làm tất cả như thủ tướng Chu Ân Lai khuyên bảo”.
Mao vui mừng, biết rằng các bác sĩ giờ đây đồng ý bệnh ông chỉ viêm phế quản. Mao cám ơn tôi đã cứu sống ông, mời tôi dự bữa trưa như một khách quý.
Chuỗi ngày làm “bác sĩ chân đất” kết thúc. Mao không muốn tôi quay về Hắc Long Giang. Mao bảo:
– Ở đây có nhiều chuyện tôi cần đến anh.
Một tuần sau Uông Đông Hưng thu xếp cho Lý Liên quay về Bắc Kinh. Gia đình tôi cuối cùng đoàn tụ.
***
Đến ngày 18-12-1970 sức khoẻ Mao hoàn toàn hồi phục, ông tiếp phóng viên Mỹ, Edgar Snow, người đã từng phỏng vấn Chủ tịch năm 1936 ở Bảo An (Thâm Quyến, Quảng Đông), sau đó xuất bản cuốn “Ngôi Sao Đỏ trên bầu trời Trung Hoa” rất nổi tiếng. Từ đó ông trở thành người bạn của nhân dân Trung Quốc trong nhiều năm qua. Khi tôi đến thăm, Mao bảo:
– Tôi nghĩ, Snow đang làm việc cho Cục tình báo trung ương Mỹ. Chúng ta cần phải cho ông biết tin tức nội bộ.
Tin Edgar Snow sẽ chia xẻ thông tin với CIA, Mao dùng cuộc gặp với ông để đề cập đến sự phát triển mối quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai, thông báo rằng, ông sẵn sàng tiếp Richard Nixon hoặc bất cứ nhân vật hữu trách cao cấp ở Bắc Kinh. Ông cũng tận dụng cơ hội để người Mỹ sáng tỏ thêm về tình hình chính trị Trung Quốc. “Có ba loại người thường xuyên hô vang khẩu hiệu “muôn năm” với tôi. Loại thứ nhất họ thật lòng, nhưng không nhiều. Loại thứ hai a dua theo người khác, số người này rất đông. Loại thứ ba, miệng hô muôn năm, nhưng họ chỉ mong tôi chết càng sớm càng tốt. Tuy số người này không nhiều, nhưng có thật sự”.
Chỉ khi sống qua một thời gian ở Mỹ, tôi mới hiểu rằng Edgar Snow, khi thăm Trung Quốc năm 1970, cũng chỉ thuộc tầng lớp thấp trong chính trường trên đất Hoa Kỳ. Tin tức của ông cho chính phủ Mỹ thông báo quá muộn, mãi đến khi xác lập kênh liên hệ trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ. Và Snow, có lẽ, chưa bao giờ đoán được Mao muốn ám chỉ ai khi Mao nói rằng một số người muốn Mao chết mặc dù miệng hô “ muôn năm”. Mao ám chỉ Lâm Bưu nhưng Edgar Snow không để ý.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa



Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 74

Posted: 26/11/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63], [64], [65], [66], [67], [68], [69], [70], [71], [72], [73], [74]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Tháng 8-1971 việc Mao nghi ngờ Lâm Bưu đã lên tới đỉnh điểm. Tạ Thanh Nhị phó giám đốc Uỷ ban cách mạng trong ban giám hiệu Đại học Thanh Hoa, báo cáo với Mao về một mạng lưới gián điệp bí mật, do Lâm Lập Quả – con trai Lâm Bưu – gây dựng và phát triển trong lực lượng không quân. Nhóm này gồm một vài đơn vị độc lập, mang bí danh “Phi đội liên hợp”, “Tiểu tổ Thượng Hải” và “Lữ đoàn thực thi chỉ thị”, hoạt động bí mật nhằm mục đích đoạt quyền lực và phế truất Mao. Thao Xương, chồng của Tạ Thanh Nhị, sĩ quan Bộ tư lệnh không quân, đề nghị Mao cẩn thận và tăng cường công việc giáo dục quân đội lòng trung thành với Chủ tịch.

Lâm Bưu đưa những người thân tín vào trung ương. Phần lớn những người ủng hộ Lâm Bưu nằm ở Bắc Kinh. Mao tin những người đứng đầu quân đội ở cấp quân khu và tỉnh vẫn trung thành như trước đây.
– Tôi không nghĩ các tư lệnh quân khu lại đứng về phe Lâm Bưu – Mao tâm sự với tôi – Quân đội giải phóng nhân dân không thể nổi lên chống lại tôi, đúng thế không? Nhưng nếu họ không muốn dưới sự lãnh đạo của tôi, tôi sẽ quay về Tĩnh Cương Sơn, lại bắt đầu cuộc chiến tranh du kích.
Ngày 14-8-1971 Mao quyết định tìm sự ủng hộ của tư lệnh các quân khu.
Đoàn tầu đặc biệt cùng ngày hôm ấy đưa chúng tôi đến miền nam, dừng ở Vũ Hán, Trường Sa, Nam Xương, Hàng Châu và Thượng Hải. Ông mở cuộc họp bí mật với lãnh đạo đảng, chính quyền địa phương và ban lãnh đạo tỉnh đội. Mao đưa ra lời kêu gọi chung tới tất cả các phe nhóm. “Tại hội nghị Lư Sơn một ai đó đã quá vội vã muốn trở thành Chủ tịch nước. Cá nhân này muốn chia rẽ và tiếm quyền lãnh đạo đảng. Khó khăn mâu thuẫn này đến nay vẫn chưa giải quyết xong”.
Khi tấn công, Mao không bao giờ nêu đích danh Lâm Bưu, nhưng người ta biết đối tượng bị buộc tội một cách chính xác. Ai cũng biết rõ Mao căm ghét mưu đồ của Lâm Bưu chiếm quyền lực. Mao trở nên cực kỳ đa nghi với sự sùng bái cá nhân mà Lâm Bưu đã quá sốt sắng tung hô. “Ai đó nói rằng, thiên tài trên thế giới vài trăm năm mới xuất hiện một lần, nhưng đất nước Trung Hoa vài ngàn năm bây giờ mới xuất hiện”. Mao mỉa mai. “Rõ ràng lời nói không đi với sự thật. Người ta nói ủng hộ, giúp đỡ tôi, nhưng trong nội tâm, người ta ủng hộ chính bản thân họ”. “Người ta” và “ai đó” Mao ám chỉ Lâm Bưu.
Mao cũng nghi ngờ Diệp Quần lạm quyền ỷ thế chồng. “Tôi chưa bao giờ ủng hộ ý tưởng đưa vợ thay quyền lãnh đạo của chồng” – Mao nói – “Nhưng Diêp Quần thay chồng lãnh đạo văn phòng. Ai muốn gặp Lâm Bưu phải qua sự đồng ý của Diệp Quần, kể cả Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Phú Tiên, Lý Châu Bình. Một cá nhân có trách nhiệm trong công việc phải tự đọc tài liệu, viết những ý kiến góp ý, phê phán tài liệu, không thể giao việc đó cho thư ký, cũng không được lệ thuộc vào thư ký. Đừng để thư ký lạm quyền”.
Trong lời Mao, người ta đã thấy yêu cầu khẩn cấp. Trong hoạt động của Lâm Bưu, Mao nhìn thấy một cuộc đấu tranh không đơn giản giành quyền lực, ở đây rõ ràng nhìn thấy âm mưu loại bỏ ông khỏi chức vụ lãnh đạo, chia rẽ đảng thành hai. Mao đổ trách nhiệm cho Lâm Bưu, nhưng ông vẫn muốn thoả hiệp, tin “chữa bệnh cứu người” hơn dùng sức mạnh, để đoàn kết trong đảng. Mao kêu gọi “Hãy cứu Lâm Bưu, hãy quên chuyện ai sai ai đúng. Việc chúng ta cần làm, đoàn kết nội bộ. Hiện tại không có điều gì tốt lành. Sau khi trở về Bắc Kinh, tôi sẽ tìm gặp Lâm Bưu và những người cùng phe, đề nghị trao đổi, góp ý thẳng thắn. Nếu họ không tìm, tôi sẽ trực tiếp tìm họ. Chúng ta có thể lôi kéo một số người trong bọn họ, nhưng không phải tất cả…”.
***
Chúng tôi về đến nhà ga đặc biệt ở quận Phượng Đài, Bắc Kinh đêm ngày 12-9-1971, tính ra chúng tôi vắng mặt ở thủ đô gần một tháng. Trước khi quay về Trung Nam Hải, Mao gặp các nhà lãnh đạo chính quyền và quân khu Bắc Kinh, một lần nữa nhắc lại chương trình của mình trong mối quan hệ với Lâm Bưu. Về tới Trung Nam Hải khoảng 8 giờ tối, Mao chẳng cần vội vàng cuộc gặp gỡ, trao đổi cũng chẳng có trở ngại nào với sự quay về của ông.
Tôi ở lại trong tư dinh Mao nơi có bể bơi, giúp phân loại các thứ thư từ, bưu kiện sau chuyến đi. Hơn 10 giờ đêm, Uông Đông Hưng nhận được cú điện thoại từ Bắc Đới Hà.
Người gọi là Trương Hồng, phó tư lệnh Sư đoàn Cận vệ trung ương. Ông ta vừa mới nhận được tin từ Lâm Linh Hằng, còn gọi Lâm Đậu Đậu – con gái Lâm Bưu – rằng Diệp Quần và Lâm Lập Quả bắt cóc Lâm Bưu và buộc ông bỏ trốn.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa



Đời tư Mao Trạch Đông: Phần IV. 1965-1976 – Chương 75

Posted: 28/11/2012 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh, Lý Chí Thỏa, Nguyễn Học
Tags:
Lý Chí Thỏa
Để tưởng nhớ người vợ thân yêu nhất của tôi, Ngô Lý Liên
Đã đăng: Lời nói đầu, chương [1], [2], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20], [21], [22], [23], [24], [25], [26], [27], [28], [29], [30], [31], [32], [33], [34], [35], [36], [37], [38], [39], [40], [41], [42], [43], [44], [45], [46], [47], [48], [49], [50], [51], [52], [53], [54], [55], [56], [57], [58], [59], [60], [61], [62], [63], [64], [65], [66], [67], [68], [69], [70], [71], [72], [73], [74], [75]

Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
Uông Đông Hưng ngay lập tức gọi điện khẩn cho Chu Ân Lai.
Thủ tướng vội vàng rời Quốc vụ viện, khoảng 11 giờ có mặt ở Trung Nam Hải. Mao chẳng hề biết tí gì, không ai báo cáo cho ông.
Tôi ở Trung Nam Hải đúng lúc khi Chu thận trọng báo cáo cho Chủ tịch tin tức thu nhận được.
Chu báo cáo Mao, con gái Lâm Bưu, Lâm Đậu Đậu, gọi điện thoại cho Trương Hùng ở Bắc Đới Hà, nói rằng, mẹ cô, Diệp Quần cùng anh trai, Lâm Lập Quả đã bắt cóc Lâm Bưu đưa lên xe limousine. Trong khi ấy, Diệp Quần gọi điện thoại trực tiếp cho Chu nói, Lâm Bưu cần gấp một máy bay, nhưng khi đó không có chiếc nào sẵn sàng. Chu biết có chiếc Triden thuộc không lực đang đậu tại sân bay Sơn Hải Quan, gần Bắc Đới Hà, địa đầu phía đông Vạn Lý Trường Thành, nhưng nghi ngờ việc yêu cầu của Diệp Quần che dấu sự đào tẩu của họ. Tình hình rất nghiêm trọng.

Khi Chu Ân Lai thông báo về cuộc chạy trốn của Lâm Bưu, mặt Mao biến sắc. Nhưng ông nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, im lặng lắng nghe, nét mặt trở lại bình thường. Dù Mao cảm thấy nguy hiểm, ông cũng không bao giờ biểu lộ điều đó.
Chu đề nghị Mao chuyển ngay đến toà Đại sảnh đường Nhân dân. Ý định Lâm Bưu vẫn chưa rõ ràng, nhưng các quân nhân phe cánh Lâm ở Bắc Kinh khá nhiều. Nếu họ có kế hoạch đảo chính, cuộc đụng độ võ trang không thể tránh khỏi. Khu Đại sảnh đường an toàn hơn, việc bảo vệ dễ hơn Trung Nam Hải.
Uông Đông Hưng chuẩn bị xe đưa Mao và Chu tới toà nhà Quốc vụ viện, ra lệnh một tiểu đoàn trong sư đoàn cận vệ bố trí xung quanh. Sư doàn 8341 được điều động chuẩn bị sẵn sàng làm nhiệm vụ. Tất cả liên lạc bên ngoài bị cắt đứt.
Đi tháp tùng Mao có Trương Ngọc Phượng, y tá trưởng Ngô Tự Tuấn, vệ sĩ riêng Chu Phúc Minh, thư ký riêng Hứa Diệp Phụ, và cả tôi cũng có mặt ở phòng 118 sau nửa đêm. Uông Đông Hưng và Trương Diêu Tự bố trí sở chỉ huy ở phòng bên cạnh. Tôi chạy qua chạy lại giữa hai phòng chờ tin tức từ Bắc Đới Hà. Chu Ân Lai ở lại với Mao, lãnh tụ giết thời gian bằng cách đọc lịch sử Trung Quốc, cùng với đám phụ nữ trong buồng.
Khoảng 0 giờ 15 phút sáng ngày 13-9-1971, chưa đầy một giờ sau chúng tôi đến, phó tư lệnh Trương Hùng gọi điện. Trương Hùng và các trợ lý đuổi theo chiếc limousine cắm cờ đỏ vào phi trường Thượng Hải Quang. Họ đã bắn vào xe nhưng không kết quả. Chiếc limousine này thuộc xe chống đạn. Trên đường đi chiếc xe có dừng lại một lát, người ta đẩy Lý Vĩnh Phu, thư ký nguyên soái xuống đường, từ trong xe bắn xối xả ra. Người ta đã chở Lý Vĩnh Phu vào Bệnh viện 305 vì bị dính đạn vào tay phải, nhưng Uông Đông Hưng ra lệnh cách ly Lý, sau đó nhốt vào nhà giam bí mật.
Tốc độ xe limousine quá nhanh so với xe Jeep. Khi đội của Trương Hùng vào được sân bay Sơn Hải Quan, máy bay chở Lâm Bưu đã quay ra được đường băng chuẩn bị cất cánh.
Chu Ân Lai đề nghị dùng tên lửa bắn chiếc máy bay đó.
Mao không đồng ý:
– Mưa rơi từ trên trời xuống, vợ goá lại đi lấy chồng. Chúng ta sẽ làm gì ư? Lâm Bưu muốn chạy. Cứ để y chạy. Đừng bắn!
Chúng tôi đợi.
Quả thực không cần thiết phải bắn. Chúng tôi lập tức hiểu rằng chiếc máy bay cất cánh vội vàng như vậy không kịp nạp đủ số nhiên liệu. Xăng trong thùng nhiên liệu chừng dưới một tấn, những người chạy trốn không thể bay xa được. Còn thêm điều này nữa, khi cất cánh, đã va phải xe ô tô nạp dầu, phần càng hạ cánh bên phải bị gãy. Như thế họ sẽ khó khăn việc hạ cánh, thêm nữa trên máy bay không có lái phụ, hoa tiêu và điện đài.
Radar Trung Quốc theo dõi đường đi của máy bay qua từng địa phương, báo cáo trực tiếp với Uông Đông Hưng và Chu Ân Lai. Máy bay hành trình theo hướng Tây Bắc, trực chỉ Liên Xô. Sau này, văn bản chính thức xác nhận, ban đầu Lâm Bưu muốn bay về phương nam, về Quảng Châu, để lập ra một chính phủ riêng. Nhưng sáng sớm 13-9-1971 không thấy báo cáo có kế hoạch như vậy.
Gần 02.00 A.M có thông báo máy bay Lâm Bưu bay qua không phận Ngoại Mông và biến mất trên màn hình radar Trung Quốc. Chu Ân Lai báo cáo cho Mao.
– Thế đấy, chúng ta có thêm một kẻ phản bội – Mao nói – Lại Dương Quang Tạo và Vương Minh.
Chiều hôm sau Chu Ân Lai nhận được một tin quan trọng, do viên đại sứ Hứa Văn Ích, ở Ngoại Mông điện về. Một máy bay Trung Quốc bị tai nạn ở vùng Undur Khan, Ngoại Mông, gồm phụ nữ và 8 đàn ông trên khoang đã bị chết.
Ba ngày sau, 16-9-1971, Chu Ân Lai thông báo, theo nhận dạng mẫu hàm răng của một người chết, người ta xác định Lâm Bưu trong số đó.
– Chúng đã phải trả giá cho sự đào tẩu – Mao nhận xét, khi nghe tin này.
Uông Đông Hưng, khi biết Lâm Bưu chết, như kẻ mất hồn, nhắc đi nhắc lại:
– “Si de han, si de han”, Tốt, thế là họ đã chết. Nếu không, chỉ toàn những điều điên rồ rắc rối.
Chu Ân Lai cũng hài lòng.
– Kết thúc như thế mà hay! – Chu nói với tôi. Mọi vấn đề phức tạp đã giải quyết ổn thoả.
Mao trao cho Chu Ân Lai phụ trách điều tra chuyện đào tẩu. Với việc phát giác âm mưu của Lâm Bưu, người thủ tướng một thời từng gắn bó, tuy sau đó đã tìm cách tránh xa mối quan hệ. Không một ai muốn bị kết tội liên quan tham gia hoặc âm mưu lật đổ của Lâm Bưu.
Chu Ân Lai đã một thời thân thiết với Lâm Bưu, bây giờ được gia nhiệm vụ điều tra. Với một hệ thống rất cẩn mật, Chu thường xuyên báo cáo trực tiếp cho Lâm Bưu ngay cả khi quan hệ giữa Mao và Lâm xấu đi, kể cả Mao yêu cầu giữ bí mật. Tôi hiểu điều này qua kinh nghiệm bản thân. Năm 1970, Mao yêu cầu tôi tổ chức nghiên cứu phòng và chữa bệnh viêm phế quản, căn bệnh ông hay mắc. Muốn thực hiện được, tôi yêu cầu Chu giúp đỡ, nhưng Mao không muốn đến tai Lâm Bưu. Thực ra Mao không muốn Lâm Bưu biết tình hình sức khỏe của ông. Ông vẫn còn ấn tượng căn bệnh viêm phổi trước đây, thực chất chỉ là âm mưu của Lâm Bưu muốn hại ông. Vì thế ông ra lệnh cho tôi thông báo với Chu, nhưng không được bép xép về đề án nghiên cứu với Lâm Bưu.
Khi tôi truyền đạt Chu mệnh lệnh này, Chu ngần ngừ, rồi đồng ý. Chỉ một tuần sau, Diệp Quần, ra vẻ quan tâm đến trạng thái sức khoẻ của Chủ tịch, gọi tôi, nói chồng bà hết lòng ủng hộ chương trình với quy mô trong toàn quốc nghiên cứu bệnh viêm phế quản. Chu Ân Lai, người duy nhất tôi báo cáo, như vậy, đương nhiên ông đã bép xép.
Lập tức tôi đến gặp thủ tướng Chu, mặt đối mặt. Tôi đưa vấn đề trung tín với Mao để cự ông. Nếu Mao nghe được Diệp Quần biết về đề án, Mao sẽ buộc tôi tội tiết lộ thông tin với vợ chồng Lâm Bưu.
– Đúng, tôi nói điều này cho phó Chủ tịch Lâm Bưu – Chu nhún vai – Tất cả chúng ta làm việc ở trong một tổ chức dưới sự điều hành của phó Chủ tịch Lâm. Lâm Bưu, thủ trưởng trực tiếp của tôi. Theo anh, tại sao tôi không báo cáo cho ông ta?
Chiều 12 -9-1971, chúng tôi đang đợi ở Đại lễ đường, Chu gọi tôi tâm sự, bảo ông chưa bao giờ nói với Lâm Bưu về sức khoẻ của Mao. “Tôi rất thận trọng trước khi làm mọi việc”. Đây cũng là lời cảnh cáo khi ông bắt tay vào cuộc điều tra, có ý răn đe, không được nói cho Mao biết chuyện cũ. Nếu tôi báo cáo với Mao, ông sẽ phản ứng, phản pháo, phần thua sẽ thuộc về tôi.
Nhưng nếu Chu Ân Lai bép xép những chuyện nhỏ mọn như thế với Lâm Bưu, vậy những chuyện lớn, quan trọng, bí mật, liệu Chu có nói cho Lâm Bưu biết không? Uông Đông Hưng không muốn Mao biết chuyện này. Uông và Sư đoàn 8341 khám xét, lục soát khu nhà Lâm Bưu, phát hiện rất nhiều ảnh vợ chồng Chu Ân Lai, Đặng Dĩnh Siêu chụp chung với Lâm Bưu và Diệp Quần. Những bức ảnh, nếu rơi vào tay kẻ thù của thủ tướng, không loại trừ ông sẽ bị kết tội quan hệ mật thiết với Lâm. Uông giao hết những bức ảnh và tài liệu có nguy hiểm cho vợ thủ tướng, bà cảm ơn ông suốt đời.
Chính Giang Thanh cũng không chỉ một lần chụp ảnh với Lâm Bưu và Diệp Quần. Khi Uông cho bà ta xem những bức ảnh này, Giang Thanh ra lệnh đốt hết. Không ai muốn thú nhận mối quan hệ thân thiết với người trở thành kẻ phản bội.
***
Dưới sự bảo vệ của Uông Đông Hưng, Mao trốn trong toà nhà Quốc vụ viện hơn một tuần lễ. Chu và Uông muốn chắc chắn nguy cơ cuộc đảo chính quân sự đã bị dập tắt và tất cả những người phe cánh thân cận của Lâm Bưu bị bắt. Âm mưu chống Mao, do Lâm Bưu chủ trương quá rõ, là có thật. Nhưng mục đích, quy mô chống đối vẫn chưa biết chắc chắn, cụ thể.
Chủ tịch nghi ngờ từ lâu, đã từng cảnh giác âm mưu của Lâm Bưu. Mao biết Lâm muốn Mao chết, sợ y có thể đầu độc ông. Nhưng tôi không nghĩ Mao tin Lâm Bưu có thể ám sát để tiếm quyền lãnh đạo.
Vụ việc Lâm Bưu được ghi mã số “sự kiện 9.13” – ứng với ngày ông ta vào cõi chết. Một tháng trôi qua, trước khi cuộc điều tra được hoàn tất. Theo các tài liệu công bố chính thức, Lâm Bưu, Diệp Quần và con trai, Lâm Lập Quả, có kế hoạch đảo chính từ tháng Ba năm 1971, tên gọi của nó là “đề án 5-7-1”. Theo tiếng Trung Quốc “nổi dậy vũ trang” phát âm cũng giống: “5-7-1”. Mục đích của họ là bắt giam Mao, nhưng có thể giết, rồi cướp chính quyền.
Chuyến đi của Mao để gặp các nhân vật đứng đầu chính trị và quân sự khu vực ở miền nam Trung Quốc, một phần của chiến lược chính trị, nhằm củng cố địa vị của mình. Mao cần sự ủng hộ ở các tỉnh.
Theo báo cáo, cuộc hội đàm của Mao với các tư lệnh quân đội trở thành tín hiệu đối với Lâm Bưu rằng thời gian đã điểm, mọi kế hoạch phải giải quyết ngay, không thể chậm trễ. Cuộc hội đàm giữa Mao và các tư lệnh vùng phải giữ bí mật. Nhưng Lưu Phong chính uỷ quân khu Vũ Hán thông báo những điều này cho Lý Tác Bằng, chính uỷ hải quân, một trong những người ủng hộ hàng đầu của Lâm Bưu. Lý Tác Bằng thông báo tiêp tin này cho Hoàng Vĩnh Thắng, một chiến hữu thân cận của nguyên soái. Hoàng Vĩnh Thắng báo cáo Lâm Bưu và Diệp Quần về nội dung các cuộc hội đàm tháng 8 và chuyến Mao đi nghỉ mát Bắc Đới Hà. Họ lập tức lên kế hoạch ám sát Mao.
Những người tham gia âm mưu đưa ra vài phương án. Đơn vị Không quân số 5 có thể ném bom đoàn tầu của Chủ tịch. Tư lệnh không quân số 4, Văn Bình Hoà đảm nhận bắn Mao. Một phương án cũng được xem xét, cho nổ kho chứa dầu gần sân bay Hoàng Thảo ở Thượng Hải trong thời gian đoàn tàu đặc biệt của lãnh tụ dừng ở đó. Cuối cùng, cũng nghĩ đến việc cài mìn ở gầm cầu đường sắt ở Thổ Phán, gần Quý Châu, khi đoàn tầu vào cầu sẽ phát hoả.
Tôi không biết, chi tiết âm mưu lật đổ của Lâm Bưu chính xác đến mức nào. Chu Ân Lai, người đích thân báo cáo kết điều tra với Chủ tịch.
Tôi chỉ có thể kể cái gì tôi nghe khi ở cạnh Mao trong thời gian ở Đại lễ đường khi Chu đến báo cáo.
Tôi tin chắc rằng việc giết Mao không bao giờ lại đạt được một cách quá đơn giản như thế. Uông Đông Hưng và cơ quan mật vụ của ông rất cảnh giác theo dõi an ninh của Chủ tịch. Những kế hoạch của Uông luôn luôn giữ bí mật và thay đổi nhanh đến mức ngay cả các vệ sĩ không phải lúc nào cũng kịp trở tay. Ý định Lâm Bưu không có lấy chút cơ hội cỏn con nào. Khi Mao quay về thủ đô an toàn, Lâm Bưu hiểu rằng đã thất bại, buộc phải bỏ chạy. Lâm Bưu biết số phận của những người Mao sẽ loại bỏ một cách tàn bạo, không thương tiếc như thế nào. Tôi không biết rõ, nhưng Lâm Bưu rõ hơn ai hết về Lưu Thiếu Kỳ, chết trong tù vì tra tấn và bệnh tật không được chữa chạy. Số phận tương tự như thế đã giáng xuống nhiều nhà hoạt động cao cấp. Ngay lúc âm mưu của nguyên soái chống Mao không thành công, cái chết đã được định đoạt từ trước. Cuối cùng, thời Lâm Bưu chấm hết.
Lậm Đậu Đậu báo cáo Lâm Bưu bị bắt cóc không đúng sự thật. Đậu Đậu rất yêu thương, kính trọng bố, dưới con mắt của cô, Lâm Bưu là một người hoàn hảo, nhưng đối với mẹ, Diệp Quần, hai mẹ con không mấy thân thiết, với cô, Diệp không phải một người mẹ bình thường, bà chính là nạn nhân của bệnh tự huyễn hoặc. Lâm Đậu Đậu tin cha cô bị bắt cóc, không tin ông có âm mưu đảo chính, phải đào tẩu vì thất bại.
Vụ việc Lâm Bưu được thông báo đến nhân dân Trung Quốc cuối 1971 dã làm rúng động cả nước. Những người có chức vụ cao quá choáng váng, cả tôi cũng vậy. Tôi biết cuộc đấu đá giữa Mao và Lâm Bưu, người được coi như là kẻ kế nhiệm, người bạn chiến đấu thân thiết nhất của Chủ tịch, bắt đầu xảy ra từ hội nghị Lư Sơn 1970, khi Lâm Bưu tìm cách muốn giữ chức Chủ tịch nhà nước. Cuộc Cách mạng văn hoá đầy sai lầm và hận thù đã giết chết biết bao người dân vô tội, nhưng tôi cũng không ngờ, cái chết của Lâm Bưu lại kết thúc trong chuyến bay đào tẩu. Sau này, nhiều bạn bè hỏi tôi có cảm thấy sợ hãi trong chuyến công lý với Mao vào tháng Tám và tháng Chín 1970 không, khi Lâm Bưu có kế hoạch giết Mao. Họ ngạc nhiên vì sao tôi cũng lẩn trốn ở Đại lễ đường với Mao, đến khi biết tin Lâm Bưu tử nạn và phe cánh y bị bắt hết mới về chỗ cũ. Tôi có biết gì đâu mà sợ. Tôi chỉ biết cuộc đấu đá tranh giành quyền lực xảy ra quyết liệt, nhưng tôi không có ý đồ ám sát Mao.
Lý Chí Thoả
Nguyễn HọcLâm Hoàng Mạnh dịch từ bản tiếng Anh The Private Life of Chairman Mao by Li Zhisui
© Dịch giả giữ bản quyền sách dịch
Nguồn: Dịch giả gửi bản dịch và hình minh họa

1 comment:

Angelika said...

Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple@gmail.com)