Thursday, December 31, 2009

TIẾNG NÓI CỦA MUÔN VẬT 3

*

LI. NGƯỜI ĐÀN ÔNG VÀ MỘC THẦN

Tục xưa hay cúng vái,
Hay cầu khẩn thần nhân.
Có một anh chàng nọ,
Luôn cúng vái Mộc thần (1)

Nhưng cúng mãi, cúng hoài,
Anh vẫn gặp nạn tai,
Anh tức mình quá đổi
Đập bể tượng làm hai!

Nhưng thật lạ lùng thay,
Khi đập vỡ thần tượng.
Vàng ròng và bạc nén
Cứ mãi tuôn ra đầy!

___
1. Mộc thần: thần trong rừng, thần cai quản cây cối.


LII. GÀ ĐẺ TRỨNG VÀNG

Có ông nông dân nọ,
Nuôi được một gà mái.
Ngày kia ông thăm ổ,
Thấy toàn những trứng vàng.
Ông đem bán số trứng,
Rồi trở thành giàu sang.

Nhưng ông không đợi lâu,
Ông muốn được giàu mau,
Ông đem thịt gà mái
Để lấy cả kho vàng.
Nhưng than ôi gà chết
Mà vàng chẳng thấy đâu!


LIII
. CON CHỒN, CON GÀ TRỐNG VÀ CON CHÓ


Anh Chồn vào trại nông gia,
Mong trộm được mấy trứng gà để xơi.
Bỗng thấy một chú Gà nòi (1),
Đứng trên cành trúc ở ngoài tầm tay.
Chồn liền lấy giọng thơ ngây:
"Chúa Rừng ra lệnh từ rày về sau,
Muôn loài phải biết thương nhau,
Không được tàn sát, phải mau kết đoàn.
Chú Gà ơi, lệnh chúa ban,
Thì tôi cùng chú hoàn toàn yêu nhau.
Xuống đây cùng vào rừng sâu,
Tham dự hội nghị Toàn Cầu Tương Thân!
Gà nghe đã biết tâm can,
Của loài Chồn Cáo, của quân gian tà.
"Xin hoan hô đức Chúa Cha,
Hoan hô đoàn kết muôn nhà tương thân.
Bác Cáo xin hãy dừng chân,
Bác Chó ở gần, tôi gọi bác ra.
Cùng nhau hữu nghị một nhà,
Cùng dự đại hội bách gia đại đồng!
Nghe Chó đến, Cáo vội giông (2),
Cong đuôi một mạch mà không giã từ!


__
1. Gà nòi: Gà chọi.
2. Giông: cũng như tếch là bỏ đi, bỏ chạy.



LIV. CUA MẸ VÀ CUA CON

Cua mẹ dẫn con đi chơi,
Dạo trên bãi cát thảnh thơi thanh nhàn.
Mẹ rằng:- sao con đi ngang
Con chẳng đi thẳng như thế gian thường tình.
-Lời mẹ con xin đinh ninh,
Xin mẹ đi thử con thực hành theo ngay!

L
V. KẺ KHỐN CÙNG VÀ VÀNG

Có một người nọ,
Suốt đời sống nghèo khổ,

Y không dám tiêu hoang
Chỉ thích mua sắm vàng.

Ông mua mấy lượng về,.

Bèn đem chôn dưới gốc cây,
Ngày ngày đào lên ngắm,
Mà lòng rất say mê

Một tên gian nhìn thấy ,
Nên nó vào đào lấy.
Ông vò đầu bứt tai
Ông khóc mãi, khóc hoài.

Láng giềng vội chạy sang,
Ông kể chuyện mất vàng.
Họ bảo ông lầm lẫn,
Lấy đi rồi mà quên!

Ông bảo ông không lấy,
Ông chỉ ngắm cho vui
Ông chỉ chỗ chôn ấy
Giờ còn lỗ hổng mà thôi!

Có vàng để ngắm, không xài,
Có như không có cũng hoài vàng đi!


L
VI. TÊN ĂN TRỘM VÀ NGƯỜI MẸ

Một tên ăn trộm
Bị xử án tử hinh.
Y cầu khẩn quan tòa,
Cho được gặp mẹ mình.
Quan tòa liền thuận lời,
Cho y được toại nguyện
Trước khi phải lìa đời.

Khi mẹ y đến,
Y nói: "Mẹ xích lại ,
Để con nói vài lời.
Bà mẹ liền bước tới
Y liền cắt đứt tai!
Cả pháp trường sợ hãi!
Tức giận thằng con trai,
Bất hiếu và tàn ác!
Thằng con cất tiếng nói:
"Tôi trừng phạt mẹ tôi,
Vì tội không biết răn dạy!
Khi tôi còn trẻ thơ
Đã ăn trộm lặt vặt
Và tôi mang về nhà,
Mẹ tôi chẳng rầy la.
Mà còn cười bảo:
"Chẳng có gì quan trọng"
Vì mẹ không biết dạy,
Nên tôi ra thế này!
Ông quan tòa bèn than:
"Cổ nhân đã dạy:
Dạy con dạy thuở còn thơ!
Trẻ mà không dạy, già hư mất rồi!



LVII. CON GÀ VÀ VIÊN NGỌC

Ở giữa đám gà mái,
Có một chàng gà nòi
Anh luôn luôn đào bới
Để tìm hạt thóc rơi.

Một ngày kia trong bụi cây
Anh tìm được một viên ngọc
Anh tưởng là hạt thóc,
Anh ta vội đớp ngay
nhưng anh phải nhả
Vì ngọc cứng như đá!

Con người yêu thích ngọc,
Nhưng con gà chỉ yêu thóc!



LVIII. NGƯỜI MÙ SỜ VOI

Vào một ngày xuân nọ,
Có đám mấy người mù,
Họ bỗng nhiên hội ngộ
Trong một khu vườn nhỏ,
Và cùng gặp con voi.
Họ cùng nhau đ0án thử!
Một anh sở tai voi,
Bảo voi như quạt nan rộng
Một anh sờ cái vòi
Bảo voi như con trăn to
Một anh sờ cái chân,
Bảo voi giống cái vò.
Một anh sờ đuôi voi,
Bảo chổi xễ một đống!
Một anh sờ vào mình voi ,
Bảo là tấm phản rộng!

Mỗi người một ý khác nhau,
Không ai ý hợp, tâm đầu với ai.
Chớ cậy giỏi, chớ cậy tài,
Nắm được chân lý hơn người thế gian!

(Truyên này của Aesop
(620-560 BC) được Phật (563-483) nói trong kinh Pali là Kinh Đại Bát Niết Bàn 大般涅槃经 do ngài Đàm Vô Sấm 昙无谶 (Dharmaraksa) pháp sư người Ấn, dịch ra Hoa ngữ và Kinh Trường A Hàm của Phật Giáo có kể truyện như sau:
Con voi và sáu người mù.

Ngày xưa có một ông vua minh triết, thấy các đại thần của mình thường bảo thủ cố chấp các hiểu biết nhỏ hẹp của mình, bèn sai người dắt đến một con voi thật lớn và một bọn người mù bẩm sinh, để cho họ sờ voi. Sau đó vua hỏi: “Các ông đã biết con voi là như thế nào chưa?”
- Biết rồi! Bọn người mù đáp.
- Thế voi như thế nào?
- Voi xem ra như cái đòn xóc. Người sờ ngà voi bảo.
- Voi như cái quạt. Người sờ tai nói.
- Voi như tảng đá. Người sờ đầu voi đáp.
Người sờ vòi lại bảo: “Voi giống như cái chày”.
- Voi giống như cái hộp gỗ. Người sờ mắt voi nói.
- Không phải. Voi như cái giường. Người sờ lưng voi khẳng định.
- Theo tôi con voi như cái thùng to. Người sờ bụng voi kêu lên.
- Đừng cãi nhau nữa, con voi như sợi dây thừng. Người sờ đuôi xác nhận.
Nhà vua nghe bọn mù tranh cãi nhau, cảm khái nói:

Người mù đều rất đông
Tranh nhau nói sự thật
Voi vốn chỉ một thân
Thị phi lại bất đồng.




LIX. CON CHÓ VÀ CÁI BÓNG

Có một con chó nọ,
Cắp miếng thịt qua cầu.
Nó nhìn xuống sông sâu
Thấy có một con chó
Cắp miếng thịt rất to. . .

Nó bèn nhảy xuống sông
Để lấy thịt trong sóng.
Nhưng khi ở giữa dòng,
Nước vào trong cổ họng,
Nó phải khạc nước ra,
Thịt trong miệng trôi mất.
Mà miếng thịt trên sóng
Chỉ là một cái bóng.
Không phải là miếng thịt!
Nên vui với hiện thực
Đừng bỏ mồi bắt bóng!

*

LX. SƯ TỬ VÀ CON NAI

Sư tử, Chồn, Sói một đàn,
Cùng nhau săn bắn dặm ngàn non xa
Bắt được một bác hươu già.
Sư tử ra lệnh chia ra bốn phần.
Tao là chủ cuộc đi săn,
Tao lấy một phần là việc đương nhiên.
Tao đây là một thành viên ,
Tham dự săn bắn thì thêm một phần.
Rừng này tao là chủ nhân,
Cho nên lại được một phần thứ ba.
Phần thứ tư cũng của ta,
Đứa nào lớn mật, bỏ tay ra thử nào!




LXI.CON SÓI VÀ CON CÒ

Một hôm con Sói mắc xương,
Cổ họng đau đớn, hết phương vẫy vùng.
Nó đi tìm kiếm lung tung,
Nhưng chẳng ai chịu giúp cùng Sói ta.
Nó gặp một bác Cò già,
Nó xin Cò lấy xương ra cho mình.
Sói hứa hẹn, Cò động tình,
Bảo Sói há miệng cho mình xem qua.
Cò có cái mỏ tài ba,
Vừa dài, vừa nhọn, gắp xương ra được liền!
Chữa xong, Cò bèn đòi tiền
Bởi vì Sói hứa đáp đền ơn sâu!
Sói bèn quắc mắt. hất đầu,
-Mày cút cho lẹ kẻo tao thịt mày!
Cò mày vô lễ lắm thay,
Dám đặt mỏ thúi vào rày miệng tao!
Tao đây là đấng anh hào,
Cần gì cái thứ cao cao cổ cò!


LXII. CON ÉN VÀ ĐÀN CHIM

Nông phu trồng lúa ven rừng,
Một đàn chim đến tưng bừng phá tan.
Chim én vội đến khuyên can,
Các chú chớ phá tan hoang ruộng vườn!
Nhặt từng hạt, lấy nhẹ nhàng,
Còn như phá phách, tai nàn đến ngay!
Đàn chim giả điếc, giả ngây,
Chẳng nghe chim én giải bày khuyên can.
Khi thấy ruộng vườn nát tan,
Nông phu bèn đặt mấy hàng lưới tơ.
Hàng trăm chim chóc nhỏ to,
Đếu sa vào lưới, đều vô chão đồng!



LXIII.
CON CÔNG VÀ THƯỢNG ĐẾ

Công biết Công đẹp nhất đời,
Nhưng Công cũng muốn có tài họa mi.
Trước Thượng Đế công nằn nì,
Công xin Thượng đế chuẩn phê cho mình.
Trời rằng: "Ta rất mực công bình,
Chẳng hề kẻ trọng người khinh bất đồng.
Xưa nay bỉ sắc tư phong,
Đã cho sắc đẹp thì không cho tài!
Những ai tài sắc hòa hai,
Thì con người ấy một đời bỏ đi!



LXIV. TRÁI NÚI ĐẺ CON CHUỘT

Một hôm trái núi rung rinh,
Đất đá, cây cối rùng mình chẳng thôi.
Nông dân bèn đứng mà coi,
Để xem động đất chuyển trời ra sao!
Cuối cùng có tiếng kêu gào,
Thấy con chuột tí bò vào, bò ra.
Trái núi vĩ đại bao la
Đẻ ra chuột nhắt thật là mỉa mai!


LXV. ÔNG TIỀU VÀ CON RẮN

Ông Tiều một hôm trở về
Trông thấy trên tuyết cái gì đen đen.
Té ra con rằn đen tuyền,
Chết cóng nằm thẳng ở trên con đường.
Ông Tiều lòng những xót thương,
Ông bỏ vào bụng, ông mang nó về.
Giữa nhà nó đã ngo ngoe
Đàn con ông đến ti toe chơi đùa.
Có đứa tay nắm, tay sờ,
Rắn cắn một phát, chết đơ tức thời!
Cứu người, người hại ai ơi,
Những loài độc ác, ta thời tránh xa!


LXVI. CON CHỒN VÀ CON CÒ

Con Cáo cùng với con Cò,
Cả hai thân thiết là bồ của nhau.
Hai con tình nghĩa thâm sâu,
Cùng nhau mở tiệc đãi nhau hoài hoài.

Một lần Cò đến Cáo chơi,
Cáo dọn ra đĩa mà mời Cò ăn.
Mỏ dài, đĩa cạn khó khăn,
Cho nên Cò đói nhăn răng Cò về.
Cò về Cò tức giận ghê,
Cò bèn tìm cách chọc quê Cáo già!

Một hôm Cáo ghé đến nhà,
Cò bèn mời nhậu cháo gà, rượu tăm,
Nhưng mà Cò lại chơi khăm,
Thức ăn Cò để cho ngâm trong bình.
Mỏ dài, Cò nhậu thỏa tình,
Còn Cáo miệng lớn nên đành chịu thua!
Chơi người, người lại chơi ta,
Ăn miếng, trả miếng bao giờ cho thôi!



LXVII. CON DƠI VÀ CẦM THÚ

Loài chim vốn ở trên trời,
Còn loài muông thú ở nơi núi rừng.
Nhưng rồi hai phái tranh hùng,
Quyết đánh một trận tưng bừng lá hoa!
Loài chim gặp chú Dơi ta,
Khuyến khích nhập ngũ để mà chống Muông.
Dơi rẳng Dơi Thú cùng nguồn
Cùng giòng, chung giống, chung ông chung bà.
Cho nên không thể tham gia,
Ai đời ruột thịt một nhà đánh nhau!

Thú rằng Dơi cũng bạn bầu,
Cho nên kêu gọi cùng nhau hợp đoàn,
Nhưng Dơi tuyên bố rõ ràng,
Tôi là chim chóc không màng chién tranh!

Đến khi hai phái hòa bình,
Dơi cũng trở mình giao thiệp cả hai.
Loài chim cất cánh bay dài,
Mày chẳng cùng giống, cùng loài với tao.
Loài thú ngảnh mặt làm cao,
Tớ đây chẳng dám sánh nào loài chim!

Những ai ăn ở hai lòng,
Luôn luôn vị kỷ thì không bạn bè!


LXVIII. GIẾT CHÓ KHUYÊN CHỒNG

Ngày xưa có anh chàng kia,
Sớm hôm bè bạn rượu chè say sưa.
Vợ hằng khuyên sớm, khuyên trưa.
Rằng anh chớ có say sưa rượu chè!
Anh nên nghĩ đến phu thê,
Đừng tin bè bạn có khi mắc nàn.
Chồng rằng bạn ấy ngọc vàng,
Vợ con không thể sánh ngang bạn bè!
Thấy chống ám chướng ngu si,
Cho nên tính kế giải mê cho chồng,
Nàng giết chó, để trong phòng,
Lấy chiếu bó lại, đến bạn chồng van lơn.
Thưa rằng có đứa trẻ con,
Đến nhà phá phách lại còn chửi tôi,
Hai bên xô xát một hồi,
Nó ngã cột đá chết tươi trong nhà.
Xác nó còn để hàng ba,
Xin nhờ các bác đem ra ngoài đồng.
Bạn bè vừa nghe kể xong,
Kẻ bảo đau ốm, ngưòi không mặn mà.
Người vợ liền sang bên nhà,
Để kêu em ruột đem ra ngoài đồng.
Người em vừa nghe nói xong,
Đem ngay xác chó đi chôn tức thời!
Bạn bè có kẻ rất tồi,
Lên quan tố cáo hại người lập công.
Quan trên khi nghe báo xong,
Liền sai quân lính vây trong, vây ngoài!
Thoạt nhìn thì thấy máu rơi,
Đào mồ thì thấy thi hài chó đen.
Ngưòi vợ vội trình quan trên,
Tôi phải giết chó để khuyên can chồng.
Bây giờ gạn đục khơi trong,
Chồng tôi đã rõ sẽ không sai lầm!

*



LXIX. CON CHÓ VÀ CON SÓI

Con Sói luôn gặp nạn tai,
Nó đói hoài hoài chẳng có miếng ăn.
Gặp Sói , Chó bèn khuyên răn,
Bác sống như thế khó khăn dài dài.
Sao bằng bác đi theo tôi,
Suốt đời no đủ thảnh thơi thanh nhàn!
Sói rằng Sói rất hân hoan,
Sói muốn có chỗ an toàn sớm hôm!
Chó rằng: " Anh muốn có cơm,
Có nhà, có cửa sớm hôm thanh nhàn.
Anh hãy theo tôi về thành,
Sói bèn vội vã theo nhanh mà về.
Bỗng chốc trên con đường đi,
Sói thấy vết gì trên cổ Chó ta.
Chó rằng ấy cái giây da,
Ban đêm xích lại ở nhà gác canh!
Sói nghe liền bắt rùng mình,
Thà đành chết đói hơn thành tù nhân!

*

LXX. CON MÈO VÀ CON CÁO

Con Cáo gặp một con Mèo,
Nó khoe tài giỏi, cao siêu hơn Mèo.
Hỏi: "Mèo có mấy tài cao?"
Mèo rằng có một chẳng sao bằng Chồn"!
Chồn rằng ta lắm mưu khôn,
Trăm mưu ngàn kế luôn luôn trong đầu."
Bỗng nghe chó sủa gâu gâu,
Mèo bỗng chui đầu vào trong bụi cây!
Chồn thì cứ mãi loay hoay,
Hết nghĩ mưu này lại đến kế kia.
Bởi vì nó cứ nghĩ suy,
Chó đến bên cạnh chộp đi tức thời!
Một kế cũng đủ ai ơi,
Trăm mưu ngàn kế có hồi đắng cay!

LXXI. CÂY VÀ THÂN LAU

Cây cao nói với cây lau,
Sao chẳng bén rễ cho sâu cho dày?
Oai hùng như là tớ đây,
Đội trời đạp đất như mây trên trời.
-Tôi đây thân phận nhỏ nhoi
Tuy là hèn mọn nhưng đời bình yên.
-Ta đây nhất trụ kình thiên, (1)
Chẳng thể lay chuyển, chẳng nghiêng chẳng nằm.
Một hôm gió bão ầm ầm,
Cây bị trốc gốc, cây nằm ngã nghiêng.
Cây lau cũng bị đảo điên,
Nhưng sau cơn bão bình yên vững vàng.
Hỡi ôi trong cõi thế gian,
Càng vinh quang lắm lại càng đắng cay.
Càng cao thì gió càng lay,
Càng cao danh vọng, càng dày gian nan!


__
1.Nhất trụ kình thiên: Một cột chống trời.




LXXII. CẬU MỤC ĐỒNG

Mục đồng lo việc chăn cừu,
Ở dưới chân núi cạnh khu rừng già.
Mục đồng ngày tháng la cà,
Luôn luôn tìm cách để mà vui chơi!
Một hôm nó gọi : "làng ơi,
Có đàn sói dữ tới xơi cừu nhà!"
Dân làng vội đổ xô ra,
Đến nơi mới biết đã là mắc mưu!
Lần sau nó kêu: "Cừu ! cừu,
Đàn Sói đã thịt hết Cừu của ta!"
Dân làng lại đổ xô ra,
Lại bị lửa đảo như là trước đây!
Ngày qua rồi lại qua ngày,
Một hôm có bầy Sói tấn công nhanh!
Mục đồng kêu la thất thanh,
Nhưng mà làng xóm lạnh tanh chẳng màng.
Mục đồng than với xóm làng
"Sao chẳng ai chịu ngó ngàng đến ta?"
Ông già lên tiếng rầy la:
Mấy lần lừa dối ai mà tin ngươi!



lXXIII. HAI DU KHÁCH VÀ CON GẤU

Hai anh bạn vào công viên,
Cùng đi xem cảnh thiên nhiên trong vườn.
Bỗng nhiên chú gấu xỗng chuồng,
Chạy ra liền rượt hai chàng thất kinh.
Một chàng vội leo lên cành,
Chàng kia té xuống thân hình cứng đơ!
Chú gấu cúi xuống thăm dò,
Nó nghĩ xác chết chê dơ bỏ liền.
Bấy giờ tình thế đã yên,
Cả hai ông bạn huyên thuyên chuyện trò.
-" Khi bạn nằm chõng, nằm chơ,
Chú Gấu cúi xuống nhỏ to chuyện gì?"
- Gấu bảo mày chớ ngu si,
Chơi những thằng bạn khi nguy bỏ mình!


LXXIV. HAI CÁI BÌNH

Ngày xưa có hai cái bình,
Một cái bằng sành, một cái bằng thau.
Cả hai trôi trên sông sâu,
Bình sành không dám cùng nhau gần kề.
Bình thau liền tiếng tỉ tê,
Mình đừng lo sợ, không hề gì đâu!
Cứ đến đây, hãy đến mau!
-Làm sao ta dám bên nhau cận kề?
Sành, thau luôn phải phân ly,
Vì nếu cận kề sành sẽ vỡ tan!



LXXV.HAI CHA CON VÀ CON LỪA

Ngày nọ, hai cha con nhà kia,
Dắt lừa ra chợ bán đi cho rồi.
Thiên hạ trông thấy liền cười,
Có lừa không cưỡi cho hoài lừa đi?
Đứa trẻ cưỡi lừa tức thì,
Thiên hạ trách trẻ rằng mi sao lười?
Cha bèn lên cưỡi lừa thôi,
Thiên hạ cũng cười già chẳng thương con.
Đường đi cách trở núi non,
Người cha bèn bảo đứa con ngồi cùng,
Người chê sao quá ác hung,
Đọa đày loài vật là không nhân từ!
Cha con nghe nói ngẩn ngơ,
Đi tìm tre gộc cột lừa mang đi.
Que đèo rồi lại qua khe,
Qua cầu, tre gãy lừa thì trôi sông.
-Con ơi, hãy nhớ trong lòng,
Hãy giữ lập trường chớ có nghe ai!


LXXVI. SƯ TỬ BỆNH

Sư tử già và bệnh
Nằm ở ngoài cửa hang.
Muôn vật đến thăm viếng
Họ cùng nhau hỏi han.
Với tấm lòng nhân từ.

Một số loài vật khác
Mang lòng dạ độc ác,
Nghĩ đến lúc trả thù
Những việc ác của Sư
Con Gấu cào vào ngực
Con Trâu đem sừng húc
Con Lừa đá mình Sư!

Sư tử bỗng gầm gừ:
"Tao sẽ giết!
Chúng bây sẽ chết!"
Cả bọn đua nhau chạy hết!

LXXVII. CON CÁO VÀ CHÙM NHO

Con Cáo khát nước tả tơi,
Nó thấy mấy quả nho tươi trên cành.
Nó nhảy lên và chộp nhanh,
Mấy lần thất bại nó đành bỏ đi.
Cáo ta bèn cất tiếng chê:
"Nho kia chua lét, ngon gì mà ham! "

LXXVIII. CON NAI VÀ NGƯỜI THƠ SĂN

Ngày xưa có con Nai tơ,
Xuống khe uống nước mà ngơ ngẩn đời.
Thấy mình có bộ sừng dài,
Nghĩ ta đây thật là oai là hùng!
Hôm sau, có gã thợ rừng,
Mang theo cung tiễn mà lùng kiếm Nai.
Nai ta co cẳng chạy dài,
Nhưng trong rừng rậm, vướng hoài bụi cây.
Thợ săn tức thời theo ngay,
Bắn hạ Nai rày để lấy sừng nai!
Ai ơi, xin chớ khoe tài,
Chữ tài cùng với chữ tai một vần!





LXXIX. CHIẾC XE NGẬP BÙN

Một người có một cái xe,
Ra đồng chở rạ đem về nông trang.
Nhưng khi về được nửa đuờng,
Gặp vũng bùn lớn thảm thương vô cùng!
Mặc cho hai ngựa vẫy vùng,
Chiếc xe vẫn kẹt trong lòng vũng sâu!
Người kia ra sức khẩn cầu,
"Xin chư thần thánh giúp nhau phen này!"
Một thần hiển hiện trên mây,
Sao không vét bỏ sình lầy dưới xe?
Thần dạy thì người liền nghe,
Vét sình, tát nước, đẩy xe thoát nàn.
Ông kia vui vẻ, hân hoan,
Cảm tạ thần thánh cứu nàn cho tôi!
Ông thần liền bảo một lời:
"Mình giúp mình trước, rồi trời giúp sau."





LXXX. NGỰA, NAI VÀ NGƯỜI THỢ SĂN

Ngựa, Nai vốn có hận thù,
Ngựa xin Người hãy giúp cho việc này.
Người rằng: " Việc đó dễ thay,
Nhưng tao bảo mày, phải theo ý tao.
Tao sẽ đặt hàm thiếc vào,
Và tao sẽ buộc yên cao lưng mày."
Nghe xong, Ngựa bằng lòng ngay.
Kết cuộc Nai bại, Ngựa đầy vinh quang.
Sau ngày chiến thắng huy hoàng,
Ngựa xin người bỏ yên cương cho mình,
Người rằng mi đã thuận tình,
Suốt đời mi phải đinh ninh giữ lời!
Một khi đã cậy nhờ ai
Sẽ bị ràng buộc suốt đời ân sâu!
Ân sâu, phải trả nghĩa sâu,
Phải làm nô lệ, phải hầu người ta!
Phải cắt thịt, phải xẻ da,
Bán con, bán vợ để mà trả ơn!


LXXXI. XỨ ẾCH VÀ VUA CÒ

Đàn ếch ở chốn đầm lầy,
Bốn mùa hạnh phúc, tháng ngày an ninh.
Ếch già muốn được quang vinh,
Xứ Ếch cần có thánh minh trị đời.
Bèn dâng biểu tấu ông Trời,
Xin Ngài cử xuống một người làm vua.
Ông Trời gửi khúc Gỗ to,
Đến ngay xứ Êch làm vua trị vì.
Vua Gỗ chẳng nói năng gì,
Leo lên vua Gỗ, Nhái thì múa may.
Ếch già bực bội lắm thay,
Tấu xin thượng đế cử ngay một người.
Lục thao, tam lược gồm tài,
Phải biết trị nước, vừa oai vừa hùng.
Thượng đế nghe nói bằng lòng
Sai Cò xuống lập cung trung triều đình.
Cò lập luật lệ nghiêm minh,
Ai mà phạm tội, tử hình chẳng tha.
Cò xây cung điện nguy nga.
Bắt dân đóng thuế để mà nuôi quân.
Bấy giờ dân Ếch than thân,
Mà không dám trách trời gần, trời xa.
Ngu si bởi tại lòng ta,
Vì mơ Cực Lạc hóa ra Cực hình!


*


Wednesday, December 30, 2009

TIENG NÓI CỦA MUÔN VẬT 2

**



XXI. NGƯỜI HÀ TIỆN

Có một ông hà tiện,
Một hôm đi qua đò.
Gặp sóng cả gió to,
Ông rơi tòm xuống nước.

Thằng con ông hô to,
Ai cứu được bố tớ,
Tớ thưởng trăm quan tiền.
Ông già cố trồi lên,
"Một trăm quan đắt quá!"
Ông chả! Ông chả!
Nói xong, ông chìm luôn
Và trôi ra biển cả!


XXII. LÀM NHÀ GIỮA ĐƯỜNG

Có một anh chàng nọ,
Làm nhà ở giữa đường.
Là nơi khách tứ phương
Hay đi qua đi lại.

Anh làm nhà hình chữ nhật,
Khách bảo anh đập tường
Xây thành một hình vuông
Thì mới được hưng vượng.

Anh làm nhà hướng đông
Thầy bảo quay hướng tây.
Anh xây nhà bên núi,
Khách bảo xây kề sông.

Ngày qua rồi tháng lại,
Ngôi nhà vẫn chưa xong
Vì có nhiều ý kiến
Cứ thay đổi lung tung!

Ai ơi phải có lập trường,
Làm nhà giữa đường, mười năm không xong!

*

XXIII.ÔNG THẦY HÀ TIỆN

Có một ông thầy
Dạy môn tiết kiệm.
Tục lệ xưa nay,
Ai muốn học thầy
Phải dâng lễ vật.
Người dâng vịt gà,
Kẻ dâng bánh kẹo,
Người dâng rượu trà,
Kẻ dâng hoa quả. . .


Có anh chàng nọ
Xin dâng bức họa
Vẽ hình con gà!
Ông thầy rầy la:
"Sao trò hoang quá!
Sao không vẽ trên nhà?
Vừa tiện lại vừa to!

*


XXIV. CON QUẠ VÀ CON CHỒN

Con quạ thì ở trên cây,
Miệng ngậm miếng thịt béo ngầy thơm tho.
Con chồn thân thể ốm o,
Lâu ngày bụng đói chưa no bữa nào.
Con chốn đầy những mưu cao,
Chồn bèn cất tiếng ngọt ngào ngợi khen.
Quạ ơi, có bộ lông đen,
Khiến cho bách thú phải ghen với mình!
Nếu quạ biết hát nhạc tình
Thì bao nhiêu gái liều mình hiến thân!
Quạ nghe nở ruột, nở gan,
Bèn mở miệng hát cho thế gian biết tài,
Nhưng vừa mở miệng than ôi,
Miếng thịt rơi xuống, chồn xơi tức thì!
Ăn xong chồn cười khì khi,
Đây là bài học cho mi nhớ đời!
Đừng nghe mật ngọt chếr ruồi,
Ưa nghe ninh hót, thì đời thảm thương!


*
XXV. BUỘC CHUÔNG CỔ MÈO

Giống Mèo rất tàn ác,
Giết hại Chuột nhà ta.
Để bảo vệ nòi giống
Để gìn giữ quốc gia
Phải họp Hội đồng Chuột!

Một anh chàng Chuột tí
Hăng hái giơ tay lên.
"Tôi đây có diệu kế
Ý kiến tôi rất hay
Nhất định đại thắng lợi
Xin được phép trình bày.
Kính thưa quý liệt vị,
Ta nay đem cái chuông
Buộc ngay vào cổ Mèo.
Khi nào Mèo di động
Thì chuông sẽ vang reo
Và ta sẽ chạy thoát!

Hội đồng reo ầm ĩ
Hoan hô ý kiến hay.
Một lão già đứng dậy:
"Để buộc chuông cổ Mèo
" Người nào xung phong đây?
Mọi người đều ngồi ngây,
Không ai dám nhúc nhích!

Ý kiến nào cũng rất hay,
Nhưng mà thực hiện đắng cay trăm bề!


XXVI.CON SƯ TỬ VÀ CON CHUỘT

Con Sư tử trong rừng
Đang say sưa giấc nồng.
Bổng chú Chuột chạy qua
Sư tử giận bừng bừng
Rồi đưa tay chộp lẹ.
Và đưa ngay vào mồm. . .

Chuột van la lạy lục,
Xin Ông tha tội con.
Tuổi tác vẫn còn non
Xin ông tha làm phúc!

Sư tử nghe bùi tai,
Vội tha ngay chú chuột.
Ngày tháng cứ dần trôi
Cho đến một sáng mai,
Cả đoàn thợ săn tới
Vây kín một khu rừng
Và Sư tử sa lưới.
Chuột nấp ở trong bụi
Thấy Sư tử bị hại.
Chuột vội vàng chạy về,
Kêu họ hàng nội ngoại
Kéo nhau đến cắn lưới.
Chỉ vài giây ngắn ngủi
Cứu Sư tử ra ngoài!

Đừng khinh ai trẻ dại,
Bé mà làm việc vĩ đại!


*
XXVII. NGƯỜI NÔNG PHU VÀ CON CHIM HỌA MI

Người nông phu cày ruộng,
Nghe họa mi ca vang
Ông lấy làm hân hoan
Ông nghĩ cách đánh bẫy
Để bắt con chim về
Để sớm tối được nghe.
Chim họa mi ca hót. . .

Ông bắt được họa mi
Nhưng nó luôn sầu bi
Không mở miệng hát ca .
Ông tức giận rầy la:
"Tại sao mi im miệng?"
Con chim bèn lên tiếng:
"Chim chỉ thích hát ca ,
Khi bay ngoài trời xa.
Chim ở trong lồng hẹp
Là trái tim đã chết!"
Người nông phu quát thét:
"Nếu mi không ca hát,
Thì ta đem nướng mi
Để ăn với bánh mì!
Là món ăn tuyệt nhất!

Con chim bèn trả lời:
Sá chi thân thể tôi,
Một miếng thịt nhỏ nhoi.
Nếu ông thả tôi ra,
Ông sẽ lợi gấp ba. . .
Nghe lời chim thiết tha.
Ông bèn phóng thích nó .


Đậu trên cành cây cao
Họa mị bèn mách bảo:
"Đây ba điều quý báu:
Xin gửi lại cho ông:
-Đừng tin lời hứa hảo
Của những tên tù nhân.
-Giữ lấy cái mình có.
-Mất của, chờ sầu não!
Nói xong, chim bay cao
Lên tận mấy vì sao!



XXVIII.SU TỬ VÀ MUÔN VẬT

Có con Sư tử già
Nằm ở trong hang tối.
Toàn thân nó nhức mỏi
Nó không thể đi xa
Để mà săn bắt mồi
Nhưng nó không chịu đói
Nó bèn nghĩ kế thần. . .

Nó loan tin xa gần
Chúa Sơn lâm ốm nặng.
Nay muốn triệu thần dân,
Đến nghe lời chúa dạy
Về pháp thuật vả thánh kinh
Ai mà được truyền pháp,
Thì sẽ có pháp linh
Và sẽ được trường sinh


Có con cáo già nọ
Nghe lệnh cũng đến thăm
Nhưng đứng ngoài lấp ló
Mà chẳng chịu vào trong.
Sư tử nhìn thấy nó:
-"Sao mày chẳng bước vào
Trước là để kính chào,
Sau sẽ đắc đại pháp?"
Cáo thưa:"Con không dám,
Vì con thấy dấu chân
Bao kẻ đã đi vào,
Mà chẳng thấy trở ra.
Lòng con hoang mang quá,
Sợ trong ấy ồn ào,
Sợ làm phiền Bệ hạ"!
Cho con xin ở ngoài
Thời giờ còn thong thả,
Con xin ngài đại xá!
Nói xong Cáo chạy xa!
Thoát tầm tay Sư tử!

*

XXIX. NGƯỜI NÔ LỆ VÀ SƯ TỬ

Xưa có tên nô lệ,
Chạy trốn vào rừng xanh.
Y gặp chúa Sơn Lâm,
Và y cũng bỏ chạy.
Nhưng khi y nhìn lại,
Thấy Sư tử dửng dưng
Thấy nó như không thấy.

Người nô lệ quay lại
Cầm bàn tay Sư tử
Thấy có một cái gai
Làm bàn tay nung mủ
Y bèn nhổ cái gai
Và lấy lá cây băng bó
Ít lâu sau tay lành,
Sư tử đi săn thú
Đem về nuôi người nô lệ. . .
Cả hai là anh em
Không phân biệt trên dưới. . .

Ít lâu, cả hai sa lưới,
Và bị nhốt trong hang sâu
Vua bày ra cuộc giác đấu (1)
Nhưng khi cả hai gặp nhau,
Họ ôm nhau nồng hậu.
Đức vua rất ngạc nhiên
Ngài bèn ra lệnh truyền
Tra hỏi tên nô lệ.
Sau khi nghe truyện kể,
Vua tha cả hai kẻ.
Họ cùng về rừng xanh,
Vui ngày tháng yên lành. . .

___
1. Giác đấu: Tục La Mã. đấu nhau cho đến khi một kẻ chết. Người sống được tha
*


XXX. CON LỪA VÀ DA SƯ TỬ


Ngày xưa,
Một con Lừa
Lượm được da Sư tử.
Nó bèn mang thử.
Và dạo quanh xóm làng.
Người vật đều hãi sợ
Và bỏ chạy thật xa
Lừa đắc ý kêu la,
Mọi người mới hiểu rõ
Đó là một chú Lừa. . .
Ông chủ cho vài gậy
Vì cái tội làm bậy.
Và con Cáo bảo nó:
"Áo quần lừa dối người ta,
Nhưng tiếng nói khó mà đổi thay"!



XXXI. CON LỪA VÀ CON CHÓ

Một hôm ông chủ
Ra vườn thăm muông thú
Ông nâng niu đàn gà
Ông săn sóc bồ câu
Ông cho chúng thóc lúa.
Ông cũng ra ao cá
Nhìn cá lội tung tăng
Bên những đóa sen nở.

Theo ông có con chó,
Nó vẫy đuôi mừng rỡ
Nó liếm bàn tay ông
Ông vuốt khắp mình nó.

Con lừa đứng cạnh đó,
Nó cũng rất yêu chủ
Nó cũng muốn biểu lộ
Một tấm lòng trung thành
Nó bèn giơ chân trước
Đặt vào vai ông chủ
Ông chủ té lăn cù. . .

Có một thằng đầy tớ
Lấy gậy phang cho nó
Bị trận đòn nhừ tử,
Than ôi, oan ức quá!

*

XXXII. CON LỪA VÀ SƯ TỬ

Nhà Lừa rất khoái chí
Khi Sư tử đề nghị
Kết hợp hai gia đình
Làm thành một liên minh. . .

Lừa bèn đến nơi họp
Buồn thay bất thình lình
Lừa bị Sư tử chộp
Giao cho Chồn đứng canh.

Chồn nghe lời Sư tử:
"Đây thực phẩm chúng ta.
Mày phải lo canh giữ
Mày chớ có lơ là". . .

Sư tử bỏ đi xa
Chồn chờ đợi lâu quá.
Bèn moi óc của Lừa.
Để ăn một bữa trưa. . .



Sư Tử về đến nơi
Không thấy bộ óc Lừa.
Hỏi :"Óc lừa đâu rồi?"
Chồn khôn ngoan đáp lời:
" Giống Lừa vốn không óc,
Nếu như nó có óc
Đã không đến nơi đây!"

*

XXXIII. CON SÓI VÀ CON CỪU

Một hôm con sói mẹ
Ra uống nước bên khe.
Nó thấy con Cừu bé
Đang uống nước cuối dòng.

Đây là miếng mồi ngon
Sói bèn tìm mưu kế
Để làm thĩt Cừu non
Ta phải tìm lý lẽ
Để kết tội quân thù.

Sói lên tiếng chửi bới:
-"Sao mày làm vấy đục,
Dòng nước uống của tao?
Cừu thưa:"Tôi đâu dám nào
Vì tôi uống khúc cuối!

Sói cất tiếng hạnh họe:
-Sao năm ngoái mày chửi tao?
-Thưa ông, con còn bé
Năm ngoái con chưa sinh !

-Không mày thì cha mày,
Chúng bay phải đền tội.
Nói xong Sói phanh thây
Con Cừu non thơ ngây!

Kẻ dữ lấn áp người lành,
Lại còn lý luận loanh quanh nực cười!

*

XXXIV. CHUỘT QUÊ VÀ CHUỘT PHỐ

Một hôm chuột phố về quê
Để thăm làng xóm, bạn bè ngày xưa.
Chuột quê nồng hậu hoan hô,
Mở hội ăn uống sữa bơ, rưọu trà.
Chuột phố đã say ngà ngà,
Rằng sao các chú sao mà quá quê!
Áo quần thì rách tong te,
Ăn uống rượu chè, đạm bạc đơn sơ.
Sao bằng lên ở thành đô,
Để hưởng cuộc sống ấm no phú cường!

Hai chuột theo bạn lên đàng,
Để xem thành phố huy hoàng giàu sang.
Thành phố tòa dọc, dãy ngang,
Ban đêm ở lại hoàn toàn sướng vui.
Chủ nhân mời khách thử chơi,
Cà phê, rươu chát, phô mai, bánh mì.
Bỗng nghe âm thanh lạ kỳ,
Chuột quê vội hỏi: "Cái gì hỡi anh?"
Chuột phố vội trả lời nhanh,
Ấy là tiếng chó sủa quanh bên ngoài.
Bỗng nghe nhức óc, đinh tai,
Hai con chó dữ bên ngoài xông vô!
Chuột phố run rẫy co ro,
Chuột quê vội vã co giò chạy ngay!
Thôi thôi bọn tớ về đây,
Giã từ thành phố với bầy chó ngao!(1)



___
1. Chó ngao: giống chó dữ, chó săn.


XXXV. CON ẾCH VÀ CON BÒ

Con ếch thấy con bò,
Thân thể rất là to.
Còn nó thì quá nhỏ
Nó không đành kém thua.

Nó bèn cố nín hơi
Cho trương phềnh cái bụng.
Nó kêu:" Chi bò ơi,
Em to bằng chị chưa?

Bò đáp:"Chưa! chưa!
Cậu hãy còn thua xa.
Cậu phải cố lên nữa
May ra bằng nửa ta!

Ếch trương nữa! trương nữa!
Ếch rán sức nín thở
Trương nữa và trương nữa.
Bùng! Bụng ếch nổ!

Ai ơi , hiếu thắng tranh cường
Để rồi kết quả thảm thương vô cùng!


*

XXXVI. CON THỎ VÀ CON ẾCH

Đàn thỏ bị sát hại
Không biết trốn nơi nào.
Chúng gặp đàn ngựa hoang.
Lòng vô cùng sợ hãi,
Chúng định nhảy xuống ao
Để chết đi cho khoẻ!
Không ngờ ở nơi này
Có một lũ Ếch ở
Thấy đàn thỏ ào ào,
Chúng vô cùng hoảng sợ
Đua nhau nhảy xuống ao!
Lũ thỏ liền bảo nhau;

Tuy ta đây khổ nhất đời,
Nhưng bên ta biết bao người khổ hơn!
*

XXXVII. GIÓ VÀ MẶT TRỜI

Thần Gió và Thần Mặt Trời
Cùng nhau tranh cãi ai người mạnh hơn.
Thấy người du khách bên đường,
Mặt Trời liền bảo có phương tranh tài.
Ai làm khách cởi áo ngoài,
Là người mạnh nhất trong đời chúng ta.
Bây giờ tôi tạm lui ra,
Để ông thi triển tài ba với đời.
Gió bèn ra sức anh tài,
Gió càng thổi mạnh nhưng người không thua.
Gió bèn bỏ cuộc ganh đua
Mặt Trời thong thả tỏa ra hơi nồng.
Mỗi lúc càng nóng càng nung,
Du khách phải cởi áo trong, áo ngoài.
Thắng lợi vào tay Mặt Trời!
Dịu dàng thì tốt hơn người hung hăng!

*

XXXVIII.RÙA VÀ THỎ

Con Thỏ vốn chạy rất nhanh,
Không ai có thể tranh giành hơn thua!
Thỏ bèn thách đấu với Rùa,
Là chúa chậm chạp là vua yếu hèn.
Xưa nay Rùa chậm lại hiền
Nhưng mà cũng quyết một phen tranh tài.
Thỏ tin Thỏ nhanh nhất đời,
Thỏ nằm Thỏ ngủ giấc dài dưới cây.
Khi mà Thỏ tỉnh giấc say,
Thì Rùa đến đích cầm cây cở đào.

Ai ơi chớ có tự cao,
Kiên nhẫn thì thằng, tự hào thì thua!


*

XXXIX. KHI CHÚA SƠN LÂM YÊU

Sư tử là chúa Rừng Xanh,
Thế mà chúa cũng là anh si tình.
Chúa yêu cô gái xinh xinh,
Chúa mang lễ vật linh đình cầu hôn.
Bố mẹ nhà gái kinh hồn,
Nhưng không dám nói từ hôn chúa rừng.
Ông bố làm bộ vui mừng,
Chúng tôi hận hạnh vô cùng chúa ơi!
Nhưng tội cho con gái tôi,
Nó còn yếu đuối, nhỏ nhoi vô cùng.
Nếu chúa yêu, nếu chúa cưng,
Xin chúa đừng để tổn thương cô nàng.
Để cho người đẹp an toàn,
Chúa nhổ nanh vuốt thì cô nàng càng yêu!
Chúa nghe nói ngọt thì xiêu,
Nhổ nanh, nhổ vuốt chúa liều tấm thân,
Khi chúa đến nhà giai nhân,
Nhà gái cười cợt là quân ngu đần.. .

Than ôi, trí dũng bề bề
Thế mà gặp gáu cũng mê mẩn đời!


XL. CON CÁO VÀ ĐÀN MUỖI

Con Cáo một hôm đi chơi,
Vô ý để kẹt cái đuôi trong rừng.
Nằm yên, đau khổ vô cùng,
Để mặc đàn muỗi vẫy vùng tấn công.
Chú Nhím đến làm bạn cùng,
Hỏi Cáo muốn đuổi muỗi mòng đi không.
Cáo rằng mặc kệ muỗi mòng,
Chúng đi, bọn khác tấn công tớ liền.

*



XLI. CON THỎ VÀ BẠN

Con Thỏ có nhiều bạn bè,
Cùng nhau nhậu nhẹt, rượu chè say sưa.
Vui chơi, cười cợt sớm trưa,
Cái tình hữu ái giây tơ kết đồng (1) .
Cho đến một buổi chiều đông,
Người ta đem chó tấn công Thỏ rừng.
Thỏ rừng sợ hãi vô cùng,
Chạy quanh tìm bạn mở lòng cứu nguy.
Thỏ bèn đến nhà chú Dê,
Dê rằng Dê bận phải đi gặp nàng.
Nên gặp chim ưng, đại bàng,
Trăm con chó cũng đầu hàng bàng, ưng.
Thỏ bèn nhớ Ngựa anh hùng,
Chạy nhanh, chở khoẻ, chiến trường xông pha.
Thỏ đến cậy bạn Ngựa ta,
Ngựa bảo Ngựa bận đưa chủ nhà đi chơi.
Sao không đến cậy lão Voi,
Lũ Chó trông thấy chạy dài mà thôi.
Thỏ bèn sang cậy Ông Voi,
Ông Voi bảo tớ theo Nài (2) lên non.
Sao không đến hỏi lão Chồn,
Chồn nhanh, Chồn mạnh, Chồn khôn, chồn tài!
Chồn rằng Chồn điếc lỗ tai,
Hai chân bại liệt ra ngoài được đâu!
Sao bằng đến hỏi chàng Trâu,
Cái sừng sắc bén chém đầu chó săn!
Trâu rằng Trâu bị đau răng,
Cái lưng ê ẩm vì năng cày bừa.
Thỏ nghe dạ rối như tơ,
Hai hàng nước mắt như mưa tuôn trào!
Khi vui thì vỗ tay vào,
Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai!
___
1. Giải đồng: đồng tâm. Người ta dùng giây thắt nút đồng tâm, chỉ sự gắn bó.
2. Chú nài: người điều khiển và chăn nuôi voi.



XLII. BÓ ĐŨA

Một ông già nọ,
Lúc sắp lên thiên đường
Các con đứng bên giường.
Ông bảo:" Đưa cho bố
Đũa cột chặt một bó
Và các con bẻ thử.

Các con đều cố, đều cố
Và lần lượt trao nhau,
Nhưng ai cũng lắc đầu
Không bẻ được bó đũa !

Ông bảo :Hãy bẻ từng chiếc.
Ai ai cũng bẻ được.
Ông già bèn mỉm cười
Chia rẽ là chết,
Đoàn kết là sống
Là sức mạnh muôn đời!


*
XLIII.LÃO TIỀU VÀ THẦN CHẾT

Lão tiều phu tuổi đã già,
Vẫn đi đốn củi để mà mưu sinh.
Mang nặng bó củi trên mình,
Ông muốn thoát khỏi cực hình thế gian!
"Thần Chết ơi! Tôi van,
Hãy đưa tôi đến Suối Vàng hôm nay!"
Thần Chết nghe nói hiện ngay:
"Ngươi kêu một tiếng ta đây đến liền.
Ngươi muốn gì? Hãy nói lên!
-Xin đỡ bó cũi lên trên vai này!"


*

XLIV. CON NGỰA VÀ CON LỪA

Con Lửa, con Ngựa đi chơi,
Ngựa đi thong thả, Lừa thời đeo mang
Lừa rằng:" Thân ngựa chiến trường,
Cuộc đời nhàn hạ chẳng mang nặng gì.
Ngày nọ binh hỏa bất kỳ,
Ngựa ta lâm trận mà hy sinh đời.
Lừa ta bất chợt đến nơi,
Ôm thây anh Ngựa sụt sùi khóc than!
Than ôi thân Ngựa chiến trường,
Cuộc đời anh dũng mà thảm thương cũng nhiều!
Sao bằng cuộc sống hẩm hiu,
Tầm thường, cực khổ nhưng sớm chiều an thân!

*
XLV. CÔ GÁI BÁN SỮA

Cô gái quê ra chợ
Cô mang một bình sữa,
Vừa đi vừa mộng mơ.
Cô sẽ mua một đàn gà,
Rồi cô sẽ bán trứng
Rồi mua áo quần hoa.
Cộ sẽ đi ra chợ
Gặp một chàng đẹp trai
Theo cô tán tỉnh hoài
Bao cô gái
Sẽ ghen tương,
Nhưng cô không nhường
Cô sẽ nghiêng mình thách đố.
Không ngờ vì nghiêng đầu,
Làm bình sữa nghiêng đổ.
Cô trở về, lòng đớn đau!
Mẹ già khuyên cô:
Con ơi chớ có ngây thơ,
Chưa nuôi gà mái, đừng mơ trứng vàng!

*



XLVI.MÈO HÓA THÀNH CÔ GÁI


Chư thần hội họp công đồng,
Bàn về bản tính ở trong muôn muôn loài.
Mộc Tinh nói :" Tính đổi hoài,
Tính càng thay đổi khi đời đổi thay!"
Vệ Nữ nói:" Tính xưa nay,
Thủy chung duy nhất, không thay chút nào.
Mộc Tinh liền trổ tài cao,
Biến Mèo Đực thành cô đào xinh tươi.
Rồi cho gặp gỡ một trai,
Rồi làm đám cưới sống đời bên nhau.
Cuộc đời thay đổi rất mau,
Chú Mèo nay hóa nàng dâu dịu hiền.
Thế là tính đã biến thiên,
Nhưng thần Vệ Nữ không yên chút nào.
Thần bảo hãy đợi xem sao,
Thần bèn đem vào một chú Chuột con.
Cô gái nhảy tới liền vờn,
Liền cấu xé rồi ăn luôn tức thì!
Vệ Nữ liền cười hì hì,
Bản tính muôn vật chẳng biến di chút nào!



XLVII. CON CHỒN VÀ CON DÊ

Một con Cáo lạc bước,
Lang thang trong đêm thâu.
Số Cáo thật vô phước,
Nên rơi xuống giếng sâu.

Một con Dê khát nước,
Bèn đi qua giếng này
Nó nhìn thấy chú Cáo
Hỏi: "Làm gì nơi đây?"

-Mày không nghe tiếng sao?
Giếng nước chảy ào ào,
Giờ tao đương tắm mát
Và uống nước ngọt ngào!

Dê bèn nhảy ngay xuống,
Cáo nhảy lên lưng dê
Rồi ung dung ra về.
Thôi thôi, ta chào mi!
Trong những giờ phút lâm nguy,
Phải nên thận trọng, đừng tin chi người đời!

*


XLVIII. BỐN CON TRÂU VÀ SƯ TỬ

Trên cánh đồng rộng mênh mông,
Bốn con Trâu sống thung dung tháng ngày.
Có một con Sư Tử rày,
Tấn công Trâu Đực chẳng may thua hoài.
Vì Trâu quay đầu ra ngoài,
Dùng đôi sừng nhọn chống loài ác gian.
Ấy cũng vì Trâu kết đoàn,
Dù Sư tử mạnh cũng hoàn bại vong.
Ngày kia bốn Trâu bất đồng,
Mỗi con mỗi ngả chẳng cùng sống chung.
Sư tử giờ cứ ung dung,
Giết từng con một mà không mệt gì.
Ai ơi, xin hãy nghĩ suy,
Đoàn kết thì sống, chia ly thì tàn!


XLIX. NGƯỜI CÂU CÁ VÀ CON CÁ

Có một ông đi câu,
Ngồi câu mấy giờ lâu,
Được một chú cá nhỏ
Ông vui vẻ gật đầu.

Chú cá bé tí ti,
Nó kêu khóc tỉ tê:
"Xin Ông tha làm phúc.
Thân tôi có ra gì!"

Ông hãy thả tôi ra,
Ngày tháng sẽ trôi qua.
Mai mốt tôi to lớn,
Ông sẽ lợi gấp ba!

Ông câu bèn trả lời:
Tao đây đâu ngu ngốc
Đi tìm lợi xa xôi
Mà bỏ lợi trước mắt!

*

L. ÔNG CHỒNG VÀ HAI VỢ

Một ông có hai vợ,
Vợ cả và vợ hai.
Vợ cả tuổi đã già,
Vợ hai đẹp như hoa.
Ông được cả hai bà
Thương yêu ông thắm thiết.

Một ngày kia ông tuổi tác
Tóc ông thành tóc bạc.
Bà trẻ không muốn ông già
Nên khi bà chải tóc ông,
Bà nhổ hết tóc bạc.

Còn về bà vợ cả,
Thấy tóc ông như bông.
Bà vui vẻ trong lòng,
Đem nhổ hết tóc đen!
Thành ra đầu ông hói!


*

TIENG NÓI CỦA MUÔN VẬT 1

*


ĐẨU TIẾP - SƠN TRUNG




TIẾNG NÓI CỦA MUÔN VẬT

THƠ NGỤ NGÔN




GIA HỘI 2010

Copyright © 2010 by GIA HOI Publisher


***


LỜI NÓI ĐẦU

Tác phẩm này do tiên nghiêm viết trong khoảng 1946 tại làng Vĩnh Lộc, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Lúc người viết các bài thơ này, tôi còn là một đứa bé chín tuổi thường lẩn quản chơi đùa bên cạnh. Rồi chiến tranh tràn lan, những bất hạnh xảy đến cho gia đình tôi. Hôm nay hơn 60 năm sau, giở chồng sách cũ, lòng xiết ngậm ngùi. Tác phẩm này còn ở trong tình trạng bản thảo, mà một phần bị thất lạc trong chiến tranh. Tôi nghĩ tôi phải "nối điêu" cho thành một tác phẩm để có thể truyền bá những tư tưởng thâm thúy của Đông Tây kim cổ vào lòng người đọc, nhất là cho các cháu thiếu nhi.Những bài tôi viết lấy từ truyện cổ Việt Nam, Cổ Học Tinh Hoa, thơ ngụ ngôn của Aesop , La Fontaine và các tài liệu khác.
Sơn Trung

MỤC LỤC

TẬP 1

I. HAI CON RẬN KIỆN NHAU
II.HỒ MƯỢN OAI HỔ
III.TÀI NGHỀ CON LỪA
IV. CÁCH ĐÁNH HỔ
V. CON CHÓ VỚI CÁI ÁO
VI. CAN VUA
VII. LẤY CỦA BAN NGÀY
VIII.LÀM VIỆC NHÂN NGHĨA
IX. ÔM CÂY ĐỢI THỎ
X. ĐÁNH DẤU THUYỀN TÌM GƯƠM
XI. BÁN GIÁO VÀ BÁN MỘC
XII. TÌM NGỌC TRONG ĐÁ
XIII. ĐỜI LÀM QUAN
XIV. KHÉO CAN VUA
XV. YÊU VÀ GHÉT
XVI. HÀ BÁ LẤY VỢ
XVII. BỨC TƯỜNG ĐỔ
XVIII. TRAI VÀ CÒ
XIX. CON CHIM VÀ CON KIẾN
XX. ÔNG QUAN VÀ TỘI NHÂN

TẬP 2

XXI. NGƯỜI HÀ TIỆN
XXII. LÀM NHÀ GIỮA ĐƯỜNG
XXIII.ÔNG THẦY HÀ TIỆN
XXIV. CON QUẠ VÀ CON CHỒN
XXV. BUỘC CHUÔNG CỔ MÈO
XXVI.CON SƯ TỬ VÀ CON CHUỘT
XXVII. NGƯỜI NÔNG PHU VÀ CON CHIM HỌA MI
XXVIII.SU TỬ VÀ MUÔN VẬT
XXIX. NGƯỜI NÔ LỆ VÀ SƯ TỬ
XXX. CON LỪA VÀ DA SƯ TỬ
XXXI. CON LỪA VÀ CON CHÓ
XXXII. CON LỪA VÀ SƯ TỬ
CON SÓI VÀ CON CỪU
XXXIV. CHUỘT QUÊ VÀ CHUỘT PHỐ
XXXV. CON ẾCH VÀ CON BÒ
XXXVI. CON THỎ VÀ CON ẾCH
XXXVII. GIÓ VÀ MẶT TRỜI
XXXVIII.RÙA VÀ THỎ
XXXIX. KHI CHÚA SƠN LÂM YÊU
XL. CON CÁO VÀ ĐÀN MUỖI
XLI. CON THỎ VÀ BẠN
XLII. BÓ ĐŨA
XLIII.LÃO TIỀU VÀ THẦN CHẾT
XLV. CÔ GÁI BÁN SỮA

XLVI.MÈO HÓA THÀNH CÔ GÁI
XLVII. CON CHỒN VÀ CON DÊ
XLVIII. BỐN CON TRÂU VÀ SƯ TỬ
XLIX. NGƯỜI CÂU CÁ VÀ CON CÁ
L. ÔNG CHỒNG VÀ HAI VỢ


TẬP 3

LI. NGƯỜI ĐÀN ÔNG VÀ MỘC THẦN.
LII. GÀ ĐẺ TRỨNG VÀNG
LIII. CON CHỒN, CON GÀ TRỐNG VÀ CON CHÓ
LIV. CUA MẸ VÀ CUA CON
LV. KẺ KHỐN CÙNG VÀ VÀNG
LVI. TÊN ĂN TRỘM VÀ NGƯỜI MẸ
LVII. CON GÀ VÀ VIÊN TRÂN CHÂU
LVIII. NGƯỜI MÙ SỜ VOI
LIX. CON CHÓ VÀ CÁI BÓNG
LX. SƯ TỬ VÀ CON NAI


LXI.CON SÓI VÀ CON CÒ
LXII. CON ÉN VÀ ĐÀN CHIM
LXIII. CON CÔNG VÀ THƯỢNG ĐẾ
LXIV. TRÁI NÚI ĐẺ CON CHUỘT

LXV. ÔNG TIỀU VÀ CON RẮN
LXVI. CON CHỒN VÀ CON CÒ
LXVII. CON DƠI VÀ CẦM THÚ
LXVIII. GIẾT CHÓ KHUYÊN CHỒNG

LXIX. CON CHÓ VÀ CON SÓI
LXX. CON MÈO VÀ CON CÁO
.LXXI. CÂY VÀ THÂN LAU
LXXII. CẬU MỤC ĐỒNG
lXXIII. HAI DU KHÁCH VÀ CON GẤU

LXXIV. HAI CÁI BÌNH
LXXV.HAI CHA CON VÀ CON LỪA
LXXVI. SƯ TỬ BỆNH
LXXVII. CON CÁO VÀ CHÙM NHO

LXXVIII. CON NAI VÀ NGƯỜI THƠ SĂN
LXXIX. CHIẾC XE NGẬP BÙN
LXXX. NGỰA, NAI VÀ NGƯỜI THỢ SĂN

LXXXI. XỨ ẾCH VÀ VUA CÒ




























Bút tích của Đẩu Tiếp







I. HAI CON RẬN KIỆN NHAU

Ở xứ Mình Heo (1)
Có hai ông Rận Mén (2)
Tranh nhau ăn
Kéo nhau đi kiện
-Thưa nó giành làm trời (3)
Một miếng đất mầu mỡ, đất tôi"(4).

-"Thưa nó đòi ăn thủ lợn mãi
Hể tôi rờ tới là nó thoi."
Quan tòa liền mắng: "Ngu như lợn!
Bây hãy thử nhìn lại bây coi
Rõ ràng cùng trong một nòi giống,
Mà ai đời!
Vì một miếng đất, một miếng thịt
Chúng bây kiện nhau thế thì thôi
Bây muốn tao đem làm tội nhé?
Khôn hồn thì phải xin hòa lẹ (5)
Liệu về cày cuốc làm ăn chung (6)
Làm cùng nhau làm, ăn cùng xẽ
Thịt nào bụng đói ăn chả ngon?
Đất nào chả tốt? Miễn cày khoẻ!
Chớ lo thịt dở, đất khó cày
Mà lo tranh giành, lo xâu xé.
Hãy lo ngọn lửa, nồi nước sôi
Và cái con dao bọn đồ tể!
"Mình Heo nếu mất, bây còn không?
Sống chết riêng ai bây thử nghĩ!
Hai bên cảm động cùng xin hòa
Cùng rủ nhau về ở một nhà
Ai nấy một lòng đoàn kết lại.
Đinh số càng ngày càng tăng gia
Mình Heo được mấy nguồn sinh sống
Đều tìm kiếm lấy mở mang ra
Sông núi Mình Heo thành hiểm trở
Trông như mình ai xương bật ra
Bọn hàng thịt tới, thấy xương xóc
Thế nuốt không vào phải tránh xa.
Vậy là "Mình Heo" khỏi bị chiếm,
Dân Rận muôn năm được thái hòa
Than ôi!Giống Rận còn khôn thế
Há giống Rồng Tiên chịu kém a?

Bài này mượn cốt truyện trong sách Hàn Phi Tử:" Ba con Rận hút máu một con lợn đem nhau đi kiện. Một con khác gặp hỏi: Ba anh kiện nhau về việc gì thế?
Ba con kia đáp:Chúng tôi kiện nhau vì tranh nhau một miếng đất mầu mỡ.
Con Rận kia đáp:Tôi tưởng các anh chẳng nên tranh nhau làm gì, chỉ nên lo lấy con dao của người đổ tể giết lợn, ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi."
Ba anh đi kiện nghe ra biết là dại, thôi không kiện nữa, cùng nhau quần tụ làm ăn với nhau, dù no, dù đói cũng không bỏ nhau. Con lợn thành mỗi ngày mỗi gầy, người ta không làm thịt, cứ để nuôi, ba con Rận nhờ thế mà no đủ mãi.


_____

Chú thích:
1. Xứ "Mình Heo": Trên mình con heo
2.Rận mén: rận còn nhỏ.
3. Giành làm trời: giành làm chủ.
4.Đất mầu mỡ: chỗ thịt béo
5. Lẹ: mau
6. Cày cuốc: hút máu con heo
7.Lửa thui lơn và nước sôi trụng lợn trước khi cạo lông.



II.HỒ MƯỢN OAI HỔ

Ngày xưa, ông Cọp,
Đi kiếm mồi, gặp một chú Hồ
Cọp cả mừng giơ vút toan vồ.
Hồ quát mắng :"Đồ vô lễ!
Há mầy chẳng biết tin đức Thượng Đế,
Mới phong tao làm chúa tể rừng này?
Sao thấy tao chẳng liệu tránh ngay
Dám vác mặt vênh mày như thế đó!
Tao đi đây, mày đi hầu tao thư?
Xem muôn ngàn loài thú thấy tao
Có đua nhau chạy trốn không nào?
Hồ liền nhảy, Cọp theo bén gót,
Quả nhiên thấy Hồ (Cố nhiên cả thấy Cọp)
Hươu Nai, Dê đều hoảng hốt tránh xa.
Hồ liền quày lại:"Ha ha.
Mầy thấy chửa? Mầy tin ta rồi chớ?
Con thú dữ ngu đần lòng cả sợ
Xá cái mau, rồi bỏ chạy ra ngay.
Hồ cười thầm:Mình khéo mượn oai thay!
Cọp tự nhủ: "Hồ rày oai lắm lắm!"

Một ngày kia, Cọp nằm trong bụi rậm,
Chợt thấy Hồ đứng tắm giữa sương mai.
Cọp hoảng hồn, ngậm miệng nín hơi,
Không dám cựa, sợ ngài Hồ rõ.
Bỗng chú Nai kia, đâu tới đó.
Thấy Hồ, sao chú cứ như thường?
Và ô kìa, sao Hồ kia lại tránh bên đường!
Cọp tự hỏi, Cọp đương ngẫm nghĩ.
Và một tia sáng vừa thoáng qua trí,
Và Nai kia dường ngứa gạc non,
Đè Hồ kia húc một cái bên sườn,
Hồ đau điếng, đâm chồm vào bụi Cọp!
Cọp liền thét lên, Nai liền vọt,
Còn chú Hồ đã bị Cọp chụp đầu:
hỏi:" Sắc chúa rừng mày để đâu,
Để Nai nó bắn nhào vào bụi?"
Ai sinh ra mày khôn mà dại?
Mưọn oai tao mà trở lại dối tao!
Tuồng hôm xưa hãy diễn lại xem nào!
Mày đi trước để tao theo hầu nhé!"
Cọp buồng Hồ, Hồ nhảy lẹ,
Cọp chồm theo, chụp xé hai thây:
"Chúa rừng mày ở đây này!"


Cố truyện này phần lớn rút ở Chiến Quốc Sách (hay Trường Đoản thư) của Lưu Hướng, môt danh sĩ đời Hán. Chiêu Hề Tuất chỉ là một bề tôi của vua Tuyên vương nước Sở. Thế mà người phương Bắc, ai nghe danh Chiêu Hề Tuất cũng phải kinh sợ ( có lẽ còn kinh sợ hơn khi nghe danh của Tuyên vương.) Tuyên vương lấy làm lạ, hỏi quần thần vì cớ làm sao. Không ai trả lời được, chỉ có Giang Nhất thưa rằng: Một hôm con Hổ bắt được con Hồ. Hồ bảo:" Liệu đó! Chớ có động chạm đến ta mà khốn. Trời sai ta xuống cầm quyền coi hết bách thú. Ngươi ăn thịt ta là trái mệnh trời, sẽ hại đến than lập tức. Không tin, thử để ta đi trước, ngươi theo hầu ta, xem có con thú nào thấy ta mà không chạy trốn không? Hổ bèn theo hầu Hồ, quả nhiên bách thú trông thấy đều sợ chạy xa. Hổ cứ tưởng bách thú sợ Hồ, có ngờ đâu chính là sợ Hổ đó... Nay ngài làm vua, nước mạnh, quân nhiều, ngài giao cả cho Chiêu Hề Tuất, người phương Bắc sợ Hề Tuất, kỳ thực là sợ ngài, như bách thú sợ hổ vậy. . .





III.TÀI NGHỀ CON LỪA

Xưa ở đất Kiềm
Giống Lừa không có.
Dân Kiềm hiếu sự
Tải Lừa về nuôi.
Ngày thả dưới đồi.. .
Ban đầu Hổ thấy
Lừa cao lớn vậy
Tưởng là vật thần,
Vừa mới giáng trần,
Hổ lấy làm nể.

Lại nghe Lừa hí
Tiếng hí chuyển rừng
Hổ sợ quá chừng,
Liền cong đuôi chạy.

Nhưng Lứa hí mãi
Hí một tiếng hoài
Hổ nghe nhàm tai
Sinh ra lờn mặt.

Một hôm Lừa gặp
Hổ thử vờn chơi.
Lừa giận quá trời
Co chân đá đại.

Đá đi đá lại
Một ngón đá không.
Hổ thấy mừng lòng
"Tài Lừa có vậy"!
Rồi Hổ nhảy dậy
Thét lên chụp Lừa.
Cấu bừa, cắn bừa,
Dễ như bắt nhái.

Hổ lui vào núi,
Kể lại chuyện này,
Cho các con hay,
Rồi bảo chúng nó:
"Các con xem đó,
Mà chớ tin ai.
Ở cái bề ngoài,
Đời nay chán kẻ
Cao lớn bệ vệ,
Cả tiếng to oai,
Mới thấy dầu ai
Cũng phải khủng khiếp.

Nếu ta mạn phép
Thử cái tài chơi
Thì ra than ôi!
Đó cũng
Một giống
Lừa Kiềm mà thôi!

Bài trên này, chỉ trừ đoạn kết luận là của người làm sách. Còn đoạn đầu (29) câu) dịch gần đúng theo Hán văn của Liễu Tôn Nguyên, một danh sĩ đời đường, đỗ tấn sĩ làm quan đến chức thứ sử.



IV. CÁCH ĐÁNH HỔ

Xưa có hai ông Hùm (1)
Đang thịt một con nghé (2).
Biện Trang (3) cậy sức khỏe
Xăn tay toan nhảy vào.

Có một cậu bé nào,
Tới bên ông thỏ thẻ.
"Ông à, đùng vội thế,
Tuy ông có sức thần
Đã chắc gì hạ hai cọp một lần?

Giống Cọp vẫn tàn bạo,
Thịt trâu thì ngon béo.
Thịt béo tất nhiên chúng tranh ăn.
Tranh ăn tất nhiên sẽ tranh đấu.
Đánh nhau hổ bé tất thiệt đời
Hổ lớn tài nào khỏi đổ máu!

Ông đợi lúc bấy giờ
Múa giáo (4) hẵng xông vô
Chỉ đánh một con đã yếu sẵn
Mà được cả hai chẳng khoẻ ư?

Trang nghe nói phải,
Đành tạm đứng chờ.
Sau quả bắt đuợc cả đôi hổ
Khoẻ ru!

Than ôi, mạnh như hổ
Sức mạnh trên đời ai dễ đo?
Chỉ vì giành nhau một miếng ăn
Mà bị người ta b ắt rán mỡ!
Hỡi ai tranh nhau
Hãy tránh cái nguy đôi hổ đó.
Hỡi ai, việc lớn đang mưu toan
Hãy học Biện Trang cách đánh hổ.
Thời cơ nếu biết chờ
Và biết thừa thời cơ
Thì mất công ít
Mà được lợi to!

Bài trên dịch gần đúng theơ Hán văn. Duy đoạn kết luận, từ câu:"Than ôi mạnh như hổ" trở xuống là lời bàn của dịch giả.

____

Chú thích:
1. Hùm: hổ ,cọp hay ông Ba mươi.
2. Nghé :trâu con.
3.Biện Trang:Người nước Lỗ thời Xuân Thu Chiến Quốc, làm quan đại phu, khỏe có tiếng, thường đấu với hổ.
4. Giáo: một loại vũ khí, cán gỗ dài, đầu mũi kim loại nhọn.




V. CON CHÓ VỚI CÁI ÁO
Một hôm trời nắng
Dương Bố diện áo trắng đi chơi.
Đi được một đổi dài
Gặp phải trận mưa lớn
Họ Dương chạy vào trốn
Trong nhà một người quen
Thấy ông áo ướt mèm,
Nhà kia bèn đem cho mượn tạm.
Một cái áo đen thay kẻo cảm.

Bố mang áo đem về tới nhà
Bị con chó trắng nhảy chồm ra.
Vừa đuổi vừa cắn
Dương Bố cả giận
Toan choảng vào đầu.
Anh là Dương Châu (1)
Chạy ra:"Này chú!
Đừng đánh oan nó
Nếu nó đi chơi
Lúc đi trắng toát, về đen thui!
Phỏng chú có lấy làm lạ
Mà đuổi xua không hả?

Bài này, trừ câu kết luận , dịch gần đúng Hán văn trong sách Liệt tử, là sách của Liệt Ngữ Khấu soạn ra. Sách này gồm 8 quyển, nhà Đường, nhà Tống đặt tên là Sung Hư Chân Kinh hay Sung Hư Chí Đức Chân Kinh.


___

1.Dương Châu (Chu) người thời Chiến quốc xướng học thuyết Vị Ngã (Vị kỷ).




VI. CAN VUA


Vua Ngô muốn đánh nước Kinh
Tất cả triều đình
Mãi theo can gián
Nhà vua nổi giận
Xuống lệnh truyền rằng
"Ai còn can ngăn,
Sẽ bị xử tử."

Một viên quan nọ
Vẫn còn muốn khuyên
Khuyên sao cho nên?
Ông ngồi mãi nghĩ
Bỗng nảy một ý
Ông ta cả mừng
Mỗi sáng xách cung
Vào trong vườn Ngự (1)
Dưới một cổ thụ
Giương cung đứng hoài.
Để mặc sương mai
Ướt dầm áo mũ.

Vậy đã hai bữa
Đến bữa thứ ba.
Vua ra xem hoa
Thấy ông đứng đấy
Hỏi: "Làm gì vậy?"
"Bắn ạ!" "Bắn gì?"
Sao không bắn đi!
Sương xuống ướt cả.

-Muôn tâu bệ hạ,
Ngài thử xem kìa.
Trên cành cây kia
Có con ve nọ
Ăn sương hút gió
Ca hát suốt ngày
Tưởng thân được vầy
Thật là thích thú
Biết đâu sau cổ
Có bọ ngựa kia
Giơ càng giơ que.
Đang chực bắt nó?
Chính con bọ ngựa
Chực bắt ve kia
Sau lưng nào dè
Sẻ kia nghểng cổ
chực mổ
Chính con sẻ đó
Chực hại bọ ngựa
Nào hay dưới cây
Có tôi đứng đây
Giơ cung chực bắn!
Chính tôi chực nhắm
Để bắn sẻ kia
Cái thân nào dè
Sương dầm ướt rợt!

Ấy điều
Thấy lợi trước mắt
Quên hại sau lưng
Mong ơn cửu trùng
Sẵn lòng tha thứ!
Nhà vua tỉnh ngộ
Truyền lệnh bãi bỏ
Thôi không đánh nữa!



___
1. Vườn Ngự: Vườn hoa của vua

*


VII. LẤY CỦA BAN NGÀY

Ngày xưa nước Tấn
Có một anh chàng
Sống khác người thường
Hằng ngày ra chợ
Thích gì cứ lấy ngang

Thiên hạ đòi tiền
Anh ta liền chửi mắng:
"Chúng mày lạc hậu,
Còn óc tư hữu
Thích chiếm của riêng.
Chỉ nghĩ đến bạc tiền!
Là quân bóc lột!

Ta đây vô sản
Theo thuyết đại đồng.
Làm theo sở thích
Ăn uống mặc lòng
Muốn gì có nấy,
Không cần bạc tiền
Không cần tích trữ
Thiên hạ là của chung
Ra chợ cứ lấy
Sao phải trả tiền?
(Theo Cổ Học Tinh Hoa)



VIII.LÀM VIỆC NHÂN NGHĨA

Mạnh Tử người nước Lỗ
Đi sang chơi nước Tề.
Vào thăm người bạn cũ.
Ông bạn ngõ ý chê.

"Thiên hạ bây giờ loạn
Ai cũng thích lợi danh mua bán
Không nghĩ đến đạo đức
Sao ông lại khổ thân
Giảng rao nghĩa với nhân "?

Mạnh Tử bèn cười
Và đáp lời:
"Ví như trong nhà nọ
Chín đứa con biềng lười,
Chỉ một đứa làm việc.
Thằng này phải làm sao?
Hoặc nó tích cực hơn,
Hoặc cũng bỏ phế luôn,
Để cả nhà cùng chết?
(Theo Cổ Học Tinh Hoa)


IX. ÔM CÂY ĐỢI THỎ
Ngày xưa có một người
Thường ngày ra đồng cày .
Một hôm có con thỏ
Bỗng chạy đến nơi đây
Đâm đầu vào gốc cây
Mà chết!

Những ngày kế tiếp
Anh ta bỏ cấy cày
Cứ ngồi ôm gốc cây
Đợi con thỏ chạy đến.

Tháng ngày cứ mãi trôi
Anh ôm gốc cây hoài
Bỏ công việc gặt hái
Mà thỏ không đến lần thứ hai. . .

(Theo Cổ Học Tinh Hoa)



X. ĐÁNH DẤU THUYỀN TÌM GƯƠM

Có người tráng sĩ
Một hôm qua sông
Vô ý làm rớt thanh gươm quý
Xuống dòng nước trong.
Ông ta không nhảy xuống vớt lên
Mà đánh dấu vào mạn thuyền!
Lòng bảo lòng hãy nhớ đừng quên!


Thuyền mãi trôi
Nước cứ xuôi
Thời gian không đợi
Dấu khắc trên thuyền còn mãi.
Nhưng gươm ở đâu rồi?
(Cổ Học Tinh Hoa)


XI. BÁN GIÁO VÀ BÁN MỘC

Ngày xưa có một ngưòi
Ra chợ bán gươm giáo.
Gặp ai ông cũng bảo:
"Gươm của tôi tuyệt vời,
Chém gì cũng đứt ráo!"

Ông cũng bán khiên, bán mộc (1)
Gặp ai ông cũng khoe:
Mộc của ông rất cứng
Không vật gì đâm thủng!

Một hôm có ông lão,
Nghe những lời quảng cáo.
Bèn hỏi thử một câu:
"Nếu bây giờ lấy giáo,
Đâm vào tấm mộc kia,
Thì gươm mộc sẽ ra sao?
Ông bán hàng cứng họng,
Không nói được câu nào!
(Cổ Học Tinh Hoa)

1. Mộc hay khiên là dụng cụ ngăn gươm giáo đâm vào mình.



XII. TÌM NGỌC TRONG ĐÁ


Có một ông thợ ngọc
Vào thăm khu bán đá.
Thấy một khối đá kia
Có dấu vết ẩn ngọc
Ông liền mua về
Đẽo thành viên bảo ngọc
Đem bán trở thành giàu.

Ông chủ bán đá kia,
Lòng dạ rất sầu bi.
Tiếc viên ngọc đã bán đi
Ông phải tìm viên ngọc khác. . .

Ông nghĩ thầm trong dạ:
"Ngọc nằm trong đá
Và đá nào cũng có ngọc."
Cho nên ông hì hục,
Đập hàng chục
Rồi hàng trăm đống đá
Đá to thành đá nhỏ
Nằm ngổn ngang khắp nơi
Mà không thấy ngọc đâu cả!
(Cổ học Tinh Hoa)




XIII. ĐỜI LÀM QUAN


Một hôm, đức Khổng tử
Đến thăm cháu Khổng Miệt.
Ngài nói:
-"Cháu hãy nói thiệt
"Làm quan được mất những gì?"
Nét mặt Khổng Miệt sầu bi:
-"Làm quan thì mất hết!"

"Làm quan bận công việc,
Mà bổng lộc lại it
Nên cuộc đời thua thiệt!
-Không thì giờ học tập.
Nên kiến thức xuống thấp.
-Tình họ hàng không nồng
Vì không tiền bạc cung cấp
-Tình bè bạn trống không
Vì không năng thăm viếng " .
Đức Khổng tử nghe xong,
Mà chua xót trong lòng!

Khổng Tử thăm Bật Tử Tiện,
Và cũng hỏi câu trên.
Bật Tử Tiện vui vẻ trả lời liền:
"-Làm quan được thực thi sở học,
-Làm quan dù ít tiền
Cũng tặng họ hàng chút đỉnh
Nên tình nghĩa càng bền!
-Làm quan dù bận công việc,
Cũng đi thăm bạn bè,
Nên tình nghĩa càng thắm thiết!

Khổng Tử bèn khen
Bật Tử Tiện là người hiền!
(Cổ Học Tinh Hoa)



XIV. KHÉO CAN VUA


Con ngựa của vua Tề,
Bỗng nhiên lăn ra chết.
Vua tức giận gớm ghê,
Bắt mã phu ra giết!

Án Tử quỳ trước ngai:
"Theo lệ vua Nghiêu Thuấn
Trước khi đem giết ai
Phải nói rõ vài lời.
Thần kính xin bệ hạ
Cho thần kể tội nó."
Được đức vua thuận lời,
Với mã phu, ông nói:
"Mày có ba cái tội ,
Cho nên vua phải giết:
-Mày là đứa biếng nhác
-Làm chết ngựa của vua.
-Làm vua mang tiếng ác
Vì phải xử trãm mày!"
Bởi một con ngựa chết
Khiến muôn dân uất hận tràn đầy,
Và lân bang coi vua như rác . . .

Vua nghe lòng đắng cay,
Truyền thả mã phu ngay!




XV. YÊU VÀ GHÉT



Ngày xưa một cận thần,
Được vua coi như người thân.
Nghe tin mẹ bệnh nặng
Lấy xe vua mà đi.
Việc này đáng tội chém,
Nhưng vua cười khì khì,
Khen rằng rất có hiếu!

Một hôm vào trong vườn,
Ăn một trái đào ngon.
Liền nhả ra dâng chúa
Vua khen : biết kính nhường!

Thời gian sau vua ghét,
Vua kể lể gần xa:
"-Dám lấy xe của ta
Là vi phạm quốc pháp.
Ăn trong miệng nhả ra,
Là khi quân phạm thượng!"
Vua bèn sai giết!

Ôi! yêu và ghét
Chỉ ở lòng ta!
Trước sau mà công tội khác nhau xa!




XVI. HÀ BÁ LẤY VỢ

Ngày xưa tại vùng kia,
Rất tôn thờ Hà bá (1).
Họ có tục kỳ lạ
Mỗi năm dâng một gái xinh
Để Hà bá làm hầu thiếp
Thì quanh năm được sống an bình. . .

Năm ấy, quan huyện mới
Được dân mời làm chủ đám cưới.
Xem mặt cô dâu, ngài phán rằng:
Cô này xấu quá,
Không thể làm vợ Hà bá. . .
Đám cưới phải tạm đình
Để tìm được một cô khác xinh xinh. . .

Ta cần một ông đồng (2),
Xuống chốn Thủy cung (3)
Báo tin cùng Hà bá.
Ngài bèn sai lính vứt lão xuống sông. . .


Một lát lâu,
Không thấy ông đồng trở về.
Ngài tức giận ghê:
"Bọn đồng cốt lề mề,
Vậy xin nhờ một bô lão
Xuống thủy phủ thông báo. . .

Ông bô lão ra đi
Cũng không thấy trở về.
Quan huyện càng giận dữ. ..
" Bọn họ chậm như rùa
Vậy xin phiền các bậc thân hào (4),
Xuống thủy cung xem sao!.. .

Cả đám chức sắc kinh hãi
Cúi xin quan tha tội.
Từ nay không hại nhân dân,
Và xin phá bỏ những tục lệ tai hại. . .



1. Hà bá: vị thần linh ở sông.
2.Đồng, cốt: những người liên lạc với ma quỷ bằng cách ngồi đồng tức là để cho ma quỷ, thần thánh nhập vào thân mình mà truyền phán mệnh lệnh hay thông báo tin tức..
3. Thủy cung: Cung điện Hà bá dưới nước.
4.Cường hào: Những viên chức có thế lực trong làng xã.


XVII. BỨC TƯỜNG ĐỔ

Có một ông nọ
Vốn người giàu có.
Bỗng một đêm mưa
Bức tường sụp đổ.
Thằng con ông khuyên bố
Nên xây lại bức tường
Kẻo trộm cướp dòm ngó. . .

Vào một bữa nọ,
Ông hàng xóm sang chơi.
Trò chuyện một hồi
Rồi khuyên ông xây tường gấp
Kẻo trộm cướp xâm nhập!

Một đêm mưa dông
Trộm viếng nhà ông.
Ông khen con ông giỏi
Mà nghi hàng xóm thông đồng. . .

Cũng cùng chung một ý
Mà thân sơ khác nhau!
Vậy ta nên suy nghĩ
Trước khi khuyên người nào!


XVIII. TRAI VÀ CÒ

Con cò lặn lội bờ sông,
Con trai giữa giòng đùa giỡn vui chơi.
Con cò liền mổ con trai,
Con trai khép miệng mà nhai con cò.
Trai cò ở thế giằng co,
Trai chẳng thua cò, cò chẳng kém trai
Ngư ông bất chợt đến nơi,
Giang tay bắt lấy cả trai lẫn cò.
Chiên xào nấu nướng thơm tho,
Đem ra đánh chén với vò rưọu tăm!




XIX. CON CHIM VÀ CON KIẾN


Chú Kiến trong hang,
Một hôm ra suối
Uống nước bên ngàn
Ai ngờ trượt chân
Suýt phải chết đuối
May nhờ chim vàng
Thả một chiếc lá
Cứu sống anh chàng.


Khí thế hiên ngang
Ngày nọ một chàng
Vai mang cung tiển
Đi săn hươu mang.
Khi thấy chim vàng
Anh giương cung bắn,
Kiến ra sức cắn
Anh chàng kêu vang
Khiến con chim vàng
Vỗ cánh bay mất. . .

Ta giúp người, người lại giúp ta,
Ấy là nhân quả, ấy là nghĩa nhân.

*

XX. ÔNG QUAN VÀ TỘI NHÂN

Ngày xưa một ông quan,
Bị quân giặc vây gấp.
Ông chạy tim chỗ nấp.
Ông gặp người cụt chân
Giúp ông tìm đường thoát.
Khi quân giặc đã tan,
Ông gặp người cụt chân.
Ông nói:"Ta nhớ rồi.
Ngươi là một tội nhân
Bị ta xử chặt chân.
Sao không nhân dịp này
Mà tìm cách báo phục?"
Người ấy bèn thưa rằng:
"Ông là người nhân đức,
Khi ông xét án tôi,
Mặt ông đầy thương cảm.
Nhưng phép nước không thể phạm,
Ông phải xử chặt chân ,
Tôi phải nhân dịp này
Để báo đáp thâm ân!
Hai người ôm nhau khóc,
Và cùng nhau thở than!



*

Sunday, December 27, 2009

SƠN TRUNG * PHIẾM LUẬN

BÀN VỀ SẤM KÝ

Trong lịch sử Việt Nam, giữa những trang tranh đấu xương máu hiện thực, có nhiều trang ghi lại những chuyện tâm linh huyền bí.Lẽ tất nhiên, bá nhân bá tính, có kẻ tin người không vì xã hội ta là xã hội tự do. Tuy xã hội quân chủ là tư do mà là một xã hội đạo đức, chứ không phải mang hai mặt như truyền thống Marx Lenin :một mặt hung bạo, gian manh, một mặt xưng thần xưng thánh !

Các nhà viết sử, một mặt mang tính khách quan của sử học, ghi chép sự thực, vua và triều đình không được dòm ngó việc của sử quan. Một mặt các sử quan tin vào Trời Phật, tức là thuộc phái Duy Tâm như phe Marx nhận định.Vì vậy trong sử ta có nhiều đoạn viết về sấm.Sấm, hay sấm ngôn là những lời, những bài thơ ngắn hoặc dài, thường là ngắn, có nội dung tiên đoán tương lai của một ông vua vua hay một triều đại, hay một biến cố quan trọng sắp xảy đến cho một quốc gia, dân tộc. Tôi xin đưa một vài dẫn chứng về sử:


Theo sử sách, nhà tiên tri đầu tiên của Việt Nam là sư Định Không (730-808), thuộc đời thứ 8 dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Thuở nhỏ, Ngài thông về lý số, được mọi người tôn trọng, gọi ngài là trưởng lão. Khoảng niên hiệu Trinh Nguyên (765-804) nhà Đường, sư lập chùa Quỳnh Lâm tại quê nhà. Lúc đào đất đắp nền, sư được một quả hương và 10 cái khánh. Sư đem xuống ao rửa, một cái khánh lăn xuống tận đáy ao. Sư làm bài tụng:

Địa trình pháp khí
Nhất phẩm tinh đồng.
Trị Phật pháp chi hưng long
Lập hương danh Cổ Pháp.

( Đất dâng pháp khí,
Là một chất đồng ròng.
Điềm Phật pháp hưng long
Đặt tên làng Cổ Pháp)
Sư lại nói :
Pháp khí xuất hiện, thập khẩu đồng chung,
Lý hưng vương, tam phẩm thành công.

Bài sấm này tiên đoán họ Lý làng Cổ Pháp sẽ lên làm vua. Tam phẩm có hai nghĩa : Nghĩa thứ nhất, ở triều Lê, Lý Công Uẩn làm Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ có thể vào bậc tam phẩm. Nghĩa thứ hai là chữ Uẩn vì chữ Uẩn ? gồm hai chữ giống chữ tam và chữ phẩm. Quả nhiên, hai trăm năm sau, Lý Công Uẩn lên làm vua tức Lý Thái tổ (1010- 1225). Sư lại nói thêm:


Thập khẩu thủy thổ khứ
Cổ pháp danh hương hiệu.
Kê cư loan nguyệt hậu,
Chánh thị hưng tam bảo.
( Thập, khẩu, thủy, thổ, khứ
Tên làng là Cổ Pháp.
Gà ở sau loan nguyệt,
Tam bảo được hưng vượng)

Quả nhiên năm kỷ dậu (1009), Lê Long Đỉnh chết, Lý Công Uẩn lên ngôi, Phật giáo toàn thịnh. Sau sư trụ trì chùa Thiền Chúng ở làng D?ch Bảng, sau đổi là Đình Bảng, phủ Thiên Đức ( Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Trước khi viên tịch, sư dặn đồ đệ là Thông Thiện như sau:
Ta muốn mở rộng làng nhà, nhưng e sau này sẽ có tai họa, vì người lạ sẽ đến phá hoại cảnh thổ ta. Sau khi ta viên tịch, ngươi phải giữ gìn đạo pháp của ta. Khi gặp người họ Đinh, thì truyền cho y, như vậy chí nguyện của ta mới thỏa.

Nói xong thì tịch, thọ 79 tuổi. Thông Thiện dựng tháp thờ sư ở chùa Lục Tổ, ghi lời sư dặn vào đá. Khoảng năm ất dậu (865), Cao Biền sang Việt Nam làm Tiết Độ sứ, Cao Biền làm phép trấn yểm nhiều nơi, trong đó có làng Cổ Pháp, đúng như sư Định Không tiên đoán.

Sư La Quý An là đệ tử đời thứ mười dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, sư họ Đinh, thuở nhỏ tham yết khắp các thầy. Sau gặp sư Thông Thiện ở chùa Thiền Chúng, nghe sư nói một lời liền giác ngộ, bèn theo Thông Thiện. Khi Thông Thiện sắp viên tịch, gọi sư lại mà bảo:

Xưa thầy ta là Định Không dặn rằng : Hãy gìn giữ pháp của ta, gặp người họ Đinh sẽ giao truyền. Vậy ngươi hãy nhận lấy trách nhiệm này, ta từ giã đây'

Sư Thông Thiện mất, La Quý An đi tìm đất dựng chùa, truyền giảng chánh pháp, lời sư nói đều là sấm ngữ. Sư đúc tượng lục tổ bằng vàng nhưng sợ trộm cướp bèn chôn xuống đất. Sư có di chúc:

Đại sơn long đầu khởi
Cù vĩ ẩn chu minh
Thập bát tử định thành
Miên thụ hiện long hình
Thố kê thử nguyệt nội
Định kiến nhật xuất thanh.

Đại sơn : Đinh Bộ Lĩnh ( Lĩnh là núi cao), Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua năm mậu thìn (968). Chu minh : ánh sáng đỏ, tức ánh sáng mặt trời. Chỉ Lê Hoàn ( trong chữ Hoàn có chữ Nhật), nhưng đây là mặt trời bị mây che ( ẩn ) vì trên dưới đều có chữ nhất ngăn chận, và cây cối che lấp ( bên cạnh có chữ mộc) . Lê Hoàn lên ngôi cuối năm canh thìn 980 ( cù vĩ). Thập bát tử họp lại thành chữ Lý ?.Nhà Lý lên thay Tiền Lê. Miên thụ cây bông gạo. Chữ Miên ? và chữ Uản ? giống nhau, đều là cây bông, cây gai dùng dệt vải may quần áo. Uẩn ? là cây gai và Uản ? là súc tích thông nghĩa. Thố, kê, thử nguyệt : trong khoảng tháng mão, tháng dậu, tháng tí, Lý Công Uẩn lên ngôi. Quả vậy, ngày quý sửu, tháng mười, năm kỷ dậu (1909), Lý Công Uẩn lên ngôi, mở một kỷ nguyên thái bình thịnh trị.

Năm thứ năm, niên hiệu Thái Bình (974), đời Đinh Tiên Hoàng, trong dân gian truyền tụng bài sấm sau:

Đỗ Thích thí Đinh Đinh,
Lê gia xuất thánh minh.
Cạnh đầu đa hoành nhi ,
Đạo lộ tuyệt nhân hành.
Thập nhị xưng đại vương
Thập ác vô nhất thiện
Kế đô nhị thập thiên.

Dịch
Đỗ Thích thí Đinh, Đinh (Đỗ Thích giết hai người họ Đinh) : tháng mười, năm kỷ mão (979), Đỗ Thích giết Đinh Tiên hoàng và Việt Nam vương Đinh Liễn.
Lê gia xuất thánh minh ( Họ Lê làm vua sáng)
Đinh Toàn lên ngôi mới sáu tuổi, binh quyền lọt vào tay Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Bà Dương Thái hậu tư thông với Lê Hoàn, trao ngôi vua cho Lê Hoàn tức vua Lê Đại Hành. Lê Đại Hành lên ngôi đánh thắng quân Tống xâm lược.
Cạnh đầu đa hoành nhi ( Các trẻ tranh giành nhau). Đại lộ tuyệt nhân hành ( Trên đường cái, không người qua lại). Lê Đại Hành lên ngôi, cho con thứ ba là Lê Long Việt làm thái tử. Lê Đại Hành mất ( 1005), các con tranh giành nhau, đem binh chém giết nhau trong bảy tháng trường, ngoài đường không ai dám qua lại.
Thập nhị xưng đại vương. Thập ác vô nhất thiện
( Thập nhị tự xưng làm vua). Thập nhị là Lê Long Đỉnh giết anh là Lê Long Việt mà lên làm vua ( Trong chữ Đỉnh ? có Nhâm? chiết tự là Thập Nhị? ?). Long Đỉnh là người tàn ác ( Mười điều ác không có một điều lành) .
Thập bát tử đăng tiên : (Thập bát tử họp lại thành chữ Lý ) họ Lý sẽ lên làm vua.
Kế đô nhị thập thiên : Đô nhị thập thiên : bốn chữ này hợp thành Trần giả .
Kế đô nhị thập thiên tức là họ Trần sẽ kế tiếp làm vua.

Trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, ở hương Duyên Uẩn, châu Cổ Pháp, có cây gạo bị sét đánh, trong ruột cây có chữ:

Thụ căn diễu diễu ,
Mộc biểu thanh thanh.
Hòa đao mộc lạc,
Thập bát tử thành.
Đông A nhập địa
Dị mộc tái sinh
Chấn cung kiến nhật
Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình
Sư Vạn Hạnh giải thích như sau :
Vua thì non yểu, tôi thì cường thịnh. Họ Lê mất, họ Lý nổi lên. Họ Trần làm vua, rồi đến Lê. Sau đó, họ Mạc nổi lên rồi nhà Lê trung hưng. Rồi họ Trịnh mất. Trải qua năm, sáu năm, thiên hạ thái bình. (Ngô Sĩ Liên. Toàn Thư I, 185-186).

Sấm Trạng Trình phần đầu cũng nhắc lại các việc trên:

7-Việt Nam khởi tổ xây nên
8 - Lạc Long ra trị đương quyền một phương
9 - Thịnh suy bỉ thới lẽ thường
10 - Một thời lại một nhiễu nhương nên lề
11 - Đến đinh Hoàng nối ngôi cửu ngũ
12 - Mở bản đồ rũ áo chấp tay
13 - Nhự đao phút chốc đổi thay
14 - Thập bát tử rày quyền đă nổi lên
15 - Đông a âm vị nhi thuyền
16 - Nam phương kỳ mộc bổng liền lại sinh
17 - Chấn cung hiện nhật quang minh
18 - Sóng lay khôn chống trường thành bền cho
19 - Đoài cung vẽ rạng trăng thu
20 - Ra tay mở lấy đế đô vạn toàn.

Trong dân gian từ xưa đến vẫn có sấm. Sấm là do những bậc tiên tri nhưng cũng có thể là do những tay chính trị làm ra. Nhưng ta phải phân biệt vì những tiên tri thường là xuất hiên trước. Sấm ký nhiều khi là những ý kiến bình luận.
Tại Hà Tĩnh, người ta ca tụng về họ Nguyễn Du:
"Bao giờ ngàn Hống hết cây,
S6ng Rum hết nước, họ này hết quan."
Tại Nghệ An từ thời Nguyễn Thiếp (nhà Lê) đã truyền tụng:
Bao giờ Bò Đá (1) thất thanh,
Nghệ An sinh thánh rành rành chẳng sai."

Câu này cũng đúng. Bò Đá là một địa danh, là một cái suối kêu vang, trước đây đã im tiếng. Tại Nghệ An có hai ông vang danh thiên ha. Một là Phan Bội Châu, hai là Nguyễn Tất Thành tức Nguyễn Ái Quốc, là Hồ Chí Minh . Phan Bôi Châu chính là thánh mà Nguyễn Ái Quốc cũng là "thánh". Chữ "thánh " theo cổ nhân có hai nghĩa, một là người làm vua, hai là thánh hiền!
Như câu sấm nói về Lê Đại Hành: Lê gia xuất thánh minh.Thánh ở đây là vua.
Trong sử sách, vua chúa thì có minh quân, hôn quân, mà ông Hồ cũng như Lenin, Stalin, Mao, Hồ, Pol Pot. . . là ma vưong, quỷ vương.

Trước đây một số người Thiên chúa giáo ghét Bảo Đại vì người ta loan truyền "Bảo Đại" là bãi đạo". Việc này không đúng vì bên cạnh Bảo Đại có bà Nam Phương và các đại thần là giáo dân, và trện cao là thực dân Pháp, làm sao vua Bảo Đại lại "bãi đạo"? Lại nữa, ông được đào tạo tại Pháp, người khôn ngoan, cởi mở, việc gì mà phải "bãi đạo"!
Nhưng tiên tri này cũng đúng vì trong thời vua Bảo Đại còn sống, Việt Minh cai trị, chúng đã giết hại Thiên chúa giáo và các tôn giáo khác.

Nhạc gia tôi thường kể truyện trước 1945, cụ đi xin cơ bút.Trong thơ tiên có câu:
" Nhất nhật đằng vân quy Bắc hải"( một ngày sau sẽ bay về biển băc) . Vì vậy sau di cư vào Nam, cụ tin tưởng có ngày cả nhà trở về đất Bắc! Nhưng thực tế hơi khác điều cụ nghĩ. Sau 1980, dần dần cả nhà đi máy bay ( đằng vân) sang định cư tại Bắc Hải tức là Mỹ và Canada! Nhưng biết đâu sau này con cháu sẽ trở về Hà Nội trong ngày vinh quang?

Những truyện về trạng Trình, người ta bàn đã nhiều. Sấm Trạng Trình cũng như sấm Nostradamus thì bí hiểm, nhiều người giải thích khác nhau. Sấm Trạng trình có đoạn:

Cửu cửu kiền côn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn
Trực đáo dương đầu mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An
(AB 444, AB 355 thư viện Viễn đông Bác cổ Hà Nội)

Có kẻ bàn :Năm 1954 vào tiết thanh minh đã tàn (Hoặc thế lực Pháp suy tàn? Đến đầu năm dê và đuôi ngựa (1954) tám vạn lính cộng sản (Hồ binh) tiếp thu Hà Nội.

Một đoạn khác:
109- Ô hô thế sự tự bình bồng
Nam Bắc hà thời thiết lộ thông ?
Hồ ẩn sơn trung mao tận bạch
Kình ngư hải ngoại huyết lưu hồng.
113- Kê minh ngọc thụ thiên khuynh bắc
Ngưu xuất lam điền nhật chính đông
Nhược đãi ưng lai sư tử thượng
Tứ phương thiên hạ thái bình phong.

Trưóc đây tôi nghĩ về đoạn này. Trong chiến tranh, nhất là khi Nam Băc chia cắt, đường sắt Việt Nam cũng bị cắt đôi. Sau 1975, cộng sản tái lập giao thông toàn quốc, Cục Đường Sắt lập ra "Xe lửa Thống Nhất" chạy suốt Nam Bắc. Tôi nghĩ câu sấm Trạng Trình rất đúng;
Trạng Trình đặ ra câu hỏi và trả lời:
Khi nào thì đường sắt Việt Nam nối liền?
Lả khi Hồ Chí Minh (1890- 1969) và Mao (1893- 1976) chết. Chính trong giai đoạn này đã xảy ra cuộc hải chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải quân Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc được Phạm Văn Đồng hoan hô nhiệt liệt với công hàm công nhân chủ quyền Trung Quốc ở
biển đông:

Công hàm của TT Phạm Văn Đồng

Công hàm của TT Phạm Văn Đồng by Nguyen Tien Trung.
Ngày 4 tháng 9 năm 1959, Bắc Kinh ra tuyên bố chính thức về hải phận của họ, bao gồm 12 hải lý từ bất kỳ mốc lãnh thổ nào của Trung Quốc, "trong đó tính gồm cả các đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa.... tức là Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam"

Mười ngày sau, Thủ tướng Việt Nam Phạm văn Đồng gởi công hàm chính thức cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.

Và rõ ràng là ở thế XVI, Trạng Trình (1491-1585) đã thấy xe lửa Việt Nam ,cuộc hải chiến này và việc cộng sản chiến thắng miền Nam. Cũng có thể ngài nhìn xa hơn nữa.

Nhân đây, tôi xin kể thêm một việc nhỏ. Giáo sư Bửu Cầm trước 1975 kể cho tôi nghe rằng người Mỹ đã tìm đến giáo sư và hỏi câu:
Kình ngư hải ngoại huyết lưu hồng.

Có phải là chiến tranh ngoài biển không?

Nay những biến cố về biển đông dồn dập, uy hiếp sự tồn vong của nhân dân Việt Nam, lòng tôi không nén được kinh hãi. Câu trên vẫn có thể hiểu một cách khác.

Có ba sự kiện:
+Toàn cầu: Trung Cộng xâm lăng kinh tế khắp thế giới
+Về mặt biển: Cộng sản chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và vẽ lại bản đồ thềm lục địa hình lữỡi bò. Trung Cộng nửa đùa nửa thực đề nghị với Mỹ đòi chia đôi Thái Bình Dương. Hơn nữa Trung Cộng đã đem chiến thuyền diễn hành khắp nơi từ Á sang Phi.
+Về mặt bộ, Trung cộng đã trúng thầu nhiều mối làm ăn, nhất là việc làm đường xe lửa Trung Quốc Việt Nam mà địa điểm đầu là Hà Nội:

Công ty quốc doanh Đường Sắt số 6 của Trung quốc vừa trúng thầu xây dựng hệ thống đường sắt nội đô Hà Nội trị giá gói thầu $350.57 triệu, theo tin từ Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư CSVN được hãng tin tài chính Dow Jones thuật lại.

Tin này được đưa ra không thấy hệ thống báo chí trong nước loan tải vào lúc đang có nhiều chuyện tố cáo các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu hầu hết các dự án đầu tư xây dựng lớn ở Việt Nam và họ đem lậu hàng ngàn công nhâu đủ loại vào Việt Nam thay vì thuê mướn nhân công địa phương.

“Cổng thông tin điện tử” của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư CSVN phần tiếng Việt cũng không thấy đưa tin này.

Theo nguồn tin Dow Jones thuật lại từ bản tin của Bộ vừa nói cho biết công ty của Trung quốc sẽ lập đồ án và xây dựng hệ thống 13.5 km đường sắt cũng như cung cấp 52 toa xe trong vòng 5 năm.

Đường sắt sẽ xây dựng chạy từ trung tâm ở thủ đô tới quận Hà Đông nằm phía Tây Nam thành phố, với phí tổn chung cho dự án là $552.86 triệu. Hà Đông trước đây là thị xã của tỉnh Hà Tây nhưng nay trở thành một phần của thủ đô khi được sát nhập vào thành Hà Nội mở rộng.
http://www.hoa-viet.com/forum/archive/index.php/t-13301.html
http://vietbf.com/forum/showthread.php?t=142950

Phải chăng chiến tranh ngoài hải phận Việt Nam sẽ xảy ra trong thời gian làm xe lửa Trung Việt (Nam Bắc hà thời thiết lộ thông? ).

Suy nghĩ lại, tôi thấy hai cuộc hải chiến khác nhau. Cuộc hải chiến Việt Nam Cộng Hòa và Trung Quốc trước 1975 hay cuộc giao phong giữa hải quân Việt Cộng và Trung cộng sau 1975 là không đúng ý nghĩa của Trạng Trình bởi hai điều:
  • Cuộc chiến trên chỉ hư hại vài chiếc tàu và chỉ chết mấy chục người thì không đáng kể.
  • Cuộc chiến trên xảy ra khi Ưng khứ ( Mỹ bỏ đi) còn cuộc chiến tương lại là Ưng lai ( Mỹ trở lại) Trạng Trình muốn nói đến cuộc hải chiến kinh khiếp máu loang biển đông. Nhưng phải chờ Mỹ đến đánh Trung Quốc (con chim ưng ăn thịt con sư tử -- Nhược đãi Ưng lai Sư tử thượng --- Mỹ là chim ưng, Tàu được mệnh danh là con sư tử Á châu), thì thế giới mới hòa bình. Tuy nhiên câu trên cũng có kẻ giải:
+Khi nào Mỹ đánh Trung Quốc thì Thái Bình Dương nổi sóng (Thái Bình phong)
+Khi nào Mỹ tấn công Trung Quốc, thì chiến tranh Thái Bình Dương lan khắp thế giới (Tứ phương thiên hạ).

Theo thiển ý , đoạn trên có ý nghĩa như sau:
Bao giờ đường xe lửa Bắc Nam thông suốt? Bắc Nam đây là Việt Nam và Bắc Quốc Trung Hoa chứ không phải Bắc Kỳ- Nam Kỳ!
Đó là giai đoạn Hồ Cẩm Đào cầm quyền , hay ẩn dật, hay chết. .(Hồ ẩn sơn trung mao tận bạch)
Hải chiến rất khủng khiếp, máu loang biển động.
Hai câu năm và sáu không rõ. Phải chăng chiến tranh xảy ra năm dậu?
Phải chờ Mỹ ra tay thì thế giới mới hòa bình.
*

Một số người Việt Nam không tin thần thánh, bói toán. Đó là tự do của họ. Đừng có nửa nạc nửa mỡ như các ông cộng sản lúc thì phỉ báng thần thánh, mạ lị khoa học tiên đoán tương lai để rồi bắt giam người ta và khủng bố người ta như họ đã làm với các tôn giáo và thầy bói, đồng bóng! Nhưng nay cộng sản lại tin đồng bóng, thờ cúng, cụ thể là họ làm rầm rộ cái mà họ gọi là "môn ngoại cảm"!Họ luôn luôn oai phong mà không chút xấu hổ về những điều họ đã nói và làm trong quá khứ!

Tuy nhiên ta phải coi chứng về thần thánh và bói toán vì nhiều lẽ:
+Thần thánh có lúc ứng lúc không, ma quỷ có nhiều trình độ như con người chúng ta ở thế gian. có kẻ i tờ, có ông tiến sĩ. Các ông thầy bói cũng có thầy giỏi, thầy dở, và có lúc đúng, lúc sai.

Kinh Thư (đã được giáo sư Thẩm Quỳnh dịch khoảng 1960 ) là một cổ thư nhưng có nhiều điều chí lý.
  • Kinh Thư khuyên ta nên dùng ý chí quyết định mọi việc. Trừ khi nào không quyết định được hoặc nghi ngờ thì mới dùng bói toán, và cầu thần thánh.
  • Kinh Thư khuyên ta nên thận trọng. Nên chọn thầy nổi tiếng, đứng bạ ai cũng tin. Và sau khi đã chọn thầy, cũng nên kiểm nghiệm bằng cách thử gặp vài thầy để xem họ nói có đúng không và thống nhất không.
+Nhiều kẻ lợi dụng bói toán để làm tiền. Việc nào, giới nào cũng có chân và giả. Có thầy bói tài ba, có thấy bói ba xạo. Chính trị gia có kẻ chân thành, có kẻ gian ác như ta đã thấy trong thế giới cộng sản. Tu hành cũng vậy, có loại chân chính, có hạng lưu manh .

Nêu bạn không tin bói toán, không tin thần thánh là tự do của bạn, nhưng xin nói thêm:
  • Nếu bạn là nhà khoa học, hay nhà kinh tế, chính trị, triết học duy vật,xin bạn đừng chỉ trích tôn giáo và các khoa học huyền bí vì đối tượng nghiên cứu của bạn không thuộc bộ môn này. Không phải chuyên môn của mình thì xin đừng đề cập đến.
  • Nếu bạn là tín đồ một tôn giáo, xin đừng chỉ trích tôn giáo khác là mê tín, dị đoan... bởi vì tôn giáo nào cũng có những điều "thiêng liêng" nhưng đối với tôn giáo khác lại là những điều khả ố, hoặc mê tín dị đoan.

Dân ta một số nông nổi. Vừa theo Tây phương ít tháng, vừa nghe cộng sản vài ngày đã lên tiếng chỉ trích duy tâm thần bí, mê tín dị đoan. Không ai phủ nhận Mỹ là khoa học kém nhưng người Mỹ bộ môn nào người ta cũng nghiên cứu kỹ dù duy tâm hay duy vật. Xem như chuyện giáo sư Bửu Cầm (nay còn sống ở Việt Nam) và chuyện về tài liệu ông Đạo Nhỏ mà CIA lấy đi thì sẽ thấy rõ người Mỹ nghiên cứu kỹ lưỡng như thế nào.TÀI LIỆU VỀ CÁC NHÀ TIÊN TRI

___
1.Bò Đá : Phải chăng là khe Hoàng Ngưu (khe Trâu Vàng) ở Hồng Lĩnh?
*