Tám Thôi, con ông bà Mười Phận, thuộc gia đình cố cựu xóm Phú Thứ. Nhà
nghèo. Gia đình lại đông con. Tám Thôi bất hạnh mồ côi cha rất sớm. Khi
ông Mười Phận qua đời, Tám Thôi đang được xách nách, ẵm bồng trên tay,
ngày ngày la khóc nhề nhệ, mũi dãi lòng thòng. Bụng chang bang bình
rĩnh, nhiều lúc lòi rún trong bóng, mềm nhũn cả một hai phân tây. Ông
Mười Phận lúc sanh tiền vừa hóm hỉnh trào lộng, vừa có óc tưởng tượng
phong phú nên đặt tên con cái lòng vòng có dây có nhợ. Ước mơ vẩn vơ
thầm kín nhứt của hai ông bà là sớm thoát khỏi kiếp bần cố để được sống
thoải mái như bao nhiêu người dân bình thường khác trong làng trong
tổng. Sáu đứa con đầu gồm đầy đủ trai có gái có. Chúng mang những tên
cúng cơm, thể hiện giấc mơ có cơ khó thực hiện đó của hai ông bà: Chơi,
Bời, Thảnh, Thơi, Đáo, Để...Vợ chồng nuôi đám con đã đời, muốn hụt hơi,
mệt cầm canh. Cảnh nheo nhóc khóc la, đói khát đòi ăn hằng ngày làm ông
bà thắc thỏm hoảng sợ. Chùn chân trước nghịch cảnh trầm thống, dây dưa
không lối thoát, hai ông bà tâm đắc ngoéo tay, thề thốt từ đây sẽ làm
bạn bè tri âm tri kỷ. Còn tình chồng vợ quấn quít chỉ là chuyện xưa tích
cũ thuộc quá khứ xa vời, hai ông bà xin chừa, không dám nghĩ tới.
Do vậy, khi thằng con trai thứ bảy lù đù chào đời bất đắc dĩ, hai vợ chồng bèn có thái độ chung dứt khoát. Lần này bằng cách... ông ở nhà trên, bà ở nhà dưới, cách ngăn bằng một phênh tre bện lá dừa nước, tuyệt nhiên không gần gũi nhau nữa! Thề có mặt đèn trước mắt và hai bên vai vế chứng giám. Vì thế, ông đặt cho nó cái tên Thôi, đánh dấu quyết định không bao giờ thay đổi của mình. Quyết định bất biến, chắc nịch như đinh đóng cột gõ, cột cẩm lai nhà quyền thế. Nhưng khốn nỗi, lời hứa hẹn xem nhau như bạn bè tri âm tri kỷ của hai ông bà không kéo dài được mấy mùa trăng. Sợi dây tình nghĩa khắn khít, ân ái mặn nồng bấy nay không thể bức bỏ dễ dàng được. Lời nói hay những lời hứa hẹn thoát ra từ cửa miệng con người không khó. Cái khó là nó đi đôi với việc làm. Thói thường như vậy. Chẳng có gì là lạ cả.
Do đó, chẳng mấy chốc hai ông bà tạo thêm năm một hai mụn gái kháu khỉnh, tròn trịa dễ thương. Dù nghèo túng thiếu thốn mọi mặt nhưng trông thấy mặt chúng nó, ông bà cũng đành bấm bụng chấp nhận dưỡng nuôi tùy theo hoàn cảnh hiện tại. Ông bà chọn hai cái tên khẳng định một lần nữa ý chí sắt đá của mình, mặc dầu những lời thề thốt hay hứa hẹn trước đây chỉ là nước chảy dưới cầu. Hai cái tên được chọn rất có ý nghĩa: Nghỉ rồi Mót. Có lẽ đây cũng là một cách gián tiếp biện bạch với đám con thiếu ăn thiếu mặc, đói lên đói xuống, quần thảo suốt ngày. Khi cô Út Mót vừa giáp thôi nôi, mới biết bò ngang như cua, lần này chưa kịp lôi đầy tháng, chẳng may ông Mười qua đời bất thình lình. Nhiều bà con ác ý xầm xì xa gần về cái chết bất đắc kỳ tử này. Rõ miệng thế gian quả nhiều điều lắm chuyện. Trái lại trong gia đình, mọi người lớn nhỏ không cầm được nước mắt thương yêu xúc động khi khám phá dưới gầm giường, ông còn để lại cho vợ con một ít tiền còm. Số tiền này không bao nhiêu nhưng được gói ghém cẩn thận trong nhiều lớp nhựt trình vàng nhạt. Do lúc còn sanh tiền, ông rất ky cỏm, đắn đo tiêu xài cho riêng bản thân mình. Nhưng ông trời trên cao vốn công bằng nên ban bố cho nhân gian định luật bù trừ. Trong cái đau đớn phân ly chia lìa, trong cái rủi ro của gia đình còn có cái may. Nếu không, chẳng biết ông bà sẽ còn phải tìm thêm tên nào nữa để đặt tiếp cho con cho hợp tình hợp lý. Và không biết tương lai gia đình ông bà sẽ ra sao?
Tám Thôi cao ráo, nước da trắng trẻo, má lún đồng tiền, lại có hai cái răng khểnh đều đặn. Mỗi lần cười hay nói chuyện rất có duyên. Anh dễ chinh phục cảm tình và thương yêu của người đối thoại, dù nhỏ hay lớn. Nước da trắng trẻo với vóc dáng dong dỏng của anh khiến nhiều người ở làng xã chung quanh cứ ngỡ anh xuất thân từ những gia đình giàu có quyền quý, con cháu những đại điền chủ, phú hào, những ông hội đồng, bang biện hay chức việc bang bệ Hội Tề. Họ có ngờ đâu gia đình anh nghèo sặc máu trong xóm. Do hoàn cảnh gia đình đông con, thiếu trước hụt sau, sống từng ngày từng bữa nên sau khi vừa học xong lớp dự bị ở trường làng, chỉ biết đọc biết viết vần xuôi vần ngược và làm trật vuột hai phép toán cộng trừ thông thường, bà Mười giữ Tám Thôi ở nhà phụ giúp một tay, trông coi săn sóc hai đứa em gái út. Bà không vướng bận và có thời giờ cùng mấy đứa con lớn bươn chải kiếm cơm.
Xúc cá, gió tép, nhổ mạ, cấy lúa, gặt lúa, mót lúa, trồng trọt rau cải quanh vườn… Dần dà, Tám Thôi theo chân mấy anh lớn, tập tểnh những nghề lặt vặt tùy mùa, tùy theo nhu cầu trong xóm có ai cần đến. Dù một ngày nửa buổi anh không bao giờ từ nan. Miễn anh có việc làm là niềm vui hạnh phúc lớn đối với anh lúc bấy giờ. Vốn thông minh thiên phú thể hiện qua đôi mắt đen huyền linh động, đôi chân cheo và đôi tay nhậm lẹ như con lật đật, Tám Thôi tỏ ra rất tháo vát. Anh không ngừng chịu khó tìm kiếm học hỏi nơi những bậc cao kiến, không như trang lứa thuộc những gia đình khá giả, gia sản đồ sộ, hằng ngày lang bang đầu làng cuối xóm, no cơm rửng mỡn, xạo sự cà nhỏng. Với bản tính tự trọng, lễ phép, biết người biết ta, anh không hề làm mất lòng một ai. Anh minh định được chỗ đứng của mình trong thôn xóm, biết nể nang kính trọng người trên trước, biết nhường nhịn thứ tha đối với bạn bè trang lứa và ngay những người nhỏ tuổi hơn anh nhiều nên được mọi người thương yêu quý mến. Dù trẻ tuổi, thuộc lớp nhỏ mới tấn lên sau này nhưng nhờ có tài thích ứng nhạy bén, anh hay giao du với hạng trung niên, ngay cả bậc trưởng thượng thuộc hàng chú bác, ông bà. Anh biết hòa đồng mọi hoàn cảnh, biết thích ứng mọi trạng huống, dù vui dù buồn. Gặp nhậu, anh cũng nhậu lai rai ba sợi, vừa vừa phải phải. Anh không để quá chén đến say mèm, bò càn hay nằm lăn quay trên sàn đất, mất hết nhân phẩm. Vì anh nghĩ con người phải biết tự trọng, khởi sự là trọng mình để được mọi người trọng mến mình sau đó. Và mỗi lần nhậu, anh cũng dám thắc lưng buộc bụng, không ngần ngại đóng góp vài con tôm càn, một mớ cá chạch hay con cá lóc nhảy hầm, con lươn con ếch mới câu… Anh tham gia bắt chuyện, tán dóc tầm phào không đến đỗi ngây ngô vụng về.
Từ ngày Tám Thôi bước qua giai đoạn nghé đã giựt vàm, nhứt là từ khi những đứa con lớn lần lượt kẻ trước người sau được dựng vợ gả chồng ra riêng, bà Mười đỡ túng ngặt hơn trước nhiều. Sự dễ thở đó cũng nhờ Tám Thôi bóng vía nhẹ hêu, câu tôm câu cá, ngày nào không trúng lớn, ít ra cũng đủ ăn. Có cá có tép hằng bữa no lòng, không như trước đây đói lên đói xuống. Đoạn sông Gò Đen - Phước Tỉnh, từ cầu Ông Hiệu đổ ra sông Cái, hai bên mé sông dừa nước rậm rì chen lẫn với gừa dẹt, ô rô lùm buội… nối đuôi không dứt. Sông sâu. Nước mát. Cá tôm đến ẩn núp nhiều. Hằng đêm nơi nầy là giang san gắn bó của anh. Cứ chiều chiều, anh vác cuốc đào trùn hổ ở mấy vồng mấy liếp khoai mỡ khoai từ vừa mới vỡ xong. Trùn được anh đựng trong cái chình cải bắp thảo nặng ì. Tối chạng vạng đỏ đèn, anh bắt đầu bơi xuồng ba lá thả dọc theo sông suốt đêm câu tôm. Xuồng câu của Tám Thôi được trang bị đầy đủ tiện nghi. Khoan xuồng được lót ván bản, chà lết lâu ngày lên nước láng o. Thêm một cái mui bằng lá buông vừa chắc chắn vừa kín đáo để che mưa chắn gió. Một đèn thùng thiếc. Loại đèn chong dùng dầu hôi để đốt, được đặt ghịt vững vàng trong một thùng thiếc cũ, phòng khi gió mái mưa giông. Thùng có tay xách, loại cán mù u bóng nhẳn rất tiện lợi khi xê dịch. Trong xuồng lúc nào anh cũng không quên mang theo một nốp đệm lác phòng hờ về khuya mệt mỏi, nghỉ ngơi giây lát khỏi trúng gió cảm lạnh. Mà cũng để đỡ muỗi mòng, bù mắt cắn chích. Thêm một ơ cơm nguội với ít thức ăn quanh quẩn xào đi nấu lại quá quen thuộc. Đại khái như mắm sặc, mắm cá linh, nước mắm kho quẹt, cá kho tiêu, tép riêm nêm nếm tới chữ, đường tán đen xì mua ở lò đường trong xóm còn dính ít rơm rạ hay đường thốt nốt của chú chệt chập phô đem về từ xứ Chùa Tháp... Dĩ nhiên còn có chút ít rau cải hàng bông mua ở quán bà Tư Trầu. Hoặc được anh vừa mới cắt hồi chiều nơi gốc vườn nhà. Bên hông xuồng là rọng tôm hình con thoi, làm bằng tre già cứng chắc. Rọng được anh cặp dọc dài theo thành ghe, nửa trên nửa dưới mặt nước. Riêng dụng cụ chỉ gồm vỏn vẹn một lưới vợt sắt với cán dài một hai thước tây, vài cần câu do anh tuyển lựa loại trúc già, trui lửa đúng mức, uốn thẳng bon. Tám Thôi có kinh nghiệm, lựa nơi eo vịnh nhiều tôm cá, cắm sào chờ con nước. Mồi trùn được thả xuống. Tôm càn háo ăn, đeo ghì như sam, làm động đậy cần câu. Anh từ từ kéo nhẹ lên phía thành ghe. Đến mức nào đó do kinh nghiệm giúp sự ước đoán của anh đạt độ chính xác cần thiết, anh nhẹ nhàng thòng vợt xuống vớt.
Những đêm trúng mối nhờ anh có tay sát tôm sát cá vào hàng thần sầu quỷ khóc, hừng sáng, bà Mười Phận bươn bả quẩy gánh ra chợ bán. Bà bươn bả cho kịp chuyến xe sớm nhứt để bạn hàng mua sỉ đem đi Chợ Bình Tây tức Chợ Lớn Mới đúng giờ bỏ mối. Thói quen của bà là như vậy. Và cái Chợ Bình Tây xa vạn dặm được khắc in sâu đậm trong tâm khảm bà như để nhắc nhớ bà không bao giờ để trễ chuyến xe. Đến đỗi bà còn biết mồn một cái chợ to lớn bằng xi măng cốt sắt cốt thép và có mái lợp hẳn hoi ấy do tay buôn người Tàu có tên là Quách Đàm, chủ hiệu buôn Thông Hiệp, giàu khét tiếng ở vùng đất phương Nam, bỏ tiền của ra xây cất và hiến cho nhà chức trách đương thời. Cuộc sống của bà từ dạo đó xem như đỡ vất vả hơn, chứ không giàu có bằng ai.
Căn nhà lá nhỏ nhắn lụp xụp của bà vẫn còn y nguyên trước sau vẫn vậy. Ngôi vườn chẳng phát triển thêm được một thước đất nào, đủ biết sự túng quẩn dai dẳng bấy lâu nay không thể xóa nhòa ngày một ngày hai được. Tuy nhiên, hoàn cảnh ấy không cản ngăn được Tám Thôi có chút ít ước mơ riêng tư về cuộc sống tương lai, về những ngày sắp tới. Vốn hồn nhiên đôn hậu nhờ ở cái cốt đằm thắm yêu thiên nhiên vạn vật, yêu người chung quanh, quả anh có niềm vui hạnh phúc, tin tưởng thực sự và mãnh liệt vào cuộc đời, song hành với sự vương lên của gia tộc. Nhưng một nỗi lo âu canh cánh trong lòng anh mỗi khi anh nghe giọng nói khàn khàn đục đục của bà Mười. Anh thừa biết sức khỏe của bà đã mong manh ở thời ướm rụng. Anh xúc động, chạnh lòng cám cảnh trăng lu bóng xế của một bà mẹ tới tuổi này vẫn còn nặng gánh đời cơm áo, hai vai vẫn không ngưng oằn nợ gia đình và con cái. Do vậy, nhiều khi anh thố lộ cùng bà Mười, một mai làm ăn khấm khá, anh sẽ cất lại ngôi nhà khang trang hơn với mái ngói vách bổ kho đàng hoàng ấm cúng. Dịp này, bà Mười dàu dàu thối thác:
- Tao nghe bây ước mơ mà phát ham. Nhưng chí tình mà nói, tới chừng đó, bây cất ở đâu thì cứ cất, nơi đầu ngõ mình chẳng hạn. Tao mừng cho bây.
Rồi bà phân trần:
- Làm gì thì làm, tao nhứt định vẫn giữ lại ngôi nhà lá ọp ẹp này cho đến khi tao nhắm mắt theo ông theo bà, về với ba bây. Dù sao nó vẫn là dấu vết của thời gian, mà thời gian có qua mau nhưng còn đó bao nhiêu kỷ niệm buồn vui thời tấm mẳn không thể quên được.
Nói đến đây bà bỗng rươm rướm như trong lòng đang vương vấn một cái gì:- Hơn nữa, tao thích ở nhà lá, khoảng khoát mát mẻ như vầy. Ở đây còn phảng phất nơi nầy nơi nọ, hơi hướm dĩ vãng của những tháng ngày dài bên cạnh ba tụi bây. Ổng chẳng may ra đi rất sớm nhưng không một ai có thể thay thế ổng trong lòng tao được. Mà nhà mình lại ở cạnh bến sông, ngày ngày lúc nào cũng có khách vãng lai từ thập phương trên những ghe xuồng xuôi ngược dập dìu. Nhờ vậy, tao thấy cũng vui mắt, khuây khỏa trong lòng.
Riêng anh, dù anh siêng năng cần mẫn, chịu cực chịu khổ tạm xem như thành công trong nghề câu được bà con khen ngợi nhưng anh một mực khiêm tốn, phân trần cùng mọi người:
- Cám ơn bà con cô bác đã giành cho tôi nhiều cảm tình nồng hậu, nhưng thú thật việc làm lêu bêu của tôi bây giờ có thành công hay thất bại ra sao để được khen ngợi hay chê bai, tôi cũng chẳng hề quan tâm đến. Còn nói gì có yêu thương hay ganh ghét tôi qua cái nghề thiên hạ nguyền rủa, tôi cũng chẳng màng để ý tới làm gì. Vì mục đích sau cùng của tôi là lo cho chính bản thân mình nhưng trước hết mang hạnh phúc niềm vui đến cho má tôi và gia đình.
Đoạn sông từ ngã ba Mỹ Yên đến trại hòm Năm Vạn ở đầu vàm Phước Tỉnh không rộng nhưng sâu và sầm uất. Ven sông, bần, dẹt, gừa, ô rô, dừa nước... chen lẫn nhau dầy mịt. Nhiều cây cổ thụ, tàng nhánh to lớn xum xuê giao ngọn nhau, che khuất bầu trời.Con sông vẫn thầm lặng huyền bí. Ngày ngày, nó mang chở theo con nước lớn ròng những mảng lục bình lững lờ xuôi ngược với vài bông màu tím u buồn vào những chiều mưa lất phất dai dẳng. Dân làng đều ngán đoạn sông đó. Nhứt là từ độ cô Sáu Oanh, con ông bộ Tuần, học năm thứ tư Nữ học đường Gia Long về nghỉ lễ Thăng Thiên, lúc tắm sông sơ ý hụt giò chết chìm. Người địa phương đã đành nhưng những người ở các làng lân cận nghe tiếng đồn cũng không thanh thản mấy khi phải đi ngang. Người tin dị đoan cho rằng cô bị ma da kéo. Hỏi ra chẳng ai biết con ma da này hình thù dị họm ra sao, hung dữ như thế nào? Họ chỉ biết mù mờ trong tưởng tượng. Thậm chí, có những bô lão yếu bóng vía dễ tin, sợ ma da bất thình lình thò tay lên níu kéo về chầu bà thủy. Nên lúc nào ở khoan ghe, nơi các bà ngồi bơi ở sau lái cũng có đặt sẵn một con dao phay hay chành bầm. Các bà lo âu phòng xa. Hễ ma da bất thần xuất hiện, các bà rút ngay dao phay để đối phó.
Tuy nhiên, từ sau biến cố đau thương cô Sáu chết chìm oan ức ở đó, không còn nghe ai bị ma da kéo chết. Nhưng có một điều chắc chắn là không đám trẻ nào, dù nổi tiếng tiểu yêu bậm trợn, chọc trời khuấy nước, dám hó hé đến đoạn sông này tắm nữa. Chúng nó đã lạnh chưn lạnh cẳng hẳn. Ấy thế, cũng trên đoạn sông này, đêm đêm Tám Thôi thả xuồng tới lui xuôi ngược câu tôm. Khuya khuya ngồi câu, một mình đối bóng lung linh trên mặt nước ngấn vàng dưới ánh trăng, những lúc tôm biếng ăn, Tám Thôi huýt gió điêu luyện theo những bài bản ai oán não nùng. Anh huýt gió không thôi, nhờ vậy anh đỡ buồn ngủ, trì chí chờ đợi tôm ăn mồi. Những lúc cao hứng, anh nghêu ngao vài đoạn xàng xê rồi lan man bắt qua ca sáu câu vọng cổ hoài lang muồi đứt ruột xé gan. Với giọng trầm buồn du dương, anh từng đưa làn hơi phong phú truyền cảm, làn hơi thiên phú của mình xoáy quặn tâm hồn những người có tâm sự. Họ đang trằn trọc đâu đó lúc thanh vắng để càng thấm thía với nỗi niềm ngổn ngang riêng tư. Anh nhạy theo những bản vọng cổ ruột của các cô Tư Sạn, Ba Bến Tre, Năm Cần Thơ do các hãng dĩa Pathé hay Asia thu âm và thành công làm nên một thời. Bà con tự hào xem anh như một danh ca Tám Thưa hay Ba Ngươn tân thời của xóm Phú Thứ thân yêu của họ. Những bài ca vọng cổ in theo khổ nhỏ bỏ túi bày bán ở các chợ làng chợ quận, hầu như anh mua không thiếu bản nào, mỗi khi được phát hành ở đây. Thỉnh thoảng có cúng đình, tiệc tùng giỗ quảy, họp hè Tết nhứt, bà con kêu gào, yêu cầu cho bằng được anh ca giúp vui. Và giọng thổn thức nhói tim của anh không bao giờ làm họ thất vọng cả.
Nghề câu tôm không phải đêm nào cũng trúng lớn. Nhưng việc lênh đênh trên sông nước đối với anh là một cái nghề chính yếu giúp mẹ anh đỡ phần túng quẩn. Gặp những hôm mưa dầm tầm tã, cá tôm no nước biếng ăn, anh đành thúc thủ bực dọc, bất đắc dĩ ở nhà. Anh càu nhàu cau có, mãi lẩn quẩn ngồi không vô tích sự. Mùa nước rong, sông nước mênh mông, anh xoay qua cắm câu mồi chạy. Rải rác ven theo mương liếp. Anh kết bặp dừa dính liền vào nhau đôi ba cái để làm phao nổi, cắm vào đó một cần câu với con nhái oé móc lủng lẳng ở đầu lưỡi. Nhái được giữ vừa tầm mặt nước, bị lưỡi câu móc ngang hông đau điếng, cứ nhảy vọt tới trước mong thoát thân. Nó làm chao động mặt nước, gây chú ý mấy chú cá lóc háo ăn đang lùng kiếm, săn đuổi mồi ngon béo bổ. Nhờ vậy, hôm nào không tôm cũng có cá, không nhiều thì ít. Miễn đủ ăn trong ngày là bà Mười mãn nguyện rồi. Khi bà hồi tưởng những năm dài chán chường ngao ngán, bà thường nhịn bụng giành phần mình nuôi một bè con hằng bữa đói meo. Có những lúc nước động mạnh, nhưng với bản tánh hiếu động, say sưa ham thích làm việc, anh không chịu bó gối ngồi yên vô ích. Với anh, ăn không ngồi rồi phí phạm thời giờ quý báu vì tuổi trẻ chóng qua, không chờ không đợi, chẳng bao giờ trở lại. Anh noi gương mẹ anh. Anh nhớ có lần mẹ anh đi dự tiệc cưới về. Bà lẩm nhẩm cự nự:
- Công việc ở nhà hằng hà sa số, làm không nhót. Vào mâm vào cỗ còn phải chờ đợi mời hết người nầy đến người nọ, năn nỉ ỷ ôi năm lần bảy lượt. Tao nóng hơ trong bụng. Lại còn chờ thêm mấy lời giới thiệu phát biểu dong dài gì đó. Tao có nghe có biết cho chết đi. Đã chờ lâu lắc mà sau cùng họ còn bắt tao vỗ tay nữa.
Thì ra bà Mười chắt mót, trọng quý từng giờ từng phút. Tám Thôi đã thừa hưởng trọn vẹn đức tính ấy của bà. Trưa trưa, lúc mặt trời đứng bóng, anh đuổi gà nước, ốc cao, vỏ vẻ, quốc... ở các ngôi vườn mênh mông rậm rạp của ông chủ Đầu Cầu, ông Hương sư ấp Nhứt, ngay cả của ông Hội đồng Bảnh nổi tiếng khó khăn. Đám trẻ chăn trâu trong xóm, lục lăn lục lữa, chọc đầu làng phá cuối thôn cùng tham gia với anh. Chúng la ó, cười giỡn, dùng nhánh cây chà củi đập ầm ầm bừa bãi vào những buội rậm ô rô ắc ó dầy đặc ở các liếp trong vườn. Chim chóc hoảng sợ không dám cất cánh bay thoát thân. Chúng cứ nhè đâm đầu chạy tắt thở, bất kể hiểm nguy, nhắm thẳng hướng phía trước để sau cùng chen lấn nhau lủi riết vào rọ tuyệt mạng, nơi Tám Thôi giăng sẵn ở cuối vườn. Có đêm, anh xách đèn chai soi khúm núm ở Gò Vua, Gò Bướm. Xem thế đủ biết Tám Thôi luôn luôn lao lách, hy vọng xoay đảo cuộc đời. Anh cố nhoi ra khỏi bầu trời thảm đạm đen tối của đói khát nghèo khổ, của túng thiếu khốn đốn. Đó chính là niềm mơ ước anh ấp ủ từ lúc biết bữa đói bữa no.
Thời buổi kinh tế khủng hoảng, thôn quê trước nhứt bị ảnh hưởng trầm trọng. Mấy năm dài tiếp theo đó, cái nghề độ nhựt câu tôm câu cá, đuổi chim đuổi chuột của anh không khá mấy. Gia đình anh có lúc dễ thở nhưng sự túng quẩn nhiều khi bế tắc do thu nhập không đảm bảo thường xuyên liên tục. Kịp lúc Nhựt Bổn đổ bộ lên bán đảo Đông Dương, thực hiện chánh sách Đại Đông Á của đám quân phiệt Phù Tang, vốn có thâm ý xâm lăng các nước lân cận, Tám Thôi để ý thấy bạn bè trong xóm bỏ thôn làng lên Sài Gòn hay ra tỉnh tìm phương kế sinh sống. Nhiều đứa vắng mặt không lâu, lúc trở về xóm cũ làng xưa, trông khấm khá lắm. Việc làm lúc bấy giờ không hiếm do nhu cầu chiến tranh đòi hỏi cấp bách. Cùng lắm anh có thể đăng ký ngay vào làm việc ở những cơ sở tuyển chọn nhân công của quân đội Nhựt, không cần có chuyên môn chi cả. Cần nhứt là phải lực lưỡng mạnh khoẻ để làm những việc lêu bêu, đại khái như đắp mô, đào đường, xây ụ phòng thủ dài theo các trục giao thông chính yếu chung quanh Sài Gòn hay ở những địa điểm chiến lược chiến thuật. Lúc ấy quân lực Thiên Hoàng quá sa sút ở khắp mặt trận Thái Bình Dương. Chúng lo sợ quân đội Đồng Minh đổ bộ tái chiếm phần đất chiếm đóng. Không khí rầm rộ, sôi động lắm.
Sau bao năm lặn lôi không ngừng nghỉ trên đoạn sông quê hương, bây giờ ngoái nhìn lại đã gần ba mươi tuổi, Tám Thôi rất băn khoăn. Anh hoài nghi cuộc sống hiện tại, mỗi khi nhìn giòng nước lặng lờ đen ngòm vào những đêm không trăng mù mịt. Dòng nước quen thuộc với các mảng lục bình bắt gặp không biết bao nhiêu lần trong đời, đang cọ nhẹ nhàng vào thành ghe, khoe mấy đóa hoa nở muộn màu tím dưới ánh đèn câu. Anh tưởng tượng như màu tím sẫm đang chận hướng tương lai trước mặt mình. Nghèo thường bị người đời rẻ khinh, xã hội ruồng rẫy. Anh quyết định chụp lấy thời cơ có một không hai này, hy vọng đời mình sẽ xoay chiều thuận lợi. Anh cũng cảm thấy không thể và không bao giờ ngóc đầu lên nổi với cái nghề mà bàn dân thiên hạ không ngớt kêu rêu soi bói là săn chim đâm cá của anh. Anh nhớ người xưa nói không sai: “Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” nên cái nghèo cứ đeo đẳng anh mãi, làm ăn không tiến phát là phải lắm. Tiệt hậu anh thề từ bỏ cái nghề bà con bêu rếu ấy. Và anh nghĩ cũng là dịp để anh thử thời vận hên xuôi may rủi xem sao.
***
Tám Thôi lần mò lên Chợ Lớn. Anh ở đậu nhà cô Ba Mai, người cùng xóm, hết lòng nâng đỡ đùm bọc. Cô Ba nhờ siêng năng cần cù nên mấy năm sau này khá giả lắm. Cô có cơ ngơi tại đường Tân Hòa Đông, cách đồn lính Phú Lâm không xa. Nhà cô cất theo kiểu phố gạch mặt tiền, bốn thước ngang. Vách bản bổ kho, cửa cái chính giữa, hai bên cửa sổ song cây thẳng đứng. Nhà rất dễ nhận diện nhờ mấy tấm màn lửng thêu tay hoa mai vàng lấm chấm. Phía sau nhà có miếng vườn nhỏ, vừa đủ trồng vài loại rau cải thường dùng. Nhờ đó chiều chiều hoặc cuối tuần, Tám Thôi săm soi chăm sóc đỡ nhớ những sinh hoạt quen thuộc nơi quê nhà ngày trước. Nhứt là quên đi phần nào những thôi thúc kỳ bí dấy lên từ cái hồn nước, hồn sông, hồn đất mà anh đã gắn bó từ lúc chào đời. Chồng cô Ba Mai là thư ký chánh ngạch làm việc ở nhà đèn Chợ Quán, quen lớn nhiều, xã giao rộng, nói tiếng Tây tiếng u nghe rơm rớp. Nhờ thầy Ba nghĩ tình đồng hương tha phương cầu thực, chân ướt chân ráo nơi đất lạ nên giới thiệu anh vào làm việc ở nhà thuốc Ông Tiên, trên đường Lục Tỉnh, Phú Lâm. Thầy rất sốt sắn. Tuy mới gặp Tám Thôi không bao ngày nhưng có cảm tình ngay do anh hoạt bát vui tánh, tốt bụng và hiếu động. Hơn nữa, anh cũng chẳng so đo kén chọn gì. Nhứt là về phương diện lương bổng. Sự chịu đựng kham khổ đã quá quen thuộc đối với anh.
Một bất ngờ là công việc nơi nhà thuốc quả nhẹ nhàng, so với những việc nặng nhọc anh đã từng nhúng tay làm qua trong những năm đói khó. Đại khái như gấp toa, vô thuốc, vào hộp, dán nhãn, kiểm tra cẩn thận rồi bỏ vào thùng cạt tông lớn để giao các đại lý ở tỉnh, nhứt là miền Trung dân tình nghèo khổ cần thuốc Đông y hơn là thuốc Tây quá đắc. Anh rất đỗi vui mừng. Thực ra không vì sự nhàn nhã đó mà chính từ nay anh có phương kế sinh nhai. Một may mắn hiếm hoi trong thời buổi khó khăn, giữa lúc thế giới kình chống sắp giải quyết mọi tranh chấp đất đai và chủng tộc bằng súng đạn.
Lúc này các nhà thuốc Đông y phát triển mạnh lắm do thuốc Tây ngày càng hiếm hoi mắc mỏ. Nhà thuốc Ông Tiên đồ sộ ngay trước mặt ga xe lửa Phú Lâm. Chủ nhân là ông Nguyễn Hoàng Hoanh, từng đi nước ngoài, đặc biệt là Pháp quốc. Ông có tầm nhìn xa, có óc thương trường nên xây cất rộng lớn, phát triển dãy ngang dãy dọc, kinh dinh hơn trước nhiều. Nhân công đông đảo, phần lớn là đàn bà con gái, xuất thân từ những vùng phụ cận bùn lầy nước đọng Phú Lâm. Lai rai vài chú đực rựa ở tuổi đôi mươi, sức khoẻ như trâu, trong đó có Tám Thôi. Kể như họ là những cây đinh quý hiếm trong rừng phụ nữ ở lứa tuổi cặp kê, te rẹt rậm rật, đon ren làm duyên làm dáng. Hằng ngày, từng đoàn xe hơi quảng cáo màu sắc bóng nhoáng, xe nào cũng có gắn loa phóng thanh, lần lượt tỏa ra khỏi cổng nhà thuốc. Các xe quảng cáo này đồng loạt đổ xô về các chợ làng chợ quận xa xôi hẻo lánh, trước tiên trình diễn những màn xiệc đơn giản để thu hút người xem. Tiếng trống và chập chỏa rền vang lôi cuốn người hiếu kỳ. Họ bu thành vòng tròn chen chưn không lọt, nhứt là đám trẻ chút chít cười giỡn không thôi. Sau phần quảng cáo một vài mặt thuốc, gân cổ nổi phồng, giọng khàn khàn, mồ hôi nhuễ nhại do ánh nắng ban mai bắt đầu chĩa thẳng xuống chợ, họ bán chút ít thuốc tượng trưng nhờ tài hoạt náo gọi mời. Mỗi lần trình diễn quảng cáo như vậy đều kết thúc bằng một màn nhổ răng miễn phí với đông đảo bệnh nhân nhẫn nại ngồi chờ đợi từ sáng sớm. Nhờ đám sơn đông mãi võ này, nhà thuốc Ông Tiên vốn đã kinh dinh ngày càng kinh dinh hơn. Tám Thôi an tâm. Việc làm có cơ đảm bảo lâu dài. Anh lanh tay, cố gắng làm việc, không la cà tán gẩu với đám đông con gái rửng mởn. Tánh tình vui vẻ, thêm biết chịu cực, Tám Thôi được ông chủ nhà thuốc chấm giò chấm cẳng, thu nhận với bản hợp đồng vĩnh viễn. Anh chẳng đã từng khoe với vợ chồng cô Ba Mai:
- Tôi chẳng nề hà gì. Bảo đâu làm đó như thiên lôi. Mình kiếm sống mà! Chứ người nào cũng tránh né, tranh dành chỗ sướng, việc khó khăn cực nhọc bỏ ai làm đây?
Anh thố lộ thêm:
- Thầy cô đâu có biết. Nhà thuốc Ông Tiên có thời ghê. Nội cái việc tôi vào hộp thuốc “Sưu độc bá ứng hoàn” làm tới già, cúp bình thiếc chưa chắc đã hết. Tôi dốt đặc cán mai. Không biết thuốc này trị cái giống gì mà bán chạy như tôm tươi mới ra rọ?
Từ ngày lên thành phố, Tám Thôi có đồng vô đồng ra, một phần gởi về quê cho bà Mười Phận đỡ âu lo tuổi già mỗi cuối tháng. Đều đều, không sót một tháng nào cả. Phần còn lại, anh dùng mua sắm áo quần, giày vớ, nón mũ... thay hẳn bộ mã quê mùa. Còn trẻ, vốn độc thân, dù đã ngam ngám ba mươi tuổi đầu, nhưng nhớ lúc hàn vi gian truân lận đận, đói lên đói xuống, dù không hề nợ nần ngập đầu ngập cổ như một số không nhỏ bà con anh, nên có muốn bay bướm chạy theo thời trang, anh không đi quá đà. Anh biết dừng lại ở nơi phải dừng. Đúng chỗ, đúng thời điểm. Anh tỏ ra chững chạc hơn xưa nhiều. Anh dành dụm cho mai hậu, hòng ứng xử những lúc khó khăn, sa cơ thất thế như thuở thơ ấu và thanh xuân của anh. Vì anh biết quý trọng đồng tiền làm ra bằng mồ hôi và sức lực. Nhưng tuyệt nhiên, anh không hề bần tiện do cái hư tật tôn sùng đồng tiền quá trớn.
Nhà lồng chợ Phú Lâm thật sự là nơi tụ tập thường xuyên của Tám Thôi và nhóm bè bạn trang lứa, nhờ có gánh mì chú Hoảnh. Gánh mì duy nhứt trong vùng, được bà con hết lời khen ngon và ủng hộ hết mình. Anh quen thân thằng Xồi, con lớn chú Hoảnh, nhỏ hơn anh vài tuổi gì đó. Tên khai sanh mẹ đẻ của nó là Diệp Trắc Hòa. Hồi đó, chúng tôi hay gọi nó là Tiểu Chi Bảo, là em của danh thủ bóng tròn Diệp Trắc Nhiên, người Hoa Hồng Kong được báo chí tặng cho danh hiệu Hướng Cảng Chi Bảo. Hằng đêm, nó phụ chú Hoảnh đẩy gánh mì ra nhà lồng chợ, rồi thỉnh thoảng đảo một vòng qua dãy phố công chức giáo viên, thả dọc lên đường Bình Trị, Bà Hôm, đường Tân Hóa, tót xuống đường Lục Tỉnh, đường Phú Định. Gặp hôm tốt trời nhưng vắng khách, nó cao hứng đi thẳng tận đường Hậu Giang. Vừa đi nó vừa gõ cắc ca cắc cụp nhặc khoan, khoan nhặc nghe thiện nghệ lắm. Chập chập, nó cất tiếng rao: “mì... mì...” vừa to vừa ngân nga kéo dài trong đêm vắng. Có người gọi mua, nó lộn trở về báo cho chú Hoảnh. Nấu xong, nó bưng mâm đem giao. Một hồi sau, nó trở lại thu mâm và nhận tiền. Chú Hoảnh chỉ bán mì ban đêm nhưng thằng Xồi luôn mặc quần đùi, áo thun lá ba lỗ bỏ ra ngoài, có khi vạt áo che khuất cái quần trắng bạt màu của nó.
Tám Thôi với bản tánh ham vui thường theo chân nó bách bộ, chuyện trò hằng đêm. Anh không có thói quen ngồi yên một chỗ. Nhờ vậy cái đất Phú Lâm sung túc thạnh mậu một thời mà người cố cựu gọi là Chợ Gạo không còn lạ gì với anh nữa. Bạn bè thân thiết của Tám Thôi còn có thằng Ấp Ba Đu, thường được gọi thân quen là Ba La Chà Và. Ba nó là người Ấn Độ chính gốc một trăm phần trăm, theo đạo Hồi giáo, trôi nổi sinh cơ lập nghiệp lâu đời ở đây. Ông chuyên nghề nuôi dê nuôi trừu ở vùng Tân Hóa, Cây Da Xà, gò Bà Chủ, Phú Lâm tuốt lên miệt Bình Thới, Phú Thọ..., đất rộng bao la, mồ mả ngổn ngang, hỗn man hoang vu. Má nó người Việt Nam rặc nòi. Quê bà ở Sò Đo, làng Tân Phú Thượng, quận Đức Hòa thuộc tỉnh Chợ Lớn. Bà gốc gác nông dân, ba bốn đời bần cố, đụng người chồng Ấn Độ là cả một vấn đề nhức nhối thời bấy giờ. Thiên hạ thường đàm tiếu, rẻ khinh, bảo ông chồng của bà thuộc lớp hạ tiện, trôi sông lạc chợ. Nhờ mang hai dòng máu nên nước da thằng Ba La mơn mởn, không đến đỗi hắc quảy như ba nó, trông hệt cột nhà cháy, trừ hai hàm răng trắng muốt như bông bưởi. Nó đương nhiên theo Hồi giáo từ lúc mới lọt lòng mẹ, nghe đâu là đạo dòng từ đời ông cố ông sơ xa lơ xa lắc, mà nó chỉ nghe ba nó thỉnh thoảng có nhắc đến tên với niềm nhớ nhung kín đáo. Tuy quen nhau đã lâu nhưng chưa bao giờ Tám Thôi có diễm phúc gặp được tận mặt má nó một lần thôi. Má nó từ khi trời xui đất khiến đụng nhằm ông Mô Ha Mết, tên đạo của ba nó, cũng vào Hồi giáo theo đạo chồng. Bà bắt đầu tuyệt đối kiên cử ăn thịt heo từ dạo đó và chỉ lúc thúc quanh quẩn trong nhà.
Theo phong tục tập quán khắc khe của đạo Hồi, đàn bà luôn luôn khép kín trong phòng the. Nếu có ra ngoài thì nhứt thiết phải che mũi che mặt, chỉ chừa hai mắt để nhìn. Không ngờ tập tục này của người Hồi lại trùng hợp với quan niệm sống của gia đình người Việt thuở xưa vào thời phong kiến: nam ngoại nữ nội. Đàn ông lo việc bên ngoài còn đàn bà lo việc gia đình, con cái, bếp núc v.v...
Đàn ông Hồi giáo gặp gỡ nhau ngoài phố hay đầu ngõ. Đại kỵ sự có mặt của đàn bà con gái, dù đối với bạn bè chí cốt chí thân. Trong trường hợp quá cần thiết, ông Mô Ha Mết bất đắc dĩ phải tiếp khách ở nhà, má nó biến dạng mù tăm ở nhà sau. Tuyệt nhiên bà không hề dám lảng vảng léo hánh ở phòng khách. Do phong tục tập quán đặc biệt đó, thằng Ba La, ngoài việc đạp xe đạp bỏ sữa dê sữa bò tươi cho khách hàng mỗi sáng, chỉ đứng đường, tụ năm tụ bảy rong chơi. Ngày ngày đều thấy mặt nó lảng vảng vui đùa tán gẩu với bạn bè ở đầu ngõ, trong nhà lồng chợ, chung quanh ga xe lửa nơi có bến xe thổ mộ và xe ba bánh hoặc nơi sân đá banh ở phía sau trường tiểu học. Nó nào có để ý đến giờ giấc trói buộc chi cả. Nó nói và viết tiếng Việt trôi chảy rành rọt nhờ lúc nhỏ, tuy vợ chồng ông Mô Ha Mết không mấy quan tâm đến việc học hành của con cái nhưng nó học, dù cà ạch cà đụi, trong năm thường vắng mặt không biết bao nhiêu lần, nhưng hàng năm vẫn đều đặn leo riết đến lớp nhứt trường Tiểu học bổ túc Phú Lâm. Cuối năm chót đó nó mới nghỉ học hẳn. Ở nhà chăn dê chăn trừu và bỏ sữa mỗi buổi sáng. Dù vậy xem như một thành công lớn đối với đại gia đình nó, vì đa số các thành viên trưởng thành đều lam lũ thất học. Riêng mấy anh lớn của nó còn tệ hại hơn, tất cả đều mù chữ hẳn. Tám Thôi rất thân thiện và thương mến nó. Dù bị trang lứa ác ý chọc ghẹo, nhiều khi làm cho tự ái của nó bị tổn thương, nhưng sao lúc nào nó vẫn tươi cười hỉ xả. Tội nghiệp, nó cứ khăn khăn:
- Tôi là người Việt Nam mà!!! Tôi đâu phải Ấn Độ. Cái chất, cái hồn của cuộc đất này nằm trọn vẹn trong trái tim tôi. Nó luân lưu trong xương, trong tủy, trong huyết quản nóng hơ hằng ngày của tôi mà!
Không biết bao nhiêu lần trong đời nó đã lập đi lập lại câu nói chất chứa một tình cảm hội nhập trong sáng và gắn bó ấy. Ý nó không muốn mọi người chung quanh xô đẩy nó ra khỏi cộng đồng Việt Nam mà nó quá khắn khít mến yêu từ khi biết nói biết cười, từ khi nó có ý thức rõ ràng trên mảnh đất quê ngoại, vốn hiền hòa lại có ma lực quyến rủ nữa. Bộ tam sên Tám Thôi, thằng Xồi và thằng Ba La không đêm nào vắng mặt ở nhà lồng chợ. Thằng Xồi đã đành, do phận sự của nó phải giúp chú Hoảnh, mà gánh mì đêm là sự sống của gia đình nó. Đối với Tám Thôi và thằng Ba La xem như thói quen, bỏ không được. Tới khuya, khi chú Hoảnh rửa xong thùng nước lèo, cả ba còn bịn rịn chưa chịu chia tay. Càng về khuya, trời trong mát mẻ, hữu tình, càng nhiều hứng thú. Câu chuyện tào lao giữa chúng nó được dậm thêm một dĩa xíu quách do thằng Xồi tay trong làm ung làm nhọt để giành riêng cho đồng bọn. Đố ai hòng mua được xíu quách chú Hoảnh. Khốn nỗi, trước nhà lồng chợ Phú Lâm có một khoản lộ thiên, trán xi măng sạch sẽ, lại cao ráo. Mỗi tuần hai lần, lối mười giờ tối hơn, xe phân Sở Vệ sinh Chợ Lớn lù đù đến đậu ở đó để nhân công gánh thùng cây tủa ra thu hốt phân dọc các dãy phố quanh chợ. Lúc bấy giờ, hầu hết các gia đình cư dân ở đây đều chưa có thiết bị hệ thống hầm cầu tân tiến. Mỗi nhà sấm một thùng chứa phân bằng cây có nắp đậy, ngừa ruồi lằn. Xe phân đen ngòm tỏa mùi hôi thúi tứ phía. Chú Hoảnh đành lòng trùm phủ kín gánh mì, chờ đợi. Không một khách vãng lai. Thằng Ba La và Tám Thôi khi nghe tiếng rống nặng nề khổ nhọc của xe phân sắp đến từ xa, kề nói nhỏ trong tai thằng Xồi, trong khi khách hàng hấp tấp… và chú Hoảnh rầu thúi ruột, cằn nhằn bực dọc:
- Nhà hàng Xánh Tài Lục tới rồi Xồi ơi! Làm sao mầy cự nỗi? Thôi chịu thua, xếp giáp chờ thời đi!
Thường thường, cả ba hay ngồi quanh một cái bàn tròn trong góc tối, cheo chéo ganh mì, trên ba cái ghế đẩu cũ kỹ xiêu vẹo, gần như lặc lìa lặc lọi. Mỗi lần cử động nghe kèn kẹt kèn kẹt… còn nhíu da non đau điếng. Những khi có khách đông, không đủ bàn đủ ghế, chúng nó đứng dậy nhường chỗ. Câu chuyện của chúng nó lúc nào cũng bất tận. Có hôm nổi hứng chuyển sang chánh trị. Đề tài do thằng Xồi biết nhiều chuyện, xào nấu thêm nhưn thêm nhụy rậm đám. Lúc này, Nhựt Bổn đã chiếm toàn cõi Đông Dương sau khi xâm lăng một số tỉnh lớn thuộc vùng duyên hải Trung Hoa. Trong giới Hoa kiều ở Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh lân cận dấy lên phong trào yêu nước, đầu quân ủng hộ Tổng thống Tưởng Giới Thạch. Họ xung phong vào những tổ chức chí nguyện và bí mật rút về Trung Hoa chống xâm lăng, đánh đuổi Nhựt, triệt hạ Uông Tinh Vệ. Thằng Xồi có người chú ruột hoạt động trong các nhóm đó, xuôi ngược biên giới Việt Hoa, tận cả Miến Điện như ăn cơm bữa. Nơi đây quân đội Đồng Minh đang mở những tuyến đường chuyển vận vũ khí từ hậu cứ Ấn Độ giúp kháng chiến quân Trung Hoa hoạt động ở Hoa Nam hoặc giúp các đơn vị Pháp sau khi bị quân đội Thiên Hoàng giải giới đêm 9 tháng 3 năm 1945 còn lẩn quất chống phá nơi vùng núi đồi trùng trùng điệp điệp Việt Bắc. Có hôm, thằng Xồi tâm sự có ý định theo chú nó thực hiện mộng phiêu lưu tuổi trẻ. Vì nó chán cái cảnh mãi mãi gắn bó với gánh mì hằng đêm, mai một đời trai. Hơn nữa cũng do tự ái dân tộc và lòng yêu nước, mặc dầu nó sinh đẻ ở Việt Nam, chưa một lần đặt chân về quê cha đất tổ. Nhưng nó tươi cười bảo nó có dòng máu Tàu trong huyết quản. Nó tâm sự không được bao lâu, một hôm thình lình hiến binh Nhựt rầm rộ bao vây nhà chú Hoảnh. Chúng hùm hổ xông vào bắt nó, còng tay tống lên xe bít bùng, dẫn đi mất dạng. Sau này được biết hoạt động của chú nó ở Miến Điện bị theo dõi phát hiện từ đầu mối. Hiến binh Nhựt điều tra phăng mãi đến tận cơ sở hạ tầng của tổ chức Hoa kiều kháng chiến ở chợ Phú Lâm. Nó đành thúc thủ bó tay. Bất cập, nó vô phương đối phó. Từ hôm ấy, Tám Thôi và Ba La lạnh chưn lạnh cẳng, không còn dám bén mảng đến gánh mì chú Hoảnh nữa, để mặc chú vẫn tiếp tục hằng đêm bán cầm hơi, não nề vì thảm họa vừa mới xảy ra trong gia tộc. Nhiều lúc ngao ngán, Tám Thôi muốn quay về quê cũ nhưng ngày tháng đẩy đưa không tự chủ lấy mình, anh không thực hiện được giấc mơ đó...
***
Tình hình biến chuyển không ngừng theo vận tốc chóng mặt và nhức nhối. Quân đội Đồng Minh bắt đầu phản công đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thất bại chua cay vùng đảo chiến lược San Hô, lực lượng Thiên Hoàng thường xuyên bị oanh kích dài dài từ Nam Dương, Mã Lai, lên tận bán đảo Đông Dương, cả Hoa Nam và Đài Loan nữa. Thành phố Sài Gòn báo động liên miên, ngày đêm tổ chức thực tập phòng thủ. Các khu phố, cơ sở nhà nước, trường học... đều có hầm núp công cộng. Mấy nhà khá giả xây hầm trú ẩn riêng rất kiên cố. Từ thực tập phòng thủ, không mấy chốc, Sài Gòn bị oanh tạc thật sự do pháo đài bay của không lực Đồng Minh xuất phát từ các hàng không mẫu hạm ngoài khơi. Vùng Xóm Chiếu, Khánh Hội bị oanh tạc ném bom đầu tiên và thiệt hại nặng nề.
Nhà cô Ba Mai không có hầm núp cá nhân nên đêm oanh tạc thả bom đầu tiên ấy, mạnh ai nấy tìm nơi trú ẩn trong hốt hoảng tột cùng. Cảnh hỗn loạn, réo gọi thúc hối nhau vang dội trong đêm tối. Hôm ấy, nhà cô Ba Mai có thêm bà Năm Dừa Khô, người cùng xóm Phú Thứ di lu lịch Chợ Lớn, ghé ngủ nhờ. Bà mang cái tên Dừa Khô vì chuyên mua bán sỉ dừa khô trong thôn ấp xa xôi đem bỏ mối các dựa các chành khách trú ở bến Bình Đông Xóm Củi, lúc bà còn trẻ bươn chải. Luống tuổi, bà nghỉ hành nghề hơn mười năm nay nhưng bà con vẫn còn gọi bà với tục danh chân quê ấy. Bom Đồng Minh nổ ì ầm kinh động, rung chuyển cả thành phố. Súng phòng không Nhựt đồng loạt thi nhau nả đạn lên không trung không dứt với những tia đạn lửa đan quyện soi sáng cả gốc trời. Mọi người hồn phi phách tán. Đa số dắt díu tìm đường tuông ra các cánh đồng lân cận trú ẩn như nước vỡ bờ. Mấy tay có trách nhiệm phòng thủ báo động trong xóm, ngày nào thực tập la ó hò hét, bỗng nhiên trong giờ phút này ím thính lạnh tanh, không thấy bóng dáng đâu cả.
Gia đình cô Ba Mai, Tám Thôi cùng bà Năm Dừa Khô chun tọt xuống bộ ván ngựa lớn nhứt ở nhà trên. Êm êm, họ chui ra, cẩn thận khiêng ván bảng, bàn ghế tấn chung quanh kỹ càng sợ miểng bom gây thương tích. Mọi người im phăng phắt, chỉ nghe tiếng súng phòng không ầm vang không ngớt bên ngoài và tiếng bom nổ nặng nề rung chuyển nhà cửa, cùng tiếng tim đập thình thịch. Ngoài thềm, mấy con chó ngoan ngoản ngày nào, sợ hãi kêu la oang oảng, cố cào cửa xột xạt không ngớt để được vào nhà. Trong không khí nặng nề rờn rợn đó, tiếng muỗi vo ve từ kẹt vách nghe càng rõ ràng hơn. Tám Thôi với bản chất quê mùa, dù có giao du thân mật với đám thằng Xồi, thằng Ba La, gốc ở chợ ở thành, vẫn còn rơi rớt trong cử chỉ, trong lời nói của anh, hơi hướm chất phác quê mùa cố hữu. Bằng giọng run run pha lẫn mùi cải lương vọng cổ đã thấm nhập vào con người anh từ thuở thanh xuân lặn lội trên sông nước quê hương, Tám Thôi gọi khe khẽ vợ chồng cô Ba Mai rồi ấm a ấm ớ:
- Thầy cô Ba ơi! Chắc điệu này dĩ tiệt rồi. Mình tận số chết hết quá. Tui bỏ lại má tui, già yếu không ai nuôi nấng phụng dưỡng... Bả sẽ bơ vơ, tứ cố vô thân…
Có tiếng cô Ba Mai trong trẻo, bình tĩnh trấn an:
- Bom nổ tôi lắng nghe dường như xa lắm. Đồ đạt, ly dĩa trong sóng chén, đèn treo lủng lẳng ở trần nhà run lắc cắc leng keng chứ có sao đâu mà sợ.
Anh lập bập cãi lại:
- Thầy cô không nghe sao? Tụi nó bỏ bom thúi đó. Tui nghe mùi này từ nảy giờ. Tôi cố nín mũi chịu trận, không dám nói. Sợ bà con hoang mang. Tui lo quá. Bây giờ thực tình chịu không nổi nữa. Anh rươm rướm:
- Thầy cô tính sao? Chết hết! Phen này cùng đường mạt lộ thật rồi thầy cô ơi!
Mọi người im lặng không nói năn chi cả. Họ thở nhè nhẹ cố phát hiện cho bằng được cái mùi độc hại kia. Quả thực, hầu như họ đã khám phá được từng đợt, mùi thui thúi mà Tám Thôi vừa lưu ý đó. Để trấn an nhau, họ tự hỏi:
- Chẳng lẽ Đồng Minh lại xài bom hơi ngạt tàn nhẫn như vầy?
Một đỗi sau, tiếng còi hụ dài cho biết cơn báo động vừa chấm dứt trong tiếng la ó mừng rỡ tột cùng của mọi người. Đèn đường phực sáng trở lại. Cả nhà lao vội ra ngoài hiên hất ha hất hải dò hỏi tin tức. Chẳng một ai có ngửi cái mùi thui thúi do cô Ba Mai đề cập đến. Họ bèn quày quả trở vào nhà, chia nhau đổ xô đánh hơi tìm kiếm. Và cái mùi thui thúi kia hẳn nhiên còn phảng phất từng chập. Rốt cuộc, cô Ba Mai thính mũi hơn, dở cái nón nằm sóng soải sát gốc bàn lên. Thì ra lúc bom nổ, cả nhà chui rút dưới ván ngựa không để ý bà Năm Dừa Khô vì sợ quá, bà “trút bầu tâm sự” ở đầu ván. Xong, bà quơ quào nhè đụng cái nón trên bàn, bà vội lấy chụp lên. Cô Ba Mai la hoảng tri hô, báo động cho mọi người. Trong khi ấy, Tám Thôi thểu não, mặt mày bí xị:
- Trời ơi! Mất toi cái nón “phờ lết sê” của tui rồi! Cả một tháng lương tròn trịa vừa mới lảnh tháng trước... Trời!... Trời!
Nhựt đầu hàng sau hai trái bom nguyên tử nổ ở Trường Kỳ và Quảng Đảo. Cách mạng tháng tám thành công trong tang khó. Chẳng bao lâu, toàn quốc võ trang tầm vong vạt nhọn với mình đồng da sắt chuẩn bị chống Pháp lâm le trở lại tái chiếm Đông Dương. Vùng Phú Lâm cũng như những nơi khác khắp đất nước sôi sụt tột cùng. Nhà thuốc Ông Tiên vẫn hoạt động cầm hơi chiếu lệ, không đều đặn, mở cửa có khi cách nhựt, có khi đôi ngày trong tuần. Phong trào bắt Việt gian làm nhiều người chết oan ức. Tám Thôi chưa kịp hoàn hồn sau vụ bắt cụ Bùi Quang Chiêu ở chùa Giác Hải, Phú Lâm. Ông là thủ lãnh Đảng Lập Hiến, đảng của giới đại điền chủ và tư sản đất Nam Kỳ. Bỗng anh nghe lũ trẻ la ó vừa bắt được Việt gian sắp dẫn giải ngang nhà. Anh lật đật phóng nhanh ra đầu ngõ xem. Mắt anh mở to tròn xoe trân tráo, tay chân bủn rủn, miệng ấp úm không nói ra lời. Thì ra thằng Ba La, bạn chí thân của anh đang bị trói thúc ké. Nó bị đẩy ra phía trước, hướng thẳng về phía cầu Bình Tiên. Theo sau là một nhóm người hằn hộc võ trang gậy gộc, dao mác và lũ trẻ quần xà lỏn ở trần trùn trục, la ó nói cười ầm vang hỗn độn. Ông hàng xóm tỏ vẻ hiểu biết ghé tai anh bảo thằng Ba La vừa bị bắt tại nhà cách đây chỉ mấy ngày. Người ta đưa nó ra tòa án nhân dân xử khẩn cấp và kết tội nó làm Việt gian cho Tây. Vì một thời trước đây nó từng làm biện ở bót cảnh sát Quận Sáu thành phố. Nó bị kêu án tử hình theo lời đề nghị của tên chánh án mang băng tay đỏ và sự biểu đồng tình của đám đông, đồng loạt giơ cao nắm tay. Nó sẽ bị hành quyết ngay tại sân đá banh bên hông cầu Rờ Nô Bình Tiên.
Đầu óc Tám Thôi rối loạn. Anh ngẩn người chưa kịp có phản ứng gì bỗng nghe rõ ràng tiếng nói quen thuộc của thằng Ba La. Nó khóc oà, gào thét, kêu than oan ức thảm thiết lắm. Nó không còn đứng vững nữa. Người ta hò hét xô đẩy nó đi từng bước một. Tám Thôi không dám theo chứng kiến cảnh hành huyết nó, nhưng anh nghe kể lại nó bị đâm chết bằng gươm Nhựt từ mạn hang cua bên trái thấu xuống lút tim, xác vất ở sông Ông Buôn. Và anh cũng nghe ông Mô-Ha-Mết đã len lén đêm khuya đến vớt xác thằng Ba La về chôn nơi cuộc đất gò Bà Chủ, nơi thuở thanh xuân nó từng chăn dê đuổi bò độ nhựt. Anh cảm thấy ray rứt và xấu hổ. Xấu hổ và ray rứt vì anh bất lực không dám ra bào chữa cho nó trước khí thế đám đông không cách gì cản ngăn được:
- Thằng Ba La hiền như cục bột. Khốn nỗi, chắc có người nào xớn xơ xớn xát nhìn lầm nó với tên biện Chà cảnh sát ngày xưa nên nó phải chịu mang họa vào thân.
Sau vụ thằng Ba La bị tử hình, Tám Thôi dứt khoát từ giã kinh thành đã lưu lại trong anh nhiều kỷ niệm đau thương. Anh trở về quê xóm Phú Thứ như mơ ước bấy nay, mong tìm lại bối cảnh thiên nhiên trong lành, di dưỡng vỗ về tâm hồn buổi chiều hôm xế bóng. Anh hy vọng sống cuộc đời dù lam lũ kham khổ nhưng bình ổn, thanh thản. Mấy năm ngắn ngủi ở Phú Lâm tuy qua mau nhưng anh mạnh dạng phủi tay rời khỏi nó không một chút tiếc nuối. Và những thương tích tinh thần, những kỷ niệm buồn phiền vẫn cứ chập chờn mãi suốt đời anh...
***
Nhờ có chút ít vốn ky cỏm được sau những năm làm việc ở nhà thuốc Ông Tiên, Tám Thôi mua mấy mẫu ruộng bưng vùng Bà Mụ, dọc theo cầu Ông Hiệu. Loại bưng khá tốt do trùm vạn Ngoan, cái hốt me sạt nghiệp nhượng lại. Sẵn đà, anh sửa chữa ngôi nhà do bà Mười Phận để lại làm nhà hương hỏa. Sau khi gả hai cô em gái Nghỉ và Mót về làm dâu ở Phước Lý và Long Khê theo đúng tập tục cổ xưa: «thuyền theo lái, gái theo chồng», anh lập gia đình với một người cùng xóm. Vợ chồng đầm ấm hạnh phúc. Dù thời cuộc rối ren, nhưng hai vợ chồng lao lách, đồng vợ đồng chồng, ngày càng làm ăn khấm khá. Chẳng mấy chốc hai ông bà có hai mụn con trai, trông cũng phương phi tuấn tú lắm. Anh chọn đặt tên Nhứt và Nhì với thâm ý hồi tưởng chuỗi ngày hàn vi thuở xa xưa, lúc mẹ anh còn sõi. Và cũng để biểu lộ ý chí dứt khoát của anh, dù thế nào đi nữa phải cương quyết từ bỏ hai cái nghề nhứt, nhì đại kỵ trong thế gian, hay ít ra không bao giờ được khuyến khích trong bách nghệ: phá sơn lâm, đâm hà bá! Hai cái nghề vào đời đó đã ăn sâu bám rễ tận tâm não anh. Nó ám ảnh nhắc nhớ anh mãi. Và hai cái tên Nhứt, Nhì anh chọn lựa cốt để cảnh giác mình và cũng để khuyên răn hai đứa con luôn thể. Nhứt, Nhì rất thông minh. Chúng học hành siêng năng cần mẫn do quyết tâm lấy trì chí nhẫn nại đạt đến thành công. Mà sự thành công tốt đẹp là biểu hiện sự đền đáp công ơn dưỡng nuôi cao cả của mẹ cha, đồng thời trả nợ cưu mang đùm bọc của xóm làng. Xong trình độ tiểu học, cả hai lần lượt, đứa trước đứa sau, thi đổ vẻ vang vào trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký Sài Gòn. Nhờ đậu cao hạng, hai anh em được ở nội trú và hưởng học bổng hàng tháng. Tám Thôi đã khá giả, thêm được sự giúp đỡ trời cho đó, bớt lo về các mặt chi phí, khi hai con anh tỏ ý định tiếp tục học đường dài đến nơi đến chốn.
Lúc này, Tám Thôi đã đứng tuổi. Anh chán chường thế sự, khi ngoái nhìn về dĩ vãng cơ cực buồn khổ, với đêm trường xuôi ngược trên song nước quê hương, khi nhớ hai thằng bạn đời, thằng Xồi biệt tăm biệt tích chắc chết bờ chết buội và thằng Ba La yểu mệnh, chợt đến chợt đi trong phút chốc phù du. Thêm nữa, tình hình trong xóm bắt đầu bất ổn, có khi đến nghẹt thở nên Tám Thôi đâm ra để râu dài sọc cho ra vẻ lão. Anh nghĩ với cái vẻ bề ngoài đó, anh sẽ yên thân yên phận, dù râu đen huyền mướt mượt. Từ dạo đó, đám trẻ mới tấn lên trong xóm gọi anh thân tình là ông Tám hoặc ông Tiên do anh có dạo làm việc ở nhà thuốc Ông Tiên Phú Lâm ngày trước. Cuộc đời hai vợ chồng ông bình lặng, an phận thủ thường, tưởng như mặt nước hồ thu, không một chút gợn. Nào ngờ, một hôm, do cơn bịnh ngặt nghèo, thuốc thang già dặn vẫn không qua định mệnh, vợ ông qua đời ấm ức. Người vợ tào khang bấy nay để lại một khoảng trống, rổng không, lạnh lùng trong sinh hoạt hằng ngày của ông. Ngọn lửa tình đang độ hừng hực bỗng nhiên tắc ngủm phũ phàng trong tiếc nuối vô biên. Quạnh hiu, thêm công việc ruộng nương không ai phụ giúp, ông Tám còn nghĩ xa hơn. Ông biết chắc rằng hai thằng con trai ông, sau khi học hành thành danh với mảnh bằng thành chung tối thiểu, sẽ có công ăn việc làm vững chắc ở Đô thành. Chúng sẽ không thể và không bao giờ về sinh sống nơi xóm Phú Thứ buồn tênh khốn khổ này được.
Bốn năm năm sau ngày bà Tám mãn phần, ông bước thêm một bước, rước một bà ở An Thạnh về làm bạn hủ hỉ cho ấm áp cảnh già. Bà Tám nhỏ này lại mắc phải cái tật thầy chạy, vô phương cứu chữa. Bà mê cờ bạc như điếu đổ không bằng. Tứ sắc, xệp, ỏ, câu tôm cả dà dách, cắt tê đến xì phé... bà mê như người nghiện lâu năm. Ông Tám, con người sống chừng mực, cần cù đạo đức, khuyên lơn hơn thiệt đủ điều nhưng tánh nào tật nấy, bà Tám không sao bỏ được. Bà cứ lén lút mỗi khi có dịp. Ông buồn phiền lo âu ra mặt. Tài chánh trong nhà có triệu chứng thâm thủng ngày một quan trọng hơn, do ở lỗ mội ri rĩ thường xuyên. Bà Tám chằn khíu quanh năm nhưng không sao giải quyết được. Bạn bè bà vô ra không ngớt, tiếng là để thăm lom chào hỏi bà thân tình, nhưng ông Tám đánh hơi thừa biết bà Tám bắt đầu mang nợ nần xấu hổ. Sự chịu đựng của ông Tám bấy lâu nay có giới hạn. Mãi cho đến ngày cưới vợ Ba Nhì mới thực sự bùng nổ. Hai Nhứt đã lập gia đình mấy năm trước lúc bà Tám lớn còn sanh tiền, hiện làm thư ký tư pháp, có nhà cửa khang trang ở Đa Kao Đất Hộ. Số là ông Tám xuất tiền bán lúa bán heo nhờ bà Tám nhỏ mua nữ trang lễ vật dự định tổ chức đám cưới Ba Nhì thật rỡ ràng. Ông tâm niệm làm đẹp mặt đẹp mày bên nhà gái, vốn thuộc gốc gác danh giá. Đến hôm rước dâu trình lễ vật trước mặt đông đủ bà con hai họ, bà thông Nghĩa tái mặt bảo nhỏ thằng rể Ba Nhì biết số nữ trang trình cưới toàn là... vàng giả, hột đá lì câm! Ông Tám rụng rời bủn rủn tay chân. Ba Nhì mắt long lanh vô cùng bối rối. Cũng may, bên nhà gái thông cảm hoàn cảnh chấp nối của ông Tám, không làm khó dễ gì. Giờ rước dâu vẫn được tiến hành một cách bình thường. Thì ra bà Tám Nhỏ lỡ dốc sạch số tiền bán lúa bán heo đó ở sòng tài xiểu Đại Thế Giới Chợ Lớn. Sau đó bà mua đồ mạ trám thế vào mong qua mắt được mọi người. Lần này ông Tám không dằn được nữa. Ông quyết định chấm dứt việc chung sống ngắn ngủi với bà Tám nhỏ, chấp nhận cảnh hẩm hiu quạnh quẽ một mình.
Ông Tám bước vào tuổi cổ lai hi thuộc hàng trượng triều trượng quốc, ngày xưa có thể cầm gậy đi chu du tứ xứ không sợ ai bắt lỗi bắt phải chi cả. Lúc ấy nhằm đúng năm 1975 cộng sản cưỡng chiếm hoàn toàn Miền Nam. Ông ngẫm lại đời mình không lúc nào được suông sẻ, trừ giai đoạn ngắn làm việc nơi nhà thuốc Ông Tiên Phú Lâm. Có lẽ do cái tuổi của ông lận đận khổ cực như trâu, chỉ riêng mình cam chịu. Ông không biết cùng ai san sẻ cho vơi bớt phần nào. Đến ngày gần đất xa trời, ông lại chứng kiến thêm cảnh chia ly bế tắc trong gia đình sau tháng Tư Đen. Hai đứa con quý con yêu của ông phải khăn gói lên đường đi học tập cải tạo biền biệt mù tăm, không biết ngày nào gặp lại. Hai Nhứt với tư cách sĩ quan biệt phái còn Ba Nhì oái oăm thay, sau bao năm miệt mài nơi trường ốc, vừa kịp mãn khóa chót, sanh non đẻ muộn sĩ quan hiện dịch Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Hai cô con dâu vì sợ đòn thù của kẻ chiến thắng do liên tục bị bức bách đi vùng kinh tế mới nên hẹn nhau âm thầm bán nhà cửa sự sản, dắt dìu con thơ về quê chồng ở xóm Phú Thứ nương tựa ông Tám, mong sống lây lất qua ngày chờ dịp đoàn tụ. Giờ đây, từ tháng tư đau thương đó, ông Tám bất đắc dĩ phải gánh thêm một trách nhiệm nặng nề để cứu vãn gia đình hai đứa con yêu quý bất hạnh. Trước hết, ông tìm phương kế giúp hai cô con dâu nuôi năm sáu đứa cháu nội nheo nhóc chưa hòa được nếp sống mới thiếu trước hụt sau ở thôn quê. Mấy mẫu ruộng bưng của ông đồng loạt đã bị đưa vào tập thể hóa.
Thế là của mồ hôi nước mắt sau bao nhiêu năm cần cù lao động liên tục suốt thời thanh xuân nơi nhà thuốc Ông Tiên, phút chốc tan thành mây khói. Ông lại bị chế độ mới xếp vào hàng phụ lão, tuy sức khoẻ của ông vẫn còn quá mức trung bình, có thể nói phi thường là khác. Tuy hơn bảy mươi nhưng qua dáng vóc điệu bộ trông ông ngang ngửa năm mươi mấy sáu mươi là cùng. Hàm răng rắn chắc còn khá đầy đủ. Ông còn xướt mía tây nghe rơm rớp. Duy chỉ bộ râu lão ngày xưa, vốn đã dài nay lại dài thêm, phất phơ trước ngực và màu đen huyền óng mượt thuở nào nay được thay thế bởi màu muối tiêu như mái tóc của ông. Bị liệt vào hàng phụ lão, ruộng nương bức bách vào tập thể hóa, ông không được thu nhận vào hệ thống sản xuất mới. Hai cô con dâu từ ngày cha sanh mẹ đẻ có khi nào làm nặng nhọc ruộng nương bao giờ, đành ẩn nhẫn qua các việc lặt vặt quanh quẩn không lối thoát, trong khi chế độ nghèo đói nghiệt ngã càng siết chặt thân phận con người.
Cuộc sống gia đình ông suy sụp trầm trọng còn hơn thuở hàn vi ngày trước, lúc bà Mười Phận chống đỡ tuyệt vọng hằng ngày để nuôi ông. Quá chán chường nhưng ông không buông xuôi. Ông Tám bèn lôi chiếc xuồng ba lá cũ kỹ, sửa sang trét chai tạm bợ. Ông vá mấy cái vợt bằng chỉ đủ loại màu sắc, đốn trúc uốn vài cần câu. Ông trở lại nghề cũ thuở nào, cái nghề bầm dập mà ông đã một lần dứt khoát từ bỏ. Nay vạn bất đắc dĩ, cùng đường nghẽn lối, ông buộc lòng phải lặn lội đêm đêm trên khúc sông thuở thiếu thời. Ông câu cá câu tôm với tâm niệm cưỡng chống lại định mệnh vì ông không còn con đường nào khác để chọn lựa. Cũng đoạn sông đen ngòm này, cũng bối cảnh tối om này, không có gì thay đổi cả, chỉ có khác chăng là mẹ ông, bà Mười Phận không còn nữa để thay thế vào đó hai cô con dâu với năm sáu miệng ăn. Cộng thêm lũ cháu nội vô tội của ông tương lai bế tắc, đen tối không thua đêm ba mươi mù mịt. Hằng đêm, ông xuôi ngược theo eo lá nhà ông Bộ Tuần, nơi cô Sáu Oanh chết oan uổng, hoặc chân cầu Ông Hiệu như thuở xưa, trong thầm lặng lạnh tanh. Ông không còn huýt gió thảnh thơi và phấn chấn ca mấy câu vọng cổ muồi mẫn nữa...
Tâm sự ngổn ngang, sự lo âu chán chường triền miên làm tắt hẳn trong lòng ông những hứng thú lâng lâng, những rạo rực hồn nhiên yêu đời của thời son trẻ. Những lúc ông nghêu ngao làm bạn với gió trăng, trời nước, với những huyền bí của tạo hóa. Thỉnh thoảng, ông ngước nhìn chung quanh mình, thấy leo lét những ngọn đèn các ghe câu khác lố nhố ven theo hai mé sông, chạy dài ngút mắt, lập loè yếu dần để biến hẳn trong đêm tối đen ngòm. Cũng như cuộc đời trầm thống của người dân. Khác với ngày nào, cũng trên đoạn sông tăm tắp sầm uất thầm lặng này, chỉ duy nhứt có mỗi ghe câu của ông hiện diện tìm sống trong cô đơn cô độc. Bây giờ, trong xóm ai cũng đổ bung ra sông ra rạch chăn ví, săn đuổi cá tôm từ đầu sông cuối bến, tranh nhau đắp đổi qua ngày. Tôm cá ngày càng hiếm hoi cạn kiệt. Cuộc sống thêm vất vả buồn nôn. Ngày xưa con sông này không lớn không nhỏ nhưng rất thơ mộng. Nó lạnh lẽo vô tri thật nhưng đối với ông, vốn gắn bó gần gũi, hội nhập vào nó, nó chất chứa mang chở một cái gì thiêng liêng tiềm ẩn khiến ông càng quyến luyến khắn khít với nó luôn. Ngày nay, cái hồn nước, hồn sông đó trở nên nhạt nhòa với cuộc đổi đời nghiệt ngã buồn tênh. Con sông thân thương của ông cũng đớn đau trầm thống không ít. Nó bị dằn xé, dầy xéo không nguôi. Nó trở nên nghèo nàn sẫm đục, u buồn với một triển vọng mù mờ hơn lúc nào hết. Nguồn lợi nó dâng hiến tạo niềm vui cho con người nay đã cạn vơi trầm trọng.
Ông nhớ ơi là nhớ, nhớ cồn cào bất tận, nhớ cái thuở vàng son thạnh mậu, lung linh huyền diệu ngày xưa của ông bà cha mẹ nay đã qua mất rồi, không bao giờ trở lại nữa. Có chăng chỉ còn là những kỷ niệm êm đềm trong tâm tư và tình cảm của ông. Ông nhớ ngày đó ông được nghe bà con trong xóm kể cứ mỗi lần bước ra khỏi hiên nhà vào mùa nước nổi với cây cần câu rê trên tay là có ngay mồi nhấm cá lóc, con nào con nấy to bằng bắp tay bắp vế. Còn nói gì lúc nước sắt, bà con hú hí nhau đông đủ mặt, cứ tha hồ chia xẻ, bắt tôm bắt cá mà ăn. Ngay lũ chồn rái ú na ú núc, thức ăn quá thừa mứa, chê lên chê xuống, chọn lựa vung vẫy phí phạm. Những hôm tác đìa, tác mương ranh, tôm càn xanh lo lớn lội ngược dòng nước, búng tanh tách tanh tách vui tai vui mắt. Vào mùa cá chốt, chúng mang bụng chữa no tròn lội đầy sông đầy bến, đến đỗi trông mặt nước sẫm đen, làm vướng bận ghe xuồng... Bất giác, nhìn lại hiện tại, ông thở dài ngao ngán:
- Cái nghề ngóc đầu không nổi này lại là cái nghề duy nhứt giúp duy trì sự sống tạm bợ hôm nay trong chế độ bần cùng chủ nghĩa. Nhưng liệu cảnh bấp bênh không ngày mai này kéo dài được bao lâu nữa? Rồi ông buồn buồn kết luận:
- Quả lúc này mới thực là: “Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá!”. Chả trách cả nước hồ hởi tiến nhanh tiến mạnh lùi vào thời đồ đá đói rách khổ sở.
Ông Tám thở dài não nề, lặng lẽ một mình trong đêm khuya. Ven sông ếch nhái, côn trùng tiếp tục hòa tấu nhạc bản buồn tênh tang khó, ru nhẹ những mảng lục bình uể oải với bông hoa màu tím lưa thưa đang mùa úa tàn rũ chết, nằng nặng xoáy quặn, gậm nhấm hồn người!
Con sông nay vẫn còn lại những ghe xuồng câu quanh năm lặn hụp, lênh đênh như những con thuyền không bến. Dòng sông năm cũ còn lại những gì trong hiện tại? Hay chỉ là dòng sông nước mắt nuối tiếc uất hờn của người dân vô tội, bất hạnh.
Do vậy, khi thằng con trai thứ bảy lù đù chào đời bất đắc dĩ, hai vợ chồng bèn có thái độ chung dứt khoát. Lần này bằng cách... ông ở nhà trên, bà ở nhà dưới, cách ngăn bằng một phênh tre bện lá dừa nước, tuyệt nhiên không gần gũi nhau nữa! Thề có mặt đèn trước mắt và hai bên vai vế chứng giám. Vì thế, ông đặt cho nó cái tên Thôi, đánh dấu quyết định không bao giờ thay đổi của mình. Quyết định bất biến, chắc nịch như đinh đóng cột gõ, cột cẩm lai nhà quyền thế. Nhưng khốn nỗi, lời hứa hẹn xem nhau như bạn bè tri âm tri kỷ của hai ông bà không kéo dài được mấy mùa trăng. Sợi dây tình nghĩa khắn khít, ân ái mặn nồng bấy nay không thể bức bỏ dễ dàng được. Lời nói hay những lời hứa hẹn thoát ra từ cửa miệng con người không khó. Cái khó là nó đi đôi với việc làm. Thói thường như vậy. Chẳng có gì là lạ cả.
Do đó, chẳng mấy chốc hai ông bà tạo thêm năm một hai mụn gái kháu khỉnh, tròn trịa dễ thương. Dù nghèo túng thiếu thốn mọi mặt nhưng trông thấy mặt chúng nó, ông bà cũng đành bấm bụng chấp nhận dưỡng nuôi tùy theo hoàn cảnh hiện tại. Ông bà chọn hai cái tên khẳng định một lần nữa ý chí sắt đá của mình, mặc dầu những lời thề thốt hay hứa hẹn trước đây chỉ là nước chảy dưới cầu. Hai cái tên được chọn rất có ý nghĩa: Nghỉ rồi Mót. Có lẽ đây cũng là một cách gián tiếp biện bạch với đám con thiếu ăn thiếu mặc, đói lên đói xuống, quần thảo suốt ngày. Khi cô Út Mót vừa giáp thôi nôi, mới biết bò ngang như cua, lần này chưa kịp lôi đầy tháng, chẳng may ông Mười qua đời bất thình lình. Nhiều bà con ác ý xầm xì xa gần về cái chết bất đắc kỳ tử này. Rõ miệng thế gian quả nhiều điều lắm chuyện. Trái lại trong gia đình, mọi người lớn nhỏ không cầm được nước mắt thương yêu xúc động khi khám phá dưới gầm giường, ông còn để lại cho vợ con một ít tiền còm. Số tiền này không bao nhiêu nhưng được gói ghém cẩn thận trong nhiều lớp nhựt trình vàng nhạt. Do lúc còn sanh tiền, ông rất ky cỏm, đắn đo tiêu xài cho riêng bản thân mình. Nhưng ông trời trên cao vốn công bằng nên ban bố cho nhân gian định luật bù trừ. Trong cái đau đớn phân ly chia lìa, trong cái rủi ro của gia đình còn có cái may. Nếu không, chẳng biết ông bà sẽ còn phải tìm thêm tên nào nữa để đặt tiếp cho con cho hợp tình hợp lý. Và không biết tương lai gia đình ông bà sẽ ra sao?
Tám Thôi cao ráo, nước da trắng trẻo, má lún đồng tiền, lại có hai cái răng khểnh đều đặn. Mỗi lần cười hay nói chuyện rất có duyên. Anh dễ chinh phục cảm tình và thương yêu của người đối thoại, dù nhỏ hay lớn. Nước da trắng trẻo với vóc dáng dong dỏng của anh khiến nhiều người ở làng xã chung quanh cứ ngỡ anh xuất thân từ những gia đình giàu có quyền quý, con cháu những đại điền chủ, phú hào, những ông hội đồng, bang biện hay chức việc bang bệ Hội Tề. Họ có ngờ đâu gia đình anh nghèo sặc máu trong xóm. Do hoàn cảnh gia đình đông con, thiếu trước hụt sau, sống từng ngày từng bữa nên sau khi vừa học xong lớp dự bị ở trường làng, chỉ biết đọc biết viết vần xuôi vần ngược và làm trật vuột hai phép toán cộng trừ thông thường, bà Mười giữ Tám Thôi ở nhà phụ giúp một tay, trông coi săn sóc hai đứa em gái út. Bà không vướng bận và có thời giờ cùng mấy đứa con lớn bươn chải kiếm cơm.
Xúc cá, gió tép, nhổ mạ, cấy lúa, gặt lúa, mót lúa, trồng trọt rau cải quanh vườn… Dần dà, Tám Thôi theo chân mấy anh lớn, tập tểnh những nghề lặt vặt tùy mùa, tùy theo nhu cầu trong xóm có ai cần đến. Dù một ngày nửa buổi anh không bao giờ từ nan. Miễn anh có việc làm là niềm vui hạnh phúc lớn đối với anh lúc bấy giờ. Vốn thông minh thiên phú thể hiện qua đôi mắt đen huyền linh động, đôi chân cheo và đôi tay nhậm lẹ như con lật đật, Tám Thôi tỏ ra rất tháo vát. Anh không ngừng chịu khó tìm kiếm học hỏi nơi những bậc cao kiến, không như trang lứa thuộc những gia đình khá giả, gia sản đồ sộ, hằng ngày lang bang đầu làng cuối xóm, no cơm rửng mỡn, xạo sự cà nhỏng. Với bản tính tự trọng, lễ phép, biết người biết ta, anh không hề làm mất lòng một ai. Anh minh định được chỗ đứng của mình trong thôn xóm, biết nể nang kính trọng người trên trước, biết nhường nhịn thứ tha đối với bạn bè trang lứa và ngay những người nhỏ tuổi hơn anh nhiều nên được mọi người thương yêu quý mến. Dù trẻ tuổi, thuộc lớp nhỏ mới tấn lên sau này nhưng nhờ có tài thích ứng nhạy bén, anh hay giao du với hạng trung niên, ngay cả bậc trưởng thượng thuộc hàng chú bác, ông bà. Anh biết hòa đồng mọi hoàn cảnh, biết thích ứng mọi trạng huống, dù vui dù buồn. Gặp nhậu, anh cũng nhậu lai rai ba sợi, vừa vừa phải phải. Anh không để quá chén đến say mèm, bò càn hay nằm lăn quay trên sàn đất, mất hết nhân phẩm. Vì anh nghĩ con người phải biết tự trọng, khởi sự là trọng mình để được mọi người trọng mến mình sau đó. Và mỗi lần nhậu, anh cũng dám thắc lưng buộc bụng, không ngần ngại đóng góp vài con tôm càn, một mớ cá chạch hay con cá lóc nhảy hầm, con lươn con ếch mới câu… Anh tham gia bắt chuyện, tán dóc tầm phào không đến đỗi ngây ngô vụng về.
Từ ngày Tám Thôi bước qua giai đoạn nghé đã giựt vàm, nhứt là từ khi những đứa con lớn lần lượt kẻ trước người sau được dựng vợ gả chồng ra riêng, bà Mười đỡ túng ngặt hơn trước nhiều. Sự dễ thở đó cũng nhờ Tám Thôi bóng vía nhẹ hêu, câu tôm câu cá, ngày nào không trúng lớn, ít ra cũng đủ ăn. Có cá có tép hằng bữa no lòng, không như trước đây đói lên đói xuống. Đoạn sông Gò Đen - Phước Tỉnh, từ cầu Ông Hiệu đổ ra sông Cái, hai bên mé sông dừa nước rậm rì chen lẫn với gừa dẹt, ô rô lùm buội… nối đuôi không dứt. Sông sâu. Nước mát. Cá tôm đến ẩn núp nhiều. Hằng đêm nơi nầy là giang san gắn bó của anh. Cứ chiều chiều, anh vác cuốc đào trùn hổ ở mấy vồng mấy liếp khoai mỡ khoai từ vừa mới vỡ xong. Trùn được anh đựng trong cái chình cải bắp thảo nặng ì. Tối chạng vạng đỏ đèn, anh bắt đầu bơi xuồng ba lá thả dọc theo sông suốt đêm câu tôm. Xuồng câu của Tám Thôi được trang bị đầy đủ tiện nghi. Khoan xuồng được lót ván bản, chà lết lâu ngày lên nước láng o. Thêm một cái mui bằng lá buông vừa chắc chắn vừa kín đáo để che mưa chắn gió. Một đèn thùng thiếc. Loại đèn chong dùng dầu hôi để đốt, được đặt ghịt vững vàng trong một thùng thiếc cũ, phòng khi gió mái mưa giông. Thùng có tay xách, loại cán mù u bóng nhẳn rất tiện lợi khi xê dịch. Trong xuồng lúc nào anh cũng không quên mang theo một nốp đệm lác phòng hờ về khuya mệt mỏi, nghỉ ngơi giây lát khỏi trúng gió cảm lạnh. Mà cũng để đỡ muỗi mòng, bù mắt cắn chích. Thêm một ơ cơm nguội với ít thức ăn quanh quẩn xào đi nấu lại quá quen thuộc. Đại khái như mắm sặc, mắm cá linh, nước mắm kho quẹt, cá kho tiêu, tép riêm nêm nếm tới chữ, đường tán đen xì mua ở lò đường trong xóm còn dính ít rơm rạ hay đường thốt nốt của chú chệt chập phô đem về từ xứ Chùa Tháp... Dĩ nhiên còn có chút ít rau cải hàng bông mua ở quán bà Tư Trầu. Hoặc được anh vừa mới cắt hồi chiều nơi gốc vườn nhà. Bên hông xuồng là rọng tôm hình con thoi, làm bằng tre già cứng chắc. Rọng được anh cặp dọc dài theo thành ghe, nửa trên nửa dưới mặt nước. Riêng dụng cụ chỉ gồm vỏn vẹn một lưới vợt sắt với cán dài một hai thước tây, vài cần câu do anh tuyển lựa loại trúc già, trui lửa đúng mức, uốn thẳng bon. Tám Thôi có kinh nghiệm, lựa nơi eo vịnh nhiều tôm cá, cắm sào chờ con nước. Mồi trùn được thả xuống. Tôm càn háo ăn, đeo ghì như sam, làm động đậy cần câu. Anh từ từ kéo nhẹ lên phía thành ghe. Đến mức nào đó do kinh nghiệm giúp sự ước đoán của anh đạt độ chính xác cần thiết, anh nhẹ nhàng thòng vợt xuống vớt.
Những đêm trúng mối nhờ anh có tay sát tôm sát cá vào hàng thần sầu quỷ khóc, hừng sáng, bà Mười Phận bươn bả quẩy gánh ra chợ bán. Bà bươn bả cho kịp chuyến xe sớm nhứt để bạn hàng mua sỉ đem đi Chợ Bình Tây tức Chợ Lớn Mới đúng giờ bỏ mối. Thói quen của bà là như vậy. Và cái Chợ Bình Tây xa vạn dặm được khắc in sâu đậm trong tâm khảm bà như để nhắc nhớ bà không bao giờ để trễ chuyến xe. Đến đỗi bà còn biết mồn một cái chợ to lớn bằng xi măng cốt sắt cốt thép và có mái lợp hẳn hoi ấy do tay buôn người Tàu có tên là Quách Đàm, chủ hiệu buôn Thông Hiệp, giàu khét tiếng ở vùng đất phương Nam, bỏ tiền của ra xây cất và hiến cho nhà chức trách đương thời. Cuộc sống của bà từ dạo đó xem như đỡ vất vả hơn, chứ không giàu có bằng ai.
Căn nhà lá nhỏ nhắn lụp xụp của bà vẫn còn y nguyên trước sau vẫn vậy. Ngôi vườn chẳng phát triển thêm được một thước đất nào, đủ biết sự túng quẩn dai dẳng bấy lâu nay không thể xóa nhòa ngày một ngày hai được. Tuy nhiên, hoàn cảnh ấy không cản ngăn được Tám Thôi có chút ít ước mơ riêng tư về cuộc sống tương lai, về những ngày sắp tới. Vốn hồn nhiên đôn hậu nhờ ở cái cốt đằm thắm yêu thiên nhiên vạn vật, yêu người chung quanh, quả anh có niềm vui hạnh phúc, tin tưởng thực sự và mãnh liệt vào cuộc đời, song hành với sự vương lên của gia tộc. Nhưng một nỗi lo âu canh cánh trong lòng anh mỗi khi anh nghe giọng nói khàn khàn đục đục của bà Mười. Anh thừa biết sức khỏe của bà đã mong manh ở thời ướm rụng. Anh xúc động, chạnh lòng cám cảnh trăng lu bóng xế của một bà mẹ tới tuổi này vẫn còn nặng gánh đời cơm áo, hai vai vẫn không ngưng oằn nợ gia đình và con cái. Do vậy, nhiều khi anh thố lộ cùng bà Mười, một mai làm ăn khấm khá, anh sẽ cất lại ngôi nhà khang trang hơn với mái ngói vách bổ kho đàng hoàng ấm cúng. Dịp này, bà Mười dàu dàu thối thác:
- Tao nghe bây ước mơ mà phát ham. Nhưng chí tình mà nói, tới chừng đó, bây cất ở đâu thì cứ cất, nơi đầu ngõ mình chẳng hạn. Tao mừng cho bây.
Rồi bà phân trần:
- Làm gì thì làm, tao nhứt định vẫn giữ lại ngôi nhà lá ọp ẹp này cho đến khi tao nhắm mắt theo ông theo bà, về với ba bây. Dù sao nó vẫn là dấu vết của thời gian, mà thời gian có qua mau nhưng còn đó bao nhiêu kỷ niệm buồn vui thời tấm mẳn không thể quên được.
Nói đến đây bà bỗng rươm rướm như trong lòng đang vương vấn một cái gì:- Hơn nữa, tao thích ở nhà lá, khoảng khoát mát mẻ như vầy. Ở đây còn phảng phất nơi nầy nơi nọ, hơi hướm dĩ vãng của những tháng ngày dài bên cạnh ba tụi bây. Ổng chẳng may ra đi rất sớm nhưng không một ai có thể thay thế ổng trong lòng tao được. Mà nhà mình lại ở cạnh bến sông, ngày ngày lúc nào cũng có khách vãng lai từ thập phương trên những ghe xuồng xuôi ngược dập dìu. Nhờ vậy, tao thấy cũng vui mắt, khuây khỏa trong lòng.
Riêng anh, dù anh siêng năng cần mẫn, chịu cực chịu khổ tạm xem như thành công trong nghề câu được bà con khen ngợi nhưng anh một mực khiêm tốn, phân trần cùng mọi người:
- Cám ơn bà con cô bác đã giành cho tôi nhiều cảm tình nồng hậu, nhưng thú thật việc làm lêu bêu của tôi bây giờ có thành công hay thất bại ra sao để được khen ngợi hay chê bai, tôi cũng chẳng hề quan tâm đến. Còn nói gì có yêu thương hay ganh ghét tôi qua cái nghề thiên hạ nguyền rủa, tôi cũng chẳng màng để ý tới làm gì. Vì mục đích sau cùng của tôi là lo cho chính bản thân mình nhưng trước hết mang hạnh phúc niềm vui đến cho má tôi và gia đình.
Đoạn sông từ ngã ba Mỹ Yên đến trại hòm Năm Vạn ở đầu vàm Phước Tỉnh không rộng nhưng sâu và sầm uất. Ven sông, bần, dẹt, gừa, ô rô, dừa nước... chen lẫn nhau dầy mịt. Nhiều cây cổ thụ, tàng nhánh to lớn xum xuê giao ngọn nhau, che khuất bầu trời.Con sông vẫn thầm lặng huyền bí. Ngày ngày, nó mang chở theo con nước lớn ròng những mảng lục bình lững lờ xuôi ngược với vài bông màu tím u buồn vào những chiều mưa lất phất dai dẳng. Dân làng đều ngán đoạn sông đó. Nhứt là từ độ cô Sáu Oanh, con ông bộ Tuần, học năm thứ tư Nữ học đường Gia Long về nghỉ lễ Thăng Thiên, lúc tắm sông sơ ý hụt giò chết chìm. Người địa phương đã đành nhưng những người ở các làng lân cận nghe tiếng đồn cũng không thanh thản mấy khi phải đi ngang. Người tin dị đoan cho rằng cô bị ma da kéo. Hỏi ra chẳng ai biết con ma da này hình thù dị họm ra sao, hung dữ như thế nào? Họ chỉ biết mù mờ trong tưởng tượng. Thậm chí, có những bô lão yếu bóng vía dễ tin, sợ ma da bất thình lình thò tay lên níu kéo về chầu bà thủy. Nên lúc nào ở khoan ghe, nơi các bà ngồi bơi ở sau lái cũng có đặt sẵn một con dao phay hay chành bầm. Các bà lo âu phòng xa. Hễ ma da bất thần xuất hiện, các bà rút ngay dao phay để đối phó.
Tuy nhiên, từ sau biến cố đau thương cô Sáu chết chìm oan ức ở đó, không còn nghe ai bị ma da kéo chết. Nhưng có một điều chắc chắn là không đám trẻ nào, dù nổi tiếng tiểu yêu bậm trợn, chọc trời khuấy nước, dám hó hé đến đoạn sông này tắm nữa. Chúng nó đã lạnh chưn lạnh cẳng hẳn. Ấy thế, cũng trên đoạn sông này, đêm đêm Tám Thôi thả xuồng tới lui xuôi ngược câu tôm. Khuya khuya ngồi câu, một mình đối bóng lung linh trên mặt nước ngấn vàng dưới ánh trăng, những lúc tôm biếng ăn, Tám Thôi huýt gió điêu luyện theo những bài bản ai oán não nùng. Anh huýt gió không thôi, nhờ vậy anh đỡ buồn ngủ, trì chí chờ đợi tôm ăn mồi. Những lúc cao hứng, anh nghêu ngao vài đoạn xàng xê rồi lan man bắt qua ca sáu câu vọng cổ hoài lang muồi đứt ruột xé gan. Với giọng trầm buồn du dương, anh từng đưa làn hơi phong phú truyền cảm, làn hơi thiên phú của mình xoáy quặn tâm hồn những người có tâm sự. Họ đang trằn trọc đâu đó lúc thanh vắng để càng thấm thía với nỗi niềm ngổn ngang riêng tư. Anh nhạy theo những bản vọng cổ ruột của các cô Tư Sạn, Ba Bến Tre, Năm Cần Thơ do các hãng dĩa Pathé hay Asia thu âm và thành công làm nên một thời. Bà con tự hào xem anh như một danh ca Tám Thưa hay Ba Ngươn tân thời của xóm Phú Thứ thân yêu của họ. Những bài ca vọng cổ in theo khổ nhỏ bỏ túi bày bán ở các chợ làng chợ quận, hầu như anh mua không thiếu bản nào, mỗi khi được phát hành ở đây. Thỉnh thoảng có cúng đình, tiệc tùng giỗ quảy, họp hè Tết nhứt, bà con kêu gào, yêu cầu cho bằng được anh ca giúp vui. Và giọng thổn thức nhói tim của anh không bao giờ làm họ thất vọng cả.
Nghề câu tôm không phải đêm nào cũng trúng lớn. Nhưng việc lênh đênh trên sông nước đối với anh là một cái nghề chính yếu giúp mẹ anh đỡ phần túng quẩn. Gặp những hôm mưa dầm tầm tã, cá tôm no nước biếng ăn, anh đành thúc thủ bực dọc, bất đắc dĩ ở nhà. Anh càu nhàu cau có, mãi lẩn quẩn ngồi không vô tích sự. Mùa nước rong, sông nước mênh mông, anh xoay qua cắm câu mồi chạy. Rải rác ven theo mương liếp. Anh kết bặp dừa dính liền vào nhau đôi ba cái để làm phao nổi, cắm vào đó một cần câu với con nhái oé móc lủng lẳng ở đầu lưỡi. Nhái được giữ vừa tầm mặt nước, bị lưỡi câu móc ngang hông đau điếng, cứ nhảy vọt tới trước mong thoát thân. Nó làm chao động mặt nước, gây chú ý mấy chú cá lóc háo ăn đang lùng kiếm, săn đuổi mồi ngon béo bổ. Nhờ vậy, hôm nào không tôm cũng có cá, không nhiều thì ít. Miễn đủ ăn trong ngày là bà Mười mãn nguyện rồi. Khi bà hồi tưởng những năm dài chán chường ngao ngán, bà thường nhịn bụng giành phần mình nuôi một bè con hằng bữa đói meo. Có những lúc nước động mạnh, nhưng với bản tánh hiếu động, say sưa ham thích làm việc, anh không chịu bó gối ngồi yên vô ích. Với anh, ăn không ngồi rồi phí phạm thời giờ quý báu vì tuổi trẻ chóng qua, không chờ không đợi, chẳng bao giờ trở lại. Anh noi gương mẹ anh. Anh nhớ có lần mẹ anh đi dự tiệc cưới về. Bà lẩm nhẩm cự nự:
- Công việc ở nhà hằng hà sa số, làm không nhót. Vào mâm vào cỗ còn phải chờ đợi mời hết người nầy đến người nọ, năn nỉ ỷ ôi năm lần bảy lượt. Tao nóng hơ trong bụng. Lại còn chờ thêm mấy lời giới thiệu phát biểu dong dài gì đó. Tao có nghe có biết cho chết đi. Đã chờ lâu lắc mà sau cùng họ còn bắt tao vỗ tay nữa.
Thì ra bà Mười chắt mót, trọng quý từng giờ từng phút. Tám Thôi đã thừa hưởng trọn vẹn đức tính ấy của bà. Trưa trưa, lúc mặt trời đứng bóng, anh đuổi gà nước, ốc cao, vỏ vẻ, quốc... ở các ngôi vườn mênh mông rậm rạp của ông chủ Đầu Cầu, ông Hương sư ấp Nhứt, ngay cả của ông Hội đồng Bảnh nổi tiếng khó khăn. Đám trẻ chăn trâu trong xóm, lục lăn lục lữa, chọc đầu làng phá cuối thôn cùng tham gia với anh. Chúng la ó, cười giỡn, dùng nhánh cây chà củi đập ầm ầm bừa bãi vào những buội rậm ô rô ắc ó dầy đặc ở các liếp trong vườn. Chim chóc hoảng sợ không dám cất cánh bay thoát thân. Chúng cứ nhè đâm đầu chạy tắt thở, bất kể hiểm nguy, nhắm thẳng hướng phía trước để sau cùng chen lấn nhau lủi riết vào rọ tuyệt mạng, nơi Tám Thôi giăng sẵn ở cuối vườn. Có đêm, anh xách đèn chai soi khúm núm ở Gò Vua, Gò Bướm. Xem thế đủ biết Tám Thôi luôn luôn lao lách, hy vọng xoay đảo cuộc đời. Anh cố nhoi ra khỏi bầu trời thảm đạm đen tối của đói khát nghèo khổ, của túng thiếu khốn đốn. Đó chính là niềm mơ ước anh ấp ủ từ lúc biết bữa đói bữa no.
Thời buổi kinh tế khủng hoảng, thôn quê trước nhứt bị ảnh hưởng trầm trọng. Mấy năm dài tiếp theo đó, cái nghề độ nhựt câu tôm câu cá, đuổi chim đuổi chuột của anh không khá mấy. Gia đình anh có lúc dễ thở nhưng sự túng quẩn nhiều khi bế tắc do thu nhập không đảm bảo thường xuyên liên tục. Kịp lúc Nhựt Bổn đổ bộ lên bán đảo Đông Dương, thực hiện chánh sách Đại Đông Á của đám quân phiệt Phù Tang, vốn có thâm ý xâm lăng các nước lân cận, Tám Thôi để ý thấy bạn bè trong xóm bỏ thôn làng lên Sài Gòn hay ra tỉnh tìm phương kế sinh sống. Nhiều đứa vắng mặt không lâu, lúc trở về xóm cũ làng xưa, trông khấm khá lắm. Việc làm lúc bấy giờ không hiếm do nhu cầu chiến tranh đòi hỏi cấp bách. Cùng lắm anh có thể đăng ký ngay vào làm việc ở những cơ sở tuyển chọn nhân công của quân đội Nhựt, không cần có chuyên môn chi cả. Cần nhứt là phải lực lưỡng mạnh khoẻ để làm những việc lêu bêu, đại khái như đắp mô, đào đường, xây ụ phòng thủ dài theo các trục giao thông chính yếu chung quanh Sài Gòn hay ở những địa điểm chiến lược chiến thuật. Lúc ấy quân lực Thiên Hoàng quá sa sút ở khắp mặt trận Thái Bình Dương. Chúng lo sợ quân đội Đồng Minh đổ bộ tái chiếm phần đất chiếm đóng. Không khí rầm rộ, sôi động lắm.
Sau bao năm lặn lôi không ngừng nghỉ trên đoạn sông quê hương, bây giờ ngoái nhìn lại đã gần ba mươi tuổi, Tám Thôi rất băn khoăn. Anh hoài nghi cuộc sống hiện tại, mỗi khi nhìn giòng nước lặng lờ đen ngòm vào những đêm không trăng mù mịt. Dòng nước quen thuộc với các mảng lục bình bắt gặp không biết bao nhiêu lần trong đời, đang cọ nhẹ nhàng vào thành ghe, khoe mấy đóa hoa nở muộn màu tím dưới ánh đèn câu. Anh tưởng tượng như màu tím sẫm đang chận hướng tương lai trước mặt mình. Nghèo thường bị người đời rẻ khinh, xã hội ruồng rẫy. Anh quyết định chụp lấy thời cơ có một không hai này, hy vọng đời mình sẽ xoay chiều thuận lợi. Anh cũng cảm thấy không thể và không bao giờ ngóc đầu lên nổi với cái nghề mà bàn dân thiên hạ không ngớt kêu rêu soi bói là săn chim đâm cá của anh. Anh nhớ người xưa nói không sai: “Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” nên cái nghèo cứ đeo đẳng anh mãi, làm ăn không tiến phát là phải lắm. Tiệt hậu anh thề từ bỏ cái nghề bà con bêu rếu ấy. Và anh nghĩ cũng là dịp để anh thử thời vận hên xuôi may rủi xem sao.
Tám Thôi lần mò lên Chợ Lớn. Anh ở đậu nhà cô Ba Mai, người cùng xóm, hết lòng nâng đỡ đùm bọc. Cô Ba nhờ siêng năng cần cù nên mấy năm sau này khá giả lắm. Cô có cơ ngơi tại đường Tân Hòa Đông, cách đồn lính Phú Lâm không xa. Nhà cô cất theo kiểu phố gạch mặt tiền, bốn thước ngang. Vách bản bổ kho, cửa cái chính giữa, hai bên cửa sổ song cây thẳng đứng. Nhà rất dễ nhận diện nhờ mấy tấm màn lửng thêu tay hoa mai vàng lấm chấm. Phía sau nhà có miếng vườn nhỏ, vừa đủ trồng vài loại rau cải thường dùng. Nhờ đó chiều chiều hoặc cuối tuần, Tám Thôi săm soi chăm sóc đỡ nhớ những sinh hoạt quen thuộc nơi quê nhà ngày trước. Nhứt là quên đi phần nào những thôi thúc kỳ bí dấy lên từ cái hồn nước, hồn sông, hồn đất mà anh đã gắn bó từ lúc chào đời. Chồng cô Ba Mai là thư ký chánh ngạch làm việc ở nhà đèn Chợ Quán, quen lớn nhiều, xã giao rộng, nói tiếng Tây tiếng u nghe rơm rớp. Nhờ thầy Ba nghĩ tình đồng hương tha phương cầu thực, chân ướt chân ráo nơi đất lạ nên giới thiệu anh vào làm việc ở nhà thuốc Ông Tiên, trên đường Lục Tỉnh, Phú Lâm. Thầy rất sốt sắn. Tuy mới gặp Tám Thôi không bao ngày nhưng có cảm tình ngay do anh hoạt bát vui tánh, tốt bụng và hiếu động. Hơn nữa, anh cũng chẳng so đo kén chọn gì. Nhứt là về phương diện lương bổng. Sự chịu đựng kham khổ đã quá quen thuộc đối với anh.
Một bất ngờ là công việc nơi nhà thuốc quả nhẹ nhàng, so với những việc nặng nhọc anh đã từng nhúng tay làm qua trong những năm đói khó. Đại khái như gấp toa, vô thuốc, vào hộp, dán nhãn, kiểm tra cẩn thận rồi bỏ vào thùng cạt tông lớn để giao các đại lý ở tỉnh, nhứt là miền Trung dân tình nghèo khổ cần thuốc Đông y hơn là thuốc Tây quá đắc. Anh rất đỗi vui mừng. Thực ra không vì sự nhàn nhã đó mà chính từ nay anh có phương kế sinh nhai. Một may mắn hiếm hoi trong thời buổi khó khăn, giữa lúc thế giới kình chống sắp giải quyết mọi tranh chấp đất đai và chủng tộc bằng súng đạn.
Lúc này các nhà thuốc Đông y phát triển mạnh lắm do thuốc Tây ngày càng hiếm hoi mắc mỏ. Nhà thuốc Ông Tiên đồ sộ ngay trước mặt ga xe lửa Phú Lâm. Chủ nhân là ông Nguyễn Hoàng Hoanh, từng đi nước ngoài, đặc biệt là Pháp quốc. Ông có tầm nhìn xa, có óc thương trường nên xây cất rộng lớn, phát triển dãy ngang dãy dọc, kinh dinh hơn trước nhiều. Nhân công đông đảo, phần lớn là đàn bà con gái, xuất thân từ những vùng phụ cận bùn lầy nước đọng Phú Lâm. Lai rai vài chú đực rựa ở tuổi đôi mươi, sức khoẻ như trâu, trong đó có Tám Thôi. Kể như họ là những cây đinh quý hiếm trong rừng phụ nữ ở lứa tuổi cặp kê, te rẹt rậm rật, đon ren làm duyên làm dáng. Hằng ngày, từng đoàn xe hơi quảng cáo màu sắc bóng nhoáng, xe nào cũng có gắn loa phóng thanh, lần lượt tỏa ra khỏi cổng nhà thuốc. Các xe quảng cáo này đồng loạt đổ xô về các chợ làng chợ quận xa xôi hẻo lánh, trước tiên trình diễn những màn xiệc đơn giản để thu hút người xem. Tiếng trống và chập chỏa rền vang lôi cuốn người hiếu kỳ. Họ bu thành vòng tròn chen chưn không lọt, nhứt là đám trẻ chút chít cười giỡn không thôi. Sau phần quảng cáo một vài mặt thuốc, gân cổ nổi phồng, giọng khàn khàn, mồ hôi nhuễ nhại do ánh nắng ban mai bắt đầu chĩa thẳng xuống chợ, họ bán chút ít thuốc tượng trưng nhờ tài hoạt náo gọi mời. Mỗi lần trình diễn quảng cáo như vậy đều kết thúc bằng một màn nhổ răng miễn phí với đông đảo bệnh nhân nhẫn nại ngồi chờ đợi từ sáng sớm. Nhờ đám sơn đông mãi võ này, nhà thuốc Ông Tiên vốn đã kinh dinh ngày càng kinh dinh hơn. Tám Thôi an tâm. Việc làm có cơ đảm bảo lâu dài. Anh lanh tay, cố gắng làm việc, không la cà tán gẩu với đám đông con gái rửng mởn. Tánh tình vui vẻ, thêm biết chịu cực, Tám Thôi được ông chủ nhà thuốc chấm giò chấm cẳng, thu nhận với bản hợp đồng vĩnh viễn. Anh chẳng đã từng khoe với vợ chồng cô Ba Mai:
- Tôi chẳng nề hà gì. Bảo đâu làm đó như thiên lôi. Mình kiếm sống mà! Chứ người nào cũng tránh né, tranh dành chỗ sướng, việc khó khăn cực nhọc bỏ ai làm đây?
Anh thố lộ thêm:
- Thầy cô đâu có biết. Nhà thuốc Ông Tiên có thời ghê. Nội cái việc tôi vào hộp thuốc “Sưu độc bá ứng hoàn” làm tới già, cúp bình thiếc chưa chắc đã hết. Tôi dốt đặc cán mai. Không biết thuốc này trị cái giống gì mà bán chạy như tôm tươi mới ra rọ?
Từ ngày lên thành phố, Tám Thôi có đồng vô đồng ra, một phần gởi về quê cho bà Mười Phận đỡ âu lo tuổi già mỗi cuối tháng. Đều đều, không sót một tháng nào cả. Phần còn lại, anh dùng mua sắm áo quần, giày vớ, nón mũ... thay hẳn bộ mã quê mùa. Còn trẻ, vốn độc thân, dù đã ngam ngám ba mươi tuổi đầu, nhưng nhớ lúc hàn vi gian truân lận đận, đói lên đói xuống, dù không hề nợ nần ngập đầu ngập cổ như một số không nhỏ bà con anh, nên có muốn bay bướm chạy theo thời trang, anh không đi quá đà. Anh biết dừng lại ở nơi phải dừng. Đúng chỗ, đúng thời điểm. Anh tỏ ra chững chạc hơn xưa nhiều. Anh dành dụm cho mai hậu, hòng ứng xử những lúc khó khăn, sa cơ thất thế như thuở thơ ấu và thanh xuân của anh. Vì anh biết quý trọng đồng tiền làm ra bằng mồ hôi và sức lực. Nhưng tuyệt nhiên, anh không hề bần tiện do cái hư tật tôn sùng đồng tiền quá trớn.
Nhà lồng chợ Phú Lâm thật sự là nơi tụ tập thường xuyên của Tám Thôi và nhóm bè bạn trang lứa, nhờ có gánh mì chú Hoảnh. Gánh mì duy nhứt trong vùng, được bà con hết lời khen ngon và ủng hộ hết mình. Anh quen thân thằng Xồi, con lớn chú Hoảnh, nhỏ hơn anh vài tuổi gì đó. Tên khai sanh mẹ đẻ của nó là Diệp Trắc Hòa. Hồi đó, chúng tôi hay gọi nó là Tiểu Chi Bảo, là em của danh thủ bóng tròn Diệp Trắc Nhiên, người Hoa Hồng Kong được báo chí tặng cho danh hiệu Hướng Cảng Chi Bảo. Hằng đêm, nó phụ chú Hoảnh đẩy gánh mì ra nhà lồng chợ, rồi thỉnh thoảng đảo một vòng qua dãy phố công chức giáo viên, thả dọc lên đường Bình Trị, Bà Hôm, đường Tân Hóa, tót xuống đường Lục Tỉnh, đường Phú Định. Gặp hôm tốt trời nhưng vắng khách, nó cao hứng đi thẳng tận đường Hậu Giang. Vừa đi nó vừa gõ cắc ca cắc cụp nhặc khoan, khoan nhặc nghe thiện nghệ lắm. Chập chập, nó cất tiếng rao: “mì... mì...” vừa to vừa ngân nga kéo dài trong đêm vắng. Có người gọi mua, nó lộn trở về báo cho chú Hoảnh. Nấu xong, nó bưng mâm đem giao. Một hồi sau, nó trở lại thu mâm và nhận tiền. Chú Hoảnh chỉ bán mì ban đêm nhưng thằng Xồi luôn mặc quần đùi, áo thun lá ba lỗ bỏ ra ngoài, có khi vạt áo che khuất cái quần trắng bạt màu của nó.
Tám Thôi với bản tánh ham vui thường theo chân nó bách bộ, chuyện trò hằng đêm. Anh không có thói quen ngồi yên một chỗ. Nhờ vậy cái đất Phú Lâm sung túc thạnh mậu một thời mà người cố cựu gọi là Chợ Gạo không còn lạ gì với anh nữa. Bạn bè thân thiết của Tám Thôi còn có thằng Ấp Ba Đu, thường được gọi thân quen là Ba La Chà Và. Ba nó là người Ấn Độ chính gốc một trăm phần trăm, theo đạo Hồi giáo, trôi nổi sinh cơ lập nghiệp lâu đời ở đây. Ông chuyên nghề nuôi dê nuôi trừu ở vùng Tân Hóa, Cây Da Xà, gò Bà Chủ, Phú Lâm tuốt lên miệt Bình Thới, Phú Thọ..., đất rộng bao la, mồ mả ngổn ngang, hỗn man hoang vu. Má nó người Việt Nam rặc nòi. Quê bà ở Sò Đo, làng Tân Phú Thượng, quận Đức Hòa thuộc tỉnh Chợ Lớn. Bà gốc gác nông dân, ba bốn đời bần cố, đụng người chồng Ấn Độ là cả một vấn đề nhức nhối thời bấy giờ. Thiên hạ thường đàm tiếu, rẻ khinh, bảo ông chồng của bà thuộc lớp hạ tiện, trôi sông lạc chợ. Nhờ mang hai dòng máu nên nước da thằng Ba La mơn mởn, không đến đỗi hắc quảy như ba nó, trông hệt cột nhà cháy, trừ hai hàm răng trắng muốt như bông bưởi. Nó đương nhiên theo Hồi giáo từ lúc mới lọt lòng mẹ, nghe đâu là đạo dòng từ đời ông cố ông sơ xa lơ xa lắc, mà nó chỉ nghe ba nó thỉnh thoảng có nhắc đến tên với niềm nhớ nhung kín đáo. Tuy quen nhau đã lâu nhưng chưa bao giờ Tám Thôi có diễm phúc gặp được tận mặt má nó một lần thôi. Má nó từ khi trời xui đất khiến đụng nhằm ông Mô Ha Mết, tên đạo của ba nó, cũng vào Hồi giáo theo đạo chồng. Bà bắt đầu tuyệt đối kiên cử ăn thịt heo từ dạo đó và chỉ lúc thúc quanh quẩn trong nhà.
Theo phong tục tập quán khắc khe của đạo Hồi, đàn bà luôn luôn khép kín trong phòng the. Nếu có ra ngoài thì nhứt thiết phải che mũi che mặt, chỉ chừa hai mắt để nhìn. Không ngờ tập tục này của người Hồi lại trùng hợp với quan niệm sống của gia đình người Việt thuở xưa vào thời phong kiến: nam ngoại nữ nội. Đàn ông lo việc bên ngoài còn đàn bà lo việc gia đình, con cái, bếp núc v.v...
Đàn ông Hồi giáo gặp gỡ nhau ngoài phố hay đầu ngõ. Đại kỵ sự có mặt của đàn bà con gái, dù đối với bạn bè chí cốt chí thân. Trong trường hợp quá cần thiết, ông Mô Ha Mết bất đắc dĩ phải tiếp khách ở nhà, má nó biến dạng mù tăm ở nhà sau. Tuyệt nhiên bà không hề dám lảng vảng léo hánh ở phòng khách. Do phong tục tập quán đặc biệt đó, thằng Ba La, ngoài việc đạp xe đạp bỏ sữa dê sữa bò tươi cho khách hàng mỗi sáng, chỉ đứng đường, tụ năm tụ bảy rong chơi. Ngày ngày đều thấy mặt nó lảng vảng vui đùa tán gẩu với bạn bè ở đầu ngõ, trong nhà lồng chợ, chung quanh ga xe lửa nơi có bến xe thổ mộ và xe ba bánh hoặc nơi sân đá banh ở phía sau trường tiểu học. Nó nào có để ý đến giờ giấc trói buộc chi cả. Nó nói và viết tiếng Việt trôi chảy rành rọt nhờ lúc nhỏ, tuy vợ chồng ông Mô Ha Mết không mấy quan tâm đến việc học hành của con cái nhưng nó học, dù cà ạch cà đụi, trong năm thường vắng mặt không biết bao nhiêu lần, nhưng hàng năm vẫn đều đặn leo riết đến lớp nhứt trường Tiểu học bổ túc Phú Lâm. Cuối năm chót đó nó mới nghỉ học hẳn. Ở nhà chăn dê chăn trừu và bỏ sữa mỗi buổi sáng. Dù vậy xem như một thành công lớn đối với đại gia đình nó, vì đa số các thành viên trưởng thành đều lam lũ thất học. Riêng mấy anh lớn của nó còn tệ hại hơn, tất cả đều mù chữ hẳn. Tám Thôi rất thân thiện và thương mến nó. Dù bị trang lứa ác ý chọc ghẹo, nhiều khi làm cho tự ái của nó bị tổn thương, nhưng sao lúc nào nó vẫn tươi cười hỉ xả. Tội nghiệp, nó cứ khăn khăn:
- Tôi là người Việt Nam mà!!! Tôi đâu phải Ấn Độ. Cái chất, cái hồn của cuộc đất này nằm trọn vẹn trong trái tim tôi. Nó luân lưu trong xương, trong tủy, trong huyết quản nóng hơ hằng ngày của tôi mà!
Không biết bao nhiêu lần trong đời nó đã lập đi lập lại câu nói chất chứa một tình cảm hội nhập trong sáng và gắn bó ấy. Ý nó không muốn mọi người chung quanh xô đẩy nó ra khỏi cộng đồng Việt Nam mà nó quá khắn khít mến yêu từ khi biết nói biết cười, từ khi nó có ý thức rõ ràng trên mảnh đất quê ngoại, vốn hiền hòa lại có ma lực quyến rủ nữa. Bộ tam sên Tám Thôi, thằng Xồi và thằng Ba La không đêm nào vắng mặt ở nhà lồng chợ. Thằng Xồi đã đành, do phận sự của nó phải giúp chú Hoảnh, mà gánh mì đêm là sự sống của gia đình nó. Đối với Tám Thôi và thằng Ba La xem như thói quen, bỏ không được. Tới khuya, khi chú Hoảnh rửa xong thùng nước lèo, cả ba còn bịn rịn chưa chịu chia tay. Càng về khuya, trời trong mát mẻ, hữu tình, càng nhiều hứng thú. Câu chuyện tào lao giữa chúng nó được dậm thêm một dĩa xíu quách do thằng Xồi tay trong làm ung làm nhọt để giành riêng cho đồng bọn. Đố ai hòng mua được xíu quách chú Hoảnh. Khốn nỗi, trước nhà lồng chợ Phú Lâm có một khoản lộ thiên, trán xi măng sạch sẽ, lại cao ráo. Mỗi tuần hai lần, lối mười giờ tối hơn, xe phân Sở Vệ sinh Chợ Lớn lù đù đến đậu ở đó để nhân công gánh thùng cây tủa ra thu hốt phân dọc các dãy phố quanh chợ. Lúc bấy giờ, hầu hết các gia đình cư dân ở đây đều chưa có thiết bị hệ thống hầm cầu tân tiến. Mỗi nhà sấm một thùng chứa phân bằng cây có nắp đậy, ngừa ruồi lằn. Xe phân đen ngòm tỏa mùi hôi thúi tứ phía. Chú Hoảnh đành lòng trùm phủ kín gánh mì, chờ đợi. Không một khách vãng lai. Thằng Ba La và Tám Thôi khi nghe tiếng rống nặng nề khổ nhọc của xe phân sắp đến từ xa, kề nói nhỏ trong tai thằng Xồi, trong khi khách hàng hấp tấp… và chú Hoảnh rầu thúi ruột, cằn nhằn bực dọc:
- Nhà hàng Xánh Tài Lục tới rồi Xồi ơi! Làm sao mầy cự nỗi? Thôi chịu thua, xếp giáp chờ thời đi!
Thường thường, cả ba hay ngồi quanh một cái bàn tròn trong góc tối, cheo chéo ganh mì, trên ba cái ghế đẩu cũ kỹ xiêu vẹo, gần như lặc lìa lặc lọi. Mỗi lần cử động nghe kèn kẹt kèn kẹt… còn nhíu da non đau điếng. Những khi có khách đông, không đủ bàn đủ ghế, chúng nó đứng dậy nhường chỗ. Câu chuyện của chúng nó lúc nào cũng bất tận. Có hôm nổi hứng chuyển sang chánh trị. Đề tài do thằng Xồi biết nhiều chuyện, xào nấu thêm nhưn thêm nhụy rậm đám. Lúc này, Nhựt Bổn đã chiếm toàn cõi Đông Dương sau khi xâm lăng một số tỉnh lớn thuộc vùng duyên hải Trung Hoa. Trong giới Hoa kiều ở Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh lân cận dấy lên phong trào yêu nước, đầu quân ủng hộ Tổng thống Tưởng Giới Thạch. Họ xung phong vào những tổ chức chí nguyện và bí mật rút về Trung Hoa chống xâm lăng, đánh đuổi Nhựt, triệt hạ Uông Tinh Vệ. Thằng Xồi có người chú ruột hoạt động trong các nhóm đó, xuôi ngược biên giới Việt Hoa, tận cả Miến Điện như ăn cơm bữa. Nơi đây quân đội Đồng Minh đang mở những tuyến đường chuyển vận vũ khí từ hậu cứ Ấn Độ giúp kháng chiến quân Trung Hoa hoạt động ở Hoa Nam hoặc giúp các đơn vị Pháp sau khi bị quân đội Thiên Hoàng giải giới đêm 9 tháng 3 năm 1945 còn lẩn quất chống phá nơi vùng núi đồi trùng trùng điệp điệp Việt Bắc. Có hôm, thằng Xồi tâm sự có ý định theo chú nó thực hiện mộng phiêu lưu tuổi trẻ. Vì nó chán cái cảnh mãi mãi gắn bó với gánh mì hằng đêm, mai một đời trai. Hơn nữa cũng do tự ái dân tộc và lòng yêu nước, mặc dầu nó sinh đẻ ở Việt Nam, chưa một lần đặt chân về quê cha đất tổ. Nhưng nó tươi cười bảo nó có dòng máu Tàu trong huyết quản. Nó tâm sự không được bao lâu, một hôm thình lình hiến binh Nhựt rầm rộ bao vây nhà chú Hoảnh. Chúng hùm hổ xông vào bắt nó, còng tay tống lên xe bít bùng, dẫn đi mất dạng. Sau này được biết hoạt động của chú nó ở Miến Điện bị theo dõi phát hiện từ đầu mối. Hiến binh Nhựt điều tra phăng mãi đến tận cơ sở hạ tầng của tổ chức Hoa kiều kháng chiến ở chợ Phú Lâm. Nó đành thúc thủ bó tay. Bất cập, nó vô phương đối phó. Từ hôm ấy, Tám Thôi và Ba La lạnh chưn lạnh cẳng, không còn dám bén mảng đến gánh mì chú Hoảnh nữa, để mặc chú vẫn tiếp tục hằng đêm bán cầm hơi, não nề vì thảm họa vừa mới xảy ra trong gia tộc. Nhiều lúc ngao ngán, Tám Thôi muốn quay về quê cũ nhưng ngày tháng đẩy đưa không tự chủ lấy mình, anh không thực hiện được giấc mơ đó...
Tình hình biến chuyển không ngừng theo vận tốc chóng mặt và nhức nhối. Quân đội Đồng Minh bắt đầu phản công đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thất bại chua cay vùng đảo chiến lược San Hô, lực lượng Thiên Hoàng thường xuyên bị oanh kích dài dài từ Nam Dương, Mã Lai, lên tận bán đảo Đông Dương, cả Hoa Nam và Đài Loan nữa. Thành phố Sài Gòn báo động liên miên, ngày đêm tổ chức thực tập phòng thủ. Các khu phố, cơ sở nhà nước, trường học... đều có hầm núp công cộng. Mấy nhà khá giả xây hầm trú ẩn riêng rất kiên cố. Từ thực tập phòng thủ, không mấy chốc, Sài Gòn bị oanh tạc thật sự do pháo đài bay của không lực Đồng Minh xuất phát từ các hàng không mẫu hạm ngoài khơi. Vùng Xóm Chiếu, Khánh Hội bị oanh tạc ném bom đầu tiên và thiệt hại nặng nề.
Nhà cô Ba Mai không có hầm núp cá nhân nên đêm oanh tạc thả bom đầu tiên ấy, mạnh ai nấy tìm nơi trú ẩn trong hốt hoảng tột cùng. Cảnh hỗn loạn, réo gọi thúc hối nhau vang dội trong đêm tối. Hôm ấy, nhà cô Ba Mai có thêm bà Năm Dừa Khô, người cùng xóm Phú Thứ di lu lịch Chợ Lớn, ghé ngủ nhờ. Bà mang cái tên Dừa Khô vì chuyên mua bán sỉ dừa khô trong thôn ấp xa xôi đem bỏ mối các dựa các chành khách trú ở bến Bình Đông Xóm Củi, lúc bà còn trẻ bươn chải. Luống tuổi, bà nghỉ hành nghề hơn mười năm nay nhưng bà con vẫn còn gọi bà với tục danh chân quê ấy. Bom Đồng Minh nổ ì ầm kinh động, rung chuyển cả thành phố. Súng phòng không Nhựt đồng loạt thi nhau nả đạn lên không trung không dứt với những tia đạn lửa đan quyện soi sáng cả gốc trời. Mọi người hồn phi phách tán. Đa số dắt díu tìm đường tuông ra các cánh đồng lân cận trú ẩn như nước vỡ bờ. Mấy tay có trách nhiệm phòng thủ báo động trong xóm, ngày nào thực tập la ó hò hét, bỗng nhiên trong giờ phút này ím thính lạnh tanh, không thấy bóng dáng đâu cả.
Gia đình cô Ba Mai, Tám Thôi cùng bà Năm Dừa Khô chun tọt xuống bộ ván ngựa lớn nhứt ở nhà trên. Êm êm, họ chui ra, cẩn thận khiêng ván bảng, bàn ghế tấn chung quanh kỹ càng sợ miểng bom gây thương tích. Mọi người im phăng phắt, chỉ nghe tiếng súng phòng không ầm vang không ngớt bên ngoài và tiếng bom nổ nặng nề rung chuyển nhà cửa, cùng tiếng tim đập thình thịch. Ngoài thềm, mấy con chó ngoan ngoản ngày nào, sợ hãi kêu la oang oảng, cố cào cửa xột xạt không ngớt để được vào nhà. Trong không khí nặng nề rờn rợn đó, tiếng muỗi vo ve từ kẹt vách nghe càng rõ ràng hơn. Tám Thôi với bản chất quê mùa, dù có giao du thân mật với đám thằng Xồi, thằng Ba La, gốc ở chợ ở thành, vẫn còn rơi rớt trong cử chỉ, trong lời nói của anh, hơi hướm chất phác quê mùa cố hữu. Bằng giọng run run pha lẫn mùi cải lương vọng cổ đã thấm nhập vào con người anh từ thuở thanh xuân lặn lội trên sông nước quê hương, Tám Thôi gọi khe khẽ vợ chồng cô Ba Mai rồi ấm a ấm ớ:
- Thầy cô Ba ơi! Chắc điệu này dĩ tiệt rồi. Mình tận số chết hết quá. Tui bỏ lại má tui, già yếu không ai nuôi nấng phụng dưỡng... Bả sẽ bơ vơ, tứ cố vô thân…
Có tiếng cô Ba Mai trong trẻo, bình tĩnh trấn an:
- Bom nổ tôi lắng nghe dường như xa lắm. Đồ đạt, ly dĩa trong sóng chén, đèn treo lủng lẳng ở trần nhà run lắc cắc leng keng chứ có sao đâu mà sợ.
Anh lập bập cãi lại:
- Thầy cô không nghe sao? Tụi nó bỏ bom thúi đó. Tui nghe mùi này từ nảy giờ. Tôi cố nín mũi chịu trận, không dám nói. Sợ bà con hoang mang. Tui lo quá. Bây giờ thực tình chịu không nổi nữa. Anh rươm rướm:
- Thầy cô tính sao? Chết hết! Phen này cùng đường mạt lộ thật rồi thầy cô ơi!
Mọi người im lặng không nói năn chi cả. Họ thở nhè nhẹ cố phát hiện cho bằng được cái mùi độc hại kia. Quả thực, hầu như họ đã khám phá được từng đợt, mùi thui thúi mà Tám Thôi vừa lưu ý đó. Để trấn an nhau, họ tự hỏi:
- Chẳng lẽ Đồng Minh lại xài bom hơi ngạt tàn nhẫn như vầy?
Một đỗi sau, tiếng còi hụ dài cho biết cơn báo động vừa chấm dứt trong tiếng la ó mừng rỡ tột cùng của mọi người. Đèn đường phực sáng trở lại. Cả nhà lao vội ra ngoài hiên hất ha hất hải dò hỏi tin tức. Chẳng một ai có ngửi cái mùi thui thúi do cô Ba Mai đề cập đến. Họ bèn quày quả trở vào nhà, chia nhau đổ xô đánh hơi tìm kiếm. Và cái mùi thui thúi kia hẳn nhiên còn phảng phất từng chập. Rốt cuộc, cô Ba Mai thính mũi hơn, dở cái nón nằm sóng soải sát gốc bàn lên. Thì ra lúc bom nổ, cả nhà chui rút dưới ván ngựa không để ý bà Năm Dừa Khô vì sợ quá, bà “trút bầu tâm sự” ở đầu ván. Xong, bà quơ quào nhè đụng cái nón trên bàn, bà vội lấy chụp lên. Cô Ba Mai la hoảng tri hô, báo động cho mọi người. Trong khi ấy, Tám Thôi thểu não, mặt mày bí xị:
- Trời ơi! Mất toi cái nón “phờ lết sê” của tui rồi! Cả một tháng lương tròn trịa vừa mới lảnh tháng trước... Trời!... Trời!
Nhựt đầu hàng sau hai trái bom nguyên tử nổ ở Trường Kỳ và Quảng Đảo. Cách mạng tháng tám thành công trong tang khó. Chẳng bao lâu, toàn quốc võ trang tầm vong vạt nhọn với mình đồng da sắt chuẩn bị chống Pháp lâm le trở lại tái chiếm Đông Dương. Vùng Phú Lâm cũng như những nơi khác khắp đất nước sôi sụt tột cùng. Nhà thuốc Ông Tiên vẫn hoạt động cầm hơi chiếu lệ, không đều đặn, mở cửa có khi cách nhựt, có khi đôi ngày trong tuần. Phong trào bắt Việt gian làm nhiều người chết oan ức. Tám Thôi chưa kịp hoàn hồn sau vụ bắt cụ Bùi Quang Chiêu ở chùa Giác Hải, Phú Lâm. Ông là thủ lãnh Đảng Lập Hiến, đảng của giới đại điền chủ và tư sản đất Nam Kỳ. Bỗng anh nghe lũ trẻ la ó vừa bắt được Việt gian sắp dẫn giải ngang nhà. Anh lật đật phóng nhanh ra đầu ngõ xem. Mắt anh mở to tròn xoe trân tráo, tay chân bủn rủn, miệng ấp úm không nói ra lời. Thì ra thằng Ba La, bạn chí thân của anh đang bị trói thúc ké. Nó bị đẩy ra phía trước, hướng thẳng về phía cầu Bình Tiên. Theo sau là một nhóm người hằn hộc võ trang gậy gộc, dao mác và lũ trẻ quần xà lỏn ở trần trùn trục, la ó nói cười ầm vang hỗn độn. Ông hàng xóm tỏ vẻ hiểu biết ghé tai anh bảo thằng Ba La vừa bị bắt tại nhà cách đây chỉ mấy ngày. Người ta đưa nó ra tòa án nhân dân xử khẩn cấp và kết tội nó làm Việt gian cho Tây. Vì một thời trước đây nó từng làm biện ở bót cảnh sát Quận Sáu thành phố. Nó bị kêu án tử hình theo lời đề nghị của tên chánh án mang băng tay đỏ và sự biểu đồng tình của đám đông, đồng loạt giơ cao nắm tay. Nó sẽ bị hành quyết ngay tại sân đá banh bên hông cầu Rờ Nô Bình Tiên.
Đầu óc Tám Thôi rối loạn. Anh ngẩn người chưa kịp có phản ứng gì bỗng nghe rõ ràng tiếng nói quen thuộc của thằng Ba La. Nó khóc oà, gào thét, kêu than oan ức thảm thiết lắm. Nó không còn đứng vững nữa. Người ta hò hét xô đẩy nó đi từng bước một. Tám Thôi không dám theo chứng kiến cảnh hành huyết nó, nhưng anh nghe kể lại nó bị đâm chết bằng gươm Nhựt từ mạn hang cua bên trái thấu xuống lút tim, xác vất ở sông Ông Buôn. Và anh cũng nghe ông Mô-Ha-Mết đã len lén đêm khuya đến vớt xác thằng Ba La về chôn nơi cuộc đất gò Bà Chủ, nơi thuở thanh xuân nó từng chăn dê đuổi bò độ nhựt. Anh cảm thấy ray rứt và xấu hổ. Xấu hổ và ray rứt vì anh bất lực không dám ra bào chữa cho nó trước khí thế đám đông không cách gì cản ngăn được:
- Thằng Ba La hiền như cục bột. Khốn nỗi, chắc có người nào xớn xơ xớn xát nhìn lầm nó với tên biện Chà cảnh sát ngày xưa nên nó phải chịu mang họa vào thân.
Sau vụ thằng Ba La bị tử hình, Tám Thôi dứt khoát từ giã kinh thành đã lưu lại trong anh nhiều kỷ niệm đau thương. Anh trở về quê xóm Phú Thứ như mơ ước bấy nay, mong tìm lại bối cảnh thiên nhiên trong lành, di dưỡng vỗ về tâm hồn buổi chiều hôm xế bóng. Anh hy vọng sống cuộc đời dù lam lũ kham khổ nhưng bình ổn, thanh thản. Mấy năm ngắn ngủi ở Phú Lâm tuy qua mau nhưng anh mạnh dạng phủi tay rời khỏi nó không một chút tiếc nuối. Và những thương tích tinh thần, những kỷ niệm buồn phiền vẫn cứ chập chờn mãi suốt đời anh...
Nhờ có chút ít vốn ky cỏm được sau những năm làm việc ở nhà thuốc Ông Tiên, Tám Thôi mua mấy mẫu ruộng bưng vùng Bà Mụ, dọc theo cầu Ông Hiệu. Loại bưng khá tốt do trùm vạn Ngoan, cái hốt me sạt nghiệp nhượng lại. Sẵn đà, anh sửa chữa ngôi nhà do bà Mười Phận để lại làm nhà hương hỏa. Sau khi gả hai cô em gái Nghỉ và Mót về làm dâu ở Phước Lý và Long Khê theo đúng tập tục cổ xưa: «thuyền theo lái, gái theo chồng», anh lập gia đình với một người cùng xóm. Vợ chồng đầm ấm hạnh phúc. Dù thời cuộc rối ren, nhưng hai vợ chồng lao lách, đồng vợ đồng chồng, ngày càng làm ăn khấm khá. Chẳng mấy chốc hai ông bà có hai mụn con trai, trông cũng phương phi tuấn tú lắm. Anh chọn đặt tên Nhứt và Nhì với thâm ý hồi tưởng chuỗi ngày hàn vi thuở xa xưa, lúc mẹ anh còn sõi. Và cũng để biểu lộ ý chí dứt khoát của anh, dù thế nào đi nữa phải cương quyết từ bỏ hai cái nghề nhứt, nhì đại kỵ trong thế gian, hay ít ra không bao giờ được khuyến khích trong bách nghệ: phá sơn lâm, đâm hà bá! Hai cái nghề vào đời đó đã ăn sâu bám rễ tận tâm não anh. Nó ám ảnh nhắc nhớ anh mãi. Và hai cái tên Nhứt, Nhì anh chọn lựa cốt để cảnh giác mình và cũng để khuyên răn hai đứa con luôn thể. Nhứt, Nhì rất thông minh. Chúng học hành siêng năng cần mẫn do quyết tâm lấy trì chí nhẫn nại đạt đến thành công. Mà sự thành công tốt đẹp là biểu hiện sự đền đáp công ơn dưỡng nuôi cao cả của mẹ cha, đồng thời trả nợ cưu mang đùm bọc của xóm làng. Xong trình độ tiểu học, cả hai lần lượt, đứa trước đứa sau, thi đổ vẻ vang vào trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký Sài Gòn. Nhờ đậu cao hạng, hai anh em được ở nội trú và hưởng học bổng hàng tháng. Tám Thôi đã khá giả, thêm được sự giúp đỡ trời cho đó, bớt lo về các mặt chi phí, khi hai con anh tỏ ý định tiếp tục học đường dài đến nơi đến chốn.
Lúc này, Tám Thôi đã đứng tuổi. Anh chán chường thế sự, khi ngoái nhìn về dĩ vãng cơ cực buồn khổ, với đêm trường xuôi ngược trên song nước quê hương, khi nhớ hai thằng bạn đời, thằng Xồi biệt tăm biệt tích chắc chết bờ chết buội và thằng Ba La yểu mệnh, chợt đến chợt đi trong phút chốc phù du. Thêm nữa, tình hình trong xóm bắt đầu bất ổn, có khi đến nghẹt thở nên Tám Thôi đâm ra để râu dài sọc cho ra vẻ lão. Anh nghĩ với cái vẻ bề ngoài đó, anh sẽ yên thân yên phận, dù râu đen huyền mướt mượt. Từ dạo đó, đám trẻ mới tấn lên trong xóm gọi anh thân tình là ông Tám hoặc ông Tiên do anh có dạo làm việc ở nhà thuốc Ông Tiên Phú Lâm ngày trước. Cuộc đời hai vợ chồng ông bình lặng, an phận thủ thường, tưởng như mặt nước hồ thu, không một chút gợn. Nào ngờ, một hôm, do cơn bịnh ngặt nghèo, thuốc thang già dặn vẫn không qua định mệnh, vợ ông qua đời ấm ức. Người vợ tào khang bấy nay để lại một khoảng trống, rổng không, lạnh lùng trong sinh hoạt hằng ngày của ông. Ngọn lửa tình đang độ hừng hực bỗng nhiên tắc ngủm phũ phàng trong tiếc nuối vô biên. Quạnh hiu, thêm công việc ruộng nương không ai phụ giúp, ông Tám còn nghĩ xa hơn. Ông biết chắc rằng hai thằng con trai ông, sau khi học hành thành danh với mảnh bằng thành chung tối thiểu, sẽ có công ăn việc làm vững chắc ở Đô thành. Chúng sẽ không thể và không bao giờ về sinh sống nơi xóm Phú Thứ buồn tênh khốn khổ này được.
Bốn năm năm sau ngày bà Tám mãn phần, ông bước thêm một bước, rước một bà ở An Thạnh về làm bạn hủ hỉ cho ấm áp cảnh già. Bà Tám nhỏ này lại mắc phải cái tật thầy chạy, vô phương cứu chữa. Bà mê cờ bạc như điếu đổ không bằng. Tứ sắc, xệp, ỏ, câu tôm cả dà dách, cắt tê đến xì phé... bà mê như người nghiện lâu năm. Ông Tám, con người sống chừng mực, cần cù đạo đức, khuyên lơn hơn thiệt đủ điều nhưng tánh nào tật nấy, bà Tám không sao bỏ được. Bà cứ lén lút mỗi khi có dịp. Ông buồn phiền lo âu ra mặt. Tài chánh trong nhà có triệu chứng thâm thủng ngày một quan trọng hơn, do ở lỗ mội ri rĩ thường xuyên. Bà Tám chằn khíu quanh năm nhưng không sao giải quyết được. Bạn bè bà vô ra không ngớt, tiếng là để thăm lom chào hỏi bà thân tình, nhưng ông Tám đánh hơi thừa biết bà Tám bắt đầu mang nợ nần xấu hổ. Sự chịu đựng của ông Tám bấy lâu nay có giới hạn. Mãi cho đến ngày cưới vợ Ba Nhì mới thực sự bùng nổ. Hai Nhứt đã lập gia đình mấy năm trước lúc bà Tám lớn còn sanh tiền, hiện làm thư ký tư pháp, có nhà cửa khang trang ở Đa Kao Đất Hộ. Số là ông Tám xuất tiền bán lúa bán heo nhờ bà Tám nhỏ mua nữ trang lễ vật dự định tổ chức đám cưới Ba Nhì thật rỡ ràng. Ông tâm niệm làm đẹp mặt đẹp mày bên nhà gái, vốn thuộc gốc gác danh giá. Đến hôm rước dâu trình lễ vật trước mặt đông đủ bà con hai họ, bà thông Nghĩa tái mặt bảo nhỏ thằng rể Ba Nhì biết số nữ trang trình cưới toàn là... vàng giả, hột đá lì câm! Ông Tám rụng rời bủn rủn tay chân. Ba Nhì mắt long lanh vô cùng bối rối. Cũng may, bên nhà gái thông cảm hoàn cảnh chấp nối của ông Tám, không làm khó dễ gì. Giờ rước dâu vẫn được tiến hành một cách bình thường. Thì ra bà Tám Nhỏ lỡ dốc sạch số tiền bán lúa bán heo đó ở sòng tài xiểu Đại Thế Giới Chợ Lớn. Sau đó bà mua đồ mạ trám thế vào mong qua mắt được mọi người. Lần này ông Tám không dằn được nữa. Ông quyết định chấm dứt việc chung sống ngắn ngủi với bà Tám nhỏ, chấp nhận cảnh hẩm hiu quạnh quẽ một mình.
Ông Tám bước vào tuổi cổ lai hi thuộc hàng trượng triều trượng quốc, ngày xưa có thể cầm gậy đi chu du tứ xứ không sợ ai bắt lỗi bắt phải chi cả. Lúc ấy nhằm đúng năm 1975 cộng sản cưỡng chiếm hoàn toàn Miền Nam. Ông ngẫm lại đời mình không lúc nào được suông sẻ, trừ giai đoạn ngắn làm việc nơi nhà thuốc Ông Tiên Phú Lâm. Có lẽ do cái tuổi của ông lận đận khổ cực như trâu, chỉ riêng mình cam chịu. Ông không biết cùng ai san sẻ cho vơi bớt phần nào. Đến ngày gần đất xa trời, ông lại chứng kiến thêm cảnh chia ly bế tắc trong gia đình sau tháng Tư Đen. Hai đứa con quý con yêu của ông phải khăn gói lên đường đi học tập cải tạo biền biệt mù tăm, không biết ngày nào gặp lại. Hai Nhứt với tư cách sĩ quan biệt phái còn Ba Nhì oái oăm thay, sau bao năm miệt mài nơi trường ốc, vừa kịp mãn khóa chót, sanh non đẻ muộn sĩ quan hiện dịch Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Hai cô con dâu vì sợ đòn thù của kẻ chiến thắng do liên tục bị bức bách đi vùng kinh tế mới nên hẹn nhau âm thầm bán nhà cửa sự sản, dắt dìu con thơ về quê chồng ở xóm Phú Thứ nương tựa ông Tám, mong sống lây lất qua ngày chờ dịp đoàn tụ. Giờ đây, từ tháng tư đau thương đó, ông Tám bất đắc dĩ phải gánh thêm một trách nhiệm nặng nề để cứu vãn gia đình hai đứa con yêu quý bất hạnh. Trước hết, ông tìm phương kế giúp hai cô con dâu nuôi năm sáu đứa cháu nội nheo nhóc chưa hòa được nếp sống mới thiếu trước hụt sau ở thôn quê. Mấy mẫu ruộng bưng của ông đồng loạt đã bị đưa vào tập thể hóa.
Thế là của mồ hôi nước mắt sau bao nhiêu năm cần cù lao động liên tục suốt thời thanh xuân nơi nhà thuốc Ông Tiên, phút chốc tan thành mây khói. Ông lại bị chế độ mới xếp vào hàng phụ lão, tuy sức khoẻ của ông vẫn còn quá mức trung bình, có thể nói phi thường là khác. Tuy hơn bảy mươi nhưng qua dáng vóc điệu bộ trông ông ngang ngửa năm mươi mấy sáu mươi là cùng. Hàm răng rắn chắc còn khá đầy đủ. Ông còn xướt mía tây nghe rơm rớp. Duy chỉ bộ râu lão ngày xưa, vốn đã dài nay lại dài thêm, phất phơ trước ngực và màu đen huyền óng mượt thuở nào nay được thay thế bởi màu muối tiêu như mái tóc của ông. Bị liệt vào hàng phụ lão, ruộng nương bức bách vào tập thể hóa, ông không được thu nhận vào hệ thống sản xuất mới. Hai cô con dâu từ ngày cha sanh mẹ đẻ có khi nào làm nặng nhọc ruộng nương bao giờ, đành ẩn nhẫn qua các việc lặt vặt quanh quẩn không lối thoát, trong khi chế độ nghèo đói nghiệt ngã càng siết chặt thân phận con người.
Cuộc sống gia đình ông suy sụp trầm trọng còn hơn thuở hàn vi ngày trước, lúc bà Mười Phận chống đỡ tuyệt vọng hằng ngày để nuôi ông. Quá chán chường nhưng ông không buông xuôi. Ông Tám bèn lôi chiếc xuồng ba lá cũ kỹ, sửa sang trét chai tạm bợ. Ông vá mấy cái vợt bằng chỉ đủ loại màu sắc, đốn trúc uốn vài cần câu. Ông trở lại nghề cũ thuở nào, cái nghề bầm dập mà ông đã một lần dứt khoát từ bỏ. Nay vạn bất đắc dĩ, cùng đường nghẽn lối, ông buộc lòng phải lặn lội đêm đêm trên khúc sông thuở thiếu thời. Ông câu cá câu tôm với tâm niệm cưỡng chống lại định mệnh vì ông không còn con đường nào khác để chọn lựa. Cũng đoạn sông đen ngòm này, cũng bối cảnh tối om này, không có gì thay đổi cả, chỉ có khác chăng là mẹ ông, bà Mười Phận không còn nữa để thay thế vào đó hai cô con dâu với năm sáu miệng ăn. Cộng thêm lũ cháu nội vô tội của ông tương lai bế tắc, đen tối không thua đêm ba mươi mù mịt. Hằng đêm, ông xuôi ngược theo eo lá nhà ông Bộ Tuần, nơi cô Sáu Oanh chết oan uổng, hoặc chân cầu Ông Hiệu như thuở xưa, trong thầm lặng lạnh tanh. Ông không còn huýt gió thảnh thơi và phấn chấn ca mấy câu vọng cổ muồi mẫn nữa...
Tâm sự ngổn ngang, sự lo âu chán chường triền miên làm tắt hẳn trong lòng ông những hứng thú lâng lâng, những rạo rực hồn nhiên yêu đời của thời son trẻ. Những lúc ông nghêu ngao làm bạn với gió trăng, trời nước, với những huyền bí của tạo hóa. Thỉnh thoảng, ông ngước nhìn chung quanh mình, thấy leo lét những ngọn đèn các ghe câu khác lố nhố ven theo hai mé sông, chạy dài ngút mắt, lập loè yếu dần để biến hẳn trong đêm tối đen ngòm. Cũng như cuộc đời trầm thống của người dân. Khác với ngày nào, cũng trên đoạn sông tăm tắp sầm uất thầm lặng này, chỉ duy nhứt có mỗi ghe câu của ông hiện diện tìm sống trong cô đơn cô độc. Bây giờ, trong xóm ai cũng đổ bung ra sông ra rạch chăn ví, săn đuổi cá tôm từ đầu sông cuối bến, tranh nhau đắp đổi qua ngày. Tôm cá ngày càng hiếm hoi cạn kiệt. Cuộc sống thêm vất vả buồn nôn. Ngày xưa con sông này không lớn không nhỏ nhưng rất thơ mộng. Nó lạnh lẽo vô tri thật nhưng đối với ông, vốn gắn bó gần gũi, hội nhập vào nó, nó chất chứa mang chở một cái gì thiêng liêng tiềm ẩn khiến ông càng quyến luyến khắn khít với nó luôn. Ngày nay, cái hồn nước, hồn sông đó trở nên nhạt nhòa với cuộc đổi đời nghiệt ngã buồn tênh. Con sông thân thương của ông cũng đớn đau trầm thống không ít. Nó bị dằn xé, dầy xéo không nguôi. Nó trở nên nghèo nàn sẫm đục, u buồn với một triển vọng mù mờ hơn lúc nào hết. Nguồn lợi nó dâng hiến tạo niềm vui cho con người nay đã cạn vơi trầm trọng.
Ông nhớ ơi là nhớ, nhớ cồn cào bất tận, nhớ cái thuở vàng son thạnh mậu, lung linh huyền diệu ngày xưa của ông bà cha mẹ nay đã qua mất rồi, không bao giờ trở lại nữa. Có chăng chỉ còn là những kỷ niệm êm đềm trong tâm tư và tình cảm của ông. Ông nhớ ngày đó ông được nghe bà con trong xóm kể cứ mỗi lần bước ra khỏi hiên nhà vào mùa nước nổi với cây cần câu rê trên tay là có ngay mồi nhấm cá lóc, con nào con nấy to bằng bắp tay bắp vế. Còn nói gì lúc nước sắt, bà con hú hí nhau đông đủ mặt, cứ tha hồ chia xẻ, bắt tôm bắt cá mà ăn. Ngay lũ chồn rái ú na ú núc, thức ăn quá thừa mứa, chê lên chê xuống, chọn lựa vung vẫy phí phạm. Những hôm tác đìa, tác mương ranh, tôm càn xanh lo lớn lội ngược dòng nước, búng tanh tách tanh tách vui tai vui mắt. Vào mùa cá chốt, chúng mang bụng chữa no tròn lội đầy sông đầy bến, đến đỗi trông mặt nước sẫm đen, làm vướng bận ghe xuồng... Bất giác, nhìn lại hiện tại, ông thở dài ngao ngán:
- Cái nghề ngóc đầu không nổi này lại là cái nghề duy nhứt giúp duy trì sự sống tạm bợ hôm nay trong chế độ bần cùng chủ nghĩa. Nhưng liệu cảnh bấp bênh không ngày mai này kéo dài được bao lâu nữa? Rồi ông buồn buồn kết luận:
- Quả lúc này mới thực là: “Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá!”. Chả trách cả nước hồ hởi tiến nhanh tiến mạnh lùi vào thời đồ đá đói rách khổ sở.
Ông Tám thở dài não nề, lặng lẽ một mình trong đêm khuya. Ven sông ếch nhái, côn trùng tiếp tục hòa tấu nhạc bản buồn tênh tang khó, ru nhẹ những mảng lục bình uể oải với bông hoa màu tím lưa thưa đang mùa úa tàn rũ chết, nằng nặng xoáy quặn, gậm nhấm hồn người!
Con sông nay vẫn còn lại những ghe xuồng câu quanh năm lặn hụp, lênh đênh như những con thuyền không bến. Dòng sông năm cũ còn lại những gì trong hiện tại? Hay chỉ là dòng sông nước mắt nuối tiếc uất hờn của người dân vô tội, bất hạnh.
No comments:
Post a Comment