Tuesday, September 20, 2011

LỤC CHÂU HỌC III


CHƯƠNG III
LỊCH SỬ VIỆT NAM NHÌN TỪ MIỀN NAM
Trong phần này, chúng tôi tìm hiểu lịch sử Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng do các tác giả miền Nam viết. Ngoài ra chúng tôi cũng muốn tìm hiểu sự hình thành các nhóm tôn giáo. Theo chủ trương, chỉ nhận định những gì có tài liệu, đã được đọc, nên ở đây chúng tôi mới nói đến Cao Đài và Công giáo, mà không nói đến Hòa Hảo hay Phật giáo, Hồi giáo... vì lẽ chúng tôi chưa tìm ra những tài liệu đáng kể.
Về lịch sử, chúng tôi phân biệt hai thể loại: sách sử ký và tiểu thuyết lịch sử. Chúng tôi cũng lưu ý cần phân biệt những sách báo, tài liệu đã được in ra, phổ biến công khai, hợp pháp đối với nhà cầm quyền thời đó và những ấn phẩm tài liệu không in ra được, hoặc in ra, bị tịch thu, và tác giả bị đưa ra tòa, hoặc chỉ truyền miệng.
Chúng tôi đã viết, lược tóm, nhận xét từng cuốn đã đọc, nhưng vì chưa thể in hết được, nên chỉ giới thiệu một vài cuốn chính và nói qua những cuốn khác...
*
I. SỬ KÝ
Có lẽ cho đến nay, những người tìm hiểu nghiên cứu sử Việt Nam thường chỉ dựa vào ba nguồn tài liệu: chính sử do các triều vua ra lệnh biên soạn, sử Tàu và sử do các nguồn phương Tây ghi chép; và cho rằng cuốn sử đầu tiên trên soạn theo lối Tây phương bằng quốc ngữ là của Trần Trọng Kim như Vũ Ngọc Phan, Đào Đăng Vĩ đã khẳng định.
Chúng tôi tìm thấy một số tài liệu sử Việt Nam, đặc biệt liên quan tới thời kỳ cận đại, hiện đại, thời kỳ Đàng trong được thành lập và phát triển do những người Việt Nam viết bằng quốc ngữ khá sớm, có cuốn vào cuối thế kỷ XIX. Chưa xét những tài liệu sử đó đúng hay sai thế nào, chỉ nguyên sự kiện nó có đó cũng đủ làm cho người quan tâm về sử, sử do người Việt Nam viết, theo quan điểm người thường, phải chú ý tìm hiểu.
Chúng tôi đã đọc được một số ít và thấy những tài liệu này cung cấp nhiều sự kiện, chi tiết mới chưa hề được nói đến, hoặc những sự kiện đã biết, những thiếu sót do đó có thể đóng góp vào việc nhìn lại nhiều vấn đề, nhiều quan điểm vẫn được phổ biến chấp nhận cho đến nay, tuy thực ra đôi khi đó chỉ là những thiên kiến.
Hiện nay chúng tôi biết có một vài cuốn sau đây, đã ghi trên những lời rao quảng cáo ở các báo cũ và có cuốn chúng tôi đã tìm ra được:
1. Sử ký Đại Nam Việt quốc triều, Tân Định, in lần thứ 1 - 1879, lần thứ 5, 1909. Chúng tôi có bản 1909.
2. Nam Việt lược sử. Nguyễn Văn Mai Saigon 1919 (có).
3. Sử ký. Histoire annamite (anonyme) Bibliographie ann. Livres Receuil des périodiques manuscrits cartes et plans parus depuis 1866 publiés par le comité agricole et industriel de la Cochinchine. Extrait du Bul. agr. et industriel 3è série Tome I No 11 année 1079 (chưa có).
4. Ước lược truyện tích an-nam. Trương Vĩnh Ký Rey et curiol 1887.
5. Sử ký Nam Việt 0,60 Claude et Cie 1901 (rao trên Nông Cổ mín đàm (chưa có).
6. Sử ký Đại Nam Việt, 0,60 Phát Toán 1910 (chưa có).
7. Sự tích nước Annam từ đời Hồng Bàng đến đời Duy Tân. Khởi đăng trong NCMD từ số 1/6/1916 (có).
8. Annam sử truyện. Nguyễn Văn Sanh đăng trong "Nam Kỳ địa phận" (1913) (có) và một số tài liệu viết về từng nhân vật như Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi...
COURS D"HISTOIRE ANNAMITE
par P.J.B. Trương Vĩnh Ký
Nhận xét:
Việt Nam có sử từ lâu nhưng đều ghi bằng Hán văn soạn thảo theo quan niệm của Trung Hoa. Những bộ sử ấy cũng ít phổ biến trong quần chúng vì lý do trong trương trình thi cử học hành cũ, chỉ có Bắc sử, nghĩa là sử Trung Hoa, chứ không có Nam sử là sử Việt Nam.
Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, đã cho mở khá sớm các trường học theo mô hình Tây phương, trong đó bắt đầu có môn Nam sử - dĩ nhiên theo quan niệm Tây phương; Các bộ sử Việt đã có tất nhiên không đáp ứng được nhu cầu giảng và học sử theo lối mới này. Cần phải có ngay một bộ giáo khoa sử Việt soạn theo phương Tây, và Trương Vĩnh Ký đã đáp ứng nhu cầu trên. Và do việc sử dụng Pháp văn làm chuyển ngữ chính trong các trường tây Nam Kỳ. Trương Vĩnh Ký soạn bằng Pháp văn bộ sử này. (Ông có bản thảo bằng quốc ngữ trước hay không, chúng ta hiện chưa biết).
Bộ sử của Trương Vĩnh Ký gồm có hai cuốn, trên bìa có ghi như sau:
Cours d'histoire annamite. "Giáo trình sử ký Annam (1)
à l'usage des écoles de la Basse Cochinchine (2): để sử dụng trong các trường xứ Nam Kỳ.
pat P.J.B. Trương Vĩnh Ký ler Edition do P.J.B. Trương Vĩnh Ký soạn xuất bản lần 1
Saigon - Imprimerie de Gouvernement 1877 Saigon - Nhà in Nhà nước 1877
Trên bìa của cuốn 1 và 2 đều có ghi thêm nội dung của mỗi cuốn:
Cuốn 1 ghi: Comprenant les 1ère, deuxième et troisième époques historiques jusqu'à la seconde dynastie de Lê, de 2874 avant JC jusqu'à en 1428 de l'ère chrétienne (gồm thời kỳ lịch sử thứ nhất, thứ nhì, thứ ba cho tới triều đại Hậu Lê, từ 2874 từ TL đến 1428 sau TL).
Cuốn 2 ghi: Comprenant l'histoire des Dynasties de Lê et de Nguyễn (cinquième et sixtième dynasties de la 3è époque historique) (gồm lịch sử tiền Lê và triều Nguyễn (vương triều thứ 5, thứ 6 của thời kỳ lịch sử thứ 3).
- Trương Vĩnh Ký ngưng bộ sử của ông ở sự kiện chính quyền Pháp bổ nhiệm quan văn đầu tiên, ông Le Myre de Vilers, làm Thống đốc Nam Kỳ năm 1879.
Cách viết của ông tương tự như Trần Trọng Kim trong VIỆT NAM SỬ LƯỢC sau này. Nghĩa là trình bày theo thứ tự hết triều vua này đến triều vua khác. Triều vua nào nhiều điều đáng ghi (theo chủ quan tác giả) thì dài và ngược lại - và mặc dù viết bằng Pháp văn, mọi tên người, đất... đều in đủ dấu tiếng Việt.
- Tuy viết bằng Pháp văn, nhưng lời nói đầu, giành cho học sinh, Trương Vĩnh Ký lại viết bằng tiếng Việt, nguyên văn như sau:
CHO HỌC TRÒ CÁC TRƯỜNG ĐẤT NAM KỲ,
Ở các trò trai trai, ta xin kiêng sách này cho các trò, vì làm nó ra là làm cho các trò coi. Dùng tiếng Pha lang sa là tiếng dã ròng mà lại hay mà chép truyện đất nước ta ra cho anh em đang lo học mà thuật lại truyện anh em đã biết thì sẽ giúp anh em cho dễ thông ý chí léo lắt và hiểu rõ cốt cách tiếng ấy hơn.
Nói tắt một lời, ta muốn làm ích cho anh em, chớ chỉ ước làm vậy mà được như làm vậy... Đến sau, khi anh em đã học thành tài, biết bắt biết mạch được, thì xin hãy dong thứ cho kẻ lớp trước anh em, vì những kẻ ấy thực trước chẳng có được những phương tiện mà học hành như anh em bây giờ nhà nước đầy lòng lo lắng đã liệu biện cách rộng rãi cho làm vậy đâu.
Tại Chợ Quán ngày 25 tháng 2 năm 1875
PJB Trương Vĩnh Ký
- Ngoài lời nói đầu giành cho học sinh, Trương Vĩnh Ký có viết một "Avant Propos" giành cho độc giả nói chung, trong đó tác giả trình bày những nhận định, quan điểm của mình về sử.
NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
Những công trình văn học thường hiếm hoi trong các xứ phương Đông, các sử quan, để làm vui lòng các đấng quân vương, thường hay bịa đặt ra các huyền thoại để khẳng định thiên mệnh của vương quyền.
Trên nguyên tắc, tất cả mọi chính quyền đều bắt đầu bằng chế độ phụ hệ, nhưng các gia đình đã sinh sôi nảy nở nên phải chia xẻ quyền bính để duy trì các thành viên trong khuôn khổ các quy tắc chung cả xã hội.
Để điều khiển số dân trở thành đông đảo này, cần phải chỉ định các cấp chỉ huy, ban hành các luật lệ để đảm bảo dân phải tuân theo luật chung.
Các cấp chỉ huy này cần có uy tín mới được: Tôn giáo đóng góp một phần lớn trong việc tạo ra uy tín này - tục lệ, huyền thoại và các sử ký đã cho chúng ta biết như vậy.
Các bộ sử của một dân tộc thường được viết rất trễ, sau khi các thời đại và biến cố lịch sử mà các bộ sử nhắc tới đã chìm sâu vào dĩ vãng. Bởi thế các bộ sử phải đi giật lùi. Ngược với các thời kỳ khuyết sử và do đó phải lấy nguồn gốc từ các thần thoại tối tăm.
Mặc dù vậy chúng ta không được phép bỏ qua các thần thoại cổ thời ấy, dù chúng có vẻ cường điệu, quá hỗn độn mơ hồ; lý do vì nếu chúng ta loại bỏ được những gì trí tưởng tượng và sai lầm của con người đã mang lại, bao giờ chúng ta cũng rút ra được một sự kiện có thật, hay ít nhất, một chỉ dẫn, một dấu vết có thể giúp chúng ta tìm hiểu sự thực. Đó là lý do tại sao tôi đã ghi lại trong bộ sử này một số huyền thoại đã có ghi trong các bộ sử Annam trước đây, dù về hình thức chúng hoang đường nhưng đối với tôi chúng vẫn xứng đáng để hưởng một vị trí trong bộ sử mà tôi đã phân chia làm ba phần, tùy theo đặc tính của mỗi thời đại. Thực vậy, lịch sử Annam chia làm ba thời đại:
- Thời đại thứ 1: từ năm 2874 tới TC giáng sinh (thời cổ đại của lịch sử Annam)
- Thời đại thứ 2: từ đâu TL kỷ nguyên tới 966 (thời kỳ chuyển tiếp).
- Thời đại thứ 3: Kể từ 966, bao gồm các triều đình Lê, Lý, Trần, Lê và Nguyễn tới ngày nay (thời hiện đại).
Bài "Nhận định tổng quát" trên, dù ngắn ngủi, cũng đã cho chúng ta biết rõ nhiều điều về Trương Vĩnh Ký.
- Ông không phải là một nho sĩ, dù uyên thâm nho học: ông không tin có thiên mệnh, mệnh trời nào cả.
- Ông cũng không hẳn là một tín đồ Thiên chúa giáo như chúng ta thường biết. Đối với ông, các vua chúa chẳng qua do nhu cầu tổ chức của xã hội loài người mà có. Và hơn nữa, tôn giáo đã đóng góp một phần lớn vào việc tạo ra uy tín cho vua chúa. Một nhận xét như thế về tôn giáo nói chung rất có thể chẳng làm vui lòng Giáo hội La Mã thế kỷ 19.
- Ông có tinh thần khoa học của sử gia hiện đại: ông không tin ở bất cứ huyền thoại nào nhưng lại ghi chép đầy đủ vì tin tưởng sẽ tìm được sự thực xuyên qua huyền thoại.
Về cách viết nói chung của Trương Vĩnh Ký:
Chúng ta hãy coi phần mở đầu của cuốn 2 như sau:
VƯƠNG TRIỀU THỨ NĂM
(Nhà Hậu Lê - 1428 - 1875)
Lê Thái Tổ (Lê Lợi) người sáng lập triều Lê (hậu)
1428 - 1434: 6 năm
Niên hiệu: Thuận Thiên
Lê Lợi không chính thức cầu phong cho mình khi cho sứ thần sang báo cho triều đình nhà Minh biết là dòng họ nhà Trần đã tuyệt. Vấn đề này chỉ được đặt ra một cách kín đáo thôi và trên thực tế Lê Lợi đã xưng vương rồi.
Sứ bộ lên đường ngày 18 tháng 4 thì ba ngày trước, ngày 15 Lê Lợi đã lên ngôi vua tại Đông Đô (Kẻ chợ hay Hà Nội) và đổi tên nơi này thành Đông Kinh (thủ đô, kinh đô phía đông). Sau này tên gọi này chỉ được chỉ chung toàn xứ và người Âu châu ghi là Tonquin hay Tonkin. Khi còn sống, Lê Lợi được gọi là vua Thuận Thiên, sau khi chết mới được gọi là Lê Thái Tổ cao hoàng đế, tên mà lịch sử sau này quen dùng.
Lê Thái Tổ cai trị đất nước cũng tích cực y hệt khi chiến đấu giành độc lập. Lên ngôi giữa tháng 4 mà ngay tháng 5 ông đã triệu tập các quan để thông qua các đạo luật đã soạn thảo, ông cũng tham khảo các quan trong việc tổ chức hành chánh và bổ nhiệm các quan tỉnh. Cũng vào ngày 20 của tháng 5 này, Minh Triều trao trả các tù binh Việt bị bắt trước đây...
- Về cách phê phán, Trương Vĩnh Ký tỏ ra khách quan một cách đáng khen. Mặc dù là người theo đạo Thiên chúa giáo, ông không hề thiên vị, thí dụ đoạn sau chứng tỏ:
Thiên chúa giáo dưới thời Lê Hiển Tông:
Giáo hội mới hình thành ở Đàng ngoài cũng như Đàng trong đã gặp nhiều cấm cản dưới triều Lê Hiển Tông.
Trịnh Đinh cấm đạo không phải do lòng căm thù của một người theo tôn giáo này đối với một tôn giáo khác mà vì muốn duy trì sự thống nhất về tôn giáo... Mục đích của các vua Annam không khác chi mục đích của biết bao vua chúa các nước văn minh khác đã cố gắng theo đuổi sự thống nhất tôn giáo trong vương quốc mình. Và chắc chắn rằng, như Charles IX, Louis XIV chẳng hạn ở nước Pháp, chỉ hai vị ấy thôi cũng đã làm nhiều điều xấu để duy trì thống nhất tôn giáo hơn là tất cả các vua Annam cộng lại.
Vả lại, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, việc cấm đạo ở Annam chẳng bao giờ đưa tới những trụ lực như chúng ta thường gặp rải rác trong lịch sử các dân tộc khác (trang 191-192)
Về cách trình bày nội dung:
Từ trang 1 tới 179, tác giả có cách trình bày thống nhất như đã ghi nhận trên, là hết đời vua này đến đời vua khác. Không đánh số thứ tự, chia thời đại gì cả, tất cả chỉ căn cứ vào thứ tự kế nghiệp của các vua Lê. Khi đã có nhà Mạc, rồi Trịnh và Nguyễn chen vô thì tác giả ghi thêm luôn phía dưới. Người giảng dạy cũng như học sinh, cứ việc dạy và học hết đời vua này đến đời vua khác.
Như vậy mỗi đời vua là một chương mục, với cách nêu đề như sau:
- Thời vua Lê cầm quyền thực sự:
Lê Thánh Tông (Tự Thành) vua thứ 4 nhà Lê
1460 - 1498: 38 năm
Niên hiệu: Quang Thuận và Hồng Đức
- Thời kỳ có nhà Mạc tiếm ngôi.
Mạc Đang Đông, kẻ tiếm ngôi
1527 - 1530: 3 năm
Niên hiệu: Minh Đức
- Thời kỳ Lê Mạc:
Lê Trang Tông Đủ Hoàng đế (Lê Minh) vua thứ 11 nhà Lê
1553 - 1549: 16 năm
Niên hiệu: Nguyễn Hòa
Kẻ tiếm ngôi
Mạc Đăng Đinh, 1533 - 1540: 8 năm, Đại Chánh.
Mạc Phước Hải, 1540 - 1546: 6 năm
Mạc Phước Nguyên, 1546 - 1548: 2 năm - Vua Minh
&~~SPECIAL_REMOVE!#~~lt;&~~SPECIAL_REMOVE!#~~lt;(1) Tức Trịnh Doanh, bố của Trịnh Sum, tức là Trịnh Sâm. Cũng cần ghi thêm là Trịnh Khải được Trương Vĩnh Ký ghi là Trịnh Giai.&~~SPECIAL_REMOVE!#~~gt;&~~SPECIAL_REMOVE!#~~gt;
- Thời kỳ có chúa Trịnh chúa Nguyễn:
Lê Thần Tông (Lê Duy Kỳ), vua thứ 16 nhà Lê.
1618 - 1643
Niên hiệu: Vĩnh Tộ, 11 năm; Đức Long: 7 năm
Dương Hóa: 9 năm.
27 năm
Trịnh: Nguyễn
Bình An Vương (Trịnh Tòng) 1620
Sãi Vương (Nguyễn Phước Nguyên) 1614 - 1635
Thanh Đô Vương (Trịnh Trang) 1620 - 1645
Thượng Vương (Nguyễn Phước Lan) 1635 - 1649
Đến hết đời vua Lê thứ 26, Lê Hiển Tông, tác giả đưa ra một nhan đề: COCHINCHINE (theo cách dùng tên của Trương Vĩnh Ký, Cochinchine chỉ Đàng trong. La Basse Cochinchine mới chỉ Nam Kỳ). Kể từ đây trở đi, mới có tên đề mục. Thí dụ: Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn - Quân Đàng Ngoài tiến vào Đàng Trong...
Về cách viết của Trương Vĩnh Ký:
Đây là một cuốn giáo khoa, bởi thế tác giả viết bằng lối văn giản dị, dễ học dễ nhớ, đáp ứng được nhu cầu thông thường của loại sách này.
Nhưng đặc điểm riêng của bút pháp Trương Vĩnh Ký vẫn có. Đáng chú ý nhất là ông đưa vào sử những sự kiện ngoại sử, vừa hấp dẫn người học, vừa lý giải được chủ đề ông muốn nêu ra. Thí dụ: Như về vụ án Nguyễn Trãi, tác giả thuật lại có khác ấn bản quen thuộc (Lê Thái Tông chết ở Lệ Chi Viên vì mã thượng phong với Thị Lộ):
"... Một hôm Nguyễn Thị Lộ pha trà hầu vua, nàng đã trộn nước bọt của mình vào trà. Nhà vua sau khi uống chén trà này thì tình yêu bốc lửa, kéo nàng vào phòng riêng. Trong một cái hôn, Nguyễn Thị Lộ đã cắn lưỡi vua một nọc độc tràn vào các mạch máu làm cho vua chết thẳng cẳng".
- Thí dụ như kể về vị vua bạo chúa bạo dâm Oai Mục Đế, vua thứ 7 đời Lê (sử quan gọi là Lê Uy Mục), nếu Trần Trọng Kim ghi: "Cho nên sứ Tàu sang làm thơ gọi Uy Mục là Quỉ Vương" thì Trương Vĩnh Ký ghi:
"Năm 1501, sứ thần Trung Quốc đến tấn phong cho Oai Mục Đế... một nhân viên trong đoàn, khi nhìn thấy mặt vua Annam, đã thốt lên: Tôi không hiểu mệnh trời là thế nào? Con người này là Quỉ vương hiện hình?"
- Thí dụ khi muốn nói việc cấm đạo ở Việt Nam nhiều khi lại là tại chính giáo lý Thiên chúa giáo (hay là tại cách hiểu quá hẹp hòi về giáo lý đạo mình của các nhà truyền giáo thời đó). Trương Vĩnh Ký kể lại truyện sau:
"Trịnh Sum tỏ ra khoan hồng, thuận lợi cho đạo Kitô cho đến 1773. Năm đó bà mẹ của chúa, là người có đạo, cho mời hai linh mục - một là tu sĩ dòng Đa Minh, một là người Việt - đến để thảo luận về tôn giáo với một vị sư, một đạo sĩ và một nho sĩ - Một hôm bà hỏi hai linh mục rằng linh hồn của những người không theo đạo Kitô sau khi chết sẽ ra sao, thì hai vị này trả lời:
- Xuống thẳng địa ngục.
Tức giận trước câu trả lời này bà mẹ Trịnh Sum cho giết luôn hai linh mục".
Tâm trạng Trương Vĩnh Ký:
Tại trang 251 - 252, sau khi tả Gia Long chiếm xong Hà Nội thu cả giang san về một mối, tác giả có ghi lại tâm tình, phê phán của mình về Vương triều do Nguyễn Ánh sáng lập và chế độ thuộc địa của Pháp đang thực hiện:
"Việc chiếm được Hà Nội mang lại cho Gia Long hơn 100 con voi, nhiều đại bác, vũ khí các loại và thuyền chiến. Nhưng quan trọng nhất là chiến thắng này làm cho Gia Long trở thành người chủ duy nhất của cái đất nước bị chia xẻ, tranh giành, xâu xé giữa bao nhiêu người, cái đất nước bị kiệt quệ cả về sức người lẫn của cải vì bao trận chiến liên tục. Gia Long lên làm vua, nhưng là vua của một nước hoang tàn. Nhưng thực ra dù bị tàn phá sâu xa như vậy, đất nước này hãy còn chứa đựng trong nó rất nhiều tài nguyên để cho một chính quyền sáng suốt và thương lo cho dân có thể khai thác để mang lại sự giàu có thịnh vượng. Hiện nay chúng ta đã có trước mắt thành quả không lấy gì làm khích lệ lắm mà Gia Long và các vị kế nghiệp ông đã mang lại cho tới giờ phút này. Sự bướng bỉnh mù quáng của họ đã làm mất Nam Kỳ, nền hành chánh tồi tệ của họ đã làm thất nhân tâm Bắc Kỳ, còn xét chính cái miền Trung Kỳ thì những nỗi khốn khổ, sợ hãi của nhân dân bị áp bức, sự chuyền chế và tham ô của quan lại các cấp cũng đã bộc lộ khá rõ, khỏi cần phải nói thêm. Nếu người ta mong chờ từ Huế để Annam ta có được sinh hoạt chính trị của các dân tộc hữu dụng, nếu vương triều Nguyễn muốn tồn tại lâu dài, thì họ phải tìm ra con đường của mình và cương quyết theo đuổi nó đến cùng.
Còn về phần chúng tôi, những sử gia trung thực, chúng tôi bao giờ cũng tôn trọng quá khứ, biết xưng tụng và không tỏ ra bất công với nó; chúng tôi chẳng bao giờ quên rằng dân Annam của nước Pháp, hay dân Annam của Trung Kỳ và Bắc Kỳ, chúng tôi đều có nguồn gốc chung (3) Mặc dù đã bị chia cắt bởi các số phận chính trị khác nhau, chúng tôi đều hết sức chống lại cái nền hành chánh sai lầm ấy... cái thú hành chánh không là gì khác hơn là sự bóc lột vụng về và sát nhân cả một nước của một đẳng cấp quan lại tham vọng và tham tàn...".
Trương Vĩnh Ký thường tỏ ra bình dị kín đáo, khiêm tốn trong lời văn, nhưng ở đây ông đã không ngăn cản được sự phẫn nộ, buồn tủi, nên đã viết ra những dòng trên, và vì thế ông phải thêm một chú thích ở dưới. "Xin lỗi vì đã nói lạc đề trong một bài giảng về lịch sử, vì nhìn ngắm những sự kiện lịch sử đã qua làm cho tôi không thể cầm lòng được. Xin đừng ai giận tôi có một nỗi buồn cay đắng tràn ngập lòng tôi khi tôi nghĩ đến những gì mà xứ này đang phải gánh chịu cả những gì đáng lẽ nó đã có thể có được" (trang 252).
Nhận xét cuối cùng:
Chúng tôi đã không làm lược tóm, ghi chú đầy đủ bộ sử 2 tập này của T.V. Ký vì dù sao nó cũng đã được viết bằng tiếng Pháp, nhưng cũng không thể bỏ qua, không nhắc sơ lược đến vì đây là một cuốn sử, theo chỗ chúng tôi biết hiện nay viết theo lối khoa học tây phương sớm hơn cả, chứ không phải cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim như người ta vẫn tưởng. Lối nhìn và phê phán của T.V. Ký so với đương thời thực là khoa học, tiến bộ và ngay cả bây giờ cũng không hoàn toàn lỗi thời. Chúng tôi cho rằng các tác phẩm của những người Việt viết về Việt Nam, cho người Việt Nam, trong một hoàn cảnh đặc biệt (chính trị, văn hóa đương thời ngoại thuộc) bằng chữ viết nước ngoài (chữ nho, chữ Pháp...) nên được coi như thuộc văn, sử Việt Nam.
SỬ KÝ ĐẠI NAM VIỆT
Khuyết danh
Nhận xét:
Dưới nhan đề SỬ KÝ ĐẠI NAM VIỆT, có ghi thêm "Quốc Triều" phía trên, nơi thường ghi tên tác giả, chỉ có hàng chữ "ANNALES ANNAMITES". Dưới hai chữ "Quốc Triều" có ghi hàng chữ "Nhứt là doãn tích từ Hiếu Vũ Vương cho đến khi vua Gia Long (Nguyễn Ánh) đặng trị lấy cả và nước An Nam". Phía dưới, có ghi "In lần thứ năm" và tên nhà xuất bản "Saigon, Imprimerie de la Mission à Tân Định, 1909".
Tư liệu chúng tôi có là sách xuất bản lần thứ năm (1909) nhưng thời gian tác giả soạn cuốn sử này phải trước đó rất lâu. Lý do:
- Dùng rất nhiều từ cổ (nhiều từ hiện nay phải dùng toàn câu mà đoán ra nghĩa). Cấu trúc ngữ pháp cũng cổ kính, trục trặc.
- Dùng các tên, danh xưng chỉ phổ biến trong thế kỷ 19, đôi khi còn cũ hơn thế nữa. Người đọc hiện nay, nếu không nhớ kỹ sử Việt Nam, thật khó mà đoán được "ông Hậu" là Chưởng Hậu quân Võ Tánh, "ông Hữu Ngoại" là Đỗ Thành Nhơn, "Hoàng Triếp" là Nguyễn Quang Toản...
- Cách thế ghi chép có vẻ như chứng nhân, nhất là về những sự việc xảy ra trong nửa thế kỷ sau thế kỷ 19.
- Chúng tôi tìm thấy trong thư mục của BSEI, ler semestre 1889 ghi lần xuất bản đầu tiên của cuốn này với nhan đề khác "Đại Nam Việt Quốc Triều sử ký".
1. Đông Cung nhụt trình Chronique annamite suivie de poèmes sur le voyage du prince héritier en occident, les souffrances des chrétiens pendant les guerres civiles.
2. Tụ thánh thục đàng
3. Hàm oan chí từ
4. Át sát yết thị
Ivolume 256 pages. Tân Định, Imp. de La Mission 1879
- In lần thứ hai: 1885, lần thứ ba: 1898, lần thứ tư: 1805.
Quan điểm của người viết:
Đó là quan điểm của người theo đạo Thiên chúa thời bấy giờ coi Thiên chúa là trên hết, mọi người không phân biệt quốc gia, dân tộc đều là anh em vì con một cha tên Trời và sự cứu rỗi linh hồn là điều quan trọng nhất. Như vậy, Tổ quốc, dân tộc không bị phủ nhận nhưng bị vượt qua (hiểu theo nghĩa Hegel: vượt mà vẫn giữ lại cái vượt qua) và mọi chính quyền giúp người Thiên chúa giáo sống đạo và truyền đạo, nghĩa là rao giảng việc cứu rỗi các linh hồn, điều được họ chấp nhận tuân phục bất kể dưới thể chế chính trị nào...
Phải hiểu được quan điểm trên mới thấy người viết sử giữ được thái độ tương đối khách quan, không thiên lệch về bất cứ phe phái nào thời nội chiến (Lê, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Nguyễn Ánh) nhất là lúc ban đầu, chỉ về sau mới thấy thiên về Nguyễn Ánh vì hy vọng đạo sẽ được tự do truyền bá trong vương quốc mới. Chính vì thế mà tác giả đã để lại cho chúng ta nhiều tư liệu khá khách quan rất đáng chú ý mà các sử gia sau này hoặc đã bỏ qua, hoặc không biết tới.
Chẳng hạn nói đến Tây Sơn thời kỳ đầu khởi nghĩa, tác giả khen Tây Sơn cho tự do tôn giáo về đạo, nên về đời, có chỗ khen chỗ chê, do đó chỗ chê không thể nói là vì ác cảm, thiên kiến với Tây Sơn. Khen dưới thời Quang Trung, nhân dân có kỷ luật, sau khi Quang Trung mất, quân lính có nơi vô kỷ luật, kiêu binh. Tả trận Xoài Mút theo con mắt của một người quan sát ngoài cuộc.
Đối tượng chính của người viết sử là nhân dân bình thường nhất là nông dân. Bởi thế tác giả chú trọng nhiều tới tác động của các sự việc lịch sử vào nhân dân, mang lại một đóng góp quí giá cho chúng ta ngày nay. Nhân dân vui buồn, đói no thế nào trong các thời kỳ ấy? Đây là quan điểm nhân dân, không phải quan điểm chính sử dựa vào dòng họ, triều vua như nhan đề một chương: Những sự khốn khó dân phải chịu... Xa hơn nữa, đó còn là quan điểm của những người bị trị. Lần đầu tiên trong kho tàng chữ viết (bên cạnh truyền thống dân gian truyền miệng) chúng tôi bắt gặp một cuốn sử viết theo quan điểm của những người dân bị trị nhìn những sự việc của các kẻ thống trị, bất kể là ai theo quan điểm của người bị trị.
Trong đoạn nói về "những sự khốn khổ dân phải chịu" thời Tây Sơn - Nguyễn Ánh tranh chấp, người viết đã ghi:
"... sau nữa, dầu quân Tây Sơn, dầu ông Hoàng Tân thì cũng lấy điều dữ mà nộ nạt ngầm đe thiên hạ, hầu ép lòng dân tòng phục mình, bằng cứ lời nhủ bảo mà thôi, thì chẳng hề đặng việc gì bởi đó thiên hạ khốn cực lắm, vì phải giặc hai bên chỉ đánh nhau luôn. Khi thì bên nọ thắng, khi thì bên kia thắng, thiên hạ chẳng biết vâng cứ ai, chẳng biết mình thuộc về ai. Hoặc bên nọ lấy đặng xứ nào một ít lâu, mà đến sau phải thua chạy bỏ xứ ấy thì bên kia liền bắt tội những người xứ ấy vì đã theo giặc".
Hoặc nói về ba anh em Tây Sơn đánh nhau:
"Vậy hai anh em vây thành Qui nhơn, đánh cùng anh cả đã lâu lắm, song chẳng bên nào đặng, chẳng bên nào thua. Ba anh em làm hại nhau và làm hại cả thiên hạ".
Nói về những phe đánh nhau ở Đàng Ngoài và kết luận: "Dầu các quan, dầu quân lính đều ra như kẻ cướp hết thảy". Sau cùng nói đến Gia Long khi đánh Tây Sơn thì dân chúng có hi vọng ở ông, nhưng lên cầm quyền rồi cũng làm cho dân thất vọng khi thấy Gia Long cũng lừa dối, trả thù và việc cai trị còn tệ hơn trước: "Vậy quân Tây Sơn đã thua mà vua Nguyễn Ánh đã lấy đặng cả nước Annam thì thiên hạ vui mừng lắm. Dân sự thì trông vào Nguyễn Ánh đặt nhà Lê mà trị nước lại như khi trước, nhưng mà ông Nguyễn Ánh chỉ nói phỉnh người ta rằng mình đánh giặc thì chẳng có ý lo phần riêng mình mà thôi, song cũng có ý cứu giúp nhà Lê nữa. Vua có ý khử trừ cho tuyệt giặc Tây Sơn, thì đã luận vua Bảo Hung phải ngũ mã phân thây, còn các em và tông tộc ông ấy đều phải chết chém, quan Thiếu Phó Đoàn phải voi đánh, còn các quan lớn nhỏ khác cũng đều phải luận phạt nặng nhẹ tùy người... Thiên hạ chẳng đặng y như đều đã trông, mà lại thấy việc quan nặng nề hơn trước thì phàn nàn lắm...".
Quan điểm quần chúng còn được thể hiện qua cách dùng từ gọi những người lãnh đạo hoặc trong nội bộ Công giáo hay ngoài lãnh vực xã hội, chính trị, bằng những tên thân mật, gần gũi mà người đương thời đã dùng (Thầy Vêrô chỉ Giám mục Bá Đa Lộc).
Những sự kiện ít người biết:
Thời kỳ đầu của Nguyễn Ánh, lúc bị Tây Sơn rượt đánh cho đến nay là một khoảng trống trong sử vì ít ai biết rõ. Các sử gia nhà Nguyễn cũng im lặng vì có lẽ lúc đó là thời kỳ đen tối, chẳng hay ho gì, như sử Tân Định đã nhận xét: Nguyễn Ánh lúc đó chẳng có ai giúp, cũng chẳng tin vào ai, vì dân chúng có cảm tình với cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn. Sử gia nhà Nguyễn (viết vào thời Minh Mạng, Tự Đức) cũng không thích kể lại chuyện Công giáo giúp đỡ Nguyễn Ánh, đặc biệt cái ơn cứu tử lúc Nguyễn Ánh cùng đường do Hồ Văn Nghi, sau làm Linh mục thường được gọi là Thầy Phaolô, chỉ vì lòng nhân đạo, không phải vì ý đồ chính trị gì.
Những trận đánh đầu tiên giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, cho đến nay, ít được biết đến đã được kể lại trong cuốn Sử Tân Định này.
Chẳng hạn trận Nguyễn Ánh đánh du kích Tây Sơn. Quân Tây Sơn chết ít nhưng vì nghe tiếng nổ lớn, sợ bỏ chạy. Đó là những trái phá của một người Tây đầu tiên giúp Nguyễn Ánh sáng chế theo kỹ thuật Tây phương. Chàng Jean này có vẻ chỉ là một người phiêu lưu vô vị lợi, không vì tấc đất hay vàng bạc mà giúp Nguyễn Ánh...
Sử Đàng Trong:
Mặc dù ở phần đầu của quốc sử, có phần tiểu dẫn viết chung về lịch sử cả nước, nhưng tác giả hầu như chỉ chú trọng đến Đàng Trong. Do đó có thể gọi không sai lắm Sử ký Đại Nam Việt là Sử ký Đàng Trong 1737 - 1802.
ANNAM SỬ TRUYỆN
Nguyễn Văn Sanh
Nhận xét:
Annam sử truyện là một tác phẩm chưa hoàn thành:
1. Nó chưa được in thành sách.
2. Tác giả chưa viết xong.
Annam sử truyện được đăng trong tuần báo Nam Kỳ địa phận Semaine réligieuse, Imprimerie de la Mission, Saigon TânDinh. Bắt đầu đăng từ số 209 ngày 2-1-1913 và ngưng đột ngột sau số, 337 ngày 8-7-1915. Trong 3 năm đó số kỳ đăng không đều và giảm dần với thời gian. Năm 1913, tác giả đăng 19 kỳ, sang năm 1914 còn 9 kỳ, tới năm 1915 còn có 6 kỳ (kỳ chót mang đề mục VII. Nói về Cao Miên và Xiêm trong lúc Nguyễn Ánh, và hết kỳ này vẫn để "sẽ tiếp").
Sự kiện đó cho phép chúng ta suy diễn là Nguyễn Sanh soạn đến đâu đưa đăng tải đến đó. Còn tại sao ngưng ngang thì chúng ta chưa được biết.
- Về bố cục, tác giả chia cuốn sử của mình làm nhiều kỳ đánh dấu số La mã. Tên gọi mỗi kỳ có lúc đề rõ, có lúc không. Thí dụ kỳ thứ nhất và kỳ thứ hai chỉ có một nhan đề bằng chữ Pháp Annales Annamites: Epoque des Fables. Kỳ thứ ba có nhan đề: Kể sử nước Nam Việt phải mất từ năm 111 trước Giáng sinh cho đến 968 sau Giáng sinh. Kỳ thứ 4 không có nhan đề, chỉ mở đầu bằng một hàng chữ in nghiêng "Kể từ Nhà Đinh trị nước Annam, đoạn nhường lại cho nhà Lê, từ năm 908 cho đến 1009", và vẫn trong kỳ thứ 4, tác giả có đưa ra đề mục: "Kể từ nhà Lý tục vị cho đến nhà Trần 1009 đến 1225. Kỳ thứ V có nhan đề: Kể tích nhà Lý tục vị cho đến nhà Trần 1009 đến 1225. Kỳ thứ VI không có nhan đề. Kỳ thứ VII mở đầu bằng tiểu mục Nhà Hồ tiếm vị và cuối đời nhà Trần từ 1400 đến 1410... Kỳ chót mang đề mục như đã nêu trên.
(Việc mục lục thiếu rõ ràng, có thể nói là chưa đâu vào đâu này, là một lý do nữa cho chúng ta có thể tin rằng tác giả soạn đến đâu đưa đăng báo đến đó).
Ngoài khuyết điểm mục lục phân minh, Annam sử truyện có những điểm đáng chú ý về mặt sử liệu và cách viết.
Về tư liệu:
Về tư liệu, Nguyễn Văn Sanh đáng khen. Ông đã cung cấp các tư liệu đối chiếu với các cuốn sử đoạn về sau, không kém phần chính xác. Và ở nơi ông cũng như ở một số nhà viết sử Thiên chúa giáo khác, chúng ta thấy ông quan tâm đến các nước lân bang hơn. Bởi thế trong phần nói về cuộc chiến tranh sống còn giữa hai nước Việt Nam - Chiêm Thành, ông đã cho ta các hiểu biết sau:
1. Về gốc tích:
Ta phải lược sơ qua gốc tích nước Chiêm Thành, tục gọi là Chàm, Hồi và sử cũng gọi là Thuận Thiềng, mà hầu hết gọi là Lâm ấp, nhơn trong sử hay nói đến việc đánh giặc cùng nước ấy, lại vì chính đất Trung Kỳ xưa thuộc về nó, còn Nam Kỳ thuộc Cao Miên...
Vậy cứ theo sử truyền, thì thấy gốc nước Lâm Ấp là một thứ dân Chà Và (4), bởi cù lao Sumatra, hoặc bởi dọc đất theo miền kề Hạ Châu (Presqu'ile, de Malacca), Phổ Mới giáp dải nước Xiêm mà đến. Ban đầu nó là quân ăn cướp như quân Tàu O, nó loạn vào cù lao Cônnôn (Poulo Condor) lần hồi nó vào đến Cao Miên, đoạn ở Nam Kỳ và lần ra Trung Kỳ cho đến Quảng Bình mà cướp bóc của cải và cùng bắt người ta về làm tôi làm mọi nó...
2. Về tôn giáo, phong tục:
Đạo nó giữ là một ngành đạo Brahma trong nước Thiên trước (5), cũng có pha đạo Mahômet vô ít nhiều. Nó chia làm hai đạo: một thứ thì cữ thịt heo mà ăn thịt bò, còn một thứ cữ bò ăn heo, thú trước chết thì chôn, thú kia chết rồi thì thiêu xác.
Thầy đạo phía cữ thịt bò mà ăn thịt heo và thiêu xác thì gọi là Thầy Bồ Xế, và trong phía đạo ấy có ai nghèo không đủ của đặng thiêu xác khi chết, thì cả bộ tộc phải chịu giùm, cũng có khi chôn đỡ ít lâu rồi thiêu, khi thiêu thì có nhiều lễ phép lắm.
Còn thầy đạo phía cữ thịt heo mà ăn thịt bò, thì gọi là Thầy Chang, khi có ai chết thì rước thầy đưa đi chôn, cũng giữ lễ phép như sau này: Xác kẻ chết không liệm trong hòm như ta, khiêng đi trần mà thôi, và chẳng đào huyện sẵn, song khi đem xác đến nơi, thầy Chang cầm gậy vẽ hình cái huyệt, đoạn thầy ấy lấy cuốc mà đào ít nhiều, rồi người ta xúm đào cho thành huyệt. Khi hạ xác xuống thì để cho nằm ngửa trên tấm ván, đoạn thầy Chang bước xuống tay đỡ xác nằm nghiêng lại và hốt đất mà ém cho vững, đoạn bà con xúm nhau lấy chăn vải v.v... đắp phủ cho kín...
Về cách viết:
Về cách viết của Nguyễn Văn Sanh, chúng ta thấy các điểm chú ý sau:
1. Chịu ảnh hưởng của lối viết truyện Tàu cổ điển: Gần như là đến cuối mỗi triều đại hay một đời vua đáng chú ý, tác giả lại làm bài thơ Đường luật để ghi lại cảm nghĩ, phê phán của mình - thường là thơ tứ tuyệt:
Thí dụ như sau đoạn kể lại việc Ngô Quyền dựng nước, tác giả "Xin tặng một thi" như sau:
Ái quốc trung quân bực thánh hiền,
Cứu dân độ thế nọ Ngô Quyền
Ra oai trăm trận trừ Quân Chệc
Thẳng phép một phen diệt lão Tiền (6)
Quan lại chỉ truyền điều luật lệ
Nông phu thức giục nghiệp điền viên
Thiên thu những tưởng giang sơn vững
Nhứt khắc nào hay thế cuộc nghiêng.
Thí dụ khác: Khi Chế Bồng Nga áp đảo Thăng Long. Tác giả ghi lại cảnh vua tôi cùng khóc trước khi xuất quân như sau:
"Vua già Nghệ Tông thấy công việc ngày càng tệ, mới vời quan Trần Khắc Chơn (7), khuyên đem binh ra đánh dẹp lũ Xiêm Thành, quan ấy cực chẳng đã phải cúi vưng chịu, song hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng, vì thấy cơ đồ hư quá đỗi, trong nội nịnh thần, ngoài quân có quan Nguyễn Diệu phản quân, binh lính chẳng bao lăm, lương phạn thì cũng ít, nên quan tướng ấy lãnh mạng ra chiến trường song hai nàng châu lụy.
Vua già Nghệ Tông xem thấy tướng Trần Khắc Chơn sa nước mắt, thì cũng động lòng, bèn lại ôm quan ấy, cả hai ông đều khóc.
Than rằng: Cơ dinh đồ trận thấy mà rầu
Xuất chiến anh hùng lụy thấm bầu
Thần nịnh trong triều ai hại được?
Tôi toàn ngoài quân biết làm sao?
2. Có khả năng diễn giải một cách khoa học những huyền thoại hoặc một số sự việc loại dã sử.
Thí dụ như đoạn mở đầu cuốn sử, tác giả kể lại nguồn gốc nước ta như sau:
"Đời vua Đế Minh là cháu chắt vua Thần Nông, thống trị cả nước Tàu, khi già thì chia cho thái tử tên là Lộc Tục một phần lớn Qui Nam nước Tàu cho đến sông Dương Tử Giang. Dân bản thổ miền xứ ấy nước da vàng vàng đỏ đỏ, nên gọi là Xích Quỉ.
Thái Tử Lộc Tục lấy hiệu là Kinh Dương Vương mà cai trị miền Xích Quỉ ấy, và sau thì trối lại cho con là Lạc Long Quân.
Và ông Lạc Long Quân đã kết bạn cùng một nàng tiên nga tên là Âu Cơ, cực kỳ xinh đẹp mà cũng cực kỳ mị mộng, vì người dương thế được cưới làm vợ.
Ban đầu chia làm hai phe, gọi là Sơn Tinh và Thủy Tinh. Vậy cả Sơn Tinh và Thủy Tinh phần cõi nước Nam nước Tàu từ biển đến Dương Tử Giang làm một trăm phần, sử gọi là Bá Việt. Và trong trăm phần ấy, thì có một phần gọi là Giao Chỉ... Sau gọi là Văn Lang, rồi gọi là Nam Việt, sau hết gọi là Annam...
Trong mấy tướng (Sơn Tinh, Thủy Tinh) ấy thì ông Hồng Vương cai phần đất Giao Chỉ, mà bởi ông ấy giỏi và khôn ngoan, mở mang việc phong hỏa và văn minh trong nước, nên đời ấy gọi Giao Chỉ là triều Văn Lang, ấy gốc nhà Hồng trị nước Giao Chỉ là làm vậy...
Trong đời vua nhà Hồng trị Giao Chỉ, thì có một đời phải giặc giã rất dữ và rất kỳ. Số là có một nàng công chúa tên là Mị Nương dung nhan tài đức gồm đủ, những anh hùng phía Sơn Tinh và Thủy Tinh đưa nhau mà đi tới. Vua lưỡng lự chưa biết gả cho ai, vì thấy tên nào cũng hữu tài, sau hết một tên kia gọi là Tiển Giám về phía Sơn Tinh cướp được.
Các anh hùng phía Thủy Tinh tức giận, quyết báo thù Sơn Tinh, bèn hội nhau đem binh lên chiến đấu, mà bên Thủy Tinh phải thua vùng vỡ chạy...
Trong phần kế tiếp, tác giả chú giải thêm nguyên nhân trận chiến đó: Sự hậu hỗn điền thổ là vạn cổ chi thù, bởi cha nàng Mị Nương trước có chịu lời với Thủy Tinh sao đó, mà sau đó lại gả nàng ấy cho Tiên Giám là phía Sơn Tinh, nên bên kia tức giận thành ra oán hận và Sơn Tinh, Thủy Tinh chẳng qua là "Còn một trăm tướng giúp ông Lạc Long Quân, năm mươi ngữ phía đông, gọi là Thủy Tinh, năm mươi ngữ phía Tây gọi là Sơn Tinh" và Thục Phán sau này đánh bại An Dương Vương, chính là "con cháu phe Thủy Tinh nhớ cừu hận xưa, đem binh đánh phá nhà Hồng dữ lắm".
3. Có phê phán đứng trên quan điểm Thiên chúa giáo?
Cần phải nói rõ Nguyễn Văn Sanh viết sử một cách bình thường, không như tác giả sử ký Đại Nam Việt (Imprimerie de la Mission à Tân Định 1909 Saigon) mang nặng và rõ ràng quan điểm Thiên chúa giáo. Ở Nguyễn Văn Sanh, ảnh hưởng Thiên chúa giáo chỉ biểu hiện khi tác giả phê phán một nhân vật hay một triều đại thôi.
Thí dụ: Lý Thái Tông đánh thắng Chiêm Thành, giết được vua Chiêm là Sạ Đầu. Tác giả ghi như sau:
Bây giờ có một người chặt đầu vua Sạ Đầu, xách đem dâng cho vua Thái Tông (Phật Ma), vua thấy đầu kẻ nghịch, bèn động lòng sa nước mắt, và lên hiệu thâu binh, chẳng cho đuổi theo và chém giết quân giặc nữa, cùng dạy mai táng xác vua Sạ Đầu cho xứng đáng vị vương.
Ấy ta coi vua ngoại đạo này còn biết giữ lời DCG đã phán:
"Bay hãy yêu kẻ ghét bay và làm ơn cho kẻ làm khốn bay".
Thí dụ 2: Phê phán Lý Nhân Tông khi chết:
Bởi vua nhờ mẹ khôn ngoan và các quan văn võ trung chính, nên được danh tiếng vang lừng, thắng quên chệc ghe phen, bắt vua Xiêm Thành hàng năm tiến công v.v... lại sống lâu cai trị cũng lâu hơn các vua nhà Lý, thật quả như lời chúa phán: Mày hãy thảo kính cha mẹ, thì sẽ đặng sống lâu cùng an nhàn thạnh sự (Deult. V.16).
Nói chung ảnh hưởng Thiên chúa giáo không quan trọng lắm. Nếu ta bôi bỏ các lời phê phán đã nêu trên thì Annam sử truyện trở thành bình thường ngay.
4. Nguyễn Văn Sanh là một nhà kể sử có tài và quyến rũ vì vui vẻ:
Trong "Lời báo trước" mở đầu cho cuốn sử, tác giả đã viết: "Vốn dân nước nào cũng muốn biết sử truyện trong nước mình đặng kể lại cho con cháu nghe cho vui nên tôi lược chép sử truyện Annam cho ai nấy xem cho biết".
Tưởng đó chỉ là lời khiêm tốn thông thường của các tác giả, nhưng Nguyễn Văn Sanh làm thật và làm rất được. Chúng ta hãy coi vào đoạn tiêu biểu:
Thí dụ 1: Truyện Trọng Thủy - Mỵ Châu:
Thế thường lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, công chúa lớn khôn lầm lẫn, thấy Trọng Thủy là anh tài bèn đem lòng trăng gió, còn Trọng Thủy thấy Mỵ Châu hồng nhan, cũng có tình bướm ong, nhưng vậy, các hữu kỳ phận, ai ở lầu ấy chẳng hề lỗi chữ trung trinh.
Ngày kia Trọng Thủy gặp công chúa, thì khép nép tỏ lòng cung kính lắm, công chúa thấy vậy thì tỏ lòng thiết cốt, chuyện vãn lân la. Thừa dịp ấy Trọng Thủy hỏi thăm cái cung thiêng hữu của vua ra thế nào, và xin phép cho coi một chút...
Thí dụ 2: Việc Đinh Liễn giết em:
Số là ông Đinh Liễn đã có chức Nam Việt Vương của vua Đinh Tiên Hoàng ban, song thấy em là Hạng Long, vua cha cho chức Thái tử, sợ sau Tiên Hoàng có sấp lưng cưỡi hạc, em sẽ lên chức Hoàng đế chăng nên đã lén bỏ thuốc độc hại em nhắm mắt tầm tiên...
Thí dụ 3: Lý Nhân Tông và đạo Phật:
Khi Lê đế Long Đỉnh đang hưởng tiệc hoa mà phải qua đò Diêm phủ, thì có một đứa con còn nhỏ lắm, song các triều thần chẳng tôn, lại chọn một quan lớn kia tên là Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế hiệu là Lý Thái Tổ...
Vua Lý Thái Tổ có một người con trai tuổi còn nhỏ ham chơi cung chơi ná, cùng ham cưỡi ngựa lắm, bởi đó vua cha cứ theo tính nết con mà đặt tên là Phật Ma. Nhơn chữ Phật thì nhơn đứng một bên, còn một bên chữ cung và 2 số như 2 cái tên, còn chữ Ma thì Vương một bên, bên kia chữ Mã là ngựa. Ấy là tên vua cha đặt theo tính nết, còn thiệt tên trong bộ là Đức Chánh.
Mà thật kẻ có tên Phật Ma này sau kế vị thì nhờ cung tên và ngựa mà thắng quân nghịch nhiều trận cả thể có danh tiếng trong sử muôn đời, mà cũng vì hai chữ Phật Ma ấy mà sùng đạo Phật quá lắm, nên đã làm cho dân nước Annam nhiễm đạo Thích Ca.
Tạm kết:
ANNAM SỬ TRUYỆN, nếu được hoàn tất và in thành sách trước 1917, chắc chắn sẽ là một cuốn sử có vị trí cao trong sử học Việt Nam. Bởi vì riêng về mặt phổ biến, cuốn sử này rất dễ lôi cuốn quần chúng hơn bất cứ cuốn nào khác kể cả những cuốn sử được soạn sau này.
NAM VIỆT LƯỢC SỬ
của Nguyễn Văn Mai
Nhận xét:
Văn liệu hiện có là ấn bản in năm 1919 tại Saigon. Phần chính gồm 98 trang, phần phụ lục hơn 40 trang. Ấn bản hiện còn bị mất vài trang chót nên không có con số chính xác.
Trang bìa rất rườm rà, nhiều chi tiết. Từ trên xuống dưới, có những chữ sau:
4è mille (8) Giá 0đ75
(4 chữ Hán chỉ tên sách)
NAM VIỆT LƯỢC SỬ
Có đính thêm bản kể các đời Vua Annam đối với các đời Vua Tàu và Lang Sa.
HISTOIRE SOMMAIRE DE L'ANNAM
avec un tableau synchronique des
Souverains d'Annam, de Chine et de France
par
NGUYEN VAN MAI
Instituteur principal Professeur d'Annamite au Collège Chasseloup-Laubat (1). Tous droite reservée - En vente à la librairie J. Viêt - Saigon - Imprimerie et Librairie J. Viet 1919.
&~~SPECIAL_REMOVE!#~~lt;&~~SPECIAL_REMOVE!#~~lt;(1) Giáo viên chính - Giáo sư viết văn tại Trường Trung học Chasseloup-Laubat (nay là Lê Quí Đôn).&~~SPECIAL_REMOVE!#~~gt;&~~SPECIAL_REMOVE!#~~gt;
Lật bìa, trong trang 1, tác giả có ghi thêm một chi tiết bằng Pháp và Việt ngữ.
L'orthographe Quôc ngu adoptée dans cet ouvrage est conforme à celle des dictionnaires Génibrel et Paulus Của.
"Chữ Quốc ngữ trong sách này viết y theo 2 bổn tự điển Genibrel và Paulus Của.
Đến trang 3 là bìa trong, y như bìa ngoài, chỉ thêm một chi tiết là dưới tên tác giả, có ghi thêm "Officier d'Académie"
Nguyễn Văn Mai là một nhà giáo trong biên chế Nhà nước thời Pháp thuộc dạy ở trường Trung học chính của toàn cõi Nam Kỳ; Nam Việt lược sử là một cuốn Giáo khoa.
Cuối phần "Tiểu dẫn", tác giả viết: "Bổn sử tôi soạn ra đây dẫn giải tuy là đại lược, nhưng mà do theo chương trình mới về bậc sơ học thì cũng đủ cho con trẻ nhà Nam đọc lấy cho rõ cội rễ xứ mình. Những sự tích đem vào sách này, nhứt là từ nhà Nguyễn tới sau, đã có tra xét trước trong mấy cuốn sử chữ Tây". Đoạn văn này, cộng với tư cách giáo viên biên chế dạy tại trường trung học quan trọng nhất tại Nam Kỳ, chúng ta có thể thấy tầm ảnh hưởng của cuốn giáo khoa về sử Việt này của Nguyễn Văn Mai. Những sai lầm vô tình hoặc cố ý, những xuyên tạc lịch sử, nhất là lịch sử cận đại và hiện đại, có thể đã để dấu ấn nơi nhiều thế hệ học sinh.
- Trước khi bàn tới các sai lầm và xuyên tạc, chúng tôi cũng cần phải công bình ghi nhận là phần sử Việt Nam từ khởi thủy cho tới Nguyễn Ánh, tác giả đã theo khá đúng các tư liệu tiền nhân Việt Nam để lại. Mặc dù lối viết có khuyết điểm như không biết Trần Hưng Đạo là ai, trang bị cho học sinh kiến thức sơ bộ về sử như thế kể là được (xét hoàn cảnh năm 1920).
Cũng ghi nhận vài điểm đáng khen đặc biệt, thí dụ như Nguyễn Văn Mai đã cắt thời kỳ lệ thuộc Trung Quốc ra làm 4, căn cứ vào những thời gian người Việt lấy lại quyền tự chủ - dù là ngắn ngủi:
- Thuộc Trung Nguyên lần thứ 1 chấm dứt với Trưng Vương
- Thuộc Trung Nguyên lần thứ 2 chấm dứt với Sĩ Nhiếp
- Thuộc Trung Nguyên lần thứ 3 chấm dứt với Lý Bôn, Triệu Quang Phục
- Thuộc Trung Nguyên lần thứ 4 chấm dứt với Ngô Quyền
Với Trưng Vương, Lý Bôn, Triệu Quang Phục thì hậu sinh chúng ta cũng đồng ý thôi, nhưng còn Sĩ Nhiếp? Theo tác giả thì: "Nguyễn Sĩ Nhiếp là người Trung Quốc, mà tiền nhơn sang ở nước Nam lâu đời, nên đã thành người Nam". Vậy Sĩ Nhiếp có nhân dịp Trung Quốc có "Tam quốc chí" mà tách Việt Nam ra độc lập trong 40 năm, thì cũng phải kể tới ngang với Trưng Vương. Một quan niệm rộng rãi về chủng tộc và quốc tịch như thế là hợp lý. (Bây giờ người Việt Nam có thắc mắc gì đâu về các công dân Việt gốc Khmer, Radê, Hoa, Thái, Mường...).
- Đã công nhận Sĩ Nhiếp như là một người Việt - dù là Việt gốc Hoa - đương nhiên Nguyễn Văn Mai công nhận nhà Triệu như một triều đại Việt Nam. Nhà Triệu truyền được 4 đời vua thì bị diệt vì lý do tranh chấp giữa con lai và con thuần chủng rất đáng chú ý như sau:
Triệu Đà truyền ngôi cho cháu đích tôn (Phần mộ vị vua chúa này mới tìm thấy được ở Quảng Châu). Người cháu này cho trưởng nam Anh Tề sang làm con tin bên Triều Hán. Nguyễn Văn Mai ghi lại như sau:
"3. Triệu Minh Vương: (124-113 TGS) - Anh Tề lên ngôi, xưng hiệu là Triệu Minh Vương, trị nước đúng 11 năm. Lúc Anh Tề qua ở làm con tin bên Triều Hán, thì có cưới một người vợ Trung nguyên, tên là Cù Thị, sanh đặng một đứa con trai kêu là Hung. Anh Tề phong Cù Thị làm Hoàng hậu, Hung làm Thái tử, phế con của người vợ Annam khi trước làm cho đình thần bất bình.
4. Triệu Ai Vương (113-111 TCS) Hung lên nối nghiệp cha, xưng hiệu là Triệu Ai Vương, ở ngôi đặng ít lâu, kế nhà Hán sai sứ qua đòi vua và Hoàng Thái hậu là Cù Thị về triều bái Hoàng đế. Hai mẹ con hầu ngự giá thì trong bọn đình thần có ông Lữ Gia nói rằng: Vua và Hoàng Thái hậu âm mưu mãi quốc, bèn khiến dân dậy lên, bắt giết cả hai người, rồi tôn con người vợ Annam lên ngôi, hiệu là Thuật Dương Vương.
5. Thuật Dương Vương (111 TCS) - Vua này ở ngôi chưa đầy một năm, kế bên triều Hán, vua Hiếu võ đế cử binh qua lấy nước mà sát nhập về Trung nguyên. Anh Tề đã lai Việt chưa thì chưa rõ. Nhưng con của Anh Tề với người vợ Việt thì dứt khoát là Minh Vương, và quyết định phế bỏ đứa con lai này của Anh Tề đã đưa đến kết quả gia đình tan nát và nước Nam Việt mất. Sự kiện này xảy ra từ hơn 21 thế kỷ trước, nhưng điều đáng chú ý là năm 1983, nhà văn Sơn Nam đã ghi nhận thế này về cộng đồng Hoa ở miền Nam:
"Đáng lưu ý, từ xưa cho đến nay, đại đa số người Hoa di cư sang Saigon hoặc Nam Bộ đều là đàn ông, con trai. Đàn bà, con gái chỉ là số quá ít. Vì vậy, họ bắt buộc phải lấy vợ Việt Nam, khi nào giàu sang, họ mới rước người vợ từ bên Tàu sang, xem cô này là vợ cả, còn vợ Việt Nam là vợ tạm bợ, là vợ thứ. Bởi vậy, đám "con Tàu lai Việt" thường bất mãn với cha trong việc chia gia tài, đối xử hàng ngày".
(Tập chuyên đề ronéo của Viện Nghệ thuật Bộ Văn hóa: Văn nghệ truyền thống và dân gian đồng bằng sông Cửu Long, trang 102).
- Những điều đáng chê trách tác giả Nam Việt lược sử nằm ở phần sau cuốn sử, khi Nguyễn Ánh xuất hiện trên phần đất miền Nam. Tác giả đứng về phía Nguyễn Ánh, điều đó dễ hiểu vì phong trào Tây Sơn nếu có làm những điều tốt đẹp cho dân nghèo trong thời kỳ đầu, thì dân Nam Kỳ không được biết và cũng không được hưởng. Chọn phe Nguyễn Ánh, dĩ nhiên Tây Sơn phải là "giặc", là "ngụy triều" cũng như sau này với triều đình Minh Mạng thì Lê Văn Khôi là "giặc" là "ngụy" vậy.
Nhưng nếu vấn đề "chính thống" với "ngụy triều" này có thể thông qua tương đối dễ thì có những vấn đề khác khó chấp nhận.
I. VẤN ĐỀ XIÊM MANG QUÂN SANG GIÚP NGUYỄN ÁNH
Năm 939, Ngô Quyền đánh bại quân Tàu ở sông Bạch Đằng, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt. Kể từ đó về sau, ở phần Đông Nam lục địa châu Á, chỉ có ba dân tộc mạnh:
1. Việt
2. Chiêm Thành
3. Thái Lan
4. Giữa Việt và Thái có Lào làm vùng đệm nên trong nhiều thế kỉ không có va chạm. Nhưng giữa Việt và Chiêm là một cuộc chiến tranh một sống một chết. Dân Việt mạnh hơn, lấn dần đất Chiêm. Trong nhiều thế kỷ, việc đẩy lui Chiêm xuống phía Nam này cũng không gây va chạm giữa Việt và Thái vì nhờ dãy Trường Sơn ngăn cách hai bên. Nhưng ngay khi chúa Nguyễn dứt điểm Vương quốc Chiêm, tiến vào địa phận Vương quốc Khmer, thì đụng độ xảy ra liền. Lý do đầu tiên và cụ thể là tới lúc đó tộc Thái mạnh hơn tộc Khmer, vương triều Thái kể như bảo hộ vương triều Khmer. Nay vương triều Nguyễn tìm đủ cách đưa dân vào khu vực Đồng Nai rồi lưu vực Cửu Long, tìm cách đẩy ảnh hưởng Thái sang phía Tây thì dĩ nhiên Thái không chịu. Trước khi Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh sinh ra đời, Thái và Việt đã đánh nhau thiếu gì trận lớn nhỏ. Dĩ nhiên phần thắng ngả về phía Vương triều Nguyễn: nước Việt mở rộng tới Cà Mau, Hà Tiên.
Cuộc tranh chấp giữa Thái và Việt tới đây chỉ chuyển giai đoạn thôi. Phía Thái, ngoài lý do kinh tế, còn lý do muốn duy trì một nước Cao Miên thân Thái làm vùng đệm. Phía Việt, do nhu cầu bảo vệ phần đất mới phía Nam, cũng đòi hỏi phải có một Cao Miên thân Việt. Chính bởi thế, Nguyễn Ánh nhờ Đỗ Thành Nhơn và đạo binh Đông Sơn của tướng này mới chiếm được miền Nam lần đầu tiên, đã vội vàng tung quân sang Cao Miên đẩy lui ảnh hưởng Thái rồi để lại một quan bảo hộ cùng một đạo quân để duy trì một vua Cao Miên thân Việt. Khi Nguyễn Huệ mang quân vào đánh bật Nguyễn Ánh ra hải đảo, Nguyễn Huệ cũng cho quan quân Tây Sơn sang bảo hộ Cao Miên thay cho quan quân của Nguyễn Ánh.
Khi Nguyễn Huệ mang đại binh rút về Trung, chỉ để một đạo quân khiêm tốn ở miền Nam, vương triều Thái xuất quân đánh xuyên Cao Miên xuống đồng bằng Cửu Long, mục đích chính không phải là chiếm miền Nam, điều mà họ biết sức không làm nổi, mà là để mặc cả quyền bảo hộ Cao Miên với Tây Sơn. Nguyễn Huệ đánh trận Rạch Gầm nổi danh, diệt tan đạo quân Thái xâm lăng làm vương triều Thái ớn quân Việt đến một thế hệ. Trong thời gian Nguyễn Ánh tị nạn ở Thái Lan, vua Xiêm cũng không đối xử tử tế gì và nếu Nguyễn Ánh và đám cận thần có hiện diện trong đạo quân xâm lược ấy thì cũng không có quyền hành gì, chẳng qua vua Xiêm muốn lợi dụng Nguyễn Ánh để chia rẽ dân Việt thôi. Và sau này, khi các tướng phụ tá đã tạo dựng được cơ sở mới ở miền Nam, Nguyễn Ánh đã phải trốn khỏi Bangkok một cách khá vất vả. Bởi thế có thể nói Nguyễn Văn Mai đã không đúng khi viết đoạn này:
"Vua Xiêm tên là Chatri lúc trước có mang ơn Nguyễn Ánh bèn giúp binh và chiến thuyền. Năm 1786, Nguyễn Ánh đánh lấy đặng ít chỗ rồi cũng bị thua mà trở về Bangkok, mất hết một tên danh tướng là Châu Văn Tiếp. Từ ấy, chúa tôi ở nước Xiêm lo mộ binh, đóng tàu chờ ngày khôi phục (trang 59).
Cũng ghi thêm là dưới triều Minh Mạng, lợi dụng có vụ khởi nghĩa của Lê Văn Khôi ở Gia Định, vương triều Thái đã tung 5 đạo quân tấn công Việt Nam trong đó 3 đạo chủ lực đánh vào miền Nam. Danh tướng thời đó là Trương Minh Giảng đã mất hơn một năm vất vả cam go mới bẻ gãy được mũi dùi xâm lăng, rồi đẩy quân Xiêm về nước. Sau đó, Trương Minh Giảng đã toan xóa Cao Miên khỏi bản đồ thế giới, biến nước này thành phủ huyện Việt Nam, mà không thành công. Ngôi vua Cao Miên được lập lại - dĩ nhiên là vua thân Việt.
Cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng tại Cao Miên chỉ tạm gián đoạn trong thời kỳ Pháp thuộc, và bùng nổ lại ngay sau 1954, khi chế độ cũ được thành lập ở miền Nam.
II. VẤN ĐỀ PHÁP GIÚP NGUYỄN ÁNH
Tất cả sử Việt cũng như sách sử Pháp đều ghi giống nhau là hiệp ước Versailles không được triều đình Pháp thực hiện vì lý do nội bộ phía Pháp. Không lẽ trở về tay không, Bá Đa Lộc dùng khả năng riêng chiêu mộ một số thanh niên Pháp thuộc loại phiêu lưu mạo hiểm, có khả năng về quân sự - đa số xuất thân từ Hải quân Pháp nên tên tuổi của họ còn lưu trữ trong thư khố Pháp. Sách Pháp - như cuốn của Chneider còn ghi rõ được ai xin hủy bỏ hợp đồng phục vụ, ai là đào ngũ nữa. Số người Pháp này trước sau không quá 20 người, và chỉ đến miền Nam sau khi Nguyễn Ánh nhờ Võ Tánh mang đạo quân riêng về hợp tác, đã chiếm lại được Nam Kỳ, lần này dứt khoát vì sau đó Tây Sơn lui về thế thủ, không tiến nổi vào miền Nam nữa.
Chúng tôi không phủ nhận sự đóng góp của nhóm người Pháp về mặt đã giúp Nguyễn Ánh canh tân quân đội, nhất là về hải quân, hiện đại hóa kỹ thuật đóng tàu và xây cất thành lũy. Đó là sự đóng góp chủ yếu về khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật quân sự. Sự đóng góp của họ, đáng kể nhứt là Vannier, Olivier, Barisy... đều đặt trên cơ sở hợp đồng tự nguyện, giữa cá nhân họ với Nguyễn Ánh. Tư liệu phía Pháp cũng như Việt đều xác nhận những người này không được triều đình, nhà nước Pháp trao một sứ mệnh, một nhiệm vụ nào cả ở Việt Nam.
Vậy mà tác giả Nguyễn Văn Mai đã mập mờ, xuyên tạc sự kiện để tạo ra huyền thoại là nước Pháp đã viện binh cho Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn. Ở trang 60, ông đã đặt tên một mục như thế này:
"III. Nguyễn Ánh thâu Gia Định
Binh Pháp tới Nam Kỳ"
Trong mục này, ông viết:
"Năm 1789, Đức Cha D"Adran viện đặng binh Lang Sa, trở qua Saigon, có đem súng đồng, khí giới cùng thuốc đạn. Các quan Lang Sa theo Đức Cha sang giúp vận nhà Nguyễn: ông Chaigneau, Vannier, De Forcant, Dayot, Olivier, Le Brun, Despiaux đều là người trí dõng, mưu lược".
III. THÁI ĐỘ CAM CHỊU LÀM TAY SAI CHO THỰC DÂN PHÁP
Tác giả viết NAM VIỆT LƯỢC SỬ năm 1919, lúc đó nước Pháp đã chiến thắng Đức ở Âu Châu, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam mạnh hơn bao giờ hết. Áp lực và ràng buộc với những người viết dĩ nhiên không phải là nhỏ. Nhưng chắc Thống đốc Nam Kỳ không đòi hỏi Nguyễn Văn Mai phải gọi những người kháng chiến chống xâm lăng Pháp thế kỷ 19 là "giặc", là "khởi loạn". Thí dụ như đoạn sau, ở trang 76;
"VII. Khởi loạn (1861-1864): Lúc thất đồn Chí Hỏa rồi, binh Annam rút qua Biên Hỏa, thì quan tướng soái là Nguyễn Bá Nghi có sai người đem thơ cho quan thủy sư Charner mà xin nghị hỏa. Việc tính chưa xong thì nhiều nơi đã khởi loạn khiến cho dân chúng phải khốn khó. Những tướng sĩ thất trận trở về làng, kẻ thì xung chánh cơ, phó vệ, kẻ thì xưng soái, phụng chỉ vua Tự Đức mà đi mộ binh chống với Lang Sa, khi thì bắt người, khi thì đoạt của, làm cho bá tánh náo động.
Mỹ Tho thì Phủ Cận, Thiên Hộ Dương tụ đảng phá đồn Lang Sa. Phủ Cận bị bắt, bị chết treo, Gò Công thì huyện Toại và Quản Định chiêu tụ tân binh nơi Đầm Tháp Mười, rồi kéo xuống lấy tỉnh, thành. Huyện Toại bị một mũi súng mà vong mạng, còn Quản Định thoát khỏi, sau bị quan lãnh binh Tấn bắt đặng (20 Aouât 1864)".
Trong phần phụ lục, Nguyễn Văn Mai còn biểu lộ thái độ tay sai rõ nét bằng cách lập ra hai danh sách công thần, một Việt, một Pháp. Danh sách "công thần Annam" gồm 29 người, liệt kê lộn xộn thời đại, thời gian: Châu Văn An, Ngô Tùng Châu, Mạc Đỉnh Chi, Trần Hưng Đạo, La Phước Điền, Lê Quí Đôn, Vũ Công Duệ, Lê Văn Duyệt... tận cùng bằng Lương Thế Vinh và Lê Xí. Trong danh sách này có hai người không hiểu lập công gì: Đặng Ma La, Trang Nguyên đòi Trần Thái Tông và Đặng Đình Trường, Thái phó đời Lê Huyền Tông.
Nhưng dù lộn xộn, tiêu chuẩn không phân minh vẫn còn chấp nhận được. Nhưng sang tới danh sách "Công thần Lang Sa" thì thật không thể chấp nhận được. Danh sách gồm 78 người, đa số là các văn võ quan Pháp đã tham gia cuộc xâm lăng Việt Nam từ lúc đầu tới chót. Từ Courbet, Chasseloup-Laubat, Garnier... tới Doudar de Lagrée, Hamelin. Lại còn thêm tên 4 tàu chiến Pháp đã có công bắn phá thành trì, hải quân Việt nữa: Avalanche, Catinat, Némésis, Primauguet.
Đối với chính quyền thuộc địa Pháp thì những người ấy có công... với Pháp trong việc xâm chiếm Việt Nam. Nhưng trong danh sách này lại có tên các giám mục Thiên chúa giáo nữa Pigneau de Béhaine có tên đã đành mà còn có 4 giám mục địa phần Nam Kỳ: Lefèbre, Miche, Pellerin, Schier và dĩ nhiên cả Taberd cũng có tên nữa.
Bài "tổng luận" ở cuối sách, tác giả không có "luận" gì cả, chỉ dùng để biểu dương công trạng thực dân Pháp về mọi mặt: từ giáo dục tới nông, thương, kỹ nghệ "Tổng luận" chấm dứt bằng đoạn sau:
"VIII. Phải kính, phải phục:
Phải kính nước Đại Pháp như kế mẫu của ta, phải phục người Đại Pháp là thầy ta vậy. Có thầy ta mới làm nên, có thầy ta mới hưởng đặng thái bình như vầy. Mới hơn vài mươi năm mà sáng tạo nên cuộc đồ sộ này cũng nhờ có tay thầy.
Nhà nghèo mới hay con thảo, có giặc Âu Châu thấy mới rõ lòng trò, kẻ giúp công người giúp của, ít nhiều cũng tỏ dạ trung thành, ơn giáo dục đền bồi xin một thuở. Nay đã trừ an dục quốc, chẳng còn khuấy rối đồng minh, bốn phương ca chữ thái bình, chúc Pháp Việt muôn năm thánh trị".
Chỉ riêng với đoạn kết thôi, cuốn Nam Việt lược sử và cả tác giả Nguyễn Văn Mai, đều đáng để chôn vùi trong bụi thời gian của quá khứ và lịch sử. Nhưng hậu quả của nó đối với người đương thời hẳn là tai hại. Ngày nay đọc cuốn lược sử này chúng ta mới hiểu được ác cảm đối với Gia Long và Thiên chúa giáo trong tâm trí những thế hệ đã học ở trường dạy cho họ phải biết ơn những kẻ xâm lược và tiếp tay những kẻ xâm lược đất nước của họ, tuy sự thực lại phức tạp và tế nhị đòi hỏi những phân biệt, đánh giá thận trọng... Nhưng đối với người đương thời, làm sao nhận diện được và tố cáo sự nhập nhằng của lối nhìn thực dân kéo về phe mình tất cả những người không hoàn toàn ăn cánh với mình hoặc do mình điều động: chẳng hạn những người Pháp giúp Nguyễn Ánh lúc ban đầu, tuy có người là sĩ quan, binh lính bộ hải quân, nhưng đã đào ngũ, hoặc giải ngũ, chấm dứt hợp đồng với nhà nước và tình nguyện phục vụ cho Nguyễn Ánh, được Nguyễn Ánh đặt tên Việt, phong chức tước Việt thì nếu họ có công, là có công với Nguyễn Ánh mà thôi.
TÍCH QUAN "TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT"
Của PIERRE (ANNAM)
Nhận xét:
Tích quan "Tả quân Lê Văn Duyệt" chưa in thành sách, mới chỉ đăng trên tuần báo Nam Kỳ địa phận (Imprimerie de la Mission, Saigon - Tân Định) số 154, 7 Décembre 1911, số 157, 28 Décembre 1911 và số 158, 4 Janvier 1912.
Tên tác giả đề là Pierre (Annam), tên thực là gì chưa rõ.
Bài văn mở đầu bằng đoạn sau:
"Phàm lương giáo giai hệ triều đình xích tử, là ai nấy đều hết thảy đều làm hơn nhà nước. Ai đáng khen và có danh tiếng trong Annam thì chẳng nên bỏ qua, miễn là đằng ấy là người thanh liêm, trung thần, chánh trực. Vậy quan tả quân Lê Văn Duyệt nhiều kẻ đã nghe danh tiếng đều là quan ngoại, song là người ăn ở công bình, cùng phò vua vực nước có công, tôi nghĩ chẳng nên làm thinh mà bỏ qua sự tích người.
Phát biểu quan điểm chung như vậy thì không có gì đáng bàn. Nhưng trên thực tế, tờ Nam Kỳ địa phận ít nhắc tới danh nhân nào của Việt Nam một cách trịnh trọng và đầy đủ như Lê Văn Duyệt - trong khi xét về phương diện dân tộc và quan niệm danh nhân lịch sử thông dụng, Lê Văn Duyệt chưa hẳn đã được coi là danh nhân, ông chỉ có công lớn với triều đại Nguyễn Gia Long thôi, còn dân và nước Việt nói chung, ông chỉ được phục như một tướng giỏi và một quan đại thần chính trực, thanh liêm. Bởi thế nếu tác giả Pierre (Annam) và tờ Nam Kỳ địa phận có đề cao ông chủ yếu tại ông Lê Văn Duyệt trước sau lúc nào cũng theo chủ trương để TCG tự do truyền bá và tồn tại ở Việt Nam.
Tác giả Pierre (Annam) có kể lại hai sự kiện nổi bật sau:
1. Khi ông Tả quân vào Đồng Nai, vua liền ra chỉ bắt đạo, người tông sắc ra các tỉnh, các làng, dạy phải bắt người có đạo. Trong việc này ta thấy đặng người có đạo nhờ ông Tả quân là thế nào? Vì vừa khi người đặng sắc chỉ vua cấm các đấng giảng đạo qua Annam, thì người ấy xé chỉ ấy ra mà rằng:
- Chớ thì miệng ta còn đang nhai cơm Đức thầy Vêrô, mà dám bắt những kẻ theo người sao? Hẳn thật ta còn sống bao lâu, thì chẳng hề chịu sự ấy, khi ta chết đoạn vua muốn gì thì làm.
Về sự kiện này Trương Vĩnh Ký cũng có ghi lại trong Cours d'histoire Annamite, nhưng hơi khác một chút. Sắc chỉ Lê Văn Duyệt xé đây không phải chỉ "cấm các đấng giảng đạo qua Annam" như Pierre (Annam) đã ghi, mà là cấm đạo luôn (đóng cửa và phá hủy nhà thờ) và cũng cấm chung người Tây phương nhập nội.
2. Năm 1827 vua ra chỉ bắt Tây dương đạo trưởng giải về Huế, cho đặng làm thông ngôn. Đức thầy và các cha Đàng Ngoài sợ mưu, thì chẳng dám ra mặt. Còn Đàng Trong bởi nghe lời ông Tả quân quyết hẳn chẳng can gì, nên có ba cha Tây ra mặt đến Huế (tưởng khi ấy có Đức cha Lefèbre). Khi các cha đến Huế, thì phải bị giam lỏng, chẳng đặng thong thả như lời ông Tả quân đã nói. Khi ông Tả quân nghe vậy thì tức mình quá, người liền ra Huế đến Kinh đô, vào tâu vua Minh Mạng xin đừng có bắt bớ các cha, là kẻ thay mặt đức thầy Vêrô. Người cãi với vua, và nhắc lại các ơn Đức Thầy đã làm cho nhà Nguyễn, và nói dầu thế nào vua cũng phải tha ba cha ra. Vua ép tình sợ ông Tả quân, nên đã tha cho ba cha trở về Đồng Nai.
Có một điểm đáng chú ý là trong bản án kết tội Lê Văn Duyệt sau vụ Lê Văn Khôi nổi dậy (Trần Trọng Kim q.11 trang 212, 213, 214), Minh Mạng và triều đình không đả động xa gần gì đến sự kiện Lê Văn Duyệt đã bênh vực Thiên chúa giáo đến cùng, trong khi lôi ra mọi thứ chuyện không đáng gì để qui tội. Đây cũng là một vấn đề cần tìm hiểu.
Pierre (Annam) cho chúng ta biết chi tiết sau đây về lý lịch Lê Văn Duyệt:
1. "Người sinh ra cuối đời thứ 18, cha mẹ gia sư tầm thường vừa đủ ăn, ở chốn núi rừng làm ruộng nương rẫy bái, hay đi săn bắn trên rừng kiếm thịt độ khẩu". Đời sống như vậy thì khó lòng có mục Lê Văn Duyệt được đi học. Tác giả Pierre cũng cho ta rõ là Nguyễn Ánh thua trận chạy vào rừng, tá túc ở nhà Lê Văn Duyệt, do đó thu dụng đương sự.
2. "Trong lúc Đức Thầy Vêrô đi cầu cứu nước Lang Sa qua cứu nước Annam, thì cũng có người đi theo Đức Thầy". Như vậy Lê Văn Duyệt đã sống ở Pháp một thời gian khá dài, hiểu rõ trình độ văn hóa khoa học của Tây phương một cách cụ thể, mắt thấy tai nghe.
Từ hai chi tiết này, có thể tạm suy diễn thế này:
Vì ít học nên Lê Văn Duyệt tin tưởng tối đa ở tư duy, chủ nghĩa của người lãnh tụ mình đã theo là Nguyễn Ánh, một tin tưởng được củng cố về những liên quan tới Tây phương, từ khoa học kỹ thuật tới tôn giáo bằng những năm sống ở phương Tây.
Trong 18 năm làm Tổng trấn miền Gia Định, có thể nói Lê Văn Duyệt đã duy trì đường lối của Nguyễn Ánh, cho dân hưởng tự do tín ngưỡng và duy trì cánh cửa mở với Tây phương. Một đường lối ngược lại khuynh hướng của Minh Mạng và đám quan lại bảo thủ đang muốn bế quan tỏa cảng ngoảnh về phương Bắc xưng thần (ít ra cũng là "thần" về phương diện tư duy, ý thức hệ).
Lê Văn Duyệt chết đi, Lê Văn Khôi thất bại: Phe Minh Mạng thắng, bế quan tỏa cảng mọi mặt - trả giả sự sai lầm của mình - bằng việc mất nước vào tay Pháp.
Một nhận xét nữa là lịch sử lắm lúc mỉa mai: Tướng lãnh và phụ tá ít học nhất là Lê Văn Duyệt lại được đưa vào vị trí chủ trương duy trì một đường lối chính trị văn hóa mở rộng - trong khi phe bảo thủ lại đứng đầu bởi một ông vua nổi tiếng văn hay chữ tốt là Minh Mạng.
GHI VỀ LÊ VĂN DUYỆT
Ông Lê Văn Duyệt rất hay, Phiên An tọa trấn sửa xây kim thành
Ngài là tứ khí chung linh, xuất thân thái giám tài danh phi thường.
Phó thang tạo hỏa chiến trường, dự trăm trận đánh trải đường binh nhung.
Giải dầu biết mấy lao công, Phò an chơn mạng Gia Long thái bình.
Khi ra kinh lược Nghệ Thanh, Vổ quân cừ thủ tặc danh ra đầu.
Thường khôi trí nhiệm sức mầu, xin vua xá tội uổng âu tài lành.
Khôi theo Lê công qui trình, khởi nơi Quản Nghĩa tới thành Qui Nhơn.
Ghéo vào tháp - cảnh Tiên sơn, thăm ông Võ Tánh nguồn con một hà.
Cảm xưa sự tích ngậm ngùi, dạy Khôi kịp vịnh một bài thất ngôn.
Khôi vưng lịnh quan lớn làm bài thơ.
Kinh quá Qui Nhơn cựu thành hữu cảm
Kinh quá Qui Nhơn cổ thành
Đế vương sự nghiệp kỷ thời luân.
Nhật lũy phong sương lịch hiếu hon.
Ca quản lâu đài hòa cự lũng
Tấm thân đình viện thác tang thôn
Cổ khư linh lạc anh hùng phách
Cựu trưng thế lương chiến sĩ hờn
Đa thiểu phần hoa vận cộng khứ
Duy dư tiên tháp lảo càn khôn
Lê Khôi phụng tác
Thơ rồi đứng trước trướng môn, Lê ông khen ngợi khép khôn lược dồng.
Trảo nha huy hạ rất đông. Khôi thường hầu đứa trướng trung luận đàm
Nhân Thìn Minh Mạng thập tam, Lê công bịnh cố nổi Nam trấn thành.
Xuân Nguyên bối chánh Định Thành, ghét người lương đống tệ tình bày ra.
Đòi lũ Khôi tới hỏi tra, Duyệt kia Duyệt nọ quở la vâng rền
Khôi liền tức giận nổi lên, xót tình chủ tớ hóa nên tang tành
Nhóm quân từ phạm lấy thành, ba năm chiếm cứ tung hoành một nơi.
Ơn vua phép nước tày trời, Ngổi thầy tình tớ lung vơi khôn tròn.
Làm trai đứng giữa sông non, ruồi lâm nghịch cảnh mật còn kể chi
Người nơi chín suối trọn nghì, ta mang tiếng ngụy cũng thì lòng cam
Sóng kình xao dợn biển Nam, đánh liều sức mọn mà dàm tự cường
Chuyện đà cách mấy năm trường, sáng hà đồ sộ tang thương đổi dời
Thạnh suy đã cách cuộc đời, Lê Công trung liệt gan phơi đến giờ
Nay còn mả với nhà thờ, tục kêu lăng miếu cõi bờ khuôn viên
Ơn nhờ nhà nước ban tiền, tu bồi miếu mộ phía tiền sắc song
Ông Huỳnh Cao Khải có công, cúng làm một chỗ Lê Công bia đình
Thật là trọng nghĩa hận tình, tổn hao đồng bạc ước đành bảy trăm
Há rằng công cán bao lăm, mà nên dâu tốt muôn năm tỏ tường
Người phiên ấp, tên Mộng Dương, Nam Kỳ kính quá vào chuồng miễu môn
Đề bài thi, hãy lưu tồn, lược xem văn ý khéo thôn diệu hòa.
Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên phong, Nhà in Phát Toán - Imprimerie 1909
LÊ VĂN DUYỆT
Việt Nam Trung hung công thần, Vọng các công thần
Chưởng Tả quân, Bình Tây tướng quân
Quận công Gia Định thành, Tổng trấn.
Gia Định - Đặng Thúc Liêng dịch thuật, in lần thứ nhứt, Octobre 1934, Saigon, Imprimerie Bảo Tồn, 175 Bd. de la Somme. Trên trang bìa trước có ảnh miếu thờ và mộ ở Gia Định. Trang bìa sau có in: "Sách này để tại nhà hội Miểu quan lớn thượng ở Bà Chiểu và nhà của Đặng Thúc Liêng coi mạch, trị bệnh ở đường Lagrandière No 288 Chợ Mới Saigon.
Chúng tôi không rõ Đặng Thúc Liêng biên soạn hay dịch thuật tài liệu nào, của ai vì không ghi chú gì cả. Tập sách gồm 28 trang có lẽ chỉ nhằm phác họa những nét lớn cuộc đời, sự nghiệp của Lê Văn Duyệt, nên nhiều chi tiết đã bị bỏ qua. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là quan điểm nhìn của Đặng Thúc Liêng: chỉ nêu những nét lớn, nhưng là những nét thuận mà thôi. Những nét nghịch, chẳng hạn những mâu thuẫn, đối chọi giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt đều bị Đặng Thúc Liêng bỏ qua đi không hề nhắc đến, làm cho người đọc có cảm tưởng Lê Văn Duyệt là công thần phục vụ trọn bề, thuận hòa với cả hai triều vua: Gia Long và Minh Mạng. Ngoài ra Đặng Thúc Liêng cũng chú ý nhấn mạnh vào sự nghiệp cai trị của Lê Văn Duyệt hơn là vào binh nghiệm.
Đó là mấy cảm tưởng chung, nổi bật sau khi đọc sách của Đặng Thúc Liêng. Sau đây chúng tôi lược tóm ghi những điểm chính theo phân đoạn tập sách:
Trung hung võ công đệ nhứt:
Nhắc lại những trận đánh nhau với Tây Sơn mà Lê Văn Duyệt đã tham dự từ 1783 đến 1801, trận thủy chiến ở Cù Mông đại thắng mặc dù binh nhà Nguyễn chết nhiều: "Người ta gọi trận đó là trận khó khăn hơn hết, lớn lao hơn hết. Trong lúc phục quốc người người đều xưng là Trung Hung võ công đệ nhất.
Thâu phục Phú Xuân (Huế) Kinh:
Duyệt và Chất đánh chiếm được Phú Xuân, rồi lại đem binh vào cứu viện Bình Định. Đặng Thúc Liêng ghi chú tác phong của Duyệt: "Phàm binh tướng có hơi lùi bước một chút, thời lấy luật nhà binh mà trừng trị rất nghiêm, chẳng hề dung tha. Mỗi khi thắng trận, thời Duyệt giết sạch bọn giặc, nói rằng: Đó là ta làm lễ tống tướng công vậy. Vua thấy vậy sợ Duyệt nóng nảy giết người thái quá, cho nên thường xuống dụ khuyên răn không cho vậy".
Thâu phục tỉnh Bình Định (1802)
Thâu phục Bắc Kỳ:
Tuy vậy Duyệt không phải là người khát máu. Có lẽ chỉ giết người trong men chiến thắng. Nhưng trước khi hành quân, thường lại chú ý đến những nguyên nhân chính trị và do đó đề ra giải pháp chính trị hơn là quân sự, như khi nhận lịnh đi dẹp giặc mọi ở biên thùy (1807-1808) Duyệt cho người điều tra, thấy nguyên nhân nổi loạn là quan lại tham nhũng hà khắc (Lê Quốc Huy) Duyệt tâu xin chém đầu và do đó, giặc mọi thôi không nổi loạn nữa. Trị quân rất nghiêm, nhưng vẫn biết thương lính. Hai lần Gia Long ra lịnh cho quân đập kinh thành (1803-1804) Lê Văn Duyệt đều can ngăn.
Xử trí Xiêm La, Chơn Lạp:
Cách xử trí đối ngoại dùng Chơn Lạp ngăn chặn Xiêm La để bảo vệ an ninh biên giới phía Tây cho thấy Lê Văn Duyệt cũng là một nhà chiến lược hiểu biết những điều kiện địa lý chính trị của vùng mình cai trị. Đối nội, dùng chính sách tự quản, và chiêu hồi để diệt trừ nạn trộm cướp, đem lại an ninh cho dân chúng. Tuy nhiên trong phần này Đặng Thúc Liêng tả kỹ những tranh chấp nội bộ giữa những kẻ cầm quyền (Duyệt, Thành) đưa tới những âm mưu ám hại nhau, những thanh toán nội bộ như thường thấy xảy ra trong bất cứ chính quyền nào ở thời bình.
Lúc làm tôi vua Minh Mạng:
Đặng Thúc Liêng không nhắc tới vụ Duyệt phản đối Gia Long chọn Hoàng tử Đảm lên kế vị; vụ xử tử Hoàng Công Lý, cũng không cho thấy phản ứng gì của Minh Mạng; Trái lại Đặng Thúc Liêng nêu lên những cử chỉ Minh Mạng tỏ ra rất trọng vọng Duyệt, hoặc gia đình, họ hàng Duyệt (tặng thưởng tiền bạc, phong chức tước) và chỉ nhắc qua vụ Lê Văn Khôi. Để đề cao Duyệt, Đặng Thúc Liêng ghi lại câu nói của Duyệt với tướng sĩ: "Một ngày kia ta sẽ đánh Tàu mà lấy tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây đem lại phong cương của Việt Nam trở về như cũ". Rủi thay, trời mỏi lòng thương, không sao khoái ý được".
Sau cùng có một phụ ký, ghi lại những giai thoại thần kỳ vẫn được truyền tụng về Lê Văn Duyệt:
LÊ VĂN DUYỆT - LÊ VĂN KHÔI, DƯỚI CON MẮT CỦA NGƯỜI MIỀN NAM
Từ trước đến nay, hai nhân vật này nhất là Lê Văn Duyệt đã được bàn tới nhiều. Nhưng dù có bất đồng thế nào thì các văn bản đã công bố trên sách vở lại có một điểm chung là đa số đều xuất phát từ người miền Bắc và Trung. Dưới đây, chúng tôi trình bày cái nhìn của những đồng hương với Lê Văn Duyệt:
Lê Văn Duyệt theo Trương Vĩnh Ký:
Trương Vĩnh Ký kể như người gần đồng thời với Lê Văn Duyệt. Khoảng năm 1885, ông có đọc một bài thuyết trình về đạo lý và lịch sử Saigon cùng các vùng phụ cận tại trường Thông ngôn Saigon (Collège des Interprètes), nhan đề là: Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs. Bài này được đăng trên văn liệu chúng tôi hiện có là tập kỷ yếu "Excursions et Reconnaissances" số 23 Mai-Juin 1885 de Imprimerie coloniale Saigon xuất bản 1885.
Trương Vĩnh Ký đã ghi nhận như sau:
"Bây giờ đến thời đại của vị thái giám đã cư ngụ nơi Saigon cũ này, và chúng ta sẽ theo dõi nhân vật này cho tới khi chết. Lê Văn Duyệt, thời đó gọi là "Ông lớn Thượng", đã cai trị một cách thanh bình xứ sở này dưới triều Gia Long và phần đầu triều đại Minh Mạng, dù rằng thỉnh thoảng ông lại phải xuất quân chống lại các cuộc nổi dậy của dân Cao Miên. Đối với dân Cao Miên ông là một hung thần - nhưng đối với dân Việt Nam, ông là một ông quan cai trị tốt, công bình, cương quyết và đôi khi không thể lay chuyển nổi (9) được cử làm Kinh lược với quyền hành đặc biệt, bất khả xâm phạm, ông được quyền tiền trảm hậu tấu. Nhờ quyền này, ông đã thành công trong việc bình định xứ sở.
Chúng ta đã xét qua sự nghiệp hành chánh cai trị của ông, nhưng không đi sâu vào chi tiết đời sống tư cũng như công của ông.
Vì rất thích chiến đấu nên ông đã cho thành lập một đấu trường để cho người chiến đấu với cọp hay voi (10). Ông cũng say mê chọi gà và tuồng. Tất cả thời gian giờ rảnh rỗi của ông đều giành cho những trò giải trí này.
Mỗi năm ngay sau Tết, ông tổ chức duyệt binh 6 tỉnh tại đồn tập trận. Cuộc duyệt binh này được quan niệm và tổ chức dưới cả hai khía cạnh chính trị và tôn giáo, hay nói cho đúng hơn là mê tín. Cuộc duyệt binh này có mục đích chứng tỏ một cách ngoan cường rằng chính quyền sẵn sàng dẹp tan mọi rối loạn, đồng thời xua đuổi tà ma quỉ quái. Buổi lễ RA BINH diễn ra như sau:
Sáng sớm ngày 16 tháng giêng năm mới, tổng trấn, sau khi đã trai giới, mặc y phục đại lễ, đến đền thờ lễ bái vọng hoàng đế, rồi sau đó, ba phát thần công nổ, ông lên kiệu, có quân sĩ tiền hộ hậu ủng, ông tiến ra hoặc Gia Định môn hoặc Phan Yên Môn, hướng về phía Chợ vải, đi dọc theo đường Mạc Ma hon để đến Mô súng.
Tại nơi này pháo binh khai hỏa, quân đội tập trận, điều động tượng binh. Sau đó tổng trấn đi vòng sau thành để đến công xưởng hải quân (xưởng hay thủy, hạm đội hay hải quân) để dụ một trận thực tập hải chiến, sau đó mới trở về thành. Trong thời gian này nhân dân vui ồn tối đa tại nhà, đốt pháo tưng bừng để xua đuổi tà ma. Đến cái tết thứ hai (11) nghĩa là vào tháng 5, tổng trấn đến Tịch điền (nơi dành riêng cho vua hoặc quan đại diện vua đến cày cấy tượng trưng để làm gương cho nhân dân). Nơi dành cho nghi lễ này nay ở khoảng gần đối diện với bệnh viện của dòng nữ tu Sainte Enfance ở Thị Nghè".
Trong phần ghi chú của bản văn này, Trương Vĩnh Ký nhận xét nhiều về Lê Văn Duyệt và đánh giá Duyệt là: "Khôn ngoan biết bao khi làm đại thần, cương quyết khi làm tướng, khéo léo và nghiêm khắc khi làm quan cai trị". Sau khi dẫn chứng chiến công chiến thắng hải quân Tây Sơn ở Qui Nhơn và thái độ Lê Văn Duyệt phản đối kịch liệt dụ cấm đạo 1828 của Minh Mạng, Trương Vĩnh Ký kể tiếp những chuyện sau:
"Một ngày nọ khi vô Chợ Lớn, ông gặp ở bên đường Cầu Kho một đứa trẻ khoảng 4, 5 tuổi đang giận dữ chửi rủa bố mẹ. Ông đã toan ngừng lại cho bắt em này, nhưng rồi lại thôi. Buổi chiều, khi trở về, ông thấy đứa trẻ ngồi ăn, vẫn chửi rủa bố mẹ. Ông ngừng lại và xin phép cha mẹ cho ông mang đứa trẻ đi. Ông ra lịnh dọn cơm cho đứa nhỏ ăn tiếp nhưng để ra một đôi đũa cố tình để lộn đầu.
Đứa nhỏ lộn đầu lại rồi ăn. Tổng trấn Duyệt tuyên bố rằng như vậy thì đứa nhỏ đã đủ thông minh để ý thức được tội đại bất hiếu đã vi phạm, nên ông cho lịnh bắt và xử trảm đứa nhỏ.
Một lần khác khi ra khỏi thành, ông trông thấy một tên ăn cắp trộm một cuộn giấy vấn thuốc rồi phóng chạy. Ông ra lịnh bắt lại rồi ra lịnh chém đầu lập tức, chứ không tống giam rồi mới xử.
Ông cho rằng ông có bổn phận phải mở đầu cho việc làm Tổng trấn Gia Định bằng cách áp dụng nghiêm khắc và cứng rắn tối đa luật pháp chống lại các tội phạm hình sự.
Thí dụ đầu tiên chứng tỏ thái độ cứng rắn của ông là vụ xử trảm một thơ lại trong đình. Anh này hết giờ làm việc về qua cổng thành gặp một cô hàng bán chè cháo gì đó. Muốn chọc cô hàng, anh đặt tay lên hộp trầu để trên nắp thúng của cô. Cô này kêu lên là ăn cắp. Bị bắt quả tang như thế Lê Văn Duyệt ra lịnh cho chém ngay lập tức. Vụ xử tử không thủ tục tư pháp này làm dân chúng miền Nam khiếp sợ.
Muốn làm cho dân Cao Miên kính trọng và sợ mình, Lê Văn Duyệt đến thăm Oudong với tư cách Kinh lược và Khâm sai. Ngồi trên bực cao cạnh nhà vua, ông ăn đường phèn và uống trà. Khi dân Cao Miên nghe tiếng ông nhai đường lạo xạo, hỏi các sĩ quan Việt tháp tùng xem ông tướng trời này ăn cái gì thì họ trả lời là ông ăn sỏi đá.
Nước Cao Miên đang bị Việt Nam bảo hộ nên mỗi năm cứ đến Tết là vua Cao Miên phải xuống Saigon để cùng Tổng trấn làm lễ bái vọng hoàng đế Việt Nam; Vua Cao Miên đi cùng quan quân bảo hộ Việt Nam (12) đến nơi ngày 30 Tết, nhưng đáng lẽ đến thẳng Saigon lại ngủ đêm tại Chợ Lớn. Đến canh năm, Tổng trấn cử hành lễ bái vọng với đủ lễ nhạc chứ không đợi vua Cao Miên đến. Vị này tới nơi thì lễ đã tất, do đó bị Lê Văn Duyệt phạt 3.000 francs và phải nạp đủ trước khi về nước.
Ông đam mê gà chọi và hát tuồng. Ông nuôi dưỡng các binh sĩ và có rạp hát riêng. Những cơ sở dành cho loại du hí này nằm ngoài thành phổ, trên khoảng đất ngày nay là dinh thống đốc và trường Chasseloup Laubat (13).
Dân Việt Nam nói rằng nơi con người quan Tả quân, nhất là cái nhìn của ông, đều tỏa ra một vẻ oai nghiêm.
Mọi người truyền tụng rằng những con cọp ông nuôi để đấu đều sợ và nghe lịnh ông. Những con voi bất trị nhất không sợ ai hết trong thời kỳ động đực cũng chỉ nể có quan Tả quân. Con voi to nhất và dữ nhất tên là Voi Vinh có bữa nổi cơn điên phá hoại lung tung, kéo đổ quật ngã mọi thứ voi gặp trên đường đi. Được thông báo, Lê Văn Duyệt lên ngay kiệu trần đến đối đầu với con voi vĩ đại này, gọi tên nó và ra lịnh cho nó trở về chuồng. Voi ta nghe như hiểu lời ông, dịu xuống ngay lập tức (trang 21-33 sđd).
Qua những phần trích văn trên, chúng tôi nhận thấy khó tìm thấy trong các chế độ quân chủ nào trên thế giới sinh mạng người dân được tôn trọng và bảo vệ hơn chế độ quân chủ Việt Nam. Các lãnh chúa Nhựt, Âu Châu giết dân dễ dàng. Ở Việt Nam, mọi sự kết án, nhất là án đại hình, quan địa phương (dù là cấp cao nhất như tổng đốc) đều phải trình bản án về bộ Hình ở Kinh đô. Trong nhiều trường hợp, bộ Hình lại phải trình lên vua duyệt lần chót rồi mới ra lịnh thi hành án văn. Chỉ có quan đại thần văn hay võ khi được trao quyền "tiền trảm hậu tấu" nghĩa là điều tra tại chỗ, xét đúng có tội thì xử trung thẩm, cho chém đầu rồi mới làm tờ trình hội vụ với triều đình nhà vua. Trong thế kỷ 19, do hoàn cảnh chính trị và địa lý, chỉ có các tổng trấn Bắc thành (Bắc Kỳ) và tổng trấn Gia Định thành là được quyền tiền trảm hậu tấu dài hạn.
Qua Trương Vĩnh Ký, ta thấy Lê Văn Duyệt sử dụng quyền này bao giờ cũng có mục đích, không bao giờ chỉ vì bản tính nóng nảy è hay ua tàn bạo. Dĩ nhiên, với quan điểm pháp chế nhân bản hiện nay thì những đứa trẻ chửi cha mẹ, tên trộm vặt hay viên thơ lại chọc gái đùa dai đều không đáng tội chết, theo luật pháp thời đó cũng như hiện nay.
Nhưng xét hoàn cảnh lịch sử và xã hội thời đó, miền Nam vừa trải qua nội chiến và ngoại xâm hơn 30 năm, cư dân lại đa số là lưu dân - trong đó không thiếu gì lưu manh côn đồ. Xử tử ngay tên trộm vặt, Lê Văn Duyệt nhằm bày tỏ thái độ cương quyết trừng trị tội phạm hình sự. Khi xử tử đứa nhỏ cũng đáng chú ý: chửi cha mẹ là tội bất hiếu, ngay bây giờ chúng ta cũng không cho phép. Còn lại vấn đề tuổi nhỏ... Lê Văn Duyệt phải trình diễn màn ăn cơm với đứa trẻ biết đổi đầu đũa rồi mới xử tử. Mục đích của ông là cốt nhắc nhở các bậc cha mẹ phải quan tâm đến việc giáo dục con cái (thời đó ở miền Nam, trường học mở ít, khó trông cậy ở giáo dục học đường), nghĩa là quan tâm tới việc đào tạo các công dân tốt cho tương lai.
Còn việc xử tử tên thơ lại tán gái đùa dai, theo ý chúng tôi có lẽ Lê Văn Duyệt muốn bày tỏ cho nhân dân hiểu ông không hề bao che cho viên chức trực thuộc mình. Để tránh cái cảnh các viên chức cậy thế có "áo giáp" thơ lại tại dinh tổng trấn để ức hiếp quần chúng.
Cũng như sau này ông dùng quyền tiền trảm hậu tấu mà xử tử cha vợ lẽ yêu của Minh Mạng là Huỳnh Công Lý, ông cũng không nhằm gì hơn là làm cho quan lại phải thanh liêm, tránh tham ô bóc lột. Với vụ án Lê Văn Duyệt, các quan lại nịnh thần và bảo thủ bao quanh Minh Mạng đã bới lông tìm vết, kể biết bao tội, kể cả cái tội lẩm cẩm là ngày xuân đi lễ chưa xin được quẻ hoàng bào, vậy mà không có ai dị nghị các vụ "tiền trảm hậu tấu" của Lê Văn Duyệt đã thực hiện... nếu ông xử tử oan một người coi...
Theo ý chúng tôi, Lê Văn Duyệt không phải là người bản chất tàn bạo hay thích tàn bạo. Nhưng có thể nói ông là một chính trị gia có tài trình diễn, biết đánh mạnh vào tâm lý quần chúng, đừng quên ông rất thích tuồng... để đạt mục đích của mình. Và mục đích của Lê Văn Duyệt như chúng ta đã thấy, không nhằm quyền lợi bản thân, gia đình... bao giờ.
Về vụ nổi dậy của LÊ VĂN KHÔI
Trương Vĩnh Ký không cho chúng ta biết một chi tiết nào đáng kể về con người Lê Văn Khôi. Còn về vụ nổi dậy, ông cho biết, nguyên nhân mở đầu là tại Minh Mạng cho lịnh xiềng mộ Lê Văn Duyệt lại sau khi đánh mộ 100 trượng. Còn Phó vệ úy Lê Văn Khôi chỉ bị lột lon cách chức và phải về Huế trình diện. Khôi không chịu về Huế và tổ chức nổi dậy như chúng ta đã biết. Còn về chính cuộc nổi dậy diễn tiến và kết cục, ông chỉ kể sơ lược trong một trang mà thôi và không phê phán, góp ý gì cả.
LÊ VĂN DUYỆT - LÊ VĂN KHÔI theo Hồ Biểu Chánh
Hồ Biểu Chánh ngoài việc viết văn, còn viết sử. Dĩ nhiên văn riêng văn, sử riêng sử. Nhưng riêng về Lê Văn Duyệt và vụ nổi dậy của Lê Văn Khôi, ông lại trình bày trong một đoạn riêng như một người viết sử trong cuốn tiểu thuyết NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA viết năm 1926.
"Người đời nay ai nghe nói "giặc Khôi" thì cũng tưởng là giặc chòm giặc khóm, tùng tam tự ngũ rồi nổi lên đặng cướp giựt của lương dân, hoặc khuấy rối trong thôn xã. Có người không rõ căn nguyên, lại khinh khi Lê Văn Khôi đến nỗi con hư thì mắng nó là đồ "ngụy Khôi đầu thai", coi Khôi như người nghịch của mình, tưởng Khôi là một đồ đê tiện.
Để biết người viết tiểu thuyết không nên giành nghề với người chép sử ký. Nhưng vì giặc Khôi có can thiệp với người thuộc trong bộ tiểu thuyết này, bởi vậy dầu không muốn cũng phải nhắc sơ chuyện giặc Khôi cho độc giả dễ hiểu.
Vua Gia Long trị vì được 18 năm. Lúc ngài gần băng thì - những vị khai quốc công thần lần hồi đã chết hết rồi, duy còn một mình Tả quân Lê Văn Duyệt, đương làm chức Nam thành Tổng trấn mà thôi. Ngài mới triệu quan Tả quân về Kinh đô mà thương nghị việc lập hoàng thái tử để nối ngôi cho ngài. Ngài tỏ ý muốn lập ông Hoàng Đảm. Ông Lê Văn Duyệt không vừa lòng, ông muốn lập con của Đông cung Cảnh, nên ông tâu rằng: "Tích tôn thừa trọng". Vua phán rằng con của Đông cung Cảnh còn nhỏ, không thể cầm quyền cả được, còn ông Hoàng Đảm thì lớn tuổi, lại tư chất thông minh, ham học, hay làm, nên vua không nghe lời quan Tả quân nhứt định lập ông Hoàng Đảm.
Ông Lê Văn Duyệt không dám cãi, song ý ông không vui. Vua sợ ngày sau ông không phục ông Hoàng Đảm rồi sanh rối, nên phải bắt ông Hoàng Đảm làm con nuôi ông Lê Văn Duyệt.
Đến năm Kỷ Mão (1819) vua Gia Long băng. Ông Lê Văn Duyệt hay tin lật đật về kinh mà chịu tang. Song về triều ông không yết kiến Đông cung, làm cho Đông cung phải cà rà trước cung Thái hậu mà chờ chực. Vì ông không dám cãi di chiếu, nên cực chẳng đã ông phải tôn Đông cung Đảm lên ngôi, xưng hiệu là Minh Mạng, nhưng khi tôn vương rồi, thì ông đi về Gia Định liền, không chịu chầu vua.
Ông Lê Văn Duyệt có lòng bất phục vua Minh Mạng, thế nên ở Gia Định thành, ông tự chuyên, làm việc gì tự ý ông định, không tâu cho vua hay. Ông cho tàu ngoại quốc vô ra buôn bán thong thả, ông cho phép mấy linh mục đi truyền đạo Thiên chúa, ông sai sứ qua giao hảo với Miến Điện, ông lãnh bảo hộ nước Cao Miên, ông phá rừng lấy cây đóng chiến thuyền, ông bắt dân đào kinh Vĩnh Tế, rồi tích trữ lương thực tính đi đánh Xiêm La, làm cho Xiêm La lo sợ phải đem lễ vật tấn công.
Vua muốn rõ việc Hàng tân của ông mới sai Huỳnh Công Lý, là cha của một vị vương phi, vào lãnh chức Nam Thành ký lục để thăm dò tình hình. Lúc ấy trong Gia Định chưa phân tỉnh, nên trên thì chức Tổng trấn, dưới thì chức ký lục coi việc thâu thuế, điền lính, Huỳnh Công Lý ỷ thế cha vợ vua không ai dám làm tội, nên hà khắc nhân dân. Ông Lê Văn Duyệt bắt hạ ngục rồi chạy sớ về kinh xin vua trảm huyết. Vua hạ chiếu dạy phải giải về kinh cho triều đình định tội, ông Lê Văn Duyệt biết trước hễ giải về kinh thì vua tha, bởi vậy ông chém Huỳnh Công Lý rồi gởi đầu về Huế... Minh Mạng giận quá, ngài mới trù hoạch kế mà trù quan Tả quân"...
Về vụ Bạch Xuân Nguyên, Hồ Biểu Chánh cho biết như sau:
"Vả Bạch Xuân Nguyên ngày trước có giúp việc với Tả quân, nhơn vì có tánh tham lam gian tà, nên quan Tả quân mới cách chức đuổi về kinh. Anh ta về Huế lập mưu thiết kế thế nào mà không biết, mà triều đình lại trọng dụng, rồi chừng nghe tin quan Tả quân mất, vua lại phong tới chức Bố chánh tỉnh Phan Yên và giao mật chỉ dạy vào tra xét các việc riêng của quan Tả quân làm khi ngài còn sinh tiền.
Bạch Xuân Nguyên vừa tới Gia Định thì tra xét lăng xăng, đòi hỏi chứng cớ, bắt những người thủ hạ và người tâm phúc của quan Tả quân mà hạ ngục hết thảy.
Vả quan Tả quân Lê Văn Duyệt là một vị khai quốc công thần, trót 15 năm trời trải nắng dầm mưa, xông tên lướt đạn mà giúp vua Gia Long thâu phục giang sơn cũ.
Đã vậy ngài còn làm chức Tổng trấn đất Gia Định gần 20 năm, thì ân bổ dục, chánh trực công bình, trong kẻ tà khiếp oai, ngoài lân bang nể mặt, bởi vậy từ quan chí dân chẳng ai mà chẳng kính phục yêu mến. Nay ngài vừa mất mà Bạch Xuân Nguyên lại muốn làm nhục thanh danh phẩm giá của ngài nên kiếm chuyện tra xét, bởi vậy ai nghe cũng đều tức giận, mà nhứt là bọn thủ hạ của ngài lấy làm oán trách, ứa mật sôi gan không thể dằn được.
Trong đám thủ hạ có Lê Văn Khôi là người võ nghệ cao cường làm quan tới chức Phó vệ úy, mà cũng bị Bạch Xuân Nguyên bắt giam vào ngục nữa. Khôi là người gốc tỉnh Cao Bằng ngoài Bắc Việt, thiệt tên là Nguyễn Hữu Khôi. Vì ngày trước anh ta dấy binh làm loạn, bị quan quân đánh đuổi, anh ta yếu thế chống cự không lại, mới chạy vào Thanh Hóa, nay gặp quan Tả quân Lê Văn Duyệt, anh ta xin ra đầu. Quan Tả quân thấy Khôi có tài, bèn xin với vua Gia Long tha tội, rồi ngài nhận làm con nuôi, đổi họ lại kêu là Lê Văn Khôi, và đem về Gia Định tin dùng, cho làm quan lần lần phong tới chức Phó vệ úy.
Lê Văn Khôi bị Bạch Xuyên Nguyên bắt giam trong ngục, chẳng phải là sợ tội nên kiếm thế thoát thân, ấy là vì ông giận triều đình vội quên công lao của đấng khai quốc công thần, đã không kính trọng bực tiền hiền, lại còn kiếm chuyện làm nhục. Khôi mới hỏi những người trong ngục vậy chớ co ai dám lấy máu mà rửa hờn cho quan Tả quân hay không? Chẳng những bọn thủ hạ của Tả quân mà thôi, thậm chí đến bọn lính cai ngục phần nhiều cũng tình nguyện theo Khôi, quyết ra sức anh hùng đặng trừng trị kẻ vong ân bội nghĩa...".
Thế là bùng ra cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi, một biến cố mà Hồ Biểu Chánh gọi là: "giặc Lê Văn Khôi rửa nhục cho quan Tả quân, giặc anh hùng vì nhân nghĩa, vì phẩm giá mà nổi lên, chớ không phải là muốn cướp giựt lương dân, hay là muốn khuấy rối trong xã hội".
Vấn đề tranh chấp về ý thức hệ:
Một cuộc nổi dậy có tính quần chúng rộng rãi như thế không thể không dựa trên một ý thức hệ nào. Từ trước đến nay các nhà nghiên cứu ít để ý tới khía cạnh này, có lẽ vì cho rằng dù Lê Văn Khôi hay Minh Mạng thì cũng vẫn trong vòng ý thức hệ Nho giáo. Điều đó cũng đúng nếu nhìn tổng quát, nhưng đi sâu hơn sẽ thấy thứ Nho giáo của Minh Mạng và Nho giáo của lưu dân miền Nam có khác biệt. Nho giáo của Minh Mạng là thứ Nho giáo bảo thủ, đã bị triều đại Mãn Thanh làm biến chất thành công cụ thống trị Hán tộc ở Trung Quốc. Còn Nho giáo miền Nam do hoàn cảnh khai hoang biên địa, có tính chất chính thống hơn. Đó là thứ Nho giáo của Khổng Tử, Mạnh Tử với các quy luật "dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", cai trị dân thì phải "phú chi, giáo chi" (làm kinh tế cho tốt trước đã cho dân du ăn du mặc, rồi mới lo tới chuyện giáo dục cải tạo).
Sự tranh chấp lý thuyết giữa hai khuynh hướng Nho giáo ấy đã được Hồ Biểu Chánh diễn tả khá linh hoạt qua cuộc đối thoại giữa ông già vợ Đàm Tự Chấn và anh con rể Thế Hùng trong NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA như sau:
"- Té ra mày quyết chí hả?... lếu lắm, lếu lắm?
- Thưa cha làm việc nghĩa sao gọi rằng lếu?
- Nghĩa gì? Làm giặc, làm giả, làm phản, làm nghịch mà mày nói làm nghĩa. Nghĩa với ai? Mình làm con dân trong nước, nhờ có vua chúa mới no cơm ấm áo. Nay mầy trở lòng theo quân ngụy mà nghịch với vua, sau này dám xưng là làm nghĩa? Nghĩa đâu tao chưa thấy, mà bây giờ tao thấy mày bất nghĩa rồi.
Thế Hùng muốn cãi với cha vợ mà rồi anh ta nhắm có cãi cũng vô ích, nên anh ta lắc đầu ngó chỗ khác, không thèm nói nữa.
Đàm Tự Chấn bèn nói tiếp rằng:
- Tao không hiểu mày ở đời này mà mày học sách đời nào ở đâu, nên tính làm những việc kỳ cục quá... bây giờ để tao hỏi mày một tiếng mày tính đi lên thành Gia Định xin làm quân lính cho Lê Văn Khôi đặng đánh với binh tướng của vua có phải hôn?
- Thưa phải.
- Mày làm như vậy, mày mang ba điều bất nghĩa, thứ nhứt mày nghịch với vua, mày trái nghĩa quân thần, thứ nhì mày làm ngụy gây họa đến tao, mày lỗi niềm phụ tử, thứ ba mày bỏ vợ con thơ, mày lỗi đạo phu phụ, mày là đứa con có học, tao nói ít mày phải hiểu nhiều.
- Thưa cha, xin cho phép con trả lời trong ba điều ấy cho cha nghe?
È mày muốn nói giống gì thì nói, xin phép xin tắc mà làm gì. Vậy chớ mày cãi lẽ om sòm đó mày xin phép ai?
- Thưa cha, đạo quân thần há con lại chẳng biết hay sao. Nhưng mà con xin nói vắn tắt lời này "Hễ làm vua mà không biết trọng nghĩa của tôi thì tôi phạt, chẳng còn biết ai là quân ai là thần, mà gọi là phản nghịch".
- Hứ! Lời nói vô quân vô phụ dữ. Vậy chớ mày quên câu: "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu (14) rồi sao?
- Thưa câu sách đó là câu của người nịnh hót nhà vua họ đặt ra mà làm cho ám muội lòng dân đặng tiện bề cai trị, câu đó là câu hại dân, chớ có ích chi đâu mà phải làm theo.
- Bây giờ nó cãi tới thánh hiền nữa chớ.
Hiện tượng lấy chữ nghĩa lấn át chữ trung
Theo chúng tôi, hiện tượng này xuất phát một phần vì hoàn cảnh khai hoang biên địa, một phần nữa do tại nguồn gốc các cư dân miền Nam. Các cư dân gốc Việt, nếu không bị đi đày thì cũng đa số do bị bần cùng hóa, bị quan lại địa chủ áp bức mà bỏ quê hương đi tìm miền hoang địa làm lại cuộc đời. Ở những vùng đất mới, họ tự tay mình vỡ hoang xây dựng cơ đồ lấy, có nhờ một chánh quyền nào trợ giúp đâu. Bởi thế, do lòng yêu mến mảnh đất tạo dựng bằng máu và mồ hôi, nói tới lòng yêu nước thì họ hiểu, còn nói tới lòng trung với một ông vua, một triều đình xa tít phương Bắc, thì hơi khó. Đó là về phía đất Việt. Còn về phía cộng đồng gốc Hoa, vốn là con cháu của các nịnh thần Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu... thì không thể có mục, trung với triều đại Mãn Thanh đã xâm lăng chiếm cứ quê hương họ. (Các tổ chức Thiên Địa hội "bài Mãn phục Minh" còn tồn tại trong cộng đồng này tới năm 1911). Lòng trung không còn đối tượng, không còn nước để yêu, tình cảm công ích dồn cả vào chữ nghĩa hiểu theo nghĩa rộng. Sách truyện Trung Hoa xuất bản từ Lưỡng Quảng, nhập dễ dàng vào miền Nam, cũng nói nhiều về nghĩa, tăng cường tình cảm này ngay cả nơi người Việt, vì hai bên cùng chung thứ chữ viết là Hán tự. Bởi thế trong "Bốn bang thu". Bốn ban Lưu Tín tư lịnh thủy quân của Lê Văn Khôi, đã thành thật khi nói rằng theo Lê Văn Khôi chỉ vì nghĩa: muốn trả thù cho dưỡng phụ Lê Văn Duyệt đã bị xúc phạm và đang bị Bạch Xuân Nguyên đe dọa quật mồ.
Trong NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA, Hồ Biểu Chánh đã diễn tả nhiều tinh thần trọng nghĩa này. Nhân vật Thế Hùng đã nói với cha vợ Đàm Tự Chấn những lời sau:
"- Thưa cha không hay sao? Quan Tả quân là một vị khai quốc công thần, thanh liêm chánh trực, nhà Nguyễn khôi phục giang sơn lại được, ấy cũng nhờ sức ngài nhiều lắm. Ngài vừa mới tại thế, triều đình không nghĩ công lao của ngài, nghe lời dèm siểm sai là quan nịnh hót tham nhũng vào chia trấn Gia Định mà cai trị, rồi lại bươi móc kiếm chuyện mà làm nhục danh tiết của ngài nữa. Những đứng anh hùng nghĩa sĩ ai nghe cũng đều sôi mật bấy gan.
"- Ông Khôi đương toan làm đại nghĩa, sao cha lại kêu là đồ ngụy? Phàm đứng anh hùng sự nên hư, còn mất, có sá gì. Mình muốn luận phải quấy, thì xét sở hành mà thôi, cần gì xét sự kết quả. Ví dầu ông Khôi không thành công đi nữa, danh thơm tiếng tốt của ông cũng rọi đến đời đời, con cháu ngày sau nó cũng khen cái giận anh hùng của ông lắm chớ. Người nghĩa sĩ lo là lo cho tròn danh tiết, chớ có lo chi sự mất còn...
Đêm ấy Thế Hùng to nhỏ với vợ nói với vợ hay rằng Lê Văn Khôi đã truyền hịch chiêu mộ anh hùng đặng báo nghĩa cho quan Tả quân và tru diệt những tham quan ô lại. Các nghĩa sĩ trong 6 tỉnh ai ai cũng đều ra đầu quân, quyết giúp Lê Văn Khôi mà chống cự với binh triều, cho rõ mặt anh hùng trong đất Gia Định. Những anh em bầu bạn của chàng đều đi hết rồi; chẳng trở về đây là về đặng từ giã vợ con đặng xông vào nước lửa".
Từ phần này, vì đã cho nhân vật Thế Hùng của mình đầu quân, tác giả Hồ Biểu Chánh kể tiếp cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi với nhiều chi tiết cụ thể hơn. Thí dụ như sau khi Thái Công Triều bội phản, đầu hàng triều đình thì Lê Văn Khôi xuất chủ lực ra cố chặn binh triều ở sông Đồng Nai. Lợi dụng quân số đông đảo, quân triều đình chia bớt ra đi đánh chiếm lại các tỉnh. Thấy mất hậu phương, Lê Văn Khôi đành bỏ phòng tuyến Đồng Nai, rút về thủ thành Gia Định. Đến lúc này thì: "Mấy vị mưu sĩ ở trường thành bèn khuyên Lê Văn Khôi làm theo như vua Gia Long lúc phục quốc. Lê Văn khôi nghe lời, bèn sai người nhứt điện qua nước Xiêm La mà viện binh, nhứt điện đi tìm một vị linh mục đạo Thiên chúa rước vào thành mà vấn kế". Hồ Biểu Chánh chỉ nhắc đến cha Du (Marchand) có một lần duy nhất này thôi, và không hề cho biết tên.
Hồ Biểu Chánh cũng nhắc đến một nhân vật ai cũng biết là chắc phải có nhưng chưa một hà biên khảo nào nói tới là vợ của Lê Văn Khôi:
"Binh tướng ở trong thành thấy tướng soái mất rồi thì ngơ ngẩn phần nhiều thất chí muốn đầu hàng, may nhờ mấy anh em Võ Vĩnh Tiền cứng cỏi, lại nhờ có bà vợ của Lê Văn Khôi phán rằng dầu chết mà cụ hoài cũng chết, làm tướng thà ngồi trên lưng ngựa mà chết, chớ có lẽ nào mà lại chịu quì dưới đất mà chết bao giờ, bởi vậy binh tướng vì danh dự không ai tính đầu hàng nữa, mỗi người đều quyết nỗ lực chống cho đến cùng".
Khi thành vỡ, sử nào cũng ghi là chỉ còn bắt được có con trai của Lê Văn Khôi lên 7 tuổi, không nhắc gì tới bà mẹ. Chúng tôi phỏng đoán không sai lầm là bà đã tự tử khi thành vỡ, như Võ Vĩnh Lộc vậy.
Không biết khi chạy vào Thanh Hóa, Lê Văn Khôi có mang theo cô vợ vốn là em gái tay hào kiệt Nông Văn Vân không? Chúng tôi giải đoán là không vì chẳng có chàng Từ Hải nào đeo gươm lên vai đi giang hồ mà lại cho một cô Thúy kiều lẻo nhẻo đi theo. Lê Văn Khôi ra đầu thú Lê Văn Duyệt khoảng năm 1817-1818, theo Duyệt về kinh đô Huế một thời gian rồi mới vô Gia Định năm 1819. Năm 1835 con Khôi 7 tuổi. Vậy chúng tôi đưa giả thuyết là khoảng năm 1828 Lê Văn Khôi đã lấy vợ mới ở miền Nam, Giả thuyết này nếu đúng, thì cô gái anh hùng này là ai?
(Tại trang 208, Hồ Biểu Chánh có ghi là 6 chính phạm bị đóng cũi giải về Huế xử bá đao có vợ Lê Văn Khôi. Chúng tôi nghĩ có thể tác giả lầm vì tất cả sử khác, kể cả bản án xử của Tam pháp ti Huế, không hề nói đến một tù phạm phụ nữ nào, chứ đừng nói tới vợ Lê Văn Khôi. Sau này khi công bố bản án xử Lê Văn Duyệt, án này còn xử tử luôn cả phò mã Lê Văn Yến - em rể Minh Mạng - và tài liệu để lại còn ghi rõ vợ Lê Văn Duyệt là Đỗ Thị Phận đã được Minh Mạng tha chết đuổi về nhà cha mẹ đẻ vì lý do Lê Văn Duyệt mắc tật "án cung" nên bà Phận này chưa "thực sự là vợ bao giờ". Bà này xuất gia và chết ở chùa... Vậy nếu vợ Khôi bị bắt thì ồn ào lắm và sử liệu, văn liệu để lại cho chúng ta thiếu gì chi tiết.
Rút cục chúng ta vẫn có một dấu hỏi lớn về người vợ tại thành Gia Định của Lê Văn Khôi (15).
Nguyên nhân vụ nổi dậy của Lê Văn Khôi
Về nguyên nhân gần, sử sách nào cũng đồng ý là do Bố chánh Bạch Xuân Nguyên, nhận mật chỉ của Minh Mạng điều tra về các việc làm của cố Tả quân Lê Văn Duyệt, đã tống giam Lê Văn Khôi và 27 người nữa thuộc thành phần phụ tá, thuộc viên của Lê Văn Duyệt.
Còn về nguyên nhân xa? Bắt buộc phải có, nếu không thì vụ Lê Văn Khôi chỉ là vụ nổi loạn phá ngục chạy trốn tầm thường của 28 tù nhân. Bắt buộc phải có một cái nền, một hoàn cảnh nào đó, Lê Văn Khôi mới có thể trong một tháng thu phục cả 6 tỉnh Nam Kỳ - trong thời kỳ phương tiện truyền tin vẫn chỉ dựa vào ngựa và thuyền. Ngay chính Minh Mạng, trong dụ cho nội các, cũng phê rằng:
"Ví dụ quan cai trị không hèn đốn như Nguyễn Văn Quế, tham tàn như Bạch Xuân Nguyên thì chúng nó có ngày làm phản chứ không sao khỏi được" (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược trang 211, q.2).
Một số tu sĩ Thiên chúa giáo đưa ra lý do Lê Văn Khôi đã nêu được khá sớm lá cờ chính nghĩa là truất phế Minh Mạng, đưa con Đông cung Cảnh lên thay thế. Nhưng tại sao lòng dân Nam Kỳ, bao gồm cả quan lại, sĩ phu lẫn nhân dân lại chán ghét Minh Mạng như vậy?
Trần Trọng Kim trong mục "Sự giặc giã dưới triều đình Minh Mạng" có đưa ra ba nguyên nhân. Nguyên nhân một ngoại lai: sự tranh giành ảnh hưởng quyết định ở Lào và Cao Miên giữa Xiêm và Việt. Nguyên nhân 2 chỉ có ở miền Bắc: ước muốn khôi phục nhà Lê. Nguyên nhân 3 mới quan trọng, phổ quát:
"Ba là quan lại cứ hay nhũng nhiễu, làm cho lòng người không được thỏa thuận, và trong đám quan trường thường hay tính hẹp hòi, không bao dung cho những kẻ công thần, hay tìm chuyện làm uất ức mọi người, mà ở với thần dân thì nghiêm khắc quá, cho nên mới thành ra nhiều sự rối loạn". (Việt Nam sử lược trang 201 - 202, q.2).
Hồ Biểu Chánh, trong NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA, ngoài việc đồng ý với Trần Trọng Kim về nguyên nhân quan lại của Minh mạng quá tồi tệ, còn nêu lý do lòng dân Nam Kỳ mến phục Lê Văn Duyệt vô cùng:
"Ngài làm chức Tổng trấn đất Gia Định gần 20 năm, thi ân bố dục, chánh trực công bình, trong kẻ tà khiếp vía, ngoài lân bang nể mặt, bởi vậy từ quan chí dân chẳng ai mà chẳng kính phục yêu mến".
Bởi thế Hồ Biểu Chánh phê phán: "Giặc Lê Văn Khôi rửa nhục cho quan Tả quân, giặc anh hùng vì nhân nghĩa, vì phẩm giá mà nổi lên, chớ không phải là muốn cướp giựt của lương dân, hay là muốn khuấy rối trong xã hội".
Nhìn lại quá khứ, nhất là về mặt nhân dân Nam Kỳ, ý kiến của Hồ Biểu Chánh khá nặng ký. Trước năm 1945 mỗi khi người dân có tranh tụng vụ gì mà cả hai bên đều không đủ nhân chứng, văn bản để giải quyết, thì hay kéo nhau tới Làng Ông (ông là Tả quân Lê Văn Duyệt) mà thề (ai mà dối trá thì "ông" quật chết!). Cũng cần ghi thêm là cho tới 30-4-1975, đêm giao thừa nhân dân có tục lệ đi lễ, thì nơi đông người tới nhứt lại là Lăng Ông - chứ không phải chùa Xá Lợi hay Vĩnh Nghiêm... làm quan thôi mà được nhân dân mến phục thì trước đây chỉ có Nguyễn Trãi và gần đây chỉ có Lê Văn Duyệt. Và nếu Lê Thánh Tông đã phục hồi cho Nguyễn Trãi thì Tự Đức cũng đã phải phục hồi cho Lê Văn Duyệt. Trần Trọng Kim, VNSL trang 218, q.2 ghi:
"Đến năm Tự Đức nguyên niên (1847) quan Đông các Đại học sĩ là Võ Xuân Cẩn làm sớ tâu xin gia ân cho con cháu Nguyễn Văn Thành. Trong bài sớ có lắm câu thảm thiết. Có chỗ nói rằng: "Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt và Lê Chất đều có lòng theo mây đội gió, xông pha cho mũi tên hòn đạn, thân làm đại tướng tước đến quận công, sau hoặc vì con dại, hoặc vì cậy công mà làm thành tội... Dù bọn Nguyễn Văn Thành có tội, thì tội đã trị rồi, mà công thì không hỏi đến, chẳng hóa ra đem cái công lao bách chiến mà để đến nỗi cái tàn hồn phải bơ vơ như ma trơi ngoài đồng, khác nào quỉ Mậc Ngao không ai thờ cúng không?" Vua Dục Tông xem bài sớ ấy lấy làm cảm động bèn trung phong cho bọn Nguyễn Văn Thành, và cấp phẩm hàm cho các con cháu".
Vụ án Lê Văn Duyệt: 1835. Xét lại vụ án: 1847. Sau đó 12 năm. Như vậy đủ biết lòng dân Nam Kỳ là như thế nào để tạo chỗ dựa (hay áp lực với triều đình?) cho Võ Xuân Cẩn làm sớ trên. Vẫn vấn đề nguyên nhân xa, Tạ Chí Đại Trường, trong lịch sử nội chiến ở Việt Nam 1771-1802, trong chương kết, đưa ra một nhận xét khác:
"Cuộc phân tranh chấm dứt nhưng không chấm dứt được mọi vấn đề trong quá khứ. Nước Đại Việt khi biến thành Việt Nam vẫn phải chịu những biến chuyển về trước. Hai trấn Gia Định và Bắc thành có tổng trấn như hai Phó vương cai trị là một dấu vết. Sự phân biệt còn mạnh tới nỗi khi Minh Mạng muốn thi hành chính sách tập trung thì vụ loạn Lê Văn Khôi nổ bùng ra phản đối ở Nam và các cuộc loạn tương tự xảy ra ở Bắc" (trang 357 sđd).
Phần đóng góp của Tạ Chí Đại Trường là ở chỗ ông đã nhắc chúng ta phải nhớ tới và coi trọng địa phương tính. Khách quan mà xét, dân Nam Kỳ lục tỉnh, thứ dân sống trong lưu vực hai con sông Đồng Nai và Cửu Long, quả thực có những đặc tính riêng biệt, khác với phần còn lại của đất nước.
Trước hết họ là lưu dân và con cháu của lưu dân - nếu hiểu từ lưu dân theo nghĩa rộng, bao gồm:
- Lưu dân nghĩa gốc; những người bị chính quyền đày vào Nam.
- Lưu dân tự nguyện; những người bần cùng trong các lũy tre xanh truyền thống, nay đi tìm vùng đất mới, "vùng đất hứa" để làm lại cuộc đời. Hoặc là những người không bần cùng nhưng do bản chất mạnh, mới... hoặc một lý do nào khác nữa, tự ý bỏ quê ra đi (như một Đào Duy Từ, Đặng Trần Thường hay... Lê Văn Khôi).
- Quân lính phục viên tự nguyện ở lại (như đạo quân của Trương Minh Giảng sau khi rút khỏi Cao Miên).
- Lưu dân nước ngoài, chủ yếu là Trung Hoa.
Những lưu dân từ các xuất xứ, trình độ văn hóa dị biệt này đều đã trải qua cuộc sống của những người khai hoang lập nghiệp. Đất đai Đồng Nai có màu mỡ thật nhưng không phải là ngon ăn. Dưới sông thì sấu lội trên rừng thì cọp kêu, chưa kể đầm lầy cần rất nhiều công trình thủy lợi. Và dĩ nhiên còn người Cao Miên, Xiêm La phải đẩy lui về phía Tây nữa.
Mỗi người lưu dân, khai hoang đều mang theo một hành lý quá khứ là cái vốn văn hóa của mình. Nhưng cuộc sống khai hoang đã sàng lọc lại, bỏ hết những gì là từ chương, là câu thúc gò bó. Đạo nho của người khai hoang và con cháu họ được hiểu theo cốt lõi, tinh túy và mạnh hơn miền đất cũ - dù miền đất cũ đây có là châu thổ Nhị Hà hay miền Lưỡng Quảng. Thí dụ như quan niệm trung quân. Võ Tánh va chạm với Đông cung Cảnh về quan niệm thế nào là tôi trung, Hồ Biểu Chánh cũng đã cho nhân vật Hùng trong NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA nói với cha vợ mình thế nào là tôi trung.
Qua những nhận xét trên, nhìn lại Lê Văn Duyệt và vụ Lê Văn Khôi hay nói cho rõ hơn nhìn lại biểu tượng Lê Văn Duyệt và phản ứng Lê Văn Khôi, chúng tôi tự hỏi:
- Trước hết ông là dân Nam Kỳ lục tỉnh đã. Kế đó mới là khai quốc công thần cho triều đại Nguyễn Gia Long. Trong 18 năm chót của cuộc đời, Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Định. Ở chức vụ này ông nổi tiếng là người rất ghét tham quan ô lại. Không những một Bạch Xuân Nguyên trước đây đã bị ông cách chức đuổi về Huế, mà tới Huỳnh Công Lý, cha của vương phi của Minh Mạng cũng bị ông tiền trảm hậu tấu vì tội hà khắc với nhân dân. Việc bãi bỏ chức Tổng trấn, chia Nam bộ làm 6 tỉnh trực thuộc Huế chỉ là một việc khó chịu đối với dân thôi. Sự việc này trở thành điều không thể chịu nổi khi thấy các quan lại mới do triều đình điều vào lại tham ô nhiều hơn là thanh liêm. Chưa kể việc ban hành bộ luật Gia Long quá hà khắc vì sao chép gần như nguyên văn bộ luật của nhà Mãn Thanh. Nhà Mãn Thanh đối với dân Trung Quốc chỉ là triều đại xâm lăng tới từ phương Bắc, họ hà khắc với dân bị trị Hán tộc thì còn có thể hiểu được. Còn nhân dân miền đất dấy nghiệp nhà Nguyễn thì tại sao lại phải lãnh cái búa ấy...
Nhưng điều quan trọng nhứt trong chính sách của Lê Văn Duyệt đã làm cho trung ương bực tức cao độ là chính sách đối ngoại cởi mở, biểu lộ qua sự kiện Lê Văn Duyệt không chịu thi hành dụ cấm đạo, giao thiệp với Diến Diện và dễ dãi cho việc buôn bán với nước ngoài... Nói một cách khác, Lê Văn Duyệt duy trì cánh cửa mở ra phía Tây phương, tiếp thu trực tiếp văn hóa Tây phương - dù có phải vì thế mà phải để Thiên chúa giáo tự do truyền đạo.
Một đường lối như thế dứt khoát va chạm với đường lối Nho giáo bảo thủ đương một lần nữa quay đầu thần phục phương Bắc để củng cố một nền quân chủ chuyên chế lỗi thời - dù có phải vì thế mà cấm đạo và bế quan tỏa cảng (thử hỏi khi Nguyễn Ánh còn sống, có ai gọi người Tây phương là "bạch quỉ" không?).
Miền lưu vực Đồng Nai - Cửu Long, do vị trí địa lý của mình, do thứ Nho giáo xét lại chính thống của mình, do cấu trúc tâm lý lưu dân và khai hoang của mình, đã nhìn thấy thấp thoáng tương lai của đất nước mình qua việc tiếp thu văn minh Tây phương trực tiếp từ Thái Bình Dương. Cái chết của Lê Văn Duyệt, cuộc nổi dậy bất thành của Lê Văn Khôi đã đưa đến sự toàn thắng của Nho giáo bảo thủ quân chủ chuyên chế Hán Đường, một sự toàn thắng mà dân tộc Việt phải trả giá bằng 80 năm Pháp thuộc.
----------------
Chú thích
(1) Mọi chỗ dịch sang Việt ngữ là của người viết bài này.
(2) Thời đó từ "cochinchine" chỉ Đàng trong của Vương triều Nguyễn - Basse - cochinchine" mới chỉ Nam Kỳ.
(3) Chúng tôi gạch dưới: và dân Annam của nước Pháp có ý chỉ xứ Nam Kỳ lúc đó bị coi là thuộc Pháp.
(4) Chà Và: Java, nay thuộc Nam Dương.
(5) Thiên trước: chỉ chung Ấn Độ.
(6) Lão tiền: Kiều Công Tiển.
(7) Trần Khắc Chơn: cháu của Trần Bình Trọng thời Huyền Trân công chúa.
(8) 4è mille: người lần thứ 4
(9) Nguyên văn: Il fut la terreur des Cambodgiens: bon, juste, ferme et même inflexible administrateur des Annamites (trang 15)
(10) Lê Văn Khôi đã nổi tiếng nhờ tay không mà thắng được cọp ở đấu trường này.
(11) Tết thứ hai: chắc tác giả muốn nói tới Tết Đoan ngọ 5/5 âm lịch.
(12) Quan bảo hộ: Võ quan chỉ huy đạo quân VN đồn trú tại kinh đô Cao Miên để duy trì chế độ bảo hộ. Tên chức quan này do Nguyễn Ánh đặt ra, người đầu tiên đảm nhiệm là Hồ Văn Lân. Mỗi khi Tây Sơn đánh bại Nguyễn Ánh thì thay bằng quân mình nhưng tên chức quan này không đổi.
(13) Nay là dinh Độc Lập và trường Lê Quí Đôn.
(14) Theo chúng tôi được biết, trong Tú thư ngũ kinh của Nho giáo không có câu này. Vậy xuất xứ của nó từ đâu, chúng tôi chưa rõ.
(15) Trích dẫn những đoạn trên từ một tiểu thuyết, chúng tôi không coi đây là tài liệu lịch sử, vì có những nhân vật hư cấu, thuộc lối viết tiểu thuyết lịch sử. Nhưng ai dám khẳng định những nhà viết sử không hư cấu? Vấn đề phải chăng chỉ ở chỗ mức độ? Nhưng trong viễn tượng vật khó đạt tới được chân lý lịch sử chính xác và toàn diện, có nên coi tất cả những gì đã viết, hoặc là sử ký hoặc là tiểu thuyết lịch sử đều chỉ là những chứng từ với những mức độ phản ảnh sự thực khác nhau, để thúc đẩy đi xa hơn nữa việc tìm hiểu và phê phán?

No comments: