Saturday, October 24, 2009

TRÍ TUỆ CON NGƯỜI

TRÍ TUỆ CON NGƯỜI

===


Quyển Luân Lý Giáo Khoa Thư là một quyển sách rất giá trị, do cụ Trần Trọng Kim và các nhà nho thuở ấy như Bùi Kỷ,Trần Lê Nhân soạn thảo để dạy luân lý cho các trẻ tiểu học và các lớp nhỏ hơn. Quyển này cũng như quyển Cổ Học Tinh Hoa, Thơ Ngụ Ngôn của La Fontaine, truyện ngụ ngôn của Aesope là những bài dạy triết lý, tâm lý, là túi khôn của loài người, và là những bài học xử thế..Luân Lý Giáo Khoa Thư ăn sâu trong lòng thế hệ học sinh 1930 - 1945. Thuở nhỏ tôi cũng thích Luân Lý Giáo Khoa Thư mà trong đó có bài nói về trí khôn của loài người là tôi thích nhất.


Tôi quên mất tên truyện. Truyện kể rằng một nông dân ra đồng cày ruộng. Anh ta đặt cái ách lên cổ con bò rồi cầm roi đánh vào lưng bò để thúc nó làm việc. Con bò đi chậm, con bò đi không thẳng hàng đều bị đánh một vài roi. Thậm chí con bò làm việc tốt, anh nông dân vẫn luôn miệng quát thét “tắc”, “rì” , “hò” và quơ roi vun vút trong không khí để hăm dọa. Một con cọp ngồi trên bờ, thấy vậy, thương con bò to lớn thế mà bị thằng người nhỏ nhoi cầm roi ánh đập, quát tháo. Nó chờ dịp, đón con bò hỏi chuyện:



Này, Bò! Mày to xác thế mà sao lại bị thằng người đánh đập mày suốt ngày?
Bò buồn rầu trả lời:
-Thưa ông cọp, tôi tuy to xác nhưng không làm gì đuợc loài người vì họ có trí khôn.Con cọp nghe nói lạ lùng, không hiểu trí khôn là cái gì mà ghê gớm thế. Nó có thể giúp con ngưòi chinh phục thiên nhiên, chế ngự loài vật, bắt loài vật phải làm nô lệ cho loài người. Cọp bèn đón đường hỏi người nông dân:
-Nghe nói mày có trí khôn. Đâu đưa tao xem thử một tí!Người đáp: Tôi để trí khôn ở nhà, không mang theo đây.-Mày về lấy cho tao xem ngay.
- Tôi không thể về được, vì tôi phải trông coi con bò cho nó ăn cỏ.
- Mày cứ về đi, để tao trông con bò cho.- Tôi không tin ông. Lỡ ông ăn thịt con bò của tôi thì sao?


Nếu ông bằng lòng, cho tôi trói ông lại thì tôi mới an lòng về nhà lấy trí khôn cho ông xem.
Vì nóng lòng muốn biết trí khôn của loài người như thế nào cho nên cọp đồng ý cho bác nông dân trói lại. Người nông dân bèn lấy dây thừng trói con cọp lại, và tháo bắp cày ra đánh cho cọp một trận, và nói: “ Trí khôn của tao đây”! “Trí khôn của tao đây”!Câu chuyện chỉ kể đến đây thì chấm dứt. Và lúc đó tôi rất thích thú. Và tôi bao nămvẫn thích thú câu chuyện này, và sinh thêm lòng tự hào về con người khôn ngoan, trí tuệ.Nay tuổi đời đã cao, bỗng nhiên tôi nghĩ đến câu chuyện này.




Tôi cứ thắc mắc. Không biết sau trận đòn, con cọp bị giêt hay đuợc thả ra. Và sau trận đòn, nó có hiểu trí khôn là gì không.Câu truyện trên cần phải được xét lại. Con cọp ỏ đây rất nhân hậu, biết thương yêu loài vật. Con cọp ở đây cũng thân thiện với con người, không phải là kẻ thù bất cộng đái thiên như mối tương quan giữa người và cọp ngày nay. Cọp nói chuyện với người, tìm hiểu con người, tìm hiểu sự vật, nó rất thành thật, không ác tâm hại người. Trong khi đó con người gian trá, xảo quyệt. Trí khôn là vật vô hình, không phải là vật hữu hình như cái dao, cái nón, cái cuốc mà bảo là để ở nhà. Đó là lời nói dối. Con người đã dùng mưu mô xảo quyệt để hại cọp. Khi cọp chịu trói thì người trở mặt đánh cọp. Đó là một thái độ tàn bạo, độc ác, thiếu sự thành thật trong giao tế xã hội. Và khi đánh cọp, người nói: “Đây là trí khôn của tao”.




Vậy trí khôn của loài người là cái gì? Trói được người ta, đánh được người ta là khôn sao? Lừa đảo được người ta là khôn sao? Có lẽ đa số con người nghĩ vậy. Họ cho rằng lừa được người tức phải là khôn, và kẻ bị lừa tất nhiên là ngu dại. Nhiều người quan niệm rằng kiếm được tiền bạc, đạt được vinh hoa, phú quý là khôn ngoan, tài gỉỏi. Trong chính trị, ai lắm mưu kế , ai lừa bịp nhiều thì được tôn là giỏi như là Khổng Minh, Tào Tháo. Về quân sự, những ai giết người nhiều, tàn hại sinh linh, phạm tội diệt chủng thì được khen là anh hùng như đại đế Alexandre, Thành Cát Tư Hãn. Người Tây phương dùng súng đạn giêt người, cuớp của, cứơp đất đai, bắt các dân tộc Á Phi làm nô lệ thì được khen là văn minh, tiến bộ và giàu mạnh. . . Có một số khen Hồ Chí Minh là giỏi vì ông ta lắm thủ đoạn tàn ác. Trước đây vài chục năm, đa số kính phục lẫn sợ hãi Lênin, Stalin, và Mao Trạch Đông. Không một nhà tư tưởng, nhà chính trị nào viết được một luận thuyết kết án Marx và đảng cộng sản.



Trí , hay khôn, hay trí khôn là tiếng Việt, chữ Hán là trí. Khôn, trí khôn hay khôn ngoan trái nghĩa với ngu đần, trì độn, dốt nát, dại dột.Thanh Nghị giải nghĩa trí khôn ( intelligence, lesprit) là cái khôn, thông minh. Đào Duy Anh định nghĩa trí là hiểu rõ sự lý- thông minh, và trí tuệ là thông minh, linh hoạt. Tự điển tiếng Anh định nghĩa thông minh là khả năng thấy, học, và hiểu. Còn spirit là phần bất tử trong con người giúp ta cảm giác và suy tưởng. Nói chung, trí khôn hay trí tuệ là khả năng giúp ta cảm xúc, suy nghĩ, hiểu rõ, và hiểu nhanh. Khi đã hiểu rõ sự lý, khi đã nhìn thấy vấn đề thì ta phải hành động, phải giải quyết vấn đề. Tuy nhiên không phải lúc nào tri và hành cũng đi đôi. Có khi ta biết mà không thể làm được, vì ta không có khả năng hoặc thời cơ chưa tới.Như vậy phạm vi của trí khôn rất lớn, bao gồm mọi khả năng tri và hành của con người. Trí khôn hay trí tuệ là khả năng tuyệt vời của con người. Nó giúp con người sáng tạo văn học, âm nhạc, xây dựng kinh tế, kiến tạo quốc gia, nhất là phát minh khoa học. Đó là thành quả tốt đẹp của con người, là khả năng tuyệt diệu của con người. Cũng có nhiều hành động mà con người khó lòng nhất trí, kẻ này bảo thế là khôn, người khác lại chê là dại:



Thế sự đua nhau nói dại khôn,
Biết ai là dại, biết ai khôn.
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,
Dại cái văn chương, ấy dại khôn.
Mưu trí hay mưu kế cũng thuộc khả năng của trí khôn.Nhưng mưu kế thì có nhiều kiểu, mưu kế của thằng ăn trộm, mưu của mấy tên bợm. Tục ngữ có câu: « mưu con đĩ, trí học trò ».Đứng về phương diện đạo đức, ta có thể chia làm hai loại mưu kế: mưu quân tử và mưu tiểu nhân. Mưu quân tử là mưu cao thượng, mưu tiểu nhân là mưu hèn hạ, bỉ ổi. Kẻ lưu manh sống nhờ mưu kế xảo quyệt.Và bọn này luôn luôn sống bằng mưu kế độc ác hoặc hạ tiện. Loại khôn ngoan này không nên đề cao. Loại mưu kế này chỉ đem lại đau khổ cho quốc gia, dân tộc, cho thế giới. Nó là tai họa, là vết nhơ của con người, không phải là một thành quả tốt đẹp đáng ca tụng. Cái khôn ngoan của con người dùng để lừa gạt là hành động vô đạo đức, không có gì đáng tự hào.Loại trí khôn đáng ca tụng, cần phát triển đó là loại trí khôn giúp đời tươi sáng, gíúp loài người hạnh phúc và tiến bộ. Còn những trí khôn dùng trong việc chọi gà, đá dế, chơi cờ đều không ích lợi trong việc cứu nước giúp dân. Và loại trí khôn dùng để lường gạt, giết người, hại người thì cần phải bỏ.



Hình như truyện trên xuất xứ từ nền văn học La Hy, mà sau bọn thực dân sưu tầm và dùng để biện minh cho việc xâm lăng các nước Á Phi và bắt dân da đen làm nô lệ!


***

VUA SỞ MẤT CUNG

***

VUA SỞ MẤT CUNG

===


Cung Vương nước Sở đi săn, giữa đường đánh mất cung. Các quan theo hầu cố xin tìm cho được. Cung Vương nói: Thôi tìm làm gì nữa! Người nước Sở đánh mất cung, lại người nước Sở bắt được cung, đi đâu mà thiệt (Cổ Học Tinh Hoa).



Như thường tình, khi vua bị mất một món đồ, thì vua giận dữ, quát thét quan quân đi tìm kiếm, và trừng trị những kẻ có trách nhiệm giữ gìn đồ đạc của vua. Thường thường con người mất đi một sợi lông cũng làm ra to chuyện, nhất là khi họ có chút quyền lực trong tay.Thế mà vua Sở không giận dữ, lại có thái độ ôn hòa, bình tĩnh.



Con người như vậy rất hiếm có ở trong cõi đời này.Khi nghe truyện trên, chúng ta quả thật kinh phục tấm lòng bác ái của vua nước Sở.



Sách Cổ Học Tinh Hoa có ghi lời bàn như sau:Vua đánh mất cung, không nghe lời các quan bắt tìm cung, thế là có lòng thương dân, không muốn làm phiền đến dân. Vua lại nói một người nước Sở mất cung chịu thiệt, thì có một người nước Sở được cung có lợi, thế là đã có lòng muốn lợi cho dân cả một nước.Tuy nhiên, đức Khổng Tử thì lại có ý chê bai. Khi nghe chuyện trên, Ngài bảo: Đáng tiếc cho cái chí vua nước Sở không làm to hơn được nữa! Hà tất phải nói : “ Người nước Sở? ”
Giá nói: “ người đánh mất cung, lại người nhặt được cung thì chẳng hơn ư?” (Thuyết Uyển).



Khổng Tử chê là hẹp, là vì vua Sở chỉ biết có người nước Sở lấy bờ cõi nước Sở mà làm giới hạn cho cái lòng nhân ái của mình. Cứ như ngài nói, mời thực rõ cái nghĩa bác ái, tức là cái lòng rộng yêu hết cả nhân loại, không phân di chủng hay ngoại quốc gì nữa. Cùng một ý với câu thầy Hạ Tử nhắc lời ngài mà đáp Tư Mã Ngưu rằng: “Người bốn bể đều là anh em cả”. Nói rộng ra: chỉ có lý vô phân biệt, trí vô phân biệt, vật ngã nhất thể thì mới hết sạch chướng ngại mà hoan hỉ vô cùng!




Theo thiển kiến, lời phê bình của đức Khổng là hơi quá đáng. Mỗi người trong đời đều có một vị trí, một vai trò, một địa vị. Cung vương là vua nước Sở cho nên Ngài quan tâm đến nước Sở, và đề cập đến nước Sở là đúng vai, trò, vị trí và giới hạn của Ngài. Còn Khổng tử là ông thầy của thiên hạ, lo việc thiên hạ ( tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) cho nên Ngài có thể nói đến thiên hạ mà không bị ai chê cười là vu khoát. Trái lại, nếu chúng ta chỉ là thường dân, chỉ là cha của mấy đứa trẻ thì chỉ nên lo chuyện gia đình, đừng đại ngôn, mặc dầu ta có quyền tự do ngôn luận bàn chuyện năm châu bốn bể!




Con người ở đời dù là thường dân hay vua chúa đa số tham lam, muốn tăng gia tài sản, muốn chiếm đoạt của cải của người khác. Tuy nhiên, bảo vệ tài sản của mình là một quyền lợi chính đáng. Luật pháp của nhà nước công minh là phải bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trong nước.Tư tưởng của vua Sở là mang tính chất triết lý công bằng bác ái của Nho gia , Lão gia và Phật gia.Phật giáo đề cập đến vô phân biệt tâm. Ta nên có cái tâm rộng rãi, yêu hết chúng sinh, không phân biệt ta với người. Ông vua nước Sở phát biểu như vậy là ông không phân biệt vua và dân, coi mọi người trong nước Sở là bình đẳng, không có vua tôi, không có kẻ mất người được. Và chinh ông là bậc thánh , đã nhập Khổng Phật Lão vì ông được không vui, mất không buồn, luôn luôn an nhiên tự tại.




Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Ta cày cấy suốt năm, ta dệt vải suốt mùa, khi thâu hoạch, ta mang ra chợ bán nhưng bị mất tiền , có thể ta vô ý làm rơi hay bị quân gian móc túi, ta không thể thản nhiên mà bảo: "Người Sở mất tiền, người nước Sở được tiền, không đi đâu mà thiệt!"Làm sao ta có thể an tâm khi ta không còn tiền bạc để trả tiền nhà, tiền điện nước và lo lương thực, quần áo cho vợ con ta ?Khi quốc gia ta rơi vào tay bọn gian tham, tàn ác, chúng bán đất đai tổ tiên cho ngoại bang, cướp đoạt tài sản của nhân dân, ta lẽ nào ung dung mà bảo:" Người nước Việt mất đất thì cũng có người Việt thêm vàng bạc, không đi đâu mà thiệt!"Lại nữa, khi nước ta bị ngoại bang xâm lược, lẽ nào ta cười mà bảo" Người Việt mất đất thì người nước khác được đất, cũng là người với nhau, có sao đâu!"Nếu lý luận như vậy là ta đã đi theo bọn bán nước hại dân!Người yêu nước, thương dân phải biết tranh đấu cho tổ quốc và nhân dân, không thể để cho nhân dân bị mất tự do dân chủ và bị tước đoạt đời sống.Tuy nhiên, trường hợp kể trên là phạm vi nhỏ, là trường hợp đặc biệt. Cây cung chỉ là vật tầm thường cho nên vua Sở có thể bình tâm mà nói như thế. Nếu như nhà vua mất cây Thái A kiếm, hay viên ngọc bich Biện Hòa, hay vợ con bị người khác chiếm đoạt, giang san của Ngài bị người nước Sở chiếm mất và bản thân ngài phải lưu vong hay bi giam cầm, chắc ngài đã không bình thản mà nói về lẽ được mất như vậy!

***

PHẬT GIÁO

HUỆ NĂNG VÀ PHÁP BẢO ĐÀN KINH

==NGUYỄN THIÊN THỤ



Các kinh điển Phật giáo thì nhiều vô số. Khoảng thế kỷ thứ nhất, Đại Thừa Phật giáo(Mahayana) nổi lên thì cũng là lúc một số đại sư như Long Thọ , Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân xuất hiện và kinh điển ra đời. như các bộ kinh Kim Cương, Diệu Pháp Liên Hoa, Trung Luận (hay Trung Quán Luận), ĐạI Thừa KhởI Tín Luận. Các bộ kinh này không nói rõ tác giả là ai. Pháp Bảo Đàn Kinh là một tác phẩm đầu tiên công khai cho biết tác giả.



Pháp bảo đàn kinh (zh. 法寶壇經) là một bộ ngữ lục, 1 quyển, do Lục tổ Huệ Năng thuyết giảng , nên còn gọi là Lục tổ đàn kinh (六祖壇經). Lúc Lục tổ Huệ Năng ở chùa Bảo Lâm, Tào Khê có Thứ sử Thiều Châu là Vi Cừ thỉnh Tổ vào chùa Đại Phạm để diễn giảng pháp Ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật. Bài giảng của Huệ Năng được đệ tử là Pháp Hải ghi lại thành sách, về sau gọi là Đàn kinh.


Trải qua nhiều lần sửa chữa thêm thắt, xuất hiện hơn 10 bản khác nhau, nhưng đại khái có thể phân làm 4 bản quan trọng hơn cả:(1). Bản Đôn Hoàng (敦煌本), gọi đủ là Nam tông đốn giáo tối thượng đại thừa ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật kinh Lục tổ Huệ Năng Đại sư ư Thiều Châu Đại Phạm tự thí pháp đàn kinh (南宗頓教最上大乘摩呵般若波羅蜜經六祖惠能大師于韶州大梵寺施法壇經). Bản này gồm có 57 tiết, chẳng chia phẩm mục, chữ nghĩa chất phác, được xem là bản có sớm nhất.(2). Bản của Huệ Hân (惠昕), tên Lục tổ đàn kinh (六祖壇經), chia làm 2 quyển thượng và hạ, gồm 11 môn, khoảng hơn 14.000 chữ, ít hơn bản Đôn Hoàng 1.000 chữ. Bài tựa của Huệ Hân viết: Bản xưa văn rườm rà được đệ tử xem qua, trước vui sau chán. Có thể thấy rằng bản này đã được lược bớt chút ít.(3). Bản của Khế Tung, gọi đủ là Lục tổ đại sư pháp bảo đàn kinh Tào Khê nguyên bản (六祖大師法寶壇經曹溪原本), gọi tắt là Tào Khê nguyên bản, gồm 1 quyển, 10 phẩm, hơn 20.000 chữ, do sư Khế Tung biên sửa lại vào khoảng niên hiệu Chí Hoà (1054-1056) đời nhà Tống.(4).Bản của Tông Bảo, gọi đủ là Lục tổ đại sư pháp bảo đàn kinh (六祖大師法寶壇), 1 quyển, 10 phẩm, hơn 20.000 chữ, do sư Tông Bảo (宗寶) biên tập lại vào niên hiệu Chí Nguyên thứ 28 (1291) đời nhà Nguyên, đây là bản thường thấy lưu hành, được xếp vào Đại Chính tạng tập 48 trang 845.


Như vậy, Pháp Bảo Đàn Kinh do lục tổ truyền giảng, sau do các đệ tử ghi chép lại, và sửa chữa nhiều lần. Nội dung của Pháp Bảo Đàn Kinh bản Đôn Hoàng đại khái chia làm 3 phần:(1).Việc Ngũ tổ Hoằng Nhẫn trao truyền y pháp cho Huệ Năng.(2). Những lờI giảng thuyết của Huệ Năng và các lời vấn đáp giữa Huệ Năng và đệ tử.(3).Những lời Huệ Năng dặn dò đệ tử trước khi tịch diệt.



Hòa thượng Thích Mãn Giác đã dịch bản Đôn Hoàng và nhân định như sau:



Nguyên bản Pháp Bảo Đàn kinh mà tôi dịch đây là bản mới tìm được từ động Đôn Hoàng, vùng sa mạc Tân Cương, miền Trung Á. Bản này đã được viết ra vào khoảng năm 830 và trễ nhất là năm 860 (theo giảo nghiệm lối viết chữ thảo ở thời đó, do một chuyên viên danh tiếng, giáo sư Akira Fujieda của Đại học Tokyo). Đây là bản Pháp Bảo Đàn xưa nhất của thế giới hiện nay. Trước đây, ở Việt Nam, tôi được biết ít nhất có ba bản dịch Việt của ba dịch giả (Hòa thượng Thích Minh Trực, ông Đoàn Trung Còn, và ông Tô Quế), nhưng cả ba bản dịch này được dựa theo bản chữ Hán Pháp Bảo Đàn kinh được viết vào thế kỷ thứ XIII (năm 1291), gọi bản Tông Bảo; bản này không khác lắm với bản Đức Dị được in vào năm 1290 tại Nam Hải (bản Đức Dị đã được du nhập vào Triều Tiên vào năm 1316 và tất cả bản Pháp Bảo Đàn kinh bằng tiếng Triều Tiên đều xuất phát từ bản Đức Dị). Bản Pháp Bảo Đàn kinh được thông dụng nhất hiện nay ở Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam chính là bản Tông Bảo được viết vào năm 1291 và được in trong Đại Tạng kinh ở đời Minh. Ngoài những bản vừa kể, ít nhất chúng ta được biết có gần mười bản Pháp Bảo Đàn kinh khác nhau, ngoài bản xưa nhất tìm lại được ở động Đôn Hoàng, viết vào khoảng những năm 830-860 (chính là bản tôi dịch), những bản khác là bản Huệ Hân (năm 967), bản Thiều Hồi (năm 1013), bản Tồn Trung (năm 1116), bản Bắc Tống (năm 1153). Ngoài ra có hai bản đáng lưu ý và được coi đầy đủ nhất là hai bản ở Nhật Bản, bản Đại Thừa Tự (Daijòji) và bản Hưng Thánh Tự (Kòshòji); bản Đại Thừa Tự thì dựa vào bản Tồn Trung, còn bản Hưng Thánh Tự thì dựa vào bản Bắc Tống và bản Thiều Hồi. Tất cả những bản Pháp Bảo Đàn kinh khác nhau vừa kể trên đều xuất phát từ bản duy nhất còn tìm lại được: chính là bản Đôn Hoàng (830-860) mà tôi dịch ở đây. Bản Đôn Hoàng là bản ngắn gọn nhất và chỉ gồm có mười hai ngàn chữ, còn những bản khác (bản đời Nguyên và Minh) gồm khoảng hai mươi mốt ngàn chữ. Bản chữ Hán tôi dịch ở đây được dựa theo bản chữ Hán đã được san định kỹ lưỡng do công phu uyên bác của giáo sư Philip B.Yampolsky của Đại học Columbia (The Platform Sutra of the Six Patriarch, the Text of the Tun-Huang Manuscript with Translation, Introduction, and Notes by Philip B.Yampolsky, Columbia University Press, New York, 1967). ( NXB. Tôn Giáo Hà Nội (2003).



I. HUỆ NĂNG:



Huệ Năng (zh. huìnéng/ hui-neng 慧能, ja. enō), 638-713, là đệ tử của ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Sau khi được truyền y bát, sư bắt đầu giáo hoá ở chùa Pháp Tính, về sau về Bảo Lâm tự ở Tào Khê và thành lập Nam tông. Trong tác phẩm này, lục tổ đã giới thiệu tiểu sử của Ngài:. Cha hiền của Huệ Năng vốn là một quan viên ở Phạm Dương, sau đó người bị giáng chức và phạt làm thường dân ở Tân Châu, Lĩnh Nam. Lúc Huệ Năng còn nhỏ, cha mất sớm, mẹ già và con thơ dọn về Nam Hải.


Hòa thượng Mãn Giác xác quyết – “Huệ Năng là người Việt Nam, sinh ở Lĩnh Nam””. . .- Lĩnh Nam là đất Việt Nam (ngày xưa Lưỡng Quảng: Quảng Đông và Quảng Tây cũng thuộc Việt Nam). Ngay đến Yampolsky cũng đã chú thích rất rõ: "Lĩnh Nam là những vùng ở Quảng Đông, Quảng Tây, và miền "Bắc Đông Dương Việt Nam" ("Ling-nan indicates the areas of Kwangtung, Kwangsi, and Northern Indochina", op. cit., trang 126). Còn địa danhh "Nam Hải" ghi trong tất cả những bản Pháp Bảo Đàn kinh thì theo Yampolsky đó là Phiên Ngung, tức là thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày xưa .Hoà thuợng căn cứ hai điểm mà kết luận Huệ Năng là người Việt Nam:(1)- Huệ Năng không biết đọc và không biết viết chữ Tàu;(2)- Huệ Năng sinh trưởng tại Lĩnh Nam và hoằng pháp chung quanh vùng Nam Hải, tức là Phiên Ngung (thuộc lãnh thổ Việt Nam thời đó).


1.LĨNH NAM


Lĩnh Nam 嶺南 là một vùng rộng lớn và có nhiều định nghĩa khác nhau.+Theo Yampolsky, Lĩnh Nam gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Bắc Việt Nam.+Theo Đào Duy Anh, Lĩnh Nam là phía nam miền Ngũ Lãnh nước Tàu. NgườI ta thường gọI miền Quảng Đông, Quảng Tây là Lãnh Nam (Hán Việt Từ Điển).+Từ Điển Từ Hải chú: Lĩnh Nam là tên đường đặt ra từ đời Đường. Lĩnh Nam là vùng đất ở phía nam Ngũ Lĩnh. Hiện nay ở vùng Lưỡng VIệt (Quảng Đông, Quảng Tây và Việt Nam, thuộc thành phố Quảng Châu, tức là huyện Phiên Ngung. Sau lại phân ra hai đường Lĩnh Nam đông, Lĩnh Nam tây, nay thuộc Vi ệt trung .+Một số người Việt Nam cho rằng Lĩnh Nam là Việt Nam như trong “ Lĩnh Nam Chích Quái” của Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh. Điều này không đúng, và là một sự suy diễn quá rộng rãi. Hòa thượng đã theo ý tưởng này, cho Lĩnh Nam là Việt Nam:- Lục tổ “người đất Lĩnh Nam (tức là Việt Nam).”- “Huệ Năng là người Việt Nam, sinh ở Lĩnh Nam”Theo thiển kiến, dù rằng năm 208 tr.TL, Triệu Đà, lấy quận Nam Hải và nước Âu Lạc lập nên nước Nam Việt cũng không thể bảo rằng người Quảng Đông, Quảng Tây đều là người Việt Nam vì nước Nam Việt chỉ là một phần của Quảng Đông và Quảng Tây mà thôi, mà trong nước Nam Việt còn có một phần là người Tàu. Như vậy không thể kết luận Huệ Năng là người Việt Nam. Hơn nữa, năm 208 trước TL, Phiên Ngung, Quảng Châu thuộc Nam Việt nhưng năm 111 tr.TL thì bị Lộ Bác Đức xâm chiếm, bị sát nhập vào Trung Quốc, cho nên khoảng thế kỷ thứ bảy, tức gần ngàn năm sau, khi lục tổ ra đời, người và đất đai không còn là Nam Việt hay Việt Nam nữa. Việc này giống như trăm năm, hay ngàn năm sau, một sử gia hay thiền sư nào đó viết Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Mãn Giác là người Chiêm Thành, và Trương Vĩnh Ký, Paulus Của, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường là người Cambodia !Giả sử Lĩnh Nam là Việt Nam đI nữa, Huệ Năng là ngườI Trung Quốc, vì cha của Ngài ở Phạm Dương, tỉnh Hà Bắc phạm tộI, bị cách chức và bị đày ra biên cương (bản Tuyên Hóa).. . Phạm Dương là chánh quán còn Lĩnh Nam chỉ là trú quán cho nên không thể nói ông là người Lĩnh Nam, Việt Nam. Việc này cũng dễ hiểu. Như tại Sài gòn, có nhiều người Trung Quốc, Ấn Đô và Tây phương sinh sống, ta không thể kết luận họ sống ở Sài gòn tức họ là người Việt Nam.




2. BẮC NAM


Trong Pháp Bảo Đàn Kinh hai từ “Bắc, Nam” được nhắc đến nhiều lần. Hoà thượng Mãn Giác vin vào hai chữ Bắc và Nam để xác định Bắc là Trung Quốc, Nam là Việt Nam.. Chúng ta phải hiểu chữ "Bắc" trong kinh có nghĩa là "Trung Quốc" và "Nam" có nghĩa là Việt Nam; ngày xưa người Trung Hoa coi nước Việt Nam là thuộc địa miền Nam của họ.


Vì suy nghĩ như vậy cho nên khi diễn giảng, hòa thượng đã đem tất cả chữ Nam trong Pháp Bảo Đàn Kinh cho là Việt Nam.


Mãn Giác dịch :Huệ Năng nói: "Con người tuy có Nam Bắc, Phật tánh lại chẳng có Bắc Nam. Tuy thân mọi rợ này không giống với thân Hòa thượng, Phật tánh trong chúng ta có gì là sai biệt?".



Mãn Giác diễn giảng:"Con người tuy có Tàu có Việt, tuy thân mọi rợ này không giống với thân Hòa thượng, nhưng Phật tánh trong Hòa thượng và trong tôi chẳng có gì là sai biệt".



Mãn Giác dịch :Sau khi đắc pháp rồi, nửa đêm Huệ Năng tôi bèn cấp tốc ra đi. Ngũ Tổ đích thân tiễn Huệ năng tới đến mãi tận trạm Cửu Giang. Tôi giác ngộ lập tức. Ngũ Tổ lại dặn dò: "Ôngphải nỗ lực, đem pháp về phương Nam, trong vòng ba năm không được hoằng pháp, nếu không e sẽ có pháp nạn. Sau đó rồi ông hãy hoằng hóa, khéo dẫn dắt kẻ mê mờ. Nếu như ông khai mở được tâm họ thì họ cũng không khác gì ông". Sau khi tạ từ xong, tôi bèn đi về phương Nam.Mãn Giác diễn giảng:Ngũ Tổ âm thầm lén lút đưa tiễn Huệ Năng đến trạm Cửu Giang, và đuổi khéo Huệ Năng trở về rừng rú Việt Nam, không dám giữ lại đất Trung Hoa, [. . .]. Hòa thượng khéo léo kín đáo trao truyền tất cả trách nhiệm tâm linh nặng nề nhất của đạo pháp, khéo léo khuyên Huệ Năng lui trở về Việt Nam và trốn tránh ở Việt Nam, chứ đừng ra mắt xuất hiện ở đất Trung Hoa nữa; Huệ Năng đã nghe lời dạy của Ngũ Tổ và đã mất dạng ở đất Trung Hoa trong vòng mười sáu năm; ngài trở về ẩn náu ở vùng rừng núi Việt Nam và đến mười sáu năm sau mới xuất hiện giữa vùng biên cương hai nước để thuyết pháp.


Đó là một việc diễn dịch sai lầm vì Bắc và Nam có nhiều nghĩa. Trung quôc có Nam Kinh, Bắc Kinh, Việt Nam có Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Mỹ có Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Nam không có nghĩa là Việt Nam.



3. NGÔN NGỮ VÀ VĂN TỰ


Hòa thượng còn căn cứ vào việc Huệ Năng không biết viết Hoa văn và nói không giỏi Hoa ngữ mà kết luận Huệ Năng là người Việt Nam. Sự thật thì người Việt Nam và Trung quốc không phải ai cũng học Hoa văn và nói giỏi tiếng Hoa bởi vì dân Quảng Đông có thể không hiểu ngôn ngũ tỉnh khác. Các tài liệu đều nói Huệ Năng không biết đọc, biết viết, nhưng không có tài liệu nào nói ngài chỉ biết tiếng Hoa chút ít như Hòa thượng Mãn Giác đã viết: Huệ Năng biết nói tiếng Tàu, nhưng nói đại khái thôi và không rành lắm : dữ kiện lịch sử đã chứng minh rằng Huệ Năng nói không rành tiếng Tàu (đã được những hậu bản kinh Pháp Bảo Đàn ghi chép) dù Huệ năng có nói tiếng Tàu theo giọng Quảng Đông đi nữa thì không có lý do gì mà Huệ Năng phải cần tự biện hộ (ngài đối đáp với Hoằng Nhẫn) lúc Ngũ Tổ đưa ngài đến trạm Cửu Giang để trở về Việt Nam, như sắp vĩnh biệt Ngũ Tổ. Chẳng hạn đọc lại bản Tông Bảo của Pháp Bảo Đàn kinh. . . .


Về việc nói tiếng Hoa, các bản dịch như nhau.

+Bản Duy Lực: Huệ Năng sanh nơi biên địa nên giọng nói khó nghe.
+Bản Minh Trực: Huệ Năng này sanh tại xứ dã man, giọng nói nặng âm thổ ngữ,
+Bản Thanh Từ: Huệ Năng sanh nơi biên phương, tiếng nói không đúng,
+Bản Trí Quang: Huệ Năng con sanh ra ở chỗ biên địa, đến nỗi tiếng nói cũng không đúng. . .
+ Bản Tuyên Hóa: Huệ Năng nầy sanh nơi biên địa, giọng nói không đúng.
+Bản Mãn Giác: Huệ Năng này sanh tại xứ dã man và giọng nói không đúng,


Như vậy là đa số bản đều hiểu rằng Huệ Năng sinh sống nơi biên địa cho nên giọng nói khó nghe, Huệ Năng sinh trưởng ở Quảng Đông nên ngôn ngữ khác với Kỳ Châu, chứ không phải ông không thạo tiếng Hoa. Chúng ta đều biết mỗi địa phương Trung Hoa có ngôn ngữ khác nhau. Ngay tại Việt Nam, người Bắc Kỳ hay Nam kỳ thì cho rằng giọng Nghệ, Tĩnh, Bình , Quảng Nam, Quảng Ngãi là nói khó nghe ( nói khó nghe chứ không phải là không biết nói tiếng Việt, hay chỉ biết chút đỉnh tiếng Việt thôi!)


Một người lúc nhỏ nghe được kinh Kim Cang, sau lớn lên đi thuyết pháp bằng tiếng Hoa thì trình độ nói tiếng Tàu không phải dở. Hơn nữa, Ngài sinh ở Quảng Đông, thuyết pháp ở Quảng Đông thì chắc chắn không gặp trở ngại về ngôn ngữ.


Tôi nhớ trước đây, có một vị tu sĩ đã cho rằng Pháp Bảo Đàn Kinh có lối văn giản dị, dễ hiểu và đó là Hán văn của người Việt Nam. Vị tu sĩ đó quên mất một điều là Huệ Năng không biết viết, biết đọc. Pháp Bảo Đàn Kinh là do các đệ tử đời sau ghi chép.Lý luận của hòa thượng Mãn Giác đôi khi mâu thuẫn. Phần lớn hòa thượng cho rằng Lĩnh Nam là Việt Nam và lục tổ là người Việt Nam nhưng có đoạn hòa thượng lại nói Huệ Năng “ở vùng gần biên giới Trung Hoa”[.. ] Ngài Huệ Năng thuyết pháp trên ba mươi mấy năm trời chung quanh vùng Quảng Đông và vùng biên giới Trung - Việt [ . ..]Theo Yampolsky, chúng ta chỉ biết chắc có một điều là có một người tên là Huệ Năng, một thiền sư có đôi chút tiếng tăm đương thời và sống đâu đó ở vùng miền Nam Trung Hoa".



Theo thiển kiến, theo các tài liêu, các địa danh mấu chốt về nơi sinh trưởng của Huệ Năng là Lĩnh Nam, Hải Nam, Phiên Ngung, do đó ta có thể kết luận Huệ Năng sinh trưởng ở vùng Quảng Đông, Trung Quốc.



Xưa nay, Pháp Bảo Đàn Kinh được coi như là một tài liệu khá đầy đủ về cuộc đời và tư tưởng Huệ Năng. Nhưng sau này,Tào Khê Ðại sư Biệt truyện (gọi tắt là Biệt truyện) đã tuyệt tích ở Trung Quốc lại được lưu truyền đến Nhật Bản, năm 1920 mới được Trung Quốc sao chép lại. Quyển sách này ghi chép cuộc đời của Lục tổ, và so sánh hai bản, chúng ta nhận thấy có những điểm khác biệt như sau:


(1). Huệ Năng đi tu ở chùa từ nhỏ:


Theo Biệt truyện: Ðại sư Huệ Năng họ Lô, người Tân Châu. Bố mẹ mất sớm, 3 tuổi đã mồ côi, có chí hướng hơn người. Năm đó, Đại sư vân du đến Tào Khê, kết nghĩa anh em với người trong thôn tên Lưu Chí Lược, lúc đó khoảng 30 tuổi. Lưu Chí Lược có người cô, xuất gia ở chùa Sơn Giản, hiệu Vô Tận Tạng, thường tụng kinh Niết Bàn. Ban ngày, Ðại sư cùng Lược làm lụng, tối đến nghe kinh, sáng lại vì Vô Tận Tạng giải thích nghĩa kinh. Ni cô Vô Tận Tạng lấy kinh cùng đọc. Sau Huệ Năng xuất gia ở chùa Bảo Lâm 3 năm.Năm thứ 5 niên hiệu Hàm Hanh, lúc Ðại sư 34 tuổi, sư đến Hoàng Mai, Kỳ Châu, xin học Ngũ tổ. Đàn Kinh thì nói Huệ Năng bán củi nuôi mẹ, đến Hoàng Mai học pháp lúc 24 tuổi.


(2). Đối thoại giữa ngũ tổ và Huệ Năng khác Đàn Kinh.

Tổ hỏi: Con là người Tân Châu, Lãnh Nam, lẽ nào có thể làm Phật? Huệ Năng hỏi lại: Phật tánh người Tân Châu, Lãnh Nam và Phật tánh của Hòa thượng có gì sai biệt? Ngũ tổ không hỏi tiếp, và không có bài kệ Bồ đề bản vô thọ.



Theo Tâm Hiếu, Biệt truyện được một vị Tăng vô danh trước tác vào năm thứ 2 niên hiệu Kiến Trung đời Ðường (781), là sách chép tay lưu truyền ở khu vực Triết Giang. Khoảng 24 năm sau, cao tăng Nhật Bản, hiệu Tối Trừng (761- 822) đến Trung Quốc học pháp vào năm thứ 20 niên hiệu Trinh Nguyên đời Ðường (804), “bán vàng mua giấy” sao chép cả thảy 345 quyển gồm 128 bộ kinh điển Phật giáo. Sau đó, mang toàn bộ những kinh sao chép này về Nhật Bản. Trong đó, có quyển Tào Khê Ðại sư biệt truyện. Nhật Bản rất trọng bộ Biệt truyện này, liệt vào Tục tạng của Nhật. “Truyện” có dòng chữ “viết xong vào ngày 9 tháng 3 năm 19 niên hiệu Trinh Nguyên, Thiên Thai tông-Tối Trừng”, đóng mộc chùa Tỷ Duệ. Năm 1920, khoảng 1.200 năm sau, từ Nhật Bản, kinh này được sao chép về lại Trung Quốc. Lúc này, Hồ Thích từng đi đến Nhật Bản, Anh, Pháp sưu tập một số lượng lớn sử liệu trước đời Tống, có liên quan đến Thiền tông vào đời Đường của Trung Quốc, Biệt truyện có phải Hồ Thích lúc đó sao chép lại không, cần phải nghiên cứu nữa .Theo Tâm Hiếu, Biệt truyện là tập truyện ghi lại gia thế, cuộc đời và hoạt động truyền pháp của Lục tổ, là tư liệu hình thành sớm nhất trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc. Ra đời sau khi Lục tổ viên tịch 68 năm, so với Ðàn kinh của Ðôn Hoàng viết sớm hơn 120 năm, là tài liệu vô cùng quý giá. Hồ Thích đối với Biệt truyện, có viết, đọc và khảo chứng qua. Ông so sánh 3 quyển: Biệt truyện, Ðôn Hoàng bổn đàn kinh và Minh tạng bổn đàn kinh, phát hiện có 5 chỗ mà Ðàn kinh trưng dụng sao chép từ trong Biệt truyện. Sau khi khảo chứng, Hồ Thích có viết bài Khảo chứng đàn kinh. Ông nói: Có thể chứng minh quan hệ giữa Tào Khê Ðại sư biệt truyện và bản Minh tạng bổn đàn kinh, tôi đã từng khảo đính qua các bản Ðàn kinh, liệt kê ra một bản, ghi rõ diễn biến của Ðàn kinh. Trong quyển Hướng dẫn đọc Ðàn kinh, trang số 200, Hồ Thích có liệt kê rất nhiều sự tích, thuyết minh Ðàn kinh được rút từ tài liệu Biệt truyện, bản thân của Ðàn kinh chính là khẳng định tính chân thật đối với Biệt truyện.Sau khi Hồ Thích khẳng định Biệt truyện, không rõ vì nguyên nhân nào ông lại phủ nhận gọi nó là bộ “Ngụy thư”.



Theo Mãn Giác, sau khi khảo xét rất kỹ lương tất cả tài liệu liên quan đến Huệ Năng trong bộ Toàn Đường văn, Yampolsky phải đi đến kết luận rằng tất cả đều là ngụy tạo (op. cit., trang 59).[. .] Theo Yampolsky, chỉ có hai tài liệu đáng tin cậy: thứ nhất là Lăng Già sư tử ký (khai quật ở Đôn Hoàng), và tài liệu này chỉ nhắc đến tên Huệ Năng như là một trong mười học trò của Hoằng Nhẫn, chỉ thế thôi và không có ghi chép sự kiện gì khác; tài liệu thứ hai là bia ký của thi hào Vương Duy vào khoảng năm 740. Còn tất cả những tài liệu khác đều do những thời đại sau ngụy tạo. . .(Mãn Giác).Theo thiển kiến, Pháp Bảo Đàn Kinh do đời sau ghi chép, nhằm tuyên truyền cho nên có nhiều điều không thật, hoặc truyền thuyết, mơ hồ, và “những điểm chép sai quá lộ liễu” như việc tạc tượng Huệ Năng “ Bản Tông Bảo có điều vô lý là ghi rằng Phương Biên, người tạc tượng, đã gặp Bồ Đề Đạt Ma, đến trước Huệ Năng năm đời Tổ ( Mãn Giác ).


Chúng ta cũng còn phải chờ các tài liệu mới để có đủ kết luận.


II. TƯ TƯỞNG TRONG PHÁP BẢO ĐÀN KINH


Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, chúng ta thấy hai phần rõ rệt. Phần nói về tư tưởng Huệ Năng, và một phần nói về cuộc đời Huệ Năng. Phần tư tưởng có lẽ là của Huệ Năng. Trong phần này, chúng ta nhận thấy có hai phần. Một phần là tư tưởng chung của Phật giáo Bắc phương, và một phần là tư tưởng riêng của Huệ Năng.


1. ĐẠI THỪA(1).


Không tính:Bài giảng đầu tiên của Huệ Năng lấy ý từ Tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa:

Chư vị Thiện tri thức! Bồ đề tự tánh bổn lai thanh tịnh giác ngộ, vốn là bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Cần nên dùng cái chân tâm giản đơn thẳng thắn này mà thành Phật, không nên dùng tâm vọng tưởng.


Bài kệ của Huệ Năng là bày tỏ không thuyết của Phật nhất là của phái Thiền Tông:

Bồ đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật
,Chỗ nào vướng trần ai?

(2). Bất nhị pháp môn:

–Pháp sư! Ngài diễn giảng kinh Niết Bàn, nếu Ngài có thể thấy Phật tánh, minh tâm kiến tánh, đó chính là pháp bất nhị pháp môn trong Phật pháp. [. . .]. "Thiện căn có hai loại: một là thường, hai là vô thường. Nhưng Phật tánh không có sự phân biệt giữa thường và vô thường, cho nên không đoạn Phật tánh. Gọi đó là bất nhị pháp môn. Lại nữa, ngũ giới, thập thiện là thiện; ngũ nghịch, thập ác là ác, nhưng Phật tánh không có sự phân biệt của thiện ác, đó gọi là bất nhị pháp môn [. . .] "Phiền não tức là Bồ-đề, chẳng phải hai và chẳng phải khác nhau. Lấy trí huệ mà chiếu phá phiền não, là chỗ thấy hiểu của hàng Nhị thừa, là cái căn cơ của xe nai, xe dê. Bực đại trí thượng căn chẳng phải làm như vậy.[. .] .Minh và vô minh, kẻ phàm phu xem đó là hai loại khác nhau, nhưng người có trí huệ thì hiểu rõ tánh của nó không có hai thứ, là tánh vô nhị, đó là Thực tánh." (Bản Tuyên Hóa).(3).


Tôn trọng cư sĩ và tu tại gia.

Rất nhiều kinhđiển đã đề cao vai trò cư sĩ như Duy Ma Cật Kinh. Ở đây, Huệ Năng cũng vậy:Nếu muốn tu hành, tại gia cũng được, không nhất định phải ở Chùa. Người tại gia có thể tu hành, giống như người Ðông phương có tâm lành. Xuất gia mà không tu hành cũng giống như người Tây phương tâm ác (bản Tuyên Hóa).


2. HUỆ NĂNG


Huệ Năng có kiến giải riêng, rất mạnh mẽ và độc đáo, khác với Lâm Tế.

(1). Chống cực đoan của không thuyết:

Diệu tánh của chúng ta vốn là không, không có một pháp khả đắc, cho nên nói Tự tánh như hư không, chân vọng đều ở trong, ngộ triệt bổn lai thể, một cái thông tất cả đều thông, tự tánh Chân không giống như đạo lý trên đây tôi vừa nói.Quý vị Thiện tri thức! Không nên nghe tôi nói không, liền chấp vào không. Ðiều quan trọng nhất là không được chấp vào không. Nếu các ông nói tất cả là không, tâm không thân cũng không, thế giới cũng không, như thế ngồi thiền sẽ lạc vào vô ký không. Vô ký không thì giống như người đã chết rồi, cái gì cũng không biết, tuy là người sống nhưng vừa ngồi thiền là giống như chết. Chúng ta tu đạo cần phải biết trong cái Chân không có cái Diệu hữu, không phải cái gì cũng không biết. Cái gì cần biết, cái gì không cần biết, phải sáng suốt nhận định rõ ràng; giống như đạo lý "tâm thanh nước hiện bóng trăng, định tâm định ý bóng mây không còn. (bản Tuyên Hóa).


(2). Chống cực đoan bất lập văn tự:

Nếu các ông không chấp có, mà lại chấp vào không, thì sẽ tăng trưởng vô minh. Người chấp trước vào không sẽ nói như thế này: "Cái gì cũng không cần, không cần học kinh điển, vì tất cả đều là không, không cần dùng văn tự! Văn tự là chấp tướng." Ðã nói không dùng văn tự vậy thì y cũng không nên nói, vì ngữ ngôn là tướng của văn tự, văn tự chính là ngữ ngôn.


(3). Kiến giải minh bạch về tọa thiền:

Tâm bình hà lao trì giới,Hạnh trực hà dụng tu thiền![. . .].

Thiền, không nhất định giới hạn nơi im lặng tịnh tọa, mà là đi đứng nằm ngồi đều là thiền, cho nên nói "đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói im động tĩnh thể an nhiên." Người biết dụng công, không chỉ giới hạn nơi tịnh tọa mới dụng công, mà bất cứ lúc nào, ở đâu cũng đều có thể dụng công [. . ]. "Chư Thiện tri thức! Sao gọi là tọa thiền? Trong pháp môn nầy không có chỗ nào ngăn, không có sự gì cản. Ngoài đối với tất cả các điều lành dữ các cảnh giới, mà tâm chẳng khởi vọng niệm, gọi là tọa. Trong thấy tánh mình chẳng động, gọi là thiền [. . .]. Ðại sư nói: "Ðạo do tâm mà ngộ, đâu phải do ngồi. Kinh nói: ‘Nếu nói Như Lai hoặc nằm hoặc ngồi là hành tà đạo. Bởi cớ sao? Không từ chỗ nào mà lại, cũng không từ chỗ nào mà đi.’ Không sanh không diệt là tánh Như Lai thanh tịnh thiền. Các pháp đều vắng lặng trống không là tánh Như Lai thanh tịnh tọa. Thế là cứu cánh không chứng đắc, hà huống là ngồi!"" (Bản Tuyên Hóa).

(4). Chủ trương đốn ngộ:

Ðốn pháp là gì? Ðốn chính là bảo quý vị phải đoạn. Ðoạn cái gì? Ðoạn lòng dâm dục.[. . .]. Ðốn là lập tức hiểu rõ sáng suốt, hiểu rõ một cái lý. Lý tức đốn ngộ, sự cần tiệm tu, tu hành cần ngày này qua ngày kia tu hành, ngộ chỉ là ngộ cái lý, cho đến chứng quả vẫn là tự mình tu hành[. ..]. Tổ Sư mới gọi đại chúng mà bảo rằng: "Pháp vốn là một tông, còn người thì có Nam và Bắc. Pháp tức là một thứ, còn chỗ thấy thì có mau chậm. Pháp không có mau chậm. Bởi con người có tánh sáng tối, cho nên mới gọi là mau chậm.


III. GHI CHÉP CỦA CÁC ĐỆ TỬ

Phần nói về tiểu sử chính là ngọn bút của các đệ tử đời sau.

1.Về việc Huệ Năng được truyền y bát:

(1). Truyền y bát.Dường như mục đích chính là tuyên thuyết Huệ Năng được truyền thụ y bát để đánh tan việc dư luận nghi ngờ vai trò lãnh đạo của Huệ Năng. Tài liệu của hoà thượng Mãn Giác cho thấy ban đầu Huệ Năng không có tiếng tăm gì cả, sau nhờ Thần Hội gióng trống khua chiêng mà được người đời để ý:Danh tiếng, uy thế của Thần Tú và đệ tử Phổ Tịch lẫy lừng vang dội và được vua Trung Hoa coi như Quốc sư, đang khi ấy ngài Huệ Năng chỉ là một ông đạo sĩ "man rợ" tối tăm ở biên cương, chỉ có được một số môn đệ người Trung Hoa trung thành sùng bái, trong số đó có một người tên là Thần Hội; chính Thần Hội sau này đã khôi phục lại ngôi vị Tổ sư thứ sáu cho Huệ Năng và rao truyền đạo lý Đốn ngộ Bát nhã của Huệ Năng và đẩy lùi tất cả những trường phái Thiền tông khác đi vào bóng tối của lịch sử. Tất cả tư tưởng đạo lý của Thần Hội đều được rút ra trực tiếp từ Huệ Năng.Huệ Năng lúc đầu không nổi bật là do những lý do sau:-Không ai biết hoặc ít biết về việc Huệ Năng được truyền y bát.-Phải rất lâu, sau khi rời Hoàng Mai, Huệ Năng mới xuất đầu lộ diện.Phải chăng muốn biện minh việc Huệ Năng được “bí truyền” mà các tác giả phải bày ra những chuyện tranh giành, ám toán như sau:–Ta nghĩ trí huệ và kiến giải của ngươi có chỗ dùng, nhưng lo có người ganh ghét mà khởi tâm hại ngươi, cho nên cố ý không nói chuyện nhiều với ngươi. Ngươi có hiểu nỗi khổ tâm của ta không?-"Y bát là đầu mối của sự tranh giành, chỉ truyền đến ông là ngừng, đời sau không nên tiếp tục truyền nữa. Nếu truyền y bát này, sợ rằng sinh mệnh ông giống như sợi chỉ mành treo chuông, bất cứ lúc nào cũng có sự nguy hiểm. Ông lập tức rời khỏi chỗ này, vì tôi e có người hại ông."Đoạn sau đây thì giống như việc tổ sư cầm gậy đập vào đầu Tôn Hành giả:Ngũ Tổ dùng gậy gõ vào cối ba tiếng, rồi bỏ đi. [. . ]. Huệ Năng hiểu rõ ý của Ngũ Tổ muốn Ngài canh ba đêm nay vào phòng Ngũ Tổ. Gõ vào cối ba tiếng là cách nói không lời.Nếu nơi tu hành mà tranh giành, chém giết như vậy thì trách sao đảng cướp?


(2). Nói xấu Thần Tú và ca tụng Huệ Năng.

Dù là Huệ Năng cao hơn Thần Tú, Thần Tú cũng đứng sau Huệ Năng, hai ông đều là thiền sư, học một thầy. Cách đề cao mình và mạt sát người là một điều không nên có trong cửa thiền. Việc tự đề cao không ngờ chi làm hoen ố danh dự hai bên:Giống như đồ đảng của Thần Tú, tâng bốc đưa Thầy mình lên cao, cho rằng Thầy mình sẽ làm Lục Tổ, cho nên dự bị những người đồ đảng tâm phúc ở khắp nơi dò tin tức. Nếu Ngũ Tổ Ðại sư truyền y bát cho ai liền sát hại người ấy.


Tôn giáo nào cũng có những kẻ xấu. Bên Phật có Devadatta, bên Thiên Chúa giáo có Judas . Tác phẩm “ Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết “ của Colleen Mc Cullough đã nói lên tham vọng của một số nhà tu, mà Ái tình, Tiền tài và Quyền lực vẫn là những mục tiêu của họ. Bởi vậy mà ta không ngạc nhiên về việc tôn giáo đã gây ra chiến tranh thế giới mà người ta gọi là cuộc thánh chiến. Cuộc thánh chiến đã qua nhiều thế kỷ, nhưng ngày nay, một số Hồi giáo vẫn phá hoại các di tích Phật giáo.


Mục đích chính của các đệ tử của Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn Kinh là truyền bá tư tưởng của thầy mình, đồng thời ca tụng thầy mình. Đó là tâm lý chung của người đời, ai cũng quý thầy mình, phe mình và người mình yêu còn người khác là không đáng quan tâm.

Hoà thượng Mãn Giác cũng đề cao Huệ Năng mà cho rằng Huệ Năng là tổ sư Thiền chứ không phải Đạt Ma:“Người đã thực sự sáng tạo ra Thiền tông lại chính là Huệ Năng chứ không phải Bồ Đề Đạt Ma; ngài Bồ Đề Đạt Ma chỉ là được truyền thống Thiền chọn lựa đứng tên danh dự mà thôi để linh động hóa tinh thần tạ ơn đối với Ấn Độ, quê hương tâm linh của Phật giáo nhân loại”.


Những điều viết ra trong Đàn Kinh không biết có đúng sự thực hay không, nhưng dù đúng hay sai, vẫn là phản tác dụng, tôn kính hóa ra bất kính, đề cao hóa ra miệt thị..Tất nhiên là đệ tử của Huệ Năng tôn kính Pháp Nhẫn. Nhưng trong khi đề cao Huệ Năng kém văn hóa và quê mùa mà có trí tuệ cao, họ viết về lời ngũ tổ trong buổi sơ ngộ Huệ Năng mà những lời lẽ này không thể có ở một nhà chân tu:

Ngươi là người Lĩnh Nam lại là người man di mọi rợ thì làm sao có thể làm Phật được?Ngũ tổ đã gọi Huệ Năng là “ các lão”.

Hoà thượng Tuyên Hóa giải thích:"Các" là một loại thú nhỏ có mũi rất ngắn, gần giống như loại chó. "Lão" là người man di chưa khai hóa. Các lão là chỉ loại người không rõ đạo lý, chưa được khai hóa, là người thuộc về loài súc sanh.

Chính hoà thượng Mãn Giác rất tôn kính và tự hào về Huệ Năng nhưng không hiểu sao trong lời diễn giảng lại vô tình khinh thị Huệ Năng, coi Huệ Năng là một kẻ “ khôn vặt” , có hành động “ lố bịch” mặc dầu những chữ này được đóng trong ngoặc kép:


Huệ Năng đã hiểu mật ý của Ngũ Tổ và muốn nói với Ngũ Tổ rằng: "Thầy muốn đưa con về Việt Nam là để cứu thoát con để khỏi bị lâm nạn ở đất Tàu, vì con nói tiếng Tàu không rành, là người mọi rợ, lại lên ngôi vị Tổ sư [. . .]. Chỉ có thể hiểu như vậy mới không thấy cái "lố bịch" của Huệ Năng khi tỏ vẻ "khôn vặt" chơi chữ với chữ "độ" trong một giây phút linh thiêng nhất, lúc giã biệt thầy.Tóm lại, Pháp Bảo Đàn Kinh là một viên ngọc quý nhưng có một vài tỳ vết.

===

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Pháp Bảo Đàn Kinh . Thích Duy Lực. Thư viện Hoa Sen
Pháp Bảo Đàn Kinh. Mãn Giác. Thư viện Hoa Sen
Ngài Huệ Năng . Trí Quang. Thư viện Hoa Sen
Pháp Bảo Đàn Kinh .Thanh Từ. Thư viện Hoa Sen
http://www.thuvienhoasen.org/khphapbaodan-07.htm
Pháp Bảo Đàn Kinh .Hoà thượng Tuyên Hóa
http://www.tangthuphathoc.net/gianggiai/kpbdlg-01.htm
Tâm Hiếu. Khảo chứng mới về cuộc đời lục tổ Huệ Nă ng.(Lược theo báo Cam Lồ, Học viện Cửu Hoa Sơn, Trung Quốc)http://www.giacngo.vn/chude/vulan2008/2008/08/05/73C413/
Tuệ Nguyễn. Lục tổ Huệ Năng là người Hoa hay người Việt? http://giaodiemonline.com/2008/10/lucto2.htm

===

VĂN HÓA ĐÔNG PHƯƠNG

VŨ TRỤ QUAN ĐÔNG PHƯƠNG

==
NGUYỄN THIÊN THỤ


==


Vũ trụ có nhiều thứ, và các nhà khoa học Đông Tây đều có những cái nhìn khác nhau. Người Trung Hoa thu lại trong hai loại là âm dương, hay năm loại, gọi là ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Người Ấn độ lại quan niệm vũ trụ gồm bốn yếu tố, gọi là tứ đại: phong đại, hỏa đại, thủy đại, và địa đại. Còn, các khoa học gia Tây phương gọi là các nguyên tố như O, H, C,N, Hg . .Nay tôi xin trình bày sơ lược về âm dương và ngũ hành.





I. ÂM DƯƠNG



Người Trung Quốc chia vũ trụ thành hai là âm và dương. Âm và dương là hai thế xung khắc, đối chọi nhưng đồng thời cũng là hai thế tương hợp, cần hợp tác với nhau để tạo thành vũ trụ. Âm dương là hai cái tên đại diện cho vũ trụ. Từ âm dương, người ta sẽ thấy vũ trụ có những cặp mà ta thường gọi là mâu thuẫn:



-cao thấp,
-béo gầy,
-trắng đen
-thông minh, ngu dốt
-thiện, ác
-giàu nghèo
-trai , gái
-ít nhiều
-sáng tối
-ngày đêm. . .




Những cặp này có người bảo là xung khắc, đối nghịch.Triết học Marx cũng chia ra các phạm trù và chú trọng về mặt mâu thuẫn như mâu thuẫn giai cấp ( đấu tranh giai cấp), mâu thuẫn cũ mới ( cái mới tháng cái cũ, cái mới thay thế cái cũ, hủy thể của hủy thể. . .). Trái lại, Lão tử và Khổng tử thì cho là không mâu thuẫn.




1.Không phải mâu thuẫn



Âm dương không đối nghịch, tàn sát nhau mà là những trạng thái khác nhau, tính chất khác nhau, sự biến hóa xảy ra kề cận nhau, nối tiếp nhau trong cuộc sống và trong vũ trụ. Đôi khi chỉ là hai trình độ hay mực độ khác nhau của một vật thể hay sự kiện. Hết có thành không; không khó thì dễ; dài là nhiều thước tấc, ngắn là it thước tấc; cao thấp cũng vậy; âm thanh là do nhiều điệu tiếng hòa hợp nhau; trước sau là do không gian, thời gian khác nhau.Trong Đạo Đức Kinh 道德經, Lão tử nói:


有 無 相 生 , 難 易 相 成 , 長 短 相 形 ,
高 下 相 盈 , 音 聲 相 和 , 前 後 相 隨 。


Hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương doanh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy(Chương 2)


(So alive and dead are abstracted from nature,
Difficult and easy abstracted from progress,
Long and short abstracted from contrast,
High and low abstracted from depth,
Song and speech abstracted from melody,
After and before abstracted from sequence )
(http://www.chinapage.com/gnl.html)



2. Sự cần thiết cho tiến hóa:


Vũ trụ cần sự giao hòa, sự thay đổi và nhờ vậy mà có tiến bộ. Vũ trụ không bao giờ đứng một chỗ, mặt trăng, mặt trời, ngày đêm, nóng lạnh là hình tướng của việc biến dịch vũ trụ và nhân sinh.
日往則月來,月往則日來,日月相推而明生焉.


Nhật vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhật lai, nhật nguyệt tương thôi nhi minh sinh yên (Hệ từ hạ)
Nếu vũ trụ chỉ có màu đỏ, một thời tiết nóng, hay chỉ một người, một nhóm người cai trị vĩnh viển thì không bao giờ tiến triển, và việc này không bao giờ có được.



3. Vũ trụ là kết hợp:


Kinh Dịch là một triết lý cách mạng, hòa đồng và phát triển. Âm và dương không triệt hạ nhau, không tranh đấu tiêu diệt nhau như Marx chủ trương. Âm và dương bình đẳng.
一陰一陽之謂道 Nhất âm nhất dương chi vị đạo.Hệ từ thượng. (Một âm, một dương hợp thành đạo).

Cây cối và con người cần ngày và đêm, cần nóng và lạnh. Giàu và nghèo giúp đỡ nhau, trí thức và công nông thương là một gia đình. Bầu và bí là anh em. Nam và nữ không chống đối nhau, tiêu diệt nhau mà cần hòa hợp để xây dựng gia đình và xã hội:

.天地絪缊,萬物化醇;男女構精,萬物化生 Thiên địa nhân huân, vạn vật hóa thuần, nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh .( Hệ từ thượng)Khí trời đất nghi ngút cho nên vạn vật phát triển; nam nữ giao hợp, vạn vật sinh sôi.




4. Các yếu tố có mối tương quan nhân quả.


Vạn vật có tương quan chặt chẽ. Nếu ta tạo được mối giao hảo tốt đẹp, mọi sự sẽ đạt được hòa bình và phát triển. Trái lại nếu gieo tranh chấp, gây chiến tranh thì nhân loại điêu tàn. Nếu thiên địa tương hòa thi vạn vật tương sinh, gia đình thịnh vượng, quốc gia lớn mạnh như kinh Dịch nói:


有天地,然後有萬物;有萬物,然後有男女;有男女,然後有夫婦;有夫婦,然後有父子;有父子,然後有君臣;有君臣,然後有上下;有上下,然後禮義有所錯。



Hữu thiên địa nhiên hậu hữu vạn vật, hữu vạn vật nhiên hậu hữu nam nữ. Hữu nam nữ, nhiên hâu hũu phu thê, hữu phu thê nhiên hậu hữu tử tôn, hữu tử tôn nhiên hậu hữu quân thần, hữu quân thần nhiên hậu hữu thượng hạ; hữu thượng hạ, nhiên hậu lễ nghĩa hữu sở thác. (Hệ từ thượng)



II. NGŨ HÀNH

So sánh ngũ hành và tứ đại thì ngũ hành nhiều chất hơn, song cả hai bên đều có ba yếu tố giống nhau là thủy, hỏa và thổ. Người Trung Hoa yêu ngọc và nói nhiều về khí, tại sao không thêm vào thạch và khí?
Ngũ hành rất quan trọng, có thể áp dụng trong đời sống, trong phong thủy, bói toán và trong y học cổ truyền.



Theo lý luận, ngũ hành gồm hai thế tác hợp ( hợp) và phản động ( xung):


Hợp: kim sinh thủy, thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim.
Xung: kim khăc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa; hỏa khắc kim,


Nói như vậy là cổ nhân đã nhìn nhận sự vật có hai chiều là tương hợp và tương khắc. Tuy nhiên, tương hợp và tương khắc cũng chỉ là tương đối, và không phải là nhất định. Sự hợp tác giữa hai đồng loại thì lý luận khác nhau.Có người nói “Lưỡng thổ thành sơn” , nhưng cũng có kẻ bảo “lưõng mộc mộc chiết”; và “ lưỡng hỏa hỏa tuyệt”..
Theo lý thuyết, kim khắc mộc nhưng sắt non, thép yếu làm sao chặt được gỗ?
Lý thuyết nói thủy khắc hỏa nhưng nước it thì làm sao làm tắt lửa?



Người ta gán ghép các sự vật vào ngũ hành như đỏ thuộc hỏa, xanh thuộc mộc. Nhưng ngày nay ngườI ta tạo ra hàng chục, hàng trăm màu sắc khác nhau chứ không phải là ngũ sắc. Hơn n ữa, vũ trụ thường là hòa hợp, không chỉ là một chất, một màu sắc riêng rẽ. Cầu vồng thuộc về kim, thổ hay hỏa? Hơn nữa, chúng ta không nên quá khích, tuyệt đối hóa sự vật. Sự vật thường là tổng hợp, it khi ở trạng thái thuần chất.Trong âm có dương, trong dương có âm. Trong mộc có thủy , hỏa. Trong thủy có kim, thổ. Trong kim có thổ, thạch. . .Ngay nước tinh lọc cũng không thuần chất và đơn lẻ vì nước do H và O cấu tạo.

Nói tóm lại, vạn vật phức tạp, không thể thâu tóm vào trong ngũ hành. Đàng khác, ngũ hành có xung, có hợp, lúc thì thế này, lúc thì thế khác, không nhất định sẽ là xung hay hợp, là ich hay hại. Nước có thể làm nổi thuyền, nhưng nước cũng có thể làm lật thuyền. Lửa làm cháy rừng, đốt nhà cửa nhưng con người cần lửa trong sinh hoạt. Tiểu nhân, quân tử, giàu nghèo, củi tốt hay củi xáu đều có vai trò riêng. Không thể trọng sắt mà tiêu diệt gỗ, yêu màu đỏ mà cấm màu trắng, màu xanh. Ngũ hành hợp thì có ich nhưng con người cũng biết lợi dụng sự xung đột để kiến tạo như dùng rìu,cưa, đục búa để đẵn gỗ, làm bàn ghế,làm nhà cửa, lâu đài. . .


Vạn vật có xung có hợp, nếu ta biết hòa hợp thì ta sẽ tạo nên hòa bình và phát triển; nếu ta vô tình hay cố ý tạo ra mâu thuẫn hay chỉ chú trọng về mâu thuẫn thì thiên hạ đại loạn, và thân ta bất an.
Triết học Nho Lão Phật là triết học an bình cho cá nhân và thế giới. Trái lại, những lý thuyết và hành động nhắm gây hận thù, chia rẽ, phỉnh phờ, gây chiến tranh thì rất nguy hại cho đời sống cá nhân và xã hội.

QUẢ BÁO HIỆN TẠI

V. QUẢ BÁO HIỆN TẠI

===


Một trong những giáo điều căn bản của Phật giáo là tin có luân hồi, quả báo,tin có đời này, tin có đời sau. Sự tin tưởng này làm cho con người tích cực làm thiện để đươc hưởng phúc đức, và tránh làm ác để khỏi bị trừng phạt ở kiếp này và trong kiếp sau.



Bản thân người làm ác phải bị tội, thường là kiếp sau,nhưng dôi khi họ phải trả báo trong kiếp này,người ta gọi là quả báo nhãn tiền. Thường thì ai làm nấy chịu, nhưng dôi khi con cháu hoặc vơ chồng cũng phải chịu :
‘Đời cha ăn mặn , đời con khát nước.’



Thường thường kẻ ác trước hết phải chịu đau khổ do vợ con gây ra, sau đó mới đến bản thân họ gánh chịu.
Quả báo là do hành động của mình vô tình hay cố ý. Cõi trần gian cũng như cõi trên đều có người phụ trách công lý. Cũng có thể do sự báo thù của một ai đó. Và sau cùng,người đời đóng một vai trò thẩm phán trong số phận ta.



Một ngày nọ, tôi đến thăm một người bạn. Trong lúc hàn huyên, tôi thấy có một bà đẩy xe lăn, trên xe có đứa bé gái khoảng 9,10 tuổi, người gầy còm, thân hình quằn quại, miệng kêu ngoeo ngoeo. Chủ nhân giải thích rằng người đàn bà đẩy xe kia xưa đang lúc làm bếp, bị con mèo xông vào cướpmiếng thịt , sẵn dao trong tay, bà chém một lát, con mèo nhả miếng thịt, quằn quại rên la rồi tắt thở. Ít lâu sau, bà có thai, rồi sinh ra một bé gái, người gầy nhom như con mèo ốm, từ lúc mới sinh cho đến khôn lớn, không đi đứng,nói năng được, suốt ngày quằn quại trên giường, miệng kêu ngoeo ngoeo y như tình trạng con mèo bị bà chém chết. Nay bà phải nuôi nó, suốt ngày phải lau chùi,tắm rửa cho nó cực khổ trăm bề.



Trong thời kỳ đãu tố tại miền Bắc, dân chúng thường truyền cho nhau nghe những chuyệnquả báo nhãn tiền mà người ta gọi là quả báo cải cách. Một số vong hồn địa chủ còn lẩn quất ở trần gian, thỉnh thoảng hiện về. Hầu hết bọn cán bộ đều trở thành khùng điên, con cháu chúng liên tiếp gặp tai họa.




Đảng viên cộng sản phải là những người có thành tích, nhất là những bí thư, chủ tịch tỉnh,ủy viên trung ương .. .mà thành tích lớn nhất là giết người. Chúng giết các đảng phái quốc gia,các tôn giáo,các thân hào,nhân sĩ,các đồng bào vô tội. Vì vậy mà trước đây và hiện nay, mặc dù các đảng viên được ăn sung mặc sướng, có chức vụ, địa vị lớn lao nhưng tận đáy tâm hốn, anh nào cũng đau khổ vì anh nào cũng gặp quả báo nhãn tiền.



Một trong những tai họa và nguyên nhân đau khổ của họ là gia đình, là con cái.
Đa số cán bộ là thành phần bần cố nông,không chút chữ nghĩa, nhờ giết người mà trở thành đại tá,thiếu tướng, trung tưóng, đại tướng, bí thư, chủ tịch, bộ trưởng, giám đốc.. .




Tất nhiên con cái của họ trở thành những cậu ấm có thế lực. Những cậu ấm này một số học hành,nhưng một sốchẳng chịu học hành gì cả, suốt ngày rong chơi, lập băng đảng quấy phá phố phường mà công an cũng đành bó tay. Họ không học vì ba nguyên nhân. Một là được bố mẹ nuông chiều thành hư. Hai là cũng tại cái ‘gien ‘ bần cố. Ba làkiêu hãnh . Ông bố nói ‘ tao không học cũng làm bộ trưởng ‘ ,và thằngcon cũng nói ‘ bố tao không học cũng làm bộ trưởng, tao cần gì phải học ‘.




Công an Việt Nam bao giờ cũng chỉ có mục đíchlà kiếm tiền, và khủng bố dân chúng. Họ không chú trọng đến vấn đề an ninh,trật tự . Họ không đủ tiền và đủ người làm việc.Nếu có nhiều người cũng vẫn là thiếu vì ông nào cũng đi làm kinh doanh, đi làm tiền. Chỗ đâu mà nhốt trộm cắp vì các nhà tù đã chật nich tù chính trị. Cơm đâu nuôi
bọn thiếu niên du đảng vì chính bọn công an cũng đói !




Trộm cắp bị bắt một vài bữa cũng thả ra cho nên trộm cắp càng ngày lộng hành.
Không ai dám động đến bọn đua xe gắn máy trong thành phố vì bọn chúng là con ông, cháu cha. Dù có bắt chúng một vài bữa rồi cũng phải thả ra, chẳng lợi lộc gì lại thêm thù oán. Còn dân chúng sống chết mặc bay, người khôn ngoan không nên dây với tụi du đảng và cũng không nên kiện cáo làm gì với bọn công an.



Như đã nói, con cái bọn cán bộ cao cấp nay một số trở thành trộm cướp, du đảng. Chúng tập họp đông đảo. Chúng nhảy nhót, chơi bời, hút xì ke,ma túy, hãm hiếp đàn bà con gái lương dân. Người ta kể rằng tại Hà Nội , một bọn thiếu niên bắt đàn bà con gái hãm hiếp. Chúng bắt nạn nhân trói lại, bịt mặt nạn nhân , nhốt trong căn phòng tối ,rồi thay phiên hãm hiếp. Một bà tướng nọ đi đâu loạng quạng bị bọn du đảng bắt đươc, chúng trói lại, nhốt trong phòng tối, và thay nhau hãm hiếp chán chê rồi thả ra. Oan nghiệt thay,trong đám này có con trai bà, và chính nó đã hãm hiếp bà! Bà về nói với chồng, ông rút súng bắn ngay thằng con !


Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng giết bao chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân đảng, Đại Việt. Chính đại tướng đã làm cho tướng Nguyễn Sơn phải bỏ nước mà đi trong uất hận. Sau này, chính Võ Nguyên Giáp cũng bị các đồng chí đàn em cho vể làm công tác ngừa thai , làm cái việc cởi quần đàn bà, giữ chân đàn bà cho chặt để ép buôc nhét thuốc ngừa thai:
Khi xưa đại tướng cầm quân,
Bây giờ đại tướng cầm quần chúng em !
Khi xưa đại tưóng cầm quân,
Bây giờ đại tướng cần chân đàn bà !
Gia đình Võ Nguyên Giáp vốn dòng khoa hoạn, bà vợ là con gái Đặng Thai Mai, cũng trâm anh thế phiệt , thế mà con trai ông, Võ Điện Biên, kết quả của Điện Biên Phủ lại là một tên đầu trộm đuôi cướp, vào tù ra khám như ăn cơm bữa. Đến công an mà còn phải bắt Võ Điện Biên chứng tỏ y tội nặng lắm,khó dung tha. Võ Điện Biên nổi tiếng anh chị, công an phải ngán. Y đánh cả công an, coi công an không ra ký lô nào. Y đã nhiều lần vào nam ra bắc, có lần đã ngồi tù Chí Hòa ,và bị tống giam vào phòng “ Con ma vú dài “ Trước 1975, trên báo Xây dựng của Linh Mục Nguyễn Quang Lãm có truyện dài “ Con ma vú dài ở Chí Hòa “ .Thiên hạ mỉa mai: ông cha làm báo,nói láo ăn tiền !nhưng theo nguồn tin của những người từ Chí Hòa ra cho biết con ma vú dài là thật . Con ma này thường xuất hiện thường xuyên. Hễ tay nào cứng cựa, công an thả vào phòng con ma vú dài một đêm thì hôm sau nhũn như con chi chi.




Con trai Nguyễn Văn Linh trong thời ông làm bí thư thành ủy Sàigon đã tự tử chết. Đây là một nghi vấn lớn. Y bị thanh toán hay tự tử để phản đối cha ? Dân Sài gòn xôn xao mà không tìm được giải đáp thích đáng. Đinh Đức Thiện bị tử nạn trong khi đi săn. Tin cán bộ thì do súng cướp cò nhưng tin nhân dân thì do con trai của y bắn cha ! Cố ý hay vô tình, chỉ trời biết !
Cao Sĩ Khiêm, cựu thống đốc ngân hàng cũng lâm tình trạng chán chường. Bà vợ bị điên, con trai phá tán tiền của.



Bà vợ Phạm Văn Đồng là con người đồng bóng, dường nhu mắc bệnh tâm thần, Chính Phạm Văn Đồng nay khoảng 90 cũng mắc bệnh tâm thần, Không ai mời họp, ông cũng vác xác tới dự. Không ai mời phát biểu, ông cũng nhảy lên nói dài,nói dai,nói dỡm. Phạm văn Đồng được các đảng viên bầu cho là người nói dở và vô duyên nhất Việt Nam.Không có gì đáng cười, ông vừa nói vừa cười một mình. Cái cười của ông nhạt nhẽo, vô duyên.Đôi khi bỗng nhiên ông cười the thé khiến cho khán giả rợn ngừơi ,nghe như tiếng ma quỷ gào rú ở âm ty.

W

Cọng sản đã làm ác và gặp quả báo. Ngày nay, cộng sản Việt Nam đang trên đà tiêu vong. Khi nhân dân vùng lên hỏi tội chúng, chúng sẽ thấy rõ hơn sự trừng phạt của nhân dân và tòa án quốc gia.
Tháng 6-1998.

XÃ HÔI CỘNG SẢN

. CON NGƯờI TRONG XÃ HÔI CỘNG SẢN

(ĐọC " ĐÊM GIữA BAN NGÀY "
của Vũ Thư Hiên )


Sơn Trung

====

1.Tác giả;
Nhà xuất bản Văn Nghệ ở Californiavừa ấn hành quyển Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên. Đây là một thiên hồi ký dày 767 trang. Vũ Thư Hiên sinh ngày 18 tháng 10 năm 1933 tại Hà Nội .Thân phụ ông là Vũ Đình Huỳnh, đã làm bí thư cho ông Hồ Chí Minh trong khoảng 1956. Vũ Thư Hiên đã đi bộ đội 1949, và đã du học tại Liên Xô trong khoảng 1955 về môn điện ảnh.




Năm 1955, Khrushov đã phê phánnặng nề Staline trong đại hộiXX của đảng cộng sản Liên Xô. Mao Trạch Đông lên tiếng chống đối đường lối xét lại của Khrusov. Việt Namtuy không lên tiếng chỉ trích Liên Xô vì lúc này họ đang nhận viện trợ của Liên Xô nhưng họ âm thầm trừ diệt những ai có khả năng đi theo đường lối xét lại của Liên Xô. Vũ Đình Huỳnh, Đặng Giang Kim, Hoàng Minh Chánh,Trần Minh Việt, Phạm Kỳ Vân, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Văn Thẩm .. là những người cộng sản đang làm việc trong bộ máy đảng và nhà nước cộng sản đã bị bắt giam trong năm 1967. Vũ Thư Hiên cũng bị bắt trong dịp này. Ông bị nhốt tại Hỏa Lò và các nơi khác . Ông không biết ông bị bắt về tội gì, và phải bị giam giữ trong bao lâu. Tháng 9 năm 1976,ông mới được phóng thích. Từ đó, ông làm việc trong lãnh vực tư doanh để sinh sống. Năm 1993, ông sang Nga thông dịch cho một công ty thương mại. Tại Nga,ông bắt đầu viết Đêm Giữa Ban Ngày. Ông bị cộng sản Việt Nam giả dạng cướp đột nhập nơi ông ở cướp bản thảo,và đâm ông bị thương. Ông bỏ sang Ba Lan,rồi qua tị nạn ở Pháp.




Đêm Giữa Ban Ngày là máu và nước mắt của tác giả. Thân phụ của tác giả cũng kỳ vọng vào tác giả, kỳ vọng vào tập hồi ký này để thông báo cho đồng bào Việt Nam những dã man,tàn bạo của chủ nghĩa cộng sản.
Ông viết :
Trong chín năm tù tôi đã làm một việc có ích, cho bản thân và những ngườimà tôithương yêu, là giã từ được ảo ảnh về một chủ nghĩa cộng sản được tô vẽ như là thiên đường dưới thế.. . . .. Xin hãy coi cuốn sách này là lời sám hối trước đồng bào của cha tôi nay đã không còn. Nó được thực hiện theo lời trăn trối của người. ( tr.12-14).



2.Chính sách cộng sản:
Trước tiên, quyển Đêm Giữa Ban Ngày cho chúng tahiểu đường lối cộng sản đàn áp nhân dân. Đường lối vô sản chuyên chínhlà một đường lối độc tài, khát máu. Để giữ vững ngai vàng, các vị vua chúa mới ở Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Hà Nội đã giết hại và giam cầm hàng vạn, hàng triệu nạn nhân trong đó có các đồng chí của họ. Họ thực hiệnchính sách bắt lầm,giết lầm hơn là bỏ sót. (tr.596)




Vũ Thư Hiên đã chỉ trích chính sách này :
Bắt nhầm còn hơn bỏ sót là sự biện minh cho những hành động tùy tiện của nền độc tài. Nó cực kỳ giản tiện và vô cùng dễ chịu cho tên độc tài củng cố địa vị thống trị. Nó cho phép tên độc tài thoát ra khỏi mọi ràng buộc, vô trách nhiệm trước sinh mệnh đồng loại. Cán bộ thực hành chuyên chính vô sản tha hồ bắt oan, tha hồ giết oan đồng bào của họ. (tr. 596)



Cộng sản không có pháp luật, hoặc không tôn trọng pháp luật. Do đó, ngườI dân không được pháp luật bảo vệ. Ai cũng có thể bị nghi ngờ và bị ngồi tù. Vũ Thư Hiên đã nêu lên ý kiến của một bạn tù :
Trong xã hội ta,mỗi công dân chỉ là một người tù dự khuyết. (tr. 202)
Nhà cầm quyền muốn bắt ai thì bắt.,không cần chứng cớ,không cần xét xử, muốn thả ai thì thả,không cần thời hạn. Chính Trường Chinh đã ký nghị quyết số 49 NQ/ TVQH, ngày 20-6-1961, cho phép công an giam người không cần thủ tục tố tụng, mỗi hạn3 năm, hết hạn này đến hạn khác. (tr. 67)



Vũ Thư Hiên đã viết :
Việc nhà nước đối xử với công dân không cầncó luật pháp, hoặc dùng luật pháp lờ mờ để giải thích theo ngụy biện là đặc điểm chung của các nước xã hội chủ nghĩa.(tr. 298)
Ông Vũ Đình Huỳnh trước khi nhắm mắt đã căn dặn con phải nói cho nhân dân ta biết nước ta là một nước không có dân chủ, không có pháp luật hoặc pháp luật chỉ là xảo ngôn ,là mảnh đất màu mỡ cho thể chế độc tài .(tr.305)
Không riêng dân chúng bị tù đày mà các đảng viên cũng bị đảng khủng bố,tàn hại. Chính Vũ Thư Hiên cùng các cha chú của anh đã bị đảng bắt giam bởi vì Lê Duẫn, Lê Đức Thọ muốn chụp mũ họ, muốn hại Võ Nguyên Giáp (tr.349-363)
Vũ Thư Hiên cho rằng chủ nghĩa cộng sản không hơn phong kiến:
Nhà cầm quyền xử sự với dân chẳng khác gì xã hội trước nó nếu không tồi tệ hơn, (tr. 42)



Thân mẫu tác giả,một đảng viên cộng sản kỳ cựu,từng đối đầu với mật thám Pháp đã nhận định :
Chúng nó còn tệ hơn cả mật thám Pháp nữa kia ! (tr. 28)
Bọn thực dân Pháp tiếng thế chứ không đến nỗi ác như bọn này. (tr.139)



3. Người dân trong xã hôi cộng sản.
Cộng sản đã gây bao tội ác.Theo Bernard Fall và Wesley Fishel, các vụ giảm tô giảm tức, cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức đã giết khoảng 50 ngàn ngưòi.(tr.457)
Sự tàn bạo này đã khiến dân chúng sợ hãi. Khắp nơi, những kẻ hèn nhát đã cam tâm làm tay sai cộng sản. Một số bán rẻ lương tâm, bán rẻ cha mẹ,anh em,bạn bè. Vũ Thư Hiên viết :
Vào thời gian này, chỉ điểm nhan nhản khắp nơi, từ thôn xã cho tới cơ quan đầu não. (tr. 256)


Tiêu biểu nhất là giới văn nghệ, người ta tung hô lãnh tụ như Tố Hữu đã ca tụng Staline. Ca tụng lãnh tụ bao nhiêu thì người ta lại tố cáo, chửi bới bạn bè bấy nhiêu. Nguyễn Đình Thi đã lên xỉ vả Văn Cao vì câu thơ " Trong giọt nước có cả trời xanh ", nhưng chửi xong, Nguyễn Đình Thi bước xuống, ôm Văn Cao nói : Văn hiểu cho mình. Cái thế mình phải thế. (tr. 416)
Vũ Thư Hiên đã nhớ lại:
Có lần Nguyễn Tuân rủ rỉ chúng tôi phải thuộc lòng cách chia vec bờ sợ ở mọi ngôi thứ : tôi sợ anh, anh sợ tôi, chúng ta sợ nó, chúng tôi sợ các anh.. .thuộc hết thì sống dễ.. . (tr.245)



Và Vũ Thư Hiên đã nói một câu chí lý :
Chúng tôi trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí. (tr.118)
Và cũng vì cộng sảncó tai mắt khắp mọi nơi, người dân bao giờ cũng phải kín đáo. Vũ Thư Hiên viết :
Người biết sống phải đạo muốn ăn thịt gà phải đi chợ xa để mua, lén lút mang về, lén lút vặt lông, lén lút ăn, rồi lại lén lút đem lông đi đổ . Lòng ghen tị hiện hình thành những lá đơn tố cáo đầy những câu hỏi nồng nặc mùi cảnh giác cách mạng. (tr.444)



Người dân sợ hãi bởi vì bất cứ lúc nào họ cũng có thể bị bắt giam. Cộng sản coi dân chúng như súc vật:
Con người chẳng khác súc vật. Chúng tôi đều là chim trong lồng, gà trong chuồng, người ta muốn lôi ra cắt tiết lúc nào được lúc ấy. (tr. 41)




4. Người tù trong chế độ cộng sản.
Trong nhà tù, cộng sản dùng mọi thủ đoạn thâm độc đối xử với tù nhân như là cho ăn đói, mặc rét,bắt sống thiếu tiện nghi, khủng bố tinh thần. Ở trong tù cũng như ngoài xã hội, cộng sản khống chế, hành hạ con người bằng cái dạ dày.
Vũ Thư Hiên đã thuật lại như sau :
Cái sự giam người vô thời hạn lại giam trong xà lim là một cách hành hạ tàn nhẫn.. .Nhưng cái khổ nhất là đói. Đói lắm. Đói cồn cào. Đói mờ mắt. Đói run người. (tr.566)
Một hình thức tra tấn,khủng bố của cộng sản là bắt tù nhân khai lý lịch,viết kiểm điểm, cung khai các tội trạng đến hàng trăm lần. Chúng bắt tù nhânkết tội mình và kết tội cha mẹ,anh em,họ hàng,bè bạn. Trong tù, họ còn bắt người này dò xét ngưòi kia, mục đích là tạo ra thù hận,nghi kị giữa tù và tù. Thành thử trong tù, tù nhân luôn luôn buồn khổ, cô độc và căng thẳng.


Tác giả đã viết :
Chúng tôi không bị đánh đập, không bị giết. Chúng tôi chỉ bị chôn sống mà thôi. (tr.536)
Tù nhânchính trị có nhiều loại.
Loại thứ nhất là những người dân yêu nứớc,lên tiếng chống đối công sản. Tôn Thất Tần in truyền đơn phản đối Hồ Chí Minh ký hiệp ước 6-3 -1946 cho Pháp trở lại Đông Dương (tr.673-676).Phong là một nông dân đã gủi thư cho Đảng và nhà nước chỉ trích đường lối thân Trung quốc " cõng rắn cắn gà nhà" .(tr.741-742)




Một số lớn thì bị vu khống hoặc bị tình nghi mà phải ngồi tù dài hạn.Nguyễn Thái Bát đã làm xã đội hồi kháng Pháp , bọn công an xã, chi uỷ viên phá hoại đời con gái của con ông,nên ông giận mắng chửi bọn chúng,chúng bèncho ông ngồi tù với cái tội " tuyên truyền phản động, chống đảng,chống chế độ "(tr.746-747). Vũ Đình Huỳnh, Đặng Giang Kim, Hoàng Minh Chánh , Vũ Thư Hiên.. .bị tình nghi theo đuờng lối xét lại chống Đảng.




Đặc biệt, trong tù còn có loại ngồitù vì quá yêu thích cộng sản ! Kim là một thanh niên Triều Tiêndu học tại Bắc Kinh,yêu Việt Nam, trốn qua Việt Nam xin chiến đãu chống Mỹ.Anh bị bắt giam vì bị nghi làm gián điệp.(tr.738-741)
Và rất nhiều loại khác nữa như anh Cao, đặc công(tr.682), và một số nông dân người Hoa ở biên giới. (tr.677-678)



Trong nhà tù,nhiều người đã sợ hãi mà bán rẻ bạn bè.Vũ Thư Hiên đã viết:
Ngừơi ta sợ, cái sợ cố hữu bám theo họ từ bên ngoài xã hộI vào,cộng thêm cái sợ hãi có sãn trong tù sinh ra bỡi hệ thống ăng ten dày đặc và thói quen bẫm báo để kiếm chác trong cảnh thiếu thốn, (tr.730)



Trong nhà tù, nhiều người đã đầu hàng,trong đó có Vũ Đình Huỳnh (tr.213). Tuy nhiên,có những con người bất khuất như Nguyễn Chí Thiện, Tôn Thất Tần, Nguyễn Thái Bát, Vũ Thư Hiên.. .



Trước khi vào tù, trong khi ngồi tù, và sau khi ra tù, con ngừơi cũng bị đau khổ. Họ bị người ta lánh xa vì sợ liên hệ.
Vì nhiều người đã biết Vũ Thư Hiên bị công an theo dõi và biết thân phụ ông bị bắt cho nên nhiều kẻ xa lánh ông. Ông đã kể cho chúng ta một chuyện buồn:
Trên đường Nguyễn Du rẽ sang Trần Bình Trọng, tôi gặp Nguyên Hồng đi ngược chiều. Đang tư lự trên hè, nhác thấy tôi, anh giật mình đứng lại.Tôi xuống xe định đến bắt tay anh thì Nguyên Hồng hấp tấp lùi lại, bước tránh sang vệ cỏ. Đôi mắt anh bùi ngùi nhìn tôi. Rồi rất trịnh trọng, anh chắp tay xá tôi, xá dài theo kiểu người xưa,môi mấp máy nói gì không rõ. Tôi đứng lặng. Nguyên Hồng đùa hay thật ? Không,anh không đùa. Đành cúi đầu xá anh đáp lễ. Nguyên Hồng lẵng lặng đi cúi đầu.
Tôi nhìn theo tác giả Bỉ Vỏ. Anh đi không ngoảnh lại. Cuộc gặp gõ Nguyên Hồng để lại trong tôi cảm giác xót xa. Tôi không giận Nguyên Hồng. Tôi chỉ buồn thôi. Buồn lắm. Trong những ngày ấy, mọi người đều xử sự như thế, và xử sự như thế mới là khôn ngoan. (tr.46)



Ông viết tâm trạng ông sau khi ra tù :
Sau khi ra khỏi tù, chúng tôi không bao giờ chủ động đến với ai.Trong sự xa lánh này có cả nỗi hờn mát lẫn lòng tự ái. Tôi không căm ghét, không thù hận những ngườI quay lưng lại nỗi đau khổ của gia đình tôi nhưng tôi không chơi với họ nữa. (tr. 412)



5.Con người cộng sản:
Đêm Giữa Ban Ngày còn cho chúng ta biết vài nét về các lãnh tụ cộng sản.
Một số là lưu manh xuất thân như Trần quốc Hoàn,bộ trưỏng công an, lúc nhỏ tên là Cảnh con,là một tên ăn cắp vặt ở Nghệ An, sau đi phuđãi vàng ở Thái Lan, liên hệ với cộng sản,sau trốn về ăn cắp ở các chợ Hà Nội.(tr.598-604).
Bọn họ không nhiều thì ít có vấy máu nhân dân Việt Nam,
Hồ Chí Minh đã bí mật lấy cô Xuân, Trần quốc Hoàn hãm hiếp cô Xuân,rồi giết hai chị em cô Xuân để bịt miệng (tr.602-609) bởi vì họmuốn giữ mãi thần tượng Hồ Chí Minh không gia đỉnh,không tài sản,suốt đời hy sinh cho lý tửơng!
Trần quốc Hoàn giết rất nhiều người trong khởi nghĩa tháng 8. Cũng như Giang Thanh, khi làm lớn, y giết tất cả những ai biết quá khứ của y.(tr.598-604)
Vũ Thư Hiên viết :
Từ ngày Trần quốc Hoàn lên làm bộ trưởng thì trên miền bắc không có mấy gia đình không có ngừơi thân trong gia tộc ở tù. (tr.595)
Sự thực, mọi tội ác là do Lê Đức Thọ ,có biệt danh Sáu Búa,chỉ đạo .Y cầm đầu ban tổ chức trung ương đảng,bị cả nước nguyền rủa. Lê Đức Thọ, Lê Duẫn, Lê Đức Anh đã hạ lênh chiếm đóng Cambodia, khiến cho nhân dân Cambodge đau khổ,và nhân dân Việt Nam có 52 ngàn tử trận,200 ngàn bị thương.(tr.547-563)


Vũ Thư Hiên viết ;
Tại sao cho tới nay đảng cộng sản Việt Nam không dám nói tới, không có can đảm nhận lỗi trước những người láng giềng đau khổ để xóa đi một trang sử nhơ nhớp ? Thọ chết đi trước khi phải ra trước vành móng ngựa một phiên tòa lịên tịch hai nước với tư cách tội phạm chiến tranh . (tr.563)
Nếu không gian ác công khai, thì họ cũng là những con người bất nhân,bất nghĩa , hèn hạ khom lưng trước bạo quyền. Phạm Văm Đồng, Trường Chinh,Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng đã không giúp đỡ các anh em đồng chí.
Võ Nguyên Giáp để mặc Thọ, Duẫn tàn sát các đồng chí,đồng đội của ông. Ông không có dũng khí của một đại tướng, cũng không có tiết tháo của một sĩ phu. Vũ Thư Hiên nhận xét:
Chẳng ai đặt hy vọng vào tướng Giáp cả .. . Ông đã phụ lòng tin của trí thức.Thậm chí khi những đòn chuyên chính vô sản giáng xuống những người thân cận của ông, những chiến hữu của ông. Ông đã không dám hé răng nói một lời, mà chỉ ngoan ngoản né qua một bên. mặc cho Lê Duẫn và Lê Đức Thọ muốn làm gì thì làm. Như một kẻ vô can, ông hiền lành khoanh tay nhìn cuộc khủng bố trắng xảy ra trước mắt. (tr.334-362)



Ông Nguyễn Lương Bằng đã không gíúp gì cho ngừơi đồng chí cũng là ân nhân Vũ Đình Huỳnh.Ông bị Duẫn Thọ theo dõi,nhưng ít lâu sau ông chạy sang hàng ngũ Lê Đức Thọ, đưọc Duẫn Thọ cho tham gia ban chuyên án.
Vũ Thư Hiên đã cay đắng viết về Ông, một ông bác mà tác giả kính yêu từ thủa nhỏ:
Tôi có thể thông cảm với Nguyễn Lương Bằng Ông tham gia chỉ đạo ban chuyên án của Lê Đức Thọ do sợ hãi. Nhờ biết sợ mà ông chẳng những thoát nạn mà còn lên chức phó chủ tịch nước vào năm 1969. Ông có mất mát chút ít, nhưng là những thứ không quan trọng : tình bạn, tình đồng chí, tình yêu của những đứa cháu không ruột thịt, lòng kính trọng của những người cách mạng chân chính. (tr.545)
Con người cộng sản hung ác, họ là kẻ thù của dân chúng, nhưng mặt khác, họ cũng là nạn nhân của chính họ. Một số rất lớn đảng viên cộng sản đã lập được nhiều công trạng, đã chiếm địa vị cao nhưng rồi bị chết do các đồng chí của họ. Trotsky, Beria, Lâm Bưu, Luu Thiếu Kỳđã chết trong tủi nhục. Nguyễn Bình, Dương Bạch Mai, Lê Trọng Tấn,Đinh Đức Thiện, Trường Chinh.. . đã chết trong bí mật và nghi vấn. Võ Nguyên Giáp bịbạc đãi, Hồ Chí Minh bị Duẫn,Thọ lấn át.. . Chính tên cai ngục hống hách Huỳnh Ngự sau này cũng trở thành nạn nhân của chế độ mà y phụng sự (tr.755).Họ đã xây dựng và sống trong một xã hội không có tình người.




Nhờ ngồi tù cộng sản mà Vũ Thư Hiên hiểu về cộng sản, và hết hẵn cơn bệnh sùng báiHồ chí Minh, tôn thờ cộng sản. Ông viết :
Nhờ đảng gỡ hộ cho tôi cái màn ảo tưởng,lần đầu tiên trong đờithấy mắt mình nhìn sự vật sáng rõ đến thế. Tất cả như tuột hết vẽ hào nhoáng bề ngoài vỏ mạ bong ra, phơi hình thù thật của chúng,trần trụi,lõa lồ dứơi ánh mặt trời.Cũng nhờ Đảng tôi trút bỏ được niềm sùng kính đối với ông Hồ Chí Minh. Tại sao tôi lại có thể mê muội đến thế nhĩ ! (tr.456)
Tuy nhiên, Vũ Thư Hiên vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của quá khứ. Trong các trang sách, ông vẫn gọi những người cộng sản là " nhà cách mạng ".-Ông vẫn còn ảo tưởng về một chủ nghĩa Mác nhân bản. Ông viết:
Phần nhân bản của nó,đãy là tất cả những gì còn lại trong tôi.Tôi thích mục đích cái xã hộimà Mác tưởng tượng ra : Đưa con người từ vương quốc tất yếu qua vương quốc tự do. (tr.676).-




-Ông vẫn binh vực cho Hồ Chí Minh : Ông Hồ là người nhân đức đã thả ông Diệm (tr.226-227),ông Hồ không thích chiến tranh(tr.227-229), ông Hồ ký hiệp ước 6-3-1946 với Pháp là đúng (tr.347), cộng sản có công trong khởinghĩa tháng 8 (tr.461).
-Ông đã chỉ trích Nguyễn Chí Thiện chống cộng vung vít. (tr.746)
Có lẽ chúng ta không nên đòi hỏi Vũ Thư Hiên qúá nhiều. Ông gủi đến chúng ta một tác phẩm như Đêm Giữa Ban Ngày cũngđã là quý..


NẠN LỤT TẠI VIỆT NAM

II. NẠN LỤT TẠI VIỆT NAM

===
Cuối năm 1999, một trận lụt lớn nhất thế kỷ đã xảy đến cho nhân dân Việt Nam.Đầu tháng 11-1999, cơn mưa lũ đã tràn ngập bảy tỉnh miền Trung Việt Nam từ Bình Định cho đến nam Quảng Bình.Trận lụt này đã gây thiệt hại về nhân mạng và tài sản dân chúng mà nặng nhất là tỉnh Thừa Thiên.


Lượng nước mưa đã lên 2.000mm so với lượng trung bình hằng năm là 1.700mm.Tại Huế nhiều nơi nước lên đến 2m, làm cho 600 người chết, hư hại nhà cửa, trường học,sách vở. Trận lụt này một phần là do thiên tai nhưng cũng một phần do cộng sản gây ra.
Trong kháng chiến,cộng sản đã phá hoại Trường sơn để làm đường mòn Hồ Chí Minh xâm nhập miền Nam:
“Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước “

Trước và sau 1975, cộng sản đã phá hoại rừng để tăng diện tích sản xuất. Thực ra Cộng sản phá rừng lấy gỗ bán cho ngoại quốc để lấy tiền bỏ túi như Nguyễn Văn Trấn đã tố cáo trong “ Viết Cho Mẹ và Quốc Hội”.Chính việc phá rừng đốn gỗ khiến cho bao nhiêu nuớc cứ chảy thẳng về miền xuôi, gây nên lụt lội.




Nguyên nhân thứ hai chính là nạn lấp sông. Nay cộng sản công khai bán đất và nhượng biển cho Trung Quốc, và các nước khác. Tại Sài gòn, trên một vài bờ sông tại Sài Gòn, người ta đã thấy có những tấm bảng đề tên chủ nhân, chắc là các lãnh đạo đảng. Tại Hà Nội, người ta đã đổ rác xuống sông, lấn sống, lấp sông. Họ chỉ chờ một ngày sông cạn là nhảy ra chiếm đất rồi bán cho ngoại quốc lấy tiền. Ngảy nào đây, họ giết địa chủ, tư sản nay từ quan trên cho đến tay công an hạng bét thì họ đã trở thành địa chủ đỏ, tư sản đỏ và băng cướp đỏ.



Cổ nhân đã nói:
Làm thầy thuốc sai lầm thì hại một mạng người. Làm chính trị sai lầm thì gây họa bao thế hệ.
Nay thì cộng sản đã gây tai họa cho nhân dân ta!
Chinh vì chủ trương vô sản chuyên chính, vì dụng mưu mánh gian ác mà không dùng đạo đức, dùng súng đạn, mã tấu mà không dùng đạo đức cho nên cuối cùng nên cơ sự như thế này!



Trước nạn lụt, cộng sản bèn ra quyết định sửa chửa cống thoát nước. Nhưng mục đícxh lũ chúng là làm cạn s6ng để lấy đất chứ không phải là xây dựng thành đô, tạo an ninh hạnh phúc cho nhân dân, cho nên dù bỏ ra hàng tỷ thì cũng vào tay tham nhũng, mà nạn lụt lội ngày càng thêm tốc độ và cường độ.




Trước nạn lụt, đồng bào trong nước, xót tình ruột thịt, đã quyên tiền bạc cứu trợ. Vì biết cộng sản tham nhũng, không bao giờ thực tâm yêu dân cho nên mỗi khi có nạn lụt, đồng bào nhất là các chị em các chợ, đã tự động quyên góp và đem về tận nơi xảy ra lụt để cứu dân.Họ không bao giờ để tiền bạc lọt vào tay cộng sản. Tuy nhiên, cộng sản có trăm mưu ngàn kế để cướp đoạt hàng cứu trợ và tiền bạc của đồng bào..Hàng hóa di chuyển đã bị mất mát.Hàng gủi vào kho cũng bị lấy sạch. Và bằng nhiều thủ đoạn khác, cộng sản đã cườp miếng cơm, manh áo của dồng bào nạn nhân.Cộng sản đã làm nhiều tội ác.Quần chúng nhân dân đã biết rõ tội ác của chúng và một ngày không xa, nhân dân sẽ bắt chúng đền tội.

.

Trước đây, cộng sản nắm độc quyền cứu trợ để ăn cướp, ăn chận tiền bạc quốc tế và đồng bào hải ngoại. Sau nhờ sự tranh đấu của quốc tế và các cộng đồng Việt Nam hải ngoại, cộng sản đã lui bước, cho các tổ chức tư nhân nhận tiền cứu trợ. Tuy nhiên, nay cộng sản lại ra thông cáo việc cứu trợ là độc quyền nhà nước cộng sản. Tiền bạc quốc tế và các hội đoàn phải vào tay cộng sản. Nạn lụt cũng là lúc các tay sai cộng sản và bọn lưu manh ở hải ngoại lại giở thủ đoạn lường gạt, kêu gọi cứu trợ để nộp tiền cho công sản và vào túi tham của chúng. Chúng ta nên sáng suốt, dừng mắc mưu cộng sản và bọn gian manh.



Chúng ta phải vạch trần tội ác cộng sản trong việc phá rừng, lấp ao hồ phá hoại đất nước và bán nước. Đó là công việc c hính bên cạnh việc đấu tranh cho tự do và dân chủ tại Việt Nam.

===

GIÁO DỤC VIỆT NAM

III.THỰC TRẠNG GIÁO DỤC VIỆT NAM

====




===



Người cộng sản luôn luôn bí mật, không công khai hóa các tài liệu cho nên không ai có thể có đầy đủ tài liệu về bất cứ vấn đề gì. Nếu có tài liệu thì cũng là tài liệu không đầy đủ hoặc là tài liệu giả. Khi nghiên cứu giáo dục Việt Nam, chúng ta cũng gặp khó khăn này. Nếu người nghiên cứu là đảng viên, cũng không dám nói thật, nói thẳng vì điều này chỉ cò hại cho bản thân và gia đình họ. Tuy nhiên “giấy không gói được lửa”, và “cái kim để lâu trontg túi cũng lòi ra”. Qua một vài tài liệu, hoặc tin tức trong báo chí vô tình tiết lộ, và qua những kinh qua trong cuộc sống tại Việt Nam, người nghiên cứu cũng có thể nhận thấy một số vấn đề.

I. MỤC TIÊU GIÁO DỤC
Giáo dục là đào tạo, rèn luyện. Người đi trước dạy bảo người đi sau, người trẻ tuổi học tập người trưởng thành và người già cả. Nền văn minh nào cũng cần có giáo dục và quốc gia nào cũng cần có giáo dục. Khi chưa có chữ viết thì nội dung giáo dục là dạy săn bắn, chăn nuôi, cưỡi ngựa, múa gươm đao hoặc ca hát. Khi có văn tự thì giáo duc là dạy viết, dạy đọc, dạy văn chương, triết học, nghệ thuật. Tuy nhiên, việc huấn nghệ vẫn tiến hành. Mục đích của giáo dục xưa nay là huấn luyện và sử dụng nhân tài. Ngày xưa, tư nhân kinh doanh chưa phát triển, phần lớn là công việc triều đình. Do đó, chỉ có triều đình là cần đào tạo nhân tài và sử dụng nhân tài. Nhiều người chỉ trích nho gia học chỉ để làm quan, phục vụ chế độ phong kiến. Nhưng xã hội cộng sản cũng có bệnh quan liêu và tham nhũng. Cán bộ cộng sản cũng là một thứ quan lớn nhỏ; tổng bí thư đảng cũng là một ông vua; và bộ chính tri cũng là một triều đình.Nhiều người chỉ trích Nho học là học từ chương, không thực dụng, bởi vi khoa học chưa phát triển. Dẫu sao, Nho giáo đã tạo nên cuộc sống đạo hạnh, và một nền văn học phong phú. Còn cộng sản sau khi nắm chính quyền, cộng sản có xây dựng được nền khoa học tiến bộ không? Chắc chắn là không vì họ chẳng sản xuất được gì ngoài nông sản đã có từ thời thực dân Pháp. Họ không xây dựng được kỹ nghệ nặng, kỹ nghệ nhẹ. Trước đây họ chỉ trích kinh tế miền Nam là phồn vinh giả tạo, chỉ là một nền kinh tế tiêu thụ, kinh tế thị trường, nay thì họ cũng không vươn lên hơn được. Giáo dục cộng sản chỉ sản xuất một thứ văn chương tuyên truyền dối trá. Những thơ và tiểu thuyết của Tố Hữu, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Khải, những bản báo cáo, những chương trình năm mười năm, những kế hoạch xây dựng không những là không thực dụng, không từ chương mà còn là phỉnh phờ, lường gạt, là ca tụng những việc không thật, người không thật như Nguyễn Văn Trấn đã tố cáo trong Viết cho Mẹ và Quốc Hội.




Tại các nước quân chủ và tư bản, mục tiêu giáo dục là toàn diện, nhưng tại một số quốc gia như Liên Xô, Trung Cộng, mục tiêu giáo dục hạn chế trong phạm vi khoa học chiến tranh để xâm chiếm các nước mà bỏ quên khoa học phục vụ đời sống nhân dân.
Như đã nói, mục tiêu giáo dục các đời là đào tạo và sử dụng nhân tài. Cộng sản cũng chú trọng giáo dục nhưng là giáo dục tranh đấu, chia rẽ, gây hận thù. Cộng sản cũng sử dụng người nhưng dùng đảng viên cộng sản, dùng kẻ tay sai thân tín, không dùng người ngoài , hoặc it dùng người ngoài. Tư tưởng cộng sản và kinh tế cộng sản cũng hạn chế việc dùng người. Đường lối cộng sản cộng với óc cục bộ, địa phương chỉ cho ph ép họ dùng người phe cánh. Chỉ có Đặng Tiểu Bình là dùng mèo không phân biệt mèo trắng, mèo đen. Dù là tiến sĩ như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường cũng chỉ làm nghề giáo, hoặc dịch thuật vớ vẩn phục vụ Truờng Chinh, và đảng cộng sản, không có một địa vị xứng đáng trong chính quyền Hà Nội. Trong thời chiến 1954-1975, một số tướng tá Việt Nam cộng hòa cho con cái sang Pháp du học, kết quả, trước 1975, số lớn về Hà Nội phục vụ cộng sản với đồng lương chết đói và địa vị thấp kém. Dù là tiến sĩ, họ cũng chỉ làm việc trong ban Việt kiều với nhiệm vụ cao quý là đón tiếp, hầu hạ và theo dõi Việt kiều về nước. Sau 1975, nhiều trí thức bị sa thải bởi vì sau chiến thắng là giai đoạn người cộng sản hưởng thụ. Họ khinh ghét người quốc gia, họ không muốn dùng kỹ sư, giáo sư, bác sĩ Cộng Hòa.Họ muốn giành chức giám đốc, hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng ty cho những người đã theo họ. Hơn nữa, trong chế độ cộng sản, thời chiến tranh và thời bao cấp, thiếu cơm gạo, thiếu thuốc men, đâu cần đầu bếp, đâu cần bác sĩ. Ngày nay, ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam, các địa vị béo bở là thuộc cộng sản. Đừng ai hòng chia xẽ. Lại nữa con cái cộng sản bỏ nước ra đi mong trở thành người ngoại quốc để làm cơ sở cho gia đình sau này chạy ra sinh sống và tị nạn nếu dân chúng nổi lên tiêu diệt cộng sản. Nói chung, cộng sản không cần người giỏi, và không cần giáo dục, nhất là không cần giáo dục thật, giáo dục cao, Họ chỉ cần một nhãn hiệu để tô điểm cho chế độ và cho bản thân họ. Cộng sản Việt Nam nay cần tiền, cần địa vị, cần công an, và binh lính bảo vệ chế độ hơn là cần giáo dục..




II. NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM
Trong chế độ cộng sản, nền giáo dục có nhiều khuyết điểm, chúng ta phải viết hàng trăm, hàng ngàn trang mới đủ. Ở đây, người nghiên cứu chỉ trình bày một số tiêu biểu.
1. Nạn bằng cấp giả và mua bán bằng cấp.
Ngày nay, ai cũng nhận thấy tại Việt Nam nở rộ những việc mua bán bằng cấp, việc dùng bằng cấp giả mạo trong hàng ngũ cán bộ trung và cao cấp.
2. Năng lực thấp kém:
Các cấp học đều có những mục tiêu đào tạo. Nay tại Việt Nam sau bao năm giáo dục, kể là thất bại lớn. Đa số học sinh cấp tiểu và trung học không viết nổi bài luận văn, không hiểu rõ lịch sử và địa lý Việt Nam. Đại học khoa học thiếu dụng cụ, chỉ là theo cách mô tả, thiếu thực nghiệm. Kết quả thấp: Một số bác sĩ không viết nổi toa thuốc, chỉ cho toa asprin, Vitamin B, C.
3. Đạo đức thấp kém:
Một số có lương tâm, có khả năng nhưng một số giáo viên bán kẹo trong lớp, giáo viên công khai đòi hối lộ trong ngày nhà giáo, có một vài giáo viên ăn cắp xe đạp học sinh, có một vài nhà giáo cưỡng hiếp nữ học sinh như hiện nay. .

Xã hội nào cũng có những khuyết điểm nhưng xã hội cộng sản, và nền giáo dục cộng sản có nhiều khuyết điểm nhất và tồi tệ nhất. Từ ngày xưa, thỉnh thoảng có có nạn thi cử gian lận nhưng trong chế độ cộng sản việc ném bài thi vào phòng thi, việc thi thế, việc mua bán bằng cấp, việc giả mạo bằng cấp là những hiện tượng mạnh mẽ nhất và phổ biến nhất hiện nay.





III. NGUYÊN NHÂN
Tại sao trong chủ nghĩa cộng sản, nền giáo dục lại thấp kém như thế? Có nhiều nguyên nhân, nhưng ở đây, người nghiên cứu chỉ trình bày một số tiêu biểu. Nguyên nhân chủ yếu là chủ nghĩa cộng sản, chính sách cộng sản và con người cộng sản. Nói rõ hơn, chính bản thân chủ nghĩa Marx đã là một sự phá hoại giáo dục.
1. Chủ nghĩa cộng sản chủ trương đấu tranh giai cấp, nghĩa là chủ trương chiến tranh và bạo lực. Một chủ trương như vậy chỉ đưa đến hận thù trong các tầng lớp nhân dân, đưa đến chiến tranh thế giới, không ích lợi cho việc xây dựng giáo dục.
2. Chủ nghĩa Marx đề cao công nhân, coi trí thức là kẻ thù. Chủ nghĩa cộng sản đưa đến các chính sách phá hoại giáo dục:
3. Đảng cộng sản đưa ra khẩu hiệu “hồng hơn chuyên” nghĩa là coi trọng người ngu dốt mà coi khinh người có kỹ thuật, có chuyên môn và kiến thức. Chủ trương, đường lối này chỉ sát hại giáo dục, không còn ai thích học vì học là vô ích trong chế độ cộng sản. Không những vô ích mà còn có hại vì trí thức bị coi là kẻ thù hoặc có thể là kẻ thù của giai cấp ( trí thức bị coi là thành phần lưng chừng).
4. Sát hại, bỏ tù, sa thải các trí thức nếu họ không theo cộng sản, hoặc họ có lý lịch gia đình không thuộc giai cấp vô sản.

5-Cộng sản cho con em cán bộ, đảng viên vào đại học dù điểm thi 5, 6 điểm. Cộng sản ngăn cấm con em tư sản, địa chủ, con em chế độ cũ vào trung và đại học. Chính sách này chỉ đưa đến việc đào tạo những cán bộ, nhân viên, bác sĩ, kỷ sư thiếu khả năng.
6-Cộng sản đề cao khoa học, coi khinh nghề giáo. Hay nói đúng hơn, cộng sản coi trọng tiền tài, danh vọng, ngành nghề nào, địa vị nào kiếm ra tiền thì tôn trọng. Chính phủ cộng sản đã coi khinh ngành ngiáo dục khi học sinh giỏi thì cho vào y dược, học sinh kém thì đẩy qua giáo dục. Trong khi đó tại Pháp cũng như Việt Nam cộng hòa, y dược học tự do, trong khi sư phạm, hành chánh phải thi tuyển. Chỉ những học sinh giỏi mới vào trường Sư Phạm của Pháp và Việt Nam cộng hòa.
7. Chủ nghĩa cộng sản độc tài. Marx đề cao chủ nghĩa của ông là khoa học nhất và tiến bộ nhất. Ông kiêu căng cho rằng chủ nghĩa cộng sản tiến gấp mườI chế đô tư bản, và giai cấp vô sản sẽ chôn sống giai cấp tư bản. Ông cho rằng chủ thuyết Marx có thể làm định lý, định đề cho khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Marx khuyên các đệ tử triệt để đả phá các học thuyết khác. Vì vậy mà các đệ tử Marx ra sức công kích tôn giáo và các triết thuyết Nho, Lão, Phật và Thiên Chúa giáo. Đường lối này đưa đến việc xem Marx là một tôn giáo. Người cộng sản Trung quốc đã xem Quyển Sách Đỏ của Mao Trạch Đông là một thánh kinh chứa đầy thần chú mầu nhiệm.
Tư tưởng Marx và Mao chỉ là ảo tưởng, là những dối trá không tiền khoáng hậu, rất tai hại cho viêc xây dựng kinh tế, chính trị, văn học và giáo dục. Thất bại của giáo dục cộng sản chỉ là một phần trong toàn bộ thất bại của chủ nghĩa Marx.



8.Chủ nghĩa Marx nay đã thất bại trên toàn thế giới, mà chỉ còn chủ nghĩa Marx trá hình. Chủ nghĩa này vẫn dùng lá cờ cộng sản nhưng nội dung là một chủ nghĩa Mafia cộng với quân phiệt. Bọn cộng sản ngày nay không cón nói đến quyền lợi giai cấp vô sản và công bình xã hội. Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam nay tăng cường cảnh sát, đản áp và khủng bố nhận dân để giữ mãi quyền thống trị. Chúng ra sức bán nước, cướp tài sản nhân dân để làm giàu. Những lãnh tụ cộng sản nay đã trở thành những nhà tư bản đỏ. Họ chạy theo đồng tiền và cuộc sống huy hoắc, trong khi đời sống nhân dân khốn khổ. Cộng sản không thật tâm xây dựng đất nước, xây dựng giáo dục. Lãnh tụ cộng sản lo làm giàu thì bọn đàn em cũng ra sức chụp dựt trong cảnh chợ chiều. Dùng mánh mung mà kiếm tiền bạc thì tốt hơn là đem sức ra học hành như thời quân chủ và tư bản. Do đó nạn mua bán bằng cấp, nạn bằng cấp giả tràn đầy. Một Việt Nam đã có hàng ngàn tiến sĩ, thạc sĩ giả.



Đường lối cộng sản trái ngược với chế độ quân chủ và tư bản vì hai chế độ này dẫu sao trên nguyên tắc là tôn trọng quốc gia, tôn trọng nhân quyền. Họ coi quốc gia là của các tầng lớp nhân dân, và họ dùng con người theo tiêu chuẩn tài đức chứ không theo thành phần công nông như cộng sản. Vì vậy, trong chế độ quân chủ nước ta, những học sinh nghèo đã đỗ cử nhân, tiến sĩ và họ đã đem tài ra giúp nước như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, Phan Thanh Giản, Trương Đăng Quế, Phan Văn Trị, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. .. Và tại nước ta, thời thực dân Pháp cai trị, nhân dân ta dù là gia đình bình thường mà cũng cho con sang Pháp học và đỗ tiến sĩ như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường. Rõ ràng là hai chế độ quân chủ và tư bản có đường lối sáng suốt hơn chủ nghĩa cộng sản.



IV. ĐẶC TÍNH GIÁO DỤC CỘNG SẢN
Chúng ta có thể thấy rõ những tính chất đặc thù của nền giáo dục Việt Nam.
1. Giáo dục ngu dân:
-Việc chọn lựa thành phần và phe đảng làm cho giáo dục ngày càng thấp kém. Thầy ngu, dạy trò ngu tạo thành một sự xuống thang trong nền giáo dục ViệNam.
-Việc đóng cửa và thù hận tư bản đã ngăn cản việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài, do đó Việt Nam không bắt kịp văn minh quốc tế.
-Việc giáo dục nhằm tuyên truyền. Cộng sản xuyên tạc lịch sử, chỉ dạy thời cộng sản, văn chương của Tố Hữu và Hồ Chí Minh. Như vậy là làm sai lạc sự thực, hạn chế kiến thức.
-Cộng sản biến toán học, khoa học, văn chương, sử học thành chính trị tuyên truyền làm cho học sinh mất hứng học tập, nhất là môn văn, sử.
-Cộng sản nhằm nhồi sọ, tuyên truyền. Trẻ con chỉ ca hát ca tụng lãnh tụ. Từ Liên Xô, Trung Quốc Việt Nam, cộng sản đều mắc bệnh tôn sùng cá nhân lãnh tụ. Cấp hai, cấp ba và đai học phải học Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Tố HỮu và Marx Lenin toàn là những điều vô ích cho việc xây dựng đất nước và xây dựng bản thân.
-Việc cấm đoán các nguồn tư tưởng làm cho sinh viên học sinh như con ngựa đã che mắt, không có khả năng lý luận và óc sáng tạo. Giáo dục cộng sản nhắm biến con người thành con vẹt, thành nô lệ của cộng sản.




2. Giáo dục vô đạo lý:
Cộng sản phá bỏ truyền thống tốt đẹp của cha ông. Cộng sản bắt nhân dân coi lãnh tụ như thánh thần, đảng cộng sản như cha mẹ (Trung với đảng, hiếu với dân). Cộng sản bài trừ thần thánh mà tạo nên những thần linh mới là Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Lê Văn Tám, Kim Đồng, NGuyễn Văn Trỗi. . .Nặng hơn hết, cộng sản bắt con tố cha, vợ tố chồng , học trò giết thầy đảo ngược cương thường, Và trong chế độ cộng sản, học trò làm mật thám theo dõi thầy, báo cáo thầy giáo, trẻ con và người lớn chửi thề ,nói tục thành phổ biến.
Cộng sản dùng người ngu dốt và bọn trộm cướp trong các cơ quan, chúng lại không có pháp luật công chính cho nên bọn lãnh đạo mặc sức bán nước, buôn dân và ăn cắp của công. Về giáo dục, vì tình trạng pháp luật bất công, chính quyền thối nát đã gây ra việc bằng giả, mua bán bằng cấp công khai. Đồng tiền đã trở thành ngôi vị chủ tể. Các thực tài và đạo đức đã bị xóa sổ trong chế độ cộng sản.




Chế độ quân chủ Việt Nam theo triết lý Nho, Lão Phật bị cộng sản chỉ trích là mê tín, lạc hậu. Nhưng so với cộng sản, Nho, Lão, Phật tốt hơn nhiều. Các tôn giáo đều tin có linh hồn tồn tại, tin có quả báo thiện ác và chủ trương từ bi bác ái. Dẫu sao , các tôn gíáo và triết học trên không gây ra cuộc chiến tranh và giết hàng triệu đồng bào như cộng sản Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và Khmer. Nho Lão Phật đã tạo ra những Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm là những tấm gương sáng trong khi cộng sản tạo ra những quỷ sa tăng như Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Pon Pot. . .Dù Nho Lão Phật cũng có kẻ gian tham nhưng sự gian tham tương đối ít hơn chế độ cộng sản là nơi ăn cắp, ăn cướp công khai mà không bị trừng trị . Việc xử lý nội bộ. là một hành vi bao che kẻ phạm pháp và khuyến khích việc tham ô, trộm cướp. Người Âu Mỹ không theo Nho, Lão Phật thì theo Thiên chúa giáo, Tin Lành giáo và các tôn giáo khác. Họ có tinh thần tự giác cao , có pháp luật công minh và có nền dân chủ thật sự cho nên người dân được hưởng mọi thứ tự do, không bị bóc lột và lừa đảo như trong chế độ cộng sản. Do đó mà giáo dục tiến bộ, khoa học, kỹ thuật phát triển.



3. Giáo dục hình thức
Chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa hình thức, hay nói đúng hơn là một chủ nghĩa gian xảo, bịp bợm. Đó là trò dân chủ giả hiệu, độc lập, và tự do giả hiệu. Có thể ban đầu họ có lý tưởng tự do, dân chủ và công bằng xã hội, nhưng đi vào thực tế khó khăn thất bại nên họ phải thay đổi tư duy. Có thể ngay tự đầu, cộng sản chỉ là trò gian xảo. Vì mục đích cướp của mà cộng sản phải giết người. Dù thế nào đi nữa, nay cộng sản đã hiện nguyên hình bán nước hại dân, giết người cướp của. Trước đây, chúng hô hào bãi bỏ tư sản nay chúng bán nước, cướp tài sản nhân dân mà thành tư bản đỏ. Trước đây chúng khinh miệt trí thức đề cao vô sản nay chúng lại ham chuộng bằng cấp. Quân chủ và tư bản chuộng bằng thật còn cộng sản chuộng bằng giả. Đó là kết quả một nền giáo dục ngu dân và xảo quyệt của cộng sản. Ta cũng có thể nói giáo dục cộng sản đã thất bại. Càng chủ trương xoá bỏ tư hữu thì óc tư hữu lên cao; càng hô hào dân chủ thì đàn áp dân chúng công khai; càng tuyên bố đạo đức thì đạo đức băng hoại, càng khoe khoang khoa học thì mê tín dị đoan bùng nổ. Quan trọng nhất là Marx hứa hẹn chủ nghĩa cộng sản sung sướng, tiến bộ gấp năm gấp mười tư bản thì kết cuộc nơi nào có cộng sản là nơi đó nghèo đói. Nay cộng sản lại phải ngửa tay xin đồng tiền tư bản . Rõ ràng chủ nghĩa cộng sản thất bại, giáo dục cộng sản suy sụp.
Không những người quốc gia đã chống đối cộng sản mà người văn nghệ sĩ sống trong nôi cộng sản cũng đã phát biểu rất nhiều về chế độ, con người và nền giáo dục Cộng sản Việt Nam. Cậu Luân, một nhân vật trong Cam tâm của Phạm Thị Hoài phát biểu:
Bọn trí thức thích văn hóa đặc tuyển thì sống đời hạ lưu bần tiện. Bọn trưởng giả thích phong lưu thì ô trọc. Bọn cung đình thích quý tộc thì tỉnh lẻ ngơ ngáo. Bọn thanh niên thích tân tiến thì trốn ra nước ngoài




Dương Thu Hương trong Bên Kia Bờ Ảo Vọng có đoạn viết về một nhân vật lãnh đạo tiêu biểu cho tầng lớp lãnh đạo ngu dốt :
Với ảo vọng trở thành ngọn cờ đầu cho cả nước, ông ta bắt tay vào thực hiện một loạt các công trình sản xuất, xây dựng lại hệ thống thủy lợi, quy hoạch lại ruộng đồng và các công trình kiến thiết cơ bản. Việc cấu trúc nền kinh tế bao giờ cũng là việc hệ trọng nhất của một xứ sở hay một quốc gia. Lẽ ra nó phải đuợc giao cho những bộ óc vĩ đại, đầy đủ kiến thức khoa học và kinh nghiệm xã hội. Nhưng ông bí thư huyện ủy kia chỉ mới học qua bậc tiểu học. Với một kiến thức như thế, lẽ ra ông ấy chỉ nên làm thủ lĩnh một gia đình gồm một bà vợ và bảy tám đứa con, thiết lập nền kinh tế trên hai mẫu ruộng với vài sào vườn chứ không thể tổ chức đời sống cho hàng triệu con người trên một địa dư phức tạp. Tham vọng lớn, quyền hành trong tay, đương nhiên ông ta sẽ đưa ra những công trình phiêu lưu, những kế hoạch cảm tính không có cơ sở khoa học bảo đảm. Ông ta bắt dân chặt rừng thông để trồng lúa. Nơi xưa kia trồng lúa, ông buộc họ trồng mầu. Năm vạn người được huy động làm một công trình thủy lợi mà sau đó, những cánh đồng đã thuần hóa trở nên khô cạn, đất nứt lọt chân trâu. Những cánh đồng khác lại chìm trong nước úng. Thật là khủng khiếp khi tham vọng và quyền lực được đặt vào một bộ óc tối tăm. Lúc đó sự tàn phá sẽ xảy ra, trên một bề rộng và trong một chiều sâu mà sự hủy diệt của đạn bom cũng không sánh nổi (41-42).
Và bà Dương Thu Hương đã trả lời Little Saigon Radio năm 2001 như sau:
Tất cả những lời lẽ của giới lãnh đạo vừa ngu xuẩn vừa dối trá. Bản thân họ biết sự dối trá đó. Tất cả những kẻ mở mồm nói Xã hội chủ nghĩa thì con cái chúng đều buôn bán, đều làm mọi cách tận thu, tận dụng, ăn cắp thật là nhiều tiền, và trở thành những thằng tư bản. Chúng nó phát huy tối đa khả năng ăn cắp, ăn cướp, biến tất cả tiền tài, của cải của nhân dân trở thành vốn liếng riêng của chúng nó, hoặc là gửi tiền ra nước ngoài để sau này họ chuồn . . Còn về Xã hội chủ nghĩa thì những người nào không ngu lắm thì họ cũng điều biết rằng chủ nghĩa này chỉ là câu nói đầu lưỡi.
Nguyễn Huy Thiệp cũng phê bình một số trí thức qua lời nhân vật Triệu trong Những bài học nông thôn:
Tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có
học tai hại thế nào; nó vừa phản động vừa nguy
hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có
học tởm gấp vạn lần so với người bình dân.
Trong Tuổi hai mươi yêu dấu, nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp viết về nhà trường xã hội chủ nghĩa như sau:
Tôi ngạc nhiên vì tại sao người ta lại đi nhồi nhét hàng mớ kiến thức chữ nghĩa như thế vào đầu bọn trẻ bao nhiêu năm trời? Tôi công nhận những kiến thức tiểu học là có lý. Những thày cô giáo thật ra thày cô giáo! Họ đúng là những bậc thánh, mặc dầu các thày cô giáo tiểu học ở đâu cũng vậy, họ đều có vẻ nghèo nàn, nhếch nhác và bẩn thỉu. Lên bậc trung học và đại học thì toàn bộ nền giáo dục đều đáng vứt đi cả. Kiến thức thì rối rắm, rỗng tuếch, vô bổ, chẳng ai hiểu cóc khô gì. Bọn giáo sư đại học ăn diện và vô đạo đức nói nhăng nói cuội ở trên bục giảng. Chính họ cũng chẳng hiểu họ nói cái gì. Nền giáo dục trung học và đại học theo tôi là một nền giáo dục ngục tù, khủng bố. Nó làm cho toàn bộ thanh niên chúng tôi trở nên kiệt sức, ấm ớ, dở hơi hoặc đểu cáng theo một cách nào đấy. Nó là một nền giáo dục đào tạo lưu manh. Tất cả những thanh niên thành đạt của nền giáo dục đó đểu là những tên lưu manh một trăm phần trăm, tôi xin thề như vậy!



IV. BIỆN PHÁP CHẤN HƯNG GIÁO DỤC VIỆT NAM
Muốn xây dựng một nền giáo dục, chúng ta cần có những điều kiện sau:
-Một lý thuyết căn bản
-Những lãnh đạo tài đức
-Những môi trường thuận lợi




1. -Một lý thuyết căn bản
Những điều trình bày ở trên cho thấy tư tưởng Marx đã gieo tai họa cho giáo dục. Ta có thể nói chủ nghĩa Marx là một chủ nghĩa tiêu diệt giáo dục, do đó cần phải triệt tiêu chủ nghĩa cộng sản, diệt trừ đấu tranh giai cấp, diệt trừ thù hận. Việc này cũng như một bác sĩ thấy có mầm ung thư thì phải cắt bỏ ung thư Không thể để ung bướu tồn tại trong khi dùng thuốc trị bệnh. Cũng vậy, muốn ngô khoai tốt thì phải nhổ cỏ dại. Không thể cho cỏ dại tồn tại với hoa màu.
Qua những điều trình bày ở trên, quan điểm của quân chủ và tư bản có thể làm căn bản cho giáo dục. Trong lý thuyết căn bản, có thể có nhiều điểm, nhưng tựu trung, ta có thể chấp nhận những tư tưởng sau:
-Dân tộc : đề cao ý thức dân tộc, tinh thần quốc gia, triệt tiêu tư tưởng đấu tranh giai cấp.
-Khoa học: học tập và phát huy khoa học, đem khoa học áp dụng vào đời sống nhân dân để nâng cao đời sống nhân dân..
-Khai phóng: thâu nhận tinh hoa thế giới, đón nhận các luồng tư tưởng và trào lưu mới có giá trị và ích lợi cho quốc gia, dân tộc.



2. Những lãnh đạo tài đức
Chủ nghĩa cộng sản đã tạo cơ hội cho cỏ mọc rậm rạp trong vườn hoang. Những cán bộ cộng sản từ trên xuống dưới phần lớn vô tài vô đức. Do đó, những lãnh đạo và bè lũ này phải bị triệt tiêu như là quét sạch những đống rác trước khi xây dựng một cơ sở mới. Không thể xây dựng một nền giáo dục tốt khi còn có đảng cộng sản và những bọn tham ô, nhũng lạm cầm đầu hoặc ở trong chính quyền.




3. Những môi trường thuận lợi
Giáo dục không phải chỉ ở đại học, không phải chỉ ở trường học mà gia đình và xã hội là những môi trường cần thiết cho giáo dục phát triển. Trong gia đình, cha vô học, tàn ác, tham nhũng mà có địa vị cao thì con cái của họ cũng trờ thành những kẻ tham quan nhũng lại hoặc kẻ lạm dùng quyền thế, cướp bóc dân chúng, hãm hiếp phụ nữ như con các quan lớn trong chế độ cộng sàn. Trong xã hội nếu có nhiều kẻ không học mà được bằng cấp, được địa vị cao, và những kẻ cướp đất nhân dân hay bằng nhiều cách làm giàu phi pháp mà không bị trừng trị thì có ảnh hưởng đến tinh thần học tập của thanh thiếu niên. Do đó môi trường rất quan trọng trong việc giáo dục.Do đó, chúng ta phải tạo dựng những môi trường thuận lợi cho giáo dục phát triển.
-Phải có tự do, trong đó có tự do giáo dục: tư nhhân có quyền mở trường tư, giáo viên, giáo sư được tự do giảng dạy, tự do in sách giáo khoa . Hiện nay tại Việt Nam có nhiều đại học tư nhưng vẫn là do bàn tay cộng sản nắm quyền, và hiện nay giáo sư, giáo viên chỉ được dạy theo giáo án nhà nước dù cho giáo khoa sai lầm.
-Phải có một chế độ dân chủ thực sự. Chế độ cộng sản là dân chủ giả mạo. Bầu cử Việt Nam là xảo trá, quốc hội là bù nhìn. Khi còn độc tài thì giáo dục không phát triển.
-Phải có tự do đảng phái, tư do tôn giáo và tự do ngôn luận. Những thứ tự do này rất cần cho sinh hoạt nhân dân đồng thời là những nguồn bổ túc, bảo đảm cho việc xây dựng giáo dục,
-Phải có một nền pháp luật công minh., bảo đảm quyền lợi nhân dân, trừng trị bọn tham quan ô lại và bọn làm ăn phi pháp. Có như vậy mới bảo đảm quyền lợI quốc gia và con người, trong đó nền giáo dục mới được trong sạch và phát triển.



-Phải có một chính thể tốt đẹp để có một nền giáo dục tốt đẹp. Một chính thể tham nhũng, độc tài như chính thể cộng sản thì không có ngườI tài đức vì trong mọi ngành, bọn Mafia thống trị. Ông hiệu trưởng không thể từ chối nâng điểm cho con ông tỉnh ủy, ông giám đốc khó lòng phủ nhận việc thâu nhận viên kỹ sư ngu dốt con ông bộ trưởng. Dưới chính thể quân chủ và tư bản, ai học chăm, thi đỗ là có địa vụ, có đủ y thực, do đó việc học trở thành sự đầu tư chính đáng của con người. Việc tham ô, nhũng lạm của cộng sản đã đưa bè cánh vào trong chánh quyền, do đó việc học trở thành vô mục đich.

Chế độ quân chủ đặt ra mục tiêu giáo dục là tài tài và đức. Chính thể tư bản đặt ra tiêu chuẩn đức dục, trí dục và thể dục. Điểm chung của hai thể chế là tài đức trong khi cộng sản chủ trương “hồng hơn chuyên” nghĩa là phủ nhận tài và đức. Đây là ý thức hệ tiêu diệt giáo dục, đối kháng giáo dục.




Ngày nay, người cộng sản ngõ ý nhờ Mỹ đào tạo các tiến sĩ. Người Mỹ đã chấp nhận. Trước đây, thời đệ nhị thế chiến và thời chiến tranh lạnh, Mỹ đã đào tạo hàng trăm, hàng ngàn tiến sĩ sau này trở thành những bác học nguyên tử của Trung Quốc. Cộng sản Việt Nam cũng đề nghị Mỹ mở viện Đại Học tại Việt Nam. Cộng sản Việt Nam muốn vòi tiền Mỹ hay muốn chơi trò đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ? Dù Mỹ chấp nhận điều này, dù Mỹ đào tạo các tiến sĩ thì cũng chỉ nhắm đào tạo kỹ thuật gia chiến tranh nhằm tăng cường sức mạnh cho chế độ, để kìm kẹp, khủng bố nhân dân. Khoa học Mỹ không cải tạo được cái tâm tàn bạo và gian tham của con người cộng sản. Khoa học Mỹ không trừ được nạn bằng cấp giả, nạn cướp đất của nhân dân và bán giang sơn cho Trung Quốc. Trung Quốc đã nhờ đồng tiền Mỹ mà lớn mạnh, họ quay sang cướp thị trường của Mỹ, và đe dọa nền hòa bình thế giới. Trung Quốc thu lợI về đất đai và kinh tế của Việt Nam trong khi Mỹ xuất tiền làm giàu cho cộng sản Việt Nam ư ? Lẽ nào kẻ ăn ốc, ngườI đổ vỏ ?

IV. KẾT LUẬN
Muốn cải tạo giáo dục Việt Nam thì phải cải tạo triệt để, trọng tâm là loại trừ chủ nghĩa cộng sản. Nếu không, tất cả chỉ là vá víu, vô hiệu quả.
Tháng 8-2008