Saturday, October 24, 2009

TỔNG TẤN CÔNG MẬU THÂN (1968)

CUỘC THẢM SÁT MẬU THÂN (1968) TẠI HUẾ

*


Người dân Việt Nam nói chung và người Huế nói riêng không bao giờ quên được Têt mậu thân, một cái Tết đầy máu lửa và tang tóc do cộng sản gây nên.
Đấy là một sự kiện lịch sử hiển nhiên mà chúng ta không nhiều thì ít cũng đã là nạn nhân, chứng nhân.. .



I. NGUYÊN NHÂN

Cuộc chiến tại Việt Nam ngày càng gia tăng khốc liệt. Ta có thể nói đó là mộtcuộc chiến tranh thế giới bởi vì đã có nhiều nước tham gia như Liên Xô, Trung quốc, Mỹ.
1.Năm 1960 , cộng sản dựng lên Mặt Trận Giải Phóng và gây nên một cuộc chiến tranh mới tại miền Nam. Cuối năm 1961, Mỹ đem quân vào Việt Nam, 1965, Mỹ oanh tạc Bắc Việt. Phía cộng sản cũng được Liên Xô , Trung cộng và các nước khác ủng hộ vũ khí, tiền bạc và binh sĩ. Do đó, CS phản công, trả đủa.
2.Trong khoảng năm 1965, Mỹ đã đàm phán với Liên Xô và Trung quốc. Trong lúc này, Mỹ cũng muốn đàm phán với Bắc Việt. Năm 1966, Đại sứ Mỹ Henry Byrobe gặp lãnh sự Bắc Việt Vũ Hữu Bình tại Ngưỡng Quang, Miến Điện. Nỗ lực này thất bại. Mỹ lại nhờ nhà ngoại giao Canada là Chester Ronning, rồi lại nhờ Janusz Lewandoski, thành viên Ba lan trong Uỷ hội giám sát quốc tế, và đại sứ Y là Giovanni D Orlandi làm trung gian (1).
Thấy càng cường quốc đã dàn xếp, và nhất là thấy được ý hướng của Mỹ là rút lui khỏi chiến tranh Việt Nam, Cộng sản Việt Nam quyết định mở những cuộc tấn công mạnh để giành lấy những thắng lợi trên bàn hội nghj. Do đó, trong khoảng 1967, cộng sản đã mở nhiều cuộc tấn công miền Nam. Sau vụ mậu thân, ngày 3-5-1968, Mỹ và Bắc Việt quyết đinh lấy Paris làm địa điểm thương nghị về Việt Nam.




II. DIỄN TIẾN CUỘC CHIẾN .

1.Tình hình toàn miền nam trước tết mậu thân
( 1968 ).
Đầu năm 1967, cộng sản đã có kế hoạch tấn công miền nam, và họ gọi đó là kế hoạch Tổng công kích, Tổng Khởi nghĩa. Nghi quyết 13 tháng 3- 1967 của trung ương đảng kêu gọi :Đồng khởi để giành thắng lợi quyết định trong thời gian càng ngắn càng tốt. (2)
Khoảng cuối năm 1967, quân đội Mỹ và Việt Nam đã bắt được nhiều tài liệu kêu gọi tổng tấn công khắp miền nam.
Cuối năm 1967, cộng sản mở chiến dịch đông xuân, tấn công vào lực lượng Việt Nam và đồng minh : Lộc Ninh ( Bình Long ),Dakto ( Kontum ),
Cồn Tiên ( Quảng Trị ). Đặc biệt cuộc tấn công vào Khe Sanh từ tháng 4-1967 , Việt cộng muốn biến nó thành một Điện Biên phủ thứ hai .
Trong lúc này, nhân dịp Tết mậu thân, cộng sản đưa đề nghị ngưng chiến trong 36 giờ kể từ đêm giao thừa ( 30-1-1968 ) ,Việt Nam cộng hòa đồng ý ngưng bắn. Các binh sĩ VNCH được nghỉ phép gần một nửa.
2. Cuộc tấn công toàn miền nam .
Lúc 12 giờ 35,ngày thứ ba 30-1-1968, cộng sản phát động cuộc tấn công trên toàn miền nam. Vì lịch ở hai miền Bắc Nam khác nhau, miền Bắc ăn tết trước miền Nam một ngày Đêm giao thừa Hà Nôi là ngày 29-1 dương lịch, còn đêm giao thừa miền Nam là ngày 30-1-1968 , cho nên cộng sản quân khu 5 (Nha Trang, Quy Nhơn,Cao Nguyên ) đã nổ súng trước 24 giờ
Cộng sản đã tung 97 tiểu đoàn và 18 đại đội biệt lập, quân số tổng cộng khoảng 84 ngàn , so với quân VNCH và đồng minh là 88.400 người, tấn công 25 trong số 44 tỉnh lị, 5 trong số 6 thành phố lớn, 64 trong 242 quận lị cùng 50 xã ấp của VNCH , còn 19 tỉnh chỉ bị pháo kích hay quấy rối (3). Hai thành phố Huế và Sài gòn là trọng điểm của cuộc tấn công.

3.Cuộc tấn công Huế.
Tại Thừa Thiên,CS chiếm căn cứ A shau năm 1966, và từ đó trở thành căn cứ cộng sản, và bàn đạp tấn công Huế. Lãnh đạo mặt trận Huế gồm 4 tên cộng sản gộc

+Tướng Trần Văn Quang , chỉ huy tổng quát.
+Chính ủy : Lê Chưởng.
+Tướng Nam Long, điều quân.
+Đại tá Lê Minh, điều quân. (4)

Cộng sản tấn công Huế vào đêm mồng một tết, sáng mồng hai tức ngày 31 -1-1968 lúc 3giờ40 phút. Cộng sản chia làm hai cánh quân.
Cánh phía bắc ( tả ngạn sông Hương ) là Đoàn 6 gồm các tiểu đoàn K1, K2,K6 và tiểu đoàn 12 đặc công, đánh bộ tư lệnh sư đoàn 1 bộ binh, phi trường Tây lộc, Đại nội.
Cánh phía nam (hữu ngạn sông Hương ) Đoàn 5 gồm tiểu đoàn K4A, K4B, K10 và tiểu đoàn 21 đặc công cùng đi với các lực lượng của thành độI Huế sẽ tấn công các cơ sở hành chánh phía nam. Ngoài Đoàn 5 và 6 , cộng sản còn có đơn vị trừ bị là đoàn 9 gồm hai tiểu đoàn 418 và 419 sẽ dàn quân tại tây bắc thành phố. Ngoài ra còn có một đon vị có bí danh là Đường 12 từ phía tây đến tiếp tế đạn dược và tải thương.(5 )
Cộng quân tấn công Huế vào lúc 3 giờ 40 phút đêm mồng một tết.


Ngày mồng 2 tết, cộng sản đã chiến đại nội, chợ Đông Ba, Gia Hội ,khu chùa Từ Đàm, Phú Cam , Bến Ngự và các miền lân cận. Tuy nhiên, cộng sản không chiếm được đồn Mang Cá, là bản doanh của bộ Tư lệnh sư đoàn 1, cơ quan MACV ,bộ chỉ huy tiểu khu Thừa Thiên, đài phát thanh, trường Kiểu mẫu và cầu tàu Hải quân.
Ngày hôm sau, chiến đoàn 1 dù gồm hai tiểu đoàn 2 và 7 cùng chi đoàn 3/7 Thiết kị đã từ phía bắc tiến vào giải tỏa Huế. Chiều mồng 4 tết ( 2-2-68), tiểu đoàn 9 dù được trực thăng vận từ Quảng trị tăng cường chiến đoàn 1 dù. Đến ngày 12-2, chiến đoàn A Thủy quân lục chiến thay thế chiến đoàn 1 dù.
Quân đội Mỹ từ Phú Bài đã vào Huế tiếp viện cho trụ sở MACV. Ngày 19-2, chiến dịch Sóng Thần của quân lực VNCH và Đồng Minh bắt đàu. Quân cộng sản cố thủ thành nội .Ngày 22-2, quân ta tăng cường tiểu đoàn 21 và 39 Biệt động quân.Ngày 25-2, cộng quân đã im tiếng súng khi Biệt động quân chiếm khu Gia Hội.




III . TỔNG KẾT CHIẾN CUỘC :

Theo Douglas. Cộng sản đã huy động 16 tiểu đoàn, vớI quân số khoảng 12 ngàn trong khi quân lực VNCH và đồng minh có 14 tiểu đoàn chiến đãu tại Huế (6). Lực lượng cộng sản ở ven biên và phía tây thành phố, còn lực lượng VNCH và đồng minh giữ ba mặt còn lại kể cả bờ phía nam sông Hương.
Quân đội Việt Nam và đồng minh dùng phi cơ, trọng pháo tấn công các cứ điểm cộng sản. Quân công sản cố thủ trong từng nhà, chúng phá tương đi xuyên nhà này qua nhà khác, nhất là chúng cố bám thành nội vì chúng biết quân ta đập chuột sợ bể đồ.
Đến tuần lễ thứ ba, quân VNCH và đồng minh đã xiềt chặt vòng vây quanh Huế. Ngày 22, quân cộng sản bắt đầu rút lui, chỉ để lại một số quân cầm cự .Sáng 24-2,binh sĩ sư đoàn 1 bộ binh hạ ngọn cơ CS ở thành nội đã treo suốt 24 ngày trước đó. Ngày 25, quân ta chiếm được khu Gia Hội , Huế đã được tự do. Tuy nhiên vẫn còn đụng độ lẻ tẻ ở ngoại ô.
Cộng quân chiếm Huế từ sáng 31-1 cho đến ngày 25-2, tổng cộng là 26 ngày nhân dân Huế phải sống trong cảnh máu lửa hãi hùng.
Bên cộng sản có 2500 quân bị giết, 2500 bị thương. Bên VNCH và đồng minh có 375 người tử trận. (7)




IV . TỘI ÁC CỦA CỘNG SẢN .

Huế là trọng tâm cuộc chiến cho nên cộng sản đã đưa vào đây gấp đôi quân số ở Sàigon. Cộng sản âm mưu chiếm đóng Huê lâu dài vì ở đây gần phía bắc mà xa thủ đô Sàigon.
Cộng sản luôn luôn gian trá và tàn ác. Trong gần một tháng chiếm đóng Huế, chúng đã gây ra bao tôi ác tày trời.
1. Cộng sản đã gây thiệt hại vật chất cho đồng bào .
Chưa có tài liệu nào cho biết tổn thất vật chất ở Huế lên đến bao triêu,bao tỷ mỹ kim. Nhưng cộng sản tấn công khắp nơi, chúng phá tường,phá nhà làm hào giao thông, chúng đưa chiến tranh vào nơi dân chúng ở, chúng bắn phá nhà dân chúng, chùa chiền, nhà thờ ,đền đài,lăng miếu .. . khiến cho nơi nào cũng bốc cháy, nơi nào cũng sụp đổ thảm thương .


2. CS làm cho đời sống dân chúng khốn khổ.
Dân chúng miền Trung xưa nay vẫn nghèo khổ, xứ Huế không có kinh tế phồn thịnh, không có nông nghiệp thuận lợi như miền Nam, cho nên sau cuộc chiến,nhà tan cửa nát, dân chúng lớp bị thương, lớp mất tiền bạc, lúa gạo cho nên chính phủ phải ra sức cứu trợ. Chính phủ đã phải lập kế hoạch 90 ngày cứu trợ, đưa thực phẩnm, quần áo, thuốc men, chăn màn,nơi tạm trú cho khoảng 116 ngàn dân tị nạn ( trong tổng số 160 ngàn dân thành phố Huế ). Cho đến cuối năm thì tình hình đã tương đối ổn định. (8)
3. Cộng sản tiêu hủy văn hóa dân tộc .
Từ 1945 , cộng sản đã ra sức hủy diệt văn hóa dân tộc. Chúng bắt ta đào xới mồ mả tổ tiên, chúng phá chùa chiền, đình miếu,nhà thờ ,chúng nghiêm cấm tôn giáo, chúng lấy các cơ sở tôn giáo và văn hóa làm ủy ban,trường học ,hợp tác xã, kho lương thực. Trong thời kháng chiến, chúng còn dở đình, chùa làm cầu cống, đường sá. Sau 1975, chúng ngang nhiên lấy hoành phi câu đối trong cung điện làm chuồng heo. Trong tết mậu thân, chúng đóng quân tại thành nội , đem chiến tranh vào dân chúng , chúng lấy thành nội làm căn cứ chống lại quân đội quốc gia, chúng muốn dùng chiến tranh để tiêu hủy lâu đài cung điện,là cái mà chúng gọi là tàn tích phong kiến, khiến cho nơi đây có nhiều bảo vật đã bị tan nát .
Một nhà văn quê ở Huế về Huế ăn tết đã ghi lại những hình ảnh bi thương của một Huế tan nát vì khói lửa mà chánh phạm là cộng sản :
. ,. .Thành nội cổ kính., di tích cuối cùng của một thời lịch sử, với những cành vàng điện ngọc, với những chiếc bình bằng sú điểm hoa xưa cổ hàng trăm đời vua,với những chiếc ngai vàng bỏ không nữa. . .Thôi, súng Nga sô,Tiệp khắc, súng Mỹ đãsan bằng, dạp nát một thành phố cổ kính của lịch sử. Không bao giờ còn dựng lại được nữa. (9).
Một chiến binh VNCH trong trận đánh tại thành nội dã ghi nhận hình ảnh đau thương của cựu kinh đô Huế dưới cơn bom đạn chiến tranh do cộng sản gây nên :
Ở Huế cháy,gạch Bát tràng, ngói âm dương, tượng Di lạc, tượng Thích Ca, Kim cang, Thiện ác, lớp rêu trên viên đá , trường thành cây kiểng trồng từ đời Gia Long, Khải Định. . . Tất cả chúng nó đều có linh hồn, không phải là đất, là đá, là cây thuần túy, chúng có kỷ niệm, trong lòng chúng là vết tích hoài hoài mà chúng ta nhớ. Đó là cổng thành Decoux đã đi qua, đó là Phú văn lâu nơi xướng danh những người thi đỗ ,này cung của vua, lầu hoàng hậu, con đường đi có mái để đưa hậu về cung son. . . Huế rên từng tiếng não nùng, tiếng rên la gào thét của những mái cung điện, của những hàng cửa sổ trên ngọn lầu Ngọ môn. Vong linh tiền nhân còn có nơi đây ? Không còn ai! Chỉ còn bức tượng đá đăm chiêu nhìn ra một sân chầu bị trốc ngược. (10)

4. Cộng sản phạm tội diệt chủng.
Cộng sản thường xuyên sát hại và khủng bố dân chúng. Từ 1945 đến nay,lúc nào cộng sản cũng xử tử , bỏ tù , ám sát , pháo kích, giật mìn. . .gây thiệt hại sinh mạng dân chúng.
Trong vụ mậu thân, cộng sản lại hiện nguyên hình quỷ dữ khát máu
-Chúng bắn vào đám đông chạy trốn, bất kể người già, đàn bà, trẻ thơ.
-Chúng đã lập danh sách những người làm việc cho chính quyền quốc gia và Mỹ,và khi chúng vào Huế, chúng đến từng nhà lùng bắt và giết cho dù những người này chỉ là thợ thuyền hay nhân viên phục dịch. Chúng gán cho họ tội danh là thành phần bạo quyền và phản cách mạng , kẻ thù của nhân dân Sụ kiện này chứng tỏ chúng có đường lối chính sách chứ không phải do thù cá nhân. Nhũng sinh viên như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường. . . có lẽ đã có mặt tại hiện trường hay tại trung tâm chỉ huy cộng sản trong cuộc thảm sát .
-Chúng đã giết hại nhân dân dù những người này không ở trong chính quyền, quân đội hay sở Mỹ. Đó là các giáo sư, sinh viên , tu sĩ như ông Stephen Miller, một nhà báo, bác sĩ người Đức Horst Gunther Krainick dạy tại đại học Y khoa Huế, hai linh mục ngườI Pháp, và linh mục Bửu Đông là một người đã treo ảnh ông Hồ trong nhà,và nuôi dưỡng cộng sản ( 11 ) . Chúng giết bất cứ ngừơi nào chúng không ưa thích như ông Võ Thành Minh, ngừơi đã thổi sáo bên hồ Leman trong hội nghị Geneve 1954 ,và bất cứ người nào không tuân lệnh chúng cầm súng,tải đạn hay đãu tố đồng bào
-Chúng chôn sống người , đánh dập tàn nhẫn ,trói hàng xâu lại với nhau trước khi giết, chúng sát hại cả đàn bà mang thai. Nhiều nhân chứng đã nghe cộng sản tra tấn đánh đập, đã nghe tiếng van xin, đã nghe tiếng la thét hãi hùng, chứng tỏ những nạn nhân này không phải chết vì tên bay đạn lạc.
Sau khi cộng sản rút lui khỏi thành phố Huế, đồng bào ta đổ đi khắp nơi tìm kiếm ngừơi thân .Họ đã đào xới những đám đất mới và đã tìm thấy những nấm mộ tập thể trong đó có thân nhân mình.
Steward Harris một người Anh đã đến Huế ngay sau khi Huế ngưng tiếng súng để điều tra về thảm sát mậu thân. Ông viết :
Vào một buổi chiều nắng đẹp , tại một thung lũng xanh cỏ ở vùng Nam Hòa, cách phía nam Huế 10 dặm, tôi cùng chuẩn úy Ostara, một cố vấn quân sự của VNCH, đứng trên sườn đồi đầy những lỗ vừa mới đào. Dưới chân đồi là những tấm chiếu phủ trên bạt nylon. Ostara lật chiếu lên, tôi thấy hai xác người , tay họ bị trói phía trên cùi chõ, giật ngược về phía sau. Nạn nhân bị bắn về phía sau đầu ,đạn trổ ra đàng miệng. Khó mà nhận diện đưọc nạn nhân. Ngày hôm trước, 27 người đàn bà trong làng đã vác cuốc chim đi đào xới kiếm xác chồng con họ ở một nơi cách làng ba dặm, sau khi nghe nói có ngườI nghe tiếng đào xới đất đá ở cạnh con đường mà Việt cộng đã đi qua để đến Huế. Việt cộng đã bắt đi 27 người, trong đó có vài người là viên chức trong làng , một số là thanh thiếu niên để làm phu khuân vác, hay để sung vào bộ đội của chúng.
Bob Kelly, một cố vấn cao cấp của tỉnh Thừa Thiên cho biết, các nạn nhân chỉ đơn giản bị tòa án nhân dân kết tội một cách vội vã rồi bị xử tử với tội danh kẻ thù của nhân dân .Họ là những viên chức xã ầp,thường là ở cấp thấp. Một số khác bị giết vì họ không còn hữu ích cho Việt cộng, hoặc không cộng tác với chúng. Vài cộng tác viên của ông Bob Kelly bị phanh thây một cách thảm khốc. Tuy nhiên Bob Kelly cho rằng những ngườI này bị chặt ra từng khúc sau khi họ đã bị giết. Nạn nhân bị trói và bị bắn từ phíasau đầu.
Ông Kelly đã giúp đào xới tìm xác một nạn nhân. Bob Kelly đã nói với người viết bài này một người Việt Nam mà ông hằng kính trọng cho biết một số nạn nhân đã bị chôn sống.
Trung úy Gregory Sharp, một cố vấn Hoa Kỳ của tiểu đoàn 21 Biệt động quân cho tôi biết hôm 14-3 binh sĩ của ông ta đẵ tình cờ khám phá ra 25 ngôi mộ mớI trong một nghĩa trang ở cách Huế 5 dặm về hướng đông. Trong số những ngôi mộ đó, có 6, 7 nạn nhân bị chôn ngập đến cổ ,đầu nhô lên khỏi mặt đất. Theo trung úy Sharp thì hình hài nặn nhân chẳng còn nguyên vẹn, vì bị kên kên và chó tranh nhau xâu xé. Trung úy Sharp cho biết một số nạn nhân bị bắn vào đầu , một số khác không bị bắn, mà bị chôn sống. Cũng theo viên trung úy này, thì ở một vài nơi ông đã thấy những vệt kéo trên mặt cát, như thể nạn nhân cố bám vào mặt đất khi bị kéo lê. Ở khu tả ngạn, 3 sĩ quan Úc đã tìm thấy 7 thi hài trong một hố chôn. Những người này bị trói thúc ké và bị bắn từ phía sau đầu.
Ngay sau khi đến Huế, tôi đã dùng xe díp đi chung vớI ba sĩ quan Việt Nam để xem xét một vài địa diểm đang khai quật tìm kiếm thji hài nạn nhân của vụ thảm sát. Ủầu tiên chúng tôi đến trường trung học Gia Hội ở quận 2, phía đông Huế. Ở đó ngườI ta tìm thấy 22 hố chôn mới. Mỗi hố có từ 3 đến 7 nạn nhân. Không khí kinh hoàng vẫn baqo trùm khu vực này. Các sĩ quan cho tôi biết, các nạn nhân đều bị trói, bị bắn từ phía sau đầu, hoặc bị chôn sống như ở những nơi khác. ( 12)

Louis A. Fanning viết về kết quả vụ thảm sát mậu thân như sau
Sau khi quân lực VNCH và các lục lượng đồng minh tái chiếm thành phố, dân chúng Huế đã cấp tốc đi tìm kiếm những người bị Việt cộngbắt đi trước đó. Họ đã tìm thấy hàng loạt những mồ chôn tập thể các nạn nhân đó,, gốm 17 mồ tập thể tại Gia Hội,12 mồ tại chùa Tăng Quang, 3 mộ ở Bãi Dâu, 20 mộ ở lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh. Cho đến giữa năm 1970, người ta tìm thấy thi thể ,hài cốt của khoảng 4000 nạn nhân trong cuộc thảm sát của Việt cộng tại Huế trong tết mậu thân. ( 13)

Nguyễn Đức Phưong viết
Một nhân chứng tại Huế đã ghi lại những hành động sát nhân này như sau : Tôi đã thấy một anh sinh viên y khoa năm thứ tư ở Saì gòn về Huế ăn Tết,nằm chết phơi thây trên đường Hàn Thuyên mãi đến mấy ngày sau người nhà mới dám đưa về chôn trong một khu vườn. Chúng tôi đã thấy một người thợ sửa xe gắn máy bị bắn gục trên đường Ngô Đức Kế gần chợ Xét và chiếc xe Vespa của anh gửi trước đó bị sung công. Chúng tôi đã thấy một người đàn bà bán cháo bò mà chúng tôi thường gọi vào để ăn trước khi đến trường mỗi sáng, bị bắn chết ngay thềm nhà của bà mặc dù chồng con và người mẹ già già đến độ không thể già thêm nữa đã khóc lóc van xin. Về sau này, chúng tôi còn thấy hành chục hầm chôn người, mỗi hầm từ 15, 20 mạng đến 100 ,200 mạng.trong số có những trẻ lên 9 lên 10, trong số có những người đàn bà có mang mà khi thân nhân xin khai quật lên để nhận diện, người ta thấy những thớ thịt lầy nhầy đỏ hỏn cùng một ít tóc thơ trên cái bụng còn dính thòng lòng những ruột phèo đã bị banh rữa nồng nặc. Và cũng về sau này, chúng tôi được một vị sư ở gần trường truờ ng học Gia Hội kể lại rằng : Một đêm nọ lúc 9 giờ ,Ông nghe có nhiều tiếng chân người đi bên chùa. Hồi sau đó từ 10 giờ đến 2giờ sáng,không ngớt có tiếng kêu khóc than van,xin xỏ là những tiếng hự , và tiếng uỵch , ực . Vị sư không hề nghe một tiếng súng nổ , nhưng đã có hàng trăm người chết chung một cái hầm rộng. Rồi đến khi thất bại, cùng đường, cộng sản đã lộ bộ mặt sát nhân với những mồ chôn tập thể tại thành phố Huế với số nạn nhân lên đến 5000 người
( 14)
Theo Douglas Pike , tổng cộng dân chúng bị giết và bị bắt là 5.800 người, hầu hết bị giết. Ông đã thâu thập khá đầy đủ hình ảnh một xứ Huế bị thảm sát:
Cuộc khai quật đầu tiên thi thể các nạn nhân bị cộng sản sát hại là ở sân trường trung học Gia Hội vào ngày 26 -2. Người ta đã tìm thấy 170 thi hài ở đây.
Trong vài tháng sau đó, người ta đã khám phá thêm 18 vị trí khác chôn dấu thi hài các nạn nhân bị VC giết. Đáng kể là
-Chùa Tăng Quang : 76 thi hài.
-Bãi Dâu : 77 thi hài.
-Chợ Thông : khoảng 100 thi hài.
-Lăng Tự Đức và Đồng Khánh: 201 thi hài.
-Thiên Hàm : khoảng 200 thi hài.
-Đồng Gi : khoảng 100 thi hài.
Tổng cộng có khoảng 1200 thi hài đã được tìm thấy trong những ngôi mộ tập thể chôn vội vã, che dấu sơ sài.
Ít nhất trong một nửa thi hài nạn nhân đó, người ta thấy bằng chứng rành rành về cách giết người dã man của VC
-Các nạn nhân bị trói tay ngược ra phía sau lưng, miệng đầy giẻ, thi hài co quắp nhưng không có vết thương nào ,chứng tỏ bị chôn sống.
-Số nạn nhân còn lại mình mẩy có dấu thương tích, nhưng không thể nào quyết đoán là họ bị xử bắn hay bị đạn lạc trong lúc chiến tranh.
Nhóm thi hài quan trọng thứ hai được tìm thấy trong bảy tháng đầu năm 1969 ở quận Phú Thứ ( Cồn Cát, Lê Xá tây),Hương Thủy ( Xuân Hòa, Văn Dương ) vào cuối tháng ba và tháng tư.
Đến tháng 5, người ta tìm thấy thêm các mồ chôn ở quận VĨnh Lộc,và đến tháng 7 thì khám phá thêm các mộ ở vùng Nam Hòa.
Số thi hài nạn nhân lớn nhất được tìm thấy trong nhóm này ở quận Phú Thứ) Vĩnh Lưu, Lê Xá, Xuân Ô) gần bờ biển, với con số 800 thi hài.
Tại những nơi vừa kể,nạn nhân bị trói xâu thành từng nhóm từ 10 đến 20 người. Bị đưa đến trước miệng hố đào sẵn, rồi bị bắn bằng súng máy. Thường mỗi mồ chứa 3 hoặc 4 xác chung với nhau , khiến việc nhận ra tông tích cực kỳ khó khăn.
Đến ngày 19-9-1969, 3 cán binh hồi chánh cho sĩ quan tình báo của Lữ đoàn Không vận 101 Hoa Kỳ biết vào tháng hai năm 1968, chính họ chứng kiến cảnh VC giết hàng trăm người ở suối Đá Mài, cách phía nam Huế khoảng 10 dặm. Đây là một vùng hoang dã không ai lui tới. Toán tìm kiếm của Lữ đoàn không vận 101 đã tìm thấy một số lớn hài cốt ở đó.
Qua tổng hợp các tin tức, người ta biết đưọc những gì đã xảy ra tại Đá Mài.Vào ngày 5 tết tại quận Phú Cam. Khu này có khoảng 40 ngàn dân cư, mà 3/ 4 là người công giáo. Một số lớn đồng bào dù theo đạo hay không, lúc đó cũng chạy vào nhà thờ lánh nạn.
Một cán bộ chính trị VC đến nhà thờ ra lệnh cho khoảng 400 ngườI, một số được gọi đích danh, một số khác thì được gọi ra theo diện mạo ( thí dụ thấy có vẻ thuộc giới trung lưu giàu có chẳng hạn ) . Viên cán bộ này nói với nhóm người vừa kể ,là họ phải đi vào vùng giải phóng để học tập trong ba ngày, sau đó sẽ được tha về.
Họ bi đưa đến một ngôi chùa cách đó 9 cây số, nơi VC đặt bộ chỉ huy. Có 20 người bị gọi ra khỏi nhóm để bị kết tội trước tòa án. Họ bị hành quyết, và xác được chôn ngay tại sân chùa. Số nạn nhân còn lại được đưa qua sông, bàn giao cho đơn vị VC địa phương ( có biên nhận hẳn hoi).
Mãy ngày sau đó. các nạn nhân bị dẫn đến những vùng xa xôi. Có những lúc cán bộ VC thấy cần phải loại bỏ các nhân chứng.Thế là các nạn nhân bị dẫn đến suối Đá Mài để bị bắn hay đập vỡ sọ. Thân xác của họ bị bỏ mặc dưới dòng nước chảy suốt 20 tháng qua. Con số nạn nhân này là bao nhiêu khó mà biết được. Hài cốt của các nạn nhân không chì được tìm thấy ở bên dòng suối, mà trong hẽm núi, cách suối Đá Mài khoảng 100 met là một bãi đầy sọ và xương người.
Sau này viên chức chính quyền địa phưong cho biết trong số hài cốt đó, qua khám nghiệm,họ đã xác nhận được hài cốt của 428 người mà VC gọi là phản cách mạng. Trong số này có 25% là quân nhân ( 2 sĩ quan,số còn lại là hạ sĩ quan,và binh sĩ),25% là sinh viên, và 50% còn lại là viên chức xã ấp, công nhân. Đến tháng 10-1969, sau khi quân lực VNCH lùng diệt hết tàn binh VC ở làng đánh cá Lương Viên, 700 dân làng ở đây sau 20 tháng im lặng vì sợ VC trả thù, đã hướng dẫn các viên chức đi tìm kiếm các nạn nhân bị VC sát hại. Căn cứ theo sự miêu tả của dân làng( không phải lúc nào cũng rõ rệt ), ngưòi ta ươc lượng có ít nhất là 300 nạn nhân ở Phú Thứ.Và con số có thể lên đến 1000 người.
Cuộc tìm kiếm thi hài các nạn nhân vẫn chưa kết thúc. Nếu sụ ước lượng của các viên chức tại Huế khá chính xác, thì vẫn còn gần 2000 nạn nhân bị mất tich( sau này người ta biết hầu hết số này đã bị giết).
Tổng số thiệt hại sau biến cố mậu thân đưộc ước lượng như sau:
-Tổng số thường dân thương vong : 7.500 người.
-Số bị thương vì chiến tranh : 1.900 người.
-Số thường dân bị tử nạn vì chiến tranh : 844.
-Số thi hài tìm thấy trong đợt đầu.,ngay sau khi tái chiếm Huế : 1.173.
-Số thi hài tìm thấy trong đợt 2 ( tại Cồn Cát từ tháng 3 đến tháng 7/68 : 428.
-Số hài cốt tìm thấy trong đợt 4 Lương Viễn : 300
-Sai số : 100
-Số người bị mất tich vĩnh viễn : 1946
- Tổng số nạn nhân bị CS sát hại : 4656 người. (15)





V. KÊT LUẬN :

Cộng sản đã rêu rao rằng họ đã gặt hái nhiều thắng lợi trong cuộc tấn công mậu thân. Tuy nhiên, với chúng ta,vụ mậu thân là một thất bại lớn lao của cộng sản.

1.Chính trị
Cộng sản đã đánh giá sai lạc tinh thần dân chúng và binh sĩ VNCH. Chỉ một số ít theo cộng sản,đa số là nàm vùng hoặc thân cộng như Lê văn Hảo, một số đã theo cộng sản ra bưng nay trở về như Nguyễn Đắc Xuân, anh em Hoàng Phủ Ngọc Phan,Hoàng Phủ Ngọc Tường, còn tuyệt đại đa số thấy VC là sợ hãi, chạy trốn. Trong tết mậu thân, dân chúng đã không vùng lên như cộng sản suy tính, và quân đội VNCH dù vớI nửa số quân còn lại vẫn chiến đãu kiên cường, chứ không tan rã như chúng nghĩ.
Cuộc tấn công mậu thân với chính sách diệt chủng của cộng sản chỉ làm cho nhân dân ta kinh sợ cộng sản, thù ghét cộng sản..Trước đây nhân dân miền nam một số tin tưởng vào miệng lưỡi cộng sản, vụ mậu thân đã làm cho dân chúng thấy rõ bộ mặt thực của CS. Vụ mậu thân cũng làm cho dân chúng thấy tính chất xảo quyệt và độc ác của CS.
Cộng sản nói và làm khác nhau. Cộng sản kêu gọi ngưng chiến là để tấn công, cộng sản kêu gọi đi học tập chính trị nghĩa là bị giam cầm hoặc bị xử tử.

2.Quân sự :
Cộng sản có lẽ đã đạt được yếu tố bất ngờ . Cộng sản đã chiếm được Huế và các tỉnh trong mấy ngày đầu nhưng họ phải trả một giá rất đắt. Gần một nủa quân số bị chết, bị thương tích và bị bắt , cộng sản vô nhân đạo, không tiếc máu xương quân sĩ và đồng bào . Họ bắt con trai 15, 16 chưa đến tuổi động viên đi chiến trường ( mượn tuổi ), xích chân lính vào xe tăng ( 16 ), chiếm đóng và tấn công vào nơi dân chúng ở, bắn giết đồng bào vô tội.


3. Tổ chức :

Cộng sản thiệt hại nhân mạng lớn lao trong cuộc chiến , trên toàn miền Nam gần 70 ngàn binh sĩ VC bị giết và bị bắt. Nhưng thiệt hại lớn lao nhất là các cơ sở bí mật bị lộ và bị triệt hạ.
Chính người CS cũng đã cho đó là một thất bại. Hoàng Văn Hoan viết trong Giọt Nước Mắt Trong Biển Cả:
Lê Duẫn đánh giá sai lực lượng ta và lực lượng địch trong chiến tranh mậu thân. Quân ta phải rút lui với một sự thiệt hại rất nặng nề về người, về binh lực và vũ khí.
Trần Văn Trà trong Những Chặng Đường Lịch Sử của B2 Thành Đồng,Kết Thúc Cuộc Chiến 30 Năm. :
Nếu chúng ta cân nhắc một cách kỹ lưỡng, kể cả cán cân lực lượng của hai phe, và xác định được các yêu cầu một cách chính xác, chiến thắng của ta đã to hơn, máu của đảng viên, bộ đội và nhân dân ta đã đổ ít hơn.
Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa nói rằng Tổng công kích mậu thân là một sai lầm nghiêm trọng.
Chế Lan Viên, nhà thơ của chế độ là đã viết về mậu thân bằng những lời thống hận:
Mậu thân, hai ngàn người xuống đồng bằng.
Chỉ một đêm còn sống có ba mươi!
Ai chịu trách nhiệm về cái chết hai ngàn người đó? Tôi!
Tôi- Người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình . . .
( Ai? Tôi!)

Mặc dù nhiều tên cộng sản bênh vực cho thảm sát mậu thân, đổ tội là do sai lầm cấp dưới, Lê Minh, bí thư thành ủy thành phố Huế đã thú nhận là rốt cuộc là đã có những ngườI bị xử lý oan trong chiến tranh. Dù lý do thế nào thì trách nhiệm vẫn thuộc về lãnh đạo, trong đó có trách nhiệm của tôi... (17)
Trong các tài liệu, có lẽ bức thư của một bộ đội cộng sản để lại xứ Huế là một tác phẩm rất có giá trị Khi tôi chết, tôi muốn gối đầu lên đất bắc, dù chân tôi ở miền nam. Tôi đã gây cảnh đổ máu ở thành phố này,tôi phải để máu của tôi lại để hòa cùng giòng máu oan ức của dân Huế, của dân tộc tôi. (18)


Cộng sản Việt Nam cũng giống như cộng sản Liên Xô, Trung quốc,Kampuchia. . .đã phạm tội diệt chủng nhưng người ta không muốn đề cập đến họ ngoại trừ trường hợp Pon Pot. Người ta làm rùm beng vụ tàn sát Mỹ Lai, vụ một em bé Tây ninh bị phỏng vì bom napal , vụ Nguyễn Ngọc Loan chĩa súng vào đầu một tên cộng sản, mà không hề đề cập đến hàng ngàn người bị giết , bị chôn sống trong những hầm tập thể tại Huế. Báo chí quốc tế quả đã bất công và thiếu khách quan trong khi làm nhiệm vụ truyền thông.
Thành phố Huế là một thành phố rất đẹp,rất cổ kính., đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử.
Ngày 23 tháng năm năm ất dậu ( 1885), Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết chống Pháp nhưng thất bại, rốt cuộc binh sĩ và dân chúng đã chết rất nhiều. Hằng năm,trong đêm 23 tháng năm, dân chúng thả đèn trên sông Hương để tưởng niệm binh sĩ và đồng bào tử nạn. Nay, cộng sản đã chiếm Việt Nam, chúng đã hủy những dấu tích tội ác của chúng, nhưng chúng không bôi xóa được vết nhơ của chúng muôn năm vẫn tồn tại trong lòng nhân dân Việt Nam. Mỗi khi nghĩ đến Huế, tôi lại nghĩ đến những ngày kinh đô thất thủ năm ất dậu, những ngày mậu thân và những ngọn nến đỏ trôi trên sông Hương. Xin hãy thắp một ngọn nến hồng cho những vong linh oan khuất của xứ Huế !
__________________
CHÚ THÍCH
1.Nguyễn Đức Phương, Những trận đánh lịch sử trong chiến tranh Việt Nam 1963-1975,.Đại Nam, USA,1993,tr.34.
2. như trên,tr. 187-189.
3.Lực lượng cộng sản được phân phối như sau :Quân khu 1 VNCH : 35 tiểu đoàn, 18 đại đội.
Quân khu 2 ; 28 tiểu đoàn.
Quân khu 3 : 15 tiểu đoàn.
Quân khu 4 : 19 tiểu đoàn.
19 tỉnh chỉ bị uy hiếp nhẹ là : Ninh thuận, Phú Yên, Phú Bổn,Lâm đồng, Quảng Đức,Bình Tuy, Tây ninh,Long an,Hău nghĩa, Bình Long,,Phước tuy,Phước Long, Kiến Phong, Ba xuyên,Sa đec, Châu đốc, An xuyên, Chưong Thiện ,và An giang. Như trên ,tr. 39,189,196.
4.Lê Hưng, Vụ thảm sát mậu thân, Liên mạng thông tin chống văn hóa vận CSVN,bản tin tháng 4, 1998,tr.7.
5.Theo Douglas Pike, trong quyển The Terror of Viêt Cộng, tr.23-39 ,thì lực lượng chính của cộng sản gồm tiễu đoàn 800 và 802, sau tăng cường tiểu đoàn 804, quân số 12 ngàn, (LMTT,tr.14. )
6.Theo Nguyễn Đức Phương, tại Huế, quân VNCH có 11 tiểu đoàn ,Mỹ 4 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến, sđd,tr. 196.
7.Douglas Pike , LMTT,tr.16.
Tổng kết tình hình toàn quốc,tài liệu bộ Quốc phòng VNCH cho biết từ 30 tháng 1cho đến 31-3-1968 :
VNCH : 4954 chết, 15.097 bị thương , 926 mất tích.
Đồng minh : 4124 chết , 19.295 bị thương , 604 mất tích.
Cộng sản : 59.373 chết , ? bị thương , 9.461 tù binh
Dân chúng : 14.300 chết , 24.000 bị thương , 627.000 tị nạn. ( Nguyễn Đức Phương , sđd,tr. 197 )
8.Keith William Nolan,Presido Press,tr.183-184
( LMTT,tr.12.)
9.Nhã Ca, Giải Khăn Sô Cho Huế, Đất Lành,Sàigòn, 1971,tr.395.
10. Phan Nhật Nam, Dãu binh lửa,Hiện Đại tái bản ,Saigon,1973,tr. 229.287.
11. Stanley Karnow, Viet Nam a history, The Viking Press,NY,1983,tr.530-531.
12. Steward Harris, An Efficient Massacre , Time,5-4-1968,tr.33. ( LMTT,tr.8-9.)
13. Louis A. Fanning, Betray in Vietnam, Arlington House Publishers,NY,tr.49-50 . LMTT.tr.10.)
14. Nguyễn Đức Phương,sđd,tr.201-202.
15.Douglas Pike, LMTT,tr. 16-18.
16.Nhã Ca, sđd,tr.411
17.Nguyễn Đức Phương,sđd,tr.201-208
18.Nhã Ca, sđd, tr.411



***

No comments: