Tuesday, September 20, 2011

LỤC CHÂU HỌC I



LỤC CHÂU HỌC
Tác giả Nguyễn Văn Trung
Góp phần phục hồi một mảng Văn Học Lục Tỉnh Miền Nam bị bỏ qua hay bị bỏ quên.
tranh bìa của Cát Đơn Sa
● Lời nói đầu
Mục đích công trình biên soạn này là từ việc trình bày một số tác phẩm văn hóa của một thời kỳ, tìm hiểu nếp sống của con người ở vùng đất mới

● Chương mở đầu: Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua.
Những ai hiểu biết ít nhiều về văn học Việt Nam thời hiện đại có lẽ ngạc nhiên khi nghe nói đến văn học bằng quốc ngữ ở miền Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khoảng 1865 đến 1930, và thốt ra: Ủa, có thực sao?

● Chương 01: Nho học vùng đất mới.
Một thiên kiến khá phổ biến cho rằng miền Nam Việt Nam, vùng đất mới không còn truyền thống văn hóa dân tộc dựa trên Nho học

● Chương 02: Diễn tiến truyện văn xuôi Quốc ngữ.
I. Truyện Tàu dịch ra quốc ngữ - II. Truyện ta ảnh hưởng truyện Tàu và tiểu thuyết phương Tây về kỹ thuật diễn tả. - III. Truyện ta ảnh hưởng tiểu thuyết phương Tây cả về nội dung và hình thức.

● Chương 03: Lịch sử Việt Nam nhìn từ Miền Nam.
Trong phần này, chúng tôi tìm hiểu lịch sử Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng do các tác giả miền Nam viết. Ngoài ra chúng tôi cũng muốn tìm hiểu sự hình thành các nhóm tôn giáo. Theo chủ trương, chỉ nhận định những gì có tài liệu, đã được đọc, nên ở đây chúng tôi mới nói đến Cao Đài và Công giáo, mà không nói đến Hòa Hảo hay Phật giáo, Hồi giáo... vì lẽ chúng tôi chưa tìm ra những tài liệu đáng kể.

● Chương 04: Buổi sơ khởi Đạo Thiên Chúa ở Miền Nam.
Cũng không phải chỉ có đóng góp về chữ quốc ngữ như vẫn thường được nghe nói, mà có lẽ chính lại là về kho tàng chữ nôm gồm mấy chục ngàn trang nguyên văn viết tay vào thế kỷ XVII được tàng trữ ở các thư viện Âu châu. Kho Nôm Đạo này đáng quý ở chỗ chưa bị sửa chữa như số phận kho Nôm Đời đã bị các vua nhà Nguyễn đặc biệt thời Tự Đức sau định lại mà hiện nay giữ được không còn ở tình trạng nguyên bản vì thế kho Nôm Đạo là tài liệu duy nhất hiện có của chữ viết Việt Nam, thế kỷ XVII các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu về nhiều phương diện: lịch sử, văn học, xã hội học, ngôn ngữ v.v... như nhóm Thanh Lãng, Vũ Văn Kính, Nguyễn Hưng đang làm về một số phương diện ngôn ngữ trong khuôn khổ cộng tác với Ban ngôn ngữ Viện KHXH miền Nam.
Trong phần tìm hiểu miền Nam dựa vào các tác phẩm bằng quốc ngữ mà chúng tôi làm ở đây, những tài liệu Thiên Chúa giáo cũng rất quí - Chẳng hạn tìm hiểu việc di dân lập ấp, làng xã. Có thể tìm thấy những trường hợp cụ thể khi đọc những tài liệu về việc thiết lập các họ đạo, đã được ghi chép một cách chính xác vì địa danh, thời gian, con người thực hiện.

● Chương 05: Cao Đài, Đạo của vùng đất mới.

● Chương 06: Miền Bắc dưới mắt một người miền Nam.
(Qua tập ký Chuyến Đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi 1876 của Trương Vĩnh Ký)

● Chương 07: Báo chí và văn xuôi và lý luận.

● Chương 08: Một vài qui luật về sinh hoạt văn hóa ở vùng đất mới.

● Chương 09: Chính sách văn hóa của người Pháp và ảnh hưởng văn hóa Pháp ở miền Nam hồi đầu thuộc địa.

Phụ Lục: Tiểu sử tác giả và đời sống viết văn, viết báo, tình hình ấn loát - phát hành
******
Lời nói đầu
Mục đích công trình biên soạn này là từ việc trình bày một số tác phẩm văn hóa của một thời kỳ, tìm hiểu nếp sống của con người ở vùng đất mới. Chúng tôi đánh mốc thời kỳ này bằng hai biến cố chính trị tiêu biểu không có ý nghĩa rõ rệt về văn hóa: 1865, lúc Pháp mới chiếm Nam Kỳ, cho xuất bản "Gia định báo" và 1930, năm thành lập Đảng Cộng sản.
Chúng tôi cũng giới hạn việc trình bày sinh hoạt, văn hóa thời kỳ này vào những tác phẩm văn xuôi bằng quốc ngữ thuộc văn chương, sử ký và báo chí. Trong văn chương chỉ nói chuyện văn truyện, tiểu thuyết lịch sử, tạm gác các thể văn khác: tuồng, thơ, văn học dân gian.
Chúng tôi chia công trình biên soạn này thành hai giai đoạn:
Giai đoạn I: Góp phần phục hồi một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua.
Chúng tôi nhận định mảng văn học thời kỳ này là một mảng văn học bị bỏ quên: vì không biết, và bị bỏ qua: có biết nhưng vì một cách đánh giá nên không xét đến.
Do đó, chúng tôi muốn phục hồi mảng văn học này, chứng minh nó có đó bằng cách giới thiệu chính bản văn của các tác phẩm tìm ra được. Chúng tôi đặc biệt chú ý thiết lập 1 thư mục sách, cố gắng thực hiện càng chính xác, đầy đủ bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Về báo, chúng tôi mong muốn sẽ thực hiện được thư mục mấy tờ báo có tiếng, lâu năm như Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Nam Kỳ nhựt trình, Nam Kỳ địa phận v.v...
Mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua này thực hiện ra là 1 mảng văn học phong phú, đa dạng và đi trước miền Bắc về nhiều thể loại. Vì thế chúng tôi nghĩ, sau khi đã được tiếp xúc với những tác phẩm văn, sử xuất bản ở miền Nam trong thời kỳ này, không thể không xét lại những luận điệu quen thuộc, trở thành chân lý hiển nhiên vẫn còn được công nhận, cho đến nay như "Tố Tâm" là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết theo lối Tây phương hoặc "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim là cuốn sử bằng quốc ngữ đầu tiên soạn theo phương pháp Tây phương.
Tuy nhiên chúng tôi không có ý định thực hiện một công trình nghiên cứu văn học sử, sử ký hoàn chỉnh, đầy đủ, vì mục đích chính của chúng tôi là chỉ muốn dựa vào một số tác phẩm văn chương, sử ký, coi như tài liệu để tìm hiểu con người sống ở miền Nam, vùng đất mới. Vả lại, ngay trên bình diện nghiên cứu văn học sử, sử ký, cũng chưa thể làm ngay 1 công trình hoàn chỉnh vì rất thiếu tài liệu.
Nếu muốn làm việc nghiên cứu này một cách khoa học, nghiêm chỉnh, thiết tưởng không thể chỉ học dăm ba cuốn mà đã dám viết văn học sử thời kỳ này cũng như đọc năm sáu cuốn văn học sử của người khác, rồi viết cuốn thứ bảy. Những công trình tổng hợp như vậy, vì thiếu tư liệu, hoặc có tư liệu nhưng chưa được kiểm chứng về tác phẩm, tác giả, thời điểm viết, in, xuất xứ... (hiệu đính, chú thích) nên có thể chỉ là chép lại của nhau những sai lầm thiên kiến hoặc khẳng định vô bằng. Chúng tôi theo gương các bậc đàn anh như Nguyễn Văn Tố (miền Bắc), Lê Thọ Xuân (miền Nam), là những vị không ai phủ nhận đó là những người am hiểu nghiêm chỉnh sử, văn hóa nước nhà, đã viết rất nhiều bài biên khảo nhưng hình như rất ít để lại những sách, tác phẩm tổng hợp, vì các vị đó hiểu muốn thiết lập 1 bộ văn học sử, bộ lịch sử Việt Nam nghiêm chỉnh, tương đối đầy đủ bước đầu là thu lượm xác minh từng mảnh vụn (một cuốn sách, một tác giả, một chi tiết của cuốn sách, tác giả) ghép những mảnh vụn đó thành mảnh, nhiều mảnh thành mảng, nhiều mảng mới ghép thành bộ (như bộ chén, bát). Trong tinh thần đó, công trình nghiên cứu này chưa phải là công trình biên soạn văn học sử, sử ký, mà chỉ nhằm cung cấp tài liệu, một số mảnh vụn, mảng cho các công trình biên soạn văn học sử, sử ký sau này. Thực ra mục đích chính chúng tôi nhằm là thiết lập một hồ sơ giới thiệu những tài liệu văn, sử, báo chí phát hiện được để dựa vào đó mà đưa ra những giả thiết giải thích thuộc các ngành khoa học xã hội như ngôn ngữ học, xã hội học, dân tộc học, triết học, văn hóa... Chúng tôi gọi là hồ sơ vì bản thân vấn đề nghiên cứu dựa vào tài liệu hiện có, vẫn cần được bổ túc thêm nữa bằng những tài liệu sẽ được phát hiện.
Giai đoạn II: Lục châu học
Thực ra dù chúng tôi có dẫn chứng một số lượng phong phú tác phẩm tác giả trong thời kỳ này thì cũng chưa thuyết phục được những ai vì một lối nhìn đánh giá đã bỏ qua mảng văn học này, chẳng hạn Phạm Quỳnh. Do đó, phải tìm hiểu quan điểm văn học của những người gốc miền Bắc và xa hơn nữa nếp sống đã chi phối quy định quan điểm văn học trên, đồng thời tìm hiểu quan điểm văn học của các tác giả miền Nam và nếp sống của người miền Nam. Nói cách khác, việc tìm hiểu văn học đưa tới tìm hiểu xã hội với những nếp sống, suy nghĩ, lối nhìn đánh giá thực tại... và như vậy bó buộc chúng tôi phải đề ra mục tiêu thứ hai vượt khỏi lãnh vực khoa học: tìm hiểu con người ở vùng đất mới. Mối quan hệ giữa con người ở vùng đất mới và vùng đất cũ không phải chỉ thấy có ở Việt Nam. Trên thế giới nhiều nơi khác cũng thấy có như mối quan hệ giữa Âu Châu và Bắc Mỹ, Úc Châu.
Vùng đất miền Nam này, từ khi được khai phá cư ngụ cho đến nay, trải qua các triều đại, thể chế chính trị, đã mang nhiều tên gọi: Nam Kỳ, Nam Kỳ lục tỉnh, Gia Định Đồng Nai, Nam Trung, Lục Châu, Nam Việt, Nam Phần, Nam Bộ, Nam Bộ cũ v.v... Nếu tìm hiểu con người miền Nam từ quá khứ cho đến ngày nay thì có thể dùng từ Nam bộ (con người Nam bộ và Nam bộ học). Còn tìm hiểu con người miền Nam trước 1930 thì chỉ có thể dùng các từ đã được dùng trong các thời kỳ đó: Nam kỳ, Nam kỳ lục tỉnh, Gia Định, Nam Trung, Lục châu (Mục Nam Trung địa dư, trong Lục tỉnh Tân văn số 7, 26-12-1907, trang 3). Đọc các sách báo thời kỳ này, chúng tôi thấy từ Nam Kỳ đã được dùng thời Cựu trào, trước khi người Pháp chiếm đất này làm thuộc địa (1) nhưng từ này cũng như từ Nam kỳ Lục tỉnh thường được dùng về mặt hành chính, thương mại.
Xứ Nam Kỳ "Nam Kỳ là xứ nóng nực".
Đất Nam Kỳ "Nam Kỳ thương cuộc". Tướng Khôi nổi ngụy, đánh lấy mấy tỉnh Nam Kỳ. Chẳng bao lâu Nam Kỳ Lục tỉnh đều đầu phục tướng Khôi (Hạnh Cha Minh trang 137 và 141). Còn từ Nam Trung và nhất là từ "Lục Châu" thường thấy được dùng để nói về con người ở vùng đất mới này, về mặt tình cảm, trong các câu, bài có tính cách cổ động, kêu gọi, nói đến tình dân tộc, nghĩa đồng bang... "Người Nam Trung chúng ta", Cung tặng chư vị Nam Trung (Lục tỉnh Tân văn số 10) tuy cũng thấy dùng từ Nam Trung để chỉ những sinh hoạt thương mại: Nam Trung khách sạn, Nam Trung dược liệu.
Chúng tôi thấy từ Lục châu được dùng nhiều hơn từ Nam Trung. Chẳng hạn trong Lục tỉnh Tân văn số 2 (21-11-1907): "Xin chư vị lục châu phải rõ", "Bổn quán đốn thủ" (trang 2) các vị cao minh trong Lục châu đã cho rằng chữ quốc ngữ (trang 1). Ba tôi (3 người chủ trương Lục tỉnh Tân văn, chú thích của NVT) cúi xin Lục châu đồng tâm hiệp lực (số 3 trang 2).
Kính cáo: Cùng Lục châu quí vị đặng rõ. Chủ sự Nguyễn An Khương (số 4).
Chúc Lục châu quan sĩ quân dân (số 12). Lục châu chư quân tử. Kính gửi lời cho Lục châu quân tử đặng hay (số 24).
Trong Nam Kỳ địa phận số 6 (3-12-1908) bài Thương mại luận kêu gọi Minh Tân "Nghĩ vì trong Lục châu chúng ta bấy lâu nay (trang 39). "Nghe rằng trong lục châu này (bài khuyến thương mại số 12 ngày 11-2-1909)". "Nội lục châu, khi thừa dịp, thừa nhàn, ai ai đều vui lòng... sau này Lục châu cũng rõ... (số 269, 12-3-1914, trang 173, 174).
Người miền Nam gọi vùng phía Tây Nam của Nam Kỳ là Hạ châu. Sơn Nam đã ghi đúng "Khi gọi miền dưới, tức là nói đến vùng Hạ châu (Tân Gia Ba, Mã Lai hoặc Nam Dương)" (Đồng bằng sông Cửu Long hay Vă minh miệt vườn, trang 17) vì Trương Minh Ký trên đường đi Pháp (1889) có ghé Hạ châu, tỏ vẻ bất bình về cảnh người kéo xe (Chư quốc thại hội, 1891).
"Singapore cũng gọi là Hạ châu hay là miền dưới" (chú thích số 3 trang 10 trong "Hạnh Cha Minh"). "đã cậy người đi Hạ Châu" (Singapore) cũng kêu là Phố mới (SĐD trang 83).
Chúng tôi chưa xác định được từ "Lục châu" được dùng từ bao giờ và không còn được dùng nữa khi nào, nhưng chắc chắn đã được dùng trong thời kỳ chúng tôi muốn tìm kiếm. Vì chúng tôi chỉ tìm hiểu con người ở miền Nam trong thời kỳ này, thời kỳ mà người miền Nam gọi nhau là Lục châu chư vị, Lục châu quân tử... nên chúng tôi tạm gọi việc nghiên cứu nếp sống của người miền Nam thời kỳ này là Lục châu học. Dĩ nhiên chúng tôi không phải là những người đầu tiên đề ra việc nghiên cứu miền Nam. Người Pháp ngay từ lúc mới sang đã lập hội nghiên cứu Đông Dương (Le Comité Agricole et industriel de la Cochinchine transformé en Société des études indochinoises 1883, BSEI, Janv. - Juin 1933, P.24) và sau đó trong khuôn khổ Nghiên cứu Đông Dương, thành lập 1 ban nghiên cứu Nam Kỳ "En Octobre" (1926) une section dite des hautes études cochinchinoises ayant été fondée en sein de la société des études indochinoises, Louis Malleret, Les travaux de la Commission de la Grandière ou au Vieux Saigon BSEI, NS, Tome VIII, No 1 et 2, Janv - Juin 1933, p.43.
*
Mấu chốt của vấn đề là thái độ trước sự khác biệt về những yếu tố địa lý chính trị của vùng đất cũ, vùng đất mới quy định nếp sống, cảm nghĩ được phản ánh trong sinh hoạt văn hóa, văn học. Trong viễn tưởng nhìn nhận sự khác biệt, chúng tôi tìm hiểu xem những sinh hoạt văn hóa thời kỳ này của con người ở vùng đất mới đã dựa trên những lựa chọn tiêu chuẩn nào đưa đến những nét khác biệt nào so với những sinh hoạt văn hóa ở vùng đất cũ.
Những nét khác biệt này không phải chỉ có ý nghĩa giá trị riêng cho miền đất mới, mà còn có ý nghĩa giá trị chung cho cả nước (bao gồm vùng đất cũ) chẳng hạn như một khả năng trở về nguồn, tháo gỡ những nếp sống, làm ăn, suy nghĩ đã trở thành khuôn khổ trói buộc, như một khả năng có sức bật, khai phá sáng tạo. Đó là những đòi hỏi thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển của một dân tộc.
Nhìn trong viễn tưởng diễn tiến lịch sử lâu dài, bất cứ dân tộc nào cũng chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu đáp ứng được đúng lúc kịp thời những quy luật đòi hỏi về cải tiến cách mạng, lột xác. Trở về nguồn, khai phá, sáng tạo về mọi mặt nhất là về mặt văn hóa tư tưởng, nghĩa là đáp ứng được đòi hỏi Đổi mới.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cuộc Nam tiến đánh dấu một bước ngoặt thật quan trọng, không phải chỉ về mặt kinh tế và cả về mặt văn hóa.
Đi vào miền Nam, vùng đất mới không phải chỉ tìm thấy một mảnh đất hoang trù phú để làm ăn sinh sống dễ dàng, ổn định hơn, mà còn tìm thấy một không gian văn hóa trống, rộng tạo điều kiện thuận lợi cho việc duyệt xét lại những giá trị văn hóa truyền thống: phải bỏ cái gì, giữ cái gì và bỏ giữ đều do tự nguyện, tự giác mà làm, thực hiện một trở về nguồn, với những cái nhơn loại, cái chân chất, cái đích thực về mọi phương diện, tạo ra một khởi điểm mới đi lên không những cho vùng đất mới, mà cả cho vùng đất cũ. Đó là nhiệm vụ lịch sử của con người ở vùng đất mới đối với cả nước, không phải chỉ về kinh tế mà cả về văn hóa.
Những người đã đi vào Nam lập nghiệp, đã Nam tiến, có lẽ không nghĩ quay trở về quê cũ sinh sống, nhưng cái thế đi lên, xu hướng phát triển của dân tộc trên bình diện cả nước lại bắt buộc phải quay trở về để tác động và làm biến đổi những cơ chế, lề lối nếp sống, không phải chỉ về phương diện làm ăn quản lý, lãnh đạo mà cả về phương diện nhận thức suy nghĩ, đánh giá.
Hướng giao lưu hai chiều, tác động qua lại giữa miền đất mới và miền đất cũ là một quy luật. Một biểu lộ của quy luật này là sự tác động hiện nay của văn hóa Bắc Mỹ vùng đất mới trên văn hóa Âu châu, vùng đất cũ. Người ở vùng đất cũ, thường tự coi là đại diện cho văn hóa truyền thống, là trung tâm văn hóa có tầm mức cả nước, không phải là địa phương. Địa phương là người ở các vùng châu Ô, châu Rí hay Gia Định Đồng Nai, Bình Trị Thiên.
Nhưng thực tế đã chứng minh nhiều lề lối làm ăn, lãnh đạo lối nhìn đánh giá về tư tưởng từ nơi những người tự coi là trung ương có tầm mức cả nước lại không thích hợp với những miền địa phương khác. Điều đó có nghĩa gì? Có nghĩa văn hóa tưởng là có tầm mức cả nước thực ra không vượt khỏi giới hạn của 1 địa phương, đồng bằng sông Hồng, nghĩa là lối nhìn của người ở vùng đất cũ cũng chỉ là cái nhìn của 1 địa phương. Do đó đặt ra nhiệm vụ thống nhất về văn hóa có tầm mức thật sự cả nước, làm cơ sở nền tảng cho thống nhất về chính trị.
Tóm lại, chúng tôi đi từ 1 số dữ kiện văn sử để tìm hiểu lối nhìn nếp sống văn hóa của người miền Nam trong viễn tưởng diễn tiến lịch sử. Nêu lên những khác biệt trong nếp sống văn học văn hóa của con người ở vùng đất mới so với vùng đất cũ không phải để đánh giá hơn kém mà để giải thích tại sao bằng cách chỉ ra những nguyên nhân chính trị, xã hội chi phối hoặc những điều kiện địa lý chính trị quy định. Sau đó đặt những khác biệt này trong diễn tiến lịch sử, nghĩa là coi những bộ mặt khác nhau như của cùng 1 con người, những khoảng khắc giai đoạn khác nhau của cùng một lịch sử văn hóa. Như vậy, không có vấn đề trung tâm với ngoại lệ hay chính thống với ngoại lệ, đặc biệt, và lấy trung tâm, chính thống làm chuẩn, cũng như không có văn hóa miền Bắc hay văn hóa miền Nam mà chỉ có văn hóa, văn học Việt Nam ở miền Bắc, ở miền Nam, vì mỗi nơi, mỗi thời kỳ có thể thể hiện một nét đặc biệt nào đó của văn học, văn hóa Việt Nam có ý nghĩa cho cả nước, không phải chỉ có ý nghĩa cho 1 địa phương. Chẳng hạn, tìm hiểu cách phát âm của người miền Nam, chúng tôi thấy đó là cách phát âm phù hợp với những quy luật ngôn ngữ dân tộc học (không phải là đúng hoặc hay hơn cả) nghĩa là diễn tiến những cách phát âm của người Việt Nam, phải đợi đến khi vào cư ngụ ở vùng cực nam này mới có điều kiện địa lý chính trị thuận lợi quy định một cách phát âm phù hợp với những quy luật ngôn ngữ dân tộc học. Hoặc một số giá trị đạo đức tinh thần trí thức nào đó miền Bắc giữ được, phát huy mà miền Nam ít thấy có, hay trái lại một số giá trị đạo đức, tinh thần trí thức khác theo truyền thống lại chỉ tìm thấy ở miền Nam; cả hai trường hợp, còn, không còn, có, không có đều do những yếu tố địa lý chính trị khác nhau quy định.
Như vậy đã rõ, không thể lấy tính cách khởi điểm, xưa cũ, lâu đời của một địa phương được coi là trung tâm chính thống làm chuẩn để xác định đánh giá lối nhìn, nếp sống văn hóa của các miền đất nước.
*
Thực hiện việc làm trên, không thể dùng lý luận để phê phán, đánh đổ một lý luận nhất là khi lý luận đó đã trở thành thiên kiến. Chỉ có tiếp cận với thực tế, và thực tế ở đây là tài liệu văn sử, báo chí phản ảnh lối suy nghĩ, tình cảm của người miền Nam hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Chính sự tiếp cận với thực tế này bắt buộc phải duyệt xét lại những lối nhìn đánh giá so sánh hơn kém đưa tới những thái độ coi thường khinh miệt, bỏ quên, bỏ qua. Mặt dù chỉ đọc được một phần nào mảng văn hóa này, chúng tôi cũng thu lượm được một số dữ kiện để thiết lập những giả thuyết, giải thích nhằm hai hướng:
1) Giải tỏa một số thiên kiến về miền Nam. Chẳng hạn: báo chí thời kỳ này chỉ có tính cách thông báo các thông báo của Nhà nước hay mục đích thương mại làm ăn, không có tính cách văn chương; viết sai chính tả, văn nôm na trơn tuột như tiếng nói hàng ngày, không phải văn chương, lý luận con nít, "cù lần", thiếu truyền thống văn hóa dân tộc dựa trên nho học, chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp sớm, nặng nề, hiểu là mất gốc.
2) Nêu lên điều mà chúng tôi gọi là nhiệm vụ lịch sử của người miền Nam (dân chúng và giới trí thức trong giai đoạn này: trước khi Pháp chiếm Nam kỳ và hồi đầu Pháp thuộc) đối với ba yêu cầu căn bản: độc lập chính trị, thống nhất dân tộc và phát triển quốc gia. Do điều kiện địa lý chính trị ở vùng cực Nam thiết yếu mở ra với bên ngoài, miền Nam là tuyến đầu đụng độ với tư bản đế quốc phương Tây trong đà bành trướng của nó đồng thời tiếp cận với văn hóa phương Tây dựa trên khoa học kỹ thuật, đề ra một nhu cầu mới, nhu cầu phát triển cũng bức thiết như nhu cầu độc lập, thống nhất và lần đầu tiên đặt ra với những người có trách nhiệm lãnh đạo về mọi mặt. Cũng do cách đánh giá con người miền Nam về văn hóa dựa vào những điều kiện địa lý chính trị của vùng đất mới, người Pháp sau khi chiếm đóng Nam Kỳ, đã đề ra một chính sách văn hóa khác hẳn đối với miền Bắc. Trước những thực tế riêng biệt như vậy, người dân và trí thức miền Nam thời kỳ này đã phản ứng ra sao? Có đặt việc tìm hiểu vào hoàn cảnh lịch sử, địa lý chính trị của miền Nam thời kỳ kể trên mới nhận diện được những lựa chọn chính trị và văn hóa mà người đọc thấy biểu lộ qua sách báo thời kỳ này...
Sau cùng chúng tôi thú nhận khó khăn chính chúng tôi gặp là làm sao kiểm tra tài liệu, nhất là vì chúng tôi đề ra lề lối làm việc: dựa vào tài liệu mà lập luận, nêu giả thuyết. Những sách báo thời kỳ này, thư viện công kể như không có khả năng cung cấp đầy đủ tài liệu cần đến; Thư viện tư qua bao nhiêu biến cố thử thách nên ai còn giữ lại được gì thì coi sách báo đó quý như vàng, vì vàng mất đi thì có thể kiếm ra được, nhưng sách báo thì không. Như vậy làm sao biết ai có mà tìm đến, và tìm đến làm sao có thể đủ tin cậy; quý mến để cho mượn đọc, và chụp lại... Khi bắt tay vào làm công trình này, chúng tôi chẳng có một tài liệu gì, nên một số tài liệu mà chúng tôi giới thiệu trong tập này, hầu hết đều do một số vị tin cậy chúng tôi và hiểu biết việc làm này có khả năng đóng góp vào văn hóa cho dân tộc, nên đã không ngần ngại cho chúng tôi mượn tất cả những gì các vị đó có. Chúng tôi xin bày tỏ lòng cám ơn chân thành của chúng tôi đối với các vị đó.
Chúng tôi cũng xin đưa ra một lời kêu gọi các vị độc giả cho chúng tôi mua, mượn, chụp, in, sao chép tất cả những gì đã in ở miền Nam trước 1930 đặc biệt các tài liệu về báo chí, sách sử ký, truyện. Người đọc chắc hẳn chia sẻ với chúng tôi nỗi khổ tâm bực dọc vì phải đọc những tác phẩm dở dang hoặc bộ truyện gồm nhiều tập, chỉ biết 1 tập (bộ Gia Long tẩu quốc gồm 3 tập, ở đây chỉ giới thiệu được tập đầu). (2)
Sau cùng về mặt nhận thức, chúng tôi cũng xin thú nhận công trình nghiên cứu này trước hết là một bản tự kiểm. Do tiếp xúc với thực tế (ở đây là sách báo) chúng tôi bắt buộc phải duyệt xét lại những thiên kiến lập luận quan điểm của chúng tôi về nhiều vấn đề, đặc biệt về Miền Nam, những thiên kiến mà chúng tôi đã tiếp thu được từ xã hội... Vì thế, nếu bạn đọc thấy những trình bày dưới đây đụng tới những ý nghĩ, quan điểm của mình, thì xin hiểu cho rằng chính chúng tôi đã đụng trước tiên với thực tế qua sách báo thời kỳ này, khác hẳn với những gì mình vẫn nghĩ, và sự đụng độ này, một sự đụng độ bắt buộc phải duyệt xét lại những lề lối suy nghĩ xưa cũ của mình đã là một chất xúc tác thúc đẩy chúng tôi tìm hiểu, chịu đựng mọi khó khăn, vượt qua mọi cản trở để tiến hành bằng được công trình này vì chúng tôi tìm thấy một thích thú tinh thần, trí thức trong việc nghiên cứu tìm hiểu. Chúng tôi mong rằng những cố gắng của chúng tôi cũng sẽ đưa bạn đọc vào một hành trình ý thức, một tự kiểm, vì bạn đọc có thể đồng ý hay không đồng ý những giả thiết giải thích chúng tôi đưa ra, nhưng không thể không nghĩ ngợi duyệt lại trước một thực tế xuất hiện không như mình vẫn tưởng.
Phần thư mục văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930 do ông Bằng Giang, tác giả cuốn "Những mảnh vụn văn học sử" phụ trách. Chúng tôi nghĩ rằng thư mục này đóng góp thực sự cho những công trình tìm hiểu nghiên cứu trong tương lai làm sao thiết lập được một Thư mục thật đầy đủ, chính xác với những chú thích hiệu đính cần thiết về tác giả, tác phẩm... Đó là một việc làm công phu thế nào mà những ai đã tìm hiểu chút ít về tình trạng Thư mục thư tịch ở Việt Nam sẽ dễ dàng nhìn nhận khi đọc phần Thư mục của ông Bằng Giang.
Bản thảo này chúng tôi đã soạn xong từ năm 1986, nhưng vì quá dài nên chưa có điều kiện phổ biến. Lề lối làm việc là dựa vào tài liệu kiếm được, giới thiệu tài liệu đó: lược tóm tác phẩm, nhận xét, rồi sau cùng mới đưa ra một giả thuyết giải thích. Trong khuôn khổ rút gọn, chúng tôi buộc lòng bỏ một số tác giả, tác phẩm, bỏ tất cả phần lược tóm tác phẩm, trừ một hai trường hợp, về phần nhận xét cũng chỉ giữ lại những điểm chính, bỏ một số chương về tiểu sử tác giả, tình hình ấn loát phát hành... Chúng tôi cũng muốn giữ nguyên văn những trích dẫn nhưng điều kiện ấn loát tốn phí cũng không cho phép thực hiện được ước muốn trên.
Trong công trình biên soạn này, có phần giới thiệu tóm tắt tác phẩm, chúng tôi đã nhờ G.S Trần Thái Đỉnh lược tóm truyện Gioan Ngô Kim Thạch và Đạo Thiên Chúa ở miền Nam thuở ban sơ; và ông Thế Uyên lược tóm một số tiểu thuyết, sử, tiểu thuyết lịch sử; nhưng vì e ngại sách quá dài, nên buộc lòng phải tạm gác hầu hết mục lược tóm, chỉ giữ mục nhận xét. Ngay mục này, chúng tôi cùng sửa chữa thêm bớt bản viết của ông Thế Uyên. Phần ông Thế Uyên lược tóm và nhận xét gồm: Chăng Cà Mun, bốn truyện của Lê Hoàng Mưu, Chơn Cáo tự sự, Kim thời dị sử, Cours d'histoire annamite, Chuyến đi Bắc Kỳ, của Trương Vĩnh Ký, Sử ký Đại nam việt, An nam sử truyện, Nam việt lược sử, tích Tả quân Lê Văn Duyệt, Phan Yên ngoại sử, Giọt máu chung tình, Việt Nam Lê Thái Tổ, truyện Chưởng hậu quân Võ Tánh, Nam cực tinh huy, Cố Du, Cái án Cao Đài, Le Caodaisme của LaLaurette, Vilmont.
Xin chân thành cảm tạ giáo sư Đỉnh và ông Thế Uyên.
Tháng 10/1950
-----------------------
(1) Trong "Hạnh Cha Minh và Lái Gẩm tử vì đạo" của M. Đức, Tân định 1901, đoạn ghi lại buổi thẩm vấn Lái Gẩm năm 1848 chở các linh mục từ Singapore về bị bắt có câu trả lời của Lái Gẩm: "Tôi gặp các ông tại Phố Mới, các ông mướn tôi chở về đất Nam Kỳ" (trang 51).
(2) Hiện nay đã kiếm ra đủ cả ba tập.
Chương mở đầu
MỘT MẢNG VĂN HỌC BỊ BỎ QUÊN, BỎ QUA
Những ai hiểu biết ít nhiều về văn học Việt Nam thời hiện đại có lẽ ngạc nhiên khi nghe nói đến văn học bằng quốc ngữ ở miền Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khoảng 1865 đến 1930, và thốt ra: Ủa, có thực sao? Vì cho đến nay trong những sách báo viết về văn học sử mà chúng tôi đọc được, hầu hết đều chỉ nói phớt qua hai người: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, bỏ qua Trương Minh Ký, ba người có sinh hoạt văn học vào những năm 1875..., sau đó nói đến Đông Hồ và Hồ Biểu Chánh. Họa lắm mới có người nhắc đến tên ông Nguyễn Chánh Sắt. Có thế thôi. Vậy có một sự kiện là: mảng văn học này bị bỏ quên vì không biết hay bị bỏ qua vì bị phủ nhận. Do đó, nói tới thời kỳ này, trong tất cả các mặt sinh hoạt văn học: dịch chữ Hán, chữ Nôm, Pháp văn ra quốc ngữ, biên khảo văn học, phong tục, lịch sử, khoa học, sách giáo khoa, sáng tác thơ, văn xuôi, đặc biệt các thể văn tiểu thuyết, theo lối phương Tây v.v... trên báo chí, sách biên khảo cũng như ở lớp học, chúng ta chỉ được nghe nói đến những tên: Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Hoàng Ngọc Phách v.v... cụ thể là những người cộng tác với "Đông Dương tạp chí" và "Nam Phong". Thực ra chỉ hai tờ báo này được biết đến nhiều hơn cả hoặc được đề cao hay bị đả kích.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số những chứng từ bày tỏ sự kiện mảng văn học kể trên ở miền Nam bị bỏ quên.
a. Những tác giả gốc Bắc, Trung viết về văn học tại miền Bắc:
Ba người có thể coi là ảnh hưởng chính trong việc tạo ra lối nhìn bỏ quên mảng văn học này.
DƯƠNG QUẢNG HÀM: Trong Việt Nam văn học sử yếu (1), chương IV "Văn xuôi mới của ta, như chương ba đã nói, sở dĩ thành lập được một phần lớn nhờ báo chí. Trong các nhà viết báo có công lúc buổi đầu phải kể đến Nguyễn Văn Vĩnh và ông Phạm Quỳnh" (trang 414).
Về văn dịch, Dương Quảng Hàm viết: "Dịch các tác phẩm về loại cổ điển. Khi người nước ta đã biết trọng quốc văn và muốn lấy quốc văn làm lợi khí để truyền bá học thuật, thì các nhà cựu học dịch các bài cổ văn (Phan Kế Bính trong Đông Dương Tạp chí và các sách Kinh truyện của Tàu (bản dịch Kinh Thi), quyển thứ nhất của các ông Nguyễn Khắc Hiếu, Nghiêm Thượng Văn và Đặng Đức Tô, Hà Nội, Nghiên Hàm ấn quán 1924; bản Trung Dung của hai ông Hà Tứ Vi và Nguyễn Văn Dang; các nhà Hán học lại dịch các thơ văn và sách vở viết bằng chữ Nho của các cụ ta ngày xưa (bản dịch Đại Nam liệt truyện của Phan Kế Bính D.D.T.C... đồng thời, các nhà Tây học cũng dịch các đoản văn và các tiểu thuyết kịch bản thuộc về nền văn cổ điển của nước Pháp, các ông Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố trong D.D.T.C. Nguyễn Văn Vĩnh trong bộ Âu Tây tư tưởng; Phạm Quỳnh trong N.P.T.C.".
Trong Chương 7, nói về các văn gia hiện đại, ông cũng chỉ giới thiệu các tác giả miền Bắc trừ Đông Hồ.
Khuynh hướng về học thuật: Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến, Lê Dư Sở Cuồng, Trần Trọng Kim, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc.
Khuynh hướng lãng mạn: Tương Phố, Hoàng Ngọc Phách trong quyển Tố Tâm, Đông Hồ.
Khuynh hướng xã hội: các nhà văn Tự lực văn đoàn.
Khuynh hướng tả thực: các nhà văn ngoài nhóm Tự lực văn đoàn như: Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang v.v... (449-452).
VŨ NGỌC PHAN: Trong bộ "Nhà văn hiện đại" (nhà in Tân Dân, Hà Nội - 1942). Quyển nhất: những nhà văn hồi mới có chữ quốc ngữ, tác giả chỉ nói đến Trương Vĩnh Ký, bỏ qua Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, rồi giới thiệu các tác giả viết trong Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong (Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật...) và Đông Hồ, Tương Phố.
"Quốc văn bắt đầu thịnh, bắt đầu có cái giọng hoa mỹ, dồi dào, và chú trọng về tư tưởng, là công các nhà biên tập hai tờ tạp chí ở Bắc Hà: Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí".
- Nói về thể văn truyện ngắn theo lối Âu Tây, Vũ Ngọc Phan khẳng định Phạm Duy Tốn là người đi trước nhất:
"Nhưng người ta cũng không thể quên ông là người đã viết truyện ngắn theo lối Âu Tây đi trước nhất. Như vậy người ta cũng có thể nói: Phạm Duy Tốn là nhà tiểu thuyết đi vào đường mới trước nhất và những truyện ngắn của ông là thứ văn chương đã đánh dấu một quãng đường văn học của nước nhà". (trang 141).
- Còn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên được chú ý.
"Tố Tâm là một quyển truyện rất văn hoa, kết cấu cũng khá và đã ra đời vào một thời mà tiểu thuyết sáng tác còn thấp kém, quốc văn còn trong thời kỳ phôi thai. Bởi thế cho nên Tố Tâm là quyển tiểu thuyết đầu tiên được mọi người chú ý đến một cách đặc biệt, và như thế, ta phải nhận là dư luận cũng nhiều lúc công minh" (trang 176).
Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam (nhà in Thụy Ký, Hà Nội, 1942), 45 thi sĩ được coi là những nhà thơ hiện đại làm thơ mới, chỉ có hai người ở miền Nam được nói đến: Đông Hồ và Mộng Tuyết. Trong bài nói đầu: một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh và Hoài Chân nhìn nhận Nguyễn Thị Kiêm, một người đã diễn thuyết cổ võ cho thơ mới ở miền Nam hồi 1933 là một nữ sĩ có tài có gan này không được giới thiệu trong số 45 thi sĩ hiện đại mà nhiều người trong số 45 đó ngày nay đã hoàn toàn bị bỏ rơi vào quên lãng.
ĐÀO ĐĂNG VỸ: Lịch trình tiến hóa của văn học và tư tưởng Việt Nam hiện đại (1865-1946)
Trong Văn học tuần san, xuất bản ở Saigon, số mùa Xuân 1-2-1937 (trang 7-10) về mục tâm sự của nhà văn Hoàng Tân Dân thuật lại ý kiến của Đào Đăng Vỹ, Hội trưởng Hội Quảng Trị ở Huế, đăng trên báo Patrie annamite ngoài Bắc mở một cuộc điều tra về thanh niên trí thức. Viết đến mục "Les écrivains journalistes", cuộc điều tra chia làm hai khoản:
1) Tính chất văn học Việt Nam trước khi chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp.
2) Sự tiến hóa của văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng của tư tưởng và văn học Pháp. Sự tiến hóa này chia làm ba thời kỳ:
- Thời kỳ I: do những Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh là những người viết văn viết báo tiêu biểu.
- Thời kỳ II:
a) Xu hướng lãng mạn: Hoàng Ngọc Phách, Tương Phố.
b) Xu hướng yêu nước và cách mạng.
- Thời kỳ III: Thời kỳ hiện đại bắt đầu từ Hoàng Tích Chu gồm nhiều xu hướng, trường phái, Hoàng Tân Dân bày tỏ lập trường của mình là "duy vật biến chứng pháp. Tôi dùng nó để phê bình các học thuyết khác". Đến năm 1948, Đào Đăng Vỹ diễn thuyết ở Huế (18-7) và ở Saigon (2, 17-10-1948) bằng tiếng Pháp về lịch trình tiến hóa của văn học và tư tưởng Việt Nam. Hiện đại (1865-1946) chúng tôi chỉ có bản tiếng Pháp (2) lập lại luận điểm đã nói trong Patrie annamite có kể tên các báo Nông Cổ mín đàm, Nhựt báo Tỉnh, Lục tỉnh Tân văn, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc Tân văn, Nam Phong, rồi chỉ giới thiệu các người viết trong tờ sau ở Bắc Kỳ. Riêng về Trần Trọng Kim được giới thiệu như "một nhà viết sử đầu tiên của thời hiện đại. Vừa biết tiếng Pháp vừa thông thạo chữ Hán, ông là người đầu tiên đem những phương pháp tìm kiếm khoa học vào việc nghiên cứu những sử liệu bằng chữ nho và đã cống hiến cho chúng ta những tác phẩm lớn: Bộ Việt Nam sử lược, một bộ sách thật hay mà không một tác phẩm trước nào sánh kịp...". Về tiểu thuyết, chỉ nhắc đến Hồ Biểu Chánh và Phú Đức, Đông Hồ, còn lại toàn nói về các nhà văn miền Bắc.
Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú, Tạ Phong Châu: Lược truyện các tác giả Việt Nam tập II (nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972) Nghiêm Toản đã lưu tâm nhưng còn rất mơ hồ. Đến các tác giả bộ Lược truyện..., sự thận trọng rõ rệt hơn. Chẳng hạn về văn xuôi, trước hết đã phát hiện một tiểu thuyết bằng văn xuôi, chữ nôm, vô danh, không biết được sáng tác tự bao giờ, nhan đề "Trần Đại Lang" được Hồ Văn Đoàn dịch ra tiếng Pháp trên tạp chí Revue Indochinoise 1905.
Còn về tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ, nhắc đến cuốn tiểu thuyết viết theo lối mới "Cuộc tang thương" của Đặng Trần Phát (nhà in Vĩnh Thành, 1923, Hà Nội) nghĩa là viết và in trước Tố Tâm. "Cuộc tang thương" viết năm 1922 và xuất bản năm 1923, trước Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (xuất bản năm 1925). Cuốn tiểu thuyết "Cành lê điểm tuyết" của Đặng Trần Phát, cũng là một tiểu thuyết lãng mạn nhưng lại viết trước "Cuộc tang thương".
"Một điều nhận xét nữa là: những tiểu thuyết Pháp đều xuất hiện trên các báo miền Nam trước tiên; đã có những người như Hồ Văn Đoàn phỏng dịch tiểu thuyết Nôm của ta cải biên lại theo nghệ thuật viết tiểu thuyết phương Tây từ năm 1905; thế thì tiểu thuyết lãng mạn có thể không phải chỉ xuất hiện trước tiên ở miền Bắc từ 1921, 1922 với "Cành lê điểm tuyết, Cuộc tang thương" và từ 1925 với Tố Tâm, mà có lẽ phải xuất hiện ở miền Nam từ nhiều năm trước thời gian đó (1922). Ở Nam bộ, U tình lục xuất bản năm 1909 hay 1913? "Chúa tàu Kim Quy" xuất bản năm 1913 hay 1926? "Lỡ bước phong tình" và "Oan kia theo mãi", tiếc rằng không biết rõ nội dung, nhưng cái tên của nó cũng nói lên phần nào tính lãng mạn của tiểu thuyết; và có thể còn có nhiều quyển khác nữa xuất bản ở miền Nam từ 1921 trở về trước bị thất lạc, cần nghiên cứu trong thư mục của Thư viện Quốc gia của Pháp mới rõ được".
Vì không biết, muốn tìm hiểu cũng chưa có điều kiện, nên các tác giả kể trên chỉ kê khai một số tác phẩm của Nguyễn Chánh Sắt là tác giả duy nhất biết được.
Có lẽ sự thận trọng dè dặt của nhóm ông Trần Văn Giáp không được chú ý đến, nên dư luận nói chung khi đề cập đến văn xuôi, tiểu thuyết thời kỳ này, cho đến nay vẫn nhắc lại luận điểm của các ông Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan. Chẳng hạn trong "Anthologie de la littérature Vietnamienne" (Ed. en langues étrangères Hanoi, 1975) tome III vẫn khẳng định: "Hai tên tuổi nổi bật Hồ Biểu Chánh ở miền Nam và Hoàng Ngọc Phách ở Hanôi... Trong số các nhà tiểu thuyết và truyện ngắn khác chúng tôi giới thiệu Phạm Duy Tốn, Nguyễn Tử Siêu, Nguyễn Trọng Thuật" (trang 40). Trong "Lịch sử văn học Việt Nam", văn học viết 4B, thời kỳ II, Giai đoạn II. Đầu thế kỷ XX - 1930, Lê Trí Viễn, Nguyễn Đình Chú. Tủ sách đại học Sư phạm (nhà xuất bản Giáo dục 1976) nói đến phiên dịch, nghiên cứu, phê bình trong giai đoạn này thì thấy phần lớn đều do người trong hai nhóm Đông Dương và Nam Phong làm.
Đáng chú ý nhất về dịch Hán văn là Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Chánh Sắt, về dịch Pháp văn là Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh.
Đi đôi với việc phiên dịch là việc nghiên cứu phê bình. Các người làm công việc nghiên cứu văn học đầu tiên lúc này là Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Ngọc... Phan Kế Bính viết Việt Hán văn khảo, Nguyễn Văn Ngọc được nhắc đến vì các tập Ca dao tục ngữ, Truyện cổ nước Nam, Nam thi hợp tuyển, Câu đối v.v...
- Về tiểu thuyết: Truyện ngắn đã có từ trước ở trong Nam. Từ sau đại chiến trở đi, ngoài Bắc mới xuất hiện những truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Bá Học và Phạm Duy Tốn. Không bao lâu truyện ngắn trở thành một đòi hỏi của công chúng nên báo chí đều có đăng. Đến năm 1925 quyển tiểu thuyết đầu tiên ra đời: đó là quyển Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Đồng thời có "Quả dưa đỏ" của Nguyễn Trọng Thuật và sau đó là "Kim Anh lệ sử" của Trọng Khiêm. Trong Nam, Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình cũng xuất bản tiểu thuyết đầu tay của mình" (trang 19-20).
Phan Cự Đệ: Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại tập I. Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hanôi 1974 chương I. Những khuynh hướng tiểu thuyết trước 1930 và những mầm móng đầu tiên của một nền tiểu thuyết mới.
"Từ năm 1925 bắt đầu xuất hiện những cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên: Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật, Kim Anh lệ sử của Trọng Khiêm, Cay đắng mùi đời, Tiền bạc, bạc tiền (1926) của Hồ Biểu Chánh, Nho Phong (1926) của Nguyễn Tường Tam..."
Tiểu thuyết Hoàng Ngọc Phách đã mở ra một phương hướng mới cho tiểu thuyết truyền thống. Vị trí của cuốn tiểu thuyết này trong văn học Việt Nam có thể so sánh với vị trí của những cuốn Quận Chúa Cơlevơ (Princesse de Clèves) của bà Đờ la Phalet (Mme de la Fayette) hay Manông Letxcô (Manon Lescaut) của tu sĩ Prévô (Prévost) trong tiểu thuyết Pháp.
Đứng về nghệ thuật viết tiểu thuyết mà nói, Tố Tâm xứng đáng là một tác phẩm đầu tiên chuẩn bị cho sự hình thành của nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại". (trang 129)
Về miền Nam, chỉ có hai người được nói đến: Phú Đức và Hồ Biểu Chánh. Riêng Phú Đức chỉ được nhắc đến tên mà thôi.
b. Những tác giả ngoại quốc
Những tác giả Việt Nam ở nước ngoài hay tác giả người nước ngoài mà chúng tôi được đọc, viết về văn học sử Việt Nam thường cũng chỉ dựa vào dư luận của các nhà văn học phê bình Việt Nam.
Le roman Vietnamien contemporain. Tendance et évolution du roman vietnamien contemporain (1925-1945) Bùi Xuân Bào (Tủ sách Nhân văn xã hội, Saigon 1972). Đây là luận án phụ Tiến sĩ văn chương mà ông Bào trình ở Sorbonne năm 1961. Sở dĩ chúng tôi lưu ý đến cuốn sách này là vì luận điểm quen thuộc kể trên, nhưng được ông thầy chuyên về lịch sử và ngôn ngữ Đông Dương ở Collège de France là Emile Caspardonne chấm và chấp nhận.
"Những tuyệt tác đầu tiên".
"Năm 1925 được đánh dấu bằng việc xuất bản hai tuyệt tác chứng tỏ sự thắng thế của tiểu thuyết hiện đại: Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách và Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật... Lần đầu tiên, một nhà nho thuộc trường phái cũ viết một tiểu thuyết bằng quốc ngữ và văn xuôi bằng cách thử sử dụng những điều hiểu biết về nghệ thuật tiểu thuyết Tây Phương vào việc biện minh cho một luận điểm mình yêu thích. Cũng lần đầu tiên một nhà văn trẻ được đào tạo theo lối Pháp vẽ lên một đối nghịch tử thù giữa những khát vọng cao siêu nhất của con người và đạo đức cũ: ảnh hưởng của phái lãng mạn Âu Châu được dịp giải tỏa những xu hướng tình cảm bị nho giáo ức chế từ nhiều thế kỷ".
(trang 36 và 48-49, Chương sự khai sinh tiểu thuyết hiện đại)
- Introduction à la littérature vietnamienne. M. Durand et Nguyễn Trần Huân (3). Đây là cuốn giới thiệu văn chương Việt Nam và thế giới trong khuôn khổ UNESCO do một người chuyên văn hóa Việt Nam phụ trách, M. Durand. Khi nói về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, hai tác giả viết: "Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại hiểu theo quan niệm Âu Châu, chỉ bắt đầu thấy xuất hiện từ thế chiến lần thứ nhất khi những truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính, ra mắt trên Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí".
Ở miền Nam, những truyện Tàu có được dịch ra như Phong Thần, Tam Quốc, Đông Châu liệt quốc. Rồi khuôn mặt của Hồ Biểu Chánh nổi bật trong những năm 1912 với những tác phẩm bình dân của ông. Như thế là tiểu thuyết hiện đại khai sanh ở miền Nam nhưng những truyện của Hồ Biểu Chánh chỉ được biết đến ở Nam Kỳ còn độc giả ở Bắc hoàn toàn không biết tới. Phải đợi đến năm 1925 khi "Quả dưa đỏ" của Nguyễn Trọng Thuật và "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách được in ra, tiểu thuyết mới có một tiếng vang trong toàn quốc (155-156).
Nguyễn Trần Huân, professeur, chargé de conférences à l'Ecole pratique des Hautes Etudes (Sorbonne).
Les romans vietnamien contemporain (1905-1973)
Communication présentée au XXIXè Congrès international des Orientalistes. Paris 20 Juillet 1973 (in lại trong Etudes inter-disciplinaires sur le Viet Nam. Volume I Saigon, 2è semestre 1974).
Trong bài này, ông Nguyễn Trần Huân nhắc lại những phát giác của nhóm ông Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng về một tác văn trong Revue Indochinoise 1905; Đặng Trần Phát và Võ Liêm Sơn (1888-1949) với Cô Lâu Mộng 2 tập in ở Hứa Văn Quảng 1934 theo các tác giả: "Lược truyện các tác gia Việt Nam" năm 1924 theo ông Huân. Phần phát giác của ông Huân là truyện "Tân cựu điều hòa" của Võ Liêm Sơn đăng trong Nam Phong số 66 tháng 12/1922 và một vài truyện dịch của Trung Quốc hay Pháp như Nguyễn Trọng Đường, cử nhân Hán học dịch một truyện trinh thám Pháp đặt tên là Ba Lan và một truyện tình "Chết sống thuyền quyên" nhưng chưa cho biết rõ dịch từ nguyên tác nào và in ở đâu năm nào; Ngô Tất Tố dịch truyện Tàu "Cẩm hương đình" (1923), Nguyễn Đại Quán, một viên chức ở Thái Bình xuất bản một truyện lịch sử 18 vua Hùng cùng với tiểu sử của hai công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa và truyền thuyết Tôn Viên, Dạ Trạch.
Nhà thơ Nguyễn Can Mộng (1875-1953) xuất bản năm 1923 một tiểu thuyết lịch sử bằng văn vần về mối tình Mỵ Châu Trọng Thủy dưới nhan đề "Bức tranh lòng son" và sau cùng, một nhà nho khác Đoàn Tử Thuật dịch vở kịch "Truyện Tỳ Bà" cùng với Tản Đà từ Hán văn ra quốc ngữ năm 1923?
Ngoài việc tiết lộ một bức thư riêng của Nguyễn Tiến Lãng cho biết ý kiến của ông Lãng coi "Giấc mộng con" mà ông đề tựa in năm 1916 là tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên, ông Nguyễn Trần Huân vẫn giữ luận điểm của ông đã viết ra trong Introduction à la Littérature coi "Tố Tâm" là "tiểu thuyết đích thực" (le vrai roman) và có một "tiếng vang cả nước" (retentissement national) cùng với "Quả dưa đỏ" mặc dầu truyện này có nhiều khuyết điểm và vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề văn chương Trung Hoa, trái lại Tố Tâm chịu ảnh hưởng văn chương Pháp (cuốn La Dame aux Camélias) và ông kết luận bằng khẳng định: "Thực tế có thể coi năm 1925 là năm khai sinh tiểu thuyết Việt Nam". Điều đáng lưu ý là ông Nguyễn Trần Huân đã nêu lên trong bài là "Vấn đề đặt ra cả ở miền Bắc và miền Nam là tìm xem cuốn tiểu thuyết nào kể như cuốn truyện được mọi người nhìn nhận là tiểu thuyết hiện đại cho đến nay vẫn chưa được giải quyết" và ông đã biết giả thuyết của nhóm ông Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng về cuốn tiểu thuyết đầu tiên có ở miền Nam vào quãng 1872 có lẽ là cuốn Trần Đại Lang, ông cũng đã nhắc đến cuốn "U tình lục" của Hồ Biểu Chánh (1913) (thực ra cuốn này là thơ truyện giống các truyện nôm khác nhưng không thấy ông có ý tìm kiếm ở miền Nam xem có gì khác ngoài "Trần Đại Lang", Hồ Biểu Chánh, và vẫn tiếp tục giới thiệu các tác giả miền Bắc, giữ nguyên luận điểm cũ.
- Văn học Việt Nam giản lược. Moskva - 1971 - VI Nikulin (bản tiếng Nga). Tác giả Nga thận trọng nên chỉ thuật lại theo các nhà nghiên cứu Việt Nam.
"Đông Dương tạp chí" (1913-1917); Nam Phong (1917-1934) và một số tạp chí khác. Trên các cơ quan báo chí này công bố ngoài các bài luận thuyết chính trị quảng bá các tư tưởng trung thành với mẫu quốc còn đăng tải - lần đầu tiên trong lịch sử văn hóa Việt Nam - các tác phẩm văn học cổ điển phương Tây (chủ yếu là Pháp và Trung Quốc...).
Năm 1925 ra đời Tố Tâm, cuốn tiểu thuyết mà giới nghiên cứu văn học Việt Nam thường cho là mở đầu của hướng lãng mạn ở Việt Nam. Nhưng những gì mà những nhà nghiên cứu dựa vào khái niệm "lãng mạn" không tương đương với chủ nghĩa lãng mạn trong văn học phương Tây" (trang 175-176 - Bùi Khánh Thế dịch từ nguyên bản tiếng Nga).
c) Những tác giả gốc Bắc làm văn học ở Miền Nam
Những người ở miền Bắc bỏ quên mảng văn học này nếu chỉ vì không biết là điều hiểu được, nhưng có những người vào Nam, sinh sống hẳn trong này lâu lắm, làm báo, giảng dạy văn học ở các trường, viết sách văn học, mà cũng bỏ quên không biết đến vì một quan điểm văn học.
Phê bình và cảo luận (Critique de la Littérature moderne et quelques essais littéraires). Soạn giả Thiếu Sơn in lần thứ nhất có 12 bức hình. Văn học tùng thư (Editions Nam Ký, Hanoi, 1933).
Thiếu Sơn vào Saigon làm báo, tiểu thuyết, sau gom lại in thành tuyển tập "Phê bình và cảo luận". Trong số 12 bài phê bình nhân vật và sách chỉ có một người miền Nam duy nhất được nói tới là Hồ Biểu Chánh (các tác giả kia là Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Tuấn Khải, Tương Phố, và các tác phẩm Tố Tâm, Người vợ hiền, Quả dưa đỏ).
Thiếu Sơn diễn thuyết tại Hội Nam Kỳ khuyến học ở Saigon về "Báo giới và văn học quốc ngữ " nhưng chỉ nói về báo chí, học giả miền Bắc (trong hai tờ Đông Dương tạp chí và Nam Phong) và về ảnh hưởng văn học của hai tờ trên ở Nam Kỳ đặc biệt đối với nhóm ông Đông Hồ, Trúc Hà, Trọng Toàn.
Vào miền Nam, ở miền Nam, nhưng nói viết vẫn hướng về miền Bắc, lấy tiêu chuẩn văn học miền Bắc (đối với Thiếu Sơn lúc đó là Nam Phong) và sau cùng ra sách cũng gửi về Bắc in.
Tiếp theo sau Thiếu Sơn, hàng loạt những nhà văn, nhà báo, nhà giáo vào Nam hồi 1954 cũng vẫn viết báo, in sách, giảng dạy văn học sử Việt Nam bỏ quên hoặc bỏ qua mảng văn chương kể trên ở miền Nam, nhắc lại những luận điểm của Vũ Ngọc Phan, Dương Quảng Hàm...
Chẳng hạn Phạm Thế Ngũ trong "Việt Nam văn học sử giản lược tân biên, tập 3, văn học hiện đại 1862-1945" (Quốc học tùng thư, Saigon, 1965). Tập ba có 661 trang trừ hai chục trang dành cho "Buổi đầu của văn quốc ngữ" với Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và 13 trang dành cho Hồ Biểu Chánh, còn lại toàn dành cho văn học miền Bắc. Chỉ mình nhóm Đông Dương tạp chí và Nam Phong chiếm trên 300 trang.
Riêng về tiểu thuyết cũng khẳng định những Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn là những người tiền phong viết truyện ngắn và Nguyễn Trọng Thuật, Hoàng Ngọc Phách là những người viết truyện dài thành công đầu tiên.
"Tuy có hai nhà văn thời này mở lối cho loại đoản thiên đã để lại những thành tích đáng giá, đó là Nguyễn Bá Học và Phạm Duy Tốn" (trang 346).
"Còn lại thật sự, được người đương thời đón nhận thưởng thức và cho là có giá trị rõ ràng là hai tác phẩm Tố Tâm và Quả Dưa đỏ, có thể coi như những thành công đầu tiên của văn gia ta" (trang 355).
- Văn học sử thời kháng Pháp (1858-1945). Lê Văn Siêu 400 trang (Trí Đăng, Saigon, 1974).
Viết về thời kỳ đầu thế kỷ XX, cũng chỉ đề cao nhóm Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh. Còn miền Nam, chỉ có mấy người dịch truyện Tàu, chỉ để giải trí, không có giá trị văn chương (trang 139).
- Bảng lược đồ văn học quyển ba, Thanh Lãng. Ba thế hệ của nền văn học mới (1862-1945). Nhà XB Trình Bày Saigon 1967. Sách gồm trên 800 trang. Phần văn học thế hệ 1862 (1862-1913) 159 trang, chỉ có 10 trang nói về Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và 10 trang về Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Đình Chiểu.
Phần văn học thế hệ 1913 (1913-1932) chỉ có 8 trang dành cho Hồ Biểu Chánh, còn trên 400 trang giới thiệu nhóm Đông Dương tạp chí và Nam Phong.
Lược sử tiểu thuyết Việt Nam. Tạp chí Thời Tập số II ngày 18-9-1974 do Viên Linh chủ trương. Saigon khởi đăng loạt bài của Lê Duy Oanh, gốc Bắc như người chủ trương, về Hoàng Ngọc Phách, Nhất Linh, Ngô Tất Tố, Hồ Biểu Chánh khi nói về tiểu thuyết thời tiền chiến cũng giữ một luận điệu đã trở thành hầu như hiển nhiên:
"Ông Nguyễn Bá Học, một cây viết của nhóm Nam Phong có lẽ đã là người đầu tiên dùng quốc ngữ để viết tiểu thuyết theo thể truyện ngắn. Ông Học đã cho đăng trên Nam Phong gần 10 truyện ngắn trong số có những chuyện hiện còn được nhiều người nhắc tới như "Câu chuyện gia đình" (1918), "Chuyện ông Lỵ Chăm; có gan làm giàu"... Đồng thời ông Phạm Duy Tốn, cũng trong nhóm Nam Phong và là người thông thạo Tây học, cũng đã dùng chữ quốc ngữ để viết những truyện ngắn như "Sống chết mặc bay" (1918), "Con người sở khanh". Văn Pháp của ông Tốn đã có vẻ linh hoạt gọn gàng sắc sảo hơn văn của ông Học. Nhưng cả hai ông, nhất là ông Học, đã được hậu sinh coi như hai người mở đường cho loại tiểu thuyết mới Việt Nam bằng chữ quốc ngữ. Chừng sáu bảy năm sau, cũng trong nhóm Nam Phong, có thêm ông Nguyễn Trọng Thuật, với cuốn tiểu thuyết "Quả dưa đỏ" xuất bản năm 1925 và đã được giải thưởng văn chương của Hội Khai Trí Tiến Đức, ông Nguyễn Trọng Thuật được hậu sinh coi như một trong hai người đầu tiên viết tiểu thuyết dài bằng chữ quốc ngữ, vị thứ hai, người được coi như đã cùng với ông Thuật mở đường cho loại chuyện dài là ông Song An Hoàng Ngọc Phách, tác giả cuốn truyện danh tiếng Tố Tâm... nội dung "Quả dưa đỏ" chỉ là một chuyện đã cũ, chuyện An Tiêm, còn nội dung truyện Tố Tâm hoàn toàn mới mẻ và được hậu thế coi như cuốn truyện đầu tiên của loại tiểu thuyết lãng mạn bằng quốc ngữ. Với Tố Tâm, Song An Hoàng Ngọc Phách xứng đáng được coi như thủy tổ của tiểu thuyết lãng mạn Việt Nam tiền chiến" (trang 14-15).
Khi nói tới ảnh hưởng văn hóa ngoại quốc trong tiểu thuyết Việt Nam, Lê Huy Oanh viết: "Sang thời kỳ chữ quốc ngữ, những tiểu thuyết gia am tường nho học như cụ Nguyễn Bá Học hoặc cụ Nguyễn Trọng Thuật đều vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng của Tàu cả về tư tưởng lẫn hình thức. Sau đó tới ảnh hưởng Tây phương. Thể văn tiểu thuyết mới kể từ Song An Hoàng Ngọc Phách trở đi là thể văn hoàn toàn du nhập từ Tây phương" (trang 22).
3) Chính nhà văn người miền Nam phủ nhận và bỏ qua:
Một vài nhà văn, thơ trong nhóm Đông Hồ đã phủ nhận văn chương ở miền Nam thời kỳ này nên bỏ qua, không nhắc đến ngay cả Hồ Biểu Chánh, vì họ chọn tiêu chuẩn làm văn chương là Nam Phong và lấy Nam Phong làm diễn đàn, và cũng chính vì thế mà từ thời đó cho đến nay, họ được biết đến nghĩa là được các nhà viết văn học sử gốc miền Bắc công nhận.
Lược khảo về sự biến hóa của quốc văn trong lối viết tiểu thuyết. Nam Phong số 175, 176 năm 1932; Trúc Hà trình bày diễn tiến của thể văn này mà không hề nhắc đến bất cứ một ai ở miền Nam. Tiêu chuẩn lý luận thì dựa vào cuốn "Khảo về tiểu thuyết" của Phạm Quỳnh và "Việt Hán văn khảo" của Phan Kế Bính. Truyện ngắn thì kể "Nho phong" của Nguyễn Tường Tam, "Sống chết mặc bay" của Phạm Duy Tốn, "Truyện Cô Chiêu Nhì" của Nguyễn Bá Học. Dịch chuyện Tàu, Tây thì kể các tác phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh. Năm 1925 "Kỷ niệm bước đầu trên đường văn học với "Quả dưa đỏ" được giải thưởng văn chương của Hội Khai Trí Tiến Đức; Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. "Người quay tơ" của Nhất Linh...".
Văn học miền Nam. Văn học Hà Tiên? Chiêu Anh Các, Hà Tiên thập cảnh, Khúc vịnh. Đông Hồ (4). Nội dung cuốn sách là những khóa giảng ở Đại học Văn khoa những năm 1966-1969. Đông Hồ chỉ nói đến văn chương chữ nôm, chữ Hán mà thôi, không nói gì đến văn chương chữ quốc ngữ, vì chỉ có văn chương của nhóm Trí Đức học xá mới là văn chương, nhưng chả nhẽ Đông Hồ lại nói về mình: Dĩ nhiên Đông Hồ có nói những lý do phủ nhận bỏ qua văn chương thời kỳ này ở miền Nam ngay từ thời ấy ở báo "Sống" (1935) và ở các báo khác sau này (như số Văn, tưởng niệm Hồ Biểu Chánh, số 8 ngày 15/8/67).
Nhưng độc giả miền Nam lại coi nhóm Đông Hồ như những đứa con hoang; Trong chỗ riêng tư, ông Vương Hồng Sển thường nói đùa: "Đông Hồ là nhà văn Bắc Kỳ".
Sau cuộc cãi vã do Phan Khôi gây ra về việc viết sai chính tả, Đông Hồ trên báo "Sống" do ông chủ trương, lại nêu vấn đề phát âm, viết hỏi ngã cho đúng và thái độ của nhóm ông đối với văn chương Nam Kỳ. "Sống" số 19 Mars 1935 "Dấu hỏi dấu ngã". "Báo chí in trong Nam mà in được dấu hỏi dấu ngã là một sự rất khó khăn... Chúng tôi hết sức thu xếp với nhà in và nhiều công phu xem xét để từ đây báo "Sống" cũng in được đúng dấu hỏi dấu ngã như các báo ở Bắc".
Số 41 ngày 9 Avril 1935. Nam Phong đình bản. "Hồi 1922 học trò mới ra trường. Có một điều tôi nhớ chắc là năm ấy những bạn học cùng lớp với tôi cũng như tôi, ngoài những sách học của nhà trường phát cho thì tuyệt nhiên không biết có báo chí sách vở nào khác nữa. Có chăng chỉ là những tiểu thuyết hoang đường của Tàu dịch ra quốc ngữ như chuyện Phong thần, Thủy Hử, Chinh Đông Chinh Tây đã làm hư hoại những bộ óc ngây thơ mất cái trí phán đoán trong khi đọc sách chỉ tin mê những chuyện quái đản, dị thường. Sách vở báo chí cần ích bấy giờ rất kém cỏi như thế mà tôi được cái may mắn ngẫu nhiên biết được báo Nam Phong, tôi có một mối cảm tình thân thiết, tự tôi thường lấy đó làm một cái duyên gặp gỡ lạ lùng".
Số 29 ngày 11 Septembre 1935. "Thống nhất Nam Bắc bằng cách lợi dụng văn chương". Đông Hồ viết: "Nhớ lại khoảng 15 năm về trước, nhiều người trong Nam khi giở đến một quyển truyện Bắc thì chau mày phê bình: "Nó nói cụ kệ (5) cái gì mà tôi chẳng hiểu được chút nào hết". Vì giao thông bất tiện nên Nam Bắc ít hiểu nhau, nhưng giao dịch công nghệ phát đạt sẽ tạo điều kiện thống nhất.
Số 30 ngày 18 Sep. 1935. Ảnh hưởng của Đất nước trong văn chương. Ta có nên chia rẽ tiếng Nam và tiếng Bắc không? Đông Hồ chống chủ trương phân biệt: "Thế mà trong Nam vẫn có nhiều người lại là người đã từng viết văn đọc sách muốn phân chia ra tiếng Nam, Bắc Kỳ và tiếng Nam Kỳ thì còn gì vô lý nữa". Theo bà Mộng Tuyết kể lại cho chúng tôi: hồi đó nhóm Đông Hồ giao thiệp với ngoài Bắc, nhóm Nam Phong, các ông Nguyễn Khắc Hiếu, Thiếu Sơn, Nguyễn Trọng Thuật, Trúc Hà, Đông Hồ gửi bài đăng ở Nam Phong, Mộng Tuyết gửi truyện ngắn "Tình trong sạch" dự thi văn chương được giải thưởng nhứt của Nam Ký thư quán Hanôi. Khi Hoài Thanh biên soạn "Thi nhân Việt Nam" chỉ gửi thư xuống Hà Tiên liên lạc với Đông Hồ, Mộng Tuyết, nên sách in ra chỉ có 2 người ở miền Nam có tên trong "Thi nhân Việt Nam hiện đại" Bà Mộng Tuyết cũng thú nhận riêng với chúng tôi dư luận lúc đó ở miền Nam tỏ ra bất bình về sự kiện kể trên".
Hơn 30 năm sau, Đông Hồ mới nói rõ lý do tại sao nhóm ông phủ nhận văn chương ở miền Nam thời đầu thế kỷ trong bài: "Hồ Biểu Chánh, nhà văn bạch thoại miền Nam" (6). Đông Hồ kể lại sau khi Trúc Hà viết bài "Lược khảo..." ít lâu, ông lên Saigon gặp Thiếu Sơn và nghe Thiếu Sơn trách tại sao "Chúng tôi biên khảo về tiểu thuyết mà lại bỏ quên, không đả động đến một nhà văn tiểu thuyết lớn trong Nam là Hồ Biểu Chánh". Đông Hồ trả lời: "Bài biên khảo đó như nhan bài đã nêu, Trúc Hà chỉ nhìn một phương diện văn chương, chỉ theo dõi sự tiến hóa và phát triển của văn chương quốc ngữ trong lối viết chữ quốc ngữ mà thôi, chứ không phải là một bài biên khảo về tiểu thuyết toàn diện". Theo câu trả lời của tôi lúc đó, đủ chứng tỏ rằng Trúc Hà và tôi không nhận thấy trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có "văn chương". Đã không thấy trong đó có văn chương thì có thấy đâu trong đó có sự tiến hóa của quốc ngữ mà nêu ra vấn đề...
Đông Hồ thú nhận đọc Hồ Biểu Chánh phải nhận ông tả đúng đời sống xã hội của Nam Kỳ lục tỉnh... nhưng "đọc thì cũng đọc", thích thì cũng thích, duy chúng tôi cứ không chịu được lời văn viết trơn tru thẳng tuột hời hợt của ông.
Thời kỳ đó, theo quan niệm của chúng tôi viết là làm văn chương mà văn chương thì phải sửa sang gọt dũa, phải điêu luyện chải chuốt. Đâu là tả thực đâu là tả chân, câu văn cũng phải xếp đặt lại hơn ngôn ngữ thường dân. Tối thiểu phải có một kỹ thuật... Tôi không chịu được văn chương của Hồ Biểu Chánh. Như tôi bây giờ vẫn không chịu nổi văn chương hát cải lương với văn chương của những tiểu thuyết "chưởng" hiện đang thạnh hành. Trong lúc đó thì mọi người chung quanh tôi hoan nghênh nồng nhiệt. Như vậy chứng tỏ rằng quan niệm của tôi sai lầm và cảm quan của tôi lệch lạc. Bởi tôi đã bị thành kiến chi phối và bị truyền thống bó buộc chưa cởi mở được. Quan niệm đó của tôi y như những nhà văn không chịu nổi lối văn hạch thoại của Tàu. Sao mà tôi cứ đứng trên địa hạt văn ngôn mà nhìn trào lưu bạch thoại. Nếu tôi đừng quá chủ quan, đừng quá cách biệt mà nhìn văn viết của Hồ Biểu Chánh. Tôi coi văn Hồ Biểu Chánh là lối văn bạch thoại, và coi Hồ tiên sinh là nhà văn bạch thoại tiền phong như những nhà văn bạch thoại tiền phong Trung Quốc hồi đầu thế kỷ này thì tôi sẽ chấp nhận được, thưởng thức được văn chương của họ Hồ; rồi tôi sẽ chấp nhận và thưởng thức cả văn chương Hát cải lương, văn chương chưởng như thường".
Những thiên kiến, mặc cảm và những vụ lời qua tiếng lại
Mảng văn học này bị bỏ quên vì không được biết đến. Không được biết đến có thể vì không có mà đọc. Sống ở miền Bắc và ngay sống ở miền Nam, kiếm một bộ Nam Phong thật không khó gì, các thư viện công đều có, thư viện tư nhiều người cũng có, lại có cả bộ Mục lục đầy đủ đã in ra để tra cứu, nhưng không dễ gì kiếm ra vài số Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm. Trầm trọng hơn, có mà không đọc hoặc ngay cả đọc mà có thiên kiến này nọ thì dù ở xa hay ở gần, đều không thấy gì cả; hoặc chỉ thấy điều mình muốn thấy, nghĩa là những điều đúng theo định kiến... Thực tế hay sự thực như tấm màn chỉ vén lên mở ra, mặc khải trước những cái nhìn sẵn sàng, vô tư và thiện cảm - nếu không, nó vẫn khép kín, không buông xuống. Người ta không ưa thích cải lương vọng cổ vì định kiến này nọ không bao giờ thấy được cái hay của cải lương, cảm được cái mùi của vọng cổ...
Kể ra có nhiều thiên kiến lắm. Chẳng hạn: Gia Định báo à? Rặt đăng tin thông cáo của nhà nước thì có gì lý thú, hay ho mà đọc! Hoặc Nông Cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, đó là những tờ báo cổ võ việc làm ăn buôn bán, pha chút văn thơ, đâu phải những tờ báo văn học nghệ thuật, hiểu theo nghĩa "thuần túy văn học nghệ thuật". Truyện xuất bản nhiều đấy, bán chạy như tôm tươi nhưng hầu hết là thứ truyện Tàu phỏng dịch nhảm nhí, "chỉ để giải trí không có giá trị văn chương" (Lê Văn Siêu). Còn tiểu thuyết gọi là hiện đại, lấy đề tài Việt Nam thì hoặc là viết theo lối trơn tuột chẳng có chải chuốt gì, nôm na, thô kệch hoặc sai bét về chính tả, làm sao gọi được là văn chương...
"... Đại Việt tân báo, Nông Cổ mín đàm lại là những báo chí không có tính cách văn học, chỉ đăng rặt những tin vặt, những thông cáo của chính phủ, những bài diễn văn của người đương thời, hay nếu có đăng thơ văn thì cũng là những thơ văn của độc giả, nhà báo đăng một cách khuyến khích, chứ thật ra chưa đáng kể là thơ văn" (Nhà văn hiện đại, tập I, in lần thứ hai, Vĩnh Thịnh Hanoi 1951, trang 30).
Hoặc "Gia Định là đất mới. Dân chúng vừa thưa ít, vừa chưa được thuần nhất... Sự sáng tác văn học, sự ưa chuộng văn chương, sự trồng trọt thi văn ở đây chưa có truyền thống sâu xa, nên kém tiềm lực, kém khả năng... Quốc văn do đó trong nhiều năm về sau ở Nam Kỳ chỉ bày tỏ trong hình thức báo chí phổ thông với trình độ trí thức khá ấu trĩ hoặc ở tác phẩm tiểu thuyết cho một công chúng hạ lưu dễ dãi. Những người thức giả lưu tâm đến quốc văn sau đó lại phải quay ra miền Bắc để đón tiếp những sáng tác mới cũng như phong trào văn học mới" (Phạm Thế Ngũ. Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III trang 85).
Viết sai chính tả - Vụ Phan Khôi.
Trước Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngũ, Phan Khôi đã chê trách lối viết sai bét chính tả ngay từ hồi 1929 - 1930 trên Phụ nữ tân văn. Trong bài "Chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ và thế lực của Phụ nữ. Từ Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Trai cho đến Nguyễn Chánh Sắt, Đặng Thúc Liêng (số 28 ngày 7 Novembre 1929). Phan Khôi viết đại ý: các cố đạo xưa đã dựa vào tiếng Bắc và Bắc Trung Kỳ mà tạo ra vần quốc ngữ, nên miền Nam Trung Kỳ và Nam Kỳ không đóng góp gì hết vào việc đó. Càng vào Nam, càng phát âm sai... Chỉ riêng trong giới Công giáo, việc phát âm giữ được sự thống nhất vì Bắc theo cái đúng của Nam và Nam theo cái đúng của Bắc. Chữ quốc ngữ phổ thông ở Nam Kỳ trước, trong khi ngoài Bắc, Trung còn nằm sấp xuống, cấu bụng trên ván mà viết chữ Hán. Nam Kỳ là thầy dạy chữ quốc ngữ cho dân Annam vì có hai ông đại sư Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của vừa là công giáo vừa làm tự điển nên phát âm đúng. Những tự điển của hai ông làm mẫu mực cho cả nước. Thời Pétrus Ký người ta viết đúng mặc dù dân chúng có phát âm sai nhưng bây giờ thì ôi thôi loạn, ai muốn viết thế nào thì viết; dịch mà viết ra vịt trong một cuốn về luật thì đủ hiểu sai trật đến đâu. Phan Khôi lôi hai ông Nguyễn Chánh Sắt và Đặng Thúc Liêng ra vì nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do mấy vị làm báo tiền bối là nhà nho sót lại, không học chữ quốc ngữ đúng đắn, chỉ học vần sơ rồi ráp lại mà viết, thành viết sai mà không hay. Lấy ngay tên hai ông in trên danh thiếp bằng chữ Hán, phải viết ra Sắc, Liên mới đúng; Hai ông là nhà văn nổi tiếng, nhưng vì lười không chịu tra tự điển của hai ông Ký, ông Của mà viết cho đúng nên mới viết sai cả tên mình như vậy... Trong bài "Chữ quốc ngữ viết tên của ông Đặng Thúc Liêng cần gì bỏ chữ g, cũng ông Phan Khôi phục biện (số 30 ngày 28-11-1929), ông Phan Khôi lược tóm đăng bài trả lời của con ông Đặng Thúc Liêng là Đặng Công Thắng cho biết thân phụ viết Liêng là theo ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của chỉ cho (thiêng liêng) ngoài ra hiện nay không có Hàn lâm viện quy định, nên viết sao cho thông nghĩa thì thôi. Chính ông Phan Khôi cũng viết sai, viết xót thay vì sót. Còn ông Nguyễn Chánh Sắt không viết bài chỉ nói: "Ông Phan nhiều chuyện quá". Ông Phan Khôi khuyên các cô kén chồng: hễ các cậu nào không viết chữ quốc ngữ đúng thì không lấy, thà ở góa cả đời chứ không lấy anh chồng không biết viết quốc ngữ.
Trong Phụ nữ tân văn số 31 "viết chữ quốc ngữ phải viết đúng", bác lại bài ông Đặng Công Thắng con ông Đặng Thúc Liêng (5-12-1929) ông Phan Khôi nhắc lại những lý lẽ của ông Thắng: "Chữ quốc ngữ viết thế nào thông nghĩa thì thôi, không cần viết đúng vì không có hàn lâm viện, sách mẹo quy định và trách ông là người Trung Kỳ vô đây kiếm ăn còn làm phách...".
Số 34: "Vấn đề viết chữ quốc ngữ cho đúng", ông Phan Khôi nói lý do không đăng bài của ông Nguyễn Chánh Sắt và bài thứ hai của ông Đặng Công Thắng, vì có tính cách công kích cá nhân, nhưng cũng cho viết ý ông Sắt nói: tên chính là Sắc viết ra Sắt do cha mẹ đặt ra tự thuở nhỏ đã vào bộ làng là Sắt, nên bây giờ cứ để vậy. Sau đó đăng hai bài của độc giả đồng ý với lập trường của ông Phan Khôi.
Số 37: "Một vấn đề thống nhất tiếng Việt Nam" (17-1-1930) đây là bài quan điểm của tờ báo do ông Phan Khôi viết kêu gọi "Nên nhóm toàn quốc đại hội nghị đặng bàn tính các vấn đề đó" bác bỏ ý kiến của nghị viện trong Hội đồng quản hạt yêu cầu đặt riêng một hội đồng soạn sách theo tiếng Nam Kỳ cho con nít ở Nam Kỳ học, sách Nam dùng cho Nam, sách Bắc dùng cho Bắc, và ông kết án nặng nề: "Chỉ những kẻ ngu dốt, điên khùng khốn nạn mới có thể nói được rằng tiếng Annam không cần gì học, tiếng Annam là đồ bỏ, viết sao thì viết đọc sao thì đọc".
Xin trích một số đoạn cuộc trao đổi lời qua tiếng lại kể trên.
"Bởi vậy tôi nói rằng chữ Quốc ngữ phát nguyên từ miền Bắc. Tôi có ý nói ông cố đạo ấy hiệp cả giọng Bắc Kỳ và phía Bắc Trung Kỳ mà đặt ra vần quốc ngữ. Sao tôi lại không kể đến phía Nam Trung Kỳ và Nam Kỳ? Vì cái chỗ đúng của hai nơi ấy thì không đúng bằng phía Bắc Trung Kỳ, mà còn chỗ sai lại sai quá, càng vào phương Nam chừng nào càng sai chừng ấy, nên không kể làm chi...".
... Về phía Nam Trung Kỳ, nói ngay tỉnh Quảng Nam là tỉnh tôi, về vần ngược chỉ có miền Thượng du nửa tỉnh phía Nam nói đúng mà thôi, còn bao nhiêu thì sai hết, nghĩa là không phân biệt c với t, có g với không g. Từ Bình Định trở vô, vần vân thì nói ra ưng. Vào đến Nam Kỳ lại thêm lộn in với inh, uc với ut, h với q v.v... không kể hết được. Tôi nói vào phương Nam chừng nào càng sai chừng ấy, là nghĩa như vậy. Chúng ta không nên lấy cớ mình là người phía Nam Trung Kỳ với Nam Kỳ muốn binh vực cho cái lưỡi của xứ mình mà gân cổ cãi lại. Chúng ta phải nhận cho kỹ mà chịu đi rằng chúng ta phát âm (prononcer) tiếng Annam thiệt không đủ giọng bằng tiếng Bắc.
Vì cái cớ phát âm không đủ giọng ấy, nên tôi dám quyết rằng hồi ấy, ông cố đạo đó theo tiếng Annam mà đặt ra quốc ngữ thì không cần dùng đến giọng phía Nam Trung Kỳ và Nam Kỳ, tiếng của hai miền này thật không có được một chút nào vào sự sáng tạo vần quốc ngữ vì dùng nội giọng Bắc Kỳ và giọng phía Bắc Trung Kỳ là đủ rồi:
- Chữ quốc ngữ phát nguyên từ miền Bắc, nhưng kể ra người Annam ta bắt đầu thông dụng nó, học tập nó, làm sách vở bằng nó, thì lại từ miền Nam, tức là Nam Kỳ.
Chữ quốc ngữ hồi đầu chỉ có tín đồ đạo Thiên Chúa dùng mà thôi. Họ lấy nó mà dịch kinh, dịch sách rồi đem dạy trong các nhà trường của họ. Sự đó suốt từ Bắc chí Nam như nhau, không khác; nghĩa là trong dân Annam thì người có đạo Thiên Chúa dùng chữ quốc ngữ trước hết thảy; mà họ lại dùng theo y một lối? Bắc phải theo sự đúng của Nam; Nam phải theo sự đúng của Bắc, từ đó cho đến bây giờ.
- "Kể cái công tập tành chữ quốc ngữ, cho quen và rải rác nó cho một ngày một rộng ra ấy là phải kể cho xứ Nam Kỳ.
Tôi muốn nói xứ Nam Kỳ là thầy dạy chữ quốc ngữ cho cả và dân Annam cũng không phải là quá đáng... Mà là thầy thật. Hồi đó có hai ông đại sư về quốc ngữ, là ông Trương Vĩnh Ký và ông Paulus Của, tức là Huỳnh Tịnh Trai. Vì mỗi ông có làm ra một bộ tự vị tiếng Annam. Các ông cũng là học trò trường bên Đạo mà ra, cho nên các ông viết chữ quốc ngữ y như người bên đạo, nghĩa là viết đúng. Hồi bấy giờ chắc người Nam Kỳ phát âm cũng vẫn là không đủ cũng vẫn là lẫn t với c, lẫn có g với không g, lẫn dấu ngã với dấu hỏi, song le các ông viết ra thì phân biệt đâu ra đó, vì vậy các ông mới dám làm tự điển. Mà tự điển của các ông sau rồi trở nên mẫu mực cho người Annam, ai cũng phải dùng, dùng đến cả phía Bắc Trung Kỳ và Bắc Kỳ là miền chữ quốc ngữ đã do đó mà sanh ra. Mà tôi tưởng, không những hai ông đại sư ấy, lúc bây giờ người Nam Kỳ hễ đã viết quốc ngữ là ai cũng phải viết đúng. Vì hồi đó người ta học quốc ngữ một cách nghiêm. Bây giờ thử tìm một vài cuốn sách xuất bản thời ấy mà coi, cuốn nào in cũng hẳn hoi, cho đến dấu ngã dấu hỏi cũng phân minh".
Sau khi than phiền về tình trạng viết loạn xạ ngày nay (hồi 1929) và đưa hai ông Nguyễn Chánh Sắt, Đặng Thúc Liêng ra mà phê phán, Phan Khôi kêu gọi:
"Tôi lấy làm thương tâm quá. Tôi không hiểu một người đã xưng mình là Annam thậm chí mình là nhà văn học Annam, sắp hàng mình vào nhà ngôn luận, nhà học thuật, dám thò tay viết cuốn sách để đời, mà mặt chữ còn quấy, thì mới nói làm sao? Tôi không biết một người Pháp hay một người Tàu mà viết chữ bổn quốc họ còn quấy mặt chữ như mình vậy thì họ có thể lên mặt mà tự đắc được chăng? Cứ cho việc này là việc nhỏ mặc ai, chớ tôi, bụng dạ hẹp hòi tôi cho nó là việc lớn".
Này hỡi người Annam ta, hãy bắt đầu hôm nay học viết chữ quốc ngữ cho đúng đi. Có vậy mới xứng đáng là người Annam.
Những người đàn ông gần già gần chết mà họ viết quốc ngữ sai thời bỏ họ đi. Còn đám thanh niên sợ họ sau này, các cô có quyền uốn nắn được. Các cô hãy học viết đúng đi trước đã rồi các cô hẹn nhau, rày về sau, kể cả các cậu, cậu nào viết chữ quốc ngữ đúng thì các cô hãy cho bưng trầu, rượu đến nhà, còn không thì đuổi họ đi cho rảnh. Thà ở góa cả đời, chớ đừng lấy anh chồng không biết viết. Đó rồi, rày sắp tới, người đàn ông Annam nào muốn có vợ thì phải cặm đầu học chữ quốc ngữ. Không bao lâu mà họ biết viết hết. Ấy là nhờ các cô vậy". Phan Khôi.
Số 30 (28-11-1929):
Phan Khôi tiên sanh nhã giám: tiên sinh từ hồi vào Nam Kỳ đến nay coi ý muốn cải lương nhiều việc, nhứt là cách làm văn, cách viết chữ quốc ngữ ở Nam Kỳ v.v... Tôi thấy tính tiên sanh về mục đích ấy lắm, nhưng tính bao nhiêu sau khi đọc suốt các bài của tiên sanh càng buồn bấy nhiêu. Buồn cho tiên sanh nhiều cái thuyết cầu kỳ bất hiệp chân lý. Buồn thời buồn chớ chẳng muốn cải lẩy với tiên sanh làm gì những sự không đâu vô bổ.
... Tiên sanh nói ông cố đạo nào bày ra chữ quốc ngữ tiên sanh chắc một mình ông ấy đem cả trí lực ra mà gây dựng thứ chữ ấy không? Vậy chớ Hội Giám mục ở Quảng Trị bày ra chữ quốc ngữ lúc trước ở đâu?
Tiên sanh nghĩ rằng tên của nghiêm quân của tôi viết ra chữ quốc ngữ phải bỏ g mới trúng. Tiên sanh chưa rõ nguyên ủy nên nghĩ vậy, nếu rõ lại phải phục ngay. Vì nghiêm quân của tôi muốn viết chữ tên ra quốc ngữ đương thời - 46 năm về trước Việt Pháp tự điển của ông Trương Vĩnh Ký không có, của ông Huỳnh Tịnh Trai mới ra đời, mà không có chữ đó, nên hỏi thăm Trương, Huỳnh các ngài quen mới chỉ cho biết chữ Liêng là nói theo thiêng liêng đã thành văn trong các sách Thiên Chúa giáo. Đến năm 1889, Việt Pháp tự điển của ông Trương Vĩnh Ký xuất bản, ông Génibrel lại mới xuất bản; "Việt Pháp quốc âm tự điển" mới gia nhập chữ ấy vào mà lại chia ra có g và không g.
Bây giờ tiên sanh cứ tự điển mà cắc nghĩa chữ Liêng là nôm, và Liên là chữ. Xét lại, vương là vua với vương vấn viết một chữ; quốc là nước và chim quốc cũng viết như nhau; nôm chữ lẫn nhau, tự điển sao vậy cả. Có sao đâu... Văn tự nôm cũng vậy, khi thêm viết vầy, khi bớt viết khác. Đâu có duyên cớ. Ví như chữ khôi, quí danh, mượn thêm ở trên đầu một chữ đầu ???, bên tả chữ nhân đứng ???, dưới đích chữ y rách ???, bỏ chữ đầu ??? đi được. Hoặc bỏ chữ ??? mà thế chữ thôn ??? vào cũng được.
Còn quốc ngữ, chữ tàn tật, giùng mình, cằng rằng v.v... có g hay không g chẳng thất luật chi cả. Bất quá chia ra tiếng N và T mà thôi.
Ôi văn tự quốc ngữ! Mẹo luật không ai bày! Hàn lâm viện đâu? mà cứ bắt bẻ g hay không g, c hay là t. Ngặc lắm, thôi bây giờ xin quí hồ viết cho thông nghĩa, đừng "dốt dát" như tiên sanh đã nói xót mà chính chỗ đó phải nói sót phải không?
... Thật khổ cho tiên sanh, cắt cớ bày các cách kén chồng cho các cô sao mà "quê mùa" thái quá. Thật thì, các tấn sĩ, cử nhân, tú tài từ nhỏ chí lớn, mấy lúc mảng lo học pháp văn, nên chắc có cụ lo làm chi viết chữ quốc ngữ cho được đúng của tiên sanh...
... Rốt hết tôi tặng tiên sanh: khả Lân lao tác khách, thả mạc háo vi sư" - Đặng Công Thắng con ông Đặng Thúc Liêng.
Số 31 (5-12-1929)
... "Tôi thì nói chữ quốc ngữ phải viết đúng"...
Theo lời ông Thắng thì cái chữ "Liêng" tên ông thân ông, là do ông Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Trai biểu viết như vậy, vì hồi đó chưa có tự điển nào hết. Sự đó là việc riêng nhà ông, thiệt hư thế nào tôi đâu có biết...
- "Tôi đã nói rõ ràng nếu là chữ ?? thì phải viết là Liên mới đúng, còn viết là "liêng" thì trật, vì hai chữ phát âm không giống nhau, bởi vậy mới một chữ không g, một chữ có g không cần phải nói theo tự vị làm chi, cho ông lấy cớ hồi đó chưa có tự vị, nay tôi chỉ nói gọi rằng: hễ ai biết phát âm cho đúng thì trong khi thấy chữ ?? phải viết quốc ngữ là Liên chứ không viết Liêng được. Tôi nói thế mà ông lầm ra nghĩa khác, ông nói rằng tôi cắt nghĩa chữ Liêng là nôm và Liên là "chữ" rồi đem phân bì nói chữ "vương" là vua và "vương vấn", chữ "quốc" là nước và "chim quốc" mà nói rằng nôm chữ chế lẫn nhau, không sao đâu, thì cái đó là ông nhầm.
Tôi xin cắt nghĩa chỗ đó. Và, nôm chữ có khi lẫn nhau thực như "vương" chữ "quốc" ông nói đó thì vốn là lẫn nhau, vì nó phát âm như nhau: đó là đồng âm mà khác nghĩa. Còn chữ Liên và Liêng phát âm khác nhau đó là khác âm và khác nghĩa. Tôi nói đây là vấn đề phát âm, chứ không về cái vấn đề nôm với chữ...
... ông nói tên chữ Hán như tên Khôi tự mà cũng có thể thêm bớt là không được. Tên tôi là ?? chớ không phải ?? và ?? như ông biết. Khôi còn nhiều chữ đồng âm nữa, mà hễ chữ ấy, chứ có đâu thêm bớt được như ông tưởng lầm. Vả lại nếu chữ ?? thì phải viết ?? bằng, có lẽ nào bỏ chữ ?? mà thế chữ ?? vào được? Nếu ông viết như vậy thì người ta phải cho ông là không thuộc mặt chữ. Thiệt tình nếu ông ít thông chữ nho thì đừng nói bướng mà người ta cười. Hoặc giả ông có ý đem cái tên ?? là "thằng giặc Khôi" mà kiêu ngạo tôi nữa chăng? Nếu quả vậy cũng không hại chi.
Đến như ông nói "Văn tự quốc ngữ, mẹo luật không ai bày. Hàn lâm viện đâu. Bây giờ quí hồ viết cho thông nghĩa. Tôi xin ông đi, đừng nói ngang vậy không được... Bởi nó không có mẹo luật nên mình phải làm cho có mẹo luật, không có Hàn lâm viện thì mình làm cho có Hàn lâm viện...
Ông nói "quí hồ viết cho thông nghĩa" là có ý không cần đúng chữ. Trời ơi! Ông lầm quá. Thế gian có thứ chữ nào viết không đúng chữ mà lại thông nghĩa được? Cho tôi vô phép nhắc lại cái tên của lệnh nghiêm một lần nữa. Chữ ?? nếu là tên, thì viết Liêng còn bỏ qua được, chớ nếu gặp chữ ?? hay là ?? mà ông cũng viết là Liêng thì theo thức giả và tự vị là bất thông đó ông.
Tôi lấy thêm một ví dụ nữa để ông càng hiểu hơn. Như chữ "chẳng lẽ" nghĩa là chẳng có lẽ mà nếu theo lời ông viết ra "chẵn lẻ" cũng được. Nhưng nếu viết theo chữ sau đó thì lại thành ra nghĩa khác, nghĩa nó là đôi và chiếc (pair et impair). Tự người nào phát âm không rành, thì viết ra có khác, mà đọc ra cũng khác, song người phát âm rành thì phải đọc ra khác và hiểu nghĩa cũng khác luôn. Vậy mà ông muốn đánh xô bồ làm một có được đâu. Phan Khôi.
Số 34 (26-12-1929)
Muốn viết chữ quốc ngữ cho đúng phải phát âm cho đúng. Lê Vinh Diệu
Sau đây tôi xin kể những xứ nào nói trật chữ gì và phải bắc chước xứ nào đặng phát âm cho đúng.
1. Ở Bắc Kỳ, nói lộn xộn ch với tr và gi, lộn vận s và x, vận r với d, vận nh với l. Vậy thì Bắc Kỳ phải bắc chước những tỉnh Nghệ Tỉnh vô tới Quảng Ngãi mà sửa lại mấy vần đặng nói cho đúng.
2. Ở Thừa Thiên (Huế) nói lộn xộn nh và gi, vậy phải sửa vần ấy theo mấy tỉnh khác.
3. Ở Quảng Nam, cả Quảng Ngãi nói lẩn lộn vận ăn với en, ăc với ec, vậy phải sửa theo Bắc Kỳ hai vần này.
4. Từ Bình Định vô tới Nam Kỳ, nói lộn xộn v và d, qu và h, it và ich, uc với ut, un với ung, vậy phải bắt chước những tỉnh từ Quảng Bình sắp ra Bắc Kỳ mà đọc các vần ấy cho trúng.
5. Từ Quảng Trị sắp vô Nam Kỳ đều nói trật những chữ không g ở sau đuôi như an, ăn, ân v.v... những chữ có t ở sau đuôi như at, ắt, ất v.v... và dấu ngã. Lại lộn ui với uôi, ưu với ươu, iu với iêu, d với gi. Vậy những khoản ấy phải theo giọng từ Quảng Bình sắp ra Bắc Kỳ.
6. Từ Bắc chí Nam phần nhiều hay lầm lộn chữ ao với au, an với ân, ai với ay, ay với ây, ap với ăp, ăp với âp. Vậy cả thảy phải bắt chước hai tỉnh Quảng Nam với Quảng Ngãi, mà đọc cho rõ những chữ ấy.
Vấn đề viết chữ quốc ngữ. Ngọc Uổng (thư gởi Phan Khôi)
... Nói tóm lại, trên sách dạy rằng mấy tiếng Annam đồng âm mà khác nghĩa, mình cần phải biết phát âm cho trúng, thì viết mới trúng. Chết chưa! Em chưa từng đi Trung Kỳ Bắc Kỳ lần nào, mà em cũng không biết chữ hán nào hết làm sao mà phát âm cho đúng? Em thấy trong bộ "Đồng âm tự vị" của ông Nguyễn Văn Mai, những chữ đồng âm kể đến số ngàn, làm sao mà nhớ cho hết được. Nếu muốn nhớ, phải học thuộc lòng, cha chả, mà em nghe người ta nói: cái đồ học thuộc lòng, ngồi ngâm nga tối ngày là đồ vô dụng, thế thì làm sao bây giờ?
... Mà theo ý em tưởng, viết quốc văn chẳng những là cần phải viết cho trúng mà thôi, có lẽ lại còn phải viết câu cho trúng nữa mới được.
Em còn nhỏ. Em sẽ bắt chước tiên sanh mà kén chồng. Em sẽ chọn ai viết quốc văn đúng đắn thì em mới ưng. Nhưng mà em nói viết quốc văn cho đúng là em buộc viết chữ cho trúng, dùng chữ cho trúng và chấm câu cũng cho trúng nữa mới được, chớ viết chữ trúng mà dùng chữ với đặt câu không nên thân, thì em cũng khinh bỉ lắm. Tiên sanh nghĩ sao?
*
Ông Phan Khôi nặng lời như thế, làm sao không khỏi mất lòng người miền Nam, nên lúc đó đã có người nói thẳng ra: cho ông vào làm ăn ở đây, lại còn lên mặt dạy đời!
Phan Khôi có thái độ khinh chê, do một mặc cảm tự tôn, nên không chịu tìm hiểu xem người Nam Kỳ tại sao hay viết sai chính tả; chắc hẳn không phải chỉ vì ấu trĩ hay lười nhác nhưng phải có lý do gì đó như một nhà "lý luận" Nam Kỳ đã phát biểu trước đây 15 năm. Trong bài "Văn chương khảo luận" về cách dạy chữ quốc ngữ, Nguyễn Ngọc Ẩn đã viết: "Tiếng nói làm sao giọng đọc làm vậy. Ở ngoài Bắc, người ta quen nói nhiều giọng, cho nên mới có phân biệt dấu hỏi dấu ngã, chữ C và chữ T, sau rốt thì chẳng nói làm chi. Trong Nam Kỳ, tôi tưởng ít ông nào tự nhiên (nghĩa là nghe người ta nói thường) mà phân biệt mấy cái lắt léo đó cho đặng. Trong mấy ông mà rõ thấu cái hít hà tẩn mẩn đó thì tôi tưởng khó cũng có nhiều ông nhờ coi sách thấy sao hay vậy. Mà thiệt mấy ông ấy cũng là có công nhớ, vì tiếng nói ở trong Nam Kỳ không có thấy phân biệt mấy sự khó lòng ấy chút nào. Tiếng Bắc Kỳ phải hơn hay tiếng Nam Kỳ phải hơn? Tôi không đủ trí mà biện luận. Tôi xin nói một điều là tiếng nói trong này, tuy nhiều ông cho là thất điển, song người người cũng hiểu cũng thông. Nhiều khi tôi lại muốn nói theo cách trong này hơn, không phải là chê tiếng ngoài Bắc (dám nào) chẳng qua là không muốn nằng nằng quyết một biện phân mấy cái hít hà nói trước mà thôi. Như muốn nói tiếng đứt (cắt đứt) cho trúng điệu văn chương, thì phải viết chữ ở đằng sau và đọc đủ... it cho dài như là ăn kẹo, cắn nó dẻo nhẹo, kéo ra dài nhằng không muốn đứt; còn nói theo cách thường, thì bất luận c, t, nói mau gọn gàng nghe ra phải tuồng đứt tốt, nói chi cái câu "nước mắm chế lộn mỡ" của chúng bày đặt diễu chơi. Đập chết tôi, tôi cũng nói theo giọng Nam Kỳ, đọc mỡ lớn tiếng như là mở cửa, bởi vì, e theo văn chương lắm, mà mất cái lịch sự đi chăng... Chữ quốc ngữ mà khó viết cho trúng, nghĩa là cho đẹp ý một hai ông là bởi tiếng thì nói theo giọng một nơi, mà chữ thì theo giọng một ngã, chớ không có cái chi là kỳ diệu, ước sao cho một ngày kia, trong các trường nhà nước sẽ nhứt định cho viết chữ quốc ngữ không phân biệt mấy cái lắt léo nói trên đây. Pháp văn kia, tuy là có mẹo luật rành rành mà còn không câu chấp một hai chữ viết sai thay (tolérances orthographiques). Huống chi chữ quốc ngữ mình, không thấy luật mẹo, nói một đàng lại buộc viết một ngã, e thập niên đăng hỏa cũng khó mà hay". (Nông Cổ mín đàm, 16 và 23-3-1915).
Vào cuối năm 1915, trước vụ Phan Khôi 15 năm, đã xảy ra một vụ đụng chạm đến tự ái người Nam Kỳ còn nặng nề hơn do ông Phạm Duy Tốn gây nên.
Phạm Duy Tốn và vụ "Văn minh giả"...
Mùa hè năm 1915, Bắc Kỳ bị lụt lớn: "Nhiều chỗ bị lụt thiên hạ phải nghèo nàn đói khát, thường bữa thấy người ta kéo nhau ra tỉnh mà ăn xin. Tại Bắc Ninh, Ninh Bình và Hà Đông nhiều chỗ ngập đường xe lửa đi không đặng. Cũng có nơi thiên hạ phải chết trôi chết đuối nhiều. Vua Annam đã gởi cho quan Chánh thống sứ Bắc Kỳ 10.000 đồng đặng chẩn cứu những kẻ bị thiên tai" (Nam Kỳ địa phận số 347 16-9-1915 trang 573) còn Hội đồng quản hạt Nam Kỳ gởi tặng 20.000 đồng. Cũng có nhiều hội nghĩa khác (NKDP số 356, 18-11-1915, trang 718). Nam Kỳ D.T. số 349 ngày 39 ??? -9-1915 đưa tin "Quyên tiền giúp kẻ bị lụt tại Tonkin". "Nhơn khi M.M. Nguyễn Đắc, Phạm Duy Tốn chủ bút Lục tỉnh Tân văn cùng nhiều người khác nữa ở Bắc Kỳ ngụ tại Saigon. Xin được quan Nguyên soái mở cuộc nghĩa quyên mà trợ giúp những kẻ mắc nạn vì lụt tại Bắc Kỳ, thì M. Bùi Quang Chiêu, giám đốc cánh nông bác học và ông huyện Trang hiệp ý mời những ông đại nhơn và các viên quan chức sắc các ty các sở Saigon và Cholon cùng Gia Định hiệp tới tại Hội Khuyến học Nam Kỳ chiều ngày 11 Septembre đặng lo lập thành hội nghĩa quyên Nam Kỳ mà xin phép chính phủ để giúp M.M. Đắc và Tốn trong vụ quyên tiền các nơi ngoài tỉnh. Chiều ngày ấy các hàng đại nhơn cùng viên quan Annam trên tới đông. M. Phạm Duy Tốn thay mặt đồng bào xứ Bắc mà đọc bài diễn thuyết, kể lại các sự tai nạn tại Bắc Kỳ... cùng xin ai nấy đồng dạ hảo tâm lo việc cứu giúp "... Hội được thành lập do Bùi Quang Chiêu làm chánh hội trưởng, Phạm Duy Tốn là phó thư ký. Chỉ quyên những người có mặt đã đặng hơn 200 đồng và tiền quyên cả ngày được 3.135đ83". Trong địa phận Đức Cha Saigon vừa nghe tin ngoài Bắc bị khốn nạn thì cũng đã gởi tiền bạc mà cứu cấp".
Đồng bào Nam Kỳ và các giới có vẻ sốt sắng quyên góp ủng hộ, nhưng ông Phạm Duy Tốn không hài lòng với số tiền ông mong muốn nên đã viết trong Lục tỉnh Tân văn số 401 một bài tỏ ý chê trách người Nam Kỳ không có văn minh vì đã không giúp đồng bào Bắc bị nạn lụt mặc dù có tiền của nhiều. Bài của ông Tốn đã gây ra nhiều phản ứng dữ dội, kéo dài mấy tháng trên Nông cổ mín đàm. Chúng tôi chỉ trích dẫn một vài đoạn làm chứng từ.
Trong mục "Nhàn đàm" (số 18 Nov.) Tân Dân Tử dựng một cuộc nói chuyện tay đôi giữa Ất và Giáp nhân vụ Phạm Duy Tốn viết bài "Văn minh giả".
Giáp: Người lục tỉnh đã hảo tâm như vậy, mà người Bắc có cám ơn không?
Ất: Sao không có. Cám ơn lắm chứ! Mới đây ông Phạm Duy Tốn là người Bắc Kỳ có đặt một bài văn minh giả mà tỏ dấu cám ơn chúng ta lắm. Chẳng những cám ơn mà còn cho mấy ông mấy thày một vật quý báu biết dường nào.
Giáp: Vật gì vậy anh?
Ất: Ấy là đồ ngoài Bắc, ông Phạm Duy Tốn kêu là cái mặt nạ giả văn minh để đeo làm dấu tích, và lại mừng cho mấy ông thầy là văn minh lại cái nữa...
"Lúc ngài còn ở ngoài Bắc, lẽ khi ngài cũng lo hóa dân như vậy, dạy dân Bắc văn minh thuần thục rồi, động lòng ngài, ngài mới vào đây, vào được mấy tháng nay, ngài làm nhiều điều cũng quí, dạy nhiều chỗ cũng thông, như lúc Bắc Kỳ bị lụt bỏ chiếu trôi lên, bỏ giường trôi xuống, đói lạnh không cùng, táp cồn này vập bãi kia, ngài ra rên xiết với người Nam Kỳ, xin tiền mà cứu giúp bọn đồng hướng của ngài. Khi đó trong bụng ngài tưởng dân Nam Kỳ giàu có sang trọng, ăn no ngủ kỹ, mặc ấm ngồi cao, lẽ nào không thương người đồng bang lâm biến, chẳng dè sự tưởng của ngài có chỗ chi sai lầm nên nay ngài mới lấy chữ văn minh giả mà chỉ dân Nam Kỳ rằng: "Ta nghĩ văn minh như vậy, mà trong lúc không có một mảnh đồng xu, không có một chút học thức, thì sao lại có gọi là văn minh?".
Số 25 Nov. 1915 đăng một bức thơ ký tên Ngô Thế Truyền, của một tay hầm than ở Biên Hòa. "Nguyên là tôi đi chợ có ghé tiệm M. Sự mua nhựt trình Lục tỉnh Tân văn coi thấy lời luận của ông Phạm Duy Tốn nói chuyện văn minh lại cái, văn minh giả, họ xúm coi rồi cười um, nói mấy ông mặc đồ vắn quần chật đi giày tây không có dương vật, họ khuấy chơi với nhau, người này rờ của người kia, té ra ai cũng có dương vật dài hết, không ai lại cái. Tôi thầm nghĩ là ông Phạm Duy Tốn nói gạt đàn bà con gái nhà quê mấy cô lôi thôi tưởng có mình ông có dương vật sao chớ!"
Số 9 ngày 9-12-1915 đăng bài của một độc giả ở Bến Cát đại ý nói Phạm Duy Tốn chẳng có ý nói về Nam Kỳ đâu, chỉ vì vào đây thấy văn minh của bọn ta và thấy ngoài đó không có nên ông buồn mà viết vậy thôi. "Chớ tôi thường thấy mấy cậu ngoài nớ ăn mặc ngộ quá, thiệt cũng đáng bực văn minh tân đợi. Bận áo tây, quần tây, đi giày tây hay là hàm ếch da láng, trên đầu thì còn để tóc vấn khăn đen. Hễ quen biết nhau thì nắm tay nhau bù sua rồi cập tay nhau nói dóc om sòm. Tiếng nói thì pha chè nửa Annam, nửa francais, nửa chararia (tiếng nhà bếp), chẳng biết ông Tốn gọi văn minh ấy là chi há?"
Vụ lời qua tiếng lại trở thành nghiêm chỉnh hơn với những bài bàn về thế nào là văn minh, lôi cuốn hầu hết các chủ bút, nhà báo nổi tiếng thời đó (Lương Khắc Ninh, Trương Duy Toản, Nguyễn Kim Đính, Trần Chánh Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Ngọc Ẩn, người có Tây học cũng viết một bài dài bàn về văn minh. Có lẽ cả Saigon - Lục tỉnh chỗ nào cũng bàn chuyện ông Tốn.
Số 13 tháng 1 năm 1916 đăng bài của ông Lê Đình Chánh nhan đề Tân vấn luận: "Tôi nghe văn chương gốc ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ không có văn chương theo như lời ông Tốn đã nói ở Chợ Lớn, thì bài văn minh giả của ông rất phải, vì ông là người Bắc vào, tài ba lỗi lạc, Nam Kỳ không người dám sánh, dầu ai cũng phải khâm phục tài ông".
Tôi hỏi Lê Hoằng Mưu gốc chữ văn minh ở sách nào mà ra. M. Lê Hoằng Mưu cười và đáp: "Chưa biết cái đấng tài danh Bắc Kỳ vào đây đa văn quảng kiến, có thấy sách nào chăng, chúng tôi thật chưa thấy, lại cũng chưa từng nghe, hai chữ văn minh mới nghe từ ngày loạn trào Thanh đến nay..."
Ông Tốn chê Nam Kỳ không có văn minh, văn chương "Xem trí ý của các đấng đại danh thì biết như ông Trương Vĩnh, Trương Minh, ông Dũ Thúc v.v... nào có nói luận văn minh, mà tự nhiên có dạy văn minh trong đấy; cho đến Nông Cổ ngày nay cũng còn nói. Ông Tốn mới vào, xem chưa kỹ, nên mới nói đem văn minh vào rảy khắp lục châu, mới mở văn minh nơi quần áo. Xét kỹ lại thì ông Tốn từ ngày vào đây, chưa luận bàn chi gọi là văn minh. Chưa chỉ dẫn mà nhạo báng người thì quả là ông Tốn lầm rồi đó".
Số 27-1-1916 đăng bài "Nói về chuyện văn minh". "Ở Nam Kỳ có nhiều người học cả Tây, Tàu giỏi, đủ các thứ bằng, phải biết văn minh là gì - Ông Tốn vào đây khoe tài, khoe chữ (tiếng Bắc) người có ra Bắc nghe thì hiểu, người không ra thì sao hiểu nổi! Nếu nói:
"Sớm mai tôi đi ra chợ Cụ
Vai vác cái dù son tay cầm chạc su chấm cái lỗ khu kêu cái ọt, trúng con thóc lóc ở trên cái chà khoe bố xuống ở bố, như vậy thì ai hiểu cho thấu!"
... Xin chớ có chê bai những người đốn củi hầm than mà mang tội lỗi.
Trong Nam Kỳ ta đây, nhiều kẻ làm nghề đó mà làm chủ, chớ chẳng phải cầm kềm cầm búa mà đốn, đừng có khinh khi là kẻ võ phu, hà tiện. Các ngài tưởng như ngoài Bắc không có nhà giàu hay chữ mà làm nghề đó sao? Tại các ngài nhớ mấy câu phương ngôn con nít ở Bắc hát nên tưởng là ở trong này cũng vậy chăng?
Hát như vầy: Tôi là tôi hò khoan
Con gái kè mợ, hồ khoan
Tôi đi bán rượu, hồ khoan
Tình cờ gặp anh, hồ khoan
Tôi là, tôi là, hồ khoan
Con mẹ bán than, hồ khoan
Được lãi vô vàn, hồ khoan
Cái đít nhọ nhem, hồ khoan
Tôi nghe các ngài xưng tài học thức nhiều, cho nên tôi cúi xin luận mấy khoản nói trên nớ. Dương Văn Giáo, thương biện tại Sở Thương Chánh Saigon.
Văn Bắc Kỳ:
Ba năm sau vụ Phạm Duy Tốn, Nông Cổ mín đàm đăng một bức thơ ngỏ gửi cho các báo Annam về phản ứng bất mãn của người đọc ở Nam Kỳ đối với thái độ khinh bỉ người Nam được bày tỏ trong các báo xuất bản ở Bắc Kỳ.
Văn Bắc Kỳ. Lời ngỏ cho các báo Annam. NCMD 26-6-1919
"Xưa rày bổn báo thường xem báo giới Bắc Kỳ thấy luận nhiều bài thiệt là khinh bĩ người Nam Kỳ thái quá; như "Trung Bắc tân văn" bàn luận về quốc văn thì cho văn Nam Kỳ là văn hát bội; còn Nam Phong bài của M. Phạm Quỳnh "Một tháng ở Nam Kỳ" thì cho người Nam Kỳ có lượng mà không có phẩm; người Nam Kỳ những nhà giàu có phần đông toàn là ngu ngốc cả v.v...
Đó, phẩm lượng thái độ và cách cư xử đối với đồng bào của người thay mặt cho dân đất Bắc là thế đó.
Những lời khích nhau bỉ nhau mà đăng báo như thế thì dẫu cho thần phật cũng phải bất bình. Nhưng vậy mà bấy lâu bổn báo cũng làm thinh nhẫn nhục mà không đành hở môi, là vì bổn báo vẫn để lòng cổ động đồng bang chữ hướng về đều liên lạc đoàn thể với nhau, làm sao cho ba kỳ hiệp một, đấu cật nhau, diều dắc nhau lên đường tấn hóa, nên chẳng nở buông lời bài bác nhau mà hại niềm hòa khí.
Chẳng dè mà báo giới Bắc Kỳ vẫn cứ chấp nê, tự kiêu tự đắc, vô cớ sanh đoan, dùng những lời lộng liên vô lễ thái thậm mà đối đãi với người Nam Kỳ. Thế bất đắc dĩ nên bổn báo phải hở răng mà chỉ rõ cái bịnh kiêu căng vô lễ của các ngài đó thôi, chớ những điều nhàm, những chuyện xằng bậy như vậy nếu nói ra chừng nào thì lại càng hại niềm hòa khí chừng nấy, đã chẳng ích chi cho quê hương mà rồi dân ba kỳ lại còn sinh đố kị nhau cừu oán nhau, thì còn trông chi là thương yêu nhau, liên lạc nhau, mà làm cho tam kỳ thống nhứt được. Ngửa nhờ đồng bào chư quân xử xét cho Nông Cổ mín đàm".
Phạm Quỳnh: Một tháng ở Nam Kỳ. Nam Phong số 17 (1919)
Có lẽ những ý kiến nhận xét của Phạm Quỳnh đã có ảnh hưởng mạnh trong giới trí thức Bắc Hà thời kỳ này tạo ra những thiên kiến quen thuộc về sau đối với người miền Nam.
- Trí thức Nam Kỳ mất gốc: "Dự tiệc thấy có người vào dân Tây toàn nói tiếng Tây". Coi đó thì biết các bậc thượng lưu trong Nam Kỳ Tây hóa đã sâu lắm, hầu như không còn chút gì là cái phong thể Annam nữa.
- Sinh hoạt văn hóa nhiều về lượng nhưng kém về phẩm chất: "Kể đến báo ở Nam Kỳ thì nhiều hơn báo Trung, Bắc Kỳ về cái lượng, nhưng còn cái phẩm có được xứng đáng với cái lượng không? Điều đó thì chưa dám chắc vậy. Xưa nay phàm cái gì muốn cho nhiều tất giá phải kém không thể vừa nhiều vừa tốt cả được. Muốn giữ được cho cái phẩm cao, tất phải trạc cái lượng lại mới được. Ấy công lệ từ xưa vẫn thế: Nghề làm báo, làm sách có thể ra ngoài được cái công lệ ấy không? Thiệt tưởng rằng không. Cho nên xét ra các đồng bào ta trong Lục tỉnh hình như có ý trọng cái lượng hơn cái phẩm vậy. Đó cũng là một điều khuyết điểm học giới, báo giới, xứ Nam Kỳ.
Về sách cũng thịnh lắm, có phần lại thịnh hơn nghề làm báo nhiều. Tuy vài năm gần đây đã bớt đi nhiều, mà trong khoảng năm mười năm về trước các số những sách quốc ngữ xuất bản ở Saigon không biết bao nhiêu mà kể. Thứ nhất là những bản dịch các tiểu thuyết tàu cũ như Tam quốc, Thủy hử, Chinh đông chinh tây, Phản Đường, Tùy Đường, Đông châu, Phong thần, Đại hồng bào, Tiểu hồng bào v.v... Nếu sưu tầm cả lại thì làm được một cái thư viện nhỏ. Những tiểu thuyết Tàu tự tám mươi đời, triều ấy, văn chương đã chẳng ra gì mà truyện thì toàn những chuyện huyển hoặc quái đản, của mấy bác cuồng nho bên Tàu đời xưa ngồi không bịa đặt ra để khoái trá những bọn hạ lưu vô học. Thế mà dịch nhiều như vậy, thịnh hành như vậy, nghĩ cũng khả kính thay.
Không trách các tư tưởng quốc dân những chìm đắm trong sự mê hoặc không cùng, có khi sinh ra những việc xuẩn động hại đến cuộc trị an trong xã hội vì đó. Có người nói việc phá khám Saigon năm nọ cũng là bởi cái di độc của các tiểu thuyết Tàu mà ra, tưởng không phải là nói quá vậy. Cả ngày cả đêm những ca tụng cái tài ông Tiết Đinh San, ông Tiết Nhơn Quí, hay những ông tướng kỳ khôi từ đời hồng mang nào, trách sao trong trí không loạn lên mà muốn làm thực những việc mình thường đọc thấy trong truyện? Càng những bọn hạ lưu hung hãn lại càng dễ nhiễm hơn cả. Coi đó thì biết văn chương không phải là không có liên hệ đến nhân quần, các nhà làm sách há chẳng nên cẩn thận lắm ru?...
Ấy là các tệ tiểu thuyết cũ dịch của Tàu. Đến cái tệ của phần nhiều các tiểu thuyết mới ngày nay thì lại thậm hơn nữa, vì cách đặt để đủ làm cho bại hoại phong tục, điên đảo luân thường vậy. Tôi biết có bộ tiểu thuyết cực là dâm bôn mà lại rất là thịnh hành trong bọn phụ nữ coi đó thì biết cái hại sâu biết dường nào. Gia đình tan cũng vì đó, xã hội nát cũng vì đó, cái tương lai nước nhà nguy hiểm cũng vì đó, các nhà làm sách có nghĩ tới không?"
Phạm Quỳnh nhìn nhận: "Sách báo nhiều như thế, mà bán được chạy, có nhiều người mua và có tiền thừa mua sách" - một điều mà Phạm Quỳnh thấy ngoài Bắc không có - nhận định như vậy để rồi trách: "cái bậc trí thức trong lục châu không biết khéo lợi dụng cái cơ hội tốt ấy mà đặt ra những sách vở hay có ích cho phong hóa, nỡ để cho các lòng ham đọc sách, ham mua sách của người dân ấy ngập vào những sách vở vô vị, hoặc tầm bậy không ra gì, thật uổng quá". Thái độ trịch thượng mỉa mai khinh bỉ của Phạm Quỳnh còn bộc lộ rõ hơn trong những bài trả lời bài Nguyễn Háo Vĩnh, viết từ miền Nam, gửi Nam Phong phê phán Nam Phong dùng nhiều chữ nho.
... "Nay có một ông Nam Kỳ bàn về các vấn đề ấy một cách rất kỳ khôi, đọc đến không thể nhịn cười được. Tuy lời lẽ có lắm chỗ quá đáng nôm na cha mách qué. Công bố một áng văn chương như cái thư của ông Nam Kỳ đó, không những không tốn gì đến danh dự của bổn báo mà thực là khiến cho bổn báo lại có thể tự cao được một chút". Nhân việc Nguyễn Háo Vĩnh đề cao Trương Vĩnh Ký "mượn cái xác la tinh mà dụng hồn của tiếng Annam", Phạm Quỳnh đánh giá Trương Vĩnh Ký: "Ông Trương chẳng qua là một nhà làm sách giáo khoa thường cho con nít học mà thôi, đã có công nghiệp gì với Tổ quốc, đã từng bao giờ đem cái xác la tinh mà dụng hồn Nam Việt. Chẳng dám khinh gì người trước, nhưng những bác danh sĩ nước Nam cứ như ông Trương cả thì cũng không lấy gì làm vẻ vang cho nước lắm". (7)
Văn nghệ miền Nam không có quá khứ
Hồi năm 1954, một đợt người Bắc khác vào lập nghiệp sinh sống ở miền Nam. Sau 45 năm vụ Phạm Duy Tốn, lại có người viết văn gốc Bắc phủ nhận văn nghệ miền Nam. Trần Thanh Hiệp, luật sư, nhà lý luận văn học của nhóm "Sáng tạo" chủ trương thơ tự do, quy tụ những người viết văn gốc miền Bắc đã nói chuyện ở Câu lạc bộ văn hóa đường Tự do, do Phạm Xuân Thái, cũng người miền Bắc, quản lý, về "Viễn tưởng văn nghệ miền Nam" ngày 12-8-1960. Trong bài nói chuyện, có chỗ ông khẳng định "Văn nghệ miền Nam không có quá khứ". Bài nói chuyện đã gây nhiều phản ứng thời đó. Hình như bài nói chuyện trên không đăng trên báo nào, chúng tôi trích dẫn mấy đoạn ghi phản ứng của Nguyễn Phủ đăng trong tạp chí Bách khoa số 88 ngày 1-9-1960, trang 96-99.
"Lập luận như thế là tách rời miền Nam khỏi cái truyền thống tinh thần dân tộc, phủ nhận tất cả giá trị văn học, cổ truyền bao gồm cả nền văn chương bác học và nền văn chương bình dân, cô lập miền Nam thành một thế giới riêng biệt không có lịch sử. Dầu cố ý hay vô tình, một lập luận như thế - ngoài cái tính chất nông nổi còn có một ý nghĩa ngược lại đối với cái nguyện vọng chung của dân tộc là thống nhứt đất nước. Người ta suy nghĩ rằng ông Trần Thanh Hiệp không hiểu thế nào là miền Nam và thế nào là quá khứ. Thực sự, việc chối từ đó không chỉ là vì nhận xét nông cạn, không chỉ là quan trọng hóa việc làm của mình mà còn có những tác dụng thỏa mãn những nhu cầu tâm lý phức tạp khác nữa. Cho nên ông Hiệp lại còn tỏ ra hoan hỉ trước một hiện tượng như vậy. Ông nói: "Không có quá khứ là điều đáng tiếc, nhưng có may mắn là tiến mau lẹ!" Tóm lại qua lập luận ấy, người ta càng thấy ông Trần Thanh Hiệp không rõ chút gì về cái thực tế miền Nam mà ông đang tìm viễn tượng. Hình như về phương diện địa lý, ông không quan niệm rõ ranh giới miền Nam từ đâu giáp tiếp đến đâu, dân số gồm những ai và trong cốt cách tinh thần của họ văn nghệ dân tộc đã nếp dáng thế nào. Ngoài những áng cổ văn góp phần tạo nên phong thái trí thức của họ, còn câu hò câu hát, những điệu tuồng chèo, những hơi vọng cổ, bao nhiêu hình thái dân ca mang tự bình nguyên Nhị Hà và vẳng lên từ bờ Cửu Long góp phần xây dựng vốn liếng tình cảm của họ ông cũng cố tình không thấy.
Người ta có cảm tưởng rằng về văn nghệ hình như ông Trần Thanh Hiệp chỉ thấy có ông và vài ba người bạn thân của ông cộng thêm một ít bài thơ tự do mà chỉ một số ít người trong nhóm ca ngợi cùng nhau và trong số người ca ngợi cũng vẫn có người tỏ ra mình chẳng hiểu rõ thơ ấy nói gì.
Chẳng trách đến khi có người nghe nhắc nhở cho ông Hiệp nhớ đến các cụ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị... thì ông thấy ông Hiệp gật đầu. Nên chăng ông cũng gật đầu!"
*
Tam Lang, trong một bài nói chuyện với sinh viên đại học Văn khoa Saigon về cuộc đời làm văn làm báo của mình, đoạn nói về thời kỳ vào Nam làm báo đến xin việc một tòa báo đã bị từ chối với lý do báo Nam Kỳ không xài dân Bắc, vì 99% độc giả là người miền Nam, nghĩa là không xài ký giả gốc Bắc. Nếu Tam Lang được biết Lê Hoằng Mưu là người đã bị "Phạm Duy Tốn châm chít" thế nào hồi 1915 thì ông đã dễ chấp nhận hơn sự thất vọng của mình.
"Chân ướt chân ráo đến Saigon, sau khi hỏi thăm đường lối của "Hòn Ngọc Viễn Đông" chúng tôi xách cả khăn gói valy cuốc bộ đến chủ nhiệm là ông Nguyễn Văn Của (tức là Huyện Của) không có mặt, người tiếp chúng tôi là ông Lê Hoằng Mưu, chủ bút. Vẻ niềm nở của ông đem lại cho chúng tôi hy vọng phen này đạt được chí lớn, nhưng ngay sau khi đó 10 phút, chúng tôi thất vọng, khi ông cho biết: báo Nam Kỳ không xài dân Bắc vì 99% độc giả là người miền Nam" (8)
"Đồng bằng sông Cửu Long - 40 năm" - Trần Bạch Đằng, Nhân Dân số 12-9-1985
Trong loạt bài kiểm điểm này (đăng từ 9 đến 15-9-1985) chỗ nói về văn hóa, ông Trần Bạch Đằng đã viết: "Một vài nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận sai lầm về trình độ văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, chẳng hạn cho rằng vùng đất này không có truyền thống văn hóa". Ông Trần Bạch Đằng không nói rõ những nhà nghiên cứu kể trên là ai, phần chúng tôi có đọc lác đác đâu đó một số ý như: lớp người đầu tiên đến vùng này là nông dân, lính thú nên "cái vốn chữ nghĩa của họ không dầy dạn là điều tất nhiên. Trên vùng đất mới, người hay chữ ít hoặc không có, thiếu trường học, sinh hoạt văn hóa khác cũng giản đơn".
... "Nông thôn Nam Bộ không chịu ảnh hưởng của Nho giáo như nông thôn miền Bắc hay miền Trung, và đặc điểm này đều rõ ràng có tác động trong tính cách của người nông dân Nam Bộ...".
hoặc
"Sống ở đây, tuy kinh tế phát triển, nhưng văn hóa không thể bì kịp với vùng Trung tâm". Tiếng nói mang nhiều tính cách khẩu ngữ, ít được trau chuốt, như tiếng nói ở vùng trung tâm vốn là ngôn ngữ văn học của dân tộc từ nhiều thế kỷ trước.
Ngoài phương ngôn Bắc bộ ra - phương ngôn nền tảng của ngôn ngữ văn học Việt, không có phương ngôn nào (thí dụ như phương châm Bắc - Trung bộ) được dùng để sáng tạo nên những tác phẩm văn học".
Sự phủ nhận truyền thống văn hóa được bộc lộ rõ qua vụ tạm gọi là "Cù lao Tràm" tên một cuốn truyện của Nguyễn Mạnh Tuấn. Sau nhiều bài đề cao, tiếp đến nhiều bài phê phán. Luận điểm phê phán nói chung có thể được lược tóm như sau: Sở dĩ nhiều nhân vật đi làm cách mạng gốc Nam bộ, sau chiến tranh trở thành sa đọa, là vì tự căn bản họ là người thuộc về một miền không có truyền thống lịch sử như Hoàng Hà đã ghi trong bài "Nghĩ về Cù Lao Tràm", báo Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh số 413, 17-1-1986:
"Qua Cù Lao Tràm", nông thôn Nam bộ không có lịch sử, không có truyền thống, chỉ có những tập quán xấu xa, dốt nát thấp kém từ kiến thức lẫn tập quán" (trang 165). Nhận thức này, ý kiến chủ đạo này được đồng chí Lê Khắc Thành, Viện quản lý kinh tế ghi nhận trên báo "Saigon giải phóng" số chủ nhật 30-6-85 là vùng đất và con người "thiếu thốn truyền thống kinh tế lẫn văn hóa" - "Đồng hóa nếp sống và tâm hồn chất phác giản dị với u mê hoang dã".
"Chủ đề của cuốn sách vượt ra khỏi cái khung của một cuộc vận động canh cải về kinh tế. Nó còn là một vấn đề xã hội, không kém phần bức xúc nếu không phải là cấp bách hơn, quyết định hơn nữa, trong hoàn cảnh thực tế của xã Tân Phú (còn gọi là Cù Lao Tràm) và của đồng bằng Nam bộ nói chung. Nơi đây, thiên nhiên ưu đãi những con người sống trên dải đất giàu đẹp này lại cực khổ trong "thiếu thốn truyền thống" về cả kinh tế lẫn văn hóa, và hai cái thiếu cùng có liên quan, ảnh hưởng lẫn nhau, qua lại". Tác phẩm - kiến nghị của một nhà văn. Lê Khắc Thành. Báo Saigon giải phóng 30-6-1985.
*
Qua những chứng từ trích dẫn kể trên, ai nấy đều thấy việc nhận định đánh giá văn học, văn hóa miền Nam của những người miền Bắc và phản ứng của những người miền Nam từ 1916 (vụ Phạm Duy Tốn, cụ thể xảy ra những vụ sớm hơn nữa, mà chúng tôi chưa tìm ra) đến 1985 vẫn giống nhau. Điều đó cũng cho thấy những thái độ văn hóa này không tùy thuộc các thế hệ, các ý thức hệ tư tưởng, thể chế chính trị... nhưng bị quy định bởi những yếu tố mà chúng tôi gọi là yếu tố địa lý chính trị.
Vấn đề chúng tôi nêu lên là một mảng văn học bị bỏ quên vì không biết đến (8) và bị bỏ qua vì có biết nhưng do một đánh giá phê phán nên đã không thèm xét đến.
Giả sử miền Nam hồi 1939-1940 có những Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Hoài Chân thực hiện những bộ Văn học sử Việt Nam, Nhà văn hiện đại, Thi nhân Việt Nam, trong đó giới thiệu những nhà văn nhà thơ ở miền Nam ít ra cũng bằng số lượng các nhà văn nhà thơ miền Bắc (dĩ nhiên đây là một giả thuyết không thể có nhưng nêu lên để thử tìm hiểu nguyên nhân tại sao đã không thể có, có lẽ sự kiện bỏ quên bỏ qua vẫn xảy ra, vì thế điều cốt yếu ở đây không phải chỉ là trình bày, chứng minh mảng văn học có đấy, phong phú về số lượng, mà là có chứng minh được vai trò lịch sử của nó về mặt biểu lộ lòng yêu quê hương, gắn bó với đòi hỏi thống nhất đất nước, bảo vệ văn hóa dân tộc, và giá trị nghệ thuật của nó, dựa vào những tiêu chuẩn khác mà thôi. Những người như Phạm Quỳnh đã chỉ chú trọng vào cái phẩm, không phải cái lượng, nghĩa là vào ý nghĩa, giá trị nên không thể chịu thuyết phục nếu bây giờ chúng tôi chỉ làm việc phục hồi mảng văn học này về số lượng...
Chuyện nêu lên là chuyện văn học, nhưng những vấn đề thực sự đặt ra lại không phải văn học vì đụng đến chuyện Nam Bắc. Chuyện Nam Bắc bắt nguồn từ sự kiện khác biệt giữa các miền, địa phương. Thay vì ghi nhận như thế, nghĩa là công nhận cái riêng biệt của mỗi miền có nguyên nhân, ý nghĩa, giá trị của nó mà không đánh giá hơn kém như người ta thường làm trước sự khác biệt về phong cảnh thiên nhiên, khí hậu, về sinh hoạt văn hóa vật chất ăn, mặc, ở; nhưng về sinh hoạt văn hóa tinh thần, người ta lại đánh giá hơn kém theo những tiêu chuẩn, lối nhìn của mình, do đó mà có thái độ khinh chê và mặc cảm tự tôn, tự ti. Có lẽ chỉ trong giới ăn học trí thức, mới thấy rõ rệt những thái độ khinh chê, mặc cảm, tự tôn tự ti. Tuy là số ít, nhưng là thành phần có uy tín quyền hành tinh thần chính trị, nên thái độ của họ có tác động đáng kể...
Câu chuyện Nam Bắc thời nào cũng thấy, có điều khi nặng khi nhẹ, lúc công khai lúc âm ỉ thôi. Tờ Thanh niên, hồi 1944 nói nhiều về thống nhất ba miền và ngôn ngữ phong tục đã ghi nhận: Tới năm 1925, người Nam Trung và Bắc vẫn còn nghi kÿ và ghét lẫn nhau như thường, tuy đồng bào ở ba nơi đã chung đụng với nhau nhiều rồi. Gần gũi nhau mà cứ coi nhau như người khác nước, cứ hiểu lầm nhau và cứ giữ lèo, giữ lái thời cũng không khác hồi nhà ai nấy ở bao nhiêu" (10).
Thực ra ít khi người ta nói lên trên sách báo và chưa bao giờ ai nghĩ đến đem nó ra mà nghiên cứu một cách khoa học vì đây là điều hầu như là một cấm kỵ; nói ra sợ đụng chạm, mất đoàn kết, tuy trong thực tế hàng ngày người ta vẫn nói, làm điều mất đoàn kết. Tại sao? Người miền Bắc thường được coi là tế nhị, kín đáo khôn khéo, còn người miền Nam là bộc trực hay nói thẳng. Nhưng chính người tế nhị khôn khéo lại nói làm những điều mất lòng, nghĩa là vụng về! Tại sao? Theo chúng tôi hiểu, chính vì họ thành thực tin những điều họ nghĩ nói ra và cho rằng mình không hề có ý xúc phạm đến ai nên khi họ thấy phản ứng, dễ hiểu lầm kẻ phản ứng có đầu óc kỳ thị mà không biết chính mình là kẻ có đầu óc kỳ thị trước, vì đã đánh giá hơn kém và có thái độ đối xử thích hợp với lối nhìn đánh giá đó... Kẻ phản ứng, bị nghi ngờ là kỳ thị mà kỳ thị là một điều không tốt, nên đành phải nhẫn nhục, chịu đựng, mặc dầu vẫn ấm ức, bực bội...
Nếu như hai bên đi đến chỗ hiểu được điều nấy: một bên nhận thức được chính mình là kẻ kỳ thị đấy, một bên hiểu rằng người gây ra kỳ thị không biết mình kỳ thị, không cố ý cố tình gì đâu, vì đây là một thái độ có tính tập thể, vô thức do những yếu tố địa lý chính trị của một hoàn cảnh sống quy định thì có thể coi như bắt đầu hiểu nhau rồi, cũng là người Việt Nam cả, nhưng sống ở Bắc thì nghĩ thế này, và sống ở Nam thì nghĩ thế kia; nếu người miền Bắc vào ở lâu trong này cũng sẽ nghĩ như người vẫn sống ở miền Nam và ngược lại. Nếu một lối nhìn do những yếu tố địa lý chính trị của mỗi vùng quy định, vượt khỏi ý đồ cá nhân, nghĩa là do tính khách quan thì có thể tìm hiểu được một cách khoa học và rút ra những quy luật. Vấn đề quan hệ giữa con người và vùng đất mới tạo ra một lối nhìn, thái độ sống có những đặc điểm khác với lối nhìn, thái độ sống của con người ở vùng đất cũ không phải là một trường hợp cá biệt chỉ thấy ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nơi khác như Mỹ châu và Âu châu, Anh và Úc, Tân Tây Lan v.v...
Chẳng hạn, người Âu châu thường chê người Mỹ không có văn hóa hoặc văn hóa ấu trĩ trái lại người Mỹ chê người Âu Châu, nhất là người Pháp không thể làm kinh tế phát triển được, dù tả hữu gì lên cầm quyền cũng vậy thôi vì tả hữu đều giống nhau cùng có những thiên kiến về văn hóa ngăn cản óc sáng tạo, khả năng thích nghi với thực tế... Người Anh chê giọng Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, chỉ giọng Luân Đôn mới là tiếng Anh chính cống mà thôi v.v... Có điều giữa những nước trên, chỉ có những thiên kiến vậy thôi, không có những căng thẳng đụng độ hàng ngày vì phải chung sống với nhau trong một biên giới quốc gia.
*
Qua những chứng từ trích dẫn kể trên, chúng tôi ghi nhận một số những đánh giá hơn kém đã trở thành thiên kiến về những nếp sinh hoạt văn hóa của người miền Nam:
1. Báo chí không có tính cách văn chương, chỉ đăng các thông cáo của Nhà nước hay các chuyện làm ăn buôn bán mà thôi.
2. Truyện Tàu được ưa thích chứng tỏ một trình độ thấp kém về văn hóa (thích chuyện hoang đường, nhảm nhí).
3. Viết sai chính tả vì chỉ biết nói sao viết vậy do lười biếng cẩu thả.
4. Văn nôm na, trơn tuột như tiếng hàng ngày, không chải chuốt văn vẻ nên không phải là văn chương, hoặc chỉ là thứ văn chương hạ cấp...
5. Lý luận "cù lần" con nít, chỉ biết dựa vào thực tế như thế là thế đó.
6. Thiếu cái gốc truyền thống văn hóa dân tộc sâu xa, vững chắc dựa trên nho học "một mảnh đất ít thấm nhuần nho học".
7. Do đó, khi tiếp xúc với văn hóa Tây phương, dễ bị mất gốc, chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa Pháp.
Như trên đã trình bày, điều then chốt ở đây là thái độ trước sự khác biệt. Thay vì phủ nhận sự khác biệt, để so sánh hơn kém đưa tới những đánh giá kể trên, chúng tôi sẽ ghi nhận sự khác biệt để tìm ra những nguyên nhân, yếu tố giải thích sự khác biệt trên bình diện nghiên cứu khoa học những mối quan hệ giữa con người với vùng đất cũ, vùng đất mới.
Với tinh thần trên, chúng tôi bắt đầu bằng cách tìm đọc cho bằng được một số tác phẩm tiểu thuyết, sử ký, tiểu thuyết lịch sử, báo chí xuất bản trong thời kỳ này. Qua những gì đã đọc được, mặc dầu còn ít, chúng tôi cũng bắt gặp một số dữ kiện của thực tế cho phép chúng tôi phác họa những giả thuyết giải thích.
1. Trước thái độ bỏ quên bỏ qua vì khinh thường, phủ nhận, tại sao người miền Nam không tự khẳng định trên bình diện văn học? Chúng tôi giả thuyết hình như người miền Nam sống văn chương hiểu như một sinh hoạt sáng tác, hay thường thức, nhiều hơn là chú ý đến làm văn học, hiểu như một sinh hoạt nhận thức, lý luận, phê bình văn chương, tổng hợp thành văn học sử. Báo chí trong Nam thời kỳ này chỉ thấy quảng cáo sách truyện, rất ít có bài phê bình, lý luận về văn học và càng ít có sách viết về tác phẩm, tác giả... như ở miền Bắc. Sở dĩ các tác giả miền Bắc cùng thời sau này được biết đến là vì có những nhà phê bình, phỏng vấn, viết bài, viết sách phê bình nhà văn ngay lúc họ còn sống và sau khi họ đã mất. Họ được biết đến sau này như đối tượng của loại sinh hoạt văn học. Ở miền Nam, rất ít có người làm việc phê bình, tổng kết văn học sử. Tại sao? Vì không thể, hay không muốn, không cần làm?
2. Về hình thức sinh hoạt văn hóa (viết, in, xuất bản, phát hành) sách báo ở miền Nam không phân biệt văn chương bác học, văn chương bình dân. Có những sự kiện chứng tỏ sự không phân biệt này: chẳng hạn ở miền Nam chỉ có một giọng nói cho cả miền, thôn quê, tỉnh, thành gồm các tầng lớp đều ưa thích truyện Tàu, cải lương, vọng cổ... Tiếng lóng không phải chỉ phổ biến trong một người một nơi; cũng không phân biệt văn chương với các sinh hoạt khác: tôn giáo, kinh tế, thương mại, chính trị... Chẳng hạn sách in từng tập mấy cắc, vẽ hình, bán ở bến xe, bến đò, tiệm tạp hóa xen kẽ nhiều quảng cáo thương mại. Báo tôn giáo, khoa học, không chuyên thuần túy tôn giáo, khoa học, nhưng có đủ bài thuộc các mảng loại khác (văn thơ, thương mại, kiến thức phổ thông... Chủ trương không phân biệt này có ý nghĩa gì, dựa trên những tiêu chuẩn nào? Tại sao vậy...
3. Truyện Tàu và văn hóa Trung Quốc được du nhập, truyền đạt từ dưới lên trên do cộng đồng người Minh hương, không phải từ trên xuống dưới do tầng lớp trí thức làm như ở miền Bắc. Truyện Tàu được người miền Nam đặc biệt mê thích, phải chăng vì phản ảnh những nỗi niềm, ước mơ của tâm sự người lưu dân? Truyện Tàu cũng ảnh hưởng sâu đậm vào đời sống hàng ngày về mặt đạo lý, đến nỗi đạo thiên chúa cũng phải nghĩ đến việc sử dụng truyện Tàu làm công cụ truyền đạo. Sự kiện đó cho thấy truyện Tàu không thể là thứ truyện nhảm nhí, mê tín, dị đoan như Phạm Quỳnh đã đánh giá.
4. Tại sao người miền Nam không lưu ý tự đề cao hoặc hãnh diện này nọ về địa phương mình bằng thơ văn như người đất Thăng Long, đất Phú Xuân, Nghệ Tĩnh thường làm, nhưng lại không ngần ngại nói sao viết vậy (dùng từ ngữ địa phương, phát âm theo địa phương. Vấn đề không phải là tại sao người Lục tỉnh viết sai chính tả, mà là dám viết sai chính tả, cứ viết sai chính tả, một điều mà các vùng khác không dám làm. Đây là một vấn đề thuộc dân tộc học và xã hội học. Ngoài ra cũng còn vấn đề: có vấn đề viết sai hay đúng chính tả, hay chỉ có vấn đề phát âm khác nhau, một vấn đề thuộc ngữ học?
5. Lối văn nôm na như tiếng nói hàng ngày tiêu biểu cho một trình độ sơ khai, ấu trĩ hay cho một sự trở về cái chân chất, cái sống thực sau khi đã trở thành quá qui ước, khách sáo, hình thức, mặc dầu rất chải chuốt, nhưng là giả tạo? Nhìn vấn đề trong viễn tượng diễn tiến của lời văn qua các giai đoạn: câu nói học câu văn, câu văn học câu nói sẽ thấy lối văn nôm na, phải chăng phản ảnh một lựa chọn có ý thức, của những người thừa khả năng viết văn chải chuốt, nhưng tự ý tự nguyện phủ nhận nó để trở lại cái chân chất, sống thực?
6. Diễn tiến về lý luận của con người trong lịch sử cũng có những giai đoạn và những trở về một giai đoạn đã qua dưới những hình thức, dạng mới... Vậy lối lý luận của người miền Nam có phải tiêu biểu cho một giai đoạn ấu trĩ sơ khai hay chẳng qua cũng là sự trở lại một cách có ý thức, cái tiền luận lý (prélogique), cái vong luận (paralogique)?
7. Dựa vào một số sự kiện biểu lộ nho học ở vùng đất mới, tìm hiểu xem nho học đã được quan niệm thế nào đối với người lưu dân, tại sao nho học lại được coi như một chỗ dựa, điểm tựa để chống lại sự du nhập và lợi dụng chính trị văn hóa Tây phương.
8. Miền Nam đã tiếp nhận thế nào văn hóa Pháp vào thời kỳ đầu Pháp áp đặt thuộc địa ở Nam Kỳ. Có phải là bị ảnh hưởng nặng nề đến chỗ mất gốc như Phạm Quỳnh nhận xét hay chẳng qua nhận xét của Phạm Quỳnh chỉ là cái nhìn hời hợt từ bên ngoài. Xét về mặt chính trị trước chính sách đồng hóa về văn hóa của người Pháp, người miền Nam có thái độ ra sao? Và xét về phương diện địa lý chính trị, con người miền Nam thích hợp hay dị ứng (allergique) với văn hóa Tây phương loại văn hóa các nước la tinh?
Cũng xét về mặt địa lý chính trị, người miền Nam nhìn lịch sử Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng từ miền Nam như thế nào?
Thái độ của người miền Nam đối với nhà Nguyễn, Tây Sơn, đặc biệt đối với danh nhân nhà Nguyễn là thế nào? Tại sao vào đầu thế kỷ XX lại xuất hiện rất sớm những sách sử ký, tiểu thuyết lịch sử, tiêu biểu, một mối quan tâm đặc biệt về lịch sử Việt Nam, về sự thống nhất đất nước? Những dữ kiện này bắt buộc phải tìm hiểu và xác định vai trò lịch sử người trí thức miền Nam thời kỳ này là thế nào?
Đó là những vấn đề mà chúng tôi tìm hiểu đưa ra giả thuyết giải thích mang tính chất gợi ý như những cố gắng tìm hiểu bước đầu mà thôi.
Đã hẳn, những vấn đề nêu lên không đặt ra trên lãnh vực thuần túy văn học nhưng vượt văn học, bước vào các lãnh vực thuộc ngữ học, xã hội học, dân tộc học, triết học văn hóa... Đây là một công trình nghiên cứu có tính cách liên ngành (interdisciplinaire) mà rõ ràng một mình chúng tôi không thể làm được một cách nghiêm chỉnh. Do đó những nhận xét, giả thuyết nêu ra càng mang tính chất gợi ý đòi hỏi sự tham gia cộng tác của những nhà chuyên môn, để biến công trình này thành một công trình tập thể.
Sau cùng, chúng tôi muốn thưa với người đọc:
Xác định rõ những lãnh vực và bình diện nhằm tìm hiểu vấn đề, chúng tôi hy vọng người đọc không hiểu lầm những nhận xét đưa ra mang tính chất phê bình đạo đức hay cá nhân ai, dù những sơ xuất của chúng tôi có thể làm cho có cảm tưởng đó, nhưng ý định của chúng tôi là muốn tìm cái gì sâu hơn những ý đồ cá nhân, những lựa chọn có ý thức, một cái gì có tính tập thể, vô thức, quy định chi phối những cảm quan, lựa chọn trên bình diện ý thức... Nói cho đúng những suy nghĩ nhận xét đưa ra cũng xuất phát từ một tự xét mình, tự kiểm điểm. Chúng tôi sống ở miền Nam trên 30 năm rồi, đã làm văn hóa theo một quan niệm "bác học" và đánh giá văn chương miền Nam chẳng khác gì một Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngữ. Chẳng hạn chúng tôi rất ít để ý đến cải lương, không thèm đọc Hồ Biểu Chánh hay báo "Saigon mới" của bà Bút Trà v.v... mặc dầu đó là tờ báo bán chạy nhất. Chúng tôi đã phê phán nghiêm khắc Trương Vĩnh Ký và đưa đẩy một số người khác, kể cả người gốc miền Nam vào việc phê phán đó (9). Bây giờ nhìn lại, chúng tôi thấy phê phán đó đúng nhưng không thực, nghĩa là chỉ hợp với luận lý nào đó, chưa phản ánh được hết thực tế. Dĩ nhiên đã có những hoàn cảnh, nguyên nhân đưa chúng tôi tới chỗ dần dần nhận ra lối nhìn chật hẹp, lệch lạc của mình, vì những thiên kiến xã hội mà chúng tôi đã tiếp nhận.
Nói tóm lại, trong công trình dài hạn này, chúng tôi đi từ sự kiện văn học (báo chí, sử ký, văn xuôi tiểu thuyết) để tìm hiểu con người vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai về phương diện giao lưu văn hóa giữa hai miền Nam Bắc và giữa văn hóa truyền thống Việt Nam và các văn hóa nước ngoài trong viễn tượng những quy định địa lý chính trị.
--------------
Chú thích
(1) Theo bản của Trung tâm học liệu xuất bản, Saigon 1968 trang 425.
(2) Evolution de la littérature et de la pensée vietnamienne depuis l'arrivée des français jusqu'à nos jours (1865-1946) Editions Tao Đàn Huế. Imp. de l'Union Nguyễn Văn Của, SAIGON 1949.
(3) Collection UNESCO. Introduction aux littératures orientales. G. Maisonneuve et Larose. Paris 1969. (4) Quỳnh Lâm, hiên văn nghệ, xuất bản, Saigon, 1970 (5) Tiếng cụ ở Bắc như tiếng Bác trong Nam. (6) Văn - (Saigon) Tưởng niệm Hồ Biểu Chánh số 80 - 15-4-1967. (7) Không phải những học giả khác ở Bắc Hà đều đánh giá Trương Vĩnh Ký như Phạm Quỳnh, không kể Lê Thanh đã vào Saigon để tìm tài liệu biên soạn một cuốn về TVK (Phổ thông chuyên san, Tân Dân xuất bản, Hà Nội 1943) chỉ cần nhắc tới bài biên khảo dài, rất nghiêm túc và khách quan, khoa học của cụ Nguyễn Văn Tố mà cho đến nay rất ít người biết đến đăng trong Bulletin de la Société de l'enseignement mutuel au Tonkin, Tome XVII. 1937. Chỉ những người cỡ cụ Tố mới có khả năng phê bình Trương Vĩnh Ký về nho học, văn học cổ Việt Nam (chữ nho, chữ nôm, quốc ngữ) về mặt chú thích hiệu đính, về ngôn ngữ học... Bây giờ chúng ta có làm, mỗi người có thể chỉ làm được một mặt, và có lẽ không hơn gì cụ Tố. (8) Tam Lang, "cuộc đời làm văn làm báo" Nghiên cứu Văn học (Saigon), số 4-6-1971, trang 35. (8) Thực ra, ngay mảng văn học ở miền Bắc thời kỳ này, nhiều tác giả cũng bị bỏ quên, như trường hợp tiểu thuyết trinh thám: không phải đến Phạm Cao Củng, Thế Lữ mới có tiểu thuyết trinh thám, mà đã có những tác giả đi trước Thế Lữ, Phạm Cao Củng từ 10 năm trước như: Nguyễn Trọng Dương "Chết sống thuyền quyên", truyện trinh thám, Hanoi Imp. Nghiêm Hàn 1923 154 trang. Phải chăng vì người ta đã chỉ căn cứ vào Vũ Ngọc Phan, rồi người nọ cứ nói theo người kia, thế thôi, không chịu đi tìm những nguồn khác? (9) Thanh niên số 32 ngày 22-4-1944 Saigon do ông Huỳnh Tấn Phát chủ nhiệm. (10) Xem "Chữ, văn quốc ngữ" Nguyễn Văn Trung; Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký của Nguyễn Sinh Duy, Phạm Lon
CHƯƠNG I
NHO HỌC Ở VÙNG ĐẤT MỚI
Một thiên kiến khá phổ biến cho rằng miền Nam Việt Nam, vùng đất mới không còn truyền thống văn hóa dân tộc dựa trên Nho học "Miền Nam không bị tiêm nhiễm bởi tư tưởng Nho giáo" (1) lại tiếp xúc với văn hóa Tây phương sớm hơn cả, chịu ảnh hưởng sâu đậm đến nỗi hầu như mất gốc: "Dự tiệc thấy có nhiều người vào dân Tây nói toàn tiếng Tây; coi đó thì biết các bậc thượng lưu trong Nam Kỳ tây hóa đã sớm lắm, hầu như không còn chút gì là cái phong thể An nam nữa" (2).
Dựa vào một số tài liệu hiện có về những năm đầu thời kỳ Pháp thuộc, chúng tôi thấy không thể không xét lại thiên kiến trên.
I.- NÓI VẦN NHỮNG CÂU CHỮ NGƯỜI TA QUEN DÙNG
Trong tập "Miscellanées ou lectures instructives pour les élèves des écoles primaires communales, cantonnales et les familles" (3) Trương Vĩnh Ký đang một sưu tầm: Nói vần những câu chữ người ta quen dùng" ghi là của Đặng Đức Tuấn làm gồm 148 câu (xem bảng photo)
II.- LỜI NÓI THƯỜNG DÙNG, RÚT TRONG TAM QUỐC
Sưu tầm này, in trong tuần báo "Nam Kỳ" ký tên "Mai nham" bút hiệu của Trương Minh Ký (4) gồm 162 câu:
(xem bảng photo)
NÓI VẦN NHỮNG CÂU CHỮ NGƯỜI TA QUEN DÙNG
Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu;
Chưởng đậu đắc đậu, Chưởng qua đắc qua;
Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác;
Kiến cơ nhi tác, Dục tốc bất đạt;
Ẩn ác dương thiện, Nhứt cận nhị viễn;
Hữu diện hữu thực, Bỉ cực thới lai;
Dị tướng tắc hữu kì tài, Hồ giả hồ oai;
Hữu tài hữu tật, Sự bất đắc dĩ;
Tiên xử kỉ, Nhi hậu xử bỉ;
Ích kỉ hại nhơn, Gia bần trí đoản;
Trường đồ tri mã lực, Quốc loạn thức công thần;
Gia bầt tri hiếu tử, Nhơn vô viễn lự tất hữu cận ưu
Tội hữu sở qui, Đương vi nhi vi;
Ngôn chi ngôn hựu, Bất cô tả hữu;
Vô tửu bất thành lễ, Quan, hôn, tang, tế, bất tại cầm lệ;
Tận lương vô kế, Phi sầu tương chế;
Độc dược khổ khẩu lợi ư binh, Trung ngôn nghịch nhĩ;
Vô tiểu nhơn bất thành quân tử, Chỉ nhứt sự hành nhứt sự;
Lão bất tử lão thành tặc, Đồng ác tương tế;
Phụ truyền tử kế, Tứ hải giai huinh đệ;
Bán đồ nhi phế, Nhĩ hà nhứt thể;
Tam niên thành lệ, Tân quan tân chế;
Huinh đệ uích vu tường, Kì phụ nhương dương nhi tử chứng chi;
Long mẫu xuất long nhi, Nhứt chứng phi nhi chứng quả;
Bỉ ngã vô thù, Tiêu đầu lạn ngạch;
Thúc thủ vô sách, An như bàn thạch;
Vô sư vô sách, vô mạch tắc chi;
Sự dĩ an bài, Tài cao trí túc;
Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhơn;
Cận sơn thức điểu, cận thủy tri ngư;
Đa thơ loạn tâm, Phụ tử tình thâm;
Tửu nhập tâm, như hổ nhập lâm;
Vô tâm vô trí, Nam nhơn chi chí;
Hải hà chi lượng, Phu xướng phụ tùy;
Sanh kí tử qui, Châu nhi phục thi;
Ái nhơn như ái kỉ, Trắc dị phòng nan;
Tri gian bất tố, Tứ cố vô thân;
Tiền tài phá nhơn ngãi, Kim ngân phá luật lệ;
Cùng vô sở xuất, Phước bất trùng lai;
Họa vô đơn chí, Kiên bất thủ nhi tầm thiên lý;
Phú quí như phù vân, Thuận dân sở hỉ;
Ngã vi ngã nhĩ vi nhĩ, Tự thủy chí chung;
Hữu lao vô công, Tận trung tận hiếu;
Ngôn thiểu tri đa, Quốc gia hữu sự;
Khứ bất ly xứ, Lao tâm tiên tứ;
Hổ phụ sanh hổ tử, Phi kì phận sự;
Khẩu phân khẩu xử, Hữu sanh hữu tử;
Vô nam dụng nữ, Vô tử dụng tôn;
Đa ngôn da quá, Bá nhơn bá tánh;
Hữu thạnh hữu suy, Lão giả an chi;
Khẩu thị tâm phi, Dĩ hư vi thiệt;
Dĩ thị vi phi, Thiên nhi sử nhiên;
Thiên niên bất tuyệt, Tha cầu biệt sự;
Truyền tử lưu tôn, Năng ngôn nhi bất năng hành;
Hậu sanh khả húy, Ấn thủ ấn vĩ;
Độc thơ cầu lý, Phú quý đa nhơn hội;
Bần cùng thân thích ly, Tội qui vu trưởng;
Lệnh tại hồ thượng, Hữu công tắc thưởng;
Hữu tội tắc trừng, Ngôn dực trường phi;
Phú quí hữu lễ nghi, Bần cùng khỉ đạo tâm;
Dĩ hòa vi quới, Dáng lý bất dung;
Thủy chung như nhứt, Tận nhơn lực nhi tri thiên mạng;
Dưỡng hổ vi hoạn, Sanh tử hữu mạng;
Phú quí tại thiên, Nhứt nhơn truyền hư;
Vạn nhơn truyền thiệt, Tiền tài nhơn nghĩa tuyệt;
Bá nhơn bá thiệt, Khẩu thiết vô bằng;
Nghệ năng sở sử, Quân tử nhứt ngôn;
Hậu hôn điền thổ vạng cổ chi thù, Tam ngu thành hiền;
Hành thuyền kị mã tam phân mạng;
Bất tào tắc vãng, Quan san vạn lý thậm ư chi khổ;
Vô cổ bất thành kim, Văn võ kiêm toàn;
Bình an vô sự, Tử giai kì tử;
Đẳng đẳng đồng nhứt phân, Phụ nhơn nan hóa;
Thái quá du bất cập, Xuất nhập bất cấm;
Y cẩm dạ hành, Hậu dược thành công;
Hữu ư trung tắc hình ư ngoại, Tâm bất tại;
Lực bất kham, Sanh ngưu vô sanh giác;
Sanh tử bất sanh tâm, Sự bất quá tam;
Khẩu tâm như nhứt, Đồng thực đồng thọ;
Nhĩ văn mục đỗ, Nam thực như hổ nữ thực như miêu;
Bất phân kiêu hạ, Linh tại ngã bất linh tại ngã;
Đồng tịch đồng tọa, Đồng tịch đồng sàng;
Đồng quan đồng quách, Bất quá như bá quốc;
Tác phước bất như tị tội, Bất tùng giáo hóa;
Tấn thối lưỡng nan, Sanh thuận tử an;
Phú quí bất như nhàn, Nhu thắng cang nhược thắng cường;
Lịch lãm văn chương, Đại mộc lưu giang bất đắc hồi cố;
Háo thiện ố ác, Húy tử tham sanh;
Quí tinh bất quí đa, Tội báo oan gia;
Thâu đa nạp thiểu, Hạc qui hoa biểu;
Thố tẩu thanh sơn, Trạch nhơn tri tài;
Thực nhơn tài cứu nhơn tai, Vạn sự giai hưu;
Hữu dõng vô mưu, Bất oán thiên bất vưu nhơn;
Bất ưu bần khổ, Bỉ hà nhơn ngã hà nhơn;
Tiền bần hậu phú, Tiền phú hậu bần;
Điền tho vấn cô nhơn, Tứ cố vô lân lý;
Liệt hỏa thí kim, Gian nan thí đức;
Tận tâm kiệt lực, Dĩ thực vi tiên;
Điềm nhiên tọa thị, Tấn dị thối nan;
Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục;
Diện phục tâm bất phục, Thượng hòa hạ lục;
Thâm sơn cùng cốc, Vị túc tín;
Thận chung tri viễn, Nhứt cử lưỡng tiện;
Tri nhơn tri diện bất tri tâm, Tiền dâm hậu thú;
Quyền huynh thế phụ, Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục;
Sanh thành dưỡng dục, Danh hư nan thục;
Đệ tử phục kỳ lao, Tam sao thất bổn;
Ngôn hành tương phản, Giáo đa thành oán;
Cung kính bất như phụng mạng, Thiên sơn vạn thủy;
Tàng đầu xuất vĩ, Thực bất tri kì vị;
Cao nhơn tắc hữu cao nhơn trị;
Nhơn cô hà lý bất cô. Mãnh hổ bất địch quần hồ;
Quân vô tướng hổ vô đầu, Quân tử thực vô cầu bào;
Học giả hào bất học giả hào, Hữu thỉnh hữu lai;
Vô thỉnh bất đáo, Huinh đệ cốt nhục đồng bào;
Tiên giáo huấn nhi hậu hành phạt, Lực bạc nan kham;
Thất nhơn tâm, Bá phát bá trúng;
Tín giả năng nhập, Thiên địa vô tư;
Tích cốc phòng cơ, Dưỡng nhi đãi lão;
An cư lac nghiệp, Thừa cơ nhi nhập;
Bất tuân quốc pháp, Vô địa lập chùy;
Bình phong tuy phá cốt cách du tồn, Dưỡng lão khất ngôn;
Lý bất cập thế, Dĩ đào vi thượng sách;
Hắc bạch phân minh, Vi phú bất nhơn;
Vi nhơn bất phú, Lương cầm trạch mộc chi thê;
Hiền thần trạch chúa nhi sự, Cửu tử nhứt sanh;
Chấp bộ hô danh, Tập dữ tánh thành;
Thượng hành hạ hiệu, Tích tiểu nhi thành đại;
Nhiễu hại dân tình, Xả sanh thủ nghĩa;
Tân quan vấn cựu lại, Nam phụ lão ấu;
Nhập khẩu vô tang, Thiên bất dung gian;
Phúc thủy nan thâu, Tân quế mễ châu;
Lạm thâu lạm thực, Nhứt nhựt vô vương thiên hạ đảo huyền;
Quân tử oán tam niên, Tiểu nhơn oán nhãn tiền;
Mưu sự tại nhơn, Thành sự tại thiên;
Cần bất như chuyên, Bá niên giai lão;
Điên đảo thị phi, Đồng mông cầu ngã;
Phi ngã cầu đồng mông, Nhơn cùng tắc biến;
Vật cùng tắc phản, Nhơn tâm duy nguy;
Diện thị bối phi, Dĩ nhứt suy chi;
Nhơn tham tài nhi tử, Điểu tham thực nhi vong;
Nội công ngoại kích, Nguyên khiết tắc lưu thanh;
Lộ bất hành bất đáo, Chung bất đả bất minh;
Vật khinh hình trọng, Vị bá tánh bất vị nhứt nhơn;
Nhứt cận thị nhì cận sơn, Nhơn nhơn các hữu kì tài;
Tửu nhập ngôn xuất, Hữu thế bất khả ỷ tận;
Phong điều vô thuận, Ngư tầm lạc nhạn;
Của Đặng Đức Tuấn làm.
Lời nói thường dùng, rút trong Tam Quốc
Đồng tâm hiệp lực,
Phùng sơn khai lộ,
Phí y tẩy túc,
Tham sanh húy tử,
Tham binh mộ lợi,
Hồ quần cẩu đảng,
Thơ phù niệm chú,
Bì khai nhục liệt,
Tả xung hữu đột,
Văn thần võ sĩ,
Tế bần bạt khổ,
Lan tâm cẩu hạnh,
Văn quan võ tướng,
Sơ tài trượng nghĩa,
Chiêu hiền đãi sĩ,
Chủ ưu thần nhục,
Kình thiên giá hải,
Hô phong hoán võ,
Mại quan chúc tước,
Khi quân võng thượng,
Khí minh đầu ám,
Thâm căn cố đế,
Pháp Nghiêu thiện Thuấn,
Thiết mưu định kế,
Khuông quân phụ quấc,
Tích đức lụy nhơn.
Tức cổ yển kỳ.
Nhựt phục dạ hành.
Yến ngữ hoanh thinh.
Bội ngỡi vong ân.
Tắc hạn điện cù.
Diệu vũ dương oai.
Thiểu kiết đa hung.
Phấn cốt toái thân.
Quật kỉ đãi nhơn.
Kích cổ minh câm.
Tuấn lãnh cao san.
Cứu nạn phò tai.
Động địa chấn thiên.
Túc trí đa mưu.
Hải phất giang phiên.
Binh bại tướng vong.
Xu hổ thân lan.
Hạn quốc hại dân.
Tổn tướng chiết binh.
Nhạc hãm sơn băng.
Hỗ thể lân yêu.
An Hán hưng Lưu.
Xuất quỉ nhập thần.
Phí lực lao tâm.
Cơ thâm trí viễn,
Giao đầu tiếp nhĩ,
Canh y diệc phục,
Dư câm liễn bích,
Long tranh hổ đấu,
Đồ trư sát khuyển,
Yên dân tuất chúng,
Cường cung cạnh nổ,
Tương nam đái nữ,
Bạch kỳ huỳnh việt,
Trầm ngư lạc nhạn,
Cát ân đoạn ngãi,
Kim chi ngọc diệp,
Binh phù tướng ấn,
Binh tinh tướng dõng,
Giải nghi thích kiết,
Thiên sinh vạn tử,
Binh đa lương quảng,
Đức cao tài quảng,
Quyền khu đoạn thủ,
Bối minh đầu ám,
Thông câm bác cổ,
Công vi đức bạc.
Vân đồn võ tập,
Thị tài thủ họa,
Thần ky diệu toán,
Thiên văn địa lý,
Diện phương khẩu hượt,
Tiêu đầu lạn ngạch,
Phó thang đạo hỏa,
Thâm câu cao lũy,
Tinh binh mãnh tướng,
Trung quân ái quấc,
Báo đầu viên bế,
Cẩm bào ngọc đái,
Cụ đao tị kím,
Đơn mÿ tế nhãn,
Bại binh chiết tướng,
Khuynh tâm kiệt lực,
Từ tâm thiện hạnh,
Kỳ hoa dị mộc,
Bác văn cường ký,
Mụ chuyển thần diêu.
Khẩu thị tâm phi.
Lực lực tề tâm.
Nguyệt bạch phong thanh.
Niên ấu tài sơ.
Hắc diện trường thân.
Phụ phụng phàn long.
Suy cổ nghiệm câm.
Thố tử hồ bi.
Bế nguyệt tu hoa.
Khi bạn vong thân.
Tứ ý vọng vi.
Sáng nghiệp khai cơ.
Mục lạn mi thanh.
Mục động khẩu khai.
Mẫu huyết phụ tinh.
Âm tửu thưởng hoa.
Cộng hoạn phân ưu.
Đãn thán trường hu.
Phách tử tham sanh.
Thích đởm hoãn tâm.
Thiên dữ nhơn qui.
Đởm lạc hồn vong.
Địa tháp thiên thôi.
Lương quả binh vi.
Phủ bạn trúc tường.
Trí sĩ qui hương.
Tứ tước phong hầu.
Ngân quách kim quan.
Túng mã phóng ngưu.
Chủ quí thần vinh,
Địa đống thiên bàng.
Mĩ ngọc minh châu.
Ngộ thủy điệp kiều.
Phạt tội thưởng lao.
Tánh thậm danh thùy?
Đởm chiến tâm kinh.
Hùng biện cao đàm.
Hượt tróc sanh cầm.
Thủ chánh ố tà.
Trị quốc an dân.
Lễ sĩ kính hiền.
Kinh thiên vĩ địa,
Huyệt tường phát quí,
huynh thất đệ,
Chiêu hiền nạp sĩ,
Thiên sơn vạn hải,
Thế nguy lực khổn.
Vô chơn hữu giả,
Đồ hình họa ảnh,
Đồn lương tích thảo,
Khử tà qui chánh,
Trừ tàn khử bạo,
An thân bảo quấc,
Đơn nhơn độc mã,
Qui hương dưỡng bịnh,
Đoạn tỏa trảm quang.
Xả tử vong sanh.
Võng địa khí thiên.
Phạt tội điếu dân.
Thế cải thi di.
Điểm tướng thâu quân.
Mại chủ cầu vinh,
Tướng thạnh binh cường.
Lương thiểu binh đa.
Khí định thần nhàn.
Trảm thảo trừ căn.
Phá thạch tạc sơn.
Lộng giả thành chơn.
Tâm định thần minh.
Mai Nham.
*
Trong số những câu kể trên, chúng tôi, những người lúc bé có học chữ Nho, thế hệ 60 tuổi chỉ nghe quen chừng 20 đến 30 câu. Vậy hàng trăm câu chữ Nho, Tam quốc được rút ra thành châm ngôn ứng dụng trong đời sống hàng ngày thời Pháp mới sang bắt buộc chúng ta phải nghĩ rằng Nho học của tứ thư ngũ kinh, truyện Tàu đã phổ biến sâu rộng trong mọi giới, kể cả các tầng lớp dưới, là những tầng lớp ít người biết đọc chữ Nho, nên đa số chỉ được nghe qua những lời khuyên dạy hoặc kể truyện.
Còn chữ quốc ngữ?
Trương Vĩnh Ký dịch chú giải tứ thư bằng quốc ngữ vào những năm 1877, nhưng việc in còn hạn chế vì phần lớn in thạch bản. Tam quốc được dịch, đăng từ số 1 Nông cổ mín đàm (1-8-1901) in thành sách năm 1907. Nông cổ mín đàm phát hành với số lượng nhỏ vào những năm đầu: "Nông cổ có 350 người mua" (Lời rao số 96, 2/7/1903). Vậy việc phổ biến sách nho, truyện Tàu trước khi có chữ quốc ngữ và cả bằng quốc ngữ cũng rất hạn chế. Những ai phổ biến? Dĩ nhiên trước hết là các nhà Nho "ông thày dạy chữ Nho" phổ biến sách nho, truyện Tàu từ trên xuống dưới (từ tầng lớp trí thức xuống tầng lớp bình dân). Tuy nhiên số các ông thày này không đông đúc gì, nên việc phổ biến sâu rộng phải do một lớp người khác, chỉ thấy có ở vùng đất mới. Đó là cộng đồng người Việt gốc Hoa (Minh Hương). Cuộc chung sống xen kẽ, chan hòa ở nông thôn của hai cộng đồng lưu dân Việt và Hoa không thể không có những giao lưu văn hóa qua các tập tục, nếp sống và đây là một truyền đạt văn hóa dưới với dưới hay từ dưới lên trên.
Sau khi xâm chiếm Nam Kỳ, người Pháp thực hiện ngay từ đầu chính sách đồng hóa về văn hóa giáo dục. Dầu vậy, ảnh hưởng của cộng đồng người Hoa vẫn rất sâu đậm, cộng thêm ảnh hưởng những tư tưởng mới do cách mạng Tân Hợi gây ra như báo cáo chánh trị của một viên chức hàng đầu ở Nam Kỳ đã ghi nhận ở "số đông người Hoa cư ngụ ở Nam Kỳ, vai trò lớn lao họ đảm nhận về mặt ảnh hưởng truyền thống đối với người Annam cũng như về mặt kinh tế, những tư tưởng mới đang lan tràn khắp Viễn đông mà họ là những người cổ võ nhiệt thành. Tất cả những điều kể trên, tạo ra một tương lai bất trắc, đe dọa sự ổn định của thuộc địa và do đó cần có những biện pháp mới ấn định mức nhập cư và quy chế cho những người Á đông ngoại quốc" (5).
III. MỘT VÀI CON SỐ THỐNG KÊ
Ngay từ đầu, người Pháp đã thiết lập một nền học chính dựa vào Tây học, nên có người mới học xong tiểu học đã có thể làm thơ tiếng Pháp.
Để xem Nho học còn chỗ đứng trong sinh hoạt văn hóa hay không, chúng tôi thử làm những bảng thống kê so sánh sách báo bằng quốc ngữ trong quãng 50 năm sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ (6).
1. Báo Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn:
Điểm số tin, bài viết liên quan đến Pháp, Tây phương, Trung quốc, Nho học trong 260 số đầu Nông cổ mín đàm và 50 số đầu Lục tỉnh tân văn, chúng tôi thấy:
- Pháp, Tây phương: rất ít được nói đến. Số bài viết nhiều hơn bản tin, gồm một vài truyện Lang sa dịch ra quốc ngữ; truyện dân gian, dạy Pháp văn hoặc kể chuyện các nước phương Tây nhu mục Thái Tây tân sử, truyện Hoa kỳ. Tỷ lệ: 5% tổng cộng các bài.
- Trung Quốc, Nho học: những bài về lịch sử Trung Quốc, về văn học, tư tưởng dựa trên Nho học thuộc mọi dạng: sự tích, gương, sử, truyện, thơ, nghị luận thuần túy văn học hay liên quan đến kinh doanh. Tỷ lệ: 95%.
2. Sách:
Một thư mục sơ khởi sách thời kỳ này (1860-1930) do ông Bằng Giang thiết lập gồm 716 cuốn. Căn cứ vào bảng đối chiếu số lượng mục tác phẩm xếp theo môn loại, chúng tôi thấy:
Truyện, thơ tỷ lệ 26,81
Truyện Tàu 13,96
Tiểu thuyết 30,86
Luân lý 14,52
Truyện giải buồn 3,49
Du ký, hồi ký 1,25
Sử ký 3,76
Tiểu sử 5,44
Sách luân lý, nghĩa là sách dạy làm người dựa vào Nho học có tỷ lệ cao xếp hạng thứ ba, nhưng các loại truyện, thơ, truyện Tàu, tiểu thuyết cũng đều lấy Nho học làm nội dung, cốt truyện, mặc dầu về hình thức diễn tả, có sử dụng kỹ thuật Tây phương.
3. Công trình của Trương Vĩnh Ký:
Một người Tây học, theo đạo Thiên chúa. Nhưng trong toàn bộ công trình trước tác, rất ít có bài, sách nói về đạo Thiên chúa hay giới thiệu văn hóa Tây phương. Dựa vào thư mục của Bằng Giang, chúng tôi thấy:
a. Sách báo đã in:
- Văn hóa Pháp (tự điển, văn phạm...) 15 tập
- Nho học 45 tập
- Việt Nam học (nôm, quốc ngữ về Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng Nho học) 70 tập
- Đông Nam Á học 20 tập
b. Bản chép tay:
- Hiện lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội Trung ương Hà Nội quãng 2000 tờ có 171 nhan đề. Trừ một số liên quan đến văn hóa Pháp, tất cả đều liên quan đến Nho học và Việt Nam học chịu ảnh hưởng Nho học.
- Lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội miền Nam (SAIGON) có 36 mục đều liên quan đến Việt Nam học.
4. Tác phẩm của Hồ Biểu Chánh:
Học Chasseloup Laubat, đỗ bằng Thành chung (diplôme)
Tiểu thuyết 64 cuốn - Tất cả đều có nội dung phản ảnh Nho học
Khảo cứu 23 cuốn - chỉ có 2 cuốn nói về "Pháp quốc lược khảo" và "Âu Mỹ cách mạng sử"
IV. MỘT VÀI TÁC PHẨM, KHUÔN MẶT TIÊU BIỂU
a. Việt âm thi tuyển:
Các thứ văn thư, từ phú quốc âm. Tuyển giả: Lê Sum, rédacteur du Công luận báo Saigon. Imp. Việt 1919.
Trong lời tựa tuyển tập thơ của các người đương thời, ông Lê Sum đã nói rõ ý nghĩa của việc làm tuyển tập: người trí thức ngày nay, trong thực tế, chú ý đến "thiệt học" như là cách trí học, kỹ nghệ học, gia chánh học, công thương lý tài luận. Hầu sau có chỉ kỳ sở học, thô vu sở hành, những lúc nhàn rỗi nghỉ ngơi thì lại tìm thú giải trí bằng thơ văn cổ vì thơ văn cổ có khả năng giáo dục tình cảm theo lễ nghĩa thật cao".
b. Nguyễn Khắc Huề:
Ông đăng nhiều thơ cổ liên hoàn trong Nông cổ mín đàm. Đọc các bài như: Hiếu trung hoài cổ vịnh, Háo sĩ từ nông, Lục phụ tân thơ, ký tên Nguyễn Khắc Huề kính lục, chúng tôi cứ nghĩ ông là thầy đồ nho; nhưng đọc Nông cổ mín đàm số 137 ngày 21/4/1904 mới biết đã đoán sai, vì ông chính là một người Tây học và dạy chữ Tây: "Trong Nam Kỳ lục tỉnh, từ năm 1886 đến nay, những trang hương thời tùng sự vùng bậc học sinh, khóa sinh nào ở trường bổn quốc Chasseloup Laubat xuất thân tưởng đều biết rõ thầy giáo Nguyễn Khắc Huề, biệt hiệu Nam Sang là thầy dạy chữ Lang sa tại trường tỉnh Bến Tre. Thầy này là thầy của chúng tôi nên chúng tôi biết chắc chắn rõ ràng rằng: học Tây đủ sức, lại thêm Nho từ, gồm tài, thi, từ, trung hậu tánh rất khoan hòa, bụng không chịu phô trương theo lề thế sự, cứ yên theo lòng đạo, lo dạy con em cũng đã đằng đẵng 20 năm chẵn, giữ lời thanh bạch, tu chí kiên tâm. Năm rồi có đi đến chỗ lăng đức Hậu tổ (ông Võ Trường Toản) tại làng Bảo Thạch (Ba Tôn) mà sao dịch các tấm bia chỉ của ngài, gởi cho Sở Bác học Đông Dương, nên Sở Bác học thấy thầy chúng tôi tài đức xưng tường có tặng cho thầy chúng tôi hai tấm médailles Bến Tre tân cựu môn sanh đang đôn thư bái tặng".
c. Trần Chánh Chiếu:
Chủ xướng phong trào minh tân, chủ bút Lục tỉnh tân văn.
"Kính cáo cùng chư quí viên trong Lục châu đặng rõ: Nguyên tôi là người tài sơ học siển, cô lậu quả văn, nhơn gặp lúc này bạn đồng bang ta đương lo mở mang việc thương cổ, kỹ nghệ mà tranh đoạt lợi quyền cùng người ngoại quốc, thì tôi cũng có lòng mừng và khen cho đồng liêu lắm. Vả người ở đời đã biết rằng ai ai đều có chí nấy, song sự nghe thấy của một người thì không đủ cho bằng sự nghe thấy của mười người đặng. Nên có câu rằng: Nhiệt nhơn chi kiến, bất túc dĩ kiêm thập nhơn. Lại có câu: Độc trí bất như chúng trí nữa. Liệt vị hãy xem mà coi, mua một năm nhựt trình này mà có năm đồng bạc, thì cũng không phải là tốn hao chi lắm mà lại hữu ích về việc văn minh". Trích lời "Chủ bút kính cáo" Trần Nhựt Thăng, biệt hiệu Đông Sơ. Lục tỉnh tân văn số 1 ngày 14/11/1907 trang 1. Đó là văn của một người Tây học, dân Tây nữa, mang tên Gilbert Chiếu. Các bài viết của ông cũng như của những người cùng chí hướng trong 52 số đầu Lục tỉnh tân văn đều không dựa vào tư tưởng, văn hóa Tây phương, mà vào Nho học để chủ trương Minh Tân.
V. PHONG TRÀO MINH TÂN
Phong trào Minh Tân (tránh dùng chữ Duy tân để tôn kính vua Duy Tân) ở miền Nam đưa ra khẩu hiệu: chống chệc chống chà; Trả Thích Ca về Thiên Trước, trả Quan Công về Tàu. Khẩu hiệu được tung ra gây xúc động mạnh như "sấm nổ trong lỗ tai" (Phan Tấn Sang, Đinh Ngọc Tú, số 1 trang 12 Lục tỉnh tân văn) và tạo ra một tranh luận sôi nổi kéo dài hầu như cả năm, cho đến khi Trần Chánh Chiếu bị bắt và phong trào bị dẹp.
Ở vùng đất cũ, những ông đồ nho không biết chữ Tây, có khi cả Quốc ngữ, ham đọc Tân thư, cảm phục văn hóa Tây phương, chủ trương duy tân dựa vào việc thực hiện những lý tưởng dân chủ dân quyền của Montesquieu, J.J. Rousseau, và phê phán hủ nho. Còn ở vùng đất mới, những ông đồ tây tốt nghiệp các trường tây lại không nói gì đến văn hóa Tây phương, kể cả tư tưởng tiến bộ, cũng không phê phán nho học, trái lại lấy nho học làm cơ sở lý luận cho phong trào Minh Tân, đòi đưa Thích Ca về Ấn Độ, và Quan Công về Tàu. Thái độ trọng nho không phải chỉ ở việc đề cao tư tưởng Nho mà cả ở hình thức, viết tên bài. Chẳng hạn số 1: Hiệp bổn tranh lợi, đạt báo hữu ích luận; Dương nhơn thiên sự; công ngọc di thố; cấp báo lợi nguyên. Dính ngoa tù, còn trong bài, thấy sử dụng không những các câu chữ nho đã thành châm ngôn mà cả câu nói xuôi chữ nho.
Ý định rõ rệt của cuộc vận động văn hóa dựa trên khẩu hiệu trên là đả phá những tập tục mê tín dị đoan mà người Tàu và chà và đã khai thác để trục lợi về kinh tế, thương mại, nên hô hào trả về cho Ấn Độ, Trung Quốc bọn ác tăng, thầy pháp, những nghi thức cúng tế dị đoan du nhập từ hai nước đó. Ý định sâu xa hơn, không được hoàn toàn tán đồng, do đó gây tranh luận là phê phán luôn cả Phật giáo, đạo thờ Quan Công và Thiên chúa giáo (trả Đức Giê-su về Rôm) hiểu như những tôn giáo thờ các thần thánh không có hiệu năng về chính trị, xã hội. Nói cách khác, thỏa mãn những nhu cầu của con người, bảo vệ quyền sống của dân tộc. Dân Ấn Độ nghèo đói, bị đô hộ "nửa Ấn Độ bị Hồng Mao chiếm đoạt, Phật có giải quyết bảo vệ được đâu, nước Việt Nam bị Lang sa chiếm đóng, các thần linh cố hỉ có đứng ra đỡ đạn cứu dân cứu nước được đâu". Sự phê phán tính cách bất lực, xuất thế của các tôn giáo đưa đến việc chấp nhận nho học, không phải là tôn giáo mà chỉ là một đạo đức học dạy tiến nhân xử thế. Còn nếu hiểu Quan Công không phải là thần linh, mà chỉ là một người nêu gương nghĩa khí, thì Việt Nam thiếu gì, đâu cần đến Quan Công. Sau cùng, ai muốn đi tu, thì cứ việc tu tại gia thờ cha kính mẹ cũng đủ đắc đạo rồi.
VI. NHO HỌC TRONG HAI GIỚI XÃ HỘI
Những biểu lộ nho học trong hai giới thường bị coi là mất gốc hay vô luân.
1. Thiên chúa giáo:
Báo "Nam Kỳ địa phận" (thời đó Nam Kỳ về phương diện giáo quyền gồm có lục tỉnh và Nam Vang) sống 37 năm từ số 1 ngày 26-11-1908 đến số chót ngày 1-3-1945. Tờ báo này đáng lưu ý vì:
- Tuy là báo đạo nhưng chỉ nói về đạo một phần ba, còn lại bàn về đủ mọi vấn đề đòi "hữu ích thì đem vô hết" từ văn học dân gian (thai đố, chuyện giải buồn) đến thuốc bắc, thuốc nam, làm ăn buôn bán v.v... cũng không dành riêng cho người công giáo. Mục đích tờ báo là: "Cho thông phần đạo, và ngoan việc đời" nói theo bây giờ là "tốt đạo, đẹp đời".
Về phương diện văn hóa dân tộc dựa trên nho học, tờ báo cho thấy:
1. Những bài đạo (chú giải kinh Thánh, giảng kinh...) thường sử dụng tư tưởng nho câu chữ nho để diễn giảng.
2. Những truyện, sự tích thường lấy các gương truyện Trung Quốc ra để minh họa đạo lý kitô giáo. Điều gây ngạc nhiên thích thú là thấy tờ báo sử dụng cả truyện Tàu - viết truyện ta theo truyện Tàu - thể hiện tinh thần đạo lý nho và kitô giáo. Truyện "ông Gioan Ngô Kim Thạch" đăng từ số 403 (1916) đến số 451 (1917) khá hấp dẫn cho thấy truyện Tàu ảnh hưởng tốt, không phải xấu như Phạm Quỳnh đã mỉa mai, miệt thị: "Những tiểu thuyết Tàu từ tám mươi đời, triều ấy, văn chương đã chẳng ra gì mà truyện thì toàn những truyện huyền hoặc quái đản của mấy bác cuồng nho bên Tàu đời xưa ngồi không bịa đặt ra để khoái trá bọn hạ lưu vô học. Thế mà dịch nhiều như vậy, thịnh hành như vậy, nghĩ cũng khả kinh thay" (Một tháng ở Nam Kỳ, báo đã trích dẫn).
3. Những bài khảo luận dài sau in thành sách về: Phép lịch sự của người Việt Nam trước khi chịu ảnh hưởng Tây phương, phép làm thơ văn theo lối xưa v.v... đều dựa vào truyền thống văn hóa dân tộc ảnh hưởng nho học.
Nam Kỳ địa phận bán được 2000 sổ, so với các tờ cùng thời như Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm, được phổ biến rộng rãi hơn nhiều. Chắc hẳn nguyên nhân ở chỗ nội dung phong phú đa dạng còn lối trình bày, lối viết rất gọn, rõ, đúng chính tả.
Ngược lên trước 1805, chúng tôi có một bản dịch quốc ngữ chép tay vào cuối thế kỷ XIX (1816), cuốn "Sấm truyện ca" của Lu Y. Đoạn viết bằng chữ nôm của thế kỷ XVII (1670), trước tác theo tinh thần các truyện nôm dùng tư tưởng và ngôn ngữ nho học để diễn tả kinh Thánh. Theo truyền tục, cuốn này được các nhà nho đương thời tán thưởng, nhưng bị các thừa sai ngăn cấm vì cho là không "chính thống".
Ngoài ra chúng tôi cũng có Phi-nang thi tập, Vịnh Evang (thế kỷ XIX) của Phan Văn Minh, linh mục, người cộng tác vào việc soạn thảo tự điển Taberd, tử vì đạo, được phong thánh gần đây, hồi còn du học ở Penang đã đề ra một xướng họa thơ bát cú với chủ đề Giatô cơ đốc. Sau về nước vẫn tiếp tục xướng họa và ngay cả sau khi chết do những người giữ tập thơ; vì thế có 4 bài đặc biệt liên quan tới thời cuộc tố cáo Pháp lợi dụng đạo Thiên chúa để xâm chiếm Việt Nam. Những bài thơ xướng họa này, theo lời giới thiệu của người sưu tầm, ông Nguyễn Cang Thường, nhằm "truyền bá lý tưởng công giáo qua hình thức văn chương thơ phú sãn có để trao đổi những ý thức được dung hòa giữa nho học, truyền thống của dân tộc và giáo huấn của phúc âm thư".
2. Trộm cướp:
Trộm cướp ở miền Nam thời kỳ đầu thuộc địa không giản dị chỉ là thuần túy lấy của người khác bằng bạo lục để tiêu xài, nghĩa là một hành động phi pháp vô luân, nhưng là một hiện tượng phức tạp vì có khía cạnh đạo lý, chính trị bên trong. Đọc những báo cáo chính trị của các thống đốc, toàn quyền thời kỳ đầu thuộc địa, hầu như không có báo cáo nào không nhắc đến nạn trộm cướp vũ trang. Chính nhà cầm quyền Pháp đã nhìn nhận trước khi Pháp sang cai trị, tình hình an ninh xã hội tương đối ổn định vì: Người Annam sống tự do trong làng xóm của họ, an hưởng của cải họ làm ra. Họ tự đặt cả những người quản trị xã thôn, sự di chuyển các gia sản thực hành đúng đắn, nhà nước hoàn toàn không can dự gì vào đó. Thuế khóa vừa phải... (7). Nhưng đến khi người Pháp sang, chỉ ít lâu sau, tình hình an ninh xã hội trở thành tồi tệ như Le Myre de Villers đã thú nhận: "Luật lệ không được tuân hành nữa, chỗ nào cướp trộm và rối loạn cũng hiển nhiên như ban ngày" (8).
Như vậy, nguyên nhân sa sút về an ninh xã hội bắt nguồn từ chế độ thuộc địa: thuế má tăng gấp 2 lần thời cựu trào; thời này đôi khi lúa gạo bị cấm xuất cảng để dự phòng nạn đói, nay được khuyến khích xuất cảng vì mục đích chủ yếu thêm tiền thuế.
Những xáo trộn do mở mang đô thị tạo nên số đông sống bằng những nghề tạm bợ, rất dễ rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Những người này cũng thường không có nơi cư ngụ nhất định vì phải thay đổi làm đủ nghề để sống, dễ trở thành du đãng. Tất cả những thành phần sống bên lề xã hội này ít nhiều đều thấy ông chủ gây ra những khổ cực tủi nhục của họ là người Pháp, chế độ thuộc địa và những tay sai giàu có nhờ bám vào chế độ này. Nếu không nhận định như trên, không thể hiểu được tại sao những băng cướp lại thường nhằm tấn công những cơ sở chính quyền hoặc những tư nhân người Pháp, chà và, tư sản, địa chủ người Việt giàu có vì được chia phần áp bức bóc lột.
Cung cách làm ăn của những tay trộm cướp còn cho thấy một khía cạnh khác khá rõ nét và đặc biệt. Khía cạnh đạo lý qua việc họ kết nghĩa với nhau và cử chỉ nghĩa hiệp với người khác. Đây là ảnh hưởng của truyện Tàu mà có lẽ không một người nào sinh ra, lớn lên lại không đọc hay nghe kể, hoặc đã xem tuồng đôi ba lần. Truyện "Kim thời dị sử" của Biến Ngũ Nhi, một tiểu thuyết trinh thám bán rất chạy hồi đầu thế kỷ là một dẫn chứng về khía cạnh đạo lý trong nghề đạo tặc ở miền Nam, mặc dầu thứ đạo lý này không hẳn là nho học chính thống.
Gần đây một vài cuốn tiểu thuyết, ký cũng viết về những tay trộm cướp tham gia các tổ chức cách mạng. Phải chăng những người này có lẽ rất khó chuyển hướng nếu họ chỉ là những tay trộm cướp chuyên nghiệp? Điều đáng lưu ý hơn nữa trong truyện "Chân dung một quản đốc" của Nguyễn Hiểu Trường (9) là nhân vật chính sau khi đã trải qua quá trình chiến đấu rèn luyện đảm nhận một chức vụ lãnh đạo trong tổ chức cách mạng vẫn giữ được những nét đẹp của phong cách đạo lý của kết nghĩa và nghĩa hiệp. Cuốn ký của Nguyễn Hùng về "Người Bình Xuyên" (10) cũng làm nổi bật tính chất đặc biệt của một tổ chức nổi tiếng một thời đã muốn thể hiện nếp sống của những nhân vật trong Thủy hử, Tam quốc. Hầu hết những người này đều tham gia những hoạt động chính trị, cách mạng. Người theo cách mạng rồi bỏ, người theo đến cùng. Nhưng tất cả đều cố giữ những đòi hỏi đạo lý của việc kết nghĩa: giữ lời hứa, chữ tín, không bao giờ phản bạn. Cả các lối văng tục, chưởi thề, khi không phải trường hợp thói quen dùng làm câu đệm nhưng để bày tỏ thái độ chống đối sự giả dối, đê tiện, thiếu nghĩa hiệp cũng bao hàm những ý hướng đạo lý đích thực, đáng phục.
Tuy nhiên dẫn chứng có tính thuyết phục hơn có lẽ là những ghi nhận của chính nhà cầm quyền Pháp thời kỳ này:
1. Hội Vạn xe:
Một băng du đãng lấy tên là Hội Vạn xe ở Saigon hồi 1888 do một người lính cựu ngạch tên là Bếp Tốt cầm đầu. Hội này có tòa án riêng, hoạt động trong vùng Chợ lớn. Một nhóm bị bắt gồm các tay đánh xe ngựa vì đã xâm nhập nhà thương Chợ Quán giết y sĩ giám đốc. Cùng phối hợp với Hội Vạn xe có một băng du đãng 7 người bị bắt đày đi Côn Đảo vì đã đánh Cai tổng Long Hùng Hạ và một viên chức quận 20, đốt nhà, giết chết vợ chồng Phó tổng Long Hùng Hạ, làm đầu nậu thâu tiền các nhà buôn trên bến Lê Quang Liêm (11).
Những băng cướp này phải chăng là thuần túy du đãng. Nếu ở nơi họ không có một chút gì đầu óc quốc gia, tinh thần cách mạng, làm sao có thể hiểu được một tập đoàn xe thổ mộ có quá khứ lâu dài khi có dịp trở thành một lực lượng tranh đấu? Chính họ đã hưởng ứng lời kêu gọi của tờ La Lutte tổ chức cuộc đình công lớn nhất đầu tiên ngày 4/11/1935 để kỷ niệm Cách mạng tháng 10.
2. Du đãng trộm cướp trong báo cáo chính trị:
a. Trong một báo cáo chính trị của toàn quyền Đông dương gởi Bộ Thuộc địa số 16 ngày 22/2/1906, có nhắc đến nỗi lo ngại của các quan đầu tỉnh về những băng du đãng sống bên lề pháp luật, thỉnh thoảng xuất hiện tấn công các trụ sở công lập, hoặc các nhà tu ở Vĩnh Long, Biên Hòa, Mỹ Tho và hầu như khắp nơi.
b. Trong báo cáo chính trị của Toàn quyền gởi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa số 2005 ngày 14/1/1906 có dẫn phúc trình báo cáo của Thống đốc Nam Kỳ về sự phát triển các hội kín thật đáng lo ngại và sự liên kết giữa các hội kín và các tay du đãng. "Người ta thấy những bọn du đãng có những hoạt động ít nhiều kết quả, móc nối với những tổ chức kể trên để tìm những kẻ đồng lõa".
c. Báo cáo về tình hình chính trị kinh tế ở Nam Kỳ (1906): Sau khi nhắc đến tình hình mất mùa, bão lụt liên tiếp từ 1904 đến 1906, bản báo cáo rút ra một hậu quả nghiêm trọng mà Nam Kỳ đã chịu đựng từ nhiều năm qua. Nạn du đãng hoành hành khắp nơi, tổ chức thu thuế, dùng giấy căn cước giả, nên thoát được những vụ kiểm tra xét giấy tờ hoặc bị đưa ra tòa. Những tay du đãng này cũng tham gia các hội kín và thành lập một hội gọi là Hội tương trợ cho cái xấu (C"est ce qui a lieu pour les vagabonds qui s"enrôlent dans les sociétés dites secrètes et contribuent ainsi à constituer ce qu'on pourrait appeler la mutualité pour le mal).
d. Báo cáo của toàn quyền Đông Dương gởi Bộ Trưởng Bộ Thuộc địa số 116S ngày 2/8/1917 có ghi: "Những kẻ du đãng giả danh đi buôn để đi lại tự do trong xứ thuộc địa này và thường nói ra những lời đối nghịch chống lại sự cai trị của chúng ta. Khi có dịp thuận tiện, những tay đi buôn này trở thành quần chúng, không ngần ngại khủng bố các viên chức, tìm bắt những người tố cáo chúng và dọa trả thù".
e. Báo cáo về tình hình chính trị ở Nam kỳ quý IV/1911 của văn phòng Thống đốc:
"Phải kể đến một vụ cướp táo bạo hiếm có vào hồi tháng chạp xảy ra ở ty thuế đoan Mỹ Thanh (Bạc Liêu) ngày 22 vào lúc 6g30 chiều, như tôi đã trình bày trong văn thư số 4-H: Một toán gần 15 tên đột nhập Ty sau khi đả thương ông Giaccôbi và ngăn chặn những viên chức bản xứ có mặt can thiệp bằng những lời hăm dọa, chúng bẻ khóa két, lấy 3 ký thuốc phiện và 600 đồng cùng với một khẩu Mousqueton, một khẩu Lebel và 100 viên đạn, một khẩu súng sáu và 2 súng lục. Rất may những vết thương của ông Giaccôbi không trầm trọng".
NHẬN XÉT & GIẢ THUYẾT GIẢI THÍCH
Một vài tài liệu kể trên cho thấy sự kiện: Văn hóa dân tộc dựa trên nho học vẫn tiếp tục được phổ biến sâu rộng trong mọi từng lớp thời kỳ đầu Pháp thuộc ở vùng đất mới. Riêng trong giới trí thức, mặc dầu được đào tạo hoàn toàn theo tây học, họ vẫn trọng nho, thông nho vì học từ chữ nho, nhất là vì được hít thở bầu khí nho văn thấm nhuần sâu đậm gia đình xã hội. Những trí thức tây học này chắc hẳn hiểu biết, cảm phục văn hóa tây phương, nhất là phần tiến bộ của nó. Họ trực tiếp lãnh hội bằng tiếng Pháp, không qua tân thư như các người đương thời ở vùng đất cũ. Vậy tại sao sách báo họ viết hầu như không hề đề cao, thậm chí không nói đến văn hóa Pháp, tây phương? Ngay cả trong trào lưu Minh Tân, cũng chỉ thấy họ chấp nhận kỹ thuật Tây phương: kỹ thuật làm báo, viết tiểu thuyết, buôn bán, hùn vốn lập hội, lập công ty, mở khách sạn, ngân hàng v.v... Tại sao họ vẫn đề cao văn hóa dân tộc dựa trên nho học? Dĩ nhiên phải xem họ hiểu thế nào là văn hóa dân tộc, hoặc nho học mà họ trọng dụng là thứ nho học nào? Nhưng có điều thật rõ rệt: họ đã chọn văn hóa dân tộc dựa trên nho học làm tư tưởng chỉ đạo cho các loại tiểu thuyết, hoặc làm cơ sở lý luận cho phong trào Minh Tân. Nói cách khác, họ không coi nho học là yếu tố ngăn chặn hướng phát triển kinh tế, xã hội.
Sự kiện trên không phải cá biệt chỉ xảy ra với vài ba người, ở trong một giới xã hội, mà hình như bao gồm cả một lớp người thuộc một thế hệ ở các giới xã hội khác nhau. Những linh mục trí thức như Hồ Tấn Đức, Nguyễn Thanh Chiêu, phụ trách tờ Nam Kỳ địa phận những năm đầu thế kỷ, am hiểu nho học sử dụng thành thạo văn nho, những người mà sau này thật khó thấy trong giới Thiên chúa giáo, cho thấy ngay cả giới Tây hóa là Công giáo cũng biểu lộ xu hướng chung của một thế hệ.
Riêng đối với từng người, không phải sự lựa chọn nho học chỉ xảy ra ở một quãng đời như vào tuổi già, mà ngay từ thời trẻ tuổi và vẫn giữ luôn mãi sự lựa chọn đó suốt cả cuộc đời, sự nghiệp của mình. Chẳng hạn Hồ Biểu Chánh viết hơn 60 cuốn truyện, vẫn chỉ có một tư tưởng chủ đề là đạo lý Nho mà thôi.
Giả thuyết giải thích đề nghị dựa vào mấy hướng tìm hiểu sau đây:
1. Những điều kiện địa lý, chính trị của vùng đất mới:
Những điều kiện khách quan này chi phối đến một chừng mực nào đó nếp sống văn hóa của người lưu dân.
Vì thế Nho giáo ở Miền đất mới này không thể giống hệt như nơi quê cũ. Cuộc sống khai hoang đã sàng lọc lại, bỏ bớt những gì là từ chương nghi lễ câu thức. Đạo nho của lưu dân khai hoang và con cháu họ được hiểu theo cốt lõi, tinh túy hơn nơi quê cũ. Khoan nói tới tam tòng, ngay tam cương cũng đã được lưu dân hiểu đúng với ý ban đầu của Khổng Tử, nhất là của Mạnh Tử. Thí dụ: Cương thú nhất trong tam cương là vấn đề quân thần, vấn đề trung quân. Nếu ở miền đất cũ, trung quân được hiểu như một gắn bó chung thủy với một ông vua, một triều đại duy nhất thì ở các lưu dân không hẳn là vậy. Chiến tranh liên miên, đổi thay chế độ cùng vua chúa quá nhiều. Đó là đối với lưu dân Việt Nam. Còn đối với lưu dân gốc Hoa như nhóm Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu và con cháu họ - những kẻ cựu thần của Minh Triều đã bỏ quê hương mà đi vì không chấp nhận nhà Mãn Thanh, một triều đại của kẻ xâm lăng đối với Hán tộc, thì trung quân được hiểu ra sao?
Trước hết đối với họ: hành động bỏ Trung Quốc chạy ra nước ngoài là trung quân. Dương Ngạn Địch thay mặt 3000 binh sĩ cùng gia đình trình lên Chúa Nguyễn năm 1679 tâm tư và nguyện vọng như sau: "Chúng tôi là tôi lưu vong của nhà Đại Minh, vì nước thề hết lòng trung, nay lực kiệt, thế cùng, quốc tộc nhà Minh đã chấm dứt, chúng tôi chẳng chịu làm tôi nhà Thanh, nên chạy đến quý quốc, thành tâm xin làm tôi tớ". Chúa Hiền chấp nhận lời xin, "khiến đặt yến tiệc đãi họ, an ủi, khen ngợi, cho các tướng lãnh y chức cũ, phong thêm quan tước mới", khiến vào ở đất Đông phổ để mở mang đất mới (12). Họ chia làm hai: Dương Ngạn Địch định cư ở Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên (1 tướng khác trong đoàn lưu vong) định cư tại Biên Hòa: "Ở hai nơi ấy, hai đoàn di dân vỡ đất, phá rừng cất phố, lập chợ, từ đó thương thuyền các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Dương, Đồ Bà qua lại tấp nập, và cũng từ đó, phong hóa Trung Quốc thấm dần vào xứ này". Đối với Mạc Cửu cũng vậy. Khi Mạc Cửu, cũng không chịu thần phục Mãn Thanh, đến xin nhập cảnh lập nghiệp, chúa Nguyễn năm 1708 cũng đối xử tử tế, cho định cư ở vùng Hà Tiên...
Những lưu dân gốc Hoa này, cùng con cháu họ trung quân thế nào? Dĩ nhiên trong nội bộ (Vương triều Nguyễn để cho họ tự trị khá lâu dài) họ vẫn hoài bão, một hoài bão phai nhạt dần với thời gian: "bài Mãn phục Minh". Còn trên thực tế, họ đã khá trung với Vương triều Nguyễn, Vương triều Nguyễn không những đã bao dung cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời, lại còn trọng dụng phong quan tước. Bản thân Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu và con cháu họ sau này bao giờ cũng đứng về phía Việt Nam, phía vương triều Nguyễn trong cuộc đấu tranh giành đất ở Nam Kỳ chống lại Cao Miên và Xiêm La.
Những thứ trung quân nặng về ơn nghĩa này của lưu dân Trung Hoa không hẳn là thứ trung quân của lưu dân Việt. Đối với lưu dân Việt, sự trung quân của họ "chính danh" hơn. Đối với vua chúa, họ chỉ trung nếu vua tỏ ra xứng đáng là vua, họ chỉ tuân theo quan lại Triều đình nếu quan lại thanh liêm, cai trị vì hạnh phúc nhân dân. Còn vua tồi tệ, quan lại tham ô thì chưa chắc. Quân có ra quân, thì thần mới ra thần. Quan hệ vua tôi là quan hệ hai chiều và khi có mâu thuẫn thì họ viện dẫn Mạnh Tử: Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.
Chúng ta hãy coi vài thí dụ tiêu biểu:
- Hồ Biểu Chánh trong "Ngọn cỏ gió đùa" đã cho nhân vật Thể Hùng, trước khi rời nhà tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi, tranh luận với cha vợ như sau:
"Thưa cha, hễ làm vua mà không biết trọng nghĩa của tôi, thì Tôi phạt, chẳng cần biết ai là quân ai là thần, mà gọi đó là phản nghịch.
- Hứ, mày nói vô quân vô phụ dữ. Vậy chớ mày quên câu: "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu" rồi sao?
- Thưa, câu sách đó là câu của người nịnh hót nhà vua họ đặt ra mà làm cho ám muội lòng dân đặng tiện bề cai trị, câu đó là câu hại dân, chớ có ích chi đâu mà phải làm theo (Sđd trang 194).
- Cũng văn Hồ Biểu Chánh, trong tiểu sử "Truyện Chưởng Hậu quân Võ Tánh" có ghi lại việc sau: Một quan thân tình của Nguyễn Ánh đã thu thuế gấp đôi số quy định để bỏ túi một nửa. Võ Tánh khuyên Đông cung Cảnh trình nội vụ. Cảnh sợ bố không dám. Võ Tánh tức điên nói:
"Ngài là Đông cung Thái tử, còn chúng tôi đây là bọn trung thành của vua. Hễ trong nước có xảy ra việc gì không phải, thì chúng ta phải tâu cho Hoàng thượng hay liền. Nếu Hoàng thượng ra lịnh bất minh, chúng ta cũng cứ nhắm mắt bịt tai mà thi hành, không kể chi quấy phải, dường ấy sao gọi là con thảo trong nhà, sao gọi là Tôi ngay trong nước. Nếu ngài không chịu tâu với Hoàng thượng thì tôi với Tôn Thất Hội tâu. Chúng tôi không lẽ làm thinh được, bởi vì thấy vua làm sai mà tọa thị điềm nhiên, thì là trái đạo làm Tôi lắm".
- Tân Dân Tử trong lịch sử tiểu thuyết "Gia Long tẩu quốc" có kể lại sự việc sau: Đỗ Thành Nhơn, tư lệnh quân đội của Nguyễn Ánh, để tăng cường hải quân chống Tây Sơn, cho lệnh dân Trấn Biên (các tỉnh miền Đông Nam Kỳ) đóng 51 thuyền chiến. Sau đó lại bắt góp ngay 3.000 hộc lương cho đội thuyền này.
Quan địa phương này vẫn là người phe đảng của Đỗ Thành Nhơn ỷ thế cậy vai, thừa dịp ấy mà ép buộc nhân dân, chẳng những bức bách hiến nạp quân lương mà thôi, lại còn kiếm chuyện hà lạm bạc tiền, đặng bỏ cho đầy túi, bằng ai bất tuân mạng lịnh, thì phải bị khảo kẹp giam còng và làm nhiều điều rất hà khắc thảm khó, lại sai một đạo quân đi rảo các làng các xóm, coi nhà nào lúa nhiều, thì thâu năm bảy chục hộc, một đôi trăm, coi nhà nào có năm mười giạ để chi độ vợ con, thì cũng ép mỡ rán dầu, mà tóm thâu sạch hết.
Lúc đó, có quan huyện lệnh Đặng Hữu Tâm thương dân nghèo tới hoãn và miễn giảm cho dân thì bị Đỗ Thành Nhơn không những không nghe, còn khép Tâm vào tội vi phạm quân lệnh mà xử tử. Tức quá, huyện lệnh Tâm mắng Đỗ Thành Nhơn như sau:
- Đỗ Thành Nhơn hỏi mi, mi làm một chức Quận công thượng tướng là một bậc cha mẹ của nhơn dân, sao mi chẳng biết bảo hộ dân nghèo, xót thương kẻ khó, nhơn dân là ích tử của Triều đình, là cội rễ của nhà nước, nếu không có dân thì mi làm quan với ai?
Đó là điểm về tam cương, còn ảnh hưởng của Tam tòng ở vùng đất mới ra sao?
Điểm đầu tiên cần ghi nhận là các nhà nho và các nhà văn Tây học có Nho học vẫn rao giảng thứ đạo lý kiểu Nguyễn Đình Chiểu: "Gái thời tiết hạnh là câu trau mình". Các nhân vật nữ của các vị ấy vẫn đua nhau thủ tiết - dù phải trả giá bằng sinh mạng mình: Kiều Nguyệt Nga của Lục Vân Tiên, Nhan Khả Ái của Phan Yên ngoại sử, Ngọc Sương của Gia Long tẩu quốc, Bạch Thu Hà của Giọt máu chung tình...
Nhưng trong khi nhân dân Nam Kỳ vẫn say sưa kể Lục Vân Tiên cho nhau nghe, Vân Tiên vẫn bảo Nguyệt Nga:
"Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái ta là phận trai..."
thì nhân dân vẫn xì xào truyền khẩu hai câu sau:
"Vân Tiên ngồi núp bụi môn,
Chờ cho trăng khuất sờ l... Nguyệt Nga"
Đối với các nữ nhân của giới lưu dân khai hoang, nhất là phía Việt Nam, thì cái thứ tiết hạnh, tam tòng tứ đức của các cụ nho, chỉ là truyện nặng về sách vở, không phải họ "hư" hơn gái Bắc gái Trung, chưa ai dám nói như vậy, nhưng cuộc sống khai hoang - cuộc sống này bây giờ vẫn còn tiếp tục tồn tại ở U Minh, Đồng Tháp... và các vùng kinh tế mới - không cho phép họ cư xử như các cụ muốn.
Trong cuộc sống khai hoang hoặc có chiến tranh liên tục, đàn ông thường xuyên vắng nhà. Sấu dưới sông giơ miệng táp, cọp về vườn, rắn vào nhà, người nữ khai hoang đương nhiên xông ra chiến đấu bảo vệ con, bảo vệ mình. Không thể có mục phu xướng phụ tùy, mà chỉ có sự phân công hợp lý giữa nam và nữ. Người nữ thực hiện phần việc của mình, không hề có mục ăn bám, hoặc phụ thuộc kinh tế vào người nam. Do đó bình đẳng với người nam hơn bất cứ nơi nào ở Việt Nam. Tứ đức thì còn tạm thông qua, chứ tam tòng thì khỏi có.
Người ta có thể nhận thấy hiện tượng này nơi phụ nữ Hoa Kỳ. Trước 1945, ngay dân các nước Âu châu còn ngạc nhiên trước sự bình đẳng của phụ nữ Mỹ: chồng đi làm thì vợ cũng đi làm, ăn xong thì chồng phụ vợ cùng rửa bát. Cảnh một nam nhi Hoa Kỳ lau nhà, bế con thay cho vợ là cảnh thường có và mọi người đã cắt nghĩa hiện tượng này bằng sự kiện Hoa Kỳ là một đất nước tạo bởi các lưu dân tự nguyện, là xứ sở xây dựng bởi những con người khai hoang. Xem những phim cao bồi chống da đỏ trước đây, những cảnh đàn bà cầm súng chiến đấu cạnh nam nhân là thông thường.
Vậy các người nữ khai hoang không thể là các nhân vật nữ ẻo lả, mình mai vóc hạc gió thổi bay, hơi một tí thì ngất xỉu hay sướt mướt ướt đẫm bảy khăn tay. Họ khẳng định họ là những con người, người nữ tất nhiên, khỏe mạnh, bằng xương bằng thịt. Đọc các truyện của các nhà văn miền Nam người ta đều thấy các nhân vật nữ đầy sức sống và có khả năng chiến đấu - như đàn ông. Họ đã là như thế từ lâu.
2. Chống lại một chính sách đồng hóa về văn hóa:
Đạo lý truyền thống dân tộc dựa trên nho học, tuy được hiểu khác đi cho thích hợp với hoàn cảnh vùng đất mới, vẫn rất sống động mãnh liệt nhờ những giao lưu văn hóa từ dưới với dưới, với cộng đồng người Hoa. Đạo lý truyền thống dân tộc dựa trên Nho học còn trở thành một ý thức đối kháng đặc biệt của các tầng lớp trên chống lại một chính sách đồng hóa thâm độc nhằm xóa bỏ văn hóa truyền thống và tiêu diệt dân tộc. Trong những chương sau về lịch sử tiểu thuyết, chúng tôi sẽ chứng minh việc viết sử ký, tiểu thuyết lịch sử nhằm mục đích làm cho người dân miền Nam đừng quên quá khứ dân tộc, do đó người ta thấy xu hướng trội bật của các thể loại này nói chung dù ảnh hưởng lối viết truyện Tàu hay Tây phương đều có nội dung phản ảnh đạo lý truyền thống dân tộc dựa trên Nho học. Chúng tôi cho rằng không thể giải thích được sự kiện này nếu không đặt vào hoàn cảnh chính trị có mối đe dọa không những chỉ mất độc lập về chính trị, mà nhất là mất gốc về văn hóa.
Thời Nguyễn Đình Chiểu, thời xâm lược, các nhà nho tẩy chay cả việc sử dụng những đồ dùng như xà bông, không phải vì không thấy những tiện nghi, giá trị thực dụng của những đồ dùng đó, nhưng vì những giá trị thực dụng đó đang được lợi dụng gắn liền với ý đồ biện minh cho việc xâm lược nên phải chống, tẩy chay tất cả những gì Tây đem lại (13).
Thời bình định, khai thác thuộc địa, những người trí thức tây học không phải là không biết, không phục những giá trị tinh thần tư tưởng của văn hóa Pháp, văn hóa Tây phương nhưng khi những giá trị đó bị lợi dụng gắn liền với một chính sách đồng hóa tiêu diệt bản sắc dân tộc; Họ không thể không chống lại. Nhưng không thể chống lại bằng cách đả kích văn hóa Tây phương vì bản thân nó có những giá trị tốt, phổ biến, cũng không thể chống lại bằng cách tố cáo những lợi dụng chính trị của nhà cầm quyền Pháp vì đã chấp nhận làm báo, viết sách công khai hợp pháp.
Vậy chỉ còn cách là không nói đến, bỏ quên bỏ qua văn hóa Tây phương và đề cao văn hóa truyền thống dựa trên Nho học.
Đường lối chống đối này có vẻ thuận lợi khi chính người Pháp phải điều chỉnh chính sách đồng hóa triệt để của họ. Sau khi nhận được những báo cáo báo động tình trạng vô kỷ luật, sa sút đạo lý, ảnh hưởng đến an ninh trật tự công cộng do một chương trình chỉ dạy những kiến thức thông thường bằng quốc ngữ, mà không dạy những kiến thức đạo lý vì những kiến thức này chỉ có trong các sách bằng chữ nho là thứ chữ người Pháp đã bãi bỏ cấm dạy vì nó dựa vào ý thức về đạo lý dân tộc dựa trên Nho giáo, nhà cầm quyền Pháp bắt buộc phải cho soạn những sách giáo khoa bằng quốc ngữ dạy đạo lý Nho giáo, vì không thể thay thế bằng đạo lý dựa trên Thiên chúa giáo mà chính họ không ưa thích (bản thân họ là những người vô thần chống giáo sĩ phu, theo tam điểm...) và dân chúng cũng chưa chấp nhận mặc dầu chỉ trong giới Công giáo, việc học chữ quốc ngữ không gây ra môt khủng hoảng đạo lý vì giáo lý, Hành các Thánh v.v... đã thay thế cho đạo lý Nho học.
Những ông đồ Nho Tây học đã lợi dụng sự nhân nhượng, hòa hoãn này của người Pháp để soạn và xuất bản rất nhiều sách giáo khoa, thơ, truyện noi gương đạo lý của các danh nhân để phục vụ đường lối không phải chỉ đề cao đạo đức nói chung như người Pháp muốn, mà là đề cao đạo đức truyền thống dân tộc dựa trên Nho học.
Nhận xét của Phạm Quỳnh về người Nam mất gốc có đúng một phần. Điều đó chứng tỏ chính sách của người Pháp thâm độc và hiệu nghiệm, đồng thời cũng không đúng, chỉ hời hợt bên ngoài, vì rất nhiều trí thức vùng đất mới chỉ nói tiếng Tây, cư xử như Tây ở ngoài xã hội, còn về gia đình, có thể họ vẫn giữ nhiều tập tục xưa cũ mà ngay miền Bắc không còn nữa.
??? nhất là họ vẫn am hiểu, thông thạo nho học. Do đó ở vùng đất mớ sau nửa thế kỷ thuộc địa, dưới chính sách đồng hóa, vẫn không thấy xuất hiện một Tú Xương than trách về số phận Nho học hoặc thấy một phong trào phê phán đả kích Nho học, bị coi là lỗi thời, ngăn cản đà tiến hóa, đòi hỏi canh tân, phát triển.
Ở vùng đất cũ thời kỳ này, mới chỉ sau 30 năm bảo hộ, chế độ thi cũ vẫn còn được duy trì, đa số trí thức vẫn là nhà nho, một vài người trong số đó biết chút ít chữ Pháp, lại có xu hướng bài nho. Từ "nhà nho" có nghĩa xấu xa, miệt thị. Đông Dương tạp chí, bộ I vào những năm 1913-14, có nhiều bài phê phán phong cách nhà nho như loạt bài "Nhà nho" từ các số 82, 83, 85... của một người tự xưng là nhà nho đã viết: "Cái tiếng nhà nho là một tiếng nhạo báng, một tiếng rất khinh bỉ, rất đê tiện, vì những tật xấu của nhà nho như: tính lười nhác, tính dút dát, hay nghĩ chuyện viển vông, tính cẩu thả v.v... Miệng thì vẫn lẩm nhẩm nói rằng: vạn sự xuất ư nho, mà tư tưởng hiện nay thì nhà nho ta không được việc gì ích cho đời là mấy. Chẳng những là làm ruộng kém sức, đi buôn kém tiền, làm thợ thì chẳng biết nghề gì, mà đến những việc không phải dùng đến tiền đến sức, chỉ dùng bằng trong nghề thường nhà nho ta xưa nay như thiên văn, địa lý, toán số, y khoa, kể ra cũng không việc gì có ích, vả lại không nghề gì là biết cho tinh tường, chẳng qua chỉ biết lỏm bỏm ít nhiều, đã tự đắc là hay giỏi. Thiên văn nọ khải minh thái bạch, đông phần nào chủ nắng chủ mưa, địa lý kia hổ thủy long sơn điểm huyệt ấy phát đình phát phủ, thậm chí tính thái ất mà việc cách sau năm trăm năm cũng biết, trong địa tâm mà vật ở dưới ba thước đất cũng hay, thì nói khí ngoa quá. Thuốc tự xưng là Hoa Đà diệu thủ, mà người bụng báng đoán sai ra bụng mang thai. Bởi tự đắc là giả hạc chính chuyên, mà gái chồng còn đoán lầm ra chồng đã chết, thế mới ngộ nữa. Ấy là nghề tay trái của nhà nho mà thường đã hồ đồ thế, huống chi là việc khác".
Sau đó hơn 10 năm, Tự Lực văn đoàn ra đời, tiêu biểu cho giới trí thức Tây học hoàn toàn, còn mấy ai trong giới này biết chữ nho và cảm phục nho học?
Vậy là có sự khác biệt về lối nhìn, đánh giá nho học ở vùng đất cũ và đất mới. Sự khác biệt này chắc hẳn bắt nguồn từ những nguyên nhân, điều kiện khách quan khác nhau quy định.
--------------
Chú thích
(1) Đất Việt phỏng vấn giáo sư Phan Huy Lê. Báo Đất Việt số 3 năm 1986 CANADA.
(2) Phạm Quỳnh: Một tháng ở Nam Kỳ - Nam Phong số 17 năm 1919.
(3) Miscellanées số 9 Janvier 1889 Jayon trang 4.
(4) Nam Kỳ nhựt trình, năm thứ 2, số 80 ngày 11-5-1899 Saigon trang 1265-1267.
(5). Rapport sur la situation politique de la Cochinchine pendant le 4è trimestre 1911. Cabinet du Gouverneur No 74 Saigon 2/2/1912.
(6). Những bảng thống kê đối chiếu này chỉ có giá trị gợi ý mà thôi.
(7, 8) Paul Vial: Les premières années au Tonkin, tích lại của Phan Khoang, trong bài "Những biến chuyển đầu tiên trong xã hội Việt Nam khi tiếp xúc với văn minh Âu Tây. Bách khoa số 67 ngày 15/10/1959 trang 18-19.
(9). Nhà xuất bản Thành phố HCM 1983.
(10). Nhà xuất bản Công an Nhân dân Hà Nội 1985.
(11). Theo báo cáo của Tham biện Gia Định. Hồ sơ E.03 trích lại theo Tạ Chí Đại Trường trong "Người lính và cơ chế thuộc địa Nam Kỳ". Bản thảo trang 96.
(12) Trích trong Việt sử: Xứ Đàng trong 1558 - 1777 của Phan Khoang.
(13). Dĩ nhiên khi cuộc chiến đấu không còn nữa, mà vẫn tiếp tục thái độ tẩy chay cả ý nghĩa chính trị thì có thể trở thành bảo thủ...

No comments: