Friday, November 25, 2011

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ IV

Tờ Lập Trường còn nêu đích danh những tướng lãnh mà họ cho là con đẻ của chế độ cũ để đả kích. Xuyên qua số tướng lãnh này, họ chỉ trích luôn cả tập thể quân đội. Phải công nhận rằng (dù tôi bất đồng ý với chủ trương của phong trào nhân dân cứu quốc) các giáo sư từng cộng tác với tôi ít nhiều đã thành công. Dân chúng Huế, đa số đã ủng hộ, cổ võ cho mục tiêu của phong trào.

Ngoài thành phố, hàng trăm khẩu hiệu viết trên những tấm vải màu, nội dung chống chế độ nhà Ngô, chống tướng lãnh nhan nhản khắp nơi, tôi đọc những câu khẩu hiệu này tự nhiên thấy trái tim mình nôn nao, quặn thắt. Dầu gì đi nữa, chế độ cũ kể như đã hoàn toàn bị triệt hạ rồi, không khí cách mạng và nhiều người khao khát mong chờ cũng đã hết.

Giờ đây không phải lúc để chúng ta đả kích lẫn nhau, vạch mặt chỉ tên lẫn nhau, triệt hạ uy tín lẫn nhau mà là giai đoạn cần phải tạo dựng lại, củng cố lại. Chế độ nhà Ngô sụp đổ, mang theo cả công trình của ông Diệm lại từ con số không, tất cả nguồn mạch quê hương lại phải khởi đi từ con số không buồn thảm đó.

Muốn thành công cứu vớt sự suy tàn của quê cha đất tổ, một nhóm người không thể gồng mình làm được công việc đòi hỏi nhiều mức sống và can đảm này mà tất cả phải bắt tay với nhau, quên đi những kỷ niệm u buồn, hướng về bầu trời tương lai đang mở ra trước mắt.

Có lẽ không riêng gì tôi, nhiều người ở giải đất ốm ông gầy yếu này đều mong muốn như vậy.

Nhưng không hiểu tại sao những người trí thức lại hiểu lệch lạc như vậy. Tôi không tin những cộng sự của tôi cố tình tạo ra một tình trạng chia rẽ, nhiễu nhương thêm cho quê hương. Hơn bất cứ người nào hết, những cộng sự của tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm trong giai đoạn chuyển tiếp vừa rồi. Trong thâm tâm tôi tin họ sẽ hiểu bao quát vấn đề để kịp thời dừng lại ở giai đoạn khởi đầu nhiều sôi bỏng.

Tuy nhiên, đó chỉ là sự mong ước ảo tưởng của tôi, không những cộng sự viên thuộc lãnh vực Đại học Huế với tôi chẳng soát xét lại công cuộc chống lại Cần lao mà càng tiến sâu hơn nữa. Ngoài thành phố, trong trường sở, đâu đâu tôi cũng nhìn thấy sự căm thù và nổi giận.

Phong trào chính trị này còn lập thêm những trạm phóng thanh ở các phân khoa Đại học, các ngôi chùa và tối tối họ loan truyền những bài viết đả kích quân đội, Công giáo, Cần lao nặng nề.

Tôi không hưởng ơn mưa móc gì của chế độ Tổng thống Diệm.

Tôi không hề bênh vực gì chế độ ông ấy. Tuy nhiên tôi cũng không mấy hài lòng khi thấy phong trào kia cố tình đồng hoá người Công giáo với Cần lao. Cần lao cũng có kẻ tốt người xấu, không phải tất cả Cần lao đều xấu hết. Vì vậy trong buổi gặp gỡ với giáo sư Quyến, tôi đã thành thật nói với ông ấy điều này.

44. Vĩnh biệt Huế

Nhưng những lời khuyến cáo của tôi đã không ích lợi gì. Lê Khắc Quyến, Lê Tuyên và đồng bọn vẫn tiếp tục cuộc tranh đấu chính trị của họ và vẫn chiếm cứ Đại học, gây ra nhiều xáo trộn. Tôi cảm thấy bất lực để đối phó với họ, và quá chán nản tôi đã nghĩ đến việc từ chức Viện trưởng, cuốn gói ra đi, từ biệt xứ Huế mà tôi đã tận tâm phục vụ ngót 20 năm trời.

Vào cuối tháng tám, một hôm vì quá bực mình và chán nản, tôi đã thảo đơn từ chức, nhưng rồi lại bỏ vào hộc bàn viết. Sở dĩ tôi còn ngần ngại chưa dứt khoát quyết định là vì ở Đại học còn nhiều việc chưa làm xong, nhiều dự trù chưa được thực hiện: Đại học Y khoa với viện trợ của Gia Nã Đại chưa xây cất hết, đại giảng đường của Đại học Khoa học cũng đang còn bỏ dở, Đại học Sư phạm vừa xây cất xong chưa được chính thức khánh thành, chương trình xây cất Trung tâm kỹ thuật ở Đồng An Cựu với sự giúp đỡ của Đại học Standfort chưa bắt đầu. Việc hiệu đính các Châu bản triều Nguyễn khởi công từ ba năm trước với sự cộng tác của giáo sư Chen Ching Ho cũng chưa hoàn tất. Ngày 9 tháng 9 tôi vào Sài Gòn để gặp ông Đại sứ Anh xin giúp cho Đại học Y khoa một vài giáo sư và một số dụng cụ thí nghiệm. Từ trước đến nay tôi đã liên lạc mấy lần với Toà đại sứ Anh để xin viện trợ cho Đại học Huế nhưng luôn luôn bị từ chối, lần này tôi hy vọng thành công vì ông Đại sứ Anh vừa mới ra thăm Huế và hứa hẹn giúp đỡ, tôi vào Sài Gòn mới được ba hôm công việc chưa xong gì thì ngày 12 tháng 9 xảy ra vụ đảo chánh do nhóm Phạm Ngọc Thảo chủ động. Nhân cơ hội đó Lê Tuyên và Lê Khắc Quyến đã cho phao đồn ở Huế rằng tôi đã vào Sài Gòn lần này chỉ là để cổ xuý và trực tiếp tham gia vào cuộc đảo chánh ấy, họ đã hội họp sinh viên và giáo sư lại để công khai lên án tôi và đòi tôi phải từ chức, phần đông các giáo sư và sinh viên phản đối việc đó vì còn muốn tôi ở lại. Tuy thế ngày 14 tháng 9 tôi đã nhận được một điện tín từ Huế đánh vào yêu cầu tôi từ chức, viện lẽ rằng sự hiện diện của tôi ở Đại học Huế trong giai đoạn hiện tại không còn thích hợp và cần thiết.

Đã nuôi sẵn ý định rút lui từ hai tháng nay rồi nên khi nhận được điện tín ấy của Lê Khắc Quyến đồng ký với Lê Tuyên, Tôn Thất Hanh, Mai Văn Lễ và một vài giáo sư khác, tôi đã không ngần ngại đắn đo lập tức đến gặp Bùi Tường Huân, lúc đó mới được phe Phật giáo đưa lên làm Tổng trưởng Bộ quốc gia giáo dục, và đưa cho ông ta cái thư xin từ chức mà tôi đã viết sẵn hai tháng trước và lúc vào Sài Gòn tôi đã mang theo. Bùi Tường Huân hình như đã sắp đặt trước với nhóm Cứu quốc ở Huế trước nên đã vui vẻ chấp nhận sự từ chức của tôi liền và vài hôm sau đã ký nghị định giải nhiệm cho tôi và bổ nhiệm tôi làm giáo sư Đại học Sư phạm Sài Gòn. Lúc chấp nhận sự từ chức của tôi Bùi Tường Huân có nói: “Ít hôm nữa, lúc nào thuận tiện mời cha trở lại Huế làm lễ bàn giao. Chúng tôi sẽ tổ chức một lễ tiễn đưa cha thật trọng thể và sẽ gắn huy chương cho cha để tỏ lòng tri ân công lao cha đối với Đại học Huế nói riêng và nền giáo dục nói chung”.

Tôi đã từ chối và đã không trở lại Huế làm lễ bàn giao, chỉ nhờ một người bạn ra đưa sách vở và đồ đạc vào Sài Gòn thôi. Tôi không trở lại Huế, thực ra vì không muốn gây xúc động cho nhiều người mà tôi biết chắc là còn mến tiếc tôi và còn muốn cho tôi ở lại điều khiển Đại học Huế. Từ đó tôi sống trong im lặng ở Sài Gòn, tuy nhiên tôi vẫn luôn theo dõi những thăng trầm của Viện Đại học Huế mà ông coi như là sự nghiệp lớn nhất và thành công nhất của đời tôi, một sự nghiệp mà tôi phải vất vả dày công tạo dựng, vun trồng suốt bảy năm, cầu mong cho nó được phát triển và mãi mãi tồn tại với non sông để tên tuổi tôi cũng được mãi mãi gắn chặt vào.

LINH MỤC CAO VĂN LUẬN

Article Index

Bên Giòng Lịch Sử 1940 - 1965 - Linh mục Cao Văn Luận

1.Những cái mốc trong lịch sử

2.Hy vọng và tỉnh mộng của người Việt Nam ở Pháp

3.Vua Duy Tân và Phong Trào “Cờ Tự Trị” tại Pháp

4.Những bí ẩn từ “Lon” chuẩn uý đến “lon” đại tá của ông vua cách mạng

5.Trung thành với mẫu quốc…

6.Cộng sản Pháp và nền độc lập ở Việt Nam

7.Ba lần gặp gỡ Hồ Chí Minh

8.Lần gặp gỡ thứ nhất giữa tôi và cụ Hồ: Số phận người công giáo trong số phận Việt Nam

9.Cụ Hồ khuyên tôi: Chú còn trẻ, đẹp trai, Không lấy vợ uổng quá

10.Những hoạt động của Hồ Chí Minh trong ba tháng rưỡi ở Pháp

11.Ngày Cát-To-Duy-Ê ( 14/ 7) 1946: Cụ Hồ thành Quốc Khách của Pháp

12.Lần thứ ba, cụ Hồ nói rõ phải đánh Tây nếu…

13.Hồ Chí Minh yêu cầu tôi viết một lá thơ…

14.Cụ Hồ đến phòng ngủ Bộ trưởng Bộ Thuộc Địa Pháp

15.Cụ Hồ âm thầm rời Ba-Lê.

16.Ở Pháp nghe tiếng vọng chiến tranh từ nước nhà

17.Nhìn cảnh trâu cày mắt rưng lệ

18.Gặp các cộng sự viên đầu tiên của Ngô Đình Diệm

19.Huế điêu tàn và buồn thảm

20.Câu chuyện bên lò sưởi năm 1948

21.Bảo Đại: Con người chán chường và thấm mệt

22.Cha Houssa, người đưa ông Diệm vào chính trường Mỹ

23.Ngô Đình Cẩn, người có trí nhớ phi thường

24.Ông Cẩn nhờ tôi xuất ngoại gặp ông Diệm

25.Gặp lại cụ Diệm ở Ba-Lê

26.Ông Diệm tâm sự: Tôi cũng mong về, nhưng Bảo Đại chưa nói chi, không lẽ mình năn nỉ

27.Cuộc hội kiến với Nguyễn Đệ

28.Cuộc hội kiến với một lãnh tụ Cộng sản Nguyễn Khắc Viện

29.Chuyến sang Mỹ đầu tiên

30.Bác sĩ Phan Quang Đán sẵn sàng hợp tác với cụ Diệm

31.Từ Nữu Ước trở lại Ba-Lê

32.Ông Diệm trở vế nước lập chính phủ: 7-7-1954

33.Công đầu của Tổng thống Diệm: Định cư 1.000.000 người

34.Ông Diệm đối với Bình Xuyên và các đảng phái chính trị

35.Thời thịnh đạt nhất của chế độ Diệm

36.Ông Diệm và văn hóa giáo dục

37.Chế độ bắt đầu nứt rạn

38.Chế độ bị dư luận và Chính quyền Mỹ chống đối

39.Lần gặp gỡ cuối cùng với Tổng thống Diệm

40.Cơn hấp hối của chế độ

41.Cuộc đảo chánh và cái chết của Tổng thống Diệm

42.Tôi trở lại Huế

43.Những cơn sóng gió mới

44.Vĩnh biệt Huế

All Pages

Bên Giòng Lịch Sử 1940 - 1965 - Linh mục Cao Văn Luận

No comments: