*
Quyển Đoạn Tuyệt của Nhất Linh đã kết thúc bằng một án mạng, hay nói rõ hơn, bằng cái chết bi đát của Thân. Thân đã chết bởi bàn tay người vợ mà chàng đã ôm ấp và yêu dấu. Ta thử quay lại khúc phim đẫm máu này:
Loan thấy Thân nằm bên cạnh chốc chốc
lại vật mình thở dài. Nàng biết Thân bực tức lắm, vì Thân chỉ đợi nàng tắt đèn đi ngủ là xuống nhà dưới với Tuất, vì từ hôm dọn nhà lên Hà Nội để chữa lại nhà ở dưới ấp, Tuất về quê vắng, hôm nay vừa mới lên.
-Sao bảo mợ tắt đèn, mợ lại không tắt đèn?
-Ô hay! Cậu cứ đi ngủ đi, tôi cần đèn để xem sách.
-Mợ để đèn, tôi không ngủ được.
-Cậu xoay mặt vào tường mà ngủ.
Loan hơi lấy làm lạ về câu nói gắt gỏng và lần đấu có ý trịch thượng của mình đối với chồng.. . .
. . . . . . . . . . . .
-Tôi bảo mợ không nghe à? Phép ở đâu thế?
-Tôi xin cậu để yên cho tôi xem. Cậu muốn tắt đèn thì ra mà tắt.
Yên lặng một lúc rồi Loan thấy chồng giật lấy quyển sách ở tay nàng vứt mạnh xuống đất. Loan đặt con dao lên bàn., cúi xuống nhặt sách, phủ bụi rồi lẳng lặng dở ra đọc, làm như không xảy ra sự gì cả. Loaqn thấy Thân ngồi nhỏm dậy, liền quay lại hỏi:
-Cậu làm gì thế?
-Mợ không được láo.
-Tôi láo cái gì?
Thân đập mạnh hai tay xuống chiếu quát:
-Mợ cãi à?
Rồi tiện chân đạp mạnh vào lưng Loan, làm Loan ngã lăn xuống đất. Nàng vừa lóp ngóp dậy đương vấn lại tóc thì ở ngoài nhà có tiếng bà Phán:
-Làm gì huỳnh huỵch trong ấy thế? Có dạy vợ thì thì lúc khác hãy dạy, để yên cho người ta ngủ.. .
. . . . . . . . . . . .
-Phải có thế mới là đồ mất dạy.
-Mất dạy là người đánh đàn bà yếu ớt, hèn nhát một lũ.
-Bà Phàn vội quá, đi chân đất vào buồng, nhìn Loan hỏi:
-Mợ nói gì thế? Mày nói gì thế, con kia?
-Loan quay mặt vào trong không đáp. Bà Phán nói tiếp:
-Bà thủ đánh mày một cái tát, xem mày còn bảo là hèn nhát nữa không?
-Không ai có quyền chửi tôi, không ai có quyền đánh tôi.
-Tao có quyền, mày chửi lại xem nào.. . .
. . . . . . . . . . .
Bà Phán đã ngồi dậy, trỏ tay, mồm nói:
-Đánh chết nó đi cho tôi. Chết đã có tôi chịu tội.
-Loan vẫn lùi. Thân hục hặc nhìn quanh, rồi tiện tay cầm lấy cái lọ đồng sấn lại phía nàng. Loan đã thấy Thân đến gần mình, trong lúc hốt hoảng liền vớ ngay con dao díp rọc sách để ở bàn định giơ đỡ. Thân như con chổ dữ đạp đổ một cái lọ đồng đập vào Loan. Loan né mình tránh được và trượt chân ngã xuống giường, con dao cầm chắc trong tay. Thân quá đá cũng ngã mạnh vào người Loan. Loan thấycái cán dao ấn mạnh lên tay nàng và Thân kêu lên một tiếng. Con sen cũng kêu theo:
-Trời ơi! Cậu giết chết mợ con rồi.
Loan buông dao, rút mạnh tay đứng dậy, còn Thân thì nằm ngữa ra hai tay ôm ngực. Bỗng Loan mở to mắt nhìn một vết đỏ loang trên áo Thân. Nàng sợ hãi, đưa hai tay lên che mồm, bỗng dừng lại: mấy ngón tay nàng đã vấy máu đỏ loè.
Nội vụ ra trước tòa, ông chưởng lý buộc tôïi Loan đã giết chồng:
Thị Loan không thể cãi rằng không định tâm giết chồng. Nói rằng cầm dao để đỡ cái lọ đồng trong khi né mình tránh khỏi là một sự vô lý. Mà không có cái gì tỏ ra rằng người chống vác lọ đồng để đánh chết vợ, một người vợ đã hỗn với mẹ mình! Thị Loan đã khôn khéo, phải, rất khôn khéo, vì đã giết chồng mà khéo làm ra như là chồng tự giết mình. Tôi rất phục. Nhưng cái khéo đó là của một người nham hiểm, một người gain trá. Tôi xin tòa trị tội thật nặng để làm gương cho người khác .(108)
Luật sư của Loan đã bênh vực Loan trước tòa. Ôâng cho rằng Loan cầm dao để đỡ lọ đồng chứ không cố ý giết chồng. Hơn nữa, giấy chứng nhận của bác sĩ đã cho thấy Loan vô tội:
Loan không giết chồng! Điều đó là một sự dĩ nhiên rồi. Giấy chứng của đốc tờ, lời khai sự thực của con sen đúng với lời khai của bị cáo nhân, đã tỏ ra một cách rõ ràng rằng những lời khai khác hẳn của gia nhân người thiệt mạng toàn là những lời vu khống vì thù ghét. (184-185)
Đi xa hơn nữa, trạng sư của Loan đã quy tội cho bà Phán Lợi đã giết con, và chính cái xung khắc của xã hội đương thời đã giết chết Thân:
Chính bà mẹ chồng đã giết chết con bà mà bà không biết, mà còn đổ cho Thị Loan cái tội giết chồng. Nhưng bà có biết đâu, con bà chết là lỗi ở bà, lỗi ở cái luân lý trái mùa và quá ư nghiêm nhặt kia. Người có tội chính là bà mẹ chồng Thị Loan và với cái luân lý cổ hủ kia.
Nhưng nếu vượt lên trên, và nghĩ rộng ra không kể đến cá nhân nữa, thì bao nhiêu những việc xảy ra không phải lỗi ở người nào cả, mà là lỗi ở sự xung đột hiện thời đang khốc liệt của hai cái mới cũ. (186-187)
Nhất Linh khi viết quyển Đoạn Tuyệt đã có ý chứng minh rằng xã hội cũ, gia đình cũ, cùng những quan niệm về hôn nhân của lớp người cũ là sai lầm, xấu xa, cần phải loại bỏ. Lời của luật sư chính là lời của Nhất Linh. Người tây phương có câu: Công lý là cái bình có hai quai. Nghe qua thì thấy bên nào cũng có lý vì công tố viên và luật sư bên nguyên, bên bị đều tinh thông pháp luật, và kinh nghiệm đầy mình. Và sự việc khi ra pháp đình, kết quả cũng giống như trò « tài xỉu » mà thôi.
Cái giấy của bác sĩ chứng nhận Thân chết vì ngã vào con dao đã chứng minh Loan vô tội.Nhưng luật pháp và tòa án thường có những kẽ hở. Nhất Linh cực đoan nên đổ tội cho chế độ gia đình cũ. Chúng ta cũng nhận thấy gia đình cũ có nhiều sai lầm.
Tuy nhiên, ở xã hội tự do, cũng có nhiều cặp vợ chồng xô xát, gây ra án mạng. Và xã hội ta, mẹ chồng khắc nghiệt và nạn đa thê song không phải gia đình nào cũng đưa đến đổ máu. Vậy sự xung đột trong gia đình không thể đổ cho chế độ gia đình cũ, nạn mẹ chồng khắc nghiệt và tục đa thê. Sự xung đột giữa hai vợ chồng phần chính là do cách đối xử giữa hai vợ chồng. Trong vụ này, có hai vấn đề nổi bật. Một là nạn đa thê. Thân lấy vợ bé cho nên Loan sinh ra ghen và tìm cách cản Thân xuống nhà với Tuất, vì vậy, nàng không chịu tắt đèn. Loan chỉ có hai thái độ.
Một là chấp nhận tục đa thê. Hai là xin ly dị chứ không nên ghen tuông vô ích. Vì Loan tìm cách ngăn cản cho nên đưa đến tranh cãi và đưa đến chết chóc. Vấn đề thứ hai là cách đối xử. Khi sống chung với nhau, người ta phải tôn trọng lẫn nhau. Sự yêu thương và tôn trọng được thể hiện ở cách cư xử với nhau và ngôn ngữ. Đến giờ ngủ, phải tắt đèn. Việc này rất cần thiết để cho hai người được ngủ yên, nhất là hai người hay một người phải dậy sớm đi làm việc, hoặc một trong hai người khó ngủ. Loan ngoan cố để đèn tức là Loan gây sự. Hơn nữa, Loan không nên gây sự với mẹ chồng. Nàng không nên nói « hèn nhát một lũ « .
Nếu đi xa hơn, chúng ta còn thấy một lý do khác. Đó là mối tương quan giữa Loan và Dũng. Bà giáo Thảo là người khôn ngoan, đã dặn Loan trước khi ra tòa:
Chị cứ để chúng tôi lo liệu hết cách cho khỏi tù tội… . Cốt nhất là chị nhớ đừng đả động đến gì đến việc của chị với Dũng .(174 )
Như vậy, theo bà giáo Thảo, Dũng có liên quan dù là gián tiếp đến cái chết của Thân. Thật ra, Dũng không hề có hứa hẹn gì với Loan mặc dầu trong tâm chàng đã thầm yêu Loan. Dũng không tỏ tình với Loan, gặp Loan, Dũng làm bộ thản nhiên vì Dũng sắp lên đường theo tiếng gọi tổ quốc. Hơn nữa, chàng đã biết Loan đã đính ước với người ta. Về phần Loan, Loan đã yêu Dũng. Một lần, Loan đã đến thăm Dũng tại gác trọ của Dũng, Dũng rất mừng rỡ nhưng chàng trấn áp lòng mình, làm bộ lạnh lùng khiếân Loan đau lòng, nghĩ rằng Dũng chỉ xem nàng là một người bạn, và nàng tức giận bỏ ra về:
Loan hơi thất vọng, nàng muốn Dũng có vẻ ngượng nghịu đối với nàng, và tỏ ra ý buồn rầu khi sắp phải xa nàng. Vẻ ân cần, vui vẻ của Dũng làm cho nàng biết rằng Dũng chỉ coi nàng như một ngừơi bạn thôi. (19 )
Trước ngày cưới của Loan, Dũng đã bỏ đi xa để khỏi nhìn cảnh người yêu lên xe hoa về nhà chồng. Nhưng rồi chàng lại trở về để gặp Loan. Tại sao chàng không đi luôn mà lại trở về để cho Loan thêm nặng lòng? Khi xe hoa của Loan đi qua cửa Nam, nàng « thấy Dũng đứng ở đầu phố tươi cười nói chuyệïn với một thiếu nữ ăn mặc rất sang trọng. Khi nàng nhìn thấy Dũng, Dũng cố ý lánh mặt sau một thân cây ». (65 )
Dũng cố ý hay vô tình khi đứng ở đoạn đường xe Loan đi qua? Sự hiện diện của Dũng chỉ làm cho Loan xúc động, và gây bão tố trong lòng Loan và trong đời sống hôn nhân của Loan và Thân.
Loan là cô gái mới, đã say mê tiểu thuyết, đã theo chủ trương tự do luyến ái. Cụ thể là nàng đã đến phòng trọ của Dũng, và lòng đã yệu Dũng, dù là yêu đơn phương. Hình ảnh của Dũng luôn luôn hiện rõ trong tâm Loan, quấy rối cuộc bình yên của Loan.
Ngay trong đêm tân hôn, hình ảnh của Dũng đã hiện rõ trong trí tưởng của Loan:
Thân, sau khi đã khóa cửa cẩn thận, tiến đến sau lưng nàng. Hai người lặng yên hơn một phút đồng hồ, không ai dám cất tiếng nói trước. Bỗng Loan thấymột bàn tay nhẹ để lên vai nàng. Nàng vẫn không quay lại, ngước mắt nhìn ra ngoài cửa sổ và lúc đó,, hình ảnh Dũng lại hiện ra trong trí tưởng tượng của Loan rõ rệt như trông thấy trước mắt. Các ngôi sao trên trời biến hết, mắt nàng vẫn mở mà không nhìn rõ vật gì, nàng chỉ thấy toàn một màu đen thẫm như mực. (69 )
Những ngày tháng làm vợ Thân, Loan vẫn không quên Dũng:
« Ở xa xa, tiếng sáo ai thổi đưa lại, Loan nghe như lòi than vãn của một xuân nữ đa tỉnh, ngồi trong vườn đầy hoa thơm, nhớ tới hình ảnh tình nhân xa vắng. Rồi mơ mộng, Loan tưởng tượng người tình nhân đó giống Dũng. . . và thẫn thờ để tiếng sáo du dương đưa tâm hồn nàng phiêu lưu đến những cảnh mộng xa xăm. (72)
Tại sao Loan lại nghĩ đến Dũng? Yêu là một cái gì khó hiểu. Người ta yêu cái nọ hơn cái kia, lẽ tất nhiên là cái ấy phải đẹp hơn, tốt hơn theo chủ quan của chủ thể. Nhưng theo chủ quan của người khác, sự đánh giá và lựa chọn sẽ khác hơn.
Dưới con mắt Loan, Dũng hơn Thân vì Dũng có học thức hơn Thân, hoạt bát hơn Thân, có ý chí cao cả hơn Thân. Lại nữa, Dũng biết chiều chuộng phụ nữ, không như Thân quê mùa, sống bám vào mẹ. Ngoài ra, Loan và Dũng quen biết từ lâu, còn Thân chỉ là kẻ đến sau, là người xa lạ. Loan và Dũng là người cùng một thế giới, là những con người mới theo Tây phương, còn Thân ở một phương trời khác, là con nguời cũ ở cuối thế kỷ 19, của thời Tự Đức trở về trước. Cái ưu điểm của Thân là con nhà giàu, thế thôi.
Trong ngày hợp hôn, Loan cảm thấy nàng và Thân quá xa cách. Trong khi Loan bạo dạn, văn minh, Thân nhút nhát ,quê mùa:
Hàng ngàn con mắt đều chăm chú nhìn nàng. Người thẹn nhất lúc đó không phải là Loan, mà là Thân đương nấp sau hai người phù rể, mặt đỏ bừng khi thấy Loan tò mò nhìn thẳng vào mặt. (63-64 )
Thân và Loan không cùng đập một nhịp tim. Thân không phải là người cùng một tâm hồn lãng mạn như Loan, khiến cho Loan thất vọng. Loan đã cố yêu Thân mà không được:
Loan cúi mình với ngắt một một đóa sen hồng đặt lên môi, lẳng lơ nhìn Thân:
-Em đố anh biết môi em ở đâu?
Rồi nàng mỉn cười tra 3 lời sau câu hỏi mình:
-Môi em là đóa hoa hồng này.
Nàng dịu dàng đặt hoa lên má Thân rồi nói:
-Em hôn anh.
Không thấy Thân nói gì, nàng hơi ngượng, vứt bông xuống hoa xuống ao. . .(73 )
Nếu những lúc này, Thân biết tình tứ một chút thì đâu đến nỗi cuộc sống hai người biến thành địa ngục!
Trong tâm hồn Loan luôn có sự so sánh giữa Thân và Dũng. Loan luôn nhìn Thân bằng đôi mắt khinh bỉ, trong khi hình ảnh Dũng hiện lên trong tâm tưởng Loan rất rực rỡ:
Thân gục đầu vào gối, mới nằm yên một lúc đã bắt đầu ngáy. Bên cạnh chàng, Loan vẫn nằm ngữa, hai tay buông xuôi, mở to mắt nhìn thẳng lên đình màn. Mấy sợi tóc mai của nàng dán chặt lên má còn ướt đẫm mồ hôi. Môi nàng hé mở, tỏ ra vẻ chán nản ghê tởm cho những đêm ái ân miễn cưỡng. . . Nghĩ đến đây, Loan quay mặt ngắm Thân nằm bên cạnh, rồi thở dài bĩu môi. Tuy nàng đã biết vì cớ gì mấy tháng trước đây nàng nhận làm vợ Thân, nhưng nàng vẫn lấy làm lạ rằng bấy lâu nàng có thể ở cạnh một người như Thân được. Thẩn thờ nàng chạnh nghĩ đến Dũng ở nơi xa xôi, tưởng ra Dũng đương đi trên một con đường dài đầy cát bụi, để mặc gió thổi tóc phất phơ và mỉm cười như vui vẻ đón chào những ngày đầy đủ của một cuộc đời phiêu lưu hoạt động.(80)
Một ngày nọ, Loan bỗng gặïp Dũng trên đường từ Đền Mẫu về Hà Nội trên xe bà huyện Tịch. Trong giây phút ngắn ngủi đó, Loan bỗng thấy bàng hoàng như uống ly rượu mạnh:
Từ lúc lên xe, Dũng không hề quay lại hỏi Loan một lần nào nữa. . . Loan thì ngồi lùi hẳn vào góc, giáu mặt trong bóng tối, vì nàng sợ bà huyện nhìn thấy vẻ cảm động trên mặt nàng. Tuy xe chạy rầm rầm mà Loan tưởng như bà huyện Tịch có nghe tiếng trái tim nàng đập mạnh trong ngực. (121 )
Trong buổi gặp gỡ này, Loan muốn bỏ chồng, bỏ gia đình, bỏ tất cả để theo Dũng:
Loan vội cúi mặt xuống vì thấy Dũng tự nhiên nhìn nàng đăm đăm một cách khác thường. Nàng mê man như đương ở trong một giấc mơ. Thoáng một lúc, nàng có cái ý tưởng liều lĩnh bỏ cả gia đình, bỏ chồng con, bỏ cả xã hội nàng đương sống, bỏ hết, nhắm mắt theo Dũng, liều thân sống với Dũng một cuộc đời rộn rã, rồi sau này muốn ra sao thì ra. (124)
Loan đã có con, đặt tên là Nghĩa. Tại sao là Nghĩa? Chồng nàng tên là Thân, con nàng phải là Aùi, hay Thiết. . . Còn Nghĩa thì lại liên quan đến Dũng như Nhân Nghĩa Lễ Trí Dũng, hay Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã. Điều này cũng chứng tỏ là Loan luôn nghĩ đến Dũng và yêu Dũng tha thiết.
Loan không cố ý giết Thân. Cái chết của Thân là do tập hợp của nhiều mâu thuẫn, mà quan trọng nhất là do mâu thuẫn giữa hai tâm hồn Loan và Thân. Nhưng sâu xa hơn hết chính là do Loan yêu Dũng. Thân đến sau Dũng và kém Dũng quá nhiều. Việc cãi nhau đưa đến cái chết bi thảm của Thân chỉ là gịọt nước rót thêm vào một cái ly đã đầy. Tại sao trong đêm đó, Loan hai lần cầm dao? Tại sao nàng không cầm cái gì khác lại cầm con dao? Như vậy là trong tiềm thức, Loan đã muốn giết Thân, mà Nhất Linh cũng muốn Đoạn tuyệt với xã hội cũ bằng bạo lực có đổ máu.
=====
No comments:
Post a Comment