Tuesday, June 14, 2011

GIỚI THIỆU I



NGUYỄN VĂN THỚI


KIM CỔ KỲ QUAN






NGUYỄN THIÊN THỤ
chú giải và hiệu đính


Tây An tự-Châu Đốc












GIA HỘI2011








LỜI NÓI ĐẦU


Sau 1975, tôi được một vài bạn thì thầm: các kinh sách Phật giáo Hòa Hảo nói hay lắm, nào là Bắc Kỳ cai trị Nam kỳ, nào là Gia Định thì còn, Sài gòn thì mất. . Tôi đi chợ sách ở ngõ Cá Hấp đường Bùi Quang Chiêu Sài gòn mà chỉ mua được một cuốn Kim Cổ Kỳ Quan rất mỏng nhưng bên trong lại đề Tứ Thánh. Tôi không hiểu tại sao. Tuy nhiên, đọc vào thì thấy rất thần diệu!

Trước 1975, tôi có về dạy học tại Đại Học Hòa Hảo, được các đạo hữu tặng một số kinh sách Hòa Hảo nhưng không thấy, cũng không nghe ai nói đến Kim Cổ Kỳ Quan. Trên báo chí trước 1975, tôi cũng chưa đọc được một bài nào viết về Kim Cổ Kỳ Quan. Kim Cổ Kỳ Quan hoàn toàn xa lạ với quảng đại quần chúng và giới văn học cũng như tôn giáo.



Quyển I, in năm 1957 tại Long Xuyên


Xưa nay tôi nghĩ rằng KIM CỔ KỲ QUAN là một truyện Tàu, không lẽ Việt Nam cũng có tác phẩm giống vậy hay sao. Rồi ngày tháng trôi qua, biết bao việc xảy đến, nhất là việc biên khảo về văn học sử chưa xong, tôi không bận tâm đến Kim Cổ Kỳ Quan nữa.

Cuối năm 2009, tôi tìm được trên các trang nhà của Phật giáo Hòa Hảo, các tài liệu về Hòa Hảo trong đó có Kim Cổ Kỳ Quan . Tôi thích thú đọc kỹ và viết bài này để giới thiệu cùng độc giả một khối ngọc thạch quý trong văn chương Miền Nam.

Tôi cũng tìm hiểu về các tài liệu liên hệ đến Bửu Sơn Kỳ Hương và Kim Cổ Kỳ Quan thì thấy GS Nguyễn Văn Hầu và một vài người đã giới thiệu sơ lược. nhưng chưa ai chú thích. Tôi thấy đây là một khối thạch trung ẩn ngọc, cần khai phá cho nhân dân ta thưởng thức và hiểu biết những vấn đề trọng đại của Việt Nam hiện tại và tương lai mà ông Nguyễn Văn Thới cách đây gần một thế kỷ đã quan tâm.

Trước đây vì chưa đủ bộ, vì sức khoẻ suy tàn nên tôi chỉ chú thích sơ sài. Nay các độc giả bốn phương người bổ túc, người đánh máy, khiến cho tôi phấn khởi, cố gắng làm việc chú thích và bình giải trọn vẹn hơn. Trong Sơn Trung Thư Trang, chúng tôi để hai bản:
-Nguyên bản Quốc ngữ của Nguyễn Văn Thới .Bản này trung thành với nguyên bản quốc ngữ trước đây, gồm sách, và bản đánh máy theo tinh thần văn hóa miền Nam "bổn cũ soạn lại".
-Và bản " Kim Cổ Kỳ Quan Chú giải " này. Bản này chỉ sửa chính tả và chú giảng, không tùy tiện sửa đổi câu và chữ. Nếu có, chúng tôi sẽ nói rõ.
-Các audio của Hòa Hảo.
Các bạn có thể lựa chọn các bản.

Theo nguyên tắc , chúng ta phải có bản nôm và bản Quốc ngữ đầu tiên và một vài bản quốc ngữ khác. Nhưng từ khi tác giả mất cho đến nay gần một thế kỷ, mối mọt, mưa gió, bão lụt, chiến tranh, chế độ khắc nghiệt đã hủy hoại nhiều công trình văn hóa trong đó có Kim Cổ Kỳ Quan. Nhất là người nghiên cứu xa quê hương vạn dặm, không đủ phương tiện kê cứu. Thôi thì được bao nhiêu hay bấy nhiêu trong tinh thần " tri túc tiện tức " vậy.

Trước đây, chúng tôi thiếu quyển thứ nhất, nhưng chúng tôi đã phổ biến trong năm 2009 và 2010 vì được các độc giả bổ túc.. Nay tháng 5-2011, tình cờ tìm trong tủ sách thấy có quyển này, mua từ lâu, có lẽ trước hoặc sau 1975 rồi bỏ quên. Phật nói đúng. Chúng ta có bảo vật mà không biết, chúng ta phải tu tập để chơn tâm hiện rõ. Thế là tài liệu đã tạm đầy đủ, tôi sẽ tiếp tục phổ biến chú giảng, đồng thời bổ túc những cái thiếu sót trước kia cho công đức trọn vẹn.

Với những tài liệu có sẵn, chúng tôi có thể nói rằng hiện nay it nhất còn hai ấn bản là ấn bản quốc ngữ 1957 và ấn bản quốc ngữ 1964. Bản của Hòa Hào ( Mỹ quốc), bản của Đỗ Tấn và bản của Đạo Thiện có lẽ chung gốc với bản 1964.

Tác phẩm này đồ sộ hơn Lục Vân Tiên, Thơ Cậu Hai Miêng nhưng vì thực dân cấm đoán, lòng người sợ hãi nên chỉ truyền tụng bí mật. Cũng vì thực dân tự xưng hùng mạnh, khoa học tối tân, và cũng vì cộng sản tuyên truyền duy vật khoa học cho nên một số người bỏ Nho, Phật,Lão, và nghi ngờ Nho, Phật Lão. Thực tế , tôn giáo nào mà chẳng dị đoan, phản khoa học, ngay cả chủ nghĩa Marx cũng duy tâm, phản khoa học và thêm vào đó là tàn ác, độc tài. Lại nữa, tôn giáo nào mà chẳng có những thần thoại, phép màu và các bậc tiên tri. Ông Nguyễn Văn Thới viết sách khuyên người hành thiện, còn Marx khuyên người hành ác. Ông Ba tiên tri có nhiều điều đúng còn Marx tiên tri không những sai lầm mà còn gây ra nạn diệt chủng ghê gớm.

Tóm lại, Kim Cổ Kỳ Quan là một tác phẩm văn học vĩ đại của Việt Nam đầu thế kỷ XX, có giá trị văn chương, lịch sử và tâm linh. Về văn chương thì đây là một tác phẩm thơ dài nhất Việt Nam . Như đã thưa cùng độc giả, toàn bộ Kim Cổ Kỳ Quan gồm 9 quyển hay 9 thiên, lấy tên quyển thứ nhất làm tên chung cho toàn bộ. Ta có thể làm bản liệt kê công trình đồ sộ này:

Lời tựa : 140 câu
(1).Kim Cổ Kỳ Quan: 2820 câu
(2).Giác Mê: 1195 câu
(3). Cáo Thị: 3135 câu
(4). Vân Tiên : 1233 câu
(5). Ngồi Buồn: 988 câu
(6).Thừa Nhàn: 4475 câu
(7)Tiền Giang: 5675 câu
(8). Kiểng Tiên 2284 câu
__________
Tổng cộng; 21.945 câu

Ngoài ra, có Bổn tuồng là một vở tuồng độc thoại, gần ba ngàn câu, và gần 30 bài thơ chép vào quyển Tiền Giang.

Theo ấn bản 1964, Kim Cổ Kỳ Quan gồm có:
Kim Cổ Kỳ Quan: tr. 1- đến 33 trang
Giác Mê: 35- -- 49tr
Cáo Thị 41- -89 tr.
Vân Tiên 91-- 106
Ngồi Buồn 107-- 117
Bổn Tuồng 119--139
Thừa Nhàn 141-- 193
Tiền Giang 195-- 268
Kiểng Tiên 269--295.


Thơ của Nguyễn Văn Thới rất đặc biệt. Về nội dung, tác phẩm thể hiện tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là tư tưởng Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. Và trên hết là một tâm linh siêu việt, nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam với những tiên đoán đã nhiều ứng nghiệm. Xin cảm tạ tác gỉả ông Nguyễn Văn Thới đã khổ công viết tác phẩm này. Xin cảm ơn về các tài liệu của các đạo hữu Hòa Hảo , và các bạn Đỗ Tân, Đạo Thiện , Tuý Như...

Canada tháng 5 năm 2011
Nguyễn Thiên Thụ


MỤC LỤC

PHẦN THỨ NHẤT
GIỚI THIỆU

Lời Nói Đầu
1. Tác giả và tác phẩm
2.Cơ sở sáng tạo và tư tưởng của tác giả
3.Những tiên đoán đã ứng nghiệm
4. Những tiên đoán về tương lai.

PHẦN THỨ HAI
CHÚ GIẢI KIM CỔ KỲ QUAN

Tựa
1- Kim Cổ
2- Giác Mê
3- Cáo Thị
4- Vân Tiên
5- Ngồi Buồn
6- Bổn Tuồng
7- Thừa Nhàn
8- Tiền Giang
9- Kiếng Tiên

PHẦN THỨ BA
PHỤ LỤC









No comments: