Sunday, February 16, 2014

BIẾN ĐỘNG MIỀN TRUNG I

Biến Động Miền Trung
Tác Giả:  Liên Thành
Phần 1
L.T.S : Cuộc "cách mạng" 1-11-63 thành công, làm xáo trộn tình hình chính trị, đồng thời đưa đến những hệ lụy không hay cho nhân dân miền Nam, mà khởi đầu là biến động miền Trung - Sự kiện này đã làm lộ rõ những tham vọng, những mưu đồ bất chính của những con người đội lốt nhà tu, những tướng lãnh, chính trị gia hoạt đầu - Những người này đã cố ý hoặc vô tình bị cán bộ cộng sản nằm vùng sai khiến, làm tay sai cho chúng phá hoại, để rồi sau đó chúng cưỡng chiếm miền Nam
       Có những sự thật mà chưa được ai nói đến, các nhân chứng trong giai đoạn lịch sử này mỗi lúc một già, mỗi ngày một qua đi, đem theo những bí mật về bên kia thế giới, mai đây các thế hệ sau lấy đâu tra cứu .
       Chúng tôi được tác giả Liên Thành, một người sinh ra và lớn lên rồi phục vụ ở cố đô Huế, ông là cựu Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên - Huế, đã nắm vững tình hình từ sau ngày 1-11-63 vì khi đó ông đã phục vụ, đã tham dự vào những sự kiện lịch sử này, nay kể lại cho mọi người cùng nghe.
       Ban Biên Tập cũng minh xác: chúng tôi không hề có ý đả phá bất cứ tôn giáo nào, cụ thể là Phật Giáo.  Xin đừng hiểu lầm vì nhiều nhân sự trong loạt bài này là những đảng viên cộng sản, trà trộn vào hàng ngũ chư tăng, đội lốt nhà tu để hoạt động cho mục đích riêng của họ. Hơn nữa ông Liên Thành là một Phật tử thuần thành.  Gia đình ông có truyền thống đạo đức lâu đời, chú và anh ruột của ông là hai vị thượng Toạ, đức cao, vọng trọng tại Huế, nên ông cũng rất cẩn trọng về việc này và không muốn bị đánh giá không đúng về những điều ông công bố.
                                                                                                                      TS/BĐQ
***
Miền Trung và Thừa Thiên-Huế sau ngày 1-11-1963
 
Tại miền Trung, đặc biệt là Thừa Thiên, Huế, đại đa số quần chúng theo đạo Phật, có thể đến 2/3 dân số.  Trong cuộc đảo chánh 1/11/1963 lật đổ nền Đệ I Cộng Hòa và hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng hai bào đệ của Tổng Thống là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn, ngoài Hoa Kỳ và một số Tướng Lãnh VNCH, Phật Giáo Ấn Quang là một trong những lực lượng chủ lực của cuộc đảo chánh này. Vì vậy sau khi thành công, thế lực và ảnh hưởng của Phật Giáo Ấn Quang trong chính quyền và quần chúng rất mạnh.
Thành phố Huế có 3 quận đó là quận 1,2,3. (hay Hữu Ngạn, Tả Ngạn và quận Thành Nội).  Tỉnh Thừa Thiên có 10 quận từ bắc giáp ranh với tỉnh Quảng Trị là Phong Điền,Quảng Điền, Hương Điền, Hương Trà, Phía nam thành phố Huế là Hương Thủy, Phú Vang, Vinh Lộc, Phú Lộc, Phú Thứ, phía tây là Quận lỵ Nam Hòa. Tổng cộng có 73 Xã.
       Dựa theo hệ thống tổ chức địa dư và hành chánh của Chính Phủ VNCH, Phật Giáo Ấn Quang có 73 Khuôn Hội Phật Giáo ở cấp Xã, 13 Khuôn Hội Phật Giáo ở cấp Quận, và Tỉnh hội Phật Giáo. Ngoài ra, trong chính quyền, Phật Giáo Ấn Quang còn có các tổ chức ngoại vi: Công Chức Phật Tử, Học Sinh Phật Tử, Sinh Viên Phật Tử, Sư Đoàn I thì có Quân Nhân Phật Tử (Chiến Đoàn Nguyễn đại Thức). Cảnh Sát Quốc Gia thì có Cảnh Sát Phật Tử, đặc biệt hơn nữa là các bà tiểu thương Phật Tử chợ Đông Ba.
       Lãnh đạo Phật giáo miền Trung và Thừa Thiên Huế là thầy Thích Đôn Hậu, trụ trì Chùa Linh Mụ, với chức vụ Chánh Đại Diện Phật Giáo Ấn Quang Miền Vạn Hạnh.  Thích Đôn Hậu là cơ sở nồng cốt và lá bài tối quan trọng của Cộng Sản tại miền Trung, bắt rễ sâu trong Phật Giáo. Tên cán bộ cộng sản điều khiển Thích Đôn Hậu trong bóng tối chính là Hoàng Kim Loan.
       Mậu Thân 1968, trong những ngày đầu chiếm Huế, Hà Nội tưởng đã thắng nên cho Thầy tu Thích Đôn Hậu xuất đầu lộ diện trong lực lượng ngoại vi của Cộng Sản: Lực Lượng Liên Minh Dân Chủ Dân Tộc Hòa Bình. Những ngày kế tiếp khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Cảnh Sát Quốc Gia và lực lượng Hoa kỳ phản công mạnh tái chiếm Huế, Hoàng Kim Loan đã phái cán bộ hộ tống Thích Đôn Hậu qua ngã Chợ Thông, Văn Thánh lên mật khu và từ đó đi ra Bắc. Tại Hà Nội, Đôn Hậu cùng với các tên Cộng Sản nằm vùng tại Huế trước 1966 như Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Thất Dương Tiềm v.v…theo lệnh Trung Ương Đảng thành lập phái đoàn Đại Diện Trí Thức và Tôn Giáo Miền Nam đi Trung Cộng, Tây Tạng, truyên truyền cho Hà Nội. Đến 1975, y trở lại trụ trì tại Chùa Linh Mụ.
       Nhân vật thứ hai đầy quyền uy không những đối với Phật Giáo đồ miền Trung mà toàn cả Phật Giáo đồ miền Nam Việt Nam đó là Thích Trí Quang - Ông này tên thật là Phạm Văn Bồng, quê quán làng Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cùng quê với Tổng Thống Ngô Dình Diệm. Xuất gia từ năm 14 tuổi, trước 1955 y đã trú ngụ tại Chùa Từ Đàm.  Chùa Từ Đàm nằm về phía tây thành phố Huế cạnh dốc Nam Giao và dốc Bến Ngự, sát bên nhà thờ cụ Phan Bội Châu.  Trụ trì chùa Từ Đàm là Thích Thiện Siêu cũng là cơ sở của Hoàng Kim Loan.  Sau năm 1975, Thiện Siêu được Hà Nội cho làm Dân Biểu trong Quốc Hội Của chúng.  Theo hồ sơ của sở Liêm Phóng tức Mật Thám Pháp còn lưu tại ban Văn Khố Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên, Huế và sau nầy tin tức thẩm vấn cán bộ Việt Cộng được cập nhật thêm, thì Thích Trí Quang là đảng viên Cộng Sản.  Thích Trí Quang gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam vào 1949 tại mật khu Lương Miêu, Dương Hòa. Lương Miêu.  Dương Hòa là một làng nhỏ nằm về phía tây lăng vua Gia Long cách làng Đình Môn khảng 30 cây số đường bộ. Người kết nạp và chủ tọa buổi lễ gia nhập đảng cho Thích trí Quang là Tố Hữu, đảng viên cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam.  Mùa thu năm 2000 tại Hà Nội, nhân nói đến các nhân vật chính trị tại miền Nam trước 1975, chính Tố Hữu xác nhận y là người kết nạp Phạm Văn Bồng tức Thích Trí Quang vào đảng Cộng Sản.
       Tên Việt Cộng thứ 3 đội lốt thầy tu, tối nguy hiểm, đó là Thích Chánh Trực, đệ tử ruột, truyền nhân của Thích Trí Quang.  Thích Chánh Trực tu tại Chùa Tường Vân, nằm giữa chùa Từ Đàm và Đàn Nam Giao.  Chùa Tường Vân là nơi tu hành của Ngài Thích Tịnh Khiết Giáo Chủ Phật Giáo VN.  Thích Chánh Trực hoạt động bề nổi, mọi cuộc biểu tình, tuyệt thực, lên đường xuống đường, đều có mặt Thích Chánh Trực. Trực là cơ sở Tôn Giáo Vận của Hoàng Kim Loan đã từng đưa Hoàng Kim Loan vào ở với y tại Chùa Tường Vân trong hơn 1 năm.  Tên này dáng dấp cao to, mắt trắng môi thâm, nhìn thẳng vào hắn thấy rõ 3 chữ: Tham, Sân, Si, hiện trên nét mặt, khuôn mặt của kẻ lưu manh gian ác.  Hắn đã lén lút có một đứa con trai với một nữ tín đồ, chuyện này Hoàng Kim Loan biết rõ hơn ai hết.
       Từ sau ngày đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, thế lực, quyền lực tột đỉnh của Phật Giáo Ấn Quang tại miền Trung và Thừa Thiên-Huế, nằm gọn trong tay của 3 tên Cộng Sản: Thích Đôn Hậu, Thích Trí Quang, Thích Chánh Trực.  Phía sau hậu trường là Hoàng Kim Loan cán bộ Điệp báo phụ trách Dân Vận, Trí Vận và Tôn Giáo Vận sắp xếp và giựt giây.  Chùa Từ Đàm trở thành Dinh Độc Lập tại miền Trung, Trung Tâm Quyền Lực.  Mọi bổ nhiệm các cấp chỉ huy Hành Chánh và Quân sự từ Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng v.v... tại 6 Tỉnh miền Trung và đặc biệt là Thừa thiên - Huế, đều phải có sự chấp thuận của Chùa Từ Đàm, của Thầy.  Mọi cuộc biểu tình, lên đường, xuống đường, tuyệt thực, tự thiêu chống đối chính quyền Trung Ương Sài Gòn, đều xuất phát từ chùa Từ Đàm, từ Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu.
       Trong khi đó thì tên điệp báo Việt Cộng Hoàng Kim Loan dựa vào thế lực của Thích Đôn Hậu, Thích Trí Quang, Thích Chánh Trực, tổ chức, kết nạp và gài nội tuyến vào hàng ngũ Phật Giáo. Từ khuôn Hội Phật Giáo ở cấp Xã, Quận, Tỉnh Hội, vào Tổng Hội Sinh Viên Đại Học Huế, vào Tổng Hội học sinh tại các trường Trung Học, vào các nhóm tiểu thương chợ Đông Ba, Bến Ngự, và vào cơ quan Quân Sự, Hành Chánh của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại Thừa Thiên, Huế.  Ngay cả một vài Đảng phái chính trị xưa nay nổi tiếng chống Cộng cũng bị Hoàng Kim Loan cài nội tuyến vào.

       Ngay khi tiếng súng Cách Mạng 1-11-1963 vừa dứt tại Huế, theo lệnh Hà Nội, mục tiêu đầu tiên của Hoàng Kim Loan là đánh tan tành, đánh vỡ ra từng mảnh vụn các cơ quan Tình Báo Quốc Gia và giải thoát tất cả các cán bộ cao cấp của bọn chúng đã bị các cơ quan này bắt giữ.
       Thừa Thiên- Huế trước 1963, các cơ quan An ninh, Tình báo hoạt động rất hữu hiệu.  Hầu hết các tổ chức, cơ sở Việt Cộng đều bị khám phá và bị bắt giữ bởi Ty Công An Thừa Thiên.  Trưởng Ty là Ông Lê Văn Dư, và Đoàn Đặc Nhiệm Công Tác Miền Trung, Trưởng Đoàn là Ông Dương Văn Hiếu.  Thế nhưng, còn có một cơ quan tình báo tối mật của quốc gia đóng tại Huế mà hầu như ít ai biết được.
       Ai đã từng ở Huế cũng đều biết vị trí của tòa Đại Biểu Chính Phủ nằm trên đường Lê Lợi, đối diện với trường Luật của Viện Đại Học Huế.  Sát bên bờ sông Hương cạnh Tòa Đại Biểu.  Mặt sau của Bộ Chỉ Huy Tỉnh Đoàn Xây Dựng Nông Thôn có một ngôi biệt thự màu hồng, trang nhã, trầm lặng, mặt tiền nhìn ra dòng sông Hương, một dàn hoa vông vang vàng như nghệ phủ kín bờ tường, đường vào cổng chính của ngôi biệt thự cứ mỗi độ hè về hai hàng phượng vĩ bên vệ đường nở đỏ phủ đầy lối đi. Thoạt nhìn cứ ngỡ ngôi biệt thự màu hồng nầy là của một giai nhân quí phái nào đó ở đất Thần kinh.  Nào có ai ngờ rằng ngôi biệt thự màu hồng thơ mộng này chính là Bộ Chỉ Huy một Cơ Quan Tình Báo Tối Mật của Quốc Gia, chỉ huy và điều khiển những Điệp Vụ ngoài Bắc.  Những điệp viên của cơ quan nầy tung ra miền Bắc với nhiệm vụ phá rối Chính Trị, tổ chức và phát động những phong trào nhân dân nổi dậy chống đối chính quyền Hà Nội.
       Đạo diễn chính vụ nhân dân Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An nổi dậy chống chính quyền Miền Bắc vào năm 1956 là một thí dụ điển hình công tác và nhiệm vụ của cơ quan này. Vào năm 1955, tại làng Phú Cam, trong khu vườn rộng nhà ông Nguyễn Văn Đông Tỉnh Trưởng Tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn văn Đông đã cất một ngôi nhà tranh cho một người bạn thân trú ngụ. Người nầy thoạt nhìn khuôn mặt khó đoán được tuổi tác là bao nhiêu 30, 35, 40 tuổi? Nhỏ người, dáng dấp thư sinh, nhưng nét mặt rất thông minh, nói giọng khó nghe, xuất phát từ Nghệ An, Hà Tĩnh.  Ít ai biết được chàng thư sinh nầy đi giờ nào và về giờ nào, nếu có tình cờ thấy anh ta đang đạp chiếc xe đạp lọc cọc đi làm thì cũng nghỉ rằng anh ta chỉ là một thầy giáo hay là một công chức nghèo. Chàng thư sinh này chính là ông Phan Quang Đông người chỉ huy một cơ quan Tình Báo Tối Mật của Quốc Gia với những Điệp Vụ phía bắc vĩ tuyến 17.  Ông ta là chủ nhân của ngôi biệt thư màu hồng, một nhân vật thượng đẳng, một Bông Hồng hiếm quí của Tình Báo miền Nam.
       Tại Huế một vài ngày sau khi cuộc Cách Mạng lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, theo lệnh của của Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu, hằng chục ngàn Phật Giáo đồ ồ ạt xuống đường biểu tình hoan hô, đả đảo, truy bắt Cần Lao, truy bắt Công An, Mật Vụ Nhu Diệm. Cấp chỉ huy các đơn vị tình báo của Ty Công An Thừa Thiên Huế và Đoàn Đặc Nhiệm công tác miền Trung kẻ bị bắt tống giam vào lao Thừa Phủ, kẻ bị sa thải, kẻ thì bỏ trốn. Chỉ huy Trưởng Cơ Quan Điệp Báo hoạt động tại miền bắc là Phan Quang Đông cũng cùng chung số phận.
       Tướng Đỗ Cao Trí là Tư Lệnh lực lượng đảo chánh tại Huế đã phái một đơn vị nhỏ cùng với một sĩ quan bao vây căn nhà màu hồng bắt ông Phan Quang Đông.  Ông Phan Quang Đông nói với viên Sĩ Quan:
       - Tôi phải gặp Tướng Đỗ Cao Trí trước khi nạp mình cho các anh.
       Yêu cầu của ông Đông đã được Tướng Đỗ Cao Trí chấp thuận. Buổi gặp mặt chỉ có 3 người. Tướng Đỗ Cao Trí, ông Phan Quang Đông và chánh văn phòng của ông Đông.  Ông Đông nói rất ngắn, gọn với Tướng Đỗ Cao Trí:
       - Chúng tôi hoạt động ngoài Bắc. Không dính dấp gì đến chuyện trong Nam.  Một số nhân viên của tôi hiện đang hoạt động ngoài đó Thiếu tướng lo cho họ.
       Không một hồ sơ, tài liệu, danh sách nhân viên và máy nóc truyền tin liên lạc ngoài Bắc được ông Phan Quang Đông chuyển giao lại cho Tướng Trí. Tất cả đã biến mất nhiều giờ trước khi căn nhà màu hồng nầy bị bao vây.  Đây là quyết định và hành động của ông Đông để bảo mật và bảo vệ sinh mạng cho nhân viên, những Điệp viên đang hoạt động và đang kẹt lại tại miền Bắc.
       Các cuộc biểu tình hoan hô Cách Mạng, đã đảo Nhu, Diệm, Cần Lao, Công An, Mật Vụ vẫn tiếp tục tại Huế.  Một nguồn tin được tung ra: Một số quí Thầy bị Mật Vụ Nhu, Diệm bắt hiện đang giam tại Chín Hầm.
        Trước 1963, ít ai nghe và cũng chẳng ai biết địa danh Chín Hầm. Chín Hầm nằm về phía Tây thành phố Huế, ngay phía sau lăng Vua Khải Định và cạnh dòng tu Thiên An. Đó là một dãy 9 hầm của quân đội Nhật, rồi đến quân đội Pháp dùng để chứa đạn, đúng nghĩa đó là 9 hầm chứa đạn, kho đạn.  Sau khi nguồn tin được tung ra là các Thầy bị giam tại Chín Hầm, đã có người hướng dẫn, hằng ngàn thiện nam, tín nữ, Sinh Viên, Học Sinh, các bà tiểu thương chợ Đông Ba ào ạt kéo lên Chín Hầm giải thoát cho Quí Thầy.
       Màn kịch diễn ra tại Chín Hầm thật thương tâm, khiến người thiệt thà ngây thơ đứng xem phải rơi lệ. Soạn giả và diễn viên của vở kịch nầy quá xuất sắc. Quí Thầy được các tín đồ đưa từ các hầm giam ra ngoài, có thầy quá đuối sức đi không nổi phải có người dìu đi.  Quí thầy đều mặc áo nâu sồng, đầu cạo láng bóng.  Tín đồ nhào vào nhất là các bà tiểu thương Phật Tử chợ Đông Ba ôm chầm Quí Thầy khóc lóc thảm thiết.  Nào ai biết được, tất cả là đồ giả, Quí Thầy là đồ giả. Bọn chúng là đám Việt Cộng thứ thiệt, thứ cao cấp bị bắt giữ.
       Trước đó một vài hôm, cơ sở của bọn chúng đã đem áo nâu sồng vào cho bọn chúng mặc, cạo đầu láng bóng, ngồi đợi để được giải thoát.  Mà Quí Thầy được giải thoát thật.  Nhưng sau khi được giải thoát, Quý Thầy không về chùa mà lại lên núi tu hành tại các mật khu để rồi Mậu Thân 1968 tu hành đắc đạo xuống núi bắn giết đồng bào Huế.  Ra lệnh chôn sống gần 5000 ngàn thường dân trong những mồ chôn tập thể, trong số 5000 ngàn nạn nhân đó số lượng phật giáo đồ chân chính không phải là nhỏ, rồi đến 1975 bọn này lại bắt bớ tù đày biết bao nhiều người dân Huế.
       Màn bi kịch Chín Hầm vừa nói trên đạo diễn là Thích Đôn Hậu, ThíchTrí Quang, Thích Chánh Trực.  Diễn viên là Hoàng Kim Loan và các cơ sở của hắn đã cài vào trong hàng ngũ Phật Giáo.  Bọn chúng đã hoàn tất nhiệm vụ mà Hà Nội giao phó: Giải Thoát tất cả các cán bộ Cộng Sản cao cấp bị lực lượng An ninh của Chính Phủ Việt Nam Coông Hòa bắt giữ .
       Những ngày kế tiếp, dưới áp lực của Quí Thầy, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cho thành lập Tòa Án Quân sự tại Huế đem Ông Phan Quang Đông ra xử.  Với tội danh: Mật Vụ Nhu, Diệm. đàn áp Phật Giáo, thủ tiêu, bắt giam và hành hạ dã man, tàn bạo Quí Thầy và tín đồ Phật Giáo. Với tội danh bị vu cáo này, toà tuyên án tử hình Phan Quang Đông. Và Ông đã bị xử bắn tại sân vận động Tự Do tức sân Vận Động Bảo Long tại Huế.  Đồng ý khi bước chân vào nghề Tình báo, nghề của một Điệp Viên, sinh nghề tử nghiệp đó là chuyện thường tình khi bị sa vào tay địch. Nhưng đau đớn và nghiệt ngã là địch đã dùng những người Quốc Gia, dùng súng của những người cùng chiến tuyến chống Cộng Sản, bắn những phát đạn vào thân thể ông.  Nỗi oan khiên ngút tận trời xanh, chỉ có Ông biết, chiến hữu của Ông biết, trời biết, đất biết, hồn thiêng sông núi biết vàTổ Quốc Ghi Công.  Những người ngồi xử ông Phan Quang Đông, từ Chánh Án, Chánh Thẩm, Công Tố là những Sĩ Quan, là những viên chức cao cấp hành chánh của Chính Phủ miền Nam Việt Nam. Giờ này họ còn hay đã mất, tại quê nhà hay hải ngoại, có ai hối hận không, khi đem Ông Phan Quang Đông một cấp Chỉ huy thượng đẳng của cơ quan Điệp Báo miền Nam hoạt động ngoài Bắc ra xử bắn.  Các ông đã quá hèn hạ sợ mất lon, mất chức, bán rẻ lòng lương thiện tối thiểu, cúi đầu theo lệnh những tên Việt Cộng nằm vùng trong Phật Giáo như Đôn Hậu, Trí Quang và sau lưng là Hoàng Kim Loan, là Cục 2 Quân Báo và Nha Liên Lạc tức Cục Tình Báo Chiến Lược của Hà Nội. 
       Sau ngày 1-11-1963, hệ thống tình báo hữu hiệu của miền Nam đối đầu với 2 cơ quan Cục Quân Báo và Cục Tình Báo Chiến Lược của Cộng Sản Hà Nội hoàn toàn bị sụp đổ.  Cơ quan Tình Báo phụ trách miền Bắc của ông Phan Quang Đông và Đoàn các Công Tác Đặc Biệt phụ trách an ninh miền Nam của Ông Dương Văn Hiếu bị địch dùng bàn tay người quốc gia: Hội Đồng Cách Mạng đánh phá tan tành, kẻ bị bắt tù đày, kẻ bị sa thải. Tất cả đều mang tội danh Mật Vụ của Nhu, Diệm đàn áp Phật Giáo.
       Thử nhìn lại một vài thành quả công tác của hai cơ quan này, để thấy có phải họ là Mật Vụ đàn áp Phật Giáo hay không: Vụ nhân dân Quỳnh Lưu Tỉnh Nghệ An nổi dậy chống chính quyền miền Bắc năm 1956, kế hoạch và hành động đều do ông Phan Quang Đông và những Điệp viên ông gởi ra miền Bắc thực hiện. Còn nhiều những điệp vụ khác nữa, mà mãi đến nay tuy thời gian tính cũng đã quá lâu, nhưng vẫn không thể tiết lộ.

Biến Động Miền Trung
Tác Giả:  Liên Thành
Phần 2
       Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung do Ông Dương Văn Hiếu Chỉ huy.  Trách nhiệm của cơ quan này là đối đầu và vô hiệu hóa mọi hoạt động của những Điệp viên thuộc hai cơ quan tình báo miền Bắc gởi vào Nam: Đó là Cục 2 Quân Báo và Cục Tình Báo Chiến Lược tức Nha Liên Lạc. 
       Tổ chức Điệp Báo của Cục 2 Quân Báo và Cục Tình Báo Chiến Lươc của Cộng Sản rất tinh vi, phương pháp hành động của chúng là: Đơn Tuyến, Chia cách, và Bảo Mật tối đa. Chỉ Huy Trưởng Cục 2 Quân Báo tại Hà Nội là Đại Tá Lê Trọng Nghĩa
       Tại Miền Nam, Bộ chỉ Huy Cục 2 Quân báo đóng tại vùng núi Cao nguyên Trung phần thuộc Tỉnh Pleiku và Đại Tá Lê Câu làm Chỉ Huy Trưởng. Trước 1954, Lê Câu với quân hàm Thiếu Tá, chỉ huy màng lưới Quân Báo các Tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam. Đại Tá Lê Câu bị Đoàn Đặc Nhiệm miền Trung bắt vào năm 1961, khi y rời căn cứ về Sài Gòn, đến nhà Phạm Bá Lương để tiếp xúc và nhận tài liệu mật của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa do Phạm Bá Lương cung cấp.  Phạm Bá Lương là cơ sở nội tuyến của Đại Tá Lê Câu.  Phạm bá Lương làm tại Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa với chức Vụ Công Cán ủy Viên.  Bộ trưởng Ngoại Giao thời đó là ông Vũ Văn Mẫu. Sau 1975 Lê Câu giữ chức Vụ Tổng Thanh Tra ngành Công An Việt Cộng. 
       Nhân vật kế tiếp bị Đoàn Đặc Nhiệm Miền Trung bắt là Trần Quang, Thường vụ Tỉnh Đảng Bộ Quảng Trị.  Trần Quang được Đảng Bộ Liên Khu 5 bổ nhiệm làm trưởng lưới Điệp Báo từ Quảng Trị vào đến Phan Thiết và các tỉnh Cao Nguyên Trung Phần. 
        Nguyễn Vĩnh Nghiệp cán bộ đặc trách Khu ủy Sài Gòn Tư Hùng Cán Bộ Đặc Khu Sài Gòn. Toàn bộ là Đảng viên Cộng sản nằm trong Tổng Liên Đoàn Lao Công của ông Trần Quốc Bửu bị sa lưới Đoàn Đặc Nhiệm Công Tác Miền Trung. 
       Tư Lung, Thường Vụ Liên Khu ủy Liên Khu 5 gồm các tỉnh Đảng Bộ từ Quảng Trị đến Phan Thiết và Cao Nguyên Trung Phần.  Nhiệm vụ của Tư Lung là điều hành và chỉ đạo mọi sách lược của Đảng Cộng Sản đối với các tỉnh vừa nêu trên.  Tư Lung bị Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm bắt ngay tại đường Cống Quỳnh Sài Gòn vào năm 1958.
       Nguyễn Lâm, trưởng Ban Điệp báo Liên Khu 5, bị Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung bắt vào cuối năm 1957 tại Saigòn. 
       Mục tiêu kế tiếp của Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung là Cục Tình Báo Chiến Lược Việt Cộng hay Nha Liên Lạc. Chỉ huy trưởng Tổng Cục Tình Báo Chiến lược Việt Cộng là Trần Hiệu. Người chỉ huy Cục Tình báo Chiến Lược Việt Cộng tại Miền Nam Việt Nam là Trần Quốc Hương tự Trần Ngọc Trí tức Mười Hương.
       Mười Hương là Khu Uỷ Viên là Chính Ủy. Từ miền Bắc hắn vào miền Nam với nhiệm vụ kiểm tra và chỉ đạo mọi công tác của Cục Tình Báo Chiến Lược Việt Cộng tại miền Nam, đồng thời phân tích và lượng giá tình hình quân sự và chính trị của chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa để Trung Ương Đảng tại Hà Nội có kế hoạch đối phó.  Mười Hương đã bị Đoàn Công Tác Miền Trung bắt tại Sài Gòn vào tháng 7 năm 1958.
       Minh Vân tức Đại Tá Nguyễn Đình Quảng được Cục Tình Báo Chiến lược Việt Cộng Hà Nội tung vào miền Nam theo những người di cư vào năm 1954. Bị Đoàn Công Tác Miền Trung bắt vào năm 1958. 
       Trần Tấn Chỉ, nguyên phó Trưởng Ban Tình báo thành phố Hải Phòng, cán bộ chuyên nghiệp trong ngành Tình Báo Chiến Lược. Theo lệnh của Tổng Cục Trưởng Trần Hiệu xâm nhập miền Nam hợp pháp bằng cách nhập vào đoàn dân di cư vào Nam 1954. Tại Sàigòn, y đã len lỏi vào làm việc tại cơ quan USIS của tòa Đại Sứ Mỹ. Trần Tấn Chỉ bị Đoàn Công Tác Miền Trung phát giác hành tung và bắt giữ vào năm 1958.
       Đại Tá Văn Quang tức Trang Công Doanh, cán bộ nòng cốt của Cục Tình Báo Chiến lược. Đại Tá Quang theo đoàn người di cư vào Nam năm 1954. Y được Đặc Khu Saigon - Chợ Lớn Cộng Sản đưa vào làm việc tại cơ quan USOM của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, Saigòn.  Đại Tá Văn Quang bị Đoàn Công Tác Miền Trung bắt vào 1958. 
       Lê Thanh Đường, phái khiển Tình Báo. Thuộc Cục Tình Báo Chiến Lược theo đợt di cư 1954 vào Nam. Nghề Nghiệp hợp pháp tại Sàigòn: Nhân viên Tổng nha Công Chánh tại Sàigòn. Lê Thanh Đường bị Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung bắt vào 1959. 
       Tôn Hoàng, phái khiển Tình Báo,Cục Tình Báo Chiến Lược Cộng Sản.  Theo đợt di cư 1954 vào Nam, Tôn Hoàng bị Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung bắt năm 1959. 
       Dư Văn Chất, phái khiển Tình Báo, Cục TBCL Cộng Sản, theo đợt di cư 1954 vào Saigòn, chức vụ Trưởng Lưới Tình Báo. Dư Văn Chất bị Đoàn CTĐNMT bắt vào năm 1958 tại Saigòn.  Sau 1975 Dư Văn Chất giữ chức vụ Ủy Viên Thành Ủy Đảng Bộ TP/HCM kiêm Trưởng Ban Tuyên Huấn Thành Ủy.
        Nguyễn Văn Hội, Trưởng phòng Giao Thông Cục Tình Báo Chiến lược.  Trước 1954 Nguyễn Văn Hội là Trưởng Ban Điệp Báo Của Liên Khu Ủy 5.  Nhiệm vụ của Nguyễn Văn Hội là tổ chức hệ thống giao thông, giao liên của Cục TBCL Việt Cộng tại Việt, Miên, Lào.  Nguyễn Văn Hội bị Đoàn CTĐNMT bắt vào năm 1958.
       Hoàng Hồ, phái khiển Tình Báo. Cục Tình Báo Chiến Lược Cộng Sản.  Hoàng Hồ là Chủ Nhiệm Tuần Báo Trinh Thám tại Sàigòn.  Hoàng Hồ bị Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung bắt giữ.  Sang Đệ Nhị Cộng Hòa y là Dân Biểu.
       Vũ Ngọc Nhạ, Điệp Viên thuộc Cục TBCL Cộng Sản. Bị Đoàn CTĐBMT bắt lần 1 tại Sàigòn.  Sau đó bị Đại Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Cảnh Sát Đặc Biệt Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia và bộ phận Đặc Biệt của ông gồm những người cũ trong Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung của Ông Dương Văn Hiếu bắt lần thứ 2, và triệt tiêu Cụm A 22 TBCL khi y xâm nhập tiếp cận với Phủ Tổng Thống VNCH.
       Trước đó, hầu hết những cán bộ Cộng Sản thuộc Cục 2 Quân Báo và Cục Tình Báo Chiến Lươc Cộng Sản bị Đoàn CTĐBMT bắt giữ đều được đưa ra Huế giam giữ tại lao Thừa Phủ (Mặt sau tòa Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên và thị Xã Huế) hoặc Chín Hầm.  Những ngày đầu của cuộc Cách Mạng 1-11-1963, Cục 2 Quân Báo, và Cục Tình Báo Chiến Lược Cộng Sản qua Thầy tu Thích Đôn Hậu, Trí Quang, và Phái Khiển Tình Báo, Điệp viên Hoàng Kim Loan đã giải thoát một số bọn chúng tại Chín Hầm. 
       Số còn lại cách đó không lâu, đã được Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đưa vào SàiGòn, và Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng là Trung Tướng Dương Văn Minh, và Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân, Tổng Giám Đốc Tổng Nha Cảnh Sát đã trân trọng trả tự do cho bọn Cộng Sản này vào đầu năm 1964.  Để rồi bọn chúng tái hoạt động mạnh hơn, tinh vi hơn, tung hoành ngang dọc, tổ chức và gài người cùng khắp mọi đoàn thể chính trị, đảng phái, cơ quan dân sự hành chánh cũng như trong Quân Đội mà không một ai dám đụng đến bọn chúng kể cả các Tướng Lãnh trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, đến các chỉ Huy trưởng mọi cơ quan Tình Báo Dân Sự cũng như Tình Báo Quân Đội, và ngay đến các vị tướng Tư Lệnh các Quân Khu, có gan to bằng trời cũng không dám đụng đến bọn cán bộ Cộng Sản thứ thiệt và đám Việt Cộng đội lốt Thầy Tu này, vì đụng đến bọn chúng là bị chụp mũ: Tàn dư chế độ Nhu, Diệm, dư Đảng Cần Lao, đàn áp Quí Thầy và Phật giáo đồ, lập tức bị biểu tình đả đảo và bay chức ngay.
       Sau 1-11-1963, Thích Trí Quang là Đấng Quốc Phụ của miền Nam Việt Nam, không một Chính Phủ nào tại Trung Ương Sàigòn có thể đứng vững quá 3 tháng nếu đi lệch hướng chỉ đạo của ông ta. Tướng lãnh trong Hội Đồng Cách Mạng bắt đầu thanh toán nhau tranh dành Ngôi Báu. Tướng lãnh lợi dụng Trí Quang để có được hậu thuẫn quần chúng Phật giáo, Trí Quang dùng Tướng lãnh cho mưu đồ và tham vọng của hắn.
       Các cuộc biểu tình lên đường, xuống đường chống chính phủ diễn ra hằng ngày tại Saigòn, nay đảo chánh mai chỉnh lý, cứ như vậy tiếp tục cho đến cuối năm 1965. Mỗi lần nghe nhạc hùng trên đài phát thanh Sàigon, Huế là biết ngay có đảo chánh.
       Đặc biệt nhất là cuộc chỉnh lý của tướng Lâm Văn Phát, Phạm Ngọc Thảo và Nguyễn Bảo Kiếm do bàn tay của Cục TBCL Cộng Sản đạo diễn.
        Ngày 19 tháng 2 năm 1965 tại Saigòn, Tướng Lâm Văn Phát đảo chánh, nhưng chủ soái của cuộc đảo chánh này là Đại Tá Phạm Ngọc Thảo (Đại Tá Quân Lực VNCH, cựu Tỉnh Trưởng) và Nguyễn Bảo Kiếm. Nếu cuộc đảo chánh thành công thì Đại Tá Phạm Ngọc Thảo sẽ là Thủ Tướng, Nguyễn Bảo Kiếm sẽ là Tổng Trưởng Nội Vụ Chính Phủ Việt Nam Công Hòa.  Cũng may, nhờ mấy anh Cố Vấn Mắt xanh mũi lõ ngăn trở ngầm, cuộc đảo chánh của Tướng Lâm văn Phát không thành công như Trung Ương Đảng Cộng Sản Hà Nội mong đợi, và sau đó 1967(?) Đại Tá Phạm Ngọc Thảo bị Lực lượng An Ninh bắn hạ tại Biên Hòa. Sau 1975, Phạm Ngọc Thảo được Trung Ương Đảng Công Sản phong Liệt Sĩ, Nguyễn Bảo Kiếm cũng lộ nguyên hình, hai tên nầy là điệp viên của Tổng Cục 2 TBCL Cộng Sản.
       Tại Huế trong thời gian này, tình hình cũng rối loạn không khác gì Saigòn.  Hằng loạt các cuộc đình công, bãi thị, bãi khóa, biểu tình chống chính phủ.  Mọi sinh hoạt của dân chúng hoàn toàn bị tê liệt.  Tình hình an ninh tại Thừa Thiên- Huế suy sụp trầm trọng.  Lực lượng quân sự Việt Cộng bắt đầu mở những trận đánh thăm dò ngay vòng đai an ninh gần của thành phố.
       Tháng 2-1965 Công Trường 5 Đặc Công của Đại tá Việt Cộng Thân Trọng Một, tung 2 tiểu đoàn đặc công K 1, K 2 tấn công quận lỵ Nam Hòa phía tây thành phố Huế.  Quận lỵ Nam Hòa cách thành phố chưa đầy 10Km.  Cuộc tấn công của Việt Cộng bị lực lượng quân sự tại Chi Khu Nam Hòa phản công và đẩy lui.  Trong khi đó Chỉ huy hai cơ quan chịu trách nhiệm an ninh tại thành Phố Huế là Ty Công An Thừa Thiên và ty Cảnh Sát Quốc Gia Thị Xã Huế là hai nhân vật được Trí Quang và Đôn Hậu đề cử. 
       Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thị Xã Huế là Nguyễn văn Cán thường được gọi là Quận Cán vì đương sự có bằng Cử Nhân Luật ngạch Quận Trưởng (Commissioner), đương sự có anh ruột là cán bộ Cộng Sản quân hàm Đại Tá.  Quận Cán là Cơ sở của Cục Tình Báo Chiến Lược Việt Cộng, cán bộ điều khiển của y là Hoàng Kim Loan.  Trưởng Ty Công An tỉnh Thừa Thiên là Lê Văn Phú.  Phú là em rể của Nguyễn văn Cư, đệ tử thân tín của Thích Đôn Hậu. (Sẽ đề cập đến Quận Cán tên điệp viên Công Sản này ở phần sau).  Thời gian này hai ty Cảnh sát chưa sáp nhập, một bên là ty Công An Thừa Thiên, một bên là ty Cảnh Sát thị Xã Huế.
       Đến tháng 6-1966, khi Tướng Nguyễn Ngọc Loan làm Tư Lệnh Cảnh Sát, ông cho sát nhập 2 thành một, gọi là Bộ chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã Huế, để tiện điều hành và thống nhất chỉ huy. Về Quân Sự, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế gọi là Khu 11 Chiến thuật, dưới quyền của Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn I. 
       Ông đúng nghĩa là một ông Tướng của chiến trận không phải là một nhà chính trị, vì thế dễ dàng bị Thích Trí Quang và Thích Đôn Hậu xỏ mũi kéo đi.  Chung quanh ông Tướng toàn là người của Trí Quang và Đôn Hậu cài vào.  Nhất cử nhất động của ông Tướng đều được các cơ sở của hai tên nầy báo cáo đầy đủ lên Trung Tâm Quyền Lực Từ Đàm.  Ông Tướng nghĩ rằng lợi dụng được Thích Trí Quang và Đôn Hậu thì có thể dùng lực lượng đông đảo Phật Giáo Đồ tại Huế và miền Trung, để áp lực với Chính Phủ Trung Ương cho quyền lợi và mưu đồ riêng của ông. Thế nhưng ông Tướng đã lầm, lầm to, lầm lớn.  Ông chưa đủ mưu mô thủ đoạn khôn ngoan để lợi dụng Thích Trí Quang, Đôn Hậu và đằng sau là Hoàng Kim Loan, là Cục TBCL Cộng Sản.  Ngược lại, bọn chúng cho ông vào tròng, lợi dụng ông và dùng Sư Đoàn I BB của Ông làm lực lượng nòng cốt trong cuộc khởi loạn miền Trung năm 1966, để rồi phải gánh chịu hậu quả là ông bị rời khỏi quân đội, rời khỏi quê hương, lưu đày ở xứ Cờ Hoa từ 1966 cho đến nay. 
       Nhắc đến Trung tướng Nguyễn chánh Thi, ai cũng biết ông là chuyên viên, là vua đảo chánh.  Ngày 11-11-1960 ông đảo chánh Tổng Thống Diệm, thất bại ông chạy sang Cao Miên.  Ngày 1-11-1963 Tướng lãnh đảo chánh thành công ông từ Cao Miên về làm Tư Lệnh Sư Đoàn I BB, rồi Tư Lệnh Quân Đoàn I, Quân Khu I với cấp bậc Trung Tướng.  Mỗi khi bất bình chính phủ Trung Ương ông lên máy bay vào Sài Gòn đảo chánh, vì thế ông Tướng mới có biệt danh là Vua đảo chánh.
       Vụ khởi loạn tại miền Trung - Huế của Thích Trí Quang và Đôn Hậu quá dài dòng và mọi người đều biết, tôi chỉ nói những điểm chính mà thôi.  Đầu tháng 6-1965, tình hình Chính trị tại Saigòn tạm ổn định.  Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia ra đời do Quân đội nhận lãnh trách nhiệm.  Chủ Tịch là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu.  Sau đó ngày 19-6-1965, Nội Các Chiến tranh của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ thành lập.  Thiếu Tướng KQ Nguyễn cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ tướng).  Nhìn vào thành phần Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Nội các Chiến tranh, hầu như không có người của Thích Trí Quang.  Phản ứng đầu tiên của Trí Quang là gặp Đại Sứ Mỹ Tại Sàigòn tỏ ý muốn tổ chức đảo chánh lật Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ.  Đại Sứ Mỹ hỏi Trí Quang: Nếu đảo chánh lật Thiếu Tướng Kỳ thì Thượng Tọa đưa ai thay thế, Trí Quang không trả lời được câu hỏi của Đại Sứ Mỹ, lẳng lặng ra về.
       Thích Trí Quang từ Sàigon ra Huế, phát động cuộc dấy loạn miền Trung. Bộ Chỉ Huy đầu não cuộc tranh đấu Miền Trung của Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do Thích Trí Quang lãnh đạo đặt tại Chùa Từ Đàm.  Mục đích của Trí Quang khi phát động cuộc tranh đấu Phật Giáo Miền Trung là lật đổ Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Chính Phủ Trung Ương do Quân Đội nắm giữ, qua đại diện là Trung Tướng Nguyễn văn Thiệu một tín đồ Thiên Chúa Giáo, và Thiếu Tướng Nguyễn cao Kỳ, hầụ để nắm lại quyền chủ động kiểm soát và sắp đặt nhân sự từ Chính phủ Trung ương đến địa phương, mà y đã dần dần mất đi sau ngày 1-11-1963 và sau các cuộc chỉnh lý, đảo chánh của Tướng lãnh tại Sàigon. Hình ảnh một Trí Quang trong cuộc Cách Mạng 1963 đối với các Tướng Lãnh trẻ và quần chúng miền Nam đã mờ nhạt và như vậy Ngôi Quốc Phụ của y khó đứng vững.
       Yêu sách đầu tiên của Trí Quang là yêu cầu Chính Phủ soạn thảo Hiến Pháp mới, tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Pháp và đả đảo Thiệu Kỳ, đả đảo chế độ Quân Phiệt, đả đảo dư Đảng Cần  Lao. Từ cuối tháng 2-1966, Miền Trung và Thừa Thiên-Huế bắt đầu dậy sóng.  Theo lệnh của Trí Quang và Thích Đôn Hậu, quần chúng Phật Giáo đồ Ấn Quang Miền Vạn Hạnh chuẩn bị xuống đường ào ạt.  Đầu tháng 3-1966, cuộc dấy loạn bắt đầu.  Các Khuôn Hội Phật Giáo từ Xã, Quận, Tỉnh, Học Sinh, Sinh Viên Đại Học Huế bãi Khóa.  Tiểu thương Chợ Đông Ba và Thành Phố Huế đình công bãi thị, chợ không đông, phố xá đóng cửa.  Mọi sinh hoạt thường nhật của dân chúng hoàn toàn bị tê liệt.  Hàng loạt các cuộc biểu tình diễn ra trên đường phố, từ đường Lê Lợi, qua cầu Tràng Tiền, khu phố Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu. Khẩu hiệu đả đảo Thiệu, Kỳ, đả đảo Quân Phiệt, đả đảo dư đảng Cần Lao được nghe suốt ngày đêm.
       Màn thứ 2, kế tiếp Thích Trí Quang cho tổ chức các lực lượng xung kích: Đoàn Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử, lẽ dĩ nhiên trong đó gồm cơ sở Học Sinh, Sinh Viên Cơ Sở Nội Thành Việt Cộng.  Tất Cả Đoàn viên quyết tử đều mang băng đỏ, Cảnh sát Phật tử, Công Chức Phật Tử, Quân Nhân Phật Tử, Tiểu thương Phật Tử.  Vẫn tiếp tục lên đường xuống đường hằng ngày, loa phóng thanh đặt mọi ngã đường trong thành phố rộn rã kêu gọi dân chúng xuống đường, đình công bãi thị, chống Thiệu Kỳ.
        Màn thứ 3, kế tiếp: Bạo Động. Cướp Chính Quyền.   Màn này có sự đạo điễn của Cục Tình Báo Chiến Lược Cộng Sản Hà Nội.  Cán bộ Cục TBCL Cộng Sản Hoàng Kim Loan nhảy vào cuộc.  Một nửa quân số của Sư Đoàn I BB, các đơn vị Địa Phương Quân, Nghĩa Quân các quận, buông súng trở về thành phố tham gia cuộc nổi loạn chống Thiệu, Kỳ và chính Phủ Trung Ương.  Nhóm Quân Nhân Phật Tử thành lập Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức.
       Công Chức các ngành, Giáo chức mọi cấp nghỉ việc, nghỉ dạy, tham gia tranh đấu chống chính phủ. Thích Trí Quang cho lệnh chiếm Đài phát thanh Huế. Đài Phát Thanh Huế của Chính Phủ trở thành Đài Phát Thanh của Lực Lượng tranh đấu Phật Giáo miền Trung.  Hằng giờ phát đi lời kêu gọi của Trí Quang và của Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Tranh Đấu tại Từ Đàm, xen kẽ chương trình là nhạc tranh đấu và nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.  Dân Huế hằng giờ nghe rền rỉ bên tai bản nhạc: Kẻ thù ta đâu phải là người..  Giết người đi thì ta ở với ai...
       Trong khi đó thì một phần của lực lượng Học Sinh, Sinh Viên quyết tử chiếm Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên và Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Thành Phố Huế.
       Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên người của Thích Đôn Hậu, Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thị Xã Huế Nguyễn văn Cán là Cán Bộ Cộng Sản nằm vùng cơ sở của CụcTBCL Hoàng Kim Loan.  Bọn Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử này phá kho súng của 2 Ty Cảnh Sát, trang bị cho hàng ngàn đoàn viên Quyết Tử.  Khoảng gần 4000 ngàn súng, gồm tiểu liên, Shotgun, và súng lục, 120 thùng lựu đạn M 26.  Khoảng 100 xe Jeep Cảnh Sát và toàn bộ máy móc truyền tin bị bọn chúng lấy đi.  Bọn chúng dùng xe, máy móc truyền tin, và súng của Cảnh Sát tuần tiểu và canh gác trong thành phố.
       Thích Trí Quang và Hoàng Kim Loan đi xa hơn nữa là cho lệnh Đoàn HS,SV Quyết Tử bao vây Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ, tại Đường Lý Thường Kiệt, Quận 3 thành phố Huế, và nhào vô đốt phá tan tành phòng Thông Tin Hoa Kỳ tại Huế.
       Bây giờ thì Miền Trung và Thừa Thiên-Huế hoàn toàn vô Chính Phủ, không còn có luật pháp quốc gia.  Mọi quyền hạn nằm trong tay Quốc Phụ Thích Trí Quang và đám tranh đấu áp dụng luật Rừng trong thành phố.  Bọn chúng chia ra từng tổ, từng toán gõ cửa mỗi nhà, yêu cầu tham gia phong trào tranh đấu, gia đình nào lơ là hoặc từ chối, bị chúng phao vu là dư đảng Cần Lao, hoặc là người của Thiệu, Kỳ, lập tức bị dọa nạt đốt nhà đốt cửa, hoặc bị hành hung.  Một số gia đình đã phải bỏ nhà, trốn vào làng Phú Cam nơi an toàn khu, vì nơi đây là khu Công Giáo, Trí Quang và đám Quyết Tử chưa dám đụng đến.  Đời sống dân chúng mỗi ngày một khó khăn, dân chúng hoang mang lo sợ.  Quân đội và Công Chức sống nhờ vào đồng lương của Chính Phủ, bây giờ đình công bãi thị, chống chính phủ thì lương hàng tháng có đâu để nuôi vợ, con.  Một số ít đơn vị quân sự đang ở vị trí hành quân tác chiến cũng gặp trở ngại không nhỏ.  Quân số thiếu hụt trầm trọng, vì một số lớn sĩ quan và binh sĩ bỏ đơn vị về thành phố tham gia tranh đấu.  Đạn dược và điện trì truyền tin cho hệ thống hành quân tác chiến bị hạn chế tối đa vì không còn được cung cấp từ Trung Ương.
       Tình hình an ninh tại Quảng Trị và Thừa Thiên ở mức báo động đỏ. Các Công trường 4,5,6 của Quân Khu Trị Thiên Việt Cộng lởn vởn ở vòng đai an ninh xa, phía Tây của thành Phố Huế.  Trong lòng Cố Đô Huế thì đám cán bộ và cơ sở nội thành của Cộng Sản công khai hoạt động.  Bọn chúng nằm trong bộ chỉ huy của lực Tranh Đấu, nắm giữ những vai trò then chốt và quan trọng, tỷ như: Nguyễn Đắc Xuân sinh viên Sư Phạm. Trần Quang Long sinh viên Sư Phạm Hoàng Phủ Ngọc Phan sinh viên Y khoa Phan Chánh Dinh tức Phan Duy Nhân sinh viên Nguyễn Thiết tức Hoàng Dung sinh viên Luật Khoa Hoàng Phủ Ngọc Tường Giáo Sư Trường Quốc Học.  Nguyễn Hữu Châu Phan sinh viên Hoàng Thị Thọ nữ sinh Đồng Khánh. Phạm thị Xuân Quế sinh viên Y Khoa.  Tôn Thất Kỳ sinh viên.  Bửu Chỉ sinh viên Và nhiều.. nhiều nữa.. (Khi cuộc dấy loạn miền Trung bị dẹp tan, Hoàng Kim Loan đưa đám nầy ra mật khu, và năm Mậu Thân 1968 bọn chúng trở lại Huế bắn giết, tàn sát vô số kể đồng bào vô tội)
       Trí Quang và Cộng Sản đã ước tính sai khi tung ra cuộc dấy loạn Miền Trung năm 196 6. Vào năm 1963 Tướng Lãnh và Mỹ dùng Trí Quang và quần chúng Phật giáo để lật đổ Tống Thống Ngô Đình Diệm.  Bây giờ là 1966, Trí Quang không còn có giá trị lợi dụng nữa.  Đối với các Tướng Lãnh VNCH đang nắm quyền thì Trí Quang là một trở ngại, một chướng ngại vật trên bước đường công danh và sự nghiệp của họ, chướng ngại vật này phải được dẹp bỏ.
       Còn đối với người Mỹ và đặc biệt là cơ quan tình báo của họ, phương tiện nào cũng tốt, miễn là đạt được mục đích, quốc gia hay cộng sản cũng vậy thôi. Họ dư biết Trí Quang là Cộng Sản, là đảng viên Cộng sản, và trong hàng ngũ của Trí Quang có quá nhiều cán bộ Cộng Sản nằm vùng.  Nhưng vì nhu cầu, họ vẫn tạo hình tượng Thích Trí Quang cho hào quang bóng nhoáng.  Sau 1963 hình tượng đó không còn cần thiết nữa mà còn tạo nhiều trở ngại, thì Trí Quang phải được dẹp bỏ.
       Năm 1966 Mỹ đang đổ quân ào ạt vào Việt Nam.  Chính phủ Mỹ đang cần một hậu phương Miền Nam ổn định chính trị. Trí Quang và Cộng Sản đã quá lầm lẫn, nếu không nói là ngu, khi phát động Phong Trào Tranh Đấu Miền Trung trong thời gian này.  Dưới mắt ông Đại Sứ Mỹ tại Sài gòn bấy giờ thì Trí Quang là một kẻ gây rối, một kẻ tham, sâm, si, say mê quyền lực và một trở ngại lớn của Tòa Đại Sứ Mỹ cho việc ổn định tình hình chính trị tại Saigòn.  Trí Quang phải được dẹp bỏ lập tức, mạnh mẽ, không nương tay, không nhân nhượng.
        Người Mỹ giúp mọi phương tiện cần thiết cho Chính Phủ Saigòn mở cuộc hành quân dẹp loạn tại MiềnTrung.  Ngày 4-4-1966 bằng phương tiện Không Vận của Hoa Kỳ, lực lượng Quân Lực VNCH đổ quân xuống Đà Nẵng.
       Tư lệnh Sư Đoàn I BB là Tướng Nguyễn văn Chuân, Tư Lệnh Quân Đoàn I, Quân Khu I Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi.  Tướng Chuân được cử thay thế Trung Tướng Thi, Trung Tướng Thi bay ra Huế.  Như đã biết, Trung Tướng Thi là người của Trí Quang.  Những ngày kế tiếp Trung Tướng Nguyễn Hữu Có ra Đà Nẵng gặp Tướng Nguyễn văn Chuân, sau đó Tướng Chuân theo Trung Tướng Có vào Sàigòn.  Sàigòn cử Trung Tướng Tôn Thất Đính ra Đà Nẵng thay thế Trung Tướng Thi, mọi chuyện không ổn, Trung Tướng Đính phải chạy vào BCH của Thủy Quân Lục Chiến của Mỹ xin tỵ nạn.  Chính Phủ lại cử Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao ra thay Trung tướng Đính. 
       Thiếu tướng Huỳnh văn Cao là tín đồ Công Giáo.  Khi từ Đà Nẵng đến Huế cùng với viên đại tá Cố Vấn phó Quân Đoàn là Arch Hamblen, Thiếu tướng Cao đã bị các Lực Lượng Tranh Đấu do đám Sinh Viên Hoc Sinh Quyết Tử cầm đầu biểu tình phản đối.  Đoàn biểu tình hàng ngàn người bao vây, Tướng Cao và đoàn cận vệ khó khăn lắm mới chạy thoát vào sân bay Tây Lộc, thành nội.  Tại đây một phi cơ trực thăng của quân đội Hoa Kỳ đợi sẵn để đưa ông vào Đà Nẵng.  Đoàn biểu tình rượt theo tướng Cao và đại tá Arch Hamblen vào tận sân bay Tây Lộc, Trực thăng chở tướng Cao và đại tá Arch Hamblem vừa rời khỏi mặt đất vài chục mét thì trong đoàn biểu tình, viên sĩ quan của Sư Đoàn I BB, trung úy Nguyễn Đại Thức rút súng lục bắn tướng Cao, may mắn ông không bị trúng đạn, lập tức xạ thủ đại liên của trực thăng, viên hạ sĩ quan người Mỹ, nổ súng đại liên bắn trả, trung úy Nguyễn Đại Thức chết gục tại chỗ.  Những ngày sau khi Thích trí Quang thành lập Chiến Đoàn Quân Nhân Phật Tử của Sư Đoàn I BB, cho lấy tên viên sĩ quan nầy đặt tên cho Chiến đoàn, gọi là Chiến Đoàn Quân Nhân Phật Tử Nguyễn Đại Thức.
       Cũng giống Trung tướng Tôn Thất Đính, Thiếu tướng Huỳnh văn Cao vào Đà Nẵng, nơi đặt BCH Quân Đoàn I.  Thiếu tướng Cao liên lạc với tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và tỵ nạn tại đó .
       Bây giờ thì miền Trung và Thừa Thiên Huế hoàn toàn vô Chính Phủ, mặc sức Thích Trí Quang và đám Cộng Sản Hoàng Kim Loan tung hoành.  Dân chúng sống từng giờ trong nơm nớp lo sợ: sợ Thầy, sợ Việt Cộng, sợ các Đoàn Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử của Thầy.  Công chức, quân nhân sợ không được lãnh lương, vợ con đói.
       Vị Tướng kế tiếp được Chính Phủ cử ra làm Tư Lệnh Quân Đoàn I là Thiếu Tướng Trần Thanh Phong.  Thiếu Tướng Phong đến Đà Nẵng đúng vào thời gian cao điểm của phong trào Tranh Đấu Phật Giáo Miền Trung.  Ông chuẩn bị cho cuộc đổ quân ra Huế dẹp loạn.  Trong khi đó thì tại Huế lực lượng chống lại phong trào tranh đấu được phân loại như sau:
        1- Thành phần chống đối tiêu cực:
       Khối Công giáo: Đại đa số tín đồ Thiên Chúa Giáo sống tại làng Phú Cam nơi có nhà thờ Chính Tòa Phú Cam, vùng dòng Chúa Cứu Thế, nơi có nhà thờ và dòng tu, dòng Chúa Cứu Thế, vùng Gia Hội có nhà thờ Gia Hội, vùng Kim Long nơi có Dòng Tu kín của các Nữ tu.  Họ chống lại Phong trào Tranh Đấu nhưng tiêu cực, các vị lãnh đạo không muốn giáo dân vướng vào vòng xung đột của hai tôn giáo là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo.  Khu an toàn Phú Cam được giáo dân canh gác, đề phòng cẩn mật vì sợ các đoàn Quyết Tử của Phong Trào Tranh Đấu quấy phá.  Họ sẵn sàng chống trả chỉ trong trường hợp tự vệ.  Đại đa số trầm lặng là giáo chức, thành phần trí thức, những người lớn tuổi, và Hoàng Tộc, họ đều bất bình và chống lại cuộc Tranh Đấu Miền Trung nhưng họ chỉ giữ thái độ im lặng và không hợp tác.
  Biến Động Miền Trung
Tác Giả:  Liên Thành

Phần 3
   
       2- Thành phần chống đối tích cực:
       Các đảng phái chính trị quốc gia như:
- Việt Nam Quốc Dân Đảng.
- Đại Việt Cách Mạng của Ông Hà Thúc Ký.
        Lực lượng nòng cốt của Đại Việt Cách Mạng tại Thừa Thiên-Huế là Tỉnh Đoàn Xây Dựng Nông Thôn do Thiếu Tá Nguyễn văn Lý làm Tỉnh Đoàn Trưởng. Ông là một lãnh tụ quan trọng và cao cấp của Đảng Đại Việt.  Một nhân vật chống Cộng Sản tuyệt đối, nếu không nói là quá khích.
       Tỉnh đoàn Xây Dựng Nông Thôn đã góp công lớn trong việc dẹp loạn Miền Trung.  Họ tung nhân viên tham gia vào Lực Lượng Tranh Đấu thu thập tin tức, thiết lập hồ sơ những thanh phần quá khích cung cấp cho đơn vị hành quân dẹp loạn.
       Cũng không thể không nói đến một góp sức không nhỏ cho việc dẹp loạn Miền Trung là Cơ Quan Dân Ý Vụ.  Đây là một cơ quan được thành lập vào năm 1965, phụ trách về Tình Báo Nhân Dân, lãnh lương từ ngân sách Viện Trợ.  Chỉ Huy Trưởng cơ Quan này là ông Trần Đông Hoài, một giáo sư dạy Pháp Văn tại trường Trung Học Thiên Hựu, nói ngoại ngữ Anh và Pháp giống như người ngoại quốc.  Mặc dầu là một nhà giáo, nhưng lại có thiên phú đặc biệt Tình báo.  Cơ Quan Dân Ý Vụ cung cấp hầu hết các kế hoạch hành động của Lực lượng tranh đấu.
       Ngoài ra, lực lượng quân sự chống lại cuộc nổi loạn miền Trung chỉ có 3 đơn vị nhỏ đó là:
       1- Phía Bắc Thừa Thiên: Quận Quảng Điền do Đaị úy Trần Đức Anh làm Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng.  Ông là thành viên cao cấp của Quốc Dân Đảng.  Đại úy Anh dự định lập Khu Biệt lập Quảng Điền dùng lực lượng quân sự của Chi Khu chống lại đám dấy loạn Miền Trung.  Công việc bại lộ Đại úy Anh phải đào tẩu vào Đà Nẵng trình diện Thiếu Tướng Tư Lênh Quân đoàn I, Trần Thanh Phong.  Khi lực lượng hành quân của Chính phủ đổ quân ra Huế dẹp loạn, ông theo lực lượng hành quân ra Huế trở lại nhiệm sở cũ, chức vụ cũ.  Sau đó, trong một cuộc đụng trận lớn với lực lượng Cộng Sản tại Quận lỵ Quảng Điền vào năm 1967, Đại úy Anh đã anh dũng đền nợ nước.
       2- Phía Nam Thừa Thiên: Quận lỵ Hương Thủy nằm về phía Nam thành phố Huế. Bộ Chỉ Huy Quận và Chi Khu Hương Thủy nằm cạnh phi trường Phú Bài và căn cứ của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, Phú Bài, cạnh quốc lộ I trên dường vào Đà Nẵng.
       Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng là Thiếu Tá Tăng.  Thiếu Tá Quận Trưởng Hương Thủy là một trong những đơn vị trưởng quân sự đầu tiên chống lại Phong Trào Tranh Đấu Miền Trung.  Trong những ngày đầu của cuộc tranh đấu ông cho lực lượng quân sự Chi Khu bố trí và án ngữ ngay vùng Dạ Lê trên quốc lộ I, đồng thời ông cũng yêu cầu đơn vị TQLC Mỹ tại Phú Bài tăng phái 2 xe tăng M 48 chận ngay quốc lộ I vùng Dạ Lê, ngăn chặn không cho lực lượng tranh đấu từ thành phố Huế tràn xuống.  Văn phòng Quận, Chi Khu Hương Thủy bấy giờ trở thành BCH của lực lượng chống Phong trào Tranh Đấu.
       Trung Tá Phan Văn Khoa Tỉnh trưởng Tỉnh Thừa Thiên, Thị Trưởng Thị Xã Huế, kiêm Tiểu Khu Trưởng là vị Tỉnh Trưởng đầu tiên tại miền Trung chống lại phong trào tranh đấu, ông dời văn phòng Tỉnh Trưởng về quận Hương Thủy vì Tòa Hành Chánh Tỉnh đã bị đám mỗi loạn chiếm cứ.
       BCH lực lượng chống tranh đấu hằng ngày tấp nập các phái đoàn của Chính phủ trung ương Saigòn bay ra hội họp, lãnh tụ các đảng phái Chính trị và nhiều phái đoàn quân sự cũng như tình báo Mỹ, họp với Trung Tá Tỉnh Trưởng bàn soạn kế hoạch tái chiếm lại thành phố Huế hiện đang nằm trong tay đám tranh đấu.
       Tại Thành phố Huế, độc nhất còn lại BCH Tiểu khu Thừa Thiên chưa bị đám phản loạn chiếm cứ.  BCH Tiểu Khu Thừa Thiên đóng gần Đài Phát Thanh Huế. Trung Tá Khoa giao cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Tố Trưởng Phòng II Tiểu Khu trấn giữ.  Đám tranh đấu chưa dám chiếm Tiểu Khu vì đây là cơ quan Quân Sự.
       Huế hoàn toàn bỏ trống, không còn chính quyền, thành phố nằm gọn trong tay đám tranh đấu Thích Trí Quang.
       3- Phía Tây Thành Phố Huế: Lực lượng thứ 3 chống lại đám tranh đấu là Quận Nam Hòa nằm về phía Tây thành phố Huế.  Quận Nam Hòa là một quận miền núi, mặc dầu chỉ cách thành phố Huế khoảng 12Km.  Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng là Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt.  Phụ Tá Quận Trưởng kiêm Chi Khu Phó là tôi, Thiếu úy Liên Thành.
       Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt là vị chỉ huy đầu đời trong đời binh nghiệp của tôi.  Ông là một sĩ quan trẻ cấp Thiếu Tá, nhưng ông có đủ khả năng quân sự vừa chiến thuật và chiến lược.  Vốn là người Bắc nên rất tế nhị, cẩn trọng trong mọi vấn đề, mọi trường hợp.  Trong những ngày đầu của cuộc dấy loạn Miền Trung, ông không chống mà cũng chẳng ngã về phong trào tranh đấu.  Chỉ đứng khoanh tay nhìn thời cuộc.  Cách hay nhất của ông là cáo bệnh giao hết mọi việc của Quận và Chi Khu cho tôi, mỗi buổi chiều lên xe Jeep về thành phố.
       Lực lượng quân sự của Chi Khu Nam Hòa gồm có :
200 Dân Vệ (sau gọi là Nghĩa Quân).
2 Đại Đội tăng phái từ Tiểu Khu .
1 Pháo Đội 105 ly tăng phái từ Sư Đoàn I BB
       Tôi vừa là Chi Khu Phó vừa là Liên Đại Đội Trưởng.
       Trong thời gian thành phố biểu tình lên đường, xuống đường thì tình hình địch tại Nam Hòa mỗi ngày mỗi nặng.  Hai Đại Đội chạm địch liên miên, ngày nào cũng có binh sĩ bị thương hoặc tử thương.
       Tôi còn nhớ vào một đêm trong tháng 3-1966 Đại đội do tôi chỉ huy đụng nặng với đơn vị Việt Cộng.  Tôi gọi máy xin pháo đội 105 ly pháo binh Quận yểm trợ.  Tọa độ xin tác xạ là 76.. .. bản đồ tỷ lệ 1/100,000 ba tràng đạn nổ chạm.  Chỉ 5 phút sau pháo đội báo: Đạn đi, đợi hoài chẳng thấy đạn nổ mà chỉ nghe ba tràng đạn nổ từ xa vọng lại, rất xa tọa độ tôi xin.
       Sáng hôm sau tôi kéo Đại Đội vượt nguồn hữu ngạn sông Hương trở về Quận, vừa đến chợ Tuần thì đại họa đến.  Đại Đội tôi đụng đầu với một đoàn biểu tình của nhóm Tranh Đấu từ thành phố Huế kéo lên, toàn là Sinh Viên, Học Sinh đang đứng gần chợ Tuần.  Họ la lớn, đả đảo Cần Lao đàn áp Phật Giáo bắn sập Chùa, giết hại Tăng Ni.  Đoàn biểu tình kéo lại định vây đơn vị tôi vào giữa.  Lính vừa đói vừa mệt lả, tôi cũng vậy.  Tôi phản ứng rất nhanh nhưng mà dại.  Tôi quay qua viên Thượng Sĩ Đại Đội ra lệnh rất nhanh: Đội Hình.  Binh sĩ túa ra bố trí.  Đoàn biểu tình thấy lính phản ứng nên lùi lại.  Cũng may trong đám biểu tình có tiếng la lớn:
- Khoan đã, đừng làm bậy, hắn là Liên Thành con thầy Trợ Cử (phụ thân tôi là một nhà giáo), cháu của Ngài Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết không phải Cần Lao đâu. 
Tiếng la đó phát xuất từ thằng bạn học cũ của tôi ở Trường Quốc Học và cũng ở cùng xóm Chùa Từ Đàm với tôi.  Anh ta là Trần Văn Rô, Sinh Viên Đại Học Khoa Học.  Tôi chưng hửng hỏi Trần văn Rô:
       - Chuyện gì vậy ?
       - Tối hôm qua mày bắn sập chùa Sư Nữ ở Cầu Lim, gần Đàn Nam Giao phải không? Rô trả lời,
       - Có, tao có gọi pháo binh bắn yểm trợ, vì tụi tao đụng nặng với Việt Cộng, nhưng tụi tao đánh nhau bên kia sông, trong núi đâu phải bên này.  Chuyện này tao vô can. Tôi trả lời Rô.
       Đoàn biểu tình kéo về Huế.  Trên đường về Quận tôi nghĩ mình ngu quá, ra lệnh cho binh sĩ dàn đội hình tác chiến, lỡ có người lính nào mất bình tĩnh bắn đại vào đám sinh viên biểu tình thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra.  Khi về đến Quận đã thấy có phái đoàn điều tra của Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo và ty Cảnh Sát hiện diện tại đó.  Sự việc sáng tỏ.  Tôi gọi bắn yểm trợ ở tọa độ 76. (trục hoành độ ).  Nhưng vì cả pháo đội đang có sòng xì phé đến hồi gay cấn, lúc tôi gọi xin tác xạ, viên thượng sĩ già mắc dịch làm xạ bản tác xạ đang thua bạc, hấp tấp viết số 76 thành 70 có tí râu, nên trục hoành độ đã dời qua phiá đông 6 cây số, đạn rơi trúng phóc vào chùa Sư Nữ ở Cầu Lim.  Cũng may chỉ sập 1 góc chùa, các vị Sư Nữ đêm đó kéo nhau ra giếng ngoài ruộng tắm giặt nên chẳng ai bị thương tích gì, thật hú hồn.
       Những ngày kế tiếp, lính tại đơn vị mỗi ngày mỗi thưa dần, đa số đã bỏ súng tại đơn vị, trốn về Huế gia nhập chiến đoàn Nguyễn Đại Thức bảo vệ Thầy, bảo vệ đạo pháp đang lâm nguy.  Số binh sĩ hiện diện tại đơn vị đa số là người Công Giáo và lính già.  Cùng thời gian tôi nhận được công điện Hỏa Tốc của BCH Tiểu Khu Thừa Thiên: Yêu cầu quí đơn vị hạn chế tối đa đạn dược và điện trì cho máy truyền tin, vì không còn nhận được tiếp tế từ Quân Đoàn.
       Thời gian đó tại mỗi Quận, Chi Khu đều có Văn Phòng Cố Vấn Mỹ.  Viên cố vấn cho Chi Khu Nam Hòa tên Bob cấp bậc Thiếu tá.  Tôi phải vận dụng tối đa công lực vừa miệng vừa tay xổ tiếng Mỹ với viên Thiếu Tá, cho ông ta biết tình trạng hiện tại và nói tôi muốn trốn vào Đà Nẵng trình diện Quân Đoàn.
       - Anh không theo Tranh Đấu?    Ông ta hỏi tôi.
       - Như vậy có khác gì theo Việt Cộng. Tôi cười trả lời.
       - Hỏi vậy thôi chứ tôi biết rõ Thiếu úy, tôi sẽ giúp Thiếu úy, tuy nhiên Thiếu úy cũng nên bàn với Thiếu Tá Quận Trưởng.  Viên thiếu tá Mỹ nói.
       - Tôi sẽ bàn với ông ta.  Tôi nói. Trong khi đang đứng nói chuyện với tôi bỗng nhiên anh ta giật mình nói nhỏ với tôi:
       - Thiếu úy, nhìn kìa.  Tôi nhìn theo hướng tay ông ta chỉ về phía pháo đội 105 ly thì thấy cả hai khẩu pháo 105 ly đã quay hướng súng về phía Căn cứ Phú Bài từ hồi nào.  Trong lúc đó tôi vẫn còn 1 Đại Đội đang hoạt động trong vùng trách nhiệm phía vùng núi bên kia sông, vùng núi Kim Phụng.  Pháo đội phải quay súng về hướng đó để sẵn sàng tác xạ yểm trợ theo yêu cầu, tại sao lại quay hướng súng về Phú Bài.  Tôi đang suy nghĩ thì viên Thiếu tá Mỹ nói ngay:
       - Tôi nghĩ Pháo đội nầy đã theo lực lượng tranh đấu.  Họ quay hướng súng về phía Phú Bài để tác xạ vào Sư Đoàn TQLC Mỹ của chúng tôi.  Tôi sẽ báo ngay cho Bộ Chỉ Huy MACV.  Nói xong ông ta đi vào văn phòng.  Khoảng 30 phút sau đó Thiếu Tá Bob trở ra và mời tôi vào văn phòng của ông ta và nói ngay:
       - Thiếu úy, mình phải chiếm hai khẩu súng nầy ngay lập tức.  Bây giờ thì không thể xài tiếng Mỹ bằng miệng và bằng tay được nữa, mà phải xài tiếng Mỹ qua Thông dịch viên. Tôi hỏi viên Thiếu Tá:
       - Thông dịch viên anh đâu, tôi cần hắn dịch rõ ràng vì chuyện quan trọng.
       - Có ngay, Viên thiếu tá Mỹ nói.  Và ông ta gọi viên trung sĩ Mỹ vào làm thông dịch.  Tôi vô cùng ngạc nhiên vì bao lâu nay tôi chưa từng nghe người trung sĩ Mỹ nầy nói một chữ tiếng Việt.  Với giọng Bắc rất rõ ràng viên Trung Sĩ Mỹ nói:
       - Thiếu tá chúng tôi cần Thiếu úy ra lệnh cho Pháo Đội quay hướng súng lên núi, nếu Pháo đội không chịu thì phải dùng vũ lực chiếm 2 khẩu súng này vì họ muốn tác xạ vào đơn vị TQLC của chúng tôi. 
       - Trong vòng 1 giờ nữa sẽ có một Trung Đội TQLC của chúng tôi đến đây giúp Thiếu úy.  Viên Trung Sĩ nói tiếp.
       Qua Thông dịch viên tôi nói với Thiếu Tá Bob:
       - OK, nhưng để tôi cho mời Trung úy Pháo đội trưởng lên đây mình nói chuyện với ông ta trước để rõ sự việc như thế nào. Tôi không muốn phe mình bắn phe ta.
       Chỉ trong vòng 10 phút sau Trung úy Pháo đội Trưởng đã có mặt. Tôi nói ngay:
       - Ông hơn cấp bậc tôi, nhưng ông tăng phái cho tôi, lẽ dĩ nhiên phải dưới quyền chỉ huy và điều động của tôi.  Xin Trung úy cho biết ai cho quay hướng súng về Phú Bài, trong khi đó tôi đang còn một đơn vị đang hành quân bên kia sông hướng núi Kim Phụng.
      - Tôi nhận lệnh của Sư Đoàn quay súng về phía đó và đợi lệnh.   Pháo đội trưởng chậm rải trả lời.
       - Nếu có lệnh của Sư Đoàn Trung úy có bắn không?   Tôi hỏi viên pháo đội trưởng.
       - Không.
       - Tại sao?
       - Tôi không theo đám Tranh Đấu.
       - Tôi tin trung úy. Bây giờ xin cho quay hướng súng trở lại.  Nếu có ai báo cáo với Sư Đoàn trung úy cứ nói theo yêu cầu của Chi Khu vì họ cần tác xạ vào một số tọa độ khuấy rối trong đêm.  Tôi nói tiếp với Trung úy Pháo Đội Trưởng.
       - Ông yên tâm, tôi cho quay hướng súng lại ngay.  Hai phần ba binh sĩ của pháo đội tôi đã trốn theo tranh đấu, số còn lại là đệ tử thân tín của tôi.
        Trong khi tôi nói chuyện với Trung úy Pháo Đội Trưởng thì viên Hạ sĩ quan Mỹ đã dịch hết cho Thiếu Tá Bob nghe rồi.  Tôi xoay qua viên Thiếu tá Mỹ hỏi ông cần nói gì với Trung úy không?  Ông ta bắt tay Trung úy Pháo đội trưởng nói:
       - Tôi tin ông, nhưng kể từ giờ phút nầy Chi Khu không cần Pháo binh của ông yểm trợ nữa.  Pháo Binh của Sư Đoàn TQLC Hoa kỳ tại Phú Bài sẽ đảm trách.  Chốc nữa, sẽ có 1 trung đội TQLC Hoa kỳ xuống đây, nếu có lộn xộn tôi sẽ cho lệnh trung đội nầy phá hủy ngay 2 khẩu 105 ly của Trung úy.
       - Ok, Thiếu tá. Trung úy pháo đội trưởng nói.   Mọi người cùng cười, tan hàng.  Sáng hôm sau tôi về Huế gặp Thiếu Tá Quận trưởng, sau khi trình bày tình hình với ông tôi kết luận:
       - Không còn gì nữa, lính đào ngũ theo tranh đấu.  Đạn và điện trì cho máy truyền tin cũng cạn, lấy gì đánh nhau với Việt Cộng.
       Tôi cho Ông biết ý định của tôi và tôi hỏi Ông:
       - Thiếu Tá, ông đi không?
       - Bao giờ?
       - Ngày mai, 10 giờ sáng.
       - Đi, sáng mai tôi lên Quận đi với anh.
       Đúng 10 giờ sáng ngày hôm sau, trực thăng của Thiếu Tá Bob đón chúng tôi bay vào Quân Đoàn I trình diện Thiếu Tướng Tư Lệnh Trần Thanh Phong.  Trước khi đi tôi nói với Thiếu úy Hành Trưởng ban 3:
       - Anh coi nhà, tôi và Thiếu Tá Quận Trưởng và Thiếu Tá Bob đi họp hành quân với TQLC Mỹ sẽ về trong ngày.  Khoảng 45 phút sau, chúng tôi đáp xuống sân bay trực thăng của BTL/ Quân Đoàn.  Tại sân bay đã có một Trung Tá Mỹ đón chúng tôi và đưa thẳng vào phòng hội của BTL.
       Người đầu tiên chúng tôi gặp là Đại úy Anh, Quận Trưởng Quận Quảng Điền, người đã chạy thoát khỏi cuộc lùng bắt của đám Sinh Viên Quyết tử tại Huế khi ông chống lại Phong trào Tranh Đấu của bọn chúng.  Chúng tôi mừng rỡ ôm choàng nhau
       Phòng hội có khoảng 30 sĩ quan cấp Tá trở lên vừa Việt, vừa Mỹ.  Khoảng 5 phút sau Thiếu Tướng Tư Lệnh vào Phòng Hội.  Sau phần trình bày tình hình tại Huế của Thiếu tá Quận Trưởng Nam Hòa Phạm Khắc Đạt, Thiếu Tướng tư Lệnh chỉ thị chúng tôi trở lại Huế.  Thiếu Tá liên lạc với Trung Tá Tỉnh Trưởng Phan Văn Khoa hiện đang có mặt tại Quận Hương Thủy để nhận lệnh.  Phần tôi trở lại Chi Khu Nam Hòa chỉ huy 2 đại đôi cơ hữu đợi lệnh.  Hằng ngày Đại úy Anh sẽ liên lạc với tôi.
       Chúng tôi chào từ giã Thiếu Tướng Tư Lệnh.  Thiếu Tá Bob gặp chúng tôi ngay phòng hội cho biết 3 giờ sau sẽ gặp nhau tại bãi đáp trực thăng Quân Đoàn để trở về lại Huế.
       Đại úy Anh chở chúng tôi đi ăn phở tại Đà Nẵng.  Ông đưa cho tôi một đặc lệnh truyền tin và nhiều tần số liên lạc.  Hàng ngày vào buổi sáng ông sẽ bay ra Nam Hòa và sẽ liên lạc với tôi để nhận báo cáo tình hình, ông dặn dò:
       - Nói ngắn, gọn, đề phòng bọn nó vào tần số mình nghe lén.  Mỗi ngày thay đổi tần số liên lạc như đã qui định.  Chúng tôi trở lại Nam Hòa cùng ngày. Thiếu Tá Quận Trưởng về Hương Thủy gặp Trung Tá Tỉnh trưởng nhận lệnh hành động. Tôi tiếp tục ở lại quận.
       Đầu tháng 5-1966, Thiếu Tá Đạt gọi tôi về gặp ông ta và Trung Tá Tỉnh Trưởng tại BCH/ chống Tranh Đấu tại Chi Khu Hương Thủy.  Trung Tá Tỉnh trưởng hỏi tôi:
       - Liên Thành, anh có liên hệ gia đình với Ngài Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết phải không ?
       - Dạ đúng.
       - Anh có người anh đi tu là Đại Đức Thích.. ..
       - Dạ đúng.
       - Anh có nhiều bạn trong đám sinh viên Đại Học Huế
       - Dạ đúng.
       - Vậy thì tốt, công tác nầy anh làm được, bọn Tranh Đấu không nghi ngờ.  Đã đến lúc phải tắt tiếng Đài Phát Thanh tranh đấu của bọn chúng.  Đài Phát Thanh Huế của Chính quyền bọn hắn chiếm bây giờ mình phải lấy lại.
       - Dạ, với 2 Đại đội cơ hữu của em, em tấn công thẳng chiếm lại Đài Phát Thành Huế, không trở ngại.  Tôi nói không suy nghĩ.
       Trung Tá Tỉnh Trưởng và Thiếu Tá Đạt cùng cười. Tôi biết mình hố rồi. Trung Tá Tỉnh Trưởng nói :
       - Tấn công cái... đầu của anh.  Lính Sư Đoàn I và chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức bọn chúng xơi tái 2 Đại Đội của anh ngay.  Vụ nầy chỉ có một mình anh làm mà thôi.
       - Trung Tá nói vậy nghĩa là sao?  Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
       - Người Mỹ sẽ huấn luyện và chỉ cách cho anh.
       Hai người Mỹ dân sự huấn luyện tôi trong hai ngày tại Căn Cứ Phú Bài, đủ để hiểu cách thức phá hoại bộ phận nào trong đám máy móc phát thanh của Đài Phát Thanh Huế.  Ba ngày sau tôi trở về Huế, ghé thăm gia đình cởi bỏ đồ lính thay thường phục, ghé đài phát thanh Huế kiếm mấy thằng bạn sinh viên tranh đấu mời chúng nó đi uống café Lạc Sơn.  Mấy thằng bạn gặp tôi mừng lắm, bọn chúng hỏi tới tấp:
       - Liên Thành, sao về được?
       - Lính về tham gia tranh đấu hết rồi, bây giờ tao tà tà.
       - Thôi về đi, tham gia với bọn tao, lật đỗ Thiệu, Kỳ xong rồi tính.
       - Có lý.  Cả bọn kéo nhau sang Lạc Sơn uống Café.
       Trời đã về chiều tôi nói với mấy thằng bạn:
       - Thôi, chiều rồi, tao về, vài hôm nữa gặp.
       - Mầy bận việc?
       - Không, lính tráng trốn đi hết rồi, bây giờ đâu có đánh đá gì đâu.
       - Vậy đêm nay ở lại với bọn tao cho vui, mình về đài phát thanh, tối nầy ăn cháo gà ca hát, ngày trước ở trường Quốc Học nầy hát hay lắm mà.  Không suy nghĩ tôi nói ngay:
       - Được rồi, đêm nay ở lại với tụi mầy cho vui.
       Tôi nghĩ thầm: Chết tụi mầy, tụi mầy rước cọp về rừng. 


  Biến Động Miền Trung
Tác Giả:  Liên Thành
Phần 4
       Cũng thoáng một chút buồn vì nghỉ mình đang lợi dụng tình bạn.  Nhưng nghĩ lại mình là một người lính nhận lệnh cấp chỉ huy phải thi hành thì trong lòng cũng nhẹ đi đôi chút.
       Đúng 4 giờ sáng tôi thi hành kế hoạch phá hoại.  Công việc hoàn tất trong vòng 10 phút, vượt quá thời gian ấn định 1 phút 17 giây.  Đám Sinh Viên tranh đấu vẫn ngủ say. Tôi rời Đài Phát Thanh Huế đến điểm hẹn cách Đài phát thanh không xa, trễ mất 4 phút, đã có xe đợi sẵn chở tôi về lại Hương Thủy.  Thường ngày vào 6 giờ sáng dân Huế mở Radio đều nghe tiếng nói lanh lảnh của xướng ngôn viên:
       - Đây là Tiếng nói của Lực Lượng Tranh Đấu Phật Giáo Miền Trung nhưng sáng nay mở Radio không còn nghe được nữa.  Đài phát thanh đã tắt tiếng.
       Nhiệm vụ tôi hoàn tất.
       Thế nhưng chỉ vài ngày sau Tiếng nói phát thanh Tranh Đấu được phát trở lại.  Đơn vị kỷ thuật dò tìm làn sóng phát thanh của Mỹ cho biết làn sóng được phát đi tại Chùa Ông.  Chùa Ông là một ngôi chùa nhỏ nằm phía sau chùa Diệu Đế, cạnh bờ sông Gia Hội đường Bạch Đằng.  Thì ra sau khi bộ phận phát thanh tại Đài Phát Thanh Huế bị phá hủy, không phát thanh được nữa.  Bọn tranh đấu tháo gỡ toàn bộ hệ thống tiếp vận và phát tuyến điện thoại của Ty Bưu Điện Huế đặt tại đường Hàng Muối gần Trường Nữ Hộ Sinh Quốc gia đem sang Chùa Ông thiết lập đài Phát thanh.
       Giữa tháng 5-1966, tôi nhận lệnh dùng 2 Đại đội cơ hữu giữ an ninh và đánh dấu bãi đáp trực thăng để lực lượng quân sự đổ quân dùng Tỉnh lộ Huế-Tuần tiến quân vào thành phố Huế trong đêm.  Tôi sửa soạn đơn vị chuẩn bị xuất phát thì có lệnh hủy bỏ.
       Tình hình Huế mỗi ngày một sôi động, Đài phát thanh tranh đấu Phật Giáo loan tin khẩn cấp từng giờ một: Quân đội Thiệu Kỳ đã đổ quân ra Đà Nẵng, sắp sửa ra Huế .  Đài phát thanh cũng kêu gọi đồng bào Phật Tử, lực lượng Tranh Đấu, Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức thiết lập các chướng ngại vật ngoài đường phố ngăn cản, đặt súng phòng không trên các cao ốc và những vị trí trọng yếu.
       Sáng ngày 4 tháng 6-1966, Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt gọi tôi về gấp Chi Khu Hương Thủy họp khẩn cấp.  Trong phiên họp Trung tá Tỉnh Trưởng tuyên bố:
       - Tình hình đã quá trầm trọng, nếu mình không ra tay thì bọn tranh đấu sẽ đưa lực lượng quân sự Việt Cộng chiếm thành phố.
       - Đêm nay, mình vào Huế.
       Nhiệm vụ được trao cặn kẻ cho mỗi đơn vị trưởng.  Phần tôi, dùng 2 Đại Đôi cơ hữu chiếm Ty Cảnh sát trong đêm nay.  Tôi hỏi Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt:
       - Em có lực lượng trừ bị không, Thiếu Tá có đi với đơn vị em không?
       Thiếu Tá Đạt cười:
       - Không có lực lượng trừ bị.  Tôi có công việc khác phải làm, không đi với anh được.  Đừng lo, anh lạnh cẳng rồi hay sao, tôi nghĩ, đối với bọn nó Liên Thành đủ sức chơi, nếu chơi không nổi thì cứ ôm quần chạy ngược lên Nam Hòa đợi, tôi sẽ bốc anh về Hương Thủy.  Nhưng mà tôi biết anh dư sức.  Nhớ một điều quan trọng: Chỉ trong trường hợp tự vệ, bị bọn chúng bắn, ngoài ra không được nổ súng.  Chiếm Ty Cảnh Sát trong thành phố không phải hành quân đánh nhau với Việt Cộïng ở Nam Hòa.
       - Nhận rõ, Thiếu tá.
       -Vậy thôi, anh trở về lại Nam Hòa chuẩn bị.  Khi cho đơn vị xuất phát gọi máy báo cho tôi biết ngay.
       Khuya ngày 4-6-1966, chúng tôi xuất phát từ Nam Hòa xuống Cầu Lim, qua Đàn Nam Giao, ngang núi Ngự Bình đến cầu An Cựu đột nhập thành thành phố.  Vừa đến cầu An Cựu, một lần nữa tôi nhắc lại kế hoạch với Thượng Sĩ Bái:
       - Từ đây đến Ty Cảnh Sát thành phố không xa, anh cho lính đi thật thưa, bám sát phía trái đường Duy Tân, mình băng qua đồng An Cựu một đoạn ngắn là đến Ty Cảnh Sát nằm bên tay trái.  Nếu gặp bọn chúng thì cứ la to là phe ta.  Lính đồn Vận Tải An Cựu đi tuần, bọn chúng không nghi ngờ đâu.  Đến cổng Ty Cảnh Sát, toán của anh lo chế ngự mấy ông Cảnh Sát gác cửa, tôi và toán của tôi xông thẳng vào trong.  Chiếm mục tiêu được rồi anh rải lính bố trí quanh Ty Cảnh Sát.  Nhớ kỹ lệnh cấm không được nổ súng.
       - Nhận rỏ, Thiếu úy.
       Trong bóng đêm mờ ảo tôi thấy anh ta quay lưng làm dấu Thánh Giá, miệng lẫm bẩm: Lệnh lạc gì kỳ cục vậy, đi hành quân chạm địch mà không được nổ súng.  Tôi nói nhỏ theo vừa đủ cho anh ta nghe:
       - Địch con mẹ gì, mấy thằng Tranh Đấu, bắn bọn hắn ngày mai bọn mình lãnh đủ.
       Chỉ khoảng hai mươi phút sau chúng tôi đã cách cổng Ty Cảnh Sát thành phố khoảng 150 mét.  Tôi và Thượng Sĩ Bái cùng quan sát, gật đầu: cổng chính không có lính gác.  Tôi nói nhỏ với Thượng Sĩ Bái:
       - Cả hai toán cùng vào một lúc.  Anh chiếm cổng chính đặt trạm gác và bố trí lính ngay lập tức.  Tôi và toán của tôi xông thẳng vào bên trong.
       - Nhận rõ Thiếu úy, ông cẩn thận ở trong tụi hắn bắn ra là ông tan xác đó.
       Thượng Sĩ Bái lẹ làng chiếm ngay cổng chính, lính túa vào bố trí.  Phần tôi xông thẳng vào cửa chính, tầng lầu thứ nhất, không gặp một ai.  Để lại một toán nhỏ giữ lầu một, tôi và một toán khác chạy lên lầu nhì.  Tại đây chỉ có 2 người đang nằm ngũ trên 2 chiếc ghế bố trong căn phòng cạnh cầu thang.  Phòng không thắp đèn chỉ có ánh điện ngoài hành lang chiếu vào lờ mờ, nghe tiếng động cả hai đều vùng dậy.  Một người hốt hoảng la lớn: Lính.  Người kia đang còn đang ngái ngủ chẳng nói gì.  Tôi nói ngay:
       - Đúng rồi, lính.  Các anh có bao nhiêu người, sao chỉ có 2 người thôi, đi đâu cả rồi.
       Người ngái ngủ bây giờ đã tỉnh, quay lại nhìn tôi, hắn la lớn: Liên Thành.
       Hắn ở trong phòng tối, tôi ở ngoài hành lang không thấy rỏ mặt hắn, tôi hỏi lớn:
       - Ai đó?
       - Trần văn Em đây.  Mi đi mô mà khuya rứa.  Vô đây làm chi?
       - Chiếm Ty Cảnh Sát. Tôi trả lời hắn.
       Đèn trong phòng bật sáng, nhìn rõ.  Đúng hắn là Trần văn Em, thằng bạn học từ thuở học trường làng, trường tiểu học Nam Giao, cùng vào Hướng Đạo, Thiếu Đoàn Đinh Bộ Lĩnh.  Vào đời hắn đi Cảnh Sát, tôi đi lính.  Đã lâu lắm bây giờ gặp mới gặp lại.  Tôi định hỏi hắn thì hắn chận ngang:
       - Khoan đã, nói mấy ông Lính của mi hạ súng xuống, 8 cây súng hướng vào tau, thấy cũng muốn xỉu, bóp cò là tan xác.  Tôi xoay lại cười với đám lính: Phe mình.  Cả bọn cùng cười.
       Thượng Sĩ Bái cũng vừa dưới lầu đi lên:
       - Xong rồi Thiếu úy.  Tôi cho lục soát kỹ không có ai ở dưới cả, trống trơn.
       Người Cảnh Sát mà tôi chưa biết tên nói với Thượng Sĩ Bái:
       - Chỉ có 2 chúng tôi trực thôi.  Không có ai hết, mấy anh đừng lo.
       Tôi nói với Thượng Sĩ Bái:
       - Gần sáng rồi, tôi gọi máy trình thẩm quyền xong, mình nghỉ sáng mai rồi tính.
       - Tôi và hai thằng con lớn về đến nhà rồi, vợ tôi dẫn mấy đứa nhỏ đi về bên ngoại hết, nhà trống trơn, mọi chuyện yên ổn.   Tôi gọi máy nói lóng với Thiếu Tá Đạt,
       - Tốt lắm.  Cha con anh đi nghỉ đi, ngày mai tôi đến thăm.
       - Nhận rõ thẩm quyền.
       - Ông cũng đã mệt quá rồi, sắp xếp cho lính xong Ông nghỉ đi, mọi chuyện để sáng mai. Tôi nói với Thượng Sĩ Bái.
       Bái và đám lính đi xuống lầu.  Bây giờ Trần văn Em hỏi tôi:
       - Mày nói sao, mày chiếm Ty Cảnh Sát thật à.  Có lẽ trong đời này không còn ai ngu hơn mày.  Bộ mày tưởng với đám lính quèn đó mày chống lại được Lực Lượng tranh đấu sao?  Ngoài Lính Sư Đoàn, Chiến đoàn Quân nhân Phật Tử Nguyễn Đại Thức còn có bọn Học Sinh, Sinh Viên Quyết Tử.  Bọn này sắt máu và rất nguy hiểm, toàn là Việt Cộng nằm vùng.  Hai kho súng, lựu đạn, máy móc truyền tin, xe cộ của Ty Cảnh Sát tụi hắn lấy hết rồi.  Bây giờ thì bọn hắn thằng nào cũng có súng, có lựu đạn.  Bọn hắn mà biết mày chống lại bọn hắn là chết.  Mày chết đã đành, bọn hắn còn kéo đến đốt nhà đánh đập mọi người trong nhà mày, mày biết không? Tôi nói:
       - Tao là quân nhân, sống trong kỷ luật của Quân Đội.  Lệnh đánh là đánh.  Lệnh chiếm Ty Cảnh Sát là chiếm Ty Cảnh Sát chỉ có thế thôi.  Vả lại bọn làm loạn này trước sau gì rồi cũng phải dẹp, đồng ý không?
       Hắn im lặng..  Khoảng 11 giờ sáng ngày 5-6-1966 Thiếu Tá Đạt gặp tôi và Thượng Sĩ Bái tại sân Ty Cảnh Sát Huế, sau vài câu khen ngợi công việc hồi đêm.  Ông nói ngay:
       - Địa điểm này là đầu cầu an ninh cho lực lượng của Chính Phủ sẽ đổ quân trong vài ngày tới.  Có thể Biệt Đoàn 222 Cảnh Sát Dã Chiến Sài Gòn đến trước.  Mình sẽ giao trụ sở này cho họ.  Chúng tôi đang nói chuyện thì Trần Văn Em từ trong văn phòng Ty Cảnh Sát ra, gặp chúng tôi, hắn nói:
       - Đài Phát Thanh Tranh Đấu vừa loan tin Quân Đội Thiệu Kỳ đã đột nhập thành Phố Huế và đã chiếm Ty Cảnh Sát thành phố vào hồi khuya này.  Tôi sợ bọn tranh đấu sẽ kéo đến đây bây giờ.  Thiếu Tá Đạt hỏi tôi :
       - Người đó là ai?
       - Hắn là Cảnh Sát, bạn thân từ nhỏ.
       - Tin được không?
        - Tin được Thiếu Tá.
       Thiếu Tá Đạt bàn với tôi:
       - Tôi không tin là đám tranh đấu sẽ tấn công mình lúc này đâu, vì họ chưa nắm vững tình hình, chưa biết mình thuộc lực lượng nào , nhiều hay ít.  Dù sao mình là lính có súng, đụng mặt với mình họ còn e ngại.  Nếu họ kéo đến anh cố gắng thương lượng kéo dài thời gian, cứ giải thích là mình được lệnh của Trung Tá Tỉnh Trưởng tăng cường lo an ninh cho thành Phố đề phòng bọn Việt cộng phá hoại.  Mình không phải là lực lượng được Saigòn gởi ra chống họ.  Có thể mình sẽ bị một vài thành phần trong đám tranh đấu khiêu khích chọc giận để mình mất bình tĩnh và có những hành động lọt vào bẫy của họ.  Vì vậy, chính anh phải bình tĩnh và dặn dò binh sĩ phải bình tĩnh.  Anh chỉ cần giữ địa điểm này trong vòng vài hôm đợi lực lượng Saigòn ra là xong.  Hiện tại họ đã ra Đà Nẵng.
       Đến 8giờ 45 sáng ngày 6-6-1966 qua hệ thống truyền tin, Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt cho biết: Khoảng 10 giờ sáng Trung Tá Phan Văn Khoa,Tỉnh Trưởng sẽ đến thăm đơn vị tôi.  Trung Tá Tỉnh Trưởng cũng muốn gặp và nói chuyện với nhân viên Cảnh Sát tại hội trường của Ty Cảnh Sát.  Tôi báo cho Trần văn Em và nhờ hắn giúp thông báo với anh em Cảnh Sát.
       Đến 10 giờ 10 phút sáng, Trung Tá Tỉnh Trưởng, Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt đến.  Tôi đón cả hai ngoài cổng chính.  Ông bắt tay tôi thật mạnh và nói:
       - Liên Thành, giỏi lắm, sợ tụi hắn không?
       - Chưa đụng tụi hắn, không sợ Trung Tá.  Tôi trả lời tỉnh khô.
       Cả hai chỉ thăm và nói chuyện với binh sĩ chưa đầy 10 phút, sau đó đi thẳng vào Phòng Hội Ty Cảnh Sát.  Đến ngoài cửa phòng hội, tôi dừng lại vì nghĩ không phải việc của mình, nhưng Trung Tá Khoa quay lại:
       - Liên Thành, anh vào trong này luôn.
       Thiếu Tá Đạt đẩy tôi lên phía trước đi với Trung Tá Khoa vào phòng hội.  Ông đi tà tà phía sau.  Quang cảnh phòng hội thật thê lương.  Ngoài Trần văn Em bạn tôi, có 14 ông Cảnh Sát già, mối lo âu sợ sệt hiện rõ trên nét mặt.   Họ ngồi yên và chờ đợi.  Trung Tá Tỉnh Trưởng bước lên bục cao.  Thiếu Tá Đạt và tôi đứng cạnh Ông.  Trung tá Tỉnh Trưởng nói lớn nhưng chậm rãi:
       - Như mọi người đã biết, hơn hai tháng nay Thừa Thiên-Huế hầu như không còn có chính quyền.  Nhóm người Tranh Đấu đã dùng bạo lực ép bức đồng bào đình công, bãi thị.  Các trường Trung Học và Đại Học Huế phải đóng cửa.  Bọn họ ép buộc học sinh, sinh viên bãi khóa.  Bọn chúng đã xâm phạm và chiếm giữ các cơ sở của chính quyền, như chiếm Đài phát thanh, tháo gỡ toàn bộ hê thống phát tín của Ty Bưu Điện, biến chế thành Đài Phát thanh Tiếng Nói Tranh Đấu.  Hai kho vũ khí của 2 Ty Cảnh Sát Thừa Thiên, và Thị Xã Huế đã bị bọn chúng chiếm đoạt.  Khoảng hơn 4000 vũ khí các loại, toàn bộ hệ thống truyền tin tối tân của Cảnh sát và xe cộ đã bị bọn chúng lấy đi và hiện đang dùng làm phương tiện chống chính phủ.  Đi xa hơn nữa bọn chúng đã tấn công và đốt phá tài sản của ngoại kiều, bao vây Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Tại Huế, đốt cháy tan tành thư viện và phòng Thông Tin Hoa Kỳ tại đường Lý Thường Kiệt Quận Ba- Huế.
       Lực lượng quân sự của Chính Phủ Trung Ương sẽ yểm trợ mạnh mẽ cho chính quyền địa phương Thừa Thiên Huế tái lập an ninh trật tự trong một vài ngày tới.  Tôi kêu gọi hơn 4000 nhân viên công lực của hai ty cảnh sát Thừa Thiên, Huế, lập tức trình diện nhiệm sở.  Với tư cách Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, Thị Trưởng Thị Xã Huế, tôi hứa sẽ không truy cứu một ai.  Và hôm nay là ngày 6-6-1966, trong quyền hạn của một Tỉnh Trưởng kiêm Thị Trưởng, Tôi bổ nhiệm:
       -Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên và Thị Xã Huế.  Thiếu Úy Liên Thành, Phó Trưởng Ty, phụ trách Cảnh Sát Đặc Biệt.
       Tôi chưng hửng, mình có nghe nhầm không.   Khoảng 5 phút sau buổi gặp mặt chấm dứt. Chúng tôi rời khỏi phòng hội, tôi hỏi ngay Trung Tá Tỉnh Trưởng:
       - Sao khi hồi Trung Tá không nói trước.  Em là lính làm sao chỉ huy Cảnh Sát được, khó quá.
      - Trong những ngày sắp đến tình hình sẽ rất khó khăn, hoặc là mình đánh gục bọn chúng, hoặc bọn Tranh Đấu đánh gục bọn mình, tôi cần những sĩ quan như em và Đạt.  Phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ, nếu cần thêm lực lượng tôi sẽ tăng cường thêm 1 Đại Đội nữa. Cố gắng kêu gọi anh em Cảnh Sát trở lại làm việc.  Ông bắt tay tôi lên xe rời Ty Cảnh Sát.  Trung Tá Tỉnh Trưởng nói:
       - Anh lo dùm mọi việc, tôi phải đi họp. Thiếu Tá Đạt cũng bắt tay tôi:
       Đài phát thanh Tranh Đấu loan tin Tỉnh Trưởng Phan Văn Khoa vừa bổ nhiệm Thiếu Tá Phạm Khắc Đạt trưởng Ty Cảnh Sát, Thiếu Úy Liên Thành Phó trưởng Ty CSĐB.  Bọn họ chuẩn bị đàn áp phong trào tranh đấu.  Lực Lượng Tranh Đấu báo động.  Chúng tôi đi ra trạm gác phía sau Ty định ăn trưa thì Đài Phát Thanh Phật Giáo Tranh Đấu phát đi lời kêu gọi của Thích Trí Quang với nội dung tóm tắt như sau:
       Khuya 5-6-1966 Lực lượng Thiệu Kỳ đã bất thần chiếm Ty Cảnh Sát Thị xã Huế.  Trong những ngày kế tiếp Thiệu Kỳ sẽ đưa lực lượng Quân Sự từ Đà Nẵng và Saigòn ra Huế để đàn áp Phong Trào Tranh Đấu Phật Giáo Miền Trung.  Yêu cầu Phật giáo đồ, Khuôn Hội Phật Tử mọi cấp, và đồng bào đem Bàn Thờ Phật xuống đường ngăn chận quân đội Thiệu Kỳ tiến vào thành phố Huế.
       Lời kêu gọi của Thích Trí Quang phát đi trên làn sóng của Đài phát thanh Tranh Đấu Phật Giáo Miền Trung đúng 12 giờ trưa ngày 6 tháng 6 năm 1966.  Tôi gọi máy cho Thiếu Tá Đạt:
       - Thẩm quyền nghe chưa?
       - Tôi và Trung Tá Tỉnh Trưởng vừa nghe xong.  Có lẽ lần này bọn chúng sẽ kéo đến thăm anh đó.  Giữ vững vị trí, không để cho bọn chúng lọt vào trong.  Nếu cần chỉ xử dụng hơi cay mà thôi.
       - Trình thẩm quyền mình đâu được trang bị hơi cay.
       - Tiểu Khu sẽ chuyển qua cho anh bây giờ.
       - Nhận rõ.
       - Ông cho anh em vào vị trí đi, tăng cường thật mạnh ở cổng trước.  Thâu hồi lựu đạn M 26, mình sẽ phát cho lính lựu đạn cay và mặt nạ.  Bọn chúng kéo đến chỉ la hét phía ngoài thì kệ họ.  Nhưng bọn chúng xông vào thì xử dụng tối đa lựu đạn cay để đẩy bọn chúng ra.  Tuyệt đối không được nổ súng.  Tôi nói với Thượng sĩ Bái:
       - Nhưng nếu bọn tranh đấu tấn công mình bằng súng thì sao?
       - Bọn hắn súng nhỏ, mình súng lớn ông sợ sao?
       - Tôi chỉ sợ lính Sư Đoàn.
       Tôi đi với Trần văn Em vào văn phòng.  Tôi nói với anh ta :
       - Mình đến phòng truyền tin tôi muốn nói chuyện với mấy ông trưởng CSĐB các quận.
       Hệ thống truyền tin của 13 quận vẫn còn làm viêc với BCH tỉnh. Tôi nói rất gọn với họ:
       - Tôi là Thiếu úy Liên Thành vừa được Trung Tá Tỉnh Trưởng bổ nhiệm vào chức vụ Phó Trưởng Ty CSĐB vào 10:30 sáng ngày hôm nay 6-6-66.  Kể từ giờ này tôi yêu cầu các đơn vị trưởng ngành CSĐB, mỗi quận vào mỗi đầu giờ báo cáo mọi diễn biến xảy ra trong phạm vi trách nhiệm lên BCH Tỉnh.  Tôi cũng yêu cầu các đơn vị trưởng CSĐB kêu gọi nhân viên trực thuộc trở về đơn vị làm việc.  Sau 7 ngày kể từ ngày hôm nay, những ai không trở lại nhiệm sở tôi xem như họ đào nhiệm và sẽ đề nghị sa thải khỏi ngành CSQG.  Chấm dứt.
       - Đến 1:46 chiều ngày 6-6-1966 theo lệnh Trí Quang, các đoàn Sinh Viên Quyết Tử đi từng khu phố, từng phường, từng khóm, từng tư gia bắt buộc dân chúng đem bàn thờ Phật xuống đường.  Tại quận II, trung tâm thành phố Huế từ bến xe Nguyễn Hoàng dọc đường Trần Hưng Đạo về đến cầu Gia Hội, đường Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Chi Lăng Bạch Đằng, đường lớn, đường nhỏ, bàn thờ Phật dày đặc, được đặt ngay giữa đường.  Tại Quận Ba, từ khu chợ An Cựu ra đến đoạn nối liền Quốc lộ I về Phú Bài, đường Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, Nguyễn Huệ, Bến Ngự, Nam Giao, Từ Đàm v..v; hàng ngàn, hàng ngàn bàn thờ Phật, lớn, nhỏ đặt ngay giữa đường ngăn chận lối đi.  Tại Quận I, quận Thành nội, bàn thờ Phật được đặt dọc đường Đinh Bộ Lĩnh, từ cửa Thượng Tứ vào tận cổng BTL/Sư đoàn I.  Bàn thờ Phật cũng được Thích Trí Quang cho lệnh trải dài trên quốc lộ I từ Lăng Cô đến Cầu Hai, Truồi, An Nong I, An Nong II, đến gần Phú Bài, từ Dạ Lê, Hương Thủy qua khỏi quận lỵ Hương Trà.
       Quốc lộ I nối liền Đà Nẵng-Huế- Quảng Trị ngưng hoạt động.  Không còn thấy bóng dáng một chiếc xe đò nào chở khách Huế-Đà Nẵng, Huế- Quảng Trị, hoặc các đoàn xe của Quân Đội VN, Hoa Kỳ di chuyển trên quốc lộ I vì đã bị bàn thờ Phật chận lối đi.  Huế hỗn loạn.  Huế thất thần.  Huế lo âu.  Dân chúng đổ ra đường đi tìm mua mắm muối dự trữ cho những ngày biến loạn đang tiếp diễn.  Nhưng mua ở đâu?  Trí Quang đã cho lệnh đình công bãi thị.  Chợ không đông, cửa hàng nhu yếu phẩm không mở.  Ngoài đường phố toàn là bàn thờ Phật, và từng đoàn Sinh Viên Quyết tử của Trí Quang đang đi xách động, dọa nạt, cưỡng bức dân lành đem bàn thờ Phật xuống đường chống Thiệu Kỳ.
        Không một chiếc xe hơi nào có thể di chuyển được trong thành phố Huế lúc này.  Mọi nơi trong thành phố bàn thờ Phật đã bít lối đi. Dân Huế, mặc dầu là Phật Giáo đồ, đã bắt đầu thấm đòn của Trí Quang, bắt đầu hé một mắt để nhìn chân dung Trí Quang xem hắn thật sự là ai, Quốc gia hay Cộng Sản, là kẻ tu hành hay Sư Hổ mang, vì Đạo Pháp hay vì mưu đồ cá nhân của hắn.  Thật hay giả thì chưa biết nhưng có một điều không thể chấp nhận được đó là bắt tín đồ đem bàn thờ Phật ra đường, đối với tín đồ đây là một hành động xúc phạm nặng nề đối với niềm tin thiêng liêng và sự kính trọng.  Nhiều khu phố, nhiều phường, nhiều khóm đã chống lại lệnh của Trí Quang không chịu đem bàn thờ Phật ra đường, nhưng chống sao nổi với những đoàn Sinh Viên Quyết Tử mang băng đỏ của Trí Quang.  Những ai chống lại là người của Thiệu Kỳ, và Đoàn Quyết Tử của Trí Quang sẽ đem đại họa đến với cá nhân và cả gia đình họ.  Đám này chẳng khác gì Vệ Binh Đỏ của Mao Trạch Đông và Giang Thanh ở Đường Phố Bắc Kinh, Trung Cộng, thời Cách Mạng Văn Hóa.
       - 1:45 Trưa ngày 7/6/66 Biệt Đoàn 222 Cảnh Sát Dã Chiến và Trung Tá Phan Huy Sảnh Chỉ Huy Trưởng Biệt Đoàn, lực lượng tổng trừ bị của Tổng Nha Cảnh Sát được không vận đến Huế.  Tôi bàn giao trụ sở Cảnh Sát thành phố lại cho Biệt Đoàn 222 CSDC.  Đơn vị tôi di chuyển sang trú đóng tại trụ sở Nha Cảnh Sát vùng I, sau này là BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế.
       - Ngày 8/6/66 Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh phó Không quân, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát kiêm Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội, kiêm Đặc Ủy Trưởng Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo đến Huế.  Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan là Tư lệnh hành quân dẹp loạn miền Trung. BCH hành quân đặt tại Toà Đại Biểu chính phủ thuộc quận 3 thành phố Huế.
       Dân Huế sống trong lo âu sợ sệt, một trận đụng độ lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào giữa lực lượng dẹp loạn của Chính phủ trung ương do Đại Tá Ngưyễn Ngọc Loan chỉ huy và đám tranh đấu cũng như đại đơn vị Sư Đoàn I BB ly khai do Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận chỉ huy.  Thế nhưng từ ngày 8/6/66 đến ngày 12/6/66, Đại Tá Loan vẫn án binh bất động, ngoại trừ ông cho lệnh một đơn vị thuộc Biệt Đoàn 222 chiếm lại đài phát thanh Huế và nhóm chuyên viên kỹ thuật từ Saìgòn ra sửa chữa đài phát thanh Huế tái hoạt động.
       Tối ngày 15/6/66 Đại Tá Loan chỉ thị tôi chỉ huy 1 Đại đội CSDC thuộc Biệt Đoàn 222, bắt đầu giải tỏa bàn thờ Phật tại vùng An Cựu thuộc quận 3.  Khoảng 9 giờ 15 tối, tôi rải lực lượng CSDC từ ngã tư Duy Tân và Nguyễn Huệ đến quá cổng Cung An Định.  Vừa bố trí xong thì ngay lập tức, đám tranh đấu dùng loa phóng thanh và đài phát thanh tranh đấu loan tin: "Cảnh sát Dã Chiến Saìgon đang đập phá và dẹp bàn thờ Phật tại vùng An Cựu.  Yêu cầu đồng bào moị giới tập trung ngăn chận".  Chỉ trong vòng 10 phút hàng ngàn người đã vây chúng tôi vào giữa.  Trong đám đông có những tên đầu trâu mặt ngựa, ăn nói thô tục bắt đầu chửi rủa chúng tôi thậm tệ.  Đại đội CSDC đúng là dân chuyên nghiệp, mặc cho thiên hạ chửi rủa, họ vẫn đứng tỉnh khô, đợi lệnh.  Viên đại đội trưởng nói với tôi:
       - Ông Phó, đừng lo, chỉ cần ông Phó ra lệnh là bọn em dẹp đám này ngay.
       Bây giờ thì bọn tranh đấu bắt đầu đốt lốp xe hơi chung quanh chúng tôi.  Ánh lửa bập bùng đễ đưa chúng tôi vào bạo lực. Tôi cố gắng lắm mới giữ được bình tĩnh nói với viên Đại đội trưởng:
       - Ông cho dàn đội hình, mang mặt mạ chuẩn bị giải tán đám này.  Vừa ngay khi đó thì BCH hành quân của Đại Tá Loan gọi tôi báo cáo tình hình.  Sau phần báo cáo tôi nói thêm:
       - Tôi đang chuẩn bị giải tán đám này và dẹp bàn thờ.
       - Anh đợi, tôi trình thẩm quyền.
       - Nhận rõ.
       - Lệnh thẩm quyền không giải tán đám đó, không cần dẹp bàn thờ nữa.  Tránh đụng chạm, đưa con cái anh trở về.
       -Nhận rõ.
       Vưà cương vừa nhu, cuối cùng tôi cũng đưa được đại đội CSDC ra khỏi vòng vây về lại BCH.  Đại tá Loan đợi tôi tại BCH, ông nói:
       -Tốt lắm, mình chỉ thử xem bọn chúng phản ứng thế nào, mọi chuyện ngày mai hãy tính.
       -10:30 đêm ngày 17/6/66, Đại tá Loan ra lệnh cho Biệt đoàn 222 CSDC rải quân dọc đường Trần Hưng Đạo, đại lộ chính của thành phố Huế, và cũng là nơi bàn thờ Phật dày đặc.  Tôi được lệnh tháp tùng theo Đại Tá Loan và toàn ban tham mưu cuả ông sang phố Trần Hưng Đạo.
       Đường Trần Hưng Đạo khói hương nghi ngút, các sư cô ngồi ngay dưới bàn thờ tụng kinh.  Đám phật tử và sinh viên tranh đấu ngồi vây quanh các sư cô.  Đại tá Loan đi bộ tà tà dọc theo các bàn thờ, thỉnh thoảng dừng lại ngồi gần các sư cô thầm thì nói chuyện, có trời cũng chẳng biết được ông định làm gì.  Đến 1 giờ 45 khuya, bỗng Đại Tá Loan gọi tôi:
       - Liên Thành đâu!
       - Tôi đây Đại Tá.
       - Mày 1 bên, đại tá 1 bên, mình khiêng bàn thờ bỏ vào vệ đường.  Tôi và Đaị Tá Loan vừa đặt bàn thờ vào vệ đường thì lập tức Biệt đoàn 222 túa ra như ong vỡ tổ.  Chỉ 10 phút sau không còn một bàn thờ Phật nào trên đường Trần Hưng Đạo .
       Biệt đoàn 222 CSDC tiếp tục dẹp bàn thờ trong quận 2 và quận 3. Đến 8 giờ sáng ngày hôm sau thì công việc dẹp bàn thờ tại thành phố Huế đã hoàn tất, ngoại trừ quận I Thành Nội Huế, nơi có BTL Sư Đoàn I, Đại Tá Loan chưa đụng đến.
       Suốt ngày 18 tháng 6/66 mỗi đầu giờ đài phát thanh Huế truyền đi lời kêu gọi của BCH hành quân, yêu cầu quân nhân các cấp thuộc Sư Đoàn nằm trong lực lượng Tranh Đấu chống Chính Phủ, các thành phần dân sự sinh viên, học sinh, giáo chức, công chức, Cảnh Sát Quốc Gia, v..v.. trình diện BCH hành quân đặt tại Công Trường Phu Văn Lâu.
       Tổng cộng hơn 1000 quân nhân các cấp bị tạm giữ tại Cục An Ninh Quân Đội tại Sàigòn và Phú Quốc.
       Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận đầu hàng, trình diện Đại Tá Loan, và bị đưa vào giam tại Sàigòn chờ ngày ra toà.  Tư Lệnh Sư Đoàn I được thay thế bởi Đại Tá Ngô Quang Trưởng, tham mưu trưởng Sư đoàn Nhảy Dù.  Về phần dân sự khoảng gần 2000 người bị tạm giữ.  Sau thời gian điều tra, một số được trả tự do một số khác bị giữ lại truy tố ra toà với tội danh phá rối trị an.  Số cơ sở nòng cốt Cộng Sản nằm vùng của Hoàng Kim Loan đã được y phái cán bộ đường dây, đón ra mật khu.  Một số khác giả dạng thày tu chạy vào trốn tại các chùa quanh thành phố Huế.
       Thích Trí Quang bây giờ đã vào đường cùng.  Y tuyên bố tuyệt thực 90 ngày, định ngồi lì tại sân toà Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên, nhưng Đaị Tá Loan đã cho lệnh bắt giữ, giải vào Sàigòn và cô lập tại bệnh viện Bác sĩ Tài.
       Sáng ngày 20 tháng 6 /66, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan gọi Thiếu Tá trưởng ty Phạm Khắc Đạt và tôi lên Toà Đại Biểu Chính Phủ gặp ông.  Ông cho lệnh chúng tôi bắt giữ Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi đem về toà đại Biểu chính phủ gặp ông.  Thật khó cho chúng tôi, nhất là Thiếu Tá Đạt, vì khi chúng tôi còn ở Quận Nam Hoà Trung Tướng Thi là tư lệnh Sư Đoàn I, rồi Tư lệnh Quân Đoàn I, thường thăm viếng quận Nam Hoà và rất ưu ái, nâng đỡ Thiếu Tá Quận Trưởng Phạm Khắc Đạt.  Nay vì khác chính kiến trở thành đối nghịch, đệ tử nhận lệnh đi bắt ông thày, lương tâm đâu ổn.  Nhìn nét mặt tư lự của ông tôi hiểu ngay, tôi nói với Thiếu tá Đạt:
       - Thiếu tá khỏi lo, tôi là thằng sĩ quan hạng bét, ông Trung Tướng không nhớ mặt tôi đâu, để tôi đi trước vào mời Trung Tướng, ông tà tà theo sau.
       Tư dinh Trung Tương Thi tại số 12 đường Lê Thánh Tôn thuộc quận 3, sau lưng nhà thờ Nhà Nước "Phan xi cô".   Tôi và Thiếu tá Đạt cùng đi một xe đến thẳng tư dinh Trung Tướng Thi.  Chúng tôi gặp Tùy viên của Trung Tướng tại phòng khách.  Liền ngay đó thì Trung Tướng Thi từ trên lầu bước xuống, hình như ông đã biết mọi việc.  Ông nói với Thiếu Tá Đạt:
       - Sao Đạt, Đại Tá Loan cho lệnh bắt Trung Tướng phải không?  Các em muốn Trung Tướng đi xe của Cảnh Sát hay xe của Trung Tuớng?
       - Xin Trung Tướng dùng xe quân đội, chúng em chạy theo sau.
       Tôi còn nhớ ông mặc đồ dân sự, áo xanh quần đà, nhưng đi xe quân đội gắn 3 sao, bảng đỏ.
       Đến cuối tháng 7/66 thì an ninh, trật tự đã vãn hồi tại tại miền Trung và Thừa Thiên, Huế.  Tôi và Thiếu tá Đạt nhận lệnh biệt phái sang lực lượng CSQG đến 30/4/75.

No comments: