Tuesday, September 20, 2011

LỤC CHÂU HỌC VIII

CHƯƠNG VIII

MỘT VÀI QUY LUẬT VỀ SINH HOẠT VĂN HÓA

Ở VÙNG ĐẤT MỚI

Khi nói về văn học miền Nam, thường có những nhận xét đánh giá hơn kém, do đó dẫn đến thái độ khinh chê về ba điểm chính sau:

- Viết sai chính tả

- Văn nôm na, xuôi tuột

- Sản phẩm văn hóa thuộc loại hạ cấp.

Sở dĩ văn học miền Nam rơi vào những "thiếu sót, khuyết điểm" kể trên là vì theo những nhà nghiên cứu văn hóa nhìn từ miền Bắc, từ căn bản tiếng nói miền Nam "mang ít nhiều tính chất khẩu ngữ hoặc phương ngữ không được trau chuốt như tiếng nói vùng trung tâm vốn là ngôn ngữ văn học của dân tộc từ nhiều năm qua". Ngay "tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu cũng không được phổ biến ra Bắc vì lý do quan trọng là ngôn ngữ và nghệ thuật của nó" mang tính chất thổ ngữ địa phương, do đó số phận của một nền văn học địa phương không được tiếp xúc để bồi dưỡng với tiếng nói, văn học vùng đồng bằng sông Hồng, mà cái nôi của nó là tiếng nói Hà Nội coi như tiếng nói chuẩn, dễ bị rơi vào quên lãng...

Còn con người sở dĩ chỉ có thể làm ra thứ văn "nôm na" là vì "ít học" chất phác, bộc trực, do xuất thân gốc "lính thú nông dân" ít thích "văn hoa rào đón"...

Lối nhìn kỳ thị, tự tôn như vậy có xúc phạm không? Xúc phạm quá lắm chứ. Làm sao không xúc phạm khi anh nói với một người: Này, anh giàu có đấy nhưng vô học (nói một cách văn hoa thì: Miền Nam có kinh tế phong phú nhưng không có truyền thống văn hóa).

Những lối nhìn cách đánh giá kỳ thị trên đã trở thành thiên kiến có thể giải tỏa bằng cách trình bày những quy luật sinh hoạt, phát triển tiếng nói, văn hóa, ở vùng đất cũ và vùng đất mới của cùng một con người từ vùng đất cũ đến vùng đất mới có những thay đổi diễn tiến ra sao. Trong viễn tượng tìm hiểu kể trên, chúng tôi nêu ba vấn đề gợi ý:

1. Vấn đề không phải là người Nam kỳ viết sai chính tả, mà là tại sao dám viết sai chính tả?

2. Viết văn nôm na, quê mùa, xuôi tuột là vì trình độ khả năng hay do một lựa chọn có ý thức? Nói cách khác: vấn đề là "không thể" hay chỉ là "không muốn" mặc dầu "có thể".

3. Tại sao Nam kỳ chỉ có một giọng phát âm, một thứ tiếng lóng, một dòng văn học?

Cốt lỗi của vấn đề là nhận ra sự khác biệt và nhìn nhận sự khác biệt đó do những yếu tố địa lý chính trị quy định.

Chúng tôi thấy có ba nét khác biệt:

1) Tâm lý con người ở vùng đất mới, là tâm lý khai phá. Mọi sự đều trở về khởi điểm, bắt đầu từ gây dựng nếp sống cách làm ăn đến cách suy nghĩ, diễn tả tình cảm...

2) Nam kỳ là vùng đất tự túc về kinh tế và về văn hóa trong khuôn khổ văn minh nông nghiệp.

3) Ở Nam Kỳ, giao thông tiện lợi trong cả miền.

Từ những nét khác biệt trên, có thể rút ra mấy đặc điểm:

1) Giọng phát âm miền Nam phù hợp với những quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ dân tộc học.

2) Trong sinh hoạt văn học, trở về với lối văn nói (oralité) hay rõ hơn lối văn viết dễ nói và trở về với tiêu chuẩn: câu văn học câu nói (hàng ngày) không phải câu nói học câu văn.

3) Về phương diện xã hội dù có công nhận ở miền Nam đã hình thành những phân hóa giai cấp, từng lớp, nhưng về phương diện văn hóa chưa có một truyền thống văn hóa riêng về ăn, mặc, ở hoặc sinh hoạt văn học của các tầng lớp trên (quý tộc, trưởng giả) như ở vùng cũ. Do đó vẫn chỉ có một dòng văn học chung, chưa tách rời khỏi những mặt khác của thực tế cuộc sống hàng ngày.

Văn học vùng đất cũ

Chúng tôi thấy văn chương ở miền Bắc vào thời kỳ xảy ra cuộc Nam tiến càng ngày càng tách rời thành hai dòng văn chương bác học và bình dân, mà chưa xác định được rõ thời điểm và nguyên nhân tại sao? Văn chương bác học gồm thơ truyện chữ Hán và chữ Nôm, văn chương bình dân không dựa vào chữ viết, chủ yếu là truyền miệng. Tuy khác nhau về thể văn, thể đường luật trong văn chương bác học và đối tượng (thiểu số có học và đa số quần chúng) nhưng cả hai dòng văn chương bác học, bình dân đều có một đặc điểm chung phần lớn có tính sâu sắc về ý nghĩa chải chuốt về lời: Ý sâu lời đẹp. Nếu có những câu thơ truyện Kiều tuyệt đẹp thì cũng có những câu ca dao tuyệt hay. Một đàng do quá trình xây dựng của một cá nhân, một đàng của tập thể qua thời gian, cả hai đều đạt tới cái tuyệt đỉnh hoàn chỉnh như thể không còn sửa chữa gì thêm được nữa. Sâu sắc nhưng lại kín đáo, tế nhị, ít khi nói thẳng ra mà thường dùng lối nói bóng gió, ám chỉ, nói xa xôi, mượn cái này để nói cái kia, khen mà thực ra là chê, đôi khi phải ít lâu sau mới khám phá ra, và hiểu được dụng ý như gài bom nổ chậm (trường hợp chơi chữ trong câu đối câu đố). Cả hai dòng văn đều vận dụng trí tuệ, lý luận thiên về suy tư, nghĩ ngợi: Suy nghĩ về cuộc đời, thân phận con người. Chẳng hạn câu tục ngữ: "Khôn dại đều về ba tấc đất, giàu sang cũng chỉ một nồi kê". Những câu đố bày tỏ một mô tả đưa đến suy tư: "Cái gì như thể khí trời, ngày đêm quanh quẩn ở nơi cạnh mình, - không hương không sắc không hình, không hình không sắc mà hình không qua" (lòng cha mẹ), hoặc một suy tư để mô tả sự vật: thân em như tấm ván dài, ngày thời dãi nắng, đêm thời dầm sương, làm ơn tất cả muôn phương, ơn thời chẳng có, đạp đường mà đi (cái cầu). Cũng suy tư về chuyện đời, nhưng văn chương bình dân tuy có chỗ đả kích, phê phán, nói chung vẫn giữ được tính lạc quan tin tưởng, tính quần chúng (đặc biệt các loại ca hát, hát trống quân, hát quan họ). Trái lại văn chương bác học, càng ngày càng đi sâu vào những mối sầu thảm thiết đau thương vì xa cách biệt ly, oan ức uất hận, bất lực trước số phận... (Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, truyện Kiều). Hình ảnh trội bật là người đàn bà đau khổ đầy nước mắt (người chinh phụ, nàng cung nữ, nàng kỹ nữ).

Lối văn thiên về suy tư, đặc biệt suy tư trước những hoàn cảnh bế tắc, càng ít chú ý đến hành động vì làm được gì, hay làm gì được, làm để làm gì, cho ai, đều không có trả lời, giải đáp, rút cục dễ đưa đến những thái độ yếm thế thoát ly, lẩn tránh hành động hoặc hành lạc (Nguyễn Công Trứ).

Người trí thức (có học) ưa suy tư tế nhị sâu sắc, kín đáo, dĩ nhiên không thích những tiếp xúc ồn ào, những hò hét đâm chém, múa may của quần chúng. Họ thích thơ văn hơn là tuồng kịch và trong một hướng lệch lạc, sa đọa nếu vẫn còn muốn có sân khấu, thì sân khấu đó được thu gọn lại trong một căn nhà nhỏ: nhà hát cô đầu, trong đó quần chúng dỗi thành quan viên và diễn viên là cô đầu: "những nơi đó đã nhận chìm sâu trí thức miền Bắc vào trong cái hang huyền diệu, cái động tiên trần gian xa lánh hẳn mọi cọ sát quần chúng." (1)

<<(1) Nguyễn Văn Xuân: Khi những người lưu dân trở lại. Thời mới xuất bản Sài Gòn 1967, trang 81. >>

Sau cùng, do xu hướng thiên về suy tư, thâm trầm, không phải về hành động sôi nổi, văn thơ bác học là thứ văn thơ để đọc hoặc ngâm một mình, vì chỉ như thế mới thấm thía ý sâu lời đẹp, không phải thứ văn để nói, để xem trình diễn. Sự lựa chọn những thể văn thích hợp chứng tỏ hình thức diễn tả gắn liền với nội dung (thái độ cảm nghĩ) chẳng hạn thể song thất lục bát trong: Cung oán, Ai tư vãn, Chinh phụ ngâm, Tự tình khúc, v.v... là một thể văn tự sự, để bộc lộ nội tâm. Nhà thơ "đóng vai một lữ khách xem cuộc đời của mình như một đoạn đường dài và ôn lại quãng đường ấy... Con người ấy có đặc điểm là ngồi một mình và viết cho những người của mình chứ không phải cho mọi người. Đặc điểm này là trái ngược với thể hát nói. Thể hát nói bao giờ cũng đòi hỏi nhà thơ ngồi giữa bạn bè và bài thơ, lời nói với những người trước mặt mình. Nói chung cho đến nay, thể song thất lục bát là do một người cô độc viết ra ở trong trạng thái cô đơn đòi hỏi sự thông cảm và muốn thưởng thức cái hay của nó thì phải đọc lúc đêm khuya thanh vắng, thậm chí đọc lén lút... đọc một mình, khi mình đối diện với lòng mình." (2)

<<(2) Phan Ngọc: Suy nghĩ về thể loại thơ song thất lục bát. Tạp chí Sông Hương (Huế) số 9 tháng 9-1984 trang 69-71.>>

Đến khi tiếp xúc với văn chương Pháp, dòng văn chương bác học ở Bắc Hà thấm nhuần văn chương Trung Hoa được dịp tiếp thu thêm cái phong phú đa dạng của một dòng văn chương bác học vào bậc nhất ở châu Âu: các xu hướng, tư tưởng, triết lý, siêu hình (Bergson, Nietzseho) triết lý xã hội, chính trị (J.J.Rousseau, Montesquieu, Voltaire) các trào lưu văn nghệ lãng mạn, tượng trưng tả chân xã hội đặc biệt là thoại kịch và phê bình văn học. Bắt đầu có những bài báo sách viết về văn học sử, phê bình văn học. Người ta đi phỏng vấn nhà văn nhà thơ để tìm hiểu cách làm văn, động cơ, mục đích hoặc phỏng vấn độc giả, lập Ban Giám khảo để ban giải thưởng v.v... Tất cả những việc làm trên tạo ra một sinh hoạt mới gọi là sinh hoạt văn học lấy văn chương làm đối tượng, nhận thức. Người dọc có thể không đọc chính tác phẩm nhưng vẫn biết có tác phẩm và thích hay không thích vì các nhà phê bình đã khen hay chê. Do đó đã có tình trạng một tác phẩm có thể ít được đọc trong sinh hoạt thưởng thức, văn chương, mặc dầu thế vẫn được biết đến, đề cao trong sinh hoạt văn học (giảng dạy văn học ở các trường, nghiên cứu phê bình văn học trên sách báo như trường hợp "Quả dưa đỏ" của Nguyễn Trọng Thuật). Dĩ nhiên sinh hoạt văn học cũng như sinh hoạt văn chương trong dòng văn học bác học chỉ thấy ở một giới có học tại các đô thị mà thôi. Các tầng lớp khác ở đô thị và nông thôn hầu như không hề biết đến những sinh hoạt văn chương, văn học của dòng văn chương bác học, ngay cả trường hợp nhà văn nói viết về họ. Tam Lang khi được hỏi về phóng sự "Tôi kéo xe" của ông, có cho biết: "Tôi làm có 6 ngày cốt ý nói về sự cơ cực, tật hư nết xấu của người kéo xe. Lúc ấy tôi làm chủ bút và ông Bùi Xuân Học làm chủ nhiệm Ngọ Báo, tôi đề nghị và ông Học bằng lòng liền. Cả gia đình tôi khi biết ý định đi kéo xe của tôi liền phản đối và cho làm như vậy là bôi nhọ gia đình. Tôi lén làm, tôi hơi nhát không dám kéo ban ngày mà xin kéo buổi tối để khỏi gặp người quen. Tôi muốn kéo xe để biết kiếp người ngựa cực như thế nào!

- Xin cụ cho biết phản ứng của các giới lúc đó về cuốn phóng sự này: giới chủ xe, cai xe, phu xe, người đi xe?

- Họ chả có phản ứng gì. Giới phu xe thì không đọc báo hóa cho nên không biết mà phản ứng. Chỉ có Sở kiểm duyệt khuyên không nên làm việc ấy nữa. Họ cho làm như vậy là gây căm thù giữa các giai cấp (1). Quần chúng ở đô thị không đọc hoặc ít đọc văn chương bác học vì không thích hợp với họ. Có lẽ họ chỉ được đọc những truyện nôm loại bình dân khổ nhỏ giá 20 xu các nhà in xuất bản Long Quan, Quan Long, Quảng Thịnh hồi 1910 - 1920 và hầu hết đều do Xuân Lan dịch, dịch ra quốc ngữ thoại kịch cũng chỉ dành cho trí thức, còn ở nhà quê không biết họ được đọc cái gì? Có một điều rất rõ từ ngữ "nhà quê" trong ngôn ngữ thời đó ở miền Bắc là một tiếng chê, mắng chửi, "đồ nhà quê" có nghĩa là ngu dốt...

Câu nói học câu văn: Đầu tiên, câu văn xuất phát từ câu nói (lời nói hàng ngày, phổ thông) nhưng rồi càng ngày càng được trau dồi, chải chuốt, bóng bảy... Nếu câu văn được thể hiện bằng câu viết, thì lại có điều kiện thuận lợi trở nên xúc tích chải chuốt hơn, vì loại bỏ được những hạng từ nghi vấn, tán thán, khẳng định. Những loại hạng từ đó được thay thế bằng những ký hiệu tương ứng:

[?], [!], [ ù], [ ø]: Trong chữ viết, những đơn vị "nhân cách hóa" được biểu thị bằng chữ in (chữ hoa): cờ bạc, đờn hát, chúa xuân trong câu văn của Nguyễn Tuân "Quê hương của họ là cờ bạc và đờn hát (2), thêm tội với chúa Xuân" (3). Trong câu viết một cảm nghĩ xuất hiện đồng thời với một sự kiện được biểu thị bằng ký hiệu [- ... -] như trong câu "Bởi vì - quái sao mãi đến giờ ông mới nhận ra - khuôn mặt cô Phượng cũng hao hao tự như diện mạo người đàn bà ẵm con" (4)

<<(1) Cuộc đời làm văn làm báo của Tam Lang. Nghiên cứu văn học số 3 trang 5 - 1971 Sài Gòn 1961.

(2) Nguyễn Tuân, Vang bóng một thời, bài Đánh thơ, trang 93 Bản in Cảo thơm, Sài Gòn, 1982.

(3) Sách t.d. trang 83, 142

(4) Sách t.d, trang 266.>>

Câu văn chải chuốt, bóng bảy, thâm trầm, sâu sắc chỉ hay và độc đáo lúc mới được dùng. Về sau càng được dùng, càng trở thành điển tích, thành ngữ, công thức và khi không còn hợp với thực tế trở thành khuôn xáo rỗng tuếch. Mặc dầu vậy, vẫn phải nói, viết như thế vì đó là lễ nghi phong tục bắt buộc: ăn nói phải thưa gửi trịnh trọng, cũng như ăn mặc phải chỉnh tề khăn đóng áo dài hoặc complet, veston mới ra tiếp khách. Do đó câu nói hàng ngày bắt chước câu văn. Thử nghe vợ chồng xa nhau viết thơ cho nhau như sau: "Gió thu mát, nước thu trong, trăng thu đẹp, đối cảnh thu, ta ở ngoài ngàn dặm chạnh nhớ đến hiền thiếp nơi quê một mình gánh vác bao công việc. Ở ngoài này chốn Cẩm đường tuy bận việc mà nhà lính ngự (nhà giam) vẫn vắng không. Đây là điều ta hằng mong mỏi... Giấy ngắn tình dài, khôn nói hết nỗi niềm thấm thía. Ý giàu lời ít để ghi đầy một kỉnh tin. Nhân cho trẻ Tuyết về vui dưới gối, nên có chút quà gọi là quí vị Tề quân" (1) hoặc bạn bè nói chuyện thường với nhau "Thưa tôn huynh đệ thiết nghĩ, người quân tử chu cấp nhau là thường. Vả đời người ta có lúc kinh, có lúc quyền, có lúc biến, có lúc thông. Như tôn huynh hiện nay đang ở vào lúc biến, thế tất phải tòng quyến. Xin lỗi nhân huynh cho đệ được nói thực... Dạ thưa tôn huynh, thầy Nha Tử, một giỏ cơm, một bầu nước ở trong các ngõ hẻm, mà suốt đời còn vui, nữa là đệ bây giờ còn được sang trọng hơn nhiều"... (2). Người có học, biết chữ, viết thư nói chuyện hàng ngày bằng câu văn - câu nói bắt chước câu văn - đã đành, nhưng ngay cả người bình dân khi biết được ít chữ nghĩa cũng học câu văn để nói (3) trong giao tế hàng ngày: lời chào, lời chức, lời mừng, lời thăm (4). Thậm chí lời chửi cũng phải văn vẻ nghĩa là cân đối, có vần điệu:

<<(1) Chu Thiên nhà nho. Nhà xuất bản Đồ Chiểu SAIGON tái bản trang 44 (Tế Quân: vợ).

(2) Chu Thiên (sđd) trang 84.

(3) Trong một số trường hợp lệch lạc, không biết chữ cũng cứ nói chữ, văn chương nên mới có câu đối hay nói chữ.

(4) Lời thăm (cũng giấy vắn tình dài, tôn huynh, hiền đệ).>>

Xóm trên

Xóm dưới

Xóm ngoài

Xóm trong

mở lỗ tai ra mà nghe đây nè: Gà của tao còn ràng ràng hồi trưa, mà quân nào đã ăn tươi nuốt sống rồi.

Ối thằng liền ông

Ối con liền bà

Ối đứa già (vần)

Ối đứa trẻ

Ối đứa nào đêm hôm qua xỏ xiên gà nhà tao

thì nó dỏng mái tai

gài mái tóc (vần)

gọi ông bà ông vải, cụ kỵ nhà nó lên để nghe bà chửi.

Làng trên

Xóm xưới

bên sau

bên trước

bên ngược (vần)

bên xuôi

Tôi có con gà mái xám, có sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng, mà thằng nào con nào

đứa nào ở gần mà qua

đứa ở xa mà lại (vần)

nó day tay mặt

nó dặt tay trái (vần)

nó bắt mất của tôi, thì buông tha nó ra, không thì tôi chửi cho đó ơ ơi!

(Nguyễn Công Hoan - Bước đường cùng - trang 20-21)

* Hành trang của người lưu dân

Những người bỏ quê ra đi về miền Nam, nói chung đều thuộc một lớp người: nghèo khổ, tay anh chị, ít nhiều có óc phiêu lưu, tinh thần bất khuất, mang theo những gì? Về vật chất, chắc rất ít, vài bộ quần áo, cái cày, cái cuốc, nhưng về tinh thần mang được nhiều, trừ văn chương bác học mà họ ít biết hay không biết: phong tục tập quán, niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng Thành Hoàng, văn chương dân gian, nhất là các bài ca hát theo những lối riêng của mỗi vùng (quan họ, trống quân, dặm, ví).

Đến một miền đất bát ngát phì nhiêu, chỉ cần bàn tay khai phá và bộ óc sáng tạo: có làm chắc có ăn rồi, sau đó làm chơi ăn thiệt. Làm chủ một giang sơn rộng lớn, họ phải tìm ra những lề lối canh tác, chuyên chở, trồng trọt, chăn nuôi khác, không thể tiếp tục dùng cái liềm, cái thuyền bé tí... Trong việc vận dụng óc sáng tạo, họ bắt gặp những người bạn đồng cảnh ngộ: người Trung Hoa lưu dân, không phải là những quân xâm lăng thống trị như hình ảnh vẫn thấy ở miền Bắc, sẵn sàng hợp tác để càng phát huy sáng kiến, hoặc những người tại chỗ (Miên, nhiều kinh nghiệm) và mang tính cần cù ra mà làm ăn, họ chắc có ăn trước mắt và sẽ khá mai sau. Nếu hiện tại và tương lai đều bảo đảm cần gì phải suy tư nhiều, hoặc lý luận này nọ, cuộc sống hầu như bị thu hút hết vào hành động với thái độ lạc quan, tin tưởng. Về nếp sống văn hóa, họ cũng phải thích nghi với hoàn cảnh mới, chỉ giữ lại cái cốt yếu, gốc rễ về phong tục tập quán, văn nghệ và gạn lọc bỏ đi tất cả những gì rườm rà chải chuốt, quan cách lễ nghi, khách sáo, hình thức... Cái gốc rễ là căn bản đạo lý như tinh thần tự chế (1). Cái cốt yếu trong các hình thức diễn tả văn xuôi Việt Nam là cách nói lối (truyện, vè, tuồng đồ, chèo, hát bộ, cải lương...).

<<(1) Trong tập biên khảo "Việt Nam ăn mặc ở theo truyền thống" đang soạn, chúng tôi đã nêu một đặc điểm của căn bản đạo lý dân tộc là tinh thần tự chế ở miền Bắc trong hoàn cảnh thiếu thốn và ở miền Nam trong hoàn cảnh đủ ăn, dư thừa được thực hiện thế nào. >>

Họ chỉ có một dòng văn chương là dòng văn chương đại chúng. Những tác phẩm thuộc dòng bác học có thể tiếp thu được "bình dân hóa" nghĩa là được rút vắn lại, bỏ bớt điển tích và cấu tạo sao cho có thể đọc cho mọi người nghe được.

Chẳng hạn thể thất ngôn bát cú là thể duy nhất còn sót lại của Trung Hoa qua các thời gạn lọc và người Bắc thích dùng nó như người Trung Hoa vẫn dùng: mô tả tâm sự, bày tỏ những mối thương thầm xót vay. Rõ ràng là lối thơ càng xem riêng lẻ chừng nào càng hay chừng đó (thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thanh Quan"...

Trái lại thơ họ Tôn (Tôn Thọ Tường) không bao giờ viết để cho mình mà chính là để cho người, không phải để xem mà để đọc. Lạ nhất là thơ thất ngôn bát cú miền Nam còn có thể đem đọc vanh vách trước công chúng và họ cũng có thể nghe hiểu được, bởi chính tác giả không mang tinh thần vị kỷ mà rất vị tha trong khi sáng tạo (2). Còn truyện Kiều được cải biên rút vắn lại, bỏ hầu hết các điển tích trở thành rất nhiều bài phú, như bản Túy Kiều phú của Phụng Hoàng San, Võ Thành Ký nổi tiếng hơn cả (1902).

<<(2) Nguyễn Văn Xuân, Khi những người lưu dân trở lại, trang 22. >>

Dòng văn chương đại chúng này thiên về hành động, lạc quan sống văn chương, ít suy tư, nên không chú ý đến sinh hoạt văn học và thiên về lối văn nói, trình diễn, văn không phải viết ra để đọc thầm, thưởng thức, nghĩ ngợi một mình mà để xem nghe bắng mắt, lỗ tai, cùng xúc động, rung cảm với những người chung quanh. Ngay cả thơ, truyện (bằng văn vần) cũng là nói thơ, nói truyện, huống nữa là tuồng. Nhiều người đã so sánh truyện Kiều và Lục Vân Tiên, sự so sánh đó vẫn chính đáng để tìm hiểu cái hay cái khác biệt của mỗi lối văn, mỗi đối tượng. Chúng tôi xin trích dẫn một trong nhiều chứng từ dưới đây:

"Khi người lưu dân trở lại" của Nguyễn Văn Xuân (trang 78) "Lục Vân Tiên lồ lộ hiện ra, có vẻ hơi (kỳ cục) khi thấy người đẹp mà lại bảo "ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai. Chàng cũng "kỳ cục nữa"! khi một nho sinh dáng thời thượng phải mềm như lá cỏ thì chàng lại bẻ cây làm gậy đánh tan lũ cướp. Suốt quyển truyện con người có đau khổ nhưng không rên rĩ tuyệt vọng, không ẻo lả, uốn éo, mềm dịu như những con bún người. Mỗi nhân vật dù tà, dù chánh cũng mang một sức sống, một nhân cách, một phong độ, sự ngang tàng, ngay thẳng, chất phát của một Tử Trực, một Hớn Minh, một ông quan, một tiểu đồng, thật chính là hiện thân của một miền còn đầy sinh lực, lương tri, đối chọi hẳn cái miền đã quá bạc nhược, tệ bại nửa người. Chỉ trong Lục Vân Tiên mới có người đàn ông! Và chỉ một mình chàng cũng tả đột hữu xông chống với cái trào lưu văn nghệ phụ nữ, nữ hóa từ Bắc tiến vào. Hình như chàng đã thắng ít nhất cũng bảo vệ hữu hiệu từ mũi Cà Mau đến đèo Hải Vân. Chẳng khác nào Triệu Tử phá vòng Chương Dương cho mãi đến 1932, nhưng đến đó dù có thất bại ở thành thị, chàng vẫn về tổ chức du kích tại nông thôn rất lâu dài.

Truyện Kiều, khi qua đèo Hải Vân rồi, dân chúng không hiểu, chỉ có trí thức hiểu. Ngược lại, Lục Vân Tiên sang bên kia, có lẽ giới trung lưu và quần chúng ưa thích hơn là trí thức!

Nhưng còn từ Hải Vân vào thì Lục Vân Tiên chính là tiếng nói thật, phát tự đáy lòng của người dân ở đó. Sự can trường đối kháng cái xấu, sự thao thức phục hưng cái tốt, lòng ao ước phục vụ hạnh phúc quảng đại nhân dân... phải chăng đó là lý tưởng của đa số, một đa số vẫn chưa quên nếp sống xa đạo lý? Một đa số vẫn cảm thấy cuộc đời mình gắn liền với lịch sử còn nóng hổi những khát vọng bình dị của đám dân đi khai phá?

Cái thú vị của Lục Vân Tiên chính nằm trong sự phiêu lưu như dân miền Nam đã và đang phiêu lưu. Cái hào hùng của Lục Vân Tiên chính là sự tiêu diệt những tên côn đồ, những tham quan, những ác bá như miền Nam đầy dẫy. Cái sảng khoái trong Lục Vân Tiên là dám phát ra lời cương trực để đè bẹp những lời tà vạy. Cái say sưa trong Lục Vân Tiên là các nhân vật hiện ra mỗi người là một điển hình. Lời nói hành động của họ, nếu đổi tên những Cốt Dột, vua, tể tướng, tiểu thư, quan lại ra những ông hương, ông lý, ông điền chú, cô bảy, cô ba, tên anh chị bự đầu chợ thì đó chính là sinh hoạt giản dị thường nhật trong làng, trong huyện quen thuộc biết bao. Cái mê ly trong Lục Vân Tiên chính là lối kết cấu với những tình tiết gọn gàng thay đổi với bối cảnh cũng luôn luôn thay đổi làm cho nó linh hoạt hẳn lên rất thích hợp với hạng thính giả nóng tính.

Nhiều người nặng về hình thức cho là Lục Vân Tiên không hay, không điêu luyện. Ấy là chỉ nhìn bằng cái mắt độc giả mà quên lỗ tai thính giả. Văn Lục Vân Tiên là tiêu biểu cho văn miền Nam để đọc chứ không hẳn để xem. Đó là văn nặng trình diễn như truyền thống của loại văn ấy. Về giá trị lớn của nó chính nằm trong phản ứng của người đọc (chứ không phải xem) và của khán giả (1). Một phê bình gia Pháp cho là văn Molière đầy lỗi văn phạm, câu rắc rối, văn xuôi mà nhiều câu còn chêm cả thơ 12 chân thô thiển. Thế nhưng tất cả diễn viên thiên tài lừng lẫy nào khi đọc văn đó lên cũng công nhận là chưa ai viết mà thuận lợi cho lối trình diễn đến thế!

<<(1) Cũng như nhân vật Racine, một phê bình gia cho là nếu đổi tên vua quan ra thì ta gặp dễ dàng những hạng trung lưu quen thuộc trong xã hội với hành động và ngôn ngữ của chính họ.>>

Với lục Vân Tiên, chỉ cần nghe một người to giọng, vừa vỗ vào đùi vừa cất tiếng ngâm ca:

Trước đèn xem chuyện Tây Minh

Gẫm cười hai chữ nhơn tình éo le...

Là tất cả những ai có mặt cũng đều chăm chú theo dõi, say sưa... Hình như chưa hề có quyển truyện nào lôi cuốn họ như thế. Cả trí thức lẫn bình dân, kẻ giàu cũng như người nghèo, quân nhân cũng như thương gia, ai cũng cảm thấy như chính đó là giọng nói của đất nước.

VĂN CHƯƠNG VÙNG ĐẤT MỚI

Nói sao viết vậy:

Một định kiến thường được dựa vào để phủ nhận văn chương ở miền Nam thời kỳ này là viết theo lối phát âm địa phương khác với chính tả hoặc dùng nhiều thổ ngữ chứng tỏ một trình độ sơ khai ấu trĩ. Thực ra không thể căn cứ vào viết khác với chính tả (văn phạm) hoặc dùng thổ ngữ để đánh giá một tác phẩm, vì ít nhiều ai cũng sai, kể cả những nhà văn hóa lớn. Ở miền Bắc, đến 1925 cũng vẫn thấy viết sai chính tả. Chẳng hạn trong truyện dịch bình dân: Tây Thi chuyện diễn nghĩa, mỹ nhân liều mình bán nước. Thấy nhiều lỗi chính tả: một quyển chọn bộ, transerit en quốc ngữ par Duc Phổ lère édition, Phủ Văn Đường Hà Nội 1925. "Phen này ta đem quân đi chắc gặp lúc địch đương có tang mà ta xuất kỳ bật ý, thì chắc rằng chỉ đánh một tiếng chống thì hạ được... Trong bụng Ngộ vương dận lắm sông vào quân Ngộ, quan nhà Ngô khi ấy bày trận không được trỉnh tề... quân Ngô đang khi chẳng ngờ, không thể trống lại được" (2). Ngay cả thơ văn đăng trên báo của nhà giáo cũng đầy lỗi chính tả. Mỗi câu thơ đều có lỗi:

<<(2) Chúng tôi gạch dưới những từ sai.>>

Đêm đông trường tuyết xa lạnh lẽo

Như khêu giạ thắm nhớ chồng đôi phen

Khi buồn lưu thủy khúc cao dọng tình

Tiếng rế khóc dục lòng trinh phụ

Dài bi lá dụng, hướng dương huệ tàn

Rọt lã chã thương người rậm vắng

Vọng phu ngâm (1)

<<(1) Deux poèmès annamites tranduits en français phat G.Cordier: Vọng phu et Vè con cua . Bulletin de la Société d'enseigne-ment mutuel du Ton-kin 1925. >>

Đã hẳn người ta có thể nói: trong trường hợp những người viết văn ở miền Nam, thời kỳ này, không phải một vài cá nhân mà nhiều người đã viết sai... Vậy cứ cho là có vấn đề đặt ra và thử tìm xem tại sao có hiện tượng nói, viết sai chính tả và nhất là tại sao người miền Nam thời kỳ này dám nói sao viết vậy? Tiếng Việt thuở xưa có thống nhất không? Nếu có đến thời kỳ nào, bắt đầu phân hóa thành nhiều giọng, cách phát âm khác nhau và trong những cách phát âm đó, cách phát âm nào là gốc, giữ được nhiều yếu tố của cách phát âm hồi còn thống nhất, hoặc trong viễn tượng thống nhất, lấy cách phát âm nào là chuẩn?

Cho đến bây giờ đã có nhiều ý kiến, giải đáp đề nghị, nhưng chưa có những quyết định lựa chọn chính thức.

Theo một số nhà nghiên cứu như Thanh Lãng dựa vào những tự điển xưa hơn cả do các thừa sai người nước ngoài cộng tác với người công giáo Việt Nam làm ra, tiếng Việt mãi đến thế kỷ XVII chưa bị phân hóa. De Rhodes đến Việt Nam năm 1624, rời Việt Nam 1644. Trong 30 năm đi đến Việt Nam 6 lần, chỉ có một lần ở Đàng ngoài (8 tháng) còn đều ở Đàng trong (Quảng Bình đến Qui Nhơn) kể như ông đi khắp nơi và đã nhận định tiếng Việt là thống nhất ở cả hai miền, tự điển do nhóm ông soạn căn cứ vào tiếng nói thống nhất. Không biết phân hóa từ bao giờ, chỉ thấy trong tự điển Taberd (1838) có ghi những từ riêng ở Đàng ngoài mà Đàng trong không có như những phụ âm đầu; bL, mL, tL... Từ đây thấy cả hai miền đều có những cách phát âm khác nhau hoặc về những phụ âm đầu hay phụ âm cuối. Nhiều nhà ngữ học coi ý kiến của Cadière vẫn có cơ sở khi ông cho rằng thực ra chỉ có hai cách phát âm: giọng Nam và Bắc (chỉ khác nhau đôi chút) và giọng Trung.

Nếu vậy có thể nêu giả thuyết nhiều từ mà bây giờ cho là miền Nam phát âm "sai" phải chăng chỉ vì giữ được nguyên vẹn cách phát âm lúc thống nhất mà sau này miền Bắc đã thay đổi cách phát âm? Cũng giống như người Pháp di dân ở Canada đã thay đổi giữ những từ của tiếng Pháp cổ? Nói cách khác, tiếng miền Nam là tiếng miền Bắc xưa. Chẳng hạn tự điển De Rhodes cho thấy là cả nước vào thế kỷ XVII đều phát âm V trong vui vẻ theo lối phát âm mới hiện nay của miền Nam, nghĩa là như sát âm hai môi ??? Hoặc từ khoai lang. Tự điển Huỳnh Tịnh Của dịch nghĩa là: "thứ khoai lang dây hay mọc lang dưới đất." Ngày nay, để nói cái gì "lang, lan ra" người ta viết lan với phụ âm cuối là tị âm chóp lưỡi ???, và với phụ âm cuối là tị âm lưng lưỡi ??? mà chính tả ghi là ng, để đặt tên các thứ cây cỏ, con vật hay đồ dùng mà người Việt bình dân thường căn cứ vào những đặc điểm bề ngoài của sự vật như hình thù, màu sắc, tính chất đặc biệt, công dụng v.v... Vậy phải chăng từ khoai mọc bò lan ra được gọi là khoai lang?

Điều đáng lưu ý là miền Nam chỉ có một cách phát âm một "giọng" chung cho cả các tỉnh và cùng không phân biệt thôn quê thành thị. Nếu nhận những cản trở thiên nhiên (rừng, núi, sông ngòi) như một trong nhiều nguyên nhân giải thích sự phân hóa cách phát âm, thì ở miền Trung điều này có thể đúng còn ở đồng bằng sông Hồng, có núi sông gì đâu, tại sao mỗi vùng, mỗi tỉnh, thậm chí mỗi làng có những phát âm ít nhiều khác nhau, không giống đồng bằng sông Cửu Long? Lý do phải chăng chỉ ở những ngăn cách về văn hóa thôi? Mỗi làng, mỗi vùng sống khép kín, ít giao thông giao lưu với nhau, hơn nữa còn tạo ra những tiếng riêng, tiếng lóng để bảo vệ bí mật về nghề nghiệp như trường hợp làng Báo đáp nổi tiếng về dệt ván vải. (1)

<<(1) Pierre Gourou, đã nhận xét về tính cách không hợp lý trong việc thiết lập những nghề thủ công vùng đồng bằng ở miền Bắc: làng có nghề chuyên môn không ở gần nơi sản xuất nguyên liệu hoặc trục giao thông tiện lợi để giấu bí mật nghề nghiệp, cha truyền con nối vì có giao lưu văn hóa thì những làng có điều kiện thuận lợi hơn (gần nguồn nguyên liệu, trục giao thông) sẽ đánh bại những làng không có điều kiện thuận lợi (xem Les paysans du delta tonkinois les industries villageoises facteurs de leur répartition PARIS les Editions d'art et d'histoire 1936.>>

Ở miền Nam chỉ có một giọng vì điều kiện địa lý chính trị giống nhau, vì có giao thông giao lưu thường xuyên và dễ dàng, nên không có phân biệt rõ rệt giữa tỉnh và nhà quê, bỏ làng ra tỉnh làm ăn, không phải là phản bội làng xóm "xẩy nhà ra" cũng không hẳn là thất nghiệp. Trái lại được chấp nhận, có vẻ như một cách thăng tiến cá nhân và gia đình.

Tiếng lóng cũng dùng cho mọi giới khắp miền: sức mấy, số dách, đồ dỏm, xỉn... nhờ giao lưu nhanh và nhiều các nơi trong cả miền nên cách phát âm kể như thuần nhất. Nhờ những điều kiện địa lý chính trị thuận lợi, dễ dãi, nên cách phát âm thuần nhất của cả miền cũng đáp ứng những qui luật ngữ học, dân tộc học hơn so với các cách phát âm những miền khác.

Người ta thường nói: người miền Bắc nói giọng nặng, trái lại người miền Nam nói giọng nhẹ. Điều đó phải chăng phát sinh từ những hoàn cảnh địa lý của mỗi miền? Người miền Bắc phát âm có giọng nặng, vì đã quen đấu tranh gắt gao với cảnh đất ít người nhiều. Còn người Nam nhờ cách làm ăn dễ dàng hơn trong một khung cảnh thiên nhiên hiền hòa, nên giọng nói mới nhẹ nhàng. Khi phát âm, người miền Nam thường thể hiện những nét thích đáng (traits pertinents) của mỗi âm vị một cách vừa đủ. Chẳng hạn khi đọc âm vị [p] họ chỉ mím hai môi vừa đủ và mở ra hơi chậm, để đủ chứng tỏ đó là tắc âm hai môi, trọc. Cho nên chúng ta nghe như họ thể hiện gần giống âm vị [b] là âm thanh đối xứng. Khi đọc tiếng nước ngoài, họ cũng vẫn duy trì tập quán đó. Từ pomme (Pháp) họ đọc là ??? hơn là ???. Thể hiện thanh điệu họ cũng làm cùng một cách. Họ thể hiện những nét thích đáng một cách rất tiết kiệm (kinh tế). Chẳng hạn, khi đọc thanh điệu [ ù] họ chỉ thể hiện vừa đủ nét "cao" và "vang", nghĩa là họ đưa giọng từ bậc bình thường nên cao một chút thôi.

Thể hiện những nét thích đáng của các âm vị trong câu nói, một cách vừa đủ để cho người nghe hiểu được ngôn từ của mình, thì đó là cách phát âm rất khoa học, nói theo ngôn ngữ học.

Còn trường hợp người miền Nam đọc "sai" (chỉ khác với chính tả hiện hành) hệ thống âm cuối tiếng Việt, hệ thống đó là:

??? mà chính tả ghi ???

Không có trường hợp "sai" đối với cặp đối xứng ??? và loại cặp ??? bằng cách đồng hóa một cách tương xứng hoặc với cặp ??? hoặc với cặp ??? (1)

<<(1) Về giao tế xã hội cũng vậy, khi khách đến nhà, chủ vẫn cứ mặc đồ bà ba quần áo thường tiếp khách, không cần chạy vào nhà trong thay, mặc quần áo chỉnh tề, không phải là không biết lịch sự, kính trọng khách, nhưng vì cả chủ lẫn khách đều cho rằng xử thế như vậy là đủ, không phải mất thì giờ khó nhọc đi thay quần áo phiền phức và ráng chịu đựng sự gò bó vì phải mặc chỉnh tề suốt buổi gặp gỡ... Phải chăng đây cũng là thực hiện quy luật tiết kiệm trong ngôn ngữ giao tế xã hội?>>

Văn miền Nam thời kỳ này chủ yếu là văn nói, văn viết để nói. Truyện Tàu được đọc lên to tướng cho cả nhà nghe và ai cũng hiểu đúng nghĩa, phải chăng vì thế mà người miền Nam, các tác giả miền Nam viết văn thời kỳ này ít quan tâm đến viết đúng chính tả? Nhưng điều đáng nói hơn cả ở đây, một điều thuộc về lãnh vực ngôn ngữ nhưng việc giải thích lại vượt khỏi lãnh vực ngôn ngữ đó là vấn đề tại sao chỉ người miền Nam, đặc biệt trong thời kỳ này lại dám nói sao viết vậy, nghĩa là viết sai chính tả hay dùng một cách rất tự nhiên các thổ ngữ các từ địa phương, trong khi không có nơi làm như vậy? Người Huế, Nghệ Tĩnh thường hãnh diện về quê hương, ca tụng xứ sở của mình trong thơ văn, nhưng thực tế ít ai nghĩ đến xưng hùng xưng bá ở địa phương mình ở. Muốn tiến thân làm quan thì ra Bắc, còn làm ăn thì vào Nam. Nói chuyện với nhau, có thể nói đặc giọng địa phương, người ngoài nghe không hiểu gì hết, nhưng đi nơi khác nói với người khác, bao giờ cũng nói viết tiếng chữ thống nhất. Thử tưởng tượng Nguyễn Du viết Truyện Kiều toàn bằng tiếng Nghệ Tĩnh? Phan Văn Dật một nhà văn ở Huế hồi 1935 gửi truyện "Dương Diêm Trang" ra Hà Nội dự thi văn chương do "Tự Lực Văn Đoàn" tổ chức, được giải thưởng, tất nhiên đã viết theo tiếng Bắc. Tại sao người miền Nam hình như không bao giờ để ý phô trương ca tụng địa phương của mình trong thể văn như thế chẳng cần gì phải làm như vậy, nhưng lại không ngần ngại nói sao viết vậy dùng nhiều thổ âm trong câu văn, và đây là một ưu điểm về mô tả vì càng dùng thổ ngữ văn càng có tính quần chúng và do đó càng phát huy được khả năng gợi cảm, nhất là những câu nói hài hước, than thở, thân mật riêng tư. Thổ âm làm cho câu văn thật đậm đà, thú vị. Phải chăng vì người miền Nam cảm thấy vùng đất mình ở làm cho mình đủ ăn đủ tiêu không cần phải mơ ước đi đâu lập nghiệp thăng tiến cũng không cần nhờ vả địa phương khác và nói viết ra đã có cả một tập thể hàng triệu người nghe đọc, nhất là trong trường hợp vì những lý do ngoài ý muốn, ít có giao thông giao lưu giữa các miền, chỉ biết có miền Nam, làm gì không nói sao viết vậy vì "người miền Nam đều hiểu hết và thích thú"? Giả sử Huế hay Nghệ Tĩnh cũng có một miền đất rộng phì nhiêu dân số hai ba triệu tự túc về kinh tế trong một tình cảnh ít giao thông, giao lưu, thì người Huế, người Nghệ Tĩnh chắc cũng có thái độ như người miền Nam thôi, nghĩa là biến thổ ngữ thành tiếng nói chính thức của cả miền.

Có nhận ra tâm lý tự túc về văn hóa dựa trên tự túc về kinh tế trong tình hình ít có giao lưu, giao thông với phần còn lại của đất nước, mới hiểu tại sao những người miền Nam viết văn viết báo hồi xảy ra cuộc tranh luận với Phan Khôi (1929) và phạm Duy Tốn (1916) mà chúng tôi đã trình bày trong phần đầu, đã cho rằng không cần viết đúng chính tả, miễn sao cho "thông nghĩa" nghĩa là viết sao khi đọc lên vẫn hiểu đúng là đủ rồi (dĩ nhiên chỉ người miền Nam hiểu đúng) hoặc không nên chấp nê một hai chữ viết sai vì ngay tiếng Pháp có mẹo luật rõ ràng mà cũng còn không chấp nê đôi chữ viết sai (tolérance orthographiques) như Nguyễn Ngọc Ẩn đã viết.

Nếu đặt cuộc tranh luận vào khung cảnh địa lý chính trị của hai miền, sẽ thấy người ở vùng đất cũ (miền Bắc) thường tỏ ra khắt khe còn người ở vùng đất mới (miền Nam) lại tỏ ra dễ dãi. Hai thái độ trên cũng thấy ở những nơi khác, chẳng hạn Pháp và Mỹ. Trong một bài nói về cải cách chữ Pháp, tác giả bài báo có đưa ra nhận xét: "Người Pháp chia rẽ nhau về nhiều vấn đề, nhưng đoàn kết nhất trí bảo vệ chính tả, chống viết sai một cách quá tẩn mẩn làm ngạc nhiên người nước khác, như người Mỹ.

Ở Mỹ, chính tả linh động thay đổi tùy biện giới các bang hay ngay cả từ trường này đến trường khác. Từ "đêm" có thể viết là night trong bang Montana hay nite trong ban Idaho. Ở bên đó người ta bất xét, nhưng ở nước ta thật là hãi hùng khốn khiếp cho kẻ nào quên dấu huyền trong từ "évènement".

Nhưng thực ra điều mà người Pháp coi là chính tả đâu có phải là "chính" vì chữ viết không tương ứng cách phát âm. Do đó mà có nhiều cố gắng đề nghị cải tổ chính tả Pháp cho phù hợp với chính âm hợp lý hóa chính tả ở nhiều mức độ: rasionalization de l'ortographe a divers dégres". Nhưng những đề nghị cải cách này đều bị bác bỏ vì lý do quá muộn rồi, đáng lẽ phải làm từ thế kỷ XVI, XVII như Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha đã làm, bây giờ đã thành thói quen không thể sửa được nữa. Tuy nhiên phe cải cách vẫn cố đề nghị một vài cải cách nhỏ (Thông tư 1977 cho phép bỏ â khi không thể hiểu lầm (trong batiment, abime, cho phép viết một số từ kép không cần gạch nối: are en ciel, porte monnaie, đơn giản hóa số nhiều từ kép. Tire-bouchon, des tire-bouchons) (1).

<<(1) Un pays divisé un pays laxiste, la France? Nouvel Observateur trong Brève Revue de la presse culturelle française. No 10 October 1985? P.151-152.>>

Dĩ nhiên trong tình hình một nước đã thống nhất, có giao thông giao lưu bình thường giữa hai miền, không thể nói sao viết vậy được. Nhưng vẫn phải chú ý, phân biệt chính âm và chính tả. Nếu tiến tới việc xác định một cách viết chính tả thống nhất với một số châm chước nhân nhượng nào đó cho mỗi miền nhưng không thể xác định một chính âm thống nhất và theo một giọng phát âm của một miền tự cho là đúng hơn cả. Cứ để các địa phương phát âm theo thói quen địa phương vì chỉ giao thông giao lưu mới thống nhất được và thống nhất thế nào lúc nào là tùy quần chúng quyết định mà thôi.

Tóm lại, xét về mặt ngôn ngữ học, không có vấn đề phát âm sai hay đúng mà chỉ phát âm khác nhau thôi do một cách phát âm có thể đã giữ được cách phát âm xưa cũ hơn hoặc diễn biến phù hợp với quy luật ngôn ngữ học hơn.

Do đó luận điệu cho rằng người miền Nam viết sai chính tả trong nhiều trường hợp chỉ là một thiên kiến không có cơ sở khoa học và nếu thiên kiến trên đưa tới một mặc cảm tự tôn thì thái độ tự tôn này cũng không chính đáng vì người miền Nam đã viết theo cách phát âm của mình, nên đã viết khác cái mà người ta tưởng là chính tả mà thôi.

Câu văn học câu nói

Một lý do khác hay được đưa ra để coi thường hoặc phủ nhận văn chương ở miền Nam thời kỳ này, đó là thứ văn chương quê mùa, thô tục hạ cấp không có tính cách văn chương, giống như tiếng nói trơn tuột hàng ngày. Điển hình là văn Hồ Biểu Chánh và Đông Hồ đã phủ nhận vì nó chẳng có gì văn vẻ chải chuốt... Coi khinh phủ nhận như một định kiến, nên không chịu tìm hiểu tại sao thứ văn quê mùa, không tao nhã chải chuốt: vợ chồng, bạn bè gọi nhau bằng mày tao, không phải bằng chàng nàng, tôn huynh, hiền đệ, tiện thiếp... lại được đông đảo quần chúng miền Nam ưa thích, mà còn hấp dẫn ngay cả độc giả miền Bắc và tại sao chính các thế hệ con cháu người Bắc vào Nam đến nay vẫn tiếp tục phát huy triệt để truyền thống Hồ Biểu Chánh. Đất miền Nam là thế nào mới để xảy ra một hiện tượng như vậy?

Diễn tiến phát triển câu văn cũng theo một chiều hướng chung diễn tiến những sự việc khác. Đi từ đơn giản đến phức tạp, cầu kỳ, từ cái hồn nhiên thô sơ đến cái khéo léo, điêu luyện nhưng giả tạo. Lúc đầu câu văn cũng như cầu nói thôi, nhưng dần dần được trau dồi chải chuốt, nhất là trong văn viết ra để đọc một mình, suy nghĩ thiên về diễn tả ý nghĩa phân tách hơn là mô tả sự vật bên ngoài, càng ngày càng xa những cách sử dụng lối nói hàng ngày. Chẳng hạn câu viết có thể rất dài nhưng lại rất gọn vì bỏ hết những hu từ, liên từ: thì, mà, nhỉ, nhé, ờ, à, thế rồi v.v... Những từ này rất cần trong ngôn ngữ nói được thay bằng những ký hiệu trong ngôn ngữ viết. Câu văn càng hay, xúc tích càng dễ trở thành điển ngữ, thành ngữ được nhắc đi nhắc lại, được đem ra làm mẫu mực để bắt chước học hỏi. Câu văn chải chuốt không phải chỉ xa cách câu nói hằng ngày về phương diện cấu tạo mà còn cả về tinh thần, mang tính chất quí phái càng ngày càng thiên về những cái cao cả, đài các, trang trọng, coi khinh những cái tầm thường của đời sống hàng ngày. Nhưng cũng chính vì vậy mà thứ văn chương bác học quí phái kiểu cách ngăn cản sự thông cảm thẳng thắn chân thành, hồn nhiên trực tiếp đi vào tâm hồn người khác. Cuộc sống ở miền Nam đưa người lưu dân đến chỗ dễ tước bỏ những cái trang trọng đài các, chải chuốt, tế nhị, thâm trầm khi thực ra chúng chỉ còn là hình thức khuôn sáo quanh co ngăn chặn những thông cảm chân thành trực tiếp. Bạn đến chơi không cần tự động chạy vào buồng ăn mặc tử tế đàng hoàng mới ra tiếp không phải là không biết lịch sử mà chỉ vì không muốn và vì cả khách chủ đều biết, đồng ý về một lựa chọn thái độ xử thế không gò bó, khách sáo, quan cách bề ngoài.

Nói, viết văn cũng vậy. Trở về với cái chân thực, chân tình, thông cảm trực tiếp là trở về với ngôn ngữ nói hàng ngày và nếu viết văn thì đó là thứ văn nói, nghĩa là thứ văn viết ra để đọc, để trình diễn cho mọi người xem nghe bằng con mắt, lỗ tai không phải thứ văn để đọc một mình.

Ngôn ngữ nói hàng ngày có mấy đặc điểm như sau:

1) Trong việc nói chuyện, đôi khi nói quan trọng hơn chuyện. Gia đình có người đi xa về, hay đôi trai gái ngồi tỏ tình với nhau, trong những trường hợp như thế, người ta nói với nhau rất nhiều chuyện, tranh nhau kể lể đủ chuyện, nhưng thực ra nội dung những chuyện kể đó không quan trọng, cái cốt yếu là để bày tỏ một nỗi niềm (vui sướng, nhớ tiếc, thương yêu...). Trái lại viết văn không thể kể chuyện linh tinh, không đầu không cuối hoặc chuyện tầm phào rất ít giá trị thông báo.

2) Lời nói hàng ngày thường sơ sài, câu chẳng ra câu, cú chẳng ra cú, thiếu hụt chỗ này dư thừa chỗ kia, phát âm khác chính tả, văn phạm là thường, không phải chỉ dùng thổ âm, thổ ngữ, tiếng lóng, mà còn dùng cả những cách nói trại (vần - vườn).

3) Trong lời nói, hay văn nói (văn viết để nói) phải dùng những liên tự, thán tự, hư tự thì mà, vậy là, thế hở, nhé, chả... nghĩa là chú trọng vào ngữ điệu trong khi văn viết dễ đọc có thể thay thế những hư tự bằng những ký hiệu ngôn ngữ... Văn viết dễ nói (nhất là văn xuôi) giữ nguyên những đặc điểm trên, hay nói cách khác, đưa ngôn ngữ nói hàng ngày vào văn chương: nói sao viết vậy. Như thế, thật dễ hiểu thứ văn viết lời nói trơn tuột như tiếng nói hàng ngày, thứ văn quê mùa, thô tục, đầy dẫy lỗi chính tả, lủng củng những thì mà v.v... hoặc những câu nói bồi thường thấy trong thơ truyện như: "Bạc đôn ông chớ phát sê, át tăng mỏ răc công tê tú xà" thơ truyện Sáu Trọng (1) không đáp ứng một chút nào những đòi hỏi làm văn chương chải chuốt, cũng không thể đem ra làm mẫu giảng văn ở lớp học và do đó thật dễ hiểu nếu nó bị bác bỏ, không được coi là văn chương.

<<(1) Bác đôn: Pardon, phát sê: fâcher: giận, At tăng (Attend) đợi, moi: tôi, răc công tê tú xà: raconter tout çà: kể tất cả.>>

Trở về với lời nói hàng ngày là trở về với cách dùng những tiếng thuần Việt, nôm na, bình dân cả trong cách đặt tên đường phố sông rạch làng xã lấy ngay tên những người trong cộng đồng có đóng góp ít nhiều vào việc khai phá định cư hoặc có công đối với tập thể (chữa bệnh, dạy học) không dùng tên những vĩ nhân thần linh, hoặc những từ văn học Hán Việt như miền Bắc thường làm.

Sau cùng sự trở về với lời nói hàng ngày trong văn chương không phải là một trường hợp riêng của miền Nam. Đó là một biểu lộ văn hóa ở những miền đất mới. John Steinbech đã nói về trường hợp Hoa Kỳ: "Hãy xem cái lối dùng ngôn ngữ sống sượng trên sân khấu hiện nay hoặc cái lối khinh bỉ câu văn, thứ ngôn ngữ chải chuốt trong tiểu thuyết Hoa Kỳ hiện đại". (2)

<<(2) L'écrivain et son temps, Interview de Steibers après son prix Nobel? Tạp chí Information et documents số 272 trang 30.>>

Lối viết văn bắt chước câu nói hàng ngày ở Mỹ cũng ảnh hưởng sang Âu châu. Chẳng hạn trường hợp cuốn: Papillon của Henri Charnière, một người tù vượt ngục, chưa hề mua sách đọc, vẫn tưởng Victor Hugo là một anh phu khuân vác và dĩ nhiên chưa hề cầm bút chỉ nói sao viết vậy. Viết "với cách y như đã kể chuyện vượt ngục trên Đài phát thanh, nghĩa là đừng có phải tìm chữ nghĩa văn chương chắc chắn độc giả sẽ khoái tôi như thính giả đã khoái." (Trả lời phỏng vấn của báo Express bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Vàng Son, Sài Gòn 1970 trang 700). Đúng như tác giả đã nghĩ: Cuốn ký trở thành nổi tiếng, bán chạy, chỉ trong một năm đã có 15 triệu độc giả được dịch ra nhiều thứ tiếng và chuyển thành phim. (1)

<<(1) Trong bài "tiếng Pháp, gương soi của người dân Pháp" đăng ở tuần báo Express 4-4-1986, A. Frantapié, giáo sư ngôn ngữ học Đại học Paris II đã nhận xét về tác động văn hóa của vùng đất mới (Mỹ châu) đối với vùng đất cũ (Pháp) như sau: Nói như sách (parler comme un livre) hay câu nói học câu văn, nghĩa là lời nói hàng ngày bắt chước câu viết văn hoa dựa vào các tác phẩm văn học sử là một thói quen đang đi vào dĩ vãng vì xu hướng hiện nay là "câu văn học câu nói" hay viết như nói, nói sao viết vậy. Xu hướng này được biểu lộ qua các hiện tượng: tạo từ mới, đặc biệt từ tiếng Anh, Mỹ ghép nghĩa mới cho từ cũ, thay đổi, đảo lộn trật tự ngữ pháp, cấu trúc bút pháp (chẳng hạn ít dùng passé simple, chỉ dùng passé composé, đổi động từ intransitif thành transitif (démarrer l'auto) bất chấp những kêu gọi cảnh cáo, những quy định của các Hàn lâm viện, Ủy ban bảo vệ tiếng Pháp vì theo A.Fantapié, những thay đổi trên biểu lộ sinh lực của một ngôn ngữ sống động, không phải ngôn ngữ chết. Những phương tiện truyền thông đại chúng như VTTT, VTTH, đã đẩy mạnh những thay đổi đưa trở lại một nền văn minh nói từ một nền văn minh viết (người ta không đọc trên đài, cầm giấy mà đọc, mà nói trên đài, theo những quy luật của ngôn ngữ nói.>>

Nhưng tại sao thứ văn bắt chước câu nói lại có sức hấp dẫn đông đảo quần chúng? Trước hết vì tính cách trình diễn trong tuồng Sơn Hậu, có nhiều đoạn nói thường, nếu đọc thì chẳng những không hấp dẫn mà còn vô vị, nhạt nhẽo, nhưng nếu được trình diễn do một diễn viên tài, khéo đóng đúng nhân vật thì câu văn lại rất lôi cuốn thành công vì câu văn ở đây không cốt viết cho văn hoa chải chuốt mà cốt làm sao thích hợp với vai tuồng, nghĩa là với giọng điệu miệng lưỡi của người nói...

Trong trường hợp không được trình diễn, chỉ được nói đọc lên, câu văn cũng vẫn hấp dẫn lôi cuốn vì qua câu văn, người bình dân tìm thấy lại cuộc đời tiếng nói hàng ngày của mình. Ngay cả người vẫn đọc văn chương bác học cũng thích thú như thể lần đầu tiên nhớ lại cuộc đời thật sự gồm toàn những sự việc hình ảnh tầm thường mà mình đã bỏ quên như hình ảnh con chó phèn làm thè lưỡi nơi hàng hiên, tiếng nhái ếch kêu bên bờ ao và bỗng nhiên thấy những cái tầm thường hàng ngày đó sống động, hấp dẫn hơn những luận điệu hình ảnh rất đẹp nhưng đã quá quen thuộc đến nỗi trở thành nhàm chán: Liễu rủ bên hồ, sen mới tàn bông, cúc vừa trổ nhị, đông qua, xuân về... Khi Trương Vĩnh Ký chủ trương lối viết văn xuôi trơn tuột như lối nói hàng ngày, ông có dụng ý rất rõ rệt như đã bày tỏ trong một thơ gởi giải thích những công trình biên soạn của ông: "Thiếu văn xuôi là một khuyết điểm thực sự trong văn chương Annam, vì không bao giờ ngôn ngữ thơ văn hoặc văn vần có được sự rõ rệt chính xác và tích cực rất cần thiết trong việc bày tỏ tư tưởng...".

"Chính vì dụng ý trên mà tôi đã xuất bản những truyện Annam và tôi đang soạn 3 cuốn khác để qua một trong những cuốn đó, lần đầu tiên đưa những danh từ khoa học vào tiếng nói của chúng tôi và những cuốn kia trình bày những mẩu đối ngoại, lối bút pháp, tước bỏ tất cả những chải chuốt (chúng tôi gạch, NVT) những trang điểm văn thơ đã được dùng ngay cả trong thư từ thân mật và kéo dài một cách vô ích, câu văn, nếu không phải là làm tối nghĩa nữa (Thơ không đề ngày, viết tay gởi cho một giám đốc không rõ là ai). Trong một thơ gởi cho gia đình từ Viện cơ mật Huế (16-7-1886) viết tay, Trương Vĩnh Kỹ đã dùng một lối nói thân mật hàng ngày gọi vợ là mẹ nó, mẹ con, gọi con là thằng như chúng ta bây giờ. "Mẹ con cùng cả nhà bình an mạnh khỏe... khuyên mẹ con chịu khó ở nhà coi sóc nhà cửa coi con cho nó vui chơi. Hễ hỏi ra thì đã về vì nhớ thằng Tống lắm. Thôi mình có lòng ngay Chúa cũng phù hộ chẳng bỏ đâu mà sợ, rán một ít lâu cho thành cuộc kẻo bán đồ nhi phế đã mất công nghiệp lại người ta cười, vậy nên phải bóp bụng mà chịu, lòng những lo sợ cho mẹ nó buồn mà sinh đau ốm, nên cầu xin Chúa cùng Đức Mẹ giúp cho mau thành cuộc cho được hưởng cái tiếng với nhau cho bõ những lúc cay đắng cực lòng khi trước." (Hồ sơ Trương Vĩnh Ký thư viện KHXH miền Nam). Hoặc thơ gởi cho vợ trong văn tiểu thuyết cũng như trong lời nói hàng ngày: "Tao gởi lời về thăm mày được mạnh giỏi. Tao ở dưới này bình an như thường. Năm nay tao làm ăn cũng khá khá. Như mày có nghèo lắm thì bán cái nhà lấy bạc đi qua Mỹ Tho rồi ngồi tàu mà xuống đây. Mẹ mày có nơi nào khác rồi thì phải gởi thơ cho tao biết. Nói giùm tao gởi lời thăm anh hai chị hai và bà con lối xóm hết thảy..." (Hồ Biểu Chánh "Cay đắng mùi đời" trang 94 Imp. de l'Union 1925). Ai dám nghĩ Trương Vĩnh Ký và Hồ Biểu Chánh là những người ít học. Cho nên phải nhận khi các ông này viết thứ văn nôm na xuôi tuột như tiếng nói hàng ngày thì không phải vì trình độ văn hóa thấp kém mà do một lựa chọn có ý thức, thích hợp với hoàn cảnh thời đại của mình. Thực ra làm cho câu nói hàng ngày trở thành sống động lôi cuốn là một đòi hỏi về kỹ thuật cấu tạo cũng như văn viết chải chuốt đòi hỏi phải có kỹ thuật. Nói cách khác, cũng cần có ít nhiều tài năng mới viết được thứ văn trơn tuột như tiếng nói hàng ngày, bằng cớ là chỉ một số người thành công, không phải bất cứ ai cũng làm được. Văn chải chuốt đến mức độ tuyệt đỉnh là lựa chọn sắp xếp hình ảnh, chữ nghĩa làm sao cho người đọc bị chính những tiếng chữ, những hình ảnh lôi cuốn bắt phải dừng lại ở bình diện tiếng chữ, hình ảnh để thưởng thức như thể chúng là cái đích của việc viết văn, đọc văn, không phải chỉ là phương tiện chuyên chở ý nghĩa là mục đích. Đây là trường hợp của thi ca, trái lại trong văn viết để nói, việc sử dụng tiếng chữ, hình ảnh, điệu giọng của tiếng nói hàng ngày chỉ để người nghe cảm thông rung động ngay được những tình ý muốn diễn tả một cách sâu xa thấm thía mà quên mất tiếng khi đã đạt tới rung động thông cảm hoặc có thể không để ý đến nó ngay cả đang nghe đọc, xem trình diễn, như thể người qua đò ngang chỉ mong tới bến mà không chú ý đến con đò trong khi đi hoặc quên ngay cả con đò khi đã cặp bến. Ở đây, ngôn ngữ chữ viết chỉ là phương tiện chuyên chở. Kỹ thuật của văn xuôi, văn để nói là làm sao dùng phương tiện mà như thể không cho thấy việc sử dụng phương tiện. Nói cách khác, cái không văn chương ở đây chính là một kỹ thuật làm văn (2).

<<(2) Paul Valery phân biệt thơ và văn xuôi dựa vào quan niệm 2 chức năng khác nhau của ngôn ngữ. Thơ là ngôn ngữ trong ngôn ngữ (un langage dans le langage) nghĩa là nhà thơ không dùng ngôn ngữ như một phương tiện để diễn tả ý nghĩa (mục đích) mà nhằm phát huy những khả năng của ngôn ngữ (âm, điệu, nhịp) để hưởng thụ những rung động của chính việc sắp xếp phối hợp những đặc điểm trên của ngôn ngữ. Trái lại tiếng nói hàng ngày và văn xuôi chỉ chú trọng đến cái được diễn tả (ý nghĩa) không phải cái để diễn tả (ngôn ngữ). Valery so sánh thơ và văn xuôi như bước đi và điệu vũ. Bước đi nhắm một đối tượng rõ rệt hướng về một mục đích muốn đạt tới. Vũ cũng là bước đi nhưng có cứu cánh tự tại, nó không đưa tới đâu cả (Variétés oeuvres complètes. Collection Pléiade, trang 1930) có thể coi hầu hết thơ diễn tả chỉ là văn vần cũng chú trọng đến cái được diễn tả nhất là loại thơ truyện, thơ nói ở miền Nam.>>

Nhưng việc trở lại tiếng nói hàng ngày, viết câu văn bắt chước tiếng nói hàng ngày không phải chỉ là một cái mốt thời trang do những sở thích hời hợt của một vài cá nhân. Có một cái gì nghiêm trọng hơn đụng đến một "đổi dời" dựa trên sự lựa chọn những giá trị của cả một lớp người cùng ở trong một hoàn cảnh miền đất. Những người được sống trong những điều kiện thuận lợi kích thích hành động và hành động ở quy mô lớn (làm ruộng trên những cánh đồng bát ngát, nuôi cá nuôi vịt không phải ở trong cái ao bé tí xíu, di chuyển mau lẹ trên những sông, kinh, lạch chằng chịt... rất ít có thành kiến mới vì cũng dễ bỏ những thành kiến cũ trong cách làm ăn nếp sống sinh hoạt văn hóa. Chẳng hạn không còn phân biệt: lao động chân tay với lao động trí óc, văn chương bác học, văn chương bình dân, văn hóa với kinh tế buôn bán... và đề cao lao động trí óc, văn chương bác học, văn hóa tư tưởng (triết lý, tôn giáo v.v...).

Ở miền Nam thời kỳ này, chúng tôi không thấy một tờ báo nào chuyên về văn hóa, văn học, và trong văn học chuyên về sáng tác hay nghiên cứu phê bình. Nông Cổ mín đàm, Lục Tỉnh tân văn, Nam Kỳ địa phận, đều là những tờ báo nói đủ chuyện làm ăn buôn bán, chữa bịnh, văn thơ... Đưa một cái nhìn dựa trên những phân biệt, không thể hiểu được tại sao nhà thuốc Nhị Thiên Đường một cái tên còn được dùng để gọi một cây cầu, do người Tàu chủ trương là một trung tâm văn hóa vì đã xuất bản những sách quảng cáo thuốc in xen kẽ thơ văn của nhiều người nổi tiếng nhất trong thời kỳ này.

Lối làm ăn "tạp pí lù" đó cũng thấy ngay ở nơi một người, thường được người miền Nam đương thời gọi là ông Đốc, thầy dạy đạo lý ở Nam kỳ, nghĩa là một người Việt dạy sách thánh hiện là Trương Vĩnh Ký. Bên cạnh những sách nghiêm chỉnh dịch, chú giải Tứ thư, Trương Vĩnh Ký cũng in những truyện tiếu lâm xưa và đương thời (mà bây giờ ít được nói đến, chỉ nói đến cuốn chuyện cổ tích của ông mà thôi). Ngoài ra ông cũng sưu tầm (chưa in được) những bản thơ mà thứ đạo đức chật hẹp có thể coi là nhảm nhí. Trong một tập bản thảo chép tay về văn chương Việt Nam, có một xếp ghi những bài thơ, có lẽ ông đã sưu tầm được trong chuyến đi Bắc kỳ gồm những bản như: Thơ hòn lổ đờn bà, Lấy dao chọc gái, Thợ đúc bà góa, Trai với gái đánh cờ ban đêm, Mất chồng nhảy quanh, Học trò ve con thầy (học trò được thầy sai xuống bếp gắp lửa thấy con ấy ngủ trật vú tuột quần). Hồ Xuân Hương khi đã góa chồng, Gái hư, Gái chửa hoang, Gái lỡ thì, Gái trách phận, Gái đi tiểu, v.v..

Trong 18 số Miscellenées (Thông loại khóa trình). Ông tự bỏ tiền in dành cho học trò đọc, có thể coi như một thứ học báo đầu tiên, ông cũng nhẩm dạy lễ nghĩa, tam cang ngũ thường, giải thích những câu chữ nhu, nhưng bên cạnh những câu dạy đạo lý nghiêm trang, là những bài đố, thai, vè, trò chơi con nít, tiếng tục, phương ngữ tục ngữ, câu nói ngược, nói trại v.v... mà bây giờ phải coi như là những tài liệu rất quí về văn hóa dân gian miền Nam, ông coi những thú vui chơi đó cũng là đúng đắn, nhằm mục đích giáo dục nhân dân dạy đạo lý như ông đã viết trong lời nói đầu số 1 nhan đề: Bão: "coi sách dạy lắm, nó cũng nhằm nên phải có cái chi vui pha vào một hai khi, nó mới thú. Vậy ta tính làm ra một tháng đôi ba kỳ, một tập mỏng mỏng nói chuyện sang đàng, chuyện tam hoàng cước chỉ, phá phách lợn lạo xào bần để cho học trò coi chơi cho vui. Mà chẳng phải là cho không vô ích đâu. Cũng là những chuyện con người ta ở đời nên biết cả".

Những lối làm văn hóa như trên bày tỏ một tinh thần không câu nệ. Tinh thần không câu nệ chưa phải là tinh thần cách mạng, đặc biệt cách mạng có tính quần chúng rộng rãi... Nhưng là điều kiện thuận lợi, chuẩn bị cho có thể có tinh thần cách mạng và nhất là điều kiện giữ cho cách mạng khỏi rơi vào bảo thủ nghĩa là chỉ thay thế thứ câu nệ hình thức này bằng thứ câu nệ hình thức khác. Đất miền Nam làm cho con người đến cư ngụ ở đó dễ dứt bỏ những câu nệ, định kiến, ngay cả về tôn giáo, cúng ông bà không nhất thiết cứ xôi, gà, thịt heo, mà bằng món ăn do "giao lưu văn hóa mà ra" như món nấu cà ri... ăn gì cúng nấy, không câu nệ.

Không câu nệ, hình thức, ngay thẳng trong nếp sống cũng như trong ngôn ngữ nói, viết bày tỏ một nỗ lực trở về cái trực tiếp ban đầu, tước bỏ những cái chải chuốt, vẽ vời khuôn sáo, nhằm thực hiện một bước đi mới, một đổi đời. Đây là một lựa chọn thích nghi có tính quy luật không phải chỉ phản ảnh một cái mốt nhất thời, bằng cớ là những con cháu vào những thời kỳ sau vẫn tiếp tục làm câu văn bắt chước câu nói còn triệt để hơn những Hồ Biểu Chánh hồi đầu thế kỷ (1). Do đó định kiến cho rằng người miền Nam mộc mạc cùng như văn miền Nam thô sơ, quê mùa, tiêu biểu cho một trình độ ấu trĩ, sơ khai (như Phạm Thế Ngũ đã nhận định) không những là một sai lầm mà còn là một xúc phạm đến chính cha ông mình, vì người miền Nam cũng cùng một gốc với người miền Bắc không phải thuộc một dân tộc khác sơ khai hay bán khai, trái lại cái nhìn giải tỏa được định kiến bao hàm thái độ coi thường xúc phạm kể trên cho phép nhận ra một điều khá lý thú trong việc trở về nguồn. Nếu muốn tìm hiểu những biểu lộ vật chất, phải trở về miền Bắc mới thấy được những di tích lịch sử thật xa xưa, nhưng muốn tìm hiểu cái gốc nề nếp sống truyền thống dân tộc về văn hóa có lẽ phải vào miền Nam mà tìm.

<<(1) Chúng tôi muốn nói đến những người cầm bút viết văn gốc Bắc ở miền Nam từ 1945 đến 1975. Họ đã đem một cách thật triệt để tiếng nói hàng ngày vào tác phẩm văn chương của họ nghĩa là không phải chỉ ghi lại nguyên vẹn trung thực câu nói hàng ngày, vì như thế đã quen, nhàm rồi, còn phải nói trại đi câu nói hàng ngày. Họ cũng tiếp tục "bình dân hóa" những tác phẩm văn chương bác học như cha anh họ đã bình dân hóa truyện Kiều. Chẳng hạn Dương Thứ Lang phỏng dịch "Bố già" biến tác phẩm đó thành văn chương đại chúng, nhiều người trí thức đọc cho là thích thú hấp dẫn hơn nguyên tác. Những sách truyện kể trên thuộc loại cho thuê mướn ở các quận, nghĩa là thuộc loại sách cho mọi giới.

No comments: