Wednesday, December 21, 2011

XỨ ĐÀNG TRONG

Tác giả: Cristophoro Borri

Dịch giả: Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị


Lời giới thiệu
Vào đầu thế kỷ 17, nghĩa là trước đây gần 400 năm, đã có một người Ý tới Đàng Trong. Trong gần năm năm trời, ông đã xem xét và nhận định về đất nước và con người Việt Nam. Rồi vào năm 1621-1622 ông đã viết một bản tường trình rất lạc quan, trìu mến.

Không phải chỉ mới trong mấy chục năm nay, người ta mới biết nước Việt Nam là một rừng vàng biển bạc. Trong bản tường trình, tác giả đã nói tới đất đai phì nhiêu, tới rừng vàng có nhiều cây quý như lim, như trầm hương, kì nam, hai thứ sau này được bán ra nước ngoài. Người Nhật mua về làm gối, người Malaixia buôn về làm củi hỏa thiêu theo tôn giáo của họ.

Còn về biển thì biết bao thứ cá đủ loại, nhất là ở một miền ven biển, có rất nhiều thứ chim người ta lấy tổ làm thức ăn rất quý, và đó cũng là một món xuất khẩu rất được trọng, một món ăn của bậc đế vương. Tác giả đã đề cập tới món ăn quốc hồn quốc tuý là nước mắm. Ông so sánh: người Việt Nam dự trữ nước mắm trong nhà như thể người châu Âu dự trữ rượu trong hầm lạnh để dùng cả năm.

Đất đai Việt Nam sinh sản ra thứ lúa mỗi năm ba mùa, đủ và dư cho người dân dùng. Người ta còn trồng dâu chăn tằm và tơ lụa thì vô cùng dồi dào đến nỗi những người lao động khuân đất làm đồng cũng mặc toàn đồ tơ lụa. Thứ này còn bán qua các nước lân cận, sang tới Tây Tạng. Ông cũng không quên những cách sinh sống của chúng ta như tục uống trà, tục ăn trầu. Ông nói: người có một vườn cau thì không khác gì người ở châu Âu có vài ba nương ô liu.

Về các gia súc và dã thú ông kể khá nhiều, nhưng đặc biệt ông tả con tê giác và cách đi săn tê giác. Ông rất có cảm tình với voi: chính ông đã tiếp xúc với quản tượng, chính ông đã nhiều lần được cưỡi voi trong những quãng đường rừng, những mé biển. Ông cũng biết một con voi người ta gọi tên nó là Nhơn.

Về các cây ăn trái, ông cũng khá tinh tường, đặc biệt ông thích thú được dùng trái sầu riêng mà ông coi như món tráng miệng sang bậc nhất châu Âu. Ông nói tới với một xác tin và yêu mến. Ông còn biết mấy món ăn khá đặc biệt, thí dụ ngoài món yến đế vương còn có món tim gan tê giác, món tắc kỳ nướng trên than hồng, những món mà ông chỉ dám nhìn chứ không dám động tới.

Về văn hóa phong tục, tuy không đồng ý nhiều điểm, ông nhận thấy có rất nhiều điều tích cực có thể làm cho người Việt Nam dễ dàng tin theo Kitô giáo. Ông coi Khổng Tử như một nhà hiền triết trứ danh Hy Lạp, Aristote. Cũng vậy, ông đề cập tới nhiều giáo lý uyên thâm của Phật tổ và cũng coi Đức Phật như một Aristote bên phương Đông. Tựu trung ông cho rằng người Việt Nam có hai tin tưởng căn bản này: tin có một thượng đế thưởng phạt và tin linh hồn bất tử.

Về con người Việt Nam, ông nhận thấy họ hiền lành, hiếu khách. Họ còn có lòng quảng đại: không bao giờ họ từ chối người đã cất lời xin họ. Bao giờ họ cũng lịch thiệp và hòa nhã.
Về học thuật, người Việt Nam cũng có nhiều trường dạy học. Họ chuyên chú học sách thánh hiền. Tuy họ không có trường đào luyện y khoa và dược khoa, nhưng họ có những lương y rất thời danh, có những lá thuốc rất hiệu nghiệm. Chính ông đã có cơ hội nhờ tay khéo léo các thầy thuốc Đông y chữa cho lành mạnh.

Về chính thể và võ bị thì tác giả nói là người Việt Nam không như người Trung Hoa quá chuyên chú về ngành văn, cũng không giống người Nhật hiếu võ: tuỳ trường hợp, tuỳ hoàn cảnh mà chúng ta trọng lúc thì võ khi thì văn. Ông cũng nói về lực lượng của chúa Đàng Trong lúc đó, về việc một công chúa Việt Nam kết hôn cùng vua Campuchia, và dĩ nhiên sự bang giao thân thiện giữa hai nước làng giềng, việc gửi phái đoàn ngoại giao tới nước bạn.

Chúng tôi không nói hết những thích thú khi đọc bản tường trình này, những thích thú mà từ gần bốn thế kỷ nay, các độc giả đều cảm nhận, nhận thấy. Nhưng có vài ba nét đặc biệt nơi tác giả làm cho chúng tôi rất yêu mến con người đó. Thứ nhất, ông nói về tục đi chân không của người Việt Nam, và nếu có đi giày thì cũng chỉ là một thứ dép có quai rất thô sơ. Vì không ai biết đóng giày như ở Châu Âu nên ông đành phải đi chân không trên đường cát sỏi cũng như bùn lầy. Thế rồi cũng quen đi đến nỗi khi trở về Macao hay Châu Âu ông thấy khó chịu phải đút chân vào ống giày. Không còn là một thích thú, trái lại còn là một cái gì lòng thòng vướng víu.

Thứ hai, có nhiều người ngoại quốc tới Việt Nam và rất khổ sở vì thiếu bánh mì. Đàng này ông cũng làm quen với cơm, cho tới khi trở về Châu Âu, ông thấy thiếu thốn và khổ sở vì thiếu cơm. Thứ ba, khi trở về Châu Au ông đã đem theo một cây gọi là cây đại hoàng để làm giống, nhưng vì thay đổi khí hậu, nên lúc về tới nơi thì nó đã biến chất và không thể cho ông thí nghiệm như lòng ông mong mỏi.


Mấy điều trên đây tỏ ra tính tình ông rất dễ thương và ông rất dễ chinh phục được lòng người. Cũng phải nói là vì có chút vốn liếng khoa học, nhất là về thiên văn học, nên ông đã nổi tiếng từ nơi nhà chúa Đàng Trong lúc đó cho tới các bậc cận thần, từ chúa Sãi cho tới hoàng tử Kỳ, từ các nho gia cho tới các vị sãi.

Một việc nữa phải nhắc qua ở đây là ông đã cố gắng học tiếng Việt, tuy không thạo lắm, nhưng ông cũng hiểu biết đủ để giảng giáo lý Kitô. Có một vài câu chữ quốc ngữ trong bản tường thuật của ông cho chúng ta biết: ngay từ những năm 1618-1620 đã có một khởi đầu hình thành thứ chữ này. Cái đặc biệt ở nơi ông, cái làm cho khác với De Rhodes sau này, đó là ông đã phiên âm tiếng Việt theo chữ viết của người Ý, chứ không phải người Bồ. Rõ ràng ông phiên âm và viết gn chứ không nh như nho (trái nho) ông viết là gnoo, nhỏ (trẻ nhỏ) ông viết là gno. Cũng vậy xin ông viết scin, bởi vì theo tiếng ý nếu viết cin thì đọc uốn lưỡi còn nếu viết sc thì đọc cũng như x.

Về bản thân ông, người ta được biết, ông sinh tại Milan (Ý) năm 1583, nhưng không rõ vào tháng nào ngày nào. Trong cuốn tường trình, ông viết: Tôi tới xứ Đàng Trong vào chính ngày tôi sinh ra ở trần gian này và suýt nữa là ngày tôi bỏ về trời. Nhưng là ngày nào tháng nào thì ông không nói.
Vào Dòng Tên năm 1601, Ông qua Ấn năm 1615 và tới Đàng Trong, cải trang làm bồi tàu năm 1618. Ông ở đó cho tới năm 1622 thì về Macao.

Ở Bồ, ông giảng dạy tại Đại học Coimbra về môn thiên văn và toán học. Ông lại sành về ngành hàng hải và viết một cuốn sách về nghệ thuật đi biển bằng tiếng Bồ. Ông cũng viết chưa xong cuốn “Chỉ dẫn hành trình đi Ấn”. Nhưng cuốn sách làm sôi nổi dư luận là cuốn: Luận về ba tầng trời: khí, hành tinh, thiên khung. Thế là ông bị gọi về Roma. Ông bất mãn với Dòng Tên và xin ra khỏi Dòng năm 1632 để vào Dòng Bernadins de Sainte Croix. Nhưng sau ba tháng, ông lại xin bỏ Dòng này để vào Dòng Citeaux. Nhưng sau mấy tuần ông bị Dòng này trục xuất.

Vì thế ông làm đơn kiện. Kết quả là ông được kiện, nhưng khi ông đi đưa tin cho một giáo chủ bạn thân của ông, thì ông bị nạn. Người ta đem ông về nhà và ông đã tắt thở khi được đem lên giường ngày hôm sau. Đó là ngày 24 tháng 5 năm 1632 lúc ông không thuộc Dòng Tên, cũng không thuộc Dòng nào, cũng không ở tu viện nào, mà lại ở nhà một người thân.Ông mất đi, nhưng tác phẩm về Xứ Đàng Trong còn truyền tụng cho tới ngày nay và được độc giả nhiệt liệt hoan nghênh.

Viết bằng tiếng Ý và ấn hành năm 1631, cuốn này đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Latinh, tiếng Hà Lan, tiếng Đức, tiếng Anh vào những năm 1631-1633. Sau ba thế kỷ, ông Bonifacy năm 1931 dịch lại sang tiếng Pháp và cho in ở tạp chí Đô thành Hiếu cổ Huế tháng 7-12 năm 1931.


No comments: