Phần thứ hai
ĐÀ LẠT, PHÚ LẠC, U MINH
Suốt đêm đầu tiên vượt ngục, chúng tôi thay phiên nhau bơi chiếc ghe
lườn (xuồng lớn làm bằng cả một thân cây bị khoét ruột banh bìa), chúng tôi
khiêng qua mấy cái thác; đến gần sáng, ước chừng đã xa trại giam ít nhất
cũng mười lăm cây số đường chim bay, chúng tôi kiếm chỗ nước sâu để
nhận chìm ghe; rồi, hành lý trên vai, anh em đi tìm nơi ẩn nấp sao cho có thể
quan sát được xung quanh mà người khác thì khó trông thấy mình; đường đi
không để dấu chân, không gãy cành khô, không bẻ cành non, không rơi vãi
một chút giấy lộn; nơi ẩn đó phải có nước uống; tránh mưa không phải là
vấn đề quan trọng, độ này là mùa nắng, điều quan trọng là phải xa xóm làng
mà không xa đường 20. Chúng tôi ăn cơm khô, khỏi phải nấu cơm, khỏi sợ
lộ vì khói. Nếu rủi bị dân làng trông thấy, thì họ cũng chỉ trông thấy vài
người thôi; tụi tôi chia ra từng nhóm nhỏ vài người, nếu gặp rủi ro không bị
tóm cả lũ. Chúng tôi có thừa thời giờ để bàn mọi kế hoạch hành động, trước
tiên là kế hoạch an toàn về các tỉnh đồng bằng.
Mấy ngọn núi chúng tôi ẩn náu chắc là thuộc vùng Bảo Lộc, tỉnh Lâm
Đồng, không xa ranh giới Biên Hoà là mấy. Từ đó ra đường 20 chỉ một
khoảng không xa; có thể về Sài Gòn, lên Đà Lạt, qua Phan Thiết, xuống Bà
Rịa, rồi từ Bà Rịa qua Cần Thơ đến Chợ Lớn, Gò Công, rộng đường lắm.
Nhóm của Nhâm về Sài Gòn, có cách lấy ôtô rước nhóm của Phúc. Nhóm
của tôi ngược lên Đà Lạt, tính rằng từ Đà Lạt có thể về Nam Kỳ bằng ôtô,
bằng xe lửa, bằng ghe bầu, thuyền đánh cá, vòng vo tam quốc một chút,
chẳng sao, miễn là an toàn.
1. Lên Đà Lạt
Tôi cho rằng, bởi vì từ 1930 đến 1935 tôi hoạt động ở Sài Gòn và Nam
Kỳ lục tỉnh, chưa hề hoạt động ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ, và hoạt động toàn trong
bí mật, nên quen biết không rộng; nhưng bởi vì tôi đã ở tù mấy lượt, đã dạy
chính trị cho mấy trăm cán bộ và hội viên, nên tôi vẫn có thể bị nhận diện
nơi này nơi khác. Địch truy tìm tôi thì chắc chủ yếu truy tìm ở Sài Gòn, ở
Nam Kỳ. Vì vậy, tôi không về ngay Sài Gòn và lục tỉnh, mà đi ngược lên Đà
49
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Lạt, nhằm tìm nơi ẩn náu an toàn một thời gian bao lâu chưa định trước. Tôi
chưa hề đi Đà Lạt, ở nơi “đất khách quê người” đó ít có khả năng tôi bị phát
hiện dù là tình cờ; càng ít khả năng bị phát hiện nếu tôi không lui tới những
nơi tụ họp của các tầng lớp trung lưu trong xã hội và nếu tôi thường ngày
sinh sống trong các tầng lớp nhân dân lao động như trồng rau quả, làm thợ
hồ, làm công nhân bắn đá, chở đá. Mật thám nào lại đi tìm ông Giàu ở
những chỗ lam lũ cơ hàn đó? Trong lúc số đông đồng chí được tổ chức rước
về Sài Gòn, lục tỉnh, thì tôi đi bộ và theo xe chở hàng ngược đường 20.
Nhóm tôi gồm có Tô Ký, Châu Văn Giác và tôi. Lên Đà Lạt thì tiền mấy
đồng chí còn lại chia ba, ba người mỗi người một nẻo, cốt tìm chỗ ở, chỗ
làm, hẹn gặp nhau sau. Lạ nước lạ cái, Tô Ký bị bắt ngay, may quá, Tô Ký
không khai là tôi ở đâu đó tại Đà Lạt, nếu chú ấy phản thì tôi khó bề thoát.
Giác có bà con ở Đà Lạt sớm nhờ xe về lục tỉnh. Còn tôi thì lo chỗ làm, chỗ
ở. Chỉ vài hôm sau khi lên tới Đà Lạt, tôi đi làm ở một hầm bắn đá, rồi từ đó
tôi chuyển sang ngành thợ xây nhà, xây cống, suốt ngày ở trên sườn núi, ven
rừng, dưới hố, tới chiều tối về ở đậu với thợ cả tại xóm Suối Cát, một xóm
công giáo bên cạnh nhà thờ, hoặc tại ấp Hà Đông, hơi xa chợ một chút.
Trong túi tôi ban đầu chỉ có mấy đồng bạc, nhưng dần dà tiền công ngày của
tôi lên tới một đồng tư, khổ một tí mà sống được. Khổ một tí nhưng tương
đối an toàn. Hồi 1929, 1930, cán bộ đi “vô sản hoá”có ai kêu khổ đâu?
Ngày tháng trôi qua chậm chạp, không hoạt động chính trị thì ngày tháng
trôi qua mau sao được? Trong khoảng không đầy nửa năm ở Đà Lạt, ba
chuyện tình cờ xảy ra với tôi, đáng nhớ nhất.
Đó là gặp chú Năm Luông, một cán bộ cũ.
Việc thứ hai: nằm bệnh viện Đà Lạt.
Việc thứ ba: bị kiến trúc sư Phan Hiếu Kinh “phát hiện”.
Làm việc xây nhà trên sườn núi cho hãng SIDEC và cho hãng Võ Đình
Dung, từ hừng sáng đến chiều sẩm tối mới về nhà của bạn để yên giấc, ít khi
đi qua chợ Đà Lạt, tôi tưởng chừng đâu là, như thế, tôi tránh mọi khả năng
gặp người quen. Nào dè, một hôm, tạt qua nơi buôn bán rau quả, tôi bị một
người đi bộ lẽo đẽo sau lưng, quẹo đến mấy cái ngã ba vẫn thấy người ấy
theo. Người ấy mặc đồ Tây tử tế. Chết rồi! Có lính kín theo! Tôi nhanh chân
đi về hướng suối Cam Ly ít người, tính trong bụng rằng nếu người ấy cứ
theo mãi thì tôi sẽ “demi tour” quay lại để hỏi thăm y vài câu, nếu có triệu
chứng là lính kín thì tôi giở võ ra điểm huyệt cho nó nằm bên đường vắng
đặng tôi có thời giờ tẩu thoát. Nếu không phải là lính kín thì nó là ai? Té ra
là một đồng chí rất quen thuộc đã hoạt động với tôi những năm 1933, 1934
và đầu 1935, khi từng thời gian tôi đặt căn cứ ở vùng Phú Lạc, ngoại ô Chợ
50
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Lớn: chú Năm Luông, anh em cô cậu với đồng chí Bảy Trân; bây giờ Năm
Luông là chủ một tiệm cầm đồ ở thị xã Đà Lạt.
–Anh Ba đi đâu đó? Làm gì trên Đà Lạt này? Vượt ngục được rồi, sao
không giấu mình ở U Minh hay Đồng Tháp Mười mà lên chỗ nghỉ mát của
nhà giàu? Năm Luông mừng, hỏi.
–Chú Năm đó à. Sao đi theo cả mười phút làm tôi phát lo rằng mình đã
bị lộ.
Hết hồn, hết vía, bình tĩnh lại; ngó trước trông sau, hai anh em hỏi thăm
nhau đủ chuyện. Chuyện tôi hỏi trước hết là tình hình ở Phú Lạc mà, trong
kế hoạch, tôi sẽ phải đi qua hoặc ở lại ít hôm khi trở về Sài Gòn, lục tỉnh.
Cái rủi hoá cái may. Tôi dặn dò Luông nếu muốn hoạt động thì phải làm như
vầy… như vầy… Còn Luông thì thọc vào túi tôi mười mấy con công38 để tôi
phòng bất trắc. (Về sau Năm Luông thuộc ban cán sự của tỉnh Lâm Đồng và
hy sinh ở chiến trường).
Sự việc thứ hai là: mấy tuần làm việc và nghỉ trưa, có khi ngủ đêm trên
sườn núi, đem lại cho tôi một cái bệnh hiểm nghèo: bệnh thương hàn. Sốt
rét. Tiểu máu. Chủ nhà tôi ở đưa tôi đi bệnh viện. Đi bệnh viện là một mối
nguy mặc dầu tôi có giấy thuế thân (giả). Không đi bệnh viện thì Diêm
vương sẽ có trát đòi bữa nào đó thôi, khó tránh. Vào bệnh viện ở gần
Couvent des Oiseaux39, tôi nằm một phòng với ba người khác, cùng sốt rét
ác tính như tôi. Mỗi ngày “đi”một anh. Rồi cuối tuần, anh thứ ba. Tôi là tên
thứ tư, không biết bao giờ đi. Thấy người cùng bệnh rủ nhau chết, mình
cũng nao núng, nao núng nhất là vì lẩn quẩn mãi trong óc tôi cái câu hỏi:
nên hay không nên viết thư gởi đúng địa chỉ, để sẵn đầu giường, báo tin cho
mẹ, cho vợ, cho chị ở nhà là khi đọc được thì tôi đã chết tại bệnh viện Đà
Lạt. Viết thư thì sợ lộ bí mật; sợ rằng ông bạn đã cho tôi ở nhờ, đã đem tôi đi
bệnh viện, sẽ bị địch bắt để điều tra xem còn có tù vượt ngục nào bên cạnh
tôi không. Nghĩ đến khả năng mình chết rồi mà còn làm hại cho người khác,
tôi ngập ngừng không viết thư nữa. May quá, bệnh thuyên giảm; rồi tôi khỏi
bệnh. Tôi nằm nhà thương gần ba tuần. Trong thời gian đó tôi được săn sóc
tận tình bởi một dì phước trẻ, đẹp, đầy lòng nhân ái. Tôi đại tiện toàn máu;
mỗi khi như vậy, hai tay tôi bám vào chân giường, mày mặt tối tăm cả năm,
38 Con công: Giấy bạc của Ngân hàng Đông Dương, một mặt có vẽ hình con công.
39 Couvent des Oiseaux: Trường nữ học của các nữ tu Dòng Đức Bà, dành cho con cái
các gia đình Pháp và thượng lưu bản xứ thuộc địa. Cô Marie Thérèse Lan đã học Couvent
des Oiseaux ở Neuilly sur Seine (Pháp) trước khi trở thành Nam Phương hoàng hậu.
Theo nhiều tài liệu, chính bà Nam Phương đã thúc đẩy việc mở trường nữ học nay ở Đà
Lạt, Sài Gòn…
51
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
bảy phút; mình trông mình đã tởm, mà dì phước đổ bô nét mặt như thường
không khi nào tỏ vẻ gớm ghiếc. Ngày đổ bô hai ba lần. Không biết nếu tôi
đổ bô cho một đồng chí thì tôi được thản nhiên như dì phước ấy không?
Bệnh tôi nếu ăn cháo có gạo, cá, rau, dầu ít cũng bị lủng ruột, chết. Tôi thấy
dì phước mỗi lần đem thức ăn cho tôi thì dùng vải thưa trắng tinh lọc súp chỉ
còn có nước. Khi bệnh tôi thuyên giảm nhiều thì dì phước mới cho ăn súp
gạo rang, có rau. Tôi thoát chết. Hôm ra bệnh viện tôi chỉ có một chữ “rất
cám ơn”với dì phước mà tôi không biết tên. Cuộc đời bôn ba của tôi không
cho phép tôi trở lại một lần nữa để cám ơn dì phước mà chị ruột, em ruột, vợ
nhà chưa chắc đã tận tuỵ săn sóc chu đáo hơn. Sau cách mạng và kháng
chiến, tôi có dịp lên Đà Lạt, tôi có đến bệnh viện Couvent des Oiseaux, hỏi
thăm các dì phước, cố gặp ân nhân cũ; nhưng Couvent còn đó mà người thì
biệt tăm.
Sự việc thứ ba xảy ra lúc gần Tết, mấy tháng sau khi chúng tôi vượt
ngục Tà Lài. Một hôm tốt trời, tôi đang xây tường, cuốn cửa ở một cái villa
vùng thác Cam Ly, gần một làng người Thượng, đoàn chủ nhà và thầu
khoán đến xem công việc tới đâu. Họ cứ đi xem. Tôi cứ làm việc. Họ đi sau
lưng tôi. Tôi không ngó họ. Rồi họ qua hết. Nhưng tôi thấy một anh trong
đoàn trở lại nơi tôi đang làm, anh ấy đứng bên tôi, khẽ hỏi: “Ở đây à?”. Tôi
thót ruột! Vậy là có người quen nhận ra mình rồi. Nguy quá! Tôi ngó lên. Té
ra là kiến trúc sư Phan Hiếu Kinh, bạn học của tôi bên Pháp từ những năm
1928, 1929, 1930. Tôi làm ra vẻ bình tĩnh, để ngón tay lên môi. Kinh biết tôi
muốn nói gì; anh quay đi, không quên một câu khen ngợi anh thợ hồ xây
gạch, xây đá rất khéo. Té ra vụ tôi vượt ngục Tà Lài, có báo đăng tin; Kinh
biết. Tôi chắc Kinh sẽ giữ bí mật cho tôi. Nhưng, nếu một hôm nào vui
miệng anh nói với vợ hay với một bạn thân rằng anh Giàu vẫn còn sống, ở
Đà Lạt, thì sao? Phải đề phòng. Không thể dây dưa ở Đà Lạt nữa; phải
“thiên đô”thôi; vả lại cái đó đã ở trong kế hoạch, phải thừa dịp gần cuối
năm rộn rịp để về Sài Gòn, về Nam Kỳ. Chắc là lúc này, việc Pháp truy nã
số tù vượt ngục Tà Lài không còn ráo riết như mấy tháng trước nữa. Tuy vậy
tôi cứ dặn mình là không được chủ quan khinh địch.
Tự kiểm điểm lại thì trong đời làm “cách mạng chuyên nghiệp”của tôi,
nửa năm tôi ở ẩn là thời gian duy nhất mà tôi không có hoạt động, không
tuyên truyền, không tổ chức, không đấu tranh, chỉ lo giữ gìn cho khỏi bị bắt
lại. Nửa năm đó tôi xem là dài quá dài. Nằm không, không công tác, còn
mỏi mệt hơn là hoạt động; chẳng những mệt mỏi mà còn buồn, rất buồn, có
cảm giác như là một con chim mất đàn, như là một con người giữa sa mạc
tuy rằng mình vẫn ở trong dân, trong cuộc đời nhộn nhịp. Hoạt động đã trở
52
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
thành bản năng rồi, không hoạt động không chịu được. Sài Gòn, lục tỉnh kêu
gọi, công tác kêu gọi, thúc giục.
2. Về Phú Lạc
Đường về Sài Gòn không trắc trở gì lắm. Tuy rằng từ Trung vào Nam,
bộ hành phải có “giấy thông hành”. Tôi có giấy thuế thân giả của Trung Kỳ;
thuế thân không phải giấy thông hành cho nên dễ làm giả. Giấy thông hành
phải có hình đóng con dấu nổi; không làm giả giấy thông hành được; mà
trên đoạn đường từ Xuân Lộc đến Biên Hoà, người đi xe lửa không biết lúc
nào phải trình thứ giấy đó cho nhà chức trách, nếu không có thì bị bắt giam
rồi bị “trục xuất”. Song dân Trung Kỳ đi lậu vào Nam Kỳ để kiếm sống thì
luôn luôn đông, mỗi chuyến xe có hàng chục, họ cảnh giác lắm, hễ cảnh sát
bắt đầu việc xét giấy thông hành thì họ hè nhau nhảy xuống xe, mặc dầu là
xe đang chạy; nhảy xe lửa ba người thì té cả ba nhưng không sao, lỗ đầu, rồi
lẩn vào các vườn cao su, ban đêm ai dễ biết ai?
Cái khó còn lại là cầu Biên Hoà, luôn luôn bị cảnh sát canh gác chặt
chẽ ở cả hai đầu. Tôi phải nhờ đò ngang để sang sông rồi thì có vô số
phương tiện để về Sài Gòn.
Tôi vào Sài Gòn một buổi tối, đèn điện vừa lên. Một chiếc xe thổ mộ
đầy nhóc đưa tôi thẳng vào Chợ Lớn. Tôi về căn cứ cũ là Phú Lạc40 cách
Chợ Lớn không đầy năm cây số trên con lộ đi Gò Công.
Qua Năm Luông, tôi đã nắm được tình hình an ninh ở Phú Lạc từ sau
khởi nghĩa tháng 11 năm 1940; tôi lại được biết rằng ngày nổ ra khởi nghĩa
Nam Kỳ, nhân dân và các đồng chí ở Phú Lạc đã sẵn sàng chiến đấu; đúng
ngày giờ định trước, lực lượng cách mạng từ cầu Ông Thìn, Phú Lạc, Đa
Phước, theo kế hoạch, bí mật kéo lên ém trong Chợ Lớn, sẵn sàng tiến công
địch đúng mười hai giờ đêm, khi nhà đèn Chợ Quán bị đánh sập, đèn đường
tắt, và tiếng súng lớn nổ làm hiệu ở trại lính Ô Ma41. Chờ mãi quá nửa đêm,
không thấy đèn điện tắt, không nghe tiếng súng lớn nổ, quân phục kích đoán
40 Phú Lạc: Theo mạng vietgle
(http://www.vietgle.vn/trithucviet/detail.aspx?key=Ph%C3%BA+L%E1%BA%A1c&typ
e=A0) đây là một thôn thuộc tổng Tân Phong Hạ, nay là xã Phong Phú, quận Bình
Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
41 Ô Ma: Phiên âm từ tiếng Pháp “aux Mares”(ao hồ). Thành Ô Ma (Camp des Mares) là
nơi đồn trú của quân Pháp từ khi đánh chiếm thành Gia Định. Lúc đó quân Pháp đóng tại
đền Hiển Trung, chung quanh có nhiều ao, nên họ gọi là Pagode aux Mares. Sau đó nơi
này biến thành trại lính (Camp des Mares), nằm ở đường Galliéni (nay là Trần Hưng
Đạo).
53
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
là có biến nên không đánh đồn bót thị xã mà lặng lẽ kéo về như đã lặng lẽ
kéo lên. Trái lại, quân du kích ở Cần Giuộc cứ theo kế hoạch đã định, nổi lên
đánh các đồn địch, mà thất bại. Kết quả là Phú Lạc, sau ngày khởi nghĩa,
được tương đối an toàn còn Cần Giuộc thì bị địch khủng bố dữ dội. Vậy sự
yên ổn của Phú Lạc sau tháng 11 năm 1940 không phải do Phú Lạc trốn
tránh khởi nghĩa; điều ấy là điều tôi muốn biết rõ và đã biết rõ nhờ gặp Năm
Luông ở Đà Lạt nên tôi mới về đây. Vậy, vẫn có thể tin cậy vào lòng trung
thành đối với cách mạng của Đảng bộ vùng Phú Lạc do Bảy Trân42 [5] lãnh
đạo. Bảy Trân nguyên là một sinh viên trường Đông Phương Cộng sản đại
học như tôi, trước một khoá. Hồi năm 1933, khi Xứ ủy Nam Kỳ được chúng
tôi xây dựng lại thì tôi đã lấy vùng Phú Lạc này làm một căn cứ an toàn của
lãnh đạo. Ở đây nhân dân rất tốt, bọn xấu rất ít, hội tề được Bảy Trân và các
đồng chí đánh giá là gần như “trung lập” không sốt sắng gì trong việc “giữ
trị an”, viên cai tổng lại là người bà con gần của Bảy Trân, là người nhà của
Năm Luông. Từ Chợ Lớn đi về hướng Gò Công thì, đến Phú Lạc, bên tay
trái là khu Rạch Cây Khô ở đó cảnh sát rất ít khi đến vì sợ các tay anh chị
Bình Xuyên trừng trị, mà các tay anh chị Bình Xuyên thì phục Bảy Trân
cộng sản. Bên tay phải chằng chịt sông rạch của vùng Rạch Cát, ở đây, nếu
cò bót đến thì ta chỉ cần bước xuống xuồng, đẩy vài mái dầm, vào từng lá
dừa nước, thì có trời mà kiếm được. Tôi ở Phú Lạc lâu và nhiều đợt. Hai lần
tôi bị bắt ở Sài Gòn, lần nào tôi cũng giữ an toàn cho Phú Lạc; đồng bào ở
đây tin tôi, thương tôi. Nay tôi về đây, cái mối lo duy nhất của tôi là bị một
vài người dân Phú Lạc nhận ra là “anh hai Trắng” rồi đồn đại ra nhiều người
biết.
Đêm ấy tôi được chủ nhà tiếp đón rất ân cần, trộn lẫn với lo ngại và sợ
sệt nữa. Nhưng Bảy Trân và người nhà tín nhiệm tôi, thương tôi, hết sức lo
cho tôi. Về Phú Lạc tôi có cảm giác là cá về nước, chim về rừng.
Trò chuyện thâu đêm với Bảy Trân, Sáu Thuần, Chín Báu; Báu cùng
tuổi với tôi, đồng chí rất tốt như Trân là anh ruột. Chuyện dài kể làm gì. Mấu
42 Bảy Trân: Nguyễn Văn Trân (đừng nhầm với Nguyễn Văn Trấn “ông già Chợ Đệm”),
sinh năm 1908, sang Pháp (Marseille) năm 15 tuổi. 19 tuổi, sang Liên Xô học trường
Stalin (1927-1930), cùng khóa Nguyễn Thế Rục, Ngô Đức Trì, Bùi Công Trừng, Trần
Phú, Bùi Lâm, Nguyễn Khánh Toàn, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh,
Dương Bạch Mai, Trần Đình Long, Bùi Ái. Bí mật về nước năm 1930. Một trong những
đảng viên cộng sản hiếm hoi đã tranh thủ được cảm tình và sự ủng hộ của đạo Cao Đài và
hàng ngũ Bình Xuyên. Cũng đã từng làm liên lạc giữa Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu với
những trí thức yêu nước như Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Thiều... Xem
thêm: Nguyễn Văn Trân, người cảm hóa giang hồ Bình Xuyên trong Nguyên Hùng (sách
đã dẫn).
54
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
chốt cuộc trò chuyện đêm ấy là lời tâm huyết của Bảy Trân và anh em đồng
chí ở Phú Lạc.
–Giàu ơi, mày về đây có nghĩa là mày tin tụi tao; và tụi tao tin mày.
Tụi tao hết sức bảo vệ mày. Nhưng bây giờ mày ở đây không được, không
nên ở; tụi tao sẽ đưa mày tới một vùng gần như tuyệt đối an toàn để mày tiếp
tục ẩn lánh một thời gian nữa; sau sẽ tính; chớ bây giờ tụi tao không sẵn
sàng làm việc cách mạng với bất cứ ai. Bây giờ tin ai? Ai tin? Đảng viên
cộng sản không phải đã bị bắt, bị giết hết; hãy còn khá nhiều, nhưng tụi nó
đều “lặn” hết, “ẩn” hết trong rừng, trong núi, trong xóm dân nghèo, ở đâu
không biết; thằng nào xớ rớ đi đi lại lại với cơ sở cũ còn sót thì mắc “bẫy
chuột” của Tây nó giăng sẵn, như thằng Văn, thằng Trung chẳng hạn, sau
khi chia tay với mày, chúng nó tìm về Sài Gòn ngay, tìm cơ sở cũ ngay, nên
bị bắt ngay. Bây giờ không tin được ai cả, không tin cả cách mạng có thể
thành công, không tin sự lãnh đạo của Đảng, ít nhất là của Đảng ở Nam Kỳ
này, không tin Hồng quân Liên Xô có thể đương đầu thắng lợi với quân phát
xít Hítler… Tư tưởng hoài nghi bao trùm tất cả. Sau đại bại 1940, lòng tin
xuống thấp nhất từ mười năm nay. Đó là sự thật; mày, Giàu, mày phải hiểu
rõ; đừng chủ quan, nóng vội mà chết sớm. Nếu mày muốn, một ngày nào đó
chớ không phải bây giờ, tụi tao lại hoạt động với mày thì điều kiện thứ nhất
là mày phải giải quyết tư tưởng cho tụi tao ở Phú Lạc này ba vấn đề mấu
chốt sau đây:
“Thứ nhất là:
Vì sao Đảng nói là mình sáng suốt mà lại chủ trương khởi nghĩa Nam
Kỳ tháng 11 năm 1940, để đi đến một thất bại hết sức đau đớn như thế? Thất
bại đến mức đó thì còn có thể nào khôi phục nổi trong thời thế chiến tranh
này? Liệu sau này còn chủ trương như vậy, lãnh đạo như vậy, đưa toàn bộ
Đảng, đa số đồng chí, đông đảo quần chúng vào chỗ chết nữa không? Lấy gì
bảo đảm rằng không? Nói vắn tắt, mày phải cho tụi tao biết rõ ý kiến của
mày về khởi nghĩa 1940, để tụi tao xem mày có dắt tụi tao vào một cái khởi
nghĩa tương tự không? Rồi chúng ta sẽ tính sau sự hợp tác với mày; bây giờ
thì chưa; để xem đã; chỉ lo bảo vệ tính mạng của mày thôi. Tụi tao đoán
trước rằng mày muốn tổ chức lại Xứ uỷ Nam Kỳ như hồi năm 1933. Nhưng
tình hình bây giờ khó khăn hơn biết mấy lần hồi đó; hồi 1931 thất bại đã
nặng, bây giờ nặng hơn mấy lần; hồi đó là thời bình, thời nay là thời chiến;
thời đó bị bắt làm tù, thời này bị bắt làm ma. Khó hoạt động cho thành công
lắm, nếu trước mắt không giải đáp nổi cho đồng chí cũ một số vấn đề chính
trị tư tưởng, vấn đề tụi tao vừa đưa ra cho mày là cần kíp nhất.
“Thứ hai:
55
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Tụi tao ở đây bi quan về tình hình thế giới. Nếu tình hình thế giới bi đát
thì triển vọng Đông Dương, Việt Nam không thể sáng sủa được. Hơn nữa
năm nay chiến tranh Nga-Đức đã bùng nổ kịch liệt. Ban đầu tụi tao ở đây tin
rằng Đức hạ Pháp mau lẹ hết sức vì Pháp yếu, Anh tồi, chớ đụng vào Liên
Xô hùng cường thì nó bị đánh bại chắc chắn. Ai ngờ rằng, chiến luỹ Stalin
chẳng hơn gì chiến lũy Maginot, Hồng quân chạy dài, thua hết trận này đến
trận khác, quân Hitler tuy không được vào ăn Tết trong điện Kremlin, nhưng
mới ít tháng chúng đã đến sát ngoại ô Leningrad, đi gần tới Moscou, chiếm
đóng cả miền tây Liên Xô rộng lớn và giàu có; sang năm nay, 1942, triển
vọng kháng Đức của Hồng quân Liên Xô chưa có gì là sáng sủa cả. Vậy tụi
tao hỏi mày vậy chớ có hy vọng gì Liên Xô chống đỡ nổi, chiến thắng được?
Chớ dư luận khắp nơi đều thấy rằng quân phát xít Hitler còn tiến vào Liên
Xô sâu hơn, xa hơn, hy vọng thắng trận của Liên Xô rất mỏng manh, viễn
cảnh chiến bại thì chắc hơn, trong lúc đó đồng minh của Đức là Nhật ở Viễn
Đông đánh bại Mỹ, Anh, Hà Lan như chẻ tre! Nếu Liên Xô thua trận, nếu
cái thành trì cách mạng thế giới lâu nay ta đề cao sức mạnh lớn và lý tưởng
cao, mà thua phát xít thì cách mạng thế giới còn gì, thì cách mạng Đông
Dương còn gì? Triển vọng đen tối quá, làm lung lay, sụp đổ lòng tin. Lâu
nay, ở xứ ta, việc tuyên truyền cách mạng Đông Dương một phần quan trọng
dựa vào sự tuyên truyền cho Liên bang Xô Viết, nay Liên bang Xô Viết bị
đánh lui mãi như thế thì lòng tin còn dựa vào đâu?”
“Thứ ba:
Năm 1940, ta chỉ mang một cái ách trên cổ. Pháp bị Đức đánh bại; nó
đầu hàng Đức; nó lại bị Thái Lan tấn công trên biên giới Cao Miên. Vậy mà
ta nổi lên đánh đổ nó không nổi. Bây giờ nước ta không phải mang chỉ một
ách mà mang tới hai ách, ách Nhật chồng lên ách Pháp, hai thằng đế quốc
thực dân và quân phiệt cùng thống trị nước ta thì liệu ta có hy vọng gì làm
cách mạng giải phóng thành công không? Ngày mai đen tối quá! Nói cách
mạng, nói giải phóng còn ai nghe, còn ai tin?
Làm sao giải đáp? Mở lối bí cách nào? Tụi tao bí lắm!”.
Bảy Trân, các đồng chí ở Phú Lạc trông chờ tôi trả lời. Họ tưởng rằng
khó bề mà tôi giải đáp nỗi băn khoăn cực kỳ sâu sắc của họ. Những nỗi âu lo
của các đồng chí ở Phú Lạc cũng là những nỗi lo âu của tất cả các đồng chí
còn sống sót sau khởi nghĩa 1940. Không chừa một ai. Không trả lời cho
thông các câu hỏi đó thì không ai cùng mình xây dựng lại hệ thống và cơ sở
Đảng ở Nam Kỳ. Cái nguy nhất chưa phải là sự tan tác của tổ chức, cái nguy
nhất là sự tan tác của tinh thần.
56
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Tôi làm xong giải đáp trong ba buổi tối họp mặt của một nhóm đồng
chí tại nhà của Bảy Trân. Tôi lấy làm thích thú vì, như thế, tôi đã đồng thời
làm cái việc phác hoạ đường lối của cách mạng Việt Nam ở miền Nam, trên
cơ sở lý luận đó các bạn tôi sẽ gây dựng lại hệ thống Đảng ở Nam Bộ, khôi
phục phong trào nhân dân và đi đến chỗ cùng toàn quốc làm cách mạng
thành công ngay trong thời kỳ chiến tranh thế giới đang diễn. Các đồng chí ở
Phú Lạc tán thành hầu hết các ý kiến của tôi trình bày. Nhưng họ bảo rằng
cần phải có thời giờ cho sự suy nghĩ thêm, và cần phải có thời giờ để xem
thời cuộc có chuyển biến theo hướng như lời dự đoán hay không, đặc biệt là
dự đoán về cuộc chiến tranh Nga-Đức. Các đồng chí ủng hộ tôi nhưng chưa
hứa hẹn bắt tay hoạt động với tôi, mà còn “chờ xem thời cuộc”.
Tôi có ý thức rằng những giải đáp của tôi cho các đồng chí Phú Lạc sẽ
là sự giải đáp cho nhiều cán bộ ở Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định vốn quen biết
với các đồng chí anh em nhà Bảy Trân.
Về cuộc khởi nghĩa tháng 11 năm 1940 ở Nam Kỳ:
Tôi đã biết đại khái diễn biến của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ từ hồi ở Tà
Lài, nhờ tổng hợp báo cáo lẻ tẻ của mấy chục anh em cốt cán bị bắt giam sau
khởi nghĩa thất bại. Ở Tà Lài, Đảng uỷ cũng đã phân tích sự kiện lớn này và
rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu. Về Phú Lạc tôi hỏi thêm Bảy
Trân và các đồng chí ở đó. Như vậy tôi đã có thể đi đến một số kết luận tạm
thời:
1. Khởi nghĩa vũ trang là tất yếu. Nhất thiết phải giành chính quyền,
giành độc lập bằng khởi nghĩa vũ trang; không có cách mạng hoà bình,
không có độc lập bằng xin xỏ, bằng sự ban cho của nước ngoài.
2. Khởi nghĩa muốn được thành công thì phải là một cuộc khởi nghĩa
của quảng đại quần chúng chớ không phải của một nhóm người, của một
chính đảng, dù đó là nhóm người có tập luỵên và có vũ khí, dù đó là một
đảng lớn có quyết tâm, có kỷ luật.
3. Khởi nghĩa muốn thành công thì phải vừa có lực lượng, vừa đúng
thời cơ. Thiếu lực lượng, thiếu thời cơ thì khởi nghĩa dù oanh liệt anh hùng
mấy cũng thất bại. Khởi nghĩa thiếu lực lượng và thời cơ cũng gọi là khởi
nghĩa non hay là “manh động”.
4. Phải quan niệm khởi nghĩa giành chính quyền là một cuộc tổng khởi
nghĩa cách mạng, nổ ra trên toàn quốc, không phải chỉ nổ ra ở một vài địa
phương. Khởi nghĩa địa phương cô độc sẽ bị địch tập trung sức dập tắt.
5. Đảng chỉ đạo khởi nghĩa phải theo đúng những nguyên tắc chiến
lược chiến thuật mà Mác-Lênin đã đề ra hết sức đầy đủ và rõ ràng. Chỉ đạo
khởi nghĩa là cả một nghệ thuật.
Khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11 năm 1940, thất bại và thất bại nặng vì
không theo đúng những nguyên tắc đã nói mà mỗi ai đi vào khởi nghĩa cũng
phải nắm vững. Lênin bảo: “Không đùa với khởi nghĩa được”. Tháng 11
năm 1940, các đồng chí lãnh đạo ở Nam Kỳ thực tế không theo khoa học và
nghệ thuật Mác- Lênin về khởi nghĩa. Nguyên nhân chính của thất bại của
cuộc khởi nghĩa năm 1940 ở Nam kỳ là:
1. Cuối năm 1940, ở Đông Dương chưa có thời cơ, hoặc có thời cơ mà
không đủ, không chín cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Pháp đầu hàng Đức
hồi giữa năm, quả có làm cho lũ thực dân ở đây hoang mang, nhưng dần dần
chúng nó đã hoàn hồn khi bên Pháp dựng lên chính phủ của thống chế Pétain
dưới sự bảo hộ của Đức. Và lực lượng quân sự, cảnh sát của Pháp ở Đông
Dương đã được tăng cường bằng hai, bằng ba từ khi chiến tranh thế giới lần
thứ hai bùng nổ. Thực dân hy vọng rằng được sự bảo trợ của Đức, chúng có
thể giữ được thuộc địa, Pháp thua Đức mà Đức cho phép Pháp giữ thuộc địa.
Quân Pháp bớt hoang mang, nhưng chúng chưa tan rã. Nổi lên đánh đổ Pháp
trong lúc này là chưa phải lúc. Phải đợi một thời cơ thuận lợi hơn. Không
vội được. Không phải Pháp bị đánh bại ở Pháp mà ta liền có thể đánh đổ
chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương được ngay.
2. Lực lượng của ta, lực lượng khởi nghĩa hồi cuối 1940, tuy khá mạnh
ở Nam Kỳ, cũng chưa gọi là đủ để nổi lên làm khởi nghĩa. Bằng chứng quá
rõ là ngày khởi nghĩa, không có một đơn vị quân đội người Việt nào của
Pháp quay súng bắn vào thực dân, khi chúng đã thua trận ở Tây Âu và đang
mắc kẹt ở biên giới và Thái Lan. Tuy có đấu tranh ở nhiều nơi, mà không có
khởi nghĩa đều ngay ở các quận trong những tỉnh mạnh nhất như Gia Định,
Chợ Lớn, Mỹ Tho, mà chỉ có nổi lên ở một số ít quận thôi, mà quận lỵ vẫn
yên; không có nổi lên đánh đồn diệt địch ở phần lớn các tỉnh mà chỉ có lẻ tẻ
nổi lên ở vài quận trong mỗi tỉnh; ở phần lớn các quận, các tỉnh Nam Kỳ chỉ
có khởi nghĩa thật sự ở một số xã. Quân khởi nghĩa chỉ chiếm được một
quận ở Nam Kỳ mà thôi, quận Vũng Liêm. Quận lỵ Hóc Môn nằm trong
vùng ta mạnh nhất nhì so với cả Nam kỳ mà ta không đánh chiếm được trọn
dù là một ngày. Ở Sài Gòn, đầu não của địch, cũng không có khởi nghĩa ở
bất cứ một tỉnh lỵ thị xã nào. Đánh địch mà không đánh ở đầu não chúng thì
làm sao diệt nó được. Như vậy, lực lượng khởi nghĩa còn xa, rất xa mới gọi
là đầy đủ để phát động khởi nghĩa vũ trang ở Nam Kỳ tháng 11 năm 1940.
58
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
3. Trong toàn quốc tháng 11 năm 1940, chỉ có khởi nghĩa ở Nam Kỳ.
Còn ở Trung, Bắc khi ấy không có khởi nghĩa. Sau này tôi mới biết có khởi
nghĩa Bắc Sơn mà đó cũng chỉ mới là một địa phương nhỏ. Khởi nghĩa
tháng 11 năm 1940, là do Xứ uỷ Nam Kỳ đơn độc chủ trương. Địch không
bị phân tán lực lượng. Không lạ gì mà thấy rằng địch có điều kiện tập trung
lực lượng, diệt quân khởi nghĩa một cách mau chóng. Những đồng chí chủ
trương khởi nghĩa 1940, không quan niệm được rằng khởi nghĩa muốn thành
công thì phải làm một cuộc tổng khởi nghĩa, khởi nghĩa trên toàn quốc,
không nhất thiết phải cùng ngày, mà nhất thiết phải cùng lúc, nơi này nơi kia
không cách nhau bao lâu. Khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11 năm 1940, là khởi
nghĩa địa phương, tự ý một Xứ uỷ quyết định. Tai hại ở chỗ đó. Sai lầm rất
lớn mà không thấy được. Trước khi Công xã Paris nổi lên, Marx không tán
thành khởi nghĩa bởi vì Marx cho rằng khởi nghĩa như vậy là non, là địa
phương, là thua chắc; nhưng khi khởi nghĩa nổ ra rồi, Marx hết lòng ủng hộ
Paris công xã cho dù biết chắc là nó sẽ thua. Ta cũng như Marx; ta hết sức
khâm phục tinh thần chiến đấu của Nam Kỳ 1940, mà ta sau này phải tránh
khởi nghĩa non, ta phải rút kinh nghiệm xương máu.
4. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, là một cuộc khởi nghĩa chỉ một số
quận tiền phong nổi lên một cách “bất ngờ” (đối với địch), về cơ bản chưa
phải là một cuộc nổi dậy của đa số nhân dân, nó không ra khỏi phạm trù
Blanquisme43 mà Marx và Lênin phê phán, chính vì thế mà nó thất bại. Đáng
lẽ một cuộc khởi nghĩa nổ ra ở đỉnh cao nhất của một phong trào quần chúng
nhân dân, dù cho kẻ địch có đề phòng mấy cũng trở tay không kịp.
Cuối năm 1940, ở Việt Nam nói chung, ở Nam Kỳ nói riêng, không thể
nói rằng phong trào quần chúng đã lên tới đỉnh cao nhất. Khởi nghĩa Nam
Kỳ 1940, tuy rộng lớn hơn nhiều nhưng vẫn có nhiều chỗ giống khởi nghĩa
Yên Bái 1930, mà Đảng Cộng sản chúng ta đã phân tích, phê phán nhiều lần.
Một cuộc khởi nghĩa muốn thành công là phải tổng khởi nghĩa của vạn, ức
nhân dân toàn quốc dưới hiệu lệnh của một Đảng lãnh đạo thống nhất quyết
tâm chiến thắng ở một thời cơ thuận lợi nhất.
5. Từ hơn mười năm nay các đồng chí lãnh đạo các cấp của Đảng ta đã
được huấn luyện về khoa học và nghệ thuật khởi nghĩa của chủ nghĩa Mác-
Lênin. Chuẩn bị lực lượng như thế nào, nhận định một thời cơ chín và chín
43 Blanquisme: xu hướng của nhà cách mạng Pháp thế kỉ XIX Auguste Blanqui, cho rằng
muốn làm cách mạng xã hội, chỉ cần một thiểu số làm bạo động, rồi quần chúng sẽ tự
động đi theo. Xu hướng này đã bị Engels phê bình nghiêm khắc. Trotsky tóm tắt phê
phán này như sau: “Về mặt nguyên tắc, sai lầm của chủ nghĩa Blanqui là đồng hóa cách
mạng và nổi dậy. Sai lầm sách lược của nó là đồng hóa nổi dậy với dựng chiến luỹ.”
59
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
muồi là thế nào, khi nào phát động khởi nghĩa, đã khởi nghĩa thì phải ứng
dụng những chiến lược chiến thuật như thế nào? Cái khoa học và nghệ thuật
đó, các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, có lẽ không biết rõ và
các anh ấy làm khác, làm trái cả! Cho nên thất bại. Thất bại rồi các đồng chí
không biết cách rút lui để duy trì lực lượng, bảo toàn tổ chức cho nên bị thất
bại hoàn toàn, một cuộc thất bại lớn nhất ở miền Nam từ mười mấy năm
nay. Đáng lẽ trước khi tiến thì đã phải đề phòng khi thoái. Đồng chí Tạ Uyên
và một số đồng chí bốn mươi nói là theo sách lược Mao Trạch Đông, kỳ thật
đó là sách lược Mao Trạch Đông bị méo mó, bị hiểu sai rất tai hại. Tôi
không chống sách lược Mao Trạch Đông, sách lược Mao có nhiều chỗ hay,
tôi chỉ nghĩ rằng ở Đông Dương, ở Việt Nam, nước hẹp người ít, thực dân
thống trị tập trung thì Đảng cách mạng muốn chiến thắng phải làm một cách
khác, cách khác nào cũng dựa vào cơ bản tư tưởng Marx- Lênin về khởi
nghĩa cách mạng. Khởi nghĩa 1940 thất bại, nhưng ta rút từ bài học thất bại
để thành công sau này, chắc không lâu nữa đâu. Tôi đã trình bày tỉ mỉ những
bài học của 1940 mà chúng tôi đã rút ra từ hồi ở Tà Lài, trước khi vượt ngục.
Trong lúc tôi trình bày thì nhóm Bảy Trân đặt ra nhiều câu hỏi cụ thể cho
tôi. Có thể nói rằng tôi đã không vấp váp gì cả. Ý kiến lớn đã nắm vững rồi.
Tôi nhờ cuộc họp này mà biết thêm khởi nghĩa Nam Kỳ.
Những ý kiến tôi trình bày ở nhà Bảy Trân, tôi có dịp trình bày tại
nhiều nơi khác như Vàm Cỏ, Tiền Giang, Hậu Giang, miền Đông, Sài Gòn
suốt những năm 1942, 1943. Ở đâu tôi cũng nhằm mục đích thiết thực là yêu
cầu các đồng chí hãy tin tưởng rằng cuộc khởi nghĩa mà chúng ta nhất thiết
phải làm, sẽ được tổ chức và chỉ đạo “đúng khoa học”, “có nghệ thuật” và
nhất định sẽ thắng lợi.
Tôi nhớ rõ trong đêm nói về khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, tôi một mặt tỏ
lòng khâm phục các chiến sĩ đã đấu tranh và hy sinh, nhưng mặt khác tôi
cũng phê bình nghiêm khắc chủ trương phiêu lưu cực kỳ tai hại của đồng chí
bí thư Tạ Uyên; tôi biết rằng, tháng 11 năm ấy ở Sài Gòn, ở Nam Kỳ, không
còn Thường vụ Trung ương, nhưng tôi được biết trước đó khi quyết định
khởi nghĩa thì còn hai uỷ viên Trung ương (sau vụ bị bắt ở đường Nguyễn
Tấn Nghiêm) là Phan Đăng Lưu và Võ Văn Tần; hai đồng chí ấy có dự cuộc
họp giữa năm quyết định khởi nghĩa thì cớ sao hai đồng chí ấy lại không
ngăn cản một quyết định vội vàng như thế để đến nỗi xảy ra khởi nghĩa non
thất bại? Âu đó cũng là kết quả khó tránh của một trình độ hiểu biết chưa
thấu đáo chủ nghĩa Mác-Lênin. Thiếu lý luận, tai hại quá! Tôi cũng được
biết trước khởi nghĩa 1940, Xứ uỷ đã phát hành quyển sách “chiến tranh du
kích”, vậy phải chăng là anh Tạ Uyên và Xứ uỷ muốn lấy chiến thuật du
kích Trung Quốc thay cho lý luận khởi nghĩa của Lênin và bài học khởi
60
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
nghĩa tháng 10 năm 1917 ở Nga? Bổ sung thì chắc là cần, thay thế thì làm
sao được? Tôi khẳng định với các đồng chí Phú Lạc rằng phải tham khảo
kinh nghiệm Trung Quốc nhưng mà phải đi theo con đường Tháng Mười là
chính thì khởi nghĩa ở nước ta mới thành công được.
Nhóm Bảy Trân gần như không có ý nào khác ý tôi, chỉ có cải chính
rằng Võ Văn Tần đã bị bắt trước rồi. Nhóm Bảy Trân còn đặt câu hỏi về
tương lai tổng khởi nghĩa ở Việt Nam; lúc ấy tôi chỉ có thể trả lời một cách
chung chung rằng: tất cả còn tuỳ thuộc vào thắng lợi hay thất bại của Liên
Xô; nếu Liên Xô thua Đức thì cách mạng thế giới, kể cả nước ta, sẽ bị lùi lại
không biết đến bao giờ. “Nói thật với tụi bây là Hồng quân thua, Liên Xô bị
đánh tan, phát xít Đức toàn thắng, thì tao cũng sẽ “giải nghệ”, thôi làm cách
mạng, lui về điền viên, nếu không bị vào tù nữa thì vào hàng ngũ của một
thứ “Cư sĩ tịnh độ”. Nhưng tao có đủ lý do để tin rằng Liên Xô, Trung Quốc,
Đồng minh, Anh, Mỹ sẽ thắng, Đức-Ý-Nhật sẽ thua và đến cuối chiến tranh
thế giới, chúng ta sẽ có đủ lực lượng và thời cơ chín muồi để tổng khởi
nghĩa thành công. Bây giờ, vấn đề cần kíp là xây dựng lại đảng bộ, tập hợp
lực lượng đón thời cơ nhất định sẽ đến. Các đồng chí hãy giúp tôi, mong
rằng sớm thấy các đồng chí trở lại công tác”.
Đêm sau, tôi phải giải đáp vấn đề triển vọng của chiến tranh Nga-Đức;
liệu Đức sẽ đánh bại Nga chăng?
Trước nay, người cộng sản Việt Nam ai cũng quan niệm rằng Liên Xô
là thành trì của cách mạng thế giới, sức mạnh của cách mạng thế giới một
phần quan trọng đặc biệt là ở sức mạnh của Liên Xô và uy tín hết sức lớn
của cách mạng tháng 10 năm 1917. Khi Pháp bị Đức đánh bại chỉ trong mấy
tuần lễ thì người cộng sản Việt Nam bảo rằng ấy là vì đế quốc Pháp bạc
nhược chớ nếu quân phát xít Đức mà đụng tới Hồng quân Liên Xô thì chúng
sẽ bị đánh bại nhục nhã. Bây giờ Nga- Đức chiến tranh đã nổ ra rồi. Trái với
dự đoán, Nga lui, lui mãi, lui sâu vào nội địa mình; Đức tiến, tiến nhanh, hạ
phòng tuyến Stalin một cách dễ dàng như hạ phòng tuyến Maginot, tiến
thắng một mạch đến ngoại ô Leningrad, đến gần Moscou cách chỉ ba, bốn
mươi cây số, lấy hết vựa lúa Ukraine, chỉ cần một thời gian ngắn mấy tháng!
Thế là thế nào? Thế thì sẽ ra sao? Ai nấy ngơ ngác!
Nga đang ở thế yếu, thế thua. Có thể Nga gượng lại không? Nếu Nga
thua, nếu Hồng quân ta cho là vô địch mà bị quân Hitler đánh bại, nếu Liên
bang Xô Viết bị đánh sụm, thành trì cách mạng thế giới bị tan thành thì còn
gì cách mạng thế giới nữa, và cũng theo đó, còn gì là cách mạng Đông
Dương, cách mạng Việt Nam nữa?
61
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Bảy Trân nói: “Bọn tao ở đây không còn lạc quan chút nào. Bi quan
choán hết tâm hồn bọn tao, thêm vào cái bi quan do thất bại của khởi nghĩa
1940”. Mấy ngày nay, Bảy Trân đã có lần thủ thỉ với tôi rằng ít ai cho rằng
Liên Xô chịu đựng nổi; phần lớn đều nghĩ rằng Liên Xô cuối cùng sẽ bại
trận, nhất là khi đồng minh của Đức là Nhật sẽ vì Trục chung hay vì lợi ích
riêng mà tiến công Liên Xô ở Viễn Đông cốt chia xẻ đất Sibêri.
Về cuộc chiến Nga-Đức, tôi đã có dịp trình bày hồi đầu năm 1941 ở Tà
Lài, khi cuộc chiến tranh mới bắt đầu với những thất bại liên tiếp của Hồng
quân. Đức thắng là tạm thời và trước mắt còn có thể thắng nhiều hơn nữa,
nhưng chung cuộc rồi Đức sẽ thua. Nga thua là tạm thời và có thể thua đậm
hơn nữa, nhưng chung cuộc rồi Nga sẽ thắng, thành trì cách mạng thế giới
vẫn đứng vững. Những lý lẽ của tôi, đều đã được trình bày trước hàng trăm
người, cộng sản có, không cộng sản có, Cao Đài, Trốt-kýt, quốc gia đơn
thuần có, cả lính canh gác cũng nghe (nghe để hiểu và nghe để báo cáo cho
sếp căng) chớ không phải là tôi chỉ nói với năm ba anh em nòng cốt mà thôi.
Những ý kiến căn bản của tôi về chiến tranh Nga-Đức, hôm nay, ở nhà Bảy
Trân, vẫn không thay đổi, cho dù lúc này quân Đức phát xít đánh thẳng qua
tới “quả tim” của Liên Xô là lưu vực sông Volga, hướng về vùng Caucase.
Đúng vào thời điểm đầu năm 1942, trong lúc Hồng quân Liên Xô còn đang
thua liểng xiểng, trừ một số trận đại thắng trước cửa ngõ thủ đô Moscou,
trong lúc quân Đức còn tiến mạnh khắp nơi nhất là ở phía Nam, thì tôi vẫn
nhìn chiến cuộc với một cặp mắt lạc quan và tôi cố truyền cái lạc quan đó
cho các đồng chí tin rằng nếu bi quan về chiến trường Liên Xô thì càng bi
quan về tình hình cách mạng Việt Nam, mà nếu bi quan thì đừng mong gì
vực dậy các đồng chí còn sống sót sau năm 1940, để họ hợp tác với mình
xây dựng lại đảng bộ Nam Kỳ.
Tôi tin chắc rằng Liên Xô sẽ thắng, Đức Hitler sẽ thua, những cuộc bại
trận cho tới nay, dù nặng nề lắm, cũng là tạm thời mà thôi. Tôi có mê tín
chăng? Không! Tôi tin tưởng có căn cứ, có lập luận. Tôi không “lạc quan
tếu” như có người bảo.
Vì lẽ gì mà chắc Liên Xô sẽ thắng? Sự giải thích của tôi, ở Phú Lạc
cũng như ở Tà Lài, dựa vào các yếu tố vững vàng sau đây:
Thứ nhất
Đất Liên Xô rất rộng cho phép Hồng quân, khi núng thế ở biên giới và
ở những trận đầu, có thể rút lui chiến lược, bảo toàn lực lượng chủ chốt, vừa
rút lui vừa tiêu diệt sinh lực địch ở tiền tuyến và ở sau lưng địch. Quân Đức
vào đất Liên Xô càng sâu thì sức mạnh dù đông vẫn sẽ bị dàn mỏng, tiếp tế
liên lạc càng khó tuy rằng ngày nay địch có xe tăng và máy bay chớ không
62
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
phải đi bộ, đi ngựa như thời Napoléon nữa. Đến lúc nào đó, khi quân Đức
tổn thất nhiều và mệt mỏi lắm thì Hồng quân Liên Xô sẽ phản công và sẽ
đẩy quân Đức trở lại biên giới và xa hơn nữa. Naponéon đã thua là vì thế,
Hitler sẽ thua cũng vì thế. Rút lui chiến lược không phải là thua trọn, mà để
chuẩn bị tổng phản công vào lúc thuận tiện. Tiềm lực của Liên Xô rất lớn đã
được xây dựng ở vùng Oural và sau Oural, Liên Xô có sức đánh lâu dài. Đức
Hitler không có sức đánh lâu dài. Đánh lâu dài thì Đức chắc thua. Chưa kể
rằng thời tiết lạnh lẽo của Liên Xô xưa đã là một kẻ thù lớn của quân
Napoléon, nay cũng còn là kẻ thù không nhỏ của quân Hitler.
Thứ hai
Từ khi quân Đức đánh Liên Xô thì Anh, Mỹ trở thành đồng minh của
Liên Xô. Anh, Mỹ quả có bị Nhật đánh cho những đòn trời giáng, nhưng
Anh, Mỹ vẫn là bá chủ trên mặt biển; Anh, Mỹ tuy chậm trễ một cách có ý
thức (để cho Liên Xô bị thiệt hại càng nhiều càng hay) nhưng cuối cùng thế
nào Anh, Mỹ cũng phải mở mặt trận ở Tây Âu, ví dụ như ở Pháp. Nhật đã
dồn hết sức đánh Mỹ, Anh ở Thái Bình Dương và Đông Nam châu Á, bị
mắc kẹt cứng ở Trung Quốc, Nhật không còn sức để tiến công Liên Xô ở
Viễn Đông; vả lại nghe nói lực lượng Liên Xô ở Viễn Đông đủ mạnh. Vậy
về lâu, chưa về dài chính là Đức chịu đựng không nổi, nhất định sẽ thua.
Các đồng chí Phú Lạc trông mong được như vậy, trông mong Liên Xô
thắng, mà họ chưa tin hẳn; họ chờ xem. Sự thắng thua giữa Đức và Liên Xô
nếu không được quyết định ở Moscou thì sẽ quyết định ở sông Volga… Ở
một xóm làng Nam Kỳ làm sao mà chắc chắn được? Bảy Trân nói rằng nếu
Liên Xô thua trận, Hitler thắng, thì Trân khuyên tôi sẽ về làng quê cày ruộng
như anh ấy đang làm.
Vấn đề thứ ba là một vấn đề tuy lớn mà dễ giải quyết. Vấn đề gì? Một
ách thực dân Pháp, ta còn không đánh đổ nổi. Bây giờ tới hai ách Pháp và
Nhật, Nhật dung dưỡng Pháp, Pháp làm hậu cần đắc lực cho Nhật, cả hai
Pháp và Nhật thống trị Việt Nam thì ta có sức nào đánh đổ nổi Pháp và
Nhật? Chế độ thực dân, cuộc đời nô lệ kéo dài tới chừng nào? Hay là số kiếp
của nước ta, dân ta phải như thế? Cách mạng làm sao mà thành công được?
Một thứ tư tưởng “số mạng” tràn ngập! Khá bi đát. Cả trong đồng chí chớ
không chỉ trong dân Nam Kỳ mà thôi.
Hồi tôi ở Tà Lài, vấn đề này chưa được đặt ra; bây giờ (1942) Pháp ở
Đông Dương đã thuận cho quân Nhật vào đóng ở khắp những nơi nào Nhật
thấy cần. Vào Đông Dương, Nhật cốt để một mặt tiến công Tây Nam Trung
Quốc, một mặt tiến đánh Anh, Hà Lan ở Nam Hải.
63
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Ban đầu thực dân Pháp ở Đông Dương không chấp nhận để quân đội
Nhật vào Đông Dương, bắt đầu là vào Bắc Kỳ để ngăn chặn việc tiếp tế của
Trung Quốc bằng con đường xe lửa Hải Phòng - Vân Nam như bấy lâu nay.
Xung đột Pháp- Nhật nổ ra ở Lạng Sơn, quân Pháp thua chạy cong đuôi.
Pháp thấy không đủ sức chống cự với Nhật mạnh hơn gấp mấy lần, nên
chúng phải nhượng bộ với Nhật, để quân Nhật vào đóng trên toàn cõi Đông
Dương. Còn Nhật thì thấy rằng nếu duy trì chính quyền thực dân Pháp thì lợi
cho chúng hơn là loại trừ Pháp; Pháp sẽ đóng vai bảo đảm an ninh và bảo
đảm hậu cần, cung cấp lương thực, tiền bạc, nguyên liệu, nhân công, trong
lúc đó Nhật Bản dành toàn lực để tiến hành chiến tranh, mà trong một thời
gian không ngắn Pháp đâu dám chống lại Nhật, nếu chống lại thì sẽ bị diệt
ngay. Pháp lại muốn nhẫn nhịn, nghe nói có “thầy dùi”Việt Nam khuyên
Pháp bắt chước Câu Tiễn nhằm duy trì chế độ thực dân Pháp cho đến ngày
kết thúc chiến tranh. Cả Nhật lẫn Pháp đều cho rằng chế độ hai ông chủ
(thực dân và quân phiệt) đó có thể làm cho cách mạng Đông Dương không
bùng lên được.
Nhưng hai con chó ăn một miếng mồi, có ngày cắn nhau. Lại là chó đói
nữa. Sự hợp tác Pháp-Nhật chỉ có thể là tạm thời. Giữa Pháp và Nhật, càng
ngày càng nhiều mâu thuẫn. Chúng tất yếu sẽ đi đến xung đột nhau. Pháp
trước sau gì cũng sẽ làm tay sai cho đồng minh Anh, Mỹ, chống Nhật. Nhật
trước sau gì cũng phải gỡ cái gai dưới bàn chân, gạt lưỡi dao găm kề sau
lưng trong lúc đương đầu với Anh, Mỹ. Có thể thấy trước rằng sớm muộn sẽ
có ngày Nhật lật đổ Pháp, và Pháp nhất định bị tiêu diệt nhanh. Khi ấy chỉ
còn có một ách ngoại bang, ách của Nhật, mà Nhật thì không quen thuộc
Đông Dương bằng Pháp. Trong trường hợp Đồng minh Nga, Anh, Mỹ thắng
trục Đức, Ý, Nhật thì điều kiện sẽ trở nên thuận lợi cho cách mạng Đông
Dương. Các đồng chí Phú Lạc dường như dễ dàng chấp nhận lập luận của
tôi. Về sau nghĩ lại tôi cho rằng sau khi vượt ngục Tà Lài, với lần ra quân
đầu tiên, đã có chính kiến xác đáng nên đã phá tan những nghi ngờ, thất
vọng đối với tiền đồ của cách mạng. Ít nhất là về mặt lý thuyết, tư tưởng. Tôi
biết rằng ở Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định, Bảy Trân quen biết nhiều đồng chí.
Nội bà con xa của Bảy Trân đã có trên một chục đảng viên rồi. Trước kia
Bảy Trân đi bán dầu cù là với Nguyễn An Ninh, quen biết rộng ở lục tỉnh,
cho nên, các ý kiến của tôi chắc chắn sẽ được lan truyền ra rộng; lần sau tôi
về Phú Lạc thì miếng đất như đã cày sẵn.
3. Đi Xảo Bần, U Minh
64
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Lên Đà Lạt, được mấy tháng cuối năm 1941, và gần như hoàn toàn
không có ý định công tác gì hết, chỉ lo ẩn náu, tuy tôi có gặp gỡ Năm Luông
và Năm Luông sẽ sớm hoạt động trở lại, nhưng đó chỉ là gặp gỡ tình cờ thôi.
Bảo toàn tính mạng, cho khỏi bị bắt lại, nếu được, là thành công, là gìn giữ
được một chút vốn cho Đảng cho dân. Tôi thuộc vào số người không đánh
giá thấp, không trách móc những đồng chí, những người trước lãnh đạo, như
anh Khiêm, anh Tây các anh ấy sớm “ẩn náu” từ chiến tranh thế giới mới nổ
ra (1939) cho đến Nhật đảo chánh Pháp (1945). Những anh em đó giữ được
tính mạng của mình, là giữ được một món của quý của cách mạng, miễn là
đến thời kỳ cách mạng nổi lên, những anh em đó có mặt thì được rồi. Có lúc
đơn độc quá tôi cũng trách, nhưng lúc nào tôi cũng quý những chiến binh đã
được rèn luyện trong mười năm đấu tranh (1930-1940). Mấy tháng ở Đà Lạt,
tôi ẩn náu để rồi lại xuất hiện, chưa hoạt động để rồi hoạt động có hiệu quả.
Trân thu xếp cho tôi về U Minh, Xẻo Bần ởTrân thu xếp cho tôi về U Minh, Xẻo Bần ở Rạch Giá.
Lần này tôi đi Xẻo Bần là cốt, trong khi còn ẩn náu, đặt một số liên hệ
công tác, tiếp tục cái việc đã làm ở Phú Lạc mà tôi gọi là “sạ lúa”, là “gieo
khô”, nghĩa là rải giống xuống ruộng đã cày mà chưa có nước, tức là tuyên
truyền giáo dục, xung quanh mình và trong một số tỉnh xa gần, tìm bắt liên
lạc mà tạm thời chưa lập thành tổ chức.
Tôi muốn ẩn náu ở Đồng Tháp Mười quê hương tôi (Tân An) để gần
với Sài Gòn. Nhưng Bảy Trân cho rằng U Minh (Rạch Giá) là nơi ẩn náu kín
đáo hơn. Anh ấy đang “giấu” ở U Minh một số đồng chí đã từng cầm vũ khí
hồi năm 1940, cho tới nay được an toàn. U Minh xa Sài Gòn hơn là Đồng
Tháp Mười. Địch biết rằng sau năm 1940, nhiều chiến sĩ khởi nghĩa ở Chợ
Lớn, Tân An, Mỹ Tho rút vào Đồng Tháp Mười, nó lùng sục vùng này dữ
lắm. Nghe nói ở Thủ Thừa, Mộc Hoá, còn một toán du kích võ trang hoạt
động nên địch lùng sục dữ lắm. Còn ở Hậu Giang gần như không có khởi
nghĩa hay chỉ khởi nghĩa Hòn Khoai, nên việc lùng sục của địch không khẩn
trương, không liên tục bằng ở Tiền Giang. Các đồng chí Phú Lạc đề nghị tôi
đi Xẻo Bần, ở đó có mặt năm, bảy anh em hết sức tin cậy, có thể cùng nhau
tự vệ và có thể đào tạo lý luận thành cán bộ giỏi. Tôi bằng lòng ngay. Đi U
Minh có thể, bắt liên lạc với Tây (Nguyễn Văn Tây tức Thanh Sơn), Khiêm
(Ung Văn Khiêm), Bí thư Xứ uỷ những năm 1930-1931, để sau này tổ chức
lại một Xứ uỷ có uy tín cao; Tây, Khiêm đã “ẩn” ngay từ khi chiến tranh thế
giới thứ hai nổ ra, lúc Pháp bắt đi trại tập trung rất nhiều người mà nó đánh
giá là nguy hiểm. Các anh “biến” trước khi Pháp hạ thủ. Kịp thời hơn tôi.
Tôi đi theo ghe mắm của cô Tám Tý là bà con cô cậu với Bảy Trân. Cô
Tám Tý đáp ô tô đi Rạch Giá. Tôi ngồi trên một chiếc ghe rổi đầy lu mái
65
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
trống, có bốn người chèo mà hai anh là chiến sĩ khởi nghĩa năm 1940; trong
túi tôi bây giờ có nhiều tiền; các bạn chèo đều có đầy đủ giấy tờ hợp lệ.
Chuyến đi năm ngày yên ổn, cứ theo nước ròng, nước lớn và gió chướng mà
tiến tới.
Xẻo là một cái rạch nhỏ. Xẻo Bần là một cái rạch có nhiều cây bần mọc
hai bên; Xẻo Rô là một cái rạch có rất nhiều cây ô rô ở hai bên mé. Muốn đi
tới Xẻo Bần thì phải qua thị trấn Rạch Giá rồi qua Xẻo Rô. Rạch Bần thuộc
U Minh Thượng. Xẻo Bần là một vùng mới khai phá, trên là rừng U Minh
mênh mông, dưới là biển cả hiền hoà, giữa là ruộng và đồng cỏ ngút tầm
mắt. Ruộng đồng không có bờ mẫu, làng xóm không có đường đá, đường
đất gì hết, người ta đi lại bằng xuồng ba lá mà gần như nhà nào cũng có.
Rừng đầy chim, nhất là cò vạc; nhiều đến nỗi có tới hàng trăm con một bầy;
Xẻo Bần có hàng chục bầy cò vạc. Đồng ruộng cũng nhiều cá tôm, bơi
xuồng dưới Xẻo Bần thấy như là cá nuôi ở trong ao cá. Rắn cũng thật nhiều
và thật rẻ, bốn năm hào một con rắn hổ mang đen xì bốn năm người ăn
không hết. Xẻo Bần chỉ có một địa chủ, kỳ dư, gần hết nhân dân là nông dân
tá điền hay làm ăn tự do, từ tứ phương đến, mà phân nửa là “dân lậu”, trốn
thuế, trốn nợ, không giấy tờ hợp pháp (giống như bọn tôi). Họ nghèo lắm.
Xẻo Bần chỉ có hai ba nhà ngói. Còn phần lớn toàn là chòi tranh nhà lá, cũng
gọi là “nhà đạp”. Nhà đạp là chòi tranh vách lá không có vườn tược xung
quanh, gia đình sống về nghề cá mắm, cấy thuê gặt mướn; đủ ăn thì ở, thiếu
ăn hay mắc nợ trả không nổi thì “đạp” cái chòi tranh vách lá kia, rồi vợ,
chồng, con cái, gà, vịt, nồi niêu, hũ gạo, xuống xuồng, xuống tam bản,
chống chèo đi nơi khác, không biết trước là nơi nào. Một phần khá đông dân
Xẻo Bần là như vậy, nên tôi khá yên tâm; có ai biết rằng mình cũng là một
thứ “dân lậu” đâu? Lính quận lại ít khi đến Xẻo Bần, và nếu chúng có đến
thì từ đầu xẻo đến cuối xẻo, người ta biết ngay để đề phòng. Vả lại, lính
quận về làng để kiếm vài con gà, lít rượu, chớ cần gì kiểm tra giấy tờ, kiểm
tra sao xuể, kiểm tra để làm gì?
Mua góp đầy ghe mắm rồi, Tám Tý về Sài Gòn bán mắm. Tụi tôi năm
đứa, “dân lậu”, xoay qua mướn một trăm công44 ruộng của ông Cả, cha
chồng Tám Tý, để cấy cày cho qua ngày. Tôi cất hai cái chòi, một cái ở
ngoài ruộng bên cạnh rừng tràm. Một cái trong rừng tràm. Ổn thì ở ruộng,
động thì vào rừng. Tôi và ba đồng chí vừa làm ruộng, vừa mở lớp huấn
luyện, còn Châu Văn Giác thì tôi phái đi các tỉnh Hậu Giang để gặp một số
đồng chí trước đây đã từng là cán bộ lãnh đạo, để nắm tình hình tư tưởng
của họ ra sao, rồi cùng họ giải đáp ba vấn đề mà tôi đã trình bày ở Phú Lạc.
44 Công: 1000 mét vuông, 100 công là 10 hecta (mẫu tây, Nam Bộ quen gọi là mẫu)
66
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Trước khi lâm bệnh, Giác đã đi Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Vĩnh Long
và dự định đi Nam Vang nữa. Giác rất chú ý nghiên cứu vấn đề đạo Hoà
Hảo, bắt liên lạc với Nhung (Long Xuyên), Cử (Sa Đéc), Minh Thẹo (Vĩnh
Long), tính đi gặp Tây, Khiêm ở đâu chưa rõ.
Làm tá điền cho ông cả thì mình xem như được bảo vệ một phần, vì
lính quận nào dám vào quấy nhiễu đồn điền của ông ấy? Vả lại mình ở bìa
rừng, chống sào nhảy qua một con kinh hẹp thì an toàn rồi. Bài vở huấn
luyện giống gần y như bài vở ở Khám Lớn: tôi thuộc lòng hơn dân nhà quê
thuộc Lục Vân Tiên; nay được nâng lên, và khác ở tình hình hiện tại và
nhiệm vụ cần kíp. Ăn uống thì gạo sẵn, muối sẵn, chỉ phiền một cái là nấu
bằng nước phèn sông rạch lắng trong lu nhỏ; còn thịt cá tôm thì hết sức dễ
kiếm: đặt năm ba cái “vó”, cái “lọp” nho nhỏ xuống ruộng, xuống kênh có
thể bắt cả ký lô cá tôm; thiếu thịt thì vào rừng tràm nửa giờ đã có thể lượm
về mấy chục trứng, có khi hàng chục cò con chưa lông cánh, tha hồ mà
nhâm nhi. Mấy tháng làm tá điền ở Xẻo Bần, Rạch Giá cũng tựa như mấy
tháng làm thợ hồ ở Đà Lạt, tôi có dịp sống đời sống của người dân lao động
trong thời chiến tranh. Nông dân khổ hơn công nhân nhiều. Bà con nghèo
quá. Người đi làm ngày thì tiền công mỗi ngày cao lắm là một cắc bạc; tiền
công cấy lúa còn rẻ hơn là phát cỏ. Quần áo rách rưới. Có quần áo rách đã là
may; phân nửa người đi làm mướn mặc bao bố tời hay mặc bao bàng; bao
bàng, bao bố tời thay cho quần áo vải. Kiếm gạo ăn đủ no thì dễ, kiếm được
manh áo lành thì rất khó. Trong khắp đồn điền ông Cả tôi thấy tá điền, số
người làm mướn ít ai đóng nổi cái giấy thuế thân. Hầu hết những bà con làm
thuê, làm tá điền đều bán “lúa non” nghĩa là chưa tới mùa gặt, lúa còn xanh
thì đã bán lúa mình sắp gặt để đong gạo. Cho nên, lúa chín, gặt xong, ít ai
còn lúa để làm mùa tới. Gặt xong thì xoay ra bắt cá, làm mắm. Nghèo thì
nghèo vậy chớ trong xóm thì cờ bạc lu bù, cuối cùng chỉ có chủ chứa gom
tiền, còn người cờ bạc thì rốt cùng ai cũng cháy túi cả.
*
Chúng tôi tính rằng ở Xẻo Bần lâu (hay bất cứ ở nơi nào) thì dễ bị lộ.
Cho nên lúa ba trăng chín, gặt hái xong, bọn tôi dời đô xuống vùng rừng
“Thứ mười một”, tôi bỏ tiền mặt của vợ tôi cho sang tên mười mẫu trong
một cái đồn điền thơm rộng mấy trăm mẫu, sang rẻ lắm, vì lúc ấy trồng
thơm không lời; giá thơm hạng nhất chỉ một đồng một chục có đầu. Thì hoà
vốn là may. Mà tụi tôi đâu có tính lỗ lãi gì, chỉ muốn được an toàn. Tôi chọn
mười mẫu ở trong sâu nhất, sát bìa rừng để phòng bất trắc thì rút lui có trật
tự. Rừng ở Xẻo Bần là rừng nước, rừng ở Thứ mười một, vùng đồn điền
dứa, là rừng khô. Anh Mười Nhung, người Chợ Lớn làng Bình Trị (Bà
Hom) bị xử tử vắng mặt, lo việc cắt thơm, bán thơm. Sớm mai tụi tôi mang
67
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
gùi sau lưng, tay cầm lưỡi mai cán dài để thu hoạch thơm chín, trái nào bị
chuột khoét hay chim mổ thì trái đó ngon, để dành ăn. Sáng, làm việc tới độ
chín giờ thì rút vào rừng tràm, rừng choạy mà học tập huấn luyện. Lẩn quẩn
hết mùa khô. Đã cuối năm 1942, sắp sang năm 1943. Báo từ Sài Gòn xuống
tới chậm. Dù sao tôi không đói tin. Trên thế giới chiến tranh đổi chiều
hướng. Quân đội phát xít Hitler tổn thất rất lớn ở Stalingrad, Hồng quân
Liên Xô sẽ tổng phản công trên các mặt trận. Bên Viễn Đông - Thái Bình
Dương, quân đội Nhật khựng lại và bắt đầu thua ở Tây Nam Thái Bình
Dương, ở Miến Điện.
Thế là sự đoán trước của tôi bắt đầu thành sự thật.
Chắc chắn tình hình này sẽ càng ngày càng thuận lợi cho việc tập hợp
lại lực lượng, gây dựng lại hệ thống cơ sở của Đảng. Sắp hết cơn bĩ cực;
đang tới kỳ thới lai. Tôi quyết định về Sài Gòn, để mười mẫu dứa lại cho
Mười Nhung săn sóc, muốn sang nhượng cho ai tùy ý. Trời đã rót hạt sương
xuân. “Lúa sạ” sắp mọc xanh đồng.
68
Hồi ký (1940-1945) | Trần Văn Giàu
Phần thứ ba
No comments:
Post a Comment