Friday, December 12, 2008

GIAI CẤP MỚI 8



Milovan Djilas
Giai cấp mới
Phạm Minh Ngọc dịch

CHƯƠNG VIII
BẢN CHẤT CHỦ NGHỈA CỘNG SẢN
THE ESSENCE ((NC, 164- 172)1.

(bản chất của chủ nghĩa cộng sản)

Không có lí thuyết nào nói về bản chất của chủ nghĩa cộng sản hiện đại có thể chứa đựng được tất cả mọi vấn đề. Tác phẩm này cũng vậy mà thôi. Chủ nghĩa cộng sản hiện đại xuất hiện là do một loạt nguyên nhân lịch sử, kinh tế, chính trị, tư tưởng, dân tộc và quan hệ quốc tế nữa. Vì vậy một khẳng quyết duy nhất về bản chất của nó không thể coi là hoàn toàn đúng và đầy đủ được.
Không thể nắm được bản chất của chủ nghĩa cộng sản trước khi nó chưa phát triển hoàn toàn, chưa thể hiện được toàn bộ chính mình. Thời điểm đó sẽ tới khi chủ nghĩa cộng sản bước vào giai đoạn chín muồi. Chỉ lúc đó ta mới có thể nhận thức được đầy đủ bản chất quyền lực, quyền sở hữu và hệ tư tưởng của nó mà thôi. Còn khi chủ nghĩa cộng sản vẫn đang phát triển, đang là hiện thân chủ yếu như một hệ tư tưởng thì thật khó nhận thức được bản chất thật sự của nó.
Giống như mọi sự thật khác, sự thật về chủ nghĩa cộng sản hiện đại là công việc của nhiều tác giả, nhiều nước, nhiều phong trào khác nhau. Sự thật này sẽ hé lộ từng bước một, song song với sự phát triển của phong trào cộng sản, nhưng ta không thể nói đâu là sự thật cuối cùng vì chính phong trào cộng sản cũng còn đang phát triển.
Nhưng dẫu vậy đa số các lí thuyết hiện thời đều chứa đựng những kết luận đúng và trong từng trường hợp cụ thể đã nắm bắt được một nét đặc thù hay một hình thức biểu hiện cái bản chất của nó.

Tồn tại hai quan điểm khác nhau về chủ nghĩa cộng sản hiện đại. Một quan điểm coi chủ nghĩa cộng sản hiện đại là một loại tôn giáo kiểu mới. Nhưng như chúng ta đã thấy bên trên, đây không phải là tôn giáo, không phải nhà thờ dù rằng chúng có nhiều nét tương đồng.
Quan điểm thứ hai lại coi chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa xã hội cách mạng, nghĩa là sự phủ nhận nền công nghiệp và chủ nghĩa tư bản, sự phủ nhận nảy sinh từ trong lòng nó cùng với giai cấp vô sản với những bất hạnh của giai cấp này. Chúng ta cũng đã khẳng định rằng quan điểm này cũng chỉ đúng một phần: chủ nghĩa cộng sản xuất hiện trong lòng các nước tư bản phát triển như một tư tưởng về sự công bằng và phản ứng đối với tình trạng nghèo khó của quần chúng lao động trong quá trình công nghiệp hoá.

Nhưng sau khi giành được quyền lực ở những nước chậm phát triển, chủ nghĩa cộng sản lại trở thành một cái gì đó khắc hẳn – thành một hệ thống bóc lột, đi ngược lại quyền lợi của chính giai cấp vô sản.
Cũng tồn tại quan điểm cho rằng chủ nghĩa cộng sản hiện đại chỉ là biểu hiện hoàn toàn mới của chủ nghĩa chuyên chế vốn là bản chất của những người nắm được quyền lực trong tay. Chính bản chất nền kinh tế hiện đại với nhu cầu quản lí tập trung đã tạo cho nó điều kiện trở thành quyền lực tuyệt đối. Cách đặt vấn đề như vậy cũng có phần đúng: chủ nghĩa cộng sản hiện đại thực tế đúng là một chế độ, chế độ đó nhất định có xu hướng trở thành toàn trị. Nhưng không phải chế độ chuyên chế hiện đại nào cũng đều là cộng sản và về mức độ toàn trị thì các chế độ đó không thể nào so với cộng sản được.
Như vậy là sau khi xem xét các luận điểm đó ta thấy rằng chúng chỉ giải thích một khía cạnh nào đó, một số đặc trưng nào đó, một phần sự thật chứ không phải tất cả sự thật về chủ nghĩa cộng sản hiện đại. Quan điểm của tôi về bản chất của chủ nghĩa cộng sản cũng không có tham vọng giành sự chính xác một trăm phần trăm. Và nói chung mọi định nghĩa đếu là “màu xám”, nhất là khi nói về những hiện tượng xã hội vốn rất phức tạp và sống động.
Nhưng về mặt lí thuyết ta vẫn có thể nói đến bản chất của chủ nghĩa cộng sản, nói đến những đặc điểm căn bản của nó.
Chủ nghĩa cộng sản cũng như bản chất của nó luôn luôn chuyển động, từ hình thức này sang hình thức khác. Chúng không tồn tại bên ngoài chuyển động ấy. Vì vậy nó mới thu hút những nhà nghiên cứu, thu hút việc đào sâu mãi cái sự thật đã được phát hiện về chính mình.
Bản chất của chủ nghĩa cộng sản chính là thành quả của một loạt điều kiện lịch sử và các điều kiện đặc thù khác. Nhưng sau khi chủ nghĩa cộng sản đã đứng vững thì bản chất của nó lại trở thành tác nhân độc lập, tự tạo ra những điều kiện cho sự tồn tại của chính mình. Vì vậy cần phải xem xét nó một cách riêng biệt, trong các hình thức, điều kiện tồn tại và hoạt động của nó trong giai đoạn hiện nay.



2.( NC 166)



(chủ nghĩa toàn trị )
Quan điểm cho rằng chủ nghĩa cộng sản hiện đại là biểu hiện của chủ nghĩa toàn trị mới đã được rất nhiều người nói tới và là quan điểm hoàn toàn đúng. Nhưng toàn trị mới là gì, nhất là khi liên hệ đến chủ nghĩa cộng sản thì lại chưa được lí giải đúng mức.
Chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa toàn trị với ba nhân tố thống trị con người - quyền lực, sở hữu và tư tưởng - cả ba đều là độc quyền sở hữu của một đảng chính trị duy nhất hay như tôi đã trình bày và gọi ở trên là giai cấp mới, còn trong tình hình cụ thể hiện nay thì là độc quyền của nhóm chóp bu của đảng đó hay giai cấp đó. Không có chế độ toàn trị nào trong quá khứ và cả hiện nay, ngoài chế độ cộng sản, có được cùng một lúc cả ba tác nhân thống trị đối với con người như vậy.
Xem xét và cân nhắc từng tác nhân ta có thể kết luận rằng quyền lực đã và vẫn là tác nhân quyết định cho sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Có thể một lúc nào đó một trong hai tác nhân kia sẽ nổi lên, nhưng phân tích các quan hệ hiện thời cũng như các điều kiện khác cho thấy điều đó khó có thể xảy ra. Tôi nghĩ rằng quyền lực sẽ trở thành đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa cộng sản.
Trong giai đoạn xuất hiện, chủ nghĩa cộng sản chỉ mới là một hệ tư tưởng. Nhưng hệ tư tưởng đó, ngay từ phôi thai đã chứa đựng bản chất toàn trị và độc quyền. Có thể nói một cách tự tin rằng hiện nay tư tưởng đã không còn đóng vai trò chủ yếu, vai trò quyết định trong việc đảm bảo cho quyền thống trị của nó đối với con người nữa. Như một hệ tư tưởng, chủ nghĩa cộng sản đã đi hết lộ trình, nó không thể nói được điều gì mới nữa. Mặt thật của nó hiện nay là quyền lực và sở hữu.
Có thể nhận xét rằng giành lấy một kiểu quyền lực nào đó, dù đấy là quyền lực về chính trị, quyền lực về tinh thần, quyền lực về kinh tế, là mục đích của mọi cuộc đấu tranh, là mục đích mọi hoạt động xã hội của con người. Nhận xét này chứa đựng một phần sự thật. Có thể thêm rằng trong hoạt động chính trị thì quyền lực, đấu tranh để giành và giữ quyền lực là vấn đề chủ yếu, hướng chủ yếu. Nhưng với chủ nghĩa cộng sản hiện đại vấn đề không chỉ là quyền lực. Nó là quyền lực đặc biệt, quyền lực bao hàm trong nó quyền thống trị đối với tư tưởng và sở hữu, nghĩa là quyền lực trở thành mục đích tự thân.
(Ba giai đoạn : cách mạng, giáo điều và phi giáo điều)Chế độ cộng sản Xô Viết, có lịch sử dài nhất và phát triển nhất, đã trải qua ba giai đoạn. Chế độ cộng sản ở các nước khác dù ít dù nhiều cũng đều trải qua các giai đoạn tương tự, ngoại trừ Trung Quốc, nơi cộng sản đang ở giai đoạn hai, giai đoạn củng cố quyền lực.
Ba giai đoạn như sau: cách mạng, giáo điều và phi giáo điều. Mỗi giai đoạn có những khẩu hiệu, nhiệm vụ và người cầm cờ tương ứng: cướp chính quyền là Lenin; “chủ nghĩa xã hội” hay là xây dựng hệ thống là Stalin; “pháp chế” hay là sự ổn định của hệ thống là “lãnh đạo tập thể”.
Điều cần phải thấy là các giai đoạn đó không có biên giới rõ ràng và mỗi giai đoạn riêng biệt lại vẫn chứa những đặc điểm chung. Ngay trong giai đoạn của Lenin đã đầy giáo điều và bắt đầu “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, Stalin cũng vậy, ông ta không từ bỏ cách mạng và không chấp nhận những giáo điều cản trở việc thành lập hệ thống.
Và hôm nay gọi là chủ nghĩa cộng sản phi giáo điều cũng chỉ là một cách gọi tượng trưng: giáo điều không phải là lí do để nó từ bỏ lợi ích dù nhỏ đến đâu, mặt khác, trong khi theo đuổi lợi ích nó sẽ không khoan nhượng đối với bất kì mối nghi ngờ nào về tính trong sáng và chân thành của giáo lí.
Như vậy là do nhu cầu và khả năng của mình, chủ nghĩa cộng sản hiện nay đã tạm thời cho hạ cánh buồm cách mạng và bành trướng quân sự xuống rồi. Cho hạ không có nghĩa là từ bỏ.
Vì vậy việc chia làm ba giai đoạn như trên chỉ đúng trong những biểu hiện chung nhất, chỉ có ý nghĩa khoa học thuần tuý mà thôi. Trong thực tế không có sự phân chia rành mạch, giữa các nước cộng sản với nhau chúng cũng không trùng hợp về mặt thời gian.
Trong các nước cộng sản khác nhau sự phân cách giữa các giai đoạn, sự tương tác giữa chúng và hình thức biểu hiện cũng không giống nhau. Thí dụ như Nam Tư đã trải qua cả ba giai đoạn nêu trên trong một thời gian tương đối ngắn, dưới quyền lãnh đạo của vẫn một số người và vì vậy có ảnh hưởng đến quan điểm và nguyên tắc làm việc của những người đó.
Quyền lực đóng vai trò chủ yếu trong cả ba giai đoạn. Đầu tiên, trong giai đoạn cách mạng thì cần phải giành chính quyền; sau đó trong giai đoạn “xây dựng chủ nghĩa cã hội” thì phải dựa vào chính quyền để thiết lập hệ thống; còn hôm nay chính quyền phải bảo vệ hệ thống đó.
Trong thời gian đó, từ giai đoạn một đến giai đoạn ba, bản chất cốt lõi nhất của chủ nghĩa cộng sản là quyền lực đã trải qua quá trình tiến hoá từ phương tiện thành mục đích.
Trong thực tế, dù ít dù nhiều, quyền lực vẫn là mục đích, nhưng các lãnh tụ cộng sản không quan niệm như vậy khi họ tin tưởng rằng nhờ quyền lực, sử dụng quyền lực như là phương tiện họ sẽ đạt được mục đích “lí tưởng”. Chính vì quyền lực được coi là phương tiện để thực hiện cái mưu toan viển vông là cải tạo thế giới nên quyền lực nhất định phải trở thành mục đích tự thân. Trong giai đoạn một và giai đoạn hai nó có thể giống như là phương tiện. Nhưng giai đoạn ba thì không thể che dấu được nữa, nó đã là mục đích tối thượng, là bản chất của chế độ cộng sản.
Tư tưởng đã bị bạc màu, lại không thể tuyên bố thẳng thừng về quyền sở hữu, chế độ cộng sản buộc phải bám lấy quyền lực như là phương tiện chủ yếu, là biện pháp chính để đảm bảo quyền thống trị đối với con người.
Trong cách mạng cũng như trong cuộc thế chiến việc tập trung toàn bộ nguồn lực vào tay chính quyền là lẽ đương nhiên: cần phải thắng. Trong giai đoạn công nghiệp hoá việc đó cũng còn có thể coi là tự nhiên: cần phải công nghiệp hoá, cần xây dựng “xã hội chủ nghĩa”, biết bao nạn nhân đã được đặt lên bàn thờ của nó. Nhưng sau khi điều đó đã được thực hiện thì mới rõ rằng quyền lực đối với cộng sản không chỉ là phương tiện mà là mục đích chủ yếu, nếu không nói là duy nhất.
Hôm nay, đối với những người cộng sản, những người đang cố giữ bằng được đặc quyền đặc lợi và sở hữu, thì quyền lực vừa là phương tiện lại vừa là mục đích. Mà ở đây lại là một hình thức quyền lực và sở hữu đặc biệt, nghĩa là dùng quyền lực để chiếm đoạt sở hữu cho nên quyền lực vừa là mục đích tự thân vừa là bản chất của chế độ cộng sản. Các giai cấp khác có thể giữ được sở hữu mà không cần độc chiếm quyền lực hoặc có quyền lực mà không cần độc chiếm sở hữu. Nhưng giai cấp mới, giai cấp hình thành trong chế độ cộng sản thì chưa làm được như thế và có thể trong tương lai cũng sẽ không làm được như thế.
Trong cả ba giai đoạn hình thành và phát triển của chế độ cộng sản, quyền lực là mục đích bí ẩn, không nhìn thấy được, không được gọi tên, tự phát, nhưng lại là mục đích chủ yếu. Quyền lực có thể mạnh yếu khác nhau trong mỗi hình thức biểu hiện sự thống trị đối với con người; giai đoạn một thì tư tưởng là động lực để giành chính quyền, giai đoạn hai thì quyền lực đóng vai trò người sáng tạo xã hội mới, tuy không quên tự tạo “điều kiện” cho chính mình, còn hôm nay thì “sở hữu tập thể” đã nằm trọn trong tay chính quyền, hoạt động theo nhu cầu của chính quyền.
(quyền lực)
Đối với chủ nghĩa cộng sản hiện đại thì quyền lực là tất cả, ngay cả khi nó cố tránh điều đó.
Các thứ tư tưởng, các nguyên lí triết học và đạo đức, nhân dân và dân tộc, lịch sử của chính mình và ngay cả một phần tài sản “của mình”, tất cả đều có thể đem đổi, có thể hi sinh. Nhưng quyền lực thì không. Làm khác đi nghĩa là phủ nhận chính mình, phủ nhận ngay bản chất của mình. Từng cá nhân có thể được. Nhưng cả giai cấp, cả đảng, cả nhóm chóp bu thì không thể. Đấy chính là mục đích, là ý nghĩa sự tồn tại của họ.
Mọi quyền lực đều vừa là phương tiện, vừa là mục đích (đối với những người đang cố giành quyền) và nguồn gốc đặc lợi.
Trong chế độ cộng sản thì quyền lực gần như hoàn toàn là mục đích vì nó là nguồn gốc và sự bảo đảm cho tất cả mọi đặc lợi trên đời. Giai cấp nắm quyền nhờ nó và thông qua nó mà chiếm đoạt được tất cả đặc lợi và quyền bá chủ đối với mọi tài sản quốc gia. Cân đong, đo đếm giá trị của con người, cho con người được sống hay bắt phải chết đều là quyền lực cả.
Đấy là sự khác biệt của quyền lực trong chế độ cộng sản với mọi hình thức chính quyền khác. Cộng sản cũng khác với mọi hệ thống khác chính vì thế.
Chính vì quyền lực là bản chất căn bản nhất của chế độ cộng sản nên chế độ ấy nhất định phải trở thành toàn trị, bất dung và khép kín. Giả sử chế độ ấy còn có (hay có khả năng có) những mục đích khác thì nó buộc phải cho những lực lượng khác được tự do phát triển và trở thành lực lượng đối lập với chính nó.
8.
Chế độ cộng sản hiện nay có thể nằm trong định nghĩa nào không phải là điều quan trọng. Nhưng vấn đề đó cũng phải được đặt ra đối với bất kì người nào có ý định tìm cách giải thích nó; dù các điều kiện cụ thể, trong đó người cộng sản ca tụng hệ thống của họ là “chủ nghĩa xã hội”, “xã hội phi giai cấp’, “hiện thân của ước mơ ngàn đời của loài người”, còn phía chống lại thì chỉ nhìn thấy những sự đàn áp vô nghĩa, hay những thắng lợi “vô tình” của một nhóm những kẻ khủng bố và sự lăng mạ giống người, không bắt buộc phải làm như thế.
Bất cứ môn khoa học nào muốn đơn giản hoá việc mô tả cũng buộc phải sử dụng các phạm trù có sẵn.
Liệu trong môn xã hội học có phạm trù nào, dù là tương đối, có thể áp dụng cho chủ nghĩa cộng sản hiện đại?
Cũng như nhiều tác giả, dù đứng trên những quan điểm khác, trong những năm qua tôi đã coi chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa tư bản nhà nước, đúng hơn là chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị.
Quan điểm này đã từng chiếm thế thượng phong ở Nam Tư trong giai đoạn đối đầu với chính phủ Liên Xô. Nhưng người ta đã nói không quá rằng cộng sản thay đổi “quan điểm khoa học” của mình như người ta thay tất tay vậy. Các lãnh tụ cộng sản Nam Tư cũng thay đổi quan điểm của mình (một cách bí mật và nhục nhã) sau khi đã “làm lành” với chính phủ Liên Xô và lại tuyên bố Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa, còn việc tấn công nước Nam Tư độc lập của chủ nghĩa đế quốc Xô Viết chỉ là một biền cố đầy “kịch tính và khó hiểu” xuất phát từ “sự tuỳ tiện của một vài cá nhân”, như Tito từng nói.
Chủ nghĩa cộng sản hiện đại rất giống với chủ nghĩa tư bản nhà nước toàn trị. Nguồn gốc và những nhiệm vụ của nó đã nói lên điều đó: cẩn phải cải tạo công nghiệp, tương tự như chủ nghĩa tư bản đã làm, nhưng khác với chủ nghĩa tư bản, ở đây người ta sử dụng bộ máy nhà nước để làm việc đó.
Có thể dẫn ra không ít lí lẽ (nếu không nói là nhiều) chống lại định nghĩa đó.
Nếu nhà nước trong chế độ cộng sản là chủ sở hữu thay mặt cho xã hội, cho dân tộc thì hình thức quyền lực chính trị của nó phải thay đổi, vì một lí do đơn giản là xã hội đó, dân tộc đó có rất nhiều khát vọng, hoài bão. Về bản chất, nhà nước là cơ quan liên kết và hoà hợp xã hội chứ không chỉ là sức mạnh áp đặt lên xã hội. Thay mặt xã hội nắm tài sản có nghĩa là thực hiện những chức năng đó của nó, hay nói cách khác, các lực lượng và xu hướng mà nó có trách nhiệm giữ cho cân bằng sẽ thể hiện quyền lực đối với nhà nước dưới những hình thức cực kì đa dạng. Nhà nước không thể vừa là chủ sở hữu vừa là chúa tể được. Ở đây hoàn toàn ngược lại: nhà nước là công cụ, nó chỉ phục vụ cho quyền lợi của một chính đảng, của một ông chủ duy nhất hay một xu hướng duy nhất trong lĩnh vực kinh tế cũng như tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Tài sản nhà nước ở phương Tây phải được coi là chủ nghĩa tư bản nhà nước chứ không phải là sở hữu như trong chế độ cộng sản.
Khẳng định chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa tư bản nhà nước phát xuất từ sự “cắn rứt lương tâm” của những người thất vọng với hệ thống cộng sản, không lí giải nổi hệ thống ấy và đem so sánh nó với các khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản. Vì trong chế độ cộng sản tài sản tư nhân không hề tồn tại, về mặt hình thức tất cả sở hữu đều thuộc về nhà nước cho nên mọi tội lỗi đều có thể đổ cho nhà nước cũng là hợp lôgic vậy. Từ đó mà có chủ nghĩa tư bản nhà nước. Định nghĩa này cũng được những người cho rằng tư hữu không phải là xấu, sử dụng, hơn nữa họ còn luôn nhấn mạnh rằng cộng sản cũng là tư bản, nhưng tồi hơn nhiều.
Khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản hiện đại là giai đoạn chuyển tiếp sang một cái gì đó chỉ là đưa vấn đề vào ngõ cụt và làm cho mọi tìm tòi giải pháp đều trở thành bất khả.


CHƯƠNG IX
CỘNG SẢN DÂN TỘC

1. (NC,173)

Chủ nghĩa cộng sản hiện đại, ngay cả khi cho rằng nó hàm chứa những đặc trưng của chủ nghĩa tư bản nhà nước đi chăng nữa, thì nó cũng chứa nhiều đặc thù không kém và vì vậy phải coi nó là một hệ thống xã hội đặc biệt, hoàn toàn mới.
Không thể lẫn lộn bản chất của chủ nghĩa cộng sản hiện đại với bất kì một hệ thống nào khác. Hàm chứa nhiều đặc điểm của chủ nghĩa phong kiến, chủ nghĩa tư bản, và ngay cả chế độ chiếm nô, đồng thời nó vẫn là một chế độ hoàn toàn độc đáo, hoàn toàn riêng biệt, chưa từng có.



(Quốc tế cộng sản-Liên xô &Động Âu)

Thống nhất về bản chất nhưng chế độ cộng sản lại được thực hiện bằng những biện pháp và tốc độ khác nhau trong từng nước riêng biệt. Vì vậy các hệ thống cộng sản riêng biệt có thể được xem như là những hình thức khác nhau của cùng một hiện tượng.

Sự khác nhau giữa các nước cộng sản, mà Stalin đã cố gắng loại bỏ một cách vô vọng, là hậu quả của tính đặc thù lịch sử của từng nước.

Ngay một người quan sát hời hợt nhất cũng nhận thấy, thí dụ, chủ nghĩa quan liêu ở Liên Xô hiện nay là sự tiếp tục của chế độ của Sa Hoàng mà ngay Engels đã nói rằng quan chức ở đó là một “giai tầng đặc biệt”. Có thể nói tương tự như vậy về cơ chế quyền lực ở Nam Tư nữa.

Sau khi nắm được “tay lái”, những người cộng sản ở các nước khác nhau phải trực diện với những trình độ kĩ thuật-văn hoá khác nhau, với những quan hệ xã hội không giống nhau, với những đặc thù dân tộc khác nhau, chính quyền mới không thể không tính đến điều đó. Những khác biệt này mỗi ngày lại càng sâu sắc thêm. Nhưng dù ít dù nhiều, nguyên nhân đưa họ đến quyền lực là giống nhau, kẻ thù bên trong và bên ngoài của họ cũng giống nhau, cho nên nói chung cộng sản không chỉ tiến hành một cuộc đấu tranh chung mà còn theo đuổi một tư tưởng chung nữa.

Tương tự như tất cả những thứ khác trong chủ nghĩa cộng sản, tinh thần quốc tế cộng sản, đã một thời là biểu hiện sự tương đồng về hoàn cảnh và nhiệm vụ mà xã hội đặt ra trước những người cách mạng, đã biến chất cùng với thời gian. Bây giờ đây không chỉ là một “cái chảo quyền lợi chung” của bộ máy quan liêu cộng sản quốc tế mà còn là môi trường dung dưỡng cho những cuộc cắn xé và bất hoà của cái “tập thể” ấy trên cơ sở quốc gia-dân tộc nữa. Chủ nghĩa quốc tế vô sản chỉ còn là những khẩu hiệu; giờ đây nó chỉ còn là một hố sâu che giấu những lợi ích trong quan hệ đối nội và đối ngoại “trần trụi”, che đậy những kế hoạch, dự định của các nhóm cộng sản chóp bu đương quyền mà thôi.

Bản chất của quyền lực và sở hữu, sự tương đồng về vai trò trên trường quốc tế cũng như hệ tư tưởng, nhất định sẽ buộc những người cộng sản phải tham khảo kinh nghiệm của nhau.

Mặc dù vậy, sẽ là sai lầm nếu không thấy hoặc không đánh giá đúng ý nghĩa của những sự khác biệt về tốc độ và con đường phát triển của các nước cộng sản. Sự đa dạng về đường lối, hình thức và tốc độ của từng nước là đương nhiên. Không có chế độ cộng sản nào, dù có vẻ giống các chế độ khác đến đâu, có thể tồn tại được nếu nó không khoác lên mình những biểu hiện của chủ nghĩa cộng sản dân tộc. Hơn thế nữa, để có thể trụ được, chế độ cộng sản càng ngày càng phải có hình thức dân tộc chủ nghĩa hơn, càng phải thích nghi với thực tiễn của dân tộc hơn.

Hình thức quyền lực và sở hữu, nội dung của tư tưởng trong các nước cộng sản khác nhau không đáng kể. Vì bản chất thì ở đâu cũng là một: nhà nước toàn trị. Nhưng để có thể giành và giữ được quyền lực, người cộng sản buộc phải thích ứng, nghĩa là làm cho đường lối và tốc độ áp đặt những hình thức quyền lực và sở hữu giống nhau đó phù hợp với điều kiện của từng dân tộc.

Sự khác nhau giữa các nước càng lộ rõ khi những người cộng sản ở một nước nào đó, vì hoàn cảnh, đã chiếm được quyền lực bằng những con đường “phi truyền thống” và với tốc độ khác các nước kia. Và họ phải là những người tương đối độc lập.

Cụ thể chỉ có ba nước: Liên Xô, Trung Quốc và Nam Tư (nơi nhiều nơi ít khác nhau), nơi những người cộng sản tự tiến hành cách mạng, giành chính quyền và bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu của mình và với tốc độ do mình định đoạt. Các nước này đã giữ được độc lập sau khi đã trở thành cộng sản, ngay cả như Nam Tư trước đây và Trung Quốc hiện nay bị áp lực lớn từ phía Liên Xô. Tại phiên họp kín đại hội XX, Khrushchev đã vén bức màn bí mật về việc ngăn chặn vụ tranh chấp giữa Stalin với ban lãnh đạo Trung Quốc. Như vậy là vụ đối đầu với Nam Tư không phải là vụ duy nhất, nó chỉ là vụ đầu tiên và kịch tính nhất, trồi lên trên bề mặt trong thời gian gần đây mà thôi.

Như ta đã biết, tất cả các nước cộng sản khác đều là do lãnh đạo Liên Xô áp đặt bằng quân đội của mình. Vì vậy sự khác biệt về đường lối và tốc độ phát triển không đóng vai trò như Nam Tư và Trung Quốc. Nhưng cùng với sự củng cố của bộ máy quan liêu đương quyền, cùng với việc bộ máy này càng ngày càng độc lập hơn, nó sẽ càng ngày càng nhận thức được rằng việc tuân theo, việc sao chép Liên Xô một cách mù quáng chỉ làm cho nó thêm mất giá, nó sẽ bắt chước Nam Tư, nghĩa là phát triển độc lập hơn. Cộng sản Đông Âu là tay sai của Liên Xô không phải là vì họ thích như thế mà vì họ quá yếu. Cùng với việc ổn định vị thế của mình và khi điều kiện cho phép, nhất định họ sẽ bắt đầu khao khát độc lập, sẽ bắt đầu bảo vệ “nhân dân nước mình” khỏi bá quyền Xô Viết.

Sau thắng lợi của cách mạng cộng sản, chính quyền đã lọt vào tay giai cấp mới. Giai cấp này không muốn hi sinh đặc quyền đặc lợi đã giành được “bằng mồ hôi và cả máu” nhân danh tinh thần đoàn kết vì lí tưởng chung nữa, nó cũng không chịu hi sinh quyền lợi của mình cho quyền lợi của giai cấp gọi là “anh em” ở những nước khác nữa.

Các nước, nơi mà cách mạng cộng sản chiến thắng chủ yếu nhờ vào nội lực, nhất định sẽ chọn đường lối phát triển riêng và sẽ mâu thuẫn với các nước khác, nhất là với Liên Xô, nước cộng sản mạnh nhất và cũng có thái độ đế quốc nhất. Theo quan điểm triết học thì như vậy có nghĩa là tầng lớp quan liêu của dân tộc ấy đã nhận thức được bản chất của mình, đã giành được chính quyền và nay đòi hỏi quyền bình đẳng.

Điều đó không chỉ có nghĩa là sự xung đột của hai hệ thống quan liêu. Tham gia vào cuộc đụng độ này còn có cả những nhà cách mạng của nước phụ thuộc, những người chống đối quyết liệt và không khoan nhượng “quyền của kẻ mạnh”, những người luôn luôn cho rằng quan hệ giữa các nước cộng sản phải là quan hệ lí tưởng như giáo lí vẫn dạy. Quần chúng nhân dân, trong sâu thẳm của tâm hồn vẫn là lực lượng ủng hộ độc lập, cũng không thể đứng ngoài cuộc xung đột. Dù sao nhân dân cũng được lợi vì một mặt, họ không phải cống nạp cho chính quyền ngoại bang, mặt khác, giảm được ách nô dịch của chính phủ nước mình, một chính phủ không muốn và không thể sao chép mãi các biện pháp ngoại lai nữa.



Cuộc xung đột còn đánh thức cả các lực lượng khác, ở các nước khác và phong trào khác. Nhưng bản chất của cuộc xung đột cũng như người tham gia xung đột thì vẫn thế. Cộng sản Liên Xô cũng như cộng sản Nam Tư đều không thay đổi bản chất của mình cả trước, trong và sau cuộc cải vã. Sự thật là bất đồng về đường lối và tốc độ phát triển đã dẫn đến sự phủ nhận tính chất xã hội chủ nghĩa của đối tác, nhưng cuối cùng họ đã làm lành với nhau vì hiểu ra rằng nếu họ không muốn làm tổn hại đến uy tín và đánh mất điều quan trọng nhất (thực ra là một) thì phải tôn trọng sự khác biệt.

Các chính quyền cộng sản phụ thuộc ở Đông Âu có thể và phải giành lấy độc lập từ tay Liên Xô. Ước muốn độc lập sẽ đi xa đến đâu cũng như mâu thuẫn sẽ biểu hiện dưới hình thức nào là vấn đề không ai có thể đoán trước được, điều đó phụ thuộc vào hàng loạt tác nhân cả quốc gia và quốc tế nữa. Nhưng bộ máy quan liêu cộng sản từng nước sẽ càng ngày càng độc lập hơn và nắm được nhiều quyền lực hơn, đấy là một điều chắc chắn. Phong trào phản đối Tito ở Đông Âu khi Stalin còn sống cũng như việc công khai nói đến “xây dựng chủ nghĩa xã hội” theo “con đường riêng”, nhất là ở Ba Lan và Hungari, hiện nay, đã chứng minh điều đó. Chính phủ trung ương Liên Xô còn phải giải quyết vấn đề “dân tộc chủ nghĩa” ngay với những nhà lãnh đạo do họ nặn ra (Ukraine, Kavkaz), nói gì đến các nước Đông Âu.

Một điều quan trọng nữa là Liên Xô đã không thể và trong tương lai cũng không thể kích thích được nền kinh tế các nước Đông Âu, và vì vậy ước muốn độc lập sẽ ngày càng dâng cao. Ước muốn này có thể bị đè nén hoặc đình chỉ trong một thời gian nào đó vì áp lực từ bên ngoài hoặc vì sự hốt hoảng của những người cộng sản trước “chủ nghĩa đế quốc” và “tư bản” nhưng không thể bị tiêu diệt hoàn toàn được. Ngược lại, xu hướng này sẽ ngày một tăng thêm.

Dĩ nhiên là không thể dự đoán được quan hệ giữa các nước cộng sản sẽ phát triển theo những hình thức nào. Sự hợp tác của những người cộng sản có thể đưa đến sự hợp nhất về tư tưởng, nhưng mâu thuẫn của các nước cộng sản lại có thể phát triển dưới mọi hình thức, dẫn đến mọi kiểu xung đột, kể cả chiến tranh. Không phải “chủ nghĩa xã hội” ở Nam Tư và Liên Xô mà chính là do Stalin đã không dám liều đi nước cờ “được ăn cả ngã về không”, mức độ lan rộng của nó không thể dự đoán trước, đã giúp tránh được cuộc đụng độ giữa hai nước.

Quan hệ giữa các nước cộng sản phụ thuộc vào một loạt hoàn cảnh, các sự kiện chính trị sẽ đóng vai trò chủ yếu, nhưng quyền lợi của tầng lớp quan liêu, thể hiện khi thì dưới dạng dân tộc khi thì dưới dạng quyền lợi chung sẽ có vai trò không nhỏ. Tất cả những điều đó đang diễn ra trong xu hướng giành quyền tự chủ ngày càng dâng cao, không gì cản trở được của các nước cộng sản đàn em.


2. (NC, 178)

Trước khi thế chiến thứ hai kết thúc, khái niệm chủ nghĩa cộng sản dân tộc là khái niệm vô giá trị, vì lúc đó chủ nghĩa đế quốc Xô Viết chưa thể hiện được hết khả năng của nó không chỉ trong quan hệ với các nước tư bản mà còn trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa nữa. Khái niệm này chỉ xuất hiện khi xảy ra đụng độ giữa Nam Tư và Liên Xô.

Việc “ban lãnh đạo tập thể” Khrushchev-Bulganin phê phán các phương pháp của Stalin có thể đã làm cho quan hệ giữa Liên Xô và các nước cộng sản khác bớt căng thẳng nhưng bình thường hoá hoàn toàn thì chưa. Với Liên Xô, chúng ta không chỉ chạm trán với chủ nghĩa cộng sản mà còn đối diện với tham vọng đế quốc của đế chế Đại-Nga-Xô nữa. Tham vọng này có thể thay đổi hình thức và phương pháp “tác động” nhưng không thể nào biến mất được, cũng như xu hướng độc lập của các nước cộng sản khác cũng là xu hướng bất khả tương nhượng vậy.

Các hệ thống cộng sản khác cũng có cùng xu hướng phát triển như vậy. Một lúc nào đó, tuỳ vào khả năng và hoàn cảnh các chế độ đó cũng sẽ muốn trở thành (và sẽ trở thành) các nước đế quốc và bá quyền theo kiểu của mình.

Chính sách đối ngoại của Liên Xô đã trải qua hai giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, mặc dù ngay cả giai đoạn tuyên truyền cách mạng ở các nước khác cũng có thể được coi là có tính đế quốc. Tôi nghĩ rằng không đủ cơ sở để coi giai đoạn đầu tiên, giai đoạn cách mạng trong quá trình phát triển ở Liên Xô là mang tính đế quốc vì khi đó nước này chủ yếu là tự vệ chứ chưa tấn công. Nhưng không nghi ngờ gì rằng trong chính sách của tầng lớp chóp bu đã có xu hướng đế quốc chủ nghĩa (thí dụ như trong quan hệ với vùng Kavkaz)

Như vậy là, nếu không kể giai đoạn thứ nhất thì giai đoạn hai, bắt đầu với chiến thắng cùa Stalin, của công nghiệp hoá và sự thống trị của giai cấp mới trong những năm 30 (thế kỉ XX- ND) chính sách đối ngoại của Liên Xô bắt đầu mang tính đế quốc chủ nghĩa. Bước ngoặt này xảy ra ngay trước chiến tranh, khi chính quyền Stalin đáng ra phải (và đã có điều kiện) chuyển từ những tuyên bố yêu chuộng hoà bình và chống đế quốc thành việc làm thực tế thì việc thay đổi lãnh đạo Bộ ngoại giao, từ một người cởi mở, khả ái và có nguyên tắc là Litvinov bằng một người người kín đáo và vô nguyên tắc là Molotov lại cho thấy điều ngược lại.

Không nghi ngờ gì rằng bản chất bóc lột và chuyên chế của giai cấp mới là nguyên nhân chủ yếu của chính sách đối ngoại mang tính đế quốc chủ nghĩa của nhà nước cộng sản. Nhưng để có thể bộc lộ những tham vọng đế quốc của mình, giai cấp đó phải có lực lượng và những hoàn cảnh nhất định. Lực lượng ấy đã sẵn sàng ngay trước chiến tranh. Còn chiến tranh lại là điều kiện cho những tính toán, tham vọng đế quốc chủ nghĩa. Các nước nhỏ bé vùng Ban-tích không thể nào đe doạ được an ninh của một nước khổng lồ như Liên Xô, hơn nữa các nước này hoàn toàn không có thái độ thù địch. Nhưng đây lại là miếng mồi ngon cho lòng tham vô đáy của chế độ quan liêu cộng sản đại Nga.

Tinh thần quốc tế cộng sản trước đó đã là một phần trong chính sách đối ngoại của Liên Xô, thì nay, trong chiến tranh thế giới thứ hai đã bị quyền lợi của tầng lớp quan liêu Xô Viết nuốt gọn. Các tổ chức của Quốc tế ba đã trở thành thừa. Ý tưởng giải tán Komintern, theo lời Dimitrov, xuất hiện ngay sau khi chiếm đóng các nước vùng Baltic, nhưng việc giải tán chỉ được thực hiện trong giai đoạn hai của cuộc chiến, khi đã liên minh với các nước phương Tây.

Phòng thông tin, bao gồm các đảng Đông Âu, Pháp và Ý, được thành lập theo sáng kiến của Stalin nhằm bảo đảm cho sự thống trị của Liên Xô trong các nước tay sai và duy trì ảnh hưởng của nó ở Tây Âu. Phòng thông tin không thể nào so sánh được với Quốc tế Cộng sản, tuy vẫn là sự áp chế tuyệt đối của Moskva, nhưng dù sao cũng có đại diện của tất cả các đảng cộng sản. Phòng thông tin thực ra chỉ bao gồm khu vực ảnh hưởng của Liên Xô mà thôi. Cuộc đụng độ với Nam Tư chứng tỏ rằng Phòng thông tin chỉ làm mỗi một việc là duy trì sự lệ thuộc của các nước và các đảng cộng sản vào chính quyền Xô Viết, sự lệ thuộc này đã giảm nhiều cùng với việc củng cố các chế độ cộng sản dân tộc. Sau khi Stalin chết thì Phòng thông tin cũng bị giải thể. Nhằm tránh những mâu thuẫn lớn và nguy hiểm trong tương lai người ta đã phải công nhận quyền của cái gọi là con đuờng xây dựng chủ nghĩa xã hội riêng của mỗi nước.

Sự thay đổi về tổ chức như thế có thể diễn ra được là do một loạt nguyên nhân về kinh tế và chính trị.

Khi các đảng cộng sản Đông Âu chưa đủ mạnh và chính Liên Xô cũng chưa củng cố được về mặt kinh tế, chính phủ Xô Viết (ngay cả nếu không có sự độc đoán của Stalin) buộc phải dùng các biện pháp hành chính để duy trì sự thống trị trong các nước Đông Âu. Chủ nghĩa đế quốc Liên Xô đã buộc phải sử dụng các biện pháp chính trị mà trước hết là cảnh sát và lực lượng vũ trang để bù đắp cho những yếu kém, trước hết là về kinh tế của mình.

Đây chỉ là biểu hiện ở một trình độ cao hơn của chủ nghĩa đế quốc phong kiến – quân phiệt thời Sa Hoàng, nó cũng phù hợp với cơ cấu nội tại của Liên Xô, nơi bộ máy hành chính và cảnh sát đặt dưới sự chỉ huy của một cá nhân duy nhất đang giữ thế thượng phong.

Chủ nghĩa Stalin chính là sự kết hợp của nền chuyên chính cộng sản độc tài và chủ nghĩa đế quốc quân phiệt.

Lập ra các tổ chức xã hội hữu nghị và các tổ chức khác ở mỗi nước, sử dụng áp lực chính trị để nhập khẩu hàng hoá từ Đông Âu theo giá thấp hơn giá cả trên thị trường quốc tế, thành lập “thị trường xã hội chủ nghĩa”, kiểm soát tất cả chính sách của các chính phủ và các đảng phụ thuộc, biến tình cảm tốt đẹp của những người cộng sản đối với “quê hương của chủ nghĩa xã hội” thành sự sùng bái nhà nước Xô Viết, sùng bái Stalin là những chính sách không thể tách rời của chủ nghĩa đế quốc Xô Viết.

Chuyện gì đã xảy ra?

Tại Liên Xô, trong nội bộ giai cấp cầm quyền đã diễn ra sự thay đổi “thầm lặng”, Stalin đã ngăn chặn sự xuất hiện công khai của các thay đổi này. Những thay đổi tương tự cũng đã diễn ra trong các nước Đông Âu: bộ máy quan liêu dân tộc ở đấy trong khi củng cố quyền lực và sở hữu của mình đã vấp phải những vấn đề do áp lực bá quyền của Liên Xô gây ra. Nếu trước đây, để giành được quyền lực, họ phải từ bỏ đặc thù dân tộc của mình thì ngày nay quan điểm đó đã trở thành vật chướng ngại trên con đường tiến lên của họ. Ngoài ra, chính phủ Liên Xô cũng không còn đủ khả năng theo đuổi chính sách đe doạ sử dụng vũ lực và cách li vừa tốn kém vừa nguy hiểm như thời còn Stalin, đồng thời họ cũng không thể giữ mãi một loạt nước châu Âu trong “sân sau” của mình trong thời buổi mà những tình cảm chống đế quốc dâng cao như hiện nay nữa.

Sau một giai đoạn lúng túng và câu dầm, các lãnh tụ Liên Xô buộc phải công nhận rằng những lời kết án chống lại các nhà lãnh đạo Nam Tư về việc họ là gián điệp của phát xít Đức và của Mĩ vì họ đã bảo vệ quyền xây dựng chủ nghĩa xã hội của mình là không có cơ sở. Tito đã trở thành nhân vật nổi tiếng của phong trào cộng sản đương đại. Nguyên tắc dân tộc đã được công nhận về mặt hình thức. Nhưng đồng thời Nam Tư cũng đánh mất vai trò của lực lượng sáng tạo trong phong trào cộng sản. Cách mạng Nam Tư đã được “thuần hoá”, bắt đầu một thời kì phát triển hoà bình và đơn điệu dưới quyền cai trị của độc tài cộng sản. Tình thân giữa các kẻ thù cũ không trở thành vĩnh cửu, các cuộc tranh cãi cũng chưa kết thúc. Chỉ là một giai đoạn mới.

Đồng thời Liên Xô cũng chuyển sang giai đoạn hai, giai đoạn sử dụng các biện pháp kinh tế và chính trị cho các tham vọng đế quốc của mình. Ít nhất là ta có cảm tưởng như thế khi phân tích các sự kiện hiện có trong ngày hôm nay.

Chủ nghĩa cộng sản dân tộc đã trở thành hiện tượng phổ biến. Nơi nhiều, nơi ít nhưng nó đã thâm nhập vào phong trào cộng sản tất cả các nước. Liên Xô là trường hợp ngoại lệ, đấy chính là đối tượng mà các phong trào dân tộc chĩa mũi dùi vào. Nhưng trong thời Stalin thì cộng sản Liên Xô cũng đã từng là cộng sản dân tộc. Khi đó phong trào cộng sản Nga đã chối bỏ chủ nghĩa quốc tế, nó chỉ lợi dụng tinh thần quốc tế như là công cụ của chính sách đối ngoại của mình mà thôi..

Chế độ cộng sản Xô Viết đã và đang đối diện với đòi hỏi phải công nhận một thực tế mới trong phong trào cộng sản quốc tế.

Với những thay đổi diễn ra từ bên trong, chủ nghĩa đế quốc Xô Viết cũng buộc phải thay đổi chính sách đối ngoại. Nó đã chuyển từ những biện pháp kiểm soát hành chính sang chính sách hợp tác kinh tế với các nước Đông Âu, lập kế hoạch chung trong những lĩnh vực quan trọng nhất. Các chính phủ cộng sản Đông Âu hiện nay tỏ ra tự nguyện hợp tác vì họ biết rằng mình chưa đủ mạnh kể cả ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Tình trạng này không thể kéo dài được lâu vì hàm chứa trong mình nó những mâu thuẫn cơ bản. Một mặt tinh thần dân tộc sẽ ngày càng được củng cố, và mặt khác chủ nghĩa đế quốc Xô Viết cũng là hiện tượng không thể nào loại bỏ được. Chính phủ Liên Xô và các chính phủ Đông Âu, trong đó có Nam Tư, phải tìm ra được các biện pháp hợp tác, phối hợp sức mạnh để giải quyết những vấn đề chung, quan trọng nhất, đấy là bảo vệ cho bằng được hình thức quyền lực và sở hữu hiện nay. Đấy là lĩnh vực duy nhất có thể hợp tác, ngoài ra thì không. Các điều kiện để hợp tác với chính phủ Liên Xô sẽ ngày càng nhiều thêm, nhưng những điều kiện đưa đến sự độc lập của các chính phủ Đông Âu thì còn nhiều hơn. Chính phủ Liên Xô sẽ không từ bỏ vai trò thống trị của mình, đồng thời chính phủ các nước đó cũng cố gắng đấu tranh để giành cho bằng được một cái gì đó giống như sự tự chủ của Nam Tư. Mức độ tự chủ của từng nước sẽ phụ thuộc vào tương quan lực lượng, cả trong nước và quốc tế.

Việc chính phủ Liên Xô phải “nghiến răng” công nhận các hình thức dân tộc của phong trào cộng sản là một sự kiện cực kì quan trọng nhưng cũng cực kì nguy hiểm cho chủ nghĩa đế quốc Xô Viết.

Điều đó đã tạo ra một sự trao đổi tương đối tự do và như thế có nghĩa là một sự độc lập về tư tưởng. Từ nay trở đi ảnh hưởng của một tư tưởng “tà giáo” nào đó đối với chủ nghĩa cộng sản không chỉ phụ thuộc vào lòng tốt của Moskva mà còn phụ thuộc vào chính sức mạnh của “tà giáo” đó nữa. Nếu Moskva dùng mọi cách để giữ ảnh hưởng của mình trong thế giới cộng sản trện cơ sở “tự nguyện” và một “hệ tư tưởng chung”, thì việc ngăn chặn quá trình phân li là bất khả thi.

Chính Moskva cũng đã không còn như xưa nữa. Độc quyền về tư tưởng và đạo đức đã không còn. Sau khi đoạn tuyệt với Stalin, Moskva không đã còn là trung tâm tư tưởng nữa. Thời đại của những hoàng đế cộng sản vĩ đại và những tư tưởng vĩ đại đã chấm dứt, bây giờ là thời của những viên chức quan liêu cộng sản tầm thường.

“Ban lãnh đạo tập thể” không hề nghi ngờ về những vấn đề và những mất mát đang chờ đợi nó, kể cả trong lẫn ngoài nước. Phải làm sao đây? Chủ nghĩa đế quốc Stalin không chỉ quá tốn kém và nguy hiểm, tệ hơn thế còn không có hiệu quả. Nó không chỉ tạo ra sự bất bình trong dân chúng mà còn ngay trong hàng ngũ của những người cộng sản, thậm trí ngay khi tình hình quốc tế cực kì căng thẳng.

Liên Xô không còn là trung tâm tư tưởng của phong trào cộng sản quốc tế nữa. Sự thống nhất của phong trào cộng sản quốc tế đã bị một vết thương không gì cứu chữa được, hiện chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ nó sẽ hồi sinh trong một tương lai không xa.

Nhưng dù đã thay thế Stalin, “Ban lãnh đạo tập thể” không thể thay đổi được bản chất của hệ thống ở Liên Xô, cũng như các phong trào cộng sản dân tộc, dù đã vững mạnh lên sau khi thoát khỏi ảnh hưởng của Moskva, cũng không thể thay đổi được bản chất nội tại của mình, đấy là nhà nước toàn trị, độc quyền tư tưởng và bộ máy quan liêu. Thực ra nó cũng đã hạn chế được áp lực và làm chậm lại quá trình củng cố quyền sở hữu, đặc biệt là ở nông thôn. Nhưng chủ nghĩa cộng sản dân tộc không có ý định và không thể trở thành một cái gì khác ngoài chủ nghĩa cộng sản. Chính vì vậy mà nó luôn luôn và một cách vô thức quay về với Liên Xô như là “cội nguồn của mọi cội nguồn”. Nó không thể tách số phận của mình khỏi số phận của các nước và các phong trào cộng sản khác.

Biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc trong phong trào cộng sản đã tạo ra nhiều nguy cơ cho chủ nghĩa đế quốc Xô Viết giai đoạn Stalin, nhưng không phải là nguy cơ của chính phong trào cộng sản. Ngược lại, nó có thể tăng cường sức mạnh ở những nơi đã giành được quyền lực và như thế trở nên hấp dẫn hơn với những con mắt nhìn vào từ bên ngoài.

Chủ nghĩa cộng sản dân tộc xuất hiện trong giai đoạn phi giáo điều, nghĩa là giai đoạn chống Stalin của phong trào cộng sản và cũng là đặc điểm quan trọng của giai đoạn này.


3. (NC, 184)

Chủ nghĩa cộng sản dân tộc không có khả năng thay đổi tình hình chính trị thế giới cả trên bình diện quan hệ giữa các quốc gia lẫn trong nội bộ phong trào công nhân. Dĩ nhiên là nó có thể có ảnh hưởng to lớn với cả hai tiến trình này.

Thí dụ chủ nghĩa cộng sản dân tộc Nam Tư đã có tác động không nhỏ trong việc xói mòn chủ nghĩa đế quốc Xô Viết và hạ bệ chủ nghĩa Stalin trong nội bộ phong trào cộng sản quốc tế. Nguyên nhân của những sự thay đổi đang diễn ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu nằm ngay trong lòng các nước đó. Nhưng những thay đổi đầu tiên theo kiểu đó đã xảy ra ở Nam Tư. Và cũng kết thúc ở đấy trước. Chủ nghĩa cộng sản dân tộc Nam Tư, bằng cuộc đối đầu với chủ nghĩa Stalin, đã khơi mào cho một giai đoạn mới, giai đoạn hậu Stalin trong phong trào cộng sản quốc tế. Ảnh hưởng của nó đối với phong trào cộng sản quốc tế là rõ ràng, đối với quan hệ quốc tế và phong trào công nhân phi cộng sản, dĩ nhiên là ảnh hưởng của nó có yếu hơn.

Sẽ là không có cơ sở khi cho rằng Nam Tư sẽ phát triển theo hướng xã hội dân chủ hay sẽ là chiếc cầu nối giữa dân chủ xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Các lãnh tụ Nam Tư không phải là những người nhất quán trong vấn đề này. Trong giai đoạn bị áp lực từ phía Liên Xô họ tỏ ra muốn liên kết với những người xã hội dân chủ. Nhưng sau khi đã làm hoà với Moskva thì Tito lại tuyên bố rằng Phòng thông tin cũng như Quốc tế xã hội đều là những tổ chức không thiết thực, mặc dù trước đó không lâu Quốc tế xã hội đã kiên quyết bảo vệ Nam Tư trong khi các đại diện của Phòng thông tin thì mở những cuộc tấn công điên cuồng vào chính nước này. Say sưa với chính sách gọi là cùng tồn tại tích cực, một chính sách đáp ứng đầy đủ nhất quyền lợi của họ trong thời điểm hiện nay, các lãnh tụ Nam Tư tuyên bố rằng Phòng thông tin và Quốc tế xã hội đã đánh mất vai trò của mình chỉ vì một lí do đơn giản là chúng được hai khối thù địch dựng lên.

Các nhà lãnh đạo Nam Tư đã lẫn lộn giữa ước mơ và hiện thực, giữa quyền lợi nhất thời với những dị biệt sâu xa về xã hội và lịch sử.

Phòng thông tin là sản phẩm của Stalin, ông ta muốn tạo ra khối quân sự Đông Âu. Cũng không nên phủ nhận mối quan hệ của Quốc tế xã hội, hoạt động trong khuôn khổ các nước Tây Âu, với khối NATO. Nhưng Quốc tế xã hội trước hết vẫn là tổ chức của những người xã hội chủ nghĩa hoạt động trong lòng các nước tư bản phát triển, các nước có truyền thống dân chủ, các tổ chức xã hội, trong đó có Quốc tế xã hội, có thể tồn tại mà không cần NATO.

Các liên minh và khối quân sự là những hiện tượng nhất thời, trong khi chủ nghĩa xã hội phương Tây và chủ nghĩa cộng sản phương Đông là những xu hướng có tính ổn định và có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều.

Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa cộng sản và phong trào xã hội - dân chủ không chỉ vì sự khác nhau về nguyên tắc (ít lí do nhất) mà là sự khác nhau về xu hướng phát triển của sức mạnh kinh tế và tinh thần. Điều mà Doicher đã gọi rất đúng là khởi đầu một sự chia rẽ vĩ đại trong lịch sử - vụ đụng độ giữa Martov và Lenin tại Đại hội II Đảng dân chủ xã hội Nga ở London năm 1903 về vấn để đảng tịch, đúng hơn là về mức độ tập trung hoá và kỉ luật – đã đưa đến một loạt hậu quả mà những người khởi xướng cuộc tranh luận ấy không thể nào mường tượng nổi. Đấy không chỉ là sự khởi đầu của hai phong trào mà là sự khởi đầu của hai hệ thống xã hội khác nhau.

Không thể nào loại bỏ được hố sâu ngăn cách giữa những người cộng sản và những người dân chủ nếu không thay đổi bản chất của hai phong trào ấy, nếu không thay đổi ngay cái hoàn cảnh đã tạo ra mâu thuẫn giữa chúng với nhau. Trong nửa thế kỉ qua, dù có một số lần xích lại gần nhau trong những giai đoạn ngắn, sự khác biệt chỉ ngày một sâu sắc thêm, bản chất khác nhau của mỗi bên càng lộ rõ thêm. Hôm nay xã hội dân chủ và chủ nghĩa cộng sản không chỉ là hai phong trào mà còn là hai thế giới.

Chủ nghĩa cộng sản dân tộc, sau khi tách khỏi Moskva, đã không có khả năng vượt qua được hố sâu ngăn cách đó mặc dù đã có một vài cố gắng làm giảm nhẹ sự khác biệt. Đấy là sự hợp tác giữa ban lãnh đạo những người cộng sản Nam Tư với những người dân chủ xã hội – nhiều tuyên bố mà ít thực chất, vì “lịch sự” hơn là “theo tiếng gọi của trái tim”. Sự hợp tác đã không đem lại kết quả khả dĩ nào cho cả hai bên.

Sự thiếu thống nhất giữa những người dân chủ xã hội châu Á và phương Tây lại có lí do hoàn toàn khác. Họ không có sự khác nhau quá lớn về bản chất và nguyên tắc. Vấn đề chính ở đây là hành động. Vì những vấn đề hoàn toàn có tính dân tộc mà những người xã hội châu Á không thể hợp nhất với xã hội dân chủ Tây Âu được. Dù là những người phản đối chế độ thực dân nhưng những người xã hội phương Tây vẫn là đại diện cho những nước phát triển, dù không có thế thượng phong về chính trị ở những nước kém phát triển kia nhưng vẫn là những nước bóc lột họ. Mâu thuẫn giữa những người dân chủ xã hội châu Á và Phương Tây là mâu thuẫn sinh ra do sự phát triển không đồng đều được chuyển vào phong trào. Mặc dù các mâu thuẫn đó là khá sâu sắc nhưng sự gần gũi của hai phong trào cũng thật rõ ràng và bằng vào những gì ta thấy hôm nay có thể nói rằng khả năng hợp tác là hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.


4. (NC, 186)

Giống như Nam Tư, nếu các đảng cộng sản ở các nước phi cộng sản theo đuổi đường lối dân tộc chủ nghĩa thì ảnh hưởng của nó trên trường quốc tế sẽ còn lớn hơn cả ảnh hưởng của những đảng cộng sản dân tộc chủ nghĩa đã giành được chính quyền. Trước hết đấy là đảng cộng sản Pháp và Ý là những đảng tập hợp được đa số tuyệt đối giai cấp công nhân và nếu không kể đến một vài đảng ở châu Á, thì đây là những đảng có ảnh hưởng mạnh nhất trong thế giới phi cộng sản.

Các biểu hiện của chủ nghĩa cộng sản dân tộc ở các đảng đó hiện chưa đạt được qui mô và sự hưởng ứng có ý nghĩa. Nhưng các biểu hiện như vậy nhất định sẽ xảy ra và cuối cùng sẽ dẫn tới những thay đổi cơ bản trong nội bộ các đảng đó.

Không thể coi sự xa rời của các đảng đó khỏi ảnh hưởng của Moskva là do nhu cầu cạnh tranh với phong trào dân chủ xã hội, một phong trào đang sử dụng các khẩu hiệu xã hội chủ nghĩa để lôi kéo về phía mình khối quần chúng bất mãn. Càng không thể coi đấy là do sự thay đổi đường lối một cách đột ngột của Moskva và các đảng cộng sản chấp chính khác đặt những người cộng sản vừa kể và cả những người chưa được kể, hiện chưa nắm chính quyền, trước sự “khủng hoảng về mặt lương tâm”, phải lên án những điều mà vừa mới hôm qua còn được đưa lên tận chín tầng mây, buộc phải thay đổi đường lối một cách đột ngột. Việc tuyên truyền của các đảng phái đối lập cũng như áp lực của ban lãnh đạo xí nghiệp đối với công nhân đều không có ảnh hưởng đáng kể đối với sự ổn định của các đảng này.

Bản chất các hệ thống xã hội của nhà nước nơi các đảng đó hoạt động là nguyên nhân chủ yếu làm cho các đảng đó tách khỏi Moskva. Nếu giai cấp công nhân các nước đó có thể (khả năng này rất dễ xảy ra) giành được sự cải thiện điều kiện sống của mình bằng con đường nghị trường và bằng cách đó làm biến đổi cả hệ thống, thì cho dù có những truyền thống cách mạng đến mức nào họ cũng sẽ quay lưng lại với những người cộng sản.

Chỉ một nhóm những người cộng sản giáo điều là có thể bình thản đứng nhìn sự xa lánh của công nhân, trong khi những nhà lãnh đạo chính trị tỉnh táo sẽ tìm mọi cách để cải thiện vị thế của mình, dù cái giá phải trả là giảm thiểu liên hệ với Moskva.

Các cuộc bầu cử tuy có đem lại cho các đảng cộng sản một số phiếu to lớn, nhưng điều đó không thể hiện sức mạnh thực sự của các đảng đó, nó chỉ chứng tỏ sự bất bình của quần chúng với trật tự hiện hành và sức cuốn hút của các ảo tưởng còn sót lại mà thôi. Các khối quần chúng đang đi theo các lãnh tụ cộng sản sẽ dễ dàng bỏ rơi họ một khi nhận ra rằng người cộng sản sẵn sàng hi sinh các biểu hiện dân tộc và những cơ hội cụ thể của giai cấp công nhân vì bản chất quan liêu, vì chế độ “chuyên chính vô sản” và các quan hệ với Moskva của họ.

Tất cả những điều vừa nói dĩ nhiên chỉ là giả thiết.

Hiện nay các đảng đó đang rơi vào tình trạng cực kì khó khăn. Nếu họ thực sự muốn theo con đường nghị trường thì các lãnh tụ của họ phải từ bỏ đường lối chống nghị trường, nghĩa là ủng hộ chủ nghĩa cộng sản dân tộc, mà như thế - nếu tính đến vị trí của họ hiện nay – cũng có nghĩa là sự phân liệt của các đảng này.




Khả năng thực hiện được những thay đổi xã hội và cải thiện điều kiện sống của giai cấp công nhân bằng con đường dân chủ sẽ ngày một tăng lên, các bước đi lắt léo của Moskva sau khi bãi bỏ tệ sùng bái cá nhân Stalin cuối cùng sẽ dẫn tới sự tan rã của trung tâm tư tưởng, sự cạnh tranh của những người xã hội dân chủ, xu hướng thống nhất của phương Tây không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn trên cơ sở xã hội, việc củng cố sức mạnh quân sự của phương Tây, việc giảm khả năng sự “giúp đỡ anh em” của quân đội Liên Xô, việc không thể thực hiện được các cuộc cách mạng cộng sản mới nếu không có thế chiến thứ ba, tất cả những điều đó đã buộc các lãnh tụ các đảng này phải quay sang sử dụng các hình thức dân tộc chủ nghĩa; nhưng nỗi sợ hãi trước hậu quả của con đường nghị trường và sự đoạn tuyệt với Moskva lại làm họ tê liệt, không thể hành động. Sự khác biệt ngày càng sâu sắc giữa phương Đông và phương Tây có ảnh hưởng cực kì to lớn. Cả Toliatti và Tores đều lúng túng. Họ đã đứng ngoài sự vận động cả bên trong lẫn bên ngoài đảng của mình.

Khi tuyên bố tại Đại hội XX rằng ngày nay nghị trường có thể là “hình thức quá độ” đi lên chủ nghĩa xã hội, Khrushchev một mặt muốn tạo thuận lợi cho các đảng cộng sản trong “các nước tư bản chủ nghĩa”, mặt khác thúc đẩy sự hợp tác giữa những người cộng sản và dân chủ xã hội trong việc lập ra “mặt trận nhân dân”. Theo lời ông ta thì ông ta tin vào phương án này vì kết quả của những biến đổi diễn ra đã dẫn đến việc củng cố chủ nghĩa cộng sản và hoà bình trên trái đất. Nhưng trên thực tế thì bằng cách đó ông ta đã ngầm công nhận không chỉ điều mà ai cũng rõ: cách mạng cộng sản trong các nước phát triển là điều bất khả, mà hơn thế nữa việc mở rộng chủ nghĩa cộng sản trong điều kiện hiện nay là không thể thực hiện được, nguy cơ chiến tranh là không thể tránh khỏi. Chính sách của nhà nước Xô Viết tựu trung lại là giữ nguyên hiện trạng, chủ nghĩa cộng sản sẽ đấu tranh giành những vị trí mới bằng các biện pháp khác.

Đấy chính là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng trong các đảng cộng sản ở các nước phi cộng sản. Chuyển sang lập trường cộng sản dân tộc thì có nguy cơ đánh mất bản chất, mà không chuyển thì mất người ủng hộ. Để thoát khỏi mâu thuẫn này, các lãnh tụ, nghĩa là những người đại diện cho bản chất cộng sản sẽ phải rất khéo léo. Nhưng họ cũng khó ngăn chặn được quá trình tan rã. Họ sẽ mâu thuẫn với những xu hướng phát triển mới cả trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Chủ nghĩa cộng sản dân tộc trong các nước phi cộng sản nhất định sẽ dẫn tới sự li khai với chính phong trào cộng sản, sự tan rã của các đảng cộng sản. Cơ hội của chủ nghĩa cộng sản dân tộc trong các nước phi cộng sản là rất lớn, nhưng chắc chắn nó sẽ dẫn đến việc li khai với phong trào cộng sản. Kết quả là chủ nghĩa cộng sản dân tộc ở các nước đó sẽ tích tụ được sức mạnh, qua những chặng đường đầy cam go và những vụ “bột phát” ngắn hạn.

Khi xem xét những đảng cộng sản không chấp chính ta thấy rằng chủ nghĩa cộng sản dân tộc, mặc dù là với ý định “làm mới” chủ nghĩa cộng sản “nói chung”, dù là với ý định củng cố nó, nhưng đồng thời đấy lại là một một dị giáo, nó nhất định sẽ phá nát cái chủ nghĩa cộng sản “nói chung” ấy. Chủ nghĩa cộng sản dân tộc chứa đầy mâu thuẫn nội tại. Về bản chất nó là cộng sản Xô Viết nhưng về hình thức nó lại có xu hướng tách ra, mang màu sắc dân tộc. Trên thực tế đấy là chủ nghĩa cộng sản trong giai đoạn suy đồi, giai đoạn thoái trào. (NC, 190)

==

No comments: