Tuesday, April 25, 2017

HỒI KÝ CỦA ĐẠI TÁ OLCOTT II

CHƯƠNG CHÍN -
MỘT KHÍ CỤ ĐẶC BIỆT

I.

Xét qua những gì đã trình bày trước đây, người ta phải hiểu thế nào về việc soạn bộ sách Vén màn Isis và về vai trò của bà Blavatsky? Đó hiển nhiên là một công trình tập thể, do sự đóng góp của nhiều tác giả khác nhau, chứ không chỉ có một mình bà Blavatsky.
Nhận xét riêng của tôi về vấn đề này cũng hoàn toàn phù hợp với sự giải thích trong những bức thư bà Blavatsky gửi về gia đình. Bà cho biết rằng, tất cả những đoạn sách nói về những vấn đề mà trước đây bà chưa hề quen thuộc đều được một vị chân sư đọc cho bà viết, hoặc do chân ngã của bà tác động xuyên qua bộ óc và bàn tay bà để viết ra.
Vấn đề này thật vô cùng phức tạp, và người ta sẽ không bao giờ biết rõ sự thật về mức độ đóng góp nhiều ít thế nào của mỗi thành phần tham dự. Cá tính của bà Blavatsky là cái khuôn mà tất cả mọi chất liệu đóng góp đều được đổ vào; cái cá tính ấy do bởi những khí chất, đặc điểm và thói tật riêng của nó, tác động ảnh hưởng đến phần hình thức và sắc thái biểu lộ của những chất liệu này cả trên phương diện thể chất lẫn tinh thần.
Những vị chân sư luân phiên nhau mượn xác bà Blavatsky chỉ làm thay đổi tuồng chữ của bà, chứ không viết bằng tuồng chữ riêng của các ngài. Cũng như thế, khi sử dụng bộ óc của bà Blavatsky, các ngài bắt buộc phải để cho nó tô màu những tư tưởng của các ngài, và sắp đặt những lời lẽ ngôn từ của các ngài theo một cách thức cố định đặc biệt của nó. Cũng như ánh sáng ban ngày đi xuyên qua những cửa kiếng màu trở nên nhuộm màu của những tấm kiếng ấy, thì những tư tưởng do các chân sư chuyển đạt xuyên qua bộ óc lạ lùng của bà Blavatsky cũng phải thay đổi uốn nắn theo cách hành văn và cách trình bày tư tưởng quen thuộc riêng của bà.
Sự đồng thanh khí tự nhiên về phương diện tinh thần trí não giữa vị khuất mặt vô hình và người bị mượn xác càng chặt chẽ mật thiết, thì sự chế ngự càng dễ dàng hơn, văn chương lưu loát hơn, và bút pháp cũng điêu luyện hơn.
Một thí dụ điển hình là tôi nhận thấy rằng những khi bà Blavatsky lâm vào trạng thái nóng nảy đến cực điểm, thì các chân sư ít khi mượn xác bà để làm việc trừ ra Sư Phụ của bà, vì ý chí sắt thép của ngài còn mạnh mẽ hơn bà nhiều, còn những vị khác hiền hòa hơn thì luôn luôn tránh né chứ không lại gần.
Lẽ tự nhiên, tôi hỏi rằng tại sao các chân sư không dùng biện pháp thường xuyên chế ngự cái khí chất táo tợn của bà, để làm cho bà trở thành một nhà hiền giả điềm đạm, trầm tĩnh như những khi bà được đặt dưới sự chế ngự của vài đấng cao cả. Tôi được trả lời rằng, một biện pháp như vậy chắc chắn sẽ làm cho bà chết bất ngờ vì đứt gân máu trong óc. Thể xác của bà được sinh động bởi một tinh thần dũng mãnh, rắn rỏi, một tính khí bạo tợn không hề bị kiềm chế từ khi còn nhỏ, và nếu cái khí lực thặng dư thái quá đó không được để cho có lối thoát ra ngoài, thì điều ấy hẳn phải đưa đến một hậu quả khốc hại.
Đó là cái khí chất độc đáo của bà Blavatsky, và bà đã nhiều lần nói với tôi rằng bà không muốn bị chế ngự bởi bất cứ một quyền lực nào trên thế gian hay ngoài trái đất! Bà chỉ tôn kính các đấng chân sư, tuy nhiên thậm chí đối với các ngài, đôi khi bà cũng tỏ ra cương cường bất khuất đến nỗi, như đã nói ở trên, những vị có tính chất dịu dàng ôn hòa hơn không thể, hay không chịu, đến gần bà.
Bà cũng cho tôi biết rằng việc đặt mình vào một trạng thái tinh thần thích nghi để có thể giao tiếp dễ dàng và thường xuyên với các chân sư, đã đòi hỏi nơi bà một sự cố gắng tự chủ ráo riết đến mức tuyệt vọng trong nhiều năm liên tiếp. Thật không có ai đã từng bước vào đường đạo với những chướng ngại khó khăn hơn và một tinh thần khắc kỷ gian lao hơn nữa.
Lẽ tất nhiên, một bộ óc dễbị khích động như vậy không phải là một dụng cụ thích nghi để thi hành cái sứ mạng vô cùng tinh tế được giao phó cho bà, nhưng các chân sư cho tôi biết rằng đó là cái khí cụ tốt nhất hiện hữu, và các ngài phải tận dụng mọi khả năng của nó với sự cố gắng tối đa.
Đối với các ngài, bà là hiện thân của sự trung thành và lòng sùng tín, sẵn sàng dám làm và dám chịu tất cả vì đại nghĩa. Bẩm sinh với những quyền năng thần thông thiên phú vượt hẳn tất cả mọi người cùng thế hệ với bà, và với một tấm lòng hứng khởi nhiệt thành bốc lửa hầu như đi đến chỗ cuồng tín, bà có đủ đức tính trung kiên, bền vững, nhất tâm bất loạn. Điều này, phối hợp với một sự dẻo dai bền bỉ về thể chất đến một mức độ phi thường, làm cho bà trở thành một khí cụ vô cùng đắc lực, tuy rằng không phải dễdạy dễ bảo, và có một khí chất bất trắc dị thường.
Có một lý do tối hậu khác vì sao các chân sư không chế ngự bà Blavatsky để bắt buộc tính nết bà phải trở nên thuần thục dịu dàng theo lý tưởng của một vị hiền giả điềm nhiên và trầm tĩnh. Đó là bởi vì làm như vậy là can thiệp vào nghiệp quả cá nhân của bà. Cũng như mọi người, bà có một nghiệp duyên ràng buộc riêng do hậu quả của những gì đã làm trong quá khứ. Chính cái nghiệp quả đó làm cho bà tái sinh trở lại kiếp này với một xác thân người nữ luôn luôn khích động, mạnh mẽ, và như vậy bà có cơ hội đạt tới sự tiến bộ tâm linh bằng cách phải chiến đấu trường kỳ để làm chủ lấy nó. Nếu các chân sư trực tiếp can thiệp vào tình trạng đó bằng cách kiềm hãm cái khí chất mạnh mẽ và xóa bỏ những sự thiếu sót khác trong tâm linh của bà, thì việc ấy sẽ rất tai hại cho bà mà không làm cho bà được tiến hóa thêm chút nào. Điều đó chẳng khác nào đặt một người thụ cảm dưới sự chế ngự thường xuyên bằng ý chí của một nhà thôi miên, hay đặt một người bệnh dưới ảnh hưởng tê liệt trường kỳ của chất ma túy.
Có những lúc mà thể xác của bà không được các chân sư mượn tạm để làm việc, hoặc trí óc bà không bận rộn để viết những gì các Chân Sư đọc cho bà viết. it nhất là tôi nghĩ như vậy, nhưng đôi khi tôi cũng nghi ngờ rằng không một ai trong chúng tôi, là những người cộng sự với bà, đã từng biết rõ bà Blavatsky trong trạng thái bình thường! Biết đâu chúng ta chỉ tiếp xúc với một thể xác sinh động giả tạo, mà linh hồn đã thoát ly đi mất trong trận chiến Mentana khi bà bị thương trầm trọng do năm vết đâm hiểm nghèo bằng vũ khí sắc bén, sau đó bà được vớt xác ra khỏi một cái hố sâu và xem như đã chết?
Giả thuyết ấy không phải là hoàn toàn vô lý, bởi vì có một sự kiện lịch sử tương tự đã từng xảy ra. Đó là trường hợp của cô Mary Reynold, mà linh hồn đã thoát xác trong khoảng thời gian bốn mươi hai năm, trong khi đó thể xác của cô bị sử dụng bởi một nhân vật khác không hề biết gì về những kinh nghiệm và ký ức của cô trong 18 năm trước khi có sự thay hồn đổi xác này.
Còn nói về trường hợp bà Blavatsky, tôi không quả quyết mà chỉ lý luận thôi, vì tôi không dám nói một cách chắc chắn rằng một kỳ nữ như bà là ai. Bà thật là một nhân vật kỳ bí đầy những yếu tố mâu thuẫn trái ngược, tuyệt đối không thể xếp hạng hay phân loại như bất cứ một người nào trong chúng ta là những nhân vật thường tình, đến nỗi vì bản tính thận trọng, tôi phải dè dặt không đưa ra một lý luận nào có tính cách đề quyết, khẳng định. Bất cứ điều gì bà đã nói với tôi hay với một người nào khác, đối với tôi thật không đáng kể bao nhiêu, bởi vì đã từng sống chung và cùng đi công tác lưu động với bà trong thời gian rất lâu, và vẫn có mặt trong nhiều những cuộc hội kiến của bà với những người khác, tôi đã từng nghe bà kể những chuyện vô cùng mâu thuẫn về cuộc đời bà.
Đó là bởi vì một lý do nghiêm trọng. Một thái độ dễdãi, cởi mở với người đối thoại có thể làm cho bà vô tình tiết lộ nơi cư trú và bản chất, cá tính của các đấng chân sư cho những kẻ thế nhân phàm tục, mà những ý đồ riêng tư, ích kỷ cùng những sự quấy rầy, phiền nhiễu của họ đã từng làm cho các nhà đạo sĩ Yogi phải lánh mình tìm nơi ẩn trú trên non cao rừng thẳm.
Để giải quyết sự khó khăn ấy, bà đã chọn lấy một lối thoát dễ dàng là tự phát ngôn mâu thuẫn với mình để làm cho tâm trí người đối thoại bị hoang mang mờ mịt. Xin kể một thí dụ: Bà đã có thể nói dễ dàng cho ông Sinnett (Phó Hội trưởng) biết rằng khi bà tìm cách đột nhập vào xứ Tây Tạng hồi năm 1854 xuyên qua xứ Bhutan hay Népal, bà đã bị Đại úy (hiện nay là Thiếu tướng) Murray, chỉ huy biên khu thuộc địa phận ấy, bắt lại và đem về giữ trong nhà làm bạn với vợ ông ta trong một tháng. Nhưng bà không bao giờ kể lại chuyện ấy, và không một ai trong số những bạn bè thân hữu của bà đã từng nghe nói về việc này. Mãi về sau, ông Edge và tôi mới được nghe câu chuyện ấy do chính Thiếu tướng Murray kể lại vào ngày 3 tháng 3 vừa qua trên chuyến xe lửa từ Nalhati đi Calcutta, và tôi đã cho đăng trong tạp chí của Hội.
Còn nói về tuổi tác của bà, thì bà kể đủ mọi thứ chuyện, nó làm cho bà lên đến hai mươi, bốn mươi, chí đến sáu mươi và bảy mươi tuổi cao hơn tuổi thật của bà. Chúng tôi còn giữ những thư từ văn kiện về chuyện này do những khách viếng thăm và những phóng viên các báo tường thuật lại sau những cuộc hội kiến riêng với bà, và trong nhiều buổi diện kiến mà chính tôi có tham dự. Để tự bào chữa, bà nói với tôi rằng những nhân vật giáng lâm và ngự trong thể xác của bà trong những dịp đó đều có tuổi tác y như thế, và thế là bà không có nói sai, trong khi người đối thoại chỉ nhìn thấy cái thể xác của bà và tưởng rằng câu chuyện bà nói chỉ áp dụng cho cái xác phàm đó mà thôi!

II.

Trên đây tôi có dùng chữ “ám ảnh” (obsession), nhưng tôi biết rõ sự thiếu sót ý nghĩa của nó trong trường hợp này. Cả hai danh từ “ám ảnh” (obsession) và “chiếm hữu” (possession) đều được dùng để nói lên sự quấy phá một người còn sống bởi ma quỷ hay những vong linh bất hảo. Một người bị ám ảnh là người bị khuấy phá, hay vây phủ, còn một người bị chiếm hữu là người bị tà ma quỷ mị nhập xác, chế ngự hoàn toàn. Tôi tự hỏi tại sao những vị cố đạo thời xưa không đặt ra một danh từ tốt đẹp hơn để chỉ việc chiếm hữu, chế ngự hay nhập xác một người bởi những thần linh hay vong linh tốt lành?
Nhưng điều ấy không giúp cho chúng ta được bao nhiêu trừ phi chúng ta không biết đến những trường hợp mà đôi khi thể xác bà Blavatsky bị những thực thể khác chiếm lấy. Câu chuyện sau đây sẽ cho thấy điều đó là đến mức độ nào.
Một buổi chiều mùa hạ, bà Blavatsky và tôi cùng có mặt trong văn phòng làm việc của chúng tôi tại New York. Trời chưa tối nên chúng tôi chưa thắp đèn lên. Bà ngồi gần bên cửa sổ, còn tôi đứng. Bỗng nhiên tôi nghe bà nói: “Hãy nhìn xem để học.”
Tôi quay đầu nhìn lại và thấy một đám mây mù bốc lên từ đầu và vai của bà. Trong chốc lát, nó tượng hình một vị chân sư, vị này về sau đã cho tôi cái khăn bịt đầu lịch sử của ngài, nhưng lúc ấy thì chỉ là một hình bóng như sương mờ. Mải chăm chú nhìn hiện tượng ấy, tôi đứng yên không cử động. Cái bóng chỉ tượng hình có nửa phần trên thân mình, rồi lu mờ dần và biến mất. Nó có được thu hồi trở về bên trong thể xác bà Blavatsky hay không thì tôi không biết. Bà ngồi yên như pho tượng trong đôi ba phút, sau đó bà thở dài một cái, trở lại trạng thái bình thường, và hỏi tôi có thấy gì không.
Khi tôi yêu cầu bà giải thích hiện tượng ấy, thì bà từ chối và nói rằng tôi phải khai mở trực giác để tìm hiểu những hiện tượng của thế giới mà tôi đang sống. Bà chỉ có thể giúp đỡ bằng cách cho tôi xem thấy những hiện tượng nọ kia, rồi để cho tôi tự tìm hiểu lấy tùy khả năng của mình.
Nhiều nhân chứng đã thấy một hiện tượng khác nữa, và điều đó cũng có thể chứng minh rằng những thực thể khác đôi khi nhập xác bà Blavatsky. Trong năm lần khác nhau, một lần để làm vui lòng một vị nữ khách, và một lần cho em gái tôi là Mitchell, bà Blavatsky đã gom trên đầu một lọn tóc mịn màu nâu lợt và dợn sóng của bà, rồi lấy kéo cắt và đưa cho một người trong chúng tôi. Nhưng lọn tóc ấy khi cắt ra thì nó lại thô cứng, thẳng tuột và đen như huyền chứ không còn dợn sóng hay quăn chút nào, tức là tóc của người phương Đông hay người châu Á chứ không giống chút nào như những lọn tóc mịn như tơ, màu nâu lợt và dợn sóng của bà. Tôi còn cất giữ hai lọn tóc cắt ra từ trên đầu bà, cả hai đều đen huyền và thô cứng hơn tóc bà rất nhiều, nhưng có một lọn lại thô cứng hơn lọn kia một cách rõ rệt. Lọn trước là tóc của người Ai Cập, còn lọn sau là tóc của người Ấn Độ.
Hiện tượng này còn có cách giải thích nào khác hơn là giả thiết rằng những người đàn ông có hai lọn tóc đó đã thật sự nhập xác bà Blavatsky trong hai lần khác nhau khi mà những lọn tóc ấy được cắt ra? Vấn đề nhập xác một người còn sống, bởi những người cũng còn sống, tuy là một việc hoàn toàn xa lạ đối với người Tây phương đến nỗi họ không có một danh từ nào trong ngôn ngữ của họ để chỉ việc đó, vốn đã được biết rõ và định nghĩa ở Ấn Độ.
Người Ấn gọi hiện tượng đó là vesa, tức là việc chiếm hữu, nhập xác, ngự trị xác thân của một người sống. Hiện tượng đó có hai loại: khi người đạo sĩ xuất vía ra khỏi thể xác mình và nhập vào xác một người khác, đó gọi là svarupvesa; còn khi người đạo sĩ dùng ý chí của mình để tác động, ảnh hưởng hoặc chế ngự thể xác của người khác để làm những việc hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng của người kia, thí dụ như nói một thứ ngoại ngữ chưa từng học, hiểu được những ngành học thuật không hề quen biết, đột nhiên tàng hình trước mắt mọi người, biến thành một vật hình thù đáng sợ, chẳng hạn như một con rắn hay một thú dữ, v.v..., thì đó gọi là saktyvesa.
Quyền năng đó chỉ áp dụng cho sự tác động tâm linh giữa hai người còn sống, hay sự “nhiếp” tư tưởng và gây nguồn cảm hứng cho một người sống bởi một thực thể tâm linh có trình độ cao hơn, chứ không nên bị hạ thấp ý nghĩa để chỉ việc nhập xác một đồng tử bởi một vong hồn người chết để tạo nên các hiện tượng. Trường hợp sau này gọi là grhana và vong hồn người chết được gọi là grham. Danh từ này cũng được dùng để chỉ việc nhập xác một người sống bởi một tinh linh ngũ hành. Hiện tượng này cũng có hai trường hợp khác nhau. Sự nhập xác ấy có thể: a) Tác động tự nhiên, do sự thu hút, hấp dẫn một tinh linh đến với người đồng tử. b) Tác động cưỡng chế, do sự cưỡng ép bằng ý chí của một vị thuật sĩ hay phù thủy biết rõ những chân ngôn thần chú để sai khiến các loại âm binh.
Chúng tôi thấy trong Thánh kinh Pnchartra Pdmasamhita Charypada của Ấn Độ, chương 24, có những huấn thị đầy đủ về sự thực hành thuật nhập xác (vesa) như sau:
“Nay ta dạy cho ngươi biết, hỡi hành giả, phương pháp nhập xác một người khác... Thể xác ấy phải được tinh khiết, tươi tốt, độ trung niên, có tất cả những tính chất tốt và không bị những chứng ác bệnh do tội lỗi gây ra (như bệnh cùi, bệnh phong tình, v.v...). Xác thân ấy phải là của người Bà-la-môn hay người Kshatriya (thuộc giai cấp quý tộc). Nó phải được đặt ở một nơi vắng vẻ, (để tránh nguy cơ bị gián đoạn trong khi thực hành các nghi thức), mặt ngửa lên trời và hai chân duỗi thẳng. Ngồi một bên, ngươi phải giữ tư thế Yogasana!i (một tư thế của pháp môn Yoga), nhưng trước khi đó, hỡi hành giả, ngươi phải đã có tập luyện quyền năng tập trung tư tưởng vào một mục tiêu nhất định. Thần thức (jiva) vốn ngự ở chỗ vĩ lư quan tức là luân xa nơi rốn (nbhichakra), nó sáng rực như mặt trời, có hình dáng như con hạc (hamsa) và di chuyển dọc theo những đường vận hà Idâ và Pingala. Sau khi nó đã được tượng hình con hạc bằng cách tập trung tư tưởng theo pháp môn Yoga, nó sẽ thoát ra do hai lỗ mũi, và như một con chim, nó sẽ phóng ra ngoài không gian. Ngươi phải tập cho quen phép này, là phóng luồng sinh khí (Prâna) cho bay lên tới ngọn cây, đưa nó đi xa một dặm, hay năm dặm, hay hơn nữa, rồi thu hồi nó trở về thể xác ngươi xuyên qua hai lỗ mũi, và trả nó lại vị trí cũ ở luân xa nơi rốn. Phép này phải được tập luyện hằng ngày cho đến khi đạt tới mức hoàn hảo.”
Kế đó, sau khi đã sở đắc được bí thuật đó rồi, người đạo sĩ có thể thực nghiệm phép nhập xác. Khi đã ngồi theo tư thế nói trên, ông ta mới tự rút luồng sinh khí (Prâna-jiva) ra khỏi thể xác, và đem nó vào một thể xác đã chọn làm mục tiêu do nơi hai lỗ mũi, dẫn nó đi xuống mãi cho đến khi nó lọt vào bí huyệt vĩ lư quan hãy còn bỏ trống, rồi trụ nó vào luân xa nơi rốn, để cho người chết được phục hồi sinh khí và làm cho người ta thấy rằng y đã sống lại.
Mọi người đều biết câu chuyện nhà hiền giả Sankarâ đã phục sinh cho xác chết của vua Amaraka ở thành Amritapura, do Mâdhava, nhà chép tiểu sử của ông thuật lại. Để trả lời những câu hỏi của phu nhân Mandana Misra về khoa học ái tình, mà ông hoàn toàn mù tịt vì ông vẫn sống độc thân từ khi còn nhỏ, nhà hiền giả hẹn sẽ giải đáp trong vòng một tháng. Kế đó, trong một chuyến đi ngao du với các đệ tử đến gần thành Amritapura, ông nhìn thấy cái xác chết của nhà vua đặt nằm dưới gốc cây, giữa một đám thần dân vây quanh đang than khóc. Nghĩ rằng đây là một cơ hội tốt để thâu thập những kiến thức về tình dục mà ông còn thiếu sót, Đạo sư Shankara bèn giao thể xác của ông cho các đệ tử coi sóc, rồi xuất vía và nhập vào xác chết của vua, làm cho nó hồi sinh trở lại giữa sự reo mừng của nhóm cận thần chung quanh. Kế đó, Đạo Sư được đưa trở về kinh đô, và trong một thời gian đã trải qua cuộc sống bình thường của một ông vua giữa những phi tần cung nữ trong tam cung lục viện, và sau cùng ông đã giải đáp được những câu hỏi về ái tình.
Bộ sách Sankaravijaya của nhà chép tiểu sử Mâdhava viết như sau:
“Sau khi rút luồng sinh khí (Prâna-jiva) từ đầu các ngón chân trở lên cho thoát ra ngoài xuyên qua nê hoàn cung, tức luân xa trên đỉnh đầu (Brahmarândhra), Đạo Sư Shankara mới từ từ, từng giai đoạn chậm rãi, nhập vào xác chết của nhà vua do nê hoàn cung và chiếm đóng trọn vẹn từ đầu đến chân.”
Nhân dịp soạn lại tập hồ sơ cũ, tôi đã tìm thấy một trang nhật ký cũ trong đó có ghi lại một cuộc đối thoại giữa tôi với một vị chân sư có quốc tịch Hungary, đã mượn xác bà Blavatsky buổi tối hôm đó.
Trang nhật ký ấy viết như sau:
“Ngài lấy tay che mặt và hạ thấp bấc đèn đặt trên bàn. Tôi hỏi ngài tại sao? Ngài nói rằng ánh sáng là một mãnh lực vật chất, nếu để lọt vào mắt của một thể xác bị mượn tạm, sẽ va chạm đến thể vía của người mượn xác, gây cho nó một sự khích động mạnh và một sức đẩy đột ngột đến mức làm cho vía người mượn xác có thể bị đẩy bật ra ngoài. Thậm chí nó còn có thể làm cho cái thể xác kia bị tê liệt.
“Khi nhập xác một người khác, phải vô cùng thận trọng. Người ta không thể tự đồng hóa với cái thể xác ấy một cách hoàn toàn cho đến khi nào những sự vận động tự nhiên vô thức của những bộ máy tuần hoàn, hô hấp, v.v..., đã được điều chỉnh cho thật ăn khớp với những động tác trong cơ thể của người mượn xác, mà cái thể xác của người này, dù ở cách đó bao xa đến đâu, vẫn có liên hệ vô cùng mật thiết đến cái thể vía đã xuất ra.
“Khi đó, tôi mới thắp sáng ngọn đèn treo lủng lẳng trên trần nhà, nhưng chân sư liền cầm lấy một tờ nhật báo che trên đỉnh đầu. Tôi ngạc nhiên và yêu cầu ngài giải thích lý do, thì ngài cho biết rằng để ánh sáng từ trên cao rọi xuống đỉnh đầu lại còn nguy hiểm hơn là để ánh sáng rọi vào mắt.”
Hồi đó, tôi chưa biết gì về sáu bí huyệt hay luân xa trong cơ thể con người. Tôi cũng không biết rằng luân xa quan trọng nhất trong những bí huyệt đó, tức nê hoàn cung (brahmarândhra), nằm ở dưới những xương sọ trên đỉnh đầu, và ở Ấn Độ, người ta có tục lệ chọc thủng cái xương sọ ở chỗ ấy khi đem hỏa táng xác chết để cho vía người chết xuất ra được dễ dàng. Hơn nữa, lúc đó tôi cũng chưa đọc câu chuyện Đạo sư Shankara xuất vía và nhập vào xác chết của ông vua xuyên qua nê hoàn cung là cửa ngõ của linh hồn. Tôi chỉ nhìn thấy những động tác của vị chân sư, và cũng chưa hiểu rõ những lời giải thích của ngài tối hôm đó.
Nhưng bây giờ, với thời gian qua, điều bí hiểm đó đã được soi sáng và cả hai sự việc xảy ra ở New York và Amritapura đều có liên hệ hỗ tương với nhau. Qua sự việc sau này, và những giáo lý của Huyền học Ấn Độ, người ta có thể hiểu dễ dàng hơn điều bí mật của sự việc trước.
Trước kia thì mọi sự có vẻ tối tăm mờ mịt, và thậm chí người ta cũng không có đến một danh từ để giải thích sự việc ấy, nhưng nay người ta có thể thấy rằng bất cứ người nào tinh thông pháp môn Yoga đều có thể nhập xác một người khác còn sống, khi mà thể vía của người này đã xuất ra và cái thể xác trống trơn đang nằm đó đợi bạn bè thân hữu đến viếng.
Tầm mức quan hệ của vấn đề này đối với việc mượn xác bà Blavatsky thật đã hiển nhiên, như tôi sẽ cố gắng trình bày trong phần kế tiếp.

III.

Đến đây xin trở lại vấn đề mượn xác của bà Blavatsky, trong đó có một bằng chứng luôn luôn xuất hiện làm người ta phải chú ý. Hãy xét trường hợp vị chân sư A hay B đã “giáng lâm” qua thể xác bà Blavatsky độ một giờ hay lâu hơn, đã viết vài đoạn trong quyển Vén màn Isis, hoặc đơn phương hoặc với sự cộng tác của tôi, và vào một lúc nhất định, đã nói một điều gì đó với tôi hoặc với một trong những vị khách có mặt.
Thình lình, bà (hay ngài?) ngừng nói chuyện, đứng dậy và, với một lời xin lỗi khách vì một lý do nào đó, bèn rời khỏi phòng trong giây lát. Sau đó bà trở lại, dáo dác nhìn quanh với đôi mắt bỡ ngỡ như một người lạ vừa bước vào một gian phòng có đông người, vấn một điếu thuốc hút, và thốt ra những lời không liên quan gì đến câu chuyện đã nói lúc nãy. Bà tỏ vẻ lúng túng, không thể nối tiếp câu chuyện đang bỏ dở, hoặc nói vài câu trái ngược hẳn với những gì bà vừa mới khẳng định, và khi có người nhắc lại cho bà biết việc ấy, bà lấy làm bực mình và thốt lên những lời lẽ nặng nề. Hoặc khi được nhắc lại rằng hồi nãy bà đã nói như vậy... như vậy..., thì bà có vẻ trầm ngâm nghĩ ngợi giây lát và nói: “Ừ nhỉ, xin lỗi ông...”, rồi tiếp tục nói về đề tài đang bỏ dở.
Đôi khi bà có những sự thay đổi ý kiến như vậy mau như chớp, và vì quên đi cái cá tính đa dạng của bà, chính tôi cũng lắm khi bực mình về sự lý luận không nhất quán đó, khi bà mạnh dạn lên tiếng phủ nhận những điều mà bà đã tuyên bố một cách chắc chắn và rõ ràng chỉ một lúc trước đó.
Dần dần, tôi được giải thích cho biết rằng, sau khi nhập xác một người khác (còn sống), cần phải có một thời gian ngắn để nối liền tâm thức của mình với ký ức của nhân vật vừa xuất ra trước đó, vì nếu tiếp tục câu chuyện trước khi có sự điều chỉnh thì những sự lệch lạc như trên vẫn có thể xảy ra.
Điều này phù hợp với những gì chân sư đã nói với tôi tại New York về vấn đề nhập xác, và với sự diễn tả cách thức mà Đạo sư Shankara nhập vào cái xác chết của vua Amaraka như đã nói trong bộ sách Shakaravijaya:26
“... Đạo sư Shankara mới từ từ, từng giai đoạn chậm rãi, nhập vào xác chết của nhà vua và chiếm đóng trọn vẹn từ đầu đến chân.”
Sự giải thích về việc điều chỉnh từ từ từng giai đoạn những động tác sinh lý trong hai cơ thể cho điều hòa tiết điệu và ăn khớp với nhau còn nới rộng đến sự điều chỉnh của hai tâm thức, và khi nào chưa có sự hòa hợp hoàn toàn, thì đương nhiên phải có sự lộn xộn về tư tưởng, lý luận và ký ức như tôi đã diễn tả ở trên, và như phần nhiều những vị quan khách đến viếng bà Blavatsky đã phải lấy làm vô cùng ngạc nhiên sửng sốt.
Thỉnh thoảng, khi chỉ có hai chúng tôi trong phòng, thì hoặc nhân vật sắp “thăng”, nói: “Ta phải giữ điều này lại trong óc để cho vị đến sau Ta có thể theo dõi...”, hoặc nhân vật vừa giáng lâm, sau khi chào hỏi tôi bằng một lời thân mật, bèn hỏi tôi vấn đề đang thảo luận là vấn đề gì trước khi có sự “thuyên chuyển”.
Trong những bức thư của các chân sư viết cho tôi về bà Blavatsky, các ngài thường đề cập đến cái xác phàm của bà như một khí cụ mà một trong các ngài đang sở hữu và dùng tạm. Trong quyển nhật ký của tôi năm 1878, tôi nhận thấy một đoạn ký sự đề ngày 12 tháng 10 do bút tích của chân sư M. viết qua tuồng chữ của bà Blavatsky như sau:
“Blavatsky mạn đàm với W. đến hai giờ sáng. W. tâm sự rằng ông ta nhìn thấy nơi bà có đến ba cá tính rõ rệt. Ông biết chắc như vậy, nhưng không muốn nói với Olcott về việc ấy, vì ông sợ rằng H. S. Olcott sẽ chế giễu ông!!!”
Những chữ gạch chân và những chấm than đều chép lại đúng y nguyên văn. Chữ “W.” là chỉ ông Wimbridge, lúc đó là khách của chúng tôi.
Sở dĩ có đoạn văn do tay người khác viết trong tập nhật ký riêng của tôi, là vì khi tôi rời khỏi New York vì hoạt động nghề nghiệp, mà trong năm đó tôi phải đi vắng nhà nhiều lần, thì bà Blavatsky viết nhật ký thay cho tôi. Cái tên “Blavatsky” cũng phải được hiểu là những nhân vật mượn xác của bà trong mỗi lần nhất định.
Trong đoạn nhật ký ngày hôm sau (13 tháng 10), cũng do một bàn tay ấy viết, sau khi điểm danh bảy người khách đến viếng đêm hôm đó, có sự ghi nhận như sau về một vị khách có mặt:
“Tiến Sĩ Pike nhìn thẳng vào mặt Blavatsky nhiều lần, bèn giật mình và nói rằng trên đời không có ai đã gây cho y một ấn tượng lạ lùng như thế. Có khi y nhận thấy nơi Blavatsky một thiếu nữ độ mười sáu tuổi, có khi đó là một bà già trăm tuổi, một lần khác đó lại là một người đàn ông có râu!”
Ngày 22 tháng 10, cũng một bàn tay ấy viết:
“N. (một vị chân sư) thăng, nhường chỗ cho S. (một vị chân sư khác) nhập vào (thể xác bà Blavatsky). Vị sau này đến với mật lịnh của chư tiên thánh, dạy rằng phải hoàn thành tất cả vào ngày mồng 1 tháng 12.” (để chúng tôi lên đường sang Ấn Độ).
Đoạn nhật ký ngày 14 tháng 11, cũng một tuồng chữ ấy viết:
“N. xuất ra, và M. giáng lâm với lịnh tối hậu của chư tiên thánh, dạy rằng phải lên đường (sang Ấn Độ) từ ngày 15 đến 20 tháng 12 là trễnhất”.
Tôi cũng có nhận được nhiều thư của các chân sư nói về bà Blavatsky với tư cách cá nhân của bà, đôi khi nói rất thành thật về những đặc điểm của bà, cả tốt lẫn xấu. Có một lần, tôi được các chân sư, với những huấn lịnh viết tay, giao sứ mạng kín cho tôi đi đến một thành phố khác để tạo nên một vài diễn biến cần thiết cho sự tiến hóa tâm linh của bà. Tôi vẫn còn giữ bức văn kiện đó.
Khi tôi đến tỉnh Rajputana năm 1879, tôi có nhận được một bức thư rất dài của các chân sư. Đó là một thông điệp đầy lòng ưu ái, nhân từ, và nếu nó có liên quan đến vấn đề chúng ta đang nói thì có lẽ tôi đã công bố trong sách này để chứng minh tính chất cao siêu của sự trao đổi thư từ giữa các chân sư với tôi trong nhiều năm liên tiếp. Chính trong bức thư đặc biệt đó, chân sư đã giải đáp thắc mắc khi tôi bày tỏ ước muốn rút lui ra khỏi cuộc đời thế tục và đi theo các ngài.
Tôi được trả lời rằng:
“Phương tiện duy nhất hiện có sẵn và ở trong tầm tay con để bước đến gần chúng ta là thông qua Hội Thông Thiên Học.”
Tức là cơ quan mà tôi được lịnh phải xây dựng, củng cố và phát triển. Tôi phải tập sống hoàn toàn vô kỷ, vị tha. Chân sư nói thêm:
“Không một ai trong chúng ta sống cho riêng mình, mà tất cả đều sống cho nhân loại.”
Đó là tinh thần rốt ráo, tối hậu, chứa đựng trong tất cả những lời giảng dạy của chân sư gửi cho tôi, và đó cũng là cái lý tưởng xuất hiện bàng bạc khắp nơi trong bộ sách Vén màn Isis.
Giáo lý chứa đựng trong bộ sách này có thể tóm tắt đại lược như sau:
“Con người có một tính chất phức tạp, gồm cả hai phương diện cực đoan, một đàng là những thú tính thấp hèn, một đàng là tính chất thiêng liêng cao quí. Sự sống duy nhất chân thật và toàn mỹ, thoát ly khỏi mọi ảo giác, ngoài vòng tục lụy, khổ đau, bởi vì nơi đó không có sự vô minh, đó là sự sinh hoạt tinh thần, tức của Chân Ngã.”
Bộ sách ấy giúp cho con người có một đời sống trong sạch, cao thượng; nó giúp cho sự mở trí và khai mở lòng từ bi bác ái đối với muôn loài vạn vật; nó chỉ cho người đời thấy con đường đạo diệu huyền. Con đường đạo ấy luôn luôn mở rộng cho những người thiện chí, khôn ngoan và dũng cảm. Bộ sách ấy cũng truy nguyên tất cả kiến thức và hiểu biết của chúng ta hiện nay đến những nguồn gốc xa xưa của thời thái cổ; nó cũng khẳng định sự hiện diện thường hằng từ xưa đến nay của các đấng chân sư và của khoa học huyền môn; nó còn đem đến cho chúng ta một nguồn khích lệ và một lý tưởng cao siêu để chúng ta cố gắng đạt tới, ngõ hầu có thể thực hiện sự tiến hóa tâm linh của mình.
Khi bộ sách Vén màn Isis vừa xuất bản, nó thu hút sự chú ý trong quần chúng đến mức bản in đầu tiên 5.000 cuốn đã bán hết sạch trong vòng 10 ngày.
Tiến sĩ Shelton Mackenzie, một trong những nhà phê bình tài ba nhất thời đó, viết rằng:
“Đó là một trong những công trình đáng kể nhất về tư tưởng xuất chúng, công phu sưu tầm tỉ mỉ, và cách trình bày đạo lý, triết học bao gồm một học lực uyên thâm, quảng bác chưa từng thấy từ nhiều năm nay.”
(Phila. Press, 9.1.1887) Người phụ trách mục phê bình văn học của nhật báo New York Herald, trong số ra ngày 30 tháng 9 năm 1877, nói rằng:
“Những tâm hồn tự do, độc lập sẽ hoan nghênh công trình mới xuất bản này như một sự đóng góp sáng giá nhất vào nền văn chương đạo lý.”
Ông viết tiếp:
“Với những đặc điểm lạ lùng, những luận điệu phong phú, táo bạo, và những đề mục dồi dào bất tận mà tác giả đã triển khai một cách vô cùng linh hoạt và hấp dẫn, bộ sách này là một trong những công trình sáng tạo độc đáo phi thường của thế hệ.”
Một sự kiện cụ thể là bộ sách Vén màn Isis nay đã trở thành một tác phẩm cổ điển khuôn mẫu. Nó đã được tái bản nhiều lần, và hiện nay, sau 17 năm trôi qua, vẫn đang được nhiều người tìm đọc ở khắp nơi trên thế giới. Một nhà văn Mỹ đã phát biểu ý kiến mà tôi cho là đúng nhất, rằng: “Đó là một bộ sách bao gồm trong đó cả một cuộc cách mạng tư tưởng.

CHƯƠNG MƯỜI -
NHỮNG QUAN ĐIỂM ĐỐI NGHỊCH

I.

Như đã kể trước đây, trong giai đoạn ban đầu của Hội Thông Thiên Học, chúng tôi có trao đổi thư từ với những nhà trí thức trên thế giới. Trong số đó có hai người đã trở nên bạn thân của chúng tôi, là C. C. Massey Stainton Moses. Chúng tôi vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về họ.
Stainton Moses là một nhà Thần Linh Học tiến bộ và có trình độ văn hóa cao. Ông bắt đầu khảo cứu về các hiện tượng đồng tử với mục đích tìm hiểu sự thật, nhưng không bao lâu ông nhận biết điều không ngờ là chính ông lại là một đồng tử và có những hiện tượng thuộc về loại kỳ lạ nhất.
Những hiện tượng ấy xảy ra bất cứ ngày hay đêm, dù trong lúc ông chỉ có một mình hay có người chung quanh. Thế là không bao lâu, tất cả những sở đắc về khoa học và triết lý mà ông đã thâu thập được ở trường đại học Oxford đã tan tành như mây khói, và ông đành chấp nhận những lý thuyết mới về vật chất và sức mạnh, về cõi thiên nhiên cũng như về con người.
Những hiện tượng xảy ra với ông ta thật vô cùng phong phú và lạ lùng, cả về phương diện vật chất cũng như tâm linh. Chúng phản ảnh phẩm chất thanh cao của những giáo lý mà ông tiếp nhận được, và vì thế ông quyết định không tin vào bất cứ giáo điều nào được chuyển đạt bởi những thần linh trong cõi vô hình mà tự ông không hiểu được một cách hoàn hoàn rõ rệt.
Phần lớn những giáo lý ấy, S. Moses nhận được bằng những cơn giáng bút tự động viết qua chính bàn tay của ông. Trong khi ông đang chăm chú đọc sách hay nói chuyện, thì bàn tay mặt của ông tự động viết liên tục trong độ nửa giờ hay một giờ, và khi ông nhìn vào những trang giấy đã viết đầy chữ, thì thấy đó là những tư tưởng độc đáo, mới lạ, hoàn toàn khác hẳn với những gì ông đã tin tưởng từ trước đến nay, hoặc giải đáp thỏa đáng những câu hỏi hay nghi vấn ông đã đưa ra trong một lần trước.
Ông luôn luôn tin tưởng và tuyên bố một cách hào hứng trong những bức thư gửi cho chúng tôi, rằng cái trí lực điều khiển bàn tay của ông để giáng bút vốn không phải là của ông, cũng không phải là cái tâm thức của ông, dù ở dạng bộc lộ hay tiềm ẩn, mà chỉ là trí lực của những thực thể tâm linh hay một đấng vô hình nào đó. Ông còn nói rằng ông biết rõ những đấng ấy qua hình dáng (bằng thần nhãn), qua giọng nói (bằng thần nhĩ), và tuồng chữ viết một cách rõ ràng không thể lầm lẫn, cũng giống như ông rõ biết về những người còn sống.
Trong số những hiện tượng chung của cả hai người, có việc làm cho những tiếng “chuông thần” reo nhẹ trong không gian; việc tạo ra hương thơm phảng phất trong không khí; những ánh sáng chập chờn bay lượn trên không trung, việc phóng xuất ra chữ viết trên mặt giấy ngoài tầm tay của đương sự; việc tạo ra những loại đá quý và những vật thể khác; âm nhạc reo trong không khí; những mùi hương lạ của Đông phương thơm nức mỗi khi có sự hiện diện vô hình của những đấng cao cả hay bậc đạo gia ưu tú ở gần bên; việc S. Moses nhìn thấy trong chất tinh quang những điểm ánh sáng có màu xếp theo hình tam giác; và sau cùng, là quyền năng xuất vía một cách có ý thức và trở về tái nhập vào thể xác sau một chuyến ngao du trong cõi vô hình.
Sự giống nhau mật thiết như vậy về những kinh nghiệm huyền linh đương nhiên là tạo nên một sự thích thú hỗ tương mạnh mẽ giữa hai nhà thông linh ưu tú. Tự nhiên là S. Moses rất ước mong tiếp nhận được mọi sự chỉ dẫn hay huấn thị mà bà Blavatsky có thể đưa ra để giúp đỡ y hiểu biết thêm về thế giới vô hình và hoàn toàn làm chủ tính chất thông linh của ông, điều mà sự huấn luyện tâm linh hoàn bị trên đường đạo bắt buộc phải có.

II.

Thật không có gì trái ngược nhau hơn là những quan điểm của các nhà Thần linh học Tây phương và của người Đông phương nói chung về vấn đề giao tiếp với người đã chết.
Người Tây phương khuyến khích những việc đó, và thường cố gắng phát triển khả năng đồng tử của chính họ hay của những người trong gia đình họ để làm trò tiêu khiển mua vui. Họ ủng hộ nhiều tạp chí thần linh học và xuất bản nhiều sách vở để trình bày và lý luận về những hiện tượng của họ, và dẫn chứng những hiện tượng này như là nền tảng khoa học của lý thuyết về một kiếp sau.
Người Đông phương, trái lại, coi việc giao tiếp với người đã chết như một sự đọa lạc của linh hồn, có tác dụng vô cùng tai hại đối với người chết lẫn người sống, làm ngăn trở sự tiến hóa tự nhiên của linh hồn và làm trì hoãn sự giác ngộ tâm linh.
Ở các nước Âu Mỹ, người ta thường gặp trong những buổi lên đàn những người thuộc đủ mọi thành phần: những người có học thức, thanh cao, sang trọng, tinh khiết, cũng như những đối tượng trái ngược lại. Ở phương Đông, chẳng hạn như ở xứ Ấn Độ, nói chung những người đồng tử và các nhà phù thủy chỉ được sự bảo trợ của những người thuộc giai cấp hạ tiện (pariah) và không thể tiếp xúc.
Ở phương Tây vào thời hiện đại, người ta thường tỏ vẻ vui mừng thay vì lo buồn khi họ phát hiện ra một đồng tử trong gia đình họ, còn ở Ấn Độ thì việc ấy được xem như một điều ô nhục, một tai họa, một điều bi thảm và cần được giải trừ càng sớm càng tốt.
Tất cả các tôn giáo Đông phương, bao gồm cả Ấn giáo, Phật giáo, Bái hỏa giáo, Hồi giáo... đều có cùng một quan niệm về vấn đề này, do ảnh hưởng của truyền thống tổ tiên cũng như do những giáo lý chứa đựng trong các Thánh kinh của tôn giáo họ.
Không phải chỉ có sự giao tiếp với người chết mới bị ngăn cấm mà thôi, ngay cả việc phô trương những phép mầu do sở đắc tự nhiên hay do sự phát triển nhờ công phu tu luyện. Bởi vậy, người Bà-la-môn Ấn Độ sẽ nhìn bằng cặp mắt không tán thành những hiện tượng kỳ lạ của Stainton Moses, nhà đồng tử trí thức, cũng như của Blavatsky, nhà phương sĩ có bản lĩnh cao cường.
Không cần biết đến sự tìm tòi khảo cứu các vấn đề thông linh như một nhu cầu thúc đẩy trên phương diện tri thức và vốn có những hình thức tôn giáo dựa trên căn bản tinh thần, người phương Đông không đặt vấn đề lấy những hiện tượng thần thông làm bằng chứng cho sự bất tử của linh hồn. Trái lại, họ ghê tởm người đồng tử bị ám ảnh như một sự ô uế tâm linh, và giảm bớt sự kính trọng đối với những người có quyền năng thần bí nhưng lại đem ra phô trương, biểu diễn trước mắt mọi người.
Sự phát triển những quyền năng thần bí là kết quả tự nhiên của công phu tu luyện. Có 8 thứ quyền năng loại cao (Ashta Siddhis) thuộc về trình độ tâm linh siêu đẳng, là sở đắc của các vị đạo sĩ chân tu theo Chánh đạo. Ngoài ra, còn có 18 thứ quyền năng (hay nhiều hơn nữa) thuộc về cõi trung giới và hạ giới, là sở đắc của những thuật sĩ hay phù thủy theo bàng môn tả đạo.
Như vậy, người ta sẽ nhận thấy rằng trong khi những hiện tượng thần thông của bà Blavatsky làm cho những đệ tử và bạn bè thân hữu Tây phương của bà thán phục và tôn sùng, và gây nên sự hoài nghi lẫn ác ý của những kẻ đối nghịch, thì chính những sự biểu diễn đó hạ thấp bà trong dư luận của những đạo gia và học giả chính thống Ấn Độ và Tích Lan, như là dấu hiệu của một trình độ tâm linh thấp kém. Đối với họ, không hề có nghi vấn nêu ra về sự thật của các hiện tượng, vì tất cả những sự huyền linh ấy đều đã được thừa nhận và ghi chép trong các Thánh kinh của họ. Đồng thời, trong khi sự biểu diễn những hiện tượng thần thông trước công chúng bị chỉ trích, lên án, thì một mặt khác, khi người ta được biết rằng một vị đạo sư có những quyền năng thần bí, điều ấy lại càng làm tăng thêm giá trị của ông ta như dấu hiệu của sự phát triển tâm linh thật sự. Nhưng qui luật chung vẫn là một bậc đạo sư không nên phô trương những quyền năng của mình, dẫu cho trước mặt các đệ tử, trừ phi họ đã đạt tới một trình độ tâm linh vững chắc để có thể hiểu được mọi điều lợi hại của vấn đề.
Một vị phú thương ở thành Vương Xá cho người treo một cái chén đẽo bằng cây mộc hương trên ngọn tre để làm giải thưởng cho vị sa-môn hay bà-la-môn nào có khả năng bay lên cao lấy được cái chén ấy xuống. Một vị tăng tên là Pindala Bharadvaga nhận cuộc thử thách, chuyển mình bay lên không trung, bay lượn ba vòng trên thành Vương Xá rồi gỡ lấy cái chén từ trên ngọn tre đem xuống. Công chúng đứng xem reo hò thán phục. Việc ấy đến tai đức Phật, ngài bèn triệu tập một buổi hội họp riêng với các đệ tử và quở trách vị tăng Pindala như sau:
“Ngươi đã làm một việc vi phạm vào giáo pháp. Đó là một hành động bỉ ổi, bất nhã, không xứng đáng với một vị sa-môn. Như một gái điếm bán mình vì đồng tiền xấu xa nhơ nhớp, ngươi phô trương thần thông cũng chỉ vì một cái chén gỗ bẩn thỉu. Việc ngươi làm chẳng những không cải hóa được những kẻ chưa qui y Phật pháp, hay khiến cho những kẻ đã qui y Phật pháp càng tăng thêm; mà trái lại còn làm cho những kẻ chưa qui y không chịu qui y, còn những kẻ đã qui y thì trở lại thế tục!”
Sau đó, đức Phật đưa ra một huấn thị nghiêm khắc rằng:
“Hỡi các tỳ-kheo, các ngươi đừng bao giờ biểu diễn phép thần thông trước công chúng.”
Trong kinh cũng nói rằng vị tăng Devadutta bị ngăn trở trên đường tu tập, không đạt tới quả vị A- la-hán vì ông ta đạt được một vài năng lực siêu nhiên rồi lấy làm mãn nguyện và tưởng rằng mình đã đạt đạo.
Trong bản luận Yoga Sutra của Patanjali, nói về sự phát triển năng lực thần bí, tiến sĩ R. Mitra viết:
“Những phép thần thông diễn tả trong kinh ấy đều là những điều phàm tục, chúng được cần đến vì mục đích thỏa mãn những ước vọng phàm tục, nhưng lại hoàn toàn vô ích cho sự công phu thiền định ở bậc thượng thừa, vì hành giả nhắm đến sự cô lập làm mục tiêu. Những phép tu luyện ấy không những là vô ích, mà còn là những chướng ngại thật sự, vì chúng làm quấy động sự yên lặng tĩnh mịch trong thiền định.”
Người ta thường không hiểu rằng sự phát triển những năng lực thần thông có một mối quan hệ đối với chân ngã cũng giống như sự liên hệ của các giác quan đối với phàm ngã. Người ta phải tập chế ngự giác quan để giảm thiểu sự loạn động vì trần cảnh, và cũng giống như thế, để tập trung tư tưởng vào một vấn đề khoa học hay triết học sâu xa thì người hành giả theo pháp môn tu huệ để đạt tới sự minh triết phải kiểm soát và chế ngự được những tác động của các năng lực thần thông, để giữ được trạng thái nhất tâm bất loạn và thẳng tiến đến mục đích, thay vì để tư tưởng vẩn vơ đi lạc vào những lối rẽ, khúc quanh của chốn mê đồ mờ mịt do những năng lực thần thông ấy vừa hé mở.
Xưa nay tôi chưa hề thấy điểm ấy được vạch rõ bao giờ, tuy vậy đó là một điều tối quan trọng mà người ta phải biết. Vì không biết cái định luật tâm linh đó, nên các nhà linh thị như Swedenborg, Davis, các vị Thánh Gia Tô và các nhà thông linh của tất cả các môn phái khác đều đã bị kinh ngạc, sửng sốt, lảo đảo, ngây ngất như điên như dại khi những linh ảnh xuất hiện và diễn ra trước mắt họ như cuốn phim. Những sự vật mà họ nhìn thấy trong cõi vô hình thật khó phân biệt thực hư, chân giả; thường thì họ lấy giả làm chân, lấy hư làm thực, rồi họ nói ra những lời tiên tri vụn vặt về thời thế, những mặc khải giả tưởng về tương lai, đưa ra những lời khuyến cáo sai lầm, những pháp môn giả tạo và những giáo điều lệch lạc làm mê hoặc lòng người.
Người đời thường tụ tập quanh một người được tin là có phép thuật thần thông với những mục đích thật ích kỷ: muốn có con cầu tự; muốn được chữa khỏi bệnh, thường là do hậu quả của những thói hư tật xấu; mong tìm lại được tài sản đã mất; muốn được sự ưu đãi, thuận lợi trong công việc; và muốn biết việc tương lai. Họ gọi những việc ấy là “cầu xin đức thánh ban phước lành”, nhưng không một vị chân tu nào bị phỉnh lừa bởi những ngôn từ giả trá ấy, và có đến chín mươi chín phần trăm trường hợp tín chủ phải ra về trong sự thất vọng.
Với kinh nghiệm của riêng tôi, tôi cũng đã có dịp biết qua tinh thần thấp kém của hạng người này. Vì trong số hàng nghìn bệnh nhân đau khổ rên xiết mà tôi đã chữa khỏi hoặc làm cho bệnh được thuyên giảm trong những cuộc khảo sát thực nghiệm phép truyền nhân điện hồi năm 1881, tôi tự hỏi không biết có được chừng trăm người thật sự biết ơn hay chăng? Trước khi năm ấy kết thúc, tôi đã do kinh nghiệm thực tế mà biết rõ tâm trạng của người đạo sĩ và những cảm tưởng khi biểu diễn phép thần thông.
Thật vậy, kinh Sambita của Ấn Độ nói rằng vị đạo sư chân chính không phải là người dạy ta khoa học vật lý, đem cho ta những khoái lạc trần gian, huấn luyện cho ta có những năng lực thần bí, vì tất cả những thứ đó đều là những nguồn gốc sinh ra đau khổ, phiền não. Trái lại, bậc đạo sư chân chính là người chỉ dẫn cho ta thấu triệt chân lý (Brahman).
Các thánh kinh khác của Ấn Độ như kinh Upanishad cũng dạy rằng, tuy người đạo sĩ Yogi có thể dùng năng lực của ý chí để sáng tạo hay hủy diệt các thế giới, kêu gọi các bậc thần tiên ở cõi trời đến với ông ta, tận hưởng niềm phúc lạc yên tĩnh của Thượng Đế không hề suy giảm, nhưng vị này phải tránh tất cả những việc vô nghĩa đó vì chúng có khuynh hướng làm tăng thêm sự cách biệt (với tha nhân) và làm ngăn trở, chướng ngại sự giác ngộ tâm linh.
Còn nói về việc tự nguyện giao tiếp với những vong linh ở cõi trung giới, kêu gọi sự giúp đỡ và chịu khuất phục dưới mệnh lệnh của chúng, thì không một người Đông phương nào có trí óc lành mạnh và kiến thức sâu xa lại để tâm nghĩ đến.
Trong cuốn cổ thư “Chí Tôn Ca” (Bhagavad Gita), đức Krishna nói:
“Những kẻ nào tôn sùng các vị thần linh, sau khi chết sẽ về cõi giới thần linh; kẻ thờ cúng tổ tiên sẽ về với tổ tiên; kẻ thờ cúng ma quỉ sẽ đi theo ma quỉ. Chỉ có những kẻ nào tôn sùng Ta (tức là những người tầm đạo, hướng về sự giác ngộ tâm linh cao cả) mới trở về với Ta.”
Như thế, chúng ta thấy rằng theo quan niệm người Ấn Độ, một người như bà Blavatsky sẽ được kính nể vì có năng lực siêu nhiên, nhưng lại bị chê trách về việc biểu diễn các phép thuật thần thông. Còn một người như Stainton Moses thì bị họ khinh rẻ như một đồng cốt của các loại vong linh thấp kém, dù cho ông ta có năng lực trí thức tốt, có văn hóa cao ở bậc đại học, và dù cho y có những ý đồ trong sạch và vô tư đến đâu.
Trên đây là quan điểm của người phương Đông nói chung. Riêng phần tôi, tôi vẫn giữ cách nhận thức của một người phương Tây về những hiện tượng nhiệm mầu của bà Blavatsky Stainton Moses. Đối với tôi, những sự việc ấy vô cùng quan trọng, như những bằng chứng của sinh hoạt tâm linh và như những vấn đề khoa học còn cần phải giải đáp. Tuy tôi không thể giải đáp sự bí hiểm về tính chất phức tạp đa diện của bà Blavatsky, nhưng tôi tin chắc rằng những sức mạnh tác động trong người bà và hỗ trợ cho bà thực hiện các hiện tượng, vốn được sử dụng khéo léo bởi những người còn sống biết rõ khoa tâm linh, và cả khoa học thực dụng các chủng loại tinh linh ngũ hành.
Nói về trường hợp của Stainton Moses, cũng có một sự bí hiểm tương tự. Ông ta tin chắc rằng tất cả những vị danh sư khuất mặt của ông mệnh danh là “Imperator”, v.v... đều là những linh hồn đã bỏ xác, trong số đó có vài người của những thế hệ rất cổ xưa, có người của thế hệ tương đối ít xưa hơn, nhưng tất cả đều là những bậc hiền minh, thánh triết. Những vị ấy không những cho phép, mà còn khuyến khích ông ta nên sử dụng lý trí để tự vạch ra con đường tiến bộ tâm linh của mình. Với một sự kiên nhẫn vô biên, họ trả lời những câu hỏi và giải đáp những điều thắc mắc nghi ngờ, giúp ông phát triển trực giác tâm linh và trợ giúp ông xuất vía được dễ dàng. Bằng vô số những hiện tượng lạ lùng, họ chứng minh cho ông thấy rõ đặc tính của vật chất và sức mạnh, và khả năng kiểm soát các hiện tượng thiên nhiên. Hơn nữa, họ còn dạy cho ông biết rằng việc truyền đạo giữa đạo sư và đệ tử vẫn từng có ở khắp nơi trong càn khôn vũ trụ, trong những giai đoạn tuần tự phát triển trí tuệ và tâm linh, cũng giống như cách giáo dục ở các nhà trường v.v...

III.

Theo huyền học Ấn Độ, người hành giả muốn thực hành pháp môn thiền định phải áp dụng một phương pháp chuẩn bị gồm có ba nghi thức: tẩy trần; gián đoạn mọi sự liên lạc điện từ với cõi trung giới; và cô lập hóa các loại âm binh lởn vởn ở nơi ấy.
1. Trước hết là nghi thức tẩy trần: chỗ ngồi phải được dọn rửa sạch, và rải lên trên một lớp cỏ Kusa, một loại cỏ có tác dụng hấp dẫn những tinh linh tốt lành và xua đuổi ảnh hưởng xấu của những vong linh bất hảo. Trong những loại cây có ảnh hưởng xấu mà người ta tin rằng thường hay qui tụ những vong linh và tinh linh bất hảo, có cây me và cây đa. Những âm binh bất hảo này cũng thường hay tụ tập ở những nơi giếng cũ, nhà hoang, các nghĩa địa, nơi thiêu xác, bãi chiến trường, lò sát sinh, nơi hành quyết và những nơi xảy ra án mạng giết người hay những vụ đổ máu. Đó là theo sự tin tưởng của người Ấn Độ.
2. Nghi thức kế đó là niệm thần chú để xua đuổi các loại âm binh lánh đi nơi khác. Trong khi niệm chú, hành giả dùng bàn tay khoát nhiều lần trên đầu, để tạo một vòng rào điện từ quanh mình, có tác dụng bảo vệ chống lại mọi sự xâm nhập của những ảnh hưởng bất hảo.
2. Sau khi đã thi hành một cách cẩn thận và nghiêm túc hai nghi thức tối cần kể trên, hành giả mới bắt đầu đọc những chân ngôn có tác dụng thanh lọc thể xác lẫn tinh thần, và chuẩn bị cho sự nhập thiền nhằm mục đích khơi dậy những năng lực tâm linh và đạt tới sự giác ngộ. Chỗ ngồi thanh tịnh, không khí trong sạch, tránh xa những người nhiều tham dục, ô uế, những kẻ vô luân, vô đạo đức, nhiều ác cảm, tất cả đều là những điều kiện cần thiết cho người tầm đạo.
Những lời khuyến cáo của “Imperator” (vị hướng dẫn tâm linh của S. Moses) và của các vị thần linh hộ trì cho những đàn cơ chọn lọc ở khắp nơi trên thế giới, cũng đều phù hợp với những qui luật Đông phương kể trên. Nói tóm lại, những qui luật phòng vệ ấy càng được áp dụng chặt chẽ, thì những lời giáng ngôn tiếp nhận được càng thanh cao siêu việt hơn. Những cử chỉ và ngôn ngữ thô tục, khả ố cùng những thông điệp có lời lẽ xấu xa bỉ ổi thường diễn ra trong nhiều đàn cơ với những đồng tử thiếu sự che chở và thiếu chuẩn bị, giữa những cử tọa gồm những thành phần hỗn tạp, xấu tốt lẫn lộn, đều có thể truy nguyên từ việc xao lãng, không áp dụng cẩn mật, chặt chẽ những qui luật bảo vệ nói trên.
Tình trạng này đã được cải tiến dần trong vòng 17 năm qua. Những đồng tử kém cỏi và những hiện tượng thiên về vật chất đang dần dần nhường chỗ cho những hình thức sinh hoạt thông linh cao siêu hơn. Những quan điểm của “Imperator” về những họa hoạn của các đàn cơ ô trược, hỗn tạp, đã được phản ảnh trong những tác phẩm của Stainton Moses. Ông thừa hiểu rằng những kinh nghiệm thu thập được trải qua nhiều thế kỷ hẳn đã giúp cho người Đông phương biết được chân lý này: luồng điện từ trong sạch thiêng liêng không thể đi xuyên qua một đồng tử thấp hèn và một vòng cử tọa ô trược mà không bị ô nhiễm, cũng như dòng nước suối trong lành chảy qua một vùng đất dơ bẩn sẽ không còn tinh khiết như lúc ban đầu. Bởi đó, họ áp dụng những qui luật nghiêm khắc và chặt chẽ để cô lập hóa người đồng tử khỏi mọi ảnh hưởng xấu xa tai hại, và để chuẩn bị cho sự tinh luyện cá nhân của y đến mức hoàn hảo.
Vì không biết gì về những điều lợi hại trên đây, người Tây phương thường mang theo cả những đứa con non nớt và nhạy cảm của họ đến những nơi lên đàn bao phủ trong một bầu không khí hắc ám ô trược và sặc mùi tội lỗi. Khi nhìn thấy cái hiểm họa đó, người ta có thể thấy rằng lời khuyến cáo và chỉ trích nghiêm khắc của Imperator, vị hướng dẫn vô hình của S. Moses, thật đúng biết bao khi ông nói về sự khờ dại của người Tây phương trong việc giao tiếp với những vong linh người chết.
Tình trạng cải tiến nói trên chính là do kết quả tốt lành mà những sách vở và giáo lý của Hội Thông thiên học đã tạo ra trong các giới đồng tử và các điểm lên đàn, hơn là do ảnh hưởng trực tiếp của các diễn giả, tác giả và chủ bút của các báo chí. Chúng ta hãy hy vọng rằng không bao lâu, những quan điểm Thông thiên học về các giới tinh linh ngũ hành và vong linh người chết sẽ có được một sự lưu ý và quan tâm xứng đáng.

CHƯƠNG MƯỜI MỘT -
HỘI QUÁN THÔNG THIÊN HỌC TẠI NEW YORK

I.

Lịch sử ban đầu của Hội Thông thiên học đã được tường thuật khá đầy đủ. Tôi không thấy có gì cần nói thêm trừ ra việc hoàn chỉnh lại những ký ức đã qua với vài mẩu chuyện nhỏ về đời sống xã hội của chúng tôi tại New York cho đến ngày chúng tôi lên đường sang Ấn Độ.
Trong thời gian từ khoảng cuối năm 1876 cho đến cuối năm 1878, Hội Thông thiên học có vẻ tương đối bất động. Những điều lệ của Hội trở nên vô hiệu lực, những buổi họp hầu như không còn tiếp tục. Những buổi sinh hoạt ít oi của Hội trước công chúng đã được diễn tả trên đây, và những dấu hiệu gia tăng ảnh hưởng của Hội đưọc phản ảnh qua sự gia tăng số lượng thư từ giao dịch của hai nhà sáng lập với các giới trong nước và ngoài nước, những bài vở tranh luận đăng trên báo chí, sự thành lập các phân hội ở London Corfu, và việc mở đầu các mối liên hệ với những cảm tình viên ở Ấn Độ và Tích Lan.
Những nhà thần linh học ưu tú gia nhập Hội ngay từ đầu nay đã rút lui; những cuộc họp của Hội đã chấm dứt; khoản tiền Hội phí mà hội viên phải đóng góp khi vào Hội đã bị hủy bỏ, và sự bảo tồn hoạt động của Hội hoàn toàn đè nặng lên hai vai chúng tôi.
Tuy nhiên, lý tưởng của Hội chưa bao giờ mạnh mẽ hơn, và chưa bao giờ phong trào Thông thiên học tràn đầy sinh khí hơn khi nó cởi bỏ cái hình thức bên ngoài, và tinh thần của nó được tập trung vào tim óc và tâm hồn của chúng tôi.
Đời sống tại Hội quán27 thật tốt đẹp trong những năm đó. Hợp nhất trong sự trung thành vì một lý tưởng chung, trong sự giao tiếp hằng ngày với các đấng chân sư, đắm mình trong những tư tưởng, ước vọng và hành động vị tha, hai chúng tôi sống giữa thành phố náo nhiệt ồn ào đó mà không bị ô nhiễm bởi những sinh hoạt cạnh tranh ồ ạt, những tham vọng ích kỷ thấp hèn của người đời. Dường như chúng tôi chỉ sống một cuộc đời ẩn dật trên non cao hay trong rừng thẳm. Thật không phải là quá đáng khi nói rằng một bầu không khí thanh cao thoát tục hơn khó mà tìm thấy ở một nơi nào khác tại New York.
Những địa vị xã hội và danh vọng quyền thế của những quan khách đến viếng đều bị bỏ lại ngoài cửa khi họ bước vào Hội Quán. Giàu hay nghèo, sang hay hèn, trí thức hay dốt nát, tín ngưỡng hay vô thần, những quan khách của chúng tôi đều được dành cho một sự đón tiếp nồng hậu và một sự chăm sóc kiên nhẫn như nhau đối với những thắc mắc của họ về mọi vấn đề tôn giáo cũng như các vấn đề khác.
Blavatsky vốn giòng dõi quí tộc nên bà có thể hòa mình một cách dễ dàng với giới thượng lưu sang trọng nhất, và là một người phụng sự vị tha có tinh thần dân chủ cao độ để có thể dành một sự tiếp xúc cởi mở nhiệt thành đối với người khách khiêm tốn nhất.
Một trong những người khách của chúng tôi lúc ấy rất sành sỏi về môn triết học Hy Lạp. Ông ta làm công việc quét vôi, sơn nhà vì sinh kế. Tôi còn nhớ rõ bà Blavatsky và tôi đều rất hoan hỉ khi chúng tôi ký tên vào đơn xin gia nhập của ông như những người bảo trợ tinh thần và hoan nghênh đón nhận ông vào hàng hội viên.
Một số người đến viếng thăm Hội quán, mà chúng tôi thường gọi đùa là “Lạt-ma Viện”, khi trở về có viết bài đăng báo tường thuật lại những cảm tưởng của họ, và nói rằng họ có được một kinh nghiệm mới mẻ khác thường. Phần nhiều trong số đó viết về bà Blavatsky với những lời lẽ ca tụng, tán dương và suy tôn quá đáng. Về hình dáng bên ngoài, bà không có chút gì giống như một nhà tu khổ hạnh. Bà không tham thiền trong phòng kín, không ăn uống khắc khổ đạm bạc, không tránh né những người trí óc nông cạn, phù phiếm hay những kẻ phàm tục, cũng không chọn lọc bạn bè để kết giao. Bà mở rộng cửa cho tất cả mọi người, thậm chí đến những kẻ mà bà biết là sẽ viết về bà với ngòi bút xuyên tạc đầy ác ý. Họ thường mạt sát, công kích bà thậm tệ, nhưng nếu những bài vở ấy có tính cách ý nhị, hài hước, thì bà thường cùng tôi đem ra làm đề tài để cười đùa vui vẻ, thoải mái như một trò tiêu khiển.
Trong số quan khách quen đến thường ngày, có ông Curtis, một trong những phóng viên tài giỏi nhất của báo chí New York, và về sau trở nên một hội viên Hội Thông thiên học. Ông đã viết những bài báo rất dài về “Lạt-ma viện”. Những bài báo của ông có khi nghiêm chỉnh, có khi hài hước vui nhộn, nhưng luôn luôn sống động, duyên dáng và hấp dẫn.
Một buổi tối, ông ta đưa chúng tôi vào một cạm bẫy. Một gánh xiếc mà ông nói rằng có hai người thuật sĩ Ai Cập đang biểu diễn vài phép thuật dường như chứng tỏ họ có hiểu biết về khoa phù thủy. Dầu sao, ông muốn chúng tôi đến xem tận mắt và nhận xét sự việc với tư cách là những chuyên gia đã am tường và thông hiểu về khoa pháp môn huyền bí. Chúng tôi nghe theo và cùng đi thử xem sao. Hóa ra màn trình diễn rất đỗi tầm thường, và hai người Ai Cập đó thật ra chỉ là hai người Pháp chính cống; chúng tôi đã có dịp nói chuyện dài với họ trong văn phòng của ông giám đốc vào những giờ nghỉ ngơi giữa các màn biểu diễn. Khi ra về, chúng tôi có than phiền với ông Curtis về sự nhận xét sai lầm của ông, nhưng ông làm cho chúng tôi bất giác cười lớn khi trả lời rằng trái lại, bây giờ ông đã được tự do xoay trở và có thể đưa ra tất cả mọi dữ kiện cần thiết để viết một bài phóng sự “giật gân”. Quả thật, nhật báo “The World” số ra sáng ngày hôm sau có đăng một bài tường thuật nhan đề: “Các nhà Thông thiên học đi xem xiếc!”, trong đó câu chuyện khô khan vô vị của chúng tôi với hai người Pháp được biến thành một cuộc đối thoại có tính chất thần bí cao siêu với hai nhà đạo sĩ Ai Cập, kèm theo với vô số những phép thuật dị kỳ, những hồn ma hiện hình, những đồ vật đột nhiên xuất hiện và biến mất, v.v... Toàn thể sự việc diễn tả trong bài báo đã chứng minh, nếu không phải là sự nhận xét chính xác thì ít nhất cũng là một năng khiếu tưởng tượng vô cùng phong phú của người viết!
Một lần khác, ông Curtis lại đem đến cho chúng tôi xem một bài tường thuật trên báo về sự xuất hiện trong đêm khuya của vong hồn một người gác đêm đã chết, dọc theo những bến tàu ở một vùng phía đông thành phố, và yêu cầu chúng tôi nên đi xem con ma ấy. Ông nói rằng cảnh sát đã được lịnh báo động, và viên thanh tra cảnh sát địa phương đã chuẩn bị kế hoạch để bắt con ma trong đêm ấy.
Quên hẳn kinh nghiệm mắc lừa trước đây về vụ gánh xiếc, chúng tôi lại nhận lời ra đi. Đó là một đêm ảm đạm, xấu trời, chúng tôi khoác áo mưa ngồi suốt hàng giờ trên một đống cây gỗ bên bờ sông, và giết thời giờ bằng cách vừa hút thuốc vừa đàm luận với độ hai chục phóng viên các báo được gửi đến để viết bài tường thuật những sự việc xảy ra trong đêm ấy.
Nhưng vong hồn lão Shep (lão già gác đêm) không thấy xuất hiện lần đó, và sau cùng chúng tôi đành trở về “Lạt-ma Viện” trong tâm trạng bực bội vì đã lãng phí suốt cả buổi tối.
Sáng hôm sau, chúng tôi vô cùng bực tức khi thấy các báo đều “triển lãm” chúng tôi như những người loạn óc trông đợi những sự việc không thể có, và còn ngầm ngụ ý rằng chúng tôi đã đuổi lão già Shep đi mất để làm cho các phóng viên lỡ mất cơ hội trong cuộc săn mồi! Thậm chí các tạp chí có hình ảnh còn đăng một bức ảnh của hai chúng tôi đứng chung với phóng viên các báo, với lời chú thích “Các hội viên Hội thông thiên học đang chờ đợi bóng ma của ông già Shep!” Nhưng cũng may là chân dung của bà Blavatsky và tôi trong tấm ảnh đó lại giống với người trên mặt trăng hơn là những người bình thường!
Một buổi tối, phóng viên Curtis cũng có mặt khi nữ bá tước Paschkoff kể một chuyện phiêu lưu mà bà với bà Blavatsky đã cùng trải qua ở xứ Liban. Bà nói tiếng Pháp và tôi dịch sang tiếng Anh. Câu chuyện rất lạ kỳ và thú vị đến nỗi ông ta xin phép được đăng lại, và sau khi được chấp thuận, nó được đăng trên tờ báo của ông. Vì câu chuyện này giải thích lý thuyết về tiềm năng của chất tiên thiên khí (Aksha) có thể giữ gìn ký ức của mọi sự diễn biến trong lịch sử loài người, và người ta có thể sở đắc năng lực làm xuất hiện trở lại những ký ức đó từ trong cõi thiên nhiên, nên tôi ghi chép lại một đoạn dưới đây và giao trách nhiệm cho người kể:
“...Nữ bá tước Paschkoff nói qua lời thông dịch của Đại tá Olcott: ‘Có lần tôi du hành trên vùng sa mạc xứ Liban (Cận Đông), và trên đồng cát tôi gặp một đoàn lạc đà. Đó là đoàn du hành của bà Blavatsky. Chúng tôi cùng cắm trại chung với nhau, ở đó có một ngôi kiến trúc lớn tọa lạc gần làng El Marsum, giữa hai dãy núi của xứ Liban. Trên vách đá có khắc những dòng cổ tự mà không ai đọc được. Tôi biết bà Blavatsky có thể làm những việc lạ lùng với thần linh, nên tôi yêu cầu bà thử truy nguyên tung tích của tòa lâu đài này. Chúng tôi đợi cho đến nửa đêm, khi đó bà mới vẽ một cái vòng tròn lớn dưới đất và bảo chúng tôi hãy bước vào đó. Chúng tôi đốt lửa và rắc hương trầm lên. Kế đó, bà Blavatsky thốt lên nhiều câu chân ngôn bí mật nghe rất lạ tai. Chúng tôi rắc thêm hương trầm vào đống lửa. Khi đó, bà cầm cây gậy phép chỉ vào tòa lâu đài, và chúng tôi thấy trên đó có một khối lửa tròn như một quả cầu lớn và sắc trắng. Gần bên đó có một cây sung lớn, chúng tôi thấy có nhiều ngọn lửa nhỏ chập chờn trên các cành cây. Những con chó sói tru lên trong đêm tối cách đó một quãng không xa. Chúng tôi lại đốt thêm hương trầm. Khi đó, bà Blavatsky truyền lịnh cho vị thần linh nào tọa trấn tại ngôi nhà lầu kia hãy xuất hiện. Không bao lâu, một khối mây mù bốc lên và che khuất ánh trăng non mờ ảo. Chúng tôi lại rắc thêm bột hương trầm lên đống củi đang cháy. Đám mây mù tượng hình một vị lão trượng có chòm râu bạc. Khi ấy, chúng tôi nghe một giọng nói vọng lại từ đằng xa, và phát âm xuyên qua cái hình ảnh lờ mờ vừa xuất hiện. Ông lão nói ngôi kiến trúc này xưa kia là tòa linh điện của một ngôi đền đã biến mất từ lâu. Ngôi đền cổ này được dựng lên để thờ một vị thần, nhưng vị thần này từ đó đến nay đã chuyển sang một thế giới khác. Bà Blavatsky hỏi: ‘Lão trượng là ai?’ Giọng nói kia đáp: ‘Tôi là Hiero, một trong những vị tư tế của ngôi đền.’ Khi đó bà Blavatsky truyền lịnh cho ông lão hãy chỉ cho chúng tôi thấy địa điểm tọa lạc của ngôi đền như thời trước. Ông lão cúi đầu tuân theo, và trong một lúc chúng tôi thấy xuất hiện hình dáng lung linh huyền ảo của ngôi đền cổ và cảnh tượng một thành phố cổ xưa rộng lớn mọc lên tràn khắp cánh đồng, đến tận chân trời. Sau đó một lát, linh ảnh đó biến mất và hình ảnh ông lão cũng tan mờ dần.”
(Câu chuyện này đã được đăng trên nhật báo New York World, số ra ngày 21 tháng 4 năm 1878, với tựa đề: “Những chuyện huyền linh”.)

II.

Tuy những kinh nghiệm phũ phàng của quá khứ đã dạy cho chúng tôi biết rằng những hiện tượng thần bí chỉ là điều mỏng manh, không đủ sức làm nền tảng vững chắc để xây dựng cả một phong trào tâm linh vĩ đại, nhưng dù sao thì chúng cũng có một giá trị rõ rệt nếu được đặt đúng chỗ và kiểm soát chặt chẽ. Điều đó nằm trong phạm vi Mục đích thứ ba, trong Ba mục đích của Hội Thông thiên học.
Những hiện tượng thần bí có một tầm quan trọng như những bằng chứng sơ đẳng của năng lực ý chí con người đối với những sức mạnh vật chất thô kệch trong thiên nhiên. Trên địa hạt này, chúng có liên hệ đến vấn đề bí hiểm của trí lực thông minh tác động trong những hiện tượng đồng cốt.
Tôi nghĩ rằng những hiện tượng của bà Blavatsky đã thực hiện trong giai đoạn khởi đầu của Hội Thông thiên học đã đập một vố nặng nề và rõ rệt vào cái lý thuyết mà mọi người đều tin tưởng cho đến khi đó, rằng những thông điệp cơ bút nhận được qua các đồng tử đều là của vong hồn người chết. Những hiện tượng bà Blavatsky đã thực hiện đều không đi kèm với những điều kiện được xem là cần thiết, mà có khi còn bất chấp cả những qui luật thông thường.
Những tài liệu ghi chép về các hiện tượng đó nay chỉ còn tồn tại trong những bài tường thuật đăng trên báo chí đương thời mà chúng tôi đã cắt để dành, và trong ký ức của những nhân chứng hiện còn sống. Họ có thể xác nhận hoặc sửa sai những chuyện do tôi thuật lại về các sự việc xảy ra mà chúng tôi đã cùng chứng kiến trước sự có mặt của bà Blavatsky.
Trong những cuộc hội họp quan khách, chúng tôi không hề có dụng ý lái câu chuyện đến việc thực hiện các hiện tượng nhiệm mầu. Khi chúng tôi chỉ có hai người, bà Blavatsky có thể thực hiện một vài hiện tượng nào đó để dẫn chứng cho một bài học mà bà dạy tôi; hoặc để đáp lại một câu hỏi của tôi về tác dụng của một sức mạnh đặc biệt nào đó. Thường thì bà thực hiện các phép thuật đó trong những cơn ngẫu hứng bất thần và không do sự gợi ý của một người nào đang có mặt tại chỗ. Tôi xin kể một vài thí dụ trong số rất nhiều sự việc như thế.
Một ngày nọ, một nhà thần linh học người Anh đi với con trai, một đứa bé độ mười tuổi, cùng với một người bạn đến viếng chúng tôi. Đứa bé chơi một mình và đi quanh khắp phòng, lục lạo trong các sách vở, xem xét những món vật lạ và đồ cổ, đánh thử trên đàn dương cầm, và làm những động tác tò mò khác.
Kế đó, nó bắt đầu nhàm chán và đòi về, kéo tay áo cha nó và làm cho ông ta gián đoạn một câu chuyện rất lý thú với bà Blavatsky. Người cha không hề ngăn chận sự quấy rối của nó và sửa soạn đứng dậy ra về thì bà Blavatsky nói:
“Không sao, nó chỉ muốn có một vật gì để chơi thôi. Để tôi xem có thể nào tìm cho nó một món đồ chơi không.”
Nói xong, bà đứng dậy, đưa tay sờ soạng vào một cánh cửa phía sau lưng bà và kéo ra một con cừu nhồi bông rất lớn dưới chân có gắn bánh xe lăn, mà tôi biết chắc là trước đó không hề có trong nhà!
Trước ngày lễGiáng sinh, cô em gái tôi ở tầng lầu trên của “Lạt-ma Viện” đi xuống chỗ chúng tôi, mời chúng tôi lên xem cây giáng sinh mà cô đã chuẩn bị cho mấy đứa con cô lúc ấy còn ngủ trên giường. Chúng tôi nhìn qua một lượt các món quà, bà Blavatsky bày tỏ sự hối tiếc rằng bà không có tiền để mua quà tặng và đóng góp vào cái cây cho các cháu. Bà hỏi cô em tôi đứa con trai cưng của cô ấy thích món gì, và khi được trả lời là một cái còi kiểu lớn, bà nói: “Được rồi, hãy đợi một lát”.
Rồi bà lấy xâu chìa khóa từ trong túi áo ra, nắm chặt lấy ba cái chìa khóa trong một bàn tay, và một lúc sau đó bà cho chúng tôi xem một cái còi lớn bằng sắt có khoen đính vào xâu chìa khóa thay vào chỗ của ba cái chìa khóa lúc nãy. Để tạo ra cái còi này, bà đã dùng hết chất sắt của ba cái chìa khóa, và hôm sau bà phải nhờ thợ khóa làm lại ba cái chìa khóa khác.
Đây là một chuyện khác nữa. Trong khoảng một năm sau khi chúng tôi định cư tại “Lạt-ma Viện”, bộ đồ dọn ăn bằng bạc của gia đình tôi được mang ra dùng, nhưng sau cùng nó được gửi đến cho gia đình thân quyến, và bà Blavatsky đã giúp tôi một tay để gói lại tất cả và cho vào thùng. Cùng ngày hôm đó, sau bữa ăn trưa, đến lúc dùng cà phê, vì không có cái kẹp để gắp những viên đường nên khi đưa hũ đường cho bà Blavatsky tôi để thay vào đó một cái muỗng. Bà liền hỏi cái kẹp gắp đường ở đâu, và tôi trả lời rằng ban nãy tôi đã gói chung với các đồ bằng bạc kia để gửi đi. Bà nói: “Nhưng rồi chúng ta cũng phải có một cái để dùng chứ, phải không?
Nói xong, bà đưa tay xuống một bên ghế chỗ bà ngồi, rồi cầm lên một cái kẹp bạc có hình dáng lạ kỳ mà chưa ai từng thấy bán ở các tiệm. Cái kẹp ấy có hai nhánh dài hơn kẹp thường, và hai đầu nhánh lại có răng dài và nhọn giống như hai cái nĩa; bên trong chỗ tay cầm có khắc mật tự ám chỉ thánh danh của chân sư “M”. Tôi vẫn còn cất giữ cái kẹp này tại Adyar.
Trong hiện tượng này, có sự tác động của một định luật quan trọng. Muốn tạo ra một vật cụ thể từ chất liệu trong không gian, bước đầu tiên là nghĩ đến vật thể mình mong muốn, với tất cả mọi chi tiết như hình dáng, kiểu mẫu, màu sắc, chất liệu, trọng lượng và những đặc điểm khác. Hình ảnh hiện lên trong trí phải dứt khoát rõ ràng từng chi tiết. Giai đoạn kế đó là vận dụng ý chí đã được tập luyện thuần thục, sử dụng kiến thức về những định luật điều khiển vật chất và phương pháp kết hợp các nguyên tử. Sau cùng là sai khiến các tinh linh ngũ hành dùng chất liệu ấy để tạo ra vật thể mà mình muốn.
Nếu hành giả thiếu sót bất cứ điều gì trong những giai đoạn kể trên thì kết quả sẽ không được hoàn toàn như ý muốn. Trong trường hợp vừa kể, rõ ràng bà Blavatsky đã lẫn lộn trong ký ức của bà những hình dáng khác nhau của cái kẹp gắp đường và cái nĩa, và bà đã hỗn hợp cả hai thứ với nhau thành một vật dị hình, khó tả và không thể tìm thấy ở bất cứ đâu!
Lẽ tất nhiên, việc này lại là một bằng chứng thuyết phục hơn về tính cách chân thật của hiện tượng do bà thực hiện so với việc tạo ra một cái kẹp đường toàn hảo, vì một vật như thế có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu.
Một đêm nọ, khi phòng làm việc của chúng tôi có đầy khách đến viếng, bà Blavatsky và tôi ngồi đối diện nhau ở hai bên phòng, bà ra hiệu bảo tôi cho bà mượn cái khoen có mặt ấn lớn tròn và chạm lõm sâu mà tôi đeo tối hôm ấy để buộc cái khăn choàng cổ. Bà cầm lấy nó giữa hai bàn tay nắm chặt, không nói với ai một lời hay làm cho ai chú ý – chỉ trừ tôi, và xoa hai bàn tay độ một hay hai phút, kế đó tôi nghe có tiếng va chạm của hai vật bằng kim loại. Bà nhìn tôi mỉm cười và xòe hai bàn tay ra cho tôi thấy cái khoen ấn của tôi cùng với một cái khác cũng lớn bằng nhưng lại có một kiểu khác: mặt ấn này làm bằng cẩm thạch màu xanh lục, còn cái của tôi làm bằng loại đá hồng màu mã não. Cái khoen ấy được bà đeo luôn cho đến khi bà từ trần, và sau đó nó qua tay bà Annie Besant, đã được hàng nghìn người nhìn thấy quen mắt. Mặt đá của nó bị vỡ trong chuyến hành trình của chúng tôi sang Ấn Độ, và sau đó được thay một mặt đá khác ở Bombay.
Trong trường hợp này cũng vậy, không một lời nào trong câu chuyện giữa các quan khách đã dẫn đến hiện tượng này; trái lại, ngoài tôi ra không một ai biết việc ấy đã xảy ra! Mãi về sau này mọi người mới được tôi kể lại cho biết.

III.

Ông Sinnett (Phó Hội trưởng) có ghi lại trong quyển “Những ngẫu sự trong cuộc đời bà Blavatsky” một câu chuyện do ông Judge kể về việc Blavatsky đã tạo ra những ống màu nước cho ông dùng để vẽ một bức họa Ai Cập.
Tôi cũng có mặt trong dịp đó, và có thể xác nhận như một nhân chứng. Việc ấy xảy ra vào một buổi trưa tại “Lạt-ma Viện”. Ông Judge đang vẽ cho bà Blavatsky một bức tranh về một chuyện thần thoại Ai Cập, nhưng không thể hoàn tất công việc vì thiếu màu. Bà Blavatsky hỏi ông cần những màu gì, và sau khi ông trả lời, bà bèn bước đến gần cây đàn dương cầm đặt ở sát vách tường, rồi hai tay nâng vạt áo lên dường như để hứng một vật gì. Kế đó, bà buông vạt áo và trút lên trên bàn ngay trước mặt ông Judge mười ba lọ bột màu khô hiệu Winsor Newton, trong số đó có những màu mà ông cần dùng.
Một lúc sau đó, ông Judge nói ông muốn có một ít sơn vàng thật. Bà Blavatsky bảo ông hãy đi lấy một cái đĩa trong phòng ăn. Ông làm theo, khi ấy bà mới bảo ông đưa cho bà cái chìa khóa cửa bằng đồng, rồi bà cọ mạnh cái chìa khóa lên mặt đĩa. Sau đó một lát, chúng tôi thấy trên mặt đĩa có phủ một lớp sơn vàng thật bằng kim loại thuần túy.
Tôi hỏi bà về tác dụng của cái chìa khóa trong cuộc thí nghiệm này, bà nói rằng tinh hoa hay linh hồn của chất đồng được cần dùng như một trung tâm hạt nhân để qui tụ từ trong tiên thiên khí (Aksha) những nguyên tử của bất kỳ chất kim loại nào mà bà muốn phóng xuất. Cũng vì lý do đó, bà đã cần dùng đến cái khoen đồng có cẩn mặt đá của tôi làm khí cụ để tạo nên một cái khoen khác cho bà dùng trong dịp trước đây.
Phải chăng đó chính là nguyên tắc được áp dụng trong thuật luyện chì thành vàng và chuyển hóa kim loại của các nhà luyện kim thuật thời xưa mà người ta thường nói đến?
Tôi nghĩ như vậy, vì có truyền thuyết cho rằng thuật đó vẫn được biết rõ trong các giới đạo sĩ, thuật sĩ hiện còn sống ở Ấn Độ ngày nay. Hơn nữa, những khám phá gần đây của nhà bác học William Crookes về sự cấu tạo của các nguyên tố (element) phải chăng đã đưa khoa học hiện đại đến một điểm cận kề với lý thuyết âm dương từ ngàn xưa của phương Đông? (cũng tương đương với purusha prakriti của triết học Ấn Độ). Và phải chăng theo lý thuyết âm dương thì những nguyên tố của một kim loại có thể được chuyển sang những cách kết hợp mới để tạo thành một kim loại khác, và điều này có thể thực hiện bằng cách sử dụng năng lực mạnh mẽ của ý chí?
Khoa học vật lý vẫn chưa thực hiện được điều này, dù rằng bằng cách sử dụng những năng lực vô cùng lớn lao của dòng điện. Nhưng điều vô cùng khó khăn đối với các nhà bác học, hoàn toàn tùy thuộc nơi tác động của những sức mạnh vật chất thô kệch, lại có thể rất dễ dàng đối với bậc đạo gia biết sử dụng khả năng của tinh thần như một khí cụ tác động hữu hiệu.
Thật vậy, đó chính là cái quyền năng sáng tạo nên vũ trụ. Giáo sư Crookes nói: “Tôi tin chắc rằng sự khảo cứu sưu tầm ráo riết không gián đoạn sẽ được đền bù xứng đáng bằng một tia sáng chiếu rọi và những điều huyền bí của thiên nhiên mà hiện nay không ai có thể hình dung được.”
Lời nói này như một dự báo về một ngày mai tươi sáng hơn, khi các nhà bác học sẽ thấy rằng phương pháp qui nạp của họ làm tăng thêm gấp trăm lần những sự khó khăn trong việc tìm hiểu những điều huyền bí của thiên nhiên. Họ sẽ thấy rằng điểm then chốt của mọi điều huyền bí đều nằm trong sự hiểu biết về tinh thần, và con đường đưa đến sự hiểu biết đó không phải là vượt qua các phòng thí nghiệm, mà phải vượt qua những khó khăn trở ngại nhiều hơn nữa, được dựng lên bởi lòng tham lam, ích kỷ, được duy trì bằng năng lượng của sự đam mê, và bộc phát dữ dội do dục vọng.
Chỉ khi nào tinh thần được nhìn nhận như yếu tố tối thượng trong sự cấu tạo các nguyên tố và trong sự sáng tạo vũ trụ thì những hiện tượng kỳ bí như của bà Blavatsky mới được xem là quan trọng và chính xác như những sự kiện khoa học, chứ không chỉ là những trò ảo thuật dối trá hay những phép lạ để làm mê hoặc những kẻ khờ dại dễ tin!
Description: G:\My Website\Temp\HoiKy_unicode__files\image006.jpg
BỨC PHÓNG HỌA THỂ VÍA CỦA S. MOSES (1831 - 1891)

CHƯƠNG MƯỜI HAI -
PHÓNG ẢNH

Trong quyển “Modern Egyptians”, tác giả Lane có thuật chuyện một thanh niên đến viếng một đạo sĩ Ai Cập và được chứng kiến những năng lực thần bí của vị này. Lúc ấy, người cha của anh ta ở xa và đang đau yếu, anh ta bèn yêu cầu vị đạo sĩ làm cách nào để anh ta có thể nhận được tin tức của người cha. Vị đạo sĩ bằng lòng, bảo anh ta viết thư cho cha để hỏi thăm tin tức. Khi người thanh niên viết thư xong và trao cho vị đạo sĩ, ông liền để bức thư ấy dưới cái gối dựa lưng của ông. Độ một lát, vị đạo sĩ thò tay dưới gối cũng ở ngay chỗ ấy, lấy ra một bức thư trả lời, do chính tay của người cha viết và niêm phong bằng con dấu riêng của ông ấy.
Cũng do lời yêu cầu của người thanh niên, vị đạo sĩ mời những quan khách có mặt lúc ấy dùng cà phê. Khi dọn ra thì cà phê được đựng trong những chén nhỏ loại đặc biệt của cha y thường dùng hằng ngày, ở một làng hẻo lánh cách đó rất xa!
Một buổi tối nọ, bà Blavatsky cũng đã thực hiện một việc tương tự như thế. Lúc ấy, tôi đang muốn thỉnh ý một vị chân sư về một vấn đề. Bà bảo tôi viết những gì tôi muốn hỏi, bỏ vào một bao thư dán kín, và để bao thư ấy ở một chỗ mà tôi có thể nhìn thấy. Điều này có vẻ như còn cao tay hơn cả vị đạo sĩ Ai Cập, vì ông ta đã giấu bức thư dưới gối, người thanh niên kia không nhìn thấy được.
Tôi đặt bức thư lên cái kệ phía trên lò sưởi, phía sau cái đồng hồ, một nửa bao thư nhô ra để tôi có thể nhìn thấy.
Blavatsky và tôi tiếp tục nói chuyện về nhiều vấn đề trong khoảng chừng một tiếng đồng hồ, kế đó bà nói rằng thư trả lời cho tôi đã đến. Tôi bèn lấy cái bao thư trên kệ, nhận thấy cái bao vẫn dán kín và còn nguyên niêm, nhưng trong đó là bức thư tôi viết lúc nãy kèm theo thư trả lời của chân sư với tuồng chữ quen thuộc của ngài. Bức thư trả lời được viết trên một loại giấy màu xanh rất lạ mà tôi biết chắc là không hề có ở trong nhà. Lúc ấy, chúng tôi đang ở New York, còn chân sư thì ở tận bên châu Á. Hiện tượng này thuộc về một loại mà tôi nhìn nhận rằng không thể có sự giả trá, phỉnh lừa.
Một buổi tối, vào mùa thu năm 1876, bà Blavatsky và tôi đang ngồi đối diện nhau nơi bàn làm việc như thường lệ để soạn bộ “Vén màn Isis”. Chúng tôi bàn về vấn đề xuất vía, xuất hồn. Hồi đó, vì chưa quen thuộc với những danh từ chuyên môn, nên sự giải thích của bà về những vấn đề khoa học không được rõ ràng, chính xác lắm, và tôi thấy rất khó hiểu. Sau cùng, bà lấy thí dụ của Stainton Moses, người bạn của chúng tôi lúc ấy đang luyện phép xuất hồn bằng cách dùng sức mạnh của ý chí. Bà đề nghị sẽ chỉ cho tôi thấy trong một bức ảnh kết quả công phu tu luyện của Stainton Moses, và nói rồi bắt tay ngay vào việc.
Bà đứng dậy kéo trong một hộc tủœ lấy ra một cuộn vải satin trắng, đặt trên bàn và cắt lấy một miếng khoảng bằng trang giấy. Kế đó, bà cất cuộn vải vào chỗ cũ và ngồi lại bàn. Bà đặt bề mặt mảnh vải satin úp xuống bàn, lấy một tờ giấy thấm còn nguyên vẹn phủ lên trên, và chống khuỷu tay lên đó. Rồi bà vấn một điếu thuốc lá và bật diêm quẹt hút thuốc.
Độ một lát, bà yêu cầu tôi đem cho bà một ly nước. Tôi tỏ ý sẵn lòng, nhưng còn đưa ra một câu hỏi để làm trì hoãn thời giờ. Trong khi đó, tôi vẫn chăm chú nhìn miếng vải ló ra dưới tờ giấy thấm. Thấy tôi vẫn đứng yên một chỗ, bà hỏi sao tôi không lấy cho bà ly nước lạnh mà còn đợi gì nữa? Tôi nói: “Tôi còn đợi xem bà sắp làm gì với miếng vải đó.” Bà nhìn tôi với cái nhìn trách móc, dường như bà thấy rằng tôi còn nghi nan, không trọn tin để bà ngồi một mình với miếng vải satin.
Kế đó, bà để hai tay xuống tờ giấy thấm và nói: “Tôi sẽ có ngay, ngay bây giờ!” Nói xong, bà lấy tờ giấy thấm ra, lật miếng vải satin lên và đưa cho tôi.
Bạn đọc hãy thử tưởng tượng sự ngạc nhiên của tôi khi ấy! Trên bề mặt miếng vải, tôi thấy một bức ảnh màu thật là độc đáo, phi thường. Đó là một bức chân dung rất khéo của Stainton Moses, gương mặt rất giống như bức hình chụp của y đang treo trên tường. Từ trên đỉnh đầu tỏa ra những tia sáng như lửa có ánh vàng, ở những nơi bí huyệt tim và rốn, cũng xẹt ra những tia lửa đỏ vàng giống như vậy, nhìn giống như những hỏa diệm sơn đang phun lửa. Phần đầu và ngực bao phủ trong một vầng hào quang giống như đám mây trôi màu xanh dương, rải rác lấm tấm những vệt nhỏ màu vàng ánh. Còn phần dưới thân mình bao phủ cũng những đám mây trôi màu hồng và xám đục, tức là những hào quang có tính chất nặng trược, thấp kém hơn phần trên.
Hồi đó tôi chưa biết gì về những luân xa (chakram), hay bí huyệt trong cơ thể con người, được đề cập đến trong kinh Yoga Shastras của Ấn Độ, một vấn đề quen thuộc đối với các môn đệ của Đạo sư Patanjali. Bởi vậy, tôi không hiểu ý nghĩa của hai con trốt xoáy bốc lửa trên chỗ tim và rốn; nhưng về sau khi tôi đã hiểu biết về vấn đề này thì bức ảnh trên vải satin này càng tăng thêm giá trị đối với tôi, vì nó chỉ ra rằng nhà huyền học tạo ra nó đã biết rằng trong phép xuất vía ra khỏi xác thân, hành giả phải tập trung ý chí lần lượt nơi các luân xa hay bí huyệt, và sự tách rời thể vía được hoàn thành với sự luân phiên thức động mỗi luân xa theo thứ tự trước sau.
Theo chỗ tôi hiểu thì Stainton Moses đã làm thí nghiệm này như một cuộc khảo sát thuộc về lý trí hơn là một phép tu luyện tâm linh, vì phần hào quang trên đầu y có hình dáng rõ rệt còn những phần khác trong thể vía của y hãy còn trong trạng thái lu mờ, hỗn độn chứ chưa ổn định để tượng hình một cách rõ ràng. Những đám mây màu xanh dương chỉ tính chất tịnh khiết chứ không có sự long lanh chói rạng như hào quang của một người tiến bộ tâm linh, thường được diễn tả là chiếu sáng rạng ngời như ánh bạc.
Tuy nhiên, những điểm nhỏ màu vàng ánh xuất hiện rải rác trên màu xanh dương là những điểm linh quang của tinh thần, biểu lộ những hoài bão tâm linh; còn những đám mây mờ màu hồng và xám của hào quang ở phần dưới thân mình biểu lộ tính chất nặng nề ô trược thuộc về phần thú tính của con người. Màu xám này càng trở nên đục ngầu, u tối và xám xịt khi phần thú tính của con người phát triển trội hơn phần trí tuệ, tinh thần và tâm linh, còn trong những người hoàn toàn sa đọa vào tội lỗi, trụy lạc đến cực điểm, thì theo nhận xét của những vị có thần nhãn, nó trở nên sậm đen như mực...
Dưới đây là một trường hợp phóng ảnh khác do bà Blavatsky thực hiện.
Một buổi tối, bà Blavatsky tiếp hai người khách ở lại dùng cơm chiều. Sau bữa ăn, chúng tôi sang phòng khách và câu chuyện xoay qua vấn đề phóng bút, phóng ảnh. Một người khách yêu cầu bà Blavatsky phóng ảnh cho chúng tôi xem. Bà hỏi vị ấy muốn có ảnh của ai, người khách đáp rằng y muốn có bức ảnh của một vị đạo sĩ Yoga Ấn Độ mà chúng tôi đều biết tên và được các chân sư rất kính nể. Bà Blavatsky bước lại bàn giấy của tôi, lấy một tờ giấy xé làm hai phần và giữ lấy một phần rồi để nó xuống mặt bàn có lót một tờ giấy thấm. Kế đó, bà lấy con dao gọt lấy một ít bột viết chì để trên tờ giấy, rồi lấy tay xoa theo hình tròn trên mặt giấy độ chừng một phút, rồi bà đưa kết quả cho chúng tôi xem.
Trên tờ giấy là bức chân dung mong ước của người khách, ngoài tính cách phóng ảnh kỳ diệu, nó còn là một tác phẩm mỹ thuật rất thần tình.
Họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng ở Mỹ là Le Clear đã đánh giá rằng bức ảnh này thật độc đáo, với một nghệ thuật siêu đẳng mà không một họa sĩ nào trong giới quen biết của ông có thể thực hiện...
Vị Yogi được trình bày đang trong đại định (samādhi), đầu hơi nghiêng sang một bên, đôi mắt không nhìn ra ngoại cảnh mà như hướng vào nội tâm, toàn thân dường như không còn tri giác...
Vị này tên là Tiravala, vốn là một triết gia rất được quí trọng ở Mylapore, một làng ở ngoại thành Madras, và là vị bảo trợ tinh thần của những người nghèo khổ, hạ tiện, thuộc giai cấp “bất khả tiếp xúc” (Pariah). Về vấn đề ông ta có còn ở trong xác thân hay không, tôi không thể biết chắc, nhưng theo lời bà Blavatsky thường nói về ông ta, thì tôi đoán rằng ông ta còn sống.
Tuy nhiên, điều này có vẻ khó tin đối với tất cả mọi người, trừ ra đối với người Ấn Độ, vì người ta nói rằng nhà Yogi này đã từng viết ra bộ Kinh “Kural” bất hủ cách đây khoảng một ngàn năm! Ở miền Nam Ấn, ông ta được xem như một trong những vị đạo sĩ đã phát huệ và đắc pháp thần thông, và cùng với mười bảy vị đạo sĩ đắc đạo khác hiện đang còn sống trên các vùng núi Tirupati Nilgiri với sứ mạng bảo trợ, chăm sóc về phần tâm linh cho con người. Tuy mai danh ẩn tích, các vị ấy vẫn sử dụng quyền năng ý chí mạnh mẽ của mình để trợ giúp những tu sĩ chân chính và những người phụng sự vị tha, vì tình thương nhân loại.
Khi tôi nhớ lại việc cũ để viết tập hồi ký này, tôi ghi nhận là trên đầu vị đạo sĩ không thấy có hào quang tâm linh, tuy rằng những giai thoại do bà Blavatsky kể lại về nhà đạo sĩ đã xác nhận quan niệm của những người Ấn Độ ái mộ ông rằng nhà Yogi này là một vị chân tu có trình độ tâm linh cao cả và đạo hạnh rất tinh thâm. Điều ghi nhận trên cũng đúng với bức chân dung đầu tiên của chân sư do họa sĩ Harrisse vẽ tại New York, trong đó cũng không thấy hào quang. Ít nhất trong trường hợp này, tôi có thể chứng minh là bức ảnh giống như thật, cũng như những người khác đã từng có diễm phúc nhìn thấy ngài.
Từ lâu, tôi vẫn mong ước có một bức ảnh của Sư Phụ tôi để treo trong phòng và chiêm ngưỡng nếu tôi không có diễm phúc được hội kiến với ngài trong kiếp này. Bởi vậy, tôi đã yêu cầu bà Blavatsky phóng họa cho tôi một bức ảnh của chân sư và bà hứa sẽ làm khi có dịp thuận tiện.
Trong trường hợp này, bà không được phép trực tiếp phóng ảnh cho tôi, mà một phương pháp giản dị hơn và rất lý thú được áp dụng: một người họa sĩ thường, không phải là đồng tử hay đạo sinh Huyền môn, được yêu cầu họa bức chân dung của ngài cho tôi nhưng ông ta không biết mình đang làm gì.
Đó là một họa sĩ tài tử, ông Harrisse, một người Pháp và là bạn của chúng tôi. Một buổi tối, khi chúng tôi đang trò chuyện xoay quanh vấn đề Ấn Độ và lòng dũng cảm của những người dân Rajput, bà Blavatsky nói nhỏ với tôi rằng bà sẽ yêu cầu họa sĩ này vẽ chân dung Sư Phụ chúng tôi nếu tôi có thể cung ứng vật liệu.
Trong nhà không có sẵn đồ họa cụ, tôi liền đến tiệm tạp hóa gần bên và mua một tờ giấy loại đặc biệt cùng với vài cây viết chì. Người chủ tiệm gói chung các món lại thành một gói đưa cho tôi qua quầy hàng, tôi trả y một đồng tiền trị giá năm mươi xu và bước ra. Khi về tới nhà, tôi vừa mở gói ra thì có hai đồng tiền, mỗi đồng hai mươi lăm xu, từ trong gói rơi xuống sàn gạch! Thật rõ ràng là chân sư cố ý tặng tôi bức chân dung của ngài mà khỏi phải tốn tiền!
Khi đó, bà Blavatsky yêu cầu họa sĩ Harrisse hãy vẽ diện mạo của một vị tù trưởng Ấn Độ, tùy theo quan niệm của ông ta. Người họa sĩ nói y không hình dung được trong trí là phải vẽ như thế nào, và muốn đổi qua một đề tài khác. Nhưng thấy tôi cứ khăng khăng một mực đòi hỏi, ông ta mới vẽ thử một đầu người Ấn Độ. Bà Blavatsky ra dấu cho tôi hãy ngồi yên ở phía bên kia gian phòng, còn bà đến ngồi gần bên người họa sĩ và lẳng lặng hút thuốc lá. Thỉnh thoảng, bà rón rén đi đến sau lưng người họa sĩ dường như để xem ông ta làm việc, nhưng vẫn im lặng không nói gì cho đến độ một giờ sau, khi bức họa đã vẽ xong. Tôi cám ơn nhà họa sĩ khi nhận bức chân dung, đem lộng khuôn và treo trong phòng ngủ của tôi.
Nhưng một việc lạ lùng đã xảy ra. Sau khi chúng tôi ngắm nhìn lần cuối cùng và bà Blavatsky cầm lấy để đưa cho tôi, thì chữ ký bằng ám hiệu của chân sư đột nhiên hiện trên bức ảnh. Đó là một cách biểu thị sự có mặt và bút tích của ngài trên bức họa, và điều này càng làm tăng thêm giá trị món quà quí báu mà ngài tặng cho tôi.
Nhưng hồi đó tôi không biết là bức chân dung có giống Sư Phụ tôi hay không, vì tôi chưa từng nhìn thấy ngài bao giờ. Về sau, khi tôi được gặp ngài, tôi mới nhận thấy rằng bức họa ấy thật giống, và hơn nữa tôi còn được ngài tặng cho cái khăn vấn đầu mà nhà họa sĩ tài tử đã vẽ trong bức họa.
Đây quả là một trường hợp chuyển di tư tưởng, do đó hình ảnh của một người vắng mặt được đưa vào tâm thức của một người hoàn toàn xa lạ. Hình ảnh đó có đi xuyên qua tư tưởng của bà Blavatsky hay không? Tôi nghĩ rằng có. Tuy nhiên, với sự khác biệt là trí nhớ của bà Blavatsky cung ứng bức chân dung cần được chuyển đi qua tâm trí của ông Harrisse, và nhờ một khả năng kỳ diệu, bà đã làm điều này một cách trực tiếp mà không cần phải qua một vật trung gian, nghĩa là không cần vẽ trước hình mẫu trên một tấm bìa, để cho bà hình dung trong trí rồi mới chuyển qua tâm trí người họa sĩ.

CHƯƠNG MƯỜI BA -
XUẤT HỒN

Tất cả những lý thuyết và suy luận về tính chất lưỡng thể của con người, nghĩa là cho rằng ngoài cái thể xác vật chất hữu hình này còn có một thể vía, lẽ tất nhiên phải đòi hỏi bằng chứng cụ thể trước khi có thể đưa vấn đề đi xa hơn. Đối với những đầu óc duy vật, đây là một vấn đề bất thường và khó tin đến nỗi hầu như bị gạt phăng đi như một việc hão huyền, thay vì tạm chấp nhận như một giả thuyết để tiếp tục khảo cứu.
Thật vậy, đó là thái độ của các nhà khoa học thông thường, và khi một nhà khảo cứu can đảm hơn người bình thường khẳng định điều đó như sự tin tưởng của ông ta thì thường bị xem là thiếu sự dè dặt, thận trọng của một nhà khoa học chân chính, chưa kể đến việc có thể làm trò cười cho mọi người như kẻ chủ trương một lý thuyết bấp bênh, mơ hồ.
Tuy nhiên, có nhiều tác phẩm rõ ràng chính xác như của D’Assier và của các tác giả khác đã được công bố vào những thời gian khác nhau, trình bày những sự kiện vững chắc không thể chối cãi, dù nghe qua có vẻ rất khó tin. Vấn đề này hiện nay đã được chứng minh trên một qui mô rộng lớn bởi sự sưu tập hàng nghìn hiện tượng đã được quan sát kỹ lưỡng; và nay dường như đã đến lúc mà nhà siêu hình học nào không biết đến những sự kiện đó thì không thể được xem là bậc thầy đáng tin cậy của nhân loại.
Nhưng cho dù có rất nhiều bằng chứng dồn dập kể trên làm thỏa mãn lý trí, nhưng sự thật về thể vía và khả năng tách rời nó ra khỏi thể xác chỉ có thể biết được bằng một trong hai cách: hoặc nhìn thấy thể vía của người khác, hoặc tự mình xuất vía và ngắm nhìn thể xác của chính mình như một đối tượng khách quan.
Chỉ với một trong hai loại kinh nghiệm đó người ta mới có thể nói rằng mình biết, và khi có đủ cả hai thì sự hiểu biết ấy mới thật là tuyệt đối và không thể lay chuyển.
Tôi có đủ cả hai loại kinh nghiệm trên, vì thế tôi có thể làm nhân chứng và chứng minh sự thật để giúp đỡ cho sự hiểu biết của các bạn đồng môn. Tôi chỉ kể sơ qua những trường hợp mà tôi đã nhìn thấy bà Blavatsky trong thể vía trên một đường phố New York, trong khi cái xác phàm của bà đang ở Philadelphia. Tôi cũng nhìn thấy một người bạn khác trong thể vía ở New York trong khi thân xác anh ta đang ở một tiểu bang thuộc miền Nam, cách đó nhiều trăm dặm.
Những lần khác, tôi nhìn thấy một vị chân sư trong một chuyến xe lửa và trên một chiếc tàu ở Mỹ, mà thật sự lúc ấy thân xác ngài đang ở tận bên châu Á.
Có lần tại Jummu tôi nhận được một bức điện tín của bà Blavatsky gửi từ Madras,23 và do một vị chân sư đích thân đưa cho tôi. Khi đó ngài hóa thân trong bộ trang phục một người đưa thư của Bưu điện tỉnh Kashmir, và một lúc sau ngài đột nhiên mất dạng dưới ánh trăng rằm khi tôi bước ra cửa để nhìn theo ngài.
Một lần khác, trên cầu Worli Bombay tôi được gặp một vị chân sư vào buổi chiều nóng bức, khi bà Blavatsky với một người bạn là Damodar và tôi đang ngồi trên xe ngựa đi dọc theo bờ biển để hóng mát. Khi đó, tôi thấy ngài từ xa đi về phía chúng tôi, đến gần một bên chiếc xe, đặt bàn tay ngài trên bàn tay bà Blavatsky, rồi quay lưng bước đi và thình lình biến mất khỏi tầm mắt chúng tôi giữa con đường lót đá, chung quanh không hề có một gốc cây, bụi rậm hay chướng ngại vật nào có thể làm che khuất hình dạng của ngài.
23 Madras hay Chennai, một thành phố ở miền đông nam Ấn Độ, thủ phủ của bang Tamil Ndu.
Tôi xin thông qua những sự việc kể trên và những kinh nghiệm khác nữa để bắt đầu kể một chuyện rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đối với cuộc đời tôi.
Chuyện này đã được kể lại ở nơi khác, nhưng cần được nhắc lại ở đây, vì nó là một trong những nguyên nhân chính đã làm tôi từ bỏ cuộc sống thế gian để tìm thấy quê hương tinh thần của tôi bên xứ Ấn Độ. Bởi đó, nó cũng là một trong những yếu tố chính của việc xây dựng Hội Thông thiên học Thế giới. Tôi không nói rằng nếu không có việc này thì tôi đã không sang Ấn Độ, vì thật ra là trong thâm tâm tôi đã muốn sang đó từ lâu, kể từ khi tôi được biết về ảnh hưởng tinh thần của Ấn Độ đối với thế giới, và triển vọng tâm linh của xứ ấy trong tương lai.
Một niềm mong ước cuồng nhiệt không thể dập tắt đã chiếm lấy tôi và thúc đẩy tôi đi đến giải đất lành của các chân sư và chư Phật, tức là nơi thánh địa của thế giới. Nhưng tôi vẫn chưa thấy rõ con đường vạch sẵn để cắt đứt mọi mối liên hệ trói buộc với nước Mỹ, và do đó tôi đành phải tạm gác mọi dự tính để chờ đến khi có một “dịp thuận tiện”. Nhưng điều này lại thường không bao giờ đến với những người trì trệ, do dự và chỉ biết chờ đợi thời cơ.
Tuy nhiên, sự việc quan trọng nói trên đã giải quyết định mệnh của tôi. Trong khoảnh khắc, mọi sự nghi ngờ đều tiêu tan như mây khói, một viễn ảnh xuất hiện rõ ràng đã chỉ đường cho tôi, và trước khi trời sáng sau một đêm không ngủ, tôi bắt đầu thảo kế hoạch cụ thể và thu xếp mọi việc.
Việc ấy xảy ra như sau: Công việc soạn bộ “Vén màn Isis” đêm hôm ấy đã xong, tôi chúc bà Blavatsky ngủ ngon giấc và trở về phòng riêng. Tôi đóng cửa cẩn thận như thường lệ và còn ngồi xem sách đến khuya. Quyển sách tôi xem, nếu tôi nhớ không nhầm thì là quyển “Du lịch xứ Yucatan” của Stephens. Dầu sao, đó chắc chắn không phải là sách nói về chuyện liêu trai hay loại sách có tác dụng khêu gợi trí tưởng tượng của độc giả khiến người ta phải nhìn thấy ma quái hiện hình.
Tôi đang chăm chú đọc sách trong bầu không khí im lặng. Không có việc gì xảy ra lúc ban chiều làm cho tôi nghĩ đến việc nhìn thấy một vị chân sư trong thể vía; tôi không mong muốn hoặc tưởng tượng đếnviệc ấy, cũng không hề có ý mong đợi việc ấy xảy ra. Thình lình, trong khi tôi vẫn đang nhìn vào quyển sách, tôi chợt thoáng thấy một ánh sáng nơi khóe mắt bên phải của tôi. Tôi quay đầu lại và làm rơi quyển sách trong sự ngạc nhiên khi nhìn thấy đứng sừng sững giữa phòng một người phương Đông cao lớn, mình mặc áo rộng trắng, đầu bịt một chiếc khăn bằng lụa trắng có sọc màu vàng lợt. Một mái tóc dài và đen huyền thòng xuống dưới chiếc khăn chấm đến hai vai, một chòm râu đen chẻ hai ở phía dưới cằm theo kiểu người Rajput.
Đôi mắt ngài linh động và sáng ngời, cái nhìn vừa hiền lành vừa như soi thấu tâm hồn tôi. Đó vừa là đôi mắt nghiêm nghị của một người dẫn đạo và một vị quan tòa, nhưng lại thoảng nét dịu hiền và tình thương của một người cha đang nhìn đứa con đang cần sự hướng dẫn và khuyên bảo.
Ngài có một phong độ hùng tráng oai nghi, toàn thân ngài toát ra một sức sống tâm linh cao cả và một sức mạnh huyền bí phi thường, làm cho tôi cảm thấy mất bình tĩnh trước mặt ngài. Tôi cúi đầu quì xuống đất đảnh lễmột cách tự nhiên như người ta chiêm bái một vị thần thánh hay một đấng thiêng liêng cao cả. Ngài đặt nhẹ một bàn tay trên đầu tôi, một giọng nói vừa êm dịu vừa hùng tráng bảo tôi hãy ngồi dậy, và khi tôi ngẩng mặt nhìn lên, thì ngài đã an tọa trên một chiếc ghế ở bên kia bàn.
Ngài nói rằng ngài đến đây trong khi tôi đang gặp cơn khủng hoảng và cần đến ngài; rằng những việc làm của tôi đã đưa tôi đến điểm đó; rằng tôi có trọn quyền tự do quyết định việc ngài với tôi sẽ thường gặp nhau trong kiếp hiện tại để cùng hợp tác vì sự lợi ích cho nhân loại; rằng một công trình lớn lao vĩ đại sẽ phải được thực hiện cho nhân loại, và tôi có quyền tham dự vào công việc đó nếu tôi muốn; rằng một sợi dây nhân duyên huyền bí, mà ngài không thể giải thích cho tôi biết ngay lúc này, đã làm cho bà Blavatsky và tôi gặp gỡ và hợp tác chặt chẽ với nhau trong kiếp này, một sợi dây nhân duyên vô cùng bền chặt không thể nào cắt đứt, dù đôi khi nó có bị căng thẳng đến mức độ nào.
Ngài cũng nói cho tôi biết nhiều điều về bà Blavatsky mà tôi không tiện nói ra đây, cùng những chuyện có liên hệ đến riêng tôi, nhưng không can dự gì đến người khác. Ngài ngồi đó đã bao lâu, tôi cũng không thể nói được: có thể là nửa giờ hoặc một giờ; nhưng xem dường như chỉ có một phút, trước mặt ngài, tôi đã mất cả ý thức về thời gian.
Sau cùng, ngài đứng dậy; tôi còn đang ngạc nhiên về dáng vóc cao lớn lạ thường và chiêm ngưỡng cái phong độ huy hoàng cao cả của ngài, thì thình lình một tư tưởng thoáng qua đầu tôi: “Phải chăng đây chỉ là một ảo ảnh do bà Blavatsky dùng thuật thôi miên tạo ra để đánh lừa mình?” Tôi ước mong rằng tôi nắm được một vật cụ thể nào đó để chứng tỏ rằng ngài đã thật sự đến đây, một vật mà tôi có thể cầm trên tay làm bằng chứng sau khi ngài đã đi rồi.
Chân sư mỉm cười một cách khoan dung, dường như ngài đã đọc được tư tưởng của tôi. Ngài bèn tháo chiếc khăn bịt trên đầu để lên bàn, chào từ giã tôi một cách dịu dàng khả ái và rồi... biến mất!
Chiếc ghế ngài ngồi lúc nãy đã trống trơn, bỏ tôi ngồi lại một mình với những cảm xúc của tôi! Tuy vậy, tôi không phải chỉ có một mình, vì bên cạnh tôi là chiếc khăn lụa mà chân sư vừa để lại trên bàn, một bằng chứng cụ thể và chắc chắn rằng tôi không phải đã bị ảo ảnh hay thôi miên, mà tôi đã gặp gỡ tận mặt một trong những bậc Thánh của nhân loại, một vị chân sư cao cả.
Phản ứng tự nhiên trước hết của tôi là chạy sang đập cửa phòng bà Blavatsky và thuật cho bà nghe kinh nghiệm huyền diệu của tôi. Bà rất lấy làm vui mừng mà nghe câu chuyện cũng như tôi đã rất sung sướng mà thuật lại.
Tôi trở về phòng ngồi suy nghĩ triền miên và thức luôn tới sáng. Đêm đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều và có những quyết định quan trọng. Những tư tưởng và quyết định của tôi trong đêm đó đã đưa tôi đến với những hoạt động Hội Thông thiên học trong suốt quãng đời còn lại, và một lòng trung thành đối với các đấng chân sư đã nâng đỡ phong trào Thông thiên học với những bàn tay vô hình, một lòng trung kiên như sắt đá mà những sự va chạm phũ phàng và thất vọng đắng cay, đau khổ nhất cũng không bao giờ làm lung lạc được.
Từ đó về sau, tôi đã có diễm phúc được hội ngộ nhiều lần với đấng chân sư trên và những vị chân sư khác nữa. Nhưng thật không ích gì mà lặp lại những kinh nghiệm khác tương tự, tôi nghĩ rằng câu chuyện trên đây là một thí dụ điển hình và dã quá đủ. Những người kém may mắn hơn tôi có thể nghi ngờ chuyện này, nhưng thật sự là nhờ đó mà tôi đã biết.
Với lý tưởng thành thật trong mọi chuyện, tôi phải kể lại cả một sự nghi ngờ về lời kể của tôi như một nhân chứng của hiện tượng kể trên. Hồi năm 1884, tôi được mời làm nhân chứng trước một phiên họp Ủy ban đặc biệt của Hội Khảo cứu tâm linh (Society for Psychical Research) tại London, và đã thuật lại câu chuyện trên trong số những sự việc khác.
Trong cuộc thẩm vấn, một nhân viên của Ủy ban đã đưa ra câu hỏi: Làm sao tôi có thể chắc rằng bà Blavatsky đã không sử dụng một người Ấn Độ cao lớn để thực hiện trò đùa đó đối với tôi? Còn những chi tiết có vẻ huyền bí khác thì biết đâu óc tưởng tượng của tôi đã chẳng làm cho tôi tưởng là sự thật?
Khi đó, tôi có cảm giác chán ngấy về sự nghi ngờ độc ác của họ đối với bà Blavatsky, và sự tránh né có vẻ hèn nhát, thiếu tinh thần danh dự của họ đối với những sự kiện tâm linh hiển nhiên không thể chối cãi, khi họ núp dưới bức màn che của một thái độ khôn ngoan cẩn trọng giả tạo.
Tôi bèn trả lời mau chóng, giữa những lý luận khác, rằng cho đến khi đó tôi chưa bao giờ nhìn thấy một người Ấn Độ nào!
Bây giờ, tôi xin nói về những kinh nghiệm bản thân trong vấn đề xuất vía. Trước hết, tôi có lời cảnh giác các bạn sơ cơ trên đường đạo: Khả năng xuất vía ra ngoài thể xác không nhất thiết là bằng chứng của sự phát triển tâm linh.
Phần đông những kẻ mới chập chững bước vào đường đạo thường nghĩ ngược lại, nhưng họ đã lầm. Một bằng chứng đầu tiên và đầy đủ là sự xuất vía rất thường xảy ra với những người không hề có thời giờ để khảo cứu về khoa huyền môn, không tu luyện theo một pháp môn Yoga nào, cũng không hề thử tập phép xuất vía. Họ thường sợ hãi hay xấu hổ, bất bình khi bị cho là đã tập luyện phép ấy. Họ cũng không có chút gì trội hơn những người thường về sự tịnh khiết trong tư tưởng và trong đời sống hằng ngày, hoặc về lý tưởng tâm linh hay những khả năng tinh thần, mà thường là trái ngược hẳn lại.
Mặt khác, sử liệu ghi nhận về khoa hắc thuật (bàng môn tả đạo) có đầy dẫy những trường hợp xuất vía của những kẻ sa đọa, tội lỗi, thường dùng phép thuật ấy để hãm hại người khác; những trường hợp phân thân, ám ảnh những nạn nhân thù địch, biến hình thành chó sói và những ma thuật tà đạo khác. Ngoài ra còn có đến hàng nghìn trường hợp xuất vía của những người thuộc đủ mọi thành phần, thường là những loại người bất hảo, nếu không muốn nói là sa đọa, đã được Hội khảo cứu tâm linh xem xét kỹ lưỡng và ghi nhận vào hồ sơ tài liệu của họ, và hàng nghìn trường hợp khác nữa đang xem xét chưa được ghi vào sổ.
Tất cả những sự việc kể trên kết hợp lại đã chứng minh cho lời cảnh giác của tôi rằng khả năng xuất vía của một người, dù hữu thức hay vô thức, không phải là bằng chứng chỉ rằng người ấy tốt lành hơn, khôn ngoan hơn, tiến bộ tâm linh hơn, hay có đủ tư cách làm một bậc đạo sư hơn mọi người thường. Nó chỉ là một dấu hiệu chỉ rằng người ấy do bẩm sinh hoặc do công phu cố gắng, đã làm tách rời được thể vía ra khỏi xác thịt. Người như vậy thường có thể xuất vía ra và nhập trở về dễ dàng hơn người khác, vì thể xác của họ không gây chướng ngại cho việc này, và họ có thể xuất vía trong giấc ngủ tự nhiên hay trong giấc ngủ thôi miên.
Về vấn đề này, độc giả có thể nhớ lại bức họa phóng ảnh trên mảnh vải satin mô tả những trạng thái tâm linh qua thể vía của Stainston Moses mà bà Blavatsky đã thực hiện trước đây. Vì nhiều nguyên do, tôi không hề có thời giờ tu luyện theo pháp môn Yoga từ khi tôi bắt đầu hoạt động thực tế trong phong trào Thông thiên học. Dường như không bao giờ tôi nghĩ đến việc mình có thể sở đắc phép mầu, tôi không hề mong ước làm một vị đạo sư, cũng không màng đến việc đạt tới sự giải thoát hay không trong kiếp này. Đối với tôi, phụng sự nhân loại là pháp môn cao quí nhất, và nếu tôi có thể làm một ít việc nhỏ nhoi khiêm tốn nào để truyền bá đạo lý và làm giảm thiểu sự vô minh, thì đó cũng là một phần thưởng lớn lao dành cho tôi.
Trong giai đoạn ban đầu của Hội Thông thiên học, không bao giờ thoáng qua trong đầu óc tôi ý nghĩ rằng tôi có thể luyện mình để trở thành một nhà linh thị hay một người có phép mầu, một đạo gia hay một nhà huyền học. Tôi vẫn tiếp tục làm việc theo chỉ thị của chân sư, ngài dạy tôi rằng con đường tốt nhất để tìm các ngài là thông qua Hội Thông thiên học. Đó có lẽ là một môi trường hoạt động khiêm tốn, nhưng thích hợp với khả năng hữu hạn của tôi, một việc làm đầy hứng thú và đồng thời cũng rất hữu ích. Bởi vậy, khi tôi kể những chuyện xuất vía của tôi, xin quý độc giả đừng lầm tưởng rằng tôi có ý phô trương sự phát triển tâm linh hay tự hào về sự khôn ngoan của mình như một nhà thông linh lỗi lạc.
Sự thật là, theo tôi nghĩ, tôi được trợ giúp cho có được khả năng đó cùng với nhiều kinh nghiệm huyền linh khác chỉ để làm nền tảng huấn luyện cần thiết cho một người được giao phó công tác đặc biệt.
Dưới đây là một trường hợp: Một đêm nọ, bà Blavatsky và tôi đã viết xong một chương của bộ sách “Vén màn Isis” và chia tay để lui về phòng riêng ngơi nghỉ. Chúng tôi xếp chồng bản thảo lên một cái khay gỗ, trang đầu ở trên hết và trang cuối ở dưới đáy. Sau khi về phòng, chúng tôi mỗi người đều khóa cửa phòng mình trước khi đi ngủ để đề phòng kẻ trộm.
Trong khi thay đồ để mặc quần áo ngủ, tôi mới nghĩ rằng nếu tôi thêm ba chữ nữa vào câu cuối cùng của đoạn chót thì ý nghĩa của đoạn văn ấy sẽ trở nên mạnh mẽ và súc tích hơn. Sợ rằng nếu để đến sáng mai sẽ có thể quên đi, tôi mới có ý nghĩ bông đùa là thử xuất vía xuống phòng làm việc ở tầng dưới và viết thêm ba chữ nữa bằng thể vía của tôi.
Tôi chưa từng di chuyển bằng thể vía một cách có ý thức như vậy bao giờ, nhưng tôi biết phương pháp thực hiện điều đó, tức là tập trung ý muốn xuất vía một cách mãnh liệt trong trí trước khi ngủ, và tôi bèn làm như vậy.
Tôi không biết gì nữa cho đến sáng hôm sau, khi đã thay y phục và ăn điểm tâm xong, tôi mới ngừng trước cửa phòng bà Blavatsky ở từng dưới để chào hỏi bà một câu trước khi ra đi đến văn phòng Luật của tôi. Bà nói: “Ô kìa! Ông hãy nói cho tôi biết ông đã làm gì ở đây đêm qua sau khi ông đã đi ngủ?”
Tôi đáp: “Làm gì à? Bà muốn nói điều gì?”
Bà nói tiếp: “Tôi đang nằm trên giường còn chưa ngủ thì bỗng nhiên tôi nhìn thấy thể vía của ông vọt ra xuyên qua vách tường! Trông ông có vẻ đờ đẫn và buồn ngủ nữa đấy! Tôi có hỏi chuyện ông, nhưng ông không trả lời. Kế đó ông bước qua phòng viết, tôi nghe tiếng động của ông lục lạo trong đống giấy tờ, rồi thế là hết. Ông đã làm gì vậy?”
Khi đó, tôi mới nói cho bà biết sự thí nghiệm của tôi. Rồi chúng tôi cùng đến phòng làm việc, lật chồng giấy bản thảo xem lại, thì thấy nơi trang cuối cùng, ở câu chót của đoạn kết luận, có hai trong số ba chữ định thêm vào được viết bằng tuồng chữ của tôi, và chữ thứ ba chỉ mới bắt đầu nhưng viết chưa hết: khả năng tập trung tư tưởng dường như đã kiệt quệ, và chữ ấy chỉ viết được có nửa phần đầu, còn nửa phần sau chỉ là một vết nguệch ngoạc!
Tôi đã sử dụng cây bút chì như thế nào? Tôi có cầm nó trên tay không? Và làm sao tôi viết được mà không cầm lấy cây viết? Tôi cũng không biết được. Có lẽ chỉ một lần đó tôi đã phóng bút với sự trợ giúp của một trong những tinh linh có hảo ý của bà Blavatsky, bằng cách sử dụng những nguyên tử chì trong ruột những cây bút chì để trên bàn cùng với xấp giấy bản thảo.
Dù sao đó cũng là một kinh nghiệm hữu ích cho tôi. Độc giả hãy ghi nhận sự kiện này: sự phóng bút bằng phương pháp huyền linh của tôi bị gián đoạn ở một điểm mà, do sự thiếu kinh nghiệm, tôi đã để cho ý chí của tôi phân tán và tách rời khỏi việc đang làm. Tập trung ý chí một cách vững chắc không thể lay chuyển là điều cần thiết để thành công trong những hiện tượng thuộc loại này, cũng như trong mọi việc khác trên bình diện trí năng thông thường.
Trong một bài tường thuật nhan đề “Hiện tượng phóng ảnh” của tôi đăng trên tạp chí Theosophist tháng 7 năm 1888, tôi có giải thích mối tương quan ảnh hưởng giữa sự tập trung ý chí đã được huấn luyện thành thục và tính chất lâu bền của những tác phẩm phóng bút, phóng ảnh, cùng những tác phẩm tương tự khác do việc sử dụng năng lực sáng tạo của ý chí. Tôi có nêu ra những chi tiết vô cùng lý thú và gợi ý về vấn đề xuất vía phóng bút mà ông Wilkie Collins đã diễn tả trong quyển Hai định mệnh. Đó là một quyển sách mà mọi sinh viên huyền môn đều nên đọc, cũng như những cuốn Zanoni, Một chuyện lạ lùng, hay Chủng tộc tương lai.
Tuy nhiên, dù có đọc sách và học hỏi kinh nghiệm của người khác nhiều đến bao nhiêu về các vấn đề này cũng không thể so sánh với một kinh nghiệm bản thân dù nhỏ bé như chuyện của tôi vừa kể trên, bởi vì nó làm cho người ta nhận thức được sự thật của định luật “tư tưởng sáng tạo hình thể”, một định luật vẫn tác động luôn luôn trong vũ trụ.
Kinh Upanishad của Ấn Độ có đoạn viết: “Phạm Thiên (Brahma) muốn: ‘Ta hãy sinh sôi nảy nở, Ta hãy biến thành thiên hình vạn trạng. Ta hãy tăng trưởng...’ Rồi ngài đắm chìm trong cơn suy tư trầm lặng... Sau khi ngài đã suy tư, ngài bèn phóng xuất ra muôn nghìn sắc tướng, muôn loài vạn vật trên thế gian. Sau khi đã phóng xuất ra mọi hình thể sắc tướng, ngài bèn thể nhập vào mỗi hình sắc, mỗi sinh vật...”
Đoạn kinh ấy có ý nghĩa rất sâu xa đối với tôi. Ý nghĩa của nó còn cực kỳ sâu xa hơn, chắc thật hơn đối với người nào đã tự mình có kinh nghiệm suy tư rồi sáng tạo nên một hình thể, hơn là đối với những người chỉ học qua sách vở mà không cảm nhận được sự thật vang dội từ sâu thẳm trong tâm hồn.
Tôi còn nhớ một trường hợp xuất vía khác nữa của tôi, nó giải thích một định luật gọi là “luật hệ quả tương ứng”. Độc giả có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu dồi dào phong phú về vấn đề này trong các sách vở nói về khoa phù thủy và phương thuật. Cách nói “hệ quả tương ứng” (repercussion) ở đây có nghĩa là những hệ quả tương ứng xảy ra trên thể xác khi thể vía phải nhận lãnh những cú đấm, vết đâm chém hay những vết thương khác trong khi nó phóng xuất ra ngoài và di chuyển như một thực thể cá biệt. Còn cách nói “phân thân” có nghĩa là sự xuất hiện của một người ở hai nơi trong cùng một lúc; ở một nơi là thể xác, và ở một nơi khác là thể vía.
Trong quyển “Humanité Posthume”, ông D’Assier có đề cập đến cả hai vấn đề này. Nói về việc gây thương tích cho các nạn nhân do các nhà phù thủy xuất vía để tác hại cho họ, tác giả viết: “Bà phù thủy xuất vía đi vào nhà của một người mà bà có việc muốn trả thù, và khuấy phá người ấy bằng đủ mọi cách. Nếu người này cương quyết tự vệ, và nếu ông ta có sẵn một thứ khí giới nào đó, ông ta có thể chém vài nhát vào cái bóng ma. Khi bà phù thủy nhập xác và trở lại trạng thái bình thường, bà ta sẽ thấy xuất hiện trên thể xác mình những vết thương tương ứng với những vết thương mà bà đã nhận chịu trong cơn xung đột bằng thể vía với người kia.”
Những văn khố lưu trữ của Bộ Tư pháp Anh có ghi nhận trường hợp mụ phù thủy Jane Brooks xuất vía đến khuấy phá một đứa trẻ tên Richard Jones một cách rất độc ác. Trong một lần, đứa trẻ la lên rằng mụ Jane đang có mặt trong nhà, và đưa ngón tay lên chỉ vào cái bóng đó. Lúc ấy một nhân chứng có mặt tên là Gilson bèn phóng tới chỗ đó và cầm dao chém đùa vào khoảng không, tuy rằng ông không nhìn thấy gì cả, vì cái bóng ma ấy chỉ duy có đứa trẻ nhìn thấy được.
Ngay lập tức sau đó, Gilson cùng với người cha đứa trẻ và một người cảnh binh đi đến nhà mụ Jane, và thấy mụ ấy đang ngồi trên ghế, một bàn tay đỡ lấy cái bàn tay kia. Trước sự thẩm vấn, mụ ấy nói là không có gì xảy ra, nhưng khi người ta kéo tay mụ ra thì thấy bàn tay kia dính đầy máu và bị một vết chém đúng vào chỗ như đứa trẻ đã nhìn thấy lưỡi dao của Gilson chém vào bàn tay của bóng ma.
Rất nhiều trường hợp tương tự đã được ghi nhận, tất cả đều chứng tỏ rằng một vết thương gây trên thể vía đã phóng xuất ra ngoài, sẽ tạo ra hệ quả tương ứng trên thể xác.
Dưới đây là kinh nghiệm cá nhân của tôi. Trong phòng làm việc của chúng tôi tại “Lạt-ma Viện”, bên cạnh lò sưởi có treo trên tường một cái đồng hồ lớn mà tôi có thói quen lên dây cót mỗi đêm trước khi đi ngủ. Một buổi sáng, sau khi rửa mặt, tôi nhìn vào tấm kiếng thì thấy mắt bên phải bầm đen và tím lại, dường như tôi đã bị một cú đấm vào mắt. Tôi không biết lý do tại sao, và càng ngạc nhiên hơn khi thấy rằng chỗ bị thương lại không đau nhức chi cả. Tôi cố nhớ lại xem việc gì đã xảy ra để tìm nguyên nhân của sự việc ấy, nhưng vẫn vô hiệu. Trong buồng ngủ của tôi, không có cột đứng, góc cạnh tường, hay chướng ngại vật nào có thể làm cho tôi va đầu vào để nhận lấy vết thương, nếu giả thiết rằng tôi đã đi trong giấc ngủ, nhưng thật ra tôi không hề có tật đó. Lại nữa, một sự va chạm khá mạnh để làm cho mắt tôi bầm đen như vậy, đương nhiên là phải làm cho tôi thức giấc ngay tức khắc lúc đó, nhưng trái lại, như thường lệ tôi đã ngủ thẳng giấc suốt đêm cho đến sáng. Thế là tôi vẫn tiếp tục hoang mang, cho đến lúc tôi ngồi lại bàn ăn điểm tâm cùng với bà Blavatsky và một bà bạn của bà đã đến chơi từ hôm qua và ngủ lại trên giường bà Blavatsky đêm ấy. Bà bạn này đã đem lại đáp số cho điều bí hiểm kia. Bà ấy nói, khi bà nhìn thấy con mắt tím bầm của tôi: “Ồ, ông đại tá, chắc ông đã đụng nhằm vật gì đêm qua khi ông xuống đây để lên dây cót đồng hồ!”
Tôi đáp: “Lên dây cót đồng hồ ư? Bà muốn nói gì vậy? Chẳng phải bà đã khóa cửa phòng cẩn thận khi tôi đi lên phòng của tôi?”
Bà ấy nói: “Phải, chính tôi đã khóa cửa, nhưng làm sao ông có thể xuống đây? Tuy vậy, bà Blavatsky và tôi đều nhìn thấy ông đi xuyên qua vách tường và cửa buồng chúng tôi qua phòng bên kia, và nghe tiếng động của ông lên dây cót đồng hồ. Tôi gọi ông, nhưng ông không trả lời, và tôi không thấy gì nữa.”
Khi ấy tôi mới nghĩ rằng nếu tôi đã đi vào phòng làm việc bằng thể vía và lên dây cót đồng hồ, thì có hai việc tất nhiên phải xảy ra: a) Cái đồng hồ đã được lên dây cót đêm qua và không chết; b) Từ cửa phòng đến chỗ lò sưởi bên cạnh đồng hồ chắc phải có một chướng ngại vật nào đó đã chạm vào mắt tôi.
Chúng tôi xem xét qua một lượt và nhận thấy rằng:
1. Cái đồng hồ vẫn còn chạy, dường như nó đã được lên giây vào đúng giờ như mọi khi.
2. Gần cửa phòng có một kệ sách nhỏ đóng vào tường, một góc kệ nhô ra ngoài, chiều cao vừa tầm con mắt tôi và tôi có thể đụng vào nếu sơ ý.
Kế đó, tôi mới nhớ lại mang máng rằng tôi đã đi từ phía bên kia phòng đến gần cánh cửa, với bàn tay mặt đưa thẳng ra trước dường như để dò đường trong đêm tối, thình lình tôi đụng đầu vào một vật gì làm cho tôi “tá hỏa tam tinh”, “nhìn thấy ba mươi sáu ông sao sáng” như người ta thường nói, rồi kế đó thì... tôi không còn nhớ gì nữa cho đến sáng.
Đó là một điều rất lạ lùng! Vì một cái chạm mạnh trên đầu đáng lẽ phải làm cho một người thức giấc trong trường hợp bình thường, nhưng khi nó chạm vào thể vía đã xuất ra, thì do hiện tượng hệ quả tương ứng, nó chỉ để lại dấu vết rõ ràng trên thể xác mà không làm cho tôi thức giấc!
Trường hợp này còn có những khía cạnh lý thú khác nữa. Nó chỉ rằng, với những điều kiện thuận lợi để cho thể vía ra khỏi thể xác một cách nhẹ nhàng êm thấm, thì sự xuất vía có thể xảy ra dưới sự thúc đẩy của một ý định cố hữu, chẳng hạn như thói quen làm một việc gì mỗi ngày vào một giờ nhất định. Còn nếu gặp những điều kiện không thuận lợi cho sự xuất vía, mà bị đặt dưới một loạt những điều kiện khác hẳn, thì đương sự sẽ trở nên một người “mộng du”, sẽ đứng dậy trong giấc ngủ, rồi đi làm những việc gì còn lởn vởn trong tâm trí vào lúc đó, và trở về giường ngủ say mà không nhớ được việc gì đã xảy ra.
Một trong những kinh nghiệm lý thú nhất của tôi là gặp gỡ những người chưa hề quen biết ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Họ quả quyết rằng đã nhìn thấy tôi ở những nơi công cộng, rằng tôi đã đến viếng họ bằng thể vía, đôi khi đã nói chuyện với họ về những vấn đề huyền môn, hoặc đã chữa họ khỏi bịnh, thậm chí cũng có khi cùng đi với họ lên cõi Trung giới để viếng các đấng chân sư... Nhưng tôi không nhớ được gì cả về những sự việc này!
Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ thì điều ấy cũng không lạ gì. Xét vì một người mà trọn cuộc đời, và mỗi tư tưởng, nguyện vọng, ước mơ khi thức tỉnh trong đời sống hằng ngày đều có liên quan mật thiết đến một phong trào tâm linh vĩ đại như của chúng tôi, người ấy không có ước muốn nào khác hơn là sự thành công của nó, không có tham vọng nào khác hơn là thúc đẩy nó tiến tới mục đích tối hậu đã vạch sẵn. Một người như thế đương nhiên là phải chuyển di đời sống nội tâm hữu thức của mình sang qua cõi vô thức tiềm ẩn trong giấc ngủ, và tiêu diêu phảng phất theo những luồng sóng điện của chất tinh quang để qui tụ với những linh hồn đồng thanh khí, theo luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

CHƯƠNG MƯỜI BỐN -
MỘT ĐỊNH LUẬT HUYỀN BÍ

Ít lâu trước khi chúng tôi rời New York, vào một buổi tối bà Blavatsky cùng tôi ra phố để mua sắm vài món đồ cần dùng cho bà. Những phẩm vật mua sắm trị giá đến năm mươi đô-la, và vì lúc ấy bà không có tiền, nên tôi trả tiền thay cho bà và nhận biên lai.
Khi về, lúc chúng tôi sắp bước vào nhà, bà nắm lấy bàn tay tôi, nhét vào đó hai tờ giấy bạc và nói: “Đây là năm mươi đô-la của ông!”
Tôi xin lặp lại rằng bà không có tiền riêng, và không có người khách nào đến nhà trước khi đó để bà có thể mượn tiền. Khi chúng tôi từ nhà ra đi, bà cũng không biết rằng bà sẽ mua những gì, và sẽ phải tiêu xài bao nhiêu tiền. Tiền luôn luôn đến với bà khi bà cần dùng, và khi đó là một nhu cầu chính đáng.
Có lần tôi được yêu cầu đi đến một thành phố nọ để làm một vài công việc rất quan trọng cho các chân sư. Tôi phỏng định rằng làm công việc đó phải mất ít nhất là một hay hai tháng, và vì tôi là người đài thọ mọi khoản chi phí của Hội quán cùng những khoản chi tiêu lớn khác nữa, tôi mới nói với bà Blavatsky rằng thật tình tôi không thể rời khỏi New York.
Bà nói: “Được rồi, ông hãy làm những gì ông nghĩ là đúng. Ông chưa phải một đệ tử đã tuyên thệ, và các chân sư không có quyền bắt ông phải gián đoạn công việc nghề nghiệp của ông.”
Tuy vậy, tôi không thể chịu đựng nổi cái ý nghĩ từ chối bất cứ một việc nhỏ nhặt nào khi các chân sư cần đến tôi, và tuy tôi không biết rõ làm sao tôi có đủ thu nhập để đài thọ mọi nhu cầu khi tôi vắng mặt, cuối cùng tôi vẫn nói rằng tôi sẽ đi với bất cứ giá nào.
Blavatsky hỏi tôi sẽ tổn thất khoảng bao nhiêu bởi chuyến đi này, tôi liền trả lời rằng ít nhất tôi cũng phải mất không dưới năm trăm đô-la mỗi tháng.
Thế rồi tôi đi, và chỉ trở về hai tháng sau đó. Khi tôi đến ngân hàng để xem trong tài khoản của tôi còn bao nhiêu tiền, thì tôi vô cùng ngạc nhiên khi người ta cho biết rằng tôi có đến một ngàn đô-la trội hơn số tiền mà tôi đã gửi! Hay là người tính toán sổ sách đã lầm? Nhưng không, sự thật quả đúng như vậy. Khi đó tôi mới hỏi nhân viên ngân hàng xem có nhớ rõ hình dáng của người đến gửi thêm tiền vào tài khoản của tôi hay không, vì anh ta bảo đã có người đến gửi hai lần, mỗi lần năm trăm đô-la. Cũng may mà anh ta còn nhớ, vì người đến gửi tiền có một hình dáng lạ kỳ: đó là một người phương Đông, vóc dáng rất cao lớn, có những lọn tóc đen và dài phủ đến tận vai, đôi mắt đen rất tinh anh như soi thấu lòng người, mình mặc áo rộng trắng, nước da màu nâu sậm. Cũng một người ấy đến luôn hai lần, chỉ đưa tiền và yêu cầu chuyển vào tài khoản của tôi. Người ấy không có sổ gửi tiền của tôi và đã yêu cầu nhân viên ngân hàng hãy điền giúp vào những mẫu giấy in sẵn để làm thủ tục gửi tiền, vì người ấy “không biết Anh ngữ”.
Khi chúng tôi sang Ấn Độ, bà Blavatsky luôn nhận được tiền trong những lúc nhu cầu cấp bách. Khi vừa đến Bombay, chúng tôi chỉ còn vừa đủ tiền để trang trải những nhu cầu thiết yếu thường nhật trong khoảng vài tháng, đừng nói chi đến việc mua sắm những đồ xa xí phẩm. Tuy vậy, chúng tôi cũng đã đi đến tỉnh Punjab cùng với hai người bạn Ấn Độ trong một chuyến hành trình đáng ghi nhớ, mà bà Blavatsky đã viết thành một cuốn du ký nhan đề: “Non cao rừng thẳm của Ấn Độ huyền bí”, và chúng tôi đã chi tiêu hết chừng hai ngàn ru-pi mà vẫn không hề thiếu!
Những nhu cầu thiết yếu của chúng tôi luôn luôn được đáp ứng, cơm gạo, thực phẩm không bao giờ khô cạn, bởi vì đã có các chân sư cung ứng khi chúng tôi làm công việc của các ngài. Khi tôi hỏi làm sao có thể như vậy, vì các chân sư là những vị sống ngoài vòng tục lụy của thế giới tiền bạc vật chất, thì bà Blavatsky cho tôi biết rằng các ngài là những đấng giữ gìn, bảo quản rất nhiều những kho tàng, hầm báu vật và của cải chôn giấu. Những tài vật ấy, tùy theo nghiệp quả gắn liền với chúng mà có thể được sử dụng vì sự lợi ích của nhân loại theo những cách khác nhau.
Tuy nhiên, có một số kho tàng của cải đó đã bị ô nhiễm bởi một thứ hào quang sắt máu, tội lỗi, đến nỗi nếu được đào xới lên để đem ra sử dụng trước khi những nghiệp quả báo ứng đã được thanh toán xong thì chúng có thể làm nảy sinh thêm những tội lỗi mới và làm cho những nỗi khổ đau của nhân loại càng tăng thêm.
Mặt khác, nghiệp quả của một vài người có thể khiến cho họ sẽ phát hiện, dường như do sự ngẫu nhiên tình cờ, những hũ vàng bạc hay bảo vật chôn giấu; hoặc tạo nên của cải tiền bạc dễ dàng bằng con đường kinh doanh sự nghiệp. Những nghiệp quả báo ứng đó được thực hiện qua sự trung gian của những tinh linh loài kim thạch, mà theo sự tin tưởng của người phương Đông, những người được ân sủng của “thần tài” có liên hệ mật thiết do ảnh hưởng của
hành kim” ngự trị trong khí chất của họ.
Nói tóm lại, những người thuộc loại kể trên dường như rất thường gặp những sự may mắn lạ lùng về phương diện tiền tài, làm cho họ “sờ vào đâu cũng hóa ra vàng”. Cho dù cho họ có thể ngu dại đến đâu trong các vấn đề thế sự, sự may mắn vẫn luôn đi kèm với họ.
Cũng thế, những người có khí chất trội hẳn về “hành thủy” sẽ có khuynh hướng hoạt động trên mặt nước và sống cuộc đời phiêu lưu trên sông hồ. Họ rất thích thú với nghề thủy thủ và sẽ theo đuổi nghề nghiệp ấy đến cùng, bất chấp mọi nỗi gian nguy hay đau khổ.
Người nào có sự tương quan thích hợp với những tinh linh của không khí trong bản chất tự nhiên của họ, lúc nhỏ thường thích trèo cao, leo cây; và khi lớn lên, họ sẽ thích leo núi, ngồi trên khinh khí cầu, lái máy bay, hoặc theo đuổi những nghề nghiệp làm cho họ tách rời khỏi mặt đất.
Blavatsky có kể cho tôi nghe nhiều chuyện để giải thích nguyên tắc đó, và đời người có vô số những trường hợp lạ lùng khó hiểu chỉ có thể giải thích được bằng định luật tương quan về khí chất với các chủng loại tinh linh ngũ hành như đã nói ở trên.
Còn nói về Hội Thông thiên học, tôi có thể nói rằng trong khi bà Blavatsky và tôi không ai được phép tiêu xài hoang phí, nhưng chúng tôi không bao giờ bị để cho phải khổ sở thiếu thốn về những nhu cầu cần thiết cho đời sống và công việc làm của mình. Đã có biết bao lần chúng tôi bị cạn tiền, triển vọng về tài chánh vô cùng bấp bênh và chán nản đến mức xuống tinh thần, nhưng rốt cuộc tôi luôn luôn nhận được vào giờ chót, bằng cách này hay cách khác, những món tiền đủ để trang trải mọi chi phí cần thiết, và công việc của chúng tôi không hề bị ngưng trệ một ngày nào vì lý do thiếu phương tiện để xúc tiến các hoạt động của Hội.
Người đệ tử của chân sư thường không đủ tư cách xét đoán xem lúc nào là cần thiết để nhận được tiền khi thừa hành lệnh trên để hoàn thành công tác. Khi bà Blavatsky được lịnh đi từ Paris sang New York hồi năm 1873, không bao lâu bà đã bị túng quẩn, thiếu thốn đến cùng cực, và đã phải nấu lại xác cà phê cũ để uống nhiều lần vì không có tiền mua cà phê mới; và vì sinh kế bà đã phải làm nghề may thuê vá mướn cho một lão chủ tiệm tạp hóa. Bà không hề nhận được những món quà bất ngờ, và không đá nhằm một túi bạc dưới chân giường khi thức giấc! Đó là vì thời giờ chưa đến.
Tuy nhiên, mặc dù phải sống trong cơn túng thiếu, ít lâu sau khi đến New York bà đã cất dưới đáy rương một số tiền lớn (khoảng hai mươi ba ngàn quan) mà Sư Phụ bà giao cho bà cất giữ. Sau cùng, bà được lịnh đi đến Buffalo. Thành phố này ở đâu, và đi đến đó bằng cách nào, bà cũng không biết gì cả, cho đến khi bà hỏi: “Con phải làm gì ở Buffalo?”, Ngài đáp: “Không cần biết. Hãy cứ đem số tiền kia theo.” Khi đến nơi, bà được lịnh hãy kêu một chiếc xe ngựa rồi đi đến một địa chỉ, và đưa số tiền ấy cho một người nào đó. Bà sẽ không cần giải thích gì cả, mà chỉ lấy biên nhận rồi ra đi. Bà làm theo lời dặn: người kia có ở tại địa chỉ nói trên, và đang ở trong một tình trạng bi đát. Ông ta đang viết một lá thư từ biệt cho gia đình, với một khẩu súng lắp đạn để trên bàn, và sẽ tự bắn vào đầu trong vòng nửa giờ nếu không có bà Blavatsky đến giải cứu!
Sau đó, bà có kể cho tôi biết rằng đó là một người rất cao quí, tốt lành nhưng đã bị lừa gạt mất hai mươi ba ngàn quan, và vì những biến cố sắp xảy ra như một hậu quả (những biến cố có tầm mức quan trọng cho thế giới), nên y cần được nhận lại số tiền đã mất trong một cơn khủng hoảng đặc biệt, và bà Blavatsky là người được chỉ định làm công tác cứu trợ đó.
Khi chúng tôi gặp nhau, bà đã hoàn toàn quên mất tên họ và địa chỉ của người kia. Đây là một trường hợp mà người được chọn làm sứ giả đem tiền cho người khác lại là bà Blavatsky trong cơn quẫn bách cùng cực, nhưng không được phép tiêu xài một quan tiền nào trong số tiền được giao phó cho bà cất giữ, dù chỉ để mua lấy cho mình một gói cà phê!
Tôi còn nhớ một trường hợp khác nữa mà bà Blavatsky được chỉ định để “ban phát ân huệ của thần tài”, nói theo ngôn ngữ bình dân. Cũng may mà người nhận tiền đã ghi lại câu chuyện này trên giấy trắng mực đen.
Dường như trong một buổi họp của vài nhà Thần linh học danh tiếng ở Boston, có người nói chuyện tờ tạp chí Spiritual Scientist có thể phải đình bản vì thiếu sự bảo trợ tài chánh. Ông Charles Foster, một nhà đồng tử nổi tiếng đang có mặt lúc ấy, mới phát ngôn trong trạng thái nhập đồng và tuyên bố quả quyết rằng sự đình bản chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Thật vậy, cơn khủng khoảng tài chánh quả là đang đe dọa sự sống còn của tờ tạp chí, vì vị Chủ nhiệm tờ báo là ông Gerry Brown sắp phải chi trả một khoản tiền lớn mà ông hoàn toàn không đủ sức thanh toán!
Về sau, những sự kiện trên được công bố trên tờ tạp chí cùng với mẩu đối thoại dưới đây. Rất may là tôi có cắt ra để lưu giữ:
“Vài ngày trước đây, vị Chủ nhiệm tờ Spiritual Scientist nhận được giấy báo đến nhận tiền tại Bưu điện do một bưu phiếu điện tín gửi cho ông. Ông đi đến nơi và sự việc đã diễn ra như sau đây:
“Địa điểm: Bưu điện Thành phố.
“Thời gian: Giữa trưa.
“Ngồi bên trái là nhân viên Bưu điện. Từ cửa bên mặt, bước vào một người đưa ra tờ giấy báo nhận tiền.
“Người thư ký: Ông có biết ai gửi tiền cho ông không?
“Người đến nhận tiền: Đúng là tên họ và địa chỉ của tôi trên giấy báo mà Bưu Điện đã gửi đến cho tôi. Tuy nhiên, tôi cũng không biết người gửi tiền cho tôi là ai.
“Người thư ký: Ông có quen biết người nào tên Sir Henry de Morgan không?
“Người kia: (phá lên cười thật lớn) À, tôi có nghe nói đó là vong hồn của một hiệp sĩ đã sống cách đây trên hai trăm năm mươi năm. Người ấy chăm sóc đặc biệt đến tiện nghi cuộc sống của tôi. Tôi sẵn lòng ký tên nhận tiền.
“Người thư ký: (Bật ngửa người và đổi giọng) Ông có quen biết ai ở đây có thể xác nhận nhân thân của ông không?
“Người kia: Có.
“Đến đây, một nhân viên Bưu điện được mời đến để nhận diện người kia và sau đó ông ta được nhận đủ số tiền ghi trên giấy báo.
“Một giờ sau đó, một bức điện tín được gửi đến với lời lẽ như sau:
“Tôi đóng góp số tiền X... đô-la để trả khoản chi phí phải thanh toán vào ngày 19 tháng 6, và thách thức ông Charles Foster thực hiện lời tiên tri của ông ta. Tôi yêu cầu công bố lời thách thức này. Hãy đến Bưu điện nhận tiền và gửi điện tín cho biết đã nhận.
Ký tên
Sir Henry de Morgan”
“Số tiền ấy được gửi đến từ một thành phố cách đây rất xa. Theo yêu cầu của người gửi, chúng tôi đã công bố nội dung bức điện văn trên. Chúng tôi không có ý kiến gì về việc này. Chúng tôi đã đưa bức điện văn cho nhiều nhà Thần linh học tên tuổi xem và một người trong bọn họ có ý kiến rằng, có lẽ một người nào trong giới đồng tử đã đùa ghẹo chúng tôi. À, ra thế đấy! Chúng tôi sẵn lòng muốn bị đùa ghẹo càng nhiều lần càng hay, miễn là vẫn còn có người muốn đùa ghẹo chúng tôi bằng cách đó!”
Lẽ tất nhiên, “thành phố cách đây rất xa” đó là Philadelphia, và người gửi là bà Blavatsky, vì như đã nói trước đây, chúng tôi muốn giúp đỡ vị Chủ nhiệm tờ tạp chí ấy vượt qua cơn khủng hoảng tài chánh.
Nhưng tôi hoàn toàn biết rõ tình hình tài chánh của bà Blavatsky lúc ấy, và tôi chắc chắn rằng bà không có khả năng gửi tiền, dù nhiều hay ít, cho bất cứ một người nào!
Hẳn là bà đã nhận được tiền, cũng như bà đã nhận được để mua sắm phẩm vật ở New York hoặc để chi tiêu trong chuyến du hành ở Ấn Độ. Cái tên Henry de Morgan trong bức điện tín tức là John King, một vong linh mà bà Blavatsky thường dùng để sai khiến và thực hiện các hiện tượng kỳ bí.

PHỤ LỤC

Để độc giả có một cái nhìn khách quan về bà Blavatsky, nhân vật chính trong quyển hồi ký này, chúng tôi xin trích dịch dưới đây một đoạn nói về bà được chính thức ghi trong Từ điển Bách khoa Funk& Wagnalls (Funk& Wagnalls New Encyclopedia):
“Bà Helena Petrovna Blavatsky sinh năm 1831 và mất năm 1891, là một người Mỹ gốc Nga, lãnh đạo của một phong trào tín ngưỡng tâm linh hiện đại được biết đến với tên gọi là Thông thiên học.
“Thuở nhỏ bà có tên là Helena Hahn. Cha mẹ bà là người Đức và bà được sinh ra ở Ekaterinoslav (ngày nay là Dnipropetrovs’k, thuộc Ukraine). Về sau, bà được biết đến nhiều hơn với tên gọi Madame Blavatsky.
“Năm 16 tuổi bà đã kết hôn với một người lớn tuổi hơn bà rất nhiều, nhưng chỉ sau vài tháng thì cuộc hôn nhân đó tan vỡ. Trong khoảng 20 năm tiếp theo sau đó, bà đi khắp các vùng thuộc châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ. Bà cũng cho biết là đã dành 7 năm theo học với các bậc thầy Hindu (Hindu mahatmas) ở phương Đông. Sau lần suýt chết trong một vụ đắm tàu trên biển, bà hầu như quay sang theo đuổi đời sống tâm linh và tuyên bố đã đạt được nhiều năng lực thần bí.
“Bà đến thành phố New York vào năm 1873. Chỉ trong vòng 2 năm sau đó, bà trở thành một trong những người sáng lập – và rồi trở thành nhân vật trung tâm – của Hội Thông thiên học (Theosophical Society). Đây là một tổ chức không lớn lắm nhưng có hoạt động và tạo được ảnh hưởng hầu như trên toàn thế giới.
“Bà Blavatsky đã nhập quốc tịch Hoa Kỳ, nhưng vào năm 1878 bà lại sang Ấn Độ và thiết lập tại đó một trụ sở chính của Hội Thông thiên học. Không bao lâu sau, bà phải đối mặt với sự chia rẽ trong nội bộ và những lời buộc tội là ngụy biện, dối trá. Trong thời gian này, thanh danh của bà bị tổn hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ đó cho đến cuối đời bà vẫn luôn khẳng định rằng các vị chân sư (mahatma) quả thật đã trao truyền cho bà những thành tựu tiến triển về mặt tâm linh của họ.
“Những tác phẩm chính của bà Blavatsky gồm có bộ sách Isis Unveiled (Vén màn Isis - 1877) và The Secret Doctrine (Giáo lý bí truyền - 1888), đều đã trở thành những quyển sách kinh điển của Hội Thông thiên học.”
(Blavatsky, Helena Petrovna; Funk & Wagnalls New Encyclopedia, Volume 4, page 149)
Ghi chú
1 New York Sun: Tờ báo do Benjamin Henry Day (1810-1889) sáng lập vào năm 1833, là tờ báo thuộc loại giá rẻ đầu tiên ở Hoa Kỳ, nhắm đến phục vụ đại đa số công chúng bình dân thay vì chỉ là giới thượng lưu trí thức như các tờ báo trước đó. Sáng kiến của Benjamin Henry Day đã khai sinh ra một ngành báo chí hiện đại, theo gót ông trong việc phục vụ đông đảo quần chúng.
2 Nhà ái quốc Ý đấu tranh cho sự thống nhất của nước Ý (1807-1882) chống lại sự phân chia nước Ý do các nước Áo, Pháp và Tòa Thánh La Mã chủ trương.
3 Một ngôi làng gần La Mã, nơi nghĩa quân Ý của Giuseppe Garibaldi bị quân đội liên minh của Pháp và Tòa thánh La Mã đánh bại vào ngày 3 tháng 11 năm 1867. Bà Blavatsky bị thương nặng trong trận này khi bà được 37 tuổi.
4 Cả hai loại trên đều được gọi chung là âm binh.
5 Isis là tên một vị nữ thần Ai Cập, tượng trưng cho sự minh triết thiêng liêng. Tựa sách ấy ngụ ý là: Vén màn bí mật của thiên cơ.
6 Tức ruble, đơn vị tiền tệ của Nga.
7 Tức Robert Dale Owen (1801-1877), người Mỹ gốc Anh, học giả, tác giả của nhiều quyển sách nổi tiếng. Ông sinh ở Glasgow, Scotland, là con trai trưởng của nhà cải cách xã hội nổi tiếng Robert Owen. Cuộc đời ông dành nhiều thời gian cho các phong trào hoạt động xã hội, theo hướng của cha ông. Tuy nhiên, đến gần cuối đời ông chuyển sang tin nhận triết học tâm linh và có xuất bản quyển The Debatable Land Between This World and the Next (1872) (Cảnh giới đáng tranh biện giữa kiếp này và kiếp sau).
8 William Crookes sinh năm 1832, mất năm 1919, là nhà hóa học và vật lý học nổi tiếng thời đó. Ông sinh tại London và tốt nghiệp trường Royal College of Chemistry. Năm 1859 ông thành lập tạp chí Chemical News. Năm 1864, ông làm Chủ bút tạp chí Journal of Science. Ông được phong tước hiệp sĩ năm 1897 và nhận huân chương Order of Merit vào năm 1910.
9 Alfred Wallace (1823-1913), nhà tự nhiên học người Anh và là người sưu tập động vật hoang dã. Ông là người đầu tiên thành lập những nền tảng của thuyết tiến hóa qua sự chọn lọc trong tự nhiên. Lý thuyết của ông được công bố cùng lúc với Charles Robert Darwin. Tuy hai người làm việc riêng biệt và hoàn toàn không biết gì về nhau, nhưng lý thuyết của họ hầu như hoàn toàn giống nhau về cơ bản.
10 Camille Flammarion (1842 - 1925), nhà thiên văn học nổi danh người Pháp.
11 Năm 1872, ông William Stainton Moses trở thành Chủ bút của báo Light và đã viết nhiều quyển sách nói về đề tài tâm linh.
12 Tức Jean François Champollion (1790-1832), nhà Ai Cập học người Pháp, là người đặt nền móng cho khoa Ai Cập học hiện đại. Ông để lại một số tác phẩm nổi tiếng, trong đó có quyển Summary of the Hieroglyphic System of the Ancient Egyptians – 1824) (Hệ thống cổ tự Ai Cập cương yếu), Egyptian Grammar – 1836-1841 (Ngữ pháp Ai Cập) và Egyptian Dictionary – 1842-1843 (Từ điển Tiếng Ai Cập). Hai tác phẩm sau chỉ được xuất bản sau khi ông đã qua đời.
13 Tức Georg Moritz Ebers (1837-1898), nhà Ai Cập học kiêm tiểu thuyết gia người Đức, sinh tại Berlin và tốt nghiệp các trường Đại học Gottingen, Berlin, and Jena. Năm 1865, ông là giảng viên bộ môn Ai Cập học ở trường Đại học Jena và năm 1870 chuyển đến làm giáo sư trường Đại học Leipzig cho đến năm 1889. Từ năm 1869 đến 1873 ông đã 2 lần đến Ai Cập và trong chuyến đi thứ nhì ông phát hiện bộ sách viết trên chỉ thảo nổi tiếng được mang tên ông. Vào năm 1874 ông thực hiện công trình chỉnh lý bộ sách cổ này. Hiện nay nó vẫn còn được lưu giữ tại thư viện trường Đại học Leipzig. Công trình nghiên cứu khoa học quan trọng đầu tiên của ông được công bố trong quyển sách Egypt and the Books of Moses – 1867-1868 (Ai Cập và bộ sách của Moses). Ngoài việc nghiên cứu học thuật, ông cũng viết tiểu thuyết lịch sử với bối cảnh Ai Cập, nhằm phổ biến những hiểu biết về đất nước này. Tiểu thuyết thành công nhất của ông là bộ Công chúa Ai Cập, gồm 3 quyển, xuất bản năm 1864.
14Tác phẩm Zanoni đã được Nguyễn Hữu Kiệt dịch sang tiếng Việt, nhan đề “Tây Phương huyền bí”
15 Tức Joseph von Fraunhofer (1787-1826), một nhà quang phổ học và vật lý học người Đức, sinh ở Straubing. Chính những kết quả nghiên cứu đầu tiên của ông đã dẫn đến sự phát minh ra kính quang phổ.
16 Tức Benjamin Franklin, nhà khoa học nổi tiếng người Mỹ, sinh ngày 17 tháng 1 năm 1706 tại Boston, Massachusetts và mất ngày 17 tháng 4 năm 1790. Ông có rất nhiều phát minh quan trọng trong việc sử dụng dòng điện và cũng là người phát minh ra việc sử dụng cột thu lôi.
17Tức Thomas Edison (1847-1931), nhà phát minh vĩ đại người Mỹ, bắt đầu sự nghiệp từ khá sớm, nhận bằng sáng chế đầu tiên vào năm 1869 (22 tuổi) và tiếp tục làm việc không ngừng cho đến khi chết, đạt được hơn 1.000 bằng sáng chế với đủ mọi phát minh quan trọng, trong đó gồm cả bóng đèn điện, máy điện thoại, máy hát, máy chiếu phim...
18 Tên nguyên tác là Isis Unveiled. Đây là bộ sách đầu tiên của bà Blavatsky, được trích dịch một vài đoạn có nhan đề “Thiên nhiên huyền bí”. Sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1877.
19 Chỉ tác phẩm “On the Origin of Species” của Charles Darwin (1809-1882), được xuất bản năm 1859, thiết lập nền móng đầu tiên cho Thuyết tiến hóa trong tự nhiên của ông.
20 Syracuse là một thành phố nằm ở giữa tiểu bang New York, thuộc Onondaga County.
21 Porphyry: triết gia thời cổ đại La Mã, là thầy của triết gia Iamblichus, người có niên đại không xác định trong khoảng năm 250-330.
22 Tức John Tyndall (1820-1893), nhà vật lý học nổi tiếng của Anh quốc, sinh ra tại Leighlinbridge, Carlow, Ireland, du học và tốt nghiệp trường Đại học Marburg ở Đức.
23 Tức Timothy O’Sullivan (1840-1882), nhiếp ảnh gia người Mỹ, nổi tiếng trong thế kỷ 19 với những bức ảnh phong cảnh và cả ảnh chiến trường được thực hiện trong cuộc nội chiến của nước Mỹ (1861-1865). O’Sullivan sinh ra tại Staten Island, New York và làm việc ở Ảnh viện Mathew Brady trong thành phố New York.
24The Secret Doctrine, được xuất bản năm 1888.
25 Người Rajput: một trong các tộc người Hindu sống ở vùng tây bắc Ấn Độ. Phần lớn người Rajput hiện nay sống ở bang Rājāsthan.
26 Các nhà Đông Phương học ưu tú nhất đều coi bộ sách này như một ngụy thư thời cổ. Tôi chú thích sách ấy ở đây chỉ với ý định diễn tả phương pháp nhập xác mà thôi.
27 Vào lúc đó, trụ sở Hội Thông Thiên Học được đặt tại tư gia của hai nhà sáng lập, số 302 đường West 47th.