Tuesday, September 26, 2017

VÕ PHƯỚC HIẾU- HIẾU ĐỆ * NIỀM ĐAU BẠC TÓC I

Võ Phước Hiếu
(viết chung với nhà văn Hiếu Đệ)
Niềm Đau Bạc Tóc

                          (Tập truyện)

Các Tác giả không giữ bản quyền.
Mọi trích dẫn và xử dụng đều được tự do
với điều kiện xin ghi rõ nơi xuất xứ.
              

                                                                   (Tập truyện)
                  Hương Cau 2005
           
                                       Kính dâng hương hồn
                           anh An Khê Nguyễn Bính Thinh,
                           người đã thương mến khuyến khích
                           và giúp đỡ tôi trong nghiệp văn chương                     
                           chữ nghĩa nơi hải ngoại.

                       

                                                         Hiếu Đệ



                Con Hổ Đình Xóm Củi

              Xóm Củi ở về phía tả ngạn sông Chợ Lớn, nơi có những vựa củi đụng lớn nhất từ các nơi mang về cung cấp chất đốt cho cả thành phố Sài Gòn Chợ Lớn. Từ Chợ Lớn về Xóm Củi, bà con có thể qua bằng cầu Ba Cẳng và cầu Nhị Thiên Đường.

            Do tình hình chiến tranh tạo sự bất ổn ở các vùng nông thôn nên dân chúng kéo về làm ăn ở thành phố Sài Gòn Chợ Lớn mỗi lúc một đông đúc thêm. Nhà cửa ở vùng Xóm Củi được xây sửa trở lại, có vẻ không còn quê mùa như lúc xưa.

            Anh Hai Dậu xuất thân là người Xóm Củi. Nhà anh ở trước cổng đình. Đình Xóm Củi cũng linh thiêng lắm. Nghe đâu có sắc thần của vua ban đàng hoàng.

            Ngày xưa, vua Gia Long chạy giặc cũng có ghé Xóm Củi một lúc rồi sau đó chiến thuyền của vua rút về quận Hốc Môn. Sử sách chép như vậy. Hàng bao nhiêu thế kỷ về trước, có lẽ nơi đây đất rộng sông dài, chứ bây giờ người ta xây nhà cửa lấn trên sông. Có những đoạn sông đã bị lấp mất rồi, còn đâu để chiến thuyền đi được nữa!

            Cũng do chiến tranh, đô thị phát triển nhanh. Tin tức càng nhiều do những xáo trộn trong dân tình. Báo chí ra nhiều chớ trước kia đếm trên đầu ngón tay, chỉ có vài tờ báo.

            Nhờ đó, nghề ấn loát của anh Hai Dậu phất lên như diều gặp gió. Anh Hai là người ít chữ, chỉ biết chuyên môn kỹ thuật thôi. Anh tưởng mình làm ăn phát đạt là do địa linh phong thủy của Đình Xóm Củi. Anh có ý sơn phết tu sửa đình làng lại để tạ ơn Thần Hoàng Thổ Địa.

            Anh Hai Dậu có thằng em kết nghĩa là họa sĩ Nguyễn Thanh Thu, điêu khắc gia số một của Việt Nam Cộng Hòa. Chàng Thu nầy có chữ ký giống hệt chữ ký của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hai Dậu tính chơi trội hơn mấy tay nhà giàu ở vùng Xóm Củi, Chợ Lớn. Anh o bế điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đắp cho anh pho tượng Con Hổ để dựng trước cổng đình.

            Anh dặn nhà điêu khắc nhớ ký tên vào tác phẩm đó để cho đám Ba Tàu Xóm Củi ngán cái uy                của Hai Dậu vì hắn ta có thằng đàn em số một. Giá tác phẩm, Thu muốn chém bao nhiêu cũng được. Việc đó chẳng thành vấn đề. Dĩ nhiên, ngoài việc nễ tình ông anh, Văn Thu cũng khoái cái món tiền nầy.

            Việc khởi công đắp pho tượng Thần Hổ Đình Xóm Củi rất là quan trọng. Người ta phải cúng tạ Thần Hổ một con lợn quay cùng các thứ hoa quả bánh trái. Mời hết các vị trong Ban Hội Tề làng. Thầy bùa, thầy ngải, thầy địa lý cũng có đủ mặt. Họ cũng không quên mời đám nhà giàu, thân hào nhân sĩ.

            Đo đạt, nhắm hướng, làm phù phép xong, đặt lá bùa xuống bàn lấy cục đất dằn lên, nhà điêu khắc in bàn tay vào. Như vậy là đã xong phần lấy ngày giờ để khởi công nắn tượng. Người viết có hân hạnh được dự buổi lễ khởi công rất quan trọng nầy tại xưởng điêu khắc của Văn Thu. Họ mê tín dị đoan đến tức cười vỡ bụng.

            Có lần tôi dựng đến hai chục pho tượng trong thành phố Sài Gòn Chợ Lớn mà chẳng cần đến một nhà điêu khắc tên tuổi nào. Lúc đó, tôi mới vào lính, còn làm Trung úy tò te.

            Khi Hội Đồng Quân Lực lên nắm chánh quyền, Hội Đồng Tướng Lãnh trên Bộ Tổng Tham Mưu muốn tổ chức Tuần lễ Văn hóa Quân đội để cho nhân dân và thế giới biết về Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, không phải chỉ chuyên đánh đấm mà là thành phần có văn hóa đàng hoàng chớ chẳng chơi đâu.

            Họa sĩ Tạ Tỵ là trưởng lão trong văn hóa nghệ thuật quân đội, một họa sĩ lập thể. Hơn nữa, ông                 thuộc khóa đàn anh, xuất thân từ trường Nam Định. Có điều là ông ta khó tánh quá nên đám tướng lãnh chẳng dám đụng đến ông ta (extremism). Ông Tạ Tỵ mang tính cực đoan và gàn hết chỗ nói. Không phải đạo, không đúng nguyên tắc thì ông ta không thèm mó tay vào.

            Riêng thằng tôi lúc đó tuổi còn trẻ nên điếc không sợ và không nghe súng, tuổi lính mới tò te, làm mỹ thuật cũng mới vừa nổi tiếng. Trong các buổi họp, lúc Trung tá Tạ Tỵ phê phán Hiếu Đệ thì Đại tá Vũ Quang và Tướng Nguyễn Bảo Trị lại bênh vực. Mấy ông nầy cự nự cho là ông Tạ Tỵ làm trời nên kêu ngạo như sau:

            - Mấy sĩ quan gỡ mìn, người có kinh nghiệm ba mươi năm và người mới vô nghề, không ai tài giỏi hơn ai cả, chỉ một trái mìn xịt lửa là họ như nhau hết. Cứ để cho Hiếu Đệ nó quậy mà vui hơn.

            Hôm đó, Sài Gòn lộn xộn. Các nơi tụ tập về biểu tình, nhất là từ những công trường ngã Năm ngã Bảy. Trên Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương họ muốn dựng một số tượng đài để khai mạc Tuần lễ Văn hóa Quân đội.

            Ngân khoản cho việc xây dựng công trường chỉ có hai trăm ngàn. Trong khi đó dự trù hơn hai mươi tượng đài nên chẳng ai dám lãnh thực hiện. Vì chi phí cho việc dựng một pho tượng thôi cũng bằng người ta xây cất một ngôi nhà.

            Lúc đó, tôi đưa ra kế hoạch rất gọn là đếch cần tác phẩm. Phân chia cho mỗi binh chũng trong quân                 đội để họ tự đề cao binh chũng của mình. Giao cho thợ hồ, thợ mộc hay lính quèn làm cũng được. Vì danh dự, vì màu cờ sắc áo, mỗi binh chũng tự xoay tiền để hoàn thành công tác của họ. Phòng Tâm Lý Chiến chỉ có việc đôn đốc thôi.

            Như vậy, hai mươi tượng đài làm trong đôi tháng thì phải xấu hoắt thôi. Đó là chuyện bắt buộc không tránh khỏi. Làm cóc gì kiếm được hai mươi nhà điêu khắc số một cùng một lúc. Đào ở đâu ra mà đòi hỏi? Làm điêu khắc điệu nầy như cướp chánh quyền vậy.

            Trong quyển "L'Art du Coup d'Etat" của Malapart có viết đại ý như sau:

            - Trong giai đoạn nầy chúng ta phải dùng bọn người mày dạng mặt dầy lỳ lợm như thứ xe ủi đất, loại Carter Pilar. Các nhà lãnh đạo lỗi lạc, các chuyên gia sẽ tính sau.

            Chẳng ai lại dùng xe Mercedes, Cadillac đem về chạy trong lúc chưa ủi đường. Có nghĩa là ta phải dùng đám mất dạy, chuyên lừa thầy phản bạn như lũ Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu mới có ăn.

            Có một số binh chũng khá giả, bỏ tiền ra mướn các nhà thầu thực hiện. Ví dụ binh chũng Thiết Giáp dựng tượng Thánh Tổ của họ là Phù Đổng Thiên Vương ở ngã Sáu đường Lê Văn Duyệt và Võ Tánh.

            Nhà điêu khắc Mai Lân hiệu vẽ Thế Hệ ở đường Phan Thanh Giản làm tượng Phù Đổng Thiên Vương cởi ngựa. Trẻ nhỏ chẳng ra trẻ nhỏ, người lớn chẳng ra người lớn. Lại thêm trước mỗm con ngựa có               dán miếng giấy đỏ, ý muốn nói là con ngựa sắt phun lửa. Để chừng ba ngày là gió thổi bay mất. Nhìn vô thấy tức cười vỡ bụng.

            Huỳnh Huyền Đỏ làm tượng mấy chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến đứng quay lưng vô quốc hội. Chưa tới ngày khai mạc Tuần lễ Văn hóa Quân đội, vì sườn sắt bên trong pho tượng không được vững vàng, đắp vừa xong thì pho tượng ngã đánh ầm một tiếng vỡ thành một đống vụn ciment. Nửa đêm, Thiếu tá Đỏ chạy vào văn phòng tôi khóc mếu máo. Tôi phải dẫn anh đi uống rượu và động viên anh kêu gọi lính tráng nhào vô làm lại, trong một tuần lễ xong ngay.

            Sau Tuần lễ Văn hóa Quân đội 19 tháng 6, tôi được đài Hà Nội phong tặng cho một chức vụ lớn là: "Đại họa nô Việt Nam Cộng Hòa". Phòng An ninh Quân đội có cho tôi đọc một số bài viết họ chửi tôi trên tờ Nhân Dân và Tạp Chí Mỹ Thuật Hà Nội vui đáo để.

            Tôi tưởng những sự việc đó đã rơi vào lãng quên. Nào ngờ sau 1975, khi tôi đi học tập cải tạo về, họ có mời lên Phòng Quản Lý Mỹ Thuật, một loại công an nghệ thuật, gặp họa sĩ Lê Vinh và Nguyễn Thái Bình. Họ bảo tôi đàn áp phong trào thanh niên chớ dựng tượng cóc khô gì mà xấu tệ vậy.

            Ấy thế, mãi đến ngày nay, các tượng đài đó vẫn còn đứng trơ ra trong thành phố chớ họ chẳng làm cóc gì có tiền để thay vào đó những pho tượng khác đẹp hơn theo ý của Đảng. Nên họ gọi tôi là tên dựng tượng chiếm đoạt các công trường thành phố.

            Trở về pho tượng Con Hổ Đình Xóm Củi. Nguyễn Thanh Thu thường khoe với tôi đó là một tác phẩm rất đặc biệt có một không hai. Tác giả đầu tư công sức trong ấy rất nhiều.

            Mỗi ngày, Văn Thu lái xe vào Thảo Cầm viên để xem con hổ thức dậy, đi lui đi tới. Anh ta ghi chép rất nhiều động tác trong sổ ký họa. Tượng giống y như con hổ thật, rất hùng dũng, đang bỏ bộ đi tới để săn mồi. Tác giả rất đắc ý với pho tượng con hổ này.

            Khoảng ba tháng sau khi hoàn thành tác phẩm, Văn Thu mời tất cả Ban Hội Tề và đám thầy cúng ở Đình Xóm Củi lại xem để nhận hàng. Bỗng nhiên sao thấy họ lắc đầu nguầy nguậy. Họ bảo rằng không giống con Hổ  Đình Xóm Củi.

            Văn Thu nổi nóng quay sang hỏi:

            - Vậy chớ Con Hổ Đình Xóm Củi nó ra làm sao?

            Họ cứ bảo rằng:

            - Nó chẳng ra làm sao, nhưng tôi thấy không giống ổng!

            Văn Thu càng nổi nóng thêm, cho rằng đám thầy cúng chẳng hiểu gì về nghệ thuật lại còn nói ngang. Chàng ta bèn gây gổ rồi xách cây ra đuổi cổ họ đi về.

            Hôm sau, tôi có dịp ghé qua nhà Văn Thu. Anh ta kể lại chuyện anh Hai Dậu và đám thầy cúng chê pho tượng Con Hổ của anh. Bây giờ tới lượt tôi là bạn bè, hơn nữa tôi là một họa sĩ, như vậy ý kiến của tôi như thế nào?

            Tôi bảo:

            - Nếu nói ra thì chắc chú mầy vác cây rượt đuổi tớ chạy theo đám thầy cúng là điều chắc chắn. Đây là một sản phẩm đặt nặng về tín ngưởng. Vị trí của mình không phải là con người tín ngưởng thì chớ có đụng đến cái vụ nầy.

            Ví dụ mình không phải là đảng viên cộng sản mà mình đi đắp tượng Hồ Chí Minh chắc chắn là sẽ bị ở tù. Thà đi uống rượu chơi còn sướng hơn. Nếu nói rằng mình đi vào nghệ thuật dân gian, trong khi đó mình là con người nghệ thuật hôm nay, vị trí đó cũng đã sai rồi. Phải vận dụng kỹ thuật bình cũ rượu mới thì mới có chỗ đứng.

            Hôm đó, tôi có phân giải với Văn Thu:

            - Nhạc jazz âm điệu của người Phi Châu thời xa xưa được trình bày do các ban nhạc trẻ, đã trở thành một phong trào âm nhạc hôm nay và đã tạo thành một bộ mặt mới. Nhất là họ vận dụng được các nhạc cụ điện tử. Đó là một cuộc cách mạng rất tiến bộ, vượt lên trên kho tàng âm nhạc dân gian.

            Tôi mới kết luận:

            - Như vậy có nghĩa là khoa học kỹ thuật kết hợp với âm nhạc trở thành một bộ mặt mới trong nền văn minh ngày hôm nay vậy.

            Nói dong dài một hồi, Văn Thu không còn giận tôi nữa. Có lẽ anh ta đã tìm thấy một ý niệm mới trong cái nhìn nghệ thuật. Qua năm sau, tôi nghe đâu Văn Thu đã bán được pho tượng Con Hổ Đình Xóm Củi cho tướng Đặng Văn Quang để ở cổng Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân, "Cọp Ba Đầu Rằn" ở Vùng Bốn Chiến Thuật.

            Trải qua cả chục năm sau, Văn Thu và tôi mới gặp nhau lại. Hai đứa sống sót ra về từ trong trại cải tạo. Chúng tôi trở thành những người vô tích sự trong việc "xây dựng xã hội chủ nghĩa" của Cộng sản. Đám công an khu vực bảo bọn tôi chỉ có xây dựng mấy quán cốc, quán rượu thôi.

            Có kẻ thì bảo rằng bọn tôi theo đoàn ca kịch "Sống Giang", tức là tản "sáng" đã "dông" mất, chẳng bao giờ thấy mặt ở nhà. Có đứa nói là chúng tôi rong chơi nhậu nhẹt chờ bảo lãnh - bảo lãnh theo diện H.O.

            Có hôm Văn Thu rủ tôi đi ăn giỗ nơi nhà anh Hai Dậu ở Xóm Củi. Đáng lẽ hai đứa ra bến xe buýt kiếm xe về nhưng lại ghé qua quán cốc kêu một xị đế uống giải nghể. Trong ánh đèn dầu hiu hắt thì ra chúng tôi đang ngồi bên bức bình phong thờ con Thần Hổ của Đình Xóm Củi.

            Văn Thu nhìn pho tượng Con Hổ rồi ôm bụng cười lăn ra:

            - Không biết tên thợ hồ nào nắn Con Hổ xấu hoắt. Cái mặt lại giống thằng người, tay cầm cái đuôi ngó lên trời như đang cười.

            Chị Tư bán rượu ghé đến dọn bàn nói rằng:

            - Ông Hổ nầy linh lắm đó nghen. Mấy ông đừng có đùa giỡn mà bị ổng quở bây giờ! Mấy ông biết hông, tháng trước có hai anh chàng xích lô ghé xe lại ngủ trưa dưới gốc cây da, nơi thờ ông Thần Hổ. Lúc ấy            có ông lão bán vé số men lại mời mua để giúp đỡ ông ta có tiền mua gạo.

            Anh chàng xích lô xé mấy tờ vé số rồi vái Ông Hổ:

            - Ông Hổ Đình Xóm Củi ơi! Ông có linh thì phù hộ cho tôi trúng số. Tôi sẽ may áo mới cho ông ăn Tết liền, lại còn tạ lễ cho ông một con heo quay nữa. Ông có linh thiêng thì thử cho tôi coi!

            Bỗng đâu đến tuần sau, anh chàng xích lô nầy được trúng số cá cặp hai triệu đồng. Anh rủ cả đám xích lô lại mua mấy lon sơn Bạch Tuyết sơn lại bức bình phong và Ông Hổ. Đám nầy xưa kia là lính Thủy Quân Lục Chiến nên họ pha màu giống mấy ông lính của họ. Đã thế, họ còn mang heo lại cúng tạ và đem ra làm mồi nhậu từ sớm mai tới chiều hôm.

            Văn Thu nói với tôi:

            - Thảo nào! Tượng Ông Hổ Đình Xóm Củi sao trông giống hệch anh lính Thủy Quân Lục Chiến quá cỡ.

            Anh ta hướng về phía tôi:

            - Đâu chú mầy vái Ông Hổ cấp cho chú mầy chiếu khán xuất ngoại đi Huê Kỳ theo diện H.O. thử coi.

            Chị Tư bán rượu còn nói:

            - Tội nghiệp Ông Hổ, xưa kia ổng ở trong rừng, bây giờ ổng ngồi giữa bến xe xích lô và quán nhậu. Chắc mai mốt Ủy ban Nhân dân Xóm Củi sẽ đuổi ổng đi chỗ khác chơi quá!

            Hỏi sao vậy thì chị Tư đáp:

            - Nhà nước tính lấy miếng đất Đình Xóm Củi bán cho Đại Hàn làm nhà máy xay lúa. Ông Hổ có linh thiêng về bẻ cổ đám Ủy ban Nhân dân đi cũng vừa. Tụi nó là quỷ mà!

            Cuộc đời chỉ là việc tranh sống với nhau thôi. Nhà nước dành đất của dân. Chẳng có vô sản cóc khô gì hết! Chỉ có giai cấp thống trị tranh dành sự sống của giai cấp bị trị. Sự sống bị người ta cướp giựt, nhân dân phải đứng lên tranh đấu cũng là điều hợp lý.

            Con người mỗi lúc một đông. Ngày xưa, chúa Trịnh lộng quyền cướp đất chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn phải chạy vào Thuận Hóa để dung thân.

            "Hộ hôn điền thổ vạn cổ chi thù".

            Con Hổ Đình Xóm Củi còn bị đuổi đừng nói chi đến con người chúng ta.


                                                                                                                 Hiếu Đệ


       -**-

                                                   Sau Đêm Văn Nghệ

            Trời đã về thu.

            Lá vàng rơi rụng đỏ vàng trong rừng núi, qua từng cơn gió thổi. Nhiều chiếc lá khô đét, đã mất chất tươi xanh, đã mất đi sự sống, cố bám tòn ten trên nhành, vẫn không cưỡng lại nổi sức gió cuốn, phải rơi tơi tả dưới gốc cây.

            Chúng tôi, chiều hôm ấy, nơi trại học tập cải tạo Bù Gia Mập, ngồi trong láng trại nhìn ra rừng, lòng buồn vô hạn. Nghĩ mình còn bao lăm hơi sức để bám vào cuộc sống tù đày khắc khổ và thiếu kém đủ mọi mặt, như những chiếc lá bám vào nhành cây mãi mà không được!

            Mùa thu là mùa của tâm sự ảm đạm. Mùa của sầu mơ, của nhớ nhung, của những kỷ niệm xa xưa... Phần đông chúng tôi đều nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con, giờ đó đang làm gì, phải phấn đấu chật vật với cuộc sống bên ngoài ra sao?

            Có nhiều bạn trẻ, mãi lo binh nghiệp, chỉ mới có người yêu cắt tóc ăn thề, nguyện yêu đương trọn đời, thì bây giờ còn giữ ước nguyền, hay đã ôm cầm sang thuyền khác! Có ai còn nghĩ đến người không tội tình gì mà phải bị giam giữ và làm việc khổ sai không biết đến chừng nào có ngày được trở về! Vì tin chánh sách khoan hồng, đã biết bao nhiêu người nằm xuống.

            Chúng tôi thay phiên nhau cái điếu cày. Mỗi người rít một hơi thuốc lá, nuốt cả khói vào bụng rồi mới từ từ nhả khói ra, mắt lim dim gởi hồn về dĩ vãng...

            Bỗng có một tên cán bộ lay gọi:

            - Này! Này! Tháng tới là đến ngày 2 tháng 9 đây, có biết không?

            - Ơ hơ... ngày ấy là...

            - Là ngày Quốc Khánh. Ngày lễ lớn của nhà nước Xã hội Chủ nghĩa. Trại viên sẽ được liên hoan vui chơi và nghỉ việc lao động một ngày...

            - Ơ hơ... Thế thì sướng thật!

            - Lại nữa, tất cả đều được ăn khẩu phần gấp đôi...

            - Ô hay! Thế thì chúng tôi hoan nghinh quá đi thôi!

            Nhiều anh trại viên trẻ vội chạy vào phòng ngủ thông báo tin mừng ấy. Ăn đói mà nghe nói khẩu phần được thêm, ai lại chẳng ham! Cộng sản Việt Nam chỉ có vùa vét, tóm thâu về chúng, ít bao giờ ban ra cho ai. Mà nếu chúng có bắt buộc phải ban cho thì vừa ban cho bằng tay mặt, lấy lại bằng tay trái, phũ phàng, tàn nhẫn... Cả phòng, đến những người bịnh đều bước ra đón tin mừng.

            Nhưng - vẫn có những cái nhưng chết người ấy - gã cán bộ bảo tiếp là Bộ Chỉ huy trại ra điều kiện: anh em trại viên phải tổ chức một đêm văn nghệ, xây dựng một vỡ kịch tự biên, tự diễn nơi hội trường cấp Trung đoàn để ăn mừng ngày Quốc Khánh Xã Hội Chủ Nghĩa. Nơi này có sân khấu, màn trướng đàng hoàng. Tất cả ba tiểu đoàn trại viên và cán bộ, quản giáo sẽ tụ về đó xem buổi văn nghệ liên hoan ấy.

            - Quan trọng lắm đấy nhé!

            Gã cán bộ nhấn mạnh:

            - Việc này để các cấp chỉ huy xem thử trình độ học tập của các anh tiến bộ đến đâu. Bởi vì tư tưởng biến thành hành động mà văn nghệ là tiếng nói của tâm hồn con người.

            Anh em trại viên chúng tôi họp bàn với nhau, không biết bọn Cộng sản lại giở trò gì đây? Xét về nhiều khía cạnh thì sự nghiệt ngã trả thù của chúng cũng đã hết sức rồi. Chúng còn muốn đày đọa thêm gì nữa?

            Theo những tin tức rỉ tai của những thân nhân đi thăm nuôi thì thế giới văn minh đã lên tiếng về                    những hành động dã man, tàn ác của chúng, nhứt là việc giam giữ phi luật pháp những cựu viên chức và sĩ quan chế độ trước cùng là xua quân đánh Cam-pu-chia mà chúng gọi là thi hành nghĩa vụ quốc tế. Thế giới đã hiểu cái mặt thật của bọn giả nhân giả nghĩa xã hội chủ nghĩa rồi...

            Bây giờ, chúng muốn màu mè sửa sai, cởi mở ư? Chúng muốn tỏ ra cho thấy không thâm độc, mà trái lại còn tìm hiểu và cảm thông với những nạn nhân rất vô lý của chúng?... Chúng muốn đưa tay ra, tại sao chúng tôi không với tới. Mong sự khắc nghiệt sẽ bớt dần, số tử vong sẽ giảm đi chăng vì khổ sai, vì thiếu dinh dưỡng. Cùng lắm, có thể chúng cho thân nhân thăm nuôi dễ dàng...

            Chúng tôi đồng ý trổ tài trong đêm văn nghệ ấy. Về dụng cụ âm nhạc thì anh em tự làm lấy khá đầy đủ. Đàn ghi ta thì dùng dây điện thoại vấn sợi lớn sợi nhỏ cũng đủ "notes", chỉ gởi mua cái phiến hay trục lên dây thôi. Trống jazz bọc bằng tấm bông sô đi mưa, cái to cái nhỏ, đánh lên cũng xôm tụ lắm.

            Thỉnh thoảng, trong những đêm rảnh rổi, anh em trại viên cùng lôi trống ra đánh chơi cho tạm vơi khổ cực và phiền muộn. Đánh những bản nhạc nhi đồng vô thưởng vô phạt, như là "em sẽ là một bông hồng nhỏ, em mỉm cười như những nụ hoa", hoặc  "kìa con bướm vàng, chào hoa thắm, bay nhởn nhơ trên hoa hồng... con chim xanh cúc cu, con chim vàng cù cù, bầy chim đang hát líu lo trên cành hoa thắm xanh tươi" v.v...

            Bọn cán bộ Việt cộng đã ra nội qui trong trại là không được nhắc đến chuyện xưa, không được hát nhạc vàng, tức là nhạc tiền chiến. Còn hát những bài mới của cách mạng, thật chán ôi là chán! Bài "Lá Đỏ" của Nguyễn Đình Thi, hay "Chào cô em gái Trường Sơn, hẹn gặp em ở Sài Gòn", bài "Người nữ tự vệ Sài Gòn: Khi xe tăng đến là em nhắm bắn cho xe tăng cháy" v.v...cũng bị bọn cán bộ bắt lỗi tại sao dám dành phần của cách mạng:

            - Các anh đang học tập cải tạo thì phải cho tốt chớ còn đòi bắn cái gì, còn cái ý dữ, cái ý giết người ư? Các anh tại sao hát bài "Lá Đỏ" của Nguyễn Đình Thi trong khi còn ở trại chưa biết ngày về mà hẹn em ở Sài Gòn cái nước non gì?...

            Từ việc giải trí đến những tiêu khiển nhỏ nhít của trại viên cũng bị rình rập kiểm soát. Có một bữa nọ, một trại viên ngồi buồn khẽ hát một đoạn nhạc tiền chiến. Cán bộ rình bắt được, đưa ra kiểm điểm khiến anh phải chối quanh là hát để liên hệ về quá khứ mà căm ghét cái thời sai trái vừa qua...

            Bài hát mà bọn cán bộ và quản giáo Việt cộng thích bảo anh em trại viên chúng tôi hát là bài "Học Tập Tốt" mà tác giả là một cải tạo viên của tiểu đoàn nào đó.

            Nội dung như sau:

            "Học tập tốt, lao động tốt, nào anh em ta mau tiến lên!

            "Học tập tốt, lao động tốt, ngày mai giúp ích cho muôn người!"

            Hay là bài "Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh! Kết đoàn, chúng ta là sắt, gang!"

            Bọn Việt cộng muốn kiểm soát tư tưởng trại viên chúng tôi. Chúng rình rập cả trong cơn mớ ngủ. Chúng muốn moi, bươi cả thâm tâm chúng tôi. Chúng đôn đốc chúng tôi tích cực tham gia đêm văn nghệ ấy. Chúng tôi tự biên, tự diễn, tự soạn kịch, soạn nhạc.

            Tên chánh ủy tiểu đoàn còn bảo:

            - Các anh phần đông có học thức cấp 12 trở lên thì công việc này đâu có khó. Cách mạng muốn biết mức tiến bộ học tập cải tạo của các anh. Đêm trình diễn có các chánh ủy ở các đơn vị khác đến chấm thi và có giải thưởng. Cố gắng mà đoạt được giải thưởng nhé!

            Trong đám chánh ủy tiểu đoàn chúng tôi có tên đại úy Tám, người Cà Mau tập kết ra Bắc thời kỳ đất nước phân đôi. Tên này lè phè, cai tù không rắc rối khó khăn, không soi bói từng chút như bọn khác. Tánh tình bộc lộ vẻ bộc trực, thẳng thắng của nông dân miền Nam. Gã hay bị mấy tên cán bộ người miền Bắc lấn lướt. Gã chỉ cười xòa, dã lã.

            Chúng tôi bảo nhau:

            - Hắn ta giống thằng "Tám Sạc Ne", nhân vật của nhà báo Cát Hữu nổi tiếng trên tờ nhật báo Dân Chúng ở Sài Gòn hồi xưa.

            Tám "Sạc Ne" bảo với chúng tôi:

            - Tụi bây đứa nào cũng vào tuổi con, cháu của tao. Vì vậy tao xưng hô với tụi bây bằng "mầy, tao", thì cũng như tao vẫn gọi vợ, con tao vậy, chứ không phải khinh miệt tụi bây...

            - Ờ, chú Tám "Sạt Ne" nói như vậy, tụi tui chịu lắm đó!

            - Cái gì? Tụi bây kêu tao cái gì "Sạc Ne"? Tao là thứ Tám thì kêu chú Tám phải rồi, còn thêm "Sạc Ne", "Sạc Niết" gì?

            Chúng tôi thuật cho Tám Cà Mau nghe về nhân vật "Tám Sạc Ne" của Cát Hữu. Nghe xong, gã cười hì hì:

            - Ờ! Thằng chả hợp với tao. Tánh tao như vậy đó... Có cái gì trong bụng cứ nói ra bằng miệng, không tiềm tâm, không độc hại, bao giờ cũng làm đúng bổn phận... À, tao thấy tụi bây hồ hởi lắm về đêm văn nghệ đó hả? Khó lắm đa nghen! Chuyện văn nghệ không phải chuyện giỡn đâu. Sớn sác rồi bị nhốt connex cả đám cho coi. Tao nói trước cho biết. Tụi bây có nghe chuyện "Trăm Hoa Đua Nở, Nhà Nhà Lên Tiếng" ở ngoài Bắc hồi 1957 rồi chứ? Liệu hồn đó nghe!

            Trong những khi lao động ở bìa rừng, vào giờ giải lao, chúng tôi bu lại nghe tên Tám kể chuyện tiếu lâm Liên Sô. Hôm đó, tên Tám với dụng ý cảnh giác chúng tôi, kể một chuyện do chính miệng người Nga kể:

            - Hồi chế độ nô lệ, ở kinh thành La Mã, bọn cầm quyền xử tội chết mấy thằng tù bằng cách bỏ ra hí trường cho bọn tù giác đấu. Đến một thời đại tiến bộ hơn, bọn cầm quyền La Mã cho tử tù đánh nhau         với dã thú, với hổ, với sư tử. Tên tù, dù khoẻ mạnh đến đâu cũng thua mảnh hổ. Và trong khi mãnh hổ nhai xương người ta, lũ quan lại trên khán đài uống rượu, vỗ tay cười... Bữa nọ, có tên tù thật ốm đói đứng giữa hí trường đợi con mãnh hổ đến ăn thịt mình mà không tỏ vẻ lo sợ gì cả. Cha chả tên tù nọ chết đến nơi mà lại gan thật! Bộ hắn mình đồng xương sắt chăng?... Con hổ lù đù tiến tới gần nó. Nó cúi xuống, ghé miệng vào tai cọp nói một câu gì đó. Con hổ nghe xong, riu ríu quay lưng, bỏ đi trở lại vô chuồng. Vài bữa sau, con hổ bỏ ăn rồi lăn đùng ra chết. Bọn quan lại hết hồn, không biết chuyện gì xảy ra? Có lẽ báo hiệu một biến cố gì đây? Chúng đem tên tù ra tra tấn gần chết mà nó vẫn không nói. Mãi đến khi tên tù hấp hối, nó mới thố lộ với bọn tù lo chung sự là nó chỉ nói vỏn vẹn một câu:

            - Cọp à! Trước khi mầy ăn thịt tao, tao xin mầy phát biểu ý kiến để xem tư tưởng mầy như thế nào?

            Có vậy thôi mà con hổ quay vào chuồng, bỏ ăn, thà chết mẹ nó một cái còn sướng hơn!

            Tên Tám Cà Mau thuật chuyện xong, nói:

            - Đó là câu chuyện tiếu lâm để đời làm tao cứ nhớ mãi do những thằng bạn người Liên Sô kể cho nghe trong những năm tao tu nghiệp quân sự dưới trào Staline còn sống.

            - Và bữa nay, chú Tám kể lại cho tụi tui nghe như một lời răn?

            - Tao không có ý kiến gì hết. Nhưng tao nghĩ ngày Quốc Khánh, tụi bây được miễn lao động thì cứ       nghỉ cho khoẻ đi, được ăn khâu phần gấp đôi thì cứ ăn cho đã đi. Bày chi cái chuyện văn nghệ văn gừng toi mạng có bữa... đó nghe. Tao nói thật đa.

            - Nhưng kịch bản chúng tôi ca ngợi cách mạng mà cũng không được sao?

            Tám "Sạc Ne" cười ruồi:

            - Ờ! Tụi bây giỏi cứ ca ngợi tụi nó đi rồi sẽ biết... (hì... hì...).

            Tụi tôi cũng khôn hồn, dựng lên một vỡ kịch câm. Chỉ diễn bằng động tác, không nói bằng lời. Bọn Việt cộng dò sao được tư tưởng chúng tôi?

            Nội dung trình diễn và kịch bản đưa ban quản trại duyệt lại và sửa chữa, thêm bớt ý kiến. Nhạc đệm cho vỡ kịch là nhạc và lời bài hát "Giải phóng Miền Nam" và "Nam Bộ kháng chiến"... Chúng tôi chịu khuất tất nhân nhượng một tý với hy vọng chế độ bớt khắc nghiệt, việc thăm nuôi của thân nhân được dễ dàng, ngày trở về cũng được thu ngắn lại... Hy vọng mỏng manh nhưng có còn hơn không...

            Vỡ kịch diễn tả một gia đình nọ ở nông thôn có đứa con trai làm du kích. Bà mẹ đã mất từ lâu, chỉ còn người cha già và vợ nó có đứa con còn bú. Một hôm, lính Mỹ đi càn. Thằng con du kích chạy trốn vào nhà, chui xuống hầm. Lính Mỹ vào lục soát, tìm không được. Chúng tra khảo ông già gần chết. Cô dâu thấy vậy nhào lại can, bị chúng hất văng ra ngoài. Sau khi bọn lính Mỹ đi rồi, thằng con trông thấy cảnh đó nên căm thù, đứng dậy xách súng ra đi theo bộ đội chánh qui để đánh Mỹ.

            Về hoạt cảnh thì chúng tôi diễn tả ngày thăm nuôi tù cải tạo. Có bà mẹ già lặn lội đi thăm con. Thấy con mình bây giờ gầy yếu mà tinh thần lại rất cao. Trong khi thấy bà mẹ khóc, chàng trại viên nọ động viên lại mẹ, rất hồ hởi!...

            Kịch bản và hoạt cảnh viết ra với những chi tiết được trình lên Bộ Chỉ huy và được đống dấu, ký tên chấp thuận. Những khi tập diễn, cán bộ vẫn xuống xem, có vẻ ưng ý.

            Anh em trại viên có dịp dự khán vỗ tay tán thưởng làm cho anh em trong ban văn nghệ cũng hồ hởi:

            - Thế nào, bồ bịch mình?  Có được không? Có hay không?

            - Đặc sắc lắm!... Khỏi chê!

            Đêm đó, kịch sĩ diễn như xuất thần. Tưởng rằng sẽ được khen. Sẽ đoạt giải thưởng. Nhưng đêm văn nghệ lại thành văn gừng! Thứ gừng già cay xé mây!

            Tất cả ban văn nghệ phải lên hội trường, đứng sắp hàng nghe ban chỉ huy trại cạo thôi lơ láo mặt mày. Tội nặng nhứt là tôi.

            Tôi chỉ lo về phong màu và dàn cảnh. Thế mà nặng tội hơn cả.

            Trong kịch, màn nhất thì phong cảnh là gian nhà chính có bàn thờ bà mẹ. Trên bàn thờ có cái ảnh bà già vẽ bằng lọ chảo nguệch ngoạc trên tấm giấy bìa cứng.

            Tên cán bộ vỗ bàn, bảo:

            - Sao lại vẽ mặt thằng Thiệu? Đã đi học tập cải tạo mà chưa bỏ lòng tôn thờ thằng Thiệu? Muốn vẽ mặt nó để trên bàn thờ à?

            Anh em trong ban văn nghệ kinh ngạc, hỏi:

            - Mặt của tên Thiệu thế nào mà lại như thế? Tư cách của Thiệu không xứng đáng để nghĩ đến nữa, chứ đừng nói là tôn thờ.

            - Các anh ngoan cố, còn cãi lại ư? Mặt thằng Thiệu nó méo mó như trong Ti Vi bữa từ giã đồng bào, hứa làm tay súng rồi lại bỏ chạy. Cái mặt nó đểu cán, khó thương vô cùng mà sao anh Đệ lại để nó trên bàn thờ?

            Chết chưa! Thật oan ơi ông địa! Chừng đó tôi mới nhớ đến lời cảnh giác của Tám "Sạc Ne", Tám Cà Mau...

            Tội thứ nhì, cũng không kém phần quan trọng là tôi vẽ hai bên bàn thờ có liễn trên giấy đỏ. Một bên là "Vì nước quên mình", một bên là "Do tình bỏ mạng".

            Bọn cán bộ cật vấn tôi:

            - Tại sao anh lại coi việc vì nước, vì đảng cũng cà chớn như bọn các anh "do tình bỏ mạng"? Bà mẹ này là bà mẹ của một chiến sĩ cách mạng, cũng như là mẹ của cả một dân tộc, vì yêu nước tức là yêu Xã hội Chủ nghĩa, thế mà anh lại bôi lọ chảo như mặt thằng Thiệu! Lại ví việc vì nước như thứ tình yêu đương rẻ tiền của thanh niên thành phố như các anh đấy à? Như thế, anh phạm tội bôi bác cách mạng, anh biết không?... Cũng chưa hết đâu. Ở màn hai, khi bọn Mỹ càn vào xóm nhà anh du kích, có tiếng cho sủa mà nhạc đệm lại hát bài "Giải Phóng Miền Nam" như là:

            "Vùng lên nhân dân Việt Nam anh hùng! (gâu... gâu...)

            "Vùng lên xông pha vượt qua bão bùng! (gâu... gâu... gâu...).

            - Thế là thế nào? Sao lại để chó sủa quân đoàn anh dũng của ta? Sao cho chó sủa bài hát chiến thắng của ta? Hàng loạt tiếng ồn ào, thất kính. Anh muốn lũ gâu gâu hại cách mạng à?...

            Bị buộc tội quái quắc? Tôi cố gân cổ cãi lại rằng nhạc đệm được luân chuyển lập đi lập lại suốt vỡ kịch chớ nào phải tôi có ý đồ chế nhạo hay chống đối cách mạng gì đâu?

            Bao nhiêu tội lỗi chồng chất lên đầu tôi như thế vẫn chưa hết. Bọn cán bộ còn hài thêm những tội động trời khác.

            Như là trong màn nhì, khi bọn lính Mỹ xúm đánh ông già, cô con dâu đang bế đứa con khóc ré nhào lại can ra. Bọn lính Mỹ hất cô ta ngã lăn. Đứa hài nhi trên tay rơi xuống, bung ra thành một đống giẻ rách...

            Khán giả bên dưới ôm bụng cười bằng thích! Tiếng cười hô hố của cải tạo viên, theo bọn cán bộ bảo là phản động, phản cách mạng! Tội của ban văn nghệ, đầu tiên là tôi, thật to lớn, vì đã làm cho khán giả không có lập trường chánh trị. Diễn kịch thiếu bản tính.

            Lẽ ra, bữa ấy, tất cả khán giả phải đứng dậy, giơ nắm tay lên cao, đồng hô:

            - Đả đảo!... Đả đảo Mỹ thực dân! Đả đảo Mỹ xâm lăng!

            Như vậy để tỏ lòng căm phẫn mới phải chứ sao lại ôm bụng cười? Cười như thế là phản động! Là phản cách mạng! Là theo phe Mỹ, thích bọn Mỹ đánh đập, hà hiếp, giết hại nhân dân...

            Gã cán bộ điểm mặt chúng tôi, bảo:

            - Nhẽ ra, phải phạt tất cả các anh xem kịch hôm ấy phải ngồi kiểm điểm ở hội trường suốt đêm và tự viết phê bình...

            Một tên chánh ủy bảo:

            - Về hoạt cảnh lại tồi tệ vô cùng. Lúc mẹ già đi thăm con, hai mẹ con từ giã nhau và hát bài "Học tập tốt, lao động tốt, người anh em ta mau tiến lên... Học tập tốt, lao động tốt, ngày mai giúp ích cho muôn người" thì người con nói:

            - Mẹ hỡi! Phấn khởi, an tâm hồ hởi (ba lần).

            Người mẹ trại viên đáp lại:

            - Con hỡi! Con học tập tốt... ốt... ốt...

            Đoạn ấy không nghiêm trang. Mẹ nhắn nhủ con rất là phải cách. Thế sao cả khán giả lại ôm bụng cười lăn ra. Té ra đấy là hài kịch ư? Học tập tốt, lao động tốt mà khôi hài sao? Ban văn nghệ không đủ trình độ xây dựng. Cả khán giả trại viên cũng chưa có trình độ xem kịch!

            Thế là cả ban văn nghệ bị phạt! Luôn ba đêm đều ra đứng nơi hội trường để bị dạy dỗ và sỉ vả tơi        bời...Đúng là văn nghệ bỗng biến thành văn gừng cay ôi là cay!

            Một hôm, gã chánh ủy Tám "Sạc Ne" đến nơi chúng tôi ở, rít một điếu thuốc lào xong, từ từ nhả khói và cười hô hố:

            - Đó, tao nói có sai không? Tụi bây có làm kỹ cách mấy, có diễn đúng và hay cách mấy vẫn bị cạo, bị mắng, bị xài xể thôi. Kể cả tụi bây muốn xu nịnh đảng và chánh phủ!

            - Tại sao vậy?

            Tám "Sạc Ne" nghiêm giọng bảo:

            - Vì các anh không biết vị trí của mình. Làm việc gì cũng phải nhớ vị trí của các anh đứng chỗ nào cái đã! Ví dụ như anh Hiếu Đệ vẽ giỏi mà anh vẽ hình Bác Hồ có đẹp cách mấy thì anh vẫn có tội. Ý gì mà anh là trại viên học tập cải tạo lại đi ca tụng lãnh tụ của tụi tui là người cách mạng chiến thắng? Anh đâu phải đảng viên cũng như anh đâu phải là thứ con ruột mà ca ngợi bố tui. Anh chỉ cốt làm cho tui nghi ngờ anh...

            - Thế cách mạng không chấp nhận thiện chí ư?

            - Chỉ có đảng. Ngay cả đảng viên với đảng viên cũng có vấn đề!... Nói về vị trí các anh, thí dụ các anh được về địa phương, phường xóm mà trông thấy có bà cụ già chửi thằng cán bộ huyện, xã xuống cấp là quan liêu, hủ hóa, ăn hối lộ. Giá mà bà biết như vậy thì trước kia bà đếch có che giấu nó, cơm thịt của bà đổ cho chó ăn còn hơn tiếp tế cho nó. Và bà có thèm chứa nó dưới hầm nhà bà cho nguy hiểm. Trái lại bà còn cho bọn Mỹ bắt tên vô ơn, phản phúc ấy cho rồi!... Mấy anh biết không? Bà cụ già làm như vậy là tốt, là xây dựng Xã hộ Chủ nghĩa và tiếp tục chiến đấu bền bĩ. Trước sau như một. Chứ không phải như thằng cán bộ huyện, xã kia... Còn các anh, nếu đứng nghe mà cười cũng bị tội phản cách mạng. Cách mạng đâu để cho các anh được phần trong việc xây dựng tên cán bộ? Các anh có tội là đứng xem thẹo trên lưng người cách mạng! Các anh là người ngoài đảng. Hơn nũa là cải tạo viên. Tại sao các anh có quyền cười cái xấu của cách mạng? Các anh xây dựng cũng không được, cười cũng không được. Tốt hơn nên lánh mặt đi chỗ khác chơi...

            Gã ta nói tiếp:

            - Thí dụ thêm nữa. Các anh đến một địa phương nọ thấy một thanh niên, một bộ đội trẻ chẳng hạn, điểm mặt tên công an khu vực mà chửi nó hủ hóa với vợ người ta, bắt nạt và làm tiền đồng bào để nuôi gái, trong khi chàng thanh niên nọ vì nhà nghèo, không mua được chân công an khu phố mà phải sang Cam pu chia đánh giặc v.v... Các anh đứng xem cũng bị tội. Bởi vì tên công an là người quản lý các anh. Các anh mới học tập cải tạo về, chưa được trả quyền công dân, mới là phó thường dân, không có quyền chứng kiến cảnh tên công an bị mắng chửi!... Đấy là cái việc các anh phải nhớ. Tôi không nói ngoa đâu. Các anh phải luôn luôn nhớ vị trí của mình. Đừng quên mình không phải cách mạng, không là đảng viên cộng sản mà trông thấy người ta diễn kịch hay xây dựng bọn xã hội chủ nghĩa rồi phản kháng hay hoan nghinh là hố đó nghe!

            Gã kết luận:

            - Trong văn nghệ cũng thế. Bọn nhà văn, nhà báo cộng sản nếu có chửi nhau, bôi bác lãnh tụ v.v... là vì chúng nó là đảng viên. Chúng nó có quyền chửi bới mà đứa nào làm quá thì đảng sẽ dạy nó, bịt miệng nó. Chớ tưởng chúng một phe với mình hay là về phe mình mà chết với chúng có ngày!...

            - Chú Tám sao nói bi quan quá vậy?

            Tám "Sạc Ne" rít thêm một điếu thuốc, đôi mắt lờ đờ nhìn về chỗ xa xăm. Mặt chú buồn như thể mang một tâm sự.

            Mãi lâu, chú thở dài:

            - Năm 1954, khi chia đôi đất nước, tao theo bộ đội anh Năm Chân tập kết ra Bắc. Trong lúc phong trào cải cách ruộng đất bùng nổ, bộ đội Năm Chân, cấp tiểu đoàn, từng dự biết bao trận đánh lừng lẫy qua U Minh và Đồng Tháp trong 9 năm Nam Bộ kháng chiến. Từ đại đội lớn mạnh thành tiểu đoàn, súng ống đầy đủ. Khi ấy, phong trào cải cách ruộng đất ngoài Bắc được dập khuôn theo kiểu Vệ binh đỏ bên Trung Quốc cộng sản, tiến hành theo hệ thống dọc trực tiếp với Trung ương. Cấp ủy địa phương không được xía vô. Có những cán bộ lớn đến cấp huyện ủy hoặc hơn nữa rủi rớt vào trường hợp bị đấu tố thì ráng mà chịu dù công lao đến đâu cũng bị phủi sạch. Thân nhân có chạy đến cầu cứu Bác Hồ cũng không gỡ nỗi. Chính bố mẹ của Trường Chinh cũng bị kẹt trong vụ này và ông con này oai quyền nhứt hạng cũng đành làm ngơ!...

            - Bộ đội Năm Chân có ai bị đấu tố? Công lao đánh giặc ở miền Nam, chẳng lẽ không được giảm khinh?

            - Bọn đấu tố có phương pháp, có kế hoạch khích động ghê gớm. Chúng làm cho người ta sôi động căm thù, dù thiệt hay giả. Mọi người a dua vào việc chém giết! Biết bao nhiêu nạn nhân bị đấu tố bởi những tội không đáng, bởi những lời buộc tội vớ vẩn!... Lúc ban đầu khởi sự đấu tố, bộ đội Nam Chân được cho xem cuốn phim ca vũ nhạc kịch Bạch Mao Nữ của Trung Cộng. Cuốn phim này nổi tiếng thế giới. Và Trung Cộng, thuở ấy, tự hào là sau mấy mươi năm cách mạng thành công của họ, họ mới dựng nên vỡ kịch ca vũ nhạc được quay thành phim ấy. Toàn những động tác của các diễn viên đều là vũ, tổng hợp tất cả các loại vũ xưa và nay của Trung Quốc và thế giới.

            Có nhiều trại viên trẻ chưa biết cuốn phim ấy, vội hói:

            - Bạch Mao Nữ là phim gì thế? Tích nó như thế nào?

            - Tích chuyện kể một gia đình nông dân nghèo, không đủ lúa góp tô cho địa chủ, nợ chồng chất nhiều năm, bị bọn địa chủ xô ông cụ rơi xuống hào chết trôi và bắt đứa con gái cho thằng con địa chủ làm vợ. Thằng này lại điên khùng. Đêm động phòng hoa chúc quá đổi ghê rợn. Cô gái phá được cửa, chạy trốn lên rừng... Về sau, cô trở thành con khỉ lông trắng, quên tiếng nói và cử động không còn là của con người nữa!...

            Gã kể tiếp:

            - Phim Bạch Mao Nữ chiếu nơi màn ảnh vừa xong, mọi người đều căm hận. Có kẻ lăn ra ôm mặt khóc òa. Có kẻ rút sung bắn rách tung màn bạc. Thế là đạt đấy. Là kết quả mỹ mãn đấy! Họ bị gợi thù hận và căm tức xong rồi mới đến giai đoạn kể khổ. Ai cũng muốn đứng kể mình là nạn nhân. Thí dụ hồi đó đi chăn trâu cho địa chủ, cơm không no, áo không ấm, đến lớn đầu dốt nát như trâu! Có đứa kể cho làm tráng đinh khổ sở, phải cho con đi ở đợ không công, suốt đời không thể chuộc con về, nó bị đánh đập tàn nhẫn... Có người đi làm thuê, đi ở vú cho địa chủ bị ức hiếp, bắt nạt v.v... Có kẻ bị cha mẹ đem bán đi như bán chó, đến khi lớn lên không còn quê quán đâu mà tìm... Họ kể đời sống khổ cục, phải bắt ốc, mò tôm hoặc gánh củi nhọc nhằn ra chợ bán cho bọn phú hào, địa chủ bốc lột... Kể đến đâu, lăn ra khóc đến đó, kêu trời kêu đất, nguyền rủa bọn người tốt phước hơn...

            Gã thao thao như đang sống lại với câu chuyện xưa:

            - Kể khổ hết một ngày đến ngày sau là ngày tố khổ. Tố khổ là tìm kiếm, vạch mặt chỉ tên những ai gây ra thống khổ cho mình. Bới lông tìm vết không sót mảy may!... Tất cả đều lôi những người bị tố ra để           trả hận thù. Phải giết chúng. Giết họ hàng nhà chúng! Phải tận diệt bọn trí thức, phú hộ, địa chủ và cường hào. Bốn hạng người này là kẻ thù của giai cấp vô sản. Kẻ thù của nhân dân, xã hội.

            Chúng tôi nhao nhao hỏi:

            - Ai vậy chú Tám?

            - Chính anh tiểu đoàn trưởng Năm Chân, người có công trận nhứt và tình nghĩa nhứt trong tiểu đoàn. Trong tiểu đoàn, cả thải đều lính quèn, dân ở đồng ruộng, lấy chó gì mà đấu tố? Chỉ có anh Năm Chân có học đến lớp 12, khi trước người ta gọi ảnh là ông Tú. Có một thời gian ảnh lánh bọn thống trị thực dân Pháp mà cạo đầu vào chùa tu, mặc áo vàng nên được gọi là ông lục. Sau đó, theo tiếng gọi của đảng, anh vào rừng dạy mát xít cho bộ đội, đi từ chánh trị viên đại đội lên đến tiểu đoàn trưởng.

            Nhưng một số bộ đội chỉ mặt anh bảo:

            - Hắn là gốc tư bản. Có thế hắn mới học được chữ Tây, mới là ông Tú. Chúng ta toàn bần cố nông mà ra, có biết chữ Tây, chữ u gì đâu! Hắn có lúc mặc áo vàng của sư sãi, đi ngược với giai cấp và duy tâm thần thánh. Hắn lại phong kiến, đánh trận cứ dành đi trước. Lại còn quan liêu nữa là kế hoạch tấn công địch do hắn bày ra, dù thắng lợi cũng do cái trí thức học chữ Tây mà ra!... Đồng chí Mao Chủ tịch của nước anh em vĩ đại Trung Quốc bảo bọn trí thức không đáng một cục phân! Thế thì chúng ta để cục phân nầy làm gì trong tiểu đoàn mình?...

            Mặt gã dàu dàu:

            - Thế là tụi bây cũng hiểu số phận anh Năm Chân bị định đoạt thế nào...

            - Ô hay! chúng "phơ" người tiểu đoàn trưởng của chúng sao?

            Gã đáp ngay:

            - "Phơ" liền chứ lỵ!... Tội cho anh Năm Chân trong 9 năm kháng chiến gian khổ, ảnh thương từng người lính, cố gắng bảo toàn cho anh em trong những ngày chân ướt chân ráo tập kết ra Bắc. Tên tuổi anh Năm Chân thường làm cho lính Tây phải khiếp vía!... Đấy, đấu tố tàn nhẫn đến thế! Cái phim Mạch Mao Nữ, động cơ của Cộng sản thúc đẩy hận thù, đã làm chết năm triệu người Trung Quốc và cả triệu người Việt Nam... Về sau này, đảng Cộng sản Việt Nam lập ra ủy ban cứu xét và phục hồi cho người bị đấu tố oan thì không thiếu chi kẻ bị oan đã chạy trốn vô rừng, thành cả ngàn con khỉ lông trắng giống đực, cả đời không chịu ra trình diện!... Hà... hà... Bữa nay tao buồn, nhớ vụ Năm Chân và kể ra những điều mắt thấy tai nghe của tao cho tụi bây biết... đâu là vị trí của tụi bây, kẻo không biết giữ hồn mà khốn có ngày... Hà... hà...

            Giọng cười của Tám "Sạc Ne" nghe chua chát, đắng cay dường nào? Mà quả thế, hắn ta có thể là một người yêu nước đi lầm đường. Bây giờ biết sai, không quay lại được.

            Sau ngày Quốc Khanh Xã hội Chủ nghĩa, tên cán bộ nào cũng mặt quần áo mới, cũng được lên một cấp, chỉ trừ Tám Cà Mau, người được tụi tôi đặt tên là Tám "Sạc Ne" chẳng có quần áo mới, chẳng lên lon. Gã vẫn cười hề hề!...

            Đầu năm 1982, tiện nội lo sợ cả nhà bị trút xuống vùng U Minh như các sĩ quan bạn tôi, liền hỏi thăm mua đất ở vùng kinh tế mới Bà Bèo thuộc tỉnh Mỹ Tho. Vì bọn công an khu vực bảo gia đình sĩ quan học tập cải tạo bỏ rời Thành phố về vùng kinh tế mới thì người chồng đi học tập cải tạo sẽ được sớm trở về nhà.

            Vùng kinh tế mới Bà Bèo là nơi khỉ ho cò gáy, đất cát cằn cỗi, nước phèn chua lét. Vùng kinh tế mới ở nơi quá khắc nghiệt, thiên hạ bỏ trốn về gần hết. Tiện nội cày cục xin được sáu công đất.

            Chủ tịch xã Bà Bèo, kiêm luôn chủ tịch công trường kinh tế mới tên là Tư Thuấn. Tư Thuấn vốn là thầy rắn, nửa khuya thường có người đập cửa nhờ hắn đi cứu cấp kẻ bị rắn cắn. Nhứt là mùa nước ngập, rắn lên bờ, người ta vô ý bị nó chạm phải và cắn, ngã giãy tê tê, đờm kéo lên cổ.

            Lão Tư Thuấn hỏi tiện nội:

            - Không hiểu cô nghĩ sao lại xin đất làm ăn ở đây? Cô mặt mày sáng sủa mà sao dại quá vậy? Hằng ngàn gia đình đã bỏ đi rồi vì đây là đất chết, đã không trồng trỉa gì được, lại sợ rắn cắn bỏ mạng! Cô còn trẻ, còn có thể phát triển làm ăn khá, không nên ở đây...

            Hắn tâm sự thêm:

            - Chính tôi đây, chỉ huy nông trường mà còn đang chạy chọt về nơi khác. À, tôi đoán chừng cô vận          động cho có giấy tờ về vùng kinh tế mới để đem chồng cô ra khỏi trại học tập cải tạo hả? Tôi sẵn sàng cấp giấy cho cô. Nhưng đừng bao giờ cho chồng cô xuống đây. Cô nên tìm cách cho chồng cô vượt biển, hay cả nhà cùng đi hết... Chế độ này đang bị suy sụp, đi từ thất bại này đến thất bại khác, vì nghênh ngông, tự phụ và dốt nát!... Bọn lãnh tụ làm cho nước nghèo, dân khổ. Mạnh đứa nào nói láo hay ăn cấp giỏi mới sống nổi... Đảng đã rơi xuống hố, ngóc đầu không lên, mà cứ níu kéo để ăn bám, để sống còn... Chán lắm!...

            Nhưng dầu tiện nội chạy vạy hết sức, rốt cuộc rồi tôi cũng bị dồn xuống U Minh, tức là thả trại mà không được về nhà để khởi đầu cho một giai đoạn dở khóc dở cười ở nơi... tù biệt xứ U Minh!


                                                                                                                                    Hiếu Đệ