*
Ở đây chúng tôi đề cập đến những câu hò, điệu hát trong dân gian, đã được quần chúng sáng tác và truyền bá tại đất Thần Kinh thơ mộng trong bao thời đại.
Có lẽ Huế là một trong những nơi có nhiều câu hò, điệu hát nhất và xuất sắc nhất.
Về hình thức, ca dao Huế thường dài, biến thể của vè, tứ ngôn, ngũ ngôn,thất ngôn. . .cấu tạo theo yêu vận :
Một vũng nước trong,
Mười giòng nước đục.
Một trăm người tục,
Không được một chục người thanh!
Lấy ai tâm sự như mình,
Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên quân!
Về nội dung, ca dao Huế rất phong phú, ý tứ thâm sâu.
Chúng ta thử xét xem nội dung của dân ca Huế qua một vài câu tiêu biểu.
I . TÌNH PHỤ TỬ, MẪU TỬ :
Những bài hát ru con ( ru em ) Huế thường nói đến tình phụ tử, tình mẫu tử:
Ru em, em thét cho muồi ,
Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi chợ Quán, Chợ Cầu,
Mua cau Nam phổ, mua trầu chợ Dinh.
Chợ Dinh bán áo con trai,
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.
Mạ ơi chờ đánh con đau,
Để con bắt ốc, hái rau mạ nhờ!
Ca dao thường là những bài học luân lý, khuyên con người phải hiếu thảo với cha mẹ :
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp luột, như đường mía lau.
Tôm rằn lột vỏ, bỏ đuôi
Gạo lúa de An Cựu mà nuôi mẹ già !
Ca dao cũng nói lên tâm trạng của những người con hiếu thảo:
Đêm đêm khấn vái Phật ,Trời
Cầu xin cha mẹ sống đời với con.
Có những bài ca nói lên tâm trạng người con gái ra đi lấy chồng, đã luyến tiếc mái nhà xưa, nhất là đau buồn vì xa cha mẹ:
Ra đi ngó trước, ngó sau,
Ngó nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng.
Khi đã về nhà chồng, người con gái thường nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cha :
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngó về quê mẹ, ruột đău chín chiều.
II. TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG
Dân ca Huế là tiếng nhạc réo rắt của những tâm hồn yêu làng xóm, thành phố, quê hương mình.
Những bài hát ru, những bài ca Huế thường mang dấu tích những làng xã thân yêu của đất thần kinh như là muốn giớI thiệu cùng khách du những địa danh quen thuộc, và cũng là để gợi nhớ cho những lãng tử xa nhà :
Đố ai biết rít mấy chưn,
Cầu Ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người ?
Đông Ba, Gia Hội hai cầu,
Có chùa Diệu Đế bốn lầu hai chuông.
Nhiều bài dân ca Huế ca tụng những sản vật địa phương, như là niềm tự hào và cũng là một cách gây hoài niệm cho khách lữ thứ, kẻ hoài hương :
Hồ Tĩ nh Tâm giàu sen bạch diệp,
Đất Hương Cần ngọt quit thơm cam.
Ai về Cầu ngói Thanh Toàn,
Cho anh về với một đoàn cho vui.
Ai về Cầu ngói Dạ Lê,
Cho em về với thăm quê bên chồng.
Nhiều câu ca dao đã khen ngợi cảnh đẹp của Huế đô:
Đường vô xứ Huế loanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Thương anh, em cũng muốn vô,
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang.
Phá Tam giang ngày rày đã cạn,
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.
Gió dưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ xương.
Huế mang số phận con người Việt Nam. Huế có buồn, có vui, có vinh có nhục. Có những người đã chê Huế vì dịa lý :
Sơn bất cao, Thủy bất thâm,
Nam đa trá, nữ đa dâm !
(Núi không cao, nước không sâu,
Nam giới gian trá, nữ nhân dâm dật.)
Huế thường tự hào về núi Ngự Bình và Hương giang, nhưng Ngự Bình không cao, mà sông Hương thì không sâu, không lớn, không hiểm. Nhưng nói về con người thì ta nên xét lại, vì xứ nào mà chẳng có người tốt, kẻ xấu ? Và về địa lý, ta cũng nên xét lại. Một nhà văn Trung quốc , Lưu Vũ Tích (thế kỷ 7-8) trong bài Lậu thất minh ( Căn nhà quê mùa ) há chẳng đã nói :
Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh,
Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh.
( Núi không cần cao, có tiên là nổi tiếng,
Sông không cần sâu, có rồng là linh thiêng)
Một nhà thơ Huế đã tỏ ý đau lòng trước cảnh tang thương của đất nước : trong cuộc chiến tranh Việt Pháp, dân chúng nghèo khổ , và Pháp đã phá hoại núi Ngự bình, nên đã có hai câu thơ truyền tụng :
Núi Ngự không cây , chim nằm đất,
Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời !
Tố Hữu cũng như bao người lãng mạn cách mạng, những mơ xây dựng cộng sản chủ nghĩa không còn giai cấp, không còn nghèo đói, không còn tệ đoan xã hội.
Ông cũng như bao người cộng sản đã hứa hẹn , đã tuyên truyền mạnh mẽ trong đám nông dân, thợ thuyền và đám ca kỷ giang hồ trên sông Hương :
Trời ơi biết đến khi mô?
Thân em hết nhục dày vò năm canh?
Tình ơi gian dối là tình,
Thuyền em rách nát còn lành được không ?
-Răng không , cô gái bên sông,
Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài.
Thơm như hương nhụy hoa nhài,
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng.
Ngày mai gió tới ngàn phương,
Tôi đưa cô tới một vườn đầy xuân.
Ngày mai trong giá trắng ngần,
Cô thôi kếp sống dày thân giang hồ.
Ngày mai bao lớp đời dơ,
Sẽ tan nhu đám mây mờ đêm nay. . .
(Tiếng hát sông Hương )
Nếu người con gái sông Hương thuở đó còn sống đến bây giờ, chắc sẽ thấy sau mấy chục năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, dân chúng nghèo hơn và số gái giang hồ đông hơn thời quân chủ và thời Pháp thuộc! Khoảng 1980, Tố Hữu vào Nam, tham dự một lớp học tập của giáo viên cấp ba, một giáo viên miền Nam đã hỏi Tố Hữu : ' Bây giờ đọc lại bài thơ Tiếng hát sông Hương, ông nghĩ gì ?
Tố Hữu đã không trả lời được câu hỏi hóc búa đó!
III. TÌNH YÊU TỔ QUỐC
Trong hò Huế, chúng ta thấy lòng yêu nước của dân Huế rất mãnh liệt. Lời ca đôi khi mạnh mẽ, cương quyết nhưng đôi khi bóng bảy, kín đáo :
Thuyền từ Đông Ba, thuyền qua Đập Đá,
Thuyền về Vỹ Dạ, thẳng ngã ba Sình.
Lờ đờ bóng ngả chênh chênh,
Giọng hò xa vọng, nhắn tình nước non.
Chúa Nguyễn vào Thuận hóa đã xây dựng xứ sở này thành một xứ trù phú. Khi chúa Nguyễn quyết định lấy Phú xuân làm kinh đô là đã đặt vững niềm tin yêu vào dân Thuận hóa. Và các chúa Nguyễn đã tỏ ra yêu dân cho nên dân chúng yêu mến chúa Nguyễn, cầu mong chúa Nguyễn thống nhất đất nước, đem lại hòa bình , thịnh vượng cho dân chúng:
Lạy trời cho nổi gió nồm,
Để cho chúa Nguyễn thuận buồm trẩy ra.
Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, chúng đã dùng bạo lực và mọi thủ đọan xảo quyệt để thôn tính nước ta. Quân dân ta đã chiến đãu anh dũng nhưng gươm dáo đã không thắng được súng ống tối tân của địch.
Vua Tự đức mất để lại môt cơn khủng hoảng chính trị.Trong bốn tháng, Việt Nam đã có ba vị vua và quyền hành nằm trong tay một số đại thần mà đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường :
Một nhà sinh được ba vua,
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài. .
Nhất giang lưỡng quốc nam phân thuyết,
Tứ nguyệt tam vưong triệu bất tường.
Trong hai câu đối này có tên Tường, Thuyết.Câu thứ nhất nói : Một con sông hai nước thì không thể nói được. Bốn tháng, ba vua là điềm xấu. Một sông hai nuớc là nói Pháp đóng bên này sông Hương , Tòa Khâm ( gần Đập Đá), còn bên kia sông, là cung vua. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cương quyết chống Pháp. Vua Hàm Nghi, vua Thành Thái, vua Duy Tân là những vị vua yêu nước. Câu ca sau đây đã nói về việc vua Duy Tân giả đi câu tại Phu Văn Lâu để gặp các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân bàn việc chống Pháp :
Chiều chiều trên bến Văn Lâu,
Ai ngồi ai câu,
Ai sầu ai cảm,
Ai nhớ ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông?
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non!
Trong khi những anh hÙng liệt sĩ và minh quân thánh chúa hy sinh cho đất nước, một số người đã cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, phản lại dân tộc.
Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch,
Non xanh nước biếc, điện ngọc, đền rồng.
Tháp bảy tầng ,thánh miếu, chùa Ông,
Trách ai hai dạ một lòng,
Tham đồng bạc trắng phụ lòng dân đen!
Việc thực dân Pháp tàn sát trong ngày 24 ất dậu( 1885 ) và việc cộng sản giết hại dân lành trong tết mậu than ( 1968) đã làm cho dân Huế đã đau thương lại thêm đau thương.
- Mậu thân giặc chiếm Huế đô,
Đốt nhà, cướp của, đào mồ chôn dân!
Làm sao quên được mậu thân,
Cộng quân tàn ác giết dân Huế mình!
-Mậu thân cộng chiếm Huế đô,
Đông Ba, Gia Hội thành mồ chôn dân!
Và trận lụt cuối năm kỷ mão (1999) đã khiến dân Huế đi đến tận cùng của đau khổ.
IV.TÌNH YÊU NAM NỮ
Cũng như ca dao Việt Nam, ca dao Huế để cho tình ca chiếm một địa vị trọng yếu. Con người thường cô đơn và cô đơn làm cho người ta buồn khổ :
Chiều chiều mây phủ Hải Vân,
Chim kêu gành đá, gẫm thân thêm buồn.
Trong cô đơn, con người mơ ước có một người bạn để cho đời bớt lạnh lẽo:
Thiên sinh nhân,hà nhân vô lộc,
Địa sinh thảo,hà thảo vô căn.
Một mình gĩữa lòng thuyền dưới nước,trên trăng,
Biết cùng ai trao duyên gửi phận cho bằng thế gian?
khi đã yêu nhau, ngưòi ta sẽ thấy lòng mình vô cớ buồn bã . Nhìn sông, nhìn nước, nhìn mây, nhìn núi.. . đâu đâu cũng thấy u buồn :
Núi Ngự bình mơ màng trăng gió,
Niềm tâm sự ai thấu rõ cho mình?
Đoái nhìn sông Hương nước chảy thanh thanh,
Sông bao nhiêu nước, dạ sầu tình bấy nhiêu!
Chợ Đông Ba tiếng gà eo óc,
Chùa Thọ Lộc tiếng trống sang canh.
Giữa sông Hương gợn sóng khuynh thành.
Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngửa nghiêng!
Ngôn ngữ Việt rất thần tình. Thương và nhớ thường đi đôi với nhau :
Nuớc đầu cầu khúc sâu,khúc cạn,
Chèo qua Ngọc trản đến vạn Kim Long.
Sương sa, gió thổi lạnh lung,
Sông xao,trăng lặn, gợi lòng nhớ thương.
Có gặp gỡ, có nhìn thấy nhau , đôi nam nữ mới cảm thấy thương nhau. Và khi đã thương nhau, người ta phải nhớ nhau, phải mong ước gặp lại lần thứ hai, thứ ba:
Thuyền về Đại Lược,
Duyên ngược Kim Long
Đây là chỗ rẽ của lòng,
Mai tê(kia) rồi còn biết trên sông bến nào.?
Khi yêu nhau, nỗi đau đớn, buồn khổ nhất là chia ly:
Nước chảy xuôi, con cá buôi lội ngược,
Nước chảy ngược, con cá vược lội ngang.
Thuyền em xuống bến Thuận An,
Thuyền anh lại trẩy lên ngàn anh ơi!
Chim xa bầy thương cây nhớ cội,
Người xa người, tội lắm người ơi!
Nỏ ( chẳng )thà không biết thì thôi
Biết mà mỗi đứa một nơi cũng buồn!
Có những cuộc tình xa nhau vĩnh viễn nhưng cũng có những chuyến đi xa hẹn ngày trở lại:
Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp,
Anh qua rồi xin kịp về mau.
Kẻo mai tê(kia) bóng xế ngang cầu,
Bạn còn thương bạn biết gửi sầu về nơi mô(đâu) mà tìm?
Vì sợ chia ly cho nên bao giờ người ta cũng không muốn rời xa:
Đi đâu cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu lạnh lùng có đôi!
Lên non em cũng lên theo,
Xuống thuyền em cũng đắp đeo mạn thuyền!
Cũng như mọi đôi lứa trên thế gian, khi yêu nhau, người ta hứa hẹn, thề bồi chung thủy:
Khi nao cạn nuớc Đồng Nai,
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền!
Tay bưng đĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau!
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
Sông An Cựu nắng đục mưa trong,
Đôi ta nguyện kết chữ đồng,
Đá mòn sông cạn mà lòng thủy chung !
Dãy dọc tòa ngang,
Giàu sang có số,
Kim Long , Nam Phổ,
Nước đổ về Sình.
Hai đứa mình chút nghĩa ba sinh,
Dẫu có mần răng( làm sao) đi nữa, cũng không
đành bỏ nhau!
Chợ Đông Ba đưa ra ngoài Dại,
Cầu Trường Tiền đúc lại xi mong.
Đôi ta ước nguyện thủy chung
Đá mòn, sông cạn cũng không đổi lòng.
Trong cuộc đời đã có nhiều đôi tình nhân đi đến hạnh phúc trăm năm nhưng cũng có những kẻ yêu nhau nửa chừng mới biết mình bị lường gạt :
Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
May mô (sao) chút nữa em lầm,
Khoai lang khô cắt lát, em tưởng cao ly sâm bên tàu!
Theo năm tháng, tình yêu cũng biến chuyển. Trong hai người có một người thay lòng đổi dạ. Và người ta đau khổ vì bị tình phụ :
-Sen xa hồ, sen khô, hồ cạn,
Lựu xa đào, lựu ngả đào nghiêng.
Vàng trên tay rớt xuống không phiền,
Phiền người bội nghĩa biết mấy niên cho hết sầu!
Em nói với anh như rìu chém xuống đá,
Như rạ ( rựa) chém. xuống đất,như mật rót vào tai.
Răng chừ (Sao giờ) em lại nghe ai,
Qua cầu nghiêng nón chạm vai không chào?
-Anh nói với em như rìu chém xuống đá,
Như rạ( rựa) chém. xuống đất, như mật rót vào tai.
Bây chừ (giờ) anh lại nghe ai,
Bỏ em ở chốn non đoài thảm chưa ?
Nhiều khi người ta thù hận nhau. Nhưng cũng có người quên đi mối hận tình, quy trách cho cha mẹ:
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
Sông An Cựu nắng đục mưa trong.
Bởi vì mẹ thầy lánh đục tìm trong,
Cho nên duyên chàng,phận thiếp cứ long đong mãi hoài.!
Dẫu người yêu say duyên mới, tham phú phụ bần, dẫu cha mẹ ngăn cản, phần đông quy trách là tại duyên số:
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
Sông An Cựu nắng đục mưa trong.
Đôi ta như chỉ lộn vồng,
Nợ thì có nợ, vợ chồng không duyên!
Ca dao Huế rất phong phú , diễn tả đầy đủ tâm lý, tư tưởng, tình cảm của một tập thể quần chúng hiền lành,đa tình nhưng rất anh dũng, bất khuất đã bao lần hăng hái chống lại bạo quyền và xây dựng quê hương.Người dân Huế đã là nạn nhân và chứng nhân của bao thời đại.
Tục ngữ có những câu khuyên ta cách xử thế :
-'Khôn cho người nhái,
Dại cho người thương,
Dở dở ương ương.
Tổ cho người ghét'
- 'Đi cho người ta nhớ, ở cho người ta thương'
Người Huế lại dùng một câu tục ngữ để nhận định về xứ Huế . Huế là một cố đô. Huế không hiện đại, không mở mang. Huế là vùng đất nghèo khổ, khắc nghiệt. Lúa gạo Huế sản xuất không đủ ăn. Gạo vải,thực phẩm, dụng cụ...đều mua từ Sàigon đem ra. Hễ bão lụt hay Việt cộng phá cầu, giật mìn, chận đường. ..là Huế thiếu lương thực, thiếu thuốc men, vải vóc! Trước 1954 , thanh niên Huế cũng như thanh niên miền Trung phải ra Hà Nội hoặc vào Sài gon học đại học. Tốt nghiệp, họ ở lại Hà Nội hay vào Sài gòn làm việc.Sau 1954, dân Huế vào Sàigòn học và đi làm việc. Huế chỉ là một cố hương để người ta trở về trong ngày hè, trong dịp tết. Huế là nơi ' đi để mà nhớ, không phải ở để mà thương!'
Nói tóm lại, ca dao, tục ngữ Việt Nam là kho tàng chung của dân tộc, là công trình sáng tạo của toàn thể nhân dân. Có nhiều tư tưởng xung đột, có nhiều khuynh hướng mâu thuẫn vì ca dao, tục ngữ có tính cách tự do và đa diện. Phải có một cái nhìn tổng quát và sâu sắc để hiểu ca dao, tục ngữ vì ca dao, tục ngữ là một bách khoa tự điển của Việt Nam.
===
No comments:
Post a Comment