Tuesday, January 12, 2010

ĐẨU TIẾP THI TẬP






*


ĐẨU TIẾP THI TẬP

-TIẾNG NÓI CỦA MUÔN VẬT

-LỮ HOÀI


GIA HỘI

2010

Copyright © 2010 by GIA HOI Publisher


TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

Đẩu Tiếp (1913-1947)




Đẩu Tiếp Nguyễn Văn Đề sinh năm quý sửu 1913 tại làng Vĩnh Lộc, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đậu bằng Thành Chung. Khoảng 1930, Người tham gia cách mạng chống Pháp, bị giam tại Đồng Hới, sau một thời gian được thả ra. Khoảng 1936, Người vào Nam, làm việc ở Viện Nghiên Cứu Nông Lâm, Hớn Quản, sau về Sài Gòn làm báo, viết văn. Trong thời gian này, người đã viết ba tác phẩm biên khảo

-Đời Tài Hoa, viết về Nguyễn Hàm Ninh ( Đông Tây ,Hà Nội,1938)
-Trong 99 Chóp Núi, viết về Đinh Nhật Thận ( Thuỵ Ký, Hà Nội,1942)

-Nét Bút Thần, viết về Nguyễn Văn Siêu ( Tân Việt, Hà Nội, 1944)

Người đã viết báo Bắc Hà, Hà Nội Báo,Văn Học ( Dương Tụ Quán), Văn Học Tuần San (Tùng Lâm Lê Cương Phụng ), và làm chủ bút Đông Phong tạp chí ( tòa soạn 327 Paul Blanchy Saigon) bút hiệu là Đẩu Tiếp, Chu Sơn và Trạng Chua ( khi viết thơ châm biếm) . Đông Phong tạp chí là một tạp chí văn học. Ban đầu do người khác làm chủ bút nhưng Đẩu Tiếp thay thế khoảng 1942. Số 12 xuất bản ngày 1 tháng 1-1943 thì báo quán dời về số 19 đường Lê Văn Duyệt, Tân Định, Sài Gòn. Năm 1946, Người về quê, làm việc ở tỉnh Quảng Bình, sau về huyện Quảng Trạch. Trong thời gian này, người làm giám đốc ban kịch Dân Quê và sáng tác một số vở kịch, nay không còn. Ngài mất trong cuộc càn quét của Pháp tại Ba Đồn năm 1947. Ngài được công nhận là liệt sĩ.

Chúng tôi đã và đang sưu tập các tác phẩm của Người để truyền lại trong gia tộc. Các tác phẩm biên khảo sẽ được thực hiện thành ấn bản điện tử. Nay đã hoàn thành Đẩu Tiếp Thi tập.

Đẩu Tiếp Thi Tập gồm những bài thơ do Đẩu tiếp sáng tác . Chúng tôi thu thập và hợp thành hai tập:
1. Tiếng Nói Của Muôn Vật là thơ ngụ ngôn sáng tác trong thời gian Nguời về tại quê nhà khoảng 1946-1947. Chiến tranh và thời gian đã làm thất lạc nay chỉ còn 6 bài.
2.Lữ Hoài: những bài thơ Người sáng tác trong khoảng 1936 là lúc ở tại Sài Gòn. Cắc bài thơ này còn trong bản thảo , một số sưu tập trong các sách báo nhưng một số đã thất lạc.






ĐẨU TIẾP

TIẾNG NÓI CỦA MUÔN VẬT

Thơ ngụ ngôn





I. HAI CON RẬN KIỆN NHAU

Ở xứ Mình Heo (1)
Có hai ông Rận Mén (2)
Tranh nhau ăn
Kéo nhau đi kiện
-Thưa nó giành làm trời (3)
Một miếng đất mầu mỡ, đất tôi"(4).

-"Thưa nó đòi ăn thủ lợn mãi
Hể tôi rờ tới là nó thoi."
Quan tòa liền mắng: "Ngu như lợn!
Bây hãy thử nhìn lại bây coi
Rõ ràng cùng trong một nòi giống,
Mà ai đời!
Vì một miếng đất, một miếng thịt
Chúng bây kiện nhau thế thì thôi
Bây muốn tao đem làm tội nhé?
Khôn hồn thì phải xin hòa lẹ (5)
Liệu về cày cuốc làm ăn chung (6)
Làm cùng nhau làm, ăn cùng xẽ
Thịt nào bụng đói ăn chả ngon?
Đất nào chả tốt? Miễn cày khoẻ!
Chớ lo thịt dở, đất khó cày
Mà lo tranh giành, lo xâu xé.
Hãy lo ngọn lửa, nồi nước sôi
Và cái con dao bọn đồ tể!
"Mình Heo nếu mất, bây còn không?
Sống chết riêng ai bây thử nghĩ!
Hai bên cảm động cùng xin hòa
Cùng rủ nhau về ở một nhà
Ai nấy một lòng đoàn kết lại.
Đinh số càng ngày càng tăng gia
Mình Heo được mấy nguồn sinh sống
Đều tìm kiếm lấy mở mang ra
Sông núi Mình Heo thành hiểm trở
Trông như mình ai xương bật ra
Bọn hàng thịt tới, thấy xương xóc
Thế nuốt không vào phải tránh xa.
Vậy là "Mình Heo" khỏi bị chiếm,
Dân Rận muôn năm được thái hòa
Than ôi!Giống Rận còn khôn thế
Há giống Rồng Tiên chịu kém a?

Bài này mượn cốt truyện trong sách Hàn Phi Tử:" Ba con Rận hút máu một con lợn đem nhau đi kiện. Một con khác gặp hỏi: Ba anh kiện nhau về việc gì thế?
Ba con kia đáp:Chúng tôi kiện nhau vì tranh nhau một miếng đất mầu mỡ.
Con Rận kia đáp:Tôi tưởng các anh chẳng nên tranh nhau làm gì, chỉ nên lo lấy con dao của người đổ tể giết lợn, ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi."
Ba anh đi kiện nghe ra biết là dại, thôi không kiện nữa, cùng nhau quần tụ làm ăn với nhau, dù no, dù đói cũng không bỏ nhau. Con lợn thành mỗi ngày mỗi gầy, người ta không làm thịt, cứ để nuôi, ba con Rận nhờ thế mà no đủ mãi.


_____

Chú thích:
1. Xứ "Mình Heo": Trên mình con heo
2.Rận mén: rận còn nhỏ.
3. Giành làm trời: giành làm chủ.
4.Đất mầu mỡ: chỗ thịt béo
5. Lẹ: mau
6. Cày cuốc: hút máu con heo
7.Lửa thui lơn và nước sôi trụng lợn trước khi cạo lông.



II.HỒ MƯỢN OAI HỔ


Ngày xưa, ông Cọp,
Đi kiếm mồi, gặp một chú Hồ
Cọp cả mừng giơ vút toan vồ.
Hồ quát mắng :"Đồ vô lễ!
Há mầy chẳng biết tin đức Thượng Đế,
Mới phong tao làm chúa tể rừng này?
Sao thấy tao chẳng liệu tránh ngay
Dám vác mặt vênh mày như thế đó!
Tao đi đây, mày đi hầu tao thư?
Xem muôn ngàn loài thú thấy tao
Có đua nhau chạy trốn không nào?
Hồ liền nhảy, Cọp theo bén gót,
Quả nhiên thấy Hồ (Cố nhiên cả thấy Cọp)
Hươu Nai, Dê đều hoảng hốt tránh xa.
Hồ liền quày lại:"Ha ha.
Mầy thấy chửa? Mầy tin ta rồi chớ?
Con thú dữ ngu đần lòng cả sợ
Xá cái mau, rồi bỏ chạy ra ngay.
Hồ cười thầm:Mình khéo mượn oai thay!
Cọp tự nhủ: "Hồ rày oai lắm lắm!"

Một ngày kia, Cọp nằm trong bụi rậm,
Chợt thấy Hồ đứng tắm giữa sương mai.
Cọp hoảng hồn, ngậm miệng nín hơi,
Không dám cựa, sợ ngài Hồ rõ.
Bỗng chú Nai kia, đâu tới đó.
Thấy Hồ, sao chú cứ như thường?
Và ô kìa, sao Hồ kia lại tránh bên đường!
Cọp tự hỏi, Cọp đương ngẫm nghĩ.
Và một tia sáng vừa thoáng qua trí,
Và Nai kia dường ngứa gạc non,
Đè Hồ kia húc một cái bên sườn,
Hồ đau điếng, đâm chồm vào bụi Cọp!
Cọp liền thét lên, Nai liền vọt,
Còn chú Hồ đã bị Cọp chụp đầu:
hỏi:" Sắc chúa rừng mày để đâu,
Để Nai nó bắn nhào vào bụi?"
Ai sinh ra mày khôn mà dại?
Mưọn oai tao mà trở lại dối tao!
Tuồng hôm xưa hãy diễn lại xem nào!
Mày đi trước để tao theo hầu nhé!"
Cọp buồng Hồ, Hồ nhảy lẹ,
Cọp chồm theo, chụp xé hai thây:
"Chúa rừng mày ở đây này!"

Cố truyện này phần lớn rút ở Chiến Quốc Sách (hay Trường Đoản thư) của Lưu Hướng, môt danh sĩ đời Hán. Chiêu Hề Tuất chỉ là một bề tôi của vua Tuyên vương nước Sở. Thế mà người phương Bắc, ai nghe danh Chiêu Hề Tuất cũng phải kinh sợ ( có lẽ còn kinh sợ hơn khi nghe danh của Tuyên vương.) Tuyên vương lấy làm lạ, hỏi quần thần vì cớ làm sao. Không ai trả lời được, chỉ có Giang Nhất thưa rằng: Một hôm con Hổ bắt được con Hồ. Hồ bảo:" Liệu đó! Chớ có động chạm đến ta mà khốn. Trời sai ta xuống cầm quyền coi hết bách thú. Ngươi ăn thịt ta là trái mệnh trời, sẽ hại đến than lập tức. Không tin, thử để ta đi trước, ngươi theo hầu ta, xem có con thú nào thấy ta mà không chạy trốn không? Hổ bèn theo hầu Hồ, quả nhiên bách thú trông thấy đều sợ chạy xa. Hổ cứ tưởng bách thú sợ Hồ, có ngờ đâu chính là sợ Hổ đó... Nay ngài làm vua, nước mạnh, quân nhiều, ngài giao cả cho Chiêu Hề Tuất, người phương Bắc sợ Hề Tuất, kỳ thực là sợ ngài, như bách thú sợ hổ vậy. . .




III.TÀI NGHỀ CON LỪA

Xưa ở đất Kiềm
Giống Lừa không có.
Dân Kiềm hiếu sự
Tải Lừa về nuôi.
Ngày thả dưới đồi.. .
Ban đầu Hổ thấy
Lừa cao lớn vậy
Tưởng là vật thần,
Vừa mới giáng trần,
Hổ lấy làm nể.

Lại nghe Lừa hí
Tiếng hí chuyển rừng
Hổ sợ quá chừng,
Liền cong đuôi chạy.

Nhưng Lứa hí mãi
Hí một tiếng hoài
Hổ nghe nhàm tai
Sinh ra lờn mặt.

Một hôm Lừa gặp
Hổ thử vờn chơi.
Lừa giận quá trời
Co chân đá đại.

Đá đi đá lại
Một ngón đá không.
Hổ thấy mừng lòng
"Tài Lừa có vậy"!
Rồi Hổ nhảy dậy
Thét lên chụp Lừa.
Cấu bừa, cắn bừa,
Dễ như bắt nhái.

Hổ lui vào núi,
Kể lại chuyện này,
Cho các con hay,
Rồi bảo chúng nó:
"Các con xem đó,
Mà chớ tin ai.
Ở cái bề ngoài,
Đời nay chán kẻ
Cao lớn bệ vệ,
Cả tiếng to oai,
Mới thấy dầu ai
Cũng phải khủng khiếp.

Nếu ta mạn phép
Thử cái tài chơi
Thì ra than ôi!
Đó cũng
Một giống
Lừa Kiềm mà thôi!

Bài trên này, chỉ trừ đoạn kết luận là của người làm sách. Còn đoạn đầu (29) câu) dịch gần đúng theo Hán văn của Liễu Tôn Nguyên, một danh sĩ đời đường, đỗ tấn sĩ làm quan đến chức thứ sử.



IV. CÁCH ĐÁNH HỔ

Xưa có hai ông Hùm (1)
Đang thịt một con nghé (2).
Biện Trang (3) cậy sức khỏe
Xăn tay toan nhảy vào.

Có một cậu bé nào,
Tới bên ông thỏ thẻ.
"Ông à, đùng vội thế,
Tuy ông có sức thần
Đã chắc gì hạ hai cọp một lần?

Giống Cọp vẫn tàn bạo,

Thịt trâu thì ngon béo.
Thịt béo tất nhiên chúng tranh ăn.
Tranh ăn tất nhiên sẽ tranh đấu.
Đánh nhau hổ bé tất thiệt đời
Hổ lớn tài nào khỏi đổ máu!

Ông đợi lúc bấy giờ
Múa giáo (4) hẵng xông vô
Chỉ đánh một con đã yếu sẵn
Mà được cả hai chẳng khoẻ ư?

Trang nghe nói phải,
Đành tạm đứng chờ.
Sau quả bắt đuợc cả đôi hổ
Khoẻ ru!

Than ôi, mạnh như hổ
Sức mạnh trên đời ai dễ đo?
Chỉ vì giành nhau một miếng ăn
Mà bị người ta b ắt rán mỡ!
Hỡi ai tranh nhau
Hãy tránh cái nguy đôi hổ đó.
Hỡi ai, việc lớn đang mưu toan
Hãy học Biện Trang cách đánh hổ.
Thời cơ nếu biết chờ
Và biết thừa thời cơ
Thì mất công ít
Mà được lợi to!

Bài trên dịch gần đúng theơ Hán văn. Duy đoạn kết luận, từ câu:"Than ôi mạnh như hổ" trở xuống là lời bàn của dịch giả.

____

Chú thích:
1. Hùm: hổ ,cọp hay ông Ba mươi.
2. Nghé :trâu con.
3.Biện Trang:Người nước Lỗ thời Xuân Thu Chiến Quốc, làm quan đại phu, khỏe có tiếng, thường đấu với hổ.
4. Giáo: một loại vũ khí, cán gỗ dài, đầu mũi kim loại nhọn.




V. CON CHÓ VỚI CÁI ÁO

Một hôm trời nắng
Dương Bố diện áo trắng đi chơi.
Đi được một đổi dài
Gặp phải trận mưa lớn
Họ Dương chạy vào trốn
Trong nhà một người quen
Thấy ông áo ướt mèm,
Nhà kia bèn đem cho mượn tạm.
Một cái áo đen thay kẻo cảm.

Bố mang áo đem về tới nhà
Bị con chó trắng nhảy chồm ra.
Vừa đuổi vừa cắn
Dương Bố cả giận
Toan choảng vào đầu.
Anh là Dương Châu (1)
Chạy ra:"Này chú!
Đừng đánh oan nó
Nếu nó đi chơi
Lúc đi trắng toát, về đen thui!
Phỏng chú có lấy làm lạ
Mà đuổi xua không hả?

Bài này, trừ câu kết luận , dịch gần đúng Hán văn trong sách Liệt tử, là sách của Liệt Ngữ Khấu soạn ra. Sách này gồm 8 quyển, nhà Đường, nhà Tống đặt tên là Sung Hư Chân Kinh hay Sung Hư Chí Đức Chân Kinh.


___

1.Dương Châu (Chu) người thời Chiến quốc xướng học thuyết Vị Ngã (Vị kỷ).

VI. CAN VUA

Vua Ngô muốn đánh nước Kinh
Tất cả triều đình
Mãi theo can gián
Nhà vua nổi giận
Xuống lệnh truyền rằng
"Ai còn can ngăn,
Sẽ bị xử tử."

Một viên quan nọ
Vẫn còn muốn khuyên
Khuyên sao cho nên?
Ông ngồi mãi nghĩ
Bỗng nảy một ý
Ông ta cả mừng
Mỗi sáng xách cung
Vào trong vườn Ngự (1)
Dưới một cổ thụ
Giương cung đứng hoài.
Để mặc sương mai
Ướt dầm áo mũ.

Vậy đã hai bữa
Đến bữa thứ ba.
Vua ra xem hoa

Thấy ông đứng đấy
Hỏi: "Làm gì vậy?"
"Bắn ạ!" "Bắn gì?"

Sao không bắn đi!
Sương xuống ướt cả.

-Muôn tâu bệ hạ,
Ngài thử xem kìa.
Trên cành cây kia
Có con ve nọ
Ăn sương hút gió
Ca hát suốt ngày
Tưởng thân được vầy
Thật là thích thú
Biết đâu sau cổ
Có bọ ngựa kia
Giơ càng giơ que.
Đang chực bắt nó?
Chính con bọ ngựa
Chực bắt ve kia
Sau lưng nào dè
Sẻ kia nghểng cổ
chực mổ
Chính con sẻ đó
Chực hại bọ ngựa
Nào hay dưới cây
Có tôi đứng đây
Giơ cung chực bắn!
Chính tôi chực nhắm
Để bắn sẻ kia
Cái thân nào dè
Sương dầm ướt rợt!

Ấy điều
Thấy lợi trước mắt
Quên hại sau lưng
Mong ơn cửu trùng
Sẵn lòng tha thứ!
Nhà vua tỉnh ngộ
Truyền lệnh bãi bỏ
Thôi không đánh nữa!



___
1. Vườn Ngự: Vườn hoa của vua

*



ĐẨU TIẾP







LỮ HOÀI




TÌNH NHÀ


CƠM NHÀ KHÔNG BÉO BÉO CƠM AI


Trên núi ngày nào ốm nhóc vai,
Rày sao xuống chợ mập ra? Tài!
Gẫm hay tỳ hợp mùi tanh độc
Kim cổ gương soi thẹn mặt trai!

Kim cổ gương soi thẹn mặt trai!
Cơm nhà không béo, béo cơm ai?
Nhục mình lại nhục lây cha mẹ,
Ruột cứ xổ hoài, vẫn cứ hôi!


TRONG MỘT BỮA TIỆC

Vợ yếu con thơ, bác mẹ già,
Lòng nào no ấm một mình ta?
Ngọt bùi trong tiệc ngồi không thấy,
Thấy bữa cơm rau dọn ở nhà!


MƯỢN TIỀN GỬI VỀ NHÀ

Trời đất cho ông mượn "chữ" (1) nào,
Quyết đền chín chữ nợ cù lao!
Vợ con đừng vội đòi no ấm,
Xuân hãy còn sang, tuổi hãy giàu!
___

Chữ: Miền Trung gọi "chữ" hay" trự " là một đồng (đồng tiền)


TRÊN ĐƯỜNG MƯA GIÓ

Bác mẹ sinh thành há dễ chăng?
Đày thân mưa gió mấy tuần trăng!
Thân trai chỉ sợ mưa đầm áo?
Sơ nỗi thân già ướt lệ khăn!

__



NGHE MUỖI KÊU ĐẤT KHÁCH

Quán khách đêm nằm lẵng lặng nghe,
ăăăaNgoài mùng nghe tiếng muỗi vo ve.. .
Xa thương bác mẹ mùng mền thiếu,
Chi cắn lòng mình? Ruột thấy tê!.. .

TẾT VỀ THĂM NHÀ

Quê tổ ba năm cách biệt rồi,
Cùng xuân rày mới trở về chơi.
Cỏ cây gặp chủ hoa tươi mặt,
Làng xóm mừng ai pháo dậy trời?


GỬI VỀ VƯỜN CŨ

Trời Quản Táo đêm nay trăng tỏ
Cõi Linh Hoành quê cũ nơi nao?
Bọc giau (nhau) đâu đã chôn vào
Tơ lòng dễ dứt thế nào cho ra!
Dưới đèn tả tờ hoa một bức,
Trên thềm dâng chữ mực mấy hàng.
Nỗi riêng bộc bạch can trường
Mong ngoài ngàn dặm song đướng biết cho.
Con từ lúc giang hồ quá bước.
Bườc chân ra non nườc quê người.
Quyên khóc tối, vượn kêu mai.
Chim muông như nhắc việc người sớm hôm.
Rày đông tới ai giùm ấp chiếu?
Mai hạ sang, ai liệu quạt mùng?
Vui gì đất khách người dưng?
Việc gì xa cách núi sông quê nhà?
Đường lưu lạc thầm sa nước mắt,
Bước kì-khu chạnh tức nỗi lòng.
Nghĩ mình thế phiệt vốn dòng,
Phải tuồng phi nhứ đoạn bồng như ai!
Những hăng hái ra tay mực thước (1)
Luống xông pha vào chốn phong trần.
Thân này dám ngại gian truân?
Riêng thân một nỗi hai thân ở nhà:
Gia quân tự ngày ca quy khứ,
Không rượu thôi trăng gió không cười.
Gió xuân đêm trở giấc mai,
Chén quỳnh dưới trướng ai người dân lên?
Càng thương nỗi đường huyên già yếu,
Ngọn đèn khuya xơ (2) cháu ngồi may.
Thoắt nghe vạc thét trên mây,
Nhớ ngoài ngàn dặm, chân tay rũ rời.
Luống cuống để kim rơi chỉ rớt,
Ngậm ngùi thay gương lợt, đèn mờ.
Gọi em, em lỡ giấc mơ,
Một mình mẹ luống vẩn vơ tìm tòi.
Uớc chi được bền hồi gần gũi.
Để tức thì cạy lại viếng thăm!
Thương ôi! Mẹ bắc con nam,
Mình ve xơ xác, ruột tầm héo hon.


* * *

Nỗi tư qui (3), người còn rối ruột,
Mảnh thư nhà, dịch tốt (4) tay đưa.
Nên chăng mọi lẽ dặn dò,
Tiếng nghiêm (5) theo với lời từ (6) song song.
Hàng son phấn xin đừng ngoái cổ
Sòng đỏ đen xin chớ đụng tay!
Bốn phương là chí râu mày,
Biết thân phải liệu kịp ngày lập thân.
Lời vàng ngọc ân cần mấy lẽ
Niềm sắt son tạc để một lòng!
Trót đà cất gánh tang bồng,
Cũng cam ra sức vẫy vùng với ai!
Nghĩ nông nỗi thua người một nỗi,
Người ra đi, ở lại có người.
Thương con oanh yến rẽ đôi,
Sớm hôm ai kẻ trông coi việc nhà?
Tình cảnh ấy em ta có biết?
Gắng vì anh thay việc thần hôn!
Dù rằng trăm núi ngàn non,
Một nhà trung hiếu vuông tròn cả hai!



___
1.Bài này làm hộ cho một người thợ mộc.
2. Xơ: áo trẻ con.
3. Tư quy: suy nghĩ muốn về.
4. Dịch tốt: người đưa thư.
5. Nghiêm (nghiêm phụ ) : cha
6. Từ (Từ mẫu): Mẹ




BÀI HÁT MỪNG CHA
Làm Hán tự trợ giáo được thưởng và về hưu.


Nho giáo lục kinh, thời hành tri thời chí
Hoàng ân nhất tự, đắc danh độc đắc nhàn.
Vườn tùng cúc mấy lúc bỏ hoang.
Trăm hoa cỏ bò ra đường đón chủ!
Mở sắc mạng, thử khoe cùng non nước cũ
Giữa vàng son tên họ rõ ràng ghi!
Chữ công danh cầm chắc buổi thiếu thì.
Rày mới thấy dầm dề ơn vũ lộ!
Phận tuy muộn, số còn tốt số!
Kìa chẳng xem anh đầu xứ họ Hoàng.
Cõi Hồng Lam dầu cậy sức văn chương.
Luống lẫn khuất trong hàng dân ngũ.
Uổng công phu thập niên đăng hỏa.
Nhưng ông Trời đã ngó lại nhà ta,
Nên cha già còn được chút vinh hoa.
Mấy mười đời hồng phúc nhà ta,
Trước chưa hưởng, nay dần dà trời bù lại.
Cuộc thăng thưởng sau này còn nhiều hội,
Vẻ long chương bay tới tận nhà,
Song nam vếch mẩy mặc ngâm nga,
Phúc hanh thái cùng cả nhà san sẻ.
Nào vợ, nào con, nào dâu, nào rể,
Dưới trăng thu, hoa rẻ tiệc bày.
Tấm lòng mong mỏi bấy lâu nay,
Cơ hội ấy, cuộc đoàn viên này đà thỏa chửa?
Rượu nửa lít, cũng chẳng mất tiền mua nữa!
Sẵn bà con bạn lứa đã đem cho!
Bàn trên dồn xuống lộc thừa.
Đoán con cái lu bù say cả thảy!

***
Trẻ này bỗng giật mình tỉnh dậy
Nghĩ mình thêm ngao ngán bấy nỗi mình.
Cù lao đội đức dưỡng sinh,
Chưa báo nghĩa dương danh chi chút mảy!
Để thân già phải ra tài bay nhảy.
Vì gia phong mà giành lấy tiếng thơm.
Những mặc ai lo áo, lo cơm.
Ăn cho tất, mặc cho tươm , lo gióng giả.
Nợ hồ thỉ (1) hỏi rằng sao đành xúy xóa.
Khéo ngâm câu "bất khả viễn du"
Việc thần hôn vốn chẳng hề lo,
Hôm sớm những say sưa tình hãn mặc.
Mây ngẫu hứng nên mấy vần bằng trắc,
Cũng loè cùng cõi Bắc, trời Nam.
Nghe bề ngoài thiên hạ khen nhàm,
Chưa tự mãn vẫn lấy làm tự đắc!
Khách văn tự tưởng đâu mình đấy chắc,
Khéo vênh mày vác mặt trước vừng soi.
Ai si lung luống nhạo, ai ấm á (3) luống cười!
Nỗi nghèo túng biết thua ai mà thẹn,
"Đồng học thiếu niên đa bất tiện(4),
Phải làm sao cho phải tiếng con nhà.
Đứng trên đời chỉ nghĩ chuyện đâu xa,
Đem sở học, sở hành ra là được!
Bạn tùng nhuân (5) hãy gác lời nguyền ước.
Đường cạnh tranh lo chen bước với đời!
Một mai kia trang trắng nợ làm trai,
Muốn thành Phật, thành tiên thôi cũng mặc.
Chuyện cũ thánh hiền không lọ nhắc
Hãy ngữa trông lên bậc cao đường,
Trong nhà đã sẵn có gương!



____
1. Nam nhi hồ thỉ chí ư tứ phương: con trai phải mang cung tên ra bốn phương trời để lập chí.
2. Phụ mẫu tại bất khả viễn du
父母在不遠遊: Cha mẹ còn sống thì không nên đi choi xa.
3. Si lung ấm á gia hào phú, trí tuệ thông minh khước thọ bần
.
4. Tơơ Đỗ Phủ: Bạn học thuở bé bây giờ đều không phải còn nghèo hèn như mình nữa.
5. Tùng nhuân:Tùng nhuân cũng như tùng bách là giống cây chỉ nẩy lộc vào mùa đông. Ý chỉ người ẩn dật.




NÓNG RUỘT

Mấy bữa nay sao nóng ruột hoài,
Ở nhà ai có nhắc chăng ai?
Phong trần chẳng để riêng mình khổ,
Nỡ để gia đình cũng kém vui!

Bác mẹ thương con, vợ nhớ chồng,
Một mình phiêu bạt, cả nhà trông!
Ước gì gần gũi đâu đấy nhĩ
Cho thấy lòng cho mát mẻ lòng!


ẤM HƠI CON

Đêm đông gió lạnh nứt song hồ,
Gió lạnh mà trời giông bão to!
Muôn dặm ngùi thương hai bác mẹ,
Tuổi già sức yếu cậy ai giờ?

Mấy thằng con hiếu chúa hay trêu,
Đã bắt hay lo lại bắt nghèo.
Áo lạnh cần dùng không sắm nổi,
Bóng xe về bắc luống trông theo.

Khôn mua áo mới gửi khi cần,
Liều lĩnh bèn đem áo cũ dâng.
Trai trẻ thà rằng con chịu rét,
Thân này dầu cũng của hai thân.

Lòng này như cũ mãi còn son,
Thương áo mau phai, vải sớm mòn.
Thầy mẹ thương con mang áo cũ,
Ấm hơi áo lại ấm hơi con.
Đông Phong tạp chí 1940.


GẦN TẾT Ở QUÊ NGƯỜI

Tết nhất ai ơi đã cận ngày
Tay không rồi mới tính sao đây?
Hết tiền vẫn biết rằng vì rượu
Giận chí nên thường cứ phải say!
Bác mẹ mong chờ đành lỗi tớ
Vợ con no đói mặc lòng bây!
Gì gì cũng đợi xuân sang đã,
Vân hội xoay vần lại sẽ hay!


ĐẤT KHÁCH GẶP XUÂN

Từ đây hết chửa nợ phong trần,
Đất khách vô tình lại gặp xuân.
Đón ánh thiều quang sầu bóng chiếc,
Nghiêng mình tâm sự nhớ người thân.
Cha già, tóc bạc thêm bao lớp,
Con dại, ngày xanh phí nửa phần
Giấc mộng giang hồ may chợt tỉnh
Ba mười còn kịp lập nên thân!





CẢM HOÀI

Đèn sách mười năm học với hành,
Ơn ai cho tớ cặp sâm banh,
Miệng thèm chẳng nỡ khui ra uống,
Nghĩ những ngậm ngùi đức dưỡng sinh.

Nhớ hai thầy mẹ mấy năm xưa,
Ngay nhịn nước chè uống nước mưa.
Ngon ngọt mùi đời nào đã biết
Nuôi con hộc tập biết bao chua!

Gian khổ nhờ xưa có mẹ thầy,
Khiến con thành tựu có ngày nay.
Miếng ngon hãy để dâng thầy mẹ,
Con có công gì được hưởng ngay.

Quản bao ngàn dặm đất xa xăm,
Xin gửi về quê chén rựơu tăm,
Rơm rạ kìa trong thùng đựng rượu,
Ai hay đựng cả khối tình thâm!

Rưọu chỉ mỗi chai ba, bốn đồng,
Thiếu gì rượu ấy ở miền Trung.
Việc gì phải gửi về thêm phí,
Thiên hạ chắc rằng bảo tớ ngông!

Tạp chí Đông Phong Tết 1940



MỪNG PHỤ THÂN LỤC TUẦN

Giang hồ muôn dặm những ham chơi,
Ngảnh lại cha già đã sáu mươi.
Nhà khó lấy chi mừng lễ thọ,
Gấm thêu chẳng có, có thơ thôi!

*
Thơ nay phiên dịch tự bao giờ,
Dịp tốt in ra nay cũng vừa.
Giữa lúc Thân già bày tiệc thọ,
Người dâng chân gấm, tớ dâng thơ.

*
Thơ thần, chữ thánh dịch nên lời,
Ấy cũng nhờ ơn bố dạy nuôi.
Sách cũng như nhà. con có bố,
Ai nhìn thấy sách biết nhà vui."

(TRÍCH THẦN SIÊU, Tân Việt, Hà Nội 1943, tr. 66)


THỨC KHUYA

Đêm khuya ánh sáng chong hoài,
Chị Hằng chừng cũng nhớ ai như mình.
Chị ơi, chị nhớ về kinh,
May ai biết chị chạnh tình thương em!



KHÓC EM

(mất trước Tết)

Hỡi ơi, tháng tận,năm cùng,
Em Chì đã bỏ non sông đi rồi.
Ôi! Em nỡ tìm chơi đâu vội,
Chẳng chờ anh về vội sẽ hay!
Em xa đời mới ngày nay.
Mà xa anh lại từ ngày năm kia.
Đã ba năm sinh ly để thiệt,
Lại nghìn thu tử biệt chất phiền.
Bắc Nam tình một dây liền
Ai đành vùi xuống dẫm lên một đầu.
Hỏi đầu nọ vùi sâu là mấy,
Sao đầu này cảm thấy đắng cay?
Nghìn thu tình nghĩa chân tay,
Trời làm xa mặt, ai hay xa lòng!

** *

Nhớ em xưa má hồng, da tuyết,
Vẻ dịu dàng, trăm nết dễ thương.
Sắc em dầu chẳng ai nhường,
Tài em, ai nỡ xem thường xem khinh!
Trời sinh em thông minh bạt chúng,
Thực đã nên của giống, con nói.
Biết câu sách vở thơ bài,
Nghe thời nhớ mãi, thấy thời hiểu ngay!
Chữ Tàu tốt, chữ Tây cũng tốt,
Chẳng qua nhờ học mót mà thành.
Nhà nghèo em khó học hành
Phải làm giúp mẹ, nuôi anh sách đèn.
Anh đèn sách từ phen thành tựu,
Trở học nghề thi tửu hư thân,
Phong lưu mang lấy nợ nần,
Chị em, cha mẹ mất phần cậy trông!
Lià quê tổ lang thang đất khách.
Đã ba thu xa cách đến giờ.
Việc nhà san sẻ, mừng lo
Chẳng qua trên mặt giấy tờ lại qua!

***

Năm nọ tiếp thư nhà báo hỉ,
Mừng duyên em đẹp đẽ vuông tròn.
Bỗng nghe em lúc lâm bồn,
Thảm thay sinh bịnh, sinh con một giờ!

Con không sữa sớm trưa nheo nhóc,
Trời làm em để nhọc mẹ chồng.
Con thơ nhờ mẹ chồng bồng.
Em về nhà mẹ bên sông nằm dài.
Sông một giải Đông, Đoài cách nẻo,
Con bên Đông, mẹ yếu bên Đoài.
Có con chẳng có công nuôi,
Lòng em đau khổ có ai biết cùng?
Con em chết, em không hề rõ,
Sợ em buồn, ai ngõ cùng em!
Thương thay máu chảy ruột mềm,
Bệnh nguy em cứ đòi xem con hoài!
Rày em gặp con rồi hay chửa?
Gặp con mình, đừng ngỡ con ai.
Mẹ con chín suối vui cười,
Cõi trần bao kẻ ngậm ngùi nhớ thương!
Nghĩ thầy mẹ ngày càng thêm tuổi,
Anh em mình lý phải làm vui.
Anh còn, em lại mất rồi,
Mái đầu sẵn bạc, xui người bạc thêm!


***

Nay giòng lệ khóc em chưa ráo,
Hoa trước thềm vội báo xuân sang.
Đành vô lễ với Đông hoàng
Thương em chẳng cất ( 1) khăn tang trên đầu.
Em chết để buồn rầu gia quyến,
Lại để buồn đến cả làng văn.
Buồn em, anh ch8ảng vịnh xuân,
Nghìn vàng bỏ mất mấy vần với em.

Đẩu Tiếp
Đông Phong số 16, ngày 5 Avril, 1943.

__
1. Cất:bỏ vào ( bỏ đồ đạc vào tủ). Nghĩa khác là bỏ đi. Ở đây là bỏ đi. Chẳng cất là chẳng bỏ đi.


***



TIẾNG THỞ TRONG PHÒNG KHUÊ


Gió xuân nở một trăm hoa,
Một người khuê phụ phôi pha má hồng!
Nhó ai ngồi viết mấy giòng,
Chân con đạp giại trong lòng trên tay.
Ngòng nhèo chữ viết ra vầy,
Mình ơi có biết chữ này chữ ai?
Riêng gì chữ thiếp chàng ôi,
Con ta cũng có một vài nét trong!
Con thơ, vợ bận khôn cùng,
Xa xôi xin gửi tấc lòng đến anh!



VÌ AI AI OÁN?
(Gửi bạn trăm năm)

Ngọn lá vàng phất phơ mặt đất,
Mảnh trăng thanh trôi tất giữa trời.
Cõi xa thức ngủ ai ơi,
Lòng này trăm nỗi nhó ai thương mình!
Vui gì giữa đá xanh, mây biếc (1)
Buồn để trong cửa bạc, nhà đơn.
Chiêm bao mấy lúc chập chờn,
Gặp ai, ai những nỉ non trách lòng.
Đêm nay được trời trong mát lạ,
Hẹn cùng mình đôi ngả sánh đôi
Trăng treo một mảnh giữa trời.
Phong thu cũ giương lên trước mắt,
Dưới đèn như phảng phất nghe ai,
Tuy toàn áo não những lời,
Khi buồn chỉ có vui vui chút này!
Xem thu thiếp, chàng hay ý thiếp,
Đọc thư chàng thiếp biết lòng chàng.
Vợ chồng nghĩa tạc đá vàng,
Cha con tình nghĩ ra tuồng bạc đen.
Thương con dại từ phen sinh nở,
Khuôn mặt nào đã rõ vuông tròn!
Ai rằng con dại, con khôn,
Một mai cha gặp chỉ buồn nhìn cha.
Đã bách (2) ruột sinh ra con cái
Dễ máu nào ruột nấy không thâm?
Nuôi con, tớ học loài cầm,
Tha mồi nào quản xuống đầm, lên non!
Rày thiếp quả mền đơn trách phận,
Mai chàng hoa 1o gấm về làng.
Phiêu lưu dễ biết giàu sang,
Quá tham lại trách sao chàng vội lui?
Phải chuyện nói mà cười đấy nhĩ?
Chuyện nghìn thu ngẫm nghĩ mà hay.


___

1. Ký giả giúp việc cho viện Thí nghiệm Nông Lâm trong rừng Trãng Bom.,
2. Bách: mở ra, hé ra. Bách ruột: mở ruột ra.Bách đồng nghĩa với mở toác ra, mở bét ra, mở tuốt ra, mở hết ra.



NHỚ HIỀN THÊ

(mất một đoạn)
. . . . . . . .
Chàng trong quày lại, thiếp ngoài nhìn vô!
Dưới sao Nữ, chàng ngờ thiếp đứng,
Ngang vừng Ngưu, thiếp tưởng chàng ngồi.
Ngậm ngùi Ngưu Nữ đôi nơi,
Một năm mấy bận tươi cười gặp nhau?
Trách con tạo cơ cầu chi mấy?
Xui người buồn mà lấy làm vui!
Xuân đi vẫn thấy hoa cười,
Rằm sang, thấy một bóng người tròn lay!
Ngày nào nhĩ, nỗi này nếu biết,
Của hư vinh chi thiết mà cầu!
Nhà tranh quê tổ có nhau,
Còn hơn đất khách nhà lầu nằm không!
Sực nhớ thuở động phòng hoa chúc,
Biết bao nhiêu nguyền ước mặn nồng.
Tại ai quá sức chiều chồng ,
Để ai uốn vặn đủ vòng tại ai?
Thiếp tuy đã không hay giận dỗi,
Chàng chưa hề có khỏi ăn năn,
Tiếc khi quá giận mất ngoan,
Đau ai rày thấy thâm gan ruột mình!
Trong cửa bếp thấu tình chăng nhỉ?
Ngoài phương trời bao lẽ đáng thương!
Nhớ người chiếc bóng buồng hương,
Mấy phong thư cũ lại giương trước đèn!



QUÊ NGƯỜI NHỚ TRẺ

Gọi bố, nhà bên trẻ khóc xèo,
Lòng này nhớ trẻ rối đi theo!
Ve ngâm, vẳng thấy dường ai hót,
Mọt cắn, xa nghe tựa tiếng chèo!
Đêm vắng, giờ con, còn thức, ngủ,
Trăng lên kia, trẻ hẳn cười reo!
Ước gì gần gũi đâu đây nhỉ,
Bồng bế đôi khi giúp vợ nghèo!


MỪNG SINH CON GÁI

Thế là đủ nếp đủ lòn (1)
Một thằng nay lại một con ra đời.
Biết nhà đương lúc hòa vui,
Lọt lòng liền cất tiếng " cười" a ha!


____

1. Lòn: gạo tẻ


KHÓC ẤU NỮ TỐ PHƯƠNG
mất ngày 15 tháng 4 năm 1942

Từ mấy hôm nay ruột thấy buồn,
Mãi bây giờ mới biết nguồn cơn.
Nhà xa chuông điễn bên tại đổ
Tiếc nỗi ngàn vàng mất đứa con!. . .

*
Con xa đời phải bữa kia chăng?
Mà lại xa thầy trước mấy trăng!
Đượng giận sinh ly, dồn tử biệt,
Trời cao đành khóc với Thần Đăng!

*
Hỡi Tố Phương con có biết đau?
Đêm này mưa gió con nằm đâu?
Dòng mưa lạnh ngắt pha dòng lệ,
Chảy xuống đất vàng thấm cạn sâu!

*
Suốt đêm mưa gió khóc nghe buồn,
Có tiếng con trong con hỡi con?
Dưới đất dế còn lên tiếng gọi,
Khôn thiêng huống nữa các oan hồn!

*

-Đất kia có đẻ ra người đâu!
Đâu biết con người, người đẻ đau!
Thảm thiết trên tay hòn máu nóng
Vô tính hòn đất nỡ vùi sâu!

*

Ngảnh lại non Hoành đất cố hương,
Mây sầu nặng trĩu khóc thành sương,
Hoa xuân còn đó, hương xuân đượm,
Con vội về đâu hỡi Tố Phương?

*

-Rút chữ trong hoa đặt chữ con,
Mà hoa mạng lại muốn dài hơn.
Như hoa trẻ mới hay cười nụ,
Hoa nở còn lâu, trẻ chẳng còn!

*




TÌNH BÀ CON

GỬI ANH ĐẦU XỨ HẠP


Một lá bè nan bé cỏn con,
Tung mây lướt sóng mấy năm tròn.
Trời cao đất rộng quen ngang dọc,
Cửa có nhà sang vụng cúi lòn.
Đen mặt phong trần tai lộ trắng,
Bạc đầu sương tuyết dạ trơ son.
Tình đồng cốt nhục thêm đồng bịnh,
Nhớ lúc trăng khuya chén rượu còn.


LẠI GỬI ANH ĐẦU XỨ HẠP

Ai khen khí tiết phụ tài huê
Tớ thấy anh sao bộ vụng về!
Thưa bẩm ngại mồm nơi cửa quý,
Mi tao quen miệng chốn nhà quê!
Tướng binh hò hét bằi ba lá,
Trời đất xoay vần rượu một ve.
Song bắc nằm vênh trời mát nhỉ
Ngủ trưa chi sợ mặt trời đè!




TÌNH BÈ BẠN

RỪNG KHUYA ĐỢI BẠN

Lạnh lẽo rừng thu lúc tối trời,
Nửa đêm then cửa vẫn chưa gài.
Trông ai vàng mắt trăng lòe sáng,
Trăng rọi cùng đường chửa thấy ai!


KHÓC HÒA KHUÊ DẬT SĨ

Thư chưa kịp gửi chữ bình yên,
Trời đã nhanh tay cướp bạn hiền.
Mâu việt từ đây đành lẻ bộ,
Phong ba nào lúc mới chung thuyền?
Bể hờn chưa thỏa hồn Tinh Vệ,
Nước cũ còn rơi máu Đỗ Quyên!
Ngoài cõi sống thừa thương một tớ,
Xa anh, xa trước mấy năm trên!


KHÓC NỮ SĨ HƯỜNG HOA

Ớ bạn Hường ơi, hỡi bạn hường,
Đàn văn hôm nọ mới xênh xang.
Thơ đề dở khúc bao giờ trọn?
Đàn chửa xong bài đã vội buông!
Khuất mắt Quỳnh Như vầng nguyệt khuyết,
Rối lòng Phạm Thái mối tơ vương.
Giai nhân tài tử thôi là thế
Gặp gỡ nhau chăng họa suối vàng!

* * *


Ơi người hoa, hỡi người hoa,
Ong bướm xênh xang mới đó mà!
Sắc nước hương trời riêng nhường tưởng
Gió vàng, mưa đá bỗng đâu đà.. .
Đêm trăng hương quế soi tìm lối,
. . . . . .
Mới biết má hồng thì mệnh bạc
Xưa nay nhan sắc chẳng hề già!




BÀI CHIÊU HỒN NỮ SĨ HƯỜNG HOA

Nào có phải đây chưa biết đó
Khéo giả làm người gỗ lặng ngồi.
Hường hoa em hỡi em ơi!
Hỏi em có biết này người nào không?
Này diện mạo thử trông cho rõ
Bạn cố giao ai nhớ chăng ai?
Ngày nào cùng ở Bồng Lai,
Ngày nào cùng xuống đâu thai cõi trần?
Nhà phú quý trao thân phận thiếp,
Cửa hàn vi đành kiếp số chàng!
D6ài ai chia rẽ hèn sang
Aí ân chưa dễ ngăn đường đôi ta!
Lúc mượn cớ tìm hoa gửi chữ,
Khi giả điều hóng gió đưa quà.
Có khi lén họp một nhà,
Cung đàn họa nhịp, khúc ca nối vần.
Ấy ai bảo giai nhân tài tử,
Giục lòng buồn cho chữ" ngộ nan"
Hỡi ôi nguyệt khuyết hoa tàn,
Non xanh ai ở, suối vàng ai xuôi?



TƯỞNG NHỚ HƯỜNG HOA



Đi đâu vội mấy cho cam?
Câu thơ tiễn biệt biết làm sao đây?
Rán ngồi lại dưới gốc cây,
Khuyên nhau cạn chén may đầy khúc ca!
Nước non gấm vóc quê nhà
Ra đi chia mất yên hoa nửa phần.
Dậm ngàn theo bóng nhàn vân
Đưa nàng hồn mộng một lần cùng đưa.
Đầm đìa trước cửa sương sa,
Ngọn đèn bên án, đóa hoa gượng cười!
Phòng văn lạnh lẽo đêm ngồi,
Nhớ ai, ai nhớ, ai người nhớ ai?
Trông về bát ngát cõi ngoài,
Tình sinh biệt thấy sao dài dài ghê!
Ngày nào dưới cụm sao kia
Tiếng đờn họa nhịp, câu thi nối vần.
Rày sao im bặt tin xuân,
Cho thi cụt hứng, cho đờn lỏng giây!
Thương nhau biết đến nỗi nầy,
Thà đừng thương đến những ngày gặp nhau!
Tại ai đầu độc ai đầu?
Để ai mày rủ, ruột sầu tại ai?
Tại ai, tại cả và hai.
Tại ai đem sắc đem tài thuốc nhau!
Nỗi niềm tưởng đến mà đâu!
Người xưa cảnh cũ tìm đâu bây giờ!
Nhớ ngày quá bước giang hồ,
Bến thuyền quyên để gió đưa duyên vào!
Cũng duyên tiền định làm sao!
Chẳng dưng chưa dễ gặp nhau một nhà.
Người ngồi trước án ngâm nga,
Kẻ rình sau án bút hoa chép ngầm.
Phòng thêu đêm bảy tiếng ngâm,
Lạ lùng nào biết cớ làm sao ta?
Thân ai riêng nấy ruột rà ,
Cớ sao hai miệng ngâm nga một lời?
"Bạn lòng" là thế hẳn thôi,
Lòng này hẳn với lòng ai một lòng!
Lòng son tạc một chữ đồng,
Câu thi khúc nhạc tình chung vui buồn,
Vui gì bằng thú thi nhân
Lời hoa được vỗ vào đờn người hoa!
Tiếng đờn theo rập tiếng ca,
Hai tâm hồn đã hợp hòa với nhau.
Bởi vì đâu? Ai biết đâu?
Bây giờ hai kẻ hai đầu sông Ngân!



NGƯỜI MIÊN KẺ VIỆT
(Hoài niệm một bạn gái Cao Miên)

Bóng trăng bạc sương sa nhấp nhới,
Ngọn đèn xanh gió thổi lai rai.
Người nhàn ngồi tựa song mai,
Đêm khuya có mối viễn hoài bâng khuâng.
Sực nhớ độ xa vâng công cán,
Tự Biên Thành lên mạn Cao Miên,
Bến Chàm ghé buộc con thuyền.
Tìm vào làm khách non tiên tháng ròng.
Đường đất rộng mặc lòng lui tới,
Vòm trời cao khôn nỗi cúi luồn.
Thanh nhàn vui với giang sơn,
Lên lầu hỏi nguyệt, xuống vườn tìm hoa.
Nghe gió thổi có nhà bên cạnh,
Có hoa thơm mấy cánh khoe tươi.
Vì hoa ghé đến thăm chơi,
Trong hoa vẳng có tiếng cười cười ra.
Du tử (1) vội rẽ hoa bước lại,
Thấy giữa hoa hai trái má hồng.
Hẳn âu của hiếm đường rừng,
Sao trông đằm thắm, sao trông mặn mà!
Đã ngon mắt nước da bánh mật (2),
Lại mát lòng cặp mắt hồ thu.
Kể gì tiếng nói không như,
Thương nhau không nói cũng dư biết tình!
Thương nhau để đinh ninh trong ruột,
Dối nhau những thề thốt ngoài môi,
Một cười một liếc dư rồi,
Thêm vào chi nữa nửa lời cũng dư.
Hai tuổi trẻ kể từ giáp mặt,
Một bệnh chi như bắt choáng đầu.
Ngẩn ngơ chẳng biết vì đâu,
Vắng nhau thì nhớ, gặp nhau thì mừng.
Ngại xuân lẻ chim ưa ca hát
Vì hoa thơm bướm cốt lại qua.
Nguồn đào được chủ tinh hoa,
Trưa trưa mời khách đến nhà thừa lang (3).
Sắt nào ngại để ngang đá (4 ) hút,
Rơm nào e đem đút lửa nồng.
Tin con, tin khách một lòng,
Sai con vì khách thay ông rước mời.
Chiếu dầu mắc (5), trải đôi thiệt mới,
Gối kê đầu đưa cái trắng bong.
Dưới mông gối trắng như bông
Nàng còn lót cái ai dùng đã đen!
Lựa cái sạch ta liền kéo lại,
Chê cái dơ ta vội gạt xa.
Giường bên người đẹp nguýt qua,
Nửa như oán trách, nửa như van nài!
Ta hiểu ý xua dài gối trắng,
Nàng nhanh tay rút thẳng gối đen.
Vì nàng sẽ đặt mũi lên,
Mùi hương hạn đến mách tin rõ ràng.
Tưởng gối ai, gối nàng đây nhỉ?
Đem mình kê cốt để lấy hơi!
Lạ thay mấy giọt mồ hôi,
Muôn người đều ghét, một người lại yêu!
Chỗ người ghét thời liều đem lại,
Chỗ người yêu sao lại tránh đi?
Đen dơ, trắng sạch chắc gì?
Lối xưa quan niệm giờ thì chịu sai.
Màu trắng nọ hoa phai, nhụy lợt,
Sắc đen kia trầm tốt hương thơm,
Vội vàng đấu gối tay ôm,
Mát thêm lòng khách, đỏ lòm má ai!


Việc đã qua khéo ngồi nhắc lại,
Hẵn người xưa cũng vậy khỏi đâu!
Hỡi ôi, núi hiểm, sông sâu,
Thương nhau luống để nhớ nhau bận lòng!


Còn nhớ lúc lạ lùng đường núi,
Bỗng quen nhau cũng bởi duyên trời,
Một vườn lữ viện (6) trang đài,
Cành xuân châu lại đòn tay hai nhà.
Nàng qua lại hái hoa viện lữ,
Ta đi về hóng gió đài trang,
Ta về nàng sẽ theo sang,
Nàng về ta sẽ theo nàng sang chơi!
Để nàng sẽ ra ngồi đan chiếu,
Rồi ta khen sao khéo dệt hoa!
Năm màu sợi lác luốn qua,
Dưới tay hoa một nở ra dần dần.
Cứ mỗi bận hai thân ngoảnh mặt,
Là một lần bốn mắt đưa tình.
Yêu nhau đã hết lòng thành,
Đêm xuân còn dám tíếc mình với ai!
Búi tóc nọ hoa cài, gấm buộc,
Còn mở ra rút lược tặng nhau.
Ngoài ra ai giữ ai đâu,
Giữa vườn liền bóng, trên lầu kề môi!
Việc đã qua khéo ngồi nhắc lại,
Hẳn người xưa cũng vậy khỏi đâu!
Hỡi ơi núi hiểm sông sông,
Thương nhau luống để nhớ nhau bận lòng.
Còn nhớ lúc sống cùng bạn ngọc,
Thường đêm thường mở cuộc vui chung.
Sân hoa khô, bỗng trăng lồng,
Mà coi má thắm hoa hồng đua xinh.
Bầy tiên nữ nấp quanh đâu đấy,
Kéo nhau ra múa nhảy đầy sân.
Đáp hoa chiếm lấy gốc xuân,
Người hoa xuân sắc có phần hơn hoa.
Hoa kia nọ, gió la vì gió,
Người hoa cười, ta rõ vì ta.
Đòi phen trong đám người hoa,
Đứng ra hai chụm (7), bày ra gieo cầu.
Ai có gieo ai đâu cho được.
Nàng cố gieo xẹo ngược xiên (8) ngang.
Xiên ai mà trúng người thương,
Cũng đành mang tiếng thẹn thuồng với ai!
Vốn đã hẹn ném sai phải trọi (9),
Gối nàng sưng mà gối ta đau.
Có khi nàng trốn bạn bầu,
Nhẹ nhàng lẽn đến núp sau bóng mình.
Dường nàng nghĩ : "ngắm quanh vũ trụ,
Chỉ có ta che chở được nàng.
Mảnh tình quyến luyến đêm trường,
Lọ là phải có vừng gương giữa trời.
Sao người đã yêu người trần thế,
Lại bạn chi cùng chị hằng nga?
Mặt trăng một khuất non xa,
Nhà gần cũng khuất mặt hoa một lần.
Nàng quay lại buồn xuân, than trách,
Ta bước vào viện sách nằm dài,
Mỗi nhà nghe chốt cửa (10) gài,
Ruột đau như thắt cả người lẫn ta.
Cùng giả ho, tiếng qua, tiếng lại.
Cùng giả mơ bên hỏi, bên thưa,
Ví bằng lặng lẽ nằm chờ,
Đồng hồ đêm vắng biến khua chuông đồng.
Hể vừng nhật, mặt hồng rạng tỏ,
Ấy người tiên má đỏ hiện ra.
Cái giờ bách thảo khai hoa,
Là giờ hai đứa một nhà thấy nhau.
Nàng sẽ chỉ buồng cau quả trứng,
Hoặc chỉ vào quang thúng quanh phòng.
Cậy ta dạy tiếng Lạc Hồng
Như hình soạn sửa lấy chồng Việt Nam.
Ta cũng chỉ cành cam, cây quít,
Hoặc ngôi sao, vừng nguyệt trước hiên.
Cậy nàng dạy tiếng Cao Miên,
Như hòng qua lại kết nguyền với ai.

Việc đã qua khéo ngồi nhắc lại
Hẳn người xưa cũng vậy khỏi đâu!
Hỡi ôi núi cả sông sâu,
Thương nhau luống để nhớ nhau bận lòng!

Còn nhớ lúc mây rồng gặp gỡ,
Đã xa lo đến sự sau này,
Mỗi ngày tình nghĩa một say
Mỗi ngày lại một gần ngày chia ly.
Tình non nước đương khi lưu luyến,
Bỗng bên tai tin điễn (11) gọi vang.
Lệnh truyền về nước vội vàng,
Một mình tấn thoái đôi đàng phân vân.
Chốn lâm hác (12) để gần tiên lữ (13),
Cõi phồn hoa duy có phàm nhân.
Nỡ nào Lưu Nguyễn về trần,
Non tiên đành để Ngọc Chân lỡ làng.
Tình trót hẹn, ngai vàng cũng bỏ,
Cảnh viết thuê ghế gỗ sá màng.
Trót vì nợ thế chưa trang,
Ra tuồng lúng túng e mang tiếng đời.
Thuyền tự biết không xuôi không được,
Tình vẫn còn một buộc một ràng.
Mấy ngày ở lại dùng dằng,
Chưa cho nàng biết đoạn trường chia ly.
Sợ ai buồn điều chi chẳng nói,
Thấy ai vui ý lại thêm cay
Thương ôi xuân sắc còn đầy,
Hoa không biết bướm gần bay chẳng cười!
Kịp lúc thấy tỏ lời ly biệt,
Thôi nàng đành lo tiệc tiễn hành.
Đàn em vốn lũ tinh ranh,
Thấy hay ta lại nhăn nanh ra cười.
Nhờ học lõm đâu vài tiếng Việt,
Chúng đua nhau chạy thét vang trời,
"Đi đâu bỏ thiếp chàng ơi",
Gẫm âu lời vắn tình dài dường bao.
Tiếng Nam Việt vui nào thiếu tiếng,
Khéo học chi những tiếng gợi sầu.
Tai nghe người đã ruột rầu,
Nàng còn nhắc mãi cái câu đoạn trường!
Để ta biết nàng thương ly biệt,
Để chúng lầm nàng ghét trăng hoa.
Hỡi ôi lệ nước, phép nhà,
Hữu tình lại giả làm ra vô tình!
Sầu ly cách đã dành bên ruột,
Vẻ hân hoan khéo phớt ngoài môi.
Thương thay buồn thiệt rã rời.
Có ai vẫn phải vui cười vì đâu?
Cái cười gượng, cười đau hơn khóc,
Mấy ai hay cười đứt ruột gan.
Những cười bóng ác đã tàn.
Hành nhân lại phải bước chân lên đường.
Giờ nghẹn ngào nàng dường quyết khóc,
Khóc mà sao gịọt ngọc không rơi.
Rơi ra e lộ Soeun ơi!
Muốn anh riêng biệt cứ rơi vào lòng.
Ta ngảnh lại cô phòng rầu rĩ,
Nàng trông ra thiên lý ngẫn ngơ.
Đưa nhau lấy mắt mà đưa,
Ruột đầu đã đứt, mắt chưa chực rời!


Việc đã qua khéo ngồi nhắc lại
Hẳn người xưa cũng vậy khỏi đâu!
Hỡi ôi núi hiểm, sông sâu,
Thương nhau luống để nhớ nhau bận lòng!

Còn nhớ lúc đầu rừng tạ biệt,
Bóng hoàng hôn bít hết chông gai.
Cùng nhau từng được ngồi dai,
Dặm ngàn trời tối dám nài thân đan?
Rắn xao xác chạy càng tránh bước,
Đóm lập lòe bay trước đưa đàng.
Những mong đàng (đường) núi nhận quàng,
Lại nhè chốn cũ đài trang quay về!
Thói trêu cợt nghĩ ghê trời đất,
Sự ước ao đành bắt người ta.
Sợ mình đi vấp người hoa,
Đã sai chị nguyệt dòm ra giữa trời.
Lọt cành lá trăng rơi man mác,
Dường lòng ai tan tác vì ai.
Hoa kia cười cả ban mai,
Giờ theo nước mắt cũng rơi rụng hồng.
Cùng bạn ngọc còn trong một đất
Giận sộng Ngân đã cắt hai trời.
Trông về chốn cũ trang đài,
Biết nàng khi ấy buồn vui thế nào?
Sao Nữ chấm dấu vào nhà bạn,
Đường núi đưa người tới phương trời.
Đường đi quanh quẹo khắp nơi,
Sao kia vẫn đứng sáng ngời một phương.
Nhìn hiện tại quá thương ly biệt,
Nhắm tương lai nào thiết tao phùng.
Xe đò qua khỏi Mekong,
Bâng khuâng như rớt bên sống cái gì.
Con sông nọ xanh rì một giải,
Trước vốn đưa ta lại cùng ta.
Cũng con sống ấy đâu xa,
Giờ chia hai đứa ta ra hai đường!
Sông sâu hiểm khôn lường ngoài mặt,
Bạn thân yêu đã chắc trong lòng.
Bây giò mỏi mắt cùng trông,
Biết bao giờ nữa mới cùng giang tay?
Phải xa mấy từ đây sang đó?
Độ vài cuông (15) bay đủ đến nơi
Tiếc gì chim đã mắc mồi
Khó lòng cất cánh ra ngoài lồng son.
Nếm đã chán ngọt ngon bánh chợ,
Nhớ những thèm xanh đỏ trái rừng.
Đầu ngàn nhắn bạn tình chung
Hỏi xem cây cỏ trông nhớ người?
Trông cây cỏ tơi bời hoa lá,
Buồn tình duyên rởi rã chân tay!
Phòng không chạnh đến niềm tây,
Lại đem lược tặng những ngày ra mang.
Ngày đem lược sửa sang mái tóc,
Nhìn vào gương rầu bực chiếc thân.
Một đêm nằm nhớ cố nhân,
Gặp nhau trong mộng vài lần họa may.
Chàng vì thiếp giờ này chưa ngủ,
Thiếp xa chàng khi đó dễ nguôi.
Ngậm ngùi Miên Việt hai nơi,
Mảnh trăng treo chính giữa trời chia hai.
Chàng nhớ thiếp bên này ngảnh lại,
Thiếp nhớ chàng bên ấy trông qua.
Trông nhau ngày tháng đâu là,
Một mình nào thấy gương nga giữa trời.
Chị nguyệt cũng như ai hữu cảm,
Sao ngọn đèn gần sớm còn chong?
Ai ơi mượn lấy trăng trong,
Giữa trời làm tấm lòng chung hai người.
Chàng trông thiếp hãy soi vào đó,
Thiếp mong chàng cũng ngó lên đây.
Thay nàng trăng giọi bên này,
Thay chàng trăng giọi bên tây cho nàng.
Tưởng những lúc dưới trăng dan díu,
Bóng đôi ta cũng chiếu lên trên.
Dám ngờ gương ngọc giữ gìn,
Để làm kỷ niệm mảnh tình ngày xưa.
Trông hoa nở ngẩn ngơ má thắm.
Cất bút lên ngờ nắm tay ai,
Dưới đời viết bấy nhiêu lời,
Nói riêng thầm khóc cả người cả ta.
Trên sư tưởng rủi mà nghe tỏ,
Xin lượng cho tâm sự thi nhân.
Chiếu theo bản viện lệ cần,
Mỗi năm lại phái một lần sang Miên.
Nay như vợ chồng trên Ngưu nữ,
Được mỗi năm một độ gặp nhau,
Cũng nên nguôi thảm, nuốt sầu,
Mà vui lấy cái vui sau từ rày.
Năm sau đây ta còn trở lại,
Mong nàng còn con gái trông chồng.
Cùng nhau tiếp chén tình chung,
Chén tình ngày trước nửa chừng bỏ đi!


___
1. Du tử: du khách.
2. Da bánh mật: màu bánh mật, nghĩa là da hơi nâu,
3. Thừa lang hay thừa lương: hóng mát.
4. Đá : đá nam châm.
5. Mắc: đắt tiền
6. Lữ viện: khách sạn, nhà khách, nhà trọ.
7. Chụm: nhóm, tốp.
8. Xiên, xẹo: không thẳng, không trúng.
9.Trọi: lấy tay cốc ( cú) vào đầu
10. Chốt cửa: cái then cái cửa
11. tin điễn
: điện tín, thư điện báo.
12. Lâm hác: núi rừng
13. Tiên lữ: khách tiên, người tiên, bạn tiên. u.

14. Cuông: tiền Miên.

(Đông Phong Tạp Chí, từ số 4, ngày thứ ba 1er Sept, 1942 đến số 6 thứ năm 1er Oct 1942.

***
NHẮN TÙNG LÂM TIÊN SINH

Non xuân thi hứng sẵn dành,
Có ai xuớng họa với mình hỡi ai?
Người đâu thơ gửi lại hoài?
Giấu tung, giấu tích đưa lời cô ngâm!
Phải chăng là bác Tùng Lâm,
Ở đâu cho tớ hỏi thăm mấy lời?
Đó sao? Đây cũng thường thôi,
Rừng xanh cũng một góc trời tu tiên.
Tu tiên hay lại tu tiền
Tu tiên mà dễ, tu tiền khó tu!
Thầy xu ( surveillant) làm sở cao su,
Ai ngờ trong túi không xu nhỏ nào.
Bạc vàng nhà chẳng có nao
Rượu nem thì chẳng lúc nào là không!
Ước gì đặng gặp bạn lòng,
Cùng nhau cất chén ta cùng ngâm nga.
Nghèo tiền, văn chẳng nghèo mà
Rượo vào một chén, thơ ra trăm vần!
Đông Phong 1940


THỊ TRƯỜNG ÂM PHỦ
(Marché noir)

Thị trường âm phủ ở đâu ta?
Rằng ở trên đời, chẳng có xa.
Tớ quyết mua nhiều vàng bạc quý,
Tìm đường mua bán với yêu ma.

Những giống yêu ma, những giống tinh,
Thấy dân bịnh hoạn, chúng mừng kinh.
Thuốc thang quyết bán cho cao giá,
Càng it người mua, bệnh it lành.

Âm phủ rồi đây xuống bộn bàng,
Trần gian rộng rãi sống đàng hoàng.
Người thưa chợ ế đồ ăn rẻ,
Khỏi nhọc công ai soát giá hàng!
Trạng Chua


CUỒNG NGÂM

Chắc rằng mạng tớ sống còn lâu,
Tạo hóa chưa cho tớ vội giàu.
Nợ dẫu có nhiều, lương có it,
Nem thường đầy quả, rượu đầy bầu.
Ai kia keo cú nào ra đếch,
Mình cứ ăn xài thử đến đâu!
Hút xách, rượu trà, ừ cũng được,
Phong lưu chỉ ghét đứa dài râu!

Trạng Chua
Đông Phong



GÁI HÀNG HOA

Này hoa thơm, em vừa mới hái,
Ai vì hoa, ngảnh lại cùng em!
Mặt hoa xinh đẹp thì xem,
Chưa son, chưa phấn , mặt em khoan dòm.
"Hãy mua hộ xuân thơm một đóa,
Xem mặt em có nở hơn hoa?
Người hoa cười nói mặn mà,
Hoa tuy không nói nhưng hoa cũng cười.
Ngao ngán nỗi tình đời lãnh đạm.
Ai thương hoa chỉ thắm một thời.
Hoa buồn hoa khép nụ cười,
Người buồn, người cũng khép môi dần dần.
Nhìn hoa héo thương thân phận gái,
Nhà đã nghèo, mẹ lại già nua.
Hoa chưa bán, gạo chưa mua,
Ôm hoa ngồi khóc như mưa một mình.
Tiếc hoa đã dứt cành lìa cội,
Dù mưa xuân khó lại làm tươi.
Đồng tiền một chẳng ra hai,
Hoa tàn lại rã ra mười, ra trăm!
Đông Phong số 15 ngày 11 Mars, 1943.


THU DẠ LỮ HOÀI NGÂM
Nguyên tác Hán văn của Đinh Nhật Thận
Đẩu Tiếp dịch quốc ngữ


Đã biết rằng bản dịch xưa rât có giá trị, sao còn dịch một bài khác làm gì? Dịch một bài thơ đã khó, dịch một bài thơ đã có người dịch càng khó, vì phải làm nô lệ cho ý tưởng cho ý tưởng của hai người: người làm và người dịch trước mình. Một đằng là phải đi gần với tư tưởng của người làm, có thế mới dịch sát nghĩa của nguyên văn), một đằng phải lánh xa tư tuởng cùa người dịch trước( có thế mới khỏi trùng với bài dịch của người). Ký giả thừa hiểu như thế, song đã trót dịch thì cứ cho in ra sau đây, sự bình phẩm đành nhờ ở cac nhà thức giả bậc thầy và bậc anh.

Đêm thu lặng trời thu trong suốt,
Cách rèm thưa, lặng rót chén vàng.
Cơ trời, việc thế đa đoan
Kiếp phù mấy thuở bày tuồng làm vui.

Người đối cảnh hoa cười bóng nguyệt,
Cảnh trêu người, gió nguýt ngọc cây.
Dường này dễ mấy ai hay?
Cùng ai với gió trăng này làm thân?

Thơ khiển hứng hạ vần nhã ái,
Rượu tiêu sầu lưng túi ly hoài.
Một đèn riêng một thư trai,
Nhớ thân muôn dặm thương người nghìn thu.

Ngoài bến nọ, tiếng ngư vang dội,
Thuyền đậu chèo dọc mãi sông Hương.


___

Trương Kế,một thi sĩ đời Đường có bài thơ Ban Đêm qua Phong kiều:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/Giang phong ngư hỏa dối sầu miên/
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tư,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền. Cụ Nguyễn Hàm Ninh dịch:

Quạ kêu trăng lặn trời sương,
Lửa chài le lói, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn sơn.
( Chú này đáng lẽ phải đặt ở trang 57 nhưng vì thiếu chỗ sắp chữ nên ấn công đặt ở đây.)







Mơ màng đêm nguyệt trời sương,
Non Hàn tưởng khách thơ Đường là ai!
Trên sông Khúc nào hồn Tử Mỹ(1),
Chiếc bè trôi, chạnh ý ly hương?
Cảm thu truyền lại tám chương
Khéo xui lòng khách dễ vương tình lòng?

Tới đây dịch giả tưởng nên dừng lại một chút, vì nhà cựu học chẳng hiểu tại sao đoạn này cụ Đinh Nhật Thận lại viết như thế? Và tính sửa đổi nguyên Hán văn lại mấy chữ rất buồn cười: Hữu hoài cổ nhân đổi ra cố nhân ( người quen ngày xưa. Hàn sơn ám nhận đổi ra Hàn song (cái cửa sổ có gió lọt vào làm mất hết cả ý nghĩa và rối cả mạch lạc


___

1. Đỗ Phủ hiệu là Tử Mỹ là một tay thi hào đời Đường, một buổi chiều thu kia ngồi trên sông Khúc, nhân nhớ nhà mà làm ra tám bài Thu hứng trong có câu: Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,/Cô châu nhất hệ cố viên tâm". Người xưa dịch:"Khúc trúc thêm tuôn hàng lệ cũ".


Dịch giả chẳng cãi làm gì duy muốn chứng chắc rằng sự hiểu biết của mình không đến nỗi sai lầm, thì cần giải cả khúc trên tức là khúc đầu bài này ra văn xuôi được chăng.
Mở đầu cụ Đin h Nhật Thận nói rằng :"Đời người vắn vỏi chả được mấy hồi nên gặp dịp tốt ta phải bày trò làm vui kẻo uổng phí ngày giờ. Nay được lúc đêm thu trăng thanh gió mát, ta tiếc lại chẳng có ai biết chơi như mình mà cùng mình chơi!


Nhưng vì chơi có một mình, một mình ngồi trước ngọn đèn trong một phòng văn, nên cái cảnh cô tịch này dễ khiến cho ta đâm ra nghĩ vẩn vơ, nghĩ cái đời ta một thân ngàn dặm, chiếc bóng năm canh, rồi trông thấy sách vở trong phòng mà nghĩ đến bao nhiêu người xưa, chuyện chép trong sách, cùng đã từng gặp bước lưu lạc giữa nơi đất khách trời thu như mình. Chơt lúc đó, nghe tiếng hò khoan ngoài bến, tiếng đò chèo bên sông mà giữa khoảng đêm trăng trời sương lờ mờ, ta mơ màng tưởng là Trương Kế đương đi thuyền qua bến Cô Tô, gần chùa Hàn Sơn. Lại nhân thấy thuyền mà nhớ tới Đỗ Phủ ngày nào ngồi trên một ngôi lầu bên sông thấy chiếc thuyền ai trôi nổi mà thương cái thân mình phiêu linh, rồi làm ra tám bài thu hứng. Nay ta đọc lại mấy bài đó, nghe ai kể nỗi thương nước nhớ nhà, mà ta cũng sinh ra cảm lây, cũng đâm ra buồn man mác vì sự xa cách cố hương!..."

Khi ta đi liễu đang xanh tốt,
Một vài câu vừa hót chim oanh.
Mà nay cúc nở vang cành,
Liểu kia, ve khóc buồn tanh ngõ ngoài.
Xưa ta đi, đào cười nhí nhoẻn,
Một đôi cành vừa bén gió đông,
Mà nay lan rợp như rừng,
Đào theo sương rụng lung tung phía ngoài.
Làm chi vậy lẻ loi quán trọ,
Ngày ba thằng măng sữa nghêu ngao
Đêm đêm án sách gục vào,
Lá thân sương nặng, dế kêu thu buồn.
Làm chi vậy gầy mòn điếm lữ?
Chốc nửa năm sương gió lân la,
Đêm đêm hiên vắng nhìn ra,
Gió lay ngọn trúc, trăng sa mái hồi.
Nào có phải như ai vì nước,
Vứt bút mà đòng mác cho cam (1)
Khi không rước lấy cát lầm,
Hổ ngồi giương mắt, thẹn nằm nghiêng tai!
Nào có phải như ai vì hiếu,
Vâng hịch mà bôn tẩu chẳng nài!(2)
Việc gì lần lữa quê người?
Mây che núi cũ, hoa cười thôn cô (3)
Rày đứng ngóng trên bờ trên biển

___

1. Ban Siêu đời Hán làm nghề viết mướn, sau vứt bút mà rằng làm trai phải lập công ngoài nghìn dặm, há cứ ngồi cạo giấy mãi ư?
2.Mao Nghĩa đời Hán là một người hiếu hạnh làm quan úy ở phủ An Dương, được thăng quan lịnh ở phủ An Dương, được thăng quan lịnh ở phủ ấy ông cầm tờ hịch mà lấy làm vui, vui vì cha mẹ đang còn.

3. Tôn Tương tự khoe có phép tiên có thể làm nở ra hoa:" Cháu có thể cướp quyền tạo hóa mà làm nở được hao ư?" Nghe chú là Hán văn công hỏi hỏi thế, Tương đáp: Khó gì? bèn lấy đất đắp lên, lấy chân úp xuống chốc thấy nở ra hai cành mẫu đơn sắc biếc, có chữ vàng rằng:" Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại/ Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền".(Mây non Tần gác, nhà đâu tá?/Tuyết ải Lam trùm, ngựa chẳng lên.". Sau bị đày ra Triều châu mới biết.Thế nên nóihoa cười thân đơn. Cười đây là mỉa mai.

T99, 87)

Lá buồm ai về bến thẳng giong.
Lòng quê sôi nổi như nung,
Phút theo buồm vượt mấy trùng phong ba.
Mai đứng ngóng nhà kia trên núi,
Làn mây cô trôi nổi bềnh bồng
Lòng quê rối tựa bòng bong,
Phút theo mây kéo mấy trùng quan san.
Phương nào tá tin nhàn núi cũ?
Bút mực đâu tả đủ niềm đơn?
Bên chùa Diệu Đế chuông dồn,
Trên thành súng nổ, dưới đồn trống vang.
Sông quằn quặn, ruột càng quằn quặn.

Cảnh rầu rầu, dạ vẫn rầu rầu.
Lạnh lùng đất khách trời thâu.
Kìa! ai giã gạơ?Ờ! đâu khua chèo?
Ngoài nghìn dặm rối meo tâm sự,
Chốn phòng khuê vò võ thương ai!
Canh khuya che quạt lặng ngồi,
Mặc đèn lu ngọn, kệ trời sáng trăng!
Trên gối chiếc đêm tràng tráo trở
Mảnh tình riêng than thở cùng ai?
Đã khuya trông chửa thấy người,
Ngủ mơ màng bướm, dậy oi óc gà.
Hoặc có lúc trước nhà bóng đổ,
Bước xuống thềm lại trở lên lên lầu.
Phút trông én ngậm bùn đâu (1).

____

1.Đỗ Phủ trọ ở đất Thục định trở về quê, chợt trông thấy đôi én từ bắc vào nam ngậm bùn để làm ổ mà giật mình cho cảnh lữ du từ hạ để sang thu, bèn có câu thơ:"Lữ thục song phi yến/ Hàm nê nhập bắc đường" ( Đôi én hay đi ăn xa/ Ngậm bùn bay vq2o nhà làm ổ). Cổ thi lại có câu" Tích vi song phi yến/ Hàm nê sào cự thất"(Trước làm đôi én chắp cánh cùng bay tha bùn làm tổ trong nhà người).



Phượng buồn bã lược, loan rầu rĩ gương.(1)
Hoặc có lúc trong buồng đêm vắng,
Gọi khêu đèn, hòng gắng dệt khuya,
Bổng nghe nhạn vượt sông kia,(2)
Ác buông trôi máy, én lìa ngưng thoi.(3)
Thương thay có đêm ngồi suốt sáng,
Đợi cả đêm, thư chẳng thấy nao!
Vứt thoi ra ngóng trước lầu,
Dế than sương lạnh rót sầu vào tai!

_____

1. Cổ thi vịnh Tiết phụ có câu: Phượng trục thanh tiêu viễn/ Loan tùy u cảnh trầm".(Mây thẳm, chìm tăm phượng/ Gương mờ khuất bóng loan."
lại có câu: "Vị vấn thúy soa đầu thượng phượng/ Bất tri hương bịnh vị thùy hồi (Hỏi thăm phượng đậu cành trâm/ Vì ai mái tóc hương thơm ngạt ngào!)
2. Chức cẩm hồi văn của Tô Huệ:"Tam xuân hồng nhạn độ giang thanh/ Thử thị li nhân đoạn trường tình. (Mỗi lần nghe nhạn qua sông/Rầu lòng một thiếp ba đông nhớ chàng!)
3. Ác: miếng gỗ tạc hình con ác nơi máy dệt, hễ chân đạp thì con ac mấp máy. Còn cái thoi thì giống như con én. Kiều"Ngày xuân con én đưa thoi".




Chẳng thấy ai, riêng càng tức tối,
Đành ôm lòng trở lại buồng thêu.
Nhà bên gà đã gáy vèo,,
Nghĩ đâu dựa ghế còn khêu hao đèn.
Thương thay cứ ngày quen dậy sớm,
Đợi tối ngày tin vẫn vắng đâu.
Day tà áo, dạo quanh lầu (1)
Liễu kia ve khóc rủ sầu ngang mi.
Chả thấy gì, lại còn lủi thủi,
Gượng ôm cầm dạo mấy đường tơ,
Bình lan bướm vội theo đùa,
Bực thôi xỏ dép bỏ ra thăm vườn.
Giờ hẳn nói:" Trăng tròn lại tỏ,
Để đến ngày " Gương vỡ lại liền"! (2)
Biết đâu đường thế trần phiền,
Người đi chưa dễ biết phen nào về!


____
1. Nguyên văn: Vày bâu, lủng thửng quanh lầu. Chữ "bâu" it dùng. Xin đổi.
2.Trần thái tử xá nhân là Từ Đức Ngôn lấy Lạc Xương công chúa , đến lúc nhà Trần suy, bảo công chúa rằng: Một mai nước mất tất mình sẽ vào tay kẻ quyền hào. Song nếu tình duyên không nỡ dứt thì còn mong có ngày hậu hội. Bèn lấy tấm gương soi đập vỡ làm hai, mỗi người cầm một nửa, hẹn về sau đến ngày rằm tháng giêng đem ra chợ Tràng An mà bán, tất lại tìm được nhau. Kịp đến lúc nhà Trần mất, Lạc Xương công chúa bị Việt công bắt ép làm vợ. Ngày rằm tháng giêng kế đó, Từ Đức Ngôn ra chợ Tràng An thấy có người bán tấm gương vỡ. Họ Từ rút nửa gương của mình trong túi ra so lại thì hai bên ăn nhập với nhau như một. Đức Ngôn bèn gủi cho người bán gương bốn câu thơ:
Cảnh dữ nhân câu khứ/Cảnh quy nhân vị quy/Vô phục Hằng Nga ảnh/Không tựu minh nguyệt huy". (Người đi, gương cũng đi/Gương về, người chửa về/ Chị Hằng đâu chẳng thấy/ Chỉ thấy bóng trăng loè".
Lạc Xương công chúa được thơ khóc rống lên. Việt công hỏi biết đầu đuôi, lấy làm thương, liền cho vời Từ Đức Ngôn đến trả vợ cho."



Thôi lại bảo mình e ở mãi,
E kinh đô đã phải lòng ai!
Làng chơi quên thói ăn chơi.
Đất phồn hoa ấy lại trời Phú Xuân!
Chẳng vì tiếc xuân nên nán ná,
Sao xuân rồi, lại hạ, rồi thu?
Mấy nơi gác tía rèm chu,
Anh hùng hào kiệt chưa từ lọ ai?"


Như thế ấy ai người biết với?
Trong yên ba riêng tủi lòng này.
Phải chăng trai trẻ những ngày,
Rằng ưa đài các? Rằng hay giang hồ?
Câu lữ cảnh mượn ru li hận,
Hồn hương quan vơ vẩn đêm trường.
Ai mà nghĩ đến mà thương.
Vì ai thêm xót nỗi đường cam gay!
Nghề nội trợ đã hay rằng thế,
Việc tổ tiên thì để trên đầu.
Rau khe, nước suối mặc dầu,
Một tay trăm việc chắc đâu lo tròn?
Duy biết chắc đàn con mạnh giỏi,
Lòng chẳng nghe ái ngại điều chi!
Ngày đi trẻ dại biết gì,
Tóc răng rày đã ra bề đã khôn!
Dễ thương nhỉ thằng con anh trưởng!
Tuổi mười ba, mười bốn chi rồi!
Anh mình hẳn lấy làm vui,
Năm này cháu đã theo ai sách đèn.
Nhớ đèn sách khôn quên hai bạn,




Mùi chi lan thoang thoảng còn hoài,(1)
Chén đưa nào lúc khuyên nài,
Vị thành lúc ấy là rồi chia tay (2)
Sau đất Bắc đường đầy binh lửa,
Hai anh ta về ở bề nào?
Bịnh chung, chung mối thương đau
Thương ôi kẻ đấy người đâu một trời?
Bao giờ lại cùng ngồi chuyện vãn,
Chuyện gần xa lòng gạn hỏi lòng?

___

1. Lời đức Khổng Tử:" Dữ thiện nhân giao như nhập chi lan chi thất, cửu nhi bất văn kỳ hương, tức dư hóa bỉ"( chơi với người lành như vào cái nhà có hoa chi lan, nếu lâu không biết mùi thơm nữa là vì đã hoá theo người ấy rồi.
2.Xem chú 2 tr,78.



Mà nay nào nguyệt nào phong,
Nào thi nào tửu, ai chung với nào?
Trông đất khách, lệ trào đôi mắt,
Ngóng quê nhà, đường mắc nghìn non.
Rượu rồi gục xuống câu lơn.
Chiêm bao mở mắt, đêm còn hoàn đêm!
(Trích TRONG 99 CHOP NÚI của Đẩu Tiếp, Tân Việt, Hà Nội, 1942, tr.82- 94)







PHỤ LỤC:
CÁC BÀI VĂN CỦA ĐẨU TIẾP


NÓI CHUYỆN VỀ DU KÍCH

Bài này viết trong năm 1946 tại quê nhà


Tôi xin thành tâm cảm tạ các Ngài đã tới đây nghe tôi hầu chuyện. Tôi rất tiếc rằng bàn ghế it ỏi không đủ nghênh tiếp các ngài được như lòng cung kính của tôi. Tôi lấy làm ái ngại lắm!
Từ ngày đầu khởi nghĩa tới nay, các chiến sĩ anh hùng của ta ngoài mặt trận phải dẫm chân trên đá nhọn, phải ngâm mình giữa vũng lầy, đợi quân đich đi qua để hiến thân cho nước. Nhờ vậy mà hậu phương được gặp nhau nói chuyện một cách thái bình như thế này, dù chỉ ngồi trệt giữa đất hay đứng đựa bên tường cũng đã là may mắn lắm rồi! Tội nghiệp ở phương trời xa, giữa sương gió lạnh kia, các chiến sĩ có biết đâu rằng chúng ta đang nhắc đến họ!

Thưa các ngài,
Chúng ta sẽ cùng bàn về một vấn để quan trọng của họ đang làm: vấn đề du kích! Du kích! Từ thành thị đến thôn quê không ai còn xa lạ với danh từ ấy. Đồng bào ai cũng đã biết đánh thế nào là đánh du kích. Các cán bộ quân sự đã chỉ vẽ cho ta tường tận . Họ đã bày những cuộc tập trận giả để đánh thử cho chúng ta coi. Họ bò, họ lươn, họ núp, họ đánh một cách khôn khéo thần tình lắm. Bà con ai thấy cũng lấy làm hứng thú.Sự húng thú ấy nó khêu gợi cái tánh ham hiểu biết thêm cho nên nhiều đồng bào đã hỏi :Chữ " du kích" viết thế nào? Nghĩa nó là gì,? Ai bày ra cái chiến thuật ấy?
Với những câu hỏi cặn kẽ, tỉ mỉ ấy, các vị cán bộ quân sự thân ái của ta không thể trả lời cho đồng bào một cách mĩ mãn.

Thưa các ngài,
Các ngài đừng thấy thế mà nỡ cho các vị huấn luyện kia không đủ tư cách làm thầy cho chúng ta về việc quân. Trong tình thế gấp rút, họ còn có thì giờ đâu mà nghiên cứu nguồn gốc từng chữ một. Giặc đã đứng trước cửa, họ chỉ kịp hô anh em xách dao ra đè cổ nó mà chém đại, chú còn ngừng tay anh em lại để giảng cho họ cái đao mua tự bao giờ, ai đi mua, bao nhiêu tiền và mua ở chợ nào. Như thế thì chẳng ngu ngốc hay sao? Bởi thế các trường quân sự mở ra trong tình thế cấp tốc này chỉ cốt thực hành được việc chưa vội nghiên cứu dày công. Các chiến sĩ chỉ biết việc giết giặc, phải đâu mọt sách mà nghiền ngẫm từng nét chữ.

Thưa các ngài,
Tôi là một kẻ thư sinh ăn bám vào xã hội, là một ký sinh trùng của xã hội, là một thứ sâu mọt mà thôi! Tuy vậy, với cái học dở Tây, dở Tàu của tôi, tôi cũng tầng đã có vinh hạnh xem qua một vài sách ngoại quốc. Tôi tin tưởng có thể biết qua loa về các câu hỏi trên kia để tạm trả lời cho các nhà quân sự. Tôi nhấn mạnh mấy chữ tạm trả lời thay, vì câu chuyện tôi hầu các ngài đêm nay chỉ có sơ lược mà thôi, không dám tự phụ là đầy đủ. Tôi mong các thức giả sẽ bổ khuyết cho những chỗ thiếu sót, cải chính cho những chỗ sai lầm. Được thế thì không những tôi sẽ đội ơn riêng, mà dám chắc cả cử tọa cũng hoan nghênh lắm.
Vậy thưa đồng bào,
Tôi xin nói để các ngài nghĩ có phải không. Chữ du kích viết thế nào? Và nghĩa là gì? Bà con cãi nhau về chữ đó nhiều lắm. Kích là đánh. Chữ đó ai cũng biết. Du, có người nghĩ du là chơi. Du kích là đánh chơi! Có ngừơi lại nói du là trộm, và giảng nghĩa du kích là đánh trộm. Chính các bạn Hoa kiều ở đây cũng nói vậy.

Thưa giảng như vậy đều không phải cả. Du kích không phải là đánh chơi, cũng không phải là đánh trộm. Đọc báo Tàu tường thuật những trận đánh du kích đều thấy người ta viết chữ du có ba chấm thủy . Muốn biết chữ "du" ấy có nghĩa là gì, nguồn gốc chữ "du kích " từ đâu, ta lật bộ Từ Nguyên là thấy. Ta sẽ thấy " du kích" là chức quan đặt ra từ đời nhà Hán, đó là chức " Du kích tướng quân", là một chức võ quan. Đời Nguyên bỏ chức ấy, đời Minh đặt lại, đời sau gọi tắt là " Du quân tướng quân" là du kích suống. Đời Thanh liệt chức du kích vào hàng Tham tướng, ngang hàng với chức Trung hiệu úy bây giờ. Ấy trong Từ Nguyên chỉ nói có thế, tuyệt nhiên không thấy giảng du kích là một chiến thuật, vì lẽ lúc sách Từ Nguyên ra đời thì chưa có chữ du kích là một chiến thuật mới. Ta đừng tìm trong các Tự Điển Tàu hay Ta cho uổng công. Ta chỉ có thể gặp chữ " du kich" trong các báo Tàu khoảng bảy, tám năm nay mà thôi.

Tôi xin nhắc lại chữ du ở đây viết với bộ thủy nghĩa là lội.Nhưng du ở đây không phải là lội. Bà con Hán học, hãy nhớ lại một câu trong sách Hán Kỷ

. . . . . . . . . .

(Bài này mất phần sau )
____


NÓI CHUYỆN VỀ THI
Đẩu Tiếp




Đẩu Tiếp dã viết một loạt bài đăng trên Văn Học Tuần San, trong đó ông ca tụng thơ cũ với sự phân tích đầy đủ và giọng điệu khách quan khác với các nhà văn khác, nhất là nhóm Phong Hóa luôn luôn giận dữ, mai mỉa và chế riễu. Trên Văn Học Tuần San số 26, 1-11-1936, ông viết bài Nói chuyện về thi. Trước hết ông nêu lên những mâu thuẫn giữa hai phe.

Ông cho rằng thơ tiếng Việt của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ làm cho tâm hồn ta thấy rung động, rồi đem lòng khao khát, thèm thuồng, cố tìm ra được một bài thơ như người xưa thì ngồi bóp trán mãi cũng chẳng ra được chữ gì, hoặc được thì lổ đổ mấy chữ, kết lại cũng chẳng thành câu. Thẹn thuồng và tức giận, bọn thanh niên ta đâm ra ghen với cổ nhân., hầm hầm toan đập đổ những xiềng xích trong lối thơ Đường [. . ..]
Và đám thanh niên chỉ trích phái thơ cũ ba điểm chính:
- luật pháp nghiêm khắc
- khóc trăng, khóc gió.
- lập lại tư tưởng của tiền nhân.
- đẽo gọt
Còn phái thơ cũ chê bai thơ mới của những kẻ chạy theo Phan Khôi:
Một tụi văn sĩ non, hứng lấy mà vung vẩy một thứ văn không xuôi, không vần [. .]
Tôi tưởng thơ mới của các anh ra thế nào, té ra cũng như thơ con cóc, mà có lẽ người ta đã làm hơn trăm năm trước.
Sau khi trình bày những ý kiến chống đối nhau, Đẩu Tiếp biện hộ cho thơ cũ với giọng điệu văn hoa,bóng bảy.

Bài này được đăng trong Văn Học Tuần San số 26, 1-11-1936, Saigon..
Tờ báo này do Cử nhân Hán học Tùng Lâm Lê Cương Phụng làm chủ bút, trước báo quán ở Huế, sau dời vào SàiGòn.
Bài của Đẩu Tiếp được Giáo sư Thanh Lãng in lại trong 13 Năm Tranh Luận Văn Học, in roneo tại Đại Học Văn Hoa Saigon trước 1975.
Bài này cũng được Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng trích trong Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, ... do nhà Sống Mới, Saigon xuất bản.
Nguyễn Thiên Thụ cũng sưu tập bài này trong LỊCH SỬ THƠ MỚI ( chưa xuất bản)


Bài này nay chưa sưu tập đủ vì báo chí tại thư viện không đầy đủ.

* * *
. . . . .

Họ nói:'' Các ông chỉ là những bọn nô lệ trói buộc trong những luật pháp nghiêm khắc của thơ Đường''.
Nhưng họ quên rằng chính nhờ ở chỗ pháp luật nghiêm khắc đó mà thơ Đường rất dễ nhớ. Vì trong bài thơ đã hạn định trước rằng:''chữ nào bằng, chữ nào trắc''nên khi nào đọc mà thấy sai thì tự nghĩ liền mà đổi lại. Tuy vậy, ta cũng đừng nệ theo Đường luật lắm, chịu thất luật một đôi chỗ mà câu thơ ấy thấy già hẳn lên ta cũng vui lòng, nhưng chỉ khi nào bất đắc dĩ không dùng chữ ấy mà dùng chữ khác thay thế vào không thú bằng thì mới chịu dùng chữ ấy và cam tiếng thất luật vậy.

Phái thơ mới lại chê: Thơ Đường của các ông chỉ biết khóc trăng khóc gió. Không thơ Đường luật cũng có lắm bài khẳng khái lắm chứ. Các ngài thử đọc lại những bài văn thơ cổ ngày nay quốc dân hãy còn truyền tụng mà xem. Sự khóc than của họ ít ra cũng bằng cái giọng trượng phu. Còn như muốn tả một cảnh thảm sầu thì họ cũng biết dùng ngòi bút vẽ moôt bức tranh khiến cho ta trông vào rơi lệ mà họ không cần dùng đến chữ ''rơi châu, đau ruột''.
Các ngài không nhận rằng sầu là cái bệnh chung của con nhà văn, nhà thơ mà nỡ công kích kẻ đa sầu đa cảm?

Ấy thế mà các ngài cũng chỉ biết làm những lối thơ phóng đãng. Các ngài ''thương ôi'', thấy hoa bay các ngài cũng ''ôi!''. Thấy lá rụng các ngài cũng ''ôi!''. Thậm chí đến các ngài viết '' ôi đau đớn!'', ''ôi huyền diệu!''. Các ngài lại nói thơ Đường luật hay dùng những điển tích mo hồ.như có người làm bài thơ vịnh Trương Lương:
Mình dịu dàng như gái,
Bao trời một lá gan.
Bốn trăm năm nghiệp Hán,
Ba tấc uốn trong màn.

Vẫn biết ba tấc đây là ba tấc lưỡi, nhưng ba tấc lưỡi uốn trong màn thì có thể khiến cho người hiểu được không? Cách dùng điển như vậy coi mơ hồ lắm, nhưng đó là tay vụng, chớ tay khéo thì nhiều khi họ dùng điển chẳng những đã rõ lại hay. Có một cách dùng điển mà tụ lấy làm thích thú lắm khi họ dung hòa hai điểm lại một.Như nguyên trong sách Thủy Kinh của Tàu có nói: ''Giống cá gáy hễ tháng ba thì đua nhau nhảy len thác Long Môn
( cách Trường An cao 900 dặm), con nào nhảy lên được thì hóa ra rồng, cho nên hễ ai thi đậu thì người ta ví như con cá gáy nhảy lên được Long Môn, còn con cá gáy nào không nhảy lên được, phải vạch trán trở về chỗ cũ ''.

Như vậy rồi Lý Bạch có câu thơ nói về người thi hỏng: '' vạch trán chẳng ra rồng''. Thú vị biết bao nhiêu.
Còn trong đám thi sĩ ta có làm câu: ''Lò đời thổi gió un mây'' cũng biết ''lò đời''là một điển, ''gió mây'' là một điển, nhưng tác giả khéo biết dung hòa vào một câu ''thổi gió un mây'' ứng với '' lò đời'', cũng như câu thơ của Lý Bạch ''ra rồng'' ứng với '' vạch trán''. Điển tuy cũ mà ý vẫn mới.
Dùng điển mà dùng được như vậy cũng đáng dùng lắm chứ. Còn như không lồng được ý mới vào, chỉ lập lại ý tưởng của người xưa thì xem ra cũng nhạt. Ví dụ bậc thi bá đời Đường đã nói: ''Xử thế nhược đại mộng'' rồi ta lại lập lại''. Trăm năm giấc mộng cười nhân thế'', tuy câu thơ có cứng cáp song phái thơ mới họ bảo dở đó kìa!

Họ lại chê thơ Đường luật lập lại tư tưởng của tiền nhân. Vẫn có thế, nhưng cũng chỉ có những kẻ bất tài mới có thế thôi, chớ phàm người có tài năng họ cũng biết rằng trong mỗi bài thơ ít nhất cũng phải có một câu tứ mới. Đừng nói đến những thơ nôm, nói ngay đến một số câu thơ chữ của thời xưa cũng đã thấy rồi. Khi trong bài Đi chơi đêm với cụ Nguyễn Hàm Ninh ở núi Túy Vân, ngài Tùng Thiện Vương có câu:
Ngư xướng thời thanh ngoại,
Chung minh thọ sắc trung.
Dịch:
Chài reo ngoài tiếng sóng
Chuông điểm giữa màu cây.
Trong bài mừng được ân ban chiếc thẻ ngà sắc tứ, Nguyễn Hàm Ninh nhập các, được ra vào tự do trong điện, cụ Nhâm Sơn có có câu:
Cung nhật hồi xuyên ảnh,
Giai hoa phật bội thanh.
Dịch:
Vầng nhật trên cung xây bóng vách,
Cành hoa quanh lối gõ bài ngà.


Mãy câu thơ đó ông Cao Bá Quát đã khuyển đặc cả mặt giấy chẳng phải là do tứ mới hay sao?
Phái thơ mới lại chê:'' Các cụ ấy chỉ ngồi mà đẽo gọt từng chữ.''.
Lạ chưa! Thơ đã gọi là một môn kỹ thuật thì dù cho đẽo gọt, chạm trỗ cũng là lẽ thường. Nhưng bao giờ câu thơ cũng đượm vẻ tự nhiên,nhà thơ vẫn dư biết thế! Mở lời ra mà gặp liền được chữ đối xứng thì cụ Dương Bá Trạc cũng đối chơi:
Ta giả núi bụi hồng đeo đẳng,
Núi xa ta, mây trắng mịt mờ!

Bằng không thì cụ Huỳng Thúc Kháng cũng chỉ cười một hồi mà thành bài thơ như vậy:
Tớ đẻ tháng mười năm bính tí,
Năm nay bính tí sáu mươi lăm!
Kể vòng hoa giáp quanh đà khắp,
Còn nợ non sống chết chửa cam.

Nhưng các bạn thơ mới lại nói rằng;
Các ông học chữ Tàu mà làm thơ nôm thì chúng tôi học chữ Tây lại không có quyền bắt chước thơ tây mà chế ra một điệu thơ riêng để chúng tôi ngâm vịnh. Đã bắt chước thì hễ ai có cái hay ta cũng có thể bắt chước được cả. . .
Song thử hỏi thơ ta phỏng theo lối thơ tây, thì có thể ngâm nga được như lối thơ mà chúng ta đã phỏng theo thơ Đường không? Nói thế tất có người sẽ lấy làm lạ mà hỏi rằng vậy sao ta vẫn ngâm được thơ tây? Vì khi ngâm thơ tây ta vẫn ngâm theo giọng tây, còn khi ngâm thơ mới thì ta không thể ngâm theo giọng tây được mà ngâm theo giọng ta nào có âm hưởng gì đâu! Đến như thơ Đường luật sở dĩ mình ngâm lên mới nghe réo rắt như tiếng đàn nguyệt là vì hợp với tiếng ta đó vậy.
Tóm lại, dầu chi ta cũng nên hoan nghênh lối thơ Đường luật nếu có chê nó là khó thì cứ làm theo lối tứ tuyệt, lối song thất lục bát hay thượng lục hạ bát, cùng đi nữa thì những từ khúc!
Thơ Thế Lữ, những bài xuất sắc vẫn làm theo những điệu ấy thế sao vẫn gọi là thơ mới!
À phải! Ông Lê Tràng Kiều có nói '' Vô luận làm theo điệu thơ gì có tứ mới thì đều gọi là ''thơ mới.''. Song tôi lại xin trừ ra lối thơ mô phỏng theo thơ tây một cách vô ý thức. Ngoài một đôi người có chút ít thiên tài như Thế Lữ, còn thì lối thơ lố lăng ấy chỉ tạo ra được những nhà thơ non như Phúc Nhuận, Đỗ Phủ (ông Đỗ Phủ người Bắc chứ không phải ông Đỗ Phủ người Tàu đâu).tr.19.
. . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . .




* * *






DI BÚT CỦA ĐẨU TIẾP



























(H.1)
Thư của thân phụ gửi Nguyễn Thiên Thụ

(Con Thụ,
Con lo mà học, ba gửi tiền về cho mà ăn kẹo)

























(H2). Thân phụ dạy mẫu thân học quốc ngữ.
















































No comments: