Sunday, October 27, 2013

HỒ VĂN CHÂM * QUAN ĐIỂM II

Nhận Diện Người Yêu Nước

Quốc Gia Chủ Nghĩa




            Người Việt Nam có lòng với đất Tổ, không ai là không xót xa cho tình hình đen tối của Việt Nam ngày nay. Người Việt Nam yêu nước, không ai là không băn khoăn tự hỏi cần phải làm gì để đưa đất nước ra khỏi tình trạng tồi tệ hiện tại. Người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa, không ai là không chú tâm mưu cầu những phương hướng hành động thích đáng để sớm đưa quốc gia dân tộc thoát khỏi tình trạng nghèo khó lạc hậu. Nhưng Việt Nam hiện tại đang ở dưới sự thống trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam với chủ trương cố hữu "sử dụng bạo lực cách mạng để nắm vững chuyên chính vô sản". Do đó, người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa, muốn phục vụ quốc gia dân tộc, đương nhiên phải ở thế đối đầu với người Việt Nam mác-xít lê-ni-nít trong một cuộc đấu tranh không khoan nhượng để dành quyền dự phần vào việc điều hành sinh hoạt quốc gia trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
           
Cuộc đấu tranh này đã xảy ra từ lâu, dai dẳng và không khoan nhượng, dưới con mắt trọng tài của quốc dân Việt Nam. Tuy nhiên, từ trước tới nay, công luận trong nước cũng như ngoài nước, đều xem cuộc tranh chấp quốc cộng này giản đơn chỉ là cuộc đấu tranh giữa hai phe cộng sản và chống cộng sản. Thực vậy, chủ yếu bên trong các thực thể chính trị "không cộng sản" là các phong trào chống cộng, các hoạt động chống cộng, các chế độ chống cộng, các nhân vật chống cộng, v.v., mà tất cả những phong trào này, những hoạt động này, những chế độ này, những nhân vật này, v.v., vàng thau lẫn lộn, thảy thảy đều được mang nhãn hiệu quốc gia, nào là phong trào quốc gia, hoạt động quốc gia, chế độ quốc gia, nhân vật quốc gia, đấu tranh cho lý tưởng quốc gia, phục vụ cho quyền lợi quốc gia, v.v.. Nói khác đi, tất cả các nhân vật chống cộng đã phát động các phong trào chống cộng, hoặc lãnh đạo các chế độ chống cộng, từ trước đến nay, đều tự nhận là người quốc gia và đã phụng sự quốc gia theo phương hướng và trong khuôn khổ chủ nghĩa quốc gia. Trong lúc người mác-xít lê-ni-nít dứt khoát có lập trường thù nghịch chủ nghĩa quốc gia thì về phía người quốc gia chủ nghĩa, chúng ta cần phải tinh tế phân biệt thế nào là người không cộng sản, và thế nào là người chống cộng, và thế nào lại là người quốc gia chủ nghĩa, bởi lẽ trong thực tế, chống cộng không phải đương nhiên là quốc gia, ngược lại, không cộng sản có phần nào khác biệt với chống cộng, cũng như chống cộng không nhất thiết đương nhiên là đã phụng sự quốc gia theo phương hướng và trong khuôn khổ chủ nghĩa quốc gia. Nhận định được như vậy thì sẽ thấy ngay hệ luận là cuộc đấu tranh không khoan nhượng và dai dẳng giữa người mác-xít lê-ni-nít và người quốc gia chủ nghĩa dưới con mắt trọng tài của nhân dân Việt Nam từ bấy lâu nay đã xảy ra giữa đám hỏa mù đó, mà người quốc gia chủ nghĩa chung quy đều ở thế bất lợi, vì lẽ người mác-xít lê-ni-nít tuy mang xương tủy quốc tế vô sản nhưng lại gian trá đội lốt quốc gia và luôn luôn khai thác những lỗi lầm của những người chống cộng tự nhận là quốc gia để triệt hạ uy tín người quốc gia chân chính.

            Vì những lẽ đó, muốn đánh giá chính xác vai trò và vị thế người yêu nước quốc gia chủ nghĩa thì trước hết phải làm công việc tiên quyết là nhận diện người quốc gia chủ nghĩa.

           
Quốc gia là không cộng sản, nhưng không phải là Việt gian theo Tàu.
            Hãy bắt đầu bằng việc trở lại chính phủ liên hiệp quốc cộng năm 1946. Sau khi dựng đứng ra vụ Ôn Như Hầu để có cớ tàn sát Quốc Dân Đảng và các tổ chức chính trị không cộng sản khác đã chống đối Hồ Chí Minh thỏa hiệp với thực dân, và sau khi Nguyễn Hải Thần và các cộng sự viên đã theo Lư Hán rút về Trung Quốc, người mác-xít lê-ni-nít tiến hành một chiến dịch dai dẳng bôi lọ người quốc gia chủ nghĩa đã từng lưu vong ở Trung Quốc và đã vì đại cuộc mà chịu tham gia chính quyền liên hiệp quốc cộng năm 1946, bằng cách đồng hóa họ với người của Nguyễn Hải Thần, chụp cho họ cái mũ Việt gian theo Tàu. Báo chí cộng sản bịa ra những câu chuyện hài hước về Nguyễn Hải Thần, như việc họ Nguyễn không nói sõi tiếng Việt ("Kính thưa tồng pào"), việc họ Nguyễn ham muốn tiền tài danh vọng ("Nay tôi làm Phó Chủ Tịch chính phủ, được ở ngôi nhà như thế này, được đi chiếc xe như thế này, trong lòng thật lấy làm mãn nguyện ..."). Trong lúc Nguyễn Hải Thần và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội quả tình là công cụ của viên tướng Tàu Trương Phát Khuê trong kế hoạch "Hoa quân nhập Việt", phần lớn những người cách mạng Việt Nam quốc gia chủ nghĩa lưu vong ở Trung Quốc nếu có liên lạc với Trương Phát Khuê thì chỉ là để tìm đất dung thân chứ không phải là chịu làm tay sai. Chính Hồ Chí Minh và Nguyễn Tường Tam đều đã nhờ Nguyễn Hải Thần bảo lãnh mới được Trương Phát Khuê thả ra khỏi ngục Liễu Châu. Chính Hồ Chí Minh đầu năm 1941 đã nhận tiền bạc và nhân lực của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội để về Việt Bắc hoạt động, và sau đó đã trở mặt đoạn giao với Việt Cách mà lập ra Việt Minh. Hồ Chí Minh và Nguyễn Tường Tam thì không ai có thể nói là đã làm tay sai cho Trương Phát Khuê. Vì vậy, việc cố tình nhập nhằng đồng hóa tất cả những người quốc gia chủ nghĩa lưu vong ở Trung Quốc với  phe  nhóm  Nguyễn Hải Thần  là thủ đoạn  gian manh

của phe cộng sản tung hỏa mù Việt gian theo Tàu để bôi lọ người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa.          

Quốc gia là không cộng sản, nhưng không phải là Việt gian theo Tây.

            Sau khi rút vào các khu kháng chiến, và mặt nạ dân tộc dần dà vỡ nát để lộ phần nào hình thái quốc tế vô sản, người mác-xít lê-ni-nít lại chụp mũ Việt gian theo Tây cho những ai không đi theo kháng chiến hay đã đi theo kháng chiến nhưng nay bỏ về thành. Đành rằng trong vùng người Pháp chiếm đóng, đã có những người Việt Nam trực tiếp cộng tác với Pháp hoặc tham gia các tổ chức chính trị, hành chánh, tôn giáo, đôi lúc được võ trang, có phương hướng hoạt động chống cộng rõ rệt; nhưng già mồm già miệng la lối rằng tất cả đều là Việt gian bán nước là hàm hồ nói lấy được, cả vú lấp miệng em. Thực vậy, ngay từ buổi đầu, đã có nhiều người quốc gia chủ nghĩa từ chối tham gia chính quyền Việt Minh (Ngô Đình Diệm, Trương Tử Anh, Lý Đông A), mà những người này thì quá trình tranh đấu sáng ngời chính nghĩa dân tộc, không thể nào chụp mũ Việt gian lên đầu. Lại có những người quốc gia chủ nghĩa đã đi theo kháng chiến nhưng buộc lòng phải rời bỏ kháng chiến vì nhận thấy bị phản bội, xương máu đem hy sinh chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản chứ không phải cho sự sống còn của quê hương (Hà Thúc Ký, Trần Chánh Thành, Doãn Quốc Sỹ). Nhiều người quốc gia chủ nghĩa khác từ chối giải pháp Bảo Đại, hoặc chỉ tham gia thăm chừng và rời bỏ sau đó, vì nhận thấy người Pháp không thực lòng trao trả độc lập cho Việt Nam (Ngô Đình Diệm, Nguyễn Tường Tam, Lê Thăng, Nguyễn Tôn Hoàn). Lại còn phải quan tâm đến chủ trương của những nguời chống cộng muốn mượn tay người Pháp để tiêu diệt cộng sản trước, chuyện độc lập tính sau (Lê Hữu Từ, Trần Văn Hữu, Trần Văn Lý, Nghiêm Xuân Thiện, Nguyễn Hữu Trí, Nhượng Tống, Hoàng Bình). Thành thử nhập nhằng đồng hóa tất cả những người sống trong vùng quân Pháp kiểm soát, không đi theo kháng chiến, hoặc vì chán ghét cộng sản mà rời bỏ kháng chiến, với những người thực sự làm tay sai cho Pháp, là thủ đoạn gian manh của người mác-xít lê-ni-nít tung hỏa mù Việt gian theo Tây, cố tình xuyên tạc sự thật, để bôi lọ người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa.
           
Quốc gia là không cộng sản, nhưng không phải là ngụy bù nhìn Mỹ.

            Sau hiệp nghị Genève 1954, đất nước chia đôi, ở phía nam vĩ tuyến 17 là quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, đối lập với quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở phía bắc vĩ tuyến.  Về đối ngoại, việc chia đôi Việt Nam thành hai quốc gia là do sự sắp xếp của các siêu cường, và Việt Nam Cộng Hòa có quan hệ ngoại giao chính thức với non sáu mươi nước trên thế giới. Về đối nội, Việt Nam Cộng Hòa có hiến pháp, có Tổng Thống và Đại biểu Quốc Hội do dân bầu, có luật lệ thành văn và trường Đại học dạy Luật, có hệ thống xử án độc lập với hành pháp, nghĩa là có đủ những căn bản của một định chế dân chủ pháp trị. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa, trải qua cả hai thời kỳ đệ nhất và đệ nhị, so sánh với chế độ miền bắc, thì về tất cả mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội v.v., và đứng từ phía chủ thể được phục vụ, tức là nhân dân Việt Nam, mà xét đoán, thì rõ rệt là có nhiều ưu điểm hơn. Đành rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa còn nhiều mặt hạn chế, ví dụ như thời đệ nhất thì dần dà mất đi tính chất dân chủ đa nguyên, và thời đệ nhị thì chủ quyền quốc gia mỗi ngày một thu hẹp, nhưng công bằng mà nhận xét thì người dân Việt Nam sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũng cảm thấy tự hào và thoải mái, so với nguời dân Việt Nam sống dưới các chế độ bị trị trước đây, và chế độ công an đảng trị ở miền bắc. Cuối thập niên 50, Quốc vương và Hoàng hậu Thái Lan viếng thăm Sài Gòn, trong đáp từ cảm tạ của vị thượng khách nước láng giềng có câu nói : "Ước gì thủ đô Bangkok chúng tôi một ngày nào sẽ khang trang và hoa lệ như Sài Gòn của quí quốc". Đầu thập niên 60, trẻ bán báo ở Đà Lạt đều mang giày Bata, và Hoa kiều đứng bán hàng trên vĩa hè Sài Gòn bị cấm không được mặc quần đùi và áo thun ba lỗ. Đầu thập niên 70, kinh tế thị trường phát triển, thành thị đầy ắp hàng tiêu dùng và thôn quê náo nhiệt tiếng động cơ máy cày máy kéo. Trước sự thật sờ sờ như vậy, người mác-xít lê-ni-nít một mặt chụp bức màn tre dày dặc bưng tai bịt mắt người miền bắc, một mặt tiến hành chiến dịch bôi lọ chế độ miền nam bằng những lời lẽ hồ đồ, cho rằng cái gì ở miền nam cũng là của giả. Tình trạng phát triển của xã hội miền nam là phồn vinh giả tạo, chính quyền miền nam là ngụy quyền, quân đội miền nam là ngụy quân. Ngụy là giả, là không thật, là không có thật. Vậy mà Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể đã đóng góp nhiều tiến bộ tích cực trong quá trình phát triển của đất nước trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội v. v. và điều này là một sự kiện không ai có thể phủ nhận. Người quốc gia chủ nghĩa phục vụ dưới lá cờ Việt Nam Cộng Hòa đã lấy quốc gia dân tộc làm đối tượng phụng sự, khác biệt với những phần tử tay sai nước ngoài. Trung Tá Hải quân Ngụy Văn Thà và các binh sĩ thuộc hạ tử tiết ở Hoàng Sa năm 1974 khi anh dũng đương đầu với quân xâm lược Trung cộng, Trung Tướng Nguyễn Khoa Nam cùng các vị Tướng lãnh tự sát tại Vùng IV Chiến thuật khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng năm 1975, đã nêu cao khí tiết người quốc gia chủ nghĩa hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc, Danh dự và Trách nhiệm. Phủ nhận các thành quả của Việt Nam Cộng Hòa là xuyên tạc sự thật. Nhập nhằng đồng hóa người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa phục vụ chế độ Việt Nam Cộng Hòa với những phần tử tay sai nhận tiền người nước ngoài để chụp lên đầu họ cái mũ ngụy quân ngụy quyền là thủ đoạn gian manh của người mác-xít lê-ni-nít cố tình bôi lọ danh dự để phủ nhận sự nghiệp phụng sự quốc gia dân tộc của người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa trước con mắt trọng tài của quốc dân Việt Nam.

           
Quốc gia là không cộng sản, và vẫn có thể xuất phát từ cộng sản.
Ngày nay, toàn bộ đất nước đang nằm trong vòng tay kềm kẹp của đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngoại trừ một số ít may mắn thoát ra được nước ngoài, đại khối dân tộc Việt Nam, đang bị người mác-xít lê-ni-nít ghìm đầu vào gầm chuyên chính vô sản. Mặt nạ quốc gia dân tộc của người mác-xít lê-ni-nít đã bị vỡ vụn. Cái lốt giả mạo yêu nước thương nòi của người mác-xít lê-ni-nít đã tả tơi. Người mác-xít lê-ni-nít ngày nay đã lộ nguyên hình là phường buôn dân bán nước. Người mác-xít lê-ni-nít không đếm xĩa gì đến quyền lợi quốc gia, đến phúc lợi dân tộc, không ngần ngại nhúng tay vào bất cứ tội ác nào, không từ nan tiến hành bất cứ hành động phản nước hại dân nào, chỉ cốt sao giữ vững ngôi vị độc tôn để một mình một chiếu thung dung thụ hưởng đặc quyền đặc lợi. Nói rõ ra, người mác-xít lê-ni-nít là người không có tinh thần quốc gia, không có tình tự dân tộc. Các lý thuyết gia mác-xít lê-ni-nít đã khẳng định là không có chỗ đứng cho hai chữ quốc gia trong ý hệ cộng sản chủ nghĩa. Cuối thế chiến thứ nhất, Lê Nin đã nặng lời thóa mạ những người cộng sản Âu châu chiến đãu ở hai bên biên giới Pháp Đức để bảo vệ Tổ quốc của họ. Ngày nay, ở Việt Nam, Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh đã không chút đắn đo lén lút ký kết và âm thầm thi hành các hiệp ước về biên giới trên đất liền (ký ngày 30-12-1999), và về lãnh hải (ký ngày 25-12-2000), nhường cho Trung cộng hơn 750 cây số vuông lãnh thổ và khoảng 10% hải phận. Hành động này rõ ràng là hành động bán nước cầu vinh, lấy lòng Trung cộng để tìm chỗ dựa đối đầu với áp lực đòi hỏi dân chủ và nhân quyền từ các nước Tây phương, và để trấn áp các phong trào đòi hỏi tự do tín ngưỡng, đòi hỏi cải tiến dân sinh, đòi hỏi mở rộng dân chủ của các tầng lớp nhân dân trong nước. Rõ ràng người mác-xít lê-ni-nít đã chà đạp quyền lợi quốc gia, hy sinh phúc lợi dân tộc, chỉ với mỗi một mục đích bảo vệ địa vị độc tôn của đảng cộng sản, bảo vệ đặc quyền đậc lợi của thiểu số đảng viên cầm quyền. Những người này họp thành một giai cấp mới là tư bản đỏ, vô cùng giàu có, trong lúc tuyệt đại bộ phận dân tộc sống trong nghèo nàn, cơ cực. Giai cấp tư bản đỏ này, ngoài cái tính xấu hám lợi của tư bản, còn dây dưa với những cố tật của nguồn gốc bần nông như nặng óc tư hữu, thèm khát quyền lực và ưa chuộng hư danh. Lại thêm tâm lý bù trừ, xưa kia quá đói rách, bây giờ phải vinh hoa cho bỏ lúc phong trần, nên tham ô đi liền với lãng phí, khiến đất nước mỗi ngày một lụn bại. Sự kiện này không những làm cho quần chúng xa rời họ, mà cả những người cộng sản có ý thức, những người cộng sản phản tỉnh, cũng xa rời họ rồi quay mặt chống đối họ. Buổi đầu cuộc phân tranh quốc cộng có những người cộng sản đệ tứ như Lê Khang, Bùi Hữu Phiệt theo về với người quốc gia chủ nghĩa. Về sau, thời đất nước chia đôi, có những người cộng sản đệ tam, tuy xuất phát từ nhân dân và được xây dựng từ hạ tầng như Bùi Quang Triết trong Hội Nhà Văn Việt Nam, Tô Minh Trung trong Văn Phòng Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn-Gia Định thời Trần Bạch Đằng, đã sáng suốt dứt khoát giả từ chủ nghĩa cộng sản. Hiện nay thì không hiếm những người cộng sản trong nước lên tiếng chống đối chính quyền cộng sản. Nếu họ không chạy trốn được ra nước ngoài thì họ đang bị chính quyền cộng sản theo dõi, trù dập, bao vây, thậm chí giam cầm. Trong số những người cộng sản chống đối này, có những người chủ trương cải tổ chế độ để cho đảng Cộng Sản sống còn, như Nguyễn Văn Linh, Trần Xuân Bách, Trần Độ, có những người liên quan đến các vụ đãu đá bè nhóm giữa phe bảo thủ và phe xét lại thời Xec Ba Cốp làm Đại sứ như Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, hoặc giữa phe thân Nga và phe thân Tàu như Nguyễn Sơn, Hoàng Văn Hoan, Trần Quốc Hoàn. Kỳ dư đều là những người Việt Nam yêu nước thương dân, bồng bột và nhẹ dạ, để người mác-xít lê-ni-nít lừa gạt, lầm lạc phục vụ chủ nghĩa cộng sản mà tin tưởng rằng phục vụ quốc gia dân tộc. Nay thì họ đã phản tỉnh. Cùng với đa số quần chúng thầm lặng, trong bản chất, họ là người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa.
Kết luận.
Tóm lại, quốc gia là không cộng sản. Người quốc gia chủ nghĩa là người không cộng sản, đồng thời không phải là Việt gian theo Tàu, không phải là Việt gian theo Tây, mà cũng không phải là Ngụy bù nhìn của Mỹ. Mặt khác, quốc gia là chống cộng. Người quốc gia chủ nghĩa là người chống cộng, nhưng không bao giờ vì sự nghiệp chống cộng mà đi ngược lại quyền lợi quốc gia dân tộc. Người quốc gia chủ nghĩa là người Việt Nam yêu nước chân chính. Họ có mặt trong đa số quần chúng thầm lặng. Họ có mặt trong hàng ngũ cộng sản và dần dà thức tỉnh. Họ có mặt trong các tổ chức chống cộng, các phong trào chống cộng, các chế độ chống cộng. Tất cả đều phụng sự một lý tưởng chung bao gồm hai mặt: quốc gia Việt Nam là cứu cánh, dân tộc Việt Nam là đối tượng.

                                                 Tháng 6, 2002

    Minh Vũ Hồ Văn Châm


 

 




 

 








































Vai Trò và Vị Thế


Người Quốc Gia Chủ Nghĩa




            Người Việt Nam quốc gia chủ nghĩa là người theo chủ nghĩa quốc gia, phụng sự lý tưởng quốc gia, lấy quyền lợi quốc gia làm cứu cánh, lấy phúc lợi dân tộc làm đối tượng. Đối với người Việt Nam quốc gia chủ nghĩa, quốc gia Việt Nam là tối thượng, quốc gia đứng trên hết, đứng trên nhà nước, đứng trên đảng phái, đứng trên tôn giáo, đứng trên thần linh.

Trong bản chất, người Việt Nam quốc gia chủ nghĩa là người yêu nước, bởi vậy, người Việt Nam quốc gia chủ nghĩa không ai là không xót xa, trăn trở, ăn không ngon cơm, ngủ không đẫy giấc, trước hiện tình đen tối của đất nưc. Từ giữa năm 1975, sau khi đưa quân tiến chiếm miền nam, tập đoàn lãnh đạo cộng sản đã âm thầm giải thể Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, rồi qua năm 1976 thì tiến hành hiệp thương thống nhất hai miền nam bắc thành nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Để nhận định chính xác và đánh giá khách quan vai trò và vị thế người Việt Nam quốc gia chủ nghĩa trong bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa, x
xả hội Việt Nam hiện thời, ta hãy điểm lại những nét chính của thực trạng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam như là một quốc gia qua các thành tố chủ yếu quốc dân, lãnh thổ và chế độ. Trên cơ sở phân tích đó, ta sẽ tìm hiểu phương hướng hành động của người Việt Nam quốc gia chủ nghĩa, nói khác đi, tìm hiểu vai trò và vị thế của họ trong tư thế đối đầu với người mác-xít lê-ni-nít trong cuộc đãu tranh chính trị dai dẵng và không khoan nhượng từ hơn nửa thế kỷ nay dưới con mắt trọng tài của nhân dân Việt Nam.

Quốc Dân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
           
Quốc Dân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bao gồm một sắc tộc chính là người Kinh và nhiều sắc tộc thiểu số mà người Hoa là đáng chú ý hơn cả. Do các biện pháp tích cực của chính quyền cộng sản, người Hoa ở Việt Nam chỉ có lựa chọn một trong hai con đường, hoặc là chịu đồng hóa thành người Việt, hoặc là đi nơi khác kiếm sống. Trong mấy năm cuối thập niên 70, nhiều người Hoa đã trở về Trung quốc hoặc di cư đến các nước Tây phương. Người Hoa ở lại đất Việt chịu ngoan ngoãn làm dân Việt Nam, mặc y phục Việt Nam, nói ngôn ngữ Việt Nam, sinh hoạt theo phong tục Việt Nam, gần y như dưới thời các vua chúa triều Nguyễn. Không còn cái cảnh Hoa kiều nghênh ngang thao túng thị trường, lập bang hội, xây nhà thương, dựng trường học riêng biệt như dưới thời Pháp thuộc hay thời Đệ nhị Cộng Hòa. Không còn thấy những cảnh chướng tai gai mắt như trường hợp một người Việt Nam gốc Thượng du Bắc Việt có cái tên rất Việt Nam, rất văn vẻ là Hoàng Ngọc Phương, dưới thời Đệ nhị Cộng Hòa, vỏ vẻ vài tiếng Quảng Ðông, đi đâu cũng xưng họ tên là Wòng A Phóng, xưng gốc gác là người Hoa Nùng. Duy mấy năm gần đây, với chủ trương kinh tế thị trường, tại một vài thành phố lớn ở miền nam, một số Hoa kiều theo làm ăn với người Hồng Kông và người Đài Loan đã làm sống lại tình trạng cũ, nhưng vẫn còn ở mức độ hạn chế. Phong trào ly khai FULRO (Front Unifié pour la Libération de la Race Opprimée) của người Thượng Cao nguyên đã tự giải thể. Một vài vụ nổi dậy mang màu sắc tôn giáo đòi tự do tín ngưỡng hay đòi thành lập nước Cộng Hòa Đê Ga cũng đã dược thu xếp êm thắm. Các khu tự trị Việt Bắc, Tây Bắc, Lao Hà Yên, của người Dao, người Thái, người Tày, cũng đã dẹp bỏ từ lâu. Được vậy là nhờ các cán bộ công tác thượng vận tiến hành triệt để chính sách ba cùng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, nên văn hóa sắc tộc được tôn trọng, tình cảm sắc tộc không thương tổn mà nhân thân sắc tộc vẫn được kiểm soát chặt chẻ. Các dân tộc láng giềng Khmer và Lào dần dà cũng khép mình dưới những định chế chính trị thân hữu. Nói chung, quốc dân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về mặt tổ chức, là thống nhất. Ngược lại, về mặt dân sinh, tình hình lại không mấy sáng sủa. Dân số mỗi ngày một gia tăng, hiện nay đã lên đến 78 triệu nhân khẩu, trong lúc mức thu nhập của mỗi đầu người đứng vào hàng thấp nhất thế giới. Nói một cách khác, quốc dân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đang sống trong nghèo nàn lạc hậu, với hậu quả rõ ràng là đang ở trên đà thoái hóa về thể chất, tầm vóc mỗi ngày một bé nhỏ, tuổi thọ mỗi ngày một giảm sút, vì thiếu ăn, vì tật bệnh, vì lao khổ triền miên, vì bị khai dụng và bóc lột quá mức.

Lãnh Thổ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
           
Lãnh Thổ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nhất thống từ nam chí bắc. Không còn Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Nam Kỳ; không còn vĩ tuyến 17 và con sông Bến Hói. Tuy vẫn còn ảnh hưởng mạnh trên lãnh thổ hai quốc gia láng giềng Kampuchia và Lào, nhưng so với nước Đại Nam thời Minh Mạng thì lãnh thổ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay nhỏ hẹp hơn. 33 phủ và 2 huyện ở Trấn Tây Thành nay không còn. Tất cả đất đai từ Trấn Ninh xuống Hạ Lào ở phía tây đường phân thủy Trường Sơn cũng đã mất. Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài Biển Đông đã bị Trung Quốc (cả Tàu Cộng lẫn Tàu Đài Loan) cưỡng chiếm gần hết. Dọc theo biên thùy Hoa-Việt, từ năm 1979, quân đội Trung Cộng còn chiếm giữ 10 địa điểm ăn sâu vào lãnh thổ Việt Nam từ 20 đến 30 kilômét. Những phần lãnh thổ bị Trung Quốc lấn chiếm có nguy cơ bị mất hẳn, vì lẽ Trung Quốc từ bao đời nay vẫn có dã tâm xâm lăng Việt Nam để mở đường bành trướng lãnh thổ về phương nam, nên trường kỳ tiến hành những kế hoạch ám muội, khi thì âm thầm, khi thì rầm rộ, để thực hiện mưu đồ lấn chiếm Việt Nam. Ngay từ những ngày mối quan hệ giữa hai bên còn hữu hão, Tàu Cộng cũng đã ngon ngọt dụ dỗ Việt Cộng để công nhân Tàu Cộng làm cho không những đoạn đường nối dài từ Trung Quốc vào sâu lãnh thổ Việt Nam vài chục kilômét mà kích thước và cấu trúc lòng lề đường cũng như trang trí cây cỏ hai bên vệ đường y hệt như bên Trung Quốc. Kịp đến khi tranh chấp xẩy ra thì trước mắt giới truyền thông quốc tế, những vùng đất đai đó rõ ràng vốn là của Trung Quốc, nếu không thì tại sao đường sá cây cỏ lại giống y hệt như bên Trung Quốc mà chẳng có chút gì giống với phía Việt Nam cả. Nguy cơ mất đất lại càng gia tăng với sự kiện Việt Nam mất thế dựa Liên Xô phải quay qua cầu hòa Trung Quốc. Thực vậy, những năm 1991, 1992, các nhà sử học xã hội chủ nghĩa được lệnh tung ra hàng loạt những công trình biên khảo minh oan cho Mạc Đăng Dung, nói rằng Mạc Đăng Dung chỉ trả đất chứ không cắt đất dâng cho Tàu, để chuẩn bị công luận, vạn nhất các nhà lãnh đạo mác-xít lê-ni-nít Việt Nam, vì quyền lợi của Đảng Cộng Sản mà hy sinh quyền lợi của Tổ Quốc, chịu chấp nhận mất 10 địa điểm dọc biên giới Hoa-Việt đang bị Trung Cộng cưỡng chiếm từ 1979, và thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Một phần lớn viễn tượng u ám này đã trở thành hiện thực với các hiệp ước biên giới trên đất liền ký ngày 30-12-1999 và về lãnh hải ký ngày 25-12-2000.
Chế Ðộ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Chế Ðộ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là chế độ chuyên chính vô sản. Cốt lõi của bản chất chế độ là "sử dụng bạo lực cách mạng để nắm vững chuyên chính vô sản". Sử dụng bạo lực cách mạng là dùng công an và quân đội để trấn áp các mầm mống phản động, tiêu diệt các tổ chức võ trang chống đối, bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu, ám sát, cô lập, vô hiệu hóa các thành phần nghi ngờ là nguy hại cho an ninh chính trị của Đảng Cộng Sản và các cơ chế Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Nắm vững chuyên chính vô sản là chỉ có các cấp ủy Đảng Cộng Sản được độc quyền quyết định vận mạng quốc gia trong tất cả mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong nước, ngoài nước, từ cơ sở đến thượng tầng, từ trung ương đến địa phương. Thực vậy, với chức năng lãnh đạo, cấp ủy đảng chỉ thị và kiểm soát cơ quan nhà nước cấp tương ứng. Thành thử, chỉ có đảng viên Đảng Cộng Sản một mình một chợ nắm giữ chính quyền, người ngoài đảng chỉ được sử dụng trong các địa hạt chuyên môn, nếu có cần phải đặt để vào các chức vụ chỉ huy trong phạm vi hành chánh thì cũng không thể hơn chức vụ Trưởng Phòng. Tuy có phổ thông đầu phiếu, nhưng là hữu danh vô thực, vì chỉ có đảng viên mới được quyền bầu cử đại biểu vào các cơ cấu chính quyền và Đại Hội Đảng, tức là gián tiếp bầu các cấp ủy đảng, còn quần chúng ngoài đảng thì chỉ được bầu Quốc Hội, các cơ quan Nhà Nước, Hội Đồng Nhân Dân các cấp, nghĩa là các cơ chế không có quyền quyết định chính trị. Chỉ có đảng viên mới được ứng cử, vì muốn ứng cử thì phải được Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu, mà không phải là đảng viên thì làm thế nào mà được Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu. Về mặt tư tưởng, học thuyết Mác Lê là hệ tư tưởng độc tôn, chi phối toàn bộ sinh hoạt xã hội. Không còn có chỗ cho các hệ tư tưởng nào khác. Các triết gia kim cổ, thảy thảy đều bị báo chí sách vở của Đảng và Nhà Nước bài xích, rầm rộ và công khai; các tôn giáo thảy thảy đều bị chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà Nước từ từ triệt hạ, âm thầm và tinh tế. Về phương diện kinh tế thì là kinh tế hoạch định, các tư liệu sản xuất đều là cộng hữu, ruộng đất phải hợp tác hóa, các tổ chức kinh tế chủ yếu phải là quốc doanh. Gần đây có chủ trương đổi mới, chấp nhận kinh tế thị trường với năm thành phần mà kinh tế quốc doanh vẫn là nòng cốt, nhưng công ty quốc doanh thì làm ăn thua lỗ, công ty hợp doanh thì bị người nước ngoài cấu kết với cán bộ tham ô bóc lột công nhân, khai thác cùng kiệt tài nguyên thiên nhiên và tẩu tán tài sản nhà nước. Nói tóm lại, chế độ chuyên chính vô sản tại Việt Nam đã dành đặc quyền đặc lợi cho thiểu số đảng viên cộng sản độc tôn cầm quyền, ghìm đại khối nhân dân trong nghèo đói, lạc hậu, sợ hãi, lừa dối, đố kỵ và ngu dốt.
Vai Trò Và Vị Thế Người Quốc Gia Chủ Nghĩa Trước Hiện Tình Đất Nước.
            Hiện tình đất nước là bi thảm. Tương lai dân tộc là đen tối. Người Việt Nam có lòng với quê cha đất tổ, không ai là không băn khoăn nghĩ ngợi, mong tìm ra những kế sách thích đáng để khắc phục tình hình. Trách nhiệm gây ra hiện tình bi thảm của đất nước rõ ràng là của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ năm 1975 đến nay, người mác-xít lê-ni-nít một mình một chợ thống trị toàn bộ đất nưóc, lỗi lầm tiếp nối lỗi lầm, thành thử cái tội phản dân hại nước không thể vin vào đâu được để biện minh. Bởi thế, bất kỳ kế sách nào có mục đích cứu dân cứu nước cũng phải lấy việc chấm dứt độc quyền thống trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam làm mục tiêu hàng đầu.

            Nhưng Đảng Cộng Sản Việt Nam dễ gì tự nguyện rời bỏ đặc quyền đặc lợi. Đừng kêu gọi tình tự dân tộc nơi người mác-xít lê-ni-nít, vì lẽ xưa nay họ vẫn dùng dân tộc làm phương tiện để đạt mục đích riêng tư. Giờ phút này, họ vẫn tiếp tục sẵn sàng hy sinh quyền lợi dân tộc để giữ vững quyền lợi phe đảng. Bởi vậy, mưu cầu việc chấm dứt độc quyền thống trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam là phải hăng hái dấn thân vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng với người mác-xít lê-ni-nít, là những người màu mè tự xưng tụng là được võ trang bằng chủ nghĩa Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng thực chất cũng chỉ là những kẻ mưu bá đồ vương, tham quyền cố vị, sử dụng mọi thủ đoạn gian manh để cướp đoạt chính quyền và giữ chặt chính quyền. Cuộc đấu tranh với người mác-xít lê-ni-nít lần này có phải sử dụng bạo lực hay không, chuyện đó còn tùy thuộc vào diễn biến của tình hình thế cuộc, nhưng nhất thiết là không mang tính chất đấu tranh võ trang mà chủ yếu là một cuộc đấu tranh chính trị trước sự trọng tài của dân chúng Việt Nam. Đấu tranh thành hay bại lần này là do sự phán xét của nhân dân Việt Nam, mà điều này lại phụ thuộc vào ý thức chính trị của quần chúng ở mọi giai tầng xã hội, bên này hay bên kia chiến tuyến, trong nước cũng như ngoài nước. Trải qua một thời gian dài hơn nửa thế kỷ, chả lẽ người Việt Nam chúng ta, sau bao nhiêu biến cố dồn dập làm rã rời thân xác, làm tan cửa nát nhà, lại không rút tỉa được ít nhiều kinh nghiệm máu xương để tỉnh táo nhận định ai là chân thật, ai là gian manh, ai đích thực là người vì dân vì nước, mà ai rút cục lại là kẻ bán nước buôn dân.
           
Trong cuộc đấu tranh dai dẵng và không khoan nhượng này, người yêu nước quốc gia chủ nghĩa tự nguyện giữ vai trò xung kích, đứng chung hàng ngũ với những người không cộng sản trong thế đối đầu với người mác-xít lê-ni-nít. Người yêu nuớc quốc gia chủ nghĩa trong các cộng đồng hải ngoại hiện có mặt khắp năm châu bốn biển, tương đối là được tự do và an toàn. Người yêu nước quốc gia chủ nghĩa trong các tổ chức quốc nội bị đặt vào tình thế khó khăn hơn, hoặc đang bị trù dập, bị tù đày, bị bao vây, bị cô lập, hoặc đang phải giả dại qua ải, im hơi lặng tiếng, ẩn nhẫn đợi thời. Dù đang được đi lại tự do hay nhân thân đang bị câu thúc, dù đang sinh hoạt trong nước hay đang sống lưu vong ở nuớc ngoài, dù công tác ở bên này hay ở bên kia chiến tuyến vô hình phân ranh quốc cộng, dù hoạt động công khai và rầm rộ hay hoạt động âm thầm và bí mật, tất cả những người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa đều đặt niềm tin sắt đá vào sự phán xét sáng suốt của đồng bào trong vai trò trọng tài của cuộc diện phân tranh quốc cộng. Sau hết, người yêu nuớc quốc gia chủ nghĩa tha thiết trông đợi sự tiếp tay, sự hổ trợ, sự đồng tình, sự cộng tác, của một số thành phần đặc thù trong cộng đồng dân tộc là thành phần thanh thiếu niên Việt Nam hải ngoại, công an và quân đội nhân dân ở trong nước, và đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam.



Thanh Thiếu Niên Việt Nam Hải Ngoại.

Về mặt quốc tế công pháp, thanh thiếu niên Việt Nam hải ngoại mang hai quốc tịch, quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước cư trú. Lớp nhỏ tuổi hơn, sinh tại nước ngoài, thì chỉ có quốc tịch nước cư trú mà thôi. Phần đông thanh thiếu niên Việt Nam hải ngoại đều có học, nhiều người là chuyên viên lỗi lạc, sẽ là vốn quí để phục hồi và tái thiết Việt Nam. Thanh thiếu niên Việt Nam hải ngoại dễ dàng hội nhập vào cuộc sống bản địa, một số không ít không nói được tiếng Việt Nam, không ăn được cơm Việt Nam, không thích nghe nhạc Việt Nam, và nhất là không muốn người khác nhận ra mình gốc gác Việt Nam. Không có gì đáng trách, mà cũng không ai có quyền trách. Họ đã trở thành người nước ngoài, hoặc họ đã là người nước ngoài từ thuở lọt lòng mẹ. Có điều là trong tương lai, họ sẽ theo tư bản nước ngoài về Việt Nam làm ăn sinh sống, phục vụ các công ty nước ngoài hay dự phần vào các sinh hoạt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam trong các dự án hợp tác với nước ngoài. Những người trẻ tuổi này có quốc tịch nước ngoài, mang thông hành nước ngoài, cung cách sinh hoạt y như người nước ngoài, nhưng ngoại hình thì vẫn đặc sệt Việt Nam. Vạn nhất cuộc đấu tranh giữa người quốc gia chủ nghĩa và người mác-xít lê-ni-nít đang hồi diễn tiến quyết liệt mà lớp chuyên viên này vô tình nghênh ngang phô bày tư duy cùng hành động tha hóa trước mắt quốc dân Việt Nam thì chắc chắn người mác-xít lê-ni-nít sẽ không bỏ lỡ cơ hội cố tình đồng hóa họ với người quốc gia chủ nghĩa, để chụp cái mũ mất gốc, vọng ngoại, tha hóa, ôm chân người nước ngoài, v.v. lên đầu người yêu nước quốc gia chủ nghĩa, y như trước đây đã nhập nhằng sử dụng các loại mũ tay sai Tàu, tay sai Tây, tay sai Mỹ, v.v., để bôi lọ danh dự và phủ nhận sự nghiệp phụng sự quốc gia dân tộc của những người yêu nước quốc gia chủ nghĩa đã lưu vong ở Tàu hay phục vụ trong các chính quyền thân Pháp, thân Mỹ trước đây. Bởi vậy, người quốc gia chủ nghĩa kêu gọi các bậc phụ huynh giới thanh thiếu niên Việt Nam hải ngoại truyền hơi tiếp sức cho con em mình giữ vững truyền thống Việt Nam, vun quén tình tự dân tộc, để cho dù về mặt pháp lý có là dân Tây dân Mỹ thì trong cốt tủy vẫn là người Việt Nam yêu nước thương nòi.
Công An Và Quân Ðội Nhân Dân Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và Nhà Nước xã hội chủ nghĩa, từ 1975 đến nay, Công An và Quân Ðội đã lập được nhiều thành tích lẫy lừng. Công An đã triệt tiêu được các mầm mống phản loạn trong nước, mà nhiều vụ được chỉ đạo từ nước ngoài. Quân Ðội đã giải phóng nước bạn Kampuchia khỏi nạn diệt chủng Pol pốt, và đánh lui quân xâm lăng bành bá Trung Cộng để bảo vệ biên cương. Đành rằng việc luận công định tội tùy thuộc vào góc nhìn và thế đứng nhận xét, nhưng nói chung trên cơ sở quyền lợi quốc gia và phúc lợi dân tộc mà phê phán thì Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phạm nhiều tội ác qua các hoạt động tích cực của tổ chức công an. Nhưng ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày, anh chị em công an chỉ là những phần tử thừa hành, trách nhiệm gây nên tội ác phải quy cho các cấp lãnh đạo. Nhưng cũng đến lúc anh chị em công an phải ý thức hậu quả của việc làm, phải biết cân nhắc, đắn đo, suy gẫm lợi hại, phải trái, chứ không thể cứ nhắm mắt tuyệt đối tuân hành mệnh lệnh cấp trên. Ở đây không đề cập đến những chuyện tủn mủn như việc sách nhiễu nhũng lạm của công an đường phố, công an khu vực, công an biên phòng, mà đặt vấn đề lệnh Đảng, lệnh Nhà Nước, với tương lai Dân Tộc, hạnh phúc Nhân Dân. Khi mà Đảng đã tách rời quần chúng, khi mà quyền lợi của Đảng đi ngược lại quyền lợi nhân dân, thì công an và quân dội, vốn được mang tên là Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, nếu muốn xứng đáng với truyền thống hào hùng của dân tộc, liệu có phải cứ tiếp tục nhắm mắt làm công cụ cho Đảng duy trì chế độ chuyên chính vô sản, trở ngược lại đàn áp nhân dân? Công An và Quân Ðội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hãy nhớ lại toà nhà Quốc Hội Liên Xô và quảng trường Thiên An Môn Trung Quốc. Lực lượng vũ trang Liên Xô có ý thức chính trị cao nên từ khước không theo lệnh cấp trên bắn vào quần chúng biểu tình, nhờ thế mà nước Nga thoát khỏi nạn độc tài đảng trị và ngày nay bước vào hàng ngũ G8; trong lúc đó quân đội nhân dân Trung Quốc, mù quáng và giáo điều, đã lái xe tăng xông lên dày xéo thân xác biết bao sinh viên tay chân không có một tấc sắt, chỉ có bầu nhiệt huyết của tuổi hoa niên để đối đầu với súng đạn, đấu tranh đòi hỏi dân sinh dân chủ cho đồng bào.

Đảng Viên Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Đảng viên được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, trong lúc quần chúng ngoài đảng phải sống lầm than, điều đó người đảng viên có lương tâm, có ý thức, có thấy là không hợp lý, không thuận tình hay không? Lý tưởng buổi thoát ly lên đường tranh đấu như thế nào mà nay đỉnh chung lại nỡ điềm nhiên tọa thị hưởng thụ một mình, phó mặc đại khối dân tộc chìm đắm trong cảnh nghèo đói và lạc hậu? Ông cha chúng ta ngày xưa khi đã lãnh trách nhiệm chăn dân thì "tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo nghĩ trước khi mọi người lo nghĩ, vui chơi sau khi mọi người vui chơi). Không ý thức được điều này thì là hạng người vô liêm sỉ, không bằng giống cầm thú. Ý thức được điều này thì phải lãnh trách nhiệm về những sai lầm đã vấp váp để thành khẩn nhận lỗi và sửa sai, tiến hành những cải tiến thích đáng, bằng không thì phải lui về, nhường chỗ cho người khác đảm trách việc nước, việc dân. Nay Đảng Cộng Sản Việt Nam thất bại về mặt thực hành, đất nước mỗi ngày một kiệt quệ, dân chúng mỗi ngày một nghèo khó, lại khủng hoảng về mặt lý thuyết, chủ nghĩa Mác Lê đã phá sản mà tư tưởng Hồ Chí Minh thì chẳng có gì, trong lúc đó, nhìn lại quá khứ thì chỉ thấy nội bộ xâu xé nhau, đấu đá nhau, vì tranh dành quyền lực cho phe nhóm chứ không phải để cải tiến hoặc thay đổi kế sách điều hành và quản trị quốc gia. Đã đến lúc người đảng viên có lương tâm, có ý thức, phải mạnh dạn dấn thân lãnh trách nhiệm trước quốc dân, trước lịch sử. Không cần dài dòng nhắc lại một số dữ kiện tiêu biểu có sự chỉ đạo từ bên ngoài, như đầu thập niên 50 Nguyễn Sơn dựa thế Trung Quốc đòi ghế Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội Nhân dân, thập niên 60 Hoàng Minh Chính tham dự âm mưu gây chính biến của Serbakov để áp đặt chủ nghĩa xét lại, thập niên 70 Nguyễn Đức Thoan liên lạc với nước ngoài mưu hại Nguyễn Chí Thanh và Võ Nguyên Giáp để sớm chấm dứt chiến tranh, v.v., mà chỉ đề cập đến những biến cố gần đây, cuối thập niên 80 đầu thập niên 90, phát xuất từ nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam, như việc Nguyễn Văn Linh mất chức Tổng Bí Thư vì muốn đổi mới Đảng theo gương Gorbachov, việc Trần Xuân Bách bị loại khỏi Bộ Chính Trị vì những tư tưởng cấp tiến về dân chủ đa nguyên, hay việc Nguyễn Cơ Thạch phải rời khỏi chức vụ Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao vì chủ trương đổi mới kinh tế thì đồng thời phải đổi mới chính trị. Nguyễn Văn Linh đã thất bại, cũng như Gorbachov ở Liên Xô, vì đã lầm lẫn cố gắng bảo vệ Đảng Cộng Sản. Họ là người cộng sản, chủ trương đổi mới chỉ để duy trì chế độ cộng sản. Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch đã thất bại vì thiếu sự đồng tình của đảng viên cầm quyền và sự hậu thuẫn của quần chúng ngoài đảng. Họ là người cộng sản, nhận thấy tác hại của chủ nghĩa cộng sản nên chủ trương cải tiến định chế chính trị, nhưng thiếu chuẩn bị lực lượng và không có hậu thuẫn cơ sở hạ tầng. Ngưòi đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam bước chân vào thiên niên kỷ mới hãy suy gẫm trường hợp Yeltsin. Yeltsin là người cộng sản, nhận thấy tác hại của chủ nghĩa cộng sản, đã mạnh dạn và dứt khoát chối bỏ chủ nghĩa cộng sản, để cùng toàn dân tiến hành cách mạng dân chủ đa nguyên, để rồi ít lâu sau đã đưa nước Nga vào hàng ngũ G8 tại hội nghị Denver tháng 6 năm 1997.

Kết Luận.
            Nói tóm lại, hiện tình Việt Nam là bi thảm. Đất nước mỗi ngày một kiệt quệ, dân chúng mỗi ngày một nghèo khó, tình trạng này là do Đảng Cộng Sản Việt Nam gây ra. Vì vậy, bất kỳ kế sách nào có mục đích cứu dân cứu nuớc cũng phải lấy việc chấm dứt độc quyền thống trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam làm mục tiêu hàng đầu. Đừng có ảo tưởng dựa vào tình tự dân tộc để kêu gọi người mác-xít lê-ni-nít từ bỏ đặc quyền đặc lợi. Nhất thiết phải đấu tranh. Đấu tranh liên tục, đấu tranh trường kỳ, đấu tranh không khoan nhuợng. Trong cuộc đấu tranh này, chủ yếu là một cuộc đấu tranh chính trị, người quốc gia chủ nghĩa tự nguyện đảm trách vai trò xung kích, đứng chung hàng ngũ với những người không cộng sản trong thế đối đầu với người mác-xít lê-ni-nít, lấy nhân dân làm trọng tài, lấy nhân dân làm hậu thuẫn, đồng thời kêu gọi sự trung lập, sự đồng tình, sự hổ trợ, sự liên kết của các phần tử có lương tâm, có ý thức hiện ở trong hàng ngũ Công An, Quân Ðội và Đảng Cộng Sản Việt Nam.

                                                            25 tháng 6 năm 1997

                                                       Minh Vũ Hồ văn Châm                                                                                    








 

Cựu Hoàng Bảo Đại


và Chế Ðộ Quốc Trưởng
dưới mắt Người Quốc Gia Chủ Nghĩa


Bảo Đại, còn được gọi là Cựu Hoàng Bảo Đại, đã tạ thế tại quân y viện Val de Grâce ở Paris ngày 31 tháng 7 năm 1997, hưởng thọ 85 tuổi, theo lối tính của người Á Đông.  Tổng kết một đời người, sinh thuận tử an, trên nhung lụa, trong vàng son, Bảo Đại kể như đã được hưởng trọn vẹn tất cả mấy chữ "Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh" mà thế gian hằng ước muốn.

Cuộc đời của Bảo Đại có rất nhiều chuyện đáng nói, đủ để viết thành nhiều bộ sách.  Bản thân Bảo Đại cũng có cuốn hồi ký "Con Rồng Việt Nam" dày mấy trăm trang.  Nhưng bài này tuyệt nhiên không đề cập đến cuộc sống riêng tư của Bảo Đại, đặc biệt là những chuyện thâm cung bí sử liên quan đến thân thế của Bảo Đại, mà chỉ chú trọng đến sự nghiệp chính trị của Bảo Đại, nhất là giai đoạn Bảo Đại làm Quốc Trưởng Việt Nam, để nhận định vai trò chính trị của Bảo Đại và phân tích thực chất chế độ quốc trưởng trong bối cảnh cuộc diện đấu tranh dai dẵng và không khoan nhượng giữa người Việt Nam mác-xít lê-nin-nít và người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa.

Bảo Đại tên tục là Vĩnh Thụy, sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913 (Quý Sửu), con Phụng Hóa Công Bửu Đảo và bà Hoàng Thị Cúc. Bà này, sau khi Phụng Hóa Công lên ngôi vua lấy hiệu là Khải Định, được phong làm Huệ Tân (1), và ngày 20 tháng 3 năm 1933 được Bảo Đại tôn làm Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, thường được gọi là Đức Bà Từ Cung.  Bảo Đại được Khâm Sứ Trung Kỳ Jean E. Charles đỡ đầu, đưa sang Pháp du học từ năm lên bảy.  Ngày 28 tháng 4 năm 1922, Vĩnh Thụy được tấn phong Đông Cung Hoàng Thái Tử. Ngày 8 tháng 1 năm 1926, Vĩnh Thụy lên ngôi vua lấy hiệu là Bảo Đại.  Năm 1932, Bảo Đại về nước chấp chính, ban bố chỉ dụ thân chính và cải tổ triều đình.  Năm 1934, Bảo Đại kết hôn với Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào và ngày 24 tháng 3 năm 1934 tấn phong vợ làm Nam Phương Hoàng Hậu.  Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Bảo Đại tuyên đọc chiếu thoái vị tại lầu Ngọ Môn, trao ấn kiếm cho phái đoàn Trần Huy Liệu, rồi ra Hà Nội làm Tối Cao Cố Vấn cho chính phủ Hồ Chí Minh.  Tháng 3 năm 1946, do sự sắp xếp âm thầm của phe Đồng minh, Bảo Đại sang Trùng Khánh, rồi qua sống ẩn dật tại Hồng Kông.  Ngày 5 tháng 6 năm 1948, Bảo Đại chuẩn phê việc Đại Diện Việt Nam là Nguyễn Văn Xuân ký với Đại Diện Pháp là Cao Ủy Đông Dương Émille Bollaert thông cáo chung Hạ Long để mở đầu việc thực hiện giải pháp Bảo Đại mà những nét chính yếu là dựa vào địa vị chính thống của nhà Nguyễn và lời hứa hẹn trao trả độc lập cho Việt Nam, để thành lập một chế độ Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc Trưởng, có nhiệm vụ thương lượng với Pháp để thu hồi chủ quyền và kêu gọi Hồ Chí Minh giải giới để tái lập hoà bình.  Ngày 8 tháng 3 năm 1949, hiệp định Élysées do Bảo Đại ký với Tổng Thống Pháp Vincent Auriol được công bố để chính thức thành lập Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc Trưởng.  Ngày 16 tháng 6 năm 1954, dưới áp lực của Hoa Kỳ, Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng, để rồi qua năm sau, ngày 23 tháng 10 năm 1955, bị chính Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý truất phế khỏi địa vị Quốc Trưởng.  Từ đó, Bảo Đại sống lưu vong ở Pháp, lúc đầu tại Côte d'Azur, về sau tại ngay thủ đô Paris. Ngày 31 tháng 7 năm 1997, Bảo Đại từ trần sau hơn một tháng nằm điều trị tại quân y viện nổi tiếng Val de Grâce ở Paris. Bảo Đại có 5 con chính thức với Hoàng Hậu Nam Phương, 2 trai 3 gái, và một số con ngoại hôn với các người tình.

Bảo Đại nằm xuống, dư luận trong và ngoài nước đối với Cựu Hoàng, từ phía dân chúng cũng như trong các giới chính trị và truyền thông, là đa dạng, phức tạp, và có tính cách cực đoan. Chính quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa chỉ cử hai nhân viên toà Đại Sứ tại Paris mang một vòng hoa nhỏ gắn hàng chữ "Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam" đến đặt tại nhà thờ nơi quàng linh cửu của Cựu Hoàng. Báo chí cộng sản Hà Nội ví von Bảo Đại là Chiêu Thống tái sinh. Hãng tin Reuters đưa tin Bảo Đại qua đời với hàng tít thẳng thừng gọi Bảo Đại là Cựu Hoàng Play Boy. Tổng Thống Pháp Jean Chirac cử đại diện đến phúng điếu, đồng thời chính giới và báo chí Pháp xưng tụng Bảo Đại là người bạn tốt của nước Pháp.Trong khi đó, dư luận trong các cộng đồng Việt Nam hải ngoại tỏ ra chừng mực, phần lớn có khen có chê, ngoại trừ một vài trường hợp ca ngợi Bảo Đại một cách trân tráo quá đáng, gán cho Bảo Đại  những đức tính và công trạng không hề có.

Nói chung, Bảo Đại là con người vô thưởng vô phạt. Bình sinh, Bảo Đại không khổ công mưu hại ai, nên bản thân không chuốc lấy những oán vọng ngất trời. Bản chất lại cầu an, ưa hưởng thụ, ngại khó ngại khổ, nên Bảo Đại không làm được việc gì phi thường. Cuộc đời chính trị của Bảo Đại gồm hai giai đoạn, giai đoạn 1926-1945 Bảo Đại làm Hoàng Đế Đại Nam, và giai đoạn 1949-1955 Bảo Đại làm Quốc Trưởng Việt Nam, thì trong giai đoạn trước, theo đúng tinh thần hiệp định Monguillot, mọi quyền bính đều ở trong tay viên Khâm Sứ Trung Kỳ, Bảo Đại chỉ còn phụ trách việc tế tự, phong thần và ban phẩm hàm cho quan lại theo đề nghị của chính quyền thuộc địa, và trong giai đoạn sau, theo đúng tinh thần hiệp định Élysées, quân quốc trọng sự thảy thảy đều phó thác cho Bộ Tư Lệnh Quân Ðội Viễn Chinh Pháp, Bảo Đại chỉ thụ động chờ đợi người Pháp thực hiện lời hứa trao trả độc lập. Trong tình hình như vậy thì còn có gì để khen, còn có gì để trách?

Tuy nhiên, dưới mắt người Việt Nam quốc gia chủ nghĩa, Cựu Hoàng Bảo Đại cũng có liên hệ xa gần đến một số dữ kiện lịch sử cận đại trong bối cảnh mưu cầu độc lập quốc gia và đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. 

Trước hết là chuyện Bảo Đại liền sau khi về nước chấp chính vào cuối năm 1932 đã tuyên bố hủy bỏ hiệp định Monguillot ký kết ngày 25 tháng 11 năm 1925 giữa Toàn Quyền Đông Pháp Monguillot và Phụ Chánh Thân Thần Tôn Thất Hân. Tuy lời  tuyên bố này không thay đổi mảy may tình hình hoàn toàn mất chủ quyền của Nam Triều lúc bấy giờ, nhất là sau khi người Pháp đã thành công trong việc đưa Phạm Quỳnh (2) thay thế Ngô Đình Diệm trong cương vị Thượng Thư Bộ Lại, nhưng cũng đã cho thấy Bảo Đại không phải là người không có thiện tâm và thiếu ý thức chính trị. Thứ đến là chuyện Bảo Đại vận động với chính phủ Pháp thi hành hòa ước Patenôtre 1884, đem Bắc Kỳ hợp nhất trở lại với Trung Kỳ. Bảo Đại đã cùng Phạm Quỳnh năm 1938 sang Pháp thương lượng với Bộ Trưởng Thuộc Địa Mandel, nhưng không thành công, vì chính phủ Pháp viện dẫn sự chống đối của Hội Đồng Nghị Viên Thành Phố Hà Nội. Đứng đầu phong trào chống đối việc trở lại Hòa ước Patenôtre là Phạm Hữu Chương. Nhìn từ góc độ quốc gia dân tộc mà phán xét thì tội trạng của Nguyễn Hữu Độ, Hoàng Cao Khải và Phạm Hữu Chương không thua kém tội trạng của Nguyễn Văn Thinh, Nguyễn Văn Xuân và nhóm chủ trương Nam Kỳ quốc.

Trong suốt giai đoạn làm Hoàng Đế nước Đại Nam, Bảo Đại tuyệt nhiên không phải bận tâm mưu tính chuyện hại người. Thực vậy, Bảo Đại bản tính hồn nhiên và thuần hậu. Trong buổi thiết triều đầu tiên khi mới về nước thân chính, Bảo Đại đã quyết định bãi bỏ việc triều thần quỳ lạy nhà vua, và khi Bảo Đại tiến lên thăm hỏi bá quan, đến lượt Tế Tửu Quốc Tử Giám là Hoàng Giáp Đặng Văn Thụy, mặc dù đã được bộ Lễ dặn trước là nếu Ngài Ngự hỏi tên thì phải nói trại ra mình tên là Thoại để khỏi phạm húy, nhưng với cái tính bướng bĩnh cố hữu của người Nghệ, khi được hỏi tên, Đặng Văn Thụy vẫn trả lời "Thần tên là Đặng Văn Thụy", tiếng Thụy lại cố ý nói to, và Bảo Đại đã vui vẻ cười. Bảo Đại cũng không trực tiếp dính líu đến việc đàn áp các phong trào chính trị mưu toan lật đổ Nam Triều và chính quyền Bảo Hộ. Thực vậy, việc lùng sục, bắt bớ, tra tấn, giam cầm những nguời Việt Nam làm cách mạng dân tộc hay làm cách mạng vô sản là do đám quan lại địa phương Nam Triều trực tiếp cộng tác với sở Liêm Phóng Liên Bang do người Pháp nắm giữ. Đến như việc Bảo Đại từ chối đề nghị của Đại Sứ Nhật Yokoyama Masayuki dùng quân đội Nhật để đập tan cuộc đảo chính Việt Minh tháng 8 năm 1945 để rồi chịu trao ấn kiếm mà thoái vị, nhận danh hiệu công dân số một và làm Tối Cao Cố Vấn cho chính phủ Hồ Chí Minh, thì điều này rõ ràng đã phân cách Bảo Đại với Chiêu Thống. Bảo Đại là người rộng rãi, thật thà, thuần hậu, "thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ", trong lúc Chiêu Thống là người nhỏ mọn, giảo quyệt, tàn nhẫn, mượn binh lực Mãn Thanh không những chỉ để chống Nguyễn Huệ mà còn để trả thù cá nhân, chặt tay chặt chân cả  những người trong Hoàng tộc để trừng phạt cái tội đã cộng tác với Tây Sơn.

Năm 1948, người Pháp tìm cách lôi kéo người Việt Nam theo họ chống lại cuộc kháng chiến giành độc lập dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Lúc này, dưới mắt nhân dân Việt Nam, chính nghĩa hoàn toàn về phía kháng chiến. Thật vậy, việc Bảo Đại trao ấn kiếm cho Trần Huy Liệu cuối tháng 8 năm 1945, việc các phe phái chính trị không cộng sản chịu tham gia chính quyền cách mạng (quốc hội, chính phủ) đầu năm 1946, việc Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946 rồi rút lên Thái Nguyên, và trong năm 1947 đã củng cố được thế lực chính trị và quân sự để kháng chiến trường kỳ, những việc đó đã mang lại cho chính quyền cách mạng bộ mặt chính thống, đồng thời phô bày dã tâm của thực dân Pháp muốn chiếm lại thuộc địa Đông Dương để tái lập nền đô hộ. Để tranh thủ dư luận thế giới về mục tiêu chiến đấu cho chính nghĩa tự do (chống cộng), đồng thời lôi kéo người Việt Nam rời bỏ kháng chiến trở về hợp tác, người Pháp đưa ra giải pháp Bảo Đại, mà những nét chính yếu là dựa vào địa vị chính thống của nhà Nguyễn và lời hứa hẹn trao trả độc lập cho Việt Nam, để thành lập một chế độ quốc gia do Bảo Đại làm quốc trưởng, có nhiệm vụ thương lượng với Pháp để thu hồi chủ quyền và kêu gọi Hồ Chí Minh giải giới để tái lập hòa bình. Ngày 5 tháng 6 năm 1948, thông cáo chung Hạ Long được ký để mở đầu việc thực hiện giải pháp Bảo Đại và ngày 8 tháng 3 năm 1949, hiệp định Élysées (Bảo Đại-Vincent Auriol) được công bố để chính thức thừa nhận giải pháp này.   

Giải pháp Bảo Đại quả tình là một lối thoát cho những người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa bấy lâu nay "trùm chăn", không theo kháng chiến vì không thích cộng sản, nhưng cũng không hợp tác với chính quyền thân Pháp; hoặc những người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa bấy lâu nay theo kháng chiến vì mục đích tranh thủ độc lập quốc gia, tạm gát qua một bên vấn đề quốc gia với quốc tế, theo chủ trương "độc lập trước đã, cộng sản tính sau". Nếu giải pháp Bảo Đại được thực hiện trọn vẹn, bản thân Bảo Đại và những người chung quanh Bảo Đại có tinh thần quốc gia chân chính, và nhất là người Pháp có thiện tâm thiện chí trao trả độc lập thực sự cho Việt Nam, thì phe kháng chiến sẽ không còn chính nghĩa, chính quyền cách mạng sẽ không còn tính chất hợp pháp, người mác-xít lê-ni-nít sẽ không còn độc quyền giương cao ngọn cờ yêu nước để động viên toàn dân chiến đấu cho độc lập quốc gia, giải phóng dân tộc. Thực vậy, nếu Bảo Đại tập hợp được những người quốc gia chủ nghĩa có uy tín và thực lực làm hậu thuẫn để xây dựng một định chế chính trị dân chủ pháp trị, đồng thời người Pháp thành thật nhìn nhận nền độc lập của Việt Nam, thì chính quyền quốc gia lúc bấy giờ sẽ trở thành chính thống và có đầy đủ tư thế kêu gọi phe cộng sản ngưng chiến. Nếu họ không ngừng bắn thì cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược sẽ trở thành cuộc nội chiến mà đối tượng chiến tranh lật đổ sẽ là chính quyền quốc gia chứ không phải là chính quyền xâm lược. Cuộc chiến chống thực dân dành độc lập sẽ phơi bày bộ mặt đích thực là cuộc chiến phản loạn chống chính quyền quốc gia để thực hiện cách mạng quốc tế vô sản. Tiếc thay, Bảo Đại không phải là lãnh tụ có tài xoay vần thế cuộc, những người xung quanh Bảo Đại như Nguyễn Đệ, Ưng An, Phan Văn Giáo, Phạm Văn Bính, lại đồng hóa quốc gia với quốc trưởng, y như nước với vua thời quân chủ chuyên chính ngày trước, hơn nữa người Pháp lại không thật tâm trao trả độc lập cho Việt Nam, do đó mà ngay từ buổi đầu, nhiều người Việt Nam yêu nuớc quốc gia chủ nghĩa đã mang tâm trạng hoài nghi, hoặc đứng ngoài không chịu hợp tác như Nguyễn Tường Tam, Ngô Đình Diệm, hoặc hợp tác một thời gian ngắn để xem chừng ý đồ của người Pháp và sau đó quay sang chống đối như Lê Thăng, Nguyễn Tôn Hoàn. Những người quốc gia chủ nghĩa ngại rằng người Pháp chỉ hứa suông để dụ Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Pháp, đồng thời mượn danh nghĩa chính thống của chính quyền quốc gia để đặt phe kháng chiến vào thế bất hợp pháp, chờ đến khi diệt xong kháng chiến thì cũng sẽ nuốt lời đã hứa với phe Việt Nam quốc gia, nghĩa là sẽ chỉ cho phe Việt Nam quốc gia ăn cái bánh vẽ độc lập trong Liên Hiệp Pháp mà thôi. Sự nghi ngại này không phải là không chính đáng. Người Pháp quả tình đã không thực tâm để cho Việt Nam độc lập. Thực vậy, hiệp định Élysées ký ngày 8 tháng 3 năm 1949 mà mãi đến ngày 16 tháng 6 năm 1954 Pháp mới thực sự trao trả độc lập cho Việt Nam do áp lực của Hoa Kỳ để Việt Nam chuẩn bị đi vào bước ngoặc định mệnh đất nước chia đôi ngày 20 tháng 7 năm 1954.  

Từ 1949 cho đến 1954, quốc gia Việt Nam dưới chế độ quốc trưởng hoàn toàn không có chủ quyền. Những người tham chính chủ yếu là những người thân Pháp và những người chống cộng, dựa vào Pháp để chống cộng, theo chủ trương "diệt cộng sản trước, thực dân tính sau". Những người chống đối hoặc đứng ngoài vòng là những người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa nhận định rằng một khi kháng chiến bị dẹp tan thì đừng hòng nói chuyện độc lập với người Pháp. Kỳ dư, tuyệt đại bộ phận dân chúng Việt Nam có thái độ bàng quan, sống yên ổn trong vùng quốc gia dưới chế độ quốc trưởng nhưng tình cảm thì hướng về phía kháng chiến, cho dù ít nhiều có biết là do cộng sản lãnh đạo.

Như vậy, cứ tình hình này kéo dài thì đất nước sẽ đứng trước nguy cơ không thể đảo ngược, một là kháng chiến Việt Minh bị đánh thua, quốc gia Việt Nam sẽ bị người Pháp đô hộ trở lại, hai là thực dân Pháp xâm lược bị thất bại, quốc gia Việt Nam sẽ bị người mác-xít lê-ni-nít ghìm đầu vào gầm chuyên chính quốc tế vô sản. Viễn ảnh đen tối đó đã thúc đẫy những người Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa kết hợp vào năm 1953 để thành lập Phong Trào Đại Đoàn Kết và Hoà Bình, đòi hỏi Bảo Đại cải tổ định chế và thay đổi nhân sự, đồng thời đấu tranh gây áp lực để người Pháp trao trả độc lập thực sự cho Việt Nam.    

Ngày 6 tháng 9 năm 1953, tại Bộ Tư Lệnh Bình Xuyên, Nguyễn Tôn Hoàn, Ngô Đình Nhu, Trần Văn Ân, Lê Toàn, Lê Quang Luật, Trần Văn Tuyên, Lê Ngọc Chấn, Phạm Xuân Thái, Phạm Công Tắc, Lê Văn Viễn, Nguyễn Thành Phương, Lâm Thành Nguyên, đã cùng một số nhân vật chính trị đảng phái và tôn giáo khác, họp phiên đầu tiên để thành lập Phong Trào Ðại Ðoàn Kết và Hòa Bình. Nhóm này về sau được Nguyễn Trân gọi là Nhóm 6 Septembrist. Sau đó, Lê Văn Viễn, Phạm Công Tắc, Trần Văn Ân, và những người thân Pháp khác, rút ra khỏi Phong Trào, vì họ không muốn thay đổi thể chế và chủ trương ủng hộ Bảo Đại vô điều kiện. Không còn sử dụng được trụ sở Bình Xuyên, Phong Trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình chuyển về hoạt động ở trụ sở Phục Quốc của Nguyễn Thành Phương, đường Église, Chợ Lớn (đường Nhà Thờ Chợ Quán), và được tổ chức thành 3 Khu Bộ:
- Khu Bộ Bắc do Lê Toàn, Nguyễn Xuân Chữ và Nguyễn Đình Luyện phụ trách;      
- Khu Bộ Trung do Ngô Đình Nhu phụ trách;
- Khu Bộ Nam do Nguyễn Tôn Hoàn phụ trách.
Gạn đi lọc lại, nòng cốt lực lượng Phong Trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình lúc bấy giờ là Đại Việt Quốc Dân Đảng (Nguyễn Tôn Hoàn, Hà Thúc Ký, Nguyễn Đình Luyện, Đoàn Thái), Việt Nam Quốc Dân Đảng (Lê Ngọc Chấn, Huỳnh Hòa, Phan Khoang, Phan Ngô), các giáo phái Cao Đài (Dương Văn Đặng) và Hòa Hảo (Nguyễn Thành Phương, Lâm Thành Nguyên), Việt Nam Phục Quốc Hội (Phạm Xuân Thái, Nguyễn Thành Danh), Phục Quốc Quân thuộc tổ chức Trần Trung Lập và Đoàn Kiểm Điểm còn sót lại (Nồng Quốc Long, Phan Văn Phúc), và các tổ chức Công giáo ủng hộ Ngô Đình Diệm (Ngô Đình Nhu, Trần Trung Dung, Nguyễn Trân, Bùi Xuân Bào, Nguyễn Văn Đông).  Trong 3 khu bộ thì Khu Bộ Nam ở Sài Gòn tương đối thuần nhất hơn cả. Khu Bộ Bắc ở Hà Nội thì hoạt động rời rạc, nhân sự phần lớn là nhân sĩ lão thành, các thành phần tráng niên đã theo nhóm Đại Việt quan lại ủng hộ Bảo Đại vô điều kiện, hiện phục vụ trong chính quyền trung ương (Phan Huy Quát làm Tổng Trưởng Quốc Phòng) và địa phương (Nguyễn Hữu Trí làm Thủ Hiến Bắc Việt). Riêng Khu Bộ Trung, so với 2 khu bộ kia thì hoạt động có phần tích cực hơn; nhân sự cũng hùng hậu và đa dạng hơn. Các nhân vật nòng cốt của Khu Bộ Trung như Hà Thúc Ký, Huỳnh Hòa, Phan Khoang, Nguyễn Trân, Bùi Xuân Bào hoạt động ở Huế, thường hay hội họp ở trụ sở đặt trong khách sạn Coq d'Or, còn người phụ trách khu bộ là Ngô Đình Nhu lại ở Sài Gòn, và có thêm một bộ tham mưu riêng ở số 8, đường Ypres, bên trong Clinique Saint Pierre Sài Gòn, gồm Nguyễn Phan Châu (Tạ Chí Diệp), Trương Tử An, Bùi Kiện Tín, Nguyễn Trân, Trần Chánh Thành để chuyên lo vận động công khai cho Ngô Đình Diệm. Tuy Ngô Đình Nhu lãnh đạo cả hai nhóm nhưng không sao tránh khỏi xảy ra những đụng chạm giữa bộ tham mưu riêng của Nhu và những người trong Khu Bộ Trung của Phong Trào, do đó, Đoàn Thái được cử làm ủy viên liên lạc miền Trung để tiếp xúc thẳng với Ngô Đình Nhu rồi tường trình lại cho Khu Bộ. Ngày 6 tháng 1 năm 1954, Phong Trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình đã tổ chức Đại Hội Đại Biểu Toàn Quốc, gồm hơn 100 Đại Biểu, tại địa điểm 113 đường Champagne (Yên Đổ), Sài Gòn, đưa ra biểu quyết thỉnh nguyện Quốc Trưởng Bảo Đại dân chủ hóa chế độ, triệu tập Quốc Hội và ban hành Hiến Pháp. 

Ngày 4 tháng 6 năm 1954, Thủ Tướng Pháp Laniel và Thủ Tướng Việt Nam Bửu Lộc ký kết văn kiện thi hành hiệp định Élysées kiện toàn độc lập cho Việt Nam. Sau đó, ngày 16 tháng 6 năm 1954, Bảo Đại ký Sắc lệnh 38/QT bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng toàn quyền dân sự và quân sự. Ngô Đình Diệm đã tuyên thệ trung thành với Quốc Trưởng, trở về Việt Nam chấp chính ngày 7 tháng 7 năm 1954, và năm sau, vào ngày 23 tháng 10 năm 1955, đã tổ chức trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại khỏi ngôi Quốc Trưởng để thiết lập định chế Cộng Hòa vào ngày 26 tháng 10 năm 1955.

Nhiều người đã trách Ngô Đình Diệm không tôn trọng lời thề, đã lật đổ người mình tuyên thệ trung thành. Nhưng trách như vậy là không đúng, bởi lẽ khi tuyên thệ nhậm chức, Ngô Đình Diệm đã có sẵn kế hoạch truất phế Quốc Trưởng để thiết lập định chế Cộng Hòa, và khi bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng toàn quyền, Bảo Đại cũng biết là sinh mạng chính trị của mình sắp chấm dứt. Cả Bảo Đại lẫn Ngô Đình Diệm đều biết rõ là nếu không có áp lực mạnh mẽ của người Mỹ song song với các vận động ngoại giao của các đại cường thì không có chuyện Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, cũng như không có chuyện Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng (3). Việc Ngô Đình Diệm chịu tuyên thệ khi nhậm chức Thủ Tướng chẳng qua chỉ là việc chấp nhận thi hành các thủ tục hành chánh và lễ tiết để thực hiện điều mà Ngô Đình Diệm và Nguyễn Tường Tam cùng một số nguời Việt Nam yêu nước quốc gia chủ nghĩa khác (Trần Trọng Kim, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Lý, Nguyễn Tôn Hoàn) yêu sách Bảo Đại đòi hỏi người Pháp thi hành tại Hội nghị Hồng Kông năm 1948: Độc Lập Quốc Gia và Định chế Cộng Hòa.

Phải chi ngày ấy Bảo Đại sáng suốt thấy đưọc dụng tâm lươn lẹo của người Pháp để đừng vội dễ dãi chuẩn phê thông cáo chung Vịnh Hạ Long! Phải chi ngày ấy Bảo Đại đủ bản lĩnh và mưu lược tập hợp được chung quanh mình những ngưòi yêu nước quốc gia chủ nghĩa có uy tín và thực lực, đừng để họ bỏ đi! Phải chi ngày ấy nguời Pháp khôn khéo như người Anh, không ăn được thì tha làm phúc, chịu thật tâm trao trả độc lập cho Việt Nam! Phải chi..! Phải chi..! Được vậy thì cuộc diện Việt Nam đã khác, không đen tối, không thê thảm như ngày nay.

Mà thôi. Cựu Hoàng Bảo Đại đã vĩnh viễn nằm xuống. Tử giả bất luận.                                 

 Ottawa, 25 tháng 10, 1997
                         
  Minh Vũ Hồ Văn Châm








Chú thích:

(1) Tân là vợ vua bậc thứ 3 và bậc thứ 4. Hậu cung nhà Nguyễn có 9 bậc, gọi là cửu giai:
Đệ nhất giai Phi ,
Đệ nhị giai Phi,
Đệ tam giai Tân,
Đệ tứ giai Tân,
Đệ ngũ giai Tiệp Dư,
Đệ lục giai Tiệp Dư,
Đệ thất giai Thục Nhân,
Đệ bát giai Mỹ Nhân,
Đệ cửu giai Tài Nhân.
Bà Hoàng Thị Cúc lúc đầu được phong làm Đệ tam giai Huệ Tân, ít lâu sau được thăng lên Đệ nhị giai Huệ Phi.

(2) Phạm Quỳnh là người của Louis Marty, Chánh Mật Thám Sở Liêm Phóng Đông Dương. Phạm Quỳnh vào Huế làm Thượng Thư bộ Học, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ Tổng Lý Ngự Tiền Văn Phòng, về sau thăng lên làm Thượng Thư Bộ Lại.

(3) Tiết lộ của Đặng Văn Bê, nguyên Đổng Lý Văn Phòng Phủ Thủ Tướng thời Nguyễn Văn Tâm, với Đoàn Thái, khi cả hai cùng bị giam ở Khu BC Khám Chí Hòa thời Ngô Đình Diệm, trước năm 1964: Nguyễn Văn Tâm đã cho Đặng Văn Bê biết là Bảo Đại nhận một triệu Mỹ kim của một t chức Hoa Kỳ để bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng toàn quyền dân sự và quân sự.




Muốn Có Dân Chủ
Phải Tách Đảng
Ra Khỏi Nhà Nước



            Ngày 5 tháng 2 năm 1998, Tướng hồi hưu Việt Cộng là Trần Độ lại gửi giác thư cho Lê Khả Phiêu đòi cải tiến chế độ, thực thi dân chủ, điều mà trước đây mấy tháng Trần Độ đã yêu cầu Đỗ Mười thi hành. Vị nguyên Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam nổi tiếng là người bảo thủ, đương nhiên không đếm xỉa mảy may đến chính kiến của Trần Độ. Nay ở cương vị người thay thế Đỗ Mười, liệu Lê Khả Phiêu và tập đoàn lãnh đạo mới của Đảng Cộng Sản Việt Nam có lưu tâm đến chính kiến của Trần Độ mà nghĩ đến chuyện cải tiến chế độ, thực thi dân chủ hay không?

            Nếu có, thì vấn đề được đặt ra là trong bối cảnh hiện nay của chính trường Việt Nam, Lê Khả Phiêu và Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam dự tính làm gì để nhân dân Việt Nam có được sinh hoạt chính trị dân chủ.

            Đương nhiên là không ai chờ đợi những người mác-xít lê-ni-nít Việt Nam tự tay giải thể Đảng Cộng Sản Việt Nam và thủ tiêu toàn diện chính quyền hiện hành để xây dựng một định chế chính trị dân chủ pháp trị trên cơ sở tôn trọng dân quyền và nhân quyền. Việc thay đổi cơ chế quốc gia có tính cách đột biến và triệt để như vậy chỉ có thể xẫy ra sau một cuộc cách mạng bằng bạo lực của quần chúng hay một cuộc can thiệp võ trang của nước ngoài, là những điều khó có thể xảy ra vào lúc này. Vậy thì cải tiến chế độ, thực thi dân chủ  phải được quan niệm một cách cụ thể như thế nào để dân quyền và nhân quyền được tôn trọng, nghĩa là nhân dân Việt Nam thủ đắc được một định chế chính trị bảo đảm cho toàn dân được quyền sinh hoạt chính trị thực sự dân chủ. Từ hơn nửa thế kỷ nay, nhân dân Việt Nam đã chán ngấy những thủ đoạn lừa mị của những người làm chính trị. Cuối năm 1945, Hồ Chí Minh chả đã tuyên bố giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương đó sao? Đầu năm 1946, Hồ Chí Minh chả đã mở rộng dân chủ, tổ chức bầu cử Quốc hội và thành lập Chính phủ liên hiệp đó sao? Thế mà chỉ mới qua tháng bảy năm 1946, Việt Minh đã dựng nên vụ Ôn Như Hầu để củng cố một chế độ độc tài đảng trị vô tiền khoáng hậu trong lịch sử pháp chế Việt Nam! Mặt khác, một số chính khách chống cộng chả đã nhân danh chống độc tài đảng trị để dành độc quyền lãnh đạo những chính thể không cộng sản mệnh danh là tự do dân chủ mà thực chất là thiếu tự do và không dân chủ đó sao? Do đó, trọng tâm của bài này là tách bạch nêu ra một số danh từ chính trị liên quan đến dân chủ để mọi người khỏi nhập nhằng lẫn lộn phản nghĩa của các từ dân chủ và quân chủ, quốc gia và cộng sản,v.v.; thứ đến là vạch trần thực trạng chuyên chính độc đảng của chính quyền Việt Nam hiện tại; và cuối cùng là nêu lên cốt lõi của vấn đề cải tiến chế độ, thực thi dân chủ ở Việt Nam, nói rõ hơn, làm thế nào để có dân chủ thực sự ở Việt Nam.

Dân chủ và chuyên chính, quốc gia và quốc tế, cộng sản và không cộng sản.

            Nửa đầu thế kỷ hai mươi, người nước ta nói nhiều về quân chủ và dân chủ như là hai định chế chính trị đối lập. Sự thực thì khi đem ra phân tích kỹ lưỡng, các từ quân chủ dân chủ không hẳn đã đối kháng nhau một cách toàn diện ở tư thế của hai cực riêng rẻ. Quân chủ là một thể chế khác biệt với thể chế cộng hòa, và dân chủ là cung cách sinh hoạt chính trị không độc tài, độc đoán. Chế độ quân chủ đại nghị của Vương Quốc Anh vô cùng dân chủ, trong lúc đó ai ai cũng nhận định rằng các nền Cộng Hòa Dân Chủ Đông Đức trước đây và Việt Nam ngày nay thì không có điểm nào có thể gọi được là dân chủ cả. Như vậy thì các từ quân chủ dân chủ đã không đối kháng nhau. Quân chủ có vua cha truyền con nối mới đối kháng với Cộng hòa có quốc truởng do dân bầu. Quân chủ vẫn có thể rất dân chủ, và Cộng hòa không nhất thiết đương nhiên là dân chủ. Có những nước Cộng hòa mà Tổng thống tại vị trọn đời. Lại có những nước Cộng hòa mà Chủ tịch truyền ngôi lại cho con. Nói tóm lại, quân chủ dân chủ không nhất thiết đối kháng nhau, mà quân chủ là đối vị của cộng hòa và dân chủ là phản đề của chuyên chính, của độc tài, độc tôn, độc đoán.

            Sau Thế Chiến II, người nước ta lại chuyên tâm vào đề tài quốc gia và cộng sản như là hai thực thể chính trị không đội trời chung. Đã phải mất hơn nửa thế kỷ người nước ta mới thấy rõ là quân chủ vẫn có thể rất dân chủ, là bởi giới thức giả thời đó cứ bị ám ảnh bởi bóng dáng một nhà vua đội mũ miện, mặc áo rồng, thảnh thơi ngự trên ngai vàng bệ ngọc, không một phút, một giây nghĩ đến dân, đến nước. Họ cho rằng cứ còn nhà vua là người dân còn đói rách, còn bị bóc lột; cứ còn nhà vua là nhân phẩm người dân còn bị chà đạp, sinh mạng người dân còn bị coi rẻ; cứ còn nhà vua, nghĩa là còn chế độ quân chủ, thì người dân không có quyền tham dự việc nước, người dân không có cơ hội thủ đắc dân quyền và nhân quyền; nói khác đi, cứ còn chế độ quân chủ thì không thể có sinh hoạt chính trị dân chủ. Cho nên, muốn có dân chủ thì nhất thiết phải lật đỗ chế độ quân chủ. Chỉ đến khi nhà vua đó bị truất phế, nhường ngôi lại cho những nhà vua mới của các chế độ cộng hòa dân chủ, cộng hòa nhân vị, cộng hòa nhân dân, cộng hòa quân phiệt, cộng hòa xã hội chủ nghĩa v.v., giới thức giả cũng như quần chúng bình dân mới tỉnh mộng, mới có nhận định đúng đắn là một nếp sinh hoạt chính trị dân chủ không thể nào tìm thấy trong một định chế chính trị chuyên chính. Nói khác đi, dân chủ không đối kháng với quân chủ, mà dân chủ là phản đề của chuyên chính, của độc tài, độc tôn, độc quyền, độc đoán. Mặt khác, những nhà vua mới này, những vị chúa tể của những nền cộng hòa khoác áo dân chủ, lại đã lộ rõ chân tướng độc tài hơn cả những vì vua bạo ngược của định chế quân chủ chuyên chính ngày trước. Phải mất cả nửa thế kỷ mới nhận định được như vậy, người ta tự hỏi không biết lại còn phải mất bao nhiêu thời gian nữa để đào sâu vấn đề quốc gia và cộng sản như là những thực thể chính trị đối nghịch nhau.

            Thực ra thì đề tài quốc gia và cộng sản như là những định chế chính trị đối lập không đội trời chung, không đáng phải bận tâm mất nhiều thì giờ bàn cãi. Các lý thuyết gia mát-xít lê-ni-nít đã khẳng định là không có chổ đứng dành cho hai chữ quốc gia trong ý  hệ cộng sản chủ nghĩa. Cuối thế chiến I, Lê Nin đã nặng lời thóa mạ những người cộng sản Âu châu chìến đấu ở hai bên biên giới Pháp Đức để bảo vệ tổ quốc của họ. Tinh thần quốc gia bị chê là hẹp hòi, gây trở ngại cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới mà cứu cánh là thế giới đại đồng. Về phạm trù địa lý, chủ nghĩa cộng sản có thể đồng hóa một cách đại cương với chủ nghĩa quốc tế. Vậy thì quốc gia đã là đối vị với quốc tế mà quốc tế là bản chất tự nhiên của cộng sản thì đương nhiên quốc gia với cộng sản là những thực thể chính trị không thể cùng tồn tại trên cùng một địa bàn, còn gì mà phải tranh luận nữa. Thế nhưng Staline lại có những hành động mang tính chất quốc gia chủ nghĩa như việc đem nửa phần đất Ba lan phía đông nhập vào nước Nga; Tito thì không mấy nhiệt tình trong việc phối hợp hành động với các nước cộng sản trong khối Varsaw để làm tròn các nghĩa vụ quốc tế; Mao Trạch Đông thì mưu tính chuyển trung tâm quyền lực cộng sản quốc tế về Bắc Kinh và không ngừng tìm cách bành trướng thế lực Hán tộc. Vì vậy người ta lại có thêm nhận định rằng quốc gia tuy là  đối vị của quốc tế và quốc tế là bản chất tự nhiên của cộng sản, nhưng người quốc gia chủ nghĩa phải cảnh giác cái trò đội lốt quốc gia của người mác-xít lê-ni-nít. Đã là cộng sản thì dù có dấu mặt thay lốt, cộng sản không bao giờ thực sự là quốc gia, không bao giờ  lại có thể có tâm địa "không cộng sản". Nói một cách khác, vắn tắt và tách bạch hơn, quốc gia là đối vị với quốc tế, và cộng sản là phản đề của "không cộng sản".

            Tóm lại, dân chủ là người dân làm chủ, làm chủ bản thân mình, làm chủ tập thể mình, làm chủ cộng đồng mình, làm chủ đất nước mình. Nói khác đi, dân chủ là chính quyền quốc gia thuộc về toàn thể nhân dân. Trong một định chế dân chủ, nguời dân thể hiện quyền làm chủ qua lá phiếu, mỗi người dân một lá phiếu, để chọn người đại diện của mình đưa vào chính quyền. Thêm vào đó, người dân nào cũng có quyền tranh cử. Không một cá nhân nào, không một tổ chức nào, đuợc quyền áp đặt chính kiến của mình cho người khác, cưỡng bức người ta phải theo. Các chế độ quân chủ chuyên chính dòng Bourbon ở Pháp thế kỷ 18, hay ở Nhật trước Thế chiến II, là không dân chủ. Ngược lại, các chế độ quân chủ lập hiến ở Anh, ở Bắc Âu hay ở Nhật Bản hiện nay lại rất là dân chủ. Trong lúc đó, những nưóc cộng hòa theo chủ nghĩa quốc gia và chủ trương chống cộng như Trung Hoa Quốc gia của Tưởng Giới Thạch, Việt Nam Cộng Hòa của Ngô Đình Diệm, Đại Hàn Dân Quốc của Phác Chính Hy thì lại thiếu dân chủ. Phần đông các nước Tây phương theo chủ trương đa nguyên đa đảng, với những định chế chính trị dân chủ khác nhau, dù là dân chủ trực tiếp hay dân chủ đại nghị, đều là những nước dân chủ. Ý hệ Dân chủ Thiên Chúa giáo manh nha ở Pháp từ cuối thế kỷ 19 đã đưa Phong trào Cộng Hòa Bình dân (M.R.P.) nắm chính quyền sau Thế Chiến II, và cũng chính ý hệ dân chủ này đã tích cực dự phần vào sinh hoạt chính trị rất dân chủ qua các chính đảng Xã Hội Thiên Chúa giáo ở Bỉ (P.S.C.), Dân Chủ Thiên Chúa giáo ở Đức (CDU-CSU) và ở Ý (P.D.C.). Ý hệ Dân chủ Nhân dân hay Tân Dân chủ bắt nguồn từ tư tưởng Mác-Lê thì theo lời Lê Nin là siêu việt, là khuôn vàng thuớc ngọc dẫn dắt nhân loại xây dựng những định chế chính trị một triệu lần dân chủ hơn các định chế chính trị Tây phương. Nay thì thế giới các nước xã hội chủ nghĩa xây dựng trên ý hệ Dân chủ Nhân dân đó đã tan rã ở Đông Âu và đang lung lay ở Đông Á. Tại Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nhân dân cả nước đang đòi hỏi cải tiến dân sinh, mở rộng dân chủ. Vậy thì thực trạng dân chủ ở nưóc ta hiện nay như thế nào mà thậm chí cả tướng hồi hưu Việt Cộng cũng đòi hỏi cải tiến chế độ, thực thi dân chủ?.

Đảng lãnh đạo, Đảng đứng trên Nhà Nước, Đảng bao trùm mọi cơ cấu quốc gia.

            Tình hình Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vừa qua thực sự là vô cùng phức tạp. Trãi qua một thời gian dài, người mác-xít lê-ni-nít manh tâm đội lốt quốc gia; một số người chống cộng mạo danh là quốc gia chân chính; phần đông người yêu nước quốc gia chủ nghĩa lầm lạc phục vụ chủ nghĩa cộng sản mà tưởng là phục vụ quốc gia; trong lúc đó, hầu hết người quốc gia chính hiệu lại bị nhân dân hiểu lầm, bị cộng sản bôi lọ, bị liên minh thực dân, đế quốc và tay sai cấu kết cùng tập đoàn cộng sản ngày đêm đàn áp, khủng bố và tiêu diệt. Sở dĩ có tình trạng lẫn lộn vàng thau như vậy là vì mọi người đều dễ dàng phóng tâm đồng hóa chủ nghĩa quốc gia với chủ nghĩa yêu nước, lẫn lộn quốc gia với dân tộc, không phân biệt bản thể của quốc gia với bản thể của nhà nước, không phân định minh bạch ranh giới giữa nghĩa rộng và nghĩa hẹp của từ quốc gia, và nhất là không quán triệt sự khác biệt định nghĩa chủ nghĩa quốc gia như là một tổng thể với các thực thể cấu thành quốc gia, không nhận định được một thực tế đáng buồn là chủ thể phục vụ của các chính quyền từ trước đến nay tại Việt Nam chưa bao giờ là quốc dân Việt Nam, là quốc gia Việt Nam cả. Cho đến năm 1975, nhất là sau trò hề hiệp thương năm 1976, toàn dân Việt Nam từ nam chí bắc bị ghìm vào gầm chuyên chính vô sản của chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, mọi người mới thấm thía ý thức thế nào là "Đảng lãnh đạo", và băn khoăn đặt vấn đề rằng một khi Đảng đã lãnh đạo, Đảng đứng trên Nhà Nước, Đảng bao trùm mọi cơ cấu quốc gia, thì dân chủ có được thực thi và nhân quyền có được tôn trọng hay không.

            Chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, về mặt đối ngoại, thì Nhà nước mất hẳn quốc gia tính để chỉ còn giản đơn là một bộ phận của tổ chức quốc tế cộng sản. Thí dụ rõ nét về sự phụ thuộc này là chỉ thị vào cuối năm 1929 của đệ tam quốc tế cho 3 tổ chức Đông Dương cộng sản đảng, An Nam cộng sản đảng, và Đông Dương cộng sản liên đoàn phải hợp nhất lại thành một đảng đặt dưới sự chỉ đạo của đệ tam quốc tế (Chỉ thị này bằng Pháp ngữ, được công bố trên tạp chí Học Tập tháng 10 năm 1967, Hà Nội). Một thí dụ khác về sự phụ thuộc này là phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Genève năm 1954 đã phải cúi đầu tuân lệnh Chu Ân Lai chịu chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 17, đi ngược lại ý nguyện toàn dân và không phù hợp với tình hình chiến sự đang trên đà thắng lợi lúc bấy giờ. Ngược lại, về mặt đối nội, nhà nước xã hội chủ nghĩa phủ lấp quốc gia qua các ngôn từ chính thức"Đảng và Nhà nước ", "Đảng lãnh dạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ ". Nhà nước là mặt quyền lực chính trị của chế độ, tự tung tự tác quán xuyến tất cả công việc, lại ở dưới sự lãnh đạo của đảng, thành thử Đảng là tuyệt đối, ở trên tất cả mọi thứ, ở trên dân tộc, ở trên quốc gia. Nói trắng ra, tính chất quốc gia bị đảng cộng sản phủ lấp trong các cơ chế nhà nước xã hội chủ nghĩa. Về phần nhân dân dưới chế độ cộng sản thì chỉ được chia phần cái bánh vẽ làm chủ tập thể. Nhân dân không có quyền lực chính trị, nhân dân không có tư thế bảo vệ quyền lợi của mình. Nói khác đi, hoàn toàn không có dân chủ ở Việt Nam ngày nay. Thực vậy, dưới chế độ cộng hòa xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân vô sản một mình làm chủ đất nước thông qua đại diện là đảng cộng sản giử chức năng lãnh đạo và cơ chế nhà nước giữ chức năng thừa hành. Đảng và Nhà nước là hai hệ thống song hành, một chìm một nổi, tuy hai mà một, có mặt ở tất cả các ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp, trong tất cả các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, từ trung ương đến địa phương, theo đúng chức năng đã định mà áp đặt quyền lực thống trị chuyên chính lên toàn bộ nhân dân cả nước. Với chức năng lãnh đạo, cấp ủy đảng chỉ thị và kiểm soát cơ quan nhà nước cấp tương ứng. Thành thử, chỉ có đảng viên đảng cộng sản một mình một chợ nắm giử chính quyền, không chia sẻ với một ai khác. Người ngoài đảng chỉ được sử dụng trong các địa hạt chuyên môn, nếu có cần phải đặt để vào các chức vụ chỉ huy trong phạm vi hành chánh thì cũng không thể hơn chức vụ Trưởng phòng. Ngay cả các đảng viên không phải là cấp ủy, nghĩa là đảng viên quần chúng, vẫn có nhiều đặc quyền hơn người công dân ngoài đảng, vì chỉ có họ mới được quyền bầu cử đại biểu vào các cơ cấu chính quyền và Đại hội đảng, tức là gián tiếp bầu các cấp ủy đảng, còn quần chúng ngoài đảng thì chỉ được bầu Quốc hội, các cơ quan Nhà nước, Hội đồng nhân dân các cấp, nghĩa là các cơ chế không có quyền quyết định chính trị. Đảng viên có lớp học chính trị riêng , có chế độ cung cấp riêng, đặc biệt ưu đãi hơn quần chúng ngoài đảng. Chỉ có đảng viên mới được ứng cử, vì muốn ứng cử thì phải được Mặt trận Tổ quốc giới thiệu, mà không phải là đảng viên thì làm thế nào mà được Mặt trận Tổ quốc giới thiệu. Quần chúng ngoài đảng đi đến đâu cũng chạm trán với quyền lực của Đảng, Bước ra khỏi nhà là đụng ngay tổ dân phố và công an khu vực. Tổ trưởng, tổ phó, ủy viên an ninh tổ dân phố, ít nhất một trong ba người đó là người của Đảng. Công an khu vực thì khỏi nói, đã là công an thì lý lịch phải là ba đời bần cố nông và đương nhiên phải là người của Đảng. Đi học, đi làm thì chạm trán với hiệu đoàn, đảng đoàn. Thủ trưởng cơ quan phải chịu sự lãnh đạo của bí thư đảng đoàn. Thủ trưởng cơ quan mà không kiêm nhiệm bí thư đảng đoàn thì chẳng có chút quyền uy nào.

            Nói tóm lại, chủ nghĩa Mác Lê "bách chiến bách thắng, chủ nghĩa Mác Lê "vô địch", đã thể hiện trọn vẹn quyền lực chuyên chính quốc tế vô sản tại Việt Nam, dành đặc quyền đặc lợi cho thiểu số đảng viên cộng sản độc tôn cầm quyền, ghìm đại khối nhân dân trong nghèo đói, lạc hậu, sợ hãi, lừa dối, đố kỵ và ngu dốt. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, quốc gia không có chổ đứng; chỉ có tinh thần quốc tế vô sản và bản chất chuyên chính nhất nguyên mà thôi, thể hiện qua các cơ chế Đảng và Nhà nước. Nhà Nước là mặt nổi của chế độ. Nhà Nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng và Nhà Nước tuy hai nhưng chỉ là một. Quyền công dân tham dự chính quyền không được đếm xỉa tới. Quyền căn bản của con người bị chà đạp một cách thô bạo. Sinh hoạt chính trị hoàn toàn thu gọn trong tay các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Định chế chính trị Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hoàn toàn không dân chủ.

Từ dân chủ đa nguyên đến dân chủ xã hội và dân chủ nhân dân.

            Ý niệm dân chủ phổ biến cùng khắp thế giới ngày nay bắt nguồn từ trào lưu tư tưởng Tây phương một vài trăm năm trở lại đây.  Năm 1748, Montesquieu ấn hành cuốn L'Esprit des lois, phác họa những nét căn bản về hiến pháp, nhất là vấn đề phân cách các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp. Ít lâu sau, vào năm 1762, Jean Jacques Rousseau trong tác phẩm Le Contrat social đề cập đến chủ quyền toàn dân và nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Tuyên ngôn độc lập của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ năm 1776 nhấn mạnh việc bảo đảm các quyền tự do căn bản của con người. Khoảng thời gian 1787-1789, Hiến Pháp Hoa Kỳ đưọc viết thành văn, cụ thể hóa việc phân cách các quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp. Cũng trong năm 1789, Quốc Hội Pháp công bố Tuyên ngôn về Quyền Con Người và Quyền Công dân; đồng thời, ở Anh, Jeremy Bentham đề xuất chủ nghĩa thực dụng, khẳng định giá trị đồng đều của cá thể ("Every man is to count for one, and no man for more than one"), và xiển dương quyền lực của đa số đối với thiểu số. Từ năm 1806 trở đi, việc buôn bán nô lệ bị cấm chỉ. Dân chúng các đô thị mỗi ngày một đông đúc, nên chính quyền đô thị được cải tiến cho dân chủ hơn (Đạo Luật Cải cách năm 1832 ở Anh); đồng thời kinh tế phát triển khiến nẩy sinh học thuyết laisser-faire, chủ trương tự do kinh doanh, nhà nước không được can thiệp vào các hoạt động kinh tế. Để bảo vệ quyền lợi người lao động, khoảng thời gian 1864-1868, ở Pháp, rồi sau đó ở các nước Tây phương khác, nhiều đạo luật được ban hành công nhận quyền đình công và cho phép lập nghiệp đoàn. Quyền bầu cử thì được thừa nhận ở Pháp từ năm 1848, còn ở Anh thì phải đợi đến năm 1884 mới có văn kiện chính thức thừa nhận quyền bầu cử của công dân (Franchise Act).

            Quá trình diễn biến của trào lưu tư tưởng Tây phương về tự do dân chủ, về quyền con người và quyền công dân, đã tác động sâu sắc đến các mặt sinh hoạt chính trị, xã hội và kinh tế của loài nguòi trong hai trăm năm qua, đưa đến một số thay đổi cơ bản như sau:
            - Bằng cách mạng bạo lực vũ trang, các định chế chính trị quân chủ chuyên chính ở Pháp, ở Trung quốc, ở Nga, hay chính quyền thuộc địa bóc lột ở Mỹ đã bị lật đỗ, thay vào đó là các định chế cộng hòa. Ở một số nước khác thì định chế quân chủ chuyên chính được canh tân bằng những biện pháp ôn hòa để trở thành những chế độ quân chủ lập hiến.
            - Biên cương giữa các dân tộc bị thay đổi, một số dân tộc bị phân cát, một số khác lại hợp nhất. Thí dụ rõ nét là sự hình thành của các đế quốc thuộc địa Anh, Pháp, Nga, sự tan rã của đế quốc Ottoman, và sự thống nhất các dân tộc Đức và Ý. Người Anh cho các thuộc địa đồng chủng Canada, Australia, New Zealand được tự trị; và sau thế chiến II, nhiều cuờng quốc thuộc địa lần lượt cho cả các dân dị chủng được độc lập.
            - Tư tưởng tự do được đề cao, bao gồm đủ loại :
                        Tự do cá nhân,
                        Tự do tín ngưỡng,
                        Tự do thông tin báo chí,
                        Tự do sáng tác,
                        Tự do phát biểu,
                        Tự do doanh thương v. v.
            - Sinh hoạt chính trị dân chủ. Chế độ phổ thông đầu phiếu được công nhận. Mọi người dân, không phân biệt nam nữ, đều có quyền bầu cử và ứng cử.
            - Giáo dục bình dân đưọc thực hiện cùng khắp. Giáo dục bình dân có tính cách cưỡng chế. Nạn mù chữ được thanh toán. Nhà thờ được tách ra khỏi các trường công lập.
            - Công nhân có quyền đình công. Công nhân được tổ chức nghiệp đoàn.
- Luật thương mãi được ban hành. Xã hội được tổ chức theo qui ước để dung hợp tự do cá nhân với sinh hoạt của cộng đồng.
            Rõ ràng là nhân loại đã có những nỗ lực to lớn trong thời gian qua, cả về tư duy lẫn hành động, để tổ chức được những định chế dân chủ pháp trị, mà người dân được bảo đảm các quyền tự do căn bản, toàn thể nhân dân được đồng đều sử dụng quyền lực chính trị dân chủ xuyên qua lá phiếu để công cử chính quyền, giám sát chính quyền, uốn nắn chính quyền, và thay đổi chính quyền. Thêm vào đó, xu hướng nhân đạo được phát triển, khiến nẩy sinh tư tưởng xã hội, giai cấp nghèo khó được chú trọng để làm đối tượng nghiên cứu, trong chiều hướng cố công tìm ra những học thuyết và phương thức san bằng chênh lệch giàu nghèo và xóa bỏ bất công xã hội. Bộ tiểu thuyết nhiều tập Les Misérables của Victor Hugo ra đời năm 1862 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng chính trị Âu châu và Bắc Mỹ, khiến cho chủ nghĩa dân chủ xã hội được phát sinh, và những nước quân chủ lập hiến như Thụy Điển thời Olof Palme làm Thủ Tướng, tỉnh bang Ontario thời Đảng N.D.P. cầm quyền, hay nước Cộng Hòa Pháp thời Mittérand tại chức, thực sự đã là những xứ sở đầy tình người và nặng tinh thần xã hội. Trong lúc đó thì những nhà lý thuyết mác-xít lê-ni-nít thừa nhận dân chủ là tốt đẹp, chủ nghĩa xã hội là mục tiêu tất yếu của loài người, nhưng lại đi quá đà, chủ trương một mô thức dân chủ dựa trên đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, hóa ra dân chủ kiểu cộng sản, tức là dân chủ mới, dân chủ nhân dân, mang những tính chất khiên cuỡng, không tưởng, nên không ai chịu theo. Thực vậy, từ năm 1848, với Tuyên ngôn Cộng sản, Mác kêu gọi vô sản thế giới liên hiệp lại để đấu tranh giai cấp; qua năm 1867, Mác cho ra đời cuốn Tư Bản luận, đầu độc tư tưởng nhân loại bằng cách đơn phương nêu lên những điều xấu xa của chủ nghĩa tư bản và đoan quyết về tương lai rẫy chết của chế độ tư bản. Kịp đến khi Lê-Nin thực hiện cách mạng vô sản chuyên chính ở Nga Xô năm 1917, xây dựng một định chế chính trị mà Lê-Nin đại ngôn rằng một triệu lần dân chủ hơn các định chế Tây phương, ghìm đầu hơn nửa nhân loại vào gầm chuyên chính, thì mọi người có ý thức đều nhận định rằng dân chủ nhân dân là đi nguợc lại trào lưu tiến hóa của tư tưởng loài người, dân chủ nhân dân dành quyền quyết định mọi việc cho thiểu số tập thể đảng viên Đảng Cộng sản, dân chủ nhân dân là dân chủ không có tự do, dân chủ nhân dân là dân chủ phản động. Lê-Nin, rồi sau đó là Staline, đã kiến tạo một mô thức chính trị dựa trên hai chủ điểm : dân chủ nhân dân, và chủ nghĩa xã hội như là bước quá độ để tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Dân chủ nhân dân, còn gọi là dân chủ tập trung, tân dân chủ hay dân chủ mới, khác với các nền dân chủ khác, kể cả dân chủ xã hội, là mọi quyền lực chính trị được tập trung vào tay thiểu số đảng viên Đảng Cộng sản. Chủ nghĩa xã hội như là bước quá độ để tiến lên chủ nghĩa cộng sản là các tư liệu sản xuất đều là công hữu, nghĩa là ruộng đất, ao vườn, trâu bò, máy cày, máy kéo, cơ xưởng, xe cộ v.v., tất cả đều bị tịch thu đưa vào hợp tác xã. Để cưỡng bức nhân dân chấp nhận mô thức chính trị, kinh tế, xã hội này, các nhà lãnh đạo mác-xít lê-ni-nít đã đem Đảng vào chính quyền giữ vai trò lãnh đạo, đứng trên Nhà Nước và phủ lấp mọi cơ cấu quốc gia.

Muốn có dân chủ, phải tách Đảng ra khỏi Nhà Nước.

            Tình trạng dân chủ ở Việt Nam ngày nay là như vậy đó. Đảng có mặt ở khắp nơi, Đảng khống chế chính quyền các cấp, Đảng quyết định và giải quyết mọi công việc.
            Vì Đảng giữ vai trò lãnh đạo nên Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc Chánh án Tòa án tối cao đều phải chấp hành mệnh lệnh của Bí thư Đảng đoàn sở quan. Các cấp địa phương cũng y hệt như vậy. Đưa một nghi can ra toà xử án, người ta đã bày trò diễn xuất một màn kịch sân khấu có kịch bản đã duyệt xét. Thực vậy, tội trạng và mức án đã được đảng bộ sở quan định trước, biện lý, ủy viên công tố, luật sư cũng như chánh án chỉ có chấp hành. Làm gì có chuyện người dân được luật pháp bảo vệ. Làm gì có công lý. Làm gì có dân chủ. Cho nên muốn có dân chủ, Đảng phải ra khỏi Tòa án. Phải tách Đảng ra khỏi Nhà Nước.

            Vì Đảng giữ vai trò lãnh đạo nên giáo viên và học sinh các cấp phải giảng dạy và học tập theo giáo án đã được các cấp ủy Đảng Cộng sản biên soạn. Giáo dục nói chung không nhằm mục tiêu chủ yếu nâng cao tri thức và phẩm hạnh con người, ngược lại chỉ có mục tiêu chính trị là củng cố quyền lực Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong lãnh vực khoa học nhân văn, khi Đảng chống Trung quốc thì sách giáo khoa đề cao anh hùng Nguyễn Đình Chính; khi Đảng cần cầu hòa với Trung quốc thì sách giáo khoa bôi bỏ tên Nguyễn Đình Chính. Rút cục, cứ bằng vào sách vở của Việt Cộng thì không ai biết Nguyễn Đình Chính có anh hùng hay không, hoặc chuyện Nguyễn Đình Chính là có thật hay chỉ là chuyện bịa đặt. Vì thân với Bắc Hàn và ghét Mỹ nên sách giáo khoa mô tả Nam Hàn là một nuớc kinh tế lạc hậu, nhân dân đói rách. Kịp đến năm 1988, đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh  chiếu phóng sự Thế vận hội Seoul, qua đó mọi người đều thấy được mức độ phồn thịnh của Nam Hàn, nhưng học sinh vẫn cứ phải học tập theo giáo án cũ. Ngay cả trong lãnh vực khoa học thực nghiệm, Đảng cũng áp đặt quyền lực chuyên chính để củng cố ngôi vị độc tôn. Khoa bảng như Từ Giấy cũng phải theo lệnh Đảng viết báo cáo khoa học khẳng định 3 kilô đọt sắn (khoai mì) có giá trị dinh dưỡng bằng 1 kilô thịt bò. Vì Đảng có mặt trong trường học, học sinh không được giảng dạy trung thực, giáo viên không được phát biểu ý kiến riêng, phụ huynh không an tâm về tri thức của con em, nhân dân không tin tưởng vào các thông tin ở sách giáo khoa và các cơ quan truyền thông nhà nước. Hoàn toàn không có tự do thông tin, không có tự do sáng tác, không có tự do phát biểu. Nói khác đi, khi Đảng ra mặt lãnh đạo thì làm gì có tự do, làm gì có dân chủ. Muốn có dân chủ, Đảng phải ra khỏi trường học. Phải tách Đảng ra khỏi Nhà Nước.

            Tình hình ở các nhà thương, nhà máy, nông trại, lâm trường, ngư trường, v.v., cũng y hệt như vậy. Ở đâu có mặt Đảng là ở đó công bằng xã hội vắng bóng. Ở đâu Đảng lãnh đạo là ở đó không có dân chủ. Đảng viên và gia đình đi nằm bệnh viện không mất tiền, chức vụ càng cao thì phương tiện kỹ thuật và dịch vụ y tế cung cấp càng tối hảo. Quần chúng ngoài đảng lâm nạn đưa đi cấp cứu thì phải theo đúng tuyến phân bố mới được tiếp nhận, và phải bỏ tiền mua bông, băng, kim khâu, chỉ may, dịch truyền, v.v. Nếu khờ khạo mua các thứ đó mang đến thì bị chê bai đủ điều, còn nếu xuất tiền nhờ nhân viên bệnh viện mua giúp thì được chửa trị tức khắc. Đảng viên và gia đình công tác ở các nông trường được bố trí làm các việc kế toán, tài chánh, thung dung nhàn nhã trong văn phòng, cũng được ghi điểm chấm công y hệt các đội viên sản xuất mà phần đông là quần chúng ngoài đảng, phơi lưng giữa đồng, vất vả một nắng hai sương. Vợ con thủ trưởng các cơ quan quốc doanh có tài xế đưa đón, có đầu bếp hầu cơm, và những người tăng phái làm việc riêng tư này cũng được chấm công để hưởng lương y hệt những người công tác sản xuất thực thụ. Cơ quan nhà nước nào cũng được ngân hàng cấp vốn và sở nhà đất cấp mặt bằng để mở các cơ sở kinh doanh loại bỏ túi, do đảng viên quản lý, bề ngoài nói là để cải thiện đời sống công nhân viên chức của cơ quan, nhưng thực chất là những ổ nhũng lạm, chia chác làm giàu cho thiểu số đảng viên có đặc quyền. Nói tóm lại, khi Đảng lãnh đạo các cơ quan Nhà Nước thì không có công bằng, thì không có dân chủ. Muốn có dân chủ, phải tách rời Đảng ra khỏi Nhà Nước.
            Qua các thí dụ vừa kể trên đây thì rõ ràng công thức "Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý, Nhân Dân làm chủ" là không thể chấp nhận được. Đảng còn lãnh đạo thì nhân dân chẳng làm chủ được gì, các cơ chế nhà nước không phục vụ nhân dân mà chỉ phục vụ thiểu số đảng viên có đặc quyền. Muốn cho nhân dân thực sự làm chủ, nghĩa là chủ quyền quốc gia thực sự thuộc về toàn dân, thì điều tiên quyết là phải tách Đảng ra khỏi Nhà Nước. Nếu không tách Đảng ra khỏi Nhà Nước thì những cơ chế nhà nước như Công an và Quân đội không những không phục vụ nhân dân mà còn biến thành công cụ trấn áp của riêng thiểu số đảng viên có đặc quyền dùng để chống lại nhân dân đòi hỏi cải tiến dân sinh, thực hiện dân chủ. Nhớ lại năm 1946, khi toàn dân cần đoàn kết để chống ngoại xâm thì Tổng Bộ Việt Minh (tiền thân Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) đã dựng đứng các vụ Ôn Như Hầu ở Hà Nội và Cầu Chiêm Sơn ở Quảng Nam, để lấy cớ huy động công an và bộ đội truy kích và tận diệt các lực lượng quốc gia yêu nước có khuynh hướng chính trị không cộng sản. Bộ trưởng Nội vụ là Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Quốc phòng là Phan Anh, cả hai đều là nhân sĩ ngoài đảng. Cấp ủy đặc trách công an và bộ đội là Võ Nguyên Giáp. Vì lẽ chính quyền lúc bấy giờ cũng đã tổ chức rập khuôn theo mô thức Đảng lãnh đạo các cơ chế nhà nước nên công an và bộ đội chỉ biết tuân lệnh lãnh đạo cấp ủy mà không cần biết thủ trưởng là ai, nên đã tàn sát không nương tay những anh chị em ruột thịt của mình để củng cố một chính thể chuyên chính vô tiền khoáng hậu trong lịch sử pháp chế Việt Nam. Năm 1955, Quân đội nhân dân đã hoàn tất việc rèn quân chỉnh cán, nghĩa là đã được đảng hóa, và dưới sự động viên và giám sát của các chính ủy, đã đánh giết giáo dân Ba Làng vùng Nghệ Tĩnh cũng hăng say như đánh nhau với giặc Pháp xâm lược.  Năm 1997, khi nông dân Thái Bình và nhiều nơi khác trong cả nưóc nổi dậy đòi hỏi cải tiến dân sinh, thực hiện dân chủ, thì Công an nhân dân và Quân đội nhân dân cũng đã thi hành sứ mạng làm công cụ trấn áp của Đảng, thẳng tay bắt bớ, giam cầm, bắn giết những người nông dân trong tay không có khí giới, để củng cố thế lực và quyền lợi thiểu số đảng viên cầm quyền, đi ngược khát vọng của quần chúng nhân dân cả nước. Như vậy, muốn có dân chủ, Đảng phải ra khỏi các tổ chức công an và quân sự. Phải tách Đảng ra khỏi Nhà Nước.

Kết luận.

            Nói tóm lại, điều kiện tiên quyết để thực thi dân chủ ở Việt Nam ngày nay là tách rời Đảng Cộng sản ra khỏi các cơ chế Nhà Nước. Cho dù các nhà lãnh đạo chính quyền Việt Nam có mở rộng cửa đón mời lãnh tụ của mấy trăm hội đoàn hải ngoại về nước đãm nhiệm các chức vụ chóp bu của một chính thể liên hiệp quốc gia, hòa giải dân tộc, mà Đảng vẫn chưa tách rời khỏi Nhà Nước, thì điều giả dụ này vẫn chưa có thể gọi là một nỗ lực cải tiến chế độ, thực thi dân chủ. Thực vậy, khi mà công an và quân đội vẫn còn chỉ biết nhắm mắt tuân lệnh cấp ủy sở quan mà không biết đến thủ trưởng, thì, không chóng thì chầy, sự kiện Tháng Bảy đen năm 1946 lại tái diễn, lịch sử phân tranh quốc cộng lại ghi thêm một trang oan khốc. Còn như trường hợp các nhà lãnh đạo chính quyền Việt Nam chịu nhượng bộ áp lực nước ngoài mà đổi mới chính sách kinh tế, đón nhận đầu tư ngoại quốc, công nhận quyền tư hữu, thu dụng chuyên viên Việt Nam hải ngoại vào các cơ quan nhà nước, mà Đảng vẫn chưa tách rời khỏi Nhà Nước, thì việc đổi mới này nhất quyết không phải là may mắn cho quần chúng nhân dân Việt Nam. Thực vậy, trong tình huống đổi mới này, thiểu số đảng viên có đặc quyền tiếp tục hưởng đặc lợi, cán bộ đảng viên dần dà hữu sản hóa, quần chúng nhân dân tiếp tục sống trong nghèo khổ và bị kềm kẹp trong một định chế chính trị chuyên chính tạm gọi là "chuyên chính tư bản đỏ", không tự do, không hạnh phúc.

            Muốn có dân chủ, phải tách Đảng ra khỏi Nhà Nưóc. Điều này không có nghĩa là đòi hỏi các nhà lãnh đạo chính quyền Việt Nam tự tay giải thể Đảng Cộng sản. Tách Đảng ra khỏi Nhà Nước chỉ có nghĩa là cải tổ chế độ thế nào cho Đảng chấm dứt vai trò độc quyền lãnh đạo các cơ cấu nhà nước, để nhân dân thực sự làm chủ, để nhân dân tự do sử dụng lá phiếu, qui định chính thể, tuyển chọn chính quyền, bảo vệ dân quyền và nhân quyền. Đặt điều kiện tiên quyết "Tách Đảng ra khỏi Nhà Nước" chỉ có nghĩa là đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ ngôi vị chúa tể độc tôn, độc đoán, lui về cương vị một chính đảng sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp. Đã chịu nói đến thực thi dân chủ thì không thể nào cứ tiếp tục chủ trương chuyên chính, duy trì chính quyền bằng bạo lực, sử dụng công an và quân đội trấn áp quần chúng nhân dân.
                                                                                      
                                                Tháng hai, 1998               
                                           Minh Vũ Hồ Văn Châm







 





 








































Câu Chuyện Xoay Quanh

Lá Quốc Kỳ




            Lá Quốc Kỳ nói ở đây là lá cờ vàng ba sọc đỏ.
           
Cờ vàng ba sọc đỏ do các họa sĩ thời danh Tôn Thất Sa ở Huế và Lê Văn Đệ ở Sài Gòn phác thảo đệ trình Cựu Hoàng Bảo Đại, và sau đó được đưa ra thảo luận biểu quyết tại Hội nghị chính trị Hồng Kông giữa năm 1948 để làm quốc kỳ cho Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc Trưởng. Cờ vàng ba sọc đỏ được chính thức kéo lên tại Sài Gòn ngày 2 tháng 6 năm 1948 trong buổi lễ thành lập Chính Phủ Lâm Thời Quốc Gia Việt Nam do Nguyễn Văn Xuân làm Thủ Tướng. Năm 1955, Ngô Đình Diệm, Thủ Tướng đương nhiệm với toàn quyền dân sự và quân sự của Quốc Gia Việt Nam, đã tổ chức trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại khỏi ngôi vị Quốc Trưởng và thiết lập nước Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 26 tháng 10 năm 1955. Cờ vàng ba sọc đỏ vẫn là quốc kỳ. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, nước Việt Nam Cộng Hòa mất, hơn hai triệu người dân Việt Nam Cộng Hòa sau đó lần lượt trốn chạy ra nước ngoài. Cờ vàng ba sọc đỏ không còn được sử dụng ở trong nước nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng ở nước ngoài như là biểu tượng chung của các cộng động Việt Nam hải ngoại.

Từ 1948 đến nay, thế là vừa đúng 50 năm.

Phần thứ nhất


Căn bản lịch sử của cờ vàng ba sọc đỏ.

            Trong lịch sử Việt Nam cận đại đã lần lượt xuất hiện 4 lá quốc kỳ: cờ Long Tinh Nước Đại Nam, cờ Quẻ Ly của Đế Quốc Việt Nam, cờ đỏ sao vàng của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, sau trở thành quốc kỳ Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rồi của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và cờ vàng ba sọc đỏ của Quốc Gia Việt Nam và của Nước Việt Nam Cộng Hòa.

            Cờ Long Tinh, còn gọi là cờ Long. Vua Minh Mạng, lên ngôi năm 1821, kế thừa sự nghiệp thống nhất đất nước của vua cha, đã triệt để thực hiện chế độ hành chánh trung ương tập quyền, mở rộng lãnh thổ sang Trường Sơn Tây và Biển Hồ, và đổi quốc hiệu lại là Đại Nam. Lúc này là thời điểm cực thịnh của chế độ quân chủ chuyên chính ở nước ta, vua với nước là một. Ý niệm quốc gia như chúng ta hiểu ngày nay chưa được hình thành, do đó chưa có ý niệm quốc kỳ như là biểu tượng của toàn thể quốc dân, mà chỉ có những lá cờ biểu tượng cho nhà vua và các khâm sai đặc sứ của nhà vua mà thôi. Lá cờ biểu tượng cho nhà vua là Đại Kỳ màu vàng, chung quanh viền kim tuyến (chỉ vàng), và chỉ được kéo lên ở những nơi nhà vua đang có mặt, tức là kỳ đài ở quảng trường Phu Văn Lâu, cột cờ đàn Nam Giao ở ngoại ô kinh thành Huế, hay cột cờ Hành Cung ở các địa phương. Ngoài ra còn có các Tinh Kỳ, cờ Đại Hùng Tinh, cờ Nhật Nguyệt, cờ Ngũ Hành, được dùng để biểu thị nghi vệ Thiên Tử trong các buổi thiết triều, các dịp tế lễ, hay theo loan giá những khi nhà vua xuất cung (1). Lá cờ ban cho các khâm sai đặc sứ, còn được gọi là cờ Mao Tiết, thì màu sắc tùy nghi, trên mặt thêu họ và chức vụ của vị khâm sai, chung quanh viền ngân tuyến (chỉ bạc). Mãi đến đầu thế kỷ 20, Hoàng Đế Khải Định mới ban chiếu ấn định Quốc Kỳ của Nước Đại Nam. Đó là cờ Long Tinh. Từ đó, cờ Long Tinh thay thế lá Đại Kỳ màu vàng trên kỳ đài Phu Văn Lâu, hoặc ở các nơi khác khi nhà vua có mặt. Cờ Long Tinh nền vàng với một sọc đỏ ở giữa nằm dọc theo chiều dài, bề ngang sọc đỏ bằng 1/3 bề ngang lá cờ. Nền vàng biểu tượng hành thổ, là biểu tượng của vị trí trung ương, của uy quyền nhà vua; sọc đỏ biểu tượng hành hỏa, là biểu tượng của phương nam, của cương vực Nước Đại Nam. Cờ Long Tinh được quần chúng bình dân gọi là cờ Long (2). Long là con rồng, một trong bốn con vật linh thiêng trong trời đất theo quan điểm của người Đông Á. Sau chiến dịch Meigo bắt đầu tối ngày 9 tháng 3 năm 1945, người Nhật lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp, trao trả độc lập cho Việt Nam. Sau đó, Hoàng Đế Bảo Đại ủy nhiệm Trần Trọng Kim lập Nội các. Ngày 2 tháng 6 năm 1945, cờ Quẻ Ly chính thức được chọn làm quốc kỳ thay thế cờ Long Tinh.

            Cờ Quẻ Ly, còn gọi là cờ Ly. Trong khuôn khổ thực hiện Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á, người Nhật đã đưa Hoàng Thân Cường Để là hậu duệ dòng trưởng của vua Gia Long sang Nhật và tổ chức tại Việt Nam cơ quan tình báo chiến lược Dainan Koosi dưới danh nghĩa một hội buôn do Matsushita Mitsuhiro điều khiển. Năm 1939, Cường Để tổ chức Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội, đồng thời Lộ Quân Miền Nam của Nhật tại Quảng Châu giúp Trần Phước An (Shibata) và Trần Trung Lập thành lập Việt Nam Kiến Quốc Quân. Tháng 9 năm 1940, Kiến Quốc Quân theo Sư Đoàn 5 Nhật tấn kích Lạng Sơn. Tháng 10 năm 1940, Sư Đoàn 5 Nhật rút khỏi Lạng Sơn sau khi Decoux chịu đem Đông Dương gia nhập Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á, đồng thời chịu cho quân Nhật chiếm đóng Bắc Bắc Kỳ và trú quân ở các thị trấn quan yếu của Đông Dương. Trần Trung Lập và Đoàn Kiểm Điểm không chịu rút theo, bị quân Pháp đánh bại, bị bắt và bị xử tử vào tháng 12 năm 1940. Tháng 2 năm 1943, Hiến Binh Nhật (Kempeitai) đưa Vũ Đình Dy sang Tokyo tổ chức Ủy Ban Kiến Quốc phục vụ dưới trướng Cường Để (3). Cuối năm 1943, tại trường Hồ Đắc Hàm Huế, Hiến Binh Nhật đưa con trưởng của Cường Để là Tráng Liệt từ Thái Lan về chủ trì các buổi tiếp xúc giữa người Nhật và các nhân sĩ Việt Nam để tuyển chọn Thủ Tướng tương lai, trong số này có Ngô Đình Diệm, Trần Văn Ân và Trần Trọng Kim (4). Đầu năm 1944, người Nhật khuyến khích thành lập Đại Việt Quốc Gia Liên Minh mà thành phần nòng cốt là Đại Việt Quốc Xã Đảng do Nguyễn Xuân Tiếu (Tiếu Rùa) tức Nguyễn Lý Cao Kha sáng lập từ năm 1936 tại Hà Nội (5). Người Nhật cũng tích cực yểm trợ ngấm ngầm các nhóm Công giáo ủng hộ Ngô Đình Diệm ở miền Trung, và các nhóm Tờ-rốt-kít và các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo trong Nam (3). Tối ngày 9 tháng 3 năm 1945, người Nhật tiến hành chiến dịch Meigo, tấn chiếm các công sở và doanh trại Pháp, bắt giữ Toàn Quyền Đông Dương Jean Decoux, Tổng Tư Lệnh Eugène Mordant (Narcisse), và hầu hết các tướng Pháp tại Đông Dương. Trái với dự đoán của tất cả mọi người là người Nhật sẽ đưa Hoàng Thân Cường Để về nước chấp chánh, sáng ngày 11 tháng 3 năm 1945, Yokoyama Masayuki đến yết kiến Bảo Đại, thay mặt chính phủ Nhật trao trả chính quyền cho nhà vua. Ngay chiều hôm đó, Bảo Đại triệu tập Viện Cơ Mật, Hội Đồng Tôn Nhân Phủ và Nội Các, để soạn thảo tuyên cáo độc lập với Pháp, xác định hủy bỏ hòa ước năm 1884. Ngày hôm sau, 12 tháng 3 năm 1945, Tuyên Ngôn Độc Lập được ban bố, có kèm quyết định hợp tác với Đế Quốc Nhật theo tinh thần bản Tuyên Ngôn của Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á (2,3). Ngày 17 tháng 3 năm 1945, Bảo Đại ban chiếu thân chính. Hai ngày sau, Nội Các Phạm Quỳnh từ chức. Bảo Đại hai lần đánh điện vào Sài Gòn mời Ngô Đình Diệm ra Huế lập chính phủ nhưng không thấy hồi âm. Thì ra Tướng Tsuchihatshi Yuitsui, Tư Lệnh Quân Đoàn 38, và từ ngày 13 tháng 3 năm 1945 kiêm nhiệm chức vụ Toàn Quyền Đông Dương, đã không muốn Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng nên không cho chuyển điện văn. Ngược lại, người Nhật đưa Trần Trọng Kim từ Bangkok về Huế ngày 3 tháng 4 năm 1945. Trần Trọng Kim yết kiến Bào Đại ngày 7 tháng 4 năm 1945, và được ủy nhiệm thành lập chính phủ (6). Ngày 17 tháng 4 năm 1945, nội các ra mắt quốc dân với Trần Trọng Kim làm Tổng Trưởng Nội Các và các nhân sĩ chuyên gia làm Bộ Trưởng. Trong phiên họp của Hội Đồng Chính Phủ ngày 4 tháng 5 năm 1945, quốc hiệu được đổi lại là Đế Quốc Việt Nam (3), và trong phiên họp ngày 2 tháng 6 năm 1945, cờ Quẻ Ly được chọn làm Quốc Kỳ. Cờ Quẻ Ly nền vàng, ở giữa có ba sọc đỏ theo hình quẻ ly trong Kinh Dịch, gồm hai vạch liền và một vạch đứt quảng ở giữa. Quẻ Ly màu đỏ tượng trưng cho phương nam, cho lửa, cho mặt trời, cho ánh sáng, cho thịnh vượng. Vì ly của quẻ ly đồng âm với ly là con lân trong bộ tứ linh long ly qui phụng nên quần chúng bình dân còn gọi cờ Quẻ Ly là cờ Ly (2). Cờ Quẻ Ly chính thức được hạ xuống trong buổi lễ tuyên chiếu thoái vị của Hoàng Đế Bảo Đại tại lầu Ngọ Môn chiều ngày 25 tháng 8 năm 1945.

            Cờ đỏ sao vàng, còn gọi là cờ Qui. Sau Hòa ước Thiên Tân ngày 11 tháng 5 năm 1884, Trung Quốc chính thức mất ảnh hưởng chính trị tại Việt Nam nên dành nhiều nổ lực ngấm ngầm yểm trợ các phần tử chống Pháp sống lưu vong trên đất Trung Quốc. Từ Nam Kinh, Thượng Hải xuống Quảng Châu, Côn Minh, đâu đâu cũng có mặt người cách mạng Việt Nam. Họ thường mặc áo quần vải kaki, không đeo phù hiệu, không có cấp bậc (7). "Quan bất thị quan, quân bất thị quân, thị An Nam cách mạng giả" (Quan không phải quan, quân không phải quân, đó là người cách mạng An Nam). Năm 1936, tại Nam Kinh, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc yểm trợ Nguyễn Hải Thần thành lập một liên minh chính trị tập hợp những tổ chức cách mạng Việt Nam chống Pháp lấy tên là Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh. Về sau bộ chỉ huy của Đồng Minh Hội được dời về Liễu Châu, đặt dưới sự yểm trợ trực tiếp của Tướng Trương Phát Khuê. Đến năm 1940 thì cộng sản đệ tam đã cài được nhiều người xâm nhập Đồng Minh Hội (3). Đầu năm 1941, Vũ Hồng Khanh và Nghiêm Kế Tổ theo lệnh Nguyễn Hải Thần đến ngục Liễu Châu lãnh Nguyễn Tường Tam (lúc đó đổi tên là Nguyễn Tường Dũng) ra khỏi ngục, nhân gặp Hồ Chí Minh cũng đang bị giam ở đó, nên xin Nguyễn Hải Thần bảo lãnh luôn cho Hồ Chí Minh (8). Được trả tự do, cả Nguyễn Tường Tam lẫn Hồ Chí Minh đều gia nhập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội và đều được cử làm Hậu Bổ Ủy Viên. Tháng 2 năm 1941, Đồng Minh Hội tổ chức đưa người xâm nhập Bắc Kỳ, Hồ Chí Minh với sự bảo cử của các tướng Tàu Ngô Trạch và Tiêu Văn, xung phong xin đi và được Đồng Minh Hội ủy thác lãnh đạo đoàn công tác. Hồ Chí Minh nhận tiền của Đồng Minh Hội và chọn những người thân tín đem theo (9), vượt biên giới qua Cao Bằng, vào ở hang Pắc Bó. Hồ Chí Minh tận dụng danh xưng Việt Minh của Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, một mặt tự khoác cho mình cái lốt quốc gia dân tộc, đấu tranh cho độc lập của Tổ Quốc, cho hạnh phúc của Nhân Dân, mặt khác nhân danh Đại Biểu Đệ tam Quốc Tế, triệu tập và chủ tọa Hội Nghị Trung Ương lần thứ 8 Đảng Cộng Sản Đông Dương. Ngày 19 tháng 5 năm 1941, Hồ Chí Minh công bố thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, cũng gọi tắt là Việt Minh, và chọn cờ đỏ sao vàng làm cờ hiệu của Việt Minh. Hồ Chí Minh đã cưỡng đoạt danh xưng Việt Minh, v
và từ đó Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội có cái tên rút ngắn là Việt Cách. Hồ Chí Minh ra sức tranh thủ sự yểm trợ của những người Mỹ trong tổ chức OSS (tiền thân của CIA) ở Vân Nam. Mùa hè năm 1945, một toán OSS do Thiếu tá Allison K. Thomas chỉ huy đã nhảy dù xuống Việt Bắc huấn luyện tác chiến và trang bị vũ khí cho du kích Việt Minh (3). Lợi dụng chính sách nhân sự cởi mở của chính quyền Trần Trọng Kim, Việt Minh ồ ạt đưa người vào nắm các chức vụ then chốt trong các cơ quan nhà nước. Hoàng Minh Giám làm Trưởng Ban Liên Lạc Nhật Việt Bắc Bộ, Tôn Quang Phiệt làm Cố Vấn Hội Đồng Thanh Niên Quốc Gia và Tổng Thư Ký Tân Việt Nam Đảng, Phạm Văn Bạch làm Chánh Án Bến Tre, Phạm Ngọc Thạch len lỏi vào Ban Lãnh Đạo Thanh Niên Tiền Phong. Ngày 8 tháng 7 năm 1945, tại Khu Giải Phóng Việt Bắc, Hồ Chí Minh lập Ủy Ban Dân Tộc để chuẩn bị lãnh đạo cuộc Tổng Khởi Nghĩa (8). Ngày 17 tháng 8 năm 1945, tại Hà Nội, Việt Minh trương cờ đỏ sao vàng trong cuộc biểu tình của Tổng Hội Công Chức và 2 ngày sau, cướp chính quyền ở Hà Nội (10). Ngày 21 tháng 8 năm 1945, Nhật chính thức đầu hàng Đồng Minh. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Bảo Đại thoái vị, cờ đỏ sao vàng được kéo lên ở kỳ đài Huế và các dinh thự ở Sài Gòn. Một nhân viên OSS Mỹ là Archimedes L.A. Patti theo Hồ Chí Minh về Hà Nội giúp soạn bản Tuyên Ngôn Độc Lập được công bố ở quảng trường Ba Đình sáng ngày 2 tháng 9 năm 1945, khai sinh Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cờ đỏ sao vàng trở thành quốc kỳ. Sau Hiệp nghị Genève năm 1954, đất nước chia đôi, cờ đỏ sao vàng chỉ còn được treo ở phía bắc vĩ tuyến 17. Sau Hội nghị hiệp thương 2 miền Nam-Bắc tại Sài Gòn năm 1976, đất nước thống nhất, cờ đỏ sao vàng trở thành quốc kỳ Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng nền đỏ, ở giữa có ngôi sao 5 cánh màu vàng. Nền đỏ biểu trưng cho bạo lực cách mạng, ngôi sao 5 cánh màu vàng biểu trưng cho các thành phần nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Nhìn từ trên xuống, ngôi sao 5 cánh trông giống hình con rùa, nên quần chúng bình dân gọi cờ đỏ sao vàng là cờ Qui (2).

            Cờ vàng ba sọc đỏ, còn gọi là cờ Phụng (Phượng). Thời gian nắm chính quyền tuy ngắn ngủi nhưng chính phủ Trần Trọng Kim đã thu đạt được một số thành quả cơ bản. Nạn đói ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, qua tháng 6 năm 1945, hầu như đã qua khỏi, nhờ việc bãi miễn lệ bắt buộc nông dân bán lúa, việc tổ chức chuyên chở gạo từ trong Nam ra, việc tập trung các hội chẩn tế thành Tổng Hội Cứu Tế Nạn Đói do Nguyễn Văn Tố cầm đầu, việc trúng mùa  lúa vụ chiêm tháng 5 tháng 6. Tiếng Việt và chữ quốc ngữ (viết theo mẫu tự La-mã) được dùng trên các công văn và trong các trường học cấp phổ thông. Các anh hùng dân tộc được đề cao, từ Hùng Vương, Trưng Vương, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, đến Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học, và dự trù sẽ được đưa vào Nghĩa Liệt Từ. Tên các đường phố được Việt Nam hóa. Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ được đổi thành Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Thuế thân được bãi miễn cho hạng bạch đinh và những nguời có lợi tức thấp; những khoản phụ thu cho xứ (60% thuế thân) và cho tỉnh (45% thuế thân) được bãi bỏ. Ủy Ban Cải Cách và Thống Nhất Tư Pháp do Trịnh Đình Thảo cầm đầu được thành lập để chuẩn bị việc chấm dứt tình trạng dân 3 miền sống dưới 3 chế độ tư pháp khác nhau, với 3 bộ luật khác nhau. Thanh niên được đoàn ngũ hóa tới cấp xã; mỗi tỉnh lỵ có một trung tâm huấn luyện; tại Huế có một trung tâm quốc gia cho Thanh Niên Tiền Tuyến do Tạ Quang Bửu và Phan Tử Lăng phụ trách để đào tạo cán bộ chỉ huy. Tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do sinh hoạt chính trị, được mặc nhiên thừa nhận; báo chí Việt ngữ nở rộ và liên tục đăng những bài lên án sự nghiệp mãi quốc của Đỗ Hữu Phương, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hữu Độ. Sau cùng, phải nói tới thành quả đấu tranh thống nhất đất nước. Thực vậy, Tuyên Cáo Độc Lập với Pháp sọan thảo chiều ngày 11 và công bố sáng ngày 12 tháng 3 năm 1945 chỉ đề cập đến việc xóa bỏ hòa ước năm 1884 mà không đả động gì đến 2 hòa ước năm 1862 và năm 1874 nói về việc nhượng đất Nam Kỳ; và trong thực tế, gần suốt thời gian tồn tại của Đế Quốc Việt Nam, Nam Kỳ được đặt dưới sự cai trị trực tiếp của Minoda Fujio, Thống Đốc người Nhật. Tháng 5 năm 1945, người Nhật để cho Bắc Bộ và Trung Bộ hợp nhất nhưng không chịu trao trả 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Sau nhiều tuần lễ thương thuyết gay go, cuối tháng 6 năm 1945, Toàn Quyền Tsuchihashi Yuitsui bàn giao một phần các cơ sở Liên Bang và đồng ý trao trả Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1945, và Nam Bộ, dự trù chuyển giao ngày 8 tháng 8 năm 1945. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Bảo Đại ký Dụ hủy bỏ các hòa ước năm 1862 và hòa ước năm 1874 (3) và bổ nhiệm Nguyễn Văn Sâm làm Khâm Sai Nam Bộ. Các cộng sự viên của Trần Trọng Kim, dù là nhân sĩ hay là chuyên gia, đều là trí thức khoa bảng, cho nên những điểm thành tựu vừa kể trên cũng như các điểm khác chưa kịp thực hiện nêu trong chương trình hưng quốc mà Nội Các Trần Trọng Kim ban bố ngày 8 tháng 5 năm 1945 đã phản ánh khát vọng của giai tầng trí thức thượng lưu đương thời ngày đêm ấp ủ lý tưởng phụng sự Tổ Quốc, phụng sự Dân Tộc: đấu tranh cho độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ. Họ không có tham vọng chính trị riêng tư, phe nhóm, bè phái. Họ nặng tinh thần đoàn kết dân tộc. Vì vậy mà cả Bảo Đại lẫn Trần Trọng Kim đã từ chối đề nghị của người Nhật dùng quân đội Nhật tiêu diệt Việt Minh (1,3). Cũng vì vậy mà Bảo Đại đã chịu thoái vị và cộng tác với Việt Minh, tham gia Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Và cũng vì vậy mà, không kể những thành phần cộng sản nằm vùng (Hoàng Minh Giám, Tôn Quang Phiệt, Phạm Ngọc Thạch), và những thành phần có cảm tình sẵn với Việt Minh (Hồ Tá Khanh, Nguyễn Mạnh Hà) hay lừa thầy phản chủ, theo gió trở cờ (Phạm Khắc Hòe), hầu hết giai tầng thượng lưu trí thức đương thời, từ những vị trong chính quyền (Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu) đến các nhân sĩ độc lập (Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Hồ Đắc Di) và quan lại cũ (Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Hồ Đắc Điềm, Đặng Văn Hướng), thậm chí cả những người cách mạng đảng phái không cộng sản (Nguyễn Hải Thần, Bồ Xuân Luật, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ), thảy thảy đều hưởng ứng chính quyền Việt Minh, nhất là sau khi Hồ Chí Minh giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương ngày 11 tháng 11 năm 1945, gian trá khoác lên người cái lốt quốc gia dân tộc. Chỉ từ sau khi Hồ Chí Minh để lộ chân tướng tay sai Ðệ tam Quốc tế, ký với Pháp hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, hy sinh quyền lợi quốc gia cho quyền lợi chủ nghĩa, và ra tay tiêu diệt lãnh tụ các chính đảng và các giáo phái (Trương Tử Anh, Lý Đông A, Huỳnh Phú Sổ), niềm tin tưởng vào Việt Minh mới dần dà bị xói mòn, giai tầng thượng lưu trí thức và thanh niên yêu nước mới thay đổi thái độ dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số tiêu cực, cam phận (Phan Anh, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn), tiếp tục ở lại với kháng chiến, tự nhủ "độc lập trước đã, cộng sản tính sau". Một số cương cường, quay lại ngấm ngầm chống đối cộng sản và bị ám hại (Nguyễn Bình, Hoàng Thọ, Đặng Văn Hướng). Một số bỏ kháng chiến về thành, hợp tác với Pháp để chống cộng (Trương Đình Tri), "chống cộng trước, xâm lược Pháp tính sau". Một số bỏ kháng chiến về thành, không ra mặt chống cộng, nhưng cũng không hợp tác với Pháp, không tham gia chính quyền thân Pháp, theo chính sách "trùm chăn" (Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Mạnh Hà). Số còn lại có thái độ nhạy bén và sâu sắc hơn, mang tính chất chính trị hơn, bao gồm nhiều thành phần xã hội, công chức và nhân sĩ, tôn giáo và đảng phái, chủ trương thực hiện giải pháp Bảo Đại mà nét chính yếu là dựa vào địa vị kế thừa chính thống Nhà Nguyễn của Bảo Đại, thành lập một chính phủ quôc dân đoàn kết có nhiệm vụ thương lượng với người Pháp để thu hồi độc lập và chủ quyền cho Việt Nam, kêu gọi Việt Minh giải giới để chấm dứt chiến tranh, tái thiết và phát triển đất nước. Việc này đưa đến Hội Nghị Chính Trị Hồng Kông vào tháng 3 năm 1948, thành lập Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc Trưởng với lá cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ. Cờ vàng ba sọc đỏ có nền vàng tượng trưng cho vị trí trung tâm, cho chủ quyền dân tộc, và 3 sọc đỏ ở giữa chạy dài theo chiều dọc lá cờ, tượng trưng cho phương nam thịnh vưọng với 3 miền đất nước thống nhất. Ngày 2 tháng 6 năm 1948, lá cờ này được chính thức kéo lên tại Sài Gòn nhân dịp thành lập Chính Phủ Lâm Thời Quốc Gia Việt Nam (1,2). Ngày 26 tháng 10 năm 1955, Quốc Gia Việt Nam thay đổi thể chế, trở thành Nước Việt Nam Cộng Hòa, cờ vàng ba sọc đỏ vẫn là quốc kỳ. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cờ vàng ba sọc đỏ trở thành biểu tượng chung của các cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Cờ vàng ba sọc đỏ khi tung bay trước gió trông giống như chim phượng hoàng giang rộng cánh với dải đuôi dài nên được quần chúng bình dân gọi là cờ phụng (phượng) (2).


Phần thứ hai

Cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của

Độc lập Quốc gia và Thống nhất Lãnh thổ.


            Việt Nam nằm trên đường giao lưu quốc tế nên xưa nay các thế lực nước ngoài luôn tìm cách gây ảnh hưởng để thủ lợi. Khi nước ta còn tiểu nhược, họ đem quân đánh chiếm. Khi nước ta lớn mạnh, họ tìm cách chia rẽ nhân tâm và phân cát lãnh thổ.

             Cuối thế kỷ 18, Tôn Sĩ Nghị bị vua Quang Trung đánh bại phải vứt bỏ ấn tín để chạy thoát thân; và quân ta đã bắt được một chỉ dụ của vua Càn Long nhà Mãn Thanh nói về sách lược đối với nước ta là "yểm trợ quân Lê (Chiêu Thống) lấy lại nước, bắt ép Huệ (Quang Trung) giảng hòa, ta đóng quân ở giữa mà kềm chế cả hai". Cuối thế kỷ 19, khi người Pháp đã được Nam Kỳ còn muốn chiếm cả Bắc Kỳ, các giáo sĩ Pháp và Tây Ban Nha nặn ra tên Việt gian Paulus Thy, vốn là Thông Ngôn Tòa Lãnh Sự Pháp ở Hải Phòng, tụ tập thủ hạ được chừng 30 tên, viết thỉnh nguyện thư ngày 22 tháng 2 năm 1879 xin người Pháp giải phóng Bắc Kỳ để lập Nước Cộng Hòa Bắc Kỳ đặt dưới sự bảo hộ của Pháp (11). Cũng cùng bối cảnh lịch sử đó, Đại Sứ Trung Quốc ở Paris là Tăng Kỷ Trạch đã kiên trì vận động với Thủ Tướng Pháp Jules Ferry thi hành dự án ngày 21 tháng 6 năm 1883 của Trung Quốc thành lập một nước đệm từ biên giới Quảng Tây kéo dài tới Quảng Bình, mưu tính chia đôi nước ta, một nửa của Pháp, một nửa thuộc Tàu. Sau khi ép Triều Đình Huế cắt Bình Thuận nhập vào Nam Kỳ và Thanh Nghệ Tĩnh vào Bắc Kỳ, ngày 15 tháng 7 năm 1885, Jules Harmand gửi về Bộ Ngoại Giao Pháp "Công hàm về cách phân phối lực lượng quân sự chúng ta tại Đông Dương", nhấn mạnh chủ điểm: "Mục đích của tôi là phá cho tan vỡ khối gắn liền của An Nam, chia cắt nó ra từng mảnh nhỏ, rời ra, để không bao giờ nó có thể tập hợp được lực lượng chống lại chúng ta". Ngày 30 tháng 7 năm 1885, người Pháp đưa Thọ Xuân Vương, lúc đó đã 76 tuổi và là chú vua Tự Đức, lên làm Phụ Chánh, để nhân danh Triều Đình thăng Nguyễn Hữu Độ hàm Võ Hiển Đại Học Sĩ, và năm sau, 1886, bổ nhiệm Nguyễn Hữu Độ làm Bắc Kỳ Kinh Lược Sứ, bước đầu tách Bắc Kỳ ra khỏi Trung Kỳ. Tiếp theo, sắc lệnh ngày 26 tháng 7 năm 1897 bãi bỏ Nha Kinh Lược Sứ, đặt các tỉnh ở Bắc Kỳ trực thuộc Thống Sứ Bắc Kỳ. Thế là nước Đại Nam vĩnh viễn bị cắt làm 3 mảnh với 3 chế độ cai trị khác nhau.

            Qua thế kỷ 20, sau khi lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp, ngày 11 tháng 3 năm 1945 người Nhật trao trả độc lập cho Việt Nam, để cho Bảo Đại và Nội Các Phạm Quỳnh tuyên bố độc lập với Pháp, xóa bỏ Hòa Ước năm 1884, nhưng nguời Nhật vẫn giữ lại Nam Kỳ và đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của Thống Đốc Minoda Fujio. Chỉ sau nhiều tháng thương thuyết gay go, và nhất là nhờ sự tranh đấu của tổ chức Thanh Niên Tiền Phong ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ cũng như lập trường yêu nước của Hội Nghị Nam Bộ do Trần Văn Ân và Kha Vạng Cân làm Chánh Phó Chủ Tịch, chính phủ Trần Trọng Kim mới lấy lại được Nam Bộ ngày 14 tháng 8 năm 1945. Sau khi Bảo Đại công bố Tuyên Ngôn Độc Lập với Pháp ngày 12 tháng 3 năm 1945, Chính Phủ Pháp liền công bố Tuyên Ngôn ngày 24 tháng 3 năm 1945 minh định qui chế tương lai của Liên Bang Đông Dương trong Liên Hiệp Pháp, đồng thời giao cho Tướng Alain De Boissieu (con rể Tướng Charles De Gaulle) nhiệm vụ chuẩn bị cho Cựu Hoàng Duy Tân đang bị lưu đày ở đảo Réunion trở lại ngôi vua Việt Nam (12). Ngày 14 tháng 12 năm 1945, Tướng De Gaulle cùng Cựu Hoàng Duy Tân hội kiến và thỏa thuận sẽ cùng đi Đông Dương vào tháng 3 năm sau để làm lễ ký kết các thỏa ước Việt Pháp. Trước đó, vào khoảng tháng 5 năm 1945, Cựu Hoàng Duy Tân có gửi cho Tướng De Boissieu một bản "Di chúc chính trị" để nhờ trao lại Tướng De Gaulle, trong đó có đề cập đến các vấn đề độc lập và thống nhất của Việt Nam, nhưng Tướng De Gaulle cho rằng chủ trương của Duy Tân chẳng có gì trở ngại cho giải pháp chính trị mà Tướng De Gaulle đang chuẩn bị cho Đông Dương, đó là Việt Nam sẽ được chia làm 3 bang, với Hồ Chí Minh ở Hà Nội, Duy Tân ở Huế, những người của Pháp ở Sài Gòn, cùng với Cao Mên và Lào lập thành Liên Bang Đông Dương mà thủ đô liên bang là Đà Lạt. Giải pháp chính trị này không phù hợp với đường lối các cường quốc Đồng Minh. Sau khi Cựu Hoàng Duy Tân từ chối không chịu nhận 2 triệu đồng bảng Anh để lui ra khỏi sân khấu chính trị (13), Cựu Hoàng đã tử nạn phi cơ một cách khó hiểu ngày 26 tháng 12 năm 1945 gần Bangui thuộc Trung Phi. Cái chết đột ngột của Cựu Hoàng đã làm cho Tuớng De Gaulle phải than thở "Quả thật nước Pháp không gặp may"! 

            Dù vậy, người Pháp vẫn tiến hành thương lượng với Hồ Chí Minh và Hiệp Ðịnh sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 được ký kết giữa Hồ Chí Minh và Sainteny, thừa nhận Việt Nam là một nước tự do của Liên Bang Đông Dương nằm trong Liên Hiệp Pháp, đồng thời cho phép quân đội Pháp vào trú đóng ở các thành phố trọng yếu phía bắc vĩ tuyến 16. Mặt khác, ngày 3 tháng 6 năm 1946 người Pháp dựng lên ở Sài Gòn Nước Cộng Hòa Nam Kỳ do Nguyễn Văn Thinh làm Thủ Tướng để tính chuyện chia cắt vĩnh viễn Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam. Cả hai sự kiện này đã gây phẫn nộ trong lòng quần chúng Việt Nam và đã bóc trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp với những thủ đoạn gian trá y nguyên như 150 năm về trước, chà đạp chủ quyền và phân cát lãnh thổ của Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định sơ bộ với những nhượng bộ quá đáng cũng làm xói mòn niềm tin của quần chúng vào Chính phủ Hồ Chí Minh. Kể từ ngày cướp chính quyền đến nay, Chính phủ Hồ Chí Minh đã thừa hưởng rất nhiều di sản của Nội Các Trần Trọng Kim, từ nhân sự cho đến các cải cách giáo dục, thuế khóa, hành chánh. Hầu hết cán bộ Thanh Niên Tiền Tuyến nay trở thành sĩ quan của Vệ Quốc Đoàn. Các chương trình chính phủ nhìn chung thì cũng na ná chương trình hưng quốc của chính phủ tiền nhiệm. Vậy mà nay chính phủ Hồ Chí Minh ký kết để chấp nhận một qui chế tự do trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp kèm theo những điều khoản mù mờ liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ thì quả tình là một sự thụt lùi quá đáng so với thành quả của Nội Các Trần Trọng Kim. Nhiều người bắt đầu kết án Chính phủ Hồ Chí Minh phản bội, đi ngược khát vọng của đại khối dân tộc, hy sinh chủ quyền quốc gia, rước quân đội Pháp vào thay thế quân đội Tàu để rảnh tay đối phó với phe cách mạng không cộng sản. Lời kết án này không phải là không có cơ sở, bởi vì ngay tháng 7 năm đó, sau vụ đi lại thậm thụt giữa Võ Nguyên Giáp và Crépin là Tổng Đại Diện của Chính phủ Pháp tại Hà Nội (14), Võ Nguyên Giáp đã huy động toàn lực công an và bộ đội ra tay đánh diệt cán bộ và chiến sĩ các chính đảng và giáo phái. Trong mấy tháng cuối năm 1946 đã diễn ra một cuộc tàn sát toàn diện, man rợ và oan khốc. Cán bộ và chiến sĩ các chính đảng và giáo phái, nếu không chạy kịp ra nước ngoài hay ra đầu hàng quân đội Pháp, thảy thảy đều bị giết sạch. Mặt khác, người Pháp được thể càng ngày càng lấn chân, xô đẩy chính quyền Hồ Chí Minh vào cái thế chẳng đặng đừng phải phát động chiến dịch toàn dân kháng chiến đêm 19 tháng 12 năm 1946 (15) rồi rút lực lượng vào các chiến khu. Trên bình diện chính trị, chính quyền Hồ Chí Minh dồn nỗ lực vào việc củng cố thế chính thống và hợp pháp bằng cách rêu rao Bảo Đại vẫn là Cố Vấn Tối Cao của chính phủ; bằng cách tuyên truyền bôi lọ Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Văn Sâm là những người họ nghi rằng có thể lập chính phủ để điều đình với Pháp (8); và bằng cách cải tổ chính phủ để che đậy bản chất cộng sản. Trên bình diện quân sự, chính quyền Hồ Chí Minh kiện toàn việc tổ chức các Cục Chính Trị (Nguyễn Chí Thanh), Cục Tham Mưu (Hoàng Văn Thái), Cục Tình Báo (Trần Hiệu), và phối trí nhân sự thuần cộng sản để chỉ huy các Quân Khu: Nguyễn Bình ở Nam Bộ, Nguyễn Sơn ở Trung Bộ, Hoàng Sâm ở Trung châu Bắc Bộ, Bằng Giang ở Tây Bắc, Chu Văn Tấn ở Việt Bắc. Tuy nhiên, mọi cố gắng của chính quyền Hồ Chí Minh không gây lại được niềm tin bị xói mòn, không đáp ứng đuợc khát vọng của giai tầng thượng lưu trí thức và tuổi trẻ yêu nước thiết tha với lý tưởng phụng sự quốc gia dân tộc. Trong tình huống đó, Cựu Hoàng Bảo Đại trở nên hạt nhân hình thành của một giải pháp chính trị mới.

            Lúc này, Bảo Đại đã ra ở Hồng Kông. Trước đó, ngày 16 tháng 3 năm 1946, Bảo Đại rời Hà Nội đi Trùng Khánh theo phái đoàn Nghiêm Kế Tổ, Nguyễn Công Truyền, Hà Phụ Hương, với tư cách riêng (8) hơn là với danh nghĩa Tối Cao Cố Vấn của Chính phủ Hồ Chí Minh. Sau đó, trên đường về nước, Bảo Đại đã dừng chân ở Côn Minh một thời gian, phân vân trước sự lôi kéo của Nam Kinh và Hồng Kông. Cuối cùng, ngày 15 tháng 9 năm 1946, Bảo Đại quyết định ra ở Hồng Kông, buổi đầu ở khách sạn Gloucester, về sau ở trong một biệt thự tại mũi Republic Bay trên đảo Victoria.

            Những người đầu tiên tìm đến với Bảo Đại là Yole, thám tử riêng của Tòa Lãnh Sự Pháp tại Hồng Kông (1); Phạm Ngọc Thạch, Chánh Văn Phòng của Hồ Chí Minh, từ Việt Nam đến qua ngã Quảng Châu; và các lãnh tụ chính đảng cũng từ Quảng Châu sang, trong số đó có Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Hải Thần. Yole thường xuyên qua lại Sài Gòn nên tự nguyện làm liên lạc viên cho Bảo Đại. Phạm Ngọc Thạch thì trình bày cho Bảo Đại biết diễn biến của chính trường Việt Nam từ ngày Bảo Đại rời Hà Nội và khẳng định sự tín nhiệm của Hồ Chí Minh nơi vị Cố Vấn Tối Cao của Chính Phủ. Các lãnh tụ chính đảng tường thuật cho Bảo Đại biết tình trạng quốc cộng phân tranh, sự phản bội của cộng sản, khát vọng độc lập thống nhất của quần chúng đang bị cộng sản lợi dụng, và gợi ý Bảo Đại tập hợp các lực lượng có khuynh hướng quốc gia để chống lại cộng sản. Quan điểm của các lãnh tụ chính đảng giống nhau về nhiều mặt, chỉ khác nhau ở mỗi một điểm là Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh khuyên Bảo Đại nên đi Nam Kinh tìm hậu thuẫn nơi chính phủ Trung Hoa Quốc Gia, còn Nguyễn Tường Tam thì có khuynh huớng thân Anh Mỹ. Cũng trong những tháng cuối năm 1946, tại khách sạn Gloucester, Bảo Đại còn tiếp kiến Trần Trọng Kim, Nguyễn Đệ và Phan Văn Giáo. Ngoại trừ Trần Trọng Kim và Nguyễn Đệ tìm đến để bàn luận và trao đổi quan điểm chính trị, những người khác trong nhóm Phan Văn Giáo tìm đến để tự nguyện phục vụ Bảo Đại trong tư thế cận thần.

            Bảo Đại dọn về ở một biệt thự tại mũi Republic Bay do chính phủ Hồng Kông cấp và khách khứa tới lui dập dìu. Lúc này, Thierry D'Argenlieu đã xác nhận sự phá sản của giải pháp Hồ Chí Minh, và mọi người đang hướng về Bảo Đại được xem như là biểu tượng cho sự liên kết các khuynh hưóng chính trị không cộng sản. Lần lượt kẻ trước người sau, Phan Huy Đán, Đinh Xuân Quảng, Trần Văn Tuyên, Lê Văn Hoạch, Phạm Văn Bính, Ngô Đình Diệm, Phạm Công Tắc, Trần Văn Soái, Nguyễn Tôn Hoàn, v.v., họ tìm đến với Bảo Đại và thảy thảy đều có quan điểm thống nhất là Bảo Đại phải đứng ra lãnh đạo các lực lượng chính trị trong và ngoài nuớc, thành lập một chính phủ quốc dân đoàn kết có nhiệm vụ thương lượng với người Pháp trao trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam, đồng thời kêu gọi Hồ Chí Minh giải giới để kiến tạo hòa bình, tái thiết đất nước. Một khi có được độc lập và thống nhất, những nhân sĩ trùm chăn, và những người bấy lâu theo kháng chiến vì tinh thần yêu nước chứ không phải vì chủ nghĩa cộng sản, sẽ tức khắc trở về hợp tác. Phe kháng chiến sẽ không còn chính nghĩa, các ủy ban hành kháng sẽ mất thế hợp pháp, người Mác-xít Lê-ni-nít sẽ không còn có thể giơ cao cái chiêu bài tranh thủ độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ để động viên toàn dân hy sinh xương máu chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản. Một khi có được độc lập và thống nhất mà Hồ Chí Minh vẫn ngoan cố không chịu ngưng bắn thì cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược sẽ chỉ là cuộc phản loạn chống chính quyền quốc gia do người Mác-xít Lê-ni-nít phát động để thực hiện chủ nghĩa quốc tế vô sản. Phe cộng sản chắc chắn sẽ thảm bại. Thế là giải pháp Bảo Đại được hình thành. Trước xu thế chính trị đồng nhất đó của các thành phần Việt Nam không cộng sản, người Pháp mau lẹ đáp ứng. Trung tuần tháng 1 năm 1947, Cousseau, một chuyên gia thương thuyết và rất am hiểu các vấn đề Việt Nam, được thuyên chuyển đến Tòa Tổng Lãnh Sự Pháp tại Hồng Kông. Người Mỹ cũng không phản đối giải pháp chính trị này. Trong năm 1947, Thiếu tá Buckley, thuộc cơ quan OSS Mỹ ở Viễn Đông, nhiều lần đến Hồng Kông tiếp xúc với Bảo Đại (1).

            Ý thức rằng giải pháp Bảo Đại có tầm vóc lớn lao gấp bội các tổ chức không cộng sản khác như Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp, Mặt Trận Quốc Gia Dân Tộc Chống Cộng Sản, và nếu thực hiện đúng mức, sẽ rất nguy hại cho kháng chiến, chính quyền Hồ Chí Minh bắn tiếng với Pháp yêu cầu tiếp tục điều đình. Tuy nhiên, những nỗ lực của cả Paul Mus lẫn Hoàng Minh Giám đều không mang lại kết quả, trong lúc đó, bên trong Việt Nam, số người ủng hộ giải pháp Bảo Đại mỗi ngày một đông đảo. Ngày 14 tháng 5 năm 1947, nhân dịp Bollaert đến Hà Nội, báo Thời Sự đăng bài ủng hộ Bảo Đại. Ngày 20, tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Sâm lên tiếng tán dương Công dân Vĩnh Thụy. Qua ngày 24, Bollaert đến Huế, Hội Đồng Chấp Chánh Trung Kỳ và Phong Trào Tập Hợp Quốc Gia biểu dương lực lượng và tinh thần quốc gia bảo hoàng. Cuối cùng, ngày 5 tháng 7 năm 1947, Bảo Đại cho phổ biến trên tờ Union Francaise lời tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò hòa giải giữa nước Pháp và các phe phái ở Việt Nam, đồng thời phái Trần Văn Tuyên về Việt Nam, đến Hà Nội, Huế, và Sài Gòn thăm dò và vận động công luận.

            Ngày 4 tháng 9 năm 1947, Bảo Đại gửi điện triệu tập Hội Nghị Chính Trị Hồng Kông lần thứ nhất. Ngày 9 khai hội, có cả thảy 24 người tham dự, trong số đó có Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Sâm, Trần Quang Vinh, Trần Văn Lý, Cao Văn Chiểu, Nguyễn Tường Tam và các lãnh tụ chính đảng lưu vong ở Tàu. Hội nghị thông qua chính cương, phương hướng và chương trình hành động. Trong lúc đại đa số Đại Biểu nghiêng về thể chế quốc trưởng hoặc quân chủ lập hiến thì Nguyễn Tường Tam chủ trương định chế cộng hòa. Vì điểm bất đồng này, Nguyễn Tường Tam sau đó đã bỏ đi không quay trở lại. Ngày 18 tháng 9 năm 1947, Bảo Đại gửi lời hiệu triệu quốc dân, xác định ý chí tranh thủ độc lập và thống nhất cho Việt Nam, bởi lẽ trước đó hơn tuần lễ Bollaert đã đọc một bài diễn văn ở Hà Đông làm nãn lòng mọi người ở cả 2 phe quốc cộng. Ngày 29, Nguyễn Văn Xuân thay Lê Văn Hoạch làm Thủ Tướng chính phủ với danh hiệu đổi mới là Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. Sáng ngày 7 tháng 12 năm 1947, tại Vịnh Hạ Long, trên soái hạm Duguay Trouin, Bảo Đại và Bollaert ký Thông Cáo Chung nói về việc Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp, có đính kèm một bản lịch trình thảo luận thể chế ngoại giao, quân sự, văn hóa, tài chánh v.v. của nuớc Việt Nam tương lai. Trong buổi họp ngày 19 tháng 12 ở Hồng Kông, Ngô Đình Diệm đã cực lực phản đối bản thể chế này. Ngày 22 tháng 3 năm 1948, Bảo Đại có ủy thác Ngô Đình Diệm về Sài Gòn gặp Bollaert để yêu cầu thảo luận trở lại vấn đề này, nhưng Bollaert không đổi ý. Ngày 26 tháng 3 năm 1948, Bảo Đại triệu tập Hội Nghị Chính Trị Hồng Kông lần thứ hai. Ngoài những nhân vật quen thuộc như Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu, Trần Văn Lý, Phan Huy Đán, Đinh Xuân Quảng, Phan Văn Giáo, Trần Văn Ân, Trần Văn Tuyên, còn có đông đủ đại diện các chính đảng, các giáo phái cùng các nhân sĩ độc lập như Đặng Hữu Chí, Trần Quang Vinh, Lê Văn Hoạch, Phạm Công Tắc, Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Khoa Toàn, Hà Xuân Tế, Phạm Văn Hai, Đỗ Quang Giai, Lương Danh Môn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Văn Ty, Ngô Quốc Côn, Nguyễn Thúc Loan, Phạm Đình Tuyên, Nguyễn Thức, Ngô Khánh Thục, Trương Vĩnh Tống, Nghiêm Xuân Thiện, Đặng Văn Dần v.v. Hội nghị đã biểu quyết việc đặt quốc hiệu, định quốc đô, chọn quốc kỳ và quốc ca, và thành lập chính phủ trung ương lâm thời. Ngô Đình Diệm không tham dự Hội Nghị này, không nhận lời mời làm Thủ Tướng, và đã bỏ đi cho đến năm 1954 mới trở lại nhận làm Thủ Tướng Toàn Quyền Dân sự và Quân sự trong một bối cảnh lịch sử hoàn toàn đổi khác. Chính phủ Nguyẽn Văn Xuân được thành lập ngày 27 tháng 5 năm 1948, và làm lễ ra mắt ngày 2 tháng 6 tại Sài Gòn. Hôm đó, lá cờ vàng ba sọc đỏ được kéo lên và chính thức trở thành quốc kỳ của Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngày 5 tháng 6 năm 1948, cũng tại Vịnh Hạ Long, cũng trên chiếc thiết giáp hạm Duguay Trouin, Bảo Đại chuẩn phê Tuyên Bố Chung ký kết giữa Bollaert một bên, và Nguyễn Văn Xuân, có sự dự kiến của Nghiêm Xuân Thiện và Đặng Hữu Chí, Phan Văn Giáo, Nguyễn Khoa Toàn và Đinh Xuân Quảng, Trần Văn Hữu và Lê Văn Hoạch, đại diện cho 3 miền Bắc, Trung và Nam Việt Nam, một bên. Tuy nhiên, độc lập và thống nhất vào thời điểm này chỉ mới là danh nghĩa; con đường tiến đến độc lập và thống nhất thực sự còn thăm thẳm xa vời. Tất cả chỉ mới là lời hứa hẹn; độc lập và thống nhất thực sự tùy thuộc vào thiện chí của người Pháp và tương quan lực lượng ngoài chiến trường. Giả thiết kháng chiến bị đánh bại, Việt Nam sẽ chỉ được cái bánh vẽ độc lập trong Liên Hiệp Pháp, không có quân đội riêng, không có ngoại giao riêng. Giả thiết Hồ Chí Minh nhượng bộ, Paul Mus và Hoàng Minh Giám đi đến một thỏa ước nào đó, Việt Nam sẽ bị chia làm 3 bang, cùng với Cao Mên và Lào họp thành Liên Bang Đông Dương, với Hồ Chí Minh ở Hà Nội, Bảo Đại ở Huế, và Nguyễn Văn Xuân ở Sài Gòn. Bởi vậy, Bảo Đại chưa vội về nước, và nhờ sự giúp rập của những người yêu nước quốc gia chủ nghĩa, đã ký kết tại Paris Thỏa Ước Bảo Đại-Auriol ngày 8 tháng 3 năm 1949. Ngày 10 tháng 4, Hội Đồng Lãnh Thổ Nam Kỳ gồm 50 đại biểu được thành lập để bỏ phiếu về việc Nam Kỳ sát nhập trở lại với Việt Nam, kết quả là 25 thuận/25 chống. Ngày 23 tháng 4 bỏ phiếu lại, kết quả là 45 thuận/5 chống. Ngày 1 tháng 7, Bảo Đại lập chính phủ; và ngày 3 tháng 7, Bảo Đại bổ nhiệm Thủ Hiến cho 3 kỳ Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt. Tháng 10, Việt Nam được nhận vào Á Châu Kinh Ủy Hội của Liên Hiệp Quốc, mở đầu cho các sinh hoạt ngoại giao độc lập. Thỏa Hiệp Quân Sự ký với Léon Pignon ngày 30 tháng 12 năm 1949 đặt nền móng cho việc thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.


Đoạn kết.

            Vậy là lá cờ vàng ba sọc đỏ bắt đầu có đủ căn bản cụ thể để biểu tượng cho độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ, đáp ứng khát vọng của giai tầng thượng lưu trí thức cũng như của tuổi trẻ yêu nước Việt Nam. Đành rằng người Pháp đã tỏ ra lươn lẹo, không thực tâm trao trả độc lập cho Việt Nam, cũng như Bảo Đại không có đủ bản lãnh của một người anh hùng được thời thế tạo nên, cho nên đã có nhiều người nghi ngại bỏ đi ngay sau khi tham dự các Hội Nghị Chính Trị Hồng Kông, cũng như đã có nhiều người lúc đầu hợp tác mà về sau lại quay ra chống đối, nhưng dù sao thì vẫn có một hiện tượng không thể phủ nhận là đã có một cuộc tập hợp rộng rãi những người Việt Nam yêu nước của cả 3 miền, đủ mọi thành phần chính trị, tôn giáo và xã hội, đằng sau lưng Bảo Đại, dưới bóng lá cờ vàng ba sọc đỏ. Ngoại trừ những người như Ưng An, Phan Văn Giáo, Vĩnh Cẩn, Nguyễn Đệ, Phạm Văn Bính, đã phục vụ Bảo Đại theo chiều hướng đồng hóa Quốc Gia với Quốc Trưởng, những người khác, đứng trong hàng ngũ Bảo Đại, dưới bóng lá cờ vàng ba sọc đỏ, đã phục vụ Bảo Đại vì tình tự dân tộc, vì tinh thần yêu nước, vì lý tưởng tự do, vì lập trường không cộng sản. Tờ báo Times số ra ngày 11 tháng 1 năm 1950 đã viết: "Những nhà ái quốc có lập trường quốc gia, vốn e ngại Bảo Đại vẫn chỉ là một thứ bù nhìn trong tay Pháp, nay đã thay đổi thái độ....Vua Bảo Đại đang từ từ liên kết được mọi người". Nói một cách khác, lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng khát vọng của toàn dân, ấp ủ hoài bảo đấu tranh cho độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ. Người Việt Nam yêu nước và có lập trường không cộng sản không bao giờ đồng hóa lá cờ vàng ba sọc đỏ với cá nhân Bảo Đại, hay với bất kỳ nhân vật nào khác. Bởi thế cho nên về sau này, khi mà tình hình chiến sự sôi động, thời cuộc quốc tế đổi chiều, Bảo Đại không đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của tình thế mới, thì giai tầng thượng lưu trí thức và tuổi trẻ Việt Nam, yêu nước nhiệt tình và có lập trường không cộng sản, lại đứng sau lưng Ngô Đình Diệm truất phế ngôi vị quốc trưởng của Bảo Đại và đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng Thống Nước Việt Nam Cộng Hòa, và vẫn giữ cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ. Rồi về sau này nữa, khi mà chính quyền Ngô Đình Diệm tỏ ra thiếu dân chủ, phân biệt địa phương, kỳ thị tôn giáo, thì lại vẫn những con người yêu nước không cộng sản đó, trí thức và bình dân, quân sự và dân sự, đứng lên lật đổ Ngô Đình Diệm để cải tiến chế độ, và vẫn giữ cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cho dù là vì người Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại, hay vì chính quyền Nguyễn Văn Thiệu quân phiệt và tham ô, hay vì những lý do gì khác chăng nữa, mà Nước Việt Nam Cộng Hòa mất, người dân Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản gọi là ngụy, nhân viên dân sự và quân sự Việt Nam Cộng Hòa bị tập trung vào các trại tù, thì những người Việt Nam yêu nước và không cộng sản vẫn kiên trì tiếp tục chống đối áp bức và bóc lột, đấu tranh để cải tiến dân sinh, thực thi dân chủ, kiện toàn độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ, bảo vệ quyền nguời dân và quyền con người. Một phần dân tộc chạy được ra nước ngoài. Ngoại trừ thiểu số may mắn thoát đi trước, tuyệt đại bộ phận những nguời di tản, nếu không mất mạng vì sóng gíó biển khơi thì cũng lâm cảnh mình trần thân trụi vì hải tặc, hành trang còn lại chỉ là những lý tưởng vừa nói trên đây. Trong tình hình như vậy, thử hỏi còn có cái gì đầy đủ căn bản lịch sử và pháp lý hơn lá cờ vàng ba sọc đỏ để biểu tượng cho Cộng Đồng Việt Nam ở Hải Ngoại?
                                                Tháng 11 năm 1998

                                             Minh Vũ Hồ Văn Châm

Tài liệu tham khảo:
             
(1) Bảo Đại. Con Rồng Việt Nam. Xuân Thu, 1990. Los Alamitos, CA 90720, USA.
(2) Nguyễn Ngọc Huy. Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam.. Nguyệt san Tự Do Dân Bản của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, Bộ mới, số 27, tháng 3 năm 1988. Houston, TX, USA.
(3) Vũ Ngự Chiêu. The other side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam. Van Hoa, 1996. Houston, TX, USA.
(4) Đoàn Thái. Tiết lộ của Tráng Liệt tại nhà Cao Hữu Đính. Thư riêng gửi tác giả đề ngày 16-11-1997.
(5) Hồ Văn Châm. Câu chuyện xoay quanh lá cờ. Tạp Chí Cách Mạng của Đại Việt Cách Mạng Đảng, Bộ mới, số 6, Xuân Đinh Sửu, tháng 2 năm 1997. Houston, TX, USA.
(6) Trần Trọng Kim. Một cơn gió buị . Vinh Sơn, 1969. Sài Gòn, VN.
(7) Nguyễn Tường Tam. Chi bộ ba người. Phượng Giang, 1960. Sài Gòn, VN.
(8) Nghiêm Kế Tổ.Việt Nam Máu Lửa. Xuân Thu, 1989. Los Alamitos, CA 90720, USA.
(9) Trường Nguyên. Đại Việt Quốc Dân Đảng Lược sử. Tổng Bộ Tuyên Nghiên Huấn Đại Việt Quốc Dân Đảng, 1994, CA, USA.
(10) Nguyễn Xuân Chữ. Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ. Văn Hóa, 1996. Houston, TX, USA.
(11) Nguyễn Xuân Thọ. Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam. Mekong, 1994. Santa Ana, CA, USA.
(12) Vũ Ngự Chiêu. Lá bài bí mật của De Gaulle: Hoàng tử Vĩnh San. Văn Hóa, 1992. Houston, USA
(13) Hoàng Trọng Thược. Hồ sơ Vua Duy Tân. Mõ Làng, 1993. San Francisco, CA, USA.
(14) Hoàng Văn Đào. Việt Nam Quốc Dân Đảng. Khai Trí, 1964. Sài Gòn, VN.
(15) Nguyễn Thế Anh. Hành trình chính trị của Hồ Chí Minh. Trong tuyển tập Hồ Chí Minh, Thân Thế và Sự Nghiệp, của nhiều tác giả. Nam Á, 1990. Paris, France.


Chủ Nghĩa Quốc Gia
nhìn từ góc độ
Chủ Thể Ðược Phục Vụ
                                                                      

            Tình hình Việt Nam và thân phận người quốc gia chủ nghĩa trong hơn nửa thế kỷ vừa qua là vô cùng phức tạp. Thực vậy, người mác-xít lê-ni-nít cố tình lẫn lộn quốc gia với dân tộc để manh tâm đội lốt quốc gia; một số người chống cộng mù quáng mạo danh là quốc gia chân chính chỉ cốt để thực hiện mục tiêu chống cộng; phần đông người yêu nước quốc gia chủ nghĩa lầm lạc phục vụ chủ nghĩa cộng sản mà tưởng là phục vụ quốc gia; trong lúc đó, hầu hết người quốc gia chính hiệu lại bị nhân dân hiểu lầm, bị cộng sản bôi lọ, bị liên minh thực dân, đế quốc và tay sai cấu kết cùng tập đoàn cộng sản ngày đêm đàn áp, khủng bố và tiêu diệt. Sở dĩ có tình trạng lẫn lộn vàng thau như vậy là vì mọi người đều dễ dàng phóng tâm đồng hóa chủ nghĩa quốc gia với chủ nghĩa yêu nước, lẫn lộn quốc gia với dân tộc, không phân biệt bản thể của quốc gia với bản thể của nhà nước, không phân định minh bạch ranh giới giữa nghĩa rộng và nghĩa hẹp của từ quốc gia, và nhất là không quán triệt sự khác biệt định nghĩa chủ nghĩa quốc gia như là một tổng thể với các thực thể cấu thành quốc gia, và quan trọng hơn cả là không nhận định được một thực tế đáng buồn là chủ thể phục vụ của các chính quyền từ trước đến nay tại Việt Nam chưa bao giờ là quốc dân Việt Nam, là quốc gia Việt Nam cả.
           
Vậy trước hết, cần nhắc lại câu hỏi quốc gia là gì?

            Quốc gia bao gồm ba thành tố :
                        -quốc dân,
                        -lãnh thổ,
                        -chế độ.

            Quốc dân là người trong nước, gồm một hoặc một vài sắc tộc chính và nhiều sắc tộc thiểu số. Quốc dân được hình thành và phát triển theo dòng lịch sử, từ những bộ lạc ban sơ kết hợp thành chủng tộc đồng nhất. Danh từ sắc tộc dùng để nói đến các sắc dân sống trong một nước chính xác hơn danh từ dân tộc mà người cộng sản hiện đang dùng và nhiều người khác thường có thói quen dùng lẫn lộn với danh  từ quốc dân.

            Lãnh thổ là đất nước, bao gồm cả vùng trời bên trên và vùng biển và thềm lục địa vây quanh. Lãnh thổ là địa bàn sinh hoạt của quốc dân từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, suốt dọc chiều dài lịch sử. Lãnh thổ có thể biến thiên theo thời gian, tăng giảm diện tích và xê dịch địa điểm, nhưng cơ bản là ổn định và là một thực thể tâm lý bất biến trong lòng quốc dân.

            Chế độ bao gồm các mặt chính trị, văn hóa và xã hội. Theo với đà phát triển lịch sử, trình độ văn hóa quy định sự hình thành các mô thức xã hội thích nghi và những định chế chính trị phù hợp. Văn hóa mỗi ngày một lên cao, mô thức xã hội và định chế chính trị cũng thay đổi. Tính chất khả biến của chế độ về các mặt chính trị, văn hóa và xã hội có tác động hỗ tương mật thiết và sâu đậm, và là động lực thúc đẩy sự phát triển quốc gia, tuy nhiên trong một vài trường hợp cũng có thể gây nên những hậu quả phản động, cản đà phát triển của quốc gia.
           
            Nói một cách tổng quát, các thành tố quốc dân và lãnh thổ mang tính chất ổn định và đặc thù, là những thành tố chủ yếu của thực thể quốc gia. Trong lúc đó, thành tố chế độ có tính chất khả biến, thay đổi theo các điều kiện khách quan, nên chỉ là thành tố thứ yếu của thực thể quốc gia mà thôi. Mặt khác, thành tố chế độ lại chi phối mạnh mẽ các thành tố quốc dân và lãnh thổ, nhất là thành tố quốc dân mà thông thường vẫn được xem như là chủ thể được phục vụ. Nếu đứng về phương diện chủ thể được phục vụ mà nhận xét chế độ, ta sẽ thấy từ quốc gia bao hàm 2 ý niệm rõ rệt: cho toàn dân, và trong cả nước.

            Cho toàn dân nên cái gì là quốc gia thì là cho tất cả mọi người dân trong cả nước, không có biệt lệ, không có đặc ân, không có hạn chế, không có phân biệt đối xử.

            Trong cả nước nên cái gì là quốc gia thì là áp dụng đồng đều ở tất cả các địa phương, không ưu tiên cho địa phương nào mà cũng không kỳ thị địa phương nào.

            Trên cơ sở định nghĩa cổ điển đó của danh từ quốc gia, và trong bối cảnh lịch sử của quốc gia Việt Nam từ trước đến nay, đặc biệt là trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, ta thử xác định lại thực tế của các dữ kiện quan yếu để phân tích một cách khách quan tiến trình phát triển của đất nước, ngõ hầu rút ra những kết luận chính xác làm tiền đề cho những qui định cơ bản trong việc hình thành chủ nghĩa quốc gia Việt Nam.

Quốc gia và chuyên chính nhất nguyên dưới chế độ quân chủ.

            Trên cơ sở cho toàn dân và trong cả nước, ta thấy rõ ràng là dưới chế độ quân chủ chuyên chính, ở nước ta chưa có tinh thần quốc gia. Đời nhà Trần, mở khoa thi Thái học sinh, lấy Trạng nguyên (người đỗ đầu) thì phân biệt Kinh/Trại, Kinh Trạng nguyên cho các lộ ở trung châu và Trại Trạng nguyên cho các lộ phía nam và mạn ngược. Con trai con gái họ Trần kết hôn với nhau, con gái tôn thất tuyệt đối không gã cho con trai bách tính. Đời vua Lê chúa Trịnh, quân đội thì phân biệt Ưu binh và Nhất binh, Ưu binh được tuyển mộ ở Hoan Ái (Nghệ An, Thanh Hoa) là đất Thang Mộc, Nhất binh được tuyển mộ ở tứ trấn Bắc Hà. Buổi đầu thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Đào Duy Từ (con nhà xướng ca vô loài không được đi thi) là thí dụ điển hình về phân biệt đối xử đối với các hạng người trong nước. Triều Nguyễn thì có lệ không lập Hoàng hậu, và có thêm lệ là chỉ tuyển Hoàng phi từ Quảng Bình trở vào nam mà thôi. Trường hợp công chúa Lê Ngọc Bình của đất Đông Đô được vua Gia Long sách lập làm Đệ tam cung là một biệt lệ có tính cách chính trị. Các cử nhân tân khoa trúng tuyển tại trường thi Thừa Thiên được bổ dụng ngay, còn các cử nhân trúng tuyển ở các trường thi Hương khác (1) đều phải tu nghiệp thêm một năm tại Quốc Tử giám trước khi được bổ dụng làm Hành tẩu. Người Hoàng tộc được đặc biệt ưu đãi. Khi nhỏ, ngày ngày còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, học sinh tôn thất mặc áo dài xanh còn học sinh bách tính mặc áo dài đen nếu được vào Đại Nội ăn bánh trong những ngày lễ Vạn Thọ hay Hưng Quốc Khánh niệm. Lớn lên, dù chẳng có tài cán gì, con nhà tôn thất đều được thu xếp cho một chức quan, con trai lớn dòng trưởng được tập tước, nếu cha được phong vương thì con được phong quận công, cháu được phong huyện công, xuống nữa được phong hầu, rồi trợ quốc khanh, tá quốc khanh. Sự thiếu mặt của các tính chất cho toàn dân và trong cả nước còn kéo dài mãi đến cuối thời Pháp thuộc. Người Pháp chia cắt lãnh thổ Đại Nam làm nhiều mảnh, lập ra các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, mỗi kỳ riêng biệt một chế độ hành chánh, tài chánh, tư pháp (2); lại lấy phủ Cần Bột (Kampot) và đất đai phía tây kinh Vĩnh Tế trả lại cho Cao Miên; lấy đường phân thủy Trường Sơn làm phân ranh Lào-Việt, sáp nhập tất cả các phủ huyện phía tây đường phân ranh ấy (Trấn Ninh, Trấn Biên, Trấn Định, Trấn Tĩnh, Cam Cát, Cam Môn) vào vương quốc Luang Prabang để lập ra xứ bảo hộ Ai Lao. Ngoài ra,  nghị định của Toàn quyền Đông Dương về quy chế sĩ quan bản xứ có những quy định khác nhau cho người cùng một nước, hạn chế cấp bậc tối đa cho người Nam Kỳ là Đại tá, cho người Bắc Kỳ là Thiếu tá, và cho người Trung Kỳ là Trung úy. Nói tóm lại, dưới thời quân chủ chuyên chính, dù độc lập hay bảo hộ, tinh thần quốc gia chưa có mà tinh thần cục bộ thì phát triển nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhà vua và triều đình, và của tập đoàn thống trị thuộc địa. Tình trạng này còn kéo dài trong vùng Pháp chiếm đóng từ sau Thế chiến II đến năm 1955, kể luôn cả thời kỳ Bảo Đại làm Quốc Trưởng. Thực vậy, mặc dù có lúc đã có một cuộc tập hợp rộng rãi những người Việt Nam quốc gia chủ nghĩa trong cả nước thuộc đủ thành phần chính trị, tôn giáo, xã hội, đằng sau lưng Bảo Đại, sau Hội nghị Chính trị Hồng Kông, nhưng rút cục, quốc gia Việt Nam dưới chế độ Quốc Trưởng không khác biệt với thời thuộc địa, cũng chỉ vì người Pháp lươn lẹo, không thật tâm thi hành giải pháp Bảo Đại, và cũng chính vì Bảo Đại không phải là con người của thời thế, hóa ra độc lập quốc gia và thống nhất lãnh thổ chỉ có trên giấy tờ mà thôi.

Quốc gia và chuyên chính nhất nguyên dưới chế độ quốc tế vô sản.

            Dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đây và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay, giai cấp công nhân vô sản một mình làm chủ đất nước thông qua đại diện là đảng cộng sản giữ chức năng lãnh đạo và cơ chế nhà nước giử chức năng thừa hành. Đảng và Nhà nước là hai hệ thống song hành, một chìm một nổi, ở tất cả các ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp, trong tất cả các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, từ trung ương đến địa phương, theo đúng chức năng đã định mà áp đặt quyền lực thống trị chuyên chính lên toàn bộ nhân dân cả nước. Với chức năng lãnh đạo, cấp ủy đảng chỉ thị và kiểm soát cơ quan nhà nước cấp tương ứng. Thành thử, chỉ có đảng viên đảng cộng sản một mình một chợ nắm giử chính quyền, không chia sẻ với một ai khác. Người ngoài đảng chỉ được sử dụng trong các địa hạt chuyên môn, nếu có cần phải đặt để vào các chức vụ chỉ huy trong phạm vi hành chánh thì cũng không thể hơn chức vụ Trưởng phòng. Ngay cả các đảng viên không phải là cấp ủy, nghĩa là đảng viên quần chúng, vẫn có nhiều đặc quyền hơn người công dân ngoài đảng, vì chỉ có họ mới được quyền bầu cử đại biểu vào các cơ cấu chính quyền và Đại hội đảng, tức là gián tiếp bầu các cấp ủy đảng, còn quần chúng ngoài đảng thì chỉ được bầu Quốc hội, các cơ quan Nhà nước, Hội đồng nhân dân các cấp, nghĩa là các cơ chế không có quyền quyết định chính trị. Đảng viên có lớp học chính trị  riêng , có chế độ cung cấp riêng, đặc biệt ưu đãi hơn quần chúng ngoài đảng. Chỉ có đảng viên mới được ứng cử, vì muốn ứng cử thì phải được Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu, mà không phải là đảng viên thì làm thế nào mà được Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu. Nhưng khốc liệt nhất của chuyên chính vô sản là chuyên chính về mặt tư tưởng. Học thuyết Mác Lê là hệ tư tưởng độc tôn, chi phối toàn bộ sinh hoạt xã hội. Tất cả mọi người đều phải tham gia các lớp học tập về "quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, ba dòng thác cách mạng trên thế giới, duy vật biện chứng, duy vật sử quan, học thuyết Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh...". Không còn có chỗ cho các hệ tư tưởng nào khác. Các triết gia kim cổ, thảy thảy đều bị báo chí sách vở của Đảng và Nhà nước bài xích, rầm rộ và công khai; các tôn giáo có gốc rễ lâu đời trong nước hay mới được du nhập từ ngoài vào, thảy thảy đều bị chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước từ từ triệt hạ, âm thầm và tinh tế. Nói tóm lại, chủ nghĩa Mác Lê "bách chiến bách thắng, chủ nghĩa Mác Lê "vô địch", đã thể hiện trọn vẹn quyền lực chuyên chính quốc tế vô sản tại Việt Nam, dành đặc quyền đặc lợi cho thiểu số đảng viên cộng sản độc tôn cầm quyền, ghìm đại khối nhân dân trong nghèo đói, lạc hậu, sợ hãi, lừa dối, đố kỵ và ngu dốt. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, quốc gia không có chỗ đứng; chỉ có tinh thần quốc tế vô sản và bản chất chuyên chính nhất nguyên mà thôi, thể hiện qua các cơ chế Đảng và Nhà nước.



Quốc gia và dân chủ đa nguyên thời Đệ nhất Cộng Hoà.

Trong thời gian từ 1955 đến 1975, ở phía nam vĩ tuyến 17, do hiệp nghị Genève 1954 giữa các đại cường, và do trưng cầu dân ý 1955 của nhân dân Việt Nam, quốc gia Việt Nam Cộng Hòa đã được thành lập và tồn tại gần 20 năm. Việt Nam Cộng Hòa đầy dẫy những thí dụ sống động về các yếu tố cấu thành chủ nghĩa quốc gia, nhất là trong giai đoạn đầu mà dân chúng miền nam quen gọi là Đệ nhất Cộng Hòa. Thực vậy, bản thân người khai sinh nền cộng hòa đã là mẫu người quốc gia chủ nghĩa chân chính. Ngô Đình Diệm năm 1946 từ chối không nhận làm Bộ Trưởng Nội vụ (sau đó được giao cho Huỳnh Thúc Kháng) vì nhận định Hồ Chí Minh chỉ khoác áo quốc gia lừa bịp công luận chứ thâm tâm thì tận dụng phương tiện dân tộc để đạt cứu cánh đưa Việt Nam vào hàng ngũ quốc tế vô sản. Ngô Đình Diệm năm 1948 từ chối không nhận làm Thủ Tướng (sau đó được giao cho Trần Văn Hữu) vì nhận định Bảo Đại chỉ là con cờ người Pháp dùng làm chiêu bài lôi kéo người Việt Nam yêu nước về với mình để dễ bề tiêu diệt kháng chiến, chứ một khi kháng chiến bị tiêu diệt rồi thì đừng hòng đòi hỏi người Pháp trao trả độc lập. Ngô Đình Diệm năm 1955 đánh dẹp Bình xuyên, giải giới các tổ chức võ trang chính trị và tôn giáo, cải tổ cơ cấu quân đội và thay đổi nhân sự hành chánh vì quan niệm rằng quốc gia phải nhất thống, quốc gia phải có chủ quyền, quốc gia không thể là hỗn loạn vô chính phủ. Ngô Đình Diệm ban hành các Dụ 52 ngày 29- 8-1956 và 53 ngày 6-9-1956 bắt buộc người gốc Hoa thổ sinh phải nhập Việt tịch và cấm ngoại kiều (chủ yếu là Hoa kiều) làm 11 nghề, và ra lệnh đóng cửa các trường học dạy chương trình Hoa ngữ, vì nhận thấy sự phi lý hiển nhiên trong sự kiện những người sinh ra và lớn lên nhờ ăn cơm uống nước của Việt Nam, hít thở không khí của Việt Nam, lại không chịu hội nhập vào xã hội Việt Nam, không nói được tiếng Việt Nam, cứ khư khư giữ chặt những đặc quyền đặc lợi thủ đắc dưới thời Pháp thuộc. Ngô Đình Diệm cuối năm 1963 bị thảm sát vì cương quyết bảo toàn chủ quyền quốc gia, chống lại những áp đặt thay đổi về chiến lược, về tổ chức, về nhân sự, và nhất là chống lại kế hoạch đưa quân Mỹ vào Việt Nam, bởi lẽ Ngô Đình Diệm quan niệm rất đúng rằng một khi quân Mỹ có mặt trên chiến trường thì cuộc chiến đấu của người Việt quốc gia yêu nước không cộng sản chống lại người Việt  quốc tế mác-xít lê-ni-nít không còn chính nghĩa nữa trước con mắt trọng tài của quốc dân Việt Nam. Nhưng ngược lại, chế độ Ngô Đình Diệm cũng còn những mặt hạn chế, trái với tinh thần quốc gia chân chính, vì trong khá nhiều lãnh vực đã bộc lộ tính chất cục bộ, kỳ thị, thiếu dân chủ, phân biệt đối xử, nghĩa là không phục vụ quốc gia theo đúng tinh thần cho toàn dân và trong cả nước. Ngô Đình Diệm thích chọn cộng sự viên gốc gác Bình Trị Thiên và dòng dõi quan lại, đề cao người Nghệ Tịnh và Nam Ngãi là trung nghĩa khí khái, nghi kỵ người Bắc và người Hoàng tộc (nhất Bắc Kỳ, nhì các Mệ) cho là giảo quyệt, không coi trọng người Nam vì định kiến cho rằng người Nam tính tình bộc trực và nhất là thiếu tinh thần quốc gia, dễ dàng nghe theo lời người nước ngoài. Dư luận về tiêu chuẩn nhân sự thời đệ nhất cộng hòa là "người Trung, công giáo, cần lao" không phải là không có căn cứ. Ngô Đình Diệm lãnh đạo theo tinh thần gia trưởng, tự xem mình là cha mẹ dân, thương dân như cha mẹ thương con, tự đặt mình lên trên hiến pháp, lên trên quốc gia ("Sau hiến pháp còn có tôi"). Nhưng trầm trọng hơn hết là vấn đề tôn giáo. Thay vì đấu tranh trên cơ sở dân chủ/chuyên chính, hữu sản/vô sản, đa nguyên đa đảng/độc tài độc đảng, kinh tế thị trường/kinh tế hoạch định, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đem ý hệ Cơ Đốc ra đối đầu với ý hệ Mác Lê trong cuộc phân tranh quốc cộng nên dần dà mất sự hưởng ứng nhiệt tình buổi đầu của đại khối quần chúng cũng như của phần đông những người quốc gia chủ nghĩa. Gần một trăm năm mươi năm về trước, nước Pháp đã có đạo luật tách rời quốc gia với giáo hội. Vậy mà nay ở miền Nam Việt Nam lại xảy ra tình trạng không phải chỉ là kỳ thị tôn giáo hay công giáo độc tôn không thôi, mà là quốc gia bị tôn giáo phủ lấp, tức là điều trái với khái niệm quốc gia mọi người ngày nay hiểu. Bản thân Ngô Đình Diệm vốn là người quốc gia chủ nghĩa nên cũng không chấp nhận sự kiện tôn giáo phủ lấp quốc gia, do đó, buổi đầu chấp chính đi kinh lý một số địa phương thấy dân chúng treo cờ Tòa Thánh lấn áp quốc kỳ, Ngô Đình Diệm đã chỉ thị Bộ Nội vụ ban hành nghị định 78/NV/NA/85 tháng 9 năm 1957 và nghị định 189/NV/NA/PS ngày 12-5-1958 qui định thể thức treo quốc kỳ và giáo kỳ, trong tinh thần đặt quốc gia lên trên hết. Thế nhưng chế độ Ngô Đình Diệm càng về sau càng bộc lộ tinh thần cục bộ và bản chất chuyên chính, không còn tìm đâu ra tinh thần dân chủ đa nguyên buổi đầu. Một số nguời có thế lực bên cạnh Ngô Đình Diệm lại chủ trương lấy Công giáo làm quốc giáo, do đó mà có sự phân biệt đối xử quá đáng, trong lúc cờ Tòa Thánh được treo rợp trời nhân dịp lễ Ngân khánh của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, thì 2 ngày trước lễ Phật đản 8-5-1963, phủ Tổng Thống ban hành văn thư cấm treo cờ Phật giáo, gây phẫn nộ trong quần chúng Phật tử, tạo cơ hội cho người Mỹ James Scott gài lựu đạn trước đài phát thanh Huế châm ngòi nổ phát động một chiến dịch chống đối chính quyền sôi động hơn nửa năm trời và kết thúc vào ngày 2-11-1963 với sự kiện anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị giết chết, ám muội và thê thảm.

Quốc gia và Dân chủ đa nguyên thời Đệ nhị Cộng Hòa.

            Sau khi lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, Hội đồng Quân nhân Cách mạng tạo dựng một chế độ mà dân chúng miền nam quen gọi là Đệ nhị Cộng Hòa, một chế độ bề ngoài có vẻ dân chủ pháp trị nhưng thực chất lại là quân phiệt, dân chủ nửa vời, và lệ thuộc nước ngoài. Quốc gia thời Đệ nhị Cộng Hòa hoàn toàn bị quân đội phủ lấp, bị Toà Đại sứ Mỹ áp lực, bị cộng đồng người Hoa thao túng, và chơi vơi giữa dòng nước xoáy của 2 tôn giáo kình địch Phật và Chúa. Thực tình thì hiến pháp ngày 1-4-1967 tạo dựng một định chế nửa phần tổng thống, nửa phần đại nghị, đã có nhiều mặt tích cực và tiến bộ về tự do dân chủ, đa nguyên đa đảng và địa phương phân quyền, thế nhưng quân đội đã phủ lấp quốc gia nên thực trạng sinh hoạt chính trị không phải như hiến pháp qui định. Mặt khác, để khắc phục sự trì trệ của thủ tục công vụ và tài chánh, từ 1964, người Mỹ đã giúp chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lập thêm qui chế cán bộ để dễ dàng tuyển dụng nhân viên, và thể thức chi tiêu "xây dựng nông thôn" để các địa phương mau chóng thanh lý ngân khoản tại chỗ. Những qui chế nhân sự và thể thức tài chánh này rất cần thiết cho việc thực hiện cấp kỳ những dự án phát triển địa phương phục vụ dân sinh. Ngoài ra lại còn những quỹ ứng trước ngoại ngân sách như Quỹ Tạm Ứng Bộ Chiêu Hồi, Quỹ Khẩn Hoang Lập Ấp Bộ Xã Hội mà các bộ sở quan toàn quyền sử dụng không phải qua thủ tục chiếu hội. Các chương trình tự túc phát triển xã, điện khí hóa nông thôn, người cày có ruộng, khẩn hoang lập ấp, đã thực sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền Nam; quang cảnh trên đồng thì máy cày, dưới nước thì máy đuôi tôm cho thấy cuộc sống của người dân quê thay đổi rõ rệt. Những sự kiện này biểu hiện thiện chí của người Mỹ. Có điều đáng tiếc là người Mỹ không hề có ý định đánh bại cộng sản Bắc Việt, nhưng lại quyết tâm đưa quân vào Nam Việt chỉ để tìm đáp số cho bài toán chiến tranh nhân dân, và điều này làm cho cuộc chiến đấu của chính quyền miền Nam chống lại sự xâm nhập của quân cán miền Bắc gặp phải thái độ thờ ơ của quần chúng nông thôn và các giới nhân sĩ và trí thức thành thị. Trận Khe sanh 1967-1968 chứng minh vũ khí, chứ không phải con người, là yếu tố quyết định trên chiến truờng; chương trình bình định và phát triển 1969-1970 chứng minh thực trạng kinh tế, chứ không phải lý luận ý hệ, là hấp lực hữu hiệu tranh thủ lòng người. Đó là đáp số cho bài toán chiến tranh nhân dân. Tìm ra đáp số rồi thì người Mỹ lại quyết tâm đưa quân ra khỏi Nam Việt, bỏ mặc nhân dân miền Nam tự lo liệu lấy thân, trong lúc chính trường vô cùng rối rắm, Quân đội phủ lấp Quốc gia, từ Tổng Thống, Thủ Tuớng và đa số Tổng Bộ Trưởng, đến Tư Lệnh Cảnh sát, Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng, Trưởng Cuộc Cảnh sát quận và Ủy viên An ninh xã, thảy thảy đều là quân nhân. Tư Lệnh vùng chiến thuật chỉ biết có Tổng Thống và cố vấn Mỹ, ngoài ra chẳng còn kiêng nể ai, ngoại trừ Thủ Tướng vốn là Đại Tướng. Người của quân đội chia nhau làm chủ đất nước, người tài trí đã hiếm hoi mà người tâm huyết thì hầu như vắng bóng. Tóm lại, dân chủ và đa nguyên chỉ thấy viết ra trong hiến pháp. Trong thực tế, nền Đệ nhị Cộng Hoà rõ ràng mang tính chất dân chủ nửa vời, chuyên chính và quân phiệt. Quốc gia thời Đệ nhị Cộng Hòa hoàn toàn lệ thuộc người nước ngoài. Nếu về phương diện chính trị và quân sự, Việt Nam Cộng Hòa lệ thuộc người Mỹ thì về phương diện kinh tế, Việt Nam Cộng Hòa bị cộng đồng người Hoa khống chế. Thực vậy, sau cái chết của Ngô Đình Diệm, cộng đồng người Hoa ở miền Nam sống trở lại những ngày vàng son cũ thời Pháp thuộc, các bang hội lại được tự do hoạt động, thi đua nhau xây cất chùa miếu, trường học, bệnh viện, tổ đình, hội quán, và dân số đã gia tăng từ 800.000 người năm 1956 lên 2.200.000 người năm 1972. Thống kê năm 1972 cho biết người Hoa chiếm lĩnh 80% thị trường hàng chế biến, 100% ngành buôn sỉ, 50% ngành bán lẻ, 90% hàng hóa xuất nhập khẩu, và 80% tín dụng ngân hàng. Người Hoa làm chủ hầu hết các cơ  sở kỹ nghệ tân tiến (3) và các đại tửu lầu, cung cấp 2/3 vốn đầu tư cho toàn bộ nền kinh tế tư nhân của Việt Nam Cộng Hòa, xuất bản 10 nhật báo và 5 tuần báo Hoa ngữ (4), điều hành một hệ thống trường học đầy đủ từ cấp 1 tới cấp 3 giảng dạy bằng tiếng phổ thông (quan thoại) theo chương trình giáo dục của Đài Loan (5). Người Hoa khai dụng tài nguyên và nhân lực của miền Nam, tuy đã tích cực đóng góp vào sự phồn vinh của Việt Nam, nhưng người Hoa lại sống bên lề xã hội Việt Nam, ở ngoài vòng pháp luật Việt Nam, không thi hành bổn phận công dân, cũng không tuân thủ qui chế ngoại kiều. Người Hoa hủ hóa chính quyền để tự tung tự tác bòn rút sức người sức của Việt Nam, tùy tiện ấn định giá cả hàng hóa, đã đóng thuế cho Việt cộng lại còn triệt để chấp hành chỉ thị của phân bộ Quốc Dân Đảng Trung Hoa tại Việt Nam (Hưng Trung Hội) chuyển tiền đều đặn về Đài Loan, biến Việt Nam Cộng Hòa thành thuộc địa kinh tế.


Kết luận.

        Chủ nghĩa quốc gia Việt Nam là một đề tài rộng lớn. Bàn về chủ nghĩa quốc gia Việt Nam cần phải có nhiều pho sách, không thể một vài bài tham luận mà có thể đề cập đến tất cả mọi khía cạnh của vấn đề. Bởi vậy, bài này giới hạn việc phân tích chủ nghĩa quốc gia Việt Nam xuyên qua các dữ kiện quan yếu trong lịch sử cận đại Việt Nam để nhận xét chính quyền nhìn từ góc độ chủ thể được phục vụ.

            Nói chung, từ quốc gia bao hàm hai ý niệm cơ bản là cho toàn dân và trong cả nước. Như vậy, xuyên qua việc kiểm điểm các dữ kiện lịch sử quan yếu, ta có một kết luận khá rõ rệt là các chế độ chính quyền xưa nay tại Việt Nam chưa bao giờ thực sự phục vụ đúng đối tượng, hay nói một cách khác, chủ thể phục vụ của các chính quyền Việt Nam xưa nay chưa bao giờ thực sự là quốc dân Việt Nam, là quốc gia Việt Nam cả. Tuy cũng đã từng có những nhà lãnh đạo tài giỏi và đức độ biết lấy dân làm gốc, quán triệt tư tưởng của Mạnh tử: ‘Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh’, như các vua nhà Lý biết thương dân như con đẻ, Đoan Quận công biết chăm lo cho dân Thuận Quảng được an lạc, ngoài đường không ai nhặt của rơi, ban đêm không nhà nào cài cửa; nhưng nhìn chung, đã chuyên chính thì không thể nào có quyền lợi đồng đều cho tất cả mọi người trong cả nước, đã chuyên chính thì có tệ doan đặc quyền đặc lợi cho thiểu số có quyền. Muốn cho chủ thể được phục vụ đúng là quốc dân Việt Nam, là quốc gia Việt Nam, thì chính quyền phải thực sự thuộc về toàn dân, nghĩa là phải có dân chủ. Quốc gia phải là tối thượng, quốc gia đứng trên hết, đứng trên nhà nước, đứng trên đảng phái, đứng trên tôn giáo, đứng trên quân đội, đứng trên thần linh (6).

                                                Tháng 5, 1999
                                     Minh Vũ Hồ Văn Châm

Ghi chú:
           
(1). Dưới Triều Nguyễn có các trường thi Hương sau đây: Trường Hà (Hà Nội), Trường Nam (Nam Định), Trường Nghệ (Vinh), Trường Thừa (Huế), Trường Bình Định, và Trường Gia Định (Sài Gòn).
(2).  Nam Kỳ là thuộc địa Pháp, theo luật Pháp, tiêu tiền Đông Dương. Trung Kỳ và Bắc Kỳ là Bảo hộ, ngoài đồng bạc Đông Dương còn tiêu tiền của Nam Triều, một quan ăn 600 đồng, nhưng từ Thanh Hóa vào nam thì dùng tiền đồng, từ Ninh Bình trở ra thì dùng tiền kẽm. Ngoài ra, Trung Kỳ và Bắc Kỳ áp dụng những bộ luật hình và luật hộ khác nhau.
            (3)  Vinatexco, Vinatéfilco, Vimitex, Donafitex (hàng dệt); Vicasa (cán sắt); Viso (bột giặt); Sakimco (cán thép); Vị Hương Tố (bột ngọt); Hynos, Perlon, Leyna (kem đánh răng); Viễn Đông (phim ảnh); Con Ó (pin); Sakybomi (bột mì).

(4)  Nhật báo buổi sáng: Viễn Đông, Thế Giới, Đại Hạ, Á Châu, Luận Đàm, Trung Quốc, Dân Tinh, Quần Thanh.
Nhật báo buổi chiều: Vạn Quốc vãn báo, Việt Hoa vãn báo.
            Tuần báo: Quang Hạ, Trung Nam, Hoa Nam, Cầu Cầu, Du Lạc.
           
(5)  Trường học Hoa Kiều:
                        Trường cấp 1: Thánh Tâm, Dật Tiên, Trung Chánh, Sanh Huy, Pháp Vân, Sùng Mãn, Nam Hải, Đức Trí, Khoan Tánh, Dương Minh, Nghĩa An, Trung San, Sùng Hoa.
                        Trường cấp 2 và 3: Quảng Đông Chợ Lớn, Quảng Đông Sài Gòn, Phúc Kiến, Nghĩa An, Sùng Chính, Trí Dũng, Sanh Chí, Quốc Dân, Lĩnh Nam, Chí Sanh, Nam Dương.
                        Trường tỉnh: Hệ thống các trường Tân Sanh tại các tỉnh lẻ.
           
 (6) Thí dụ: Nếu cùng có mặt cùng một lúc ở cùng một địa điểm, thì quốc kỳ là chính, đảng kỳ là phụ; quốc kỳ là chính, giáo kỳ là phụ; quốc kỳ là chính, quân kỳ, hiệu kỳ là phụ; bàn thờ Tổ quốc là chính, bàn thờ thần linh, bàn thờ tổ tiên là phụ.
































Hậu Quả Của Sự Cấu Kết
Giữa Thực Dân Pháp
Quân Phiệt Nhật
tại Việt Nam hồi Thế Chiến II


            Cuối thế kỷ 19, người Pháp dùng vũ lực đánh chiếm nước Đại Nam, chia cắt thành 3 xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, để hợp cùng với 2 xứ Cao Mên và Lào thành lập xứ Đông Dương thuộc Pháp.

            Đầu thế kỷ 20, người Nhật đánh thắng người Nga, xâm chiếm lục địa Trung Hoa, tiến quân vào Diến Điện và Đông Nam Á, mưu tính việc trục xuất ngưòi Tây Dương để thành lập Khối Thịnh Vượng chung Đại Đông Á.

            Dù đi đường biển, từ Hoành Tân (Yokohama) sang Ấn Độ Dương, hay đi đường bộ, từ Hoa Nam qua bán đảo Mã Lai để xuống Indonesia và Úc Châu, đi đường nào chăng nữa thì quân đội Nhật Bản vẫn phải qua ngã ba Đông Dương thuộc Pháp. Do đó, trong thế chiến II, thế tất đã phải xẩy ra sự đụng đầu giữa một bên là thực dân Pháp quyết tâm bảo vệ thuộc địa, và một bên là quân phiệt Nhật quyết tâm thực hiện giấc mộng bá chủ Đại Đông Á. Trong thực tế, sự đụng đầu này đã xẩy ra dưới nhiều hình thức thỏa hiệp chính trị, quân sự, hành chánh và kinh tế, do người Nhật chủ động xướng xuất và thực hiện bằng biện pháp sức mạnh, để rút cục sự đụng đầu trở thành sự cấu kết giữa thực dân và quân phiệt mà nạn nhân là nhân dân Việt Nam. Sự cấu kết này đã gây nên những hậu quả trầm trọng đến mức bi thảm, điển hình là nạn đói năm Ất Dậu làm thiệt hại đến hai triệu mạng người ở miền châu thổ sông Hồng và sông Mã.

            Từ lâu, người Nhật đã lưu tâm đến vị trí chiến lược xung yếu của Đông Dương thuộc Pháp. Thời Minh Trị Thiên Hoàng cải cách theo Âu Tây, phái đoàn nhà vua cử đi tham quan Mỹ quốc và Âu châu, trên đường về nước, được lệnh ghé qua Sài gòn lúc bấy giờ đã bị Pháp chiếm giữ. Thời chiến tranh giữa Nga và Nhật, 1904-1905, chính phủ Nhật đã cực lực phản đối với nhà chức trách Pháp về việc hạm đội Hắc Hải của Nga vào nghỉ ngơi tu bổ trong vịnh Cam Ranh. Trong niềm kiêu hãnh về nền văn minh rực rỡ của mình từ thế kỷ 17 đến nay, người Pháp rất xem thường khả năng của người Nhật. Đối với việc tham quan cảng Sài gòn của phái đoàn duy tân Nhật, người Pháp nghĩ rằng người Nhật muốn tìm hiểu để học hỏi phương thức tổ chức đô thị của người Pháp qua việc đối chiếu những điều tai nghe mắt thấy với thực trạng của thương điếm Hội an mà thương nhân Nhật đã quen thuộc từ non 200 năm nay. Đối với tham vọng Đại Đông Á của Nhật, cho dù trước đây, với Hiệp ước Hạ quan (Simonoseki) ký ngày 17-4-1895 với Trung quốc, Nhật được Đài loan, Bành hồ và Liêu đông, và bây giờ, sau chiến thắng lẫy lừng ở eo biển Đối mã, với Hiệp ước Portsmouth ký ngày 5-9-1905 với Nga, Nhật được toàn quyền hành động áp đặt nền bảo hộ tại Triều tiên, người Pháp vẫn xem những dữ kiện đó như những tranh chấp trong nội bộ đám dân da vàng miền Đông Bắc Á, hoặc cùng lắm là chuyện tương tranh quyền lợi giữa dân lùn Nhật và dân cu-lắc Nga, chẳng chút mảy may động chạm đến quyền lợi và vị thế của người Pháp tại Đông Dương. Ngay cả lúc chiến tranh Trung Nhật lần thứ hai bùng nổ vào tháng 7 năm 1937, người Pháp vẫn bàng quan giữ thái độ trung lập, tiếp tục buôn bán với cả hai bên để thủ lợi. Không màng lưu tâm đến sự phản đối bằng các công hàm ngoại giao của Nhật, cũng như không nao núng trước những cuộc dội bom thị uy ở Lạng sơn và bắn phá cảnh cáo dọc tuyến xe lửa Hải phòng-Côn minh, người Pháp vẫn cho hàng hóa Mỹ quá cảnh cảng Hải phòng để theo đường xe lửa lên Vân Nam, và cho Hoa kiều ở Đông Nam Á sử dụng Đông Dương Ngân hàng  để hà hơi tiếp sức cho chính quyền và quân đội kháng chiến Trùng Khánh. Chỉ đến khi quân Nhật chiếm đảo Hải nam ngày 10-2-1939, quần đảo Trường sa (Spratleys) ngày 31-3-1939, và quần đảo Hoàng sa (Paracels) ít ngày sau đó, nguời Pháp mới bắt đầu lo ngại, và vội vã tìm cách liên minh với Anh, Mỹ và Hòa Lan để giảm thiểu áp lực của Nhật, tích cực tham gia Hội nghị quân sự Singapore tổ chức vào tháng 6 năm đó, đồng thời cử tướng hồi hưu Georges Catroux thay thế Jules Brévié làm Toàn quyền Đông Dương. Bộ trưởng Thuộc địa Georges Mandel hi vọng rằng việc thay thế một Toàn quyền dân sự bằng một tướng lãnh hồi hưu vừa không làm cho chính quyền Đông Dương mang tính chất quân phiệt, vừa có khả năng gia tăng tiềm lực của Đông Dương thuộc Pháp trong công cuộc tự phòng vệ, và làm hậu cứ tiếp vận cho mẫu quốc trong nỗ lực chiến tranh chống phe Trục.

            Nhưng chỉ ít lâu sau, tình hình nhanh chóng trở nên vô cùng đen tối. Tại Âu châu, ngày 10-5-1940, quân Đức bắt đầu ào ạt tấn công Hòa Lan, Bỉ, Luxembourg và Pháp. Ngày 14-6-1940, quân Đức tiến vào Paris, chính phủ Pháp dời đô về Bordeaux, và 2 ngày sau, Thống chế Pétain lên làm Thủ tướng. Ngày 22-6-1940, Hiệp ước đình chiến giữa Đức và Pháp được ký kết tại Compiège. Thừa cơ hội này, người Nhật quyết định tiến quân vào Đông Dương.

            Sau các chiến thắng lẫy lừng của Nhật đánh bại Nga tại Lữ thuận và Đối mã, nhiều người Việt Nam làm cách mạng chống Pháp hướng về Nhật Bản để tìm hậu thuẫn, gây nên phong trào Đông du sôi động một thời. Phía người Nhật cũng lưu tâm đến việc chuẩn bị cho người Việt Nam tham gia thực hiện mộng ước Đại Đông Á của người Đông Á. Người Nhật đã đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là hậu duệ Đông cung Cảnh sang Nhật, và tổ chức tại Việt Nam cơ quan tình báo chiến lược Dainan Koosi dưới danh nghĩa một hội buôn. Ngày 10-2-1939, người Nhật đưa Cường Để từ Tokyo sang Thượng hải, và giúp Cường Để thành lập Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội ngày 12-2-1939, do Cường Để làm Ủy viên trưởng, và các Ủy viên khác là Trần Hy Thánh (Trần Phước An), Vũ Hải Thu, Trương Anh Mẫn, Hồ Học Lãm, Trần Hữu Công, Hoàng Nam Hùng và Đặng Nguyên Hùng. Sau đó, song song với việc Cường Để qua Đài Loan phụ trách chương trình phát thanh Việt ngữ về Đông Dương, Lộ quân Miền Nam của Nhật ở Quảng châu giúp Trần Phước An (Shibata) và Trần Trung Lập tổ chức Việt Nam Kiến Quốc Quân.

            Nhân lúc quân Pháp tại chính quốc bị thảm bại trước quân Đức và sắp sửa phải ký Hiệp ước ngưng bắn Compiège, tại Viễn Đông, người Nhật đột ngột thay đổi thái độ. Từ ngày 12-6-1940, đài phát thanh Lộ quân Miền Nam ở Quảng châu, các báo Tokyo Nishi Nichi và Japan Times & Mail, và Hội Meirinkai ở Tokyo, nhất loạt đả kích âm mưu liên minh quân sự của Pháp và Anh, Mỹ tại Đông Dương, và yêu cầu chính phủ Nhật phải đưa ngay quân vào chiếm đóng Dông Dương. Ngày 19-6-1940, Bộ Ngoại giao Nhật trao tối hậu thư cho Đại sứ Pháp Charles Arsène-Henry, đòi người Pháp ngưng chuyên chở hàng hóa cho Trùng khánh, và chấp nhận một phái đoàn kiểm tra quân sự Nhật hoạt động ở Bắc kỳ. Đông Dương thuộc Pháp lúc bấy giờ đang ở thế yếu, tại miền bắc chỉ có 25 phi cơ chiến đấu (so với 200 của Nhật được bố trí áp sát biên giới), còn đạn dược chỉ đủ dùng trong một tháng. Bởi vậy, Catroux đã nhượng bộ, ra lệnh đóng cửa biên giới Việt Trung, đón tiếp phái đoàn kiểm tra quân sự Nhật do Tướng Nishìhara Issaku cầm đầu, và trục xuất các Đại diện thương mãi Trung quốc tại Bắc kỳ. Ngày 30-6-1940, Catroux và Nishihara nhanh chóng thỏa hiệp về các địa điểm bố trí các toán kiểm soát Nhật tại Hà nội, Hải phòng, Lạng sơn, Lào kay, Móng cáy, Cao bằng và Hà giang. Ngày 2-7-1940, toàn bộ phái đoàn kiểm soát Nhật đã có mặt tại Hà nội, trong số này đáng lưu ý là Đại tá Koike Ryoji con nuôi Cường Để, và Trung tá Sato Kenryo Phó Tham mưu trưởng Lộ quân Miền Nam. Mặc dù Catroux đã thỏa mãn tất cả các yêu sách của Nhật nêu trong tối hậu thư ngày 19-6-1940, người Nhật được đà cứ tiếp tục lấn tới. Nishihara đòi Pháp phải để cho quân đội Nhật tự do di chuyển trên lãnh thổ Đông Dương, vận chuyển tiếp liệu cho Lộ quân Miền Nam, đặt các điện đài vô tuyến và sử dụng không phận Đông Dương. Trong lúc đó, ở Bắc kỳ, phi cơ Nhật lên xuống mỗi ngày một nhiều mà không thông báo cho chính quyền Pháp biết. Trong tháng 7-1940, một diệt lôi hạm xuất hiện ở Hải phòng, một tàu rà mìn hoạt động ở Quảng châu loan (Fort Bayard), và một tàu chở hàng cặp bến Hải phòng chuyên chở lương thực cho Lộ quân Quảng châu, tất cả đều không thông báo cho người Pháp biết. Vì thái độ hòa hoãn gần như chịu lép vế này mà Georges Catroux bị chính phủ Vichy cách chức để cho Phó Đô Đốc Jean Decoux thay thế làm Toàn quyền ngày 17-7-1940.

            Decoux bác bỏ các yêu sách của Nishihara, dự tính mở lại cửa biên giới Việt Trung và đề nghị đưa vấn đề ký kết liên minh Pháp Nhật tại Đông Dương lên thảo luận ở cấp chính phủ. Nhưng gặp lúc Nhật thay đổi Nội các (22-7-1940), Thủ tướng Cận Vệ (Konoye Fumimaro) và Ngoại trưởng Tùng Cương (Matsuoka Yosuke) đều là những người tương đối ôn hòa, nhưng Bộ trưởng Chiến tranh là Trung tướng Đông Điều (Tojo Hideki) vô cùng hiếu chiến, phe phái quân phiệt nắm những bộ phận quan yếu trong chính phủ, nên Nhật nghiêng về giải pháp chiếm đóng Bắc kỳ để cắt đứt đường tiếp vận và sử dụng làm hậu cứ tấn công Trùng khánh. Sư đoàn 5 Ngự Lâm quân do Nakamura Aketo làm Tư lệnh được đưa đến sát biên giới, cùng với  lực lượng Kiến Quốc quân Việt Nam của Trần Phước An, Trần Trung Lập và Hoàng Lương, để chuẩn bị tiến vào Đông Dương. Tại Tokyo, ngày 1-8-1940, Ngoại trưởng Matsuoka công bố việc thành lập Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á, đồng thời trao cho Đại sứ Pháp Arsènes-Henry một công hàm có tính chất tối hậu thư, đòi hỏi Pháp để cho Nhật tự do di chuyển quân đội trên lãnh thổ Đông Dương, vận chuyển quân nhu quân khí, sử dụng và phòng vệ một số phi trường, thủ đắc những quyền lợi kinh tế tại Đông Dương giống y như Pháp. Trước tình hình đó, Arsènes ký với Matsuoka Hiệp ước nguyên tắc ngày 30-8-1940 tại Tokyo, qui định 2 điều căn bản là Nhật thừa nhận chủ quyền của Pháp tại Đông Dương và Pháp để cho Nhật sử dụng Bắc kỳ làm hậu cứ tấn công Trùng khánh, chi tiết việc thi hành hiệp ước sẽ họp bàn tại Hà nội. Nhưng việc họp bàn này giữa Maurice Martin và Nishihara Issaku không được tiến triển êm ả, nên mờ sáng ngày 5-9-1940, một tiểu đoàn Nhật tràn qua biên giới Lạng sơn để làm áp lực, và ngày 9-9-1940 Quân đoàn Viễn chinh Đông Dương Indoshina Hakengun được thành lập do Thiếu tướng Nishimura Takuma làm Tư lệnh, chuẩn bị tiến vào Đông Dương. Ngày 19-9-1940, Nhật trao cho Decoux một tối hậu thư đòi hỏi phải đạt được thỏa hiệp trước nửa đêm ngày 22-9-1940, giờ Tokyo, tức là 20 giờ, giờ Hà nội, do đó chiều ngày 22, Hiệp ước Martin-Nishihara được ký, nhưng đã quá muộn. Khi đại diện 2 bên Pháp Nhật lên đến Lạng sơn để thông báo thỏa hiệp, thì đúng 20 giờ, quân Nhật đã tấn công Đồng đăng và Lạng sơn, và Kiến Quốc quân Việt Nam của Trần Phước An và Trần Trung Lập, có thêm sự phụ lực của Nông Kính Du, Nông Quốc Long và Đoàn Kiểm Điểm, cũng tràn vào miền phụ cận Lạng sơn. Trong vụ này, Pháp bị thiệt hại khá nặng: lực lượng chính qui chết 9 sĩ quan, 4 hạ sĩ quan và 21 binh sĩ, bị thương 3 sĩ quan, 4 hạ sĩ quan và 21 binh sĩ; mất tích 1 hạ sĩ quan và 22 binh sĩ; lực lượng bản xứ chết 1 hạ sĩ quan và 5 binh sĩ, bị thương 7 binh sĩ, mất tích 7 hạ sĩ quan và trên dưới 2 nghìn binh sĩ. Phần lớn hạ sĩ quan và binh sĩ bản xứ được ghi nhận mất tích thực ra là những thành phần đã chạy sang hàng ngũ Kiến Quốc quân, đáng lưu ý nhất là Thượng sĩ Lương Văn Ý. Ngày 25-9-1940, Quân đoàn Viễn chinh Đông Dương đổ bộ ở Đồ sơn rồi tiến lên Hải phòng. Ngày 26-9-1940, phi cơ Nhật còn ném bom thị uy Hải phòng và bay thám sát trên vòm trời Hà nội. Trước những biện pháp dùng sức mạnh của Nhật, Decoux thay đổi thái độ, hoàn toàn thỏa mãn các đòi hỏi của Nhật. Đổi lại, Nhật triệt thoái Sư đoàn 5 xuống Hải phòng để trở về Thượng hải, trả Lạng sơn lại cho Pháp. Kiến Quốc quân Việt Nam không rút theo Sư đoàn 5, ở lại Lạng sơn tử thủ vùng đất mới được giải phóng. Giám binh Lạng sơn Paul Chauvet được cử làm Công sứ, đã chiếm lại tỉnh lỵ Lạng sơn ngày 29-11-1940, rồi lần lượt đánh diệt lực lượng Kiến Quốc quân trong vùng phụ cận, bắt được Trần Trung Lập và Đoàn Kiểm Điểm ngày 26-12-1940, và hai ngày sau đem họ ra xử bắn tại Lạng sơn. Đó là một trong những hậu quả bi thương của sự cấu kết giữa thực dân Pháp và quân phiệt Nhật vào những năm đầu của Thế chiến II.  Những người Việt Nam yêu nước tin tuởng vào thiện chí của người Nhật sẵn sàng giúp mình cởi bỏ ách nô lệ do người Pháp đặt lên đầu, nay đã bị người Nhật trắng trợn bỏ rơi. Họ đã dùng xương máu của chính mình mua một bài học kinh nghiệm đắt giá lưu lại cho đời sau.

            Đương nhiên mục tiêu tối thượng của quân phiệt Nhật không phải là giúp cho Việt Nam, Lào và Cao Mên thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Mục tiêu tối thượng của quân phiệt Nhật cũng không phải chỉ là việc chiếm đóng Bắc Đông Dương để cắt đứt đường tiếp vận và sử dụng làm hậu cứ ngõ hầu giải quyết dứt khoát vấn đề chiến tranh với Trùng Khánh. Mục tiêu tối thượng của quân phiệt Nhật là chiếm đóng toàn bộ Đông Dương, kể cả Thái Lan, dùng Đông Dương làm bàn đạp tiến công và căn cứ hậu cần trên đường tiến xuống Mã Lai và Indonesia, đánh bật người Anh và người Hòa Lan ra khỏi Đông Nam Á. Trong tinh thần đó, người Nhật một mặt đứng ra làm trung gian dàn xếp việc tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Đông Dương thuộc Pháp để lấy lòng Thái Lan, một mặt tổ chức và tái phối trí các lực lượng của Lộ quân Miền Nam, chủ yếu là tập trung ở Nam Đông Dương, để chuẩn bị chiếm đóng Đông Nam Á.

            Thừa lúc Pháp bối rối đương đầu với Nhật ở Bắc kỳ, Thủ tướng Thái Lan Phibun Songkhram ngày 20-10-1940 đơn phương tuyên bố hủy bỏ hiệp ước bất tương xâm Pháp-Thái và đe dọa dùng vũ lực chiếm lại 467.500 dặm vuông lãnh thổ với 4 triệu dân mất vào cuối thế kỷ trước (Thực ra đây là đất đai Thái Lan đã cướp đoạt của Cao Mên và Lào trước khi người Pháp đến thiết lập nền bảo hộ). Ngày 21-11-1940, chính phủ Nhật quyết định làm trung gian giúp Thái Lan đòi lại đất và dân đã mất nếu Thái Lan chịu hợp tác với Nhật về chính trị và kinh tế để thiết lập một trật tự mới tại Đông Á.. Bị Pháp phản đối, Nhật xúi Thái gây hấn và chuyển cho Thái 38 phi cơ chiến đấu và 25 phi cơ oanh tạc. Ngày 16-1-1941, lục quân Pháp tấn công vào Thái Lan và bị đẩy lui, nhưng hôm sau, hải quân Pháp lại thắng lớn ở đảo Ko Chung. Rút cục, dưới áp lực của Nhật, ngày 9-5-1941, Hiệp ước Hòa bình Thái-Pháp được ký kết tại Tokyo. Pháp phải nhượng cho Thái Lan 64.000 dân cùng các tỉnh Battambang, Sisophon và Siem Reap của CaoMên, và hữu ngạn sông Mekong từ vĩ tuyến 15 trở lên của Lào. Đổi lại, Thái Lan trở thành đồng minh vô điều kiện của Nhật, cho Nhật hưởng nhiều đặc quyền về chính trị, quân sự và kinh tế.

            Ngày 16-10-1941, ở Nhật, Tojo lên làm Thủ tướng lại kiêm nhiệm thêm cả 2 bộ Chiến tranh và Nội vụ. Nhật bắt đầu ào ạt đưa quân vào Đông Dương. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, quân số Nhật tại Bắc kỳ đã gia tăng từ 4.000 người ngày 14-10-1941 lên 26.000 người ngày 27-10-1941, nâng quân số Nhật tại Đông Dương lên đến 42.000 người. Trong những ngày cuối năm 1941, quân số Nhật tiếp tục gia tăng, nhất là tại Nam Đông Dương. Ngày 5-11-1941, Tojo giao cho Thống tướng Terauchi Juichi tổ chức và tái phối trí Lộ quân Miền Nam, tập trung chủ yếu ở Nam Đông Dương, với thành phần và nhiệm vụ như sau: Quân đoàn 14, bản doanh ở Đài Loan, sẽ tấn công Philippin; Quân đoàn 15, bản doanh ở Nam Đông Dương,sẽ tấn công Thái Lan; Quân đoàn 16, bản doanh ở Hoa Nam, sẽ tấn công Java; và Quân đoàn 23, bản doanh ở Nam Đông Dương, sẽ tấn công Mã Lai. Ngoài ra, Lộ quân Miền Nam còn có Sư đoàn 21 và Quân đoàn 3 Không quân (430 phi cơ) ở Đông Dương, Quân đoàn 5 Không quân (380 phi cơ) ở Đài Loan, 500 tàu của Hạm đội vận tải Nam Hải, và một số đơn vị phụ thuộc khác. Ngày 18-11-1941, Phương Trạch (Yoshizawa Kenkichi) đến Hà nội trình ủy nhiệm thư cho Decoux để chính thức nhậm chức Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền tại Đông Dương. Trong thực tế, trên bậc thang quyền lực, cương vị của Yoshizawa cao hơn của Decoux.  Thế là Đông Dương thuộc Pháp từ nay bị Nhật chiếm đóng về quân sự và kiểm soát về chính trị. Tệ hơn nữa, từ ngày 8-12-1941, sau khi Đô Đốc Yamamoto tấn công Pearl Harbor và chính phủ Nhật tuyên chiến với Mỹ, người Pháp tại Đông Dương chỉ còn được đảm nhiệm công việc hành chánh thường nhật mà thôi. Người dân Việt Nam lâm vào cảnh một cổ hai tròng.

             Nhật đã dùng biện pháp sức mạnh để áp đặt một qui chế liên minh quân sự và chánh trị, buộc Pháp ký Thỏa ước phòng thủ chung Đông Dương ngày 29-7-1941 tại Vichy. Điểm đáng lưu ý là trong thỏa ước này có điều khoản nói rằng Pháp cung cấp cho quân đội Nhật số tiền 23 triệu đồng trong tài khóa 1941, số tiền này sẽ được chính phủ Nhật bồi hoàn bằng tiền yen, mỹ kim hoặc vàng. Điều khoản này quả là một gánh nặng cho nhân dân Đông Dương. Thực vậy. từ khi Thế chiến II bắt đầu, công chức và quân đội tại Đông Dương không còn được Bộ Thuộc địa trả lương. Ngân sách Đông Dương phải đài thọ ngân khoản này, ngoài ra còn phải đóng góp tiền bạc chi viện cho chính quốc. Ngày 24-1-1941, Decoux báo động ngân quĩ Đông Dương chỉ còn 2,8 triệu đồng. Vậy mà nay phải cung ứng cho quân đội Nhật mỗi tháng 4,6 triệu đồng (tài khóa 1941 chỉ còn 5 tháng lúc ký thỏa ước phòng thủ chung). Decoux xoay xở ở đâu ra những số tiền nói trên nếu không è cổ dân Đông Dương bắt phải gánh chịu. Trước hết, Decoux tước đoạt tiền bạc của dân chúng bằng cách bắt họ mua công khố phiếu. Tháng 3-1941, Decoux bán ra 10 triệu đồng công khố phiếu, tháng 5-1941, số tiền đó tăng lên 20 triệu đồng, tháng 7-1942 là 45 triệu, tháng 11-1942 là 60 triệu, tháng 4-1943 là 70 triệu, tháng 7-1943 là 85 triệu, tháng 5-1944 là 110 triệu. Thứ đến, Decoux cho vơ vét gạo, than và cao su để bán qua Nhật, Hồng kông và Philippin, để lấy ngoại tệ cho ngân sách, hoặc để nhập khẩu nhu yếu phẩm. Ngay trong năm 1941, Đông Dương xuất khẩu qua Nhật 700.000 tấn gạo và 15.000 tấn cao su. Từ đầu năm 1942 trở đi, gạo, cao su và các sản phẩm công nông nghiệp khác hầu như chỉ xuất khẩu qua Nhật. Gạo được thu góp để xuất khẩu, gạo còn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất rượu ty bắt ép dân chúng tiêu thụ để gia tăng ngân sách, và sản xuất rượu cồn để cung ứng cho quân đội Nhật. Trong lúc dân chúng thiếu gạo ăn, nhất là ở vùng châu thổ Bắc Đông Dương, thì các công ty nấu rượu của Pháp tha hồ hưởng lợi. Vào thời điểm này, tại Đông Dương, ngoài các công ty lớn như Société francaise des distilleries de l’ Indochine, Société des distilleries Mazet, và Société des Sucreries et Raffineries de l’Indochine, còn có 19 công ty nhỏ hơn chuyên sản xuất rượu cồn, phân bố rải rác khắp nước, như Indochinese Brewing Co tại Chợ lớn, Tran Trinh Trach Co tại Bạc liêu, Société industrielle et commerciale d’Annam ở Quảng trị, Huế, Tourane và Quảng ngãi, Société des distilleries des alcools indigènes de Van Van tại Bắc ninh và Distilleries Nam Đồng Ích tại Thanh hóa.

            Sự cấu kết giữa thực dân Pháp và quân phiệt Nhật không chỉ thể hiện qua các thỏa hiệp chính trị và quân sự, mà còn bao trùm tất cả các hoạt động quan yếu trong lãnh vực kinh tế, xuyên qua việc ký kết giữa René Robin và Matsumiya Jun ngày 6-5-1941 tại Tokyo một loạt những văn kiện liên minh kinh tế buộc chặt Đông Dương vào khối Đại Đông Á, như Hiệp ước cư trú và hàng hải về Đông Dương, Hiệp ước về quan thuế, thương mại, và thanh toán ngân khoản giữa Nhật và Đông Dương. Pháp và Nhật dành cho nhau qui chế tối huệ quốc, kiều dân Nhật được đối xử gần như công dân Pháp. Điểm đáng lưu ý về hậu quả của các thỏa ước kinh tế này là hai ngân hàng phụ trách thanh toán ngân khoản giữa Nhật và Pháp là Yokohama Specie Bank và Ngân hàng Đông Dương đã thu được những lợi nhuận khổng lồ trong dịch vụ này. Điểm đáng lưu ý nữa là hàng năm Nhật sẽ xuất khẩu qua Đông Dương vải và chỉ sợi, đổi lại, Đông Dương sẽ cung cấp đay cùng một số nguyên liệu khác cho kỷ nghệ Nhật. Về sau, không đủ đay cung cấp cho Nhật, nhà cầm quyền Pháp đã ra lệnh cho quan lại bản xứ bắt nông dân miền bắc nhổ mạ trồng đay. Trong một miền đất hẹp người đông, từ trung châu Bắc bộ đến đồng bằng Bình Trị Thiên, gạo sản xuất tại chỗ không đủ cho dân ăn lại phải đem một phần lớn đi nấu rượu ty nạp cho công quản rượu RA (régie d’alcool) của nhà nước, và nấu rượu cồn để cung cấp cho quân đội Nhật, nay lại không được phép trồng lúa, phải nhổ mạ trồng đay, người dân miền bắc thấy nguy cơ bị đói đã hiện ra ràng ràng trước mắt. Lòng oán vọng, nỗi uất ức, ngun ngút tới trời xanh. Một số ít quan lại bản xứ còn chút lương tri, thông cảm với sự thống hận và tuyệt vọng của đám dân cùng khổ, đã không nỡ quá tay bắt nông dân triệt để thi hành lệnh nhổ mạ trồng đay, nên đã bị kỷ luật nặng nề. Tổng đốc Thanh hóa Hồ Đắc Ứng cùng tất cả Tri phủ Tri huyện tỉnh Thanh hóa, năm 1944 nhất loạt bị cách chức vì không nộp đủ lượng đay qui định. Trong 2 năm cuối cùng của Thế chiến II, đường giao thông nam bắc bị tê liệt vì bom đạn Đồng minh, gạo trong nam không chở được ra bắc, quân đội Nhật lại gia tăng việc thu mua lúa gạo để dự trữ, nên từ cuối năm 1944, dân đói miền quê bắt đầu đổ ra các thành thị, và lác đác đã có người chết. Từ sau Tết Ất Dậu (1945), thảm họa người chết vì không có gì để ăn xuất hiện khắp miền bắc. Người ta ăn cóc nhái, châu chấu chuồn chuồn, ăn cả lá cây, vỏ cây, thậm chí ăn cả thịt người chết, rồi cuối cùng chẳng còn gì để ăn nên kiệt sức gục chết. Tính ra, nạn đói năm Ất Dậu đã làm thiệt mạng đến 2 triệu người.

            Sự cấu kết giữa thực dân Pháp và quân phiệt Nhật hồi Thế chiến II tại Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam, được chính thức bắt đầu từ Hiệp ước nguyên tắc ngày 30-8-1940, mở đường cho quân đội Nhật vào chiếm đóng Đông Dương thuộc Pháp, và chấm dứt bởi chiến dịch Meigo tối 9-3-1945, lật đổ chính quyền và tước khí giới quân đội và lực lượng cảnh sát Pháp tại Đông Dương. Sự cấu kết này, hay nói một cách nhẹ nhàng, văn vẻ hơn, sự liên minh này, đối với người Nhật là một diễn biến tất yếu. Bằng mọi biện pháp, người Nhật phải đưa quân qua ngã ba Đông Dương trên bước đường tiến xuống Đông nam Á và Úc châu, đồng thời khai thác tài nguyên Đông Dương để cung ứng cho kỷ nghệ. Nếu người Pháp lừng khừng, người Nhật sẽ dùng biện pháp sức mạnh để áp đặt. Nếu người Pháp chống đối, người Nhật sẽ dùng chiến tranh để tiêu diệt chướng ngại. Bởi vậy, dẫu đã có Hiệp ước nguyên tắc Arsènes-Matsuoka ngày 30-8-1940, mà vẫn phải có trận tấn công Lạng sơn đêm 22-9-1940, nhiên hậu chi tiết thi hành hiệp ước nguyên tắc mới được thỏa hiệp. Về phía người Pháp, sự liên minh này đã xãy ra ở cái thế chẳng đặng đừng. Không được chính quốc chi viện, Catroux hiểu rằng ở Bắc kỳ, với 25 phi cơ chiến đấu, Pháp không thể đương đầu với 200 phi cơ của Nhật, nên buộc lòng phải nhượng bộ. Decoux cũng không làm được gì hơn. Trông gương hạm đội Pháp của Đô đốc Gensoul bị người Anh đánh đắm ở ngoài khơi Algeria ngày 3-7-1940, nay trước thái độ cao ngạo của Percy Noble, Tư lệnh Hải quân Anh tại Thái bình dương, đe dọa đánh đắm soái hạm Lamotte-Picquet, Decoux ở cái thế lưỡng đầu thọ địch đành chịu thỏa mãn các yêu sách của Nhật. Vì vậy mà quan hệ Pháp Nhật ban sơ ở cái thế đương đầu đã nhanh chóng chuyển sang thế liên minh liên kết, thực dân Pháp không mất thuộc địa mà quân phiệt Nhật vẫn có đất đóng quân lại còn sử dụng được bộ máy hành chánh của Pháp làm trung gian để cấu kết với nhau bóc lột dân Đông Dương tới tận xương tủy. Đành rằng một sự liên minh mang tính chất gượng gạo như thế tất nhiên không tồn tại lâu dài, nhưng sự cấu kết đó cũng đã gây nên những hậu quả trầm trọng đến mức độ bi thảm cho dân chúng Đông Dương. Ngoài cảnh người chết nhà đổ vì bom đạn Đồng minh, chuyện kinh tế kiệt quệ, tình trạng dân chúng nghèo khó vì tai ách một cổ hai tròng, và nạn đói kém năm Ất Dậu, hậu quả tai hại nhất của sự cấu kết giữa thực dân Pháp và quân phiệt Nhật ở Việt Nam hồi Thế chiến II là lổ hổng chính trị to lớn trên chính trường khi chiến tranh chấm dứt. Thực vậy, một khi liên minh Pháp Nhật đã hình thành, người Pháp ở Đông Dương được rảnh tay trong việc đối ngoại, đã dốc toàn lực vào việc truy lùng và giết hại những người Việt Nam yêu nước chống Pháp. Các cuộc nổi dậy bị đàn áp man rợ, các tổ chức chính trị và tôn giáo bị khủng bố trắng, các thành viên bị bắt giữ, bị lưu đày, còn được mấy người sống sót? Chính phủ Nhật lại thiếu nhất quán trong chính sách đối với Cường Để. Có thể chính phủ Nhật có lý do riêng để lưu giữ Hoàng Đế Bảo Đại, nhưng tại sao Tướng Tsuchihashi lại cản trở việc Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng? Với Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng thay vì Trần Trọng Kim vốn là học giả hơn là chính khách, chắc gì chính quyền Bảo Đại đã dễ dàng buông xuôi mặc cho Việt Minh áp đặt chính quyền chuyên chính vô sản lên đầu dân tộc Việt Nam.

            Xem vậy, những việc làm của thực dân Pháp và quân phiệt Nhật hồi Thế chiến II quả đã gây nên những hậu quả vô cùng tai hại, có ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng bi thảm tại Việt Nam ngày nay. Chính phủ và nhân dân yêu chuộng tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và dân quyền, của hai quốc gia đứng vào hàng tiến bộ bậc nhất thế giới nghĩ sao?
           
                                                             21 tháng 3 năm 2000                                                           
                                                         Minh Vũ Hồ Văn Châm













































Việt Nam Thế Kỷ 21
Hướng về Phương Bắc hay           Phương Tây ?




            Nước Việt Nam thuộc vùng Viễn Đông, nằm ở góc đông nam lục địa châu Á , bên trên đường xích đạo.
           
Phía bắc Việt Nam là nước Tàu (Chine, China), thường được gọi một cách trang trọng hơn là Trung Quốc. Phía tây Việt Nam là các nước Tiểu Tây Dương và Đại Tây Dương. Các nước Tiểu Tây Dương chủ yếu là bán đảo Ấn Độ, xưa ta quen gọi là Thiên Trúc hay Tây Trúc, nay là các nước India, Pakistan, Nepal, Bangladesh v.v., mà cư dân thường được giới bình dân nước ta gọi là Tây Đen, Tây Chà. Các nước Đại Tây Dương ở xa hơn về phía tây, cư dân được người nước ta gọi là Tây Trắng, gồm chủ yếu là Anh, Pháp, Đức, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha v,v, (tức là Tây Âu), và Nga, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung Gia Lợi v.v. (tức là Đông Âu). Gần đây, Việt Nam lại có thêm nhiều liên hệ với Hoa Kỳ và Gia Nã Đại (tức là Bắc Mỹ), và mặc dù có thể đến các nước ấy theo hướng tây hay hướng đông, người nước ta vẫn xem Bắc Mỹ thuộc khối các nước Đại Tây Dương.

Suốt chiều dài lịch sử từ khi lập quốc cho đến ngày nay, Việt Nam luôn luôn ở cái thế bị níu kéo từ hai phía bắc và tây. Hấp lực phương bắc là từ Trung Quốc. Hấp lực phương tây thời cổ đại là từ Ấn Độ, thời cận kim là từ Tây Âu, và hiện nay là từ khối Đại Tây Dương, bao gồm Tây Âu, Đông Âu và Bắc Mỹ. Việc tranh giành ảnh hưởng giữa phương bắc và phương tây thời cổ đại không gay gắt như từ thời cận kim đến nay. Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng vừa bằng quân sự vừa bằng văn hóa. Ngược lại, Ấn Độ chỉ xâm nhập xã hội Việt Nam thuần một mặt văn hóa mà thôi. Kết quả là văn hóa Ấn Độ phải lùi bước trước văn hóa Trung Quốc, và Việt Nam hoàn toàn hướng về phương bắc để trở thành mũi dùi bành trướng của văn hóa Trung Quốc trên bán đảo Đông Dương. Nhưng từ khi người Bồ vững chân ở Đàng Trong và người Hòa Lan vững chân ở Đàng Ngoài thì cuộc tranh dành ảnh hưởng giữa phương bắc và phương tây trở nên mỗi ngày một thêm gay gắt mặc dầu Việt Nam vẫn một lòng một dạ hướng về phương bắc. Đến cuối thế kỷ 19, khi người Pháp nhập cuộc, dùng quân lực phát động chiến tranh xâm lược, thiết lập nền đô hộ lên 3 xứ Đông Dương, ảnh hưởng của Trung Quốc phải từng bước nhường chỗ cho ảnh hưởng của phương tây về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Sang thế kỷ 20, từ sau Đệ nhị Thế chiến, người Pháp mất thế độc tôn ở Đông Dương, người Tàu có nhiều cơ hội gây lại ảnh hưởng, Tàu Tưởng vào những năm 1945-1946, Tàu Mao từ 1949 đến nay, phe phương tây lại có thêm người Nga, người Mỹ, cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam giữa phương bắc và phương tây ở vào thế giằng co, bất phân thắng phụ.

            Trước thềm thế kỷ 21, nhìn lại quá khứ, phân tích tương quan ảnh hưởng của phuơng bắc và phương tây đối với Việt Nam để rút tỉa kinh nghiệm của các bài học lịch sử, chúng ta đặt vấn đề là Việt Nam ngày nay nên hướng về phương bắc hay là phương tây? Chủ động hướng về phương nào để cho dân giàu nước mạnh?
                                   




Việt Nam thời sơ sử.

Những nhà viết sử, cả ta lẫn Tàu, đều cho rằng liên hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có từ thời sơ sử. Thực ra, bằng chứng về mối liên hệ thuở ban sơ này không được xây dựng trên những cơ sở chính xác và cụ thể, mà ngược lại, đó toàn là những câu chuyện truyền miệng ít nhiều có tính chất hoang đường hoặc là những điều ghi chép có tính cách khoa trương. Truyền thuyết Tiên Rồng nói đến chuyện cháu ba đời vua Thần Nông đi tuần thú phương nam, lấy vợ sinh con đẻ cháu, chuyện Đế Lai và Lộc Tục là bà con họ hàng, một người làm vua phương bắc, một người làm vua phương nam, chuyện Mẹ Âu cơ vốn là người Bắc, lấy Lạc Long Quân sinh trăm trứng nở trăm con trai, muốn đem 50 con trở về bắc nhưng bị Hoàng Đế đem binh cản trở, tất cả những chuyện đó đều nhắm vào chủ điểm là nhấn mạnh đến liên hệ huyết thống giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc. Sử Tàu cũng chép chuyện đời nhà Chu, sứ bộ Việt Thường đem dâng chim trĩ trắng, chim nhớ quê hương cứ tìm cành nam mà đậu, chủ ý khoa trương muốn nêu lên vị thế trung tâm điểm của Trung Quốc, nên đem chim Việt của miền nam làm đối trọng với ngựa Hồ của đất bắc (Ngựa Hồ trông ải bắc, Chim Việt đậu cành nam). Phải đợi đến khi Tần Thủy Hoàng đem quân vào đất Lục Lương, xâm lấn bờ cõi của cư dân Bách Việt, liên hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc mới có những dữ kiện cụ thể. Nhà Tần vừa diệt xong sáu nước, thống nhất Trung Quốc (Lục vương tất, tứ hải nhất), năm 214 trước Công nguyên, đem quân tiến chiếm đất đai Bách Việt dễ dàng như chẻ tre, nhưng đã không khuất phục được nhân dân Bách Việt. Người Việt rút vào rừng núi và trong nhiều năm trời đã tiến hành một cuộc kháng chiến dai dẳng và ác liệt với những thủ lĩnh can trường như Dịch Hu Tống, Tây Vu Vương, khiến cho mười vạn quân Tần và chủ tướng Đồ Thư phải vong mạng, chiến dịch xâm lược Bách Việt của nhà Tần thất bại hoàn toàn. Sự kiện lịch sử này cho thấy giữa dân Bách Việt và dân Hoa Bắc không có chút liên hệ huyết thống nào cả, và vào buổi ban sơ, Việt Nam cổ đại không hề hướng về phương bắc. Đến như việc Triệu Đà nổi lên cát cứ ở Phiên Ngung (gần Quảng Châu), thôn tính Âu Lạc, lập ra nước Nam Việt vào năm 207 trước Công nguyên, thì ta cũng không thể căn cứ vào sự kiện Triệu Đà vốn là tướng nhà Tần, quê quán ở Chân Định, Hoa Bắc, để mà nói rằng nước Nam Việt của Triệu Đà hướng về phương bắc. Sự thực là Triệu Đà cũng như con cháu của Triệu Đà và triều đình Nam Việt đã tận tuỵ phục vụ quyền lợi của nhân dân Nam Việt. Phản ứng lại chính sách kỳ thị của bà Lữ Hậu nhà Hán cấm dân Hán không được bán trâu bò và nông cụ bằng sắt cho dân Việt, năm 183 trước Công nguyên, Triệu Đà đã xưng đế hiệu và đem quân đánh quận Trường Sa. Năm 181 trước Công nguyên, nhà Hán sai tướng đem quân cứu viện Trường Sa và tiến đánh Nam Việt, nhưng quân tướng nhà Hán đã bị Triệu Đà đánh bại, nhục nhã chạy về. Vua Văn Đế nhà Hán đã cử Lục Giả  mang chiếu thư sang Nam Việt giảng hòa, nhìn nhận rằng toàn bộ cư dân và lãnh thổ từ Phục Lĩnh (Ngũ Lĩnh) trở về nam là thuộc Nam Việt, hoàn toàn do vua Nam Việt liệu lý. Năm 112 trước Công nguyên, Tể Tướng Nam Việt là Lữ Gia đã đem cấm binh vào cung giết Ai Vương, Cù Thái Hậu và sứ thần nhà Hán là An Quốc Thiếu Quý vì những người này âm mưu dâng Nam Việt cho nhà Hán. Rõ ràng là Nam Việt đã chống lại hấp lực từ phương bắc.

Việt Nam thời Bắc thuộc: sự thắng thế của ảnh hưởng phương bắc.

Năm 111 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế sai Lộ Bác Đức và Dương Bộc đem quân đánh chiếm Nam Việt, lập ra Giao Chỉ Bộ gồm có 9 quận là Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai và Đạm Nhĩ. Từ đó, nước ta bị người Tàu đô hộ hơn một nghìn năm. Tuy đã có rất nhiều cuộc nổi dậy để giành lại quyền tự chủ, nhưng những nỗ lực đó của dân ta trước sau đều bị người Tàu đàn áp. Mãi đến năm 939 sau Công nguyên, Ngô Quyền đánh tan thủy quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, tiếp đến năm 968 sau Công nguyên, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên 12 sứ quân, thống nhất non sông về một mối, lập ra nước Đại Cồ Việt, dân ta mới dứt khoát chặt đứt xiềng xích nô lệ của người Tàu. Trong khoảng thời gian dài hơn một nghìn năm Bắc thuộc, đã phát sinh những dữ kiện quan yếu sau đây. Thứ nhất là đã có sự pha trộn huyết thống giữa dân Việt cổ và dân Hán Hoa Bắc để hình thành dân Việt ngày nay, bằng cớ là dân Việt ngày nay ở đồng bằng rất khác biệt với dân Mường ở miền núi vốn là bà con họ hàng với dân Việt cổ, và sự hiện diện với tỷ lệ cao hơn 50% của các từ Hán Việt phát âm theo thổ ngữ Trường An (kinh đô các triều Hán Đường) trong ngôn ngữ Việt Nam. Thứ hai là sự chia cắt Giao Chỉ Bộ thành Giao Châu và Quảng Châu dưới triều Ngô Tôn Hạo, để rồi mỗi châu tiến hóa theo những phương hướng khác nhau, Giao Châu về sau độc lập trở thành nước Đại Việt, Quảng Châu hoàn toàn bị Hán hóa đến độ người Quảng Đông ngày nay cứ tưởng mình là người Hán mặc dù bị người Hán Hoa Bắc nhạo báng rằng không nói được quan hỏa đúng giọng (thiên bất phạ, địa bất phạ, chỉ phạ Quảng Đông nhân thuyết quan hóa). Thứ ba là, tuy rằng đại đa số quan lại của chính quyền đô hộ là tham tàn hung hiểm, vẫn có một số tận tụy phục vụ quyền lợi thuộc địa, nhất là trong những giai đoạn loạn lạc ở chính quốc, như cha con, anh em Sĩ Nhiếp đã kế tục nhau giữ cho Giao Châu được yên ổn, Cao Biền đắp thành Đại La để phòng ngự Giao Châu tránh khỏi nạn cướp bóc của quân Nam Chiếu, được dân chúng cảm phục và tôn sùng (Sĩ Vương, Cao Vương). Thứ tư là di dân từ chính quốc sang Giao Châu không chỉ thuần túy gồm có lưu dân, tội đồ và thú binh nghèo khổ, mà gồm cả quan lại mãn nhiệm tự nguyện ở lại thuộc địa, và nhất là sĩ phu và thương nhân tránh loạn lạc ở chính quốc tìm đến Giao Châu là nơi tương đối yên ổn để định cư lập nghiệp, khiến cho Giao Châu văn vật hẳn lên, như lời Vương Bột xưng tụng trong bài Đằng Vương các tự (Gia quân tác tể, lộ xuất danh khu; đồng tử hà tri, cung phùng thịnh tiển). Thứ năm là các lãnh tụ nổi lên chống đối chính quyền đô hộ không phải chỉ thuần túy là dân gốc địa phương như Hai Bà Nữ Vương họ Trưng, Bua Cái (Đại Vương) họ Phùng,  Hắc Đế Mai Thúc Loan, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh, mà gồm cả những người gốc gác từ chính quốc như Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Dương Thanh, Khúc Thừa Dụ, một dữ kiện quan yếu chứng tỏ động cơ nổi dậy không phải đơn thuần là chống áp bức mang tính chất đấu tranh dân tộc, mà còn là nhu cầu của thuộc địa mỗi ngày một lớn mạnh muốn độc lập với chính quốc về mặt chính trị và hành chánh. Tóm lại, trên cơ sở những dữ kiện lịch sử quan yếu vừa liệt kê, ta có thể rút ra hệ luận rằng trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc, trên địa bàn Bắc bộ và Bắc Trung bộ Việt Nam ngày nay, đã dần dà hình thành một tập thể cư dân mới, ít nhiều còn giữ được những đặc điểm liên quan với cội nguồn (ăn trầu, nhuộm răng), nhưng nói chung, trên mọi bình diện, hoàn toàn hướng về phương bắc. Việc hướng về phương bắc này, buổi đầu là do cưỡng bức bằng các áp lực quân sự và hành chánh, dần dà về sau là do tự nguyện và trở nên triệt để đến độ các sinh hoạt tại thuộc địa không khác biệt gì lắm so với chính quốc, và đến cuối thời Bắc thuộc thì nảy sinh xu hướng muốn độc lập về chính trị và hành chánh nhưng tự nguyện duy trì các tương quan kinh tế, văn hóa và xã hội. Việc hướng về phương bắc trong thời Bắc thuộc mạnh mẽ đến độ đã đánh bạt ảnh  hưởng của phương tây (Ấn Độ), và làm thay đổi bản chất các sinh hoạt thường nhật cũng như các tín điều tâm linh của cư dân bản địa. Người ta dùng đũa gắp thức ăn, không ai dùng tay bốc. Nút áo cài bên trái nhường chỗ cho nút áo cài bên phải. Chữ viết thời cổ không ai biết, chỉ còn biết chữ Hán và chữ Nôm. Ông Bụt (Buddha, gốc Ấn Độ) trong ngôn ngữ dân gian nhường chỗ cho Ông Phật (âm Hán Việt của từ Pụt, A mi tà Pụt, của Trung Quốc). Câu chuyện Tet Seo (Lang Liệu) thời Hùng Vương chế ra bánh tét bánh dầy cũng bị thay đổi nội dung. Bánh tét có hình tượng sinh thực khí, liên hệ đến tục thờ linga của Ấn Độ, đã được bánh chưng hình vuông thay vào cho phù hợp với vũ trụ quan trời tròn đất vuông của Trung Quốc. Nói tóm lại, việc hướng về phương bắc trong thời Bắc thuộc là triệt để và toàn diện.

Việt Nam thời tự chủ tự nguyện hướng về phương bắc.

            Bước qua thời tự chủ, từ nhà Đinh cho đến nhà Cựu Nguyễn, Việt Nam tiếp tục tự nguyện hướng về phương bắc. Tuy trong thực tế, Việt Nam hoàn toàn độc lập về chính trị và hành chánh, trên danh nghĩa, Việt Nam vẫn tự nguyện làm phiên thuộc của Trung Quốc. Các vua Việt Nam nhận sắc chỉ, áo mũ, ấn tín tấn phong của Thiên tử Trung Quốc, và cứ ba năm một lần lại cử sứ bộ mang cống phẩm sang dâng nạp. Đối với thần dân trong nước cũng như đối với các lân bang phía tây và phía nam, các vua Việt Nam xưng Vương, xưng Đế, nhưng đối với Thiên tử Trung Quốc, các vua Việt Nam chịu nhún xưng thần, và nhận tước vị quận vương, quốc vương. Quốc hiệu tự xưng là Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam, nhưng tước vị do Thiên tử Trung Quốc tấn phong cho các vua Đinh, Tiền Lê là Giao Chỉ Quận vương, Nam Bình vương, cho các vua Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn Tây Sơn là An Nam Quốc vương, và cho các vua Cựu Nguyễn là Việt Nam Quốc vương. Các vua Mạc và các vua đầu đời Lê Trung hưng chỉ được phong An Nam Đô Thống sứ. Đã vậy, việc ép mình chịu làm phiên thuộc cũng không phải là dễ dàng, cũng không phải là không cam go gian khổ. Người Tàu chấp nhận cho Việt Nam được tự chủ chẳng qua là ở trong cái thế không giết được thì tha làm phúc, chứ trong thâm tâm, lúc nào cũng ấp ủ cái mộng tái chiếm thuộc địa, thiết lập lại các quận huyện ngày trước. Do đó, Lê Hoàn chỉ được phong sau khi giết chết Hầu Nhân Bảo ở Ải Chi Lăng, và đánh bại Lưu Trừng trên sông Bạch Đằng; Lê Lợi chỉ được phong sau khi giết chết Liễu Thăng ở đồi Mã Yên và vây khốn Tổng Binh nhà Minh Vương Thông trong thành Đông Quan; Nguyễn Huệ chỉ được phong sau khi bức tử Sầm Nghi Đống ở gò Đống Đa và đuổi Tổng Đốc Lưỡng Quảng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị chạy dài. Tuy là phiên thuộc trên danh nghĩa, Việt Nam hoàn toàn độc lập về chính trị và hành chánh. Trung Quốc cũng không can thiệp vào nội bộ của Việt Nam, ngoại trừ trường hợp vua Việt Nam tỏ ra cường ngạnh không chịu thần phục (Hồ Quý Ly), hoặc Trung Quốc được lợi lớn vì vua Việt Nam tỏ ra qụy lụy nhượng bộ quá mức (Mạc Đăng Dung). Mặt khác, về các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, Việt Nam lại tự nguyện hướng về phương bắc, mặc dù chẳng có một áp lực nào thúc ép. Việt Nam dùng chữ Hán làm văn tự chính thức. Sĩ tử ngày đêm dùi mài tứ thư ngũ kinh của Trung Quốc. Trong câu chuyện thù tạc hằng ngày giữa những người có đôi chút chữ nghĩa, Hán tự cũng được dùng xen vào (nói chữ). Vào những dịp hệ trọng liên quan đến vận mạng quốc gia, vua tôi bàn bạc, dặn dò, đối dáp với nhau cũng bằng Hán tự. Chữ nôm, một biến thể của Hán tự dùng để ghi âm tiếng bản địa được sáng chế từ thời bắc thuộc, tuy được tiếp tục hoàn bị trong thời kỳ tự chủ, nhưng cũng chỉ được sử dụng hạn chế, chủ yếu là để làm thơ phú mua vui, chứ không được giới sĩ phu xem trọng (nôm na mách qué), ngoại trừ dưới các triều đại Hồ và Nguyễn Tây Sơn. Cũng như dưới thời bắc thuộc, ảnh hưởng phương tây (Ấn Độ) hoàn toàn bị đánh bật ra khỏi đời sống văn hóa và xã hội Việt Nam. Hơn thế nữa, Việt Nam lại tự nguyện làm mũi dùi xung kích cho văn hóa Trung Quốc, khiến cho văn hóa Ấn Độ mỗi ngày một thu hẹp địa bàn ảnh hưởng trên bán đảo Đông Dương trước bước chân nam tiến của dân tộc Việt Nam. Nói tóm lại, Việt Nam trong thời kỳ tự chủ hoàn toàn hướng về phương bắc. Việc hướng về phương bắc này triệt để và toàn diện cho đến khi người phương tây da trắng bắt đầu đến Viễn Đông buôn bán và truyền đạo.

Ảnh hưởng của việc người Tây Dương đến Viễn Đông.  

            Thực ra thì người Tây Dương đã đến Viễn Đông từ những thời rất xa xưa, ban đầu theo con đường hương liệu dọc bờ biển Nam Á, băng qua Ấn Độ để đến Đông Dương, và về sau theo con đường tơ lụa xuyên qua các đồng cỏ Trung Á, băng ngang sa mạc Mông Cổ để đến Trung Quốc. Chứng tích của các dữ kiện lịch sử này là việc phát hiện các đồng tiền La Mã tại di chỉ khảo cổ Óc Eo ở Nam Bộ Việt Nam, việc người Nhục Chi đem văn minh Hồi giáo đến khai hóa cư dân quần đảo Indonesia, việc người Ý Marco Polo làm quan tại Triều đình Mông Nguyên Trung Quốc. Tuy vậy, phải đợi đến các thế kỷ 16, 17, với các tiến bộ trong kỷ thuật đóng tàu và phát triển vượt bực của ngành hàng hải, người Âu châu tìm đến Viễn Đông buôn bán và truyền đạo mỗi ngày một nhiều, Việt Nam mới bắt đầu tiếp xúc thực sự với phương tây Vào thời điểm này, người Anh, người Pháp đã đặt cơ sở ở Ấn Độ, người Hòa Lan đã vững chân ở Batavia, người Tây Ban Nha đã chiếm cứ Maní, người Bồ Đào Nha đang kinh dinh Penang, Macao, Nagazaki, do đó, Việt Nam cũng mở cửa đón tiếp thương thuyền Tây Dương: Đàng Ngoài tại Phố Hiến, Đàng Trong tại Hội An.
           
            Trong số những thương nhân và giáo sĩ Tây Dương lui tới Việt Nam lúc bấy giờ, đáng lưu ý hơn cả là người Hòa Lan và người Bồ Đào Nha. Người Hòa Lan thân thiện với Đàng Ngoài, bán súng đạn cho quân đội chúa Trịnh, và một người con gái Hòa Lan lại được tuyển làm cung phi cho vua Lê Thần Tông. Người Hòa Lan còn ngầm yểm trợ chúa Trịnh đánh chúa Nguyễn, gây ra mối bất hòa với Đàng Trong, khiến nẩy sinh ra trận thủy chiến đầu năm 1644 giữa hạm đội Hòa Lan do Pieter Baek chỉ huy và hải quân Đàng Trong dưới sự tiết chế của Thế tử Nguyễn Phúc Tần (Hiền Vương) ở ngoài khơi Đà Nẵng. Người Bồ Đào Nha ngược lại, tuy bán súng đạn cho quân đội Đàng Trong, cũng như thân thiện với chính quyền Đàng Trong hơn, nhưng vẫn giữ được hòa khí với Đàng Ngoài, do đó, người Bồ Đào Nha đi lại buôn bán và truyền đạo ở cả hai miền nam bắc. Các giáo sĩ Bồ Đào Nha đã tìm cách ghi âm tiếng Việt theo cả hai giọng nam bắc và đã xây dựng được nền tảng cho lối viết tiếng Việt theo mẩu tự La tinh. Công trình này về sau được giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) hoàn chỉnh và trở thành văn tự chính thức của người Việt Nam ngày nay.

            Khác với trường hợp người Hòa Lan và người Bồ Đào Nha, công việc buôn bán của người Anh ngay từ buổi đầu đã không được thuận lợi cho lắm. Người Anh chuyên tâm vào việc trao đổi hàng hóa để kiếm lợi, trong lúc các chúa Trịnh chúa Nguyễn lại muốn người Tây Dương đem súng đạn đến bán để canh tân quân đội hòng khuynh loát đối phương, mục tiêu hai bên không tương đồng nên việc giao thiệp mỗi ngày một lạnh nhạt. Gia dĩ, người Anh lại ỷ thế mạnh không tôn trọng chủ quyền bản xứ, tự tiện chiếm cứ đảo Poulo Condore năm 1702 để lập thương điếm, khiến cho Trấn Thủ Trấn Biên là Trương Phước Phan phải dùng mưu cho người Chà Và trà trộn vào làm việc cho thương điếm rồi thừa cơ nổi lửa làm loạn, giết chết hết các thương nhân người Anh. Cuối thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người Anh không còn có thương điếm ở Việt Nam nữa. Mãi đến khi Tây Sơn nổi lên, người Anh Charles Chapman có tìm đến Qui Nhơn thương lượng việc buôn bán, Nguyễn Nhạc nhân đó cũng muốn người Anh giúp đỡ súng đạn tàu thuyền để mưu chuyện làm chủ Đông Dương, nhưng việc thương thuyết chẳng đi đến đâu. Sau khi Gia Long thống nhất Việt Nam, người Anh lại phái sứ giả là Robert mang phẩm vật đến Huế năm 1803 để xin mở thương điếm ở Trà Sơn (Đà Nẵng), nhưng bị Gia Long từ chối.
           
Về phần người Pháp, cũng như người Anh, người Pháp rất chú ý đến đảo Poulo Condore, nhưng những nỗ lực của Pháp để thiết lập thương điếm tại nơi đây (Renault năm 1721, Pierre Poivre năm 1748, Protais Leroux năm 1755) đều không có kết quả. Cũng như người Bồ, người Pháp chuyên chú vào việc truyền đạo xuyên qua hoạt động tích cực của Hội Dòng Tên (Jesuites) và Hội Ngoại Quốc Truyền Giáo (Missions Étrangères), khiến cho các chúa Trịnh chúa Nguyễn e ngại cho uy thế của mình mà đâm ra nghi kỵ, (nhất là sau khi Giáo Hoàng Clément XI ban hành sắc lệnh năm 1715 cấm ngặt việc
thờ cúng tổ tiên), đưa đến kết quả không hay là việc cấm đạo ở cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong vào cuối thế kỷ 17 và suốt thế kỷ 18. Mãi đến khi chiến cuộc giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh xẩy ra, người Pháp mới có dịp dự phần vào việc gây ảnh hưởng trở lại tại Việt Nam qua vai trò của Giám mục Adran là Pierre Joseph Georges Pigneau (Bá Đa Lộc). Giám mục Adran với tư cách cá nhân đã giúp Nguyễn Ánh đóng tàu, đúc súng, xây thành, chuyên viên kỹ thuật, cố vấn quân sự, để đánh thắng Tây Sơn. Sau khi Gia Long lên ngôi, nhiều người Pháp ở lại làm quan tại Triều đình Huế. Nhưng đến đời Minh Mạng, Việt Nam cấm đạo trở lại, các quan chức người Pháp cũng lần lượt bỏ về nước. Đến cuối đời Tự Đức thì người Pháp liên binh với người Tây Ban Nha tiến đánh Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược mấy mươi năm trời, và việc Pháp đô hộ Đông Dương gần cả thế kỷ.

            Nói tóm lại, trong giai đoạn thứ hai này của thời kỳ tự chủ, từ lúc người Tây Dương vào buôn bán và truyền đạo ở Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong nước Đại Việt, cho đến lúc người Pháp đặt nền đô hộ và chia cắt nước Đại Nam thành ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, Việt Nam vẫn tiếp tục hướng về phương bắc trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Ảnh hưởng phương tây chỉ xẩy ra những khi có tranh chấp nội bộ bằng binh lực, và giới hạn trong việc mua bán đạn dược, kỹ thuật đúc súng, đóng tàu, xây dựng thành lũy. Những nhu cầu nhất thời này đương nhiên kéo theo một vài đặc quyền dành cho người Tây Dương như việc cấp đất lập thương điếm, việc cho phép các giáo sĩ tự do đi lại giảng đạo. Nhưng một khi không còn chiến tranh nội bộ, nghĩa là không còn nhu cầu nhờ vũ khí phương tây để canh tân quân đội trong mục tiêu khuynh loát đối thủ, thì ảnh hưởng phương tây cũng theo đó mà mờ nhạt đi. Thực vậy, sau khi Trịnh Nguyễn giảng hòa, lấy sông Gianh phân chia địa bàn cát cứ, hay sau khi Gia Long thống nhất đất nước, lên ngôi vua ở Phú Xuân, việc buôn bán của người Tây Dương dần dà gập nhiều điều trở ngại để rồi thương điếm phải dẹp bỏ, và việc cấm đạo Gia Tô mỗi ngày một trở nên gay gắt. Chỉ có một biệt lệ cho sự kiện lịch sử này là việc các vua chúa Việt Nam tiếp tục tin tưởng vào khả năng chửa bệnh theo tây y, như chúa Thế Tông lưu giữ giáo sĩ Koffler ở lại làm thầy thuốc cho chúa và việc vua Quang Trung nhờ thầy thuốc người Âu chửa bệnh cho Chính cung Hoàng hậu họ Phạm. Ngoài hai nhu cầu về kỹ thuật quân sự và y học khiến Việt Nam vào thời kỳ này hướng về phương tây, trên các lãnh vực khác, Việt Nam nhất nhất hướng về phương bắc. Ngay như việc Quang Trung dùng chữ nôm thay Hán tự, mới nghe qua thì tuởng như là một sự canh cải mang tính cách dân tộc trong chiều hướng muốn vươn lên để thoát khỏi vòng lệ thuộc phương bắc, nhưng xét cho cùng thì việc dùng chữ nôm vào thời Quang Trung không có chung bối cảnh lịch sử với việc dùng chữ nôm thời Hồ Quý Ly. Chữ nôm thoát thai từ chữ Hán, muốn đọc chữ nôm, trước hết phải đọc được chữ Hán. Thời Quang Trung đã có chữ quốc ngữ. Muốn bớt lệ thuộc phương bắc về văn hóa, sao không dùng ngay chữ quốc ngữ? Muốn giảm thiểu áp lực từ phương bắc, sao không bắt ngay cơ hội trước mắt để cấp kỳ hướng về phương tây, canh tân xứ sở như sau đó nguời Nhật Bản đã làm? Đến việc Gia Long dần dà lạnh nhạt với những người Pháp đã giúp mình lật đổ Tây Sơn, không tiếp phái viên của vua Louis XVIII là thuyền trưởng A. de Kergariou, từ chối nhận cống phẩm của người Anh Robert mang đến Huế để xin mở thương điếm Trà Sơn, rập khuôn luật pháp, quan chế, học thuật của người Tàu Mãn Thanh, thì rõ ràng xu hướng phục Tàu, theo Tàu, đã trở thành căn bệnh cố hữu, và lòng ngờ ghét người Tây Dương mỗi ngày một gia tăng. Việc Đông cung Cảnh nông nổi đập phá bàn thờ gia tiên không những đã mang lại hậu quả tất yếu là con ngài không được nối ngôi tôn, mà còn khiến cho Gia Long lúc lâm chung trăn trối với Minh Mạng rằng phải cảnh giác dã tâm trục lợi của người Tây Dương và mầm mống phản loạn của dân theo Ki tô giáo. Nhưng sự kiện này chỉ là trong muôn một những nguyên nhân đưa đến chính sách bế môn tỏa cảng và cấm đạo từ đời Minh Mạng trở về sau. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là tinh thần cố hữu một lòng một dạ hướng về phương bắc, cho rằng thiên hạ văn minh chỉ có mỗi một nước Tàu. Chứng cớ là cuối đời Tự Đức,  nhà vua và đình thần cứ khư khư theo nề nếp cũ, bám chặt các tư tưởng thủ cựu bắt rể từ văn hóa Trung Quốc, bỏ ngoài tai các đề nghị cải cách theo phương tây, thậm chí khi quân Pháp đã toàn thắng cuộc chiến tranh xâm lược, “cửa Thuận an Tây lấy, Trấn Bình đài Tây vô”, Tự Đức vẫn còn cử sứ bộ sang Tàu cầu viện, những mong dựa vào áp lực từ phương bắc để chống lại áp lực từ phương tây.

Việt Nam thời Pháp thuộc: sự thắng thế của ảnh hưởng phương tây.

             Nhưng nước Tàu lúc này đang suy yếu, tự mình không cứu nổi mình thì còn hòng che chở cho ai! Bởi vậy, sau những nổ lực vận động không kết quả của sứ thần nhà Thanh là Tăng Khải Trạch với chính phủ Pháp Jules Ferry để lập một quốc gia trái độn từ biên giới Quảng Tây đến Qưảng Bình, người Tàu phải ký Hòa ước Thiên Tân năm 1885 thừa nhận chủ quyền của Pháp trên lãnh thổ Đại Nam. Mặt khác, người Pháp tìm mọi cách để xóa sạch ảnh hưởng của người Tàu trong tâm khảm người Việt. Về mặt chính trị, xưa kia Thiên tử Trung Quốc tấn phong vua Việt Nam thì bây giờ Đại Diện chính phủ Pháp chủ tọa lễ đăng quang của vua Hàm Nghi, và cũng được hưởng đặc lệ đi cổng giữa của lầu Ngọ môn để vào điện Thái Hòa y như các sứ thần Trung Quốc ngày trước. Triều đình Huế phải tiêu hủy trước mặt Đại Diện chính phủ Pháp chiếc ấn Việt Nam Quốc Vương nhà Mãn Thanh đã phong cho các vua nhà Nguyễn. Về mặt ngoại giao, nước Pháp đại diện cho Việt Nam trong việc giao thiệp với nước ngoài. Người Pháp đắp đập bít cửa Thuận an, tuyệt đường tàu thuyền nước ngoài ngược dòng Hương giang để cô lập Kinh thành Huế. Buổi đầu, dưới thời các Đô đốc Hải quân cai trị, người Pháp chỉ chú tâm mở mang thành phố Sài Gòn, với chủ ý hướng về phía tây, bành trướng thế lực lên Lào, Cao Mên, và Thái Lan. Nhưng về sau, dưới thời các Toàn quyền dân sự cai trị, từ Paul Doumer (1897-1902) trở đi, người Pháp lại mở mang thành phố Hà Nội, chủ ý hướng về phía bắc, mưu đồ kiêm tính các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Về mặt hành chánh, người Pháp trực tiếp cai trị Nam Kỳ, chia lại các phân hạt hành chánh; lấy các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng làm nhượng địa; và đặt chế độ bảo hộ lên Bắc Kỳ và Trung Kỳ, nghĩa là duy trì các tỉnh, các phủ, huyện, châu và các quan lại Nam triều (ngoại trừ tại các vùng cao, Tri châu người Kinh được thay thế bằng các tù trưởng bộ lạc người thiểu số), chỉ đặt Khâm sứ, Thống sứ ở cấp kỳ, và các Công sứ ở cấp tỉnh để điều khiển và kiểm soát quan lại bản xứ mà thôi. Về mặt tư pháp, bộ luật Gia Long, một bộ luật rập khuôn theo luật Tàu, được Philastre chú giải, và bộ Hoàng Việt luật lệ được Aubaret dịch ra tiếng Pháp, để các quan chức người Pháp tham khảo pháp điển Việt Nam. Tại Nam Kỳ, hình luật và dân luật Pháp được áp dụng ngay từ năm 1883. Tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, luật lệ xưa vẫn còn được áp dụng cho đến khi ban bố các luật lệ mới theo tinh thần phương tây: thủ tục tố tụng hình sự năm 1917, hình luật năm 1921, dân luật năm 1931 tại Bắc Kỳ; hình luật và thủ tục tố tụng hình sự năm 1933, dân luật chia làm 3 đợt từ năm 1936 đến năm 1939 tại Trung Kỳ. Ngoài ra lại còn những luật lệ chung cho cả 5 xứ Đông Pháp như luật điền thổ ban hành năm 1925 và luật lao động công bố năm 1936. Nguyên tắc phân quyền giữa hành pháp và tư pháp được áp dụng, cho dù có biệt lệ là việc thành lập các hội đồng đề hình tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ cho phép các giới chức hành chánh can dự vào ngành tư pháp với thẩm quyền rộng rãi để xét xử các vụ bạo loạn chống Pháp. Nhưng những nỗ lực hữu hiệu nhất nhằm mục đích xóa bỏ ảnh hưởng của Tàu là về các mặt văn hóa và xã hội. Năm 1902, Hà Nội được chọn làm thủ đô của Đông Pháp và được mở mang để làm trung điểm phô trương văn minh Đại Pháp. Các Toàn quyền Dân sự như Paul Beau, người kế nhiệm Paul Doumer, và nhất là Albert Sarraut, đã lần lượt thiết lập tại Hà Nội các Nha Y tế, Nha Học chính, Viện Đại Học Đông Dương, Trường Viễn Đông Bác cổ; đồng thời tại Hà Nội cũng như tại các thành phố lớn, nhiều bệnh viện, nhà hộ sinh, chẩn y viện, trường trung và tiểu học được xây cất để canh tân tổ chức y tế và giáo dục cổ truyền theo những kiến thức khoa học kỷ thuật của phương tây. Để nhen nhúm tinh thần chống Tàu, ghét Tàu, xem thường Tàu, “Nha Học chính Đông Pháp giao cho các ông Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận” soạn sách giáo khoa, đề cao các anh hùng dân tộc có công đánh bại người Tàu. Thi cử và bằng cấp được thay đổi. Bãi bỏ thi hương năm 1915 tại Bắc Kỳ, và năm 1918 tại Trung Kỳ. Văn bằng Thành chung (Diplôme) được xem tương đương với Cử nhân Hán học, văn bằng Tú tài (Baccalauréat) được xem tương đương với Tiến sĩ Hán học. Chữ quốc ngữ được phổ cập đến cấp tổng cấp làng, được sử dụng trong các trường sơ và tiểu học, được dùng trong các tờ sức của phủ huyện gửi xuống các địạ phương thuộc quyền. Báo chí quốc ngữ được khuyến khích, được tài trợ. Các tạp chí Thần Kinh ở Huế, Đông Dương, Nam Phong ở Hà Nội, bên cạnh chữ quốc ngữ thỉnh thoảng có chua Hán tự để các nhà nho quen dần với lối viết mới. Hán tự dần dà chỉ còn được dùng để viết chỉ dụ của nhà vua, sớ biểu của đình thần, thi phú của nhà nho, và trong việc tế tự. Việc truyền đạo Gia tô được đẩy mạnh, giáo dân được ưu đãi dưới thời Pháp thuộc, đó là lẽ đương nhiên. Điều đáng lưu ý là đạo Phật cũng được khuyến khích phát triển: người Pháp đã yểm trợ Bác sĩ Lê Đình Thám ở Huế tổ chức Hội Phật Học và ấn hành nguyệt san Viên Âm. Phải chăng đây là dụng ý cao thâm của người Pháp muốn sĩ phu Việt Nam quên đi cái thực tế “hình nhi hạ” quốc phá gia vong trước mắt để hướng tất cả tâm chí về cõi siêu nhiên cực lạc? Tóm lại, bằng nhiều hình thức áp đặt khác nhau, tinh vi và sâu sắc, dưới thời Pháp thuộc, ảnh hưởng khoa học kỷ thuật phương tây đã đánh bạt ảnh hưởng văn hóa phương bắc.

            Từ Hòa ước Patenôtre ký ngày 6-6-1884 thừa nhận cuộc bảo hộ của Pháp và biến cố thất thủ Kinh đô ngày 23-5-Ất Dậu (1885) cắm mốc sự kiện Việt Nam hoàn toàn mất chủ quyền, đến Bản Tuyên cáo của Triều đình Huế ngày 12-3-1945 phủ nhận Hòa ước Patenôtre, tuyên bố Việt Nam độc lập và cắt đứt mọi liên hệ với Pháp, tính ra vừa chẵn 60 năm. Thời gian không đủ dài để thay đổi toàn diện lề lối sinh hoạt thường nhật cũng như các tín điều tâm linh của người Việt Nam như tác động của 1050 năm Bắc thuộc. Ngoại trừ Nam Kỳ, ảnh hưởng phương tây tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ khó mà len lõi vào bên trong các lũy tre xanh, cải hóa cung cách sinh hoạt và nề nếp suy nghĩ của người nông dân, không những chỉ vì thời gian lệ thuộc Pháp không đủ dài, mà chủ yếu là vì thực trạng xã thôn tự trị và tổ chức hành chánh hạ tầng phải qua trung gian quan lại Nam triều và hào mục địa phương vốn là những hạng người thủ cựu. Ngược lại, đối với cư dân thành thị và những người có chữ nghĩa ở nông thôn, ảnh hưởng phương tây mỗi ngày một đậm nét. Giới sĩ phu cựu học nhận chân thực trạng thua trận (“Nào có ra gì cái chữ nho, Ông nghè, ông cống cũng nằm co”...), từ bỏ thái độ chống đối tiêu cực, tìm đọc sách báo quốc ngữ, và cho con cháu theo học các trường Pháp Việt. Các nhà nho cách mạng tách rời ý n niệm trung quân ra khỏi chủ nghĩa ái quốc, từ bỏ các chủ trương cần vương, bình tây sát tả (dẹp tây giết đạo), mà hô hào duy tân, cắt búi tóc, mặc âu phục, khởi xướng phong trào Đông du, tổ chức Đông Kinh nghĩa thục, hoặc đi xa hơn chút nữa, chủ trương Pháp Việt đề huề. Giới thanh niên trí thức hăng hái theo học các trường cao đẳng chuyên khoa; những người có điều kiện thì tìm cách sang Pháp du học. Những thành phần trí thức này khi thành tài, tuy đa số phục vụ chính quyền bảo hộ, vẫn có một số đáng kể làm những nghề tự do, hô hào âu hóa, đổi mới phong tục, chú trọng thực nghiệp, thành lập các đảng chính trị nhằm mục đích giải phóng dân tộc, cải tiến dân sinh, xây dựng dân chủ. Giới văn nghệ sĩ thì sử dụng chữ quốc ngữ để viết văn mới, làm thơ mới, diễn kịch nói, kịch thơ, và soạn nhạc mới theo kỷ thuật và giai điệu phương tây. Nói tóm lại, dưới thời Pháp thuộc, ảnh hưởng phương bắc phải nhường bước cho ảnh hưởng phương tây, và trong nửa đầu thế kỷ 20, cư dân thành thị, nhất là trí thức tiểu tư sản, dần dà thấm nhuần lề lối sinh hoạt và nề nếp suy nghĩ của phương tây. Trong bối cảnh đó, các ý niệm tự do, quyền công dân, quyền con người, cũng như các tư tưởng chính trị, từ dân chủ tư sản đến chuyên chính vô sản, đã du nhập vào Việt Nam, làm tiền đề cho việc thành lập các đảng phái cách mạng quốc gia và quốc tế, mở màn cho việc phân tranh ý thức hệ giữa những người Việt Nam yêu nước từ cuối thời Pháp thuộc cho đến nay, triền miên và bi thảm.

Việt Nam thời liên hiệp quốc cộng: thế yếu kém của phương bắc.

Chiến dịch Meigo tối ngày 9-3-1945 của quân đội Nhật Bản đã chấm dứt vị thế độc tôn của người Pháp tại Đông Dương. Đồng thời việc Đồng Minh tại Hội nghị Postdam quyết định giao cho Trung Quốc giải giới quân đội Nhật Bản ở phía bắc vĩ tuyến 16 đã tạo cho Trung Quốc cơ hội gây lại ảnh hưởng đối với Việt Nam. Trước đây, chính quyền Trung Hoa quốc gia dung dưỡng tất cả những người Việt Nam chống Pháp trốn tránh sang Tàu, yểm trợ họ tổ chức lực lượng để chờ cơ hội về nước cướp chính quyền. Những người cách mạng Việt Nam mặc áo quần kaki nhưng không mang cấp bậc và phù hiệu, trông ra quan chẳng ra quan, quân chẳng ra quân, là một hiện tượng rất thường thấy ở các tỉnh miền nam nước Tàu, vì vậy người Tàu thường bảo nhau: “Quan bất thị quan, quân bất thị quân, thị An Nam cách mạng giả”. Trong Thế chiến II, Trương Phát Khuê giúp cho Nguyễn Hải Thần củng cố lại Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội ở Liễu châu, Tiêu Văn và Ngô Trạch bảo cử cho Hồ Chí Minh đem tiền bạc và cán bộ của Cách Mệnh Đồng Minh Hội về Việt Bắc hoạt động tình báo, Ngô Thiết Thành làm trung gian để 3 đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng (Phân bộ Côn Minh), Đại Việt Quốc Dân Đảng, và Đại Việt Dân Chính Đảng hợp nhất thành Quốc Dân Đảng Việt Nam (Mặt Trận Quốc Dân Đảng), cho tiện việc phối hợp các hoạt động quốc nội và quốc ngoại. Những sự yểm trợ này của các giới chức quân chính Trung Quốc đều nhắm mục đích đánh phá ảnh hưởng của người Pháp tại Việt Nam để áp đặt trở lại ảnh hưởng của phương bắc. Trong lời phát biểu của Tưởng Giới Thạch tại Trùng Khánh vào cuối tháng 4 năm 1945 nhân dịp Bí Thư trưởng Quốc Dân Đảng Trung Quốc là Ngô Thiết Thành chiêu đãi phái đoàn Quốc Dân Đảng Việt Nam do Nguyễn Tiến Hỷ cầm đầu, Tưởng Giới Thạch đã nói rằng sự kiện phái đoàn Việt Nam hiện diện tại Thủ đô (kháng chiến) của Trung Quốc là biểu trưng của việc Việt Nam trở về với Trung Quốc. Sau ngày Nhật Bản đầu hàng, Lư Hán và Tiêu Văn, do 2 ngã Vân Nam và Quảng Tây, kéo 180.000 quân vào Bắc Việt và Bắc Trung Việt, đi theo có các lực lượng vũ trang của Vũ Hồng Khanh, của Nguyễn Hải Thần, của Vệ An Quốc (Vi Văn Lưu), của Vũ Kim Thành v.v., tất cả đều có xu hướng thân Trung Quốc. Đến ngày 15-12-1945, Quốc Dân Đảng Việt Nam ra sinh hoạt công khai, trụ sở trung ương đặt tại Trường Tiểu học Đỗ Hữu Vị ở Hà Nội, thì các lực lượng vũ trang của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ Tàu kéo về, và các lực lượng vũ trang của Đại Việt Quốc Dân Đảng rải rác khắp nước, như chiến khu Lạc Triệu, Kép, Trường Lục quân Yên Bái, Gi Linh (Thanh Hóa), Quảng Nam, An Điền (Nam Bộ), đều được gọi là Quốc Dân quân. Trong lúc quân Pháp theo gót quân Anh trở lại chiếm đóng nhiều nơi ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ thì ở phía bắc vĩ tuyến 16, quân Pháp bại trận vẫn còn bị giam trong các trại tù. Với sự liên minh của các lực lượng vũ trang và sự hợp tác của các nhân vật chính trị cách mạng chống Pháp, thanh thế của Trung Hoa Quốc gia lúc bấy giờ tại Hà Nội và Huế rất lớn. Trong lúc đó, Việt Minh tuy có chính quyền trong tay, nhưng vướng phải trở ngại là trót mang lốt mác-xít lê-ni-nít nên gặp khó khăn từ nhiều phía. Để thoát ra khỏi tình trạng ngặt nghèo, Hồ Chí Minh giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 11-11-1945, và vận động với Tiêu Văn làm áp lực với Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội để thành lập chính quyền liên hiệp quốc cộng. Ngày 22-12-1945, Quốc Dân Đảng thỏa hiệp nhận 50 ghế trong số 350 ghế Đại biểu Quốc Hội sẽ chính thức được bầu vào ngày 6-1-1946. Vì gặp sự chống đối của Đại Việt Quốc Dân Đảng cương quyết không tham gia chính quyền liên hiệp, nên tối ngày 24-2-1946, Tiêu Văn triệu tập một buổi họp mặt tại Sứ quán Trung Quốc để thuyết phục các đại biểu Quốc Dân Đảng tham gia chính phủ Hồ Chí Minh. Do đó, ngày 2-3-1946, chính phủ liên hiệp quốc cộng được công bố thành lập, do Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch, Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch, với 10 Bộ Trưởng, chia ra như sau: 2 không đảng phái, 2 Đồng Minh Hội, 2 Quốc Dân Đảng, 4 cộng sản. Nếu lúc bấy giờ Hồ Chí Minh thực lòng đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên lý tưởng quốc tế vô sản, chân thành hợp tác với những người yêu nước quốc gia chủ nghĩa để chống lại âm mưu tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp thì dễ gì quân Pháp kéo vào chiếm đóng các thành phố quan yếu của Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 16. Mặt khác, nếu lúc bấy giờ Trung Hoa Dân Quốc hội đủ điều kiện để có thể hành xử theo tư thế một cường quốc khu vực thì chắc chắn sẽ có tác động lớn lao đến tình hình Việt Nam. Việt Nam sẽ lại hướng về phương bắc.

            Nhưng Trung Hoa Dân Quốc tuy mang danh nghĩa một trong tứ cường thắng trận mà thực chất chỉ là cái thùng rỗng, quân sĩ thì hèn yếu, tướng lãnh thì tham ô, kinh tế thì kiệt quệ. Tại Việt Nam, viên tư lệnh Lư Hán đã vô học lại bất tài, mọi việc đều giao cho Tiêu Văn và Chu Phúc Thành liệu lý. Từ khi được tin Long Vân bị Tưởng Giới Thạch thừa cơ đánh úp đoạt mất Vân Nam, Lư Hán càng tỏ ra chán nản, suốt ngày chỉ hút thuốc phiện và ăn của đút. Hồ Chí Minh lại khéo lấy lòng Lư Hán và Tiêu Văn, đem vàng bạc mua chuộc 2 viên tướng này để họ không thi hành lệnh của Trùng Khánh thay thế chính phủ Hồ Chí Minh bằng một chính phủ do Bảo Đại cầm đầu. Giới tài phiệt Quảng Châu lại hám lợi, vận động chính phủ Trùng Khánh ký với Pháp thỏa hiệp ngày 28-2-1946 để cho quân Pháp vào chiếm đóng phía bắc vĩ tuyến 16, đổi lại, người Pháp hoàn trả đường hỏa xa Côn Minh-Hải Phòng cho Trung Quốc, cho hàng hóa Trung Quốc quá cảnh miễn thuế, và nhường cho Trung Quốc một khu vực tại cảng Hải Phòng. Như vậy, về phía chính phủ Trùng Khánh, đây là hành động phản bội trắng trợn đồng minh của mình chỉ vì mối lợi trước mắt. Chính phủ Hồ Chí Minh bị đặt trước một việc đã rồi, nên mấy ngày sau phải ngậm bồ hòn thuận theo ý của người Tàu mà ký với Jean Sainteny hiệp định sơ bộ 6-3-1946, chấp nhận qui chế một quốc gia tự do trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp, và để cho quân Pháp chiếm đóng những thành phố quan yếu của Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 16. Việc ký kết này là một sự nhượng bộ quá mức, một sự đầu hàng nhục nhã, một sự phản bội nhân dân không tiền khoáng hậu. Bởi vậy, Nguyễn Tường Tam không chịu phó thự và Tiêu Văn đã làm áp lực để Vũ Hồng Khanh ký thay. Về sau này, trong bài phát biểu “Dưới bóng cờ vẻ vang của Đảng, tiến lên dành những thắng lợi mới” đọc trên đài phát thanh Hà Nội ngày 3-2-1970, Lê Duẫn đã khoác lác ví von việc Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 như một tuyệt chiêu trong võ thuật, một mũi tên bắn hạ 2 con chim cùng một lúc, vừa đẩy lui quân Tàu Tưởng, vừa tạo điều kiện đánh diệt phe phản động theo Tàu. Sự thực thì khi hạ bút ký Hiệp định sơ bộ rước quân Pháp vào miền BắcViệt Nam, Hồ Chí Minh đã theo Tàu trước ai hết, đã ngoan ngoãn chiều theo ý đồ bọn Tàu Tưởng để được an thân, đã phản bội các chiến hữu liên hiệp với mình chống Pháp, đã phản bội đại khối nhân dân  đóng góp vàng bạc và mạng sống của mình để chống việc người Pháp âm mưu áp đặt trở lại nền đô hộ lên dân tộc Việt Nam. Hành động tham vàng bỏ nghĩa của bè lũ Lư Hán Tiêu Văn, cũng như thái độ buông xuôi bất lực của chính phủ Trùng Khánh, đã khiến các nhà cách mạng Việt Nam theo Tàu chán ngán. Bởi vậy, sau khi rút về Trung Quốc, ngoại trừ những phần tử xưa nay vẫn làm công cụ cho người Tàu, hầu hết những nhà cách mạng Việt Nam trước đây tin tưởng ở Tàu nay dứt khoát quay lưng với phương bắc để tìm đến phương tây. Nói tóm lại, trong cái thế giằng co ảnh hưởng giữa phương bắc và phương tây vào những năm 1945-1946, Trung Hoa Dân Quốc vì thiếu tư cách và kém khả năng về nhiều mặt nên đã bỏ lỡ cơ hội chiếm thế thượng phong.

Việt Nam thời cận đại: thế giằng co giữa phương bắc và phương tây.

        Cuối  năm 1949, những  người  lính của  Lâm  Bưu   xuất
hiện trên các ngọn đồi Quảng Tây, và cái thế giằng co ảnh hưởng tại Việt Nam giữa phương bắc và phương tây nói trên đây bước vào một thế trận mới,  rất khác biệt. Mới và khác biệt bởi lẽ cái thế giằng co ấy không những chỉ xảy ra giữa Tàu Mao và Pháp mà còn xãy ra giữa Tàu Mao và Nga Xô, giữa Tàu Mao và Hoa Kỳ. Người quan sát và phân tích tình hình sẽ tìm thấy trong mớ bòng bong tranh giành ảnh hưởng giữa các đại cường tại Việt Nam không ít những thí dụ điển hình nêu bật sự hơn kém giữa đôi bên tranh chấp để rút ra bài học thực tiển cho dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 21 này là, để làm cho dân giàu nước mạnh, Việt Nam  nên chủ động hướng về phương nào, phương bắc hay phương tây?

            Ngày 18-1-1950, Trung cộng công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Biên giới Hoa Việt được thông đường, Trung cộng cấp kỳ đưa 40.000 bộ đội chính quy Việt cộng qua biên giới để tái huấn luyện và võ trang. Từ 1-3-1950, mỗi ngày có hàng ngàn xe vận tải Trung cộng chở quân nhu và chiến cụ qua Việt Nam, có cả đại pháo và cao xạ phòng không. Cố vấn quân sự và kỷ thuật Trung cộng cũng bắt đầu xuất hiện, từ Bộ Tổng Tư lệnh cho đến các đơn vị bên dưới tới cấp tiểu đoàn. Tháng 6-1950, Việt cộng thành lập Tổng cục Chính trị, công khai đặt quân đội dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản qua hệ thống các chính ủy đại đơn vị và các chính trị viên tiểu đoàn và đại đội. Đến nửa sau năm 1950, Việt cộng đã tổ chức được một số đơn vị tác chiến tinh nhuệ như các đại đoàn 304, 308, 312, 316, 320. Rập khuôn Hồng quân Trung cộng, các sĩ quan Việt cộng bắt đầu mang quân hàm, hưởng các qui chế cung cấp khác nhau: đại táo, trung táo, tiểu táo, đặc táo, tùy theo chức vụ và cấp bậc, và có cần vụ theo hầu.

            So sánh binh lực hai bên lâm chiến lúc bấy giờ, từ cấp tiểu đoàn trở xuống, thì bộ đội Việt cộng có nhiều ưu thế hơn quân đội Liên Hiệp Pháp về mặt vũ trang. Hơn nữa, vừa mới chuyển qua vận động chiến là Việt cộng đã noi theo gương Trung cộng sử dụng chiến thuật biển người. Hậu quả đầu tiên được ghi nhận là sự tan rã của 2 binh đoàn Charton và Lepage ở trận Đông Khê-Thất Khê vào đầu tháng 10 năm 1950, và tiếp theo là việc quân Pháp triệt thoái Lạng Sơn vào cuối tháng 10 và Lào Kai vào đầu tháng 11 năm 1950. Các cố vấn Hồng quân như Trần Canh, Dương Đắc Chí, Vi Quốc Thanh, Lã Quý Ba bắt đầu vênh váo lên mặt, cho rằng chiến thuật biển người của Lâm Bưu là vô địch. Sự thực thì việc Carpentier quyết định rút quân ra khỏi Cao Bằng chỉ là việc thực hiện kế hoạch Revers đã được Thủ tướng Pháp Queille chấp thuận, dựa vào tin tức tình báo ước tính có tới 20 sư đoàn Hồng quân đang tập trung ở vùng biên giới mà người Pháp tránh né không muốn chạm mặt. Đến như việc hai binh đoàn Charton Lepage bị thảm bại thì lý do chính không phải là vì Võ Nguyên Giáp đã áp dụng hữu hiệu chiến thuật biển người của Trung cộng, mà vì các sĩ quan Pháp đã bị bất ngờ trước hỏa lực vượt trội và tinh thần chién đấu xã thân của bộ đội Việt cộng lần đầu tiên từ du kích chiến chuyển sang vận động chiến. Việc triệt quân ra khỏi Lạng Sơn chỉ là hậu quả của sự kiện thất trận Đông Khê-Thất Khê, quân Pháp ở Lạng Sơn chưa đánh đã rút. Việc lui quân từ Lào Kai và Lai Châu đã được tiến hành tốt đẹp, Pháp lui quân để bảo toàn lực lượng, để tránh việc chạm địch ở một địa bàn chiến lược bất lợi, mặc dù trước đó đã thắng trận đồn Phố Lu, gây thiệt hại hơn 1.000 nhân mạng cho đại đoàn 308. Đâu có nơi nào dành chổ cho thành quả của chiến thuật biển người và công trạng của các tướng lãnh Hồng quân Trung Quốc. Đây là sự thực, được khẳng định thêm về sau qua thảm bại kinh hoàng của các đợt xung phong biển người của bộ đội cộng sản ở Mạo Khê, ở Vĩnh Phúc Yên, và ở Nà Sản trong suốt năm 1951. Việt cộng đã thảm bại vì thân người trần trụi, cho dù với số đông áp đảo, vẫn không sao thắng nổi đạn đại liên , bom napalm, và các tầng lưới lửa. Trong cuộc chiến chống thực dân, người Việt Nam đã không học được điều gì mới lạ từ phương bắc. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 chủ yếu là nhờ vào sự kiện người Mỹ không giữ lời hứa mang không lực hùng hậu của hạm đội 7 đến dội bom xuống biển người tiến công. Cứ xem màn kết thúc trận Khe Sanh năm 1968 thì thấy rõ. Cũng cùng một loại cứ điểm bị vây, cũng cùng một địa hình lòng chảo, cũng cùng một lối tiến đánh địa đạo, nhưng Võ Nguyên Giáp đã phải bó tay trước mìn claymore và chiến thuật dùng bom rải thảm của Mỹ, và đã phải thừa nhận rằng trong chiến tranh hiện đại, yếu tố quyết định chủ yếu là hiệu năng của vũ khí chứ không phải là ý chí của con người.

Tại Hiệp nghị Genève năm 1954, Trung cộng ép buộc Việt cộng chấp nhận chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17, mặc dù đối chiếu với thực trạng thắng lợi trên chiến trường lúc bấy giờ, Việt cộng có thể đòi hỏi nhiều hơn. Tại phía nam vĩ tuyến 17, người Mỹ hất chân người Pháp và yểm trợ một chính thể cộng hòa thân Mỹ. Người dân miền nam Việt Nam dần dà quen với lề lối sinh hoạt chính trị đại nghị và kinh tế thị trường của phương tây, biết ưa chuộng dân chủ pháp trị, biết tôn trọng nhân quyền, và tự do tín ngưỡng của tha nhân, đồng thời biết chú tâm đến việc mở mang công nghiệp, phát triển thương nghiệp, đơn giản hóa tổ chức công vụ, áp dụng đường lối địa phương phân quyền, khuyến khích các sáng kiến tự túc phát triển xã ấp.  Trong lúc đó, ở phía bắc vĩ tuyến, Trung cộng ngăn trở Việt Nam thống nhất, thuyết phục Việt Nam truờng kỳ mai phục, bày ra vụ “Lưỡi rồng Trung Quốc” để âm mưu độc chiếm biển đông, ấn hành bản đồ Trung Quốc với biên giới phía nam kéo xuống tận Quảng Bình. Vì những thất bại chua cay trước đây khi noi gương Trung cộng tiến hành chiến dịch đấu tố trong cải cách rrộng đất, chiến thuật biển nguời trong chiến tranh chống thực dân, nên Việt Nam lần này không chịu nghe lời Trung cộng làm cách mạng văn hóa mà thực chất chỉ là chiến dịch chống Liên Xô. Bản chất bành trướng bá quyền của Trung cộng làm cho phe thân Trung Quốc ở Việt Nam dần dần mất thế đứng, phải nhường chổ cho phe thân Liên Xô. Trường Chinh mất chức Tổng Bí thư Đảng Lao Động, để Lê Duẫn thay thế. Tiếp theo, Hoàng Văn Hoan trốn ra nước ngoài, Trần Quốc Hoàn mất chức Bộ Trưởng Nội vụ, Đặng Thai Mai bị chế riễu về bài “Đối với tôi, ánh sáng rọi từ phương bắc tới” đăng tải trên tạp chí Học Tập từ mấy năm trước. Ảnh hưởng phương bắc từ Trung cộng mờ nhạt trước ảnh hưởng phương tây từ Liên Xô. Nhờ Liên Xô mới có nhà khoa học Nguyễn Văn Hiệu. Nhờ Liên Xô mới có nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn. Khi người Mỹ đem chiến tranh ra đất bắc, cũng nhờ Liên Xô mà miền bắc mới có chiến đấu cơ Mig và hỏa tiển SAM để đối chọi với phi pháo và hải pháo của hạm đội 7 Hoa Kỳ.

Kết luận.

            Đối với Việt Nam đang đặt chân vào thềm thế kỷ 21, phương bắc có gì để sánh với phương tây?

            Phương bắc, tức là nước Tàu, chỉ có cái viễn ảnh con ngáo ộp sư tử thức giấc để hù dọa Việt Nam. Ai cũng nói đến vai trò siêu cuờng hạt nhân của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Nhà sử học Toy Bee của Anh Quốc ngay từ thập niên 60 của thế kỷ 20 đã vội vã tiên đoán Trung Quốc trong thế kỷ 21 sẽ nuốt trọn Siberia, sẽ gồm thâu Cao Ly, Nhật Bản, Mông Cổ, Trung Á, Đông Nam Á và Úc châu. Nhưng thử hỏi từ 1964 là năm Trung cộng thử quả bom hạt nhân đầu tiên đến nay, kho vũ khí nguyên tử của Trung cộng (20 ICBM, 100 IRBM, 4 SSM, và 24 SLBM) có được những gì gọi là đáng đem ra so sánh với Anh và Pháp, chứ đừng nói đến chuyện so sánh với Nga và Mỹ? Với lại, kiến thức khoa học kỷ thuật hạt nhân của Trung Quốc có được là nhờ phương tây. Tiền Học Sàng, cha đẻ vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, vốn là một giáo sư vật lý của Mỹ, sinh truởng ở Mỹ, chỉ vì bị gián điệp Trung cộng kích động tình tự dân tộc nên đã chịu về Hoa lục làm việc cho Trung cộng. Trung cộng vẫn tiếp tục chiêu mộ các khoa học gia phương tây gốc Tàu, vẫn không ngừng bỏ nhiều tiền mua và thuê đánh cắp các phát kiến khoa học hạt nhân của phương tây. Quân lực Trung cộng đông người (2,1 triệu quân nhân tại ngũ), nhưng trang bị yếu kém, chiến thuật biển người đã phá sản, trước đây đã không dạy cho Việt Nam được bài học nào, gần đây lại không răn đe được sự ươn ngạnh của Đài Loan. Mặt khác, kinh tế Trung cộng lại yếu kém. Tuy mức phát triển hàng năm khá cao, 8-9% năm, nhưng sức sản xuất chỉ chiếm 3.5% GNP  toàn cầu so với 25.6% trong trường hợp Hoa Kỳ. Đã vậy, nền kinh tế Trung cộng lại đang ở trên tiến trình suy thoái. Với tư thế một quốc gia kinh tế hạng hai như vậy, Trung cộng không thể có điều kiện để chạy đua vũ trang và theo đu°i một cuộc chiến tranh kỷ thuật cao (high-tech) với Nga hoặc với Mỹ.

            Việt Nam từ ngàn xưa vốn có tâm lý phục Tàu và sợ Tàu. Phục là vì quanh ta chỉ có Tàu là văn minh. Sợ là vì quanh ta toàn là các giống dân hèn yếu, đối mặt với ta chỉ có Tàu, mà Tàu thì to lớn lại chỉ lăm le đè bẹp mình. Từ khi tiếp xúc với phương tây, nhất là từ thời Pháp thuộc, ta không còn sợ Tàu. Ta cũng giảm sự phục Tàu rồi đi dần đến tâm lý xem thường Tàu. Nguyên nhân là vì đối mặt với ta, ngoài Tàu còn có những nước phương tây cũng văn minh như Tàu. Ta bắt đầu tìm hiểu tư tưởng, học thuật phương tây qua trung gian người Tàu; về sau ta trực tiếp học hỏi người phương tây, và về một số khía cạnh, ta đã vượt qua mặt Tàu.

            Thời gian qua, có một số người Việt Nam trở lại tâm lý phục Tàu. Họ trách người phương tây đã làm cho Việt Nam xa rời văn minh Đông Á (chủ yếu là Tàu). Họ tiếc việc phổ cập chữ quốc ngữ đã ngăn cản người Việt đọc sách xưa viết bằng Hán tự. Nhưng trách như vậy là không đúng. Đọc sách xưa viết bằng Hán tự không cần phải bỏ chữ quốc ngữ để phí nửa đời người trở lại học chữ Hán. Chỉ cần lập một viện Hán học hay các ban phiên dịch cổ thư ở các trường Đại học là đủ. Còn văn minh Đông Á ? Chả lẽ vào thời đại tin học ngày nay, ta lại còn khư khư bám chặt tam cương ngũ thường, bức hiếp phụ nữ, chà đạp nhân quyền! Chả lẽ ta còn dốc lòng tin tưởng vào lưỡng nghi, tứ tượng, ngũ hành tương xung, tương khắc, để rồi con gái tuổi dần không ai chịu cưới, ngày mùi không ai chịu đi nhà thương khám bệnh uống thuốc (mùi bất phục dược)!

            Ngày nay chính người Tàu cũng phải học hỏi người phương tây. Chủ nghĩa mao-ít là kết quả của việc học tập chủ nghĩa mác-xít lê-ni-nít. Chính người Tàu đang tìm cách ve vãn người Mỹ để hưởng qui chế tối huệ quốc, gia nhập tổ chức WTO, nhằm mục đích chấn hưng kinh tế quốc dân. Chính người Tàu đang tìm cách liên minh với người Nga để được mua tàu ngầm nguyên tử, phi cơ SU- 30, nhằm mục đích canh tân quân đội, ngõ hầu đương đầu với cái thế áp đảo của quân lực Hoa Kỳ.

            Mà Nga hay Mỹ thì cũng đều là những nước phương tây. Việt Nam thế kỷ 21 chẳng có gì để học hỏi ở phương bắc. Việt Nam thế kỷ 21 dứt khoát hướng về phương tây, tìm ở phương tây tư tuởng và kiến thức để nâng cao mức sống cũng như sức mạnh để làm đối trọng quân bình tương quan ảnh hưởng trong mục đích giải tiêu áp lực đe dọa từ  láng giềng phương bắc.

                                    Tháng giêng năm 2000

                                              Minh Vũ Hồ Văn Châm







No comments: