Một đôi khi đọc một số tác phẩm văn học tây phương, tôi rất thích thú và cảm thấy nó rất gần gũi, mang những nét rất Đông phương. Tôi không đề cập đến các truyện dài, tôi chỉ đề cập đến một số truyện ngắn mà tôi thích thú vì tôi chỉ muốn phát biểu ý nghĩ của mình một cách ngắn gọn. Tôi biết khi đọc qua đề tài này, nhiều vị sẽ bĩu môi cho ràng đông phương là đông phương, tây phương là tây phương, làm gì có chuyện tây phương giống đông phương!
Tôi biết một số vị khó tính nhưng tôi vẫn muốn phát biểu ý nghĩ của tôi ...
====
1.CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG ( The Last Leaf ) của O. Henry ( 1862-1910) Mỹ
Một thiếu nữ lâm bệnh nặng, phải nằm trong bệnh viện. Bên cạnh cửa sổ là cây tường vi đang rụng dần , rụng dần những chiếc lá vàng úa . Nàng đếm từng chiếc lá còn lại. Nàng nghĩ rằng linh hồn nàng sẽ giã từ nhân thế khi chiếc lá cuối cùng rơi ! Người họa sĩ già ở trong bệnh viện khi nghe câu chuyện này đã dầm tuyết lạnh, đang đêm bí mật vẽ lên thân cây một chiếc lá. Khi nhìn thấy chiếc lá cuối cùng vẫn tồn tại, người thiếu nữ lấy lại lòng tin, trở nên mạnh khỏe. Còn người nghệ sĩ già vì dầm tuyết lạnh , bệnh trở nặng, chết hai ngày sau đó.
Câu chuyện mang đầy tình người. Người nghệ sĩ già là con người nghệ sĩ, và cũng là con người thánh thiện. Ông đã làm việc thiện, đã quên mình để cứu người. Ông đã thực hiện đức từ bi của Phật giáo, tính nhân ái của Nho giáo, lòng bác ái của Thiên chúa giáo. và tình huynh đệ của Hồi giáo ... Ai bảo ngưòi tây phương không chú trọng đến tính chất giáo dục ,
tính chất đạo lý trong văn học ? Và ai dám bảo quan niệm" văn dĩ tái đạo" là cổ hủ ?
Câu chuyện này cũng nói lên tác dụng của tâm. Phái duy vật cho ràng vật chất có trước, tinh thần có sau, vật chất chỉ đạo tinh thần. Phái duy tâm chủ trương tinh thần có trước, tinh thần chỉ đạo vật chất.
Phật giáo theo duy tâm phái. Phật giáo cho rằng tâm quan trọng hơn cả, mọi vật trên thế gian tồn tại là do tâm nhận thức:
Tam giới duy tâm,
Vạn pháp duy thức."
三界惟心
萬法惟識
Tâm là chủ động,
Hướng dẫn mọi lãnh vực
Lời nói và việc làm
Theo tâm chịu khổ cực
Như xe theo đường mòn. "(1)
Hai vị sư đứng trước sân chùa thấy gió rung cây phướn . Một vị nói : " phướn động " . Vị kia cãi : "Gió động". Vị sư trưởng trong chùa bước ra nói : "tâm động".
Thật vậy, vì tâm động cho nên chúng ta mới thấy gió lay, phướn động.
Chúng ta có nhiều trạng thái tâm lý. Chúng ta có tâm thiện, tâm ác, tâm bi quan,. tâm lạc quan. . .Tâm cô gái động và bi quan cho nên cô mới đặt ra mối tương quan giữa chiếc lá và linh hồn cô ! Đó là một mối tương quan sai lầm. Nhưng khốn nỗi nó lại đóng vai quyết định cho đời sống của cô. Nhiều bệnh nhân cương quyết chiến đãu với tử thần và họ đã thành công. Trái lại, nếu bệnh nhân buông xuôi thì cái chết đến rất dễ dàng. Trong y khoa, trong giáo dục , trong tình yêu ... tâm lý đóng một vai trò quan trọng. Người họa sĩ là một thấy thuốc rất gỉỏi, đã dùng tâm lý trị liệu mà cứu cô gái !
2. CÂY THÔNG GIÁNG SINH của H.C. Andersen ( 1805-1876) Đan Mạch.
Một cây thông nhỏ thấy cứ đến gần ngày giáng sinh, các chú thợ rừng đốn những cây thông đem về thành phố . Cây thông nhỏ mong ước một ngày sẽ được về thành phố , sẽ được chưng bày rực rỡ trong đêm giáng sinh. Khi cây thông lớn lên, nó được một nhóm thợ rừng mang về thành phố, được bán cho một nhà giàu, được trang hoàng lộng lẫy ở phòng khách. Nhưng qua ngày giáng sinh, cây thông bị quăng ra đường... .
Truyện này có lẽ lấy từ Ngụ ngôn của La Fontaine, truyện " Con Chuột biến thành thiếu nữ " (Souris métamorphosée en Fille). Một con chuột gặp nạn, được các thần linh cứu và cho biến thành một thiếu nữ 15 tuổi. Các thần linh muốn thiếu nữ phải lấy chồng. Nàng nói rằng nàng muốn lấy một người chồng có uy quyền nhất thiên hạ. Các thần linh bảo nàng nên lấy Mặt Trời. Nhưng nàng bảo Mặt trời bị Mây che. Mây được gọi đến nhưng nàng bảo Mây bị Gió cuốn đi. Gió được mời tới nhưng Gió bảo Gió thua Núi, Gió bị Núi chặn lại. Thần linh truyền Gió đến, gả nàng song Núi thưa Núi thua Chuột vì Chuột đào hang trong Núi..
Cây thông cũng như Chuột là những kẻ tham lam, " đứng núi này trông núi nọ", " được voi đòi tiên".
Phật giáo cho ràng con ngườì đau khổ vì Tham ,Sân, Si. Tham đứng đầu. Tham dục, Tham Ái khiến cho ta hành động để chiếm đoạt. Có hành động chính đáng, có hành động bất lương. Có hành động đưa đến thành công, có hành động đưa đến thất bại. Thành công thì vui vẻ, không thành công thì buồn khổ. Được thì hân hoan, mất thì buồn bã.
Hạnh phúc chỉ huy hoàng khi ở ngoài tầm tay. Hạnh phúc nằm trong bàn tay sẽ trở thành nhàm chán. Bãy giờ ta lại đi tìm một thứ hạnh phúc khác. Cứ thể mãi, con người trôi nổi từ đau khổ này sang đau khổ khác. Phật giáo đề ra diệt khổ. Nho giáo thì nói đến tri túc.
Nguyễn Công Trứ nói :
"Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc, "
( Biết đủ thì đủ, chờ đủ , biết bao giờ đủ ? )
Trong kho tàng văn học Việt Nam có nhiều truyện nói về lòng tham như truyện " Ăn một quả, trả một cục vàng"," Hũ vàng hóa rắn".
Câu truyện sau đây cũng nói về lòng tham.
Một thiếu nữ ngồi khóc một mình trên bờ suối. Bụt hiện lên bảo : " Tại sao con khóc ? ".Thiếu nữ thưa rằng mình quá xấu xí nên tủi thân mà khóc. Bụt bèn nói : " Con hãy xuống suối trước mặt hụp xuống một lần và chỉ một lần mà thôi."
Thiếu nữ bèn xuống suối hụp lặn một lần thì thấy quả nhiên mình mẫy, tóc tai trở nên xinh đẹp lạ thường. Quên lời Bụt dặn, nàng bèn xuống suối hụp thêm lần nữa để cho đẹp thêm. Không ngờ lần này cả người mọc lông, lại thêm chiếc đuôi dài. Nàng xấu hổ quá, chạy lên núi.
Vì thế, dân gian có câu :
Tham quá hóa khỉ "
Tham thì thâm,
Bụt đã bảo thầm,
Rằng chớ có tham !"
3. Truyện BA ẨN SĨ ( The Three Hermites ) của Léon Tolstoy (1828-1910) Nga
Một vị giám mục đến thăm một hòn đảo xa xăm. Ngài gặp ba ông già rất hiền lành, tin tưởng Thượng đế nhưng họ không hề biết kinh kệ và nghi thức tế lễ. Vị giám mục dạy họ đủ thứ. Khi vị giám mục lên thuyền trở về bỗng thấy ba ông già chạy đuổi theo thuyền trên biển cả. Họ thưa rằng họ quên hết kinh kệ và nghi thức tôn giáo, họ xin ngài dạy lại. cho họ. Vị giám mục sững sờ vì ba vị ấy đã là ba vị thánh có phép lạ . Ngài bảo họ cứ theo lề lối cũ cũng được...
Tôn giáo nào cũng đề cao những vị tu sĩ, coi họ là người thay chúa, thay thần linh... . Đạo thờ cúng tổ tiên là một đạo không có tu sĩ, vì ai cũng là kẻ thờ phụng tổ tiên, cha mẹ mình. Đức Phật đặt ra bốn hạng đệ tử : tu sĩ nam, tu sĩ nữ, cư sĩ nam, cư sĩ nữ. Nếu phân chia một cách khác, có hai hạng đệ tử : hạng xuất gia và hạng tại gia. Đức Phật gọi hạng xuât gia là" trưởng tử của Như Lai" . Và đức Phật đã coi các vị xuất gia thuộc loại ruộng tốt nhất trong ba loại ruộng:
-Ruộng hạng nhất ( nhất đẳng điền ) : tỳ kheo
-Ruộng hạng nhì ( nhị đẳng điền ) : cư sĩ
-Ruộng hạng ba ( tam đẳng điền ) : bà la môn (2)
Thực ra đó chỉ là sự phân chia theo chiếc áo, theo hình thức trần gian. Đức Phật có sự phân chia khác, theo đạo hạnh. Xuất gia mà phạm giới sao bằng tại gia mà giữ giới ? Chính đức Phật cũng nói:
" Không phải mang đại y mà tâm tham dục được đoạn diệt."(3)
Đức Phật lại nói :
Người tại gia hay xuât gia, này các tỳ kheo, theo tà hạnh, do vì tà hạnh, người ấy không phải là người phát huy chánh lý, pháp thiện.. . Ngưòi tại gia hay xuât gia theo chánh hạnh, này các tỳ kheo, do vì chánh hạnh và nhân chánh hạnh, vị ấy là người phát triển chánh lý, pháp và thiện.. ."(4)
Sau này, Đại thừa phát triển đã có quan điểm mới. Kinh Duy Ma Cật cho rằng cư sĩ Duy Ma Cật là cao hơn Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp.... Kinh Hoa Nghiêm cho rằng nhiều cư sĩ như Minh Trí, Bửu Kế, Phổ Nhẫn là cao minh hơn các vị xuất gia ở cõi trời và cõi người.
Lục tổ Huệ Năng cũng nói :
"Muốn tu hành thì ở nhà cũng được, hà tất ở chùa"(5)
Người Việt Nam có óc thực tiễn, chú trọng tâm chứ không chú trọng hình thức. Cái quan trọng là đạo hạnh. Không có đạo hạnh thì dù đầu tròn áo vuông, dù tụng kinh kệ hay, gõ mõ giỏi, cũng chẳng đi đến đâu. Trái lại, với một tâm thiện, không tham, không sân, không si rất đủ tư cách để lên Niết Bàn, cho dù không thuộc một câu kinh, không biết ngồi thiền, không biết tụng niệm.
Quan điểm thực dụng đó được diễn tả qua ca dao, tục ngữ :
" Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối"
"Tu đâu bằng tu tại gia,
Thờ cha, kính mẹ ấy là chân tu"
Thứ nhất thì tu tại gia,
Thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa"
Nhiều truyện cổ Việt Nam cũng có tư duy giống truyện " Ba ẩn sĩ" của Leon Tolstoy. Sau đây là truyện " Ông bình vôi" :
Một sư cụ tại chùa nọ đạo cao đức trọng, được dân chúng kính nể. Trong vùng có một tên trộm, một hôm giả khóc lóc, xin vào chùa thí phát quy y. Sư cụ tội nghiệp, bèn cho vào chùa nương náu. Nửa đêm, tên trộm lấy chuông khánh, đồ đạc trong chùa rồi trốn đi..Ít lâu sau, lương tâm cắn rứt, tên trộm trở lại chùa, xin thí phát quy y.
Sư cụ bị lừa một lần nên không tin tên trộm. Sư nói :" Nếu anh thành tâm sám hối, anh hãy leo lên cây cau nhảy xuống thì sẽ thành Phật."
Tên trộm thành tâm sám hối cho nên tin lời sư cụ leo lên cây cau nhảy xuống. Lúc bấy giờ Phật ở trên cao nhìn thấy, hiểu tấm lòng thành thực của tên trộm, cho nên độ anh ta về tây phương cực lạc. Thấy vậy, sư cụ rất bực tức. Nghĩ mình tu hành trọn đời mà không thành Phật, trong khi tên trộm lại thành Phật. Sư cụ bèn leo lên cây cau nhảy xuống, không ngờ rớt xuống , đầu bể, hóa thành cái bình vôi.
Truyện này cũng như truyện " Ba ẩn sĩ " cho chúng ta thấy rằng không phải căn cứ vào chiếc áo nhà tu, không phải căn cứ vào số năm đi tu mà thành đạo, mà thành bậc thánh , mà lên thiên đường. Cái đáng căn cứ là tâm, là chữ thiện. Đi tu mà còn tham dục, còn oán hờn, ghen tị thì không bằng một người thường sống lương thiện, một tên cướp buông đao , một tên trộm thành tâm sám hối.. .
Tại sao một số tác phẩm văn học Tây phương lại mang sắc thái luân lý và triết lý Đông Phương như thế ? Có nhiều lý do:
1. Văn học là tài sản chung của nhân loại. Văn học của các quốc gia, các đại dưong có những sắc thái riêng nhưng cũng có những sắc thái chung. Nét chung đó là chân, thiện, mỹ.. .Truyện Tấm Cám ( Cô Bé Lọ Lem ) là tác phẩm chung của môt số quốc gia Đông lẫn Tây.. .
2. Từ lâu , người châu Âu đã chịu ảnh hưởng của Á Châu (Trung Đông, Ấn Độ,Trung Hoa..)
Thơ Ngụ ngôn của La Fontaine có nguồn gốc Ấn Độ, Trung Á...
3.Một số văn gia đã chịu ảnh hưởng Phật giáo : Leon Tolstoy.
-----
CHÚ THÍCH:
1.Pháp Cú
2.Tương Ưng IV, Thuyết pháp, Minh Châu
dịch,tr.315-316.
3.Trung bộ I, Mã Ấp kinh,tr.282B
4.Tương Ưng V,tr.20.
5.Pháp Bảo Đàn Kinh.
====
No comments:
Post a Comment