LI. NGƯỜI ĐÀN ÔNG VÀ MỘC THẦN
Tục xưa hay cúng vái,
Hay cầu khẩn thần nhân.
Có một anh chàng nọ,
Luôn cúng vái Mộc thần (1)
Nhưng cúng mãi, cúng hoài,
Anh vẫn gặp nạn tai,
Anh tức mình quá đổi
Đập bể tượng làm hai!
Nhưng thật lạ lùng thay,
Khi đập vỡ thần tượng.
Vàng ròng và bạc nén
Cứ mãi tuôn ra đầy!
___
1. Mộc thần: thần trong rừng, thần cai quản cây cối.
LII. GÀ ĐẺ TRỨNG VÀNG
Có ông nông dân nọ,
Nuôi được một gà mái.
Ngày kia ông thăm ổ,
Thấy toàn những trứng vàng.
Ông đem bán số trứng,
Rồi trở thành giàu sang.
Nhưng ông không đợi lâu,
Ông muốn được giàu mau,
Ông đem thịt gà mái
Để lấy cả kho vàng.
Nhưng than ôi gà chết
Mà vàng chẳng thấy đâu!
LIII. CON CHỒN, CON GÀ TRỐNG VÀ CON CHÓ
Anh Chồn vào trại nông gia,
Mong trộm được mấy trứng gà để xơi.
Bỗng thấy một chú Gà nòi (1),
Đứng trên cành trúc ở ngoài tầm tay.
Chồn liền lấy giọng thơ ngây:
"Chúa Rừng ra lệnh từ rày về sau,
Muôn loài phải biết thương nhau,
Không được tàn sát, phải mau kết đoàn.
Chú Gà ơi, lệnh chúa ban,
Thì tôi cùng chú hoàn toàn yêu nhau.
Xuống đây cùng vào rừng sâu,
Tham dự hội nghị Toàn Cầu Tương Thân!
Gà nghe đã biết tâm can,
Của loài Chồn Cáo, của quân gian tà.
"Xin hoan hô đức Chúa Cha,
Hoan hô đoàn kết muôn nhà tương thân.
Bác Cáo xin hãy dừng chân,
Bác Chó ở gần, tôi gọi bác ra.
Cùng nhau hữu nghị một nhà,
Cùng dự đại hội bách gia đại đồng!
Nghe Chó đến, Cáo vội giông (2),
Cong đuôi một mạch mà không giã từ!
__
1. Gà nòi: Gà chọi.
2. Giông: cũng như tếch là bỏ đi, bỏ chạy.
LIV. CUA MẸ VÀ CUA CON
Cua mẹ dẫn con đi chơi,
Dạo trên bãi cát thảnh thơi thanh nhàn.
Mẹ rằng:- sao con đi ngang
Con chẳng đi thẳng như thế gian thường tình.
-Lời mẹ con xin đinh ninh,
Xin mẹ đi thử con thực hành theo ngay!
LV. KẺ KHỐN CÙNG VÀ VÀNG
Có một người nọ,
Suốt đời sống nghèo khổ,
Y không dám tiêu hoang
Chỉ thích mua sắm vàng.
Ông mua mấy lượng về,.
Bèn đem chôn dưới gốc cây,
Ngày ngày đào lên ngắm,
Mà lòng rất say mê
Một tên gian nhìn thấy ,
Nên nó vào đào lấy.
Ông vò đầu bứt tai
Ông khóc mãi, khóc hoài.
Láng giềng vội chạy sang,
Ông kể chuyện mất vàng.
Họ bảo ông lầm lẫn,
Lấy đi rồi mà quên!
Ông bảo ông không lấy,
Ông chỉ ngắm cho vui
Ông chỉ chỗ chôn ấy
Giờ còn lỗ hổng mà thôi!
Có vàng để ngắm, không xài,
Có như không có cũng hoài vàng đi!
LVI. TÊN ĂN TRỘM VÀ NGƯỜI MẸ
Một tên ăn trộm
Bị xử án tử hinh.
Y cầu khẩn quan tòa,
Cho được gặp mẹ mình.
Quan tòa liền thuận lời,
Cho y được toại nguyện
Trước khi phải lìa đời.
Khi mẹ y đến,
Y nói: "Mẹ xích lại ,
Để con nói vài lời.
Bà mẹ liền bước tới
Y liền cắt đứt tai!
Cả pháp trường sợ hãi!
Tức giận thằng con trai,
Bất hiếu và tàn ác!
Thằng con cất tiếng nói:
"Tôi trừng phạt mẹ tôi,
Vì tội không biết răn dạy!
Khi tôi còn trẻ thơ
Đã ăn trộm lặt vặt
Và tôi mang về nhà,
Mẹ tôi chẳng rầy la.
Mà còn cười bảo:
"Chẳng có gì quan trọng"
Vì mẹ không biết dạy,
Nên tôi ra thế này!
Ông quan tòa bèn than:
"Cổ nhân đã dạy:
Dạy con dạy thuở còn thơ!
Trẻ mà không dạy, già hư mất rồi!
LVII. CON GÀ VÀ VIÊN NGỌC
Ở giữa đám gà mái,
Có một chàng gà nòi
Anh luôn luôn đào bới
Để tìm hạt thóc rơi.
Một ngày kia trong bụi cây
Anh tìm được một viên ngọc
Anh tưởng là hạt thóc,
Anh ta vội đớp ngay
nhưng anh phải nhả
Vì ngọc cứng như đá!
Con người yêu thích ngọc,
Nhưng con gà chỉ yêu thóc!
LVIII. NGƯỜI MÙ SỜ VOI
Vào một ngày xuân nọ,
Có đám mấy người mù,
Họ bỗng nhiên hội ngộ
Trong một khu vườn nhỏ,
Và cùng gặp con voi.
Họ cùng nhau đ0án thử!
Một anh sở tai voi,
Bảo voi như quạt nan rộng
Một anh sờ cái vòi
Bảo voi như con trăn to
Một anh sờ cái chân,
Bảo voi giống cái vò.
Một anh sờ đuôi voi,
Bảo chổi xễ một đống!
Một anh sờ vào mình voi ,
Bảo là tấm phản rộng!
Mỗi người một ý khác nhau,
Không ai ý hợp, tâm đầu với ai.
Chớ cậy giỏi, chớ cậy tài,
Nắm được chân lý hơn người thế gian!
(Truyên này của Aesop (620-560 BC) được Phật (563-483) nói trong kinh Pali là Kinh Đại Bát Niết Bàn 大般涅槃经 do ngài Đàm Vô Sấm 昙无谶 (Dharmaraksa) pháp sư người Ấn, dịch ra Hoa ngữ và Kinh Trường A Hàm của Phật Giáo có kể truyện như sau:
Con voi và sáu người mù.
Ngày xưa có một ông vua minh triết, thấy các đại thần của mình thường bảo thủ cố chấp các hiểu biết nhỏ hẹp của mình, bèn sai người dắt đến một con voi thật lớn và một bọn người mù bẩm sinh, để cho họ sờ voi. Sau đó vua hỏi: “Các ông đã biết con voi là như thế nào chưa?”
- Biết rồi! Bọn người mù đáp.
- Thế voi như thế nào?
- Voi xem ra như cái đòn xóc. Người sờ ngà voi bảo.
- Voi như cái quạt. Người sờ tai nói.
- Voi như tảng đá. Người sờ đầu voi đáp.
Người sờ vòi lại bảo: “Voi giống như cái chày”.
- Voi giống như cái hộp gỗ. Người sờ mắt voi nói.
- Không phải. Voi như cái giường. Người sờ lưng voi khẳng định.
- Theo tôi con voi như cái thùng to. Người sờ bụng voi kêu lên.
- Đừng cãi nhau nữa, con voi như sợi dây thừng. Người sờ đuôi xác nhận.
Nhà vua nghe bọn mù tranh cãi nhau, cảm khái nói:
Người mù đều rất đông
Tranh nhau nói sự thật
Voi vốn chỉ một thân
Thị phi lại bất đồng.
LIX. CON CHÓ VÀ CÁI BÓNG
Có một con chó nọ,
Cắp miếng thịt qua cầu.
Nó nhìn xuống sông sâu
Thấy có một con chó
Cắp miếng thịt rất to. . .
Nó bèn nhảy xuống sông
Để lấy thịt trong sóng.
Nhưng khi ở giữa dòng,
Nước vào trong cổ họng,
Nó phải khạc nước ra,
Thịt trong miệng trôi mất.
Mà miếng thịt trên sóng
Chỉ là một cái bóng.
Không phải là miếng thịt!
Nên vui với hiện thực
Đừng bỏ mồi bắt bóng!
*
LX. SƯ TỬ VÀ CON NAI
Sư tử, Chồn, Sói một đàn,
Cùng nhau săn bắn dặm ngàn non xa
Bắt được một bác hươu già.
Sư tử ra lệnh chia ra bốn phần.
Tao là chủ cuộc đi săn,
Tao lấy một phần là việc đương nhiên.
Tao đây là một thành viên ,
Tham dự săn bắn thì thêm một phần.
Rừng này tao là chủ nhân,
Cho nên lại được một phần thứ ba.
Phần thứ tư cũng của ta,
Đứa nào lớn mật, bỏ tay ra thử nào!
LXI.CON SÓI VÀ CON CÒ
Một hôm con Sói mắc xương,
Cổ họng đau đớn, hết phương vẫy vùng.
Nó đi tìm kiếm lung tung,
Nhưng chẳng ai chịu giúp cùng Sói ta.
Nó gặp một bác Cò già,
Nó xin Cò lấy xương ra cho mình.
Sói hứa hẹn, Cò động tình,
Bảo Sói há miệng cho mình xem qua.
Cò có cái mỏ tài ba,
Vừa dài, vừa nhọn, gắp xương ra được liền!
Chữa xong, Cò bèn đòi tiền
Bởi vì Sói hứa đáp đền ơn sâu!
Sói bèn quắc mắt. hất đầu,
-Mày cút cho lẹ kẻo tao thịt mày!
Cò mày vô lễ lắm thay,
Dám đặt mỏ thúi vào rày miệng tao!
Tao đây là đấng anh hào,
Cần gì cái thứ cao cao cổ cò!
LXII. CON ÉN VÀ ĐÀN CHIM
Nông phu trồng lúa ven rừng,
Một đàn chim đến tưng bừng phá tan.
Chim én vội đến khuyên can,
Các chú chớ phá tan hoang ruộng vườn!
Nhặt từng hạt, lấy nhẹ nhàng,
Còn như phá phách, tai nàn đến ngay!
Đàn chim giả điếc, giả ngây,
Chẳng nghe chim én giải bày khuyên can.
Khi thấy ruộng vườn nát tan,
Nông phu bèn đặt mấy hàng lưới tơ.
Hàng trăm chim chóc nhỏ to,
Đếu sa vào lưới, đều vô chão đồng!
LXIII. CON CÔNG VÀ THƯỢNG ĐẾ
Công biết Công đẹp nhất đời,
Nhưng Công cũng muốn có tài họa mi.
Trước Thượng Đế công nằn nì,
Công xin Thượng đế chuẩn phê cho mình.
Trời rằng: "Ta rất mực công bình,
Chẳng hề kẻ trọng người khinh bất đồng.
Xưa nay bỉ sắc tư phong,
Đã cho sắc đẹp thì không cho tài!
Những ai tài sắc hòa hai,
Thì con người ấy một đời bỏ đi!
LXIV. TRÁI NÚI ĐẺ CON CHUỘT
Một hôm trái núi rung rinh,
Đất đá, cây cối rùng mình chẳng thôi.
Nông dân bèn đứng mà coi,
Để xem động đất chuyển trời ra sao!
Cuối cùng có tiếng kêu gào,
Thấy con chuột tí bò vào, bò ra.
Trái núi vĩ đại bao la
Đẻ ra chuột nhắt thật là mỉa mai!
LXV. ÔNG TIỀU VÀ CON RẮN
Ông Tiều một hôm trở về
Trông thấy trên tuyết cái gì đen đen.
Té ra con rằn đen tuyền,
Chết cóng nằm thẳng ở trên con đường.
Ông Tiều lòng những xót thương,
Ông bỏ vào bụng, ông mang nó về.
Giữa nhà nó đã ngo ngoe
Đàn con ông đến ti toe chơi đùa.
Có đứa tay nắm, tay sờ,
Rắn cắn một phát, chết đơ tức thời!
Cứu người, người hại ai ơi,
Những loài độc ác, ta thời tránh xa!
LXVI. CON CHỒN VÀ CON CÒ
Con Cáo cùng với con Cò,
Cả hai thân thiết là bồ của nhau.
Hai con tình nghĩa thâm sâu,
Cùng nhau mở tiệc đãi nhau hoài hoài.
Một lần Cò đến Cáo chơi,
Cáo dọn ra đĩa mà mời Cò ăn.
Mỏ dài, đĩa cạn khó khăn,
Cho nên Cò đói nhăn răng Cò về.
Cò về Cò tức giận ghê,
Cò bèn tìm cách chọc quê Cáo già!
Một hôm Cáo ghé đến nhà,
Cò bèn mời nhậu cháo gà, rượu tăm,
Nhưng mà Cò lại chơi khăm,
Thức ăn Cò để cho ngâm trong bình.
Mỏ dài, Cò nhậu thỏa tình,
Còn Cáo miệng lớn nên đành chịu thua!
Chơi người, người lại chơi ta,
Ăn miếng, trả miếng bao giờ cho thôi!
LXVII. CON DƠI VÀ CẦM THÚ
Loài chim vốn ở trên trời,
Còn loài muông thú ở nơi núi rừng.
Nhưng rồi hai phái tranh hùng,
Quyết đánh một trận tưng bừng lá hoa!
Loài chim gặp chú Dơi ta,
Khuyến khích nhập ngũ để mà chống Muông.
Dơi rẳng Dơi Thú cùng nguồn
Cùng giòng, chung giống, chung ông chung bà.
Cho nên không thể tham gia,
Ai đời ruột thịt một nhà đánh nhau!
Thú rằng Dơi cũng bạn bầu,
Cho nên kêu gọi cùng nhau hợp đoàn,
Nhưng Dơi tuyên bố rõ ràng,
Tôi là chim chóc không màng chién tranh!
Đến khi hai phái hòa bình,
Dơi cũng trở mình giao thiệp cả hai.
Loài chim cất cánh bay dài,
Mày chẳng cùng giống, cùng loài với tao.
Loài thú ngảnh mặt làm cao,
Tớ đây chẳng dám sánh nào loài chim!
Những ai ăn ở hai lòng,
Luôn luôn vị kỷ thì không bạn bè!
LXVIII. GIẾT CHÓ KHUYÊN CHỒNG
Ngày xưa có anh chàng kia,
Sớm hôm bè bạn rượu chè say sưa.
Vợ hằng khuyên sớm, khuyên trưa.
Rằng anh chớ có say sưa rượu chè!
Anh nên nghĩ đến phu thê,
Đừng tin bè bạn có khi mắc nàn.
Chồng rằng bạn ấy ngọc vàng,
Vợ con không thể sánh ngang bạn bè!
Thấy chống ám chướng ngu si,
Cho nên tính kế giải mê cho chồng,
Nàng giết chó, để trong phòng,
Lấy chiếu bó lại, đến bạn chồng van lơn.
Thưa rằng có đứa trẻ con,
Đến nhà phá phách lại còn chửi tôi,
Hai bên xô xát một hồi,
Nó ngã cột đá chết tươi trong nhà.
Xác nó còn để hàng ba,
Xin nhờ các bác đem ra ngoài đồng.
Bạn bè vừa nghe kể xong,
Kẻ bảo đau ốm, ngưòi không mặn mà.
Người vợ liền sang bên nhà,
Để kêu em ruột đem ra ngoài đồng.
Người em vừa nghe nói xong,
Đem ngay xác chó đi chôn tức thời!
Bạn bè có kẻ rất tồi,
Lên quan tố cáo hại người lập công.
Quan trên khi nghe báo xong,
Liền sai quân lính vây trong, vây ngoài!
Thoạt nhìn thì thấy máu rơi,
Đào mồ thì thấy thi hài chó đen.
Ngưòi vợ vội trình quan trên,
Tôi phải giết chó để khuyên can chồng.
Bây giờ gạn đục khơi trong,
Chồng tôi đã rõ sẽ không sai lầm!
*
LXIX. CON CHÓ VÀ CON SÓI
Con Sói luôn gặp nạn tai,
Nó đói hoài hoài chẳng có miếng ăn.
Gặp Sói , Chó bèn khuyên răn,
Bác sống như thế khó khăn dài dài.
Sao bằng bác đi theo tôi,
Suốt đời no đủ thảnh thơi thanh nhàn!
Sói rằng Sói rất hân hoan,
Sói muốn có chỗ an toàn sớm hôm!
Chó rằng: " Anh muốn có cơm,
Có nhà, có cửa sớm hôm thanh nhàn.
Anh hãy theo tôi về thành,
Sói bèn vội vã theo nhanh mà về.
Bỗng chốc trên con đường đi,
Sói thấy vết gì trên cổ Chó ta.
Chó rằng ấy cái giây da,
Ban đêm xích lại ở nhà gác canh!
Sói nghe liền bắt rùng mình,
Thà đành chết đói hơn thành tù nhân!
*
LXX. CON MÈO VÀ CON CÁO
Con Cáo gặp một con Mèo,
Nó khoe tài giỏi, cao siêu hơn Mèo.
Hỏi: "Mèo có mấy tài cao?"
Mèo rằng có một chẳng sao bằng Chồn"!
Chồn rằng ta lắm mưu khôn,
Trăm mưu ngàn kế luôn luôn trong đầu."
Bỗng nghe chó sủa gâu gâu,
Mèo bỗng chui đầu vào trong bụi cây!
Chồn thì cứ mãi loay hoay,
Hết nghĩ mưu này lại đến kế kia.
Bởi vì nó cứ nghĩ suy,
Chó đến bên cạnh chộp đi tức thời!
Một kế cũng đủ ai ơi,
Trăm mưu ngàn kế có hồi đắng cay!
LXXI. CÂY VÀ THÂN LAU
Cây cao nói với cây lau,
Sao chẳng bén rễ cho sâu cho dày?
Oai hùng như là tớ đây,
Đội trời đạp đất như mây trên trời.
-Tôi đây thân phận nhỏ nhoi
Tuy là hèn mọn nhưng đời bình yên.
-Ta đây nhất trụ kình thiên, (1)
Chẳng thể lay chuyển, chẳng nghiêng chẳng nằm.
Một hôm gió bão ầm ầm,
Cây bị trốc gốc, cây nằm ngã nghiêng.
Cây lau cũng bị đảo điên,
Nhưng sau cơn bão bình yên vững vàng.
Hỡi ôi trong cõi thế gian,
Càng vinh quang lắm lại càng đắng cay.
Càng cao thì gió càng lay,
Càng cao danh vọng, càng dày gian nan!
__
1.Nhất trụ kình thiên: Một cột chống trời.
LXXII. CẬU MỤC ĐỒNG
Mục đồng lo việc chăn cừu,
Ở dưới chân núi cạnh khu rừng già.
Mục đồng ngày tháng la cà,
Luôn luôn tìm cách để mà vui chơi!
Một hôm nó gọi : "làng ơi,
Có đàn sói dữ tới xơi cừu nhà!"
Dân làng vội đổ xô ra,
Đến nơi mới biết đã là mắc mưu!
Lần sau nó kêu: "Cừu ! cừu,
Đàn Sói đã thịt hết Cừu của ta!"
Dân làng lại đổ xô ra,
Lại bị lửa đảo như là trước đây!
Ngày qua rồi lại qua ngày,
Một hôm có bầy Sói tấn công nhanh!
Mục đồng kêu la thất thanh,
Nhưng mà làng xóm lạnh tanh chẳng màng.
Mục đồng than với xóm làng
"Sao chẳng ai chịu ngó ngàng đến ta?"
Ông già lên tiếng rầy la:
Mấy lần lừa dối ai mà tin ngươi!
lXXIII. HAI DU KHÁCH VÀ CON GẤU
Hai anh bạn vào công viên,
Cùng đi xem cảnh thiên nhiên trong vườn.
Bỗng nhiên chú gấu xỗng chuồng,
Chạy ra liền rượt hai chàng thất kinh.
Một chàng vội leo lên cành,
Chàng kia té xuống thân hình cứng đơ!
Chú gấu cúi xuống thăm dò,
Nó nghĩ xác chết chê dơ bỏ liền.
Bấy giờ tình thế đã yên,
Cả hai ông bạn huyên thuyên chuyện trò.
-" Khi bạn nằm chõng, nằm chơ,
Chú Gấu cúi xuống nhỏ to chuyện gì?"
- Gấu bảo mày chớ ngu si,
Chơi những thằng bạn khi nguy bỏ mình!
LXXIV. HAI CÁI BÌNH
Ngày xưa có hai cái bình,
Một cái bằng sành, một cái bằng thau.
Cả hai trôi trên sông sâu,
Bình sành không dám cùng nhau gần kề.
Bình thau liền tiếng tỉ tê,
Mình đừng lo sợ, không hề gì đâu!
Cứ đến đây, hãy đến mau!
-Làm sao ta dám bên nhau cận kề?
Sành, thau luôn phải phân ly,
Vì nếu cận kề sành sẽ vỡ tan!
LXXV.HAI CHA CON VÀ CON LỪA
Ngày nọ, hai cha con nhà kia,
Dắt lừa ra chợ bán đi cho rồi.
Thiên hạ trông thấy liền cười,
Có lừa không cưỡi cho hoài lừa đi?
Đứa trẻ cưỡi lừa tức thì,
Thiên hạ trách trẻ rằng mi sao lười?
Cha bèn lên cưỡi lừa thôi,
Thiên hạ cũng cười già chẳng thương con.
Đường đi cách trở núi non,
Người cha bèn bảo đứa con ngồi cùng,
Người chê sao quá ác hung,
Đọa đày loài vật là không nhân từ!
Cha con nghe nói ngẩn ngơ,
Đi tìm tre gộc cột lừa mang đi.
Que đèo rồi lại qua khe,
Qua cầu, tre gãy lừa thì trôi sông.
-Con ơi, hãy nhớ trong lòng,
Hãy giữ lập trường chớ có nghe ai!
LXXVI. SƯ TỬ BỆNH
Sư tử già và bệnh
Nằm ở ngoài cửa hang.
Muôn vật đến thăm viếng
Họ cùng nhau hỏi han.
Với tấm lòng nhân từ.
Một số loài vật khác
Mang lòng dạ độc ác,
Nghĩ đến lúc trả thù
Những việc ác của Sư
Con Gấu cào vào ngực
Con Trâu đem sừng húc
Con Lừa đá mình Sư!
Sư tử bỗng gầm gừ:
"Tao sẽ giết!
Chúng bây sẽ chết!"
Cả bọn đua nhau chạy hết!
LXXVII. CON CÁO VÀ CHÙM NHO
Con Cáo khát nước tả tơi,
Nó thấy mấy quả nho tươi trên cành.
Nó nhảy lên và chộp nhanh,
Mấy lần thất bại nó đành bỏ đi.
Cáo ta bèn cất tiếng chê:
"Nho kia chua lét, ngon gì mà ham! "
LXXVIII. CON NAI VÀ NGƯỜI THƠ SĂN
Ngày xưa có con Nai tơ,
Xuống khe uống nước mà ngơ ngẩn đời.
Thấy mình có bộ sừng dài,
Nghĩ ta đây thật là oai là hùng!
Hôm sau, có gã thợ rừng,
Mang theo cung tiễn mà lùng kiếm Nai.
Nai ta co cẳng chạy dài,
Nhưng trong rừng rậm, vướng hoài bụi cây.
Thợ săn tức thời theo ngay,
Bắn hạ Nai rày để lấy sừng nai!
Ai ơi, xin chớ khoe tài,
Chữ tài cùng với chữ tai một vần!
LXXIX. CHIẾC XE NGẬP BÙN
Một người có một cái xe,
Ra đồng chở rạ đem về nông trang.
Nhưng khi về được nửa đuờng,
Gặp vũng bùn lớn thảm thương vô cùng!
Mặc cho hai ngựa vẫy vùng,
Chiếc xe vẫn kẹt trong lòng vũng sâu!
Người kia ra sức khẩn cầu,
"Xin chư thần thánh giúp nhau phen này!"
Một thần hiển hiện trên mây,
Sao không vét bỏ sình lầy dưới xe?
Thần dạy thì người liền nghe,
Vét sình, tát nước, đẩy xe thoát nàn.
Ông kia vui vẻ, hân hoan,
Cảm tạ thần thánh cứu nàn cho tôi!
Ông thần liền bảo một lời:
"Mình giúp mình trước, rồi trời giúp sau."
LXXX. NGỰA, NAI VÀ NGƯỜI THỢ SĂN
Ngựa, Nai vốn có hận thù,
Ngựa xin Người hãy giúp cho việc này.
Người rằng: " Việc đó dễ thay,
Nhưng tao bảo mày, phải theo ý tao.
Tao sẽ đặt hàm thiếc vào,
Và tao sẽ buộc yên cao lưng mày."
Nghe xong, Ngựa bằng lòng ngay.
Kết cuộc Nai bại, Ngựa đầy vinh quang.
Sau ngày chiến thắng huy hoàng,
Ngựa xin người bỏ yên cương cho mình,
Người rằng mi đã thuận tình,
Suốt đời mi phải đinh ninh giữ lời!
Một khi đã cậy nhờ ai
Sẽ bị ràng buộc suốt đời ân sâu!
Ân sâu, phải trả nghĩa sâu,
Phải làm nô lệ, phải hầu người ta!
Phải cắt thịt, phải xẻ da,
Bán con, bán vợ để mà trả ơn!
LXXXI. XỨ ẾCH VÀ VUA CÒ
Đàn ếch ở chốn đầm lầy,
Bốn mùa hạnh phúc, tháng ngày an ninh.
Ếch già muốn được quang vinh,
Xứ Ếch cần có thánh minh trị đời.
Bèn dâng biểu tấu ông Trời,
Xin Ngài cử xuống một người làm vua.
Ông Trời gửi khúc Gỗ to,
Đến ngay xứ Êch làm vua trị vì.
Vua Gỗ chẳng nói năng gì,
Leo lên vua Gỗ, Nhái thì múa may.
Ếch già bực bội lắm thay,
Tấu xin thượng đế cử ngay một người.
Lục thao, tam lược gồm tài,
Phải biết trị nước, vừa oai vừa hùng.
Thượng đế nghe nói bằng lòng
Sai Cò xuống lập cung trung triều đình.
Cò lập luật lệ nghiêm minh,
Ai mà phạm tội, tử hình chẳng tha.
Cò xây cung điện nguy nga.
Bắt dân đóng thuế để mà nuôi quân.
Bấy giờ dân Ếch than thân,
Mà không dám trách trời gần, trời xa.
Ngu si bởi tại lòng ta,
Vì mơ Cực Lạc hóa ra Cực hình!
*