Wednesday, September 8, 2010

ĐỜI SỐNG VIỆT NAM I * LỜI NÓI ĐẦU

NGUYỄN THIÊN THỤ




ĐỜI SỐNG VIỆT NAM








GIA HỘI
CANADA, 2010









LỜI NÓI ĐẦU


Từ lâu các học giả đã nghiên cứu về đời sống Việt Nam. Ngay từ ban đầu,. một số học giả Trung Quốc và Pháp đã đề cập đến đời sống Việt Nam. Trên Nam Phong tạp chí, Phan Kế Bính đã viết về Phong Tục Việt Nam, sau xuất bản thành sách. Trước 1975, ông Toan Ánh cũng viết về phong tục Việt Nam. Đó là những tài liệu cơ bản có giá trị.

Đa số các nhà nghiên cứu chú trọng mô tả. Mô tả đầy đủ để đời sau hiểu được là đã quý lắm.
Nhà nghiên cứu nào cũng phải làm việc này vì đó là xương sống của vấn đề. Riêng người viết quyển này lai muốn đóng góp thêm vào một chút cho đầy đủ.

Con người luôn có ý thức. Phong tục, tập quán là ý thức của một tập thể, một dân tộc được gìn giữ và truyền bao đời. Tại sao lại chôn cất người chết một cách trọng thể ? Tại sao lại thờ ông bà? Tại sao thờ thần thánh? Tại sao phải tổ chức đám cưới? Tại sao trao nhẫn cưới?


Lại nữa, phong tục và tập quán cũng có một đới sống như con người nghĩa là có sinh lão bệnh tử, có thịnh suy, nói chung là luôn luôn chuyển biến trong thời gian và không gian.
Vì vậy, quyển sách này ra đời cũng muốn trình bày về đời sống Việt Nam.với hai điêm quan trọng mà các nhà nghiên cứu it nói đến hoặc bỏ qua. Đó là:
-Triết lý và mục đích của các tục lệ.
-Sự thay đổi của các tục lệ.

Dù mục đích là như vậy , ta không có thể hiểu hết, biết hết triết lý và ý nghĩa các phong tục cũng như nguyên nhân sự hình thành, trạng thái biến hóa cùng nguyên nhân sự biến mất của một số phong tục. Chúng ta chi biết nắm được trong tay một số lá cây trong rừng mà thôi.

Chúng tôi mong người đọc rộng lòng bao dung những thiếu sót của chúng tôi.



Canada đầu tháng 10-2010
Nguyễn Thiên Thụ


MỤC LỤC


















CHƯƠNG I

Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CỦA CÁC PHONG TỤC

Con người ra đời hàng triệu năm trước. Con người sống thành xã hội và tạo ra một nền văn minh. Họ tạo ra những gia đình, những bộ tộc, những quốc gia. Họ tạo ra những thói quen trong lao động sản xuất và trong cuộc sống. Cuộc sống con người có hai mặt. Một mặt là cá nhân, một mặt là xã hội. Do đó mà có tập quán cá nhân và tập quán xã hội.

Con người tạo ra nhiều xã hội. Ban đầu con người sống rải rác trên trái đất hoặc sau cơn địa chấn, trái đất nứt làm hai ba phần, mỗi phần trôi dạt trên đại dương làm cho con người xa cách nhau? Dẫu sao, ta chỉ biết là trên trái đất, cách núi, cách sông, cách biển cho nên loài người thành ra những bộ lạc, chủng tộc khác nhau. Vì vậy mà có những nền văn hóa khác nhau.
Vì có những nền văn hóa khác nhau, lối sống và tư tưởng khác nhau nên giữa người và người đi đến mâu thuẫn và sinh ra khích bác, thù hận rồi chiến tranh. Chẳng hạn con người đã tạo ra những mậu thuẫn giữa:

+Đa thần và nhất thần
+Vô thần và hữu thần
+Ăn chay và ăn mặn.
+Cấp tiến và bảo thủ. ..


Có những nền văn hóa khác nhau cho nên có những lối sống khác nhau, đôi khi mâu thuẫn nhau. Người ở nền văn hóa này thì cho rằng văn hóa của mình cao , phong tục của mình tốt mà chê văn hóa các nước khác là thấp kém và phong tục của họ là xấu xa. Đó là tâm lý chung của loài người, cụ thể như người Trung Hoa tự coi mình là trung tâm vũ trụ (trung) , là văn minh (Hoa), mà coi các nước khác là nơi xa xôi ( phiên), mọi rợ ( man, di). Trong tôn giáo cũng vậy. Tôn giáo nào cũng cho mình là khoa học, là đúng mà coi khinh các tôn giáo khác. Giáo hội thời Trung Cổ đã thiêu sống các nhà khoa học và dân chúng không theo họ và gán cho họ tội "phù thủy"!

Thực ra sự phân biệt, thù hận là do kiêu ngạo, nhỏ nhen và ác tâm. Hồi giáo tận diệt Phật giáo vì họ cho rằng Phật giáo không tin Thượng Đế. Nếu họ nghĩ rằng mọi người là con của Thượng Đế thì anh em sao lại giết nhau? Tại sao họ không thực hành tình huynh đệ của đấng Allah dạy? Giữa các tôn giáo vẫn có điểm chung là tình thương. Sao họ không thực hiện tình thương mà các giáo chủ đã rao giảng?

Tại sao cùng thờ Thượng Đế mà Thiên chúa giáo, Hồi giáo vẫn chém giết nhau? Tại sao cùng thờ Jesus mà Giáo hội La-mã tàn sát anh em Tin Lành?


Với con mắt bao dung, và hiểu biết, chúng ta nên bỏ tính kỳ thị, thiên kiến khi nhận định về văn hóa, tôn giáo và phong tục.

Nói như vậy không có nghĩa mọi phong tục , mọi tập quán đều tốt. Một số phong tục cần phải hủy bỏ vì nhân đạo, vì công bằng và khoa học.
Đức Phật đã chống lại sự phân chia giai cấp của Ấn Độ. Đức Phật cho rằng muốn được quả phúc, muốn giải thoát việc chính là phải theo chính pháp. Làm ác thì làm sao tắm sông Hằng và hối lộ thần thánh, van xin thượng đế mà hết tội lỗi! Một số dân tộc giết người và loài vật để cúng tế, một số tôn giáo chủ trương cúng hương hoa là đủ. . .Tục lệ cắt âm hạch của phụ nữ châu Phi là tàn ác.Tục lệ trừng phạt tội ngoại tình bằng cách ném đá, trấn nước, thả trôi sông, cho voi chà, ngựa xé đều có tính dã man. Dù ngoại tình là có tội cũng không đến mức phải trừng phạt như vậy. Con người có tự do, tự do tư tưởng và tự do tôn giáo. Con người có quyền thay đổi tư duy, theo tôn giáo này hay theo đảng phái khác, bỏ tôn giáo hay đảng phái này mà sang tôn giáo hay đảng phái khác. Việc trừng phạt như chém giết. bỏ tù hay bao vây kinh tế, chính trị, xã hội đều là những hành vi vô nhân đạo và phạm pháp.

Phong tục gắn chặt với một giòng họ, một vài làng xã, hay một quốc gia. Phong tục là luật lệ bất thành văn , bắt buộc ta phải tuân theo, nếu ta bất tuân thì sẽ gặp nhiều bất lợi cho cuộc sống chúng ta:
" Đáo giang tùy khúc/Nhập gia tùy tục".
Cái bất lợi trước tiên là bị dư luận chê cười và ta sẽ bị xã hội phủ nhận.
Tuy phong tục, tập quán có sức mạnh nhưng rồi nó cũng đi đến hoại diệt như đời sống con người. Tập quán bị lãng quên hay phế bỏ vì nhân dân thấy bất lợi hoặc bị áp lực của triều đình hay nền văn hóa ngoại bang ngự trị.



Mỗi phong tục, tập quán đều có mục đích. Nguồn gốc của các phong tục là tôn giáo, văn hóa, đời sống. Nói chung là có mục đích duy trì cuộc sống tinh thần và vật chất của xã hội.

1. TÔN GIÁO:
Việc thờ cúng ông bà là theo tôn giáo. Nay Giáo hội La Mã cho phép thờ cúng ông bà mà trước đây bị cấm vì cho rằng người Thiên Chúa giáo chỉ thờ chúa, không được thờ ma quỷ.

2. VĂN HÓA:
+Việt Nam thuộc đa thần giáo lại chịu ảnh hưởng nhiều nền văn minh cho nên thờ nhiều thần linh: thành hoàng, thổ thần, thổ điạ, thần tài, Quan công.. .
+Dân ta tin có thần thánh, có ma quỷ, nên thờ chúa Liễu Hạnh, Năm Ông, thần ăn mày, thờ thần Hổ, Cá Ông. . .
+Tôn trọng anh hùng : Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Văn Duyệt
+Kính trọng cha mẹ, nhớ ơn cha mẹ và tin rằng vong linh cha mẹ luôn theo dõi và phù hộ con cái.

3.KINH NGHIỆM
Một số phong tục tập quán là do kinh nghiệm hoặc do một truyền thuyết nào đó. Phần lớn kinh nghiệm trở thành kiêng cử như "ra ngõ tránh gặp gái", "đốt phong long", đốt vía". ..

4. KỲ THUẬT
Xem ngày, xem bói, phong thủy. Mục đich là tìm hiểu tương lai và cầu mong lợi ich.

5.ƯỚC MONG

Người ta chúc mừng điều tốt, kiêng nói những điều xấu. Những điều này được thể hiện thành những lời nói hay vật tượng trưng: Long phượng hòa duyên, giải đồng tâm, mâm ngũ quả
hoa mai, hoa đào. Việc thờ thần thánh cũng có mục đích ích lợi cho bản thân và gia đình.

6. ICH LỢI CHO XÃ HỘI
Những tục lệ về cưới hỏi có mục đích xây dựng gia đình hợp luân lý và hợp pháp luật. Những tục lệ có mục đich thưởng thiện phạt ác. Những tục về thủ tiết, hoang thai ,gian dâm có mục đích tránh việc làm bại hoại luân lý xã hội tuy rằng ở một vài nơi người ta chống đối, cho làkhắc nghiệt, mất tự do.Việc ma chay, lễ hội cũng có mục đích nâng cao đời sống xã hội, làm đẹp xã hôị, dạy cho con người tình đoàn kết và nghệ thuật sống.






No comments: