Thursday, September 29, 2011

299. NHÂN VĂN GIAI PHẨM

TINH THẦN NHÂN VĂN GIAI PHẨM
Phạm Văn Thanh
Đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tố Hữu được coi như là một nhà thơ cách mạng, đóng góp công lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tố Hữu cũng là nhân vật đầu não, thực thi kế hoạch triệt hạ nhóm văn nghệ sĩ yêu quê hương chân chính muốn đòi quyền làm người, công khai thách thức chế độ trong những bài văn thơ đăng trên Nhân Văn Giai Phẩm. Nghĩ đến vai trò của người cầm bút trước hoàn cảnh tối tăm của quê hương, chúng ta đọc văn đoán người lược qua sự nghiệp một nhà thơ đỉnh cao của Đảng CSVN trong việc bịt miệng tiếng nói bất khuất của những văn nghệ sĩ yêu nước thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm hơn nửa thế kỷ qua. Từ đó chúng ta có thể rút tỉa vài kinh nghiệm khả dụng cho vai trò của văn nghệ sĩ trong hoàn cảnh đất nước hiện nay như phương cách xử dụng văn chương giải độc những gì CS tuyên truyền cũng như minh định chính nghĩa quốc gia trong cuộc đấu tranh giải thể chế độ CSVN.

Tôi thích thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Quang Dũng, Yên Thao... Tôi thích văn của Tự Lực Văn Đoàn, của Nguyễn Tuân, Tô Hoài... Tôi thích những bản nhạc của Phạm Duy, Văn Cao... và nói chung, những sáng tác văn nghệ của thời kỳ trước năm 1950. Sau ngày đất nước chia đôi bởi Hiệp Định Genève 1954 do sự cấu kết giữa Cộng Sản và Thực Dân Pháp, một số các văn nghệ sĩ tôi yêu mến đã di cư vào Nam và trong điều kiện tự do, những văn nghệ sĩ này vẫn bền bỉ sáng tác và sinh hoạt văn nghệ đều đặn dưới thể chế tự do. Ngoài những văn nghệ sĩ đứng về hàng ngũ quốc gia di cư vào Nam, một số khác đã tự nguyện ở lại phục vụ chế độ Cộng Sản hoặc bị kẹt lại miền Bắc ngoài ý muốn. Mỗi lần nhớ đến vụ án Nhân Văn Giai Phẩm liên hệ đến một số nhà văn, nhà thơ tiền chiến trước kia tôi yêu mến, tôi lại ngậm ngùi cho số mệnh đất nước và kiếp sống dân Việt miền Bắc. Văn hóa trước Thế Chiến Thứ Hai đầy tình cảm, mộng mơ, lãng mạn bị chế độ CSBV xếp vào loại văn hóa tư sản, nô dịch vì ngoài dấu ấn văn hóa Trung Quốc, nó còn phảng phất âm hưởng những Verlain, Victor Hugo, Beauderlaire, Chateaubrian, v.v. của Tây Phương. Chỉ có văn hóa sau năm 1950 của các văn nghệ sĩ miền Bắc mới được CS công nhận là văn hóa Cách Mạng Vô Sản chính thống nhằm phục vụ giai cấp công nông. Số văn nghệ sĩ tự nguyện ở lại với Đảng đã hân hoan tiếp nhận chế độ, tự nguyền rủa sự nghiệp của họ trước năm 1945, đi chỉnh huấn rồi mang hết tâm huyết phục vụ Bác và Đảng.
Những nhà văn, nhà thơ này trước thời thế mới đã xoay chiều, chuyển hướng sáng tác cho hợp với đường lối chỉ đạo của Đảng. Xuân Diệu hồ hỡi, nhanh chóng thoát xác tự giết chết tâm hồn nồng nàn lãng mạn của ông để viết những câu nịnh Đảng không ngượng ngùng:
Mẹ xưa săn sóc áo cơm
Đảng nay săn sóc còn hơn mẹ nhiều.

và trân tráo nịnh Hồ:
Mỗi lần tranh đấu gay go
Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm
Nghe lời Bác dạy khuyên răn
Chúng con ước muốn theo chân của Người
Chúng con thề nguyện một lời
Quyết tâm thành khẩn...lột người từ đây.
(Bác Dạy, thơ Xuân Diệu)

Rồi trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất, Xuân Diệu đã đấu tố điên cuồng:
Anh em ơi, quyết chung lưng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù
Địa hào, đối lập ra tro
Lừng chừng phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng hôm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống, đọa đầy chết thôi.
(Giết Hết, thơ Xuân Diệu)

Thanh Tịnh mất tính chân thật, chất phác của đời sống nông dân với con trâu, cái cày mà viết lời xúi dục bần cố nông nổi dậy:
Ta là người
Là người có mắt có tai
Tay ta làm mà hàm chẳng nhai
Vì ai?
Vì ai ta nghèo
Đó là cách bóc tô bóc tứ
Trăm điều oan ức
Căm tức
Của ta làm ra phải trở về ta...

Tô Vũ không còn những sáng tác hiền hòa, dễ thương như Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, Tạ Từ mà viết nhạc đấu tố địa chủ:
Hờn căm địa chủ gian ngoan
Địa chủ tham tàn
Già tay bóc lột bần cố nông...

Những bài vè chống Mỹ như:
Em có năm ngón tay
Dùng để đếm máy bay
Của những thằng giặc Mỹ
Rơi trên đất nước này
khích động lòng thù hận Mỹ của trẻ con miền Bắc, nhưng:
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình_thương một, thương ông_thương mười...
Ơn này nhớ để hai vai,
Một vai ơn bác , một vai ơn người!”...
thì người đọc khó hiểu được quan niệm đối với gia đình, thân thuộc và quốc gia của Tố Hữu ra sao. Thật ra, Hồ Chí Minh còn nhận lệnh và ân sâu của Cộng Sản quốc tế để gây cuộc chiến tương tàn tại VN hầu mong nuốt trọn miền Nam thì một đầy tớ trung thành với Hồ và chủ thuyết Cộng Sản như Tố Hữu không tôn sùng Stalin và thương tiếc hắn gấp mười lần cha mẹ đẻ ra mình sao được? Một người Cộng Sản chính gốc, trung thành với chủ thuyết Cộng Sản và tìm đủ mọi cách nịnh bợ lãnh tụ để tiến thân bất kể liêm sỉ thì vọng ngoại là một điều tất nhiên khi Tố Hữu đã chấp nhận thi hành vô-điều-kiện chủ nghĩa nhuộm đỏ thế giới do Nga-Hoa đề ra.

Con người vô sản CSVN đã coi Cộng Sản Quốc Tế Nga-Hoa là cha mẹ, thế giới CS là chính quê hương của mình và chủ nghĩa CS là siêu việt. Là một thi sĩ nòng cốt của chế độ CSVN, Tố Hữu đã tận tình giao phó cả xác hồn phục vụ chế độ CS và may mắn hơn nhau chỉ một chữ thời như thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã nói, Tố Hữu đang từ một thi sĩ nghèo, tận dụng tài năng nịnh hót Đảng và Bác để dần dần leo lên tới đỉnh cao danh vọng: Ủy Viên Bộ Chính Trị và rồi Phó Thủ Tướng Thường Trực Chính Phủ. Tố Hữu gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1938 khi ông được 18 tuổi, bị Pháp bắt tù đầy 3 năm rồi vượt ngục năm 1942 và từ đó hiến cả đời cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng đất nước, xây dựng chủ nghĩa Cộng Sản với vai trò văn-hóa-vận trong mặt trận động viên tư tưởng cán bộ của Đảng. Dù rằng, ý tưởng trong những bài thơ của Tố Hữu tựu trung như lời kêu gọi, tuyên truyền cho Đảng, ca tụng tài đức lãnh tụ CS không biết ngượng, nhưng ông đã tích cực dùng văn thơ của mình tạo thành sức mạnh cho chế độ trong giai đoạn kháng Pháp. Tố Hữu được coi như phát-ngôn-viên chính thức của Bộ Chính Trị cho nên lời ông nói có giá trị như phản ảnh tư tưởng của Bộ Chính Trị Cộng Sản Bắc Việt. Khi Tố Hữu nhân danh chủ nghĩa CS triệt để đề cao những nguyên tắc phục vụ Đảng bằng mọi giá thì mọi bất đồng, mọi phản kháng đều bị chụp mũ cho danh từ lạc hậu, phản động và bị trừng trị thẳng tay. Để chứng tỏ mình xuất thân từ giai cấp vô sản Tố Hữu viết:
Tôi là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh vạn mái đầu em bé
Không áo cơm cù bất cù bơ...
(Từ Ấy, thơ Tố Hữu)

Nhiều bài thơ của Tố Hữu, phải công nhận đượm hồn thơ, nhưng có những câu thật khó hiểu, chẳng phải vì ý thơ quá cao siêu hay chữ dùng không phổ quát mà là tâm hồn vọng ngoại, nịnh bợ quan thầy kỹ quá tuy gói ghém trong những vần thơ giản dị nên đọc lên, chẳng ai cảm thấy rằng tác giả còn giữ chút truyền thống Nho Giáo Việt Nam trong người:
Sta-lin! Sta-lin!
Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin ...
Có câu trào tràn xúc cảm:
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột, xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, ông đã làm sao mất rồi!
Tuy thế, nhiều câu thơ đọc lên chúng ta nghe mất gốc, vọng ngoại và tôn thờ lãnh tụ đàn anh Cộng Sản như thần thánh:
Ông Sta-lin ơi!
Ông Sta-lin ơi!
Hỡi ôi ông mất! Đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình_thương một, thương ông_thương mười
Tố Hữu đã góp công đầu trong kế hoạch diệt trừ tư sản trí thức đặc biệt là phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (1956-1958). Tư tưởng Tố Hữu kết chặt với tư tưởng CS và theo sát giáo điều CS một cách trung thành. Ông cưỡng bách con người bỏ tinh thần sáng tạo mà cúi đầu tuân phục, ngưỡng mộ, tôn thờ giáo điều CS tuyệt đối một chiều như ông. Có lẽ, người CS không dám mở toang cánh cửa giáo điều, hạ bức màn tre bưng bít sự thật về chế độ xuống vì sợ rằng một khi ánh sáng chân lý ập vào chế độ thì những tội ác, những cái xấu, rỗng tuếch, tầm thường của chế độ sẽ bị phơi bày trước mắt nhân dân. Vì thế, ông tuyệt đối lên án thành phần tiểu-tư-sản, đặc biệt những nhà văn, nhà thơ trí thức mang trong tâm hồn tư tưởng khai phóng, khoáng đạt của giai cấp tiểu-tư-sản thời tiền chiến. Tố Hữu chỉ muốn thấy tư tưởng văn nghệ sĩ Việt Nam phải nô lệ vào những tư tưởng giáo điều CS và đối với những ai có tư tưởng khác họ_ bị trừng phạt chẳng chút xót thương. Xây dựng chủ nghĩa, chế độ CS đã giết hại hàng mấy trăm ngàn dân mà họ quy chụp là cường hào ác bá, phản động, tư sản trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất (1950-1952) và rồi thêm mấy trăm ngàn dân trí thức vô tội trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa (1956-1958) đã nâng tổng số dân lành bị chế độ CS giết hại lên đến, có thể trên một triệu người.
Mãi đến năm 1956, Nhân Văn Giai Phẩm mới chính thức xuất hiện. Những nhà thơ, nhà văn bất khuất Phan Khôi, Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, v.v. đã chợt thức tỉnh sau những năm dài bị chế độ CS xiềng chặt tri thức. Lương tâm người cầm bút đã vùng dậy, bứt phá gông xiềng giam hãm, diễn đạt trung thực tư tưởng nhân bản của những sĩ phu trước bạo lực của chế độ đương quyền. Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm ý thức được sứ mạng cao cả của lương tâm kẻ sĩ cầm bút, chối bỏ ân huệ từ giai cấp cai trị để dõng dạc cất cao tiếng nói chân chính của người dân yêu nước, yêu tự do và quyền làm người. Suốt mấy năm dài, những tên tuổi như Quang Dũng, Hữu Loan, Yên Thao, Trần Dần, Phùng Quán... mà một thời tôi ngưỡng mộ vẫn giữ tròn tiết tháo, dù gắng mưu sinh trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhưng tâm hồn phóng khoáng như thuở nào:
Nếu tôi chưa đến ngày thổ huyết
Phổi tôi còn xâu xé mãi_ lời thơ
Tôi có thể mặc thây_ ngàn tiếng chửi tục tằn
Trừ tiếng chửi: Sống không sáng tạo!
(Hãy Đi Mãi, thơ Trần Dần)
Những nhà thơ, nhà văn thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm phản kháng tư tưởng CS nhân danh con người với những quyền làm người căn bản để nói lên tiếng nói đại diện cho nhân dân đang bị chế độ kềm kẹp. Chính Tố Hữu trong bản báo cáo Qua Cuộc Đấu Tranh Chống Nhóm Phá Hoại Nhân Văn Giai Phẩm đọc ngày 5/6/1958 tại Hà Nội đã khinh khỉnh nhận định: "Tiểu-tư-sản vốn là giai cấp bấp bênh, sống trong cái bé nhỏ, cận thị của mình nên thường không thấy mà cũng không giám thầy sự thật gay gắt. Khi cá nhân bị đụng chạm thì hăng lên một lúc, có thể rất tả nhưng khi được thỏa mãn phần nào, hoặc khi vấp ngã đau, thì lập tức chùn lại, rất sợ cái gì đổ vỡ. Cái hăng ấy nhiều khi chỉ là biểu hiệu của cái sợ. Miệng hùm gan sứa chính là tính chất của người tiểu-tư-sản." Tố Hữu đã miệt thị tầng lớp thanh niên trí thức tiểu-tư-sản nhằm o bế, đánh bóng thành phần công nông, giai cấp vô sản, cho thành phần này uống nước đường để dễ xúi dục họ bạo động hoặc mù quáng hi sinh cho Đảng. Thật ra, khi mà các lãnh tụ Cộng Sản còn bôn ba hay ẩn náu trong hang hóc trong rừng, trên núi, khi mà những sư đoàn chính quy đầu tiên của Quân Đội Nhân Dân như 304, 308, 312 chưa xuất hiện thì từ đầu thập niên 1940s, Trung Đoàn Thủ Đô, Trung Đoàn Ký Con đã là tập hợp những thanh niên tiểu-tư-sản trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh kháng chiến chống Pháp. Những người yêu quê hương chân chính ấy đã từ bỏ chăn êm nệm ấm ra đi với hoài bão mang tự do độc lập về cho quê hương và ấm no hạnh phúc cho dân chúng. Ngồi yên sao được, khi mà gót giầy săng-đá của những tên lính Lê Dương hàng đêm vang trên đường phố và hồi còi tuần tiễu thường trực đánh thức màn đêm thì nó cũng thúc dục tinh thần trách nhiệm đòi lại quê hương của những thanh niên yêu nước dấn thân đáp lời kêu gọi của núi sông như lời thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
Trả ta sông núi! từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha.
Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ:
Không đòi, ai trả núi sông ta!
(Trả Ta Sông Núi)
Những chàng trai lý tưởng thời chiến ấy đã ra đi với hào khí ngút trời của những anh hùng con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... Họ đành đoạn bỏ lại em thơ, mẹ già chỉ vì không thể nhìn những người lính viễn chinh:
Ngày anh đến đây
Thành Đà Nẵng tan hoang vì đại bác
Xác anh hùng Đinh, Lý hóa tro bay!
Giữ Gia Định, Duy Ninh liều mạng thác
Ôm quốc kỳ tử tiết giữa trùng vây!
Phan Thanh Giản nuốt hờn pha thuốc độc
Bởi xâm lăng bắt nhượng nước non này
Và Thăng Long máu hòa bao lớp đất
Thất kinh thành Hoàng Diệu ngã trên thây
(Một Thế Hệ Mấy Vần Thơ, Thế Phong)

Họ rũ áo ra đi vì hoàn cảnh tang thương của đất nước:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Chó ngao một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn
Âm dương chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan nát về đâu?
Những nàng môi đỏ quết trầu
Những cụ già bay tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu, về đâu?
(Bên Kia Sông Đuống, thơ Hoàng Cầm)
Họ ngậm ngùi bỏ Hà Nội lại sau lưng với ánh lửa chập chờn:
Hà Nội cháy khói lửa rợp trời
Hà Nội hồng ầm ầm rung
Vang trong ta
Tiếng hô xung phong.
(Chính Hữu)

Vì rằng:
Vận nước u trầm tự mấy thu
Muôn dân quằn quại dưới gông tù
Đâu đây vẳng tiếng hờn sông núi
Kêu gọi trung can báo quốc thù
(Nén Hương Nguyền, thơ Đằng Phương)

Đoàn trai tiểu-tư-sản trí thức mang hào khí của những anh hùng, ngoài sa trường, súng ghìm tay, màn sao chiếu đất, vẫn mơ mộng:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
(Tây Tiến, thơ Quang Dũng)
Là dân thời loạn, thất phu hữu trách, người lên tuyến đầu thì người ở lại hậu phương cũng mỏi mòn nỗi nhớ:
Nghe chăng cô gái đô thành nội
Áo trắng an ninh giữa lũy đồn
Xuân sang rấm rức, sầu xuân cổ
Ai điểm trang mà em phấn son?
(Phấn Son, thơ Vũ Anh Khanh)

Ngay từ lúc mới bước chân đi, đoàn trai hiên ngang ấy luôn hi vọng một ngày trở về thủ đô thân yêu:
Rách tả tơi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh hẹn mãi tới khi già
Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại
Theo tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về Trở về chiếm lại quê hương.
(Chính Hữu)

Để rồi sau năm năm biền biệt chiến đấu nơi bưng biền, đuổi được giặc Pháp ra khỏi Bắc Việt khi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước. Cuối năm ấy CS tiếp thu Bắc Việt. Tiễn người lính Pháp viễn chinh lên tàu về nước, người dân sung sướng nhắc nhở:
Việt Nam: nước của tôi!
Sông sâu, đồng rộng
Trái tốt, hoa tươi
Hà Nội kinh thành trang chiến sử
Sài Gòn đô thị rạng anh tài
Phú Xuân bừng chói gương ưu quốc
Nghĩa nặng tình thâm vạn thuở nay
Việt Nam: nước của tôi!
Già như trẻ
Gái như trai
Chết thì chịu chết
Không cúi lòn ai
Tham lam, ai muốn vô xâm chiếm
Thì giặc vào đây, chết ở đây.
Việt Nam: nước của tôi
Ruộng dâu hóa bể
Lòng chẳng đổi thay
Dầu ai cắt đất chia hai
Cho trong đau khổ, cho ngoài thở than
Dầu ai banh ruột, xẻ gan
Cho tim xa óc, cho nàng lìa tôi
Thì anh cứ nhớ một lời:
Ngày mai thống nhất, liền đôi bến bờ.
(Một Thế Hệ Mấy Vần Thơ, Thế Phong)

Cuối năm 1954, trong đoàn bộ đội về tiếp thu Hà Nội, Trần Dần bước đều trong hàng quân diễn hành giữa phố phường, lòng tràn ngập niềm kiêu hãnh:
A! Tiếng kèn vang
Quân đội anh hùng
Biển súng, rừng lê, bạt ngàn con mắt
Quân ta đi tập trận về qua
Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà
Lá cờ ấy là cờ bách thắng...
(Nhất Định Thắng, Trần Dần)
Nhưng rồi, lang thang trong thành phố:
Chị đội bỗng lùi lại
Nhìn đứa bé mồ côi
Cố tìm vết thù địch
Chỉ thấy một con người
(Em Bé Lên Sáu Tuổi, Hoàng Cầm)
Chị bộ đội chợt bừng tỉnh, nhìn ra được con người là một con người, biết rung động chân thành trước nỗi thống khổ của đồng loại, biết nhận chân sự thật như nhà văn Cộng Sản Dương Thu Hương ngày đầu tiên theo đoàn quân CS vào tiếp thu Sài Gòn năm 1975 đã trố mắt ngỡ ngàng trước đời sống ấm no của người dân miền Nam. Dù cuộc sống bình thường ấy chẳng thể so sánh với hào quang rực rỡ của văn minh nhân loại nhưng sự thật phũ phàng bày ra trước mắt khiến bà chợt tỉnh cơn mê quay về tính nhân bản, ngồi bên lề đường khóc nức. Nhà văn nửa đời người trung thành phục vụ chế độ CS đã thật sự phẫn uất, thống hối khôn nguôi vì cảm thấy mình đã bị những kẻ mù quáng vì quyền lợi, quyền lực lợi dụng máu xương cùng lòng yêu nước lừa bịp bao nhiêu năm qua.

Cũng vậy, Trần Dần vào thành, hân hoan ca tụng Đảng như thần thánh, rồi cũng chính Trần Dần đã nức nở nghẹn ngào bước vô hồn giữa phố phường Hà Nội, ngược với giòng người lũ lượt vô Nam mà nghe lòng nhức buốt, đếm từng giọt mưa rơi trên mặt mình để nhận ra sự lầm lạc:
Trời mưa mãi lây dây đường phố
Về Bắc Nam, tôi chưa viết chút nào
Tôi vẫn quyết thơ phải khua gió bão
Nhưng hôm nay, tôi bỗng cúi đầu
Thơ nó đi đâu?
Sao những vần thơ
Chúng không chuyển, không xoay trời dất?
Sao chúng không chắp được cõi bờ?
Non nước sụt sùi mưa
Tôi muốn bỏ thơ, làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn, tôi làm thơ chính trị
Những ngày ấy bao nhiêu thương sót
Tôi bước đi
Không thấy phố
Không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
Trên màu cờ đỏ
(Nhất Định Thắng, Trần Dần)

Trung Đoàn Thủ Đô, Trung Đoàn Ký Con không còn bóng dáng những chàng trai kiêu hùng ấy nữa vì họ đã bị những người Cộng Sản đưa lên tuyến đầu hi sinh cho tổ quốc hết rồi, những chàng trai hào hoa ngày xưa hồn ở đâu bây giờ? mà chỉ còn lại những người lính vô sản:
Ta là người nông dân
Mặc áo lính
Chiến đấu vì giai cấp bị áp bức từ bốn nghìn năm.
Bây giờ, Cộng Sản đã lộ nguyên hình là một nhóm người làm tay sai cho Cộng Sản Quốc Tế, không còn liên hiệp với người quốc gia để chống Pháp nữa. Học khôn từ cuộc liên hiệp giữa Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông trong công cuộc hợp tác chống Nhật, không để Tưởng Giới Thạch "tiên hạ thủ vi cường" diệt thành phần CS của Mao như ở Trung Hoa nên Đảng CSVN đã ra tay trước, triệt hạ những đảng phái quốc gia như Đại Việt, Quốc Dân Đảng, Duy Dân cùng sát hại những người quốc gia yêu nước chân chính như Trương Tử Anh, Hoàng Đạo, Thái Dịch Lý Đông A,... cướp hết công lao cách mạng:
Đảng ta giải phóng nước nhà
Đảng chúng ta là mặt trời
Hồ Chí Minh là mặt trời
Người sáng soi muôn lớp người vùng lên.

Những người tiểu-tư-sản, trí thức trước kia thấm thía nỗi đau của người dân bị trị, thèm khát tự do, dân chủ nên đã tình nguyện dấn thân chiến đấu đòi độc lập cho tổ quốc. Dù họ nhận chân sự thật đã bị Đảng Cộng Sản lừa bịp, lợi dụng máu xương nhưng họ muôn đời vẫn kiêu hãnh đã hiến tuổi trẻ của mình cho tiếng gọi của núi sông trong thời quốc biến những người hồi ấy hiên ngang kháng chiến. Nhưng khi đất nước độc lập rồi, họ không thể cúi đầu chấp nhận gông cùm xiềng xích từ thân thể đến tinh thần do chính chế độ áp đặt. Họ khó thể không ngượng mồm, không xấu hổ, không ân hận khi dùng những lời tuyên truyền một chiều, bưng bít sự thật để lừa bịp nhân dân trong khi sự thật trái ngược hẳn với những gì họ đã chứng kiến, đã kinh qua. Lương tâm của những người cầm bút chân chính không cho phép họ im lặng hoặc bẻ cong ngòi bút xu nịnh chế độ, lãnh tụ mưu cầu một ân huệ nào, mà họ muốn đứng thẳng, vươn cao như những thân tùng cổ thụ. Rồi từ đó, những nhà văn, nhà thơ chân chính dấn thân đòi lại quyền tự do nói lên sự thật, đòi quyền tự do tư tưởng, đòi quyền làm người. Văn nghệ chân chính diễn đạt chân lý như:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
(Lời Mẹ Dặn, Phùng Quán)
Trước những bịp bợm, xảo trá của người Cộng Sản, trước những tham nhũng, bất công, băng hoại của xã hội, xúc động trước nỗi khốn khổ của nhân dân, Phùng Quán, nhà văn bộ đội vô sản nhập cuộc:
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã.
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
(Lời Mẹ Dặn, Phùng Quán)
Và ông đã tả chân về thiên đường Cộng Sản:
Tôi đã gặp
Những bà mẹ già quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo giây thép gai tay máu chảy ròng
Bới đồn giặc trồng ngô tỉa lúa ...
Tôi đã gặp
Những đứa em còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu
Cơm thòm thèm độn cám và rau
Mới tháng ba đã ngóng mong đến Tết
Để được ăn cơm no có thịt ...
Tôi đã đi giữa Hà Nội
Giữa Hà Nội những đêm mưa lất phất
Đường mùa Đông nước nhọn tựa dao găm
Chị em nhân công đổ thùng
Yếm rách chân trần
Quần xăn quá gối
Run lẩy bẩy chui vào hầm xí tối
Vác những thùng phân
Ta thuê một vạn một thùng
Có người không dám vác
Các chị em suốt đêm quần quật
Sáng ngày vừa đủ nuôi con.

Và ông quyết liệt chống lại giáo điều CS:
Tôi muốn đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Những con người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả.
(Chống Tham Ô Lãng Phí, Phùng Quán)
Hữu Loan đề nghị:
Chúng nó còn thằng nào
Là chế độ chúng ta chưa sạch
Phải làm tổng vệ sinh cho kỳ hết mọi thằng
Những người đã đánh bại xâm lăng
Đỏ bừng mặt vì những tên quốc sỉ
Ngay giữa thời nô lệ
Là người_chúng ta không ai biết cúi đầu.
(Cũng Những Thằng Nịnh Hót, Hữu Loan)

Tư tưởng CS được các văn nô CS coi là siêu việt mà lãnh tụ CS được họ thần-thánh-hóa thành mẫu lãnh tụ tuyệt hảo, nhưng thật ra giai cấp thống trị chỉ là nhóm người ù lỳ, thiếu tài thiếu đức, được hưởng nhiều đặc quyền và bóc lột sức lao động của nhân dân tinh vi hơn ai hết. Nếu nói lên sự thật thì:
Do con mắt bé tẻo
Chẳng nhìn xa chân trời
Do bộ óc trây lười
Chỉ một mầu sắt rỉ
Đã lâu năm ngủ kỹ
Trên trang sách im lìm
Do mấy con người máy
Đầy gân thiếu trái tim.
(Em Bé Lên Sáu Tuổi, Hoàng Cầm)
Nhưng bọn văn nô dù có tâng bốc, nịnh bợ nhóm lãnh đạo cách mấy thì những bộ óc trây lười đó vẫn không thể thay đổi chỉ vì họ thừa mứa đạo đức cách mạng nhưng lại thiếu con tim của những người yêu quê hương dân tộc chân chính. Hữu Loan khinh khi:
Chúng nó ngụy trang
Bằng tổ chức
Bằng quan điểm nhân dân
Bằng lập trường chính sách ...
Gặp cấp trên chủ quan
Mũi như chim vỗ cánh
Bụng phềnh như trống làng
Thấy mình đạo đức tài năng hơn tất.
(Cũng Những Thằng Nịnh Hót, Hữu Loan)
Phùng Quán đã thẳng thắn sỉ vả:
Những con chó sói quan liêu
Nhe răng cắn rứt thịt da cách mạng.

Nhóm văn nghệ sĩ Nhân Văn Giai Phẩm đã dấn bước "Đi Mãi" đấu tranh cho tự do tư tưởng, cho nhân quyền không đếm xỉa đến những hậu quả đau thương khôn lường đang chờ đợi họ:
Khi bạo lực còn khua môi mõm mốc xì
Khẩu đại bác mỏi nhừ vẫn sủa
Khi bóng tối còn đau như máy chém,
Những lời ca đứt cổ bị bêu đầu
Lũ đao phủ tập trung hình cụ
Mặt trời lên phải mọc giũa rừng gươm
Khi thế kỷ còn rung chuông lừa bịp
Những canh gà báo trượt rạng đông
Con rắn lưỡi cắn người như cắn ngóe
Khi xe tăng chưa đi cấy, đi cày
Như một lũ tội nhân cần cải tạo
Khi con thò lò ngày đêm hai mặt đói meo
Còn quay tít trên kiếp người hạ giá
Làm sao Đảng có thể chấp nhận chuyện này khi mà sự thật sẽ phanh phui tất cả tội ác của chế độ, khi mà tự do sẽ cho phép con người chân chính chối bỏ thứ văn nghệ chỉ đạo, lừa bịp, nịnh hót đến mất cả nhân tình, nhân tính. Thế nên, Đảng đã hành động quyết liệt để bảo vệ quyền lợi và bảo tồn hào quang cách mạng cùng địa vị lãnh đạo độc tôn trên đầu, trên cổ nhân dân. Tố Hữu đã xả thân khuyển mã làm công việc bảo vệ chủ nghĩa Cộng Sản. Theo Tố Hữu, văn nghệ phải làm sáng tỏ quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin nên phải cải tạo mình kiên quyết, theo lập trường vô sản, tư tưởng xã hội chủ nghĩa, nâng cao không ngừng trình độ chính trị để có thế-giới-quan đúng đắn của chủ nghĩa Marx-Lenin. Thế-giới-quan của chủ nghĩa CS phải chăng là chiến lược xâm lăng thâu mọi nước về thành một thế giới Cộng Sản, do Đảng CS quốc tế lãnh đạo mà CSVN chỉ làm tay sai thực hiện kế hoạch bành trướng chủ nghĩa đó trên toàn nước Việt, trên sinh mạng và sự khốn khổ của người dân Việt Nam? Trong thế giới CS, những văn nghệ sĩ chỉ có quyền nhai lại những tư tưởng cũ rích của lý thuyết Cộng Sản như Marxism, Leninism, Maoism mà không được có óc sáng tạo. Các văn nghệ sĩ miền Bắc từ năm 54 đến 75 không có được những sáng tác giá trị vì thiếu tự do sáng tạo, ý mới, hồn thơ gồm mọi hình thức diễn đạt tình cảm trong đó. Cũng không có nổi một nhân tài văn nghệ vì thiếu đất dụng võ, phát huy tài năng mà chỉ quanh quẩn trong loại văn nghệ gò bó, nô dịch: thần-thánh-hóa lãnh tụ; đề cao giết chóc, khủng bố, đấu tố; khơi động thù hận, thành kiến và tuyên truyền lừa bịp.

Nhưng chủ nghĩa CS không đủ khả năng giam hãm lương tâm những người yêu quê hương chân chính, bạo lực không thể lột lốt người quốc gia yêu nước thành một con người CS được. Nên chi, những người cầm bút thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã ngang nhiên thách thức bạo lực mà dấn thân vào cuộc đấu tranh chống bạo quyền CS trường kỳ với lòng quả cảm và chí kiên trì:
Nếu tôi bị gió sương đầu độc
Một hôm nào ngã xuống giữa đường đi
Tôi sẽ ngã như một người lính trận
Hai bàn tay chết cứng vẫn ôm cờ.
Nếu vầng nhật thui tôi thành bụi
Nắng oan khiến đốt lại làm tro
Bụi tôi sẽ cùng ta vẫn sống
Vẫn chia nhau gió bấc sẻ mưa phùn
Nếu dĩ vãng đè trên lưng hiện tại
Nặng nề hằng tạ đắng cay
Tôi sẽ nổ tung ngàn kho đạn tiếng kêu
Tan xác pháo mọi cái gì cũ rích
Nếu hàm răng chuột nhắt của gia đình
Gậm nhấm cả tình yêu cùng dự định
Tôi sẽ biến thân tôi thành thép nguội
Làm thất bại mọi thứ dũa đã quen dũa người tròn trặn quá hòn bi
Ở trong tôi nếu còn sức mạnh gì
Chính là sức những ai nghèo khổ nhất
Những ai lao lực nhất địa cầu ta
Tôi vẫn nâng chiếc đầu lâu nặng nề sáng tạo
Như nâng một viễn vọng đài
Trên cuộc sống hàng ngày nhí nhách
Tôi vẫn cháy ngọn hải đăng con mắt
Ở trong biển sống từng đêm
Tôi vẫn đóng những câu thơ như người thợ đóng tầu
Chở khách đi về phía trước.
Nói loài người đã biết sống chung nhau.
(Hãy Đi Mãi, Trần Dần)

Ảnh hưởng của Nhân Văn Giai Phẩm thật sâu rộng, những bài văn, bài thơ sáng tác của các thi văn sĩ nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã gây nên, nói theo Nhà Văn Duyên Anh: "một trận cuồng phong chữ nghĩa, thổi bật gốc giáo điều và tư tưởng 'tròn trặn quá hòn bi' của văn nghệ chỉ đạo CS." Nó nêu tinh thần bất khuất trước bạo lực, đạp đổ thành trì tư tưởng, giáo điều. Nó mang theo niềm hi vọng sẽ giật sập chế độ độc tài, đảng trị trong lòng người dân vốn đã khiếp nhược vì bị kềm kẹp, áp bức suốt bao nhiêu năm. Nó gieo rắc niềm tin vào tương lai của một dân tộc và hứa hẹn một đổi mới trong đời sống tinh thần và vật chất người dân. Những người văn nghệ sĩ chân chính dù đoán được số phận thê thảm dành sẵn cho mình vẫn chẳng sờn lòng:

Hãy đi mãi!
Dù mưa băm nát mặt
Sương rơi hơn đạn sướt đau đầu
Dù bốn mùa nhưng nhức nắng mưa
Mùa bão tuyết thế chân mùa gió độc
Hãy đi mãi!
Dù mưa Đông phục kích
Hay lửa Hè đánh trộm sau lưng
Dù những đêm buồn như sa mạc hoang vu
Đoàn du mục tủi thân vùi bãi cát
Dù những ngày mũi kiếm heo may
Đi hành hạ những tâm tư trằn trọc
Hãy đi mãi!
Dù khi cần thiết
Người ta cần đói khát vượt bình sa
Ta bỗng có thể nhịn lâu hơn cả lạc đà
Đi đến tận những kinh thành no ấm
Hãy đi mãi!
Dù có phen trót ngã
Hãy bó đôi chân lở lói mà đi
Hãy tin chắc rồi ta xứng đáng
Một vòng hoa đỏ nhất phủ quan tài.
(Hãy Đi Mãi, Trần Dần)
Nhân Văn Giai Phẩm đã được quảng đại quần chúng yêu mến, ủng hộ và hàng vạn người hàng ngày nô nức đón đọc. Khí thế cách mạng giải phóng tư duy con người bị kềm kẹp đang tràn dâng như cơn nước lũ, cuốn phăng bao rác rưới của chế độ, bao uất hận tâm hồn người dân từng bị gần trăm năm gông cùm dưới bàn tay cai trị của thực dân Pháp. Cao trào đòi quyền làm người như luồng gió hồi sinh mọi thành phần xã hội: từ tuổi trẻ chí người già, thanh niên và thiếu nữ, thành phố đến thôn quê, khiến toàn dân xôn xao, phấn khởi chờ mong thời điểm vùng lên phá đổ thành trì Cộng Sản.

Trước nguy cơ đó, Bộ Chính Trị Đảng CSVN đã hoảng hốt và Tố Hữu đã phải thú nhận:
"Chúng chỉ là một nhúm nhỏ vài chục người trong mấy nghìn văn nghệ sĩ. Mà tại sao chúng lại có thể tác hại như những con chuột khoét lỗ chân đê, gây ra lụt lớn." Và rồi, chẳng hành động đê hèn nào bị bỏ qua, chẳng âm mưu hạ cấp nào không dám làm, Tố Hữu cùng Bộ Chính Trị đã áp lực, ngụy tạo, xúi dục nhân dân lên án nghiêm khắc Nhân Văn Giai Phẩm để mượn cớ đóng cửa giai phẩm này vĩnh viễn, và các nhà văn, nhà báo, thi sĩ phản kháng bị giết chóc, tù đầy trong các trại cải tạo lao động khổ sai. Phan Khôi bị sát hại, Trần Dần, Phùng Quán tù đày, Hữu Loan nhọc nhằn lao động... Lãnh tụ Nhân Văn Giai Phầm là Nguyễn Hữu Đang cùng Nữ Sĩ Thụy An danh tiếng thời tiền chiến nhất định không chịu học tập cải tạo nên bị tống giam vào Hỏa Lò. Khi bị đưa ra tòa án nhân dân, trước vành móng ngựa, Nữ Sĩ Thụy An bất ngờ rút cây kim gài khăn cuộn tóc trên đầu đâm mù một mắt của mình trước sự hãi hùng, kinh ngạc của quan tòa CS. Nữ sĩ Thụy An cao ngạo, dõng dạc tuyên bố: "Tôi chỉ nhìn xã hội CS bằng nửa con mắt." Mãi 20 năm sau, năm 1976, Nữ Sĩ Thụy An và ông Nguyễn Hữu Đang mới được trả tự do. Tố Hữu triệt hạ nhóm Nhân Văn Giai Phẩm xong đã tuyên bố trong buổi họp tại Trụ Sở Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam tại Hà Nội năm 1958 trong Nghị Quyết Của 800 Văn Nghệ Sĩ là: "Chúng tôi vô cùng phấn khởi, ra sức học tập chính trị, học tập lý luận chủ nghĩa Mác-Lê Nin, học tập các đường lối, chính sách của Đảng..."

Gần 50 năm trôi qua kể từ ngày Nhân Văn Giai Phẩm bị chế độ CSVN đóng cửa và nhiều văn nghệ sĩ chân chính thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã bị giết hại, cầm tù hoặc chịu sống đời nhọc nhằn để bảo vệ khí tiết người cầm bút chân chính. Tay đao phủ Tố Hữu vừa ra người thiên cổ, nhưng chế độ Cộng Sản Việt Nam đã có kinh nghiệm về sức mạnh của chữ nghĩa khi những người cầm bút dám viết lên tiếng nói của chân lý, lẽ phải. Do đó, chế độ CSVN chẳng ngại ngùng tung ra hải ngoại kế hoạch văn-hóa-vận với sách vở CS tràn ngập các thư viện Mỹ. Nhiều bộ sách biên khảo đồ sộ do Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội ấn hành sau năm 1975 gồm 40, 50 cuốn, dù viết về thể loại nào, những phần ca tụng Hồ Chí Minh, đề cao chế độ CS phải có trong sách đã làm giảm phần lớn tư tưởng sáng tạo mà phô bày sự nhất trí dù muốn dù không, tuân hành chỉ đạo nhà nước của những trí thức VN sống dưới chế độ CS hiện nay.

Chế độ CSVN có thể đóng cửa giai phẩm, bịt miệng tạm thời người cầm bút như Tố Hữu đã làm, nhưng chắc chắn rằng không thể khuất phục được những người cầm bút có lương tâm chân chính, bắt họ khom lưng làm thơ nịnh bợ lãnh tụ hay tán tụng Đảng một cách không ngượng miệng. Tư tưởng tự do sáng tạo trong văn chương của Nhân Văn Giai Phẩm thật gần với tư tưởng dân chủ của người dân Việt thèm khát tự do đang tranh đấu cho một VN dân chủ và cho quyền làm người của toàn dân. Tự do khai phóng tư duy con người, tính nhân bản xử dụng cảm xúc, rung động dễ diễn đạt chính xác tình cảm, tư tưởng con người và môi trường dân chủ cho chúng ta nhiều điều kiện để phát triển và thực hiện tri hành hợp nhất. Hành động can đảm, bất khuất của những dũng sĩ yêu quê hương, yêu tự do và quyền làm người thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm trước bạo lực Cộng Sản vẫn vươn cao và tồn tại mãi với thời gian.


Hiện nay, dưới chế độ CSVN, chỉ người nào có đủ sĩ khí, chấp nhận tù đầy như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, các anh Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Quế Dương, Trần Khuê,...mới dám nói một cách trung thực những gì mình nghĩ với lòng cương quyết:
Bút tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Là người yêu quê hương chân chính, dù chẳng tấc sắt trong tay, không có nghĩa chúng ta đành thúc thủ, mặc kệ tương lai đất nước như cánh bèo nổi trôi, mà chúng ta phải cùng nhau hành động, gào lên cho rung chuyển sơn hà để tập đoàn lãnh đạo CSVN nghe được những lời tâm huyết:
Trả núi sông ta! lời dĩ vãng
Thiên thu còn vọng đến tương lai.
Trả ta sông núi! câu hùng tráng:
Là súng là gươm giữ đất đai...

Chúng ta hãy tin rằng: Một người dám nói thẳng, nói thật_ bị tù đầy. Hai người dám nói thẳng, nói thật_ bị tù đầy. Nhưng rồi trăm người, ngàn người và hàng triệu người sẽ dám nói và lúc đó_ chính chế độ Cộng Sản không còn dịp tồn tại để nghe những lời nói thật, nói thẳng về khát vọng chính đáng của toàn dân nữa!

Xuân Quý Mùi, 2003
phamvanthanhusa@yahoo.com


VỤ NHÂN VĂN - GIAI PHẨM MỘT TRÀO LƯU DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH TÂN VĂN HỌC KHÔNG THÀNH PDF. In Email
Tiểu luận của Lê Hoài Nguyên, bản mới nhất
Thứ sáu, 08 Tháng 10 2010 18:37
Nhà văn Lê Hoài Nguyên tên thật là Thái Kế Toại, đại tá công an (A 25) đã nghỉ hưu. Nhận được bài ông gửi cho, sực nhớ cách đây hơn 20 năm, nhà thơ Lê Đạt hồ hởi nói về việc Thái Kế Toại mang đến cho bản in thử bài thơ Cửa hàng Lê Đạt từng bị “trên” cho bóc gỡ bát chữ, lại nói thác ra rằng “công nhân nhà in Tiến bộ bất bình với bọn Nhân văn phản động nên đã không in bài thơ này.” vanchinh.net trân trọng cảm ơn Lê Hoài Nguyên và giới thiệu cùng bạn đọc

I – Mấy vấn đề có tính phương pháp luận
Hiện nay còn tồn tại nhiều cách đánh giá về vụ Nhân Văn-Giai Phẩm. Có người cực đoan cho rằng cốt lõi đây là vụ án chính trị phản động không dính líu gì đến văn học, mà chỉ có một số anh em văn nghệ sĩ bị lôi kéo vào, Đảng và nhà nước đã không xử án văn nghệ sĩ (1). Người thì cho là một vụ án văn học, thuần túy oan sai về văn học, để đàn áp văn nghệ sĩ, nhà nước đã biến một vụ việc văn học thành một vụ án chính trị. (2).Tât nhiên là để bảo vệ các khuynh hướng, để đánh giá đúng thực chất của Nhân Văn Giai Phẩm không phải dễ dàng, mà phản bác hoàn toàn cũng cần hết sức thận trọng.
Với tất cả những gì đã xảy ra xem xét vụ Nhân Văn Giai Phẩm nên được đánh giá dưới góc độ là một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách tân văn học không thành thì đúng hơn. Để đi tìm cách cắt nghĩa nó. Gìn giữ những gì nó đặt ra, nó để lại cho đời sống chính trị, cho nền văn học nước nhà. Còn nếu coi là vụ án chính trị phản động thì không cần tốn giấy mực để viết về nó trong lịch sử văn học làm gì.
Xem xét từ cốt lõi các vấn đề chủ yếu, tức là hồn cốt vụ án, tức là hình thái của nó, các điều kiện lịch sử của nó, các nhân vật của nó, các vấn đề nó đặt ra cho xã hội đều thực sự là tư tưởng và văn học.
Vài vấn đề về phương pháp luận:
- Đánh giá Nhân Văn Giai Phẩm như một trào lưu văn học nhưng vẫn phải ghi nhận rằng không có thứ văn học thuần túy văn học. Từ trong thuộc tính của văn học Nhà văn bao giờ cũng là người nhạy cảm và có trách nhiệm trước các vấn đề của thời đại, của dân tộc mình. Như vậy văn học mang tính chính trị theo ý nghĩa đó. Một trào lưu văn học ra đời, trước đó nó đã chịu tác động của thời cuộc, của chính trị. Chính vì lí do đó văn học xứng đáng là một loại hình cao cấp trong các loại hình văn học nghệ thuật.
- Đánh giá NVGP trong tiến trình tư tưởng Việt Nam từ 1945- 1948- 1954- 1960 cho đến 1986- và nay 2010. Tiến trình tư tưởng cách mạng VN có đặc điểm riêng, khi du nhập chủ nghĩa Mác Lênin. Trước khi ngả hẳn , thuần hóa chủ nghĩa Mao, nó có trạng thái lưỡng phân và giao tranh giữa tư tưởng dân chủ với tư tưởng cộng sản, tư tưởng toàn trị với tư tưởng pháp quyền (3).
- Các vấn đề của NVGP đặt ra đều có nguồn gốc từ các thời kỳ trước đó trong tiến trình cách mạng, tiến trình văn học Việt Nam. NVGP xuất hiện vào lúc hội đủ điều kiện cả khách quan và chủ quan. Vì mang tính tất yếu, những gì mà NVGP chưa làm xong thì các thế hệ sau sẽ phải tiếp tục thực hiện sứ mệnh của nó.
- Đánh giá bản chất của NVGP còn phải dựa trên tập quán hành xử chính trị của hệ thống XHCN, của xã hội VN trên cơ sở thể chế hiện hành. Tức là không thể tin cậy vào các lượng thông tin chính thống, vì loại thông tin đó đã bị biến dạng và thường là không phản ánh trung thực, toàn diện bối cảnh xã hội lúc đó, không phản ánh đúng bản chất các con người, sự việc lúc đó. Cần phải tiếp cận NVGP từ nhiều phía, nhiều nguồn tư liệu khác nhau trong và ngoài nước, quan trọng nhất là thông tin của những người trong cuộc, thậm chí cả ở những tác phẩm văn học nghệ thuật sau này phản ánh về thời kỳ này.
- Xem xét vụ NVGP phải lấy việc xem xét nội dung văn bản văn học của nó làm chính, cái nội dung ấy phản ánh tình trạng văn học lúc đó thế nào, chứ không lệ thuộc vào việc nhà nước công bố nó là chống đối, tức chống đối là không có giá trị văn học. Từ trước đến nay những người viết về NVGP gần như theo quan niệm này và đã không xem xét giá trị văn học của các sáng tác của nó trong tiến trình văn học Việt Nam, cùng tham vọng đổi mới nền văn học miền Bắc của nó.
Trước hết có thể khái quát như sau:
NVGP trước hết là một trào lưu tư tưởng, một cuộc cách mạng văn học đòi hỏi dân chủ hóa ở miền Bắc Việt Nam năm 1954- 1960 có nguồn gốc và đã xảy ra trong nội bộ Đảng CSVN, trong bộ máy Chính phủ Kháng chiến chống Pháp do Hồ Chí Minh lãnh đạo trong quá trình đi từ chủ nghĩa dân chủ tư sản đến chủ nghĩa cộng sản hình thái Mao Trạch Đông ( 1948 – 1954), bùng phát vào thời điểm đặc biệt 1955-1957 trên các lĩnh vực triết học, tư tưởng, pháp luật, giáo dục, văn học nghệ thuật, báo chí chủ yếu trên các ấn phẩm báo Nhân Văn , Sáng Tạo, Trăm Hoa, Tự Do Diễn Đàn, Đất Mới- Chuyện Sinh Viên, Văn... và các sách dạng tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu, Giai phẩm Mùa Đông, Sách Tết, Vũ Trọng Phụng...do khởi xướng hầu hết là số văn nghệ sỹ, trí thức tài năng, có nhiều công lao trong kháng chiến chống Pháp, trong quân đội , bị đàn áp và xét xử công khai bằng một vụ án Tổ chức chính trị hoạt động gián điệp lật đổ chính quyền nhân dân với cái tên Nhân Văn- Giai Phẩm, tiếp theo là việc xử lý bằng các hình thức trừng phạt nội bộ với hàng trăm giáo sư, thày giáo, sinh viên, nhà văn, nghệ sỹ điện ảnh sân khấu, nhạc sỹ, họa sỹ, kiến trúc sư, phóng viên, xuất bản , cán bộ lãnh đạo, nhân viên một số bộ ngành, cơ quan nhà nước...
Sau khi bị đàn áp, NVGP không chết ngay lập tức, nó còn tồn tại dai dẳng trong một số sáng tác của Phùng Cung, Hoàng Cầm , Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan...thậm chí cả Nguyễn Chí Thiện (4), nhóm Văn nghệ Chân đất ở Hà Nội những năm 70- 80 (5),cho đến vụ Hoàng Cầm, Hoàng Hưng bị bắt năm 1982 (6), cho đến lúc Đổi mới, trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh cho một số nhân vật chủ chốt của vụ NVGP 50 năm về trước. Còn mục tiêu tự do tư tưởng, tự do sáng tác, dân chủ xã hội pháp quyền, cách tân nghệ thuật mà NVGP đã đặt ra thì vẫn đang là câu hỏi cho các thế hệ người Việt Nam cho đến hôm nay...
Để có thể xem xét vụ NVGP một cách thỏa đáng không bị ràng buộc về khía cạnh vụ án chính trị, tôi chọn cách nhìn nó với tư cách là một trào lưu tư tưởng, một cuộc cách mạng văn học.
II – Các tiền đề dẫn đến vụ NVGP
1- Bối cảnh chính trị Việt Nam 1945- 1954 và những tác động của quá trình Mao hóa hệ tư tưởng phản ánh vào đời sống văn học nghệ thuật.
Phản ánh của các sử gia Việt Nam về Cách mạng Tháng Tám 1945 và giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp là một cách viết sử đơn giản, dường như chỉ lấy mục đích tường thuật các chiến thắng quân sự của chính phủ Hồ Chí Minh với nguồn sử liệu nghèo nàn, một phía, hoặc với những đánh giá không khách quan, thao tác tư duy lịch sử của chủ nghĩa Mác Lê nin. Khác với các sử gia Việt Nam, các sử gia nước ngoài, chủ yếu là phương Tây , có nguồn tư liệu từ hai phía, nhất là hồ sơ của Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Đông Âu, hồ sơ các cuộc phỏng vấn trực tiếp các cá nhân tham gia các sự kiện lịch sử, từ chỗ đứng khách quan với phương pháp tư duy phức tạp hơn họ có thể nhìn ra sự thật tiến trình lịch sử đó dưới nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là sự vận động của hệ tư tưởng ở những người cộng sản Việt Nam đã tạo ra tình trạng phân hóa nội bộ trong giới lãnh đạo và quần chúng, tạo ra các chính sách trước sau mâu thuẫn, các màu sắc chính trị đối ngoại, các vụ án kiểu như NVGP (7)...
Có hai điểm làm cho quá trình Mao hóa hệ tư tưởng ở VN dùng dằng ở trạng thái lưỡng phân trong một thời gian dài:
- Một là trong thời điểm 1945 Việt Minh giành được chính quyền trong tương quan cùng có nhiều lực lượng quốc gia yêu nước tham gia. VM không đủ thế lực quản lý đất nước khi họ chưa có được sự công nhận, hậu thuẫn của phe XHCN, HCM vẫn còn phải tính toán con đường tồn tại trong khối Liên hiệp Pháp. Xu thế này phản ánh trong chính bản Tuyên ngôn độc lập do HCM đọc tai Ba Đình ngày 2- 9- 1945 và trong thành phần chính phủ liên hiệp sau đó. Ngay cả khi cuộc chiến toàn quốc đã nổ ra, 19- 12- 1946, VM lập một chính phủ mới hoàn toàn là của họ nhưng vẫn còn một tỷ lệ lớn là thành phần trí thức do Pháp đào tạo, đã từng cộng tác với chính phủ Trần Trọng Kim, thuộc các đảng Dân chủ và Xã hội, trong đó có các nhân sự chủ chốt của các ngành tư pháp, y tế, giáo dục, xã hội, thậm chí cả một phần công an, quân đội nữa. Phương án muốn duy trì bộ mặt khả ái của chính sách cai trị để đi theo khối Liên hiệp Pháp còn được đẩy mạnh vào các thời điểm giữa năm 1947, giữa năm 1957 khi miền Bắc VN vẫn còn hy vọng hiệp thương thống nhất đất nước(8).
- Quá trình xây dựng nhà nước VNDCCH theo hướng dân chủ bị biến dạng và bị phá vỡ bởi sự thắng lợi của CNXH châu Á ở Trung Quốc. Không phải HCM không thấy hết mặt trái của chủ nghĩa Mao nhưng do rất cần nguồn viện trợ và do Stalin không mặn mà với ông, giao hẳn trách nhiệm cho cách mạng Trung Quốc giúp đỡ cách mạng Việt Nam, ông phải mở cửa cho các cố vấn cộng sản Trung Quốc mang theo chủ nghĩa Mao xâm nhập vào đất nước. Điều này dẫn đến sự lệ thuộc của cộng sản Việt Nam vào cộng sản Trung Quốc, tạo cơ hội cho Mao áp đặt hệ tư tưởng của ông ta lên Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam (9).
Bề mặt của quá trình này thể hiện ở các mâu thuẫn trong nội bộ cộng sản Việt Nam, các cuộc thanh trừng phe phái lúc thì phe thân Liên Xô, lúc phe thân Trung Quốc, ở các cuộc chỉnh huấn, cải cách ruộng đất, tranh luận về văn học, luật pháp, tư pháp, ở các cuộc thanh trừng những trí thức kiên trì với tư tưởng dân chủ mới hoặc CNXH chân chính như Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Mạnh Tường, Dương Đức Hiền, Nguyễn Hữu Đang… Lĩnh vực giải hóa luật pháp và NVGP là điển hình của quá trình đó.
Đối với văn nghệ do cộng sản Việt Nam lãnh đạo Trường Chinh là người đã đưa các quan điểm văn nghệ của Mao Trạch Đông vào hoạt động Văn hóa Cứu quốc từ năm 1943, kiên trì bảo vệ nó cho tới khi đổi mới, đã tạo ra rất nhiều vụ án văn nghệ khác nữa, là nhân tố chính làm cho nền văn nghệ Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền nhưng tụt hậu so với sự phát triển chung của văn nghệ nhân loại.
Trong thời kỳ ban đầu Trường Chinh không thể chi phối được mọi hoạt động của VHCQ do đa số những người thực hiện là các trí thức có ảnh hưởng tư tưởng DCTS. Do điều kiện kháng chiến, VM không thể thành lập bộ máy văn hóa riêng để áp đặt đường lối của mình. Đọc Một nền văn hóa mới của Nguyễn Hữu Đang , Nguyễn Đình Thi viết xong tháng 6-1945 để trình bày trong Hội nghị Quốc dân Tân Trào tháng 8-1945, xuất bản tại Hà Nội cuối 1945, người ta thấy điểm khác biệt cơ bản giữa hai ông và Trường Chinh là yếu tố tư tưởng Dân chủ.
Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi quan niệm:
…để thực hiện nền văn hóa mới, trước hết chúng ta phải củng cố nền độc lập hoàn toàn và làm thực hiện chính thể dân chủ cộng hòa triệt để.
…Ban bố triệt để quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, chính là cởi mở cho văn hóa trở nên sầm uất, và đem một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi vào cái văn hóa bao lâu phải sống trong những phòng ngục chật hẹp, thiếu ánh sáng,thiếu hơi nóng của mặt trời. Sách vở và báo chí được xuất bản tự do, nền văn nghệ của ta mới có thể dồi dào phong phú.
Còn Trường Chinh thì xuyên suốt các văn kiện từ khởi thủy cho đến sau này đều dựa trên các nguyên lý văn nghệ của Mao Trạch Đông, bắt văn nghệ phục vụ chính trị, lấy mục tiêu sáng tạo văn nghệ là phục vụ công nông binh, phục vụ tuyên truyền như là một mệnh lệnh tuyệt đối cho văn nghệ sĩ. Chưa bao giờ thấy ông đưa ra các yếu tố tự do tư tưởng, tự do sáng tác, tự do ngôn luận làm điều kiện cho sự thành công của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Ấy là chưa nói đến phương pháp lập luận của Trường Chinh đầy chất ngụy biện, giả dối, phản khoa học, thực dụng về chính trị. Rất nhiều mệnh đề của ông khi đưa vào vận hành quản lý văn nghệ đều đi ngược lại với tinh thần của nó. Và chính bản thân ông trong một số trường hợp cụ thể đối với một số tác phẩm đã thể hiện thái độ hẹp hòi, thiển cận, quy chụp, trù dập văn nghệ sĩ.
Mâu thuẫn đã bộc lộ ra giữa Nguyễn Hữu Đang và Trường Chinh ngay từ lúc tổ chức Hội nghị VHCQ toàn quốc tháng 10 năm 1946 và có thể nói kết thúc bằng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ II xóa bỏ VHCQ, thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam hoàn toàn theo quỹ đạo của đường lối văn nghệ Maois vào thời điểm tháng 7- 1948 (10). Từ thời điểm này sự rạn nứt trong đội ngũ văn nghệ kháng chiến càng trở nên trầm trọng hơn. Nhiều người bắt đầu bỏ về thành, số lượng nhiều hơn khi các cuộc chỉnh huấn theo kiểu Mao mở ra (11). Số này sau trở thành lực lượng nòng cốt của văn nghệ Sài Gòn : Tạ Tỵ, Mai Thảo, Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Tiến Lãng, Nguyễn Mạnh Côn, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sỹ, Phạm Duy, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Lê Văn Vũ Bắc Tiến ...Trong số VNS ở lại vùng kháng chiến các cuộc tranh luận về tự do sáng tác và dân chủ vẫn còn diễn ra với các ông Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Tô Ngọc Vân, Văn Cao, Sỹ Ngọc...Có khi trở thành đòn đánh nhau công khai như việc phê bình thơ không vần của Nguyễn Đình Thi, tranh lập thể của Văn Cao, Tạ Tỵ...Tuy vậy trong bộ máy của Chính phủ kháng chiến HCM vẫn không có Bộ Văn hóa, Hội Văn nghệ đã phải làm thay chức năng cho bộ này cho tới tháng 2- 1955. Đa số văn nghệ sĩ trong kháng chiến đều gia nhập quân đội và thuộc quản lý của Phòng Văn nghệ quân đội với các chính sách văn nghệ được quân sự hóa dưới sự lãnh đạo của các chính ủy.
Hy vọng về một cuộc sống thoải mái hơn về vật chất và tinh thần sau khi hòa bình lập lại bị héo úa về cuộc Cải cách ruộng đất và những khó khăn trong đời sống, do cách thức quản lý xã hội như hộ khẩu, cải tạo tư sản, thương nghiệp quốc doanh...Trong văn nghệ đó là tệ lãnh đạo chính trị thô bạo, ép buộc tuyên truyền một chiều, tệ bè phái cơ hội, tác phong lãnh đạo hống hách, sáng tác đơn giản sơ lược ...
2 – Bối cảnh quốc tế, cuộc cách mạng dân chủ lần thứ nhất của phe XHCN tác động đến CMDC ở Việt Nam.
Sau 1945 không phải Liên Xô đã hoàn toàn chi phối được chính quyền các nước Đông Âu. Ở một vài nước vẫn còn chính phủ DCTS. Đến đầu những năm 50 các cuộc chính biến cộng sản ở các nước này nổ ra lật đổ các chính phủ DCTS thì mới có được một hệ thống XHCN thuần nhất theo sự lãnh đạo của Stalin.
Cũng như ở Liên Xô toàn bộ các nước XHCN dưới sự chỉ đạo của Stalin đã bộc lộ các mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ lãnh đạo các ĐCS, giữa nhân dân, trí thức, văn nghệ sĩ với ĐCS về các vấn đề pháp quyền dân chủ. Nhiều cuộc đàn áp nội bộ nhằm vào trí thức, văn nghệ sĩ, những người bất đồng chính kiến... Chỉ đợi đến lúc Stalin chết thần tượng Stalin mới bị hạ bệ, bị kết tội về những tội ác đã gây ra trong thời kỳ cai trị Liên Xô bằng chế độ độc tài và các cuộc thanh trừng nội bộ đẫm máu. Trong Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 2- 1956 Tổng bí thư Khơ Rút sốp đã đọc báo cáo tổng kết các tội ác thời Stalin và đề xuất chiến lược mới cho phe XHCN chung sống hòa bình cũng có nghĩa là mở ra cho các nước xã hội chủ nghĩa một thời kỳ dân chủ (12).
Không phải đợi đến khi Khơ Rút Sốp chính thức tuyên bố, ở các nước XHCN đều đã có các yếu tố đòi hỏi phải cải cách dân chủ. Nhưng tiếc rằng khi hoa dân chủ nở rộ ngọn sóng dân chủ đã làm cho các ĐCS ở đây lo sợ về nguy cơ khủng hoảng. Các phần tử bảo thủ đã tìm mọi cách làm cho những người khởi xướng, ủng hộ cải cách do dự rồi lật ngược thế cờ. Một số cuộc nổi dậy bị đàn áp, các văn nghệ sĩ cấp tiến bị xử lý, thậm chí bị kết tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Có thể gọi đó là Cuộc cách mạng dân chủ XHCN lần thứ nhất. Sau hai mươi năm cuộc Cách mạng dân chủ lần thứ hai đã nổ ra cũng khởi đầu từ Liên Xô với ngọn cờ Công khai- Cải tổ của Goóc Ba Chốp Tổng bí thư ĐCSLX và đã dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống XHCN .
Vậy cuộc cải cách dân chủ lần thứ nhất ở Việt Nam chính là Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm một trào lưu tư tưởng, trong đó theo truyền thống Á Đông đặc trưng cơ bản của nó là phản ứng về ngôn từ chứ không phải là một vụ bạo loạn. Tất nhiên khi yêu cầu cách mạng này đặt lên vai văn học thì từ bên trong văn học xuất hiện những yêu cầu thay đổi về hình thức để đáp ứng yêu cầu xã hội.
3- Bối cảnh văn nghệ miền Bắc 1945- 1954.
Nền văn hóa Việt Nam vốn từ vốn từ một nền văn hóa nho giáo trì trệ trong nhiều thề kỷ trung cận đại bắt đầu được hiện đại hóa với chữ quốc ngữ từ giữa thế kỷ XIX, phát triển từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với các cuộc khai sáng, đỉnh cao là du nhập báo chí, hội họa, mỹ thuật, âm nhạc Tây Âu, để có âm nhạc tiền chiến, Thơ Mới và Tự Lực Văn Đoàn. Hai phong trào văn học này làm cho văn học Việt Nam vươn tới một nền văn học có các phương pháp sáng tác của văn học hiện đại thế giới cả về ngôn ngữ, nhân vật, thi pháp biểu hiện, chủ nghĩa cá nhân...
Nếu nói về tiến trình văn học, Cách mạng Tháng Tám 1945 đã làm gián đoạn, nếu không nói là đứt đoạn quá trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam. Ở đây không nói toàn bộ nền văn học mà là bộ phận văn học do những người cộng sản Việt Nam thực hiện quản lí. Các chính sách về VHVN của ĐCSVN bị ảnh hường nặng nề chủ nghĩa Mao, sau nữa là chủ nghĩa Lê nin, Stalin đã đoạn tuyệt gần như hoàn toàn với quá khứ nhất là bộ phận di sản văn nghệ quan trọng nhất, 1930- 1945, đã tuyệt đối hóa chức năng tuyên truyền, lấy quần chúng công nông binh làm mục tiêu , làm thước đo giá trị của văn nghệ, đã thủ tiêu mọi ý tưởng thể hiện nghệ thuật bằng ký hiệu nghệ thuật của người nghệ sĩ. Chính vì vậy người ta mới cường điệu việc tìm đường, nhận đường cho văn nghệ sĩ, gọi nó cuộc lột xác đau đớn, là cuộc sáng tạo mới với câu tuyên ngôn giết chết cái cũ trong con người họ.
Chính vì thế, văn nghệ kháng chiến đã đánh mất nhiều tài năng trong các cuộc chỉnh huấn, các cuộc phê bình tâm hồn tiểu tư sản hoặc phê bình mạt sát các loại hình nghệ thuật hiện đại. Một bộ phận đáng kể trí thức, văn nghệ sĩ có tư tưởng tự do trong đó đa số là gốc Bắc đã ly khai văn nghệ kháng chiến. Còn các văn nghệ sĩ tiền chiến thì co mình lại, hoang mang không biết viết cái gì, vẽ cái gì. Lớp văn nghệ sĩ do công nông binh sinh ra chưa thể trở thành những cây bút có tầm vóc. Nhìn vào chất lượng các Giải thưởng văn nghệ trong kháng chiến thì thấy rõ điều đó, có thể gọi là xuất sắc với vài bài thơ, một vài tiểu thuyết có phần đơn giản.
Bước sang giai đoạn hòa bình trong khi bộ máy quản lí vẫn còn đang theo quán tính cũ, thì cuộc sống đã đặt ra những vấn đề mới.
Cách mạng đã chuyển giai đoạn. Thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, ai cũng biết là một thời kỳ có nhiều biến chuyển sâu sắc triệt để hơn tất cả các thời kỳ cách mạng trước. Cuộc sống thay đổi rất nhanh và một điều làm cho nhiệm vụ của nhà văn trở nên phức tạp hơn, là công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc còn đương tiến hành, khó phân biệt trong đó cái gì đương xây dựng chưa xong, và cái gì đương đổ sụp...
Như Phong- Nhìn lại bước đường đã qua, Tuyển tập Như Phong.
Trong bối cảnh văn học riêng của miền Bắc như thế, trong bối cảnh văn học thế giới, văn học Sài Gòn đang chuyển sang các chủ nghĩa hiện đại, bối cảnh cuộc cách mạng dân chủ của toàn phe XHCN tất các văn nghệ sĩ phải đặt ra việc cách tân văn học cả nội dung và hình thức. Đặc biệt của NVGP là sứ mệnh cải cách lại do chính những trí thức, văn nghệ sĩ con đẻ của cách mạng, những người đã ở tuyến đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp khởi xướng.
Nếu cố thoát ra khỏi lối mòn, nhìn theo tiến trình phát triển văn học thế giới, có thể thấy rằng ở Việt Nam nhóm thơ Xuân Thu Nhã Tập của Nguyễn Xuân Sanh đã báo hiệu sự bế tắc của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực phê phán để chuyển qua chủ nghĩa siêu thực. Đó không phải là dòng văn học tiêu cực mà là tích cực theo ý nghĩa nó là một cố gắng của những nhà văn đi tìm lối thoát đưa văn học Việt Nam tiến lên một trình độ tư duy cao hơn.
Tiếp theo mọi người còn nhớ sau trong những ngày mấp mé bờ vực chiến tranh của nước Việt Nam mới tiếp tục xuất hiện nhóm thơ Dạ Đài của Trần Dần, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch... Trong Bản Tuyên Ngôn Tượng Trưng nhóm Dạ Đài đã nói rõ thái độ phủ định văn học giai đoạn cũ và không dấu diếm ý đồ muốn tạo ra một dòng văn học mới:
Vì thế, cái thi ca cổ rích, cái thi ca tĩnh của tiền nhân ngâm vịnh, của bọn lãng mạn khóc bạn chẳng làm chúng ta quên, ví chẳng có thể đẩy đưa chúng ta theo những nhịp điệu bồng bềnh của bản thanh âm hoàn vũ.
Thế cho nên chúng tôi – thi sĩ tượng trưng – chúng tôi sẽ đón về đây tất cả những thế giới quay cuồng, chúng tôi sẽ bắt một vầng trăng phải lặn, một ánh sao phải mờ đi, một chế độ phải tàn vong và một bài thơ phải vô cùng linh động.
Trần Dần thủ lĩnh của nhóm Dạ Đài sau mười năm, ở một ngã ba, ngã tư thời đại lại đã được trời đất cho nguồn cảm hứng về một cuộc lột xác cho nền văn học.
Hẳn là Trần Dần đã mang cái khát vọng sôi sục ấy vào các trường ca Cách mạng Tháng Tám, Đi- Việt Bắc, Nhất định thắng... và lôi cuốn các người bạn cùng theo. Trong nhật ký Ghi 1954 ông viết:
Lúc tôi muốn một thứ Thơ dễ dãi. Lúc một thứ Thơ không có vần. Lúc một thứ Thơ như một hạt ngọc. Lúc một thứ Thơ kể chuyện. Lúc một thứ Thơ gồ ghề. Lúc một thứ Thơ hiền lành, có cái khỏe của những bắp thịt hồng. Lúc một thứ Thơ na ná như của anh lính, nó mát mà lành, nó hiền mà khỏe, nó thực tế. Lúc là một thứ Thơ na ná như bài nói của anh cán bộ, nó đả thông, nó giục giã, nó lý luận.
Tôi thích Thơ thời sự, theo sát cái hồi hộp, lo lắng của Đảng tôi, dân tôi, triệu triệu quả tim dân chúng và quân đội, chiến sĩ và cán bộ, lãnh tụ và quần chúng.
Tôi lại cũng thích Thơ không thời sự, Thơ bao trùm đất nước và thời gian, Thơ ăn lấn sang mọi thế kỉ, và Thơ nhập cả vào cái biện chứng bao la của sự vật.
Vì vậy bây giờ tôi muốn một thứ Thơ nào đó lấy đề tài ngay ở nhịp đập trước mắt của trái tim dân tộc Việt Nam. Nhưng trong đề tài đó tôi đào mãi đào mãi tới khi tôi tìm thấy quả tim Nhân Loại. Đó là thực sự mà cũng là ý muốn của tôi. Quả tim dân tộc tôi có nghĩa là quả tim Nhân Loại. Nhịp đập của nó là nhịp đi của Biện Chứng. Cái ngày hôm nay là dồn ép của hàng triệu năm về trước và mở ra triệu thế kỷ về sau. Tôi muốn một thứ Thơ nào đó vạch ra được sự thực đó. Hạt bụi, sợi tóc mây là cả một vũ trụ. Một khoảnh khắc là cả lịch sử của trần gian. Một thắc mắc của em là tất cả lo âu nhân loại.
Qua những dòng này không ai có thể nghĩ đó là một quan niệm suy đồi. Thời đại đã cho Trần Dần một quan niệm thơ ca mới mẻ và rất biện chứng, rất tích cực đối với cuộc sống.
Như vậy có lẽ trước tiên NVGP đi từ cảm hứng của một cuộc cách tân văn học, bị kích thích bởi thời cuộc Việt Nam 1954- 1956. Tuy vậy, vẫn phải nói thêm rằng nếu không có cái thời cuộc đó sẽ không có NVGP!
Trong NVGP trào lưu tư tưởng chính trị và trào lưu tư tưởng văn học gặp nhau đã tạo ra một sức mạnh xã hội to lớn làm chính quyền nhìn thấy một nguy cơ đe dọa nguy hiểm cần phải loại bỏ hơn là để nó tồn tại. Lúc ấy miền Bắc Việt Nam chưa hẳn là chưa đủ điều kiện để làm một cuộc cải cách dân chủ, một cuộc cải cách văn học. Nhưng đáng tiếc cơ hội bị bỏ lỡ vì tham vọng của bộ phận tả khuynh của ĐCSVN muốn ngay lập tức thống nhất đất nước, thủ tiêu chính quyền phía bên kia bằng vũ lực. Tham vọng này gặp được bộ phận những người chủ trương, tổ chức thực hiện CCRĐ lấy nguy cơ dân chủ để biện minh cho đường lối và hậu quả việc làm của họ.
Hai mươi năm sau khi NVGP bị đánh dẹp, 1979 văn nghệ Việt Nam lại lâm vào bế tắc khi chuyển giai đoạn thời chiến sang thời bình. Nhà văn Nguyên Ngọc với sự giúp đỡ của các chiến hữu đồng nghiệp miền Trung đã viết bản Đề cương đề dẫn thảo luận ở Hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học. ĐCĐD đã thẳng thắn nói ra những mặt yếu kém bế tắc của nền văn học Việt Nam lúc đó ( trừ văn học miền Nam dưới chế độ cộng hòa) và đưa ra mấy vấn đề bức thiết có ý nghĩa cách tân trong đó có vấn đề dân chủ, tự do sáng tác. Tất nhiên là sự diễn đạt của Nguyên Ngọc còn ở mức độ lễ phép, phải đạo nhưng ngay lập tức ông đã bị Tố Hữu cách chức Bí thư đảng đoàn HNVVN. ĐC ĐD bị các phần tử bảo thủ cơ hội phê phán kịch liệt nhưng năm 2010 trong khi viết lịch sử HNVVN các ông Hồng Diệu, Hữu Nhuận, Thái Kế Toại, Lê Quang Trang… đã coi ĐCĐD là hiện tượng tiền đổi mới của văn học Việt Nam.
Ba mươi năm sau, bị tác động bởi cuộc cách mạng dân chủ lần thứ hai của phe xã hội chủ nghĩa, đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng, ĐCSVN mới đưa ra sách lược đổi mới. Trường Chinh đã làm được việc khởi xướng đổi mới, nền kinh tế đất nước đã có ít nhiều thay đổi, nhưng về chính trị thì đó là cuộc đổi mới nửa vời phụ thuộc vào các bước đi của ĐCS Trung Quốc. Vì thế những di sản văn hóa Maois mà Trường Chinh đã áp đặt lên đất nước từ 70 năm nay dù đang hoen gỉ nhưng bộ khung của nó thì vẫn còn tù hãm đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam.
4- Các điều kiện nảy sinh NVGP
Mặc dù chủ nghĩa Mao đã được chính thức thừa nhận trong cương lĩnh ĐCSVN tại Đại hội lần thứ II tháng 2- 1951 nhưng do các điều kiện của thời kỳ đó nội bộ lãnh đạo Đảng vẫn còn bị ràng buộc bởi các sự kiện sau:
Họ còn đang choáng váng về hậu quả của sai lầm do CCRĐ gây ra, Đảng phải công khai xin lỗi nhân dân, Tổng bí thư Trường Chinh phải từ chức, một số cán bộ lãnh đạo CCRĐ bị kỷ luật (13). Đảng buộc phải lên tiếng công khai thừa nhận sai lầm về đường lối, về các căn bệnh trầm trọng trong đảng và trong bộ máy chính quyền, phải đưa ra việc mở rộng tự do dân chủ cho các tầng lớp nhân dân.
Họ còn bị ràng buộc những điều kiện để hy vọng tiếp tục quá trình hiệp thương thống nhất đất nước và giành thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử cho nên phải cố gắng tạo bộ mặt sạch sẽ cho chính thể VNDCCH như tiếp tục sử dụng nhiều nhân sĩ trí thức trong Chính phủ, Quốc hội, ban hành các đạo luật có tính chất dân chủ cởi mở như Luật tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do hội họp, tự do lập hội...Cho đến giữa năm 1957 HCM vẫn còn tính đến khả năng Việt Nam xin gia nhập Khối Liên hiệp Pháp (14).
Những người cộng sản Việt Nam, tuy có mức độ khác nhau nhưng đều chịu ảnh hưởng chung của khối XHCN về quá trình dân chủ hóa đặc biệt là từ ĐCS Liên Xô và sau là ĐCS Trung Quốc. Đối với các nước XHCN lúc đó dân chủ hóa là đòi hỏi cấp bách nhưng chưa chín muồi, thế giới đang ở trạng thái chiến tranh lạnh. Vì thế dẫn đến việc hành động dân chủ hóa trong trạng thái mâu thuẫn nội bộ và ngập ngừng, dẫn đến thất bại khi bị phe bảo thủ lật lại thế cờ. Quá trình chập chờn này được phản ánh vào cách hành động nửa vời của Khơ rút sốp, quá trình giải quyết vụ Trăm hoa đua nở ở Trung Quốc và vụ NVGP ở Việt Nam. Có một vài nhận định rằng Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh dùng thủ đoạn làm cho trí thức văn nghệ sĩ mắc bẫy rồi tiêu diệt. Đó là nhận định chưa đúng về bản chất hình thái dân chủ hóa trong lòng XHCN. Đặc điểm này còn được phản ánh rõ ràng hơn với vụ hạ bệ Khơ Rút Sốp năm 1964, Trung Quốc trong vụ Thiên An Môn năm 1989 với việc hạ bệ hai Tổng bí thư ĐCSTQ có tư tưởng cải cách là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, với vụ hạ bệ Trần Xuân Bách, Trần Độ ở Việt Nam năm 1990.

Các đặc điểm này có thể càng làm rõ thêm điều kiện xuất hiện của Phong trào NVGP, ý nghĩa chính trị tốt đẹp của nó. Các nhà văn, trí thức NVGP đã dũng cảm làm trọn sứ mệnh công dân của họ. Các mục tiêu mà họ hướng tới đều là mục tiêu tất yếu của ĐCSVN, trong khuynh hướng cải cách do chính ĐCSVN đề ra, muốn cùng đảng thực hiện xây dựng một xã hội dân chủ. Nhiều người trong NVGP là đảng viên và có cả vị trí, chức vụ quản lý văn hóa văn nghệ. Vì vậy không việc gì phải né tránh ý nghĩa và mục đích chính trị của phong trào NVGP khi người ta có trong tay các văn bản nghị quyết của ĐCSVN trong thời kì đó. Bi kịch của NVGP là do một số người có trách nhiệm về công tác tư tưởng được giao xem xét vụ NVGP đã vì mục đich cá nhân dùng các thủ đoạn mờ ám lừa dối Ban lãnh đạo và đảng viên của đảng đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của Trung ương đảng, biến NVGP từ một hiện tượng bất đồng chính kiến mâu thuẫn nội bộ thành một vụ án chính trị gián điệp phản động có mục đích lật đổ chính quyền.
Có thể tìm thấy sự tương phản này trong chính Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai tháng 2-1957. Thư của Ban chấp hành trung ương Đảng lao động Việt Nam gửi Đại hội đã đánh giá tình hình văn nghệ như sau:
Thật vậy sự lãnh đạo của Đảng về mặt văn nghệ đã có những thiếu sót về đường lối chính sách. Và bên cạnh những cố gắng, cơ quan trực tiếp phụ trách văn nghệ đã có những lệch lạc, như coi nhẹ việc lãnh đạo tư tưởng trong hòa bình, hẹp hòi trong lãnh đạo sáng tác, cô độc có tính bè phái trong lãnh đạo về tổ chức. Những khuyết điểm ấy đã được thẳng thắn phê bình và cần phải kiên quyết sửa chữa.
Về phần các bạn văn nghệ sĩ thì hiện nay còn những khuyết điểm về mặt tư tưởng và nghệ thuật cần phải khắc phục, ví dụ như: lập trường cách mạng chưa được dứt khoát, rõ ràng, sự hiểu biết về đời sống nhân dân chưa được sâu sắc, còn phạm chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa sơ lược trong sáng tác.
Nói về phương hướng xây dựng nền văn nghệ bức thư nêu:
Sau cùng một điều quan trọng là đoàn kết nhất trí tất cả những người công tác văn học yêu nước và tiến bộ thành một mặt trận rộng rãi và chặt chẽ dưới sụ lãnh đạo của Đảng và đứng trong Mặt trận dân tộc thống nhất của ta. Những nhà văn nghệ yêu nước và tiến bộ miền Bắc và miền Nam, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, không phân biệt dân tộc, khuynh hướng chính trị và tôn giáo, không phân biệt Bắc Nam, kháng chiến hay không kháng chiến, không phân biệt khuynh hướng nghệ thuật, không phân biệt cũ, mới, gái , trai, già, trẻ, các nhà văn nghệ nổi tiếng cũng như các nghệ sĩ dân gian, tất cả đoàn kết hơn nữa, thành một đội quân văn hóa mạnh mẽ, đông đảo, dũng cảm và nhất trí, để phục vụ Tổ quốc và nhân dân đắc lực hơn.
Bức thư này không có một dòng nào chỉ trích về Nhân Văn Giai Phẩm. Thế mà trong bài phát biểu của Trường Chinh với tư cách cá nhân ông ta đã kết tội NVGP rất nặng nề:
Tính chất nguy hại nhất của báo “ Nhân văn” chính là ở chỗ nó nêu chiêu bài theo chủ nghĩa Mác-Lê nin mà sự thật đã xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê nin, nói là chịu sự lãnh đạo của Đảng mà mà kỳ thực đả kích sự lãnh đạo đó, rêu rao là bảo vệ chế độ nhưng cố nhằm bôi đen chế độ. Tính chất nguy hại của báo đó còn ở chỗ nó dựa vào những ý kiến tự phê bình đúng đắn của Đảng rồi bơm to lên để nịnh dân, và hành động phá hoại về mặt tư tưởng, nghệ thuật và dần dần đi tới phá hoại về mặt chính trị nữa.
Kết quả bầu cử Ban chấp hành Hội liên hiệp VHNT và sau đó Ban chấp hành các hội chuyên ngành khá nhiều nhân vật có tên tuổi của phong trào NVGP đều trúng cử, chứng tỏ ý kiến của Trường Chinh không áp đảo được giới văn nghệ sĩ. Nhiều người vẫn hy vọng vào một cuộc chuyển biến về dân chủ trong đời sống văn học nghệ thuật. Không ai nghĩ rằng đó chỉ là khúc dạo đầu của Trường Chinh chuẩn bị cho một kế hoach nham hiểm hơn với đầy đủ các thủ đoạn Maoism sau đó để đưa NVGP ra trước vành móng ngựa. Lẽ ra với những tội ác mà CCRĐ đã gây ra, ở một đất nước có luật pháp thực sự, Trường Chinh và các cộng sự đã phải bị khai trừ đảng hoặc ra đứng trước vành móng ngựa. Và nếu như ngọn cờ của chủ nghĩa Maoism ở Việt Nam bị đốn gục từ ngày ấy thì cái giá dân tộc Việt Nam phải trả cho Trung Quốc có lẽ không đắt như hiện nay.
III- DIỄN BIẾN VỤ NVGP
1- Biên niên sự kiện
Năm 1953:
- Stalin qua đời ngày 5 – 3 - 1953
- Ngày 17- 6 – 1953 dân chúng biểu tình tại Cộng hòa dân chủ Đức. B. Brecht và J. R Becher phê phán chính sách văn nghệ chuyên chính của Đảng và nhà nước.
- Trần Dần bị phê bình giảng sai chính sách văn nghệ của Đảng trong khóa đào tạo cán bộ văn công do ông phụ trách.
- Luật Cải cách ruộng đất được ban hành từ tháng 12-1953 nhưng trước đó ĐCSVN đã tổ chức cuộc chỉnh huấn lớn kéo dài sang tới 1954 để đưa khí thế CCRĐ của Trung Quốc vào cán bộ trí thức. Một số nơi đã tiến hành thí điểm. Ở miền Nam Lê Duẩn phản đối chủ trương CCRĐ và đã tiến hành theo cách của mình.
Năm 1954:
- Chiến thắng Điện Biên Phủ.
- Cải cách ruộng đất. Sau đó cán bộ và dân chúng còn bàn luận đến ngày nay về việc xử bắn địa chủ đầu tiên ở chiến khu là bà Nguyễn Thị Năm một người có nhiều con tham gia kháng chiến có người là chính ủy trung đoàn, đã hiến 100 lạng vàng cho chính phủ, đã nuôi Hồ Chí Minh, Bộ chính trị và nhiều đơn vị quân đội. Sự kiện này tạo ra ấn tượng kinh hãi về sự bất nhân, lật lọng của Hồ Chí Minh và các cộng sự của ông.
Cải cách ruộng đất đã xử lí đấu tố, xử bắn gần nửa triệu địa chủ, gần trăm ngàn đảng viên, gây điêu dứng cho hàng triệu người là con em của những gia đình này. Điều quan trọng là CCRĐ đã tàn phá các quan hệ đạo đức, xã hội truyền thống của làng xóm miền Bắc.
- Hiệp định Giơ ne vơ. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thành lập tại Sài Gòn.
- 700.000 ngàn người miền Bắc di cư vào Nam trong đó có nhiều trí thức văn nghệ sĩ có tên tuổi. Đó là một cuộc lựa chọn-nhận đường, phân hóa có ý nghĩa lịch sử với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, còn có ý nghĩa văn học lâu dài. Vũ Khắc Khoan viết các truyện ngắn Thần Tháp Rùa, Trương Chi, Thiên Thai, Người Đẹp Trong Tranh với chủ đề về sự phân vân của trí thức Hà Nội đi tìm một căn bản tư tưởng. Tại sao lại cứ bắt tôi phải hoặc là đen hoặc là trắng.
- Tháng 7 Hồ Phong công bố thư ngỏ gửi BCHTƯĐCSTQ phê phán năm lưỡi dao đâm vào óc các nhà văn cách mạng.
- 10- 10 Chính phủ kháng chiến tiếp quản Hà Nội
- Trần Dần và Đỗ Nhuận, Hoàng Xuân Tùy được cử đi Trung Quốc viết lời bình cho phim tài liệu về Điện Biên Phủ. Đến 12- 12 trở về Hà Nội. Có thể không khí yêu cầu cải cách dân chủ ở Trung Quốc đã có ảnh hưởng đến Trần Dần và Đỗ Nhuận.
Năm 1955:
- Tháng 1 Hồ Phong công khai tự phê bình, đến tháng 5 thì bị bắt và bị kết án cải tạo.
- 63 nhà văn Hung Ga Ry lên tiếng phản đối chế độ độc quyền.
- Ngày 4-3-1855 Phòng Văn nghệ quân đội do Trần Dần, Tử Phác cùng Hoàng Cầm Lê Đạt tổ chức Thảo luận phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
- 11-3-1955 Báo Văn Nghệ số 65 công bố mở “ tự do diễn đàn” thảo luận về tập thơ Việt Bắc. Mở đầu bằng việc đăng bài Tập thơ “ Việt Bắc” có hiện thực không? Của Hoàng Yến. Tranh luận kéo dài đến tháng 8-1955 với sự căng thẳng của hai nhóm. Nhóm Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Hoàng Yến…cho thơ Tố Hữu nghèo vốn sống thực tế, đơn điệu, ủy mị. Nhóm của nguyễn Đình Thi, Tú Mỡ, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông… ca ngợi thơ Tố Hữu là ngọn cờ đầu của thơ kháng chiến Việt Nam . Tháng 3-1956 tập thơ Việt Bắc vẫn được Giải Nhất Giải thưởng văn học của Hội Văn Nghệ Việt Nam 1954-1955. Cuộc thảo luận này sau được coi như là một cái mốc mở đầu cho phong trào NVGP. Nhóm phản đối thơ Tố Hữu sau trở thành lực lượng chủ chốt của phong trào NVGP, nhóm ủng hộ Tố Hữu trở thành lục lượng nòng cốt đánh NVGP. Còn Tố Hữu thì đã nhân việc NVGP thẳng tay với những kẻ đã dám hạ bệ mình.
- Tháng 4 Trần Dần cùng Đỗ Nhuận, Hoàng Tích Linh, Tử Phác, Hoàng Cầm, Trúc Lâm... đệ trình Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa lên Tổng cục chính trị yêu cầu tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ, thủ tiêu hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội, sửa đổi chính sách văn nghệ trong quân đội.
- Bị phê bình Trần Dần viết đơn xin ra khỏi Đảng, xin giải ngũ đồng thời quyết định kết hôn với bà Bùi Thị Khuê gia đình Thiên chúa giáo di cư bất chấp sự phản đối của quân đội.
- Trần Dần bị giam tại doanh trại từ 13- 6 đến 14- 9 để kiểm thảo, sau đó tham gia cải cách ruộng đất đợt 5 tại Bắc Ninh.
- Ngày 2- 9- 1955 tuần báo Trăm Hoa do Nguyễn Mạnh Phác làm Chủ nhiệm ra số I , báo tồn tại đến tháng 5 – 1956. Báo này có đăng 3 bài phê bình tập thơ Ngôi sao của Xuân Diệu.
- Mãi đến 20- 9- 1955 Chính phủ mới thành lập Bộ Văn hóa trên cơ sở Bộ Tuyên truyền.
Năm 1956:
- Tháng 1 Hoàng Cầm, Lê Đạt chủ trương xuất bản sách dạng tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân với các tác phẩm: Làm thơ và Mới – Gửi Vũ, Mỗi ngày mỗi lớn- Gửi kế hoạch nhà nước 1956 của Lê Đạt, Mùa xuân đến rồi đây, Thơ qua đài phát thanh của Hoàng Cầm, Anh có nghe thấy không của Văn Cao, Nhất định thắng, Lão Rồng của Trần Dần, Thi sĩ và công nhân của Phùng Quán, Hoa đào vẫn nở của Nguyễn Sáng, Sổ tay của Sỹ Ngọc và sự cộng tác của Tô Vũ...
- Ngay lập tức GPMX bị tịch thu.
- Lê Đạt bị gọi lên Ban Tuyên huấn kiểm điểm.
- Hội Văn nghệ tổ chức Hội nghị phê bình bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần với 150 văn nghệ sĩ tham dự. Trần Dần bị kết án là đồ đệ của Hồ Phong, mất lập trường giai cấp, đi ngược lại đường lối văn nghệ của Đảng.
- Trần Dần và Tử Phác bị giam ba tháng tại Hỏa Lò Hà Nội. Trần Dần dùng dao lam cứa cổ tự tử, được tướng Nguyễn Chí Thanh can thiệp thả hai người.
- Hoài Thanh viết bài Vạch trần tính chất phản động trong bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần đăng trên báo Văn Nghệ số 110 ra ngày 7- 3- 1956.
- Ngày 24- 2- 1956 Đại hội XX ĐCSLX công bố các tội ác của Stalin. Chủ tịch Hội nhà văn Liên Xô Pha đê ép tự sát. Liên Xô phục hồi danh dự cho các văn nghệ sĩ bị kết án và bị giết dưới thời Stalin. Văn nghệ Liên Xô gọi thời kỳ này là luồng gió ấm, sinh ra một thế hệ văn nghệ sĩ tài năng xuất sắc như Paxtecnhac, Xônjenitsin, Ép tu senko, Tru khơ rai, Bôn đa suc, Vôznêxenxky, Rôtdextvenxky, Aimatôp...với các tác phẩm như Bác sĩ Jivago, Đàn sếu bay qua, Hai người lính, Người thứ 41, Không thể sống bằng bánh mì, Ngày của binh nhất Ivan...
- Dư luận văn nghệ sĩ bất bình về việc trao Giải thưởng văn nghệ 1954- 1955. Một số nhà văn cho là chấm giải theo bè phái, những người trong Ban giám khảo tự chấm giải cho mình, nhiều tác phẩm chưa xứng đáng với giải, trong đó có tác phẩm của Tố Hữu, Xuân Diệu, Hoài Thanh, nguyễn Huy Tưởng, Trần Kim Trắc, Hồ Khải Đại...Có nhiều tác phẩm có tiếng vang rộng rãi trong kháng chiến không được giải.
- Vấn đề sai lầm CCRĐ đang được đặt ra, trở thành bức xúc lớn của xã hội, nhất là làm sôi sục bầu không khí ở nông thôn.
- Ngày 26- 5 Mao Trạch Đông phát động phong trào Trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng.
- Ngày 28- 6 các cuộc biểu tình ở Ba Lan.
- Tại Việt Nam ĐCS ngả theo khuynh hướng nới rộng tự do. Nguyễn Hữu Đang lúc đó là Biên tập của tạp chí Văn Nghệ được giao tổ chức lớp học dân chủ 18 ngày của Hội Văn nghệ. Văn nghệ sĩ chỉ trích gay gắt đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng. Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng và hứa hẹn sửa chữa. Hoài Thanh viết bài nhận lỗi tả khuynh trong phê bình Trần Dần. Sau đó đến tháng 10 Thường vụ Hội Văn Nghệ Việt Nam ra thông báo nhận sai lầm trong việc phê bình bài thơ Nhất định thắng.
- Tháng 7- 1956 kết thúc CCRĐ.
- Tháng 9 Hội nghị lần thứ 10 BCHTƯ đánh giá di hại cuộc CCRĐ rất nặng nề, bàn về sửa chữa sai lầm trong CCRĐ, nhấn mạnh việc tăng cường mở rộng tự do dân chủ cho nhân dân. Trường Chinh từ chức Tổng bí thư ĐCSVN. Kỷ luật Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Hồ Viết Thắng...Võ Nguyên Giáp thay mặt Hồ Chí Minh xin lỗi nhân dân về sai lầm trong CCRĐ.
- Ngày 29- 8 Giai phẩm Mùa thu tập I ra đời với các bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi, Tỉnh giấc chiêm bao của Nguyễn Bính, Tiếng sáo tiền kiếp của Trần Duy, Nhật ký đêm hè của Huy Phương, Bức thư gửi một người bạn cũ của Trần Lê Văn...
- Ngày 15- 9 ra mắt báo Nhân Văn ra số 1 do Phan Khôi làm Chủ nhiệm, Trần Duy làm Thư ký tòa soạn, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Lê Đạt làm Biên tập. Có bài Phỏng vấn Nguyễn Mạnh Tường về vấn đề nỗ lực mở rộng tự do và dân chủ, Nhân câu chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt, Con người Trần Dần của Hoàng Cầm, Chống bè phái trong văn nghệ của Trần Công, tranh minh họa của Nguyễn Sáng.
- Báo Nhân Văn 15 ngày một kỳ ra tiếp số 2 vào ngày 30- 9- 1956 với các bài Phỏng vấn Đào Duy Anh về mở rộng tự do dân chủ, Phấn đấu cho Trăn hoa đua nở của Trần Duy, Trả lời Nguyễn Chương và báo Nhân dân của Nguyễn Hữu Đang...
- Giai phẩm Mùa thu tập II với các bài Bệnh sùng bái cá nhân của Trương Tửu, Ông bình vôi của Phan Khôi, Những người khổng lồ của Trần Duy, Chống tham ô lãng phí của Phùng Quán...
- Tập thơ Cửa Biển xuất bản có các trường ca Tiếng hát quan họ của Hoàng Cầm, Những ngày trên cửa biển của Văn Cao, Cách mạng Tháng Tám của Trần Dần và các bài thơ Máy, Đụng long mạch, Cha tôi ... của Lê Đạt .
- Ngày 8- 10 tái bản Giai phẩm Mùa xuân.
- Ngày 15- 10 Báo Nhân Văn ra số 3. Kỷ niệm ngày Vũ Trọng Phụng mất và các bài Nỗ lực phát triển tự do dân chủ của Trần Đức Thảo, Phỏng vấn bác sĩ Đặng Văn Ngữ về mở rộng tự do và dân chủ...
- Tướng Nguyễn Sơn người bạn của văn nghệ sĩ kháng chiến Khu Bốn qua đời.
- Ngày 20- 10 báo Trăm Hoa bộ mới do nhà thơ Nguyễn Bính làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút ra số I, phát hành được 11 số, đến tháng 1- 1957 thì đình bản. Trên báo này có bài Vì những sai lầm nghiêm trọng cần phải xét lại toàn bộ Giải thưởng văn học 1954- 1955 của chính Nguyễn Bính, bài bênh vực bài thơ Chiếc lược của Thụy An sáng tác theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch mà các báo không nhận đăng, bài Chúng tôi đề nghị bỏ lệ khai báo trong chính sách quản lý hộ khẩu, Thông báo của Hội nghị TƯ 10 về sai lầm trong CCRĐ, bài Để phát triển chế độ ta, phải bảo đảm cho nhân dân được tham gia quản lý kiểm soát tích cực mọi công việc của nhà nước...
- Ngày 30- 10 Giai Phẩm Mùa Thu tập III với các bài Văn nghệ và chính trị của Trương Tửu, Muốn phát triển học thuật của Đào Duy Anh và bài của Phan Khôi, Phùng Quán, Chu Ngọc, Nguyễn Mạnh Tường...
- Cũng ngày này Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đọc bài tham luận rất quan trọng Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất xây dựng quan điểm lãnh đạo tại cuộc họp của Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Hà Nội.
- Tháng 11 nổ ra bạo loạn của giáo dân Thiên chúa giáo tại Quỳnh Lưu Nghệ An.
- Bạo loạn tại Hung Ga Ri, Chính phủ dân chủ Nagy tuyên bố Hung Ga Ry trung lập. Liên Xô đưa quân vào Hung Ga Ry, cuộc tắm máu phong trào dân chủ xảy ra ở Bu đa pet. Các nhà văn cộng sản có tên tuổi ở Châu Âu Laxness, Sartre, Beauvoir, Vercors... lên tiếng phản đối Liên Xô.
- Tại Sài Gòn, ra đời nhóm văn học Sáng Tạo gồm Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ... Nhóm này chủ yếu gồm các nhà văn trẻ từ miền Bắc vào đã làm thành công cuộc cách mạng ngôn ngữ thơ ca hiện đại ở Việt Nam thế kỷ XX.
- Ngày 5- 11 báo Nhân Văn số 4 với bài Cần chính quy hơn nữa của Nguyễn Hữu Đang, Thành thật đấu tranh cho dân chủ của Trần Duy, Con ngựa già của chúa Trịnh của Phùng Cung, Những ngày báo hiệu mùa xuân của Văn Cao, Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm Hoa của Người Quan sát...
- Cũng ngày này xuất hiện thêm tờ Sáng Tạo , báo Điện ảnh- Sân khấu của nhóm Sáng Tạo với Ban biên tập gồm Hoàng Tích Linh, Trần Công, Cao Nhị, Thanh Châu, Nắng Mai Hồng, Trúc Lâm, Phan Vũ, Phan Tại, Nguyễn Đình Phúc, Sỹ Ngọc, Phạm Kỳ Nam, Trung Sơn, Vũ Phạm Từ, Anh Tâm, Lửa Mới, Nguyễn Sáng.
- Ngày 10- 11 Tập san Đất mới tập I - Chuyện sinh viên được NXB Minh Đức xuất bản với bài Phê bình lãnh đạo sinh viên của Q.Ngọc và T.Hồng, các bài của Dương Viết Á, Nguyễn Bao, Bùi Quang Đoài, Thúc Hà, Văn Tâm, Lê Tự Gia, Nguyễn Đức Tiếu.
- Ngày 20- 11 báo Nhân Văn số 5 với các bài Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào? của Nguyễn Hữu Đang, Bài học Ba Lan và Hung Ga Ri của Lê Đạt kí Người Quan Sát...
- Tháng 12- 1956 Ra mắt Giai Phẩm Mùa Đông tập I với các bài : Tư tưởng tự do của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn- sê- vích của Trương Tửu, Nội dung xã hội và hình thức tự do của Trần Đức Thảo và bài của Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Sĩ Ngọc, Trúc Lâm, Hữu Loan, Trần Công, Nguyễn Mạnh Tường.
- Ngày 24- 1- 1957 Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I thông qua các Luật về quyền tự do hội họp, Luật về quyền tự do lập hội, Luật quyền tự do báo chí...Đến kỳ họp thứ 7 tháng 9- 1957 lại thông qua Luật về quyền tự do xuất bản... Các luật này một mặt thể hiện tinh thần tự do tư tưởng, văn học nghệ thuật báo chí, thừa nhận tự do báo chí xuất bản tư nhân nhưng mặt khác lại có những điều cấm kỵ để các cơ quan quyền lực dựa vào hành xử với những người muốn mở rộng giới hạn của tự do dân chủ.
- Ngày 15- 12- 1956 báo Nhân Văn số 6 đang in bị đình chỉ. Ngày 18- 12 chỉ thị ngừng phát hành báo Nhân Văn và Giai phẩm cùng các ấn phẩm khác của nhóm NVGP, đóng cửa NXB Minh Đức, tịch thu các số báo cũ, cảnh cáo những người còn lưu giữ và phân phối các báo này. Một chiến dịch báo chí đã được tung ra để hạ uy tín các tờ báo và những người trong nhóm NVGP.
- Cuối tháng 12- 1956 Tập san Tự do diễn đàn do NXB Minh Đức phát hành bị cấm. TDDĐ có các bài Qua sai lầm của Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo của Nguyễn Mạnh Tường, Tại sao quần chúng nhân dân tha thiết với cuộc đấu tranh văn nghệ? Của Nguyễn Hữu Đang, Nhiệm vụ của văn học không phải là giải thích chính sách của Phan Ngọc, Chú bé làm văn của Trần Dần, Vài ý nghĩ sau khi đọc bài thơ Động Long Mạch của Hoàng Cầm, Sinh hoạt văn hóa của Trương Tửu- Trần Đức Thảo.
Năm 1957:
- Trong dịp Tết 1957 NXB Minh Đức còn xuất bản cuốn Sách Tết coi như tiếp tục của Giai Phẩm với các tác phẩm của Quang Dũng, Trần Lê Văn, Huy Phương, Lê Đại Thanh, Hoàng Tich Linh, Tô Vũ, Tử Phác, Thanh Châu, Hữu Loan, Lưu Quang Thuận, Trần Công, Trần Dần, Hồng Lực, Trần Thịnh, Trúc Lâm, Tạ Hữu Thiện, Lộng Chương, Hoàng Huế, Phan Khôi, Sỹ Ngọc, Cao Nhị, Trần Huyền Trân, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Khắc Dực, Nguyễn Sáng, Hoàng Cầm.
-Ngày 20 đến 28- 2- 1957 Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội với gần 500 đại biểu. Trường Chinh sau thất bại của CCRĐ đang muốn tìm một sự kiện để lật lại thế cờ trong Đảng, kêu gọi đấu tranh đập nát luận điệu phản động Nhân Văn Giai phẩm. Thành lập Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Việt Nam. Trong Ban chấp hành vẫn có một số người tham gia, liên quan NVGP như hai Phó Tổng thư ký Văn Cao, Lương Xuân Nhị...Ở nhiều Hội khác các ông Nguyễn Sáng, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Nguyễn văn Tỵ,...vẫn trúng Ban chấp hành.
- Riêng Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Tô Hoài làm Tổng thư ký. Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh vẫn trúng BCH. Báo Văn cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn ra số I từ 10- 5 do Nguyễn Công Hoan làm Chủ bút, Nguyễn Tuân là Phó Chủ bút, Nguyên Hồng làm Tổng thư ký tòa soạn. Nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng được thành lập do Tô Hoài làm Giám đốc, Hoàng Cầm làm Phó Giám đốc.
Như vậy việc đánh NVGP đợt II đã kết thúc nhưng chưa có kết quả khả quan. Tại các Hội VHNT một số người có vai trò tích cực trong NVGP vẫn còn được đồng nghiệp tín nhiệm bầu vào các vị trí cao, bất chấp những tai tiếng họ đã gây ra trên mặt các số Nhân Văn và Giai Phẩm và sức ép từ lời kêu gọi của Trường Chinh. Bản thân Trường Chinh cũng không thể đẩy cao hơn tốc độ cuộc chiến chống NVGP vì ông ta không còn đầy đủ quyền lực như trước nữa. Mặt khác Liên Xô và Trung Quốc sau khi dẹp xong vụ Ba Lan- Hung Ga Ry vẫn chưa tiến đến đỉnh dao động, chưa dứt khoát tiến công vào những văn nghệ sĩ trí thức bị gọi là phái hữu. Bản thân những người NVGP vẫn còn được sự ủng hộ của lãnh đạo báo Văn , họ vẫn có thể tiếp tục đăng các sáng tác mới trên báo này. Vào tháng 7 tháng 8- 1957 khi tạp chí Học Tập, cơ quan ngôn luận của ĐCSVN lên tiếng phê phán báo Văn, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài còn đứng ra tranh luận bảo vệ quan điểm dân chủ của mình.
- Ảnh hưởng của trào lưu NVGP còn lan sang một tờ báo nhà nước vừa ra đời là tờ bán nguyệt san Điện Ảnh, số 1 ra ngày 20- 7- 1957. Trong 10 số đầu báo Điện Ảnh vẫn còn phê phán bệnh công thức sơ lược của phim Liên Xô và Trung Quốc để phải kiểm điểm công khai trong số Tết 1958.
- Ngày 27- 9 báo Văn số 21 in bài Lời mẹ dặn của Phùng Quán.
- Ngày 15- 11 báo Văn số 28 in bài thơ Hãy đi mãi của Trần Dần
- Trong thời gian này tại Trung Quốc, chiến dịch chống phái hữu đã bắt đầu. Một số nhà văn bị phê phán: Trần Xí Hà, Đặng Thác… Nữ nhà văn Đinh Linh người được Giải thưởng văn học Stalin với tiểu thuyết Mùa xuân trên sông Tang Càn bị khai trừ khỏi ĐCSTQ, sau đó bà bị ngồi tù cho tới năm 1975.
- Trong thời gian này Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô, Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên có ghé thăm Bắc Kinh, chứng kiến và có thể học hỏi các kinh nghiệm tổ chức phong trào đánh phái hữu . Việt Nam cử Tố Hữu, Huy Cận và Hà Xuân Trường sang học tập kinh nghiệm, chính sách của Trung Quốc.
- Các chiến dịch chỉnh huấn văn nghệ diễn ra ở Liên Xô, Ba Lan, CHDC Đức.
- Tại Sài Gòn nhóm trí thức Bách Khoa của Võ Phiến, Vũ Hạnh, Nguyễn Hiến Lê, nguyễn Ngu Ý…ra đời.
Năm 1958:
- Ngày 6- 1- 1958 ĐCSVN ra Nghị quyết 30 về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ. Nghị quyết này là một điển hình cho tình trạng cực đoan về lãnh đạo văn nghệ của ĐCSVN, sau này nó gần như bị loại bỏ không thấy đưa vào các tập văn kiện lãnh đạo văn hóa văn nghệ của Đảng.
- Ngày 10- 1- 1958 báo Văn số 36 in truyện ngắn Ông Năm Chuột của Phan Khôi. Đây là số báo Văn làm giọt nước tràn ly. Đến số 37 báo bị đình bản. Từ đây kết thúc thời kỳ phát ngôn công khai của nhóm NVGP. Năm 1958 là năm đen tối của họ, đấu tố, kỷ luật, ngồi tù, cải tạo lao động...
- Từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2- 1958 Lớp học đấu tranh tư tưởng lần thứ 1 tại Thái Hà ấp với 272 văn nghệ sĩ đảng viên tham dự.
- Từ 3- 3 đến 14- 4 Lớp học đấu tranh tư tưởng lần 2 cũng tại Thái Hà ấp với 304 cán bộ văn hóa văn nghệ tham dự. Trong khi họp thì ngày 10-4 công an Hà Nội bắt giam Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo..
Cách tổ chức hai lớp học này là dùng thủ đoạn đấu tố và áp lực tâm lý tập thể, sự vu cáo bịa đặt tội lỗi cho những thành viên nhóm NVGP. Kết quả là không cần điều tra người ta đã có đầy đủ tội trạng của các nhân vật để quyết định bắt họ, kỷ luật họ.
- Ngày 4- 6 Hội nghị Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNTVN họp tổng kết cuộc đấu tranh chống NVGP. Tố Hữu đọc báo cáo Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn- Giai Phẩm trên mặt trận văn nghệ (15). Bản báo cáo này là nhát gươm chính thức kết liễu số phận Nhân Văn Giai Phẩm trên công luận với sự hằn học ghê gớm của một tên đao phủ chứ không phải của một nhà thơ với đồng nghiệp của mình. Ông ta viết: Đường lối thứ hai, là đường lối văn nghệ của những phần tử phản động mà đại biểu là bọn cầm đầu nhóm phá hoại Nhân Văn Giai Phẩm . Đó là đường lối làm đồi trụy văn nghệ sĩ, đường lối đen tối phản cách mạng.
- Ngày 5- 6 Nghị quyết với chữ ký của 800 văn nghệ sĩ nhưng không có danh sách hoan nghênh kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh chống NVGP.
- Ngày 2- 7 Ban chấp hành mới của Hội Nhà văn Việt Nam bầu Tổng thư kí mới là Nguyễn Đình Thi. Chủ tịch BCH nguyễn Công Hoan, Phó Chủ tịch Tú Mỡ, Tổng thư ký Tô Hoài chỉ còn là Ủy viên Ban thường vụ. Phó Tổng thư ký Nguyễn Xuân Sanh , Ủy viên thường vụ Nguyên Hồng, Tế Hanh, Đoàn Giỏi chỉ còn là Ủy viên BCH. Hoài Thanh được bổ xung vào Ban chấp hành và vào thẳng Ban thường vụ. NXB Hội Nhà văn sáp nhập vào NXB Văn học của Bộ Văn hóa. NXB này cũng bị kết tội đã xuất bản một số tác phẩm bị coi là non yếu về tư tưởng, một số tác phẩm từ trước 1945 thiếu chọn lọc, hoặc xuất bản một số tác phẩm nước ngoài có ý tuyên truyền cho tư tưởng trái với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
- Ngày 7- 7 Thông báo kỷ luật các văn nghệ sĩ đã tham gia NVGP. Hoàng Cầm bị cảnh cáo, khai trừ khỏi BCH HNV, khai trừ 1 năm khỏi HNV. Cho Hoàng Tích Linh rút khỏi BCH. Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An bị khai trừ vĩnh viễn khỏi HNV. Khai trừ trong thời hạn 3 năm đối với Lê Đạt, Trần Dần. Khai trừ 1 năm khỏi HNV đối với Phùng Quán. Cảnh cáo một số người:
- Hội Mỹ thuật cảnh cáo Sĩ Ngọc, cho Sĩ Ngọc và Nguyễn Sáng rút khỏi BCH. Khai trừ Trần Duy khỏi HMT.
- Hội Nhạc sĩ cho Văn Cao, Nguyễn Văn Tý rút khỏi BCH.Khai trừ 3 năm Tử Phác, Đặng Đình Hưng ra khỏi HNS.
- Tại các đợt học tập chỉnh huấn tại các trường Sư phạm và Tổng hợp Hà Nội các Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Trần Đức Thảo cũng bị đưa ra cho giáo viên và sinh viên đấu tố, bị miễn nhiệm thôi giảng dạy. Ngoài ra còn nhiều người khác cũng chịu kỷ luật như Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Cao Xuân Huy, ...Một số sinh viên cũng bị kỷ luật như Bùi Quang Đoài ( Thái Vũ), Văn Tâm, Phan Kế Hoành, Hà Thúc Chỉ ( Thúc Hà )...
- Một số trí thức là nhân sĩ đã có thái độ ủng hộ NVGP cũng chịu các hình thức đối xử như Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục, Hoàng Văn Đức, Đặng văn Ngữ, Nguyễn Tấn Gi Trọng...Ngoài ra tại các địa phương những giáo viên, cán bộ , học sinh có hưởng ứng NVGP mua báo NVGP đều bị xử lý với nhiều hinh thức.
- Trong vòng ba đến sáu tháng các VNS đi cải tạo lao động tại các nhà máy, nông trường, hợp tác xã...Một số người phải cư trú lâu dài tại các địa phương như Hoàng Tố Nguyên, Nguyễn Bính, Hải Bằng, Trần Lê Văn, Nguyễn Khắc Dực...
Năm 1959:
- Tiếp tục các đợt lao động cải tạo
- Phan Khôi từ trần ngày 16 tháng Giêng 1959 thọ 73 tuổi.
- Sau khi báo Văn bị đình bản, báo Văn Học ra đời do Nguyễn Đình Thi làm Chủ nhiệm. Báo Văn Học không thuộc Hội Nhà văn quản lí mà do HLHVHNTVN. Hội NVVN bị tước hết cơ quan ngôn luận xuất bản cho tới sauu 1975.
- Nhà xuất bản Hội Nhà văn bị sáp nhập vào Nhà xuất bản Văn Học của Bộ Văn hóa.
- Nhất Linh thành lập nhóm Văn Hóa Ngày Nay ở Sài Gòn.
- Mao Trạch Đông phát động chiến dịch Đại nhảy vọt.
- Pasternak nhà văn xô viết đầu tiên được Giải thưởng văn học Nobel, không được sang Thụy Điển nhận giải.
- Ngày 10- 12- 1959 Tòa án nhân dân Hà Nội khai mạc phiên tòa xử Vụ án gián điệp hoạt động phá hoại hiện hành.
- Nội dung bản án kết tội như sau:
Chúng là những tên gián điệp phản cách mạng, phá hoại hiện hành,hoạt động có tổ chức, thực hiện âm mưu của địch, tiến hành những hoạt động chiến tranh tâm lý đê hèn nhất, những hoạt động phá hoại thâm độc nhất, để cuối cùng lật đổ chế độ chúng ta ở miền Bắc.

- Kết quả tuyên án như sau:
Nguyễn Hữu Đang 15 năm tù giam, 5 năm quả chế sau khi ra tù.
Lưu Thị Yến tức Thụy An 15 năm tù giam, 5 năm quản chế sau khi ra tù,
Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức 10 năm tù giam, 5 năm quản chế sau khi ra tù.
Phan Tại 6 năm tù giam, 3 năm quản chế.
Lê Nguyên Chí 5 năm tù giam, 3 năm quản chế.

Năm 1960:
- Bắt đầu xung đột hai nước lớn trong phe XHCN Liên Xô và Trung Quốc.
- Đại hội ĐCSVN lần thứ III. Lê Duẩn được bầu làm Tổng bí thư. Trường Chinh chỉ còn phụ trách công tác lý luận và Tạp chí Học Tập.
Năm 1961:
- Phùng Cung bị bắt. Lý do: Tiếp tục sáng tác các truyện ngắn có nội dung bất mãn, chống đối, phản động.
Năm 1968:
- Vụ án xét lại chống Đảng. Bắt giam Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Trần Minh Việt, Trần Thư, Vũ Thư Hiên, Lê Trọng Nghĩa, Huy Vân...Nhiều văn nghệ sĩ nhất là những người đi học ở Liên Xô về hoặc có quan hệ với Liên Xô bị đưa vào diện phân biệt đối xử.

Năm 1973:
-Thụy An, Nguyễn Hữu Đang ra tù.
- Phùng Cung ra tù.
Năm 1982:
-Hoàng Cầm bị bắt cùng Hoàng Hưng vì việc định đưa tập thơ Về Kinh Bắc ra nước ngoài. Hoàng Cầm bị giam 18 tháng, Hoàng Hưng bị giam 39 tháng.
Năm 1986:
- Đại hội ĐCSVN lần thứ VI với đường lối đổi mới, cởi trói cho VHNT.
- Trần Độ được cử làm Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương.
- Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu, với lời phát biểu nổi tiếng: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu. Có một số người đặt vấn đề xem xét lại vụ NVGP.
- Nghị quyết 05 Bộ Chính trị ĐCSVN : Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới.
- Công an và các ban ngành liên quan tiến hành làm chính sách cho các đối tượng NVGP. Tác giả viết báo cáo về tình hình các đối tượng NVGP và đề xuất phương hướng giải quyết chế độ chính sách.
- Phục hồi hội tịch cho Trần Duy, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Lê Đạt, Phùng Quán. Giải quyết chế độ lương hưu cho Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung.
Năm 1987:
- Hoàng Cầm in tập thơ trở lại đầu tiên Mưa Thuận Thành, NXB Văn hóa.
- Phùng Quán in trở lại công khai đầu tiên trên báo Quảng Nam- Đà Nẵng Trường ca Cây Cà.
Năm 1988:
-Văn Cao xuất bản tập thơ Lá, NXB Tác phẩm mới, với sự ủy nhiệm cho các thi hữu đàn em Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo tuyển chọn biên tập.
- Nguyễn Hữu Đang được chuyển lên Hà Nội, được cấp nhà.
Năm 1991:
- Tháng 4 , BCHTƯ ĐCSVN ra thông báo về hai vụ án NVGP và Xét lại chống Đảng. Quan điểm của Đảng là không thừa nhận sai lầm, vẫn đánh giá hai vụ án như trước đây.
- Trần Dần xuất hiện trở lại với tập thơ Bài thơ Việt Bắc, NXB Hội Nhà văn
- Từ 23-11 đến 10- 12 Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam mở Triển lãm tranh Trần Duy tại Nhà triển lãm tranh 16 Ngô Quyền Hà Nội.

Năm 1992:
- Lần đầu tiên in Kỷ yếu nhà văn Việt Nam , danh sách có tên Phan Khôi
- Hoàng Cầm xuất bản kịch thơ Kiều Loan

Năm 1993:
- Hoàng Cầm xuất bản Bên kia sông Đuống, NXB Văn hóa
Năm 1994:
- Lê Đạt xuất bản tác phẩm trở lại đầu tiên Bóng chữ, NXB Hội Nhà văn.
- Hoàng Cầm in được tập thơ Về Kinh Bắc, NXB Văn Học.
-NXB Văn Học in Tuyển tập Văn Cao
-Trần Dần in Tiểu thuyết thơ Cổng Tỉnh, NXB Hội Nhà văn.
Năm 1995:
-Phùng Cung xuất hiện trở lại lần đầu tiên với tập thơ Xem Đêm, NXB Văn hóa – Thông tin.
- NXB Hội Nhà văn in Tuyển tập thơ Phùng Quán.
Năm 1996: Tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Đặng Văn Ngữ, Cao Xuân Huy, Văn Cao, nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng.
Năm 1997:
- Bắt đầu in lại các tác phẩm cũ trước 1945 của Phan Khôi. Đáng chú ý là Lại Nguyên Ân đã sưu tầm và cho xuất bản Tác phẩm đăng báo hàng năm của Phan Khôi, các tập 1928, 1929, 1930, 1931...
- Bắt đầu in một vài tác phẩm mới của Trần Đức Thảo.

Năm 2000: Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Ngyễn Bính, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sỹ Ngọc, Lộng Chương, Nguyễn Văn Tý.
Năm 2001- 2002 :
- NXB hội Nhà văn in Hoàng Cầm Tác phẩm 3 tập.

Năm 2003:
- NXB Văn hóa- Thông tin xuất bản cuốn Nguyễn Bách Khoa- Khoa học văn chương. (NBK là một bút danh của Trương Tửu).
Năm 2007:
- Tặng Giải thưởng Nhà nước cho Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Yến Lan, Phạm Kỳ Nam.
-NXB Lao Động xuất bản TRƯƠNG TỬU- Tuyển tập nghiên cứu phê bình 1088 trang khổ 16-24.
Năm 2008:
- Tuyển tập Trần Dần Thơ 492 trang khổ 15-23 được NXB Đà Nẵng xuất bản. Gồm tất cả những bài thơ tiêu biểu của ông, kể cả các bài đã in trong báo NV- GP. Cơ quan chức năng can thiệp, bị công luận phản đối, sau xử phạt vi phạm hành chính.
- Tại Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu có Cây Thơ Thanh Tâm Tuyền.
Năm 2009:
- Tuyển tập thơ Lê Đạt Đường Chữ 644 trang khổ 16-24 do NXB Hội Nhà văn in. Cũng gồm tất cả các bài thơ đã in và bị cấm trong thời kỳ NVGP.
Năm 2010:
- Tháng 4 tại Đại hội cơ sở các Chi hội Điện ảnh lực lượng vũ trang các đại biểu Nguyễn Thành Lập, Lê Thi, Thái Kế Toại lên tiếng đề nghị xem xét tới những nghệ sĩ điện ảnh đã tham gia NVGP như Phạm Kỳ Nam, Phan Vũ, Hồng Lực, Trần Công, Trần Thịnh, Cao Nhị, Vũ Phạm Từ, Nắng Mai Hồng...
- Chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức viết Biên niên sự kiện và Lịch sử Hội bàn đến việc viết về NVGP như thế nào.
- Trước Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII BCH khóa VII ra quyết định kết nạp lại nhà văn Trương Tửu. Trước đó, từ Kỷ yếu 1992 nhà văn Phan Khôi đã mặc nhiên có tên trong danh sách hội viên HNVVN. Còn Thụy An chưa được phục hồi hội viên HNVVN.
2- Nhận xét nhân sự
Số người gọi là tham gia NVGP tại Hà Nội do Bộ Công an và Công an Hà Nội quản lí do tác giả thống kê được gồm khoảng 170 người. Số bị xử lí nặng khoảng gần 100 người, còn số bị đưa vào danh sách để phân lọai xử lí tính trên toàn miền Bắc ở tất cả các lĩnh vực phải tới hàng ngàn người (16). Bởi vì các ấn phẩm của phong trào NVGP đã được đón nhận nồng nhiệt, được hưởng ứng không chỉ ở Hà Nội, mà xuống đến tận các vùng nông thôn miền núi. Tác giả ở Tiền Hải Thái Bình có người thầy học là ông Trịnh Hồng Phát con cả của nhà nho Trịnh Đình Rư là sinh viên văn ĐHTH HN do hưởng ứng tập san Đất Mới phải về Tiền Hải dạy cấp II. Tác giả có người cậu thứ hai dạy cấp I thời đó là Tô Nhật Mỹ đã cho đọc báo Văn, cho đến nay tác giả vẫn còn giữ ấn tượng về số báo Văn in truyện Ông Năm Chuột.
Đa số họ là trí thức văn nghệ sĩ có tài năng đã tham gia tích cực trong kháng chiến chống Pháp, nhiều người còn tham gia hoạt động cách mạng từ thời Văn hóa Cứu quốc.
Theo thống kê của tác giả trong số 64 đối tượng chính là văn nghệ sĩ có tên tuổi chỉ riêng trong lĩnh vực VHNT, chưa tính số trí thức bên ngành giáo dục đã có :
-23 người là hội viên Hội viên Hội Nhà văn
- 4 người là Hội viên Hội Sân khấu
- 6 người sau là Hội viên Hội Điện ảnh
- 12 người là Hội viên Hội Mỹ thuật
- 4 người là hội viên Hội nhạc sĩ
3- Nhận xét nội dung tư tưởng các tác phẩm của nhóm NVGP
Có người nói rằng cách thức tiến hành đánh NVGP mô phỏng lại cách Trung Quốc đấu tố phái hữu. Có thể chính Hồ Chí Minh đã chứng kiến việc này ở Bắc Kinh và Tố Hữu, Huy Cận, Hà Xuân Trường mang các bài học của Trung Quốc về áp dụng ở Việt Nam. Đặc biệt là hình thức chỉnh huấn đấu tố tập thể, tra tấn tinh thần để đối tượng tự nhận tội. Các văn bản phê phán đều mang màu sắc CCRĐ rất rõ với các quan điểm tả khuynh về chính trị, nặng về mạt sát mạ lỵ, quy kêt chụp mũ, thậm chí có chỗ vu khống, bịa đặt trắng trợn. Trong các bài tham luận, phát biểu trích dẫn văn bản thì cắt xén, suy luận xuyên tạc ý nghiã chủ quan của tác phẩm. Các bản tự kiểm điểm do sức ép nặng nề về tâm lý và để nhanh chóng thoát khỏi các hình thức tra tấn về tinh thần đều nhận tội quá lên, tự xỉ vả mình và đồng nghiệp. Vì thế khi người ta muốn tìm hiểu sự thật trong các văn bản này nên thận trọng và phải đối chiếu với các nguồn thông tin khác.
Kết tội nhóm NVGP có 3 nguồn chính thức như sau:
-Nghị quyết 30 của BCTĐCSVN ngày 6- 1- 1958 về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ.
- Báo cáo tổng kết cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn- Giai Phẩm của Tố Hữu taị Hội nghị Ban chấp hành Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 4- 6- 1958.
- Bản án của Tòa án nhân dân Hà Nội ngày 19- 1- 1960 xử vụ gián điệp Nguyễn Hữu Đang, Thụy An.
Dù có cách đánh lạc hướng nhưng cáo trạng đều toát lên tinh thần các đối tượng dùng báo chí, văn nghệ sĩ kích động tư tưởng chống chế độ tức là tinh thần của một vụ án văn học chứ chưa phải là một vụ án hình sự về an ninh quốc gia.
Gác lại một bên, các quy kết, trào lưu tư tưởng NVGP có những gì?
Cốt lõi của NVGP vẫn là vấn đề dân chủ, câu hỏi muôn thưở đối với các xã hội toàn trị. Nhu cầu về một cuộc sống có tự do dân chủ lúc ấy là khát vọng chung cho tất cả các tầng lớp nhân dân miền Bắc, nhưng nó được biểu hiện một cách mãnh liệt ở những trí thức có nhiều ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản, ở những văn nghệ sỹ công thần, nhạy cảm, dũng cảm và lãng mạn.
Rõ rệt nhất là ở các lĩnh vực sau:
Về chính trị :
Mấy dòng ra mắt báo Nhân Văn số 1 viết:
Vào lúc Đảng và Chính phủ đang có kế hoạch phát triển văn hóa, cải thiện sinh hoạt xã hội, chúng tôi cho ra tờ báo Nhân Văn để đóng góp một phần nhỏ mọn vào công việc đó.
Vì vậy nên phần ngôn luận chủ yếu của nó được nêu lên là: văn hóa và xã hội.
Ngoài ra, trong nước nay mai sẽ có Đại hội Văn nghệ toàn quốc. Báo Nhân Văn cũng coi trọng việc ấy, dành một phần tờ báo cho việc thảo luận các vấn đề văn nghệ để góp phần xây dựng Đại hội.
Tóm lại, báo Nhân Văn đứng dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác- Lênin với tinh thần thực tiễn, để xúc tiến công cuộc củng cố miền Bắc, thống nhất nước nhà, để dọn đường đi đến thực hiện chủ nghĩa xã hội, theo như ý muốn của Đảng cũng là ý muốn của nhân dân cả nước.
Nguyễn Hữu Đang viết trong bài Cần phải chính quy hơn nữa, báo Nhân Văn số 4:
Hòa bình lập lại đã hai năm, dù cuộc đấu tranh thống nhất đất nước có phức tạp, gay go thế nào thì cũng không thể coi miền bắc như ở một hoàn cảnh bất thường để duy trì mãi một nền pháp trị hẳn hoi.
...Do pháp trị thiếu sót mà Cải cách Ruộng đất hỏng to đến thế. Do pháp trị thiếu sót mà quân đội chưa có chế độ binh dịch hợp lý, công an hỏi giấp giá thú đôi vợ chông ngồi ngắm cảnh trăng lên ở bờ hồ, hộ khẩu rình bên cửa sổ khiến người ta mất ăn mất ngủ, cán bộ thuế tụ tiện vào khám nhà người kinh doanh, ở khu phố có chuyện đuổi nhà lung tung hoặc ép buộc người ở nhà rộng phải nhường một phần cho cán bộ hay cơ quan ở. Do pháp trị thiếu sót mà nhiều cơ quan bóc xem thư của nhân viên và một ngành rất quan trọng noí đòi thông qua những bài báo nói đến mình, làm như một bộ phận của Nhà nước lại có quyền phục hồi chế độ kiểm duyệt mà chính nhà nước đã bãi bỏ. Do pháp trị thiếu sót, người ta đã làm những việc vu cáo và đe dọa chính trị trắng trợn, ngăn cản việc mua đọc báo Nhân Văn, hành hung báo Trăm hoa v.v...
Tưởng đã đến lúc nhân dân phải tích cực bảo vệ chế độ bằng cách tố cáo những hành động phi pháp ở bất cứ trường hợp nào đã có luật lệ rồi.
Về mặt xúc tiến xây dựng ngay một chế độ pháp trị đầy đủ tinh vi, chúng tôi đề nghị:
1- Thi hành Hiến pháp ( hoặc là Hiến pháp 1946 sửa đổi cho thích hợp với hoàn cảnh ngày nay, hoặc là Hiến pháp mới sẽ đặt ra), Trên cơ sở Hiến pháp, Quốc hội sẽ biểu quyết các đạo luật thay cho các sắc lệnh và nhiều văn kiện khác.
2- Quốc hội họp đều sáu tháng một kỳ. Không có lý do trong hoàn cảnh hòa bình mà công việc của Quốc hội vẫn khoán trắng cho một Ban thường trực gần như không hoạt động gì.
3-Chấn chỉnh ngành tư pháp, chủ yếu là tăng quyền hành thực sự của Bộ tư pháp.

Trong bài Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào? Ông lại viết:
Hiến pháp 1946 của ta sau khi được Quốc hội thông qua liền bị hoãn thi hành vì tình hình trong nước nghiêm trọng. Nhưng từ sau Hiệp định Giơ ne vơ, tình hình miền Bắc, mặc dầu còn nhiều khó khăn kinh tế và cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất gau go phức tạp, cũng phải coi là đã trở lại bình thường rồi. vậy chúng ta có thể đề ra hoặc việc thi hành Hiến pháp 1946 sửa đổi lại, hoặc việc đặt một Hiến pháp mới.
... Ở đây tôi chỉ muốn cả quyết một điều là dù Hiến pháp sẽ được ban bố có nội dung thế nào đi nữa, cái phần bảo đảm tự do dân chủ của nó về căn bản vẫn không thể thay đổi so với Hiến pháp 1946. Vì đó là một điều kiện “ không có không được” của một chính thể dân chủ.
...Chúng ta thấy các quyền tự do dân chủ bị hạn chế quá nhiều. Và chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh nghị quyết của hội nghị lần thứ 10 của Trung ương Đảng Lao động đã nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng tự do dân chủ.
...Chuyên chính với địch thì bao nhiêu cũng chưa đủ và từ trước đến nay chúng ta có lúc nào buông lỏng đâu mà phải hô hào? Còn chuyên chính với nhân dân thì cần xét kỹ. Nếu không hậu quả sẽ tai hại lớn. Nguyên nhân sâu xa của những biến cố ở Ba Lan và Hung ga ri là vì thiếu dân chủ, tại sao lại hiểu ra là vì thiếu chuyên chính?

Giáo sư Trần Đức Thảo viết trong bài Nỗ lực phát triển tự do dân chủ , báo Nhân Văn số 3 :
Sau khi chúng ta đã đánh bại đế quốc và hoàn thành Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc, chính bệnh quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân là những di tích của chế độ cũ trong tổ chức mới. Đấu tranh chống những bệnh ấy là nhiệm vụ của nhân dân và đường lối của Đảng, một trọng tâm công tác để đẩy mạnh công cuộc kiến thiết kinh tế và văn hóa, nhanh chóng tiến lên chủ nghĩa xã hội.
...Trong nhiệm vụ thực hiện phương châm của Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, đặng hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, hưởng ứng phong trào phát triển tự do dân chủ trong những nước dân chủ nhân dân anh em, người trí thức Việt Nam có phần trách nhiệm quan trọng. Người trí thức hoạt động văn hóa, cần tự do như khí trời để thở. Có tự do mới đẩy mạnh được sáng tác văn nghệ, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời cũng là nhiệm vụ số 1 của người trí thức cũng như của toàn dân.
Trong bài Nội dung xã hội và hình thức tự do , Giai phẩm Mùa Đông tập I ông viết cụ thể hơn về nguồn gốc của căn bệnh sai lầm như sau:

...Cơ cấu của bộ máy lãnh đạo có hướng một chiều, rất nặng về tổ chức và phương tiện đả thông, cưỡng bách , mà những ý kiến phê bình của nhân dân hay cấp dưới thì lại hoàn toàn để cho cấp trên quyết định có nên xét đến và thảo luận hay không, cho nên những bệnh quan liêu, bè phái, sùng bái cá nhân trong tổ chức lãnh đạo đã có điều kiện khách quan để phát triển, đẩy mạnh tác phong đàn áp tư tưởng, phớt qua quy tắc dân chủ, biến những ý kiến chủ quan thành lập trường bất di bất dịch. Nhờ những sự kiện ấy mà những phần tử lạc hậu bảo thủ, đã ngăn cản ý kiến của quần chúng, cản trở việc sửa chữa sai lầm, cho đến lúc tác hại lớn quá, cơ sở đã bị tổn thương nặng nề, chỉnh đốn tổ chức ở huyện và tỉnh phát triển theo một thứ chủ nghĩa nông dân lưu manh hóa. Rõ ràng những phần tử quan liêu bè phái đã lấy thành kiến của họ làm đường lối lịch sử , biến những sai lầm của họ thành bánh xe vô tình của lịch sử. Một bộ máy hùng mạnh, xây dựng để diệt kẻ thù, đến lúc không thấy thù thì lại quay về bạn, lấy bạn làm thù mà đập phá bừa bãi.
...Không có lý do gì mà không tin tưởng ở nhân dân, không tin tưởng rằng những thắc mắc đề ra, những ý kiến phê bình căn bản là nhằm phục vụ mục đích chung, lấy kinh nghiệm thực tiễn mà sửa chữa sai lầm, chấn chỉnh tổ chức, cải tiến chính sách. Những ý kiến ấy phát biểu tự do có thể phạm vào địa vị, thành kiến hoặc thói quen của một số người trong tổ chức lãnh đạo, nhưng nhất định đấy không phải là thoát ly lãnh đạo, mà chính là củng cố lãnh đạo.

Về pháp luật
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường qua bài phát biểu rất quan trọng trước Mặt trận Tổ quốc Hà Nội ngày 30- 10- 1956 đã phân tích những sai lầm của chính quyền đi từ sai lầm CCRĐ ở nông thôn sang sai lầm trong chế độ mậu dịch ở thị thành,, tất cả nằm trong bản chất thiếu dân chủ. Ông chỉ ra nguồn gốc các sai lầm đó và trình bày những nguyên tắc để sửa sạng lại bộ máy pháp luật, chính trị của đất nước (17).
Ông phê phán khẩu hiệu Thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch không những quá tả một cách vô lý mà còn phản lại cách mạng.
Ông nhắc lại những nguyên tắc cơ bản của pháp lý đã không được áp dụng trong CCRĐ:
-Không phạt các tội đã lâu ngày mà bây giờ mới khám phá ra.
- Chỉ một mình phạm nhân chịu trách nhiệm của việc mình làm, không có trách nhiệm chung của vợ con, gia đình.
- Muốn kết án một người phải có bằng cớ xác đáng.
- Thủ tục điều tra xét xử phải đảm bảo quyền lợi của bị tố nhân. Bị tố nhân có quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình.
Sở dĩ có sai lầm như vậy vì 3 nguyên nhân:
Quan điểm ta- địch, thù-bạn mơ hồ
Bất chấp pháp luật
Bất chấp chuyên môn.
Nguyễn Mạnh Tường cho rằng lẽ ra Quốc hội là cơ quan lập pháp nhưng lại bị quan niệm rằng đó chỉ có quyền thông qua các chính sách mà thôi.
Ông đề nghị hướng sửa chữa sai lầm là phải xây dựng một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự.
Ông khẳng định :
Một chế độ dân chủ thực sự trong đó người dân được làm chủ trên đất nước không những trong hiến pháp mà cả trong thực tế nữa.
Lịch sử các phong trào cách mạng trong hơn một thế kỷ nay, chưa bao giờ, chưa ai có thể ngăn cản được một phong trào quần chúng đòi tự do dân chủ.
Về Văn hóa, văn học nghệ thuật
Đào Duy Anh , Đặng Văn Ngữ trong trả lời phỏng vấn của báo Nhân Văn (18) nhấn mạnh đến việc thực hành dân chủ cho đội ngũ những người nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học, đội ngũ bác sĩ, trí thức cần được đầu tư phù hợp, cần có quan niệm đúng về vai trò chuyên môn, có phương pháp đánh giá đúng thực chất người trí thức, tránh lãnh đạo thô bạo bằng chính trị. Các ông đòi công tác chuyên môn cơ bản phải do những người chuyên môn phụ trách (19).
Làn sóng phê bình sai lầm trong lãnh đạo văn nghệ vô cùng mạnh mẽ. Những phát súng đầu tiên lại xuất phát từ Phòng văn nghệ Quân đội , nơi quản lý cả một đội ngũ VNS hùng hậu bằng chế độ chính ủy.
Từ tháng 4- 1955 Trần Dần cùng với Đỗ Nhuận, Hoàng Tích Linh, Hoàng Cầm, Tử Phác, Trúc Lâm...gửi Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa lên Tổng cục chinh trị. Bản Dự thảo yêu cầu để cho văn nghệ sĩ tự do sáng tác, trả lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ, đòi thành lập một chi hội văn nghệ trực thuộc Hội Văn nghệ không qua Cục tuyên huấn và Tổng cục chính trị, bỏ hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội, bỏ mọi chế độ quân sự hiện hành trong văn nghệ quân đội. Sau đó là sự kiện Tử Phác, Trần Dần bị bắt giam, Trần Dần dùng dao lam cứa cổ tự tử, viết thư gửi Nguyễn Chí Thanh. Ông Thanh phải ra lệnh thả hai người. Việc bắt giam hai người, Hoàng Cầm chứng kiến Tố Hữu ra lệnh cho Văn Phác: Bắt nó về, tống giam nó!
Với bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ (20) Phan Khôi không ngần ngại phê phán tác phong lãnh đạo văn nghệ quan liêu, hách dịch, bè phái, sùng bái cá nhân của Trường Chinh, Tố Hữu, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi.
Khan Khôi cho rằng từ khi vể Hà Nội trong văn nghệ đã hình thành hai phe lãnh đạo văn nghệ và quần chúng văn nghệ mà Lãnh đạo văn nghệ đã xâm phạm mỗi ngày một hơn vào quyền riêng nghệ thuật của văn nghệ sĩ đặc biệt là việc ép buộc văn nghệ sĩ một cách nghiệt ngã phải phục vụ đúng đường lối chính trị. Với việc Hồ Chí Minh viết truyện mẫu cho các nhà văn viết theo, ông nhận xét:
Nhược bằng bắt mọi người phải viết theo một lối với mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết.
Ông chất vấn việc Hội Văn nghệ tổ chức phê phán bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần mang tính ấu trĩ quy chụp, đàn áp.
Phan Khôi dược mời tham gia Ban giám khảo Giải thưởng văn học 1954- 1955 để làm vì. Ông tố cáo sự thối nát của Ban Giám khảo, những người như Hoài Thanh, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng có tác phẩm dự thi mà đều ở Ban sơ khảo và Ban chung khảo, đều được giải thưởng mà chất lượng tác phẩm của họ không xứng đáng với giải.
Cùng với Khan Khôi, Trương Tửu cũng quyết liệt phê phán Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ (21). Xin nói rõ hơn là trong nghị quyết của Hội nghị TƯ 10 tháng 10-1856 cũng nhấn mạnh việc chống sùng bái cá nhân đang rất nặng nề trong đảng, trong đó có việc sùng bái Hồ chí Minh.
Trương Tửu xác định bệnh sùng bái cá nhân là một bệnh phổ biến trong giới lãnh đạo văn nghệ...Tôi không nói đó là bệnh của văn nghệ sĩ, vì rằng hôm qua cũng như hôm nay , người văn nghệ sĩ tự trọng không bao giờ thừa nhận sự sùng bái cá nhân. Nghệ thuật là sáng tạo, là tự do. Sùng bái cá nhân là phục tùng mù quáng, là nô lệ. Hai thứ đó như nước với lửa, có cái này thì không có cái kia được.
Trương Tửu nêu lên tấm gương không chịu sùng bái cá nhân của Tô Ngọc Vân, Sĩ Ngọc đối với Trường Chinh. Ông quy tội cho số lãnh đạo văn nghệ:
Giống như bọn thầy bùa phong kiến, các nhà lãnh đạo văn nghệ của chúng ta muốn yểm tất cả tâm hồn cứng rắn và tự do cho đến trở thành những hòn đất thó tròn méo mặc dầu tay kẻ nặn. Những lá bùa của họ chế tạo ra kể cũng đã khá nhiều: mất lập trường, phạm chính sách,phá đoàn kết, phá tổ chức, vô kỷ luật, chống Đảng, địch lợi dụng, có vấn đề, bất mãn cá nhân, óc địa vị,v,v... còn gì nữa?
Theo ông chính lãnh đạo đã tạo ra một tình trạng u ám trong văn nghệ:
Một số văn nghệ sĩ non gan...biến thành những tên thư lại văn nghệ xu nịnh trục lợi. Một số khác trốn vào thái độ tiêu cực, chán nản công tác, tâm tư trĩu nặng hờn oán và uất ức. Một số khác nữa cất kín cá tính và nghệ thuật xuống đáy ba lô, yên lặng làm bổn phận một người công dân kháng chiến bằng bút, bằng màu sắc, bằng dây đàn, bằng sân khấu- đánh giặc đã!Còn một số không khuất phục, kịch liệt phê phán tác phong và đường lối lãnh đạo của thường vụ Hội thì bị chụp mũ, bị chèn ép, bị trù, bị hành hạ, bị gạt sang một bên...
Trương Tửu đề nghị:
Đã đến lúc phải sa thải những nhà lãnh đạo thiếu tư cách mà quần chúng tuyệt đối không tin tưởng nữa để quần chúng văn nghệ tự tay mình điều khiển công việc chuyên môn của mình một cách thực sự dân chủ.
Đã đến lúc phải thanh toán lối đàn áp tự do tư tưởng, khinh miệt quần chúng, mệnh lệnh, độc đoán, bè phái chủ nghĩa do bệnh sùng bái cá nhân đẻ ra, để mở đường cho trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói.
Trương Tửu kêu gọi trả lại sự tự do cho văn nghệ sĩ:
Muốn sáng tạo ra một thế giới độc đáo, văn nghệ sĩ phải có một cái nhìn độc đáo, một nhận thức độc đáo về thực tại, một trí tưởng tượng độc đáo, một lối nói độc đáo. Phải duy trì bảo vệ tính độc đáo ấy không để một sức mạnh bên ngoài nào xâm phậm đến hay làm cho mất đi. Phải tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do vận dụng ngôn ngữ nghệ thuật- để có thể phản ánh hiện thực một cách trung thành.Tự do ở đây có nghĩa là: chống lại mọi áp bức tư tưởng, mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều minh không muốn nói,nghĩ diều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, không yêu những cái mà mình ghét, không ca tụng những cái mà mình phản đối. Không có tự do ấy, sự sáng tác của văn nghệ sĩ sẽ giả tạo.
Cũng với tinh thần phê phán các sai lầm của lãnh đạo văn nghệ, đề nghị các giải pháp cho tự do sáng tác còn có các bài của:
Hoàng Huế : Một bản đề án về Đại hội Văn nghệ lần thứ hai.
Trần Duy: Phấn đấu cho trăm hoa đua nở. Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ. Góp ý kiến về phần tự do dân chủ trong Nghị quyết T.Ư lần thứ mười.
Chu Ngọc: Nguyễn Sơn , người đi đầu trong đường lối văn nghệ rộng rãi.
Sĩ Ngọc: Làm cho hoa nở bốn mùa.
Q. Ngọc và T. Hồng: Phê bình lãnh đạo sinh viên.
Dương Viết Á: Những bóng mây đen đã bay qua. Chúng ta hãy giữ lấy ánh sáng mới.
Văn Tâm: Những người ấy muốn gì.
Bùi Quang Đoài: Chủ nghĩa nhân văn của ông Hoàng Xuân Nhị
H.L: Không có lí gì mà không tán thành Trăm hoa đua nở.
Trần Công: Chống bè phái trong văn nghệ.
Trần Công: Mấy ý kiến về vấn đề lãnh đạo ở Phòng văn nghệ quân đội.
Người Quan sát: Một đợt học tập và đấu tranh của giới văn nghệ. Bài học Ba Lan và Hung ga ri.
Trần Lê Văn: Chúng ta đã bàn tới những vấn đề gì trong Đại hội?. Cần mở rộng phê bình để đẩy văn nghệ tiến lên.
Còn một số bài về điện ảnh của Cao Nhị, Vũ Phạm Từ, Phạm Kỳ Nam, Phan Vũ, Chu Ngọc, Trần Công, Nắng Mai Hồng, Trần Thịnh...
Trần Công: Tiến tới thành lập Hội của những người công tác điện ảnh.( ST1)
Nắng Mai Hồng: Cần xét lại quan niệm của những người lãnh đạo nghệ thuật điện ảnh.( ST 1+2)
Cao Nhị: Nửa tháng liên hoan phim Liên Xô: Mấy bộ phim dở. (NV 5)
Như vậy sau văn học những phản ứng mạnh mẽ ở trên đã làm nóng diễn đàn điện ảnh. Lúc đó Ban vận động thành lập Hội Điện ảnh đã hoạt động nhưng mãi đến năm 1970 những người làm điện ảnh mới có hội nghề nghiệp của mình. Có hai lí do :
Thứ nhất các ĐCS theo lí thuyết của Lê nin đề cao điện ảnh là vũ khí số một của nghệ thuật vô sản. Họ luôn luôn nắm chặt vũ khí này cho đến hiện nay cả về chỉ đạo và cả về đầu tư.
Thứ hai là sau NVGP điện ảnh phải hứng chịu tiếp cơn bão thứ hai lớn hơn là Vụ án xét lại. Hầu hêt các nghệ sĩ và quản lý điện ảnh đều được đào tạo ở Liên Xô về, nhiều người đã bị coi là có tư tưởng xét lại. Chỉ sau khi giải quyết xong vụ án xét lại 1968 thì đến tháng 1- 1970 Hội Điện Ảnh mới được thành lập.
Trên lĩnh vực sáng tác phong trào NVGP còn có các tác phẩm tiêu biểu như sau:
Thụy An: Truyện ngắn Trường hợp tòng quân của thiếu úy Lâm, Bich xu ra.
Nguyễn Bính:Thơ Tỉnh giấc chiêm bao.
Văn Cao:Trường ca Những người trên cửa biển. Thơ Anh có nghe thấy không.
Hoàng Cầm: Bút kí Con người Trần Dần. Trường ca Tiếng hát quan họ. Kịch thơ Tiếng hát.
Phùng Cung: Truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh
Trần Dần: Trường ca Nhất định thắng. Hãy đi mãi.
Trần Duy: Truyện ngắn Những người khổng lồ. Tiếng sáo tiền kiếp.
Lê Đạt: Thơ Nhân câu chuyện mấy người tự tử. Cửa hàng Lê Đạt.
Minh Hoàng: Truyện ngắn Đống máy
Phan Khôi: Tạp văn Ông bình vôi. Truyện ngắn Ông Năm Chuột.
Hữu Loan: Thơ Những thằng nịnh hót.
Như Mai: Truyện ngắn Thi sĩ máy
Phùng Quán: Thơ Chống tham ô lãng phí. Lời mẹ dặn.
Trần Lê văn: Tùy bút Bức thư gửi một người bạn cũ.
Vậy đặc điểm của cuộc cách mạng văn học NVGP là gì?
Về nội dung:
Trong lúc đa số văn nghệ sĩ đang băn khoăn không biết viết về cuộc sống hiện tại như thế nào để không trái với yêu cầu tuyên truyền, viết tiếp về kháng chiến thì khó viết, các tác giả NVGP chủ trương sáng tác của mình trực tiếp phản ánh những vấn đề cấp thiết của xã hội với thái độ thẳng thắn, trung thực. Họ cho rằng nếu với thái độ đó văn học sẽ giúp ích nhiều cho nhân dân, cho Đảng, cho nhà nước. Họ không né tránh sự đau khổ của nhân dân, nghèo túng, oan ức trong cải cách ruộng đất, sự bế tắc của người nghệ sĩ. Họ lên án các tật xấu của cán bộ, nạn tham ô lãng phí, trong đó có cán bộ lãnh đạo văn nghệ, chỉ đạo chính trị thô bạo, sùng bái cấp trên, bè phái, áp bức cấp dưới và nhân dân, làm ảnh hưởng đến sáng tạo, đến chất lượng nghệ thuật. Họ góp ý thẳng thắn về các chủ trương chính sách không hợp với lòng dân đang làm tổn thương lòng tin vào chế độ mới. Họ tố cáo với Đảng những kẻ thù mới đó, những con người đang làm hại sự nghiệp của Đảng, khẳng định đây là một cuộc đấu tranh mới đầy quyết liệt:

Chúng nó còn ở lại
Trong những áo dài đen nham hiểm
Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người
Chúng nó còn ở lại
Trong những tủ sách gia đình
Ở những điếu thuốc trên môi những em bé mười lăm
Từng bước chân cô gái
Từng con đường bãi cỏ bóng tối
Mắt quầng thâm còn nhớ mãi đêm
Chúng nó còn ở lại
Trong những tuổi bốn mươi
Đang đi vào cuộc sống
Như nấm mọc trên những thân gỗ mục

Văn Cao- ( Anh có nghe thấy không)

Trong những ngày khó khăn chồng chất
Kẻ thù của chúng ta xuất hiện
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẫn trong hàng ngũ

Những con bói cá
Đậu trên những dây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao tay chân cố dìm một con người
Đất nước đang lên da lên thịt
Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống
Chúng muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng
Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang
Làm rỗng những con người lụi dần niềm hy vọng
Héo dần mầm sáng taọ mất phẩm giá con người
Chúng nó ở bên ta trong ta lén lút
Đào rỗng từng kho tiền gạo thuốc men
Tôi đã thấy từng mặt từng tên xâu chuỗi
Tôi sẽ vạch mặt từng tên

Văn Cao- (Trường ca Những người trên cửa biển)
Họ cũng sớm lên án sự can thiệp thô bạo vào đời sống riêng tư con người:

Chế độ ta không cấm họ yêu nhau
Mà sao họ chết?
Người công an đứng ngã tư
đường phố
Chỉ huy
bên trái
bên phải
Xe chạy
Xe dừng
Rất cần cho việc giao thông
Nhưng đem bục công an
máy móc
đặt giữa tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
Theo đúng luật đi đường nhà nước
Có thể gây rất nhiều chua xót
ngoài đời

Lê Đạt- (Nhân câu chuyện mấy người tự tử)
Với ngày nay những câu thơ trên là rất bình thường nhưng vào lúc đó nó bị cắt xén, suy diễn gán ghép kết tội, làm cho những người lãnh đạo cả tin vào đội ngũ thư lại mất bình tĩnh. Cũng như vậy, kể cả câu Tôi bước đi . Không thấy phố , không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. đã bị cắt ra khỏi kết cấu của bài thơ dài Nhất định thắng và gán cho ý nghĩa phản động. Câu thơ này là tâm trạng tác giả lúc cuộc sống khó khăn nhất. Cuối bài thơ lúc miền Bắc vượt qua khó khăn, với tinh thần nhất định thắng tác giả lại thấy :
Nắng lên đỏ phố đỏ cờ
Đỏ cả buồng tim lá phổi.
Trong nội dung các tác phẩm này, có thể thấy tính chất thật, cuộc sống thật của đời sống nhân dân. Các sáng tác NVGP cũng giống như lời các bài hát của Phạm Duy trong giai đoạn đầu kháng chiến như Bà mẹ Gio Linh, Nương chiều, Đường về miền Trung...đầy hơi thở cuộc sống không chung chung như các bài thơ, các nhạc phẩm của các văn nghệ sĩ kháng chiến khác.
Hiện thực mà văn học NVGP biểu hiện rõ ràng trái ngược với thứ hiện thực của văn học kháng chiến, nó là cho văn học trở lại với đời sống nhân dân, làm nên nhựa sống cho người nghệ sĩ.

Về Nghệ thuật:
Các nhà văn NVGP muốn tạo ra sự chuyển biến về hình thức sáng tạo. Trước hết về thể thơ họ tiếp tục mở rộng thể thơ tự do mà trong kháng chiến Nguyễn Đình Thi đã từng bị phê phán nhưng Hoàng Cầm đã thành công rực rỡ với Bên kia sông Đuống. Mạnh mẽ hơn họ còn thể nghiệm lối thơ bậc thang của Maiacopski. Mức độ thành công có khác nhau, nhưng ở Trần Dần có lúc đã có thành công, nhất là với Trường ca Việt Bắc.
Đây!
Việt Bắc!
Sông Lô
nước xanh
tròng trành mảnh nguyệt!
Bình Ca
Sương xuống
lạc
con đò!
Cần thấy ở việc học tập thơ Maia ngoài ý đồ cách tân nghệ thuật, Trần Dần, Lê Đạt còn muốn thơ phải có tính chiến đấu quyết liệt như Maia.
Ở một hướng cách tân khác Văn Cao, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Phùng Quán cũng có nhiều thành công.

Về bút pháp, văn xuôi NVGP đã không còn là lối văn tả thực, tường thuật đơn giản. Nó thực sự đã có những ẩn dụ, biểu tượng có ý nghĩa sâu sắc mà trong văn học kháng chiến còn vắng bóng. Các hình tượng nghệ thuật của họ đã tiến tới sự khái quát nghệ thuật, đa nghĩa, mang ẩn dụ tư tưởng . Đó là các truyện ngắn Tiếng sáo tiền kiếp, Những người khổng lồ của Trần Duy, Ông Năm Chuột của Phan Khôi, Con ngựa già của Chúa Trịnh của Phùng Cung, Em bé làm văn của Trần Dần, tiểu luận Ông bình vôi của Phan Khôi, Thi sĩ máy của Như Mai...
Từ các ẩn dụ của NVGP người ta nhận ra thái độ phê phán đường lối lãnh đạo văn nghệ của ĐCSVN, các căn bệnh của bộ máy lãnh đạo văn nghệ, của cán bộ chính trị, bất cập của các chính sách cộng sản trại lính áp dụng vào đời sống thời bình, tinh thần dũng cảm chống cái xấu, cái ác, khát vọng tự do dân chủ và cả sự thất vọng về bi kịch tiền định của thân phận nghệ sĩ.
Trong thời kỳ đấu tranh với NVGP, các đồng nghiệp đã tấn công quyết liệt vào bút pháp của NVGP. Họ kết tội NVGP xỏ xiên mượn xưa nói nay, mượn thú vật nói người, lấy cũ nói mới... Sự quy kết này đã được lấy làm chuẩn mực trong một thời gian dài cho phương pháp phê bình gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa, tạo ra các vụ phát hiện phê phán nhiều tác phẩm tiêu cực trong các thời kỳ tiếp theo đã làm thui chột các ý tưởng thể nghiệm nghệ thuật, ý tưởng sáng tạo hình thức thể hiện của một thế hệ văn nghệ sĩ trên tất cả các thể loại văn học nghệ thuật văn chương, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh...
Như vậy các nhà văn NVGP đã có ý thức làm mới một nền văn học đã bị xơ cứng vì chủ trương phục vụ tuyên truyền, vì bị lãnh đạo quan liêu gò ép mệnh lệnh trong 9 năm kháng chiến. Nhìn lại sáng tác của các nhà thơ tiền chiến như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Nguyễn Xuân Sanh, Anh Thơ... trong thời kỳ này dễ nhận thấy họ vẫn còn bế tắc còn chưa viết lại được nhuần nhuyễn.
Vào thời điểm đó trên thế giới cũng bước vào một cuộc cách mạng văn học với sự xuất hiện của các trào lưu hiện đại mới. Ở Sài Gòn, những văn nghệ sĩ trẻ di cư từ Hà Nội vào đã lập nên nhóm văn học Sáng Tạo, nhóm trí thức Bách Khoa đã tạo ra cuộc cách mạng ngôn ngữ thơ ca trừu tượng và văn học hiện sinh. Phải nói rằng ngôn ngữ văn học miền Nam đã đi trước hiện đại hóa so với ngôn ngữ văn học miền Bắc mấy chục năm. Phải chăng đó là hậu quả của việc thủ tiêu cuộc cách mạng văn học của NVGP?
Thành quả của cuộc cách mạng văn học của NVGP tiếc rằng chưa gây được ảnh hưởng rộng lớn trong một thời gian ngắn ngủi. Nó tạo ra sự hoảng sợ ở những văn nghệ sĩ bảo thủ quen viết theo chỉ thị cấp trên. Nó đã đặt ra cho nền văn học miền Bắc những tiền đề quan trọng, để lại ảnh hưởng đến nhiều thế hệ văn nghệ sĩ mặc dù ngay sau đó nó bị che phủ trong bóng tối. Những nhà văn chủ chốt của nó vẫn không chịu thoái lui. Họ cố thủ trong lô cốt cá nhân của riêng mình, vật lộn với nghèo túng, đói khát, vẫn tiếp tục thể nghiệm và đã biến ý tưởng thành hiện thực, cuối cùng dù muộn màng đã được ghi nhận là những nhà cách tân thành công thơ hiện đại Việt Nam . Đó là những Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng...
Cũng như các trào lưu dân chủ ở các nước XHCN khác tất cả các tư tưởng sáng tác của NVGP đều bị quy kết ám chỉ, đả kích, là phá hoại phản động. Cũng như Hồ Phong, Đinh Linh, cũng như Tru khơ rai, Paxternac, Xonjênitxin, Lu cat, Owen, Kớt slơ.. mà sau này đến thời kỳ cải tổ, đổi mới người ta phải trả lại danh dự cho họ.
Tư tưởng của họ phù hợp với các tiêu chí chung về tiến bộ xã hội của nhân loại, của một xã hội văn minh, một xã hội con người được tự do tư tưởng, một nền nghệ thuật được tự do sáng tạo...
4-Tính chất và hình thái hoạt động
Trong các văn bản và phát biểu cá nhân người ta kết tội NVGP là tổ chức phản động , hoạt động gián điệp, nhận tiền và được chỉ đạo của nước ngoài, dùng văn học nghệ thuật hoạt động phản tuyên truyền , kích động quần chúng nổi loạn lật đổ chính quyền.
Về tư tưởng thì ở trên đã trình bày cho chúng ta thấy rõ những đòi hỏi cải cách dân chủ của họ là phù hợp với tiến trình lịch sử. Nếu ĐCSVN đi theo con đường đó thì có thể khủng hoảng đã không thể xảy ra, đất nước không ở tình trạng như hiện nay. Có người lấy việc giải phóng miền Nam để biện minh cho việc đàn áp NVGP là chính đáng. Nhưng sau khi có sự sụp đổ của phe XHCN, sau khi nước Đức thống nhất thì lý do này khó đứng vững.
Về tập thể hàng trăm trí thức, văn nghệ sỹ với nhân thân đã biết ở trên và nhất là đa số là những trí tuệ tài năng hàng đầu ở miền Bắc thì không thể nói rằng họ là một tập thể mù quáng. Bây giờ thì lịch sử đã chứng minh rằng những điều họ dám nói ra lúc đó đã đi trước 30 năm.
Qua các tài liệu và các cuộc phỏng vấn sau này có thể đánh giá như sau:
NVGP không phải là một tổ chức vì thực sự không có một ngọn cờ nào chỉ đạo, điều khiển NVGP. Nó là một xu thế, cùng bùng lên ở nhiều lĩnh vực, được nhiều người hưởng ứng quy tụ xung quanh nhóm sáng tác chính của báo Nhân Văn và tạp chí Giai Phẩm. Theo lời các chủ chốt thí dường như chỉ có hai người là Nguyễn Hữu Đang và Lê Đạt có tính chất thủ lĩnh về tinh thần, còn trong công việc thì thường xuyên họ mâu thuẫn với nhau. Họ không có một nghị quyết, một chương trình hành động cụ thể, một mô hình tổ chức nào. Theo ông Trần Duy họ luôn luôn trong tình trạng cãi nhau về chủ trương, không ai bảo được ai (22).
NVGP không hoạt động gián điệp. Cái tội gọi là hoạt động gián điệp ở đây là sự gán ghép suy diễn buộc tội. Nguyễn Hữu Đang không liên quan gì đến những người Pháp còn ở Hà Nội. Còn Thụy An thì được một cơ quan giao nhiệm vụ nắm ý đồ của mấy người Pháp đối với tình hình Hà Nội lúc đó. Sau đó những lời báo cáo của bà trở thành chứng cứ buộc tội bà hoạt động gián điệp. Họ cũng không có tài liệu bí mật để chuyển giao cho cái gọi là cơ quan tình báo Pháp.
NVGP không nhận tiền của nước ngoài
Có một nguồn giúp đỡ cho tạp chí Giai Phẩm là NXB Minh Đức. Chủ nhân của nó là Trần Thiếu Bảo con một gia đình khá giả ở Thái Bình, trước 1945 có nhà in ở Hà Nội. Ông Bảo có tham gia VHCQ, tản cư về Thái Bình sau tháng 12- 1946 là Ủy viên BCH HVHCQ Khu III, sau tản cư vào vùng tự do Thanh Hóa lại lập Nhà xuất bản Minh Đức có Nguyễn Hữu Đang giúp, xuất bản sách kháng chiến cho đến 1954 thì mang nhà xuất bản này về Hà Nội.
Còn nguồn tài chính cho báo Nhân Văn thì do các cá nhân tự vay góp tiền để làm báo. Ông Trần Duy, Thư ký tòa soạn báo cho biết:
Có người nói rằng tôi nhận tiền của Durand, tôi có nói với mọi người là tôi không biết ông Durand. Hơn nữa nếu nói ông Durand là một nhà trí thức thì người trí thức Pháp không bao giờ làm mật thám đâu. Trí thức Pháp là trí thức Pháp nhiều khi họ còn chống cả mật thám. Tôi không tin ông Durand, một nhà nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, về cổ học Việt Nam mà lại là mật thám.
Có người lại cho rằng tôi nhận tiền của Ủy Ban Quốc Tế. Tôi bảo tôi không biết Ủy Ban Quốc Tế nằm ở đâu mà tôi nhận tiền. Trong quá trình làm báo tôi không tiếp xúc với một người châu Âu nào cả, một người ngoại quốc nào hết... Nghĩa là Nhân Văn tay trắng không có một đồng xu nào cả, từ khi nó lên là tay trắng, và khi đổ thì cũng chẳng có một đồng xu nào trong quỹ cả.(23)
5-Kết luận về bản chất NVGP. Niềm tin của tác giả
Vậy bản chất của NVGP là gì?
NVGP là một đợt bột phát trào lưu tư tưởng dân chủ ở miền Bắc Việt Nam có tiền đề ngay từ khi hình thành nhà nước VNDCCH lưỡng sinh giữa DCTS và toàn trị cộng sản tiến dần đến mô hình kiểu chủ nghĩa Mao, phát sinh trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội nhưng mạnh mẽ nhất là lĩnh vực ngôn luận mà lực lượng hăng hái nhất là trí thức khoa học xã hội và văn nghệ sỹ, tập trung xung quanh hai ấn phẩm là báo Nhân Văn và tập san Giai Phẩm.
Có lẽ cần phải cho mọi người nghe ý kiến của Ông Nguyễn Hữu Đang trả lời Thụy Khuê ngày tháng 9- 1995 khi bà hỏi thực chất của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm là gì :
Thực chất phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống, không phải chống đảng cộng sản đâu, mà là chống cái chủ nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Sự thâm nhập của chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao trạch Đông đưa đến nhiều hiện tượng- nói là chuyên chính thì chưa đủ- phải nói là cực quyền toàn trị, nó gay gắt ghê lắm...Nó gay gắt ghê lắm!
Tác giả là người đã được đọc lại toàn bộ hồ sơ nghiệp vụ chuyên án NVGP, tiếp xúc với hầu hết thành viên chủ chốt của vụ án, một số văn nghệ sỹ tham gia vào đấu tranh với NVGP, tiếp xúc sớm nhất với các tài liệu nghiên cứu, các bài viết về NVGP từ nước ngoài, tiếp xúc tương đồi đầy đủ các bài viết về các nhân vật NVGP ở trong nước từ sau đổi mới. Tác giả tin rằng NVGP không phải là một vụ án gián điêp phản động. Các văn nghệ sỹ trí thức NVGP không có mục đích lật đổ chế độ. Họ chỉ mong muốn ĐCSVN, chính phủ sửa chữa những sai lầm và xây dựng ngay một nền dân chủ pháp trị, một đời sống tinh thần có tự do tư tưởng, một đời sống văn học nghệ thuật tự do sáng tạo.
Còn vụ án được đem xét xử công khai có thể nói đấy là một vụ án xử vì mục đích chính trị chưa đủ chứng cứ cấu thành tội danh hoạt động gián điệp mà động cơ của nó có thể có sự lợi dụng để khuất lấp tai tiếng và bảo vệ vị trí của chính những người lãnh đạo Đảng đã mắc sai lầm trong CCRĐ.
6-Nhận xét về các biện pháp đấu tranh chống NVGP, những người đấu tranh
Các biệp pháp áp dụng để đấu tranh chống NVGP được gọi là biện pháp tổng hợp, là chế độ thông thường đối với các vụ án chính trị có quy mô lớn của các nước XHCN.
Gồm như sau:
-Huy động hầu hêt các phương tiện thông tin đại chúng của chính quyền tham gia phê phán. Báo Nhân Dân, Hà Nội Mới, Quân Đội Nhân dân, Tạp chí Học Tập, Tạp chí Văn Nghệ, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Văn Nghệ Quân Đội, Tạp chí Điện Ảnh... Đặc trưng của các cơ quan ngôn luận cộng sản là chỉ cho phép sự phê bình chính thống, không cho phép người bị phê bình được nói lại.
-Huy động các cơ quan quản lý trí thức, văn nghệ sỹ tổ chức các cuộc kiểm thảo, phê bình đấu tố những người tham gia NVGP, sau khi đấu tố đương sự phải viết bản tự thú tội để công khai hóa trên các phương tiện tuyên truyền.
-Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ của hệ thống công an.
-Sử dụng các biện pháp quản lý hành chính như khai trừ Đảng, khai trừ BCH khai trừ hội viên các hội VHNT, treo bút không cho xuất bản tác phẩm có thời hạn hoặc vĩnh viễn, cách chức, chuyển công tác, hạ lương, đưa ra khỏi biên chế, bắt buộc cư trú ở những vùng xa Hà Nội, đưa đi cải tạo bằng lao động chân tay ở nông trường, nhà máy, hợp tác xã nông nghiệp...
- Ngoài ra gia đình các đối tượng còn phải chịu sự đối xử khắc nghiêt của các cơ quan quản lý xã hội và toàn xã hội như việc học hành, thi cử, phân công công tác, lấy vợ lấy chồng...
Đáng lẽ có những hình thức kỷ luật chỉ có thời hạn vài ba năm nhưng cuối cùng kéo dài cho tới thời kỳ đổi mới. Các đối tượng hết hạn tù và quản chế đang là công dân bình thường nhưng vẫn bị quản lý như người mất quyền công dân.
Nói chung là cái biện pháp tổng hợp ấy có một mãnh lực vô hình ghê gớm, nó làm tê liệt mòn mỏi sức lực và tinh thần của một bộ phận trí thức tinh hoa trong thời gian dài 30 năm.
Việc đấu tranh đã tạo ra nhiều bi hài kịch cho các trí thức văn nghệ sỹ, tạo ra những vêt thương đau đớn giữa thầy và trò (24), giữa những người bạn thân cùng chiến đấu trong một chiến hào ngày hôm qua (25), giữa vợ chồng, cha con, anh em (26), giữa con cháu với chú bác ruột (27). Những vết thương ấy cũng kéo dài suốt ba mươi năm, cá biệt tổn thương còn tới ngày nay.
Trong số các quan hệ làm cho vấn đề NVGP phức tạp lên, nghiêm trọng hơn có thể còn có sự thù ghét cá nhân như quan hệ Trường Chinh- Nguyễn Hữu Đang, quan hệ Tố Hữu- Hữu Loan, Tố Hữu- Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt..và các tham vọng cá nhân như đã nói ở phần trên...(28)
Một đảng viên cộng sản châu Âu đã có nhiều năm sống ở Việt Nam trong cả kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã ví rằng vụ NVGP và vụ án Xét lại sau này là hai cơn bão lớn quét qua bầu trời trí thức Việt Nam.

IV- Hậu Nhân Văn Giai Phẩm

Nhân văn Giai Phẩm tuy bị dập tắt nhưng nó có sức sống bất diệt, cứ âm thầm thao thiêt chảy dưới bề mặt của chế độ toàn trị. Những gì tinh túy của nó đã kết tinh lại để rồi đến khi cởi trói các bảo vật ấy lại được sống tiếp cuộc sống công khai giữa xã hội.
1-Thời kỳ 1960- 1986
Trong thời gian dài các tác phẩm của các thành viên chủ chốt NVGP không được in ấn công khai trên mặt sách báo. Họ được trả một chút lương để làm công việc dịch thuật. Các văn bản do họ thực hiện không được mang tên thật. Tranh vẽ mang tên người khác, thơ và truyện nếu phù hợp với đường lối tuyên truyền có thể xuất bản được thì mang tên một người cụ thể khác. Đó là sáng tác thuê, họ chỉ được một phần nhuận bút. Nguyễn Hữu Đang thì được trợ cấp lĩnh qua đơn vị nghiệp vụ công an. Người nào ra khỏi biên chế thì tự kiếm sống. Có như như Tử Phác đã rơi vào hoàn cảnh cực kỳ thê thảm.
Tuy vậy họ vẫn sáng tác , tất nhiên là cảm hứng sáng tác bị thu hẹp và gắn liền với tâm trạng cá nhân. Đáng chú ý nhất là các trường hợp Phùng Cung, Hoàng Cầm, Phùng Quán.
Phùng Cung sinh năm 1928 tại Vĩnh Yên, tham gia kháng chiến chống Pháp, sau hòa bình bố ông bị quy sai địa chủ bị chêt trong tù, ông công tác ở Văn phòng Hội Nhà văn. Khi có phong trào NVGP ông cho đăng truyện ngắn Con ngựa già của Chúa Trịnh trên báo Nhân Văn số 4. Thời gian này ông bị đình chỉ công tác, kiểm điểm. Tháng 5- 1961 ông bị bắt , bị giam đến đầu 1973 mới được thả ra. Trong các bản thảo của Phùng Cung có khoảng chục truyện ngắn mang nội dung phê phán gay gắt CCRĐ, cuộc sống hiện tại, tha nhân của cán bộ, văn nghệ sĩ...Năm 2003 tuyển tập tác phẩm của ông được xuất bản tại Mỹ gồm tập thơ Xem Đêm đã xuất bản trong nước, 10 truyện ngắn và tập thơ Trăng Ngục với những bài thơ ông viết trong 12 năm tù đầy. Ông đã mất năm 1997.
Sau thời gian đi cải tạo lao động, Hoàng Cầm trở về Bắc Ninh quê hương ông. Vượt qua những dằn vặt đau đớn di chấn của vụ NVGP ông sống đằm mình vào văn hóa Kinh Bắc cái mạch nguồn đã cho ông làm nên Bên kia sông Đuống. Tập thơ liên hòan Về Kinh Bắc có thể nói là một lâu đài thơ ca tráng lệ có không gian văn hóa cổ kính hòa trộn với tâm linh hiện đại, những ẩn ức về thân phận con người cùng với khát vọng sống của nó.Về Kinh Bắc là đỉnh cao trong sự nghiệp thơ ca của Hoàng Cầm, tiếc rằng 35 năm sau nó mới được ra mắt bạn đọc, sau khi Hoàng Cầm phải ngồi tù 1 năm rưỡi cùng người bạn thơ Hoàng Hưng ngồi tù 39 tháng vì hệ lụy tập thơ. Trong thời gian 35 năm ấy một vài bài của Về Kinh Bắc, đặc biệt là Lá diêu bông đã được giới yêu thơ, thanh niên Hà Nội chuyền tay nhau cùng bản nhạc phổ lời bài thơ, tôi biết chính xác có bài của nhạc sĩ Ngọc Thanh, nhạc sĩ Lê Yên, sau này có bài của nhạc sĩ Phạm Duy. Chuyện tình của Lá diêu bông cũng như Quả vườn ổi, Cây tam cúc, Cỏ Bồng thi chỉ là một phương tiện thể hiện, đặt các bài thơ ấy trong bối cảnh 1958- 1960 mới hiểu được chủ nghĩa nhân văn, ám ảnh thân phận người nghệ sĩ, nỗi thất vọng to lớn giữa lý tưởng và cuộc đời của một thế hệ nhà văn...Ông vừa mới mất ngày 6- 5- 2010.
Hành trình tư tưởng của Phùng Quán thực ra đơn giản. Suốt đời ông ca ngợi lý tưởng, kêu gọi người ta chiến đấu cho độc lập dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Nhưng tính bộc trực, lòng nhiệt thành khi đăng bài trên NVGP đã làm ông chịu nhiều oan ức. Vừa câu cá trộm ở hồ Tây để sống ông phải viết hàng trăm truyên thiếu nhi, truyện tranh cho các nhà xuất bản với bút danh mới hoặc mượn tên người khác.
Trong nhiều năm ông đã hoàn thành bộ tiểu thuyết 3 tập gần 1000 trang về quãng đời niên thiếu chiến đấu trong đơn vị độ đội do Đàm Quang Trung chỉ huy với tên Tuổi thơ dữ dội xuất bản lần đầu ở Huế với bút danh Đào Phương. Tuổi thơ dữ dội được Giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1987. Ông đã mất năm 1995.
Văn Cao gần như không công bố thơ của mình trên báo, chỉ chuyên làm bìa sách và vẽ minh họa cho các báo. Bắt đầu đổi mới ông công bố bài thơ dài Năm buổi sáng không có trong sự thật trên tạp chí Sông Hương tạo ra sự ngạc nhiên của dư luận. Ông đã mất năm 1995.
Đặng Đình Hưng cũng âm thầm thể nghiệm một thể thơ hiện đại trên chất liệu chính cuộc sống mòn mỏi, tù túng của ông, sau này in thành tập Ô Mai và Bến Lạ.
Tôi lại đi...
Jiữa cái nong hình dáng lưng tôi, một bảng đen trước mặt, một vòng phấn dưới chân, zính zính… những con 8 lộn zọc nhẵn thín nam châm gói tronghatj thóc zống của không biết
… Tôi hề biết
/ kể cả quả mít nứt
Tôi đã tìm ở sau cái gương/ cũng không có jì hết
Tôi đã tiếp đau thương những nhỏ nhỏ
thường thường
Đã húp ra đi từng bát những nhạt nhạt
mềm mềm

,và rất ngon
Ông đã mất năm 1990 tại thành phố HCM.
Trân Duy từ bỏ văn chương tuy không phải nghề chính nhưng ông cũng được đánh giá cao với truyện ngắn Tiếng sáo tiền kiếp trên Giai phẩm Mùa Thu tập I. Ông chuyên tâm với tranh lụa mà đề tài là các di tích văn hóa lịch sử, các danh thắng và có được một bộ sưu tập có giá trị. Ông được khôi phục Hội viên Hội nghệ sĩ tạo hình năm 1988, mở Triển lãm tranh năm 1991 . Gần đây ông lại tái xuất giang hồ với vài truyện ngắn và đoạt ngay giải thưởng truyện hay trong năm của báo Văn Nghệ.
Nguyễn Hữu Đang ra tù từ năm 1973 nhưng bị quản chế kéo dài ở quê ông Vũ Thư Thái Bình. Ông nghiên cứu về triết học Trung Quốc, đặc biệt là Lão Trang, về Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô. Ông có viết, đăng một số bài báo về Hội truyền bá quốc ngữ, về Văn hóa Cứu quốc, về điện ảnh trước 1945 và một vài truyện ngắn. Ông đã mất năm 2007.
Thụy An cũng ra tù từ 1973, an trí tại quê làng Hòa Xá Hà Tây, sau chuyển vào thành phố Hồ chí Minh sống với con cháu. Có nguồn nói rằng trong thời gian ở tù bà có làm được một số bài thơ nhưng chưa thấy công bố. Con trai của bà là Bùi Thụy Băng ở Ca Na Đa đã công bố cuốn hồi ký về bà. Bà đã mất năm 1989 tại thành phố Hồ Chí Minh. Nói thêm về Thụy An: Bà đã có mặt trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan xứng đáng với tư cách là một nhà văn nữ viết tiểu thuyết. Bà còn là một nhà báo có năng lực, dũng cảm đấu tranh cho nữ quyền, từng là Chủ nhiệm báo Đàn bà mới, Quyền Tổng Giám đốc Việt tấn xã, là hội viên HNVVN khóa I 1957.
Trần Dần là người tỏ ra bền bỉ và dẻo dai kiên trì với đường lối thơ cách tân siêu thực theo một kế hoạch nghiêm túc. Ông có nhiều tập thơ sau này đã in trong Trần Dần Thơ năm 2008, tiểu thuyết thơ Cổng Tỉnh xuất bản 1994 được Giải thưởng HNVVN năm 1995, tiểu thuyết Những ngã tư, những cột đèn, Một ngày Cẩm Phả...Ông đã mất năm 1997.
Lê Đạt sau thời gian dịch sách và đọc sách phương Tây đã tập trung vào cách tân hình thức thơ mà sau đổi mới ông đã in thành tập Bóng chữ gây nhiều tranh cãi. Đồng thời ông còn sáng tác truyện ngắn phần lớn mượn đề tài lịch sử hoặc phương Tây. Ông đã mất năm 2008.
Các nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ khác bị xử lý nhẹ hơn vẫn tiếp tục sáng tác và công bố tác phẩm như bộ tứ Nguyễn Tư Nghiêm – Dương Bích Liên- Nguyễn Sáng – Bùi Xuân Phái, Nguyễn Bính, Trần Lê Văn, Huy Phương, Thái Vũ ( Bùi Quang Đoài), Phan Vũ, Quang Dũng, Hoàng Tố Nguyên, Yến Lan, Nguyễn Thành Long, Hải Bằng, Nguyễn Văn Tý, Phạm Kỳ Nam, Văn Tâm, Hoàng Yến ...
Có một số người sau NVGP không hoặc hầu như không sáng tác hoặc không công bố tác phẩm cho đến thời kỳ đổi mới như Nhuyễn Khắc Dực, Chu Ngọc, Sĩ Ngọc, Lê Đại Thanh, Hữu Loan, Thanh Châu, Hoàng Tích Linh, Trần Công, Trần Thịnh, Hoàng Huế, Thúc Hà, Trương Tửu...
Trong thời gian này có một sự kiện đáng chú ý là ở Hà Nội xuất hiện một nhóm văn nghệ sĩ trẻ lấy tên là nhóm Văn nghệ chân đất với tuyên ngôn nêu gương các đàn anh NVGP, đòi tự do sáng tác và thể nghiệm nghệ thuật. Nhóm này chỉ sinh hoạt bí mật, tùy hứng chưa có tổ chức nhưng đến năm 1983 một thành viên là Diệu Tô Minh làm việc ở Đài Phát thanh TNVN vượt biên và công bố trước một tòa án nhân quyền ở Paris bản Tuyên ngôn của nhóm Văn Nghệ Chân đất, tài liệu Một nền thơ ly khai chủ nghĩa xã hội ở Hà Nội, trong đó có nhiều người sau này đã trở thành hội viên HNVHN, HNVVN như Lê Huy Quang, Chu Hoạch, Phan Đan, Lương Vĩnh...(29)

2-Thời kỳ 1987 đến nay
Sau khi có Nghị quyêt 05 của Bộ Chính trị ĐCSVN Về đổi mới công tác quản lí văn học nghệ thuật trong tình hình hiện nay vấn đề NVGP đã được đặt ra ở góc độ xem xét phục hồi hội tịch cho số người bị khai trừ có thời hạn nhưng kéo dài vô thời hạn, đồng thời giải quyết chế độ chính sách như cấp nhà, nâng lương cho một số người. Nguyễn Hữu Đang được tự do đi lại,được bố trí chuyển lên Hà Nội được cấp nhà ở. Tất cả những người tham gia NVGP được công bố tác phẩm nếu như tác phẩm của họ không vi phạm các điều cấm theo quy định. Họ tham gia vào các sinh hoạt văn học nghệ thuật bình thường. Và không thấy trong hoạt động của họ có vấn đề gì phức tạp như thời kỳ NVGP trước đây.
Các ông Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Hữu Loan, Lê Đại Thanh, Phùng Cung, Đặng Đình Hưng, Trần Đức Thảo Trần Duy...lần lượt cho in tác phẩm taị các nhà xuất bản trong nước. Có quy mô và bề thế là tuyển tập của các ông Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Trương Tửu, Phan Khôi...
Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT đã được trao cho các ông Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Bính, Lộng Chương, Đặng Văn Ngữ...
Giải thưởng Nhà nước về VHNT đã được trao cho các ông Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Yến Lan, Phạm Kỳ Nam, Nguyễn Thành Long ... và nhiều ông khác.
Dư luận đòi hỏi ĐCSVN, Nhà nước không nên mập mờ mà phải bày tỏ công khai việc đánh giá lại vụ NVGP cùng những sai lầm trong xử lý vụ án này.
Việc chiêu tuyết cho các nhân vật còn lại vẫn được tiếp tục như đối với Phan Khôi,Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Hữu Loan, Thụy An, Tử Phác, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại...
3-Nguồn tư liệu và các kết quả nghiên cứu về NVGP
Đã sinh ra một tập quán kỳ lạ trong giới VHNT và NCKHXH là người ta né tránh NVGP suốt thời gian dài đến 55 năm. Cho đến nay tôi chưa thấy trong nước có bất cứ bài viết có hệ thống hoặc công trình nghiên cứu nào về NVGP đã được công bố. Vì thế tài liệu về các ấn phẩm NVGP bị rơi rụng gần hết. Tài liệu của các cá nhân NVGP thì đã bị tịch thu hoặc đem giao nộp, các gia đình không dám tàng trữ, chỉ các thư viện quốc gia mới được bảo quản và cũng không phục vụ bạn đọc. Chỉ còn trong hồ sơ công an một số ấn phẩm và một số bản thảo thời kỳ NVGP và sau NVGP. Ví dụ khi tác giả đang phụ trách công tác về chuyên đề NVGP đã trao lại cho ông Lê Đạt bản thảo bài Cửa hàng Lê Đạt, trao lại cho ông Nguyễn Hữu Đang bức ảnh có ông đứng trên lễ đài Độc Lập cùng Hồ Chủ tịch ngày 2- 9- 1945, trao lại cho Trần Dần bản thảo tiểu thuyết thơ Cổng Tỉnh, bản thảo tiểu thuyết Những ngã tư, những cột đèn...
Mới đây ông Lại Nguyên Ân đi tìm dấu vết của tờ Sáng Tạo cũng cho biết rằng tại Thư viện Quốc gia cũng không tìm thấy 2 số báo hiếm hoi này. Mà nội dung của nó hầu như không được đề cập đến trong các bài nghiên cứu ở nước ngoài.
Vậy có thể một số ấn phẩm NVGP còn nằm rải rác trong một số các nhân, người chơi sách, bán sách cũ từ thời NVGP.
Tại miền Bắc cuốn Bọn Nhân Văn Giai phẩm trước tòa án dư luận là tài liệu duy nhất tập hợp các bài tổng kết phê phán chính thống về NVGP. Một số người nghiên cứu do không có tư liệu thường dựa viết theo cuốn này khi phải nói về giai đoạn 1954- 1960. Tiếc rằng hầu hết các bài trong tập sách đều viết theo lối tố khổ CCRĐ, rất thiếu tinh thần khách quan khoa học.
Tại miền Nam, công trình sớm nhất về NVGP là cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc của Hoàng Văn Chí, một người cháu rể của Phan Khôi. Cuốn này có một bài tổng quan và tuyển tập các bài văn cơ bản của NVGP nhưng trừ ra 4 người quan trọng là Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Lê Đạt. Bên cạnh cuốn này một vài tuyển thi ca chung có một số bài của các nhà thơ NVGP. Các sách này trước 1975 lưu hành ở miền Nam, còn sau 1975 thì dược coi là sách cấm trong cả nước.
Như vậy trong nước chưa có một cơ quan nghiên cứu nào, một nhà nghiên cứu nào thực sự bắt tay nghiên cứu về NVGP. Hầu như toàn bộ các thế hệ sau không biết mặt mũi các ấn phẩm NVGP là thế nào, người ta chỉ lặp lại các luận điệu chính thống mỗi khi nói về nó.
Gần đây Ngành Điện ảnh đã biên soạn xong và phát hành cuốn Lịch sử Điện ảnh Việt Nam tương đối công phu dày hơn 1000 trang, nhưng coi như không có hiện tượng NVGP trong làng điện ảnh thời kỳ 1955- 1958.
Cũng may là trong số các hàng binh châu Âu khi hồi hương có người đã mang được một số ấn phẩm NVGP về Paris. Trong điều kiện đó, ở Đài RFI, BBC một vài nhà nghiên cứu văn học, sử học đã kêt hợp các tài liệu này với các cuộc phỏng vấn bằng điện thoại hoặc trực tiếp tại Paris, mới bắt đầu công bố những phác thảo gương mặt NVGP hoặc đánh gía về giai đoạn này.
Cho đến nay đã có các công trình và các tác phẩm của những người tham gia NVGP xuất bản ở nước ngoài như sau:
- Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam ( Trăm hoa đua nở trong đêm Việt Nam ) của Georges Boudarel xuất bản năm 1991. Trướ c đó năm 1987 đầu 1988 ông đã viết bài tựa đề Disidences intellectueles au Vietnam L áfaire Nhân Văn- Giai Phẩm ( Trí thức phản kháng tại Việt Nam, vụ Nhân Văn – Giai Phẩm) in trên hai số tập san ở Paris Sudestasie và Politique Aujourdhui en Europe. Boudarel là hàng binh đã tham gia công tác cho kháng chiến chống Pháp, sau hòa bình ông làm biên dịch buổi phát thanh tiếng Pháp ở Đài Tiếng nói Việt Nam đến năm 1966 thì hồi hương. Ông là bạn của nhiều nhân vật NVGP trong quân đội.
- Thụy Khuê ở Paris cuối năm 2004 có bài Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và công bố loạt bài phỏng vấn Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Duy. Từ giữa năm 2009 bà công bố từng phần trên website đài RFI như một công trình nghiên cứu tương đối hoàn chỉnh với tựa đề Tìm hiểu Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Đặc biệt sau phần nghiên cứu chung bà đã dựng lại chân dung tinh thần NVGP từng cá nhân trí thức văn nghệ sỹ tiêu biểu của phong trào.
- Công trình mới nhất xuất bản năm 2009 tại Berlin Funfzig Jahre danach: Hundert Blumen in Vietnam 1954- 1960( Năm mươi năm sau:Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954- 1960) của nhà nghiên cứu Heinz Schutte giảng dạy tại Khoa Đông Nam Á Đại học Hamburger. Độc đáo của công trình này là tác giả đã khai thác được hồ sơ của Sứ quán Đông Đức tại Hà Nội phản ánh sự kiện NVGP, đồng thời tác giả đã vào Việt Nam nhiều lần và kiểm chứng tư liệu cũng như đánh giá của mình qua rất nhiều nhân vật chính khách, văn nghệ sĩ thời kỳ đó.
- Năm 1992 tại Paris nhà xuất bản Quê mẹ của Võ Văn Ái in cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường Un Excommunie ( Kẻ bị khai trừ) với tiểu tựa Hanoi 1954- 1991: Proces d ún intellectuel ( Hà Nội 1954- 1991: Kết án một nhà trí thức).
- Năm 2001 Nhà xuất bản Văn Nghệ California Hoa Kỳ xuất bản cuốn nhật kí của Trần Dần tên là Trần Dần ghi trích những ghi chép của Trần Dần trong hai thời kỳ CCRĐ và NVGP 1954- 1960. Đặc biệt đây là một cuốn sách thật nhất về NVGP, về cuộc sống thời kỳ này của dân tộc mà người ta không thể tìm thấy các hình ảnh rớm máu ấy trong các tác phẩm tuyên truyền công khai ở miền Bắc.
- Ngoài ra còn có một số cuốn khác đề cập đến NVGP như : Hồi ký Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên do NXB Văn nghệ ở Hoa Kỳ, của Nguyễn Minh Cần, Trần Trung Phụng, Bùi Tín, Hoàng Giang, Kim.N.B. Ninh, Website của Trần Hữu Dũng, Talawas, một số bài viết trong nước, ngoài nước về các nhân vật chủ chốt NVGP và bài viết của chính họ về họ.
- Để hiểu thấu đáo bối cảnh xã hội của phong trào NVGP còn có một số tài liệu lịch sử nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam giai đoạn 1945- 1954 đặc biệt là quan hệ giữa chủ nghĩa Mao và cách mạng Việt Nam của Vũ Ngự Chiêu (30), Vũ Tường (31), Trình Ánh Hồng (32), Davis Mar (33), Huỳnh Kim Khánh , Ninh Kim N. B (34),...

Tuy nhiên do điều kiện thiếu tư liệu và khả năng kiểm chứng, kể cả Schutte, trong các tác phẩm nói trên có một số chi tiết không chính xác. Cũng do động cơ đánh giá chưa thật sự khách quan các tác giả thường nhìn toàn bộ phong trào Nhân Văn Giai Phẩm qua hệ quy chiếu đối kháng với ĐCSVN, với chính quyền Việt Nam. Điều này có thể làm sai lệch nội dung các văn bản và gây mất thiện cảm đối với một thế hệ độc giả trong nước.
- Cũng nên nói thêm ở trong nước đã có người đang tập hợp hồ sơ về NVGP. Đó là nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Ông đã công bố một phần sưu tập này trên Talawas và một vài bài viết về các tờ báo Trăm hoa, Sáng Tạo, về Hội Nhà văn Việt Nam trong thời kì này (35).
- Ở các ấn phẩm khác mới xuất bản gần đây, đặc biệt là các tuyển tập của các nhà văn có vai trò nhất định trong thời kì NVGP người ta đã cắt bỏ những bài viết về NVGP, còn trong tuyển tập của các nhà văn NVGP vẫn còn có những trường hợp loại bỏ tác phẩm mặc dù nó không sai trái theo quan điểm hiện nay như của Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Duy. Ở một số cuốn hồi kí khi đến giai đoạn này người ta chỉ lướt qua một vài dòng, kể cả hồi kí của Đào Duy Anh, Vũ Đình Hòe, Gia đình Khan Khôi, Vũ Ngọc Phan, Tố Hữu, . Nghĩa là việc nói lại một cách rành mạch về NVGP vẫn còn là một việc cấm kỵ hoặc ít ra là khó nói!
4-Món nợ với lịch sử
Công cuộc đổi mới của đất nước đã đem lại những thay đổi to lớn về tinh thần cho nhân dân và văn nghệ sĩ. Nghị quyết 05 của Bộ chính trị khóa VI với các tiêu chí dân chủ không những đã cho các nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ tư tưởng tự do trong sáng tác mà còn định hình lại những giá trị tinh thần của dân tộc đã bị bỏ qua. Các di sản văn hóa khoa học đóng góp vào hành trình hiện đại hóa ngôn ngữ, tư duy dân tộc của Tự Lực Văn Đoàn, của Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Hồ Biểu Chánh, Lan Khai ... đã được xem xét đánh giá lại.
Đáng lí ra những vụ án chính trị trong quá khứ của nước ta sau một thời gian dài đã phải được công khai về tư liệu, minh bạch về kết luận. Nếu ĐCSVN và chính quyền sai lầm thì phải sửa chữa các sai lầm đó như Liên Xô, Nga, các nước Đông Âu và Trung Quốc đã làm. Nhưng tất cả vẫn mù mờ. Những người tham gia đấu tranh và các đối tượng hầu hết đã chết mà những người lãnh đạo hiện nay vẫn im lặng, các nhà nghiên cứu không dám khai thác tài liệu hoặc phỏng vấn các nhân chứng. Hầu hết các bài viết cơ bản của NVGP trước đây bị quy kết là có tư tưởng phản động đều đã được in lại trong các tuyển tập văn học, tuyển tập cá nhân của họ, trên một số trang mạng và báo viết. Họ được ca ngợi , được giải thưởng HCM, GTNN nhưng công khai thì không ai dám nói NVGP là vụ án gì?
Trong lần trả lời phỏng vấn RFI lão hoạ sỹ Trần Duy nói:
Cái gì trong cuộc đời cũng dở dang, con người mình cũng dở dang, năm nay 90 tuổi rồi, không biết mình đi đúng hay mình đi sai, mình đi đúng thì sống đến 90 tuổi rồi, mà mình đi sai thì đã chết từ 50 tuổi rồi. Bây giờ sống đến 90 tuổi thì cũng không biết con đường đã đi là con đường nào. Ai ghét mình? Ai yêu mình? Mình nên yêu ai, nên ghét ai? Thực tế ra sống đến chừng này tuổi tôi không nghĩ là tôi ghét ai cả, nhưng yêu ai thì cũng rất khó.(36)
Ở bài Tưởng niệm Phan Khôi ông viết:
Ông Phan Khôi không còn nữa, nỗi oan khuất của đời ông vẫn chưa có lời giải!
Nỗi oan của nàng Đậu Nga trong Kinh dịch nổi tiếng của Trung Quốc đã được minh oan. Nỗi oan của gia đình Nguyễn Trãi – Thị Lộ đã được minh giải. Nguyễn Du chưa đến ba trăm năm sau đã được đồng bào mình thấu hiểu. Riêng nỗi oan của Phan Khôi , cái mà ông quý nhất, gìn giữ nhất là phẩm giá thì đã bị bôi nhọ , bị chà đạp. Ai là người minh giải?
Tiếng thở dài và tiếng chép miệng của ông trong những ngày cuối cùng như còn vọng lại. Sinh thời mỗi lần ông nói đến nỗi oan khuất nào đó của người đời, ông vẫn thường nhắc đến tiếng cóc kêu với trời! Gió mưa là do chuyển hóa Đông- Tây của thời tiết, nhưng vẫn có người tốt bụng tin rằng: Trời mưa là nhờ có cóc kêu. (37)
Còn Phùng Quán sau đổi mới có viết :
Tôi chết giữa Hồng Hà sóng đỏ
Ba mươi năm sau
Tôi hồi sinh giữa xanh thẳm Hàn giang. (38)
Trong tư liệu của tác giả có lá thư Trần Dần viết gửi một người lãnh đạo ngay sau chiến thắng 1975. Đó là một cái giọng rất tội nghiệp kiểu Trần Dần, không thể nghĩ là tâm tư của một kẻ phản trắc.
Rồi đám cháy tắt. Đất nước dập tắt cái đám cháy ngoại xâm ấy. Mỹ cút...Tôi hy vọng...vấn đề cuộc đời tôi lại đặt ra, ít nhất cũng với tôi, vợ con, gia đình, ở ngưỡng cửa của Đất nước chiến thắng... Tôi vẫn hy vọng. Tôi còn ít nhiều năm tháng. Còn một phần đời. Một phần đời, một ngày cũng đáng sống. Dù một buổi chiều. Nhất là trong khi ngày ấy, buổi chiều ấy, phần đời ấy dù bé bỏng nhưng nằm ở ngưỡng cửa Khải hoàn môn... Tôi hy vọng. Tôi còn một phần đời. Để sống nó. Để làm việc. Con cái. Sự gây dựng. Sự chuộc lại...Tôi xin sự giúp đỡ. Sự rộng lượng. Ở các anh. Ở tổ chức. (39)
Đáng tiếc là lời kêu cứu của Trần Dần, cũng là nguyện vọng chung của các nạn nhân NVGP đã rơi vào im lặng. Họ phải đợi thêm 12 năm nữa mới có ngọn gió đổi mới.
Trần Dần từ trần tại Hà Nội ngày 17- 1- 1997. Mười năm sau 2007 ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Dù sao Trần Dần, cũng như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán còn được may mắn hơn nhiều người khác.
Cần có câu trả lời cho tất cả những người đã làm Bông hồng nở sớm (40) cho mùa xuân của đất nước.
V- Phần kết
Trong một xã hội đã kéo dài hơn nửa thế kỷ về sự mê muội dân trí, về sự độc tài về chính trị, sự lừa dối, sự đầu độc để có sự đồng thuận về vụ NVGP và các nhân vật của nó thật khó như đáy bể mò kim...Nhưng trong đêm tối không phải không có những người đã nhìn thấy ánh sáng của chân lý. Sẽ có nhiều người phản đối tôi. Nhưng chẳng lẽ cứ im lặng mãi. Mỗi người chỉ là một góc của thế giới, và người ta bị thôi miên nữa, người ta cả tin. Tôi nghĩ đau khổ nhất của con người là đánh mất lý trí, là không hiểu , không thấy được thế giới thật đang ở bên mình. Họ đã sống và tàn sát đồng loại và tự biện ninh bằng một cái mục đích hão huyến vô nhân tính. Vào những năm đầu đổi mới tôi đã viết trong bài thơ Thế giới đang tồn tại:
Bi kịch thay cho những dân tộc chỉ tin vào những thần tượng, những tín điều.
Người ta đã trả giá
Một tuổi thanh xuân, một đời người, một thế hệ, một thiên niên kỷ để hiểu ra cái giản đơn giữa bao mê cung rắc rối: Con người.
Cắt thế giới ra từng khúc, từng đoạn ư? Hay để nguyên nó mà trầm tưởng, mà chiêm ngưỡng.
Tôi là một phần không thể chia cắt khỏi thế giới.
Tôi hiểu:
Cần phải đối xử với thế giới như nó đang tồn tại. (41)
Cuộc đời của các nhân vật NVGP cho tôi cảm hứng viết bài thơ Bông hồng nở sớm. Bài thơ được in trong Tuyển tập Văn học hiện đại Việt Nam 1945- 1993. NXB VH 1993.
Hai mươi lăm năm qua tôi đã cố gắng hóa thân vào hàng nghìn trang tài liệu, vào hàng trăm con người để hiểu một câu hỏi duy nhất NVGP là cái gì?.
Nay tôi thấy cần phải lên tiếng về sự kiện này. Nếu không thì đã quá chậm trễ, là có tội với vong linh những người đã khuất. Cả những người là NVGP. Cả những người đã vùi dập NVGP vì cuồng tín ngây thơ hoặc nhờ đàn áp NVGP mà tiến thân. Họ có thể cần nói một lời sám hối với các bạn bè đồng nghiệp oan khuất của mình, những người bị mình sát hại một cách lương thiện mà vẫn còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi vô hình, đã nhắm mắt mà vẫn chưa nói được.
Với chức nghiệp éo le của mình, tôi đã cứu được nhiều người, đã giữ bình yên cho nền VHNT nhiều năm nhưng tôi đã trả giá cuộc đời mình cho những nhà văn đã dám đốt mình lên trước vận mệnh của đất nước, của nhân dân.(42)
Tôi không mảy may ân hận, luyến tiếc về việc đã làm.
Chú thích
_________________________________
1-Tố Hữu: Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta thời đại ta, Nxb Văn học 1973, trang 132-219.
2- Hoàng Tiến: Nhìn lại vụ án Nhân Văn Giai Phẩm cách đây 40 năm, tài liệu nghiên cứu 1997.
3- Vũ Tường: Ngày nay cách mạng Đông Dương phải hiện nguyên hình: Bước ngoặt dẫn đến cuộc đấu tranh giai cấp và nội chiến Việt Nam vào năm 1948. Journal of Southeast Asian Studies, 40, 3 (10- 2009), 519- 542. Bản dich tiếng Việt trên Talawas số Mùa Thu chuyên đề Bao nhiêu chủ nghĩa dân tộc là đủ?
4- Nhà thơ, sinh năm 1939 quê Hải Phòng, sống ở Hà Nội bị bắt năm 1980 vì đưa tập thơ Tiếng vọng từ đáy vực gồm 400 bài vào Sứ quán Anh. Trước đó đã bị bắt và đi tù 2 lần vì tội phản tuyên truyền. Được trả tự do năm 1991, tổng cộng ngồi tù 27 năm, được nhập cư vào Mỹ năm 1995. Tập thơ của ông với có tựa đề Bản Chúc thư của Một Người Việt Nam – Hoa Điạ Ngục được Văn Bút Quốc Tế tặng Giải thưởng Thơ ca Quốc tế năm 1985. Ông còn có tập truyện Hỏa Lò do Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ xuất bản nảm 2001 và Tuyển tập thơ Nguyễn Chí Thiện 700 bài xuất bản năm 2006.
5- Các bài Tuyên ngôn của nhóm Văn nghệ Chân đất, Họp báo về phong trào ly khai ở Hà Nội, Lá thư của người Hà Nội, Hà Nội một mối buồn dài, 30 năm văn học ly khai ở miền Bắc in trong tạp chí văn học Quê Mẹ của người Việt Hải ngoại ở Paris số 40- 41- 42, 1980.
6- Nam Dao: Hoàng Cầm ( 1922 – 2010 ). Talawas tháng 10- 2010
7- Trình Ánh Hồng: Không chỉ có Moskva: Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Âu và Bắc Việt thời kỳ hậu Stalin. Bản dịch Lê Quỳnh, Talawas. Tham khảo thêm ở Năm mươinăm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954 – 1960 của Heinz Schutte, Berlin 2009.
8- Vũ Tường, Bđd.
9- Trình Ánh Hồng, Bđd.
10- Vũ Tường, Bđd.
11- Hoàng Giang: La Révolte des Intellectuels au Viêt- Nam en 1956, The Vietnam Forum 13.
Georges Boudarel, Université de Paris VII: Intellectual dissidence in the 1950s THE NHÂN- VĂN GIAI- PHẨM AFFAIR. The Vietnam Frum 13.
12- Sau đổi mới tài liệu này đã phát hành công khai trên Bản tin Thông tấn xã Việt Nam. Có thể tham khảo thêm trong Hồi ký Khơ rút Sốp, trên mạng.
13- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9+10 BCHTƯ ĐCSVN khóa II. Văn kiện Đảng.
14- Vũ Tường, Trình Ánh Hồng Bđd.
15- Tố Hữu: Sđd.
16- Thái Kế Toại: Luận văn tốt nghiệp ĐHAN HN Về các đối tượng NVGP và giải pháp trong tình hình đổi mới hiện nay, năm 1987.
17- Nguyễn Mạnh Tường: Hồi ký bản tiếng Việt Kẻ bị mất phép thông công – Hà Nội 1954- 1991: Bản án cho một trí thức. Trên mạng.
18- Phỏng vấn Đào Duy Anh, Đặng Văn Ngữ với chủ đề Nỗ lực phát triển tự do dân chủ, báo Nhân Văn số 2 – 3.
19- Đào Duy Anh: Muốn phát triển học thuật. Giai phẩm Mùa Thu tập III.
20- Phan Khôi: Phê bình lãnh đạo văn nghệ, Giai phẩm Mùa Thu tập I.
21- Trương Tửu: Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ, Giai phẩm Mùa Thu tập II.
22- Thụy Khuê: Nói chuyện với họa sĩ Trần Duy. Website Thụy Khuê.
23- Thụy Khuê: Bđd.
24- Nguyễn Mạnh Tường có nhắc đến việc bị học trò đấu tố trong hồi kí Kẻ bị mất phép thông công...
25-Nguyễn Huệ Chi trong bài viết Trao đổi cùng Nguyễn Văn Hoàn trên Talawas về thắc mắc của ông trường hợp Toàn tập Trần Thanh Mại không có bài đấu tranh trong thời kì NVGP, cho biết bố ông nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi bị ép viết bài phê phán Phan Khôi coi đó là một việc vẫn lấy làm xấu hổ, một vết nhơ không gột nổi. Khi chết ông dặn con tìm cơ hội gột rửa giúp mình.
Tác giả được nghe từ các nhân vật NVGP nhiều chuyện khôi hài về sự quay quắt tráo trở của tình bạn văn nghệ sĩ thời NVGP.
26- Trong bài trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê, Trần Duy cho biết em ruột mình, một sĩ quan quân đội khai lý lịch đổi tên lót truyền thống của dòng họ, không khai tên ông và chỉ nhận là con nuôi bố ông.
27- Trong bài phỏng vấn của Thụy Khuê với các ông Hoàng Cầm, Lê Đạt có nhắc trường hợp vợ chồng Vũ Ngoc Phan- Hằng Phương. Hằng Phương gọi Phan Khôi là bác ruột anh mẹ, khi xảy ra NVGP họ viết bài đấu tố Phan Khôi, không dám đi đưa ma Phan Khôi. Một trường hợp nữa là quan hệ Tố Hữu – Phùng Quán, Tố Hữu là anh cùng cha khác mẹ với mẹ Phùng Quán.
Phan Thao là con Phan Khôi vẫn phải ký tên vào tuyên bố lên án NVGP.
28- Trong phỏng vấn của Thụy Khuê với Lê Đạt, Trần Duy.
29- Tạp chí Quê Mẹ đã dẫn.
30- Vũ Ngự Chiêu: Hồ Chí Minh nhà ngoại giao 1945- 1946.
Chuyến đi cầu viện bí mật năm 1950 của Hồ. Tạp chí Hợp Lưu
31- Vũ Tường, Bđd.
32- Trình Ánh Hồng, Bđd.
33- David G. Marr: Vietnam 1945 The quest for Power
34-Ninh Kim N.B: A World Transformed: The Politics of Culture in Revolutionary Vietnam, 1945- 1965. University ò Michigan Press 2002.
35- Lại Nguyên Ân có các bài: Hội Nhà văn Việt Nam: Sự thành lập và hai năm đầu tiên tồn tại ( 1957- 1958 ). Đi tìm dấu tích tờ Sáng Tạo ( Hà Nội, 1956). Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa (1955- 1957). Xuân Diệu trong những năm 1954 – 1958.
36- Trần Duy trả lời phỏng vấn Thụy Khuê.
37- Trần Duy: Tưởng niệm Phan Khôi. Talawas.
38- Trong trường ca Cây Cà báo Đà Nẵng tháng 1- năm 1987. Tên Phùng Quán lần đầu tiên trở lại công khai trên mặt báo.
39- Thái kế Toại: Bđd.
40- Bông hồng nở sớm:

Sau mùa giông bão xác xơ
Hàng cây thu mình trong gió rét
Đón anh về sáng nay
Vườn mẹ nở bông hồng.
Màu đỏ thắm chạm vào nỗi đau của mẹ
Suốt một đời mòn mởi lo âu
Màu đỏ thắm đánh thức nỗi buồn của đất
Bao năm mặt đất khô cằn
Màu đỏ cháy lên ký ức của anh
Một tình yêu vụt mất hai mươi năm
Bao mộng mơ khao khát âm thầm.
Có ai nói với anh:
Ngày mai thôi bông hồng sẽ chết
Nhưng hề chi
Màu đỏ kiêu sa cứ cháy trong gió rét
Và ở chân trời
Đang thì thầm cơn gió mùa xuân.

1988

41- Tập thơ Thế giới đang tồn tại, Nxb Văn học 1994
42- Đó là việc tác giả và nhà văn Ma Văn Kháng bảo vệ cuốn tiểu thuyết Chúa Trời ngủ gật của Nguyễn Dậu in ở Nhà xuất bản Lao Động năm 1993 bị cơ quan Tổng công đoàn lao động ( đằng sau là A25 ) quyết định nghiền hủy làm bột giấy. Ma Văn Kháng đã viết lại một phần vụ này, những gì có thể viết được công khai nhưng bị kiểm duyệt cắt bỏ một số đoạn trong hồi kí Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương, NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2009, trang 385- 400.
Qua vụ này có thể rút ra vài điều :
Bộ máy văn nghệ Việt Nam và Luật xuất bản Việt Nam đã tạo ra rất nhiều cơ quan cảnh sát văn hóa với tư cách là cơ quan chủ quản của nhà xuất bản. Một khi sức ép trực tiếp với nhà xuất bản của A25 và Ban Tuyên giáo không thành, người ta dùng quyền lực của cơ quan chủ quản ép nhà xuất bản tiêu hủy cuốn sách. Trong trường hợp của Chúa Trời ngủ gật Bộ VHTT do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm Thứ trưởng đã có công văn ủng hộ gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt xin vẫn cho sách được xuất bản. Tuy vậy các cán bộ chủ chốt của A25 vẫn gây được sức ép buộc Tổng công đoàn lao động Việt Nam bóp chết cuốn sách.

No comments: