Tuesday, September 20, 2011

LỤC CHÂU HỌC IV

.

CHƯƠNG IV

BUỔI SƠ KHỞI ĐẠO THIÊN CHÚA Ở MIỀN NAM

Các tôn giáo đã có từ lâu, tác động lớn vào văn minh văn hóa xã hội loài người. Về văn học, đương nhiên cũng vậy. Không ai phủ nhận một tác phẩm chỉ vì nó do một người có đạo viết, hoặc vì nội dung đậm nét tư tưởng tôn giáo. Ở Việt Nam cũng vậy, có ai lại đặt vấn đề phủ nhận "Lục Vân Tiên" vì nó đề cao và truyền bá Nho giáo, "Cung oán ngâm khúc" vì quá nặng triết lý Phật giáo... Và dĩ nhiên chúng ta cũng đã không bỏ qua tác phẩm của các thiền sư Việt Nam.

Nhưng đối với nền văn học Thiên Chúa giáo Việt Nam, chúng ta đã không có được thái độ như thế. Ở Miền Nam trước đây: Hàn Mạc Tử đã được đưa vào chương trình Văn lớp 12 và một số nhà biên khảo về văn sử học và ngữ học đã chú trọng tới các văn kiện quốc ngữ do các tu sĩ TCG viết ra từ thế kỷ 18, 19. Nhưng nói chung thì nền văn học TCG vẫn kể như bị bỏ quên bỏ qua.

Sự bỏ quên bỏ qua này có nguyên nhân chủ yếu là chính trị. Cộng đồng TCG Việt Nam thường bị kết án là mở đường và tiếp tay cho Pháp xâm lăng Việt Nam. Một kết án chung chung đã trở thành định kiến như thế làm cho các nhà biên khảo dễ có thái độ:

a) Coi cộng đồng TCG không có văn học, tối đa là chỉ có sách đạo (hiểu là sách giáo lý phổ biến nội bộ);

b. Chấp nhận cộng đồng này có làm văn chương học nhưng là "thứ thơ văn bán nước" không đáng chú ý.

Nhưng phủ nhận thì phủ nhận, cộng đồng TCG vẫn hiện diện vẫn có văn học nằm trong lòng dân tộc và văn hóa Việt Nam. Gần đây cộng đồng Việt gốc Khmer và gốc Chàm ở miền Nam đâu có đông đảo gì và văn học của họ lại viết bằng ngôn ngữ khác, vậy mà chúng ta vẫn quan tâm nghiên cứu. Do đó có nên đã đến lúc mở cánh cửa đi vào thế giới chữ nghĩa của cộng đồng TCG Việt Nam. Đạo Thiên Chúa hiện diện trong dân tộc này khoảng trên dưới 300 năm: vậy khó thể tìm được trong họ những Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu và Trương Vĩnh Ký là hiện tượng nổi bật, hiếm có những điều đó không thể có nghĩa là không có những đóng góp, chỉ chưa có nhiều những công trình nghiên cứu, kể cả ở phía người Thiên Chúa giáo.

Cũng không phải chỉ có đóng góp về chữ quốc ngữ như vẫn thường được nghe nói, mà có lẽ chính lại là về kho tàng chữ nôm gồm mấy chục ngàn trang nguyên văn viết tay vào thế kỷ XVII được tàng trữ ở các thư viện Âu châu. Kho Nôm Đạo này đáng quý ở chỗ chưa bị sửa chữa như số phận kho Nôm Đời đã bị các vua nhà Nguyễn đặc biệt thời Tự Đức sau định lại mà hiện nay giữ được không còn ở tình trạng nguyên bản vì thế kho Nôm Đạo là tài liệu duy nhất hiện có của chữ viết Việt Nam, thế kỷ XVII các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu về nhiều phương diện: lịch sử, văn học, xã hội học, ngôn ngữ v.v... như nhóm Thanh Lãng, Vũ Văn Kính, Nguyễn Hưng đang làm về một số phương diện ngôn ngữ trong khuôn khổ cộng tác với Ban ngôn ngữ Viện KHXH miền Nam.

Trong phần tìm hiểu miền Nam dựa vào các tác phẩm bằng quốc ngữ mà chúng tôi làm ở đây, những tài liệu Thiên Chúa giáo cũng rất quí - Chẳng hạn tìm hiểu việc di dân lập ấp, làng xã. Có thể tìm thấy những trường hợp cụ thể khi đọc những tài liệu về việc thiết lập các họ đạo, đã được ghi chép một cách chính xác vì địa danh, thời gian, con người thực hiện.

Sở dĩ người Thiên Chúa giáo có thể làm việc này một cách khoa học trước hết là nhờ các thừa sai đã đem truyền thống làm biên niên địa chí bên Âu châu thực hiện ở Việt Nam. Theo chân họ là những người Việt Nam được đi du học hoặc đào tạo tận chỗ tiếp tục làm việc để cho đến ngày nay.

*

ĐẠO THIÊN CHÚA Ở MIỀN NAM LÚC BAN SƠ

Tạp chí "Nam Kỳ địa phận" đã cho đăng một loạt bài dưới nhan đề "Kể lại gốc tích mỗi họ trong các sở địa phận Nam kỳ". Loạt bài này gồm hơn 150 bài, đăng rải rác trong các số của tạp chí trên, từ năm 1917 đến năm 1922 (1). Đây là một công trình tập thể, theo nghĩa mỗi họ đạo chịu trách nhiệm điều tra và viết lên những gì liên quan đến họ mình, cho nên có họ viết rất đầy đủ và phân minh rõ ràng, bản viết phải đăng làm năm sáu số báo, như các họ đạo Saigon, Tân Định, Chợ Lớn, hoặc đăng làm 10 số như họ Bà Rịa, hoặc đăng làm 23 lần trên 23 số báo như họ Chợ Quán. Tuy nhiên mục đích của loạt bài này đã được nêu lên ở bài đầu tiên như sau: "Từ đây trong "Nam Kỳ địa phận" sẽ lược biên sự tích lập các sở trong Địa phận, từ khởi sơ khai cho đến bây giờ, cũng như là sử ký của Địa phận. Việc này thật là rất hữu ích cho con nhà giáo hữu, vì sẽ biết đặng sự giảng đạo đã có trong mỗi họ từ khi nào, và các việc đã xảy ra làm sao. Lúc cấm kín hiểm nguy, thấy các đấng giảng đạo phải liều thân bao nài khó nhọc, chẳng nề chi mạng sống mình, một lo mở mang nước Chúa, cho kẻ ngồi trong bóng chết đặng biết sự sáng thật, mà nhờ phần rỗi mình, lại ta cũng sẽ thấy đặng lòng đạo đức của tiên nhơn tổ phụ ta, thờ chúa, kính mến, Đức Mẹ hết lòng; và thương mến, tôn trọng, tin cậy các đấng giảng đạo là thế nào. Bởi đó, cho nên dẫu có cơn bắt đạo đã nổi lên dữ dằn, thì đức tin các kẻ ấy cũng hằng bền vững chẳng day, và lại càng tỏ rạng, chẳng nói chi một ít kẻ non gan, dạ yếu, bởi sự hình khổ, đòn bọng, mà đành lòng bỏ Chúa, chối đức tin, mà sau đó người đã trở lại ăn năn, lập công đền tội mà thường sự vụng dại trước.

<<(1) Bản tiếng Việt trong NKĐP có thể đã dựa trên bản Địa chí bằng tiếng Pháp: Monographies Des chrétientés de la mission de Cochinchine occidentales gồm 2 tập, đánh máy. Bản đánh máy này được viết ra dựa trên nhiều tập ghi những chứng từ kê khai kiểm tra từng họ đạo viết tay. Bản đánh máy được ghi thực hiện vào những năm 1910-1911. Toàn bộ tài liệu này hiện lưu trữ tại Thư viện Tòa Giám mục Saigon.>>

Trong mỗi họ thì sẽ kể lại từ lớp cha nào làm cha sở các họ, và lập các việc gì trong họ, và là khi nào, như nhà thờ, nhà trường, nhà phước, nhà mồ côi v.v... cùng những việc gì lớn lao đã xảy ra, đáng ghi, đáng nhớ cho hậu lại, thì đều sẽ có kể lại" (năm 1917, tr. 328).

Mục đích các bài trong loạt bài này là như thế, nghĩa là chỉ chú trọng vào việc kể lại cho biết họ đạo đó có đạo từ năm nào, ai là những giáo dân đầu tiên, linh mục nào coi họ lúc đầu và những linh mục nào đã tiếp tục coi họ đạo cho tới năm 1918 v.v... Tuy nhiên đó đây cũng thấy ghi lại những sự việc cho biết về bộ mặt xã hội hồi đó, về cách sinh sống của dân cư "Nam Kỳ" hồi đó, tại sao người ta tòng giáo, quan hệ giữa người có đạo và người ngoại đạo v.v... Và đó cũng là những điểm chúng tôi muốn tìm hiểu.

Trước khi đi vào ba đề tài mà người ta có thể nghiên cứu xuyên qua những sự kiện được ghi lại trong loạt bài kể trên (giới có đạo lúc ban đầu, - môi trường xã hội - tôn giáo, - người công giáo và chính quyền), chúng tôi thấy có mấy điểm đáng nói sau đây:

a) Trước hết loạt bài này cho thấy sự lưu tâm của giới công giáo hồi 1917 đã lo ghi chép những biến cố và những sự kiện liên quan đến Thiên Chúa giáo lúc ban sơ nơi các họ đạo. Tính vụn vặt của các bài cho thấy đây không phải là sử (mà tác giả cũng đã chỉ nói "cũng là như sử ký Địa phận"), mà chỉ là loại niên giám, thấy gì ghi nấy, và ghi khi có đủ "lùi xa" về thời gian để bảo đảm tính tổng quát và tính vô tư. Nhưng các niên giám có giá trị của chúng, vì chúng được viết ngay hoặc rất gần với thời gian xảy ra các sự việc. Nói thế vì ngoại trừ một ít họ đạo có lâu đời, như Chợ Quán lối năm 1610, và Cái Nhum lối năm 1588, còn đại đa số đều mới thành lập vào hậu bán thế kỷ 19, chẳng hạn họ Saigon năm 1859, họ Tân Định năm 1861, họ Vĩnh Long năm 1862, họ Mỹ Tho (Vang Quới) năm 1886 v.v...

Vậy khi khởi sự ghi chép các sự việc về các họ đạo này thì con cháu của các đấng tử đạo và của các linh mục coi họ lúc đầu vẫn còn sống. Như vậy người viết niên giám có thể gặp các chứng nhân đã mắt thấy tai nghe các sự việc đó. Chẳng hạn Á thánh Phêrô Dinh, quê Cái Nhum, còn người con gái tu Dòng kín Saigon; cha Lân coi họ Mặc Bắc hồi Minh Mạng cấm đạo có người cháu vẫn còn sống và làm chức việc trong họ, khi viết sử họ Mặc Bắc năm 1917; và cũng năm 1917 ở họ Mặc Bắc còn sống một bà già 70 tuổi, còn thuộc bài ca dân làng mừng Á thánh Du khi ngài tới nhận họ, hồi đó bà này còn nhỏ.

b) Điểm thứ hai đã đánh mạnh vào cảm nghĩ của chúng tôi là cảnh hoang dã của miền Nam Việt Nam và của thành phố Saigon cách đây một trăm năm. Đó là những nét ghi phụ, những nét ngoại biên mà tác giả thấy cần phải ghi để làm nổi bật những nét chủ yếu của bài niên giám. Mấy ai nghĩ rằng trước đây 100 năm, thành phố Saigon chỉ là một làng nhỏ của người Cao Mên? Và mấy ai nghĩ rằng trước đây 100 năm cọp vẫn lai vãng tự do bên khu Thị Nghè? Dưới đây là một đoạn nói về Saigon: "Gốc tích thành Saigon buổi trước thế nào thì không biết cho rõ được. Tưởng trước đời vua Gia Long, thì Saigon là một làng nhỏ thường của người Cao Miên ở mà thôi. Song trong lối năm 1680 thì vua nhì Cao Mên có trấn tại Saigon một ít lâu. Qua năm 1789, sau khi vua Gia Long đánh thắng quân Tây Sơn, cùng lấy lại Saigon, thì mới lập thành lũy cho vua binh lính ở, có dựng cột cờ giữa thành, là nơi gần chỗ nhà thờ Đức Bà bây giờ. Vua Gia Long ở tại thành ấy 22 năm... Đến năm 1811 vua Gia Long đóng đô tại Huế, cùng đặt quan tả quân Lê Văn Duyệt trấn tại Saigon, cho tới năm 1831 thì quan lớn này qua đời". (Năm 1918 tr.135-136. Và dân số thành phố Saigon năm 1918 khi kết thúc thế chiến 1 là như sau: "Số bổn đạo họ Saigon trong 10 năm rồi thì không thêm bớt bao nhiêu, hết thảy chừng 5.530 người, 4.000 người Tây, 800 người Ấn Độ (Chà Và), 700 người Annam và 30 người các chú. Mà từ năm 1914 thì bổn đạo Tây phải bớt nhiều, vì phải tùng binh nhập ngũ cùng là về quê hương mà trợ chiến. Còn dân ngoại thì số chừng 45.000 người" (Năm 1918, tr.182-183).

Đó là cảnh Saigon trước đây 100 năm. Còn Thị Nghè còn đáng sợ hơn vì beo cọp về quấy phá bắt heo bắt chó thường lắm. Dưới đây là đoạn nói về trường La-tinh (tức tiểu chủng viện) lập ở Thị Nghè lối năm 1882: "Hai cái nhà lá cất giữa đồng ruộng, đất thấp bùn lầy, nước ròng thì đi dưới bùn, nước lớn thì phải xắn ống quần lội. Lại cọp hùm hay lai vãng, một phen bắt heo của nhà trường mà ăn. Lại hễ có động, quan quân tới bắt, thì bỏ nhà mà chạy trốn hết" (năm 1917, tr.550).

Xa Saigon về phía Lục tỉnh, người ta lại càng thấy 2 điểm của cảnh hoang dã và sự người Việt lấn chiếm dần đất của người Mên, đâu cũng thấy nói "trước thì đây là đất của người Mên, sau vì người Annam đến làm ăn thì họ bỏ đi v.v...".

Chẳng hạn khi kể gốc tích họ Cái Bông (Bến Tre), bản niên giám viết: "Cả phần đất thuộc Địa hạt Bến Tre, khi trước là xứ của người Cao Mên, ai cũng biết điều ấy, song không rõ người Annam đã tới ở đó hồi nào. Bởi đã đem nhau tới đông quá, cho nên soán đất của Cao Mên, như bây giờ tại Trà Vinh cũng vậy, người Cao Mên phải nhường lại lần đầu đất của mình cho Annam ở. Trong năm 1776 là năm giặc Tây Sơn đánh lấy Đồng Nai; trong lúc giặc giã này người Annam cũng cứ tới lấn ở trong mấy xứ Cao Mên. Lúc ấy Đức thầy Vêrô đã có lập trường học tại Cần Thơ rồi, và cách ít năm sau thì vua Nguyễn Ánh đã trốn lên xứ ấy mà tị nạn. Vậy cũng trong lúc loạn lạc ấy thì có ba người có đạo đã tới ở trước hết tại Cái Bông, con cháu ba người này phần nhiều bây giờ còn lại ở tại họ" (năm 1920, tr.443).

Về miền Trà Vinh, bản niên giám cũng nói nhiều về việc người Việt lấn đất của người Mên. Chỉ xin trích 3 đoạn nhỏ sau đây:

Khi nói về họ Chà Và, bản niên giám ghi: "Gốc tích họ Chà Và thì cũng giống như nhiều họ: bổn đạo ngoài Annam (Trung Kỳ) và mấy tỉnh phía bắc Nam Kỳ trốn cơn bắt đạo hồi giặc Tây Sơn và giặc nhà Nguyễn, trong cuối đời thứ 18, đã đến nương đụt cùng làm nên một họ. Chà Và khi trước kêu là Rạch Lập, trong đời Đức Thầy Vêrô thì đã có họ này... Vậy khi ban sơ tại Rạch Lập thì người Annam còn ở ngoài đất giồng, một ít nhà ở phía trong mà thôi, vì người Cao Mên còn ở đông và làm ruộng một ít đủ độ nhựt, còn bao nhiêu đất khác thì là rừng bụi, cỏ mọc hoang vu. Người tới ở trước hết cùng lập nên họ Rạch Lập quý danh là ông Bôn cùng thê tử, lại có người em ruột là ông Ngươn. Ông Bôn đã xin phép cùng nhà nước Annam mà lập làng, lấy tên là Hậu Mỹ, cái làng này rộng lớn và dài lắm... Ông Bôn xin lập làng xóm như vậy đặng mà quy dân Annam về ở cho đông, đặng sinh con đẻ cháu cho nhiều, hầu khai phá đất mà làm ruộng nương, thế cho người Cao Mên đã rút bỏ đi, cho nên nhà nước Annam bằng lòng lắm, cho phép tức thì" (năm 1921, tr.22-23).

Về họ Giồng Rùm: "Theo như lời những kẻ cố cựu nói lại, họ Giồng Rùm đã có hồi giữa đời Minh Mạng. Gốc là 4 nhà có đạo ở miệt Bạc Liêu, Cà Mau qua đó mà ở và lần lần quy nên một họ. Mấy gia thất này tới ở tại Giồng trước là đất của người Cao Mên và kêu là Sốc Rùm, sau người Annam đổi là Giồng Rùm. Vậy 4 người ấy xin phép quan mà lập làng là làng Hòa Hảo bây giờ, cùng kêu nhiều nhà có đạo nữa tới ở, đặng khai phá đất mà làm ruộng". (Năm 1921, tr.120-121).

Về họ Trà Vinh, bản niên giám viết: "Họ Trà Vinh có từ khi lập tỉnh thành tại đó tới giờ. Khi trước Trà Vinh là một huyện thuộc về phủ Sóc Trang trong tỉnh cựu Vĩnh Long. Sau khi nhà nước Langsa lập an rồi mới lập Vĩnh Long làm tỉnh. Tại đây khi trước thì người Cao Mên ở mà thôi. Sau chừng có người Tây thì Annam mới tới, cho nên bây giờ mấy làng xung quanh Trà Vinh thì còn Cao Mên nhiều" (Năm 1921 - tr.345).

Về cảnh hoang dã của miền lục tỉnh, chỉ xin kể lại vài đoạn nói về beo cọp hoành hành nơi những làng đã khá đông dân cư, như họ Cái Nhum, họ Mặc Bắc v.v...

Về họ Cái Nhum, bản niên giám viết: "Trong năm 1865 và 1866 thì cha Colombert (Mỹ) làm cha sở, cùng đã dời nhà thờ và nhà phước về chỗ bây giờ. Chỗ đó khi ấy là rừng bụi mới khai phá nên cọp hùm còn lai vãng, và một phen cọp đã vô nhà cha sở bắt chó mà ăn nữa". (Năm 1917, tr.358). Tại Cái Nhum có nhà trường La-tinh, "trong nhà trường thì có hồ nuôi cá nuôi sấu, lại thường khi học trò có đi săn hưu nai cùng là đi lưới dưới sông, đặng kiếm thêm thịt cá mà ăn". (Năm 1917, tr.378).

Về họ Mặc Bắc, bản niên giám viết: "Khi ấy làng Long Định và làng Tân Thành chưa có; dài theo sông lớn (Bassac) chỉ có làng Ninh thới, cho nên làng này rộng đất mênh mông, mà phần nhiều là rừng bụi, cọp hùm và những vật dữ ở; còn người ta thì ở rải rác mấy đất giồng, cùng là ở dài theo mé rạch" (Năm 1917, tr.389).

Khi đã lập họ Mặc Bắc rồi, thì dân làm cho cha một cái nhà vuông "chỗ khuất tịch trên rừng", vì vua chúa bắt đạo. "Nơi rừng bụi ấy cọp hùm ở đầy, nên có kẻ hỏi cha: Ở vậy mà cha có sợ không? Thì cha trả lời rằng: Cha không sợ cọp 4 chân, cha sợ cọp 2 chân mà thôi. Dầu cha nói vậy, chớ cũng phải có bốn, năm người chức việc ở với cha luôn" (Năm 1917, tr.407).

Sau đó nhiều năm, khi cha Montmayeur (Minh) coi họ Mặc Bắc từ 1864 tới 1874 thì hèm beo vẫn còn đầy. "Cha Montmayeur làm các việc tại họ Mặc Bắc và mấy họ xung quanh. Cha cũng lo cho bổn đạo khai phá đất mà lập vườn ruộng. Cả làng miệt Cần Chông bây giờ là vườn ruộng, chớ trước là rừng bụi cọp hùm và những vật dữ ở đầy. Cha cũng là tay săn bắn giỏi lắm, cha bắn giết tại đó hơn 20 con cọp, hễ cọp lai vãng xung quanh nhà thờ thì không thoát khỏi đặng" (Năm 1917, tr.457).

Ngoài phong cảnh xưa, loạt bài kể lại sự tích các họ đạo này còn cho biết một số phong tục ở Nam Kỳ, vài nét về một số nhân vật lịch sử hay công trình kiến trúc tuy có liên quan đến đạo, nhưng đã trở thành một công trình công cộng...

1. Phong tục:

+ Nhà của một ông trùm đạo vào hạng khá giả ở Chợ Quán.

"Nhà trên nhà dưới cất kế nhau ở giữa miếng đất, xung quanh có vườn trầu cau cây trái nhiều, ngoài rạch có hai lớp hàng rào, một lớp một lớp làu tán ở ngoài và một lớp từ ở trong, có một đàng hẻm nhỏ dựa mé rạch đi thấu vô nhà mà thôi; phía sau thì giáp ranh đất ông tổng Toàn, không có ngã nào khác nữa đi vô nhà được, nên trong buổi cấm kín các cha tới ẩn ngụ trong nhà đó thường lắm, mà ít ai biết được.

Nhà ông trùm rộng rãi, mà hai ông bà và người nhà thì thường ở nhà dưới, còn nhà trên thì đóng cửa luôn, một đôi khi có khách trượng hay là có việc gì đại sự thì mới mở cửa nhà trên, theo tục lệ xưa thì nhà nào cũng vậy, đời nay cũng còn nhiều chủ giữ cách ấy" (1909, tr.87-88).

+ Cách ăn mặc:

Tả cách ăn mặc của các linh mục như người thường lúc cấm đạo, vô tình tác giả cho chúng ta ngày nay biết được cách ăn mặc của người Saigon thuở xưa, thời Cựu Trào, lúc Tây chưa sang.

"Bởi đời xưa vua quan An nam hằng bắt đạo luôn, nên các cha đời ấy phải ăn mặc như người thường, để tóc cùng với và bịt khăn đen, khăn điều hay là khăn đà, các cha tây cũng vậy, mặc áo thùng rộng tay, vạt xuống tới ngang đầu gối, hoặc màu đen hay nâu đà, cùng là mặc áo cặp trong trắng ngoài đen, đội nón nhựa, cầm dù giấy, vắt đãy bộ (là hai cái đãy có hai sợi dải dài nối nhau để vắt ngang vai, thòng xuống một cái trước ngực một cái sau lưng trong đãy đựng trầu cau, thuốc giấy) theo cách mấy thầy thuốc hay là hương chức làng đời ấy, cho dễ dàng mà đi nơi kia nơi nọ thăm viếng giúp đỡ bổn đạo cho người ta đừng biết mình là thày cả". (1919, Chợ Quán, tr.56).

+ Cáp duồng:

"Tánh người dàng thô rất đỗi khó dò; đang khi buôn bán đổi chác với nhau tử tế, vụt đổi ý, nổi dậy cả sốc, dao mác cung tên đem nhau ra xóm An nam hò hét cáp duồng là đánh An nam, như việc đã xảy ra đôi khi cho nên bổn đạo vì lo sợ chuyện như vậy mà ít dám làm ăn cho lớn, còn bổn đạo họ khác nghe nói thế ấy thì nhát gan không dám tới ở" (họ Nãng Dình, địa sở họ Tây Ninh, 1918, tr.712).

2. Di tích lịch sử:

Kể sự tích họ đạo Chí Hòa, tác giả có nhắc đến Lăng Cha Cả "sau Lăng Cha Cả, thì có cổ tích tháp nhỏ dựng bên đàng đi Thuận Kiều, nhắc lại một trận cả thể binh nước Pha Lang Sa đánh cùng ông Nguyễn Tri Phương tại đồn Chí Hòa, như thuật lại trong sử ký... Lại trong Chí Hòa, cũng gặp đặng nhiều mồ mả quan An nam như mồ ông Trung Quân, cùng mồ bà Thái Mẫu, không biết là mẹ vua nào, và có nhiều người sang trọng giàu có chọn nơi Chí Hòa mà gởi thân mình (1919, tr.9).

Nhà thờ chánh của họ Saigon.

Tác giả ghi chép cho biết diễn tiến vụ xây cất nhà thờ này, từ thời đầu "Đức cha Đôminicô đã sửa một cái chùa bỏ mà làm nhà thờ, qua năm 1863, quan nguyên soái thử sư Bonard có dạy cất một nhà thờ gần chợ cũ, chỗ tòa tạm tụng bây giờ, mà nhà thờ ấy làm bằng cây hết, nên trong chừng mười năm thì phải mối ăn phá hư cho nên qua 1874 cực chẳng đã phải dời tạm nhà thờ vô tại phòng mừng lễ nơi sinh cũ của quan nguyên soái, là chỗ trường Taberd bây giờ... 7-10-1877, Đức cha Mỹ đã làm phép viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ và ngày 11-4-1880, thì đã làm lễ khánh tân... Sau đó, tác giả mô tả tỉ mỉ kiến trúc và trang trí bên trong nhà thờ (1918, tr.180).

3. Nhân vật lịch sử.

Bây giờ viết sử Nam kỳ thời kỳ đầu Pháp thuộc, có thể tham khảo loạt bài này để biết những chi tiết về nhiều nhân vật đã đi vào lịch sử.

1. Trường hợp giết Đốc phủ Ca.

- Đốc Phủ Ca linh cảm trước sẽ bị giết: "Ngày 8-2-1885 Đốc phủ Ca tới xem lễ cha Thạch ở tại Tân Hưng, Hốc Môn, rồi nói với con là Trần Tử Dực, chỉ vào một khoảng đất trống giữa hai cây xoài trồng phía sau nhà thờ: "Cha muốn con chôn xác cha tại chỗ này, nên bây giờ con hãy lo đào huyệt cho dần đi". Trần Tử Dực buồn, thắc mắc vì thấy cha vẫn khỏe mạnh, nói chi đến mồ mả, ông Đốc phủ rằng: "Mà cha nói cho con rõ, cha muốn con chôn xác cha tại đó, vì cha biết chắc ngày giờ cha chết không còn bao lâu, lại con cũng phải đào luôn hai cái huyệt, một cái cho cha một cái cho mẹ con nữa".

Mà thật sự quan Đốc này thấy trước thì ứng nghiệm, vì chiều ngày ấy, thì người trở về Hốc Môn, và lối 8 giờ tối thì đã phải quân ngụy giết cùng đốt phá nhà cửa tan hoang, còn bà Đốc thì bị lửa cháy mà chết thiêu trong nhà (1917, tr.583).

- Đốc phủ Ca trở lại đạo, lo xây cất nhà thờ.

"Đốc phủ Ca khi còn làm Hương Thân, đã trở lại đạo tại Hạnh Thông Tây và cha Phước (Puginier) đã rửa tội cho người cùng bà con người. Đến năm 1863 thì nhà nước cho người làm tri huyện và cho lên trấn tại Hốc Môn" (1917, tr.647).

- Đốc phủ Ca bị giết, vợ cũng bị chết cháy, cùng với nhà con cái người, và một số nhà của ít bổn đại. Còn nhà thờ, nhà cha Sở, trường học thì cũng bị đốt sạch hết (1917, tr.661).

+ Ca tụng Phan Thanh Giản:

"Lúc ấy vua Tự Đức đã đặt một quan lớn có danh tiếng là ông Phan Thanh Giản làm Tổng đốc Vĩnh Long, Người là một trong hai quan sứ thần đã qua nước Lang-sa mà lập tờ giao hòa. Quan lớn này tánh hạnh thanh liêm, ngài biết người phương tây văn minh thông thái, cho nên đã muốn khuyên bảo con nhà anh em học chữ tây. Quan này cai trị công chính lắm, lo lắng cho dân sự đâu đó đặng yên hùng. Bởi vậy trong lúc ngài trấn tỉnh Vĩnh Long thì các bổn đạo khỏi phải khó lòng sự gì hết, đặng bề giữ đạo thong thả, các quan không dám hiếp đáp bắt buộc điều chi. Lại nữa mỗi lần khi cha Quí tới viếng họ, thì quan Tổng đốc mời cha đến dùng bữa cùng mình, vì ngài có lòng kính trọng cha lắm. Và chính mình quen Tổng đốc cũng đã đi qua các miền có quân lính hầu hạ rầm rộ, mà viếng thăm cha Quí, cùng nây phép cho cha đặng xử các vụ những người ngoại và có đạo kiện thưa với nhau. (họ Vĩnh Long, 1919, tr.775).

+ Đời Tư Trương Vĩnh Ký.

Cha Y ở Chợ Quán được chừng một năm, thì có sáu bảy thầy ở trong họ đã hội hiệp với nhau mà tập hát lễ tại nhà thờ họ, lúc ban sơ có ông Đốc Ký và thầy Tư viết, đánh đờn hát lễ một ít lâu (thầy Tư viết bây giờ làm Tri phủ) (Họ Chợ Quán, 1919, tr.200).

c) Sống đạo dưới thời Cựu trào và Tân trào.

1. Thời cựu trào:

Những năm tháng được tự do giữ đạo rất ít và ngắn ngủi không thấy ghi lại cách sống đạo trong những thời gian đó. Trái lại đã ghi khá rõ, đậm nét cách sống đạo trong những thời kỳ "cấm đạo" hạn chế và "cấm đạo" ngặt nghèo gắt gao. Đó là thời kỳ "sùng đạo chúa" không công khai, bất hợp pháp.

Linh mục ngụy trang.

... "Hễ khi có ai muốn đi kẻ liệt thì cha bận áo cũ mèm, vá bậy bạ đầu đội nón lá như mấy chú ruộng rẫy vậy, còn áo các phép dây Stola, đầu thánh thì bỏ trong thúng, trên thì chất cau, trầu, biểu một người đờn bà đội đi, giả như kẻ đi buôn bán vạt vậy" (1917, tr.408).

... "Có cha thì giả là người đi buôn bán dạo, khi nào muốn đi đâu thì xếp đồ lễ, ảnh tượng, sách vở gói trong mo cau, rồi sắp đồ dưới gánh, còn trên thì chất thuốc bánh hay là trầu cau cùng là đồ gì khác, rồi mặc áo vắn ra đi với một ông Biện, hay là với một đứa học trò cũng mặc đồ vắn, thầy gánh một gánh, trò gánh một gánh, thiên hạ thấy tưởng là đi buôn bán dạo mà thôi, chẳng ai dè đó là thầy cả. Lại cũng có một đôi khi quan chức họ hay là bổn đạo phải đưa Đức cha hay là các cha ở họ này sang qua họ khác cách xa nhau mà phải đi đường sông, thì bổn đạo bày đồ trận dọn ra giả là ghe đám cưới hay là ghe đám xác mà đi cho khỏi bị mấy phần thú ở dọc sông bắt ghé lại mà xét, vì đời cựu trào không có tra xét những ghe đám cưới hay là đám xác, đi dọc đàng. Hoặc có khi dọn hàng hóa giả là ghe đi buôn bán, rồi khi đi tới mấy khu có đồn thú, thì giấu các cha ở dưới khoang ghe, hay là sau buồng lái hoặc nhắm lúc bắt bớ nhặt lắm, thì có một đôi khi phải để các cha nằm trong buồm mà cuốn lại, cho đặc trẩy qua mấy nơi hiểm nghèo nữa (1919, tr.57).

Nhà thờ ngụy trang.

... "Vì sợ quan quân biết, cho nên xung quanh kề nhà thờ thì bổn đạo cất trại để đồ dệt tơ lụa, cùng đồ ươm kén để tằm, những xát lá dâu, phân tằm thì đổ bậy xung quanh đó, nên không ai biết là nơi có nhà thờ, quan lính có tới thì tưởng là trại để tằm cùng dệt tơ lụa mà thôi" (1917, tr.408).

"Nhà thờ mới này phía ngoài cũng làm như là nhà để nuôi tằm và dệt tơ lụa; hễ khi có cha tới, thì tối lại dẹp mấy giàn để tằm cho bổn đạo tựu đến và cha ngồi tòa, làm phước, giảng dạy cùng làm lễ cho ai nấy xem, sáng ra thì sắp đặt các đồ nghề tằm tơ lại như cũ" (1917, tr.428).

Không nhà thờ nhà xứ.

Thường là không có nhà thờ, nhà xứ: "Từ năm 1835 cho tới 1859. Chợ Quán không có nhà thờ, không có nhà cha sở, cho nên các cha phải ngụ trong bổn đạo, khi tới nhà này khi qua nhà khác ở nhà nào thì nhà ấy lo việc cơm nước cho cha dùng.

Các cha tới ngụ nhà nào làm lễ trong nhà ấy. Làm lễ thì làm hồi một hai giờ khuya, không dám để tới sáng, mà hễ bổn đạo nghe nói có cha làm lễ ở đây, thì lén rủ nhau đi tới đó hồi canh tư, xúm xít ở ngoài hè, chờ cho trong nhà thức dậy thắp đèn bàn thờ cho cha làm lễ thì mới vô nhà xem lễ. Mỗi lần đi xem lễ như vậy thì được chừng vài mươi người lớn, thường không cho trẻ nhỏ đi theo, vì con nít biết có cha làm lễ nơi nào, rồi nó không kín miệng, nói vấy ra người ngoài hay khó lòng lắm (con nít hay là trẻ nhỏ đời ấy là từ 17 cùng là 18 trở xuống (1919, tr.57).

Sống đạo Chúa.

"Bổn đạo đời ấy sốt sắng lắm, chịu hao tổn cho làng xóm ngoại chẳng tiếc của, miễn là đặng ở an giữ đạo mà thôi. Tối sáng thì mỗi nhà đều đọc kinh chung với nhau, nhiều lần làng xã cùng là kẻ ngoại ở phía trước nhà la rầy, biểu đừng đọc lớn mà những người ngoại ghét đạo thì cáo báo cùng quan chăng. Hễ khi có cha tới làm phước cho họ, thì đâu đó mỗi chỗ đều có đặt người coi chừng, kẻo quan lính đến thình lình chăng, đi xem lễ đọc kinh thì cũng phải trốn lánh đợi đến đêm hôm đi khuất theo hàng rào kẻo người ta thấy, con nít nhỏ hễ nghe cha mẹ nói đi xem lễ đọc kinh thì ham lắm, cha mẹ sợ khó lòng không dám dắt theo, thì có đứa nài nỉ xin bà con đem mình đi xem lễ cho được" (1917, tr.13).

Cảnh khủng bố.

Phân sáp: ... "Trong sắc chỉ vua dạy làng tỉnh phải nạp số giáo hữu từ 15 tuổi sắp lên bất luận đờn ông đờn bà, rồi bắt hết thảy đem tới tỉnh mà thích tự hai bên bàn tang, một bên thích hai chữ tà đạo, còn bên kia thích tên tỉnh, phòng khi có ai trốn đi đâu, thiên hạ thấy mặt thì biết, chẳng chạy lọt ngả nào được, đoạn bắt phân sáp ra đi các làng ngoại, dân ở xứ này đẩy đi xứ khác, còn nhà cửa ruộng đất của bổn đạo, thì về tay làng tổng ngoại đoạt lấy".

Thực ra chỉ ở miệt Biên Hòa và Bà Rịa là thi hành theo chính sách trên như ở miền Bắc, Trung. Ngoài ra còn nhốt giáo dân trong ngục, xung quanh thì chất bồi sẵn, chờ khi binh tây tới gần thì đốt ngục thiêu sống bổn đạo. Còn vùng Gia Định thì nhẹ nhàng hơn nhiều, người ghi chép cho biết quan chỉ bắt bổn đạo lên đồn điểm danh, một tháng một lần, rồi cho về. Lúc đầu, bổn đạo Chợ Quán còn đi đủ số, sau cứ mất dần. Rồi có lần thì sau khi trình diện điểm danh bị giữ lại đem đi phân sáp nhưng "những bổn đạo bị lưu đầy đi các làng, thì cũng một hai chỗ phải chịu cực khổ, còn nhằm chỗ hương chức làng tử tế, thì để cho bổn đạo ở thong dong, không bắt buộc sự gì, trừ ra khi nghe quan tỉnh đến, thì mới biểu mang gông ngồi hàng theo phép, cho làng khỏi bị quan quở phạt mà thôi". Sau 8, 9 tháng, thì có lịnh quan trên đòi hết thày tựu về tỉnh cho đặng ơn tha thứ: "Nay ta lấy lòng thương ân xá tha về mà phải cứ an cư lạc nghiệp, đừng theo tây mà phải chết. Vậy bổn đạo đặng tha về, thì ai nấy đều vui mừng quá bội, và hết lòng cảm ơn Chúa" (1919, tr.153).

Vụ tàn sát ở Bà Rịa.

Đây là vụ tàn sát khủng khiếp nhất, đã được người ghi chép rất kỹ, tỉ mỉ theo thứ tự đoạn điều: Đoạn thứ nhất nói về địa sở Bà Rịa trong cơn bắt đạo từ năm 1861 cho đến năm 1863. Đoạn thứ hai, nói về các bổn đạo ở tù, địa thế bốn cái tù.

Điều thứ I nói về khởi sự bắt đạo, lấy sổ người bổn đạo. Điều thứ ba nói về sự gian truân tân khổ kẻ có đạo khi phải giam cầm trong tù; Điều thứ tư, nói về đốt 4 cái ngục 444 người có đạo phải chết thiêu (ngày mồng 7 tháng Janvier năm 1862). Điều thứ 5, nói về một ít tháng bình an; Điều thứ 6, nói về bổn đạo phải chịu chém giết lần khác nữa.

"Hồi ấy thì là trúng nhằm mùa mưa, là tháng Septembre 1961, tù thì nó bắt nằm dưới đất ướt át trong mùa mưa như vậy, nên có nhiều mang bệnh mà bỏ mình, nó không cho đi đâu hết nới ra một chút, đi sự cần cũng không cho, phải mướn mấy đứa nhỏ đi đổ xức xổ. Vậy trong tù thế ấy thì là hôi thúi quá, nên sinh bệnh, ước chớ chi chết thì là hồn sống mà cực thời qua...".

Trong ngục giam 300 đàn ông, lúc bị đốt, chỉ chạy thoát được chừng mười hai người vì ai liều chạy qua lửa thì cũng bị lính cầm giáo xô vô lửa, còn ba cái ngục khác cầm tù đàn bà, con nít thì riêng ngục Long Kim, đờn bà chết nhiều hơn: "vì có một tên đội giữ ngục nó tham của bất nhơn, nó muốn cướp lấy vòng vàng của mấy đờn bà, nó không cho chạy ra, cho đặng nó lột đồ, nên chạy ra không kịp phải chết...".

... Sau vụ tàn sát trên, quan lính còn trở lại kiểm soát một lần nữa người có đạo "Ban đầu giặc tới họ Gô Sấm trước vì họ này ở xa Bà Rịa hơn hết, nó bắt đặng hai mươi người bổn đạo đờn ông đờn bà thình lình đang có gặt lúa, bắt rồi nó dẫn ra tại cầu suối Xích Răm, hay là sông Rai, nó trói buộc hai người về một mà xô xuống sông, nên phô kẻ ấy chết chìm hết.

... Còn họ Thân thì cũng phải chết nhiều, quân dữ nó giết họ Thân một cách dữ tợn quá, hễ nó bắt đặng bổn đạo thì nó quăng sống xuống giếng, mà phải biết giếng xứ ấy thì sâu lắm, chừng 8, 9 thước tây (1917, tr.775-791).

2. Thời Tân Trào.

"Cho đến khi nhà nước Lang Sa soán tỉnh Vĩnh Long thì mới đặng an, bổn đạo không còn sợ bắt bớ gì nữa, các cha không còn phải trốn tránh ẩn mình. Khi ấy Cha Công làm như một quan lớn, hễ có đi ghe thì là ghe hầu, có cờ, có đội lính theo, thường là mấy bổn đạo tại họ. Trùm Nhiêu là con Á thánh Guise Lựu làm đội nhứt. Chủ Dưỡng làm đội nhì v.v... Bấy giờ thì không sợ gì hết, vì biết rõ nhà nước Lang Sa binh vực các nhà có đạo, cho nên trong họ bổn đạo lập cơ lính, đặng mà tiêu trừ quân hung hăng nguy nghịch cùng nhà nước Lang Sa, và lo canh giữ trong họ khỏi chúng nó phá phách (1917, tr.429).

Ý kiến đối với nước Pháp chiếm Việt Nam.

Nhân nói về Lăng Cha Cả, người ghi bình luận: "Lăng ấy làm chứng cho các người ngoại giáo cùng kẻ vô đạo, các thầy đạo Thiên Chúa chẳng đến đây, mà cướp nước Annam, như làm tiên sứ hậu bình đâu, song khi có thể đặng thì tận tâm tận lực mà phò vua vực nước, lo cho nhà nước được thơ thới thạnh trị, như thấy được trong sử ký Nam Việt quốc triều nói về Đức thầy Vêrô cùng các cha và bổn đạo lo giúp vua Gia Long khử trừ quân Tây Sơn, mà phục quốc lại. Mà hẳn thật nhà Nguyễn từ vua Gia Long đặng trị vì Annam lâu năm, là tại nhờ công nghiệp Đức thầy Vêrô cùng bổn đạo mà chớ. Bằng vì sự nước Phalangsa đã chiếm cứ nước Annam, là tại vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, cùng Tự Đức đã bắt bớ đạo Thiên Chúa mà ra" (1919, tr.9).

*

NHẬN XÉT

1. Người theo đạo Thiên Chúa ở miền Nam cũng là lưu dân, đi khai hoàng, lập ấp, làm ăn buôn bán, đôi khi giàu có, sống trà trộn với người lương, không phải là hạng ngoại đinh, sống bên lề xã hội như người theo đạo Thiên Chúa ở đồng bằng sông Hồng. Về động cơ theo đạo, loạt bài ghi sự tích các họ đạo không nói đến những nguyên nhân sâu sắc nào, chỉ kể những trường hợp chịu ân, hoặc cảm mến mà theo đạo, sau này vì lý do chính trị, sợ tây bắt bớ, nên đã có hiện tượng trở lại đạo tập thể, nhưng khi biết rõ không còn sợ tây bắt bớ nữa, thì cũng bỏ đạo tập thể.

2. Ở miền Nam, loạt bài ghi sự tích cho thấy thái độ khoan dung rõ rệt của dân chúng ngoại đạo và vua quan gốc miền Nam. Những vụ đối xử gắt gao, tàn bạo, tội ác thường được ghi là do quân quan từ ngoài Huế vào. Tuy nhiên sự khoan dung dễ dãi nầy, cũng một phần vì được người công giáo đút lót, hối lộ chút ít.

Điều đáng lưu ý là không hề thấy nói đến hiện tượng bắt bớ xung đột lương giáo mà không phải do quan quân, chính quyền gây nên, như ở miền Trung, miền Bắc, do Văn Thân chủ xướng. Tập ký nói rõ nhiều nơi giáo dân là công giáo Huế, đặc biệt vùng Bình Định chạy trốn Văn Thân vào Nam trú ngụ đều được giữ đạo an ổn.

3. Đời sống tôn giáo của người theo đạo Thiên chúa thời Cựu Trào và Tân Trào.

Loạt bài kể lại sự tích có tính cách ghi chép sự việc, có sao nói vậy, không theo một hệ thống nào, không phải là một bài khảo cứu nhằm giải thích cắt nghĩa nguồn gốc, nguyên nhân sự kiện, nên đọc thấy khá khách quan, có vẻ thật thà cho biết đời sống của người công giáo thời kỳ này là thế nào. Đây là cuộc sống của những người nông dân cần cù lương thiện, lo khai hoang làm ăn và chỉ mong được giữ đạo, tôn trọng phép nước, ngay cả khi gặp khó khăn bắt bớ cũng không hề nghĩ đến tổ chức làm loạn. Với những tâm tình, thái độ như vậy, nếu sống trong một tình hình chính trị xã hội ổn định thì chắc không gặp khó khăn gì. Nhưng những người Việt Nam đã theo đạo Thiên Chúa vào một thời kỳ đầy xáo trộn về chính trị và xã hội do cuộc nội chiến ác liệt kéo dài, chưa chấm dứt đã kèm theo mối họa xâm lược từ bên ngoài mà kẻ thù lại có liên hệ về tín ngưỡng với người công giáo, nên không lạ gì họ đã gặp nhiều khó khăn thử thách đẫm máu. Lấy ví dụ họ Ba Giông (Tân An) được thành lập từ đời vua Minh vương (1700) đã gặp khó khăn về đạo. Ba Giồng là khu rừng rậm, nên người công giáo từ Phú Yên tới và cả vùng Saigon, Biên Hòa xuống lo khai phá rừng, cày cấy ở một vùng các quan không hay biết để đặng sống và giữ đạo bình an. Năm 1783, Gia Long bị Tây Sơn rượt bắt, ẩn lánh ở họ này ít lâu, được đón tiếp hậu đãi nên đã thưởng công ban cho bổn đạo quyền làm chủ vĩnh viễn đất ruộng họ đã khai phá. "Nhưng mà lòng rộng rãi của bổn đạo với vua chánh mình thì đã nêu cớ thiệt hại to, vì sau khi vua Gia Long đi rồi ít ngày thì có quân Tây Sơn tới kiếm tìm vua, mà thấy vua đã thoát khỏi tay chúng nó, thì chúng nó giận giữ lắm và báo thù bổn đạo đốt hết nhà cửa tại họ cùng sát hại hết 150 người". Qua đời Gia Long trị vì thì được bình an, nhưng đến Minh Mạng lại gặp khó khăn. Quân lính đuổi bắt người có đạo, bắt được ai thì giết hết, những ai chạy trốn được, sau vì mệt sức, đành chịu để cho bắt thì bị gia hình độc dữ rồi quăng xuống hồ cho chết ngạt. Số người bị tàn sát là 1700 người. Sau còn bắt bớ, người ngoại ở các làng bên cạnh đến soán lấy ruộng đất của bổn đạo.

Cuối năm 1869, Pháp chiếm được Mỹ Tho, quân triều đình chạy trốn, bổn đạo còn bị 20 đến 25 năm nữa bị giết rồi mới được an ổn (1918, tr.448).

*

Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu xuyên qua những nét tạp ghi của các bài niên ký, xem những người Thiên Chúa giáo buổi đầu ở miền Nam là những người thế nào, họ đã sinh hoạt thế nào trong cộng đồng xã hội, dưới thời "cựu trào" và "tân trào" v.v...

A. NHỮNG NGƯỜI THIÊN CHÚA GIÁO ĐẦU TIÊN Ở MIỀN NAM.

Hai họ có đạo sớm nhất là họ Cái Nhum và họ Chợ Quán. Xét chung, miền Nam có đạo rất sớm, vào đầu thế kỷ 17, số giáo dân đã tính được mấy chục ngàn. Theo sử liệu "La Cochinchine reli-gieuse" của Louvet viết và được trích dẫn trong "Nam Kỳ địa phận" năm 1919, thì "Trong năm 1639, Địa phận Nam Kỳ, Trung kỳ và Cao Mên, khi đó còn thuộc về một Đức cha cai trị, nhơn số bổn đạo kể được 82.000, thì năm ấy nội lục tỉnh nam kỳ có ít nào cũng là ngoài 20.000 bổn đạo" (năm 1919, tr.23).

Những ai đã lập nên các họ đạo? Những ai là giáo dân đầu tiên đứng quy tụ anh em bổn đạo lại thành các họ đạo? Những họ mới lập sau này, cuối thế kỷ 18, thì người ta có thể biết rõ. Còn những họ kỳ cựu như Cái Nhum, Cái Mợn, Chợ Quán v.v... thì sử sách không thấy ghi.

Về họ Cái Nhum, bản niên giám viết: "Gốc lập họ này là thuở đầu, lúc mở việc giảng đạo tại Nam Kỳ, khi ấy còn thuộc về phần nước Cao Mên. Trong giữa đời thứ 16, những cha dòng Đôminicô người Buttughê (portugais, Bồ Đào Nha) ở bên Malacca đã tới giảng đạo tại xứ này. Cuối đời thứ 16 lối năm 1588 có những cha dòng Đôminicô người Hiphanho (Tây Ban Nha) ở tại Manille đã sang giảng đạo tại Tonkin (Bắc Kỳ) và cũng có vô Nam Kỳ... Cho tới cuối đời thứ 17, sau cơn bắt đạo dữ dằn từ năm 1661 tới năm 1665 thì mới biết rõ đặng Cái Nhum là nơi chính việc giảng đạo tại Nam Kỳ... Trong đời vua Gia Long, nhiều người bổn đạo già cả có nghe nói, lúc ấy nước Cao Mên có giặc, nên có nhiều người Cao Mên chạy tới Cái Nhum và phải bị bắt cầm. Những người phải kẻ ngoại bắt bớ thì chúng nó chôn sống theo mồ mả, đặng làm bộ hạ cho ông bà cha mẹ chúng nó trong mồ. Còn những người Cao Mên nào đặng về tay kẻ có đạo, thì đặng cho ăn, sắm mặc, ấm no, cho nên chúng nó đều theo đạo, và lập gia nghiệp. Bởi vậy có ít kẻ còn biết đặng đâu người An nam và Cao Mên đã phối hiệp cùng nhau mà sinh con cháu kế hậu tới bây giờ, cũng như người Mại và người An Nam phối hiệp cùng nhau như sẽ thấy sau" (N.K.Đ.P.N năm 1917, tr.329).

Đoạn văn trên đây cho thấy 2 điều: nơi những làng cựu, như Cái Nhum, dân có đạo ở chung đụng với người ngoại đạo, nhân đó mới có dịp để người ngoài bênh cho kẻ có đạo: người ngoại cho các linh mục ngoại quốc trốn ẩn trong nhà, và còn cất giấu ảnh tưởng cho người có đạo, như sẽ thấy dưới đây. Điểm thứ hai là tính đa tạp của dân cư, gây nên sự hợp chủng giữa người Việt, người Mên và người mọi ở miền Nam này.

Đó là khi người có đạo ở trong các làng cựu, nhưng nhiều khi họ xin lập ấp lập làng mới để ở với nhau cho yên ổn. Chẳng hạn như họ Mặc Bắc:

"Họ Mặc Bắc đã lập trong đời vua Gia Long lối năm 1776 hay là 1778... Vậy có hai người đạo đạo là Nguyễn Văn Dươn kêu là cả Dươn, vì người đã lập làng Long Định và Nguyễn Văn Sách cũng là ông cả... Dân ở mấy giồng không có tiền bạc mà đóng thuế cho nhà nước, nên chúng nó đành bán bạ cái giồng lại cho cả Dươn và cả Sách, giá là 300 quan tiền... Mua mấy giồng xong rồi, cả Dươn và cả Sách trở về nhà đều huề thê tư với bà con, cùng rủ ít người có đạo tới đó mà ở, hết thảy chừng 30 người... Ban đầu thì số bổn đạo thêm lần lần cũng lâu lắm, vì hễ có sinh con cái ra thì mới tăng số, còn kẻ ngoại ở xung quanh đó trở lại đạo không bao nhiêu. Cho tới năm 1840 thì mới thêm số đặng mau, bởi có nhiều người giáo hữu ở các họ khác tới đó mà ở... Bổn đạo các nơi đem nhau tới ngụ tại Mặc Bắc là bởi đó có cớ bắt đạo, mà tại họ nầy thì các giáo hữu đặng ở an, khỏi lo sợ sự gì". (năm 1917 tr. 389-390).

Gốc tích họ Tân Định cũng do một sự lập ấp như vậy. "Trước năm 1860 thì chưa có họ nầy. Vậy lôi năm ấy có vài gia thất có đạo số chừng 30 hay là 40 người, trốn cơn bắt đạo mà đến Saigon cất nhà cửa ở gần xung quanh hào vách thành, chỗ kêu là Cửa Hữu. Có một cái nhà cũ cột cây trên lợp ngói để làm nhà thờ. Cha Bề trên Vị (P. Wibaux) cũng là Bề trên trường la tinh khi ấy, mỗi ngày thứ bảy cùng là ngày áp lễ cả thì đến ngôi tòa làm phước, cùng làm lễ các ngày lễ cả và chúa nhựt tại đó cho bổn đạo xem. Qua năm 1861 có nhiều gia thất có đạo ở bên Cầu Bông, số chừng 100 người, qua ở tại chỗ đất nhà nước, ở giữa nhà thờ bây giờ là rạch Cầu Kiệu, cùng lấy tên là họ An Hòa. Năm sau là 1862 thì số bổn đạo tới ở tăng thêm nữa..." (năm 1918, tr.215).

Gốc tích họ Giồng Nghệ, tổng Dương Hòa Hạ, tỉnh Gia Định cũng theo lối đó. Bản niên giám viết: "Ông Nguyễn Văn Bổn là đạo dòng ở họ Lái Thiêu về Saigon ở gần kinh Chợ Vải, anh ruột người là tổng Sáu ở Lái Thiêu, có một em gái ở Nhà phước kín. Năm 1880, tổng Dương Hòa Hạ khuyết người làm cai tổng, Minh-ghê Bổn (Minh-ghê = Michel) khi ấy làm ban biện, nhờ ơn quan trên cho lên chức cai tổng. Lãnh bằng cấp rồi đem vợ con về ở làng Đức Hưng, gần vàm Rạch Mương Tổng Tấn. Chỗ ấy là rừng hoang của làng; ông xin phép quan khai phá và làm chủ. Trong làng ấy không có người nào có đạo, ông Bôn kêu rủ bà con có đạo, người ở họ Tân Quí, kẻ ở họ Lái Thiêu, người ở Cầu Bông và Thủ Thiêm tới đó ở, chia đất rừng cho mấy người ấy khai phá, và giúp tiền giúp lúa ăn. Ông cũng giúp người ngoại trong làng cùng an ủi học đạo. Bởi ông có quyền thế, lại cách ở hai vợ chồng được người ta thương mến, và vưng phục. Vậy ban đầu thì có chừng năm bảy nhà có đạo, số nam nữ lớn nhỏ chừng 20 người; lại ba bốn nhà châu nhưng chừng 15 người. Hai ông bà cất nhà thờ tạm bằng lá, kêu là nhà thờ tổng Bôn. Cha già Tuyết ở Mĩ Hội lên xuống làm lễ, làm phước và giảng dạy. Năm 1884 Đức cha sai cha Bề trên Thi (P. Thiriet) đến ban phép xức trán tại nhà thờ Giồng Nghệ. Lúc ấy người ta càng ngày càng thêm số, ruộng nương vỡ ra đâu thì cày cấy đặng mùa. Nhơn số có đạo cũ và đạo mới nam nữ lớn nhỏ chừng 100 người". (năm 1918 tr.438).

Bây giờ thử tìm hiểu vì những lý do nào người ta đã trở lại đạo. Bản niên giám không nói gì về những người Việt trở lại đạo hồi thế kỷ 16, khi các linh mục Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha khởi sự giảng đạo trong xứ này, ở Cái Nhum chẳng hạn. Chúng ta chỉ dựa vào các bản niên giám để rút ra những trường hợp sau đây:

a) Trước hết là trường hợp những người ngoại đã cảm phục đức bác ái và đạo của người có đạo. Đó là trường hợp những người Cao Mên chạy giặc mà rơi vào những nhà có đạo ở Cái Nhum, như ta vừa đọc trên đây. Đó còn là trường hợp những người ngoại sống trên đất của ông Bôn, tức tổng Bôn họ Giồng Nghệ trên đây. Họ cảm mến đức độ của ông bà Bôn và theo đạo.

Đoạn niên giám sau đây nói rõ hơn về một trường hợp điển hình khác. "Lối năm 1888, nhà thờ (Tân An) thì rộng lớn, con số bổn đạo tại họ khi ấy chừng bảy tám mươi mà thôi. Khi ấy nhờ có cha Bề trên Thi quen biết với bà thầy Ngọc ở Tân An. Bà này yêu mến cha lắm, nên vưng lời cha dạy mà lo việc mở mang giảng đạo Chúa cha những tá điền thổ ngoại của bà, đặng trở lại đạo. Việc khởi đoạn thật rất là khó, nhưng mà bà Ngọc chẳng ngã lòng, một rán sức hết lòng mà lo, phải hao tốn cũng chẳng tiếc, cho nên nhờ ơn Chúa ban đầu có vài gia thất tỏ ý chịu học đạo. Cha bề trên Thi bèn vui mừng mà đi tới viếng, cùng cho thầy xuống Tân An khởi việc dạy chầu nhưng tại Bình Cư, nhiều người ngoại khác cũng tới nghe coi dạy đạo thế nào, trong ít ngày đã đặng ơn Chúa đoái xem, nên gần hết thảy đều xin học đạo. Những tá điền của bà Ngọc tại Bình Quân cũng đều theo gương mấy người ở Bình Cư mà xin trở lại đạo, cho nên phải sai thêm nhiều thầy tới dạy mới đủ. Sau đó, tại Nhơn Hậu những tá điền của bà Ngọc cũng xin học đạo" (năm 1918, tr.503).

b) Những người ngoại trở lại trên đây (mục a) thuộc giới bình dân. Có thể họ là đa số. Nhưng cũng có nhiều người ăn học, có chức quyền thuộc "cựu trào", nghĩa là thuộc "triều đình An Nam" hồi đó. Đây chỉ xin ghi lại mấy trường hợp điển hình:

Trước hết là trường hợp ông Tuấn (họ Thủ Đoàn, Tân An). "Ông huyện nầy giàu có, thần thế, mà có lòng ngay chính. Mấy lần cha Đoan tới thăm ông huyện thì hản tánh ý người, cho nên cha trông cậy sẽ làm cho ông huyện đặng thấm sự sáng đức tin vào lòng. Mỗi lần cha tới viếng thì người hay cãi lẽ đạo với cha, như vậy qua nhiều tháng mới làm cho người chịu thua mà bỏ bụt thần dối trá... Con trưởng nam của ông huyện là cả Lãnh ở Bình Nghị (bây giờ làm ông trùm tại họ Trà Lồng) đã theo gương cha mình mà trở lại đạo. Kế đó thì các con cháu ông huyện cũng đều xin vô đạo hết" (năm 1918, tr.535-536).

Trường hợp điển hình thứ hai là trường hợp thầy cựu cai tổng Huỳnh Viết Thơ, họ Giồng Miễu, địa sở Cái Mông. "Trong năm 1871 có thầy cựu cai tổng tên là Huỳnh Viết Thơ xin cùng cha Bề trên cho cha tới ở dạy đạo. Cha Trí tới coi họ nầy dầu hết, nhờ khoa ngôn ngữ cha giảng dạy, trúng lý lẽ nho tự rõ ràng làm cho nhiều người hay chữ đặng trở lại đạo, và đem một ít người có đạo mà đã bỏ trôi nổi tới đó, đặng trở về dàng chính: tính được hết thảy chừng 20 người. Khi ấy chưa có nhà thờ nhà cha sở, thì tạm nhà thầy cựu cai tổng Thơ làm nhà thờ, và cha cũng ở tại đó". (năm 1921, tr.457).

Thứ nữa là trường hợp thầy giáo Khả, họ An Nhơn. "Tại làng An Lộc Đông thì cha đã có lập đặng một họ nhỏ, cũng bởi nhờ thầy giáo Khả. Thầy nầy nghỉ làm việc về trong làng, cùng dạy mấy đứa con những nhà giàu có. Khi người trở lại học đạo rồi thì nên tông đồ mà dạy đạo trong xóm mình, cũng đã làm đặng cho 40 người vô đạo cùng chịu phép rửa tội". (năm 1917, tr.630).

c) Cũng có những người trở lại đạo vì thấy phép lạ Chúa cứu chữa, hoặc thấy đạo tốt thì tự ý đến xin học đạo. Đây là trường hợp trở lại vì thấy phép lạ: "Trong lúc ấy (hồi 1878) có một đứa gái ngoại đau một bịnh lạ, không thuốc nào trị được, ai nấy đều nói là nó bị quỷ phá, mà nhờ bà Lành (Một dì phước Cái Mơn) đã đọc kinh cầu nguyện cho nó, nên nó đã đặng mạnh lại. Xã Thiện là cha đứa gái nầy và nội gia thất nhờ đó mà tin kính Chúa cùng trở lại đạo hết" (năm 1917, tr.566).

Và sau đây là trường hợp những người tự ý đi tìm đạo. Ở họ Cái Sơn, lối năm 1869 "dầu hết có hai người ngoại là Nguyễn Văn Sửu và Kiều Văn Võ ở tại đây đã xin vô đạo cùng qua Cái Bông mà nghe dạy, cha Tuyết khi ấy đang coi họ nầy. Hai người chịu phép rửa tội rồi thì có nhiều nhà ngoại khác cũng xin học đạo, nên thành ra một họ, và Nguyễn Văn Sửu đứng đầu làm ông câu. Ông nầy có đức tin vững vàng, hết lòng cùng các cha các bà, chầu nhưng học đạo thì người dạy, nhiều khi cũng nuôi những kẻ ấy đặng ở mà học nữa. Ông nầy đã qua đời lối năm 1888, còn lại một cháu trai tên là Danh còn ở tại Cai Sơn. Còn ông Kiều Văn Võ có năm người con, có gia tư và đạo hạnh tử tế" (năm 1920, tr.773).

d) Trên đây là những người trở lại đạo vì những lý do đáng. Nhưng cũng có một số người trở lại hồi "Tân trào" vì những lý do không chính đáng chút nào, vì muốn an thân, vì mong lợi lộc. Sau đây xin kể vài trường hợp điển hình.

Trước hết là họ Hạnh Thông Tây "Trong năm 1861 có ông Đốc phủ Ca (khi ấy làm hương thân) cùng bà con người và ít hương chức khác trong làng muốn theo đạo, nên đem nhau đến cùng cha Phước (P. Puginier) mà xin giữ đạo. Vậy cha Phước đã rửa tội cho ông Đốc Phủ Ca và bà con người trước hết tại Hạnh Thông Tây. Khi cha Phước tới thì kẻ ngoại rùng rùng chạy tới mà xin thọ giáo, ước đặng 400 người. Song khi thấy mỗi bữa phải đi nghe dạy, thì phần nhiều mấy kẻ xin theo đạo biếng nhác mà thối lui, còn lại không bao nhiêu. Vậy cha Phước đã dạy và rửa tội đặng vài trăm người. Sau đó cha Phước đổi đi nơi khác... Qua năm Ất Sửu (1865) có cha Dưỡng tới ở họ đặng vài tháng rồi dọn về họ An Nhơn... Vậy trong họ, phần vì đạo mới, phần thì xa cha thầy, nên có nhiều kẻ xao lãng bỏ đạo, cùng nhiều người trễ nải" (1917, tr.677-678).

Trường hợp họ Bà Điểm càng đáng buồn hơn. Người ngoại sợ tây đốt phá, nên xin cha Lý (P. Galy) che chở, và họ xin đi đạo. Nhưng sau đó, nhiều người đã bỏ đạo. "Người ta đồn binh Langsa sẽ hủy cho tuyệt 18 thôn vườn trầu. Nên ông huyện sở (khi ấy là hương chức làng) nghe vậy thì sợ. Vậy ông và ít người khác chạy đến cùng cha Lý xin cha cứu giúp cùng hứa mình sẽ giữ đạo. Cha Lý đã tính cùng quan Langsa, nên mấy người ấy đặng bình an khỏi lo sợ gì và đã vô đạo... Cha chẳng những giúp phần linh hồn mà cũng lo giúp phần xác nữa, kẻ nghèo thì cho tiền bạc lúa gạo ăn mà đi nghe dạy. Lại mỗi ngày chúa nhựt, mấy kẻ ở xa đến xem lễ, cha cho ăn cơm rồi mới về... Trong đời cha Lý thì số bổn đạo một ngày một thêm, song đến sau không có cha ở thường, thì số bổn đạo không thêm, mà lại một ngày một bớt, lại cũng có nhiều kẻ bỏ đạo nữa". (năm 1917, tr.693-694).

Sau hết, một số khá đông đã xin trở lại đạo, vì tưởng lầm rằng theo đạo làm "đẹp ý các quan Langsa". Như thế rõ ràng theo đạo là theo tây. Để tránh sự ngộ nhận đó, nguyên soái Bonard đã ra một thông tư nói rõ đạo và Tây là 2 cái riêng biệt, không ăn nhằm gì với nhau. Nhân đó hầu hết loại "giáo dân" này đã bỏ đạo ngay. Bản niên giám viết: "Số người ngoại giáo trở lại cũng nhiều, vì thấy tân trào Langsa có đạo, nên muốn theo một đàng. Như tại làng Phú Nhuận, bên kia cầu Kiệu, người ngoại đua nhau tự ý mà xin học đạo. Khi ấy cha Triêm giữ việc tại nhà Đức cha, cùng lo coi họ Cầu Bông và họ Thị Nghè; cha đã lo dạy dỗ những chầu nhưng tại Phú Nhuận, cùng đặng vui mừng mà rửa tội cho nhiều người và hiệp những đạo mới nầy với họ Tân Định (An Hòa). Nhưng sự vui mừng ấy chẳng đặng bao lâu, vì cớ này: là có châu tri (thông tri) quan Nguyên soái Bonard gởi cho nhân dân hết thảy mà khuyên bảo nhiều điều, và có nói sự này về đạo, là không cần gì dân sự phải theo đạo chánh mới gọi là kẻ trung tín với tân trào đâu. Bởi vậy cho nên người ngoại không xin vô đạo nữa, và phần nhiều đạo mới tại Phú Nhuận đã bỏ đạo" (năm 1918, tr.215-216).

B. NHỮNG NGƯỜI CÓ ĐẠO ĐẦU TIÊN VÀ XÃ HỘI THỜI ĐÓ.

Đây là giáo hội sơ khai ở đất Nam Kỳ, rất khác với những gì người ta thấy ở ngoài Bắc. Người có đạo ở Nam Kỳ sống trong một xã hội bao dung, rất khác với không khí thù hằn và khắc nghiệt ở vùng Nam Định và Thái Bình. Trong Nam này không đâu có bóng dạng một tổng đốc Trịnh Quang Khanh say mê với việc bắt và giết người có đạo.

Để nói lên tánh khoan dung của dân miền Nam đối với người có đạo chính giữa lúc Minh Mạng cấm đạo, chúng tôi xin trích dẫn mấy trang của niên giám liên quan đến các quan và dân miền Nam.

1. Các quan không ghét đạo, không ưng việc bắt đạo.

Trước hết là thái độ của tả quân Lê Văn Duyệt: "Vua Minh mạng kế ngôi vua Gia Long phải kiêng sợ quan tả quân này, chẳng dám bắt buộc người sự gì. Trong đời quan này trấn tại Saigon thì các bổn đạo đâu đó đều đặng bình an, khỏi sợ bắt bớ vì đạo. Một việc này cũng đủ làm chứng quan tả quân Lê Văn Duyệt có lòng thương con nhà giáo hữu". Là ngày kia trong khi người đang chơi xem cuộc đá gà, vừa đặng sắc chỉ vua Minh Mạng dạy bắt bớ bổn đạo và người tây (trong năm 1828), thì quan ấy liền nói lớn rằng: "Có lẽ nào chúng ta bắt bớ kẻ đồng đạo với Đức Thầy Vêrô và mấy người tây làm chi, miệng ta còn đang nhai cơm của Đức Thầy và mấy người tây đây... không đâu, bao lâu tôi còn sống thì không ai nên làm sự ấy. Chừng tôi chết rồi đã, vua muốn làm gì thì mặc ý" (năm 1918, tr.136).

Khi vua Minh Mạng ra sắc chỉ bắt đạo gắt gao, thì nhiều quan ở miền Nam vẫn giữ thái độ khoan dung, không bắt đạo: Như quan phủ Bằng, tỉnh Vĩnh Long "quan phủ Bằng tánh tự nhiên thì hiền hậu, và không có hay kiếm đều chi mà húng hiếp kẻ có đạo, mà lại có lòng yêu cả Dươn và cả sách nữa, song bổn đạo tự ý đồng lòng dưng cho người mỗi năm 300 quan tiền như vậy, thì quan ngoại này không lòng nào từ rảy. Mà thật nhờ ơn quan phủ lắm, cho nên bổn đạo họ Mặc Bắc mới đặng ở an, vì hễ có ai tới nha môn mà cáo rằng có đạo trưởng (thầy cả) ở tại Mặc Bắc, thì quan phủ liền sai một người tâm phúc đến đó mà nói cho ông cả hay trước vài ngày. Nên cha bèn lo ẩn mình, áo lễ đồ lễ thì bổn đạo lo giấu trên rừng bụi. Chừng quan phủ tới tra xét theo phép, thì không có gì hết. Những đội và lính biết rõ quan thầy mình chẳng muốn làm gì khó lòng cho bổn đạo, nên cũng theo một lòng tử tế. Bổn đạo cho thầy đội vài quan tiền, đãi mấy tên lính mỗi đứa vài chén rượu, rồi thì chúng nó chống ghe lui, chèo đưa quan phủ trở về" (năm 1918, tr.391).

Tuy nhiên, sau này thời vua Tự Đức, vì có sự uất ức thua Tây, lại nghi ngờ người có đạo "theo tây", nên mới có vụ quan tỉnh Biên Hòa bắt bổn đạo mà thích tự bốn chữ "Tả đạo, Biên Hòa" và bắt giam ngót 700 giáo dân vào 4 nhà tù ở Bà Rịa. Khi nghe biết người Pháp tính giải cứu cho các người vô tội này, thì quan quân đã đốt 4 nhà tù đó, làm cho 695 người bị chết thiêu, ngày 7 tháng Giêng 1862.

Viết về vụ Bà Rịa này, niên giám ghi rằng: "Thuở ấy có một đều này đáng ghi nhớ, là bổn đạo đều than trách về sự độc ác quan quân dữ tợn bất nhơn, nhưng mà khen ngợi những người ngoại đạo xứ Đất Đỏ khéo lo, những kẻ ấy không theo phe kẻ bắt đạo, có lòng thương xót giúp đỡ những người bổn đạo bị bắt bớ, giấu đút, che đậy, có lúc đem về nhà mình mà giấu người có đạo cho khỏi tay quan quân bắt bớ, nuôi dưỡng cho ăn, giúp tiền bạc cần dùng, nên dễ hiểu sao mà cha Trí ở lại trong họ đặng trong lúc cấm kín bắt bớ vậy mà quan quân chẳng hay biết gì". (năm 1917 tr.776).

2. Người ngoại thường quý mến và bao che cho người có đạo.

Trên đây chúng ta vừa thấy bụng tốt của người ngoại, hết lòng bao che cho người có đạo. Điều này có thể là phổ quát, vì được nhắc tới nhiều lần trong các bài niên giám, liên quan đến nhiều nơi khác nhau ở miền Nam này. Chỉ xin kể lại vài trường hợp điển hình.

Nói về họ An Nhơn (tỉnh Gia Định) bản niên giám viết: "Vậy bổn đạo tại họ An Nhơn khi ấy đặng bình an luôn, khỏi lo sợ phải hiếp đáp cùng là bắt bớ gì hết, làng xã ngoại sở tại thì bổn đạo có lo lót tiền bạc cho nên chẳng hề làm sự gì khó lòng cho bổn đạo. Trong mấy cơn cấm kín dữ dằn đời Minh Mạng và Tự Đức, thì hương chức làng đã lo lắng để một gia thất ngoại ở trong mỗi một nhà bổn đạo, cho ngoại ở trước, còn chủ nhà có đạo ở phía sau. Hễ khi quan tỉnh tới làng mà vô xét mỗi nhà cùng hỏi giữ đạo nào, thì mấy người ngoại ở trước trả lời, nói mình là ngoại cùng chỉ giường thờ ông bà chúng nó đặt giữa nhà đó cho quan coi, quan không thấy dấu gì về đạo nên không xét nữa" (năm 1917, tr.597).

Nhiều khi người ngoại liều mạng để giúp người có đạo giấu ấn các linh mục thừa sai trong nhà. Nói liều mạng, vì tội oa trữ "đạo trưởng" là tội phải án tử hình. Dưới đây là trường hợp người ngoại cho Đức cha Lefèbvre ẩn tại nhà. "Vậy quan tuyên lịnh tìm cho được Đức cha, quan tới Cái Nhum bắt ông Vêrô Dinh là biện và câu đồng nhi mà khảo tra hơn 30 phen, dạy phải chỉ đức cha ở đâu, song ông nầy chẳng hề chịu khai gì hết, đánh khảo đau lắm thì người kêu Chúa mà thôi. Khi ấy Đức Cha ẩn mình trong nhà một người ngoại ở tại Cái Gà" (năm 1917, tr.343).

"Người ngoại còn cất giùm tượng Chúa của họ Cái Nhum. "Họ Cái Nhum đã đặng một tượng ảnh Đức Chúa Giêsu, tượng ấy lớn bằng người, bây giờ cũng còn tại họ... Trong lúc cấm kín, thì bổn đạo chở tượng nầy giấu dưới ghe chèo ra sông, sợ kẻo quân nghịch soán đặng tượng Chúa mà nhạo cười làm điều vô phép phạm đến. Trong cơn bắt đạo sau hết, thì bổn đạo lại đóng một cái hòm lớn, bỏ tượng ảnh này nằm vào mà chôn trong một nhà người kia ngoại, mà có bà con có đạo ở Huế. Làm như vậy mới khỏi lo sợ, vì quan quân không có tìm xét trong nhà kẻ ngoại làm chi" (năm 1917, tr.330-331).

Một điều đáng ghi nhớ là mấy trường hợp đi tố quan để bắt các giám mục, linh mục, đều là người có đạo. Không thấy niên giám ghi trường hợp nào do người ngoại.

Trên đây đã thấy Đức cha Lefèbvre ẩn trốn nơi một gia đình ngoại. Sau đó Đức Cha bị bắt, vì "trong lúc ấy có một đứa nhỏ 12 tuổi, là con thầy cai tổng có đạo, phải quan bắt mà ngăm đe, nên nó sợ quá mà chỉ nơi Đức cha đang trốn, bởi vậy Đức cha phải bắt trong ngày 21 Octobre 1844. (Năm 1917, tr.343).

Ông cai tổng này sau đó vì không chịu nổi các hình khổ, đã bỏ đạo (năm 1917, tr.344).

Trường hợp Á thánh Philippê Minh bị bắt ở Mặc Bắc, cũng do một người có đạo cờ bạc bê bối. "Khi ấy cha Lưu đang lo coi dọn nền đặng rời nhà thờ lại chỗ mới... Bếp Nhân tới xớ rớ như là muốn phụ giúp, rồi nó lại gần cha mà than túng, càng xin cha giúp nó 300 quan tiền. Cha Lưu biết danh tánh nó rõ lắm, nên cha đoán nó giả chước xin tiền đặng mà nộp cha. Vậy cha trả lời nó như vậy: "Mầy là đạo dòng đạo dõi, mầy muốn bán tao như Giudà sao? Mầy muốn cáo tao thì cáo đi, tao ham mũ triều thiên tử đạo lắm". Vậy nó bèn tuốt qua Vĩnh Long, đâm đơn cáo cùng quan rằng có đạo trưởng Lựu ở tại Mặc Bắc... Cách lâu ngày, trong quãng đó cha Lựu đổi đi Bà Giồng và cha Minh từ Cái Mơn qua thế tại Mặc Bắc" (năm 1917, tr.427-428). Và cha Minh bị bắt và tử đạo tại Vĩnh Long. Còn Bếp Nhẫn sau "trở lại ăn năn nên gương lành cho tới chết là năm 1875" (Năm 1917, tr.357).

Duy có một trường hợp người ngoại tố cáo người có đạo, chỉ quá bực tức với một thầy giảng quá hăng say truyền đạo. "Có thầy giảng tên là Phước, sốt sắng việc giảng dạy quá mà làm cho kẻ ngoại ghét, nên phải chúng nó cáo cho quan bắt, người chịu hình khổ, đòn bọng mà hằng vững lòng... Thầy Phước thì vua đã lên án tử mà chưa thi hành. Thầy này với một thầy khác đã giảng đạo tại khám Huế, mấy tên phạm cầm trong khám trở lại gần hết. Khi vua Tự Đức lên ngôi 1847-1858 thì ra ân xá tha bắt đạo ít lâu, nên cho hai thầy ấy về quê, song mấy kẻ đã trở lại đạo ở trong khám khóc lóc nài nỉ, xin ở lại với chúng nó, nên hai thầy ấy chẳng muốn ra về thong thả, một đành lòng ở lại với những đạo mới ấy". (năm 1917, tr.343-344).

Điều rõ ràng và chắc chắn là giáo dân khi Pháp sang xâm lược bị bắt bớ vì đạo, như một phản ứng tự nhiên tìm cách đến ẩn náu gần nơi có quân đội Pháp đóng để được an thân. Điều này đã nên cớ cho "các quan An Nam" nghi ngờ người có đạo. Hơn nữa đôi khi được yêu cầu, quân đội Pháp tìm cách giải cứu những người có đạo bị giam tù để chờ ngày tử đạo, đó là trường hợp 4 nhà tù ở Bà Rịa giam ngót 700 giáo dân. Trước khi bỏ chạy, quan quân nhà vua đã thiêu rụi 4 nhà tù, tàn sát ngót 500 giáo dân.

Ngoài ra bản niên giám cũng nói đến mấy "thầy thông ngôn" có đạo đã có công giúp lập nên vài họ đạo, như họ Bà Rịa (thầy Petrus Tạo) (Năm 1917, tr.805), và Tân An (một thầy cựu học sinh trường Pinăng) (Năm 1918, tr.502). Việc mấy người có đạo làm thông ngôn cho Tây, hợp tác với thực dân lúc đầu chỉ là vì những lý do kinh tế, chắc số người có đạo cũng không nhiều hơn số người ngoại. Ngay mấy thầy thông ngôn có đạo đó, kể luôn mấy cựu học sinh chủng viện, thường lo túi tiền hơn là việc đạo. Cho nên niên giám viết về thầy thông ngôn Tân An như sau: "Những người có đạo ở Tân An trước hết là 4 người cựu học trò Latinh tại trường Pi-Năng, tới đây năm 1867, đặng làm thông ngôn cho nhà nước Langsa cùng đã nên giàu có, còn việc mở mang đạo thánh thì không lo đặng bao nhiêu. Nhưng cũng bởi có mấy thầy, cho nên có vài nhà bổn đạo gốc ở Ba Giồng qua ở Tân An" (năm 1918, tr.502).

4. Về thái độ của người Pháp đối với giáo dân hồi đó, tất nhiên họ có "thiện kiến tốt" (pré jugé favorable) đối với giáo dân đang chạy lại phía họ như những kẻ bị săn bắn từ phía vua quan An Nam. Trong các nguyên soái đầu tiên (Rigault de Genouilly, Charner, Bonnard, De la Grandière) theo người ghi sự tích chỉ có ông sau cùng tỏ thiện cảm đặc biệt với người có đạo, "vì quan này biết rõ, nhân dân có đạo thì trung tín lắm, Nhà nước khỏi lo ngại gì, cho nên đáng cho nhà nước yêu chuộng hơn" (năm 1918, tr.152). Tuy nhiên ta không nên quên rằng đa số người Pháp hồi đó không giữ đạo, mặc dầu có tiếng là người có đạo. Chánh phủ Pháp hồi đó là chánh phủ Jules Ferry đang đả phá Giáo hội. Chính Jules Ferry ghét giáo hội đến nỗi đã thốt ra tại Quốc hội Pháp những câu mà ai học Sử cũng biết. Ông nói: "Le cléricalisme, voilà l'ennemi - Bọn giáo đồ, đó là kẻ thù của ta". Và câu khác tệ hơn: "Il fant écraser l'infâme - Phải dày nát bọn khốn nạn". Bọn khốn nạn ông nói đây là Giáo hội. Riêng bên Việt Nam, có lúc họ chơi trò úp mở, lợi dụng. Nhưng khi cái trò đó quá lố thì một người như Bonnard cũng phải ra thông tri nói rõ "không cần gì dân sự phải theo đạo chánh mới gọi là trung tín với tân trào đâu" (năm 1918, tr.216).

=========

HẠNH CHA MINH VÀ LÁI GẪM TỬ ĐẠO

HẠNH Á THÁNH MARCHAND (DU)

của Linh mục Máthêu Đức

*

Văn liệu chúng ta hiện có là ấn bản do Imprimerie de la Mission à Tân Định Saigon xuất bản năm 1902. Trong Tiểu dân của tác giả (đề ngày 24 Juin 1900) và Tựa (cho bản in lần thứ hai bản hiện có) cũng của tác giả (đề ngày 24 Novembre 1901) có ghi rõ:

a) Trong lần in 1, chỉ có Hạnh cha Minh và Lái Gẫm lần in 2 mới thêm Hạnh Marchand (Du) - kể từ giờ chúng tôi gọi tắt là cha Du.

b) Ấn bản này mục đích chủ yếu là để phổ biến trong nội bộ cộng đồng TCG.

*

Đối với những người biên khảo về văn học, ngữ học, cuốn sách này hữu ích về nhiều điểm. Riêng với năm viết là 1900, nó cũng là bằng cớ cụ thể về văn quốc ngữ là thế nào cuối thế kỷ 19.

Về từ, điểm ghi nhận đầu tiên là không khác hiện nay bao nhiêu. Thỉnh thoảng mới gặp từ cổ như vạn viết là vẹo, quyền viết là quờn. Chính tả đúng, đúng đến cả hỏi ngã, mặc dù qua cách dùng từ (chân phúc viết là chơn phước, bản quốc thành bổn quốc...) chúng ta biết tác giả là dân miền Nam. Về cách đặt câu: câu gọn, rõ ràng, có cấu trúc gần như hiện nay. Sự kiện này làm chúng tôi quan tâm vì cả hai mươi năm sau, nhiều tác giả Việt Nam viết câu còn rườm rà, biền ngẫu. Có thể cắt nghĩa sự kiện này bằng sự chữ quốc ngữ đã được sử dụng trong nội bộ Công giáo nhiều và trước bên ngoài rất lâu.

*

Một bản văn có tính cách phổ biến nội bộ cao như cuốn này, chúng tôi không ngạc nhiên khi cuốn bài Tựa, tác giả đề thế này: Làm tại nhà trường ông thánh Giude. Saigon, ngày 24 Novembre 1901, Chính lễ các vì tân Á Thánh tử đạo. Nhưng chúng ta ít ngờ tới sự kiện một linh mục lại viết và thích làm thơ Đường Luật. Trước khi vào tiểu sử mỗi thánh, lại có một trang đăng 2 bài thơ vịnh: một của linh mục Nguyễn Biểu Đoan, một của Giáo hữu bái tặng. Chúng tôi ghi lại dưới đây bài đầu tiên, một phần để thưởng lãm thơ văn cha cố, một phần để làm bằng cớ là nỗ lực Việt hóa đã có trong hàng giáo sĩ TCG Việt Nam từ khá lâu:

PHỤNG KÍNH Á THÁNH MINH THI

Lưỡi gươm chém đạo gẫm tinh thay!

Trí sử anh hùng rạng tiết rày:

Lao lý bảy năm truyền đạo thánh

Gian truân mấy đoạn chỉ dàng ngay

Chăn chiên dẫu trễ cầu sô mục,

Thờ Chúa nào quên mất tấm thây.

Thánh Hội tôn rao rằng Á Thánh,

Đại Nam mừng rỡ xiết chi vay!

Linh mục Thôma NGUYỄN BIỂU ĐOAN

bái tặng.

*

Ngoài phương diện văn, ngữ học, cuốn sách của M. Đức còn có thể coi như một mẫu mực về loại văn tiểu sử danh nhân. Khoảng từ 20 đến 30 năm sau, nhiều nhà văn đã chuyên về loại này, nhưng dù là Phạm Minh Kiên ở trong Nam, Nguyễn Triệu Luật ở ngoài Bắc, vẫn không tác giả nào đạt đến sự chính xác của Mátthêu Đức. Dĩ nhiên chúng ta có thể nói ngay lý do chính tại Mátthêu Đức là một linh mục, tất nhiên tiếp thu trực tiếp và trọn vẹn nền giáo dục Tây phương, đương nhiên có tinh thần khảo cứu khoa học. Điều đó là đúng nhưng mới là cái đúng chung chung.

Còn có những lý do khác nữa. Thí dụ hàng ngũ linh mục, giám mục thế kỷ 17, 18, 19 đều đa số là người Tây phương (Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha...) Họ có truyền thống bảo vệ thư tịch, văn khố các loại. Bởi thế điều nghịch lý nhưng vẫn là có thực cho tới nay là hầu như mọi công trình tìm hiểu về quá khứ Việt Nam cận đại, chúng ta vẫn phải dựa rất nhiều vào văn khố, thư tịch của Tây phương. Ngay một sự việc cỏn con là thủ đô Hà Nội trước khi bị Pháp đánh chiếm thì đường phố ra sao, người viết bài này cũng phải đọc hồi ký Au Tonkin 1873-1881-1886 Notes et Souvenirs của R. Bonnard mới biết kinh đô Thăng Long rất bết bát về phương diện kiều lộ (chính giữa lộ bát gạch như đường làng châu thổ sông Hồng Hà, hai bên không có cống rãnh dẫn nước mùa mưa hai bên lề là bùn lầy...). Giáo hội TCG La Mã còn kỹ về văn khố thư tịch hơn nữa. Bất kể những gì có liên quan tới tôn giáo của họ, đều được bảo quản tồn kho đầy đủ đến chi tiết, không những thư từ các nhà truyền giáo gởi cho thượng cấp được giữ lại đã đành, mà thậm chí thư từ gia đình cũng được sưu tầm, nếu tu sĩ truyền giáo đã lập được công trạng nào đó. Chúng ta ai cũng biết ở thời phong kiến, Đông cũng như Tây đều tra hỏi kẻ bị bắt bằng tra tấn. Các hình cụ tra tấn của Tây Phương, đương nhiên có lưu lại trong một viện bảo tàng đã đành, mà các hình cụ tra tấn của Tòa Tam pháp vương triều Nguyễn Gia Long, cũng được lưu giữ trong một phòng riêng ở Vatican - Matthêu Đức ghi rõ như vậy... Bởi thế không có gì ngạc nhiên khi viết tiểu sử Á Thánh Minh, Mátthêu Đức không những ghi rõ tên họ nghề nghiệp của bố mẹ, mà còn liệt kê đầy đủ tên cha cả 14 anh em, và ghi rõ ai chết sớm, ai chết non...

Bởi thế chúng ta có thể khai thác cuốn sách của Matthêu Đức như một chứng từ lịch sử hiểu theo nghĩa rộng. Thí dụ thủ tục đi bắt người, cách tra hỏi của tư pháp thời đó, cách chém đầu, cách xử lăng trì... chúng ta ghi lại các sự kiện lịch sử như các vua triều Nguyễn cấm đạo, nhưng cụ thể là thế nào. Cho tới giờ, các văn khố thư tịch được công bố đa số đều lấy từ phía Nhà nước, chính quyền. Chúng ta đã có thể biết nội dung đạo cụ cấm đạo năm 1828 của Minh mạng nhưng khi quan lại địa phương áp dụng vào thực tế thì sao. Cuốn sách của Matthêu Đức sẽ cung cấp cho chúng ta những dữ kiện đó từ phía nạn nhân, và mở rộng ra, từ phía nhân dân bị trị.

Chúng tôi bỏ phần lược tóm hạnh cha Minh và Lái bẩm và chỉ nói về trường hợp Cố Du.

Trước khi trình bày trường hợp cha Du (Marchand) chúng tôi thấy cần tìm hiểu hai vấn đề, hai điểm cơ bản về giáo lý TCG. Đó là tinh thần Tử vì đạo và Ơn Thiên triệu. Nếu nhắc tới Nho giáo, chúng ta bắt buộc phải xét tới tam cương ngũ thường... thì đối với TCG, tinh thần Tử vì đạo và Ơn Thiên triệu cũng có vị trí quan trọng tương đương.

TỬ VÌ ĐẠO

Đạo Thiên Chúa ra đời trong vùng đế quốc La Mã khống chế. Trong những tuyên ngôn đầu tiên đều đã đưa ra nguyên tắc bình đẳng giữa người và người. Bấy nhiêu thôi cũng đủ là một ý thức hệ cách mạng - xét trong hoàn cảnh lịch sử thời đó - chưa kể những nguyên tắc khác về Bác ái cùng sự hứa hẹn cuộc sống vĩnh cửu trên Thiên đường cho người đạo hạnh... Với từng ấy thôi cũng đủ quyến rũ (và an ủi) những người thuộc giai tầng cùng khổ trong xã hội thời đó, chủ yếu là giai cấp nô lệ trong đế quốc La Mã. Đạo lan truyền nhanh thành phong trào quần chúng. Đứng ở vị trí giai cấp thống trị đương thời, một phong trào quần chúng trang bị ý thức hệ khuynh đảo cách mạng như vậy, dứt khoát đe dọa sự tồn tại của đế quốc. Bởi thế, công cuộc đàn áp được nhiều hoàng đế La Mã tung ra, nổi tiếng nhất (văn học, điện ảnh hiện nay của Tây phương đã khai thác nhiều) (1) là công cuộc đàn áp của hoàng đế Néron vì những biện pháp tra tấn, và xử tử ngoạn mục như thả sư tử, hổ ăn thịt tín đồ, hay trói tín đồ vào thập tự tẩm đầu đốt làm đuốc...

<<(1) như "Quo Vadis".>>

Đạo Thiên Chúa phản ứng bằng cách tạo ra những anh hùng, những vị thánh tử đạo trong hàng ngũ linh mục, tu sĩ và giáo dân, là những người sẵn sàng chấp nhận cái chết thảm khốc như thế. Đến khi Hoàng đế La Mã vào thế kỷ thứ 3 bãi bỏ lệnh cấm đạo trên toàn đế quốc và vùng ảnh hưởng của mình, người công giáo không còn bị bắt bớ, chịu tử vì đạo nữa. Họ có thể tự do sống đạo, truyền đạo. Nhưng về phương diện giáo dục, Giáo hội vẫn không quên nhắc nhở những khó khăn, thử thách khi xưa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và do đó vẫn phải đón nhận, chịu đựng những thử thách đó nếu xảy ra thực, không phải với tâm trạng coi việc giữ đạo chỉ nhằm mục đích để được chết vì đạo, mà chỉ trong tinh thần sẵn sàng chấp nhận những thử thách coi chết ngoài ý muốn của mình khi không còn trốn tránh, che giấu gì được nữa đành phải coi những thử thách, cái chết cũng là một hồng ân Thiên Chúa ban..., có hiểu tinh thần tử vì đạo như thế chúng ta mới không ngạc nhiên khi thấy Lái Gẫm chỉ cần bước qua chiếc thập tự gỗ (hay tre) tuyên bố bỏ "tả đạo" là thoát cực hình và xử trảm, Lái Gẫm cũng không làm, vui vẻ ngẩng cao đầu hô mình là "Datô" trên đường ra pháp trường. Còn Cha Minh, giáo dân, quan lại Việt Nam dùng đủ mọi cách để cứu, để tha cha Minh, cha vẫn cứ giữ nguyên xác nhận mình là giáo trưởng để bị chém bay đầu với tư cách đó, một cách bình tĩnh, thoải mái.

ƠN THIÊN TRIỆU

Tìm hiểu cặn kẽ giáo lý và triết lý TCG là một công trình chúng tôi không định làm ở đây. Bởi thế xin chỉ trình bày những điểm đại cương, những phác lược nào lý giải được cuộc đời của các nhà truyền giáo TCG Tây phương (kể cả các mục sư Tin lành), trong đó quan trọng nhất là ơn Thiên triệu.

Ơn Thiên triệu, hay "có ơn kêu gọi của Chúa" là ơn sủng, lời kêu gọi của Chúa giành cho một số cá nhân được Chúa chọn lựa. Những ai cảm thấy sự chiếu cố chọn lựa đặc biệt này thì phải hiểu rằng mạng sống của mình, cuộc đời mình kể như đã hiến dâng hoàn toàn cho Chúa. Trên thực tế cụ thể, cá nhân mình kể như thuộc Giáo hội.

Có nhiều con đường để đáp ứng ơn Thiên triệu: nam trở thành linh mục, sư huynh, nữ trở thành nữ tu. Nhưng đáp ứng ơn Thiên triệu trọn vẹn hơn cả là trở thành nhà truyền giáo.

Động cơ thúc đẩy người cho rằng mình có ơn Thiên triệu làm thừa sai là sự nhận biết Thiên Chúa như một Tin Mừng không thể không truyền đạt cho người khác cùng biết Tin Mừng đó, vì thương yêu người khác. Nhận thức càng sâu sắc, động cơ thúc đẩy càng mãnh liệt, dù phải đi bất cứ đâu, gặp bất cứ gian nan thử thách nào... cũng không sờn lòng.

Với ơn Thiên triệu trang bị thêm tinh thần sẵn sàng tử vì đạo, đã có những người thừa sai đi truyền giáo ngay từ hồi sơ khởi, đòi các Thánh Tông đồ, trước từ lâu khi chủ nghĩa tư bản đế quốc phát sinh ở Âu châu... Tuy nhiên vì nhà Truyền giáo cũng là con người của một thời đại, một chế độ, một ý thức hệ, một văn hóa... và phải rao giảng đạo. Tôn giáo thiêng liêng bằng một ngôn ngữ của một văn hóa, bằng những phương tiện đời... nên trong lịch sử, việc truyền giáo không thể tránh được những trường hợp bị chính trị lợi dụng hoặc những trường hợp chính nhà truyền giáo hiểu lệch lạc, sai trái việc truyền giáo. Chẳng hạn quan niệm truyền giáo dễ cho rằng những dân tộc ngoài Âu châu chỉ có thể theo đạo và giữ đạo lâu dài được nếu họ chấp nhận văn hóa tư tưởng Âu châu như là những hình thức biểu hiện sống đạo thích hợp hơn cả, và tốt hơn nữa nếu họ được cả sự bảo vệ của những thể chế xã hội chính trị tây phương... Một quan niệm như vậy đương nhiên đưa đến những hành động tiếp tay cho thực dân. Nhưng từ những hành động tiếp tay đó mà đánh giá thừa sai cũng chỉ là thực dân thì lại chưa hoàn toàn xác đáng.

Đây là một sự kiện cần nhận định, phân biệt cho rõ. Nếu có một số giáo sĩ thừa sai làm những việc có tính chất gián điệp, tình báo như viết những báo cáo về tình hình một nước, một địa phương mình truyền đạo về các mặt địa lý, kinh tế, chính trị v.v... một gởi cho nhà cầm quyền nước mình, hoặc thông báo những tin tức về quân sự, địch tình trong lúc diễn ra chiến tranh xâm lược cho đoàn quân viễn chinh thì không hẳn với tư cách một nhân viên thuộc các tổ chức tình báo thi hành nghiệp vụ, mà là có tính cách tự nguyện kiểu tình báo nhân dân. Họ cũng làm việc này một cách công khai khi gởi cho báo chí hay quốc hội nghị viện để tạo dư luận áp lực chính trị.

Họ làm như vậy vì những động cơ gì, có phải đơn thuần chỉ vì quyền lợi quốc gia của đất nước họ không? Nếu chỉ có vậy thì làm sao giải thích được thái độ sẵn sàng để cho bị bắt, chém đầu chịu tử vì đạo; có người nào làm chính trị lại có một thái độ ngu xuẩn hay kỳ dị như vậy không? Điều kỳ dị khác là ngay cả khi chính quyền nước họ và kẻ đại diện ngoại giao ở Việt Nam chưa hề muốn xâm chiếm vì chưa thấy lợi gì phải phiêu lưu hàng vạn cây số họ vẫn cứ tự nguyện sốt sắng gởi báo cáo về khuyến cáo, thúc dục can thiệp như trường hợp Puginier đã làm. Theo hồ sơ hành chánh của người Pháp hồi đó, viên đại diện của Pháp ở Bắc kỳ thường kèm theo các báo cáo của Puginier những bức điện cảnh giác chính quyền Pháp đừng tin theo những luận điệu thổi phồng, quan trọng hóa tình hình vì lợi ích tôn giáo của ông Giám mục này. Vậy phải hiểu rằng động cơ chính chi phối hành động chính trị của họ là tôn giáo và mục đích cuối cùng của họ là truyền giáo chứ không phải quyền lợi của nước Pháp, đối với họ chỉ là một phương tiện, nên họ dễ dàng chấp nhận chịu tử vì đạo khi không còn làm gì được nữa. Nhưng khi còn hy vọng hoạt động truyền giáo, đương nhiên họ nghĩ đến việc tạo những điều kiện chính trị thuận tiện. Điều kiện chính trị thuận lợi hơn cả là có một chính quyền cho tự do tôn giáo và tốt hơn nữa, đảm bảo hơn nữa là chính quyền đó theo đạo, nếu cho rằng một trong hai ba phe những người đang dành chánh quyền sẽ đảm bảo được việc truyền giáo hơn cả thì phải giúp họ dành được chính quyền. Đó là trường hợp Bá Đa Lộc. Ông đã mang hết sức mình ra giúp Nguyễn Ánh chỉ mong sau này khi lên ngôi vua Việt Nam, Nguyễn Ánh sẽ nhớ ơn mà đưa Thiên chúa giáo lên hàng quốc giáo (Hoàng tử Cảnh trở lại đạo) hoặc ít ra cho tự do truyền đạo. Bá Đa Lộc là một cố vấn chính trị thân tín của Nguyễn Ánh, nếu có thông báo gì cho nước Pháp chẳng qua cũng chỉ nhằm thuyết phục giúp đỡ, giao thương với Việt Nam mà thôi (1). Trái lại Puginier tiêu biểu cho một thái độ cực đoan triệt để hơn nhiều không tin có thể có một chính quyền bản xứ thiện cảm với TCG và triệt để hơn nữa, vì không tin một nền văn hóa ngoài văn hóa Âu châu thấm nhuần tinh thần Ki-tô giáo là thuận lợi cho việc sống đạo, nên Puginier cho rằng việc giữ đạo và truyền đạo ở Việt Nam chỉ có thể duy trì và phát huy được trong khuôn khổ văn hóa tây phương, những thể chế chính trị xã hội tây phương. Đó là một quan điểm thần học về truyền giáo sai lầm. Nhưng chính các quan điểm thần học sai lầm này mới giải thích được thái độ "sốt sắng" một cách kỳ quặc của Puginier kể trên.

<<(1) Quan niệm của Bá-Đa-Lộc khá phổ biến, để được chấp nhận trong Công giáo: giúp chính trị để chính trị giúp đạo. Tuy nhiên cũng có quan điểm đối chọi cho rằng dính vào chính trị thực ra chẳng làm lợi cho đạo mà có thể làm hại đạo. Tài liệu Sử Truyền giáo cho biết nhiều giám mục thừa sai đương thời với Bá Đa Lộc đã phê phán nghiêm khắc thái độ chính trị của Bá Đa Lộc.>>

Tuy nhiên khi thực dân Pháp đã thực sự có ý đồ xâm lược đã dính líu vào Việt Nam rồi, và một mặt khác, vua quan Việt Nam có tiếp tục cấm đạo, càng khủng bố bắt đạo khi thấy Tây càng tỏ rõ ý đồ xâm lược, người theo đạo bị đẩy vào bước đường cùng, phải chạy theo Pháp để được bảo vệ, vì coi đạo là trên hết, và do đó không phải chỉ giáo sĩ thừa sai, mà cả tu sĩ giáo dân Việt Nam cũng hoạt động gián điệp (thông báo tin tức quân sự cho Pháp) vì đã đứng về phía hàng ngũ địch... Vì đã rõ nếu không có cấm đạo thì Tây không mượn cớ làm chiêu bài, nhưng nói vậy thôi, dù không cấm đạo, dù không có vấn đề Thiên chúa giáo thì việc xâm lược và mất nước vẫn xảy ra với những chiêu bài khác, nếu chính quyền bản xứ thi hành chính sách bế quan tỏa cảng. Khi Pháp đã chiếm đóng rồi, bước vào thời kỳ bình định, vẫn có những giáo sĩ thừa sai làm gián điệp tình báo khi thông báo những tin tức hoạt động chống đối, bạo động vũ trang của các tổ chức đảng phái chống Pháp. Nhưng không nên chỉ nhìn thấy hiện tượng trên mà đồng hóa Thừa sai với thực dân hoặc đồng hóa TCG và chế độ thuộc địa, vì giữa các quan chức thực dân và giáo sĩ thừa sai có mâu thuẫn sâu sắc không thể hòa giải được. Đó là mâu thuẫn giữa hai ý thức hệ thù địch (công giáo trị - Đạo chi phối đời và chủ nghĩa chống giáo sĩ (anticléri-calisme) tách Đời khỏi Đạo v.v...) (1) chỉ có những liên minh giai đoạn, tùy thời. Mâu thuẫn này lúc âm ỷ, lúc dịu nhẹ. Lúc căng thẳng nặng nề (2) vì hình ảnh về một chính quyền theo đạo, có những Richelieu, Mazarin làm tể tướng như Puginier đã mơ ước không còn ở Mẫu quốc và ở các xứ thuộc địa. Những cuộc cách mạng dân chủ, dân quyền đã chặt đầu nhiều Hồng y, Giám mục, đã làm đổ biết bao nhiêu máu để "đưa các cha cố về nhà thờ" phân biệt tôn giáo và chính trị, do đó những thể chế chính trị, xã hội, văn hóa, nếu không vô thần ít ra cũng phi tôn giáo và những người cai trị lãnh đạo các thể chế đó là những người chống giáo giáo sĩ trị theo Tam điểm thù ghét sâu sắc công giáo... Phải nhận ra mâu thuẫn kể trên mới hiểu tại sao có Giám mục người Pháp lên nằm ăn vạ tuyệt thực ở Phủ toàn quyền để chống luật lệ về Trường tư thục hoặc tại sao ở một vài chủng viện, cấm học tiếng Pháp, chỉ học tiếng La tinh, quốc ngữ, chữ Nho, và về chính trị, có lúc giáo hội, thừa sai ngầm ngầm ủng hộ những phong trào Duy Tân, cải cách, hoặc ngay cả những hành động chống Pháp của tu sĩ, giáo dân VN, hay ít ra không chịu thông báo, làm gián điệp, tiếp tay cho nhà cầm quyền Pháp đàn áp những tổ chức chống đối có người công giáo tham gia (3). Điều này cũng dễ hiểu thôi một khi những thừa sai trên đặt Thiên Chúa giáo trên hết và không còn thấy nước Pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền đạo nữa.

<<(1) Bây giờ thì đã thay đổi cả, thậm chí về phía người công giáo còn có xu hướng coi những ý thức hệ chống giáo sĩ trị phân biệt Tôn giáo và chính trị là một điều rất tốt cho Giáo hội, là một giải phóng cho Giáo hội.

(2) Trang 37... Trang 36... Một ví dụ tố cáo nhau rất nặng nề trong hai cuốn in thành sách: Missionnairs d'asie Leur ?uvre néfaste 1905 của Camille Paris và L' ?uvre néfaste réplique du Père J.B. Guerlach, missionnaire apos to lique au F. Camille Paris, colon en Annam. Imp Commerciale Saigon 1906.

(3) Chúng tôi căn cứ vào mấy báo cáo chính trị của Toàn quyền Klobusiski gởi Bộ trưởng Bộ thuộc địa và của Thông sứ Trung kỳ Sestier gởi toàn quyền - Báo cáo của Toàn quyền 40.8.1908 và 24.8.1910 đoạn nói về thái độ của các "Mission catholiques". Báo cáo của Thông sứ Trung kỳ 24.10.1911 nói về những phần tử mà Sestier gọi là không thể cải tạo được (irréductibles) trong giới công giáo Nghệ Tĩnh (Già Châu Già Thanh Châu) kẻ thù nguy hiểm nhất, liên kết với Phan Đình Hiểu, con Phan Đình Phùng, ảnh hưởng của họ sẽ bị dẹp tan nếu như giáo quyền Nghệ Tĩnh muốn giúp đỡ chúng ta".>>

Chúng tôi đã phác họa sơ lược cái nền của vấn đề để người đọc dễ dàng nhận diện trường hợp Cố Du trình bày sau đây. Đây là trường hợp vẫn được coi như trường hợp Bá Đa Lộc, nhưng về phía công giáo, theo tư liệu được giới thiệu này không nhìn nhận như vậy.

CHA MARCHAND (DU) 1803-1835

Sau khi sự cấm đạo chấm dứt trên toàn Á châu, năm 1900 Tòa thánh La mã phong Á thánh cho bẩy mươi bẩy người tử vì đạo được xét là xứng đáng tại Việt Nam và Trung Quốc. Trong 77 vị đó chỉ có 13 tử đạo ở Trung Hoa, còn lại 64 tại Việt Nam (người thứ 64 là cha Minh nếu tính theo thời gian tử đạo). Trong 64 vị đó chỉ có 10 người là giáo sĩ Tây phương, chủ yếu là Pháp, trong đó có Giuse Marchand (DU).

Những thánh tử đạo đó đã đi vào dĩ vãng của dân tộc, một trang sử không mấy vui. Chỉ có mỗi cha Du là còn gây tranh luận, được nhắc nhở tới nhiều lần. Một phần vì cha bị xử lăng trì, một hình phạt thảm khốc nhất của chế độ quân chủ Trung Hoa và Việt Nam. Một phần nữa lý do này mới là chủ yếu: Minh Mạng kết án cha Du về tội "phò ngụy Khôi, đã chịu tội có viết thơ xin Hồng Mao và Xiêm sang giúp ngụy thần" (án của Bộ Hình tại Huế).

Nếu cha Du phù Phan Bá Vành hay Cao Bá Quát thì danh ông cũng bị lãng quên như 63 vị thánh tử đạo khác. Đằng này ông lại "phò ngụy Khôi": cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi và Mâu thuẫn Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi - Minh Mạng đến nay vẫn là vấn đề tranh luận. Nếu theo một luận điệu cho rằng phong trào Tây Sơn là cách mạng nông dân và Nguyễn Ánh chống Tây Sơn là phản động và Lê Văn Duyệt gốc nông dân lại theo Nguyễn Ánh chống Tây Sơn còn phản động đáng tội hơn nữa, thì Lê Văn Khôi, nghĩa tử của Lê Văn Duyệt, nêu danh nghĩa Lê Văn Duyệt mà khởi nghĩa được toàn thể nhân dân (trong đó đa số là nông dân) lục tỉnh ủng hộ, phải được đánh giá thế nào.

Cuốn Sử lớp 11 phổ thông (Bộ Giáo Dục 1977) đã nói về Lê Văn Khôi như sau:

Bài 24: Nhà Nguyễn phục hồi (trang 175-182 sdđ), mục 2.

Chiến tranh nông dân phát triển mạnh mẽ liệt kê 5 cuộc chiến, theo thứ tự là:

- Khởi nghĩa Phan Bá Vành (1821-1827)

- Khởi nghĩa Nông Văn Vân (1833-1835)

- Khởi nghĩa Lê Duy Lương (1833-1834)

- Bạo động Lê Văn Khôi (1833-1835)

- Khởi nghĩa Cao Bá Quát (1854-1855)

Như vậy là 4 khởi nghĩa và một bạo động, trích nguyên văn như sau (trang 180):

"Bạo động Lê Văn Khôi (1833-1835) là một biến cố chính trị lớn ở gia định (Nam Bộ) dưới triều Minh Mạng. Lê Văn Khôi vốn là em vợ Nông Văn Vân, về sau là con nuôi và bộ tướng của Lê Văn Duyệt. Sau khi Duyệt chết, Minh Mạng dựng lên vụ án Lê Văn Duyệt và truy nã gia đình thân thuộc của Duyệt, trong đó có Lê Văn Khôi.

Khôi cùng các tù nhân người Bắc bị đầy vào Gia Định bàn kế hoạch nổi dậy. Dựa vào binh sĩ, giáo dân yêu nước, Hoa kiều và được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, nghĩa quân nhanh chóng chiếm được toàn bộ 6 tỉnh của Gia Định. Sau đó bị triều đình phản động, Lê Văn Khôi phải rút vào cố thủ ở trong thành Phiên An (Saigon), kéo dài cuộc cầm cự ngót 2 năm.

Cuộc bạo động Lê Văn khôi không phải chỉ là cuộc binh biến quy mô hay một cuộc đảo chính cục bộ. Tuy xuất phát từ mâu thuẫn các phe phái phong kiến, cuộc bạo động vẫn mang đậm nét tính chất quần chúng rộng rãi, phản ánh lòng bất bình của nhân dân Gia Định đối với triều Nguyễn".

Từ đoạn sử trên, chúng ta thấy quân của Lê Văn Khôi được gọi là nghĩa quân. Thành phần nòng cốt là binh sĩ, giáo dân yêu nước và Hoa kiều. Thành phần binh sĩ, các bộ sử xuất bản đã tìm hiểu rõ ràng cấu trúc. Thành phần Hoa kiều, đa số là gốc Quảng Đông và là thủy binh, chỉ huy bởi một người Hoa nhập tịch Việt Nam có tên thường gọi là Bốn Bang. Nhân vật này cũng bị xử lăng trì như cha Du và cũng như cha Du, chết từ lâu mà chưa chìm vào quên lãng vì trong thời gian chờ chết, Bổn Bang có viết một tự truyện bằng tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát dài 308 câu, đặt tên là "Bổn Bang thơ". Sự phát hiện ra tác phẩm này, đã và sẽ là đề tài nghiên cứu văn học và sử học.

Thành phần nồng cốt thứ ba của nghĩa quân là giáo dân yêu nước. Ngay sau khi chiếm được thành Phiên an (Saigon), Lê Văn Khôi kế thừa chính sách của Lê Văn Duyệt, cho hủy bỏ ngay lịnh cấm đạo của Minh Mạng. Biện pháp này đương nhiên mang lại cho Khôi cảm tình, ủng hộ của cộng đồng giáo dân, không những của miền Nam mà còn của cả Việt Nam.

Khi đã phải rút vào tử thủ trong thành Phiên An, số giáo dân trong thành, theo nhiều tư liệu đối chiếu, là 2000. Các giáo dân này chỉ có một linh mục Pháp duy nhất: đó là cha Du (Marchand).

Vì tính cách quan trọng của linh mục này, khi trình bày cuộc đời ông ta, chúng tôi theo sát bố cục giữ nguyên các đề mục của Matthêu Đức.

I. Từ khi Á thánh MARCHAND sinh ra cho đến khi người sang qua Nam Kỳ (1803-1830).

Giuse Marchand sinh 17 Âout 1803 tại làng Passvant, tỉnh Doubs, France, trong một gia đình nông dân nghèo. Học xong trường làng thì ông phải bỏ học để giúp đỡ cha mẹ. Mãi đến năm 18 tuổi, nhờ cha sở giúp đỡ mới được đi học "trường các thầy cả" ở Orsans, rồi trường lớn ở Besancon. Đến đây có bất đồng xảy ra: cha sở muốn ông sau khi tốt nghiệp thì trở về quê nhà, còn ông thì muốn di truyền đạo nước ngoài. Trong thư gởi cha Sở, ông viết: "Nếu phải lo cho hết thảy mọi kẻ đã mất đức tin trong nước Langsa đặng trở lại trước đã, sau mới nên đi giảng truyền đạo thánh cho kẻ ngoại quốc, thì không còn ai có phép đi làm tông đồ giữa dân ngoại đạo nữa". Vì chí đã định như vậy nên năm 1828 ông lên Paris vào trường các Thầy Hội giảng đạo ngoại quốc, gọi là Dòng sai. Tháng 5.1829 ông xuống tàu rời nước Pháp, thư giã từ cha mẹ như sau:

"Trọng kính thăm cha mẹ yêu dấu, nay con phải tỏ thật cùng cha mẹ: con không trông thấy mặt cha mẹ dưới đất này nữa. Từ bữa nay cho tới khi con phải ra đi, không còn ngày đủ cho về Passavant kịp mà giã từ cha mẹ. Mà chừng con xuất hành, thì trông cậy lòng lành Chúa chẳng để cho con phải ngó lại sau lưng bao giờ. Đức Chúa Giời đã không đoái lại mà chọn con vào hàng quân lính Người, làm tông đồ Người, thì con quyết thẳng riết một bề, lo cứu lấy linh hồn người ta, hết lòng sốt sắng tùy theo ơn Đức Chúa Thánh Thần sẽ ban xuống trong lòng con".

Ông mất 5 tháng mới tới Macao và ở nơi này 4 tháng mới có dịp lén qua Nam kỳ và Minh Mạng đã ban hành chỉ dụ 18 Février 1825 "cấm đạo trưởng vào đất Annam". Ông rời miền Nam đầu tháng 3-1830.

II. Á thánh Du làm việc tông đồ - Người trốn tránh ẩn mình cho khỏi tay kẻ bắt bớ (1830-1833).

Giám mục Taberd đặt tên Việt cha Marchand là Du, cho học tiếng và phong tục Việt ở trường Lái Thiêu. Nhiệm vụ đầu tiên được trao cho cha Du là lên Nam Vang săn sóc Việt kiều. Được ít lâu bị đau phải trở về Lái Thiêu. Giữa năm 1831 được trao việc đi thăm các họ đạo Nam kỳ một thời gian thì được điều động ra săn sóc giáo dân Bình Thuận. Trong một bức thơ, cha Du kể lại cuộc sống của mình nơi đó như sau: "Địa sở tôi được hơn 7.000 bổn đạo, chia ra làm 25 họ nhỏ cách nhau xa lắm. Cho đặng làm việc bổn phận tôi chính đính, theo lòng tôi mơ ước, thì tôi không rảnh rang đặng một giây phút nào, không có giờ mà đi thăm lom truyện trò vô ích, hay là đánh bài, đánh cờ... Mà vốn là tại tội muốn làm công chuyện nầy, nên tôi đã cả lòng bỏ hết mọi sự, mà sang qua đây: tôi đã gặp đặng sự tôi ước ao, cho nên tôi vui lòng phỉ dạ mọi đàng".

Năm Minh Mạng thứ 13, ngày 6 Janvier 1832, vua Minh Mạng ra chỉ cấm đạo với nội dung: bắt Tây dương giáo trưởng giải về kinh, giáo trưởng bổn quốc thì giam ở tỉnh, triệt hạ mọi nhà thờ cùng mọi cơ sở TCG khác. Hậu quả, riêng tại Đàng trong, bị phá hủy 300 nhà thờ, 18 nhà phước.

Thời gian này ở Đàng Trong có Giám mục Taberd, 8 cha Pháp, một cha Ý, 17 cha V.N., giáo dân là 66.000 (sáu mươi sáu ngàn). Trong 9 ông cha tây thì đã bị bắt ngay ở Huế ba người (cha Sagelon và cha người Ý Odoricô). Giám mục Taberd triệu tập một buổi họp để đối phó với tình hình mới - cha Du cũng có mặt vì ông rời Bình Thuận ngay khi có lệnh cấm đạo. Giám mục Taberd quyết định các cha VN rút vào bí mật mà lo cho giáo dân. Taberd cùng ba cha Pháp bị các quan VN quen mặt thì chạy sang Xiêm. Chỉ còn để lại 3 cha Pháp: cha Delamotte ở "ngoài Quảng" cha Eringol ở Bình Định, và cha Du được giao "các họ Nam Kỳ".

Cha Du xuống miệt vườn mà không ở đâu được lâu vì cứ lộ diện là phải lẩn trốn nữa: Cái Nhum - Cái Mông - Bãi Xun Thâu Râu, Rạch Rập... Có lần quan quân Vĩnh Long rượt cha chạy như thú rừng bị săn: chui vào rừng không xong, nấp trong cỏ tranh, băng sông vào Sóc Mên, núp vào cả chuồng trâu mới thoát. Tới ngày 5 Mars 1833 cha được một số giáo dân đón về Mặc Bắc, nay ở nhà người này mai ở nhà người khác để tránh bố ráp, thường thì ban ngày nấp bờ bụi, đêm mới dám về ngủ nhà giáo dân. Về sau căng thẳng quá, cha phải ở trong rừng nơi nhà hoang một mình, nơi rất nhiều cọp. Người tiếp tế một bữa đụng cọp, gọi cha:

"- Cha! Cọp đó!

"- Cha không sợ cọp bốn chơn, một sợ cọp hai chơn mà thôi. Con đừng sợ gì hết".

Một số giáo dân là hương chức làng, sợ nếu quan quân bắt được cha thì cả làng bị liên lụy nên tổ chức định lừa cha xuống thuyền mà đưa đi Xiêm. Cha biết được, từ chối không đi. Trong bức thư viết cho cha Régéreau ở Nam Vang, cha Du bầy tỏ tâm tư mình như sau:

"Bây giờ còn một mình tôi ở lại đây mà cầm binh tháo trận. Tôi quyết chí giữ đoàn chiến Đức Cha đã giao cho tôi, dầu cho có phải thui râu, thì tôi cũng đành lòng chịu. Còn có một mình tôi là cha tây ở giữa đàn chiên Chúa, lẽ nào tôi cũng trốn, bỏ chiên đang bị các thứ muông sói vây phủ tứ bề sao? Ôi! Phải chi tôi đặng đi tứ phía, dùng mọi cách thế mà làm cho bổn đạo mạnh lòng chắc dạ và vững tin hơn!"

Quan quân không dò ra dấu vết cha nữa, suy diễn hẳn cha đã rời miền Nam nên bỏ việc truy lùng. Cha rời rừng về sống với giáo dân chưa lâu thì cuộc bạo động Lê Văn Khôi bùng nổ. Khôi hủy bỏ ngay việc cấm đạo. Cha Du vẫn ở Mặc Bắc nhưng hoàn toàn tự do hành đạo. Tính cha hiền lành, ăn uống giản dị nhưng vui tính, có vẻ khôi hài. Cha có một ống nhòm tốt, lúc rảnh hay quan sát từ xa các nhà giáo dân biết nhiều vi phạm cấm điều để bắt các người phạm tội sám hối sau đó. Nhưng cha không nói tại sao cha lại biết nên nhiều giáo dân cho là cha có phép lạ (huyền thoại này được tăng cường bằng sự kiện cha có học được vài trò quỉ thuật, thỉnh thoảng biểu diễn với giáo dân để cùng cười chơi (1). Một sự việc khác chứng tỏ vẻ khôi hài của cha:

<<(1) Chi tiết này được ghi lại trong "Nam Kỳ Địa phận" số 439 - 5.7.1917 trang 406-407.>>

"Cha cũng vui vẻ lắm. Hồi Khôi mới dậy giặc, thiên hạ dộn dực nhiều, có kẻ muốn lên Gia Định mà coi cho hẳn công chuyện làm sao. Khi ấy có cả Sách và xã Điện cũng ức đi lắm, song sợ giặc bắt, thì đến xin cha làm phép cách nào cho mình đi mà chẳng ai thấy đặng, vì cậy rằng: Cha có nhiều phép tắc lạ lùng. Cha mỉm cười mà nói rằng: "Lấy cái bao nhím, chun vào, buộc túm đầu lại, rồi mượn người ta khiêng đi, thì không ai thấy".

III. Ngụy Khôi - Á thánh Du phải lên Gia Định - Người phải tay binh trào (6 Juillet 1833-8 Septembre 1835).

Về nguyên nhân gây cuộc bạo động của Lê Văn Khôi, tác giả Matthêu Đức kể lại tương tự như Pétrus Ký trong Cours d'histoire Annamite (Imprimerie du Couvernement Saigon 1877 20 volume p. 263), nghĩa là chính tại Minh Mạng "dạy xử mồ người một trăm trượng, và bỏ xiềng ngang qua mả người (Lê Văn Duyệt)". Theo Bổn Bang, người chỉ huy thủy quân của Khôi, kể lại trong tự truyện "Bổn Bang thơ" cũng có nói tới sự kiện Bạch Xuân Nguyên tính đào mồ Lê Văn Duyệt lên nữa.

Sau khi chiếm được Gia Định, Lê Văn Khôi xưng là Nguyên soái - đây là chức vụ Nguyễn Ánh đã tự phong sau khi đẩy lui Tây Sơn, chiếm được Nam bộ lần đầu tiên - mãi về sau mới xưng vương. Tác giả Matthêu Đức viết đoạn sau rất đáng chú ý:

"Vốn Khôi là người ngoại đạo, và không có ý theo đạo, song bởi khéo tính, muốn cho bổn đạo thật lòng theo phe mình nên đã truyền cho nhơn dân lục tỉnh đặng hay Nguyên soái bãi các lịnh vua rao cấm đạo, lại ban phép rộng cho giáo hữu đạo Thiên Chúa đặng tụ hiệp nhau, lại lập nhà thờ nhà thánh, và cho các đạo trưởng muốn giảng dạy tùy ý. Trong bổn đạo có nhiều kẻ lầm mưu ấy mà muốn theo ngụy, nhứt là vì có ý đời, muốn cho đặng làm quan lớn, cho đặng của cải, nên đã nhập vào thành ngụy hơn hai ngàn người.

Thật Nguyên soái Khôi cũng tỏ lòng tin tưởng người bổn đạo lắm, mà đặt nhiều người lên chức nầy chức khác, cũng có kẻ đặng chức lớn, như xã Định đang làm giám thành. Tám cửa thành và hai kho thuốc súng cũng phú cho lính có đạo canh giữ.

Song Khôi chưa bằng lòng, còn muốn cho có Đức cha hay là một cha Tây nào giúp mình trong việc binh lính, như xưa Đức cha Vêrô (Bá Đa Lộc) đã giúp Nguyễn Ánh. Nên đã dạy ông Hộ bộ thượng thơ (1) lo hỏi cha Phước đang coi họ Chợ Quán, cho biết còn thầy Tây nào trong đất Nam Kỳ nầy chăng. Khi hay đặng còn cha Du ở tỉnh Vĩnh Long, thì tướng ngụy mừng lắm, bèn sai kẻ đi mời cha lên Gia Định. Mà Cha không chịu đi, hai phen như vậy. Khôi tức mình, mà chẳng ngã lòng, mới toan bày mưu, sai binh lính ghe cộ xuống rước Cha một cách trọng thể oai khí lắm. Có đội (1) Nhiêng là người bổn đạo cầm binh; quan ngụy cũng sai biện Quới, biện Nương và các chức Chợ Quán đi theo nữa, cùng truyền cho đội Nghiêng rằng: nếu Cha không chịu đi thì phải bắt người.

<<(1) Khôi đã lập một triều đình riêng, có lục bộ như triều đình Huế.

(1) Đội: trong binh chế cũ, đội không phải là trung sĩ mà là trung úy - đại úy tùy binh chủng.>>

Tới nơi đội Nhiêng và các chức sắc tìm đặng Cha sang ở nhà tham Học, bèn trình sự Nguyên soái Khôi xin rước người lên Gia Định. Cha hiểu ý thì rằng:

"Tôi đi dạy đạo mà thôi; việc giặc giã thì tôi không biết. Phải mà Chúa sai tôi đi đánh giặc, thì một mình tôi một tỉnh, tôi cũng chẳng sợ. Mà sự ấy không phải việc tôi".

Đội Nhiêng thưa rằng:

"Quan Nguyên soái này cho phép lập đạo lại, cùng tin cậy bổn đạo lắm. Mấy người có đạo ở trong thành thì quan phân ra làm ba vệ, để canh giữ thành, vì vậy kẻ có đạo làm người tâm phúc. Nếu Cha không chịu nghe lời mà lên, sợ quan sẽ giận mà chém hết bổn đạo trong thành. Mà bây giờ bổn đạo ở đó đông lắm".

Các chức cũng hiệp lực nài nỉ cùng người, và xin người về cho gần gũi, cho những con chiên đang lúc cheo leo đặng an dạ vững lòng hơn. Cha nghe vậy mới chìu lòng; song người phân bua rằng:

"Khôi rước Cha thì cha đi; mà Cha không biết tới việc binh cơ giặc giã".

Thái độ do dự, không muốn tới với Khôi của Cha Du cũng dễ hiểu. Minh Mạng khi cấm đạo, đã đưa nhiều lý do, nhưng là những lý do về tín ngưỡng phong tục và văn hóa - chưa có lý do chính trị, kinh tế. Vậy việc cấm đạo đã gay go rồi. Hợp tác với Khôi, nếu mà thành thì chả nói làm gì (không đoán chắc được vì quân chủ lực triều đình chưa vào, đụng độ quyết liệt giữa hai bên chưa xảy ra). Nếu Khôi bại thì Minh Mạng chắc sẽ không phải chỉ cấm đạo nữa mà còn diệt đạo như bên Nhật Bản.

Nhưng không đi Gia Định thì cũng kẹt vì lòng dân đang hướng cả về Khôi. Cha Du còn sống tới giờ phút đó là nhờ nhân dân thương, hết lòng che giấu. Nay chính thứ nhân dân đó gây áp lực mạnh thì Cha Du cũng kẹt: cứ lì ra thì uy tín sứt mẻ ngay. Cha Du tiến thoái lưỡng nan vì thế Cha chỉ quyết định đi khi có lời nói của đội Miêng như đã ghi lại trên, và chỉ đi vì lý do tôn giáo: lo cho giáo dân thôi.

Tới nơi, cha Du ở chung với cha Phước ở nhà thờ Chợ Quán:

"Song người không ở nhà thờ luôn, vì người chuyên đi viếng họ, có khi ở nhà nầy, có khi ở nhà khác. Mà người không vào thành Ngụy khi nào; dầu tướng Khôi sai các quan tới viếng thăm nài nỉ người, người cũng chẳng nghe, cũng không chịu dự tới việc binh lính chút nào.

Một lần kia người đang dùng bữa, thì có quan Hộ bộ thượng thư tới, xin người lo giúp viết thơ mướn tàu Hồng Mao qua ngữ cửa Cần Giờ. Người đáp lại rằng:

"Viết làm sao đặng? Tôi không phải là người Hồng Mao, không biết tiếng nó, lấy đâu mà viết!"

"Hồng Mao" đây là tên gọi người Anh hồi đó. Vụ Hồng Mao này được nêu ra nhiều lần. Trong bản án Minh Mạng kết tội Lê Văn Duyệt giao thiệp với Anh và Miến Điện. Trong bản án xử tử cha Du cũng có nêu tội danh "có viết thư cho Hồng Mao... sang giúp ngụy thần". Riêng về điểm này hoàn toàn dùng ý. Cha Du là người Pháp, biết rõ cuộc chiến tranh quyết liệt giữa Anh và Pháp: Đánh nhau trên lục địa châu Âu, trên biển chưa đủ, họ còn đánh nhau ở Mỹ châu giành đất (Pháp thua, mất lưu vực sông Missiscipi Hoa Kỳ, rồi mất luôn Canada) chưa đã, họ còn đánh nhau ở Ấn Độ (Anh thắng chiếm Ấn, chỉ để lại cho Pháp vài thành phố nhượng địa). Vậy cha Du, cho dù có biết tiếng Anh, cũng không thể viết thơ giúp Khôi và điều đó rõ ràng là phản lại quyền lợi Tổ quốc. Pháp của cha. Về tôn giáo, cha lại càng có lý do để không viết thơ nữa: người Anh đi tới đâu là truyền đạo Tin lành tới đó. Là Linh mục Ki-tô giáo, liệu cha Du có chịu tiếp tay cho mấy ông mục sư Tin lành không?

Khi binh triều đình, mặt thủy đã đánh bại thủy quân do Bổn Bang chỉ huy, mặt bộ đã tiến đến gần Phiên An, cha Du cố nhờ giáo dân chở lén về Mặc Bắc nhưng không thành công. Sau đó là:

"Sau binh trào lấy đặng đồn Cá trê, thì Ngụy Khôi phải túng thế lắm, nên muốn bắt Cha vào thành. Vậy đã sai quan quân kéo nhau đi cách rầm rộ, cầm khí giới, súng ống, cờ xí mà vô Chợ Quán với hai thớt tượng, tìm Á thánh. Về ngoài thì nói rằng đi rước người cho ra lịch sự dễ nghe; song tướng ngụy đã dặn xã Định (giám thành) và phó thành Lựu rằng: "Nếu thầy Tây không chịu đi như lần trước, thì phải bắt hắn bỏ lên tượng mà điệu về thành".

... Phen này không thể chạy chối, vì người hiểu tỏ ngụy quyết bắt người; lại nếu không nhập thành thì nay mai cũng không khỏi tay binh trào, ắt là phải chết, nên người ép lòng mà đi, như đi chịu nạn. Khi người lên voi thì có bổn đạo tụ hiệp vây phủ đông lắm mà đưa người và khóc lóc, vì không trông người khỏi nạn. Cha cũng khóc lại nhiều lần rằng:

"Xưa quân dữ bắt ĐCG, nay quân dữ cũng bắt thầy, Cha Phước cũng theo người mà nhập thành".

Khi đã nhập thành, cha được Khôi đối xử như thượng khách. Mặc dù vậy, cha chỉ lo việc đạo thuần túy. Trước mọi yêu cầu cho ý kiến, câu trả lời điệp khúc của cha vẫn là: "Tôi chỉ biết việc đạo... còn nghề giặc giã binh lính tôi không thuộc". Sau cùng chính Khôi mời tới dinh, nhờ Cha ký mấy bức thư gởi các họ đạo yêu cầu theo Khôi, cha cương quyết từ chối. Tình trạng này được Cha Du kể lại trong bức thư gởi Giám mục Taberd, như sau:

"Đồn Saigon, 24 Septembre 1834

(22 tháng tám, năm giáp ngũ)

Thân lạy Đức Cha,

"Tôi nay đã hóa ra lính quân ngụy, phải nhốt trong đồn làm một cùng ba bốn ngàn dân Bình Thuận cùng dân tỉnh khác. Xung quanh thành có không biết là bao nhiêu binh vây. Nó chưa dám kéo lại gần thành; song thủng thẳng sẽ tới... Quân ấy chém giết bổn đạo nhiều quá lẽ, rằng có lịnh Minh Mạng, nên phải đánh ngụy và bắt đạo...

"Mấy tướng (ngụy) đã xin tôi ra kiểu cho nó sắm cờ giống cờ hoàng đế Constantinô. Tôi đã hết sức chối dài với nó. (Là tại ông Phước đã nói cho nó nghe truyện cờ Labarum của hoàng đế Constantinô). Tôi nói lẽ với nó rằng: như Thiên Chúa chẳng định cho nó thắng, thì mọi sự sẽ ra chuyện hại cho đạo mà thôi, v.v... Nó rằng rày nó có lòng tin kính Thiên Chúa, vì vậy không lẽ cho đạo thánh phải thiệt, một sẽ đặng tấn ích mà chớ.

"Thân lạy Đức Cha, cách một tháng nay Đức Ông (Khôi) đã sai sứ có đạo vô Xiêm; mà trước thì đã biểu tôi viết thơ cho Đức Cha Xiêm và Đức Cha Đàng Trong, xin chớ sợ mà về đây bằng an. Nay tôi dám xin Đức Cha và các cha ở đâu thì ở đó, để cho một mình tôi lao đao chịu trận, gánh sự nhọc nhằn cơn bắt đạo và thì giặc giã.

"... Hôm qua đây nhà thờ Chợ Quán đã phải triệt hạ rồi. Giặc dã ở xứ này làm quá ăn cướp nạn. Không phương mà trốn, chẳng thể mà thoát. Nếu Chúa chẳng đoái đến tôi tá Người, âu là nay mai đây tôi cũng vong thân, và đạo thánh sẽ phải tuyệt: xin Chúa cho khỏi sự ấy. Thiên hạ sẽ nói là tại tôi làm căn đo chuyện hư hại nầy: ai nói như vậy mặc ai, miễn là đừng trúng thì thôi".

Sau khi vây hãm hơn hai năm, sáng sớm ngày 8 Septembre 1835 (1), thành vỡ. Cha Du vừa hành lễ Sinh nhật Đức Bà xong thì binh triều xông vô, đập Cha một hèo té xỉu. Sau đó trói rồi xiềng, bỏ cha vào cũi: "Cũi ấy bề dài chừng một thước tây, bề ngang chừng sáu bảy tấc, bề cao đặng tám chín tấc; nên ở trong ấy không khi nào người ngay mình ra đặng. Mà người phải nhốt luôn làm vậy gần ba tháng, cho tới khi người chịu tử hình".

<<(1) Những ngày tháng quan trọng, M. Đức ghi đủ âm dương lịch. Chúng tôi chỉ ghi lại dương lịch.>>

Sau khi chiếm thành, tướng chỉ huy binh triều cho nhốt tù binh ngụy lại đợi lệnh. Hai mươi ngày sau có chỉ của Minh Mạng ra lệnh giết hết tù binh cùng gia đình: "Quan quân cứ theo chỉ ấy, ngày trước thì giết hết các người đàn ông, ngày sau thì giết đờn bà và con nít. Cha Phước cũng phải xử lăng trì một lượt ấy. Kể hết thảy đặng 1994 người" (trong số đó chỉ có 66 người giáo dân. Kể hết nam nhân, 40 nữ nhân và con nít). Chỉ chừa lại 6 người cho giải về Huế: Tổng Trắm, đồ Hoành, Bổn Bang, phó Nhã, con trai Khôi mới lên 7 và cha Du.

IV. Á THÁNH DU bị tra hạch, khảo ước và giam cầm tại Huế.

(15 Octobre - 30 Novembre 1835).

Chừng 10 ngày sau vụ giết tù binh và gia đình, 6 chính phạm được khênh trong cũi về Huế và tới nơi ngày 15 Octobre cùng với sọ Khôi. Ngày hôm sau được giải qua Tam pháp thẩm vấn: sau khi hỏi quá trình hoạt động bản thân, Tam pháp hỏi về việc viết thư qua Xiêm và giáo dân. Cha Du xác nhận những thư ấy có nhưng cha không ký.

Nhưng ngoại trừ con Khôi mới 7 tuổi, khai thành thật là không thấy cha Du giúp bố nó điều gì, còn 4 tù nhân kia "sợ chết muốn khỏi tội, thì cung khai dối trá mà đổ mọi sự hết thảy cho tướng Khôi và cha Du...".

"Mấy tướng ấy khai rằng: phó vệ úy Khôi đã cả lòng kéo cờ loạn, là vì Đức cha với các cha Tây xin như vậy, cho đặng tôn ngôi cho An Hòa là con ông Đông Cung (Cảnh), cũng là cháu vua Minh Mạng. Lại nói ông hoàng này đã hứa theo đạo Datô, nên ông Du ở lại trong nước Annam cho đặng giục bổn đạo theo phe ông ấy mà thôi. Vì vậy cả và Nam Việt phải giặc trong giặc ngoài: trong nước thì có ông Du mưu sự cầm hốt cho dân nổi ngụy; ở ngoài thì có mấy đạo trưởng Tây bắt chước Đức thầy Vêrô (Bá Đa Lộc) xưa, ra khỏi nước mà xúi Xiêm làm giặc cùng đức vua; và có lẽ cũng về Tây mà cầu tàu bè binh lính nữa. Nó cũng khai rằng có Kiến An (là em ruột mẹ với vua) đứng đầu giục loạn nữa.

Mà thật trong lời dụ ngụy Khôi đã rao mình làm giặc vì Kiến An, cho đặng An Hòa phục quốc. Vì vậy mấy tỉnh Nam Kỳ liền vui lòng ứng tiếng mà theo tức thì. Song ít lâu sau các tỉnh muốn thấy An Hòa, mà ngụy không đem An Hòa ra mặt đặng, vì không có ông hoàng ấy trong Nam kỳ, nên các tỉnh đã bỏ Khôi, tướng ngụy phải rút về Saigon, kế binh trào tới vây (Ann. de la Prop de la Foi, an 1835, p.538).

Sau hết nó cũng đổ nhiều điều cho chánh vệ Nghiêm, dầu quan này đã bỏ ngụy từ mấy tháng đầu, và hằng giáp binh trào mà vây Saigon. Khi nghe những điều dối trá ấy thì vua Minh Mạng giận lắm, bèn dạy xử tử hai con ông Đông cung, song cũng vì tình mà cho hai ông ấy đặng tam ban triều điển. Hai ông ấy đã uống thuốc độc làm một với mẹ mình. Về Kiến An thì chẳng hiểu vua đã lên án thế nào. Còn Chánh Nghiêm thì đã xử tử, song không bị xử nặng như mấy tướng giặc khác (Ann. de la Prop. de la Foi, an 1837, p.576-577).

Bằng về cha Du thì vua dạy phải khảo lược mà ép người chịu tội đồng tình cùng ngụy đảng, hầu dùng dịp ấy mà vu vạ cho các thầy giảng đạo".

Vế cái chết của vợ và hai con Đông cung Cảnh, Trương Vĩnh Ký (Cours d'Hist. Ann. II, p.260, Saigon 1877) ghi là Minh Mạng đã giết từ lâu bằng cách tư thông với bà mẹ cho tới có bầu rồi viện cớ tội loạn luân mà giết cả ba. Theo nhận xét của chúng tôi sự ghi chép của Matthêu Đức căn cứ tài liệu của TCG đáng tin cậy hơn vì:

a) Ghi lại bởi chứng nhân đương thời (1835-1837);

b) Hậu sinh có thể chê trách gì về Minh Mạng thì chê, nhưng về tình dục thì có lẽ không. Minh Mạng là một nho sĩ nghiêm túc, lại có đủ vợ - hơi nhiều là khác - cho nhu cầu sắc dục, không vì lẽ gì phải tằng tịu với bà chị dâu đã quá thời xuân sắc.

Về cha Du, từ trước tới nay vẫn được hỏi cung tử tế. Bây giờ có lệnh vua bắt phải nhận tội xúi giục và hợp tác với Khôi từ đầu. Dĩ nhiên cha không nhận. Cha bị tra tấn để phải nhận. Chúng tôi ghi lại các đoạn đó vì từ trước tới nay chưa có sách nào mô tả đầy đủ như Matthêu Đức:

"Quan liền dạy tra kềm kẹp người. Quân hình lý xáp lại, hai đứa nắm người hai bên, một đứa khác vo quần người lên bày hai bắp vế; đoạn một tên khác lấy kềm đã nung đỏ trong lò, mà kẹp người nơi bắp vế tả. Cả và công đàng đều nghe thịt cháy xèo xèo. Quân lính ở kế người chịu mùi khói không nổi, phải day mặt qua phía khác. Thánh tử đạo ngửa mặt lên trời, la một tiếng, đoạn xỉu xuống. Lính cứ bóp kềm cho tới khi nguội. Cách chừng nửa giờ quan hỏi lại nữa; người cũng cứ không chịu như trước, thì quan dạy kẹp ở bắp vế hữu người, cũng một cách ấy; người phải ngã xuống một lần nữa. Dầu phải đau đớn quá lẽ, song người chẳng chịu xưng mình làm ngụy cùng vua, như ý các quan muốn bắt ép người xưng".

Đó lần thứ 1 cha Du bị tra tấn. Những cuộc hỏi cung sau thì chỉ thẩm vấn, dỗ dành bỏ đạo, kéo dài hơn sáu tuần. Trong thời gian này cha Du cùng 5 người kia vẫn ở trong cũi, mỗi cũi cách nhau chừng 2 thước, lính canh thường xuyên. Và cũng như đã thấy về cha Minh, Lái Gẫm, chế độ lao tù triều Nguyễn dễ dãi về việc thân nhân bè bạn thăm viếng. Cha Du được nhiều người tặng quà và cả sách đọc. Sau cùng Bộ hình thừa lệnh vua công bố án:

"Tây dương Ma Sang, kêu là danh Du, là Datô giáo trưởng, phò ngụy Khôi, đã chịu tội có viết thơ xin Hồng Mao và Xiêm sang giúp ngụy thần. Lịnh truyền xử bá đao" (1).

<<(1) Bá đạo: Bá đạo là một trăm lần đao xẻ thịt. Sau miếng thứ 100 nếu chưa hết thì được hóa kiếp bằng chặt đầu rồi xả thây làm 4. Theo Shreiner thì cứ xẻo cho tới trơ xương rồi nam cắt dương vật, nữ mổ banh bụng.>>

(Ma Sang đây là Marchand).

Tổng trấn, đồ Hoành, Bổn Bang và con Khôi đều bị án tương tự - phó Nhã đã chết trong cũi.

V. Á thánh Du chịu tử hình vì đạo (30 Novembre 1935)

Sáng 30 Novembre 1835, bẩy phát đạn đại bác nổ báo hiệu xử tử. Các tử tội bị lột hết áo quần, thay bằng khố, đeo vào ngực một bảng tên, hai tay trói vào cây ngang, chân trói vào cây đứng của thập tự đặt trên một tấm khại (2). Cứ 4 lính khiêng một khại đi giữa hai hàng quân tới Ngọ Môn, nơi vua quan đợi sẵn. Tử tội được cởi trói để lạy vua 5 lạy. Vua ném cây cờ lệnh ở tay xuống: lệnh tử hình thi hành.

<<(2) Khại: ván hay phên tre?>>

Bình thường, tử tội được đưa thẳng ra pháp trường. Lần này lại đưa qua Tam pháp - cơ quan điều tra - một lần nữa. Và cũng chỉ một mình cha Du bị dùng cực hình kẹp bằng kềm nung đỏ, lần này 5 kềm kẹp bắp chân trái một lúc, để rồi hỏi một câu: "vì ý gì bên Da-tô bay múc mắt mấy người gần chết làm chi?". Lại 5 kềm nung đỏ nữa vào chân để rồi quan hỏi câu: "Chớ sao mấy người kết hôn lại đến cùng thầy đạo trước bàn thờ làm chi?" Sau cùng lại 5 kềm nữa để hỏi: "Vậy chớ cái bánh gì đó, bay dùng làm bùa mê thuốc lú, mà phát cho mấy đứa đã đi xưng tội, mà làm cho nó mê đạo lắm bấy?"

Đến câu hỏi chót thì cha Du không còn sức trả lời. Việc tra khảo thêm tử tội trên đường ra pháp trường là truyện ít khi thấy. Vậy vua quan hồi ấy muốn gì khi tra tấn thêm một mình cha Du? Matthêu Đức thì lý giải là tại cha Du là linh mục nên Minh Mạng hành hạ thêm thôi...

Đến đây thì tử tội được cho ăn bữa chót. Cha Du từ chối. Sau khi bốn người kia ăn uống no say thì đến thủ tục chót: "Đoạn nó bắt cha cùng mấy người ấy ngậm mỗi người một viên đá, và khớp miệng lại hết thảy - cái khớp ấy làm bằng tre, nó buộc thắt lại sau ót, mà riết chặt lắm, cho mấy người ấy chịu lắt thịt, thì la đừng ra tiếng". Tất cả lại được khênh tới pháp trường. Quân lính đẩy lui dân cách xa chỗ hành tội độ 30m.

"Vừa tới nơi thì lính mở năm người ra khỏi mặt khại, và giựt tấm ướm có đề tên mỗi người mà quăng đi; đoạn liền nắm cánh tay mỗi người mà kéo sát mỗi cây trụ, bắt đứng thẳng mà trói ngang lưng vào trụ, hai tay thì buộc vào cây ngang; chơn thì chẳng trói. Mỗi người có hai tên hình lý trấn thủ đứng chực hai bên, một tay cầm kềm, một tay cầm dao, lại có hai tên khác ở kế đó nữa một tên để lo đếm mấy miếng thịt đã lắt ra, còn tên kia để lo biên ký.

Khi đã nghe một hồi trống lịnh đoạn thì thánh Tử đạo bị nó cắt da trên trán, lột xuống mà che mặt người. Kế đó lấy kềm bắt hai vú người, cắt mà quăng xuống đất. - Khi ấy có một thầy giảng đứng xem trước mặt người, mà không thấy người day động chút nào. Rồi quân dữ kềm hai bên bàn tọa, mà cắt thêm hai miếng thịt khác: thánh Tử đạo giãy giụa và ngước mặt lên trời, dường như xin Chúa thêm sức mạnh mà chịu cho đủ đỗi. Bởi đau quá thì người có la lên, song không ai nghe đặng người nói chi, vì miệng mắc khớp chặt lắm. Đoạn nó xẻo hai miếng hai bên trái vế: khi ấy sức tự nhiên chẳng còn, nên thánh Tử đạo gục đầu xuống, linh hồn lìa xác mà bay thẳng về trời lãnh phần thưởng đời đời...

"... Á thánh Du tắt hơi rồi, thì tên tả đao bước lại, nắm tóc người kéo lên mà chém đầu người. Đoạn bỏ đầu thánh ấy trong một ảnh vôi lớn. Xác người thì nó tháo dây trói, xô sấp xuống đất, đoạn sả tư ra, như khúc cây vậy, sả dọc trước, rồi chặt ngang. Bốn người kia đang khi ấy còn bị quân hình lý xẻo từ miếng thịt, khi đủ số 100 miếng thì tả đao chém đầu mới chết.

"... Xử tử rồi thì quân ấy đã lượm hết mấy khúc xác sả tư cùng mấy miếng thịt to nhỏ ấy hết thảy, mà quăng lộn lạo vô nhiều thúng; đoạn bưng xuống ghe, và có quân lính chèo tới thủ ngữ cách chừng hai dặm, mà giao cho quan thủ ngữ đi đổ ngoài khơi.

"Quan giữ lại đầu Á thánh Du, với một cái đầu ngụy cùng hai sọ ngụy. Lịnh vua dạy đem hai đầu và hai sọ ấy đi bêu khắp cả và nước; tới chợ nào thì cũng bêu ba bữa cho thiên hạ sợ... Sau hết khi chở về tới kinh đô, thì đầu Á thánh Du đã phải bỏ vào cối mà đâm nát ra, đoạn bỏ xuống biển. Cho nên về xác thánh người thì không còn giữ đặng một dấu tích nào cả".

Cuốn sách của Matthêu Đức chấm dứt bằng một câu phụ lục: phóng sự ghi lại buổi lễ phong thánh cho 77 tử đạo tại Đông dương và Nam Trung Quốc trong đó có cha Minh, Lái Gẫm và cha Du tổ chức tại Rôma ngày 27 Mai 1900. Mỗi thánh tử đạo được ghi rõ giòng tu, tên họ và ngày tháng cùng nơi tử đạo.

Về thể văn, phụ lục này được viết theo kiểu phóng sự của các ký giả hiện nay.

KẾT LUẬN:

Tài liệu của Matthêu Đức cho biết thế nào về Cố Du: Từ trước đến nay, vẫn có ý kiến cho rằng Cố Du dính vào chính trị với ý đồ như của Bá Đa Lộc. Chính chúng tôi cũng đã nghĩ và viết như vậy. Nhưng vụ thẩm vấn ở Huế cho thấy:

Triều đình cuối cùng phải nhận Cố Du chỉ có tội truyền giáo mà thôi, không phải làm chính trị theo Khôi, nhưng khi tuyên án, vẫn cứ khép vào tội chính trị, do đó nếu căn cứ vào chính Sử thì dễ tin ý kiến đã nêu trên.

Những người dè dặt cũng vẫn có thể nghi ngờ Cố Du, trách tại sao lên Gia Định, tạo ra một tình trạng "hàm hồ (ambigu) không thể không gây hiểu lầm hoặc thắc mắc cố Du vẫn có ý đồ gì về chính trị?...

Nhưng nếu đừng nhìn với con mắt giản đơn, cái gì cũng qui về chính trị và nhìn nhận những động cơ tôn giáo thì sẽ hiểu rõ ngay: Cố Du lên Gia Định vì nghiệp vụ, vì giáo dân mà ông có trách nhiệm phải coi sóc, không thể trốn lánh được nhất là khi chính họ đã yêu cầu. Do đó ông quyết định theo tiếng gọi của nghiệp vụ, bất chấp có thể bị hiểu lầm, bị kết án do người đương thời, hay người đời sau như ông đã nói rõ. Một cách bình thản, vững tâm vì cuối cùng chắc ông nghĩ chỉ có Chúa biết là đủ rồi...

PHỤ LỤC:

Trong phụ lục này, sẽ trích lại các cuộc thẩm vấn cha Du kể từ khi bị bắt giam cho tới khi bị xử tử. Sau mỗi đoạn trích, sẽ có phần nhận xét của chúng tôi.

1. Khi cha Du mới bị bắt:

"Khi đã bắt đặng Á thánh nầy rồi, thì quan lớn dạy che một chòi ngoài lũy thành, gần nơi cửa tiền, xung quanh rào lại chắc chắn lắm, mà cấm riêng một mình đó; đêm ngày có hai tên lính canh giữ luôn, - Đoạn các quan đã hội công đàng ngoài thành, nơi gọi là Thổ Sơn, đòi cha đến mà hạch xét ba lần. Đầy tớ Chúa tới dinh, ra mắt các quan, chẳng sợ hãi, cũng không áy náy chút nào; người không mang gông, cũng không bị xiềng; mình mặc một cái áo dài đen, đầu trần, chơn không.

Phen trước quan hỏi rằng:

- Thầy ở trong xứ nầy đặng bao lâu nay?

- Tôi ở đây đã lâu.

- Thầy đến đây mà làm gì?

- Tôi đến giảng đạo Thiên Chúa.

- Thầy rằng đến giảng đạo Thiên Chúa; mà sao thầy ở trong đồn ngụy nầy?

- Hồi đó tôi ở dưới vườn, người ta rước tôi về Chợ Quán; sau kế ngụy nó bắt tôi nhập thành và cầm tôi đó không cho ra.

- Thầy có làm gì mà giúp ngụy chăng?

- Tôi chỉ lo một chuyện đạo mà thôi.

- Thầy có vợ con gì không?

- Phận tôi là khí tục tinh tu, mà có vợ con làm sao đặng?

- Ngụy đã đem thầy vào thành, mà thầy không làm gì giúp nó sao?

- Tôi biết có một sự giảng đạo mà thôi.

- Giảng đạo là giống gì?

- Là đọc kinh, làm lễ, và dạy dỗ bổn đạo.

- Thầy có biết làm thuốc mê mà dỗ lòng ngụy, cho nó theo chăng?

- Tôi biết có một việc giảng đạo mà thôi.

Tra hạch đoạn các quan dạy dẫn người về chòi. - Hai lần sau quan cũng hỏi người như vậy; người cũng cứ thưa lại bấy nhiêu điều" (trang 151, 152, 153).

Nhận xét:

Thời gian này, quân đội chính qui của VN thẩm vấn. Họ đối xử với cha Du như một tướng lãnh địch bị bắt làm tù binh: không gông, cùm, cách xưng hô lịch sự, tôn trọng kẻ bị bắt.

2. Tam pháp ty thẩm vấn lần đầu:

"Khi vừa tới nơi (Huế) thì cha Du liền phải giam trong trại Võ Lâm gần Tam pháp. Qua ngày sau, là 25 tháng tám (16 Octobre 1835), lịnh truyền đem người ra khỏi cũi, mà dẫn đến Tam pháp - Quân hình lý đem các đồ khảo lược: roi, trượng, kềm, kẹp, mà bày bố ra trước mặt người cho người sợ. Quan tra hạch rằng:

- Người có phải là Phú Hoài Nhơn chăng? (Phú Hoài Nhơn là tên Hán Việt của Giám mục Taberd thường chỉ dùng trên giấy tờ, tên Việt thông dụng là Từ).

- Tôi không phải là ông Phú Hoài Nhơn.

- Ông ấy bây giờ ở đâu?

- Tôi không biết.

- Người có biết ông ấy chăng?

- Tôi biết lắm; mà đã lâu tôi không gặp người.

- Người ở trong nước này được bao lâu nay?

- Đặng năm năm nay.

- Mấy năm đầu người ở đâu?

- Trước hết tôi ở Lái Thiêu; sau tôi ở nhà nhiều người, mà rày họ chết rồi.

- Người có giúp Khôi làm giặc chăng?

- Không. Ông Khôi cho quân đi bắt tôi mà đem về Saigon. Công chuyện giặc giã thì tôi chẳng từng. Tôi chỉ một việc cầu nguyện cùng Chúa và làm lễ lạt mà thôi.

- Có phải người gởi thơ vô Xiêm, cùng gởi thơ cho quân Datô trong Đồng Nai, biểu nó đến giúp ngụy chăng?

- Ông Khôi có biểu tôi viết thơ, song tôi không chịu viết, một nói cho ông ấy hay đạo tôi cấm làm chuyện làm vậy, và tôi thà chết, chẳng thà làm theo lời ông ấy. Dầu vậy ông Khôi cũng còn đem mấy bức thơ ra, biểu tôi ký tên vào; thì tôi lấy mấy cái thơ đó mà đốt đi trước mặt ông ấy.

Lần này quan tra hạch bấy nhiêu điều mà thôi, và không dạy quân gia hình đầy tớ Chúa. - Cơ vấn đoạn dẫn người về trại Võ Lâm, mà nhốt lại trong cũi như trước" (sđd trang 154-155).

Nhận xét:

Tam pháp ty là cơ quan vừa có nhiệm vụ điều tra vừa có nhiệm vụ xử án. Mọi người bị bắt đến đây đều là can phạm, nên gọi là "ngươi". Để ý sự kiện điều tra thời kỳ này chỉ xoáy trọng tâm vào truyện thư từ: thư đi Xiêm, thư kêu gọi giáo dân miền Nam giúp Khôi. Như vậy chứng tỏ tin tức tình báo của triều đình Huế đến lúc đó (phần nhiều do tình báo Quân đội) không nói tới sự hợp tác của cha Du với Khôi. Theo ý chúng tôi, tin tức tình báo của quân đội là chính xác nhất vì chính quân đội thẩm vấn tù binh, hàng binh (trốn từ thành ra sau này) trước tiên.

3. Sự chuyển hướng thẩm vấn của Tam pháp.

- Sau khi điều tra các tướng kia của Khôi, Tam pháp dùng cực hình tra khảo bắt cha Du nhận tội âm mưu từ đầu và hợp tác với Khôi. Cha cương quyết phủ nhận, Tam pháp chuyển hướng, không đòi hỏi cha nhận tội đời nữa, mà nhận tội về đạo: theo đạo dụ cấm đạo hiện hành, là linh mục truyền giáo ngoại quốc còn trốn trong lãnh thổ VN, là đương nhiên xử trảm:

"Quan thấy không có lẽ nào mà làm tội cho người về chuyện giặc đặng, thì không còn nói đến chuyện ấy nữa, một bắt tội người về việc đạo mà thôi, vì chẳng những là người chẳng chối, mà lại hằng xưng ra tỏ tường mình là đạo trưởng và lo giáo huấn nhơn dân theo chính lý E-vang. Vậy quan rằng:

- Ngươi cứ chối một bề rằng: người không hề biết đến chuyện binh cơ giặc giã, thì thôi... Mà người không chối đặng về việc đạo: người đã đến nước này mà dạy đạo, mà ngươi biết có lịnh đức vua cấm nhặt sự ấy. Tội nầy đáng hình khổ nạêng lắm... Nhưng vậy nếu ngươi đành lòng xuất giáo và khóa quá thập tự, thì ta xá cho ngươi khỏi mọi phần phạt.

- Nhà quan mở lượng rộng thế ấy, thì đội ơn nhà quan; song tôi chẳng hề xuất giáo. Tôi thà chịu mọi thứ hình khổ quái gở, chẳng thà thất trung cùng Chúa tôi dường ấy.

Các quan bèn nói xúc phạm cùng bỏ vạ cho đạo thánh nhiều đều xấu xa quái gở quá lẽ, như quan Rôma xưa trong mấy đời bắt đạo ban đầu, khi mới có Hội thánh, rằng: các thầy cả làm phép phù chú, dùng phép Thánh thể làm bùa mô thuốc lú, cùng quyến dụ đờn bà con gái, và nhiều chuyện nhớp nhúa gớm ghê quá, không lẽ thuật lại đặng... Thánh tử đạo đáp lại rằng:

- Các việc ấy chẳng có chút nào. Đó là những chuyện mị mộng kẻ ghét đạo bày ra mà vu cho bổn đạo mà thôi. Ví như trong đạo có làm những chuyện thể ấy, thì có ai theo đạo làm chi.

Người cũng kể ra nhiều lẽ trong đạo dạy, mà làm chứng đạo người giảng là đạo lành, đạo thánh.

Dầu đã rõ ràng Á thánh Du chẳng có tội nào sốt, thì các quan cũng đã luận án cho người, trong án đề những đều oan vu cho người và cho đạo thánh nữa. Như nói rằng: Quân Datô dùng thứ nước cam lồ; đạo trưởng nó múc con mắt người ta mà làm nước ấy; - còn bánh phát cho bổn đạo; thì thầy đạo dùng phép tà ma ếm chú mà làm ra, vân vân...". Sau hết án ấy nói thêm rằng: vì người có tội giảng đạo dị đoan là đáng tội chết".

Nhận xét:

Chúng ta quen thuộc với các lý do cấm đạo ở bình diện cao: sự va chạm với tục thờ cúng tổ tiên, sự duy ngã độc tôn của TCG, TCG làm mất sự thống nhất tôn giáo của VN, làm giảm hay chia xẻ thì đúng hơn - lòng trung quân ái quốc của lòng dân theo đạo... Đoạn văn trích trên cho thấy để biện minh cho chính sách cấm đạo, vua quan Minh Mạng không hề nói tới các vấn đề cao siêu ấy... Họ có khả năng tuyên truyền dịch không kém những lời tuyên truyền hiện nay khi đưa ra những lý do khác, hợp với tâm lý quần chúng hơn.

Tra khảo không thể kết án cha Du về Chính trị được, mà về đạo thôi, nhưng khi tuyên án, thì vẫn kết án về Chính trị:

"Sau hết bộ hình thừa lệnh vua mà đề án lại rằng: Tây dương Ma sang, kêu là danh Du, là Datô giáo trưởng, phò ngụy khai đã chịu tội có viết thư xin Hồng Mao và Xiêm sang giúp ngụy thần. Lịnh truyền xử bá đạo".

Đầy tớ Chúa bị án giam ngược thế ấy, thì cứ một bề noi gương Quan thầy mình xưa cũng đã bị cáo gian và chịu xử một cách oan ức nhuốc nha đau đớn. Người đành lòng mà chịu hết mọi sự khốn cực hầu báo ân trả nghĩa Chúa".

Vấn đề cố Du (Marchand)

Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược trang 208 đặt vấn đề thành nghi vấn, như sau:

"Ông Silvestre chép truyện Lê Văn Khôi khởi loạn ở Gia Định nói rằng trong 6 người thủ phạm phải đóng cũi giải về Huế, có một ông linh mục người nước Pháp tên là Marchand (bấy giờ gọi là cố Du), một người khách tên là Mạch Tấn Giai và một đứa con của Khôi, mới lên 7 tuổi.

Việc ông cố Marchand thì đã nhiều người bàn đi bàn lại, người thì bảo ông ấy có ý muốn làm như ông Bá Đa Lộc, để giúp Lê Văn Khôi lập nên một nước theo đạo Thiên Chúa ở Gia Định, người thì bảo ông ấy bị Lê Văn Khôi bắt vào trong thành. Việc ấy vẫn phân vân không rõ hẳn ra thế nào.

Đến khi về đến Huế thì ông Marchand và 5 người kia đều phải tội lăng trì. Thiết tưởng dầu thế nào mặc lòng, đem một đứa con vô tội và 2 người ngoại quốc ra làm cái tội thảm hình ấy, thì thật ghê gớm quá".

Hồ Biểu Chánh trong Ngọn cỏ gió đùa trang 200-201 ghi nhận: "Mấy vị mưu sĩ ở trong thành bàn khuyên Lê Văn Khôi làm theo như vua Gia Long lúc phục quốc. Lê Văn Khôi nghe lời, bèn sai người nhứt diện qua nước Xiêm La mà viện binh, nhứt diện đi tìm một vị linh mục đạo Thiên Chúa rước vào thành mà vấn kế".

Sự thực là thế nào? Chúng tôi đã giới thiệu một vài tài liệu về phía Công giáo, đáng chú ý hơn cả là thơ của Cố Du gởi cho bề trên của mình là Giám mục Taberd ngày 24-9-1834. Có thể tin những tài liệu kể trên không?

Theo truyền thống Thiên Chúa giáo, mỗi hồ sơ phong thánh đều được sưu tra kỹ về lý lịch bản thân, gia đình và cuộc đời - sưu tra thật tỉ mỉ, đề đạt tới chính xác ở mức tối đa nên mới thấy ghi rõ không những thư từ trao đổi mà cả quần áo mặc đồ dùng khi sống lúc chết, và chôn cất ra sao... những người cung cấp tài liệu, làm chứng không thể dối trá vì họ đều hiểu rất rõ họ có thể lừa dối con người, không thể lừa dối Thiên Chúa là đấng thông suốt mọi sự, và nếu họ cả gan phạm tội lừa dối, họ phải biết đó là tội rất nặng, và tội nặng thì sẽ bị trừng phạt ra sao - sa hỏa ngục đời đời! Do đó có thể tín những sự kiện được ghi, kể lại từ phía những người Công giáo.

Những sự kiện chính là:

1. Cố Du bị ép lên Gia Định.

2. Thực sự có đề nghị cầu viện ngoại quốc qua trung gian Công giáo do Lê Văn Khôi khởi xướng kiểu Bá Đa Lộc - Gia Long. Nhưng cố Du từ chối.

3. Khi bị bắt tra tấn, triều đình phải nhận cố Du không có tội về chính trị, chỉ kết tội về tôn giáo, nhưng khi làm án vẫn kết tội về chính trị.

4. Lãnh đạo công giáo (giáo sĩ, giáo phẩm) không tham gia vào vụ bạo động, nhưng giáo dân (và có thể là đông đảo) có tham gia vì mục đích tôn giáo (được tự do giữ đạo) và chính trị (chia sẻ quyền hành nếu thành công). Còn vấn đề nguyên nhân, động cơ cần tìm hiểu giải thích:

1. Tại sao giáo dân ủng hộ Lê Văn Khôi và Lê Văn Khôi tìm sự hậu thuẫn chính trị trong giới công giáo.

Khi còn sống Lê Văn Duyệt không thi hành lệnh Minh Mạng cấm đạo là lẽ đương nhiên, và cũng đương nhiên dân đạo Thiên Chúa thích Khôi, ủng hộ Khôi, kẻ đã mang lại tự do tín ngưỡng cho mình. Ngược lại một lãnh tụ như Khôi tất nhiên phải tìm cách lợi dụng sự ủng hộ của công giáo sao cho có lợi nhất, và cách lợi hơn cả, ngoài việc giáo dân tham gia, là làm sao cho cả giáo phẩm tham gia, là trung gian vận động cầu viện bên ngoài. Cố Du bị cưỡng ép từ Vĩnh Long lên Chợ Quán từ Chợ Quán vào thành Phiên An là vì thế.

2. Nhưng tại sao lại có hiện tượng cưỡng ép như thế? Hay nói cách khác tại sao Cố Du không sốt sắng làm như Bá Đa Lộc; tuy sau cùng cũng không cương quyết từ chối triệt để đề nghị của Khôi, do đó gây ra những dị nghị chính đáng?

Thư của cố Du gởi cho Taberd cho thấy ông chỉ muốn làm một người lo việc đạo mà thôi, không muốn dính líu vào chính trị và tin rằng mọi sự đều do Chúa xếp đặt, nên ủng hộ một người lên cầm quyền chưa chắc đạo vì thế mà được nhờ, nhưng nếu việc ủng hộ thất bại thì chắc chắn đạo thiệt. Lập trường này là điều thường thấy, ngay cả thời Bá Đa Lộc, Cố Du. Tài liệu sử giáo hội thời kỳ này cho thấy có nhiều chức sắc trong giáo phẩm cùng Hội truyền giáo với Bá Đa Lộc giảng đạo ở Trung Quốc, ở Việt Nam không tán thành đường lối của Bá Đa Lộc, dựa vào luận điểm kể trên (qua thư từ họ gởi cho Bá Đa Lộc).

Do đó, không nên coi lựa chọn của Bá Đa Lộc là tiêu biểu cho lập trường chính thức của giáo hội (cũng như sự lựa chọn của Bùi Chu Phát Diệm sau này) và từ đó suy diễn Cố Du cũng phải làm như Bá Đa Lộc.

Đó là về nguyên tắc; trong thực tế lãnh đạo công giáo sớm nhận ra Lê Văn Khôi sẽ thất bại vì Khôi khởi nghĩa để phò An Hòa, con của Đông cung Cảnh, lên làm vua, nên "mấy tỉnh Nam kỳ liền vui lòng ứng tiếng mà theo tức thì. Song ít lâu sau các tỉnh muốn thấy An Hòa, mà ngụy không đem An Hòa ra mặt đặng vì không có ông Hoàng ấy trong Nam Kỳ, nên các tỉnh đã bỏ Khôi, tưởng Ngụy phải rút về Saigon, kế binh trào tới vậy".

Dị nghị là: nếu không ủng hộ về nguyên tắc và vì thực tế tại sao không cương quyết từ chối đề nghị của Khôi, và nhận vào thành Phiên An? Chúng tôi đã lý giải: Cố Du đã thấy trước những dị nghị đó, đương thời và cả sau này, nhưng ông sẵn sàng chấp nhận tất cả vì lý do chủ yếu buộc ông phải lên Saigon là lý do mục vụ (pastrale) hay nói theo kiểu đời, lý do nghiệp vụ: trách nhiệm phần hồn của giáo dân là nhiệm vụ của ông đã chọn, là lý do tồn tại của đời ông.


No comments: