Sau những năm làm phó xứ tại các họ đạo Sa- Đéc, Long Toàn, nhà thờ Chánh Tòa Vĩnh Long và chánh xứ họ đạo La Mã, Bến Tre, đầu năm 1976 Linh mục Nguyễn Hữu Lễ bị cộng sản bắt vì tội chống chế độ và bị đi tù suốt 13 năm trong đó 11 năm tại các trại tù miền Bắc. Trong đó có trại trừng giới Quyết Tiến nằm sát biên giới Trung Quốc, thường được gọi là trại Cổng Trời!
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ được phóng thích cuối năm 1988 và mấy tháng sau vượt biên qua trại tị nạn Thái Lan và được Giám mục Denis Browne, Giám mục Giáo Phận Auckland mời sang Tân Tây Lan ( New Zealand) vào 1990 để phụ trách Công Đồng Công Giáo Việt Nam tại giáo phận Auckland. Từ năm 1994 ngài được cử làm Linh mục chính xứ coi sóc giáo dân người Tân Tây Lan.
Ngoài nhiệm vụ tôn giáo tại New Zealand, trong hơn 15 năm qua Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã đi rất nhiều nơi trên thế giới để gặp gỡ đồng hương và vận động với các Quốc Hội, các chính khách và các cơ quan Nhân Quyền quốc tế trong chiều hướng tranh đấu hỗ trợ cho tiếng nói của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước , đòi hỏi Dân Chủ, Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam.
Người ta biết nhiều đến vị Linh mục nặng tình với quê hương và dân tộc này qua câu nói: “Trước khi làm Linh mục, tôi là một người Việt Nam.”
Ngày 2 tháng 9 năm 2003, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ xuất bản cuốn bút ký "Tôi Phải Sống" kể lại kinh nghiệm 13 năm trong lao tù CSVN và từ đó rút ra một bài học cho con đường dân tộc phải đi trong tương lai. Cuốn sách này đã được tái bản nhiều lần và trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất ("best seller") của cộng đồng người Việt hải ngoại. Hiện tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp và sẽ được phát hành một ngày gần đây.
Ngày 2 tháng 9 năm 2005, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ công bố một loạt bài phân tích sự kiện Sài Gòn bị chế độ cộng sản cướp tên và đổi ra tên gọi "Thành phố Hồ Chí Minh". Ngài nêu ý kiến và kêu gọi đồng bào phải đòi lại tên Sài Gòn cho dân tộc. Lời kêu gọi nầy đã được sự đáp ứng tích cực của đồng bào mọi giới, trong cũng như ngoài nước và từ đó PHONG TRÀO QUỐC DÂN ĐÒI TRẢ TÊN SÀI GÒN được hình thành, với chủ trương “Tẩy Trừ tên Hồ Chí Minh - Phục Hồi tên Sài Gòn”.
Phong Trào chính thức ra mắt ngày 15 tháng 1 năm 2006 tại Little Saigon, Nam Cali, Hoa Kỳ. Hiện nay tiếng nói và ảnh hưởng của PHONG TRÀO QUỐC DÂN ĐÒI TRẢ TÊN SÀI GÒN, hay gọi tắt là PHONG TRÀO SÀI GÒN lan rộng khắp nơi, kể cả trong nước.
Ngày 2 tháng 9 năm 2007, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ công bố dự án thực hiện bộ phim tài liệu mang tên “SỰ THẬT VỀ HỒ CHÍ MINH”. Đây là công tác chủ yếu trong chiến dịch “Tẩy Trừ Huyền Thoại Giả Trá Hồ Chí Minh” do Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn phát động trong Đại Hội Thế Giới lần thứ hai của Phong Trào tại Paris vào ngày 13 tháng 5 năm 2007.
Vì nhận thấy vai trò quan trọng của Ngài đối với cộng đồng Việt Nam trên khắp thế giới nên Giám mục giáo phận Auckland đã chấp thuận cho Linh mục Nguyễn Hữu Lễ từ năm 2007 không còn phải giử chức vụ Cha xứ như 12 năm qua, để ngài có nhiều thời giờ làm việc với Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại.
Hiện nay Linh mục Nguyễn Hữu Lễ vẫn đang phục vụ tại Giáo Phận Auckland, New Zealand trong chức vụ Tuyên Úy Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, và là người đại diện của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn.
TÔI PHẢI SỐNG
::: Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ :::
Lời Giới Thiệu |
Lời Cảm Tạ |
Thay Lời Tựa |
Phần I : Cuộc Đời và Bóng Đen |
Vào chuyện. |
1- Bước Ngoặc Cuộc Đời |
Phần II: Chiếc Lá Giữa Dòng |
2- “Đêm Tân Hôn” Giữa Cao Nguyên |
3- Tàu Sông Hương |
4. Lần Ra Đất Bắc. |
5. Đường Lên Cổng Trời |
6. Trở Lại Trần Gian |
7. Cái Giá của Tự Do |
8. Chuyện Thương Tâm |
9. Tôi Phải Sống. |
10. Tầng Đầu Địa Ngục. |
Phần III: Tự Do và Hy Vọng. |
11. Ngày Trở Về. |
Cuối chuyện. |
Phụ Chương 1 |
Phụ Chương 2 |
Phụ Chương 3 |
LỜI GIỚI THIỆU
Tháng 6 năm nay (2003), từ Tân Tây Lan, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ gọi điện thoại và ngỏ ý muốn tôi viết lời tựa cho cuốn bút ký “ Tôi Phải Ssống “ mà ông vừa hoàn tất. Tôi nhận lời không một chút đắn đo vì coi đó là một vinh dự. Tác phẩm này, từ lâu tôi vẫn mong được đọc vì chính bản thân tôi cũng muốn làm một công việc tương tự nhưng không gặp điều kiện thuận lợi để thực hiện.
Sau khi nhận bản thảo, tôi lao vào đọc cuốn bút ký một cách mê say, không ngừng nghỉ. Trải dài trên hơn 400 trang giấy, tác phẩm này được chia thành 11 chương. Mỗi chương gồm một số bài viết có vóc dáng như những bài luận văn được trau chuốt tận tình để quảng bá những dòng suy nghĩ cần phổ biến. Dọc theo chiều dài của tập bút ký, những tình cảnh éo le và những trạng huống hiểm nghèo, bi đát, trong các trại tù cộng sản đã được tác giả thuật lại sống động và trung thực, với một văn phong nhẹ nhàng và tự nhiên như hơi thở.
Mặc dầu không phải là một pho truyện trinh thám nhưng người đọc luôn luôn ở trong trạng thái nôn nóng vì muốn biết tác giả viết gì thêm trong những trang kế tiếp. Các liều lượng hỉ, nộ, ai, lạc được phân bổ hài hòa và sử dụng một cách cân nhắc để tránh cho nội dung tác phẩm sự nhàm chán thường gặp.
Lược qua những dòng viết tâm tình ta được biết tác giả sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thuộc tỉnh Vĩnh Long. Gia đình theo đạo Công Giáo và cư ngụ trong vòng đai của ngôi thánh đường nhỏ trong làng có tên là nhà thờ Bưng Trường.
Ngày tác giả mở mắt chào đời là ngày đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. Tiếng bom đạn và những xác chết trôi sông, đối với tác giả cũng như đối với các bạn cùng lứa tuổi, là những âm thanh và cảnh tượng quen thuộc hàng ngày. Kiếp sống lầm than, cơ cực và hoàn toàn thiếu an ninh của người dân thôn dã đã làm mủi lòng người thanh niên mới lớn giàu lòng bác ái.
Ta hãy đọc những dòng viết sau đây của tác giả khi ông chuẩn bị bước vào đời. “Tôi nghĩ tới con đường làm linh mục năm tôi 20 tuổi sau khi học xong ban trung học. “Cái nhìn của tôi về hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ… đã ảnh hưởng tới sự lựa chọn của tôi. Tôi quyết định chọn đời linh mục vì tôi biết trong cương vị đó tôi sẽ phục vụ người dân thấp cổ bé miệng hữu hiệu hơn.” (trang 51).
Thụ phong linh mục năm 1970, lúc vừa tròn 27 tuổi, tác giả hăng say làm công việc cứu nhân độ thế, nhưng không may, chưa được bao lâu, thì họa cộng sản đổ sập xuống miền Nam, và chính bản thân ông cũng bị cuốn vào vòng lao lý như hàng triệu người công dân vô tội khác của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Sau ngày 30 tháng Tư đen của năm định mệnh 1975, ông lê gót chân, hết nhà tù này đến trại giam khác, từ Nam chí Bắc, để chịu kiếp đọa đầy mà những người cộng sản Việt Nam đã nhẫn tâm áp dụng đối với đồng bào ruột thịt, trong ý đồ vừa trả thù vừa tránh hậu họa sau này cho cái chế độ sâu dân mọt nước. Tắm máu đã không xẩy ra sau khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm bằng võ lực, nhưng những gì mà độc giả cảm nhận sau khi đọc cuốn bút ký của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, sẽ còn ghê tởm, thâm độc và ác nghiệt gấp triệu lần.
Một phần bút ký “Tôi Phải Sống” tả lại cái khung cảnh hãi hùng của 13 năm tù cộng sản. Vì phải tiếp giáp hàng ngày với thần chết trong suốt quãng đời cơ cực ấy nên tác giả đã xuống quyết tâm phải tồn tại để làm nhân chứng sống cho một giai đoạn cực kỳ thảm thương của đất nước và thay đổi quan điểm sai lầm của một phần dân tộc về một thứ chủ nghĩa ngoại lai đã lỗi thời và đã đi vào sọt rác của lịch sử.
Những chương trong bút ký liên quan đến hệ thống trại tù của cộng sản Việt Nam đã được tác giả ghi lại với một bút pháp tuyệt vời, với một mức độ chính xác chưa từng thấy và với một tấm lòng tha thứ, bao dung hiếm có ngay cả đối với những người rắp tâm tiêu diệt bản thân mình. Đọc tác phẩm này, nếu độc giả không phải là người mau nước mắt thì cũng sẽ rùng mình ghê sợ và xót thương cho số phận của những con người Việt Nam bị chính đồng bào mình đầy đọa xuống đáy tầng của địa ngục trần gian. Mức độ độc ác và tàn nhẫn không thua kém gì những “ holocaust “ Đức Quốc Xã dành cho người Do Thái trong Thế Chiến thứ hai.
Chế độ tù trong xã hội cộng sản Việt Nam là sản phẩm của một chính sách hủy diệt dấu tay kinh tởm ngoài sức tưởng tượng của con người. Với một thời gian giam giữ vô hạn định giữa bốn bức tường kiên cố của các trại tù hôi hám thiết lập tại những nơi thâm sơn cùng cốc, chính sách này đã biến con người thành con vật. Bằng phép thuật khủng bố tư tưởng nó đã tạo nên những tên phản thầy phản Chúa, phản lại lý tưởng mình theo đuổi.
Bằng chủ trương” bỏ đói“ nó đã đưa dẫn tù nhân tới chỗ giết nhau chỉ vì một miếng cơm hay mẫu bánh. Thậm chí nó đã thúc đẩy con người nghĩ cả đến việc ăn thịt đồng cảnh để sống còn. Tác giả Nguyễn Hữu Lễ đã thuật lại những “chuyện khó tin nhưng có thật ” đó với những giọt nước mắt chảy ngược vào tim vì chính ông là nạn nhân của những hiện tượng kinh hoàng vừa nói.
Mặc dù vậy sau khi xếp sách lại chúng ta mới cảm nhận được hết sự khoan dung hòa với tâm tình yêu mến quê hương và dân tộc của một Linh mục tù nhân, chứng nhân và là nạn nhân của bao nhiêu tình cảnh đau thương. Tác giả kết luận: “Hãy để cho bóng tối đi qua và cùng nhau hướng về nguồn sáng của bình minh dân tộc”
“Xã hội tù” của CSVN là hình ảnh thu hẹp của một xã hội lớn hơn: xã hội Việt Nam sau ngày 30 tháng tư đen tối. Mười ba năm dài đằng đẵng, với thiên chức của một vị linh mục, tác giả đã thành công trong việc cảm hóa và cải tà quy chính rất nhiều đối tượng đã mất hết tính người vì chính sách trại giam của cộng sản. Mong rằng tác giả cũng sẽ thành công một lần thứ hai khi trở lại đời sống bình thường, cho đúng với ước nguyện của ông lúc ban đầu, cho dân tộc được hưởng không khí tự do và cho tổ quốc có điều kiện vươn lên cùng nhân loại văn minh.
Maryland ngày 20 tháng 6 năm 2003
Tập Bút Ký “Tôi Phải Sống” được thành hình do công sức và sự khuyến khích của nhiều người. Về phần tôi, khi dòng chữ cuối cùng trong sách được viết xong, tôi ngồi đọc lại và thấy mình thật liều lĩnh!
Trước tiên vì tôi chưa hề viết lách bao giờ! Nhớ lại lúc vừa lớn lên tôi rất thích viết văn. Có lần tôi đọc một câu chuyện tác giả viết về cảnh trên chuyến xe lam từ Sài Gòn lên Gò Vấp, đoạn đường quãng nửa giờ xe, nhưng tác giả viết gần 10 trang giấy. Tôi đọc phát mê và thán phục óc tưởng tượng phong phú của các văn sĩ. Tưởng viết văn không có gì khó, tôi chợt muốn làm văn sĩ nên lấy giấy bút ra và thử viết một đoạn văn tả cảnh ngồi xe. Tôi chọn đoạn đường dài hơn từ Vĩnh Long lên Sài Gòn với khoảng 3 tiếng đồng hồ. Sau bao nhiêu cố gắng, tôi chỉ viết được không đầy trang giấy. Muốn viết thêm cũng chẳng biết viết gì!
Khi ra khỏi tù tôi đã 46 tuổi và có nhiều chuyện trong đầu. Lúc qua New Zealand hai năm sau đó, tôi thử ngồi viết lại những gì đã xảy ra trong tù. Lần này tôi viết được. Không những dài hơn đoạn văn năm xưa mà còn hết trang này qua trang khác. Nhưng đây không phải là óc tưởng tượng của nhà văn, mà là công việc của trí nhớ. Bắt đầu từ năm 1996, tôi ngồi viết lại một phần trang sử đau thương của cuộc đời.
Tuy nhiên, thú thật mà nói, dù trí nhớ tôi nhả mực qua dòng chữ với trang này qua trang khác, tôi cũng cảm thấy mình làm công việc này một cách khó khăn và nặng nề như con bò kéo chiếc xe có bánh vuông đang lên dốc!
Trở ngại trước tiên vì tôi là người miền Nam, viết sai chính tả quá nhiều, dấu hỏi ra dấu ngã và dấu ngã thành dấu hỏi. Lúc đầu viết tay, vì chữ xấu nên nhiều lúc viết xong đọc lại có chỗ tôi không hiểu mình đã viết gì! Loay hoay làm sao cải thiện việc viết lách cho có hiệu quả, tôi bèn nghĩ tới loại máy đánh chữ có dấu tiếng Việt mà khi còn ở Việt Nam tôi thường dùng.
Tiện dịp có người bạn về thăm quê hương, tôi nhờ mua. Anh bạn mang qua cái máy đánh chữ có dấu tiếng Việt đã cũ. Tôi dùng một thời gian và thấy khó khăn nặng nề quá, đành xếp xó và định lúc nào rảnh sẽ đưa tới tặng lại cho viện bảo tàng. Tôi biết họ sẽ rất mừng vì của này hiếm! Không còn lựa chọn nào khác tôi đành phải nghĩ tới computer. Của đáng tội! Từ thuở tấm bé cho tới khi qua định cư ở New Zealand lúc đã gần 50 tuổi đời, tôi chưa có dịp sờ qua cái computer, mặc dù đã thấy qua.
Cũng may cho tôi! Lúc bấy giờ tôi có người bạn đạo Tin Lành rất giỏi về computer là anh Nguyễn Văn Tư, tôi tới gặp và xin anh giúp làm quen với cách sử dụng máy. Anh Tư đã tận tình hướng dẫn tôi ngay buổi trưa hôm đó. Tôi ngồi xuống trước máy, anh đứng ngay sau lưng bảo tôi cầm “con chuột”, tôi đưa tay phải ra tóm lấy nó! Nhưng con chuột bằng nhựa màu trắng đục này lúc nào cũng chực vuột ra khỏi tay tôi để thoát thân!
Tôi bặm môi ghì thật chặt làm anh Tư kêu: “Ấy, ấy! Linh mục đừng ghì con chuột chặt quá, nhẹ tay thôi và từ từ đẩy cho mũi tên trên màn ảnh di chuyển theo!” Lúc đó tôi thầm nghĩ: “Bắt chuột vốn là nghề của mình, ngày còn nhỏ ở ruộng đồng mình đã bắt không biết bao nhiêu là chuột. Nhưng chuột thật hình như dễ bắt hơn con chuột nhựa này!” Trước lúc ra về, anh Tư có viết cho tôi một cẩm nang. Nhưng về nhà được mấy hôm lại quên ngay. Chữ của thầy tôi trả cho thầy.
Vì có nhu cầu viết lách, tôi bèn ghi tên học computer lớp đêm dành cho người lớn, mỗi tuần 2 lần. Tôi chăm chỉ học trong 2 tháng với ông thầy người Anh. Vào lớp nghe tiếng Anh còn vất vả, thì nói gì tới việc học computer bằng tiếng Anh! Nên sau hai tháng miệt mài, tôi chỉ còn nhớ được cái computer tôi học tên là “Apple”, nghĩa là “Quả táo”! Một lần nữa, chữ của thầy tôi trả lại cho thầy. Sau đó tôi quên đi computer một thời gian và tiếp tục viết tay phần đầu tập Bút Ký. Có hiểu được sự khó khăn của tôi mới biết sự đóng góp quý báu và hỗ trợ tích cực của một số người trong việc này.
Một dịp may khác lại đến với tôi. Số là có đôi vợ chồng trẻ là Hoàng-Tú dọn tới ở gần tôi, cả hai là chuyên viên điện toán. Tôi mua máy và đôi bạn trẻ tới nhà chỉ dẫn tận tình. Nhờ đó tôi bắt đầu biết sử dụng computer để viết. Cũng từ đó và sau này tôi được sự hướng dẫn về kỹ thuật computer, Internet của ông Lê Quang Long, chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Auckland và của người bạn Phật Giáo ở Úc là anh Lê Thiện Phúc.
Riêng hai người con tinh thần của tôi là vợ chồng Nguyễn Dương-Ngọc Yến, lúc đó ở San José, am tường trong ngành báo chí và phát thanh, hiện đang điều hành lớp Hán-Việt trên Internet đã giúp tôi về nhiều mặt trong tập sách này. Vừa rồi tôi rất vui khi Dương-Yến và con gái lớn là cháu Thùy Dương giúp dịch tập Bút ký này sang tiếng Anh.
Tôi đặc biệt ghi nhận sự đóng góp của hai người bạn tù trại Thanh Cẩm là anh Nguyễn Cần (Lữ Giang) và anh Nguyễn Cao Quyền. Cả hai anh, cũng như nhiều bạn tù khác đã khuyến khích tôi lo hoàn thành tập Bút Ký. Anh Nguyễn Cần đã đọc và sửa giúp một phần bản thảo ngay từ lúc đầu và anh Nguyễn Cao Quyền nhận viết Lời Giới Thiệu cho tập sách.
Công việc bị gián đoạn trong mấy năm tôi làm việc ở Mỹ và các nước khác. Có một dạo, lúc tôi còn làm việc bên Mỹ, chị Trịnh Tiếu (Phi Nga) ở Sacramento đã chịu khó giúp tôi sắp xếp thứ tự các bài, các trang và sửa lỗi chính tả. Năm 2001 trước khi tôi trở lại New Zealand, cô em gái Như Lan ở Virginia giúp tôi đọc lại các bài mới viết, góp ý kiến và luôn nhắc tôi lo hoàn thành những gì tôi đã bắt đầu từ lâu. Khi tôi trở lại New Zealand, may mắn có sự tiếp tay của một người bạn Linh mục là cha Peter Hoàng. Nhờ đó cuốn sách này được hoàn thành.
Cha Hoàng, một Linh mục trẻ, đẹp trai, sống bên Úc đã lâu và mới chịu chức Linh mục được 3 năm. Cha qua làm việc tại một giáo xứ ở Auckland gần tôi. Ngoài đức tính hiền hòa, vui vẻ và tận tình được mọi người quý mến, cha Hoàng còn là người thông minh, giỏi văn chương, rành về ngôn ngữ Việt Nam và nhất là giỏi về computer, mặc dù chỉ tự “mò” thôi chứ không được “qua trường lớp” như tôi! Nói tóm lại, cái yếu của tôi lại là cái mạnh của cha Hoàng. Từ đó cha Hoàng giúp tôi sửa bản thảo, lời văn, câu cú và nhất là lỗi chính tả, trong khi ý trong sách vẫn được giữ nguyên.
Vì ở gần nhau nên rất thuận tiện trao đổi ý kiến và chúng tôi làm việc tận lực trong vòng 2 tháng để kịp hoàn thành tập Bút Ký trong năm nay, vì năm sau cha Hoàng trở về Úc. Nếu không có công sức cha Hoàng, chắc chắn tập Bút Ký chưa có thể thành hình được lúc này. Cha Hoàng còn khuyến khích tôi rất nhiều trong việc xuất bản cuốn sách. Một hôm, trong buổi gặp gỡ nhiều người và có cả tôi, cha “phấn khởi” tuyên bố một câu làm mọi người cười nắc nẻ: “Các chuyện cha Lễ viết hay lắm, đọc xong chỉ muốn…. ở tù!”
Có lần cha Hoàng thúc giục tôi:
- Cha lo in cuốn sách đi, chắc chắn sẽ có nhiều người đọc. Con đọc từ đầu tới cuối thấy rất hay.
Tôi cười đáp lại:
- Thế có cần ghi thêm hàng chữ “Money back guaranteed” ở bìa sau không?
Cha Hoàng la lên:
- Ối giời ơi! Làm gì tệ thế hả cha!
Ngoài những đóng góp đó, còn có sự khuyến khích của rất nhiều người. Trước tiên là trong gia đình của anh Đặng Văn Tiếp, là người anh kết nghĩa của tôi đã chết trong tù. Đặc biệt nhất là sự khuyến khích và hỗ trợ của chị Huyền Thanh ở Pháp là hôn thê của anh Tiếp và anh Đặng Văn Thụ ở Maryland là em kế của anh Tiếp. Khi tìm gặp được nhau, chị Huyền Thanh và anh Thụ nhận tôi là người em. Sau đó là sự khuyến khích của anh chị em, bạn bè thân hữu thuộc nhiều giới khác nhau mà tôi chỉ có thể ghi lại một vài người ở đây.
Ngay từ đầu có hai người em họ tôi là vợ chồng Phương-Dung ở Hershey, các bạn tù như Dương Văn Lợi và chị Germaine ở Paris, Nguyễn Tiến Đạt ở San Barnadino, Trần Nhật Kim ở Virginia, Nguyễn Tôn Tính ở San José, Phạm Hùng Thọ ở Sydney…và các người bạn như anh Đinh Hùng Cường ở Virginia, cô Hồ Bạch Lan ở Toronto, cô Trần Thị Kim Loan, và người bạn học từ nhỏ là Anh Nguyễn Hữu Trà ở Virginia… Các anh chị Phùng Văn Tuệ ở Santa Ana, chị Hoàng Thị Bích Đào và anh chị Bác sĩ Trần Văn Cảo ở San José…
Về sau này các người bạn như anh chị Võ Đại Tôn ở Santa Ana, Nguyễn Văn Tấn ở Toronto, Bác sĩ Đỗ Văn Hội ở Orlando, anh Châu Hoài ở Dallas…và nhiều bạn bè thân hữu khác. Riêng anh Trần Văn Ngà, chủ nhiệm báo Tiếng Vang ở Sacramento và chị Kiều Mỹ Duyên có chương trình phát thanh và truyền hình ở Santa Ana không ngừng khuyến khích và sẽ tiếp tay giới thiệu quảng bá tập Bút Ký.
Ngoài ra hai người bạn là anh chị bác sĩ Nguyễn Huỳnh Anh ở Sacramento lúc nào cũng hỏi tôi: “Chừng nào Cậu Bảy xong cuốn sách?” Lúc ở Mỹ cũng như khi về đây rồi tôi vẫn “bị” hỏi như thế! Anh chị Huỳnh Anh-Liễu luôn khuyến khích và giúp tôi về nhiều mặt. Hai người bạn nghệ sĩ là anh Vũ Hối ở Maryland và cô Tina Thanh Hương ở Sacramento đã làm sẵn con dấu tặng tôi dùng trong ngày… ra mắt sách! Mặc dù bản thảo còn đang dở dang!
Tuy nhiên còn một việc nặng nề cụ thể khác là in ấn và làm sao chuyển sách tới tay bạn đọc. Tôi nghĩ tới người bạn thân là anh Trần Quốc Bảo ở California, người đã khuyến khích tôi rất nhiều trong việc này. Tôi gọi anh Bảo trình bày khó khăn và nhờ anh giúp. Anh Bảo trả lời “Cha Lễ ơi! Vì cha ở xa quá, nên con sẽ giúp cha. Cha cứ yên tâm đi vì con coi việc của cha cũng như việc của con”. Chắc tôi không cần viết gì thêm về anh Bảo, vì câu nói ngắn gọn đó đã nói lên tất cả. Có điều tôi hơi ngắc ngứ là anh Bảo vẫn dùng lối xưng hô theo tước vị tôn giáo đó làm tôi thấy khó, vì anh là người bạn, vả lại anh là một tín đồ Phật giáo. Tôi tin chắc là anh chị Bảo và hai cháu Hương, Kiếm hiểu được lòng quý mến của tôi.
Tôi ghi nhận sự tận tình của anh Võ Triều Sơn, Thầy Nguyễn Văn Chọn, anh Nguyễn Hữu Lợi, hai cháu Trí và Ngọc ở Sydney giúp rà soát từng hàng của bản thảo trước khi gởi tới nhà in và các người bạn là anh Trần Phong ở Colorado giúp trình bày bìa sách; anh chị Trần Giác, chủ nhà in Bamboo ở Sydney giúp tạo điều kiện dễ dàng để có ấn bản tại Úc Châu.
Đặc biệt tôi ghi nhận sự quan tâm, khuyến khích góp ý kiến để sửa bản thảo và giúp đỡ phương tiện in ấn của hai người con tinh thần tôi là vợ chồng Huỳnh Kim-Trầm Minh Phụng tại Auckland.
Có người hỏi tôi về tựa đề “Tôi Phải Sống” của tập Bút ký. Tôi trả lời, bạn sẽ hiểu khi đọc bài số 9 trong tập sách này.
Để giúp bạn đọc dễ dàng theo dõi, tôi chia tập Bút Ký này ra làm 3 phần. Ngoài hai bài Vào Chuyện và Cuối Chuyện sẽ có 11 bài gồm những câu chuyện liên kết nhau theo thứ tự thời gian, sau cùng là Phần Phụ Trương và hình ảnh. Mặc dù là từng bài riêng biệt nhưng được xếp theo thứ tự có chủ ý, vì vậy xin bạn đọc hãy khoan phê phán và chưa có ý kiến vội trước khi đọc xong hàng cuối cùng của phần Phụ Trương.
Cũng có mấy người bạn giúp tôi một vài chi tiết về con số, ngày, tháng…mà đã quá lâu tôi không còn nhớ rõ. Dù sao sách này cũng còn nhiều thiếu sót, tôi mong sự cảm thông của bạn đọc và ước mong giúp tôi bổ túc. Đa số những người tôi nhắc tới trong tập Bút Ký này hiện đang sống tại Mỹ, Việt Nam, Pháp, Úc, Đan Mạch, Canada, New Caledonia, Anh Quốc, Đức, Ý, Bỉ, Hòa Lan, New Zealand… Phần đông tôi đã có dịp gặp lại hoặc điện thoại thăm hỏi hay tiếp xúc qua thư từ, một số có hình ảnh trong tập Bút Ký này. Dĩ nhiên, có một số người đã nằm xuống, xin bạn hãy dừng lại một phút để tưởng nhớ và cầu nguyện cho họ được siêu thoát.
Đôi lời chân tình tôi xin gởi tới các ân nhân, thân nhân, anh em bạn bè và thân hữu. Tôi nhớ từng người nhưng không thể nào kể hết ra đây, xin các bạn hiểu cho tôi điều đó. Chính vì sự đóng góp của quá nhiều người về nhiều mặt nên tôi xin gọi tập Bút Ký ”Tôi Phải Sống” này là “cuốn sách của chúng ta.”
Với lòng quý mến và biết ơn sâu xa của tôi.
L.M. Nguyễn Hữu Lễ
THAY LỜI TỰA
Bạn đọc thân mến,
Tôi vui mừng biết bao khi được gửi tới bạn món quà mà bạn đang cầm trong tay. Đối với tôi, đây là một món quà rất quý vì là kết quả sự đóng góp công sức và sự khuyến khích của nhiều người. Từ nhiều năm qua tôi đã ngồi lựa chọn lại những chất liệu đa dạng cho cuốn sách.
Trước tiên là hồi tưởng các sự kiện xảy ra và sau đó đã phải khổ tâm nhớ lại từng xác người chết, sự đánh đập tra tấn cùm kẹp dã man, sự hận thù, lòng dạ phản trắc hòa lẫn với lòng nhân đạo, tình yêu thương, sự thân ái. Tôi nhớ tới màu đen ghê rợn trong đáy địa ngục, pha lẫn với màu hồng của tình người. Những yếu tố này và bao nhiêu điều tương phản khác đã xảy ra cho chính bản thân tôi và nhiều người khác mà tôi đã chứng kiến trong một thời gian khá dài kết tinh thành những dòng chữ trong các trang sách này.
Những sự kiện và hình ảnh tôi ghi lại một cách trung thực trong Bút Ký này nhiều khi rất thương tâm. Tôi viết lên không phải để oán trách cuộc đời và con người, nhưng muốn dùng các sự việc đó như một bài học của lịch sử, để nhiều người nhất là thế hệ trẻ mai sau biết được quá khứ và tránh không trở lại vết xe cũ.
Mục đích tập Bút Ký này để làm món quà gửi tới toàn thể đồng bào Việt Nam. Số tiền tượng trưng nào đó được ghi ở bìa sách chẳng qua là để giúp phương tiện in ấn, chuyên chở, phân phối v.v… để trao tập Bút Ký này tận tay bạn đọc. Và đó cũng là phương tiện duy nhất giúp tôi làm lộ phí để từ New Zealand tôi có thể tới thăm bà con và đồng hương trong dịp ra mắt cuốn sách.
Một chuyện rất riêng tư nhưng tôi cũng xin được lạm dụng vài hàng ở đây. Tôi coi tập Bút Ký này là món quà trân quý mà tôi kính cẩn gửi tới bạn trong dịp tôi “thọ” 60 tuổi! Tôi tuổi Quý Mùi, tuổi con Dê. Ông bà mình thường nói: “Nam Nhâm Nữ Quý”. Vì câu nói đó nên có lúc tôi ngồi nghĩ quẩn: “Giá mà mình sinh sớm một năm, năm Nhâm Ngọ, hoặc năm Quý Mùi cũng được nhưng nếu là Nữ, chắc đời mình sẽ sướng hơn! Nhưng đã muộn rồi!”
Thân ái chào và mời bạn theo dõi câu chuyện.
L.M. Nguyễn Hữu Lễ
No comments:
Post a Comment