Wednesday, April 19, 2017

VÕ PHƯỚC HIẾU * HÙM CHẾT ĐỂ DA



                  
Võ Phước Hiếu


    HÙM CHẾT ĐỂ DA

    (Truyện đồng quê Nam Kỳ Lục Tỉnh)

                     HƯƠNG CAU




Hùm Chết Để Da
Truyện đồng quê Nam Kỳ Lục Tỉnh của Võ Phước Hiếu.
Làng Văn (Canada) xuất bản lần thứ nhứt năm 2001.
Hương Cau tái bản 2010.

(Mọi trích dẫn, dịch thuật và xử dụng trong sanh hoạt cộng đồng
đều được tự do với điều kiện xin ghi rõ xuất xứ).

Trong tập truyện này, những địa danh và danh tánh nhân vật, nếu có sự trùng hợp ngoài đời thì đó là một sự ngẫu nhiên ngoài ý muốn của tác giả. Xin được thông cảm và miễn thứ. Hương Cau.

              

      Mục Lục

                       **

                    Cảm tưởng sau khi đọc Hùm Chết Để Da
                           của Diên Nghị 
              Hùm Chết Để Da
              Chút Tình Để Lại
              Giấc Chiêm Bao Cuối Năm
              Cây Cầu Ông Hiệu
              Niềm Đau Cuối Đời
             Âm Dương Hội Ngộ

    
                                    -***-

Cảm Tưởng sau khi đọc


                                      Hùm Chết Để Da
           
          

"Hùm Chết Để Da" tập hợp những mẫu chuyện kể lại quá khứ và nơi chốn gắn bó thủy chung với tác giả. Miền Lục Tỉnh đất rộng người thưa thuở nào, vùng sâu tỉnh Chợ Lớn với gò đống, ruộng đồng, sông lạch. Con người bám đất, bám sông sống bằng lao động chân tay quần quật. Quanh quẩn giữa xã hội bé nhỏ ấy, duy nhất có hai giai cấp cùng nương tựa nhau để tồn sinh. Chủ điền và người làm công.


Ông Hương Quản Hạnh thuê mướn Bảy Cối giúp ông trong công việc đồng áng, gần như kẻ ăn người ở trong nhà. Tuy là chủ, tớ nhưng sống khá thân, chia sẻ trò chuyện, thông cảm, hài hòa... Bảy Cối có thằng con trai tên Hai Thường, nghịch ngợm, lục lạo nên mỗi ngày Bảy Cối qua làm công nhà ông Hương Quản Hạnh phải dắt Hai Thường đi theo, sát bên như bóng với hình. Tại nhà ông Quản Hạnh, nó cũng gây phiền hà nhiều lúc, nhưng được cái, nhanh nhẹn, láu cá nên mỗi khi nhờ vả việc gì nó cũng hoàn thành.


Thời gian trôi qua, chẳng mấy chốc, Hai Thường lớn đại. Ba nó cho đi học trường quận, sau khi đã qua dứt các lớp trường làng. Nó lại may mắn được bà con láng giềng nâng đỡ, bởi nhận thấy nó có vẻ thông minh, lém lỉnh, khó có trẻ nào đồng lứa bì kịp. Tại trường quận, nó diện nhà nghèo, học giỏi. Nó được thầy, cô giáo, cả ông Đốc Học thật tình khích lệ, giúp đỡ. Đôi khi ông Đốc Học tạt qua lớp, khen ngợi nó trước mặt học trò, còn thưởng cho tiền xu để ăn quà. Cuối năm lớp nhất, bỗng nhiên Bảy Cối nhận được trát của ông Đốc Học trường quận mời đến ký giấy tờ cho Hai Thường thi tuyển vào Trường Sư Phạm Sài Gòn. Trước mặt Bảy Cối, ông Đốc Học khẳng định chắc thế nào Hai Thường cũng đậu, mặc dù đất Nam Kỳ Lục Tỉnh không hiếm học sinh xuất sắc. Bảy Cối như vừa tỉnh mộng: "Rõ có rất nhiều điều, nhiều việc trên đời này mình mong mỏi trông ngóng nhưng nó sẽ không vội đến, nhưng khi không mong, không ngóng, bỗng nhiên nó lại đến bất ngờ..." (trang 31).


Kết quả kỳ thi cho thấy Hai Thường đậu hạng cao, được hưởng học bổng, đem danh dự về cho tỉnh Chợ Lớn. Tương lai sẽ đầy hứa hẹn và cuộc đời con của anh nông dân làm thuê, có thể bắt đầu đổi thay từ đây. Vợ chồng Bảy Cối mừng vui, phấn chấn, càng làm lụng nhiều, thắt lưng buộc bụng để có chút ít dư thừa lo cho thằng con duy nhất giữa Sài Gòn xinh đẹp và nhiều quyến rủ. Hai Thường ở nội trú trường Sư Phạm. Bảy Cối nhớ con, dò dẫm lần mò đến thăm, cho nó chút tiền túi chi tiêu lặt vặt. Hai Thường tỏ vẻ không muốn ông đến thăm nó vì nó hổ thẹn với bạn bè về gốc gác bần cố nông của nó. Vì những bạn đồng lớp với nó đều xuất thân con nhà quyền thế, hoặc giàu có.


Thắm thoát thời gian, ra trường, Hai Thường được Thanh Tra người Pháp chú ý và được bổ nhiệm chức Đốc Học một trường. Vốn dĩ thông minh, sinh động, lại có nhiều sáng kiến xây dựng trường và đào luyện học sinh, uy tín Đốc Học Hai Thường ngày càng tăng, nên đã lọt mắt xanh của ngài Hương Quản Hạnh, bây giờ đã lên chức Cai Tổng, giàu sang, bề thế... Đốc Học Hai Thường làm con rể Cai Tổng Hạnh và cũng từ đó, ông Đốc Học quên luôn cha mẹ sinh thành ra mình, đi đến đâu cũng khoe là rể ông Cai Tổng Hạnh. Bà con chòm xóm gần xa, nơi Hai Thường sinh ra và lớn lên, đã không ngớt bàn tán mỗi lần có ai khơi gợi rằng "tiếc cho thằng Hai Thường có học mà không có hạnh. Mà con người không có hạnh thì kể như vất đi" (trang 53). Còn ông bà Bảy Cối thì vẫn tâm sự với mọi người, vẫn thương nhớ nó: "Khúc ruột của chính mình bỏ đi sao đành. Giận nói là từ nhưng từ sao được!" (trang 54).


Sau bao nhiêu rối ren thời cuộc, mảnh đất quê hương chịu bao nhiêu khổ nạn, vợ chồng ông Đốc Thường về sau được chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cho về hưu non... Thời điểm cuộc đời đang đi xuống. Thiên hạ bắt gặp ông, ở cái tuổi gần đất xa trời, thường trở về quá khứ và hồi niệm quá khứ. Lòng ông có hối hận chăng? "Hùm chết để da, người ta chết để tiếng". Tiếng còn lại đời sau của ông Đốc Thường là tiếng xấu, mà ông bà Bảy Cối thường than vãn về đứa con bất hạnh "từ mẹ, phụ cha". Tiếng tốt tiếng xấu, tiếng lành tiếng dữ đọng dài lâu trong lòng dân chúng... truyền lưu khó dứt, bài học luân lý đạo đức cho thế hệ tiếp nối.


May thay… Trong cuộc sống nơi xóm thôn Rạch Rít thân thương của tác giả, bên cạnh một điều tiếng xấu, còn nhiều điều tiếng tốt lưu lại cho đời. Bà Năm, có thói quen gọi là bà Năm Tơ Hồng. Bà đã trở thành bà mai đầy uy tín. Sơ khởi, người ta thấy bà phúc hậu, đứng tuổi, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, nên nhờ bà đứng ra mai mối, trung gian tác hợp cho những đôi trai hiền, gái hạnh. Họ mơ ước cặp vợ chồng trẻ sẽ được vẹn vẻ hạnh phúc như trường hợp của bà (trang 72). Với bà thì mỗi khi nghe ai gọi bà là Tơ Hồng, Nguyệt Lão se duyên, bà khiêm tốn cho rằng bà thuộc hàng ngu si đệ nhất trên đời: "trên đời có bốn cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu..." nhưng bà cũng dí dỏm nói với mọi người: "Cặp nào được tao se sợi chỉ thắm chỉ hồng thì chắc đeo đến nỗi cắt không đứt, bứt không rời, gia đạo thuận thảo, đồng vợ đồng chồng...".


Bà nổi tiếng đầu làng cuối xóm chẳng những nhờ hoàn cảnh xã hội, địa lý, mà còn do thời cơ đưa đẩy và duyên may hòa hợp nữa (trang 73). Bà cảm thấy việc bà làm là một bổn phận của người lớn lo cho lớp trẻ. Chuyện chồng vợ từ ngàn xưa đến giờ chẳng có gì mới mẻ. Trai lớn lên phải có vợ, gái lớn lên phải có chồng. Luật đương nhiên của tạo hóa... Bà cũng bài xích những chuyện gái trai xằng xỏ. Thỉnh thoảng có những chuyện hục hặc nhau, cơm không lành canh không ngọt, mới thấy thêm biệt tài của bà. Bà không quản thì giờ, đến khuyên can, lời ngon tiếng ngọt. Bà biết khơi động đúng dòng tình cảm và đặt trách nhiệm mỗi bên. Bà nhẫn nại, thuyết phục, giảng giải với kinh nghiệm sống quí báu. Những lời bà ví von được đón nhận như một thứ triết lý ngàn đời như "cái nết đánh chết cái đẹp", "nuôi heo chọn nái, cưới gái chọn dòng" hoặc những câu hát tác động tâm tư con người cùng chia sẻ, cận kề nhau, không muốn cho con gái phải đi lấy chồng xa:


"Lấy chồng xa xứ bơ vơ một mình",
"Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?",
"Một mai cha yếu mẹ già,
Chén cơm ai đỡ, bộ kỷ trà ai dưng?"...


Cho đến tuổi già lụm khụm, bà chóng gậy lân la thôn trên xóm dưới, mang niềm vui đến khắp mọi nhà. Bà yêu thương con người, cảnh vật xung quanh cuộc sống tỏa rạng hồn sông, hồn nước không thấy nhưng quả có thật (Chút Tình Để Lại).


Cũng xóm Rạch Rít, vùng trái độn giữa ba thị trấn Đức Hòa, Bến Lức và Bình Chánh thuộc các tỉnh Hậu Nghĩa, Long An và Gia Định thời Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa. Tác giả hồi tưởng tuổi thiếu thời, cùng bạn bè đồng trang lứa, cùng học, cùng chơi... Lớn lên, bốn đứa, mỗi đứa dính liền một định mệnh oái oăm... Thằng Đực Nhỏ lập gia đình rất sớm, sống gần gũi ruộng nương, rẫy bái. Nó không thể nào sống xa rời cảnh quen thuộc đó. Nó, hỏi ra, nay đã có cháu, vẫn giữ tròn truyền thống thương làng mến xóm. Khi chiến cuộc ác liệt, nó bỏ làng đi vài ba bữa, rồi cũng lót tót trở về...

Thằng Bảy Rái, sau này tình cờ gặp lại ở thủ đô Sài Gòn, mang cấp bực hai hoa mai trắng. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Bảy Rái, thuở còn tắm ao, tắm đầm, đã từng biểu lộ bản tính can trường khí khái. Nó thích dấn thân, chọn thiếu thốn, khó khăn, gian truân để trui rèn ý chí... Có một thời Bảy Rái giữ chức vụ Tỉnh Trưởng một tỉnh vùng biên giới Việt-Miên (trang 190). Nó rất có tình với bạn bè. Nó muốn được gặp bạn bè xưa cũ. Nó vẫn nghĩ: "Cuộc sống binh đau ở thời điểm dầu sôi lửa bỏng bấp bênh như chỉ mành treo chuông, không bảo đảm được ngày mai!". Cũng đáng tội! Có một lần gặp nó, nó hỏi thăm bạn bè, bà con xóm Rạch Rít không sót một người... Nó nói một câu đáng nhớ:


"Sau này, nếu mình có phải thua cộng sản, không vì mình thiếu ý chí kiên cường, không vì mình ngại hy sinh, sợ chết, vì chính mình có quá nhiều chất thiện và tình người trong lòng" (trang 193).

Còn thằng Hai Đớt, ngày xưa ngọng nghịu, mặc cảm thua thiệt, nay đã đổi đời, giàu to như diều gặp gió. Từ một công chức thường, nay nghiểm nhiên trở thành ông chủ lớn. Nó hiểu thời cuộc, đã chạy qua Mỹ trước ngày 30 tháng 4 đen, nay đang hành nghề địa ốc... Dù ở đâu, phương trời nào, tiện nghi vật chất tạm đầy đủ, có tự do, thoải mái hơn ở quê nhà, nhưng làm sao quên được thôn xóm Rạch Rít xinh xắn. Đất tạm cư êm đềm tĩnh mịch với ruộng lúa thửa khoai thuở ấu thời, nơi đó trên dưới một ngàn năm trăm dân, đa số người thôn quê, đồng áng, hiền hòa, đôn hậu... Giờ, nơi quê hương, hàng chục triệu đồng bào đau khổ, đang lặn ngụp trong ngục tù cộng sản... (Niềm Đau Cuối Đời).


**


Tác giả Võ Phước Hiếu đã khắc họa những chân dung có thật, thân quen, đồng thời cũng hàm chứa những việc thật. Biết bao nhiêu cuộc đời cùng cung cách riêng của cuộc sống cứ tiếp nối hiển hiện trên những trang sách đầy bức xức, cảm thương... Không chỉ là chuyện được kể, trong từng câu chuyện đã được gợi mở về đạo đức truyền thống, về ý nghĩa hạnh phúc, về tình tự quê hương và rõ nét hơn là tính cách của nền văn hóa nông nghiệp Miền Nam. Đất và người gắn bó, sống động.


Tác giả đã cho những nhân vật "cái hậu" cuối cùng. Một Đốc Học Hai Thường, thiển cận, bất hiếu để đến khi tuổi gần đất xa trời, phải hối hận ăn năn. Bà Năm Tơ Hồng sáng lên bản chất của một con người vì mọi người, một phụ nữ hiền hòa, trung hậu mà bất cứ không gian, thời gian, xã hội nào cũng cần đến. Những người bạn thuở ấu thời của tác giả, như Bảy Rái, đến tột đỉnh danh vọng, vẫn không quên từng tên người, gần xa trong thôn xóm mình.


Hình ảnh toàn diện lối sống, nhân cách và những suy nghĩ về thân phận cũng đã được tác giả phác họa bằng những gam màu sáng lạn. Đọc Võ Phước Hiếu, để thấy lại khung cảnh đồng quê Miền Nam, được nghe những từ quen thuộc đặc thù địa phương, bao đời không bao giờ mờ nhạt. Vẫn đậm đà, sâu lắng, thân thiết, yêu thương... phải chăng một phần ý nghĩa gửi gấm trong toàn tập "Hùm Chết Để Da"?

Diên Nghị

Tên thật Dương Diên Nghị

Sinh quán: Lệ Thủy, Quảng Bình (Trung Việt)

Sinh năm 1933

Tốt nghiệp Cử nhân Luật trước 1975

Làm thơ từ 1950

Giải thưởng Thi Ca Tao Đàn – Xuân 60

Ủy viên Thơ, Ban Chấp hành Trung ương Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội VNCH

Định cư tại Hoa Kỳ năm 1993, diện tỵ nạn

Một trong những sáng lập viên Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn tại Bắc California từ 1995

Tác phẩm:

* Khái Luận Về Thơ Mới, 1956

* Xác Lá Rừng Thu (Thơ), 1956

* Chuyện Của Nàng (Thơ), 1962

* Rừng, Đỗ Quyên Và Kẻ Lạ (Thơ), 1971

* Vùng Trời Mây Trắng (Truyện dài), 1972.



-***-
               
                            Đọc
                  «Hùm Chết Để Da»


Đọc «Hùm Chết Để Da» của Võ Phước Hiếu tức Võ Đức Trung - một nhà văn đã «chí hiếu» lại «tận trung» - độc giả sẽ cảm thấy dường như mình đang sinh sống tại quê hương, trong một vùng đất đặc thù mang một cái tên rất đáng ngại là Rạch Rít (vì «Rít» là con độc trùng «Rét» - tiếng mẹ miền Bắc thương yêu của chúng ta). Nhưng dù sao chăng nữa Rạch Rít cũng là một thôn trang đã trở thành thân thiết với chúng ta, dù ngàn trùng xa cách, nhờ đọc Võ Phước Hiếu!

Trở lại với «Hùm Chết Để Da», ta nhận thấy con «Hùm» nầy, nguyên là một «con người», một viên đốc học được mọi người kính nể, thương yêu (như những vị quan liêu, công chức khác) trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp «Đốc học Thường» đặc biệt, vì y rất «bất thường» và khác hẳn các đồng nghiệp của y! Đốc học Thường, có lẽ do cái tên tiền định của y, nó tầm thường, kém cỏi hay chăng cho nên y đã tỏ ra là một đứa con bất hiếu, vô tình vô nghĩa… đến độ bố của Thường là ông Bảy Cối phải than phiền: «Hai Thường có học mà không có hạnh, mà con người không có hạnh thì kể như vất đi!».

Hai Thường bất hiếu, «tầm thường» như thế cho nên tác giả Võ Phước Hiếu đã ghi rằng lỗi lầm và tai tiếng của Thường là «Hùm Chết Để Da», nhưng thâm ý của ông muốn nhắc tới câu tục ngữ: «Nhười Chết Để Tiếng!». Và hẳn là với mục đích khuyến cáo mọi người con đừng quên ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục của Mẹ Cha, và nhứt là chớ có noi gương những kẻ làm con bất hiếu, vô tình, vong ân bội nghĩa (như trường hợp Đốc học Thường) khiến cho mọi người khinh thị, chê bai. Trong khi Thường lại là một viên đốc học, một công chức lớn trong ngành giáo dục, một «quan Đốc Học», một người có bổn phận và trách nhiệm nặng nề là phải dạy dỗ, phải nêu gương hiếu hạnh của chính bản thân (với đám thanh thiếu niên, học trò, môn sinh của trường mình chỉ đạo).


Đọc «Hùm Chết Để Da», chúng ta còn thấy lối dựng chuyện, sắp đặt hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ của nhân vật Thường này cũng khá «độc», nhưng thật ra, ngoài đời, hiện nay, trong xã hội – và đặc biệt – là tại quốc nội, có thể do ảnh hưởng tai hại của chiến tranh lưu lại, cho nên con người ngày càng quên dần trung hiếu, tiết nghĩa, tam cương ngũ thường (và chỉ còn tận lực lao mình vào «vật chất» hạ tiện, tầm thường!).

Riêng về tác giả «Hùm Chết Để Da», một văn nhân đã viết nên nhiều cuốn sách đầy tình đầy nghĩa, trung hiếu vẹn toàn… tác giả Võ Phước Hiếu đã và đang cố gắng tiếp tục không ngừng, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ, một sứ mạng cao cả rất đáng ca ngợi của những người cấm bút và của chính mình!

Vtry, ngày 1 tháng 5 ta (tiết tiểu mãn)

04/06/2008

Nam Thiên Hàn Sĩ Hồ Trọng Khôi


Tên thật Hồ Trọng Khôi
Biệt hiệu: Nam Sơn Hàn Sĩ
Sinh quán và chánh quán: Hu ế (Trung Việt)
Sanh năm 1923 tại cố đô Phú Xuân (Thuận Hóa)
Xuất ngoại từ hơn 40 năm (Viên chức ngành Ngoại giao Pháp)
Trí sĩ nhưng vẫn làm thơ và viết văn
Hội viên kỳ cựu của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (Trung tâm Âu Châu)
Định cư tại thủ đô ánh sáng Paris (Pháp)
Thiếu thời, thích đọc thơ, bất kỳ Việt, Pháp, Hán
Thích đọc tác phẩm của cáa thi sĩ lừng danh (Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Bính…) và các nhà thơ Trung Hoa
Đã viết những bài tràng giang đại hải:
* Tiếng Sáo Sông Ô (Hạng Võ – Ngu Cơ)
* Khối Tình Trương Chi (Trương Chi – M ỵ Nương)
* Lạc Bước Thiên Thai (Lưu Thần - Nguyễn Triệu)
* Từ Giã Thiên Thai (Lưu Thần - Nguyễn Triệu)
* Tỳ Bà Hành
* Hùng Sử Việt Nam (dài 125 đoạn: 500 câu)
Viết rất nhiều thơ - tất cả độ vài trăm đủ loại - từ tứ tuyệt, ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát, ả đào, hát nói và đã đăng trên nhiều báo chí từ mấy chục năm nay nhất là ở Paris
Đã xuất bản:
* Thương Vế Quê Mẹ (thơ) do Đồng bào và Sinh viên Aix-en-Povence Pháp xuất bản
* Dòng Thơ Tình Sử (thơ) do nhóm Độc Lập Tây Đức xuất bản
* Tận Thế Hay Không? (Lược khảo và Thảo luận), 1999
Sẽ xuất bản:
*Tạo Hóa Và Thân Phận Chúng Ta (Tiểu luận).

                                                    -***-
                           
                      Hùm Chết Để Da

            

Bảy Cối đang đạp lúa, mình trần trùn trục, da dẻ ngâm ngâm đen, sạm nắng, đầu chít khăn chéo trắng ngã màu xám sậm, nếu không nói là lên nước đen thủi đen thui. Cái quần xà lỏn vải tám, lem luốc mốc cời, anh mặc hôm nay có chỗ nổi bậc hẳn lên, đập ngay vào nhãn quan người chung quanh, nhờ mấy mảnh vải vá đầy đủ màu sắc còn mới tinh. Quần lại không dây lưng, được anh vấn chặt ních, độn phồng một cục tròn quây to bằng nắm tay trước rún. Từ sáng sớm, anh chậm rãi không biết bao nhiêu vòng, đi sau đôi trâu đen huyền mập lút hông, miệng bị bịt một bịt tre cốt không cho chúng ăn lúa. Mùi trâu hăn hắc tỏa ra từng chập nhưng mọi người không một ai quan tâm để ý đến, vì dường như họ đã quen dần từ khi có sự hiện diện của chúng. Bãi lúa lớn đại, choáng cả gian nhà sau, khoảng khoát, rộng thênh thang của ông Hương Quản Hạnh. Gian nhà này được xây cất tròn trèm một kỷ chẳn chòi để trâu đạp lúa, vừa ấm cúng, vừa tránh mưa gió thất thường. Vừa đạp lúa, Bảy Cối không ngớt chuyện trò đối đáp với ông Hương Quản, về mọi đề tài tạp nhạp từ thuở huyền bí xa xôi "Ông Nhược ỉa cức su" đến những tin tức thời sự mới toanh còn nóng bỏng, vừa xảy ra ngày hôm qua trong xóm trong làng.

 Những câu chuyện bất tận, "Nam Tào Bắc Đẩu" đâu đâu trên trời dưới đất về mưa nắng, vườn tược, ruộng nương, cúng quảy v.v... không lúc nào ngưng, vòng vo Tam Quốc, hết hồi nầy đã thấy chuyển sang hồi khác ngay. Nhưng được một cái là lúc nào cũng dí dỏm hấp dẫn, làm bùi tai người nghe. Mà thật vậy. Giá nếu không có những đầu đề tào lao vô thưởng vô phạt, những mẫu chuyện chẳng có chút hơi hướm tỵ hiềm làm buồn phiền bà con, qua những nụ cười hề hà móm xọm, cùng những câu đối đáp pha trò phóng khoáng nhưng đôi lúc cũng khá sâu sắc ý nhị đó, Bảy Cối cứ mãi đi cả buổi, cả ngày vòng vòng sau đôi trâu không ngừng nghỉ, chỉ còn có nước buồn ngủ mà chết mất. Nhứt là vào khoảng trưa đứng bóng hay xế xế vắng vẻ, gió đồng mát rượi hiu hiu phơn phớt từng cơn.


Ông Hương Quản Hạnh thỉnh thoảng cũng tham gia phụ sởi lúa đều tay. Trông ông rất thiện nghệ là khác, nhờ bao nhiêu năm dài vất vả, quanh năm vật lộn trong nghề nông, ngay từ thuở thanh xuân lấy sức trai tạo dựng cơ ngơi sự nghiệp lâu dài. Ông chẳng đã từng nhiều lần hãnh diện với những người làm công hay bạn bè cùng thôn xóm qua ba mớ kinh nghiệm tích lũy ấy của mình về thời tiết nông vụ chẳng hạn:


- Làm nông mà không đoán được thời tiết, gió mưa nắng hạn, kể như mất toi phần lớn hoa màu. Phải biết tiên đoán để phòng bị chu đáo, không đợi nước tới trôn mới hoảng hồn hoảng vía trở tay thì không kịp. Đỉa mén mà tranh nhau đua lội chớp chớp phêu phêu khắp nơi trên mặt nước, muỗi cỏ vo vo không ngớt bên tai và nhứt là chuồn chuồn đùa dỡn, tha hồ rập rỡn bắt cặp nhan nhản trước mắt, trâu mà làm biếng ăn cỏ rong theo bờ ruộng, bờ đê, cứ ngóng cổ rồi thả lên gò nằm ì thong dong nhơi thúc lên... thì bây biết không, chém cha đố tránh khỏi trời mưa. Bây cứ thử để ý mà xem. Trúng phóc, không hề sai bao giờ đâu.


Đời ông nhờ cần cù lao lực sớm hôm nên thành công vượt bực đã đành, nhưng trí thông minh thiên phú và kinh nghiệm tích lũy năm nầy tháng nọ giúp ông không ít. Nay trọng tuổi, ông thường tự hào nhờ ông trời thương nên sống dai lên lão. Giờ đây, ông hụ hợ cầm chừng cho vui như để nhớ những động tác quen thuộc ngày xưa. Và cũng để giữ gìn trau dồi sức khoẻ nữa. Ông sởi đều tay để trâu đạp, lúa mau chín. Ngoài công việc nhẹ nhàng đó, ông thường ngồi uống trà Thiết Quan Âm ở cái ghế đẩu cạnh bàn cây tròn, kê sát ngạch cửa bước lên nhà trên. Ông xem như thường xuyên túc trực ở đây để kịp thời có phản ứng, mỗi lần Bảy Cối hấp tấp báo động to tiếng:


- Trâu ỉa! Trâu ỉa!

Những lúc đó, Hương Quản Hạnh nhanh nhẹn chớp lấy cái ki cũ mèm, đáy ki lót rơm cẩn thận, lúc nào cũng được đặt sẵn dưới bàn trà của ông. Ông phóng lại kê cái ki hứng phân gọn lỏn, không bao giờ để phân trâu lọt ra ngoài, vừa dơ bẩn nhà cửa, vừa mất mát rơm rạ lúa thóc. Vì ông thường bảo lúa thóc là hạt ngọc ông trời rộng rãi ban cho, không nên phí phạm mang tội. Phân trâu sền sệt tỏa mùi ngầy ngậy vừa mới lọt ra ngoài hãy còn nóng ấm, không làm cho ông tỏ vẻ nhăn nhó khó chịu. Cuộc đời ông lâu nay đã gắn liền và gần gũi với nó chớ có phải mới mẻ gì. Biết đâu cái mùi ngậy ngậy ấy còn làm cho ông thêm vững bụng, bằng lòng biết mấy do đôi trâu của mình đang độ sung sức và tận lực làm việc. Bảy Cối báo động xong, vội vã níu ghịt dây vàm. Và đôi trâu nặng nề chậm lụt cũng đã quen mỗi lần như vậy nên phản ứng máy móc của chúng là dừng hẳn lại. Tay kia, anh gọn gàng đè mạnh đuôi trâu trằn xuống kẽ háng, ém nhẹm không cho phân vọt ra ngoài, chờ ông Hương Quản mang ki đến.


Thằng Hai Thường lục lạo, rắn mắc lắm. Nó để ý từ sáng tới giờ bao nhiêu lần báo động của Bảy Cối, ba nó, với cử chỉ lýnh quýnh hấp tấp, đôi khi vấp ngạch cửa chúi nhủi tới trước của ông Hương Quản Hạnh. Mỗi lần như vậy, nó khoái chí tử, cười nhăn răng thả ga. Khuôn mặt nó vốn tròn trịa thêm chành bành như cái bánh qui chảy do háp lửa với hai đồng tiền khuyết sâu hóm hai bên má. Thằng Hai Thường lúc ấy mới lên sáu, bảy tuổi gì đó. Cái tuổi ham thích rong chơi nô đùa, chưa vướng bận gì cả. Ngày ngày, nó theo sát một bên, không rời Bảy Cối, quanh quẩn tò tò trong nhà ông Hương Quản. Nhưng nó tỏ ra thông minh, lém lỉnh trật đời, ăn nói và hiểu biết nhiều điều lắm chuyện trước tuổi, so với những đứa trẻ bình thường trong xóm. Có những lời nói của nó không ai nghĩ là của nó, tưởng chừng như của người lớn không bằng. Ông Hương Quản thường chăm chú nhìn nó rồi phát biểu chắc mẻm là những đứa trẻ hiểu biết và thông minh trước tuổi như vậy chém chết sau này cũng mau già hơn ai hết. Già trong nhận xét nghĩ suy đã đành, nhưng ngay cả trong cử chỉ và hành động hằng ngày của nó.


Ngặt một nỗi lúc nầy là tuổi thường hay phá phách vụng vặt nên nhiều người trong xóm cứ thấy mặt nó gọi là thằng ba trợn phá đời để cười xòa. Nhưng nhứt nhứt ít thấy ai hờn mát hay giận dai thằng ba trợn tinh ma quỉ quái nầy cả. Có nó cũng vui. Má nó, bà Bảy Chỉnh, hằng ngày đi cấy ruộng xa, từ hừng đông sáng còn tối om lúc tiếng tù và tập họp của trùm vạn cấy văng vẳng xa xa, đến khi thôn xóm lên đèn le lói, đôi khi còn chưa thấy về. Nhà cửa đơn chiếc, không một người lớn hiện diện trông coi. Bảy Cối không dám để thằng Hai Thường ở nhà một mình. Nó nổi tiếng tinh nghịch liến thoáng, thái mái phá phách liền tay. Cả xóm ai thấy nó cũng lắt đầu chạy mặt. Nhiều khi họ bảo thằng nhỏ này hết thuốc chữa rồi. Có lần nó chơi lửa. Lửa bốc cháy dữ dội tưởng đã thiêu rụi căn nhà lá, nền đất vách tre, vừa mới lợp chưa kịp sốc nóc của ba má nó, nếu không nhờ Út Đằng, người lối xóm tỉnh trí, tri hô gõ mõ hồi một báo động. Báo hại bà con cả xóm "tá hỏa", đổ xô chạy thụt mạng đến phụ nhau chữa cháy trối chết. Từ dạo đó, hễ đi làm nơi nào, dù xa xôi cách trở đến đâu, Bảy Cối đều dẫn thằng Hai Thường theo sát một bên như bóng với hình. Anh hy vọng có sự hiện diện của mình, tượng trưng quyền lực của người cha đầy uy tín và cương nghị, thằng Hai Thường sẽ chùn chân. Cho dù nó có co rúm mình, ít ra trong cái vỏ mù mì mủ mỉ hào nhoáng mà mắt thiên hạ bên ngoài, vừa dịu hiền vừa ngoan ngoản của nó.


Nhà ông Hương Quản lại ngăn nắp sạch sẽ, nề nếp trong ngoài, đâu ra đấy. Phong cách sống của những người mới làm giàu, mới phất lên tạo dựng được cơ ngơi sự sản, rất quý trọng những gì mình ắp ủ ước mơ lâu ngày nay mới có được trong tay. Khổ nỗi, ông còn khắc khổ khó tánh, tỉ mỉ từng li từng tí. Đàn bà kim chỉ nhứt trong xóm còn phải bái phục, thua ông cả trượng. Bà Hương Quản cũng vốn kỹ lưỡng, mực thước nên nhà cửa quá phẳng phiu, thường xuyên quét dọn không còn một cọng rác. Quả nồi nào úp vung nấy nên mới ăn đời ở kiếp, vừa lòng hợp ý nhau. Do vậy, thằng Hai Thường bị bó buộc ngồi yên thúc thủ một chỗ, nơi góc nhà thiếu ánh nắng, giữa hai ba bồ lúa to tướng, cà tăng cao nghều nghệu, chất chồng không biết bao nhiêu lớp rất đều khoản. Có bồ cao tận trính nhà. Phạm vi sinh hoạt của nó thu gọn vỏn vẻn ở tấm đệm rách tưa rìa mà ông Hương Quản rộng rãi bố thí cho nó. Bàng nhân thiên hạ tình cờ trông thấy cảnh tồi túng đó sẽ tắc lưỡi hít hà tội nghiệp cho thân phận nó. Nhưng nó nào có vẻ buồn xo bao giờ. Trái lại, nó tỏ ra quá đỗi bằng lòng, sung sướng là khác. Vì nó tự an ủi mình, không phải ngồi bạ dưới nền đất, đã lạnh lẽo lại lem luốt áo quần, dù quần áo của nó chẳng lành lặn gì, bám đầy bụi đất và mồ hôi. Đi đâu nó cũng phải khoanh tay khúm núm xin phép ông Hương Quản, để ông theo dõi trông chừng. Hoặc ông đánh tiếng báo cho bà Hương Quản biết để dòm ngó. Trong khi Bảy Cối chập chập vẫn đảo mắt nhìn trộm, không dám để hở nó lâu.


Thét rồi nó cũng quen dần với luật lệ khắc nghiệt ấy của ông Hương Quản, trói chưn trói cẳng làm cho nó đôi khi cảm thấy bực dọc bất bình, tuy nó vẫn âm thầm chịu đựng, đè nén, không hề dám thổ lộ ra ngoài. Có chăng là những lúc nó phản ứng thụ động, tuyệt nhiên làm thinh làm thế, mỗi khi ông Hương Quản lớn tiếng gọi đích danh nó. Nó thường kiếm chuyện này chuyện nọ để mong thoát thân khỏi cái thế cực hình bắt buộc nhàm chán ở một góc nhà bó rọ đó. Nhưng chỉ được một đỗi tự do phù du, nó bị đặt trở lại vị trí bất bình cũ. Coi bộ nó thích bộ vó vội vàng lụp chụp của ông Hương Quản lúc phóng lại bưng ki rơm hứng phân trâu và cái thế gồng tay, bắp thịt nổi u nổi nần đè mạnh đuôi trâu của ba nó hay sao, nên thình lình nó phát la khang lảnh lót. Hơn nữa, nó có năng khiếu nhại giống y giọng nói khàn khàn như kéo nhựa của ba nó:


- Trâu ỉa! Trâu ỉa!

Bảy Cối đi vòng vòng... vòng vòng cùng đôi trâu lúc trời trưa vắng vẻ, lại đứng gió oi bức. Anh cũng đã mệt mỏi, muốn thiu thiu ngủ gà ngủ gật. Có những phút anh đi sau đôi trâu như người mộng du. Anh giựt mình thét to máy móc:


- Già giớ! Già giớ!

Tay anh ghịt mạnh đôi trâu đứng khựng lại theo phản ứng tự nhiên như thói quen bấy nay. Ông Hương Quản đang kề môi thổi thổi chum trà nóng vừa mới chế, lật đật đặt chum xuống bàn, nước nhứt trà Thiết Quan Âm đậm đặc thơm phức tung toé ở dĩa trà. Ông khum gọn xuống bàn, lấy cái ki phóng lại bãi lúa như một phản xạ quen thuộc, không chần chừ, không suy nghĩ một giây một phút. Thằng Hai Thường bật cười híp mắt, thiếu điều chỏng gọng. Nó tỏ ra quá đắc ý, liền tay đập xuống sàn đất bộp bộp bộp bộp. Bảy Cối vội quát lên chửi đông đổng:


- Thằng trời đánh thánh vật. Mầy gạt tao và bác Hương Quản hả?! Hôm nay quá quắc lắm rồi. Mầy gan trời mà! Chết đâu chết phức cho tao rảnh tay. Đừng cứ đeo theo báo đời tao mãi! Một chút nữa bãi lúa chín, thả đôi trâu ngoài đồng, mầy sẽ biết tay tao.

Liếc nhìn ông Hương Quản đang sượng sùng đổ quạo, mặt mày xanh xao còn hơn tàu lá chuối non, giận cành hông, im ỉm như hến, anh mạnh dạn quát tiếp:


- Súc sanh thật! Trời hành mầy hôm nay mới cả gan như vậy. Đồ bá vơ, ăn hại. Mầy quả là nợ đời của tao không sai mà!

Bảy Cối quát mắng xối xả thằng Hai Thường mong làm vừa lòng ông Hương Quản Hạnh. Ông ta đang lỡ bộ, không ngớt lập bập một chập khá lâu. Nhưng ông vẫn chưa nguôi ngoai. Thỉnh thoảng ông dằn tách trà xuống bàn, gương mặt hầm hầm. Bao nhiêu tự ái bỗng chốc dồn cục vào một lúc nên ông cứ lẩm bẩm mãi mà vẫn chưa thốt ra lời. Một đỗi sau, ông chỉ tay hướng về cửa nhà sau ăn thông ra vườn, mắt lườm lườm thằng Hai Thường. Ông quát to:

- Đi... đi ra ngoài cho khuất mắt tao. Đồ quân ăn hại không bằng. Ở đây tao nổi dóa cho ăn vài bạt tai nẩy lửa đổ hào quang bây giờ. Đi! Mau lên! Đi đi!


Bực dọc, mặt ông lúc nãy hầm hừ đỏ hoe bỗng trở lại tái nhạt. Râu mép lưa thưa se sẽ giựt giựt liên hồi. Bảy Cối vã lã tạt qua câu chuyện cúng Kỳ Yên nhằm tháng giêng tới, nhưng ông Hương Quản vẫn còn hậm hực, tỏ ra thờ ơ không quan tâm đến. Nhiều câu hỏi của Bảy Cối nêu lên mong tình hình bớt căng thẳng, ông trả lời tréo ngoe hoặc đánh trống lãng... Thằng Hai Thường lấm lét, liếc xéo ông Hương Quản rồi cúi đầu nhón gót cập theo bồ lúa để nhanh chóng biến dạng ngoài vườn.

Nó hí hởn trong lòng. Cái thằng nhóc con nầy cũng lạ lắm. Nơi cổ chân mặt của nó ông Bảy Cối cho đeo một cây kiềng bạc lì câm chẳng đáng giá là bao, nhưng có kết hai cái lục lạc nhỏ hếu bóng vàng. Nó di chuyển xê dịch là Bảy Cối biết nó ở nơi nào để yên tâm vững bụng làm việc. Ấy vậy, khi nó nhón gót, nó khéo léo cẩn thận lắm. Đố ai hòng nghe được tiếng lục lạc leng keng. Vừa ra đến hiên nhà, nó như mở cờ trong bụng, khoan khoái cứ mủm mỉm cười thầm. Vì từ giờ phút đó, nó được tự do bay nhảy, mặc tình làm những gì tùy theo sở thích. Nó không còn bị bó buộc, chỉ ngồi xuống đứng lên một chỗ. Như vậy, ít ra cũng được vài khắc đồng hồ.


Đây không phải là lần thứ nhứt thằng Hai Thường loắt choắt phá phách ông Hương Quản. Mấy tuần trước đây, ông Hương Quản bán mấy bồ lúa sốc nâu, nàng quớt gì đó, chuẩn bị năm nầy ăn Tết lớn vì trúng mùa. Bảy Cối đang đong lúa trong bồ cùng vài bạn nông dân khác trong xóm để nhân công vác xuống ghe chài đang neo ở bến sông. Bụi lúa bay tung toé khắp nơi trong nhà, nhiều lúc như nghẹt thở. Mặc dầu nhà cửa của ông Hương Quản khá khang trang khoản khoát. Cứ mỗi lần gạt mặt thùng quan xong, Bảy Cối hô to cốt để cho ông Hương Quản nghe rõ ràng:


- Thẻ!

Ông Hương Quản vội vàng để qua một bên, có sự chứng kiến, kiểm soát cẩn thận của lái lúa ngồi cạnh bên, một chiếc đũa tre dùng ăn cơm lâu ngày lán o cũ mèm. Nhiều chiếc thâm kim cả ở hai đầu đũa. Được mười đũa, ông thắt một gút ở sợi dây chuối dài thòn. Ông đã chuẩn bị se sợi chỉ chắc chắn từ nhiều ngày trước. Sợi dây này tượng trưng kết quả của những ngày dài ông quần quật trên đồng cạn đồng sâu, dầm mưa dãi nắng, đỉa vắt nhun nhúc, bò hong bò mắt vo ve trước mặt từng đàn liên tu bất tận rất khó chịu và bây giờ mới thực sự là của tiền tài sản gia đình ông. Khi Bảy Cối đong dứt lúa trong bồ, ông Hương Quản bắt đầu đếm số gút và cộng thêm thẻ dư để biết ông bán cho lái lúa bao nhiêu giạ. Thẻ đũa tre là đơn vị tính tiền. Quên bỏ thẻ là mất toi một giạ.

Ông rất kỹ lưỡng. Ông chăm chú, thận trọng lắng nghe từng tiếng báo "thẻ" dài hơi của Bảy Cối. Ai nói to tiếng, dù ở xa xa nơi chái bếp hay chòi củi, ông rầy la, quở mắng. Ai chàng ràng, bệu hình bệu dạng qua lại trước mặt, ông quát tháo phải lánh xa. Con Vện, con Cò và con Mốc chập chập chạy rậm rật sủa vang ngoài sân phơi lúa khi có người lấp ló ở bờ tre hay nơi cuối liếp, bình thường ông tấm tắc khen mấy con chó cỏ rặt nòi nầy tuy vậy mà thính mũi nhạy hơi. Nay ông thúc hối người ăn kẻ ở trong nhà mau mau phóng ra phang cho nó một gậy đích đáng, để nó im mồm lặng tiếng tức thì. Bà Hương Quản vốn kín đáo, một cũng thương yêu, hai cũng chìu chuộng chồng, biết ông nghiện trà có tiếng trong xóm, khép nép nhắc khéo ông trà mới pha nước nhứt. Ông không màng ngoái lại nhìn mà buông giọng trả lời xẳng lè "chưa khát, cứ để đó" làm bà ngượng ngùng quay gót rút lui êm.


Thỉnh thoảng ông còn nhắc khéo Bảy Cối không nên đong nặng tay, mất lúa. Cứ thông thả đổ lúa từ từ vào thùng. Của mồ hôi nước mắt của ông! Thằng Hai Thường thừa lúc ông Hương Quản sơ ý lơ đễnh, thét lên:


- Thẻ!

Tiếng báo thẻ của nó cũng ngân nga kéo dài... Ông Hương Quản ngoái lại hoàn hồn. Ông nổi nóng, quát tháo ra lệnh gia nhân mau mau tống cổ nó ra vườn, đi đâu thì đi. Để nó chộp rộp một bên trong góc nhà, cứ chập chập nó ong óng "thẻ" lên, "thẻ" xuống, ông bỏ đũa lộn phiền phức lắm. Bảy Cối cũng không mong muốn gì hơn khi trông thấy thằng Hai Thường bị đuổi ra khỏi nhà. Hú hồn hú vía! Anh yên trí tiếp tục đong lúa. Về sau anh sẽ không bị bầm dập đay nghiến nếu ông Hương Quản nhầm lẫn bỏ thẻ.


Thằng Hai Thường láo lỉnh, ăn quen. Cứ mỗi lần chọc phá, nó được trả tự do, tha hồ chạy dỡn. Nó lục lọi khắp nơi trong vườn. Bà Hương Quản chốc chốc theo dõi, dòm ngó nó. Tinh nghịch, mưu mẹo là bản tính tự vệ trời ban cho nó. Cây quít đường cạnh chuồng heo nhà ông Hương Quản, sum xuê sai trái trông hấp dẫn vô cùng. Ông cưng ơi là cưng! Nâng niu như trứng mỏng không bằng. Khách khứa đến nhà, ông khẩn khoản thỉnh mời hướng dẫn ra xem cho bằng được, hãnh diện về tài nghệ trồng hoa kiểng và cây ăn trái của ông. Loại quít đường gốc ghép này mua tận Cái Bè đem về. Nó rất kén đất. Ở vùng đất tân lập ráo hổi, lạ đất lạ khí hậu, cây trồng chết bộn. Trồng được một cây quít đường có tầm cỡ trái to ngon ngọt là một kỳ công của gia chủ. Ông săm soi, chăm sóc hằng bữa. Hầu như ông không bỏ sót một bữa nào. Dưới gốc quít duy nhứt, có một không hai này trong xóm, ông chỏi không biết bao nhiêu nạn tre nạn vẹt chằng chịt. Ông ngăn ngừa gãy nhánh khi trái néo cây quằn cành. Trái màu đỏ gạch trong bóng, căn da óng ánh, quyến rủ sự dòm ngó ngưỡng mộ của bà con và khách thập phương khi có dịp tạt ngang qua xóm. Ông Hương Quản lại nuôi cả mấy bầy kiến vàng. Hằng ngày chúng chen chúc tranh nhau rậm rực trên các nhánh cây. Vì theo ông, cây quít nào có kiến vàng sẽ cho trái ngọt dịu thanh thao. Ông cam đoan quít miệt vườn Cái Mơn, Cái Bè trở xuống nhờ chủ vườn nuôi kiến vàng mà được nổi tiếng. Do vậy, rải rác ở những nhánh cái, ông treo lủng lẳng ruột gà ruột vịt lòng thòng khô đét, thức ăn béo bổ hấp dẫn của lũ kiến vàng.

 Ngày ngày không biết mệt mỏi, chúng cứ nối đuôi như trẩy hội, tha hồ nhỏng nha nhỏng nhảnh bò lên tuột xuống như mắc cửi. Hôm nào trong nhà có làm gà làm vịt, nhở người ăn kẻ ở nào vô ý quên trao cho ông đùm ruột gà ruột vịt, loại ruột già phế thải thì liệu hồn nên tránh né, đừng cho ông thấy mặt là vừa. Ông sẽ la hét ồn cả nhà. Sự chăm sóc của ông quả thật rất công phu như một nghệ nhân với óc sáng tạo và đôi bàn tay thiên phú. Ông từng thố lộ bí quyết thành công của mình ở chỗ không hề nôn nóng thu hoạch ngay vào những năm đầu vì cây quít sẽ mất sức và có cơ chết nhát sau này. Ông tiếp tục nuôi dưỡng, chờ đợi ít ra cũng vài năm sau, lúc cây quít đã đủ tuổi trưởng thành để sinh sản những trái to lớn tròn đều. Ông còn không tiếc bỏ ra nhiều thì giờ o bế từng cành một, chọn lựa những chùm trái tốt có triển vọng để bọc giấy nhựt trình cũ, bảo vệ côn trùng ruồi bọ đục phá. Thế nên, khi thu hoạch, trái nào trái nấy căn da láng o mướt mượt, trông thấy phát ham. Bao nhiêu trái còn lủng lẳng trên cây như có ma lực níu chân níu cẳng bà con hay du khách.


Mỗi lần bị đuổi ra khỏi nhà, thằng Hai Thường có thói quen quanh quẩn cạnh chuồng heo. Nó lân la không rời cây quít đường cưng của ông Hương Quản. Bà Hương Quản cũng không vừa. Lâu lâu, bà ngừng tay chạy ra hiên, chậm chậm lần theo hàng lu vú chứa nước mưa, được ông Hương Quản niền nắp vào lu bằng những thỏi dây luột chắc chắn khít đeo, để dáo dác nhìn trộm, canh chừng thằng Hai Thường. Bà cốt xem nó ở đâu cho chắc ý, vững lòng. Mục đích của bà không ngoài dòm ngó cây quít đường, trái chín sà sà gần sát mặt đất, vừa tầm tay hái của đám bầy trẻ tiểu yêu, lục lăn lục lữa, phá làng phá xóm. Nhưng quên một giây một phút là thằng Hai Thường đã lặt vài trái chín cây rồi.

No comments: