GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ (phần 2)
Hậu học LÝ VIỆT DŨNG (dịch và chú giải)
Tiến sĩ HUỲNH VĂN TỚI (hiệu đính, giới thiệu)
Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai (tái bản)
Quyển II: SƠN XUYÊN CHÍ [chép về núi sông] (tiếp)
TRẤN VĨNH THANH THOẠI SƠN ([1][173])
Tục gọi là núi Sập, ở huyện Vĩnh Định, bờ phía đông sông Thoại Sơn (tục gọi rạch Ba Rách), phía bắc cách cửa Thoại Hà hơn 69 dặm. [44a] Từ sông lớn quanh phía bắc sang đông, đến trấn thành 283 dặm. Núi cao 20 trượng, chu vi 11 dặm rưỡi, đỉnh núi nguy nga, cây cao bóng cả, đẹp đẽ trang nghiêm tợ như cái lọng đẹp ở biên giới phía tây. Có Hương Tuyền (suối Thơm) chảy về tây 50 tầm đến đường sông mà bề sâu thuyền có thể đi được. Phía tây nam chân núi có Bửu Sơn (tục gọi là núi Cậu), xanh tốt cao 7 trượng, chu vi 1 dặm rưỡi, suối ngọt, đất tốt, cỏ cây tươi mượt, sơn dân ở vây quanh. Vì vùng gần Cao Miên, hoang vu mút mắt, nếu dùng đường thủy thì phải do đường Kiên Giang; mà con sông này đầy cỏ lác, bùn lầy ứ đọng, chỉ lúc mưa lụt ghe thuyền mới qua lại được.
Tháng 4 năm Mậu Dần, niên hiệu Gia Long thứ 17 (1818), vua sai Trấn thủ Vĩnh Thanh là Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại kinh lý đường sông, việc hoàn thành, vua ban cho tên núi là Thoại Sơn để nêu danh tốt thần núi và cũng để ghi thành tích công lao của bậc nhân thần. Lại lệnh cấm dân chợ, dân Thổ đốn chặt cây cối để giữ lấy sinh khí, nhìn thấy non xanh mây phủ, suối đá ngọc ôm, thần [44b] sông nhượng đức, mẹ đất chứa linh, trấn giữ miền hiểm yếu, nêu sức mạnh để củng cố cõi Nam ta mà dâng thọ.
Ôi! Hùng tráng lắm thay!
BA THÊ SƠN (NÚI BA THÊ) ([2][174])
Cao 30 trượng, chu vi 13 dặm, cách phía tây bến Thoại Hà 18 dặm rưỡi, ba ngọn vươn xanh chập chùng cổ thụ tươi mát, cấm dân không được chặt. Mặt trước giáp với bưng biền, cỏ rậm bùn lầy. Thoại Ngọc hầu nhân đó đào cho thông ra, rộng 20 tầm để cho thuyền bè đi lại. Người Cao Miên ở theo triền núi và đường rừng, họ vừa sống bằng nghề săn bắn ở núi, lại còn câu cá ở ao chằm, thu được 2 mối lợi. TÀ CHIẾU SƠN (NÚI TÀ CHIẾU) ([3][175])
Cao 12 trượng, chu vi 5 dặm, ở cách phía bắc núi Ba Thê 2 dặm. Nơi đây núi non hiểm hóc, đứng giữa vũng lớn trông như hạt ngọc linh châu vừa lấy ra khỏi hộp; ngắm xem màu cây xanh lam cùng sắc nước trắng ngời, ráng chiều rọi xuống như gấm vóc chấp chới, cảnh trí có thể vẽ thành bức tranh đẹp.
TRÀ NGHINH SƠN (NÚI TRÀ NGHINH)
Cao 10 trượng, chu vi 5 dặm, ở cách phía đông bắc núi Tà Chiếu 1 dặm rưỡi, đỉnh núi chênh vênh tròn trịa, sườn cong, suối trong mát, tre cây tươi tốt, có nhiều cầm thú đậu ở.
TƯỢNG SƠN (NÚI VOI)
Cao hơn 8 trượng, chu vi 3 dặm, sườn núi lởm chởm, đầu lưng sừng sững như khi xưa Tử Kiều lên chơi núi Hà Sơn hóa đá, để lại vật cũ. Núi này ở phía nam cách đồn Châu Đốc hơn 9 dặm, cách bờ phía đông nam thượng lưu sông Vĩnh Tế 2 dặm, cây rừng xanh tốt, ở đó có đá thủy tinh.
CA ÂM SƠN (NÚI CA ÂM) Cao 10 trượng, chu vi 7 dặm quanh co mà dài, cách phía đông nam chỗ đầu láng bùn 3 dặm, ngọn đứng cao chơ vơ hình như cây lọng dựa vách núi treo ngậm mây, suối cong nhả ngọc. Có các loại cây giáng hương, tốc hương, [45b] cây cối xanh tốt, cầm thú béo tốt. Phía đông hướng xuống ruộng phẳng, phía tây nhìn hồ chằm, người Việt, người Thổ cày cấy chăn nuôi, và câu cá chài lưới ở dưới chân núi.
NAM SƯ SƠN (NÚI NAM SƯ) Cao 8 trượng, chu vi 2 dặm, cách phía đông nam náo khẩu (láng bùn) 3 dặm rưỡi. Ở về phía nam núi Ca Âm, núi tròn trịa như đống vàng giữa hồ nước, hình thế đoan trang thanh tú.
KHÊ LẠP SƠN (NÚI KHÊ LẠP) ([4][176]) Cao 3 trượng, chu vi 3 dặm, cách về phía đông láng bùn 5 dặm. Núi này chịu lép vế núi Ca Âm mà lui về đông nam, ngọn cao lêu nghêu, bóng cây tùng trúc giao nhau, nai hươu thường nằm nghỉ dưới bóng mát. Lại có ruộng cày, có chằm đánh cá, dân đi tìm sanh lợi thường đến nương náu chỗ này.
CHÚT SƠN (NÚI CHÚT) ([5][177]) Cao 6 trượng, chu vi 1 dặm, ở đầu phía bắc núi Tà Biệt (Béc), cách láng bùn về phía đông nam 1 dặm rưỡi; thế núi cong tròn, cây cối tốt tươi. T
À BEC SƠN [NÚI TÀ BIỆT (TÀ BÉC)] ([6][178]) Cao 20 trượng, chu vi 6 dặm, ngọn chòm rải rác, mặt quay đông, lưng hướng tây, không đứng cùng dãy với các núi khác mà chỉ ở lệch riêng một bên láng bùn [46a] nên mới gọi là Tà Biệt. Núi nhỏ mà có vẻ tự cường, thấp thỏi mà bất khuất, có khí tượng rất lỗi lạc.
NÚI BA XÙI (XUÔI - XUI) ([7][179]) Cao 40 trượng, chu vi 12 dặm, hình trạng như đóa hoa phù dung đẫm sương xanh tốt vậy. Ở về phía bắc núi Ất Giùm, cách bờ phía đông nam trung lưu sông Vĩnh Tế 15 dặm; chóp núi cao ngất, núi động huyền ảo, cây cối cao to, cầm thú béo tốt ra vào từng đàn, cây mã vĩ hương mọc trên đỉnh núi, súc sa mật ([8][180]) mọc ở dưới chân đồi, cửa que (củi) nhà tranh, quây quần thành thôn xóm mà ở.
ẤT GIÙM SƠN (NÚI ẤT GIÙM) ([9][181]) Cao 40 trượng, chu vi 13 dặm, hình núi quanh co mà dài, xòe cánh ngẩng đầu như loan bay nhạn liệng, cùng núi Ba Xùi đối diện vươn lên cách bờ phía đông nam trung lưu sông Vĩnh Tế 13 dặm; nhìn xuống ao hồ, ngoảnh mặt đồng ruộng, giữa nổi núi cao, trên núi có trầm hương, trong hang có sa nhân, giáng hương, cây sao, cây bời lời, cây huỷnh [47a], cây cối rậm rạp, cành lá xen nhau. Lại có suối nước vắt ngang lưng núi cuồn cuộn chảy ra, nhân dân sống dựa theo chân núi, tạo thành thôn xóm, đúng là vùng chợ búa đông đúc ở miền núi.
NAM VI SƠN (NÚI NAM VI) ([10][182]) Cao 30 trượng, chu vi hơn 8 dặm, cách cửa láng bùn về nam 28 dặm, ở sau núi Ba Xùi làm thành bình phong phía nam che chằm bùn lầy để giữ linh khí. Núi cao lớn, hút nhả khí mây mù, có các loài cây sao, cây bời lời, cây huỷnh cành nhánh ken nhau. Có lệnh cấm dân không được đốn chặt. Lại có các thứ trầm hương, sa nhân. Hùm, beo, nai, hươu, ung dung ra vào gò cỏ béo mượt bên suối ngọt. Những dân miền núi và những kẻ ẩn dật dựng nhà, cất chòi, cày cấy dưới chân núi.
ĐÀI TỐN SƠN (NÚI ĐÀI TỐN) ([11][183]) Cao 50 trượng, chu vi hơn 20 dặm, ở phía đông nam sông Vĩnh Tế, phía tây bắc Thoại Hà. Hình núi như cái đài cao sừng sững hướng thìn tỵ, nên mới gọi tên là Đài Tốn. Cách phía đông núi Ất Giùm hơn 10 dặm, đứng cao chất ngất, trội hẳn các núi khác, thác tuôn treo vải, động nhả khói sương. Núi có cây trầm hương, tốc hương, sa nhân, cây sao, giáng hương, sam (thông), trúc sum sê xanh tốt, đường tắt quanh co, có dấu người qua lại. Gần có ruộng đồng, [47b] xa có chằm ao, kẻ cày ruộng, người đánh cá, ở theo từng nghề. Thỉnh thoảng nghe gà gáy trăng dưới núi, chó sủa xuân trong động, thật là một cảnh hướng yên hà ngoài thế tục.
CHƠN GIÙM SƠN (NÚI CHƠN GIÙM) ([12][184]) Ở địa phận phủ Chơn Giùm ([13][185]) Cao Miên, cách bờ phía tây bắc trung lưu sông Vĩnh Tế 10 dặm; hình núi như hoa sen cặm trên mặt đất, đỉnh núi cao nhọn, hang hố gồ ghề, mây trắng thường bay mịt mờ, ấy là khí từ mỏ bạc nghi ngút bốc lên. Thổ sản có các vật quý hiếm như cây giáng hương, bạch mộc hương, sa nhân, sao. Người Việt, người Tàu và người Cao Miên cất nhà sát nhau để ở, kết thành thôn xóm chợ búa, nương theo nguồn lợi chằm rừng, sông núi mà sống.
SÂM ĐĂNG SƠN (NÚI SÂM ĐĂNG) ([14][186]) Ở phía đông núi Chơn Giùm, cách phía tây mạt lưu láng bùn độ 1 dặm. Đất đá chồng chất, cây cối um tùm, phía dưới có nhiều đá lởm chởm rải rác.
ĐẠI BÀ ĐÊ SƠN (NÚI ĐẠI BÀ ĐÊ) ([15][187]) Ở về phía đông nam núi Chơn Giùm, cách bờ phía tây bắc trung lưu sông Vĩnh Tế 1 dặm. Núi cao hang hiểm, thông đỏ tre xanh, cây cối tươi tốt, dân miền núi cất nhà ở đấy.
TIỂU BÀ ĐÊ SƠN (NÚI TIỂU BÀ ĐÊ) [48a] Núi cao mà nhỏ, cong mà dài, ở phía tây núi Đại Bà Đê, cách bờ phía tây bắc trung lưu sông Vĩnh Tế 1 dặm rưỡi.
LONG HỒ GIANG (SÔNG LONG HỒ) ([16][188]) Sông này chảy đến quanh co, chảy đi vòng vèo, dòng ngang uốn lượn, nước đọng trong ngần, bốn mùa ngon ngọt; cồn cát cao thấp xa gần, thôn xóm la liệt khắp đông tây ẩn hiện như rừng, như động, như vực, như đầm, nên mới gọi là Long Hồ (Hồ Rồng). (Sông) Chảy bao quanh phía bắc trấn thành rồi hợp lưu với Tiền Giang, mở thành một cách hùng vĩ cái hào thiên tạo, rộng 49 tầm, sâu 11 tầm. Phía đông nam có dòng sông nhỏ chảy đều rồi mạnh, nhanh dần qua phía đông 30 dặm rưỡi đến ngã ba đồn Kiên Thắng ở sông Ba Kè ([17][189]). Nhánh phía hữu chảy vào nam 26 dặm rưỡi đến sông Trà Ôn hợp lưu với Hậu Giang. Nhánh phía tả chảy qua đông 85 dặm đến đồn Tân Thắng ở Mân Thít lại hợp cùng hạ lưu Tiền Giang rồi đổ ra biển; thật nơi tiện lợi cho việc lưu thông của thuyền bè.
TIỀN GIANG (SÔNG TRƯỚC) Ở phía tây trấn, nguồn sông nầy ở phía bắc từ Ai Lao xuống Cao Miên đến Nam Vang, theo hướng đông chảy đến Cầu Nôm Tân Châu [48b] qua sông Đại Tuần trước trấn Vĩnh Thanh đến Ba Lai Mỹ Tho rồi chảy về nam ra hai cửa biển Đại, Tiểu, ấy là dòng chính của sông lớn ban đầu. Ở sông Đại Tuần chảy xuống bến bờ chia ra 3 nhánh: một nhánh qua phía đông trấn làm sông lớn Long Hồ, xuống phía nam ra cửa biển Cổ Chiên; một nhánh là sông lớn Hàm Luông, về phía nam đến hai cửa biển Băng Côn và Ngao Châu; một nhánh qua sông dưới Ba Lai đến Tiên Thủy, xuống phía nam ra cửa biển Ba Lai.
Thế nước ôm quanh cồn nọ, dựa vào bãi kia, có tới tám ngã ba sông, nhiều nhánh đan xuyên qua Hậu Giang, trông xuống trấn Vĩnh Thanh như là một biển sao, các ngôi sao đan ken nhau. Sông ngòi nhiều nên dân xứ ấy giỏi nghề sông nước, ở đây không ghe thuyền thì không đi lại được. Nước ngọt tươm ướp, khi làm lúa thì chỉ làm cỏ và cấy mạ, mà lúa gặt thì gấp trăm. Còn trong vườn thì có nhiều trầu cau, dưa quả, dâu, mè; mương ngòi thì đầy cả cá - tôm - rùa - lươn; ai nấy tự của nhà dùng đủ, chẳng cần mua sắm ở chợ.
Dân cư thì trước vườn, sau ruộng, tất cả đều có sản nghiệp làm ăn, mọi người được cho là giàu có. [[49a]
HẬU GIANG (SÔNG SAU)] ([18][190]) Ở phía tây nam trấn. Thượng lưu sông từ phía đông thành Nam Vang Cao Miên, chảy xuống Châu Đốc, qua Mạt Cần Đăng ([19][191]); nam đổ xuống đồn Cường Oai ở Lấp Vò rồi qua đồn thủ Trấn Giang Cần Thơ, đến đạo Trấn Di, ra cửa biển Ba Thắc ([20][192]); nước dầm thấm khắp cả ruộng vườn, bao hàm cả cồn bãi bờ bến, là nguồn thủy lợi rất lớn, lúa gạo cá tôm dùng ăn không hết.
ĐẠI TUẦN GIANG (SÔNG VÀM TUẦN) ([21][193]) (Xưa có Tuần ty ở đấy, tục gọi là Tuần cái, nay đã dời bỏ). Sông này cách phía bắc trấn hơn 9 dặm, phía nam thông đến trước trấn, phía tây thông với Sa Đéc, phía đông chảy xuống hai cửa biển Ngao Châu và Ba Lai. Dọc sông có cây bần rậm tốt, sóng vàng lấp lánh, rộng 9 dặm, sâu 28 tầm. Bờ phía bắc là địa giới trấn Định Tường. Sông Thi Hàn là đường trạm sông đi ngang qua để tiếp xúc các nơi khác.
HÀM LUÔNG GIANG (SÔNG HÀM LUÔNG) ([22][194]) Cách trấn về phía đông 83 dặm rưỡi. Sông rộng 5 dặm, sâu 49 tầm, như là vực rồng, hang giao, ở đó thường có cá to, sấu lớn trồi lên hụp xuống. Bờ phía đông là địa giới huyện Tân An, bờ tây là địa giới huyện Vĩnh Bình. Nước chia ra 3 ngả: một ngả chảy xuống phía đông Tiền Giang 59 dặm [49b] đổ ra cửa biển Ba Lai; một ngả chảy vào nam Tiền Giang 84 dặm rưỡi, rồi đổ ra cửa biển Ngao Châu. Nước thường trong ngọt, sóng gió dập dình, có cái hứng nhìn một cái trông rõ mênh mông vạn khoảnh.
SÔNG TIÊN THỦY (TỤC GỌI LÀ SÓC SÃI HẠ) ([23][195]) Ở về phía đông sông Hàm Luông, cách trấn về phía đông 96 dặm. Sông rộng 4 tầm, sâu 1 tầm, làng xóm chợ búa rất đông đúc, ghe thuyền tụ tập. Nước chia làm 2 nhánh. Nhánh phía nam nước trong veo, nhánh phía bắc bùn đục ngầu, giống như sự phân chia đục trong của sông Kinh, sông Vị ([24][196]), nhưng vị nước đều ngon ngọt, pha trà có mùi thơm ngon, nếu dùng để tắm thì được trơn sạch nên gọi là Tiên Thủy (nước Tiên). Ngoài cửa sông lớn có nhiều cá sấu, có con to bằng chiếc xuồng, tính rất hung dữ, người đi qua phải coi chừng. Dân trong vùng phàm có những ngòi nhỏ, dùng chở gạo củi, hay tưới rửa, thì ở miệng ngòi phải trồng cọc dày kín, để ngăn dòng nước cho khỏi nạn cá sấu.
MỸ LỒNG GIANG (SÔNG MỸ LỒNG) ([25][197]) Ở phía đông sông Hàm Luông, cách phía đông trấn 103 dặm rưỡi, rộng 18 tầm, sâu 11 thước [50a] ta. Vào sông nầy đi xuống hướng đông 3 dặm, nơi bờ phía bắc là chợ Bến Tre (Trúc Tân), quán xá dày đặc; 3 dặm rưỡi bên bờ nam là chợ Mỹ Lồng, phố xá liền nhau, buôn bán đông đúc. Có những vườn cau rậm như rừng, quả lớn lại sai, nên cau Mỹ Lồng rất nổi tiếng. Xuống phía đông 5 dặm chảy ra cửa sông Phước Thạnh (tục gọi là Cái Sậy ([26][198]), thuộc địa phận thôn Phước Thạnh) cửa sông rộng 3 tầm, sâu 2 tầm, vào nam chảy ra biển Ba Lai.
BÌNH PHỤNG GIANG THƯỢNG KHẨU (THƯỢNG KHẨU SÔNG BÌNH PHỤNG) (Tục gọi là thượng vàm Cái Muối ([27][199]), ở địa phận thôn Bình Phụng), ở phía tây sông lớn Long Hồ, rộng 6 tầm, sâu 3 tầm, cách trấn về phía đông 7 dặm rưỡi. Chảy đi 23 dặm thì đến ngã ba sông; nhánh phía tây nam chảy 1 dặm rưỡi đến Kinh Bố (Vải) ([28][200]), rồi ra sông lớn. Hướng nam đổ ra hải cảng Cổ Chiên, nhánh đông nam chảy 1 dặm rưỡi đổ vào phía nam sông Bình Phụng rồi chảy xuống hải cảng Ngao Châu.
CẦN THAY THƯỢNG GIANG (SÔNG CẦN THAY THƯỢNG) ([29][201]) Ở bờ phía đông sông lớn Long Hồ, cách phía đông trấn 38 dặm, theo sông lớn chảy về nam rồi ra cửa biển Cổ Chiên. Từ cửa sông nầy đi về phía đông 2 dặm đến ngã ba sông. Nhánh phía bắc thông với sông Phú Sơn tục gọi là Cái Ớt ở địa phận thôn Phú Sơn, [50b] chảy 25 dặm rưỡi nữa đến chợ Bình Định là tên thôn tục gọi là chợ Cần Thay, nơi đây chợ búa đông đúc, buôn bán tụ hội tấp nập; chảy hơn 4 dặm nữa ra hạ khẩu sông Cần Thay, rồi đổ ra cửa biển Ngao Châu.
THƯỢNG THẦM GIANG ([30][202])
Tục gọi là Cái Dâu Thượng, ở bờ phía tây sông Hàm Luông, cách trấn về phía đông 38 dặm rưỡi. Sông rộng 3 tầm, sâu 2 tầm, chỗ cuối nguồn có ruộng vườn dân cư, chạy dọc theo sông lớn xuống phía nam 4 dặm rưỡi đến sông Trung Thầm; sông nầy rộng 3 tầm, sâu 2 tầm; chảy 5 dặm rưỡi đến sông Hạ Thầm, khúc sông nầy rộng 3 tầm, sâu 2 tầm, đều là cùng nguồn, ở đó cũng có ruộng vườn dân cư, họ sống bằng nghề nông và trồng dâu nuôi tằm.
AN VĨNH GIANG ([31][203]) Là tên thôn, tục gọi là Cái Mơng Lớn, ở bờ phía tây sông Hàm Luông, cách phía đông trấn hơn 86 dặm, rộng 25 tầm, sâu 14 tầm. Cách phía tây 10 dặm đến sông nhỏ Lan Sái. Sông nầy ở bờ phía bắc, 14 dặm [51a] nữa đến chỗ ngã ba cửa kinh; ngả kinh phía tây chảy ra sông nhỏ, quanh về hướng nam đổ ra cửa biển Cổ Chiên; ngả phía nam chảy 1 dặm rưỡi đến chợ Ba Vát ([32][204]). Chợ nầy ở bờ phía đông, ở đây phố xá liền nhau, ghe thuyền đậu san sát, đó là huyện lỵ Tân An. Đi 15 dặm rưỡi nữa đến sông nhỏ Lê Đầu ([33][205]) (tục gọi là sông Mỏ Cày), ở bờ phía tây rộng 4 tầm, sâu 1 tầm, quán xá đông đúc. Chảy thêm 4 dặm ra sông Thanh Thủy (sông Nước Trong), rồi chảy về nam thông ra cửa biển Băng Côn.
BA LA GIANG ([34][206]) Tục gọi là Cái Mít, ở phía đông hạ lưu sông lớn Hàm Luông, rộng 26 thước ta, sâu 8 thước ta, cách phía đông trấn hơn 128 dặm. Trước cửa sông có nổi lên cái cồn nhỏ, từ cồn ấy có lạch nhỏ chảy xuống phía nam hơn 9 dặm đến sông nhỏ Sơn Đốc, ở đây có dân cư, rồi chảy ra cửa biển Ngao Châu.
VĨNH ĐỨC GIANG ([35][207]) Vĩnh Đức là tên thôn, tục gọi là Ba Tri Ớt, ở phía đông cuối sông Hàm Luông, rộng 8 tầm, sâu 2 tầm [51b], cách phía đông trấn 165 dặm rưỡi ở cuối nguồn có quán xá đông đúc, nhiều người theo nghề biển.
CHÂU THỚI GIANG ([36][208]) Châu Thới là tên thôn, tục gọi là Ba Tri Cá; ở phía tây hạ lưu sông Ba Lai; rộng 4 tầm, sâu hai tầm, cách phía đông trấn 112 dặm rưỡi, chảy theo hướng tây rồi quanh vào nam 9 dặm rưỡi đến ngã ba sông có chợ Giồng Trôm, nhánh sông phía đông chảy 45 dặm đổ ra sông Châu Bình (tên thôn, tục danh Ba Tri Chàm) ([37][209]) rộng 4 tầm, sâu 2 tầm, chảy vào nam rồi đổ ra cửa biển Ba Lai. Nhánh phía nam chảy 45 dặm đổ ra sông Mỹ Ân, rộng 5 tầm, sâu 3 tầm, rồi chảy ra cửa biển Ba Lai. Hai bên bờ sông là rừng sác, dân miền biển ở đây hãy còn thưa thớt.
MÂN THÍT GIANG (SÔNG MÂN THÍT) ([38][210]) Ở bờ tây hạ lưu sông lớn Long Hồ của Tiền Giang, cách trấn về phía nam 55 dặm rưỡi. Bờ phía bắc có đồn thủ ngự Tân Thắng, chợ búa đông đúc, là trị sở huyện Vĩnh Bình [52a]. Cửa sông rộng 7 tầm, sâu 5 tầm. Về phía tây đi 34 dặm rưỡi đến ngã ba Cái Nhum ([39][211]); ngả phía bắc chảy 12 dặm rưỡi đến sông Song Tông (tục danh Kè Đôi) ([40][212]) ở địa phận hai thôn Tân Điền và Định Thới, lại có tên là sông Thới Điền, nằm ngang với cửa sông Cần Thay Thượng, cửa sông rộng 6 tầm, sâu 5 tầm, phía bắc đến trấn 45 dặm. Ngả sông phía tây chảy 50 dặm đến ngã ba sông Kiên Thắng.
KIÊN THẮNG GIANG ([41][213]) Tục gọi là Ba Kè, đó là đồn thủ ngự Kiên Thắng, rộng 12 tầm, sâu 6 tầm, cách trấn về phía tây nam 30 dặm. Sông chia 3 ngả: ngả phía đông chảy 85 dặm rưỡi đến sông Mân Thít; ngả phía tây 26 dặm rưỡi đến sông Trà Ôn. Ruộng vườn ở đây mới khai phá, cây cỏ hãy còn rậm rạp, là một con đường thủy giao thông quan trọng.
AN PHÚ GIANG An Phú là tên thôn, tục gọi là Vũng Liêm. Sông rộng 18 tầm, sâu 8 tầm, ở bờ phía tây sông lớn Long Hồ. Chảy qua hướng tây bắc 2 dặm có chợ nhỏ; 36 dặm đến ngã ba Khu Ân rồi hiệp lưu với sông Kiên Thắng. Nơi đây, người Việt và người Thổ chung sống với nhau, họ [52b] chuyên nghề làm ruộng, phát cỏ cấy mạ và đắp đập bắt cá, dùng sức ít mà được lợi nhiều, làm lụng, nghỉ ngơi tùy lúc nhưng không ăn chơi, rảnh rỗi.
LÁNG THÉ GIANG (SÔNG LÁNG THÉ) ([42][214]) Rộng 30 tầm, sâu 27 thước, ở bờ phía tây sông lớn Long Hồ, cách trấn về phía nam 85 dặm rưỡi. Trước cửa sông có cồn nhỏ, cây cỏ rậm rạp, lên phía tây 20 dặm rưỡi đến sông nhỏ Cần Chông ([43][215]) rồi ăn thông với sông lớn Hậu Giang, nhưng sông nầy hẹp nhỏ lại bị lấp cạn, thuyền bè khó đi; đất còn hoang vu chưa khai khẩn hết.
TRÀ VANG GIANG (SÔNG TRÀ VINH) ([44][216]) Rộng 13 tầm, sâu 5 tầm, ở phía tây sông Cổ Chiên. Nơi đây có đồn thủ ngự Quang Phục, người Việt và người Thổ ở chung nhau, chợ phố liên tiếp, thuyền buôn tụ hội, tạo thành một doi biển đông đảo nhất ở miền biển. Thuở trước nơi đây là vùng đất thuộc Cao Miên, năm Canh Tý thứ 3 (1780), vì có việc cần phải trưng dụng dân phu quân lính mà tù trưởng Trà Vinh lúc ấy là [53a] Ốc nha ([45][217]) Suốt ương ngạnh không chịu phụng mạng.
Triều đình sai quan chinh thảo, nhưng vì xứ ấy đầy rừng rậm chằm lớn, hoang vu rậm rạp, chúng chiếm cứ chỗ rừng bụi hiểm trở, lấy tài bắn nỏ làm sở trường, thường dùng trận phục ngưu dò xét quân ta sơ hở thì cưỡi trâu dài chân lớn móng, bày đội ra xung kích, bầy trâu vừa đạp vừa húc chọi, nên quân ta không thắng được.Ngoài tháng 4, Ngoại hữu Thượng tướng quân Phương Quận công tự cầm quân tinh nhuệ, dùng khiên da, súng lớn, bắn tiến vào rừng sâu và cho đốn cây cối thật quang đãng, rồi vây chặt sào huyệt của chúng. Chúng mất thế hiểm yếu, thế cùng, quân ta một trận bắt hết, giết bọn đầu đảng cừ khôi, còn dư đảng đều được phủ dụ, cảm hóa thành dân lương thiện.
Năm Đinh Mùi (1787), khi mới Trung hưng đã dùng dân ấy làm binh lính đồn Oai Viễn; họ từng theo chinh thảo có công trạng, nay có lệnh: phàm sự việc thuộc người Việt ta thì do Tri huyện Vĩnh Bình xử lý, còn dân Cao Miên thì thuộc đồn Oai Viễn xử lý; nếu như người Việt, người Thổ liên can nhau, thì 2 nha phải cùng nhau xem xét, xử lý [53b]. Nhờ sự sắp đặt tổ chức rõ ràng như vậy, nên người người đều an cư lạc nghiệp, phân nửa những gò hoang đất trống đều được khai khẩn thành ruộng vườn để trồng trọt.
TÂN HỘI GIANG Tân Hội là tên thôn, tục gọi là Cái Tàu Hạ, ở bờ phía nam Tiền Giang, rộng 20 tầm, sâu 3 tầm, cách trấn về phía tây hơn 30 dặm. Phía đông nam xuống đến ngã ba Cái Ngang; nhánh phía bắc thông với sông Long Hồ, rồi chuyển về nam 60 dặm đến ngã ba sông Kiên Thắng; theo hướng đông chảy ra sông An Phú và sông Láng Thé rồi hiệp với Tiền Giang; chảy hướng tây ra sông Trà Ôn rồi gặp sông Hậu Giang, đó là đường giao thông được cả bốn phía.
NHA MÂN GIANG (SÔNG NHA MÂN) ([46][218]) Ở bờ phía nam Tiền Giang, cách trấn về phía tây 35 dặm, rộng 29 tầm, sâu 13 thước ta. Theo hướng nam chuyển lên tây 175 dặm, qua các ngòi nhỏ Tam Miếu (Ba Miếu), Giồng Sao, Trà Cát ([47][219]), Đồ Bà (Chà Và), Cam Phù Ly, đến sông Cái Vồn rồi đổ ra sông lớn Hậu Giang. Nơi đây có nhiều người Việt mới đến khai khẩn ruộng vườn.
THƯỢNG CẦN THƠ GIANG KHẨU (CỬA SÔNG THƯỢNG CẦN THƠ [54a]) Ở bờ phía nam Tiền Giang, cách trấn về phía tây 52 dặm rưỡi; rộng 37 tầm, sâu 13 thước ta; chuyển từ đông sang nam 37 dặm thì dòng sông hẹp dần, đến ngã ba Sơn Chiết, nhánh phía tây đến thượng khẩu Thâm Khê (Ngòi Sâu) rồi ra Bàu Hốt, thông với Hậu Giang; nhánh phía nam đến Du Khê, ra Trà Mơng rồi cũng thông với Hậu Giang. Sông nầy đối bờ với đường sông ở trấn Cần Thơ, suốt đường sông nầy cây tre 2 bên bờ ngọn ngả ra giao nhau, làm trở ngại thuyền bè đi lại; ruộng vườn ở đây còn thưa trống, vì người ta mới đến lập nghiệp. SA ĐÉC GIANG (SÔNG SA ĐÉC) ([48][220])
Ở bờ phía nam Tiền Giang, rộng 42 tầm, sâu 28 thước ta, cách trấn về phía tây 56 dặm rưỡi. (Trước chỗ này cách 4 dặm ở bờ phía nam có sông nhỏ Cái Sơn, rộng 9 tầm, sâu 10 thước ta, có cầu ngang thông với chợ Sa Đéc); về phía tây nam 7 dặm rưỡi đến ngã ba mương Nàng Hai (Nhị Nương), ở đây dân đều làm nhà sàn trên sông để ở. Sông ở đây hẹp, quanh co um tùm, thuyền bè khó đi lại. Nước sông trong ngọt, vườn ruộng rất tốt, nhân dân đông đúc giàu có, có đạo Đông Khẩu đóng ở phía nam, chợ phố liền nhau, thuyền bè đông đúc, là chỗ đại đô hội của trấn nầy. Phía trái có xóm Tiên Phổ (thuộc Tân Quy Đông, cát trắng ngăn đục như cái mõm nhô môi ra, gió mát, sông lặng, người ta thường đậu thuyền nơi đây, không hề có ruồi muỗi quấy nhiễu, nên mới gọi là Tiên). [55b].
Phía phải có cồn Phụng Nga như bức la thành hộ vệ, núi sông hiểm yếu, bờ cõi vững bền. Chảy qua tây nam 33 dặm có Rạch Dầu (Du Câu) ở bờ phía tây, rạch Nàng Hai ở bờ phía đông, rạch Sa Nhân ở bờ phía tây, rồi đến ngã ba Nước Xoáy, mạch đất như cuốn bó lại nguồn xa của dòng nước, để giữ lấy vượng khí.
HỒI LUÂN THỦY TAM KỲ (NGÃ BA NƯỚC XOÁY) ([49][221]) Tục gọi là Nước Xoáy, ở địa phận thôn Tân Long.
Phía tây có ngòi nhỏ thông với sông Thủ Ô, cạn hẹp khó đi; nhánh phía bắc đi 33 dặm đến sông Sa Đéc; nhánh phía nam đi hơn 71 dặm qua kinh Cường Oai (tục gọi là Cái Tắt Lai Vung) ([50][222]), đến Kỳ Can (Cán Cờ), Thung Dung, rồi đến sông Cường Oai ra sông Hậu Giang; nhánh phía tây chảy 18 dặm cũng qua kinh Cường Oai chuyển theo ngòi Lưu Thủy đến sông Thủ Ô rồi đến ngã ba sông: nhánh phía bắc đi 6 dặm đến sông Hội An, rồi chảy ra Tiền Giang; nhánh phía tây chảy hơn 71 dặm xuống sông Cường Oai rồi ra Hậu Giang, chỗ nầy nước chảy xoáy quanh, là đường thông suốt bốn hướng từ nơi giao hợp của Tiền Giang, Hậu Giang [56a].
Năm Đinh Mùi (1787), lúc mới Trung hưng, Thế Tổ tạm đồn trú ở đây để hiệu lịnh binh tướng các lộ, giữ lấy thế chính giữa chặn lấy nơi hiểm yếu, thu được nhiều công lớn ([51][223]), ấy là một vùng đất có hình thắng vậy.
LONG PHỤNG GIANG (SÔNG LONG PHỤNG) ([52][224]) Ở bờ phía nam Tiền Giang, cách đạo Đông Khẩu về phía tây 2 dặm rưỡi; rộng 10 thước ta, sâu 7 thước ta, khi nước lên đi qua Du Câu (Rạch Dầu), rồi hợp với sông Sa Đéc, hai bên bờ sông ruộng vườn rất tươi tốt.
TÂN ĐÔNG GIANG ([53][225]) Tân Đông là tên thôn, tục gọi là Cái Bè Cạn, ở bờ phía nam Tiền Giang; rộng 26 tầm, sâu 9 thước ta, cách đạo Đông Khẩu về phía tây hơn 8 dặm. Nơi đây ruộng nhiều, dân đông, trước mặt có bãi bùn ngầm mới nổi, làm thành cái cồn chắn trước cửa sông. Bãi dài 4 dặm, bề ngang bằng nửa bề dài, khi nước lên thuyền bè không biết đi lầm vào ([54][226]) đều bị mắc cạn, nên gọi tên là Cạn. Từ cửa sông chảy vào nam 25 dặm đến ngã ba sông: Nhánh phía bắc chảy 14 dặm rưỡi đến ngòi Tân Khai (tục gọi là Mương Đào) ([55][227]), rộng 7 tầm, sâu 9 thước ta) [56], rồi chảy ra Tiền Giang; nhánh phía đông đến rạch Sa Nhơn (Nhiên) ([56][228]) rồi hợp lưu với sông Sa Đéc.
MỸ AN GIANG ([57][229]) Mỹ An là tên thôn, tục gọi là Đất Sét, ở bờ phía nam Tiền Giang; rộng 5 tầm, sâu 1 tầm. Trước cửa sông có cồn nổi, đất cát màu mỡ, thích hợp với việc trồng các loại dưa, quả; cách đạo Đông Khẩu về phía tây 56 dặm rưỡi. Về phía nam 8 dặm đến cùng nguồn. Nơi đây gò đất rất màu mỡ, thổ nhưỡng ở đây hợp các loại bí rợ, bắp, khoai, đậu, thuốc lá.
HỘI AN GIANG ([58][230]) Hội An là tên thôn, tục gọi là Cái Tàu Thượng, ở bờ phía nam Tiền Giang, rộng 1 dặm rưỡi, sâu 19 thước ta, cách đạo Đông Khẩu về phía tây 60 dặm. Cửa sông đối diện với cù lao Tòng Sơn, cù lao Trâu ([59][231]) và cù lao Tinh ([60][232]), làm ứng tinh hộ vệ phía ngoài để ngăn cơn gió, tạt chân ngọn nước xói, đấy là một chỗ đất rất tốt. Từ đấy chảy về nam 55 dặm rưỡi đến ngã ba sông: nhánh phía nam chảy 24 dặm rưỡi đến sông Cường Thành rồi đổ ra Hậu Giang, nhánh phía bắc chảy 70 dặm rưỡi xuống sông Sa Đéc rồi đổ ra Tiền Giang.
CỰU CHIẾN SAI THỦ SỞ [57a] (THỦ SỞ CŨ CHIẾN SAI) ([61][233]) Ở phía tây sông Trà Thôn 80 tầm (sông nầy ở bờ phía nam Tiền Giang, sông rộng 4 tầm, sâu 3 thước ta, chảy qua phía tây nam thông với sông Lễ Công, dọc bờ sông có ruộng vườn và dân cư, phía sau đó còn có rừng rậm - sông nầy mùa thu, đông vẫn đi được, đến mùa xuân, hạ nước lại cạn, nhiều người đắp đê để bắt cá tôm) cách phía tây đạo Đông Khẩu 80 dặm, nay thủ sở ấy đã dời đi nơi khác.
LỄ CÔNG GIANG THƯỢNG KHẨU ([62][234]) Tục gọi là vàm Ông Chưởng; cửa sông nầy rộng 8 tầm, sâu 8 thước ta. Trước cửa sông có cù lao nhỏ và nhân tên sông mà gọi tên cù lao ấy (cù lao Ông Chưởng), ở cách phía tây đạo Đông Khẩu 90 dặm rưỡi. Sông chảy vào nam 60 dặm rưỡi đến hạ khẩu rồi hợp lưu với Hậu Giang. Bờ phía tây có sở thủ ngự Hùng Sai ([63][235]), bờ phía tây thượng khẩu có miếu thờ Khâm sai Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn (Nguyễn Hữu Cảnh) ([64][236]) vì dân ở đấy cho rằng ông có công dẹp yên Cao Miên, khai thác đất này, nên nhân dân nhớ công đức mà lập miếu thờ, cũng có ý giống như chuyện dân không nỡ chặt cây cam đường để nhớ Thiệu Bá ([65][237]), lập đền Phục Ba ở Việt Đông ([66][238]), lập miếu Võ Hầu ở Vân Nam ([67][239]).
Việc lấy tên của ông đem đặt [57] tên sông là muốn người sau muôn đời không quên ơn đức của ông vậy. Đến như huân nghiệp rực rỡ của ông đã được ghi rõ trên lá cờ đặt ở đền thờ chính ở Biên Hòa. Nơi đền chính này đều có lễ cúng cấp quốc gia xuân thu hai lần và lễ này đã được ghi vào Hội điển ([68][240]) của triều đình. VÀM NAO ([69][241]) Tục gọi cửa sông là vàm, âm gần với chữ phàm. Theo sách Thủy Kinh Chú chép thì nhà Ngụy sai Hạ Hầu Uyên cùng Trương Hấp đem quân đến Ba Thục (Tây Thục).
Lưu Bị đưa quân ra phiếm khẩu ([70][242]), tức là nơi cửa sông. Chữ nầy thiết âm là phù phạm hay phù phong tùy theo dùng bằng hay trắc, nhưng nghĩa thì đồng nhau. Tục viết là Vàm Nao (汎B), nhưng chữ B nầy ít khi được dùng nên nay sửa lại viết là洨. Thượng khẩu vàm nầy ở phía nam Tiền Giang, rộng 8 tầm, sâu 2 tầm. Chảy vào phía nam 75 dặm rưỡi đến hạ khẩu, rồi nhập vào Hậu Giang. Ở phía tây có sở thủ ngự, dọc theo bờ sông người Việt lập ruộng vườn, nhà đất, phía sau có rừng, là nơi có sóc của các tộc người Miên.
ƯU ĐÀM GIANG ([71][243]) Tục gọi là Tắt Cây Sung, rộng 7 tầm, sâu 2 tầm ở phía nam Tiền Giang, cách đạo Đông Khẩu về phía tây 94 dặm. Chảy về nam hơn 76 dặm đến sông Đàm Giang rồi hợp lưu với Hậu Giang. Dọc theo bờ sông là ruộng vườn nhà cửa của người Việt, phía sau là rừng, nơi người Cao Miên ở chen lộn. [55a]
TÂN GIANG ([72][244]) Tục gọi là Cái Mới, rộng 12 tầm, sâu 2 tầm, ở về phía nam bờ Tiền Giang, cách đạo Đông Khẩu về phía tây 143 dặm, cách trấn 200 dặm. Đây là chỗ giáp giới giữa trấn Vĩnh Thanh và phủ Nam Vang của Cao Miên. Chảy về nam 2 dặm rưỡi đến ngã ba sông: Nhánh phía đông 59 tầm, nhánh phía tây 38 tầm, đều vào chằm cùng, ở đây có dân Việt và dân Cao Miên sinh sống chen lộn. Chỗ cắt ngang Tiền Giang rộng 830 tầm 2 thước ta, chảy ngược lên Nam Vang của Cao Miên. Khoảng trung lưu có 3 cù lao là Cổ Cà ([73][245]), Cần Thay và Cổ Cang ([74][246]). Lên xa nữa là Cổ Điệp, ở đó có thủ sở của Cao Miên.
CHÂU ĐỐC GIANG (SÔNG CHÂU ĐỐC) Ở phía tây thượng lưu Hậu Giang, rộng 70 tầm, sâu 9 tầm, cách trấn về phía tây 327 dặm, thủ sở Châu Giang ở bờ đông Hậu Giang. Đồn Châu Đốc ở bờ phía tây sông Châu Đốc, thủ phủ Mật Luật ([75][247]) nước Cao Miên ở bờ phía đông sông Châu Đốc, đó là địa giới quan ải của trấn Vĩnh Thanh và nước Cao Miên. Phía bắc đi 25 dặm về phía tây sông nầy có sông Phong Cần Thăng, [56b] đi về phía tây 60 dặm qua đường cũ của Cao Miên đến láng (bưng) bùn Ca Âm ([76][248]), chỉ mùa mưa mới đi được, còn mùa nắng thì khô cạn và bùn lầy, ở đây mọc nhiều cây cỏ lúa, cách 10 dặm về phía tây sông nầy có sông Cam La Ngư chảy vào chằm cùng, cách 3 dặm về phía đông sông nầy có kinh Lăng Lý, tục gọi là Tắt Nục, lúc nước lụt có thể đi qua sông rộng rãi Bình Thiên rồi ra Hậu Giang; cách 10 dặm là sông Lò Khù Ngư, đến đây thì đầm ao khắp nơi rồi cùng.
Ngoài cửa sông Châu Đốc theo dòng Hậu Giang chảy về nam, sông rộng 300 tầm, sâu 10 tầm, nước lớn ròng gì cũng ở mức ấy thôi, cách 6 dặm rưỡi đến sông Tham Lung, sông nầy rộng 6 tầm, sâu 10 thước ta, cùng nguồn.
VĨNH TẾ HÀ (KINH VĨNH TẾ) Ở về phía tây đồn Châu Đốc. Năm Kỷ Mão (1819) niên hiệu Gia Long thứ 18, đo thẳng từ hào sau phía phải đồn Châu Đốc lên phía tây, qua láng (bưng) bùn Ca Âm đến Kỳ Thọ (tục gọi là Cây Kè) dài 44.412 tầm [57a] thành ra 205 dặm rưỡi (mỗi dặm bằng 1.700 thước nam), đặt tên là sông Vĩnh Tế. Vua ban dụ cho Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại, Hữu quân Hữu bảo vệ Vệ úy, Chưởng cơ Tuyên Quang hầu Phan Văn Tuyên đôn đốc dân phu trấn Vĩnh Thanh mỗi phiên 5.000 người, lính thú đồn Oai Viễn 500 người, Chiêu trùy Tôn La Ha Toàn Phù người Cao Miên đem quân dân mỗi phiên 5000, ngày 15 tháng 12 khởi công.
Trừ đoạn láng bùn 4.075 tầm không đào đến, còn thật sự đào là 26.279 tầm, cân nhắc chỗ đào khó dễ, nhân lực nặng nhẹ, bắt đầu từ miệng hào đến láng bùn đất khô cứng có 7.575 tầm là phần việc của người Việt, còn đất bùn nhão có 18.704 tầm là phần việc của dân Cao Miên. Đào bề ngang 15 tầm, sâu 6 thước ta, quan cấp mỗi tháng cho mỗi người là 6 quan tiền và 1 phương gạo ([77][249]) [57b]. Đến ngày 15 tháng 3 năm đầu thời Minh Mạng (1820) thì xong việc, cộng thành sông mới, bề dài 140 dặm, nối tiếp sông cũ đến cửa biển Hà Tiên, tổng cộng dài 205 dặm rưỡi mà đường sông đi lại rất thông.
Từ đó kế hoạch quốc gia về biên giới cũng như sự buôn bán của nhân dân cùng hưởng sự tiện lợi vô cùng.
CA ÂM NÁO KHẨU (BƯNG BÙN CA ÂM) ([78][250]) Ở khoảng giữa sông Vĩnh Tế; dài hơn 18 dặm rưỡi, bề rộng bằng nửa bề dài, sâu khoảng 5 thước ta, hình bầu dục, có mỏm như hoa sen, hoa phù dung nghiêng soi; phía nam gối núi Ca Âm, nên mới gọi tên ấy. Dãy Ất Giùm ở phía đông, dãy Chơn Giùm (Chan Sum) uốn quanh ở phía tây; gió kín khí tụ, nước trong sóng gợn, hoa sen nở rộ, mùi thơm bay xa trăm dặm, cá tôm rất nhiều, bắt dùng không hết.
ĐẦM GIANG ([79][251]) (SÔNG ĐẦM) Ở bờ phía đông Hậu Giang, rộng 6 tầm, sâu 8 thước ta, phía đông thông với sông Ưu Đàm phần thuộc về Tiền Giang, cách phía tây trấn 220 dặm. Ngược lên phía bắc, nước chia làm 2 nhánh: 9 dặm qua Du Giang, cửa sông ở bờ tây [60a] rộng 3 tầm, sâu 8 thước ta, tới cùng nguồn; cách 3 dặm qua sông Bà Đê, sông nầy ở phía bờ đông rộng 5 tầm, sâu 2 tầm đến cùng nguồn, 4 dặm rưỡi qua sông Chông Cần Trang, sông nầy ở bờ tây, rộng 2 tầm, sâu 8 thước ta, đến cùng nguồn, đến đây lại hiệp làm một dòng, vì giữa sông lớn có 2 cù lao lớn Cần Trang và Bà Dơm ([80][252]) nằm ngăn ở giữa, 2 bên bờ sông rừng tre um tùm, cây cối ven sông xiên ngang che lấy mặt sông, người Việt và người Thổ cùng ở xen nhau. Ruộng tốt mới khai khẩn, dân nuôi bắt cá đồng bán tươi, làm mắm, làm khô, muối măng chua, đốn tre kiếm sống.
MẠT CẦN ĐĂNG GIANG (SÔNG MẠT CẦN ĐĂNG) Ở bờ phía tây Hậu Giang, rộng 6 tầm, sâu 2 tầm, chảy về phía tây nam 17 dặm hợp lưu với Thoại Hà, người Việt, người Thổ ở xen nhau, có rừng sác liền nhau. THOẠI HÀ ([81][253]) Tục gọi là Ba Rách, rộng 8 tầm, sâu 14 thước ta, cách trấn về phía tây 214 dặm. Ở bờ phía tây 4 dặm rưỡi [60b] đến ngã ba sông, hợp với sông Cần Đăng; qua tây nam 59 dặm đến cửa sông Lạc Dục; từ đấy đi về nam 57 dặm rưỡi đến ngòi nhỏ Song Giang, bùn ứ, cây cỏ ngăn lấp, thuyền bè không đi được.
Tháng 11 niên hiệu Gia Long thứ 16 (1817), vua sai Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc hầu điều dân Việt và dân Thổ 1.500 người, cấp cho gạo tiền để đốn chặt cây cối, đào vét cho thông, bề ngang sông là 12 tầm, sâu 4 thước ta, trong 1 tháng thì xong, ăn thông với thủy đạo Kiên Giang, nhân dân Việt, Thổ đi lại đều tiện lợi. Vua ban tên là Thoại Hà để ghi nhớ công của người bề tôi.
TIỀN TRÀNG GIANG (SÔNG TRƯỜNG TIỀN) ([82][254]) Ở bờ phía đông Hậu Giang, rộng 3 tầm, sâu 1 tầm. Nguyên ngày trước có xưởng quan đúc tiền Ba Thắc ở đấy nên mới gọi tên ấy. Chảy xuống đông hơn 1 dặm có nhánh chảy về nam thông với Qua Giang (tục gọi là Cái Bí) rồi chảy ra sông lớn, nhánh chảy xuống đông hơn 1 dặm hợp lưu với sông Cường Thành. CƯỜNG THÀNH GIANG Tục gọi là sông Lấp Vò, ở bờ phía đông sông Hậu Giang, rộng 12 tầm, sâu 18 thước ta, cách trấn về phía nam 178 dặm rưỡi [61a].
Bờ phía nam có Du Giang, chảy ra sông lớn; cách bờ nam nửa dặm đến thủ sở Cường Thành, ở đây có chợ búa đông đúc. Lại 50 tầm đến ngã ba sông: nhánh phía bắc thông với sông Qua Giang, sông Trường Tiền, rồi chảy ra sông lớn; nhánh phía đông 70 dặm đến ngã ba nữa; nhánh phía bắc thông với sông Hội An rồi ra Tiền Giang, nhánh phía đông qua sông Thủ Ô, sông Hồi Luân, ra sông Sa Đéc, rồi cũng thông với Tiền Giang. Hai bên bờ sông đều có ruộng vườn, dân cư.
CƯỜNG OAI GIANG Tục gọi Lai Vung, ở bờ phía đông Hậu Giang, rộng 15 tầm, sâu 18 thước ta. Thủ sở Cường Oai ở phía bờ bắc, ở đây chợ quán đông đúc, cách phía nam trấn 160 dặm rưỡi, chảy xuống hướng đông 71 dặm đến mương nhỏ rồi nhập vào sông Hồi Luân, thông với sông Sa Đéc rồi chảy ra Tiền Giang.
BÀU HỐT GIANG ([83][255]) Ở bờ phía đông Hậu Giang, rộng 3 tầm, sâu 1 tầm; chảy về phía đông 1 dặm đến ngã ba: Nhánh phía bắc 1 dặm rưỡi chảy ra cửa Thâm Câu (Ngòi Sâu) rồi nhập vào sông lớn; nhánh xuống phía đông 1 dặm rưỡi đến ngã ba sông, chia nhánh phía bắc thông với thượng khẩu sông Cần Thơ rồi chảy ra Tiền Giang; nhánh phía nam chảy hơn 2 dặm qua Du Khê, ra Trà Mơng rồi nhập vào sông lớn, đối mặt với đạo Trấn Giang, Cần Thơ.
CẦN THƠ GIANG ([61b] SÔNG CẦN THƠ) Ở bờ phía tây Hậu Giang, rộng 8 tầm, sâu 5 tầm, cách trấn về phía nam 210 dặm rưỡi. Bên bờ phía tây là thủ sở đạo Trấn Giang, ở đây chợ phố đông đúc, buôn bán rất sầm uất. Từ sông lớn chảy vào nam 121 dặm rưỡi ra cửa biển Ba Thắc; từ cửa sông đi lên hướng tây 8 dặm rưỡi đến ngã ba sông: nhánh phía bắc chuyển qua hướng đông 1 dặm rưỡi, thông với sông Bình Thủy rồi ra Hậu Giang (trước đó nửa dặm chảy về Bắc, rồi chuyển qua hướng đông 1 dặm, chảy ra Ô Môn ([84][256]) thông với Hậu Giang); nhánh phía tây chảy 78 dặm rưỡi đến Nê Trạch (tục gọi là Ba Láng), 165 dặm rưỡi nữa ra cửa Cảng Nhỏ đạo Kiên Giang (tục gọi Cửa Bé).
Đường đi qua chỗ Nê Trạch, từ cuối đông qua xuân nước cạn, bùn nhão cạn lấp; từ hạ qua đông, nước mưa tràn ngập cả bến bờ, ghe thuyền cưỡi lên cỏ, lướt trên lục bình mà đi, chọn đường tới lui, cứ trông theo rừng rậm 2 bên nhận chừng nhớ dấu đường mà đi. Ở đây vắng ngắt không có dân cư, lại có nhiều ruồi muỗi và đỉa khiến người qua lại rất khổ.
VỒN GIANG (SÔNG CÁI VỒN) ([85][257]) Ở bờ phía đông Hậu Giang, rộng 32 tầm, sâu 5 tầm, cách trấn về phía nam 72 dặm rưỡi. Chảy về phía đông bắc 3 dặm rưỡi đến sông Đông Thành (tục gọi Cái Tràm thuộc đất thôn Đông Thành Trung), rồi ra sông lớn; lại chảy thêm hơn 171 dặm rưỡi thì thông với sông Nha Mân, Tiền Giang.
TRÀ ÔN GIANG (SÔNG TRÀ ÔN) ([86][258]) Ở phía đông hạ lưu Hậu Giang, rộng 14 tầm, sâu 7 tầm, cách trấn về phía nam 57 dặm. Phía bắc lên sông Cần Thơ 26 dặm, thuộc huyện Vĩnh Bình, bờ phía tây là tổng Vĩnh Trường, bờ phía đông là tổng Bình Chánh ([87][259]), có đồn Oai Viễn và đồn điền của lính thú Cao Miên đóng. Ở đây chợ phố đông đúc, là nơi người Việt, người Tàu và người Cao Miên tụ tập đông đảo. Qua phía đông 26 dặm rưỡi đến ngã ba La Vách ([88][260]), đi qua 2 sông nhỏ Trà Côn và Sa Cô rồi đến ngã ba Kiên Thắng: nhánh phía đông chảy 85 dặm rưỡi đến sông Mân Thít rồi hợp lưu với sông lớn Long Hồ; nhánh phía tây chảy hơn 30 dặm thì đến trấn thành, đều là nhà cửa ruộng vườn của dân cư, gà gáy chó sủa văng vẳng, là đất đã khai khẩn hết.
BA THẮC GIANG ([62] SÔNG BA THẮC) ([89][261]) Ở phía nam hạ lưu Hậu Giang, cách trấn về phía nam 117 dặm, rộng 30 tầm, sâu 7 thước ta (?), có thủ sở đạo Trấn Di ([90][262]) đóng ở bờ phía bắc, cù lao Hổ (tục gọi là cù lao Dung) nổi lên phía nam, chảy 36 dặm đến cửa biển Ba Thắc. Từ cửa sông đi về hướng tây 60 dặm đến Tàu Trường, đây là nơi đậu của tàu buôn đường biển, người Việt, người Tàu và người Cao Miên ở chung với nhau, đường phố chợ búa nối dài liên tiếp.
Cách 66 dặm đến ngã ba Nguyệt Giang (tục gọi Sóc Trăng); nhánh phía bắc 23 dặm đến sông Phủ Đầu (tục gọi là Bố Thảo, là âm tiếng Tàu của từ Phủ Đầu) ([91][263]), ngược dòng lên tây bắc 165 dặm rưỡi qua Ba Dinh (Ba Rinh), Tầm Vu, Cái Tàu, Cái Cao, Thầy Quang rồi đến cảng lớn đạo Kiên Giang (tục gọi là cửa Lớn): nhánh phía tây (Sóc Trăng) chảy 8 dặm rưỡi đến chợ Bãi Xàu ([92][264]) (Mỹ Xuyên), ở đây có phố xá liền nhau, người Việt và người Thổ ở xen nhau, họ chuyên phơi muối đỏ (dân địa phương gọi là muối đen) đem bán để kiếm sống. Lại cách 25 dặm rưỡi đến ngã ba Lộ Cảnh (Cổ Cò - do sông này dài mà cong nên mới gọi là Cổ Cò); nhánh phía nam chảy 17 dặm rưỡi ra cửa biển Mỹ Thanh; từ cửa biển đi về phía bắc, tới Bãi Xàu, qua chằm bùn, mé đông là địa giới trấn Vĩnh Thanh, nhánh phía tây chảy [63a] 231 dặm rưỡi qua Trà Nô (Trà Nho) ([93][265]), Cái Tràm rồi đến đạo Long Xuyên (Cà Mau).
AN THỚI GIANG Tục gọi là Vàm Rài, ở thôn An Thới Trung, nằm về bờ phía đông hạ lưu Hậu Giang, rộng 12 tầm, sâu 3 tầm, có sở thủ ngự ở đấy, người Việt và người Cao Miên ở xen nhau.
NGAO CHÂU HẢI MÔN (CỬA BIỂN BÃI NGAO) Cách trấn về phía nam 168 dặm, rộng 2 dặm, khi nước lên sâu 5 tầm, nước ròng sâu 2 tầm. Bờ phía đông cách hơn 2 dặm đến sông Mộc Miên (Cây Gòn) (rộng 5 tầm, sâu 2 tầm đến cùng nguồn), 2 dặm nữa đến Tinh Giang (rộng 2 tầm, sâu 1 tầm đến cùng nguồn), 13 dặm đến sông Vĩnh Đức, 2 dặm rưỡi đến cảng Bãi Ngao ([94][266]) chảy ra biển, phía ngoài có thủ sở phụ đóng giữ.
Ngang cảng có sông Long Tân (rộng 5 tầm, sâu 3 tầm đến cùng nguồn), 18 dặm rưỡi đến Ngư Giang (rộng 2 tầm, sâu 2 tầm đến cùng nguồn), 12 dặm đến sông Cổ Miếu (rộng 3 tầm, sâu 2 tầm đến cùng nguồn), 11 dặm đến Giá giang ([95][267]) (rộng 4 tầm, sâu 2 tầm đến cùng nguồn), hai bên bờ sông nầy [63b] có ruộng vườn nhà cửa dân cư, giữa sông đùn lên hai cù lao Cát và Đất, phía đông là cù lao Đất (Thổ Châu) dài hơn 2 dặm, phía tây là cù lao Cát (Sa Châu) dài hơn 5 dặm, sở thủ ngự đóng ở phía nam cù lao, có dân cư của 2 thôn Giao Long và An Thạnh.
Nơi đây gò đất phì nhiêu, cây cối xanh tốt, làm hai con cá trấn giữ cửa biển, khóa thủy khẩu, khống chế hải quan. Phía đông là cửa cảng Bãi Ngao, phía tây là cửa cảng Băng Côn, rộng 50 tầm, khi nước lên sâu 9 thước ta, nước ròng sâu 2 thước ta. Phía ngoài cửa cảng bờ tây cách Giá giang 22 dặm rưỡi đến sông Giao Thạnh (tục gọi rạch Xuôi Trối ([96][268]), nơi đây mới lập thôn Giao Thạnh, rộng 3 tầm, sâu 1 tầm, cùng nguồn) thủ sở Băng Côn đóng xa về phía tây; phía đông có cù lao Thủy Liễu (cù lao Bần), phía tây có cù lao Lộc (cù lao Nai), đều đứng trước mé biển, cây cối xanh tốt.
CỔ CHIÊN HẢI MÔN (CỬA BIỂN CỔ CHIÊN) Rộng 11 dặm rưỡi, khi nước lên sâu 32 thước ta, nước ròng sâu 18 thước ta, cách phía nam trấn 143 dặm rưỡi, 2 bên trổ nhiều sông nhỏ, đều có mọc nhiều cây dừa nước, dân ở đây cắt lá bện thành tấm ([97][269]) [64a] khổ dài rộng hơn các nơi khác, rồi chở bè đem bán được lợi rất lớn. Trong cảng có cù lao Cổ Chiên, đầu cù lao đối diện với sông Tầm Vu, đuôi cù lao chận giữ sông Long Toàn (tục gọi là rạch Thâu Râu thuộc đất thôn Long Toàn) dài 45 dặm, bề ngang độ 10 dặm, có dân cư của 3 thôn Phước Hòa, Phú Thạch và Phước Long, sở thủ ngự đóng ở phía nam.
Cách phía nam ngoài vùng biển ấy 2 dặm rưỡi có cù lao Phù Châu, rừng cây rậm rạp. Phía đông nam ngoài biển cách 33 dặm rưỡi đến cù lao Đại Châu dài 12 dặm rưỡi, bề ngang bằng nửa bề dài, đầu phía bắc gọi là Ngao Chử (tục gọi cồn Ngao), đầu phía nam gọi là Noãn Chử (cồn Trứng), có sở thủ ngự đóng để tuần phòng giặc biển, có dân cư 2 thôn Trường Lộc và Thới Hòa ở đây. Nơi đây đất đai phì nhiêu, phía nam có cù lao Tam Động dài 4 dặm, ở đó có dân biển sinh sống, họ đều trồng thuốc lá, khoai lang và làm nghề chài lưới, cây cối ở đó rất xanh tốt.
BA RÀI (LAI) HẢI MÔN (CỬA BIỂN BA RÀI (LAI)) Rộng hơn 9 dặm, khi nước lên sâu 7 tầm, nước ròng sâu 10 thước ta, ở về cuối sông Hậu Giang, [64b] ngược dòng lên phía tây bắc 60 dặm đến đạo Trấn Di. Dọc theo ven sông, ven biển cây cỏ rậm rạp, trong đều là gò đất, người Tàu và người Cao Miên đều trồng thuốc lá, củ cải, dưa quả rất to mà ngon. Theo biển nầy lên phía tây thì liền tiếp với cửa biển Mỹ Thanh; ngoài cảng có cồn Lợi, cồn Tổ nhưng chỉ có cù lao Trứng (cồn Nóc) (Noãn châu) là lớn hơn, ngư dân ở đây chuyên nghề chài lưới và câu cá.
MỸ THANH HẢI MÔN (CỬA BIỂN MỸ THANH) Rộng 10 dặm, khi nước lên sâu 12 thước ta, nước ròng sâu 4 thước ta. Bờ phía tây có thủ sở, người Việt, người Tàu, người Cao Miên đến sinh sống ở đó, quán xá đông đúc; thổ sản ở đây là thuốc lá, dưa quả và phơi tôm khô ([98][270]). Ngoài cảng về phía đông có cồn cát ngầm, dài chừng 5 dặm, ghe thuyền phải lo tránh.
BÍCH TRÂN CHÂU (CÙ LAO BÁT TÂN) ([99][271]) Ở phía bắc trấn thành, chu vi 12 dặm, sắc cây xanh biếc, ánh nước long lanh như ngọc bích. Lại có tên là Bát Tân, ý nói bến nước thông cả tám hướng. Nơi này làm cồn cát bảo vệ cho sông Long Hồ, [65a] hai bên khép lại như cái vạt áo, quanh vòng ôm lấy hai thôn Bình Lương và An Thành. Bên bờ có những ngư dân phơi lưới, treo tơi, ẩn hiện nơi ngọn rừng, gốc cây. Sông thu thuyền câu giỡn nguyệt, hát hò dưới rặng bần, lênh đênh bên cồn cát trắng, bập bềnh qua lại, tạo nên lạc thú của dân chài.
VĨNH TÙNG CHÂU (CÙ LAO VĨNH TÙNG) ([100][272]) Ở phía tây cù lao Bích Trân, dài 4 dặm, cây cau, dây trầu ở đây rất xanh tốt, quít bưởi rung rinh, có dân cư thôn Vĩnh Tùng ở đấy, cảnh trí thâm u thanh tĩnh.
TÂN CÙ CHÂU (CÙ LAO TÂN CÙ) ([101][273]) Ở phía bắc sông Hàm Luông, cù lao uốn khúc, nổi lên giữa mặt kính hồ, như một vành cong nét vẽ chân mày nằm vắt ngang. Cành trúc rủ la đà quét mặt sóng, ngọn cau dựng đứng khều tầng mây, ở đó có dân cư của 2 thôn Tân Cù và thôn Bình An sinh sống. Cảnh vật khác hẳn nơi chợ búa ồn ào.
TRƯỜNG CHÂU (CÙ LAO DÀI) Ở hạ lưu sông lớn Long Hồ, chu vi 30 dặm, ở đó có dân cư của 5 thôn Phú Thới, Phước Khánh, Thới Bình, Thanh Lương và Bình Thạnh. Nơi đây ruộng vườn ngăn nắp sạch sẽ, phong thủy thanh tú, có những cây thủy mai (mù u) đơm ngọc, hương toán ([102][274]) (xoài) đeo vàng, đáng gọi là nơi sung túc nhàn tĩnh.
PHỤ LONG CHÂU (CÙ LAO PHỤ LONG) Cù lao nầy nằm phụ cận theo sông Hàm Luông nên gọi là Phụ Long (Luông). Có lũy tre xanh uốn khúc bao quanh vũng nước của thôn Phụ Long [65a]. Đồng bằng cò đậu, cây ban tối quạ về, đượm cảnh trí tự nhiên của làng mạc cạnh sông nước.
THANH SƠN CHÂU Tục gọi là cù lao Cái Cấm, cù lao này nằm giữa sông Hàm Luông, dân của 3 thôn Thanh Sơn, Thanh Xuân và Tân Thông sống ở đó, trông giống dãy núi xanh chống giữa khoảng không, sóng bạc vỗ bên bờ, như là bóng dải đất giữa mặt trăng ([103][275]), là cảnh giới thần tiên vậy.
PHỤNG NGA CHÂU (CÙ LAO PHỤNG NGA) ([104][276]) Ở bờ phía bắc sông Sa Đéc, vừa cong vừa dài 10 dặm. Phía đông là cù lao Phụng (tục gọi là cù lao Tân Phụng), phía tây là cù lao Nga (tục gọi là cù lao Cái Nga), có dân của 4 thôn Tân Phụng, Sùng Văn, Tân Lâm và An Tịch sinh sống ở đó. Đất nầy chỉ thuộc một khu nhưng có ngòi nhỏ ở giữa nên chia ra làm hai, như hai nửa viên ngọc bích ghép lại vậy.
Ở đấy vườn xanh rậm, tàu cau rủ đuôi chim phụng, bến sông tắm đàn nga, đó là nguyên nhân ban đầu đưa đến gọi tên là Phụng Nga. Nơi đây tuy là nhà cửa chốn lâm tuyền nhưng lại gần thành thị. Kẻ ưa nhàn tĩnh thì đến bến phía bắc thả thuyền qua Tiền Giang để giặt dải mũ ở sông Thương Lang ([105][277]) [66a]. Người ưa phồn hoa thì đến bến phía nam đưa chân xuống Sa Đéc vui chơi thú chợ Lạc Dương ([106][278]). Có ruộng để cày nên làm nông phu cũng tốt, có sông để câu nên làm ngư phủ cũng hay, đủ cả thú vui cho mọi giới, đáng gọi là một cù lao giàu có đầy đủ vậy.
DINH CHÂU ([107][279]) Tục gọi là cù lao Giêng, ở thượng lưu Tiền Giang, cách trấn về phía tây 117 dặm. Trước kia là đất thuộc đạo Tân Châu, ở đây có dân cư của 4 thôn: Toàn Đức, Mỹ Hưng, Toàn Đức Đông và Phú Hưng.
Phía tây nam có cù lao nhỏ dân cư của 3 thôn: Tân Phước, Phú An và Tân Tịch ở đấy. Phía đông nam có cù lao nhỏ dân cư của thôn Tân Thới ở đó. Ba cù lao này đứng sóng vai nhau, bốn phía đều sóng nước, nghiễm nhiên trở thành dáng dấp ba đảo tiên Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu vậy. Từ đấy lên phía bắc có rừng tre xanh um, thân tre cao lớn khác thường, cành rễ quấn nhau rậm rịt khắp phía. Bên trong lắm hồ ao, cá đồng chen chúc, dân bắt cá kéo đến từng nhóm 5, 10 người, họ sục bùn, vạch cỏ tìm bắt cá đem ướp mắm hoặc phơi khô, rồi chặt tre kết bè chở bán khắp các ngả, cùng nhau cậy nhờ mối lợi của thiên nhiên.
NGƯU CHÂU (CÙ LAO TRÂU) Ở thượng lưu Tiền Giang, có 2 thôn Tân Hòa, Tân Thuận ở đây. Đất thích hợp các loại thổ sản là thuốc lá, bông vải và dưa quả. TÒNG SƠN CHÂU (CÙ LAO TÒNG SƠN) Nằm về phía đông sông Mỹ Luông ở Tiền Giang, có thôn Tòng Sơn ở đấy. Bốn bề đều là sóng to, trông như đám lục bình nổi trên mặt sông; mặt trời chiếu dọi cá nược ([108][280]), ngọn gió đung đưa hạc nước, thật đầy đủ cảnh trí vùng sông nước !
TÊ CHÂU (CÙ LAO TÂY) ([109][281]) Ở thượng lưu Tiền Giang, có thôn Tân Hưng ở đấy. Cù lao Lộc (Nai) ở phía đông, cù lao Ngãi ở phía tây, cù lao Trư (Heo) ở phía bắc, cù lao Hỏa Đao (Dao Lửa) ([110][282]) ở phía nam; như hình dáng hoa mai vậy. Nơi đây có tre xanh tốt, là hang vực, lùm bụi để loài thú ẩn nấp.
LONG SƠN CHÂU ([111][283]) Tục gọi là cù lao Cái Vừng, ở thượng lưu Tiền Giang, dài hơn 47 dặm, lồi lõm góc cạnh giống như đầu rồng, phía đông cách đạo thủ mới Tân Châu 5 dặm rưỡi, cách trấn về phía tây 174 dặm rưỡi, xóm Tân Phú Lâm ở đấy; [67a] kế tiếp phía đông có cù lao Tản Dù, cũng phía đông ấy còn có cù lao Đồ Bà (Chà Và) ([112][284]), tất cả giăng thành hình chữ nhất mà có lớn nhỏ thứ tự khác nhau. Nơi đây rừng tre um tùm, đường sông thông nhau, bờ phía tây là đồn mới Tân Châu, bờ phía đông là đồn mới Chiến Sai, bờ phía bắc là đồn mới Hùng Ngự (Hồng Ngự), có địa thế là một ải quan hùng mạnh chặn giữ chỗ hiểm yếu.
NĂNG GÙ CHÂU (CÙ LAO NĂNG GÙ) ([113][285]) Ở phía trước hạ khẩu vàm Nao ([114][286]) thuộc Hậu Giang dài 9 dặm, có thôn Bình Lâm ở đấy. Ở đây rừng tre um tùm, đầy dẫy ao cá, phàm dân ở vùng thượng lưu Hậu Giang khai thác tre cây, cá tôm làm nghề sinh nhai hàng ngày, thứ nữa họ còn trồng bông kéo sợi, rồi sau nữa mới làm ra lúa gạo.
QUA CHÂU ([115][287]) Tục gọi là cù lao Bí, ở phía tây sông Cường Thành, thuộc hạ lưu Hậu Giang. Trên giáp cù lao Châm Pha đồng thời làm ruộng vườn thôn An Hòa, dưới giáp cù lao Thủy Liễu (Cù lao Bần), đó là phía bờ tây Du Giang, hình thế xuyên xỏ tới lui [67b] như sao Tam Thai, thổ sản ở đây có dưa, bí, thuốc lá. Người dân chuyên dùng sức lực làm lụng mà ăn.
SA CHÂU (CÙ LAO CÁT ([116][288])) Ở hạ lưu sông Cường Oai thuộc Hậu Giang, có thôn Tân Lộc ở đấy. Đường đi đầy lau lách, chim biển và cò quen dạn bóng người, đây là vùng hoang vắng.
HOẰNG TRẤN CHÂU (CÙ LAO HOẰNG TRẤN) ([117][289]) Tục gọi là bãi Bà Lúa, lại có tên là cù lao Tân Din, dài 30 dặm, bề ngang bằng nửa bề dài, cách trấn về phía nam 130 dặm rưỡi. Nơi đây dòng sông ngoằn ngoèo hiệp nhau, gò đất cao rộng, vì bấy giờ có đề nghị cho rằng địa thế Hậu Giang rộng lớn, rừng chằm um tùm, vùng Ba Thắc, Cần Thơ, Trà Vinh có nhiều sóc của người Cao Miên mà lại cách xa dinh Long Hồ, nên cần đặt một trấn lớn để khống chế, vả lại cũng cần khai mộ dân nhằm khẩn ruộng đất nơi đây, nên vua Thế Tổ Cao hoàng đế vào năm thứ 2 (Kỷ Hợi - 1779) dời dinh Long Hồ đến đây, đổi tên là dinh Hoằng Trấn.
Nguyên trước đây vua Cao Miên Nặc Ong Ton ([118][290]) (Neac Ang Ton) được triều đình ta lập nên làm vua nước phiên thuộc. Đến khi Tây Sơn vào cướp chiếm, 2 dinh Trấn Biên và Phiên Trấn từng bị quân giặc [68a] quấy nhiễu nhiều lần, trong nước không yên, Xiêm La thừa cơ hộ tống phản thần Cao Miên là Nặc Ong Non về đánh Cao Miên nhưng không thành. Sau Nặc Ong Ton nhường ngôi cho em là Nặc Ong Vinh (tục xưng vua Trị) làm Chính vương, còn Ton tự giáng làm Nhị vương, em thứ là Nặc Ong Thâm làm Tam vương.
Khi ấy Nặc Ong Vinh từng trái mệnh nhiều lần nhưng triều đình ta chưa rỗi rảnh để hỏi tội ngay. Năm Đinh Dậu (1777), Nặc Ong Vinh mưu giết Nặc Ong Thâm và bức tử Nặc Ong Ton ( khi ấy Ton đang bệnh, nghe có biến, bực tức nên thổ huyết mà chết). Nặc Ong Vinh cai trị tàn bạo, nên mùa xuân năm Kỷ Hợi (1779), Chiêu trùy Mô, Đê đô Luyện và Ốc nha Liên Đồng Trùy ([119][291]) chiếm cứ phủ Phong Xoài để chống lại. Nặc Ong Vinh đem binh tới đánh nhau.
Vị Bôn Sưu chiếm La Vách để tiếp ứng cho Chiêu trùy Mô. Vinh đem quân trở lại đánh Sưu rất gấp. Tháng 4, Sưu cấp báo với dinh Hoằng Trấn xin viện binh, nhưng đường sá xa xôi cách trở, đi lại chậm trễ, đến tháng 6 mới có lệnh sai Đông Sơn[68b] Thượng tướng Phương Quận công ([120][292]) tiến đánh, bắt giết Nặc Ong Vinh rồi lập con Nặc Ong Ton là Nặc Ong In ([121][293]) làm Quốc vương Cao Miên, lúc đó trong nước nầy mới yên.
Năm thứ 3 Canh Tý (1780) chuẩn nghị rằng: dinh Hoằng Trấn ở vùng riêng lẻ hẻo lánh, nếu Cao Miên hữu sự thì rất khó tiếp ứng chế ngự, nên bỏ dinh mới mà đem về chỗ cũ Long Hồ, đến nay vẫn còn ở đấy. Còn đất ấy thì để cho dân ở. Bờ phía đông của cù lao có con sông, cũng gọi sông Tân Din, rộng 6 tầm, sâu 1 tầm, cùng nguồn, ở bờ phía tây đối diện với sông Cái Sách ([122][294]).
HUỲNH DUNG CHÂU Tục gọi là cù lao Dung ([123][295]), ở phía tây hạ lưu Hậu Giang. Phía bắc từ sông Thong Đăng (Tham Đăng), phía nam đến sông Ngang Đô, dài 35 dặm, làm bình phong cho sông Ba Thắc. Nơi đây có nhiều dừa nước. Dân ở đây làm nghề bện lá dừa thành từng tấm đem bán. Cù lao nầy có nhiều cọp, nên còn có tên là cù lao Hổ. Có 2 thôn An Thạnh Nhứt, An Thạnh Nhì ở đấy.
([1][173]) Thoại Sơn: Theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC thì núi này còn có tên là Toại Sơn. Trên núi có đền thờ Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại xây năm 1882. ([2][174]) Nguyên văn Ba Thê viết là 葩梯. Ba có nghĩa là tinh hoa đẹp đẽ, thê (梯) là cái thang. Vậy Ba Thê có nghĩa núi cao vút đẹp đẽ như "cây thang huê dạng". ([3][175]) Núi Tà Chiếu (斜照山). Tà Chiếu có nghĩa là "Bóng xế tà", chớ không phải nghĩa theo tiếng Khơ me là ông Chiếu (tà là ông). Trong PCGBC của Trương Vĩnh Ký lại chép là Tà Chiêu. ([4][176]) Núi Khê Lạp (溪臘). Chữ 臘 này đọc là lạp. Vương Hồng Sển khi đọc PCGBC của Trương Vĩnh Ký đã ghi là Khê Lập theo ông Ký, có thể do lỗi morasse nên chép lạp thành lập.
Theo di cảo của TVK thì núi này có tên cũ bằng tiếng Khơ me là Phnom crack Cơn Kan. ([5][177]) Núi Chút Sơn (崪山). Chữ崪Nôm còn đọc là tụy. Nhóm dịch giả VSH đọc là thốt có lẽ nhầm lẫn vì chữ Nôm thốt phải viết là啐. Nhưng theo chỗ chúng tôi tâm đắc khi nghiên cứu cách viết chữ Nôm của cụ Trịnh Hoài Đức trong GĐTTC thì đây là chữ Tốt (卒) đọc là Chốt trong môn cờ Tướng, thêm山 bàng để chỉ thuộc tên núi mà thôi và đọc trại là chút. Vậy xin đọc là núi Chút.
Trương Vĩnh Ký trong PCGBC cũng ghi là núi Chút. ([6][178]) Núi Tà Biệt (斜別山) chữ Nôm 別 còn đọc là bẹt, bét, béc nhưng qua nội dung đoạn nói về núi này, tác giả có giải thích vì nó không đứng chung hệ, cùng dãy với các núi khác nên gọi là biệt. Vậy xin gọi là Tà Biệt. Di cảo của Trương Vĩnh Ký trong PCGBC chép tên núi này là Tà Béc. ([7][179]) Núi Ba Xùi (波J山). Chữ J tra nhiều tự điển Nôm không thấy, chỉ có chữ吹 có thể đọc là xùi, xui, xuôi. Như chúng tôi phát hiện đây là chữ吹 thôi, còn thêm Sơn đầu là để chỉ núi theo cách viết của Trịnh Hoài Đức trong GĐTTC.
Núi này trong PCGBC của Trương Vĩnh Ký đọc là núi Bà Xôi. ([8][180]) Súc sa mật (縮砂蔤) gọi tắt là súc sa, thân cọng cao chừng một mét ngoài, lá nhỏ mà dài, trổ hoa lúc giao mùa xuân hạ. Trái có vỏ cứng màu vàng đỏ sậm, trong chứa chừng 10 hạt, ngoài màu dà (nâu đỏ), trong trắng, có hương vị cay như hạt bạch đậu khấu, tục gọi sa nhân. ([9][181]) Núi Ất Giùm (M森山): Núi này nhiều người đọc là Ngất Sâm, Ngất Sum, Ngật Sum. Trương Vĩnh Ký trong di cảo ghi là Ất Giùm. Chữ M theo cách viết tên Nôm của núi sông, cây cối, chim muông trong GĐTTC, tức là chữ乙 (Ất), còn thêm bộ Sơn (山) trên đầu là để chỉ thuộc núi thôi. Vậy chữ này phải đọc ất (乙) chớ không thể đọc ngật.
Chữ 森 đọc theo Hán là sum, sâm, nhưng đọc theo Nôm là giụm, hay giùm, viết đủ là N. Tuy nhiên trong PCGBC Trương Vĩnh Ký lại chép tên núi này là Ác Giùm. ([10][182]) Núi Nam Vi (南圍山). Chữ Nôm 圍 có thể đọc vầy, vây. Theo di cảo Trương Vĩnh Ký thì tên núi này đọc theo tiếng Khơ me là Phnom pi. Có lẽ, Nam Vi là do đọc trại theo âm tiếng Khơ me Phnom pi. Trong PCGBC Trương Vĩnh Ký cũng ghi là Nam Vi sơn. ([11][183])
Núi Đài Tốn (臺巽山). Theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC thì núi này là Đài Tố sơn. Theo cách giải thích của tác giả, trong đoạn này thì có lẽ tên gọi là Đài Tốn, vì núi như cái đài cao hướng thìn tỵ, tức hướng đông nam thuộc cung Tốn. ([12][184])
Núi Chơn Giùm (真森山). Trương Vĩnh Ký trong PCGBC gọi núi này là Chơn Giùm sơn. Chữ 森 đọc theo Hán là sum hay sâm nhưng nếu đọc theo chữ Nôm là giùm hay giụm, viết đủ là N. ([13][185]) Phủ Chơn Giùm (真森府). Là một trong 5 phủ ở Tây Bắc Hà Tiên mà vua Khơ me đã hiến cho Tổng binh Mạc Thiên Tứ để đền ơn an định ngôi vua. Đó là: Sài Mạt (Ban tay Mas); Vũng Thơm (Kompong Som); Cần Vọt (Kampot); Linh Quỳnh (Hà Dương); Chơn Giùm (Chan Sum). ([14][186])
Trương Vĩnh Ký trong PCGBC chép tên núi này là Thong Đăng sơn. ([15][187]) Núi Đại Bà Đê (大碆底山). Chữ Nôm 碆 tra tự điển chữ Nôm không thấy, chỉ có chữ波 trong Tự điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính, phiên âm ba mà không chua nghĩa là gì. Xin đoán chữ碆 nầy có lẽ chỉ là chữ波 ba được thêm bộ Thạch dưới để chỉ thuộc về tên núi theo cách viết Nôm của Trịnh Hoài Đức trong GĐTTC, vậy chữ này nên ghi là ba và tên núi này là Đại Ba Đê sơn. ([16][188]) Sông Long Hồ (竜湖江). Trương Vĩnh Ký trong PCGBC gọi sông nầy là Long Hồ giang. ([17][189]) Sông Ba Kè (波棋江).
Trương Vĩnh Ký ở PCGBC gọi sông nầy là Kiên Thắng giang. Thượng Tân Thị năm 1910 có làm bài thơ tức cảnh sông nầy như sau: (Trích Nam kỳ Lục tỉnh Địa dư chí ( NKLTĐDC) của Duy Minh Thị - Thượng Tân Thị dịch): Gần tối ra chơi đứng giữa cầu Dựa bãi leo heo đèn xóm lưới Chim bay cá liệng biết về đâu Ngay dòng lững đững bóng thuyền câu Ngược xuôi nước chảy chia ba ngã. Thân nầy đây khách mười năm trọn Lui tới mây tuôn dạng một mầu Biết lấy chi chi gởi mối sầu. ([18][190]) Hậu Giang (後江). Còn gọi là sông Hậu, sông Bassac. Miền Hậu Giang được tính từ bờ Nam bắc Mỹ Thuận (nay là cầu Mỹ Thuận), người Pháp gọi là Le trans bassac.
Tiền Giang tính từ bờ Bắc cầu Mỹ Thuận và tiếng Pháp gọi là Le Cisbassac. ([19][191]) Mạt Cần Đăng (末芹O). Đây là một địa danh gồm ba chữ mà nhóm dịch giả VSH lại dịch là "đăng Vị Cần" thì e là vừa đọc nhầm mặt chữ mạt (末) thành vị (未) vừa không đúng tên gọi của người địa phương. Theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC thì tên chữ của Mạt Cần Đăng là Hiến Cần Đà, và ông gọi sông này là Mặc Cần Đăng hay Mật Cần Dưng. ([20][192]) Cửa biển Ba Thắc (波忒海門): Tức cửa sông Hậu trổ ra Nam Hải, 2 bên là cửa Trấn Di và cửa Định An. ([21][193]) Đại Tuần giang (大巡江).
Theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC sông này gọi là sông Vàm Tuần. ([22][194]) Hàm Long (Luông) giang (含龍江). Nguyên văn là Hàm Long nhưng vì kỵ húy tên vua Gia Long (mặc dù miếu hiệu vua với chữ Long (隆) là đầy đủ, nhưng đọc âm hai chữ đều là Long nên phải đọc trại đi là Luông). Di cảo của Trương Vĩnh Ký chép tên tiếng Khơ me sông này là Tonlé prek kompong luon. ([23][195]) Sông Tiên Thủy (仙水).
Vì vùng này có nhiều Sãi Khơ me nên tên Nôm gọi là Sóc Sãi Hạ. ([24][196]) Sông Kinh trong, sông Vị đục. Sách Chu truyền ký chép: "Sông Kinh từ Kê Đầu sơn chảy tới Cao Lăng thì nhập với sông Vị. Nước sông Kinh trong, nước sông Vị đục. Nhưng khi sông Kinh chưa nhập vào sông Vị thì nước sông Vị tuy đục nhưng ta không thấy rõ lắm, chừng hai sông nhập làm một thì sự trong đục phân rất rõ". Về sau muốn chỉ trong đục khác nhau người ta thường lấy thành ngữ Kinh thanh Vị trọc làm thí dụ, như thơ Tô Thức: Hung trung Kinh Vị phân nghĩa là "trong lòng phân trong đục". ([25][197])
Sông Mỹ Lồng (美籠江). Chữ籠 Nôm đọc là lồng, không phải viết lung hay long mà phải đọc theo tiếng miền Nam là lồng như Vương Hồng Sển đã viết trong cuốn Tự vị tiếng Việt miền Nam. ([26][198]) Cái Sậy (丐R). Nguyên văn chữ Nôm viết丐R phải đọc là Cái Sậy. Đọc Cái Chẻ là nhầm vì "chẻ" chữ Nôm phải viết là扯 hay U. Có người đọc Cái Sẻ e cũng lầm vì chữ sẻ chữ Nôm viết là S hay T. ([27][199])
Bình Phụng giang (平鳳江). Tục danh sông Cái Muối. Nguyên văn viết丐V, dịch Cái Múi là không đúng. PCGBC của Trương Vĩnh Ký chép Bình Phụng Giang. Nam kỳ lục tỉnh Dư địa chí có chép bài thơ Vịnh sông Cái Muối của Thượng Tân Thị rất hay, xin ghi lại đọc chơi: Muối thì mặn chát lẽ nào không. Bần đơm cao nghệu không ngăn gió. Mà muối đây là một cái sông. Cát nổi vun chùn dễ đón dông. Sóng vỗ vòi lên màu trắng trắng. Ngó lại trong vàm xa thẳm thẳm. Trời soi mặt xuống dạng hồng hồng.
Người ta nhà cửa cũng đông đông. ([28][200]) Nguyên văn bản Nguyễn Tạo chép là Thị Kinh (市涇) tức kinh Chợ. ([29][201]) Cần Thay Thượng (芹台上). Nguyên văn viết芹台. Chữ 台 nếu chữ Hán phải đọc là thai như Thiên thai chẳng hạn. Ở đây chữ 台 này là chữ Nôm phải đọc là Thay có nghĩa là thay đổi. PCGBC của Trương Vĩnh Ký cũng ghi là Cần Thay. ([30][202]) Thượng Thầm giang (上椹江). PCGBC của Trương Vĩnh Ký chép Thượng Thầm giang, tức Cái Dâu Thượng. ([31][203]) An Vĩnh giang (安永江). PCGB của Trương Vĩnh Ký chép An Vĩnh giang, tục gọi Cái Mơng (Mơn) Lớn.
Nguyên văn viết丐茫, tức mượn âm của chữ Hán Mang (茫) nên chuyển sang âm Nôm Mơng phải viết có chữ (g). ([32][204]) Ba Vát thị (波越市). Nguyên văn viết Ba Vát 波越như người địa phương gọi nơi này là Ba Vát. Theo ông Vương Hồng Sển, Ba Vát là một địa danh lịch sử quan trọng vì nơi đây xưa kia được một vua Cao Miên đến trú ẩn và đây cũng là nơi Tân Chính vương bị quân Tây Sơn bắt. Chữ Nôm 越 đọc là vát, chớ không phải viết Ba Việt (波越). Ý nghĩa chữ Ba Vát được giải thích nhiều cách.
Theo Đại đức mekon (chủ tịch Hội đồng sư sãi toàn tỉnh của đồng bào người Việt gốc Khơ me Vĩnh Bình), thì Ba Vát là đọc trại âm chữ Preas - Watt là chùa Phật, nhưng chùa Phật thì đâu mà chẳng có nên luận lý không được thuyết phục. Theo Vương Hồng Sển thì âm Ba Vát khá gần âm tiếng Khơ me Posvêk là rắn hổ, vì xứ này có nhiều rắn, cũng như xứ Cần Đước có nhiều cua đinh, cần đước vậy. ([33][205]) Lê Đầu giang (犁頭江). Lê (犁 hay 犛) là cây cày. Đầu (頭) là cái đầu, tức phần đầu, dịch thoát là mỏ, cũng là phần đầu của con vật.
Vậy Lê Đầu dịch là Mỏ Cày như nhân dân địa phương thường gọi. ([34][206]) Ba La giang (波羅江). Vì Ba La hay Ba La Mật là cây mít nên Ba La giang gọi là rạch hay xẻo Cái Mít. Rạch này ở làng Hiệp Hưng, tổng Bảo Phước (cũ), tỉnh Bến Tre. ([35][207]) Vĩnh Đức giang (永德江). Tên Nôm là Ba Tri Ớt. Tên Khơ me sông này theo di cảo của Trương Vĩnh Ký là Prêk bà ti camkà motés. Prêk là sông rạch. Bà Ti nói trại thành Ba Tri. Camkà: Chamca, Chamcar = vườn rau; motés = ớt. Vậy Prêk bàti camkà motés là sông rạch có vườn trồng ớt = Ba Tri Ớt. ([36][208]) Châu Thới giang (周泰江). Là sông Ba Tri Cá, tên tiếng Khơ me trong di cảo của Trương Vĩnh Ký là Prêk bàti phsar trei. Prêk = sông rạch. Bàti = Batri; phsar = chợ. Trei (Khơ me Krọms đọc tẹi) là con cá.
Vậy Prêk bàti phsar trei là sông Ba Tri có chợ bán cá, tức Ba Tri Cá. ([37][209]) Châu Bình giang (周平江). Tục gọi Ba Tri Chàm. Nguyên văn viết藍là chữ Nôm đọc là Chàm. Theo Vương Hồng Sển thì xứ này là Ba Tri Rơm, nhưng chữ Nôm Rơm phải viết là薕hoặc A; Hay do tên sông này như di cảo của Trương Vĩnh Ký chép là Prêk bàti barei nên có thể Ba Tri Rơm là do đọc trại âm từ Bàti barei? ([38][210]) Mân Thít giang (斌沏江). ([39][211]) Ngã ba Cái Nhum (丐W): Cái Nhum nằm ở khoảng Cái Mơng và Chợ Lách. Từ Cái Mơng đi 3km tới Cái Ga, đi 3km nữa tới Cái Nhum, đi 6km nữa tới Chợ Lách. ([40][212]) Song Tông giang (雙棕江): PCGBC của Trương Vĩnh Ký gọi sông này là Song Tòng giang. Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký thì tên tiếng Khơ me sông này là Prêk ponà ku trong đó chữ Ku có nghĩa là "đôi" tức "song". ([41][213]) Kiên Thắng giang (堅勝江).
Tục gọi sông Ba Kè. Xem chú thích "sông Bà Kè" ở trước. ([42][214]) Láng Thé giang (浪涕江): Hai chữ浪涕nếu đọc theo chữ Hán là Lãng Đế, nhưng đây là chữ Nôm phải đọc là Láng Thé. Đây là địa phương nổi tiếng ở Trà Vinh với câu chuyện bà hiền phụ của ông Bùi Hữu Nghĩa đội trạng ra tận triều đình Huế minh oan cho chồng là ông huyện Láng Thé bị vu cáo xúi dân làm loạn. Trong PCGBC của Trương Vĩnh Ký tên sông này là Láng Thé giang. Rạch Láng Thé chảy qua tổng Bình Khánh Hạ, Bình Hóa và một phần Ngãi Long Thượng, nối Cổ Chiên qua rạch Cái Hợp bằng con rạch Dừa Đỏ và nối Cổ Chiên qua Hậu Giang bằng kinh Luro, kinh Venturini và rạch Cần Chông.
Ở Trà Vinh tỉnh Vĩnh Long (cũ) không có con sông nào là sông Láng Đế. Nhóm dịch giả VSH dịch là sông Lãng Đế chưa chính xác. Bản dịch của Nguyễn Tạo và Aubaret cũng vậy. ([43][215]) Cần Chông tiểu giang (芹苳小江): Tức rạch Cần Chông, di cảo của Trương Vĩnh Ký gọi sông này bằng tên tiếng Khơ me là Srok Kancon. ([44][216]) Trà Vang giang (XY江): Tên gọi theo tiếng Khơ me là Prêk préah trapéang, có nghĩa là sông tìm được một vị Phật (Préah) bằng đá giữa ao nước. ([45][217]) Ốc nha (屋牙).
Ốc nha là tên một chức quan của Khơ me ngày xưa tùy theo chữ đi liền mà có địa vị cao thấp, thí dụ Ốc nha Cao la hâm là vị quan mặc áo đỏ chức vụ tương đương Bộ trưởng Hải quân. Thường Ốc nha cai quản một hạt hay đạo. Ốc nha là đọc âm tiếng Oknà hay Oknha. (Có người dịch Oknha là Công tước - Bt). ([46][218]) Nha Mân giang (牙斌江). Nha Mân giang theo di cảo của Trương Vĩnh Ký gọi là Prêk oknà mẵn. Vậy có lẽ Nha Mân có nghĩa là vị quan (Oknà) tên Mân (Mẵn)? ([47][219])
Trà Cát: Nguyên văn viết茶吉. Trong NKLTDĐC, Thượng Tân Thị dịch là Trà Ket (Kiết), nhưng chữ Nôm ket phải viết là拮 hay咭. Vậy, chưa biết ket, hay cát chữ nào đúng. ([48][220]) Sa Đéc giang (沙Z江). Di cảo của Trương Vĩnh Ký chép tiếng Khơ me sông này là Tonlé phsar dèk. ([49][221]) Hồi Luân Thủy tam kỳ (回輪水三岐): Tức ngã ba Nước Xoáy. Di cảo của Trương Vĩnh Ký cho biết tên tiếng Khơ me của sông nầy là Prêk tưk vil. Prêk là sông, tưk là nước, vil là chóng mặt (tức xoáy mòng mòng). Vậy sông Nước Xoáy (Hồi Luân Thủy) là dịch theo ý tiếng Khơ me vậy. ([50][222])
Cái Tắt Lai Vung (丐'來\): Ở trang 605 sách Tự vị tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển viết "...Nguyễn Tạo không rành tiếng địa phương và cứ coi theo sách dịch ra, nên Cái Tắt Lai Vung ông dịch Cái Dắt Lai Phong, không ai hiểu là gì..." Về nghĩa, tắt có nghĩa là lối đi tắt, để đi từ con sông nầy qua con sông kia theo lối gần nhất.
Thí dụ Tắt Cậu là khúc sông thật ngắn chừng 800 m làm ngã tắt nối liền hai con sông Cái Bé và Cái Lớn ở xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Gọi là Tắt Cậu vì đầu tắt có miếu Bà Cậu. Khoảng giữa tắt gọi là lòng tắt. Cuối lòng tắt nhìn qua bên kia bờ sông Cái Lớn là Xẻo Rô. Tàu biển vào sông Cái Lớn, quẹo lòng tắt qua Cái Bé, quẹo trái vào chợ Rạch Giá. ([51][223]) Nguyên văn viết phu công (膚功).
Phu (膚) có nhiều nghĩa, trong ngữ cảnh này có nghĩa là lớn. Vậy "phu công" là công trận lớn. ([52][224]) Long Phụng giang (竜鳳江): Sông Long Phụng nay thuộc tỉnh An Giang, tức khi xưa thuộc đạo Đông Khẩu. ([53][225]) Tân Đông giang (新東江): Trong PCGBC Trương Vĩnh Ký sắp sông này thuộc tỉnh An Giang cũ, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp (Sa Đéc). ([54][226]) Nguyên văn: Thủy triều ngộ kinh 水潮誤經: Tức khi nước ròng thì bãi bùn này lồi lên ghe thấy tránh chỗ khác không bị cạn, nhưng khi nước lớn thì nước phủ bãi đủ che mắt người không nhìn thấy. Ghe lạ không biết lỡ đi vào đó là mắc cạn. Ngộ kinh (誤經) có nghĩa là "lầm đi ngang qua". ([55][227])
Mương Đào: Nguyên văn viết Mương Đào茫陶, nhưng có người viết là Mương Điều là vì tránh gọi tên Đào, là tiếng gọi đào hát bội không được kính trọng. Di cảo của Trương Vĩnh Ký cũng chép là Mương Đào. ([56][228]) Rạch Sa Nhiên: Nguyên văn viết Sa Nhơn (Nhân) 砂仁, nhưng đọc Sa Nhiên vì kỵ húy tên tổng trấn Nguyễn Văn Nhơn đời Gia Long có mộ chôn ở Sa Đéc. ([57][229]) Mỹ An giang (美安江), tục gọi sông Đất Sét.
Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký thì tên tiếng Khơ me của sông này là Pàm prêk dei kraham, chữ dei có nghĩa là đất; Kraham, Krâhâm có nghĩa là màu đỏ sậm, đúng là màu đất sét. ([58][230]) Hội An giang (會安江): Sông Hội An còn gọi là Cái Tàu Thượng. Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký thì tên tiếng Khơ me của sông này là Pàm prêk sampou lơ. Sampou là hải thuyền, tức tàu, hay cái tàu.
Lơ là trên, tức thượng. ([59][231]) Nguyên văn VHN lưu trữ và nguyên văn in kèm bản dịch Nguyễn Tạo chép Ngọ Châu (午洲) còn nguyên văn bản của VSH chép Ngưu Châu (牛洲). Di cảo của Trương Vĩnh Ký chép tên Khơ me là Koh krabei. Krabei là con trâu, vậy xin dịch "cù lao Trâu" tức chọn từ "Ngưu châu". ([60][232]) Nguyên văn bản VHN và bản của VSH đều chép là Doanh Châu (瀛洲). ([61][233]) Cựu Chiến Sai thủ sở (舊戰差守所).
Thủ sở, thủ ngự sở, gọi trại thành thủ ngự là nơi đóng đồn trên bộ để phòng giặc kiêm luôn thu thuế khóa như Thủ Thiêm, Thủ Đức, Thủ Đoàn, Thủ Dầu Một, Thủ Thừa v.v... trong khi tấn là đồn đóng ở cửa sông cửa biển để chống hải khấu như vàm Tấn ở Sóc Trăng. Liên quan đến thủ Chiến Sai có câu hát ví rất hay: Thủ Thiêm, Thủ Đức, Thủ Đoàn, Anh phải lòng nàng tại thủ Chiến Sai! ([62][234]) Lễ Công giang (礼公江).
Tức vàm Ông Chưởng, là nơi nhân dân lập miếu thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ngoài Bắc gọi là Kính. ([63][235]) Hùng Sai thủ ngự sở: 雄差守禦所. Có lẽ do Hùng Sai thủ ngự đọc tắt gọn lại là Hùng Ngự, tức nay là Hồng Ngự? ([64][236]) Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh: 掌奇禮成侯阮有鏡. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phía nam.
Tại đây, với tài ba và đức độ, Nguyễn Hữu Cảnh đã di dân khai khẩn đất hoang, thành lập huyện Phước Long xứ Đồng Nai, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn, an định người Hoa chống Mãn Thanh bỏ xứ sang Gia Định. Về võ công, ông có công bình định Cao Miên nhiều lần. Cù lao Ông Chưởng chính là nơi ông đồn binh khi đi bình Cao Miên về và cũng chính tại đây ông bị nhuốm bịnh rồi sớm qua đời (cũng có sách nói ông cùng tử trận với Đốc binh Vàng).
Về địa lý kinh tế, vàm Ông Chưởng có rất nhiều tôm cá nên dân gian có câu: Bao phen quạ nói với diều Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm. ([65][237]) Ông Thiệu Công tên là Thích, con thứ Chu Văn vương làm chức Phương bá nên thường gọi là Thiệu Bá, khi mất thụy là Khang. Ông đi tuần hành ở phía nam, thường ở dưới cây cam đường để bàn chính sự, về sau người ta nhớ ông nên không nỡ chặt cây cam đường. Ông là người có đức chính, là Tam Công đời Thành vương. Thiên Thiệu nam ở Kinh thi có chép thơ Cam Đường để khen Thiệu Bá. ([66][238]) Mã Viện, đời vua Hán Vũ đế được phong làm Phục Ba tướng quân, sau có đền thờ ở Việt Đông. Nguyên văn ba bản đều chép Việt Tây. ([67][239])
Gia Cát Lượng, đời Tam Quốc, đi đánh Mạnh Hoạch ở Vân Nam, sau có miếu thờ ở đây. Gia Cát Lượng được phong là Vũ (Võ) Hương hầu, tên miếu là Vũ Mục vương. ([68][240]) Hội điển là sách biên chép tất cả tên tuổi các thần được cúng kiếng của nhà nước thời phong kiến. Phải là bậc đại quan có công với đất nước mới được tế lễ theo cấp bậc quốc gia, như quốc táng là lễ đám ma cấp bậc nhà nước, dành cho người có đại công với nước nhà. Quốc gia tế lễ này được ghi vào Hội điển của triều đình.
Lễ các phúc thần không được ghi vào Hội điển. ([69][241]) Chữ汎洨 này, nếu đọc theo chữ Hán thì là phiếm Hào (chữ Hán phiếm cũng có nghĩa là vàm sông), nếu đọc theo chữ Nôm là vàm Nao. Người tại địa phương nầy gọi đây là vàm Nao, vậy phải đọc theo tên Nôm là vàm Nao. Theo tác giả Trịnh Hoài Đức chú thêm ở đoạn nầy chữ nao vốn viết là: B nhưng nay thông dụng viết là 洨. Thật ra chữ Nôm Nao chỉ cần viết C là đủ, nhưng Trịnh Hoài Đức thêm bộ thủy (氵) bàng là chỉ chữ này là tên sông rạch. Đây là lối viết riêng của cụ Trịnh trong GĐTTC, nên chữ 洨không có trong các tự điển chữ Nôm. ([70][242]) Phiếm khẩu (汎口) là cửa sông, cũng còn viết là _.
Vậy chữ Hán汎cũng có nghĩa là cái vàm còn chữ Nôm汎đọc là vàm, có nghĩa ngoài cửa sông. Vàm Nao hiện nay ở An Giang, nối liền Tiền Giang và Hậu Giang theo hướng đông bắc - tây nam, một bên sông là Hòa Hảo, bên kia là Chợ Mới. Ngày xưa sông này hẹp, theo người cố cựu kể lại thì phu dịch đào sông Vĩnh Tế trốn về khi qua sông này chỉ cần đu ngọn tre là qua bờ bên kia. Nhờ ghe tàu chạy nhiều nay thành sâu rộng. ([71][243])
Ưu Đàm giang (優曇江): Trương Vĩnh Ký trong PCGBC cũng gọi tên Nôm sông nầy là Tắt Cây Sung như Trịnh Hoài Đức viết trong GĐTTC. ([72][244]) Tân Giang (新江): Sông Cái Mới. Khác với rạch Cái Mới là một con rạch nhỏ ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. ([73][245]) Cổ Cà (古`): Chữ Nôm ` đọc là cà, không phải đọc là Kha như nhóm dịch giả VSH. ([74][246]) Cổ Cang (古棡): Chữ Nôm 棡. Đã tra các tự điển chữ Nôm của người Việt cũng như của người Nhật Yonosuke Takeuchi nhưng chưa thấy. Có thể là chữ Nôm cang岡 Trịnh Hoài Đức thêm bộ木 bàng cốt ý để chỉ đây là gò cây cối như lối viết chữ Nôm thường thấy của ông trong GĐTTC. ([75][247])
Mật Luật (密律): Theo Vương Hồng Sển, Mật Luật là âm đọc trại của tiếng Khơ me Meát Chruk tức xứ Miệng Heo (Châu Đốc). ([76][248]) Ca Âm náo khẩu (歌音淖口): Chữ náo khẩu (淖口) Trịnh Hoài Đức đã chú thích rất rõ ràng, nhưng một nhà nghiên cứu đã hiểu nhầm. Phiên âm nguyên văn đoạn: "Ca Âm sơn cao thập trượng, chu thất lý, khúc tiểu nhi trường, cự náo khẩu đầu nam tam lý" theo định nghĩa của cụ Trịnh Hoài Đức ở đoạn nói về náo khẩu Ca Âm: Nê đồ nhu thậm viết náo, nghĩa là "Bùn lầy nhão nhoẹt gọi là náo". Như vậy, câu trên có nghĩa là "Núi Ca Âm cao 10 trượng chu vi 7 dặm, gấp khúc cao vót mà dài, cách đầu phía nam láng bùn (bưng bùn) 3 dặm". Náo khẩu đúng ra cũng không có nghĩa "Cửa bùn hay vàm bùn" mà là một đoạn, một vùng đất sình lầy có khi rất dài như láng bùn Ca Âm tả trong đoạn nói về sông Vĩnh Tế. Chữ náo còn được dùng chung Náo Môn, Náo Pha, trong đoạn nói về núi Nam Vi, ý muốn nói chữ náo có thể đi với bất cứ danh từ nào để chỉ nơi có tính chất bùn sình nhão nhoẹt, chứ không phải chỉ có đi chung với chữ khẩu. Ngoài ra về địa lý hình thể, náo khẩu Ca Âm tức đoạn láng bùn, bưng bùn Ca Âm nằm khoảng giữa sông Vĩnh Tế, còn địa phương Vàm Nao ở vùng Chợ Mới, Hòa Hảo phía nam Tiền Giang, cách nhau rất xa không thể là một nơi. Xin hiểu náo khẩu là láng bùn hay bưng bùn. ([77][249]) Tương đương 30 lít. ([78][250]) Chữ 淖 thiết âm "Nô giáo" tức náo, lại cũng thiết âm "Xích ước" tức xước - bùn sình nhão nhoẹt gọi là náo. ([79][251]) Đầm giang (潭江): Chữ Nôm潭 đọc là Đầm, hợp với cách gọi Cái Đầm. ([80][252]) Bà Dơm (婆a): Nguyên văn chữ Nôm bản VHN lưu trữ viết a đọc là Dơm. Nguyên văn in kèm bản dịch nhóm VSH viết冘 đọc là Dăm, De, nhưng đọc là Nhũng e là chưa đúng, vì chữ Nôm Nhũng phải viết là冗. ([81][253]) Thoại Hà (瑞河): Tục gọi là Ba Rách (巴b). Trong PCGBC, Trương Vĩnh Ký còn gọi sông nầy là Toại Hà, gọi tên Nôm là Ba Rạch hay Ba Lạch. Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký sông nầy đúng ra là kinh Rạch Giá nhưng nay ta vẫn gọi nôm na là sông Long Xuyên. ([82][254]) Tiền Tràng giang (錢場江). Tiền Tràng (錢場) là chỗ đúc tiền, tức lò đúc tiền vậy. Chữ 場 nầy có thể đọc trường hay tràng nhưng thường người ta hay đọc là tràng, tuy nhiên nhân dân địa phương lại gọi là sông Trường Tiền, tức cái trường, nơi đúc tiền. ([83][255]) Trương Vĩnh Ký trong PCGBC chép đây là sông Bò Ót, tên chữ Hán là Bầu Ót. ([84][256]) Trương Vĩnh Ký trong PCGBC chép Ô Môn giang có tên Nôm là Tắt Ông Thục. ([85][257]) Vồn giang (湓江). Chữ Nôm湓tra không có trong các tự điển chữ Nôm, chỉ có chữ盆đọc vồn. Vậy chữ vồn được viết với chữ vồn盆thêm bộ Thủy氵bàng để chỉ thuộc về sông. Đây là lối viết Nôm riêng của Trịnh Hoài Đức trong GĐTTC như đã trình bày. Vậy湓đọc là Vồn giang, tức sông Cái Vồn, Cần Thơ. ([86][258]) Trà Ôn giang (茶溫江). Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký tên sông Trà Ôn do đọc trại theo tên Khơ me Traòn. ([87][259]) Bản của VSH chép Vĩnh Chánh tổng (永正總) ([88][260]) La Vách (羅壁). Đây là La Vách Trà Ôn, không phải thành La Vách (Lovek) phía bắc Oudong trên đất Campuchia. ([89][261]) Ba Thắc giang (波忒江). Tiếng Pháp gọi là Bassac. Từ Bassac có ba nghĩa: a) Chỉ vùng đất hướng đông tây từ mé Hậu Giang trải dài đến vịnh Thái Lan, hướng bắc nam từ Châu Đốc xuống tới Bạc Liêu, Khơ me gọi là Srok Bassac, Pháp gọi là Trans Bassac. Ngày nay trong Bãi Xàu cũ Sóc Trăng còn ngôi cổ miếu thờ ông Ba Thắc tức Neak Tà Bà Săt. b) Tên một nhánh của Cửu Long giang, gọi là sông Hậu, là tên trong đoạn sông Ba Thắc này, từ biên giới Campuchia chảy ra Nam Hải qua An Giang, Vĩnh Long, Phong Dinh, Vĩnh Bình, Ba Xuyên (Long Xuyên, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng). c) Tên của một trong ba cửa của Hậu Giang. Đó là: - Cửa Định An ở vùng Trà Vinh. - Cửa Bassac - Cửa Trấn Di mà sách Pháp viết lầm là cửa Tranh Đế hay Tranh Đề. ([90][262]) Trấn di là chặn quân Cao Miên (quân man ri (di) theo cách gọi phân biệt của chế độ phong kiến). ([91][263]) Chợ Bố Thảo thuộc huyện Thuận Hòa tỉnh Sóc Trăng. Nơi đây có chùa Ông Bổn rất linh ứng. Có tài liệu ghi Búa Thảo là sai tên thực tế địa phương. ([92][264]) Tương truyền ở Bãi Xàu (罷D) xưa, nhóm người Khơ me nổi dậy chống lại triều đình do Xà Na Téa, Xà Na Coln lãnh đạo. Bị quân triều đình rượt đuổi, chạy đến nơi nầy tạm dừng đào lỗ nấu cơm ăn thì quân triều đình lại rượt tới khiến họ phải vội vã chạy tiếp và than thở bày chau (bày là cơm, chau là chưa chín) là cơm chưa chín. Người địa phương đọc trại âm tiếng nầy thành Bãi Xàu như ngày nay. ([93][265]) Trà Nô (茶奴). Cũng gọi là Trà Nho, tức huyện Vĩnh Châu, tỉnh Bạc Liêu. Xưa đường bộ Bạc Liêu đi xuống đến Vĩnh Châu là đụng biển hết đường. Thật ra chữ Nôm奴phải đọc là nua, viết đủ là孥Trà Nua tức đọc trại âm tiếng Khơ me Chụi Nìua. ([94][266]) Ngao Châu hải môn (螯洲海門): Theo Vương Hồng Sển trong Tự vị tiếng Việt miền Nam thì Bãi Ngao này trong sách Géographie của Alinot chép là Cone - gao, conne - gao, rồi người Việt mình đọc trại đi thành Cung Hầu hay Cung Hậu. Luận cứ nầy khá thuyết phục vì trong PCGBC của Trương Vĩnh Ký, cũng như trong di cảo của Trương Vĩnh Ký chép và ngay cả trong GĐTTC của Trịnh Hoài Đức đều không thấy ở bất cứ chỗ nào có nhắc đến tên cửa Cung Hầu hay Cung Hậu. Vậy đây đúng là cửa Bãi Ngao quê hương ông Phan Thanh Giản-đại thần của triều Nguyễn. ([95][267]) Giá giang (架江): Đây không phải Rạch Giá ở Kiên Giang vì sông nầy ở Vĩnh Long rất xa Rạch Giá. Có người nói sông nầy là sông Dừa vì chữ 椰đọc theo Nôm là Dừa, đọc theo Hán Việt là Gia cũng có nghĩa cây dừa. ([96][268]) Rạch Xuôi Trối (瀝d±): Nguyên văn chữ Nôm viết d± đọc là Xuôi Trối. Có người nói rạch nầy là rạch Ốc Lồi, nhưng chữ Nôm ốc (con ốc) phải viết沃hoặc e, còn lồi phải viết耒hoặc f. Hoặc giả, dân địa phương còn gọi nơi nầy là Ốc Lồi? ([97][269]) Nguyên văn viết: Tiễn diệp biên phiến (剪葉編片) nghĩa là: cắt lá bện thành tấm. Có hai loại lá tấm: nếu để nguyên các miếng lá lấy dây cà bắp xỏ bện lại bề ngang chừng một mét thì gọi là lá chầm. Nếu chẻ cọng lá làm nòng rồi bẻ gập miếng lá làm đôi cặp vào nòng ấy rồi cũng dùng dây cà bắp kết lại dài khoảng 2 m thì gọi là lá cần đóp. ([98][270]) Nguyên văn viết 乾g: Chữ g đồng nghĩa chữ 蝦chỉ tôm tép. Vậy乾g can hà có nghĩa là tôm khô. ([99][271]) Bích Trân châu (碧珍州): Cũng gọi là cù lao Bát Tân. ([100][272]) Vĩnh Tùng châu (永松洲): Có người gọi là cù lao Vĩnh Tòng e không đúng, vì tuy chữ 松có thể phiên âm là tùng hay tòng nhưng Petrus Ký trong PCGBC chép rõ đây là cù lao Vĩnh Tùng. ([101][273]) Tân Cù châu (新虬洲): Có người gọi là cù lao Tân Gù, nhưng chúng tôi thấy trong PCGBC, Trương Vĩnh Ký gọi là Tân Cù châu, vậy xin dịch theo là cù lao Tân Cù. ([102][274]) Hương toán: Cây cao, quả như trứng ngỗng (?), da khi chín màu vàng, thịt cũng vàng, ăn bùi miệng, ngon ngọt (theo Từ Nguyên). Đó chính là cây xoài, nhưng trái thì hình thể đa dạng, không phải chỉ như trứng ngỗng. ([103][275]) Ý tác giả muốn nói ảnh chú Cuội và cây đa trên mặt trăng. ([104][276]) Phụng Nga châu (鳳i洲): Gồm cù lao Nga và cù lao Phụng. ([105][277]) Lấy ý ở sách Mạnh tử: Thương Lang chi thủy thanh hề khả dĩ trạc ngô anh, nghĩa là "Nước sông Thương Lang mà trong thì ta dùng giặt dải mũ..." ([106][278]) Lạc Dương (洛陽): Thuộc tỉnh Hà Nam, là đất hiểm yếu, khi xưa trải nhiều triều Trung Quốc đều là nơi đặt đô, sinh hoạt phồn hoa náo nhiệt. ([107][279]) Dinh châu (瀛州): Tục gọi cù lao Diên.
Theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC còn gọi là cù lao Giêng, Gieng, cù lao Đầu Nước. ([108][280]) Nguyên văn là giang đồn (江豚) theo Từ Nguyên còn gọi là thủy trư, ngực có vú, đầu phun nước, tức con cá nược. Loại cá nầy ngày xưa ở các con sông lớn như sông Cần Thơ, Cái Côn.., người chèo ghe thường gọi to "Ông Nược ơi lên đua chơi" là chúng nổi lên cả bầy bơi tranh cùng ghe khiến người chèo vui mà bớt mệt. ([109][281]) Tê châu (犀洲): Còn gọi là cù lao Tây. Tê tức con tê ngưu, tê giác. ([110][282]) Cù lao Dao Lửa: Tên chữ Hỏa Đao (火刀). Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký thì tên tiếng Khơ me cù lao nầy là Koh phlơn, hay phloeng có nghĩa là lửa.
Trong PCGBC Trương Vĩnh Ký chép là Giao Lửa e nhầm chính tả chữ Dao. ([111][283]) Long Sơn châu (竜山洲): Tục gọi là cù lao Cái Vừng (chữ Nôm viết mấy cách như暈,j, k,l). Chữ暈nếu là chữ Hán đọc Vựng, nhưng chữ Nôm phải đọc Vừng. ([112][284]) Đồ Bà châu (闍|洲): Tục gọi cù lao Chà Và. Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký thì tiếng Khơ me của cù lao nầy là Koh cva. Cva là tiếng Khơ me để gọi người Chà Và (Đồ Bà) vậy. ([113][285]) Năng Gù châu: 能衢洲. Chữ衢nếu chữ Hán âm Cù, nếu chữ Nôm âm Gù, còn viết là E. Người địa phương gọi nơi nầy là Năng Gù. PCGBC của Trương Vĩnh Ký cũng chép là Năng Gù châu. ([114][286]) Vàm Nao (viết汎Bhay汎洨) ở phía nam sông Hậu không phải là náo khẩu Ca Âm (歌音淖口), tức láng bùn hay bưng bùn Ca Âm ở khoảng giữa sông Vĩnh Tế, tức khoảng giữa đồn Châu Đốc và phía bắc biển Hà Tiên: Bưng bùn nầy dài hơn 18 dặm.
Không phải chỗ nào cũng là vàm Nao như một số người nhận định. ([115][287]) Qua châu (瓜洲): Tục danh cù lao Bí (秘). ([116][288]) Sa châu (沙洲): Trong PCGBC Trương Vĩnh Ký gọi là cù lao Cát, tức dịch chữ Sa châu vậy. ([117][289]) Hoằng Trấn châu (弘鎮洲): Còn gọi là cù lao Tân Dinh, tục gọi bãi Bà Lúa. Nguyên văn viết chữ Nôm穭 đọc là Lúa. Nếu ghi bãi Bà Lụa e là không chính xác. Về cù lao Tân Dinh, theo di cảo của Trương Vĩnh Ký thì tên tiếng Khơ me của cù lao nầy là Kòh tin. Chữ tin tức kting ta dịch là Din.
Theo Huỳnh Tịnh Của là tên một giống bò rừng hay trâu rừng nhỏ con, tính hay ăn rắn nên sừng nó là một vị thuốc mát, trị được ban trái, đồng thời để trong nhà tránh được hỏa hoạn, vì sừng Din kỵ lửa. Ngày nay trên thị trường thuốc bắc, bọn gian lấy sừng bò thường hơ uốn giả làm sừng Din bán mắc tiền. Còn ngay cả sừng Din thật làm thuốc có hiệu nghiệm không, và có thật kỵ hỏa hoạn không còn là vấn đề phải nghiên cứu. Vậy xin dịch là cù lao Tân Din. ([118][290]) Nặc Ong Ton (匿翁噂): Chữ Ton nguyên văn viết là噂, chữ Nôm nầy phải đọc là Ton chứ không phải Tôn, Nặc Ong Ton tiếng Khơ me là Neac Ang Ton, là vị vua được sách GĐTTC nhắc đến ở nhiều chỗ, trong đoạn nầy có câu: "Nguyên trước đây vua Cao Miên là Nặc Ong Ton được triều đình ta lập nên là vua nước phiên thuộc".
Câu nầy có liên quan đến chuyện hoàn cảnh vua Nặc Ong Ton mà Trịnh Hoài Đức chép lại tỉ mỉ như sau: Năm Đinh Sửu (1755), ở Nam Vang có loạn, vua Cao Miên là Nặc Ong Ton chạy về Hà Tiên làm con nuôi Mạc Thiên Tứ. Mạc hầu tâu lên chúa Nguyễn xin lập Nặc Ong Ton làm vua Cao Miên và được triều đình chấp thuận. Để trả ơn, Nặc Ong Ton đã đem năm phủ Khơ me ở phía bắc Hà Tiên là Vũng Thơm (Kompong som) cũng còn gọi là Hương Úc, Chơn Giùm (Rùm) tức Chan Sum, Sài Mạt (Bantay mas), Cần Vọt (Kampot) và Lình Quình (Raung veng), còn gọi là Hà Dương dâng cho Mạc Thiên Tứ. Thiên Tứ tâu trình với triều đình và được chúa Nguyễn cho sáp nhập vào đất Hà Tiên của Thiên Tứ. Vùng đất nầy còn gọi là Tầm Phong Long, trải dài từ Châu Đốc qua Sa Đéc xuống tận bãi biển Bạc Liêu. ([119][291]) Cả đoạn Chiêu trùy Mô, Đê đô Luyện, Ốc nha Liên Đồng Trùy gồm vừa chức vụ và tên đọc theo tiếng Khơ me rất khó xác định.
Vậy xin tạm diễn đạt như trên. ([120][292]) Đông Sơn Phương Quận công (東山芳郡公): Tức Đỗ Thanh Nhơn, chúa quân nghĩa dũng Đông Sơn Đồng Tháp Mười. ([121][293]) Nặc Ong In (匿翁印): Nguyên văn viết chữ印. Chữ nầy nếu là Hán đọc là Ấn, nếu là Nôm đọc là In. Trong GĐTTC tên người Khơ me, người Xiêm, tên thú cầm, hoa thọ, đất đai hầu như đều viết bằng chữ Nôm. Vả chăng chữ nầy Trịnh Hoài Đức có chưa thiết âm Ân Tín nên chắc chắn phải đọc là In. Nặc Ong In tiếng Khơ me là Neac Ang Eng. ([122][294]) Cái Sách (丐柵): Nay thuộc huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Cái Sách là đọc trại từ Kế Sách ra vậy. ([123][295]) Huỳnh Dung châu (黃容洲): Tục gọi cù lao Dung thuộc vùng Sóc Trăng, cũng gọi là cù lao Hổ. Cù lao nầy có nhiều lá dừa nước. Tục bện lá thành tấm có ở đây từ năm 1863. Để nguyên tấm lá kết lại thì gọi là lá chằm. Bẻ đôi lá gập theo cọng nòng bằng sóng lá thì gọi là lá cần đóp. Xé đôi tàu lá theo chiều dọc, chặp hai mặt âm dương lại lợp thì gọi là lá buôn hay lá hét.
Trước - Tiếp >>
Người post bài: Vanhoahoc Cập nhật ( 05/02/2008 )
Tin mới: Bá Dương. Người Trung Quốc xấu xí (2) -23/02/2008 Bá Dương. Người Trung Quốc xấu xí (1) -23/02/2008 Ngô Đức Thịnh. Lên đồng trong đạo Mẫu -21/02/2008 Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành thông chí (phần 4) -05/02/2008 Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành thông chí (phần 3) -05/02/2008 Các bài khác: Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành thông chí (1) -05/02/2008 Trần Ngọc Thêm. Tìm về bản sắc văn hóa VN -04/02/2008 Trần Văn Đoàn. Bàn về văn hoá đa dạng -29/01/2008 Trần Văn Đoàn. Thông diễn học và KHXH-NV -06/01/2008 Kim Định. Vũ Trụ Nhân Linh -06/01/2008 <<> <>
Tiếp > [ Quay lại ]
***
Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm Thành - bản di chúc của một bạo chú Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà Nội trong mắt ai” Hà Nội trong mắt ai (phim của Trần Văn Thủy) Lễ hội truyền thống Văn hóa học 2010 - tin HTV Phóng sự video: Lễ hội Truyền thống Văn hoá học 2010 Video-clip vui: Văn hoá học muôn màu Khoa Văn hóa học đi tìm hiểu văn hóa Tây Nam Bộ tại An Giang Video: Quê hương Đất Tổ Video: Trò chơi dân gian ngày Tết Trần Ngọc Thêm - Phan An - Tôn Nữ Quỳnh Trân. Phong tục Tết Việt Gõ cửa ngày mới: GS. Trần Ngọc Thêm Trần Ngọc Thêm. Văn hoá hip-hop qua video Dàn nhạc ghi-ta của Đại học Fullerton trình diễn bài “Trống cơm” tại Bulgaria Trần Ngọc Thêm. Văn hoá cơ thể nữ Trần Ngọc Thêm. Văn hoá phát biểu tại Quốc hội Những vị chủ điên (Les maîtres fous) Nanook ở phương Bắc Văn hoá xếp hàng Văn hoá bình dân của các nhà lãnh đạo: Hồ Chí Minh, Obama, Putin Trần Ngọc Thêm. Văn hoá dương vật Tủ sách VHH Phùng Hoài Ngọc. Nữ sĩ Băng Tâm và tập thơ Phồn Tinh (tt) Phùng Hoài Ngọc. Nữ sĩ Băng Tâm và tập thơ Phồn Tinh Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc(phần 2:Bài 80-100) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc(phần 2: Bài 50-79) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc (phần 5) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc(phần 4) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc(phần 3) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc(phần 2) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc (phần 1) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc (phần mở đầu) Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết) Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2) Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 1) Hoàng Trọng Canh. Dấu ấn văn hóa của người Nghệ Tĩnh... Nguyễn Trần Bạt. Văn hóa & Con người Bùi Quang Thắng. Hành trình vào văn hóa học (c3-hết) Bùi Quang Thắng. Hành trình vào văn hóa học (c1+2) Bình-nguyên Lộc. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc VN-C9-11 Bình-nguyên Lộc. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc VN-C6-8 Bình-nguyên Lộc. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc VN-c5 (cuối)
****
Tiến sĩ HUỲNH VĂN TỚI (hiệu đính, giới thiệu)
Nhà xuất bản Tổng hợp Đồng Nai (tái bản)
Quyển II: SƠN XUYÊN CHÍ [chép về núi sông] (tiếp)
TRẤN VĨNH THANH THOẠI SƠN ([1][173])
Tục gọi là núi Sập, ở huyện Vĩnh Định, bờ phía đông sông Thoại Sơn (tục gọi rạch Ba Rách), phía bắc cách cửa Thoại Hà hơn 69 dặm. [44a] Từ sông lớn quanh phía bắc sang đông, đến trấn thành 283 dặm. Núi cao 20 trượng, chu vi 11 dặm rưỡi, đỉnh núi nguy nga, cây cao bóng cả, đẹp đẽ trang nghiêm tợ như cái lọng đẹp ở biên giới phía tây. Có Hương Tuyền (suối Thơm) chảy về tây 50 tầm đến đường sông mà bề sâu thuyền có thể đi được. Phía tây nam chân núi có Bửu Sơn (tục gọi là núi Cậu), xanh tốt cao 7 trượng, chu vi 1 dặm rưỡi, suối ngọt, đất tốt, cỏ cây tươi mượt, sơn dân ở vây quanh. Vì vùng gần Cao Miên, hoang vu mút mắt, nếu dùng đường thủy thì phải do đường Kiên Giang; mà con sông này đầy cỏ lác, bùn lầy ứ đọng, chỉ lúc mưa lụt ghe thuyền mới qua lại được.
Tháng 4 năm Mậu Dần, niên hiệu Gia Long thứ 17 (1818), vua sai Trấn thủ Vĩnh Thanh là Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại kinh lý đường sông, việc hoàn thành, vua ban cho tên núi là Thoại Sơn để nêu danh tốt thần núi và cũng để ghi thành tích công lao của bậc nhân thần. Lại lệnh cấm dân chợ, dân Thổ đốn chặt cây cối để giữ lấy sinh khí, nhìn thấy non xanh mây phủ, suối đá ngọc ôm, thần [44b] sông nhượng đức, mẹ đất chứa linh, trấn giữ miền hiểm yếu, nêu sức mạnh để củng cố cõi Nam ta mà dâng thọ.
Ôi! Hùng tráng lắm thay!
BA THÊ SƠN (NÚI BA THÊ) ([2][174])
Cao 30 trượng, chu vi 13 dặm, cách phía tây bến Thoại Hà 18 dặm rưỡi, ba ngọn vươn xanh chập chùng cổ thụ tươi mát, cấm dân không được chặt. Mặt trước giáp với bưng biền, cỏ rậm bùn lầy. Thoại Ngọc hầu nhân đó đào cho thông ra, rộng 20 tầm để cho thuyền bè đi lại. Người Cao Miên ở theo triền núi và đường rừng, họ vừa sống bằng nghề săn bắn ở núi, lại còn câu cá ở ao chằm, thu được 2 mối lợi. TÀ CHIẾU SƠN (NÚI TÀ CHIẾU) ([3][175])
Cao 12 trượng, chu vi 5 dặm, ở cách phía bắc núi Ba Thê 2 dặm. Nơi đây núi non hiểm hóc, đứng giữa vũng lớn trông như hạt ngọc linh châu vừa lấy ra khỏi hộp; ngắm xem màu cây xanh lam cùng sắc nước trắng ngời, ráng chiều rọi xuống như gấm vóc chấp chới, cảnh trí có thể vẽ thành bức tranh đẹp.
TRÀ NGHINH SƠN (NÚI TRÀ NGHINH)
Cao 10 trượng, chu vi 5 dặm, ở cách phía đông bắc núi Tà Chiếu 1 dặm rưỡi, đỉnh núi chênh vênh tròn trịa, sườn cong, suối trong mát, tre cây tươi tốt, có nhiều cầm thú đậu ở.
TƯỢNG SƠN (NÚI VOI)
Cao hơn 8 trượng, chu vi 3 dặm, sườn núi lởm chởm, đầu lưng sừng sững như khi xưa Tử Kiều lên chơi núi Hà Sơn hóa đá, để lại vật cũ. Núi này ở phía nam cách đồn Châu Đốc hơn 9 dặm, cách bờ phía đông nam thượng lưu sông Vĩnh Tế 2 dặm, cây rừng xanh tốt, ở đó có đá thủy tinh.
CA ÂM SƠN (NÚI CA ÂM) Cao 10 trượng, chu vi 7 dặm quanh co mà dài, cách phía đông nam chỗ đầu láng bùn 3 dặm, ngọn đứng cao chơ vơ hình như cây lọng dựa vách núi treo ngậm mây, suối cong nhả ngọc. Có các loại cây giáng hương, tốc hương, [45b] cây cối xanh tốt, cầm thú béo tốt. Phía đông hướng xuống ruộng phẳng, phía tây nhìn hồ chằm, người Việt, người Thổ cày cấy chăn nuôi, và câu cá chài lưới ở dưới chân núi.
NAM SƯ SƠN (NÚI NAM SƯ) Cao 8 trượng, chu vi 2 dặm, cách phía đông nam náo khẩu (láng bùn) 3 dặm rưỡi. Ở về phía nam núi Ca Âm, núi tròn trịa như đống vàng giữa hồ nước, hình thế đoan trang thanh tú.
KHÊ LẠP SƠN (NÚI KHÊ LẠP) ([4][176]) Cao 3 trượng, chu vi 3 dặm, cách về phía đông láng bùn 5 dặm. Núi này chịu lép vế núi Ca Âm mà lui về đông nam, ngọn cao lêu nghêu, bóng cây tùng trúc giao nhau, nai hươu thường nằm nghỉ dưới bóng mát. Lại có ruộng cày, có chằm đánh cá, dân đi tìm sanh lợi thường đến nương náu chỗ này.
CHÚT SƠN (NÚI CHÚT) ([5][177]) Cao 6 trượng, chu vi 1 dặm, ở đầu phía bắc núi Tà Biệt (Béc), cách láng bùn về phía đông nam 1 dặm rưỡi; thế núi cong tròn, cây cối tốt tươi. T
À BEC SƠN [NÚI TÀ BIỆT (TÀ BÉC)] ([6][178]) Cao 20 trượng, chu vi 6 dặm, ngọn chòm rải rác, mặt quay đông, lưng hướng tây, không đứng cùng dãy với các núi khác mà chỉ ở lệch riêng một bên láng bùn [46a] nên mới gọi là Tà Biệt. Núi nhỏ mà có vẻ tự cường, thấp thỏi mà bất khuất, có khí tượng rất lỗi lạc.
NÚI BA XÙI (XUÔI - XUI) ([7][179]) Cao 40 trượng, chu vi 12 dặm, hình trạng như đóa hoa phù dung đẫm sương xanh tốt vậy. Ở về phía bắc núi Ất Giùm, cách bờ phía đông nam trung lưu sông Vĩnh Tế 15 dặm; chóp núi cao ngất, núi động huyền ảo, cây cối cao to, cầm thú béo tốt ra vào từng đàn, cây mã vĩ hương mọc trên đỉnh núi, súc sa mật ([8][180]) mọc ở dưới chân đồi, cửa que (củi) nhà tranh, quây quần thành thôn xóm mà ở.
ẤT GIÙM SƠN (NÚI ẤT GIÙM) ([9][181]) Cao 40 trượng, chu vi 13 dặm, hình núi quanh co mà dài, xòe cánh ngẩng đầu như loan bay nhạn liệng, cùng núi Ba Xùi đối diện vươn lên cách bờ phía đông nam trung lưu sông Vĩnh Tế 13 dặm; nhìn xuống ao hồ, ngoảnh mặt đồng ruộng, giữa nổi núi cao, trên núi có trầm hương, trong hang có sa nhân, giáng hương, cây sao, cây bời lời, cây huỷnh [47a], cây cối rậm rạp, cành lá xen nhau. Lại có suối nước vắt ngang lưng núi cuồn cuộn chảy ra, nhân dân sống dựa theo chân núi, tạo thành thôn xóm, đúng là vùng chợ búa đông đúc ở miền núi.
NAM VI SƠN (NÚI NAM VI) ([10][182]) Cao 30 trượng, chu vi hơn 8 dặm, cách cửa láng bùn về nam 28 dặm, ở sau núi Ba Xùi làm thành bình phong phía nam che chằm bùn lầy để giữ linh khí. Núi cao lớn, hút nhả khí mây mù, có các loài cây sao, cây bời lời, cây huỷnh cành nhánh ken nhau. Có lệnh cấm dân không được đốn chặt. Lại có các thứ trầm hương, sa nhân. Hùm, beo, nai, hươu, ung dung ra vào gò cỏ béo mượt bên suối ngọt. Những dân miền núi và những kẻ ẩn dật dựng nhà, cất chòi, cày cấy dưới chân núi.
ĐÀI TỐN SƠN (NÚI ĐÀI TỐN) ([11][183]) Cao 50 trượng, chu vi hơn 20 dặm, ở phía đông nam sông Vĩnh Tế, phía tây bắc Thoại Hà. Hình núi như cái đài cao sừng sững hướng thìn tỵ, nên mới gọi tên là Đài Tốn. Cách phía đông núi Ất Giùm hơn 10 dặm, đứng cao chất ngất, trội hẳn các núi khác, thác tuôn treo vải, động nhả khói sương. Núi có cây trầm hương, tốc hương, sa nhân, cây sao, giáng hương, sam (thông), trúc sum sê xanh tốt, đường tắt quanh co, có dấu người qua lại. Gần có ruộng đồng, [47b] xa có chằm ao, kẻ cày ruộng, người đánh cá, ở theo từng nghề. Thỉnh thoảng nghe gà gáy trăng dưới núi, chó sủa xuân trong động, thật là một cảnh hướng yên hà ngoài thế tục.
CHƠN GIÙM SƠN (NÚI CHƠN GIÙM) ([12][184]) Ở địa phận phủ Chơn Giùm ([13][185]) Cao Miên, cách bờ phía tây bắc trung lưu sông Vĩnh Tế 10 dặm; hình núi như hoa sen cặm trên mặt đất, đỉnh núi cao nhọn, hang hố gồ ghề, mây trắng thường bay mịt mờ, ấy là khí từ mỏ bạc nghi ngút bốc lên. Thổ sản có các vật quý hiếm như cây giáng hương, bạch mộc hương, sa nhân, sao. Người Việt, người Tàu và người Cao Miên cất nhà sát nhau để ở, kết thành thôn xóm chợ búa, nương theo nguồn lợi chằm rừng, sông núi mà sống.
SÂM ĐĂNG SƠN (NÚI SÂM ĐĂNG) ([14][186]) Ở phía đông núi Chơn Giùm, cách phía tây mạt lưu láng bùn độ 1 dặm. Đất đá chồng chất, cây cối um tùm, phía dưới có nhiều đá lởm chởm rải rác.
ĐẠI BÀ ĐÊ SƠN (NÚI ĐẠI BÀ ĐÊ) ([15][187]) Ở về phía đông nam núi Chơn Giùm, cách bờ phía tây bắc trung lưu sông Vĩnh Tế 1 dặm. Núi cao hang hiểm, thông đỏ tre xanh, cây cối tươi tốt, dân miền núi cất nhà ở đấy.
TIỂU BÀ ĐÊ SƠN (NÚI TIỂU BÀ ĐÊ) [48a] Núi cao mà nhỏ, cong mà dài, ở phía tây núi Đại Bà Đê, cách bờ phía tây bắc trung lưu sông Vĩnh Tế 1 dặm rưỡi.
LONG HỒ GIANG (SÔNG LONG HỒ) ([16][188]) Sông này chảy đến quanh co, chảy đi vòng vèo, dòng ngang uốn lượn, nước đọng trong ngần, bốn mùa ngon ngọt; cồn cát cao thấp xa gần, thôn xóm la liệt khắp đông tây ẩn hiện như rừng, như động, như vực, như đầm, nên mới gọi là Long Hồ (Hồ Rồng). (Sông) Chảy bao quanh phía bắc trấn thành rồi hợp lưu với Tiền Giang, mở thành một cách hùng vĩ cái hào thiên tạo, rộng 49 tầm, sâu 11 tầm. Phía đông nam có dòng sông nhỏ chảy đều rồi mạnh, nhanh dần qua phía đông 30 dặm rưỡi đến ngã ba đồn Kiên Thắng ở sông Ba Kè ([17][189]). Nhánh phía hữu chảy vào nam 26 dặm rưỡi đến sông Trà Ôn hợp lưu với Hậu Giang. Nhánh phía tả chảy qua đông 85 dặm đến đồn Tân Thắng ở Mân Thít lại hợp cùng hạ lưu Tiền Giang rồi đổ ra biển; thật nơi tiện lợi cho việc lưu thông của thuyền bè.
TIỀN GIANG (SÔNG TRƯỚC) Ở phía tây trấn, nguồn sông nầy ở phía bắc từ Ai Lao xuống Cao Miên đến Nam Vang, theo hướng đông chảy đến Cầu Nôm Tân Châu [48b] qua sông Đại Tuần trước trấn Vĩnh Thanh đến Ba Lai Mỹ Tho rồi chảy về nam ra hai cửa biển Đại, Tiểu, ấy là dòng chính của sông lớn ban đầu. Ở sông Đại Tuần chảy xuống bến bờ chia ra 3 nhánh: một nhánh qua phía đông trấn làm sông lớn Long Hồ, xuống phía nam ra cửa biển Cổ Chiên; một nhánh là sông lớn Hàm Luông, về phía nam đến hai cửa biển Băng Côn và Ngao Châu; một nhánh qua sông dưới Ba Lai đến Tiên Thủy, xuống phía nam ra cửa biển Ba Lai.
Thế nước ôm quanh cồn nọ, dựa vào bãi kia, có tới tám ngã ba sông, nhiều nhánh đan xuyên qua Hậu Giang, trông xuống trấn Vĩnh Thanh như là một biển sao, các ngôi sao đan ken nhau. Sông ngòi nhiều nên dân xứ ấy giỏi nghề sông nước, ở đây không ghe thuyền thì không đi lại được. Nước ngọt tươm ướp, khi làm lúa thì chỉ làm cỏ và cấy mạ, mà lúa gặt thì gấp trăm. Còn trong vườn thì có nhiều trầu cau, dưa quả, dâu, mè; mương ngòi thì đầy cả cá - tôm - rùa - lươn; ai nấy tự của nhà dùng đủ, chẳng cần mua sắm ở chợ.
Dân cư thì trước vườn, sau ruộng, tất cả đều có sản nghiệp làm ăn, mọi người được cho là giàu có. [[49a]
HẬU GIANG (SÔNG SAU)] ([18][190]) Ở phía tây nam trấn. Thượng lưu sông từ phía đông thành Nam Vang Cao Miên, chảy xuống Châu Đốc, qua Mạt Cần Đăng ([19][191]); nam đổ xuống đồn Cường Oai ở Lấp Vò rồi qua đồn thủ Trấn Giang Cần Thơ, đến đạo Trấn Di, ra cửa biển Ba Thắc ([20][192]); nước dầm thấm khắp cả ruộng vườn, bao hàm cả cồn bãi bờ bến, là nguồn thủy lợi rất lớn, lúa gạo cá tôm dùng ăn không hết.
ĐẠI TUẦN GIANG (SÔNG VÀM TUẦN) ([21][193]) (Xưa có Tuần ty ở đấy, tục gọi là Tuần cái, nay đã dời bỏ). Sông này cách phía bắc trấn hơn 9 dặm, phía nam thông đến trước trấn, phía tây thông với Sa Đéc, phía đông chảy xuống hai cửa biển Ngao Châu và Ba Lai. Dọc sông có cây bần rậm tốt, sóng vàng lấp lánh, rộng 9 dặm, sâu 28 tầm. Bờ phía bắc là địa giới trấn Định Tường. Sông Thi Hàn là đường trạm sông đi ngang qua để tiếp xúc các nơi khác.
HÀM LUÔNG GIANG (SÔNG HÀM LUÔNG) ([22][194]) Cách trấn về phía đông 83 dặm rưỡi. Sông rộng 5 dặm, sâu 49 tầm, như là vực rồng, hang giao, ở đó thường có cá to, sấu lớn trồi lên hụp xuống. Bờ phía đông là địa giới huyện Tân An, bờ tây là địa giới huyện Vĩnh Bình. Nước chia ra 3 ngả: một ngả chảy xuống phía đông Tiền Giang 59 dặm [49b] đổ ra cửa biển Ba Lai; một ngả chảy vào nam Tiền Giang 84 dặm rưỡi, rồi đổ ra cửa biển Ngao Châu. Nước thường trong ngọt, sóng gió dập dình, có cái hứng nhìn một cái trông rõ mênh mông vạn khoảnh.
SÔNG TIÊN THỦY (TỤC GỌI LÀ SÓC SÃI HẠ) ([23][195]) Ở về phía đông sông Hàm Luông, cách trấn về phía đông 96 dặm. Sông rộng 4 tầm, sâu 1 tầm, làng xóm chợ búa rất đông đúc, ghe thuyền tụ tập. Nước chia làm 2 nhánh. Nhánh phía nam nước trong veo, nhánh phía bắc bùn đục ngầu, giống như sự phân chia đục trong của sông Kinh, sông Vị ([24][196]), nhưng vị nước đều ngon ngọt, pha trà có mùi thơm ngon, nếu dùng để tắm thì được trơn sạch nên gọi là Tiên Thủy (nước Tiên). Ngoài cửa sông lớn có nhiều cá sấu, có con to bằng chiếc xuồng, tính rất hung dữ, người đi qua phải coi chừng. Dân trong vùng phàm có những ngòi nhỏ, dùng chở gạo củi, hay tưới rửa, thì ở miệng ngòi phải trồng cọc dày kín, để ngăn dòng nước cho khỏi nạn cá sấu.
MỸ LỒNG GIANG (SÔNG MỸ LỒNG) ([25][197]) Ở phía đông sông Hàm Luông, cách phía đông trấn 103 dặm rưỡi, rộng 18 tầm, sâu 11 thước [50a] ta. Vào sông nầy đi xuống hướng đông 3 dặm, nơi bờ phía bắc là chợ Bến Tre (Trúc Tân), quán xá dày đặc; 3 dặm rưỡi bên bờ nam là chợ Mỹ Lồng, phố xá liền nhau, buôn bán đông đúc. Có những vườn cau rậm như rừng, quả lớn lại sai, nên cau Mỹ Lồng rất nổi tiếng. Xuống phía đông 5 dặm chảy ra cửa sông Phước Thạnh (tục gọi là Cái Sậy ([26][198]), thuộc địa phận thôn Phước Thạnh) cửa sông rộng 3 tầm, sâu 2 tầm, vào nam chảy ra biển Ba Lai.
BÌNH PHỤNG GIANG THƯỢNG KHẨU (THƯỢNG KHẨU SÔNG BÌNH PHỤNG) (Tục gọi là thượng vàm Cái Muối ([27][199]), ở địa phận thôn Bình Phụng), ở phía tây sông lớn Long Hồ, rộng 6 tầm, sâu 3 tầm, cách trấn về phía đông 7 dặm rưỡi. Chảy đi 23 dặm thì đến ngã ba sông; nhánh phía tây nam chảy 1 dặm rưỡi đến Kinh Bố (Vải) ([28][200]), rồi ra sông lớn. Hướng nam đổ ra hải cảng Cổ Chiên, nhánh đông nam chảy 1 dặm rưỡi đổ vào phía nam sông Bình Phụng rồi chảy xuống hải cảng Ngao Châu.
CẦN THAY THƯỢNG GIANG (SÔNG CẦN THAY THƯỢNG) ([29][201]) Ở bờ phía đông sông lớn Long Hồ, cách phía đông trấn 38 dặm, theo sông lớn chảy về nam rồi ra cửa biển Cổ Chiên. Từ cửa sông nầy đi về phía đông 2 dặm đến ngã ba sông. Nhánh phía bắc thông với sông Phú Sơn tục gọi là Cái Ớt ở địa phận thôn Phú Sơn, [50b] chảy 25 dặm rưỡi nữa đến chợ Bình Định là tên thôn tục gọi là chợ Cần Thay, nơi đây chợ búa đông đúc, buôn bán tụ hội tấp nập; chảy hơn 4 dặm nữa ra hạ khẩu sông Cần Thay, rồi đổ ra cửa biển Ngao Châu.
THƯỢNG THẦM GIANG ([30][202])
Tục gọi là Cái Dâu Thượng, ở bờ phía tây sông Hàm Luông, cách trấn về phía đông 38 dặm rưỡi. Sông rộng 3 tầm, sâu 2 tầm, chỗ cuối nguồn có ruộng vườn dân cư, chạy dọc theo sông lớn xuống phía nam 4 dặm rưỡi đến sông Trung Thầm; sông nầy rộng 3 tầm, sâu 2 tầm; chảy 5 dặm rưỡi đến sông Hạ Thầm, khúc sông nầy rộng 3 tầm, sâu 2 tầm, đều là cùng nguồn, ở đó cũng có ruộng vườn dân cư, họ sống bằng nghề nông và trồng dâu nuôi tằm.
AN VĨNH GIANG ([31][203]) Là tên thôn, tục gọi là Cái Mơng Lớn, ở bờ phía tây sông Hàm Luông, cách phía đông trấn hơn 86 dặm, rộng 25 tầm, sâu 14 tầm. Cách phía tây 10 dặm đến sông nhỏ Lan Sái. Sông nầy ở bờ phía bắc, 14 dặm [51a] nữa đến chỗ ngã ba cửa kinh; ngả kinh phía tây chảy ra sông nhỏ, quanh về hướng nam đổ ra cửa biển Cổ Chiên; ngả phía nam chảy 1 dặm rưỡi đến chợ Ba Vát ([32][204]). Chợ nầy ở bờ phía đông, ở đây phố xá liền nhau, ghe thuyền đậu san sát, đó là huyện lỵ Tân An. Đi 15 dặm rưỡi nữa đến sông nhỏ Lê Đầu ([33][205]) (tục gọi là sông Mỏ Cày), ở bờ phía tây rộng 4 tầm, sâu 1 tầm, quán xá đông đúc. Chảy thêm 4 dặm ra sông Thanh Thủy (sông Nước Trong), rồi chảy về nam thông ra cửa biển Băng Côn.
BA LA GIANG ([34][206]) Tục gọi là Cái Mít, ở phía đông hạ lưu sông lớn Hàm Luông, rộng 26 thước ta, sâu 8 thước ta, cách phía đông trấn hơn 128 dặm. Trước cửa sông có nổi lên cái cồn nhỏ, từ cồn ấy có lạch nhỏ chảy xuống phía nam hơn 9 dặm đến sông nhỏ Sơn Đốc, ở đây có dân cư, rồi chảy ra cửa biển Ngao Châu.
VĨNH ĐỨC GIANG ([35][207]) Vĩnh Đức là tên thôn, tục gọi là Ba Tri Ớt, ở phía đông cuối sông Hàm Luông, rộng 8 tầm, sâu 2 tầm [51b], cách phía đông trấn 165 dặm rưỡi ở cuối nguồn có quán xá đông đúc, nhiều người theo nghề biển.
CHÂU THỚI GIANG ([36][208]) Châu Thới là tên thôn, tục gọi là Ba Tri Cá; ở phía tây hạ lưu sông Ba Lai; rộng 4 tầm, sâu hai tầm, cách phía đông trấn 112 dặm rưỡi, chảy theo hướng tây rồi quanh vào nam 9 dặm rưỡi đến ngã ba sông có chợ Giồng Trôm, nhánh sông phía đông chảy 45 dặm đổ ra sông Châu Bình (tên thôn, tục danh Ba Tri Chàm) ([37][209]) rộng 4 tầm, sâu 2 tầm, chảy vào nam rồi đổ ra cửa biển Ba Lai. Nhánh phía nam chảy 45 dặm đổ ra sông Mỹ Ân, rộng 5 tầm, sâu 3 tầm, rồi chảy ra cửa biển Ba Lai. Hai bên bờ sông là rừng sác, dân miền biển ở đây hãy còn thưa thớt.
MÂN THÍT GIANG (SÔNG MÂN THÍT) ([38][210]) Ở bờ tây hạ lưu sông lớn Long Hồ của Tiền Giang, cách trấn về phía nam 55 dặm rưỡi. Bờ phía bắc có đồn thủ ngự Tân Thắng, chợ búa đông đúc, là trị sở huyện Vĩnh Bình [52a]. Cửa sông rộng 7 tầm, sâu 5 tầm. Về phía tây đi 34 dặm rưỡi đến ngã ba Cái Nhum ([39][211]); ngả phía bắc chảy 12 dặm rưỡi đến sông Song Tông (tục danh Kè Đôi) ([40][212]) ở địa phận hai thôn Tân Điền và Định Thới, lại có tên là sông Thới Điền, nằm ngang với cửa sông Cần Thay Thượng, cửa sông rộng 6 tầm, sâu 5 tầm, phía bắc đến trấn 45 dặm. Ngả sông phía tây chảy 50 dặm đến ngã ba sông Kiên Thắng.
KIÊN THẮNG GIANG ([41][213]) Tục gọi là Ba Kè, đó là đồn thủ ngự Kiên Thắng, rộng 12 tầm, sâu 6 tầm, cách trấn về phía tây nam 30 dặm. Sông chia 3 ngả: ngả phía đông chảy 85 dặm rưỡi đến sông Mân Thít; ngả phía tây 26 dặm rưỡi đến sông Trà Ôn. Ruộng vườn ở đây mới khai phá, cây cỏ hãy còn rậm rạp, là một con đường thủy giao thông quan trọng.
AN PHÚ GIANG An Phú là tên thôn, tục gọi là Vũng Liêm. Sông rộng 18 tầm, sâu 8 tầm, ở bờ phía tây sông lớn Long Hồ. Chảy qua hướng tây bắc 2 dặm có chợ nhỏ; 36 dặm đến ngã ba Khu Ân rồi hiệp lưu với sông Kiên Thắng. Nơi đây, người Việt và người Thổ chung sống với nhau, họ [52b] chuyên nghề làm ruộng, phát cỏ cấy mạ và đắp đập bắt cá, dùng sức ít mà được lợi nhiều, làm lụng, nghỉ ngơi tùy lúc nhưng không ăn chơi, rảnh rỗi.
LÁNG THÉ GIANG (SÔNG LÁNG THÉ) ([42][214]) Rộng 30 tầm, sâu 27 thước, ở bờ phía tây sông lớn Long Hồ, cách trấn về phía nam 85 dặm rưỡi. Trước cửa sông có cồn nhỏ, cây cỏ rậm rạp, lên phía tây 20 dặm rưỡi đến sông nhỏ Cần Chông ([43][215]) rồi ăn thông với sông lớn Hậu Giang, nhưng sông nầy hẹp nhỏ lại bị lấp cạn, thuyền bè khó đi; đất còn hoang vu chưa khai khẩn hết.
TRÀ VANG GIANG (SÔNG TRÀ VINH) ([44][216]) Rộng 13 tầm, sâu 5 tầm, ở phía tây sông Cổ Chiên. Nơi đây có đồn thủ ngự Quang Phục, người Việt và người Thổ ở chung nhau, chợ phố liên tiếp, thuyền buôn tụ hội, tạo thành một doi biển đông đảo nhất ở miền biển. Thuở trước nơi đây là vùng đất thuộc Cao Miên, năm Canh Tý thứ 3 (1780), vì có việc cần phải trưng dụng dân phu quân lính mà tù trưởng Trà Vinh lúc ấy là [53a] Ốc nha ([45][217]) Suốt ương ngạnh không chịu phụng mạng.
Triều đình sai quan chinh thảo, nhưng vì xứ ấy đầy rừng rậm chằm lớn, hoang vu rậm rạp, chúng chiếm cứ chỗ rừng bụi hiểm trở, lấy tài bắn nỏ làm sở trường, thường dùng trận phục ngưu dò xét quân ta sơ hở thì cưỡi trâu dài chân lớn móng, bày đội ra xung kích, bầy trâu vừa đạp vừa húc chọi, nên quân ta không thắng được.Ngoài tháng 4, Ngoại hữu Thượng tướng quân Phương Quận công tự cầm quân tinh nhuệ, dùng khiên da, súng lớn, bắn tiến vào rừng sâu và cho đốn cây cối thật quang đãng, rồi vây chặt sào huyệt của chúng. Chúng mất thế hiểm yếu, thế cùng, quân ta một trận bắt hết, giết bọn đầu đảng cừ khôi, còn dư đảng đều được phủ dụ, cảm hóa thành dân lương thiện.
Năm Đinh Mùi (1787), khi mới Trung hưng đã dùng dân ấy làm binh lính đồn Oai Viễn; họ từng theo chinh thảo có công trạng, nay có lệnh: phàm sự việc thuộc người Việt ta thì do Tri huyện Vĩnh Bình xử lý, còn dân Cao Miên thì thuộc đồn Oai Viễn xử lý; nếu như người Việt, người Thổ liên can nhau, thì 2 nha phải cùng nhau xem xét, xử lý [53b]. Nhờ sự sắp đặt tổ chức rõ ràng như vậy, nên người người đều an cư lạc nghiệp, phân nửa những gò hoang đất trống đều được khai khẩn thành ruộng vườn để trồng trọt.
TÂN HỘI GIANG Tân Hội là tên thôn, tục gọi là Cái Tàu Hạ, ở bờ phía nam Tiền Giang, rộng 20 tầm, sâu 3 tầm, cách trấn về phía tây hơn 30 dặm. Phía đông nam xuống đến ngã ba Cái Ngang; nhánh phía bắc thông với sông Long Hồ, rồi chuyển về nam 60 dặm đến ngã ba sông Kiên Thắng; theo hướng đông chảy ra sông An Phú và sông Láng Thé rồi hiệp với Tiền Giang; chảy hướng tây ra sông Trà Ôn rồi gặp sông Hậu Giang, đó là đường giao thông được cả bốn phía.
NHA MÂN GIANG (SÔNG NHA MÂN) ([46][218]) Ở bờ phía nam Tiền Giang, cách trấn về phía tây 35 dặm, rộng 29 tầm, sâu 13 thước ta. Theo hướng nam chuyển lên tây 175 dặm, qua các ngòi nhỏ Tam Miếu (Ba Miếu), Giồng Sao, Trà Cát ([47][219]), Đồ Bà (Chà Và), Cam Phù Ly, đến sông Cái Vồn rồi đổ ra sông lớn Hậu Giang. Nơi đây có nhiều người Việt mới đến khai khẩn ruộng vườn.
THƯỢNG CẦN THƠ GIANG KHẨU (CỬA SÔNG THƯỢNG CẦN THƠ [54a]) Ở bờ phía nam Tiền Giang, cách trấn về phía tây 52 dặm rưỡi; rộng 37 tầm, sâu 13 thước ta; chuyển từ đông sang nam 37 dặm thì dòng sông hẹp dần, đến ngã ba Sơn Chiết, nhánh phía tây đến thượng khẩu Thâm Khê (Ngòi Sâu) rồi ra Bàu Hốt, thông với Hậu Giang; nhánh phía nam đến Du Khê, ra Trà Mơng rồi cũng thông với Hậu Giang. Sông nầy đối bờ với đường sông ở trấn Cần Thơ, suốt đường sông nầy cây tre 2 bên bờ ngọn ngả ra giao nhau, làm trở ngại thuyền bè đi lại; ruộng vườn ở đây còn thưa trống, vì người ta mới đến lập nghiệp. SA ĐÉC GIANG (SÔNG SA ĐÉC) ([48][220])
Ở bờ phía nam Tiền Giang, rộng 42 tầm, sâu 28 thước ta, cách trấn về phía tây 56 dặm rưỡi. (Trước chỗ này cách 4 dặm ở bờ phía nam có sông nhỏ Cái Sơn, rộng 9 tầm, sâu 10 thước ta, có cầu ngang thông với chợ Sa Đéc); về phía tây nam 7 dặm rưỡi đến ngã ba mương Nàng Hai (Nhị Nương), ở đây dân đều làm nhà sàn trên sông để ở. Sông ở đây hẹp, quanh co um tùm, thuyền bè khó đi lại. Nước sông trong ngọt, vườn ruộng rất tốt, nhân dân đông đúc giàu có, có đạo Đông Khẩu đóng ở phía nam, chợ phố liền nhau, thuyền bè đông đúc, là chỗ đại đô hội của trấn nầy. Phía trái có xóm Tiên Phổ (thuộc Tân Quy Đông, cát trắng ngăn đục như cái mõm nhô môi ra, gió mát, sông lặng, người ta thường đậu thuyền nơi đây, không hề có ruồi muỗi quấy nhiễu, nên mới gọi là Tiên). [55b].
Phía phải có cồn Phụng Nga như bức la thành hộ vệ, núi sông hiểm yếu, bờ cõi vững bền. Chảy qua tây nam 33 dặm có Rạch Dầu (Du Câu) ở bờ phía tây, rạch Nàng Hai ở bờ phía đông, rạch Sa Nhân ở bờ phía tây, rồi đến ngã ba Nước Xoáy, mạch đất như cuốn bó lại nguồn xa của dòng nước, để giữ lấy vượng khí.
HỒI LUÂN THỦY TAM KỲ (NGÃ BA NƯỚC XOÁY) ([49][221]) Tục gọi là Nước Xoáy, ở địa phận thôn Tân Long.
Phía tây có ngòi nhỏ thông với sông Thủ Ô, cạn hẹp khó đi; nhánh phía bắc đi 33 dặm đến sông Sa Đéc; nhánh phía nam đi hơn 71 dặm qua kinh Cường Oai (tục gọi là Cái Tắt Lai Vung) ([50][222]), đến Kỳ Can (Cán Cờ), Thung Dung, rồi đến sông Cường Oai ra sông Hậu Giang; nhánh phía tây chảy 18 dặm cũng qua kinh Cường Oai chuyển theo ngòi Lưu Thủy đến sông Thủ Ô rồi đến ngã ba sông: nhánh phía bắc đi 6 dặm đến sông Hội An, rồi chảy ra Tiền Giang; nhánh phía tây chảy hơn 71 dặm xuống sông Cường Oai rồi ra Hậu Giang, chỗ nầy nước chảy xoáy quanh, là đường thông suốt bốn hướng từ nơi giao hợp của Tiền Giang, Hậu Giang [56a].
Năm Đinh Mùi (1787), lúc mới Trung hưng, Thế Tổ tạm đồn trú ở đây để hiệu lịnh binh tướng các lộ, giữ lấy thế chính giữa chặn lấy nơi hiểm yếu, thu được nhiều công lớn ([51][223]), ấy là một vùng đất có hình thắng vậy.
LONG PHỤNG GIANG (SÔNG LONG PHỤNG) ([52][224]) Ở bờ phía nam Tiền Giang, cách đạo Đông Khẩu về phía tây 2 dặm rưỡi; rộng 10 thước ta, sâu 7 thước ta, khi nước lên đi qua Du Câu (Rạch Dầu), rồi hợp với sông Sa Đéc, hai bên bờ sông ruộng vườn rất tươi tốt.
TÂN ĐÔNG GIANG ([53][225]) Tân Đông là tên thôn, tục gọi là Cái Bè Cạn, ở bờ phía nam Tiền Giang; rộng 26 tầm, sâu 9 thước ta, cách đạo Đông Khẩu về phía tây hơn 8 dặm. Nơi đây ruộng nhiều, dân đông, trước mặt có bãi bùn ngầm mới nổi, làm thành cái cồn chắn trước cửa sông. Bãi dài 4 dặm, bề ngang bằng nửa bề dài, khi nước lên thuyền bè không biết đi lầm vào ([54][226]) đều bị mắc cạn, nên gọi tên là Cạn. Từ cửa sông chảy vào nam 25 dặm đến ngã ba sông: Nhánh phía bắc chảy 14 dặm rưỡi đến ngòi Tân Khai (tục gọi là Mương Đào) ([55][227]), rộng 7 tầm, sâu 9 thước ta) [56], rồi chảy ra Tiền Giang; nhánh phía đông đến rạch Sa Nhơn (Nhiên) ([56][228]) rồi hợp lưu với sông Sa Đéc.
MỸ AN GIANG ([57][229]) Mỹ An là tên thôn, tục gọi là Đất Sét, ở bờ phía nam Tiền Giang; rộng 5 tầm, sâu 1 tầm. Trước cửa sông có cồn nổi, đất cát màu mỡ, thích hợp với việc trồng các loại dưa, quả; cách đạo Đông Khẩu về phía tây 56 dặm rưỡi. Về phía nam 8 dặm đến cùng nguồn. Nơi đây gò đất rất màu mỡ, thổ nhưỡng ở đây hợp các loại bí rợ, bắp, khoai, đậu, thuốc lá.
HỘI AN GIANG ([58][230]) Hội An là tên thôn, tục gọi là Cái Tàu Thượng, ở bờ phía nam Tiền Giang, rộng 1 dặm rưỡi, sâu 19 thước ta, cách đạo Đông Khẩu về phía tây 60 dặm. Cửa sông đối diện với cù lao Tòng Sơn, cù lao Trâu ([59][231]) và cù lao Tinh ([60][232]), làm ứng tinh hộ vệ phía ngoài để ngăn cơn gió, tạt chân ngọn nước xói, đấy là một chỗ đất rất tốt. Từ đấy chảy về nam 55 dặm rưỡi đến ngã ba sông: nhánh phía nam chảy 24 dặm rưỡi đến sông Cường Thành rồi đổ ra Hậu Giang, nhánh phía bắc chảy 70 dặm rưỡi xuống sông Sa Đéc rồi đổ ra Tiền Giang.
CỰU CHIẾN SAI THỦ SỞ [57a] (THỦ SỞ CŨ CHIẾN SAI) ([61][233]) Ở phía tây sông Trà Thôn 80 tầm (sông nầy ở bờ phía nam Tiền Giang, sông rộng 4 tầm, sâu 3 thước ta, chảy qua phía tây nam thông với sông Lễ Công, dọc bờ sông có ruộng vườn và dân cư, phía sau đó còn có rừng rậm - sông nầy mùa thu, đông vẫn đi được, đến mùa xuân, hạ nước lại cạn, nhiều người đắp đê để bắt cá tôm) cách phía tây đạo Đông Khẩu 80 dặm, nay thủ sở ấy đã dời đi nơi khác.
LỄ CÔNG GIANG THƯỢNG KHẨU ([62][234]) Tục gọi là vàm Ông Chưởng; cửa sông nầy rộng 8 tầm, sâu 8 thước ta. Trước cửa sông có cù lao nhỏ và nhân tên sông mà gọi tên cù lao ấy (cù lao Ông Chưởng), ở cách phía tây đạo Đông Khẩu 90 dặm rưỡi. Sông chảy vào nam 60 dặm rưỡi đến hạ khẩu rồi hợp lưu với Hậu Giang. Bờ phía tây có sở thủ ngự Hùng Sai ([63][235]), bờ phía tây thượng khẩu có miếu thờ Khâm sai Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn (Nguyễn Hữu Cảnh) ([64][236]) vì dân ở đấy cho rằng ông có công dẹp yên Cao Miên, khai thác đất này, nên nhân dân nhớ công đức mà lập miếu thờ, cũng có ý giống như chuyện dân không nỡ chặt cây cam đường để nhớ Thiệu Bá ([65][237]), lập đền Phục Ba ở Việt Đông ([66][238]), lập miếu Võ Hầu ở Vân Nam ([67][239]).
Việc lấy tên của ông đem đặt [57] tên sông là muốn người sau muôn đời không quên ơn đức của ông vậy. Đến như huân nghiệp rực rỡ của ông đã được ghi rõ trên lá cờ đặt ở đền thờ chính ở Biên Hòa. Nơi đền chính này đều có lễ cúng cấp quốc gia xuân thu hai lần và lễ này đã được ghi vào Hội điển ([68][240]) của triều đình. VÀM NAO ([69][241]) Tục gọi cửa sông là vàm, âm gần với chữ phàm. Theo sách Thủy Kinh Chú chép thì nhà Ngụy sai Hạ Hầu Uyên cùng Trương Hấp đem quân đến Ba Thục (Tây Thục).
Lưu Bị đưa quân ra phiếm khẩu ([70][242]), tức là nơi cửa sông. Chữ nầy thiết âm là phù phạm hay phù phong tùy theo dùng bằng hay trắc, nhưng nghĩa thì đồng nhau. Tục viết là Vàm Nao (汎B), nhưng chữ B nầy ít khi được dùng nên nay sửa lại viết là洨. Thượng khẩu vàm nầy ở phía nam Tiền Giang, rộng 8 tầm, sâu 2 tầm. Chảy vào phía nam 75 dặm rưỡi đến hạ khẩu, rồi nhập vào Hậu Giang. Ở phía tây có sở thủ ngự, dọc theo bờ sông người Việt lập ruộng vườn, nhà đất, phía sau có rừng, là nơi có sóc của các tộc người Miên.
ƯU ĐÀM GIANG ([71][243]) Tục gọi là Tắt Cây Sung, rộng 7 tầm, sâu 2 tầm ở phía nam Tiền Giang, cách đạo Đông Khẩu về phía tây 94 dặm. Chảy về nam hơn 76 dặm đến sông Đàm Giang rồi hợp lưu với Hậu Giang. Dọc theo bờ sông là ruộng vườn nhà cửa của người Việt, phía sau là rừng, nơi người Cao Miên ở chen lộn. [55a]
TÂN GIANG ([72][244]) Tục gọi là Cái Mới, rộng 12 tầm, sâu 2 tầm, ở về phía nam bờ Tiền Giang, cách đạo Đông Khẩu về phía tây 143 dặm, cách trấn 200 dặm. Đây là chỗ giáp giới giữa trấn Vĩnh Thanh và phủ Nam Vang của Cao Miên. Chảy về nam 2 dặm rưỡi đến ngã ba sông: Nhánh phía đông 59 tầm, nhánh phía tây 38 tầm, đều vào chằm cùng, ở đây có dân Việt và dân Cao Miên sinh sống chen lộn. Chỗ cắt ngang Tiền Giang rộng 830 tầm 2 thước ta, chảy ngược lên Nam Vang của Cao Miên. Khoảng trung lưu có 3 cù lao là Cổ Cà ([73][245]), Cần Thay và Cổ Cang ([74][246]). Lên xa nữa là Cổ Điệp, ở đó có thủ sở của Cao Miên.
CHÂU ĐỐC GIANG (SÔNG CHÂU ĐỐC) Ở phía tây thượng lưu Hậu Giang, rộng 70 tầm, sâu 9 tầm, cách trấn về phía tây 327 dặm, thủ sở Châu Giang ở bờ đông Hậu Giang. Đồn Châu Đốc ở bờ phía tây sông Châu Đốc, thủ phủ Mật Luật ([75][247]) nước Cao Miên ở bờ phía đông sông Châu Đốc, đó là địa giới quan ải của trấn Vĩnh Thanh và nước Cao Miên. Phía bắc đi 25 dặm về phía tây sông nầy có sông Phong Cần Thăng, [56b] đi về phía tây 60 dặm qua đường cũ của Cao Miên đến láng (bưng) bùn Ca Âm ([76][248]), chỉ mùa mưa mới đi được, còn mùa nắng thì khô cạn và bùn lầy, ở đây mọc nhiều cây cỏ lúa, cách 10 dặm về phía tây sông nầy có sông Cam La Ngư chảy vào chằm cùng, cách 3 dặm về phía đông sông nầy có kinh Lăng Lý, tục gọi là Tắt Nục, lúc nước lụt có thể đi qua sông rộng rãi Bình Thiên rồi ra Hậu Giang; cách 10 dặm là sông Lò Khù Ngư, đến đây thì đầm ao khắp nơi rồi cùng.
Ngoài cửa sông Châu Đốc theo dòng Hậu Giang chảy về nam, sông rộng 300 tầm, sâu 10 tầm, nước lớn ròng gì cũng ở mức ấy thôi, cách 6 dặm rưỡi đến sông Tham Lung, sông nầy rộng 6 tầm, sâu 10 thước ta, cùng nguồn.
VĨNH TẾ HÀ (KINH VĨNH TẾ) Ở về phía tây đồn Châu Đốc. Năm Kỷ Mão (1819) niên hiệu Gia Long thứ 18, đo thẳng từ hào sau phía phải đồn Châu Đốc lên phía tây, qua láng (bưng) bùn Ca Âm đến Kỳ Thọ (tục gọi là Cây Kè) dài 44.412 tầm [57a] thành ra 205 dặm rưỡi (mỗi dặm bằng 1.700 thước nam), đặt tên là sông Vĩnh Tế. Vua ban dụ cho Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Thống chế Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại, Hữu quân Hữu bảo vệ Vệ úy, Chưởng cơ Tuyên Quang hầu Phan Văn Tuyên đôn đốc dân phu trấn Vĩnh Thanh mỗi phiên 5.000 người, lính thú đồn Oai Viễn 500 người, Chiêu trùy Tôn La Ha Toàn Phù người Cao Miên đem quân dân mỗi phiên 5000, ngày 15 tháng 12 khởi công.
Trừ đoạn láng bùn 4.075 tầm không đào đến, còn thật sự đào là 26.279 tầm, cân nhắc chỗ đào khó dễ, nhân lực nặng nhẹ, bắt đầu từ miệng hào đến láng bùn đất khô cứng có 7.575 tầm là phần việc của người Việt, còn đất bùn nhão có 18.704 tầm là phần việc của dân Cao Miên. Đào bề ngang 15 tầm, sâu 6 thước ta, quan cấp mỗi tháng cho mỗi người là 6 quan tiền và 1 phương gạo ([77][249]) [57b]. Đến ngày 15 tháng 3 năm đầu thời Minh Mạng (1820) thì xong việc, cộng thành sông mới, bề dài 140 dặm, nối tiếp sông cũ đến cửa biển Hà Tiên, tổng cộng dài 205 dặm rưỡi mà đường sông đi lại rất thông.
Từ đó kế hoạch quốc gia về biên giới cũng như sự buôn bán của nhân dân cùng hưởng sự tiện lợi vô cùng.
CA ÂM NÁO KHẨU (BƯNG BÙN CA ÂM) ([78][250]) Ở khoảng giữa sông Vĩnh Tế; dài hơn 18 dặm rưỡi, bề rộng bằng nửa bề dài, sâu khoảng 5 thước ta, hình bầu dục, có mỏm như hoa sen, hoa phù dung nghiêng soi; phía nam gối núi Ca Âm, nên mới gọi tên ấy. Dãy Ất Giùm ở phía đông, dãy Chơn Giùm (Chan Sum) uốn quanh ở phía tây; gió kín khí tụ, nước trong sóng gợn, hoa sen nở rộ, mùi thơm bay xa trăm dặm, cá tôm rất nhiều, bắt dùng không hết.
ĐẦM GIANG ([79][251]) (SÔNG ĐẦM) Ở bờ phía đông Hậu Giang, rộng 6 tầm, sâu 8 thước ta, phía đông thông với sông Ưu Đàm phần thuộc về Tiền Giang, cách phía tây trấn 220 dặm. Ngược lên phía bắc, nước chia làm 2 nhánh: 9 dặm qua Du Giang, cửa sông ở bờ tây [60a] rộng 3 tầm, sâu 8 thước ta, tới cùng nguồn; cách 3 dặm qua sông Bà Đê, sông nầy ở phía bờ đông rộng 5 tầm, sâu 2 tầm đến cùng nguồn, 4 dặm rưỡi qua sông Chông Cần Trang, sông nầy ở bờ tây, rộng 2 tầm, sâu 8 thước ta, đến cùng nguồn, đến đây lại hiệp làm một dòng, vì giữa sông lớn có 2 cù lao lớn Cần Trang và Bà Dơm ([80][252]) nằm ngăn ở giữa, 2 bên bờ sông rừng tre um tùm, cây cối ven sông xiên ngang che lấy mặt sông, người Việt và người Thổ cùng ở xen nhau. Ruộng tốt mới khai khẩn, dân nuôi bắt cá đồng bán tươi, làm mắm, làm khô, muối măng chua, đốn tre kiếm sống.
MẠT CẦN ĐĂNG GIANG (SÔNG MẠT CẦN ĐĂNG) Ở bờ phía tây Hậu Giang, rộng 6 tầm, sâu 2 tầm, chảy về phía tây nam 17 dặm hợp lưu với Thoại Hà, người Việt, người Thổ ở xen nhau, có rừng sác liền nhau. THOẠI HÀ ([81][253]) Tục gọi là Ba Rách, rộng 8 tầm, sâu 14 thước ta, cách trấn về phía tây 214 dặm. Ở bờ phía tây 4 dặm rưỡi [60b] đến ngã ba sông, hợp với sông Cần Đăng; qua tây nam 59 dặm đến cửa sông Lạc Dục; từ đấy đi về nam 57 dặm rưỡi đến ngòi nhỏ Song Giang, bùn ứ, cây cỏ ngăn lấp, thuyền bè không đi được.
Tháng 11 niên hiệu Gia Long thứ 16 (1817), vua sai Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc hầu điều dân Việt và dân Thổ 1.500 người, cấp cho gạo tiền để đốn chặt cây cối, đào vét cho thông, bề ngang sông là 12 tầm, sâu 4 thước ta, trong 1 tháng thì xong, ăn thông với thủy đạo Kiên Giang, nhân dân Việt, Thổ đi lại đều tiện lợi. Vua ban tên là Thoại Hà để ghi nhớ công của người bề tôi.
TIỀN TRÀNG GIANG (SÔNG TRƯỜNG TIỀN) ([82][254]) Ở bờ phía đông Hậu Giang, rộng 3 tầm, sâu 1 tầm. Nguyên ngày trước có xưởng quan đúc tiền Ba Thắc ở đấy nên mới gọi tên ấy. Chảy xuống đông hơn 1 dặm có nhánh chảy về nam thông với Qua Giang (tục gọi là Cái Bí) rồi chảy ra sông lớn, nhánh chảy xuống đông hơn 1 dặm hợp lưu với sông Cường Thành. CƯỜNG THÀNH GIANG Tục gọi là sông Lấp Vò, ở bờ phía đông sông Hậu Giang, rộng 12 tầm, sâu 18 thước ta, cách trấn về phía nam 178 dặm rưỡi [61a].
Bờ phía nam có Du Giang, chảy ra sông lớn; cách bờ nam nửa dặm đến thủ sở Cường Thành, ở đây có chợ búa đông đúc. Lại 50 tầm đến ngã ba sông: nhánh phía bắc thông với sông Qua Giang, sông Trường Tiền, rồi chảy ra sông lớn; nhánh phía đông 70 dặm đến ngã ba nữa; nhánh phía bắc thông với sông Hội An rồi ra Tiền Giang, nhánh phía đông qua sông Thủ Ô, sông Hồi Luân, ra sông Sa Đéc, rồi cũng thông với Tiền Giang. Hai bên bờ sông đều có ruộng vườn, dân cư.
CƯỜNG OAI GIANG Tục gọi Lai Vung, ở bờ phía đông Hậu Giang, rộng 15 tầm, sâu 18 thước ta. Thủ sở Cường Oai ở phía bờ bắc, ở đây chợ quán đông đúc, cách phía nam trấn 160 dặm rưỡi, chảy xuống hướng đông 71 dặm đến mương nhỏ rồi nhập vào sông Hồi Luân, thông với sông Sa Đéc rồi chảy ra Tiền Giang.
BÀU HỐT GIANG ([83][255]) Ở bờ phía đông Hậu Giang, rộng 3 tầm, sâu 1 tầm; chảy về phía đông 1 dặm đến ngã ba: Nhánh phía bắc 1 dặm rưỡi chảy ra cửa Thâm Câu (Ngòi Sâu) rồi nhập vào sông lớn; nhánh xuống phía đông 1 dặm rưỡi đến ngã ba sông, chia nhánh phía bắc thông với thượng khẩu sông Cần Thơ rồi chảy ra Tiền Giang; nhánh phía nam chảy hơn 2 dặm qua Du Khê, ra Trà Mơng rồi nhập vào sông lớn, đối mặt với đạo Trấn Giang, Cần Thơ.
CẦN THƠ GIANG ([61b] SÔNG CẦN THƠ) Ở bờ phía tây Hậu Giang, rộng 8 tầm, sâu 5 tầm, cách trấn về phía nam 210 dặm rưỡi. Bên bờ phía tây là thủ sở đạo Trấn Giang, ở đây chợ phố đông đúc, buôn bán rất sầm uất. Từ sông lớn chảy vào nam 121 dặm rưỡi ra cửa biển Ba Thắc; từ cửa sông đi lên hướng tây 8 dặm rưỡi đến ngã ba sông: nhánh phía bắc chuyển qua hướng đông 1 dặm rưỡi, thông với sông Bình Thủy rồi ra Hậu Giang (trước đó nửa dặm chảy về Bắc, rồi chuyển qua hướng đông 1 dặm, chảy ra Ô Môn ([84][256]) thông với Hậu Giang); nhánh phía tây chảy 78 dặm rưỡi đến Nê Trạch (tục gọi là Ba Láng), 165 dặm rưỡi nữa ra cửa Cảng Nhỏ đạo Kiên Giang (tục gọi Cửa Bé).
Đường đi qua chỗ Nê Trạch, từ cuối đông qua xuân nước cạn, bùn nhão cạn lấp; từ hạ qua đông, nước mưa tràn ngập cả bến bờ, ghe thuyền cưỡi lên cỏ, lướt trên lục bình mà đi, chọn đường tới lui, cứ trông theo rừng rậm 2 bên nhận chừng nhớ dấu đường mà đi. Ở đây vắng ngắt không có dân cư, lại có nhiều ruồi muỗi và đỉa khiến người qua lại rất khổ.
VỒN GIANG (SÔNG CÁI VỒN) ([85][257]) Ở bờ phía đông Hậu Giang, rộng 32 tầm, sâu 5 tầm, cách trấn về phía nam 72 dặm rưỡi. Chảy về phía đông bắc 3 dặm rưỡi đến sông Đông Thành (tục gọi Cái Tràm thuộc đất thôn Đông Thành Trung), rồi ra sông lớn; lại chảy thêm hơn 171 dặm rưỡi thì thông với sông Nha Mân, Tiền Giang.
TRÀ ÔN GIANG (SÔNG TRÀ ÔN) ([86][258]) Ở phía đông hạ lưu Hậu Giang, rộng 14 tầm, sâu 7 tầm, cách trấn về phía nam 57 dặm. Phía bắc lên sông Cần Thơ 26 dặm, thuộc huyện Vĩnh Bình, bờ phía tây là tổng Vĩnh Trường, bờ phía đông là tổng Bình Chánh ([87][259]), có đồn Oai Viễn và đồn điền của lính thú Cao Miên đóng. Ở đây chợ phố đông đúc, là nơi người Việt, người Tàu và người Cao Miên tụ tập đông đảo. Qua phía đông 26 dặm rưỡi đến ngã ba La Vách ([88][260]), đi qua 2 sông nhỏ Trà Côn và Sa Cô rồi đến ngã ba Kiên Thắng: nhánh phía đông chảy 85 dặm rưỡi đến sông Mân Thít rồi hợp lưu với sông lớn Long Hồ; nhánh phía tây chảy hơn 30 dặm thì đến trấn thành, đều là nhà cửa ruộng vườn của dân cư, gà gáy chó sủa văng vẳng, là đất đã khai khẩn hết.
BA THẮC GIANG ([62] SÔNG BA THẮC) ([89][261]) Ở phía nam hạ lưu Hậu Giang, cách trấn về phía nam 117 dặm, rộng 30 tầm, sâu 7 thước ta (?), có thủ sở đạo Trấn Di ([90][262]) đóng ở bờ phía bắc, cù lao Hổ (tục gọi là cù lao Dung) nổi lên phía nam, chảy 36 dặm đến cửa biển Ba Thắc. Từ cửa sông đi về hướng tây 60 dặm đến Tàu Trường, đây là nơi đậu của tàu buôn đường biển, người Việt, người Tàu và người Cao Miên ở chung với nhau, đường phố chợ búa nối dài liên tiếp.
Cách 66 dặm đến ngã ba Nguyệt Giang (tục gọi Sóc Trăng); nhánh phía bắc 23 dặm đến sông Phủ Đầu (tục gọi là Bố Thảo, là âm tiếng Tàu của từ Phủ Đầu) ([91][263]), ngược dòng lên tây bắc 165 dặm rưỡi qua Ba Dinh (Ba Rinh), Tầm Vu, Cái Tàu, Cái Cao, Thầy Quang rồi đến cảng lớn đạo Kiên Giang (tục gọi là cửa Lớn): nhánh phía tây (Sóc Trăng) chảy 8 dặm rưỡi đến chợ Bãi Xàu ([92][264]) (Mỹ Xuyên), ở đây có phố xá liền nhau, người Việt và người Thổ ở xen nhau, họ chuyên phơi muối đỏ (dân địa phương gọi là muối đen) đem bán để kiếm sống. Lại cách 25 dặm rưỡi đến ngã ba Lộ Cảnh (Cổ Cò - do sông này dài mà cong nên mới gọi là Cổ Cò); nhánh phía nam chảy 17 dặm rưỡi ra cửa biển Mỹ Thanh; từ cửa biển đi về phía bắc, tới Bãi Xàu, qua chằm bùn, mé đông là địa giới trấn Vĩnh Thanh, nhánh phía tây chảy [63a] 231 dặm rưỡi qua Trà Nô (Trà Nho) ([93][265]), Cái Tràm rồi đến đạo Long Xuyên (Cà Mau).
AN THỚI GIANG Tục gọi là Vàm Rài, ở thôn An Thới Trung, nằm về bờ phía đông hạ lưu Hậu Giang, rộng 12 tầm, sâu 3 tầm, có sở thủ ngự ở đấy, người Việt và người Cao Miên ở xen nhau.
NGAO CHÂU HẢI MÔN (CỬA BIỂN BÃI NGAO) Cách trấn về phía nam 168 dặm, rộng 2 dặm, khi nước lên sâu 5 tầm, nước ròng sâu 2 tầm. Bờ phía đông cách hơn 2 dặm đến sông Mộc Miên (Cây Gòn) (rộng 5 tầm, sâu 2 tầm đến cùng nguồn), 2 dặm nữa đến Tinh Giang (rộng 2 tầm, sâu 1 tầm đến cùng nguồn), 13 dặm đến sông Vĩnh Đức, 2 dặm rưỡi đến cảng Bãi Ngao ([94][266]) chảy ra biển, phía ngoài có thủ sở phụ đóng giữ.
Ngang cảng có sông Long Tân (rộng 5 tầm, sâu 3 tầm đến cùng nguồn), 18 dặm rưỡi đến Ngư Giang (rộng 2 tầm, sâu 2 tầm đến cùng nguồn), 12 dặm đến sông Cổ Miếu (rộng 3 tầm, sâu 2 tầm đến cùng nguồn), 11 dặm đến Giá giang ([95][267]) (rộng 4 tầm, sâu 2 tầm đến cùng nguồn), hai bên bờ sông nầy [63b] có ruộng vườn nhà cửa dân cư, giữa sông đùn lên hai cù lao Cát và Đất, phía đông là cù lao Đất (Thổ Châu) dài hơn 2 dặm, phía tây là cù lao Cát (Sa Châu) dài hơn 5 dặm, sở thủ ngự đóng ở phía nam cù lao, có dân cư của 2 thôn Giao Long và An Thạnh.
Nơi đây gò đất phì nhiêu, cây cối xanh tốt, làm hai con cá trấn giữ cửa biển, khóa thủy khẩu, khống chế hải quan. Phía đông là cửa cảng Bãi Ngao, phía tây là cửa cảng Băng Côn, rộng 50 tầm, khi nước lên sâu 9 thước ta, nước ròng sâu 2 thước ta. Phía ngoài cửa cảng bờ tây cách Giá giang 22 dặm rưỡi đến sông Giao Thạnh (tục gọi rạch Xuôi Trối ([96][268]), nơi đây mới lập thôn Giao Thạnh, rộng 3 tầm, sâu 1 tầm, cùng nguồn) thủ sở Băng Côn đóng xa về phía tây; phía đông có cù lao Thủy Liễu (cù lao Bần), phía tây có cù lao Lộc (cù lao Nai), đều đứng trước mé biển, cây cối xanh tốt.
CỔ CHIÊN HẢI MÔN (CỬA BIỂN CỔ CHIÊN) Rộng 11 dặm rưỡi, khi nước lên sâu 32 thước ta, nước ròng sâu 18 thước ta, cách phía nam trấn 143 dặm rưỡi, 2 bên trổ nhiều sông nhỏ, đều có mọc nhiều cây dừa nước, dân ở đây cắt lá bện thành tấm ([97][269]) [64a] khổ dài rộng hơn các nơi khác, rồi chở bè đem bán được lợi rất lớn. Trong cảng có cù lao Cổ Chiên, đầu cù lao đối diện với sông Tầm Vu, đuôi cù lao chận giữ sông Long Toàn (tục gọi là rạch Thâu Râu thuộc đất thôn Long Toàn) dài 45 dặm, bề ngang độ 10 dặm, có dân cư của 3 thôn Phước Hòa, Phú Thạch và Phước Long, sở thủ ngự đóng ở phía nam.
Cách phía nam ngoài vùng biển ấy 2 dặm rưỡi có cù lao Phù Châu, rừng cây rậm rạp. Phía đông nam ngoài biển cách 33 dặm rưỡi đến cù lao Đại Châu dài 12 dặm rưỡi, bề ngang bằng nửa bề dài, đầu phía bắc gọi là Ngao Chử (tục gọi cồn Ngao), đầu phía nam gọi là Noãn Chử (cồn Trứng), có sở thủ ngự đóng để tuần phòng giặc biển, có dân cư 2 thôn Trường Lộc và Thới Hòa ở đây. Nơi đây đất đai phì nhiêu, phía nam có cù lao Tam Động dài 4 dặm, ở đó có dân biển sinh sống, họ đều trồng thuốc lá, khoai lang và làm nghề chài lưới, cây cối ở đó rất xanh tốt.
BA RÀI (LAI) HẢI MÔN (CỬA BIỂN BA RÀI (LAI)) Rộng hơn 9 dặm, khi nước lên sâu 7 tầm, nước ròng sâu 10 thước ta, ở về cuối sông Hậu Giang, [64b] ngược dòng lên phía tây bắc 60 dặm đến đạo Trấn Di. Dọc theo ven sông, ven biển cây cỏ rậm rạp, trong đều là gò đất, người Tàu và người Cao Miên đều trồng thuốc lá, củ cải, dưa quả rất to mà ngon. Theo biển nầy lên phía tây thì liền tiếp với cửa biển Mỹ Thanh; ngoài cảng có cồn Lợi, cồn Tổ nhưng chỉ có cù lao Trứng (cồn Nóc) (Noãn châu) là lớn hơn, ngư dân ở đây chuyên nghề chài lưới và câu cá.
MỸ THANH HẢI MÔN (CỬA BIỂN MỸ THANH) Rộng 10 dặm, khi nước lên sâu 12 thước ta, nước ròng sâu 4 thước ta. Bờ phía tây có thủ sở, người Việt, người Tàu, người Cao Miên đến sinh sống ở đó, quán xá đông đúc; thổ sản ở đây là thuốc lá, dưa quả và phơi tôm khô ([98][270]). Ngoài cảng về phía đông có cồn cát ngầm, dài chừng 5 dặm, ghe thuyền phải lo tránh.
BÍCH TRÂN CHÂU (CÙ LAO BÁT TÂN) ([99][271]) Ở phía bắc trấn thành, chu vi 12 dặm, sắc cây xanh biếc, ánh nước long lanh như ngọc bích. Lại có tên là Bát Tân, ý nói bến nước thông cả tám hướng. Nơi này làm cồn cát bảo vệ cho sông Long Hồ, [65a] hai bên khép lại như cái vạt áo, quanh vòng ôm lấy hai thôn Bình Lương và An Thành. Bên bờ có những ngư dân phơi lưới, treo tơi, ẩn hiện nơi ngọn rừng, gốc cây. Sông thu thuyền câu giỡn nguyệt, hát hò dưới rặng bần, lênh đênh bên cồn cát trắng, bập bềnh qua lại, tạo nên lạc thú của dân chài.
VĨNH TÙNG CHÂU (CÙ LAO VĨNH TÙNG) ([100][272]) Ở phía tây cù lao Bích Trân, dài 4 dặm, cây cau, dây trầu ở đây rất xanh tốt, quít bưởi rung rinh, có dân cư thôn Vĩnh Tùng ở đấy, cảnh trí thâm u thanh tĩnh.
TÂN CÙ CHÂU (CÙ LAO TÂN CÙ) ([101][273]) Ở phía bắc sông Hàm Luông, cù lao uốn khúc, nổi lên giữa mặt kính hồ, như một vành cong nét vẽ chân mày nằm vắt ngang. Cành trúc rủ la đà quét mặt sóng, ngọn cau dựng đứng khều tầng mây, ở đó có dân cư của 2 thôn Tân Cù và thôn Bình An sinh sống. Cảnh vật khác hẳn nơi chợ búa ồn ào.
TRƯỜNG CHÂU (CÙ LAO DÀI) Ở hạ lưu sông lớn Long Hồ, chu vi 30 dặm, ở đó có dân cư của 5 thôn Phú Thới, Phước Khánh, Thới Bình, Thanh Lương và Bình Thạnh. Nơi đây ruộng vườn ngăn nắp sạch sẽ, phong thủy thanh tú, có những cây thủy mai (mù u) đơm ngọc, hương toán ([102][274]) (xoài) đeo vàng, đáng gọi là nơi sung túc nhàn tĩnh.
PHỤ LONG CHÂU (CÙ LAO PHỤ LONG) Cù lao nầy nằm phụ cận theo sông Hàm Luông nên gọi là Phụ Long (Luông). Có lũy tre xanh uốn khúc bao quanh vũng nước của thôn Phụ Long [65a]. Đồng bằng cò đậu, cây ban tối quạ về, đượm cảnh trí tự nhiên của làng mạc cạnh sông nước.
THANH SƠN CHÂU Tục gọi là cù lao Cái Cấm, cù lao này nằm giữa sông Hàm Luông, dân của 3 thôn Thanh Sơn, Thanh Xuân và Tân Thông sống ở đó, trông giống dãy núi xanh chống giữa khoảng không, sóng bạc vỗ bên bờ, như là bóng dải đất giữa mặt trăng ([103][275]), là cảnh giới thần tiên vậy.
PHỤNG NGA CHÂU (CÙ LAO PHỤNG NGA) ([104][276]) Ở bờ phía bắc sông Sa Đéc, vừa cong vừa dài 10 dặm. Phía đông là cù lao Phụng (tục gọi là cù lao Tân Phụng), phía tây là cù lao Nga (tục gọi là cù lao Cái Nga), có dân của 4 thôn Tân Phụng, Sùng Văn, Tân Lâm và An Tịch sinh sống ở đó. Đất nầy chỉ thuộc một khu nhưng có ngòi nhỏ ở giữa nên chia ra làm hai, như hai nửa viên ngọc bích ghép lại vậy.
Ở đấy vườn xanh rậm, tàu cau rủ đuôi chim phụng, bến sông tắm đàn nga, đó là nguyên nhân ban đầu đưa đến gọi tên là Phụng Nga. Nơi đây tuy là nhà cửa chốn lâm tuyền nhưng lại gần thành thị. Kẻ ưa nhàn tĩnh thì đến bến phía bắc thả thuyền qua Tiền Giang để giặt dải mũ ở sông Thương Lang ([105][277]) [66a]. Người ưa phồn hoa thì đến bến phía nam đưa chân xuống Sa Đéc vui chơi thú chợ Lạc Dương ([106][278]). Có ruộng để cày nên làm nông phu cũng tốt, có sông để câu nên làm ngư phủ cũng hay, đủ cả thú vui cho mọi giới, đáng gọi là một cù lao giàu có đầy đủ vậy.
DINH CHÂU ([107][279]) Tục gọi là cù lao Giêng, ở thượng lưu Tiền Giang, cách trấn về phía tây 117 dặm. Trước kia là đất thuộc đạo Tân Châu, ở đây có dân cư của 4 thôn: Toàn Đức, Mỹ Hưng, Toàn Đức Đông và Phú Hưng.
Phía tây nam có cù lao nhỏ dân cư của 3 thôn: Tân Phước, Phú An và Tân Tịch ở đấy. Phía đông nam có cù lao nhỏ dân cư của thôn Tân Thới ở đó. Ba cù lao này đứng sóng vai nhau, bốn phía đều sóng nước, nghiễm nhiên trở thành dáng dấp ba đảo tiên Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu vậy. Từ đấy lên phía bắc có rừng tre xanh um, thân tre cao lớn khác thường, cành rễ quấn nhau rậm rịt khắp phía. Bên trong lắm hồ ao, cá đồng chen chúc, dân bắt cá kéo đến từng nhóm 5, 10 người, họ sục bùn, vạch cỏ tìm bắt cá đem ướp mắm hoặc phơi khô, rồi chặt tre kết bè chở bán khắp các ngả, cùng nhau cậy nhờ mối lợi của thiên nhiên.
NGƯU CHÂU (CÙ LAO TRÂU) Ở thượng lưu Tiền Giang, có 2 thôn Tân Hòa, Tân Thuận ở đây. Đất thích hợp các loại thổ sản là thuốc lá, bông vải và dưa quả. TÒNG SƠN CHÂU (CÙ LAO TÒNG SƠN) Nằm về phía đông sông Mỹ Luông ở Tiền Giang, có thôn Tòng Sơn ở đấy. Bốn bề đều là sóng to, trông như đám lục bình nổi trên mặt sông; mặt trời chiếu dọi cá nược ([108][280]), ngọn gió đung đưa hạc nước, thật đầy đủ cảnh trí vùng sông nước !
TÊ CHÂU (CÙ LAO TÂY) ([109][281]) Ở thượng lưu Tiền Giang, có thôn Tân Hưng ở đấy. Cù lao Lộc (Nai) ở phía đông, cù lao Ngãi ở phía tây, cù lao Trư (Heo) ở phía bắc, cù lao Hỏa Đao (Dao Lửa) ([110][282]) ở phía nam; như hình dáng hoa mai vậy. Nơi đây có tre xanh tốt, là hang vực, lùm bụi để loài thú ẩn nấp.
LONG SƠN CHÂU ([111][283]) Tục gọi là cù lao Cái Vừng, ở thượng lưu Tiền Giang, dài hơn 47 dặm, lồi lõm góc cạnh giống như đầu rồng, phía đông cách đạo thủ mới Tân Châu 5 dặm rưỡi, cách trấn về phía tây 174 dặm rưỡi, xóm Tân Phú Lâm ở đấy; [67a] kế tiếp phía đông có cù lao Tản Dù, cũng phía đông ấy còn có cù lao Đồ Bà (Chà Và) ([112][284]), tất cả giăng thành hình chữ nhất mà có lớn nhỏ thứ tự khác nhau. Nơi đây rừng tre um tùm, đường sông thông nhau, bờ phía tây là đồn mới Tân Châu, bờ phía đông là đồn mới Chiến Sai, bờ phía bắc là đồn mới Hùng Ngự (Hồng Ngự), có địa thế là một ải quan hùng mạnh chặn giữ chỗ hiểm yếu.
NĂNG GÙ CHÂU (CÙ LAO NĂNG GÙ) ([113][285]) Ở phía trước hạ khẩu vàm Nao ([114][286]) thuộc Hậu Giang dài 9 dặm, có thôn Bình Lâm ở đấy. Ở đây rừng tre um tùm, đầy dẫy ao cá, phàm dân ở vùng thượng lưu Hậu Giang khai thác tre cây, cá tôm làm nghề sinh nhai hàng ngày, thứ nữa họ còn trồng bông kéo sợi, rồi sau nữa mới làm ra lúa gạo.
QUA CHÂU ([115][287]) Tục gọi là cù lao Bí, ở phía tây sông Cường Thành, thuộc hạ lưu Hậu Giang. Trên giáp cù lao Châm Pha đồng thời làm ruộng vườn thôn An Hòa, dưới giáp cù lao Thủy Liễu (Cù lao Bần), đó là phía bờ tây Du Giang, hình thế xuyên xỏ tới lui [67b] như sao Tam Thai, thổ sản ở đây có dưa, bí, thuốc lá. Người dân chuyên dùng sức lực làm lụng mà ăn.
SA CHÂU (CÙ LAO CÁT ([116][288])) Ở hạ lưu sông Cường Oai thuộc Hậu Giang, có thôn Tân Lộc ở đấy. Đường đi đầy lau lách, chim biển và cò quen dạn bóng người, đây là vùng hoang vắng.
HOẰNG TRẤN CHÂU (CÙ LAO HOẰNG TRẤN) ([117][289]) Tục gọi là bãi Bà Lúa, lại có tên là cù lao Tân Din, dài 30 dặm, bề ngang bằng nửa bề dài, cách trấn về phía nam 130 dặm rưỡi. Nơi đây dòng sông ngoằn ngoèo hiệp nhau, gò đất cao rộng, vì bấy giờ có đề nghị cho rằng địa thế Hậu Giang rộng lớn, rừng chằm um tùm, vùng Ba Thắc, Cần Thơ, Trà Vinh có nhiều sóc của người Cao Miên mà lại cách xa dinh Long Hồ, nên cần đặt một trấn lớn để khống chế, vả lại cũng cần khai mộ dân nhằm khẩn ruộng đất nơi đây, nên vua Thế Tổ Cao hoàng đế vào năm thứ 2 (Kỷ Hợi - 1779) dời dinh Long Hồ đến đây, đổi tên là dinh Hoằng Trấn.
Nguyên trước đây vua Cao Miên Nặc Ong Ton ([118][290]) (Neac Ang Ton) được triều đình ta lập nên làm vua nước phiên thuộc. Đến khi Tây Sơn vào cướp chiếm, 2 dinh Trấn Biên và Phiên Trấn từng bị quân giặc [68a] quấy nhiễu nhiều lần, trong nước không yên, Xiêm La thừa cơ hộ tống phản thần Cao Miên là Nặc Ong Non về đánh Cao Miên nhưng không thành. Sau Nặc Ong Ton nhường ngôi cho em là Nặc Ong Vinh (tục xưng vua Trị) làm Chính vương, còn Ton tự giáng làm Nhị vương, em thứ là Nặc Ong Thâm làm Tam vương.
Khi ấy Nặc Ong Vinh từng trái mệnh nhiều lần nhưng triều đình ta chưa rỗi rảnh để hỏi tội ngay. Năm Đinh Dậu (1777), Nặc Ong Vinh mưu giết Nặc Ong Thâm và bức tử Nặc Ong Ton ( khi ấy Ton đang bệnh, nghe có biến, bực tức nên thổ huyết mà chết). Nặc Ong Vinh cai trị tàn bạo, nên mùa xuân năm Kỷ Hợi (1779), Chiêu trùy Mô, Đê đô Luyện và Ốc nha Liên Đồng Trùy ([119][291]) chiếm cứ phủ Phong Xoài để chống lại. Nặc Ong Vinh đem binh tới đánh nhau.
Vị Bôn Sưu chiếm La Vách để tiếp ứng cho Chiêu trùy Mô. Vinh đem quân trở lại đánh Sưu rất gấp. Tháng 4, Sưu cấp báo với dinh Hoằng Trấn xin viện binh, nhưng đường sá xa xôi cách trở, đi lại chậm trễ, đến tháng 6 mới có lệnh sai Đông Sơn[68b] Thượng tướng Phương Quận công ([120][292]) tiến đánh, bắt giết Nặc Ong Vinh rồi lập con Nặc Ong Ton là Nặc Ong In ([121][293]) làm Quốc vương Cao Miên, lúc đó trong nước nầy mới yên.
Năm thứ 3 Canh Tý (1780) chuẩn nghị rằng: dinh Hoằng Trấn ở vùng riêng lẻ hẻo lánh, nếu Cao Miên hữu sự thì rất khó tiếp ứng chế ngự, nên bỏ dinh mới mà đem về chỗ cũ Long Hồ, đến nay vẫn còn ở đấy. Còn đất ấy thì để cho dân ở. Bờ phía đông của cù lao có con sông, cũng gọi sông Tân Din, rộng 6 tầm, sâu 1 tầm, cùng nguồn, ở bờ phía tây đối diện với sông Cái Sách ([122][294]).
HUỲNH DUNG CHÂU Tục gọi là cù lao Dung ([123][295]), ở phía tây hạ lưu Hậu Giang. Phía bắc từ sông Thong Đăng (Tham Đăng), phía nam đến sông Ngang Đô, dài 35 dặm, làm bình phong cho sông Ba Thắc. Nơi đây có nhiều dừa nước. Dân ở đây làm nghề bện lá dừa thành từng tấm đem bán. Cù lao nầy có nhiều cọp, nên còn có tên là cù lao Hổ. Có 2 thôn An Thạnh Nhứt, An Thạnh Nhì ở đấy.
([1][173]) Thoại Sơn: Theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC thì núi này còn có tên là Toại Sơn. Trên núi có đền thờ Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại xây năm 1882. ([2][174]) Nguyên văn Ba Thê viết là 葩梯. Ba có nghĩa là tinh hoa đẹp đẽ, thê (梯) là cái thang. Vậy Ba Thê có nghĩa núi cao vút đẹp đẽ như "cây thang huê dạng". ([3][175]) Núi Tà Chiếu (斜照山). Tà Chiếu có nghĩa là "Bóng xế tà", chớ không phải nghĩa theo tiếng Khơ me là ông Chiếu (tà là ông). Trong PCGBC của Trương Vĩnh Ký lại chép là Tà Chiêu. ([4][176]) Núi Khê Lạp (溪臘). Chữ 臘 này đọc là lạp. Vương Hồng Sển khi đọc PCGBC của Trương Vĩnh Ký đã ghi là Khê Lập theo ông Ký, có thể do lỗi morasse nên chép lạp thành lập.
Theo di cảo của TVK thì núi này có tên cũ bằng tiếng Khơ me là Phnom crack Cơn Kan. ([5][177]) Núi Chút Sơn (崪山). Chữ崪Nôm còn đọc là tụy. Nhóm dịch giả VSH đọc là thốt có lẽ nhầm lẫn vì chữ Nôm thốt phải viết là啐. Nhưng theo chỗ chúng tôi tâm đắc khi nghiên cứu cách viết chữ Nôm của cụ Trịnh Hoài Đức trong GĐTTC thì đây là chữ Tốt (卒) đọc là Chốt trong môn cờ Tướng, thêm山 bàng để chỉ thuộc tên núi mà thôi và đọc trại là chút. Vậy xin đọc là núi Chút.
Trương Vĩnh Ký trong PCGBC cũng ghi là núi Chút. ([6][178]) Núi Tà Biệt (斜別山) chữ Nôm 別 còn đọc là bẹt, bét, béc nhưng qua nội dung đoạn nói về núi này, tác giả có giải thích vì nó không đứng chung hệ, cùng dãy với các núi khác nên gọi là biệt. Vậy xin gọi là Tà Biệt. Di cảo của Trương Vĩnh Ký trong PCGBC chép tên núi này là Tà Béc. ([7][179]) Núi Ba Xùi (波J山). Chữ J tra nhiều tự điển Nôm không thấy, chỉ có chữ吹 có thể đọc là xùi, xui, xuôi. Như chúng tôi phát hiện đây là chữ吹 thôi, còn thêm Sơn đầu là để chỉ núi theo cách viết của Trịnh Hoài Đức trong GĐTTC.
Núi này trong PCGBC của Trương Vĩnh Ký đọc là núi Bà Xôi. ([8][180]) Súc sa mật (縮砂蔤) gọi tắt là súc sa, thân cọng cao chừng một mét ngoài, lá nhỏ mà dài, trổ hoa lúc giao mùa xuân hạ. Trái có vỏ cứng màu vàng đỏ sậm, trong chứa chừng 10 hạt, ngoài màu dà (nâu đỏ), trong trắng, có hương vị cay như hạt bạch đậu khấu, tục gọi sa nhân. ([9][181]) Núi Ất Giùm (M森山): Núi này nhiều người đọc là Ngất Sâm, Ngất Sum, Ngật Sum. Trương Vĩnh Ký trong di cảo ghi là Ất Giùm. Chữ M theo cách viết tên Nôm của núi sông, cây cối, chim muông trong GĐTTC, tức là chữ乙 (Ất), còn thêm bộ Sơn (山) trên đầu là để chỉ thuộc núi thôi. Vậy chữ này phải đọc ất (乙) chớ không thể đọc ngật.
Chữ 森 đọc theo Hán là sum, sâm, nhưng đọc theo Nôm là giụm, hay giùm, viết đủ là N. Tuy nhiên trong PCGBC Trương Vĩnh Ký lại chép tên núi này là Ác Giùm. ([10][182]) Núi Nam Vi (南圍山). Chữ Nôm 圍 có thể đọc vầy, vây. Theo di cảo Trương Vĩnh Ký thì tên núi này đọc theo tiếng Khơ me là Phnom pi. Có lẽ, Nam Vi là do đọc trại theo âm tiếng Khơ me Phnom pi. Trong PCGBC Trương Vĩnh Ký cũng ghi là Nam Vi sơn. ([11][183])
Núi Đài Tốn (臺巽山). Theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC thì núi này là Đài Tố sơn. Theo cách giải thích của tác giả, trong đoạn này thì có lẽ tên gọi là Đài Tốn, vì núi như cái đài cao hướng thìn tỵ, tức hướng đông nam thuộc cung Tốn. ([12][184])
Núi Chơn Giùm (真森山). Trương Vĩnh Ký trong PCGBC gọi núi này là Chơn Giùm sơn. Chữ 森 đọc theo Hán là sum hay sâm nhưng nếu đọc theo chữ Nôm là giùm hay giụm, viết đủ là N. ([13][185]) Phủ Chơn Giùm (真森府). Là một trong 5 phủ ở Tây Bắc Hà Tiên mà vua Khơ me đã hiến cho Tổng binh Mạc Thiên Tứ để đền ơn an định ngôi vua. Đó là: Sài Mạt (Ban tay Mas); Vũng Thơm (Kompong Som); Cần Vọt (Kampot); Linh Quỳnh (Hà Dương); Chơn Giùm (Chan Sum). ([14][186])
Trương Vĩnh Ký trong PCGBC chép tên núi này là Thong Đăng sơn. ([15][187]) Núi Đại Bà Đê (大碆底山). Chữ Nôm 碆 tra tự điển chữ Nôm không thấy, chỉ có chữ波 trong Tự điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính, phiên âm ba mà không chua nghĩa là gì. Xin đoán chữ碆 nầy có lẽ chỉ là chữ波 ba được thêm bộ Thạch dưới để chỉ thuộc về tên núi theo cách viết Nôm của Trịnh Hoài Đức trong GĐTTC, vậy chữ này nên ghi là ba và tên núi này là Đại Ba Đê sơn. ([16][188]) Sông Long Hồ (竜湖江). Trương Vĩnh Ký trong PCGBC gọi sông nầy là Long Hồ giang. ([17][189]) Sông Ba Kè (波棋江).
Trương Vĩnh Ký ở PCGBC gọi sông nầy là Kiên Thắng giang. Thượng Tân Thị năm 1910 có làm bài thơ tức cảnh sông nầy như sau: (Trích Nam kỳ Lục tỉnh Địa dư chí ( NKLTĐDC) của Duy Minh Thị - Thượng Tân Thị dịch): Gần tối ra chơi đứng giữa cầu Dựa bãi leo heo đèn xóm lưới Chim bay cá liệng biết về đâu Ngay dòng lững đững bóng thuyền câu Ngược xuôi nước chảy chia ba ngã. Thân nầy đây khách mười năm trọn Lui tới mây tuôn dạng một mầu Biết lấy chi chi gởi mối sầu. ([18][190]) Hậu Giang (後江). Còn gọi là sông Hậu, sông Bassac. Miền Hậu Giang được tính từ bờ Nam bắc Mỹ Thuận (nay là cầu Mỹ Thuận), người Pháp gọi là Le trans bassac.
Tiền Giang tính từ bờ Bắc cầu Mỹ Thuận và tiếng Pháp gọi là Le Cisbassac. ([19][191]) Mạt Cần Đăng (末芹O). Đây là một địa danh gồm ba chữ mà nhóm dịch giả VSH lại dịch là "đăng Vị Cần" thì e là vừa đọc nhầm mặt chữ mạt (末) thành vị (未) vừa không đúng tên gọi của người địa phương. Theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC thì tên chữ của Mạt Cần Đăng là Hiến Cần Đà, và ông gọi sông này là Mặc Cần Đăng hay Mật Cần Dưng. ([20][192]) Cửa biển Ba Thắc (波忒海門): Tức cửa sông Hậu trổ ra Nam Hải, 2 bên là cửa Trấn Di và cửa Định An. ([21][193]) Đại Tuần giang (大巡江).
Theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC sông này gọi là sông Vàm Tuần. ([22][194]) Hàm Long (Luông) giang (含龍江). Nguyên văn là Hàm Long nhưng vì kỵ húy tên vua Gia Long (mặc dù miếu hiệu vua với chữ Long (隆) là đầy đủ, nhưng đọc âm hai chữ đều là Long nên phải đọc trại đi là Luông). Di cảo của Trương Vĩnh Ký chép tên tiếng Khơ me sông này là Tonlé prek kompong luon. ([23][195]) Sông Tiên Thủy (仙水).
Vì vùng này có nhiều Sãi Khơ me nên tên Nôm gọi là Sóc Sãi Hạ. ([24][196]) Sông Kinh trong, sông Vị đục. Sách Chu truyền ký chép: "Sông Kinh từ Kê Đầu sơn chảy tới Cao Lăng thì nhập với sông Vị. Nước sông Kinh trong, nước sông Vị đục. Nhưng khi sông Kinh chưa nhập vào sông Vị thì nước sông Vị tuy đục nhưng ta không thấy rõ lắm, chừng hai sông nhập làm một thì sự trong đục phân rất rõ". Về sau muốn chỉ trong đục khác nhau người ta thường lấy thành ngữ Kinh thanh Vị trọc làm thí dụ, như thơ Tô Thức: Hung trung Kinh Vị phân nghĩa là "trong lòng phân trong đục". ([25][197])
Sông Mỹ Lồng (美籠江). Chữ籠 Nôm đọc là lồng, không phải viết lung hay long mà phải đọc theo tiếng miền Nam là lồng như Vương Hồng Sển đã viết trong cuốn Tự vị tiếng Việt miền Nam. ([26][198]) Cái Sậy (丐R). Nguyên văn chữ Nôm viết丐R phải đọc là Cái Sậy. Đọc Cái Chẻ là nhầm vì "chẻ" chữ Nôm phải viết là扯 hay U. Có người đọc Cái Sẻ e cũng lầm vì chữ sẻ chữ Nôm viết là S hay T. ([27][199])
Bình Phụng giang (平鳳江). Tục danh sông Cái Muối. Nguyên văn viết丐V, dịch Cái Múi là không đúng. PCGBC của Trương Vĩnh Ký chép Bình Phụng Giang. Nam kỳ lục tỉnh Dư địa chí có chép bài thơ Vịnh sông Cái Muối của Thượng Tân Thị rất hay, xin ghi lại đọc chơi: Muối thì mặn chát lẽ nào không. Bần đơm cao nghệu không ngăn gió. Mà muối đây là một cái sông. Cát nổi vun chùn dễ đón dông. Sóng vỗ vòi lên màu trắng trắng. Ngó lại trong vàm xa thẳm thẳm. Trời soi mặt xuống dạng hồng hồng.
Người ta nhà cửa cũng đông đông. ([28][200]) Nguyên văn bản Nguyễn Tạo chép là Thị Kinh (市涇) tức kinh Chợ. ([29][201]) Cần Thay Thượng (芹台上). Nguyên văn viết芹台. Chữ 台 nếu chữ Hán phải đọc là thai như Thiên thai chẳng hạn. Ở đây chữ 台 này là chữ Nôm phải đọc là Thay có nghĩa là thay đổi. PCGBC của Trương Vĩnh Ký cũng ghi là Cần Thay. ([30][202]) Thượng Thầm giang (上椹江). PCGBC của Trương Vĩnh Ký chép Thượng Thầm giang, tức Cái Dâu Thượng. ([31][203]) An Vĩnh giang (安永江). PCGB của Trương Vĩnh Ký chép An Vĩnh giang, tục gọi Cái Mơng (Mơn) Lớn.
Nguyên văn viết丐茫, tức mượn âm của chữ Hán Mang (茫) nên chuyển sang âm Nôm Mơng phải viết có chữ (g). ([32][204]) Ba Vát thị (波越市). Nguyên văn viết Ba Vát 波越như người địa phương gọi nơi này là Ba Vát. Theo ông Vương Hồng Sển, Ba Vát là một địa danh lịch sử quan trọng vì nơi đây xưa kia được một vua Cao Miên đến trú ẩn và đây cũng là nơi Tân Chính vương bị quân Tây Sơn bắt. Chữ Nôm 越 đọc là vát, chớ không phải viết Ba Việt (波越). Ý nghĩa chữ Ba Vát được giải thích nhiều cách.
Theo Đại đức mekon (chủ tịch Hội đồng sư sãi toàn tỉnh của đồng bào người Việt gốc Khơ me Vĩnh Bình), thì Ba Vát là đọc trại âm chữ Preas - Watt là chùa Phật, nhưng chùa Phật thì đâu mà chẳng có nên luận lý không được thuyết phục. Theo Vương Hồng Sển thì âm Ba Vát khá gần âm tiếng Khơ me Posvêk là rắn hổ, vì xứ này có nhiều rắn, cũng như xứ Cần Đước có nhiều cua đinh, cần đước vậy. ([33][205]) Lê Đầu giang (犁頭江). Lê (犁 hay 犛) là cây cày. Đầu (頭) là cái đầu, tức phần đầu, dịch thoát là mỏ, cũng là phần đầu của con vật.
Vậy Lê Đầu dịch là Mỏ Cày như nhân dân địa phương thường gọi. ([34][206]) Ba La giang (波羅江). Vì Ba La hay Ba La Mật là cây mít nên Ba La giang gọi là rạch hay xẻo Cái Mít. Rạch này ở làng Hiệp Hưng, tổng Bảo Phước (cũ), tỉnh Bến Tre. ([35][207]) Vĩnh Đức giang (永德江). Tên Nôm là Ba Tri Ớt. Tên Khơ me sông này theo di cảo của Trương Vĩnh Ký là Prêk bà ti camkà motés. Prêk là sông rạch. Bà Ti nói trại thành Ba Tri. Camkà: Chamca, Chamcar = vườn rau; motés = ớt. Vậy Prêk bàti camkà motés là sông rạch có vườn trồng ớt = Ba Tri Ớt. ([36][208]) Châu Thới giang (周泰江). Là sông Ba Tri Cá, tên tiếng Khơ me trong di cảo của Trương Vĩnh Ký là Prêk bàti phsar trei. Prêk = sông rạch. Bàti = Batri; phsar = chợ. Trei (Khơ me Krọms đọc tẹi) là con cá.
Vậy Prêk bàti phsar trei là sông Ba Tri có chợ bán cá, tức Ba Tri Cá. ([37][209]) Châu Bình giang (周平江). Tục gọi Ba Tri Chàm. Nguyên văn viết藍là chữ Nôm đọc là Chàm. Theo Vương Hồng Sển thì xứ này là Ba Tri Rơm, nhưng chữ Nôm Rơm phải viết là薕hoặc A; Hay do tên sông này như di cảo của Trương Vĩnh Ký chép là Prêk bàti barei nên có thể Ba Tri Rơm là do đọc trại âm từ Bàti barei? ([38][210]) Mân Thít giang (斌沏江). ([39][211]) Ngã ba Cái Nhum (丐W): Cái Nhum nằm ở khoảng Cái Mơng và Chợ Lách. Từ Cái Mơng đi 3km tới Cái Ga, đi 3km nữa tới Cái Nhum, đi 6km nữa tới Chợ Lách. ([40][212]) Song Tông giang (雙棕江): PCGBC của Trương Vĩnh Ký gọi sông này là Song Tòng giang. Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký thì tên tiếng Khơ me sông này là Prêk ponà ku trong đó chữ Ku có nghĩa là "đôi" tức "song". ([41][213]) Kiên Thắng giang (堅勝江).
Tục gọi sông Ba Kè. Xem chú thích "sông Bà Kè" ở trước. ([42][214]) Láng Thé giang (浪涕江): Hai chữ浪涕nếu đọc theo chữ Hán là Lãng Đế, nhưng đây là chữ Nôm phải đọc là Láng Thé. Đây là địa phương nổi tiếng ở Trà Vinh với câu chuyện bà hiền phụ của ông Bùi Hữu Nghĩa đội trạng ra tận triều đình Huế minh oan cho chồng là ông huyện Láng Thé bị vu cáo xúi dân làm loạn. Trong PCGBC của Trương Vĩnh Ký tên sông này là Láng Thé giang. Rạch Láng Thé chảy qua tổng Bình Khánh Hạ, Bình Hóa và một phần Ngãi Long Thượng, nối Cổ Chiên qua rạch Cái Hợp bằng con rạch Dừa Đỏ và nối Cổ Chiên qua Hậu Giang bằng kinh Luro, kinh Venturini và rạch Cần Chông.
Ở Trà Vinh tỉnh Vĩnh Long (cũ) không có con sông nào là sông Láng Đế. Nhóm dịch giả VSH dịch là sông Lãng Đế chưa chính xác. Bản dịch của Nguyễn Tạo và Aubaret cũng vậy. ([43][215]) Cần Chông tiểu giang (芹苳小江): Tức rạch Cần Chông, di cảo của Trương Vĩnh Ký gọi sông này bằng tên tiếng Khơ me là Srok Kancon. ([44][216]) Trà Vang giang (XY江): Tên gọi theo tiếng Khơ me là Prêk préah trapéang, có nghĩa là sông tìm được một vị Phật (Préah) bằng đá giữa ao nước. ([45][217]) Ốc nha (屋牙).
Ốc nha là tên một chức quan của Khơ me ngày xưa tùy theo chữ đi liền mà có địa vị cao thấp, thí dụ Ốc nha Cao la hâm là vị quan mặc áo đỏ chức vụ tương đương Bộ trưởng Hải quân. Thường Ốc nha cai quản một hạt hay đạo. Ốc nha là đọc âm tiếng Oknà hay Oknha. (Có người dịch Oknha là Công tước - Bt). ([46][218]) Nha Mân giang (牙斌江). Nha Mân giang theo di cảo của Trương Vĩnh Ký gọi là Prêk oknà mẵn. Vậy có lẽ Nha Mân có nghĩa là vị quan (Oknà) tên Mân (Mẵn)? ([47][219])
Trà Cát: Nguyên văn viết茶吉. Trong NKLTDĐC, Thượng Tân Thị dịch là Trà Ket (Kiết), nhưng chữ Nôm ket phải viết là拮 hay咭. Vậy, chưa biết ket, hay cát chữ nào đúng. ([48][220]) Sa Đéc giang (沙Z江). Di cảo của Trương Vĩnh Ký chép tiếng Khơ me sông này là Tonlé phsar dèk. ([49][221]) Hồi Luân Thủy tam kỳ (回輪水三岐): Tức ngã ba Nước Xoáy. Di cảo của Trương Vĩnh Ký cho biết tên tiếng Khơ me của sông nầy là Prêk tưk vil. Prêk là sông, tưk là nước, vil là chóng mặt (tức xoáy mòng mòng). Vậy sông Nước Xoáy (Hồi Luân Thủy) là dịch theo ý tiếng Khơ me vậy. ([50][222])
Cái Tắt Lai Vung (丐'來\): Ở trang 605 sách Tự vị tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển viết "...Nguyễn Tạo không rành tiếng địa phương và cứ coi theo sách dịch ra, nên Cái Tắt Lai Vung ông dịch Cái Dắt Lai Phong, không ai hiểu là gì..." Về nghĩa, tắt có nghĩa là lối đi tắt, để đi từ con sông nầy qua con sông kia theo lối gần nhất.
Thí dụ Tắt Cậu là khúc sông thật ngắn chừng 800 m làm ngã tắt nối liền hai con sông Cái Bé và Cái Lớn ở xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Gọi là Tắt Cậu vì đầu tắt có miếu Bà Cậu. Khoảng giữa tắt gọi là lòng tắt. Cuối lòng tắt nhìn qua bên kia bờ sông Cái Lớn là Xẻo Rô. Tàu biển vào sông Cái Lớn, quẹo lòng tắt qua Cái Bé, quẹo trái vào chợ Rạch Giá. ([51][223]) Nguyên văn viết phu công (膚功).
Phu (膚) có nhiều nghĩa, trong ngữ cảnh này có nghĩa là lớn. Vậy "phu công" là công trận lớn. ([52][224]) Long Phụng giang (竜鳳江): Sông Long Phụng nay thuộc tỉnh An Giang, tức khi xưa thuộc đạo Đông Khẩu. ([53][225]) Tân Đông giang (新東江): Trong PCGBC Trương Vĩnh Ký sắp sông này thuộc tỉnh An Giang cũ, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp (Sa Đéc). ([54][226]) Nguyên văn: Thủy triều ngộ kinh 水潮誤經: Tức khi nước ròng thì bãi bùn này lồi lên ghe thấy tránh chỗ khác không bị cạn, nhưng khi nước lớn thì nước phủ bãi đủ che mắt người không nhìn thấy. Ghe lạ không biết lỡ đi vào đó là mắc cạn. Ngộ kinh (誤經) có nghĩa là "lầm đi ngang qua". ([55][227])
Mương Đào: Nguyên văn viết Mương Đào茫陶, nhưng có người viết là Mương Điều là vì tránh gọi tên Đào, là tiếng gọi đào hát bội không được kính trọng. Di cảo của Trương Vĩnh Ký cũng chép là Mương Đào. ([56][228]) Rạch Sa Nhiên: Nguyên văn viết Sa Nhơn (Nhân) 砂仁, nhưng đọc Sa Nhiên vì kỵ húy tên tổng trấn Nguyễn Văn Nhơn đời Gia Long có mộ chôn ở Sa Đéc. ([57][229]) Mỹ An giang (美安江), tục gọi sông Đất Sét.
Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký thì tên tiếng Khơ me của sông này là Pàm prêk dei kraham, chữ dei có nghĩa là đất; Kraham, Krâhâm có nghĩa là màu đỏ sậm, đúng là màu đất sét. ([58][230]) Hội An giang (會安江): Sông Hội An còn gọi là Cái Tàu Thượng. Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký thì tên tiếng Khơ me của sông này là Pàm prêk sampou lơ. Sampou là hải thuyền, tức tàu, hay cái tàu.
Lơ là trên, tức thượng. ([59][231]) Nguyên văn VHN lưu trữ và nguyên văn in kèm bản dịch Nguyễn Tạo chép Ngọ Châu (午洲) còn nguyên văn bản của VSH chép Ngưu Châu (牛洲). Di cảo của Trương Vĩnh Ký chép tên Khơ me là Koh krabei. Krabei là con trâu, vậy xin dịch "cù lao Trâu" tức chọn từ "Ngưu châu". ([60][232]) Nguyên văn bản VHN và bản của VSH đều chép là Doanh Châu (瀛洲). ([61][233]) Cựu Chiến Sai thủ sở (舊戰差守所).
Thủ sở, thủ ngự sở, gọi trại thành thủ ngự là nơi đóng đồn trên bộ để phòng giặc kiêm luôn thu thuế khóa như Thủ Thiêm, Thủ Đức, Thủ Đoàn, Thủ Dầu Một, Thủ Thừa v.v... trong khi tấn là đồn đóng ở cửa sông cửa biển để chống hải khấu như vàm Tấn ở Sóc Trăng. Liên quan đến thủ Chiến Sai có câu hát ví rất hay: Thủ Thiêm, Thủ Đức, Thủ Đoàn, Anh phải lòng nàng tại thủ Chiến Sai! ([62][234]) Lễ Công giang (礼公江).
Tức vàm Ông Chưởng, là nơi nhân dân lập miếu thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ngoài Bắc gọi là Kính. ([63][235]) Hùng Sai thủ ngự sở: 雄差守禦所. Có lẽ do Hùng Sai thủ ngự đọc tắt gọn lại là Hùng Ngự, tức nay là Hồng Ngự? ([64][236]) Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh: 掌奇禮成侯阮有鏡. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phía nam.
Tại đây, với tài ba và đức độ, Nguyễn Hữu Cảnh đã di dân khai khẩn đất hoang, thành lập huyện Phước Long xứ Đồng Nai, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn, an định người Hoa chống Mãn Thanh bỏ xứ sang Gia Định. Về võ công, ông có công bình định Cao Miên nhiều lần. Cù lao Ông Chưởng chính là nơi ông đồn binh khi đi bình Cao Miên về và cũng chính tại đây ông bị nhuốm bịnh rồi sớm qua đời (cũng có sách nói ông cùng tử trận với Đốc binh Vàng).
Về địa lý kinh tế, vàm Ông Chưởng có rất nhiều tôm cá nên dân gian có câu: Bao phen quạ nói với diều Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm. ([65][237]) Ông Thiệu Công tên là Thích, con thứ Chu Văn vương làm chức Phương bá nên thường gọi là Thiệu Bá, khi mất thụy là Khang. Ông đi tuần hành ở phía nam, thường ở dưới cây cam đường để bàn chính sự, về sau người ta nhớ ông nên không nỡ chặt cây cam đường. Ông là người có đức chính, là Tam Công đời Thành vương. Thiên Thiệu nam ở Kinh thi có chép thơ Cam Đường để khen Thiệu Bá. ([66][238]) Mã Viện, đời vua Hán Vũ đế được phong làm Phục Ba tướng quân, sau có đền thờ ở Việt Đông. Nguyên văn ba bản đều chép Việt Tây. ([67][239])
Gia Cát Lượng, đời Tam Quốc, đi đánh Mạnh Hoạch ở Vân Nam, sau có miếu thờ ở đây. Gia Cát Lượng được phong là Vũ (Võ) Hương hầu, tên miếu là Vũ Mục vương. ([68][240]) Hội điển là sách biên chép tất cả tên tuổi các thần được cúng kiếng của nhà nước thời phong kiến. Phải là bậc đại quan có công với đất nước mới được tế lễ theo cấp bậc quốc gia, như quốc táng là lễ đám ma cấp bậc nhà nước, dành cho người có đại công với nước nhà. Quốc gia tế lễ này được ghi vào Hội điển của triều đình.
Lễ các phúc thần không được ghi vào Hội điển. ([69][241]) Chữ汎洨 này, nếu đọc theo chữ Hán thì là phiếm Hào (chữ Hán phiếm cũng có nghĩa là vàm sông), nếu đọc theo chữ Nôm là vàm Nao. Người tại địa phương nầy gọi đây là vàm Nao, vậy phải đọc theo tên Nôm là vàm Nao. Theo tác giả Trịnh Hoài Đức chú thêm ở đoạn nầy chữ nao vốn viết là: B nhưng nay thông dụng viết là 洨. Thật ra chữ Nôm Nao chỉ cần viết C là đủ, nhưng Trịnh Hoài Đức thêm bộ thủy (氵) bàng là chỉ chữ này là tên sông rạch. Đây là lối viết riêng của cụ Trịnh trong GĐTTC, nên chữ 洨không có trong các tự điển chữ Nôm. ([70][242]) Phiếm khẩu (汎口) là cửa sông, cũng còn viết là _.
Vậy chữ Hán汎cũng có nghĩa là cái vàm còn chữ Nôm汎đọc là vàm, có nghĩa ngoài cửa sông. Vàm Nao hiện nay ở An Giang, nối liền Tiền Giang và Hậu Giang theo hướng đông bắc - tây nam, một bên sông là Hòa Hảo, bên kia là Chợ Mới. Ngày xưa sông này hẹp, theo người cố cựu kể lại thì phu dịch đào sông Vĩnh Tế trốn về khi qua sông này chỉ cần đu ngọn tre là qua bờ bên kia. Nhờ ghe tàu chạy nhiều nay thành sâu rộng. ([71][243])
Ưu Đàm giang (優曇江): Trương Vĩnh Ký trong PCGBC cũng gọi tên Nôm sông nầy là Tắt Cây Sung như Trịnh Hoài Đức viết trong GĐTTC. ([72][244]) Tân Giang (新江): Sông Cái Mới. Khác với rạch Cái Mới là một con rạch nhỏ ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. ([73][245]) Cổ Cà (古`): Chữ Nôm ` đọc là cà, không phải đọc là Kha như nhóm dịch giả VSH. ([74][246]) Cổ Cang (古棡): Chữ Nôm 棡. Đã tra các tự điển chữ Nôm của người Việt cũng như của người Nhật Yonosuke Takeuchi nhưng chưa thấy. Có thể là chữ Nôm cang岡 Trịnh Hoài Đức thêm bộ木 bàng cốt ý để chỉ đây là gò cây cối như lối viết chữ Nôm thường thấy của ông trong GĐTTC. ([75][247])
Mật Luật (密律): Theo Vương Hồng Sển, Mật Luật là âm đọc trại của tiếng Khơ me Meát Chruk tức xứ Miệng Heo (Châu Đốc). ([76][248]) Ca Âm náo khẩu (歌音淖口): Chữ náo khẩu (淖口) Trịnh Hoài Đức đã chú thích rất rõ ràng, nhưng một nhà nghiên cứu đã hiểu nhầm. Phiên âm nguyên văn đoạn: "Ca Âm sơn cao thập trượng, chu thất lý, khúc tiểu nhi trường, cự náo khẩu đầu nam tam lý" theo định nghĩa của cụ Trịnh Hoài Đức ở đoạn nói về náo khẩu Ca Âm: Nê đồ nhu thậm viết náo, nghĩa là "Bùn lầy nhão nhoẹt gọi là náo". Như vậy, câu trên có nghĩa là "Núi Ca Âm cao 10 trượng chu vi 7 dặm, gấp khúc cao vót mà dài, cách đầu phía nam láng bùn (bưng bùn) 3 dặm". Náo khẩu đúng ra cũng không có nghĩa "Cửa bùn hay vàm bùn" mà là một đoạn, một vùng đất sình lầy có khi rất dài như láng bùn Ca Âm tả trong đoạn nói về sông Vĩnh Tế. Chữ náo còn được dùng chung Náo Môn, Náo Pha, trong đoạn nói về núi Nam Vi, ý muốn nói chữ náo có thể đi với bất cứ danh từ nào để chỉ nơi có tính chất bùn sình nhão nhoẹt, chứ không phải chỉ có đi chung với chữ khẩu. Ngoài ra về địa lý hình thể, náo khẩu Ca Âm tức đoạn láng bùn, bưng bùn Ca Âm nằm khoảng giữa sông Vĩnh Tế, còn địa phương Vàm Nao ở vùng Chợ Mới, Hòa Hảo phía nam Tiền Giang, cách nhau rất xa không thể là một nơi. Xin hiểu náo khẩu là láng bùn hay bưng bùn. ([77][249]) Tương đương 30 lít. ([78][250]) Chữ 淖 thiết âm "Nô giáo" tức náo, lại cũng thiết âm "Xích ước" tức xước - bùn sình nhão nhoẹt gọi là náo. ([79][251]) Đầm giang (潭江): Chữ Nôm潭 đọc là Đầm, hợp với cách gọi Cái Đầm. ([80][252]) Bà Dơm (婆a): Nguyên văn chữ Nôm bản VHN lưu trữ viết a đọc là Dơm. Nguyên văn in kèm bản dịch nhóm VSH viết冘 đọc là Dăm, De, nhưng đọc là Nhũng e là chưa đúng, vì chữ Nôm Nhũng phải viết là冗. ([81][253]) Thoại Hà (瑞河): Tục gọi là Ba Rách (巴b). Trong PCGBC, Trương Vĩnh Ký còn gọi sông nầy là Toại Hà, gọi tên Nôm là Ba Rạch hay Ba Lạch. Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký sông nầy đúng ra là kinh Rạch Giá nhưng nay ta vẫn gọi nôm na là sông Long Xuyên. ([82][254]) Tiền Tràng giang (錢場江). Tiền Tràng (錢場) là chỗ đúc tiền, tức lò đúc tiền vậy. Chữ 場 nầy có thể đọc trường hay tràng nhưng thường người ta hay đọc là tràng, tuy nhiên nhân dân địa phương lại gọi là sông Trường Tiền, tức cái trường, nơi đúc tiền. ([83][255]) Trương Vĩnh Ký trong PCGBC chép đây là sông Bò Ót, tên chữ Hán là Bầu Ót. ([84][256]) Trương Vĩnh Ký trong PCGBC chép Ô Môn giang có tên Nôm là Tắt Ông Thục. ([85][257]) Vồn giang (湓江). Chữ Nôm湓tra không có trong các tự điển chữ Nôm, chỉ có chữ盆đọc vồn. Vậy chữ vồn được viết với chữ vồn盆thêm bộ Thủy氵bàng để chỉ thuộc về sông. Đây là lối viết Nôm riêng của Trịnh Hoài Đức trong GĐTTC như đã trình bày. Vậy湓đọc là Vồn giang, tức sông Cái Vồn, Cần Thơ. ([86][258]) Trà Ôn giang (茶溫江). Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký tên sông Trà Ôn do đọc trại theo tên Khơ me Traòn. ([87][259]) Bản của VSH chép Vĩnh Chánh tổng (永正總) ([88][260]) La Vách (羅壁). Đây là La Vách Trà Ôn, không phải thành La Vách (Lovek) phía bắc Oudong trên đất Campuchia. ([89][261]) Ba Thắc giang (波忒江). Tiếng Pháp gọi là Bassac. Từ Bassac có ba nghĩa: a) Chỉ vùng đất hướng đông tây từ mé Hậu Giang trải dài đến vịnh Thái Lan, hướng bắc nam từ Châu Đốc xuống tới Bạc Liêu, Khơ me gọi là Srok Bassac, Pháp gọi là Trans Bassac. Ngày nay trong Bãi Xàu cũ Sóc Trăng còn ngôi cổ miếu thờ ông Ba Thắc tức Neak Tà Bà Săt. b) Tên một nhánh của Cửu Long giang, gọi là sông Hậu, là tên trong đoạn sông Ba Thắc này, từ biên giới Campuchia chảy ra Nam Hải qua An Giang, Vĩnh Long, Phong Dinh, Vĩnh Bình, Ba Xuyên (Long Xuyên, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng). c) Tên của một trong ba cửa của Hậu Giang. Đó là: - Cửa Định An ở vùng Trà Vinh. - Cửa Bassac - Cửa Trấn Di mà sách Pháp viết lầm là cửa Tranh Đế hay Tranh Đề. ([90][262]) Trấn di là chặn quân Cao Miên (quân man ri (di) theo cách gọi phân biệt của chế độ phong kiến). ([91][263]) Chợ Bố Thảo thuộc huyện Thuận Hòa tỉnh Sóc Trăng. Nơi đây có chùa Ông Bổn rất linh ứng. Có tài liệu ghi Búa Thảo là sai tên thực tế địa phương. ([92][264]) Tương truyền ở Bãi Xàu (罷D) xưa, nhóm người Khơ me nổi dậy chống lại triều đình do Xà Na Téa, Xà Na Coln lãnh đạo. Bị quân triều đình rượt đuổi, chạy đến nơi nầy tạm dừng đào lỗ nấu cơm ăn thì quân triều đình lại rượt tới khiến họ phải vội vã chạy tiếp và than thở bày chau (bày là cơm, chau là chưa chín) là cơm chưa chín. Người địa phương đọc trại âm tiếng nầy thành Bãi Xàu như ngày nay. ([93][265]) Trà Nô (茶奴). Cũng gọi là Trà Nho, tức huyện Vĩnh Châu, tỉnh Bạc Liêu. Xưa đường bộ Bạc Liêu đi xuống đến Vĩnh Châu là đụng biển hết đường. Thật ra chữ Nôm奴phải đọc là nua, viết đủ là孥Trà Nua tức đọc trại âm tiếng Khơ me Chụi Nìua. ([94][266]) Ngao Châu hải môn (螯洲海門): Theo Vương Hồng Sển trong Tự vị tiếng Việt miền Nam thì Bãi Ngao này trong sách Géographie của Alinot chép là Cone - gao, conne - gao, rồi người Việt mình đọc trại đi thành Cung Hầu hay Cung Hậu. Luận cứ nầy khá thuyết phục vì trong PCGBC của Trương Vĩnh Ký, cũng như trong di cảo của Trương Vĩnh Ký chép và ngay cả trong GĐTTC của Trịnh Hoài Đức đều không thấy ở bất cứ chỗ nào có nhắc đến tên cửa Cung Hầu hay Cung Hậu. Vậy đây đúng là cửa Bãi Ngao quê hương ông Phan Thanh Giản-đại thần của triều Nguyễn. ([95][267]) Giá giang (架江): Đây không phải Rạch Giá ở Kiên Giang vì sông nầy ở Vĩnh Long rất xa Rạch Giá. Có người nói sông nầy là sông Dừa vì chữ 椰đọc theo Nôm là Dừa, đọc theo Hán Việt là Gia cũng có nghĩa cây dừa. ([96][268]) Rạch Xuôi Trối (瀝d±): Nguyên văn chữ Nôm viết d± đọc là Xuôi Trối. Có người nói rạch nầy là rạch Ốc Lồi, nhưng chữ Nôm ốc (con ốc) phải viết沃hoặc e, còn lồi phải viết耒hoặc f. Hoặc giả, dân địa phương còn gọi nơi nầy là Ốc Lồi? ([97][269]) Nguyên văn viết: Tiễn diệp biên phiến (剪葉編片) nghĩa là: cắt lá bện thành tấm. Có hai loại lá tấm: nếu để nguyên các miếng lá lấy dây cà bắp xỏ bện lại bề ngang chừng một mét thì gọi là lá chầm. Nếu chẻ cọng lá làm nòng rồi bẻ gập miếng lá làm đôi cặp vào nòng ấy rồi cũng dùng dây cà bắp kết lại dài khoảng 2 m thì gọi là lá cần đóp. ([98][270]) Nguyên văn viết 乾g: Chữ g đồng nghĩa chữ 蝦chỉ tôm tép. Vậy乾g can hà có nghĩa là tôm khô. ([99][271]) Bích Trân châu (碧珍州): Cũng gọi là cù lao Bát Tân. ([100][272]) Vĩnh Tùng châu (永松洲): Có người gọi là cù lao Vĩnh Tòng e không đúng, vì tuy chữ 松có thể phiên âm là tùng hay tòng nhưng Petrus Ký trong PCGBC chép rõ đây là cù lao Vĩnh Tùng. ([101][273]) Tân Cù châu (新虬洲): Có người gọi là cù lao Tân Gù, nhưng chúng tôi thấy trong PCGBC, Trương Vĩnh Ký gọi là Tân Cù châu, vậy xin dịch theo là cù lao Tân Cù. ([102][274]) Hương toán: Cây cao, quả như trứng ngỗng (?), da khi chín màu vàng, thịt cũng vàng, ăn bùi miệng, ngon ngọt (theo Từ Nguyên). Đó chính là cây xoài, nhưng trái thì hình thể đa dạng, không phải chỉ như trứng ngỗng. ([103][275]) Ý tác giả muốn nói ảnh chú Cuội và cây đa trên mặt trăng. ([104][276]) Phụng Nga châu (鳳i洲): Gồm cù lao Nga và cù lao Phụng. ([105][277]) Lấy ý ở sách Mạnh tử: Thương Lang chi thủy thanh hề khả dĩ trạc ngô anh, nghĩa là "Nước sông Thương Lang mà trong thì ta dùng giặt dải mũ..." ([106][278]) Lạc Dương (洛陽): Thuộc tỉnh Hà Nam, là đất hiểm yếu, khi xưa trải nhiều triều Trung Quốc đều là nơi đặt đô, sinh hoạt phồn hoa náo nhiệt. ([107][279]) Dinh châu (瀛州): Tục gọi cù lao Diên.
Theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC còn gọi là cù lao Giêng, Gieng, cù lao Đầu Nước. ([108][280]) Nguyên văn là giang đồn (江豚) theo Từ Nguyên còn gọi là thủy trư, ngực có vú, đầu phun nước, tức con cá nược. Loại cá nầy ngày xưa ở các con sông lớn như sông Cần Thơ, Cái Côn.., người chèo ghe thường gọi to "Ông Nược ơi lên đua chơi" là chúng nổi lên cả bầy bơi tranh cùng ghe khiến người chèo vui mà bớt mệt. ([109][281]) Tê châu (犀洲): Còn gọi là cù lao Tây. Tê tức con tê ngưu, tê giác. ([110][282]) Cù lao Dao Lửa: Tên chữ Hỏa Đao (火刀). Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký thì tên tiếng Khơ me cù lao nầy là Koh phlơn, hay phloeng có nghĩa là lửa.
Trong PCGBC Trương Vĩnh Ký chép là Giao Lửa e nhầm chính tả chữ Dao. ([111][283]) Long Sơn châu (竜山洲): Tục gọi là cù lao Cái Vừng (chữ Nôm viết mấy cách như暈,j, k,l). Chữ暈nếu là chữ Hán đọc Vựng, nhưng chữ Nôm phải đọc Vừng. ([112][284]) Đồ Bà châu (闍|洲): Tục gọi cù lao Chà Và. Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký thì tiếng Khơ me của cù lao nầy là Koh cva. Cva là tiếng Khơ me để gọi người Chà Và (Đồ Bà) vậy. ([113][285]) Năng Gù châu: 能衢洲. Chữ衢nếu chữ Hán âm Cù, nếu chữ Nôm âm Gù, còn viết là E. Người địa phương gọi nơi nầy là Năng Gù. PCGBC của Trương Vĩnh Ký cũng chép là Năng Gù châu. ([114][286]) Vàm Nao (viết汎Bhay汎洨) ở phía nam sông Hậu không phải là náo khẩu Ca Âm (歌音淖口), tức láng bùn hay bưng bùn Ca Âm ở khoảng giữa sông Vĩnh Tế, tức khoảng giữa đồn Châu Đốc và phía bắc biển Hà Tiên: Bưng bùn nầy dài hơn 18 dặm.
Không phải chỗ nào cũng là vàm Nao như một số người nhận định. ([115][287]) Qua châu (瓜洲): Tục danh cù lao Bí (秘). ([116][288]) Sa châu (沙洲): Trong PCGBC Trương Vĩnh Ký gọi là cù lao Cát, tức dịch chữ Sa châu vậy. ([117][289]) Hoằng Trấn châu (弘鎮洲): Còn gọi là cù lao Tân Dinh, tục gọi bãi Bà Lúa. Nguyên văn viết chữ Nôm穭 đọc là Lúa. Nếu ghi bãi Bà Lụa e là không chính xác. Về cù lao Tân Dinh, theo di cảo của Trương Vĩnh Ký thì tên tiếng Khơ me của cù lao nầy là Kòh tin. Chữ tin tức kting ta dịch là Din.
Theo Huỳnh Tịnh Của là tên một giống bò rừng hay trâu rừng nhỏ con, tính hay ăn rắn nên sừng nó là một vị thuốc mát, trị được ban trái, đồng thời để trong nhà tránh được hỏa hoạn, vì sừng Din kỵ lửa. Ngày nay trên thị trường thuốc bắc, bọn gian lấy sừng bò thường hơ uốn giả làm sừng Din bán mắc tiền. Còn ngay cả sừng Din thật làm thuốc có hiệu nghiệm không, và có thật kỵ hỏa hoạn không còn là vấn đề phải nghiên cứu. Vậy xin dịch là cù lao Tân Din. ([118][290]) Nặc Ong Ton (匿翁噂): Chữ Ton nguyên văn viết là噂, chữ Nôm nầy phải đọc là Ton chứ không phải Tôn, Nặc Ong Ton tiếng Khơ me là Neac Ang Ton, là vị vua được sách GĐTTC nhắc đến ở nhiều chỗ, trong đoạn nầy có câu: "Nguyên trước đây vua Cao Miên là Nặc Ong Ton được triều đình ta lập nên là vua nước phiên thuộc".
Câu nầy có liên quan đến chuyện hoàn cảnh vua Nặc Ong Ton mà Trịnh Hoài Đức chép lại tỉ mỉ như sau: Năm Đinh Sửu (1755), ở Nam Vang có loạn, vua Cao Miên là Nặc Ong Ton chạy về Hà Tiên làm con nuôi Mạc Thiên Tứ. Mạc hầu tâu lên chúa Nguyễn xin lập Nặc Ong Ton làm vua Cao Miên và được triều đình chấp thuận. Để trả ơn, Nặc Ong Ton đã đem năm phủ Khơ me ở phía bắc Hà Tiên là Vũng Thơm (Kompong som) cũng còn gọi là Hương Úc, Chơn Giùm (Rùm) tức Chan Sum, Sài Mạt (Bantay mas), Cần Vọt (Kampot) và Lình Quình (Raung veng), còn gọi là Hà Dương dâng cho Mạc Thiên Tứ. Thiên Tứ tâu trình với triều đình và được chúa Nguyễn cho sáp nhập vào đất Hà Tiên của Thiên Tứ. Vùng đất nầy còn gọi là Tầm Phong Long, trải dài từ Châu Đốc qua Sa Đéc xuống tận bãi biển Bạc Liêu. ([119][291]) Cả đoạn Chiêu trùy Mô, Đê đô Luyện, Ốc nha Liên Đồng Trùy gồm vừa chức vụ và tên đọc theo tiếng Khơ me rất khó xác định.
Vậy xin tạm diễn đạt như trên. ([120][292]) Đông Sơn Phương Quận công (東山芳郡公): Tức Đỗ Thanh Nhơn, chúa quân nghĩa dũng Đông Sơn Đồng Tháp Mười. ([121][293]) Nặc Ong In (匿翁印): Nguyên văn viết chữ印. Chữ nầy nếu là Hán đọc là Ấn, nếu là Nôm đọc là In. Trong GĐTTC tên người Khơ me, người Xiêm, tên thú cầm, hoa thọ, đất đai hầu như đều viết bằng chữ Nôm. Vả chăng chữ nầy Trịnh Hoài Đức có chưa thiết âm Ân Tín nên chắc chắn phải đọc là In. Nặc Ong In tiếng Khơ me là Neac Ang Eng. ([122][294]) Cái Sách (丐柵): Nay thuộc huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Cái Sách là đọc trại từ Kế Sách ra vậy. ([123][295]) Huỳnh Dung châu (黃容洲): Tục gọi cù lao Dung thuộc vùng Sóc Trăng, cũng gọi là cù lao Hổ. Cù lao nầy có nhiều lá dừa nước. Tục bện lá thành tấm có ở đây từ năm 1863. Để nguyên tấm lá kết lại thì gọi là lá chằm. Bẻ đôi lá gập theo cọng nòng bằng sóng lá thì gọi là lá cần đóp. Xé đôi tàu lá theo chiều dọc, chặp hai mặt âm dương lại lợp thì gọi là lá buôn hay lá hét.
Trước - Tiếp >>
Người post bài: Vanhoahoc Cập nhật ( 05/02/2008 )
Tin mới: Bá Dương. Người Trung Quốc xấu xí (2) -23/02/2008 Bá Dương. Người Trung Quốc xấu xí (1) -23/02/2008 Ngô Đức Thịnh. Lên đồng trong đạo Mẫu -21/02/2008 Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành thông chí (phần 4) -05/02/2008 Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành thông chí (phần 3) -05/02/2008 Các bài khác: Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành thông chí (1) -05/02/2008 Trần Ngọc Thêm. Tìm về bản sắc văn hóa VN -04/02/2008 Trần Văn Đoàn. Bàn về văn hoá đa dạng -29/01/2008 Trần Văn Đoàn. Thông diễn học và KHXH-NV -06/01/2008 Kim Định. Vũ Trụ Nhân Linh -06/01/2008 <<> <>
Tiếp > [ Quay lại ]
***
Hướng về 1000 năm TL-HN: Xem phim “Tử Cấm Thành - bản di chúc của một bạo chú Phim "Chuyện tử tế" – tập 2 (?!) của “Hà Nội trong mắt ai” Hà Nội trong mắt ai (phim của Trần Văn Thủy) Lễ hội truyền thống Văn hóa học 2010 - tin HTV Phóng sự video: Lễ hội Truyền thống Văn hoá học 2010 Video-clip vui: Văn hoá học muôn màu Khoa Văn hóa học đi tìm hiểu văn hóa Tây Nam Bộ tại An Giang Video: Quê hương Đất Tổ Video: Trò chơi dân gian ngày Tết Trần Ngọc Thêm - Phan An - Tôn Nữ Quỳnh Trân. Phong tục Tết Việt Gõ cửa ngày mới: GS. Trần Ngọc Thêm Trần Ngọc Thêm. Văn hoá hip-hop qua video Dàn nhạc ghi-ta của Đại học Fullerton trình diễn bài “Trống cơm” tại Bulgaria Trần Ngọc Thêm. Văn hoá cơ thể nữ Trần Ngọc Thêm. Văn hoá phát biểu tại Quốc hội Những vị chủ điên (Les maîtres fous) Nanook ở phương Bắc Văn hoá xếp hàng Văn hoá bình dân của các nhà lãnh đạo: Hồ Chí Minh, Obama, Putin Trần Ngọc Thêm. Văn hoá dương vật Tủ sách VHH Phùng Hoài Ngọc. Nữ sĩ Băng Tâm và tập thơ Phồn Tinh (tt) Phùng Hoài Ngọc. Nữ sĩ Băng Tâm và tập thơ Phồn Tinh Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc(phần 2:Bài 80-100) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc(phần 2: Bài 50-79) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc (phần 5) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc(phần 4) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc(phần 3) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc(phần 2) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc (phần 1) Thi ca từ Trung Hoa. Phùng Hoài Ngọc (phần mở đầu) Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 3 - hết) Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 2) Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học (Phần 1) Hoàng Trọng Canh. Dấu ấn văn hóa của người Nghệ Tĩnh... Nguyễn Trần Bạt. Văn hóa & Con người Bùi Quang Thắng. Hành trình vào văn hóa học (c3-hết) Bùi Quang Thắng. Hành trình vào văn hóa học (c1+2) Bình-nguyên Lộc. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc VN-C9-11 Bình-nguyên Lộc. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc VN-C6-8 Bình-nguyên Lộc. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc VN-c5 (cuối)
****
No comments:
Post a Comment