Wednesday, August 30, 2017

HỒI KÝ LÝ QUÝ CHUNG I

HỒI KÝ LÝ QUÝ CHUNG

Lời nhà xuất bản

Lý Quí Chung (Chánh Trinh, 01.09.1940-03.3.2005) là một nhà báo lão luyện, một chủ bút độc lập quả cảm, đồng thời lại là một dân biểu, một nghị sĩ của chế độ cũ, sớm lựa chọn con đường đối lập ở nghị trường miền Nam trước 1975 đương đầu chống lại chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Với ngần ấy vị trí, ông là một nhân vật có điều kiện nhìn sâu vào bên trong bộ máy chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên. Từ góc nhìn của ông, những sự kiện, biến động chính trị - xã hội, cũng như một số góc khuất trong chính trường Sài Gòn từ 1965 đến 1975 được phản ánh sinh động trong quyển hồi ký này. Và nhất là, ông đã cho người ta được hiểu thêm những đóng góp khác nhau của nhiều người Việt yêu nước cho ngày toàn thắng.

Hồi ký là một góc nhìn, một góc nhớ của một người, cho nên nếu có những phân tích, đánh giá mang tính chủ quan thì cũng là điều có thể chấp nhận của một thể loại. Với hồi ký liên quan đến lịch sử thì cũng thế, dù không phải là biên niên sử các sự kiện mà người viết được chứng kiến, thì điều quan trọng nhất vẫn là tôn trọng đúng dòng chảy lịch sử chung của cả dân tộc. Còn những cái nhớ, cái ghi về những chi tiết, quan hệ riêng tư, sau 30 năm còn lại bao nhiêu, chính xác li ti đến mức nào, xét cho cùng cũng là việc mà người đọc nên “rộng rãi” khi đọc.

Nhà xuất bản Trẻ xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.



Nhà nghiêu cứu Trần Bạch Đằng
Đọc Hồi ký không tên


Tên tuổi Lý Quí Chung không xa lạ gì với giới trí thức TP. HCM và miền Nam, bây giờ càng gần gũi hơn với những người hâm mộ bóng đá qua các bài viết mà anh ký tên Chánh Trinh.

Vào tuổi 64, anh viết hồi ký - Hồi ký không tên. “Không tên” nhưng vẫn “có tên” bởi mọi hồi ký đều do một người, một nhóm người nhớ lại và ghi chép những gì mà đời mình đã trải qua, đương nhiên kèm theo suy nghĩ về thế sự, nhân tình và, không loại trừ, tâm sự. Tập hồi ký có mặt rất nhiều tên mà tôi hiểu tác giả chọn tên cho tập hồi ký này đã hàm ý khái quát “số thành” của những cái tên được thể hiện trong dòng chảy của năm tháng, những cái tên hóa thân vào sự kiện – mà không ít sự kiện nằm trong một quá trình chuyển động dữ dội của Sài Gòn và miền Nam, của Việt Nam – đặc biệt 15 năm (1960-1975) đất nước ta đối mặt với Mỹ, đối mặt trên chính trường, trên chiến trường. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả và Nhà xuất bản đề nghị tôi viết lời giới thiệu tập hồi ký này, bởi hầu hết sự kiện cùng nhân vật được nhắc trong hồi ký, bản thân tôi có biết, có tiếp xúc, thậm chí, về sự kiện, có chịu trách nhiệm với cương vị - trong thời gian ấy – người phụ trách phong trào cách mạng Thành phố Sài Gòn. Cho nên, những gì anh Lý Quí Chung kể lại, ít nhiều tôi hiểu – hiểu cả phần chiều sâu. Tuy nhiên, đọc lại hồi ký, tôi vẫn cảm ơn tác giả đã hệ thống, không theo logic hình thức mà bằng “chuỗi” diễn tiến của tình thế và tác giả giúp tôi nhớ lại quá khứ chưa xa lắm song chưa phải người trong cuộc nào cũng đánh giá chính xác. Giá trị lớn nhất của hồi ký là tác giả “kể chuyện” một cách giản dị, rõ ràng, “lớp lang”, dù chỉ thông qua thực tế thu hẹp liên quan đến cá nhân mình. Có thể còn một số điều cần trao đổi thêm với tác giả, chủ yếu chung quanh hiện tượng và bản chất của một số sự kiện, song đó là thu nhận của tác giả trong một thân phận cụ thể - Lý Quí Chung không thuộc một gia đình truyền thống cách mạng, hay có chân trong đội ngũ quần chúng trỗi dậy từ Cách mạng Tháng Tám, hay nằm trong tầng lớp bị áp bức bóc lột thậm tệ, càng không phải là… “một Việt Cộng nằm vùng”. Anh “đại diện”- nếu hiểu chữ “đại diện” theo nghĩa chẳng do ai bầu mà là sự đương nhiên – cho lớp trung gian của xã hội, “trung gian” cả về kinh tế lẫn chính trị.

Lý Quí Chung sinh năm 1940. Anh vào đời đúng lúc đất nước ta vừa dứt được ách đô hộ của Pháp, đang đứng trước sự đe dọa của đô hộ Mỹ. Anh Chung, trong tuổi sinh viên, tiếp cận với những năm cuối cùng của chế độ Ngô Đình Diệm và trải dài suốt cuộc chiến tranh khốc liệt vào bậc nhất của Việt Nam, cho đến tận ngày 30-4-1945. Độ dài của hiện thực chiến tranh tuy gói gọn ở anh Chung có 15 năm, song lại đúng vào lúc lịch sử đặc quánh những nội hàm rất tiêu biểu.

Trước đây, tôi chưa gặp anh, song đã biết tiếng anh trong hai trường hợp mà tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Trường hợp thứ nhất, tôi đọc trên báo Tiếng Dội bài của nhà báo vốn rất quen thuộc với tôi là Trần Tấn Quốc – người được giới báo chí Sài Gòn vào những năm 60 suy tôn là “đại trưởng lão” trong làng báo – viết một bài nói về các nhà báo trẻ ở Sài Gòn, đặc biệt đánh giá cao Lý Quí Chung, khi ấy Lý Quí Chung ký tên là Nguyễn Lý. Ông Quốc viết, đại ý: Làng báo Sài Gòn xuất hiện nhiều cây viết tài năng và ông cảm thấy mình khó sánh kịp, bởi “cái bóng đồ sộ của Nguyễn Lý” – tôi nhớ câu này và chữ “cái bóng đồ sộ” theo cách nhìn của ông. Tôi biết Trần Tấn Quốc khi ông còn mang trên Trần Chí Thành, từng hoạt động cộng sản lâu năm, bị tù Côn Đảo, một nhà báo trí thức khá kiêu kỳ đã đánh giá Lý Quí Chung như thế và điều đó khiến tôi suy nghĩ. Trường hợp thứ hai, trên báo Tiếng Nói Dân Tộc, Lý Quí Chung có viết một bài xã luận nói về Quốc hội Sài Gòn, anh là dân biểu: Rất xấu hổ khi làm “cây kiểng” cho chế độ Nguyễn Văn Thiệu.

Tất nhiên, tôi còn đọc những tờ báo mà Lý Quí Chung hoặc cộng tác hoặc làm chủ bút, tôi đọc khá nhiều. Bấy giờ, tức vào những năm 60 và đầu những năm 70, báo chí Sài Gòn khá nổi bật trong đấu tranh chống Mỹ và chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Nhiều tờ báo đăng bài của các dân biểu đối lập, nhất là nhóm Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Dương Văn Ba, Nguyễn Văn Binh, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan… Báo chí đối lập là hiện tượng độc đáo của Sài Gòn trong suốt hai cuộc kháng chiến, tôi chỉ nói báo chí công khai, trong khi báo chí nửa công khai, nhất là của sinh viên, học sinh và các hội đoàn, thì gần như “tràn ngập lãnh thổ”. Những tờ báo do các dân biểu đối lập “chịu trận” quy tụ rất đông số trí thức có tinh thần dân tộc. Lý Quí Chung có mặt trên các bài xã luận với phong cách riêng. Anh không “dữ dội” như Nguyễn Ngọc Lan – khi Nguyễn Văn Thiệu phản đối khẩu hiệu chống Mỹ cứu nước của Mặt trận Giải phóng, Nguyễn Ngọc Lan bấy giờ còn là linh mục, đã “hiến kế” cho tổng thống, đảo ngược khẩu hiệu của Mặt trận Giải phóng thành “chống nước, cứu Mỹ” – cũng không mang tính chất nghiên cứu như linh mục Trương Bá Cần về thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cũng không “chua” và “sát rạt” như Tư Trời Biển (Ngô Công Đức). Anh Chung nhạy bén ở khía cạnh thời sự.

Sau ngày đất nước thống nhất, tôi gặp anh Lý Quí Chung thường hơn, và gần đây, gặp trong một vài cuộc hội thảo về bóng đá. Do vậy, ở một chừng mực nào, tôi hiểu anh. Anh đã sống dưới chế độ cách mạng ngót 30 năm, dài hơn thời gian chạm mặt với chế độ cũ, nếu tính chỗ xuất phát từ một Lý Quí Chung 20 tuổi. Không có gì đặc biệt khi trong tập hồi ký hoặc nói thẳng hoặc ẩn chứa ưu tư của một trí thức trước thời cuộc, song Lý Quí Chung hướng về phía trước, hướng về những khám phá, hướng về nghĩa vụ. Tôi cho rằng tập hồi ký là nỗ lực của Lý Quí Chung để tự hiểu mình, tự đặt mình trong vận nước và, thật đáng quý, tự vượt qua chính mình. Ở cái tuổi 64, cái “ngộ” ấy chắc chưa viên mãn, song nó là cái nền cho một hồi ký khác – tôi hy vọng sẽ viên mãn hơn.

Thật ra, giới lớp trí thức Sài Gòn như Lý Quí Chung, “phơi phới sống với chế độ mới” là chuyện không thể có, tức không thể đòi hỏi. Rồi đây độc giả sẽ còn đọc nhiều hồi ký nữa của nhiều nhân vật có mặt lúc này lúc khác giữa lòng Sài Gòn. Những tư liệu ấy – nếu được đọc với sự phê phán và lòng bao dung – sẽ thêm cho pho sử hiện đại nước ta các khía cạnh không phải là không thú vị.

Cách mạng Việt Nam đa dạng. Góp vào bức tranh đa dạng ấy những đường nét riêng, tôi xem đó là cống hiến của Lý Quí Chung.

Với xác tín như thế, tôi giới thiệu Hồi ký không tên của Lý Quí Chung.

8-2004
T.B.Đ


*


Hồi ký này ghi lại những sự kiện và những tháng ngày đáng nhớ trong cuộc đời tôi – chủ yếu từ năm 1963 đến năm 1975 (phần hai từ 1975 đến 2004 được tóm lược). Tôi cố gắng tìm một cái tên đặt cho hồi ký này. Nhưng nghĩ mãi không ra. Hồi ký cũng là cuộc đời của mình. Đặt tên cho cuộc đời mình, điều ấy quả thật không dễ dàng. Cho nên tôi xin phép không đặt tên vậy!

Người Việt Nam chúng ta rất thích kể chuyện và nghe kể chuyện. Lâu ngày gặp nhau thường hay hỏi: “Có gì nghe kể không?”. Tôi cũng là một trong số ấy. Cuộc đời tôi chẳng làm được chuyện gì “đại sự”, nhưng 40 năm làm báo và có tham dự vào một số sự kiện đất nước có lẽ cũng có nhiều điều để kể.

Thật ra mỗi cuộc đời là một thế giới riêng, là một cuốn tiểu thuyết đầy những tình tiết hấp dẫn. Không hẳn phải là bậc danh nhân hay những con người có cuộc sống lẫy lừng mới có chuyện kể về đời mình.

Tôi không có tham vọng viết lại lịch sử miền Nam Việt Nam trước 1975. Khoảng thời gian tôi lớn lên và hoạt động tại Sài Gòn, từ thập niên 60 cho đến khi kết thúc chiến tranh (tháng Tư 1975) là một thời kỳ đầy biến động phức tạp. Miền Nam là một bức tranh có đủ màu sắc, từ sáng đến tối, màu này chồng lên màu kia, sự kiện này che lấp sự kiện kia, chi tiết này chen lẫn chi tiết nọ. Thật không dễ dàng nắm hết “cái thần” của bức tranh ấy nếu chúng ta chỉ có một cái nhìn đơn giản. Những chuyện kể của tôi xuất phát từ chỗ đứng và sự cảm nhận của riêng cá nhân tôi do đó chắc chắn không tránh khỏi sự hạn chế. Nếu những điều tôi ghi lại trọng “Hồi ký” này có thể giúp người đọc hiểu rõ thêm về một số sự kiện xảy ra tại miền Nam trước 1975 thì đó là hơn sự mong mỏi của tôi. Còn nếu có điều chi thiếu chính xác, tôi rất mong nhận được những phản hồi và góp ý.

Đây chỉ là chuyện kể của một người, nhớ đến đâu kể đến đó.
 

I

1. Tuổi thơ bên dòng sông Đồng Nai

Tôi sinh năm 1940 tại Mỹ Tho (Tiền Giang) nhưng chỉ ở đấy đến năm 3 tuổi thì cùng gia đình đến sống tại Biên Hòa (Đồng Nai). Cha tôi làm công chức, do có mâu thuẫn với tỉnh trưởng Mỹ Tho, nên có lệnh đổi lên Bà Rá. Thời Pháp, địa danh này ở miền Đông dành để “lưu đày” các công chức vô kỷ luật. Trên đường di chuyển lên Bà Rá ngang qua Biên Hòa, cha tôi được viên tỉnh trưởng ở đây giữ lại do được đánh giá là một công chức có trình độ (cha tôi học Collège Mỹ Tho, đậu Diplôme và rất giỏi tiếng Pháp).

Tuổi thơ của tôi ở Biên Hòa – từ 3 đến 12 tuổi (1943 - 1952)- trải qua khá êm đềm mặc dù đây là một giai đoạn đầy biến động của đất nước. Sự kiện lịch sử Pháp theo chân quân đội Anh đánh chiếm lại các tỉnh miền Đông để lại trong ký ức của tôi – hồi đó mới 5 tuổi – những hình ảnh tuy không rõ ràng và lớp lang, nhưng được giữ lại mãi cho đến sau này. Tôi còn nhớ không khí chuẩn bị rộn ràng, không hề sợ hãi, của người dân Biên Hòa cùng với lực lượng Việt Minh nhằm chống lại sự tấn công của quân Pháp. Lần đầu tôi được thấy cây tầm vông vạt nhọn, vũ khí tiêu biểu cho những ngày đầu kháng chiến chống Pháp tại miền Nam. Tôi cũng tham gia lần đầu tiên và là lần duy nhất cắt dán những lá cờ đỏ sao vàng dùng gắn trên ngực cho thanh thiếu niên trong khu phố của tôi. Lá cờ đỏ sao vàng in một dấu ấn đậm nét trong ký ức tuổi thơ của tôi mặc dù tôi không hiểu ý nghĩa chính trị của nó vào thời điểm ấy. Nhưng cái không khí chung quanh dành cho lá cờ đỏ sao vàng đủ khiến cho thằng bé con trong tôi cảm nhận được lá cờ tượng trưng cho một điều gì đó hết sức đặc biệt đối với mọi người. Tôi không nhỡ rõ lúc đó cha tôi làm gì và ở đâu (trước đó ông vẫn là công chức ở tỉnh) nhưng tôi lại nhớ mình không hề bị cha ngăn cản làm theo những người lớn tham gia Việt Minh…

Khi những người kháng chiến ở thành phố Biên Hòa không thể ngăn trở người Pháp theo chân quân đội Anh tái chiến tỉnh nhà, nhiều người đã phải “chạy giặc”, tức là rời thành phố chạy về các vùng nông thôn để tránh quân Pháp và Anh. Mẹ tôi đưa tôi và em gái tôi mới một tuổi “chạy” khỏi thành phố Biên Hòa trên một chiếc ghe chài chất đầy các thứ vật dụng giường, tủ, bàn, ghế, mùng mền như dọn nhà. Ghe đi đến đâu cũng thu hút sự tò mò của người dân sống dọc hai bên sông. Họ đổ xô ra xem. Chiếc ghe khá to thả xuôi theo con sông Đồng Nai không biết đi đến đâu. Mẹ tôi lúc ấy mới 23 tuổi (mẹ sinh tôi lúc 17 tuổi), ăn mặc theo thị thành, đẹp một cách đài các, đứng một mình trên ghe ngơ ngác, tay bồng em gái tôi. Cảnh ấy không khác gì một bức tranh siêu thực! Cha tôi không “tản cư” cùng với vợ và các con vì hướng tản cư đi sâu vào vùng Việt Minh kiểm soát. Cái gốc công chức làm cho chính quyền do Pháp cai trị khiến ông lo ngại. Ông ở lại thành phố, lẩn trong giới người Hoa mà ông quen biết.

Khi ghe đi qua làng Tân Vạn, một bà chủ lò lu giàu có tại đây thương cảm tình cảnh của mẹ tôi với hai đứa con nhỏ đã gọi ghe lại và cho gia đình tôi tá túc trong cơ sở lò lu của bà. Căn nhà xưa của bà tọa lạc giữa một khu đất rộng lớn, bốn bề bao bọc bởi một hàng rào cao khoảng hơn hai mét được dựng lên với những cái lu bị thải ra vì kém chất lượng hoặc nứt bể. Bà cho mẹ tôi ở một căn nhà nhỏ nằm một góc khu đất gần hàng rào, khá sáng sủa. Tình cảnh một người phụ nữ đẹp, không có mặt chồng, ở một mình với hai đứa con không thể không gây chú ý nhiều người trong làng. Có một nhân vật thế lực ở địa phương thường rón rén đến sát hàng rào nhìn trộm mẹ tôi qua những lỗ hở của những cái lu bể. Tôi là người phát hiện đầu tiên chuyện đó và liền chạy đi “mét” mẹ tôi. Chính bà chủ lò lu cho người lấp các lỗ hở trên hàng rào. Lò lu (nơi để lu vào nung) đối với tuổi thơ của tôi quả là một cái hang khổng lồ. Nó không khác hang động của 40 tên cướp trong truyện thần thoại Alibaba. Mỗi khi có máy bay của Tây đến dội bom, mọi người đều chạy vào núp trong hầm lò. Gia đình tôi luôn nhớ ơn lòng tốt của bà chủ lò ở Tân Vạn.

Khi Pháp tái lập lại guồng máy cầm quyền đô hộ của họ tại Biên Hòa, ông tỉnh trưởng cũ thuyết phục cha tôi trở lại làm việc ở tòa bố (tòa hành chánh của tỉnh). Về giai đoạn ấy, sau này hình như cha tôi có giải thích không rõ ràng lắm, đại khái như: “Làm công chức gần như là cái nghề của ba”.

Dù ông làm công chức cho Pháp rồi lần lượt cho các chính quyền Sài Gòn trong gần suốt đời ông, nhưng cứ mỗi khi nói về kháng chiến, về một số bạn bè của ông thời học trường Collège Mỹ Tho đã đi theo cách mạng, ông luôn tỏ ra kính trọng và hãnh diện. Mãi khi tôi đã lớn, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe cha tôi nhắc về họ.

Tôi không hề có ý định vẽ lại một chân dung khác của cha tôi mà cuộc đời làm công chức đã gắn liền với guồng máy cai trị Sài Gòn thời Pháp cho đến các chính quyền do Mỹ dựng lên sau này. Ông đã từng làm quận trưởng, phó tỉnh trưởng hành chánh ở nhiều tỉnh, quận (Thủ Đức, Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa, Tiểu Cần thuộc tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Củ Chi, Tân Uyên…) và sau cùng làm phó đô trưởng hành chánh Sài Gòn (1970-1972); nhưng ông vẫn là một công chức thuần túy, chưa bao giờ tham gia chính trị như một chính khách. Thời Ngô Đình Diệm ông không vào đảng Cần Lao, thời Nguyễn Văn Thiệu, ông từ chối gia nhập đảng Dân Chủ để củng cố địa vị của mình. Ngay từ nhỏ, tôi đã nghe ông hơn một lần nói:

“Không phải ai cũng có thể chọn con đường đi của mình. Đôi khi hoàn cảnh đặt mình ở bên này hay bên kia. Nhưng cái chính là dù ở đâu, mình cũng ráng lo cho dân là tốt rồi”. Tất nhiên một suy nghĩ như thế là gần như phi chính trị; nhưng cha tôi tin thật lòng mình điều ông nghĩ và ông cố gắng hành động như ông quan niệm.

Thế nhưng chính cái quan niệm phi chính trị ấy của cha tôi đã sớm gieo vào đầu tôi một ý thức nào đó về trách nhiệm công dân, một cuộc sống không thể thờ ơ với những gì xảy ra chung quanh mình. Bởi nghĩ cho cùng, cách giải thích và biện minh của cha tôi về “hoàn cảnh” của ông, cũng là sự trăn trở của một người trí thức có lòng yêu nước, nhưng thật sự không “yên tâm” với sự lựa chọn bất đắc dĩ của mình.

Rồi sau đó ông rất thanh thản đón ngày quân giải phóng vào Sài Gòn, vui vẻ gặp lại bạn bè cũ từ Hà Nội trở về (như ông Trần Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam hay ông Cao Tấn Bổ công tác tại Văn phòng Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, xưa kia là bạn học chung với ông). Dù là công chức cao cấp của chế độ cũ, nhưng cha tôi không bị đi học tập cải tạo tập trung. Vì từ năm 1973 cha tôi đã bị cách chức Phó đô trưởng hành chánh Sài Gòn và bị chế độ Thiệu cho về hưu sớm do các hoạt động chống chế độ của con trai ông. Lúc bấy giờ tôi đang làm dân biểu Hạ nghị viện, thuộc khuynh hướng chính trị đối lập, gần như ngày nào cũng “xuống đường” hoặc có lời phát biểu chống chế độ Sài Gòn trên diễn đàn quốc hội hay trên báo chí. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tay chân ông nhiều lần tìm cách trực tiếp hoặc gián tiếp buộc cha tôi gây áp lực với tôi đứng về phe họ hay ít ra phải ngưng các hoạt động chống họ. Nhưng biết rõ thái độ chính trị của tôi, cha tôi luôn tìm cách né tránh các yêu cầu của họ. Có một lần đại tá Đỗ Kiến Nhiểu, đô trưởng Sài Gòn Chợ Lớn, cấp trên trực tiếp của cha tôi, đặt thẳng vấn đề ông ta muốn gặp tôi để bàn một số việc. Cha tôi thừa biết Đỗ Kiến Nhiểu muốn bàn chuyện gì (không có chuyện gì khác hơn là yêu cầu con mình ngưng chống chế độ Thiệu) nhưng thật khó thối thoát. Ông cũng thấy trước rằng nếu để con mình gặp và từ chối lời đề nghị gì đó của đại tá Nhiểu thì tình thế càng căng hơn. Cuối cùng cha tôi nảy ra một ý kiến: cuộc hẹn định 8 giờ sáng nhưng tôi sẽ đến văn phòng Đô trưởng tại Tòa Đô vào lúc 7 giờ 30. Dĩ nhiên vào giờ đó Đỗ Kiến Nhiểu chưa đến. Tôi chỉ cần viết vài chữ cho biết mình đã đến và bận họp Quốc hội nên phải đi ngay, không thể chờ ông ta. Dù sao đó chỉ là kế hoãn binh. Phe ông Thiệu không thể chấp nhận duy trì ở cương vị Phó đô trưởng một người có con trai hoạt động chống họ một cách tích cực. Khi cha tôi bị cách trức (1973), ông nói với tôi như thông báo một việc biết trước thế nào rồi cũng đến: “Tụi nó cho ba nghỉ rồi!”. Cha tôi mất năm 1991 mà không kịp được nhìn thấy những đổi thay tốt đẹp sau này của đất nước.

Cái máu say mê thể thao của tôi thừa hưởng từ cha tôi. Từ những năm 14-15 tuổi, tôi đã đọc thường xuyên các báo thể thao của Pháp như L’Equipe, Mirroir Sprint (chuyên về xe đạp) v.v… Các báo này ba tôi đặt mua dài hạn ở nhà sách Albert Portail (nay là nhà sách Xuân Thu, đường Đồng Khởi). Tôi nhớ có lần cha tôi đưa tôi lên Sài Gòn xem đấu quần vợt tại Xẹc Tây (Cercle Sportif Saigonnais – bây giờ là Cung văn hóa Lao động). Đó là khoảng năm 1953-1954, lúc đấu thủ huyền thoại Võ Văn Bảy vừa nổi lên. Trận đấu diễn ra trên sân số 4 gần hồ bơi của Xẹc. Đối thủ của anh Bảy là tay vợt người Úc nổi tiếng thế giới. Thế mà anh Bảy chơi rất ngang ngửa. Cha tôi là người ủng hộ anh Bảy một cách sung sướng. Thế nhưng ngồi gần cha tôi có một vị khán giả cứ thỉnh thoảng lại nói: “Thằng Úc nó thả cho anh Bảy đó, chứ làm gì anh Bảy kiếm được một jeu (tiếng Pháp: một ván)”. Lúc đầu cha tôi làm như không nghe, nhưng vị khán giả kia cố tình lặp lại cho lọt vào tai cha tôi nhận định của ông ta. Thế là cha tôi nổi nóng lên, quay sang nói thẳng vào mặt ông ta “Sao ông tự ti mặc cảm đến như thế. Võ Văn Bảy chơi hay thật chứ đâu được thả”. Rồi hai người cãi nhau quyết liệt và thách nhau ra ngoài để “giải quyết”. Khi hai người sắp đánh nhau, tôi lo sợ khổ tâm vô cùng, không biết phải bênh vực cha mình thế nào đây. Chẳng lẽ nhảy vào tiếp tay cho cha tôi đánh lại cái ông khán giả kia? Rất may, có một công chức cao cấp thuộc đàn anh của cha tôi đi ngang qua, thấy cha tôi đang đứng thủ thế, liền can thiệp: “Phát, mày làm cái gì kỳ vậy”. Thế là cuộc đấu... võ giữa hai người được ngăn chặn kịp lúc!

Thật không thể tưởng tượng, 25 năm sau cũng tại Xẹc Tây, lúc này có tên là Nhà Văn hóa Lao động, cha tôi lại suýt đánh nhau lần thứ hai cũng tại sân quần vợt. Lần này ông đi xem cháu nội của ông, tức con trai lớn của tôi – Lý Quí Hùng – thi đấu với anh Võ Văn Bảy ở giải toàn thành, hình như lúc đó là năm 1979. Hùng thi đấu khá xuất sắc và lấy được của anh Bảy mấy jeu. Người ngồi kế bên cha tôi lần này là bác sĩ Nguyễn Phước Đại, cũng là một người say mê quần vợt. Tôi rất thân với bác sĩ Đại, nhưng cha tôi và ông Đại lại chưa từng gặp mặt nhau. Ông Đại bình luận mấy bàn thắng của Lý Quí Hùng là do…” cha nó (tức là tôi) mua chuộc anh Bảy”! Cha tôi ngồi kế bên liền lên tiếng: “Xin lỗi ông, cha của thằng Hùng không bao giờ làm chuyện đó”. Bác sĩ Đại đáp trả lại: “Làm sao ông biết cha thằng Hùng bằng tôi”. Cha tôi bình tĩnh nói lại: “Chắc chắn tôi phải biết cha của thằng Hùng hơn ông, đơn giản tôi là cha của cha thằng Hùng”. Lúc này hai người suýt choảng nhau. May mà có một người quen biết cả hai cản ngăn kịp.

Mẹ tôi là một phụ nữ suốt đời vì chồng con. Hồi trẻ bà được xem là người phụ nữ đẹp nhất Biên Hòa. Những năm tôi hoạt động chính trị đối lập, mẹ tôi luôn tỏ ra chia sẻ và hỗ trợ. Bà rất hãnh diện về lập trường độc lập và đối lập của con trai mình trong Quốc hội và trên báo chí. Mẹ tôi dư biết các hoạt động chống chế độ của tôi tất yếu sẽ dẫn tới kết cuộc cha tôi sẽ bị cách chức. Rất yêu chồng nhưng không bao giờ bà ép buộc con trai mình đầu hàng hay bỏ cuộc.

Thời trẻ cha tôi rất mê đánh bạc và thường vắng nhà. Chuyện học hành của tôi hoàn toàn do mẹ tôi lo. Bà đặt tất cả tình thương và hy vọng vào đứa con trai trưởng. Bà muốn tôi trở thành bác sĩ. Cha mẹ tôi có tất cả tám người con. Tôi có sáu em gái và một em trai cũng là đứa em út trong nhà. Về đường học vấn của tôi, công sức mẹ bỏ ra rất nhiều, nhưng thẳng thắn mà nói bà không nhận được sự đền đáp như ý nguyện. Tôi chưa bao giờ là một học sinh giỏi hoặc chuyên cần. Khi cha tôi còn là một thư ký quèn ở Biên Hòa, mẹ tôi quyết tâm đưa tôi vào học trường Pháp ở tỉnh nơi chỉ dành cho con Tây và con công chức cao cấp trong tỉnh. Theo suy nghĩ của mẹ tôi, trường Nguyễn Du mà tôi theo học (đến lớp tư, tức lớp hai hiện nay) dạy kém. Trường Pháp ở Biên Hòa do bà vợ của ông chánh thanh tra giáo dục ở tỉnh tổ chức. Bà là người Việt Nam nhưng có quốc tịch Pháp. Chánh thanh tra là ông Trần Bá Chức, trước kia là giáo sư trường Collège Mỹ Tho và là thầy cũ của cha tôi. Có lẽ nhờ mối quan hệ này mà tôi được đặc biệt nhận vào học trường Tây. Tôi còn nhớ cái tên Tây mà bà hiệu trưởng đặt cho tôi: Charles.

Trường Việt tôi học lôi thôi, sang trường Pháp cũng không khá. Tôi chỉ mê tắm sông Đồng Nai và đá banh trên đồng ruộng sau mùa gặt. Các gốc rạ chĩa lên thật cứng và bén, các lỗ chân trâu đầy trên mặt ruộng như những cái bẫy lúc nào cũng có thể làm lọi chân các cầu thủ chân đất tí hon, nhưng những hiểm nguy này vẫn không ngăn trở bọn trẻ chúng tôi quần quật suốt ngày với quả banh nhựa. Ngay từ lúc ấy tôi đã tỏ ra có năng khiếu bắt gôn. Bạn bè gọi tôi là “gôn Tịnh”, tên của một thủ môn huyền thoại cùng thời với những Trương Tấn Bửu, Guichard, Tốt, Cúi…

Sông Đồng Nai đã cướp đi lần lượt nhiều mạng sống của bạn bè tôi thời thơ ấư, bản thân tôi cũng suýt chết mấy lần. Một lần vì trốn người nhà ra gọi về, tôi lặn xuống núp dưới cây cầu ván và bị kẹt dưới cây cầu suýt chết ngộp. Một lần khác thi nhau lặn qua đáy một chiếc ghe lớn, do nước chảy mạnh làm lạc hướng nên hụt hơi mà vẫn không trồi được đầu qua phía bên kia ghe! Nhưng bọn nhóc chúng tôi không hề sợ hay hờn dỗi con sông Đồng Nai. Các buổi trưa, dù nắng hay mưa, bọn tôi không bao giờ lỡ hẹn với nó. Nơi chúng tôi tắm có một cây đa thật to, tán phủ cả một đoạn sông trông vừa hùng vĩ vừa bí hiểm như trong rừng châu Phi. Chính ở đây bọn nhóc chúng tôi thường đóng vai người rừng Tarzan, với những pha đu cây (là rễ chằng chịt của cây đa) tung người ra xa rồi buông rơi xuống nước một cách ngoạn mục.

Mẹ tôi cuối cùng cũng phát hiện ra hai năm học trường Tây ở tỉnh của tôi chẳng đến đâu. Tôi đen thui như người Campuchia vì cả ngày ở dưới sông hoặc rượt bóng trên đồng. Nhưng mẹ tôi không chịu nhìn nhận sự yếu kém này là do con mình mà lại cho rằng do nhà trường thiếu sâu sát và chăm sóc. Thế là mẹ tôi lại nghĩ đến một trường Tây khác ở tận Sài Gòn! Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu xuất phát từ đâu mẹ tôi lại có ý nghĩ đưa tôi lên Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat, trường trung – tiểu học Pháp lớn nhất toàn Đông Dương lúc đó chỉ dành cho con em người Pháp hoặc “quan lớn người Việt”. Trường này là nơi Thái tử Norodom Sihanouk (nay là Quốc vương Campuchia) từng học nội trú hồi nhỏ. Nhiều con em hoàng tộc Lào cũng được gởi đến học ở đây. Ý nghĩ của mẹ tôi quá táo bạo, gần như không tưởng vào lúc đó bởi cha tôi chỉ là một công chức cấp tỉnh bình thường. Nhưng cuối cùng mẹ tôi cũng thực hiện được ước vọng của mình. Một người bạn cũ của cha tôi làm trong tòa đại sứ Pháp ở bộ phận văn hóa đã giúp mẹ tôi. Tôi hoàn toàn không có tiêu chuẩn vào học trường này – về trình độ Pháp văn và cả về vai vế xã hội thời đó.

Tôi vào học nội trú trường Chasseloup Laubat bắt đầu niên học 1951-1952, lớp 8ème (nay là lớp 5). Tôi còn nhớ tên bà giáo là Fabiani, một người gốc Corse. Tôi học nội trú vì gia đình không có ai ở Sài Gòn (gia đình tôi luôn luôn di chuyển theo cha tôi đến các tỉnh, quận, những nơi cha tôi đến làm việc). Vào nội trú, giường ngủ của tôi ở cạnh giường ngủ một “ông hoàng – con” Campuchia tên là Sisowath Charia. Chúng tôi trở thành bạn thân, sau này cũng có nhiều lần gặp nhau lại tại Phnom Pênh và Sài Gòn. Năm đầu vào Chasseloup Laubat, tôi vật lộn với tiếng Pháp vô cùng khổ sở. Cái vốn tiếng Tây tôi học ở Biên Hòa không được bao nhiêu, lại trả cho thầy gần hết. Tôi còn nhớ những ngày đầu đang học bị chột bụng, tôi không biết phải nói thế nào bằng tiếng Pháp để xin phép thầy ra khỏi lớp… Thế là tôi phải “thuê” thằng bạn ngồi cạnh dạy cho tôi một câu tiếng Tây học thuộc lòng. Có khi trả cho nó bằng tiền, có khi trả bằng phần ăn tráng miệng. Nhưng nhờ qui định học sinh phải ở luôn trong trường, thứ Bảy hoặc Chủ nhật mới được ra bên ngoài chơi, và nhờ trường cấm triệt để không được nói tiếng Việt – ngay trong lúc sinh hoạt bình thường như giờ ra chơi, giờ ăn – nên không bao lâu tiếng Pháp của tôi cũng khá lên.

Một tuần chúng tôi được ra phố chiều thứ Bảy và Chủ nhật. Nhưng không phải thứ Bảy, Chủ nhật nào cũng được phép ra phố. Nếu bị phạt ½ PS (Privation de sortie – truất phép được ra)- truất nửa phép – học sinh nội trú đó không được cha mẹ hoặc người thân rước ra chiều thứ Bảy, sáng Chủ nhật mới được ra. Còn lãnh trọn cái PS thì ở lại trường cả thứ Bảy và Chủ nhật để chép bài phạt! Ngày Chủ nhật bị ở lại trường được “surveillant” (giám thị) dắt đi “promenade” (đi dạo) ở sân Richaud (nay là sân Phan Đình Phùng) nằm sát bên trường. Những dịp này các học sinh bị phạt hy vọng có một an ủi: được phép của giám thị cho gọi xe mì dạo lại xơi một trận đã thèm. Không phải ông “surveillant” Tây nào cũng dễ tính và gật đầu nói “oui” (đồng ý). Có khi ông ta chẳng nói gì, nhưng nhìn chỗ khác làm lơ là coi như “oui”. Thời đó trong bọn học sinh người Việt, đứa nào cũng mê mì, vì một tuần ăn đồ Tây hết sáu ngày, chỉ có ngày thứ Tư mới có “repas vietnamien” (cơm Việt Nam). Nhưng cũng phải nói rằng cách đây 50 năm, mì bán dạo trên xe đẩy, rao gõ cóc cóc là ngon nhất! Tiếng mì gõ trên các đường xung quanh trường nhiều đêm làm bọn học sinh nội trú chúng tôi nằm trên giường thèm quá, không sao ngủ được.

Cái thú chính yếu khi được phép ra khỏi trường chiều thứ Bảy và Chủ nhật là đi xem xi nê. Thời đó các rạp thịnh hành nhất là Nam Quang, Long Thuận (nằm sát tòa soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị hiện nay), Majestic (sát khách sạn Cửu Long hiện trở thành nhà hàng Maxim). Nhưng rạp chiếu phim mới nhất, chiếu phim màu Technicolor trên màn ảnh rộng (lúc đó gọi là écran panoramique) thì chỉ có rạp Olympic trên đường Chasseloup Laubat (bây giờ là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Lúc đó rạp Olympic hiện đại và ăn khách nhất. Tôi mê các tài tử như Errol Flynn, Gene Kelly, Stewart Granger, Victor Mature, Deborath Kerr, Ava Gardner… Những bộ phim như “Samson và Dalila”, “Scaramouche” hay “Ba người lính Ngự lâm” (Les Trois Mousquetaires) bây giờ nhớ lại vẫn thấy hay. Sau này, có nhiều bộ phim làm lại tác phẩm của nhà văn Alexandre Dumas, nhưng với tôi, phim “Ba người lính Ngự lâm” hay nhất vẫn là bộ phim do Gene Kelly đóng cùng với Lana Turner. Có lẽ cái gì đến với mình lần đầu, lúc tuổi thơ, vẫn là đẹp nhất chăng? Lúc đó đi xem xi nê còn có cái thú sưu tập các tờ programme (chương trình) in nhiều màu trên giấy láng, rất đẹp. Mỗi phim mới, ở tất cả các rạp đều có tờ programme mới. Những ngày bị phạt ở lại trường, lấy chồng chương trình ra xem lại, thấy thích thú không kém gì được đi xem xinê!

Năm 1954, sự kiện Điện Biên Phủ rồi Hiệp định Genève diễn ra, trường Albert Sarraut từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn sát nhập với Chasseloup Laubat. Trường không đủ lớp để chứa tất cả học sinh từ Hà Nội vào, nên hủy bỏ chế độ nội trú để mở thêm lớp học. Mẹ tôi không cho tôi học tiếp tại đây vì sợ rằng học ngoại trú, giữa Sài Gòn nhiều “cạm bẫy” tôi sẽ sớm hư hỏng! Mẹ tôi chuyển lên Đà Lạt vào học nội trú tiếp lại Lycée Yersin.

Sự kiện Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève đối với một thằng bé 14 tuổi đang học trường Tây dĩ nhiên không để lại được bao nhiêu trong ký ức. Tuy nhiên, ngoài chuyện…chuyển trường từ Sài Gòn lên Đà Lạt, tôi vẫn nhớ cái không khí bất thường của Sài Gòn trong những ngày Pháp hấp hối ở Điện Biên Phủ. Những ánh mắt lo âu của người Pháp và cả những người Việt thân Pháp. Mặc dù cha tôi là công chức nhưng tôi không thấy ông âu lo. Có lẽ do ông luôn không chịu gắn số phận của ông với số phận của người Pháp. Lúc đó cha tôi đang làm quận trưởng quận Tiểu Cần (Trà Vinh). Như mọi kỳ nghỉ hè, tôi rời nội trú về nhà. “Nhà” của gia đình tôi lúc đó là nơi cha tôi đang làm việc. Cha tôi nhận nhiệm sở ở đâu thì cả gia đình dời theo đến đó. Cả gia đình đi theo cha tôi từ tỉnh này sang tỉnh nọ. Nhưng tôi nhớ năm 1954 tôi không về thẳng được quận Tiểu Cần mà cùng gia đình tạm ở lại tỉnh lỵ Trà Vinh. Vì Tiểu Cần được chọn làm nơi tập kết ra Bắc của quân đội Việt Minh trong tỉnh theo Hiệp định Genève.

Tôi rất thích đọc báo, báo Việt và cả báo Pháp do cha tôi thường mua về. Từ lúc đó tôi đã thuộc những cái tên như De Lattre de Tassingy, Cogny, Salan, Navarre, De Castries… không khác lắm mười, mười lăm năm sau quen thuộc với những cái tên như Haig, Maxwell Taylor, McNamara, Westmoreland… Bây giờ nhắc lại những cái tên tướng lĩnh Pháp – Mỹ ấy, thật lạ lùng nó vang vọng trong tôi cùng một âm hưởng, như thể họ đều cùng thời, dù họ đến đây trước hay sau hàng chục năm, có mặt ở hai cuộc chiến khác nhau. Họ như những lá bài của một bộ bài. Những lá bài trong cùng một canh bạc thảm hại. Có một điều oái oăm là lúc đó tôi chỉ biết được Điện Biên Phủ và tên vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp – một cách sơ lược thôi – nhờ xem báo Paris Match, nhưng ngược lại tôi biết tường tận chiến thắng Austerlitz của Napoleon vì học sử của… Pháp. Trong trường Chasseluop Laubat tôi được học lịch sử nước Pháp thay lịch sử Việt Nam. Có ai đã so sánh Austerlitz của Napoléon với Điện Biên Phủ của Võ Nguyên Giáp chưa? Hai cuộc chiến ở hai thời đại khác nhau, đúng là khó sánh, nhưng tôi vẫn thấy Điện Biên Phủ vĩ đại hơn, còn về sự chính nghĩa thì Austerlitz không có cơ sở nào để so sánh với Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ là niềm tự hào chung của mọi tầng lớp người Việt Nam. Đó là chiến tích tầm vóc thế giới của dân tộc Việt Nam. Khi tôi bắt đầu vẽ tranh năm 1990, rất tự nhiên, một trong những cảm hứng đầu tiên của tôi là Điện Biên Phủ. Bức tranh sơn dầu khổ lớn có tên “Điện Biên Phủ trong ký ức của người Pháp” theo thể loại “mix media” của tôi đã ra đời (bức tranh này hiện Công ty sơn mài Lam Sơn sở hữu).

…Rời Chasseloup Laubat lên trường Yersin Đà Lạt học tiếp, tại đây tôi đã có những năm tháng đẹp nhất thời học sinh của mình (1954- 1959). Bây giờ thỉnh thoảng nhớ lại tôi vẫn thấy lòng mình xao xuyến. Cho đến sau này, tối nằm vào giường trước khi ngủ, thỉnh thoảng tôi vẫn cố gắng nhớ lại một đoạn nào đó thời mình học ở Đà Lạt, nhớ lại từng gương mặt bạn bè, từng góc trường, góc phố Đà Lạt, như thể xem lại một đoạn phim cũ mà mình yêu thích. Nhà trường nằm trên một ngọn đồi, có sân bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, điền kinh. Có cả phòng tập thể dục thể thao rộng thoáng trong nhà dành cho các môn bóng bàn, thể dục dụng cụ v.v… Khác với trường Chasseloup Laubat xây vuông vức như một trại lính, kiến trúc của trường Yersin thuộc loại đẹp và độc đáo nhất Việt Nam và có thể là cả Đông Nam Á. Nó là một loại campus như các trường đại học ở Mỹ - Úc. Tòa nhà chính của trường hình vòng cung theo phong cách La Mã, với một nóc cao như vọng chuông nhà thờ, đứng từ chợ Đà Lạt cũng nhìn thấy. Niềm say mê thể thao đến với tôi cũng từ những năm tháng sống ở môi trường này. Tôi là vận động viên đại diện trường ở các môn bóng đá (thủ môn), điền kinh (nhảy cao), bóng rổ. Trường Yersin còn dạy tôi những bài căn bản về môn vẽ, chất lượng tương đương với một trường chuyên ngành mỹ thuật. Với vốn liếng ban đầu ấy, 30 năm sau tôi đi vào hội họa khá thuận lợi.

Tôi làm quen, yêu thích rồi mê bộ môn khiêu vũ cũng từ trường này. Nhiều chục năm sau tôi vẫn không quên được buổi đi “nhảy đầm” lần đầu ở vũ trường Dancing Đà Lạt! Sau thời gian tập tành trong câu lạc bộ ở trường, một chiều thứ Bảy, tôi mạnh dạn đi “trắc nghiệm” ở một vũ trường ngoài phố những gì mình mới học được.

Cái buổi ban đầu khiêu vũ trong dancing hồi hộp không thể tả. Nhạc trỗi lên, tim tôi đập trong lồng ngực còn mạnh hơn dàn trống của ban nhạc. Đầu nóng ran vì phải cố gắng nhận ra cho được bản nhạc thuộc điệu nào. Bolero, Slow, Tango hay Cha Cha Cha? Cùng lúc hai chân của tôi ở dưới bàn thử di chuyển theo nhịp điệu của nhạc một cách kín đáo để khi ra sàn nhảy không bị bỡ ngỡ. Dù vậy, khi cùng cô vũ nữ bước ra “piste” (sàn nhảy), tôi không tránh khỏi lúng túng và run rẩy vì xúc động. Trước đó tôi chưa bao giờ ôm trong tay mình một cô gái, nhất là giữa “piste” nhảy. Đúng lúc bị “chới với”, tôi nghe bên tai mình: “Anh cứ bình tĩnh. Để em dìu cho”. Cô vũ nữ đoán biết “người khách” của cô – một cậu thiếu niên 17-18 tuổi – mới đi nhảy ở dancing lần đầu. Tôi thầm cảm ơn cô vũ nữ mà tuổi nhất định lớn hơn tôi, nhưng vẫn gọi tôi ngọt xớt bằng anh. Mãi sau này tôi vẫn nhớ cái giọng nói hết sức dịu dàng ấy.

Những tối thứ Bảy được phép ra khỏi trường, cùng một số bạn bè đi “nhảy đầm” ở ngoài phố là những kỷ niệm được nhớ mãi. Rời dancing lúc hai, ba giờ sáng để về nhà trọ, trời Đà Lạt lạnh cắt da nhưng mặc ấm đầy đủ, cái lạnh ấy lại dễ chịu vô cùng. Ánh đèn trên các cột điện dọc đường không đủ sức lấn vào làn sương mù dày đặc chỉ tỏa được một vừng sáng nhẹ trông từ xa tưởng chừng như những chiếc đèn lồng treo lơ lửng trên cao, làm cảnh vật Đà Lạt vào lúc gần sáng càng thêm lãng mạn. Ra khỏi dancing chúng tôi thường đi bộ, nói chuyện thoải mái trên con đường vắng tanh và đến tận lò bánh mì để mua những chiếc bánh ra lò đầu tiên và nóng hổi.

Trong các học sinh nội trú ở trường Yersin Đà Lạt, tôi là đứa có ít tiền nhất khi ra phố. Cha mẹ tôi không dư dả gì, mặt khác mẹ tôi không muốn cho con mình xài nhều tiền. Có những hôm ra phố, trong túi chỉ có mấy đồng, vừa đủ mua vài trái bắp nướng. Trái bắp bỏ trong túi áo mưa làm ấm hai bên đùi. Cái mùi thơm bắp nướng, hơi ấm trong chiếc áo mưa là những cảm giác thuộc về một thời niên thiếu không thể nào quên. Rồi những lần “faire le mur” (trốn ra khỏi trường) để ăn “phở ga”, tức cửa hàng phở ở gần nhà ga xe lửa Đà Lạt nằm ngay dưới chân đồi của trường Yersin. Sao mà mùi phở ga thơm như thế, còn dĩa rau lại tươi xanh hấp dẫn không đâu sánh bằng.

Đậu xong Tú tài phần 1, tôi luyến tiếc rời thành phố Đà Lạt, để trở về Sài Gòn học nốt phần 2. Thành phố Đà Lạt trong tâm hồn tôi thời niên thiếu thay đổi quá nhiều theo thời gian. Trở lại Đà Lạt những năm sau này tôi không còn gặp lại Đà Lạt của mình xưa kia. Một trong những nỗi buồn khổ tâm của tuổi già là phải chịu đựng một hình ảnh ký ức thân thương nào đó của mình nay bị biến dạng.

Khi tôi trở lại trường Chasseloup Laubat thì trường này đã đổi tên thành Jean Jacques Rousseau (1959). Rất hiếm học sinh theo học ở trường Pháp trước kia học cả hai trường ở miền Nam – nhất là dưới đủ ba cái tên khác nhau – như tôi: Chasseloup Laubat, Yersin DaLat rồi Jean Jacques Rousseau (tên mới của Chasseloup Laubat). Trường Jean Jacques Rousseau nay là trường Lê Quí Đôn.

Về Sài Gòn, đúng như trước kia mẹ tôi từng lo ngại, việc học hành của tôi trở lại lôi thôi. Tôi kết thúc thời gian học ở Đà Lạt với bằng Tú tài 1 Pháp loại “mention Assez bien” tức hạng khá.

Cái môn khiêu vũ mà tôi say mê ở trên Đà Lạt suýt nữa làm hỏng năm cuối cùng của tôi tại Jean Jacques Rousseau. May mắn, do trường không còn chỗ để nhận vào ban Toán (section Math Elem), tôi đành chọn vào ban Triết (section Philosophie) học không “nặng” và không cần chuyên cần như ban Toán, lại phù hợp với tôi hơn. Nhờ thế tôi ì ạch đậu xong Baccalaureat 2ème Partie vào năm 1960. Tôi còn nhớ tôi thi viết môn Philo với đề tài “Le doute” (Sự hoài nghi) khá tốt. Còn ở phần thi Oral (vấn đáp) đầu đề là “Le temps” (Thời gian). Nếu năm đó mà tôi không đậu Tú tài 2 thì có lẽ mãi mãi tôi không bao giờ đậu do tôi quá ham chơi. Trong lớp Philo có một lần giáo sư công bố điểm và thứ hạng kỳ thi tam cá nguyệt cho học sinh, khi đọc đến tên học sinh đứng hạng nhì là tôi, ông tỏ ra kinh ngạc: sao trong lớp ông lại có một học sinh lạ hoắc, ông không hề biết mặt. Lý do đơn giản tôi thường “cúp cua” các tiết học hoặc có mặt trong lớp thì lén nằm ngủ đâu đó ở cuối lớp vì tối qua đi chơi quá khuya!

Khi tôi vào đại học, mẹ tôi vẫn không quên mơ ước ban đầu của bà là muốn tôi theo học ngành y khoa. Nhưng một năm học PCB (physique, chimine, biologie – các môn lý – hóa - sinh) để chuẩn bị thi vào y khoa đủ chứng minh với bản thân tôi rằng con đường khoa học không phải là con đường thích hợp với mình.

Cuối cùng, để tránh bị gọi quân địch, tôi thi tuyển vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (HVQGHC). Cả ngàn người dự thi từ Huế vào Sài Gòn, chỉ lấy 100 (trong 100 này lại dành trước 50 cho Huế và miền Trung). Thế nhưng tôi trúng tuyển hạng 99. Khi chen lấn xem kết quả, tôi vẫn tưởng mình rớt. Đến khi nhận giấy báo đậu gửi tận nhà mới hay mình đậu. Khóa tôi vào học là khóa 10 (1963), khóa cuối cùng có Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Ngô Đình Diệm chủ tọa lễ khai giảng. Đây là lần đầu tôi được nhìn thấy ông Diệm ở một khoảng cách rất gần khi ông bước xuống xe và từ ngoài cổng trường đi vào giữa hai hàng sinh viên được trường tổ chức đứng chào đón ông. Trước đây tôi chỉ nhìn thấy ông trên màn ảnh khi đi xem xinê. Ở Sài Gòn lúc đó, trước khi chiếu phim truyện, rạp nào cũng phải chiếu “Thời sự Việt Nam”, trong đó hầu như luôn luôn có sự xuất hiện của Tổng thống Diệm, khi thì đi kinh lý tỉnh này, khi đi kinh lý tỉnh kia. Thường khi hình ảnh của ông vừa hiện lên thì phần đông khán giả phải cố gắng lắm mới nín cười được vì sợ gặp rắc rối với cảnh sát chìm ở đâu cũng có, kể cả trong rạp hát. Người ông Diệm rất thấp, khá tròn, bụng lại to, nhưng khi di chuyển lại rất nhanh, hai cánh tay như đang bơi dưới nước khiến ông có một dáng dấp và tướng đi rất hài. Ông luôn mặc bộ com-lê màu trắng. Tôi không ngờ lần nhìn thấy ông Diệm lần đầu tiên bằng xương bằng thịt ở buổi khai trường tại HVQGHC cũng là lần cuối cùng. Chỉ ít tháng sau, ông bị lật đổ và bị phe đảo chánh giết chết cùng với người em trai là Ngô Đình Nhu.

HVQGHC không gây cho tôi sự thú vị nào. Tôi không có ý định theo nghiệp cha tôi, trở thành phó đốc sự, đốc sự, để làm quận trưởng hay phó tỉnh trưởng. Lúc này tôi bắt đầu mê nghề báo nên “cúp” các giờ học ở HVQGHC để la cà ở một số tòa soạn báo trên đường Phạm Ngũ Lão mà tôi có viết bài cộng tác. Thật ra ở hai năm cuối trung học, tôi đã có bài đăng trên báo thể thao Đuốc Thiêng của nhà báo thể thao nổi tiếng Sài Gòn là Thiệu Võ. Lúc đầu là những bài dịch từ các báo và tạp chí Pháp như L’Equipe, Mirroir Sprint. Các hiểu biết của tôi về thể thao thế giới được tích lũy là nhờ tiếp cận với các loại báo ấy. Niềm say mê thể thao cũng từ cha tôi truyền sang. Ông còn truyền cho tôi cả tinh thần mã thượng trong thể thao lẫn trong quan hệ với mọi người – kể cả với người đối địch mình.

Bút danh đầu tiên tôi ghép tên cha với tên mình: Phát Chung. Ngoài ra tôi còn có bút danh ghép họ tôi với họ vợ - Nguyễn Lý – ký trên các bài phóng sự những năm 1963-1965. Bút danh sau 1975 thì ghép tên các con tôi: Chánh Trinh, Trung Dũng. Bút danh cũng là mạng sống nghề nghiệp và chính trị của mỗi người viết văn, viết báo. Do đó người ta thường chọn tên những người mà mình yêu thương nhất để ghép thành bút danh.
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 đ

 II
2. Chập chững vào nghề báo

Tôi không hề được chuẩn bị để đi vào nghề báo. Lúc đầu tôi viết báo chỉ vì quá yêu thể thao. Từ môi trường báo chí, tôi được tiếp cận với đời sống chính trị Sài Gòn, biết bức xúc trước những bất công, những việc làm phi dân chủ, độc tài của chính quyền Sài Gòn. Rồi phẫn nộ trước sự can thiệp thô bạo của chính quyền Mỹ vào nội bộ của Việt Nam và sự áp đặt các ý muốn và quyền lợi của họ lên đất nước Việt Nam. Tôi đi vào con đường hoạt động chính trị là như thế. Tôi cũng không hề được chuẩn bị hoặc được ai, tổ chức nào dẫn dắt. Thực tế cuộc sống và các diễn biến thời cuộc của đất nước điều chỉnh dần dần các hoạt động và thái độ chính trị của tôi, mỗi ngày thấy rõ hơn con đường mà mình nên chọn.

Những năm 60, Sài Gòn chưa có trường báo chí nên những ai muốn theo ngành này không có điều kiện để học hỏi chính qui. Riêng trường hợp của tôi, từ nhỏ theo học trường Pháp, tiếng Việt không thông thạo vì trong trường tiếng Pháp được coi là tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt là môn sinh ngữ 1, còn Anh văn sinh ngữ 2, nên việc theo đuổi nghề viết báo với tôi càng không dễ dàng. Tôi còn nhớ bài báo đầu tiên tôi gởi cho tuần báo Đuốc Thiêng viết về cuộc đua Vòng quanh nước Pháp. Thời đó là những năm tháng huy hoàng của các cua rơ Louison Bobet (Pháp), Bahamontes (Tây Ban Nha), Fausto Coppi (Ý). Để viết một bài báo thể thao, tôi tham khảo các báo Pháp như L’Equipe, Mirror Sprint và tốn hai, ba chục tờ giấy pơluya vì phải viết đi viết lại nhiều lần, vừa viết vừa xem các bài báo của các nhà báo viết trên báo Việt, xem người ta dùng từ như thế nào, có khi phải “ăn cắp” cả câu của họ rồi sửa lại cho phù hợp chuyện của mình. Hai năm hì hục như thế, tôi mới viết suôn sẻ, được mời cộng tác chính thức và được phân công tường thuật các trận bóng đá trên sân Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất).

Thời đó ông Thiệu Võ là một tượng đài trong làng báo thể thao Sài Gòn (từ những năm 50 cho đến những năm 70). Cả miền Nam mê say các bài phê thuật của ông. Văn phong của ông bay bướm. Các tên tuổi lớn thể thao đều được ông phong cho họ những biệt danh đầy ấn tượng, gắn luôn với tên tuổi họ cả đời đồng thời được độc giả và giới thể thao công nhận. Chẳng hạn ông gọi nhà vô địch xe đạp Đông Dương Lê Thành Các là “Phượng Hoàng” do sở trường của cua rơ tài giỏi này là “leo đèo” và “bay” trên các đỉnh núi. Còn thủ môn Phạm Văn Rạng, từng là tuyển thủ châu Á là nhà “Lưỡng thủ vạn năng”. Cua rơ xe đạp miền Bắc lừng danh Vũ Văn Thâm – đối thủ số 1 của Lê Thành Các – được ông gọi là “Con Hùm Xám”. Cặp tiền đạo xuất sắc của đội bóng Cảnh sát Sài Gòn những năm 50 – hữu nội Lê Hữu Đức và tả biên Nguyễn Văn Tư – một người ông phong là “Chiếc Đầu Vàng”, còn một người là “Mũi Tên Vàng”. Khi mới vào làng báo thể thao, tôi cộng tác với báo Đuốc Thiêng của ông, nên chịu ảnh hưởng văn phong của ông là điều khó tránh. Nói về “chỗ đứng” của ông trong làng báo thể thao nói riêng và cả làng báo Sài Gòn nói chung có một dẫn chứng cụ thể: trước đó và mãi sau này trong lịch sử báo chí Sài Gòn, chưa từng có chuyện một tờ báo hàng ngày nào nêu trên trang đầu, ngay dưới manchette (tên tờ báo) chức danh “Giám đốc thể thao” như đã xảy ra với tờ TiếngDội Miền Nam, một tờ báo có nhiều độc giả và có uy tín trong giới nghệ thuật và trí thức (Giải thưởng cải lương Thanh Tâm do tờ báo này khởi xướng). Dưới manchette tờ báo, bên trái là tên chủ nhiệm kiêm chủ bút Trần Tấn Quốc, bên phải là tên Giám đốc thể thao Thiệu Võ. Lúc này ông Thiệu Võ vừa phụ trách trang thể thao của tờ TiếngDộiMiềnNam đồng thời là chủ nhiệm tờ Đuốc Thiêng.

Tôi không thể quên lần đầu tôi được ông nhắn tin trên báo Đuốc Thiêng đến gặp ông “để trao đổi về sự hợp tác” tại tòa soạn của Tiếng Dội Miền Nam ở đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng). Không khí của tòa soạn Tiếng Dội Miền Nam rất nghiêm trang, bày biện như trong một công sở, không thấy ai nói chuyện cười đùa, khác hẳn tòa soạn các báo Sài Gòn bấy giờ luôn rất ồn ào náo nhiệt. Tôi rón rén bước vào gặp ông Thiệu Võ ngồi bệ vệ sau một cái bàn to để nhận số tiền nhuận bút đầu tiên trong cuộc đời làm báo của mình. Sau này, dù cộng tác với ông khá lâu trên tờ Đuốc Thiêng (khoảng gần hai năm) nhưng tôi rất ít có dịp nói chuyện thân mật với ông. Ông rất ít khi tiếp xúc với các đồng nghiệp trẻ. Cũng có một thực tế trước năm 1975, trong giới báo chí luôn có một khoảng cách khá lớn giữa các ký giả kỳ cựu và các nhà báo trẻ. Vào những năm 60, không dễ gì một phóng viên trẻ thấy bút danh mình được ghi đầy đủ dưới bài báo của mình.

Tôi may mắn khi gia nhập làng báo Sài Gòn còn được tiếp cận và học hỏi với một nhà báo thể thao kỳ cựu khác: ông Phan Như Mỹ (có anh trai là Phan Ngươn Đang tập kết ra miền Bắc và đã từng là Hội trưởng Hội bóng đá của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa). Ông làm việc chính thức ở Việt Tấn Xã nhưng cộng tác thêm cho báo Buổi Sáng phụ trách trang thể thao báo này. Tờ Buổi Sáng cũng là một tờ chuyên về kịch trường và thể thao do ông Tam Mộc tức Mai Lan Quế làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với tờ Tiếng Dội Miền Nam. Tờ báo này có một phụ trang trào phúng cuối tuần rất nổi tiếng có tên “Giỏ vịt”. Ông Tam Mộc tự mình đảm trách phụ trang này và lấy bút danh là Tám Móc. Mục ăn khách nhất của trang này là “Lá thư Ba Ếch”. Đây là những cảm nghĩ hàng tuần của một nông dân miền Tây về những chuyện xảy ra quanh ông ở dưới quê và cả những chuyện ở trên Sài Gòn. Mặc dù tôi mới vào nghề nhưng ông Mỹ không ngần ngại mời tôi chuyển sang báo Buổi Sáng cùng ông lo trang thể thao. Được cùng ông “đứng trang” một tờ báo lớn như Buổi sáng là một vinh dự quá lớn đối với một cây viết mới 21 tuổi như tôi. Chính ông cũng là người giới thiệu tôi với tờ báo Pháp “Journal d’ ExtrêmeOrient” viết bài thể thao trực tiếp bằng tiếng Pháp cho tờ báo này. Nhà báo Phan Như Mỹ có lối viết khác hẳn cây viết Thiệu Võ. Không có sự bay bướm trong các bài báo của ông. Câu ngắn, đơn giản nhưng đi sâu cụ thể vào trận đấu; các bài phê thuật bóng đá của ông theo phong cách hiện đại. Nghề làm báo thông tấn đã ảnh hưởng phong cách viết báo thể thao của ông. Với ông, tôi đã học bài học vỡ lòng của báo chí: giá trị của một bài báo trước hết ở lượng thông tin. Tôi ngưỡng mộ ông Thiệu Võ nhưng người thầy đầu tiên của tôi chính là nhà báo Phan Như Mỹ.

Còn một nhà báo kỳ cựu nữa cũng ảnh hưởng vào cuộc đời viết báo của tôi. Đó là ông Nguyễn Kiên Giang, lúc ấy là Chủ tịch Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt. Trong một lần tiếp xúc với ông tại Hội quán bóng bàn Nam Việt ở đường Bùi Chu, nay là đường Tôn Thất Tùng (hội quán này của thầy Năm Nghiệp, cha của hai nhà vô địch bóng bàn miền Nam Trần Quang Nhụy và Trần Kim Ngôn), tôi được ông khuyên: “Em có ăn học nên đi theo nghề báo rất thuận lợi”. Rồi ông nói bằng tiếng Pháp: “Le journalisme mène à tout” (Nghề báo dẫn đến mọi ngả). Lúc đó tôi vừa đỗ Tú Tài 2 và đang theo học ở HVQGHC. Lời khuyên này lại khớp với tâm lý tôi đang chán học ở HVQGHC. Chán vì như đã nói, tôi không có ý định đi theo nghề công chức như cha mình và chán vì chính chương trình học cũng rất chán. Tôi chỉ đến trường một, hai ngày một tuần và nhất là ngày trường phát phụ cấp hàng tháng (học ở trường này có ăn lương). Ngay năm đầu tôi bị ở lại lớp và qua năm sau tôi rời trường vĩnh viễn, không chút luyến tiếc.

Trong năm đầu học HVQGHC tôi đã có điều kiện viết lách, lui tới với một số tờ báo khác. Đầu tiên là tờ Thanh Việt do Tô Yến Châu chủ trương biên tập qui tụ các nhà báo, nhà văn, nhà thơ như Tam Đức, Kiên Giang Hà Huy Hà, Tô Nguyệt Đình cộng tác. Đây cũng là nơi tôi khởi đầu học nghề phóng viên. Từ lãnh vực thể thao, tôi bắt đầu tập viết sang các lãnh vực khác. Tòa soạn báo Thanh Việt nằm trên đường Phạm Ngũ Lão. Con đường này có rất nhiều tòa soạn báo và nhà in. Tạp chí Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ cũng ở trên con đường này. Phần đông các cộng tác viên của báo Thanh Việt rất ít khi được trả nhuận bút. Tờ báo rất nghèo nhưng anh em sống với nhau rất vui. Khi gom được tiền bán báo thì ưu tiên để mua giấy in và trả cho thợ sắp chữ. Các cộng tác viên “ruột” được anh Tô Yến Châu gần như ngày nào cũng kéo đi ăn trưa: một cách trả nhuận bút khá độc đáo! Tại tòa báo Thanh Việt, tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì tòa soạn cần, từ tiếp tay sửa morát cho đến đi lấy thông báo hoặc lấy tin “xe cán chó” ở các bót cảnh sát. Đây cũng là cách học nghề, tiếp cận với nghề rất tốt, bởi một nhà báo càng biết đầy đủ các khâu trong tờ báo càng có lợi.

Bây giờ nhớ lại những năm tháng đầu tiên vào làng báo, tôi luôn cảm ơn các nhà báo đàn anh ấy. Dù cuộc sống của họ phần nhiều rất khó khăn, điều kiện làm báo rất cực nhọc, giấy in chạy mua từng ngày – nhưng những người mà tôi có cơ hội đầu tiên làm việc chung trong cuộc đời báo chí của mình đều không để cho các thế lực tiền bạc và chính trị mờ ám trong nước và ngoài nước mua chuộc. Rất nhiều những nhà báo này từng tham gia kháng chiến thời chống Pháp. Cái môi trường ban đầu ấy đã tạo cho một thanh niên như tôi, chưa hiểu nhiều thực trạng báo chí miền Nam lúc đó, kể cả những ngóc ngách về chính trị, đã có được sự hòa nhập khá tốt, ít lệch lạc với nghề nghiệp mà sau này mình gắn bó suốt đời. Cũng cần nói rõ, từ năm 1954, sau hiệp định Genève, nhiều thành phần chống cộng ở miền Bắc ồ ạt di cư vào miền Nam. Nhiều đảng phái chống cộng mọc lên như nấm. Làng báo Sài Gòn cũng không tránh khỏi sự xâm nhập rồi tràn ngập những người làm báo theo khuynh hướng chống cộng. Không bao lâu, thêm một tổ chức báo chí ra đời, cạnh tranh với Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, đó là Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam, tập hợp chủ yếu các nhà báo chống cộng từ miền Bắc vào. Hàng loạt tờ báo chống cộng do người Bắc di cư đứng ra thành lập, phần nhiều được sự tài trợ của chính quyền Diệm, kể cả cơ quan tình báo Mỹ (CIA). Từ năm 1954 cho đến tháng 4 -1975, làng báo Sài Gòn phân làm hai phe rõ rệt.

Tờ báo Thanh Việt, trong những lúc khó khăn, thỉnh thoảng có nhận được sự giúp đỡ tài chánh của ông Võ Văn Ứng, tức bầu Ứng, một nhà Mạnh Thường Quân thể thao ở Sài Gòn. Ông ở trong Ban chấp hành, có lúc là Chủ tịch Tổng cục bóng tròn (bây giờ gọi là Liên đoàn Bóng Đá). Ông cũng là chủ nhân nhà thuốc Đông y nổi tiếng Võ Văn Vân nằm ở góc đường Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học. Tôi quen biết ông bầu Ứng từ dạo làm báo Thanh Việt. Khi xảy ra cuộc đảo chánh ngày 1 – 11 – 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, trung tướng Dương Văn Minh lên làm Quốc trưởng, ông bầu Ứng là người đầu tiên được chính quyền mới cấp giấy phép ra báo. Tờ báo có tên Bình Minh. Ông bầu Ứng có được đặc quyền này do trước đây ông có mối quan hệ rất đặc biệt với ông Dương Văn Minh. Thời trẻ, ông Ứng là bầu của đội bóng Thủ Dầu Một (Bình Dương), còn ông Minh là thủ môn đội này và tình bạn thể thao giữa họ kéo dài qua năm tháng.

Khi được phép xuất bản tờ Bình Minh, ông bầu Ứng kéo cả ê kíp Thanh Việt về làm. Tại đây, lần đầu tiên tôi ăn lương phóng viên và hành nghề phóng viên đúng nghĩa. Một trong những bài phóng sự đầu tiên của tôi khi tập sự làm phóng viên là tường thuật vụ “Tòa án Cách mạng Sài Gòn” (tức tòa án của phe đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm) xét xử cố vấn Ngô Đình Cẩn, em út trong dòng họ Ngô, sau khi hai người anh của ông đều bị phe đảo chính giết. Lúc ông Ngô Đình Diệm còn là tổng thống, ông Cẩn hùng cứ ở miền Trung như một lãnh chúa. Thế lực của Ngô Đình Cẩn còn lấn cả chính quyền trung ương, vào tận miền Nam. Chẳng những ông cho quân càn quét, tiêu diệt các phần tử cộng sản và thân cộng tại Huế và miền Trung, mà còn tổ chức các đoàn gọi là “Đoàn công tác đặc biệt miền Trung” vào tận Sài Gòn và miền Nam để truy lùng những người cộng sản trốn chạy vào đây.

Theo nhà báo Mỹ Zalin Grant, ba ngày sau khi hai người anh của mình – Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu – bị giết chết, ông Ngô Đình Cẩn xin tị nạn chính trị trong tòa tổng lãnh sự Mỹ tại Huế. Từ Huế, ông Cẩn được đưa vào Sài Gòn trên một máy bay Mỹ có một phó lãnh sự Mỹ, một thiếu tá Mỹ đi theo. Ngoài ra còn có hai quân cảnh Mỹ bảo đảm an ninh. Khi đến Sài Gòn, ông Cẩn được giao cho Lou Conein, một nhân viên CIA đảm trách liên lạc giữa đại sứ Cabot Lodge và nhóm tướng lãnh đảo chính Diệm. Nhưng sau đó đại sứ Lodge ra lệnh giao Cẩn cho các tướng lãnh đảo chính. Mặc dù sau này tướng Trần Văn Đôn có kể rằng Lodge yêu cầu đối xử với Cẩn đàng hoàng, đúng theo pháp luật, nhưng ngay việc Lodge giao sinh mạng của ông Cẩn cho những người vừa giết hai người anh của ông thì đủ hiểu trách nhiệm của đại sứ Lodge trong cái chết sau này của ông Cẩn như thế nào. Từ đây người ta cũng thấy rõ ra vai trò đích thực của Cabot Lodge, bàn tay của người Mỹ trong cái chết của Diệm – Nhu. Như vậy Lodge dính líu đến cả ba cái chết của ba anh em nhà Ngô.

Tôi vẫn nhớ thái độ của ông Cẩn trước tòa án rất ngạo mạn. Ông chẳng quan tâm gì đến diễn tiến phiên tòa, chẳng chú ý tới các lời buộc tội ông. Ông mặc bộ đồ bà ba lụa màu trắng, mắt nhắm nghiền như ngủ qua suốt các phiên xử; nhiều lúc còn có cử chỉ tỏ vẻ khinh khi các tướng tá đang ngồi xử mình. Có lẽ vì những tướng tá này đã từng khúm núm, xin xỏ hoặc chịu ơn mưa móc của ông trước đây. Các tướng tá, các công chức cao cấp ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam có địa vị quan trọng trong chính quyền họ Ngô mỗi năm đều phải kéo nhau ra Huế ít nhất hai lần: Một lần chúc Tết và một lần mừng sinh nhật ông Cố vấn. Nghe nói phần đông những người vào gặp ông Cẩn, khi trở ra đều đi thụt lùi! Ông tỏ ra coi khinh những người ngồi xử ông như thế. Và ông không có một phản ứng hay xúc động gì khi ông bị tòa tuyên án tử hình.

Với tư cách phóng viên báo Bình Minh, tôi có mặt tại khám Chí Hòa trong ngày hành quyết Ngô Đình Cẩn. Địa điểm thi hành án ở phía sau khám, nằm bên trong bức tường kiên cố. Cột hành quyết dựng tại một bãi đất trống thường ngày được sử dụng như sân bóng chuyền. Các nhà báo theo dõi cuộc hành quyết được sắp xếp đứng cách đó chứng 50 mét, gần một cái miếu.

Đúng giờ hành quyết, ông Cẩn xuất hiện từ một cửa nhỏ bên hông khám đường nhìn thẳng ra bãi đất trống, ông nằm trên một cái băng ca được bốn người khiêng. Nhiều ngày trước đó sức khỏe của ông suy sụp không phải vì sợ mà do bệnh tiểu đường trở nặng. Từ cửa hông này đến cột hành quyết khoảng 30 mét. Khi chiếc băng ca rời cửa hông được vài mét thì ông Cẩn cố gắng ngồi chồm dậy, đòi bước xuống đất. Lúc đầu các nhà báo không ai hiểu gì cả, có người vội vàng đoán ông Cẩn có cử chỉ hoảng hốt khi đối đầu với cái chết. Nhưng sau đó mới biết ông Cẩn muốn rời cái băng ca để tự mình đi đến cột hành quyết! Những người khiêng ông được lệnh dừng lại. Ông bước xuống một cách khó khăn. Vì quá yếu, ông không thể tự đi một mình, nên có hai người nách ông hai bên. Cảnh tượng thật bất ngờ và căng thẳng, khiến giới báo chí và những người có trách nhiệm theo dõi đều im bặt.

Sau khi bị trói chặt vào cột hành quyết và lúc sắp sửa bị bịt mắt bằng một băng vải đen thì ông ta phản ứng. Ông nhất định không để bịt mắt, muốn được nhìn tận mắt cuộc hành quyết mình. Nhưng những người thi hành án giải thích với ông rằng luật lệ không được phép cho họ làm khác. Người ta vẫn bịt mắt ông và một loạt súng kết liễu mạng sống của người thứ ba và là em út trong dòng họ Ngô từ sau cuộc đảo chính 1-11-1963.

Bài tường thuật của tôi nhấn mạnh hai điểm: Ông Cẩn không sợ cái chết và tỏ vẻ khinh khi những người xử ông tại tòa án. Tôi cũng có nói đến yếu tố tín ngưỡng – gia đình của ông Cẩn theo đạo Công giáo – đã giúp ông đón nhận cái chết một cách bình thản đáng kinh ngạc.

Bản án tử hình và cuộc hành quyết Ngô Đình Cẩn đã chứng minh cái chết của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu trước đó cũng nằm trong chủ trương nhất quyết loại cả ba anh em từng nắm quyền sinh sát tại miền Nam. Thực tế chính trị của tình hình miền Nam lúc đó cho thấy nếu ba anh em họ Ngô vẫn sống thì trước sau gì họ cũng có cơ hội phục hồi quyền lực vì gia đình họ Ngô có hai thế lực rất lớn hỗ trợ: tòa thánh Vatican và hơn một triệu người Bắc di cư đang nắm những vị trí then chốt trong guồng máy nhà nước và quân đội, kể cả các điểm huyết mạch của kinh tế miền Nam.

Bị lật đổ ngày 1-11-1963, qua ngày hôm sau hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu chấp nhận đầu hàng phe đảo chính sau khi chạy khỏi dinh Gia Long và trốn tại Nhà thờ Cha Tam (Nhà thờ St Francis Xavier) ở Chợ Lớn. Nhưng sau đó cả hai đều bị bắn chết trên chiếc thiết vận xa M113 trên đường được áp tải về Tổng tham mưu (gần Tân Sơn Nhất). Theo John S. Bowman, chủ biên quyển “The Vietnam War day by day”, hai người trực tiếp giết hại ông Diệm và Nhu là thiếu ta Dương Hiếu Nghĩa và đại úy Nguyễn Văn Nhung, theo lệnh của trung tướng Dương Văn Minh, lúc đó đứng đầu phe đảo chính.

Nhà báo Mỹ Stanley Karnow, mà tôi đã từng gặp tại Sài Gòn trước năm 1975 khi ông phỏng vấn tôi, đã ghi lại trong quyển sách đoạt giải báo chí Pulitzer của ông (có tựa đề “Vietnam – A history”) ba cuộc trao đổi giữa ông Ngô Đình Diệm với trung tướng Trần Văn Đôn, một trong những tướng lãnh cầm đầu đảo chánh, và với ông Henry Cabot Lodge, đại sứ Mỹ tại Sài Gòn trước khi hai anh em họ Ngô bị giết như sau:

Dù dinh Gia Long đã bị phe đảo chánh bao vây, nhưng hai anh em vẫn còn bình tĩnh, nhất là ông Nhu vẫn tin rằng sẽ có một cuộc “phản – đảo chánh” mang mật hiệu Bravo 1 và Bravo 2 sẽ khai diễn và sẽ “bóp vỡ từ trong trứng” cuộc đảo chánh của phe tướng lãnh nổi loạn. Các kế hoạch Bravo 1 và Bravo 2 của ông Nhu được giao cho tướng Tôn Thất Đính, bấy giờ là Tổng trấn Sài Gòn – Gia Định, thực hiện. Tai họa cho hai anh em Diệm, Nhu là tướng Đính lại nằm trong nhóm tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chánh.

Lúc đầu, ông Diệm vẫn hy vọng rằng cuối cùng cuộc phản loạn này cũng kết thúc như cuộc đảo chánh bất thành ngày 11-11-1960. Ông đã chủ động gọi tướng Trần Văn Đôn.

Ông Diệm: Tướng lãnh các anh đang làm gì vậy?

Tướng Đôn: Thưa cụ, chúng tôi đã đề nghị với cụ nhiều lần rằng cụ cần cải cách chính sách theo nguyện vọng của nhân dân. Bây giờ đã đến lúc quân đội phải đáp lại nguyện vọng của nhân dân. Mong cụ hiểu chúng tôi.

Ông Diệm: Tại sao chúng ta không ngồi lại với nhau nói chuyện? Chúng ta sẽ bàn về cái mạnh và cái yếu của chế độ, và tìm ra con đường củng cố lại chế độ.

Tướng Đôn: Có lẽ đã quá trễ để bàn luận việc đó, thưa cụ.

Ông Diệm: Chưa bao giờ là trễ, do đó tôi mời tất cả các anh đến dinh cùng bàn vấn đề, vạch ra một giải pháp được cả đôi bên chấp nhận.

Tướng Đôn: Thưa cụ, tôi phải hỏi lại ý kiến những người khác xem sao.

Vào lúc 4 giờ 30 chiều 1-11-63, ông Diệm gọi điện thoại cho đại sứ Mỹ Cabot Lodge.

Ông Diệm: Một đơn vị quân đội làm loạn và tôi muốn biết thái độ của nước Mỹ ra sao.

C. Lodge: Tôi không nắm được thông tin đầy đủ về chuyện này để trả lời tổng thống. Tôi có nghe tiếng súng nổ nhưng không rõ các sự kiện xảy ra. Vả lại bây giờ là 4 giờ 30 sáng tại Washington, do đó chính phủ Mỹ không thể bày tỏ một quan điểm nào đó vào lúc này.

Ông Diệm: Nhưng ông phải có một số ý kiến rõ rệt chứ. Dù sao, tôi cũng là quốc trưởng. Tôi đã cố gắng làm tròn trách nhiệm của tôi. Tôi muốn hành xử vào lúc này điều mà trách nhiệm và ý thức đúng đắn đòi hỏi ở tôi. Tôi tin vào bổn phận của mình trước hết.

C. Lodge: Chắc chắn ngài đã làm đúng bổn phận của mình. Như tôi đã nói với ngài sáng nay thôi, tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm và sự đóng góp to lớn của ngài cho đất nước của ngài. Không ai có thể phủ nhận những gì mà ngài đã làm. Nhưng bây giờ tôi âu lo cho sự an toàn thân thể của ngài. Tôi có một báo cáo cho biết những người chịu trách nhiệm tình hình hiện nay sẵn sàng cấp cho ngài và em của ngài giấy thông hành an toàn (safe-conduct) rời khỏi nước nếu ngài từ chức. Ngài có nghe nói về việc này?

Ông Diệm: Không (dừng một lúc) Ông có số điện thoại của tôi chứ.

C. Lodge: Vâng. Nếu ngài cần đến tôi liên quan đến vấn đề an toàn sinh mạng của ngài thì ngài hãy gọi tôi…

Ông Diệm: Tôi đang cố gắng thiết lập lại trật tự.

Đến 6 giờ 30 cùng ngày, ông Diệm gọi lại tướng Đôn, nhưng được tướng Đôn thông báo sự khước từ của phe lãnh đảo chánh. Họ đòi hỏi hai anh em ông Diệm phải rời khỏi nước. Ông Diệm đồng ý nhưng đặt một điều kiện: phe đảo chánh phải chấp nhận cho ông một “đặc ân”.

Ông Diệm: Tôi là một tổng thống dân cử của quốc gia. Tôi sẵn sàng từ chức công khai, và tôi cũng sẵn sàng rời khỏi nước. Nhưng tôi yêu cầu các ông dành cho tôi các nghi thức danh dự ra đi của một tổng thống.

Tướng Đôn: (Suy nghĩ một lúc) Thật sự, tôi phải nói rằng chúng tôi không thể thỏa mãn yêu cầu của cụ về điểm này.

Ông Diệm: Thôi được. Cảm ơn.

Có dư luận ở Sài Gòn cho rằng tướng Dương Văn Minh là người ra lệnh giết hai anh em ông Diệm. Nhiều nhà báo nước ngoài có mặt lúc đó cũng nghĩ như thế. Người được giao nhiệm vụ thực hiện lệnh kết liễu sự sống của hai ông Diệm và Nhu là tướng Mai Hữu Xuân, một người thân cận nhất của tướng Minh. Còn thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa và đại úy Nguyễn Văn Nhung là hai người trực tiếp hạ sát ông Diệm và ông Nhu. Sau này có dịp làm việc gần gũi với ông Dương Văn Minh tại Dinh Hoa Lan, nhiều lần tôi có ý định hỏi thẳng ông chung quanh cái chết của hai anh em ông Diệm. Nhưng đây là điểm rất tế nhị trong cuộc đời chính trị của ông, chưa bao giờ ông đề cập trở lại chuyện này với bất cứ ai, nên tôi do dự không dám hỏi.

Làm việc với ông Minh, tôi nhận thấy ông là con người quyết đoán, không do dự trong các chọn lựa chính trị của mình, và khi đã chọn lựa thì nhất quyết đi đến cùng. Tuy nhiên có một chi tiết trong tường thuật của nhà báo Mỹ Stanley Karnow trong quyển Vietnam – A history mà tôi cho là hư cấu. Karnow kể rằng trước khi nhóm tướng tá (Mai Hữu Xuân, Dương Hiếu Nghĩa, Nguyễn Văn Nhung) rời bộ tổng tham mưu đi thực hiện lệnh kết liễu hai anh em ông Diệm, tướng Dương Văn Minh có đưa lên hai ngón tay hướng về những người này để ra hiệu giết cả hai! Cử chỉ của ông Minh được Stanley Karnow mô tả theo kiểu “cao bồi Mỹ” rõ ràng không đúng với bản chất và tính cách ông Minh mà tôi biết khá rõ.

Theo hồi ký của cựu tướng Đỗ Mậu của chính quyền Sài Gòn thì đã có một cuộc bàn luận giữa các tướng lãnh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm mà người chủ trì là tướng Dương Văn Minh. Tướng Mậu có chứng kiến cuộc bàn luận quyết định số phận của Diệm – Nhu. Ông là người duy nhất không tán đồng giết hai anh em nhà Ngô.

Trở lại những ngày đầu tôi vào nghề sau bài phóng sự về cuộc hành quyết ông Ngô Đình Cẩn.

Ngày 29-10-1964, ông Trần Văn Hương, cựu giáo sư trường Collège Mỹ Tho, trước đây từng làm Đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn, được Thượng Hội đồng quốc gia chỉ định làm thủ tướng (Thượng Hội đồng cũng chỉ định ông Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng). Tuy về mặt danh nghĩa chính Thượng Hội đồng gồm 17 thành viên dân sự chỉ định Quốc trưởng và Thủ tướng nhưng tất cả đều do bàn tay quyền lực của tướng Nguyễn Khánh đứng phía sau phù phép. Sau nhiều cuộc đảo chính hụt nhằm vào ông ta, Nguyễn Khánh lùi ra sau nhưng vẫn là người nắm quyền hành lúc bấy giờ. Đây là chính phủ thứ 7 được thành lập kể từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Sở dĩ tôi đề cập đến chính phủ Trần Văn Hương là vì dưới chính phủ này lần đầu tiên tôi được cấp giấy phép đứng tên chủ nhiệm một tờ báo hàng ngày! Lúc tôi mới 24 tuổi, chưa đủ tuổi theo luật định (25 tuổi) để đứng tên xuất bản một tờ báo. Nhưng Bộ Thông tin vẫn phải cấp giấy phép vì có sự can thiệp đặc biệt của chính Thủ tướng. Ông Thủ tướng Trần Văn Hương là thầy của cha tôi khi cha tôi còn học ở trường Collège Mỹ Tho. Số trí thức miền Nam là học trò của ông Hương lúc đó rất đông. Để hỗ trợ thầy cũ của mình trong cuộc tranh giành và củng cố quyền lực, các cựu học sinh Collège Mỹ Tho tập hợp trong một tổ chức ái hữu lúc đầu gồm riêng học sinh trường mình. Nhưng sau đó, tổ chức này mở rộng ra thành Hội Liên Trường, kết nạp cả cựu học sinh các trường như Collège Cần Thơ, Pétrus Ký và Chasseloup Laubat. Trong thực tế, đây là một tổ chức chính trị trá hình của một số trí thức miền Nam dựa vào lá bài Trần Văn Hương. Một số khá đông hội viên có khuynh hướng đố kỵ người Bắc di cư.

Trong bối cảnh đó, tôi được cha tôi khuyến khích xin ra tờ Sài Gòn Tân Văn. Chính vì vậy mà dù không đủ tuổi, tôi vẫn được cấp giấy phép. Tiền làm tờ báo, cha tôi bảo do cha tôi bỏ ra. Nhưng có khả năng do nhiều bạn bè của ông trong Hội Liên trường góp lại.

Quá khứ của ông Trần Văn Hương, khi tham chính lần đầu với chức vụ Đô trưởng Sài Gòn – Chợ lớn, đã được nhiều người truyền lại là trong sạch. Người ta kể mỗi ngày ông đi làm bằng xe đạp (do đó ông được mệnh danh “Đô trưởng xe đạp”). Là một người thầy của cha mình và lại là một chính khách có tiếng tăm tốt, ông Hương dễ dàng nhận được sự ủng hộ, thậm chí là sự ngưỡng mộ của một nhà báo vừa còn quá trẻ vừa non kinh nghiệm như tôi. Cuối tháng 1 -1965, sau ba tháng ngồi ghế Thủ tướng, ông Hương bị tướng Nguyễn Khánh và quân đội “hất” xuống, người thay ông là bác sĩ Phan Huy Quát. Phe quân đội đưa ông Hương ra Vũng Tàu, giam lỏng ông trong một biệt thự.

Tờ báo Sài Gòn Tân Văn của tôi sống lâu hơn chính phủ Trần Văn Hương chỉ đúng một tháng! Chính phủ Phan Huy Quát ngồi chưa “nóng đít” thì phải đối đầu với một cuộc binh biến ngày 19-2-1965. Một trong những sĩ quan cầm đầu phe quân đội đảo chính là đại tá Phạm Ngọc Thảo. Nhưng phe đảo chính đã không bắt được tướng Nguyễn Khánh như kế hoạch đề ra khi tấn công vào Tổng tham mưu. Nhờ sự tiếp tay của tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Khánh (người thật sự nắm quyền lực) chạy thoát lên Đà Lạt. Chính phủ ông Quát sau hai ngày tan rã quay trở lại!

Tờ báo Sài Gòn Tân Văn của tôi là tờ báo duy nhất tiếp tục xuất bản trong hai ngày binh biến và Sài Gòn không có chính phủ; thêm nữa còn có bài tường thuật rõ Tổng trưởng Bộ Thông tin – thiếu tướng Linh Quang Viên – trốn phe đảo chính chui lên trần nhà và khi phe đảo chính vào nhà lục soát thì từ trên trần nhà ông rơi xuống đất, bị phe đảo chính tóm gọn. Phóng viên viết tin như thế, trong bối cảnh hỗn loạn lúc đó, thật khó kiểm tra thật hư thế nào. Lẽ đương nhiên khi chính phủ Phan Huy Quát giành lại chính quyền và tướng Viên trở lại Bộ Thông tin thì quyết định đầu tiên của ông ta là đóng cửa và thu hồi giấy phép xuất bản của tờ Sài Gòn Tân Văn. Lý do chính thức: tờ báo đã không nộp lưu chiểu khi phát hành trong hai ngày 19 và 20-2-1965. Thực tế dù có muốn tôn trọng luật báo chí, hai ngày đó cũng chẳng biết phải nộp lưu chiểu ở đâu vì cả Bộ Thông tin đều trốn biệt!

Nhớ lại kinh nghiệm đầu tiên làm chủ báo, tôi thấy mình còn non tay quá. Không phải riêng chuyện một mình phá rào ra báo trong hai ngày Sài Gòn không có chính phủ khiến cho tờ báo bị đóng cửa, mà ngay cả cách làm báo, tổ chức tờ báo, nói theo bây giờ là nghiệp vụ của tôi lúc đó còn rất sơ sài. Nội dung của tờ Sài Gòn TânVăn chỉ có một mục đáng nhớ là bức tranh liên hoàn “Anh Tám Sạc Ne” xuất hiện hàng ngày trên trang nhất. Tác giả tranh liên hoàn này là nhà báo Cát Hữu. Ông từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 1954 theo đợt sóng di cư. Tuy nhiên ông không nhập theo các nhà báo di cư chống cộng như Tô Văn, Chu Tử, Đặng Văn Sung, Nghiêm Xuân Thiện… Ông là một trong những nhà báo thế hệ cũ có bằng tú tài Pháp (Bachelier). Vào thời đó nhà báo có đỗ tú tài như Cát Hữu rất hiếm. Nghe đâu thời trẻ Cát Hữu đi kháng chiến chống Pháp và từng là thầy giáo Pháp văn của một đảng viên cộng sản cao cấp. Theo tôi, kể từ sau hai nhân vật hí họa Lý Toét – Xã Xệ, nhân vật Tám Sạc Ne của Cát Hữu là thành công nhất. Anh Tám Sạc Ne là một phu đạp xích lô, mang râu cá chốt, nhậu ba xi đế và bàn chuyện thế sự một cách thâm thúy! Dù tác giả là người Bắc nhưng nhân vật Tám Sạc Ne chính cống Nam Bộ, Sạc Ne là tên một con đường chính – Boulevard Charner – ở trung tâm Sài Gòn (đường Nguyễn Huệ bây giờ), thời trước chưa cấm xe xích lô đạp.

Cát Hữu để sẵn tại tòa soạn một bình mực tàu, một cây viết ngòi lá tre, mỗi sáng đến lấy một mảnh giấy trắng đâu đó và thực hiện tranh của ông không quá 15 phút. Vẽ xong, ông xẹt qua tiệm hút thuốc phiện cuối đường Phạm Ngũ Lão làm vài điếu. Nhà báo Tam Đức, thư ký tòa soạn của báo tôi cũng thế, xẹt qua tiệm hút sáng một cữ, chiều một cữ. Khi còn là phóng viên tập sự, được tòa soạn giao nhiệm vụ đến tiệm hút lấy bài của các ký giả đàn anh, nhiều lần tôi được các bác, các chú khuyến khích làm thử một điếu “để viết bài thêm bay bổng”. Nhưng tôi luôn lễ phép từ chối mặc dù thời đó nhiều nhà báo lớn đều làm bạn với ả phù tiên!

Dù tờ báo Sài Gòn Tân Văn không phải là một thành công nghề nghiệp đối với tôi, nhưng mặt nào đó, tờ báo đã cung cấp cho tôi một “mảnh đất” đầu tiên hết sức quí giá để đi sâu vào cái nghề mà chỉ có thực tiễn mới dạy cho mình những bài học sâu sắc nhất. Mặt khác, tờ Sài Gòn Tân Văn cũng chỉ ra cho tôi thực tế đầu tiên gắn báo chí với đấu tranh xã hội và dân chủ. Từ tờ báo Sài Gòn Tân Văn cho đến mãi sau này, tôi luôn coi nghề báo không thể tách rời các cuộc đấu tranh cải tiến xã hội, bảo vệ dân chủ và lẽ phải. Một nhà báo dứt khoát phải là một trí thức dấn thân.

Tờ Sài Gòn Tân Văn có khoảng 7 – 8 ngàn độc giả. Vấn đề tích cực nhất lúc đó được đặt ra trên mặt báo Sài Gòn Tân Văn là vận động dư luận áp lực với chính phủ Sài Gòn thành lập một trường Đại học ở miền Tây. Tôi viết một loạt bài tố cáo chính phủ Sài Gòn cố tình không mở trường Đại học ở miền Tây với ý đồ duy trì vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tình trạng lạc hậu về chính trị và dân trí để dễ dàng cai trị. Vào thời điểm này, một số trí thức như giáo sư Lý Chánh Trung, nhà kinh tế Nguyễn Văn Hảo, giáo sự Phạm Hoàng Hộ, kỹ sư Võ Long Triều, anh Hồ Ngọc Nhuận, giáo sư Châu Tâm Luân cũng lên tiếng trên báo chí và tổ chức nhiều cuộc hội thảo để tăng áp lực đối với chính phủ Sài Gòn thành lập Đại học miền Tây. Tôi cũng có dịp xuống tận Cần Thơ tham gia một số cuộc hội thảo. Cuộc vận động này cuối cùng đạt kết quả khi nhận được sự đồng tình của thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, một chức danh cầu kỳ tương đương với Thủ tướng. Khi nắm quyền thủ tướng, ông Kỳ nhanh chóng nhận ra đây là chỗ có thể thu phục cảm tình của trí thức miền Nam, cân bằng lại dư luận phần đông cho rằng chính phủ Kỳ nghiêng về người Bắc di cư và chèn ép người Nam. Người bị tố cáo có chủ trương kỳ thị là đại tá Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc cảnh sát, cánh tay mặt của Nguyễn Cao Kỳ.

Cuộc đấu tranh thành lập Đại học miền Tây là cuộc dấn thân đầu tiên của tôi vào một hoạt động xã hội – chính trị ngoài báo chí. Chỗ đứng tự nhiên của tôi, ngay từ lúc đó trong làng báo là đối nghịch với chính quyền. Phải chăng do tôi đã từng ủng hộ ông Trần Văn Hương rồi ông bị truất quyền nên tôi chọn thái độ đối lập lại các chính phủ kế tiếp? Không hẳn thế. Câu trả lời ở một lẽ khác: Không khí ở Sài Gòn những năm đó rất dị ứng với các chính phủ do các tướng lãnh quân đội dựng lên. Tướng tá Sài Gòn hầu hết nằm trong tay người Mỹ, phần nhiều lại tham nhũng, tất nhiên không được lòng dân. Thái độ ngạo mạn của các viên chức và tướng tá Mỹ đối với những người Việt Nam hợp tác với họ càng làm cho chính quyền Sài Gòn càng mất uy tín. Báo chí đối lập (đôi khi cả báo chí theo chính quyền) mỉa mai gọi các đại sứ Mỹ là “quan thái thú”, “quan toàn quyền”. Hình ảnh đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge (thời chế độ Ngô Đình Diệm) mặc áo dài khăn đóng chẳng những không làm cho ông gần được với người dân Sài Gòn mà trái lại bị coi như một minh họa đậm nét về vai trò “quan thái thú” thật sự của ông ta. Các tuyên bố của Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ đòi oanh tạc miền Bắc đều gặp sự phản ứng gay gắt ngay cả trong thành phần người Sài Gòn bình thường không thiên cộng.

Trong không khí và bối cảnh ấy, đối nghịch lại chính quyền Sài Gòn cũng là thái độ hiển nhiên đối với nhiều người ở miền Nam, trong đó có tôi. Nhưng đi xa hơn nữa, chọn cho mình một thái độ chính trị dứt khoát trên bình diện toàn cục của cuộc chiến ở Việt Nam, đối với một thanh niên như tôi, vừa bước vào đời khá đơn độc sau thời gian dài bị “nhốt” trong các trường nội trú, quả thật là khó. Tôi tiến tới từng bước, mò mẫm, quan sát, tìm hiểu, lúc đúng lúc sai phải tự điều chỉnh rồi lại bước tới. Một quá trình hết sức gian nan nhưng cũng hết sức hứng thú vì lúc đó động cơ chi phối các hành động và thái độ chính trị của tôi đều xuất phát từ lòng yêu nước rất hồn nhiên, từ ý muốn được đứng về phía đa số nhân dân, không bị người dân coi mình là “tay sai Mỹ” hay “gia nô” của một chính quyền không được lòng dân.

Sau khi tờ Sài Gòn Tân Văn bị đóng cửa, tôi trở lại làm tổng thư ký tòa soạn cho tờ Bình Minh của ông Võ Văn Ứng, lúc này tờ báo không còn ra hàng ngày nữa mà chỉ ra hàng tuần.

Sau cuộc đảo chính hụt ngày 19-20 tháng 2-1965, qua ngày 21-2, Nguyễn Khánh bị Hội đồng Quân lực do hai tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ chi phối, truất quyền và buộc lưu vong với danh nghĩa “đại sứ lưu động”. Một thời kỳ quyền lực mới xuất hiện với sự nổi lên của hai nhân vật rất khác nhau về tánh tình, luôn ngấm ngầm kình chống nhau và tìm cách loại bỏ nhau nhưng vẫn phải dựa vào nhau để tồn tại cho đến khi nào Washington quyết định chọn một!

Chính vào thời điểm này, đại sứ Mỹ Maxwell Taylor thông báo cho Thủ tướng Phan Huy Quát biết Mỹ đang chuẩn bị 3500 thủy quân lục chiến đầu tiên trực tiếp tham chiến tại miền Nam. Nhưng ba ngày sau, Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn đưa ra “đề nghị” buộc chính phủ Quát phải ra tuyên bố “yêu cầu” chính phủ Mỹ gửi thủy quân lục chiến sang Việt Nam. Dĩ nhiên lời “yêu cầu” của chính phủ Quát trước khi công bố đã được Hội đồng Quân lực, mà Chủ tịch là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu thông qua, mặc dù trên danh nghĩa người lãnh đạo cao nhất lúc đó vẫn còn là quốc trưởng Phan Khắc Sửu! Ngày 8-3-1965, các đơn vị thủy quân lục chiến đầu tiên thuộc Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng. Sau này trong hồi ký của mình, ông Bùi Diễm lúc đó là cố vấn của thủ tướng Quát có kể lại rằng thái độ ban đầu của ông Quát là không tán đồng đề nghị của Mỹ đưa quân tham chiến trực tiếp ở miền Nam. Ông Quát cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ không thuận lợi cho cuộc chiến chống Cộng của người Việt Nam. Tôi không có điều kiện để phối kiểm lại điều tiết lộ này của ông Bùi Diễm. Nhưng một thủ tướng Sài Gòn chống lại một chiến lược lớn của Mỹ ở Việt Nam và Đông Nam Á là điều không tưởng. Các cuộc xung đột giữa Công giáo và Phật giáo trên đường phố Sài Gòn không được quân đội vãn hồi trật tự, trái lại nhắm mắt làm ngơ. Người ta hiểu đã đến lúc quân đội có ý định “cất” chính quyền dân sự theo ý muốn của Washington để phục vụ cho đường lối tham chiến trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam. Cuộc xung đột giữa ông Phan Khắc Sửu đóng vai trò quốc trưởng với thủ tướng Quát chỉ thêm một cái cớ để lật đổ chính phủ dân sự lúc này.

Ngày 19-6-1965, thiếu tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ được Hội đồng Quân lực bổ nhiệm vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, tương đương chức vụ thủ tướng. Còn Nguyễn Văn Thiệu là Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia, tương đương Quốc trưởng.

Lúc này tình hình chính trị ở Sài Gòn rất rối ren, đặc biệt các cuộc xung đột giữa Công giáo và Phật giáo. Mặt khác chính quyền Sài Gòn hầu như mất sự kiểm soát miền Trung nằm trong ảnh hưởng của trung tướng Nguyễn Chánh Thi. Nguyễn Văn Thiệu khôn khéo núp sau “vai trò tượng trưng” Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia, đẩy Nguyễn Cao Kỳ ra phía trước nhận trách nhiệm giải quyết tất cả các thứ rối ren. Thiệu nghĩ rằng Kỳ sẽ tiêu ma uy tín và lún lầy trong tình hình trước mắt. Vậy là ông ta không cần ra tay cũng loại được Kỳ.


3. Chuyến xuất ngoại đầu tiên với tư cách nhà báo

Quyền hành vô tay, Nguyễn Cao Kỳ hành xử một cách hết sức mạnh bạo. Lúc này các tướng lãnh thế hệ trước, có ảnh hưởng ngay sau ngày đảo chính chế độ Diệm đã lần lượt bị loại ra khỏi sân khấu chính trị miền Nam. Trước khi tướng Nguyễn Khánh đi làm “đại sứ lưu động”, thật sự là lưu vong tại Mỹ, thì trung tướng Trần Thiện Khiêm ngày 4-10-1964 cũng đã lên đường thực hiện “chuyến viếng thăm thiện chí” một số nước châu Á vô thời hạn (ông bắt đầu cuộc sống lưu vong khá dài hạn tại Đài Loan). Ban lãnh đạo “Tam đầu chế” do Nguyễn Khánh dựng lên cuối tháng 8 -1964 gồm ông ta, tướng Khiêm và tướng Dương Văn Minh chỉ tồn tại ngắn ngủi. Sau Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm, đến lượt tướng Dương Văn Minh bắt buộc rời Sài Gòn và sống lưu vong tại Thái Lan.

Nhân vật Nguyễn Cao Kỳ lúc đầu được người Mỹ xem như một nhân vật lãnh đạo trẻ và triển vọng trong nhóm tướng tá mà báo chí Mỹ và Pháp gọi là “Les jeunesTurcs” (Lực lượng trẻ đang lên). Nhưng sau đó tướng Kỳ mất dần sự tự tin tưởng của Tòa Bạch Ốc. Nguyễn Cao Kỳ ăn nói bộc trực và khá bạt mạng. Với những ai có cơ hội gần gũi ông, có thể nhận ra khía cạnh thẳng thắn trong con người của ông. Nhưng so sánh với Nguyễn Văn Thiệu bình tĩnh, tính toán và nhiều mưu mô, Nguyễn Cao Kỳ bị người Mỹ đánh giá là hời hợt và bốc đồng trong các tuyên bố và hành động. Ông dễ để lộ ra nhiều sơ hở cho đối thủ khai thác. Nguyễn Văn Thiệu là tướng làm chính trị, có một đời sống kín đáo hơn, ăn nói kỹ lưỡng từng lời, còn Nguyễn Cao Kỳ vừa võ biền lại “nặng phần trình diễn”. Mỹ nhận ra họ khó “nắm” Kỳ hơn Thiệu. Với Kỳ, họ phải đối đầu trước nhiều bất trắc hơn. Chính vì vậy cuối cùng Mỹ chọn Nguyễn Văn Thiệu đưa vào vai trò tổng thống chứ không phải Nguyễn Cao Kỳ. Đó là một mối hận không bao giờ phai của Kỳ đối với người Mỹ.

Tôi có một số lần gặp cả hai người nhưng không đi xa hơn mối quan hệ công khai và chính thức giữa một nhà báo và sau đó một dân biểu Quốc hội với những người đang nắm quyền. Riêng Nguyễn Cao Kỳ, khi ông không còn chức vụ nào nữa, hoàn toàn bị Mỹ và Nguyễn Văn Thiệu loại ra khỏi guồng máy quyền lực, tôi có dịp gặp lại ông một cách tình cờ một buổi trưa (năm 1974) tại CLB Xẹc Tây, tức CSS (Cercle Sportif Saigonnais, nay là Cung Văn hóa Lao Động). Lúc đó tôi đang chơi tennis ở sân số 1. Ông Kỳ vào Xẹc cũng với ý định đánh tennis. Chính ông Kỳ gợi ý với tôi đấu một set. Ông Kỳ chơi quần vợt trước tôi khá lâu; tôi chỉ bắt đầu tập đánh từ năm 1971 tại CLB CSV (Cercle Sportif Vietnamien, nay là CLB Hồ Xuân Hương). Trận đấu thách thức ấy có cá độ, tôi thắng với tỷ số 6-3. Ông vui vẻ ra lệnh cho các đàn em không quân bắt độ theo ông gom tiền thanh toán trận thua ấy.

Trở lại giai đoạn Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban hành pháp (thủ tướng) có lắm chuyện để kể khi ông mới nhậm chức. Chính phủ Kỳ là chính phủ duy nhất tại Sài Gòn đã ra quyết định đóng cửa tất cả các báo ngày (lúc đó Sài Gòn có khoảng 40 tờ báo ngày). Đây là lần đầu tiên Sài Gòn trải qua những ngày không có báo!

… Khi Kỳ cho báo chí xuất bản lại thì chỉ có 12 tờ được cấp phép. Ông Kỳ hô hào “thắt lưng buộc bụng” và chống tham nhũng nhưng đàn em của Kỳ nắm ty cảnh sát ở các quận Sài Gòn – Chợ Lớn là những con cá mập hối lộ và tham nhũng. Mặc dù thế, tướng Kỳ vẫn muốn mình nổi bật trong vai trò chống tham nhũng. Ông đã chọn một mục tiêu cho ý đồ của mình: đó là Tạ Vinh, một doanh nghiệp người Hoa giàu có nổi tiếng ở Chợ Lớn. Theo chính phủ của Kỳ thì Tạ Vinh phạm tội ăn gian sắt thép ở một công trình xây dựng cho quân đội Mỹ mà Tạ Vinh đã trúng thầu. Sắt thép ăn bớt này được Tạ Vinh tuồn ra chợ đen.

Một “pháp trường cát” dựng tại bờ tường trụ sở hỏa xa, nằm bên hông bùng binh chợ Sài Gòn được chính phủ Kỳ quảng cáo như một biểu tượng chống tham nhũng. Chính tại đây Tạ Vinh bị đem ra hành quyết.

Tướng Kỳ chống tham nhũng nhưng mỉa mai thay, ông lại bị chính báo chí Mỹ tố cáo nằm trong danh sách các tướng tá Sài Gòn trước 1975 có tham gia vào buôn bán ma túy. Để thanh minh dư luận tố giác này, trong cuốn hồi ký mới nhất của mình (Buddha’s Child – Đứa con cầu tự), ông Kỳ kể rằng ông có một người chị ruột lớn hơn ông 10 tuổi, một “con cừu ghẻ” trong gia đình, tên là Nguyễn Thị Lý, rời Việt Nam sang sống tại Lào từ sau Thế chiến thứ hai. Tại đây, Thị Lý trở thành một tay buôn bán ma túy”. Ông Kỳ nói: “Chính do người chị này mà có dư luận cho rằng Thị Lý và tôi cùng hợp tác buôn bán ma túy”. Ông Kỳ kể tiếp rằng trong thời kỳ ông làm thủ tướng, chị ông có trở về Sài Gòn và đại tá Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc cảnh sát, nắm được tin này đã tìm đến phòng trọ của Thị Lý để kiểm tra, lục xét, nhưng không thấy gì! Có một thực tế là trái ngược với nhiều tướng lãnh Sài Gòn giàu có khi di tản ra nước ngoài, tướng Kỳ trải qua một cuộc sống thường thiếu thốn tiền bạc… Nhưng, điều đó có đủ chứng minh sự trong sạch của ông chăng?

Đầu tháng 10-1965, giám đốc Sở báo chí của Bộ thông tin là Hoàng Nguyên cho tôi biết trong danh sách các nhà báo được mời tham gia chuyến thăm chính thức sắp tới của Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương đến Đại Hàn (tức Nam Triều Tiên) có tên tôi. Chuyến viếng thăm này của Nguyễn Cao Kỳ nằm trong cuộc vận động của chính phủ Sài Gòn tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đồng minh trong khu vực.

Chưa bao giờ đi ra nước ngoài, cơ hội này đối với tôi thật hấp dẫn. Tôi có hỏi giám đốc báo chí Bộ Thông tin tại sao tôi được chọn vào danh sách này và được ông ta tiết lộ hết sức bất ngờ: Thủ tướng Kỳ bảo Nha báo chí phải mời “cái anh ký giả Nguyễn Lý hay viết bài chống tôi”. Lúc đó tôi ký bút danh Nguyễn Lý trên các bài xã luận và phóng sự của mình trên tờ Bình Minh và thường chỉ trích chính phủ Kỳ. Bút danh Nguyễn Lý kết hợp họ của tôi và họ của vợ tôi.

Nhưng ngay lập tức tôi sực nhớ mình đang trong tình trạng “không hợp lệ quân dịch”! Lúc ấy lệnh gọi quân dịch còn đích danh từng người. Một buổi trưa đầu năm 1965, tôi ngồi trước sân nhà của cha mẹ tôi ở đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) thì có một người đến tìm gặp Lý Quý Chung. Tôi hỏi lại có việc gì không và được trả lời “Có lệnh gọi Lý Quý Chung nhập ngũ”. Dĩ nhiên tôi nói rằng Lý Quý Chung không có ở nhà và từ chối nhận giấy triệu tập! Thế là từ đó tôi bị liệt vào thành phần “không hợp lệ tình trạng quân dịch”, tức trốn lính. Khi tôi vào Học viện Quốc gia hành chánh (1963), tôi được hưởng quyền miễn quân dịch trong suốt thời gian theo học tại đây. Nhưng qua năm 1964 nghỉ học, đương nhiên tôi sẽ bị gọi nhập ngũ năm 1965! Trong năm 1965, tôi vẫn sử dụng tấm thẻ sinh viên màu vàng 3 sọc đỏ của HVQGHC để đối phó với các cuộc chận xét bắt quân dịch trên đường phố. Lá bùa hộ mệnh ấy không còn hiệu quả nữa khi bước vào năm 1996. Về mặt giấy tờ chính thức, hồ sơ ở quân đội và cảnh sát, thì tên tôi bất hợp pháp ngay từ đầu năm 1965. Do đó vào thời điểm tôi được ghi tên vào danh sách ký giả đi Nam Triều Tiên (tháng 10 -1965) trên nguyên tắc tôi không thể lọt qua khâu làm thủ tục ở Tổng Nha Cảnh sát Đô thành. Lúc đầu vì sợ lộ chuyện trốn quân địch, tôi có ý định bỏ cuộc. Nhưng sau đó tôi dò hỏi và biết được các ký giả tháp tùng theo thủ tướng sẽ được cấp thông hành công vụ, có nghĩa làm thẳng thủ tục ở Bộ Ngoại giao chứ không qua Tổng nha Cảnh sát. Như thế có khả năng tôi không bị lộ.

Chuyến đi Nam Triều Tiên là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong cuộc đời tôi. Nhưng đó cũng là một chuyến xuất ngoại nhớ đời. Phái đoàn chính phủ Việt Nam Cộng hòa viếng thăm chính thức Nam Triều Tiên theo lời mời của thủ tướng nước này. Tháp tùng đoàn có phó thủ tướng (tướng Nguyễn Hữu Có) và các phu nhân cùng một số thành viên nội các. Điều không thể tưởng tượng về chuyến đi này là: Một phái đoàn cấp cao quốc gia nhưng đi đứng rất tự do và vô trật tự. Các sĩ quan đi theo “phò” chủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đều thuộc binh chủng không quân, bạn bè thân thiết cũ hoặc đàn em tâm phúc của ông ta cho nên bất kể vấn đề tôn ti trật tự trong đoàn.

Khi chiếc Caravelle vừa rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất một lúc thì đoàn tháp tùng ngồi phía sau máy bay gần ngay một dòng sòng bài bửu chơi bằng đô la Mỹ. Có lúc phu nhân của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ - bà Đặng Tuyết Mai cũng rời phòng VIP tham gia cuộc vui một cách rất tự nhiên. Các sĩ quan không quân cao cấp đều là bạn của hai vợ chồng bà. Nhưng cứ ra một lúc thì bà Kỳ lại bị ông Kỳ gọi vào! Phải nhìn nhận rằng ông Nguyễn Cao Kỳ khi trở thành Thủ tướng rất ít thay đổi trong đối xử với bạn bè cũ của ông thời hàn vi.

Tôi cũng được mời tham gia sòng bạc lưu động trên cao mấy ngàn mét ấy. Tôi chỉ mang theo khoảng 250 USD, do vợ gom góp từ đủ thứ tiền, kể cả mượn của cha mẹ. Thế mà khi máy bay còn 25 phút đến Hán Thành (tức Seoul) thì tôi chỉ còn vỏn vẹn 30 USD! Tôi chuẩn bị tinh thần tham quan Đại Hàn một cách lành mạnh và khắc khổ. Nhưng may mắn đã trở lại với tôi. Khi còn 10 phút nữa máy bay đáp xuống Seoul, tôi thắng lại gần đủ số tiền đã thua.

Trong những ngày viếng thăm chính thức Nam Triều Tiên của phái đoàn chính phủ Sài Gòn, người được báo chí và dư luận nước này chú ý không phải là nhân vật chính Nguyễn Cao Kỳ mà là vợ của ông. Tôi còn nhớ hình ảnh bà Kỳ mặc chiếc áo dài màu xanh “turquois” (ngọc lam) đứng bên cạnh chồng tại sứ quán Sài Gòn ở Seoul trong cuộc tiếp tân chính thức đẹp làm sao! Không đề cập các mặt khác, nói về sắc đẹp, bà Tuyết Mai là một hoa khôi (trước khi trở thành vợ của Nguyễn Cao Kỳ, bà đã là một hoa khôi trong hàng ngũ nữ tiếp viên hàng không Air Việt Nam). Tuy nhiên sắc đẹp của bà không được người dân Sài Gòn và miền Nam ngắm nhìn một cách bình thường và thiện cảm. Bà Tuyết Mai không can thiệp vào các công việc của chồng và cũng không bị tai tiếng hối lộ tham nhũng như các bà vợ tướng tá khác. Nhưng cách bà xuất hiện – có lẽ theo ý chồng – như một siêu người mẫu hay một diễn viên điện ảnh, trước công chúng giữa lúc đất nước chìm trong khói lửa đã gây nên sự dị ứng, thậm chí gây “sốc” đối với số đông. Hình ảnh bà Kỳ từng mặc bộ đồ phi công, quần áo liền nhau, màu vàng nghệ chói lọi như một thứ thời trang cao cấp đi bên cạnh chồng cũng ăn mặc như thế, không được người dân Sài Gòn chấp nhận.

Trong chuyến đi Nam Triều Tiên, có một sự việc liên quan giữa ông Kỳ và tôi mà đến bây giờ tôi vẫn không quên: khi quân đội Mỹ đưa toàn chính phủ Sài Gòn tham quan bằng trực thăng một điểm cao ở khu vực Bàn Môn Điếm (sát ranh giới Nam – Bắc Triều Tiên), thời tiết ở đây lạnh dưới 0 độ, nhưng tôi chỉ mặc một áo len bên trong và một áo vét bên ngoài, do đó không đủ để chống lại cái rét dữ dội. Lúc mọi người dừng lại trước một lều đóng quân của Mỹ để uống trà ngoài trời, hai hàm răng của tôi đánh lập cập thành tiếng không sao kềm lại được. Tướng Nguyễn Cao Kỳ đứng cách tôi chừng hai mét đột nhiên quay lại hỏi tôi: “Nhà báo không mang theo pardessus à?”. Tôi trả lời: “Thưa không”. Trước khi đi tôi vẫn nghĩ Nam Triều Tiên lạnh cũng ngang Đà Lạt mà thôi! Ông Kỳ lại quay sang nói với viên sĩ quan tùy viên của mình: “Cậu hãy lấy cái pardessus dư của tôi cho nhà báo mặc”. Tôi hết sức bất ngờ. Lúc đó tôi chỉ là một nhà báo mới vào nghề vô danh. Chắc chắn ông Nguyễn Văn Thiệu sẽ không có một cử chỉ như thế. Nhưng cũng cần hiểu thêm con người của Kỳ đầy những mâu thuẫn: sự chân thành chen lẫn với những cuộc trình diễn kiểu diễn viên kịch; một mặt muốn sắm vai người hùng kiểu Lương Sơn Bạc nhưng cách nói năng đao to búa lớn và kiểu ăn mặc lập dị lại tạo cho ông một hình ảnh không nghiêm túc. Ông đã tự chế cho mình một kiểu áo mặc riêng, nửa lai Ấn Độ nửa lai Trung Quốc thời Mao Trạch Đông! Ngày 15-7-1965, trong một lúc cao hứng Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố với một tờ báo tiếng Anh rằng một trong những “thần tượng” của ông là Adolf Hilter, tên độc tài Đức quốc xã bị cả thế giới nguyền rủa! Nhưng sau đó ông gặp sự phản ứng kịch liệt trong nước và quốc tế, ông Kỳ đã nói lại là ông chỉ ngưỡng mộ Hilter ở cách Hilter đoàn kết được dân tộc Đức!

Hãy trở lại chuyến đi có lắm chuyện để kể của phái đoàn chính phủ Nguyễn Cao Kỳ tại Nam Triều Tiên. Sau mấy ngày viếng thăm chính thức, đoàn chuẩn bị sáng hôm sau lên đường trở về nước. Nhưng chiều tối trước khi giã từ Seoul, một số sĩ quan cao cấp thân thuộc của ông Kỳ đã tìm gặp bà Kỳ “đề đạt nguyện vọng của nhiều người trong đoàn” muốn ở lại Seoul thêm một ngày để có thời gian “shopping”. Từ “shopping”, tôi được nghe lần đầu đời mình trong dịp này. Ông Kỳ tán đồng ngay. Sáng hôm sau thủ tướng Nam Triều Tiên đến khách sạn Chosun cổ kính với mục đích tiễn đưa đoàn của Thủ tướng Sài Gòn về nước đành ra về và hôm sau phải tiễn lại. Tại Sài Gòn, việc phái đoàn Nguyễn Cao Kỳ ở lại Seoul thêm một ngày không thông báo kịp đến các đoàn ngoại giao nên phòng VIP ở sân bay Tân Sơn Nhất đầy nghẹt các đại sứ ra đón phái đoàn theo đúng thủ tục ngoại giao. Vợ tôi cũng ra đón hụt! Chẳng ai hiểu chuyện gì đã xảy ra bên Seoul.

Đi shopping ở Seoul, tôi mua ít trà sâm và một cái đồng hồ hiệu Seiko lúc đó rất mốt. Chiếc đồng hồ này sẽ có riêng một “lịch sử” của nó.

Đoàn rời Seoul đúng ngày lễ Song thập của Đài Loan. Tôi nhớ rất rõ ngày này vì rằng khi máy bay sắp sửa vào không phận Đài Loan trên đường về Sài Gòn, ở khoang sau nhóm sĩ quan tùy tùng lại “kiến nghị” với bà Kỳ đoàn nên đáp xuống Taipei chơi, vì hôm nay là lễ Song thập (tức Quốc Khánh) của Đài Loan. Bà Kỳ thấy có lý và vào phòng VIP năn nỉ chồng. Khoảng một phút sau, ông Kỳ xuất hiện trước cửa phòng VIP và thông báo với đoàn: “Đoàn ta sẽ dừng lại Taipei một hôm”. Thế là tại Sài Gòn, các đoàn ngoại giao có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất lại lũ lượt kéo nhau ra về một lần nữa vì thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ lại dời ngày về. Và vợ tôi lại đón tôi hụt lần thứ hai.

Tại Taipei, khi được phái đoàn thủ tướng Việt Nam Cộng hòa thông báo từ trên máy bay cuộc viếng thăm đầy bất ngờ, chính phủ Đài Loan không thể không lúng túng. Vì đúng vào ngày lễ lớn của mình, Đài Loan không còn chỗ trong các khách sạn sang trọng để đón khách ở hàng quốc gia. Rốt cuộc họ đã phải khẩn trương dồn khách ở một số khách sạn để dành chỗ cho đoàn của chính phủ Sài Gòn! Thật không thể tưởng tượng phái đoàn của một chính phủ lại có thể bất chợt ghé nơi này nơi khác như một tay du lịch ba- lô.

Chưa hết. Sáng hôm sau các đoàn ngoại giao Sài Gòn lại được thông báo dời ngày đón thủ tướng lần thứ ba vì rằng khi cả đoàn đã ngồi vào máy bay chuẩn bị rời phi trường Taipei thì phát hiện chiếc Caravelle bị trục trặc bộ phận xăng. May mà sự cố này được phát hiện kịp thời nếu không thì không biết chuyện gì xảy ra!

Máy bay phải cần một ngày để sửa chữa. Thế là đại diện chính phủ Đài Loan lại phải rước trở đoàn vào thành phố Taipei và lại dồn khách của họ lần nữa để có chỗ dành cho đoàn của ông Kỳ tá túc thêm một đêm. Sáng hôm sau, máy bay sửa chữa xong, đoàn mới về đến Sài Gòn.

Chuyến đi ra nước ngoài lần đầu của tôi là như thế và đây cũng là dịp đầu tiên tôi tiếp cận với ông Nguyễn Cao Kỳ. Cuộc tiếp cận này để lại trong tôi một kỷ niệm khó quên vì cử chỉ đẹp của ông nhưng mặt khác lại là một sự thất vọng lớn đối với một nhân vật đang là đại diện một chính phủ.

Với tôi và nhiều người Sài Gòn lúc đó vẫn tiếp tục ảo tưởng vào ông Trần Văn Hương để có một chính phủ đại diện miền Nam một cách đàng hoàng. Một số người cho rằng ông Hương sở dĩ không làm được việc ở cương vị thủ tướng (cuối năm 1964) là do sự cố tình gây khó khăn của tướng Nguyễn Khánh. Nhiều người trí thức miền Nam coi ông Hương là một nhân vật trong sạch, ngay thẳng, không màng danh lợi. Dù ông Hương đã bị Nguyễn Khánh lật đổ và quản thúc trong một biệt thự tại Vũng Tàu, nhưng các học trò của ông trong Hội Liên Trường vẫn nuôi hi vọng đưa ông trở lại chính trường. Tôi cũng nghĩ không có một lựa chọn nào khác. Từ Nam Triều Tiên trở về, tôi cùng một người bạn đi ra Vũng Tàu tìm cách thăm ông. Tôi mang biếu cho ông những gòi trà sâm mua từ Seoul và nhân dịp này cảm ơn ông đã tạo điều kiện cho tôi xuất bản tờ Sài Gòn Tân Văn (đã bị chính phủ Phan Huy Quát đóng cửa). Lần tiếp xúc đầu tiên ấy với ông Hương gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Ông có một nghệ thuật chinh phục người đối diện một cách khá dễ dàng. Giọng nói Nam Bộ của ông mộc mạc, thân tình. Đối nghịch lại thân hình cục mịch và một cái bụng rất to, nặng nề như một con gấu là những cử chỉ nhỏ nhẹ, tình cảm và một nụ cười rất hiền lành. Trong khi nói chuyện thỉnh thoảng ông phải hỏi lại vì nghe không rõ. Ông cho biết ông bị bệnh lãng tai sau thời gian bị Tây (Pháp) bắt nhốt khi ông hoạt động chống Pháp. Về cái bệnh lãng tai của ông Hương, mãi sau này tôi mới khám phá ra rằng tai ông bị nghễnh ngãng một cách có chọn lọc: ông nghe rất bình thường nếu câu chuyện chẳng có gì làm ông bất bình; nhưng sẽ nghễnh ngãng ngay khi ông không muốn nghe một nội dung nào đó mà ông không hài lòng.

Cuối cuộc viếng thăm ông tại Vũng Tàu hôm đó, một sự kiện bất ngờ xảy ra khiến cho tôi vô cùng xúc động: ông bảo tôi hãy cởi chiếc đồng hồ tôi đang đeo trên tay ra và liền đó ông tháo chiếc đồng hồ trên tay ông và mang vào tay tôi. Một cuộc trao đổi vật kỷ niệm vô cùng vinh dự cho tôi. Khi tôi rời khỏi biệt thự, nơi ông Hương bị quản thúc, gặp lại người bạn ngồi ngoài ô tô chờ tôi thì mới hiểu rằng đây không chỉ đơn thuần là một cuộc trao đổi “vật lưu niệm” vì cái đồng hồ Seiko tôi vừa mua ở Seoull giá không bằng 1 phần 10 so với cái đồng hồ của cựu thủ tướng Trần Văn Hương. Người bạn của tôi là một thầu khoán, rất sành điệu về các loại đồng hồ, nói cho tôi biết ông Hương đã đeo vào tay tôi chiếc Rolex giá nhiều trăm đô la! Thì ra ngoài cử chỉ trao đổi kỷ niệm đây còn là một cách kín đáo biếu cho tôi một món quà khá đắt tiền. Nhưng với tôi giá trị lớn nhất của chiếc đồng hồ đó vẫn là vật kỷ niệm từ một người mình từng ngưỡng mộ.

Sau đó nhiều lần tôi trở ra Vũng Tàu thăm ông, tránh cho ông bớt cảnh cô độc bởi ít người dám đến gặp ông trong tình trạng biệt thự bị canh gác, những người lui tới đều bị chụp ảnh. Có khi tôi ra cùng vợ và đứa con trai đầu lòng của tôi. Vợ tôi nấu cho ông ăn cái món mắm và rau mà ông rất thích. Có lần thằng con trai lớn của tôi, Lý Quí Hùng, lúc đó khoảng 4 tuổi, nằm chung với ông Hương trên cái võng to (được người thân đặt đan đặc biệt cho ông) đưa tay rờ vào bụng ông và hỏi: “Ông ơi sao cái bụng ông to quá?” thì được ông Hương trả lời một cách rất hài hước làm thằng nhỏ khoái chí: “Ông nuốt trong bụng một con chó”. Vào thời điểm ấy, ông Hương mê hoặc cả ba thế hệ trong gia đình tôi: cha tôi, tôi và con tôi. Nhưng rồi những diễn tiến của sân khấu chính trị những năm sau này sẽ làm lộ ra một Trần Văn Hương rất khác với những gì giới trí thức Sài Gòn nghĩ về ông và chờ đợi ở ông. Thần tượng “Ông già gân” – người ta yêu mến gọi ông như thế những năm 1964-1965 – khi sụp đổ, đã gây thất vọng sâu sắc trong nhiều người trí thức miền Nam: “Ông già gân” thật sự chẳng gân gì!

Khi trở về Sài Gòn, tôi lại phải đối diện với thực tế không hợp pháp về tình trạng quân dịch của mình. Từ khu dân cư đông đúc ở Cầu Chong, Tân Định, mỗi ngày tôi đi ô–tô–buýt đến chợ Bến Thành, rồi từ đây đi bộ đến tòa soạn báo Bình Minh trên đường Nguyễn Thái Học. Chiều về cũng bằng ô–tô–buýt. Phương tiện ô –tô–buýt thường tránh được các chốt cảnh sát chặn xét giấy tờ quân dịch. Nhưng có một lần xe chạy ngang chợ Tân Định thì bị chặn lại. Cảnh sát rằn ri ào lên và đứng bít cả hai cửa lên xuống. Hành khách được lệnh bước ra khỏi xe từng người một, cảnh sát nhìn mặt từng hành khách, ai còn ở tuổi quân dịch thì bị xét giấy tờ. Tôi nghĩ trong bụng hôm nay mình hết cửa thoát rồi. Làm thế nào nhắn tin cho vợ mình biết đây nếu bị bắt?

Nhưng khi đến lượt tôi bước xuống xe thì không hiểu sao không một nhân viên cảnh sát nào ra hiệu tôi đứng lại để xét hỏi. Thế là tôi cứ bước xuống xe rồi nhắm thẳng hướng chợ Tân Định đi càng lúc càng nhanh, với sự hồi hộp có thể bị gọi lại bất cứ lúc nào. Tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại thoát khỏi cuộc chặn xét hết sức gắt gao đó. Có lẽ trên chuyến xe ô–tô–buýt ấy chỉ có mỗi mình tôi là thắt cà vạt một cách trịnh trọng, không có dáng vẻ gì là một kẻ trốn quân dịch chăng? Cái thói quen đi làm thắt cà vạt, dù trong túi đôi khi không còn một đồng nào – đã cứu tôi?

Năm 1965 ấy đặc biệt hết sức khó khăn đối với cái gia đình nhỏ bé của tôi. Trước đó, khi còn ở chung với cha mẹ tôi trong một biệt thự trên đường Nguyễn Minh Chiếu (Phú Nhuận) thì hầu như chúng tôi chẳng tốn kém gì riêng, thêm nữa đồng lương của tôi ở báo Bình Minh rất khá. Nhưng cuộc sống chung không kéo dài suôn sẻ vì mẹ tôi không hài lòng với cô dâu mà bà đã bị con trai mình áp đặt phải cưới. Sự thiếu khéo léo và tế nhị của tôi trong vai trò làm con và làm chồng cũng góp thêm phần căng thẳng. Cha mẹ tôi không đồng ý chút nào việc tôi bỏ học nửa chừng tại Học viện quốc gia hành chính và lấy vợ. Thế là cơn giận dữ của mẹ tôi đổ trút lên vợ tôi. Mẹ tôi cho rằng làm vợ mà không khuyên lơn được chồng, để chồng bỏ học đi làm báo là không làm tròn vai trò làm vợ! Trong con mắt của mẹ tôi, thủ phạm làm tôi hư hỏng – cãi cha mẹ lấy vợ sớm, không đi Pháp để học thành tài, bây giờ lại bỏ học đại học nửa chừng – chính là vợ tôi. Bà không thể chấp nhận việc một cô gái nào đó bên quận Tư - một quận lao động – đột nhiên xuất hiện và “bắt sống” thằng con trai trưởng của bà (!)

Vợ tôi dù cố gắng làm tròn bổn phận làm dâu nhưng vẫn không thuyết phục được mẹ tôi. Cha mẹ tôi rất phong kiến: con trai có lỗi hay bê bối việc gì, ông bà không la rầy con trai mình mà lại gọi con dâu lên hỏi tội. Có những lúc cha tôi giận tôi không chịu xuống nhà ăn cơm nằm luôn trên lầu, vợ tôi phải thay tôi lên xin lỗi ông, có khi phải quỳ lạy ông mới hết giận và xuống ăn cơm! Dĩ nhiên tối đến khi chỉ còn hai vợ chồng trong phòng, vợ tôi không thể tiếp tục nén nhịn những đau khổ và ấm ức phải òa khóc. Lúc ấy tôi mới 23, còn vợ tôi 22, nhưng chúng tôi đã có một đứa con trai và vợ tôi đang mang thai đứa thứ hai.
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 đ
4. Người vợ từ thuở sinh viên

Không thể kéo dài tình hình này, nửa đêm một ngày cuối năm 1964 tôi lén đưa vợ con rời khỏi nhà cha mẹ, sang Tân Định tạm ở chung với mẹ vợ trong khi chờ thuê một nơi nào đó.

Nơi cuối cùng hai vợ chồng tôi thuê được là một căn phòng nhỏ khoảng 12 mét vuông, trong một căn nhà có một gác gỗ xóm lao động Cầu Phong (Tân Định). Căn nhà này nằm sát kinh Nhiêu Lộc nước đen ngòm, bùn lầy, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Khi mới đến nơi này, tôi không tưởng tượng được rằng mình có thể ở lại đây.

Nhưng vợ chồng tôi không có lựa chọn nào khác vì thu nhập của tôi ở báo Bình Minh đột ngột bị cắt phân nửa. Từ 16 trang, báo rút xuống còn 8 trang do số phát hành sụt giảm, tiền lương của nhân viên cũng bị giảm theo. Nhưng kể cũng lạ, khi đã sống được ở nơi này rồi thì không còn nghe thấy mùi hôi thối nữa. Cái mũi con người ta luôn phải thích nghi với môi trường sống một cách tài tình.

Thời điểm này tôi rất khó khăn về tiền bạc. Có hôm, tiền đi xe ô-tô-buýt cũng không có, tôi phải thập thò ở đầu cầu thang gỗ năn nỉ mượn tiền cô con gái nhỏ của bà chủ nhà. Đứa con thứ hai của chúng tôi sinh ra (Lý Quí Dũng) bị suy dinh dưỡng. Một lần nó bị bệnh nặng nhưng trong nhà không có tiền đi bác sĩ. May mắn hôm đó một người bạn gái thân của vợ tôi tình cờ đến thăm và đem cầm sợi dây chuyền đang đeo để cho vợ chồng tôi mượn.

Có lúc tôi có ý định đưa vợ con trở về nhà cha mẹ vì thấy vợ con cực khổ quá nhưng vợ tôi cương quyết không chịu, nhất định tạo dựng cho được cuộc sống tự lập. Quỳnh Nga (tên vợ tôi) không hề than van cuộc sống khó khăn và đồng lương ít ỏi của chồng. Yêu nhau năm tôi còn học ban Philo ở trường Jean Jacques Rousseau, tức chưa đậu Tú tài 2 và lấy nhau khi tôi chưa có một nghề ngỗng gì, rõ ràng nàng chuẩn bị tinh thần để đối đầu trước cuộc sống đầy khó khăn khi chọn tôi làm chồng.

… Tôi gặp Quỳnh Nga lần đầu khi đi xem cuộc đấu bóng bàn quốc tế tại Nhà Kiếng, lúc đó là trụ sở của Tổng liên đoàn Lao công (tổ chức công nhân của chế độ Sài Gòn) trên đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám). Buổi tối đó có mặt Quỳnh Nga là cháu của nhà vô địch Mai Văn Hòa (gọi Mai Văn Hòa bằng chú). Khi gia đình của Quỳnh Nga còn ở Kompong Cham, Mai Văn Hòa được cha của Quỳnh Nga nuôi ăn học và tập đánh bóng bàn. Trước khi trở thành vô địch miền Nam, Mai Văn Hòa đã từng vô địch Nam Vang (Campuchia). Trong buổi xem bóng bàn tại nhà Kiếng, tôi đi chung với một người bạn cùng lớp và chính người bạn này đầu tiên tìm cách làm quen với Quỳnh Nga, chứ không phải tôi, mặc dù trong lòng tôi cũng rất muốn được làm quen nàng. Không có tiền nhiều trong túi, không có ô tô như thằng bạn, tôi tự thấy mình thua trước trong cuộc chạy đua này. Quỳnh Nga không có sắc đẹp kiểu rực rỡ, thu hút ngay ở cái nhìn đầu tiên, mà nàng đẹp một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Sau vài lần đi theo người bạn sang chơi bên nhà của Quỳnh Nga ở quận Tư, tôi càng mến nàng, nhất là ở tánh tình rất giản dị và thẳng thắn của nàng. Sự phô trương của người bạn tôi, con trai một của một gia đình giàu có ở Sài Gòn – mỗi lần đến nhà Quỳnh Nga đều tự lái xe hơi hiệu Mercedes, sẵn sàng tặng nàng những món quà đắt tiền như nhẫn hạt xoàn – vẫn không “lung lạc” được Quỳnh Nga. Nàng dứt khoát từ chối các món quà bất thường của bạn tôi. Thái độ ấy của nàng càng làm rung động con tim tôi.

Lần đầu tôi “bạo gan” mời Quỳnh Nga đi xem chiếu bóng ở rạp Majestic trên đường Catinat (bây giờ là Đồng Khởi), trong túi tôi chỉ đủ tiền xe taxi và tiền mua hai chiếc vé. Cha mẹ tôi thuộc gia đình khá giả nhưng ông bà rất khắt khe trong việc cho tiền con cái. Sau này khi đã yêu nhau, tôi có kể lại cho Quỳnh Nga nghe về “tình hình tài chính” của tôi ở buổi đi chơi lần đầu tiên ấy. Nàng cười và nói với tôi: “Trong đầu em lúc đó cũng có thoáng qua thắc mắc sao anh ấy không mời mình đi uống nước hay ăn kem sau khi xem chiếu bóng nhỉ?”. Khi đã thành vợ chồng rồi, vợ tôi mới biết vào thời điểm mới quen nhau, trước mỗi tối đi chơi và mời nàng ăn nhà hàng, tôi đều lén lấy trong tủ rượu của cha tôi một chai rượu ngoại rồi đem bán ở Chợ Cũ. Tủ rượu của cha tôi vơi đi hai phần ba thì cũng vừa lúc tôi và Quỳnh Nga trở thành chồng vợ!

Con đường đi đến chồng vợ của chúng tôi thật vô cùng gay go. Ban đầu, cả mẹ của Quỳnh Nga và cha mẹ tôi đều chống đối, mỗi bên có lý do khác nhau. Lý do về phía cha mẹ tôi trước hết là vấn đề môn đăng hộ đối, thêm nữa ông bà không muốn con mình lấy vợ quá sớm không tập trung vào việc học hành. Với riêng mẹ tôi, việc bà mất quyền chọn cô dâu đầu tiên là cả một sự thất vọng và đau khổ. Còn về phía mẹ của Quỳnh Nga, làm sao bà vui vẻ được khi người con trai muốn làm rể của bà chưa có nghề ngỗng gì. Vả lại bà cũng không biết rõ gia thế chàng rể như thế nào, ngoại trừ nghe phong thanh cha mẹ cậu ta nhất quyết không chịu chấp nhận con gái mình làm dâu. Quỳnh Nga lúc đó đã đi làm – thư ký hành chánh ở Tổng nha Thanh niên (sau đó tại Tòa Đô Chính). Nàng là một trong hai nguồn thu nhập chính của gia đình. Nguồn thu nhập kia từ mẹ nàng, làm công nhân may thêu ở khách sạn Caravelle. Người anh lớn thất nghiệp ở nhà, còn ba em trai đều còn nhỏ đang đi học. Cha của Quỳnh Nga, Nguyễn Bá Linh, là một nhà báo từng cộng tác với tờ Sài Gòn Mới nhưng đã mất khi Quỳnh Nga được khoảng 10 tuổi. Nếu Quỳnh Nga đi lấy chồng, nhất là lấy một anh chàng sinh viên như tôi, thì gia đình sẽ mất một trong hai nguồn thu nhập. Bà còn âu lo không biết con gái mình sẽ có cuộc sống ra sao với cậu sinh viên vô nghề này! Nhưng mẹ vợ tôi là một người phụ nữ không hẹp hòi tính toán, bà sống trải lòng với mọi người, luôn hy sinh cho con cái. Do đó dù không hài lòng về tôi nhưng rốt cuộc mẹ của Quỳnh Nga vẫn không nỡ cự tuyệt tôi vì bà rất thương con gái mình. Bà làm lơ để tôi lui tới nhà khá tự do. Thế là có tuần tôi ở bên nhà Quỳnh Nga đến bốn, năm ngày, bất chấp sự cấm đoán của cha mẹ tôi. Bấy giờ tôi đã thật sự yêu nàng và quyết tâm cưới nàng làm vợ - dù không được cha mẹ tán đồng và cũng không biết hai đứa sẽ sống bằng thu nhập nào khi lấy nhau. Lúc đó thường trong túi tôi chỉ đủ tiền đưa nàng đi xem hát hoặc ăn bò vò viên!

Lúc này cha tôi đang làm Phó tỉnh trưởng hành chính ở tỉnh Ba Xuyên (tức Sóc Trăng). Khi về Sài Gòn hay tin tôi vẫn đeo đuổi Quỳnh Nga và ở luôn bên đó, ông tức giận đi xe hơi xang quận Tư tìm địa chỉ nhà Quỳnh Nga với ý định trực tiếp áp lực với mẹ của Quỳnh Nga không để tôi lui tới nữa. Có lần Quỳnh Nga ngồi trong nhà, núp sau cửa sổ nhìn ra đường, sợ run lên khi thấy chiếc ô tô chở cha tôi chạy qua chạy lại năm, bảy lần, nhưng vẫn không dừng lại. Tôi nói với Quỳnh Nga: “Cha anh sẽ không vào đâu. Ông không có lý do chính đáng để xông vào nhà em tìm gặp anh hoặc gặp mẹ em. Anh là con trai chứ đâu phải con gái đâu mà mắng vốn”. Nhưng thực tế cha tôi nghĩ rằng con trai mình đã bị “một cô con gái sành sỏi” rù quến và ông tự thấy phải ra tay cứu con. Chuyện không thể tưởng tượng đã xảy ra ít ngày sau đó: cha tôi vào tận nơi làm việc của Quỳnh Nga (ở Tòa đô chính) và gặp xếp của nàng là trung tá Phước, phó đô trưởng nội an để “tố cáo” rằng nữ nhân viên của ông ta đã “dụ dỗ con trai tôi”! Trung tá Phước là người quen biết với cha tôi. Để không làm phật lòng bạn mình, ông ta đã cho gọi Quỳnh Nga vào phòng làm việc và trước mặt cha tôi, ông đã nhẹ nhàng “hỏi tội” nàng cho có lệ: “Sao cháu lại dụ dỗ con trai của bác Phát?”. Tan giờ làm, gặp tôi đến rước, Quỳnh Nga khóc sướt mướt, kể lại chuyện vừa xảy ra và nói: “Cha anh đã làm nhục em ngay tại cơ quan. Em đâu còn mặt mũi nào để tiếp tục đi làm?”

… Dù tôi nài nỉ cách mấy và nói rõ tánh tình, con người của Quỳnh Nga xứng đáng như thế nào, cha mẹ tôi vẫn nhất quyết không chịu cho tiến hành lễ cưới. Nhưng ngược lại mẹ của Quỳnh Nga vẫn chấp nhận tôi như một chàng rể tương lai và đã tổ chức một bữa cơm đạm bạc ra mắt gia đình. Và từ đó tôi được coi như con rể chính thức của gia đình Quỳnh Nga. Thế là tôi đành triển khai kế hoạch tổ chức cuộc sống riêng. Đầu tiên, tôi cố gắng tìm cho mình một công việc: tôi đi cùng Quỳnh Nga đến một số trường tư thục xin vào dạy môn Pháp văn. Các nơi đều từ chối vì cái bằng Tú tài Pháp còn mới toanh của tôi chưa có gì bảo đảm về khả năng đứng lớp. Tôi đánh liều thuê phần trước một căn phố gần nhà Quỳnh Nga để trực tiếp mở lớp luyện Pháp văn dành cho người lớn. Ngày khai giảng có khoảng 10 người đăng ký nhưng dạy được nửa tháng chỉ còn ba người theo học! Lúc này Quỳnh Nga cũng vừa nghỉ việc ở sở làm theo yêu cầu của tôi. Lý do: tôi không thể chịu đựng lâu hơn cái tình trạng có quá nhiều người đàn ông trong sở làm đeo đuổi nàng đến tận nhà. Trong số đó có một trung tá chiều nào cũng đến nhà Quỳnh Nga “trồng cây si”. Tôi bực bội vô cùng nhưng không biết cách nào để loại hắn. Nghĩ mãi tôi mới tìm ra một cách: chờ đúng lúc hắn tới và vừa ngồi vào ghế xa–lông ở nhà Quỳnh Nga, tôi từ ngoài bước vào chào hắn một cách đầy tự tin. Rồi tôi đi thẳng vào trong buồng và một lát sau trở ra với bộ đồ pyjama, ung dung đến ngồi xuống ghế bên cạnh hắn. Tôi xử sự như mình là chủ trong nhà và là chồng sắp cưới của Quỳnh Nga. Sau đó tôi mới gọi Quỳnh Nga đang còn ở phía nhà sau: “Em ơi rót trà cho khách”.

Kể từ chiều hôm sau, không còn thấy “cây si” đến mọc giữa nhà Quỳnh Nga nữa!

Và rồi chuyện khó tránh giữa nam nữ yêu nhau tự do đã xảy ra. Một buổi sáng đầu năm 1962 trong nhà chỉ còn lại hai chúng tôi, Quỳnh Nga sợ sệt nói với tôi “Em đã có…”. Tôi không hoảng hốt nhưng lúng túng không biết phải lo cho Quỳnh Nga như thế nào đây trong những ngày sắp tới. Suy nghĩ mãi tôi thấy chỉ còn một nước là thử về nói thật với cha mẹ xem sao.

Giận con cãi lời mình tự quyết định việc chọn vợ, nhưng khi nghe mình sắp sửa có cháu nội, cả hai ông bà đều dịu giọng. Mẹ tôi bảo xin lỗi cha tôi để ông đồng ý tổ chức đám cưới. Tôi đã xin lỗi và quì lạy cha tôi. Sau đó quyết định tiến hành đám cưới rất mau chóng vì Quỳnh Nga đã có thai gần một tháng. Đám cưới được tổ chức khá lớn, lần lượt tại hai nơi: ở Sài Gòn, nhà riêng của gia đình tôi và ở Sóc Trăng, nơi cha tôi đang làm phó tỉnh trưởng.

Thời đẹp nhất và cũng gay go nhất trong đời – tôi đã sống với Quỳnh Nga (từ 1961 đến 1985). Khi không còn là vợ chồng nữa, do những bất đồng phát sinh trong cuộc sống chung không thể giải quyết, chia tay nhau nhưng chúng tôi vẫn kính trọng nhau và tất cả đã diễn ra khá êm đẹp. Chúng tôi hứa với nhau vẫn là bạn tốt của nhau. Thời gian đã chứng minh đúng như thế. Dù sau này vì hoàn cảnh đặc biệt, tôi phải đi thêm hai bước nữa (người vợ thứ hai của tôi – Cúc Phượng – mất vì bệnh) nhưng giữa tôi và Quỳnh Nga luôn giữ một quan hệ rất tốt đẹp và tình nghĩa với nhau. Quỳnh Nga vẫn duy trì một sự quan tâm đặc biệt đối với tôi và giáo dục các con (bốn trai, một gái) luôn yêu thương và chăm sóc cha của chúng. Nhờ vậy dù cuộc hôn nhân thứ nhất không được trọn vẹn, nhưng những dằn vặt, mất mát tình cảm cũng được giảm thiểu tối đa cho cả hai phía, nhất là cho các con.

Quỳnh Nga là một mẫu phụ nữ khá đặc biệt, không coi nặng đồng tiền và danh vọng. Gắn bó với chồng, nàng gắn bó với cả lý tưởng của chồng, sẵn sàng chấp nhận mọi bất trắc và hy sinh. Trong thời kỳ hoạt động chính trị đối lập của tôi, có những lúc nhà riêng bị cảnh sát chìm theo dõi và bao vây ngày đêm, nàng bình tĩnh chịu đựng mà không hề thở than. Sau tờ SàiGòn Tân Văn là tờ báo đầu tiên tôi làm chủ nhiệm do cha tôi tài trợ, các tờ báo sau đó tôi xuất bản đều do tiền của hai vợ chồng vay mượn. Mỗi khi chính quyền Thiệu ra lệnh đóng cửa một tờ báo tôi bỏ tiền ra làm là coi như thêm một lần trắng tay, nợ nần lại chồng chất. Khi tự khai thác một tờ báo, tôi mượn trước các nhà phát hành một số tiền, tiền mua giấy để in báo cũng được trả chậm có khi năm, bảy số, còn tiền nhà in được “gối đầu” ít nhất hai, ba kỳ in. Do đó vốn bỏ ra cũng không bao nhiêu, thế nhưng với khả năng tài chính và cái sức của chúng tôi lúc đó thì mỗi khi báo bị đóng cửa là cả vấn đề gay go. Nhưng chẳng bao giờ nàng than van hay hỏi tôi làm báo như thế để làm gì. Quỳnh Nga chỉ biết một điều là chồng mình hành động vì một lý tưởng nào đó, chắc chắn là đẹp, không nhằm làm giàu hay thu lợi riêng, nhưng được bạn bè thân thiết ủng hộ, những người chung quanh và độc giả tán đồng. Có lần, khi tôi làm tờ Tiếng Nói Dân Tộc (1966), nửa chừng hết tiền mua giấy để tiếp tục in báo, đầu óc căng lên chưa biết tính sao, thì vợ tôi đưa ra ý kiến: Hãy bán chiếc ô tô FIAT 125 (do một người bạn vừa giúp mua trả góp không đầy hai tháng), để có tiền mua giấy. Tờ Tiếng Nói Dân Tộc là tờ báo duy nhất trong các tờ báo tôi bỏ tiền ra làm có hi vọng phất lên. Có thể Tết năm đó (1967) sẽ là cái Tết tốt đẹp cho tờ báo và nhất là cho anh em công nhân sắp chữ. Khi tôi xuống phòng sắp chữ theo dõi việc lên trang, anh xếp typô nói với tôi bằng giọng gần như van nài: “Anh Chung ơi, tờ báo đang bán rất chạy, anh ráng “dịu giọng” cho qua cái Tết này để anh em tránh lận đận”. Nhưng số phận khắc nghiệt đã định sẵn, không làm sao né tránh hay “dịu giọng”, một sự kiện chính trị xảy ra buộc tờ báo phải nói lên chính kiến của mình. Đó là vụ án Châu–Hồ-Trúc. Cả ba đều bị tòa án của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu kết án tử hình. Hai người – dân biểu Trần Ngọc Châu và nhà báo dân biểu Hoàng Hồ - bị coi là hoạt động cho cộng sản, còn người thứ ba, cũng là dân biểu, anh Phạm Thế Trúc, bị ghép tội “phản quốc” vì đã đốt hình nộm Nguyễn Văn Thiệu trong một cuộc biểu tình phản chiến ở Tokyo bên Nhật. Tôi phản đối sự kết án của tòa án chính quyền Sài Gòn và trong một bài báo tôi đặt vấn đề: đất nước đang bị chia đôi, vậy Tổ quốc ở đâu và họ đã phản lại Tổ quốc nào?

Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đã trả lời câu hỏi của tôi một cách rất đơn giản: đóng cửa tờ báo Tiếng Nói Dân Tộc khi chỉ còn không đầy một tháng là Tết đến! Tôi chẳng than phiền gì cái quyết định của chính phủ Thiệu vì nó nằm trong luật chơi của chính trường. Đối đầu với thế lực cầm quyền là đương nhiên phải hứng chịu những đánh trả của nó. Biết trước những hậu quả ấy nhưng tôi vẫn không cưỡng lại được cái xu thế phải đứng về phía người dân – phần đông chống chính quyền Thiệu, chống lại chính sách can thiệp của Mỹ tại Việt Nam. Cái xu thế ấy chảy trong huyết quản tôi như thể một dòng thác. Nó cuốn trôi các toan tính riêng tư và quyền lợi cá nhân, mặc dù lúc ấy tôi không ý thức được rõ ràng dòng thác ấy sẽ đưa mình đến đâu.

Nhưng khi gặp lại các anh em sắp chữ, tôi thấy xót xa vô cùng. Tết này họ không có những món tiền thưởng kha khá để mang về cho gia đình. Với vợ tôi, hình như nàng đoán trước những bất trắc luôn chực chờ các hoạt động của chồng nên nàng không tỏ ra bất ngờ mà ngược lại nàng còn tán đồng lập trường của chồng. Cái xe FIAT 125 bay mất, tôi không tiếc nó, nhưng nhiều năm sau này tôi vẫn tự hỏi mình có thể chọn một thái độ nào khác mềm dẻo hơn để vẫn giữ vững lập trường, tránh được cho anh em công nhân sắp chữ một cái Tết khó khăn, lại đồng thời duy trì được lâu dài hơn một công cụ đấu tranh cho dân chủ và hòa bình?

Suốt 10 năm chồng làm dân biểu Quốc hội, Quỳnh Nga vẫn sống và sinh hoạt rất giản dị, thời gian của nàng chủ yếu dành cho chồng con, cái thú đam mê duy nhất của nàng là quần vợt. Nàng vẫn là nàng, chẳng thay đổi bao nhiêu so với cô gái mà tôi quen biết ở bên quận Tư ngày nào. Nàng không se sua và tụ tập với các bà, các cô thuộc xã hội trưởng giả Sài Gòn. Chiếc áo dài vẫn luôn là cách ăn mặc quen thuộc của nàng.

Mỗi khi tôi làm chủ nhiệm một tờ báo hoặc thuê manchette một tờ báo nào đó tiếp tục làm báo, Quỳnh Nga đều đảm nhận vai trò người quản lý của tờ báo. Trong quan hệ với các ký giả làm việc với chồng, Quỳnh Nga luôn tạo được tình cảm thân thiết, gắn bó. Cái cảnh cảnh sát hùng hổ đến bao vây nhà in và tòa soạn tịch thu báo, phá tung các bản kẽm mỗi khi tờ báo có bài chống chính phủ, chẳng xa lạ đối với nàng. Tinh thần của nàng không hề bị lung lạc. Mỗi khi biết báo sắp sửa bị tịch thu, nàng tổ chức tuồn báo ra ngõ sau nhà in để bán vớt vát phần nào (báo bị tịch thu thường bán rất chạy!)

Là một người trực tính nên tính cách của Quỳnh Nga cũng khá đặc biệt. Nàng thường hành động theo bản năng và sở thích cá nhân, đôi khi bất kể những ràng buộc hay khuôn phép chung nên làm tôi nhiều phen cũng phải điên đầu. Tôi không thể quên được những chuyện xảy ra trong chuyến tham dự Hội liên hiệp các đại biểu dân cử châu Á (APU) năm 1967 tổ chức tại Bangkok. Vợ các dân biểu nghị sĩ dự hội nghị cũng được mời tháp tùng. Lúc đó Quỳnh Nga đang mang thai đứa con gái (Lý Quỳnh Kim Trinh) một tháng. Ngày đầu thành viên các đoàn (có cả cựu Thủ tướng Nhật Kisi bấy giờ là Thượng nghị sĩ) được Nhà Vua Thái Lan và Hoàng hậu mời dự tiếp tân tại Hoàng cung. Các đoàn đều xuất phát từ khách sạn đúng giờ, duy chỉ có vợ tôi chậm trễ mặc dù tôi liên tục thúc hối nàng. Nàng không chịu hiểu rằng dự buổi tiếp tân – “reception” – của Nhà Vua hoàn toàn khác các “reception” bình thường mà khách có thể đến trễ cũng không sao. Còn lại chỉ hai vợ chồng tôi, xe cảnh sát Thái dẫn đường phải chạy trên tuyến ngược chiều để hạn chế sự trễ nải. Khi chúng tôi vào Hoàng cung thì thành viên các đoàn đã đứng xếp hàng đâu đó ngay ngắn nhưng nhà vua và hoàng hậu vẫn chưa xuất hiện vì ban nghi lễ còn chờ chúng tôi! Đứng vào hàng, tôi như người mọc đầy gai. Nhưng sau đó khi buổi tiệc bắt đầu, khách mau chóng quên đi cái lỗi quá cỡ của hai vợ chồng tôi. Chiếc áo dài màu xanh turquoise (ngọc lam) vừa vặn thân hình rất thon thả của Quỳnh Nga đã trở thành trung tâm của sự chú ý đầy thiện cảm.

Trong chuyến đi Bangkok còn xảy ra một chuyện tày trời khác: Vợ tôi vốn không thích ăn đồ Tây, mà các món ăn chiêu đãi trong suốt mấy ngày ở Bangkok đều là đồ Tây. Nàng đang ốm nghén nên càng thèm ăn các món Việt Nam. Do đó khi cả đoàn dự Hội nghị được đưa đi tham quan khu Chợ Nổi (Floating market), lúc chiếc thuyền máy đưa chúng tôi đi chạy ngang một chiếc ghe bán hủ tiếu, thế là cơn thèm ăn ở người đang ốm nghén không làm sao kềm chế được. Nàng nhất định yêu cầu chiếc thuyền máy dừng lại cho nàng ăn hủ tiếu, bất kể bị cả đoàn bỏ lại đàng sau. Sống với nhau biết tính ý, tôi đành chiều nàng thôi. Chuyện này may không bị đoàn phát hiện!

Còn khi nàng nổi cơn ghen lên thì chẳng coi trời đất ra gì, dù đang dự buổi tiếp tân tại một sứ quán đi chăng nữa. Lần đó chỉ vì một cái bắt tay với một nữ chính khách duyên dáng nhưng hơi lả lơi, nàng đã buộc tôi phải rời sứ quán ra về tức khắc “nếu không sẽ bùng nổ chuyện không tốt lành” vì “tôi không thể kềm chế lâu được”. Cái tính ghen tuông của Quỳnh Nga nổi tiếng trong giới bạn bè, nhưng thẳng thắn mà nói lỗi ấy do tôi. Nếu tôi là một người đàn ông nghiêm túc, không yếu lòng với phụ nữ, không tái đi tái lại “tội lỗi” đối với vợ, thì chắc chắn Quỳnh Nga vẫn giữ được sự thùy mị, dịu dàng thời con gái. Lấy vợ lúc còn quá trẻ, sự tò mò về phụ nữ còn đầy ắp khát khao, cho nên dù rất yêu vợ, tôi vẫn không thể giữa được sự thủy chung đúng nghĩa với vợ mình. Khi chia tay nhau sau 25 năm chung sống, tôi đã nhận trách nhiệm sự gãy đổ về mình, dù rằng chưa bao giờ trong suốt thời gian chung sống với Quỳnh Nga tôi lại có một cuộc sống chung song song với ai khác. Đó chỉ là những cuộc tình lãng mạn, những dan díu ngắn ngủi nhưng không thể đi xa hơn giới hạn mà tôi cố gắng đặt ra, bởi mình là người đã có vợ và vợ mình chẳng có lỗi lầm gì cho mình đối xử tệ bạc. Tôi may mắn, trong tình cảm riêng tư, đã gặp những phụ nữ luôn ý thức về hoàn cảnh người đàn ông mà họ đang yêu để biết tự kiềm chế và dành cho nhau những cảm nghĩ tốt dù đã chia tay. Tôi không bao giờ coi những quan hệ đó là những chiến tích, mà coi đó là những rung động con tim mình không né tránh được, trách nhiệm thuộc về mình.

Và khi chính mình không gương mẫu, tôi thấy khó hướng dẫn, khuyên can vợ cái đúng cái sai trong cuộc sống chung. Cứ thế, những căng thẳng cứ nổ ra, những mâu thuẫn phát sinh, sự tương kính cũng giảm dần để rồi vẫn còn yêu nhau nhưng không thể tiếp tục chung sống với nhau được nữa. Cuộc tình lý ra có thể kéo dài một đời thật đẹp với biết bao nhiêu kỷ niệm, đành kết thúc sau 25 năm! Hôm chúng tôi chia tay nhau, tôi đặt lên hai má nàng hai cái hôn đầy tình cảm biết ơn, bởi vì cuộc đời tôi trong 1 phần 4 thế kỷ sống với nàng, hơn phân nửa sự nghiệp gây dựng lên là do công lao của nàng. Tôi rời khỏi nhà mang theo cho riêng mình “sự nghiệp tinh thần” mà cả hai đã cố gắng xây đắp và chẳng để lại gì đáng giá cho nàng. Vào cái năm 1985 còn đầy khó khăn ấy, gia đình tôi tay trắng hoàn toàn.

Thế nhưng, một mình bươn chải, từ một người phụ nữ nội trợ, nàng cùng các con dần dần thoát qua các giai đoạn hết sức khó khăn ấy để cuối cùng rất thành đạt trong ngành kinh doanh nhà hàng ở TP. HCM. Nàng vẫn là một phụ nữ mà tôi rất kính trọng.


5. Con đường tình cờ đi vào chính trị

Trở lại những năm tháng đầu tiên rời gia đình – sống riêng đầy khó khăn ở bên kinh Nhiêu Lộc nơi nước đen xì hôi hám, đứa con thứ nhì bị bệnh không có tiền đưa đi bác sĩ – bản thân tôi ở trong tình trạng trốn quân dịch, may mắn một lần thoát khỏi lưới cảnh sát – dù như thế, nhưng thời kỳ đó thật sự không hoàn toàn đen tối. Trốn quân dịch, nhưng tôi cũng đã có dịp đi tận Seoul (Nam Triều Tiên). Và cũng ở trong tình trạng không hợp lệ quân dịch, tôi lại được mời làm giám đốc Nha tác động tâm lý của Bộ Thanh niên Thể thao! Chuyện khó tin ấy xảy ra như thế này: Năm 1965, tôi đang làm tổng thư ký tòa soạn báo Bình Minh, tôi có viết loạt bài vận động sự thành lập một đại học ở miền Tây. Tôi chỉ trích nội các Nguyễn Cao Kỳ cố tình không thành lập đại học tại miền Tây để tiếp tục duy trì khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở tình trạng dân trí thấp, hạn chế sự phát triển dân chủ. Cùng lúc này có một nhóm trí thức miền Nam tên tuổi như Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Văn Trường, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Hảo, Hồ Ngọc Nhuận, Hồ Văn Minh, Võ Long Triều cũng mở cuộc vận động mạnh mẽ đòi thành lập đại học miền Tây (ban đầu chưa xác định tên Đại học Cần Thơ). Người tự đứng ra phối hợp các cuộc vận động này là kỹ sư Võ Long Triều. Chính anh đã mời tôi nhập nhóm và tham gia các cuộc hội thảo tổ chức ở Cần Thơ để gây áp lực với chính quyền. Võ Long Triều là người Công giáo, có hậu thuẫn từ Tòa Tổng giám mục, thêm nữa lúc bấy giờ anh là một gương mặt trí thức trẻ miền Nam có khá nhiều uy tín, nên Nguyễn Cao Kỳ chọn anh làm đầu cầu để với tới giới trí thức miền Nam mà phần đông dị ứng phong cách “cao bồi” của ông và đồng thời không ủng hộ lập trường hiếu chiến của “nội các chiến tranh” mà ông đứng đầu. Thủ tướng Kỳ (chức vị chính thức lúc đó gọi là Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương) mời Võ Long Triều vào nội các của mình với tư cách Bộ trưởng Thanh niên (chức danh chính thức là Ủy viên Thanh niên). Để lấy lòng người dân miền Nam, Thủ tướng Kỳ cũng ra quyết định thành lập Đại học Cần Thơ.

Khi ông Võ Long Triều trở thành Bộ trưởng, qua trung gian đại tá Lê Quang Hiền (anh ruột của liệt sĩ Lê Quang Lộc), ông mời tôi tham gia Bộ này, lúc đầu ở cương vị phó giám đốc Nha thể thao, nhưng tôi từ chối. Sau ông lại mời tôi vào chức vụ giám đốc Nha tác động tâm lý. Cái tên Nha này nghe rất “xôm” nhưng thực chất là phụ trách tuyên truyền và báo chí. Nha này có sẵn trong sơ đồ tổ chức của Bộ Thanh niên từ trước khi ông Triều về làm Bộ trưởng.

Ngày đầu tiên tôi vào làm ở Bộ Thanh niên, đại tá Hiền đến tận nhà rước tôi bằng xe Mercedes. Cả xóm nghèo bên kinh Nhiêu Lộc tò mò ào ra xem. Trước khi nhận lời làm ở Bộ Thanh niên, tôi có ý về nhà hỏi ý kiến cha tôi. Ông vẫn chưa hết giận về chuyện tự ý lấy vợ của tôi và nhất là việc nửa đêm tôi đem vợ con trốn ra ở riêng. Không quay lại nhìn tôi, tiếp tục đọc báo, ông nói: “Có thằng điên mới mời mày làm giám đốc!”. Với ông, đó là một chuyện khó tin, vì trong con mắt của ông, tôi còn là một thằng thanh niên hư hỏng. Phần khác, bản thân ông từ tỉnh trở về Sài Gòn không tìm được cái ghế giám đốc dù ngạch trật của ông ngang với một Đốc phủ sứ (ngạch bậc cao nhất của công chức Sài Gòn trước đây). Thế mà “ông con” lại được ai đó mời làm giám đốc một Nha hẳn hòi – làm sao tin nổi!

Trong thực tế việc làm giám đốc của tôi ở Bộ Thanh niên suýt nữa không thành. Tôi vẫn đang trong tình trạng bất hợp lệ về quân dịch. Khi Bộ trưởng Võ Long Triều ký xong quyết định bổ nhiệm tôi, ông mới biết tình hình này. Ông có hơi trách tôi đã không cho ông hay trước. Nhưng thật sự mục đích chính của tôi khi nhận làm giám đốc là muốn hợp thức hóa tình trạng quân dịch của mình. Tôi xử sự như thế với người tin tưởng mình là không đúng nhưng đây là cơ hội gần như duy nhất để gỡ bỏ thế bí của tôi. Cũng nên nói rõ thêm lý do tôi “trốn quân dịch”: hoàn toàn không do sợ cầm súng ra chiến trường mà là sợ chết một cách vô nghĩa. Vào năm 1964, chiến trường miền Nam chưa ác liệt. Tôi mê làm báo, không muốn niềm say mê của mình bị gián đoạn, đó là một lý do. Nhưng lý do lớn hơn là tôi không tìm thấy trong chuyện cầm súng bảo vệ chế độ Sài Gòn một mục đích lý tưởng, một ý nghĩa nào để dấn thân.

… Nếu biết trước tôi không hợp lệ tình trạng quân dịch, rất có thể ông Triều đã không mời tôi tham gia Bộ Thanh niên. Còn khi đã lỡ rồi (đã có quyết định bổ nhiệm) nên ông phải tìm cách hợp thức hóa tình trạng của tôi. Ông Triều có quan hệ khá thân với đại tá Nguyễn Đình Vinh, đổng lý văn phòng Bộ Quốc phòng (lúc này, Bộ trưởng Quốc phòng là trung tướng Nguyễn Hữu Có). Nhờ sự can thiệp của đại tá Vinh với đại tá Bùi Đình Đạm, giám đốc Nha động viên, tôi được cấp giấy tạm hoãn quân dịch một khóa (khóa mà tôi không trình diện) và phải trình diện ở khóa tới. Và như thế coi như tôi được hợp thức tình trạng quân dịch bất hợp lệ trước đây của tôi. Nếu diễn tiến các sự việc bình thường, tôi phải nhập ngũ trong bốn tháng tới. Điều tôi không thể nào ngờ là cái giấy hoãn dịch ấy, đến đúng lúc đã giúp tôi có một bước ngoặt hết sức quan trọng trong cuộc đời mình.

Ngày 6-6-1965, Ủy ban lãnh đạo quốc gia, một định chế do quân đội lập ra gồm các tướng lãnh, đứng đầu là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đóng vai quốc trưởng (còn thiếu tướng Kỳ, chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, đóng vai trò thủ tướng) dưới sức ép của Mỹ buộc phải tuyên bố tổ chức Quốc hội lập hiến. Sắc lệnh tổ chức bầu cử do tướng Kỳ ký hai tuần sau đó, ấn định ngày bầu cử là 11-9-1966. Ý đồ của Mỹ là tạo ra một nền tảng pháp lý và dân chủ do chính quyền Sài Gòn, từ đó sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, núp dưới chiêu bài theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn, cũng có cơ sở pháp lý với quốc tế.

Cả ông Thiệu và ông Kỳ đều hiểu rằng đây cũng là lúc Washington sẽ chọn chính thức – trong hai người, ai sẽ đứng đầu miền Nam vì tiếp theo cuộc bầu Quốc hội lập hiến, sẽ là cuộc bầu cử tổng thống. Người Mỹ được chọn ra ứng cử sẽ đương nhiên đắc cử vào vị trí này. Cuộc chạy đua giành ảnh hưởng và gây thế lực giữa hai người đã diễn ra ngay sau khi ngày bầu cử Quốc hội lập hiến được công bố. Ông Thiệu và ông Kỳ đều muốn rằng đa số dân biểu trong quốc hội sắp tới là người của mình. Do đó cả hai phía đều tung ra tay chân để tập hợp lực lượng, đưa người ra ứng cử vào quốc hội.

Từ khi lên làm thủ tướng, ông Kỳ tìm cách lấy thêm hậu thuẫn ở cánh trí thức miền Nam để lấp vào chỗ yếu nhất của mình. Ông là người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Người làm trung gian đắc lực cho ông Kỳ trong ý đồ này là kỹ sư Bộ trưởng Thanh Niên Võ Long Triều. Chính ông Triều đã “thầy dùi” cho thủ tướng Kỳ ký quyết định thành lập Đại học Cần Thơ. Tôi cũng đã chứng kiến một nỗ lực khác của Kỳ, qua trung gian ông Triều, nhằm lôi kéo trí thức miền Nam vào chính phủ của ông ta. Thời gian này tôi đang làm giám đốc ở Bộ Thanh niên. Ông Triều thay mặt thủ tướng Kỳ mời một nhóm trí thức miền Nam như Âu Trường Thanh, Nguyễn Văn Trường, Khương Hữu Diểu, Âu Ngọc Hồ, Nguyễn Văn Bông, Trương Văn Thuấn đến nhà riêng của tướng Kỳ nằm trong một khu đặc biệt ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ này. Ông Nguyễn Cao Kỳ xuất hiện trong bộ đồ bay phi công. Sau khi nâng ly và có vài lời thăm hỏi xã giao với khách, ông Kỳ đi thẳng vào mục đích cuộc gặp gỡ. Đầu tiên ông than phiền cụ ngoại trưởng Trần Văn Đỗ già quá, đi họp với Mỹ ở Honolulu (đầu tháng 2 năm 1966) mà ho sù sụ, do đó ông muốn trẻ hóa nội các. Ông cũng muốn đính chính một cách cụ thể nội các của ông không phân biệt Nam Bắc bằng cách muốn mời nhiều người miền Nam tham gia chính phủ của ông. Đến đây nhìn những vị khách ngồi trước mặt mình, ông Kỳ nói: “Tôi chính thức mời tất cả quý vị có mặt ở đây tham gia chính phủ. Quí vị cần trả lời đồng ý là tôi bổ nhiệm”. Ngay lúc đó không ai trả lời “đồng ý” với ông Kỳ. Nhưng sau đó, nội các của ông Kỳ cũng “kéo” được bốn người miền Nam tham gia: Âu Trường Thanh (Bộ trưởng tài chánh), Trương Văn Thuấn (Bộ trưởng giao thông), Nguyễn Văn Trường (Bộ trưởng giáo dục), Trương Thái Tôn (Bộ trưởng kinh tế), không kể Võ Long Triều được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thanh niên trước đó. Tướng Kỳ tha thiết mời ông Nguyễn Văn Bông, đang là Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, làm bộ trưởng tại Phủ tướng nhưng ông Bông từ chối. Có thể tướng Kỳ không biết hoặc biết nhưng phớt lờ, sở dĩ ông Bông không quan tâm tới lời mời của ông là vì chính ông Bông đang nuôi tham vọng giành lấy chức vụ thủ tướng của tướng Kỳ. Hơn nữa còn phải hiểu khuynh hướng chính trị của ông Bông gần với trung tướng Thiệu hơn là thiếu tướng Kỳ. Có lẽ trên thế giới chưa có một thủ tướng nào mời người tham gia nội các một cách độc đáo như thế!

Trở lại cuộc chạy đua giành ảnh hưởng trong quốc hội lập hiến giữa hai tướng Thiệu, Kỳ, phía nào cũng tìm cách đưa người của mình ra ứng cử. Ông Triều là một trong những đầu mối tập hợp quân cho tướng Kỳ. Dĩ nhiên khi làm việc này, ông Triều cũng nhằm củng cố cho mình một hậu thuẫn riêng có thể mặc cả có lợi cho mình trên sân khấu chính trị sắp tới. Theo tôi hiểu, người tài trợ cho các ứng cử viên dân biểu được ông Triều tập hợp chính thức là tướng Kỳ chứ không ai khác. Rất có thể ông Kỳ đã lấy tiền từ quỹ đen (caisse noire) dành cho thủ tướng để chi. Trong số những người được ông Triều đưa vào danh sách ứng cử có tôi. Nhưng trong kế hoạch ban đầu của ông Triều, tôi chỉ đóng vai người lót đường trong một liên danh ứng cử mà người đứng đầu là ông Nguyễn Bá Nhẫn, một người bạn thân của ông Triều, đang là tổng cục trưởng Tổng cục tiếp liệu.

Thể thức bầu cử Quốc hội lập hiến, theo liên danh tỷ lệ, tiến hành như sau: chẳng hạn như đơn vị tôi ra ứng cử là đơn vị 3 Sài Gòn gồm các quận 4, 6, 7, 8, có khoảng 250 ngàn cử tri bầu 5 dân biểu. Như vậy trên lý thuyết 1 dân biểu đại diện cho 50 ngàn cử tri. Mỗi liên danh ứng cử gồm 5 người. Nếu có liên danh nào lấy được tất cả 250 ngàn phiếu thì giành trọn 5 ghế dân biểu về mình, cũng có nghĩa cả 5 người trong liên danh đều trúng cử. Điều đó trong thực tế không thể xảy ra. Liên danh về đầu khó đoạt hơn 2 ghế, bởi muốn đoạt 2 ghế phải giành ít nhất từ 75 ngàn phiếu trở lên (3 ghế phải trên 125 ngàn phiếu). Các liên danh kế tiếp thường chỉ đoạt số phiếu 50 ngàn trở xuống và giành tối đa 1 ghế. Do đó gần như chỉ có người đứng đầu liên danh mới hi vọng đắc cử. Trong liên danh của ông Nguyễn Bá Nhẫn, gồm 5 người, tôi đứng thứ hai sau ông. Tôi không có tham vọng chính trị và cũng chưa ý thức được vào quốc hội để làm gì nên bình thản chấp nhận vai trò “người lót đường” theo yêu cầu của ông Võ Long Triều, lúc đó vừa là người đứng đầu một tập hợp chính trị có tên Phong trào Phục hưng Miền Nam (PTPHMN). PTPHMN qui tụ một số trí thức trẻ miền Nam, phần nhiều là nhà giáo – học trò cũ của các giáo sư Lý Chánh Trung và Nguyễn Văn Trường. Ông Triều và ông Trung đều là người Công giáo và là bạn thân thiết với nhau trong thời điểm đó. Tôi cũng có tham gia phong trào này lúc ban đầu. Các liên danh do ông Triều thúc đẩy ra ứng cử tại Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây đều trương bảng hiệu PTPHMN. Phong trào này không đề ra một cương lĩnh chính trị rõ ràng, chủ yếu chỉ đề cao tình yêu nước chung chung, và kêu gọi góp sức phục hưng các giá trị truyền thống của miền Nam Việt Nam. Với sự hỗ trợ tích cực phía sau của thủ tướng Kỳ, ông Triều và những người bạn thân thiết của ông như Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận, Hoàng Ngọc Tuệ, Đỗ Ngọc Yến, Trần Văn Ngô còn thành lập một phong trào hoạt động xã hội có tên là “Phong trào phát triển quận 8”. Phong trào này nhằm hô hào chính quyền và dân chúng góp tay biến các khu ổ chuột thành những khu dân cư khang trang.

Chỉ còn không đầy một tuần hết hạn nộp đơn ứng cử thì xảy ra một sự kiện hoàn toàn bất ngờ: ông Nguyễn Bá Nhẫn thông báo cho ông Triều quyết định rút tên của ông. Lý do chính thức ông Nhẫn nêu ra thật hết sức lạ: mẹ ông không đồng ý cho ông tham gia chính trị. Thật hư thế nào không thể biết được. Nhưng hậu quả là thời gian còn lại quá cận kề, ông Triều chỉ còn cách yêu cầu tôi thay ông Nhẫn, tức đôn tên tôi lên và tìm thêm một người bổ sung vào vị trí độn (tôi mời một nhà báo Hoa văn có quốc tịch Việt Nam bổ sung cho đủ danh sách năm người). Việc ông Nhẫn rút lui, với tôi như một thứ định mệnh: nó làm thay đổi dòng chảy của đời tôi. Từ lãnh vực báo chí, tôi bước sang lãnh vực chính trị một cách hết sức tình cờ! Kết quả liên danh của tôi về thứ ba với khoảng 40 ngàn phiếu (được một ghế) sau liên danh của dược sĩ La Thành Nghệ (có trên 75 ngàn phiếu giành 2 ghế) và liên danh của Văn Công Đính, một cựu nghị viện Hội đồng thành phố (được trên 50 ngàn phiếu cũng chỉ được 1 ghế). Liên danh về thứ tư của một giáo viên, ông Nguyễn Văn Sâm, giành chiếc ghế dân biểu cuối cùng của đơn vị Sài Gòn. Vào thời điểm này rất ít ai biết tôi, vì tôi còn quá trẻ, chưa từng tham gia hoạt động chính trị, thời gian hoạt động báo chí cũng ngắn ngủi – nên đạt vị trí thứ ba trên năm liên danh là khá lắm rồi. Nếu cuộc bầu cử này không theo thể thức liên danh tỷ lệ thì chắc chắn tôi không có chút hi vọng nào. Mục đích của thể thức liên danh tỷ lệ nhằm thành lập một quốc hội làm Hiến pháp với sự tham gia của đại diện nhiều đảng phái và khuynh hướng chính trị khác nhau, dĩ nhiên ngoại trừ những người cộng sản. Cuộc tham gia vào chính trường miền Nam của tôi bắt đầu như thế - không do tôi chủ động và với quá nhiều tình cờ không thể tưởng tượng (nhưng hầu như đều thuận lợi cho tôi).

Thế là trong vòng không đầy một năm, từ một sinh viên bỏ học dở dang, trốn quân dịch, mới tập tễnh với nghề viết báo, tôi trở thành giám đốc ở Bộ Thanh niên rồi bây giờ là dân biểu Quốc hội! Lúc đó tôi tròn 26 tuổi.

Khi tôi làm giám đốc Nha tác động tâm lý tại Bộ Thanh Niên, dưới quyền tôi có hai chánh sự vụ (tương đương với trưởng phòng hiện nay, cả hai đều tốt nghiệp Học viện quốc gia hành chánh. Một người tốt nghiệp khóa 3 (anh Nguyễn Dõng )và một người tốt nghiệp khóa 6 (anh Đỗ Tiến Đức). Tôi cũng học trường này nhưng lại bỏ ngang; khóa học của tôi là khóa 10, lúc tôi làm giám đốc, khóa của tôi vẫn còn một năm nữa mới tốt nghiệp! Làm thế nào để hai người thuộc thế hệ đàn anh rất xa mình, tốt nghiệp trước mình từ 4 đến 7 năm, lại chấp nhận cộng tác dưới quyền mình – quả thật không đơn giản. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tôi đến bộ Thanh niên để nhận nhiệm vụ, anh Đỗ Tiến Đức (sau này làm giám đốc Trung tâm điện ảnh quốc gia ở Sài Gòn) đã đưa tôi đi giới thiệu với các nhân viên trong Nha với một thái độ gần như thiếu kính trọng đối với tôi – một cấp trên vừa nhỏ tuổi đời, lại học dưới ông quá xa. Tôi bình tĩnh và phớt lờ như chẳng thấy gì cả. Nhưng liền sau đó tôi cho mời cả hai ông chánh sự vụ vào phòng tôi và nhấn mạnh cho hai ông rõ chức vụ giám đốc của tôi được Bộ trưởng trao là nhiệm vụ chính trị (fonction politique) chứ không phải một chức vụ thuần về hành chính. Về mặt điều hành hành chính của Nha, hai ông vẫn là những người chịu trách nhiệm chính; các văn bản và đề xuất do hai ông trình ký phải có chữ ký tắt của một trong hai người, chịu trách nhiệm trước về mặt quy cách hành chính.

Một thời gian sau có lệnh tổng động viên, mỗi cơ quan chỉ được giữ lại một người ở tuổi quân dịch thuộc diện gọi là “tối cần thiết”. Ông Đỗ Tiến Đức xin gặp tôi để biết số phận của ông ra sao. Ông trình bày với tôi nếu ông không được tôi xếp vào loại nhân viên “tối cần thiết” thì cho ông biết sớm, để ông “chạy” một nơi khác có thể giữ ông lại khỏi đi quân dịch. Tôi trả lời: “Ông Đức yên tâm. Người được xếp vào loại tối cần thiết ở Nha này là ông, chứ không ai khác”. Khi bước vào phòng tôi, tôi nghĩ ông Đức đang chờ đợi nhận một câu trả lời như thế bởi ông chưa quên được thái độ của ông trong ngày đầu ông giới thiệu tôi với nhân viên của Nha như thế nào.

Tại Nha tôi điều hành còn có một tạp chí chuyên đề thanh niên do nhà văn Lê Tất Điều phụ trách. Tôi đã từng đọc và thích thú một số tác phẩm của Lê Tất Điều nên khi gặp anh trực tiếp tại Bộ Thanh niên tôi không giấu giếm tình cảm của mình dành cho anh.

Cũng chính trong thời gian tôi cộng tác với ông Triều tại Bộ Thanh niên – thể thao, bóng đá Việt Nam đạt đỉnh cao ở Đông Nam Á: đoạt danh hiệu vô địch Merdeka, một giải có qui mô tương đương với Tiger Cup sau này. Tôi có tham dự buổi chiêu đãi của Bộ Thanh niên dành cho đoàn quân chiến thắng mà cầu thủ nổi bật là Tam Lang. Nhưng cần nói ngay, vai trò về mặt nhà nước của Bộ Thanh niên đối với bóng đá lúc đó hoàn toàn khác. Sinh mệnh của làng bóng đỉnh cao hoàn toàn nằm trong tay của Tổng cụ bóng tròn, một tổ chức 100% xã hội hóa.

Khi tôi vào Quốc hội sau đó, hành trang chính trị của tôi hầu như chẳng có gì, vì tôi chưa từng trải qua một ngày học luật và chưa từng có những hoạt động chính trị đúng nghĩa. Tuy nhiên phải nói rằng thời gian hòa nhập vào làng báo trong 3 năm (từ 1963 đến 1966) cũng giúp tôi có một số hiểu biết về tình hình đất nước và hình thành bước đầu thái độ chính trị của mình. Lập trường của tôi trong Quốc hội ở những ngày đầu tiên là sự khẳng định lại quan điểm chính trị mà mình đã từng phát biểu trên báo chí. Dù đây là một Quốc hội làm hiến pháp nhưng tôi nghĩ trước hết nó phải là diễn đàn của dân và vì dân và tiếng nói quan trọng nhất đối với một dân biểu trên diễn đàn Quốc hội vào thời điểm đó nhất thiết phải là tiếng nói đấu tranh cho dân chủ và công bằng, tiếng nói đòi chấm dứt chiến tranh, chống lại sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam.


6. Vào Quốc hội lập hiến

Buổi khai mạc Quốc hội, tôi mời cha tôi và Quỳnh Nga, vợ tôi tham dự với tư cách khách mời riêng của cá nhân tôi (mỗi dân biểu đắc cử được mời hai người khách trong buổi khai mạc). Dù thế nào, đây cũng là bước thành đạt đầu tiên của tôi khi tham gia vào đời sống chính trị Sài Gòn, tôi muốn cha tôi và vợ tôi được chứng kiến ngày này. Đó cũng là một cách nhớ ơn sinh thành của cha mẹ và công lao của người vợ đã chia sẻ những gian nan và khó khăn ban đầu với mình. Ngồi giữa khung cảnh rộng lớn của Nhà hát thành phố, lần thứ hai được sử dụng làm trụ sở Quốc hội (lần đầu dưới chế độ Ngô Đình Diệm), tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng những gì đã xảy ra với mình. Tôi bước vào sân khấu chính trị không do chính tôi chủ động mà do định mệnh chọn lựa mình. Tôi không than phiền gì về sự “chỉ định” này của định mệnh vì trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước rất cần tiếng nói ở nhiều phía và từ nhiều đấu trường khác nhau để có một sức mạnh tổng hợp lòng lay chuyển tình thế thì diễn đàn Quốc hội cũng là một môi trường hoạt động khá thuận lợi. Mặc dù nhiều lúc Quốc hội Sài Gòn khi ấy không khác một nhà hát hài kịch rẻ tiền và lố lăng, nhưng từ diễn đàn này cũng đã vang lên khá nhiều tiếng nói của những phần tử đối lập, của những ý thức vận nước tìm cách thể hiện nguyện vọng của người dân miền Nam không chịu tách rời với miền Bắc ruột thịt, muốn được thấy Tổ quốc hòa bình, độc lập và thống nhất.

… Lúc đó tôi không bao giờ ngờ mình sẽ ngồi luôn trong cái “nhà hát” ấy ở Công trường Lam Sơn suốt 10 năm qua, qua 3 nhiệm kỳ liên tiếp: 1966-1967, 1967-1971 và 1971-1975! Biết bao tấn tuồng đã diễn ra ở nơi này. Chẳng thiếu gì cả: từ dân biểu buôn lịch “ở truồng” đến dân biểu buôn bạch phiến, từ những màn đấu miệng đến những màn đấu đá thật sự u đầu sứt trán. Những cuộc mua bán phiếu như ngoài chợ trời v.v… Nó đúng là sân khấu thu hẹp của một chế độ bát nháo, tham nhũng, mất định hướng, mỗi lúc một suy tàn. Và màn chỉ hạ xuống sau ngày 30-4-1975.

Phong trào Phục hưng miền Nam do kỹ sư Võ Long Triều tập họp có khoảng bảy người lọt vào Quốc hội lập hiến. Trong 117 dân biểu được bầu ở toàn miền Nam, tôi là người nhỏ tuổi thứ hai (26 tuổi) sau nhà giáo Nguyễn Hữu Hiệp, đắc cử tại Đà Lạt. Mặc dù số dân biểu của Phong trào Phục hưng Miền Nam chỉ có bảy người nhưng tôi vẫn vận động được sự liên kết của một số dân biểu khác để thành lập khối dân biểu Dân tộc. Theo nội qui của Quốc hội lập hiến, bất cứ một nhóm dân biểu nào, từ 20 người trở lên, tự nguyện tập họp lại sinh hoạt chung thì được chính thức công nhận là một khối, được bầu một trưởng khối, một hay hai phó trưởng khối và một thư ký khối. Quốc hội dành cho khối một văn phòng trong trụ sở Quốc hội, một ô tô riêng với tài xế cho trưởng khối. Tại diễn đàn quốc hội, trưởng khối được hưởng quyền ưu tiên phát biểu (không chờ thứ tự đăng ký) khi đại diện cho khối. Trong 117 dân biểu có đủ tất cả các tôn giáo như Công giáo, Phật giáo, Hòa hảo, Cao đài, Tin lành, đủ các thành phần như quân nhân, công chức, giáo viên, doanh nhân, trí thức, các đảng phái như Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt, Tân Đại Việt. Do chưa có ai nắm trọn quyền lực tại miền Nam vào thời điểm này, cuộc đối đầu lúc ngấm ngầm, lúc công khai giữa hai tướng lãnh Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ vẫn chưa ngã ngũ, nên có lẽ đây là quốc hội có nhiều thành phần độc lập nhất so với các kỳ Quốc hội sau này (1967-1971 và 1971-1975). Để thành lập khối Dân tộc, tôi dựa vào 3 thành phần: các dân biểu Phục hưng miền Nam, các dân biểu Phật giáo và một số dân biểu độc lập. Người tiếp tay một cách tích cực dựng lên khối này, không có anh không thể hình thành khối là dân biểu Phan Xuân Huy, đơn vị Đà Nẵng. Là một giáo viên dạy toán nhưng thuộc thành phần đấu tranh cánh tả trong giới trí thức miền Trung, đồng thời hoạt động trong hàng ngũ Phật giáo chống chính quyền (thường được gọi là Phật giáo Ấn Quang), Phan Xuân Huy đã thuyết phục các dân biểu Phật giáo và một số nhân sĩ miền Trung gia nhập khối Dân tộc. Để thuyết phục mạnh mẽ hơn các dân biểu Phật giáo gia nhập khối Dân tộc do tôi làm trưởng khối, dân biểu Phan Xuân Huy đưa tôi đi thăm thượng tọa Thích Thiện Minh, người có ảnh hưởng khá lớn trong Phật giáo Ấn Quang.

Nhưng cho đến gần hạn chót nộp danh sách của khối, chúng tôi vẫn thiếu một người để khối được công nhận chính thức. Người cuối cùng chúng tôi tìm ra để bổ sung cho đủ 20 người là ông Giáp Văn Thập, chủ trường dạy lái xe ở Tân Định, đắc cử dân biểu ở đơn vị 1 Sài Gòn nhờ những phát biểu ồn ào và mị dân. Dân chủ theo kiểu tư sản, một thứ tự do vô tổ chức, thường sản sinh những phần tử cá biệt như ông Thập. Nhưng vẫn cần ông để có đủ số dân biểu thành lập khối. Thuyết phục ông không phải dễ dàng, lúc đầu ông đặt điều kiện gia nhập khối phải được trao chức Trưởng khối, vận động mãi ông mới chịu hạ yêu sách xuống còn phó trưởng khối. Trong khối còn có một nhân vật đối lập rất được báo chí theo dõi và đưa tin vì ông luôn có những tuyên bố chống chính phủ mạnh mẽ: Trương Gia Kỳ Sanh, dân biểu Bình Thuận. Tôi nhớ ông Kỳ Sanh được mời làm cố vấn khối.

Tôi được bầu trưởng khối vì số dân biểu Phong trào Phục hưng miền Nam đông nhất và mặt khác tôi cũng được sự ủng hộ của các dân biểu Phật giáo. Không công khai tuyên bố nhưng mặc nhiên khối Dân tộc trở thành khối dân biểu đối lập đầu tiên trong quốc hội Sài Gòn, do lập trường chống chính quyền quân sự và chống chiến tranh. Dân biểu Phan Xuân Huy nhiều lần bị các tờ báo thân chính quyền tố cáo là tay sai của cộng sản nhưng anh Huy không hề nao núng. Chúng còn tìm cách bôi lọ anh bằng cách tung tin tại quốc hội và trên báo chí rằng anh bị bệnh liệt dương! Nhưng Phan Xuân Huy đã phản công trở lại ngay trong một phiên họp khoáng đại bằng cách lên diễn đàn công khai đặt vấn đề: Những vị nào bảo rằng tôi bị bệnh liệt dương thử để các bà vợ đến “kiểm tra” tôi thì biết ngay sự thể như thế nào!

Giới quân nhân đang chi phối chính trường miền Nam lúc đó có ý định đưa vào hiến pháp một chương riêng công nhận vai trò lãnh đạo miền Nam Việt Nam của một Hội đồng quân sự tối cao. Số dân biểu đàn em của các tướng Thiệu – Kỳ ra sức vận động cho mục tiêu này. Phản ứng của các dân biểu độc lập và đối lập cũng rất quyết liệt. Cụ Phan Khắc Sửu được bầu làm chủ tịch Quốc hội là một trong những tiếng nói có trọng lượng chống lại ý đồ này của các dân biểu gốc quân nhân và thân chính quyền. Phe quân đội tổ chức nhiều cuộc hội thảo để gây áp lực với quốc hội. Bản thân tôi được mời tham dự một cuộc đối thoại với sinh viên cao học luật khoa mà mục đích là vận động cho sự chấp nhận một Hội đồng quân sự trong bản hiến pháp. Buổi đối thoại này được chủ trì bởi hai vị giáo sư hàng đầu của Đại học Luật là Nguyễn Cao Hách và Vũ Quốc Thúc lúc đó có khuynh hướng ủng hộ phe quân nhân. Cần nói thêm rằng các sinh viên dự buổi đối thoại phần nhiều cũng được chọn theo quan điểm của lãnh đạo trường. Ở phía dân biểu, ngoài tôi còn có dân biểu – bác sĩ Phan Quang Đán. Rất may ông Đán có lập trường giống tôi đối với vấn đề này: bác bỏ một cách thẳng thừng sự hiện diện của Hội đồng quân sự trong hiến pháp. Cuộc đối thoại đôi khi căng thẳng nhưng vẫn giữ được không khí ôn hòa.

Với tư cách trưởng khối Dân tộc, gần cuối nhiệm kỳ quốc hội, tôi cũng được Học viện quốc gia hành chính mời thuyết trình về bản dự thảo hiến pháp cho lớp Cao học (ngạch đốc sự). Điều đáng nói là các sinh viên cao học dự buổi thuyết trình của tôi đều là bạn học cùng khóa với tôi trước khi tôi đi bỏ học nửa chừng. Người chủ trì là giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng là nhân vật lãnh đạo của đảng Tân Đại Việt, thân chính quyền Thiệu, chống Cộng và rất có thế lực trong giới quân nhân cấp tá và công chức. Giáo sư Huy còn là một chuyên viên về luật Hiến pháp. Thật không dễ dàng chút nào cho một tay ngang như tôi nói về luật Hiến pháp trước ông thầy dạy môn hiến pháp và với những sinh viên mà đáng lý mình vẫn còn phải ngồi học chung với họ. Nhưng sau gần một năm tham dự không biết bao nhiêu phiên họp của quốc hội, bàn đi bàn lại từng điều của Hiến pháp – được nghe từ những phát biểu chính thống của những chuyên viên luật nhiều kinh nghiệm cho đến những đề xuất, yêu cầu rất thực tế của các dân biểu thuộc các thành phần khác nhau – hầu như tôi được tiếp cận với tất cả các ngóc ngách liên quan đến luật Hiến pháp. Không có câu hỏi hay thắc mắc nào mà không được mổ xẻ trên diễn đàn Quốc hội. Nhờ trải qua cái trường “đại học luật” đặc biệt ấy, tôi đã đối đầu khá suôn sẻ và thuyết phục trước những đồng học cũ của mình tại buổi thuyết trình.

Cũng trong thời gian này, với tư cách dân biểu đối lập, tôi được Tổng hội Sinh viên Sài Gòn mời tham dự cuộc hội thảo về tình hình miền Nam và quốc hội lập hiến tại trụ sở của Tổng hội ở số 4 Duy Tân (nay là Nhà Văn hóa Thanh niên). Tôi nhắc lại cuộc hội thảo này vì đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên của tôi với giới sinh viên và cũng là lần đầu tôi gặp linh mục Nguyễn Ngọc Lan. Linh mục cũng là khách mời của Tổng hội. Tại cuộc hội thảo, linh mục Lan tỏ ra rất tả khuynh, thỉnh thoảng tấn công lập trường của tôi lúc đó còn khá ôn hòa. Tôi còn nhớ cha Lan nhìn tôi như “một chàng thanh niên làm chính trị tài tử” sẽ không đủ sức và đủ quyết tâm kiên trì theo đuổi con đường chính trị đối lập của mình. Ngày hôm sau, khi báo chí Sài Gòn, nhất là báo chống Cộng tường thuật cuộc hội thảo, họ lại tấn công chủ yếu vào tôi, tố cáo tôi có lập trường lập lờ.

Từ cuộc gặp nhau lần đó tại trụ sở Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, tôi và linh mục Lan suốt cả chục năm sau này (cho đến ngày 30-4-1975) có rất nhiều cơ hội hoạt động chung với nhau và thời gian đã trả lời cho cha Lan “cái chàng thanh niên có vẻ làm chính trị tài tử” ấy cũng có đủ sự kiên trì để đi đến cùng con đường đã chọn.

… Thời gian hoạt động khoảng một năm trong Quốc hội lập hiến đã tạo điều kiện cho tôi tích lũy được một số uy tín đối với cử tri đã bầu cho mình và cả trong dư luận xã hội nói chung. Tên của tôi xuất hiện thường xuyên trên các báo qua các phát biểu thẳng thắn và mạnh dạn tại quốc hội, dần dần được nhiều giới biết đến và ủng hộ. Báo chí Sài Gòn rất “mặn mà” với các buổi thảo luận và “đấu khẩu” trên diễn đàn quốc hội vì loại bài tường thuật này rất được độc giả ưa chuộng. Phần nhiều các báo đều dành thiện cảm cho các dân biểu đối lập và tỏ ra coi thường các phần tử thân chính quyền mà họ gọi là “gia nô”. Chính sự thuận lợi này trong dư luận và trên báo chí đã giúp tôi sau này tái đắc cử vào Quốc hội lập pháp (1967) mà không cần phải dựa vào một thế lực hay đảng phái chính trị nào.

Tại Quốc hội lập hiến, sau khi dân biểu Trần Văn Văn bị ám sát ở ngã ba Phan Kế Bính và Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) – lúc đó nhiều người cho rằng do bàn tay của trung tá Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc cảnh sát – tôi được Quốc hội bầu làm chủ tịch “Ủy ban điều tra vụ ám sát DB Trần Văn Văn”. Tôi tiến hành cuộc điều tra một cách hăng say và cũng rất thơ ngây! Đầu tiên tôi yêu cầu Tổng nha cảnh sát phải cung cấp cho tôi chứng cứ người ám sát ông Trần Văn Văn là “Việt cộng” như trung tá Loan đã công bố với báo chí. Tiếp đó tôi đòi Tổng nha tổ chức cho tôi buổi gặp riêng với “thủ phạm” Võ Văn Em mà không có sự chứng kiến của bất cứ người thứ ba nào.

Diễn tiến buổi gặp do Tổng nha cảnh sát tổ chức ngay tại Tổng nha có vẻ đáp ứng các yêu cầu của tôi với tư cách là chủ tịch Ủy ban điều tra Quốc hội. Điều mà tôi không hay biết là đại tá Loan đã giăng sẵn cái bẫy ở phía sau. Khi tôi vào gặp nhân vật có tên là Võ Văn En, theo Tổng nha là người đã cầm súng ngắn hạ sát ông Văn và thuốc súng còn tìm thấy trên bàn tay của Võ Văn En lúc bị bắt cách hiện trường không xa, thì đúng như yêu cầu của tôi: trong phòng riêng chỉ có tôi và anh En. Tôi bước vào và ra dấu cho En không nói gì cả và để tôi kiểm tra xem trong phòng có đặt máy nghe lén không. Ngoài một cái bàn và hai cái ghế, trong phòng chẳng có một vật nào khác. Bố bức tường cũng hoàn toàn trống trải. Tôi không thấy chỗ nào cảnh sát có thể đặt máy. Cuộc nói chuyện giữa tôi và anh En có thể tóm lược như sau: En cho rằng anh chỉ lái xe máy chở một người lạ mặt thuê anh, còn người cầm súng bắn ngồi phía sau anh đã tẩu thoát. Về phần tôi, tôi nói với En nếu anh không phải là thủ phạm thì phải cương quyết phản đối, tối sẽ giúp anh làm việc đó. Nếu không phản đối quyết liệt, họ có thể xử kín và thủ tiêu anh.

Về nhà, tôi chuẩn bị một bản tường trình để ngày mai báo cáo với các thành viên trong Ủy ban điều tra và sau đó là trước phiên họp khoáng đại của quốc hội. Thật bất ngờ: sáng hôm sau khi vừa bước vào phòng họp Quốc hội, tôi thấy trên bàn của mỗi dân biểu đều có một tập hồ sơ của Tổng nha cảnh sát với nội dung: “Dân biểu Lý Quý Chung đã xúi giục Võ Văn En phản cung như thế nào?”. Kèm theo những lời lẽ lên án tôi và đòi Quốc hội “phải có thái độ với dân biểu Lý Quý Chung” là một tài liệu ghi lại nguyên văn cuộc nói chuyện của tôi với bị cáo Võ Văn En. Tài liệu ghi lại chính xác cuộc nói chuyện từng lời, điều đó chứng tỏ Tổng nha đã tổ chức ghi băng toàn vẹn cuộc gặp này. Sau này tôi mới biết từ thời đó đã có những thiết bị hiện đại nghe lén, không cần đặt máy thu trực tiếp trong phòng.

Trước sự việc quá bất ngờ, trấn tĩnh một lúc lâu tôi mới tìm ra cách gỡ bí. Trước hết hồ sơ của Tổng nha cảnh sát phổ biến trong phòng họp Quốc hội nhưng lại không có chữ ký cho phép của Chủ tịch Quôc hội, như vậy đây là một tài liệu phổ biến vi phạm nội qui của Quốc hội. Mặt khác Tổng nha cảnh sát đã vi phạm nguyên tắc đã được Ủy ban điều tra đề ra: cuộc gặp chỉ diễn ra giữa hai người và nội dung không được tiết lộ trước khi Ủy ban điều tra có bản báo cáo của mình trước Quốc hội. Khi phiên họp khoáng đại vừa bắt đầu, tôi lên diễn đàn ngay và yêu cầu ông Chủ tịch Phan Khắc Sửu ra lệnh thu hồi tất cả các tài liệu được phân phát bất hợp pháp trong Quốc hội vì không có ý kiến chấp thuận của Chủ tịch. Ông Phan Khắc Sửu đáp ứng ngay yêu cầu của tôi. Ở đây cần nói thêm về con người của cụ Sửu: khi cụ được đưa lên làm Quốc trưởng thay trung tướng Dương Văn Minh, cụ đã tỏ ra là một con người không dễ dàng để cho phe quân nhân nhào nắn. Cuộc đối đầu của Quốc trưởng Phan Khắc Sửu với Thủ tướng Phan Huy Quát khiến cho chính phủ này phải sụp đổ (và chức vụ Quốc trưởng của ông cũng bị dẹp bỏ luôn!). Trong suốt thời gian cụ Sửu làm Chủ tịch Quốc hội, cụ dã tương đối giữa được tư cách của một nhân sĩ có tinh thần dân tộc và không chịu bán mình cho chính quyền dù luôn phải đối phó với rất nhiều áp lực.

Do sự cố kể trên, Ủy ban điều tra do tôi làm chủ tịch đã tự giải tán để phản đối thái độ “hợp tác không trung thực của Tổng nha cảnh sát”. Thật sự quyết định giải tán này cũng nhằm tránh sự bế tắc mà ủy ban chắc chắn sẽ gặp phải.

Từ khi tôi làm chủ tịch Ủy ban điều tra vụ ám sát dân biểu Trần Văn Văn, đi đâu tôi cũng bị hai cảnh sát chìm theo dõi. Tôi đưa việc này ra Quốc hội và tố cáo trên diễn đàn. Tôi cho đó là một hành động đàn áp tinh thần nhằm vào dân biểu đối lập. Đối phó lại, trung tá Nguyễn Ngọc Loan gửi một công văn cho Quốc hội, giải thích rằng Tổng nha cảnh sát buộc lòng làm điều này là để bảo vệ tính mạng của một số dân biểu có nguy cơ bị Việt cộng ám sát, trong đó có tôi (!). Tổng nha cảnh sát cũng gởi riêng cho tôi một công văn, đặt vấn đề với tôi phải chấp nhận một trong hai biện pháp bảo vệ: Cảnh sát chìm – như đang diễn ra hoặc chính thức nhận hai cận vệ thuộc phòng bảo vệ yếu nhân. Còn nếu tôi từ chối cả hai biện pháp bảo vệ do Tổng nha đề ra thì phải trả lời chính thức bằng văn bản và Tổng nha không còn chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh của tôi.

Đây là một cách bắt bí của Tổng nha cảnh sát. Hoặc tôi phải chấp nhận sự theo dõi ngày đêm của họ hoặc có thể trở thành mục tiêu của một hành động mờ ám nào đó mà mình không có quyền kêu ca! Tôi đem việc này hỏi ý kiến cha tôi. Theo cha tôi, việc Tổng nha có theo dõi tôi chẳng phiền hà gì cho lắm vì các hoạt động của tôi đều công khai. Tôi chẳng phải là “Việt cộng nằm vùng” mà cũng không làm việc cho CIA. Ngược lại nếu từ chối sự “bảo vệ” của họ nghĩa là tôi sẽ cung cấp cho họ lý do chính thức phủi sạch trách nhiệm về những gì có thể xảy ra với tôi. Vào thời điểm này, không ai đoán trước được trung tá Loan sẽ ra tay với ai và lúc nào. Cái chết đầy bí ẩn của đại tá Phạm Ngọc Thảo sau cú đảo chính hụt tháng 2-1965- mà nhiều người cho rằng kẻ ra tay là đàn em của trung tá Loan - trong nhiều năm là một ám ảnh đe dọa đối với nhiều giới hoạt động chính trị tại Sài Gòn. Đại tá Thảo bị cảnh sát chìm của trung tá Loan phục kích bắt tại địa phận thuộc một nhà thờ công giáo ở miền Đông, nơi ông đang trốn với sự tiếp tay của cha xứ tại đây. Khi bị bắt, sức khỏe của đại tá Thảo tuy yếu vì bị trúng đạn trong lúc chạy trốn, nhưng tính mạng không hề bị đe dọa. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, chính trên chiếc máy bay trực thăng đưa đại tá Thảo về Sài Gòn, các đàn em của đại tá Loan đã ra tay bằng cách bóp vào tinh hoàn đại tá Thảo cho đến khi tắt thở. Lúc trực thăng đáp xuống sân Tổng tham mưu thì đại tá Thảo đã chết. Sự thật như thế nào là một dấu hỏi. Sau này trong hồi kỳ của mình, tướng Nguyễn Cao Kỳ có nhắc đến cái chết của đại tá Thảo nhưng cho rằng ông chết trong tù sau mấy tuần bị giam và bị đánh đập.

Mặc dù chỉ là một cấp thừa hành trong guồng máy chính quyền đứng đầu ngành cảnh sát nhưng trung tá Loan – sau thăng đại tá – tự coi mình là nhân vật thứ hai trong chính quyền của Kỳ, chẳng coi ai ra gì. Các phiên họp nội các do thủ tướng Kỳ chủ trì, đáng lý chỉ có các Bộ trưởng hoặc cấp ngang Bộ trưởng dự nhưng gần như luôn luôn có sự hiện diện của trung tá Loan với khẩu súng “ru lô” mang kè kè bên hông! Có lần trung tá Loan can thiệp thô bạo vào một vụ việc của Bộ kinh tế ngay trong buổi họp nội các khiến lãnh đạo Bộ này đe dọa đưa đơn từ chức, việc này đã gây nên một cuộc khủng hoảng nội các.

Sau này cả dân biểu Quốc hội cũng bị trung tá Loan trực tiếp đe dọa: trong một phiên họp Quốc hội lập hiến (năm 1967), lúc đó tướng Kỳ còn là thủ tướng, trung tá Loan đã xuất hiện trên bao lơn tầng trên của phòng họp (khu loge của Nhà hát) bên hông vẫn đeo khẩu súng kè kè. Trung tá Loan có mặt ở đây theo lệnh của tướng Kỳ nhằm gây áp lực cuộc bỏ phiếu của dân biểu để hợp thức hóa kết quả bầu cử liên danh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ. Từ dưới hàng ghế phòng họp nhìn lên, tôi thấy trung tá Loan đi qua đi lại với vẻ đầy tự tin như thể đang đi bách bộ trong văn phòng riêng của mình. Tôi không phải là người duy nhất phát hiện sự có mặt của ông Loan trên tầng trên, nhiều dân biểu cũng ngước nhìn lên nhưng không ai có phản ứng gì. Rõ ràng đây là một xúc phạm đối với định chế quốc gia dù cho định chế này được giới cầm quyền Sài Gòn dựng lên với ý đồ sử dụng nó như một thứ trang trí dân chủ. Tôi bước ngay lên diễn đàn và đặt vấn đề với chủ tịch Hạ nghị viện Phan Khắc Sửu: “Dân biểu chúng tôi không thể tiếp tục họp dưới áp lực của trung tá Tổng giám đốc cảnh sát, vả lại nội qui của quốc hội cấm mang súng vào phòng họp nếu không có phép của Chủ tịch. Do đó tôi yêu cầu ông Chủ tịch mời trung tá Nguyễn Ngọc Loan rời khỏi phòng họp, nếu không chúng tôi sẽ ngưng họp và chính chúng tôi sẽ rời khỏi phòng họp Quốc hội”. Liền đó Chủ tịch Hạ nghị viện đã công khai yêu cầu trung tá Loan ra khỏi phòng họp và ông Loan không thể làm gì khác hơn là chấp hành lệnh của chủ tịch Hạ Nghị Viện.

Thế là đã có hai lần tôi “đụng đầu” trung tá Nguyễn Ngọc Loan từ cuộc điều tra vụ ám sát dân biểu Trần Văn Văn đến vụ phản đối ông ta xuất hiện tại buổi họp của Hạ nghị viện. Nhưng lần thứ ba, cuộc gặp giữa ông ta và tôi đã diễn ra trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Trung tá Nguyễn Ngọc Loan bị Việt cộng bắn gãy chân trong cuộc tổng công kích Tết Mậu thân, nằm trong bệnh viện Grall (nay là bệnh viện Nhi đồng 2). Một đồng viện của tôi cũng thuộc phe đối lập đưa ra ý kiến: bây giờ trung tá Loan đã gãy chân, sắp mất hết quyền lực, đi thăm ông ta lúc này cũng nên lắm. Cần nhắc lại trung tá Loan bị bắn gãy chân chỉ ít ngày sau vụ ông ta tự tay cầm súng ngắm bắn vào đầu một quân giải phóng bị trói tay ra sau lưng và đứng cách ông ta không hơn một mét. Đây là một hành động trái với công ước Genève về tù binh chiến tranh, còn về mặt con người thì mất hết tính người, xảy ra giữa đường phố Sài Gòn hết sức dã man. Tướng Kỳ sau này có những lời biện hộ cho chiến hữu của mình, nhưng hình ảnh về sự kiện nay mau chóng loan truyền trên khắp thế giới đã tiêu hủy cuộc đời chính trị của Nguyễn Ngọc Loan (sau này được thăng cấp đại tá) và cả cái “chính nghĩa” mà người Mỹ cố gắng xây đắp trong cuộc chiến tại miền Nam. Người đã ghi lại và truyền đi hình ảnh khủng khiếp của vụ “hành quyết giữa đường phố” khiến cho cả thế giới xúc động và góp phần cho phong trào phản chiến nổi lên khắp nơi, nhất là tại Mỹ, chính là phóng viên ảnh Eddie Adams của hãng tin AP (Associated Press). Chứng kiến cảnh tượng dã man này còn có một cameraman người Việt Nam tên Võ Sửu, cộng tác cho đài truyền hình Mỹ National Broadcasting Company, có mặt đúng lúc trung tá Loan nổ súng vào đầu người lính Việt cộng. Với bức ảnh này, nhà báo Eddie Adams được trao giải Pulitzer. Nhưng không hiểu sao người ta ít nhắc tới cameraman Võ Sửu.

Khi tôi vào thăm trung tá Loan tại bệnh viện Grall, trong phòng của ông ta có bà Đặng Tuyết Mai – vợ của tướng Kỳ - đã đến trước. Ông Loan nằm trên giường, đắp một chiếc mềm mỏng ngang ngực, nói năng vẫn to tiếng như mọi khi. Ông ta kể cho bà Kỳ nghe: “Tôi là người đầu tiên nhận huy chương mà không mặc quần”. Vừa nói ông ta vừa chỉ phần dưới thân thể của mình để cho những người hiện diện hiểu rằng dưới lớp mềm của ông ta chẳng có gì mặc cả, khi ông ta được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào tận giường bệnh gắn huy chương. Bà Kỳ không thể nín cười sau điều tiết lộ của Nguyễn Ngọc Loan. Đấy là lần cuối cùng tôi gặp ông ta. Hai tháng sau, khi trung tướng Nguyễn Văn Thiệu đã củng cố cái ghế tổng thống của mình, ông ta liền đưa đại tá Trần Văn Hai lên thay Nguyễn Ngọc Loan (lúc này đã là đại tá) ở chức vụ Tổng giám đốc Tổng nha cảnh sát. Từ đó đại tá Loan chìm vào quên lãng trên chính trường Sài Gòn, thỉnh thoảng chỉ được nhắc tới khi báo chí thế giới đưa trở lại bức ảnh của phóng viên Mỹ Eddie Adams. Tại Mỹ sau 1975, ông Loan gặp nhiều khó khăn trước khi được chấp nhận vào quốc tịch Mỹ do có một số người Mỹ phản đối tư cách của ông Loan bằng cách nêu trở lại chuyện ông hành quyết người lính Việt cộng trên đường phố. Nghe nói khi ông Loan chết, phóng viên nhiếp ảnh Eddie Adams có đến dự đám tang.

Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu thân 1968, phe của phó tổng thống Kỳ chịu thiệt hại khá nặng. Ngoài trường hợp Nguyễn Ngọc Loan bị loại, nhiều đàn em thân cận của ông Kỳ đã bị một máy bay trực thăng chiến đấu của quân đội Mỹ “bắn lầm” làm thiệt mạng 6 sĩ quan và nhiều người bị thương tại một trường người Hoa ở khu vực Chợ Lớn. Theo ông Kỳ, chính tổng thống Thiệu âm mưu với người Mỹ định giết ông. Ông Kỳ còn quả quyết rằng trên chiếc trực thăng đã bắn rocket xuống trường học ở Chợ Lớn có sự hiện diện của đại tá Trần Văn Hai là tay chân thân cận của tướng Thiệu. 

Trở lại thời điểm quốc hội lập hiến (1966-1967), cuối cùng tôi đã đồng ý nhận hai cảnh sát thuộc “phòng bảo vệ yếu nhân” do Tổng nha cảnh sát của Nguyễn Ngọc Loan gửi đến. Rất may mắn, hai nhân viên cảnh sát chìm này biết cư xử đúng cương vị của mình, lễ độ và hợp tác. Chính cách đối xử của vợ chồng tôi cũng tạo được phần nào tình cảm gắn bó giữa hai người đối với gia đình tôi. Mỗi lần “phòng bảo vệ yếu nhân” ở Tổng nha cảnh sát muốn thay hai người mới tôi đều phản đối với lý do: nhận người lạ đến bảo vệ, tôi không an tâm. Hai cảnh sát chìm này: Phan Xuân Trường (25 tuổi) và Nguyễn Văn Bé (20 tuổi) làm cận vệ cho tôi suốt 10 năm, từ Quốc hội lập hiến (1996) cho đến ngày 30 -4-1975! Sau này tôi được biết người đã tạo điều kiện cho hai anh Trường và Bé gắn với tôi lâu dài chính là trung tá cảnh sát Lâm Chánh Bình trong Tổng nha. Trung tá Bình bà con với anh Lâm Phi Điểu là một người bạn thân và là đồng viện của tôi trong Quốc hội lập pháp.

Anh Bé được vợ tôi cho tiền học thêm nghề lái xe để lái chiếc xe riêng của tôi, khi tôi xuất bản tờ báo Tiếng nói Dân tộc. Còn anh Trường làm thêm công việc liên lạc, thu tiền quảng cáo cho báo. Như thế cả hai đều có thêm một đầu lương phụ giúp gia đình họ. Ngay năm đầu hai người làm việc với tôi, tôi đã chứng minh cho cả hai hiểu rõ: từ nay dù muốn hay không, số phận của họ cũng bị buộc chặt với tôi. Nếu tôi bị ám sát thì kẻ chủ mưu đến từ phía chính quyền chứ không thể từ phía “Việt cộng”. Do các hoạt động chống chính quyền, chống chiến tranh và chống lại sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam của tôi rất dễ dàng xác định phía hãm hại tôi là ai nếu có chuyện đó xảy ra. Và khi tay chân của chính quyền Sài Gòn ra tay nhằm vào tôi thì họ sẽ không chừa hai người cận vệ để đánh lạc hướng dư luận. Như vậy hai anh Bé và Trường phải triệt để cảnh giác nguy cơ có thể đến từ chính cơ quan của mình. Ngồi trên ô tô do Quốc hội cấp cho tôi, hai anh luôn cẩn trọng theo dõi những chiếc xe máy vượt lên hai bên hông ô tô. Buổi sáng họ kiểm tra xe rất kỹ đề phòng gài mìn. Hàng tuần một trong hai người vẫn phải vào cơ quan của họ để báo cáo hoạt động và chuyện đi đứng của tôi. Họ cho tôi biết điều đó. Trong 10 năm sống với tôi, họ cùng chia sẻ mọi sự căng thẳng, khó khăn. Khi tôi mở cuộc họp báo chống chính phủ hoặc “xuống đường” biểu tình, tôi bảo họ ở lại nhà để tránh cho họ khỏi lúng túng trước những tình huống khó xử: không biết phải can thiệp thế nào trước sự đàn áp của các đồng nghiệp cảnh sát nhắm vào người mà mình có trách nhiệm bảo vệ. Suốt thời gian 10 năm tôi chẳng có gì phiền hà về họ. Giữa hai người, lúc đầu, tôi có chút nghi ngờ Trường vì cấp bậc của Trường là trung sĩ cảnh sát, từng được đào tạo ở trại huấn luyện đặc biệt của quân đội Mỹ ở Thái Lan. Nhưng sau ngày đất nước thống nhất, thật vô cùng bất ngờ tôi mới biết Trường lại là một “Việt cộng” nằm vùng. Cả gia đình anh ở Bến Tre đều tham gia cách mạng, bản thân anh từ tuổi thiếu niên đã cầm súng chiến đấu. Bị bắt trong lúc hoạt động tại Sài Gòn, vào trong khám bắt liên lạc trở lại với tổ chức, ra tù anh được tổ chức đưa vào Tổng nha làm cảnh sát, nhưng sau đó mất liên lạc với người giới thiệu, do đó tình cảnh của Trường sau ngày 30-4-1975 không thể tránh lận đận một thời gian. Cố nhà báo Huỳnh Bá Thành, nguyên Tổng biên tập báo Công an TP. HCM đã từng viết giấy xác nhận cho Trường vì trước 1975, anh Huỳnh Bá Thành thường lui tới nhà tôi và hay gặp Trường. Tôi không biết họ có nói gì, bàn gì với nhau vào lúc ấy hay không.

Sau 1975, anh Trường bị “kẹt” trong trại học tập cải tạo một thời gian ngắn và khi trở về anh có thăm hai vợ chồng tôi. Lúc đó anh mới nhắc lại một sự việc xảy ra trước 1975. Số là trong thời gian anh Nguyễn Hữu Thái, sinh viên kiến trúc, bị cảnh sát Sài Gòn săn lùng, anh đã trốn ở tầng 3 trong nhà tôi cả năm (từ 1974-1975). Ban đầu, anh Thái xin “tá túc” ở chùa Ấn Quang nhưng Thượng tọa Thích Trí Quang có mời tôi đến và cho biết sự theo dõi rất chặt chẽ của cảnh sát nên không thể để anh Thái ở chùa. Thượng tọa Trí Quang gợi ý tôi đưa anh Thái trốn trong “Dinh Hoa Lan” của đại tướng Dương Văn Minh. Nhưng ở đây đã có số người “lánh nạn” khá đông: ông Nguyễn Văn Cước, một nhà hoạt động công đoàn, cựu dân biểu Dương Văn Ba, nhà báo Nguyễn Đình Nam. Không còn cách nào khác, tôi đã nhận che giấu anh Thái tại nhà mình.

Hai cảnh sát chìm được tổng nha gửi “bảo vệ” tôi, anh Trường và anh Bé, dĩ nhiên cũng “ngửi” thấy có người lạ trên tầng 3. Anh Trường kể lại: một hôm anh Bé báo cáo với anh Trường (là tổ trưởng) rằng anh vừa lục thấy trong phòng, nơi anh Thái trốn, có thư chúc Tết của Hồ Chủ Tịch. Anh Bé phát hiện việc này khi anh Thái vào buồng tắm. Anh Bé có ý định báo cáo với “phòng bảo vệ yếu nhân” – cơ quan của mình. Anh Trường rất lúng túng, nhưng nhanh chóng nghĩ ra cách đối phó. Anh khuyên anh Bé “không nên hấp tấp, anh Thái là một sinh viên, những hoạt động như thế này chẳng có gì thật ghê gớm. Nếu mình báo cáo dĩ nhiên ông Chung sẽ được Tổng nha tra hỏi và ông sẽ biết sự việc này. Phản ứng của ông chắc chắn là trả mình về Tổng nha. Mình sẽ mất một đầu lương không và không chắc tìm được một chỗ yên ổn như ở đây”. Theo anh Trường thì mình nên theo dõi tiếp xem sao rồi hãy quyết định cũng không muộn”. Thế là anh “trung sĩ – cảnh sát viên” Phan Xuân Trường đã âm thầm cứu anh Thái khỏi bị rơi vào tay cảnh sát Sài Gòn mà anh Thái không hề hay biết.

...Trong thời gian làm dân biểu Quốc hội lập hiến, sau khi kết thúc nhiệm vụ chủ tịch Ủy ban điều tra vụ ám sát dân biểu Trần Văn Văn, tôi được bầu tiếp làm chủ tịch Ủy ban cứu xét các vụ án chính trị. Ủy ban này thật sự không giở lại từng hồ sơ các vụ án chính trị xảy ra dưới chế độ Diệm đàn áp Phật giáo, hoặc sau 1 -11- 1963 đến phiên những người Công giáo và những người thân chế độ Diệm bị tù tội và tịch thu tài sản. Chủ trương của Quốc hội lập hiến là ra một đạo phật “đại xá” cho cả hai phía, kể cả việc hoàn trả tài sản. Quốc hội lập hiến đúng ra chỉ có một Ủy ban: Ủy ban dự thảo Hiến pháp do một luật sư đứng đầu. Còn một Ủy ban kia (Ủy ban điều tra vụ ám sát và Ủy ban cứu xét các vụ án chính trị) được thành lập nhằm đáp ứng những yêu cầu đặc biệt.

Để soạn thảo bản dự thảo luật “Cứu xét các vụ án chính trị”, tôi mời chuyên viên luật Vương Văn Bắc – luật sư và là giáo sư Học viện quốc gia hành chính. Trong lúc soạn thảo dự luật này, tôi có tiếp một người khách đặc biệt tại nhà: Ông Nguyễn Văn Bửu, chủ đoàn tàu buôn lớn nhất Sài Gòn và là nhà kinh tài nổi tiếng của gia đình Ngô Đình Diệm. Ông đề nghị, thông qua một người thân của tôi, trao cho tôi một số tiền lớn để tôi can thiệp trả lại tài sản cho ông. Lúc này tôi không còn ở cái phòng thuê chật hẹp hôi tanh mùi bùn quanh năm bên kinh Nhiêu Lộc và đã dọn về một căn phố tuy khá hơn trên đường Nguyễn Tri Phương, bề ngang 3 mét, bề dài 12 mét nhưng vào mùa nóng không khí trong nhà không thua lò nướng bánh mì. Ông Bửu đến nhà tôi vào một buổi trưa như thế. Tôi trả lời ông ngắn gọn: “Ông yên tâm về nhà. Quốc hội sẽ ra một đạo luật rất có thể bao gồm cả trường hợp của ông. Chuyện của ông được hay không được là do đạo luật đó chứ không thể do sự can thiệp riêng của tôi”. Vợ tôi ở phòng trong nghe rất rõ đề nghị của ông với số tiền rất lớn và cũng nghe sự từ chối của tôi. Khi ông Bửu về, Quỳnh Nga đã vui vẻ tán đồng thái độ của chồng mình.

Cũng trong thời gian làm chủ tịch Ủy ban cứu xét các vụ án chính trị, tại văn phòng của mình ở Quốc hội tôi đã tiếp một người khách khác cũng khá đặc biệt. Khi cô thư ký đưa cho tôi phiếu xin tiếp, thấy tên, tôi đã nhớ ngay con người này. Ông là cựu trung tá tỉnh trưởng Ba Xuyên (Sóc Trăng) – thời ba tôi làm phó tỉnh trưởng hành chính tại đây. Ông cựu trung tá này là “con cưng” của ông Diệm, là một thứ hung thần đối với người dân địa phương những năm 1962-1963. Cha tôi từng là nạn nhân của ông ta. Có lẽ do không thể tự do thao túng vấn đề tiền bạc và ngân sách tỉnh nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của phó tỉnh trưởng hành chính, tức cha tôi, nên ông tìm đủ mọi cách hãm hại và loại trừ cha tôi. Ông gửi nhiều báo cáo mật về Bộ nội vụ ở Sài Gòn tố cáo cha tôi có quan hệ với “Việt cộng”. Dĩ nhiên đây là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Cha tôi tình cờ biết được việc này nhờ bạn bè ở Bộ nội vụ tiết lộ với ông. Đám cưới của tôi tổ chức tại Ba Xuyên năm 1962 có vợ chồng trung tá tỉnh trưởng này dự. Cho nên khi ông ta vừa bước vào phòng, tôi nhận ra ngay. Ông ta già hẳn đi, không còn cái vẻ tự mãn và hách dịch của năm năm về trước. Chuyện bể dâu thật đáng sợ. Con người toan tính hãm hại cha tôi đang ngồi trước mặt tôi. Ông không dám nhìn thẳng tôi và rụt rè ngồi xuống ghế. Ông trình bày một mạch trường hợp ông bị bắt, giam cầm và tịch thu tài sản sau khi chế độ Diệm sụp đổ. Nguyện vọng của ông là được cứu xét xóa án và hoàn trả tài sản. Tôi không muốn kéo dài không khí căng thẳng cho ông, liền mở lời: “Có phải ông là trung tá HMT? Tôi là con trai của Lý Quí Phát. Chắc trung tá còn nhớ, trung tá có dự đám cưới của tôi. Tôi thông cảm trường hợp của trung tá nhưng tôi không có thẩm quyền can thiệp cho từng trường hợp. Sẽ có một đạo luật ra đời giải quyết chung các trường hợp như của trung tá”. Có lẽ ông ta không ngờ người con của nạn nhân mà ông từng ra tay hãm hại lại tiếp ông đàng hoàng như thế. Tôi có kể lại cho cha tôi nghe cuộc gặp gỡ này, cha tôi nói “Con xử sự như vậy là đúng”.

Quốc hội lập hiến kéo dài một năm đã cung cấp cho tôi một môi trường học tập đấu tranh chính trị tại nghị trường và từ diễn đàn này, tôi cũng có cơ hội bày tỏ công khai qua mạng lưới báo chí Sài Gòn các quan điểm của mình đối với chính quyền, đối với các vấn đề dân chủ, chiến tranh, hòa bình v.v… Vào thời điểm này, báo chí Sài Gòn chưa bị chính quyền kiểm soát hoàn toàn vì giữa tướng Kỳ và tướng Thiệu vẫn chưa ngã ngũ ai là người nắm trọn quyền hành. Cả hai đều còn trong tư thế chờ đợi trước cuộc chạy đua giành chức tổng thống sẽ diễn ra. Thực tế cuộc chạy đua ấy bắt đầu sớm hơn ngày bầu cử chính thức. Nó diễn ra ngay sau khi hiến pháp được Quốc hội biểu quyết và trọng tài tối cao cho vòng sơ tuyển này không ai khác hơn là người Mỹ. Nói cách nào đó, cuộc bầu tổng thống ở miền Nam diễn ra hai vòng. Vòng đầu ở hậu trường trong bóng tối mới mang tính quyết định. Ứng cử viên được người Mỹ chọn đương nhiên sau đó sẽ đắc cử tổng thống.

Khi Quốc hội lập hiến hoạt động được ít tháng, tôi đã phải có một quyết định liên quan đến mối quan hệ giữa tôi và Phong trào Phục hưng miền Nam (PTPHMN), Kỹ sư Võ Long Triều, đứng đầu PTPHMN, thấy rằng ông không thể lèo lái khối Dân tộc như ý muốn của mình nên có ý định thay tôi và đặt vào vị trí trưởng khối Dân Tộc một dân biểu khác của PTPHMN trung thành với ông. Tôi đã bác bỏ ý kiến này vì hai lý do: 1. Khối Dân tộc được lập không gồm duy nhất các dân biểu PTPHMN, số đông ngoài tập hợp này chủ yếu do cá nhân tôi vận động. 2. Mặt khác, do qui tụ nhiều thành phần dân biểu khác nhau, khối Dân tộc không chấp nhận sự chi phối của riêng một tổ chức chính trị nào.

Sự bất đồng giữa tôi và ông Triều chính thức nổ ra sau sự kiện này. Hơn nữa sự thiếu thuyết phục về mặt lý tưởng của PTPHMN đã khiến tôi quyết định tách ra khỏi phong trào này – đó cũng là tổ chức chính trị duy nhất mà tôi có dính líu trong suốt cả thời kỳ hoạt động trước năm 1975. Nó không để lại cho tôi một dấu ấn nào vì thật sự nó không vạch được đường hướng nào đáp ứng hoàn cảnh đất nước, mà theo tôi đây cũng chỉ là một nhóm áp lực nhằm gây thanh thế chính trị cho cá nhân mà thôi. Những con người đầy thiện chí có mặt trong Chương trình Phát triển quận 8 (một chương trình chủ lực của PTPHMN) giành được sự ủng hộ của dân chúng địa phương chủ yếu do các hoạt động xã hội của chính bản thân họ như bác sĩ Hồ Văn Minh, anh Hồ Ngọc Nhuận… Tuy nhiên tôi không thể phủ nhận ông Võ Long Triều là người đã có một ảnh hưởng khá lớn trong sự khởi đầu bước đường chính trị của tôi.

… Thật sự không dễ dàng cho một thanh niên như tôi tự mò mẫm tìm con đường đi giữa một chính trường Sài Gòn cực kỳ hỗn loạn. Các đảng phái mọc như nấm, có đến hàng trăm bảng hiệu, có nhiều đảng chỉ vài người. Tình hình này khiến cho đảng phải ở Sài Gòn trong những năm 60 và 70 trở thành một trò hề, bị báo chí và dư luận thường xuyên giễu cợt. Tôi tự vạch con đường đi cho mình với một thứ ánh sáng duy nhất xuất phát từ con tim: đó là lòng yêu nước rất đơn sơ với mong muốn Tổ quốc của mình được độc lập, hòa bình và thống nhất. Trước mắt, sự can thiệp của người Mỹ phải chấm dứt, người Việt Nam yêu thương nhau và nước Việt Nam phải là của người Việt Nam. Thái độ chính trị của tôi trong suốt những năm tháng đất nước chiến tranh được chọn lựa và không ngừng điều chỉnh theo tiêu chí rất chung chung như thế, “bạn – thù” cũng được căn cứ như thế để nhận diện. Tôi không có một ngọn đuốc lý tưởng nào thật cụ thể soi rọi. Khi tôi mới bước vào lãnh vực chính trị và trở thành dân biểu Quốc hội lập hiến, dù sớm chọn chỗ đứng đối lập với chính quyền Sài Gòn nhưng lúc đó tôi vẫn tự coi mình thuộc về hàng ngũ “quốc gia”. Nhưng từ Quốc hội lập pháp kỳ 1 (Hạ nghị viện 1967-1971), chỗ đứng chính trị của tôi chuyển dịch vào giữa, được công khai hóa với bài xã luận ký tên của mình trên báo Tiếng Nói Dân Tộc nói về thành phần những “người Việt cô đơn”, “người Việt đứng giữa”, không đứng về phía chế độ Sài Gòn nhưng cũng không đứng về phía người cộng sản. Tôi không tự coi mình thuộc thành phần “quốc gia” nữa vì những năm tháng hoạt động trong lòng chế độ Sài Gòn, tôi đã nhận ra đó là một chế độ không đại diện cho nhân dân miền Nam, phản dân chủ và hoàn toàn không có khả năng bảo vệ chủ quyền đất nước. Đáng nói hơn nữa, đó là một chế độ hiếu chiến, không hề tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho đất nước. Tôi cũng không đứng về phía cộng sản bởi lý do đơn giản: gần như tôi không biết gì về người cộng sản. Nhưng từ năm 1971 trở về sau, sự chọn lựa chính trị của tôi lại tiếp tục chuyển dịch: tham gia nhóm chính trị do đại tướng Dương Văn Minh đứng đầu. Cùng với nhóm, chúng tôi chọn lập trường: “Nếu có chính phủ 3 thành phần theo Hiệp định Paris thì nhóm ông Minh sẽ hoạt động trong cương vị thành phần thứ 3, nhưng sẽ liên kết với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN) chứ dứt khoát không liên kết với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)”.

Đó là sự chuyển dịch về thái độ chính trị do những thực tế diễn tiến của đất nước, là kết quả của sự đối chiếu lập trường chính trị, nhất là lập trường chiến tranh và hòa bình giữa các bên. Đây hoàn toàn không phải là sự thay đổi lập trường vì thấy rằng ai là người sắp sửa chiến thắng. Trước ngày 30-4-1975 một vài tháng, vẫn có nhiều người không đoán được ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam và đoán được nó sẽ kết thúc như thế nào. Huống hồ trước đó hai, ba năm! Chuyển dịch lập trường sang hướng tả, nhiều anh em trong nhóm Dương Văn Minh từ năm 1971 ý thức rất rõ rằng mình phải sẵn sàng chấp nhận các đòn đàn áp và triệt tiêu từ phía chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1974, tình hình gần như bế tắc đối với giới thanh niên trí thức tiến bộ, kể cả các phần tử đối lập, tôi có gặp anh Dương Văn Ba lúc đó đang “tị nạn chính trị” trong Dinh Hoa Lan của tướng Dương Văn Minh, bàn chuyện tìm cách liên lạc với MTDTGPMN và chọn hẳn con đường hoạt động bí mật. Tôi thừa biết nếu chế độ Thiệu đứng vững đến năm 1975 và tổ chức bầu cử Hạ nghị viện lần ba thì tôi sẽ không có đất sống ở cái đất Sài Gòn này. Nhất định tôi sẽ bị chế độ Thiệu xóa sổ!

Nhưng cả tôi lẫn anh Ba chẳng ai biết cách nào để liên lạc với MTDTGPMN.


7. Chung quanh cuộc bầu cử tổng thống Sài Gòn 1967

Để kịp thời hạn do Washington đặt ra, hai tướng Thiệu, Kỳ buộc Quốc hội lập hiến phải họp cả ngày lẫn đêm ở giai đoạn cuối cùng. Bản hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua ngày 18-3-1967 thì liền đó chỉ hai ngày sau (20-3-1967), hai tướng Thiệu và Kỳ đã vội vàng mang nó sang đảo Guam để tổng thống Mỹ Johnson duyệt. Chính ngoại trưởng Henry Kissinger sau này đã nói rõ trong hồi ký của ông rằng hiến pháp của chế độ Sài Gòn đã được thảo ra “với sự cố vấn và giúp đỡ của người Mỹ” (nguyên văn: drafted with American advice and assistance). Tại đảo Guam có mặt đầy đủ các nhà lãnh đạo Washington, từ tổng thống Johnson đến bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk và bộ trưởng quốc phòng McNamara. Cho đến lúc này, tướng Kỳ có ảo tưởng mìh đang nắm tình hình chính trị ở Sài Gòn, lèo lái luôn cái Ủy ban lãnh đạo quốc gia mà người đứng đầu là tướng Thiệu. Cả bản hiến pháp, ông cũng tự xem là tác phẩm của ông. Do đó tại Guam, ông tự coi mình là người đối thoại chính với tổng thống Johnson. Trong cuốn tự truyện của ông Kỳ “Đứa con cầu tự” (Buddha’s child- Nhà xuất bản ST. Martins Press – New York), kể lại rằng tại Guam, ông đã đề xuất với tổng thống Johnson một kế hoạch nhanh chóng kết thúc chiến tranh Việt Nam bằng cách ngay sau cuộc bầu cử tổng thống ở miền Nam, ông sẽ từ chức thủ tướng và đích thân ông sẽ chỉ huy một cuộc tấn công vào miền Bắc với lực lượng quân đội Sài Gòn. Theo ông Kỳ, cuộc tấn công này buộc Bắc Việt phải ra lệnh rút quân khỏi miền Nam và chấp nhận hòa bình. Trước đề xuất này, T. T Johnson lạnh lùng quay qua nói với MacNamara: “Này Mac, hãy nói cho tướng Kỳ biết chúng ta không tính đến chuyện đó”.

Tướng Kỳ luôn tìm cách thúc đẩy giải pháp quân sự và vận động Mỹ dùng tối đa sức mạnh quân sự để giành chiến thắng. Bản thân ông chưa chắc tin rằng một cuộc tấn công như thế sẽ khiến miền Bắc “khuất phục”, nhưng có một điều ông biết khá chắc chắn là với cuộc chiến đẩy lên cao, tất yếu vai trò và vị trí của ông trong chiến tranh sẽ được củng cố. Nhưng với người Mỹ lúc này, ý đồ của họ là tạo ra một nền dân chủ giả tạo tại miền Nam trước đã. Với một quốc hội dân cử và một tổng thống được dựng lên, sự can thiệp của Mý vào Việt Nam sẽ có được một cái vỏ hợp pháp.

Ngay sau khi hiến pháp vừa ban hành (ngày 18-3-1967), cuộc chạy đua giành ảnh hưởng của hai ông Thiệu và Kỳ diễn ra ráo riết. Ngày 11-5-1967, ông Kỳ tuyên bố sẽ ra ứng cử, ngay sau đó ông Thiệu cũng thông báo: “hoàn toàn có khả năng” ông sẽ ra tranh cử với ông Kỳ. Tướng Kỳ liền dựa vào các tướng lĩnh thuộc phe mình để áp lực lượng Thiệu thay đổi quyết định với lập luận: chính ông là người lãnh đạo miền Nam khá tốt trong thời gian làm thủ tướng. Người được tướng Kỳ phái đi gặp tướng Thiệu để truyền đạt ý kiến này là thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng, đang giữ chức bộ trưởng Bộ Chiêu hồi trong nội các của Kỳ. Tướng Thắng khuyên Thiệu không nên ra ứng cử và nên lui về đứng đầu quân đội. Thiệu bác bỏ đề nghị này và cho rằng Kỳ và phe ông ta âm mưu đưa ông vào bẫy để loại bỏ ông. Thấy không lay chuyển được đối thủ của mình, Kỳ triệu tập các tướng lĩnh đang nắm những vị trí quan trọng nhất (theo Kỳ đây là bộ phận đầu não, một politburo của quân đội) để hợp thức hóa sự chọn lựa ông với tư cách ứng cử viên chính thức và duy nhất của quân đội. Theo Kỳ kể lại, ông được cuộc họp này bỏ phiếu nhất trí chọn ông, nhưng cuộc họp lại không tìm ra giải pháp để buộc Thiệu tự nguyện rút lui khỏi cuộc tranh cử. Tướng Kỳ cho rằng Thiệu không thể thắng cử mà không có sự ủng hộ của quân đội, do đó cứ để Thiệu ứng cử với tư cách một ứng cử viên tự do và ông ta sẽ dễ dàng bị đánh bại. Ông Kỳ còn toan tính cả việc đưa tướng Cao Văn Viên thay tướng Thiệu ở cương vị Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia. Nhưng các toan tính của Kỳ không hề lay chuyển tướng Thiệu vì Thiệu hiểu rất rõ rằng người quyết định “ai là ứng cử viên của quân đội” chính là người Mỹ chứ không phải các tướng lãnh Sài Gòn. Thiệu có thông tin khá chắc chắn là đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker – người được báo chí Sài Gòn đặt tên “ông già tủ lạnh” (có lẽ do gương mặt lạnh lùng) vừa thay đại sứ Henry Cabot Lodge – và phần đông các quan chức Mỹ cao cấp tại Sài Gòn đều nghiêng sự chọn lựa về mình. Kể cả tướng William Westmoreland, người đứng đầu quân đội Mỹ tại miền Nam. Trong hồi ký của Westmoreland về chiến tranh Việt Nam, xuất bản năm 1976, nhắc lại cuộc tranh chấp giữa Thiệu và Kỳ giành quyền ứng cử tổng thống, tướng Westmoreland viết rằng:

“Trong các ứng cử viên dự kiến, tôi thấy Nguyễn Văn Thiệu là niềm hi vọng thật sự cho đất nước (miền Nam Việt Nam)”. Với Nguyễn Cao Kỳ, Westmoreland mô tả bằng những từ như “flamboyant” (khoa trương, cường điệu), “impetuous” (hay bốc).

Chính vì thế, dù cho sau đó tướng Kỳ có lèo lái Ủy ban lãnh đạo quốc gia họp chính thức bỏ phiếu chọn ông làm ứng cử viên của quân đội nhưng giờ chót Kỳ vẫn phải rút tên và nhường cho ông Thiệu. Tướng Kỳ khi nhắc lại sự kiện này vẫn coi đây là một cử chỉ fair play (chơi đẹp) của mình nhưng nhiều năm sau vẫn tiếc rằng hành động “quân tử Tàu”- nhường cho Thiệu ra ứng cử tổng thống – là một sai lầm trong cuộc đời chính trị của ông. Ông nói rằng chính sự nhân nhượng ấy đã dẫn tới sự thất bại của phe chống Cộng ở miền Nam. Nhưng những người hiểu rõ tình hình tranh giành quyền lực giữa Thiệu và Kỳ lúc đó thì Kỳ không thể làm gì khác hơn trước áp lực của tòa đại sứ Mỹ. Đại sứ Bunker lúc ấy là một “quan toàn quyền” đúng nghĩa. Ông muốn chọn ai là người ấy được. Ông Kỳ quá hiểu rằng đi ngược lại ý muốn của người Mỹ là tự sát chính trị. Sau khi Kỳ rút lui thì Ủy ban lãnh đạo quốc gia đề nghị Kỳ đứng phó trong liên danh ứng cử “để giữ sự đoàn kết trong quân đội”. Cũng cần ghi nhận ở đây, với cuộc đấu đá giữa Thiệu và Kỳ tranh giành ứng cử, người dân Sài Gòn phần đông không đứng về phía nào cả, bởi trong thực tế họ đều bác bỏ cả hai.

Ngoài liên danh Thiệu–Kỳ, có 10 liên danh khác của các nhân sĩ và đảng phải ghi danh ứng cử. Trung tướng Dương Văn Minh đang sống lưu vong ở Bangkok, ngày 28-6-1967, cũng lên tiếng đòi về nước tranh cử.

Nhưng Ủy ban quốc gia chống lại ý định trở về của tướng Dương Văn Minh. Trong các liên danh dân sự, có liên danh của ông Trần Văn Hương được đông đảo trí thức miền Nam ủng hộ. Tôi là một trong những người tích cực vận động cho ông Hương. Chỗ dựa chính của ông Hương vẫn là Hội Liên trường.

Nhân dịp tham gia phái đoàn dân biểu dự cuộc họp của Hội liên hiệp nghị sĩ Á châu (APU) tại Bangkok, tôi được ông Hương ủy nhiệm để tiếp xúc với ông Dương Văn Minh và yêu cầu ông đưa ra lời tuyên bố ủng hộ ông Hương. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với trung tướng Dương Văn Minh. Tướng Minh tiếp tôi tại câu lạc bộ thể thao cưỡi ngựa ở Bangkok trong một buổi ăn trưa. Ông cho tôi biết tuyên bố của ông ra ứng cử tổng thống chỉ nhằm mục đích tìm cách trở về Sài Gòn một cách hợp pháp thế thôi, chứ không có ý định thật sự tranh chức tổng thống. Sau khi nghe tôi trình bày lời yêu cầu của ông Hương, ông Minh hứa sẽ có lời tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Trần Văn Hương. Cuộc tiếp xúc ngắn ngủi ấy để lại trong tôi một ấn tượng tốt đẹp về nhân vật mà báo chí Mỹ thường gọi là “Big Minh”, tức “Minh lớn”, để phân biệt với một tướng Minh khác, Trần Văn Minh, được gọi là “Minh nhỏ”. Dĩ nhiên, khi tiếp xúc lần đó với trung tướng Dương Văn Minh, tôi không làm sao đoán ra rằng một phần cuộc đời sau này của tôi lại gắn bó với ông.

Trong cuộc vận động cho ông Trần Văn Hương, tôi còn lãnh một ủy nhiệm khác của ông: đến thành phố Đà Nẵng để mời bác sĩ Trần Đình Nam, một nhân sĩ có uy tín ở miền Trung, tham gia liên danh của ông Hương với tư cách ứng cử viên phó tổng thống. Bác sĩ Trần Đình Nam từng làm bộ trưởng thời chính phủ Trần Trọng Kim. Sau đảo chính Diệm 1963, bác sĩ Nam được mời vào Thượng hội đồng quốc gia, một định chế chính trị được các tướng lãnh Sài Gòn lập ra. Hội đồng này là một thay thế tạm thời cho quốc hội Sài Gòn đã bị giải tán. Chính ông Trần Văn Hương cũng được mời tham gia Hội đồng này. Bác sĩ Nam, lúc đó gần 60 tuổi, đã tiếp tôi thẳng thắn bày tỏ quan điểm của ông về chính quyền Sài Gòn như sau: ngày nào còn người Mỹ tại miền Nam thì chính quyền Sài Gòn không thể có quyền tự quyết và không thể thoát khỏi thân phận bị cầm tù. Bác sĩ Trần Đình Nam bảo tôi chuyển lời tới ông Hương rằng ông không thể cùng ông Hương ra ứng cử tổng thống – phó tổng thống, và có lời khuyên ông Hương nên rút lui ý định của mình vì không thể ra gánh vác việc nước vào lúc này. Tôi rất cảm phục thái độ của ông Trần Đình Nam, nhưng lúc đó tôi lại nghĩ thái độ đó quá khích hoặc bảo thủ. Nhiều năm sau nghĩ lại tôi mới nhận ra rằng, trong cuộc tiếp xúc ấy, bác sĩ Trần Đình Nam đã cung cấp cho chính bản thân tôi một bài học chính trị quý giá.

Cuối cùng ông Hương mời ông Mai Thọ Truyền, hội trưởng Hội Phật học Nam Việt, trụ sở chính nằm tại chùa Xá Lợi, cùng đứng chung liên danh với ông. Tôi được ông Hương chọn làm người phụ trách báo chí Việt Nam cho liên danh. Người phụ trách báo chí tiếng Anh là giáo sư Tôn Thất Thiện. Người viết các bài diễn văn tranh cử cho ông Hương là giáo sư Lý Chánh Trung. Các liên danh dân sự đáng chú ý khác gồm có: liên danh của cụ Phan Khắc Sửu, của luật sư Trương Đình Dzu. Nhưng mạnh nhất vẫn là liên danh Trần Văn Hương- Mai Thọ Truyền. Nếu phe cầm quyền, tức quân đội, không gian lận phiếu thì chắc chắn liên danh Trần Văn Hương về đầu. Bấy giờ ông Hương là gương mặt đối lập sáng nhất. Mọi người đều không tin cuộc bầu cử sẽ diễn ra trung thực. Những người ủng hộ ông Hương cũng không có ảo tưởng rằng ông Hương sẽ đắc cử. Nhưng cuộc bầu cử là một dịp để những người đối lập với chính quyền có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình, áp lực mạnh mẽ hơn chống độc tài quân phiệt và chống chiến tranh.

Đúng như sự tiên đoán của các giới, liên danh Trần Văn Hương–Mai Thọ Truyền về đầu tại khu vực bầu cử Sài Gòn – Gia Định, liên danh Nguyễn Văn Thiệu về nhì. Do có sự hiện diện của khá đông quan sát viên quốc tế tại Sài Gòn và Gia Định, phe quân đội đã “thả nổi” cuộc bỏ phiếu tại khu vực này, mặc dù họ cũng dùng rất nhiều đơn vị quân đội đi bỏ phiếu nhiều lượt để hạn chế sự thất bại của họ. Còn ở các tỉnh thì họ tha hồ gian lận. Các thùng phiếu đều bị đánh tráo khi được chuyển về các nơi kiểm phiếu. Liên danh Thiệu – Kỳ về đầu trên toàn miền Nam với 35% phiếu, một tỷ lệ thấp, chỉ được Washington công nhận sớm nhất. Dư luận quốc tế, kể cả phe đồng minh của Mỹ, cũng tỏ ra dè dặt. Ở miền Nam, tuyệt đại đa số dân chúng không ai coi đó là một kết quả trung thực. Ở các tỉnh, liên danh Trương Đình Dzu, với chủ trương hòa bình và thương thuyết với MTDTGPMN để chấm dứt chiến tranh, đã thu được một số phiếu khá cao (chỉ đứng sau liên danh Thiệu – Kỳ).

Theo hiến pháp, kết quả bầu cử phải được Quốc hội hợp thức hóa. Đây là một âu lo không nhỏ cho Nguyễn Văn Thiệu và phe ông. Mặc dù ông Kỳ đã lùi một bước, chịu đứng phó cho ông, nhưng ông Thiệu thừa biết Kỳ không mặn mòi gì với địa vị phó tổng thống. Thậm chí ông cũng đoán ra rằng Kỳ vẫn nuôi ý đồ phá vỡ cuộc hợp thức hóa bầu cử để có cơ hội “xóa bài làm lại”. Một mặt ông Kỳ tiết lộ rằng ông không tán đồng đề xuất của một nhóm dân biểu đến tìm ông để vận động bỏ phiếu chống lại sự đắc cử của liên danh Thiệu tại quốc hội. Nhưng thực tế mà tôi chứng kiến với tư cách dân biểu thì rõ ràng ông Kỳ đã ngầm ngầm khuyến khích các cuộc xuống đường phản ứng của các giới chống lại sự hợp thức hóa kết quả bầu cử. Các dân biểu thuộc phe ông được bật đèn xanh liên kết cùng phe đối lập để tạo áp lực chống Thiệu và gây tình hình xáo trộn.

Thời điểm này, ông Thiệu còn đơn độc, hậu thuẫn sau lưng ông còn mỏng, chưa đủ lực và tay chân để triệt các đòn ngầm phá bĩnh của ông Kỳ. Chính lúc này, một tùy viện quân sự của Nguyễn Văn Thiệu là trung tá Nguyễn Văn Đẩu, bạn quần vợt của cha tôi (khác với trung tá cùng tên Đẩu nhưng là tùy viên quân sự của tướng Dương Văn Minh) tìm gặp tôi để chuyển lời chính thức của trung tướng Thiệu muốn có một cuộc tiếp xúc riêng với tôi. Mục đích của tướng Thiệu là vận động tôi và khối dân biểu Dân tộc bỏ phiếu hợp thức hóa sự đắc cử của ông ta. Trung tá Đẩu còn nhờ cha tôi nói thêm với tôi nhằm thuyết phục tôi. Nể người bạn của cha mình, đồng thời nghĩ rằng gặp ông Thiệu chưa có nghĩa là chấp nhận các đề nghị của ông, tôi đồng ý gặp tướng Thiệu nhưng đưa ra điều kiện cuộc gặp gỡ chỉ có hai người, không có người thứ ba. Ông Thiệu chấp nhận điều kiện. Cuộc tiếp xúc tay đôi diễn ra tại nhà riêng của tướng Thiệu, lúc này còn nằm trong khu tưỡng lãnh ở bộ Tổng tham mưu (trên đường vào phi trường Tân Sơn Nhất). Nhà ông ở cạnh trung tướng Trần Thiện Khiêm. Sĩ quan liên lạc của ông đưa tôi vào phòng khách. Cánh cửa mở ra và tướng Thiệu từ phòng bên cạnh xuất hiện. Ông ta có nụ cười dễ gây cảm tình. Ông bước tới bắt tay tôi: “Kính chào ông dân biểu”. Tôi đáp lại: “Kính chào trung tướng” (Lúc này ông vẫn chưa được gọi là tổng thống). Có lẽ đã được sắp xếp trước, cái sa – lông tôi đang ngồi chỉ có hai ghế với cái bàn nhỏ ở giữa khiến cho hai người đối thoại nhau không cách nhau xa. Ông Thiệu đi thẳng vào vấn đề: “Trước hết tôi xin trình bày với ông dân biểu tình hình hiện này. Chính phủ VNCH rất cần sự ổn định chính trị và nhất là một nền tảng dân chủ vững chắc để được chính phủ và quốc hội Mỹ tiếp tục ủng hộ và viện trợ mạnh mẽ. Do đó rất cần cuộc biểu quyết hợp thức hóa cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra tại Quốc hội được thông qua với một số phiếu cao nhất. Điều đó thể hiện sự đoàn kết của quân dân ta. Vì vậy tôi mong ông dân biểu cùng khối Dân tộc của ông sẽ bỏ phiếu hợp thức hóa kết quả bầu cử”.

Tôi không cần suy nghĩ, vì câu trả lời đã có sẵn trong đầu:

- Thưa trung tướng, tôi là đại diện báo chí của liên danh Trần Văn Hương. Sau khi có kết quả bầu cử, liên danh Trần Văn Hương đã họp báo và tố cáo cuộc bầu cử diễn ra không trung thực. Vậy tôi không thể nào đi ngược lại lập trường này và bỏ phiếu hợp thức hóa kết quả cuộc bầu cử.

Suy nghĩ một lúc, tướng Thiệu đưa ra một gợi ý: Quốc hội sẽ được lèo lái để cuộc bỏ phiếu diễn ra theo thể thức kín. Ông nói với tôi:

- Công khai thì ông dân biểu vẫn giữ lập trường mình nhưng khi bỏ phiếu kín, ông dân biểu có thể bỏ phiếu hợp thức hóa.

Tôi trả lời ngay:

- Thưa trung tướng, tôi không thể có hai lập trường khác nhau khi công khai và khi bỏ phiếu kín. Các thành viên trong khối chúng tôi chắc chắn sẽ phản đối. Nhưng tôi hứa nếu trung tướng lãnh đạo được một chính phủ hợp lòng dân thì tôi sẽ hoạt động với tinh thần xây dựng trong tư cách đối lập hợp pháp – opposition légale.

Cuộc nói chuyện kết thúc dĩ nhiên không đem lại sự hài lòng cho ông Thiệu. Tuy nhiên ông đã tiễn tôi ra cửa một cách lịch sự.

Cuối cùng Quốc hội lập hiến đã hợp thức hóa sự đắc cử của liên danh Thiệu–Kỳ với số phiếu rất thấp: 58 thuận và 43 chống. Khối dân biểu Dân tộc vẫn giữ vững lập trường bác bỏ cuộc bầu cử. Ông Kỳ ngấm ngầm khuyến khích những lá phiếu chống nhưng về mặt công khai, ông Kỳ nói với ông Thiệu rằng ông đã cử trung tá Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc cảnh sát, có mặt trong cuộc biểu quyết “để thúc đẩy các dân biểu bỏ phiếu hợp thức hóa” (như đã kể ở đoạn trước, tôi đã phản đối sự hiện diện của trung tá Loan trong phòng họp Quốc hội).

Về cuộc bầu tổng thống ở miền Nam 1967, theo một số tài liệu mật được tiết lộ sau này của tình báo Mỹ, đã có một cuộc “đi đêm” giữa tướng Thiệu và ông Trần Văn Hương. Đáng tiếc thay cho một số đông trí thức và nhân sĩ miền Nam lúc đó đã coi ông Hương như một lãnh tụ đối lập sáng giá, một “ông già gân” có thể là chỗ dựa đối đầu phe tướng lãnh. Sau này những người đã từng ủng hộ ông đã phải thất vọng nặng nề. Từ vị trí người đối đầu liên danh Nguyễn Văn Thiệu, ông Hương chấp nhận trở thành thủ tướng của ông Thiệu. Ở cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2, năm 1971, ông Hương lại đi một bước liên kết xa hơn: ứng cử phó tổng thống trong liên danh Nguyễn Văn Thiệu. Cho nên những tiết lộ từ các tài liệu CIA, được phát hiện sau năm 1975, nói về sự “đi đêm” giữa ông Thiệu và ông Hương từ năm 1967 trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 1 là có cơ sở. Nhưng đó không phải là sự thất vọng duy nhất đối với giới trí thức miền Nam nói riêng và giới đối lập Sài Gòn nói chung. Cùng lúc với cuộc “đi đêm” giữa Thiệu–Hương còn có một cuộc “đi đêm” khác giữa Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Lộc.

Ông Nguyễn Văn Lộc là một luật sư, thời trẻ ông có tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông là Tổng thư ký hội Liên Trường, một tổ chức ái hữu gồm cựu học sinh các trường trung học lớn ở miền Nam như Chasseloup Laubat, Petrus Ký, Collège Mỹ Tho, Collège Cần Thơ. Các cựu học sinh này đều đang giữ những vị trí then chốt trong guồng máy chính quyền Sài Gòn hoặc là những trí thức, nhân sĩ hoạt động tự do có uy tín xã hội. Hội Liên Trường cũng là chỗ dựa chính cho ứng cử viên tổng thống Trần Văn Hương. Trong khi ông Thiệu “móc nối” ông Hương thì ông Kỳ lôi kéo ông Lộc! Vào thời điểm ấy các phe quân nhân đều cần liên kết với những nhân vật gần gũi với giới trí thức và quần chúng miền Nam và luật sư Lộc đã trở thành thủ tướng đầu tiên sau khi liên danh tổng thống – phó tổng thống Thiệu–Kỳ được Quốc hội lập hiến hợp thức hóa. Vậy tại sao chức vụ thủ tướng rơi vào tay luật sư Lộc – người của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ - chứ không phải là ông Hương là người của tổng thống Thiệu? Để hiểu rõ hơn điều khó hiểu này, có lẽ phải trở lại những thỏa thuận mật đã có trong phe tướng lãnh trước khi phe này đi đến quyết định đưa Nguyễn Văn Thiệu ra ứng cử thay vì Nguyễn Cao Kỳ.

Trong hồi ký Buddha’schild (Đứa con cầu tự), tướng Kỳ tiết lộ ngay say khi tướng Thiệu được phe quân đội đề cử làm ứng cử viên tổng thống thì một “hội đồng tướng lãnh” được bí mật thành lập trong đó có cả Thiệu và Kỳ. Các thành viên của tổ chức này được chọn lựa lại từ các tướng lãnh có ảnh hưởng trong Ủy ban lãnh đạo quốc gia. Theo ông Kỳ, hội đồng này được giao trách nhiệm chọn đại diện quân đội ứng cử tổng thống tương lai và một khi đại diện này đắc cử tổng thống vẫn phải tiếp tục là thành viên trong hội đồng này và chịu sự chi phối của hội đồng. Ông Kỳ được bầu là chủ tịch của hội đồng này. Ông viết: “Với tư cách chủ tịch hội đồng, tôi có nhiều quyền hành hơn”. Có thể trong thời gian đầu, khi quyền lực của mình chưa được thiết lập vững vàng, tổng thống Thiệu đã phải nhượng bộ ông Kỳ và nhường cho ông Kỳ quyền chỉ định thủ tướng. Cũng rất có thể điều này nằm trong sự thỏa thuận giữa Thiệu và Kỳ khi thành lập liên danh duy nhất. Đừng quên rằng cho đến Tết Mậu Thân 1968, gần một năm sau khi Nguyễn Văn Thiệu ngồi vào ghế tổng thống, chức Tổng giám đốc cảnh sát vẫn nằm trong tay đại tá Nguyễn Ngọc Loan, cánh tay mặt của ông Kỳ. Sau nhiệm kỳ của luật sư Lộc, ông Thiệu mới thực hiện thỏa ước với ông Hương, cử ông Hương làm thủ tướng. Bấy giờ coi như phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ chỉ còn ngồi “làm vì”.

Thế là cả hai nhân vật đại diện cho trí thức, nhân sĩ miền Nam đều bị thế lực đương quyền (phe quân đội) mua chuộc khá dễ dàng. Chỉ vì cái ghế thủ tướng mà cả hai quay lưng lại với những người ủng hộ mình một cách tỉnh bơ!

Với tôi, đây là thất vọng đầu tiên trong giai đoạn tập tễnh bước vào con đường chính trị. Tuy nhiên tôi và khá nhiều anh em trí thức khác đã không bị lôi cuốn theo sự “trở cờ”. Cho đến kết thúc chiến tranh, tôi vẫn chống lại sự hợp tác với chế độ Thiệu. Giáo sư Lý Chánh Chung, một người cũng từng ủng hộ tích cực ông Trần Văn Hương trong cuộc bầu cử tổng thống, đã có một phản ứng rất quyết liệt trước sự “trở cờ” của ông Hương: trên tờ báo Điện Tín, ông đã viết lá thư không niêm “Kính gửi ông Trần Văn Hương”, trong đó giáo sư Trung nói thẳng sự không tán đồng của ông và bạn bè ông đối với thái độ chính trị của ông Hương trong sự cộng tác với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Trong thư có nhiều lời lẽ lên án khá nặng nề. Bức thư đã gây một luồng dư luận mạnh mẽ tại Sài Gòn và được coi như là sự “ly dị” dứt khoát của giới trí thức, nhân sĩ miền Nam đối với ông Trần Văn Hương. Nhưng thật ra, ông Hương chẳng quan tâm đến dư luận. Dù bệnh tật và già yếu, đi đứng phải có người dìu hai bên, nhưng ông rất say mê quyền hành. Đó là điều tôi không nhận ra khi tiếp xúc với ông lúc đầu. Tôi vẫn tưởng là do sự đòi hỏi thời cuộc mà ông trở lại chính trường chứ không đeo đuổi một tham vọng cá nhân nào khác. Cho đến những ngày cuối tháng tư 1975, ông vẫn cố bám vào ghế tổng thống do ông Thiệu để lại và tuyên bố sẵn sàng “chiến đấu cho đến khi Sài Gòn chỉ còn viên gạch cuối cùng”.


8. Tái đắc cử vào Quốc hội lập pháp 1967

Liền sau cuộc bầu cử tổng thống lại đến cuộc bầu cử Quốc hội lập pháp. Theo hiến pháp, Quốc hội lập pháp Sài Gòn gồm hai viện: Hạ nghị viện (viện dân biểu) với nhiệm kỳ bốn năm và Thượng nghị viện (viện nghị sĩ) với nhiệm kỳ sáu năm nhưng mỗi ba năm bầu lại phân nửa. Tôi ghi tên ứng cử vào Hạ nghị viện ở đơn vị cũ, tức đơn vị 2 gồm các quận 4, 6, 7, 8 và 9. Có hơn 80 ứng cử viên, tranh 5 ghế dân biểu. Thể thức bầu cử lần này khác kỳ bầu cử Quốc hội lập hiến (theo liên danh tỷ lệ): năm người đoạt số phiếu cao nhất trong 80 ứng cử viên ghi danh sẽ giành 5 chiếc ghế dân biểu.

Khác với cuộc bầu cử trước – lúc rất ít người biết tôi và tôi chỉ trung cử nhờ vào thể thức bầu cử khá đặc biệt (gần như các ghế dân biểu được chia đều cho các ứng cử viên đứng đầu các liên danh) – lần này tuy cuộc bầu cử gay go gấp trăm lần nhưng tôi có một sự chuẩn bị rất thuận lợi trong thời gian hoạt động tích cực trong Quốc hội lập hiến. Tên tôi không còn xa lạ đối với đông đảo quần cử tri Sài Gòn. Người dân Sài Gòn lúc đó ủng hộ rất triệt để các nhà hoạt động chính trị đối lập, đồng thời có lập trường chống chiến tranh. Và quần chúng rất nhạy bén trong sự phân biệt giữa “đối lập thật” với “đối lập cuội”.

Mỗi ứng cử viên được in hai loại tài liệu phục vụ cho vận động bầu cử: một loại áp–phích 80cm-120cm để dán cho những nơi công cộng và một loại truyền bươm bướm 21cm-28cm in tiểu sử và tuyên ngôn của ứng cử viên để phát trực tiếp cho cử tri. Biểu chưng chính thức của tôi in trên các áp-phích, truyền đơn và phiếu bầu là “bó lúa và ngôi sao”. Slogan (khẩu hiệu) trên áp phích tranh cử của tôi có nội dung: “Một miền Nam trung lập trong một Đông dương trung lập”. Tôi chọn chủ đề này để tranh cử không do ảnh hưởng của bất cứ ai hay đảng phái chính trị nào, mà do suy nghĩ của cá nhân tôi, mong muốn tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh. Đối với một cá nhân hoạt động chính trị độc lập như tôi, thật không dễ dàng tìm ra con đường đi tới giữa một tình hình sáng tối rất phức tạp ở miền Nam. Dù cho con tim có lòng yêu nước chân chính, nhưng không phải các bước đi bao giờ cũng đúng đắn. Sự mù tịt về “Việt cộng” và sự thiếu hiểu biết sâu sắc về mục tiêu lý tưởng đấu tranh của “những người ở bên kia nửa phẩn Tổ quốc” do sự bưng bít thông tin rất chặt chẽ và các chiến dịch tuyên truyền chống cộng bền bỉ của chính quyền Sài Gòn qua nhiều thời kỳ, khiến cho không ít những người thuộc thế hệ trưởng thành ở miền Nam sau năm 1954 như tôi, không thể tự mình nhận định thực chất cuộc xung đột và chọn cho mình một hướng đi đúng đắn.

Với bản thân tôi, ngay cả sự hiểu biết về Hồ Chủ tịch, về cuộc chiến đấu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam là rất trễ tràng và lúc đầu rất ít ỏi. Cho đến năm 1968, nguồn tìm hiểu duy nhất của tôi là hai quyển sách mà tôi mang về từ Paris nhân một chuyến sang Pháp. Đó là quyển: Hồ Chí Minh của Jean Lacouture và Vietnam: Inside Story of the Guerilla War của Wilfred Burchett (New York, International Publishing, 1965). Thật quá ít và chẳng đi đến đâu để hiểu sâu sắc về con người Việt Nam vĩ đại nhất cũng như việc đánh giá đúng đắn cuộc chiến làm rung chuyển cả thế giới. Nhưng tôi không thể không cảm ơn Jean Lacouture và Wilfred Burchett vào thời điểm ấy đã mở cho tôi cánh cửa, dù là rất hẹp, để tiếp cận với một thực tế khác của đất nước, hiểu biết khách quan hơn lý tưởng mà những người cộng sản Việt Nam đang đeo đuổi với biết bao hy sinh xương máu. Cái may mắn lớn nhất của tôi là không bị ràng buộc bởi một thế lực chính trị nào (tôi hoạt động chính trị độc lập) và cũng không vì một quyền lợi riêng tư nên cứ “sáng” ra thêm một chút nào do những tiếp thu nhận thức mới thì tôi lại sẵn sàng điều chỉnh, chẳng chút mặc cảm. Ánh sáng duy nhất soi đường cho tôi đi tới trong những năm tháng ấy như đã nói – xuất phát từ con tim yêu nước, sự mong muốn được thấy dân tộc độc lập, đất nước hòa bình và thống nhất. Thế thôi. Ở Sài Gòn vào thời điểm này, không một tổ chức chính trị hoạt động công khai nào có khả năng đáp trả những vấn đề bức thiết của đất nước đồng thời không một tổ chức chính trị công khai nào thể hiện được một lý tưởng có hệ thống và lý luận chặt chẽ hướng tới sự thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Ánh sáng lý tưởng tỏa từ trong chiến khu và từ “bên kia nửa phần Tổ quốc” không dễ dàng đến với tất cả thanh niên và trí thức miền Nam, tổ chức chỉ đến với một số người chọn lọc, thường qua một số trung gian bí mật mà một người bình thường không thể nào bắt liên lạc được.

… Slogan tranh cử Quốc hội lập pháp của tôi – “Một miền Nam trung lập trong một Đông Dương trung lập” – như một thứ công chức hòa bình – theo suy nghĩ của tôi – cho cuộc chiến mà lúc đó tưởng như không thể tìm ra lối thoát. Cái chính là chấm dứt chiến tranh, buộc người Mỹ rút quân, không can thiệp vào vấn đề nội bộ của người Việt Nam. Là một cá nhân độc lập, không đại diện cho bất cứ thế lực chính trị nào, cũng không còn là con cờ của một cường quốc nào – nên rốt cuộc lời kêu gọi của tôi cho công thức này như tiếng kêu giữa sa mạc. Tôi không khác gì một Don Quichotte của nhà văn Cervantès. Tôi cũng ý thức được việc mình làm là “đội đá vá trời” nhưng tôi vẫn tin rằng trong tất cả các cuộc đấu tranh cho những chính nghĩa lớn, tiếng nói của từng người, dù là người rất bình thường, nếu được mạnh dạn bày tỏ công khai cũng có thể góp thành dư luận và sức mạnh. Nhưng mặt khác sự dấn thân và bày tỏ thái độ cũng là nhu cầu tự thân của những thanh niên trí thức như tôi ở vào thời điểm ấy. Vào những lúc này, tôi còn nhớ, nhạc Trịnh Công Sơn cũng là thứ thuốc kích thích tinh thần cho những người như tôi, lên lại “giây cót” mỗi khi cảm thấy buồn nản, bế tắc. Nhạc Trịnh đã thúc đẩy sự dấn thân cho nhiều thanh niên và trí thức đấu tranh vì hòa bình và dân tộc.

… Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội lập pháp cuối năm 1967: tôi về nhì trong số hơn 80 ứng cử viên tranh ở đơn vị 2 Sài Gòn. Người về nhất là bác sĩ Hồ Văn Minh, chủ tịch Chương trình Phát triển quận 8. Anh Hồ Ngọc Nhuận, cũng hoạt động trong chương trình này, đắc cử ở vị trí thứ ba. Tôi chẳng có tiền bạc để tổ chức cuộc vận động đúng nghĩa cho mình trong khi nhiều ứng cử viên khác đã chi những số tiền rất lớn, thậm chí có ứng cử viên bỏ tiền ra mua phiếu. Họ có cả một đội quân đi dán áp phích và phát truyền đơn đến từng nhà. Nhưng kết quả bầu cử cho thấy cử tri ở Sài Gòn không dễ dàng bỏ phiếu vì tiền, hay vì bất cứ một áp lực nào. Cử tri đi bỏ phiếu được nhân viên phòng phiếu phát 80 phiếu rời, mỗi phiếu in tên, hình và biểu trưng của ứng cử viên. Chọn lại 5 phiếu ứng cử viên mà mình tín nhiệm trong một xấp 80 phiếu dầy cộm quả thật không dễ dàng, nhưng đa số cử tri đã làm điều đó khá chính xác: không có ứng cử viên nào theo chính quyền hay có lập trường chủ chiến lọt vào 5 vị trí đầu ở đơn vị này. Quận Tư, quận Tám, quận Chín là những quận gồm đông đảo người lao động. Chính họ đã có chọn lựa đúng theo nguyện vọng của mình.

Cuộc bầu cử Quốc hội lập pháp năm 1967 còn có kẽ hở cho những thành phần đối lập và độc lập lọt vào. Ở ba đơn vị bầu cử tại Sài Gòn, sự can thiệp của chính quyền hầu như không có. Mục đích của chính quyền Sài Gòn và nhất là của Mỹ là cố gắng tạo ra một “tủ kính dân chủ” tại thủ đô miền Nam để tuyên truyền cho chế độ. Còn ở các tỉnh, chính quyền địa phương chưa được lệnh gắt gao lắm trong việc chọn lọc ứng cử viên. Mặc dù đã đắc cử tổng thống, nhưng ông Thiệu vẫn chưa nắm trọn quyền hành, vẫn còn dè chừng các phản ứng của phó tổng thống Kỳ và các đảng phái khác. Phải đến Quốc hội lập pháp kỳ 2 (bầu năm 1971), tổng thống Thiệu mới triệt để gạt ra ngoài tất cả các ứng cử viên đáng nghi ngờ hoặc không cam kết (trên giấy tờ hẳn hòi) ủng hộ ông. Muốn trở thành dân biểu ở các tỉnh, các ứng cử viên phải cam kết vào đảng Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu. Chính quyền Thiệu, một lần nữa, chỉ thả nổi duy nhất các đơn vị bầu cử ở Sài Gòn để cố gắng duy trì bộ mặt dân chủ giả hiệu.

Đeo đuổi lập trường hòa bình của mình đã nêu lên trong khẩu hiệu tranh cử, sau khi đắc cử, tôi đã tiếp tục cuộc vận động cho công thức “một Miền Nam trung lập trong một Đông Dương trung lập” bằng cách gửi thư trực tiếp đến một số nhà lãnh đạo Châu Á như thủ tướng Malaysia Tengku Abdul Rahman, thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, thủ tướng Nhật Bản Sato yêu cầu hỗ trợ cho giải pháp này để chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Tôi không biết vì lý do gì các thư này đều không được các địa chỉ trên hồi âm. Tôi không nghĩ các vị lãnh đạo quốc gia kể trên thấy rằng không cần thiết có thư đáp trả một dân biểu vô danh như tôi, với một sáng kiến hòa bình chẳng có trọng lượng (bởi không có một nhân vật quốc tế tên tuổi hay một quốc gia nào trước đó lên tiếng bảo trợ hay ủng hộ). Tôi nghi ngờ các thư của mình đã bị chính quyền Sài Gòn chặn lại. Sau đó tôi có gửi thư riêng cho một nghị sĩ Nhật thuộc đảng cầm quyền (ông Harizumi) mà tôi đã từng quen biết ông khi cùng dự Hội nghị Liên hiệp Nghị sĩ Châu Á tại Thái Lan. Ông Harizumi đã mời tôi sang Tokyo trình bày sáng kiến của mình với đại diện bộ Ngoại giao Nhật. Tôi đã đến thủ đô Nhật cùng vợ tôi với tư cách cá nhân. Một chuyến đi có nhiều kỷ niệm khá đẹp về sự tiếp đón nồng hậu của chủ nhà, nhưng về cuộc vận động thì chỉ dừng lại ở mức độ xã giao. Tôi không có ảo tưởng cuộc vận động của mình sẽ đi đến đâu, đó chỉ là cách thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về chiến tranh Việt Nam và ước vọng hòa bình của một người Việt Nam.

Liên quan đến đề tài vận động bầu cử của tôi – về một giải pháp trung lập – có một chuyện rất đáng nhớ. Đầu năm 1968, một tổ chức tôn giáo của người Mỹ có tên Quaker, hoạt động cho hòa bình tại Việt Nam đã mời tôi tham dự một cuộc hội thảo “Hòa bình ở Châu Á” tổ chức tại Xiêm Rệp – Campuchia. Cùng được mời dự cuộc hội thảo này còn có các dân biểu Nguyễn Hữu Chung và Hồ Ngọc Nhuận. Vương quốc Campuchia dưới sự lãnh đạo của nhà vua Sihanouk, bấy giờ không nhìn nhận chính quyền Sài Gòn và không có quan hệ ngoại giao. Nhà vua Sihanouk lúc đó ủng hộ tích cực Hà Nội và Mặt trận dân tộc giải phòng miền Nam. Tuy nhiên do cả ba chúng tôi đều thuộc khuynh hướng đối lập với chính quyền Sài Gòn, nên Vương quốc Campuchia chấp nhận cấp phép nhập cảnh.

Trong thời gian dừng chân ở thủ đô Phnom Pênh, tôi sực nhớ người bạn học xưa cùng ở nội trú tại trường Chasseloup Laubat những năm 50, con của một thành viên hoàng tộc Campuchia. Đó là Sisowath Charya. Tôi nhờ đại diện của chính quyền Sài Gòn tại Phnom Pênh tìm giùm. Vì không được Vương quốc Campuchia chính thức nhìn nhận, nên đại diện của Sài Gòn phải “tạm trú” trong Đại sứ quán của Nhật. Tại Phnom Pênh, lần đầu tiên tôi nhìn thấy lần lượt ô tô của Đại sứ VNDCCH và MTDTGP có cắm cờ chạy trên đường phố!

Người đại diện của Sài Gòn tìm Sosiwath Charya không khó lắm vì ông là con của cựu thủ tướng, hoàng thân Sirik Matak và bản thân Sisowath Chayra là một nhân vật khá nổi tiếng ở Phnom Pênh. Lúc này các hoạt động giải trí ở Phnom Pênh như vũ trường, rạp hát, nhà hàng, chiếu bóng đều là quốc doanh. Sisowath Charya được giao phụ trách tất cả mảng này. Tôi được đưa đến một căn hộ ở tầng hai một cao ốc. Người hướng dẫn cho tôi cho biết vào giờ này, buổi sáng, ông không có ở nhà. Căn hộ này là của một người bạn gái. Khi tôi bấm chuông thì một phụ nữ rất đẹp có nước da đậm đà ra mở hé cửa và hỏi bằng tiếng Campuchia: “Ông tìm ai?”. Người hướng dẫn dịch lại cho tôi hiểu và tôi nhờ ông nói lại với người phụ nữ rằng tôi muốn gặp ông Sisowath Charya. Cô gái liền trả lời: “Ở đây không có ai tên đó”. Trong khi đó thì tôi thấy loáng thoáng bên trong có một bóng người và đúng là Sisowath Charya. Ông hỏi vọng ra bằng tiếng Campuchia. Tôi nói to bằng tiếng Pháp “Lý Quý Chung, bạn cũ ở Chasseloup Laubat đến thăm bạn”. Charya chạy ra ngay, ôm chầm lấy tôi. Thế là 14 năm sau, tôi gặp lại người bạn nằm cạnh giường mình ở nội trú trường Chasseloup Laubat ngày nào. Charya kéo tôi đi ăn cơm trưa ở khách sạn sang trọng nhất Phnom Pênh. Anh lái chiếc ô tô Cadillac đời mới. Anh nói căn hộ đó không phải là nơi anh ở. Sau buổi ăn trưa, anh đưa tôi về nhà để giới thiệu với gia đình anh ở một biệt thự nằm trong khu nhà ngoại giao và các nhân vật thuộc hoàng tộc. Khi tôi đến, ông Sirik Matak đang trông coi công nhân sửa chữa phía sau ngôi biệt thự. Ông trở vào phòng khách tiếp tôi. Khi được biết tôi đến từ Sài Gòn và là bạn học cũ của con ông, ông vui vẻ kể lại những kỷ niệm về thời trẻ của ông: mỗi tối thứ bảy từ Phnom Pênh ông đi ô tô xuống thẳng Sài Gòn, ăn uống ở Chợ Lớn và khiêu vũ ở trường Grand Monde trong khu giải trí Đại Thế Giới. Ông còn kể lúc đó ông có một người yêu Việt Nam ở vùng Tân Định. Tôi hỏi ông có muốn nhắn gì với người phụ nữ năm xưa không. Ông cười: người phụ nữ ấy tôi quen thời trai trẻ bây giờ đã trở thành bà ngoại rồi, chưa chắc bà ta còn nhớ tôi là ai!

Buổi nói chuyện rất thân thiện, lúc thì bằng tiếng Pháp lúc thì tiếng Việt. Ông Sirik Matak nói tiếng Việt như người Việt. Sau này khi ông Matak trở lại cương vị thủ tướng khoảng năm 1970 hay 1971, tôi nghe nói ông chủ trương một đường lối chống người Việt Nam rất mạnh mẽ, điều đó khiến cho tôi rất ngạc nhiên. Tôi không làm sao nối kết được một Matak nói về Việt Nam đầy thiện cảm mà tôi đã gặp với một Matak thủ tướng Campuchia chống lại người Việt Nam như vậy.

Sau lần gặp nhau đó, tôi và Charya không có dịp gặp lại nhau. Sự kiện bi thảm ở đất nước Campuchia khiến tôi nhiều lần dằn vặt vì không biết Charya còn hay đã chết như hàng triệu nạn nhân của chế độ Pôn Pốt. Số phận của người cha thì tôi được biết rất sớm qua báo chí phương Tây: ông đã bị lính Pôn Pốt hành quyết trong những ngày đầu bọn chúng chiếm Phnom Pênh.

Nhưng một ngày gần cuối năm 2001, tôi nhận được một cú điện thoại của Sisowath Charya. Anh đang có mặt tại TP. Hồ Chí Minh và muốn gặp tôi. Chúng tôi hẹn nhau ăn cơm trưa tại nhà hàng Sao Mai ở đường Đông Du, quận 1. Thế là sau 33 năm cuộc gặp ở Phnom Pênh, tôi và Charya lại có dịp hội ngộ. Tôi không ngờ anh còn sống sót sau thời kỳ Pôn Pốt. May mắn cho anh là anh đã rời Phnom Pênh trước khi quân Pôn Pốt tràn vào. Anh đã kể lại cái chết bi thảm của cha anh như sau: ông Matak được tòa đại sứ Mỹ mời di tản nhưng cha anh đã từ chối mặc dù thừa biết rằng ở lại là rước lấy cái chết chắc chắn.

Trong hồi ký của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, Ending the Vietnam War, kể lại sự sụp đổ của chế độ Phonm Pênh, tác giả có nhắc lại cái chết của ông Sirik Matak với vài chi tiết rất đáng được nêu lại. Cuộc di tản ở Phnom Pênh bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 12-4-1975 bằng trực thăng. Có tất cả 82 người Mỹ, 159 người Campuchia và 35 người thuộc các quốc tịch khác được tòa đại sứ Mỹ đưa ra khỏi Campuchia bằng trực thăng. Duy nhất chỉ có một người từ chối thư mời di tản của đại sứ Mỹ John Gunther Dean: đó là cựu thủ tướng Sirik Matak. Trong một lá thư tự tay ông viết, bằng một thứ tiếng Pháp mà cựu ngoại trưởng H. Kissenger cho là rất “tao nhã”, ông Sirik Matak đã trả lời đại sứ Mỹ Dean như sau:

Thưa ngài đại sứ và là bạn thân mến của tôi!

Tôi hết sức thành thật cảm ơn ông về lá thứ ông viết cho tôi và về đề nghị của ông đưa tôi đến tự do. Rất tiếc thay, tôi không thể rời nơi đây một cách hèn nhát. Tôi không bao giờ tin rằng vào lúc này, với ông cũng như với đất nước vĩ đại của ông, lại có cái cảm nghĩ rằng mình đã bỏ rơi một dân tộc đã chọn tự do. Chúng tôi cần sự bảo vệ của các ông nhưng các ông đã từ chối, chúng tôi không thể làm gì trước tình thế này.

Ông rời nơi đây, lời chúc của tôi cho ông và đất nước của ông là sẽ tìm được hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng, hãy khắc ghi rằng, nếu tôi chết ngay ở nơi này, tại đất nước mà tôi yêu dấu, thì cũng chẳng thành vấn đề, vì rằng tất cả chúng ta sinh ra rồi đều tử biệt. Tôi chỉ mắc mỗi sai lầm là đã tin các ông (người Mỹ).
Xin ngài, cũng là người bạn thân mến của tôi, vui lòng nhận những tình cảm thân thiện của tôi.

S/Sirik Matak.

Người ta được biết ông Sirik Matak bị lính Pôn Pốt bắn vào bụng và để nằm tại chỗ mà không có thuốc men gì cả. Ba ngày sau ông ấy mới chết.

Trở lại chuyến đi Campuchia dự hội thảo do tổ chức tôn giáo Quaker tổ chức, sau khi thăm người bạn học cũ, Sisowath Charya, tại Phnom Pênh, tôi lên máy bay đi Xiêm Rệp. Cuộc hội thảo với đề tài “Hòa bình ở Châu Á” được tổ chức tại một model nằm đối diện với đền Angkor Watt chừng vài trăm mét. Khi tôi và hai dân biểu Hồ Ngọc Nhuận và Nguyễn Hữu Chung vừa đến khách sạn, chưa kịp sắp xếp đồ đạc, thì một nhà ngoại giao người Anh cũng dự cuộc hội thảo này gõ cửa phòng tôi. Ông xin phép được trao đổi chỉ một phút. Nội dung: Ông ta thông báo “một cách thân hữu” rằng tại cuộc hội thảo này có một nhà ngoại giao Nga đến từ Hà Nội nói tiếng Việt rất giỏi. Và ông ta dặn “Các ông hãy cảnh giác”. Ông ta chỉ nói thế rồi biến đi. Ông ta đi rồi tôi vẫn đứng tần ngần một lúc khá lâu. Thì ra ở cuộc hội thảo này các nhà ngoại giao cũng đồng thời là những nhà tình báo. Nhưng với tôi, sự cảnh giác của người Anh, đồng minh với chế độ Sài Gòn, chẳng có tác dụng gì. Tôi không làm việc cho ai, kể cả chính quyền Sài Gòn, do đó không giữ một bí mật gì để sợ bị lộ. Những ngày ở Xiêm Rệp, tôi tò mò quan sát sự rình rập, theo dõi nhau giữa các nhà ngoại giao thuộc hai khối đối nghịch. Tình cờ tôi tham gia vào một bộ phim OSS 117 không được thông báo trước.

Khi cuộc hội thảo kéo dài 4 ngày sắp kết thúc (trong cuộc hội thảo nhà vua Sihanouk đến nói chuyện hai lần, một lần bằng tiếng Pháp và một lần bằng tiếng Anh suốt hai tiếng đồng hồ), tất cả những người tham dự được mời chụp chung một bức ảnh kỷ niệm trước cổng vào đền Angkor Watt. Lúc đó tôi không chú ý người đứng kế bên tôi là ai. Trong khi người chụp ảnh đang điều chỉnh góc độ của máy ảnh thì tôi nghe người đàn ông phương Tây đứng cạnh tôi nói bằng một giọng rất thấp vừa đủ cho tôi nghe với một thứ tiếng Việt rất chuẩn, giọng Bắc: “Ông là dân biểu Lý Quý Chung phải không? Tôi làm việc ở sứ quán Xô Viết ở Hà Nội. Tôi được biết lập trường của ông về trung lập hóa miền Nam. Ông nên biết Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chủ trương trung lập hóa miền Nam”. Tôi liếc thấy “nhà ngoại giao Anh” đứng phía sau tôi chỉ cách hai người. Tôi trả lời nhà ngoại giao Xô viết cho có lệ vì biết rằng ở đây đầy rẫy những nhà tình báo đội lốt ngoại giao: “Tôi chưa được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh có một chủ trương như thế về miền Nam”. Kỳ thật, tôi cũng nghe đồn vào thời điểm đó người ta có dự kiến vận động một giải pháp trung lập cho miền Nam, mang ý nghĩa chiến lược nhằm xóa bỏ sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi miền Nam.

Lúc đó tôi rất ngạc nhiên về những gì nhà ngoại giao Xô viết nói với tôi. Tôi không ngờ hoạt động của mình đã được theo dõi sát như thế từ Hà Nội. Sau khi đất nước thống nhất, hơn một lần tôi có ý định tìm lại “nhà ngoại giao Xô viết” khi tôi ra Hà Nội và nhất là trong một lần viếng thăm Liên Xô năm 1979. Nhưng vì không nhớ tên, còn ảnh lúc đó lại thất lạc, nên tôi không làm sao tìm ra nhà ngoại giao này.

Trở lại hoạt động tại Hạ nghị viện mà tôi vừa tái đắc cử, tôi lại được bầu làm trưởng khối dân biểu Dân tộc. Năm sau, bác sĩ Nguyễn Đại Bảng, dân biểu Huế, được bầu thay tôi ở cương vị này. Năm đầu của Hạ nghị viện, tổng thống Thiệu chưa kiểm soát được định chế này một cách tuyệt đối. Tòa đại sứ Mỹ tỏ ý lo ngại những tiếng nói chống đối chính phủ trong quốc hội Sài Gòn sẽ ảnh hưởng các cuộc biểu quyết của quốc hội Mỹ liên quan đến các khoản viện trợ cho chính phủ Thiệu. Các nhà ngoại giao Mỹ tại Sài Gòn cố gắng vận động các dân biểu và nghị sĩ đối lập giảm bớt sự chỉ trích đối với chính phủ Thiệu. Tôi và một thành viên trong khối Dân tộc là dân biểu Nguyễn Hữu Chung được hai nhân viên tòa đại sứ Mỹ là David Lambertson và John Negroponte mời dùng cơm trưa. Hai nhà ngoại giao này rất quen thuộc đối với các dân biểu và nghị sĩ Sài Gòn vì họ liên tục tìm cách gặp gỡ, trao đổi các dân biểu và chính khách Sài Gòn để thăm dò và tiên liệu phản ứng của các giới chính trị. Dĩ nhiên các cuộc tiếp xúc ấy cũng nhằm ảnh hưởng và lôi kéo những cá nhân sẵn sàng ngả theo Mỹ. David Lambertson và John Negroponte lúc đó đều thuộc ngạch ngoại giao đệ nhị tham vụ tòa đại sứ. Sau 1975 Lambertson đã từng là đại sứ Mỹ tại Bangkok (Thái Lan) và nằm trong danh sách những nhân vật mà Washington có ý định đưa sang làm đại sứ tại Hà Nội đầu tiên khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Còn Negroponte sau thời sang Việt Nam đã tiếp tục làm đại sứ tại một quốc gia Nam Mỹ và là người đóng một vai trò quan trọng trong chính sách Mỹ can thiệp vào khu vực này. Ông là đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc trong thời gian Mỹ tiến đánh Irak và chiếm đóng nước này (từ tháng 3 năm 2003) và gần đây nhất ông là đại sứ Mỹ tại Irak.

Trong buổi cơm trưa tại nhà riêng của một trong hai người ở trong khu nhà dành cho nhân viên cao cấp sứ quán Mỹ trên đường Tú Xương, David Lambertson, không cần ỡm ờ, đặt vấn đề với chúng tôi “nên giảm cường độ chỉ trích chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, bởi nếu không, có khả năng quốc hội Mỹ sẽ cắt bớt viện trợ cho miền Nam”. Đồng viện của tôi, anh Nguyễn Hữu Chung, có cái tính rất thẳng và tưng tửng, đã gạn hỏi lại Lambertson: “Chẳng lẽ dân biểu chúng tôi khi phát biểu tại Hạ Nghị Viện lại phải dè chừng quốc hội Mỹ phản ứng ra sao?”. David Lambertson đột ngột phản ứng không kiềm chế, quên mình là một nhà ngoại giao: “Đúng thế, ông dân biểu phải quan tâm đến phản ứng của quốc hội Mỹ”. John Negroponte chẳng nói gì, làm thinh theo dõi. Tôi kéo câu chuyện qua hướng khác để hạ nhiệt độ. Chắc chắn hai nhà ngoại giao Mỹ rất thất vọng về thái độ của tôi và anh Nguyễn Hữu Chung. Và đương nhiên hai chúng tôi chẳng bao giờ “được” nằm trong danh sách những chính khách Sài Gòn được Mỹ tin cậy!

Tôi thường nói chuyện với các nhà ngoại giao Mỹ bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Việt. Tiếng Anh của tôi học trong các trường trung học Pháp lúc đó chưa đủ để có thể sử dụng trong giao tiếp với người Mỹ. Đa số các nhà ngoại giao Mỹ có mặt tại miền Nam những năm 60 và 70 đều nói được tiếng Việt hoặc tiếng Pháp. Họ biết rằng các nhân sĩ, trí thức thuộc thế hệ này đều trưởng thành từ thời chiếm đóng của Pháp. Chỉ có các chuyên viên và trí thức thuộc thế hệ sau, hoặc du học ở Mỹ trở về những năm 60, mới nói tiếng Anh thông thạo. Do vị trí của tôi trong Hạ Nghị Viện, giới ngoại giao Mỹ thường mời tôi dự tiệc tùng mỗi khi họ đón tiếp một nhân vật quan trọng từ Washington sang. Đặc biệt vào mỗi cuối tuần (Week-end), John Negroponte và David Lambertson thường tổ chức các buổi ăn trưa và bơi lội tại biệt thự riêng của cố vấn chính trị tòa đại sứ Mỹ Philip Habib tại số 6 đường Tú Xương. Sau này Philip Habib trở thành đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc (1971) và thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Nam Á (1975, trước khi chế độ Sài Gòn sụp đổ).
Và tôi còn nhớ trong một trận đấu bóng nước tại hồ bơi của ông Habib, tôi đã bị John Negroponte đè sâu dưới nước suýt nữa ngoi lên không được khi đôi bên tranh bóng quyết liệt. Negroponte to lớn gấp đôi tôi. Tôi không biết ông ta có cố tình “dằn mặt” tôi không.

Có lẽ khó chịu bởi các cuộc trao đổi với tôi luôn dùng tiếng Pháp, một hôm Negroponte hỏi tôi có dị ứng gì với tiếng Mỹ hay không và tại sao tôi không học thêm tiếng Mỹ. Tôi trả lời lý do hết sức đơn giản: quá bận nên không có thời giờ cố định để đi học. Thế là Negroponte đề xuất một cách học tiếng Mỹ cho tôi thật thuận tiện và thoải mái do một nữ nhân viên tòa đại sứ phụ trách. Giờ học không cố định mà tùy thuộc giờ giấc của tôi. Có nghĩa khi nào tôi có giờ rỗi rãi thì điện thoại cho người dạy và người này sẽ đến ngay. Tôi không còn lý do nào để từ chối một đề xuất đầy thiện chí như thế. Hôm đầu tiên tôi gọi đến số điện thoại đã được Negroponte trao thì ở đầu dây là một phụ nữ Mỹ. Cuộc gặp đầu tiên với cô giáo người Mỹ thật bất ngờ: một thiếu nữ rất đẹp, duyên dáng, mặc chiếc váy mini-jupe khá ngắn rất thịnh hành lúc đó. Với một cô giáo như thế thật khó mà học tập trung. Sự đàng hoàng, ngay ngắn của tôi sau đó chẳng qua do tôi luôn ám ảnh cái bẫy CIA đang rình rập đâu đó. Học cả năm chẳng tiến bộ bao nhiêu khiến cho cô giáo cũng nản. Có lẽ do nhu cầu thật sự lúc đó không có, nên chuyện học hành không tiến bộ. Tiếng Anh của tôi chỉ khá lên sau 1975 do công việc làm báo và viết báo, bởi ở giai đoạn này đòi hỏi tôi phải có thêm tiếng Anh ngoài tiếng Pháp để tham khảo tài liệu, sách báo nước ngoài nên tôi buộc phải tự học thêm một cách tích cực.

Nhân nói về CIA, mà cái bóng của nó phủ trùm lên cả miền Nam trước 1975, sau này tôi vẫn tự hỏi, cớ gì trong suốt thời kỳ tôi hoạt động chính trị ở Sài Gòn, có rất nhiều quan hệ với người Mỹ trong mọi lĩnh vực, thế mà chẳng bao giờ “con bạch tuộc” ấy thả vòi đến tôi? Tôi đã hai lần dự cơm tôi tại nhà riêng của đại sứ Mỹ ở đường Phùng Khắc Khoan, lần thứ nhất thời Henry Cabot Lodge trở lại làm đại sứ tại Sài Gòn lần hai (1965-1967) nhân buổi tiếp trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Nam Á William Bundy, lần thứ hai thời Ellsworth Bunker (1967-1973) khi ông chiêu đãi thượng nghị sĩ Mỹ George McGovern, một ứng cử viên tổng thống phản chiến.

Khi tôi vừa đắc cử vào quốc hội, còn ngơ ngác về chính trị, tôi đã được một nhân vật Mỹ khá bí hiểm ở Sài Gòn là Clyde Bauer mời tham gia một tổ chức phi chính phủ “Hiệp hội Bang giao Phát triển Quốc tế” (HHBGPTQT) với tư cách hội viên sáng lập cùng với những tên tuổi rất gần gũi với tòa đại sứ Mỹ như ông Trần Văn Lắm (cựu dân biểu thời Ngô Đình Diệm, là ngoại trưởng trong nội các của tướng Trần Thiện Khiêm), ông Nguyễn Ngọc Linh (tổng giám đốc Việt Tấn Xã), ông Trần Trung Dung (cựu dân biểu thời Ngô Đình Diệm), ông Ngô Khắc Tĩnh (sau là bộ trưởng Bộ giáo dục của nội các Trần Văn Hương và Trần Thiện Khiêm), ông Nguyễn Vạn Lý, (một lãnh tụ Cao đài thân chính quyền) v.v… Vài năm sau nhìn lại, tôi nhận ra rằng các tổ chức Hiệp hội Bang giao Phát triển Quốc tế có lẽ đã được người Mỹ dùng làm một trong những nơi kiểm tra và chọn lọc các nhân vật chính trị để đưa vào guồng máy chính quyền Sài Gòn ở các vị trí như bộ trưởng, đại sứ v.v… Trong các thành viên sáng lập của HHBGPTQT gần như tôi là người duy nhất vẫn đứng ngoài guồng máy của chính quyền Thiệu. Clyde Bauer, người đứng ra thành lập tổ chức “ngoại giao nhân dân” này (“people to people”) là một cựu đại tá và anh hùng quân đội của Mỹ tại chiến tranh Triều Tiên. Khi tôi không sinh hoạt với HHBGPTQT nữa, có người nói với tôi Clyde Bauer là một nhân viên CIA. Thế nhưng trong suốt thời gian sinh hoạt khá gần gũi, chưa bao giờ Clyde Bauer để lộ ý đồ lôi kéo tôi theo cái hướng ủng hộ Washington. Mục đích chính của hiệp hội này là đánh bóng hình ảnh của chế độ Sài Gòn và làm cho dư luận Mỹ chia sẻ một cách thuận lợi hơn chính sách của Washington tại Việt Nam. Tại Hội nghị Honolulu năm 1969, tổng thống Johnson từng cảnh báo với tổng thống Thiệu và phó tổng thống Kỳ về tình hình “anti Vietnam” của quần chúng Mỹ mỗi lúc một cao hơn và khuyến cáo hai ông Thiệu – Kỳ phải làm gì đó để đối phó tình hình này. Sự ra đời của những tổ chức như HHBGPTQT rất có thể nằm trong mục tiêu trên.

Các buổi sinh hoạt ăn uống, vui chơi cuối tuần tại nhà riêng của cố vấn chính trị tòa đại sứ Mỹ, từ thời ông Habib đến ông Calhoun (người thay ông Habib), mà tôi được mời tham dự nhiều lần, cũng là nơi các chuyên viên Mỹ như David Lambertson, John Negroponte xem “giò cẳng” một số trí thức trẻ Sài Gòn có thiện cảm với đường lối của người Mỹ ở Việt Nam. Hầu hết những người Việt Nam trẻ mà tôi gặp tại đây đều nói tiếng Mỹ như tiếng Việt, gần hết tốt nghiệp tại Mỹ hoặc đã tu nghiệp tại Mỹ. Và cũng như với tổ chức HHBGPTQT, đa số những người đến cái biệt thự trên đường Tú Xương đều lần lượt chiếm những vị trí trọng yếu trong chính quyền Sài Gòn. Cái khác giữa HHBGPTQT và chỗ tụ tập cuối tuần tại nhà riêng của cố vấn chính trị tòa đại sứ Mỹ là ở địa chỉ đầu thì đa số thành viên đều ở tuổi trung niên trở lên, còn ở địa chỉ sau, phần đông đều rất trẻ, từ 25 đến 30. Không may mắn cho người Mỹ: tất cả những con người ấy đều không có chỗ dựa trong quần chúng, họ dựa chủ yếu vào người Mỹ.

Báo chí cũng là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động tình báo của Mỹ. Người ta cho rằng trong chiến tranh Việt Nam có đến trên 50% phóng viên, nhà báo Mỹ là nhân viên CIA trá hình. Ngay trong số những nhà báo có tên tuổi lớn, cũng không thể đoan chắc rằng không có người làm việc cho CIA. Bởi với không ít người Mỹ, làm việc cho CIA không hẳn là đáng ghét, mà ngược lại là một hành động yêu nước. Họ không tự coi mình là những “ugly american” (người Mỹ xấu xa). Các phóng viên, nhà báo Mỹ này là những an-ten thu lượm tin tức và qua các cuộc phỏng vấn trá hình là những công cụ nhằm thăm dò phản ứng, thái độ của dư luận Sài Gòn trước các biến cố chính trị, quân sự. Những nhà báo có tên lạ hoắc, tự nhận làm đặc phái viên “free lance” (nhà báo tự do), luôn gây cho tôi sự nghi ngờ cảnh giác.

Qua các máy lọc của CIA, tên tôi bị loại trừ ra khỏi danh sách những nhân vật coi là “có khả năng tiếp cận”. Có một đánh giá cho rằng CIA chỉ sai trật với một tỷ lệ không quá 0,5% khi tiến hành chọn lựa người để tuyển dụng!
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 đ

V

9. Người Việt cô đơn

Trong Hạ nghị viện nhiệm kỳ 1, phe đối lập gồm nhiều tiếng nói mạnh mẽ và có nhiều ảnh hưởng trong dư luận. Nào là Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Hồ Văn Minh, Nguyễn Hữu Chung, Dương Văn Ba, Kiều Mộng Thu, Trần Ngọc Châu, Phan Xuân Huy v.v… Lúc này các dân biểu thuộc phe quân nhân thân tướng Kỳ cũng nghiêng về phe đối lập trong một số cuộc biểu quyết. Ngay cả các dân biểu thuộc phong trào Cấp Tiến thuộc ảnh hưởng các giáo sư Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Ngọc Huy như Trương Vị Trí, Nguyễn Tấn Trạng, Nguyễn Văn Tiết, Trần Minh Nhựt, Nhan Minh Trang… lúc đầu cũng chưa ngả qua công khai ủng hộ chính quyền Thiệu. Sau này phong trào Cấp Tiến mới lộ ra là một đồng minh quan trọng của chính phủ Thiệu.

Nhưng bước vào thời kỳ Quốc hội lập pháp, tổng thống Thiệu cũng bắt đầu củng cố địa vị của mình. Ông Thiệu ít e ngại Thượng nghị viện vì phần đông gồm các đại diện đảng phái chống cộng và cựu tướng lãnh thân chính phủ. Những nhân vật như bà luật sư Nguyễn Phước Đại (độc lập), luật sư Nguyễn Văn Huyền (công giáo), tướng Nguyễn Văn Chuân (quân đội) v.v… có những thái độ chính trị độc lập trong Thượng viện kể ra khá hiếm hoi.

Sự ồn áo và dám tấn công trực diện của tổng thống Thiệu chủ yếu diễn ra tại diễn đàn Hạ nghị viện. Tổng thống Thiệu đã tìm ra một con người lý tưởng để đối phó với những chống đối và bất ổn nơi đây. Đó là dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, chủ nhân viện bào chế dược phẩm OPV được độc quyền sản xuất và nhập nhiều thứ thuốc bán rất chạy. Cách làm của dược sĩ Thăng để “nắm” Hạ nghị viện rất đơn giản và hiệu quả: ông bỏ tiền ra mua chuộc tất cả các dân biểu ham tiền, không có lập trường chính trị rõ ràng hoặc sẵn sàng bán mình cho chính quyền Thiệu. Hàng tháng, các dân biểu này đều có “bao thư”. Mỗi khi có các cuộc biểu quyết quan trọng mà chính quyền Thiệu cần quốc hội thông qua thì mỗi lá phiếu đều được ra giá cụ thể. Người ta cho rằng lúc đầu tổng thống Thiệu chưa nắm trọn quyền lực trong tay mình, chính dược sĩ Thăng phải bỏ tiền nhà để làm cái việc này. Mới nghe qua tưởng rằng dược sĩ Thăng chịu một “hy sinh” lớn cho tổng thống Thiệu, nhưng kỳ thật tiền đó của ông Nguyễn Cao Thăng chẳng mất vào đâu. Chuyện làm ăn riêng của ông (Viện bào chế OPV) được ưu đãi mang lại cho gia đình ông một mối lợi còn to hơn gấp nhiều lần tiền ông bỏ ra để gây hậu thuẫn cho cá nhân tổng thống Thiệu. Dĩ nhiên sau này khi ông Thiệu nắm trọn quyền lực trong tay, đồng tiền được sử dụng cho những chuyện này không xuất ra từ túi riêng của ông Thăng nữa mà từ các quỹ đen của chính phủ.

Tuy nhiên phải nói rằng ông Thăng với chức vụ chính thức là “phụ tá đặc biệt tại phủ tổng thống” (ngang cấp với bộ trưởng) làm việc này khá thành công không chỉ vì có nhiều tiền để chi, mà còn do con người mềm mỏng và tế nhị của ông. Các cuộc tiếp xúc và vận động của ông đều thực hiện khéo léo của người biết làm lobby ở hậu trường chính trị. Ngay cả với những dân biểu chẳng ra gì, thấy mặt ông là xin tiền, ông vẫn tỏ ra tôn trọng và lễ độ! Nhờ thế lần lần ông “nắm” gần hết các dân biểu lúc đầu là tay chân của phó tổng thống Kỳ. Kể từ nhiệm kỳ Quốc hội lập pháp thứ nhất (1967-1971), các dân biểu bị chính quyền Thiệu “mua chuộc”, được báo chí đặt cho cái tên: “dân biểu gia nô”. Nhưng không phải tất cả các dân biểu theo chính quyền đều bị báo chí gọi là “dân biểu gia nô”. Những dân biểu đứng về phía chính phủ Thiệu do lập trường của mình, có ý thức về sự lựa chọn chỗ đứng chính trị của mình, có nghĩa là không theo chính phủ vì tiền, họ không bị báo chí liệt vào hạng “dân biểu gia nô”.

Các “dân biểu gia nô” thường nhắm mắt bỏ phiếu theo lệnh của “Phủ đầu rồng” (từ được dùng để ám chỉ Phủ tổng thống do báo Tin Sáng của dân biểu Ngô Công Đức đặt ra đầu tiên). “Dân biểu gia nô” gần như không bao giờ lên diễn đàn để bảo vệ lập trường của chính phủ hay đáp trả những lời chỉ trích ác liệt từ phía các dân biểu đối lập. Họ ngồi lặng im như những cái bóng và chỉ chờ đến lúc biểu quyết bỏ phiếu theo lệnh của “Phủ đầu rồng” do phụ tá đặc biệt Nguyễn Cao Thăng truyền đạt. Các “dân biểu gia nô” gây ra nhiều vụ “xì –can –dan” làm nhục quốc hội và chế độ Sài Gòn như: lợi dụng các chuyến công tác nước ngoài, họ buôn từ vàng, đô la, ma túy, đến “lịch ở truồng” (lịch Playboy), đồ lót phụ nữ v.v…Quốc hội đã phải truất quyền dân cử một dân biểu bị phát hiện cất giấu heroin trong hành lý của mình tại phi trường Tân Sơn Nhứt sau chuyến công tác nước ngoài trở về. Một phó chủ tịch Hạ nghị viện thân chính phủ bị an ninh phi trường Bangkok bắt tại trận vì giấu hàng chục ký vàng trong người trước khi lên máy bay về Sài Gòn!

Khi phụ tá Nguyễn Cao Thăng đã tổ chức chặt chẽ hàng ngũ “dân biểu gia nô” ở Hạ nghị viện và “nghị gật” ở Thượng nghị viện thì các nhóm dân biểu, nghị sĩ đối lập – thiểu số tại hai viện quốc hội – chỉ còn phát huy vai trò và ảnh hưởng của mình bằng những phát biểu gây tiếng vang trên diễn đàn Quốc hội hoặc báo chí. Còn khi bỏ phiếu, chính phủ Thiệu gần như toàn quyền lèo lái quốc hội theo ý mình.

Tuy thế, dù sao tiếng nói của dân biểu đối lập trên diễn đàn quốc hội cũng là một áp lực thường xuyên đối với chính phủ Thiệu. Những người chống chính phủ vẫn lợi dụng được diễn đàn này để tố giác tham nhũng, các vi phạm dân chủ và cả sự phản đối chiến tranh.

Trong nhiệm kỳ Hạ nghị viện 1967-1971, phe đối lập còn có hai tờ báo hàng ngày khá mạnh về số lượng phát hành và nhất là về ảnh hưởng đối với dư luận người dân Sài Gòn. Hai tờ đều được cấp giấy phép xuất bản gần cuối năm 1968 là Tin Sáng do dân biểu Ngô Công Đức, đơn vị Trà Vinh, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và Tiếng Nói Dân Tộc do tôi đứng tên chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tờ Tin Sáng có một số phận khá đặc biệt: tháng 8 – 1971, anh Ngô Công Đức ra nước ngoài sau khi thất cử ở đơn vị cũ (Trà Vinh) vì chắc chắn sẽ bị chính quyền Thiệu đàn áp khi quyền bất khả xâm phạm của mình hết hiệu lực. Anh Đức đi đường bộ qua Campuchia, rồi từ đây đi tiếp sang Bangkok. Cuối cùng anh định cư tại Thụy Điển. Theo một người thân của anh Đức, trước khi rời Sài Gòn, anh Đức đã được anh Phạm Xuân Ẩn khuyến khích nhanh chân ra đi vì anh Ẩn thấy trước nguy cơ anh Đức có thể bị chính quyền Thiệu hãm hại. Tờ báo vắng mặt chủ nhiệm (nhưng được giấu kín) tiếp tục phát hành thêm khoảng 2 tháng. Người điều hành tờ Tin sáng trong thời gian chủ nhiệm vắng mặt là dân biểu Hồ Ngọc Nhuận. Chức danh của ông Nhuận trong tờ báo là giám đốc chính trị. Tháng 1-1972, Bộ thông tin mới phát hiện sự vắng mặt của chủ nhiệm và rút giấy phép của Tin Sáng. Anh Đức bị chế độ Sài Gòn kết án vắng mặt ba năm tù và tịch thu tài sản. Có những lúc, trong một tháng, báo Tin Sáng bị Bộ Thông tin ra lệnh tịch thu 15 ngày (mỗi đợt ba, bốn ngày). Nhưng tờ báo tiếp tục sống vì tòa soạn có cách tuồn báo ra ngoài bán. Thường báo bị tịch thu lại bán chạy hơn báo phát hành bình thường. Mục ăn khách nhất của báo Tin Sáng là “Tư trời biển” do chính ông Đức phụ trách.

Trước năm 1975, tờ báo Sài Gòn nào cũng có mục tiểu phẩm châm biếm. Nó thường chiếm vị trí quan trọng, nằm ở phía dưới bên phải trang nhất tờ báo, đối xứng với một mục “ăn khách” khác là xã luận nằm ở bên trái trang báo. Độc giả Sài Gòn những năm 50 không thể quên cây viết trào lồng Tiểu Nguyên Tử với mục châm biếm xuất hiện hàng ngày “Gẫm cười hai chữ nhân tình” trên tờ Tiếng Chuông. Tiểu Nguyên Tử là bút danh của một luật sư nổi tiếng, ông Dương Tấn Trương. Ông có lối viết và chơi chữ rất độc đáo.

Tờ báo ngày Tiếng Nói Dân Tộc (TNDT) xuất bản cùng thời điểm với tờ Tin Sáng, cũng có mục châm biếm thường xuyên lấy tên “Xỉa răng cọp” do tôi phụ trách trực tiếp với bút danh “Người Giấu Tên”. Vào lúc này, báo chí chống cộng như tờ Sống của nhà văn Chu Tử (tác giả của tiểu thuyết ăn khách Yêu) là tiếng nói khá nặng ký của những người Bắc di cư hoặc tờ Xây Dựng do linh mục Nguyễn Quang Lãm làm chủ nhiệm đều có mục châm biếm. Chu Tử đặt tên mục của báo mình là “Ao thả vịt”, còn linh mục Lãm viết châm biếm dưới bút danh Thiên Hổ.

Không thể tránh những cuộc bút chiến xảy ra giữa các tờ Tin Sáng và Tiếng Nói Dân Tộc thuộc khuynh hướng tiến bộ với các báo SốngXây Dựng. Tuy nhiên, dù các cuộc bút chiến có lúc khá gay gắt nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ lịch sự.

Số phận của tờ TNDT khá lận đận. Vừa ra được mấy số thì đã bị bộ trưởng Bộ thông tin Tôn Thất Thiện gọi lên hăm dọa đóng cửa với lý do: trong tòa soạn TNDT có chứa cộng sản. Tôi phản đối: Ông không nên nói nửa úp nửa mở như thế. Ông phải nêu ra rõ ràng ai là cộng sản? Tôi đặt lại vấn đề với tổng trưởng Thiện: Bộ thông tin đâu có phổ biến đến các báo danh sách các nhà báo cộng sản để các nhà báo biết mà tránh không sử dụng. Tôi nhấn mạnh: “Tòa soạn báo TNDT, những người cộng tác với tôi đều là những công dân hợp pháp”. Ông Thiện chẳng nói gì nhưng cho tôi hiểu đây là một lời cảnh cáo đối với tờ TNDT. Tổng trưởng Thiện từng ở “một chiến tuyến” với tôi khi ông cùng tôi phụ trách báo chí cho liên danh Trần Văn Hương, ứng cử tổng thống năm 1967. Ông Thiện phụ trách liên lạc báo chí tiếng Anh, còn tôi liên lạc báo chí tiếng Việt. Khi ông Trần Văn Hương nhận làm thủ tướng cho chính phủ Thiệu, ông có hỏi ý kiến tôi nên chọn ai làm tổng trưởng thông tin. Tôi là người đã nêu tên Tôn Thất Thiện. Nhưng trong cuộc gặp nhau tại Bộ thông tin liên quan đến tờ TNDT, ông Thiện tiếp tôi một cách lạnh lùng như không hề quen biết. Người Pháp nói “Quyền hành làm hư hỏng con người” (le pouvior corrompt l’homme), còn ở đây thì quyền hành làm thay đổi tình bạn. Thời gian ông Thiện làm tổng trưởng thông tin, báo chí chống đối ông quyết liệt và đặt cho ông biệt danh: “Bảy T”, dựa vào bảy chữ T (tổng trưởng thông tin Tôn Thất Thiện). Một số báo còn gọi ông là Bảy Thất: thất thiện, thất tâm, thất tín v.v…

Trở về tòa soạn sau khi lên Bộ thông tin, tôi có thuật lại chuyện xảy ra cho nhà báo Triệu Công Minh nghe, lúc đó ông Minh làm tổng thư ký tòa soạn của tờ báo. Ông Minh suy nghĩ một lúc rồi nói với tôi: “Tụi nó nhắm vào tôi và vợ tôi đó”. Vợ của ông Minh là bà Ái Lan cũng là một nhà báo quen thuộc ở Sài Gòn. Hai ông bà đi đâu và làm gì cũng có đôi, như hình với bóng, ngay cả khi vào tù thời Pháp trước đó hay sau này của các chính quyền Diệm và Thiệu cũng đủ đôi.

Nhớ lại khi tôi vừa có giấy phép xuất bản báo TNDT và dự định in tại nhà in của ông Nam Đình (chủ nhiệm tờ Đuốc Nhà Nam, cũng là chủ nhiệm tờ Thần Chung xưa kia), tôi có nhờ ông Nam Đình giới thiệu một tổng thư ký tòa soạn. Ông Nam Đình đã giới thiệu tôi với ông Triệu Công Minh, lúc đó khoảng 60 tuổi. Ông Triệu Công Minh còn hoạt động cho cộng sản không, lúc đó tôi không biết. Nhưng với cả làng báo Sài Gòn, ai cũng biết hai vợ chồng ông Minh là những nhà báo kháng chiến và không bao giờ hai ông bà từ bỏ lý tưởng của mình.

Ông Minh nói tiếp với tôi: “Để tránh rắc rối cho tờ báo của cậu, vợ chồng tôi phải rút lui thôi. Tôi sẽ giới thiệu cho cậu một người khác thay tôi làm thư ký tòa soạn”. Ông Minh giới thiệu với tôi nhà báo kỳ cựu Phan Ba mà theo tôi biết cũng là một nhà báo cựu kháng chiến. Anh Ba đã từng bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt và bị tỉnh trưởng Mỹ Tho Nguyễn Trân đưa ra đấu lý về chủ nghĩa cộng sản tại tỉnh này cùng với nhiều người cộng sản khác hoạt động trong lãnh vực báo chí tại Sài Gòn. Anh Phan Ba cộng tác với tôi cho đến khi báo TNDT bị chính quyền Thiệu đóng cửa (đầu năm 1970). Sau đó anh làm cho tờ Tin Sáng của anh Ngô Công Đức. Sau 30-4-1975, khi Tin Sáng tái bản, tôi và anh Phan Ba lại có dịp làm chung. Tôi phụ trách tòa soạn, còn anh lo tin quốc tế.

Tờ TNDT đánh dấu bước chuyển đầu tiên trong lập trường chính trị của tôi, từ vị trí đối lập nhưng vẫn tự coi mình là một thành viên trong hàng ngũ “quốc gia”, chuyển sang đứng giữa, không xếp hàng theo chính quyền quốc gia mà cũng không theo cộng sản. Thái độ chính trị này thực chất không có gì khác hơn là sự biểu hiện tâm trạng gần như bế tắc của cá nhân tôi. Sau Tết Mậu Thân, một số trí thức tên tuổi và nhiều học sinh sinh viên rời thành phố đi theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam hoặc theo Liên minh Dân tộc Dân chủ Hòa bình do luật sư Trịnh Đình Thảo đứng đầu. Lúc đó tôi thấy rằng, không phải tất cả mọi người muốn đi tìm một lý tưởng đều có thể đi theo con đường MTDTGPMN, vì không phải ai yêu lý tưởng cũng có đủ can đảm, và chưa kể MTDTGPMN vẫn là một tổ chức hoạt động chính trị bí mật, nên muốn tiếp cận để tìm hiểu và gia nhập là cả một vấn đề đối với những ai không được “móc nối” hoặc không có người làm trung gian. Chính vì thế, tôi cũng tự gọi mình là người thuộc thành phần “những người Việt cô đơn”.

Lập trường “đứng giữa” của tôi xuất phát từ quan điểm chối từ tính đại diện hợp pháp của chính phủ Sài Gòn và mặt khác do sự hoàn toàn không hiểu biết tổ chức MTDTGPNMN vì chưa từng được tiếp xúc.

Để bảo vệ lập trường “đứng giữa” của mình, tôi đã phải đối đầu công khai với các bài báo chống cộng trên tờ TNDT. Ngày 22-11-1968, tôi đã có cuộc bút chiến với tờ Xây Dựng linh mục Nguyễn Quang Lãm và ngày 1-12-1968 với tờ Chính Luận của nghị sĩ Đặng Văn Sung – một nhân vật chống cộng và thân Mỹ nổi tiếng tại Sài Gòn. Và đây là một giai đoạn của bài báo “Đi mô đấy ông Lý Quý Chung” ra ngày 21-11-1968 trên tờ Xây Dựng:

“Ở giữa đây là quay về nguồn gốc của dân tộc để vì Dân tộc mà sống với Dân tộc, cùng một lúc từ chối cả hai ảnh hưởng từ hai phía”.
Câu trên đây của ông dân biểu Lý Quí Chungnếu được tuyên bố trong một cuộc mít tinh khí thế bừng bừng của sinh viên học sinh, tất cả sẽ vang như sấm sét, giữa những tiếng hoan hô vang dậy ngất trời.

Chẳng nói đến thanh niên, ngay cả cái cỡ long đầu gối, thận suy, răng rụng như Thiên Hổ cũng sẽ phải hỉ hả, vỗ đến toét cả hai bàn tay ra.

Thú thực là để cho nó sướng cái miệng! Thế thôi, chứ cũng thú thực cóc hiểu cái tuyên bố đó.

Tất nhiên rồi. Những Lý Quí Chung, Nguyễn Hữu Chung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung và các anh em có tên Chung hay Trung cũng như các đứa con chỉ được quen mồm gọi thằng cu như Thiên Hổ, nghĩa là đại đa số con dân Việt Nam ở ba miền Trung, Nam, Bắc, vẫn muốn là ‘những người ở giữa’. Nô lệ nhục lắm, ai chả biết dân tộc mình nhiều tự ái, đến mần cái việc của Hàn Tín ngày xưa với anh hàng thịt cũng chưa chắc đã thèm làm (.)

Giữa lúc thập tử nhất sanh của đất nước mà chỉ oang oang “Chúng tôi muốn là những người ở giữa” thì câu đó ‘nông a lê u’, mà còn tổ làm cớ cho cộng sản nó khai thác! Nhà dân biểu hăng say Lý Quí Chung ‘vì dân tộc, với dân tộc’ hẳn đã nghĩ đến điều đó. Dù sao Thiên Hổ cũng xin phép nói trước, sợ đàn anh quá sốt sắng đến thành ngây thơ. Chết cho dân tộc chúng em đấy!
Thiên Hổ

Rõ ràng lập trường “đứng giữa” của tôi lúc đó gây phản ứng với các thế lực chống Cộng như thế. Tôi chấp nhận sự “ngây thơ chính trị” của mình để có thể tự tách mình ra khỏi một chế độ không đáp ứng lý tưởng của mình mà cũng không đại diện nguyện vọng của nhân dân miền Nam. Lập trường “đứng giữa” làm tức tối các phần tử chống cộng, nhưng cũng chính thức không nghiêng về phía cộng sản, nên không có đủ lý do để chính phủ Thiệu đóng cửa tờ báo.

Với tôi, lúc đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là một “người Việt cô đơn”, một “người Việt đứng giữa”. Có một hôm tôi mời anh Sơn đến tòa soạn TNDT chơi và trong một giây phút cao hứng tôi đề nghị anh sáng tác một bản nhạc dành cho người Việt đứng giữa. Nhưng Sơn khéo léo nói sang chuyện khác. Tôi biết Sơn ngại dính líu vào chính trị. Dù tôi không tham gia một đảng phái chính trị nào nhưng tôi cũng đang hoạt động chính trị. Sơn vẫn đặt các sáng tác của anh trên những xúc cảm chung nhất của dân tộc: chống chiến tranh, vì hòa bình thống nhất đất nước, vượt lên trên những vấn đề thời sự cụ thể. Anh đau niềm đau chung của dân tộc.

Nhạc Trịnh Công Sơn có những lúc là cái phao tinh thần cho cá nhân tôi. Nhiều buổi tối trở về nhà chán nản, tâm trạng khủng hoảng, bế tắc sau một cuộc xuống đường mệt mỏi nhưng chẳng lay động được gì chế độ Mỹ - Thiệu, tôi nằm ngay trên sàn nhà, không cần bật đèn, chỉ bật nhạc Trịnh Công Sơn để nghe như nghe chính tâm trạng mình, nhưng đồng thời lại nuôi nấng được trong con tim niềm hi vọng hòa bình và ước mơ được thấy một ngày nào đó, Huế - Sài Gòn – Hà Nội sẽ liền một dải. Thế là nhạc Trịnh làm tươi lại tâm hồn tôi và làm mới ý chí tôi.

Có những đêm, sau cuộc họp chính trị tại Dinh Hoa Lan (biệt thự của tướng Dương Văn Minh) tôi không về thẳng nhà mình mà đến phòng trà Khánh Lý trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) để ngồi nghe một mình nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh chống chiến tranh nhưng không hề khiến những người yêu nước mềm ý chí. Anh kêu gọi hòa bình nhưng không làm cho những ai đang chiến đấu vì đồng bào và Tổ quốc lại gác súng. Trái lại nó nuôi ý chí làm quật khởi những tâm hồn yêu nước.

Cuộc sống quá hối hả, dồn dập lắm biến chuyển không có nhiều cơ hội để tôi và Trịnh Công Sơn gặp nhau. Vả lại tôi và Sơn hoạt động ở hai quỹ đạo rất khác nhau. Sau 1975, chúng tôi gặp nhau thường hơn, nhưng vì tôi không uống rượu và cũng không sành về âm nhạc nên cũng không lọt vào cái quỹ đạo đặc biệt của Sơn gồm những bạn rượu và văn nghệ sĩ. Mỗi lần tôi tới chơi nhà Sơn, tôi đều báo trước và thường ngồi nói chuyện với nhau chỉ có hai đứa.

Khi tôi lấy vợ lần thứ hai (năm 1985) và tổ chức đám cưới tại hội trường báo Tuổi Trẻ, tôi có mời Sơn. Tôi và Sơn rất mê khiêu vũ nên giữa buổi tiệc chúng tôi dẹp bớt đi bàn ghế và cho nhạc trỗi lên. Vào thời điểm này hầu như không ai dám “liều” như chúng tôi. Khai mạc buổi khiêu vũ, Sơn mời cô dâu nhảy đầu tiên, còn tôi mời chị Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Tôi còn nhớ đó là một bản nhạc theo nhịp Be Bop. Sơn rất thích nhảy Be Bop. Sau này khi bệnh tiểu đường trở nặng, đi đứng khó khăn, Sơn không còn khiêu vũ được, làm anh hối tiếc vô cùng. Có một hôm (khoảng đầu năm 2000) tôi cùng vợ tôi khiêu vũ ở vũ trường Tự Do ở đường Đồng Khởi, đang nhảy ngoài piste, tôi linh cảm có ai nhìn mình từ quầy bar, tôi quay lại và nhìn thấy Trịnh Công Sơn. Đứng bên cạnh là họa sĩ Trịnh Cung. Anh đưa tay lên chào tôi. Khi bản nhạc kết thúc tôi liền đến chỗ anh. Tôi hỏi Sơn: “Ông không nhảy à?”. Giọng Sơn buồn man mác: “Mình đi đứng còn khó khăn thì làm sao nhảy. Thấy toa nhảy, moa thèm quá”. Sơn còn hỏi thêm: “Hình như toa nhảy disco hơi khác người ta phải không?”. Tôi cười trả lời: “Khiêu vũ đâu nhất thiết phải giống như người khác. Mình nhảy theo cảm xúc của mình – như thế tự do và hứng thú hơn”. Nhìn Sơn đứng bên piste mà không nhảy, tôi buồn và thương anh vô cùng. Tôi biết bệnh tình của anh đã tới thời kỳ khá nặng.

Mùng 5 Tết năm Tân Tị (năm 2001), tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy cùng với họa sĩ Trịnh Cung thăm Sơn. Đây là lần cuối cùng tôi gặp mặt người nghệ sĩ tài hoa này. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngày 1-4-2001, anh vĩnh viễn từ giã bạn bè và tất cả những người yêu thương và ngưỡng mộ anh. Cuộc gặp Sơn tại bệnh viện Chợ Rẫy, tôi có ghi lại thành một bài báo đăng trên tạp chí Đẹp số đầu tháng 2-2001:

“…Sơn vẫn nằm trên giường khi nói chuyện với chúng tôi, nhưng trông anh vẫn khỏe khoắn, thần sắc tinh anh. Tôi chợt cười thầm trong bụng bởi một ý nghĩ thú vị vụt đến: Con người gầy gò và nhẹ bâng này đang mang nhiều thứ bệnh trong người, tưởng như dễ dàng rơi vào tay tử thần, lại là người chiến đấu cho cuộc sống bản thân dữ dội nhất.

Cách đây mấy năm, Sơn bị đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Lần đó, bạn bè thật sự lo lắng cho anh. Cuối cùng Sơn vẫn trở về an toàn. Gặp lại Sơn tại nhà riêng của anh lần đó, tôi tò mò hỏi: “Đúng là ông trở về từ cõi chết, vậy ông suy nghĩ gì về… cái chết?”

Tôi vẫn gọi Sơn như thế, từ “ông” được dùng theo cách xưng hô thân mật. Có lúc chúng tôi gọi nhau bằng “toa” và “moa”, cách xưng hô giữa những người bạn có thời học trường Pháp. Sơn không cần suy nghĩ, trả lời ngay: “Chết là thiệt thòi. Người Pháp nói: Les absents ont toujours tort. Chết, mình không còn họp mặt với bạn bè, không còn được ngắm cuộc đời rất đẹp này”. Nhớ câu trả lời cách đây mấy năm, tôi tò mò muốn biết nằm trên giường bệnh lần này, anh nghĩ gì. Câu trả lời còn nhanh hon và gọn hơn lần trước: “Mình muốn ra khỏi đây càng sớm càng tốt”.

Hãy cứ vui chơi với đời
Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau
Còn đây em ngọt ngào
Đứng bên ngày yêu dấu
Nhìn mây trôi đang tìm về núi cao

(«Hãy cứ vui như mọi ngày»)

Vóc dáng mảnh khảnh, quen thuộc của anh Sơn với mọi người trong nhiều năm qua, khiến không ai có thể nghĩ rằng Sơn đã có một thời trai trẻ là con nhà thể thao chính cống. Mỗi sáng anh đều quần một hai hiệp quyền Anh. Anh đồng thời còn là đệ tử Vovinam từ những ngày đầu môn này được thành lập ở Sài Gòn, và là vận động viên điền kinh 10 môn. Nếu người em trai của Sơn không tung một cú quật trong một lần luyện võ với nhau, khiến ngực anh đập xuống nền nhà làm vỡ mạch máu phổi phải nằm trên giường suốt hai năm, thì chắc chắn chúng ta chỉ có một vận động viên Trịnh Công Sơn (chưa bảo đảm là xuất sắc) nhưng mất đi một Trịnh Công Sơn tài năng âm nhạc. Đó là khúc quanh cuộc đời của anh. Sơn nói: “Trên giường bệnh mình suy nghĩ rất nhiều…”. Khi rời giường bệnh năm 1957, trong anh đã có một đam mê khác: âm nhạc. Với nhiều người, tác phẩm đầu tay của Sơn là “Ướt mi”. Nhưng Sơn tiết lộ:

“Bản nhạc đầu tiên đúng nghĩa của mình có tên “Sương đêm”. Không ai biết sáng tác này. Nó đã thất lạc. Bản thân mình cũng không nhớ lời và nhạc như thế nào!”.

Tác phẩm đầu tiên của Sơn – “Ướt mi” – như công chúng yêu nhạc biết, đã được Thanh Thúy – ca sĩ thời thượng những năm 50, người có giọng ca liêu trai, trình diễn lần đầu tại phòng trà Văn Cảnh. Không như suy nghĩ chung của nhiều người, Khánh Ly không phải là người đầu tiên và duy nhất hát thành công nhạc Trịnh Công Sơn trước năm 1975. Sau Thanh Thúy, một giọng ca lừng danh khác của Sài Gòn thời đó góp phần giới thiệu tác phẩm của Sơn – đó là nữ ca sĩ Lệ Thu.

Khánh Ly là người thứ ba và là người hát toàn bộ các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Lần đầu chính Sơn chủ động tiếp xúc với Khánh Ly tại phòng trà Night Club ở Đà Lạt bằng cách tự giới thiệu mình là tác giả bài “Ươt m”. Sau một tháng tập bể cả giọng, Khánh Ly cùng Trịnh Công Sơn xuất hiện lần đầu tiên tại sân sau Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (hiện là Thư viện Quốc gia) trước 5000 sinh viên. Khánh Ly trình bày luôn 24 sáng tác của Sơn trong đêm đó. Sau đó Khánh Ly đã nói với Sơn: “Trước đây mình chỉ hát trong phòng trà, lần đầu tiên hát trước hàng ngàn sinh viên, tối đó mình không làm sao ngủ được”. Đó là năm 1965, các sáng tác của Sơn bấy giờ đều là tình ca.

Đến năm 1968, Sơn mới sáng tác nhạc phản chiến.

Hình như Trịnh Công Sơn có hai bài sáng tác về Hà Nội và chẳng có bài nào viết về Huế. Tôi hỏi anh điều ấy. Sơn không trả lời thắc mắc của tôi mà nói: “Có lần Hoàng Hiệp phát biểu, bài nào của Sơn cũng có Huế trong đó mặc dù không có đề cập Huế trực tiếp”.

Thêm một thắc mắc, tò mò khác: “Có bao giờ ông nghĩ đến chuyện lấy vợ?”

- Có một lần thoáng qua lúc mình trẻ. Nhưng thời đó, các cô gái ít chịu lấy mấy ông chồng nghệ sĩ sống bấp bênh.

- Bao nhiêu phần trăm các sáng tác của ông lấy cảm hứng từ một người đẹp nào đó?

- Một phần năm mình viết cho một người cụ thể.

Họa sĩ Trịnh Cung, bạn thân của Trịnh Công Sơn từ thời trẻ, nói chen vào:

- Theo tôi hơn con số đó. Phải là 40%. Tôi có thể chứng minh bài nào ông viết cho người nào.

Sơn không phản đối. Tôi lại hỏi Sơn: “Bửu Ý viết Thay lời tựa cho Tuyển tập những bài ca không năm tháng của ông, có đoạn nói rằng ông đã chuẩn bị tinh thần cho cái phút sau rốt cuộc đời bằng cách trích lại 4 câu ở 4 sáng tác khác nhau của ông:

… một trăm năm sau mãi ngủ yên (“Sẽ còn ai”)

… mai kia chào cuộc đời (“Những con mắt trần gian”)

…một hôm buồn núi nằm xuống
(“Tự tình khúc”)

…một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
(“Bên đời hiu quạnh”)

- Vậy ông có thật sự chuẩn bị cho cái chết?

- Mình không chuẩn bị cho cái chết. Lạ lùng là sau cơn hôn mê, mình tỉnh lại vẫn không thấy vui mừng. Thế mà ngủ nằm mơ thấy chết, sáng thức dậy lại mừng. Đúng là có những chuẩn bị hẳn hòi cho cái chết của mình và có những người chẳng chuẩn bị gì cả, coi thường cái chết. Riêng mình hơi khác, mình không sợ cái chết nhưng nếu phải rời bỏ cuộc đời này mình rất luyến tiếc. (Sơn dùng thêm tiếng Pháp regret). Trong khi sống mình đã nuối tiếc rồi, mình sợ mất nó. Mình khát sống.

- Ông có bao giờ nghĩ đến chuyện viết di chúc?

- Không. Một cô ca sĩ đã hỏi mình câu đó. Mình có tài sản chi đâu? Với mình cái hiện tại là cái có thật, cùng sống với nó. Còn cái sau đó…

- Bây giờ nhìn lại cuộc đời đã qua, về tình yêu, ông thấy thế nào?

- (Không cần suy nghĩ) Thất bại nhiều, thất bại nặng. Thời trẻ sự thất bại mang lại nỗi đau bàng bạc, kéo dài. Bây giờ nó dữ dội, nhưng ngắn. Mình để nó rơi vào quên lãng, không lục soát lại, coi như một xác chết của quá khứ.

Tôi chuyển sang chuyện khác và hỏi: Ông có kẻ thù không?

- Có (Rồi dừng lại một giây suy nghĩ). Đúng ra là không. Dĩ nhiên cũng có người ghét mình. Riêng mình đã loại trong đầu mình khái niệm kẻ thù.

- Ông là nhạc sĩ dấn thân – engagé?

- Từng giai đoạn, nhưng nói chung mình chủ trương ‘nghệ thuật vị nhân sinh’ chứ không ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’. Cho nên nếu vì một hoàn cảnh nào đó buộc mình đi tu, thì mình sẽ đi tu giữa cuộc đời này.

- Ông có hối tiếc vì không có con để nối dõi?

- Không nghĩ tới. Mình chưa bao giờ nghĩ tới một Trịnh Công Sơn con. Tại sao? Để mình xem có lý do nào không? (Sơn suy nghĩ một lúc) Mình không thấy lý do nào cả. Có lẽ cuộc sống vội vàng đi qua, đi qua, rồi… Thỉnh thoảng xưa kia các em mình có nhắc, mẹ mình cũng có nhắc nhưng không ai đặt thành vấn đề, rồi thôi…

Thoắt một cái người đã 61 tuổi, người đã 62. Nhớ lại lần gặp nhau tại tòa soạn báo Tiếng Nói Dân Tộc ở Sài Gòn năm 1966, thế là đã 35 năm.

Cùng thời điểm Sơn sáng tác những bài hát phản chiến (bắt đầu từ năm 1968), phần tôi trên báo Tiếng Nói Dân Tộc cũng tổ chức cuộc thi viết phóng sự với chủ đề “Viết cho quê hương, dân tộc” dành cho bạn đọc. Các bài dự thi đều chống cuộc chiến, chống sự can thiệp của người Mỹ, phản ánh tâm trạng và thực trạng khắp miền Nam, tất cả hợp thành một bức tranh xúc động và trung thực của nửa phần Tổ quốc phía Nam. Những bài đoạt giải như “Phục sinh đất chết” nói về hậu quả của chất độc hóa học của quân đội Mỹ rải xuống ruộng vườn; “Khi người Mỹ đến”, mô tả chi tiết quá trình một xã ven đô hiền hòa bị biến thành một nơi buôn hoa bán phấn vì chạy theo đồng đô la Mỹ; hoặc “Ông lão trong vùng oanh kích tự do” bi kịch của một ông lão sống trong vùng đất bị quân đội Mỹ coi là “Free Fire Zone” nhưng nhất định không chấp nhận dời căn lều của mình đi nơi khác v.v…

Báo TNDT đã mời giáo sư Lý Chánh Trung làm chủ tịch Hội đồng chấm giải và tận tay trao giải cho những người về đầu cuộc thi.

10 phóng sự xuất sắc nhất đã được dịch ra tiếng Anh và được Nhà xuất bản Mỹ Praeger in thành sách (tựa sách Between Two Fires). Nhà báo Lê Trang của báo Saigon Daily News giúp tôi khâu dịch thuật, sau đó nhà báo Mỹ Arthur J. Dommen (phụ trách văn phòng báo Los Angeles Times tại Sài Gòn) hiệu đính lại. Tôi đã mời nhà văn nữ người Mỹ Frances Fitzgerald viết Lời mở đầu (Frances Fitzgerald đã từng đoạt giải Pulitzer với quyển “Fire On The Lake” – Lửa trong hồ) quyển sách do tôi đứng tên thực hiện và viết lời giới thiệu. Fitzgerald từng viếng thăm Hà Nội trước 1975 và là người tán đồng ngay từ lúc đó sự thống nhất Việt Nam dưới ngọn cờ của cách mạng.


10. Những nhà báo nước ngoài mà tôi đã gặp

Nhớ lại nhà báo A. J. Dommen, tôi rất cảm ơn ông đã giúp tôi thực hiện quyển sách đã góp một phần nhỏ làm cho dư luận Mỹ hiểu thêm thực trạng miền Nam Việt Nam từ khi quân đội của họ can thiệp vào. Ở đó chỉ toàn là những lời ca thán và phẫn nộ chứ không hề có sự hàm ơn. Trước năm 1975, tôi có dịp gặp gỡ và thân thiết nhiều nhà báo nước ngoài, kể cả nhà báo Mỹ. Rất nhiều người trong số họ thật sự gắn bó tình cảm với đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, họ đã chọn một thái độ chính nghĩa vượt lên trên nghĩa vụ nghề nghiệp thuần túy.

Bi kịch chiến tranh Việt Nam chi phối rất nhiều cuộc đời và sự nghiệp của các nhà báo nước ngoài, đặc biệt là các nhà báo Mỹ. Không ít người đã trở thành nổi tiếng, nhận những giải thưởng báo chí cao quí như Pulitzer, nhưng cũng có lắm nhà báo bị cuộc chiến ám ảnh mãi cuộc đời còn lại. Họ vĩnh viễn không tìm lại được cuộc sống bình thường khi trở về quê hương. Có người vì quá gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, đã ôm trọn bi kịch của dân tộc này vào cuộc đời của mình. Nhiều người trong số họ trở thành một phần ký ức trong cuộc đời hoạt động báo chí và chính trị của tôi. Hoạt động chính trị trong lòng Sài Gòn trước 1975 không thể thiếu những quan hệ mật thiết với báo chí, nhất là báo chí nước ngoài, vì theo tôi, họ đã góp phần rất lớn vào việc đánh động dư luận nước Mỹ và thế giới về những gì xảy ra tại miền Nam Việt Nam.

… Một trong những nhà báo Mỹ đầu tiên tôi quan hệ là Peter Arnett, lúc đó là phóng viên của hãng tin AP (Associated Press), sau này nổi tiếng trong hai cuộc chiến Irak (1991 và 2003). Tôi muốn nhắc đến Peter Arnett đầu tiên vì thời điểm tôi bước vào nghề báo cũng là lúc Peter Arnett gây sự chú ý trong các đồng nghiệp của anh qua một cuộc tranh luận gây sốc với đô đốc Harry Felt, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương. Chuyện xảy ra sau trận đánh Ấp Bắc lịch sử hai ngày. Đô đốc Felt cố gắng biện minh sự thất bại đầu tiên của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trong chiến tranh trực thăng vận bằng cách lập luận rằng đã đánh bật được địch ra khỏi Ấp Bắc. Nhưng Peter Arnett cho rằng đó là cách đánh giá thắng bại theo sự chiếm cứ đất đai trong chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, hoàn toàn không ăn nhập gì với cuộc chiến tranh du kích ở miền Nam. Sau trận đánh Ấp Bắc, chiến tranh du kích ở miền Nam đã đạt một tầm vóc phát triển mới. Peter Arnett đặt vấn đề và chất vấn Đô đốc Felt theo chiều hướng này khiến cho Felt không giữ được bình tĩnh và quật ngược lại Arnett: “Anh hãy trở lại hàng ngũ”, ý muốn nhắc Peter Arnett đừng quên anh trước hết là một người Mỹ. Các bài viết của Peter Arnett trong chiến tranh Việt Nam luôn cố gắng tìm ra một sự thật khác hơn cái sự thật được Washington và chính quyền Sài Gòn đưa ra. Ở cuộc chiến vùng Vịnh 1991 (Irak 1) và ở cuộc chiến Irak 2 (2003) cũng thế. Ở cuộc chiến Irak 2, Arnett đang là phóng viên của NBC (Mỹ) nhưng lại xuất hiện trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Irak (Lúc lãnh tụ Saddam Hudssein còn nắm quyền) và đưa ra nhận định rằng những hình ảnh bom đạn Mỹ sát hại dân thường Irak và nhất là trẻ thơ vô tội cung cấp thêm sức mạnh cho các phong trào phản chiến ở Mỹ và thế giới. Sau cuộc trả lời phỏng vấn này, Peter Arnett bị NBC sa thải. Nhưng liền đó, một tờ báo Anh lại thuê ông tiếp tục làm đặc phái viên tại Irak.

Peter Arnett gặp và phỏng vấn tôi trong khoảng thời gian 1967 – 1968. Sau chiến tranh Vùng Vịnh (Irak 1), năm 1996, Peter Arnett có trở lại Việt Nam. Khi đến TP.HCM, ông có đến thăm tôi cùng một người bạn của ông tại nhà hàng “Đôi đũa tre” của tôi ở đường Bà Hạt thuộc quận 10 TP.HCM. Chúng tôi nhắc lại chuyện xưa và được nghe ông kể nhiều chuyện về chiến tranh Vùng Vịnh.

Peter Arnett là phóng viên Mỹ đầu tiên nhìn thấy ở trận Ấp Bắc một bước ngoặt của chiến tranh du kích ở Việt Nam. Còn với Henry Kamn, phóng viên của New York Times, là một trong những người đầu tiên đưa vụ thảm sát Sơn Mỹ ra trước công luận Mỹ. Điều gì thúc đẩy những nhà báo như Peter Arnett, Henry Kamn lật ngược những “sự thật” được chính nhà cầm quyền Mỹ… dựng lên, và đưa ra công luận những tội ác mà chính quân đội Mỹ gây ra? Theo tôi, trong một nhà báo chân chính luôn tồn tại hai con người: con người bình thường gắn với quê hương, dân tộc, và một con người khác vượt lên trên ranh giới quốc gia, chia sẻ những nỗi đau và bất hạnh của nhân loại, để đấu tranh cho một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn.

Chính Henry Kamn đã kể lại cho tôi nghe diễn tiến việc ông thực hiện bài phóng sự điều tra vụ thảm sát Sơn Mỹ (vào lúc đó báo chí quốc tế gọi là vụ thảm sát Mỹ Lai) như sau:

- Một buổi trưa tại văn phòng báo New York Times ở Sài Gòn, tôi nhận một cú điện thoại từ văn phòng ở New York cho biết có tin một đại úy phi công Mỹ đã tố giác một vụ thảm sát dân thường do lính Mỹ gây ra tại một làng ở tỉnh Quảng Ngãi. Đại úy phi công này đã chứng kiến tận mắt vụ thảm sát và anh đã dùng trực thăng của mình cứu được một số người. Sau một thời gian im lặng, do lương tâm cắn rứt, anh đã lên tiếng tố giác.

Nhận được thông tin này, Henry Kamn tức tốc gọi cô thư ký mua ngay vé máy bay đi Đà Nẵng đầu giờ chiều hôm đó. Đến Đà Nẵng, Kamn không có phương tiện nào đi Quảng Ngãi, trời lại bắt đầu tối. Cuối cùng, Kamn đã xin được một chỗ trên một máy bay quân sự Mỹ đến tỉnh này. Trên máy bay, Kamn ngồi cạnh một người Mỹ mặc quần áo dân sự. Trò chuyện với nhau một lúc, người Mỹ này hỏi mục đích của chuyến đến Quảng Ngãi của Kamn. Kamn tiết lộ mình là nhà báo nhưng vẫn úp mở về mục đích chuyến đi của mình. Người Mỹ kia nhìn thẳng Kamn và nói “Tôi biết ông tìm gì ở đó. Vụ thảm sát ở Mỹ Lai phải không?”. Thế là Henry Kamn đành thú nhận mục đích của chuyến đi của mình. Bấy giờ, người Mỹ kia mới nói rõ ông là cố vấn của tỉnh trưởng Quảng Ngãi và mời Kamn khi đến Quảng Ngãi nên ở nhà ông “để được an toàn”. Viên cố vấn Mỹ này cũng hứa giới thiệu Henry Kamn với trung tá tỉnh trưởng Quãng Ngãi, ông ta sẽ giúp cho cuộc điều tra của Kamn dễ dàng hơn. Viên cố vấn Mỹ cho biết tỉnh trưởng hiện tại, vừa được bổ nhiệm thay tỉnh trưởng cũ, không dính líu gì với vụ thảm sát sẽ sẵn sàng giúp Kamn. Nếu không có sự giới thiệu của viên cố vấn Mỹ với tỉnh trưởng Quảng Ngãi, không thể nào Kamn có thể đặt chân đến làng Mỹ Lai.

Khi Henry Kamn đến đó, trong làng không còn ai cả. Một số ít người còn sống sót đã lánh sang làng kế bên. Số nhân chứng này giúp Kamn dựng lại khá đầy đủ một trong những tội ác tồi tệ nhất do quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam. Trở lại tỉnh lỵ Quảng Ngãi, Henry Kamn mượn điện thoại tại nhà riêng của viên cố vấn Mỹ để đọc bài báo của mình về văn phòng New York Times ở Sài Gòn rồi từ đây chuyển về Mỹ. Viên cố vấn Mỹ hỏi Kamn: “Tôi có thể đứng đây nghe nội dung bài báo của ông được không?”. Kamn trả lời: “Ông cứ nghe vì ngày mai cả nước Mỹ và thế giới sẽ biết chuyện gì đã xảy ra tại cái làng hẻo lánh này”. Khi kể cho tôi nghe câu chuyện, đến đoạn này Kamn hỏi tôi: “Anh có đoán viên cố vấn Mỹ phản ứng thế nào sau khi nghe tôi đọc hết bài báo?”. Rồi không cần tôi trả lời, Kamn nói tiếp: “Ông ta đã khóc vì quá xúc động”. Từ buổi gặp nhau tình cờ này, Kamn và viên cố vấn Mỹ trở thành bạn thân: họ cùng nhìn ra bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Sau này viên cố vấn trở thành đại sứ Mỹ ở một nước ở Trung Đông và họ vẫn liên lạc với nhau.

Sau năm 1975, Henry Kamn trở lại Việt Nam nhiều lần và mỗi khi đến TP. Hồ Chí Minh, ông đều ghé thăm tôi. Chúng tôi nói chuyện với nhau như hai đồng nghiệp bên tách cà phê tại nhà tôi, có khi đến tận khuya. Khi Kamn lần đầu đến miền Nam Việt Nam những năm 60, ông tự coi mình là một nhà báo đã hiểu biết rành rẽ cả thế giới. Ông đến từ Châu Âu, nơi ông làm đại diện cho báo New York Times trong nhiều năm. Ở đây ông quen biết hầu hết các nhà chính trị và lãnh đạo các nước Tây Âu lẫn Đông Âu. Cho nên khi nhận nhiệm vụ sang Việt Nam, ông miễn cưỡng lên đường và tự hỏi mình đến đất nước xa lạ này để làm gì. Nhưng đặt chân đến Việt Nam không bao lâu, Kamn đã nhận ra: Nếu mình chưa đến đây thì chưa biết gì về cái thế giới mình đang sống. Rất nhanh, Kamn yêu đất nước này và khi đến nước Lào thì thêm một phát hiện chinh phục con tim ông. Ông đã khám phá ở những vùng xa xôi của trái đất những đất nước và dân tộc mà theo ông vô cùng đáng yêu và đáng kính.

Henry Kamn có vợ Việt Nam. Nhưng ông gặp người vợ này sau khi ông rời Việt Nam. Trong thời gian ở Việt Nam, ông đã có vợ người Mỹ. Sau tháng 4 – 1975, ông được báo New York Times cử làm trưởng văn phòng tại Tokyo (Nhật). Một buổi tối đang ngồi trong Câu lạc bộ báo chí nước ngoài tại thành phố này thì có người báo tin: một nhóm người Việt Nam vượt biên bằng thuyền máy được một tàu Nhật vớt và đưa vào đất liền Nhật. Những người trên chiếc thuyền máy không ai nói được tiếng Anh. Quyết định của Kamn là lên đường ngay. Nhưng có một rắc rối không nhỏ là làm thế nào có ngay một người biết tiếng Việt Nam và tiếng Anh hoặc Pháp để làm thông dịch trong cuộc tiếp xúc với những người trên thuyền. Rất may tối hôm đó trong câu lạc bộ có một phụ nữ Việt Nam rất rành tiếng Pháp và tiếng Anh. Một người bạn giới thiệu người phụ nữ ấy với Henry Kamn và cô sẵn sàng đi ngay cùng Kamn. Đó là sự khởi đầu của một cuộc hợp tác rất tốt đẹp.

Sau loạt bài về những người Việt Nam di tản này, người phụ nữ Việt Nam tự nguyện làm thông dịch cho ông đã trở thành vợ chính thức của ông. Những năm sau này Henry Kamn sống tại miền Nam nước Pháp, vẫn viết cho New York Times nhưng được hưởng chế độ đặc biệt chỉ làm việc 6 tháng trong một năm. Vợ ông điều khiển một Gallerie ở Thụy Sĩ, chuyên bán tranh của những họa sĩ lớn, đặc biệt là của Picasso.

Trong chiến tranh Việt Nam, có rất nhiều nhà báo không chỉ dũng cảm bảo vệ sự thật và chân lý mà còn bày tỏ công khai tình cảm, sự gắn bó của mình đối với dân tộc Việt Nam như Kamn.

Câu chuyện của Carl Robinson, phóng viên – nhiếp ảnh của hãng tin AP là một trường hợp điển hình khác.

Như một số thanh niên Mỹ thời Kennedy đến Việt Nam với nhiều ảo tưởng mang từ đất nước họ: Tự coi mình là sứ giả của thế giới văn minmh, có sự mạng giúp xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ và phồn vinh tại miền Nam Việt Nam- Carl Robinson ở tuổi đôi mươi đặt chân đến miền Nam Việt Nam cũng với một tâm trạng như thế. “Tinh thần Kennedy” đã thôi thúc cả một thế hệ Mỹ hướng tới những lý tưởng cao đẹp. Carl Robinson nghĩ rằng khi mình đến miền Nam sẽ được dân chúng ở đây tiếp đón như cha ông của anh đã từng được ôm chầm niềm nở bởi những chàng trai cô gái Pháp, Ý mà anh từng được thấy trong các đoạn phim ghi lại sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng khi vừa xuống phi trường Tân Sơn Nhất, anh được đưa lên một chiếc xe ca quân đội Mỹ mà các cửa sổ đều được bảo vệ bằng một lớp lưới thép để chống lại tấn công bằng lựu đạn. Carl Robinson hiểu ngay rằng anh không đặt chân đến một vùng đất thân thiện như anh đã được tuyên truyền!

Khi anh được điều về Gò Công, một tỉnh lỵ ở miền Tây cách Sài Gòn chỉ mấy mươi cây số, với tư cách nhân viên USAID (Cơ quan viện trợ Mỹ), Carl càng thấy rõ sự sai lầm quá lớn của mình khi tình nguyện sang đây theo lời kêu gọi của chính quyền Mỹ. Đây là một cuộc chiến mà người Mỹ hoàn toàn bị cô lập, bị chính những người mà họ có sứ mạng “bảo vệ, giúp đỡ”, chống lại và thậm chí căm thù. Carl còn nhận ra với tất cả sự thất vọng rằng “những đồng minh” của Mỹ cũng chẳng quan tâm đến sự chinh phục người dân miền Nam Việt Nam mà ngược lại còn gây thêm đau thương cho họ. Các Tỉnh trưởng – thường là một quân nhân – là những “ông vua” ở địa phương, một thứ “hung thần” khiến người dân sợ hãi. Carl quyết định từ nhiệm.

Nhưng Gò Công sẽ mãi mãi gắn bó với Carl: anh yêu một cô gái tại đây và thiếu nữ này cũng yêu anh. Nhưng cuộc tình của họ không suôn sẻ dù Carl hết sức chân thành, gặp cha mẹ cô gái và chính thức xin cưới. Cha cô gái là một nhân sĩ địa phương, nhất định từ chối. Sự từ chối của ông cũng dễ hiểu vì vào những năm 60, gia đình nào có con gái lấy Mỹ đều bị bà con hàng xóm coi như không đàng hoàng, dễ bị khinh rẻ. Carl có thể đưa người yêu lên Sài Gòn sống bất kể sự chống đối của cha mẹ cô nhưng anh không chọn giải pháp này mà vẫn kiên trì chờ đợi sự chấp nhận chính thức của gia đình cô gái. Cuối cùng anh nhận được tín hiệu vui. Cha cô gái đồng ý gặp Carl Robinson nhưng lại đặt một điều kiện: Carl chỉ được vợ sau khi trả lời một câu hỏi do cha cô gái nêu ra. Ngày Carl hồi hộp đến gia đình của người yêu, anh không đoán được câu hỏi sẽ là gì. Cuối cùng câu hỏi của cha cô gái rất vắn tắt: “Anh có phải là nhân viên CIA không?”. Carl thở phào nhẹ nhõm vì bản thân anh rất dị ứng với tổ chức tình báo Mỹ sau khi không làm cho USAID nữa, Carl xin là phóng viên nhiếp ảnh cho hãng tin AP (Mỹ). Lúc đầu, anh không được thu nhận vì áp lực của tòa đại sứ Mỹ. Carl bị liệt vào “danh sách đen” (black list) những người Mỹ bị theo dõi tại Sài Gòn. Nhưng cuối cùng AP vẫn nhận anh.

Khi làm rõ điểm này (có phải là nhân viên CIA không), Carl cha cô gái nhận làm rể. Thế là Carl xây dựng kế hoạch cuộc sống của mình gắn vĩnh viễn với quê hương bên vợ. Anh không nghĩ đến ngày trở về Mỹ. Anh yêu vợ, mặt khác đất nước và con người Việt Nam lại rất thích hợp với tâm hồn và lối sống của anh. Kế hoạch sống tại Việt Nam của anh bị đảo lộn với sự kiện lịch sử 30-4. Tòa đại sứ Mỹ ra lệnh Carl di tản với cả gia đình, có cả ông già vợ đã từng nghi ngờ Carl làm việc cho CIA. Anh đau khổ rời Việt Nam, nơi mà anh đã chọn làm quê hương thứ hai, nhưng sự đau khổ của Carl còn là sự mất mát vật chất khiến anh hoàn toàn phá sản khi trở về Mỹ. Những gì anh đầu tư tại miền Nam, anh không thể mang theo về Mỹ. Nhưng bi kịch đối với Carl Robinson chỉ thật sự bắt đầu khi anh đặt chân trở lại quê hương anh. Hai vợ chồng phải sống trong những điều kiện khó khăn tại Washington, mỗi ngày Carl đến trụ sở hãng AP với vỏn vẹn hai đô la bỏ túi; nhưng cái mà Carl không thể chịu đựng nổi chính là thái độ của các đồng nghiệp anh tại AP. Khi từ miền Nam Việt Nam trở về, lúc đầu Carl hình dung rằng anh sẽ được các đồng nghiệp trong cơ quan đón anh với một sự quan tâm đặc biệt. Họ sẽ quay quắt đặt vô số câu hỏi về Việt Nam: Tại sao người Mỹ thất bại, những ngày cuối ở Việt Nam ra sao, cuộc di tản diễn ra thế nào v.v… Nhưng thực tế hoàn toàn khác hẳn. Không ai hỏi Carl điều gì về Việt Nam. Họ còn cố tránh nói chuyện hoặc chạm mặt với Carl Robinson trong cơ quan bởi vì họ muốn vĩnh viễn quên đi Việt Nam. Carl là cây đinh trong mắt họ.

Carl bắt đầu uống rượu, bỏ bê công việc, rồi cuối cùng rút khỏi hãng AP vì không chịu đựng nổi những bất mãn và tủi nhục của người khác về chiến tranh Việt Nam cứ đổ trút lên anh. Để cứu chồng mình ra khỏi tình trạng khủng hoảng có thể dẫn tới căn bệnh trầm uất, người vợ Việt Nam đã đưa cả gia đình sang sống ở Sydney (Úc). Tại đây một người bạn giúp anh trở lại với nghề báo bằng cách giới thiệu anh với tuần báo Mỹ Newsweek. Anh trở thành trưởng văn phòng của tờ báo này ở Sydney. Ngoài ra anh cùng gia đình vợ mở một quán ăn Việt Nam lấy tên là Sài Gòn. Carl có dịp trở lại Việt Nam lần đầu nhân kỷ niệm 15 ngày thống nhất đất nước. Chúng tôi rất mừng rỡ khi gặp lại nhau. Gần đây tôi được biết Carl cùng vợ cố gắng tiếp nối kế hoạch xưa kia là xây dựng một lần nữa cuộc sống của họ ở Việt Nam.

… Trước năm 1975, các nhà báo nước ngoài là một bộ phận gắn liền với cuộc chiến tại Việt Nam. Các nhà báo tiến bộ đã góp phần làm sáng rõ lên nhiều góc khuất hoặc thực trạng bị bóp méo trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều nhà báo cũng bày tỏ công khai thái độ chống chiến tranh, chống sự can thiệp của người Mỹ ở Việt Nam. Họ đã góp phần thúc đẩy cho cuộc chiến tranh sớm đi tới sự kết thúc vào 30-4-1975. Jean Claude Pomonti của báo Le Monde, Nayan Chanda của báo Far Eastern Economic Rewiew (có lúc cộng tác với Le Monde Diplomaitque), Francois Nivelon của báo Le Figaro, Paul Quinn Judge của báo Christian Science Monitor, Tiziano Terzani của báo Der Spiegel v.v… là những nhà báo mà tôi quen biết có thái độ ủng hộ những người hoạt động đối lập và thành phần thứ ba.

J. C. Pomonti giúp tôi hai lần viết bài để bày tỏ lập trường đối lập và chống chiến tranh của mình trên mục “La tribune internationale” của báo Le Monde, một diễn đàn thường dành cho chính khách có tên tuổi các nước phát biểu. Anh Pomonti và tôi cùng sinh năm 1940. Anh có vợ Việt Nam là con gái của ông Lê Quang Thanh cũng làm báo (cho hãng tin AFP tại Sài Gòn) và là em gái của ông Lê Quang Uyển từng là thống đốc Ngân hàng quốc gia (chế độ Sài Gòn). Sau 1975, Pomonti rất thường trở lại Việt Nam và đưa các con anh về thăm quê ngoại. Chúng tôi có một vài dịp đánh tennis với nhau trên sân Nhà Văn hóa Thanh niên ở đường Hai Bà Trưng.

Sau 1975, tôi cũng gặp lại Nayan Chanda tại TP. Hồ Chí Minh. Anh từ Hồng Kông sang, lúc này anh là editor in chief (chủ bút) tờ Far Eastern Economic Review. Anh rất ngạc nhiên khi nghe tôi kể cuộc sống của tôi giờ đây gắn với công việc viết báo, đặc biệt là viết báo thể thao. Các bài bình luận bóng đá của tôi viết cho các báo (có lúc cho bốn tờ báo ngày và tuần) mang lại cho tôi một thu nhập mỗi tháng tương đương 2000 USD (trước khi tôi bị bệnh)! Bài báo của Nayan Chanda viết về tôi trên Far Eastern Economic Review có câu khá vui:

“Một cựu dân biểu và là cựu tổng trưởng thông tin chế độ cũ hiện sống hào hứng với nghề viết báo thể thao; quá khứ chẳng làm vướng bận đầu óc ông”. Được biết gần đây Chanda đã từ giã nghề báo và làm giám đốc nhà xuất bản của Trung tâm nghiên cứu về toàn cầu hóa ở đại học Yale.

Và Tiziano Terzani, một người bạn khác của tôi trong giới báo chí nước ngoài hoạt động tại miền Nam trước năm 1975. Terzani đến Sài Gòn từ năm 1971 với tư cách đặc phái viên báo Der Spiegel tại Đông Nam Á. Ông là nhà báo ủng hộ các nhóm đối lập tại miền Nam và đặc biệt là lực lượng thứ ba khi có Hiệp định Paris. Ông chống lại sự can thiệp của người Mỹ tại Việt Nam và công khai coi cuộc chiến đấu của MTDTGPMN và Bắc Việt là cuộc chiến yêu nước của người Việt Nam cần được thế giới ủng hộ. Khi tổ chức các cuộc họp báo chống tổng thống Thiệu, tôi luôn báo tin cho Ternazi. Với sự giới thiệu của tôi, Ternazi cũng trở thành một người khách luôn được đón tiếp niềm nở tại Dinh Hoa Lan của ông Dương Văn Minh. Ông được coi là “cái loa” bán chính thức của những người đối lập chế độ Thiệu. Ông là người Ý sinh tại Florence.

Suýt nữa ông mất cơ hội chứng kiến tận mắt ngày 30-4-1975, cũng có nghĩa mất đi cơ hội thực hiện cuốn sách “Giai Phong” được chọn là Book of the Month Selectioln ở Mỹ năm 1976. Giữa tháng 3-1975, ít ngày sau khi chế độ Thiệu mất Buôn Mê Thuột, nhà báo Tiziano Ternazi được Nguyễn Quốc Cường – người đứng đầu Trung tâm báo chí – báo rằng một trong những bài báo của ông đã xúc phạm tổng thống và vấy bùn lên nước VNCH. Nguyễn Ngọc Bích, Tổng giám đốc Việt Tấn Xã (Vietnam Press) cũng lặp lại những điều ấy với ông. Thế là Ternazi bị trục xuất khỏi miền Nam. Ông kể rằng đón nhận lệnh này ông vô cùng thất vọng. Suốt 4 năm dài theo dõi một cuộc chiến làm lay động cả lương tâm nhân loại, nhưng đến khi sắp kết thúc thì mình lại vằng mặt nên Ternazi nhất định không chấp nhận… sự bất công này. Ternazi biết rất rõ nếu ông trở lại Sài Gòn thì ông sẽ bị chính quyền bắt ngay tại sân bay. Chỉ còn một cách là chọn chuyến bay nào khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì không còn… chuyến nào nữa rời khỏi Sài Gòn. Tức là chuyến bay cuối cùng đến Sài Gòn.

Tiziano Terzani kể: “Tôi rất may mắn. Khi chiếc phản lực Air Vietnam xuất phát từ Singapore đáp xuống Tân Sơn Nhất thì lúc đó tất cả cảnh sát sân bay đã biến đi đâu hết, không có ai kiểm tra “danh sách đen” trong đó có tên tôi. Tizani thích thú nói: “Thế là tôi vào lại Sài Gòn”.

Tiziano Terzani đã nhìn thấy cảnh xe tăng của quân giải phóng vào dinh Độc Lập cùng với nhà báo Nayan Chanda. Sau ngày 30-4-1975, Tizani được phép ở lại Việt Nam thêm ba tháng, đi khắp các tỉnh miền Tây, rồi ra Hà Nội, gặp nhiều lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và Nhà nước. Cuối năm 1975, Tiziano Terzani viết xong cuốn “Giai Phong”. Tức khắc cuốn sách được khắp nơi đón nhận nồng nhiệt, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tại Ý, quê hương của Terzani, nhà xuất bản của anh cho in một loại ấn bản đặc biệt (rút ngắn) dành phổ biến cho các trường học ở Ý.

Quyển sách kể lại ba ngày giải phóng và ba tháng Tizani quan sát đất nước Việt Nam sau khi thống nhất và bước vào giai đoạn đầu của cải tạo xã hội chủ nghĩa. Quyển sách là một cái nhìn đầy hào hứng và lạc quan về chiến thắng tất yếu của nhân dân Việt Nam và những đổi thay diễn ra tiếp đó.

Tháng 4-1976 kỷ niệm một năm giải phóng, cùng một số nhà báo như Jean Lacouture, Nayan Chanda, Jean Claude Pomonti, Francois Nivelon v.v… Tiziano Terzani được chính quyền Việt Nam mời trở lại thăm Việt Nam. Đoàn báo chí nước ngoài được đưa đi bằng ô tô từ Hà Nội vào Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Một chuyến đi thực tế rất phong phú cho người làm báo nếu chuyến đi ấy được tổ chức chu đáo. Nhưng trong khâu thực hiện có nhiều điều bất cập nên đã gây một số phản ứng không thuận lợi cho nước chủ nhà. Nhưng cái bất lợi nhất là tình hình kinh tế của Việt Nam một năm sau giải phóng không lạc quan chút nào. Terzani không nhận ra Sài Gòn mà ông từng gắn bó. Tinh thần của ông càng bị lung lạc khi ông không tìm lại được phần đông các bạn bè quen biết của ông trước năm 1975. Nhiều người đã vượt biên ra nước ngoài bằng thuyền, có không ít người bỏ mạng giữa biển. Nhiều người khác “đi học tập” chưa thấy về. Ông nhắc nhiều về trường hợp một người bạn, một phóng viên Việt Nam, từng giúp ông trước 1975: Cao Giao. Khi Tiziano Ternazi cho xuất bản quyển “Giải Phóng”, ở phần lời nói đầu, ông nhắc đến Cao Giao như sau:

“Một số người Mỹ quen biết anh rời khỏi Sài Gòn ở tuần lễ cuối cùng đầy sợ hãi đã thúc hối anh sang Hoa Kỳ cùng gia đình. Họ nói với anh: “Anh biết ngoại ngữ, anh cũng không bao giờ ngủ, anh sẽ tìm được một việc dễ dàng như làm nhân viên khách sạn vào ban đêm”

Đó không phải lý do anh ở lại Việt Nam.

“Ở mỗi người Việt Nam đều có một viên quan lại, một kẻ cắp, một kẻ nói dối – và có cả một con người mơ mộng ngủ im bên trong” anh nói với tôi như thế.

“Cách mạng cho tôi được mơ và tôi muốn được nhìn thấy giấc mơ ấy bằng chính mắt mình”

Tôi (Tiziano Terzani) cũng thế, muốn được thấy điều ấy.

Trở lại Việt Nam tháng 4-1976, Tiziano Terzani nghĩ rằng mình không thấy giấc mơ ấy thành hiện thực. Quá nhiều điều để cho Terzani thất vọng. Gặp lại tôi tháng 4- 1976 tại tòa soạn báo Tin Sáng bộ mới, Terzani không che giấu tâm trạng ấy của anh. Tôi cố gắng nói với anh: những gì anh đã viết trong quyển sách có giá trị lịch sử, vượt thời gian. Nhưng lúc đó quả thật tôi không có đủ lý lẽ để thuyết phục anh rằng những gì đang xảy ra chưa phải hoàn toàn là bản chất của cách mạng Việt Nam. Riêng tôi chấp nhận các diễn tiến của những năm đầu sau 1975 chủ yếu bằng con tim, con tim của người Việt Nam, với niềm tin đặt cơ sở vào quá trình lịch sử của người cộng sản. Tôi tin rằng rồi Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có những điều chỉnh thích nghi để đất nước đi lên. Nếu người cộng sản đích thực là người yêu nước như tôi vẫn tin tưởng, thì dứt khoát họ sẽ có những điều chỉnh cần thiết và không quá chậm trễ để vực dậy đất nước, và bảo đảm làm sao cho người dân đã sống quá lâu trong chiến tranh, trong cảnh mất nước và cơ cực, được hưởng những thành quả của cuộc cách mạng.

… Sau đó tôi được một số đồng nghiệp gần gũi với Tiziano Terzani có dịp đến Việt Nam cho biết: hình như sau chuyến trở lại Việt Nam tháng 4-1976, Terzani đã phủ nhận quyển sách “Giai Phong” của anh – như một người mẹ quyết định từ bỏ đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau. Nghe tin này tôi rất buồn cho Terzani và càng buồn vì Việt Nam mất đi một người bạn thân thiết.

Mãi đến năm 1995, cũng qua một đồng nghiệp nước ngoài, tôi được biết Tiziano Terzani đã cho xuất bản lại quyển “Giải Phóng” dưới một cái tựa mới: “Saigon 1975 – Three Days and Three Months” (Sài Gòn 1975 – Ba ngày và ba tháng). Không bao lâu, tôi có cuốn sách trong tay. Lời mở đầu của ấn bản này có tên “Twenty Years After” (Hai mươi năm sau) nói rõ sự đổi tựa sách chỉ nhằm mục đích để quyển sách tiếp cận dễ dàng hơn với người đọc thuộc thế hệ mới. Về nội dung, Terzani nhấn mạnh: “Cuốn sách được in lại hoàn toàn đúng như nó được viết hồi năm 1975. Không có một tên tuổi nào thay đổi, không một tính từ hay một dấu than nào bị xóa đi hoặc một dấu hỏi nào được thêm vào”.

Như thế trái với những tin không chính thức mà tôi từng nghe vào những năm trước, Tiziano Ternazi không hề phủ nhận đứa con tinh thần của mình. Ông kể: “Có nhiều người hỏi tôi: Có phải lúc đó ông đã sai lầm?”. Sự khiêu khích đáng được trả lới và câu trả lời là “Không”.

Trong lời tựa hai mươi năm sau, Tizani viết:

”Những gì xảy ra sau chiến tranh tại Việt Nam không thể thay đổi suy nghĩ của tôi về thực chất cuộc chiến này trước đây. Đối với thế hệ của tôi, trước hết đó là một vấn đề của đạo đức (a question of morality). Người Việt Nam đã chiến đấu cho cuộc chiến vì độc lập, cũng là cuộc chiến mà họ đã bắt đầu ở đầu thế kỷ khi bị những độ quâni Pháp đầu tiên đặt chân lên bờ biển của đất nước họ. Người Mỹ, đơn giản chỉ thay thế người Pháp trong ý đồ thực dân mới của họ, không có lý do gì can thiệp ở đất nước xa xôi này; họ không có quyền “tàn phá đất nước này trong mục đích cứu vớt nó”. Giữa bộ máy chiến tranh tinh vi của Mỹ và cuộc chiến du kích của người Việt, sự chọn lựa anh hùng của chúng tôi quá đơn giản.

“Các nguyên lý mà chúng tôi tin tưởng, đó là mỗi dân tộc phải tự quyết định vận mệnh của mình, rằng các xã hội phải nhân bản và công bằng. Cuộc cách mạng Việt Nam cho thấy sự hứa hẹn ở tất cả những điều đó. Các cuộc cách mạng luôn là như thế vì nó hướng tới tương lại, một tương lai đầy hi vọng, chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn hiện tại gắn liền với khốn khổ và bất công. Đất nước Việt Nam là như thế: một bên là thực tế bày ra trước mắt từ một chế độ đàn áp được ủng hộ bởi sự can thiệp của Mỹ, còn bên kia là sự khắc khổ, một tinh thần cách mạng bất khuất, hứa hẹn hòa bình và cuộc sống tốt đẹp cho mọi người…”

Thật lạ lùng, những suy nghĩ của Tiziano Ternazi lúc đó không khác lắm suy nghĩ của tôi dù anh là người Ý còn tôi là người Việt Nam. Thì ra giữa những người không bị những quyền lợi ích kỷ chi phối hoặc theo đuổi những mục đích chính trị tư riêng thì dễ dàng gặp nhau trong sự chọn lựa đứng về phía nào trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

… Hai mươi năm sau, khi Tiziano Terzani cho in lại quyển sách của mình, chắc chắn ông cũng thấy rằng cuộc cách mạng mà mình ủng hộ đã bắt đầu có thành quả tốt đẹp. Nước Việt Nam mà ông nhìn thấy năm 1976 khi trở lại Việt Nam – có nhiều điều làm ông thất vọng – nay đã đổi khác nhiều.
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 đ
VI 

11. Từ Sài Gòn đến Điện Westminster

Sau Tết Mậu Thân, không khí chính trị tại Sài Gòn hoàn toàn thay đổi. Chẳng hạn trước Tết Mậu Thân, một cuộc thăm dò dư luận Mỹ vào tháng 11-1967, cho thấy 44% người Mỹ muốn quân đội của họ rút về nước toàn bộ hoặc dần dần; 55% chủ trương một đường lối cứng rắn, tức sử dụng vũ khí hạt nhân. Tháng 2-1968, khi cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân đang diễn ra ác liệt, 53% người Mỹ chủ trương tăng cường các cuộc hành quân quân sự với một qui mô lớn hơn và chấp nhận cả nguy cơ chạm trán với Liên Xô và Trung Quốc. Chỉ có 24% người Mỹ muốn thấy cường độ chiến tranh hạ thấp xuống. Thế nhưng chỉ 6 tuần lễ sau sự kiện Tết Mậu Thân, sự ủng hộ của người Mỹ dành cho tổng thống Lyndon Johnson từ 40% rớt xuống còn 26%. Người ta còn nhớ khi ông Johnson mới vào Nhà Trắng, cứ 10 người Mỹ thì có đến 8 người ủng hộ ông.

Theo nhà báo Stanley Karnow trong quyển Vietnam: A History mà ông là tác giả: Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân “làm bàng hoàng” tổng thống Johnson (stunned Johnson). Johnson không bao giờ tưởng tượng rằng Việt cộng có thể tấn công vào tòa đại sứ Mỹ và tất cả các thành phố lớn của miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sáng 31-1-1968 Lyndon Johnson đã ra lệnh cho guồng máy tuyên truyền Mỹ phối hợp tạo ra một dư luận lạc quan trong nước Mỹ đối với tình hình chiến tranh Việt Nam. Johnson chỉ đạo tổng tư lệnh liên quân Mỹ tại Việt Nam Westmoreland trong các cuộc họp báo với báo chí Mỹ tại Sài Gòn phải khẳng định quân đội Mỹ “đang nắm vững tình hình tại đây”. Lyndon Johson cho phụ trách báo chí tại Nhà Trắng biết “cuộc tổng công kích của cộng sản hoàn toàn thất bại”. Johnson cũng chỉ thị cho ngoại trưởng Dean Rusk, cựu bộ trưởng quốc phòng McNamara, Walt Rostow và các phụ tá thân cận khác luôn giữ một lập luận như thế trước báo chí và truyền hình khi được phỏng vấn.

Tuy nhiên tinh thần của phần đông các phụ tá của tổng thống Mỹ sau Tết Mậu Thân thật ra đã suy giảm đáng ngại. Harry McPherson – luật sư và là một trong những người viết diễn văn cho tổng thống Johnson, được Johnson coi như con nuôi của mình (ông Johnson chỉ có con gái chứ không có con trai) đã phát biểu với giới thân cận rằng những hình ảnh về tòa đại sứ Mỹ bị tấn công mà truyền hình phát đi từ Sài Gòn, cũng như hình ảnh Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu một Việt cộng trên đường phố trước ống kính truyền hình Mỹ đã gây sự thất vọng cho ông, khiến ông thấy cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam là phi nghĩa và mất hẳn khả năng chiến thắng. Nhiều năm sau đó người ta tìm thấy trong sách giáo khoa của trường quân sự Mỹ West Point sự đánh giá cuộc tấn công Tết Mậu Thân gây bất ngờ cho tình báo Mỹ ngang với cuộc tấn công của Nhật ở Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) trong lịch sử.

Trong khi từ Việt Nam, tướng Westmoreland thúc bách Johnson tăng cường thêm 206.000 quân Mỹ đến miền Nam, thì tại Washington, Clark Clifford, người thay Mc Namara, đã có suy nghĩ khác. Một cách âm thầm, tổng thống Johnsonn cũng khuyến khích các phụ tá có nhiều ảnh hưởng nhất tính tới “một cách khác giải quyết cuộc chiến Việt Nam”. Một trong những cuộc họp không chính thức diễn ra tại bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25-3-1968 đã có ảnh hưởng gần như quyết định đối với diễn tiến tiếp theo của chính sách của Mỹ tại Việt Nam. Cuộc họp này có 14 người tham dự, trong đó có Dean Acheson – cựu ngoại trưởng Mỹ (1942-1952), người đã từng thuyết phục tổng thống Mỹ Truman viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến Đông Dương; Arthur Goldberg – đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc; George Ball, McGeorge Bundy; Henry Cabot Lodge – cựu đại sứ Mỹ tại Sài Gòn; Averell Harriman; Cyrus Vance v.v... Ngoài ra bên cạnh Clark Clifford còn có Dean Rusk – ngoại trưởng (1961-1968); Walt W. Rostow – cố vấn an ninh của tổng thống Johnson 1966-1968; Earle Wheeler – chủ tịch Ban tham mưu liên quân Mỹ.

Tổng thống Johnson giao cho bộ trưởng Bộ quốc phòng Clifford thăm dò tìm giải pháp cho một trong ba chọn lựa: một là leo thang chiến tranh với việc đưa quân Mỹ đến Việt Nam nhiều hơn gia tăng oanh tạc miền Bắc; hai là duy trì hiện trạng; ba là hạn chế tấn công không quân và tập trung quân đội Mỹ ở những vùng đông dân cư đồng thời chuẩn bị cho chính quyền Sài Gòn điều khiển trực tiếp cuộc chiến.

Ba chuyên viên cao cấp được mời đến thuyết trình mà người quan trọng nhất là Philip Habib – cựu cố vấn chính trị tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn – lúc này là phó trợ lý bộ trưởng Ngoại giao. Khi ông Habib kết thúc bản thuyết trình của mình, bộ trưởng Clifford đã chất vấn ông như một luật sư chất vấn một nhân chứng trước tòa (Clifford gốc là một luật sư). Ông hỏi: “Phil, bạn có nghĩ chúng ta có thể giành được chiến thắng quân sự?”. Ông Habib do dự một giây vì ngại rằng câu trả lời có thể làm phật lòng sếp của mình là Dean Rusk:

“Trong những điều kiện hiện nay thì khônlg!”. Liền đó Clifford hỏi tiếp một câu mà sau này Habib, khi kể lại, cho rằng gay go nhất trong sự nghiệp của ông: “Bạn sẽ làm gì nếu quyền quyết định thuộc về bạn?”. Habib im lặng một giây rồi nói: “Ngừng ném bom và thương thuyết”.

Ngày 31-3-1968, trong bài diễn văn với nhân dân Mỹ, tổng thống Johnson thông báo quyết định của ông không ra ứng cử nhiệm kỳ thứ hai “để tránh cho nước Mỹ khỏi bị chia rẽ trong năm bầu cử”. Ngày 13-5-1968 hai phái đoàn Mỹ và VNDCCH khai diễn cuộc hòa đàm tại Paris sau 30 ngày tranh luận với nhau về địa điểm.

Sau Tết Mậu Thân, tinh thần của quân đội Mỹ xuống hẳn. Tháng 3-1968 lại xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ) làm cho dư luận Mỹ càng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh Việt Nam.

Có ba vấn đề được đề cập công khai trong dư luận và báo chí vào thời điểm này tại Sài Gòn: ngưng hay không ngưng ném bom miền Bắc; nhìn nhận hay không nhìn nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam; chính phủ Sài Gòn nên hay không nên tham dự Hội nghị Paris. Trước ba vấn đề này, giới chính trị Sài Gòn phân đôi rõ rệt: phe chống cộng và ủng hộ chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đều chủ trương “ba không”: không ngưng ném bom, không nhìn nhận MTDTGPMN và không dự hòa đàm. Giới đối lập, trong đó có tôi, chọn một lập trường ngược lại hẳn.

Tôi không phải là một nhà chính trị chuyên nghiệp. Với tôi, lúc này, các mục tiêu vì dân tộc và hòa bình được đặt lên trên tất cả. Sự chết chóc của người Việt Nam ở hai chiến tuyến đều đau xót như nhau. Những giải pháp nào để chấm dứt cuộc chiến ấy tôi đều ủng hộ. Cuộc hòa đàm sẽ đưa đến sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn? Tôi không biết chuyện ấy sẽ ra sao nhưng có một thực tế rõ ràng là sự tồn tại của chế độ Nguyễn Văn Thiệu không phải là điều mong muốn của đa số nhân dân miền Nam.

… Khi mở lại chồng báo cũ để tìm tài liệu viết Hồi ký này, tôi bắt gặp tờ Tiếng nói Dân tộc đề ngày 22-10-1968 trong đó có bài báo của tôi với hàng tít: “Một bài báo chờ dịp khác đăng: Ha! Ha! Đây là ngày vui dân tộc!”. Nội dung bài báo như sau:

“Chiều ngày 19-10-1968 vào lúc 16 giờ, tôi đang thâu thập tin tức giờ chót cho số báo ra ngày hôm sau thì nhận được một bản tin của hãng Reuter cho hay Mỹ đã đồng ý ngưng oanh tạc miền Bắc và miền Bắc chấp nhận nói chuyện với VNCH. Trong cái giây phút bỗng nhiên thiêng liêng ấy, tôi đã cầm viết và viết bài này để kịp đăng với nguồn tin trên. Nhưng rốt lại nguồn tin trên bị đính chính, bài này không còn giá trị nữa, đúng ra nó phải nằm trong hộc tủ để chờ như mấy chục triệu dân hai miền Nam Bắc vẫn đang chờ… suốt 20 năm qua.
L.Q.C

“Thế là đã hoàn toàn ngưng oanh tạc trên toàn lãnh thổ Bắc Việt. Thế là người dân miền Bắc đã chấm dứt được cảnh sống hãi hùng kéo dài hơn 44 tháng qua, bắt đầu từ vụ tàu Maddox tháng 4 – 1965. Bốn năm chẵn! Bốn năm phải hứng chịu tổng cộng hết cả số bom mà quân Đồng minh đã trút lên nước Đức trong thời gian thế chiến thứ hai – có cơn ác mộng nào bằng!

“Vài lần bị pháo kích trong một năm, Sài Gòn đã không ngủ; cảnh tang tóc thê lương đã phủ trùm, thử hỏi bốn năm oanh tạc, kiếp sống con người với tiếng phản lực cơ gào thét, với tiếng bom vang dội ngày đêm, có còn là một kiếp sống hay chỉ là những chuỗi ngày dài vô tận trốn chạy tử thần?

“Tôi muốn thét lên cho mọi người nghe niềm vui vô tận của tôi. Để nếu trước đây vì cớ gì không thể chia sớt được niềm đau chung của đồng bào ruột thịt ngoài ấy, thì nay ít ra cũng tỏ được không muộn lòng mình. Ở giây phút này, dầu bạn hay thù, dầu quốc gia hay cộng sản, chỉ cần là người Việt biết nghĩ đến những cảnh tang thương trước đây dưới những trận mưa bom, ai ai cũng cảm thấy tự nhiên vùng lên một NIỀM THƯƠNG DÂN TỘC. Có người anh nào thấy em vui mà không vui, có người em nào thấy anh thoát cơn nguy hiểm lại không mừng. Niềm thương ấy là niềm thương ruột thịt, xuất phát từ hơi thở, trong nhịp tim, không cần tìm kiếm, không suy nghĩ mà vẫn cảm nhận đậm đà.

“Tôi không biết ngưng oanh tạc rồi sao. Cộng sản sẽ thắng hay đó là dấu hiệu cộng sản bắt đầu lùi. Tôi quên suy tính. Tôi thấy cần vui cái vui tận cùng cái đã. Trong giây phút tâm hồn lâng lâng, tôi chợt nghĩ bom ngoài Bắc ngừng dội, tiếng súng trong Nam hết nổ. Ha! Ha! Đó là ngày vui của dân tộc. Những buổi đồng bào di cư bỗng chốc lóe lên hình ảnh một buổi chiều vàng gặp lại cha già mẹ yếu bên lũy tre xanh xiêu vẹo vì bom đạn. Những bà mẹ già trong Nam đứng ngồi không yên nhìn ra đồng ruộng thẳng tấp trông ngóng bóng con về.

“Tôi mơ ngày vui dân tộc ấy”.

Một bài báo quả là hồn nhiên chính trị. Với không ít người còn coi đó là ngây thơ chính trị.

Thật sự vào cuối tháng 10-1968, báo chí Mỹ đã “ngửi” thấy từ Washington sắp sửa có một quyết định quan trọng chung quanh việc ngưng oanh tạc miền Bắc để phá vỡ bế tắc về hòa đàm giữa Mỹ và Bắc Việt. Tổng thống Johnson đã có ý định sẽ công bố lệnh này vào ngày 31-10 và bắt đầu cuộc nói chuyện với Bắc Việt ngày 2-1-1968. Nhưng trước khi ra quyết định sau cùng, tổng thống Johnson muốn nghe ý kiến của người có tiếng nói trọng lượng nhất trong vấn đề này: tướng Creighton Abrams, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam. Tướng Abrams lên chiếc C -141 từ Sài Gòn bay suốt đêm và đến phi trường quân sự Andrews vào lúc 1 giờ sáng. Abrams được đưa ngay đến Washington và gặp tổng thống Johnson cùng các phụ tá thân cận tại nhà Trắng vào lúc 2 giờ 30 sáng.

Câu hỏi đầu tiên của Johnson đặt ra với Abrams: “Với hiểu biết sáng suốt của ông về tình hình Việt Nam, ông có hối tiếc hay do dự khi có quyết định ngưng ném bom miền Bắc Việt Nam?”. Tướng Abrams: “Thưa ngài, không”. Câu hỏi tiếp theo của Johnson: “Nếu là tổng thống, ông có hành động như thế?”. Abrams trả lời “Sẽ không do dự” và thêm rằng: “Tôi không nghĩ đó là điều đúng đắn phải làm mà là một việc thích đáng phải làm”.

Nhưng thời điểm này, tại Mỹ đã khởi đầu cuộc chạy đua vào nhà Trắng. Johnson muốn hòa đàm về Việt Nam là khởi đầu tốt đẹp để ứng cử viên Đảng Dân chủ có tham vọng thay ông có nhiều thuận lợi hơn ứng cử viên Richard Nixon của Đảng Cộng hòa. Biết được chỗ yếu này, tổng thống Thiệu tìm cách khai thác tình hình chính trường Mỹ có lợi cho mình. Mặt khác chính Nixon cũng cho người thân thuộc móc nối Thiệu để khuyến khích Thiệu đối đầu lại áp lực của Washington và làm trì hoãn ý đồ ngưng ném bom của tổng thống Johnson trong lúc không còn bao lâu nữa nhiệm kỳ của Johnson kết thúc. Tổng thống Thiệu tính rằng nếu ứng cử viên của Đảng Dân chủ là Hubert Humphrey đắc cử thì đồng nghĩa “chính phủ liên hiệp sẽ được thành lập trong 6 tháng; nhưng nếu Nixon trúng cử thì vẫn còn hi vọng”. Trong cuốn sách “No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam” của tác giả Larry Berman đã tiết lộ bộ trưởng Mỹ Clark Clifford tố cáo ý đồ của Thiệu lợi dụng cuộc bầu cử ở Mỹ là “thối như cứt ngựa” (horseshit).

Ngày 28-10-1968, theo chỉ thị của tổng thống Johnson, đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker đến gặp tổng thống Thiệu thông báo rằng ngày 31-10 vào lúc 8 giờ chiều, giờ Washington, tổng thống Mỹ sẽ thông báo chính thức ngừng ném bom, và cuộc gặp phái đoàn Bắc Việt sắp tới sẽ là ngày 6-11 sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra. Tổng thống Mỹ hi vọng rằng tổng thống Thiệu sẽ tán đồng sự công bố này. Thay vì đáp ứng lời yêu cầu của Johnson, Thiệu xuất hiện trước quốc hội lưỡng viện (có cả Hạ viện lẫn Thượng nghị viện) chỉ trích Washington với những lời lẽ mà đại sứ Bunker gọi là “nẩy lửa”. Thiệu bày tỏ quan điểm “tẩy chay” cuộc hòa đàm. Còn phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, ngoài hành lang Quốc hội, nói với một số dân biểu, nghị sĩ rằng quyết định ngưng ném bom của tổng thống Johnson khiến “chúng ta không thể tiếp tục tin người Mỹ - họ đúng ra chỉ là một đám lừa đảo” (“a band of crooks” – trích trong “The Vietnam War – Day by day” của John S. Bowman). Trong hồ sơ của CIA được công khai sau này có một báo cáo ghi lại lời tố cáo của Thiệu về quyết định của tổng thống Johnson là “không khác gì sự phản bội của Mỹ khi bỏ rơi Tưởng Giới Thạch sau các cuộc thương lượng ở Yalta, Teheran và Casablanca”.

Hai người làm gạch nối Thiệu với Nixon để chống lại Johnson là Anna Chennault và Bùi Diễm – đại sứ của chế độ Sài Gòn tại Washington. Anna Chennault là vợ góa của tướng Claire Chennault – một anh hùng không quân Mỹ. Hồ sơ của FBI được tham khảo tự do tháng 12 -2000 tiết lộ bà Chennault thông qua Bùi Diễm liên tục thúc đẩy Thiệu giữ vững lập trường không hợp tác với tổng thống Johnson. Bà ta nói rõ mình nhận được ý kiến từ “ông chủ” (boss) của bà, tức từ Nixon. Nhìn thấy ý đồ của Thiệu, tổng thống Johnson nói với Bộ trưởng quốc phòng Clark Clifford rằng Thiệu là một kẻ nói dối và một con người hai mặt (a liar anh a double – crosser).

Phía sau sự kiện chính phủ Thiệu nghe lời Nixon phá vỡ kế hoạch hòa đàm của tổng thống Johnson hồi năm 1968, người ta phát hiện vai trò xấu xa của Henry Kissinger trong âm mưu này! Vào thời điểm đó, Kissinger là nhân vật thân cận của thống đốc Nelson Rockefeller và từ chỗ đứng này trong phe Dân chủ, ông trở thành một thành viên không chính thức trong ban tham mưu chiến lược hòa đàm của tổng thống Johnson. Thấy trước rằng ứng cử viên của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là Hurbert Humphrey (đang là phó của tổng thống Johnson) khó thắng đối thủ đảng Cộng Hòa là Richard Nixon, Kissinger chơi trò hai mặt: vẫn đứng trong ban tham mưu của Johnson nhưng làm việc ngầm cho phe Nixon với mục đích giành một địa vị quan trọng trong chính phủ tới nếu Nixon đắc cử! Ông ta đã thông báo trực tiếp cho Nixon biết các chi tiết quan trọng trong kế hoạch kết thúc chiến tranh của tổng thống Johnson và tham mưu cho Nixon cải cách đối phó. Nhờ các thông tin quí giá do Kissinger cung cấp, phe Nixon liên hệ với chính phủ Thiệu qua trung gian của Bùi Diễm – đại sứ Sài Gòn tại Mỹ - liên kết nhau phá vỡ kế hoạch thương thuyết hòa bình với Hà Nội của chính phủ Johnson. Nixon hứa với Thiệu nếu ông ta thắng cử, Thiệu sẽ tại vị thêm bốn năm nữa và lúc đó sẽ có những điều kiện thương lượng thuận lợi hơn cho chính phủ Thiệu (nhưng thực tế bốn năm sau với Nixon, ông Thiệu đã phải chịu đắng cay và nhục nhã hơn rất nhiều).

Lúc đó tuy Kissinger không phải là thành viên chính thức nhưng được trưởng đoàn thương thuyết của tổng thống Johnson là Averell Harriman xem là một nhân vật cốt cán trong ê kíp mình. Richard Holbrooke, trợ lý Bộ trưởng ngoại giao của chính phủ Johnson sau này cho biết: “Henry là người duy nhất ngoài chính phủ mà chúng tôi cho phép tham gia các cuộc thảo luận về hòa đàm”. Ông Holbrooke nói thêm rằng mọi người rất tin tưởng Kissinger nên không ai ngờ rằng trong ê kíp thương thuyết của chính phủ Johnson lại bị cài người nằm trong chiến dịch tranh cử của Nixon.

Đề cập trở lại dư luận tố cáo ông và Kissinger tiếp tay cho Nixon phá vỡ nỗ lực hòa đàm của chính phủ Johnson nhằm cản trở ứng cử viên Dân Chủ thắng cử, trong hồi ký của mình (In the Jaws of History) ông Bùi Diễm gián tiếp xác nhận sự tố cáo này bằng cách thú nhận rằng: “Ông Humphrey (ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ) và những nhân vật trong đảng Dân Chủ khiến tôi thất vọng vì những người này trước đây ủng hộ chính sách can thiệp vào Việt Nam bao nhiêu thì nay lại tìm cách lảng ra bấy nhiêu. Bởi thế phản ứng tự nhiên của tôi là bắt đầu ngả về phía đảng Cộng Hòa rồi từ đó cũng gặp nhiều bạn trong đảng Cộng Hòa”. Bùi Diễm còn nhắc lại một mật điện của ông đề ngày 23-10-1968 gửi cho tổng thống Thiệu khuyến khích Thiệu tiếp tục giữ lập trường cứng rắn để đối đầu áp lực của tổng thống Johnson: “Nhiều bạn bè thuộc đảng Cộng Hòa tiếp xúc tôi và khuyến khích chúng ta giữ vững lập trường”.

Thái độ của dân chúng và giới đối lập ở miền Nam lúc này phần đông đều muốn chính phủ Sài Gòn cử phái đoàn đến Paris để sớm chấm dứt chiến tranh. Lập trường cứng rắn không dự hòa đàm của ông Thiệu không được hậu thuẫn mạnh mẽ, ngoại trừ phe chống cộng.

Tác giả quyển “The Trial of Henry Kissinger” (Phiên tòa xét xử Henry Kissinger – Nhà xuất bản Verso, London – New York) là Christopher Hitchens coi Kissinger là một tội phạm chiến tranh xứng đáng đưa ra tòa án Nuremberg hay The Hague. Sau khi phá vỡ cuộc hòa đàm 1968 của chính phủ Johnson, bốn năm sau (1972), Kissinger trở thành “kiến trúc sư” của Hiệp định Paris được chính phủ Nixon ký kết với những điều kiện gần giống hoàn toàn những điều kiện mà thời chính phủ Johnson đã sẵn sàng chấp nhận nếu không có sự phá bĩnh từ bên trong của Kissinger (và Bùi Diễm). Tác giả Christopher Hitchens coi Kissinger là kẻ gây ra tội ác chống lại nhân loại vì rằng cuộc chiến đáng lý có thể chấm dứt từ năm 1968 cùng với những điều kiện của năm 1972, đã kéo dài thêm bốn năm “khiến cho có thêm ba triệu thường dân Việt Nam bị thương vong hoặc mất nhà cửa, 31.205 lính Mỹ, 86.101 lính VNCH và 475.609 quân địch bị thiệt mạng” (theo tài liệu của Lầu Năm Góc). Kết quả thật mỉa mai: Kissinger không bị đưa ra Tòa án Nuremberg hay The Hague mà lại được trao tặng giải Nobel hòa bình!

Theo Christopher Hitchens, Kissinger còn là người chịu trách nhiệm chính về một hành động tội ác khác: vụ “bình địa” Kiến Hòa. Vụ thảm sát ở Mỹ Lai chẳng nghĩa lý gì so với cuộc tàn sát ở Kiến Hòa, xảy ra một năm sau (tháng 3-1969), lúc đó Henry Kissinger là người chỉ huy cuộc chiến Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara ngày 22-1-1968 với Thượng nghị viện (thời tổng thống Johnson) thì không có đơn vị Bắc Việt nào có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long lúc đó. Do đó không thể viện lý do nhằm chống lại sự tràn ngập của quân Bắc Việt để tiến hành cuộc “tẩy sạch” vùng này.

Phóng viên Kevin Buckley, trưởng văn phòng Newsweek tại Sài Gòn đã tố cáo vụ tàn sát ở Kiến Hòa tháng 3 -1969 trên tờ báo (ngày 19-6-1972) như sau:

“… Theo một viên chức khoảng 5000 người dân thường bị hỏa lực của Mỹ giết chết trong cuộc “bình định” ở Kiến Hòa. Sự chết chóc ở đây khiến cho cuộc thảm sát ở Mỹ Lai không thể nào so sánh. Sư đoàn 9 (Ninth Division) huy động tất cả sức mạnh vào cuộc hành quân này. 8000 lính bộ binh cày nát Kiến Hòa nhưng rất hiếm xảy ra đụng độ với địch. Cuộc hành quân được 50 khẩu đại bác, 50 trực thăng hỗ trợ. Máy bay đã thực hiện tất cả 3.381 lần tấn công ném bom trong cuộc hành quân mang tên “Speedy Express” này. Trên một trực thăng có kẻ khẩu hiệu “Death is our business and business is good” (tạm dịch “Bắn giết là công việc của chúng tôi và đó là công việc thú vị”).

“Thật khó giải thích về sự khác biệt khủng khiếp giữa số xác người được đếm (11.000) và số vũ khí đã tịch thu được (748). Chỉ có thể giải thích: đa số những xác chết ấy là của người dân vô tội…”

Theo Christopher Hitchens, từ khi Henry Kissinger trở thành cố vấn an ninh của Nixon không có một quyết định nào trong cuộc chiến ở Việt Nam lại không được thông qua ông ta. Cho nên tướng Telford Taylor, từng đứng đầu Ủy ban điều tra tại tòa án Nuremberg, đã viết trong quyển Nuremberg và Việt Nam rằng có thể đưa Henry Kissinger ra xét xử như đã xét xử người chỉ huy quân đội của Nhật hoàng Hirohito là tướng Tomoyuki Yamashita vì ông ta đã bị không kiểm soát quân Nhật và để xảy ra các vụ tàn sát dân thường. Yamashita đã bị xử treo cổ. Ngoài những tội ác gây ra ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Kissinger còn bị coi là người chịu trách nhiệm các tội ác khác xảy ra ở Bangladesh, Chile, Síp, Đông Timor…

…Trở lại vấn đề hòa đàm Paris, sau cùng thì chính phủ Thiệu cũng không thể đối đầu với áp lực của Washington, phải cử phái đoàn do đại sứ Phạm Đăng Lâm dẫn đầu dự hội nghị bắt đầu ngày 25-1-1969. Nguyễn Cao Kỳ được chỉ định là cố vấn chính trị của phái đoàn Sài Gòn. Có một chuyện bên lề được kể rộng rãi về thái độ của nước Pháp chủ nhà, đối với phó tổng thống Kỳ. Tổng thống Pháp là tướng De Gaulle từ chối tiếp ông Kỳ với nghi thức chính thức. Nhưng ông Kỳ vẫn đến Paris với danh nghĩa cố vấn của phái đoàn Sài Gòn. Ngay lúc ông Kỳ còn trên đất Pháp, trong một cuộc họp báo của tổng thống De Gaulle, một nhà báo đã hỏi De Gaulle về Nguyễn Cao Kỳ thì được De Gaulle hỏi lại “Qui est Ky?” (Ky là ai?). Một cách chơi chữ của De Gaulle coi thường ông Kỳ. Vai trò của ông Kỳ dù không công khai tại Paris nhưng cũng góp phần làm cho tư thế của phái đoàn VNCH càng sút giảm. Bởi hình ảnh của tướng Nguyễn Cao Kỳ là “diều hâu 100%”.

Đầu tháng 2-1969, phụ tá đặc biệt của tổng thống Thiệu là Nguyễn Cao Thăng đến tòa soạn báo Tiếng Nói Dân Tộc mời tôi tham gia một phái đoàn trí thức nhân sĩ miền Nam thăm chính thức một số nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ với mục đích làm cho thế giới hiểu thêm về miền Nam và chế độ Sài Gòn. Nhưng tôi nói liền với ông Thăng: tôi là một dân biểu đối lập, không thể tham gia một cuộc “giải độc” cho chính phủ Nguyễn Văn Thiệu được. Ông Thăng bảo tôi hãy yên tâm: “Ông dân biểu không có trách nhiệm làm việc đó. Ông vẫn có thể giữ lập trường độc lập của ông, miễn ông không công khai tuyên truyền cho cộng sản”.

Đoàn gồm có cựu trung tướng Trần Văn Đôn – đang là nghị sĩ quốc hội; Hà Thúc Ký – một lãnh tụ đảng chính trị (Đại Việt); bà nghị sĩ Nguyễn Phước Đại; nghị sĩ Trần Văn Lắm sau này là Tổng trưởng Giáo dục; GS. Nguyễn Xuân Oánh – cựu phó thủ tướng và thống đốc Ngân hàng quốc gia Sài Gòn, Nguyễn Gia Hiến – công giáo chống cộng và khoảng ba hay bốn người nữa mà tôi không nhớ tên. Đoàn được các chính phủ thân chế độ Sài Gòn như Nhật, Bỉ, Ý, CHLB Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, Mỹ đón tiếp trân trọng nhưng không vượt qua khuôn khổ ngoại giao. Khi đoàn đến Nhật, người được chủ nhà đón tiếp nồng hậu nhất là giáo sư Nguyễn Xuân Oánh vì từng du học tại đây và sau đó trở lại dạy đại học trên đất Nhật. Ông Oánh có buổi nói chuyện với sinh viên Nhật tại Tokyo bằng tiếng Nhật.

Rời Nhật đến châu Âu trên máy bay Janpan Airlines qua ngả Anchorage, tôi có dịp đặt chân lên Bắc Cực (Alaska). Một sự cố nhỏ xảy ra với tôi: khi máy bay dừng lại để mua đồ lưu niệm, thì tôi không làm sao mang lại đôi giày da của mình. Số là tất cả hành khách đi máy bay đường dài của Japan Airlines đều được phát tất ấm và dép vải để được đi thoải mái trong cuộc hành trình. Khi nào xuống máy bay mới mang giày của mình trở vào. Đôi giày da mới toanh của tôi vừa đóng tại Sài Gòn, do nhiệt độ quá lạnh trong máy bay, đã co rúm lại. Tôi cố gắng thế nào cũng không thể mang vào. Thế là tôi đành đặt chân nửa trong nửa ngoài đôi giày rồi xuống máy bay cho kịp với các hành khách khác. Tất cả hành khách đến Anchorage đều được Japan Airlines cấp cho một giấy chứng nhận đã đặt chân lên Bắc Cực.

Đoàn đến Paris 9 giờ ngày 18-1-1969, cũng trong ngày này, một tiếng rưỡi sau (10 giờ 30), Hội nghị Paris mở rộng chính thức khai diễn tại Hotel Majestic. Tôi và ông Hà Thúc Ký được đại sứ Phạm Đăng Lâm, trưởng đoàn VNCH mời gặp tại nơi làm việc của đoàn (đặt tại 101, Avenue Raymond Poincafé) với sự có mặt của các thành viên như luật sư Vương Văn Bắc, luật sư Nguyễn Phương Thiệp, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy để nghe báo cáo những diễn tiến mới nhất của hội nghị. Đoàn cũng gặp chính thức phái đoàn Mỹ do Cyrus Vance tiếp. Riêng tôi và bà Nguyễn Phước Đại có dịp mở một cuộc họp báo dành cho các nhà báo Pháp hoạt động trong quốc hội (presse parlementaire) tại Thượng viện Pháp. Cuộc họp báo trực tiếp bằng tiếng Pháp, không thông qua thông dịch. Chủ yếu chúng tôi vận động giải pháp chấm dứt chiến tranh, nói lên sự tha thiết của nhân dân Việt Nam muốn thấy đất nước mình được thống nhất. Tôi còn nhớ bà Đại đã gây xúc động với các nhà báo Pháp khi nói về cuộc chiến ở Việt Nam. Về phần tôi, tôi lưu ý dư luận Pháp và quốc tế rằng trong cuộc chiến ở miền Nam, ngoài hai phe đối nghịch còn có những người Việt Nam đứng giữa là những người thầm lặng không chấp nhận Mỹ - Thiệu nhưng cũng không xếp về phía Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.

Tại Paris, trong khuôn khổ riêng, tôi đã gặp và ăn cơm trưa với nhà báo Jacques Decornoy của báo Le Monde, lúc đó phụ trách khu vực Đông Nam Á, theo sự giới thiệu của nhà báo Jean Claude Pomonti thường trú tại Sài Gòn. Sau cuộc tiếp xúc, Jacques Decornoy đề nghị tôi viết một bài báo trên mục “Tribune internationnale” của Le Monde để đánh động dư luận quốc tế về sự thảm khốc của cuộc chiến ở Việt Nam và tình cảnh của những người Việt đứng giữa. Jacques Decornoy cũng ủng hộ quan điểm của một số người ở miền Nam vào thời điểm ấy là cần có một thành phần thứ ba. Tôi viết bài báo đó tại Paris và giao cho J. Decornoy trước khi rời nước Pháp. Tuần sau đó, bài báo được Le Monde đăng tải.

Đại sứ Phạm Đăng Lâm có mời tôi một buổi riêng ăn tại nhà hàng L’ Orée du Bois ở Bois de Boulogne. Đây là một buổi chiêu đãi có tính cách riêng tư. Đại sứ Lâm là bạn học của cha tôi thời cả hai người học tại trường Collège Mỹ Tho.

Nhưng chuyện đáng nhớ nhất trong chuyến đi này là khi đến nước Anh. Trong nhiều hoạt động của đoàn có buổi dự chiêu đãi do đảng cầm quyền lúc bấy giờ (Công Đảng) tổ chức tại Điện Westminster, trụ sở quốc hội Anh. Phía chủ nhà, ngoài các lãnh tụ của đảng, còn có hai đại diện đoàn thanh niên của Công Đảng. Trước khi buổi tiệc bắt đầu, chủ nhà phát biểu rồi đến khách phát biểu. Nhưng đại diện của đoàn miền Nam là Hà Thúc Ký chưa kịp nói gì thì một trong hai đại biểu thanh niên Công Đảng đứng lên phủ nhận tính cách đại diện miền Nam Việt Nam của đoàn, anh cho rằng đại diện hợp pháp duy nhất của miền Nam Việt Nam là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Trên ngực của anh thanh niên người Anh có đeo một huy hiệu của MTDTGPMN. Tôi nhìn qua anh thanh niên ngồi bên cạnh, cũng thấy một huy hiệu MTDTGPMN trên ngực. Rồi cả hai đồng loạt đứng lên hô to khẩu hiệu phản đối đoàn nhân sĩ trí thức Sài Gòn và hoan hô MTDTGPMN. Đến đây người chủ trì buổi chiêu đãi cho gọi bốn viên cảnh sát vào, cứ hai viên cảnh sát “kẹp” một chàng thanh niên, đưa ra khỏi phòng ăn một cách khá êm. Vào lúc đó, trong đầu tôi xuất hiện một suy nghĩ mà trước đây còn lờ mờ: rõ ràng chế độ Nguyễn Văn Thiệu đã bị đánh bại trên mặt trận ngoại giao nhân dân.

Tại CHLB Đức, đoàn đã được đưa đi xem “bức tường Berlin”. Đứng trên một vọng gác sát tường bên phía Tây, tôi nhìn qua Đông Đức. Đó là một thế giới xa lạ và đầy “bí hiểm” đối với tôi. Sự hiểu biết của tôi về “chế độ cộng sản” nói chung và về Đông Âu nói riêng, lúc đó còn lờ mờ lắm.

Nên lúc đó nhìn qua bên kia “bức tường Berlin”, tôi cảm thấy điều gì đó không yên ổn. Những con chó berger có mặt dọc theo chân tường phía bên Đông Đức càng làm sự cảm nhận nặng nề hơn. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1980 tôi có dịp sang thăm Liên Xô trong đoàn trí thức miền Nam (cùng các anh chị: Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, giáo sư Trần Văn Tấn, giáo sư Trần Phước Đường, tiến sĩ Trần Xuân Danh, nữ nghệ sĩ Phùng Há, tiến sĩ Tôn Nữ Thị Ninh, nhà báo Tô Nguyệt Đình, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba v.v…). Ước ao của tôi lúc đó là được đến CHDC Đức, được viếng “bức tường Berlin” từ phía Đông, để đối chiếu cái nhìn từ hai phía. Nhưng tôi không có cơ hội đạt được mong muốn đó trước khi bức tường bị triệt hạ. Tuy nhiên chuyến đi Liên Xô năm 1980 đã để lại trong ký ức tôi những ấn tượng đẹp về một đất nước xã hội chủ nghĩa (dù nhiều mặt chưa hoàn chỉnh và yếu kém). Tôi có cảm tình với Liên Xô của năm 1980 mà tôi có dịp đến và thăm viếng nhiều nơi. Từ Moscow, tôi đoán được phần nào phía bên này “bức tường Berlin”. Sau khi “bức tường Berlin” được hạ xuống, hai nước Đức thành một, khi những thực tế đối chiếu hai chế độ xã hội trở thành trực diện thì người ta mới nhận ra rằng ở chế độ cộng sản ngày trước cũng có thật nhiều điều tốt đẹp để cho người dân Đông Đức cũ thật sự nhung nhớ, luyến tiếc. Các tờ báo thuộc cánh hữu ở châu Âu cũng nhìn nhận thực tế này bên cạnh những gì mà họ chỉ trích, tấn công.

Khi đoàn trí thức nhân sĩ miền Nam rời châu Âu tiếp tục chuyến đi sang Mỹ, lúc ấy cận Tết nên tôi không theo đoàn. Từ nước Anh, tôi về thẳng Sài Gòn. Không đến Mỹ trong dịp này, tôi không có dịp nào khác đến nước Mỹ. Sau năm 1975, hai lần tôi xin nhập cảnh vào Mỹ để thăm mẹ của tôi đã 82 tuổi nhưng đều bị Tổng lãnh sự Mỹ tại TP. HCM từ chối.

Các thành viên của đoàn trở về Sài Gòn đều lần lượt tham gia chính phủ Thiệu hoặc đứng vào tập hợp đảng phái của Thiệu. Chỉ có hai người vẫn đứng ngoài chính quyền là bà nghị sĩ Nguyễn Phước Đại và tôi. Trong buổi chiêu đãi đoàn tại Dinh Gia Long (nay là Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh đường Lý Tự Trọng) sau chuyến đi, tôi có nghe tổng thống Thiệu chính thức mời bà Đại tham gia chính phủ nhưng bà Đại khéo léo từ chối. Riêng với tôi, qua trung gian là giáo sư Nguyễn Xuân Oánh đến gặp tôi tại tòa soạn báo Tiếng Nói Dân Tộc ông Thiệu mời tôi tham gia đảng do ông sắp sửa thành lập và đứng đầu. Tôi nói với ông Oánh cảm ơn lời mời này nhưng sự chọn lựa chính trị của tôi vẫn là đứng ngoài chính quyền, tiếp tục hoạt động đối lập với chính phủ. Ngày 25-5-1969, Nguyễn Văn Thiệu cho ra mắt mặt trận 6 đảng do ông đứng đầu, trong đó có Đại Việt Cách Mạng, Lực lượng Đại Đoàn Kết (Công giáo di cư), Dân Xã (Hòa Hảo), Việt Quốc… Trái với mong mỏi của ông Thiệu, mặt trận không được dư luận ủng hộ và bị báo chí nước ngoài tại Việt Nam gọi là “liên minh sáu quả trứng ung”!

Trong thời gian này, ông Hoàng Đức Nhã, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân vận chiêu hồi là cánh tay mặt của ông Thiệu, cũng tiếp cận tôi qua sự móc nối của Phạm Ngọc Kha, đã từng quen biết tôi khi còn học chung ở Lycée Yersin Dalat (Kha từng là đổng lý văn phòng Bộ Phát triển sắc tộc). Bản thân ông Nhã cũng là một cựu học sinh trường Yersin. Nhã mời hai vợ chồng tôi cuối tuần đến Suối Tre, địa điểm giải trí của Plantation SIPH trên đường đến Xuân Lộc, ăn trưa, đánh quần vợt và bơi lội. Cùng tham gia có một số tổng trưởng thuộc cánh của Nhã. Có lẽ Nhã thăm dò để lôi kéo tôi đứng về phía Nhã và chính phủ Thiệu. Hai vợ chồng tôi tham dự những Weekend như thế khoảng ba, bốn lần thì không đi nữa. Lý do: giữa tôi và Hoàng Đức Nhã không thể liên kết với nhau. Bởi cho dù có những buổi đi chơi chung cuối tuần, tôi vẫn liên tục viết báo và lên diễn đàn Hạ nghị viện tấn công chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Hoàng Đức Nhã có liên hệ gia đình rất gần với ông Thiệu (hình như là anh em cô cậu) đã từng học tại Mỹ nên có phong cách làm việc và suy nghĩ rất Mỹ. Khi Nhã về nước và được Thiệu sử dụng, Nhã đã gặp sự phản ứng bất lợi từ giới trí thức và công chức thuộc thế hệ cũ. Nhã đã không mang lại cho ông Thiệu thêm một sự ủng hộ nào, trong guồng máy chính quyền cũng như ngoài quần chúng. Nhã đưa vào chính phủ một loạt bộ trưởng trẻ được đào tạo tại Mỹ như ông ta. Thiệu hi vọng với Nhã ông sẽ “nắm” các chính khách Mỹ và chính trường Mỹ sâu sát hơn. Nhã đã từng cáo giác với ông Thiệu: “Người Mỹ là những người có đầu óc kinh doanh (businessmen) họ sẽ bán đứng tổng thống nếu tổng thống không còn mang lợi cho họ”. Trong quyển No peace, no Honor, Larry Berman đã kể lại một đoạn đối thoại giữa Kissinger và thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu về Hoàng Đức Nhã ngày 4-8-1973 tại sân bay Kennedy ở New York như sau:

Kissinger nói với Lý Quang Diệu “Nhã ghét tôi lắm”, rồi hỏi ông Lý Quang Diệu “Cảm tưởng của ông thế nào về Nhã?”. Lý Quang Diệu trả lời “Hắn sáng sủa và tham vọng. Đầy tự tin, hắn tự cho rằng những điều hắn nói đều có trọng lượng đối với Thiệu”. Kissinger kết luận “Điều đó đúng. Nhưng hắn vẫn còn non nớt (immature)”.

Các cuộc tiếp xúc với Hoàng Đức Nhã không để lại ở tôi một ấn tượng đặc biệt nào. Hoàng Đức Nhã có thể là một người có nhiều năng lực nhưng không phải là một chính khách có sức thuyết phục.


12. Từ “Tiếng Nói Dân Tộc” đến “Điện Tín”

Cho đến khi ra tờ Tiếng Nói Dân Tộc, tôi làm tất cả 5 tờ báo: Đuốc Thiêng, Buổi Sáng, Thanh Việt, Bình Minh, Sài Gòn Tân Văn. Tờ Sài Gòn Tân Văn do tôi làm chủ nhiệm bị chính phủ Phan Huy Quát đóng cửa. Tờ Tiếng Nói Dân Tộc là tờ thứ hai tôi trực tiếp làm chủ, ra ngày 17-12-1968 đến trước Tết năm 1970 thì bị chính quyền Thiệu đóng cửa. Lý do đóng cửa chính thức như đã nói: tờ báo chống lại vụ án “Châu–Hồ- Trúc”.

Tôi xin nói thêm về ba người này. Ông Trần Ngọc Châu từng làm trung tá tỉnh trưởng ở Bến Tre có người anh là Trần Ngọc Hiền đại tá tình báo Việt cộng. Qua sự tiếp tay của CIA, Thiệu tìm ra bằng chứng Trần Ngọc Châu có liên lạc với người anh của mình (thời đó tội liên lạc với cộng sản là tội nặng nhất). Nhưng nhiều người cho rằng đó không phải là lý do chính. Châu có quan hệ sâu với nhiều nhân vật Mỹ có thế lực tại Việt Nam và cả tại Mỹ. Theo nhà báo Zalin Grant, người đã từng có mặt tại miền Nam từ 1964 đến 1973 và sau đó đã gặp và trao đổi với Trần Ngọc Châu nhiều lần tại Mỹ (sau 1975) thì ông Châu là người đã từng làm việc chặt chẽ với CIA. Một trong những người rất thân với ông Châu là Edward G. Lansdale, nhà hoạt động tình báo nổi tiếng nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Lansdale từng là cố vấn của tổng thống Ngô Đình Diệm, năm 1966 trở lại Việt Nam làm trợ lý đặc biệt cho đại sứ Henry Cabot Lodge và sau đó cho đại sứ Elslworth Bunker. Grant nói rõ điều này trong quyển sách của ông có tên “Facing the Phonenix” (xuất bản năm 1991). Theo Grant, Trần Ngọc Châu còn là người ảnh hưởng chính đối với John Paul Vann trong đường lối bình định. Vam là một loại quan theo kiểu thực dân Pháp, tự gán cho mình “sứ mạng khai hóa” (mission civilisatrice). Đến Việt Nam từ thập niên 60, Vann đã có mặt tại Ấp Bắc sau khi Mỹ thất bại thảm hại trong trận đánh bằng máy bay trực thăng.

Vào thời điểm Châu bị bắt, năm 1970, đại sứ Bunker và CIA tại Sài Gòn tin rằng Thiệu có thể chiến thắng cộng sản và chương trình bình định của chính quyền Thiệu (chiến dịch Phượng Hoàng) là một thành công. Nhưng Châu và “một số người bạn Mỹ” của ông thì chỉ ra chiến lược mà Thiệu va những người Mỹ ủng hộ Thiệu áp dụng trong cuộc chiến giành dân ở nông thôn là một sai lầm. Đó cũng là một trong những lý do tòa đại sứ Mỹ và CIA đã bật đèn xanh cho Thiệu loại Châu.

Theo Grant, chính Ted Shackley thuộc văn phòng CIA tại Sài Gòn đã theo dõi Châu một thời gian dài và thu thập tài liệu về mối quan hệ giữa Châu và anh mình là Trần Ngọc Hiền để cung cấp cho chính quyền Thiệu có lý do bắt và kết án Châu. Ted Sackley không thuộc cánh của Lansdale, ngược lại còn ác cảm với Lansdale. CIA đã từng dùng Trần Ngọc Châu nhưng khi thấy Châu trở thành một trở ngại cho đường lối của họ ủng hộ chế độ Thiệu thì họ không ngần ngại chối bỏ mối quan hệ này và hy sinh Châu! Trong khi đó Edward G. Lansdale và John Paul Vann vẫn nhất quyết cho rằng dân biểu Châu là “người yêu nước quốc gia” có đầu óc chống cộng mặc dù có quan hệ với anh mình là sĩ quan tình báo Việt cộng.

Tôi không thân lắm với ông Châu khi còn là đồng viện. Trong thời gian ở Quốc hội, tôi thường tránh những quan hệ mà tôi thấy phức tạp. Nhưng với tư cách đồng viện, tôi phản đối quyết liệt việc chính quyền Thiệu bắt Châu, vi phạm quy chế bất khả xâm phạm của đại diện dân cử. Cũng theo nhà báo Zalin Grant, khi biết được chính quyền Thiệu có ý định sẽ bắt Châu, “những người bạn Mỹ” của Châu trong đó có John Paul Vann, tìm cách giấu Châu tại Cần Thơ trong một khu nhà dành riêng cho người Mỹ chỉ cách trụ sở CIA Cần Thơ vài bước. John Paul Vann có ý định đưa Châu ra khỏi Việt Nam qua đường Campuchia. Nhưng dân biểu Châu từ chối, cho rằng trốn đi là tự xóa sinh mệnh chính trị của mình. Khi cảnh sát rằn ri và cảnh sát chìm ùa vào bắt Châu (26-2-1970), một số dân biểu đối lập cố gắng ngăn chặn, đặc biệt là Kiều Mộng Thu chiến đấu đúng nghĩa để bảo vệ ông Châu tới cùng. Lúc đó trên ngực Trần Ngọc Châu có đeo Bảo quốc huân chương – huân chương cao quí nhất của chế độ Sài Gòn – và hai tay cầm cái huy hiệu Quốc hội to bằng gỗ lấy ra từ bục diễn đàn Hạ nghị viện để che chắn cho mình. Nhưng cảnh sát của Thiệu vẫn lôi xềnh xệch Châu từ phòng họp ra tận cửa lớn và kéo anh như một con vật xuống các bậc thang trước Hạ nghị viện rồi ném lên xe chở đi. Dù phía sau vang lên những lời la hét, chửi bới chế độ dữ dội của dân biểu Kiều Mộng Thu.

Dân biểu thứ hai bị tòa án quân sự của Thiệu kết tội liên lạc với cộng sản là ông Hoàng Hồ, một nhà báo, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ “Trinh Thám”. Thể loại báo của ông Hoàng Hồ lúc đó khá độc đáo, chủ yếu khai thác chuyện các vụ án trong nước và thế giới, có những bài nghiên cứu khá sâu về tội phạm học là ngành chuyên môn mà ông đã theo đuổi khi ông du học ở Pháp. Tôi không rõ tại sao ông bị kết án và làm thế nào ông biến mất khỏi Sài Gòn trước khi chính quyền Thiệu ra tay.

Người thứ ba là Phạm Thế Trúc, cũng là một dân biểu, được giáo hội Phật giáo cử sang Tokyo để nhận tiền và quà của người Nhật gửi tặng cho nạn nhân bão lụt miền Trung. Nhưng tại Nhật, Trúc tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền Sài Gòn và đã tự tay đốt một hình nộm của Thiệu. Dĩ nhiên ông Thiệu không hề tha thứ hành động này. Nếu Phạm Thế Trúc trở lại Sài Gòn, anh sẽ bị bắt ngay. Trong ba người bị chính quyền Thiệu kết án, tôi thân Trúc nhất vì tôi và Trúc cùng học một trường – Lycée Yersin Đà Lạt – và có một năm học chung một lớp (lớp 4ème). Trong lớp- đa số là Tây con – chỉ có hai chúng tôi biết mê các bài thơ của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, TTKH, Tế Hanh, Hàn Mặc Tử… Mỗi đứa có một tập thơ chép tay, từng câu từng chữ được viết một cách nắn nót. Sau chuyện xảy ra ở Tokyo, tôi không có dịp gặp lại anh. Trúc sống luôn tại Pháp.

Lý do chính thức đóng cửa tờ Tiếng nói Dân tộc là vì tôi đã viết bài phản đối vụ án Châu–Hồ-Trúc. Nhưng nguyên nhân tiềm ẩn là từ khi tờ báo xuất bản, đường lối của TNDT ngày càng đi ngược lại đường lối của chính phủ Thiệu, nhất là các vấn đề liên quan đến chiến tranh và hòa bình. Chính phủ Thiệu dồn tất cả nỗ lực của mình, lúc đầu để ngăn cản Washington không ngừng ném bom miền Bắc. Khi thất bại thì tìm cách ngăn trở và trì hoãn cuộc hòa đàm tại Paris. Ông Thiệu cũng phủ nhận sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và sự thành lập của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Trong khi đó Báo TNDT thúc đẩy quá trình chấm dứt chiến tranh, thương lượng hòa bình và đề cao tinh thần hào giải hòa hợp dân tộc. Một bộ phận người dân miền Nam, vào thời điểm 1968-1969, không ràng buộc quyền lợi và địa vị với chính quyền Thiệu có khuynh hướng chung là chờ đợi sự rút quân của Mỹ và một cuộc hòa đàm vời miền Bắc để kết thúc chiến tranh.

Những người như tôi thuộc loại được ưu đãi ở xã hội miền Nam bấy giờ vậy cớ gì chống chế độ, đòi hỏi một kết thúc chiến tranh mà không đoán được nó sẽ ra sao đối với số phận chính trị của mình? Sẵn sàng đánh đổi cái lợi lộc trước mắt rất đảm bảo cho mình để đấu tranh cho một tương lai gần như là một ẩn số hoàn toàn đối với mình, tại sao? Tôi vẫn nhớ cái tâm trạng của mình lúc đó: tôi không tưởng tượng được chỗ đứng chính trị của mình ở đâu khác hơn là vị trí đối lập với chính quyền. Cuộc sống với tôi sẽ mất đi tất cả ý nghĩa nếu không bày tỏ thái độ đối với cuộc chiến, thái độ trước thực trạng đất nước chia đôi mà theo tôi là nỗi bất hạnh lớn nhất của thế hệ mình. Tôi say sưa đấu tranh cho các mục tiêu ấy. Tôi cảm nhận những ưu đãi mà mình đang được hưởng là phù du và trước tình cảnh đất nước đang bị giằng xé đó, mình không thể an lòng thụ hưởng những ưu đãi ấy.

Những tấn công của các đồng nghiệp trong làng báo Sài Gòn như Chu Tử (báo Sống), linh mục Nguyễn Quang Lãm (Xây Dựng) hay Đặng Văn Sung (Chính Luận) cho rằng tôi “ngây thơ chính trị” cũng chẳng làm tôi lung lay.

Những người có suy nghĩ như tôi lúc ấy khá đông, trong giới trí thức, kể cả trong quân đội, trong hàng ngũ công chức và trong dân thường. Suy nghĩ và lập luận của họ rất đơn giản dù chưa biết người cộng sản ra sao nhưng có một điều chắc chắn họ là người Việt Nam. Nếu chiến tranh kết thúc thì cái lớn nhất đạt được là chấm dứt máu đổ. Vấn đề ưu thế chính trị thuộc về ai trở thành thứ yếu. Một trong những nguyên nhân thất bại của chế độ Thiệu trong thời điểm khởi đầu cuộc đấu tranh quyết liệt với người cộng sản và đồng thời với cả người Mỹ - gần như đã bỏ rơi Thiệu khi quyết định rút chân khỏi Việt Nam – là ở chỗ, phía sau chế độ đó không có hậu thuẫn dân chúng và các lực lượng chính trị có uy tín.

Lật lại hồ sơ chiến tranh Việt Nam của FBI và CIA (mà thời gian bảo mật không còn) người ta nhận ra rằng cuộc đối đầu chế độ Thiệu với đường lối Washington – muốn rút chân khỏi Việt Nam – đơn độc làm sao! Gần như chỉ có ông Thiệu và Hoàng Đức Nhã chiến đấu. Chính phủ Thiệu không dấy lên được một phong trào quần chúng đúng nghĩa làm hậu thuẫn cho quan điểm chính trị của mình. Tại Mỹ ông Thiệu chỉ có “đầu cầu” rất trơ trọi là đại sứ Bùi Diễm tiếp tay. Phó tổng thống Kỳ cũng đứng về phía hai anh em ông Thiệu, chống lại đường lối hòa đàm của Washington, nhưng không có sự phối hợp thật sự giữa hai ông Thiệu và Kỳ. Mâu thuẫn quyền lực giữa Thiệu và Kỳ vẫn quá nặng nề.

Do đó cái cảnh lạc lõng của phái đoàn VNCH tại Paris càng thảm hại. Trên tờ Tiếng Nói Dân Tộc ngày 5-01-1969 tôi có ghi lại lời thuật của luật sư Vương Văn Bắc, một thành viên của đoàn, về tình hình của đoàn tại Paris như sau:

“… Paris rất lạnh, như chưa bao giờ lạnh như thế vào dịp Giáng Sinh, lạnh nhất kể từ năm 1873 đến nay. Tuyết rơi trắng trên thân xe và trên mặt đất rừng Boulogne. Anh Nguyễn Xuân Phong, anh Nguyễn Ngọc Huy và tôi thường đi bộ trong rừng để bàn những vấn đề đất nước, một lúc cả giày lẫn tất đều ướt thẫm. Trở về phòng riêng không thể được vì lẽ đơn giản là không có phòng riêng. Mấy người ở chung nhau một phòng lớn. Những lúc đêm khuya, tôi tiếp tục đọc sách vì không ngủ được. Giáo sư Huy phải dùng khăn lông lớn che mắt ngủ. Buổi sáng chúng tôi xếp hàng để sử dụng phòng tắm độc nhất. Phải nói chúng tôi hoạt động trong một môi trường ghẻ lạnh, đối đầu những kẻ thù hăm hở và bên cạnh những người bạn ngập ngừng.

“Hôm đầu tiên, anh Huy và tôi xuống phố mua áo len, mũ khăn về để chống cái lạnh của Paris. Về tới nhà, vừa mới mở cửa xe bước xuống, hai tay lễ mễ bưng gói đồ thì mấy ông phóng viên đã xuất hiện, chụp hình và quay phim lia lịa. Kinh nghiệm “thập mục sở thị” ấy làm cho chúng tôi không muốn đi đến đâu.

“Tôi thấy rạp chiếu bóng chiếu mấy phim có tiếng như La Chamade của Francoise Sagan hay La Prionniere của Clouzot cũng muốn đi coi nhưng rồi lại thôi vì người ta cho là du hí. May chúng tôi có vài cuộn băng nhạc Việt Nam và báo chí ở bên nhà gửi sang. Chị Vui (tức Nguyễn Thị Vui) nóng lòng muốn biết dư luận ở bên nhà ra sao đối với cuộc hòa đàm. Ngoài ra dĩ nhiên chị cũng nóng lòng muốn biết số phận của Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ ra sao”.

Nhớ lại mấy chục năm, đọc đoạn này, tôi thấy lòng mình chua xót thế nào ấy. Họ đơn độc và chẳng có chút khí thế gì khi “ra trận”. Họ đến Paris nhưng đã thấy trước sự thất bại, bởi họ phải bảo vệ cho một chế độ không thể bảo vệ nữa. Tôi nhớ như in những gương mặt xưa: một Vương Văn Bắc lúc nào cũng mặc bộ đồ vét với cà vạt chỉnh tề, ngay cả khi đi dạy ở Học viện Quốc gia Hành chính. Thời tôi còn là sinh viên HVQGHC, chỉ có giờ của giáo sư Bắc là tôi không cúp cua. Ông chuẩn bị bài giảng nghiêm túc, nói trực tiếp chứ không cầm tài liệu đọc lê thê như các giáo sư khác. Bỏ qua vấn đề khác biệt chính kiến – ông là người miền Bắc di cư, lập trường chống cộng – thì theo tôi, ông là một trí thức có tư cách. Chị Nguyễn Thị Vui, luật sư, là một trường hợp khá phức tạp. Chị đã từng gần gũi với những người cộng sản trong thời chống thực dân Pháp nhưng rồi tách dần ra nhưng vẫn chưa thật sự tìm ra một bến bờ mới cho cuộc sống tinh thần của mình. Chị vẫn bơi giữa dòng. Trong giới trí thức ở miền Nam bấy giờ chị được đánh giá là một nhân vật trong sáng, có nhiều thiện chí với đại cuộc. Nghe đâu cả hai vợ chồng chị đều từng đứng trong hàng ngũ phong trào thanh niên Việt Nam cộng sản ở Châu Âu những năm 50 khi đi du học ở Pháp. Chồng chị là kỹ sư Lâm Văn Sĩ. Có lúc chị tự nhận mình là một “người Việt đứng giữa”. Chị tiết lộ riêng với tôi về sự thân thiết với một vài nhân dân trong MTDTGPMN. Có người đã đến tiếp xúc với chị ngay tại văn phòng luật sư của chị ở đường Nguyễn Du trước 1975. Khi chế độ Sài Gòn sụp đổ, chồng chị, anh Lâm Văn Sĩ, có đến sinh hoạt ở Hội trí thức yêu nước ở đường Nguyễn Thông, nhưng chị thì ở nhà, hạn chế các cuộc tiếp xúc, nhất là tránh gặp những người quen từ trong rừng trở về.

Khi ông Thiệu giao cho Nguyễn Cao Kỳ thành lập phái đoàn đại diện VNCH tại Hội nghị Paris, ông Kỳ đã thuyết phục được luật sư Vui tham gia. Có lẽ chị nghĩ đây cũng là một cách đóng góp cho viêc chấm dứt chiến tranh. Nhưng ông Kỳ thì có ý đồ là dùng chị Vui để “đối xứng” và đối đầu với một nhân vật nữ ở trong phái đoàn chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam là bà Nguyễn Thị Bình. Không hiểu từ đâu, lúc đó lại có dư luận cho rằng bà Vui và bà Bình là bạn cũ với nhau. Kỷ niệm 30 năm ký Hiệp định Paris (năm 2003) tôi có dịp gặp bà Bình trong một buổi tiệc do Ủy ban Việt kiều tại TP. HCM tổ chức tại nhà khách số 1 đường Lý Thái Tổ. Tôi tò mò hỏi bà Bình chuyện xưa, thì được bà xác nhận là không quen biết bà Nguyễn Thị Vui và bà nói thêm: “Ở Sài Gòn trước đây có người lẫn lộn tôi với một người khác cũng tên Nguyễn Thị Bình nhưng là con gái của nhà báo cách mạng Nguyễn An Ninh”.

…Tháng 3-1969, tổng thống Nixon gửi Bộ trưởng quốc phòng Mervin Laird sang Sài Gòn gặp ông Thiệu, cùng đi có tướng Wheeler, mang theo một thông điệp: nhân dân Mỹ muốn chính quyền mới (tức Nixon) đưa cuộc chiến đi đến một kết thúc mĩ mãn và “kết thúc mỹ mãn” ấy đối với đa số người Mỹ có nghĩa là đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc chiến. Trở về Mỹ, Laird gặp Nixon và bàn về kế hoạch “Termination Day” (Ngày kết thúc), một chương trình chi tiết rút quân Mỹ và đồng thời chuyển giao thiết bị cho chính quyền Sài Gòn. Kế hoạch của Nixon là “de- Americanize the war” (phi Mỹ hóa cuộc chiến) nhưng khi được đưa ra công khai nó lại trở thành “Vietnamisation” (Việt Nam hóa chiến tranh), mà theo Nixon có nghĩa xây dựng cho quân đội VNCH đủ mạnh để chủ động được chiến trường để quân đội Mỹ rút dần. Theo tác giả Larry Berman trong cuốn No Peace, No Honor, Thiệu lúc đầu tin rằng Nixon sẽ giúp VNCH đứng vững trong 8 năm, thời gian đủ để chế độ Thiệu củng cố và vững mạnh.

Ngày 9-7-1969 đơn vị quân đội Mỹ đầu tiên trở về nhà, tại căn cứ không quân McChord, gần Tacoma- Washington. Tướng William Westmoreland có mặt đón họ. Theo tôi dù 30-4-1975 mới là ngày chính thức Mỹ cuốn cờ chạy khỏi Việt Nam nhưng chính cái ngày 9-7-1969 Mỹ đã bắt đầu “tháo chạy” và cũng đã quyết định số phận của chế độ Sài Gòn rồi… Tờ Tiếng Nói Dân Tộc bị đóng cửa; dân biểu Trần Ngọc Châu bị bắt bất kể ông được hưởng quyền bất khả xâm phạm của Quốc hội, chủ nhiệm tờ báo tiếng anh Saigon Daily News, ông Nguyễn Lâu, cũng bị bắt trong lúc này cùng một lý do (ngoài ra còn có 26 trí thức khác). Đó là thời kỳ Thiệu siết lại đời sống chính trị ở miền Nam để củng cố quyền lực của mình. Dĩ nhiên phong trào sinh viên không thể không bị đàn áp. Tôi có dự buổi họp báo của ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn (khóa 1967 -1968) bị cảnh sát Thiệu tấn công tại số 4 Duy Tân (hiện nay là Nhà Văn hóa Thanh Niên) do Nguyễn Đăng Trừng (hiện là trưởng đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) làm chủ tịch. Chính quyền Thiệu không công nhận Ban chấp hành này. Buổi họp báo này nhằm phản đối chính quyền Thiệu bắt sinh viên Nguyễn Trường Cổn. Nhưng cuộc họp báo vừa bắt đầu thì cảnh sát tấn công bằng lựu đạn tay và ập vào. Trừng nhanh chân chạy thoát. Sau cuộc tổng công kích đợt 2, Trừng rời Sài Gòn ra vùng giải phóng đi theo Liên minh Dân tộc Dân chủ Hòa bình của luật sư Trịnh Đình Thảo. Sinh viên Nguyễn Trường Cổn bị tòa án quân sự Sài Gòn kết án 5 năm tù về tội phản nghịch. Tòa án quân sự cũng tuyên án tử hình khiếm diện Nguyễn Đăng Trừng khi biết được anh đã vào rừng theo Việt cộng. Vào thời điểm này một số đông trí thức và sinh viên cũng có chọn lựa như Trừng.

Để nắm chặt hơn nữa tình hình chính trị và quân sự trong lúc quân Mỹ rút, ông Thiệu lèo lái Hạ nghị viện bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng Trần Văn Hương để bổ nhiệm người bạn thân và đáng tin cậy nhất của mình là tướng Trần Thiện Khiêm vào chức thủ tướng (23-8-1969). Cũng từ lúc này, các dân biểu đối lập như tôi không còn được cấp hộ chiếu xuất ngoại. Bởi Thiệu biết rất rõ các dân biểu đối lập thường lợi dụng các chuyến ra nước ngoài để hoạt động chống chính phủ.

Nhật báo Tiếng Nói Dân Tộc bị đóng cửa, tôi hợp tác với nghị sĩ Hồng Sơn Đông làm tờ Điện Tín. Hợp đồng giữa anh Đông và tôi khai thác Điện Tín được ký ngày 1-4-1971. Anh Đông là chủ nhiệm, tôi làm chủ bút và là người bỏ tiền ra khai thác tờ báo. Nói bỏ tiền ra nhưng thực tế tiền đầu tư chẳng là bao. Do làm báo lâu năm được sự tin cậy trong làng báo, tiền ban đầu chúng tôi phải bỏ ra rất ít, không như các nhà tài phiệt làm báo. Anh Hồng Sơn Đông là một cựu đại tá quân đội, đắc cử nghị sĩ trong liên danh của tướng Trần Văn Đôn. Tuy nhiên ông Hồng Sơn Đông còn là một người thân thuộc và trung thành của tướng Dương Văn Minh.

Làm tờ Điện Tín, tôi mời anh Trương Lộc đảm trách vai trò tổng thư ký tòa soạn. Khi chúng tôi cùng học ở Đại học Khoa học, năm PCB (Physique – Chimie - Biologie) thì tôi đã bắt đầu viết báo thể thao. Tôi không mê ngành khoa học, (sau chuyển sang học Hành chính) ít khi vào trường, chủ yếu dành thời gian đi viết báo, còn Lộc tiếp tục học cho đến khi đậu bằng cử nhân khoa học. Vài năm sau, tôi rất bất ngờ khi gặp lại Lộc cộng tác với một hãng thông tấn của Nhật. Anh Lộc đi cùng họ đến phỏng vấn tôi. Rồi chỉ một hai năm sau, anh lại gia nhập làng báo Sài Gòn.

Trước năm 1975, anh Lộc là một trong những nhà báo hiếm hoi sớm quan tâm tới một hình thức trình bày hiện đại cho tờ báo – từ cách đặt tít cho đến cách giới thiệu từng trang báo, bài báo. Sau 1975, anh tiếp tục làm báo với tôi ở tờ Tin Sáng, tiếp đó anh phụ trách bộ phận quốc tế cho báo Sài Gòn Giải Phóng. Sau này anh lại chuyển sang lĩnh vực kinh doanh về quảng cáo và tiếp thị (Công ty VMC).

Tờ Điện Tín có nhiều mục rất được độc giả ưa chuộng và gây tiếng vang. Chẳng hạn mục “Ký sự nhân vật” do anh Trần Trọng Thức viết, mục “Văn tế sống” theo thể loại thơ châm biếm của anh Cung Văn tức Nguyễn Vạn Hồng. Mỗi ngày Điện Tín còn có một tranh châm biếm của họa sĩ Ớt tức nhà báo Huỳnh Bá Thành. Người giới thiệu anh Huỳnh Bá Thành với tôi là anh Trần Trọng Thức. Trong buổi gặp đầu tiên tại tòa soạn ở đường Võ Tánh (bây giờ là Nguyễn Trãi), tôi hỏi anh Thành có thể làm được gì trong tờ báo. Anh cho biết trước đây anh có sửa bản in, ngoài ra anh cũng có thể vẽ tranh. Thế là tôi gợi ý cho anh Thành vài đề tài để anh về vẽ thử. Hôm sau anh mang tranh đến, rất đạt. Lúc bấy giờ anh Thành chưa chọn bút danh cho mình. Tôi và anh Lộc cùng tìm một bút danh để anh Thành ký trên tranh. Và bút danh Ớt ra đời. Lúc đầu bên dưới tên Ớt, anh Thành còn vẽ một trái ớt trông rất vui!

Thời kỳ này, tranh của Ớt nhắm chủ yếu vào hai mục tiêu: tổng thống Thiệu và tổng thống Nixon, với cách vẽ đơn giản, chỉ cần vài nét nhưng Ớt đủ làm cho độc giả nhìn ra Thiệu và Nixon. Tôi nhớ mãi bức tranh Ớt vẽ Nixon nằm trong cái quan tài không đậy nắp, thò tay ra ngoài kéo Thiệu cùng vào. Đó là thời điểm tổng thống Nixon phải từ chức vì vụ xì- căn- đan Watergate. Ý của Ớt: Nixon ra đi sẽ kéo theo Thiệu. Vụ thảm sát ở Sơn Mỹ cũng bị Ớt lên án trên tranh của mình: tên trung úy đồ tể William Calley được Ớt cho mặc một bộ sĩ quan đại lễ với từng cái cúc áo là sọ người! Khi tôi không còn làm tờ Điện Tín nữa, chuyển sang các anh Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận phụ trách, họa sĩ Ớt và các anh Trương Lộc, Minh Đỗ, Cung Văn… vẫn tiếp tục cộng tác với tờ Điện Tín bộ mới.

Ở bất cứ tờ báo nào tôi làm tòa soạn, bao giờ tôi cũng dành cho tranh biếm họa một vị trí quan trọng nơi trang nhất. Với tờ Sài Gòn Tân Văn (tôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút năm 1964), cây vẽ tranh liên hoàn trên mỗi số báo là Cát Hữu với nhân vật Tám Sạc Ne. Đến tờ Tiếng Nói Dân Tộc, tranh liên hoàn được giao cho họa sĩ Diệp Đình với nhân vật có tên Tư Cầu Kho. Các tranh của Ớt cũng luôn chiếm vị trí quan trọng trên trang nhất tờ Điện Tín. Sau năm 1975, phụ trách tòa soạn báo Tin Sáng, tôi rất thích thú các tác phẩm biếm được vẽ rất kĩ lưỡng của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi. Cố họa sĩ Chóe đạt đỉnh cao của mình về thể loại biếm họa cũng là lúc anh cộng tác với báo Lao Động: Tranh được đăng với kích thước to và ngay trên trang nhất, mỗi tranh có sức nặng như một bài xã luận.

Trương Lộc, Trần Trọng Thức, Nguyễn Vạn Hồng, Huỳnh Bá Thành lúc đó đều là những nhà báo trẻ, đại diện cho một cách viết báo và làm báo mới mẻ và tiến bộ trong làng báo Sài Gòn.

Trước khi đến với tờ Điện Tín, anh Trương Lộc đã làm thư ký tòa soạn cho các tờ Đất Mới Tìm Hiểu- cả hai đã đánh dấu những bước cải tiến đầu tiên về cách trình bày, đặt tít, viết tin trong làng báo Sài Gòn.

Các bài “Văn tế sống” của Nguyễn Vạn Hồng với bút hiệu Cung Văn dữ dội và độc đáo, đả kích lần lượt các nhân vật trụ cột của chế độ gần như không thiếu một ai. Anh tế sống họ. Lúc đầu tôi không tin anh tài hoa như thế và có lần tôi nói nửa đùa nửa thật với anh: “Có phải người ở “trỏng” viết sẵn và mang ra cho anh, rồi anh nộp bài cho tòa soạn không?”. Nhà của anh Hồng lúc đó nằm trong làng báo chí bên kia cầu Sài Gòn, coi như vùng ven đô. Tôi nói “ở trỏng” là ngầm ý nói trong vùng giải phóng. Ngay thời điểm đó dù chưa biết Cung Văn có quan hệ với người cộng sản, tôi vẫn cảm nhận khá rõ tình cảm của anh với “bên kia”.
Anh Trần Trọng Thức, được đào tạo chính qui tại Việt Tấn Xã bởi các nhà báo nước ngoài (Philipines và Mỹ) có một phong cách viết rất chặt chẽ và luôn giàu thông tin. Các bài “Ký sự nhân vật” của anh ký tên Trần Văn Lê là những chân dung nhân vật tiêu cực lẫn tích cực, được viết một cách sinh động và độc đáo – có thể coi là những tài liệu phong phú giúp những ai muốn tìm hiểu về bộ mặt xã hội Sài Gòn những năm đầu thập niên 70.

Nhân đề cập chuyên mục “Ký sự nhân vật” của anh Trần Trọng Thức, không thể không nhắc: Chính từ chuyên mục này mà nữ nghệ sĩ Kim Cương và anh Thức có dịp quen biết nhau và sau đó trở thành vợ chồng. Nghệ sĩ Kim Cương là một trong những “nhân vật tích cực” được nhà báo Trần Trọng Thức đưa lên mục “Ký sự nhân vật”. Bài báo đã chinh phục “kiều nữ” Kim Cương lúc đó đang rất nổi tiếng về tài năng diễn kịch và cả về hoạt động xã hội.

Anh Trần Trọng Thức là nhà báo Việt Nam đã phát hiện và đưa lên mặt báo Điện Tín vụ lính Mỹ thảm sát dân thường ở Sơn Mỹ, là sự tố cáo đầu tiên tội ác chiến tranh này trên báo chí Sài Gòn. Sau đó một hãng tin Mỹ trích đăng lại, góp phần làm nổ bùng thông tin về vụ tàn sát này tại Mỹ.

Sự việc này bắt đầu từ một số nạn nhân chiến tranh chạy từ miền Trung vào Sài Gòn, sống chui rúc ở một khu tồi tệ thuộc vùng Tân Định đã đến tòa soạn kêu cứu. Anh Thức đến tận nơi điều tra và phát hiện vụ thảm sát tại Sơn Mỹ. Nhưng vì ngại Bộ thông tin tịch thu khi báo ra, nên mẩu tin chỉ có khoảng 300 chữ. Sau đó khi vụ thảm sát đã được đưa ra quốc hội Mỹ dưới sức ép của dư luận Việt Nam, quốc hội Sài Gòn mới tiền hành điều tra, gửi một phái đoàn do nghị sĩ Trần Văn Đôn dẫn đầu đi Quảng Ngãi. Với tư cách phóng viên Việt Tấn Xã, anh Thức tháp tùng phái đoàn này và viết bài cho Điện Tín dưới một bút danh khác.
Khi tổng thống Mỹ Nixon ân xá cho trung úy William Calley, báo Điện Tín đã phản ứng quyết liệt bằng bài viết và bằng tranh biếm của họa sĩ Ớt. Truyền hình Mỹ (hình như là CBS) có phỏng vấn tôi với tư cách là chủ bút báo Điện Tín về phản ứng đối với quyết định ân xã Calley của Nixon. Lúc đó tiếng Anh của tôi còn rất yếu, tôi phải nhờ anh Trương Lộc chuẩn bị sẵn cho tôi một số ý trước, để thể hiện sự cực lực phản đối việc Nixon bao che tội ác!

Với Calley thật sự không thể ân xá. Hắn nói: “Tôi coi cộng sản cũng như người Mỹ miền Nam nhìn một tên mọi đen (negro). Cá nhân tôi, ngày hôm đó tôi không có giết một người Việt Nam nào cả. Tôi nói rõ – cá nhân tôi. Tôi đại diện cho Hoa kỳ. Quê hương tôi”. Hắn cho rằng giết cả trẻ em vì lớn lên chúng sẽ là VC như cha mẹ chúng. Theo Calley, nếu hắn chỉ giết đàn bà, ông già, con nít – đều đó có nghĩa cha chúng đã đi chiến đấu. Chúng đều là VC. Calley lập luận chuyện bắn giết của hắn không có gì tồi tệ hơn so sánh với chuyện ném bom 500 pound từ một pháo đài bay B52. Hay khi chính quyền Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki… Những lời lẽ khủng khiếp này của Calley được in trong quyển “VietNam – A war lost and won” của Nigel Cawthorne (nhà xuất bản Capella).

Về chuyện tàn sát dân thường của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, đạo diễn điện ảnh Mỹ Oliver Stone (các phim Platoon Born on the Forth of July) có phát biểu như sau:

“Tôi rất phẫn nộ khi nghe các cựu chiến binh nói: “Ồ! Đây là chiến tranh, có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Mẹ kiếp! Bọn dân thường khốn nạn làm gì biết được điều đó”, lập luận này không thể lọt vào tai tôi một giây nào. Tôi chán nghe bọn ngu xuẩn đó nói rằng trong chiến tranh họ có thể tàn sát bất cứ ai. Dù rằng chiến tranh khơi dậy những bản năng xấu xa nhất của con người, nhưng ở đó vẫn còn có chỗ của đạo đức. Chúng ta (người Mỹ) đi đến sự thất bại không tránh khỏi vì cuộc chiến này không có mục tiêu đạo đức và chúng ta chiến đấu mà không có một lý tưởng trong sáng nào”.

Oliver Stone đến miền Nam Việt Nam hai lần. Lần đầu năm 1965, lúc đó 19 tuổi làm giáo viên Anh văn tại Chợ Lớn. Lần sau năm 1967 trong hàng ngũ quân đội Mỹ.

Nhắc những người cộng tác với tờ Điện Tín mà quên nhà văn Thiếu Sơn là một thiếu sót lớn.

Nhà văn Thiếu Sơn rất lựa chọn báo để viết. Không phải báo nào mời ông cũng viết, dù đời sống vật chất của ông không dư dả. Mặt khác, theo ông thà không viết, còn nếu đã viết ông luôn đòi hỏi nhuận bút rất cao, nhất là với những tờ báo mà ông biết họ có tiền. Nhưng khi viết cho báo Điện Tín có lập trường gần gũi với ông, ông sẵn sàng nhận số tiền nhuận bút tượng trưng mà thôi. Ông nói với tôi: “Báo ông bị tịch thu liên miên, đâu có tiền để trả nhuận bút cao”. Tôi nhớ rất rõ hình ảnh quen thuộc của ông mỗi khi tạt ngang tòa soạn: bao giờ cũng xách theo một cái túi đệm đơn sơ, trong đó có một cái khăn lau mặt, một cái quần cụt, một áo thun ba lỗ và một cái bàn chải đánh răng. Ông giải thích với tôi: “Bất cứ lúc nào bị bọn chúng lượm thì mình cũng sẵn sàng”. Tôi có một kỷ niệm riêng với ông vừa hài vừa bi: một hôm ông đến gặp tôi và chờ khi không có ai, ông nói nhỏ vào tai tôi một cách bí mật: “Tới nơi rồi ông Chung”. Ý ông muốn nói: Quân giải phóng sắp vào đến thành phố rồi. Nhưng chỉ một ngày sau, chưa thấy quân giải phóng đâu mà tôi lại nhận được tin ông bị cảnh sát chìm Tổng Nha bắt. Rồi ông bị “cất” luôn cho đến ngày 30-4!

Trong cuộc đời làm báo có hai lần tôi được hợp tác với hai ê kíp viết báo gồm những đồng nghiệp tài giỏi, có thể gọi đó là những “Dream team”: Lần đầu với ê kíp Điện Tín (1970-1971), lần thứ hai với ê kíp Lao Động (1991-1994).

Làm tờ Điện Tín sau khi tờ Tiếng Nói Dân Tộc bị đóng cửa, trước hết tôi muốn duy trì tiếng nói đối lập của mình. Một dân biểu đối lập mà không có tờ báo trong tay thì như cua không có càng. Năm 1970 là năm bầu cử bán phần Thượng nghị viện và năm chuẩn bị bầu cử lại Hạ nghị viện (1971). Do lời mời hợp tác của trung tướng – nghị sĩ Trần Văn Đôn, chấm dứt nhiệm kỳ ba năm của ông và có ý định ra tranh cử trở lại, bấy giớ tôi cũng có ý định ứng cử vào Thượng nghị viện. Theo thế thức tổ chức Thượng nghị viện thì cứ ba năm, một nửa trong số 60 nghị sĩ phải được bầu lại. Sự phân định ở đợt đầu 30 nghị sĩ ra đi và 30 nghị sĩ ở lại do một cuộc rút thăm (có nghĩa sẽ có ba liên danh mới đắc cử). Sau khi bàn bạc giữa tướng Đôn và tôi thỏa thuận đạt được như sau: liên danh mười người ra ứng cử sẽ gồm hai thành phần, một do tướng Đôn đứng đầu với năm ứng cử viên là cựu nghị sĩ (tướng Trần Văn Đôn, tướng Tôn Thất Đính, bà Nguyễn Phước Đại, tướng Nguyễn Văn Chuân, ông Tôn Ái Liêng), và một gồm năm dân biểu đang tại chức (Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Kiều Mộng Thu, Thạch Phen). Tuy liên danh có đến ba cựu tướng lãnh nhưng họ đều có quan điểm chống tổng thống Thiệu. Đây là một liên danh đối lập, có nhiều khả năng sẽ thắng cử với số phiếu cao.

Nhưng khi liên danh sắp sửa đăng ký ứng cử thì phát hiện có vấn đề về điều kiện tuổi: tôi thiếu một ngày! Luật bầu cử Thượng nghị viện qui định muốn ra ứng cử phải đủ 30 tuổi tròn tính đến ngày bầu cử. Ngày bầu cử là 30-8-1970 nhưng tôi lại sinh ngày 1-9-1940. Như thế chưa “tròn” 30 tuổi tính từng ngày bởi tháng Tám có 31 ngày. Lúc đầu có ý kiến phớt lờ chi tiết này nhưng tướng Trần Văn Đôn thận trọng đã tham khảo ý kiến của thẩm phán Trần Văn Linh, chủ tịch Tối cao pháp viện, nơi sẽ phân xử tính hợp hiến các đạo luật và cả sự vận dụng nếu có sự khiếu nại hoặc tranh chấp. Dự đoán các đối thủ, nhất là phe chính quyền, chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội khai thác điểm sơ hở này để loại liên danh chúng tôi, nên cuối cùng tôi phải rút tên. Có lúc tướng Đôn đề nghị đưa cha tôi (Lý Quí Phát) có nhiều quen biết với cử tri người Việt gốc Hoa, thay tôi. Nhưng sau đó thấy không ổn, liên danh dự kiến không thành. Bà Nguyễn Phước Đại vẫn muốn tiếp tục ra tranh cử đã thành lập một liên danh khác không có năm dân biểu có mặt trong danh sách trước nhưng rồi bà đã thất bại. Lúc đó tôi cũng tiếc vì thiếu chỉ một ngày trong điều kiện tuổi nên mất cơ hội hoạt động ở Thượng nghị viện. Tiếc không vì cái danh xưng nghị sĩ mà tiếc vì với cương vị nghị sĩ tiếng nói đối lập ở Thượng nghị viện của mình sẽ có ảnh hưởng lớn hơn.

Với tờ Điện Tín, sự tách biệt về lập trường chính trị của tôi với chế độ Thiệu càng dứt khoát hơn xuất phát từ diễn tiến của tình hình lẫn chuyển biến ở lập trường chính trị cá nhân. Tờ báo liên tục bị Bộ Thông tin ra lệnh tịch thu. Có tuần, tờ Điện Tín phát hành lậu đến 3 ngày, có nghĩa là dù số báo được lệnh của Bộ Thông tin cấm phát hành nhưng chúng tôi vẫn chuyền báo qua nóc nhà kề bên và tuồn báo ra phía sau tòa soạn ở đường Lê Lai, để bán ra ngoài. Trong lịch sử báo chí ở Sài Gòn, dưới thời chế độ Thiệu, chỉ có tờ Tin Sáng vượt qua Điện Tín về số lần bị tịch thu và ra tòa. Dĩ nhiên các lần tịch thu như thế đều làm kiệt quệ tài chính của vợ chồng tôi bởi có tuồn được báo ra ngoài bán đi nữa thì số lượng không thể nhiều được. Chúng tôi mắc nợ nhà in, mắc nợ nơi cung cấp giấy in và nợ cả tiền lương của các anh em nhà báo. Không thể trả lương cho mọi người cùng một lúc, vợ tôi – đảm trách khâu quản lý, kế toán đã nghĩ ra một cách giải quyết khá đặc biệt: anh em nào có đời sống khó khăn thì lãnh lương trước, còn những anh em ít khó khăn thì lãnh trễ hơn vào giữa tháng. Thường thì Minh Đỗ, Trần Trọng Thức là những người lãnh sau cùng.

Nhưng khi làm tờ Điện Tín, tôi còn nhắm một mục tiêu nữa: hỗ trợ giải pháp Dương Văn Minh thay thế tổng thống Thiệu, nhằm thành lập một nội các hòa bình, góp thêm một điều kiện thuận lợi để chấm dứt chiến tranh. Lúc này, tướng Minh đã chấm dứt thời kỳ bị bắt buộc sống lưu vong (tại Bangkok, Thái Lan). Chính thái độ công khai ủng hộ giải pháp Dương Văn Minh khiến cho Bộ Thông tin của chính phủ Thiệu càng tỏ ra gắt gao với tờ Điện Tín. Tờ Điện Tín, sau hơn một năm xuất bản, tạm đình bản không do một quyết định chính thức của Bộ thông tin mà do một cuộc tấn công phá hoại của “kẻ giấu mặt” theo tôi không ai khác hơn là “tay chân” của chính quyền. Vào lúc 5 giờ sáng, một chiếc xe máy chạy ngang tòa soạn Điện Tín ném một bọc có chứa chất cháy vào cửa. Bác bảo vệ ngủ bên trong không hay biết gì cả. Nếu vụ cháy không được tri hô kịp lúc thì chẳng những tòa báo bị thiêu rụi mà cả sinh mạng của bác vệ cũng không còn. May mắn là khi bên trong tòa báo vừa bén lửa thì người ở nhà đối diện bên kia đường Võ Tánh là phóng viên nhiếp ảnh Lỗ Vinh phát hiện nên vụ cháy đã được ngăn chặn. Lúc xảy ra vụ phá hoại tòa soạn Điện Tín, nghị sĩ Hồng Sơn Đông, chủ nhiệm tờ báo, đang đi công tác ở nước ngoài. Gia đình anh Đông sống ở Thủ Đức nghe tin phá hoại này bị lung lạc tinh thần, yêu cầu tôi tạm ngưng xuất bản tờ báo và chờ anh Đông về quyết định tiếp.

Sau đó có vài trục trặc trong sự bàn luận hợp tác trở lại khi anh Đông về, tôi rút lui khỏi tờ Điện Tín và chuyển sang thuê “manchette” tờ Bút Thần (của anh Nguyễn Văn Phương làm chủ nhiệm) làm tiếp. Tôi không thể không buồn về sự gián đoạn với tờ Điện Tín. Sau thời gian tự đình bản, tờ Điện Tín đã xuất bản trở lại (tháng 2-1972) do ê kíp Tin Sáng sang khai thác. Tờ Tin Sáng vắng chủ nhiệm – anh Ngô Công Đức – không thể tồn tại. Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, bạn thân của anh Đức, giám đốc chính trị tờ Tin Sáng chuyển sang làm chủ bút tờ Điện Tín. Cùng chủ biên tờ Điện Tín ở giai đoạn này còn có giáo sư Lý Chánh Trung, cựu dân biểu Dương Văn Ba. Họa sĩ Ớt phụ trách phần trình bày. Người điều khiển thật sự tờ Điện Tín là anh Dương Văn Ba, năm đầu làm việc trực tiếp tại tòa soạn nhưng sau đó chính quyền Thiệu truy nã anh vì anh bị thất cử ở nhiệm kỳ dân biểu kế tiếp và chống lại lệnh gọi đi lính. Do đó anh Ba phải lẩn trốn trong Dinh Hoa Lan, tư dinh của thủ tướng Dương Văn Minh ở số 3 Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần). Nhưng từ đây anh vẫn phụ trách tòa soạn cho tờ Điện Tín. Mỗi ngày anh biên tập và chuẩn bị đủ bài vở cho số báo rồi chuyển ra tòa soạn cho Huỳnh Bá Thành thực hiện. Người làm liên lạc giữa anh Ba và tòa soạn Điện Tín hàng ngày là Triệu Bình, em trai của Cung Văn. Sau 1975, Triệu Bình làm phóng viên báo Tin Sáng rồi làm ở báo Sài Gòn Giải Phóng.

Tờ Điện Tín của các anh Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung, Dương Văn Ba, Huỳnh Bá Thành nối tiếp tờ Điện Tín do tôi làm trước đó cũng có chung một mục đích: Tăng cường tiếng nói đối lập, chống chiến tranh và vận động cho giải pháp Dương Văn Minh. Trên báo này còn có sự đóng góp tiếng nói của nữ dân biểu Kiều Mộng Thu, linh mục Nguyễn Ngọc Lan. Các bài bút ký của anh Lý Chánh Trung dưới tiêu đề chung “Bọt biển và sóng ngầm” thu hút một số đông độc giả và gây một ảnh hưởng lớn trong cách suy nghĩ của nhiều giới tại Sài Gòn về tình hình đất nước, về thân phận của những người dân không có quyền tự quyết. Các bài của linh mục Nguyễn Ngọc Lan luôn làm cho chính quyền Thiệu phải nhức đầu.

Tôi không trực tiếp làm tờ Điện Tín nữa nhưng vẫn tham gia tờ báo với anh em ở hai mục: viết một “feuillenton” (chuyện dài nhiều kỳ có tên “Nhật ký nàng Kiều Dung” tố cáo buộc sống đa đọa của giới trưởng giả Sài Gòn) và một tuần góp một bài xã luận.
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 đ
VII

13. Tẩy chay Quốc hội của Nguyễn Văn Thiệu

Trong năm 1971 Sài Gòn có hai cuộc bầu cử: cuộc bầu cử hạ Nghị viện nhiệm kỳ 2 vào tháng 8 và bầu cử tổng thống vào tháng 10. Muốn tiếp tục hoạt động ở nghị trường, tôi phải ra tranh cử trở lại, lần thứ ba trong vòng năm năm (hai lần trước là Quốc hội lập hiến năm 1996, Hạ nghị viện kỳ 1 năm 1967). Còn cuộc bầu cử tổng thống, đại tướng Dương Văn Minh có ý định tham gia với tư cách ứng cử viên đối lập, lập trường kết thúc chiến tranh bằng thương thuyết. Tôi được ông Minh mời làm đại diện báo chí.

Cuộc bầu cử Hạ nghị viện lần này không lơi lỏng như hai cuộc bầu cử trước. Chính quyền Thiệu quyết tâm kiểm soát tối đã Hạ nghị viện sắp tới, nên các dân biểu đối lập trở ra ứng cử ở các đơn vị thuộc các tỉnh đều bị các chính quyền địa phương thẳng tay gian lận. Các thùng phiếu bị đổi một cách trắng trợn. Trong các dân biểu đối lập là nạn nhân của cuộc bầu cử gian lận có hai người bạn của tôi là anh Ngô Công Đức (đơn vị Trà Vinh) và Dương Văn Ba (đơn vị Bạc Liêu). Biết rằng mình có thể bị bắt sau khi thất cử, anh Đức chọn con đường vượt biên và sống lưu vong ở Thuỵ Điển (nhưng phần lớn thời gian anh sang Paris hoạt động). Cuộc vượt biên của anh đi qua biên giới Campuchia với sự hướng dẫn của dân biểu Thạch Phen (gốc Campuchia), rồi từ đây sang Thái Lan. Tại Bangkok, lúc đầu anh được nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti vận động cho anh sang tỵ nạn tại Pháp nhưng không hiểu tại sao Pháp từ chối. Cuối cùng anh được tỵ nạn tại Thụy Điển.

Anh Dương Văn Ba thì không đi đâu, không còn làm dân biểu đối lập, anh chuyển sang làm báo đối lập. Nhưng anh chỉ được tự do làm báo không đầy một năm thì chính quyền Thiệu có lệnh truy nã anh. Ông Dương Văn Minh đưa ra ý kiến cho anh Ba “tỵ nạn” trong dinh của ông. Lúc đó trốn trong dinh Hoa Lan (biệt thự của ông Minh có tên này vì trồng nhiều phong lan, thú đam mê của ông Minh) còn có cựu dân biểu Phan Xuân Huy (đơn vị Đà Nẵng), ông Nguyễn Văn Cước (hoạt động công đoàn) và nhà báo Kỳ Sơn (tức Nguyễn Đình Nam).

Chính quyền Thiệu chỉ “chừa” cho các đơn vị ở Sài Gòn bầu cử tương đối tự do, coi đó là những “tủ kính dân chủ” để đối phó với dư luận quốc tế, đặc biệt với dư luận Mỹ. Một dân biểu đối lập thân thiết với tôi lúc đó là Nguyễn Hữu Chung, do đã chuyển đơn vị bầu cử từ Bến Tre lên Sài Gòn nên tránh được đòn gian lận của chính quyền Thiệu. Phần tôi chỉ xê dịch từ đơn vị 2 Sài Gòn gồm các quận 4, 7, 8, 11 sang đơn vị 1 Sài Gòn gồm các quận 1, 2, 4 và 9. Các anh Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận ứng cử lại ở đơn vị 2, dựa vào thế mạnh của mình ở quận 8 mà cả hai từng đầu tư uy tín trong một chương trình xã hội có ảnh hưởng lớn trong dân chúng địa phương. Hai anh đã tái đắc cử một cách vẻ vang.

Nhiệm kỳ Hạ nghị viện đầu tiên (1967), tôi tranh cử với slogan: “Một miền Nam trung lập trong một Đông Dương trung lập”. Lần này chủ đề chính trị của tôi là: “Chống chủ trương hòa bình trong chiến thắng của tổng thống Thiệu”. Cái áp phích với hàng chữ slogan ấy do họa sĩ Ớt thiết kế. Thời đó chưa có vi tính, anh Ớt phải tự tay kẻ từng chữ trên áp phích. Ước mơ của Ớt lúc đó không phải trở thành một nhà báo nổi tiếng mà là một họa sĩ gây được tiếng vang quốc tế. Anh vẽ chân dung khá đẹp, đặc biệt anh nghiên cứu cách khắc chân dung trên đá từ những chấm nhỏ li ti (như kỹ thuật tranh sơn dầu của Seurat) theo lối truyền thống của quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng của anh. Anh có thực hiện một chân dung như thế cho vợ tôi. Giữa anh Ớt với tôi có nhiều gắn bó. Chuyện làm báo và cả chuyện tư riêng, trước 1975 và cả sau 1975. Trong thời gian Ớt làm báo với tôi, anh cưới vợ. Vợ chồng tôi lấy chiếc ô tô riêng của mình chở anh xuống Mỹ Tho rước dâu.

Đơn vị 1 Sài Gòn có trên 80 người ra ứng cử, tranh ghế dân biểu. Một cuộc cạnh tranh hết sức gay go. Tôi không có tiền để thuê người cổ động, dán áp phích. Rất may là nhiều sinh viên đã tự nguyện tiếp tay. Trong số này nhiều người là bạn bè của các em gái tôi, số khác ủng hộ lập trường đối lập và chống chiến tranh của tôi. Nữ nghệ sĩ Kim Cương đã vào chợ Bến Thành phát các tờ bướm vận động bỏ phiếu cho tôi. Nghệ sĩ Trần Văn Trạch (em trai của giáo sư Trần Văn Khê) vào các khu lao động phát các tờ bướm của tôi tận tay cử tri. Trong số các thanh niên phụ trách khâu dán áp phích còn có Trương Quốc Khánh, tác giả bài hát bất hủ “Tự nguyện”. Trương Quốc Khánh là bạn của em gái tôi. Những tình cảm đó cả đời tôi không thể quên.

Ở kỳ bầu cử này tôi về nhì trước khoảng 85 ứng cử viên! Đầu tiên tôi đạt số phiếu về đầu. Nhưng các biên bản kiểm phiếu giờ chót liên tục bị sửa chữa. Chính quyền rõ ràng có ý đồ ngăn chặn một ứng cử viên phe đối lập về nhất ở đơn vị quan trọng nhất tại Sài Gòn. Tôi đã phải mời thừa phát lại đến lập biên bản sự vi phậm tại Trung tâm tổ chức bầu cử đặt tại Tòa Đô Chính (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh). Nhưng chẳng làm được gì. Cuối cùng tôi kém hơn người về nhất chỉ vài chục phiếu!

Trong thời gian vận động bầu cử này tôi có một tuyên bố trên truyền hình (mỗi ứng cử viên được phát biểu trong 3 phút) và cả trên báo chí rất dứt khoát.

“Nếu tôi đắc cử Hạ nghị viện và sau đó ông Nguyễn Văn Thiệu cũng đắc cử tổng thống một trong cuộc bầu cử độc diễn, thì tôi sẽ từ nhiệm và rút khỏi Hạ nghị viện để phản đối cuộc bầu cử không dân chủ của ông Thiệu”.

Ba mươi năm sau nhắc lại quyết định này, tôi vẫn không chắc mình đã hành động đúng hay sai. Ở ngoài hay ở trong Hạ nghị viện có lợi hơn trong hoạt động của mình? Nhưng vào thời điểm đó tôi phẫn nộ thật sự và thấy mình chỉ còn là một con rối trong bàn cờ gian lận trắng trợn của chế độ Thiệu nếu tiếp tục ngồi lại trong Hạ nghị viện. Hoạt động chính trị của tôi lúc đó trước hết là thỏa mãn nhu cầu bản thân: được đứng trong quần chúng tiến bộ, được quần chúng chấp nhận. Con đường chính nghĩa, với một ít người hoạt động khá đơn độc như tôi lúc đó quả thật không dễ dàng nhận ra, nhưng tôi luôn tìm cách tiếp cận nó, coi đó là mục tiêu phấn đấu. Sinh mệnh chính trị của mình không thể tách khỏi con đường tìm kiếm ấy.

Ngày 29-8-1971, tôi đắc cử dân biểu Hạ nghị viện, đến ngày 3-10-1971 ông Thiệu cũng đắc cử tổng thống trong cuộc độc diễn như nhiều người dự đoán. Đã hứa với cử tri của mình khi ra tranh cử, tôi phải giữ lời. Vả lại, đó cũng là cách gần như duy nhất để gây tiếng vang tố cáo chế độ dân chủ trá hình của tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu.

Sau phiên họp khai mạc của Hạ nghị viện mà chương trình nghị sự chính là hợp thức hóa tư cách dân biểu của các ứng cử viên vừa đắc cử, ở phiên họp kế tiếp tôi lên diễn đàn đọc lá thư gửi cho chủ tịch Hạ nghị viện chính thức xin từ nhiệm, thực hiện đúng lời tuyên bố của mình trong khi ra tranh cử. Đơn từ nhiệm không được chủ tịch Hạ nghị viện chấp thuận với lý do đơn giản: nhiệm kỳ dân biểu do nhân dân ủy thác bằng lá phiếu, do đó chủ tịch Hạ nghị viện không có thẩm quyền giải quyết sự từ nhiệm của người đắc cử. Dù không được chính thức từ nhiệm, tôi vẫn giữ quyết định “tẩy chay” quốc hội của Nguyễn Văn Thiệu. Thế là tuy vẫn giữ tư cách dân biểu nhưng tôi không dự các phiên họp của Hạ nghị viện. Hoạt động chính thức của tôi lúc này là báo chí. Ngoài ra tôi mở một nhà hàng bên đường Trương Định do vợ tôi quản lý và phụ trách kế bếp. Kể cũng hiếm ở Việt Nam có một nhà hàng được dân biểu trực tiếp phục vụ như thế: tôi tham gia cả việc bưng bê các thức ăn cho khách để tiết kiệm cả việc thuê người. Các nhà báo cộng tác với tờ báo của tôi được khuyến khích ăn uống tại nhà hàng và chỉ ký bông – cuối tháng trừ vào lương!

… Cuộc độc diễn của tống thống Thiệu, đó là điều ngoài ý muốn của Washington. Vào lúc này Washington rất cần một chính quyền Sài Gòn được dư luận quốc tế công nhận, bộ mặt dân chủ dù là giả hiệu đi nữa cũng hết sức cần thiết để tổng thống Nixon có một cơ sở nào đó tiếp tục biện hộ cho chế độ Sài Gòn trước quốc hội Mỹ. Nhưng Nguyễn Văn Thiệu vẫn muốn giới hạn số người ra ứng cử, và ngày 3-6-1971, Quốc hội Sài Gòn mà đa số là người của Thiệu đã nhào nặn ra một luật bầu cử tổng thống buộc mỗi ứng cử viên phải hội được một trong hai điều kiện: có 40 dân biểu, nghị sĩ hoặc 100 nghị viên hội đồng tỉnh ký tên giới thiệu.

Luật bầu cử này thật sự nắm trực tiếp vào tướng Nguyễn Cao Kỳ. Theo bộ tham mưu của Thiện, cuộc tranh cử tay ba giữa Thiệu, Kỳ, Minh sẽ là cuộc bỏ phiếu giữa hai khuynh hướng. Một bên là khuynh hướng có thể thỏa hiệp với cộng sản mà ông Minh là đại diện. Một bên là khuynh hướng chống cộng tích cực mà hai ông Thiệu và Kỳ đều là đại diện tiêu biểu. Theo nghiên cứu của ban tham mưu của ông Thiệu, một cuộc đầu phiếu trong điều kiện như vậy sẽ dọn đường cho ông Minh vào ghế tổng thống, vì Thiệu và Kỳ sẽ chia nhau số phiếu của những người chống cộng. Thấy rõ nguy cơ đó, phe Thiệu tìm cách chặn ông Kỳ ra tranh cử.

Nhân vật được Thiệu giao công việc ngăn chặn Kỳ ra ứng cử là phụ tá Nguyễn Văn Ngân, người thay chỗ phụ tá Nguyễn Cao Thăng sau khi ông này chết vì bị ung thư. Ngân cũng là tác giả của luật bầu cử tống thống, phó tổng thống biểu quyết ngày 3-6-1971.

Trước khi luật bầu cử được các dân biểu thân chính quyền thông qua và chính phủ ban hành, phụ tá Ngân cho đi thu chữ ký của các đại biểu dân cử. Ngân đã tính trước: Minh sẽ có đủ 40 chữ ký dân biểu nghị sĩ (con số chữ ký chính xác mà ông Minh có được là 42) và Kỳ sẽ không có cách nào lấy đủ chữ ký trong Quốc hội như luật định. Kỳ chỉ có mỗi con đường lấy chữ ký của các nghị viện hội đồng tỉnh.Ở khu vực này Ngân cũng thu gom tất cả các chữ ký về phía Thiệu. Gần hết hạn nộp đơn, Kỳ thu được 101 chữ ký của các nghị viện nhưng vẫn bị Tối Cao Pháp Viện họp ngày 6-8 bác vì trong số 101 chữ ký giới thiệu Kỳ có đến 39 chữ ký đã có trong danh sách ủng hộ Thiệu. Coi như 39 chữ ký này bất hợp lệ. Do đó trong danh sách ứng cử viên tổng thống niêm yết lần thứ nhất chỉ có hai ông Thiệu và Minh.

Tướng Kỳ tố cáo rằng một số nghị viện các tỉnh đã bị tỉnh trưởng và thị trưởng ép ký vào tờ “bạch khế” (giấy trắng) từ trước khi có luật bầu cử mà không biết là giấy đó sau này dùng để ủng hộ Thiệu ứng cử tổng thống. Những nghị viện muốn chuyển sang ký ủng hộ Kỳ đều bị kẹt những tờ giấy ký… trắng trước đây.

Nhưng điều mà ban tham mưu của Thiệu không đoán trước: ngày 20-8-1971 ông Minh tuyên bố rút tên. Lý do đưa ra: Thiệu đã bố trí guồng máy gian lận kết quả của cuộc bầu cử. Ông Minh có trong tay một tài liệu về việc Phủ tổng thống chỉ thị cho các tỉnh trưởng những cách thức để đảm bảo Thiệu thắng cử. Ông Minh đã trao tài liệu này cho đại sứ Mỹ Bunker. Nghe đâu đại sứ Mỹ xác nhận đây là một tài liệu có thật.

Ông Minh rút tên làm cho phe Thiệu bối rối vì đứng trước nguy cơ chỉ có mỗi mình Thiệu tranh cử với chính… mình. Thế là “quân sư” Nguyễn Văn Ngân phải tính tới chuyện đưa Kỳ ra tranh cử trở lại để tránh tình trạng độc diễn bằng cách trả lại cho Kỳ 39 chữ ký trước đây. Tối Cao Pháp Viện tuyên bố bất hợp lệ vì có sự khiếu nại của phe Thiệu. Kết quả màn “ảo thuật” này là ngày 21-8-1971, Tối cao Pháp Viện cho niêm yết danh sách ứng cử viên “lần thứ hai và là lần chót” trong đó có tên Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Nhưng ngày 23-8, Kỳ tuyên bố không tranh cử nữa và còn đề nghị Thiệu cùng Kỳ từ chức để cho Chủ tịch Thượng Viện Nguyễn Văn Huyền tạm điều khiển chính phủ với nhiệm vụ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống khác trong vòng ba tháng. Dĩ nhiên ông Thiệu bác bỏ đề nghị này. Ngày 1-9, Tối cao Pháp Viện đồng ý cho Kỳ rút tên.

Khi Kỳ từ chối “ân huệ” của Thiệu cho ra ứng cử, ông tuyên bố với báo chí: “Tôi không tiếp tay cho một trò hề bẩn thỉu, càng làm cho người dân vỡ mộng với chế độ dân chủ”. Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker cố gắng thuyết phục ông Kỳ tiếp tục ra tranh cử nhưng ông dứt khoát từ chối.

Trường hợp ông Dương Văn Minh, tuy đã công bố ra ứng cử Tổng thống từ tháng 6 (với ứng cử viên Phó tổng thống là bác sĩ Hồ Văn Minh, dân biểu quốc hội) nhưng ê kíp của ông vẫn tiếp tục quan sát tình hình để quyết định. Khi hay tin ông Minh rút lui, đại sứ Bunker hối hả xin gặp ông Minh nhằm cứu vãn tình thế cho chế độ Sài Gòn. Tôi có mặt trong buổi tiếp Bunker của ông Minh. Ông Minh phân tích cho Bunker thấy rằng không có sự công bằng và trung thực trong cuộc bầu cử giữa các ứng cử viên. Ông Minh nói:

“Trong cương vị tổng thống, ông Thiệu có cả guồng máy quân đội và hành chánh khổng lồ hỗ trợ ông ta, không kể tiền bạc thuộc ngân sách quốc gia gần như không hạn chế. Chúng tôi, với phương tiện cá nhân quá kém cỏi, không thể đối đầu ông Thiệu trong một cuộc bầu cử hoàn toàn bất bình đẳng”. Bunker với kiểu suy nghĩ thực dụng của người Mỹ nghĩ ngay rằng ông Minh gián tiếp đặt điều kiện được Mỹ “hỗ trợ”. Bunker hỏi lại ông Minh: “Theo Đại tướng dự trù một cuộc tranh cử như thế cần bao nhiêu tiền?”. Ông Minh trả lời thẳng thắn để cho viên đại sứ Mỹ thấy rằng cuộc tranh cử này nằm ngoài khả năng của ông: “Ít nhất một triệu đô la”. Và thật bất ngờ, Bunker nói ngay: “Thưa ngài đại tướng, nếu ông ra tranh cử, ông sẽ có một triệu đô la đó”. Ông Minh xua tay: “Tôi không thể nhận số tiền ấy và tôi cũng không thay đổi quyết định rút lui khỏi cuộc bầu cử”.

Chung quanh sự kiện này, trong quyển Vietnam: A History, nhà báo Mỹ kỳ cựu Stanley Karnow viết, “Đại sứ Ellsworth Bunker” tìm cách gián tiếp đút lót ông Minh ra tranh cử để làm cho cuộc bầu cử có vẻ “dân chủ” (Ambassador Ellsworth Bunker reportedly tried to bride Minh to run in order to make the exercise look “democratic”). Dù có những vận động như thế từ phía Mỹ để tránh xảy ra cuộc độc diễn, nhưng trong thâm tâm các nhà lãnh đạo Washington lúc bấy giờ đã nghiêng về sự chọn lựa Thiệu – người mà Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của Nixon, ca ngợi hết lời trong quyển hồi ký của ông (Ending The Vietnam War): “Không phải tình cờ mà Nguyễn Văn Thiệu trở thành tổng thống. Không thể chối cãi ông ta là vị lãnh đạo quân sự xuất sắc nhất ở miền Nam, có lẽ là người có năng lực nhất trong tất cả các nhân vật chính trị”. Còn về ứng cử viên Dương Văn Minh thì Kissinger viết như sau “Minh có thể là người mà Hà Nội chấp nhận, lý do chắc chắn nằm ở chỗ yếu mềm nhất trong các bộ mặt chính trị. Nều Hà Nội chấp nhận ông – điều này cũng không rõ ràng – chỉ vì ông là người dễ dàng lật đổ nhất trong các ứng cử viên nếu ông trở thành tổng thống”. Washington thường có đánh giá không đúng về con người ông Dương Văn Minh. Theo họ ông là con người nhu nhược, thiếu quyết đoán. Trong cuốn sách “Saigon 1975-3 ngày và 3 tháng”, nhà báo Tiziano Terzani đã từng tiếp xúc với ông Minh, có một đánh giá khác về ông Minh:

“Không như rất nhiều đồng nghiệp của ông – những tướng lãnh hèn nhát và phản bội luôn bị tố cáo tham nhũng và dính líu vào những vụ làm ăn mờ ám nhất – ông Minh là một người lính lương thiện. Được binh lính dưới quyền kính trọng, ông là một con người có dũng khí và có một ý thức danh dự truyền thống. Ông Minh từng bị quân Nhật bắt tra tấn nhiều ngày, đánh gãy cả hàm răng nhưng ông không chịu khuất phục. Ông nói với tôi ‘Đất nước tôi đáng giá hơn cái hàm răng’”.

Bản thân ông Minh không hề xa lạ trước cách đánh giá của người Mỹ đối với ông. Bởi nhiều lần ông đã làm họ thất vọng với một lập trường không chịu khuất phục họ. Người Mỹ càng không “tha thứ” cho ông Minh khi ông tiết lộ với báo chí Mỹ điều mà vị đại sứ của họ đã đề xuất trong “mật nghị” với ông. Sau cuộc bầu cử độc diễn của Thiệu, ông Minh tiếp chủ bút tờ Washington Post, Ben Bradley, cây cổ thụ trong làng báo Mỹ. Washington Post là một tờ báo chống chiến tranh Việt Nam có ảnh hưởng lớn ở Mỹ. Ông Minh giao cho tôi chuẩn bị buổi tiếp này và chọn người làm phiên dịch. Tôi đích thân đi mời nhà báo Phạm Xuân Ẩn, đang làm cho văn phòng đại diện tuần báo Time Magazine tại Sài Gòn. Tôi quen biết anh Ẩn từ khi vào quốc hội (1966). Chỗ “đóng đô” mỗi sáng của anh Ẩn là nhà hàng Givral. Anh ít khi ăn mà chỉ gọi một tách cà phê đen. Chiếc xe Renault 4 ngựa cũ xì của anh luôn đỗ ngay trước cửa Givral bên phía đường Lê Lợi. Thường bao giờ cũng có một hai nhà báo nước ngoài “đeo” theo anh với hi vọng hiểu thêm tình hình chính trị và quân sự đang diễn ra tại miền Nam. Anh luôn phân tích tình hình một cách sắc sảo. Dĩ nhiên những điều anh “xì” ra đều có chủ đích. Lúc đó tôi hoàn toàn không nghĩ rằng anh là người của cộng sản. Thực tế anh có rất nhiều bạn bè là tay chân thân thiết của Hoàng Đức Nhã, cố vấn của Thiệu, thường xuyên đến Givral, uống cà phê với anh. Các vị tai to mặt lớn của chế độ đều liên lạc mật thiết với anh, trong đó người nổi tiếng nhất là bác sĩ Trần Kim Tuyến, đứng đầu ngành tình báo của chế độ Ngô Đình Diệm.

Tôi cũng nằm trong số người thường uống cà phê với anh Phạm Xuân Ẩn tại Givral vì Hạ nghị viện (hiện nay là Nhà hát thành phố) nằm bên kia đường đối diện với Givral. Khi Hạ nghị viện bàn về những đề tài chán phèo, những đạo luật không quan trọng thì tôi (và nhiều dân biểu khác) bỏ sang Givral. Ngoài ra trong một số trường hợp báo chí Mỹ phỏng vấn tôi, họ cũng nhờ anh Ẩn dịch (lúc đó tôi sử dụng chủ yếu tiếng Pháp). Anh Ẩn thông dịch rất chính xác, không thiếu mà cũng không dài dòng, rất chậm rãi, dễ theo dõi.

Anh Ẩn nhận lời mời của ông Minh nhờ anh thông dịch trong buổi tiếp chủ bút báo Washington Port. Ngoài ông Minh và Ben Bradley, chỉ có tôi và anh Ẩn có mặt. Chính trong buổi phỏng vấn này của báo Washington Post, ông Minh đã kể cho nhà báo kỳ cựu Bradley biết đề nghị của đại sứ Bunker đưa cho ông một triệu đô la nếu ông ra ứng cử. Và người ta không ngạc nhiên khi sau đó tin này được báo Washington Post tung ra, gây xì-can-đan trong chính trường và dư luận Mỹ.

Sau năm 1975, tôi gặp lại anh Phạm Xuân Ẩn nhiều lần, khi đi ăn sáng, khi đi ăn trưa, thường có mặt anh Ngô Công Đức. Tôi vẫn gặp một Phạm Xuân Ẩn của hơn 30 năm về trước, hoàn toàn không thay đổi về mặt con người: vẫn vui tính, kể chuyện phong phú và duyên dáng, pha trộn giọng “móc lò” và hài hước của người Nam Bộ chính cống. Anh luôn tạo cho người tiếp xúc với anh sự thoải mái và tự nhiên. Nói chuyện với anh, tôi quên hẳn anh là một vị tướng cộng sản tình báo nổi tiếng trên thế giới. Một nhà báo nước ngoài đã phong cho anh danh hiệu “nhà tình báo dễ thương nhất” (l’espion le plus aimable) mà tôi vẫn nghĩ danh xưng này rất xứng đáng được làm tựa cho một bộ phim tình báo hấp dẫn.

… Trước khi rút lui, ông Dương Văn Minh đã tổ chức họp báo và ra một tuyên bố bằng ba thứ tiếng – Việt, Anh, Pháp – nói rõ lý do rút tên và tố cáo cuộc bầu cử không đảm bảo công bằng và dân chủ. Một đòn khá đau cho chế độ Thiệu và Washington. Trong cuộc họp báo này, lần đầu tiên báo chí trong và ngoài nước được nhìn thấy đầy đủ các nhân vật hình thành ê kíp làm việc (staff) của ông Minh. Họ ngồi sau lưng ông đông đủ. Tôi nhớ có nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, giáo sư Lý Chánh Trung, bác sĩ dân biểu Hồ Văn Minh, luật sư Trần Ngọc Liễng, nghị sĩ Hồng Sơn Đông, các dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Nguyễn Hữu Chung và tôi…

Cuối cùng thì ông Dương Văn Minh rút tên ứng cử nhưng bộ máy tranh cử được tổ chức trước đó vẫn được giữ nguyên và duy trì cho đến ngày 30-4-1975! Ê kíp Dương Văn Minh không là một tập hợp có tính chất đảng phái nhưng tự nó trở thành một nhóm áp lực chính trị làm điên đầu chính phủ Thiệu. Trước các vấn đề nhân quyền, dân chủ, hòa bình làm người dân bức xúc, nhóm Dương Văn Minh đều lên tiếng bày tỏ thái độ. Và như thế, nhóm Dương Văn Minh được báo chí trong và ngoài nước coi như một tiếng nói đối lập chính yếu tại miền Nam.

Trong khi chuẩn bị cuộc vận động cho liên danh Dương Văn Minh, với tư cách đại diện báo chí cho liên danh này, tôi đã tiếp cận với Phật giáo Ấn Quang tìm sự ủng hộ của lực lượng Phật giáo có hậu thuẫn quần chúng lớn nhất. Tôi không nhớ rõ tôi tiếp xúc với thượng tọa Thích Trí Quang lần đầu nhân cơ hội nào. Rất có thể do tôi tham gia vào Lực lượng hòa giải dân tộc do luật sư Vũ Văn Mẫu đứng đầu có mối quan hệ chặt chẽ với chùa Ấn Quang. Lực lượng này còn có nghị sĩ Bùi Tường Huân, cư sĩ Võ Đình Cường… tham gia. Hình như dân biểu đơn vị Huế là Trần Ngọc Giao cũng có giới thiệu tôi với thượng tọa Thích Trí Quang lúc này đang ở tại chùa Ấn Quang.

Đến chùa Ấn Quang, dọc theo hành lang dẫn vào phòng riêng của thượng tọa Trí Quang ở lầu một thuộc dãy nhà nằm sát bên trái của ngôi chùa, luôn luôn có ít nhất hai hay ba cảnh sát chìm theo dõi những người đến thăm viếng thượng tọa Trí Quang. Lần đầu tôi gặp “Người làm rung chuyển nước Mỹ” – báo Newsweek đã gọi thượng tọa Thích Trí Quang như thế trên trang bìa một số báo thời Phật giáo đối đầu chế độ Ngô Đình Diệm – trong một căn phòng riêng của thượng tọa nhỏ hẹp, trang trí rất đơn sơ. Tôi đã đối diện một người giản dị và rất bình thường, nhưng khi đã tiếp xúc thì con người ấy toát lên một thứ thần sắc khác thường. Ánh mắt như sao băng, chiếu thẳng vào người đối thoại như nhìn thấu những suy nghĩ của họ. Tôi nhớ mãi ấn tượng đầu tiên ấy khi lần đầu gặp nhà tu nổi danh.

Tôi không theo đạo Phật hay bất cứ một tôn giáo nào, chỉ thờ cúng tổ tiên, nhưng mẹ tôi thỉnh thoảng đi chùa. Tôi không hiểu nhiều về đạo Phật nhưng trong chốn tôn nghiêm của chùa chiền mà tôi đặt chân đến bao giờ cũng gây cho tôi sự xúc động. Tôi tin tưởng rằng tôn giáo chân chính nâng tâm hồn con người, đặt con người ở một trách nhiệm cao hơn đối với đồng loại.

Nhưng mỗi lần gặp thượng tọa Trí Quang, hầu như chẳng bao giờ tôi nói chuyện tôn giáo, mà thích tượng tọa cũng thế. Có lẽ nhà tu đoán rằng tôi không thạo và cũng không thiết tha lắm đề tài này. Chúng tôi chủ yếu bàn về tình hình đất nước, cuộc chiến tranh chưa thấy lối thoát. Có một lần tôi đến thăm thượng tọa, cánh cửa kính khóa bên trong, tôi nhìn thấy nhà tu đang lạy trước bàn thờ Phật đặt trong một góc phòng. Tôi chờ suốt 15 phút, bên trong phòng thượng tọa Trí Quang vẫn tiếp tục quỳ xuống đứng lên, tôi đếm đến gần cả trăm lần. Khi thượng tọa bước ra mở cửa mời tôi vào, tôi tò mò hỏi ông mỗi lần lạy Phật như thế thì lạy bao nhiêu lần. Thượng tọa Trí Quang thản nhiên trả lời tôi: “Lạy Phật nhưng đồng thời cũng để giữ gìn sức khỏe”. Thượng tọa Trí Quang cho rằng chế độ Thiệu không đại diện người dân miền Nam, cần có một chính phủ biết cách chấm dứt chiến tranh và mang lại hòa bình. Khi tôi đề cập với thượng tọa về giải pháp Dương Văn Minh, thượng tọa không hào hứng lắm nhưng cũng không bác bỏ. Thượng tọa đưa ra nhận định: “Bây giờ cần một người cầm cờ, ông ấy có thể làm được chuyện đó trong lúc này”. Sau đó thượng tọa gián tiếp bình luận: tướng Dương Văn Minh không phải là người làm chính trị có bản lĩnh.

Để tiếp tay cho cuộc vận động giải pháp Dương Văn Minh, thượng tọa Trí Quang sẵn sàng giúp tôi thực hiện một chuyến ra Huế gặp một số vị cao tăng đang lãnh đạo phong trào Phật giáo đấu tranh. Đặc biệt thượng tọa viết một thư tay cho tôi cầm theo ra Huế để được Đức Thăng thống Thích Tịnh Khiết tiếp tại chùa Bảo Quốc. Chùa Bảo Quốc nằm trên một ngọn đồi yên tịnh, xa thành phố, về hướng các lăng. Đường từ ngoài cổng vào đến chùa, đi lên một ngọn đồi khoảng 300m. Vào đến chùa, người hướng dẫn đưa tôi gặp Đức Tăng thống đang ngồi im lặng trên một bộ ván đặt ngoài hiên chùa. Đức Tăng thống đang ăn sáng – tay cầm một mẩu bánh mì, ly sữa để ở bên cạnh – thỉnh thoảng Hòa thượng rứt ruột bánh mì ra từng miếng nhỏ ném cho các con chim đang nhảy nhót quanh ngài. Nhiều con ăn trong lòng bàn tay hòa thượng, một hai con thản nhiên đậu trên vai ngài. Tôi tưởng như mình lạc bước nơi cõi tiên.

Trong chùa Bảo Quốc chỉ treo một bức ảnh chân dung duy nhất trên tường. Đó là chân dung của thượng tọa Trí Quang. Như thế đủ thấy ảnh hưởng của thầy Trí Quang với người lãnh đạo tinh thần cao nhất Giáo hội Phật giáo là như thế nào. Khi Đức Tăng thống đọc thư của thầy Trí Quang giới thiệu tôi, rõ ràng Hòa thượng Thích Tịnh Khiết tỏ ra ân cần và thiện cảm ngay. Nên sau đó Hòa thượng không từ chối lời đề nghị của tôi xin phép được chụp chung một bức ảnh với ngài tại sân sau của chùa.

Trong chuyến ra Huế lần đó tôi cũng có dịp đến viếng thăm Thượng tọa Thích Huyền Quang, tại chùa Từ Đàm. Dĩ nhiên cũng với mục đích trình bày với vị lãnh đạo Phật giáo lập trường hòa bình và chống chế độ Nguyễn Văn Thiệu của nhóm Dương Văn Minh. Anh Trần Ngọc Giao còn đưa tôi đi gặp một vị tu có uy tín lớn ở Huế và trong cả Giáo hội Phật giáo, đó là Ôn Trúc Lâm. Đặc điểm các vị cao tăng này là đều quan tâm đến tình hình đất nước, không tán đồng chế độ Thiệu, chống triệt để sự hiện diện của người Mỹ ở Việt Nam.
Sau này khi Hiệp định Paris được ký kết, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu cùng nghị sĩ Bùi Tường Huân, cư sĩ Võ Đình Cương… thành lập một tổ chức chính trị hoạt động mời tôi cùng tham gia và làm thuyết trình viên của lực lượng.

…Trở lại cuộc bầu cử tổng thống biến thành cuộc độc diễn, ngày 3-10-1971, liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương đắc cử với 94,3% số phiếu bầu. Trong nước và cả ngoài nước coi kết quả đó như một trò hề chính trị. Nhưng cũng chưa bao giờ, Thiệu và tay chân của ông ta tỏ ra hung hăng như lúc này. Chính quyền Thiệu càng siết chặt sự kiểm soát trong quân đội, cảnh sát, báo chí và cả trong Quốc hội. Phe đối lập đứng trước hai sự chọn lựa: để Thiệu xóa sổ hoặc đối đầu để tồn tại. Và họ đã chọn cách thứ hai. Lúc này nhiều phong trào và tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng có chung mục đích chống chiến tranh và chống Thiệu đã nổi lên. Các cuộc biểu tình, xuống đường chống Thiệu bắt đầu nổ ra gần như hằng ngày.


14. Những hình thức đấu tranh đa dạng của người Sài Gòn

Giữ lời hứa lúc ra tranh cử quốc hội lập pháp nhiệm kỳ hai, tôi “tẩy chay” Hạ nghị viện mặc dù đơn từ nhiệm của tôi không được Chủ tịch Hạ nghị viện chấp nhận. Những ngày tháng đầu tiên của thời kỳ này thật chán nản đối với tôi. Bỗng chốc nhận ra sự bất lực của hoạt động chính trị nghị trường và thân phận làm “đối lập kiểng” của mình, tôi cảm nhận mình không khác gì một con gà bị trụi lông, chẳng còn cái lớp ngoài để che giấu đi cái thực trạng đáng tội nghiệp của mình.

Không đi họp Hạ nghị viện, tôi lại ra báo: thuê manchette tờ Bút Thần của anh Nguyễn Văn Phương tiếp tục làm sau khi gián đoạn với tờ Điện Tín.

Từ 1971, sau khi Nguyễn Văn Thiệu tái cử trong cuộc độc diễn, cho đến tháng Tư 1975, ngày Mỹ cuốn cờ, là một thời kỳ dài khá u ám nhưng rất sôi động đối với các thành phần đối lập và các trí thức yêu nước tại miền Nam. Chính quyền Thiệu tăng cường các biện pháp siết chặt phe đối lập, đồng thời tiến hành triệt để đàn áp, bắt bớ các phần tử bị coi là thân Cộng. Diễn đàn quốc hội, nằm trong tay phe Thiệu, không còn là nơi hoạt động có ảnh hưởng của những tiếng nói chống chế độ. Còn báo chí bị chi phối bởi một đạo luật mới được phe của Thiệu biểu quyết – luật 007 – vô hiệu hóa hầu hết báo chí đối lập, vì không có tiền đóng ký quỹ để tiếp tục xuất bản nên năm 1972 chỉ còn là mảnh đất riêng dành cho báo chí của Thiệu và thân Thiệu. Trong tình hình bế tắc ấy, các thành phần chống Thiệu không còn sự lựa chọn nào khác là phản đối chính quyền Thiệu bằng cách xuống đường biểu tình, làm báo lậu, tổ chức báo nói v.v…

Những người tích cực nhất thúc đẩy các hoạt động chống chế độ Thiệu trên đường phố phải kể đến: lực lượng Phật giáo Ấn Quang, phong trào học sinh sinh viên tiến bộ và các cá nhân như bà Ngô Bá Thành, ni sư Huỳnh Liên, các dân biểu đối lập trong đó người hăng hái nhất và cũng có óc tổ chức liều lĩnh nhất là anh Hồ Ngọc Nhuận. Tôi không vào Hạ nghị viện họp nữa và mỗi khi các đồng viện của mình tổ chức xuống đường, tổ chức báo nói v.v.. tôi không bao giờ vắng mặt. Trước mỗi cuộc xuống đường, không thể nào không nghĩ đến sự ác liệt của những trận tấn công lựu đạn cay, dùi cui, những cú đánh lèn tàn bạo của cảnh sát rằn ri và cảnh sát chìm… đang chờ đợi mình. Nhưng rồi đúng hẹn mọi người đều có mặt. Khi hai phía – những người biểu tình và cảnh sát chống biểu tình – xáp vào nhau thì tức khắc những suy nghĩ do dự ban đầu đều biến mất, không khác tâm lý của các chiến binh ngoài mặt trận sau khi súng đã nổ. Thật sự không phải bao giờ cảnh sát cũng hăng hái ra tay đàn áp những người biểu tình khi mà đa số là trí thức tay không, là phụ nữ, người tu hành, học sinh sinh viên ở tuổi con em của họ. Do đó các tay chỉ huy cảnh sát ác ôn phải nghĩ ra những đòn ma giác để biến các nhân viên cảnh sát bình thường thành những “con thú dữ”: họ cho những tên cảnh sát chìm (mặc thường phục) len lỏi vào đám đông biểu tình, rồi từ đây chúng ném đá và các vật cứng khác có thể gây thương tích về phía lực lượng cảnh sát đang dàn ra để ngăn chặn biểu tình. Thế là lực lượng cảnh sát điên lên vì cho rằng những người biểu tình đã tấn công họ, họ bắt đầu phản ứng lại và đàn áp không còn nương tay. Trong sự hỗn loạn này, nguy hiểm nhất cho những người tham gia biểu tình là sự can thiệp của bọn cảnh sát chìm. Chúng tấn công từ phía sau đầy bất ngờ, với gậy gộc và những khúc gỗ dài có đóng đinh nhọn ở đầu. Cảnh sát sắc phục dù sao vẫn còn e ngại những hành động quá tay của mình có thể bị báo chí nước ngoài chụp ảnh, lên án làm ảnh hưởng xấu chế độ. Còn cảnh sát chìm nếu có quá tay thì được chính quyền đổ thừa cho sự bộc phát của “quần chúng” chống lại các phần tử thiên cộng (!).

Sau khi liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương trúng cử trong cuộc bầu cử độc diễn, cuộc biểu tình phản đối đầu tiên được tổ chức mấy ngày sau đó với sự kết hợp giữa các dân biểu đối lập và các tổ chức quần chùng như “Phụ nữ đòi quyền sống” của bà Ngô Bá Thành, Lực lượng Hòa giải Dân tộc của Phật giáo Ấn Quang. Đoàn biểu tình tập hợp tại cao ốc nằm bên cạnh trụ sở Hạ nghị viện, phía sau khách sạn Caravelle. Cao ốc này được dùng làm văn phòng cho ác Ủy ban chuyên môn của Hạ nghị viện. Sáng sớm, khoảng 7 giờ, tôi có mặt ở điểm hẹn này. Tôi đoán trước chính quyền Thiệu sẽ đàn áp không nương tay. Để ngăn ngừa mọi toan tính phủ nhận kết quả cuộc bầu cử và các biểu lộ khác có thể phá vỡ uy tín bốn năm cầm quyến sắp tới của mình, Nguyễn Văn Thiệu sử dụng triệt để quân đội và cảnh sát để duy trì quyền lực. Biết như thế nhưng tất cả những gương mặt dân biểu đối lập chính quyền đều có mặt: Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Nguyễn Hữu Chung, Hồ Văn Minh, Phan Xuân Huy, Kiều Mộng Thu, Dương Văn Ba, Vũ Văn Mẫu, Bùi Chánh Thời, Võ Đình Cường. Ngoài ra còn có bà Ngô Bá Thành, chị Trần Thị Lan v.v…

Nhóm biểu tình đông khoảng từ 40 đến 50 người với những biểu ngữ tố cáo cuộc bầu cử gian lận, phủ nhận sự trúng cử của liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương v.v… tiến từ bên hông khách sạn Caravelle sang mặt trước của Hạ nghị viện. Vừa đến khoảng trống trước Hạ nghị viện, nơi dành cho các dân biểu đậu ô tô, tôi nhìn thấy ngay phía bên kia đường Tự Do (bây giờ là đường Đồng Khởi), dọc theo công viên, cảnh sát dã chiến xếp “dàn chào” sẵn đó từ lúc nào. Họ giăng hàng ngang, súng phóng phi tiễn hướng thẳng qua tiền đình Hạ nghị viện, nơi nhóm biểu tình sắp sửa tiến về hướng ra chợ Sài Gòn. Tôi vẫn nhớ cái cảnh đầy đe dọa ấy: cảnh sát dã chiến trong tư thế sẵn sàng nổ súng, một đầu gối chịu xuống đất, súng đưa lên tầm ngắm với túi đạn phi tiễn đeo bên người, phía sau là bức tượng khổng lồ đen xì của hai Thủy quân lục chiến dùng chĩa súng M16 về phía tòa nhà lập pháp (tượng này đã bị quần chúng giật sập sau ngày 30-4-1975). Thoạt đầu, tôi không nghĩ cảnh sát dã chiến dám nổ súng.

Nhưng lệnh được một tên chỉ huy nào đó phát ra và súng nổ. Các quả phi tiễn được bắn thẳng về phía đám biểu tình, xé toạc các biểu ngữ và làm vỡ kính cửa chính của tòa nhà Hạ nghị viện. Anh em dân biểu lúc đó mới nhận ra rằng nếu lãnh một quả phi tiễn vào người thì cũng khó sống. Thế là mọi người phải chạy tản ra tránh đạn. Tôi chạy dạt ra hướng bên phải sân trước Hạ nghị viện, nép mình phía say mấy chiếc ô tô đậu tại đây. Đúng lúc đó một quả phi tiễn bay thẳng đến tôi. Tôi chỉ kịp nghiêng người để không phải lãnh trọng quả đạn. Nó trúng sớt vào bả vai tôi. Phản xạ tự nhiên của tôi lúc ấy là ngả người xuống đất, phía sau một chiếc ô tô. Nhưng tôi chợt nghĩ chúng có thể tiếp tục bắn phi tiễn về hướng tôi và một trong những quả đó mà bắn trúng bình xăng ô tô thì khó tránh tai họa. Tôi liền cố gắng đứng lên, nhắm hướng khách sạn Continental bên kia đường mà chạy a vào. Hai mắt tôi sưng lên, nhức nhồi vì hơi cay. Những người phục vụ trong nhà hàng Continental xếp sẵn khăn ướp lạnh và chanh cắt lát trên những cái mâm tặng miễn phí cho những người biểu tình vào lánh nạn. Chanh rất hiệu quả để hóa giải hơi cay ở mắt.

Trong khi tôi đã vào sân bên trong Continental – khu vườn dành cho khách nước ngoài ăn sáng và uống cà phê – thì anh Ngô Công Đức vẫn còn ở bên ngoài. Anh nhặt các quả phi tiễn còn xì hơi cay, ném lại về phía cảnh sát. Anh chạy díc dắc trên đường Tự Do, len vào khu Passage Eden (Thương xá Eden), vừa chạy vừa “chọc giận” bọn cảnh sát dã chiến để chúng bắn theo. Đây là cuộc biểu tình cuối cùng anh Đức có mặt. Vì không tái cử ở đơn vị bầu cử Trà Vinh và có thể bị chính quyền Thiệu bắt như anh Trần Ngọc Châu, nên anh quyết định vượt biên qua Campuchia, sang Thụy Điển định cư cho đến ngày 29-4-1975. Anh Phạm Xuân Ẩn là người đã khuyên anh Đức nên rời đất nước vì có khả năng – theo đánh giá của Ẩn – phe Thiệu sẽ “mần thịt” anh.

Trở lại cuộc biểu tình trước Hạ nghị viện, lúc này anh Hồ Ngọc Nhuận đang hộ tống bà Ngô Bá Thành và chị Trần Thị Lan. Cảnh sát chìm đang tìm cách bắt hai phụ nữ này bởi họ không được hưởng quyền bất khả xâm phạm như các dân biểu. Anh Nhuận cũng đoán biết nguy cơ đang chờ đợi họ, nên đưa hai chị vào lánh mặt trong khu vườn của khách sạn Continental, nơi có nhiều nhà báo nước ngoài tụ tập. Anh hi vọng với sự có mặt của giới báo chí, bọn cảnh sát chìm sẽ không dám ra tay. Nhưng không lâu, chúng đánh hơi và bắt đầu siết vòng vây chung quanh khu vực hai người phụ nữ lẩn trốn, bất kể sự có mặt của các nhà báo nước ngoài. Anh Nhuận phải tính giải pháp khác: tìm cách đưa bà Thành và chị Lan vào bên trong Hạ nghị viện, họa may tại đây cảnh sát mới chịu bó tay. Nhưng khi anh Nhuận vừa đưa hai người băng qua đường, hướng về phía Hạ nghị viện, thì tức thời một chiếc xe Jeep ập tới, kèm theo là một trận mưa lựu đạn cay khiến anh Nhuận chẳng nhìn thấy gì. Khi anh bình tĩnh lại thì bọn cảnh sát đã ném hai chị lên xe Jeep và chở đi rồi.

Theo tôi thì các nhân vật trí thức miền Nam gan lì, có sức chịu đựng gần như phi thường trước sự đàn áp của nhà tù chế độ Sài Gòn trước 1975 thì không ai bằng bà Ngô Bá Thành. Ở tù bà vẫn tiếp tục hoạt động chống chính quyền. Hàng ngày bà vẫn làm báo nói trong xà lim bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp. Đúng giờ là giọng bà vang lên, đọc tin tức và bình luận chính trị, bất kể sự đàn áp của các cai ngục. Để làm im tiếng người phụ nữ này, chúng ném vôi vào xà lim, rồi tạt nước vào. Nhưng với bà Thành vẫn chẳng ăn thua gì. Kể cả khi bà bị đưa ra tòa án quân sự ở bến Bạch Đằng (nay là đường Tôn Đức Thắng), người biện hộ cho bà là luật sư Vũ Văn Mẫu, lúc ấy đang là nghị sĩ Thượng nghị viện cũng không lay chuyển thái độ chính trị của bà. Trong các nhân chứng mà luật sư yêu cầu có mặt tại tòa có tôi và anh Hồ Ngọc Nhuận. Thế là tôi có dịp chứng kiến tận mắt bà Thành đấu tranh với tòa án của Thiệu như thế nào. Vốn trước đây bà có bệnh suyễn, nên bà nhất quyết từ chối ra tòa như một người bình thường. Bà yêu cầu bác sĩ riêng của bà có mặt và bà xuất hiện trước tòa trên cái băng ca. Tòa vừa bắt đầu làm thủ tục thì cơn xuyễn- thật hư không rõ cũng bắt đầu tấn công bà. Rồi cơn đau tim dữ dội như sắp sửa cướp đi mạng sống của bà khiến bác sĩ cuống cuồng lên, yêu cầu tòa phải ngừng ngay phiên xử. Dĩ nhiên luật sư Vũ Văn Mẫu tuyên bố thân chủ của ông không thể dự phiên tòa trong tình trạng sức khỏe như thế này và yêu cầu tòa dời một ngày khác khi thân chủ ông có đủ điều kiện sức khỏe.

Trong giai đoạn này bà có nhiều hình thức đấu tranh rất độc đáo và kiên cường. Trước khi bị bắt, bà Thành đã từng dùng nhà mình để họp báo quốc tế, trưng bày tài liệu, hình ảnh chống chính quyền.

…Khi luật sư Ngô Bá Thành chưa bị bắt, người ôm sách và tài liệu của chị em phổ biến cho báo chí nước ngoài và cho bạn bè, không ai khác hơn chính là cô con gái của chị (tên Thiện) giỏi cả hai sinh ngữ Pháp và Anh. Đến khi chị Thành bị bắt cầm tù, cô con gái của chị vẫn tiếp tục làm người liên lạc và phân phát tài liệu của chị một cách tích cực và gan lì. Một mình hai mẹ con bà Thành cũng góp phần làm rung chuyển chế độ Thiệu.

Cũng cần nhắc lại, sau khi Hiệp định Paris được các bên ký, bà Ngô Bá Thành chính thức tự nhận mình là “nhân viên dân sự Thực thể Chính trị thứ ba”. Tại cuộc tiếp tân do dân biểu Kiều Mộng Thu tổ chức tại nhà hàng Continental ngày 8-10-1973 “để mừng ngày trở về đời sống tự do của bà Ngô Bá Thành”, bà Thành đã choàng qua người một dải băng xanh thêu chữ trắng “Thực thể chính trị thứ ba” và phía sau lưng có ghi “Phong trào phụ nữ Việt Nam Đòi Quyền Sống”. Tôi có mặt trong cuộc tiếp tân này cùng luật sư Trần Ngọc Liễng, giáo sư Lý Chánh Trung, cụ Đặng Văn Ký, linh mục Phan Khắc Từ, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, các dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Phan Xuân Huy, Trần Văn Tuyên, Ni sư Huỳnh Liên, Hòa thượng Thích Pháp Lan, giáo sư Nguyễn Văn Trung v.v…

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1991, tôi tổ chức cuộc triển lãm tranh sơn dầu cá nhân tại Gallerie Tràng Tiền Hà Nội. Một trong những người khách khá bất ngờ của cuộc triển lãm chính là bà Ngô Bá Thành, lúc bấy giờ là đại biểu Quốc hội của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chúng tôi vui mừng gặp lại nhau. Sau bao nhiêu thăng trầm tại mảnh đất Sài Gòn đầy biến động và trắc trở, có lúc tưởng rằng thế hệ mình mãi mãi không bao giờ được nhìn thấy đất nước thống nhất thế mà nay có dịp hội tụ ngay tại thủ đô đất nước, quả thật với tôi không khác một giấc mơ. Sau đó chị Thành dành cho tôi thêm một bất ngờ khác: chị quyết định mua một bức tranh của tôi là bức “Bến Cảng Nhà Rồng” theo phong cách “bán trừu tượng”, giá 500 USD. Chị nói: “Tôi có hai lý do mua tranh của anh: Thứ nhất vì tôi muốn ủng hộ một trí thức Sài Gòn, thứ hai tiền này tôi có được do dịch một quyển sách luật của Việt Nam ra tiếng Mỹ chứ bình thường làm gì tôi có đô la để mua tranh”. Năm sau tôi trở ra Hà Nội được chị mời dùng cơm tại nhà riêng. Tự chị làm bếp. Trong phòng khách chật hẹp, bức tranh của tôi chiếm một vị trí trang trọng.

Tuy hoạt động tại Sài Gòn, nhưng sau khi đất nước thống nhất, chị Thành sống luôn tại Hà Nội. Chị yêu Hà Nội và thích hợp với đời sống chính trị ở thủ đô.

Trở lại với các hình thức đấu tranh đa dạng của người Sài Gòn chống chế độ Thiệu trước 1975 không thể không nhắc đến một hình thức rất độc đáo: xuống đường làm báo nói. Ai có sáng kiến đầu tiên về hình thức đấu tranh này: dân biểu Hồ Ngọc Nhuận hay linh mục Nguyễn Ngọc Lan? Hoặc cả hai kể rằng anh đã lấy sáng kiến từ những chiếc xe bán dạo “mì Ba Con Cua” (một loại mì ăn liền).

Tôi xin kể chuyến đi làm “báo nói” ở Mỹ Tho và Cần Thơ gồm chị Kiều Mộng Thu, nhà thơ nhà báo Cung Văn, nhà báo trẻ Mỹ John Spragens, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận…

Thời điểm diễn ra các cuộc “báo nói” là sau khi ông Thiệu tái cử tổng thống trong cuộc bầu cử độc diễn, Hội nghị Paris đã có sự thương lượng tích cực giữa phái đoàn Hà Nội và Washingtonn. Sáng sớm, chúng tôi hẹn nhau ở một địa điểm bí mật để xuất phát. Tôi nhớ, ngoài chúng tôi còn có anh Triệu Quốc Mạnh (lúc đó đang là chánh biện lý tòa án Gia Định của chế độ Sài Gòn), Kỳ Nhân (phóng viên ảnh tự do, nhưng kỳ thật là một phóng viên Việt cộng!) và hai linh mục Nguyễn Ngọc Lan và Chân Tín. Lúc xuất phát, hai linh mục cải trang người thường để tránh con mắt theo dõi của cảnh sát chìm. Nhưng chiếc ô tô của anh Nhuận, chở cả đoàn, trực chỉ miền Tây, sắp đến tỉnh Mỹ Tho thì đột ngột dừng lại một căn nhà xưa nằm sát quốc lộ (hình như thuộc làng Tân Hội Tây) là nhà của cha mẹ anh Nhuận. Tại đây hai linh mục Lan và Chân Tín mặc trở vào chiếc áo linh mục của mình. Trong chiến lược đối phó với lực lượng cảnh sát ở tỉnh, hai vị tính toán rằng cảnh sát sẽ lúng túng trước các linh mục. Mà thật thế, đối diện với các linh mục mặc áo đen, cảnh sát tại Mỹ Tho tỏ ra lúng túng thật sự.

Chiếc xe đến Mỹ Tho vào lúc 9 giờ sáng, bấy giờ chợ Mỹ Tho vẫn còn buôn bán đông đúc. Chiếc xe đậu ngay ở đầu chợ. Mọi người nhảy xuống xe trong chớp mắt. Máy phát điện hoạt động cấp kỳ, loa phóng thanh hướng về phía chợ. Tôi là người xung phong “phát thanh” trước. Trong khi tôi báo cáo, đồng bào tụ lại càng lúc càng đông. Tôi nói về những tin tức trong nước và thế giới bị chính quyền Thiệu bưng bít và sau đó là bình luận về tình hình hội đàm Paris, kêu gọi đồng bào cùng tham gia đấu tranh cho hòa bình, còn các thành viên khác trong đoàn làm công việc phát truyền đơn cho đồng bào. Cảnh sát Mỹ Tho quá bất ngờ không kịp phản ứng ngay. Chúng tôi “phát thanh” được hơn 10 phút thì cảnh sát mới rầm rộ kéo đến. Hôm đó là một sáng chủ nhất, trưởng ty cảnh sát Mỹ Tho là trung tá Đỗ Kiến Nâu (em của đại tá Đỗ Kiến Nhiễu, đô trưởng Sài Gòn) về Sài Gòn thăm gia đình nên cảnh sát Mỹ Tho như rắn không đầu, chẳng biết phải đối phó ra sao với nhóm “báo nói” gồm cả linh mục. Có nên mạnh tay đàn áp không? Hay chỉ cần cô lập họ với đồng bào? Cuối cùng thì đám cảnh sát chọn giải pháp thứ hai. Mặt khác họ cũng lúng túng tới sự hiện diện của một nhân vật không biết là “ta hay địch”: ông ta đứng tách ra khỏi nhóm đang “phát thanh” và phát truyền đơn, thỉnh thoảng quay lại phía cảnh sát (đang vây thành vòng tròn chung quanh chiếc xe) đưa tay ra hiệu như chỉ đạo họ: “Anh em cứ đứng yên xem sao”. Người đó chính là biện lý Triệu Quốc Mạnh, người có thẩm quyền đích thực chỉ đạo cảnh sát, nhưng thực ra đang đứng về phía những người hoạt động chống chính quyền! Ông có thể bị cách chức như chơi. Mãi sau này khi cuộc chiến hạ màn, người ta mới biết ông tránh biện lý tòa Gia Định đó là một đảng viên cộng sản!

Khi cảnh sát còn đang chờ chỉ thị từ cấp trên thì chúng tôi đã nhảy lên xe rút đi hướng ngã ba Trung Lương. Trên đường đi lại tiếp tục rải truyền đơn. Nhưng đến nga ba Trung Lương, ô tô không chạy thẳng vào Sài Gòn mà rẽ trái, tiếp tục đi xuống miền Tây. Ý định của chúng tôi là đến Cần Thơ gây một cuộc nữa.

Vì trời sắp tối lại phải qua hai cái phà bắc Cần Thơ và Mỹ Thuận mới về đến Sài Gòn mà đi đêm cũng không biết chuyện gì xảy ra (Cảnh sát làm gì đó chúng tôi rồi đổ thừa cho Việt cộng thì sao?) cho nên đoàn báo nói quyết định ngủ lại ở Cần Thơ. Sáng hôm sau, ăn sáng xong mới lên xe trở về Sài Gòn. Khi chúng tôi rời Tây Đô, cảnh sát “đưa tiễn” rầm rộ như đưa tiễn đoàn nguyên thủ quốc gia. Xe cảnh sát chạy trước chạy sau hú còi inh ỏi. Họ đưa chúng tôi đến bắc Cần Thơ, thở phào nhẹ nhõm khi thấy ô tô của chúng tôi đã lên phà. Cảnh sát Cần Thơ coi mình đã làm xong phận sự. Bên kia bờ thuộc trách nhiệm của cảnh sát Vĩnh Long. Tâm trạng của tôi lúc đó là coi như “thua cuộc” ở Cần Thơ. Quang cảnh trên phà thật rộn rịp với mấy trăm con người là hành khách của bốn chiếc xe đò và hai xe du lịch, chưa kể chiếc của chúng tôi. Nhìn số người đông đúc ấy, trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ: đây một nơi lý tưởng để làm “báo nói”. Tôi liền bàn với anh Nhuận và linh mục Lan. Hai anh tán đồng. Thế là máy phát điện lại nổ trước sự ngơ ngác của hành khách trên phà. Tôi cầm ngay mi-crô, nhảy lên đứng trên đầu xe và bắt đầu nói chuyện với bà con về tình hình đất nước, về hội đàm Paris v.v… Các thành viên khác trong đoàn lại phát truyền đơn bươm bướm. Cảnh sát trên bờ Cần Thơ bắt đầu đoán được chuyện gì xảy ra trên phà, nhưng đã quá trễ để ra lệnh phà quay trở lại.

Khi phà sắp đến bờ bên kia, chúng tôi dẹp tất cả đồ nghề. Cảnh sát ở hai bên bờ chắc chắn có liên lạc vô tuyến với nhau, cho nên xuống phà chúng tôi lại được “đón” rất long trọng. Lại cái cảnh xe cảnh sát chạy trước chạy sau xe chúng tôi, còi hụ inh ỏi. Nhưng đến Bắc Mỹ Thuận, các xe cảnh sát lại dừng ở bờ bên này, cũng coi như mình đã làm xong phận sự. Phà rời bến được một khoảng cách an toàn, nghĩa là không thể ra lệnh quay lại bờ, đoàn báo nói của chúng tôi lại hoạt động. Chuyến đi đó được phóng viên nhiếp ảnh Kỳ Nhân ghi lại hình ảnh đầy đủ. Không biết sau này anh có giữ được hình ảnh đó hay không?

Cũng trong chuyến đi này tôi có một phát hiện: đồng nghiệp và là người bạn của tôi, nhà báo – nhà thơ Cung Văn đúng là có quan hệ với cộng sản. Trên đường đi, khi anh Nhuận lái xe, tôi ngồi phía sau với Cung Văn. Anh đã đọc bài thơ “Thăm lúa” của nhà thờ Trần Hữu Thung cho tôi nghe. Đọc xong bằng cái giọng Đà Nẵng quen thuộc, anh nói thêm: “Bài này đoạt giải thưởng Vacxava”. Trước đây khi tôi nói với anh Cung Văn rằng các bài “Văn tế sống” của anh trên báo Điện Tín chắc là do “ở trỏng” đưa ra cho anh, tôi chỉ nói đùa, nhưng đồng thời cũng muốn ngầm nói với anh rằng tôi hiểu “khuynh hướng chính trị” của anh. Nhưng sau chuyến đi làm báo nói đó thì tôi quả quyết Cung Văn là người có quan hệ “ở trỏng” thật!

Kiểu xuống đường làm “báo nói” – như chuyến đi Mỹ Tho và Cần Thơ ấy – thời gian sau khi Hiệp Định Paris đã ký kết chúng tôi mang tận ra Huế để “diễn” rất thành công ngay tại chợ Đông Ba.
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 đ
VIII

15. Bút Thần: Tờ báo cuối cùng tôi làm chủ bút

Tính chung, trước khi tôi làm tờ Bút Thần, tôi đã đứng tên chủ nhiệm kiêm chủ bút hai nhật báo (Sài Gòn Tân VănTiếng Nói Dân Tộc), chủ bút một tuần báo (Buổi Sáng do ông Mai Lan Quế làm chủ nhiệm) và một nhật báo (Điện Tín), còn cộng tác với tư cách phóng viên thì với bốn tờ: báo thể thao Đuốc Thiêng, nhật báo Thanh Việt, tuần báo Bình Minh, nhật báo Buổi Sáng (thời ông Nguyễn Văvới ông vừa hài vừa bi: một hôm ông đến gặp tôi và chờ khi không có ai, ông nói nhỏ vào tai tôi một cách bí mật: “Tới nơi rồi ông Chung”. Ý ông muốn nói: Quân giải phóng sắp vào đến thành phố rồi. Nhưng chỉ một ngày sau, chưa thấy quân giải phóng đâu mà tôi lại nhận được tin ông bị cảnh sát chìm Tổng Nha bắt. Rồi ông bị “cất” luôn cho đến ngày 30-4!

Trong cuộc đời làm báo có hai lần tôi được hợp tác với hai ê kíp viết báo gồm những đồng nghiệp tài giỏi, có thể gọi đó là những “Dream team”: Lần đầu với ê kíp Điện Tín (1970-1971), lần thứ hai với ê kíp Lao Động (1991-1994).

Làm tờ Điện Tín sau khi tờ Tiếng Nói Dân Tộc bị đóng cửa, trước hết tôi muốn duy trì tiếng nói đối lập của mình. Một dân biểu đối lập mà không có tờ báo trong tay thì như cua không có càng. Năm 1970 là năm bầu cử bán phần Thượng nghị viện và năm chuẩn bị bầu cử lại Hạ nghị viện (1971). Do lời mời hợp tác của trung tướng – nghị sĩ Trần Văn Đôn, chấm dứt nhiệm kỳ ba năm của ông và có ý định ra tranh cử trở lại, bấy giớ tôi cũng có ý định ứng cử vào Thượng nghị viện. Theo thế thức tổ chức Thượng nghị viện thì cứ ba năm, một nửa trong số 60 nghị sĩ phải được bầu lại. Sự phân định ở đợt đầu 30 nghị sĩ ra đi và 30 nghị sĩ ở lại do một cuộc rút thăm (có nghĩa sẽ có ba liên danh mới đắc cử). Sau khi bàn bạc giữa tướng Đôn và tôi thỏa thuận đạt được như sau: liên danh mười người ra ứng cử sẽ gồm hai thành phần, một do tướng Đôn đứng đầu với năm ứng cử viên là cựu nghị sĩ (tướng Trần Văn Đôn, tướng Tôn Thất Đính, bà Nguyễn Phước Đại, tướng Nguyễn Văn Chuân, ông Tôn Ái Liêng), và một gồm năm dân biểu đang tại chức (Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Kiều Mộng Thu, Thạch Phen). Tuy liên danh có đến ba cựu tướng lãnh nhưng họ đều có quan điểm chống tổng thống Thiệu. Đây là một liên danh đối lập, có nhiều khả năng sẽ thắng cử với số phiếu cao.

Nhưng khi liên danh sắp sửa đăng ký ứng cử thì phát hiện có vấn đề về điều kiện tuổi: tôi thiếu một ngày! Luật bầu cử Thượng nghị viện qui định muốn ra ứng cử phải đủ 30 tuổi tròn tính đến ngày bầu cử. Ngày bầu cử là 30-8-1970 nhưng tôi lại sinh ngày 1-9-1940. Như thế chưa “tròn” 30 tuổi tính từng ngày bởi tháng Tám có 31 ngày. Lúc đầu có ý kiến phớt lờ chi tiết này nhưng tướng Trần Văn Đôn thận trọng đã tham khảo ý kiến của thẩm phán Trần Văn Linh, chủ tịch Tối cao pháp viện, nơi sẽ phân xử tính hợp hiến các đạo luật và cả sự vận dụng nếu có sự khiếu nại hoặc tranh chấp. Dự đoán các đối thủ, nhất là phe chính quyền, chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội khai thác điểm sơ hở này để loại liên danh chúng tôi, nên cuối cùng tôi phải rút tên. Có lúc tướng Đôn đề nghị đưa cha tôi (Lý Quí Phát) có nhiều quen biết với cử tri người Việt gốc Hoa, thay tôi. Nhưng sau đó thấy không ổn, liên danh dự kiến không thành. Bà Nguyễn Phước Đại vẫn muốn tiếp tục ra tranh cử đã thành lập một liên danh khác không có năm dân biểu có mặt trong danh sách trước nhưng rồi bà đã thất bại. Lúc đó tôi cũng tiếc vì thiếu chỉ một ngày trong điều kiện tuổi nên mất cơ hội hoạt động ở Thượng nghị viện. Tiếc không vì cái danh xưng nghị sĩ mà tiếc vì với cương vị nghị sĩ tiếng nói đối lập ở Thượng nghị viện của mình sẽ có ảnh hưởng lớn hơn.

Với tờ Điện Tín, sự tách biệt về lập trường chính trị của tôi với chế độ Thiệu càng dứt khoát hơn xuất phát từ diễn tiến của tình hình lẫn chuyển biến ở lập trường chính trị cá nhân. Tờ báo liên tục bị Bộ Thông tin ra lệnh tịch thu. Có tuần, tờ Điện Tín phát hành lậu đến 3 ngày, có nghĩa là dù số báo được lệnh của Bộ Thông tin cấm phát hành nhưng chúng tôi vẫn chuyền báo qua nóc nhà kề bên và tuồn báo ra phía sau tòa soạn ở đường Lê Lai, để bán ra ngoài. Trong lịch sử báo chí ở Sài Gòn, dưới thời chế độ Thiệu, chỉ có tờ Tin Sáng vượt qua Điện Tín về số lần bị tịch thu và ra tòa. Dĩ nhiên các lần tịch thu như thế đều làm kiệt quệ tài chính của vợ chồng tôi bởi có tuồn được báo ra ngoài bán đi nữa thì số lượng không thể nhiều được. Chúng tôi mắc nợ nhà in, mắc nợ nơi cung cấp giấy in và nợ cả tiền lương của các anh em nhà báo. Không thể trả lương cho mọi người cùng một lúc, vợ tôi – đảm trách khâu quản lý, kế toán đã nghĩ ra một cách giải quyết khá đặc biệt: anh em nào có đời sống khó khăn thì lãnh lương trước, còn những anh em ít khó khăn thì lãnh trễ hơn vào giữa tháng. Thường thì Minh Đỗ, Trần Trọng Thức là những người lãnh sau cùng.

Nhưng khi làm tờ Điện Tín, tôi còn nhắm một mục tiêu nữa: hỗ trợ giải pháp Dương Văn Minh thay thế tổng thống Thiệu, nhằm thành lập một nội các hòa bình, góp thêm một điều kiện thuận lợi để chấm dứt chiến tranh. Lúc này, tướng Minh đã chấm dứt thời kỳ bị bắt buộc sống lưu vong (tại Bangkok, Thái Lan). Chính thái độ công khai ủng hộ giải pháp Dương Văn Minh khiến cho Bộ Thông tin của chính phủ Thiệu càng tỏ ra gắt gao với tờ Điện Tín. Tờ Điện Tín, sau hơn một năm xuất bản, tạm đình bản không do một quyết định chính thức của Bộ thông tin mà do một cuộc tấn công phá hoại của “kẻ giấu mặt” theo tôi không ai khác hơn là “tay chân” của chính quyền. Vào lúc 5 giờ sáng, một chiếc xe máy chạy ngang tòa soạn Điện Tín ném một bọc có chứa chất cháy vào cửa. Bác bảo vệ ngủ bên trong không hay biết gì cả. Nếu vụ cháy không được tri hô kịp lúc thì chẳng những tòa báo bị thiêu rụi mà cả sinh mạng của bác vệ cũng không còn. May mắn là khi bên trong tòa báo vừa bén lửa thì người ở nhà đối diện bên kia đường Võ Tánh là phóng viên nhiếp ảnh Lỗ Vinh phát hiện nên vụ cháy đã được ngăn chặn. Lúc xảy ra vụ phá hoại tòa soạn Điện Tín, nghị sĩ Hồng Sơn Đông, chủ nhiệm tờ báo, đang đi công tác ở nước ngoài. Gia đình anh Đông sống ở Thủ Đức nghe tin phá hoại này bị lung lạc tinh thần, yêu cầu tôi tạm ngưng xuất bản tờ báo và chờ anh Đông về quyết định tiếp.

Sau đó có vài trục trặc trong sự bàn luận hợp tác trở lại khi anh Đông về, tôi rút lui khỏi tờ Điện Tín và chuyển sang thuê “manchette” tờ Bút Thần (của anh Nguyễn Văn Phương làm chủ nhiệm) làm tiếp. Tôi không thể không buồn về sự gián đoạn với tờ Điện Tín. Sau thời gian tự đình bản, tờ Điện Tín đã xuất bản trở lại (tháng 2-1972) do ê kíp Tin Sáng sang khai thác. Tờ Tin Sáng vắng chủ nhiệm – anh Ngô Công Đức – không thể tồn tại. Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, bạn thân của anh Đức, giám đốc chính trị tờ Tin Sáng chuyển sang làm chủ bút tờ Điện Tín. Cùng chủ biên tờ Điện Tín ở giai đoạn này còn có giáo sư Lý Chánh Trung, cựu dân biểu Dương Văn Ba. Họa sĩ Ớt phụ trách phần trình bày. Người điều khiển thật sự tờ Điện Tín là anh Dương Văn Ba, năm đầu làm việc trực tiếp tại tòa soạn nhưng sau đó chính quyền Thiệu truy nã anh vì anh bị thất cử ở nhiệm kỳ dân biểu kế tiếp và chống lại lệnh gọi đi lính. Do đó anh Ba phải lẩn trốn trong Dinh Hoa Lan, tư dinh của thủ tướng Dương Văn Minh ở số 3 Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần). Nhưng từ đây anh vẫn phụ trách tòa soạn cho tờ Điện Tín. Mỗi ngày anh biên tập và chuẩn bị đủ bài vở cho số báo rồi chuyển ra tòa soạn cho Huỳnh Bá Thành thực hiện. Người làm liên lạc giữa anh Ba và tòa soạn Điện Tín hàng ngày là Triệu Bình, em trai của Cung Văn. Sau 1975, Triệu Bình làm phóng viên báo Tin Sáng rồi làm ở báo Sài Gòn Giải Phóng.

Tờ Điện Tín của các anh Hồ Ngọc Nhuận, Lý Chánh Trung, Dương Văn Ba, Huỳnh Bá Thành nối tiếp tờ Điện Tín do tôi làm trước đó cũng có chung một mục đích: Tăng cường tiếng nói đối lập, chống chiến tranh và vận động cho giải pháp Dương Văn Minh. Trên báo này còn có sự đóng góp tiếng nói của nữ dân biểu Kiều Mộng Thu, linh mục Nguyễn Ngọc Lan. Các bài bút ký của anh Lý Chánh Trung dưới tiêu đề chung “Bọt biển và sóng ngầm” thu hút một số đông độc giả và gây một ảnh hưởng lớn trong cách suy nghĩ của nhiều giới tại Sài Gòn về tình hình đất nước, về thân phận của những người dân không có quyền tự quyết. Các bài của linh mục Nguyễn Ngọc Lan luôn làm cho chính quyền Thiệu phải nhức đầu.

Tôi không trực tiếp làm tờ Điện Tín nữa nhưng vẫn tham gia tờ báo với anh em ở hai mục: viết một “feuillenton” (chuyện dài nhiều kỳ có tên “Nhật ký nàng Kiều Dung” tố cáo buộc sống đa đọa của giới trưởng giả Sài Gòn) và một tuần góp một bài xã luận.
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 đ
VII

13. Tẩy chay Quốc hội của Nguyễn Văn Thiệu

Trong năm 1971 Sài Gòn có hai cuộc bầu cử: cuộc bầu cử hạ Nghị viện nhiệm kỳ 2 vào tháng 8 và bầu cử tổng thống vào tháng 10. Muốn tiếp tục hoạt động ở nghị trường, tôi phải ra tranh cử trở lại, lần thứ ba trong vòng năm năm (hai lần trước là Quốc hội lập hiến năm 1996, Hạ nghị viện kỳ 1 năm 1967). Còn cuộc bầu cử tổng thống, đại tướng Dương Văn Minh có ý định tham gia với tư cách ứng cử viên đối lập, lập trường kết thúc chiến tranh bằng thương thuyết. Tôi được ông Minh mời làm đại diện báo chí.

Cuộc bầu cử Hạ nghị viện lần này không lơi lỏng như hai cuộc bầu cử trước. Chính quyền Thiệu quyết tâm kiểm soát tối đã Hạ nghị viện sắp tới, nên các dân biểu đối lập trở ra ứng cử ở các đơn vị thuộc các tỉnh đều bị các chính quyền địa phương thẳng tay gian lận. Các thùng phiếu bị đổi một cách trắng trợn. Trong các dân biểu đối lập là nạn nhân của cuộc bầu cử gian lận có hai người bạn của tôi là anh Ngô Công Đức (đơn vị Trà Vinh) và Dương Văn Ba (đơn vị Bạc Liêu). Biết rằng mình có thể bị bắt sau khi thất cử, anh Đức chọn con đường vượt biên và sống lưu vong ở Thuỵ Điển (nhưng phần lớn thời gian anh sang Paris hoạt động). Cuộc vượt biên của anh đi qua biên giới Campuchia với sự hướng dẫn của dân biểu Thạch Phen (gốc Campuchia), rồi từ đây sang Thái Lan. Tại Bangkok, lúc đầu anh được nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti vận động cho anh sang tỵ nạn tại Pháp nhưng không hiểu tại sao Pháp từ chối. Cuối cùng anh được tỵ nạn tại Thụy Điển.

Anh Dương Văn Ba thì không đi đâu, không còn làm dân biểu đối lập, anh chuyển sang làm báo đối lập. Nhưng anh chỉ được tự do làm báo không đầy một năm thì chính quyền Thiệu có lệnh truy nã anh. Ông Dương Văn Minh đưa ra ý kiến cho anh Ba “tỵ nạn” trong dinh của ông. Lúc đó trốn trong dinh Hoa Lan (biệt thự của ông Minh có tên này vì trồng nhiều phong lan, thú đam mê của ông Minh) còn có cựu dân biểu Phan Xuân Huy (đơn vị Đà Nẵng), ông Nguyễn Văn Cước (hoạt động công đoàn) và nhà báo Kỳ Sơn (tức Nguyễn Đình Nam).

Chính quyền Thiệu chỉ “chừa” cho các đơn vị ở Sài Gòn bầu cử tương đối tự do, coi đó là những “tủ kính dân chủ” để đối phó với dư luận quốc tế, đặc biệt với dư luận Mỹ. Một dân biểu đối lập thân thiết với tôi lúc đó là Nguyễn Hữu Chung, do đã chuyển đơn vị bầu cử từ Bến Tre lên Sài Gòn nên tránh được đòn gian lận của chính quyền Thiệu. Phần tôi chỉ xê dịch từ đơn vị 2 Sài Gòn gồm các quận 4, 7, 8, 11 sang đơn vị 1 Sài Gòn gồm các quận 1, 2, 4 và 9. Các anh Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận ứng cử lại ở đơn vị 2, dựa vào thế mạnh của mình ở quận 8 mà cả hai từng đầu tư uy tín trong một chương trình xã hội có ảnh hưởng lớn trong dân chúng địa phương. Hai anh đã tái đắc cử một cách vẻ vang.

Nhiệm kỳ Hạ nghị viện đầu tiên (1967), tôi tranh cử với slogan: “Một miền Nam trung lập trong một Đông Dương trung lập”. Lần này chủ đề chính trị của tôi là: “Chống chủ trương hòa bình trong chiến thắng của tổng thống Thiệu”. Cái áp phích với hàng chữ slogan ấy do họa sĩ Ớt thiết kế. Thời đó chưa có vi tính, anh Ớt phải tự tay kẻ từng chữ trên áp phích. Ước mơ của Ớt lúc đó không phải trở thành một nhà báo nổi tiếng mà là một họa sĩ gây được tiếng vang quốc tế. Anh vẽ chân dung khá đẹp, đặc biệt anh nghiên cứu cách khắc chân dung trên đá từ những chấm nhỏ li ti (như kỹ thuật tranh sơn dầu của Seurat) theo lối truyền thống của quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng của anh. Anh có thực hiện một chân dung như thế cho vợ tôi. Giữa anh Ớt với tôi có nhiều gắn bó. Chuyện làm báo và cả chuyện tư riêng, trước 1975 và cả sau 1975. Trong thời gian Ớt làm báo với tôi, anh cưới vợ. Vợ chồng tôi lấy chiếc ô tô riêng của mình chở anh xuống Mỹ Tho rước dâu.

Đơn vị 1 Sài Gòn có trên 80 người ra ứng cử, tranh ghế dân biểu. Một cuộc cạnh tranh hết sức gay go. Tôi không có tiền để thuê người cổ động, dán áp phích. Rất may là nhiều sinh viên đã tự nguyện tiếp tay. Trong số này nhiều người là bạn bè của các em gái tôi, số khác ủng hộ lập trường đối lập và chống chiến tranh của tôi. Nữ nghệ sĩ Kim Cương đã vào chợ Bến Thành phát các tờ bướm vận động bỏ phiếu cho tôi. Nghệ sĩ Trần Văn Trạch (em trai của giáo sư Trần Văn Khê) vào các khu lao động phát các tờ bướm của tôi tận tay cử tri. Trong số các thanh niên phụ trách khâu dán áp phích còn có Trương Quốc Khánh, tác giả bài hát bất hủ “Tự nguyện”. Trương Quốc Khánh là bạn của em gái tôi. Những tình cảm đó cả đời tôi không thể quên.

Ở kỳ bầu cử này tôi về nhì trước khoảng 85 ứng cử viên! Đầu tiên tôi đạt số phiếu về đầu. Nhưng các biên bản kiểm phiếu giờ chót liên tục bị sửa chữa. Chính quyền rõ ràng có ý đồ ngăn chặn một ứng cử viên phe đối lập về nhất ở đơn vị quan trọng nhất tại Sài Gòn. Tôi đã phải mời thừa phát lại đến lập biên bản sự vi phậm tại Trung tâm tổ chức bầu cử đặt tại Tòa Đô Chính (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh). Nhưng chẳng làm được gì. Cuối cùng tôi kém hơn người về nhất chỉ vài chục phiếu!

Trong thời gian vận động bầu cử này tôi có một tuyên bố trên truyền hình (mỗi ứng cử viên được phát biểu trong 3 phút) và cả trên báo chí rất dứt khoát.

“Nếu tôi đắc cử Hạ nghị viện và sau đó ông Nguyễn Văn Thiệu cũng đắc cử tổng thống một trong cuộc bầu cử độc diễn, thì tôi sẽ từ nhiệm và rút khỏi Hạ nghị viện để phản đối cuộc bầu cử không dân chủ của ông Thiệu”.

Ba mươi năm sau nhắc lại quyết định này, tôi vẫn không chắc mình đã hành động đúng hay sai. Ở ngoài hay ở trong Hạ nghị viện có lợi hơn trong hoạt động của mình? Nhưng vào thời điểm đó tôi phẫn nộ thật sự và thấy mình chỉ còn là một con rối trong bàn cờ gian lận trắng trợn của chế độ Thiệu nếu tiếp tục ngồi lại trong Hạ nghị viện. Hoạt động chính trị của tôi lúc đó trước hết là thỏa mãn nhu cầu bản thân: được đứng trong quần chúng tiến bộ, được quần chúng chấp nhận. Con đường chính nghĩa, với một ít người hoạt động khá đơn độc như tôi lúc đó quả thật không dễ dàng nhận ra, nhưng tôi luôn tìm cách tiếp cận nó, coi đó là mục tiêu phấn đấu. Sinh mệnh chính trị của mình không thể tách khỏi con đường tìm kiếm ấy.

Ngày 29-8-1971, tôi đắc cử dân biểu Hạ nghị viện, đến ngày 3-10-1971 ông Thiệu cũng đắc cử tổng thống trong cuộc độc diễn như nhiều người dự đoán. Đã hứa với cử tri của mình khi ra tranh cử, tôi phải giữ lời. Vả lại, đó cũng là cách gần như duy nhất để gây tiếng vang tố cáo chế độ dân chủ trá hình của tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu.

Sau phiên họp khai mạc của Hạ nghị viện mà chương trình nghị sự chính là hợp thức hóa tư cách dân biểu của các ứng cử viên vừa đắc cử, ở phiên họp kế tiếp tôi lên diễn đàn đọc lá thư gửi cho chủ tịch Hạ nghị viện chính thức xin từ nhiệm, thực hiện đúng lời tuyên bố của mình trong khi ra tranh cử. Đơn từ nhiệm không được chủ tịch Hạ nghị viện chấp thuận với lý do đơn giản: nhiệm kỳ dân biểu do nhân dân ủy thác bằng lá phiếu, do đó chủ tịch Hạ nghị viện không có thẩm quyền giải quyết sự từ nhiệm của người đắc cử. Dù không được chính thức từ nhiệm, tôi vẫn giữ quyết định “tẩy chay” quốc hội của Nguyễn Văn Thiệu. Thế là tuy vẫn giữ tư cách dân biểu nhưng tôi không dự các phiên họp của Hạ nghị viện. Hoạt động chính thức của tôi lúc này là báo chí. Ngoài ra tôi mở một nhà hàng bên đường Trương Định do vợ tôi quản lý và phụ trách kế bếp. Kể cũng hiếm ở Việt Nam có một nhà hàng được dân biểu trực tiếp phục vụ như thế: tôi tham gia cả việc bưng bê các thức ăn cho khách để tiết kiệm cả việc thuê người. Các nhà báo cộng tác với tờ báo của tôi được khuyến khích ăn uống tại nhà hàng và chỉ ký bông – cuối tháng trừ vào lương!

… Cuộc độc diễn của tống thống Thiệu, đó là điều ngoài ý muốn của Washington. Vào lúc này Washington rất cần một chính quyền Sài Gòn được dư luận quốc tế công nhận, bộ mặt dân chủ dù là giả hiệu đi nữa cũng hết sức cần thiết để tổng thống Nixon có một cơ sở nào đó tiếp tục biện hộ cho chế độ Sài Gòn trước quốc hội Mỹ. Nhưng Nguyễn Văn Thiệu vẫn muốn giới hạn số người ra ứng cử, và ngày 3-6-1971, Quốc hội Sài Gòn mà đa số là người của Thiệu đã nhào nặn ra một luật bầu cử tổng thống buộc mỗi ứng cử viên phải hội được một trong hai điều kiện: có 40 dân biểu, nghị sĩ hoặc 100 nghị viên hội đồng tỉnh ký tên giới thiệu.

Luật bầu cử này thật sự nắm trực tiếp vào tướng Nguyễn Cao Kỳ. Theo bộ tham mưu của Thiện, cuộc tranh cử tay ba giữa Thiệu, Kỳ, Minh sẽ là cuộc bỏ phiếu giữa hai khuynh hướng. Một bên là khuynh hướng có thể thỏa hiệp với cộng sản mà ông Minh là đại diện. Một bên là khuynh hướng chống cộng tích cực mà hai ông Thiệu và Kỳ đều là đại diện tiêu biểu. Theo nghiên cứu của ban tham mưu của ông Thiệu, một cuộc đầu phiếu trong điều kiện như vậy sẽ dọn đường cho ông Minh vào ghế tổng thống, vì Thiệu và Kỳ sẽ chia nhau số phiếu của những người chống cộng. Thấy rõ nguy cơ đó, phe Thiệu tìm cách chặn ông Kỳ ra tranh cử.

Nhân vật được Thiệu giao công việc ngăn chặn Kỳ ra ứng cử là phụ tá Nguyễn Văn Ngân, người thay chỗ phụ tá Nguyễn Cao Thăng sau khi ông này chết vì bị ung thư. Ngân cũng là tác giả của luật bầu cử tống thống, phó tổng thống biểu quyết ngày 3-6-1971.

Trước khi luật bầu cử được các dân biểu thân chính quyền thông qua và chính phủ ban hành, phụ tá Ngân cho đi thu chữ ký của các đại biểu dân cử. Ngân đã tính trước: Minh sẽ có đủ 40 chữ ký dân biểu nghị sĩ (con số chữ ký chính xác mà ông Minh có được là 42) và Kỳ sẽ không có cách nào lấy đủ chữ ký trong Quốc hội như luật định. Kỳ chỉ có mỗi con đường lấy chữ ký của các nghị viện hội đồng tỉnh.Ở khu vực này Ngân cũng thu gom tất cả các chữ ký về phía Thiệu. Gần hết hạn nộp đơn, Kỳ thu được 101 chữ ký của các nghị viện nhưng vẫn bị Tối Cao Pháp Viện họp ngày 6-8 bác vì trong số 101 chữ ký giới thiệu Kỳ có đến 39 chữ ký đã có trong danh sách ủng hộ Thiệu. Coi như 39 chữ ký này bất hợp lệ. Do đó trong danh sách ứng cử viên tổng thống niêm yết lần thứ nhất chỉ có hai ông Thiệu và Minh.

Tướng Kỳ tố cáo rằng một số nghị viện các tỉnh đã bị tỉnh trưởng và thị trưởng ép ký vào tờ “bạch khế” (giấy trắng) từ trước khi có luật bầu cử mà không biết là giấy đó sau này dùng để ủng hộ Thiệu ứng cử tổng thống. Những nghị viện muốn chuyển sang ký ủng hộ Kỳ đều bị kẹt những tờ giấy ký… trắng trước đây.

Nhưng điều mà ban tham mưu của Thiệu không đoán trước: ngày 20-8-1971 ông Minh tuyên bố rút tên. Lý do đưa ra: Thiệu đã bố trí guồng máy gian lận kết quả của cuộc bầu cử. Ông Minh có trong tay một tài liệu về việc Phủ tổng thống chỉ thị cho các tỉnh trưởng những cách thức để đảm bảo Thiệu thắng cử. Ông Minh đã trao tài liệu này cho đại sứ Mỹ Bunker. Nghe đâu đại sứ Mỹ xác nhận đây là một tài liệu có thật.

Ông Minh rút tên làm cho phe Thiệu bối rối vì đứng trước nguy cơ chỉ có mỗi mình Thiệu tranh cử với chính… mình. Thế là “quân sư” Nguyễn Văn Ngân phải tính tới chuyện đưa Kỳ ra tranh cử trở lại để tránh tình trạng độc diễn bằng cách trả lại cho Kỳ 39 chữ ký trước đây. Tối Cao Pháp Viện tuyên bố bất hợp lệ vì có sự khiếu nại của phe Thiệu. Kết quả màn “ảo thuật” này là ngày 21-8-1971, Tối cao Pháp Viện cho niêm yết danh sách ứng cử viên “lần thứ hai và là lần chót” trong đó có tên Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Nhưng ngày 23-8, Kỳ tuyên bố không tranh cử nữa và còn đề nghị Thiệu cùng Kỳ từ chức để cho Chủ tịch Thượng Viện Nguyễn Văn Huyền tạm điều khiển chính phủ với nhiệm vụ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống khác trong vòng ba tháng. Dĩ nhiên ông Thiệu bác bỏ đề nghị này. Ngày 1-9, Tối cao Pháp Viện đồng ý cho Kỳ rút tên.

Khi Kỳ từ chối “ân huệ” của Thiệu cho ra ứng cử, ông tuyên bố với báo chí: “Tôi không tiếp tay cho một trò hề bẩn thỉu, càng làm cho người dân vỡ mộng với chế độ dân chủ”. Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker cố gắng thuyết phục ông Kỳ tiếp tục ra tranh cử nhưng ông dứt khoát từ chối.

Trường hợp ông Dương Văn Minh, tuy đã công bố ra ứng cử Tổng thống từ tháng 6 (với ứng cử viên Phó tổng thống là bác sĩ Hồ Văn Minh, dân biểu quốc hội) nhưng ê kíp của ông vẫn tiếp tục quan sát tình hình để quyết định. Khi hay tin ông Minh rút lui, đại sứ Bunker hối hả xin gặp ông Minh nhằm cứu vãn tình thế cho chế độ Sài Gòn. Tôi có mặt trong buổi tiếp Bunker của ông Minh. Ông Minh phân tích cho Bunker thấy rằng không có sự công bằng và trung thực trong cuộc bầu cử giữa các ứng cử viên. Ông Minh nói:

“Trong cương vị tổng thống, ông Thiệu có cả guồng máy quân đội và hành chánh khổng lồ hỗ trợ ông ta, không kể tiền bạc thuộc ngân sách quốc gia gần như không hạn chế. Chúng tôi, với phương tiện cá nhân quá kém cỏi, không thể đối đầu ông Thiệu trong một cuộc bầu cử hoàn toàn bất bình đẳng”. Bunker với kiểu suy nghĩ thực dụng của người Mỹ nghĩ ngay rằng ông Minh gián tiếp đặt điều kiện được Mỹ “hỗ trợ”. Bunker hỏi lại ông Minh: “Theo Đại tướng dự trù một cuộc tranh cử như thế cần bao nhiêu tiền?”. Ông Minh trả lời thẳng thắn để cho viên đại sứ Mỹ thấy rằng cuộc tranh cử này nằm ngoài khả năng của ông: “Ít nhất một triệu đô la”. Và thật bất ngờ, Bunker nói ngay: “Thưa ngài đại tướng, nếu ông ra tranh cử, ông sẽ có một triệu đô la đó”. Ông Minh xua tay: “Tôi không thể nhận số tiền ấy và tôi cũng không thay đổi quyết định rút lui khỏi cuộc bầu cử”.

Chung quanh sự kiện này, trong quyển Vietnam: A History, nhà báo Mỹ kỳ cựu Stanley Karnow viết, “Đại sứ Ellsworth Bunker” tìm cách gián tiếp đút lót ông Minh ra tranh cử để làm cho cuộc bầu cử có vẻ “dân chủ” (Ambassador Ellsworth Bunker reportedly tried to bride Minh to run in order to make the exercise look “democratic”). Dù có những vận động như thế từ phía Mỹ để tránh xảy ra cuộc độc diễn, nhưng trong thâm tâm các nhà lãnh đạo Washington lúc bấy giờ đã nghiêng về sự chọn lựa Thiệu – người mà Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của Nixon, ca ngợi hết lời trong quyển hồi ký của ông (Ending The Vietnam War): “Không phải tình cờ mà Nguyễn Văn Thiệu trở thành tổng thống. Không thể chối cãi ông ta là vị lãnh đạo quân sự xuất sắc nhất ở miền Nam, có lẽ là người có năng lực nhất trong tất cả các nhân vật chính trị”. Còn về ứng cử viên Dương Văn Minh thì Kissinger viết như sau “Minh có thể là người mà Hà Nội chấp nhận, lý do chắc chắn nằm ở chỗ yếu mềm nhất trong các bộ mặt chính trị. Nều Hà Nội chấp nhận ông – điều này cũng không rõ ràng – chỉ vì ông là người dễ dàng lật đổ nhất trong các ứng cử viên nếu ông trở thành tổng thống”. Washington thường có đánh giá không đúng về con người ông Dương Văn Minh. Theo họ ông là con người nhu nhược, thiếu quyết đoán. Trong cuốn sách “Saigon 1975-3 ngày và 3 tháng”, nhà báo Tiziano Terzani đã từng tiếp xúc với ông Minh, có một đánh giá khác về ông Minh:

“Không như rất nhiều đồng nghiệp của ông – những tướng lãnh hèn nhát và phản bội luôn bị tố cáo tham nhũng và dính líu vào những vụ làm ăn mờ ám nhất – ông Minh là một người lính lương thiện. Được binh lính dưới quyền kính trọng, ông là một con người có dũng khí và có một ý thức danh dự truyền thống. Ông Minh từng bị quân Nhật bắt tra tấn nhiều ngày, đánh gãy cả hàm răng nhưng ông không chịu khuất phục. Ông nói với tôi ‘Đất nước tôi đáng giá hơn cái hàm răng’”.

Bản thân ông Minh không hề xa lạ trước cách đánh giá của người Mỹ đối với ông. Bởi nhiều lần ông đã làm họ thất vọng với một lập trường không chịu khuất phục họ. Người Mỹ càng không “tha thứ” cho ông Minh khi ông tiết lộ với báo chí Mỹ điều mà vị đại sứ của họ đã đề xuất trong “mật nghị” với ông. Sau cuộc bầu cử độc diễn của Thiệu, ông Minh tiếp chủ bút tờ Washington Post, Ben Bradley, cây cổ thụ trong làng báo Mỹ. Washington Post là một tờ báo chống chiến tranh Việt Nam có ảnh hưởng lớn ở Mỹ. Ông Minh giao cho tôi chuẩn bị buổi tiếp này và chọn người làm phiên dịch. Tôi đích thân đi mời nhà báo Phạm Xuân Ẩn, đang làm cho văn phòng đại diện tuần báo Time Magazine tại Sài Gòn. Tôi quen biết anh Ẩn từ khi vào quốc hội (1966). Chỗ “đóng đô” mỗi sáng của anh Ẩn là nhà hàng Givral. Anh ít khi ăn mà chỉ gọi một tách cà phê đen. Chiếc xe Renault 4 ngựa cũ xì của anh luôn đỗ ngay trước cửa Givral bên phía đường Lê Lợi. Thường bao giờ cũng có một hai nhà báo nước ngoài “đeo” theo anh với hi vọng hiểu thêm tình hình chính trị và quân sự đang diễn ra tại miền Nam. Anh luôn phân tích tình hình một cách sắc sảo. Dĩ nhiên những điều anh “xì” ra đều có chủ đích. Lúc đó tôi hoàn toàn không nghĩ rằng anh là người của cộng sản. Thực tế anh có rất nhiều bạn bè là tay chân thân thiết của Hoàng Đức Nhã, cố vấn của Thiệu, thường xuyên đến Givral, uống cà phê với anh. Các vị tai to mặt lớn của chế độ đều liên lạc mật thiết với anh, trong đó người nổi tiếng nhất là bác sĩ Trần Kim Tuyến, đứng đầu ngành tình báo của chế độ Ngô Đình Diệm.

Tôi cũng nằm trong số người thường uống cà phê với anh Phạm Xuân Ẩn tại Givral vì Hạ nghị viện (hiện nay là Nhà hát thành phố) nằm bên kia đường đối diện với Givral. Khi Hạ nghị viện bàn về những đề tài chán phèo, những đạo luật không quan trọng thì tôi (và nhiều dân biểu khác) bỏ sang Givral. Ngoài ra trong một số trường hợp báo chí Mỹ phỏng vấn tôi, họ cũng nhờ anh Ẩn dịch (lúc đó tôi sử dụng chủ yếu tiếng Pháp). Anh Ẩn thông dịch rất chính xác, không thiếu mà cũng không dài dòng, rất chậm rãi, dễ theo dõi.

Anh Ẩn nhận lời mời của ông Minh nhờ anh thông dịch trong buổi tiếp chủ bút báo Washington Port. Ngoài ông Minh và Ben Bradley, chỉ có tôi và anh Ẩn có mặt. Chính trong buổi phỏng vấn này của báo Washington Post, ông Minh đã kể cho nhà báo kỳ cựu Bradley biết đề nghị của đại sứ Bunker đưa cho ông một triệu đô la nếu ông ra ứng cử. Và người ta không ngạc nhiên khi sau đó tin này được báo Washington Post tung ra, gây xì-can-đan trong chính trường và dư luận Mỹ.

Sau năm 1975, tôi gặp lại anh Phạm Xuân Ẩn nhiều lần, khi đi ăn sáng, khi đi ăn trưa, thường có mặt anh Ngô Công Đức. Tôi vẫn gặp một Phạm Xuân Ẩn của hơn 30 năm về trước, hoàn toàn không thay đổi về mặt con người: vẫn vui tính, kể chuyện phong phú và duyên dáng, pha trộn giọng “móc lò” và hài hước của người Nam Bộ chính cống. Anh luôn tạo cho người tiếp xúc với anh sự thoải mái và tự nhiên. Nói chuyện với anh, tôi quên hẳn anh là một vị tướng cộng sản tình báo nổi tiếng trên thế giới. Một nhà báo nước ngoài đã phong cho anh danh hiệu “nhà tình báo dễ thương nhất” (l’espion le plus aimable) mà tôi vẫn nghĩ danh xưng này rất xứng đáng được làm tựa cho một bộ phim tình báo hấp dẫn.

… Trước khi rút lui, ông Dương Văn Minh đã tổ chức họp báo và ra một tuyên bố bằng ba thứ tiếng – Việt, Anh, Pháp – nói rõ lý do rút tên và tố cáo cuộc bầu cử không đảm bảo công bằng và dân chủ. Một đòn khá đau cho chế độ Thiệu và Washington. Trong cuộc họp báo này, lần đầu tiên báo chí trong và ngoài nước được nhìn thấy đầy đủ các nhân vật hình thành ê kíp làm việc (staff) của ông Minh. Họ ngồi sau lưng ông đông đủ. Tôi nhớ có nghị sĩ Vũ Văn Mẫu, giáo sư Lý Chánh Trung, bác sĩ dân biểu Hồ Văn Minh, luật sư Trần Ngọc Liễng, nghị sĩ Hồng Sơn Đông, các dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Nguyễn Hữu Chung và tôi…

Cuối cùng thì ông Dương Văn Minh rút tên ứng cử nhưng bộ máy tranh cử được tổ chức trước đó vẫn được giữ nguyên và duy trì cho đến ngày 30-4-1975! Ê kíp Dương Văn Minh không là một tập hợp có tính chất đảng phái nhưng tự nó trở thành một nhóm áp lực chính trị làm điên đầu chính phủ Thiệu. Trước các vấn đề nhân quyền, dân chủ, hòa bình làm người dân bức xúc, nhóm Dương Văn Minh đều lên tiếng bày tỏ thái độ. Và như thế, nhóm Dương Văn Minh được báo chí trong và ngoài nước coi như một tiếng nói đối lập chính yếu tại miền Nam.

Trong khi chuẩn bị cuộc vận động cho liên danh Dương Văn Minh, với tư cách đại diện báo chí cho liên danh này, tôi đã tiếp cận với Phật giáo Ấn Quang tìm sự ủng hộ của lực lượng Phật giáo có hậu thuẫn quần chúng lớn nhất. Tôi không nhớ rõ tôi tiếp xúc với thượng tọa Thích Trí Quang lần đầu nhân cơ hội nào. Rất có thể do tôi tham gia vào Lực lượng hòa giải dân tộc do luật sư Vũ Văn Mẫu đứng đầu có mối quan hệ chặt chẽ với chùa Ấn Quang. Lực lượng này còn có nghị sĩ Bùi Tường Huân, cư sĩ Võ Đình Cường… tham gia. Hình như dân biểu đơn vị Huế là Trần Ngọc Giao cũng có giới thiệu tôi với thượng tọa Thích Trí Quang lúc này đang ở tại chùa Ấn Quang.

Đến chùa Ấn Quang, dọc theo hành lang dẫn vào phòng riêng của thượng tọa Trí Quang ở lầu một thuộc dãy nhà nằm sát bên trái của ngôi chùa, luôn luôn có ít nhất hai hay ba cảnh sát chìm theo dõi những người đến thăm viếng thượng tọa Trí Quang. Lần đầu tôi gặp “Người làm rung chuyển nước Mỹ” – báo Newsweek đã gọi thượng tọa Thích Trí Quang như thế trên trang bìa một số báo thời Phật giáo đối đầu chế độ Ngô Đình Diệm – trong một căn phòng riêng của thượng tọa nhỏ hẹp, trang trí rất đơn sơ. Tôi đã đối diện một người giản dị và rất bình thường, nhưng khi đã tiếp xúc thì con người ấy toát lên một thứ thần sắc khác thường. Ánh mắt như sao băng, chiếu thẳng vào người đối thoại như nhìn thấu những suy nghĩ của họ. Tôi nhớ mãi ấn tượng đầu tiên ấy khi lần đầu gặp nhà tu nổi danh.

Tôi không theo đạo Phật hay bất cứ một tôn giáo nào, chỉ thờ cúng tổ tiên, nhưng mẹ tôi thỉnh thoảng đi chùa. Tôi không hiểu nhiều về đạo Phật nhưng trong chốn tôn nghiêm của chùa chiền mà tôi đặt chân đến bao giờ cũng gây cho tôi sự xúc động. Tôi tin tưởng rằng tôn giáo chân chính nâng tâm hồn con người, đặt con người ở một trách nhiệm cao hơn đối với đồng loại.

Nhưng mỗi lần gặp thượng tọa Trí Quang, hầu như chẳng bao giờ tôi nói chuyện tôn giáo, mà thích tượng tọa cũng thế. Có lẽ nhà tu đoán rằng tôi không thạo và cũng không thiết tha lắm đề tài này. Chúng tôi chủ yếu bàn về tình hình đất nước, cuộc chiến tranh chưa thấy lối thoát. Có một lần tôi đến thăm thượng tọa, cánh cửa kính khóa bên trong, tôi nhìn thấy nhà tu đang lạy trước bàn thờ Phật đặt trong một góc phòng. Tôi chờ suốt 15 phút, bên trong phòng thượng tọa Trí Quang vẫn tiếp tục quỳ xuống đứng lên, tôi đếm đến gần cả trăm lần. Khi thượng tọa bước ra mở cửa mời tôi vào, tôi tò mò hỏi ông mỗi lần lạy Phật như thế thì lạy bao nhiêu lần. Thượng tọa Trí Quang thản nhiên trả lời tôi: “Lạy Phật nhưng đồng thời cũng để giữ gìn sức khỏe”. Thượng tọa Trí Quang cho rằng chế độ Thiệu không đại diện người dân miền Nam, cần có một chính phủ biết cách chấm dứt chiến tranh và mang lại hòa bình. Khi tôi đề cập với thượng tọa về giải pháp Dương Văn Minh, thượng tọa không hào hứng lắm nhưng cũng không bác bỏ. Thượng tọa đưa ra nhận định: “Bây giờ cần một người cầm cờ, ông ấy có thể làm được chuyện đó trong lúc này”. Sau đó thượng tọa gián tiếp bình luận: tướng Dương Văn Minh không phải là người làm chính trị có bản lĩnh.

Để tiếp tay cho cuộc vận động giải pháp Dương Văn Minh, thượng tọa Trí Quang sẵn sàng giúp tôi thực hiện một chuyến ra Huế gặp một số vị cao tăng đang lãnh đạo phong trào Phật giáo đấu tranh. Đặc biệt thượng tọa viết một thư tay cho tôi cầm theo ra Huế để được Đức Thăng thống Thích Tịnh Khiết tiếp tại chùa Bảo Quốc. Chùa Bảo Quốc nằm trên một ngọn đồi yên tịnh, xa thành phố, về hướng các lăng. Đường từ ngoài cổng vào đến chùa, đi lên một ngọn đồi khoảng 300m. Vào đến chùa, người hướng dẫn đưa tôi gặp Đức Tăng thống đang ngồi im lặng trên một bộ ván đặt ngoài hiên chùa. Đức Tăng thống đang ăn sáng – tay cầm một mẩu bánh mì, ly sữa để ở bên cạnh – thỉnh thoảng Hòa thượng rứt ruột bánh mì ra từng miếng nhỏ ném cho các con chim đang nhảy nhót quanh ngài. Nhiều con ăn trong lòng bàn tay hòa thượng, một hai con thản nhiên đậu trên vai ngài. Tôi tưởng như mình lạc bước nơi cõi tiên.

Trong chùa Bảo Quốc chỉ treo một bức ảnh chân dung duy nhất trên tường. Đó là chân dung của thượng tọa Trí Quang. Như thế đủ thấy ảnh hưởng của thầy Trí Quang với người lãnh đạo tinh thần cao nhất Giáo hội Phật giáo là như thế nào. Khi Đức Tăng thống đọc thư của thầy Trí Quang giới thiệu tôi, rõ ràng Hòa thượng Thích Tịnh Khiết tỏ ra ân cần và thiện cảm ngay. Nên sau đó Hòa thượng không từ chối lời đề nghị của tôi xin phép được chụp chung một bức ảnh với ngài tại sân sau của chùa.

Trong chuyến ra Huế lần đó tôi cũng có dịp đến viếng thăm Thượng tọa Thích Huyền Quang, tại chùa Từ Đàm. Dĩ nhiên cũng với mục đích trình bày với vị lãnh đạo Phật giáo lập trường hòa bình và chống chế độ Nguyễn Văn Thiệu của nhóm Dương Văn Minh. Anh Trần Ngọc Giao còn đưa tôi đi gặp một vị tu có uy tín lớn ở Huế và trong cả Giáo hội Phật giáo, đó là Ôn Trúc Lâm. Đặc điểm các vị cao tăng này là đều quan tâm đến tình hình đất nước, không tán đồng chế độ Thiệu, chống triệt để sự hiện diện của người Mỹ ở Việt Nam.
Sau này khi Hiệp định Paris được ký kết, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu cùng nghị sĩ Bùi Tường Huân, cư sĩ Võ Đình Cương… thành lập một tổ chức chính trị hoạt động mời tôi cùng tham gia và làm thuyết trình viên của lực lượng.

…Trở lại cuộc bầu cử tổng thống biến thành cuộc độc diễn, ngày 3-10-1971, liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương đắc cử với 94,3% số phiếu bầu. Trong nước và cả ngoài nước coi kết quả đó như một trò hề chính trị. Nhưng cũng chưa bao giờ, Thiệu và tay chân của ông ta tỏ ra hung hăng như lúc này. Chính quyền Thiệu càng siết chặt sự kiểm soát trong quân đội, cảnh sát, báo chí và cả trong Quốc hội. Phe đối lập đứng trước hai sự chọn lựa: để Thiệu xóa sổ hoặc đối đầu để tồn tại. Và họ đã chọn cách thứ hai. Lúc này nhiều phong trào và tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng có chung mục đích chống chiến tranh và chống Thiệu đã nổi lên. Các cuộc biểu tình, xuống đường chống Thiệu bắt đầu nổ ra gần như hằng ngày.


14. Những hình thức đấu tranh đa dạng của người Sài Gòn

Giữ lời hứa lúc ra tranh cử quốc hội lập pháp nhiệm kỳ hai, tôi “tẩy chay” Hạ nghị viện mặc dù đơn từ nhiệm của tôi không được Chủ tịch Hạ nghị viện chấp nhận. Những ngày tháng đầu tiên của thời kỳ này thật chán nản đối với tôi. Bỗng chốc nhận ra sự bất lực của hoạt động chính trị nghị trường và thân phận làm “đối lập kiểng” của mình, tôi cảm nhận mình không khác gì một con gà bị trụi lông, chẳng còn cái lớp ngoài để che giấu đi cái thực trạng đáng tội nghiệp của mình.

Không đi họp Hạ nghị viện, tôi lại ra báo: thuê manchette tờ Bút Thần của anh Nguyễn Văn Phương tiếp tục làm sau khi gián đoạn với tờ Điện Tín.

Từ 1971, sau khi Nguyễn Văn Thiệu tái cử trong cuộc độc diễn, cho đến tháng Tư 1975, ngày Mỹ cuốn cờ, là một thời kỳ dài khá u ám nhưng rất sôi động đối với các thành phần đối lập và các trí thức yêu nước tại miền Nam. Chính quyền Thiệu tăng cường các biện pháp siết chặt phe đối lập, đồng thời tiến hành triệt để đàn áp, bắt bớ các phần tử bị coi là thân Cộng. Diễn đàn quốc hội, nằm trong tay phe Thiệu, không còn là nơi hoạt động có ảnh hưởng của những tiếng nói chống chế độ. Còn báo chí bị chi phối bởi một đạo luật mới được phe của Thiệu biểu quyết – luật 007 – vô hiệu hóa hầu hết báo chí đối lập, vì không có tiền đóng ký quỹ để tiếp tục xuất bản nên năm 1972 chỉ còn là mảnh đất riêng dành cho báo chí của Thiệu và thân Thiệu. Trong tình hình bế tắc ấy, các thành phần chống Thiệu không còn sự lựa chọn nào khác là phản đối chính quyền Thiệu bằng cách xuống đường biểu tình, làm báo lậu, tổ chức báo nói v.v…

Những người tích cực nhất thúc đẩy các hoạt động chống chế độ Thiệu trên đường phố phải kể đến: lực lượng Phật giáo Ấn Quang, phong trào học sinh sinh viên tiến bộ và các cá nhân như bà Ngô Bá Thành, ni sư Huỳnh Liên, các dân biểu đối lập trong đó người hăng hái nhất và cũng có óc tổ chức liều lĩnh nhất là anh Hồ Ngọc Nhuận. Tôi không vào Hạ nghị viện họp nữa và mỗi khi các đồng viện của mình tổ chức xuống đường, tổ chức báo nói v.v.. tôi không bao giờ vắng mặt. Trước mỗi cuộc xuống đường, không thể nào không nghĩ đến sự ác liệt của những trận tấn công lựu đạn cay, dùi cui, những cú đánh lèn tàn bạo của cảnh sát rằn ri và cảnh sát chìm… đang chờ đợi mình. Nhưng rồi đúng hẹn mọi người đều có mặt. Khi hai phía – những người biểu tình và cảnh sát chống biểu tình – xáp vào nhau thì tức khắc những suy nghĩ do dự ban đầu đều biến mất, không khác tâm lý của các chiến binh ngoài mặt trận sau khi súng đã nổ. Thật sự không phải bao giờ cảnh sát cũng hăng hái ra tay đàn áp những người biểu tình khi mà đa số là trí thức tay không, là phụ nữ, người tu hành, học sinh sinh viên ở tuổi con em của họ. Do đó các tay chỉ huy cảnh sát ác ôn phải nghĩ ra những đòn ma giác để biến các nhân viên cảnh sát bình thường thành những “con thú dữ”: họ cho những tên cảnh sát chìm (mặc thường phục) len lỏi vào đám đông biểu tình, rồi từ đây chúng ném đá và các vật cứng khác có thể gây thương tích về phía lực lượng cảnh sát đang dàn ra để ngăn chặn biểu tình. Thế là lực lượng cảnh sát điên lên vì cho rằng những người biểu tình đã tấn công họ, họ bắt đầu phản ứng lại và đàn áp không còn nương tay. Trong sự hỗn loạn này, nguy hiểm nhất cho những người tham gia biểu tình là sự can thiệp của bọn cảnh sát chìm. Chúng tấn công từ phía sau đầy bất ngờ, với gậy gộc và những khúc gỗ dài có đóng đinh nhọn ở đầu. Cảnh sát sắc phục dù sao vẫn còn e ngại những hành động quá tay của mình có thể bị báo chí nước ngoài chụp ảnh, lên án làm ảnh hưởng xấu chế độ. Còn cảnh sát chìm nếu có quá tay thì được chính quyền đổ thừa cho sự bộc phát của “quần chúng” chống lại các phần tử thiên cộng (!).

Sau khi liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương trúng cử trong cuộc bầu cử độc diễn, cuộc biểu tình phản đối đầu tiên được tổ chức mấy ngày sau đó với sự kết hợp giữa các dân biểu đối lập và các tổ chức quần chùng như “Phụ nữ đòi quyền sống” của bà Ngô Bá Thành, Lực lượng Hòa giải Dân tộc của Phật giáo Ấn Quang. Đoàn biểu tình tập hợp tại cao ốc nằm bên cạnh trụ sở Hạ nghị viện, phía sau khách sạn Caravelle. Cao ốc này được dùng làm văn phòng cho ác Ủy ban chuyên môn của Hạ nghị viện. Sáng sớm, khoảng 7 giờ, tôi có mặt ở điểm hẹn này. Tôi đoán trước chính quyền Thiệu sẽ đàn áp không nương tay. Để ngăn ngừa mọi toan tính phủ nhận kết quả cuộc bầu cử và các biểu lộ khác có thể phá vỡ uy tín bốn năm cầm quyến sắp tới của mình, Nguyễn Văn Thiệu sử dụng triệt để quân đội và cảnh sát để duy trì quyền lực. Biết như thế nhưng tất cả những gương mặt dân biểu đối lập chính quyền đều có mặt: Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Nguyễn Hữu Chung, Hồ Văn Minh, Phan Xuân Huy, Kiều Mộng Thu, Dương Văn Ba, Vũ Văn Mẫu, Bùi Chánh Thời, Võ Đình Cường. Ngoài ra còn có bà Ngô Bá Thành, chị Trần Thị Lan v.v…

Nhóm biểu tình đông khoảng từ 40 đến 50 người với những biểu ngữ tố cáo cuộc bầu cử gian lận, phủ nhận sự trúng cử của liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Trần Văn Hương v.v… tiến từ bên hông khách sạn Caravelle sang mặt trước của Hạ nghị viện. Vừa đến khoảng trống trước Hạ nghị viện, nơi dành cho các dân biểu đậu ô tô, tôi nhìn thấy ngay phía bên kia đường Tự Do (bây giờ là đường Đồng Khởi), dọc theo công viên, cảnh sát dã chiến xếp “dàn chào” sẵn đó từ lúc nào. Họ giăng hàng ngang, súng phóng phi tiễn hướng thẳng qua tiền đình Hạ nghị viện, nơi nhóm biểu tình sắp sửa tiến về hướng ra chợ Sài Gòn. Tôi vẫn nhớ cái cảnh đầy đe dọa ấy: cảnh sát dã chiến trong tư thế sẵn sàng nổ súng, một đầu gối chịu xuống đất, súng đưa lên tầm ngắm với túi đạn phi tiễn đeo bên người, phía sau là bức tượng khổng lồ đen xì của hai Thủy quân lục chiến dùng chĩa súng M16 về phía tòa nhà lập pháp (tượng này đã bị quần chúng giật sập sau ngày 30-4-1975). Thoạt đầu, tôi không nghĩ cảnh sát dã chiến dám nổ súng.

Nhưng lệnh được một tên chỉ huy nào đó phát ra và súng nổ. Các quả phi tiễn được bắn thẳng về phía đám biểu tình, xé toạc các biểu ngữ và làm vỡ kính cửa chính của tòa nhà Hạ nghị viện. Anh em dân biểu lúc đó mới nhận ra rằng nếu lãnh một quả phi tiễn vào người thì cũng khó sống. Thế là mọi người phải chạy tản ra tránh đạn. Tôi chạy dạt ra hướng bên phải sân trước Hạ nghị viện, nép mình phía say mấy chiếc ô tô đậu tại đây. Đúng lúc đó một quả phi tiễn bay thẳng đến tôi. Tôi chỉ kịp nghiêng người để không phải lãnh trọng quả đạn. Nó trúng sớt vào bả vai tôi. Phản xạ tự nhiên của tôi lúc ấy là ngả người xuống đất, phía sau một chiếc ô tô. Nhưng tôi chợt nghĩ chúng có thể tiếp tục bắn phi tiễn về hướng tôi và một trong những quả đó mà bắn trúng bình xăng ô tô thì khó tránh tai họa. Tôi liền cố gắng đứng lên, nhắm hướng khách sạn Continental bên kia đường mà chạy a vào. Hai mắt tôi sưng lên, nhức nhồi vì hơi cay. Những người phục vụ trong nhà hàng Continental xếp sẵn khăn ướp lạnh và chanh cắt lát trên những cái mâm tặng miễn phí cho những người biểu tình vào lánh nạn. Chanh rất hiệu quả để hóa giải hơi cay ở mắt.

Trong khi tôi đã vào sân bên trong Continental – khu vườn dành cho khách nước ngoài ăn sáng và uống cà phê – thì anh Ngô Công Đức vẫn còn ở bên ngoài. Anh nhặt các quả phi tiễn còn xì hơi cay, ném lại về phía cảnh sát. Anh chạy díc dắc trên đường Tự Do, len vào khu Passage Eden (Thương xá Eden), vừa chạy vừa “chọc giận” bọn cảnh sát dã chiến để chúng bắn theo. Đây là cuộc biểu tình cuối cùng anh Đức có mặt. Vì không tái cử ở đơn vị bầu cử Trà Vinh và có thể bị chính quyền Thiệu bắt như anh Trần Ngọc Châu, nên anh quyết định vượt biên qua Campuchia, sang Thụy Điển định cư cho đến ngày 29-4-1975. Anh Phạm Xuân Ẩn là người đã khuyên anh Đức nên rời đất nước vì có khả năng – theo đánh giá của Ẩn – phe Thiệu sẽ “mần thịt” anh.

Trở lại cuộc biểu tình trước Hạ nghị viện, lúc này anh Hồ Ngọc Nhuận đang hộ tống bà Ngô Bá Thành và chị Trần Thị Lan. Cảnh sát chìm đang tìm cách bắt hai phụ nữ này bởi họ không được hưởng quyền bất khả xâm phạm như các dân biểu. Anh Nhuận cũng đoán biết nguy cơ đang chờ đợi họ, nên đưa hai chị vào lánh mặt trong khu vườn của khách sạn Continental, nơi có nhiều nhà báo nước ngoài tụ tập. Anh hi vọng với sự có mặt của giới báo chí, bọn cảnh sát chìm sẽ không dám ra tay. Nhưng không lâu, chúng đánh hơi và bắt đầu siết vòng vây chung quanh khu vực hai người phụ nữ lẩn trốn, bất kể sự có mặt của các nhà báo nước ngoài. Anh Nhuận phải tính giải pháp khác: tìm cách đưa bà Thành và chị Lan vào bên trong Hạ nghị viện, họa may tại đây cảnh sát mới chịu bó tay. Nhưng khi anh Nhuận vừa đưa hai người băng qua đường, hướng về phía Hạ nghị viện, thì tức thời một chiếc xe Jeep ập tới, kèm theo là một trận mưa lựu đạn cay khiến anh Nhuận chẳng nhìn thấy gì. Khi anh bình tĩnh lại thì bọn cảnh sát đã ném hai chị lên xe Jeep và chở đi rồi.

Theo tôi thì các nhân vật trí thức miền Nam gan lì, có sức chịu đựng gần như phi thường trước sự đàn áp của nhà tù chế độ Sài Gòn trước 1975 thì không ai bằng bà Ngô Bá Thành. Ở tù bà vẫn tiếp tục hoạt động chống chính quyền. Hàng ngày bà vẫn làm báo nói trong xà lim bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp. Đúng giờ là giọng bà vang lên, đọc tin tức và bình luận chính trị, bất kể sự đàn áp của các cai ngục. Để làm im tiếng người phụ nữ này, chúng ném vôi vào xà lim, rồi tạt nước vào. Nhưng với bà Thành vẫn chẳng ăn thua gì. Kể cả khi bà bị đưa ra tòa án quân sự ở bến Bạch Đằng (nay là đường Tôn Đức Thắng), người biện hộ cho bà là luật sư Vũ Văn Mẫu, lúc ấy đang là nghị sĩ Thượng nghị viện cũng không lay chuyển thái độ chính trị của bà. Trong các nhân chứng mà luật sư yêu cầu có mặt tại tòa có tôi và anh Hồ Ngọc Nhuận. Thế là tôi có dịp chứng kiến tận mắt bà Thành đấu tranh với tòa án của Thiệu như thế nào. Vốn trước đây bà có bệnh suyễn, nên bà nhất quyết từ chối ra tòa như một người bình thường. Bà yêu cầu bác sĩ riêng của bà có mặt và bà xuất hiện trước tòa trên cái băng ca. Tòa vừa bắt đầu làm thủ tục thì cơn xuyễn- thật hư không rõ cũng bắt đầu tấn công bà. Rồi cơn đau tim dữ dội như sắp sửa cướp đi mạng sống của bà khiến bác sĩ cuống cuồng lên, yêu cầu tòa phải ngừng ngay phiên xử. Dĩ nhiên luật sư Vũ Văn Mẫu tuyên bố thân chủ của ông không thể dự phiên tòa trong tình trạng sức khỏe như thế này và yêu cầu tòa dời một ngày khác khi thân chủ ông có đủ điều kiện sức khỏe.

Trong giai đoạn này bà có nhiều hình thức đấu tranh rất độc đáo và kiên cường. Trước khi bị bắt, bà Thành đã từng dùng nhà mình để họp báo quốc tế, trưng bày tài liệu, hình ảnh chống chính quyền.

…Khi luật sư Ngô Bá Thành chưa bị bắt, người ôm sách và tài liệu của chị em phổ biến cho báo chí nước ngoài và cho bạn bè, không ai khác hơn chính là cô con gái của chị (tên Thiện) giỏi cả hai sinh ngữ Pháp và Anh. Đến khi chị Thành bị bắt cầm tù, cô con gái của chị vẫn tiếp tục làm người liên lạc và phân phát tài liệu của chị một cách tích cực và gan lì. Một mình hai mẹ con bà Thành cũng góp phần làm rung chuyển chế độ Thiệu.

Cũng cần nhắc lại, sau khi Hiệp định Paris được các bên ký, bà Ngô Bá Thành chính thức tự nhận mình là “nhân viên dân sự Thực thể Chính trị thứ ba”. Tại cuộc tiếp tân do dân biểu Kiều Mộng Thu tổ chức tại nhà hàng Continental ngày 8-10-1973 “để mừng ngày trở về đời sống tự do của bà Ngô Bá Thành”, bà Thành đã choàng qua người một dải băng xanh thêu chữ trắng “Thực thể chính trị thứ ba” và phía sau lưng có ghi “Phong trào phụ nữ Việt Nam Đòi Quyền Sống”. Tôi có mặt trong cuộc tiếp tân này cùng luật sư Trần Ngọc Liễng, giáo sư Lý Chánh Trung, cụ Đặng Văn Ký, linh mục Phan Khắc Từ, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, các dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Phan Xuân Huy, Trần Văn Tuyên, Ni sư Huỳnh Liên, Hòa thượng Thích Pháp Lan, giáo sư Nguyễn Văn Trung v.v…

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1991, tôi tổ chức cuộc triển lãm tranh sơn dầu cá nhân tại Gallerie Tràng Tiền Hà Nội. Một trong những người khách khá bất ngờ của cuộc triển lãm chính là bà Ngô Bá Thành, lúc bấy giờ là đại biểu Quốc hội của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chúng tôi vui mừng gặp lại nhau. Sau bao nhiêu thăng trầm tại mảnh đất Sài Gòn đầy biến động và trắc trở, có lúc tưởng rằng thế hệ mình mãi mãi không bao giờ được nhìn thấy đất nước thống nhất thế mà nay có dịp hội tụ ngay tại thủ đô đất nước, quả thật với tôi không khác một giấc mơ. Sau đó chị Thành dành cho tôi thêm một bất ngờ khác: chị quyết định mua một bức tranh của tôi là bức “Bến Cảng Nhà Rồng” theo phong cách “bán trừu tượng”, giá 500 USD. Chị nói: “Tôi có hai lý do mua tranh của anh: Thứ nhất vì tôi muốn ủng hộ một trí thức Sài Gòn, thứ hai tiền này tôi có được do dịch một quyển sách luật của Việt Nam ra tiếng Mỹ chứ bình thường làm gì tôi có đô la để mua tranh”. Năm sau tôi trở ra Hà Nội được chị mời dùng cơm tại nhà riêng. Tự chị làm bếp. Trong phòng khách chật hẹp, bức tranh của tôi chiếm một vị trí trang trọng.

Tuy hoạt động tại Sài Gòn, nhưng sau khi đất nước thống nhất, chị Thành sống luôn tại Hà Nội. Chị yêu Hà Nội và thích hợp với đời sống chính trị ở thủ đô.

Trở lại với các hình thức đấu tranh đa dạng của người Sài Gòn chống chế độ Thiệu trước 1975 không thể không nhắc đến một hình thức rất độc đáo: xuống đường làm báo nói. Ai có sáng kiến đầu tiên về hình thức đấu tranh này: dân biểu Hồ Ngọc Nhuận hay linh mục Nguyễn Ngọc Lan? Hoặc cả hai kể rằng anh đã lấy sáng kiến từ những chiếc xe bán dạo “mì Ba Con Cua” (một loại mì ăn liền).

Tôi xin kể chuyến đi làm “báo nói” ở Mỹ Tho và Cần Thơ gồm chị Kiều Mộng Thu, nhà thơ nhà báo Cung Văn, nhà báo trẻ Mỹ John Spragens, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận…

Thời điểm diễn ra các cuộc “báo nói” là sau khi ông Thiệu tái cử tổng thống trong cuộc bầu cử độc diễn, Hội nghị Paris đã có sự thương lượng tích cực giữa phái đoàn Hà Nội và Washingtonn. Sáng sớm, chúng tôi hẹn nhau ở một địa điểm bí mật để xuất phát. Tôi nhớ, ngoài chúng tôi còn có anh Triệu Quốc Mạnh (lúc đó đang là chánh biện lý tòa án Gia Định của chế độ Sài Gòn), Kỳ Nhân (phóng viên ảnh tự do, nhưng kỳ thật là một phóng viên Việt cộng!) và hai linh mục Nguyễn Ngọc Lan và Chân Tín. Lúc xuất phát, hai linh mục cải trang người thường để tránh con mắt theo dõi của cảnh sát chìm. Nhưng chiếc ô tô của anh Nhuận, chở cả đoàn, trực chỉ miền Tây, sắp đến tỉnh Mỹ Tho thì đột ngột dừng lại một căn nhà xưa nằm sát quốc lộ (hình như thuộc làng Tân Hội Tây) là nhà của cha mẹ anh Nhuận. Tại đây hai linh mục Lan và Chân Tín mặc trở vào chiếc áo linh mục của mình. Trong chiến lược đối phó với lực lượng cảnh sát ở tỉnh, hai vị tính toán rằng cảnh sát sẽ lúng túng trước các linh mục. Mà thật thế, đối diện với các linh mục mặc áo đen, cảnh sát tại Mỹ Tho tỏ ra lúng túng thật sự.

Chiếc xe đến Mỹ Tho vào lúc 9 giờ sáng, bấy giờ chợ Mỹ Tho vẫn còn buôn bán đông đúc. Chiếc xe đậu ngay ở đầu chợ. Mọi người nhảy xuống xe trong chớp mắt. Máy phát điện hoạt động cấp kỳ, loa phóng thanh hướng về phía chợ. Tôi là người xung phong “phát thanh” trước. Trong khi tôi báo cáo, đồng bào tụ lại càng lúc càng đông. Tôi nói về những tin tức trong nước và thế giới bị chính quyền Thiệu bưng bít và sau đó là bình luận về tình hình hội đàm Paris, kêu gọi đồng bào cùng tham gia đấu tranh cho hòa bình, còn các thành viên khác trong đoàn làm công việc phát truyền đơn cho đồng bào. Cảnh sát Mỹ Tho quá bất ngờ không kịp phản ứng ngay. Chúng tôi “phát thanh” được hơn 10 phút thì cảnh sát mới rầm rộ kéo đến. Hôm đó là một sáng chủ nhất, trưởng ty cảnh sát Mỹ Tho là trung tá Đỗ Kiến Nâu (em của đại tá Đỗ Kiến Nhiễu, đô trưởng Sài Gòn) về Sài Gòn thăm gia đình nên cảnh sát Mỹ Tho như rắn không đầu, chẳng biết phải đối phó ra sao với nhóm “báo nói” gồm cả linh mục. Có nên mạnh tay đàn áp không? Hay chỉ cần cô lập họ với đồng bào? Cuối cùng thì đám cảnh sát chọn giải pháp thứ hai. Mặt khác họ cũng lúng túng tới sự hiện diện của một nhân vật không biết là “ta hay địch”: ông ta đứng tách ra khỏi nhóm đang “phát thanh” và phát truyền đơn, thỉnh thoảng quay lại phía cảnh sát (đang vây thành vòng tròn chung quanh chiếc xe) đưa tay ra hiệu như chỉ đạo họ: “Anh em cứ đứng yên xem sao”. Người đó chính là biện lý Triệu Quốc Mạnh, người có thẩm quyền đích thực chỉ đạo cảnh sát, nhưng thực ra đang đứng về phía những người hoạt động chống chính quyền! Ông có thể bị cách chức như chơi. Mãi sau này khi cuộc chiến hạ màn, người ta mới biết ông tránh biện lý tòa Gia Định đó là một đảng viên cộng sản!

Khi cảnh sát còn đang chờ chỉ thị từ cấp trên thì chúng tôi đã nhảy lên xe rút đi hướng ngã ba Trung Lương. Trên đường đi lại tiếp tục rải truyền đơn. Nhưng đến nga ba Trung Lương, ô tô không chạy thẳng vào Sài Gòn mà rẽ trái, tiếp tục đi xuống miền Tây. Ý định của chúng tôi là đến Cần Thơ gây một cuộc nữa.

Vì trời sắp tối lại phải qua hai cái phà bắc Cần Thơ và Mỹ Thuận mới về đến Sài Gòn mà đi đêm cũng không biết chuyện gì xảy ra (Cảnh sát làm gì đó chúng tôi rồi đổ thừa cho Việt cộng thì sao?) cho nên đoàn báo nói quyết định ngủ lại ở Cần Thơ. Sáng hôm sau, ăn sáng xong mới lên xe trở về Sài Gòn. Khi chúng tôi rời Tây Đô, cảnh sát “đưa tiễn” rầm rộ như đưa tiễn đoàn nguyên thủ quốc gia. Xe cảnh sát chạy trước chạy sau hú còi inh ỏi. Họ đưa chúng tôi đến bắc Cần Thơ, thở phào nhẹ nhõm khi thấy ô tô của chúng tôi đã lên phà. Cảnh sát Cần Thơ coi mình đã làm xong phận sự. Bên kia bờ thuộc trách nhiệm của cảnh sát Vĩnh Long. Tâm trạng của tôi lúc đó là coi như “thua cuộc” ở Cần Thơ. Quang cảnh trên phà thật rộn rịp với mấy trăm con người là hành khách của bốn chiếc xe đò và hai xe du lịch, chưa kể chiếc của chúng tôi. Nhìn số người đông đúc ấy, trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ: đây một nơi lý tưởng để làm “báo nói”. Tôi liền bàn với anh Nhuận và linh mục Lan. Hai anh tán đồng. Thế là máy phát điện lại nổ trước sự ngơ ngác của hành khách trên phà. Tôi cầm ngay mi-crô, nhảy lên đứng trên đầu xe và bắt đầu nói chuyện với bà con về tình hình đất nước, về hội đàm Paris v.v… Các thành viên khác trong đoàn lại phát truyền đơn bươm bướm. Cảnh sát trên bờ Cần Thơ bắt đầu đoán được chuyện gì xảy ra trên phà, nhưng đã quá trễ để ra lệnh phà quay trở lại.

Khi phà sắp đến bờ bên kia, chúng tôi dẹp tất cả đồ nghề. Cảnh sát ở hai bên bờ chắc chắn có liên lạc vô tuyến với nhau, cho nên xuống phà chúng tôi lại được “đón” rất long trọng. Lại cái cảnh xe cảnh sát chạy trước chạy sau xe chúng tôi, còi hụ inh ỏi. Nhưng đến Bắc Mỹ Thuận, các xe cảnh sát lại dừng ở bờ bên này, cũng coi như mình đã làm xong phận sự. Phà rời bến được một khoảng cách an toàn, nghĩa là không thể ra lệnh quay lại bờ, đoàn báo nói của chúng tôi lại hoạt động. Chuyến đi đó được phóng viên nhiếp ảnh Kỳ Nhân ghi lại hình ảnh đầy đủ. Không biết sau này anh có giữ được hình ảnh đó hay không?

Cũng trong chuyến đi này tôi có một phát hiện: đồng nghiệp và là người bạn của tôi, nhà báo – nhà thơ Cung Văn đúng là có quan hệ với cộng sản. Trên đường đi, khi anh Nhuận lái xe, tôi ngồi phía sau với Cung Văn. Anh đã đọc bài thơ “Thăm lúa” của nhà thờ Trần Hữu Thung cho tôi nghe. Đọc xong bằng cái giọng Đà Nẵng quen thuộc, anh nói thêm: “Bài này đoạt giải thưởng Vacxava”. Trước đây khi tôi nói với anh Cung Văn rằng các bài “Văn tế sống” của anh trên báo Điện Tín chắc là do “ở trỏng” đưa ra cho anh, tôi chỉ nói đùa, nhưng đồng thời cũng muốn ngầm nói với anh rằng tôi hiểu “khuynh hướng chính trị” của anh. Nhưng sau chuyến đi làm báo nói đó thì tôi quả quyết Cung Văn là người có quan hệ “ở trỏng” thật!

Kiểu xuống đường làm “báo nói” – như chuyến đi Mỹ Tho và Cần Thơ ấy – thời gian sau khi Hiệp Định Paris đã ký kết chúng tôi mang tận ra Huế để “diễn” rất thành công ngay tại chợ Đông Ba.
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 đ
VIII

15. Bút Thần: Tờ báo cuối cùng tôi làm chủ bút

Tính chung, trước khi tôi làm tờ Bút Thần, tôi đã đứng tên chủ nhiệm kiêm chủ bút hai n
n Mại làm tổng thư ký tòa soạn).

Tờ Bút Thần do anh Nguyễn Văn Phương làm chủ nhiệm (nói theo thời đó anh là người đứng tên manchette). Tên tờ báo do anh Phương chọn từ trước. Tôi là người mướn manchette của anh sau khi tôi ngưng khai thác tờ Điện Tín. Anh Phương nhận một số tiền hàng tháng không nhiều, chỉ hơn phóng viên chút ít. Nhưng anh đã đi cùng với chúng tôi suốt thời gian tồn tại của tờ báo, cho đến khi nó bị rút giấy phép xuất bản. Phải liên tục hầu tòa với tư cách chủ nhiệm, vì báo liên tục bị tịch thâu, anh Phương không bao giờ than phiền hay tỏ ra sợ hãi. Ngày ra số cuối cùng tôi viết một xã luận của tôi tố cáo quyết liệt chính sách báo chí của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Lúc làm tờ Bút Thần, tôi đã ‘‘tẩy chay’‘ quốc hội Sài Gòn, không còn dự các phiên họp của Hạ nghị viện và mở một quán ăn trên đường Trương Định, trước cửa công viên Tao Đàn, sát bên cơ quan PX – một siêu thị dành riêng cho nhân viên và lĩnh Mỹ, giao dịch bằng đồng đô la đỏ chỉ được sử dụng tại miền Nam Việt Nam. Đó quán ăn đầu tiên mà vợ tôi, Nguyễn Thị Quỳnh Nga – làm chủ.

Một sáng đứng trước quán, tôi nhận ra một người cao gầy, miệng móm xọm ngồi đánh cờ dưới một gốc me trên lề đường. Đó là nhà báo Tô Nguyệt Đình (tên thật Nguyễn Bảo Hóa), tác giả cuốn tiểu thuyết được rất nhiều người đọc vào những năm 50: “Bộ áo cà sa đẫm máu”. Khi tôi mới gia nhập làng báo, còn là một phóng viên tập sự ở hai tờ báo Thanh ViệtBình Minh (năm 1963 - 1964) tôi đã có cơ hội làm việc chung và học hỏi với bác Đình (tôi gọi ông Đình bằng bác vì tuổi ông Đình lớn hơn cha tôi). Tánh tình bác Đình rất hiền từ, kín đáo nhưng vui vẻ. Tôi nhớ mãi nụ cười móm xọm và hồn nhiên của ông.

Tôi bước ra khỏi quán và đi lại chỗ ông. Khi đứng sát bên ông tôi lấy tay khều nhẹ. Không phải vì quá mê đánh cờ mà ông không thấy tôi đến gần. Thật sự, tuy ngồi có vẻ chăm chú đánh cờ nhưng ông quan sát chung quanh và từ xa rất kỹ. Khi tạm ngưng chơi cờ, bước ra một mình nói chuyện với tôi, ông hỏi nhỏ: “Có việc gì không ông Chung?”. Đã nhiều ngày nay, tôi có ý định cho đăng lại tiểu thuyết “Bộ áo cà sa đẫm máu” trên tờ Bút Thần dưới hình thức một “feuilleton”, tức truyện đăng nhiều kỳ. Truyện này đăng lại vẫn “ăn khách”, nhưng mặt khác cũng là cách giúp thêm thu nhập cho ông. Ông lại nói: “Tụi nó đang theo dõi tôi. Ông Chung nên xem lại có tiện cho tờ báo hay không?”. Tôi trả lời: “Bác cứ yên tâm, đó là việc của tôi”. Và sau đó chuyện “Bộ áo cà sa đẫm máu” xuất hiện lại trên tờ Bút Thần.

Tờ Bút Thần tồn tại chỉ được nửa năm thì phải đóng cửa do sắc luật báo chí 007/72 của chính quyền Thiệu ban hành với mục đích hết sức rõ ràng là tiêu diệt các tờ báo đối lập, chỉ duy trì các tờ báo của chính phủ (tờ Dân Chủ), của quân đội (tờ Tiền Tuyến), và của đảng phái đồng minh với chế độ như tờ Bình Minh, sau này là cơ quan ngôn luận chính thức của Phong trào Cấp Tiến. Tờ Bình Minh ra đời năm 1963 ngay sau khi nhóm tướng lãnh đứng đầu là Dương Văn Minh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Tướng Minh và Võ Văn Ứng (chủ nhiệm Bình Minh) là bạn của nhau, từ thời ông Minh còn là thủ môn đội bóng đá Thủ Dầu Một (bây giờ là Bình Dương), còn ông Ứng là ông bầu đội này. Giai đoạn đầu (1963-1964), tôi có tham gia tờ báo, lúc đó tờ Bình Minh có một lập trường tiến bộ. Do những năm sau này không có liên lạc gì với ông, tôi không biết lý do gì ông tham gia chính trị và có tên trong ban lãnh đạo của Phong trào Cấp Tiến, thực chất là đảng Tân Đại Việt trước đây (lãnh tụ của đảng này là giáo sư Nguyễn Ngọc Huy giảng dạy tại Học viện quốc gia Hành chánh).

Sắc luật 007/72 bắt buộc mỗi tờ nhật báo phải đóng ký quỹ 20 triệu đồng (lúc ấy tương đương 47.000 USD), còn báo định kỳ thì 10 triệu. Nếu không nạp đủ số tiền đó, thì tờ báo bị rút giấy phép. Luật có điều khoản ưu đãi đặc biệt cho những tờ báo thuộc các đảng phái được chính quyền cấp phái lai (tức cho phép hoạt động). Các đảng phái hợp pháp này, đương nhiên thân chính quyền, báo của họ chỉ đóng phân nửa tiền ký quỹ, 10 triệu đồng (như tờ Bình Minh). Các tờ báo có đủ tiền, đóng ký quỹ tại Tổng nha Ngân khố trong một trương mục có lãi. Trương mục này do chủ nhiệm, chủ bút, hoặc quản lý đứng tên dành để bảo đảm việc thanh toán các “ngân hình án phí” và tiền bồi thường thiệt hại cho dân sự nguyên cáo định kỳ trong những bản án tuyên xử liên quan đến những vi phạm điều khoản luật này. Ông tổng giám đốc Ngân khố sau khi nhận được bản án, đương nhiên khấu trừ số tiền ký quỹ. Số tiền ký quỹ phải luôn luôn đầy đủ theo luật định. Khi số tiền ký quỹ bị khấu trừ thì ngay sau khi nhận được thông báo của tổng giám đốc Ngân khố, tờ báo phải đóng thêm cho đủ số tiền ký quỹ trong thời hạn 15 ngày. Nếu không, tờ báo bị coi như tự đình bản, hoặc cơ sở phát hành bị coi như tự ý ngưng hoạt động. Nếu tiếp tục hoạt động sẽ bị truy tố.

Ngoài sắc luật 007/72 còn qui định tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn (trước khi có luật này, chẳng hạn tờ Điện Tín lúc tôi làm chủ bút 1970-1971, mỗi tuần ít nhất cũng bị tịch thu một, hai lần; ra tòa chỉ bị phạt miệng và tờ báo chẳng đóng phạt đồng nào!). Có vài con số thống kê đáng chú ý như sau: từ vụ xử đầu tiên theo sắc luật 007/72 (tờ báo bị đưa ra Tòa án Quân sự Mặt trận Biệt khu thủ đô đầu tiên là Điện Tín ngày 18-8-1972) cho đến hết năm 1973 có tất cả 228 vụ tịch thu và truy tố báo chí. Trước đó khi chưa có sắc luật 007/72, từ tháng 12-1969 đến tháng 8-1972 có đến 5.000 vụ “vi phạm luật báo chí” cũ (luật 019/69).

Theo dõi phiên đầu tiên của Tòa án Quân sự Mặt trận xử tờ báo Điện Tín, chiếu theo Sắc luật 007/72, có thể thấy phần nào sự vận hành của tòa án lúc đó trong một vụ án báo chí. Tờ Điện Tín do ê kíp mới phụ trách nội dung gồm các anh Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Chánh Trung với tiền đóng ký quỹ do một tư sản trong ngành in ấn hỗ trợ.

Lý do Điện Tín bị đưa ra tòa: vi phạm an ninh quốc gia. Ngày 18-8-1972 nhật báo Điện Tín đăng tải một thống kê về trọng lượng và số bom mà các phi cơ Mỹ đã ném xuống Đông Dương và Việt Nam. Theo tài liệu ấy số lượng bom được sử dụng ở đây nhiều hơn cả số lượng bom mà Mỹ sử dụng trong đại chiến thế giới thứ hai. Bộ nội vụ yêu cầu Công tố viên truy tố tờ Điện Tín. Tội danh trong vụ truy tố này là ‘‘phổ biến tin tức và tài liệu có thể phương hại đến an ninh quốc gia’‘ (vi phạm điều 28 đoạn a trong sắc luật 007/72). Sau đây là tường thuật phiên tòa do các báo lúc đó ghi lại:
‘Phiên xử báo chí đầu tiên trước tòa theo sắc luật 007/72 diễn ra lúc 9 giờ sáng ngày thứ sáu 22-9-1972. Chủ nhiệm kiêm chủ bút Điện Tín là nghị sĩ Hồng Sơn Đông do có tư cách nghị sĩ nên được hưởng quyền bất khả xâm phạm, vì vậy bà quản lý của tờ báo phải thay mặt chủ nhiệm, bị coi là ‘‘chánh phạm’‘.

Câu hỏi đầu tiên của tòa là: ‘‘Quản lý nhật báo Điện Tín, bà có kiểm soát bài vở trước khi cho in không?”. Bà quản lý trả lời: ‘‘Tôi chỉ biết lo về tiền bạc cho tờ báo, không có thẩm quyền kiểm soát bài vở của tòa soạn”. Tòa mời đại diện bộ Nội vụ ra xác nhận có yêu cầu truy tố nhật báo Điện Tín hay không. Vì đại diện bộ Nội vụ cho rằng số lượng bom phi cơ Mỹ dội xuống Việt Nam là con số quá lớn, nhật báo Điện Tín phổ biến con số đó gây hoang mang cho dư luận, làm phương hại cho an ninh quốc gia. Tòa hỏi bộ Nội vụ có con số nào để so sánh hoặc làm mức đo lường sự quá đáng, bộ Nội vụ trả lời không có. Tòa hỏi xuất xứ tài liệu được đăng tải. Trái với dự đoán của những người có mặt, báo Điện Tín không dựa vào điều 22 qui chế báo chí (được Sắc luật 007 thừa nhận) để từ chối trả lời câu hỏi này mà luật sư thay mặt tờ báo xuất trình bản chính tài liệu xuất xứ từ Viện Đại học Cornell (Hòa Kỳ). Tòa hỏi ủy viên chính phủ có ý kiến gì. Vị này trả lời:

‘‘Tài liệu có thật nhưng phổ biến có hại cho an ninh quốc gia”.

Tranh luận trước tòa và biện hộ cho nhật báo Điện Tín, luật sư Bùi Chánh Thời nêu lên ba phản biện quan trọng:

a) Tranh luận vài trò của người quản lý

Ai cũng biết, trong một nhật báo, chịu trách nhiệm về bài vở là chủ nhiệm hay chủ bút. Đó là bàn về phương diện lý thuyết. Trong thực tế, thư ký tòa soạn đảm nhận công việc ấy. Không một nhật báo nào trên thế giới để người quản lý kiểm soát bài vở. Vai trò thuần túy của quản lý là điều hành tờ báo về mặt hành chánh. Bắt người quản lý chịu trách nhiệm về bài vở là một điều vô lý.

b) Nguyên tắc cá biệt của hình phạt.

Theo nguyên tắc tổng quát của luật hình thì chỉ có hành vi là bị trừng phạt. Cá nhân không có hành vi phạm tội thì không thể bị trừng phạt. Từ điểm này ta đi tới một nguyên tắc lớn hơn nữa là sự cá biệt của hình phạt. Viên quản lý nhật báo Điện Tín không có hành động phạm tội lại bị coi là chánh phạm.

c) Yếu tố phổ biến

Biên bản của bộ Nội vụ có ghi rõ là tịch thu báo Điện Tín trên máy in. Số báo đề ngày 16 tháng 8 năm 1972 nhưng bị tịch thu tất cả trong buổi chiều ngày 15 tháng 8 năm 1972. Như vậy không hề có yếu tố phổ biến để buộc tội nhật báo Điện Tín theo điều 28 đoạn a Sắc luật 007/72 ghi lại (dùng báo chí phổ biến).

Cần phải nhắc nhở ở đây là luật báo chí 1881 của người Pháp đã sửa đổi vào năm 1945 có ghi rõ: “Muốn viết gì thì viết nhưng nếu chưa phổ biến thì vẫn còn nằm trong tư tưởng, do đó chưa thành tội phạm và không thể bị trừng phạt”. Người làm báo mong muốn được nghe giải thích thế nào là gây hoang mang, thế nào là phá hoại an ninh quốc gia, nhưng sự giải thích đó không bao giờ có được. Điều này có thể làm nhà báo nghĩ rằng đây là trường hợp ‘‘người ta tịch thu trước rồi tìm lý do truy tố sau”. Để kết luận, luật sư Bùi Chánh Thời xin tòa tha bổng cho nhật báo Điện Tín và chiếu điều 20 sắc luật 007/72, luật sư Thời xin phản tố trước tòa để đòi bồi thường 1.000.000 đồng thiệt hại.

Về điểm này ủy viên chính phủ trả lời:

“Theo văn bản tổ chức của Tòa án Quân sự Mặt trận thì tòa này không có thẩm quyền truyền bồi thường”.
Sau khi nghe ủy viên chính phủ buộc tội gắt gao, tòa nghị án và trở ra tuyên án: phạt quản lý tờ nhật báo Điện Tín 01 năm tù ở và 1.000.000 đồng tiền vạ.

Tranh luận qua lại có vẻ dân chủ nhưng thực tế tòa án vẫn nằm trong tay của chế độ Thiệu và khi tuyên án dứt khoát theo ý muốn của chính quyền.

Sắc luật 007 được ông Thiệu ký ngày 5-8-1972 khiến cho 16 tờ báo ngày và 15 tờ báo định kỳ phải đóng cửa.

Về phần tôi với tờ nhật báo Bút Thần, dĩ nhiên không đào đâu ra số tiền tương đương 47.000 USD để đóng ký quỹ, duy trì công cụ đấu tranh của mình. Phẫn nộ, uất ức nhưng cũng đành chịu. Tôi cùng dân biểu Nguyễn Hữu Chung tổ chức họp báo tại trụ sở Hạ nghị viện tố cáo tổng thống Thiệu đang dùng bàn tay sắt siết chặt báo chí và bóp nghẹt dân chủ. Mặt khác tôi không thể chờ ngày hết hạn xuất bản tờ Bút Thần (theo luật 007) và chấp nhận lệnh đóng cửa tờ báo một cách ngoan ngoãn. Tôi quyết định đóng cửa Bút Thần trước ngày hết hạn, đánh lạc hướng chính quyền và tổ chức một số báo cuối cùng với bài xã luận nẩy lửa lên án chế độ. Theo luật lúc ấy các báo phải nộp lưu chiểu và đưa lên Bộ thông tin kiểm duyệt đầu giờ chiều (2 giờ) rồi hai tiếng đồng hồ sau mới được phát hành. Tuy nhiên thường các báo vừa nộp lưu chiểu là phát hành ngay, phòng ngừa trường hợp bị tịch thu thì cũng thoát ra khỏi tòa soạn một số lượng báo khá lớn rồi. Trong trường hợp bị kiểm duyệt nhiều chỗ thì điều chỉnh ngay và cho in lại một số lượng báo tượng trưng để nộp cho Bộ thông tin đợt hai. Những chỗ bị kiểm duyệt, đục trắng, tòa soạn phải in thêm vào đó hàng chữ viết tắt: TYĐB, có nghĩa ‘‘Tự ý đục bỏ”. Đây là chuyện làm rất khôi hài của Bộ thông tin bởi không có độc giả nào (kể cả báo chí nước ngoài) lại không biết rằng những chỗ bị đục ấy là do lệnh của Bộ thông tin chứ có báo nào…tự ý đục bỏ đâu!

Ngày Bút Thần ra số cuối cùng, tôi cho in báo rất sớm. Chưa đi nộp lưu chiểu, tôi cho báo phát hành luôn lúc 12 giờ chưa. Khi lệnh tịch thu đến thì trong nhà in chẳng còn tờ báo nào. Hàng chục cảnh sát ập vào, lúc soát tứ tung. Không còn báo để tịch thu, họ tịch thu những bản chì còn nằm trên các máy in. Một nhóm truyền hình Mỹ, do tôi điện thoại mời, có mặt đúng lúc để ghi nhận cảnh tịch thu báo và cũng là sự phản kháng công khai đầu tiên của báo chí đối với sắc luật 007/72 của chính quyền Thiệu. Tôi còn nhớ khi truyền hình CBS phỏng vấn tôi bên cạnh máy in thì chủ nhà in đứng gần đó như muốn nói điều gì. Tôi nghĩ chắc ông chủ nhà in phản ứng lại tôi vì để cho báo chí nước ngoài vào nhà in của ông mà không hỏi ý kiến ông và ông sợ rằng sẽ bị chính quyền gây khó khăn về việc này.

Cuộc phỏng vấn vừa kết thúc, tôi liền đến gần ông. Thật là một bất ngờ: ông không hề phản đối những gì đang xảy ra mà còn bảo tôi “Ông dân biểu nhắc họ nhớ quay cái bảng hiệu nhà in”. Bảng hiệu nhà in là Tường Anh, nằm trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), ngay ở ngã tư cắt ngang bởi đường Thủ Khoa Huân hướng từ chợ Sài Gòn đi lên. Ông chủ nhà in xuất thân là một cậu bé bán báo dạo, lớn lên làm đại lý “báo cổ động”. Lúc này tại Sài Gòn có ba hệ thống chính phát hành các báo: 1. Hệ thống cổ động, chỉ phát hành trong Sài Gòn với hàng trăm trẻ em nhỏ ôm báo chạy bán khắp nơi. Đây là hệ thống tiêu thụ báo mạnh nhất, và cũng hoàn tiền cho các báo sớm nhất (chỉ một hai ngày sau khi báo phát hành). ‘‘Trùm’‘ hệ thống này là ông Hai Chí. 2. Hệ thống Đô thành, cũng phát hành chủ yếu trong Sài Gòn nhưng qua các sạp báo cố định. Các báo thâu tiền thường chậm hơn, khoảng một tuần. Đứng đầu hệ thống này là ông Tư Paul 3. Hệ thống Nam Cường, phát hành khắp các tỉnh miền Nam. Thường 15-20 ngày sau, Nam Cường mới hoàn tiền cho các báo. Ngoài báo, Nam Cường còn phát hành sách.

Ông chủ nhà in Tường Anh đã lập nghiệp bằng sức lao động của mình từ một đứa trẻ bán báo cổ động. Sau này tôi mới biết trong số các con của ông có người hoạt động trong hàng ngũ những người cộng sản.

Trong số báo Bút Thần cuối cùng, ngoài sự lên án sắc luật 007/72 dành độc quyền ra báo cho những kẻ giàu có- báo chí của giai cấp tư bản – tôi còn có một tuyên bố trong bài xã luận: vĩnh viễn không cầm viết nữa. Thế là sau khi “tẩy chay” Quốc hội – không đi họp nữa – tôi “tẩy chay” viết! Cùng một lúc tôi mất đi hai diễn đàn đấu tranh. Nhiều năm sau nhìn lại, tôi vẫn không biết mình có những quyết định đó đúng hay sai. Nếu xét về mặt áp lực chính trị tức thời, dĩ nhiên các quyết định “tẩy chay” quốc hội để phản đối cuộc độc diễn của ông Thiệu và tự đóng cửa báo để tố cáo sắc luật 007/72 đều có tác dụng. Nhưng tính đường dài thì tiếp tục hoạt động trong Quốc hội và tìm cách duy trì tờ báo vẫn có lợi hơn chăng?

Từ cuối năm 1972, tôi chỉ có hai hoạt động để tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần của mình: dự các buổi họp hàng tuần vào ngày thứ sáu trong nhóm Dương Văn Minh và tham gia các cuộc xuống đường do anh Hồ Ngọc Nhuận chủ xướng.

Nhưng cuộc xuống đường mà tôi sắp kể lại sau đây – “Ngày ký giả đi ăn mày” – thì không do anh Nhuận nhúng tay vào mà thuộc 4 tổ chức báo chí ở Sài Gòn đứng ra tổ chức: Hội chủ báo, Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam và Hội ái hữu ký giả. Cũng cần nói qua về hai Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt và Việt Nam. Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt được thành lập trước, trước khi có Hiệp định Genève 1954. Các hội viên gồm tất cả các nhà báo hoạt động tại Sài Gòn. Sau 1954, nhiều nhà báo miền Bắc di cư vào Nam xuất bản nhiều tờ báo mới và thành lập Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Có một sự khác biệt ngấm ngầm giữa giới cầm bút tại Sài Gòn và giới cầm bút từ miền Bắc di cư vào. Các ký giả Sài Gòn đa số có thái độ chính trị hoặc độc lập hoặc chống chính quyền, rất nhiều trong số họ là những cựu kháng chiến, không kể một số không ít đang hoạt động bí mật cho cộng sản. Trong khi đó đa số ký giả từ miền Bắc vào năm 1954 đều có lập trường chống cộng và ủng hộ chính quyền, từ thời Ngô Đình Diệm cho đến Nguyễn Văn Thiệu. Trước ‘‘Ngày ký giả ăn mày’‘, hai Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt và Việt Nam hầu như không hợp tác với nhau. Chính do sự ra đời của sắc luật 007/72 đã làm họ xích lại gần nhau. Nhưng sâu xa hơn, sự đoàn kết giữa hai Nghiệp đoàn còn xuất phát từ tình hình suy sụp uy tín và thế lực của chính quyền Thiệu vào cuối năm 1974. Khi sắc luật 007/72 được ban hành vào năm 1972, đó là thời điểm quyền lực của tổng thống Thiệu được củng cố mạnh mẽ nhất. Ông ta dùng bàn tay sắt để kiểm soát báo chí (trước đó ngày 11-5-1972, tổng thống Thiệu đã ban hành lệnh thiết quân luật). Nhưng sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-01-1973, chính quyền Thiệu yếu dần. Các lực lượng chống cộng tại miền Nam hiểu rằng Mỹ đang chuẩn bị bỏ rơi chính quyền của Thiệu nên sự điều chỉnh lại thái độ chính trị và giữ một khoảng cách nào đó đối với chính quyền là cần thiết. Những người ủng hộ Nguyễn Văn Thiệu đang lần lượt bỏ ông.

“Ngày ký giả đi ăn mày” là cuộc xuống đường lớn nhất và được quần chúng công khai ủng hộ đông nhất trong thời kỳ chống Mỹ và chính quyền Thiệu. Về mặt công khai, cuộc xuống đường này như đã nói có bốn tổ chức báo chí khởi xướng, nhưng chỉ cần nhìn vào những nhân vật dẫn đầu cuộc biểu tình thì biết ai đứng sau lưng sự kiện lịch sử này của báo chí miền Nam: ngoài chủ tịch Nghiệp đoàn Nam Việt Nguyễn Kiên Giang, các nhà báo lão thành như Nam Đình (chủ báo Thần Chung và sau là Đuốc Nhà Nam), Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng Dội Miền Nam và là người khởi xướng giải Thanh Tâm cải lương) còn có nhà văn – nhà báo Tô Nguyệt Đình tức Nguyễn Bảo Hóa, nhà báo Văn Mại (cựu tổng thư ký tòa soạn báo Buổi Sáng), Quốc Phượng, nhà thơ – nhà báo Kiên Giang Hà Huy Hà đều là cán bộ cộng sản chính cống!

Chính quyền Thiệu đã biết trước cuộc xuống đường này vì trong làng báo có khá nhiều ký giả giả, ký giả chỉ điểm, ký giả làm việc cho trung ương tình báo. Nhưng chính quyền vẫn không ngăn chặn hoặc phá vỡ cuộc tổ chức xuống đường. Cuộc xuống đường lấy hình ảnh “ký giả ăn mày” để tố cáo sắc luật 007/72 đã khiến cho nhiều ký giả phải chịu cảnh thất nghiệp do nhiều tờ báo bị đóng cửa vì không có tiền đóng ký quỹ. Chính vì vậy nên mỗi ký giả tham dự cuộc xuống đường đều được Ban tổ chức phát cho một nón lá, một bị đệm của người ăn xin (đeo vào cổ) và một cây gậy. Lực lượng chính hỗ trợ cho các nhà báo là các dân biểu – nghị sĩ đối lập, trong đó có nhiều người đồng thời là nhà báo như anh Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Hữu Chung và tôi. Cuộc xuống đường diễn ra ngày 10 tháng 10 – 1974, xuất phát từ trụ sở của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, nằm trên đường Lê Lợi, giáp đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi). Lộ trình dự định của đoàn biểu tình là tuần hành trên đại lộ Lê Lợi, nhắm thẳng chợ Bến Thành là nơi có đông đảo quần chúng chờ đợi. Nhưng ngay trước trụ sở Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, một rừng dày đặc cảnh sát dã chiến án ngữ không cho đoàn biểu tình vượt qua đường Nguyễn Huệ. Tôi có mặt cùng một số dân biểu và nhà báo lão thành ở hàng đầu, cũng nón lá, bị, gậy; chạm mặt trực tiếp với hàng rào cảnh sát. Về phần mình, tôi chủ trương dùng tình cảm và sự thuyết phục để đột phá qua hàng rào. Tôi nói với người cảnh sát đứng trước mặt tôi với cái khiên tre chắn ở giữa: “Anh có nhiệm vụ của anh là ngăn chặn biểu tình, tôi có nhiêm vụ của tôi với tư cách đại biểu của dân. Giữa tôi và anh chẳng có thù ghét gì. Tôi đẩy tới, anh đẩy lùi lại thì có sao đâu”. Thật sự trước các nhà báo, các dân biểu – nghị sĩ và nghệ sĩ – trí thức rất hiền lành, lực lượng cảnh sát cũng không hăng hái lắm để ra tay đàn áp nếu họ không bị khiêu khích hoặc kích động làm mất đi sự bình tĩnh. Do đó khi đám đông “ký giả ăn mày” rướn tới một cách quyết liệt là hàng rào cảnh sát tự vỡ ra và dòng người biểu tình cuồn cuộn đổ ra đại lộ Lê Lợi như dòng sông đổ ra biển. Người dân hai bên đường hoan hô đoàn biểu tình, nhiều người hào hứng nhập vào đoàn, nhất là thanh niên học sinh. Đến chợ Bến Thành, những người buôn bán trong chợ ào ra “bố thí” các ký giả ăn mày, nhét vào bị của chúng tôi đủ thứ bánh trái và quà tặng khiến cho hình ảnh ký giả đi ăn mày càng đậm nét. Trên báo Điện Tín ngày 10-10-1974, anh Lý Chánh Trung ghi lại cảm tưởng của anh như sau: “Trong một tiếng đồng hồ, từ công trường Lam Sơn đến chợ Bến Thành, rồi từ chợ Bến Thành về công trường Lam Sơn tôi có cảm tưởng đang bềnh bồng trôi trên biển, bị cuốn ra khơi rồi đưa trả về bờ”.

Cả hai đài VOA (Tiếng nói Hoa Kỳ) và BBC (Anh) nhìn nhận đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ 3 năm qua.

Tuy nhiên, cuộc xuống đường của ký giả ăn mày ngày 10-10-1974, dù rầm rộ và gây một ảnh hưởng lớn trong dư luận vẫn diễn ra khá hòa bình. Trái hẳn với màn ‘‘hậu ký giả ăn mày” diễn ra tối hôm đó và ngày hôm sau, ‘‘chiến tranh’‘ đã thật sự nổ ra giữa đoàn biểu tình và lực lượng cảnh sát, sự đàn áp không nương tay và có cả máu đổ.

Sau khi đoàn biểu tình giải tán, một số anh em nhà báo và dân biểu lui về trụ sở của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt ở đầu đường Lê Lợi, đối diện với trụ sở Hạ nghị viện (tức Nhà Hát Thành Phố). Lý do tập hợp tiếp ở đây là để canh giữ những quà biếu nhận được từ quần chúng. Điều mà anh em không ngờ là phía lực lượng cảnh sát bị khiển trách nặng sau cuộc biểu dương lực lượng khá tự do của các nhà báo, đang chuẩn bị ‘‘chuộc tội’‘. Cảnh sát đặt bộ phận chỉ huy dã chiến của họ trên lầu nhà hàng Rex ngó xéo qua trụ sở Nghiệp đoàn ký giả. Giám đốc cảnh sát Đô thành Trang Sĩ Tấn là người trực tiếp chỉ huy cuộc đàn áp này. Tôi không có mặt tại trụ sở Nghiệp đoàn lúc đó vì phần sau không nằm trong kế hoạch chung, mà do một số anh em tự biên tự diễn.

Sáng sớm hôm sau tôi trở vào Hạ viện mới hay chuyện xảy ra đêm qua. Thời đó đâu có điện thoại cầm tay để thông báo cho nhau những sự kiệc bất ngờ như thế. Anh em kể: lúc giờ giới thiệu, cảnh sát tập trung lực lượng, từ phía chợ Bến Thành ào tới trụ sở Hạ Nghị Viện và Trung tâm báo chí. Hàng rào của anh em dân biểu mới lập ra bị xé bởi một trận mưa dùi cui. Nhiều anh em bị đánh rất đau. Nặng nhất là danh dân biểu bác sĩ Đinh Xuân Dũng, đơn vị Bình Thuận. Anh Dũng còn bị cảnh sát túm lôi và ném lên xe, chở đi mất. Anh em nhanh chóng trao đổi với nhau. Anh Hồ Ngọc Nhuận đề nghị, nếu anh Đinh Xuân Dũng không được trả về trước khi trời sáng, thì ta sẽ mở đợt tấn công mới thật “bốc lửa”. Tất cả tán thành. Chiếc LaDalat được chất đầy một đống vỏ xe cũ và mấy can xăng. Nếu bị tấn công, anh Nhuận sẽ lái xe phóng vào sân Hạ Viện, rồi sẽ tính tiếp… Chuẩn bị xong đâu đấy thì có một chiếc xe Jeeps cảnh sát chạy tới trước trụ sở Ủy ban. Từ trên xe, anh Đinh Xuân Dũng bị ném xuống. Anh em vội chạy ra khiêng vô.

Tôi được nghe anh Đinh Xuân Dũng nói với anh em “Tui đã mổ và cứu sống cho nhiều đứa tụi nó, vậy mà tụi nó vẫn thẳng tay với tôi. Chẳng có tình nghĩa gì”. Dân biểu Dũng từng là bác sĩ quân y. Trên mặt và trong người anh có nhiều thương tích nhưng cũng không quá nặng. Anh em – không chịu thua ông Thiệu và giám đốc cảnh sát Trang Sĩ Tấn – đã nghĩ ra kế độc để đánh trả lại, hoặc ít ra cũng tạo được một xì –can-đan để hạ uy tín của chính quyền Thiệu. Tham gia vào kế hoạch này có các bác sĩ giám đốc và phó giám đốc Bệnh viện Sùng Chính: Bác sĩ Lê Khắc Quyến và bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn (Bác sĩ Mẫn từng là thị trưởng Đà Nẵng trong cuộc nổi loạn tại miền Trung năm 1966 của quân đội và Phật giáo).

Bác sĩ Dũng được bí mật đưa vào bệnh viện Sùng Chính rồi từ đó được đưa trở lại Hạ viện bằng xe cứu thương và trên một băng ca.

Xe cứu thương không đưa dân biểu Dũng (được băng bó kín mít như đang trong tình trạng nguy kịch) thẳng đến trụ sở Hạ viện vì lúc này cảnh sát tập trung rất đông trên đường Tự Do, đối diện với trụ sở. Chiếc xe cứu thương xuất hiện từ đường Hai Bà Trưng, ở phía sau Hạ viện, hoàn toàn bất ngờ, khiến cho cảnh sát canh chừng trụ sở Hạ viện không kịp trở tay. Một số dân biểu và nhà báo được báo trước đã trực sẵn ở đó. Ba dân biểu, trong đó có tôi, cùng một nhà báo vội vàng kê vai vào khiêng chiếc băng ca đi vòng ra phía trước Hạ viện và đặt xuống ngay tại tiền sảnh. Trên thềm Hạ viện nhìn thẳng con đường Lê Lợi dài đến chợ Bến Thành không thấy bóng một người dân thường nào. Toàn cảnh sát rằn ri và cảnh sát chìm. Trung tâm Sài Gòn lúc này không khác một thành phố ma. Tôi đoán biết giám đốc cảnh sát Đô thành Trang Sĩ Tấn đã được lệnh thẳng tay đàn áp, kể cả báo chí nước ngoài nếu tìm cách quay phim cuộc biểu tình. Mấy hôm trước, tay quay phim người Mỹ của hãng truyền hình CBS ghi hình cuộc đàn áp một số nữ sinh tham gia cuộc biểu tình đã bị cảnh sát chìm đánh ‘‘bề hội đồng’‘ một cách hết sức dã man, máy quay phim bị đập nát còn bản thân anh thì các đồng nghiệp phải đưa vào nhà thương cứu cấp.

Biết chuyện gì đang chờ đợi mình, nhưng anh em không chùn bước và tiến hành giai đoạn tiếp theo của kế hoạch đã định: khiêng chiếc băng ca có bác sĩ Dũng nằm trên đó đến Tòa án Sài Gòn trên đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để nằm vạ đòi công lý. Đoàn biểu tình sẽ trực chỉ đại lộ Lê Lợi, sau đó rẽ sang đường Công Lý và tiến tới hướng Tòa án. Tôi là một trong bốn người khiêng băng ca. Vào cái tuổi 34, chơi quần vợt mỗi ngày không dưới ba set đơn, có ngày chơi đến bốn set, sức khỏe của tôi cực tốt. Khi đoàn biểu tình di chuyển ngang qua bùng binh Nguyễn Huệ, thẳng xuống đường Lê Lợi, cảnh sát dàn hai bên đường với đầy đủ binh khí chống biểu tình, nào súng phóng lựu đạn cay, lựu đạn ói, khiên, gậy v.v… vẫn nhẹ tay cho qua. Bọn “cảnh sát chìm”, mặt lầm lì lăm le tấn công đám đông biểu tình nhưng vẫn chờ lệnh. Những người biểu tình ngán nhất là bọn này. Chúng được Trang Sĩ Tấn dùng vào những việc mà cảnh sát sắc phục không thể hành động công khai!

Khi đoàn biểu tình sắp sửa đến ngã tư Lê Lợi – Công Lý thì lực lượng cảnh sát mới can thiệp quyết liệt. Bọn cảnh sát chìm cũng được tung vào. Chúng tấn công từ mọi phía. Nào lựu đạn cay, lựu đạn ói, gậy gộc v.v… ập vào đoàn biểu tình. Chúng kéo những cuộn kẽm gai “concertina” ra, đầu tiên là rào quanh đoàn người biểu tình để ngăn chận di chuyển. Rồi chúng siết vòng rào “concertina” mỗi lúc một hẹp lại như kéo lưới bắt cá trong đìa. Tôi và anh em không thể tiếp tục khiêng cái băng ca tiến lên nữa, phải đặt băng ca xuống đường để đối phó với dây kẽm gai kéo giăng tứ phía. Một cuộn kẽm gai “concertina” kéo sát vào chỗ băng ca, gần chạm vào mặt của bác sĩ Dũng nhưng bác sĩ Dũng vẫn gan lì bất động như không hay biết chuyện gì xảy ra. Cảnh sát “nắn gân” bệnh nhân chính trị. Thấy bác sĩ Dũng không động đậy, chúng dừng tay. Đúng lúc đó, tôi nghe một tiếng “huỵch” ở phía sau, quay lại thấy linh mục Lan nằm sóng xoài dưới đất, người vắt ngang lề đường, đầu trút xuống mặt đường còn hai tay thì bụm ngay “chỗ đó”. Anh vẫn còn bình tĩnh để thông báo với anh em “Tụi nó đánh trúng Dinh Độc Lập của tôi rồi”. Tình hình đang căng thẳng nhưng anh em không thể nín cười được. Tôi định đến đỡ cha Lan lên thì bỗng linh cảm có chuyện bất thường ở sau lưng. Tôi vội nhìn lại thì đúng lúc một tên cảnh sát chìm cầm gậy định tấn công tôi. Tôi trừng mắt nhìn anh ta “Anh định đánh lén tôi à? Tôi và anh có thù oán gì với nhau đâu?”. Dùng những lời lẽ như thế với một cảnh sát chìm rõ ràng là không phù hợp nhưng nó lại có tác dụng làm hắn ta phải khựng lại.

Cha Lan người rất gầy, cao 1,66 – 1,67 mét và chỉ cân nặng khoảng 42-43 ký, nhưng khi tham gia biểu tình thì hăng nhất và cũng “ăn đòn” nhiều nhất. Trước khi bị đánh trúng “Dinh Độc Lập”, cha Lan bị cảnh sát của Thiệu cho “nhảy sóng” trên cạn ngay tại công trường Lam Sơn, sát bùng binh có đài nước nằm giữa ngã tư Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Cha Lan lái chiếc xe ô tô kiểu “con cóc” – tôi không nhớ hiệu gì – đi từ hướng chợ Bến Thành đến Hạ viện, nơi đông đảo anh em tập hợp để chuẩn bị một cuộc xuống đường. Nhưng ô tô của cha Lan vừa đến địa điểm trên thì bị lực lượng cảnh sát chặn lại. Lúc này cả khu vực trung tâm thành phố đều cấm các loại xe và người đi bộ qua lại. Đường vắng tanh. Những người làm việc ở tầng trên các cao ốc xung quanh núp sau các cửa sổ nhìn xuống.

Sau khi buộc ô tô dừng lại, cảnh sát yêu cầu cha Lan xuống xe. Nhưng cha Lan nhất định không xuống. Họ định lôi anh xuống xe, nhưng cha Lan nhất định không xuống. Họ định lôi anh xuống xe, nhưng cha Lan khóa các cửa xe từ bên trong. Thế là cảnh sát không làm sao “túm” được ông, dù vẫn nhìn thấy ông ngồi tỉnh bơ trong xe. Họ tức điên lên. Từ trên thềm Hạ viện, các dân biểu theo dõi diễn tiến cuộc đối đầu của cảnh sát với ông Lan không khác hình ảnh mấy con mèo đang tìm cách vồ con chuột trong cái lồng. Một đoạn phim Tom và Jerry cho người lớn. Để áp lực với ông Lan, họ hè nhau nhấc chiếc ô tô lên, cho nó nghiêng qua bên này rồi bên kia, liên tục như chiếc tàu con bị các cơn sóng dữ vồ liên tục. Bên trong xe, cha Lan khi thì bị hất văng qua bên trái, khi thì văng qua sát vào phía cửa bên phải, tội nghiệp làm sao, nhưng bạn bè ông không làm sao can thiệp vì cả khu vực này đã bị lực lượng cảnh sát cô lập. Ông Lan chịu đựng như thế cho đến khi mấy người “bạn dân” tay chân rã rời phải tự bỏ cuộc…

… Trở lại cuộc xuống đường với ý định đưa chiếc băng ca có bác sĩ Dũng trên đó đến Tòa án nhưng bị hàng rào “concertina” chận lại – cuối cùng thì đoàn biểu tình không đến được mục tiêu, phải trở lại Hạ viện, nhưng ảnh hưởng của cuộc xuống đường này rất lớn. Thêm một cú đấm hạ uy tín chính quyền Thiệu đang sa sút vào thời điểm này (1974).

… Trong bài tố cáo sắc luật 077/72 trên báo Bút Thần số cuối cùng, tôi có viết: dứt khoát không làm báo, viết báo trong chế độ Thiệu. Nhưng thực tế không dễ dàng như thế, cái nghiệp báo chí vẫn đeo đẳng tôi. Sau khi nghỉ làm báo một thời gian ngắn, kỹ sư Võ Long Triều, cựu bộ trưởng Bộ thanh niên dưới thời chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, có kế hoạch xuất bản một tờ nhật báo lấy tên Đại Dân Tộc. Anh Triều, khá mạnh về tài chính, chấp nhận đóng tiền ký quỹ như sắc luật 007/72 qui định (20 triệu). Biết rằng hai tờ báo Tiếng Nói Dân TộcTin Sáng, trước khi đóng cửa, là những tờ báo có nhiều độc giả, anh Triều thuyết phục tôi cùng anh và anh Hồ Ngọc Nhuận ký chung một “tuyên ngôn” trên số báo ra mắt. Đây là một cách quảng cáo tờ Đại Dân Tộc là sự kết hợp hai tờ Tiếng Nói Dân TộcTin Sáng. Lúc đầu tôi từ chối vì biết rằng tuy lúc này anh Triều cũng hoạt động đối lập nhưng anh vẫn có khá nhiều quan điểm về chính trị khác tôi. Nhưng anh Nhuận cùng anh Triều đến tận nhà tôi hai lần “lôi” tôi cho được vào tờ báo. Cuối cùng tôi nhận lời vì nể anh Nhuận là chính. Tờ Đại Dân Tộc ra được một thời gian ngắn, tôi không lui tới tòa soạn nữa. Còn anh Nhuận theo nó một thời gian rồi cũng rút vì cuối cùng nó lộ ra là tờ báo có lập trường chống cộng rất dứt khoát.

Nhưng cuối cùng tôi vẫn cầm bút trở lại theo lời mời của anh Lý Chánh Trung và anh Dương Văn Ba khi hai anh này làm tờ Điện Tín. Thực tế vào cận thời điểm này, việc tìm kiếm một diễn đàn để bày tỏ quan điểm là hết sức cần thiết. Tiếp tục giữ thái độ “tẩy chay” chính quyền mà treo bút là không thiết thực và hoàn toàn bất lợi.


16. Tham gia nhóm Dương Văn Minh

Như đã nói, tôi gặp trung tướng Dương Văn Minh lần đầu tại Bangkok (Thái Lan) năm 1966 khi ông Minh sống lưu vong tại đây. Tôi đến Bangkok để dự Hội nghị APU (Hiệp hội dân biểu nghị sĩ châu Á). Lúc này sắp có bầu cử Tổng thống lần đầu (1967), tôi là đại diện cho báo chí cho liên danh Trần Văn Hương - Mai Thọ Truyền. Tôi được ông Hương ủy nhiệm gặp trung tướng Dương Văn Minh để thuyết phục lên tiếng ủng hộ liên danh của ông. Cuộc gặp ấy để lại trong tôi một tình cảm đẹp về vị tướng ăn nói nhỏ nhẹ, vừa trí thức vừa khiêm tốn. Những người không quen thân ông vẫn gọi ông là đại tướng Nguyễn Khánh gắn cho ông sau cuộc lật đổ chế độ Diệm ngày 1-11-1963. Ông vẫn giữ cấp bậc trung tướng.

Năm 1969, từ Bangkok ông trở về Sài Gòn, chấm dứt thời kỳ lưu vong trên đất Thái. Ngay những ngày đầu về nước, ông được dư luận đón nhận như một nhân tố mới của bức tranh chính trường miền Nam. Dinh Hoa Lan – nơi ông ở - nhanh chóng trở thành một địa điểm tập hợp của những người mong muốn có một chính quyền mới không theo đuổi chiến tranh. Biệt thự của ông nằm trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), nhưng cửa chính này rất ít khi được mở, ngoại trừ ông Minh tiếp các đại sứ hoặc mở các cuộc tiếp tân chính thức.

Chơi lan là một trong ba thú tiêu khiển đam mê của ông. Hai cái thú kia là nuôi cá kiểng và chơi quần vợt. Với ông Minh, đã không chơi thì thôi, còn chơi thì không chơi lơ mơ theo kiểu những người có tiền “học đòi làm sang”. Lan được ông tự tay chăm sóc, ông có đủ các loại sách để nghiên cứu, chỉ dẫn cách trồng, cách lai giống mới… Mỗi ngày trong phòng khách của ông đều chưng một chậu lan mới đẹp nhất ông đích thân chọn lựa từ vườn lan. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng được ông tặng một giò lan quí.

Sân phía trước là vườn lan, còn sân sau và bên hông nhà, ông dành để nuôi cá kiểng. Gần ông Minh, tôi mới biết chơi cá kiểng cũng không khác chơi tem. Sưu tập mỗi loại cá phải đủ bộ, tức là đủ các màu. Khi chưa đủ bộ, thiếu một con chẳng hạn, ông quyết định tìm cho được. Tướng tình báo Mỹ Charles Timmes có mặt tại miền Nam từ thời Ngô Đình Diệm, nắm được cái thú đam mê này của ông Minh, tìm cơ hội tiếp cận ông bằng cách cứ mỗi dịp đi Singapore về lại mang đến biếu ông Minh một hai cặp cá mà trong bộ sưu tập của ông Minh còn thiếu. Ông Minh rất ít khi chịu tiếp tướng Timmes, ông thường nói với tôi “Nó đến để thăm dò phản ứng của anh em mình đó”. Nhưng khi Timmes đến với một hai bịch plastic đựng cá – thường là cá quí - thì ông Minh khó lòng từ chối tiếp tay tình báo Mỹ này. Tôi đã chứng kiến nhiều lần Charles Timmes kiên nhẫn đứng chờ, lấp ló ở cuối sân quần vợt, bên ngoài hàng rào, đến khi ông Minh ra hiệu cho phép mới bước vào. Thường Timmes mang theo một thùng banh Spalding biếu ông Minh. Timmes biết rõ ông Minh chơi loại vợt hiệu Spalding và cũng đánh bóng Spalding. Đây cũng là một khía cạnh nghệ thuật của người làm tình báo.

Trong thư viện riêng của ông Minh có cả một góc dành cho các loại sách và tạp chí nghiên cứu cá kiểng. Sách và tạp chí về quần vợt cũng rất nhiều, nhất là các sách về kỹ thuật căn bản. Thời trẻ ông chơi giỏi cả hai môn: Bóng đá và quần vợt. Ông từng là thủ môn của đội Thủ Dầu Một. Nhưng sự nghiệp cầu thủ của ông không được thành công. Ông cũng từng là một tay quần vợt đánh đôi có hạng tại miền Nam vào những năm 50. Về mặt trình độ, ông Minh và cha tôi chơi quần vợt ngang nhau, đều có lối đánh rất kỹ thuật và đẹp. Nhưng cha tôi chơi quần vợt theo cảm hứng, còn ông Minh là người thích nghiên cứu sách vở. Ông chăm sóc từng động tác kỹ thuật, từ cú giao bóng cho đến các cú đánh bên trái và phải, kể cả cú bỏ nhỏ và cú “xì mách” nhờ lợi thế thân hình cao to.

Hồi nhỏ tôi thường ra sân quần vợt ở Biên Hòa xem cha tôi thi đấu, nhưng lớn lên đi học xa, ở nội trú, nên không có cơ hội chơi môn thể thao này. Chính lúc làm việc chung với ông Minh, tôi mới bắt đầu tập chơi một cách nghiêm túc. Ông khuyến khích tôi bằng cách tặng tôi một cây vợt Spalding, một túi đựng vợt và banh đồng thời mời tôi mỗi thứ hai, thứ tư và thứ sáu đến sân số bốn ở Xẹc Tây, tức câu lạc bộ CSS (Cercle Sportif Saigonnais), cùng chơi với nhóm của ông. Xẹc Tây có những qui định hết sức chặt chẽ đối với hội viên của mình, không dành cho bất cứ ai một ưu tiên hay ưu đãi nào, dù đó là bộ trưởng, tướng lãnh hay một nhà tài phiệt nổi tiếng. Thế nhưng hội đồng quản trị CLB Xẹc đã phá vỡ thông lệ của mình khi dành riêng cho ông Minh sân số bốn, nơi có mặt sân tốt nhất, mỗi tuần ba buổi sáng. Và cũng chỉ có sân số bốn, khi ông Minh chơi, mới được đặt các ghế ngồi xuống sân.

Cuối năm 1971, tôi mới tập chơi quần vợt. Lúc đó tôi đã 31 tuổi, có nghĩa là bắt đầu khá trễ. Nhưng chỉ trong ba năm, từ hạng “non classé” (chưa được xếp hạng), tôi lần lượt lên các hạng Ba, hạng Nhì và cuối cùng hạng Nhất (Premiere Series) trong hệ thống xếp hạng của CLB Xẹc. Đầu năm 1975, tôi đứng thứ hai trong bảng xếp hạng của Premiere Série. Ở CLB Xẹc, còn có hạng “Hors Série” (Ngoại hạng) gồm các tay vợt Ôn Văn Năng (cha của tay vợt vô địch Ôn Tấn Lực thập niên 90). Huỳnh Phú Quí (cha của nữ vô địch Huỳnh Mai Huỳnh), Tạ Duy Báo, De Launlanié…

Sở dĩ tôi tiến rất nhanh vì trong thời gian “tẩy chay” Hạ nghị viện, rảnh rỗi nên ngày nào tôi cũng vào Xẹo Tây đánh quần vợt. Tôi chơi ba năm bằng người khác chơi... sáu năm! Quần vợt làm cho ông Minh và tôi dễ gần gũi với nhau.Tôi lui tới Dinh Hoa Lan từ khi khi ông Minh vừa trở về từ Bangkok (1969) nhưng tập hợp mà sau này gọi là nhóm Dương Văn Minh, chỉ chính thức hình thành vào năm 1970 khi anh em đề xuất với ông Minh ra ứng cử tổng thống và được ông chấp thuận. Nhóm Dương Văn Minh ban đầu có cả ông Nguyễn Ngọc Thơ (cựu phó tổng thống thời Ngô Dình Diêm, cựu thủ tướng sau 1963 lúc tướng Minh làm quốc trưởng), kiến trúc sư Nguyễn Hữu Phi (cựu bộ trưởng Thanh niên Thể thao thời ông Thơ làm thủ tướng). Sau đó ông Thơ bị bệnh nặng không đến họp nữa, còn ông Phi thì không thích hoạt động chính trị. Ông Thơ gốc là một công chức ngạch Đốc phủ sứ, được ông Ngô Dình Diệm cất nhắc lên vị trí phó tổng thống nhằm có một gương mặt đại diện miền Nam bên cạnh ông. Tướng Minh và ông Thơ khăng khít với nhau từ năm 1956 khi tướng Minh được ông Diệm giao sứ mạng tiễu trừ lực lượng vũ trang Hòa Hảo và giăng bẫy bắt lãnh tụ của họ là Ba Cụt. Trong kế hoạch bắt Ba Cụt có ông Nguyễn Ngọc Thơ tham gia. Chính trên đường đi gặp ông Thơ là đại diện chính phủ, để thương thuyết một cuộc trở lại hợp tác với chính quyền của lực lượng Hòa Hảo mà Ba Cụt bị phục kích bắt sống. Sau đó theo lệnh của tổng thống Diệm, tòa án quân sự tuyên án tư hình Ba Cụt và chặt đầu ông bằng máy chém!

Ông Thơ nếu không bệnh và chết sẽ vẫn là một cố vấn rất được tướng Minh tin cậy. Vì rằng hai người là bạn thân thiết lâu năm với nhau, mặt khác ông Minh có một sự nể trọng thật sự đối với ông Thơ. Ông Thơ là một nhà hành chính giỏi, có kinh nghiệm lãnh đạo và duy trì nhiều quan hệ với các nhân vật Mỹ thế lực. Ông cũng là một chuyên viên kinh tế giỏi. Cái chỗ yếu của ông Thơ là không được các trí thức và quần chúng ủng hộ. Dư luận coi ông là một nhân vật “ba phải”, thời nào cũng được trọng dụng. Khi ông Thơ, cựu phó tổng thống của chế độ Diệm, được tướng Minh chọn làm thủ tướng sau cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, báo chí mỉa mai gọi chính phủ Thơ là chính phủ... của những Đốc phủ sứ, tức là một chính phủ của những quan lại thời Pháp, lạc hậu đối với những đòi hỏi của tình hình mới. Thật sự khi tướng Minh chọn ông Thơ làm thủ tướng, đã gây thất vọng ở lớp trí thức miền Nam từng nuôi hi vọng cuộc lật đổ gia đình Ngô Đình Diệm sẽ dẫn tới một cuộc cải cách lớn trong guồng máy lãnh đạo miền Nam. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ông Bùi Diễm, đại sứ của Sài Gòn tại Hoa Kỳ thời ông Thiệu, kể rằng: khi hay tin ông Thơ lại bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Diễm đã bày tỏ sự không đồng tình của mình với tướng Lê Văn Kiện, bạn thân của ông Minh. Tướng Kim trả lời Bùi Diễn bằng tiếng Pháp: “Pour Big Minh c'est un postulat” (Với “Minh lớn” đó là một vấn đề không cần phải bàn lại). Trung tướng Dương Văn Minh đã mất nhiều uy tín vì tiếp tục tín nhiệm ông Thơ.

Nên việc ông Thơ không có sức khỏe để tham dự nhóm Dương Văn Minh rốt cuộc lại là một thuận lợi cho ông Minh trong giai đoạn này.

Ngoài ông Thơ, tướng Minh còn có người bạn thân đến sinh hoạt thường xuyên với nhóm, đó là luật sư Trần Ngọc Liễng, đã từng là bộ trưởng xã hội thời chính phủ Kỳ. Làm đổng lý văn phòng cho ông bộ trưởng Liễng là... đạo diễn Lê Dân! Ông Liễng theo đạo Phật, đã có quan hệ với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam trước khi sinh hoạt với nhóm ông Minh. Tôi không rõ ông Liễng có nói riêng với ông Minh về mối quan hệ bí mật này của mình hay không. Tuy hai gia đình rất thân nhau, nhưng trong hoạt động chính trị, ông Liễng không phải là một cố vấn có trọng lượng đối với ông Minh. Một người bạn lâu đời khác trong quân ngũ, “dính líu” với nhau qua nhiều biến động chính trị và cuộc đời binh nghiệp là trung tướng Mai Hữu Xuân, được ông Minh coi như một một “quân sư” cố vấn mật của mình. Tướng Mai Hữu Xuân từng nắm ngành an ninh cảnh sát thời Ngô Dình Diện và được coi là người thực hiện vụ “kết liễu” hai anh em Diệm - Nhu, có một tiếng tăm và hình ảnh hoàn toàn không thuận lợi trước quần chúng và các giới chính trị. Chính tướng Mai Hữu Xuân cũng ý thức điều này và tránh xuất hiện công khai. Chắc chắn ông Minh đã có những tham khảo ý kiến với tướng Xuân về những người gia nhập nhóm. Đánh giá các tướng lãnh khác của tướng Xuân phần nào cũng có giá trị đối với ông Minh. Lúc đầu, hình như trong nhóm có cả ông Võ Văn Hải, đã từng là chánh văn phòng của tổng thống Diệm.

Ngồi vào chiếc ghế trống đặt bên cạnh ông Minh trong các buổi họp - sau khi ông Thơ bị bệnh vắng mặt - là luật sư Vũ Văn Mẫu, nghị sĩ Thượng nghị viện. Ông Mẫu từng là ngoại trưởng trong chính phủ Ngô Đình Diệm, đã cạo đầu và từ chức ngoại trưởng để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính phủ Diệm. Ông Mẫu là một chính khách sắc sảo, một con người trung thực, có những quan hệ quốc tế sâu rộng, đại diện cho lực lượng Phật giáo Ấn Quang. Ông rất được ông Minh và anh em trong nhóm kính trọng. Các ý kiến của ông luôn được ông Minh đánh giá cao.

Đối với các thành viên khác của nhóm, phần nhiều tập hợp từ khoảng 1969-1970, người được ông Minh nể trọng và có nhiều tình cảm là giáo sư Lý Chánh Trung. Ông Trung là một trí thức trung thực, không hám danh lợi, có cuộc sống riêng giản dị. Ông luôn phát biểu thẳng thắn. Tuy không hoạt động chính trị như một chính khách nhưng ông Trung luôn dấn thân vào các hoạt động chính trị yêu nước và vì dân chủ. Ông từng là đổng lý văn phòng tại Bộ Quốc gia Giáo dục khi người bạn của ông là giáo sư Nguyễn Văn Trường làm bộ trưởng Bộ này (thời chính phủ Kỳ). Ông Trung là người thảo các diễn văn quan trọng của ông Minh bằng tiếng Pháp. Khi làm đổng lý văn phòng ở Bộ Giáo dục, ông Trung chủ trương chấm dứt sự tồn tại các trường Pháp dạy theo chương trình Pháp tại miền Nam.

Các thành viên khác hoạt động trong nhóm ông Minh có bác sĩ Hồ Văn Minh, phó chủ tịch Hạ viện, từng là tổng quản lý Chương trình phát triển quận Tám. Khi ông Dương Văn Minh có ý định ra ứng cử tổng thống, ông đã chọn bác sĩ Hồ Văn Minh làm ứng cử viên phó tổng thống. Tánh tình hiền hòa, là người kết nối giữa các anh em, bác sĩ Minh thường được tín nhiệm trong vai trò đại diện anh em. Bác sĩ Minh là bạn thân của dân biểu Hồ Ngọc Nhuận.

Trong những anh em trẻ, có lẽ anh Nhuận là người duy nhất đã biết tướng Dương Văn Minh và từng cộng tác với ông Minh nhiều năm trước, ngay sau cuộc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Anh Nhuận, nhỏ con, gầy, mảnh khảnh nhưng là con người hết sức năng động và liều lĩnh trong các hoạt động chống Mỹ và chính quyền. Trong anh em, anh là người đạt kỷ lúc số lần xuống đường biểu tình. Anh được coi
là “nhà tổ chức biểu tình” có... bằng cấp! Với bạn bè, anh luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Ông Nguyễn Văn Cước, hoạt động công đoàn, bị cảnh sát của Nguyễn Văn Thiêu truy lùng, “tị nạn” trong Dinh Hoa Lan, là một thành viên trong nhóm... không vắng mặt buổi họp nào. Ông Cước rất ít khi phát biểu.
Linh mục Nguyễn Ngọc Lan thỉnh thoảng có đến tham dự nhưng không phải là một thành viên... thường trực.

Người trẻ nhất trong nhóm là dân biểu Dương Văn Ba thuộc đơn vị Bạc Liêu. Trong Hạ viện 1967- 1971, anh Ba cũng là dân biểu trẻ tuổi nhất. Thông minh, chính trị nhạy bén, viết báo và làm báo giỏi nhưng từ năm 1971 anh không thể tiếp tục hoạt động công khai vì ở nhiệm kỳ Hạ viện 1971-1975 anh không còn là dân biểu. Do đó anh bị ghi vào danh sách truy nã của chính quyền Thiệu. Cũng như ông Cước, anh Ba “tị nạn chính trị” trong Đinh Hoa Lan của tướng Minh cho đến ngày 30-4- 1975.

Khi tôi đến sinh hoạt trong nhóm ông Minh, tôi đưa một người bạn thân đến giới thiệu với ông. Đó là anh Nguyễn Hữu Chung, dân biểu lập hiến ở đơn vị Bến Tre; ở hai nhiệm kỳ lập pháp sau (1967-1971 và 1971-1975), anh Nguyễn Hữu Chung ứng cử cùng đơn vị với tôi tại Sài Gòn. Trước 1975, những người quen biết tôi và anh Nguyễn Hữu Chung gọi thân mật tôi là Chung Lý, còn anh Hữu Chung là Chung Nguyên. Đầu tiên ông Mãnh chỉ định anh Chung Nguyễn là đại diện báo chí cho ông. Nhưng sau đó (tôi không nhớ rõ vì lý do gì) khi cận ngày bầu cử tổng thống 1971, ông lại chọn tôi làm đại diện báo chí cho ông. Có lẽ ông Minh nhận thấy tôi làm công việc tiếp xúc với báo chí trong và ngoài nước phù hợp và có hiệu quả. Anh Chung Nguyễn và tôi thường kết hợp với nhau trong các hoạt động. Mỗi khi tôi xuất bản một tờ báo tôi đều rủ anh tham gia. Hai đứa cùng đứng tên trên “manchette”, tôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, còn anh là giám đốc chính trị.

Nhóm ông Minh sinh hoạt mỗi tuần một lần vào ngày thứ tư. Sau khi tình hình khẩn trương tăng lên thì thêm một lần vào ngày thứ sáu. Thường thứ sáu ông mời cả nhóm dùng một món ăn nhẹ. Ông Minh là người thích ăn ngon, sành điệu về các món Tây. Khi đãi khách, ông xuống tận bếp đôn đốc người đầu bếp chuẩn bị các món ăn. Trong những ngày không họp, khi có những món ăn đặc biệt, ông cho người mời vợ chồng tôi vào cùng thưởng thức. Vợ tôi cũng thường nấu những món ăn ông ưa thích đem vào biếu ông bà. Bà Minh luôn chìu những người khách của chồng, nhưng về tánh tình bà khó hơn ông Minh.

Ông Minh không thích người Mỹ đã rõ. Từ khi tôi lui tới Dinh Hoa Lan, người Mỹ duy nhất trong chính quyền Mỹ mà tôi thấy ông tiếp là cựu trung tướng Charles Timmes. Người Mỹ này có mặt tại miền Nam từ năm 1961 với chức vụ chỉ huy nhóm cố vấn quân sự Mỹ. Ngay sau khi quân đội VNCH và các cố vấn Mỹ thất bại ở trận đánh trực thăng vận tại ấp Bắc ngày 2-01-1963 (Mỹ nhìn nhận có bốn máy bay trực thăng bị bắn hạ và ba cố vấn Mỹ bị thiệt mạng), tướng Timmes cùng vị chỉ huy trực tiếp của mình là tướng Paul Harkins đã có mặt tại chỗ. Timmes đã từng nhảy dù xuống bờ biển Normandie (Pháp) trong Thế chiến thứ hai. Cuối đời, tướng về hưu Charles Timmes được người đứng đầu CIA là William Colby tuyển dụng và đưa trở qua Việt Nam thay thế một nhân vật tình báo đã từng đóng vai trò quan trọng trong cuộc lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm: Lou Conein. Trong những ngày cuối cùng của người Mỹ tại Việt Nam (tháng 4-1975), Timmes có một vai trò bên cạnh chế độ Thiệu như Lou Conein đối với chế độ Diệm. Timmes cùng đại sứ Graham Martin vận động sự ra đi của tổng thống Thiệu, áp lực phó tổng thống Trần Văn Hương từ chức nhường quyền lãnh đạo lại cho trung tướng Dương Văn Minh, và cũng chính Timmes ngăn trở tướng Kỳ toan tính làm đảo chính. Timmes chỉ rời Sài Gòn tối 29-4-1975 khi ông ta thấy rằng Mỹ không thể thoát kết thúc đầy bi kịch.

Suốt gần sáu năm cộng tác với tướng Minh, tôi cũng không thấy giữa ông và tòa đại sứ Pháp có một quan hệ nào, ngoại trừ những ngày cuối tháng 4-1975. Chính người Mỹ cũng nghi ngờ ông Minh có quan hệ đặc biệt với người Pháp. Tuy nhiên về văn hóa và tình cảm không thể chỗ cãi là ông Minh nghiêng về người Pháp hơn là người Mỹ. Ông Minh nói và viết sành tiếng Pháp, còn tiếng Mỹ chỉ đủ để giao tiếp. Tiếng Pháp, ông học từ nhỏ và sử dụng nó thuần thục từ thời ông còn ở trong quân đội Pháp. Trong cương vị tướng lãnh giao tiếp thường xuyên với các cố vấn Mỹ và các cấp cao của Washington, đúng ra tiếng Mỹ của ông rất sành. Nhưng rõ ràng ông không hào hứng trong việc cải tiến vốn tiếng Mỹ của ông. Trong khi các tướng như Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ... cũng được Pháp đào tạo, nói tiếng Pháp rất sành nhưng sau này cũng nói tiếng Mỹ rất trôi chảy. Bởi đó cũng là một cách dễ dàng để họ tranh thủ người Mỹ.

… Các buổi họp tài Dinh Hoa Lan diễn ra tại phòng họp trên tầng một của dãy nhà nằm phía ngôi nhà chính. Thường cuộc họp bắt đầu bằng cuộc nói chuyện tự do trong khi chờ đợi mọi người đến đông đủ. Ai có thông tin hay nhận định gì về tình hình cứ nói. Khi cuộc họp chính thức bắt đầu, tôi có trách nhiệm vừa điểm báo vừa trình bày một tổng kết tình hình. Trong tổng kết tình hình, thường tôi lồng vào các thông tin những đoạn trích từ các báo, tài liệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và của Hà Nội. Nguồn cung cấp báo chí và tài liệu mật này là từ M., một cô gái làm việc cho hãng tin AFP (hãng thông tấn Pháp). Cô M. quen tôi khi đi dự các cuộc họp báo do tôi tổ chức và qua các cuộc phỏng vấn tôi của AFP. Cha cô là một giáo sư nổi tiếng trường Đại học Luật. Từ quan hệ trong công việc, chúng tôi tiến dần đến một tình cảm đặc biệt. Tình yêu chăng? Lúc đó chúng tôi không nói ra công khai bằng lời tình cảm này, nhưng cách cư xử với nhau không đặt ra một giới hạn nào thì có lẽ không cần một định nghĩa nào khác bằng ngôn ngữ. Với thời gian nhìn lại, tôi nhận ra đó là một chân dung tình yêu tha thiết và đầy hy sinh. M. nếu không yêu tôi mãnh liệt thì không bao giờ cô chấp nhận sự nguy hiểm to lớn khi dám lấy tài liệu từ các cuộc họp báo của các phái đoàn MTDTGPMN và VNDCCH tại Tân Sơn Nhất mang về cho tôi. Ngoài tài liệu phát trong cuộc họp báo, M. còn tìm cách lấy các tài liệu khác của hai đoàn này để giúp tôi hiểu rõ hơn đường lối của người cộng sản cùng thái độ của Hà Nội thuộc các biến động chính trị, quân sự tại miền Nam.

M. ngụy trang các tài liệu thành những gói quà bề ngoài rất đẹp như những gói quà sinh nhật và trao cho tôi khi gặp nhau bên hồ bơi tại câu lạc bộ CSS (Xẹc Tây). M. giỏi cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh và là bạn thân của cô Thiện con gái bà Ngô Bá Thành. Tôi không thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra cho M. nếu M. bị cảnh sát phát hiện đang trao những tài liệu này cho tôi. Có một hôm M. mang về cho tôi cuộn băng ghi âm tại phi trường Lộc Ninh trong cuộc trao đổi tù nhân chánh trị giữa phía VNCH và MTDTGPMN. Cuộn băng ghi lời phát biểu của tù nhân - sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm: Anh từ chối việc trao trả anh cho MTDTGPMN, với lý do anh không phải là người của Mặt trận, mà là người hoạt động trong thành phần thứ ba và đòi chính quyền Thiệu phải trả tự do cho anh tại Sài Gòn. Anh Mẫm đích thực hoạt động trong hàng ngũ những người cộng sản nhưng vào thời điểm bị chính quyền Thiệu bắt thì anh buộc phải hoạt động với một tư cách khác. Anh đã đóng tròn vai này cho đến ngày 30-4-1975. Vì không chấp nhận sự trao trả cho Mặt trận nên anh Mẫm bị đưa trở lại nhà giam của chính quyền Sài Gòn.

M. đã có được cuộn băng này từ vị đại diện của phái đoàn Ba Lan có mặt tại Lộc Ninh trong thành phần ủy ban quốc tế Kiểm soát và Giám sát. Tôi đã mang băng vào phiên họp ở Dinh Hoa Lan và phát lại cho ông Minh cùng anh em nghe. Tôi có khá nhiều kỷ niệm với anh Mẫm, trước khi anh bị bắt và sau này trong những ngày cuối cùng của tháng 4-1975.Vì không ghi chép, tôi không nhớ rõ đó là năm nào, Huỳnh Tấn Mẫm và Nguyễn Văn Thắng (hình như lúc đó là chủ tịch Tổng hội sinh viên) kéo một số rất đông sinh viên biểu tình trước Hạ viện và sau đó muốn đến Thượng viện để tiếp xúc với Chủ tịch Thượng viện. Hôm đó tôi đã cùng Mẫm và Thắng dẫn đầu cuộc xuống đường của sinh viên đi đến trụ sở Thượng viện nằm trên bến Bạch Đằng. Để đối phó sự đàn áp và ngăn chặn của cảnh sát quận Nhất trên đường đi, tôi đã lấy thẻ dân biểu đeo trước ngực. Vào thời điểm những năm 1968-1969, cảnh sát còn nể nang các đại biểu dân cử và chưa có lệnh thẳng tay đàn áp các cuộc xuống đường.

Đoàn sinh viên xuống đường ủng hộ hai anh Mẫm và Thắng xuất phát từ Hạ viện đi thẳng đường Tự Do (tức Đồng hởi) xuống đến bờ sông Sài Gòn, rẽ sang phải để đến trụ sở Thượng viện. Đoạn đường này êm xuôi. Nhưng đến trước trụ sở Thượng viện, cảnh sát rằn ri đã có mặt sẵn dàn chào, các cuộn kẽm gai giăng bít lối vào Thượng viện. Mẫm, Thắng và đoàn sinh viên phải dừng lại. Tôi nói anh em sinh viên cứ chờ tại đây, để tôi vào một mình dàn xếp. Tôi đưa thẻ dân biểu ra, cảnh sát vẹt hàng rào kẽm gai dành một lối đi hẹp cho tôi. Vào Thượng viện, người đầu tiên tôi gặp là cựu trung tướng - nghị sĩ Trần Văn Đôn. Tôi chuyển lời yêu cầu của đại diện Tổng hội sinh viên muốn gặp Chủ tịch Thượng viện để trình bày một số nguyện vọng. Liền đó tôi và ông Đôn gặp Chủ tịch Nguyễn Văn Huyền. Ông Huyền đồng ý tiếp ngay. Ông Huyền là luật sư, một nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng Thiên Chúa giáo và một tiếng nói có trọng lượng đối với Tòa Tổng giám mục. Ông cũng có uy tín đối với các giới trí thức miền Nam.

Chủ tịch Nguyễn Văn Huyền cùng một số nghị sĩ trong đó có ông Trần Văn Đôn tiếp hai anh Mẫm và Thắng tại một phòng họp của ủy ban Thượng viện. Tôi còn nhớ anh Thắng phát biểu rất lưu loát và hùng biện. Anh Mẫm cũng phát biểu, giọng nhẹ nhàng và chậm rãi.

Sau này, cuối tháng 4-1975, tôi và Mẫm có một cuộc gặp gỡ khác vào thời điểm dặc biệt của đất nước. Nhưng đó là chuyện sẽ được kể sau.

… Trở lại nhóm Dương Văn Minh, lúc đó các thành viên cũng gồm từ “ôn hòa” đến “cực tả”. Ôn hòa như dân biểu – bác sĩ Hồ Văn Minh, nghị sĩ - luật sư Vũ Văn Mẫu, dân biểu Nguyễn Hữu Chung... và trung tướng Dương Văn Minh. Còn theo hướng “tả” là các anh Lý Chánh Trung, Dương Văn Ba... Hai anh Hồ Ngọc Nhuận và linh mục Nguyễn Ngọc Lan được chính ông Minh xếp vào loại “cực tả”.

Như tôi đã nói, các buổi họp khởi đầu phần điểm báo và tổng kết tình hình trong nước và ngoài nước liên quan đến Việt Nam do tôi phụ trách. Sau đó là ý kiến của anh em, đôi khi là kế hoạch hành động sắp tới chống chính quyền Thiệu. Phải nhìn nhận rằng nhóm ông Minh chưa bao giờ bàn thảo và hình thành một “plate – forme” (cương lĩnh) chính trị đúng nghĩa. Điều đó cũng dễ hiểu vì sự tập họp của nhóm này không mang tính chất đảng phái chính trị, mà chỉ là một tập họp những người yêu nước, đối lập với Thiệu và chống sự can thiệp của Washington vào Việt Nam, có cùng một hoài bão đấu tranh cho hòa bình. Nhờ những mục tiêu rất rộng ấy, các thành viên nhóm dễ đoàn kết với nhau và tránh được những cuộc tranh luận và xung đột liên quan đến các vấn đề thuộc lý luận chính trị.

Xét về “gốc tích” thành phần của nhóm ông Minh... lộ ra sau 1975, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về sự chuyển dịch lập trường của nhóm ông Minh từ “ở giữa” chuyển sang tả, rồi hướng đến sự sẵn sàng thỏa hiệp, liên kết với MTDTGPMN và Hà Nội. Gần phân nửa thành viên trong nhóm có quan hệ với MTDTGPMN như ông Cước, anh Nhuận, giáo sư Trung, linh mục Lan, luật sư Liệng... Khi Hiệp định Paris được ký kết, nhóm ông Minh ủng hộ triệt để sự thi hành Hiệp định. Bản thân tôi cũng tham gia Lực lượng Hòa giải Dân tộc (HGDT) do luật sư Vũ Văn Mẫu đứng đầu; lực lượng này được Phật giáo ấn Quang hậu thuẫn và có chủ trương đòi tổng thống Thiệu tôn trọng và thi hành Hiệp định. Lực lượng HGDT tổ chức nhiều cuộc hội thảo và thuyết trình về Hiệp định Paris tại chùa ấn Quang và tại nhiều địa điểm khác tại miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... Luật sư Liễng thì thành lập Tổ chức đòi thi hành Hiệp định Paris với sự tham gia của linh mục Nguyễn Ngọc Lan, thẩm phán Triệu Quốc Mạnh, nhà văn Thế Nguyên (báo Trình Bày), nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Văn Cước v.v...

Nhiều tháng trước kết thúc chiến tranh, trong một buổi sinh hoạt của nhóm ông Minh, tôi đặt ra giả thuyết (mà giờ đây, sau 30 năm nghĩ lại tôi thấy thật “ngây thơ”): rất có thể khi ông Thiệu bị lật đổ và ông Minh lên nắm quyền thì không còn thời gian để thương lượng giải pháp chính trị và thay thế Thiệu lúc đó chỉ là thay chính quyền Thiệu để cầm cờ... đầu hàng. Tôi nói tiếp “theo tôi nếu lịch sử đặt chúng ta vào vai trò này, chúng ta cũng sẵn sàng nhận lấy vì hòa bình dân tộc”. Tôi còn nhớ không ai có mặt hôm đó phản đối ý kiến của tôi. Ông Minh cũng tỏ ra tán đồng. Như vậy lúc đó dù không hẳn đoán trước được “số phận” chờ đợi mình ở ngày 30-4-1975, nhóm ông Minh cũng không quá bất ngờ về những gì sẽ xảy ra cho mình. Các thành viên chủ chốt trong nhóm ông Minh đều ở lại đất nước cho đến giây phút chiếc xe tăng đầu tiên của Quân Giải phóng vào Dinh Độc Lập. Người duy nhất ra nước ngoài do hoàn cảnh đặc biệt của gia đình là dân biểu Nguyễn Hữu Chung. Những người ở lại hầu như không ai tỏ ra hối tiếc về sự chọn lựa của mình. Kể cả ông Dương Văn Minh. Dù cho số phận từng người sau đó khác nhau, không phải ai cũng suôn sẻ.
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 đ

IX

17. Những ngày tháng tưởng như bế tắc…

Sau khi “tẩy chay” Hạ viện nhiệm kỳ lập pháp 2 mà tôi vừa tái đắc cử (cuối năm 1971) để phản đối sự độc diễn của tổng thống Thiệu, tiếp đó tự treo bút và đóng cửa tờ nhật báo Bút Thần để tố cáo sắc luật 007/72 của chính quyền Thiệu hạn chế quyền tự do báo chí, thật sự tôi đã trải qua một thời kỳ gần như khủng hoảng từ năm 1972-1974. Trước đó tuy hoạt động quốc hội chỉ là hình thức, một thứ dân chủ giả hiệu, còn làm báo xuất bản một tuần bị tịch thu hết hai hoặc ba ngày, nhưng tôi vẫn có được cái cảm giác mình “làm điều gì đó”. Các hoạt động này phần nào tạo cho tôi tâm lý mình không ngồi khoanh tay trước tình hình dầu sôi lửa bỏng của đất nước.

Nhưng khi tự rút ra khỏi các hoạt động này (quốc hội và báo chí), đơn độc với chính mình, tôi bỗng thấy mình như bị loại khỏi các diễn tiến của đất nước, một người vô tích sự và vô trách nhiệm.

Mỗi sáng tôi vào Xẹc Tây ăn sáng, đánh quần vợt cho tới trưa, rồi sang hồ bơi ăn cơm trưa và xuống hồ bơi... phơi nắng cho đến chiều tối mới về nhà. Lúc đó tôi sống gần như buông thả trong cái xã hội trưởng giả ấy. Suýt nữa nó đã nhận chìm tôi xuống tận đáy. Các buổi sinh hoạt với nhóm Dương Văn Minh, tuần hai lần, đã giúp tôi tiếp tục đứng vững. Và như đã nói, chính những cuộc xuống đường tổ chức liền liền lúc này đã bơm một thứ nghị lực mới vào cơ thể tôi. Giai đoạn 1971- 1972 là thời kỳ quyền lực của tổng thống Thiệu khẳng định mạnh mẽ nhất. Cái thế của Nguyễn Văn Thiệu chỉ bị lung lay sau khi Hiệp định Paris được ký đầu năm 1973 (27-1-1973). Tinh thần Thiệu càng lung lay khi tổng thống Nixon - chỗ dựa của ông Thiệu - tuyên bố từ chức ngày 9-8- 1974.

Trước đó tháng 3-1973, tổng thống Thiệu đã có một chuyến đi trắc nghiệm uy tín của ông đối với Nixon và đồng thời thái độ của chính phủ Mỹ đối với bản thân ông. Đó là chuyến đi Mỹ đầu tiền của ông Thiệu với tư cách tổng thống VNCH. Theo nhà báo Larry Berman trong quyển No Peace No Honor thì đây là chuyến đi Mỹ đã được Nixon hứa với ông Thiệu khi ông chấp nhận ký Hiệp định Paris theo yêu cầu của Nixon. Vào thời điểm này, Kissinger có ý định đề nghị Nixon ra lệnh oanh tạc thật nặng, trong hai hoặc ba ngày, đường Hồ Chí Minh ở Nam Lào. Nhưng do chuyến đến Mỹ của ông Thiệu, Kissinger bàn lại với Nixon và tạm ngưng quyết định này vì sợ rằng sự kiện ném bom trùng hợp với sự có mặt của ông Thiệu tại Mỹ khiến cho dư luận hiểu lầm rằng Washington chịu áp lực của chính quyền Sài Gòn.

Ông Thiệu cố gắng chuẩn bị chuyến đi Mỹ nhằm đánh bóng uy tín của mình. Ông thuê một chiếc Pan American Boeing 07 chớ không như phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ khi viếng thăm nước Mỹ trước đó đi bằng chiếc máy bay Air Force Two được Mỹ cho mượn (chiếc Air Force Two thường dành riêng cho Phó tổng thống Mỹ). Ông cho vẽ lá cờ vàng ba sọc đỏ trên thân máy bay để chứng tỏ “độc lập và chủ quyền của chính phủ VNCH” (nhận xét của nhà báo Larry Berman). Nhưng chuyến đi Mỹ lại là một thất vọng cho ông Thiệu. Nixon chỉ tiếp ông tại Saint Clemente, chứ không tại Tòa Nhà Trắng ở Washington. Lúc này áp lực của vụ xì-can-đan Watergate đã bắt đầu đè lên chính phủ Nixon. Một cuộc tiếp tổng thống VNCH - không được dân chúng Mỹ ủng hộ - ngay tại Nhà Trắng sẽ càng tệ hại cho uy tín của Nixon. Tổng thống Mỹ cũng dự định sẽ không có một thông cáo chung nào giữa hai người đứng đầu chính phủ được công bố. Có nghĩa chính phủ Mỹ muốn làm thế nào chuyến viếng thăm Mỹ của ông Thiệu càng ít được dư luận ở Mỹ chú ý càng tốt. Khi biết sẽ không có thông cáo chung được ký - đánh dấu chuyến viếng thăm chính thức của mình - ông Thiệu ra lệnh cho Hoàng Đức Nhã chuẩn bị máy bay trở về nước ngay. Do sợ một sự cố chính trị lại lọt ra báo chí, ngày 12-4-1973, Nixon đồng ý có thông cáo chung, trong đó Mỹ hứa viện trợ kinh tế và tăng sự ủng hộ dành cho chính phủ VNCH. Kết thúc chuyến viếng thăm chính thức của ông Thiệu, Nixon tổ chức chiêu đãi ông tại Casa Pacifica, Nhà Trắng Miền Tây (Westem White House). Trước khi rời nước Mỹ, ông Thiệu được thống đốc California Ronald Reagan mở tiệc chiêu đãi tại Loa Angeles và sau đó có đến thăm diễn viên phim cao bồi lừng danh John Wayne.

Từ Mỹ trở về ông Thiệu và cánh tay mặt của ông Hoàng Đức Nhã - hiểu rằng tình thế đã hoàn toàn thay đổi. Thái độ của Washington đối với ông Thiệu và đối với chế độ VNCH đã đổi khác. Đó là nói về thời kỳ sau Hiệp Định Paris, còn trước đó các năm 1971-1972, sau khi tái đắc cử, Nguyễn Văn Thiệu củng cố quyền lực của mình mạnh mẽ nhất. Trong suốt tám năm cầm quyền của mình, đây là thời điểm quyền lực của Thiệu được tập trung nhất. Nhiệm kỳ tổng thống 1967-1971 của ông còn bị buộc một chân vào... đối thủ khó chịu Nguyễn Cao Kỳ - giữ cương vị phó tổng thống. Còn từ năm 1971, sau cuộc đắc cử thứ hai, với một phó tổng thống Trần Văn Hương - vâng lời ông hoàn toàn - tổng thống Thiệu nắm trọn quyền lực trong tay. Thiệu tiến hành kiểm soát báo chí, trấn áp phe đối lập, bắt bớ sinh viên chống đối và các trí thức bị nghi ngờ có quan hệ với cộng sản...

…Trong những ngày tháng khủng hoảng, không thấy đâu là tương lai cho tình hình miền Nam và giải pháp cho chính mình, một hôm tôi có bàn với anh Dương Văn Ba, lúc này không còn là dân biểu: “Hay là tụi mình ra vùng giải phóng theo MTDTGPMN?”. Ý nghĩ đến bất chợt nhưng không hề là bốc đồng. Bản thân tôi chưa có dịp nào tiếp xúc với ai đó đại diện chính thức của Mặt Trận, nhưng từ khi ông Thiệu tái đắc cử bằng độc diễn bất kể dư luận phản đối trong nước và ngoài nước, tôi nhận ra rằng tình hình miền Nam nói riêng và đất nước nói chung không còn hi vọng thay đổi bằng tiến trình đấu tranh dân chủ. Suy nghĩ của tôi lúc ấy, lực lượng duy nhất có thể đảo lộn tình thế là MTDTGPMN. Dứt khoát phải đấu tranh cả bằng vũ trang. Tôi nghĩ đi ra vùng giải phóng là một chọn lựa có thể giải quyết được các bế tắc và đáp ứng được các nguyện vọng của mình. Nhưng cả hai chúng tôi, anh Ba và tôi đành bỏ ý định ra vùng giải phóng vì ngoài lý do không biết phải “móc nối” với ai, còn có một lý do riêng: mỗi người chúng tôi đều có năm đứa con, đứa lớn nhất mới 11-12 tuổi. Đi vào rừng, ở nhà người vợ một mình xoay xở ra sao đây?

Đúng là tôi chưa từng tiếp xúc chính thức một nhân vật cộng sản nào trước 1975 nhưng lịch sử của người cộng sản trong đấu tranh giành độc lập và đánh ngoại xâm từ thời chống Pháp là một minh chứng về tinh thần yêu nước của họ. Bi kịch của những người như tôi là đã quá thất vọng với chế độ mình đang sống, cố gắng đấu tranh để góp phần thay đổi nó nhưng mỗi ngày thấy càng bất lực, muốn có một chọn lựa khác nhưng điều đó cuối cùng lại cũng không làm được. Cho nên có lúc tôi đã tự nhận mình là “Người Việt cô đơn” và tự nguyện làm người phát ngôn cho những người cùng tâm trạng, cùng hoàn cảnh với mình, trên báo Tiếng Nói Dân Tộc, là vì thế! Từ tâm trạng và hoàn cảnh chính trị cá nhân, có lúc tôi chọn lập trường: đứng giữa (báo Tiếng Nói Dân Tộc là tờ báo của “những Người Việt đứng giữa”?). “Đứng giữa” là một khái niệm còn khá mơ hồ, chỉ sau này khi đã có Hiệp định Paris, “đứng giữa” mới được khoác một sắc thái chính trị cụ thể và được gọi là “thành phần thứ ba”.

Sau ngày 30-4-1975, tôi phát hiện xung quanh mình, trong tờ báo, trong nhóm, trong bạn bè và ngay tại nhà mình, đâu đâu cũng có “Việt cộng”. Thế mà tôi không được một ai móc nối. Tại không ai trong Mặt trận được tự động tiết lộ và móc nối? Hay tại cái bề ngoài trí thức tiểu tư sản của tôi - từ cách ăn mặc đến môi trường sinh hoạt - trông không đáng tin cậy với họ chăng?

Về chuyện trí thức tiểu tư sản đi theo cách mạng, tôi nhớ mãi trường hợp của bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được chính ông kể lại cho tôi nghe. Sau 1975, lúc tôi làm tổng thư ký tòa soạn nhật báo Tin Sáng do anh Ngô Công Đức làm chủ nhiệm và anh Hồ Ngọc Nhuận làm chủ bút, tôi được tờ báo cử đi Hà Nội cùng anh Minh Đỗ dự phiên họp đầu tiên của Quốc Hội thời kỳ đất nước thống nhất. Khi trở về Sài Gòn, trên máy bay tôi ngồi gần một người lớn tuổi ăn mặc rất lịch lãm, com lê, cà vạt hẳn hòi và rất... Tây, như một người sống nước ngoài vừa trở về quê hương. Tôi tìm cách bắt chuyện với người này do sự tò mò nghề nghiệp. Và tôi được biết ông không phải từ nước ngoài trở về mà ở trong rừng cả chục năm qua. Đó là Bác sĩ Nguyên Văn Thủ đang là đại biểu quốc hội. Biết tôi là một trí thức sống ở miền Nam trước 1975, ông vui vẻ kể chuyện: thời trẻ cách đây 30 năm ông du học ở Pháp. Ông rất thích khiêu vũ và đánh tennis rất giỏi và đẹp, không ít thiếu nữ Pháp rất mê chàng trai Việt Nam này. “Khi tôi đánh banh luôn có hai ba cô đầm ngồi ngoài sân chờ!” - bác sĩ nhắc lại thời trẻ của mình. Không ai ở Paris quen biết bác sĩ Thủ lại nghĩ rằng chàng thanh niên sống phong lưu ở thủ đô ánh Sáng lại có thể bỏ tất cả để đi theo cách mạng. Bác sĩ Thủ nói: “Lúc đó bạn bè của tôi ở Pháp bảo với nhau rằng thằng Thủ mà về nước theo cách mạng là coi như chiến tranh sắp kết thúc rồi. Ý của tụi bạn: tôi đâu phải là người có thể chịu cực lâu dài, cho nên khi tôi đã chọn lựa như thế là... chắc ăn rồi. Thật lòng mà nói bản thân tôi cũng nghĩ có lẽ chỉ phải chịu cực vài năm thôi, đâu dè đi suốt một mạch... 30 năm!”. Chàng thanh niên phong lưu ở Paris ấy đã chấp nhận mọi gian nguy khổ cực và không hề bỏ cuộc suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ.

Bác sĩ Thủ là một điển hình trí thức tiểu tư sản yêu nước. Về Sài Gòn, ông được giao đứng đầu tổ chức Chữ Thập Đỏ ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc gặp lần đầu trên máy bay, chúng tôi có hẹn gặp lại nhau tại sân quần vợt. Trận đầu tiên ông đánh với tôi trên sân 30-4 (đường Lê Quẩn). Lần đó dù đã hàng chục năm không cầm vợt ông vẫn giữ được những nét đẹp kỹ thuật các cú đánh của một đấu thủ từng có hạng ở Pháp. Ông đã mất vì bệnh, để lại nhiều thương tiếc cho bạn bè cũ mới.

Trở lại chuyện của tôi trước 1975, cũng có rất ít người tin rằng tôi sẽ kiên trì với hướng đi của mình. Sau khi đất nước hòa bình, tôi có hỏi nhà báo Huỳnh Bá Thành, một trong những người gần gũi với tôi trước năm 1975, vì sao anh không “móc nối” tôi vào Mặt Trận, anh cười cười nói “Các hoạt động của anh như thế trong lòng địch đã đáp ứng yêu cầu của cách mạng đối với một trí thức tiến bộ. Đưa anh vào tổ chức cũng thế thôi, nhưng có nguy cơ anh bị bắt và chịu không nổi tra tấn sẽ đổ bể tùm lum...”. Câu nói nửa chơi nửa thật của Huỳnh Bá Thành chứa đựng phần nào sự thật trong đó. Tôi vẫn nghĩ mình sẽ không chịu đựng nổi các đòn tra tấn của cảnh sát. Tôi thật sự cảm phục và kính trọng những người làm cách mạng khi bị bắt không chịu khuất phục trước sự tra tấn ác liệt và dã man. Có lẽ do tôi không có một quan hệ chính thức nào với người cộng sản nên chính quyền Thiệu không coi tôi là một phần tử chính trị nguy hiểm. Tình báo Mỹ cũng nắm rất sát hoạt động của các trí thức và những người đối lập tại miền Nam. Một số trí thức miền Nam bị bắt vì có quan hệ cộng sản là do sự phát hiện của tình báo Mỹ. Có dư luận cho rằng vụ dân biểu Trần Ngọc Châu bị bắt, bề ngoài tưởng như xuất phát từ cuộc xung đột giữa tổng thống Thiệu với Trần Ngọc Châu, nhưng bên trong là do áp lực của CIA. Một phe CIA bênh vực Châu nhưng phe CIA khác đang có thực quyền tại miền Nam lại chủ trương “dứt” Châu. Người đưa ra lập luận này nhấn mạnh rằng Nguyễn Văn Thiệu và Trần Ngọc Châu là bạn rất thân nhau. Nghe nói sau năm 1975, khi ông Thiệu từ nước Anh chuyển sang định cư ở Mỹ, ông Thiệu đã đến nhà Trần Ngọc Châu và ở lại chơi một ngày. Thực hư chuyện này thế nào, tôi không có điều kiện để phối kiểm.

Cái “may mắn” của tôi là hình như tôi không có tên trong bản danh sách đen (black list) của CIA. Tình báo Mỹ cũng dư sức thẩm định tôi có phải là người của Pháp không. Cuối cùng có lẽ họ đã kết luận cái anh chàng này hoạt động hoàn toàn... đơn độc. Thực tế thì những trí thức kiểu... “vô hại” như thế này lại góp phần cô lập Nguyễn Văn Thiệu và đường lối chiến tranh của ông khiến ông đã nổi điên. Tại cuộc nói chuyện với khóa huấn luyện cán bộ xã ấp ở Vũng Tàu, tổng thống Thiệu tố cáo “một số trí thức mỗi ngày uống bốn ly whisky và ăn toàn cơm Tây, được học rộng nhưng lại làm nô lệ cho cộng sản”. Ông kết luận “Các anh còn yêu nước hơn cả mấy người trí thức ấy”. “Các anh” đây là các cán bộ xã ấp. Bài nói chuyện này mở đầu cho đợt đàn áp trí thức tiến bộ, đầu tiên là bắt chủ nhiệm tờ báo tiếng Anh Sai gon Dai ly News, ông Nguyễn Lâu và 26 nhân vật trí thức khác, trong đó có bác sĩ, dược sĩ v.v… Đại sứ Mỹ Bunker khen bài nói chuyện ở Vũng Tàu là một trong những diễn văn hay nhất của ông Thiệu!

Nhà báo Mỹ Zalin Grant, trong quyển ‘Facing the Phoenix’ đã mô tả, trong con mắt của ông, những đặc điểm của một số trí thức Sài Gòn vào những năm 1965-1970 như sau: “Giới trí thức (Sài Gòn) kể cả những người có bằng cấp cao, thường tốt nghiệp tại Pháp và ngày càng nhiều tại Mỹ, đều là những người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, khinh miệt người Mỹ, đầu óc không tưởng và chống chiến tranh. Họ muốn có hòa bình nhưng không có kế hoạch để đạt tới. Họ bác bỏ chủ nghĩa cộng sản nhưng lại chấp nhận những người cộng sản. Họ coi thường quân đội của họ mà chính họ và con cái họ thấy không xứng đáng để phục vụ. Ngồi bên tách cà phê phin hay ly rượu Remy Martin, họ tố cáo một cách hùng hồn chính phủ Thiệu đã chà đạp như thế nào các quyền tự do cá nhân và đẩy tuổi trẻ của đất nước đến sự chống đối. Mặc dù phần nhiều những điều họ nói là đúng nhưng họ vẫn không phải là những người gây được niềm tin và thiện cảm...”

Đúng như nhận xét của Zalin Grant, “những trí thức nói chuyện chính trị bên ly rượu Remy Martin” không giành được uy tín trong quần chúng, nhưng sự từ chối hợp tác của họ với chính phủ Nguyễn Văn Thiệu rõ ràng hết sức bất lợi cho chính quyền Sài Gòn. Hơn nữa không phải tất cả trí thức đều chống Thiệu bên ly rượu Remy Martin. Nhiều người trong số họ xuống đường, chấp nhận dấn thân trước nhiều thứ hiểm nguy khác cho tính mạng và sự nghiệp cá nhân họ.

Để đối phó lại “những cuộc nói chuyện bên ly cà phê hoặc ly rượu Remy Martin” mà nhà báo Zalin Grant đã đề cập, tướng Nguyễn Khắc Bình, đứng đầu ngành cảnh sát và trung ương tình báo Sài Gòn đã cho người thường xuyên có mặt tại nhà hàng Givral, ở đường Tự Do, đối diện với trụ sở Hạ viện. Người được giao nhiệm vụ “nghe lén” các cuộc trao đổi trong nhà hàng là tên T., quen biết nhiều nhà báo trong và ngoài nước. Givral cũng là nơi có nhiều dân biểu cùng bạn bè trí thức của họ lui tới. Theo một người gần gũi ông T. và trung ương tình báo của Thiệu thì T. luôn thủ trong người một cái máy ghi âm để thu các cuộc nói chuyện. Thỉnh thoảng T. phải vào… “toa lét” để thay pin hoặc thay băng (máy móc thời đó chưa hiện đại). Dần dần người phụ trách công việc này của Nguyễn Khắc Bình thấy cách ghi băng này quá bất tiện nên tính tới phương án đặt máy thâu thường trực ở một chỗ nào đó trong nhà hàng. Nhưng Givral là một nhà hàng tư nhân, làm sao đặt máy mà giữ được sự bí mật. Chỉ có cách là người của trung ương tình báo mua lại một phần nhà hàng. Cuối cùng hãng sữa Foremost nhảy vào, với người của tình báo đứng phía sau. Thế là họ có quyền hợp pháp tiến hành sửa chữa và trong khi sửa chữa... có thể bí mật đặt máy ghi âm. Những vụ Watergate như thế ở Sài Gòn, chính quyền Thiệu thoải mái làm mà chẳng gặp một sự phiền hà nào!

Sau khi “đầu hàng” áp lực của Mỹ và chịu ký Hiệp định Paris, Thiệu phải đối đầu thêm một thứ... “nội thù” khác: thành phần thứ ba, tức những người Việt đứng giữa. Những người trí thức chống Thiệu và chống Mỹ nhưng chưa có điều kiện tiếp xúc với Mặt Trận, cùng các thành phần đối lập hoạt động cho hòa giải hòa hợp dân tộc, đưa vào Hiệp định Paris, trực tiếp hoặc gián tiếp tự nhận mình thuộc thành phần thứ ba. Dù không trưng ra được bằng chứng nào, tổng thống Thiệu cũng công khai nói với báo chí nước ngoài rằng “thành phần thứ ba là sản phẩm của Tòa đại sứ Pháp”. Đây là hành động chụp mũ của chính quyền Thiệu nhằm hạ uy tín những người đối lập hoạt động vì hòa bình. Cơ sở để đưa ra lời tố cáo này là mối quan hệ giữa một số nhà ngoại giao trong đại sứ quán Pháp với một số trí thức đối lập. Một trong những nhà ngoại giao đó là Pierre Brochand, cố vấn chính trị tòa đại sứ Pháp. Trong những người ông Thiệu nhắm đến là tôi vì lúc này tôi hoạt động tích cực trong thành phần thứ ba và có quan hệ khá mật thiết với ông Pierre Brochand.

Thật sự quan hệ giữa tôi và Pierre Brochand chủ yếu là bạn bè hơn là móc nối chính trị. Cùng tuổi với nhau (sinh năm 1940) và có nhiều điểm hợp nhau, nên tôi và Pierre Brochand dễ thân nhau. Chưa bao giờ Pierre Brochand đề cập chính thức với tôi chuyện thành phần thứ ba hay thăm dò, một gợi ý nào liên quan chuyện này. Trong quan hệ với các nhà báo nước ngoài, tôi có khá nhiều người bạn và trong giới ngoại giao cũng thế. Sau 1975, khi Pierre Brochand đã trở thành một nhân vật cao cấp, đại diện chính phủ Pháp sang ký kết một hiệp định hợp tác văn hóa với chính phủ Việt Nam, anh đã vào TP. Hồ Chí Minh và thăm tôi tại nhà. Người tiền nhiệm của Pierre Brochand tại tòa đại sứ Pháp trước 1975, ông Loic Hennekinne, cũng duy trì những quan hệ bạn bè với tôi đến tòa đại sứ Sài Gòn, Loic Hennekinne nhận nhiệm sở mới ở Santiago (Chi Lê) thời tổng thống Allende. Tôi còn nhớ một hôm tôi nhận được một lá thư của ông từ thủ đô Santiago, trong đó ông hết lời ca ngợi chế độ Allende và cho rằng mình đang chứng kiến một kinh nghiệm chính trị mà người Việt Nam như tôi rất đáng tìm hiểu. Dĩ nhiên Loic Hennekinne đã phải rời Chi Lê sau khi tướng Pinochett lật đổ tổng thống Allende.

Loic Hennekinne là một trong những nhà ngoại giao Pháp đầu tiên trở lại Sài Gòn sau 1975 với tư cách một người du lịch. Anh rất yêu đất nước Việt Nam. Chuyến đi đó Loic Hennekinne thực hiện khi ông đang là đại sứ Pháp tại Tokyo (Nhật). Thế là tôi có dịp gặp lại ông tại tòa lãnh sự Pháp trong một buổi tiệc tối. Tôi nhớ hôm đó ngoài tôi và anh Ngô Công Đức còn có cựu đại sứ Võ Văn Sung cũng là một người bạn của Loic Hennekinne. Cũng trong năm đó (có lẽ năm 1992) tôi có dịp sang Tokyo theo lời mời của Hội nhà báo Nhật (cùng đi có chị Phương Minh, tổng biên tập báo Phụ Nữ Việt Nam). Hay tin tôi sang, Loic Hennekinne đến tận khách sạn đón tôi về tòa đại sứ dùng cơm tối. Đầu tháng 4-2002 tôi có dịp sang châu Âu thăm con và ghé lại Pháp thăm Loic. Lúc này Loic Hennekinne đang là tổng thư ký tại Bộ Ngoại giao Pháp - Nhân vật thứ hai ở điện Quai D'Orsay. Loic hẹn tôi gặp ông tại bộ Ngoại giao và ăn trưa. Tôi cứ tưởng hẹn nhau tại đó rồi sẽ cùng đi ăn một nơi nào khác ở Paris. Thật bất ngờ Loic đã tiếp tôi ngay tại phòng đãi khách của Bộ trưởng. Buổi ăn trưa tại Quai D'Orsay chỉ có hai người, Loic và tôi. Tôi không thể không xúc động về tình cảm bạn bè đặc biệt mà Loic Hennekinne đã dành cho tôi.

... Trở lại sự tố cáo của ông Thiệu về thành phần thứ ba mà ông cho rằng do đại sứ Pháp Jean Marie Mérillon “nặn” lên, tôi liền phản công và lợi dụng cơ hội này để tuyên truyền công khai cho thành phần thứ ba. Tôi bàn với nghị sĩ Vũ Văn Mẫu để xin phép chùa ấn Quang cho Lực lượng Hòa giải Dân tộc đứng ra tổ chức cuộc hội thảo về Hiệp định Paris tại chùa. Sau đó tôi liên lạc với các nhà báo nước ngoài thuộc loại tin cậy, trong đó có truyền hình CBS, mời họ chứng kiến cuộc hội thảo. Tôi không mời báo chí trong nước vì mỗi ngày số phóng viên “dởm” là nhân viên tình báo trá hình càng trà trộn rất nhiều vào hàng ngũ nhà báo thật. Cuộc hội thảo sẽ bị lộ và cảnh sát sẽ ra tay phá ngay.

Trong khi chuẩn bị cuộc hội thảo, tôi có tiếp xúc với “Tổ Chức Đòi Thi Hành Hiệp Định Paris do luật sư Trần Ngọc Liễng đứng đầu và mới anh tham dự để tăng khí thế. Những người chính yếu trong tổ chức ngoài luật sư Liễng có các anh Triệu Quốc Mạnh, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, anh Thế Nguyên (tạp chí Trình Bày...) linh mục Lan đặt điều kiện: để tham dự cuộc hội thảo anh phải được xem trước bài thuyết trình của tôi. Tôi đồng ý và trao cho linh mục bản thuyết trình với ý kiến: Tôi phải sửa lại đoạn nói về “chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn”. Theo ông đây không phải là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, người Việt giết người Việt, mà là cuộc chiến giữa một bên là người Việt yêu nước và một bên là người Mỹ xâm lược cùng những người Việt Nam theo họ. Cha Lan nói với tôi Tổ Chức Dòi Thi hành Hiệp định Paris chỉ dự buổi hội thảo nếu tôi đồng ý sửa lại ý này. Tôi chẳng những chấp nhận sửa lại mà từ đó lấy quan điểm này làm quan điểm của chính mình.

Buổi thuyết trình tại chùa ấn Quang diễn tiến đúng như dự kiến. Sau buổi thuyết trình, linh mục Lan mời tôi đi ăn phở Tương Lai trên đường Nguyễn Tri Phương, cách chùa Ấn Quang không xa. Cùng đi ăn phở còn có, dân biểu Kiều Mộng Thu. Bình thường đi đâu tôi cũng bị bốn anh cảnh sát chìm trang bị máy bộ đàm đi theo. Chị Thu cũng có bốn anh theo dõi và cha Lan cũng thế. Do đó khi ba chúng tôi cùng nhau đi ăn phở, phía sau chúng tôi có cái đuôi khá dài: 12 chiếc xe máy của cảnh sát chìm rú lên inh ỏi! Cảnh tượng cũng vui mắt nhưng điều áy náy là mình ngồi ăn trong khi mấy anh cảnh sát vẫn phải đứng xa canh chừng. Có hôm ở nhà, từ tầng hai, vợ tôi nhìn qua bên kia đường Nguyễn Tri phương thấy bốn anh cảnh sát ngồi canh tôi giữa cái nắng chang chang, động lòng vợ tôi cho chị giúp việc mang nước mang ly sang mời các anh giải khát. Nhưng các anh cảnh sát dứt khoát từ chối, có anh còn hăm dọa ngược lại: “Chị định đùa với bọn tôi à? Mang nước về nhà ngay”. Lúc đầu Tổng nha cảnh sát chỉ cử hai cảnh sát đi trên hai xe gắn máy theo dõi tôi. Tôi đi đâu họ đi đó. Họ có trách nhiệm báo cáo trong ngày tôi đi đâu gặp ai và nếu phát hiện tôi sắp tổ chức họp báo hay xuống đường thì họ gọi ngay về Tổng nha kịp thời đối phó.Biết rõ như thế nên khi sắp sửa có một hoạt động chống chính quyền, trước tiên tôi phải “cắt đuôi”. Cách làm khá đơn giản: tôi bảo tài xế lái ô tô đến chợ Bến Thành, cho xe đậu lại, thí dụ ở cửa Tây, tôi đi vào lòng vòng trong chợ một lúc rồi đi ra cửa... Bắc lên xe tại đến chỗ hẹn. Các anh “bạn dân” chờ mút mùa không thấy tôi ra mặc dù chiếc ô tô của tôi vẫn nằm yên ở chỗ cũ!

Sau vài lần bị lừa, Tổng nha bố trí bốn cảnh sát theo tôi trên hai xe. Khi tôi bước ra khỏi ô tô đi bộ, thì một anh cảnh sát cũng nhảy xuống đi bộ theo. Tôi vào chợ, anh ta cũng vào chợ. Với thời gian, dần dần việc canh giữ bớt căng thẳng. Cảnh sát theo dõi tôi tìm cách làm quen với hai anh cảnh sát cũng được Tổng nha đặc cách đi bảo vệ cho tôi. Hai anh cảnh sát cận vệ của tôi thuộc một bộ phận khác: Phòng bảo vệ yếu nhân. Một hôm anh Trường, cảnh sát cận vệ, nói với tôi “Thưa ông, mấy đứa theo dõi ông đến yêu cầu em nếu hôm nào ông không có đi đâu cho tụi nó biết để tụi nó chuồn về nghỉ sớm. Theo ông từ sáng sớm đến khuya, tụi nó than chịu không xiết”. Thế là từ hôm đó giữa hai anh cận vệ của tôi và những cảnh sát được giao nhiệm vụ theo dõi tôi có một quan hệ... thân thiện và hợp tác. Hôm nào tôi làm việc tại nhà, không đi đâu, tôi nói anh Trường ra bảo họ về nghỉ sớm, trong báo cáo cứ viết: Hôm nay ông Chung ở nhà suốt ngày. Những hôm tôi đánh quần vợt trong Xẹc Tây cả ngày tôi cũng cho cận vệ báo với họ để họ yên tâm đi... chơi hoặc về với vợ. Kể khi thỉnh thoảng đi nhảy ở vũ trường để bớt căng thẳng, tôi cũng báo cho họ về sớm. Những lần không báo, đi khiêu vũ ra gặp họ vẫn... đứng chờ tôi thấy bứt rứt làm sao. Canh mình đi họp hay một cuộc tiếp xúc với ai đó không nói làm gì, đàng này canh mình đi... nhảy đầm thì... !

Nhưng khi tôi chẳng nói gì thì họ cũng đoán biết hôm nay không phải là một ngày... yên lành cho họ. Cuộc đấu trí thường không nghiêng phần thắng về phía họ. Thí dụ tôi muốn thoát khỏi sự canh giữ của họ, tôi chỉ cần vào Xẹc Tây... đánh quần vợt, nhưng vào lúc nào đó tôi chui hàng rào ra ngoài, khi thì qua bên sân Tao Đàn, khi thì trổ ra đường Huyền Trân Công Chúa. Mỗi lần sự canh giữ thất bại, hôm sau báo đăng ảnh tôi xuất hiện trong cuộc xuống đường hay cuộc họp báo nào đó, dĩ nhiên họ bị “cạo” sát ván, có khi còn bị đổi... Gặp lại hai cận vệ của tôi, họ chỉ còn biết than “Ông thầy của mấy anh chơi tụi này một cú ẹo xương sống”. Nhưng hai cận vệ của tôi cũng cho họ biết rằng các anh cũng mù tịt tôi đã đi đâu và làm gì (thường khi hoạt động chống chính quyền tôi luôn để hai anh cận vệ ở lại nhà). Vào tháng 4-1975, khi thời tiết chính trị hoàn toàn đổi khác, các cảnh sát theo dõi tôi cũng, “ngửi” thấy gió sắp sửa thay chiều, họ không ngại ngùng đề nghị với hai cận vệ của tôi:

“Mấy anh làm ơn nói giùm ông thầy các anh khi ổng lên làm bộ trưởng ổng nhận tụi này đi theo bảo vệ cho ổng. Dù sao tụi này cũng quen công việc... đi theo ổng rồi”. Thật ra tôi cũng có ý định dùng họ nhưng rất tiếc thời gian tôi làm tổng trưởng thông tin trong chính phủ Dương Văn Minh chỉ kéo dài trong... 48 tiếng đồng hồ!

... Sau cuộc thuyết trình về thành phần thứ ba khá suôn sẻ tại chùa Ấn Quang, một cuộc hội thảo khác cũng được tổ chức tại đây suýt nữa gây tai họa cho tôi và nhiều người khác trong Lực lượng Hòa giải Dân tộc. Cuộc hội thảo này do các vị lãnh đạo Phật giáo Ấn Quang chủ trì nhằm ủng hộ Hiệp định Paris đồng thời kêu gọi tổng thống Thiệu từ chức. Rất có thể do cuộc hội thảo trước về thành phần thứ ba không kịp ngăn chặn nên cuộc hội thảo này ngay từ đầu đã được cảnh sát rằn ri dàn quân rất kỹ. Chúng cô lập cả khu vực, nhưng không hoàn toàn ngăn chặn những người tham dự cuộc hội thảo vào chùa nếu có giấy mời. Khi mới đến chùa tôi đã đoán trước thế nào chúng cũng mở cuộc tấn công vào bất cứ lúc nào. Mọi người cũng biết như thế, nhưng không ai lo sợ và quay bước trở ra. Hơn phân nửa những người dự cuộc hội thảo là phụ nữ, trong đó có nhiều bà cụ tuổi trên 60!

Khi khách mời vào hết và thượng tọa Viện trưởng Thích Thiện Hoa phát biểu khai mạc thì cổng chùa cũng bị cảnh sát dã chiến bế chặt. Ngoại bất nhập, nội bất xuất. Đến khi thấy Viện trưởng Thích Thiện Hoa vừa nói xong lời khai mạc thì lệnh tấn công từ ngoài được phát động. Hàng trăm phi tiễn hơi cay, lựu đạn gây ói được bắn như mưa vào chùa. Cảnh hỗn loạn xảy ra. Những ai muốn rời khỏi chùa không tìm được ngõ thoát. Cửa chính bị cảnh sát dã chiến án ngữ và chính từ cổng ra vào duy nhứt này, họ đã nã phi tiễn vào chùa. Khói mịt mù, mắt mọi người sưng húp, không còn oxy để thở. Có nhiều phụ nữ lớn tuổi ngất xỉu. Hàng trăm con người không biết thoát thân ngả nào, xô đẩy nhau chạy xà quần như bầy chuột kẹt trong rọ. Tôi cũng bị đám đông từ phía sau lấn tới. Mọi người tìm cách lên tầng một của chùa để vào phòng có máy điều hòa của thầy Thiện Hoa... lánh nạn. Trên tầng một, chùa đang sửa chữa, bao lơn trước phòng thầy Thiện Hoa chưa xây xong, không có lan can. Khi đám đông đẩy tôi lên tận trên đó, tôi không có cách nào lùi lại, cuối cùng bị hất từ tầng một xuống sân chùa. Tôi chuẩn bị cú... rơi tự do ấy như một vận động viên nhảy dù tập tiếp cận với đất từ trên cao, hai chân nhún xuống khi vừa chạm đất. Dù thế, sức chấn động cũng làm hai chân tôi tê dại, lưng cụp lại tưởng như gãy làm đôi. Tôi ngồi bẹp dưới sân khoảng năm phút mới cố gắng đứng dậy. Phải cố gắng đứng dậy và bằng mọi giá thoát ra khỏi chùa, tôi không còn sức chịu đựng lâu hơn nữa khói cay, hơi ngạt và loại lựu đạn gây ói mửa. Tôi thử đi ra hướng sau chùa, tấm vách tường ngăn cách chùa với khu xóm lao động cao không gần ba mét. Bên trên lại có những cây sắt nhọn chĩa lên. Lúc đó tôi không biết mình lấy sức lực ở đâu mà có thể nhảy lên dùng hai tay chụp lấy hai cây sắt trên đầu tường rồi đu lên và nhảy xuống sân của một nhà bên cạnh chùa. Khi nhảy xuống, tôi quên hẳn chân mình đã bị chấn thương lúc rơi từ tầng một của chùa xuống đất. Hầu như tôi không thể di chuyển được nữa, còn mắt thì quá cay không còn thấy gì. Thật may có một phụ nữ bước ra dìu tôi vào nhà và cho tôi một khăn ướt để lau mắt. Cùng lúc có một anh thương binh xuất hiện với hai cây nạng gỗ. Anh chia cho tôi... một cây, nhờ thế tôi cà nhắc ra khỏi khu Ấn Quang, đón taxi về nhà. Vào thời điểm này, phần đông thương phế binh ở Sài Gòn đều bất mãn và chống Thiệu. Sự nổi loạn của những người từng cầm súng luôn là dấu hiệu báo trước sự sụp đổ của một chế độ!

Ngày hôm sau Hạ viện họp phiên khoáng đại. Có tin các dân biểu đối lập lại tổ chức biểu tình nên cả khu trung tâm thành phố bị cô lập. Chiếc ô tô chở tôi đi họp bị chận lại trên đường Tự Do, ở ngã tư Lê Thánh Tôn. Tôi không thèm đôi co với toán cảnh sát chốt ở ngã tư này, tôi bước xuống xe với hai cây nạng kẹp hai bên người (vợ tôi đã mua cho tôi cặp nạng này), đi bộ đến Hạ viện. Đây cũng là một cách tố giác cảnh sát Thiệu đàn áp cuộc hội thảo hôm qua tại chùa Ấn Quang. Dĩ nhiên truyền hình nước ngoài đã không bỏ lỡ dịp ghi hình một dân biểu đi họp với hai cây nạng...

Từ khi Hiệp định Paris được ký kết, tôi trở lại dự các phiên họp của Hạ viện. Nhiều người ở Sài Gòn biết được một phần nội dung của tối hậu thư do tổng thống Nixon đưa ra buộc tổng thống Thiệu ký Hiệp định Paris. Sự rò rỉ của nội dung này càng làm cho cái thế của tổng thống Thiệu suy yếu. Trong quyển sách của Larry Berman có thuật lại rằng, Nixon đã nói với Thiệu: “Ngài phải quyết định ngay nếu ngài muốn duy trì sự liên minh của chúng ta, hoặc là ngài muốn tôi tìm kiếm một cuộc dàn xếp với kẻ thù để phục vụ riêng lẻ quyền lợi của nước Mỹ...”. Ông Thiệu và người anh em bà con “cứng đầu” của mình là Hoàng Đức Nhã đành bó tay. Sau này, nới về giai đoạn ông Thiệu bị buộc ký Hiệp định Paris, Hoàng Đức Nhã mô tả tình cảnh của ông Thiệu và chính đương sự như “mấy con ếch nằm dưới đáy giếng tối đen”. Sài Gòn chẳng hiểu gì các ý định và toan tính của Henry Kissinger (theo nhà báo Larry Berman trong “No Peace No Honor”). Nhà báo Stanley Karnow, đặc phái viên của tờ New Republic tại Paris, đã điện về tòa soạn của mình nhận định rằng Hiệp định Paris “có thể chỉ là một thời kỳ tạm dừng trước khi cuộc chiến Đông Dương thứ ba bắt đầu”. Thực tế sẽ không có cuộc chiến Đông Dương thứ ba nào cả nhưng Hiệp định Paris là cái mốc đánh dấu sự bắt đầu sụp đổ của chế độ Nguyễn Văn Thiệu.


18. Đi tìm một chân trời mới

Người trí thức không còn là mình và đánh mất sự hiện diện của mình trong xã hội sẽ trở nên vô nghĩa và thậm chí đáng bị lên án nếu sự có mặt của mình chỉ để chấp nhận những gì đã có sẵn và thụ động trước một trật tự đã được thiết lập. Người trí thức phải biết và dám thúc đẩy sự thay đổi tiến lên trong lãnh vực mình hoạt động, và xa hơn nữa tự trao cho mình sứ mạng và trách nhiệm với lời giải đáp cho các bế tắc xã hội. Sự tìm kiếm đó có thể thành công hay thất bại, nhưng cái chính là sự dấn thân. Hồi tôi còn nhỏ, mỗi khi nghe cha tôi kể chuyện ông từng đi nghe nhà báo Nguyễn An Ninh diễn thuyết hô hào lòng yêu nước, chống Tây, chống chính quyền tay sai - không hiểu sao thắng bé 10-12 tuổi ở tôi lúc đó rất hào hứng và ngưỡng mộ. Dù rằng ở tuổi đó tôi không thể nào hiểu nổi thế nào là thái độ dấn thân của một trí thức bất kể sự dấn thân đó sẽ dẫn tới nhà tù Côn Đảo và bỏ xác ngoài đó.

… Ý thức rằng chính quyền của ông Thiệu là một cản trở cho hòa bình và thống nhất đất nước mặc dù Hiệp định Paris đã được ký hàng loạt hoạt động ủng hộ Hiệp định, tấn công nhằm lật đổ tổng thống Thiệu được các thành phần đối lập đồng loạt tiến hành. Lực lượng Hòa giải Dân tộc cùng một số nhân vật chống Thiệu tổ chức một chuyến đi miền Trung, đến Huế, Đà Nẵng... vận động quần chúng gây áp lực chính quyền thi hành Hiệp định Paris. Người tổ chức chuyến đi Huế là giáo sư Bùi Tường Huân, đang dạy tại Đại học Huế, còn người tổ chức cuộc thuyết trình cho anh em tại Đà Nẵng là dân biểu Phan Xuân Huy.

Cuộc đi ra miền Trung đột ngột khiến chính quyền Thiệu không kịp trở tay. Nhưng Huế là đất của Phật giáo, cho dù chính quyền địa phương có nhận lệnh của Sài Gòn đàn áp đoàn người chúng tôi, họ cũng không dám làm thẳng tay. Bởi các buổi thuyết trình của Lực lượng HGDT đều tổ chức trong khuôn viên chùa. Tấn công vào khuôn viên chùa có nguy cơ bị quần chúng tố cáo đàn áp Phật giáo. Tại Huế, cuộc thuyết trình được tổ chức ở sân sau chùa Từ Đàm vào lúc trời sụp tối. Máy phóng thanh đặt ở sân chùa, hướng qua bên kia sông An Cựu, để người dân nào sợ sự theo dõi của cảnh sát chìm vẫn có thể nghe mà không cần vào chùa. Sân chùa tắt hết đèn, chỉ có một đèn chụp nhỏ đặt trên bàn dành cho người thuyết trình đọc tài liệu của mình. Cuộc thuyết trình diễn ra trong cảnh tối đen như thế! Theo trí nhớ của tôi, những người thực hiện phần thuyết trình gồm anh Hồ Ngọc Nhuận, linh mục Nguyễn Ngọc Lan và tôi. Sự hưởng ứng của dân Huế rất tích cực. Trước đó vào buổi sáng, anh Nhuận và chị Kiều Mộng Thu tổ chức báo nói tại chợ Đông Ba. Hình thức này quá mới lạ đối với cảnh sát địa phương, họ chỉ can thiệp khi ‘‘buổi phát thanh’‘ của anh Nhuận kết thúc. Họ cô lập các anh chị ngay chợ Đông Ba, lập xong biên bản vi phạm mới cho ô tô đi. Dĩ nhiên kể từ lúc đó chiếc ô tô chúng tôi sử dụng luôn bị cảnh sát bám theo. Đêm, chúng tôi theo giáo sư Bùi Tường Huân vào trường đại học nghỉ.

Đến Đà Nẵng cũng thế, buổi thuyết trình được tổ chức trong sân chùa Tỉnh Hội và diễn tiến trong bóng đêm. Chỉ có một cây đèn chụp đặt trên bàn của ban chủ tọa và thuyết trình viên. Có lẽ không có một nơi nào trên thế giới, diễn thuyết chính trị lại được tổ chức trong bóng tối hoàn toàn như thế. Đây là sáng kiến độc đáo của Phật tử đấu tranh và các nhà chùa miền Trung.

Sau các buổi nói chuyện ở Huế và Đà Nẵng, riêng tôi, sáng hôm sau được anh em địa phương đưa vào Quảng Ngãi tổ chức thêm một cuộc thuyết trình tại đây, cũng tại một ngôi chùa. Cuộc thuyết trình diễn ra lúc 14 giờ, kết thúc vào lúc 16 giờ. Khi mới đến tôi được cho biết sẽ ở lại đêm như chương trình dự kiến của ban tổ chức. Nhưng khi kết thúc cuộc thuyết trình tôi thấy không khí xung quanh chùa rất căng thẳng, cảnh sát chìm lượn qua lượn lại như đang chuẩn bị một âm mưu gì. Nếu tôi ở lại đêm, chắc chắn sẽ có chuyện không lành. Tôi hỏi người bạn từ Đà Nẵng vào cùng tôi: “Giờ này còn xe trở ra Đà Nẵng không?”. Người bạn trả lời: “Còn chuyến cuối cùng”. Tôi chỉ kịp chào thầy trụ trì chùa, rồi tức tốc ra đón xe về Đà Nẵng. Chiếc xe khách nghẹt người, không còn một chỗ trống nào. Tôi chỉ có một cách duy nhất: đeo bám toòng teng ở cửa sau, như một anh lơ xe. Sau này tôi được biết, đúng như tôi dự đoán, an ninh địa phương đã có kế hoạch tối đó tấn công vào chỗ tôi nếu tôi ở lại đêm tại Quảng Ngãi.

… Sau khi tổng thống Thiệu và Hoàng Đức Nhã chịu tay trước Nixon và Kissinger đặt bút ký Hiệp định Paris thì các lực lượng chống Thiệu cũng nổi lên đồng loạt. Trước khi ký Hiệp định, Kissinger thuyết phục Thiệu bằng cách bảo rằng chắc chắn Nixon sẽ được tái cử và nếu cộng sản Bắc Việt vi phạm Hiệp định thì “chúng tôi sẽ mở một cuộc hành quân ra miền Bắc”. Thiệu hỏi lại “Tấn công ở đâu?”. Kissinger trả lời: “Từ trên không hoặc tấn công qua vĩ tuyến 17”. Thật sự đó chỉ là một lời hứa cuội. Hơn ai hết, Thiệu hiểu điều đó. Không ai có thể dự đoán rằng khi năm người xâm nhập vào tổng hành dinh của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ tại cao ốc Watergate ở Washington (bị bắt ngày 17-6-1972) sự kiện này lại dẫn tới sự từ chức của tổng thống Nixon ngày 9-8-1974. Sau vụ Watergate, Nixon như con hổ bị rứt hết móng. Ông ta lo cho thân mình không xong nói chi chuyện bao biện cho ông Thiệu và chính quyền Sài Gòn. Có dư luận cho rằng Watergate đã làm cho chính sách của Mỹ ở Việt Nam sau Hiệp định Paris suy sụp. Nhưng một lập luận khác về sự sụp đổ của chính quyền Thiệu, theo tôi, đã bóc trần vấn đề, do nhà báo Stanley Karnow đưa ra trong quyển Vietnam - A History: Người ta cho rằng vụ xì-can-đan Watergate hại uy tín của Nixon, làm cho ngành hành pháp yếu đi, nhân dân Mỹ càng ác cảm với vấn đề Việt Nam khiến cho chính phủ Mỹ không thể giữ lời hứa để ra tay cứu chính quyền Thiệu. Nhưng cái chính là Thiệu và chính quyền của ông ta vừa không có năng lực lại tham nhũng, không thể đối phó các cuộc tấn công, nhất là khi không còn người Mỹ.

Ông Thiệu hoàn toàn mất tinh thần khi hay tin ngày 9-8-1974 Nixon từ chức và phó tổng thống Gerald Ford thay thế. Chỗ dựa quan trọng nhất của Thiệu không còn nữa. Trước khi từ chức, Nixon đã có một quyết định cuối cùng nhằm hỗ trợ ông Thiệu bằng cách ký một dự luật viện trợ quân sự cho miền Nam tối đa là một tỷ đô la trong vòng 11 tháng tới. Nhưng chỉ ít ngày sau khi Nixon rời Nhà Trắng, Hạ viện Mỹ biểu quyết một con số thấp hơn rất nhiều: 700 triệu đô la. Tuy tổng thống Ford gửi một thư riêng cho ông Thiệu xác nhận “sự yểm trợ của chúng tôi sẽ thích ứng”, nhưng một bản nghiên cứu của Lầu Năm Góc sau này tiết lộ chỉ có 215 của 700 triệu đô la đến tay chính phủ Thiệu, số còn lại dưới hình thức trang bị quân sự chờ xuống tàu hoặc vì lý do nào đó chẳng bao giờ đến tay chính quyền Sài Gòn. Nhà báo Stanley Karnow đã miêu tả tình hình miền Nam vào mùa hè 1974 như sau: do sự suy sụp của kinh tế, tinh thần quân đội cũng bị xói mòn. Một cuộc thăm dò dư luận thực hiện vào mùa thu 1974 bởi phái bộ Mỹ tại Sài Gòn phát hiện 90% người lính VNCH không nhận đủ tiền lương và các trợ cấp để nuôi gia đình. Tình hình lạm phát chỉ là một nguyên nhân. Tham nhũng vượt mọi giới hạn, các chỉ huy quân sự ăn xén tiền lương của lính và ăn cắp mọi thứ có thể ăn cắp. Sĩ quan hậu cần đòi phải có tiền đút lót mới cấp gạo và các thứ tiếp tế khác cho các đơn vị quân đội, thậm chí đòi được đút lót tiền mặt để cung cấp đạn dược, xăng dầu và các thứ cần thiết khác cho lính chiến đấu. Sĩ quan quân đội thường ép dân làng đóng góp tiền cho chúng và không từ chối “làm ăn” bí mật với cộng sản. Bản điều tra của phái bộ Mỹ cho rằng tình hình tệ hại này có thể ngưng lại “nếu quân đội Sài Gon được coi là một sức mạnh có thể đứng vững”. Đại sứ Martin bác bỏ sự báo động này bằng cách đưa ra một hình ảnh biện hộ tệ hại như sau: “Một chút tham nhũng như đổ dầu vào máy móc”. Vợ ông Thiệu và các bà vợ của bạn bè thân gia đình ông Thiệu, bất kể nguy cơ đang chực chờ vẫn làm giàu trong các hoạt động bất động sản và các loại kinh doanh bất hợp pháp khác, tạo thành gương xấu cho cả guồng máy chính quyền. Nhà báo Stanley Karnow kết luận thực trạng đó bằng một câu ngạn ngữ Việt Nam: “Nhà dột từ nóc”.

Sau khi cái “nóc” che chắn cho chế độ Thiệu bị sập ngày 9-8-1974 (Nixon từ chức) và trước các áp lực chống đối càng lúc càng mạnh mẽ tại miền Nam, tổng thống Thiệu nêu một thách thức trước dư luận trong một buổi xuất hiện trên màn ảnh truyền hình: ông đặt vấn đề “những ai muốn tôi từ chức thì cứ lên tiếng”. Thật khó biết thâm ý của ông Thiệu là gì? Ông quá tự tin sự vững vàng trong cương vị của mình hay đây là một thăm dò để chuẩn bị sự rút lui? Theo tôi giả thuyết thứ hai có lý hơn bởi lúc này thế lực của ông Thiệu suy yếu rõ rệt.

Giới đối lập đáp lại sự thách thức của ông Thiệu qua một số bài báo và các phát biểu từ diễn đàn quốc hội. Nhiều tiếng nói của nhiều giới vang lên đòi tổng thống Thiệu từ chức. Một số nhân sĩ, trí thức, đại biểu dân cử... cũng có một bản “kiến nghị” đòi hỏi tổng thống Thiệu từ chức. Cuộc họp báo công bố kiến nghị này được tổ chức tại nhà tôi. Tôi trình bày với báo chí Việt ngữ, còn kỹ sư Châu Tâm Luân giới thiệu với báo chí Mỹ. Hình như có dân biểu Nguyễn Hữu Chung và luật sư Trần Ngọc Liễng cùng dự. Về bản kiến nghị này tôi còn nhớ một chuyện bên lề liên quan tới anh Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt. Anh Thành trong những ngày này thường lui tới nhà tôi và được tôi cho xem bản kiến nghị trước khi công bố với báo chí. Lúc đầu trong số những người ký tên dưới bản kiến nghị có sinh viên Nguyễn Hữu Thái đang trốn ở tầng ba nhà tôi. Anh Thành góp ý với tôi nên để tên của anh Thái ra ngoài. Anh Thái chẳng có lợi gì khi có tên trong bản kiến nghị, ngược lại việc này tạo ra cái có cho cảnh sát của Thiệu có lý do tấn công vào nhà tôi để tìm bắt anh Thái. Anh Huỳnh Bá Thành nói “Cần bảo vệ địa chỉ nhà ông an toàn. Đáng lý phải đời chỗ ẩn núp của Nguyễn Hữu Thái qua nơi khác”. Anh Huỳnh Bá Thành còn có một góp ý khác với tôi: “Ông nên cố gắng thu lượm chữ ký của nhiều người bình thường như công chức, nhà giáo hay quân nhân. Những người bình thường này mà dám đòi ông Thiệu từ chức thì mới gây một ảnh hưởng lớn trong dư luận. Còn những tên tuổi chống Thiệu quá quen thuộc như ông, Kiều Mộng Thu, ni sư Huỳnh Liên, Hồ Nhuận, Trần Ngọc Liễng, Nguyễn Hữu Chung, Lý Chánh Trung, Vũ Văn Mẫu, linh mục Nguyễn Ngọc Lan v.v... thì được coi là đương nhiên, không còn gây tác động lớn trong dư luận”.

Chính từ những ý kiến như thế này của anh Huỳnh Bá Thành, tôi có những căn cứ đầu tiên để nghi ngờ anh là người của MTDTGPMN. Gợi ý của anh không đứng trên cương vị của những người hoạt động chính trị bình thường ở Sài Gòn.

Đúng là phản ứng của các giới chống đối chế độ như chúng tôi từng được nhiều người biết đến chỉ có một tác động hạn chế. Chính khi các quân nhân, những người từng chiến đấu bảo vệ chế độ và những công chức bình thướng dám đứng ra đòi hỏi tổng thống Thiệu từ chức thì mới gây sốc lớn và hậu quả là không đo lường được.

Đầu tiên là trung sĩ thông dịch viên Đào Vũ Đạt. Một hôm đầu tháng 11-1974, một nghị viên Hội đồng Đô thành thuộc lớp trẻ đến gặp tôi tại nhà. Anh cho tôi biết anh có một người thân là trung sĩ quân đội, sẵn sàng lên tiếng yêu cầu tổng thống Thiệu từ chức. Anh nghĩ rằng tôi là người có thể giúp cho trung sĩ này đạt mục đích của mình. Đây là một sự kiện chưa bao giờ có trước đây. Tôi thấy trước sẽ là một đòn chính trị rất nặng đối với chế độ Thiệu.

Nhưng lúc đầu tôi e ngại đây là một cái bẫy của phe chính quyền giăng ra để đẩy tôi vào thế kẹt. Tôi không quen thân anh nghị viên Hội đồng Đô thành. Anh lại là người Bắc mà lúc đó phần đông người làm chính trị gốc Bắc di cư đều chống cộng và thân chính quyền. Tuy nhiên trường hợp đưa đến quá đặc biệt, không thể bỏ qua mà không xem xét cụ thể thế nào. Tôi đề nghị đưa người trung sĩ có tên Đào Vũ Đạt đến để tôi gặp trực tiếp rồi mới quyết định được.

Trung sĩ Đạt cao khoảng 1,75 m, chừng 27-28, đẹp trai và thông minh. Anh rất bình tĩnh, nói rõ ý đồ của mình: “Tôi muốn đấu tranh cho hòa bình đất nước. Tổng thống Thiệu với chính sách hiếu chiến là một cản trở để đi đến hòa bình…” Cuộc trao đổi ngắn đủ làm tôi tin ý đồ của anh Đạt. Lúc đầu anh Đạt và anh nghị viện Hội đồng Đô thành đề nghị tôi thảo bản kiến nghị gửi tổng thống Thiệu rồi anh Đạt sẽ ký. Nhưng tôi từ chối. Lý do: Nếu Đạt “phản phé” vì một lý do nào đó, đương sự không thể tố giác tôi là người chủ mưu, là người đã thảo bản kiến nghị. Hơn nữa để cho anh thảo kiến nghị cũng là một cách hiểu thêm phần nào động cơ thật sự hành động của anh.

Bản kiến nghị do anh Đạt thảo được tôi điều chỉnh một vài chi tiết để làm rõ hơn mục tiêu đấu tranh của anh. Kịch bản anh xuất hiện trước báo chí nước ngoài tại trụ sở Hạ viện được tôi chuẩn bị riêng với anh, không có người thứ ba nào biết. Tài liệu phát cho báo chí bản kiến nghị là được quay roneo do tôi đích thân mang ra Hạ viện, phòng trường hợp anh Đạt trên đường di chuyển bị cảnh sát chặn lại lúc soát. Tôi chuẩn bị cho anh Đạt một một tấm carton (giấy cứng) gấp lại làm hai như một bìa tập đựng hồ sơ, bên trong có hàng chữ to: “Tôi - trung sĩ Đào Vũ Đạt bất tín nhiệm tổng thống Thiệu”, khi đứng trước giới báo chí anh sẽ lật ngược tấm carton để lộ ra hàng chữ này.

Tôi đến Hạ viện trên ô tô riêng, còn anh Đạt đi taxi xuống xe ở đường Nguyễn Huệ rồi từ đó đi bộ lại trụ sở Hạ viện. Ngày hôm trước tôi đã cho một số đặc phái viên báo nước ngoài đáng tin cậy và truyền hình CBS hay tin sẽ có một sự kiện đặc biệt xảy ra tại Hạ viện. Tôi dặn họ từ 8 giờ sáng chờ sẵn bên salon-café Caravelle, từ đây họ có thể nhìn sang tiền đình Hạ Viện. Họ phải theo dõi để khi nào tôi đứng trên bậc thềm Hạ viện đưa tay lên ra hiệu thì họ kéo qua ngay.

Đúng giờ hẹn anh Đạt xuất hiện ở góc đường Nguyễn Huệ như dự kiến, chậm rãi bước qua công viên có bức tượng khổng lồ hai lính Thủy quân lúc chiến chĩa súng vào Hạ viện. Cảnh sát rằn ri chỉ được bố trí sát hàng rào trước cổng Hạ viện. Cùng đứng với tôi chờ anh Đạt trên thềm Hạ viện có dân biểu Nguyễn Hữu Chung. Khi anh Đạt từ bên công viên bước xuống lề đường, băng qua đường Tự Do, tôi liền ra cổng Hạ viện đón anh như đón một người khách bình thường của mình. Cảnh sát rằn ri không gây trở ngại nào vì họ không làm sao đoán trước chuyện sẽ xảy ra. Bước lên hết các bậc thềm trước cửa chính của Hạ viện, tôi bảo anh Đạt dừng lại. Tôi đưa tay lên hướng về phía salon-café Caravelle ra hiệu cho báo chí nước ngoài. Tức khắc họ tràn sang. Anh Đạt đứng giữa, anh Chung Nguyễn đứng một bên và tôi đứng một bên. Tôi nói với báo chí: “Sau khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố trên đài truyền hình rằng những ai muốn ông từ chức cứ lên tiếng, thì hôm nay trung sĩ Đào Vũ Đạt, thông dịch viên quân đội, ra trước Hạ viện phát biểu nguyện vọng của mình. Tôi xin nhấn mạnh anh Đạt là người sức khỏe hoàn toàn bình thường; anh không hề bị ai ép buộc khi ra đây. Anh sẽ trình bày với báo chí và trực tiếp trả lời các câu hỏi”. Đúng lúc đó trung sĩ Đạt bật ngược tấm carton ra và đặt trước ngực anh: “Tôi trung sĩ Đào Vũ Đạt bất tín nhiệm tổng thống Nguyễn Văn Thiệu”. Sau khi trình bày gọn gàng bằng tiếng Việt, trung sĩ Đạt nói trực tiếp tiếng Mỹ với báo chí nước ngoài.

Đến lúc này cảnh sát canh chừng khu vực Hạ nghị viện mới rõ chuyện gì xảy ra. Không đầy 10 phút sau, tiếng còi của các xe cảnh sát đến tiếp viện vang lên inh ỏi, nhưng họ chưa được lệnh xâm nhập vào bên trong. Chúng tôi đưa trung sĩ Đạt lên lầu một Hạ viện và và “tạm trú” trong văn phòng của chủ tịch Hạ viện. Chúng tôi không biết phải đối phó với áp lực cảnh sát bên ngoài như thế nào. Một đại tá quân cảnh vào gặp chủ tịch Hạ viện đòi giao nộp trung sĩ Đạt cho họ. Chúng tôi nhất định từ chối. Nhưng chẳng lẽ cứ giữ anh Đạt trong phòng chủ tịch? Lúc ấy có ai đó trong phe dân biểu thân tướng Nguyễn Cao Kỳ nêu lên ý kiến: hãy đưa trung sĩ Đạt vào trại Phi Long ở Tân Sơn Nhất thuộc lãnh địa của tay chân của ông Kỳ. Nghe có lý, vả lại cũng không còn giải pháp nào khác, chúng tôi đưa trung sĩ Đạt lên ô tô ở cổng sau Hạ viện và cho xe chạy ào ra đường Hai Bà Trưng trực chỉ Tân Sơn Nhất. Xe cảnh sát và quân đội hàng chục chiếc ào áo rượt theo, còi khẩn cấp rú lên inh tai.

Đến đường Ngô Đình Khôi (bây giờ là Pasteur), các xe cảnh sát và quân đội vẫn theo sau bởi chưa biết chiếc xe trở trung sĩ Đạt định đưa anh đi đâu. Nhưng khi xe hướng đến cổng Phi Long Tân Sơn Nhất thì họ trở nên hết sức quyết liệt, cho xe ép thẳng thừng xe của Hạ viện vào sát lề, sẵn sàng gây tai nạn nếu xe chở trung sĩ Đạt không chịu dừng lại. Lúc đó xe trở anh Đạt đã đến sát cổng, chỉ thêm 50 m thì lọt vào bên trong. Thế là toan tính đưa trung sĩ Đạt vào…lánh nạn trong trại Phi Long coi như thất bại. Quân cảnh lôi trung sĩ Đạt ra khỏi xe và đẩy anh lên xe của họ rồi rú còi chạy mất hút trước sự bất lực của chúng tôi.

Sáng hôm sau tôi chờ đợi đọc báo với dự đoán sẽ có sự tố cáo của chính quyền nhắm vào tôi và biết đâu có cả lời… “phản phé” của trung sĩ Đào Vũ Đạt cho rằng anh đã bị tôi xúi giục và lợi dụng... Nhưng không. Chỉ có những dòng tin vắn tắt với một cầu vu vơ “một quân nhân ra trước Hạ viện bày tỏ nguyện vọng…”. Một vài hôm sau tôi được anh Cung Văn đang là phóng viên của Việt Tấn Xã cho biết anh đã có dịp tiếp xúc trực tiếp trung sĩ Đạt tại nơi anh bị giam giữ. Là phóng viên của hãng thông tấn cả nước, anh Cung Văn có giấy phép đặc biệt gặp anh Đạt. Anh nói với tôi: “Anh yên tâm. Trung sĩ Đạt nói anh ấy nhất định không đính chính những gì anh viết và tuyên bố. Đặc biệt dù được gợi ý, gây áp lực anh vẫn không chịu khai ông là người tổ chức và xúi giục”. Sau này thỉnh thoảng nhớ lại sự kiện này, tôi vẫn thắc mắc động cơ nào đã thúc đẩy trung sĩ Đạt dũng cảm hành động như thế? Nhưng rồi tôi lại mỉm cười: thế còn mình thì sao? Động cơ nào thúc đẩy mình hợp tác với trung sĩ Đạt? Xét về hoàn cảnh khác nhau giữa Đạt và tôi, hành động của anh Đạt đáng ca ngợi gấp bội. Với anh Đạt tôi có một điều hối hận: sau 1975 khi anh Đạt đến tìm gặp tôi ở báo Tin Sáng và tỏ ý xin việc làm tại đây, tôi đã không thuyết phục được ban lãnh đạo cho anh vào làm việc. Cái thế của tôi sau 1975 không giúp được anh, dù rằng với những gì anh đã làm trước 1975 rất đáng được đối xử một cách công bằng hơn. Có một chi tiết cần nhắc lại: anh Đạt là một thanh niên thuộc gia đình người Bắc di cư. Nghĩa là không phải tất cả người Bắc di cư đều ủng hộ chính quyền Sài Gòn như ta vẫn nghĩ lúc đó.

Sau trung sĩ Đào Vũ Đạt, có hai quân nhân cũng ra trước Hạ viện đòi tổng thống Thiệu từ chức trong tháng 11-1974. Đó là binh nhì không quân Hồ Vương Tuấn và thiếu tá Nguyễn Văn Thình. Binh nhì Tuấn, cũng như trung sĩ Đạt, giữ vững lập trường của mình từ đầu đến cuối. Chỉ có trường hợp thiếu tá Thình là “phản phé”, sau đó có lời tố cáo ngược lại những dân biểu đã “lợi dụng” ông, đăng trên báo Tiền Tuyến của quân đội Sài Gòn ra ngày l-12-1974, nhắm vào tấn công dân biểu Hồ Ngọc Nhuận. “Hơn 30 tuổi đầu vẫn ngu xuẩn để cho bọn con buôn chính trị lợi dụng”, và một tựa nhỏ: “Thiếu tá Thình đã cực lực phản đối dân biểu Nhuận lợi dụng sự ngây thơ chân thật của ông vào âm mưu chính trị đen tối”.

Về sự kiện này anh Nhuận có nói thêm rằng việc móc nối và tổ chức cho thiếu tá Thình do nhiều người, dân biểu có, nghị viên có, chứ không chỉ một mình anh: “Có khi anh em móc trước rồi bàn giao cho tôi sau, nhưng tôi không nhớ chính xác gồm có ai…”

Những hình thức chống chế độ Thiệu rất đa dạng. Ngoài xuống đường, làm báo nói, tổ chức người ra trước quốc hội bất tín nhiệm tổng thống Thiệu, tôi và anh Nhuận còn hợp tác làm báo lậu, tức là báo in ra và phát hành chui không có giấy phép. Đó là tờ có tên ‘‘Tin Sáng - Tiếng Nói Dân Tộc”, kết hợp hai tờ báo đều bị chính quyền Thiệu đóng cửa. Tờ báo này do anh Nhuận đảm trách in và phát hành... lậu!

Từ thái độ chính trị ban đầu là đối lập xây dựng, vẫn tự coi mình là một thành phần của chế độ đang cầm quyền tại miền Nam, thái độ chính trị của tôi sau cuộc “độc diễn” của ông Thiệu là dứt khoát bác bỏ chế độ Sài Gòn, mỗi ngày xích lại gần hơn MTDGPMN về lập trường hòa bình. Vào giữa năm 1974 trở về sau, không nói ra công khai nhưng nhiều anh em trong nhóm Dương Văn Minh luôn chờ đợi những tin tức quân sự hàng ngày thuận lợi của MTDTGPMN. Áp lực quân sự từ MTDTGPMN càng mạnh thì tại Sài Gòn chính quyền Thiệu càng suy yếu về chính trị, không đám mạnh tay đàn áp các thành phần chống đối. Tình thế đó tự nhiên đã hình thành một liên minh không chính thức và công khai giữa các lực lượng không cộng sản chống đối Thiệu với MTDTGPMN. Với sự ký kết Hiệp định Paris dần dần thành một thành phần của liên minh này tự định hình là thành phần thứ ba, rồi chọn con đường liên kết, hòa nhập hẳn với MTDTGPM. Lập trường chính trị của nhóm Dương Văn Minh cũng diễn tiến như thế.

Về phần mình, từ năm 1973, tôi dứt khoát đi tìm một chân trời mới. Tôi đã quyết định tách khỏi bến bờ cũ mà tôi mất hết niềm tin cho tương lai của đất nước và cả cho cuộc sống của mình. Nhưng bến bờ mới vẫn còn xa và lạ, chỉ mới là một vừng sáng ửng lên ở cuối chân trời...
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 đ

19. Mục tiêu số 1: Lật đổ cái cũ

Vào thời điểm 1973 và sau đó, không riêng ở Sài Gòn mà tại Mỹ, Pháp…, đâu đâu cũng có những cá nhân tự xưng mình thuộc thành phần thứ ba. Theo tiết lộ của nhà báo Mỹ Larry Berman, trong một cuộc phỏng vấn sau 1975 tại Mỹ, ông Hoàng Đức Nhã, cố vấn của tổng thống Thiệu, kể rằng đại sứ Pháp tại Sài Gòn Jean Marie khi tiếp xúc ông Nhã để thuyết phục ông vận động tổng thống Thiệu từ chức - cuối 1974 - cũng đã gợi ý đưa ông Nhã vào danh sách... thành phần thứ ba của chính phủ ba thành phần (trong thành phần thứ ba thì không biết sẽ chọn lựa như thế nào!) nhưng ông Nhã bảo rằng ông chẳng thiết tha gì với đề nghị này. Không rõ chuyện kể của Berman thật hư thế nào. Có lẽ đây chỉ là một đề nghị nhằm hứa hẹn với Nhã một bảo đảm chính trị nào đó khi không còn ông còn ông Thiệu ở bên cạnh, thế thôi!

Nhưng thật khó để tin rằng Hiệp định Paris làm ra sẽ được thực thi. Kinh nghiệm của Hiệp định Genève vẫn còn đó. Hà Nội dư biết Washington nhắm gì ở hiệp định. Mỹ tìm một lý do chính đáng và danh dự để rút quân khỏi cuộc chiến mà họ đang sa lầy. Còn sau đó chuyện gì sẽ xảy ở đất nước đau khổ này là điều không quan trọng, kể cả số phận của những người gọi là đồng minh của họ.

Để thấy rõ hơn tình hình chính trị ở miền Nam một năm sau Hiệp định Paris được ký kết, có thể tham khảo một đoạn bài nói chuyện của ông Dương Văn Minh, nhân kỷ niệm một năm Hiệp định này, được đọc ở buổi họp mặt Tất niên Quý Sửu (ngày 16-1-1974) tại Đinh Hoa Lan như sau:

‘‘Năm ngoái, cũng ngày 24 tháng Chạp âm lịch này, chúng ta đã đón nhận với nhau hi vọng bản Hiệp định Parls như là một căn bản thực tế để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình.

‘‘…Nhưng trong năm qua, tiếng súng chưa im một ngày nào.

“Và hôm nay trước thềm năm Giáp Dần, thay vì được ăn cái Tết thanh bình đầu tiên sau gần 30 năm khói lửa, nhân dân miền Nam lại phải vừa gánh chịu một cuộc chiến tranh kéo dài, vừa đương đầu với những khó khăn cơ cực do sự suy sụp trầm trọng của nền kinh tế bấy lâu nay chỉ biết bám vào ngoại viện để cung phụng chiến tranh”.

Như thế sau một năm ký kết Hiệp định Paris, tình hình chưa có gì sáng sủa, những gì diễn ra sắp tới vẫn còn rất mù mờ, nhưng tôi chắc rằng dù bất cứ một đổi thay nào cũng tốt hơn hiện tại. Hiện tại của miền Nam Việt Nam không có cách nào khác là phải phá đổ. Nhóm ông Minh hoạt động tích cực cho mục tiêu này. Để cô lập chính quyền Thiệu, nhóm ông Minh ít ra phải giành được hậu thuẫn của hai lực lượng tiến bộ và có uy tín tôn giáo trong Phật giáo và Công giáo.

Về phía Công giáo, một trong những nhân vật tiêu biểu, luật sư Nguyễn Văn Huyền, chủ tịch Thượng nghị viện, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Minh và cũng đã có những cuộc vận động với Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình.

Với Phật giáo, ngoài sự tham gia ngay trong nhóm ông Minh của luật sư Vũ Văn Mẫu, nghị sĩ quốc hội và là chủ tịch Lực lượng hòa giải dân tộc, nhóm còn tìm cách giành cho được sự tán đồng công khai của thượng tọa Thích Trí Quang, người có ảnh hưởng chính trị lớn nhất trong Phật giáo Ấn Quang. Tôi nhận nhiệm vụ riêng của ông Dương Văn Minh đi liên lạc với thượng tọa Thích Trí Quang, tìm sự ủng hộ của cá nhân thượng tọa và của Phật giáo Ấn Quang. Tôi là người thuận lợi nhất làm việc này vì trước đó tôi đã thiết lập được một quan hệ cá nhân khá tốt với thượng tọa. Theo tôi, lúc ấy ông là một người yêu nước nên không có cơ sở để chấp nhận một số tố cáo của thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đối với thượng tọa Trí Quang khi ông còn là thủ tướng và phải đối đầu với thượng tọa Trí Quang trong biến động năm 1966 tại miền Trung. Trong hồi ký của mình (Buddha's Child - Đứa con cầu tự), tướng Kỳ cho rằng thượng tọa Thích Trí Quang muốn trở thành một kiểu Đức Giáo hoàng của Phật giáo tại Việt Nam và sở dĩ thượng tọa Trí Quang đòi lật đổ Nguyễn Cao Kỳ vì thượng tọa…nắm không được Nguyễn Cao Kỳ trong tay mình. Khi thượng tọa đưa bàn thờ… “xuống đường” để chống chính phủ, và phát động sự nổi dậy của Phật giáo ở miền Trung, đặt người của mình là bác sĩ Nguyễn Văn Mẫn vào chức vụ thị trưởng Đà Nẵng, thì thượng tọa Trí Quang bị tố cáo là hành động theo sự chỉ đạo của cộng sản. Trong hoạt động lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963, thượng tọa Trí Quang cũng đã từng bị tố cáo là một phần tử cộng sản. Nhưng sự kiện xảy ra tại chùa Xá Lợi đêm 21-8-1963 đã làm đảo lộn sự đánh giá về thượng tọa Trí Quang trước đó.

Trong cuộc tranh đấu của Phật giáo chống chế độ Diệm, chùa Xá Lợi được chọn làm “tổng hành dinh” của Phật giáo. Thượng tọa Trí Quang chỉ huy cuộc đấu tranh từ đây. Tại chùa Xá Lợi luôn có hàng ngàn nhà sư, ni cô, sinh viên đấu tranh và cả dân thường ở đó ngày đêm. Đêm 21-8-1963, Ngô Đình Nhu ra lệnh tấn công chùa Xá Lợi. Rất nhiều người bị bắt, bị thương, bị mất tích và cả bị giết chết trong cuộc đàn áp. Nhưng Ngô Đình Nhu không đạt được mục đích chính của mình là bắt thượng tọa Trí Quang: ông đã biến mất vào phút chót. Sau đó báo chí Mỹ mới khám phá ra rằng thượng tọa Trí Quang đã vào “tị nạn chính trị” trong Đại sứ quán Mỹ. Sự kiện này đã gián tiếp đính chính thượng tọa Trí Quang không phải là cộng sản. Và sau đó lại có lời đồn rằng thượng tọa Trí Quang là người của... CIA!

Các tài liệu về Việt Nam chưa bao giờ nói rõ gốc tích của vị thượng tọa này. Theo nhà báo Mỹ Stanley Karnow, Thích Trí Quang từng bị người Pháp bắt giam vì tội làm cộng sản trước 1954 khi ông còn là một thanh niên. Đi tu, ông được đưa đi học ở Tích Lan (Ceylon) và sau đó trở về đi thuyết pháp khắp Việt Nam. Thượng tọa Trí Quang có mặt tại Huế từ tháng 5-1963 và trở thành người lãnh đạo cuộc đấu tranh của Phật giáo nhằm lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Theo lệnh của Washington, đại sứ Mỹ Frederick Nolting khuyên ông Diệm nên hoa giải với thượng tọa Trí Quang, nhưng ông Diệm từ chối, cho rằng biến động ở Huế có bàn tay cộng sản nhúng vào. Nhưng sau đó trong cuộc phản công của bà Ngô Đình Nhu ngày 7-6-1963, bà lại tố cáo Phật giáo đấu tranh có sự giật dây của người Mỹ ở phía sau. Gián tiếp bà tố cáo thượng tọa Trí Quang là người của Mỹ.

Khi thì bị coi là người của cộng sản, khi thì bị nghi ngờ làm việc cho CIA, thật sự Thích Trí Quang là người của ai? Lúc đó tôi không có đủ điều kiện trả lời câu hỏi này, nhưng với tôi, thượng tọa Trí Quang trước hết là một nhà tu yêu nước.

Sự liên kết chính thức giữa tướng Minh và thượng tọa Trí Quang diễn ra trong năm 1974. Khi tôi đặt thẳng vấn đề ông Dương Văn Minh mong muốn có sự ủng hộ công khai của thượng tọa trong một chủ trương đấu tranh cho hòa bình, hòa giải hòa hợp dân tộc và trước hết là thay đổi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, thì thượng tọa Trí Quang trầm ngâm một lúc. Sau đó thượng tọa chậm rãi nói: “Ông Minh không phải là một người làm chính trị sắc bén. Nhưng ông là người cần thiết lúc này, trao cho ông ngọn cờ tập hợp cũng được”. Cách nói của thượng tọa Trí Quang cho thấy việc chọn lựa ông Minh cầm ngọn cờ tập hợp để góp phần cùng lật đổ chính phủ Thiệu chưa phải là hoàn toàn ưng ý mà là một giải pháp thay thế, một chọn lựa tương đối tốt nhất bấy giờ. Tôi đề nghị tiếp: Ông Dương Văn Minh sẽ chính thức đến thăm thượng tọa tại chùa Ấn Quang và sau đó thượng tọa đến Đinh Hoa Lan thăm xã giao trở lại ông Minh, như thế sự liên kết được chính thức hóa và công khai hóa. Sau mỗi cuộc gặp, sẽ có mặt thông cáo báo chí được cả ông Minh và thượng tọa thông qua.

Dĩ nhiên cuộc viếng thăm thượng tọa Trí Quang của ông Minh tại chùa Ấn Quang với sự có mặt của báo chí và truyền hình nước ngoài là một sự kiện bất ngờ và gây tiếng vang. Mọi người dự đoán chính trường Sài Gòn sắp có một chuyển động lớn. Qua hôm sau trung tướng Dương Văn Minh tiếp thượng tọa Trí Quang tại Dinh Hoa Lan của mình. Báo chí cũng được báo tin vào giờ chót sự kiện này.

Cả hai người đều rất hài lòng về các cuộc tiếp xúc này, và họ tỏ ra rất tương kính nhau. Trước đây ông Minh chưa hề gặp và nói chuyện với thượng tọa Trí Quang. Qua hai lần tiếp xúc đầu tiên, ông Minh dành nhiều cảm tình và sự kính trọng cho bậc cao tăng này. Sự kiện thượng tọa Trí Quang đến Dinh Hoa Lan rõ ràng làm tăng thế chính trị của ông Minh.

Đúng theo yêu cầu của thượng tọa Trí Quang, hai thông cáo báo chí do tôi thảo đều được đưa cho thượng tọa xem trước và tự tay thượng tọa chỉnh lại những câu chữ theo ý ông. Dù biết rất rõ Đinh Hoa Lan đã trở thành trung tâm hoạt động nhằm lật đổ mình, nhưng ông Thiệu và tay chân vẫn không làm gì để vô hiệu hóa trung tâm này. Ông Thiệu có thể tố cáo Dinh Hoa Lan chứa chấp nhiều phần tử đang bị chính quyền truy nã và có thể xin lệnh tòa án lúc soát Dinh Hoa Lan để làm “bể mặt” ông Minh. Nhưng ông chẳng làm gì hết. Tại sao? Sự im lặng của ông Thiệu có thể được giải thích: ông Minh là tướng lãnh đàn anh của ông Thiệu dù gì ông vẫn phải nhân nhượng; mặt khác “tấn công” vào Dinh Hoa Lan là một xì căng đan chính trị hoàn toàn bất lợi chơ ông. Ông Thiệu biết rằng “đụng” vào Dinh Hoa Lan sẽ không được tòa đại sứ Mỹ tán đồng và làm bùng nổ sự chống đối ông mạnh mẽ hơn.

Nhưng có một nguyên nhân lớn khiến cho chính quyền Thiệu tê liệt từ cuối năm 1974. Do sức ép từ nhiều phía, Mỹ tìm cách rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam. Tổng thống Mỹ Gerald Ford cố gắng vận động quốc hội Mỹ tiếp tục viện trợ cho chính quyền Thiệu để tránh sự suy sụp của Sài Gòn sau khi quân đội Mỹ rút. Ngoại trưởng Kissinger vẫn thấy mình có một trách nhiệm tinh thần hỗ trợ chính quyền Sài Gòn sau khi ký Hiệp định Paris. Lới hứa của Nixon được chuyển qua Ford. Tình hình viện trợ quân sự của Washington dành cho miền Nam từ sau ký Hiệp định Paris cứ bị cắt 50% từng năm. Từ 2,1 tỷ đô la năm 1973, còn 1,4 tỷ đô la năm 1974 và qua năm 1975 chỉ còn 700 triệu. Trước khi từ chức, tổng thống Nixon yêu cầu con số l,4 tỷ đô la cho năm 1975. Ủy ban quốc phòng của Thượng viện Mỹ, đứng đầu là nghị sĩ bảo thủ John Stennis, cắt xuống còn 1 tỷ, sau đó ủy ban phân bổ ngân sách Thượng viện do nghị sĩ bảo thủ John McClellan làm chủ tịch, cắt thêm 300 triệu đô la. Trong khi đó viện trợ kinh tế từ 650 triệu đô la bị giảm xuống còn 250 triệu đô la. Ảnh hưởng của các sự cắt giảm này trong thực tế còn lớn hơn vì giá dầu tăng và tình hình lạm phát. Trong hồi ký của mình, Henry Kissinger kể rằng ngay ở ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ tổng thống, ông Ford đã tiếp đại sứ Trần Kim Phượng (thay Bùi Diễm) của chính phủ Sài Gòn để chính thức hứa với ông Phượng rằng ông quyết tâm bảo đảm sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn và cố gắng tăng viện trợ. Nhưng thực tế sau đó cho thấy Ford hoàn toàn bất lực.

Ngày 12-9-1974, Kissinger gửi cho tổng thống Gerald Ford một “memorandum” (bản ghi nhớ) mô tả những gì sẽ xảy ra nếu duy trì viện trợ quân sự ở mức 700 triệu đô la:
  • Ngân sách không đủ để thay những trang thiết bị bị hư hỏng hoặc mất.
  • Sẽ giảm 50% việc sử dụng các máy bay chiến đấu.
  • Giảm 30% các tàu hoạt động trên biển và 82% trên sông.
  • Tiếp tế về y tế hoàn toàn cạn vào cuối tháng 5-1975.
  • Xăng dầu dùng cho các lực lượng dưới đất cũng cạn cuối tháng 4-1975.
  • Cuối năm tài chính 1975, quân đội chỉ còn một phần tư dự trữ đạn dược để đối phó với các tấn công lớn của cộng sản.
  • Các máy bay trên mặt đất và trang thiết bị dưới đất sẽ bị xuống cấp và hư hỏng nhanh chóng.

Theo tài liệu của Mỹ, cho đến tháng 9-1974, thiệt hại người của quân đội Sài Gòn tăng theo tỷ lệ nghịch với sự cắt giảm viện trợ. Quân đội Sài Gòn phải sử dụng đạn dược tiết kiệm. Đạn đại bác bắn được tính tổng viên. Sự hạn chế đạn dược tác động trực tiếp vào tinh thần binh lính VNCH. Từ khi ký Hiệp định Paris, quân đội Sài Gòn thiệt hại 26.000 quân.

Ngày 7-1-1975 thị xã Phước Bình thuộc định Phước Long bị chiếm. Lần đầu tiên chế độ Sài Gòn mất một tỉnh lỵ và không hề tái chiếm. Theo Kissinger, trận Phước Bình là một trắc nghiệm của Hà Nội về phản ứng của người Mỹ. “Nếu Hoa Kỳ phản ứng, vẫn còn hy vọng Hà Nội lùi bước” – Kissinger ghi như thế trong quyển Hồi ký Ending the Vletnam War của ông. Bộ quốc phòng Mỹ có đưa ra một loạt khả năng phản ứng để cho đối phương thấy quyết tâm của Washington không bỏ rơi miền Nam:
  • Tăng cường các hoạt động do thám trên không phận Bắc Việt.
  • Đưa tàu sân bay Enterprise đang hướng tới Ấn Độ Dương từ Vịnh Subic chuyển sang vịnh Bắc Việt.
  • Đưa chiến đấu cơ F-4 trở lại Phillipines và Thái Lan; đưa B-52 từ Mỹ đến Guam.

Kissinger tán đồng các biện pháp này, tổng thống Ford cũng thế. Nhưng dưới áp lực của quốc hội giờ đây thuộc ảnh hưởng McGovern (cựu đối thủ của Nixon đã từng bị ông Thiệu chỉ trích ác liệt) và báo chí, sự tiếp cứu miền Nam bất thành.Cuối cùng trong danh sách các biện pháp phản ứng này, Mỹ chỉ làm được mỗi việc là tăng các chuyến bay do thám. Nhưng như dự đoán trước, Hà Nội phản đối các chuyến bay này coi như một vi phạm Hiệp định Paris. Thế là Lầu Năm Góc có lý do để phủi tay với phần còn lại của kế hoạch phản ứng. Kế hoạch đưa tàu sân bay Enterprise vào Vịnh Bắc Việt không thành. Tàu Enterprise rời Vịnh Subic trực chỉ Ấn Độ Dương.

Bình luận về thái độ bất hợp tác của quốc hội Mỹ trong nỗ lực bổ sung viện trợ quân sự cho miền Nam, Kissinger viết trong Ending the War như sau: “...Washington nhất quyết từ chối viện trợ cho một đồng minh đang bị kê dao vào cuống họng”.

Trong hoàn cảnh biết trước là gần như tuyệt vọng, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã gửi hai bức thư đề ngày 24 và 25-1-1975 cầu cứu tổng thống Ford. Ông Thiệu nhắc lại với tổng thống Ford những lời hứa đảm bảo của Mỹ tiếp tục viện trợ cho miền Nam để thuyết phục ông Thiệu ký Hiệp định Paris trước đây.

Đúng là một bi kịch cho ông Thiệu. Trong lịch sử đất nước không hiếm trường hợp dựa vào những thế lực ngoại bang đã lãnh một kết thúc nhục nhã. Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh 30 năm về trước đã tự treo cổ tìm cái chết để phản đối thực dân Pháp đã đẩy mình vào chỗ bất lực trong vai trò được giao phó. Sau khi tái chiếm Nam Kỳ, Pháp đã mời bác sĩ Thinh làm thủ tướng chínhh phủ lâm thời Nam Kỳ. Theo tướng Trần Văn Đôn sau này kể lại, thủ tướng Thinh luôn đòi quyền tự trị với chính phủ Pháp nhưng chẳng những không thành mà còn bị người Pháp gây áp lực nặng nề, biến ông thành một bù nhìn. Chỉ ít tháng làm thủ tướng, bác sĩ Thinh treo cổ tại phòng làm việc của mình. Người ta tìm thấy trên bàn ngay dưới chỗ ông treo cổ một cuốn sách mở ra ở trang nói về cách chết treo cổ và làm sao cứu người treo cổ!

Ông Thiệu không hành động như bác sĩ Thinh dù nỗi nhục của ông trước sự phản bội của người Mỹ còn nặng nề hơn nỗi nhục của bác sĩ Thinh. Bốn năm trước ông Thiệu nghe lời đường mật của Nixon phá vỡ nỗ lực hòa đàm của chính phủ Johnson với hi vọng Nixon lên làm tổng thống, ông sẽ có một bảo đảm tốt hơn cho sinh mệnh chính trị của mình. Nào dè ông đã phải chịu một nỗi nhục ê chề hơn gấp bội. Bị Nixon và Kissinger thúc bách và ra tối hậu thư buộc phải ký một Hiệp định mà mình biết không gì khác hơn là sự kết thúc quyền lực của chính mình, ông Thiệu chỉ biểu lộ sự uất ức của mình bằng cách hét lên: “Tôi muốn đấm vào mồm của Kissinger!”. Nhưng cần biết thêm khi ông Thiệu hét như thế thì trong phòng làm việc của ông chỉ có một người duy nhất chứng kiến: đó là Hoàng Đức Nhã. Sau 1975, ông Nhã đã kể lại chuyện này với nhà báo Mỹ Larry Berman. Nhà báo Pháp Olivier Todd trong quyển “Cruel April- the Fall of Saigon” (Tháng Tư tàn nhẫn - sự sụp đổ của Sài Gòn) còn kể rằng ông Thiệu bực tức vì bị áp lực ký Hiệp định Paris đã chửi Kissinger là “the bastard”. Olivier Todd còn chú thêm tiếng Việt bên cạnh: “thằng chó đẻ”!

Nguyễn Văn Thiệu không hành động như bác sĩ Thinh nhưng cũng không để mình rơi vào bi kịch của hai anh em Ngô Đình Diệm mà ông đã từng là một trong những người đứng đầu cuộc chính biến ngày 1-11-1963. Ông Thiệu không để người ta lật đổ mình, mà tự rút lui khi thấy chiếc ghế tổng thống của mình không còn cứu vãn được nữa. Ông “chuồn” trước sang Đài Loan (cùng tướng Trần Thiện Khiêm), mang theo một tài sản khổng lồ, bỏ lại đằng sau các đồng đội của ông, mặc kệ cho số phận của họ ra sao!

Sau khi mất Phước Long (6-1-1975) Nguyễn Văn Thiệu đã thấy rõ Washington bắt đầu “buông” miền Nam và cá nhân mình, ông xuống tinh thần thấy rõ. Bây giờ ông có hai kẻ thù chứ không là một, thậm chí kẻ thù Mỹ được đặt lên trên cộng sản.

Sau Hiệp định Paris, tổng thống Thiệu có cho dự thảo một kế hoạch khẩn cấp (emergency plan) “để đối phó khi Mỹ rút các đơn vị chiến đấu và các lực lượng Bắc Việt làm chủ chiến trường”. Ý định của ông Thiệu là bỏ hai vùng quân sự nằm sát với miền Bắc và tập trung lực lượng phòng thủ thật dày chung quanh Sài Gòn, bảo vệ trung tâm kinh tế, hành chính của chính quyền Sài Gòn và phía sau là Đồng bằng sông Cửu Long giàu lúa gạo. Ý đồ này, vào cuối tháng 4-1975, sau khi Thiệu đã bỏ chạy, tướng Kỳ cũng có trong đầu mình. Ngoài ra còn có kế hoạch khẩn cấp khác do một tướng người Úc -Ted Sarong - đề xuất. Ted Sarong tự động đến Sài Gòn, không được mời, tự xưng là cố vấn quân sự của ông Thiệu. Kế hoạch của Ted Sarong phân chia miền Nam ra làm nhiều vùng dễ phòng thủ hơn nhưng bị coi là không lô gích, và không thể áp dụng, vì khi quân đội đối phương tấn công, họ luôn tập trung lực lượng đông hơn bất cứ một điểm phòng thủ nào của quân Sài Gòn. Khi bị phân tán là một vùng phòng thủ rộng lớn lại không có đủ lực lượng dự trữ.

...Tại Sài Gòn, các hoạt động chống Thiệu ngày càng gia tăng. Tết Ất Mão, các dân biểu và nghị sĩ đối lập không ăn Tết tại nhà. Tối 30 và ngày mùng một, họ tổ chức “đêm không ngủ” và tuyệt thực ngay tại tiền đình Hạ viện, đòi tổng thống Thiệu tổ chức. Dĩ nhiên tôi cũng có mặt trong cuộc tuyệt thực này. Sáng mùng một, tướng Dương Văn Minh đích thân đến Hạ viện thăm anh em đang tuyệt thực. Đây là lần đầu tiên ông Minh rời khỏi Dinh Hoa Lan để tham gia một hoạt động của phe đối lập. Cần nói thêm trong đêm 30, các dân biểu, nghị sĩ đã tổ chức công khai đốt hình ông Thiệu (là tấm ảnh chính thức thường được treo trong các công sở). Mỗi người cầm một cây đuốc và tự tay đốt hình. Nhiều người cùng làm việc đó, nhưng không hiểu sao tuần báo Mỹ Newsweek chỉ đăng mỗi ảnh tôi đang châm lửa vào bức ảnh tổng thống Thiệu. Nếu tổng thống Thiệu quyết tâm đưa tôi ra tòa thì bức ảnh đó quá đủ để dùng làm chứng cớ. Nhưng giữa thời điểm ông Thiệu kết tội phản quốc với dân biểu Phạm Thế Trúc vì đốt hình nộm của ông tại Tokyo (1966) và thời điểm hiện tại khi hàng chục dân biểu, nghị sĩ đồng loạt đốt hình ông ngay tại trung tâm Sài Gòn thì thế và lực của ông Thiệu đã hoàn toàn khác.

Phải thấy thêm rằng sự kiện những nhà lập pháp đốt hình tổng thống là hết sức nghiêm trọng, đây không còn là một hoạt động đối lập hợp pháp (opposition légale) mà là sự dứt khoát chối bỏ quyền lực của tổng thống, tự đặt mình ra ngoài chế độ do ông Thiệu cầm quyền.

Ông Thiệu đón cái Tết Ất Mão mà lòng không yên bởi luôn ám ảnh về cái Tết Con Mèo từng là tai họa đối với ông Ngô Đình Diệm 12 năm về trước. Ông Diệm tuổi con chuột đã bị con mèo Quý Mão “xơi”, liệu con chuột Nguyên Văn Thiệu (ông Thiệu cũng tuổi Tý) có thoát khỏi con mèo Ất Mão? Dân Sài Gòn Tết năm 1975 bàn râm ran chuyện con chuột Nguyễn Văn Thiệu và con mèo Ất Mão. Ông Thiệu là người mê tín nên không khỏi âu lo trước những lời bàn tán loại này. Mùng một Tết, ông Thiệu cố tình chọn một nhân vật có tuổi hợp tử vi của ông để xông đất... dinh Độc Lập. Ông thầy bói tên Chiêm rất được ông Thiệu tin cậy, hình như đã chọn tướng Đặng Văn Quang để làm người xông đất cho ông Thiệu. Người ta cũng kể chính vì tin thầy bói Chiêm, mà ông Thiệu cho xây hồ Con Rùa ở ngã tư Trần Cao Vân - Phạm Ngọc Thạch hiện nay. Xưa kia thời Pháp tại đây có một bức tượng to được gọi là Monument des morts inconnus (Chiến sĩ vô danh). Bức tượng là một người lính Pháp ngồi ôm cây súng “mousqueton” (một loại súng trường) trông rất buồn. Sau năm 1963, thời tướng Nguyễn Khánh nắm quyền ở Sài Gòn, có lẽ để lấy cảm tình người Mỹ, Nguyễn Khánh đã tổ chức biểu tình và phá đổ tướng này. Tiếp theo là hàng loạt biến động chính trị, từ vụ đảo chính này đến vụ đảo chính khác. Người ta cho rằng chính vì làm “động” tượng đài này mà Sài Gòn…không yên.

Người Sài Gòn trước 1975 đặt tên Dinh Độc Lập là Phủ Đầu Rồng. Đầu rồng nằm ở đây, còn đuôi rồng ở đâu? Mình chạy ngoằn ngoèo qua các đường Công Lý, (hiện là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) xuống tận bến Bạch Đằng, vòng trở lên đường Tự Do (hiện là Đồng Khởi), đến đường Duy Tân (hiện là Phạm Ngọc Thạch), cuối cùng - theo các ông thầy địa lý của ông Thiệu - thì cái đuôi rồng nằm ngay tại công viên có “Chiến sĩ vô danh” của Pháp bị phá đổ. Ông thầy Chiêm cố vấn ông Thiệu phải “ếm” cái đuôi rồng, không cho nó cựa quậy bằng cách xây tại đây một hồ… con rùa.

Những người gần gũi với Phủ Đầu Rồng còn kể rằng lúc đầu cột cờ ở Dinh Độc Lập đặt dưới đất trong khuôn viên, giữa đài phun nước và tiền sảnh của dinh, chứ không phải chót vót trên sân thượng của dinh. Nhưng một đêm thầy bói Chiêm đứng trên đường Thống Nhất (nay đường Lê Duẩn) nhìn thẳng vào dinh thấy cảnh tượng như một chiếc tàu khổng lồ đang bị cháy. Khói bốc lên là màu trắng xóa của nước phun cao, còn lửa là lá cờ vàng ba sọc đỏ trên cột cờ. Hôm sau thầy bói Chiêm đề nghị với tổng thống Thiệu nên hạ cột cờ xuống và treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Nếu không có sự thay đổi này thì ngày 30-4- 1975, trung tá Bùi Quang Thận không cần vào thang máy để lên tận sân thượng mới hạ được lá cờ vàng ba sọc đỏ và kéo lên lá cờ cách mạng.

Những chuyện đồn đại như thế về sự mê tín của ông Thiệu không thể phối kiểm được chuyện nào là thật, chuyện nào là đặt thêm. Nhưng có một sự trùng hợp thực tế: con mèo Quý Mão thì xơi “con chuột” Ngô Đình Diệm, còn con mèo Ất Mão đã hất “con chuột” Nguyễn Văn Thiệu văng khỏi cái ghế tổng thống.


20. Người của mặt trận

Trong suốt thời kỳ hoạt động của tôi trước 1975, tôi không có một cuộc tiếp xúc chính thức nào với người của MTDTGPMN. Tôi chỉ được biết ai, trong số những người có quan hệ với mình là cán bộ cộng sản sau ngày 30-4-1975. Còn trước đó tôi chỉ đoán mò như trường hợp nhà báo Nguyễn Vạn Hồng (tức nhà thơ Cung Văn), vì anh đã đọc cho tôi nghe tác phẩm “Thăm lúa” của nhà thơ Trần Hữu Thung và nói bài thơ này đoạt giải thưởng ở Vácxava (Ba Lan). Anh Hồng vô tình để lộ tông tích của mình hay đây là sự cố tình vì đã đánh giá được thái độ chính trị của tôi? Sau 1975 tôi cũng quên hỏi anh về chuyện này. Nhưng có một người từ đầu năm 1975 đã để lộ mình là người của Mặt Trận. Tuy không nói thẳng ra “tôi là người của Mặt Trận”, nhưng cái cách anh Huỳnh Bá Thành bày tỏ quan điểm chính trị của mình, đặc biệt đối với Hiệp định Paris cùng những gợi ý về phương pháp đấu tranh chống Thiệu, rồi sau cùng là những tuyên truyền trực tiếp về chính sách của MTDTGPMN đối với trí thức... khiến cho tôi không thể kết luận khác hơn: Anh là người của Mặt Trận. Tôi chỉ nói riêng với vợ tôi về sự nhận định này. Khi anh Huỳnh Bá Thành nói về Hiệp định Paris, anh nói rất bài bản và sâu sắc. Sau khi quân đội Sài Gòn mất Phước Long, Thành càng thể hiện không còn dè dặt với tôi. Số người ra đi chính thức mỗi lúc một nhiều hơn do tình hình bất ổn và có lẽ Thành ngại tôi cũng sẽ ra đi chăng? Có những hôm, Thành bỏ ra cả buổi để nói chuyện với tôi về... chính sách của Mặt Trận đối với những người trí thức. Trường hợp trí thức tiêu biểu đi theo Cách mạng gần nhất mà anh kể ra để thuyết phục tôi là luật sư Trịnh Đình Thảo. Anh kể rằng luật sư Thảo quen ăn bánh mì hơn là cơm. Trong rừng, anh em biết ý của bác Thảo, cố gắng làm bánh mì để phục vụ cho bác. Thành cố gắng tạo sự yên tâm cho tôi về thái độ của Mặt Trận đối với những người trí thức. Thật sự lúc đó tôi chỉ quan tâm những chuyện kể của họa sĩ Ớt để xác định anh là ai, hơn là am hiểu các chủ trương của Mặt Trận. Thực tâm mà nói tôi không tìm kiếm ở những chuyện kể của anh Thành một bảo đảm chính trị hay an toàn cá nhân cho mình sau này. Vả lại tôi không nghĩ mối quan hệ giữa tôi và Thành là sự móc nối chính thức. Chưa bao giờ Huỳnh Bá Thành đặt thẳng vấn đề... “làm việc cho Mặt Trận” với tôi. Có anh Thành hay không có anh Thành, tôi vẫn chọn lập trường chính trị mà tôi đã chọn. Trước khi họa sĩ Ớt để lộ anh là người của Mặt Trận, tôi đã dấn thân vào con đường chính trị của mình.

Nhưng điều không thể chối cãi là từ khi có những cuộc trao đổi với Thành, tôi cảm thấy mình bớt cô đơn hơn. Tôi là người chẳng bao giờ dư dả tiền bạc. Những tháng cuối cùng trước 30-4-1975, tôi gặp khó khăn thật sự. Tiền điện không đóng đúng kỳ hạn thường bị Nhà Đèn đến cắt. Một hôm Huỳnh Bá Thành mang một số tiền khá lớn trao cho tôi bảo rằng của mẹ anh. Anh muốn giúp tôi trả mấy tháng tiền điện chưa thanh toán và cả tiền thuê bao điện thoại. Sau này, nhắc chuyện cũ, Thành cười cười nói với tôi “Không phải tiền của mình đâu”. Anh chỉ nói thế, tôi muốn hiểu sao cứ hiểu.

Cho đến cái xe DS 21 của tôi đưa vào garage Citroen sửa và sơn lại, cũng không có tiền lấy ra. Lúc này vợ tôi làm ăn thất bại, nợ nần nhiều nơi, phụ cấp dân biểu khá lớn nhưng vẫn không đủ xoay trở. Thấy mỗi sáng tôi đi họp hành bằng taxi tốn kém và nguy hiểm, Huỳnh Bá Thành đề nghị mỗi ngày anh đến đưa tôi đi bằng chiếc ô tô LaDalat của anh và do anh tự lái. Thế là mỗi sáng Thành đều đến đưa tôi vào Dinh Hoa Lan. Trong khi tôi vào bên trong họp thì Thành ở bên ngoài, anh ghé vào căn nhà trước cổng dùng làm văn phòng thường trực, nơi khách muốn gặp ông Minh phải liên hệ trước tại đây. Nơi đây cũng lo việc in ấn các tài liệu của nhóm ông Minh. Huỳnh Bá Thành dùng thời gian chờ tôi để tìm hiểu các hoạt động của nhóm ông Minh và khi có tài liệu quan trọng được quay roneo thì Thành cũng kín đáo lấy một bản. Chuyện đó không khó lắm vì người phụ trách văn phòng này là cựu dân biểu Dương Văn Ba, còn người lo khâu quay roneo là Triệu Bình, em ruột của nhà báo Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng, đều rất thân thiết với Thành.

Sau khi mất Phước Long và tình hình quân sự, chính trị càng trở nên căng thẳng, để phòng ngừa các biến động, tướng Nguyễn Khắc Bình, chỉ huy trung ương tình báo, đã tiến hành bắt giữ tất cả các những người có liên lạc với cộng sản mà trước đây Trung ương tình báo biết rõ nhưng vẫn... “để đó”. Hàng loạt nhà báo như Kiên Giang - Hà Huy Hà, Tô Nguyệt, Văn Mại, Quốc Phượng, Sơn Nam, v.v... và các “phần tử chống Thiệu” ngoài Quốc hội như linh mục Nguyễn Ngọc Lan, kỹ sư Châu Tâm Luân…đều bị bắt trong một ngày: Nhưng riêng Huỳnh Bá Thành không sao cả, dù rằng anh là loại nhà báo chống Thiệu nằm trong danh sách đen. Điều này khiến nhiều người đặt dấu hỏi. Riêng anh Hồ Ngọc Nhuận nghi rằng Thành làm việc cho Trung ương tình báo (TƯTB) của Nguyễn Khắc Bình. Anh đề nghị không cho Thành vào phòng thường trực của Dinh Hoa Lan nữa. Do đó có mấy hôm Thành phải ngồi ngoài xe chờ tôi. Tôi cũng không biết tại sao cuộc bố ráp của (TƯTB) lại để lọt lưới Thành. Có lẽ lý do đơn giản là Thành chưa bị lộ. TƯTB chủ yếu bắt các phần tử có hồ sơ liên với cộng sản. Sau này tôi mới biết cha Lan cùng một số trí thức khác như Châu Tâm Luân đã từng ra vùng giải phóng tiếp xúc với Mặt Trận. Các nhà báo như Nguyễn Vạn Hồng, Trương Lộc... dù có quan hệ với Mặt Trận, nhưng không bị lộ cũng không bị bắt trong đợt đó.

Sau này anh Hồ Ngọc Nhuận có kể lại: có lần anh Nhuận nghe họa sĩ Ớt bị cảnh sát bao vây trước rạp Olympic trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) đúng khi anh đang lái xe đi ngang qua. Cảnh sát bao vây khá lâu nhưng không bắt, không biết tại sao... “Nghĩ cũng tức cười: sau 30-4-1975 và nhất là sau những gì anh viết, anh kể, ai cũng biết Ớt là một cán bộ chl huy điệp vụ cách mạng, mà tôi lại nghi anh là công an chế độ cũ! Và khi anh nói anh đi về quê thì chắc là để đi đến một nơi bí mật nào đó mà tôi cứ theo cản…”

Có một vài bài báo viết sau ngày 30-4-1975 cho rằng anh Huỳnh Bá Thành đã vận động trực tiếp tướng Dương Văn Minh “đầu hàng”. Tôi không biết các tác giả này căn cứ và đâu nhưng là người cận kề ông Minh cho đến ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ, tôi biết Thành không có cuộc gặp gỡ nào trực tiếp với ông Minh để “vận động ông Minh đầu hàng”. Anh Dương Văn Ba là người 24/24 giờ có mặt tại Dinh Hoa Lan và là người từng để Thành đến lánh nạn tạm ở chỗ anh cũng xác nhận chưa bao giờ có cuộc tiếp riêng nào mà ông Minh dành cho Huỳnh Bá Thành.

Theo nhận xét của riêng tôi, dù Huỳnh Bá Thành không vận động trực tiếp ông Dương Văn Minh đầu hàng, điều đó cũng không thay đổi bao nhiêu những đóng góp cho cách mạng về nhiều mặt của anh trước 1975. Tôi không có tư cách để đánh giá các mặt công tác của anh cho Mặt Trận nhưng với những gì Thành làm được trên báo chí công khai và những ảnh hưởng của anh với những người đối lập hướng về Mặt Trận thì rõ ràng rất lớn. Cây cọ biếm họa Ớt trước năm 1975 chống Thiệu và chống Mỹ công khai - dứt khoát sẽ được đặt vào một vị trí xứng đáng trong lịch sử báo chí Việt Nam. Sau 30-4-1975, các tranh biếm họa của Ớt, cũng được tập hợp in lại và thỉnh thoảng nhắc lại nhưng thật sự vẫn chưa có một nghiên cứu, đánh giá đúng mức về giá trị báo chí và các tác động chính trị - xã hội sâu sắc mà các bức tranh đã tạo ra khi chúng xuất hiện trước 1975. Mỗi tranh của Ớt là một bài xã luận nặng ký chống Mỹ, chống chính quyền. Còn trong cách Thành vận động tôi “hãy tin vào Mặt Trận”, và thời điểm chưa có gì bảo đảm “Miền Nam được giải phóng”, tôi đã nhận ở anh sự chân thành và đoan quyết của mặt người hết lòng vì lý tưởng. Trước 1975, Thành là người duy nhất bắt nhịp cầu không chính thức giữa tôi và “cái bờ bên kia vừa xa vừa lạ”. Một hôm sau khi nghe Thành tuyên truyền về chính sách của Mặt Trận đối với giới trí thức, tôi nói với anh: “Mình chỉ có mỗi một ao ước là được thấy đất nước hòa bình, thống nhất. Lúc đó mình được làm một công dân bình thường, có một công việc gì đó trong khu phố của mình là hạnh phúc rồi”. Đến bây giờ nhớ lại câu nói đó với Thành, tôi tưởng như nó vừa được nói hôm qua.

Khi đến nhà tôi, thỉnh thoảng Thành nói chuyện với Nguyễn Hữu Thái đang trốn lệnh truy nã của chính quyền Thiệu được tôi che giấu trên lầu ba. Thành cũng bàn việc gì đó với nhà báo Trương Lộc. Phía sau nhà Trương Lộc và phía sau nhà tôi liền nhau. Tôi biết cả ba là người tốt nên không hề tìm hiểu họ bàn với nhau chuyện gì. Vợ tôi làm mai cho Trương Lộc lấy vợ là cô con gái của một gia đình nhà giáo hiền lành và thân thiết với chúng tôi. Với gia đình Thành, chúng tôi cũng có quan hệ tốt. Tôi biết vợ Thành khi hai người mới lấy nhau (trước năm 1975). Gia đình chị Thành ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Khi tổ chức đám cưới và rước dâu, anh Thành xuống Mỹ Tho bằng chiếc xe ĐS 21 của tôi. Hai vợ chồng tôi cũng có mặt trong ngày vui của vợ chồng Thành.

Trong những ngày căng thẳng gần 30-4-1975, cảnh sát của Thiệu mở nhiều cuộc bắt bớ nhắm vào những người thân cộng hoặc có dính líu với cộng sản, tôi và Trương Lộc đã thiết kế một đường dây báo động mật kéo từ nhà tôi sang nhà Trương Lộc. Nếu có xe cảnh sát nửa đêm đến lúc soát nhà tôi, tôi sẽ giựt giây báo động qua bên nhà Lộc, tức thời Lộc mở cửa để đón Hữu Thái qua nhà Lộc. Còn ngược lại nếu cảnh sát đến xét nhà Trương Lộc thì anh sẽ giật dây báo động, tôi sẽ mở cửa sau để anh tuồn sang nhà tôi. Nhưng may mắn là cho đến ngày 30-4-1975, chúng tôi chưa bao giờ phải sử dụng hệ thống báo động này.

…Những ngày cuối, trước khi quân giải phóng vào Sài Gòn, tôi không gặp Huỳnh Bá Thành. Nhưng chỉ ít ngày sau 30-4-1975, Thành đến nhà tôi. Có lẽ anh lo tôi hoang mang trước sự đổi thay đột ngột. Anh vẫn thế, thân quen và tình cảm. Anh có đề nghị tôi viết một bài báo cho báo Sài Gòn Giải Phóng. Tôi có viết nhưng bài báo không thấy xuất hiện. Tôi coi chuyện ấy bình thường thôi. Sự hòa nhập đòi hỏi phải có thời gian. Nhưng Thành và tôi vẫn giữ tình bạn như xưa cho đến ngày Thành bị nhồi máu cơ tim qua đời giữa lúc anh trở thành người thành đạt trong chế độ mới về nhiều mặt. Trong những năm tháng đất nước còn khó khăn, lúc tôi làm ở báo Tuổi Trẻ, thu nhập chỉ đủ xoay xở tối đa trong nửa tháng, Thành gặp tôi và gợi ý: “Anh nên đưa gia đình đi nghỉ ở Vũng Tàu ít ngày cho thư giãn. Anh cứ sử dụng chiếc xe LaDaLat của tôi. Tôi sẽ đổ xăng đầy đủ cho anh”. Lúc này, Huỳnh Bá Thành đang là phó tổng biên tập báo Công An TP. Hồ Chí Minh. Chiếc xe LaDaLat - một kỷ niệm giữa tôi và Thành! Thành đã từng đưa tôi đi họp mỗi sáng tại Dinh Hoa Lan bằng chiếc xe đó. Tôi không biết Thành có cố tình làm như thế để nhắc với tôi rằng tình bạn giữa hai chúng tôi vẫn như ngày nào? Khi tôi ngồi trên chiếc xe LaDaLat của Thành, tự lái đưa vợ con lần đầu ra Vũng Tàu sau ngày 30-4-1975, tôi nghe lòng mình ấm lên một tình cảm lạ kỳ.

...Tôi đã chứng kiến từ đầu sự vận động của Huỳnh Bá Thành để chuyển tờ tin nội bộ Sở Công An TP. Hồ Chí Minh thành tờ báo Công An phát hành rộng rãi, và sau đó là sự mày mò để tìm ra một công thức và một vị trí phù hợp cho tờ Công An giữa làng báo TP. Hồ Chí Minh và cả nước. Ngành công an xuất bản một tờ báo công khai là điều chưa từng có trước đó. Cho nên khi nó xuất hiện và trở thành một hiện tượng báo chí với số phát hành mỗi ngày một tăng - chỉ một thời gian ngắn là đạt số lượng cao nhất nước - hiện tượng đó không dễ dàng được mọi người đón nhận và đánh giá giống nhau. Đồng thời, bản thân tờ báo khai thác một thể loại quá mới mẻ đối với mặt bằng báo chí, không thể tránh được những sơ hở, va vấp. Thành đã phải đối phó trước sự phê bình và chỉ trích từ nhiều phía. Kể cả từ chính các đồng nghiệp.

…Ngày Thành nằm xuống vì một cơn nhồi máu cơ tim, quan tài anh được quàn tại tòa soạn báo Công An trên đường Nguyễn Du, tôi đã đến viếng anh lần cuối. Tôi viết vào sổ tang: “...bạn ra đi mang theo một phần ký ức của tôi”.

Anh là một nhà báo hết lòng với nghề và là một người trung thành với lý tướng mình đã chọn. Và với tôi, Thành là một người bạn trước sau như một.
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 đ
XI

21. Những ngày cuối cùng của Tổng thống Thiệu

Tháng 3-1975, nhiều người ở Sài Gòn không thể đoán rằng quyết định rút quân ra khỏi Cao Nguyên của tổng thống Thiệu là sự khởi đầu của sự sụp đổ hoàn toàn và mau chóng của cả chế độ.

Với người Mỹ thì từ cuối năm 1974, họ đã ngửi thấy trước viễn cảnh tai họa sẽ xảy đến ở Đông Dương. Kissinger cố gắng vận dụng hoạt động ngoại giao của mình để cứu gỡ tình hình. Tháng 11-1974, Kissinger tháp tùng tổng. thống Ford gặp tổng bí thư Brezhnev tại Vladivostok và sau đó thực hiện một chuyến đi chớp nhoáng đến Bắc Kinh để bàn về số phận của Campuchia. Nhưng ở cả hai nơi Kissinger đều trở về tay trắng.

Tháng 3-1975, tổng thống Ford viết thư cho thủ tướng Thái Lan Khurkrit Pramot trong đó ông cho rằng các sư đoàn chính qui Bắc Việt đang chuẩn bị đánh vào miền Nam, đồng thời khẳng định: “Tôi bảo đảm với ngài, thưa Thủ tướng, rằng Hoa Kỳ vẫn cương quyết cung cấp cho miền Nam những phương tiện để họ có thể chống lại. Chúng tôi muốn giúp các người bạn của chúng tôi.”.

Liền đó, tổng thống Ford quyết định gửi tổng tham mưu trưởng quân đội Fred Weyand đến miền Nam với nhiệm vụ đánh giá tình hình và đưa ra những đề xuất cho thời gian tới. Kết luận của Weyand: Tình hình quân sự đang nguy cấp và có khả năng sự sống sót của miền Nam sẽ là một “quốc gia” bị cắt xén chỉ còn lại các tỉnh ở Nam bộ. Weyand cho rằng Hoa Kỳ có trách nhiệm làm mọi khả năng của mình để cung cấp phương tiện và trang thiết bị giúp cho chính quyền miền Nam bổ sung tiềm lực của mình đối đầu với cuộc tấn công. Theo Weyand, con số viện trợ cần bổ sung là 722 triệu đô la để cứu chính quyền Sài Gòn. Nhưng đa số các nhà lập pháp Mỹ đều từ chối biểu quyết thêm bất cứ một khoản viện trợ bổ sung nào cho miền Nam Việt Nam.

Các nhà báo Mỹ đã phát hiện rằng khi tướng Weyand từ miền Nam Việt Nam trở về phải đến tận California mới gặp được tổng thống Ford để báo cáo. Lúc này tổng thống Ford đang chơi golf ở Palm Springs. Truyền hình Mỹ cho phát hình Ford đang vung tay đánh quả bóng nhỏ rồi liền đó vài giây phát hình những cảnh quân lính Việt Nam Cộng Hòa tháo chạy.

11 ngày sau, Kissinger xuất hiện trước ủy ban quan hệ quốc tế Thượng viện. Nghị sĩ Sparman hỏi “Liệu chúng ta có bất cứ ràng buộc gì đối với Hiệp định Paris?”. Kissinger cho rằng “Hiệp định Paris này không có những ràng buộc mà chỉ có những quyền hạn, thể hiện trong điều 7. Tổng thống Nixon và những người khác thì đánh giá rằng việc cho phép nước Mỹ rút ra tại điều kiện cho Mỹ sớm viện trợ và thúc đầy Hiệp định. Với chính quyền Sài Gòn, nếu họ để cho chúng ta rút các lực lượng ra thì chúng ta sẽ tăng được hy vọng tranh thủ viện trợ cho họ và hiệu lực cho hiệp định. Vấn đề nằm trong bối cảnh như thế, chứ không có một ràng buộc pháp lý nào. Chúng ta chưa bao giờ tuyên bố có sự ràng buộc. Chúng ta chưa bao giờ phản bác sự ràng buộc. Nhưng một số người trong chúng ta nghĩ rằng đó là một ràng buộc về đạo đức...” (Ending The Vietnam War).

Khi khu vực Cao nguyên bắt đầu lung lay, tổng thống Thiệu gửi ngoại trưởng Trần Văn Lắm sang Washington vừa xin viện trợ bổ sung vừa đánh giá thái độ của quốc hội Mỹ đối với miền Nam. Nhưng từ Mỹ, Trần Văn Lắm điện về cho biết rằng không hy vọng quốc hội Mỹ chấp nhận viện trợ bổ sung. Ông Lắm lo ngại rằng khi Hạ viện và Thượng viện họp kín bỏ phiếu ngày 12 và 13-3-1975 sẽ chống lại bất cứ một khoản viện trợ nào cho miền Nam Việt Nam.

Trong hồi ký của mình (Ending The Vietnam War) Henry Kissinger đã viết như sau về quyết định của ông Thiệu rút quân khỏi Cao nguyên: ‘‘Thiệu hiểu rằng, với tiềm lực bị co lại, ông không thể bảo vệ lâu dài toàn bộ lãnh thổ của đẩt nước đang bị bao vây và ra lệnh một cuộc rút quân chiến lược khỏi Cao nguyên. Nếu là một bài tập trong học viện quân sự thì sự chuyển quân của Thiệu được coi là có lý. hưng căn cứ những thựcc tế của Việt Nam thì nó dẫn tới tai họa. Chiến lược này được phát động với sự không chuẩn bị hoặc không có những chỉ đạo tường tận từ Bộ tổng tham ở Sài Gòn, nên “chiến lược rút quân’‘ chỉ tiến hành trên một con đường độc đạo- đường 7B - dễ làm mục tiêu cho địch. Đồng thời con đường nay đã hư hỏng và đầy rẫy mìn. Đúng ra phải có sự tham gia của công binh thì con đường này mới sử dụng được, kẻ cả việc phải xây lại nhiều cây cầu bị sập – những công việc này hiện các sư đoàn của quân đội VNCH không được trang bị đầy đủ để đối phó. Ngoài các đơn vị chiến đấu, đường 7B còn phải tải một dòng người đông đúc dân thường chạy nạn. Ngay khi có lệnh rút quân, sự hỗn loạn xảy ra (…). Con đường độc đạo này sau đó nhanh chóng bị kẹt cứng bởi hoảng 60.000 quân lính và 400.000 thường dân. Hệ thống tiếp liệu lương thực bị cắt đứt, nhiều lính đói khát bắt đầu cướp phá những làng mạc dọc theo con đường. Không quân tiếp viện lại ném bom lầm mục tiêu vào một đơn vị xe bọc thép, giết nhiều quân lính VNCH và thường dân di tản. Chỉ một số ít binh lính và thường dân thoát ra đến vùng ven biển. Các sư đoàn bảo vệ Cao nguyên đã bốc hơi hết...”.

Một chi tiết cần biết thêm về cuộc rút quân khỏi Pleiku và Kontum: lúc đó trấn thủ Vùng 2 chiến thuật là tướng Phạm Văn Phú, cũng như Nguyễn Văn Thiệu, đã từng là sĩ quan quân đội Pháp. Phạm Văn Phú từng bị bắt làm tù binh khi quân đội Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ năm 1954. Trước đó tướng Phú tâm tình với Lou Conein (một nhân viên CIA) rằng: “Tôi sẽ tự sát. Tôi nhất quyết không bao giờ để bị bắt làm tù binh lần nữa”. Khi Thiệu ra lệnh cho Phú bắt đầu rút quân khỏi Vùng 2 quân sự, Phú mất bình tĩnh nhảy lên trực thăng bay đến nơi an toàn ở ven biển sớm nhất. Cuộc rút quân khỏi Pleiku và Kontum dự định trong trật tự đã “diễn ra trong hỗn loạn và điên cuồng” (frenzied - theo báo Mỹ), giai đoạn khởi đầu sự sụp đổ hoàn toàn của quân đội Sài Gòn.

…Sau khi ông Thiệu mất tại Mỹ, Hoàng Đức Nhã từng là bộ trưởng Dân vận Chiêu hồi và cố vấn của tổng thống Thiệu, có trả lời phỏng vấn đài phát thanh RFI tiếng Việt của Pháp về quyết định của ông Thiệu “rút quân chiến lược” ở Cao nguyên. Phóng viên RFI phỏng vấn trực tiếp ông Nhã đã kể lại với tôi sau này rằng ông Nhã đã phủ nhận quyết định của ông Thiệu là một sai lầm. Ngược lại ông Nhã cho đó là một quyết định đúng nhưng chuyện xảy ra sau đó như những con bài domino, nó tác động sự sụp đổ dây chuyền. Ông Nhã cho rằng cần có độ lùi thời gian để đánh giá đúng đắn về quyết định này. Phóng viên RFI có một nhận xét: chẳng lẽ một phần tư thế kỷ chưa đủ độ lùi để có một kết luận? Còn phải chờ bao lâu nữa? Cách đánh giá của Henry Kissinger thuần về kỹ thuật quân sự có hơi phũ phàng đối với ông Thiệu nhưng có lẽ cũng xác đáng. Quyết định của ông Thiệu phù hợp với tình hình suy yếu về quân sự của chế độ Sài Gòn lúc đó nhưng hoàn toàn không được chuẩn bị trước.

Một thí đụ khác về sự chỉ đạo lúng túng của ông Thiệu: Ngày 15-3-1975, Ban Mê Thuật bị chiếm. Ngày 15-3-1975, ông Thiệu triệu tập các chỉ huy quân sự họp tại Cam Ranh và đưa ra quyết định bỏ các tỉnh phía Bắc (của miền Nam). Nhưng ngày 20-3-1975, sợ phản ứng của dư luận, ông Thiệu lại có một chỉ đạo ngược lại: bảo vệ Huế đến người lính cuối cùng. Nhưng 5 ngày sau đó cố đô thất thủ?

Nhà báo Vũ Thụy Hoàng (Tổng thư ký báo Dân Chủ, tiếng nói chính thức của đảng Dân Chủ của Thiệu) trong quyển hồi ký của mình (Sài Gòn tuyết trắng) đã ghi lại lời của chuẩn tướng Nguyễn Văn Điển, tư lệnh sư đoàn 1 Bộ binh, khi từ Huế về tới Đà Nẵng, đã than thở với Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại như sau: “Tôi mất hết tất cả. Mất cả sư đoàn. Mất binh sĩ. Mất đất đai. Tôi không còn gì nữa. Danh dự cũng không còn”.

Sự tháo chạy khỏi Kontum-Pleiku ra hướng Nha Trang quả thật kinh hoàng. Trên báo Chính Luận ngày 21-3-1975 có đăng bài của phóng viên Nguyễn Tú đi theo đoàn người di tản từ Phú Bổn điện về tòa soạn ngày 19-3 như sau:

“Hôm nay đoàn di tản từ Kontum-Pleiku đã tới Phú Bổn, Số người di tản ở Phú Bổn nhập thêm vào. Đoàn người lại rời khỏi thị xã Hậu Bổn (Cheo Reo) để hướng về Phú Yên. Cuộc di tản bước qua ngày thứ tư.

“Đoàn xe đi trước gồm khoảng 4.000 chiếc vừa quân sự dân sự đã thoát đi an toàn. Đoàn sau khoảng 1.000 chiếc cũng cả quân sự lẫn dân sự rời Cheo Reo là gặp đại họa. Trong lối 4 tiểu đoàn địa phương gồm toàn đồng bào Thượng, phần lớn đã đào nhiệm mang theo vũ khí, đã phản loạn mở cuộc tấn công tập hậu vào đoạn cuối đoàn di tản đồng thời nổi lửa phá phố phường, cướp bóc và bắn giết những đồng bào còn ở lại.

Như kể trên, ngày 20-3-1975, tổng thống Thiệu ra lệnh tử thủ Huế cho đến người lính cuối cùng, nhưng trước đó hai ngày (18-3) cuộc di tản khỏi Huế đã bắt đầu. Cũng trên nhật báo Chính Luận ra ngày 23-3-1975 có bản tin và tường thuật từ Huế như sau:

Sáng nay 18-3, dân Huế khởi đầu cuộc “Nam tiến” với một số người chưa đông đảo lắm và hầu hết chạy bằng xe hàng. Giá một xe Traction từ Huế vào Đà Nẵng 15.000 đồng một chuyến. Xe vận tải giá khoảng 50 ngàn.

Sau khi được chứng kiến hàng ngàn dân Quảng Trị bơ phờ nằm vạ nằm vật đầy khắp thành phố Huế và những tin tức dồn dập bệnh viện Quảng Trị di tản 100%... sáng 19-3 dân Huế đổ xô vào Đà Nẵng bằng tất cả mọi phương tiện, từng đoàn Hon da, xe hàng nối đuôi nhau vượt đèo Hải Vân, thảm thương nhất là đoàn xe đạp, cũng “thồ” đầy những hành lý như ai, kĩu kịt từng đoàn bỏ rơi thành phố Huế (...)

Mỹ phản ứng lại tình hình này ra sao? Trong hồi ký của mình, Henry Kissinger kể rằng chính quyền Ford và ông chỉ quan tâm về một số triệu người dân di tản đổ dồn vào Đà Nẵng, trong khi tại đây không còn lương thực để tiếp tế cho họ. Washington tìm cách góp sức giải quyết vấn đề này chứ không tính chuyện bảo vệ Đà Nẵng. Nhóm hành động đặc biệt Washington (WSAG) được tổng thống Ford triệu tập nhưng lại sa lầy vào những chuyện pháp lý đâu đâu trước đề xuất nên gửi những chiếc LST Mỹ (loại xe bọc thép đồng thời sử dụng như tàu chiến) đến Việt Nam để giúp di tản dân. Các chuyên gia Quốc hội Mỹ đặt câu hỏi liệu việc đưa vào những chiếc LST có vi phạm điều 7 của Hiệp định Paris không? Người ta không khỏi ngạc nhiên về người Mỹ bỗng nhiên trở thành những người rất tôn trọng luật lệ tại chiến trường Việt Nam mà trước đây họ hoàn toàn bất cần. Ngoài ra WSAG còn bàn việc sử dụng phương tiện vận tải quân sự vào chiến trường Việt Nam để di tản dân có vi phạm một điều khoản của War Powers Act biểu quyết một năm trước đây về vấn đề hạn chế việc sử dụng thiết bị quân sự? Vấn đề viện trợ bổ sung bị bế tắc, đến chuyện cần thêm phương tiện di tản dân cũng hết sức khó khăn, điều đó chứng tỏ người Mỹ đã nhất quyết quay lưng lại với chính quyền Thiệu và phủi tay với chiến tranh Việt Nam. Trong khi đó cuộc sống ở Sài Gòn, một “kinh đô ánh sáng”của Đông Nam Á nhìn bên ngoài sinh hoạt như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ riêng các dancing bị đóng cửa, còn các rạp hát và các tụ điểm vui chơi khác hoạt động bình thường. Rạp Rex chiếu một trong những phim cuối cùng do Romy Schneider diễn xuất: Le Train (đóng chung với Jean Louis Trintignant) thu hút đông đảo người xem. Câu lạc bộ CSS (Cercle Sportif Saigonnais) - một ốc đảo của xã hội trưởng giả Sài Gòn - vẫn sinh hoạt bình thường. Các sân tennis vẫn đầy người chơi, các phu nhân vẫn đến tập thể dục thẩm mỹ đều đặn, hồ bơi mỗi buổi trưa vẫn là nơi hò hẹn của những giai nhân trong các bộ bikini khêu gợi.

Thậm chí ở Sài Gòn, có những người còn vớt vát bằng cách đồn rằng cuộc tháo chạy khỏi Cao nguyên và việc rút khỏi tỉnh Quảng Trị của tổng thống Thiệu là sự thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Bắc Việt. Nhưng ngày 21-3-1975, chính ông Hồ Văn Châm, tổng trưởng Cựu chiến binh, kiêm quyền tổng trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi, lại đính chính điều này trên hệ thống truyền hình như sau:

“Thừa lệnh tổng thường VNCH, chúng tôi xin thưa cùng đồng bào rằng những tin đồn trong những ngày gần đây được tường thuật qua báo chí trong nước và qua các bản tin viễn ký của hãng thông tấn ngoại quốc, liên quan đến việc chính phủ VNCH thỏa hiệp với CSBV để bỏ ngỏ ba tỉnh Cao nguyên thuộc quân khu 2 và tỉnh Quảng Trị thuộc quân khu 1 là những nguồn tin hoàn toàn thất thiệt và vô căn cứ…”

Ngày 26-3-1975, tổng thống Thiệu lại tuyên bố trên đài phát thanh quyết bảo vệ Đà Nẵng tới cùng. Nhưng chỉ bốn ngày sau Đà Nẵng mất. Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn l, quân đoàn bảo vệ Đà Nẵng, biết rõ mình không đủ lực lượng đối địch với quân giải phóng. Hơn một tháng trước đó, Ngô Quang Trưởng đã cho biết “nếu cộng quân mở cuộc tấn công họ có thể chọc thủng phòng tuyến ở bất cứ chỗ nào”. Tướng Trưởng đã tiết lộ điều này với phái đoàn quốc hội Mỹ tới vùng 1 để cứu xét quân viện cho VNCH.

Ngày 30-3-1975, Đà Nẵng thất thủ. Nhà báo Paul Quinn Judge của tờ Christian Science Monitor, một người bạn của tôi chưa kịp rời thành phố này, đã điện về Sài Gòn tường thuật cho tôi nghe những gì anh đang nhìn thấy trước mắt. Một cuộc tường thuật sốt dẻo tại chỗ: “Tôi nhìn thấy những chiếc xe đầu tiên vào thành phố cắm cờ MTDTGPMN. Những toán quân đầu tiên của Mặt trận trang bị súng ống đầy đủ cũng xuất hiện trên các đường phố... Các vụ tấn công, cướp bóc vào nhà dân trước khi quân lính VNCH rút đi cũng chấm dứt...”. Tôi còn nhớ phản ứng trong lòng tôi lúc đó rất lạ, vừa xúc động vừa tò mò. Tôi muốn hỏi Paul thêm chi tiết về những người lính giải phóng đầu tiên mà Paul đã gặp, nhưng anh đã gác máy. Tôi cố gắng hình dung lại trong đầu mình hình ảnh một toán quân giải phóng cầm cờ và trang bị đầy đủ súng ống tiến vào thành phố như thế nào. Cái “bến bờ vừa xa vừa lạ” ấy đang tiến lại gần, với tốc độ càng lúc càng nhanh.

Hãng thông tấn Pháp AFP trong bản tin ngày 31-3-1975 đã kể lại câu chuyện sau đây của một nhân chứng người Pháp rời Đà Nẵng đúng lúc quân giải phóng bắt đầu vào thành phố. Người Pháp này tên Alain Pottier là giáo viên tại trường trung học Pháp ở Đà Nẵng:

“…Vào lúc 11 giờ, một trực thăng của hãng Air America bay trên thành phố để tìm ông Al Francis, tổng lãnh sự Mỹ. Viên phi công trông thấy cờ Pháp trên tòa nhà trung tâm Văn hóa Pháp, nên khi bay ngang qua đã gọi xuống yêu cầu các người Pháp hãy chạy ra bãi trực thăng. Nhưng khoảng 60 người Pháp chạy ra chỗ hẹn đã phải thối lui vì binh sĩ VNCH nổ súng cấm họ ra bãi trực thăng. Trở về trung tâm, ông Pottier đã bám được vào chân đáp trực thăng khi phi công cho máy bay sà xuống cách mặt đất 2 thước. Ông Pottier cưỡi lên một chân đáp và được trực thăng tha đi khoảng 10 cây số rồi mới được kéo vào trong máy bay. Ở chân máy bay kia, một thanh niên Pháp lai khác cũng cưỡi chân đáp mà thoát thân như ông.

Nhân chứng kể thêm rằng trong mấy tiếng đồng hồ bay trên thành phố Đà Nẵng, nhiều lần trực thăng bị các quân nhân VNCH bắn lên. Tại phi trường, hàng trăm xác chết nằm ngổn ngang trên phi đạo, một số chết vì đạn pháo kích, một số chết vì bị các quân nhân VNCH ngăn cản không cho lên phi cơ, để dành chỗ cho gia đình của chính họ. Sau hai lần cố tìm cách lấy thêm người tị nạn nhưng viên phi công nhận thấy đáp xuống tha không khác nào tự sát, nên đành bỏ cuộc bay về Nha Trang. Theo AFP có 3 người Pháp tình nguyện ở lại Đà Nẵng sau khi thị xã này thất thủ với 65 người quốc tịch Pháp và con cái. Đó là các ông Xavier Dillmann, phó tổng lãnh sự Pháp, ông Andre Aubac, giám đốc Trung tâm Văn hóa và Jacques Joly, một giáo sư.

Trong khi đó, hãng tin AP đã tường thuật ngày đầu cuộc di tản bằng cầu không vận Đà Nẵng - Nha Trang được báo Điện Tín ra ngày thứ bảy 29-3-1975 trích dịch như sau:

(AP-27-3) Cuộc không vận lớn nhất trong cuộc chiến Việt Nam đã khởi sự hôm thứ Năm và đã có 190 dân tị nạn được chở trong chuyến máy bay đầu tiên từ Đà Nẵng đến Nha Trang. Nhưng trong khi tại phi trường Đà Nẵng hàng vạn người tranh giành đánh nhau để được lên máy bay thì khi đến Nha Trang những người tị nạn lại ngơ ngác, chán nản. Có người muốn quay về điểm khởi hành với thân nhân chưa đi được.

Một thiếu phụ dẫn hai con đi ngược lên cầu thang. Bà phân trần ‘‘Tôi có bảo đưa đến đây đâu. Cho tôi trở lại với chồng tôi tại Đà Nẵng”. Dĩ nhiên không ai nghe lời phân trần có vẻ hữu lý này. Phần lớn số hành khách trên chuyến bay ân huệ nói trên là đàn bà và trẻ nít, thân nhân của các quân nhân không quân VNCH làm việc ở Đà Nẵng.

Chiếc máy bay đầu tiên trên đây của chương trình không vận dân tị nạn Đà Nẵng là chiếc Boeing 727 của hãng World Airways do cơ quan USAID thuê bao. Nội trong ngày thứ Năm, chiếc này đã bay 4 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Nha Trang. Người ta không hiểu là các nỗ lực giúp đỡ và di dân sẽ có kết quả đến mức nào. Có điều là ở Đà Nẵng trong hiện tại, gánh nặng cơ hồ không giải quyết nổi.

Hai ngày sau (29-3), hãng tin của Mỹ UPI đã mô tả “thảm cảnh về một chuyến bay từ Đà Nẵng về đến Sài Gòn” được báo Điện Tín trích dịch như sau:

“Khoảng hơn một ngàn người sáng hôm thứ Bảy đã tràn vào phl đạo, đánh đập, dày xéo, bắn nhau để cố leo lên chiếc Boeing 727 của hãng World Airways do USAID thuê bao. Nhưng cuối cùng “chuyến bay địa ngục” - nói theo văn từ của viên phi công trưởng - vẫn cố lắc lư hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Tất cả 400 người trên máy bay đều an toàn, kể cả một số người ngồi nép mình ở hầm hành lý dưới lườn máy bay, ngoại trừ một người chết nhẹp vì bị bánh máy bay rút vào ép sát. Sau đây là bài tường thuật chi tiết của phóng viên UPI Paul Vogen đi theo chuyến bay này:

Chiếc Boeing lăn bánh để cất cánh. Nhưng nhiều người dưới đất vẫn nhào ra một cách tuyệt vọng trước lằn bánh máy bay di chuyển. Một số binh sĩ dùng cả đại liên bắn theo máy bay.

Khi chúng tôi đáp xuống Tân Sơn Nhất, xác một binh sĩ, khẩu M16 vẫn còn trên vai, đang lắc lư dưới lườn chiếc phản lực. Tôi đã ở Việt Nam hơn 18 năm và cảnh tượng ở Đà Nẵng hôm thứ Bảy là cảnh thê thảm nhất tôi đã chứng kiến trong đời. Viên hoa tiêu nói với tôi là ông ta đã bay 75 chuyến không vận Nam Vang từ mấy tuần qua, nhưng “thà tiếp tục bay thêm 300 chuyến như vậy còn hơn là bay thêm một chuyến ra Đà Nẵng”.

Trên chuyến bay, những người dân duy nhất là hai phụ nữ và một em bé. Còn lại tất cả là quân nhân. Sô quân nhân đã bị quân cảnh bắt giữ ngay khi xuống phi trường TSN. Hầu hết trong số này thuộc đơn vị Hắc Báo được coi là tình nhuệ nhất của Sư đoàn 1 bộ binh.

Phóng viên của đài truyền hình CBS cũng đi trên chuyến bay World Airways đó và có thu hình. Bài tường thuật của phóng viên Paul Vogen của hãng thông tấn UPI cùng hình ảnh người lính chết thòng chân ở máy bay đã được đăng nơi trang nhất các báo Mỹ ra ngày chủ nhật Lễ Phục Sinh 30-3. Tổng thống Ford khi xem cảnh đó đã nói “Đã đến lúc rút dây. Việt Nam mất rồi!”.

Nhà báo Vũ Thụy Hoàng (trong quyển hồi ký Sài Gòn tuyết trắng) đã tường thuật sự rút khỏi Đà Nẵng của tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn, người mà ông Hoàng gọi là “một trong những tướng lãnh xuất sắc của quân đội VNCH”, trong những điều kiện như sau:

Trong lúc chuẩn bị di chuyển, tôi (trung tá Nguyễn Văn Phán, chỉ huy trưởng căn cứ Non Nước) nghe lính la lên “có tàu ở ngoài khơi đang đi vào”? Trời hãy còn mờ mờ. Lúc ấy khoảng 5 giờ sáng. Tôi nhìn ra biển, thấy một chiếc tàu đi vào, sau thấy một chiếc nữa, rồi một chiếc nữa. Anh em mừng quá. Chúng tôi được lệnh rút ra tàu.

“Chỗ này không có bến tàu, chỉ có bãi biển. Tàu không vào bãi được. Bãi nông, sợ mắc cạn, tàu phải đậu ở ngoài khơi. Anh em túa ra biển. Lội, bơi ra tàu. Có người dùng vỏ xe hơi làm phao để bơi ra.

“Một số xe thiết giáp cũng nhào xuống bãi, theo Thủy quân lúc chiến để ra tàu. Họ cho xe chạy xuống nước, định dùng xe dùng cầu để đi ra, nhưng đâu có được. Xe ra xa bị chìm mất tiêu. Vài binh sĩ thiết giáp không đi được, nổi giận quay súng bắn về phía tàu. Khi thấy bị bắn, tàu lại lui ra xa hơn.

“Tôi cởi bỏ quần áo. Chỉ mặc quần xà lỏn, giữ lại áo chắn đạn làm phao cho dễ nổi. Tôi cùng tướng Trưởng (tức Ngô Quang Trưởng) bơi ra tàu. Tàu đậu trông tưởng gần, nhưng bơi mãi không tới. Tướng Trưởng hơi đuối sức. Tôi dìu ông ở nách bên trái. Ông Trí (đại tá Nguyễn Thành Trí, tư lệnh phó Thủy quân lúc chiến) xốc nách ông ở bên phải. Mãi rồi chúng tôi cũng đến nơi, lên được chiến hạm HQ 404. Tướng Trưởng được đưa vào phòng hạm trưởng nghỉ ngơi. Ông dặn không tiếp ai hết”.

… Ngày 3-4 tại Washington, tổng thống Ford vẫn cố gắng thuyết phục Quốc hội Mỹ viện trợ bổ sung “để cứu miền Nam”, trong khi đó báo chí Mỹ lại nêu lên với Ford sự cần thiết phải “vứt bỏ” (jettison) ông Thiệu. Nhưng Ford từ chối, viện lý do: “Tôi không tin rằng tôi có thẩm quyền để nói với người đứng đầu một quốc gia - được dân chúng của họ bầu - là phải rời khỏi chức vụ của ông ta”.

Uy tín của chế độ Thiệu càng sút giảm trầm trọng với vụ nhà báo Pháp Paul Leandri, phó văn phòng AFP tại Sài Gòn bị một sĩ quan cảnh sát bắn chết ngay tại trụ sở Tổng nha cảnh sát sau khi Ban Mê Thuật bị thất thủ. Nội vụ này diễn tiến như sau: tường thuật sự thất thủ của quân đội VNCH tại Ban Mê Thuật, AFP đưa tin có sự tham gia của lực lượng FULRO, một phong trào ly khai của người Thượng mà chính quyền Thiệu đã từng tuyên truyền đã về với “chính nghĩa quốc gia” từ ngày l-2-1969. Chính quyền Thiệu phủ nhận tin này và buộc AFP phải nói ra xuất xứ nguồn tin. Tác giả bản tin - Paul Leandri - bị Tổng nha cảnh sát mời lên để chất vấn. Paul Leandri nhất định bảo mật nguồn tin của mình, cuộc cãi vã xảy ra trong phòng của viên sĩ quan cảnh sát được giao điều tra. Đến một lúc nhà báo Pháp đòi ra về và dù viên cảnh sát ra lệnh anh không được rời phòng, anh vẫn bước ra khỏi phòng. Thế là viên cảnh sát nổ súng. Paul Leandri chết ngay tại chỗ. Đoán trước sẽ rất rắc rối về cái chết này, Tổng nha cảnh sát liền ngụy trang lại hiện trường: đặt Paul Leandri lên ô tô của anh rồi cho xe đụng vào cổng ra vào của Tổng nha, cuối cùng dùng súng - đã được sử dụng - bắn vào xe của Paul Leandri từ phía sau như thể do ô tô của Paul Leandri vượt cổng nên cảnh sát đã nổ súng.

Cái chết của Paul Leandri gây nên sự bất mãn càng dữ dội đối với chế độ Sài Gòn đang suy yếu. Tại Paris, chiều thứ ba 18-3-1975, nghiệp đoàn ký giả toàn quốc Pháp tập hợp hơn 300 nhà báo tụ họp trước trụ sở của AFP rồi từ đây diễu hành yên lặng đến tòa đại sứ VNCH. Nghiệp đoàn cũng kêu gọi các phân bộ địa phương tổ chức những cuốc biểu tình tương tự đến các tòa tổng lãnh sự VNCH ở Pháp.

Vụ bắn chết nhà báo Pháp không chỉ là một “tai nạn”. Nó còn phản ánh một giai đoạn quan hệ căng thẳng giữa Paris - Sài Gòn: liên tục trước đó xảy ra những vụ người Pháp bày tỏ sự thiếu thiện cảm và ra mặt chống đối chính quyền Sài Gòn. Khi Hội nghị Paris vừa khai diễn thì một công dân Pháp leo lên đỉnh tháp chuông cao nhất của Nhà thờ Notre Dame ở Paris và treo trên đó lá cờ MTDTGPMN buộc chính quyền thành phố Paris phải dùng đến trực thăng để hạ cờ xuống; đến năm 1970 là vụ hai giáo viên người Pháp tại Sài Gòn – André Menras và Jean Pierre Debris - trèo lên tượng Thủy quân lúc chiến cao khoảng 10 mét đặt trước Hạ nghị viện phất cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, khiến cho chính quyền Thiệu phải huy động hàng chục cảnh sát chìm dùng vũ lực đàn áp họ, lôi họ từ trên tượng rơi xuống đất trước sự chứng kiến của hàng trăm người.

Sau đó, trong thời gian bị giam ở khám Chí Hòa, hai giáo viên người Pháp này tỏ ra rất “cứng đầu”. Họ nhất định không chấp hành các kỷ luật trong trại giam và còn hô những khẩu hiệu ủng hộ MTDTGPMN khiến cho sự can thiệp của sứ quán Pháp nhằm trả tự do cho họ càng khó khăn. Sau 1975, tôi có gặp một trong hai giáo viên đó - anh Jean Pierre Debris - tại Hà Nội. Anh này đã ở lại Hà Nội một thời gian sau tháng 4-1975 và cộng tác với đài phát thanh Việt Nam phiên dịch những bản tin tiếng Pháp.


22. Ông Dương Văn Minh lên thay Thiệu

Tuần lễ đầu tháng 4 – 1975, trung tướng Dương Văn Minh và nhóm ủng hộ ông quyết định chính thức công bố ý định thay thế tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Trước đó, nhóm ông Minh đã họp bàn tại Dinh Hoa Lan. Có người nhắc lại rằng thay thế vị trí của tổng thống Thiệu lúc này thì khả năng lớn nhất chỉ thay Thiệu để đầu hàng mà thôi. Sẽ không còn hy vọng cho bất cứ một giải pháp chính trị nào.

Nhận định này được nhiều người có mặt chia sẻ nhưng không một ai đưa ra đề nghị rút lui. Chúng tôi đặt thẳng vấn đề với nhau để những ai còn ý định tiếp tục gắn bó với nhau đi tới thì không mập mờ gì về sự lựa chọn của nhóm, đó là: sẵn sàng thay Thiệu dù chỉ để cầm cờ đầu hàng. Thật sự ông Minh chẳng có ảo tưởng gì về cái ghế tổng thống vào lúc này. Nó không còn là quyền lực và địa vị. Nhưng nó vẫn còn có tác dụng nhất định để góp phần đưa miền Nam đi đến một kết thúc bớt được những đổ máu vô ích. Cuộc công bố chính thức với báo chí của ông Minh về quyết định sẵn sàng thay tổng thống Thiệu được tổ chức tại Đường Sơn Quán, một nhà hàng đặc sản của cựu trung tướng Mai Hữu Xuân nằm giữa một đồn điền cao su trên Xa lộ Đại Hàn. Các nhà báo nước ngoài được mời dự gồm: Peter Ross Range, trưởng văn phòng tuần báo Mỹ Times Magazine; Francois Nivelon phóng viên báo Pháp France Soir; Carl Robinson phóng viên nhiếp ảnh của AP; Jean Louis Arnaud, trưởng văn phòng hãng tin AFP... Về phía nhóm ông Minh có luật sư Trần Ngọc Liễng, bác sĩ Hồ Văn Minh, trung tướng Mai Hữu Xuân, giáo sư Tôn Thất Thiện, luất sư Bùi Chánh Thời, các dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba và tôi. Anh Ba vì đang bị chính quyền Thiệu truy nã nên không xuất hiện công khai. Từ Sài Gòn lên Đường Sơn Quán, anh Ba ngồi ô tô chung với ông Dương Văn Minh để tránh bị cảnh sát chận bắt dọc đường.

Sau cuộc họp báo tại Đường Sơn Quán, ngày 17-4 ông Minh tiếp đại sứ Pháp Jean Marie Mérillon theo yêu cầu của tòa đại sứ Pháp. Lý do chính thức: đến để tìm hiểu thêm tuyên bố mới nhất của ông Minh tại Đường Sơn Quán. Đại sứ Pháp đến Dinh Hoa Lan trên chiếc DS có cắm cờ “xanh trắng đỏ” của nước Pháp, đúng ra chi sử dụng trong những quan hệ ngoại giao chính thức giữa đại sứ Pháp với chính quyền nước sở tại. Báo chí lúc đó cho rằng đây là sự cố tình vi phạm nguyên tắc ngoại giao của đại sứ Pháp nhằm công khai hóa lập trường của Pháp đối với tình hình chính trị tại miền Nam. Một cách ủng hộ và nhìn nhận vai trò sắp tới của ông Dương Văn Minh và đồng thời hạ thấp vai trò của tổng thống Thiệu. Đi cùng đại sứ Pháp có cố vấn chính trị tòa đại sứ Pháp là Pierre Brochand. Về phía ông Minh có tôi. Sau khi nghe ông Minh trình bày dự định cùng lập trường hòa bình của mình, đại sứ Pháp hứa sẽ ủng hộ ông Minh. Pháp là quốc gia duy nhất lúc đó có tòa đại sứ đồng thời tại Sài Gòn và cả Hà Nội, một thế ngoại giao rất thuận lợi để đóng vai trò trung gian trong kết thúc chiến tranh Việt Nam. Không kể họ còn là chủ nhà của Hội nghị Paris.

Theo nhà báo Larry Berman, người rất gần với CIA, trong quyển sách của ông về Việt Nam No Peace No Honor, thì ngày 2-4-1975 người đứng đầu CIA tại Sài Gòn là Thomas Polgar có gởi một bức điện về tổng hành dinh CIA ở Washington đề xuất lật đổ tổng thống Thiệu để đưa Big Minh, tức tướng Dương Văn Minh lên thay, dọn đường cho sự thành lập chính phủ liên hiệp “với hy vọng chính phủ này có khả năng làm chậm lại cuộc xâm lược của Bắc Việt”(!). Polgar giải thích trong bức điện của mình rằng ông ta đã nghe trưởng đoàn Hungary trong ủy ban kiểm soát bốn bên nói rằng “nếu tổng thống Thiệu bị loại thì Bắc Việt sẵn sàng thương thuyết”. Cũng trong quyển No Peace No Honor của Larry Berman có kể chi tiết trong thời gian này tại Sài Gòn, tướng Kỳ đã tiếp xúc với đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng với mục đích tổ chức cuộc đảo chính Thiệu. Nhưng Cao VănViên không dám quyết định khi chưa thăm dò ý kiến của đại tướng Trần Thiện Khiêm, người vừa rời ghế thủ tướng cách đó 6 tháng. Liền đó đến phiên tướng Trần Thiện Khiêm chạy đi hỏi ý kiến tướng Mỹ về hưu Timmes, một nhân vật hoạt động tình báo kỳ cựu ở Việt Nam và vẫn có vai trò quan trọng với tòa đại sứ Mỹ. Ông Thiệu luốn coi Timmes là “Bố già” của tướng Khiêm và thừa biết rằng Khiêm chỉ hành động nếu được CIA bật đèn xanh. Thomas Polgar, đứng đầu CIA tại Sài Gòn biết được tin này nổi khùng lên vì nếu cuộc đảo chính xảy ra sẽ đi ngược lại tính toán riêng của ông ta đã đề xuất với tổng hành dinh CIA ở Washington. Thomas Plogar không muốn vào lúc này Kỳ, Viên, Khiêm lại đứng lên thay Thiệu nên ra lệnh cho Timmes ngăn chặn ý đồ của Nguyễn Cao Kỳ. Tướng Khiêm biết được chủ trương của CIA không ủng hộ tướng Kỳ lật đổ Thiệu qua thái độ của tướng Timmes liền trở cờ, dùng việc này để tâng công với Thiệu: Ông đi kể cho Thiệu nghe kế hoạch đảo chính của Nguyễn Cao Kỳ. Khi nhắc lai sự kiện các tướng lãnh định đảo chính ông Thiệu rồi lại phản thùng với nhau, Hoàng Đức Nhã bình luận với Larry Berman: “Nói lại chuyện này cũng giống như nói chuyện danh dự giữa những kẻ cướp”.

Nói thêm về tướng về hưu Charles Timmes, một nhân vật kỳ cựu trong ngành tình báo Mỹ ở Việt Nam, đã ông có mặt tại Ấp Bắc (tháng 1-1963) ngay sau khi Mỹ bị thất bại lần đầu tiên trong chiến lược “trực thăng vận”. Charles Timmes trở lại miền Nam đo mối quan hệ bạn bè rất thân với giám đốc CIA William Coiby. Timmes sang thay một nhân vật tình báo khác đã từng được coi là đạo diễn chính của vụ lật đổ hai anh em Diệm- Nhu: Lucien Conein. Phong cách của hai nhân vật này hoàn toàn khác nhau: Trong khi Conein tiếp cận các tướng lãnh Sài Gòn bằng những buổi nhậu nhẹt kéo dài lê thê thì Timmes lại chọn sân quần vợt để nghe những lời thổ lộ của họ. Trong những ngày căng thẳng đầu tháng 4-1975, Timmes đã phát biểu: “Các sĩ quan Việt Nam biết rằng Quốc hội Mỹ cắt viện trợ cho Sài Gòn. Các chỉ huy quân sự đều bàn chuyện đó. Họ bảo với nhau: “Tại sao chúng ta tiếp tục ra trận và đổ máu một cách vô ích?”. Họ nghĩ rằng Mỹ không giữ những lời cam kết của mình”. Nhà báo Larry Engelmann trong quyển Tears Before the Rain có ghi lại một thú nhận của chuẩn tướng Lý Tòng Bá, tư lệnh sư đoàn 25 Bộ binh, như sau: “Khi trận đánh trở nên gay go, họ không muốn chiến đấu nữa. Họ muốn dựa vào Mỹ. Khi không có Mỹ giúp, họ bỏ chạy. Đó là cái bệnh mà quân đội VNCH mắc phải”.

...Để ngăn chặn ý đồ của tướng Kỳ, trước hết Timmes gặp các tướng lãnh đã được Kỳ tiếp xúc và thuyết phục họ không nghe theo lời rủ ren của Kỳ. Việc này không khó lắm như đã thấy trong cách phản thùng nhanh chóng của cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Còn trực tiếp với Nguyễn Cao Kỳ, Charles Timmes dùng kế hoãn binh. Timmes lấy chiếc xe “con bọ” Volkswagen cũ kỹ của ông chở đại sứ Graham Martin tới nhà Kỳ và hai người đóng màn kịch làm cho Kỳ nghĩ rằng sắp tới phiên Kỳ sẽ được chọn làm lãnh đạo miền Nam thay Thiệu, do đó ông Kỳ cần phải kiên nhẫn, không nên có hành động chống Thiệu. Về chuyện này, trong hồi ký của mình (Buddha's Child), Nguyễn Cao Kỳ kể lại như sau:

“Tháng 4, Mỹ thấy vai trò của Thiệu đã hết. Trung tướng Charles Timmes, người có rất nhiều người bạn trong giới quân sự Việt Nam, bắt đầu hành động như một sĩ quan liên lạc giữa tôi và tòa đại sứ Mỹ. Timmes từng là CIA, tuần nào cũng đến nhà tôi tóm lược cho tôi tình hình quân sự. Một hôm ông ta gọi điện cho tôi nói rằng ông ta muốn gặp tôi vào buổi chiều. Khi tôi trả lời đồng ý thì ông ta lại có thêm một yêu cầu: ông ta muốn đem theo “một người bạn”?

“Người bạn” ấy là đại sứ Mỹ Graham Martin (...). Khi tôi mở cánh cửa văn phòng và nhận ra ông ta, Martin nói: ‘‘Tôi nghĩ ông ngạc nhiên khi thấy tôi đến đây”.

“Không đâu”? Tôi nói: ‘‘Tại sao tôi lại ngạc nhiên? Tôi chờ đợi ông đến và tôi cũng biết tại sao ông đến”.

Thật sự tôi hơi khó chịu bởi Martin có ảo tưởng tự coi mình là vĩ đại. Ông ta không phải là đại sứ Mỹ đầu tiên viếng nhà tôi và bất cứ người nào tôi gặp cũng thế chl là một sứ giả thực hiện những chỉ thị của chính phủ họ. Nước Mỹ không phải là Đế chế La Mã và Martin không phải là một quan thái thú. Henry Cabot Lodge và Averell Harriman, thuộc loại người rất khác, mỗi người đều tế nhị hiểu điều đó, nhưng Martin té ra rất tự mãn như thể ông ta là Thượng đế, một hiện thân của Đức Phật, lạc vào trong đám người tầm thường. Đáng lý ông phải ngạc nhiên rằng tôi đồng ý tiếp ông.

Ông ta ngồi xuống và hỏi: “Nếu ông trở thành thủ tướng lần nữa trong hoàn cảnh hiện nay, ông sẽ làm gì?”

Đầu tiên chúng ta phải chận đứng sự tiến quân của kẻ thù? Tôi nói tiếp: “Chận đứng họ, rồi từ đó chúng ta có thể thương lượng, đưa ra những nhân nhượng hoặc những thích nghi. Nhưng dù thế nào phải chận đứng họ trước đã. Nhưng nếu sự tan rã này tiếp tục thì chẳng còn gì để bàn cãi”.

“Ông sẽ làm gì với Thiệu?”. Martin hỏi.

“Tôi không có thời giờ để nghĩ đến ông Thiệu hay ai khác. Tôi cũng không quan tâm nếu ông ta ở lại hay ra đi” .

Vừa chào tôi ra về, Martin quay đầu lại và nói: “Tôi rất hài lòng về câu trả lời của ông. Ông hãy cho tôi ít ngày để đẩy Thiệu đi!”.

Ba ngày sau, tướng Timmes trở lại một mình. ‘‘Có đúng là ông và một số sĩ quan đang tìm cách hành động chống lại Big Minh (cách gọi thân mật tướng Dương Văn Minh)?”, ông ta hỏi.

“Không, tôi trả lời. “Nhưng tại sao lại đề cập đến Big Minh. Tôi hành động chống ông ấy để làm gì?”

Tôi rất hài lòng được nghe như thế”, ông nói tiếp mà không trả lời câu hỏi của tôi. “Vì rằng bất cứ chuyện gì xảy mà chống lại Big Minh, Washington và Hà Nội sẽ lên án ông”

“À. Bây giờ tôi hiểu” tôi nói. Sau Thiệu bị bỏ rơi, Minh đóng vai trò một người tiếp nhận sự phá sản (bankruptcy): ký giấy tờ và giao tài sản. “Nếu Big Minh trớ thành lãnh đạo miền Nam, cộng sản sẽ vào Sài Gòn trong 24 tiếng đồng hồ”, tôi nói với Timmes.

Thật sự không bao giờ Nguyễn Cao Kỳ có cảm tình với các tướng lãnh thuộc thế hệ trước, trong đó có tướng Dương Văn Minh. Ông Kỳ kể trong hồi ký của mình rằng khi tướng Mỹ Westmoreland đến Việt Nam lần đầu năm 1965 và hỏi Kỳ có cách nào để củng cố quân đội VNCH thì Kỳ trả lời “Ông cần giải ngũ hoặc cho về hưu tất cả các tướng già, từng người một”. Westmoreland chẳng hỏi gì thêm ‘‘nhìn tôi chòng chọc như thể tôi là người mất trí”. Kỳ cho rằng các tướng già đều thuộc thời thực dân: ‘‘Pháp không căn cứ vào sự dũng cảm hay có sáng kiến để thăng chức họ mà chi dựa vào sự trung thành của những kẻ làm bù nhìn (...) Phần đông ăn diện và cư xử như sĩ quan Pháp. Khi người Pháp về nước, họ trở thành những tướng lãnh hề - cải lương: Những tay nhậu khủng khiếp, những tay nhảy đầm hào hoa phong nhã, những tay săn gái bậc thầy. Họ nói một thứ tiếng Pháp hoàn hảo, trong đó có một số nói tiếng Việt không rành, một số khác không có khái niệm thế nào là một chiến sĩ. Và họ còn là những kẻ tham nhũng. Thiệu từ trong nhóm người này mà ra và cầm đầu hàng triệu binh lính...”

Nói về cách nói tiếng Việt không rành, Kỳ ám chỉ trung tướng Trần Văn Đôn, người bạn thân của tướng Dương Văn Minh. Tướng Đôn sử dụng thông Pháp trôi chảy hơn tiếng Việt.

Ông Kỳ nhìn những tướng tá thế hệ trước như thế nhưng bản thân ông Kỳ cũng không được các nhân vật chính trị và báo chí Mỹ đánh giá cao. William Bundy, phụ tá bộ trưởng ngoại giao Mỹ thời tổng thống Johnson, kết luận về con người Nguyễn Cao Kỳ bằng câu: ‘‘Ông ta là cái đáy của cái thùng, sự chọn lựa cuối cùng và tệ hại nhất của một quân đội tuyệt vọng”. Còn nhà văn, nhà báo Frances Fitzgerald, đoạt giải Pulitzer với quyển Fire on the Lake cho rằng Kỳ là ‘‘kẻ lừa bịp, một công cụ của các chỉ huy quân đoàn và sư đoàn, một tướng lãnh mà họ mất tin tưởng, không có khả năng nắm quyền bính”. Nhà báo Stanley Karnow, cũng đoạt giải Pulitzer với quyển VietNam-A History, thì mô tả ông Kỳ ‘‘giống như một tay thổi kèn saxophone trong một hộp đêm hạng hai”.

Không biết sau này ông Kỳ có khám phá ra rằng tướng Mỹ Timmes và đại sứ Martin mà Kỳ ghét cay ghét đắng đã gạt Kỳ một cách trắng trợn hay không.

Mặt khác lúc đó tôi cũng không biết rõ ông Minh có được CIA, thông qua tướng Timmes, khuyến khích ra thay Thiệu vào giờ chót không. Trong tháng 4-1975, tướng Timmes đến Dinh Hoa Lan thường xuyên hơn. Rất có thể Timmes biết ý định của ông Minh, từ đó thúc đẩy và hỗ trợ thêm.

Nếu có một thế lực nước ngoài gây ảnh hưởng đến ông Dương Văn Minh vào lúc này không phải là Mỹ mà là Pháp.

Qua đại sứ Pháp Jean Marie Merillon, ông Minh nghĩ rằng Paris có thể đóng một vai trò trung gian với Hà Nội để thương thuyết một giải pháp chính trị nếu ông thay thế tổng thống Thiệu. Chính người Pháp lúc này cũng tin rằng mình có thể làm điều đó. Sau này người ta được biết có sự khác nhau về đánh giá tình hình giữa đại sứ Pháp tại Hà Nội Philippe Richer và đại sứ Pháp tại Sài Gòn Jean Marie Mérillon vào những ngày giữa tháng Tư - 1975. Trong khi đại sứ Pháp tại Sài Gòn cho rằng Hà Nội sẵn sàng chấp nhận đối thoại với một chính phủ do ông Dương Văn Minh đứng đầu thì đại sứ Phá tại Hà Nội gửi báo cáo về Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định ngược lại:sẽ không có thương lượng chính trị mà kết thúc bằng chiến thắng quân sự của người cộng sản. Nhưng báo cáo từ tòa đại sứ Pháp ở Hà Nội không được Quai D’Orsay coi trọng bằng những nhận định từ tòa đại sứ tại Sài Gòn.

Sáng 8-4-1975, trung úy phi công Nguyễn Thành Trung điều khiển chiến đấu cơ Northrop F-5E Tiger II, xuất phát từ sân bay Biên Hòa, ném bom xuống Dinh Độc Lập rồi bay thẳng về căn cứ giải phóng Phước Long gia nhập hàng ngũ của MTDTGPMN. Trung úy Nguyễn Thành Trung được cộng sản “cài” vào quân đội Sài Gòn từ lâu. Ông Thiệu và gia đình thoát chết trong cuộc tấn công bất ngờ này. Nhưng với dân chúng Sài Gòn, cuộc ném bom có ý nghĩa báo trước sự sụp đổ không thể tránh của chế độ Thiệu. Tinh thần của Thiệu và những người thân cận của ông xuống thấp hơn bao giờ hết. Thiệu không phải con người liều lĩnh như Kỳ. Phó tổng thống Trần Văn Hương từng nói với vài dân biểu thân ông - dĩ nhiên là sau lưng Thiệu - rằng ông Thiệu “C’est un type sans couille”, một cách nói của người Pháp để ám chỉ những người đàn ông không có khí thái.

Sự hư hại của Dinh Độc Lập sau vụ ném bom lần này không nhiều như thời Ngô Đình Diệm đã từng bị hai phi công khác, cũng của không lực VNCH ném bom. Đó là ngày 27-2-l962, hai phi công lái chiếc A -1 Skyraider cất cánh từ sân bay từ sân bay Tân Sơn Nhất trong một phi vụ tấn công các mục tiêu Việt Cộng, đã đổi hướng trở vào Sài Gòn và ném bom xuống Dinh Độc Lập. Hai sĩ quan phi công ấy là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc đã hành động độc lập, không nằm trong một âm mưu đảo chính nào. Cử thoát được, sang tị nạn chính trị ở Campuchia, còn chiến đấu cơ của Quốc bị súng phòng không từ một chiếc tàu chiến trên sông Sài Gòn bắn hạ và bị bắt sống. Số phận của Quốc và Cử sau này rất khác nhau. Quốc chết mất xác khi chiếc Skyraider của anh bị bắn hạ trong một chuyến oanh tạc miền Bắc, còn Cử từ Campuchia trở về hoạt động chính trị và lần lượt trúng cử dân biểu rồi nghị sĩ quốc hội. Hiện Cử sống tại San Jose (California- Mỹ).

Dinh Độc Lập vào lúc bị ném bom lần đầu năm 1962 có kiến trúc thời Pháp đô hộ như các kiến trúc mà chúng ta còn thấy ở trụ sở ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Huệ). Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh (đường Lý Tự Trọng) hay Tòa án TP. Hồ Chí Minh (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa)... Do sự hư hại khá nặng, ông Diệm cho xây dựng lai một dinh tổng thống mới. Được giao nhiệm vụ thiết kế dinh mới trên vị trí cũ là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, từng đoạt giải thưởng lớn kiến trúc tại Rome (Grand Prix De Rome). Với nhiều người như tôi đã từng nhận thấy Dinh Độc Lập xưa, từ cái thời nó còn mang tên Dinh Norodom, vẫn có một so sánh giữa cái cũ và cái mới. Riêng tôi vẫn nghiêng về lối kiến trúc xưa.

…Trở lại tình hình nguy ngập của Sài Gòn vào giữa tháng 4-l975, người Mỹ nhận định rằng mình không còn chủ động tình hình miền Nam được nữa và thời gian còn lại cho mình không còn bao nhiêu, đại sứ Graham Martin và trùm CIA Thomas Polgar dựa vào đại sứ Pháp và các nỗ lực của Paris để hi vọng kéo dài sự tồn tại chính quyền Sài Gòn hầu có thêm thời gian để đưa người Mỹ và những người Việt Nam đã từng hợp tác với họ kịp rời khỏi miền Nam. Chính vì vậy, tòa đại sứ Mỹ và CIA lúc này chủ trương lất đổ Thiệu và hỗ trợ giải pháp Dương Văn Minh đang được Paris tích cực ủng hộ.

Đầu tháng 4-1975, đang lúc tình hình của chính quyền Sài Gòn cực kỳ rối rắm thì có tin cựu phụ tá đặc biệt của Thiệu là Nguyễn Văn Ngân bị bắt. Lúc đó ít ai biết được lý do. Sau này, người thân cận của Ngân tiết lộ rằng Ngân đã đứng đằng sau cuộc biểu quyết ở Thượng Viện ngày 3-4-l975 đòi Thiệu từ chức. Cần nhắc lại sau khi bị thất sủng (mất chức phụ tá tại phủ tổng thống sau khi thay phụ tá Nguyễn Cao Thăng chết vì bệnh ung thư) không còn được Thiệu tin cậy, Ngân đã sang Canada sống. Người đẩy Ngân ra khỏi vai trò phụ tá phủ tổng thống đầy quyền lực là thủ tướng Trần Thiện Khiêm. Từ Canada (lưu vong ở Vancover được bốn tháng), Ngân nhận thấy tình hình thuận lợi để mình trở về nước hoạt động trở lại. Lợi dụng những quan hệ cũ trong quốc hội khi ông làm phụ tá đặc biệt phụ trách liên lạc quốc hội cho tổng thống Thiệu, Ngân có ý định vừa trả thù thủ tướng Khiêm vừa tạo thế chính trị cho mình bằng cách vận động Thượng viện bất tín nhiệm Khiêm. Nhưng cuộc vận động của Ngân lại trùng vào thời điểm quốc hội muốn Thiệu từ chức chứ không chỉ riêng Khiêm, thế là tuyên cáo được Thượng viện biểu quyết ngày 3-4-1975 đã nhắm vào chính ông Thiệu. Tối ngày 3-4-l975, Ngân bị bắt. Hôm sau chính phủ Thiệu loan báo vừa phá vỡ một âm mưu đảo chính.

Nhắc lại nhân vật Nguyễn Văn Ngân, có khá nhiều điều để nói. Ngân là một học sinh miền Bắc vượt tuyến, vào miền Nam khoảng năm 1955. Sau khi tốt nghiệp trường Luật, đại học Huế, Ngân vào Sài Gòn. Khởi đầu sự nghiệp dưới cái bóng của phụ tá đặc biệt tại phủ tổng thống là Nguyễn Cao Thăng, chủ nhân hãng bào chế dược OPV, như một chuyên viên liên lạc với quốc hội. Lúc đó Ngân còn khá mờ nhạt. Ông chỉ giành được một vai trò thật sự trong guồng máy của chính quyền Thiệu sau khi dược sĩ Thăng qua đời. Như chúng tôi có đề cập, Ngân là đạo diễn chính của đạo luật bầu cử tổng thống 1971 dẫn tới cuộc độc diễn của ông Thiệu. Điều mà ít ai biết: Ngân cũng là người đã thúc đẩy và tiến hành cuộc san bằng “vương quốc” ngân hàng của Nguyễn Tấn Đời.

Không được học hành nhiều, không bằng cấp, một nhân vật thành đạt theo kiểu người Mỹ gọi là “self made man”, Nguyễn Tấn Đời bắt đầu kinh doanh trong ngành sản xuất gạch bông hiệu Đời Tân. Sau đó, ông Đời lợi dụng sự xâm nhập ồ ạt của người Mỹ vào miền Nam, phất lên trong ngành khách sạn và cho thuê mướn nhà, trở thành “vua Building”. Từ “vua Building”, ông Đời tiến lên làm “vua Ngân hàng”. Ông có thân hình mập mạp, nước da ngăm đen - có dư luận cho rằng ông có máu Ấn Độ - luôn mặc những bộ côm-lê màu sặc sỡ như màu cam, màu xanh dương. Ông ăn nói hơi bình dân nhưng đầy tự tin, có lẽ do sự thành đạt trong kinh doanh. Trong một thời gian không dài, ông thiết lập được mạng lưới ngân hàng của mình - Ngân hàng Tín Nghĩa - với 32 chi nhánh tỏa ra khắp miền Nam. Một hiện tượng chưa từng xảy ra trong ngành ngân hàng ở miền Nam trước đó. Ngân hàng Tín Nghĩa có số ký thác lên đến 30 tỷ, trong khi tất cả các ngân hàng tư khác cộng lai chỉ có số ký thác 18 tỷ (theo Hồi ký của Nguyễn Tấn Đời). Nói không quá đáng, ông Đời đã làm một cuộc cách mạng trong hoạt động ngân hàng ở miền Nam bấy giờ. Trước đây, ngân hàng không đến với khách hàng của mình. Ai cần thì đến với nó. Nó tiếp khách hàng lạnh lùng và quan liêu. Ngân hàng trước đó coi việc quảng cáo, tiếp thị là tự hạ mình, là mất “phẩm cách” đối với ngân hàng. Nhưng với chủ tịch hội đồng quản trị kiêm trong giám đốc ngân hàng Nguyễn Tấn Đời, không hề qua một khóa đào tạo nghiệp vụ nào về ngân hàng, thì ngân hàng chẳng qua cũng là một doanh nghiệp như bao nhiêu doanh nghiệp khác, cũng cần được quảng cáo, phải có những chiến lược cạnh tranh để giành lấy khách hàng và một trong những thay đổi phải có là thay đổi thái độ phục vụ, đưa ngân hàng đến khách hàng, đến trong quận huyện khu phố, mời mọc khách hàng đến với ngân hàng. Chính ông Nguyễn Tấn Đời đã một lần trình bày bởi tôi về quan niệm kinh doanh ngân hàng của ông như thế. Chính phủ và Ngân hàng quốc gia lúc đầu chống lại việc ông Đời làm tổng giám đốc vì cho rằng ông không có bằng cấp chuyên môn nhưng ông quyết liệt chống lại, với lập luận về mặt chuyên môn ông đã có những chuyến viên cao cấp về ngân hàng làm trợ lý. Thực tế, trong hàng ngũ phụ tá và cố vấn của ông có không thiếu những chuyên viên đã từng là bộ trưởng kinh tế, tổng giám đốc ngân hàng v.v…

Nhiều người cho rằng tổng thống Thiệu nghe lời ông Ngân san bằng giang san ngân hàng của Nguyễn Tấn Đời vì thấy thế lực của ông Đời ngày càng bành trướng và nghi ngờ ông Đời có tham vọng ra ứng cử tổng thống cạnh tranh với Thiệu.

Để mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình, ông Đời tìm sự ủng hộ trong quốc hội, mà ông cũng là một dân biểu (đơn vị Kiên Giang), bằng cách dễ dãi cho tất cả dân biểu, nghị sĩ vay tiền ở ngân hàng Tín Nghĩa không tính lãi. “Chiêu” này của ông Đời có khả năng vô hiệu hóa quyền lực của phụ tá Ngân đối với các dân biểu nghị sĩ “gia nô”. Ông Ngân cũng dùng tiền để mua chuộc các cuộc bỏ phiếu. Thật ra trước mắt ông Đời chỉ có ý định nắm chức vụ chủ tịch Ủy ban ngân sách tài chính ở Hạ nghị viện, tức kiểm soát hầu bao của chính phủ Thiệu.

Do đó để giữ độc quyền nắm quốc hội, phụ tá Ngân quyết định tìm cách “dứt” ông Đời và hệ thống ngân hàng của Đời. Người giúp Ngân tích cực trong kế hoạch này là thống đốc Ngân hàng quốc gia Lê Quang Uyển, người phát hiện ra những sơ hở và vi phạm của Ngân hàng Tín Nghĩa. Khi tổng thống Thiệu vừa từ Mỹ trở về sau cuộc gặp tổng thống Nixon ở San Clemente, Ngân trình kế hoạch đánh sập Ngân hàng Tín Nghĩa và cá nhân Nguyễn Tấn Đời. Thiệu chấp thuận. Một cuộc họp lấy quyết định chính thức được Thiệu triệu tập với sự có mặt của thống đốc Ngân hàng quốc gia Lê Quang Uyển, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, tổng trưởng tài chánh Hà Xuân Trừng, thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, tổng giám đốc cảnh sát quốc gia và phụ tá Ngân. Cuộc họp giao cho phụ tá Ngân tiến hành kế hoạch. Ngày 21-3-1973 các cơ sở của Ngân hàng Tin Nghĩa ở toàn miền Nam bị khám xét và niêm phong, lúc đó ông Đời và vợ đang ở Đà Nẵng. Cho đến cuối đời mình, Đời thù tận xương Thiệu và Ngân. Cuốn hồi ký của Nguyễn Tấn Đời được viết ra chủ yếu để tấn công và xỉ vả ông Thiệu!

Về nhân vật Ngân, một người thân cận của ông - nhà báo Vũ Thụy Hoàng - còn tiết lộ Ngân là “kiến trúc sư” chính của sự thành lập và tổ chức đảng Dân Chủ của Thiệu và là người dựng lên tờ báo của chính quyền - tờ Dân Chủ. Một nguồn tin khác cho rằng trước khi bị bắt lần đầu và tạm lưu vong ở Canada, Ngân đã từng đề nghị với ông Thiệu và Hoàng Đức Nhã nên tiến hành việc móc nối với MTDTGPMN. Theo lập luận của Ngân, cộng sản sẽ bị chóa mắt khi tiếp cận với xã hội tiêu dùng miền Nam và chế độ Sài Gon có khả năng “hủ hóa” cộng sản. Nhưng đề nghị của Ngân bị Nhã bác bỏ. Do đó khi Ngân bị bắt, có tin đồn Ngân bị bắt vì liên lạc với Mặt Trận. Cho đến nay chưa biết được thật hư của dư luận này ra sao.

…Sau tuyên cáo của Thượng viện đòi Thiệu từ chức ngay thì xảy ra vụ phó văn phòng AFP tại Sài Gòn, Paul Leandri, bị cảnh sát Tổng nha bắn chết tại trụ sở Tồng nha. Vụ này làm bùng lên dư luận quốc tế lên án chế độ Thiệu, càng khiến cho ông Thiệu bị cô lập và mất tinh thần với Mỹ, thời gian quá cấp bách để cứu vãn cái gì còn có thể cứu vãn. Chẳng hạn kéo dài sự tồn tại chế độ Sài Gòn thêm một thời gian nữa để người Mỹ rút chân ra khỏi miền Nam an toàn hơn. Ngày 19-4-1975, đại sứ Martin gặp tổng thống Thiệu và nói thẳng với ông ta phải từ chức để sớm kiếm một khả năng thương thuyết với quân giải phóng. Theo nhà báo Mỹ Zalin Grant thì trong cuộc gặp này Martin đã cùng Thiệu duyệt qua tình hình quân sự không còn có thể cứu vãn. Martin nói với Thiệu: “Tình hình quân sự rất tồi tệ và dân chúng qui trách nhiệm vào ngài”.

Ông Thiệu không chịu từ chức ngay. CIA quyết định ra tay và lại nghĩ tới hai tướng Cao Văn Viên và Trần Thiện Khiêm để thực hiện kế hoạch lật đổ Thiệu, bởi họ hiểu rõ trước đó cả hai có ý định lật đổ Thiệu. Ngày 19-4-1975, Hoàng Đức Nhã đang đi công tác ở Singapore. Tại đây thủ tướng Lý Quang Diệu đã nói thẳng với Nhã, người bạn vong niên mà ông có nhiều cảm tình: “Anh hãy cảnh báo ông anh của anh về khả năng xảy ra đảo chính. Còn anh nên ở lại đây. Không nên trở về Sài Gòn. Tôi sẽ tìm cách đưa gia đình anh rời khỏi Việt Nam. Anh biết không, người Mỹ đã chọn xong nơi ông Thiệu sẽ lưu vong”. Biết được tin sắp có đảo chính do Mỹ thúc đẩy, Nhã liền điện về cho ông Thiệu từ Singapore: “Tổng thống không nên chờ bị lật đổ hoặc truất quyền. Hãy hành động trước”. Khi trở về Sài Gòn, Nhã liền điện vào Dinh Độc Lập. Một trợ lý của ông Thiệu nói với Nhã hãy gọi lại sau vì tổng thống đang chuẩn bị một diễn văn quan trọng.

CIA đã có kế hoạch lật đổ tổng thống Thiệu vào ngày 23-4-1975 nhưng trước đó hai hôm, ngày 21-4-1975, Thiệu đã chính thức từ chức. Điều mỉa mai là tòa đại sứ Mỹ chỉ biết được quyết định từ chức của ông Thiệu ít tiếng đồng hồ trước khi ông lên truyền hình phát biểu. Phải chăng Thiệu hành động theo lời khuyên của Hoàng Đức Nhã? Hoặc Thiệu đã nắm được tin đảo chính mình? Nhưng cũng có thể do tình hình quân sự tuyệt vọng sau khi quân đội VNCH mất tuyến phòng thủ cuối cùng ở Xuân Lộc, Thiệu thấy rõ không còn hy vọng bảo vệ cái ghế tổng thống của mình nữa.

Trước khi từ chức, Thiệu đọc một bài diễn văn nảy lửa trên truyền hình, tấn công thẳng vào Mỹ, cho rằng Mỹ ép Nam Việt Nam phải ký Hiệp định Paris và sau đó lại bội hứa không ủng hộ VNCH trước cuộc tấn công của Bắc Việt. Thiệu cho rằng Mỹ không đáng tín nhiệm, vô nhân đạo. Có cả nước mắt trong bài diễn văn đó. Có đoạn ông Thiệu nói rằng người Mỹ muốn ông làm cái điều mà chính người Mỹ không thể làm được với nửa triệu quân lính trang bị hùng mạnh. Giờ đây người Mỹ đã tìm ra lối thoát danh dự cho mình lại đòi hỏi quân đội Sài Gòn thiếu vũ khí, đạn dược, trực thăng máy bay chiến đấu và B-52 làm cái điều bất khả thi như thể lấy đá lấp biển.

Nhưng bài diễn văn của ông không hề gây xúc động trong dư luận người dân miền Nam. Trái lại làm rõ ra thêm bi kịch của một tổng thống bù nhìn, quyền lực một thời chỉ dựa vào ngoại bang. Ông Thiệu đã từng được Mỹ ủng hộ nhưng chưa lúc nào ông có được sự hậu thuẫn của người dân miền Nam. Để rồi hôm nay người ta chứng kiến cảnh tượng chế độ đó giẫy chết trước sự dửng dưng gần như của mọi người. Ngay với những người Việt Nam chống cộng, ông Thiệu chưa bao giờ được coi là một người yêu nước. Một sự kiện rất tiêu biểu nói lên sự cô lập của chế độ Thiệu nói riêng và chế độ Sài Gòn nói chung: Khi Nam Việt Nam mất Ban Mê Thuật, Thiệu cho ban hành Luật tổng động viên để tăng cường tiềm lực chiến đấu của quân đội VNCH nhưng luật này đã bị toàn thể các giới và dân chúng phản đối. Đau nhất cho Thiệu là sự chống đối mạnh mẽ nhất lại đến giới công giáo cực hữu. Tại cuộc họp báo tại nhà thờ Tân Chí Linh ngày 17-3-1975, linh mục Trần Hữu Thanh, chủ tịch Phong trào nhân dân chống tham nhũng, một tổ chức của người công giáo chống cộng, phản đối Luật tổng động viên bằng cách tố cáo rằng “trong số một triệu mốt binh sĩ chỉ có 700 ngàn quân, còn bao nhiêu là lính ma lính kiểng”. Linh mục Thanh nói: “Thực ra không cần động binh cho bằng biết sử dụng binh, không cần động viên nhân số cho bằng động viên tinh thần”. Cũng vào thời điểm này, sinh viên công giáo gồm ba đoàn thể (Phong trào thanh niên công giáo Đại học Việt Nam, Liên đoàn sinh viên công giáo Sài Gòn, Liên đoàn SV công giáo Minh Đức) kêu gọi toàn thể sinh viên học sinh, bất kể lớp tuổi, bất kể màu sắc chính trị, tôn giáo, liên kết bày tỏ thái độ tích cực, hành động cụ thể và cấp thời đối với luật tổng động viên mới đây của chính phủ VNCH. Sinh viên công giáo cho rằng “biện pháp đôn quân, bắt lính của chính phủ không phải là biện pháp trực tiếp và hữu hiệu để chấm dứt chiến tranh, không phải là con đường thực sự đưa đến hòa bình dân tộc trong khi miền Nam còn đầy rẫy bất công, tham nhũng... Con ông cháu cha ăn chơi phè phỡn, thi đua xuất ngoại...”

…Phản ứng của Washington đối với bài diễn văn chống Mỹ muộn màng của ông Thiệu ra sao? Trong quyển hồi ký Ending The Vietnam War của Henry Kissinger đã viết: “Thiệu có tất cả lý do để phẫn uất sự cư xử của nước Mỹ (...) Nếu tôi nghĩ rằng quốc hội sẽ cắt viện trợ, như đã xảy ra, với một đồng minh đang bị bao vây, tôi đã không gây áp lực để có hiệp định như tôi đã hành động ở những cuộc thương lượng cuối cùng năm 1972”.

(Thiệu had every reason to resent America's conduct... Had I thought it possible that Congress would, in effect, cut off aid to a beleaguered ally, I would not have pressed for an agreement as I did in the final negotiations in 1972).

Tôi không thấy trong những lời lẽ này của Kissinger một sự thành thật về những cảm nghĩ của ông dành cho cá nhân ông Thiệu. Cái chính là Kissinger muốn đổ trách nhiệm về một kết thúc thảm hại của chế độ Sài Gòn và chính sách của Mỹ ở Việt Nam sang quốc hội Mỹ. Giọng đầy thương cảm của Kissinger không đánh lừa được bất cứ ai đã từng theo dõi diễn tiến cuộc chiến ở Việt Nam.

Đồng thời với sự công bố từ chức, ông Thiệu nói căn cứ theo Hiến pháp VNCH, người thay ông là phó tổng thống Trần Văn Hương, 71 tuổi (người có ảo tưởng tự cho mình là “một Charles De Gaulle của miền Nam” theo nhà báo Mỹ Zalin Grant). Nhưng lúc này ai cũng đoán biết người thật sự thay Thiệu chính là ông Dương Văn Minh, còn ông Hương chỉ ở vai trò chuyển tiếp ngắn.

Đại sứ Pháp Mérillon và đại sứ Mỹ Martin tăng cường áp lực với quyền tổng thống Hương nhằm đưa ông Minh vào chức vụ tổng thống với hi vọng “được Hà Nội chấp nhận đối thoại”. Để giành tối đa thời gian ít ỏi còn lại, Martin và Merillon gặp trực tiếp ông Hương và thuyết phục ông rút lui nhường quyền lãnh đạo cho ông Dương Văn Minh. Nhưng... quyền tổng thống Trần Văn Hương nhất định từ chối, viện lẽ chính ông cũng có thể đứng ra thương thuyết với cộng sản và chắc gì ông Minh được công sản chấp nhận.

Trước áp lực của hai đại sứ Pháp và Mỹ, ông Hương nhất định không nhân nhượng và tuyên bố thẳng thừng rằng ông chỉ rời Dinh Độc Lập theo đúng Hiến pháp, tiếc có một cuộc biểu quyết của lưỡng viện quốc hội.

Thế là các nỗ lực của những người muốn đẩy ông Hương ra khỏi chức vụ tổng thống quay sang quốc hội. Cần triệu tập một phiên họp quốc hội lưỡng viện, có nghĩa có đủ mặt đại biểu và nghị sĩ, để truất phế quyền tổng thống Trần Văn Hương và bầu ông Dương Văn Minh vào chức vụ tổng thống.
Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 đ

No comments: