Nhân Văn Giai Phẩm phần VII : Biện pháp thanh trừng
Thụy Khuê
Bài đăng ngày 04/10/2009 Cập nhật lần cuối ngày 05/12/2009 19:28 TU
Tình hình từ tháng 12/1956 đến tháng 2/1958
Nhân Văn Giai Phẩm hoạt động từ tháng 8/1956 đến tháng 12/1956. Cuối tháng 12/1956, các tờ Nhân Văn, Giai Phẩm, Đất Mới... bị đình bản. Từ 20 đến 28/2/1957, Đại hội văn nghệ lần thứ hai họp tại Hà Nội, với gần 500 đại biểu, Trường Chinh kêu gọi đấu tranh "đập nát" phong trào NVGP.
Tuy nhiên Trung Quốc vẫn tiếp tục phong trào "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", cho nên Đảng Lao Động chưa có chính sách dứt khoát đối với trí thức văn nghệ sĩ: đến đầu tháng 4/1957, Hội Nhà Văn (trước đây là Hội Văn Nghệ) được chính thức thành lập, với Tô Hoài làm Tổng thư ký kiêm giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà Văn, và một số thành viên cũ của NVGP như Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh vẫn còn được bầu vào ban chấp hành.
Ngày 10/5/1957, Hội Nhà Văn xuất bản tuần báo Văn, với Nguyễn Công Hoan chủ bút, Nguyễn Tuân, phó chủ bút, Nguyên Hồng, tổng thư ký. Ban đầu báo Văn theo đường lối chính thống. Nhưng khi trên báo Học Tập của Đảng, Thế Toàn lên tiếng chê báo Văn "nghèo nàn", "xa rời thực tế cách mạng", Nguyên Hồng viết bài trả lời (trên báo Văn số 15, 16/8/1957) phê bình Thế Toàn "quan liêu", "trịch thượng". Sự bút chiến giữa báo Văn và báo Học Tập gây chú ý trong Bộ chính trị. Rồi báo Văn dần dần thay đổi thái độ, ít lâu sau một số cây bút cũ trong NVGP lại thấy xuất hiện trên báo Văn. Văn số 21 (27/9/1957) đăng bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán. Số 24 (18/10/57), đăng kịch thơ Tiếng hát của Hoàng Cầm. Số 28 (15/11/1957), đăng bài thơ Hãy đi mãi của Trần Dần. Số 30 (29/11/1957) in hý hoạ của Trần Duy chế giễu chế độ văn nghệ của Đảng.
Cuối năm 1957, Mao Trạch Đông hạ lệnh đánh phái hữu. Huy Cận và Hà Xuân Trường được cử đi học tập chính sách mới của Trung Quốc. Khi họ trở về, Đảng mới thực thụ áp dụng chính sách đàn áp của Bắc Kinh.
Ngày 6/1/1958, Bộ Chính Trị ra nghị quyết về văn nghệ. Tinh thần nghị quyết này dựa trên hai điểm chính:
1- Trình bày các hiện tượng chống lại đường lối văn nghệ của Đảng:
"Về văn học nghệ thuật, ranh giới giữa tư tưởng văn nghệ của Đảng và tư tưởng văn nghệ tư sản bị xóa nhòa. Trên tuần báo Văn và trong một số sách xuất bản hoặc tái bản, đã biểu hiện khuynh hướng xa rời thực tế đời sống của nhân dân lao động ở nông thôn và thành thị, thoát ly chính trị và không nhằm đúng những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng trong giai đoạn mới. Những tình cảm cá nhân chủ nghĩa đang có chiều hướng phát triển, những chủ đề lớn do đời sống thực tại đề ra không được chủ ý. Hình ảnh công nông binh phấn đấu dũng cảm trong hòa bình mờ nhạt trong văn thơ và trong các tác phẩm nghệ thuật khác. Nhiều quan điểm văn nghệ của giai cấp tư sản lại được nêu lên.
Cuộc tranh luận giữa tạp chí Học tập và báo Văn gần đây lại là một biểu hiện cụ thể của cuộc đấu tranh giữa đường lối văn nghệ của Đảng với khuynh hướng chống lại hoặc xa rời đường lối đó. Tư tưởng chủ đạo biểu hiện trên báo Văn chính là tư tưởng tách rời đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh, tách rời những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng trong giai đoạn hiện tại, tách rời sự lãnh đạo của Đảng.”
2- Phải tìm cách giải quyết ngay:
"Rõ ràng những phần tử chống chủ nghĩa xã hội, chống Đảng đã nhân chỗ sơ hở của ta mà tiếp tục tiến công ta về mặt tư tưởng dưới hình thức văn nghệ. Sự hoạt động của những phần tử phá hoại trong giới văn nghệ là một hiện tượng hết sức nguy hiểm, một vấn đề cấp bách cần giải quyết (...) Chúng truyền bá những tài liệu và những báo chí phản động. Dưới chiêu bài “chống giáo điều, máy móc”, chúng gieo rắc những nọc độc của chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ, nhằm lôi kéo văn nghệ sĩ đi vào con đường nghệ thuật tư sản suy đồi. Trước những hoạt động có hại đó, số đông văn nghệ sĩ, kể cả một số văn nghệ sĩ đảng viên, đã mất cảnh giác hoặc bị động, không kiên quyết đấu tranh, thậm chí một số còn hùa theo chúng".
Tờ Văn bị đình bản ở số 36 (10/1/1958) có đăng bài Ông Năm Chuột của Phan Khôi.
Trong tháng 2, tháng 3 và 4/1958, Đảng Lao Động tổ chức hai "hội nghị" quan trọng ở ấp Thái Hà.
Biện pháp thanh trừng đối với văn nghệ sĩ: "Hội nghị" Thái Hà
Thi hành tinh thần nghị quyết 6/1/58, Đảng tổ chức hai lớp học tập đấu tranh chống "bọn Nhân Văn Giai Phẩm" ở Thái Hà ấp, chính thức gọi là hai "hội nghị nghiên cứu nghị quyết của Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt nam, kết hợp với hai bản Tuyên Ngôn và Tuyên Bố của hội nghị các Đảng Cộng Sản và các Đảng Công Nhân họp ở Mạc Tư Khoa cuối năm 1957". Duy chỉ có Hồng Cương, gọi thẳng tên là hai lớp chỉnh huấn chính trị.
"Hội nghị" đầu, tổ chức tháng 2/58, dành riêng cho 172 đảng viên, theo Lê Đạt là để học tập cách "phát hiện" và "tố giác", chuẩn bị cho hội nghị sau, tháng 3-4/58, 304 người, gồm các đảng viên, quần chúng và những người ngoài đảng đã tham gia NVGP, dốc toàn lực đấu tranh chống NVGP.
Trong nhóm NVGP, chỉ có Văn Cao, Đặng Đình Hưng ... "được" dự hội nghị đầu, vì là đảng viên. Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Tử Phác... chỉ "được" gọi đi hội nghị sau, vì Lê Đạt đã bị khai trừ từ tháng 5/57, sau khi in bài thơ dài Cửa hàng Lê Đạt, bị cấm. Hoàng Cầm, không ở trong đảng. Trần Dần, Tử Phác, đã xin ra khỏi đảng từ trước. Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Duy, là những "phần tử xấu", không được dự cả hai "hội nghị".
Ở "hội nghị" thứ hai, mọi người phải viết bài "thú nhận", sau đăng báo.
Thành quả hai "hội nghị", được chính thức ghi lại như sau:
Cái ổ chuột "Nhân Văn-Giai Phẩm" bị vạch trần trước ánh sáng của dư luận.
"Đầu năm 1958, có hai cuộc hội nghị của anh chị em công tác văn nghệ, nghiên cứu nghị quyết của Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt nam, kết hợp với hai bản Tuyên Ngôn và Tuyên Bố của hội nghị các Đảng Cộng Sản và các Đảng Công Nhân họp ở Mạc Tư Khoa cuối năm 1957. Hội nghị đầu, tháng 2 năm 1958, gồm 172 người dự. Hội nghị sau, tháng 3 năm 1958, gồm 304 người dự.
Qua hai cuộc hội nghị ấy, tất cả những "nhân vật" bỉ ổi đã được phát hiện, tất cả nhũng âm mưu, luận điệu, thủ đoạn đều bị vạch trần. Những con chuột đã phải bò ra khỏi cống. Những người tự giác hay không tự giác gần gũi với những con chuột ấy cũng đã tự giác tự phê bình. Đây là bước cuối cùng của trận chiến đấu chống «Nhân văn-Giai phẩm» trong thời kỳ 1956-1958.
Qua sự phát hiện của hai cuộc hội nghị nói trên, chúng ta được biết nhóm phá hoại "Nhân văn-Giai phẩm" bao gồm những tên "đầu sỏ", những "cây bút" đã viết "hoặc nhiều hoặc ít" cho "Nhân văn-Giai phẩm" như: Thụy An, Nguyễn hữu Đang, Trần thiếu Bảo, Trương Tửu, Trần đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng đình Hưng, Hoàng Cầm, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc, Văn Cao, Nguyễn văn Tý, Phùng Quán, Hoàng tích Linh, Trần Công, Trần Thịnh, Phan Vũ, Hoàng Huế, Huy Phương, Vĩnh Mai, Như Mai tức Châm văn Biếm, Hữu Thung, Nguyễn khắc Dực, Hoàng tố Nguyên, Hoàng Yến, Thanh Bình, Yến Lan, Nguyễn thành Long, Trần lê Văn, Lê đại Thanh v.v...Nhưng đó không phải là tất cả (còn những tên chưa ra mặt). Và cũng không phải tất cả những "cây bút" trên đây đều có những hành động phá hoại giống nhau, hoặc phá hoại với những mức độ giống nhau. Có bọn đầu sỏ, có bọn phụ họa, có người bị lôi cuốn vì ngây thơ chính trị...
(Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toà Án Dư Luận (BNVGPTTADL), Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1959, trang 309-310).
Những dòng đây trên đưa đến hai nhận xét:
1- Những tên tuổi liệt kê trong danh sách, đã được xếp đặt theo trật tự "tội" nặng, nhẹ: trí thức đứng đầu, rồi đến văn nghệ sĩ.
2- Tuy đã gửi Huy Cận và Hà Xuân Trường đi học tập chính sách đàn áp ở Trung Quốc, nhưng khi thi hành, đảng tránh nói đến Bắc Kinh, mà lại nêu cao việc "nghiên cứu nghị quyết của Bộ Chính Trị" và "hai bản Tuyên Ngôn và Tuyên Bố của Đảng Cộng Sản và Đảng Công Nhân Mạc Tư Khoa cuối năm 1957".
Những lời buộc tội
Tố Hữu trong bài "Ý nghĩa một cuộc đấu tranh trong văn nghệ", dựa vào tinh thần nghị quyết 6/1/58, lên án quyết liệt:
"Dưới ánh sáng mới ấy [ánh sáng xã hội chủ nghiã], đã bật rõ ranh giới giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa cái mới và cái cũ; mỗi người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội đều đã có thể nhìn thấy, phân biệt rõ ràng những con người và những con quỷ, những hoa thơm và những cỏ độc trong văn nghệ." (Những chữ in đậm, trong các trích đoạn là theo đúng nguyên văn)
Sau khi ca tụng "Hai văn kiện có ý nghĩa quốc tế lớn lao của Mạc Tư Khoa" đã giúp cho "Trung ương Đảng ta" chuyển biến, "có con mắt sáng để nhìn đúng tình hình", Tố Hữu xác định:
"Không thể nào khác, muốn là “kỹ sư tâm hồn” xã hội chủ nghĩa, không thể nào không tự cải tạo bản thân văn nghệ sĩ thành những tâm hồn xã hội chủ nghĩa thật sự.(...) Càng không thể để lén lút vào trong hàng ngũ văn nghệ, những con rắn độc thù địch phun nọc giết người."(...)
Đó là tiêu chuẩn chính trị để phân rõ ranh giới: ai là thù, ai là bạn. Không thể mập mờ".
Rồi ông đe doạ:
"Mỗi văn nghệ sĩ lại phải tự trả lời dứt khoát: ủng hộ hay phản đối đường lối văn nghệ của chủ nghĩa Mác–Lênin, đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh, phục tùng chính trị, theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và phục tùng sự lãnh đạo của Đảng?"
"Đã đến lúc cách mạng đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ và mỗi cán bộ văn hóa “duyệt lại” những tư tưởng, tình cảm của mình, những sáng tác và công tác trong ba năm qua, và dưới ánh sáng của tư tưởng xã hộ chủ nghĩa, làm một cuộc phê phán thật nghiêm trang, không khoan nhượng đối với mình, đối với bạn, đối với địch". (...)
"Thông qua cuộc đấu tranh lần này mà lột trần bộ mặt gian ác của những phần tử phản cách mạng, chống chế độ, chống nhân dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Phải lôi chúng ra ánh sáng, xé toạc mặt nạ của chúng mà ném xuống đất."
Ông "vạch mặt" những "tên phản động":
"Chúng là những tên phản trắc, có kẻ như Phan-Khôi một đời đã năm lần phản bội Tổ quốc, kẻ đã từng phục mạ “người An-nam là chó, và đã là chó thì phải ăn cứt” để “thuyết phục” người khác đầu hàng địch, mà vẫn dương dương tự cho mình là “học giả tiết tháo”, và được kẻ đồng bọn phong cho là “anh hùng của ba trăm nô lệ” (!)
Chúng là những con buôn "mác-xít", "cách mạng" đầu lưỡi như Trương-Tửu, Trần-Đức-Thảo mà thực chất là những tên tơ-rôt-skit vô tổ quốc đã từng nấp dưới nách của địch chống lại cách mạng, suốt đời thù ghét những người cộng sản và tất cả những ai tin yêu (...) Chúng là những kẻ đầu cơ cách mạng, như Nguyễn-Hữu-Đang (...) Gặp nhau trong một mục đích chung, chống Tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ, chống phe xã hội chủ nghĩa, chống Đảng lãnh đạo, tất cả bọn chúng đã liên minh thành một khối, phối hợp hoạt động phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, trong các hội văn học nghệ thuật, một số cơ quan văn hóa, trong giới đại học, v.v… (...) Trên thực tế, rõ ràng chúng đã làm như những tay sai của địch thực hành kế hoạch phá hoại của Mỹ-Diệm ở miền Bắc là “chống cộng trong lòng cộng"."
Cuối cùng, ông nhấn mạnh đến sự kiện:
"Cuối năm 1956, nói đến báo Nhân văn và các tập Giai phẩm, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: "Đó là những hạt giống xấu gieo trên miếng đất của những tư tưởng sai lầm". Bởi vậy, vấn đề không phải chỉ là vứt bỏ những hạt giống xấu, mà còn là dọn lại đất cho tốt" (trích Tố Hữu, Ý nghĩa một cuộc đấu tranh trong văn nghệ", Học Tập, số tháng 4/1958).
Nguyễn Đình Thi tổng kết chủ trương của NVGP, trên 6 điểm:
- Bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản là không "nhân văn", là "chà đạp con người", bôi nhọ những đảng viên cộng sản là "khổng lồ không tim", không phải là "cộng sản chân chính", xuyên tạc sự giáo dục của Đảng là "rập khuôn đầu óc và tâm hồn", văn học nghệ thuật xã hội chủ nghĩa là "công thức, giả tạo", đẻ ra những "thi sĩ máy". Dưới chiêu bài "đề cao con người", "chống công thức", báo Nhân văn, Giai phẩm đã đề cao chủ nghĩa cá nhân, "tự do" cá nhân, đòi quyền, "tự do" cho những lối sống và tình cảm ích kỷ trụy lạc.
- Phản đối chuyên chính, đòi "dân chủ", "tự do" theo lối tư sản trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa. Đả kích từ Mậu dịch, quản lý hộ khẩu, Bưu điện, cơ quan báo chí, bệnh viện, cho tới Quốc hội, nói chung là đả kích vào bộ máy Nhà nước của ta, đòi tự do đối lập với Chính phủ, trong lúc bọn phản động đang âm mưu phá hoại và một vài giới tư sản đang tiến công ta.
- Đưa ra chiêu bài "chống sùng bái cá nhân" để xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng là "đảng trị" (...) Đem đối lập quần chúng với lãnh đạo, khích quần chúng chống lãnh đạo (...)
- Phỉnh nịnh đầu óc quốc gia chủ nghĩa tư sản, đả kích Liên-xô, cho sự giáo dục con người ở Liên-xô là "rập khuôn", văn học nghệ thuật Liên-xô là "công thức", không có giá trị. Vin vào khẩu hiệu "trăm hoa đua nở" để xuyên tạc đường lối văn học nghệ thuật của Trung quốc, (...)
- Phủ nhận những thành tích to lớn của nhân dân ta, của Đảng ta trong công cuộc xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, phủ nhận những kết quả to lớn của cải cách ruộng đất (...)
- Riêng về văn nghệ, thì trong Nhân văn, Giai phẩm đã đề xướng "trăm hoa đua nở" theo lối tự phát vô chính phủ, "hoa lành, hoa độc, hoa thối, hoa thơm" đều có quyền nở tự do như nhau. Thực chất là nó đòi hủy bỏ sự lãnh đạo của Đảng, nêu khẩu hiệu "trả văn nghệ về cho văn nghệ", "văn nghệ và chính trị vỗ vai nhau hai bên cùng có lợi" v.v...
(trích Nguyễn Đình Thi, Chống chủ nghiã xét lại trong văn nghệ, Học Tập, số 3, tháng 3/58).
Hồng Cương, cục phó cục Tuyên huấn, trong bài tổng kết "Cuộc đấu tranh giai cấp trên mật trận văn nghệ hiện nay" (Văn Nghệ quân đội, số 6, tháng 6/58), tóm tắt toàn bộ hành trình đấu tranh của NVGP, chỉ ra "chân tướng phản động chính trị của những tên cầm đầu": Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Thụy An, Minh Đức, coi phong trào NVGP là cuộc đấu tranh giai cấp giữa chủ nghiã xã hội và chủ nghĩa tư bản trên ba khái niệm chính:
1- Đấu tranh giữa hai đường lối chính trị khác nhau.
2-Đấu tranh giữa hai đường lối văn nghệ khác nhau.
3-Đấu tranh giữa hai thế giới quan và nhân sinh quan khác nhau.
Hồng Cương còn nhấn mạnh đến những nguy cơ "xụp đổ chế độ":
"Hạ được tập thơ Việt Bắc và hạ được Tố Hữu xuống là hạ được cả giá trị văn nghệ kháng chiến xuống và hạ được sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng và Chính phủ xuống. (...)
Chúng nói Trung Ương Đảng ta, thậm chí nói các lãnh tụ ta là "dốt văn nghệ".Chúng rêu rao rằng Đảng và Chính phủ ta là "bọn ngu khờ cầm quyền" (l'ignorance au pouvoir) không thể lãnh đạo được văn nghệ (...).
Chúng vu khống chế độ ta là cộng sản thời trung cổ (communisme du moyen âge), là cộng sản phong kiến (communisme féodal), chế độ ta là cộng sản suy đồi (dégénérescence du communisme), chúng xuyên tạc và nguyền rủa chỉnh huấn của ta là đồi trụy tinh thần (avilissement de l'esprit), là nô dịch hoá tư tưởng (esclavage de la pensée). Chúng chế giễu chính sách đãi ngộ của ta là "bổng lộc" vua ban, huân chương của ta là "mề đay" của đế quốc. Không khác gì Phan Khôi đã ví chế độ ta với một triều đại phong kiến nào đó." (trích Hồng Cương, Bọn phản bội Trần Dần-Hoàng Cầm-Tử Phác, Quân đội nhân dân số 437 (11/4/1958)
Những lời buộc tội của Hồng Cương, khác lối nhìn đao phủ của Tố Hữu, dường như có ngụ ý biện hộ và đồng tình.
Các biện pháp kỷ luật
"Trận chiến đấu chống bọn phá hoại NVGP" đã kết thúc bằng hội nghị thứ ba của ban chấp hành hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam, họp tại Hà Nội ngày 4/6/1958 với bài báo cáo tổng kết của Tố Hữu, và Nghị quyết của của ban chấp hành hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Việt nam lên án "bọn NVGP".
Ngày 5/6/1958, tại Hà nội, hơn 800 văn nghệ sĩ thảo bàn nghị quyết gọi là "Nghị quyết của 800 văn nghệ sĩ" phụ họa với nghị quyết của Hội Liên Hiệp.
Sau đó trong tuần lễ từ 21/6 đến 3/7/1958, các ban chấp hành Hội Nhạc Sĩ, Hội Mỹ Thuật, Hội Nhà Văn, lần lượt thi hành các biện pháp kỷ luật đối với các thành viên của Hội đã tham gia NVGP:
Hội Nhà Văn khai trừ Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh ra khỏi ban chấp hành.
Hội Mỹ Thuật, cảnh cáo Sĩ Ngọc, "chấp nhận cho Sĩ Ngọc và Nguyễn Sáng rút khỏi ban chấp hành".
Hội Nhạc Sĩ "chấp nhận cho Văn Cao, Nguyễn Văn Tý rút khỏi ban chấp hành".
Cả ba hội quyết định:
- Khai trừ Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An ra khỏi Hội Nhà Văn, Trần Duy ra khỏi Hội Mỹ Thuật.
- Khai trừ trong thời hạn một năm Hoàng Cầm và Phùng Quán ra khỏi hội nhà văn. Khai trừ ba năm Trần Dần, Lê Đạt ra khỏi Hội Nhà văn, ba năm Tử Phác và Đặng Đình Hưng ra khỏi Hội Nhạc sĩ. Và cảnh cáo một số hội viên khác đã tích cực hoạt động trong nhóm NVGP.
Tháng 7/58: Văn Cao đi thực tế Điện Biên cùng với Nguyễn Tuân và Nguyễn Huy Tưởng, ông bị chảy máu ruột và được trở về. Ngày 22/8/58, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Tử Phác... đi lao động cải tạo ở Chí Linh, đến Tết mới được về Hà Nội nghỉ, đợi đợt sau. Trong thời kỳ lao động cải tạo này Tử Phác bị ho lao (25/11/58 Tử Phác đi khám ruột, lại thấy bị lao phổi, nhật ký Trần Dần ghi). Phùng Quán mới đầu "bất trị" đi rồi lại bỏ về, đến tháng 8/58 mới chịu đi thực tế Thái Bình với Hoàng Cầm (Trần Dần ghi).
Những người tội nặng, bị đưa ra toà ngày 19/1/1960. Qua những bản tin về phiên toà này, đăng trên các báo tại Hà nội tháng giêng năm 1960, do Lại Nguyên Ân sưu tầm và công bố mới đây trên Talawas, luận điệu các bài viết khá giống nhau:"Ngày 19/1/1960, Toà án Nhân Dân Hà nội đã xử vụ gián điệp có tổ chức do bọn Nguyễn Hữu Đang và Thụy An cầm đầu. Nhiều đại biểu các tầng lớp nhân dân Hà nội đã tới dự phiên toà này.
Bọn gián điệp bị đưa ra xử gồm năm tên: Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến tức Thụy An, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, Phan Tại và Lê Nguyên Chí" (trích báo Nhân Dân, Hà nội, ngày 21/01/1960, tài liệu Lại Nguyên Ân ).
Chánh án là Nguyễn Xuân Dương. Hội thẩm là Nguyễn Tử Các và Phùng Bảo Thạch.
Vẫn theo bài báo trên: "Thụy An là một tên gián điệp lợi hại quốc tế (...) Năm 1956, Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi nhập thành một nhóm (...) tháng 9/1956 xuất bản tờ Nhân Văn" (...) Nguyễn Hữu Đang và Thuỵ An lấy nhà Phan Tại làm một "câu lạc bộ" bí mật, tụ tập một số phần tử phản cách mạng (...) "Đến khi chúng thấy âm mưu và hoạt động của chúng bị bại lộ, chúng định trốn vào Nam để tiếp tục làm tay sai cho Mỹ-Diệm. Lê Nguyên Chí thú nhận: "Đang nói với tôi, Đang vào theo Mỹ-Diệm sẽ được chúng tin dùng và sẽ làm được những việc lớn". Đang cùng Lê Nguyên Chí chuẩn bị trốn vào Nam".
Toà đã tuyên án:
Nguyễn Hữu Đang, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Lưu Thị Yến tức Thụy An, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, 10 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Phan Tại, 6 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân; Lê Nguyên Chí, 5 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân.
(trích báo Nhân Dân, bài đã dẫn)
Phùng Cung bị bắt tháng 5/61. Bị giam 12 năm tù. Không có án. Trường hợp Phùng Cung sẽ được tìm hiểu thêm trong phần viết về Phùng Cung.
Các giáo sư đại học như Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, ... bị cách chức và bị quản thúc. Cách đối xử với họ như thế nào, tư liệu chính thức không nhắc đến. Trong bài báo cáo tổng kết, có một đoạn Tố Hữu viết:
"Cho đến khi, dưới ánh sáng của nghị quyết Bộ Chính trị, mở ra hai lớp học tập cho ngót 500 anh chị em văn nghệ sĩ, qua một cuộc đấu tranh kiên quyết thì mặt nạ của nhóm phá hoại "Nhân văn- Giai phẩm" mới hoàn toàn rơi xuống đất; và đồng thời, những sai lầm lệch lạc nghiêm trọng, nhất là tình trạng mất cảnh giác giai cấp trong văn nghệ sĩ, trong các đảng viên và cơ quan của Đảng cũng được vạch chỉ rõ ràng.
Cùng một lúc, qua cuộc học tập đấu tranh trong các trường Đại học, chủ yếu ở khoa Văn, khoa Sử, bọn tơ-rốt-kít Trương Tửu, Trần đức Thảo khoác áo giáo sư cũng phơi trần chân tướng" (Tố Hữu,"Nhìn lại 3 năm phá hoại của nhóm "Nhân Văn- Giai Phẩm", BNVGPTTADL, trang 34-35).
Câu: "Cùng một lúc, qua cuộc học tập đấu tranh trong các trường Đại học..." rất quan trọng, nó xác định sự kiện cùng lúc với hai lớp Thái Hà, dành cho văn nghệ sĩ, thì trong Đại học có các "lớp" khác, dành cho các giáo sư đại học như Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường...
Nhưng hiện nay, chúng ta có rất ít tư liệu viết của các nhà trí thức đã tham dự NVGP về vấn đề này, nên không thể biết những gì đã xẩy ra cho họ, chỉ có cuốn Un Excommunié (Kẻ bị khai trừ), do nhà xuất bản Quê Mẹ, in tại Paris năm 1992, trong đó giáo sư Nguyễn Mạnh Tường thuật lại ông đã bị đưa ra corrida (đấu trường) ba lần: đấu trường Mặt trận tổ quốc, đấu trường Đại học và đấu trường Đảng. Sau đó, ông hoàn toàn bị ly khai, không được tiếp xúc với người ngoài, không được dạy học, không cả dạy tư, rơi vào cảnh đói rét, bệnh tật.
Về những biện pháp trừng phạt đối với toàn bộ văn nghệ sĩ, trí thức, sinh viên và quần chúng đã ít nhiều tham gia, đã đọc, đã mua báo, hoặc đã giúp đỡ, ủng hộ phong trào NVGP bằng cách này hay cách khác, hiện nay chưa có một ước lượng nào gần với sự thật. Số phận Bùi Quang Đoài, người cầm đầu phong trào sinh viên, chủ bút tờ Đất Mới, sau đó, không rõ ra sao.
*
Thực chất của hội nghị Thái Hà
Trong nhóm ba người Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, ban đầu Trần Dần có vẻ rất cứng cỏi, nhưng trong lớp Thái Hà, dường như ông lại là người nao núng nhất. Sự nao núng này sống lại trong những lời nhật ký. Nhật ký, chủ đích là viết riêng cho mình, không cần giấu diếm, che đậy, nhưng trái lại, ở đây đã có màu sắc "hối cải", giống như lời tự thú để đăng báo, viết cho "người khác" đọc, phản ảnh một Trần Dần đã thấm đòn, biết sợ, ông viết:
"Nhân Văn Giai Phẩm thế là đã đứng về phe tư bản chủ nghiã, phản đối xã hội chủ nghiã; hơn thế, lớp học trình bày sự thực, làm cho tất thẩy đều thấy rõ chân tướng bọn cầm đầu NVGP, đó là một công ty phá hoại bao gồm những kẻ phản cách mạng, đứa là phần tử Quốc Dân Đảng cũ (Ph Khôi), đứa là mật thám trước (TDuy), đứa là tên bất mãn chống Đảng có lịch sử, đi đến chủ nghiã trotskisme (Nguyễn hữu Đang),... chúng ngoặc với bọn trotkistes Trương Tửu, TrầnđThảo, và với bọn gián điệp vẫn liên lạc với Sainteny, là Thụy An" (nhật ký Trần Dần ghi, Phạm Thị Hoài biên soạn, trang 239-240).
Đó là những "nhận định" về người đồng hành, còn đây là "nhận định" về "tôi":
"Tôi là cái gì?
Trước Cách Mạng, tôi là một thứ hổ lốn phản động của những tư tưởng tư sản địa chủ: hưởng lạc đến đồi trụy, hám danh to đến bệnh "vĩ đại cuồng", vô chính phủ đến phá phách mọi trật tự, thoát ly đến rơi vào sinh hoạt sa đọa, và đi vào các trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật, tượng trưng, lập thể, siêu thực... và vào triết học ru ngủ tối phản động của Bergson (...)
Tôi đã tự lừa dối (...)
Tôi đã tự lừa dối (...)
Tôi đã tự lừa dối (....)"
(Trần Dần ghi trang 240-241).
Trong điều kiện tư liệu hiện nay, Trần Dần là người duy nhất để lại ba trang nhật ký về giai đoạn Thái Hà, nhưng ông không dám viết gì về nội dung học tập, mà chỉ ghi lại những "kết quả" học tập và sự tự hối của mình sau "lớp nghiên cứu 2 văn kiện".
Khi Lê Đạt trả lời phỏng vấn năm 1999 ở Paris, phát trên sóng RFI năm 2004, chúng ta biết rõ hơn vế thực chất hai "hội nghị" Thái Hà.
Về lớp đầu tổ chức tháng 2/56, với 172 đảng viên, Lê Đạt giải thích tại sao lại có hai lớp học khác nhau:
"Lớp đầu tiên tổ chức cho các đảng viên (...) tức là người ta vận động các đảng viên khác phát hiện tất cả những tội của những đảng viên tham gia Nhân Văn Giai Phẩm đã đành rồi, nhưng còn để phát hiện cả những tội của những người chưa tham gia Nhân Văn, của quần chúng, vì vậy người ta phải làm trong buổi trước".
Hình thức "học tập trước" các cách "phát hiện tội" này, đã được dùng trong Cải cách ruộng đất và Nguyễn Mạnh Tường đã mô tả khá rõ trong tiểu thuyết Une voix dans la nuit (Tiếng vọng trong đêm), sẽ nói đến sau. Ở đây xin tiếp tục lời thuật của Lê Đạt.
Và đây là diễn biến của lớp thứ nhì, với 304 người, trong tháng 3 và 4/56.
Trước tiên, về không khí của "lớp học", Lê Đạt kể:
"Không khí rất căng thẳng, tôi nói thế này để chị biết nó căng thẳng như thế nào: Văn Cao đã đi lớp trước rồi, lớp cho đảng viên hồi tháng 2, thì sau đó, họ cũng kéo tất cả trở lại lớp sau để đánh tiếp. Tôi xin nhắc lại: tức là trong lớp trước, họ học tập đảng viên phát hiện quần chúng, để họ đánh; nhưng bây giờ, ở lớp thứ hai này: quần chúng lại phát hiện trở lại, để nếu đảng viên có gì, họ lôi ra đánh tiếp luôn, chị có rõ ý tôi không? Thế thì tôi thấy Văn Cao -hôm ấy trời nóng- Văn Cao mặc áo sơ mi to phồng thế mà sau khi nó tố những khuyết điểm của Văn Cao, tôi thấy cái áo sơ mi cứ dính dần, dính dần, dính dần... toát hết cả mồ hôi, nó dính như một cái áo lót cơ mà... Ðấy, chị thấy không khí căng thẳng như thế nào".
Về thực chất của "lớp học", Lê Đạt cho biết:
"Ðây không phải là một cuộc học tập mà là một cuộc đấu tranh, nó khác hẳn các cuộc học tập khác. Trong những ngày đầu, người ta vạch tất cả "những tội" của những người trong Nhân Văn Giai Phẩm, ai nhớ được gì thì nói ra..., nó là một cái tụi... tố cáo nhau (...)
Trong khi "học" như thế thì công an đi ra đi vào rất nhiều, mà đi một cách rõ ràng cho mình trông thấy chứ không phải người ta kín đáo gì!
Sau khi tất cả mọi người đều đã "phát hiện các tội" của Nhân Văn xong rồi, thì mới đến lượt Nhân Văn, từng người một, nhận tội"
Cuộc "đấu tranh" kéo dài hơn một tháng, và theo lời Lê Đạt:
"... trong suốt một tháng ấy là cứ ngày nào, ngày nào cũng... lên phát hiện tội. Cứ phát hiện tội, tức là mình có gì thì mình báo cáo; còn người ta, người ta phát hiện tội của mình. Nó là một thứ đấu tranh đấy mà. Ðấu tranh rất gay gắt. Và lẽ dĩ nhiên, nói là cả lớp, nhưng người ta chỉ tập trung vào một vài người thôi, trong số đó có tôi cho nên vất vả lắm".
Cách "phát hiện tội" như thế nào? Bằng miệng hay là ghi trên giấy? "Bị can" có quyền cãi khi lời "phát hiện" là bịa đặt hay không?
Lê Đạt trả lời: "Không! Không! Tất cả mọi người đều đứng lên phát hiện chứ. Phát hiện thì có thư ký ghi hết và bản thân mình cũng phải ghi. Rồi sau căn cứ trên cái phát hiện của người ta, mình về tổ, mình phát hiện cái khuyết điểm của mình, cái tội của mình và sau đó mình phải làm bài kiểm điểm rất dài về toàn bộ thời gian mà mình tham gia Nhân Văn. Người ta phát hiện, còn mình không được nói nữa. Ðông Tây người ta phát hiện ầm ầm, ầm ầm, làm sao mà mình có quyền, nhất là không được cãi gì".
Về các văn bản "thú tội", Lê Đạt cho biết đã được viết trong hoàn cảnh thế nào:"Tức là như thế này: Bây giờ anh làm trong tổ, tổ thông qua bài khai của anh. Bài của anh lại phải đưa ra hội trường, hội trường thông qua thì anh mới được xong. Nếu không thì anh cứ việc tiếp tục lại. Viết xong, nhưng chưa thành khẩn, thì lại phải viết tiếp. Mình cứ phải viết tiếp, viết tiếp... mãi, mà mình chỉ có từng ấy ý thì làm sao viết thêm được mãi!"
Về việc bắt Nguyễn Hữu Đang:
"Trong lúc kiểm thảo như thế, thì người ta loan tin, người ta nói rằng: "Công an đã bắt Nguyễn Hữu Ðang!" Cái anh Ðang này cũng là người hoạt động mà sao dại dột thế! Ông ấy lại nhờ người mang một lá thư về Hải Phòng để bố trí cho ông ấy vào Nam. Thế là nó bắt được cái thư ấy. Vì chính người đưa thư ấy là người của công an. Thế là họ đồn ầm lên: "Sự liên hệ giữa Nhân Văn và bọn Mỹ Diệm là đã rõ ràng rồi. Nguyễn Hữu Ðang trong lúc không còn đường thoát nữa, liên lạc với trong ấy và chúng ta đã bắt được Nguyễn Hữu Ðang rồi, bắt vào ngày bao nhiêu, bao nhiêu"... Tất cả mọi người vỗ tay: Hoan hô! Hoan hô!... Tức là một sức ép rất ghê gớm."
Về việc lao động cải tạo, Lê Đạt cho biết:
"Lúc đầu mới đi thì mình cũng lao động, cũng hăm hở. Mình hăm hở vì chắc là hai năm thì xong. Thế nhưng mà hai năm rồi cũng không thấy ai nói gì về vấn đề đó cả và lại tiếp tục hai năm nữa... rồi dần dần nó phai nhạt đi không ai nhắc đến chuyện đó nữa. Thì thời gian disponibilité -thời gian mà phải đi, lúc nào người ta gọi đi lao động cũng được- thời gian đó kéo dài 10 năm. Lẽ dĩ nhiên là trong 10 năm ấy, không phải lúc nào cũng đi. Người ta gọi đi, rồi người ta lại cho mình về; về rồi, họ lại kéo mình đi, nghĩa là trong 10 năm là thời gian mình phải dành cho việc đi lao động cải tạo. Thế còn sau này hết 10 năm thì ở nhà. Nhưng mà ở nhà thì... Tôi không ngờ nó kéo dài đến thế: cả thời kỳ đi lao động lẫn thời kỳ "cấm" là gần 40 năm chị ạ. Mình thấy nó đằng đẵng mà mình coi như là số mệnh thôi".
"Lúc bấy giờ, nếu tôi không có sự cưỡng lại thì tôi là một người vứt đi, thành một cái rẻ rách. Tôi cho cái việc rẻ rách hóa con người đó, chính quyền phải chịu trách nhiệm."
Ngày 10/12/1959, Trần Dần ghi: "Sớm mai toà xử Thụy An gián điệp và Nguyễn Hữu Đang phá hoại, cả hai: hiện hành. Tôi không có giấy gọi cho dự (...) Người có một cái gì văng vắng. Tôi đã có đứng với nhóm Đang cầm đầu. Tôi đã ly khai với "lý tưởng" đó. Cả khi đứng ở đó, cả khi ly khai, cả bây giờ, tôi vẫn cứ rớm máu. Chao ơi! Con đường để đi đến chỗ "Đúng" mới nhiều máu làm sao? Tương lai có để dành cho tôi nhát dao nào nữa không? Đang đã thấy cái sai lớn của Đang chưa? (...)
Ngoài trời mưa bụi. Rét xoàng. Không có gió. Đôi lúc vài tiếng chuông xe đạp. Năm nay rét muộn. Đang ra toà cuối năm. Tôi cũng không thể nào nhởn nhơ với sự kiện này. Chao ơi! Con đường để đi tới chỗ "Đúng" mới nhiều máu làm sao?"
Biện pháp thanh trừng đối với trí thức: các đấu trường khác
Un excommunié (Kẻ bị khai trừ) của Nguyễn Mạnh Tường thuật lại những nổi trôi của một người trí thức có lòng với đất nước, trong buổi đổi đời. Tác phẩm phản ảnh phong cách và tư tưởng của một kẻ sĩ bất phục tòng, mô tả sự hèn mạt và tráo trở của những phường mũ mão cân đai và chứng minh thế nào là lòng yêu nước đích thực. Qua biện pháp kỷ luật mà nhà cầm quyền dành cho ông, chúng ta có thể đoán được chính sách đối xử với những nhà trí thức khác như Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh...
Sau Nhân Văn, Nguyễn Mạnh Tường đã trải qua ba "đấu trường" (corrida): Mặt trận Tổ quốc, Đại học và Đảng. Tại mỗi đấu trường, ông phải trả lời về tội trạng của mình.
Đấu trường đầu tiên là phòng họp của Mặt trận Tổ quốc ở phố Tràng Thi, được ông mô tả như sau:
"Tôi đã có nhiều dịp tới đây dự các cuộc họp, hồi tôi còn ở trong nhóm những người được sủng ái được ngồi bên cánh phải của Người (Seigneur). Tôi biết rõ tất cả những vị "đồng liêu" ("mes pairs") sẽ quyết định số phận của tôi hôm nay!
Lần này, tôi vào phòng họp như con bò mộng bị thả vào đấu trường (corrida). Đúng là một đấu trường bởi vì tất cả bàn ghế đã được xếp dẫy dọc tường, chừa một chỗ trống giữa phòng. Sau dẫy bàn, là đám đông nhiều hạng người. Những người ngồi là thành viên của Mặt trận, đứng là những kẻ hiếu kỳ, phần đông là nhà báo, hoặc các cơ quan hội đoàn. Đó là thứ quần chúng đấu trường, thèm cảm giác mạnh và sôi sục ham muốn thấy quang cảnh lạ lùng khó tả sắp diễn ra!
Như con bò mộng thả trong đấu trường, tôi đưa mắt nhìn một lượt cử tọa. Nếu những người đứng, trố mắt nhìn và lắng tai nghe, thì những vị "đồng liêu" của tôi ngồi sau dãy bàn, có vẻ ngượng nghịu với nhiệm vụ mà họ chưa quen lắm. Tuy những câu hỏi đã được các vị "có thẩm quyền" soạn sẵn, nhưng trong cách diễn tả, giọng họ có chút bối rối. Tôi không khỏi thương cho họ bị rơi vào hoàn cảnh trái khoáy này" (trích dịch Un Excommunié, trang 151-152).
Biết rõ bản lĩnh của mình, luật sư Nguyễn Mạnh Tường cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong việc tự biện hộ, ông nắm chắc phần "thắng" trước những đối thủ tầm thường, đuối lý, không đáp lại được những lời hùng biện của người luật sư đầy kinh nghiệm.
Ngày hôm sau, đấu trường Đại học diễn ra trong không khí công cộng, mọi hạng người đều có thể tham dự. Hàng ngàn sinh viên, nhân viên trong đại học, nhà báo, những kẻ hiếu kỳ, bọn lang bang, đến kín chật hành lang, giảng đường, muốn dự kiến buổi "xử tử một trí thức nổi tiếng ở Hà nội". Lần này quan toà không ngồi bàn, mà thay phiên nhau bước lên giảng đàn.
Nếu bên Mặt trận Tổ quốc còn có chút nể mặt ông, chưa làm quá lộ liễu, thì ở đây, ông thấy rõ:
"Người ta muốn kéo tên tôi xuống bùn đen, họ muốn chỉ rõ tội ác của tôi để biện minh trước cho sự trừng phạt mà họ sẽ dành cho tôi. Và đồng thời, để răn đe tầng lớp trí thức, để cải tạo họ, bắt họ tuân thủ vô điều kiện những mệnh lệnh và quyết định của đảng, theo đúng đường lối chính thống cộng sản. Tất cả mọi vi phạm vào nguyên tắc thần thánh này sẽ bị trừng phạt nghiêm ngặt, dù cho thủ phạm đã có công lớn như thế nào đối với tổ quốc và cách mạng.
Dưới chân giảng đàn mà tôi đã trải qua những giây phút đẹp nhất đời tôi, tôi được thấy những điều tồi tệ nhất. Tôi thấy, không những người ta muốn trừng phạt tôi -xin lỗi- cải tạo tôi, mà còn hơn nữa: họ muốn dìm tôi xuống địa vị một phạm nhân dưới chân cái bục mà thời vàng son tôi đã đứng, bắt tôi nghe những lời thoá mạ mỉa mai cay độc của những kẻ không phải là đồng song với tôi như ở Mặt trận mà là những đứa nhãi ranh không biết lượm được ở đâu, một vài kẻ hình như đã học tôi." (trang 173-174).
Những lời đấu tố thô bỉ người thày, không được Nguyễn Mạnh Tường nhắc lại, ông chỉ ghi lại cuộc tranh luận của ông với một sinh viên học trò cũ và một nhà giáo trung học nhờ chạy chọt, được lên dạy đại học, vì những vấn đề họ đưa ra, có chỗ đáng bàn. Và ông vẫn vận dụng kiến thức của mình để thuyết giảng. Ông thấy mình như đã chiếm được cảm tình của số đông cử tọa, qua ánh mắt của họ.
Đấu trường Đảng xẩy ra trong không gian kín, không có quần chúng tham dự. Có lẽ người ta thấy bất lợi khi đưa ông ra trước công chúng: không những ông không bị bôi nhọ mà dường như ông còn được quần chúng ủng hộ. Trong đấu trường thứ ba này, Nguyễn Mạnh Tường phải trả lời ba vị quan tòa về Thái độ của người trí thức trong thế giới cộng sản. Câu hỏi chính đặt ra trong buổi thẩm vấn là: Sau chín năm theo cách mạng, đồng chí đã gặt hái được những thành quả không nhỏ và được sự trọng đãi của Đảng và nhà nước, thay vì hưởng thụ những đặc quyền mà Đảng đã dành cho, tại sao đồng chí lại đứng lên chống Đảng?
Và đây là lời vấn đáp cuối cùng giữa người hỏi cung và Nguyễn Mạnh Tường, trong buổi đối chất trước toà án Đảng
Người chất vấn:
"- Đồng chí không thể không biết những gì đang chờ đợi. Nhà nước chỉ chấp nhận một thái độ duy nhất của trí thức. Đó là thái độ theo đúng đường lối chính thống, tin vào Đảng, trung thành với Đảng, suy nghĩ, cảm nhận, hành động, theo chiều hướng và cung cách mà các cấp lãnh đạo đã quy định. Bất luận kẻ nào đi ra ngoài con đường này là bị rơi vào tà thuyết và sẽ bị trừng trị như những kẻ phản động bán nước. Đây là cơ hội cuối cùng để đồng chí hối cải về sự cả gan và bất cẩn của đồng chí. Hãy nắm lấy!"
Nguyễn Mạnh Tường trả lời:
"-Mỗi người chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nếu xã hội, tức là nhân dân, đạt tới một trình độ văn hoá cao, có mức nhận thức trong sáng, thì những cả gan của một tư tưởng khác với đường lối chung sẽ không bị trừng phạt, mà ngược lại sẽ được khuyến khích, bởi sự tiến bộ của dân tộc tùy thuộc vào những cả gan này. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng không bao giờ số đông quần chúng có thể khai quang được một lối đi trong rừng rậm của dốt nát, thành kiến, hèn hạ, để tiến lên một bước về phía ánh sáng mặt trời. Trong thành Athènes, kinh đô của hiền triết, Socrate đã phải uống cạn cốc độc cần, để lại bài học cho những trí thức trên thế giới suy nghiệm và noi theo: người trí thức phải giữ vai trò tiên phong, hướng đạo trên con đường khó khăn và nhọc nhằn, để dẫn dân tộc đến niềm vui và hạnh phúc.
Nước ta đã phải chứng kiến sự thâm nhập của một chủ nghĩa ngoại bang hoàn toàn không bắt rễ từ quá khứ dân tộc. Bao nhiêu nhà ái quốc lớn mà mọi người đều kính phục đã bảo vệ, đã bênh vực, đã bảo trợ cho chủ nghiã này, họ đã đưa nó ra rồi bắt dân chúng phải thừa nhận, bằng cách hứa hẹn nó là chìa khoá mở cửa vào thiên đàng trần thế. Quần chúng tin vào lời nói của lãnh đạo và chờ đợi sự thực hiện những lời hứa. Chính nhờ vào sự đồng tình, vào những cố gắng, những hy sinh của của toàn dân mà đất nước đã giành được độc lập và tự do. Những cánh tay làm việc và những cái đầu suy nghĩ đã là rường cột cho đảng cầm quyền.
Bất hạnh thay, con đường chúng ta đi không bọc nhung. Hợm mình trước những chiến công hiển hách mà họ tưởng đã đạt được nhờ chủ nghiã mác-xít, những người lãnh đạo đã xây dựng nền móng và áp dụng sâu rộng hơn chủ nghiã này trong tất cả các ngành, không cần đếm xỉa đến khoa học và thực tế, tuy vẫn hô hào kính trọng giáo dục. Cuộc cải cách ruộng đất đưa đến những sai lầm nghiêm trọng mà những người cầm quyền phải chịu trách nhiệm. Sự đói khổ của nhân dân đã đến mức khốc liệt, vậy mà những kẻ trách nhiệm vẫn khoác lác rêu rao những điều ngược lại.
Trước bi kịch này, thái độ của trí thức phải thế nào? Có kẻ bịt mắt đút nút lỗ tai để đồng thanh phụ họa với bọn cơ hội và phỉnh nịnh, luôn miệng kêu gào: "Cộng sản thắng lợi. Đảng Cộng sản muôn năm". Những kẻ này hy vọng được ân sủng đến ba đời. Công chúng biết rõ và khinh họ. Nhưng những khối óc biết nghĩ và và những trái tim yêu tổ quốc và dân tộc không thể nhẫn nhục chịu đựng -trong im lặng và thụ động- những cay đắng của khát vọng không thành và những giấc mơ bị chà đạp. Họ lên tiếng tố cáo những sai lầm và đề nghị những biện pháp sửa đổi. Họ được cám ơn bằng những cú roi quất, bằng tù tội suốt đời, họ bị kết tội phản đảng, phản cách mạng, là kẻ thù của nhân dân! Sự an ủi duy nhất của họ là được quần chúng hiểu, ái ngại, nhưng không làm gì cho họ được. Họ phải đợi sự phán đoán của Lịch sử".
Và ông viết tiếp:
"Không một lời tuyên án. Những người cộng sản ưa bí mật. Lệnh được quyết định và thi hành trong yên lặng chết chóc. Công chúng không biết gì cả: bí mật được giữ trọn để khỏi khơi lên những tình cảm vô ích, những xao động đáng tiếc! Họ đã tiên đoán tất cả và hành động kịp thời!" (Un excommunié, trang 226- 229).
Ba đấu trường. Không có án. Nguyễn Mạnh Tường đã phải xuyên qua hơn ba mươi năm sa mạc từ 1958 đến 1990. Bị khai trừ khỏi đại học. Chiếc xe đạp đi dạy bị lấy lại. Không được mở lớp dạy tư để kiếm tiền. Phải bán dần đồ đạc trong nhà. Sống trong đói khát. Bệnh tật. Bạn bè xa lánh. Người quen đổi vỉa hè.Nhưng trong đêm khuya tăm tối vẫn có những đốm lửa lóe lên: "Thỉnh thoảng, sáng thức dậy mở cửa tôi thấy ai đã nhét vào kẽ cửa một phong bì đầy tiền. Chúng tôi cảm động rơi nước mắt, tuyệt vọng vì không thể cám ơn ân nhân được bởi có biết họ là ai. Hay có những hôm tôi đi dạo lúc trời nhá nhem. Luôn luôn vẫn có cớm theo dõi đằng xa. Bỗng một chiếc xe đạp đạp rất nhanh, sát bên tôi, nhét vào tay tôi một phong bì hay một gói nhỏ rồi biến mất. Tất cả chỉ trong nháy mắt". (Un excommunié, trang 335).
Những đốm lửa hy vọng đó đã nuôi sống nhà trí thức trong suốt cuộc đời còn lại.
Hết phần VII
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/118/article_5184.asp
*
No comments:
Post a Comment