Monday, December 12, 2011

HỘI LONG HOA III

CHƯƠNG THỨ SÁU

Phần-Giải- Thuyết

I.- NGƯỜI CÓ ĐIIỄN LÀNH: CÔ TRÚC LÂM NƯƠNG

Thế nào là có điễn lành? Và điễn lành với huệ khác nhau thế nào?

Như chúng ta đã biết người có huệ là người tự tâm sáng tỏ.Và cho được có huệ phải tu luyện phép Lục Độ, lắng lặng cái tâm, nghĩa là, nói theo danh từ Phật học, do Tự lưc mà có.Còn người có điễn lành là người nhờ có một vị siêu phàm nào tiếp điễn cho, nghĩa là sự sáng tỏ do Tha lực mà có.Bởi thế, người có huệ thì sự sáng tỏ, giờ phút nào cũng có, còn người có điễn lành thì sự sáng tỏ chỉ có trong những lúc được tiếp điễn.

Muốn cho dễ hiểu, chúng tôi xin đưa ra một thí dụ cụ thể.Như một chiếc xe hơi, sở dĩ chạy được là do viên tài xế điều khiển.Ở người có huệ thì sự sáng tỏ do tâm, cho nên có thể ví như viên tài xế tự mình điều khiển lấy chiếc xe, bất cứ lúc nào muốn cho xe chạy cũng được.Còn người có điễn lành thì khác.Chiếc xe cử động là do viên tài xế điều khiển, ở đây là một đấng thiêng liêng, còn người có điễn lành ví như người ngồi một bên viên tài xế.Bởi thế chiếc xe chạy được là do viên tài xế chớ không do người ngồi một bên.Hễ viên tài xế không có thì chiếc xe không có thể chạy được.Trường hợp của người được tiếp điễn là như thế.

Tuy rằng sự sáng tỏ của người có điễn lành là do sự tiếp điễn mà có, nhưng cũng nhờ sự tiếp điễn ấy mà người được tiếp, nếu biết dọn mình và gắng chí tu hành chơn chánh cũng được mở tâm linh và lần lần cũng sáng tỏ.

Nhưng trường hợp này rất hiếm.

Người có điễn lành chẳng những khác với người có huệ, và cũng khác với đồng bóng và cầu cơ.

Về đồng bóng thì phải thượng xác, mỗi khi muốn cầu một đấng thiêng liêng nào đó.Người Thượng xác mỗi lần lên là mỗi lần ợ ngáp biểu hiệu một trạng thái không còn tự biết mình, vì phần xác đã cho đấng thiêng liếng nào đó mượn rồi.

Thế cho nên, khi đấng thiêng liêng thăng thì phần xác không còn nhớ những điều gì của mình đã làm trong lúc lên đồng.Người có điễn lành thì không thế.Khi muốn rat hi bài hay giảng giải điều chi thì người được tiếp điễn không có đổi trạng thái, vẫn ngồi nói năng như thường.

Người có điễn lành còn khác với lối cầu cơ ở chỗ: cầu cơ thì phải có đàn cơ, có đồng tử.Mỗi lần cầu là mỗi lần phải nguyện vái và muốn cầu phần thiêng liêng nào thì nguyện thỉnh phần thiêng liêng ấy.

Bởi thế một đàn cơ có thể tiếp nhiều vị thiêng liêng xuống cơ.Còn người có điễn thì không thế.Bất cứ giờ phút nào hễ muốn cầu một điều gì thì người có điễn lành được vị thiêng liêng tiếp điễn ngay, và chỉ có một vị thường trực; cũng có khi được một vài phần thiêng liêng khác tiếp điễn, nhưng trường hợp nầy ít xảy ra.

Như thế chúng ta có thể hiểu rằng người có điễn lành là người được một đấng thiêng liêng nào đó tiếp điễn.Về những thi bài hay diễn giảng trong lúc được tiếp điễn, ai cũng nhận thấy là siêu phàm thoát tục.Một điều kỳ diệu là những người được tiếp điễn lại vốn là người ít học hay có học nhưng ở mực phàm nhơn.

Ấy thế,mà khi được tiếp điễn thì sáng tỏ một cách lạ thường, viết văn thơ lưu loát, chưa hẳn người có học uyên bác hay những tay thi bá sánh kịp.Chẳng những thi bài thoăn thoắt siêu nhiên mà còn đượm mùi huyền cơ mầu nhiệm, óc phàm không thể lường nổi.Bởi thế, những người đến thử thách đếu phải ngạc nhiên trước những phút người được tiếp điễn, mà bình sanh họ biết sức học hỏi, hiểu biết không đến đâu.

Đó là một điều huyền diệu mà các đấng thiêng liêng tá hiện để thức tỉnh người đời trong thời kỳ mạt kiếp này.Một điều ai ai cũng phải kinh ngạc là người được tiếp điễn giải thuyết về Tận Thế và Hội Long Hoa rất phù hạp với Sấm Giảng hay những điều tiên tri của các bậc siêu phàm đã cho biết.

Phải chăng cơ tận diệt đã gần mà người có điễn lành xuất hiện rất nhiều?

Trong số đó, chúng tôi xin giới thiệu cô Trúc lâm nương ở Gia Định mà nhiều người được biết.Vậy cô giải thuyết về Tận Thế và Hội Long Hoa thế nào?

GIẢI THUYẾT VỀ TẬN THẾ VÀ HỘI LONG HOA

Cô Trúc lâm nương cũng giải thuyết rằng: thời kỳ này là thời kỳ mạt pháp, cuộc đời sẽ tiến đến cơ tiêu diệt.Mà đó cũng chẳng qua là luật tuần hoàn đã định, vì chúng sanh quá đắm say trần trược, gây quá nhiều quả báo, cho nên hễ vay nhiều thì phải trả nặng. Trong bài “ Nhân, Xuân vấn đáp”, cô mượn lời xuân mà tỏ bày cái lý siêu mầu ấy:

Thiện Nhân hỡi! đôi lời tax in gởi,

Cuộc tuần hoàn tạo hóa đã định phân.

Vì chúng sanh say đắm vị hương trần.

Thời mạt pháp, vay nhiều nên trả nặng.

Và để cứu vớt chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp, các đấng Phật, Thánh, Tiên lâm phàm và xuất hiện ở nước non nhà.Cô Trúc lâm nương cũng mượn lời xuân để đáp:

Là tri kỷ, đôi lời tax in nhắn,

Phật, Thánh, Tiên xuất hiện nước non nhà.

Độ chúng sanh, giữ vững khắp san hà,

Đời mạt pháp hoằng khai thành chánh pháp.

Chính nhờ phép mầu của Phật, Thánh, Tiên mà các hùng binh đều giải giáp, Thánh Chúa xuất hiện lập lên đời Thượng Nguơn rực rỡ:

Cơ mầu nhiệm hùng binh đều giải giáp,

Đời Thượng Nguơn rực rỡ ánh mây hồng.

Khắp bầu Trời tỏ rạng bóng Lạc Long,

Cùng Chúa Thánh điểm tô sông núi Việt.

Trong các Sấm Giảng cho biết rằng: trước khi đi đến Hội Long Hoa, loài người phải điêu linh về tai trời ách nước, như nạn binh đao, nạn sấm nổ, nạn lửa trời, nạn Đại Hồng thủy…

Thì đây cô Trúc lâm nương cho biết những biến cố xảy ra từ đây đến ngày Hội Long Hoa và lập đời Thượng cổ.

Chúng tôi xin tuyển chọn những bài trong đó cô có nói đến sấm nổ:

Bão tố đầy trời ngoại xứ Âu,

Nước tràn lợp đất đổ nghiêng bầu.

Đau lòng bạc gió chim sa bẩy,

Não dạ mê mồi cá mắc câu.

Rồng lộn sông vàng mây tái mặt,

Sấm rền rừng thẳm núi tơi đầu.

Việt Nam tỏ rạng màu Anh Thánh,

Rưới đức năm châu, chủ bà hầu.

Câu “ Sấm rền rừng thẳm núi tơi đầu” đủ mô tả cảnh tượng khi sấm nổ thì núi phải vỡ tan, như các Sấm Giảng đã nói.

Về nạn nắng lửa mưa dầu, cô Trúc lâm nương có đề cập đến trong bài thơ dưới đây:

Đốt nén tâm hương tựa mái lầu,

Đoái nhìn khói lửa khắp năm châu.

Mây giăng chẳng phủ bao giòng lệ,

Trăng tỏ khôn soi mấy đoạn sầu.

Xót bấy nạn dân chan nắng lửa,

Thương thay ách nước đẵm mưa dầu.

Cơ Trời mầu nhiệm cơ huyền định,

Tiếng khóc nhơn sinh tiếng khóc đầu.

Và đây bài thơ cô có nói đến nạn lửa Trời và Hồng Thủy:

Bốn phương cùng động can qua,

Tìm cho được chốn Tam Hòa bảo thân.

Có lời nhắn khách tu chân,

Đừng ngơ ngác giữa đàng trần mà nguy.

Cuộc thế suy, lòng người suy,

Đông Nam đại loạn chia ly muôn phần.

Lửa trời hực cháy rần rần,

Hồng thủy nước xoáy, xoay vần càng khôn.

Tìm cho đến Bảo giang môn,

Là nơi Chúa Thánh Chí Tôn tọa thiền.

Cầu xin được phép diệu huyền,

Hài vân thoăn thoắt đến miền Đế kinh.

Đợi thời trăng lặng bề kình,

Long Hoa thánh tựu phỉ tình ngao du.

Về Hội Long Hoa cô Trúc lâm nương có bài thơ sau đây, với câu khoán thủ: “ Long Hoa Đại Hội hợp nhứt linh căn”.

Long môn Di Lặc ngự tòa sen,

Hoa quí Quan Âm tọa trước đèn.

Đại mở chơn thần nhuần thạch thủy,

Hội hòa kim tánh đượm hương sen.

Hợp hoàn chín cõi trên thềm ngọc,

Nhứt thống năm châu dưới ánh đèn.

Linh diệu phép mầu qui một mối,

Căn nguyên huờn bổn thắm mùi sen.

Trong bài thơ này cô chỉ dùng hai vận: sen và đèn, cũng là một lối thơ rất khéo như thơ độc vận.

Cũng như Sấm Giảng , cô Trúc lâm nương cho rằng giống dân Lạc Hồng sẽ trổ mặt, bình trị bốn phương, các nước đều lai đầu Minh Chúa:

Non tòng vị thắm chảy tràn Âu,

Bát ngát hương bay khắp trọn bầu.

Đương lúc gió đùa cây đổi lá,

Giữa mùa sóng bủa cá vương câu.

Ra nhân mở khóa năm châu hội,

Trổ đức khai cơ tám hướng đầu.

Hồng Lạc làu bàu lòa ngọc chiếu,

Bốn phương bình trị đến Minh hầu.

GIẢI QUYẾT VỀ THƯỢNG NGUƠN VÀ CHÚA THÁNH

Cô Trúc lâm nương cho rằng khi Hùm sa lưới và Ngạc vướng câu, ám chỉ hai cường quốc tranh hùng mong bá chiếm hoàn cầu thì giống dân Lạc Hồng qui phục được năm cõi mà lập nên đời Nghiêu Thuấn:

Thuyền giác muốn chèo đến bến Âu,

Đón đưa căn quí hội chung bầu.

Bởi xa rừng Thánh, Hùm sa lưới,

Vì đắm bến trần, Ngạc vướng câu.

Rối dạ gió đùa dân tản lạc,

Thỏa lòng biển cạn nước quay đầu.

Ai hay Hồng Lạc qui năm cõi,

Đất Thuấn Trời Nghiêu tụ bá hầu.

Phụ hoa theo Sấm Giảng, cô Trúc lâm nương nhận rằng đến thời kỳ lập đời Thượng Nguơn, đất Thuấn trời Nghiêu, thì tam giáo qui nguyên, Đức Phật Di Lặc ra hoằng khai chánh pháp, qui tụ thất tập nhị hiền, tam thiên đồ đệ:

Lập đời Thượng Cổ đạo cao thâm,

Tam giáo qui nguyên định chẳng lầm.

Chánh pháp hoằng khai, ngôi Di Lặc,

Quần tu phổ độ; sắc Quan âm.

Tam thiên ngũ hiệp qui lai thế,

Thất thập nhị hiền tụ giáng lâm.

Bốn hướng tuần du công Thánh mẫu,

Bàn đào mở hội đón linh căn.

Chính đó là thời kỳ bình trị muôn dân lạc nghiệp âu ca.Chừng đó mới biết nhà Nam có Bảo Hà, giống dân Lạc Hồng rỡ rỡ:

Lạc Hồng rỡ rỡ chôn triều ca,

Mới biết nhà Nam có Bảo Hà.

Xích tử ra đời an vạn quốc,

Hào quang chói rạng khắp gần xa.

Xà chuyển ánh hồng rọi sắc long,

Mới hay cháu phụng với con rồng.

Càn khôn chuyển máy âm dương định,

Rực rỡ muôn năm ánh Lạc Long.

Thượng cổ lai huờn dấu Lạc Long,

Huyền cơ xoay chuyển rực trời hồng.

Vân môn, Trước địa chi thiên lý,

Hội chốn Bảo Hà mới rõ thông.

Nhưng chốn Bảo Hà cũng gọi là Bảo Giang ở đâu? Chính đó là bí quyết để tìm ra chỗ Thánh-Vương xuất, mà cô Trúc lâm nương thường thử thách:

Đố ai biết Bảo giang môn?

Là nơi Thánh địa Thiên Tôn định phần.

Làu bàu ngọc chiếu cảnh trần,

Là nơi Tiên, Phật, Thánh, Thần, xuất thân.

Xuất kim thân, hóa kim thân,

Ly nơi Đông thổ xoay vần Tây phương.

Về danh từ Bảo Giang hay Bảo hà, chúng ta thấy cô Trúc lâm nương vẫn nhắc đến luôn.Nhưng Bảo giang ở đâu?

Danh từ Bảo giang có phải là một danh từ mới lạ không? Nếu ai có nghiên cứu về Sấm Trạng Trình, chắc nhận thấy danh từ Bảo giang hay Bảo giang môn được lập đi lập lại mãi.

Đây chúng tôi xin trích ra một vài đoạn có nói đến Bảo giang như:

Lại nói sự Hoàng giang sinh Thánh,

Sông Bảo giang Thiên định ai hay?

Hoặc là:

Trí xem nhiệm nhặt cho tường,

Bảo giang Thánh xuất Trung ương thuở nầy.

Hay là :

Bảo giang Thiên tử xuất,

Bất chiến tự nhiên thành.

Cũng cho biết Bảo giang là nơi xuất Thánh và Thánh xuất ở Trung Ương, nhưng không chỉ Bảo giang là ở nơi nào.

Sở dĩ chúng tôi đem đối chiếu mấy đoạn văn của Sấm Trạng Trình với những danh từ của cô Trúc lâm nương đã dùng là để cho ta thấy cô Trúc lâm nương chịu ảnh hưởng của Sấm Trạng Trình rất nhiều.

Chẳng những về danh từ, cô Trúc lâm nương chịu ảnh hưởng của Sấm Trạng Trình mà về sự nhận định thời cơ, chúng tôi chúng tôi cũng thấy cô ngã theo Sấm Bạch Vân và các Sấm Giảng.

Đây chúng ta hãy đọc bài nầy của cô cô Trúc lâm nương:

Xà chuyển long thăng Thánh xuất trần,

Còn chờ thân dậu mới an dân.

Ngọ mùi thảm họa sầu không tả,

Thìn tỵ can qua khổ chẳng phân.

Phấp phới cờ hồng xâm đất Việt,

Chập chồng xương trắng ngất non Thần.

Mưa dầu nắng lửa mười năm chẵn,

Nước nảy tôi hiền trổ Chúa nhân.

Như thế chúng ta thấy không xa với Sấm Giảng và Sấm của Trạng Trình về bài “ Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh”, nhưng có điều cô nói rõ về việc qui kỳ Thánh Vương xuất hiện.

Cô rất tha thiết trông mong Thánh vương xuất hiện, trong bài thơ khoán thủ dưới đây:

Chí khí công minh chí nguyện thành,

Tâm hòa ý đẹp nhứt tâm sanh.

Mộng người Đại đức nơi thềm ngọc,

Tưởng kẻ từ bi chốn cửa thanh.

Thánh đạo nghiệp duyên còn chọn đón,

Vương minh ngôi vị sẵn riêng dành.

Xuất năm rồng giỡn cùng non nước,

Hiện giữa trời Nam một giống lành.

II.-THIÊN THƠ

Trong các Sấm Giảng, cũng như mấy vị có huệ và điễn lành đều nhận rằng nước Việt Nam sau nầy sẽ dẫn đầu thế giới và trong ngày Hội Long Hoa, Thánh Chúa xuất hiệt trên đất Việt Nam, nhưng chưa giải bày rõ tại đâu nước Việt Nam hữu phước và sẽ là cõi Trung Ương sau nầy, nghĩa là trung tâm điểm của nền văn minh Thượng Nguơn.Cô Trúc lâm nương có cho biết Thánh Chúa sẽ xuất hiện ở Bảo giang môn, nhưng không noi Bảo giang môn ở đâu?

Nay nhơn đọc quyển Con đường nao? Của tác giả A.T.Y. có thấy giải thuyết những chỗ thắc mắc ấy, nên chúng tôi xin trình bày ra đây để thêm sự hiểu biết về vấn đề Tận Thế và Hội Long Hoa.

Cứ theo tác giả thì quyển “ Con đường nào” viết theo tài liệu quyển Huyền Diệu Thiên Thơ mà tác giả may mắn được một dị nhân tặng cho ở vùng Thất Sơn.

Trước khi vào đề, tác giả nêu lên một bài thơ có thể nói, tóm lược những điều Sấm Giảng đã giải về cõi đời Hạ Nguơn, hiện tượng khi sấm nổ, Hội Long Vân và Long Hoa, Tam giáo qui nguyên, ngũ chi hiệp nhứt, giống dân Hồng Lạc lập nên dòng Bích Ngọc sau nầy… Chỉ có tám câu thơ mà gồm đủ các biến thiên của nước Việt.

Việt Nam xuất hiện Hạ Nguơn kỳ,

Thánh Tổ lâm phàm hiệp ngũ chi.

Ba tiếng sấm vang khai địa nguyệt,

Bảy nguồn thủy dựng tảo sơn kỳ.

Rồng Mây Phật hội Phong Thần mạng,

Sen nở, Long Hoa vạn quốc qui.

Ớ hỡi! Lạc Hồng nền Bích Ngọc,

Vững lòng Chúa ẩn, hạnh duyên tùy.

Cốt yếu của quyển “ Con đường nào” là quyết định chắc chắn có Thánh Nhân ra đời hay chăng?Đó là cả mục đích của quyển “ Con đường nào” mục đích tìm Thánh Nhân và vì đâu nước Việt Nam có phước được Thánh Nhân xuất hiện và được nảy nở một giống dân Bích Ngọc sau nầy?

Muốn đạt được mục đích tìm Thánh Nhân ấy, tác giả nêu lên hai nguyên lý để làm mục phiêu trong sự suy cứu:

1.Nguyên lý cõi trần sắp có Thánh Nhân ra đời.

2.Nguyên lý Thánh Nhân ra đời.

Trước hết chúng tôi đề cập đến Nguyên lý thứ nhứt.

Muốn biết có Thánh Nhân ra đời hay không tác giả xét qua mấy khoản sau đây:

a) VĂN MINH VẬT CHẤT HIỆN TẠI.-Về phương diện khoa học, thì loài người đã thông minh tuyệt bực,phát minh nhiều máy móc tân xảo.Nếu sánh với năm mươi năm về trước thì trình độ ngày nay đã tiến hóa rất nhiều, từ chỗ phiền phứt tiến đến chỗ giản tiện mỹ thuật.

Về phương diện sinh lý, tình cảm, tư tưởng và xác thân của người đời nay,biến đến chỗ mịn màng, sắc xảo, thông minh, một hiện tượng là trẻ con ngày nay có nhiều cảm tưởng rất sâu xa.

b) PHONG TỤC.- Nhờ sự giao thông mau lẹ, phong tục của xứ nầy chịu ành hưởng của xứ kia mà thay đổi.Con người ở bên Á Châu tiêm nhiễm trực tiếp hay gián tiếp văn minh thế giới mà không hay.

c) SỰ CHÊNH LỆCH VỀ TINH THẦN.-Bị văn minh khoa học cám dỗ, con người ham mê theo vật chất kim thời, lăn mình vào cuộc tranh đấu để thỏa thích tâm phàm.Vì quá sai mê vật chất mà một ngày một xao lảng phần cao siêu của tinh thần.Chính vì đó mà “ cuộc thế đảo lộn xoay vần, đang lôi cuốn chúng sanh vào đời mạt pháp”.

d) GIÁO LÝ XƯA HẾT HIỆU LỰC.-Tác giả đưa ra gương Phật giáo suy vi ngày nay, để chỉ rằng giáo lý xưa không còn hiệu lực,” mặc dầu hôm nay chúng ta thấy Phật giáo còn thạnh hành nhưng chẳng qua là sự tín ngưỡng thờ phượng mà thôi.Đường tu luyện bị sai siển rất nhiều, hoàn cảnh hỗn loạn lôi kéo con người càng ngày càng xa đường đạo, mặc dầu còn mỗi ngày lễ bái đốt hương”.Mà sở dĩ có cảnh tượng suy đồi ấy là bởi ngày nay “ cảnh đời hiện tại khiến người giàu thì ham mê vật chất, đeo đuổi theo danh lợi nhãn tiền, sung sướng tạm thời trong vật dục, không cần đến đường đạo hạnh cao thâm”.Còn kẻ nghèo thì vấn đề “ cần sống” còn đâu đầu óc lo nghĩ đến đạo đức.Chính vì thế “ tâm phàm không thể bình tỉnh mà tu niệm được.Nơi am tự chùa chiền còn bị tàn phá, no8i miếu võ còn bị tiêu tan, huống chi là kẻ thường dân làm sao cho khỏi bị đảo điên trăm bề?”

e) THỜI LOẠN BẮT BUỘC.- Tác giả nhận rằng: hiện nay chẳng riêng gì nước Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới đều lâm vào tình cảnh của một cuộc nổi loạn.Vì sự cần sống mà con ngườinhập phe đảng để tranh đấu nhau, chính đó là nguyên nhân của cuộc nội loạn nước nào theo nước nấy.

f) ĐỜI SẮP TÀN.-Vì đâu đời sắp tàn? Tác giả đưa ra hai nguyên nhân:

- Vì sự cần sống mà loài người sanh ra tội ác đến cực điểm, sát hại nhau không biết gớm. “ Đời càng chế tạo nhiều máy tinh vi mầu nhiệm, khí giới tối tân lợi hại mà thiếu đức hạnh hiền lương thì càng dẫn con người đến chỗ tàn sát nhau không dứt”.Mà đó cũng là cơ Tạo hóa khiến hạng người hung ác phải tiêu diệt, còn hạng người hiền lương thì được sống sót để lập nền tảng cho giống dân thứ sáu ra đời.

- Theo luật vũ trụ, trái đất phải thay đổi cảnh vật núi non sông biển vào khoản 2100 năm một lần và biến chuyển, lấp biển dời non, biên giới sụp đổ một kỳ là 12000 năm.Mỗi lần thay đổi san hà thì mỗi lần chúng sanh biến động tâm lý, xác thân cũng theo cảnh trần mà biến hóa.

g) TỪ TRÍ TUỆ ĐẾN GIẢI THOÁT.-Với sự phát minh khoa học, con người đã tiến đến một trình độ quá cao về vật chất lẫn tinh thần. “ Trong thế kỷ nầy chúng sanh phần nhiều đã đến trình độ tiến hóa vật chất cực điểm, tầm đến nguyên lý sanh tồn của vạn vật, cái luật vũ trụ tiến hóa vô cùng hơn hồi đời Xuân Thu bên Tàu nữa”.Nhưng vì quá đắm theo vật chất mà thành ra mê chấp.Chính vì sự mê chấp mà con người phải đi đến chỗ tiêu diệt.

Hạng người tiến hóa không kịp trình độ giải thoát thì bị tiêu diệt, còn hạng người đủ điều kiện giải thoát thì được sống sót, tạo lập đời mới cho giống “ Dân Bích Ngọc”.Giống dân nầy phải nhờ bực Thánh Nhân lâm phàm chỉ dạy phương pháp giải thoát đường mê chấp.

Xét qua các nguyên nhân vừa kể trên, tác giả kết luận: thế nào cũng có Thánh Nhân ra đời trong thời kỳ nầy.

NGUYÊN LÝ THÁNH NHÂN RA ĐỜI

Muốn biết Thánh Nhân giáng sanh ở xứ nào, cần phải xét qua ba điều kiện:

· Thời thế.- Thời thế là thời cơ vận mạng của một nước, và thế lực thạnh suy của nhơn dân.Thời thế hiện ra cho đúng sự cần dùng sức lực của Thánh Nhân.

· Hoàn cảnh.- Phải đủ hoàn cảnh thuận tiện, địa thế và xã hội.Nghĩa là Thánh Nhân giáng trần trong cảnh: trên thì hạp lòng trời, dưới thì hạp lòng chúng sanh để cho Ngài dạy dỗ được mau lẹ.

· Nhân tâm.- Do duyên nghiệp và trình độ con người trong đường tu niệm,Nếu nhơn dân không đầu óc tu niệm, tâm trí hoang mang theo vật chất, lòng dạ độc ác tham lam, Thánh nhân nào có ra đời nơi ấy được đâu.Ngài ra đời không hạp nhơn tâm, ai hưởng ứng theo Ngài? Bởi vậy Ngài lựa xứ nào có tiền duyên hiền lành với Ngài,( Vì bực Thánh Nhân thường được chứng quả đến La Hán Phật, được quyền tự do chọn lựa cho đầu thai giúp đời, nếu như không giúp đời bằng cách giáng trần thì không đầu thai cũng được, vì La Hán Phật là hạng đã thoát luân hồi quả báo rồi) phần đông có chí tu hành và phải đến nấc thang tiến hóa cần thiết Ngài mới lâm phàm giúp đỡ.

“ Xứ nào có đủ ba điều kiện trên kia, thì nơi đó Thánh Nhân xuất hiện chẳng sai.Bây giờ các nước trên thế giới coi xứ nào có đủ ba điều kiện ấy?”

Trước hết tác giả xét qua các nước bên Châu Âu thì thấy rằng: “ Gần hết các nước văn minh bị khoa học trói buộc, lôi kéo vào cảnh tham vọng tài sản, vật chất, quên hết sự quí báu tinh thần.Tuy rằng từ 1800 có một vài người tu hành đắc đạo như Le Comte de Saint Germain, và có hội Thông thiên học xuất hiện ban rải thuyết “ Huynh đệ đại đồng” trong các dân tộc. Chúng ta không quên phong trào Thôi miên học P.Jagot, anh em ông Durville, và Thần linh học A.Kardec, giúp đỡ người Âu rất nhiều về sự thức tỉnh tinh thần khỏi đường lầm mê vật chất.Nhưng người Âu bị khoa học có kết quả nhãn tiền làm thõa mãn tâm phàm, vật chất lôi cuốn quá mạnh, thành thử một bên thì lăn xả vào đường tranh đấu, còn một bên thì an phận với chủ nghĩa “Huynh đệ đại đồng” của giáo lý Thông thiên học đang hồi thạnh hành khắp nơi”………….

Xét qua Ấn độ thì mặc dầu ở nước nầy có Trung ương hội thánh Adyar Madras, truyền bá giáo lý Thông thiên học nhưng các bực ấy còn thiếu điều kiện kiến tạo đời An lạc, vì một vị Tiên hay Phật muốn xuống trần phải có sáu điều kiện căn bản nầy:

1.-Phải đắc quả La Hán Phật, hoặc chiếm được sắc lịnh Tiên ban.

2.-Phải đi vào đường hy sanh hạnh phúc cõi Bồng Lai Cực Lạc để chịu đầu thai làm phàm tục.

3.-Phải đủ năng lực tiến hóa vật chất, tinh thần cho hạp hoàn cảnh và thời thế dưới cõi trần.

4.-Phải lập lời Thệ nguyện gánh vác công việc của chúng sanh đến nấc thang tiến hóa nào?

5.-Phải có nhân duyên với phần đông dân sự ở xứ đó.

6.-Phải có nhân duyên đầu thai xuống cõi trần cho kịp lúc nhân dân đang cần gấp người giúp đỡ.

“ Tất cả điều kiện trên, có hai khoản Nhân duyên là quan trọng nhứt.Bởi vì nếu một vị Tiên, Phật quyết hy sanh giúp đời, có nhân duyên tiền căn với nước Mỹ, không thể giáng trần vào con nhà Việt Nam được.Lại nữa, nếu nhân duyên Thánh Nhân giáng sanh, chưa nhằm lúc chúng sanh cần gấp giúp đỡ thì công phu lâm thời của Thánh Nhân không còn hiệu lực gì nữa.”

Sau khi xét qua các nguyên lý về Thánh Nhân xuất hiện và các nước trên thế giới, tác giả kết luận: Việt Nam là Thánh địa vì Việt Nam có đủ điều kiện địa lý và dân tộc cho Thánh Nhân ra đời.

VIỆT NAM THÁNH ĐỊA

Và đây, tác giả xét qua phương diện địa lý của Việt Nam.

Nước Việt Nam có hai địa thế đặc biệt là hai mảnh đất phù sa do các sông lớn bù đắp, Hồng Hà và Cửu Long giang, lập thành Bắc phần và Nam phần Việt Nam.Nếu lấy khoa học địa lý mà xét thì cái đầu ở Nam còn cái đuôi ở Bắc.Nước Viện Nam được thắm nhuần con sông lớn nhứt, dài nhất trên thế giới.Nguồn nó bắt đầu tại núi Tây Tạng Hy mã lạp sơn chạy sang bên Tàu, bỏ ngọn về Việt Nam, hả miệng ra biển Đại thanh.Miệng Cửu Long vừa kết tụ nguơn khí, đầu Cửu Long vừa hiện đủ hình, thì nước Việt Nam có Tổ xuất hiện, Thánh Nhân ra đời giúp chúng sanh vào đường hạnh phúc.

Một con sông lớn nhứt thế giới, khởi nguồn nơi dãy núi Tây Tạng cao nhứt, dài nhứt, lớn nhứt ở hoàn cầu, làm sao khỏi linh hiển lạ thường?

Khoa địa lý dạy rằng hễ một dòng sông, bắt nguồn từ nơi đất địa hiển linh, núi cao ngàn năm không người ở,rừng rậm ngàn năm không ai tới lui, phóng lượn sóng nghênh ngang ngàn thu không cạn thì con sông ấy sẽ kết tụ nơi huyệt “ Long đảnh” một địa huyệt rất linh hiển phì nhiêu về vật chất, cao siêu tột bậc về tinh thần.Ngọn Cửu Long Giang là một dòng Bão giang anh liệt.oai nghiêm, vừa tạo thành nên vóc vạc hoàn toàn lối 100 năm nay.Kết liên với các núi,Cửu Long Giang xuất hiện ra 12 huyệt huyền diệu chấm đậm nét hùng vĩ trên địa cầu nầy.

Bắt đầu khởi kết tụ nguơn khí Âm Dương xây nên địa huyệt thứ nhứt tại THẤT SƠN( Châu đốc).Chỗ ấy ba huyệt thiên tiên hiệp lại làm Nê huờn cung, xuất hiện đúng ngày linh hiển TAM HUÊ TỤ ĐẢNH mùi hương lạ kỳ bí mật bay ra từ núi Sam đến núi Tượng.Chỗ ấy là cân não, cốt tủy của Cửu Long tên nó được hưởng ứng theo luồng điện thiên nhiên, oai nghiêm, từ bi, hùng vĩ đời sau gọi là KIM THÀNH HUYỆT. Đó là huyệt dương đã hiện, Cữu long kết lần với hai cốt núi Âm Phong, cô độc, lien hiệp thành cặp mắt Hà Tiên và Phú quốc là THỦY TRUNG HUYỆT.Tây ninh núi Điện Bà là HUỲNH MÔN HUYỆT, hai đảnh núi ấy thuộc về Âm, kết tụ nguơn khí tại Trung ương tạo nên ẤN ĐƯỜNG HUYỆT (Dương) để khai mở luồng điễn quang cho các huyệt kia vừa ngưng lại lối miệt Long xuyên , Bình mỹ( một dãy cù lao lớn chạy dài từ Bình mỹ xuống gần đến Cần Thơ).

Từ Kim Thành huyệt phóng xuống mũi Cà Mau và núi Kỳ Vân, hai huyệt dương nữa, một bên thì thành sóng mũi Cữu Long chấm dứt Cà mau ( tức là LÂM HUYỀN HUYỆT) một bên thì Hàm Rồng tại Kỳ Vân( tức là huyệt BÍCH NGỌC).Đồng cân với hai huyệt âm( Thủy trung huyệt và Huỳnh môn huyệt) hiện ra một huyệt thứ sáu (BÌNH NAM HUYỆT) tại núi Côn Nôn là chót lưỡi của Cửu Long.

Sáu huyệt Âm dương vừa kết tụ nguơn khí thì tại Trung ương huyệt, yết hầu Cửu Long, vừa khai mở gần Cần Thơ bây giờ, gọi là Trung ương Cửu Long huyệt.Lần lẩn ba cửa mở ra cửa Đại, Tiểu v.v… vừa thành tựu( năm Nhâm Thìn 1892) khiến cho ba nguồn thủy dựng tại Bình Nam châu chuyển động( lưỡi Cửu Long) làm cho các miền ở chánh cửa khẩu phải bị nạn lụt( Vàm cỏ, Gò công, Bến tre, và các cù lao nhỏ…) ba ngày ba đêm.Đó là bảy huyệt linh thiên chánh gốc của xứ Việt Nam mới ngưng kết được lối 100 năm nay.Đứng giữa hoàn cầu sự linh thiêng tân tạo là đầu Cửu Long giang, một nguồn Bảo giang thiên cơ đã định phải chói rạng sự huyền diệu nhứt hạng khắp bốn bể năm châu.Vì địa linh ấy mới sanh nhơn kiệt, các vị Thánh Tổn kim thời hễ thuộc Âm mạng thì phải xuất hiện (chớ không phải giáng sanh) dạy đời trong ba huyệt Âm( Thủy trung huyệt, Huỳnh môn huyệt, và Bình Nam huyệt).Còn thuộc Dương thì phải xuất hiện ở Thất Sơn Kỳ Vân và Cà Mau( Kim Thành, Bích Ngọc, Lâm Huyền huyệt).Nhưng mặc dủ Âm hay Dương mạng, tại gần Cần Thơ cũng là kết tinh của mối Trung ương, yết hầu Cửu Long, lập nền tảng bình phân nguồn sống vật chất cho nhơn dân, còn Kim Thành huyệt là nơi kết tụ tinh thần khiến cho Thánh Tổ sẽ lập căn bản, ban rải mùi từ bi, bác ái, Minh triết cho chúng sanh.

Bởi nguồn thiên cơ định cho xứ Việt Nam được hưởng ân huệ của Cửu Long giang cho nên chúng ta phải rút địa thế mà toán ra thạnh suy, hung kiết vận mạng của một nước một giống dân.Còn ngoài Bắc phần Việt Nam là cái đuôi Cửu Long lan tràn đến Vịnh Hạ Long là dứt tại cốt Hậu Đà của Long Vĩ huyệt ngang Vinh lên Lạng Sơn Cao bằng, có nhiều hầm mỏ và các tiểu huyệt, đã hiện ra từ 4000 năm nay bây giờ đã gần tàn rụi, bao nhiêu đời oanh liệt các bực tiền đế tiền vương đều lần lượt ẩn vào mây mù tịch mịch của thời gian.

Tạo hóa có một định luật bất tuyệt là vạn vật sanh hóa tiêu diệt theo thời gian, hết trồi đến sụt, hết thạnh tới suy, hết cao siêu đến hồi hỗn loạn. Cái luật tuần hoàn bí mật của giọt nước mưa luân chuyển từ nơi hải bà mênh mông không bờ bến, hay bổng lên tận trời xanh, ngưng kết mây mù, rơi tan xuống đất từ giọt nhỏ lăn lội qua các cảnh gió bụi, sạch trong rồi đến lúc thoát dòng “ Gian nan đau khổ” hiệp nhau thành một con sóng lăn mau về biển cả, rồi cũng đến ngày kia bay trở lại lên trời biến chuyển theo luật tuần hoàn trời đất, không ngừng không nghĩ,Chúng ta nào có biết đâu đời sống con người cũng như giọt nước mưa của vũ trụ? Nhưng lạ lùng thay! Hiện tượng của: đất địa, san hà, hồ hải! Đó cũng là một sự “ sống” vô cùng bí mật của quả địa cầu nầy, và cũng là một” đòn cân tạo hóa” để bình phân thiên luật điều hòa các tinh tú trong vòng càn khôn vô tận.

Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam là một xứ tùy vận mạng thiên cơ địa hậu, sanh được ở chỗ linh huyệt thiên nhiên của tạo hóa, thật lành thay! Quí thay! Xứ tân tạo, nước tân tạo, dân tân tạo.Kỳ hương sẽ phưởng phất tại huyệt Kim Thành khiến cho chúng sanh trên hoàn cầu sẽ được hưởng mùi hạnh phúc ngàn thu.Đất phù nguyên vừa kết thành, tự nhiên các huyệt mạch được tích tụ khí nguơn thỉ Trời Đất, khiến cho tất cả con người( 95 phần trăm) Nam phần Việt Nam xu hương theo đường đạo hạnh.Vì sao? Bởi xứ Việt Nam là nơi Thánh địa, tạo hóa đặt để Nam phần Việt Nam đúng theo luật vũ trụ và ở nhằm trụ cốt huyền diệu của trái đất này.

Thất Sơn ( bảy hòn núi sắp theo hình của huyệt tiên thiên trong thân thể con người) cho nên gọi là núi Bảo Sơn( hay Bữu Sơn cũng vậy).Số bảy là số hóa sanh vô tận( Vô cực-Thái cực-Lưỡng nghi-Tứ tượng, 3 trong rồi biến ra bảy, ngôi thứ tư Trời Đất đến bảy từng vũ trụ hóa sanh sẽ hiệp nhứt trong vô tận( chữ Án của Ấn độ).Trong số bảy ấy phân ra 2 giai đoạn.Thứ nhứt ngôi đầu tiên( A Di) là ngôi Âm dương chưa phân định.Đến lúc Âm dương vừa phân, A Di vừa sáng tỏ thì chính trong ngôi ấy đã có hiện ra Tam Thanh( Huyền hóa Tam Thanh).Đó là Tam Thanh nhứt thể( một ba- ba một).Tam thanh nhứt thể biến hiệp với khí nhuơn thỉ biến thành cõi Trời phụ( nếu kể tam thanh là ba thì 6+3= 9, còn nếu kể nhứt thể thì 6+1= 7).Ấy là những số huyền diệu bí mật thiên cơ Một, Ba, Bảy Chính thành Tam giác(Ba) tứ diện( Bốn) là hình thức của một người ngồi thiền đúng cách ( kiết già).Hiệp nhứt Trung Ương là thức tánh rồi huờn hư.Thật ra một sự bí mật của người tu hành đang tầm hiểu.

Bởi vậy nước Việt Nam sinh vào một địa huyệt thật linh diệu vô cùng( Thất Sơn, bảy núi, Dương và Cửu Long, chín rồng, Âm).Sơn tiền điểm Long mạch trong số bảy có sanh hóa, trong số chín Âm dương kết tụ huờn hư, thật là không có xứ nào được như vậy.Toán theo khoa học địa lý thì nhờ có sự huyền diệu trên đây, xứ Việt Nam trở nên một Thánh địa , một nước chứa đầy dân tộc hiền hậu, thông minh nhơn đức.Nhưng từ ngày bí mật của ngọn sông Cửu Long vừa lập thành bảy huyệt chánh gốc đến nay( gần 100 năm) các huyệt ấy khai mở mà con người Việt Nam đã tiến lần đến chỗ hiền nhân thánh triết.

Cứ theo khoa học địa lý mà xét nước Việt Nam hẳn là một địa linh, các nguyệt vừa kết tụ trong vòng một trăm năm nay.Ảnh hưởng của cuộc địa linh ấy đã gây nên một phong trào đạo hạnh tưng bừng chưa từng thấy.

Phong trào đạo Tiên hồi 1880( huyệt vừa kết tụ lại Thất Sơn và Kỳ Vân), có nhiều nhân vật đắc quả Tiên ban như các vị: Phật Thầy, Cử Đa, ông Đanh, Đạo Nổi, Thầu thím v.v… Từ 1800 đến 1920 thì có phong trào Thiên chúa giáo sang qua lan tràn khắp xứ, kế đó có cuộc chấn hưng Phật giáo người chót được sắc lịnh phổ thông ba năm là nhà sư Nguyễn Kim Muôn( sắc linh đây là sắc lịnh của hội chư Phật chứ không phải bằng cấp thầy chùa).Sứ mạng Ngài có ba năm với Pháp môn Tịnh độ mà thôi.Trong thời kỳ ấy gần hết dân chúng miền Nam theo Tịnh độ Cư sĩ tu hành nhiệt tình. Sớm chiều trong các làng đều nghe tiếng chuông mõ. Ba năm sứ mạng của Sư vừa dứt thì có hội Thần linh học gầy dựng đạo Minh lý rồi kế Cao Đài Giáo tiếp theo bành trướng cơ quan Tam kỳ phổ độ làm rung động nhơn tâm, dân chúng tín ngưỡng theo hằng triệu.Như vậy còn chưa kể các vị tu Tiên như Tây ninh có Bà Cô, Nha Trang, Phan Thiết có Cô tư Bè, Kỳ Vân có Cô-Cậu, hiện nay vẫn còn linh diệu, mỗi phái được hàng ngàn đệ tử.

Kế thấy cuộc chấn hưng Phật giáo ở tại Linh Sơn tự có cơ quan truyền bá bằng kinh sách; ông Minh Trí lập ra nhánh Lễ bái Lục phương.Phật học chùa lớn tại Phú Định( Chợ Lớn) do ông Lâm Văn Hậu chủ trương và các hội như Lưỡng xuyên và Phật giáo, mùi chơn lý của kinh Phật được đem ra học hỏi nhiệt thành; chùa lớn nhứt ở tại Huế, bên Nữ cô Diệu Tịnh ( Thích Nữ) lập chùa Từ Hòa, vận động phái nữ ra trường “ Ni trường Phật học” ngoài Huế, dìu dắt nữ lưu trên đường sáng suốt.Kế Diệu Tịnh có Võ phụng Kiều, pháp danh Diệu Minh, mở các am vân tại Mỏ cày( Bến Tre) truyền bá pháp luyện tinh thần và ăn hoa quả( cô dùng hoa quả trên ba mươi năm mà mập mạp mạnh khỏe như thường). Lối 1935 ông Bạch Liên tại Châu đốc có lập chi nhánh Thông thiên học do tận gốc bên Ấn độ( Adyar Madras).Đồng thời ảnh hưởng Phật Tiên hiệp nhứt nổi lên, vị cầm đầu giáo hội là ông Huỳnh phú Sổ ( bây giờ gọi là Đức Giáo Chủ Hòa Hảo).

Như chúng ta xét rõ, không nước nào mới trong vòng một trăm năm mà nổi lên hơn cả chục phong trào đạo đức rất nhiệt thành.Thứ nhứt là từ 50 năm nay, người Việt Nam ( riêng Nam phần) hết lòng lo tu niệm…Ấy cũng là nhờ một phần lớn ở địa lý, đất linh ở vào các vĩ tuyến địa cầu kết thành những huyệt mạch cực kỳ huyền diệu về tinh thần đạo đức.

Tác giả cho biết phần đất Việt Nam đóng vào 12 huyệt sáng suốt ( 6 huyệt chánh, 6 huyệt phụ và huyệt Trung ương là huyệt hội các huyệt) mà số 12 huyệt lại thuộc về Tâm điền huyệt; cho nên khiến các hạng con người lần lần xu hướng vào đường đạo hạnh hết.Các huyệt vừa hết tụ thì các tôn giáo, giáo hội mọc lên như nấm, nhân dân niệm Phật Trời vang lừng một cõi.Đến lúc cửa huyệt Kim Thành, Bích Ngọc, Lâm Huyền khai mở trong ba tiếng Ngũ lôi vang động, bảy nguồn thủy dựng trào lên, thì Thánh Nhân xuất hiện ra đời, đem mùi bác ái yêu thương nhơn vật vô cùng vô tận mà giúp chúng sanh vào đường hạnh phúc…

Về dân tộc Việt Nam, chúng ta không phải xem xét nước da hay giống sanh sản lai người ngoại quốc.Nhưng chúng ta có thể lấy nội dung tiến hóa theo chiều thiên cơ.Nhơn vật ở địa cầu này đã đến thời kỳ biến chuyển lần thứ ba( lần thứ nhì bên Âu châu sụp đất Atlantide thành biển Océan Atlantique bây giờ, có trên 12000 năm).Giống dân thứ tư tiêu diệt, còn sống sót các giống dân phụ của giống dân thứ năm trở lại sanh sản rải rác dưới cõi trần, để ngày sau gầy tạo nên hoàn cảnh, nhơn tâm và nòi giống của giống dân thứ sáu ra đời hiệu là giống dân BÍCH NGỌC, màu da trắng trong như ngọc bích, thông minh tiến hóa vô cùng, tự do dùng thân cảm tưởng Danh, Lợi, Tình mà lòng không mắc chấp…

Trước khi giống dân thứ sáu ra đời, phải có một phong trào hỗn loạn( như khi xưa, mỗi lần tạo lập nền tảng cho giống dân mới thì giống dân cũ sắp tàn, sự hỗn loạn tự nhiên phải có).Lịch sử hằng ghi chép những gương xưa, chúng ta thấy rõ.Kế thời tạo lập nền tảng cho giống dân mới, thì có Thánh Nhân ra đời dạy chúng sanh.

Dân tộc Việt Nam theo thời cơ Thiên định có rất nhiều linh hồn thông minh, tài trí, đức hạnh của các giống dân phụ thứ năm chuyển kiếp làm con người vì Nam phần Việt Nam là nơi địa huyệt hạp với sự tiến hóa với các linh hồn ấy.Dầu rằng các linh hồn khắp nơi hội hiệp ở tại Nam phần Việt Nam nhưng chẳng qua là do luật Trời biến động khiến luồng Từ Ân xuyên tạc.Nguồn Ân Thánh Triết lâm phàm sẽ thâu các linh hồn ấy vào hàng đệ tử cùng nhau tạo lập “ Đài gương An Lạc”, đem hạnh phúc cho nhơn sanh.Vì dân tộc Việt Nam quan hệ vô cùng đến sự tiến hóa trên địa cầu này, cho nên Nguồn Ân Thánh Triết ( hiện nay chứng quả Phật La Hán) phải tùng theo thiên cơ mà chuyển kiếp vào dân Việt Nam, lập đời mới, văn minh tuyệt điểm vật chất và tinh thần phối hiệp, rồi Ngài sẽ đắc quả Bồ Tát vòa cõi Trời Cực Lạc.

Tuy biết rằng “ Nguồn Ân” xuất hiện và tạo nền hạnh phúc ở Việt Nam, nhưng Ngài còn giúp đỡ cho cả thế giới.Ngài sở dĩ giáng sanh ở Việt Nam là “ vì nơi đây hạp với thiên cơ địa hậu, hoàn cảnh nhơn tâm, nhưng Nguồn Ân vẫn là hạnh phúc chung cho nhơn loại, giúp chúng sanh thoát khỏi dòng lao khổ”.

“ Hạnh phúc thay dân Việt Nam!

“ Hãy sửa soạn tâm hồn trong sạch lạy mừng Nguồn Ân cứu thế, muôn đời mới có một”.

Đó là tất cả nguyên lý để tìm hiểu tại đâu nước Việt Nam sẽ là cõi đất Trung ương trong thời kỳ Thượng Nguơn và dân tộc Việt Nam được hưởng phước dẫn đạo sau nầy, như Sấm Giảng đã từng cho biết.

Chúng ta đã biết qua đâu là huyệt Kim Thành, đâu là huyệt Bích Ngọc, đâu là Bảo Sơn, đâu là Bảo giang?

Thề là bức màng huyền vi hé mở cho chúng ta khi đọc đến Sấm Trạng Trình với những câu như:

Bắc hữu Kim Thành tráng,

Nam tạc Ngọc Bích thành.

Hay là:

Bảo giang Thiên tử xuất,

Bất chiến tự nhiên thành.

Hoặc là:

Bảo Sơn Thiên tử xuất,

Bất chiến tự nhiên thành.

III.-NHÀ BÁC HỌC : ÔNG HỒ HỮU TƯỜNG

Ngoài lối giải quyết Sấm Giảng bằng khoa học địa lý còn lối giải quyết bằng phương pháp khoa học của ông Hồ Hữu Tường, một học giả mà ông Tam Ích đã liệt ngang hàng với Đào duy Anh, Phan văn Hùm, Nguyện văn Tố v.v..

Nhưng trước khi đề cập đến lối giải quyết của ông, tưởng cũng nên tìm hiểu tại đâu ông Hồ Hữu Tường thay đổi quan điểm một cách đột ngột mà ông Thiếu Sơn gọi ông Tường là “ một nhà học giả đương khủng hoảng về tinh thần”.

Mà quả ông Tường có khủng hoảng về tinh thần chăng, khi ông đưa ra thuyết “ Xuân thu mới” và tuyên bố ly khai học thuyết mác xít, vì theo ông, học thuyết này đã quá thời trong giai đoạn tiến hóa tư tưởng hiện nay và sau này.

Nhưng do đâu ông Tường xây dựng thuyết “ Tân Xuân Thu”, một danh từ mà chúng ta được thấy Sấm Giảng để nêu lên thời tiết sau này của thời kỳ Thượng Nguơn.

Hẳn ông Tường đã khám phá được cái gì, nhận thấy một chân lý cao siêu nào, nên ông mới thay đổi tư tưởng một cách đột ngột như thế.

Nếu không thế thì có lý đâu ông lại kêu lên “ những tiếng gọi đàn” tha thiết trong quyển Tương lai văn hóa Việt Nam mà chúng tôi xin trích ra đây một đoạn:

- Tôi muốn cất tiếng mà kêu to.Kêu thật to để ai nấy cùng nghe.Tôi muốn có một giọng tha thiết.Thực tha thiết để ai nấy cùng cảm.Tôi muốn có những luận điệu đanh thép.Thực đanh thép để ai nấy cùng tin.Nghe, cảm, tin… để cùng tôi đem một cái vinh quang chưa hề có trên quả địa cầu về cho dân tộc ta dân tộc Việt Nam.

- Đây là một gia đình nghèo nàn, khốn khổ.Mẹ bịnh la liệt không tiền chạy thuốc.Gạo trong vò hết sạch.Em nhịn đói không nổi kêu khóc vang tai. Tất cả anh, chị, em đều đuối sức, mệt hơi, vì thời buổi làm ăn vất vả…Ngẫu nhiên một đứa con trong gia đình này gặp ở giữa rừng một khối vàng to.Khối vàng quá to, thừa sức cung cấp để chạy thuốc cho mẹ, mua gạo nuôi cả nhà, trng trãi các mối nợ và làm cho gia đình thở nên mấy ngàn lần triệu phú.Khối vàng quá to, nên sức mình ôm về hay lăn về không nổi.Rồi hối hả, đứa con ấy chạy đi kêu anh, chị, em lên “ tiếng gọi đàn” để vào rừng cùng đem khối vàng về…

- Trong lòng của đứa con ấy dồn dập những luồng thổn thức e ngại.Làm sao mà có được lý lẽ đanh thép để cho anh, chị, anh tin? Cảm hóa, tin rằng mình đây không phải là điên rồ, không phải là mê mộng lại sáng suốt mà báo tin mừng cho gia đình và lên tiếng gọi đàn, để cùng nhau chung sức, nắm ngay lấy hạnh phúc và vinh quang.

Ông Tường đã bộc lộ sự khám phá của ông bằng một lối văn ngụ ngôn ẩn ước quá khéo léo.

Nếu ông không khám phá được cái gì hay không nhận thấy một chân lý cao siêu này thì có lý đâu từ địa vị một nhân viên trong phái đoàn Hội nghị Đalạt, đương được người tín nhiệm lại từ khước trách nhiệm của mình, mang gói từ Hà Nội trở về Sài Gòn, tuyên bố một câu làm ngơ ngác cả mọi người : ông tuyên bố từ giã trường chánh trị trong năm năm.

Từ sự kinh ngạc này, ông đưa người ta đến kinh ngạc khác.Ông lẳng lặng như một thầy tu nhưng lâu lâu ông đăng lên báo nhiều ý tưởng mà không ai ngờ.Ông cho rằng học thuyết mác xít đã lỗi thời, rồi ông đưa ra thuyết “ Tân Xuân Thu” làm cho phài ông Tam Ích cực lực chỉ trích.

Nhưng đó cũng chưa mấy ngạc nhiên bằng khi ông Tường đưa ra đời bộ Ngàn năm một thuở trong đó ông mượn vai Phi Lạc để đưa ra bao nhiêu lời tiên tri của Sấm Giảng, giải thuyết lý Tận Thế, lý Tam Nguơn và đồng thời phủ nhận những điều người đời nay đương tin tưởng ở máy móc, thờ phụng cái cũ của người ta để làm một cái mới của mình mà không nhận mình đã có “ một khối vàng to”

Đây chúng ta thử đọc một đoạn văn này của ông Tường đủ thấy quan niệm của ông về cái nghĩa “mới” và “ cũ”.

“ Những nhà lập luận thiển cận thường có luận điệu này: triết gia Tàu hay lấy những học thuyết cũ rich của Tây phương mà nhập cảng vào Trung Quốc và bảo đó là “ mới” thì nguyên nhân là bởi các triết gia ấy có bịnh “cóp” rồi thì học kiêu hãnh với lời giải thích tạm bợ: “ Á phiện làm buồn ngủ vì á phiện có tính làm buồn ngủ”.

“ Ta thì không thế.Ta lại tìm thêm: “ Tại sao các triết gia Trung Hoa hay cóp?”

“ Nhưng hỏi mãi cũng chán.Bởi vì lòng ta muốn làm sao cho ta được như chim bằng của Trang Tử vỗ cánh bay mấy muôn dặm, sáng tạo ra một nền triết học nào mới mẻ đối với Tây phương! Chớ các việc cóp các học thuyết của Tây phương rồi đem ra mà nói rằng “tân” với đồng bào của mình, thì thú thực “ tân” này không khác cái “ tân” của các bà đã nằm bếp!

“…Muốn cầm đầu thế giới hay chịu phận làm em của người, làm nước chư hầu hiến cống cho một nước thiên tử nào đó, thì hãy một mực đi theo triết học của nước đó đi.Còn nếu nuôi chí lớn : thì lập một nền triết học khác làm cơ sở cho một đạo sống khác”.

Nhưng những tư tưởng trên đây chưa làm đảo lộn cả ý thức hệ của con người bằng đoạn văn vấn đáp sau đây:

“ – Học sách à? Học sách tức là nhận kẻ viết sách làm thầy sao? Tôi không học nơi sách nào cả!

- Họ tức mình hỏi:

Không học anh làm sao biết được?

Thì nó nói dõng dạc rằng :

-Không học mà biết mới hay chứ! Nếu phải học mà biết cũng như mấy ông nghè ông cống khác, chớ nào có hơn, mà tranh có một địa vị hơn họ!”

Thật là một ý tưởng ngạo nghễ, nhưng thực ra thì không ngạo nghễ tý nào! Không học mà biết là một hiện tượng không còn lạ với người đời nay nữa.

Hẳn quí ngài còn nhớ Đức Huỳnh Giáo chủ đã viết:

Đức Lục Tổ ít ai dám sánh,

Người dốt mà nói pháp quá rành.

Và ông Thanh Sĩ cũng có viết:

Có học có biết có tường,

Không học mà biết phi thường khó thay!

Cũng đồng một ý nghĩa: không học mà biết mới hay như ông Tường đã nói.

Tại đâu ông Tường có những ý tưởng giống trong Sấm Giảng? Nếu ông không khám phá một điều gì?

Có người cho biết rằng: Sở dĩ ông Hồ Hữu Tường thay đổi ý tưởng một cách đột ngột như thế là vì ông đã được một quyển Thiên Thơ cũng như tác giả quyển Con đường nào.Ông dựa vào quyển Thiên Thơ ấy viết ra bộ Ngàn năm một thuở, giải thuyết Sấm Giảng với sự hiểu biết của một người đi sâu vào đạo giáo.

Sau khi đặt ra bao nhiêu nghi vấn về sự thay đổi chí hướng của ông Hồ Hữu Tường, nhiều người quả quyết ông có được Thiên Thơ và đây là điều mà người đã khám phá được về chỗ bí ẩn ấy.

Chỗ bí ẩn ấy là ông Tường đã tự nhận có được một quyển sách, rồi dựa theo đó viết ra truyện Ngàn năm một thuở.

Đây là đoạn ông Tường tự nhận có được quyển sách:

“ Số là tác giả này, sau khi lánh nạn ra đến Hà Nội, ngụ được vài tháng thì nạn binh lửa nổi lên, phải rút lui theo ngả Thụy khê, làng Bưỡi, rồi đến làng Cổ Nhuế, v.v… Rồi đến khi hồi cư về Hà Nội thì cũng do đường ấy.Khi trở vế Cổ Nhuế, thì làng mạc tiêu điều, xơ xác, phải đến một góc đình con đứng mà ngủ tạm một đêm, không dè lượm quyển sách ghi tên những ai đến phải nơi vị “ Cố vấn học thuật” của làng.Nhờ vậy mới biết câu chuyện rồi do đó tìm thêm, để thuật lại ở đây câu chuyện lạ đời “Ngàn năm một thuở”

Mọi người cho rằng chỉ một đoạn văn này đủ cho chúng ta thấy đã tự nhận có được Thiên thơ một cách hết sức khéo léo, cũng như dùng thuật ngữ “ tìm được một khối vàng trong rừng” để ám chỉ rằng tìm được sự vinh quang của Việt Nam.

Nếu quả thật ông Hồ Hữu Tường đã được quyển Thiên thơ, sao ông không lấy đó mà lập thuyết một cách chững chạc của một nhà sáng tạo hay phát minh mà lại dùng lối văn trào phúng viết úp mở, nửa hư nửa thiệt?

Muốn hiểu dụng ý của ông hãy nghe ông biện luận thế nào là trào phúng, thế nào là không trào phúng, trong một đoạn văn dưới đây:

- Ngài nói sao mà nghe như giọng trào phúng vậy?

Phi Lạc cả cười hỏi lại:

- Nếu là trào phúng thì sao?

Cả thảy đều nói:

- Nếu là trào phúng thì ngài nói chơi.Nếu không trào phúng thì là ngại nói thiệt.

Phi Lạc cười dài nói:

- Lầm to! Lầm to! Trào phúng thuộc về cái giọng nói mà không về nội dung có xác sự thật hay không.Có thể nói với giọng đạo mạo như giọng của Đạo Nhân Dĩ Nhất mà không xác với thực tế chút nào.Còn nói đùa như tôi khi nãy mà không phải là trái với sự thật.Chính là ta phải dựa theo vào sự thật thì trào phúng mới được.

Như thế, còn ai nghi trong giọng trào phúng của ông Tường không hàm có sự thật.

Nhưng sở dĩ ông Tường dùng thuật ngữ trào phúng là vì ông còn hoài nghi.Ông thấy tương lai khoa học và đồng thời ông lại thấy cảnh giới sau này vô cùng đẹp đẽ hơn khoa học, nhưng cảnh giới ấy lại do Thiên lực mà có, còn khoa học thì do nhơn lực mà có.Ông thấy hay nhờ quyển Thiên thơ giúp cho ông thấy, ông thấy nhưng ông chưa tin trọn vì nó xa với ông quá, còn khoa học thì nó gần với ông hơn.

Chính vì đó mà ông đâm ra hoài nghi và cũng vì hoải nghi mà ông Tường giải thuyết Sấm Giảng bằng một lối văn nửa hư nửa thiệt.

GIẢI THUYẾT LÝ TAM NGUƠN VÀ TẬN THẾ

Nhưng dầu với hình thức nào, ông Tường cũng đã cho người ta thấy ông đi sâu vào Sấm Giảng.Một cách gián tiếp, ông nhìn nhận lý Tam ngươn và cơ tận diệt, như ông đã nêu ra trong bộ Ngàn năm một thuở.

Đây chúng ta hãy nghe ông Hồ Hữu Tường luận về lý Tam Ngươn:

Trước thời này, đã có một thuở thái bình mà các thi sĩ gọi là “ thời đại hoàn kim” chăng? Đó là một câu hỏi không lấy đâu làm bằng để trả lời cho được.

Các tôn giáo bảo:

Hồi xưa trên trái đất nầy.đã có một nền văn minh chói lọi, người sáng suốt, thông cảm được cùng Tiên Phật, biết phép nhiệm mầu, đoạt quyền tạo hóa, hiểu được quá khứ vị lai.Rồi đến một lúc kia, hồng thủy dâng lên, đất sụp núi lửa, ấy là thời tốt đẹp kia đã tận thế.Thật ra chỉ là dứt thời Thượng Nguơn để sang Trung Nguơn.

Đến thời Trung nguơn nầy, tuy loài người không được ai ai cũng là hạng địa tiên như trước, song cả thảy an cư lạc nghiệp, chung hưởng thái bình, đường không lượm của rơi, nhà ngủ không đóng cửa.Và có một ít thánh hiền, hồi ức được sự sáng suốt của thời thượng nguơn, có ghi chép điều hiểu biết vào những kinh sách mà đến nay, dầu ai thông minh đến bực nào cũng không hiểu nổi.Thời trung nguơn nầy chấm dứt với đời Nghiêu Thuấn.Và từ đây bắt đầu Hạ nguơn .

Thời Hạ nguơn là một thời đen tối cho loài người.Người, lòng nuôi đầy ác ý, tranh giành mà bóc lột nhau, giành nhau mà chém giết nhau.Kẻ giẫm lên xương máu của phần đông để lập sự nghiệp của mình, thì được thế nhân ca tụng là anh hung, vĩ nhân.Bao nhiêu óc sáng suốt đều bị lợi dụng để chế tạo các khí giới tàn sát lẫn nhau, đưa nhân loại dần dần đến cảnh tận thế.

Nhưng các tôn giáo chỉ muốn đem cảnh “ tận thế” mà dọa loài người, cho họ sợ sự trừng phạt của Trời đất mà theo các giáo điều.Các tôn giáo quên rằng: trời đất xoay vần, hết năm cũ sang năm mới, thì cảnh đông qua xuân tới là dĩ nhiên.Vậy nên hạ nguơn có dứt rồi thì một thượng nguơn khác sẽ đến.Ấy là đổi dời.Lý trời là vậy đó.

Đọc đoạn văn nầy chúng tôi thấy ông Tường luận rất xác đáng về lý Tam nguơn , nhưng vì mang phải tật hoài nghi mà ông cho rằng tôn giáo muốn đem cảnh Tận Thế dọa loài người cho họ sợ sự trừng phạt mà theo các giáo điều. Có hẳn muốn cho loài người theo giáo điều mà tôn giáo nêu ra vấn đề tận thế chăng?

Chẳng hiểu dựa vào đâu ông Tường nhận thấy điều ấy, chớ từ Cao Đài giáo cho đến Phật giáo phái Phật Thầy đều nhận: hễ mãn thời kỳ Hạ nguơn thì đến thời kỳ Thượng nguơn . Như thế thì tôn giáo đâu có quên cái lý tuần hoàn của vũ trụ mà ông Tường hoài nghi.

Mặc dầu ông Tường phủ nhận danh từ “ Tận Thế” và nhận giai đoạn chấm dứt thời kỳ Hạ Nguơn là một cuộc “đổi đời”, song rốt cuộc ông cũng nhận “ cuối thời Hạ Nguơn nầy là cảnh tận thế của nhân loại”.

Đây chúng ta hãy nghe lý giải của ông Tường về Tận Thế, do Ngài Tả quân Lê văn Duyệt cắt nghĩa cho ba nhà sư người Tàu nghe:

Nãy giờ phải đòi ông Nguyễn văn Tố đến cắt nghĩa rõ về nguồn gốc của Thánh Nhân, ấy muốn cho ba vị biết rằng khi mà Quỉ vương suy rồi là do tay Thánh Nhân chấm dứt.Lúc ấy là cuối thời Hạ Nguơn.

Ba nhà sư hỏi:

-Làm sao mà biết rằng cuối Hạ Nguơn?

Tả quân đáp:

-Cái đặc sắc của cuối thời Hạ Nguơn nầy là cảnh tận thế của nhân loại.Xưa nay, loài người đã chứng kiến những cuộc tàn tạ của lắm cái văn minh, như văn minh của Ai Cập, của Ấn Độ, của Tàu.Nhưng mà những cuộc tàn tạ nầy không dữ dội và không phổ biến.Đó là cuộc suy nhược lần mòn ở một địa phương.Nay là cảnh tận thế dữ dội phổ biến của nhân loại.

Ba nhà sư nghe đồng hỏi:

-Vì sao các nền văn minh trước lo việc nhân nghĩa đạo đức, lo việc tu dưỡng của loài người.Như gần đây, Khổng, Phật, Gia tô, Hồi Hồi thảy đều lo việc cứu nhân loại…

-Nghe Tả quân ví sự trút đổ của văn minh Âu Tây như hai người ôm vật nhau,thì cả thảy muốn biết rõ hơn nữa.Thấy vậy Tả quân giải:

-Hiện nay các nước theo Âu Tây hãy còn đông.Đáng kể có Nga, Mỹ, Đức,Anh, Pháp, Nhựt, Ý cò bẩy nước.Kỳ dư chỉ là mới phết một lớp sơn bề ngoài thôi.Với bảy nước nầy, thế giới phải sống cảnh tượng như hồi liệt quốc nhà Châu.Một trận chiến tranh thứ nhứt đã đưa chúng vào một phen vật lộn.Nay lại bắt đầu một cuộc chiến tranh lần hai.Nhưng chưa hết đâu! Còn có một cuộc chiến tranh thứ ba nữa.Mà lần thứ ba nầy, cái văn minh Âu Tây lại kết tinh thành hai khối chọi nhau.

Sư Hồng Hạc hỏi thêm:

-Hai khối nầy có phải là khối dân chủ và khối phát xít chăng?

Nghe hỏi như vậy, Tả quân cười đáp:

-Dân chủ hay phát xít, tự do hay độc tài, đó chỉ là những phương tiện như thế nào cũng không cần, miễn là họ đạt đến mục đích.

Sư Hồng Hạc nghe nói không hiểu, bèn hỏi:

-Ngài nói văn minh Âu Tây đuổi theo cái lợi thì biết dựa vào đâu mà bảo rằng bảy nước ấy lại phân thành hai khối?

Bởi là chiến tranh toàn diện, nên sức tàn phá của nó mãnh liệt không ngần.Không có một địa hạt nào tránh khỏi sự tiêu diệt.Giữa các nước, thì nước nầy diệt nước kia bằng những khí giới lạ lung, nguy hiểm.Trong một nước thì đoàn thể nầy chống với đoàn thể kia một cách quyết liệt chẳng kể mạng người, chẳng động lòng nhân.Hễ khác đảng phái thì dầu cho an hem, chồng vợ, cha con cũng không dung nữa.Bao nhiêu thâm tình đều xóa bỏ, chỉ nghe mạng lịnh của đảng phái mà thôi.Rốt cuộc mọi người đều phải đau đớn khổ sở vì không biết làm sao mà dung hòa ý, tình, lý của mình với mạng lịnh khắt khe của đoàn thể.Không lúc nào con người thấy mình bị một ách quá nặng nề như thế!

Ba nhà sư nghe tả cảnh Tận Thế rùng rợn như vậy thì kinh hồn và chấp tay đồng hỏi:

-Nếu nhơn loại bị loạn lac như vậy thì còn có hy vọng gì mà sửa đổi lại, lấy trí dẹp loạn, lấy thái bình trừ chiến tranh chăng?

Tả quân đáp:

-Bởi cái thời loạn lạc như vậy, nên loài người khổ sở vô ngần.Những hoạn, những nạn có Quỉ vương gieo rắc sẽ tràn ngập làm chết ngợp chúng sanh.Thế mà có người cứu vãn được y như lời quẻ thứ mười hai của Khổng Minh.Quẻ ấy là:

Chủng hoạn cứu nạn

Thị duy Thánh Nhân

Dương phục nhi trí

Hối cực sanh minh.

Câu thứ nhứt và câu thứ nhì có nghĩa là:

Lấy hoạn mà chữa cái nạn, thì chỉ có Thánh Nhân mới làm được.Còn hai câu sau lại định kỳ hạn mà Thánh Nhân xuất hiện.Hết cái thời ám nầy, nghĩa là dứt cái Hạ Nguơn, bắt đầu Thượng Nguơn khác thì dương trở lại, chuyện ấy sẽ rõ.Ấy là hết tối tới sáng vậy.Lời Sấm rõ lắm rồi.Nay dứt Hạ Nguơn Thánh Nhân là Xích Tử ra đời, đổi dời mới, lập thiên hạ lại.

Ba nhà sư cùng hỏi:

Còn chủng hoạn cứu nạn là làm sao?

-Cái đó là việc riêng của Xích Tử, là sự nghiệp của người, ta không có phép lo trước.Thiên cơ bất khả lậu!

Rồi Tả quân nói tiếp:

-Còn như quẻ thứ mười ba:

Hiền bất di dã

Thiên hạ nhứt gia

Vô danh vô đức

Quang điện Trung Hoa.

Là tả cái cảnh thiên hạ đại đồng mọi người được dùng, không bỏ sót ngoài đồng như thuở hạ nguơn, tất cả thiên hạ sống chung một nhà, yêu thương nhau.Cảnh ấy là thiên đường trên quả địa cầu.

Ngoài những lý do Tận Thế mà ông Hồ Hữu Tường mượn lời Ngài Tả quân để phân giải như đã nói trên ông Tường còn giải thuyết lý Tận Thế về phương diện lý số và tôn giáo nữa.

Về mặt lý số, những nhà lãnh đạo cho phong trào muốn cho tất cả dân chúng tin tưởng vào một ngày mà mọi người phải dọn chỗ, dự bị, ngày mà hết thời âm sang thời dương, hết thời tối đến thời sáng sủa, hết thời khổ não đến thời hạnh phúc, hết thời loạn lạc đến thời thanh bình, hết thời tủi nhục đến thời vinh quang.Họ là những nhà lý số, dực theo thuyết của các nhà triết học đời Tống như Thiệu nghiên Phu, mà định cái ngày vinh quang ấy vào thế hệ chúng ta.

Thời về mặt tôn giáo. Học thuyết của sư tồ Huệ Năng cũng đồng một dự án như vậy.Phật Di Lặc xuống thế độ trần cũng vào khoản nầy.Và đến như Gia Tô giáo,ngày tận thế hai ngàn năm sau Jesu giáng sanh cũng hiệp với tiên tri của phái lý số.

Mấy triệu người theo Lão học, tin vào phép dưỡng sinh.Mấy trăm triệu người theo Gia Tô giáo đồng một sự tin tưởng.Kẻ theo khoa học, dầu có hoải nghi cũng không cưỡng lại một trào lưu ngày càng mãnh liệt về đến lúc, nghiêng về một phía.

Đọc đến đoạn nầy, người ta sẽ thấy rõ mối hoài nghi của ông Tường vỡ tan khi ông viết:

“ Kẻ theo khoa học, dầu có hoải nghi cũng không cưỡng lại một trào lưu ngày càng mãnh liệt”

Như vậy người ta có thể hiểu thêm rằng dầu ông Tường dùng một lối văn nửa hư nửa thực để cho người đọc có cảm tưởng rằng ông còn hoài nghi, nhưng thật ra trong thâm tâm, ông vẫn tin ở Sấm Giảng.

GIẢI THÍCH TRẬN ĐẠI HỒNG THỦY VÀ THIÊN HÒA

Đây chúng ta thử nghe ông Tường giải thích về Đại Hồng Thủy.

Ông Tường cho rằng từ trước đến nay chưa có trận chiến tranh nào mà sự tàn sát lớn lao bằng trận đại chiến thứ ba, bởi vì kỳ chiến tranh lần nầy,bao nhiêu phát minh về nguyên tử đều được đem ra phụng sự cho việc sát hại.Chính võ khí nguyên tử ấy sẽ gây ra bao nhiêu tai nạn cho loài người như làm cho quả địa cầu phải ngập lụt, làm cho nhân loại phải cháy thiêu.

Trước hết ông Tường cho rằng thế nào trận Đại chiến thứ ba cũng nổ ra giữa Nga và Mỹ.Nhưng khu vực chiến đấu là khu vực nào?

Bây giờ chú thử tín lại xem con đường nào là đường chiến lược của cuộc giao thông của đôi bên? Ta sắp hai giả thuyết, một là Nga lấn thế mà công kích, hai là Mỹ thừa sức mà tràn tới.

Nếu Nga muốn công kích Mỹ hay là Mỹ đánh Nga thì con đường gần hơn hết là con đường hàng không vòng trên Bắc cực.Thế là các nước ở nửa trên bị dội bom, bom thường, bom nguyên tử, bom vi trùng mà bị tàn phá cả.

Anh nói như vậy rõ lắm! tôi thấy bên Tàu thế giới thì Gia nã đại, Hiệp chủng quốc, còn bên Cựu thế giới thì cả Âu Châu.Tây bá lợi á, Nhựt bổn và miền Bắc nước Tàu sẽ bị tàn phá không thua gì một cuộc tận thế.

Còn nếu lục quân của Nga muốn tấn công Mỹ thì phải noi theo ba đường

-Con đường phía Tây là phải tràn qua nước Đức, Pháp, Y pha nho, Bắc phi để tiến tới Tây phi và Nam phi, vì hai chỗ nầy sang qua Nam Mỹ gần hơn để rồi đó đánh lên Bắc Mỹ.

-Con đường phía Đông là từ Tây bá lợi á đánh tan Nhựt bổn để đổ sang A lát Ka, rồi đánh sang Gia nã đại và Huê kỳ.

-Con đường phía Nam là tấn công Ấn Độ rồi từ đó đánh sang qua Úc châu để sang qua Nam Mỹ nữa.

Và con đường chiến luợc của Mỹ cũng chỉ là ba con đường ấy thôi.

Sau khi vạch rõ khu chiến đấu của Nga và Mỹ, ông Hồ Hữu Tường không ngần ngại mà nối đến cách hành quân của đôi bên.

Theo ông thì “ con đường tấn công gần hơn hết bằng phi cơ, bằng bom nguyên tử là xuyên qua Bắc cực và Nam cực.Thì tất nhiên chiến trường là hai chỗ ấy.Nga thì bọc phía Bắc cực, Mỹ thì lo Nam Mỹ, còn Anh thì lo Nam Phi.Vậy cuộc chiến tranh nguyên tử tàn khốc sẽ diễn ở Nam cực và Bắc cực, mỗi bên toan phá hủy căn cứ của đối phương.

Mỗi bên sẽ ném nhiều bom nguyên tử mà không hạn chế được…Sức nóng của bom nguyên tử làm nước đá kia chảy ra, sôi lên thành hơi nước nóng và có một trận lụt khổng lồ, một trận lụt nước sôi từ Nam cực và Bắc cực tràn về miền Xích đạo.

Người ta muốn làm gì để ngăn trận lụt nước sôi do nước đá ở Bắc cực và Nam cực chảy ra mà sôi sùn sụt ấy cũng không được, bởi sức nổ chuyền của nguyên tử chạy cũng không kịp nữa.

Nếu đó chẳng phải là trận Đại Hồng Thủy, chớ còn gì nữa mà là trận Đại Hồng Thủy bằng nước sôi.Nếu vậy thì nhơn loại bị tiêu diệt hết sao?Hay có phương gì tránh nạn lụt nước sôi ấy?

Ông Tường cho biết rằng: Ở Nam Mỹ châu và Bắc Mỹ châu, người ta giành nhau mà chạy đến cái eo đất nhỏ xíu ở giữa.Nội cái đứng không cũng đủ chật đất rồi còn chỗ đâu cày cấy có lúa mà ăn? Tránh nạn phỏng nước sôi thì cũng bị nạn đói.

Còn ở Âu châu thì hết đường mà chạy.Ở trên tràn xuống thì bị Địa trung hải chận lại, tàu đâu mà chở cho hết.Và chở đem đi đâu bây giờ? Ở Phi châu thì phía Nam dồn lại đụng sa mạc Sahara.Tránh nước sôi lại bị khát nước.Ở Bắc phi thì chạy xuống đung Sahara vậy.

Còn ở Nga thì chạy đâu? Chạy qua xứ Ả rập, Sa mạc, chỉ chạy sang Ấn độ, xứ Ấn độ không đủ mễ cốc nuôi dân, nay lại thêm người nữa làm sao mà sống nổi.

Còn dưới kia, Úc châu sẽ bị nạn lụt nước sôi tràn tới, không còn đường chạy, vì nó là một hòn đảo.

Chung qui lại, chỉ có Đông Nam Á châu của ta là Miến điện, Xiêm la, Việt Nam, miền Nam nước Tàu là thoát được cái nạn lụt khổng lồ ấy.

Ngoài nạn lụt, ông Tường còn cho biết cái nạn lửa cháy rực trời mà Sấm Giảng gọi là Thiên hỏa.Ông Tường nói rằng: “ Cuộc chiến tranh thứ ba sẽ là một cuộc chiến tranh nguyên tử.Mà cái lợi hại của nguyên tử lực không phải là mấy quả bom như kỳ rồi đã nói ở Nhựt bổn đâu.Sự hại của nó là sức nổ chuyền.Một nguyên tử này nỏ ra, phát điện tử bắn vào nguyên tử kế đó, thì nguyên tử sau này nổ luôn theo rồi chuyển như vậy mãi ra và tràn lan vô cùng tận.Nhiệt độ phát ra không thể tưởng tượng được.

Nhưng rất may, nạn Thiên hỏa ấy cũng như nạn lụt nước sôi không tràn đến miền Xích đạo.Nhờ đó mà nước Việt Nam được an toàn, dẫn đạo các nước trong thời kỳ Thượng Nguơn.

GIẢI THÍCH VỀ THƯỢNG NGUƠN VÀ XÃ HỘI TÂN XUÂN THU

Ông Hồ Hữu Tường cho biết rằng: “ Cuối trận chiến tranh thứ ba hầu khắp quả địa cầu đều bị tàn phá.Các đô thị lớn đã biến thành những đống gạch ngói ngổn ngang bắn ra những tia quang tuyến của nguyên tử lực cho đến cỏ cũng không mọc được.Đó là kết quả của nguyên tử.Đâu đâu, đầy xác chết bốc ra muôn ngàn loại vi trùng đang nghễu nghến tìm nạn nhân.Đó là kết quả chiến tranh vi trùng.Thành thị thì như thế.Còn thôn quê thì chỉ còn có một thứ cỏ dại mới khởi sự mọc le the bởi cái lẽ dễ hiểu rằng: khi làn nước sôi tràn lụt qua một lượt, thì cỏ cây thảy chết sạch, hột giống thảy luộc chín tất cả.Loài người cũng chết sạch.Có ai sống sót khỏi nạn nước sôi cũng bị nạn đói, bởi còn cái gì đâu mà ăn? Riêng có vùng nhiệt đới thì cỏ cây còn thạnh mậu, các giống mễ cốc hãy còn sót lại.Nhưng ở nơi khác từ mấy năm, người chết gần hết, ai mà trồng trọt, nên phần đông đã trở nên hoang vu.

Chính nhờ ở vào vị trí của miền Xích đạo mà nước Việt Nam cũng như Miến điện, Xiêm la và miền Nam nước Tàu “ thoát được cái nạn tàn phá của trận lụt khổng lồ ấy.Lại là xứ sản xuất rất nhiều lúa ăn, có bà con tản cư đến thêm gấp đôi số dân, nghĩa là đến hai trăm triệu người cũng có thể nuôi được.

Vốn là một khu “phi chiến”, cho nên nước Việt Nam sau nầy sẽ “ bất chiến tự nhiên thành” ấy như miếng võ thuật “ Hầu tử xuất động”.Nước Việt Nam yếu ớt cũng như con khỉ trong hang không làm gì chống lại nổi với cọp, beo, lang, rắn, gấu, thế mà biết len lỏi, chờ cho các nước mạnh như cọp, beo, lang, gấu kia choản nhau cho đến sụm hết, đúng với lời Sấm “ Mã đề dương cước anh hùng tận”, thì xuất động thì làm gì chẳng làm chúa.

Đó là nhờ vị trí “phi chiến” của nó mà sau nầy nó trở nên một nước dẫn đầu thế giới.

Nếu thế thì nước Việt Nam chẳng có gì tốt đẹp, vẫn giữ cái cảnh tượng điêu tàn cỏ khô đồng cháy, hoang vu như thế sao?

Ông Tường cũng tin rằng thế giới sẽ bước qua thời kỳ Thượng Nguơn, nghĩa là vô cùng tốt đẹp, khí hậu ôn hòa như trong Sấm Giảng đã nói.Nhưng làm thế nào thế giới biến hình, thay đổi khí hậu và trở nên một xã hội Tân Xuân Thu, nghĩa là trong một năm chỉ có hai mùa ấm và mát?

Sự biến đồi ấy, ông Tường cũng qui cho kết quả của bom nguyên tử mà ra.

Ông Tường giải thích như thế nầy: bom nguyên tử mà Nga và Mỹ đem ra dùng sau nầy sẽ còn mãnh liệt gấp trăm ngàn lần thứ bom nguyên tử đã dội xuống nước Nhựt.Sức nổ của nó, nếu không làm núi tan đất vỡ thì cũng làm quả địa cầu, vì chịu không nổi mà xê dịch vị trí đi.Nó sẽ từ vị trí hiện hữu mà xê dịch qua một vị trí khác.Do sự xê dịch ấy, quả địa cầu ở vào một vị trí một năm chỉ có hai mùa: Xuân và Thu, khí trời quanh năm rất ấm áp mát mẻ, còn ban đêm thì luôn có mặt trăng mọc, sáng cả đêm nầy qua đêm khác, không hề sai chạy.Cái thế giới đó, ông Tường gọi là thế giới Xuân Thu.

Đã đổi vị trí như thế, đã thay đổi mùa tiết ngày đêm như thế, không nói ai cũng biết: chịu ảnh hưởng của khí hậu ôn nhu như thề, từ loài khoáng vật, đến thực vật cũng như động vật, thế giới sau nầy sẽ vô cùng đẹp đẽ.Cây cội hẳn tốt tươi, đất đai hẳn thích hợp cho các loại cây quí báu thì con người hẳn cũng đẹp đẽ và thông minh tiến hóa hơn nhiều.

Ông Tường cho rằng cái xã hội sau nầy sẽ tột bực văn minh, thái bình muôn thuở, con người sẽ tài trí phi thường.Nếu đem sánh với thời kỳ Hạ Nguơn này thì cách biệtkhông biết bao xa.

Cứ lấy theo thiên văn học mà xét thì ông Tường thấy rằng: quả địa cầu của chúng ta đương chuyển từ cung con cá qua cung con cừu, trong muời hai Thiên cung ( Zodiaque).Hiện nay chúng ta còn ở trong cung con cá, một cung mà người đời có tâm trạng như con cá, hễ gặp nhau là đá, cắn nhau.Bởi thế ở thời kỳ này, nhơn loại xô đẩy nhau vào con đường chiến tranh không dứt, tương tàn tương sát. Cung con cá biểu thị thời Hạ Nguơn.Trái lại cung con cứu biểu thị thời kỳ Thượng Nguơn, một thời kỳ con người thông minh tiến hóa cao siêu nhứt trong các thời kỳ, ông Tường gọi là thời kỳ của hạng minh triết.Chẳng những con người trí hóa thông minh mà xã hội lại thanh trị dân chúng đâu đâu cũng an cư lạc nghiệp.Các nước rất tương thân tương ái cho nên thế giới trải qua một thời kỳ thái bình cả muôn năm, giống như đời Nghiêu Thuấn.

Đó là cả quan niệm của ông Hồ Hữu Tường về vấn đề Tận Thế và sự xây dựng cõi đời Thượng Nguơn mà ông gọi là xã hội Xuân Thu, quan niệm dựa theo khoa học để giải thích Sấm Giảng.

Như chúng tôi đã nói: ông Tường vì vướng phải chủ nghĩa hoài nghi mà ông mãi tắc tị, không tiến đến đâu.

Ông Tường nói rằng: Sau trận giặc thứ ba các nước ở miền tiếp cận với Bắc cực và Nam cực đều bị nạn lụt nước sôi và sức nổ chuyền của bom nguyên tử mà tiêu tan đến cây cỏ cũng không mọc.Trong tình trạng hoang vu như thế, nước Việt Nam nhờ ở khu vực phi chiến mà tồn tại, phỏng làm gì với nhân lực mà xây dựng cõi đời Thượng Nguơn?

Nếu thế thì cõi đởi Thượng Nguơn cũng vẫn là cõi thế giới cũ kỹ này thì thấy gì phân biệt Thượng Nguơn với Hạ Nguơn.Còn mong rằng bom nguyên tử nổ sẽ làm xê dịch vị trí của quả địa cầu và nhờ đổi vị trí ngày mà thế giới sau nầy sẽ đổi mùa tiết, nhưng lỡ như sức nổ chuyền của bom nguyên tử mà không hãm lại được, nó cứ nổchuyền mãi, phỏng quả địa cầu sẽ bị cháy thiêu, loài người có bị chết luộc vì nạn lụt nước sôi chăng.

Nhưng thật ra Tận Thế có đúng như các nhà khoa học, bác học đã nghiên cứu không?

CHƯƠNG THỨ BẢY

Tổng-luận




NÊN HIỂU TẬN THẾ NHƯ THẾ NÀO?

Đọc qua loạt bài Tận Thế và Hội Long Hoa, tưởng cũng nên định nghĩa rõ Tận Thế là thế nào?

Có tôn giáo nêu lên vấn đề Tận Thế có ý nghĩa là tiêu diệt thế giới của loài người.Quả địa cầu này sẽ mất luôn, nghĩa là loài người đều tận diệt.Có người nảy ra ý nghĩ rằng: nếu loài người đều chung số phận tận diệt thì làm gì phải lo Tận Thế với không Tận Thế chớ! Nếu biết rằng sắp có Tận Thế với ý nghĩa là loài người tiêu diệt thì cần gì phải lo nghĩ mà chẳng phung phí cho sướng thân.

Cái luận điệu nầy chúng ta thường thấy nhiều người nêu lên để cho rằng: tôn giáo đưa ra vấn đề Tận Thế có ý làm cho người đời sợ sự trừng phạt mà nghe theo các giáo điều.Cái nghĩa Tận Thế ấy trái hẳn với luật tuấn hoàn của vũ trụ.

Ngoài luận điệu ấy, chúng ta còn thấy luận điệu mà các nhà chiêm tinh học và các nhà khoa học tính tuổi trái đất nêu ra bao nhiêu kết quả của cuộc tìm tòi và tính toán cho rằng nào là mặt trời còn mấy triệu năm nữa mới nguội, ảnh hưởng của nó sẽ làm cho quả địa cầu phải nguội theo mà tắt hẳn đi; nào là quả địa cầu ngày một khô lần, vỉ nước một ngày một thấm dần vào trong ruột trái đất như thuyết của ông Mạc tên( Martel), nào là mặt đất một ngày một thấp dần vì thời tiết làm hoa mòn núi non đất cát, nước mưa đem xuống biển do các nguồn sông rạch, khối đất hao mòn ấy lấp dần đáy biển làm cho nước biển một ngày kia sẽ nhận chìm những phần đất của dân cư; nào là cái truc của quả địa cầu một ngày một nghiêng dần, làm cho sức quay của nó một ngày một chậm đi, rồi đến một ngày kia nó sẽ trút đổ v.v…

Những luận điệu vừa kể cũng đồng hiểu Tận Thế là một cuộc tiêu diệt của quả địa cầu.

Nhưng thật ra danh từ Tận Thế nêu ra trong quyển sách nầy có đồng một ý nghĩa tiêu diệt quả địa cầu, tiêu diệt loài người không?

Mặc dầu danh từ Tận Thế được nhắc nhở đến luôn, nhưng khi đọc qua Sấm Giảng ai cũng nhận thấy rằng: Thời kỳ Hạ Nguơn sắp chấm dứt để bước sang thời kỳ Thượng Nguơn.Như thế Tận Thế có nghĩa là chấm dứt một thế hệ nầy để bước sang một thế hệ khác, đúng theo cái luật tuần hoàn của vũ trụ.Nhưng khổ nỗi, lần đổi dời nầy của thời kỳ Hạ Nguơn, nó không được êm thắm như lần đổi dời của thời kỳ Thượng Nguơn qua thời kỳ Trung Nguơn, của thời kỳ Trung Nguơn qua thời kỳ Hạ Nguơn.Vì đó là những cuộc đổi dời thuận chiều.

Còn lần đổi dời nầy của thời kỳ Hạ Nguơn trở lại thời kỳ Thượng Nguơn, từ cái thật xấu trở lại cái thật tốt, bởi nó không thuận chiều cho nên nó phải đau đớn.Nhân loại vì đó mà phải điêu linh trong cuộc lừa lọc quá khắt khe của luật đào thải: tốt còn xấu mất.Đó là một cuộc lừa lọc, một cuộc đổi dời, chớ không phải một cuộc tiêu diệt.

Mà làm gì có sự tiêu diệt quả địa cầu: địa cầu trong thời kỳ nầy.Nếu xét theo thuyết của nhà Phật thì không thể đặt ra vấn đề Tận Thế.Nếu nói Tận Thế, tức nhiên là có sáng chế, mà như thế là kông đúng luật vũ trụ vô thỉ vô chung của nhà Phật.

Thế giới sở dĩ được thành lập là do tạo nghiệp, do tâm niệm vọng động của chúng sanh cũng như nhà ngục sở dĩ có là vì người đời còn phạm tội.Chỉ khi nào không còn tội nhân thì mới không có nhà ngục, cũng như khi nào chúng sanh không tạo nghiệp, tâm niệm không vọng động thì mới không có thế giới nầy.Có thể chúng sanh hết tạo nghiệp chăng? Nói tỷ dụ như chúng sanh đều đoạn cái gốc luân hồi, dứt được cái tâm vọng động đi nữa, thì thế giới chẳng vì đó mà hủy hoại đi, hay không thành lập?

Tại sao vậy?

Cứ theo thuyết nhà Phật thì trong vũ trụ có Tam giới: cõi Dục giới, cõi Sắc giới và cõi Vô sắc giới.Quả địa cầu của chúng ta ở là một thế giới trong cõi Dục giới là cõi còn các điều dục lạc như : ăn, uống, ngủ, thức ,trai, gái.Còn cõi Sắc giới tuy đã ly được những điều dục vọng nhưng còn có đủ sắc thân.Đến như cõi Vô sắc giới thì không còn sắc thân nữa mà chỉ còn tâm thức.

Nếu chúng sanh còn trong vòng luân hồi thì không sao tránh khỏi luật thăng trầm do nghiệp luật gây ra.Bởi có luật thhăng trầm cho nên trong lúc có người được sạch nghiệp vượt lên thì cũng có chúng sanh vì nghiệp lực mà giáng xuống.Thế cho nên dầu cho chúng sanh ở cõi đời nầy mà vượt lên hết đi nữa thì cũng chẳng vì đấy phá tan tam giới được.Chắc gì trong lúc ấy chẳng có chúng sanh ở cõi Sắc giới trở xuống cõi Dục giới.Huống chi theo luật tiến hóa còn bao nhiêu chúng sanh ở cõi thấp kém hơn cõi đời nầy chẳng có lúc vượt lên thế giời nầy.

Cái luật tuần hoàn còn thì chưa có thể hiểu theo các nhà chime tinh học hay khoa học tính tuổi trái đất kia rằng Tận Thế có nghĩa là hủy diệt quả địa cầu.

Đây là một cuộc đổi dời đúng theo lý tam nguơn.

Có người nhắc chuyện lại rằng: lúc Đức Huỳnh Giáo chủ dưỡng bịnh ở nhà thương Chợ quán, một hôm bác sĩ Trần Văn Tâm cai quản bịnh viện ấy đến hỏi Ngài về ý nghĩa của hai tiếng Tận Thế đã thấy nói trong các Sấm Giảng thì Ngài đáp rằng: Ông hãy tìm quyển sách nói về trận sụp đất Ắc lăng tít( Atlantide) mà đọc.Trận sụp đổ tới đây sẽ giống như trận sụp đất ấy.

Như thế thì danh từ Tận Thế không có nghĩa là một sự hủy diệt quả địa cầu mà chỉ là một cuộc thay đổi địa hình như kỳ sụp đất Ắc lăng tít.

Nhưng thế giới Ắc lăng tít thế nào và sự sụp đổ của nó ra sao?

TẬN THẾ SẼ GIỐNG LẦN SỤP ĐẤT ẮC LĂNG TÍT

Khảo cứu về Ắc lăng tít, trên thế giới hiện nay. Có thể chia ra làm hai phái: một phái gồm những nhà ngữ ngôn học và cổ vật học, muốn tìm lại đất Ắc lăng tít như nhà triết học Bá lạp đồ (Platon) đã tả là một cù lao trước kia nằm giữa khoản Phi châu và Mỹ châu, trong biển Đại Tây Dương ngày nay, sau một trận Đại Hồng Thủy hòn đảo ấy sụp đổ không còn dấu vết ; còn một phái gồm những nhà địa chất học, nhân loại học và tiền sử học- phái này hiện nay rất đông- muốn tìm lại đất Ắc lăng tít là thế giới nguyên thỉ đã di lưu một giống dân văn minh.

Cái thuyết nhận rằng Ắc lăng tít là một nền văn minh tối cổ đã tàn tạ sau trận Đại Hồng thủy, được các giới bác học ngày nay nhìn nhận, nhưng tim để hiểu cái xã hội tàn tạ ấy thế nào thì mỗi người đưa ra một giả thuyết không giống nhau.Nhà địa chất học thì dựa theo sự khai quật của mình mà chấp lấy luận thiết của mình là đúng, nhà nhân loại học thì dưa theo sự nghiên cứu của mình mà cho rằng lý thuyết của mình là hơn.

Ông A.Bessmertny trong quyển “ L’ Allantide” khi khảo qua các giả thuyết về Ắc lăng tít, đã nhận rằng: “ Nếu có thể kiểm điểm mọi lý thuyết về Ắc lăng tít nói về sự phân biệt của địa cầu, người ta sẽ thấy một quan niệm nầy thay thế một quan niệm khác, một quan niệm rất cũ kỹ được lặp lại với những tài liệu khác nữa, và như thế, bức tranh toàn diện sẽ luôn luôn trở thành hỗn tạp”.

Như thế thì những phương pháp mò mẫm từ cuộc khám phá nầy đến cuộc khám phá khác của những nhà đại chất học, nhân loại học v.v…không tìm thấy lại những xã hội, những thế giới có trước tiền sử.Mà dầu có tìm được chăng nữa cũng chỉ tìm được một đôi phần tài liệu, chớ không thể xây dựng lại những xã hội nguyên thỉ đúng với toàn diện của nó.

Trong cuộc nghiên cứu mò mẫm chưa đi đến đâu, thì có một phái người phát giác một cách đầy đủ thế giới Ắc lăng tít, không bằng phương pháp mò mẫm mà bằng phương pháp trực giác, nghĩa là dùng tâm linh soi tỏ lại những việc quá khứ. Với phương pháp nầy, người ta có thể hồi ức lại nguồn gốc bất diệt của quá khứ và thấy rõ những điểm mà người thời nay không thể hiểu nổi.

Cái phương pháp trực giác nầy, theo nhà Phật, không phải là khó hiểu.Cái năng khiếu trực giác ấy không chi khác hơn Túc mạng thông trong Lục thông của nhà Phật.Kẻ tu hành đắc đến quả A La Hán đều chứng được Lục thông.Túc mạng thông là một năng khiếu thấy rõ lại các tiền kiếp.

Ai có đọc truyện Tiền thân của Phật Thích Ca cũng nhận thấy khi Ngài đắc đạo rồi, nghĩa là mở Lục thông, Ngài kể lại chẳng những tiền kiếp của Ngài mà còn bao nhiêu quốc độ trong Tam thiên Đại thiên thế giới.Ngày nay những người có huệ cũng có cái năng khiếu mà người Âu Tây gọi là trực giác đó.Ai có đến hầu chuyện với người phát huệ, thử đem chuyện cổ kim ra hỏi, mới thấy chỗ kỳ diệu là người phát huệ ấy vốn là kẻ không học, nhưng đối đáp một cách thông minh lạ thường, thông hiểu cả việc quá khứ vị lai.Tuy gọi rằng huệ chứ kỳ thật là đã mở Túc mạng thông.

Ông Roudolf Steiner đã dùng năng khiếu trực giác ấy mà thuật lại thế giới Ắc lăng tít, là vì “ khi thế giới này sụp đổ thì khí trời dày đặc ở thời kỳ Ắc lăng tít, trải qua một cuộc thay đổi”.Đến lúc đó thì cuộc đời thần tiên trước kia tan dần và thế giới chói rọi của dân Ắc lăng tít chỉ còn lưu lại trong ý thức của người ở thời kỳ Trung Nguơn một ký ức mang máng của thời đại hoàng kim.

Cứ theo phái trực giác , thì Ắc lăng tít là một thế giới cực kỳ văn minh, vì trận Đại Hồng Thủy xảy ra trước đây 20000 năm, mà sụp đổ.Dân ở thời kỳ đó rất mực thông minh, có một ký ức rất phát triển nhờ đó mà làm chủ được những điều mà người đời gọi là sinh lực.Cũng như thời nay, chúng ta dùng than đá tạo ra sức động cơ, dân Ắc lăng tít dùng sức sinh nở của vạn vật mà giúp vào kỹ thuật của mình.

Ông Steiner cho biết rằng tiền bối của giống dân Ắc lăng tít là giống dân xứ Lemurie, một thế giới ở phía Nam Á châu hiện nay, đã sụp đổ từ lâu.Một phần ít giống dân ấy còn xót lại xây dựng thế giới Ắc lăng tít.Và đến lượt giống dân nầy, một phần lớn tàn tạ, còn một phần ít được di lưu lập thành giống dân Aryens ngày nay.Ông Steiner cho rằng giống dân nguyên thỉ của nhân loại.

Ba giống dân nầy hiệp với hai giống dân xưa nữa và hai giống dân hậu duệ của giống dân Aryens, lập thành bảy giống dân chánh của nhơn loại.

Cứ theo ông Steiner thì giống dân Ắc lăng tít có những quyền lực trong lời nói mà người thời nay không có thể có.Lời nói của họ có năng lực như các câu chú, có thể làm cho cây cội nảy nở hay thú dữ phải phục tùng v.v…

Các thời đại hoàng kim của thế giới bị sụp đổ sau một trận Đại Hồng Thủy.

Theo ông Frenzold Sehmidi thì đã có bốn lần đại tai đã xảy ra: lần đói kém xảy ra khắp mặt địa cầu,70000 năm trước Tây lịch; lần sụp đổ tháp Babet,50000 năm;lầu Thiên hỏa, 35000 năm; lần Đại Hồng thủy, 20000 năm trước Tây lịch, chính lần Hồng Thủy này nhận chìm đất Ắc lăng tít.

Lần đại biến sắc tới đây sẽ giống lần sụp đổ Ắc lăng tít.Nhưng nó sẽ diễn ra như thế nào?

TẬN THẾ VÀ HỘI LONG HOA XẢY RA NHƯ THẾ NÀO?

Ông Thanh Sĩ có viết:

Tận Thế bằng cách nào?

Đó là một cuộc lọc lựa lớn lao và kỳ diệu của Đức Ngọc Đế mà với trí phàm con người khó thể nghỉ bàn được vì nó sẽ làm thay đổi được tất cả vạn vật một cách mầu nhiệm và chớp nhoáng.Sau một cuộc lở đất long trời tối tăm mù mịt, người đứng cách nhau trong gan tấc không thấy, tiếng cây ngã đá xiêu quên nghe và có những lời khóc than kêu cứu thảm thiết mà không ai làm sao đỡ gạc cho nhau được.Trong lúc đó hốt nhiên những cái cũ kỹ, những cái trái ngược đạo lý, những cái đảo lộn nhân tâm và những điều không được tương ứng với cơ tạo hóa bên trong cũng như bên ngoài con người thảy thảy đều bị tận diệt hết cả.

Về bên ngoài của con người:

-Những loại thuộc về khoáng vật như đao, kiếm, sung ống, bom, đạn v.v…

-Những loại thuộc về thực vật như cây có gai, cây có chất hôi chất độc và cây vô dụng vô ích v.v…

-Những loại thuộc về động vật như rắn, rít, sói, lang, beo, gấu, trâu, bò, mèo, chó v.v…(1)

(1)Sở dĩ không có loài trâu, bò là vì đến thời kỳ Thượng Ngươn khỏi cày cấy, ngoài đồng tự nhiên có lúa mọc sẵn, mỗi khi đến kỳ lúa chin thì nó tự lăn vào nhà khỏi cần phải gặt hái.Còn không có chó mèo bởi trong nhà không có chuột bọ và không có trộm cắp.

Nói tóm lại các loại bên ngoài con người bất kỳ thứ nào, dù khoáng vật, thực vật hay động vật cũng vậy,hễ là loại không có ích cho thời đó về sự mát mẻ cũng như về sự cần dùng mà ngược lại còn làm tổn hại cho con người thì bị tiêu diệt ngay.

Về bên trong con người:

Nhứt thiết về ngôn ngữ, tư tưởng và hành động bất công bất chánh, không đạo không đức, đê tiện xấu xa, càn ngang thô lỗ,v.v…mà con người đã có từ trước đến giờ đều bị tiêu diệt ngay trong lúc biến thiên ấy.

Tại sao? Vì kẻ đã có những bẩm tánh và hành vi tồi tệ chắc chắn không được tồn tại; trái lại người được tồn tại trong thời đó nhứt định không có những chỗ xấu xa kia.

Tại sao Đức Ngọc Đế có quyền tiêu diệt được cả vạn vật ở quả địa cầu nầy? Vẫn được và càng được nhiều hơn nữa trong thời kỳ mạt pháp nầy bởi lẽ Ngài là một vị cầm cán một cơ quan chưởng quản cả vạn vật ở cõi ngũ trược ác thế nầy, nên chi Ngài lúc nào cũng có quyền chiếu theo công lý của luật nhân quả báo ứng mà thưởng phạt vạn vật ở thế gian.Đây chẳng khác nào một cuộc trừng thanh của một chánh phủ.

Tuy nhiên, trước khi đem ra trừng trị vạn vật mà nhứt là ngưởi về những tội lỗi hung hăng giảo quyệt thì Đức Ngọc Đế cùng Đức Phật đồng ý cho các vị Thinh Văn, Duyên Giác, La Hán, Bồ Tát và các bực Thần Tiên gấp rút lâm phàm cùng một khẩu hiệu cùng một giáo pháp( song có nhiều thể thức khác nhau, ấy là tùy theo căn cơ và địa vực) để dạy dỗ kêu réo những người có thiện căn, có âm đức mau mau hồi đầu thức tỉnh lánh dữ về lành hầu có nhờ sự ủng hộ của các đấng Tiên, Phật, Thần, Thánh để tránh khỏi cơ tận diệt tới đây.Đồng thời các vị thiêng liêng ấy cho người đời biết trước Hội Long Hoa sẽ mở tại thế gian ở miền Nam nước Việt.

Hội Long Hoa thế nào?

Long Hoa là một hội chọn lựa những phần tử ưu tú có đạo đức chơn chánh, có hiếu hạnh đầy đủ, có trung nghĩa vẹn toàn, nói tóm lại là những người tâm tánh trong sạch hiền lương để lập lại cõi đời an lạc công bằng ở thời kỳ Thượng Nguơn.

Trong khoản kế cận Hội Long Hoa, tất cả loài người loài vật cho đến thảo mộc côn trùng trên thế gian đều ở trong cảnh giết hại tàn phá và đau đớn hơn hết là con người đua nhau nồi da xáo thịt gây nên nạn đói đau thê thảm.

Đến ngày Hội Long Hoa sẽ có nhiều việc nhiệm mầu không thể tưởng tượng được, nào là hai phái tà giáo và chánh giáo đua nhau trổ tài đấu phép làm kinh thiên động địa, nào là loài người và loài thú sát hại nhau làm thần sầu quỉ khóc.Trong cảnh ấy, hai phái chánh giáo và tà giáo xô nhau đến cảnh chết chóc xương chồng tợ núi, máu chảy thành sông mà chung qui phái chánh giáo được trọn thắng, nhờ bí pháp của Đức Phật phù trợ, còn những loại thú dữ do phép mầu của Thần Tiên hóa hiện để sát phạt loài người có lòng ác độc, tuy mang lốt người mà chẳng chút giống người chỉ biết khu danh trục lợi ích kỷ tổn nhân, nói tóm lại là lòng của họ như thú vật nên bị thú vật giết hại đúng theo phản lực nhân quả.Sau khi trừ xong những hạng ác nhân thì các vị Thần Tiên thu phép mầu lại và các loại thú dữ không còn nữa.

Đến đây là lúc các vị Tiên, Phật, Thánh, Thần đồng giáng phàm để tùy theo nhân duyên mà cứu độ nghĩa là người có duyên với Phật thì được Phật rước về cõi Phật, có duyên với Tiên thì được Tiên rước về cõi Tiên, còn những người vào bảng Phong Thần, thì làm Thần, những người kém đức hạnh hơn mấy hạng nói trên thì ở lại làm dân hoặc làm quan phò Chúa Thánh.

Có một điều lạ nhứt là phần nhiều và có thể nói là gần hết các vị cựu thần trung quân ái quốc của Việt Nam từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần trở lại đây đều tái kiếp.

Trong cảnh tà chánh phân tranh nhân vật cấu xé đó, Đức Di Lặc ra đời lập Hội Long Hoa có cả chúng sanh của ba ngàn thế giới tham thính như Thinh Văn, Duyên Giác, La Hán, Bồ Tát, chư Tiên, chư Thần, Trời, người, rồng, hổ, điểu v.v…đều xoay quanh bửu tòa của Ngài để nghe những lời vi diệu nhiệm mầu chưa từng có.Ngài sẽ thống nhứt tất cả kinh luật lại làm một khiến cho tất cà chúng sanh không còn sự tranh chấp câu nệ đạo nầy chính, đạo kia tà.Ngài là người thứ năm trong năm vị Phật hiền kiếp.Vào thời kỳ mạt pháp nầy đến lượt Ngài ra đời kế truyền chánh pháp của Đức Thích Ca bởi sau khi Đức Thích Ca diệt độ đến nay đã hơn 2500 năm(2515 năm theo Phật lịch), lời di giáo bị sai lạc tinh lý vì bị truyền qua dịch lại nhiều lần.Cũng nhờ Ngài mà nhân loại sẽ được một thế giới trang nghiêm, thanh lịch, an lạc phi thường.Đường đi như lót cẩm thạch, cỏ tợ nệm bong.Người đẹp như Tiên, không làm có ăn, không may có mặc, cư xử nhau rất nên hiền hòa lịch sự.Với mỹ lệ ấy, con người lại có cái đặc biệt là không cánh mà bay, sống lâu muôn tuồi, trí hóa thông minh một cách dị thường.Vì phần nhiều là người Thượng cổ tái kiếp nên phong tục tâp quán được giữ gìn nghiêm minh liêm khiếp.

Đây là nói ngay ở xứ Việt Nam.Sở dĩ nước Việt Nam được cái diễm phúc như nói trên là bởi các vì vua chúa cho đến quan quân Việt Nam vào đời Đinh, Lê, Lý, Trần trở lại đây phần nhiều đều qui ngưỡng về Phật đạo và Nho đạo một cách thâm thiết.Trong đó có một vì vua có phát nguyện sau khi thành đạo sẽ trở lại chủ trì nền đạo và phong tục Việt Nam.Nhờ công quả và công đức ấy mới khiến thay đổi được địa vị của nước Việt Nam vậy.

Còn nước Việt Nam sẽ trở thành địa điểm trung ương của đời Thượng Nguơn là vì tuần tự theo định luật tuần hoàn của cơ tạo hóa.

Long kiến, ngày 20-10-52

TẬN THẾ LẦN NẦY LÀ MỘT CUỘC ĐẠI TIẾN HÓA

Cứ theo lý Tam nguơn thì luật tuần hoàn của vũ trụ( vũ trụ theo nghĩa không gian và thời gian) không bao giờ dứt.

Cứ từ Thượng Nguơn chuyển sang xuống Trung Nguơn và từ Trung Nguơn chuyển xuống Hạ Nguơn, là một cuộc tuần hoàn theo chiều thối hóa.Còn từ Hạ Nguơn chuyển lên Thượng Nguơn, nghĩa là từ cõi đời thật xấu chuyển lên cõi đời thật tốt, là cuộc tuần hoàn theo chiều tiến hóa. Chúng ta ở vào thời kỷ chuyển biến từ Hạ Nguơn sang Thượng Nguơn : tức là ở vào thời kỳ chuyển biến tiến hóa.

Cuộc Tận Thế hay đúng ra cuộc chuyển biến lần nầy là một cuộc đại tiến hóa chẳng những cho quả địa cầu mà cho cả vạn vật, chúng sanh, tiếng chúng sanh gồm cả phàm lẫn Thánh.

Nói về các đấng siêu phàm, nhờ lần tiến hóa nầy mà được tròn bản nguyện.

Đây chúng tôi xin xét qua một vài đấng siêu phàm.

Ai có đọc Kinh Địa Tạng cũng hiểu rằng Địa Tạng Bồ Tát từ thác sanh làm Bà la môn nữ và Quang Mục nữ trong đời quá khứ có phát ra một lời nguyện hết sức bi thiết.Ngài nguyện rằng: Tôi từ ngảy nay cho đến tột đời vị lai không biết bao nhiêu kiếp số, quyết vì những chúng sanh tội khổ ở trong sáu đường mà thi thiết ra nhiều phương tiện, khiến cho giải thoát được hết, rồi thân tôi đây mới thành Phật đạo.

Vì bản nguyện bi thiết ấy mà trải qua hằng hà sa số kiếp, mặc dầu Địa Tạng đã chứng quả Bồ tát, song vì số chúng sanh tội lỗi trong sáu đường chưa giải thoát hết mà Ngài vẫn ở mãi địa vị Bồ Tát chưa thành Phật đạo.Ngải thường hóa hiện ở cõi Địa ngục để giáo hóa chúng sanh, và cũng nhờ nguyện lực hoằng thâm của Ngài mà chúng sanh tội lỗi được cứu độ.

Đến ngày Hội Long Hoa khai mở để lập lên đời Thượng Nguơn, Địa Tạng Bồ Tát sẽ được thõa mãn bản nguyện mà thành Phật đạo.

Vì sao? Là vì Hội Long Hoa là một Đại hội hiệp cả ba cõi: cõi Trời, cõi người và cõi đất tức là cõi âm, để công đồng thưởng phạt.Những vì ở cõi Trời như các vị Bồ Tát, La Hán, Duyên Giác, Thinh Văn cùng các vị Thiên long, Bát bộ sẽ qui tụ xung quanh bửu tòa của Phật Di Lặc, cũng như chúng sanh ở cõi âm và cõi dương đều hội nhau ở đó để chịu sự phán quyết lần cuối cùng.

Những người đắc quả lên cõi trên thì được các Ngài ở cõi trên rước, những nhười chưa đắc quả nhưng không tội lỗi thì ở lại lập đời Thượng Nguơn, còn nhứt thiết chúng sanh tội lỗi thì đều phải chịu tiêu diệt.Như thế là cõi Địa ngục đã được xóa bỏ, đường tội lỗi không còn ai, thì tứt nhiên là bản nguyện của Địa Tạng Bồ Tát đã mãn.Ngài sẽ thành Phật đạo.

Cũng như Đức Di Lặc đã đắc quả Bồ Tát, bấy lâu vẫn ngụ ở cung Trời Đâu xuất, ngày Hội Long Hoa mở ra, Ngài sẽ ngồi dưới cội cây Long Hoa mà đắc quả Như Lai, hoàn thành bản nguyện của Ngài là tạo lập một quốc độ vô cùng trang nghiêm giải thoát bao nhiêu sự khổ não cho người đời như ăn, mặc, ở nhứt là về phương diện sanh sống con người ở thời kỳ Thượng Nguơn sẽ được giải thoát một phần lớn, nhờ ở khí hậu điều hòa tốt đẹp, nhờ ở đất đai thích hợp cho sự nảy nở của mễ cốc, tự nhiên mọc lên khỏi cần phải cày cấy.

Đó là chỉ đơn cử có hai vị Bồ Tát thỏa mãn bản nguyện trong cuộc tạo lập thời kỳ Thượng Nguơn, chớ ngoài ra còn nào là các vị, từ bực Thinh Văn, Duyên Giác cho đến bực La Hán, đã tạo công đức trong thời kỳ Hạ Nguơn nầy cũng đều được tăng quả vị.

Đó là chưa nói đến chúng sanh trong cõi đời nầy.Đã đành những chúng sanh tội lỗi phải bị tiêu diệt, chớ thật ra là thối hóa.Những chúng sanh ấy vì không còn thích hợp với đời Thượng Nguơn phải sa đọa hoặc vào một thế giới thấp hèn nào tương ứng với trình độ tội lỗi của họ, hoặc phải làm cây cỏ trong thời kỳ Thượng Nguơn, ngưng trệ sự tiến hóa trong mấy chục ngàn năm chờ chừng đến một ngày kia cõi đời trở nên thích hợp với trình độ tiến hóa của họ thì họ sẽ tái kiếp.Nhưng ngoài hạng người thối hóa ấy, hầu hết là được tiến hóa.Người đắc quả về cõi trên thì được rước đi đã đành mà những người dâu không đắc quả,còn ở lại cõi đời Thượng Nguơn, cũng sẽ được bao nhiêu cơ hội thuận tiện giúp cho họ tiến hóa một cách mau chóng.

Thử đem cõi đời Hạ Nguơn so sánh với cõi đời Thượng Nguơn, thì đủ thấy người ở cõi Hạ Nguơn nầy thiếu điều kiện để tu cho đắc quả bằng người ở cõi đời Thương Nguơn.

Ở cõi đời cơ cực như thế nầy, ngày nào cũng lao tâm khổ trí với miếng ăn, phải làm lụng, cày cấy cực nhọc mới có lúa mà ăn thì dầu có muốn tu hành cũng không được nhàn rảnh mà sớm kệ chiều kinh.

Chí như người ở cõi đời Thượng Nguơn thì về miến ăn họ khỏi cần lo: ngoài đồng lúa mọc sẵn, lại khi lúa chin tự nó lăn vào nhà; như thế họ rảnh tâm trí mà tu niệm.

Chẳng những thế,họ được sống gần các vị Tiên, Phật, ngày ngày thấy Tiên Phật trước mắt, lại còn được Phật Di Lặc mở trường thuyết pháp hóa độ dìu dắt cho.Nhờ đó mà tiến hóa rất mau, tu hành sớm đắc quả.

Như thế, đủ thấy rằng lần Tận Thế kỳ nầy để lập lên cõi đời Thượng Nguơn là một cuộc đại tiến hóa của chúng sanh.Và cõi đời Thượng Nguơn sẽ là một nấc thang tiến hóa giúp cho người ở thời đó bước lên quả vị Tiên Phật.

CHẮC CHẮN THẤY PHẬT TIÊN THỪA HẠC LÂM PHÀM

Có thể nào thấy Phật Tiên Thần Thánh thừa hạc xuống trần?

Ở thời kỳ Hạ Nguơn nầy mà đòi cho thấy được Phật Tiên Thần Thánh thừa hạc lâm phàm, hay thấy được tận mắt mới tin thì chẳng khác mấy nhà khoa học đòi đi lên cung trăng hay các hành tinh vậy.

Có thề thực hiện những điều đòi hỏi ấy ở cõi đời ác trược này chăng?

Không có thể được, mà cũng có thể được.

Tại sao không thể được?

Là vì các đấng thiêng liêng kia ở cõi thượng giới, còn cõi đời của chúng ta là cõi hạ giới, cách nhau hai mươi mấy từng Trời, mỗi giới thích hợp cho mỗi thể chất thì làm gì người ở cõi thượng thạnh kia có thể xuống cõi hạ trược nầy với nguyên thể được chớ.

Cứ theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm thì từ cõi Dục giới trở lên cõi Vô sắc giới có 28 từng Trời, mỗi từng thích ứng cho mỗi tửng chúng sanh.

Chúng sanh nào toàn về phần tưởng thì nhẹ nhàng bay lên, nên khi chết sanh lên cõi Trời.Bằng tình ít tưởng nhiều thì thể nhẹ cất chẳng được ca lắm,tức làm hảng Tiên.

Bằng tình và tưởng cân nhau thì chẳng bay lên sa xuống tức là đầu sanh trong cõi người.Cũng bởi có nửa tưởng nên “tưởng” thuộc về sáng mà thông minh, cũng bời có nửa tình nên “ tình” thuộc về tối mà ngu độn.Nếu tình nhiều tưởng ít thì trôi tấp vào loài hoành sanh, nặng thì làm thứ có long,nhẹ thì làm nòi có cánh.Bằng bảy phần tình ba phần tưởng thì chìm xuống thủy luân, rồi sanh nơi hỏa tế là chỗ thủy hỏa giáp nhau, mà thọ khí lửa dữ, làm thân ngạ quì thường bị lửa thiêu đốt.Còn chin phần tình một phần tưởng thì chìm dưới suốt thấu hỏa luân,thân bị sa vào chỗ gió lửa, hai thứ giao thông, nhẹ thì sanh nơi Địa ngục Hữu gián, nặng thì sanh nơi Địa ngục Vô gián.Đến như toàn về phần tình tức là phải xuống tới A tỳ Địa ngục.

Như thế đủ thấy ở mỗi cõi chỉ thích hợp cho mỗi loài chúng sanh, khác nhau ở chỗ tình, tưởng nhiều ít mà thôi.

Trong quyển Đại Thừa Chơn giáo cũng thấy có đoạn nói về sự sai biệt của linh hồn ở các cõi như thế nầy:

Linh hồn của con từ cõi Bồng Lai Tiên Cảnh hoặc Cực Lạc Niết Bàn mà muốn đầu thai xuống cõi hạ giới nầy là cõi thứ bảy thì phải trải qua sáu cõi hư linh ở thượng tầng không khí, mà mỗi khi trầm xuống cõi hư linh thì linh hồn phải chịu dưới quyền cấu tạo của Tạo hóa chi cơ, nghĩa là phải thọ bẩm thần khí ở cõi hư linh đó mà bao bọc thêm ra ngoài một lớp thể chất nữa, mà càng hễ càng trầm xuống xa chừng nào thì lại càng nặng nề thêm chừng nấy.Khi trầm xuống đến cõi Dục giới nầy lại còn phải mang thêm một xác thân phàm tục đủ điều…

Để hiểu hai đoạn vừa dẫn ở Kinh Thủ Lăng Nghiêm và Đại thừa Chơn pháp, chúng tôi xin đưa ra một tỷ dụ cụ thể.

Những nhà hải dương học, khi khảo sát những loại động vật ở sâu tám chin ngàn thước dưới đáy biển Thái bình dương và Đại tây Dương,có gặp một giống cá kỳ quái, hai mắt sáng như đèn, muốn đem lên mặt nước để khảo nghiệm.Nhưng vì vừa đưa nó lên tới mặt nước thì nó nổ tan.Điều đó đủ chỉ rằng loại cá ấy chỉ thích hợp với áp lực nước dưới đáy biển chớ không như các loại cá quen sống gần mặt nước; bởi thế khi đem nó lên mặt nước, vì chịu không nổi áp lực ở từng trên nên chi nó phải nổ.

Điều nhận xét nầy cho ta thấy rằng: ở cõi trong trược nầy mà muốn thấy tận mắt Phật Tiên Thánh Thần ở cõi thượng thanh kia, thì chẳng khác nào loài cá ở tám chin ngàn thước sâu dưới đáy biển mà muốn đưa lên mặt nước vậy.Muốn cho loài cá ấy lên mặt nước mà còn sống thì ít ra thể chất của nó phải giống thể chất của loài cá ở mặt nước, có đủ các bộ phận, thích ứng với hoàn cảnh sống ở mặt nước.

Đến như người phàm tục mà muốn thấy tận mắt Phật Tiên cũng thế; hoặc người phàm phải có thể chất nhẹ nhàng như Phật Tiên, nghĩa là “tưởng” nhiều “ tình” ít hoặc hoàn cảnh cõi trần trược nầy biến thể để thích ứng cho Phật Tiên hóa hiện.

Đến khi đó thì người trần sẽ thấy được Phật Tiên tại thế.Và ngày đó là ngày Sấm nổ, ngày mở Đại Hội Long Hoa.Tiếng sấm nổ có hiệu lực làm thay đổi hẳn hoàn cảnh của quả địa cầu, làm biến chất ngũ hành.

Điều nầy không có chi là khó hiểu.Ông Rudolf Steiner khi khảo sát về đất Ắc lăng tít, nhận thấy rằng ở thời kỳ Ắc lăng tít lớp không khí bao bọc quả địa cầu rất dày đặt hơn thời nay, còn trái lại chất nước thì loãng hơn.Như thế đủ chứng rằng trận Đại Hồng Thủy làm sụp đổ đất Ắc lăng tít, đã làm cho ngũ hành biến chất.Sau nầy khi tiếng sấm nổ làm thay đổi địa hình, ngũ hành cũng biến chất đi, tạo nên một hoàn cảnh thích hợp cho Phật Tiên giáng thế.

Nhưng đến lúc đó, chẳng phải người nào cũng có thể thấy được,vì muốn thấy được Phật Tiên tận mắt, ít nhứt thể chất phải phù hạp với hoàn cảnh ấy thì mới sống được.

Trong quyển Đại thừa Chơn giáo có đoạn giải rằng:

“ Một ngày kia, những con nào biết đạo đức, ăn chay lạt, thân thể nhẹ nhàng hiệp với khí Tiên thiên thì lúc dương sanh mới có thể chịu nổi với khí ấy mà còn vững vàng sống đặng; còn những con vô Đạo bị cả khí Hậu thiên nên tới ngày âm tuyệt dương sanh ấy, chúng nó sẽ không bao giờ hứng chịu nổi khí chơn dương, nên phải dứt hơi lìa mạng”.

Ông Thanh Sĩ cũng nhận rằng : “ Nhứt thiết về ngôn ngữ, tư tưởng và hành động bất công bất chánh, không đạo không đức, đê tiện xấu xa, càn ngang thô lỗ v.v.. mà con người đã có từ trước đến giờ đều bị tiêu diệt ngay trong lúc biến thiên ấy.”

Như thế đủ thấy rằng muốn thấy được Phật Tiên, phải là người có thể chất phù hạp với hoàn cảnh Phật Tiên.Chớ dưng không mà đòi cho thấy được Phật Tiên mới tin là không khác bầy tôi ở triều vua Tự Đức không tin lời điều trần của các sứ thần Việt Nam đi Pháp về.Ai có đọc lịch sử Việt Nam cận đại hẳn còn nhớ vua Tự Đức có gởi phái đoàn qua Pháp để điều đình.Khi trở về ông Phạm phú Thứ cũng như ông Phan thanh Giản có làm tờ điều trần kể rõ về sự văn minh kỹ xảo của người Âu Tây, như cho biết ở xứ người xe kgông kéo mà chạy, thuyền không chèo mà đi, đèn đốt trở ngọn xuống mà cháy v.v…, rồi yêu cầu nhà vua hãy sớm liệu gởi du học sanh ra xứ ngoài.Ngoài ra có ông Nguyễn trường Tộ có thảo ra 18 tờ điều trần cũng nói về văn minh cơ xảo Âu Tây và yêu cầu cho học sanh xuất dương : như bầy tôi của vua Tự Đức không tin, cho đó là đặt điều nói dóc.Đến chừng họ tin được, thấy tận mắt xe không kéo mà chạy, thuyền không chèo mà đi, đèn đốt trở ngọn xuống mà cháy v.v…, thì ô hô ! nước Việt Nam đã mất.

TRƯỚC CƠ TẬN DIỆT HẦU KỀ VÀ HỘI LONG HOA SẮP MỞ CHÚNG SANH LIỆU THẾ NÀO?

Từ Cơ Đốc giáo trải qua Phật giáo, Cao Đài giáo, phái Phật Thầy Tây An, Phật giáo Hòa Hảo, cho đến nhiều dị nhân ra đời gần đây cho biết cơ tận diệt đã gần và Hội Long Hoa sẽ mở.Vậy đối vớo lời cảnh thế của Phật Tiên, chúng sanh phải liệu cách nào?

Như chúng ta đã biết: vì người đời cứ mãi dấn thân trên con đường tội lỗi nên chi Đức Ngọc Đế định xử tiêu.Nhưng trước khi phán quyết lần cuối cùng, Ngài đồng ý với Đức Phật cho các vị Thánh Tiên lâm phàm kêu gọi chúng sanh tu sao cho kịp kỳ Đại Hội Long Hoa.

Cái mục đích là đạt đến Hội Long Hoa để rồi qua thời kỳ Thượng Nguơn có đủ cơ hội thuận tiện, như được Phật Di Lặc mở trường phổ hóa mà tu cho đắc chánh quả.Đã là thời kỳ gấp rút thì không thể tu với những pháp môn xa vời để đắc ngay quả Phật, Bồ tát hay La Hán được, mà phải tu tắt, tu để được sống còn trong ngày Hội Long Hoa.

Đây chúng tôi xin đưa ra một tỷ dụ dễ hiểu:

Ai cũng biết bất cứ pháp môn tu hành nào cũng để đạt đến cứu cánh là đáo bỉ ngạn, nghĩa là đến bờ bên kia, bờ của Cực Lạc Niết Bàn hay Thiên Đàng Tiên Cảnh.Con đường từ bờ bên nầy đến bờ bên kia là một cái đại dương to lớn.Như thế muốn đi đến bờ bên kia, phải đóng những thuyền lớn, tất nhiên phải nhiều công phu.Về phương diện tu hành phải dày công tu luyện.

Nhưng trong lúc gia công đóng một chiếc thuyền cho lớn mà chưa xong thì có người cho biết là sắp có trận bão to lụt lớn, mà ngoài đại dương kia có một đảo giúp cho người ta núp được trận bão lụt ấy, lại rất dễ là ai ai cũng có thể đi đến được với một chiếc xuồng con, thuyền nhỏ chẳng mất nhiều công kiến tạo.Vậy thì người đời có nên gấp rút đóng một chiếc thuyền nhỏ xuồng con để ra đảo ẩn núp bão lụt, rồi sau sẽ đóng chiếc thuyền có thể đi thẳng đến bỉ ngạn, hay là cứ ngồi đó lui cui lo đóng chiếc thuyền cho thật lớn mà không rồi để bị trận bão lụt nhận chìm lôi cuốn mất.

Cái ý nghĩa câu tỷ dụ nầy cũng giống ý nghĩa của các đấng siêu phàm cho ta biết về cơ tận diệt và Hội Long Hoa.Cơ tận diệt ví như trận bão lụt, còn Hội Long Hoa ví như hòn đảo kia để ẩn núp cơn dông tố.

Có hiểu như thế, chúng ta mới hiểu tại đâu các đấng siêu phàm không bảo chúng sanh đóng những chiếc thuyền to mà chỉ bảo đóng những chiếc xuồng con hay thuyền nhỏ, nghĩa là pháp môn tu tắt, cốt làm sao đạt đến Hội Long Hoa.

Nhưng thế nào gọi là pháp môn tu tắt?

Sở dĩ người đời gây quá nhiều tội lỗi là vì người đời cứ mãi làm ác.Nay muốn cứu vớt họ chỉ có cách làm sao cho họ bỏ ác về lành trước đã. Đó là điều căn bản,bất cứ đạo giáo nào cũng dạy như thế, Phật làm bài kệ rằng:

Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành;

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chư Phật giáo.

Nghĩa là:

Điều ác đừng làm,

Điều lành gồm làm.

Tự lắng lấy lòng,

Phật dạy như thế.

Nhưng thế nào gọi là làm lành? Nếu không phải là hành nhân đạo là mối đạo mà đạo giáo nào cũng khuyên làm tròn trước nhứt.Nếu không thế, sao lại có câu: Dục tu Tiên đạo, tiên tu nhân đạo: nhân đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỹ; nghĩa là: Muốn tu Tiên đạo, trước phải tu nhân đạo, nhân đạo mà không tu thì Tiên đạo nó đi xa vậy.

Đồng với lý nầy, Đức Huỳnh Giáo chủ có viết:

Bạch trinh giữ lấy nghĩa nhân,

Muốn về cõi Phật lập thân cõi trần.

Hay là:

Tu đền nợ thế cho rồi,

Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.

Như thế đủ hiểu rằng: muốn tu cho thành Phật Tiên chi chi, cũng phải tu cho rồi cái đạo làm người trước đã.Có xem tiền kiếp của Phật Thích Ca mới thấy trước khi đạt đến quả Phật, Ngài đã trải qua bao nhiêu kiếp hành tròn nhân đạo.

Trong truyện Lục giả Tiên tung có kể lại rằng; có người lên núi tìm chơn sư để học đạo, nhưng khi gặp chơn sư thì ngài không tiếp nhận mà bảo phải trở xuống trần lập cho có công đức rồi trở lên Ngài mới truyền giáo cho.Như thế cũng nhận cái lý phải tu nhân đạo trước.Trong truyện Hứa Sử cũng dạy như vậy.

Nhưng đạo làm người gồm những gì? Đức Phật Thầy Tây An cũng đồng với Phật mà nhận rằng : đạo làm người có bốn cái ân lớn cần phải làm cho tròn là:

1. Ân Tổ tiên cha mẹ,

2. Ân đất nước,

3. Ân Tam bảo ( Phật, Pháp, Tăng),

4. Ân đồng bào và nhân loại ( với kẻ xuất gia thì ân đàn na thí chủ).

Nếu bốn cái ân nầy mà làm không tròn thì khó mà tu cho tròn đạo Phật.Nói thế không thể hiểu nên trọng phần nhân đạo mà bỏ phần Phật đạo; mà nên hiểu rằng: đồng thời tu Phật đạo, phải làm tròn nhân đạo, nghĩa là cùng với tu huệ phải có tu phước.

Pháp môn mà Đức Phật Thầy Tây An dỵa tu tắt để đi đến Hội Long Hoa là như thế, nghĩa là pháp môn: học Phật, tu nhân.Nhưng đừng vội tưởng pháp môn ấy chẳng thâu hoạch được kết quả.Bằng chứng cụ thể là đã có nhiều môn đệ của phái Phật Thầy đắc quả và phát huệ tâm.Như trường hợp của ông Thanh Sĩ là một và còn bao nhiêu người mà chúng tôi chưa tiện giới thiệu ra đây.

Sở dĩ chúng tôi phải nói đế pháp môn của Phật Thầy là để đáp lại các bạn đã hỏi.Phải làm thế nào khi biết cơ tận diệt hầu kề Hội Long Hoa sắp mở?

Nhưng những điều chúng tôi đã dẫn ra, chỉ là trong muôn một pháp môn của Đức Phật Thầy mà ở đây chúng tôi không thể nói nhiều hơn nữa.

Để giúp quí bạn có một ý niệm tổng quát về Tận Thế và Hội Long Hoa, chúng tôi trích ra đây hai bài thơ khoán thủ của ông Thanh Sĩ:

Ngày tháng trôi qua tợ bóng câu,

Giờ ân trên định chẳng còn lâu.

Tận đời vạn cảnh lâm tràng mộng,

Thế diệt thiên bang cuộc bể dâu.

Chập chững nhân gian nhiều ách nước,

Chờn vờn thế giới lắm oan sầu.

Bên kia bên nọ tranh vô địch,

Lưng lửng rồi thôi chẳng đến đâu.

Tóm thâu ý nghĩa một ngày gần,

Tắc diệt cựu phàm lập Thánh tân.

Long hội Thần Tiên qui tứ bộ,

Hoa trì Phật Thánh thống tam nguơn.

Ông trời biến cải màu thiên hạ,

Bà đất chuyển luân sắc thế trần.

Để biết huyền vi cơ báo ứng,

Ý phàm hướng thiện rõ chơn nhơn.

Viết xong ngày 10-11-1952.

Phụ-lục

KHUYẾN THẾ

Cảnh đã khổ chưa bồn tránh khổ,

Kẻ còn mê lại cố thêm mê;

Hạ Nguơn lắm việc gớm ghê,

Sao chưa tu tỉnh quay về Thượng Nguơn.

Ta cũng từng để chơn nhiều chốn,

Từ thị thành cho đến thôn quê;

Thấy dân lòng bắt ủ ê,

Rượu chè phung phí, me đề tứ tung.

Trai lẫn gái toàn dùng khách sáo,

Trẻ cùng già đầy lối ngỗ ngang;

Bảo sao chẳng cuộc khốn nàn,

Nhân gây bất chánh, quả mang không lành.

Tánh ích kỷ thường sanh tham nhũng,

Khiến gieo mầm kinh khủng chiến chinh.

Từ trong hỗn loạn gia đình,

Chí ngoài xã hội rồi kình lân bang.

Nếu làm kẻ chịu tang chịu tóc,

Thì lại mình phải gốc phải gai.

Xét lòng kia hỏi bớ ai!

Sớm chừa bạo ngược miệt mài hiền lương.

Gieo thiện cảm quê hương xứ sở,

Kết tình thương già trẻ khắp nơi.

Cứu nhau chóng thoát hoạn đời;

Độ nhau sớm được hưởng đời Thuấn Nghiêu.

Chữ bác ái nâng niu sửa dạ,

Lẽ công bằng chạm vá nơi lòng.

Phật thừa như chẳng làm xong,

Cũng nên vẹn giữ cho trong đạo người.

Làm hiền đức tốt tươi đáng mấy.

Thói hung hăng xấu xí dường bao!

Sống gây sâu mọt đồng bào,

Thác làm quỉ quái chỗ nào gọi vinh,

Quả đất sắp rung rinh lay lắc,

Nhơn gian chờ say giấc Nam Kha.

Tang thương muôn triệu ức nhà,

Phước hồng chữ ết (S) phù xa chói ngời.

Ai hữu chí sống đời Thượng cổ,

Kẻ vô tình thác buổi Hạ Nguơn.

Giặc nầy còn mãi dần lân,

Tới khi tung nổ khắp trần mới thôi.

Tai họa ấy chỉ Trời cứu khỏi,

Khổ đau kia có Phật độ qua.

Tỉnh hồn hỡi bớ bá gia!

THANH SĨ

Mục- lục

Trang

Chương thứ I.-Cơ-Đốc Giáo………………………….. .

Chương thứ II.-Phật giáo …………………………….

Chương thứ III.-Phật giáo phái Phật-Thầy Tây An

1.Ông Sư Vãi Bán Khoai ……………...

2.Ông Ba Thới……………………….....

3.Tứ Thánh……………………………..

Chương thứ V.-Phật giáo Hòa Hảo

1.Đức Huỳnh Giáo chủ……………………

2.Ông Thanh Sĩ……………………………

Chương thứ VI.-Phần giải thuyết

1.Người có điễn lành:

Cô Trúc Lâm nương…………………….

2.Thiên thơ………………………………..

3.Nhà bác học:

Ông Hồ Hữu Tường…………………….

Chương thứ VII.-Tổng luận:

- Nên hiểu Tận Thế như thế nào?.............

- Tận Thế sẽ giống lần sụp đất Ắc lăng tít….

- Tận Thế và Hội Long Hoa xảy ra cách nào?

- Tận Thế lần nầy là một cuộc đại tiến hóa….

- Chắc chắn thấy Phật Tiên thừa hạc lâm phàm……………………………………….

- Trước cơ tận diệt hầu kề và Hội Long Hoa sắp mở chúng sanh liệu thế nào?.................

Phụ lục………………………

Sách xuất bản 1964 tại Việt Nam, dày ,231 trang.
Cảm ơn bạn Dương Hồng đã đánh máy và gửi tặng.
Ottawa ngày 12-12-2011
Sơn Trung

2 comments:

Unknown said...

Tôi không biết phải giới thiệu như thế nào. Những quyển sách mà các bạn sẽ đọc sau đây là những tác phẩm vô cùng quý cho những người thành tâm tìm đạo. Không phải bằng sự tin tưởng, cầu nguyện, mà bằng sự sáng suốt. Kinh Bát Đại Nhân Giác có câu “ Duy Tuệ Thị Nghiệp ”. Như người đi đêm chỉ cần một ánh đèn là đũ. Nếu những lời hay, sách quý đúng vào mục đích nhất là mục đích cốt tủy của người tầm đạo thì thật là như một ngọn đèn sáng. Trân trọng giới thiệu với các bạn tác phẩm “ Ta là Cái Đó ” và nhiều quyển sách quý giá khác của dịch giả Vũ Toàn. Vô cùng cảm ơn công sức dịch thuật của tác giả và sự chia sẻ vô vụ lợi của Ông. Tác phẩm “ Ta là Cái Đó ” là “ Đối thoại sấm sét, trực chỉ giữa một người ở ngoài Tâm và những người còn quanh quẩn trong Tâm ”. Xin mời các bạn. Nếu các bạn muốn, xin vào trang web chuabenhdongian.com và để lại email tôi sẽ gửi sách đến các bạn

Thánh vương hoàng kim said...

Chào.
Di lặc minh vương giá lâm. Xin tu luyện và nghe theo tập luyện, của đức giáo chủ hồng môn minh đạo