Tuesday, July 17, 2012

ARCHIMEDES L.A. PATTI * WHY VIETNAM VIII

Olmsted và nhiều sĩ quan đã ngạc nhiên khi nghe nói một toán OSS đã được phái đi theo các hoạt dộng của Bộ Tư lệnh Đông Nam Á (SEAC) và đã yêu cầu được biết rõ thêm. Heppner nói ngay đó là một hoạt động quan trọng và ông chỉ được phép tiết lộ rằng Uỷ ban hỗn hợp Bộ Ngoại giao, Chiến tranh và Hải quân (SWNCC) đã ra lệnh tiến hành hoạt động này và đã thông báo cho tướng Wedemeyer và Đại sứ Hurley biết. Olmsted muốn kết thúc hội nghị và hỏi xem có ai hỏi gì thêm không. Tôi đưa ra một câu hỏi cuối cùng: Nếu tôi tiếp tục xúc tiến các hoạt động chiến tranh chính trị ở Đông Dương thì nhóm chúng tôi sẽ ra sao? 

Mọi người im lặng. Sau hết Olmsted hỏi lại tôi muốn nói gì qua danh từ chiến tranh chính trị và theo ông nghĩ thì Paxton đã trả lời câu hỏi đó trước rồi. Nhưng Paxton lại nói ngay là ông không đả động gì đến vấn đề này mà chỉ làm việc giải thích chính sách đã được công bố của Mỹ. Một cách bộc trực, Olmsted nhận là đã không hiểu câu hỏi của tôi và nói rằng nếu chỉ thị mà tôi nhận được là xúc tiến chiến tranh chính trị và cái mà tôi làm trong chiến tranh chính trị đó phù hợp với chính sách của Mỹ thì tôi có thể bằng mọi cách “cứ cho tiến hành”. Mọi người đều cười, cuộc hội nghị bế mạc. Cũng như trong phần lớn các cuộc hội họp ở cấp Chiến trường và Đại sứ quán, mọi người đều vui vẻ và không phải cam kết điều gì. Đối với tôi, các cuộc hội họp như vậy chỉ có mỗi một mục đích để nói cho những người làm quyết định biết rằng người chấp hành đã quyết định làm việc này hay việc khác, tuỳ theo vấn đề được đưa ra thảo luận.

 Chúng tôi được Walt Robertson, Bộ trưởng cố vấn về các vấn đề kinh tế, mời dự buổi cơm chiều và đêm đó ở lại Trùng Khánh. Nhưng đại tá W.P. Davis(7) bên cơ quan OSS đã báo cho Heppner có công văn khẩn từ Côn Minh gửi tới. Davis đưa ra 2 tin làm náo động mọi người. Một là việc sơ tán các tù binh chiến tranh Mỹ từ Sài Gòn. Hai là lính của Long Vân đã cướp phá các kho tiếp tế của Mỹ trong vùng Côn Minh. Thiếu tướng H.S. Aurand, chỉ huy hậu cần, yêu cầu OSS giúp đỡ ngăn chặn không để cho các kho tàng khác của Mỹ tiếp tục bị cướp đoạt. Heppner đã điện trao đổi với Aurand và sau 15 phút nói chuyện liên tục, đã quyết định trở về Côn Minh ngay tức khắc. Ông xin cáo từ Robertson và chúng tôi chạy đi tìm toán lái máy bay. 

Phải sau nhiều giờ nữa, chiếc C.47 của chúng tôi mới cất cánh nổi. Tiếp đó, chúng tôi được mời ăn lương khô và nước lạnh. Tất nhiên trên máy bay không có đá… Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #71 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 12:55:59 PM »  


PHƯƠNG ÁN “EMBANKMENT”( 8 )

 Trong lúc nghỉ xả hơi sau một ngày kiệt sức, tôi hỏi Heppner cho biết có điều gì không bình thường đã xảy ra chung quanh chiến dịch của OSS trong Bộ Tư lệnh Đông Nam Á (SEAC) và ở phía nam Đông Dương. Về mặt này, tôi biết quá ít, ngoài tin Ed Taylor đã ròi Kandy đi hoạt động, tin ở đó chúng ta tham gia vào việc giúp đỡ phong trào “Thái tự do”, xúc tiến điều đình với Chính phủ Giải phóng Thái; và Heppner cũng còn có ít nhiều mối quan hệ ràng buộc với các lợi ích của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á. Heppner đã kể cho Helliwell và tôi nghe phần đầu câu chuyện mà không đầy ba tuần lễ sau đã kết thúc bằng tấn bi kịch và đưa đến người Mỹ nạn nhân thương vong đầu tiên sau chiến tranh ở Đông Dương.


 Vào tháng Giêng, Bộ trưởng Stettinius đã báo cho tướng Donavan biết về những cố gắng của Bộ Ngoại giao để điều tra tình hình các tù dân sự Mỹ (CIS) và tù binh chiến tranh ở Nhật và trên đất Nhật chiếm đóng. Hội Chữ thập đỏ quốc tế đã thực hiện được một số vụ cứu trợ nhân đạo nhưng chỗ được chỗ không và còn tuỳ thuộc vào ý thích nhất thời của người chỉ huy Nhật tại chỗ. Stettinius thấy cần phải báo cho Chính phủ biết các trại tù binh ở đâu, số lượng và tình trạng các công dân Mỹ bị giam giữ v.v… Bộ Ngoại giao đã nhờ Marcel Junod(9), F.B. James(10), và Camille George(11) điều đình lập một mạng lưới thông tin giữa Mỹ và Nhật thông qua chính phủ Thuỵ Sĩ. Đồng thời, Bộ Chiến tranh cũng đặt ra Ban MIS - X trong Cục Tình báo quân sự để giúp giải thoát các quân nhân trốn tránh khỏi bị bắt giữ v.v… Ở Chiến trường Trung Quốc, nhiệm vụ này được giao cho AGAS. Nhưng các tù nhân dân sự thì không được tổ chức nào quản lý, nên chỉ còn nhờ vào hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế. Donovan được giao nhiệm vụ này và đã chỉ thị cho Ban Tình báo (SI) thuộc SEAC và Chiến trường Trung Quốc đảm nhận việc xác định các trại, lập danh sách tù binh chiến tranh và tù thường dân, cộng tác chặt chẽ với AGAS. Trong những tháng còn chiến tranh năm 1945, OSS đã rất thành công trong các chiến dịch tình báo này mà đỉnh cao là việc tung ra hoạt động các toán “Mercy”. Allen Dulles đã báo cho Donovan biết việc Nhật thăm dò hoà bình qua các cuộc tiếp xúc với OSS, Donovan cũng được biết về sự tiến triển của bom hạt nhân và ít nhiều tin tức về kết quả thử nghiệm ở New Mexico. Trong thời kỳ Hội nghị Potsdam, Donovan đã lường trước được việc đầu hàng sắp xảy ra của Nhật và đã thông báo cho Taylor ở Kandy và Heppner ở Trùng Khanh biết. Dựa vào các báo cáo của OSS về sự ngược đãi, lộng hành trong một số trại của Nhật, Donovan đã đề nghị với Tham mưu trưởng Liên quân là phải có biện pháp bảo vệ các công dân Mỹ trong các trại tù binh ở Đông Nam Á trong trường hợp Nhật đầu hàng một cách đột ngột. Uỷ ban phối hợp Bộ Ngoại giao, Chiến tranh, Hải quân đã nghiên cứu vấn đề Mỹ tham gia công tác hậu chiến ở Bộ Tư lệnh Đông Nam Á (SEAC) và đã đồng ý để các nhân viên người Mỹ sẽ phải ở lại SEAC ít nhất cho tới khi có các sĩ quan Cục Đối ngoại Mỹ đến làm việc tại Thái Lan và các nơi khách chỉ có những người Mỹ, nhân viên của OSS mới được miễn trừ. Nhưng Bishop lại báo qua con đường không chính thức, cho Heppner biết là Bộ Ngoại giao Anh đã phân công cho các quan chức ngoại giao và lãnh sự ở nhiều Bộ chỉ huy các lực lượng ở Đông Nam Á làm cố vấn chính trị dưới quyền Maberly Ester Dening(12) của SOE(13). Theo Bishop thì nhiệm vụ của của số cán bộ này là điều tra bảo cáo về tình hình kinh tế và chính trị vùng Nhật chiếm đóng trước đây. Ngoài ra, Dening cũng nói cho Bishop biết tự người Anh sẽ phụ trách vấn đề “bảo vệ” quyền lợi của Đồng minh trong các vùng đất chiếm đóng và các vấn đề liên quan đến quyền lợi Mỹ thì có thể giải quyết thông qua ông ta, Dening, cho tới khi các cơ quan lãnh sự Mỹ mở cửa trở lại. Đó quả là một tình hình không thể chấp nhận được. Donavan đã chỉ thị cho OSS - Đông Nam Á và Heppner ở Trung Quốc cứ lặng lẽ theo gương người Anh, tổ chức ra các toán OSS ở Đông Nam Á để đi theo quân đội chiếm đóng Anh vào Thái Lan, Đông Dương, Nam Dương, Malaysia và Bornéo. Vì vậy, vào cuối tháng 7, phương án Embankment đã được đưa ra thực hiện nhằm phái khoảng 50 sĩ quan, binh lính được huấn luyện và trang bị cho những nhiệm vụ đặc biệt của OSS, AGAS để đi cùng các “đơn vị xung kích” đầu tiên của Anh vào Đông Dương. Người Mỹ liền bị đơn vị đặc nhiệm 136 của SOE coi như là những người cạnh tranh, và thực tế đơn vị này đã đỡ đầu cho các toán SLFEO của Pháp vào hoạt động ở Đông Dương, đồng thời chống lại toán tình báo Mỹ. Người Mỹ vẫn được coi là chống thực dân và bị người Pháp nguyền rủa, do đó càng bị ghét cay ghét đắng. Và trong một quyết định vào giờ chót, thiếu tướng D.D. Gracey(14), Tư lệnh lực lượng chiếm đóng Anh ở Đông Dương đã gạt bỏ hoàn toàn phương án Embankment ra khỏi chiến dịch Đông Dương. Heppner điện cho huân tước Mounbatten phản đối hành động độc đoán này của Gracey và Mounbatten đã phải bắt ông bạn mình cho phép một toán tình báo Mỹ đã bị thu nhỏ lại rất nhiều, chỉ có 17 người, được phép hoạt động vào ngày 2-9, đi trước cả đội quân của Gracey. Phụ trách phương án Embankment là một thiếu tá nổi tiếng 28 tuổi (sau là trung tá) A. Peter Dewey(15). Trước đó, anh ta đã được Whitaker chọn, định để bổ sung cho hoạt động của tôi ở Bắc Đông Dương. Chúng tôi đã biết Dewey từ khi còn ở Bắc Phi, biết rõ các thành tích nổi bật của anh trong công tác tình báo và chiến tranh chính trị. Heppner, Whitaker, Helliwell và tôi đều bằng lòng, vì có Dewey ở miền Nam thì toán Đông Dương của chúng tôi sẽ được tăng cường rõ rệt, nên chúng tôi đồng thanh yêu cầu giao nhiệm vụ cho anh ta. Dewey đến hành dinh của SEAC vào cuối tháng 7, và việc đầu tiên là bắt liên lạc với tôi Chúng tôi thoả thuận cùng nhau phối hợp hoạt động, trao đổi tin tức và nhận xét. Tất cả công văn và báo cáo của chúng tôi dều được chuyển theo hai chiều qua Côn Minh. Mặc dù tuyến công tác của chúng tôi bị hạn chế bởi ranh giới quân sự ở vĩ tuyến 16, nhưng hoạt động của OSS Đông Nam Á và OSS Chiến trường Trung Quốc đã được phối hợp với nhau, theo tín hiệu của Heppner. Từ khi nổ ra sự kiện Ngày Độc lập, tôi không theo dõi được tình hình kế hoạch Embankment nữa, tôi phải nhờ đến Heppner. Khi tướng Gracey bị Mounbatten gạt bỏ thì chỗ dựa của Dewey vào người Anh cũng “bị suy yếu”. Dewey trở thành con người không được hoan nghênh ở đó. Gracey đã cho phối thuộc toán OSS nhỏ bé của anh vào Ban Chỉ huy Đơn vị xung kích của SEAC vào SàI Gòn, dưới quyền trung tá người Anh Cass. Người ta cho Dewey biết phải tự xoay xở lấy, không nên chờ đợi sự hỗ trợ về tiếp tế quân sự của người Anh. Điều đó cho phép Dewey tự do hoạt động mà không cần phải có sự giải thích đối với Cass hoặc Gracey trong vấn đề tù binh và tù thường dân của Đồng minh, quyết định quy chế tài sản Mỹ, điều tra các tội phạm chiến tranh và thực hiện các chỉ thị khác của OSS. Được hành động một cách độc lập, Dewey đã không để phí thời gian. Trong khi người Anh chuẩn bị một cách chu đáo cho một cuộc hành quân “thực sự” để vào Sài Gòn, dự kiến vào tuần lễ thứ hai trong tháng 9, thì Dewey đã phái một tổ tiền trạm bốn người(16) do trung uý Counasse cầm đầu để tiến hành trước các hoạt động về tù binh chiến tranh và tù thường dân. Chiếc phi cơ C.47 của họ đã hạ cánh vào lúc 3 giờ chiều ngày chủ nhật 2-9, xuống một đường bay nhỏ của Nhật gần sân bay chính Sài Gòn. Sau bất ngờ của sự việc toán chúng tôi hạ xuống Hà Nội ngày 22-8, người Nhật chắc cũng đã dự đoán sẽ có nhiều khả năng nhiều toán khác của Đồng minh tới nên họ không còn bị bất ngờ. Khi phi cơ đỗ lại, nhiều xe quân sự đã lao tới để gặp người Mỹ. Theo báo cáo của Counasse thì một toán Nhật khoảng 30 sĩ quan và lính do một đại tá có sĩ quan tuỳ tùng đã ra đón toán tình báo “một cách trịnh trọng”. Để cho đoàn có một quy chế chính thức, Counasse đã tự phong quân hàm cấp thiếu tá, các người khác là đại uý, trung uý. Ngày 4-9, trong khi tôi từ Hà Nội bay đi Côn Minh, Dewey cùng với 4 người nữa đã đến tăng cường thêm cho toán ở Sài gòn(17). Chiều hôm đó, Dewey đã điện cho hành dinh ở Candy là Counasse đã phát hiện được 4.549 tù binh chiến tranh Đồng minh(18) trong đó có 214 người Mỹ(19), bị giam tại hai trại trong vùng Sài Gòn. Những người ốm nặng đã được bắt đầu chuyển đi từ ngày 5: chính là ngày mà chúng tôi đang hội họp ở Trùng Khánh; tất cả người còn lại sẽ được sơ tán vào sáng ngày 6. Bức điện Heppner nhận được chiều hôm đó nói về việc người Anh tranh giành với người Mỹ về việc sử dụng đường không và các tù binh Mỹ đã không được ưu tiên trước. Sợ rằng các tù binh của chúng ta bị bỏ bê, tướng Wedemeyer ngay chiều hôm đó đã ra lệnh cho máy bay Mỹ từ Côn Minh bay tới Sài Gòn để giúp cho việc sơ tán người Mỹ. Vào khoảng nửa đêm thì phi cơ của chúng tôi tới gần Côn Minh, chúng tôi đã nhìn lờ mờ thấy cái hồ lớn ở đó và đến đúng 1 giờ sáng ngày 6 chúng tôi về tới khu nhà vắng vẻ của OSS. Heppner và Helliwell phải đối phó ngay với các vụ cướp phá trụ sở OSS của quân lính Long Vân trong khi tôi tiếp tục nghiền ngầm về những điều lộn xộn tối nghĩa của cái gọi là hội họp “chính trị” mà chúng tôi đã tiến hành ở Trùng Khánh. Chú thích: (1) Sĩ quan OSS phụ trách trung tâm huấn luyện biệt kích Trung Quốc ở Côn Minh (2) Trợ lý Ngoại trưởng (3) Tổng thống Truman gặp tướng De Gaulle tại Nhà Trắng ngày 22-8-1945 và sau đó đã nói với bà Tưởng rằng De Gaulle đã đảm bảo với ông là nước Pháp sẽ cho tiến hành ngay từng bước để cho Đông Dương được độc lập. Tổng thống cũng nói với bà Tưởng biết là không có vấn đền “thảo luận về quyền uỷ trị”. (4) Thiếu tướng J. Olmsted, G.5 Hành dinh quân Mỹ ở Trung Quốc, thay mặt Hành dinh tại hội nghị. (5) J.H. Paxton, bí thư thứ hai Đại sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh, thay mặt Đại sứ quán tại hội nghị (6) Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (7) Đại tá Davis, Phó Ban OSS - Trung Quốc ( 8 ) “Đập ngăn sông” (9) Trưởng phái đoàn của Uỷ ban Quốc tế Chữ thập đỏ tại Nhật (10) Đại diện Hội Chử thập đỏ Mỹ tại Genève (11) Bộ trưởng Thuỵ Sĩ tại Nhật (12) tức Sir Esler, Cố vấn chính trị Anh thuộc Bộ Tổng tư lệnh tốc cao SEAC, Giám đốc SOE ở SEAC (13) Nha Công tác đặc biệt Anh, tương tự OSS của Mỹ (14) Thiếu tướng Douglas D. Gracey, sinh năm 1894, tư lệnh Lục quân Đồng minh ở Đông Dương năm vĩ tuyến 16, cầm đầu phái đoàn kiểm tra Đồng minh của Bộ Tư lệnh Đông Nam Á và Đông Á (SEAC - SAC), tư lệnh sư đoàn 20 Ấn Độ. Đến Sài Gòn ngày 13-9-1945, đi ngày 28-1-1946. (15) Trung tá A. Peter Dewey (1917-1945), sĩ quan chỉ huy kế hoạch Embankment của OSSNam. Nghiên cứu lịch sử Pháp ở Yale, thạo tiếng Pháp, phóng viên ở Paris của báo Chicago Daily News (1930-1940), gia nhập quân đội Ba Lan ở Pháp mùa xuân 1940, sau khi Pháp thua trận, trốn sang Lisbon và trở về Mỹ, làm ở cơ quan điều chỉnh công tác Xô Mỹ. Gia nhập quân đội Mỹ năm 1942, hoạt động tình báo ở châu Phi và Trung Đông. Được OSS tuyển mộ ở Alger 1943 và phái sang công tác ở hành dinh SEAC tháng 7-1945. Bị du kích Việt Minh giết nhầm ở ngoại ô Sài Gòn ngày 26-9-1945. đột nhập vào Nam Việt (16) Nhóm tiền trạm gồm Trung uý Counasse, thượng sĩ Nardella, thượng sĩ Hejna và trung sĩ Paul (17) gồm Đại uý Bluechel, đại uý Frost, trung uý Bekker, trung uý Wicker. Ngày hôm sau đến thêm 3 người nữa là các đại uý White, Coolidge và Warner. (18) gồm: trại BOBT 1.681 người (920 Anh, 592 Hà Lan, 194 Úc, 5 Mỹ), trại 5E 2.686 người (1.394 Anh, 1.164 Hà Lan, 101 Úc, 209 Mỹ) (19) gồm của sư đoàn 36 (120 người), Hạm tàu Houston (86 người), VPB 117 (3 người), VPB 25 (2 người), trung đoàn phóng pháo cơ 308 (3 người) « Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 01:35:06 PM gửi bởi ngao5 » Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #72 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 01:04:33 PM » Chương 29 Không ai chịu nghe QUÁ NHIỀU VIỆC RẮC RỐI Chuyến đi Trung Quốc của tôi nhằm tìm kiếm một sự chỉ dẫn về chính trị đã thất bại. Wedemeyer và Hurley đang bận chuẩn bị đi Washington để xin chỉ thị(1) nên không thể hoặc không muốn để thì giở gặp tôi nữa. Đáp lại yêu cầu của Heppner, Wedemeyer đã trả lời: “Thấy thế nào tốt nhất thì cứ làm!” đối với những vấn đề không thuộc phạm vi các chỉ thị hiện hành - trừ phi bị Washington bác bỏ. Thật chẳng khác gì nói “Những cái anh làm đều đúng cả, nhưng đừng có vượt qua Washington”. Nhưng lại chẳng có ai nói cho biết là Washington đang làm gì. Ba ngày thảo luận, bàn bạc đã chẳng mang lại được một kết luận đáng giá nào. Một trong các vấn đề cần phải được chú ý là sự có mặt của các lãnh tụ Đồng minh Hội trong những người thân cận của Lư Hán. Họ mà vào Việt Nam dưới sai bảo trợ của Quốc đân Đảng thì chỉ gây ra hỗn loạn và nội chiến. Chúng tôi yêu cầu thiếu tướng R.B. Mac Clure(1) trao đổi vấn đề này với tướng Hà Ứng Khâm và nhấn mạnh đến nguy cơ tiềm tàng trong nhiệm vụ của Lư Hán. Tôi cho rằng nếu nổ ra một cuộc xung đột quy mô lớn giữa Việt Minh và Đồng minh Hội thì quân lính của Lư Hán có thể phải có nhiệm vụ chẳng hay ho gì là đàn áp người Việt Nam bằng vũ lực, do đó sẽ gây ra một tinh thần chống Trung Quốc mạnh mẽ và làm trì hoãn công việc giải giáp quân Nhật. Tướng Mac Clure hứa sẽ nói với Hà Ứng Khâm nhưng cũng không tin là sẽ có hành động gì được vì tướng Hà còn phải đương đầu với nhiều vấn đề quan trọng khác. Điều quan ngại nổi bật của Quốc dân Đảng lúc bấy giờ là phải đối phó với Cộng sản Trung Quốc đang tiếp quản một cách êm thấm và rất có hệ thống các vùng đất do Nhật chiếm trước đây ở phía bắc. Hà Ứng Khâm và bộ tham mưu của ông ta phải tập trung hết tâm trí vào việc chuyển và điều động các đội quân Quốc dân Đảng trung thành lên phía bắc Trung Quốc. Đồng thời ông ta lại phải ngăn chặn nguy cơ nổi loạn của Long Vân ở phía nam, và chống đỡ với áp lực của người Pháp và Anh đối với Thống chế trong việc chiếm lại Đông Dương. Trước khi tôi trở về Hà Nội, tướng Mac Clure đã cho tôi biết ông đã đặt vấn đề Đồng minh Hội ra với tướng Hà nhưng không có kết quả. Hà đã không sẵn sàng can thiệp vào các cuộc thu xếp của Lư Hán. Đặc biệt là nếu chúng chống Cộng. Thảo luận với Helliwell và các nhân viên OSS khác, tôi cho rằng đứng về quan điểm của Đồng minh thì vấn đề này mang tính chất quân sự hơn là chính trị, nếu cuộc nội chiến nổ ra - và các nhân tố để gây ra đã có sẵn - thì sẽ có bắn giết và hỗn loạn, và có khả năng một số lính Nhật vũ trang nào đó sẽ tham gia. Sẽ là một tình trạng hỗn độn! Nhưng tôi cũng thống nhất với các đồng sự là chúng tôi đã làm hết cách để báo động cho các nhà đương cục và cũng không thể làm gì khác hơn. SÀI GÒN -THEO CÁCH THUẬT LẠI CỦA NGƯỜI MỸ Ngày 7-9, Dewey điện bản tường thuật đầu tiên của Mỹ về những việc đã xảy ra ở Sài Gòn trong ngày Lễ Độc lập. Nạn nhân người Pháp đã được rút xuống chỉ có 3 người chết và nhiều tá bị thương. Về phía Việt Nam thì khó mà tính được. Theo cảnh sát, tất cả chỉ có 19 người chết và 6 người bị đưa vào bệnh viện vì nhiều người Việt đã không đến xin thuốc, họ sợ bị nghi có tham gia cùng với các người biểu tình và sẽ bị trả thù. Một báo cáo dễ hiểu của Dewey đã giúp giải thích cho chúng tôi nhiều hoạt động chính trị rối rắm ở miền Nam. Anh ta khẳng định việc Cédile nhảy dù xuống trong đêm 22 - 23 tháng 8, ngày 24 đã gặp một số người Pháp cánh tả lúc đó ở Sài Gòn và đến ngày 27 đã gặp Trần Văn Giàu(3). Cũng là một sự tình cờ mà cuộc gặp gỡ đã trùng thời gian với việc Sainteny gặp Giáp và Hiền ở Hà Nội. Ở Sài Gòn, Cédile có ý định đi tới một cuộc điều đình để cùng tồn tại có thể chấp nhận được. Điều đó không thành. Cũng như ở Hà Nội, cuộc gặp gỡ ở Sài Gòn chỉ cho thấy các quan điểm của Pháp và Việt Nam về tương lai chính trị của Đông Dương hoàn toàn đối lập nhau. Cédile đã nhấn mạnh việc tương lai chính trị của Đông Dương chỉ có thể được đưa ra bàn sau khi người Pháp đã khôi phục lại được quyền hành và phải được đặt trong khuôn khổ của Bản tuyên bố ngày 24-3(4). Giàu và các cộng sự của ông giữ quan điểm là vấn đề quan hệ tương lai với nước Pháp chỉ được thảo luận với điều kiện Pháp trước hết phải công nhận nền độc lập của Việt Nam. Rõ ràng hai bên không đứng trên một lập trường chung. Những người Troskism đã sớm biết được tin Giàu thương lượng với Cédile và ông đã không thuyết phục được người Pháp chấp nhận Việt Nam “đã độc lập trên thực tế”. Nhóm Troskism thuộc Liên đoàn Quốc tế Cộng sản(5) liền kết tội Giàu bán mình cho Pháp và tố cáo Giàu cùng đồng sự của ông ta là “phản cách mạng”. Trong những ngày tháng 8, nhóm này đã đưa ra một chương trình cách mạng xã hội trong công nhân và nông dân Nam Kỳ. Ở Sài Gòn, trật tự vẫn được duy trì cho đến ngày Chủ nhật đen tối, nhưng các vùng nông thôn thì xáo trộn mạnh mẽ hàng ngày. Nhóm Liên đoàn Quốc tế Cộng sản, kéo theo ở nhiều nơi các nhóm Cao Đài, Hoà Hảo và Bình Xuyên đã khuyến khích nông dân các vùng quê lật đổ chế độ cũ - hệ thống quan lại, chức dịch địa phương và công chức - và thay vào đó bằng các uỷ ban nhân dân. Nhiều địa chủ đã bị tước đoạt tài sản và ruộng đất được đem chia cho nông dân. Nhiều người đã bị giết. Sự phiến động này đã bị Việt Minh phản đối, và theo Dewey thì Nguyễn Văn Tạo đã nói: “Tất cả những người nào đã xúi giục nông dân chiếm tài sản của địa chủ sẽ bị trừng trị nghiêm khắc” và “chúng tôi chưa làm cách mạng Cộng sản chủ nghĩa nhằm giải quyết vấn đề ruộng đất. Chính phủ hiện nay chỉ là một chính phủ dân chủ, vì thế mà không có nhiệm vụ nói trên. Chính phủ của chúng tôi”, Tạo nhắc lại, “là một chính phủ tư sản dân chủ, mặc dù có những người Cộng sản hiện nay đang giữ chính quyền”. Sau ngày “chủ nhật đen tối”, tờ Tranh đấu, cơ quan của nhóm Troskism, đã đăng một bài xã luận ngày 7-9, tố cáo Lâm uỷ Nam Bộ đã sai sót trong việc không có những biện pháp bảo đảm an toàn cho cuộc biểu tình, mặc dù lúc đó đã thấy có thể xảy ra một vụ hỗn loạn. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một trong những người tiếp xúc đầu tiên với Dewey ở Sài Gòn, đã cho Dewey xem một bản kêu gọi dân chúng Sài Gòn - Chợ Lớn của Lâm uỷ do Giàu ký, trong lúc đó những kẻ phá trật tự và gây ra chết chóc hôm “chủ nhật đen tối” đã bị vạch mặt là bọn “khiêu khích” và còn nói thêm: “Hiện nay, những người này đã tổ chúc một cuộc mít tinh để yêu cầu vũ trang cho quần chúng”. Dewey cho rằng: nói “những người đó” là ám chỉ vào những phần tử Troskism thuộc Liên đoàn Cộng sản Quốc tế và các đảng liên kết với họ. Bản kêu gọi còn viết: “Người Nhật và các nhà chức trách Đồng minh được tin đó sợ rằng sẽ xảy ra nhiều chuyện rắc rối đổ máu mới”, và: “Căn cứ vào sự thoả thuận quốc tế, quân đội Nhật có nhiệm vụ phải đảm bảo trật tự cho tới khi quân đội chiếm đóng Đồng minh tới và mọi người không nên quên rằng mặc dù phải đầu hàng nhưng lực lượng quân đội Nhật vẫn còn nguyên vẹn. Do đó Tổng hành dinh Nhật có thể: 1. tước vũ khí quân đội quốc gia, 2. tịch thu các súng máy và các vũ khí khác, 3. cấm chỉ các phong trào chính trị nào làm rối trật tự và an ninh, 4. cấm các cuộc biểu tình nếu không được phép trước của Tổng hành dinh Nhật, và 5. tước vũ khí quần chúng”. Bản kêu gọi kết luận: “Vì lợi ích của đất nước chúng ta, chúng tôi kêu gọi mọi người hãy tin cậy ở chúng tôi và đừng để bị lôi kéo bởi bọn phản bội Tổ quốc. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể làm dễ dàng cho việc giao dịch của chúng ta với các đại diện Đồng minh”. Ngày hôm sau, 8-9, chúng tôi được Dewey cho biết là bản kêu gọi của Giàu đã đẩy sự tranh cãi giữa Việt Minh và phái đối lập phải bật ra công khai. Nhóm Troskism, từ trước vẫn hoạt động một cách ít nhiều hoà hợp, nay ra mặt thách thức Lâm uỷ. Họ dùng cuộc mít tinh để yêu cầu cấp vũ khí cho dân chúng và kích động những người theo họ chống lại quân đội Anh(6). Các uỷ ban nhân dân ủng hộ yêu sách của họ và ở các tỉnh đã xảy ra một số xung đột giữa bộ đội Việt Minh và các đơn vị vũ trang Hoà Hảo và Cao Đài. Cũng trong khoảng thời gian chúng tôi nhận được tin của Dewey, Quentin Roosevelt đã trao đổi với Helliwell nhiều vấn dề mà người Anh quan tâm và cũng đụng đến nhiệm vụ của chúng tôi ở Đông Dương. Một trong những vấn đề đó là bức điện của huân tước Mounbatten gửi Wedemeyer báo động việc “dân chúng An Nam gây phiến động và chuẩn bị phá rối trật tự”. Ông có ngụ ý sẵn sàng tiếp quản phần việc “trong Chiến trường Trung Quốc”. Một tin khác có liên quan đến cuộc thương lượng giữa Anh và Pháp đang được tiến hành. đầu tháng 9. Báo chí Pháp đã tiết lộ nhiều chi tiết về cuộc điều đình này và đại sứ Mỹ Caffery đã báo cho Washington biết đó là vấn đề một “Bộ máy cai trị dân sự Pháp” được xem như là chính quyền duy nhất ở phía nam vĩ tuyến 16 của Đông Dương. Sự có mặt nhất thời của quân Anh chỉ là một vấn đề ngoại lệ chủ yếu nhằm xúc tiến việc tiếp nhận đầu hàng của Nhật và đảm bảo cho tù binh và tù thường dân Đồng minh hồi hương. Các nhà chức trách Pháp ở Trùng Khánh và Kandy hy vọng rằng điều thống nhất dã được nêu lên đó sẽ sớm thành một “việc đã rồi” vào tuần lễ đầu tháng 9. Nhưng thực ra thì đến tận ngày 9-10, điều đó chưa được hai bên thương lượng ký kết. Những cuộc vận động mờ ám đó của người Anh đã gây ra một bất đồng nguy hiểm giữa Anh và Mỹ, một nguy cơ mà thực ra chúng tôi ở Trung Quốc, không được chuẩn bị để đối phó. Đến thời kỳ kết thúc chiến tranh, Mỹ đã tự đặt mình trên cương vị một người trung gian môi giới giữa Pháp - Trung Quốc, giữa Anh - Trung Quốc và giữa Pháp - Việt Nam. Nếu đó quả thực là vai trò của chúng tôi ở Trung Quốc thì Bộ chỉ huy Chiến trường cũng như Đại sứ quán đều đã không nhận được chỉ thị nào như thế. Vì vậy mọi nguười đều mong rằng Wedemeyer và Hurley đến dự hội nghị ở Washington dự định vào giữa tháng 9 sẽ giải quyết được bằng cách này hay cách khác các vấn đề nói trên của chúng tôi. « Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 01:45:37 PM gửi bởi ngao5 » Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #73 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 01:05:14 PM » TÀI LIỆU CHO WEDEMEYER Ở Côn Minh tôi đã chuẩn bị một tập hồ sơ cho “quyển sách đen” của Wedemeyer, một bản báo cáo đánh giá tổng hợp của OSS - Trung Quốc về tình hình Đông Dương khi kết thúc chiến tranh(7). Theo tôi, bản báo cáo đã nêu lên được nhiều điểm có giá trị trong khuôn khổ các sự kiện và các quyết định đã xảy ra sau đó và dẫn tới sự dính líu của Mỹ vào Việt Nam… … Sau này tôi được biết là tập hồ sơ đã được trao cho tướng Tổng tham mưu trưởng ngày 10-9 để ông đi Washington. Tôi không rõ ông có đọc hoặc dùng phần nào trong cuộc họp không, nhưng dù cho có một cấp lãnh đạo chính trị nào đã ngó tới nó thì tác dụng của nó cũng đã phải bị gạt bỏ. KẾ HOẠCH CHO OSS SAU CHIẾN TRANH Khi tôi còn ở Côn Minh, Heppner đã thông báo cho tôi biết về những sự thay đổi có thể có trong cơ cấu tổ chức của OSS. Từ sau hội nghị Potsdam, Donovan đã sang phía Đông để gặp Taylor ở Kandy và Heppner ở Côn Minh, báo trước cho hai thủ trưởng OSS ở Viễn Đông về kế hoạch sau chiến tranh của ngành tình báo. Donovan cho biết đã được xúc tiến báo cáo thanh toán với Uỷ ban ngân sách( 8 ) và sẽ kết thúc nhiệm vụ thời chiến vào cuối tháng 12-1945… Đề án cải tổ OSS của ông đề đạt từ 1944 đã không thực hiện được vì những xung đột chính trị ở trong nước và sự tranh chấp giữa các cơ quan tình báo quân sự và dân sự. Nhưng Donovan đã dự định cho OSS ngừng hoạt động ngay sau Ngày Chiến thắng. Ở Chiến trường Trung Quốc, sẽ có một tổ chức giao thời là Nha Tình báo(9) bao gồm tất cả cơ sở các tổ chức OSS cũ ở Trung Quốc. Vào cuối tháng 9, cả hai tổng hành dinh OSS và Chiến trường đều chuyển về đóng ở Thượng Hải. Nhân viên còn lại ở Trùng Khánh đi theo chính phủ Tưởng về Nam Kinh, tiếp tục công tác tình báo chính trị. Đối với tôi đó là một việc cải tổ tất nhiên và bình thường, nhưng người Pháp đã nắm lấy cơ hội đó để tung ra một chiến dịch chống Mỹ mới. Từ Hà Nội, Bernique đã điện cho tôi hay là người Pháp ở đây đã loan báo rộng rãi tin tức nói là tôi bị gọi về Washington vì tội có “hoạt động thân Việt Minh” và toàn bộ OSS ở Đông Dương cũng sắp bị rút về. Helliwell phát cáu lên, tôi nói phải trở lại Hà Nội ngay tức khắc và phải chặn đứng những điều xằng bậy đó. Do đó, chủ nhật ngày 9-9, tôi đã trở lại Hà Nội mà vẫn chưa nhận được một sự hướng dẫn có tính chất quyết định nào về chính sách của Mỹ nhưng vẫn ấp ủ hy vọng là sự có mặt của Hurley và Wedemeyer ở Washington sẽ giúp giải quyết các nghi ngại và lo lắng của chúng tôi. Chú thích (1) Hai người rời Trung Khánh ngày 19-9-1945 (2) tướng Robert B. Mc Clure, tham mưu trưởng quân Mỹ ở Chiến trường Trung Quốc, kiêm Phó tư lệnh của Tổng tư lệnh Hồ Hán Dân. (3) Trong cuộc gặp cũng có mặt Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Văn Tạo (4) của Bộ trưởng Thuộc địa, chính phủ lâm thời Pháp, về chính sách đối với Đông Dương, ngày 24-3-1945 (5) Nhóm tả khuynh của Troskism (6) Trung tá Cass (Anh) đã đổ bộ vào Sài Gòn ngày 6-9 cùng một đơn vị Ấn Độ thuộc sư đoàn Ấn Độ thứ 20 và đội đặc nhiệm 136 của một nhóm nhân viên SLFEO. (7) R&A của OSS và các nhân viên sứ quán ở Trùng Khánh đã giúp chuẩn bị bản báo cáo này. ( 8 ) Cố vấn kinh tế của Sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh đã lập nhóm Kinh tế (9) trước là Nha Mật vụ SI « Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 01:46:26 PM gửi bởi ngao5 » Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #74 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 01:11:27 PM » Chương 30 Quân phiệt và bọn đầu cơ chính trị NHỮNG CON TẮC KÈ TRUNG QUỐC Còn 15 phút bay nữa thì tới Hà Nội, khi phi cơ bay dọc theo đường thuộc địa số 2, phi công gọi chúng tôi phải chú ý đến một dòng người rất dài đang hỗn độn kéo về phía Nam. Máy bay hạ xuống thấp hơn và dòng người đi hiện rõ ra trước mắt. Đó là một mớ lẫn lộn nào xe quân sự, xe đạp, xe bò kéo xen lẫn vào những đám đông người đi bộ chập chờn, khó tả. Nhiều người gánh gồng hoặc đeo những bó tướng trên lưng, lùa đi hoặc dắt theo súc vật chăn nuôi. Chúng tôi còn thấy cả lồng gà, ngỗng, các đàn lợn, trâu và nhiều con vật khác được kéo theo đi trên đường… Đó chính là đội quân chiếm đóng của Tưởng Giới Thạch… Máy bay chúng tôi hạ xuống Gia Lâm vào sáng chủ nhật 9-9. Hôm đó cũng là ngày đánh dấu buổi đầu của một chương mới trong lịch sử Cách mạng tháng Tám, ngày mà đám quân của Lư Hán đến Hà Nội, không bị chống đối nhưng cũng chẳng được hoan nghênh. Đó là những người Trung Quốc đại diện cho các nước Đồng minh châu Âu chiến thắng, tuy chưa phải thật sự là những nước lớn. Nhưng trước mắt người Việt, họ chỉ là những tên đầy tớ của thế giới phương Tây được phái đến để kìm giữ Việt Nam trong vòng nô lệ phục dịch cho quyền lợi của ngoại quốc. Ba mươi năm sau, trong hồi ký “Những năm tháng không bao giờ quên”, Võ Nguyên Giáp vẫn còn nhắc đến mối ác cảm của nhân dân Việt Nam đối với quân đội Lư Hán lúc đó… Ở sân bay, tôi không thấy người Trung Quốc mà chỉ thấy nhân viên phục vụ người Nhật. Khi qua cầu Doumer (Long Biên), xe tôi bắt gặp một đơn vị hậu tập của Sư đoàn 93 Vân Nam Trung Quốc. Một sĩ quan, nhận ra lá cờ Mỹ nhỏ ở đầu xe, đã ra lệnh cho lính dạt vào bên phải, nhanh nhẹn chào và vẫy tay. Ở đầu hàng quân, một số phân đội rất có kỷ luật đã chuyển từ đi thường sang đi nghiêm theo nhịp của đội quân nhạc. Vì đã quá quen với các đơn vị quân đội vô kỷ luật ở Trung Quốc, tôi khá xúc động trước sự xuất hiện của các đơn vị đặc biệt này. Họ mang quân phục màu xanh chững chạc và vác các vũ khí Mỹ của họ một cách hãnh diện. Suốt ngày hôm đó, quân đội Trung Quốc tiếp tục đến. Và đến chiều tối, đoàn xe tải và xe Jeep của sĩ quan và nhân viên tham mưu làm một cuộc diễu binh lớn để vào thành phố. Lính Nhật đứng ở trong các ô cửa và cố gắng không để mọi người dễ thấy trong khi người Việt Nam nhìn một cách thèm muốn những vũ khí và xe cộ Mỹ ở trong tay của người Trung Hoa. Người Việt Nam như những người tò mò đứng ngoài xem, dáng tự hào mà không kiêu căng, tỏ ra quan tâm và chưa có gì chống đối hoặc dễ bảo. Còn người Âu thì vắng bóng. MỘT SỐ NGƯỜI PHÁP TỰ DO Khuya hôm đó, có nhiều người Pháp “tự do” không ở trong số thân cận Sainteny đã tới nhà Gauthier, mang đến cho tôi những tin tức từ Sài Gòn và về tình hình trong “Thành Mordant”, tên họ gọi một cách châm biếm phong trào kháng chiến của Pháp ở Hà Nội. Hai người trong số họ thuộc Đảng Xã hội Pháp, một người là hội viên tích cực của phong trào Cộng hoà Bình dân Thiên Chúa giáo. Họ từ Alger đến từ tháng 1-1945 để công tác cho trường đại học Hà Nội, sau khi đã tham dự vào cuộc khởi nghĩa Paris (8-1944) trong lực lượng kháng chiến nội địa Pháp. Hoạt động chống Nhật cùng với số sinh viên ở Việt Nam Học xá nhưng họ kín đáo nên đã thoát chết sau cú 9-3 và đã cộng tác với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Tạ Quang Bửu trong việc tổ chức sinh viên Hà Nội thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Tôi và họ vẫn thường gặp nhau để trao đổi tin tức và nhận xét tình hình. Chiều hôm đó, họ tỏ rất quan tâm đến sự có mặt “kinh khủng” của người Trung Quốc trong thành phố. Họ sợ rất có thể nổ ra cuộc xung đột tai hại giữa người Trung Quốc và Việt Nam cường các lực lượng của Pháp là còn cần thiết và nên làm, ngay cả khi xảy ra rối loạn. và sẽ là một cái cớ cho những người theo De Gaulle vin vào đó để dùng quân đội của Leclerc can thiệp. Tôi phát biểu là sau khi đã được thấy những đơn vị rất có kỷ luật của Trung Quốc, tôi không tin là việc tăng Ông Gouin(1), đảng viên Xã hội chuyển câu chuyện sang nói về De Gaulle và nước Pháp, cho rằng trong lúc này, mặc dầu đã mất Syrie(2) nhưng Đế quốc Pháp vẫn còn nguyên vẹn. Ở Pháp, có thể trừ De Gaulle ra thì chẳng ai quan tâm nhiều đến những gì đang xảy ra ở Đông Dương. Theo Gouin, đó cũng là một điều dễ hiểu. Mùa đông 1944-1945, đời sống ở Pháp đã trở nên cực kỳ khó khăn… Nội chính hoàn toàn hỗn loạn và De Gaulle, một lãnh tụ tầm cỡ quốc tế đã phải chịu một đòn tai hại không thể tưởng được vì đã bị gạt ra ngoài cuộc hội nghị nguyên thủ các nước ở Yalta và Potsdam. Điều đó là một thử thách nghiêm trọng đối với toàn bộ “chính sách cao siêu” của De Gaulle và ông đã không chấp nhận điều sỉ nhục đó. Người ta cũng đã phải làm một ít gì đó để phục hồi lại cho nước Pháp vị trí xứng đáng trong hàng ngũ các cường quốc lớn thế giới. Những người khác gật đầu tán thành và ông bạn Lebrun(3), phái Cộng hoà Bình dân của chúng ta đã nêu lên vai trò cứu thế mà “Charles vĩ đại” (De Gaulle) đã tự gán cho mình. Lebrun nhắc lại việc De Gaulle đã rất đau lòng khi người Mỹ vì lý do này khác đã khước từ đề nghị của ông được tham gia vào chiến tranh Thái Bình Dương. Ông cảm thấy sâu sắc rằng đó là một điểm danh dự của nước Pháp vì đã tỏ ra có đủ tư cách để yêu cầu được dự phần trong hoạt động ở Viễn Đông. Theo Lebrun, De Gaulle quan niệm cú 9-3 của Nhật ở Đông Dương lại là một điều may mắn hơn là tai hoạ cho Pháp. Vài năm sau, khi đọc hồi ký của De Gaulle(4), tôi đã nhớ lại những lời bình luận này của Lebrun… Các vị khách Pháp đã chất vấn tại sao người Mỹ chúng tôi đã rộng tay để cho Tưởng chiếm đóng bắc Đông Dương? Tại sao chúng tôi lại chia cắt nước này ra làm hai? Phải chăng Mỹ và Anh đã có mưu đồ chính trị, kinh tế ở Đông Nam Á và muốn gạt nước Pháp ra khỏi kế hoạch của họ? Họ có cảm tình với các hoài bão của người Việt Nam nhưng họ cũng còn là người Pháp và tin rằng Pháp có đủ khả năng thực hiện một nền công bằng xã hội. Một khi mà khối liên minh Xã hội - Thiên Chúa giáo - Cộng sản lên cầm quyền ở Pháp thì Việt Nam sẽ được công nhận như là một nước chị em trong cộng đồng các quốc gia nói tiếng Pháp. Tôi tự nhiên cảm thấy họ có cái gì dó rất giống với Sainteny và các bạn theo De Gaulle của ông ta. Họ tỏ ra rất phẫn nộ và nói là chắc tôi đã biết rõ hơn. Tôi trả lời là đã nghe quá nhiều những lời xuyên tạc cho rằng Mỹ có trách nhiệm trong việc chia cắt Đông Dương và nói rộng ra, với hàm ý là Mỹ có những động cơ đen tối về kinh tế. Gouin đồng ý với tôi và hỏi cho biết sự thật là như thế nào? Ông thấy khó mà bảo vệ được lập trường của Đồng minh nếu như không nắm được thực chất của vấn đề. Tôi đã trình bày một cách tỉ mỉ quyết định, trước khi có hội nghị Potsdam, của tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nhằm điều chỉnh lại các giới tuyến chỉ huy ở Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương và giải thích sự cần thiết phải tập trung lực lượng Mỹ vào cuộc tấn công chủ yếu vào chính nước Nhật. Chính vì thế Mỹ không cần thiết và không có lợi lộc gì trong việc tiếp tục ngăn chặn hoặc đánh đuổi Nhật trong các vùng đất đai còn lại của thuộc địa Anh, Hà Lan, Pháp ở Đông Nam Á. Và sau các cuộc thảo luận trong giới lãnh đạo quân sự Đồng minh, thì chỉ đi đến một quyết định hoàn toàn quân sự; không có một cái gì khác. Sau này, người ta cũng có thể nói rằng trong khi người Mỹ chỉ chú tâm đến vấn đề quân sự thì người Anh lại lo lắng nhiều hơn đến việc bảo vệ quyền lợi thực dân của mình và họ vui mừng trước thái độ “chống thực dân” của người Mỹ. Việc lên án Mỹ lợi dụng vấn đề điều chỉnh giới tuyến cho những mục đích kinh tế đã được bộ máy tuyên truyền của Sainteny thổi phồng lên bằng cách tung tin có một sự thoả luận “bí mật” ở Yalta nhằm “cướp đoạt” địa vị chính đáng của Pháp ở châu Á và quyết định ở Potsdam chỉ là một trong những quyết định cốt để xoa dịu Tưởng, đền bù cho việc bị mất cho người Nga những đất đai ở Trung Quốc. Mặc dù tôi đã làm hết sức mình để giải thích chống lại những điều xuyên tạc nói trên nhưng những điều đó vẫn được các cây bút Pháp, Anh và Mỹ(5) liên tục nhắc đi nhắc lại đến mức một độc giả không chuyên về lịch sử vẫn có thể chấp nhận đó là nhũng sự thật. Nhưng thực ra chúng không đúng. MỘT ĐỘI QUÂN XÂM LƯỢC Suốt đêm hôm đó, quân Lư Hán tràn vào thành phố, ầm ầm tiếng xe cộ đi lại, tiếng máy nổ, tiếng hô các hiệu lệnh… Nhưng chỉ sáng hôm sau, chúng tôi đã chứng kiến một cảnh tượng trái ngược hẳn. “Quân đội” Trung Quốc đã biến chất đi một cách ghê gớm! Đội quân tinh nhuệ hôm qua đã trở thành đội quân đi cướp chiếm đất. Ra phố, tôi chỉ thấy một cảnh tượng lộn xộn không thể tả được cùng với những người Trung Quốc lang thang không mục đích… … Không còn thấy bóng các đơn vị có kỷ luật mang quân phục màu xanh, tiến bước theo tiếng quân nhạc đâu nữa. Họ đã được phân tán vào trong góc Thành trên bãi cỏ trước dinh Toàn quyền, trong các trại cũ của Pháp và Việt. Chỉ còn thấy các đơn vị dân binh Trung Quốc quần áo rách rưới lộn xộn, đi dép cao su làm từ các lốp xe Jeep Mỹ và mang đủ các loại vũ khí linh tinh Mỹ, Pháp, Anh và Nhật. Cái đống nhân mạng vô thừa nhận này chính là đội quân Vân Nam của Lư Hán; nó giống như một đám quân tụt hậu hỗn độn đang rút lui chứ không phải là một đội quân chiến thắng đến để giải giáp và tiếp nhận sự đầu hàng của quân thù. Người Việt Nam, trong đó có Võ Nguyên Giáp, vẫn nghe ngóng, đón chờ và sẵn sàng trước đoàn người di trú kỳ dị này…(6). Những ngày tiếp theo là những ngày tôi hiểu sâu thêm về phong cách cư xử phương Đông. Những người Trung Quốc mới tới, lác đác có một số cố vấn Mỹ đi cùng, đã tạo ra bầu không khí vừa có sự tha thiết vô tư, vừa gợi sự tò mò cá nhân lẫn với một sự sợ sệt cho mọi người. Sự thân thiện giữa người Việt Nam và những người mới tới chỉ ở mức tối thiểu. Chỉ có sự giao tiếp theo phép xã giao cần thiết và nhất thời và ngôn ngữ khác nhau đã làm trở ngại cho mọi sự tiếp xúc rộng rãi giữa hai nhóm người. Nhưng những đồ Mỹ sản xuất, xe cộ, điện đài và vũ khí súng ống ở trong tay người Trung Quốc chỉ làm tăng thêm sự tò mò của những người Việt Nam táo bạo. Các nhà buôn đã thay đổi mặt hàng ngay từ ban đêm. Chỉ những gì ế ẩm mới được trưng ra và với giá đã được tăng lên rất cao. Các cửa và cửa sổ hướng ra thành phố đều bị đóng khoá chặt. Ngay giữa ban ngày, không có người phụ nữ Việt Nam và Âu nào dám đi ra phố mà không có nam giới đi cùng… Nhưng cộng đồng người Hoa ở Hà Nội là một ngoại lệ. Ban đầu họ xô ra đường để đón chào các đồng hương của họ. Nhưng sau khi đoàn hậu quân đã tới thì sự phấn khởi của dân địa phương cũng tan biến đi. Hơn nữa, vì lo cho tương lai, các nhà lãnh đạo cộng đồng người Hoa ở đây muốn được có an ninh nên đã yêu cầu phái đoàn chúng tôi chuyển cho Lư Hán bức điện sau đây: “Hoa kiều ở Hà Nội xin gửi đến ngài những lời chào mừng nhiệt liệt và sự kính trọng sâu sắc nhất trước sự nghiệp sáng láng của ngài trong cuộc chiến thắng cuối cùng và chuẩn bị đón mừng một cách nồng nhiệt nhất ngày ngài tới Đông Dương”. Vào thời kỳ đó, dân chúng Hoa kiều ở toàn Đông Dương có khoảng 50 vạn người. Tuyệt đại bộ phận họ tập trung tại Chợ Lớn, thành phố toàn người Hoa sát với Sài Gòn và tại Pnom Penh, thủ đô Kampuchia. Một số đáng kể sống ở Sài Gòn, Hải Phòng và Hà Nội. Họ giữ một vai trò có ưu thế trong đời sống kinh tế của đất nước, kiểm soát rộng rãi về tài chính các ngành thương mại và buôn bán. Những người Hoa ở Việt Nam hợp thành một tập đoàn dân tộc cần cù có những mối quan hệ gia đình và chính trị khá chặt chẽ với Trung Quốc, nơi mà họ bày tỏ lòng trung thành duy nhất với đất nước của họ… Hoa kiều ở đây không sống riêng biệt mà quây quần với nhau trong những khu vực của lớp người trung gian được gọi là các “bang”. Hiệp ước Nam Kinh 1935 đã coi những Hoa kiều này như là những “người ngoại quốc có quy chế ưu đãi”, phải tuân theo pháp luật của Pháp và đóng thuế cho người đại diện cho mỗi “bang”. Theo quy định đó thì họ chẳng có gì phải ngại đối với người Việt cũng như người Âu hay Nhật. Những người Hoa kiều này hy vọng Lư Hán, với toàn quyền cai trị nhân danh Tưởng, sẽ giải thoát họ khỏi sự thống trị của người Pháp, khỏi cái mà họ coi như một quy chế tốn kém và phụ thuộc. Và họ đã được tưởng lệ thích đáng: Chỉ hai ngày sau khi tới Hà Nội, Lư Hán đã chỉ thị cho Chính phủ Lâm thời Việt Nam bãi bỏ “chế độ các bang” trong việc đối xử với cộng đồng người Hoa ở Đông Dương. Đó cũng là một trong nhiều đòn đánh vào uy tín của Pháp trong quá trình Trung Quốc chiếm đóng và cũng là một bước mới trong việc làm suy yếu cái trật tự cũ đã già nua. Hai ngày sau khi trở lại Hà Nội, tôi được ông A. Evard(7) cho biết thêm một đòn mới giáng vào uy tín của Pháp. Người Trung Quốc đã không kèn không trống tống Sainteny và nhóm thân cận ông ta ra khỏi nơi độc nhất còn lại của sự vĩ đại của nước Pháp, để chiếm dinh Toàn quyền dành cho Lư Hán sắp tới. Trong chiến tranh, thường kẻ chiến thắng bao giờ cũng có quyền đóng tại các toà nhà nguy nga và có ý nghĩa chính trị nhất trong vùng đất đai bị chiếm. Nhưng ở đây người Trung Quốc chỉ muốn phô trương thế trội của mình, chứ không phải là chủ quyền, được tính toán để gây xúc động cho người Pháp cũng như người Việt Nam. Nhưng đó cũng là một cách để làm nhục người Pháp, hạ thấp địa vị quan trọng của họ và ác nghiệt đặt họ trong vai trò của nhũng người ngoài cuộc được phép đứng xem hơn là những kẻ chiến thắng. Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #75 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 01:12:06 PM » Ngày 11-9, Sainteny đã được chuyển đến đóng ở một biệt thự nhỏ sát nách với Nhà Ngân hàng Đông Dương. Theo Evard, công việc đó đã nhờ được một nhân viên của SLFEO, đại tá Cavalin( 8 ), và người bạn J. Laurent(9) thu xếp. Tôi cho rằng Sainteny cũng còn muốn đề xuất ra yêu sách về Nhà Ngân hàng cho người Pháp. Như nhiều người địa phương đã nói một cách dí dỏm rằng nếu Sainteny không thể bảo vệ được danh dự của nước Pháp tại dinh Toàn quyền thì chí ít ông ta cũng làm một cái gì đó để giữ được ngân khố cho nước Pháp chứ. Nhà Ngân hàng Đông Dương đã giữ một vai trò khá quan trọng suốt thời kỳ cộng tác trong chiến tranh của Pháp và Nhật. Người Nhật đã trao trả toàn bộ đất nước này cho Chính phủ ông Hồ, trừ Nhà Ngân hàng mà họ vẫn còn ngoan cố giữ chặt lấy toà nhà cũng như các tài sản bên trong. Người Pháp cho Ngân hàng là một vật sở hữu độc quyền của họ và khi thấy người Nhật vào Việt Nam không đề ra yêu sách gì đối với Nhà Ngân hàng thì họ chỉ có thể coi đó như là đã thuộc về họ. Nhưng bất kỳ một yêu sách nào hay một sự tịch thu tài sản nào của Ngân hàng bởi người Trung Quốc thì nhất định cũng sẽ bị cả người Pháp lẫn người Việt phản đối. Tôi không rõ người Việt Nam đã có cách nào để mong nắm lấy quyền kiểm soát Ngân hàng Đông Dương không, nhưng rõ ràng lúc đó, họ đang có lợi thế để mà đưa ra một yêu sách ít nhất cũng để giữ được bản thân ngôi nhà đó. Sự việc đã tới. Sau ngày Sainteny dọn đến trụ sở mới của họ, ông Saurent đã gửi cho tôi một bản công bố chính thức của Ngân hàng, ngắn gọn và gay gắt, do giám đốc Ngân hàng ký: “Kể từ ngày 12-9-1945, Chính phủ Lâm thời vỡ nợ”. Tôi đã hỏi xem Ngân hàng có còn tài sản nào không và được trả lời là còn, nhưng không thuộc tài khoản của Chính phủ. TIÊU VĂN: NGƯỜI ĐẠI DIỆN CỦA QUỐC DÂN ĐẢNG Ngay sau khi bộ phận tiền trạm của Trung Quốc đến Hà Nội thì tướng Tiêu Văn, một bộ hạ tin cậy của Trương Phát Khuê cũng tới. Tiêu mang ba chức vụ: phó tư lệnh của Lư Hán, Tư lệnh tập đoàn quân 62 Quảng Tây và Thủ trưởng Phòng chính trị Ban Công tác hải ngoại(10). Nhưng lúc đó ông ta còn có một nhiệm vụ khác nữa, nhiệm vụ bí mật bảo vệ các quyền lợi của Trương ở phía Nam biên giới Trung Quốc. Cuối tháng 9, tôi được Tiêu Văn trực tiếp cho biết nếu không có sự chỉ đạo tích cực của Trương thì Trung Quốc không thể hy vọng thiết lập được những quan hệ thân thiện với Việt Nam sau thời kỳ chiến tranh. Theo ý Tiêu Văn và ông ta vẫn giữ ý kiến này cho đến cuối 1947, việc chọn Lư Hán để chỉ huy cuộc chiếm đóng là một việc tồi tệ nhất. Tiêu cho Lư Hán không biết gì về “vấn đề” ở Việt Nam, có nhãn quan rất hạn chế, hẹp hòi và chỉ huy những đội quân hoàn toàn không thích đáng với nhiệm vụ chiếm đóng. Trái lại, Trương, theo quan điểm của Tiêu, đã từ lâu có công xây dựng nền móng cho một sự thân thiện Việt - Hoa có hiệu lực mà trong đó Tiêu đã giúp “đạt được ít nhiều thắng lợi”. Việc thay đổi đột ngột nhằm phái Trương và đội quân tinh nhuệ nhất của ông ta tới Quảng Đông thay vì cho Hà Nội có nguy cơ làm mất Đông Dương vào tay người Pháp và theo ý Tiêu, đó là một quyết định tai hại. Tiêu Văn đến Hà Nội trong thời gian tôi đi Côn Minh và đã có nhiều lần gặp gỡ không chính thức với ông Hồ. Ông Hồ đã cung cấp cho người cai ngục và che chở cũ của mình một biệt thự đẹp không xa phái đoàn OSS Mỹ, cùng nhiều tiện nghi khác và chắc chắn rằng họ đã nối lại nhũng quan hệ cũ. Sáng ngày 10-9, tôi được Chu Văn Tấn, lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng, mời tới dự một buổi gặp gõ do ông Hồ tổ chức để chào mừng tướng Tiêu Văn. Sau bữa tiệc, ông Hồ mở đầu bằng một lời phát biểu hoan nghênh ngắn bằng tiếng Trung Quốc, rồi giới thiệu Tấn. Hướng về phía Tiêu Văn, Bộ trưởng Tấn nói tiếng Việt ca ngợi sự hợp tác và giúp đỡ của các lực lượng Đồng minh trong việc giải giáp quân Nhật và duy trì trật tự công cộng. Tấn đề nghị cho đặt liên lạc ngay giữa Bộ chỉ huy Trung Quốc và “Lực lượng võ trang Việt Nam”(11) để cho vai trò mỗi nhóc được phục vụ một cách có hiệu quả hơn. (Tôi chỉ biết ngạc nhiên không hiểu Tấn đào đâu ra được “Lực lượng võ trang Việt Nam”). Tấn tỏ biểu hiện hào phóng trong việc “phân phối” lương thực và đồ tiếp tế mà họ có, nhưng lại chua xót nhận xét là các lãnh đạo Việt Nam chẳng còn gì trong tay. Sau ít lời nhận xét chung, Tấn mời Tiêu Văn phát biểu. Tiêu chậm rãi đứng lên, tay đặt vào đốc gươm chỉ huy bên sườn, một cử chỉ của người chúa tể mà người Việt không bỏ qua, và mỉm cười một cách hạ cố. Bằng tiếng Trung Quốc, Tiêu cám ơn ông Hồ về sự hiếu khách và thông hiểu lẫn nhau và cảm tạ đối với đề nghị giúp đỡ của Tấn. Tiêu nói rõ một cách thẳng thừng rằng người Trung Quốc đã được trang bị rất tốt để hoàn thành nhiệm vụ của họ trong việc đối xử với người Nhật. Về vấn đề an ninh công cộng, ông nói, trong lúc này người Trung Quốc dựa vào “cảnh sát địa phương”; rồi sau đó sẽ tuỳ tướng Lư Hán quyết định. Đối với vấn đề lương thực và nói đóng quân cho “Quân đội Đồng minh”, ông tuyên bố Bộ chỉ huy Trung Quốc sẽ tiếp tế những thứ cần thiết từ nền kinh tế địa phương theo một chế độ trưng thu lương thực và dịch vụ, và tất nhiên là các chủ nhân và người bán hàng được chính phủ Trung Quốc trả tiền theo giá thị trường thoả thuận và hợp lý(12). Tiêu cũng gợi ý trực tiếp với ông Hồ một cách rất ngoại giao là trong buổi đầu này nếu ở mỗi Bộ trong Chính phủ của ông Hồ mà đặt một sĩ quan chuyên môn người Trung Quốc để làm liên lạc thì thật là thích đáng; vì như thế người Việt thông hiểu hơn những nhu cầu và cách làm của người Trung Quốc. Khi những nhận xét của Tiêu được dịch sang tiếng Việt thì những nụ cười thân thiện tắt ngấm ở ông Hồ và các cộng sự của ông, nhưng họ chẳng bộc lộ ra có gì là bị bất ngờ và thất vọng. Mặt họ trở nên lạnh lùng và không khí im lặng chống đối bao trùm. Giọng của Tiêu gay gắt và rất đáng ngại. Nghe những lời tuyên bố chính thức của Trung Quốc âm vang trong gian phòng lớn Bắc Bộ phủ, ai cũng phải kinh ngạc. Bất chợt, Tiêu làm như một diễn viên và nhà ngoại giao bậc thầy, đã xua tan bầu không khí căng thẳng bằng một câu nói đùa gì đó mà tôi không hiểu nhưng rõ ràng là được mọi người tán thưởng. Ông ta lớn tiếng cười khi đánh giá cao sự đón tiếp “nồng nhiệt” của người Việt NamNam chống phát xít. đối với người Trung Quốc mới tới. Ông ta hứa hẹn một cách hùng hồn rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không quên sự đối xử thân mật của người Việt Nam đối với những người đồng bào ở nước ngoài của ông trong 6 tháng bị Nhật hành hạ vừa qua. Tôi thực sự không hiểu nổi lời hứa đó như thế nào, theo tôi thì chẳng có sự ưu ái nào đã bị mất đi giữa những người Trung Quốc “thoả hiệp” (với Nhật) và những người Việt Viên tướng đã kết thúc lời phát biểu bằng việc ca tụng “tình hữu nghị bất diệt”…, “cùng chung một mục đích…và kiên trì đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc bên ngoài” và vân vân… Tôi có cảm giác mạnh mẽ rằng Tiêu đã cố gắng để có một giọng nói nhân đức mặc dù vẫn rất quan cách, ít ra thì cũng cho đến khi người Trung Quốc đã sẵn sàng để điều đình những vấn đề quan trọng hơn. Ông Hồ hướng cho những người tham gia cuộc họp hoan hô và sau đó đã mời Tiêu sang phòng bên cạnh để nói chuyện riêng. Liệu, Giám, Tấn và Giáp ở lại uống nước và chuyện trò, qua phiên dịch, với các sĩ quan đã cùng tới với Tiêu cho đến khi Tiêu và ông Hồ trở lại, miệng mỉm cười. Mấy phút sau, người Trung Quốc cáo lui sau khi đã chào theo kiểu quân sự, ôm, bắt tay thân mật… Một công tác ngoại giao theo kiểu Á Đông tuyệt vời. Tôi cũng đã định xin rút lui, nhưng ông Hồ nói tôi ở lại uống trà với ông nên chúng tôi đã ngồi lại trên các ghế bành thoải mái ngay trong phòng mà ông Hồ và Tiêu đã nói chuyện. Ông Hồ hỏi tôi có biết rõ Tiêu Văn không. Tôi nói đây là lần đầu tôi gặp Tiêu nhưng đã được nghe nói về vai trò của ông ta trong các công tác giữa người Hoa và Việt ở Trung Quốc. Ông cười và trách tôi một cách rất tự nhiên, “ông có thể nói cho tôi biết; nhưng thực tế, tôi cũng đã rõ ông ta mới được cử làm Trưởng Ban Mật vụ Chính trị ở Hà Nội đấy”. Tôi không biết và cũng đã không nghĩ tới điều đó. Tôi có biết vai trò của Tiêu là một sĩ quan chính trị, nhưng tôi không mong muốn cho ông ta dính líu vào các mưu đồ của người Trung Quốc. Tôi cũng chẳng muốn tiết lộ cho ông Hồ hay về việc OSS đã làm gì để giúp ông thoát khỏi sự cầm tù của Trương Phát Khuê năm 1944 và việc Tiêu có liên quan đến vấn đề này. Nhưng về phía ông Hồ, ông cũng không đặc biệt muốn ám chỉ đến sự hợp tác trước đây của ông với Tiêu, tuy ông đã kể lại những cố gắng của ông nhằm hoà hợp các người quốc gia Việt Nam hải ngoại ở Liễu Châu năm 1943 và sự ủng hộ của Tiêu đối với ông lúc đó. Ông Hồ nói riêng với tôi là ông vừa mới yêu cầu Tiêu đứng làm trung gian môi giới giữa Quốc dân Đảng (Trung Quốc) và Việt Nam. Nghĩ cho kỹ, theo ông nói, thì đó cũng không phải là một hành động khôn ngoan. Ông đã hy vọng rằng Tưởng, đi theo chính sách đã được công bố “không có tham vọng đất đai ở Việt Nam” sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các cường quốc Đồng minh để ngăn chặn các nhà quân sự Pháp không cho lật đổ Chính phủ Lâm thời. Tiêu dã gợi ý ngay là Quốc dân đảng và các nước Đồng minh sẽ có thái độ thân thiện hơn đối với chế độ của ông Hồ nếu ông chịu mở rộng cơ sở chính trị của Chính phủ bằng cách chẳng hạn như để Đồng minh Hội tham gia. Đi nước cờ cuối cùng, ông Hồ đã nói cho Tiêu biết là ông đã có ý định “dân chủ hoá” Chính phủ, nhưng cũng cần có thời gian, có thể phải sau cuộc bầu cử tháng Chạp(13). Ngoài mặt, Tiêu tỏ ra thoả mãn với câu trả lời của ông Hồ; ông ta khẳng định lại chính sách láng giềng tốt của Tưởng và hân hoan mong muốn sẽ có những cuộc thương lượng hai bên cùng có lợi, trong đó Trung Quốc sẽ coi Việt Nam là một nước được hưởng chế độ ưu đãi về thương mại và sử dụng các bến cảng ở Đông Nam Á. Mặc dù sau buổi họp riêng, họ đều cười, nhưng tôi cho là ông Hồ đã không đạt được điểm nào đối với Tiêu Văn. Trước khi chúng tôi ra về, ông Hồ phàn nàn là tình hình sẽ rất khó khăn và có chiều hướng hoàn toàn xấu. Nhưng ông Hồ nói cuối cùng thì Việt Nam cũng sẽ được giải phóng khỏi người Pháp, Trung Quốc hay bất kỳ nước ngoài nào khác. Ông nói tiếp: “Tôi biết Tiêu Văn đã cho đưa hai tên Việt Nam bù nhìn về cùng để tổ chức một chính phủ do Quốc dân đảng đỡ đầu vào lúc thuận tiện - nhưng Tiêu đã không nói trắng điều đó ra với tôi. Những tên này cũng không có đến cả lương tri là phải ẩn đi cho khuất mắt. Nếu họ bị một số thanh niên chúng tôi nhận được mặt, thì tôi cũng biết sẽ xảy ra chuyện gì đây”. Trong một phút linh cảm trước, ông Hồ đã nhận xét là sẽ có đổ máu trong tương lai. Nếu người Trung Quốc thực sự chống đối lại nền độc lập của Việt Nam, nhân dân ông nhất định sẽ kháng cự lại bằng vũ khí. Nếu bọn bù nhìn của Trung Quốc đánh vào Việt Minh, nhất định sẽ có nội chiến. Và nếu sự đe doạ của Pháp trở thành hiện thực thì sẽ có cuộc chiến tranh toàn diện. Bất kỳ tình huống nào đã nói trên xảy ra thì cũng đều sẽ được “phán quyết bằng máu”. Ông Hồ trông già đi. Sau khi đã nói lên được tình trạng căng thẳng trong cuộc đấu với Tiêu Văn, ông Hồ xin lỗi về tâm trạng bi quan của mình và ở đầu cầu thang, ông cho biết là sự có mặt của quân đội Trung Quốc trên đất đai Tổ quốc ông đã làm ông phiền muộn. LƯ HÁN VÀ BỌN PHÁ HOẠI Lư Hán đến sân bay Gia Lâm chiều ngày 14-9(14) mà không hề có báo trước. Sau khi được cơ quan Tiêu Văn điện thoại cho biết, tôi đến thẳng ngay dinh Toàn quyền để dón ông ta. Khoảng 4 giờ 30, tướng Lư Hán đến trong một đoàn xe nhỏ và tôi là một trong những người được gặp chào ông đầu tiên. Tướng Tiêu Văn giới thiệu tôi là trưởng phái đoàn OSS và đã nhã nhặn nói thêm là đơn vị chúng tôi đã giúp đỡ ông ta nhiều trong việc giao dịch với người Nhật và Chính phủ Việt Nam. Lư Hán cảm ơn tôi và hỏi tôi nếu cần ông ta có thể làm việc gì thì cứ nói và ông mong rằng sẽ tiếp tục công tác chặt chẽ với phái đoàn chúng tôi v.v… Trái với dự đoán chung của mọi người cho rằng Lư Hán tới sẽ được đón tiếp một cách long trọng ầm ĩ, ông ta và Bộ tham mưu của ông vẫn đóng kín đáo trong dinh Toàn quyền. Do đó đã lan tràn nhiều tin đồn đại về việc sắp sửa thi hành thiết quân luật, thực hiện chế độ quân quản, các đội hành quyết, lệnh giới nghiêm v.v… Nhưng chẳng có gì như thế đã xảy ra trong thời kỳ Trung Quốc chiếm đóng. Tuy vậy, cuộc chiếm đóng vẫn là một thời kỳ tai hại, gây chấn thương cho nhân dân Việt Nam trong lịch sử hiện đại của họ. Tác động của sự chiếm đóng của độ 5 vạn quân(15) đối với một nền kinh tế đã lung lay đã đe doạ ngay cuộc sống của mỗi người Việt Nam, khi họ vẫn chưa được hồi phục sau trận đói ghê gớm mùa đông trước. Nhưng sự cướp đoạt một cách có tổ chức và gần như là công khai các tài nguyên đất nước bởi bọn quân phiệt vô lương tâm và bộ hạ của họ, lại còn nguy hại hơn nhiều. Còn các đề nghị liên tiếp của tôi với các nhà chức trách Đồng minh nhắc họ đảm nhận cung cấp lương thực và tiếp tế cho quân chiếm đóng thì chẳng được ai chú ý đến. Và số này đã đến, chân đất, bụng đói và quyết tâm sống nhờ vào của cải ở địa phương. Họ lấy ngay thứ gì họ cần hay họ muốn, bất kể thứ đó là của người Pháp, người Việt hay của người Hoa địa phương, không kể giàu nay nghèo. Các chỉ huy của họ hiện đại hơn nhưng cũng tham tàn và ăn sống nuốt tươi mạnh hơn. Đồng quan kim, giấy bạc đã bị lạm phát một cách hết sức bừa bãi và ở Côn Minh người ta đã phải tiêu hàng bó để mua một phẩm vật thường ngày, nay đã trở thành một công cụ để họ bóc lột người Việt về phương diện tài chính. Ngay trong buổi thảo luận về việc quân đội Tưởng tiến xuống phía nam, Giáp đã cho biết ở Hải Phòng, quân Trung Quốc đã cưỡng ép các nhà buôn địa phương khi họ từ chối không nhận tiền quan kim vì đã được định theo một giá hối đoái không thực tế. Ở Tuyên Quang, các nhà chức trách quân sự Trung Quốc đã quy định (ít ra cũng là tạm thời) giá 1 quan kim ăn 20 đồng bạc Đông Dương. Tại Hà Nội, các nhà buôn Hoa kiều lại đổi 1 quan kim ăn 1 đồng bạc. Giáp rất bực bội và nói cho tôi biết lập trường của Chính phủ ông là không chấp nhận bất kỳ đề nghị về giá cả hối đoái nào cho đến khi có một “phái đoàn Mỹ tới”, và lúc đó có thể lấy đồng dollar làm trung gian để điều chỉnh các sự chênh lệch trong giá hối đoái các loại tiền tệ. « Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 01:37:37 PM gửi bởi ngao5 » Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #76 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 01:12:26 PM » Kết quả cuộc gặp đầu tiên của ông Hồ với Lư Hán ở Hà Nội ngày 16-9 đã loại trừ hẳn hy vọng của ông Hồ muốn đặt giá hối đoái tiền tệ đối với đồng dollara Mỹ. Khi Lư Hán “gợi ý” với ông Hồ là giá hối đoái được ổn định ở mức 14 quan kim ăn 1 đồng bạc, ông Hồ liền yêu cầu nên để vấn đề này lại cho tới khi thành lập một uỷ ban tài chính. Nhưng chỉ mấy ngày sau, không có thảo luận gì thêm, Lư Hán ấn định một cách chính thức và một chiều giá hối đoái là 14 ăn 1. Tỷ lệ này đối với đồng quan kim mất giá, cùng với các thủ đoạn tài chính khác, đã đặt khuôn khổ cho một hoạt động chợ đen đồ sộ thực sự đã tàn phá nền kinh tế Việt Nam. Với những đồng quan kim mà ở Trung Quốc phải có hàng tấn mới có giá trị, các sĩ quan Trung Quốc ở Việt Nam có những quan hệ kinh doanh riêng, đã kết hợp chặt chẽ với con buôn, chủ nhà băng, và thầu khoán để mua bằng một giá rẻ mạt mọi công cuộc kinh doanh có lợi mà họ thấy ở Việt Nam. Số này hoạt động không chỉ trong cơ cấu tổ chức quân sự Trung Quốc mà còn qua hệ thống của Đoàn Cố vấn Việt Nam(16) do Quốc dân Đảng ở Trùng Khánh đỡ đầu. Các công ty và trust(17) nhanh chóng được thành lập để nắm quyền làm chủ hoặc kiểm soát các lợi ích ở Việt Nam hoặc các đồn điền của chủ Pháp, các trang trại, dinh thự, nhà máy, hầm mỏ, bến cảng và phương tiện giao thông vận tải… Nhà ở tư nhân, nhà hát, tiệm nhảy, khách sạn, cửa hàng và các nhân viên phục vụ đều được các ông chủ trả theo một giá rất thấp. Nếu họ phản đối hoặc dám bác bỏ đề nghị của các hiệp hội thì giới quân sự đã có cách để cưỡng ép họ… … Trở lại cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông Hồ và Lư Hán, nhiều vấn đề cực kỳ khó khăn khác đã được nêu lên. Vấn đề tu sửa các đường giao thông từ biên giới tới Hà Nội đã được đặt ra. Trong những ngày Trung Quốc chiếm đóng đầu tiên ở các tỉnh biên giới, Việt Minh đã đáp lại sự hống hách và coi thường Chính phủ Lâm thời Việt Nam của họ bằng cách cắt một số đường liên lạc điện tín điện thoại và phá hoại các đoạn đường dẫn tới Hà Nội, Hải Phòng. Lư Hán không rõ nguyên nhân tình trạng phá hoại đó và “gợi ý” người Việt Nam phải tiến hành sửa chữa ngay để quân đội của ông ta kịp thời chuyển tới. Ông Hồ nói lại là cần phải có thời gian nếu như quân đội Trung Quốc không đảm nhận lấy việc này, nhưng Lư Hán kiên quyết không chịu nên ông Hồ phải đồng ý nhận cung cấp nhân công nếu như được Trung Quốc giúp đỡ về vật liệu. Lư Hán chỉ đáp là ông ta sẽ xem xét. Vì không biết rõ thực lực của Việt Minh và chưa tin chắc ở khả năng của quân đội trong việc đụng đầu với ông Hồ, nên Lư Hán lúc đầu còn điều tra, sau đó yêu cầu ông Hồ cho biết rõ lực lượng và tổ chức quân đội Việt Nam lúc đó. Một lần nữa ông Hồ lại bác bỏ, cho rằng vấn đề đặt ra không thích đáng vì Việt Nam không phải bị chiếm đóng mà “trong thực tế là một bộ phận của lực lượng Đồng minh”. Lư Hán cứ khăng khăng đòi và cuối cùng ông Hồ đã phải chấp nhận, nhưng ông đã nghĩ ra được một cuộc rút lui khá hay… Về sau ông đã giải thích cho tôi biết ông đã phải đi theo một đường lối tránh mọi khiêu khích và đối đầu có thể dẫn đến xung đột với quân Trung Quốc suốt trong thời gian Tưởng còn đại diện cho Đồng minh. Để thực hiện chính sách hy sinh đó, ông Hồ đã lẩn tránh một cách tài tình bằng cách đổi tên Giải phóng Quân của ông thành Vệ quốc Đoàn và phân tán nó vào các vùng hẻo lánh xa xôi, cho nó bớt vẻ quan trọng và tránh được xung đột với quân đội Lư Hán. Sau đó, ông Hồ đã đề cập với Lư Hán vấn đề cung cấp lương thực cho quân chiếm đóng, đồng thời tiếp tế cho dân chúng. Lư Hán tỏ ra quan tâm và đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của ông Hồ cho quân Trung Quốc tìm biện pháp tiếp tế gạo từ Nam Kỳ ra. Nhưng miền Nam lại thuộc quyền kiểm soát của người Anh nên Lư Hán không tin là có thể thu xếp được vấn đề này nếu không có su giúp đỡ của Chính phủ Lâm thời. Ông Hồ đáp lại là khả năng của ông rất hạn chế vì hiển nhiên ông không có quyền lực, tài chính cũng như phương tiện vận tải. Đó là một cuộc đối thoại vô hiệu quả giữa sự không khoan nhượng của Trung Quốc và sự bất lực của Việt Nam. Một vấn đề khác gây cho ông Hồ nhiều điều lo lắng là khả năng xảy ra các vụ xô xát, giết người Việt Nam và Trung Quốc. Lư Hán đảm bảo với ông Hồ rằng đã ra những mệnh lệnh nghiêm ngặt nhất cho toàn thể đội quân của ông phải cư xử đúng mức và tránh mọi va chạm, nếu không sẽ bị nghiêm trị. Với thái độ chủ động và cốt để ông Hồ cảm nhận được quyền lực của Trung Quốc, Lư Hán nhắc nhở ông Hồ là sự hoà hợp phải có đi có lại và ông Hồ phải thực hiện sự hợp tác và giúp đỡ quân chiếm đóng trong việc duy trì trật tự và đặc biệt là làm cho dân chúng trấn tĩnh lại. Khi cuộc gặp gỡ kết thúc, như chợt nhớ ra, Lư Hán báo cho ông Hồ biết là phải cho lùi giờ Hà Nội lại một tiếng đồng hồ ngay theo như giờ Trung Quốc để tránh mọi sự lộn xộn và rắc rối về quản lý hành chính không cần thiết. Yêu sách tai hại cuối cùng này đã gây ra bất mãn cao độ vì đối với ông Hồ, điều đó thể hiện sự kiêu căng trịch thượng và sự can thiệp vào công việc nội bộ của người Trung Quốc, nhưng tất nhiên, ông cũng đã phải đồng ý. Xong các vấn đề cụ thể, Lư Hán lấy một giọng điệu hoà giải hơn và tuyên bố rằng sự có mặt của Trung Quốc ở Đông Dương là vấn đề “thuần tuý quân sự và nhằm đáp ứng lại yêu cầu của các cường quốc Đồng minh để giải giáp và hồi hương quân Nhật”. Thực hiện xong điều đó, nhiệm vụ của Trung Quốc ở Việt Nam sẽ kết thúc. Mặc dù Lư Hán đã có một thái độ quân phiệt sống sượng trong khi đề ra các yêu sách trong cuộc gặp gỡ, nhưng rõ ràng ông Hồ lại coi đó là một dấu hiệu tốt. Ông xác định nó cũng mang lại được kết quả là “đã xây dựng được một sự quan hệ thân thiện”. Tôi thực khó mà hiểu được cách nói và lập luận kiểu phương Đông này, nhưng ông Hồ đã kiên trì giải thích đây không phải là những cái đã được nói ra mà là những điều bao hàm ở trong đó. Tỉ dụ như việc Lư Hán thể hiện đã ngầm cam kết không giải tán hoặc gây trở ngại cho Chính phủ Lâm thời mà lại cũng làm việc với Chính phủ khi mà Chính phủ vẫn nắm được quyền quản lý nội bộ đất nước. Ông Hồ cũng cho rằng điều cam kết đó còn có nghĩa là Lư Hán sẽ không ủng hộ và giúp đỡ những người Quốc gia thân Trung Quốc thuộc bè lũ Trương Phát Khuê, “nhóm Lưỡng Quảng” (Quảng Đông và Quảng Tây) thuộc quyền của những lãnh tụ như Nguyễn Hải Thần và Trương Bội Công(18). Lần đầu tiên, ở đây tôi khám phá ra vết rạn nứt chia rẽ giữa Lư Hán và Tiêu Văn, cố vấn chính trị của ông ta. Và tôi cũng rất kinh ngạc trước diễn biến của tình hình sắp tới, khi biết tin Đồng minh Hội, một con bài quan trọng trong kế hoạch chính trị tương lai của Tiêu Văn, đã sẵn sàng ở Hà Nội và đang lo toan việc thách thức với Việt Minh. Chú thích (1) Marcel Gouin, giáo sư kiến trúc trường Đại học Hà Nội (2) Pháp đã bị thất bại trong mưu đồ lập lại chế độ thuộc địa trước chiến tranh ở Syrie (trái với lời cam kết của Đồng minh đã hứa với chính phủ Syrie) vì Churchill đã ép De Gaulle phải ra lệnh rút quân Pháp ra khỏi Trung Đông để đưa đi chiến đấu cùng với quân Đồng minh ở Ý và Bắc Phi (3) André Lebrun, hoạt động trong phong tráo kháng chiến Pháp cho đến khi được chuyển sang Sài Gòn tháng 1-1945. Ông đã tìm đường ra Hà Nội vào tháng 2 để hoạt động cùng với số bạn bè cấp tiến trong phong trào thanh niên giành độc lập, nguỵ trang làm cha đạo trong Thành để giúp người Việt Nam trong lúc khởi nghĩa. (4) Charles De Gaulle, “Hồi ký chiến tranh” (5) Sainteny, “Lịch sử”; B. Fall, “Hai Việt Nam” (5) Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không bao giờ quên” (7) André Evard, mật thám của OSS tại Hà Nội, đáng nghi ngờ nhưng đã có lúc làm thông tín viên chó hãng UP, đồng thời là trợ lý giám đốc hãng Air France ở Hà Nội. ( 8 ) Viên đại tá này đã thoát được cú vét lưới 9-3 của Nhật và tiếp tục liên lạc với những người Pháp hoạt động bí mật. Bà Calavin, vợ ông ta, cũng cộng tác với phong trào của Mordant cưới quyền của bà Sarraut (chị dâu Sainteny) nhưng đã không xâm nhập được vào phái đoàn OSS ở Hà Nội trong tháng 8-1945. (9) Jean Laurent, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Dương (10) trước là Ban công tác đối ngoại Đệ tứ chiến khu (11) Nguyên văn: Vietnamese Armed Forces, cũng có thể đọc là “Quân đội Việt Nam”, hoặc “Quân đội Quốc gia Việt Nam” (12) Chi phí chiếm đóng do chính phủ Trung Quốc bắt Pháp phải chịu bằng cách hàng tháng Trung Quốc rút ra một khoản tiền (40 triệu đồng) của Ngân hàng Đông Dương để chi cho “các nhu cầu cấp bách về quân sự”. Khoản tiền này đã được thanh toán teo “Hiệp ước Pháp - Hoa” sau này. (12) Cuối cùng, cuộc bầu cử đã được tiến hành ngày 6-1-1946. Đồng minh Hội được 20/300 ghế trong chính phủ mới. Nguyễn Hải Thần được “bầu” là Phó Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp (14) Có tin Lư Hán tới Hà Nội vào khoảng từ 9 đến 18-9. Nhưng ngày chính xác thì như đã nói ở trên và đã được báo cáo cho OSS đện số 119 ngày 14-9 của Patti gửi Indiv. (15) Nhiều nhà báo đã ấn định số quân chiếm đóng của Lư Hán là 18 vạn. Con số này chì là áng chừng tổng số quân đã qua lại ở đây trong thời gian chiếm đóng (9-1945 - 10-1946). Chính phủ Trung Quốc đã nêu con số 15 vạn quân để tính chi phí chiếm đóng cho người Pháp gánh chịu. Có thể trong mỗi lúc nhất định thì không quá 5 vạn quân đồn trú tại chỗ. (16) gồm Shao Pai - Chi’ang (Quân quản), Ling Chi - han (Ngoại giao), Chu Hseich (Tài chính), Chuang Chih - Huan (Kinh tế), Cheng Fang - Heng (Giao trông), Ma Ts’an - Yung (Lương thực) và Hsing Shen - Chow (Quốc dân Đảng) (17) công ty uỷ thác (18) Trương Bội Công tới Trung Quốc sau cuộc đàn áp Yên Bái 1930 và đi theo phái Việt Nam Quốc dân Đảng ở Nam Kinh « Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 01:37:07 PM gửi bởi ngao5 » Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #77 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 01:18:33 PM » Chương 31 Những vấn đề của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau khi ra đời ÔNG HỒ TIẾN LÊN PHÍA TRƯỚC Tuy đã có cuộc ngừng bắn nhưng Sài Gòn và toàn bộ Nam Kỳ, sau ngày “Chủ nhật đen tối” vẫn ở trong tình trạng náo động. Bửu và Liệu đều cho nguyên nhân cơ bản gây ra tình hình đó là do sự cạnh tranh chính trị và xung đột kinh tế xã hội. Họ nhấn mạnh vào việc thiếu thông tin liên lạc và phối hợp giữa miền Nam và miền Bắc. Nhưng Bửu đã giúp tôi hiểu biết rõ về vấn đề miền Nam hơn. Sài Gòn và Hà Nội; theo ông nói, cách xa nhau gần 800 dặm về mặt địa lý, vì thế mà họ cũng khác biệt nhau trong các sách lược và kỹ thuật hành chính. Mặc dù có sự non kém của miền Nam và nguy cơ đe doạ của những người Quốc gia thân Trung Quốc ở Bắc, ông Hồ vẫn quyết định cho xúc tiến chương trình cải cách của mình. Ông nói với tôi là đã đến lúc phải thực hiện lời hứa của ông với người Việt Nam về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hơn nữa, việc quân đội chiếm đóng Anh và Trung Quốc tới lại càng thúc ép ông một cách khẩn cấp phải tiến lên một bước nữa để tiếp đón Đồng minh với một chế độ thực sự “dân chủ”. Tuy vậy, ông cũng hết sức thận trọng để tránh không làm cho quần chúng Việt Nam và các nước Đồng minh xa lìa vì đã đi theo chủ nghĩa Cộng sản một cách quá lộ liễu… Những tin tức về những người Quốc gia thân Trung Quốc được quân Tưởng cho đi cùng về Việt Nam làm cho việc cải cách trở nên hết sức cấp bách trước khi Đồng minh Hội, Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt cùng các đảng phái lưu vong khác tới. Ông Hồ không muốn để cho “bọn tay sai của Trung Quốc”, như ông thường gọi, có cớ để lên án ông là đã không làm gì cả, mà trái lại, họ phải chấp nhận ông dã cho xúc tiến một chương trình hành động thích đáng của Mặt trận Việt Minh và được nhân dân cũng như các nước Đồng minh công nhận. Khi tôi ở Trung Quốc về, ông Hồ và Chính phủ Lâm thời của ông đã cho xúc tiến một số cải tổ và thăm dò những đường lối mới. Ông Hồ đã để Giàu mở rộng cơ sở Lâm uỷ Nam Bộ bằng cách thu nạp thêm những nhân viên thuộc phe đối lập và tiếp tục các cuộc điều đình với Cédile, hy vọng rằng người Anh và người Pháp sẽ công nhận Việt Minh trên thực tế như là một bộ máy chính trị có đầy đủ khả năng lãnh đạo quốc gia và như thế sẽ có thể tránh được các cuộc đụng độ bằng vũ lực. Đối với toàn quốc, Chính phủ ông Hồ xúc tiến và công bố các cải cách ở cấp cao. Ngày 5-9, ông Hồ giải thể các Hội đồng Nhân sĩ nổi tiếng và thay bằng các Uỷ ban Nhân dân do nhân dân địa phương bầu cử. Chế độ quan lại cũ đã bị thủ tiêu. Cuộc cải cách mong chờ từ lâu cũng được khởi đầu nhưng rất thận trọng để không gây thù hằn giữa giai cấp trung lưu và các đại địa chủ. Việc chia lại ruộng đất chỉ hạn chế trong các công điền, đất bỏ hoang, đất tịch thu của Pháp và “bọn hợp tác với phát xít”, để chia cho các nông dân không có ruộng. Thực tế từ 22-9, các chủ ruộng đất nhỏ, từ 5 mẫu trở xuống, đều được miễn thuế ruộng đất. Việc hạn chế buôn bán thóc gạo và ngũ cốc của Nhật, Pháp trước đây đã được huỷ bỏ. Thuế công thương nghiệp và môn bài cũng chấm dứt từ 14-9. Việc độc quyền bán thuốc phiện, rượu và muối cũng bị cấm. Cuộc cải cách cấm cả đánh bạc và mãi dâm, cùng với các hình thức lao động khổ sai khác. Công nhân được phép lập nghiệp đoàn và được khuyến khích điều đình với giới chủ. Tất cả các công nhân đều được hưởng chế độ ngày làm 8 giờ. Theo luật bầu cử mới, các xã và tỉnh sẽ bầu ra Uỷ ban Nhân dân xã và tỉnh, và đến cuối năm sẽ bầu Quốc dân Đại hội (Quốc hội Lập hiến). Luật mới bảo đảm quyền phổ thông đầu phiến cho mọi công dân nam nữ trên 18 tuổi. Một trong những điều cải cách có thể nói là cơ bản nhất, mà ông Hồ rất tha thiết, là công cuộc xoá nạn mù chữ, nhằm làm cho mọi người đi học để biết đọc và biết viết. Ông Hồ muốn có một xã hội có văn hoá, có khả năng quản lý được nền “độc lập” mới, tiếp thu được các lợi ích của nhà trường mà nhà nước sẽ mở, và có đầy đủ điều kiện để đạt tới một nền kỹ thuật hiện đại. Liệu sẽ sử dụng mọi phương tiện và biện pháp để tuyên tuyền rộng rãi trong quần chúng các điều cải cách nói trên. Quảng đại quần chúng, nông dân cũng như công nhân đã phấn khởi hưởng ứng sự cố gắng của Chính phủ trong công cuộc cải thiện đời sống của họ. Việt Minh được nhiệt liệt hoan nghênh và được tích cực ủng hộ. Chỉ có một số nhỏ bị bỏ rơi, nhưng không đáng kể. Vấn đề là ở chỗ phúc lợi của nhân dân, thắng lợi của cuộc cách mạng và sự đảm bảo cho nền độc lập của đất nước. Đây là lần đầu tiên cả nước đoàn kết thống nhất trong một mục đích chung và đồng thời cũng là lúc mà các tranh chấp về chính trị đã bị nhấn chìm đi - ít nhất tại miền Bắc. CHỦ TRƯƠNG ĐỀ KHÁNG THỤ ĐỘNG Tuy vẫn thể hiện một tinh thần lạc quan và phấn khởi cao độ, nhưng Chính phủ Hà Nội vẫn phải lo lắng đối phó với những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Các lực lượng ngoại quốc đang từ hai phía Bắc và Nam tiến vào Việt Nam, với danh nghĩa thực hiện nhiệm vụ của Đồng minh nhưng thực ra họ đều mang theo những động cơ khác. Trong hai tuần, người Trung Quốc đã tỏ ra quan tâm đến tước đoạt, cướp bóc nhiều hơn là chú ý đến quân Nhật mà họ có nhiệm vụ phải giải giáp. Còn người Anh ở miền Nam thì chỉ lo làm sao đập tan được Chính phủ Việt Minh, dọn đường cho người Pháp chiếm lại thuộc dịa cũ hơn là thực hiện nhiệm vụ đã được công bố của họ. Thực sự họ cũng không biết gì về vấn đề lực lượng quân Nhật vẫn còn đầy đủ vũ khí trong tay. Ý thức được địa vị gây cấn của mình, cả về phương diện quân sự và chính trị, nên ông Hồ đã quyết định theo đuổi một chính sách đề kháng thụ dộng đối với các thế lực chiếm đóng. Chính phủ của ông công khai ủng hộ nhiệm vụ của họ trong việc giải giáp quân Nhật và sẵn sàng giúp đỡ mọi mặt để hoàn thành được nhiệm vụ trên. Đã nhiều lần, ông đã phải để thời giờ để giải thích cho tôi về chính sách đó. Đối với người Trung Quốc, phải tránh không để nổ ra các cuộc xung đột bằng bất cứ giá nào. Nếu như chủ quyền Việt Nam có bị thử thách thì cũng không để xảy ra xung đột vũ trang; nhân dân sẽ đoàn kết trong một mặt trận thống nhất và nếu cần sẽ không cộng tác với các nhà chức trách quân sự Trung Quốc, sẽ có bãi công, bãi thị, và nhân dân sẽ được phân tán dần về các vùng nông thôn. Đó sẽ là chiến thuật của ông ta. Ở miền Nam thì không được để cho bất cứ một sự lộn xộn nào tạo cho người Anh cái cớ để can thiệp và phá hoại công tác cách mạng của Việt Minh. Ông Hồ đã ra lệnh cho Giàu là trong bất cứ trường hợp nào cũng không được xâm phạm đến thân thể và tài sản người Pháp, không dùng bạo lực và cũng không để xảy ra cướp đoạt. Khi người Anh chưa đi khỏi thì cuộc cách mạng chỉ là “dân chủ”, không phải là “xã hội chủ nghĩa”, không để xảy ra xung đột với quân đội Pháp và phải tránh các thường dân Pháp. Đối với quân Anh, chính sách của Giàu là phải cộng tác trong việc duy trì trật tự công cộng và các sự vụ hành chính, nếu như họ không can thiệp vào việc điều hành công tác của Lâm uỷ. Dewey cho biết, ngày 4-9, Bộ Tư lệnh Đông Nam Á (SEAC) đã nghiêm khắc phê phán viên chỉ huy Nhật, Thống chế Terauchi, về sự lơ là trước cuộc rối loạn ở Sài Gòn và một lần nữa nhắc lại trách nhiệm duy trì trật tự của ông ta cho đến khi được các nước Đồng minh thay thế. San đó, Terauchi đã ra lệnh điều nhiều tiểu đoàn Nhật vào Sài Gòn để tước vũ khí của người Việt Nam. Điều này nói lên một cách rõ ràng ý nghĩa bức công điện của Mountbatten gửi Wedemeyer bảo phải sẵn sàng “nắm lấy tình hình trong Chiến trường Trung Quốc”. Điều đó giải thích tại sao Giàu báo động và kêu gọi dân chúng phải bình tĩnh. Khi đại tá Cass đến Sài Gòn, ngày 6-9, theo yêu cầu của SEAC, Nhật đã tăng cường lực lượng vùng Sài Gòn - Chợ Lớn lên tới khoảng 7 tiểu đoàn và đòi Lâm uỷ phải tước vũ khí và giải tán các chiến sĩ Việt Nam. Trong thực tế, chỉ có Hoà Hảo, Cao Đài và Bình Xuyên mới có lực lượng vũ trang có tổ chức. Còn Troskism và Việt Minh chỉ có một số lực lượng tượng trưng. Do đó, lệnh tược vũ khí chỉ được áp dụng chủ yếu đối với các nhóm chống Việt Minh. Theo chính sách đề kháng thụ động và bất bạo động của ông Hồ, ngày 8-9, Giàu ra lời kêu gọi nhân dân cộng tác, như đã nói ở trên, những phe đối lập liền kết tội Việt Mình là phản bội. Những người chống Cộng được nhóm Troskism khuyến khích, cũng từ chối không nộp vũ khí và đòi Giàu phải từ chức.

Ngày hôm sau, Việt Minh cho cải tổ và mở rộng cơ sở Lâm uỷ, Giàu rút lui nhường chỗ cho một người Quốc gia độc lập là Phạm Văn Bạch. Trong uỷ ban mới, số Cộng sản rút từ 6 (trong số 9 người) xuống còn 4 (trong số 13 người) và có 1 Cao Đài, 1 Troskism, 1 Hoà Hảo, 3 độc lập, 2 Quốc gia và nhà sư Huỳnh Phú Sổ, thủ lĩnh tinh thần của Hoà Hảo. Qua việc nghiên cừu danh sách các uỷ viên, tôi không tin là Việt Minh đã buông tay.

 Tôi biết Phạm Văn Bạch, tuy được kêu là độc lập, nhưng là một kẻ thù công khai của lực lượng phản cách mạng và là một người bí mật sùng bái ông Hồ. Do đó, nếu như người Việt Nam phải đương đầu với cuộc chiếm đóng và đàn áp dân tộc của Pháp thì những người Troskism và có thể nhiều người độc lập chắc chắn sẽ đứng về Việt Minh. Những cuộc cải tổ đã không mang lại được sự ổn định cần thiết cho Chính phủ ở miền Nam. Các cuộc đấu tranh đảng phái, luận điệu phân biệt chủng tộc, tinh thần chống Pháp, nỗi lo sợ các “đội danh dự” Việt Minh(1), tất cả đã đưa đến sự sụp đổ của Uỷ ban mới chỉ sau chưa đầy 2 tuần lễ. Ngày 12-9, một đơn vị Gurkhas(2) của tướng Gracey cùng với một phân đội thuộc trung đoàn 5 RIC(3) Pháp từ Rangoon đến sân bay Tân Sơn Nhất thực hiện cuộc hành quân “thắng lợi” của Anh - Pháp vào “Đông Dương thuộc Pháp”.

Thành phố sôi lên với những tin đồn đại quá mức là quân Pháp “đã đổ bộ'”. Người Việt Nam thì náo động, còn người Pháp thì phấn chấn. Phản ứng của Dewey là sự có mặt của người Pháp nhờ vào sự che chở của Anh là một “điều xấu trong lúc này và đã được khuyên bảo một cách sai lầm”. Các nhân viên SLFEO (của Pháp) đến đây từ trước với lực lượng 136 của Cass, đã đón đơn vị 5 RIC và dẫn họ thẳng tới các kho đạn dược, bến cảng và các kho tàng nhà binh. Pháp đã nhanh chóng thay thế người Nhật và nắm quyền kiểm soát.

Trùm DGER (Pháp) ở Sài Gòn, đại uý hải quân De Riencourt đã đến hành dinh của Cass và thuyết phục Cédile ra lệnh cho viên cai ngục Nhật thả một số nhân viên chủ yếu trong tổ chức “kháng chiến Pháp” và hàng trăm sĩ quan và hạ sĩ quan lê dương(4). Số lính này được phiên thành đơn vị, đưa về các trại lính, nhận vũ khí và được lệnh toả ra khắp thành phố bắt liên lạc với các thường dân Pháp và tổ chức họ để chuẩn bị chiếm lại Sài Gòn.


Cả người Pháp và Việt Nam, nhìn thấy bọn lê dương võ trang kiêu căng đi khệnh khạng trên đường phố Sài Gòn đều có phản ứng một cách mạnh mẽ. Thích thú trong niềm vui thắng lợi đầu tiên, người Pháp muốn nhằm vào lúc này để dạy cho dân “An nam mít” bội bạc “một bài học”. Cờ tam tài Pháp đã được trương lên trên nhiều công sở nhưng không được lâu. Người Anh đã ra lệnh hạ xuống ngay trong ngày hôm đó để tránh kích động tình cảm dân địa phương. Nhưng đã quá muộn. Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #78 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 01:19:17 PM » 

 CUỘC CHỐNG ĐỐI Ở MIỀN NAM 

 Tôi không phải là người duy nhất ở Hà Nội được biết những gì đã xảy ra ở Sài Gòn. Ông Hồ cũng có đường dây liên lạc thẳng với Sài Gòn và tỏ ra rất lo phiền. Các nhóm Quốc gia thân Trung Quốc cũng nắm được tin tức và đã lợi dụng câu chuyện “Pháp đổ bộ” làm một vũ khí tuyên truyền tuyệt vời để phá hoại uy tín của ông Hồ và Việt Minh trước công chúng. Họ lớn tiếng ca tụng lập trường của Tưởng tuân theo các nguyên tắc Hiến chương Đại Tây Dương và giúp đỡ cho sự nghiệp độc lập dân tộc của Việt Nam. Trong khi đó thì Việt Minh ở miền Nam lại thương lượng với Pháp và ông Hồ ở Hà Nội cũng tỏ ra thái độ thiện chí đối với Pháp. Việc đả kích về ông Hồ xuất phát từ các bài báo của hai nhà báo phương Tây đầu tiên mới tới Hà Nội: Serge de Gunzburg, hãng AFP (Pháp) và Phale Thorpe của AP (Mỹ) ở Trùng Khánh. Họ đã phỏng vấn Chủ tịch Hồ và đưa ra một tin được coi là “giật gân” nói rằng ông Hồ đã tuyên bố “Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng chấp nhận cả các cố vấn người Pháp nếu họ tới Việt Nam với tư cách là những người bạn chứ không phải là kẻ xâm lược”.

Tôi cho không có gì giật gân trong lời tuyên bố đó cả; ông Hồ đã nhiều lần nhắc tối điều đó với tôi cũng như với người Pháp ở Hà Nội… Ở đây, qua nhà báo Pháp, chắc ông Hồ muốn nói với công chúng Pháp biết rằng ông đã coi họ như là những người bạn bình đẳng. Nhưng lời tuyên bố với nhà báo ngoại quốc đó đã được đăng lên các báo Việt Nam và đã được phe thân Trung Quốc đối lập với ông Hồ chộp ngay lấy. Mặc dù một số người Trung Quốc cho đó chỉ là một xu hướng đi tới thoả hiệp với Pháp nhằm cứu vãn tình hình, một đề nghị mà nếu có chăng nữa cũng chẳng làm thay đổi gì lập trường chính thức của Trung Quốc đối với Pháp và đối với Chính phủ của ông Hồ. Nhưng những người Quốc gia thân Trung Quốc lại hoảng sợ trước “đề nghị thương lượng” đó của ông Hồ, vì rằng một thoả thuận giữa chế độ của ông Hồ với Pháp sẽ gạt họ ra khỏi mọi sự dàn xếp sau này. Tôi có nói chuyện với hai nhà báo.


 Họ cho biết đã có cảm tưởng khá sâu sắc đối với “nhà cách mạng lão thành” mà họ cho là một “con người rất trung thực và có khả năng”. De Gunzburg nghĩ răng Chính phủ Hồ không thể đạt được cao vọng của mình nếu “không có sự giúp đỡ”. Tôi hỏi có phải ông định nói tới nước Pháp không, nhưng được trả lời, “Hay là nước Mỹ?”. Chiều hôm đó tôi đến gặp ông Hồ ở nhà riêng gần Bắc Bộ Phủ. Ông trông rất mệt nhọc và sa sút. Trời nóng nhưng ông quàng khăn cổ mỏng và hình như thấy lạnh. Có thể ông đã lại lên cơn sốt nhưng nói không hề gì, chỉ bị mệt và mời tôi ngồi lại. Ông hút một điếu Chesterfield, hít sâu và thả khói qua cửa sổ. 

Ông nói chung chung là hoà bình rất mong manh, rồi đi về phía bàn làm việc mà trên vẫn thường để cái máy chữ ọp ẹp của ông. Ông tìm được một tờ thông cáo mà ông nói là nhà chức trách quân sự Trung Quốc đã cho rải khắp Hà Nội ngày hôm trước. Tờ thông cáo được in một mặt bằng tiếng Trung Quốc, một mặt tiếng quốc ngữ. Ông Hồ trực tiếp dịch cho tôi nghe. Nó ca tụng sự hy sinh tình cảm của các Việt kiều quốc gia hải ngoại cho sự nghiệp độc lập dân tộc, cảm ơn Tưởng thống chế về sự ủng hộ và biểu dương tình hữu nghị bất diệt của Việt Nam và Trung Quốc.

 Sau đó nó kết thúc bằng lời kết tội Việt Minh cấu kết với Pháp và kêu gọi những người Việt Nam yêu nước trung thành, nếu thực sự muốn độc lập và tự do, phải từ bỏ “ông Hồ và bè lũ giết người của ông Hồ”. Ký tên dưới tờ thông cáo là Nguyễn Hải Thần, thay mặt cho Đồng minh Hội. Ông Hồ quay về phía tôi và nói “bây giờ bắt đầu đấy”. Với một thái độ khinh miệt, điều mà tôi chưa bao giờ thấy trước đây ở ông Hồ, ông ném mạnh tờ giấy xuống bàn. Một lúc sau ông nói “Việt Minh sẽ còn phải đấu tranh lâu dài cả với người Trung Quốc và người Việt Nam”. 

Sau đó ông Hồ hỏi tôi về tin tức Sài Gòn. Tôi kể lại cho ông những điều ít ỏi mà tôi biết và chúng tôi đã thẳng thắn trao đổi về những sự phức tạp gây ra do việc người Pháp có mặt ở đây. Ông Hồ hết sức lo lắng và nhận định nếu như các sự kiện xảy ra trong tuần trước được coi như là một dấu hiệu nào đó thì chắc rằng Uỷ ban mới đây của Phạm Văn Bạch sẽ không tồn tại được lâu. Đó là một nhận xét sau này đã được chúng minh là đúng đắn.

 Ông Hồ chán ngán vì việc Anh công khai ủng hộ Pháp và các nước Đồng minh thì rõ ràng không quan tâm đối với sự nghiệp của ông. Tôi cảm thấy ông thực sự mất tinh thần. Tôi cố khuyến khích ông bằng cách ca tụng những cải cách ông đã cho công bố. Ông mỉm cười nhưng trở lại nghiêm nghị ngay. Ông Hồ công nhận việc thực hiện công cuộc cải cách sẽ rất khó khăn nếu không có sự viện trợ từ bên ngoài, nhưng cho đến nay thì chưa có ai công nhận Việt Nam là một nước độc lập, “ngay cả đến Liên Xô cũng vậy”. Cải cách ruộng đất, giảm thuế, kế hoạch nông nghiệp, phát triển công nghiệp - tất cả những cái đó đòi hỏi không phải chỉ những ý định hay và nhân công mà ông có rất dồi dào. Chúng đòi hỏi phải có tiền, nhưng kho bạc của Chính phủ thì bị phá sản(5). Điều kiện kinh tế của đất nước thực sự đang trong tình trạng nguy ngập. 


Tình hình lương thực đang bị đàn “châu chấu Trung Quốc” làm kiệt đi từng giờ. Thóc gạo vụ mùa cũng không đủ để nuôi dân Bắc Kỳ quá được 30 ngày. Và các cán bộ của Lư Hán đòi phải nộp lương thực và dịch vụ tại chỗ để chi cho việc chiếm đóng. Đó là một bức tranh ảm đạm. Tôi cũng cảm thấy buồn phiền nhưng không thể làm gì hơn là giúp thông báo tình hình Côn Minh như thường lệ. Nghĩ đến tình trạng khó khăn của ông Hồ, tôi thông cảm với giọng hoà giải trong lời tuyên bố của ông với các ký giả ngoại quốc. Ông đã phải hành động từ một thế yếu và thực tế đã đưa ra một đề nghị thương lượng dứt khoát với Pháp với hy vọng sẽ tránh được một cuộc xung đột võ trang và tranh thủ thời gian cho Chính phủ của ông. Sự xuất hiện của người Anh và người Pháp ở Sài Gòn đã tác động mạnh đến tình hình ở Thành (Hà Nội). 

Người của Sainteny đã không mất thời gian để báo những tin tức trên cho nhóm Mordant trong Thành, đồng thời cũng chuyển cho họ lệnh của tướng Alessanđri từ Trung Quốc chỉ thị cho các tù binh Pháp ở đây phải “tổ chức thành các đơn vị bộ đội” và “cấp vũ khí cho một đại đội lê dương để bảo vệ trật tự” khi người Trung Quốc đến nhận nhiệm vụ chỉ huy Thành. Cùng lúc đó, người Nhật chỉ huy trại cũng tuyên bố nhận được chỉ thị của bản doanh ra lệnh phải theo gương Sài Gòn và thả tất cả các tù binh. Đại tá Norlinger phụ trách công tác tù binh lúc đó đã hỏi ý kiến tôi. 

Tôi đã khuyên ông phải bác bỏ lệnh của Alessandri và ra lệnh cho Nhật tăng cường canh gác, cấm không được thả tù binh nào cho đến khi nhận được lệnh của Bộ chỉ huy tối cao Trung Quốc. Norlinger tiếp thu ý kiến của tôi và báo cáo với Côn Minh. Ngày hôm sau chúng tôi nhận được sự đồng ý của cấp trên kèm theo ghi chú Alessandri ở Trùng Khánh cải chính không gửi bất kỳ lệnh nào cho người Pháp ở Hà Nội. Miền Bắc Đông Dương quả thực là một nhà thương điên. Những người Pháp xấu số, liên tục phải chống lại các “Đồng minh” “vô tâm” và người Việt “bội bạc”; những người Quốc gia thân Trung Quốc tích cực hoạt động nhằm lật đổ chính phủ Việt Minh; quân Quốc dân Đảng háu ăn đang ra sức tàn phá đất nước; các gián điệp Nhật đang lén lút tổ chức mạng lưới ngầm sau chiến tranh của họ. Trung tâm hoạt động của tất cả các nhóm này vẫn là Hà Nội. 

BỘ MÁY BÍ MẬT CỦA NHẬT 

Ngoài những hoạt động công khai của Nhật đã được mô tả ở trên, tổ phản gián chúng tôi đã khám phá ra một mạng lưới hoạt động bí mật hết sức phức tạp được cài một cách chặt chẽ vào các tổ hợp kinh tế và văn hoá ở Đông Dương và còn đang hoạt dộng. Trung tâm hệ thống tình báo và chiến tranh chính trị Nhật đã được xác định là hai tố chức hết sức kín đáo: Công ty Thương mại và Kỹ nghệ Đông Dương có tên là CICEI và Trung tâm Văn hoá (Bunka Kaikan). CICEI được hình thành từ một hãng xuất cảng Nhật nhỏ Taikatu, đặt tại Hà Nội từ trước 1937. Taikatu có 15 chi nhánh ở khắp Đông Dương với trụ sở đàng hoàng và nhân viên đầy đủ. 

Tháng 9-1937, Doichi Yamane, cựu đại diện Nhật tại Hội Quốc Liên, mở thêm một hãng xuất cảng thứ hai bên cạnh Lãnh sự Pháp tại phố Carnot. Sáu tháng sau, Bunishi Onishi từ Tokyo đến và lập ra CICEI. Onishi có quyền gắn bó với Ngân hàng Đài Loan, Ngân hàng Yokohama và Ngân hàng Đông Dương mà ở đó ông có một số quyền lợi quan trọng và qua một số biện pháp tài chính ông đã thống nhất các hãng xuất cảng nhỏ vào CICEI. CICEI trở thành một phường hội khép kín, không chịu sự kiểm soát của bên ngoài(6). Ban đầu CICEI tập trung vào việc thăm dò đất đai, khai thác mỏ và quặng sắt. Nhân viên của họ đi khắp nơi để nghiên cứu, chụp ảnh và vẽ bản đồ. Họ có thể hỏi thẳng các nhà chức trách quân sự, dân sự Pháp để lấy các tài liệu về địa chất, địa lý, bến cảng, đường giao thông, kho tàng, bờ biển, tàu bè…


 Mùa thu 1938, CICEI mở rộng kinh doanh khai thác quặng sắt cho Nhật ở Thái Nguyên. Đến 1941, CICEI tiếp quản các mỏ ở Lào Cai để cung cấp nguyên liệu cần thiết cho nền kinh tế chiến tranh Nhật. Họ thu lợi lớn nhưng đồng thời cũng lượm được những tin tình báo quý giá về Pháp và Trung Quốc. Nhật rất thiếu crôm và kẽm, CICEI qua Ngân hàng Đông Dương năm 1 942 tham gia vào một công ty crôm và kẽm của Pháp và lập ra một liên hợp gọi là CROMIC. Trong 1 942 - 1943, CICEI phát triển vào Sài Gòn, Hải Phòng, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên và Thai Niên (?)

. Một nhân vật cao cấp ở Tokyo đã chỉ đạo về tài chính cho CICEI chứng tỏ quy mô hoạt động lớn lúc đó. Sau những cuộc ném bom đánh phá bằng tàu ngầm của Đồng minh 1944, hoạt động của CICEI có giảm sút. Nhưng CICEI vẫn duy trì khối lượng nhân viên như cũ để tung ra hoạt động suốt khắp Đông Dương dọc bờ biển nam Trung Quốc, giữa Ấn Độ và Miến Điện. Đồng thời qua các luồng ngân hàng, nhất là Ngân hàng Đông Dương, cơ quan CICEI vẫn liên lạc với Tokyo, Berlin, Rome, Bern, Paris và cả Washington để trao đổi tin tình báo và gián điệp. Quân Nhật ở Đông Dương cũng có tổ chức bí mật riêng của mình gọi là Dainan Koosi, chuyên hoạt động thu thập tin tức Quân đội và Hải quân Nhật. Dainan Koosi được đặt dưới sự lãnh đạo của một gián điệp nổi tiếng tên là Matsushita(7). Cơ quan của Dainan Koosi phù trợ cho Hải quân là Manwa (hay là Van Woo), sưu tầm quặng kim loại đặc biệt và cung cấp tình báo có liên quan đến công nghiệp luyện kim. Một khía cạnh hoạt động khác của nó là trao đổi vật tư và hàng lậu để lấy tiền quan kim và kim loại để chi phí cho các hoạt động tình báo ở Trung Quốc. Syotu đóng ở Hà Nội là cơ quan phù trợ cho Quân đội Nhật. 

Nó chuyển mua hoặc kiểm soát các sòng bạc ở duyên hải Trung Quốc nhằm để chuẩn bị cho việc đưa đón các gián điệp Nhật có nhiệm vụ thu thập tiền bạc và tình báo ở Trung Quốc. Syotu ở Hà Nội cho thấy hàng tháng đã thu được độ 100 tấn đồng Trung Quốc. Trong 1944, Dainan Koosi đã thu thập được gần 4.000 tấn đồng pha thiếc, được lọc lại tại Đông Dương và do CICEI, CATEL chở về Nhật. Qua chợ đen, Manwa và Syotu còn kiếm được một số khá lớn antimon, chì, mangan, amiang, mica và da( 8 ) Bộ máy hoàn bị này chắc là đã bóp nghẹt nền kinh tế Đông Dương và đã cung cấp cho Nhật ngoại tệ, tin tình báo về Đồng minh và các vật liệu chiến lược. Nhưng điều quan trọng trước mắt đối với chúng tôi là ở chỗ nó làm vỏ bọc cho kế hoạch hoạt động hậu chiến của Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á. Thua trận trước các nước Đồng minh hoàn toàn không có nghĩa là Nhật đã thôi không theo đuổi các kế hoạch trước chiến tranh “Á châu cho người châu Á” của họ. « Sửa lần cuối: 13 Tháng Tám, 2008, 01:23:11 PM gửi bởi ngao5 » Logged ngao5 Cựu chiến binh * Bài viết: 756 Re: Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?) - Archimedes Patti « Trả lời #79 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 01:23:35 PM »

 Chúng tôi cũng phát hiện được một cách rõ ràng là Hiến binh Nhật hoạt động từ các Trung tâm Văn hoá(9) ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Số lớn các nhân viên của họ đã vứt bỏ quân phục và phân tán vào dân chúng Việt Nam. Chúng tôi cũng xác định được một số Hiến binh lẩn trong các nhân viên các hãng buôn Nhật cũ… Những người Nhật “đào ngũ” này được lệnh phải “biến đi” để tổ chức thành con buôn, cướp… để sau này hoạt động bí mật, đặc biệt là trong các công tác quấy rối và tuyên tuyền trong các phần tử chống Pháp và chống Việt Minh. Một trong những điều quan tâm của tôi là tìm bắt cho được đại sứ Jean Marie Yokoyama(10), người đứng đầu Trung tâm Văn hoá, cùng với nhiều cộng tác viên thân cận của ông ta(11).

 Ngay từ buổi đầu chiến tranh, Yokoyama đã là một đối tượng của OSS vì ông là người lãnh đạo lưới tình báo gián điệp ở Đông Nam Á có nhiều đầu mối rộng khắp thế giới. Vào năm 1943, chúng tôi đã phát hiện được Yokoyama ở Huế, hoạt động dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Đông Dương. Yokoyama là nhân vật số 2 trong danh sách phải “ưu tiên tìm kiếm” của tôi, sau Subhas Chandra Bose(12). Chúng tôi đã chẳng phải lâu la gì tìm ra được các nhân vật này nhưng chúng tôi không thể bắt giữ họ nếu như không có sự cộng tác của người Trung Quốc.

 Nhưng cơ quan an ninh của Lư Hán và bản thân ông ta tỏ ra không phấn khởi trong việc phải gặp lại những người cộng tác cũ. Yokoyama và Long Vân trước đây đã không xa lạ nhau. Trong lời cung khai của các viên chỉ huy Nhật ở nam Trung Quốc, họ xác nhận một cách dễ dàng đã có những tiếp xúc từ lâu giữa họ và các “quân phiệt và sĩ quan cao cấp Trung Quốc” trước giữa những năm 1930. Những cuộc tiếp xúc đã được tổ chức thông qua Yoshio Minoda, Tổng lãnh sự Nhật tại Hà Nội, cho đến 1939 và sau thì Yokoyama đảm nhận nhiệm vụ này. Trước khi người Nhật vào nắm quyền ở Đông Dương, hoạt động tình báo và chính trị của Nhật nhiều lúc đã lộ liễu đến mức bắt buộc người Pháp trong nhiều trường hợp phải trục xuất các nhà ngoại giao và kỹ nghệ Nhật như Matsushita. Song chính những người này năm 1940 đã quay trở lại những nơi họ đã phải bỏ ra đi, nhưng với nhiều quyền hành và năng nổ hơn trước vì Nhật đã chiếm được một vai trò trội hơn ở châu Á. 

Vào năm 1940, khi Nhật chuẩn bị bước vào một cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và Đức đã chiếm Pháp,các nhà vạch kế hoạch ở Tokyo đã nhằm tiến lên xa hơn. Để thực hiện mục tiêu lâu dài của họ trong việc kết thúc nền đô hộ của người da trắng, họ trông mong vào việc đuổi người Anh ra khỏi Miến Điện và Mã Lai, người Hà Lan ra khỏi Indonesia và người Pháp khỏi Đông Dương và họ ra sức thuyết phục Tnmg Quốc tốt hơn hết là phải cộng tác với Nhật. Đồng thời, thuộc địa Anh, Hà Lan, Trung Quốc lại gần sát với Nhật nên Đông Dương sẽ phải là một bàn đạp thích hợp cho các cuộc hành quân của họ tiến vào Đông Nam Á. Ngay trước khi có thoả hiệp quân sự tháng 8-1940 với chính phủ Vichy về quyền được ưu đãi ở Đông Dương, Nhật đã cử đại sứ Yokohama lãnh đạo Trung tâm Văn hoá Hà Nội dưới vỏ bọc là viên lãnh sự, có người phó giúp việc là Komaki Omiya(13) và Komatsu phụ trách về tuyên truyền(14). … 

Mục tiêu lâu dài của Nhật đòi hỏi phải từng bước gạt bỏ ảnh hưởng và chủ quyền Pháp ra khỏi Đông Dương. Đó là những điều Matsushita đã làm từ những năm 1930. Và sau khi bị Pháp trục xuất vào 1938, Matsushita đã trở lại Đông Dương làm giám đốc Dainan Koosi. Yokoyama và Matsushita trở thành những người cộng tác với nhau từ 1941. Ban đầu, chương trình của Yokoyama hướng vào việc tuyên truyền cho nền văn hoá Nhật, nhưng sau đó đã chuyển sang công khai cổ vũ cho thuyết phân biệt chủng tộc trong cái gọi là triết lý của Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á. Điều đó cũng đã được một bộ phận rộng rãi quần chúng Việt Nam tiếp thu, đặc biệt trong các giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo. Nhưng sau cú 9-3 và các trận thất bại ở Thái Bình Dương, Tokyo mất hào hứng trong chính sách phân biệt chủng tộc, lệnh cho Yokoyama tập trung vào công tác tuyên truyền trực tiếp và làm tình báo. 

Matsushita và một số thuộc cánh “Châu Á cho người châu Á” liền cho đó là một sự phản bội của các phần tử thân châu Âu ở Tokyo và cũng nghi ngờ đối với Yokoyama mà mẹ và vợ đều là người Pháp và theo đạo Thiên Chúa. Trong khi điều tra về tổ hợp thương mại, chính trị và tình báo Nhật ở Đông Dương, người ta thấy tay chân Matsushita trong Phục Quốc và Đại Việt dã tiến hành tuyên truyền thân Nhật với sự bảo trợ và giúp đỡ của Hiến binh ở những cấp cao trong quân đội Nhật. Và hoạt động của họ còn tiếp tục cho đến tận 1946. 

Sau khi chiến tranh kết thúc, Hiến bình Nhật đảm nhận việc lãnh đạo phong trào chống người Âu và cũng dã gộp Cộng sản Việt Minh vào bản danh sách căm thù của họ. Trong tình hình đó, tôi tìm sự giúp đỡ của Trung Quốc, gặp tướng Mã, tham mưu trưởng của Lư Hán và đề nghị Trung Quốc cho cơ quan an ninh bắt giữ bọn gián điệp Nhật đã được phát hiện và thu thập nhiều tài liệu có giá trị còn trong Lãnh sự quán Nhật, các Hành dinh quân đội và tại các Trung tâm tình báo. Mã tỏ ra không chú ý, đặc biệt khi tôi nói tới Yokoyama và Matsushita. Ông lịch sự đáp lại là Lư Hán đã “không nhận được chỉ thị của Trùng Khánh về vấn đề công tác phản gián” và nhân viên của ông ta không thông thạo trong loại công việc này. Kết quả không thể tránh khỏi là người Nhật vẫn được thoải mái đi theo con đường của họ.

 Mấy tháng sau, tôi đã báo cáo về Bộ Chiến tranh và Bộ Ngoại giao về những sự cấu kết của Nhật trong quan hệ trong thời kỳ chiến tranh của họ với các phần tử Pháp, Trung Quốc và Việt Nam… cùng những mưu toan hợp tác của các phần tử địa phương trong việc nhằm thực hiện các nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của Nhật. Một hình ảnh nổi bật của các thủ đoạn tài nghệ này thể hiện trong vai trò của Ngân hàng Đông Dương Pháp trong các vụ đầu cơ về tình báo và thương mại của Nhật. Thành công của các vụ này gắn liền một cách không thể chối cãi được với sự cộng tác có ý thức của nhiều quan chức cao cấp Pháp trên lĩnh vực tài chính và chính trị, ở Đông Dương và ở chính quốc Pháp. Trong 6 năm tròn, những người theo Pétain và De Gaulle đều cùng với các nhà chức trách Nhật hoạt động một cách không thân thiện đối với Đồng minh và làm thiệt hại đến những lợi ích tối cao của Đông Dương. … 

Trong những năm chiến tranh, nhiều người Tnmg Quốc cũng buôn bán lương thực và đồ quân dụng với Nhật để kiếm lời. Cũng như người Nhật, họ phải lợi dụng Ngân hàng Đông Dương và yêu cầu Nhật tiếp tục kiểm soát các tài sản của ngân hàng trong khi Quốc dân Đảng thương lượng với Pháp về vấn đề đặc quyền ngoại giao ở Trung Quốc và quyền lợi đặc biệt ở Đông Dương. Một cái vốn có ích khác là những người Việt Nam thân Nhật. Họ đã được khuyến khích chống lại thực dân Pháp và ủng hộ Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á của Nhật. Nhưng trong năm 1940 và sau đó là 1945, khi họ mất hết khả năng và miếng mồi đã mất, họ đã bị Nhật bỏ rơi để cho Pháp khủng bố và Việt Minh trừng trị. 

Qua công tác điều tra của cơ quan phản gián, bấy giờ tôi mới rõ tại sao chỉ có ngôi nhà Ngân hàng Đông Dương mới được gác cẩn thận như thế ở Hà Nội; tại sao nó lại là một phương tiện duy nhất mà Nhật còn kiểm soát một cách chặt chẽ cho tới giữa tháng 10 và tại sao người Nhật đã vội vàng rút những khoản tiền lớn trước khi người Trung Quốc tới, để cho Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của ông Hồ một tài khoản phá sản. Vai trò ghê tởm của số người nhúng tay vào các hoạt động phá hoại này trong Thế chiến thứ hai đã rất ít trong số họ đã bị trừng trị. Chú thích (1) các đội ám sát (2) Một tiểu đoàn của trung đoàn kỵ binh 16, sư đoàn 20 Ấn Độ (Gurkhas) (3)


Một đại đội của trung đoàn thuộc địa số 5 (5 RIC). Đây là một đơn vị được phục hồi lại từ các lực lượng cũ của Pháp được tập hợp lại và huấn luyện ở Bắc Phi trong đội quân ứng chiến để chiếm lại Đông Dương của tướng Blaizot. (4) các tù bình Hà Lan, Úc và Anh đang chờ được hồi hương. Tù binh Mỹ đã được toán Dewey chuyển đi từ trước. (5) Phạm Văn Đồng nói với tôi ngày 3-9-1945 là Chính phủ mới chỉ thấy trong ngân khố lúc đó không quá 1,5 triệu đồng (6) Masumi Yaghiou là con của Giám đốc ngân hàng Đài Loan, được chính phủ Nhật giao cho nhiệm vụ kiểm soát tất cả các hoạt động tài chính của tổ hợp công thương nghiệp có liên qan đến các hoạt động bí mật ở Đông Dương. 

Ông là nhà chức trách duy nhất giữ liên lạc giữa các tổ chức dân sự và quân sự, và là một công chức cao cấp của Nhật ở mọi nơi. (7) Còn gọi là Matusita ( 8 ) Năm 1944, chính phủ Trung Quốc đã ra sắc lệnh xử tử tất cả người nào có “những số lớn tiền bạc hoặc vải vóc không sản xuất tại Trung Quốc”. Nhưng qua sự chất vấn các quan chức Dainan Koosi sau chiến tranh đã cho thấy một sự buôn bán rất lớn tiền tệ và vải vóc đã được xúc tiến bởi “một số quân phiệt” ở Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông.


(9) J.M. Yokohama đã tổ chức được một trung tâm chiến tranh chính trị có quy mộ toàn quốc ở Hà Nội. Trung tâm này phụ trách một hệ thống các trường học Nhật cho các gia đình người Nhật ở Đông Dương và tổ chức các buổi thuyết trình lý luận chính trị và văn hoá Nhật cho các thanh niên Việt Nam. Nhưng đó cũng là một trung tâm tuyển mộ những người Quốc gia chống Pháp và chống Việt Minh. Trung tâm hoạt động phối hợp với CICEI. (10) Yokohama là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng là Bộ trưởng ở Tây Ban Nha cho đến khi được chuyển về Đông Dương 1939. Nhiệm vụ của ông là tổ chức, điều khiển hoạt động tình báo và chính trị, đồng thời là cố vấn cho triều đình Huế. Mẹ và vợ đều là người Pháp Công giáo đã giúp nhiều cho ông quan hệ với các giới Pháp ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội. 

Ông cộng tác với người bạn đồng nghiệp trong giới kỹ nghệ là Matsushita. Ngày 10-3-1945, chính Yokohama đã vào điện Kiến Trung để khuuyên Bảo Đại hợp tác với Nhật trong Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á và đã thuyết phục được Bảo Đại chấp nhận kế hoạch phân biệt chủng tộc bằng cách tuyên bố để “giữ thể diện” là Việt Nam “không lệ thuộc vào nước ngoài” và sẵn sàng hợp tác với Nhật để củng cố nển “độc lập” của Việt Nam. (11) Komaki Omiya, Doichi Yamane, Komatsu và Matsushita (12) Lãnh tụ phe Quốc gia Ấn Độ (13) Đến Đông Dương năm 1939 nhờ sự bảo trợ của Doichi Yamane, cựu đại diện Nhật ở Hội Quốc Liên và là một nhân viên cơ quan tình báo Nhật. Komaki Omiya được cử vào ban quản trị CIDIM, một chi nhánh của CICEI. Omiya đã có một thời gian ngắn (1942-1943) cộng tác với Việt Minh(?) để nhằm lôi kéo người Việt chống lại người da trắng nhưng đạt ít kết quả vì Việt Minh có tinh thần chống Nhật. (14) Một cựu thông tín viên của tờ báo quân đội Nhật Yomiwu, phụ trách công tác văn hoá quân chúng trong trung tâm văn hoá Logged Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 » Lên

No comments: