Wednesday, April 16, 2014

KIM NHẬT * VỀ R I

  1. Về R

    “Về R” là tác phẩm của Kim Nhật, một đảng viên ĐCSVN về hồi chánh, viết về Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Trung ương Cục R.





    Xin ghi nhận nơi đây lời cảm ơn chân thành :

    - Các bạn bên kia chiến tuyến trở về
    - Các bạn bè thân hữu
    - v.v…

    Đã giúp tài liệu, ý kiến để hoàn thành.

    Xin gửi: Thế hệ hôm nay và ngày mai.
    KN


    Quan điểm người viết

    1. Trước tiên, người viết xin ghi nhận nơi đây lời cảm ơn chân thành các Bạn từ bốn phương, ở quốc nội cũng như quốc ngoại, đã điện thoại cũng như thư về góp ý kiến, phê bình, và ngõ ý sốt ruột trông chờ “Về R” tập II, tập III sau khi tập I được in, phát hành từ năm 1967, nhất là đối với các bạn chỉ được nghe đồn nhưng không tìm mua được tập I bất kỳ ở hiệu sách nào, dù gửi thư kèm cước phí đến tác giả hoặc nhà xuất bản. Bởi sách được bán hết trong thời gian rất ngắn sau khi phát hành với số lượng rất khiêm nhường 10.000 cuốn.

    Kế đến người viết xin được tạ lỗi cùng các Bạn, cầu xin một sự thông cảm, tha thứ về những lỗi lầm trong “Về R” tập I do Sống xuất bản. Những lỗi lầm đó gồm : In ấn cẩu thả, dẫy đầy những lỗi chính tả v.v… đặc biệt là có một số chi tiết tài liệu viết sai, đáng trách, cần phải được chữa lại cho đúng.

    2. “Về R” được đến tay các bạn ngày hôm nay, là “Về R toàn tập” vừa tái bản lần thứ nhất tập I, vừa xuất bản tập II và tập III. Nghĩa là tập I, II, III được in chung. Những chi tiết sai trong tài liệu cũng như những lỗi lầm khác được người viết cố gắng chữa lại một cách cẩn trọng.

    3. “Về R” là tác phẩm tài liệu chiến tranh, đã được đăng trên nhật báo Sống trong năm 1967, trước khi gom lại in thành sách. Do đó, về phần kỹ thuật, có thể có nhiều điều làm các bạn không được hài lòng, mong các Bạn không nỡ trách.

    Thiên tài liệu này được viết từ năm 1967, nên những điều ghi chép ở đây, nếu được phép gọi nó là “dữ kiện lịch sử”, xin các bạn hiểu cho rằng giá trị của nó được giới hạn từ 1967 trở về trước. Những gì xẩy ra ở giai đoạn đó, không giống như những điều ta được thấy được biết hôm nay.

    4. Người viết xin được lập lại phần quan điểm đã viết trong lần xuất bản năm 1967 vài đoạn :

    “Trong bất cứ cuộc chiến nào, kẻ chủ động là kẻ biết đánh giá thật đúng thực chất của đối phương. Kẻ chiến thắng là kẻ biết ta, biết địch - biết từ chỗ mạnh đến chỗ yếu, biết từ chỗ tốt đến chỗ xấu. Có như thế ta mới hóa giải được cái mạnh của địch và biết đem cái yếu của địch làm cái mạnh của ta cũng như biến cái xấu của địch thành cái tốt của ta.

    Điều đáng quan tâm là biết lợi dụng, khai thác cái tốt của địch làm cho cái xấu của ta biến trở thành tốt hơn địch.

    Viết thiên tài liệu này, chúng tôi cố gắng đạt đến mức chính xác tồi đa và cố gắng thật vô tư trong cách trình bày sự kiện. Lớn tiếng, hò hét, đặt điều thêm bớt, gán cho kẻ địch những điều do mình tưởng tượng, chúng tôi nghĩ rằng điều đó không nên làm vì tự nó làm giảm giá trị của ta và nhất là có thể gây nên phản tuyên truyền, mà hậu quả cái hại không sao lường được”.

    Dựa vào quan điểm trên đây, chúng tối xin được giới thiệu đến các bạn thiên tài liệu này, để hiểu phần nào về cuộc sống, về tổ chức và những gì đã xẩy ra trong những ngày đầu của cái gọi là “Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam” ở vùng đất gọi là R – vùng căn cứ của Trung Tâm Chỉ Huy điều khiển chiến tranh của Cộng Sản Hànội tại miền Nam – mong được góp phần nhỏ công sức trong công cuộc bảo vệ chung cho mảnh đất tự do đầy khói lửa này.

    KN


    Đồng Chí Bớc Sét

    Năm 1962, có một ký giả người Úc tên Burchette từ Melbourne đến Sàigòn đề săn tin và tìm hiểu về cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt nam. Burchette đến Sàigòn với giấy thông hành, chiếu khán của Úc.

    Sau khi đến Sàigòn, Burchette cũng xin yết kiến, phỏng vấn “ngài Tổng thống” Ngô Đình Diệm, “ngài Cố vấn” Ngô Đình Nhu, tiếp xúc vời nhiều giới khác nữa. Burchette nhờ “trụ sở liên lạc báo chí thế giới” ở đường Pasteur thuê hộ một chiếc xe du lịch để đi đó, đi đây trong những ngày ở Sàigòn.

    Đứng về phương diện an ninh quốc gia, các cơ quan tình báo biết rõ Burchette hơn ai hết do những nguồn tin từ toà đại sứ Việt nam tại Úc, do những cơ quan chuyên môn… cho nên khi đến Sàigòn, mọi cuộc xê dịch di chuyển của Burchette đều được cơ quan an ninh Việt Nam theo dõi, giám sát. Burchette cũng biết thế nên tìm mọi cách để đánh lạc hướng nhân viên tình báo Việt nam, bằng những cuộc đi chơi bạt mạng bất kể giờ giấc ở ngoại ô Sàigòn, ở Đàlạt, Vũng tàu, Mỹ tho v.v… Cuối cùng Burchette mất tích. Tin đó chỉ có Bộ Ngoại giao biết, các cơ quan an ninh liên hệ, và một ít người khác biết mà thôi. Vì biết quá rõ lý lịch của Burchette nên không một ai nghĩ là Burchette bị VC bắt cóc bao giờ, dù thừa hiểu rằng lúc ấy Burchette đang có mặt tại chiến khu vùng biên giới Tâyninh.

    Đối với một ký gỉả săn tin quốc tế, chuyện xẩy ra là một chuyện thông thường nên chẳng ai quan tâm đến cho lắm. Nhưng vài tháng sau “đài phát thanh Giải phóng” loan tin Burchette đến thăm chiến khu và ca ngợi Burchette không tiếc lời. Burchette được phong là đại ký giả nổi danh thế giới, hàng ngũ báo chí thế giới xem Burchette như một đàn anh, uy tín trùm cả hai phe xã hội chủ nghĩa và đế quốc. Lúc đó Burchette đang có mặt tại Hànội.

    Thực sự Burchette chỉ là một ký giả như bao ký giả ngoại quốc khác đến Việt nam. Nhưng tại sao Burchette được thổi phồng, được “người ta” hoan nghênh, đề cao lên tột đỉnh ? Chỉ vì Burchette là một đảng viên Cộng sản, và là người ký giả đầu tiên “lăng xê” Mặt Trận Giải phóng Miền Nam, cổ võ hết mình trên một tờ báo thiên Cộng ở Melbourne và tờ báo của Cộng sản Ý xuất bản ở Milan. Vì “công trận” đó Burchette đáng được ca ngợi, phong lên hàng “đại ký giả” của thế giới.

    Từ năm 60, 61, nhất là sau vụ đảo chánh hụt Ngô Đình Diệm tháng 10, chiến cuộc Việt Nam bắt đầu lan rộng. Nhiều ký giả quốc tế đến Sàigòn muốn tìm hiểu về MTGPMN, tổ chức, sinh hoạt, đời sống của họ ra sao.

    Những ký giả gan lì thường dùng cách lái xe chạy phất phơ vào rừng được gọi là bất an ninh để du kích bắt đi, nhưng chẳng thấy ai chặn xe, đón đường cả. Họ đành thất vọng, trở về Sàigòn. Một vài tay ký giả trong số đó, bèn dùng cách đi sâu vào những làng nằm cặp theo quốc lộ số 1 hay quốc lộ số 4, nơi mà nhiều người điềm chỉ ở đó có nhiều VC. Nhưng cũng chẳng may cho họ là khi gặp du kích, bắt họ bịt mắt dẫn đi, xem họ là Mỹ, định làm thịt. Họ rụng rời tay chân. Vì ngôn ngữ bất đồng, ra dấu, ọ ẹ mãi chẳng ai hiểu ra sao, đến chừng mang máng hiểu được “không phải lính Mỹ” mà là ký giả thì du kích lại bịt mắt dẫn ra, nhờ đồng bào đưa lên lộ để đón xe về Sàigòn. Nghĩa là xuýt tí nữa thì mất đầu vì người ta không chấp nhận bất cứ người lạ nào, dù mũi cao hay mũi thấp vào vùng của họ, để ý dòm ngó việc họ làm. Rút cục chẳng đi đến đâu.

    Trường hợp đó là trường hợp nổi hứng bất ngờ của mấy ký giả muốn săn tin chiến tranh.

    Với những ký giả quốc tế khác, biết chuyện hơn, muốn đi vào vùng chiến khu, muốn tiếp xúc trực tiếp với Nguyễn hữu Thọ, với “Mặt Trận”, họ đều suy tính kỹ càng : gõ vào cánh cửa ngoại giao. Những ký giả đó nhờ những toà đại sứ ở Hànội, nhờ Ủy hội quốc tế vận động thẳng với Bộ Ngoại giao Hànội cho phép họ vào vùng “giải phóng” ở miền Nam. Dĩ nhiên Bộ Ngoại giao Hànội lắc đầu nguầy nguậy, chối phăng :

    - Việc đó chúng tôi không có thẩm quyền. Mặt trận Dân tộc Giải phóng đâu có dính dáng gì đến chúng tôi. Chúng tôi không biết, không thể làm vừa ý các ông được.

    Nếu là “bồ bịch” thuộc phe xã hội chủ nghĩa thì Bộ Ngoại Giao trả lời theo kiểu khác :

    - Việc đó để chúng tôi thảo luận lại với Mặt trận. Chúng tôi sẽ chuyển đến Mặt trận lời yêu cầu của các đồng chí. Nhưmg được hay không chúng tôi xin không hứa gì cả. Các đồng chí thông cảm cho.

    Thấy vận động thẳng với Hànội không kết quả, họ mới “sực nhớ” ra họ đã vô tình “chơi xấu”, đưa Hànội vào một thế khó xử bởi cái khuôn khổ của Hiệp định Genève và công pháp quốc tế. Số ký giả đó, bay thẳng sang Nam vang. Chả là Nam vang gần biên giới Tây ninh, vùng được xem là căn cứ của Mặt trận của Nguyễn hữu Thọ và tại Nam vang có trụ sở của Phái đoàn Đại diện Thương mãi của Hànội do Ca văn Thỉnh là trưởng đoàn. Trụ sở của Phái đoàn Đại diện Thương mãi là cơ sở liên lạc thường trực giữa Mặt trận, Trung ương Cục Miền Nam và Trung ương Đảng Miền Bắc.

    Ký giả phe Xã hội chủ nghĩa thì hy vọng ở Phái đoàn Đại diện Thương mãi sẽ vận động xin “nhập cảnh” chiến khu giúp. Ký giả phe “đế quốc” thì đến Nam vang o bế Sihanouk, hy vọng ở sự giúp đỡ của Sihanouk, vì tuy không nói ra nhưng các ký giả đều rõ rằng nếu không có sự làm lơ của Sihanouk, hoặc ủng hộ ngầm thì Sihanouk đã la làng chói lói khi “thiên hạ” lấy biên giới mình làm căn cứ. Nhiều lúc còn kéo sâu vào nội địa mình mà xây căn cứ nữa. Sihanouk vốn đã bẻm mồm bẻm mép, to tiếng có danh, chuyện gì một chút cũng có thể suýt ra to, tại sao “Mặt trận” chiếm vùng biên giới, xử dụng đất Miên như đất nhà, Sihanouk biết quá rõ vẫn làm thinh ? Không chỉ làm thinh, còn bênh vực một cách rõ ràng khi Việt Nam Cộng Hoà phản đối, phàn nàn việc trên, Sihanouk làm bộ mời ký giả ngoại quốc, quan sát viên ngoại quốc và Ủy hội Quốc tế đi xem xét.

    Nhưng xem xét điều tra cái nỗi gì khi toàn rừng rậm, đường xe không có, cả cái đường mòn đặt chân được đôi giầy không bị gai mây ngăn cản cũng không thì điều tra, quan sát chỗ nào ? Đi xe đã không có đường, đi bộ mặc veston, thắt “cà la oách” lội sình, càn rừng à ? Vô lý ! Vậy chỉ có bay trên trời. Bay trên trời còn có thể thấy gì trong rừng rậm âm u ? Hoà cả làng.

    Biết rõ như vậy, nếu được Sihanouk hứa giúp đỡ, hưá vận động dùm thì một lời nói của Sihanouk đáng giá 1.000 ký lô. Đến Namvang, dù chả được ai giúp đõ, chả được ai cho “nhập cảnh” đi nữa, việc săn tin, đánh hơi tin tức vẫn dễ dàng hơn bất cứ nơi nào khác. Ngoài việc tìm tòi nghe ngóng đánh hơi riêng, ký giả còn được các tình báo viên quốc tế cung cấp nữa chi.

    Do đó, không ai lấy làm lạ khi cái nước “Cam bô đia” bé tí xíu chả có việc gì đáng cho thế giới quan tâm, mà ký giả quốc tế lại hàng đàn, hàng đống ở chật cả mấy hotel, ăn chực nằm chờ năm này đến tháng nọ, suốt mấy năm liền. Cho đến 1966 Sihanouk “làm eo, làm xách” lấy cớ một số ký giả quốc tế lợi dụng Cambodia để mưu tính những chuyện ngoài ý muốn của Cambốt. Đã vậy còn “xuyên tạc” nói xấu Cambốt và Thái tử Quốc trưởng nên Cambốt chỉ cho phép một số ký giả “trong sạch”, một số ký giả biết điều nhập cảnh vào Namvang thôi. Để chứng tỏ ta đây là vô tư, Sihanouk ra thông cáo công bố cho thế giới biết sự hạn chế đó, chọn lọc đó nhằm vào cả hai phe, ba phe, không chỉ riêng phe “đế quốc tư bản” mà thôi.

    Kết quả của các cuộc chạy đua đến Namvang thế nào ? Hoàn toàn là con số không ! Kể cũng buồn !

    Trường hợp của Burchette đặc biệt hơn. Burchette vận động bằng một kiểu cách khác - kiểu cách Đảng. Nghĩa là Burchette báo cáo với Đảng Cộng sản Úc về chương trình công tác của mình. Đảng Cộng sản Úc liền viết thư giới thiệu đến Trung ương Đảng Lao Động ờ Hànội, xin chấp thuận cho phép Burchette vào thăm và tham quan cuộc “kháng chiến chống Mỹ Diệm” tại chiến khu ở miền Nam. Trung ương Đảng, Bộ chính trị Đảng Hànội cứu xét, chấp thuận lời yêu cầu trên, liền thông báo và ra lệnh cho Trung ương Cục miền Nam , chuẩn bị cuộc tiếp đón. Mặt khác viết thư trả lời cho Đảng Cộng sản Úc, hướng dẫn cách đến miền Nam, cũng như kế hoạch tiếp xúc mà Hànội đã trù tính.

    Burchette không đến Hànội, cũng không cần đến Namvang trước khi vào chiến khu. Vì như vậy sẽ gặp nhiều khó khăn trở ngại trong chuyến đi. Thủ tục “nhập cảnh” vào giang sơn của R, đối với Burchette là thủ tục thông thường của hệ thống Đảng.

    Điều cần nên nói thêm, không phải bất cứ ký giả nào thuộc “12 nước phe Xã Hội Chủ Nghĩa” được Ban Chấp hành Trung ương Đảng của nước mình giới thiệu đến Trung ương Đảng Hànội là đều được chấp nhận. Trước cũng như sau Burchette, có hàng chục trường hợp tương tự của những ký giả báo IZ VESTIA, PRAVDA (Nga), rồi của các ký giả Cộng sàn Ý, Hung, Tiệp, Ba lan v.v… Những ký giả trên không được chấp nhận, Lý do được viện dẫn trả lời là “an ninh không được bảo đảm” hoặc “tình hình chưa cho phép”. Thực sự chỉ vì khuynh hướng của các Đảng Cộng sản Châu Âu không tán thành mấy đường lồi đấu tranh vũ trang trong cuộc cách mạng Miền Nam, khi Việt nam đang ở trong tình trạng phân đôi Nam Bắc, có sự ràng buộc pháp lý bởi hiệp định Genève, nhất là đường lối đấu tranh bằng vũ lực trong tình hình thế giới hiện tại, có thể đưa đến chiến tranh cục bộ như chiến tranh Triều Tiên. Hậu quả có thể vược quá phạm vi cục bộ trở thành chiến tranh thế giới thứ ba ! Và riêng những cá nhân ký giả được giới thiệu, tư tưởng, lập trường qua những bài báo đã viết không phù hợp với tư tưởng, lập trường của Hànội.

    Đối với Đảng Cộng sản Úc, là một Đảng Cộng Sản nhỏ đang trong giai đoạn phát triển và đấu tranh với các đảng phái khác đang cầm quyền tại Úc, dầu sao khi chưa cầm quyền được cũng phải đấu tranh tích cực hơn. Và Burchette, qua những bài báo đã viết, hoàn toàn ủng hộ, tán thành lập trường của Hànội. Hànội rất cần những ký giả như Burchette đề lên tiếng thay cho mình trên thế giới, tạo ảnh hưởng rất lớn trong việc trình diện tổ chức “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam”, tuyên truyền cho nó, gây tiếng vang cho nó, mục đích làm cho thế giới chấp nhận sự hiện hữu ít ra là trên phương diện ngoại giao quốc tế.

    Theo kế hoạch đã định, Burchette đến thẳng Sàigòn bằng con đường công khai, hợp pháp như các ký giả quốc tế khác. Tại đây sẽ có người đến liên lạc tiếp xúc với Burchette, và đón Burchette vào chiến khu.

    Có lẽ các cơ quan an ninh Sàigòn dạo đó chưa có đủ nguồn tin để xác nhận mục đích của Burchette đến Sàigòn, chỉ biết đó là một ký giả cộng sản đến Việt nam nên chưa theo dõi đúng mức, lạc mất dấu Burchette ở ngoại ô Sàigòn vào một buổi sáng. Sau đó Burchette được một thiếu phụ đóng vai bồ bịch cùng ngồi xe đưa đi trên con đường Tâyninh, đổ bộ xuống một đồn điền cao su nhỏ ở Trảng Bàng. Một tiểu đội cảnh vệ đặc biệt của I.4 nằm chờ sẵn, đưa về Hố Bò ngay trong đêm. Chỉ huy tiểu đội cảnh vệ là một đại đội trưởng, cán bộ mùa thu, nói tiếng Pháp rất thạo. Ngoài viên đại đội trưởng còn có khu ủy viên dự khuyết của khu ủy I.4 Ba Nghị. Ba Nghị giỏi tiếng Pháp, còn thông thạo cả Anh và tiếng Trung hoa.

    Hành lý của Burchette gồm có một vali nhỏ, một máy đánh chữ xách tay, và một máy chụp ảnh Minolta. Xuống xe, Ba Nghị bắt tay chào hỏi và giới thiệu các đống chí của mình với Burchette xong, liền đưa cho Burchette một đôi dép râu để thay cho đôi giầy da bóng. Tiểu đội cảnh vệ chia nhau mang hành lý cho Burchette. Sau đó cả đoàn đưa nhau lên xe đạp chạy một mạch.

    Mười hai giờ đêm, Burchette về đến xóm chùa thuộc khu vực Hố Bò. Burchette nhìn thấy các đồng chí Cộng sàn Việt nam của mình mặc đồ bà ba đen, giống như những nông dân địa phương mà Burchette gặp trên đường đi nên đề nghị với Ba Nghị xin một bộ đồ bà ba đen. Như đã cho may sẵn từ trước, Burchette thỏa mản yêu cầu ngay với một bộ đồ bà ba đen ngoại khổ, hợp với tầm vóc của Burchette bằng vải popeline đen.

    Ba Nghị đưa Burchette đi tắm sau giếng, thay đồ bà ba, vào nhà thì bữa ăn tối đã được dọn xong. Đèn Hoa kỳ đốt sáng choang. Người ta thấy trên bàn nào là gà rôti, bò bít tết, cải xà lách Đàlạt, cà chua, bánh mì v.v… Nói chung là một bữa ăn Tây hoàn toàn, rất ngon, có cả rượu Mạc ten, nước đá. Sửa lại cặp kính gọng vàng trên sóng mũi, Burchette cười toét miệng đến mang tai, ngạc nhiên hết sức về cái bữa ăn đầu tiên ở “vủng giải phóng” này. Burchette không ngớt lời cảm ơn. Qua câu chuyện trao đổi với Ba Nghị, Burchette phát biểu ý kiến rằng khi còn ở Úc, cũng như lúc đến Sàigòn, Burchette quan niệm chiến tranh du kích ở đây, phải trốn chui, trốn nhủi, trong rừng sâu, trong bụi rậm, thiếu thốn đói khát, gian khổ, làm gì có được một bữa cơm ngon. Bây giờ thực không ngờ ! Burchette phục lắm.

    Căn nhà được khu ủy I4 mượn để đón Burchette là một căn nhà ngói kiểu xưa, nền gạch, vách ván bỏ kho, mái thấp. Trước sân có trồng mấy chậu kiểng. Giữa nhà để một cái tủ thờ, lư huơng chân đèn bằng đồng chùi bóng. Trên có treo liễng, hoành phi, làm Burchette thấy lạ mắt, cứ nhìn mãi. Nhà đó là nhà của một cán bộ xã. Burchette nói với Ba Nghị muốn được chào chủ nhà và cảm ơn. Lúc đó vợ chồng chủ nhà đã thức, và mấy cô con gái đang nép sau cửa buồng ngơ ngác nhìn “ông Tây” ký giả không chớp mắt, thỉnh thoảng bình phẩm vài câu thích thú, buồn cười cái bộ bà ba đen mặc trên người ông ta.

    Gia đình bà chủ nhà chưa hề được biết trước về nhân vật mũi cao này. Mãi cho đến khi chiều, thấy các “đồng chí” đóng ở nhà mình, đi mua chở về nào gà, nào thịt bò, rau cải, bánh mì, đồ nấu, rượu v.v… rồi ai nấy lăng xăng, không khí coi bộ nhộn lên giống nhà có giỗ, thì “đồng chí anh nuôi” mới từ đâu đưa lại :

    - Nè chú ! Chiều nay mầy chú làm gì coi bộ lăng xăng quá vậy ? Bộ tổ chức liên hoan hả ?

    - Không phải bác ! Mình sửa soạn đón một nhà báo ngoại quốc !

    - Người nước nào vậy ?

    - Tôi cũng không rõ, chắc Tây U gì đây ! Tôi chỉ được cấp trên phổ biến là chuẩn bị một bữa ăn Tây để phục vụ cho một nhà báo ngoại quốc. Ngoài ra chưa biết gì thêm.

    Bây giờ khi Ba Nghị đưa Burchette về đến thì ông chủ nhà đi họp ở xã cũng vừa về, vào buồng thay đồ đánh thức vợ dậy để coi ông Tây, hỏi vợ xem thằng ngoại quốc nào, ở đâu đến, vì suốt ngày ông ta không có mặt ở nhà nên không biết. Mấy cô con gái lớn đang ngủ nghe ồn ào biết nhà báo ngoại quốc đã đến cũng lóp ngóp bò dậy nhìn xem mặt mũi ra sao.

    Nghe Burchette muốn chào chủ nhà, Ba Nghị mỉm cười gật đầu, đảo mắt nhìn quanh và gọi :

    - Chú Tư ơi ! Mời chú Tư ra chơi, chú Tư.

    Ông chủ nhà ngỡ ngàng, cài nút áo cổ, bước ra. Burchette đưa tay bắt, cười và nói một hơi. Ba Nghị dịch lại, cho biết Burchette có lời chào cảm ơn sự tiếp đón của gia đình. Ba Nghị cũng nói thêm :

    - Đây là đồng chí “Bớc sét” của ta, một đảng viên của Đảng Cộng Sản Úc đại lợi, là một ký giả ngoại quốc nổi tiếng đến thăm và tham quan cuộc “kháng chiến chống Mỹ Diệm” của chúng ta để viết bài giới thiệu và cổ võ cho chúng ta trên báo chí thế giới.

    Bỗng nhiên có tiếng vỗ tay hàng loạt của mọi người đứng chung quanh. “Bớc Sét” cười toét miệng, cũng vỗ tay theo.

    Bảy giờ sáng hôm sau, R nhận được điện của I.4 báo là đồng chí Bớc Sét đã đến và xin chỉ thị của Trung Ương Cục. I.4 cho biết là Bớc Sét yêu cầu được ở lại các xã vùng đồng bằng quanh Sàigòn đề theo các du kích quay một cuốn phim, quan sát sinh hoạt, đời sống của “nhân dân vùng giải phóng”. R lập tức trả lời là không chấp thuận, phải đưa Burchette về R ngay. Hạn chế sự tiếp xúc với nhân dân, với các tổ chức khác, hạn chế đến tối đa tầm mắt cũng như việc đi lại của Burchette. Khi R tiếp xúc trực tiếp với Burchette, điều nghiên kỹ càng mới quyết định sau. Vậy là Burchette được nghe trả lời “Vì là lệnh của Cấp trên nên chúng tôi không dám tự chuyên. Xin mời đồng chí hãy đến gặp Trung ương Cục và Mặt trận. Trung ương Cục sẽ giúp đồng chí toại nguyện”.

    Điều đó có nghĩa tuy Burchette là đảng viên Cộng Sản, quan điểm cá nhân xuyên qua báo chí có phù hợp đường lối Hànội phần nào, nhưng toàn bộ tư tưởng của Burchette, Trung Ương Cục miền Nam chưa được rõ. Mặt khác, về phương châm làm việc, nguyên tắc của Đảng, bao giờ cũng là “chuẩn bị tốt” ! Chưa điều nghiên, chưa chuẩn bị chu đáo, chưa có kế hoạch, chưa làm ! Những hình ảnh Burchette thu vào ống kính là những hình ảnh tuyên truyền. Những lời nói, những con người, những sự kiện trong thiên phóng sự của Burchette sau này là những yếu tố hết sức quan trọng, nó có tính cách “điển hình cho khí thế cách mạng”, vậy tất cả những thứ đó cần được chuẩn bị trước, “dàn cảnh” cho chu đáo. Phải tập tành, phải học tập cho thuần thục. Rồi còn vấn đề bảo vệ an ninh, vấn đề phòng gian bảo mật v.v… Đủ thứ chuyện.

    Từ Hố Bò, Burchette được một tiểu đội hộ tống lên Lộc Thuận, qua Cầu Xe, xuyên rừng Bời Lời đến suối Ông Hùng, vượt sông Bà Hão về thẳng căn cứ Trung Ương Cục ở biên giới Tây ninh - Cam bốt. Burchette đang còn trên con đường đi về Trung Ương Cục, thì suốt mấy ngày liền Thường vụ Trung Ương Cục bận tíu tít lo chuyện tiếp đón. Nào là họp Thường vụ bàn kế hoạch, chương trình, phân công người phụ trách theo dõi, nào cho dọn dẹp nhà cửa, trang trí, nào là thảo kế hoạch chi tiết để chỉ thị cho nhũng nơi mà Burchette sẽ được Trung Ương Cục cho phép đến.

    Theo chương trình được hoạch định đó, Burchette sẽ đến thăm các nơi như Bộ Chỉ huy R, Văn phòng Mặt trận của Nguyễn hữu Thọ, thăm đài phát thanh Giải phóng, gặp các giới, các thành phần của Mặt trận, đi thăm các cơ sở Hậu cần R, khu B, đi thăm Q.761 và du kích I.4. Thời dụng biểu cho cuộc tiếp xúc của Burchette được Trung Ương Cục tính chi ly từng ngày. Ngày nào Burchette đến Bộ Chỉ huy R, ngày nào gặp Nguyễn hữu Thọ, ngày nào đến đơn vị Hậu cần khu B, ngày nào đến Công trường của B.1, ngày nào đến bệnh viện 320, ngày nào đến Q.761, ngày nào trở lại I4 v.v… tất cả đều sắp xếp trước, chỉ thị về mục đích yêu cầu, cách tiếp đón ra sao, ăn uống sinh hoạt thế nào v.v… đủ cả. Bộ phận điện đàm của B1 cứ tít tít ta ta suốt ngày cho các đơn vị xa. Các đơn vị gần thì giao liên, cần vụ mang thư, mang chỉ thị chạy vắt giò lên cổ.

    Khổ nhất có lẽ là mấy anh em tiếp phẩm, bộ phận quản lý của các nơi mà Burchette sẽ đến. Khổ vì phải chạy chọt, khiêng vác những thứ thực phẩm đặc biệt mua tận đồng bằng hoặc thị xã Tây ninh hay tận Sàigòn. Thịt cá, gà vịt, rượu trà, rau cải, đồ nấu v.v… Phải chi chỉ có một mình Burchette ăn cũng không đến nỗi gì lắm. Một mình Burchette ăn nhậu có là bao, và dù có cực khổ để chiều khách cũng thấy vui. Đàng này, không phải chỉ có mỗi Burchette mà còn có “tiếp tân”, các cán bộ cao cấp đi theo, còn có Ban chỉ huy đơn vị “tham gia hưởng thụ” nữa. Cái đám cán bộ tẹp nhẹp và chiến sĩ quèn thì đừng hòng. Ngay những anh chị tiếp phẩm là những người nai lưng ra công vác, khiêng lội bộ rã giò hàng mấy ngày đường những thứ thực phẩm đó còn chẳng được chấm mút miếng nào thì nói chi ai.

    Nếu Burchette biết trước rằng cái chuyện mình đi làm phóng sự, quảng cáo cho cái gọi là “cuộc cách mạng thần thánh chống Mỹ Diệm” gây nên không biết bao nhiêu điều vất vả cho các “đồng chí công nông” của mình, chắc Burchette đã từ bỏ ý định này. Giá trị thực sự những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến đi đều là những màn dàn cảnh được tập dượt chu đáo nhiều ngày của một vở kịch lớn có nhiều đạo diễn thiện nghệ , chứ không phải những hình ảnh bất chợt, những sinh hoạt bình thường hoặc một hiện trạng được phơi bầy rõ nét. Biết thêm điều nầy nữa Burchette còn buồn biết bao nhiêu.

    Nhưng tại sao Trung Ương Cục quan trọng hóa chuyến đi thăm của một ký giả quèn như Burchette đến như vậy ? Điều đó quá rõ ràng, không ai không hiểu. Quan trọng vì những điều Burchette nghe thấy ở đây, Burchette sẽ ghi lại bằng lời, bằng hình ảnh đăng trên báo chí ngoại quốc để giới thiệu Mặt Trận. Về mặt tâm lý, việc tiếp đón Burchette có chu đáo, có biểu hiện sự “nồng hậu”, thân thiết nhất” nó mới gây hứng thú, mới thuyết phục được tình cảm và lập trường, tư tưởng Burchette đi theo chiều hướng vận động của cộng sản Việt nam. Dù cùng phe, dù là “đảng anh em”, Burchette vẫn là con người thích người khác đề cao, kính trọng, quan trọng hóa mình.

    Để tạo nên những sự kiện, “những hình ảnh nổi bật”, đúng theo ý muốn của mình, Trung Ương Cục miền Nam cần phải dựng vở, phải tập dượt, đạo diễn kỹ càng các màn được thực hiện. Đảng bảo rằng “Tuyên truyền là phân nữa lực lượng kháng chiến”, có Burchette đóng góp vào một tay, điều đó quả thật hết sức cần. Cho đến nay, Tổng thư ký LHQ, U. Thant, còn bảo rằng Mặt trận là một tổ chức quần chúng không dính dáng đến Cộng sản miền Bắc, rồi nếu còn có một số lớn các nhân vật tên tuổi trên thế giới cũng hiểu như U. Thant, nếu còn có nhiều quốc gia mù tịt chưa hiểu rõ về cuộc chiến tranh này thì cái “phân nửa lực lượng kháng chiến” đó biết đâu chẳng là có sự đóng góp một phần của Burchette.

    Đi sâu vào cụ thể, ta thấy việc chuẩn bị được nghiên cứu rất chi li. Burchette không biết tiếng Việt, đó là một lợi điểm về mặt lý luận. Nghĩa là khi phỏng vấn bất thần một cán bộ chiến sĩ nào đó, Burchette không có thông dịch viên do Đảng cung cấp thì đành cua tay, không sao thực hiện được. Ngôn ngữ bất đồng, cứ bi bô ra dấu thì có cũng thành không, làm sai diễn tả được lý luận ? Còn qua tay thông dịch viên là tay có lý luận thao thao bất tuyệt, đã được học tập trước, phổ biến trước hướng căn bản cần phải trả lời thì người bị phỏng vấn có nói bậy, thông dịch viên lại dịch đúng, Burchette “Tết” mới khám phá được.

    Với những người biết tiếng Pháp hay tiếng Anh, Trung Ương Cục chỉ thu xếp cho gặp những người của họ, được Trung Ương Cục tin cậy hoàn toàn về lập trường, về lý luận Mác Lê. Mặt khác hướng trả lời đã được “đả thông” trước, không được tùy tiện trả lời theo ý nghĩ cá nhân mình.

    Cho nên khi Burchette chưa về tới R, T.Ư.C đã cho mời Trần bửu Kiếm, Huỳnh tấn Phát, Trần bạch Đằng và Nguyễn văn Hiếu bên Mặt Trận (những nhân vật đó đều là đảng viên kỳ cựu, toàn là Ủy viên Trung Ương Cục) về Trung Ương Cục để họp thảo luận về cách tiếp đón, vấn đề tham quan, về sự chọn lựa người tiếp xúc và nhất là “mớm” trước cho Nguyễn hữu Thọ những câu trả lời, trình bày quan điểm phù hợp với đường lối của Đảng.

    Hậu cần R, Hậu cần khu B cũng đã nhận được chỉ thị về việc “Bớt sét” đến để tham quan “tinh thần cách mạng qua sự gian khổ, chịu đựng, thiếu thốn để hoàn thành những công tác khó khăn” v.v…

    Những đơn vị được chỉ định tiếp Burchette, hết cấp ủy họp, thì chính quyền họp, đoàn thanh niên lao động họp. Ban ngày lo việc sửa sang doanh trại, sửa hố, sửa hầm, quét dọn đường đi, bầy biện, thực hiện trật tự nội vụ. Ban đêm tập họp toàn đơn vị để học tập cách đi đứng, ăn nói, cách làm việc và động viên chính trị.

    Ở Hậu cần khu B, như trong một màn quan sát việc chuyển gạo qua sông, và thồ thực phẩm đường rừng, họ đã giả vờ thả lỏng cho Burchette đạp xe đi một mình, không cho thông dịch theo nên Burchette tha hồ chụp hình, tha hồ nhìn thấy sự chịu đựng gian khổ quá độ, nhưng Burchette muốn nói chuyện, muốn biết ý kiến, tâm tình của chiến sĩ, Burchette thực lúng túng không biết phải làm sao. Burchette cứ khoa chân, múa tay, miệng thì ư ê, cố gắng làm cho người đối thoại hiểu mình muốn nói gì, mấy anh lính hậu cần cứ trơ mắt ếch rồi cười rũ ra. “Gian khổ mà vẫn vui cười” đó là yêu cầu đã được trình diễn dưới mắt của Burchette trong cuộc tiếp xúc một mình này.

    Nói chung tất cả các nơi mà Burchette đến, công thức chuẩn bị đều y nhau.

    Đến với I4, Trung Ương Cục cho rằng sinh hoạt của “nhân dân chống Mỹ Diệm” mới là hình ảnh sống động nhất, giới thiệu cho Burchette những nét đôc đáo về du kích chiến tranh. Vì vậy, để việc chuẩn bị cho thật chu đáo, không có sơ hở, lỗi lầm về mặt kỹ thuật, lúc mới đến Hố Bò, R điện cho I4 gởi gấp Burchette về R, hạn chế tiếp xúc, hạn chế tầm mắt của Burchette lại.

    Khi Burchette về R rồi, chừng đó R mới chỉ thị cho I4 chọn thí điểm, chọn điển hình, chuẩn bị sẵn một khung cảnh thích hợp để cho Burchette trở lại I4 lần sau trước khi rời khỏi Hố Bò đến chiến khu. I4 tập trung nhân lực, đưa nhiều đoàn cán bộ đi nghiên cứu các địa phương. Sau cùng, vùng được chọn là Củ chi, lấy xã Trung lập làm tiêu điểm và điển hình là đội nữ du kích.

    Nhưng đội nữ du kích chưa có thì làm thế nào ? Chưa có thì tạo cho nó có. I4 chỉ thị các địa phương, mỗi địa phương chọn một số thanh nữ đoàn viên dạn dỉ, gan lì nếu sẵn là nữ du kích hiện đang hoạt động càng tốt. Những thanh nữ đó được gởi ngay đến Hố Bò, để chọn lấy một tiểu đội cho học gấp rút về cơ bản quân sự và động tác cơ bản thao diễn như nghỉ, nghiêm, đi đều, quay trái, quay phải, đứng bắn, nằm bắn, yếu lĩnh xạ kích, lăn, bò, chạy v.v…

    Cô em Nguyễn thị Gừng, hơ hớ 18 xuân xanh ở Trung lập được chọn làm tiểu đội trưởng. Trong khi các cô em đi học quân sự, ở nhà, du kích các nơi được tập trung đưa đến xây dựng lại hệ thống phòng thủ, làng chiến đấu và hệ thống địa đạo. Thực là một vở kịch lớn, quá đông đảo diễn viên.

    Hơn tháng sau, mọi công việc chuẩn bị đã xong. Tiểu đội nữ du kích cũng đã khá thành thạo, liền trang bị mỗi chư vị một súng Carbine và 5 gấp đạn, nón vải xanh đội đầu, thắt lưng Mỹ cài đầy lựu đạn, bình ton, dép râu, bồng bị v.v… đủ cả. Cô em nào đuôi tóc cũng dài, quất qua quất lại sau lưng, Mặc đồ bà ba đen quần cột ống, thắt lưng ngoài áo, trông cũng “co” ra phết. Các cô em được đưa về Trung lập dượt lại vài hôm thì Burchette xuống đến Hố Bò. Tiểu đội nữ du kích được đưa đến trình diện, “người ta” giới thiệu rằng đó là tiểu đội nữ du kích của một xã đã từng tác chiến cừ ra phết, lập được nhiều chiến công cho nên tiểu đội này được chỉ định làm tiểu đội chiến đấu, theo bảo vệ cho Burchette trog thời gian ở I4. Tiểu đội này cũng sẽ đưa Burchette về xã mình chơi, xem các cô đánh giặc, vì xã của mấy cô đó là một “vùng yếu”, có đồn bót địch và trục lộ giao thông. Không riêng gì xã mấy cô này, những xã khác xã nào cũng đều có đội nữ du kích, vì phụ nữ Việt nam ngày nay tiến bộ vô cùng, nhất định không chịu thua nam giới bất cứ phương diện nào, giác ngộ cách mạng lại cao. Được giới thiệu, các cô cũng tập hợp một hàng dọc, so hàng điểm số, cũng quay phải, quay trái, báo cáo, chào súng. Tiểu đội trưởng Nguyễn thị Gừng cũng mang súng lục, đưa tay ngang mày chào như ai.

    Burchette nghe trình bày, tường thuật đứng đờ nguời ra. Hình ảnh trước mắt đã rõ ràng quá, không tin sao được. Burchette đưa máy ảnh lên bấm lia lịa. Dĩ nhiên là Burchette phục sát đất, phục lăn ra, tưởng chừng như mình đứng trước đội nữ binh Do Thái.

    Sau đó Burchette tháp tùng theo đội nữ du kích này về Trung lập phục kích đánh giặc, sống với họ hai ngày dưới chiến hào và luồn qua những địa đạo. Cũng may, hai ngày sống với đội nữ du kích này, không gặp trận đụng độ nào. Nếu có, chẳng biết tình hình lúc đó sẽ ra sao ? Và Burchette có còn sống được để mà viết phóng sự không ? Nhờ không đụng trận nào nên Burchette được người ta giải thích rằng vì uy danh và thành tích anh dũng ngoan cường, tài thiện chiến của đội nữ anh hùng du kích, giặc sợ hãi, chôn chân ở đồn bót không dám đi đâu cả. Du kích giữ làng hữu hiệu như vậy đó. Rồi quan sát hệ thống phòng ngự với những hệ thống mìn, đạp lôi, lựu đạn gài, hầm chông chằng chịt, Burchette lại càng tin hơn nữa.

    Quả là nột vỡ kịch diễn khéo, đạt yêu cầu hết sức. Có lẽ, cho đến ngày nay, Burchette ngủ vẫn còn nằm mơ hình ảnh đội nữ du kích Cộng Sản Việt nam. Sau lần đó, Burchette lại được đội nữ du kích hộ tống trả trở về R, sang Namvang rồi ra Hànội. Để tuyên truyền, quảng cáo, làm hậu thuẩn cho Burchette, đài Phát thanh Hànội, đài Giải phóng, báo chí mở ra một chiến dịch nói về Burchette và chuyến đi của ông ta.

    Làm như vậy để Burchette càng hài lòng, viết bài ca tụng mạnh hơn, ủng hộ mạnh hơn cái gọi là chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích ở miền Nam Việt nam nhất định thắng đế quốc Mỹ.

    Hai năm sau, 1964, quen mùi, thấy làm ăn khá, Burchette trở lại khu B bằng ngõ Namvang một lần nữa. Cùng đi với Burchette có một nữ đồng chí Cộng Sản Pháp - vợ của Nguyễn đình Thi - Tổng thư ký Hội Nhà Văn Miền Bắc, làm được vài câu thơ nên người ta cũng lại quảng cáo ầm lên rằng nữ thi sĩ nổi danh đất Pháp, Madeleine Riphot, dến tham quan cuộc chiến tranh du kích miền Nam. Người ta bảo rằng Madeleine là một thi sĩ tài ba và cũng là một nhà báo đáng nể. Riêng Burchette có một giá trị lớn lao, ông ta viết mỗi chữ về cuộc chiến tranh miền Nam, báo chí thế giới phải trả đến ba bốn đôla. “Đồng chí Bớc sét” lẫy lừng như thế đấy !




  2. Blossom and Lissom they helped beat off an enemy attack at company strength from their fortified village.



    Liberation Radio



    Ybih Aleo, Rhade chief; Vice President of NFL and Chairman of Autonomy Movement for Western Highlands Minority People



    Liberation Front troops on the march



    Bridges like these can be made in minutes. Negotiating bikes over them is a problem.



    Jungle uniform factory – the workers brought their Singer sewing machines with them from Saigon.













    Training school for Liberation Front cadre at the Education Department of the Commission for Culture, Information and Education, an embryo ministry in fact.



    Laboratory in a front-line hospital of the NFL



    This poratable X-Ray, “Made in USA,” is used in a field hospital.



    In the printing shop of the Education Department



    Part of the Central Liberation Front Ensemble



    Chi (sister) Kinh of the Bahnar minority people, is president of provincial Liberation Women’s Association



    The author and a member of village self defence corps. Note his shirts of parachute nylon

  3. Lý Chánh Trung "cũng kể lại cái kỳ sau giải phóng, ông cùng một phái đoàn miền Nam gồm cả trăm người được đưa ra tham quan miền Bắc. Trong đó Nguyễn Ngọc Lan đã dại dột viết bài: Hà Nội tôi thế đấy. Sau bài viết này, tờ báo Đứng Dậy bị đóng cửa, Nguyễn Ngoc Lan bị thất sủng, sau trở thành người đối lập qua những bài viết Những lá thư nhà.

    Ông kể rằng lúc đi chùa Hương có chị lái đò hỏi ông: Có phải ông là giáo sư Lý Chánh Trung không? Cháu có đọc bài của chú trước 75. Cháu thích và phục chú lắm. Lần khác, có một thanh niên hô to: Trong phái đoàn có ông Lý Chánh Trung hay không? Có, có tôi đây. À bác, trước đây trong thời kỳ chống Mỹ, cháu có đọc bài chú viết. Cháu kính nể chú lắm. Ông nói thêm, không ngờ mình viết bài ở trong Nam mà một chị lái đò cũng đọc bài viết của mình. Chỉ một điều này thôi thấy dân trí miền Bắc cao hơn biết chừng nào. Ngay cả những tài liệu mật trong miền Nam cũng được phổ biến cho dân chúng đọc.

    Người hiểu chuyện thì thấy đây là một màn kịch diễu quá dở. Vậy mà ông không biết, tin là thật. Trong Nam, người ta gọi cái này là thầy chạy."


    (Nguyễn Văn Lục)


    Đồng chí Tốp

    Tháng 3 năm 1964, tại R và khu B tiếp thêm một ký giả ngoại quốc nữa. Đó là đặc phái viên của nhật báo Pravda, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Liên Xô. Vì tên ngoại quốc khó đọc, khó nói, nên đến bây giờ người ta chỉ còn nhớ cái tên tắt, cái chữ sau cùng được R phổ biến là đồng chí “Tốp”.

    Không được may mắn như Burchette, cũng không được Trung Ương Cục Miền Nam và Trung Ương Đảng miền Bắc dành cho một “cảm tình nồng nhiệt” như Burchette, ký giả của báo Sự Thật (Pravda) Liên Xô phải cầy cục mãi, gõ không biết bao nhiêu cánh cửa, vận động bằng đủ mọi cách từ giữa năm 1963, đến cuối tháng 2 năm 1964 mới được Hànội chấp thuận và Trung Ương Cục cho phép vào miền Nam.

    Đồng chí Tốp nhà ta, nếu kể ra thì thật có nhiều ưu thế, cũng như đầy đủ tiêu chuẩn hơn “Bớc Sét”. Là một ký giả trẻ, mới 28 tuổi đầu, Tốp xuất thân ở Đại học chính trị, lại tốt nghiệp ở Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Á Châu - Ban Việt ngữ - nói tiếng Việt nhanh như gió, giỏi tiếng lóng còn hơn cả người Việt. Chinh phụ ngâm, Kim Vân Kiều thuộc không sót một chữ. Điạ lý, Sử học V.N. còn rành hơn cả các học sinh Trung học Việt. Tốp còn là một đảng viên trong Ban chấp hành Hội Việt-Xô hữu nghị. Mộng ước của Tốp, muốn được đến miền Nam, ngoài chuyện quan sát tận mắt, nghe tận tai về cái gọi là “cuộc cách mạng thần thánh của miền Nam” để viết tài liệu, viết phóng sự cho Pravda, Tốp còn muốn được nhìn đất đai miền Nam, nói chuyện với người miền Nam mà qua những năm theo học ở Viện Ngôn Ngữ học Á châu, sách vở đã ca tụng đó là một miền giầu có, mầu mở, hiền hoà nhất của Việt nam.

    Về mặt chính quyền ngoại giao, Tốp có thông hành xuất ngoại, có giấy giới thiệu của Trung Ương Đảng Liên Xô, giới thiệu của Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Pravda đến Hànội theo hệ thống chính quyền và hệ thống Đảng. Mặt khác Tốp còn được thư giới thiệu của Hội Xô-Việt Hữu Nghị (Mát-scơ-va) đến Hội Việt-Xô Hữu Nghị (Hànội) nhờ giúp đỡ. Tốp đến Hànội với niềm tin là sẽ được chấp thuận nguyện vọng một cách dễ dàng.

    Ngờ đâu, đến Hànội, nơi nào Tốp cũng được trả lời giống nhau :

    - Ý kiến đồng chí rất hay, chúng tôi rất hoan nghinh, nhưng trong vấn đề này chúng tôi không có thẩm quyền. Chấp thuận hay không là do miền Nam, do Mặt Trận của ông Thọ quyết định. Chúng tôi sẽ chuyển giúp đề nghị của đồng chí.

    Ăn chực nằm nhờ tại Hànội suốt cả tháng trời không được tin gì, Tốp đến Văn phòng Trung Ương Đảng hỏi kết quả. Tại đây người ta bảo đề nghị đó đã chuyển đi rồi , “trong ấy” còn đang nghiên cứu, chờ ít lâu xem sao. Xem mòi không xong, Tốp đến gặp Trường Chinh ở Uỷ ban Thường Vụ Quốc hội, rồi xin vào Chủ tịch phủ để gặp Hồ chí Minh trình bày nguyện vọng, xin ban cho cái đặc ân như “Bớc Sét”. Tốp cũng chỉ được nghe những câu trả lời tương tự. Tốp lại ngày một, ngày hai đến Hội Việt-Xô Hữu Nghị khóc lóc với Hoàng Quốc Việt, với bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng nhờ vận động giúp. Kết quả cũng chả đến đâu.

    Thấy không xong, Tồp bay đến Nam vang, nhờ đại sứ Nga Ibranov vận động giúp, rồi đến yết kiến Ca văn Thỉnh, Trưởng Phái đoàn đại diện thương mãi của Hànội tại Nam vang, nhờ chuyển đơn đến Trung Ương Cục Miền Nam. Tốp được trả lời :

    - Rất biết ơn mối cảm tình nồng nhiệt của đồng chí, thế nào nguyện vọng của đồng chí cũng được thoả mãn, nhưng ngay bây giờ chưa tiện. Đồng chí về đi, khi nào thuận tiện chnúg tôi sẽ gửi thư mời.

    Vậy là suốt gần ba tháng trời chạy chọt, tốn kém, vất vả để được cái kết quả là con số không to tướng.

    Tại sao có chuyện đó ? Bởi vì phe Bắc Kinh mạnh hơn phe Mát-scơ-va. Trong khi Mao đang mở chiến dịch chửi bới, tấn công như tát nước vào mặt Kroutchev : nào là bọn xét lại hiện đại, bọn phản bội đường lối Mác-Lê, bọn phản động cấu kết với đế quốc Mỹ. Thì, Tốp, một đặc phái viên của Pravda, cơ quan ngôn luận chính thức của Cộng Đảng Nga, tức phát ngôn nhân của Kroutchev. Tốp phải là “tay sai” của bọn xét lại hiện đại, thân Mỷ, nối giáo cho đế quốc. Với tư tưởng và quan điểm xét lại đó, Tốp sẽ mang trong đầu khuynh hướng chống chiến tranh, khuynh hướng công kích đường lối của Mao về chiến tranh nhân dân trong ý thức hệ : “Đế quốc Mỹ là con hổ giấy, sẽ bị chiến tranh nhân dân đè bẹp và chỉ có chiến tranh mới là con đường duy nhất để phát triển Đảng, xây dựng chíng quyền vô sản trên toàn thế giới”.

    Vì Tốp thuộc “bọn xét lại hiện đại”, Tốp sẽ nhìn chiến cuộc miền Nam dưới con mắt khác. Trong Đại Hội Cộng Đảng lần thứ hai mươi năm 1961 tại điện Cẩm Linh, Cộng Đảng Nga đã không tán thành cuộc chiến tranh ở Miền Nam do Mao khởi xướng và Hànội thi hành. Bây giờ Tốp đến tham quan “Cách mạng miền Nam“, biết đâu khi về Mát-scơ-va, Tốp sẽ đưa ra những mặt trái, những chứng cớ nguy hại , non yếu, sai lầm của tư tưởng Mao và “Cách mạng miền Nam” thì sao ? Như vậy Mao sẽ mất mặt và Hànội sẽ bị một cú đá trái đến tối tăm mày mặt. Ăn là sao nói làm sao với ông anh cả khổng lồ lúc nào cũng chờ chực đè bẹp mình ? Và cái nguyên cớ không kém phần quan trọng, Tốp quá sành sõi tiếng Việt, những cuộc phỏng vấn bất thần thực không sao ngăn được.

    Bởi những lẽ đó, Tốp chưa được phép vào miền Nam. Nhưng vấn đề không phải chỉa giản dị như vậy. Nếu ở Hànội phe thân Bắc Kinh cương quyết không chấp thuận sự hiện diện của Tốp ở miền Nam thì phe Mát-scơ-va cũng sẽ bị mất mặt với đàn anh Liên Xô, sẽ bị mất điểm tựa, mất viện trợ, mất tình đoàn kết. Huống hồ đứng về phương diện ngoại giao, phương diện tình đồng chí sẽ ăn nói ra sao cho trôi ? Trong khi trước đây, 1962, Bớc Sét - đảng viên đảng Cộng Sản Úc - lại được ủng hộ, tiếp đãi quá ư là trọng hậu ?

    Cha chả là khó xử ! Một bên thuận, một bên không, vấn đề đó trở thành một cuộc tranh luận kéo dài trong nhiều tháng. Để tránh trách nhiệm, Hànội trút cho Trung ương Cục miền Nam. Là cấp dưới, mọi quyết định, chủ trương đều do Hànội đưa vào thì Trung ương Cục miền Nam có quyền gì thuận hay không thuận ? Trường hợp Nguyễn hữu Thọ còn bi thảm hơn nữa. Thọ mang danh là nhân vật số một của “Cách mạng miền Nam” nhưng Thọ chỉ là một cục bột. Cục bột thì đâu biết nói, đâu nói được thì “quyền” ở đây chì là một danh từ chung trong tự điển mà thôi.

    Chính vì cái lý do ngoại giao, cái lý do “tình đoàn kết giữa các đảng anh em” nên phe Bắc Kinh buộc lòng phải nhượng bộ phe Mát-scơ-va. Do đó khi Tốp trở sang Hànội lần sau, tháng 2 năm 1964 để vận động lần nữa thì được báo tin “ “Chấp thuận”.

    Trung ương Đảng ở Hànội điện vào miền Nam cho Trung ương Cục miền Nam biết quyết định này và chỉ thị cặn kẻ về những việc cần làm khi Tốp đến.

    Dĩ nhiên Hànội giải thích rõ ràng lý do tại sao mình phải buộc lòng chấp thuận cho Tốp đến miền Nam, để Trung ương Cục miền Nam thông cảm cho “cấp trên”, cảnh giác tính được áp dụng triệt để đến mức tối đa. Có hai yêu cầu lớn mà Hànội đạt ra đề Trung ương Cục miền Nam cố đạt cho được là :

    1) Chứng tỏ cho Tốp biết rằng : Liên Xô bỏ rơi miền Nam, Liên Xô là một người bạn xấu.

    2) Giới thiệu kết quả để chứng minh rằng : “Cách mạng miền Nam” dù khó khăn, thiếu thốn, gian khổ nhưng nhất định thành công. Điều đó minh xác đường lối chiến tranh nhân dân là đúng, là sức mạnh vô địch, phải dùng đến biện pháp chiến tranh mới giải quyết được vấn đề Việt Nam cũng như Triều Tiên, Đức quốc và các nước khác trên đường “giải phóng dân tộc”.

    Đó là hai yêu cầu lớn nhất. Còn chuyện tranh chấp giữa Kroutchev và Mao, giữa Liên xô và Trung Hoa Lục Địa là vấn đề riêng của hai nước đó, Việt Nam là người đứng giữa, không có ý kiến. Bên nào cũng là anh em, bên nào cũng tốt. Trung Ương không chấp thuận một quan điểm cá nhân nào nghiêng về phe này hay phe khác.

    Trung ương Đảng ở Hànội chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam phổ biến chỉ thị đó cho các cấp ủy ở khu vực R, cũng như bên Mặt Trận được rõ. Các cơ quan, các đơn vị phải tổ chức học tập thực kỹ chỉ thị này.

    Các cơ quan, đơn vị trực thuộc phải nghiên cứu học tập chỉ thị trên vì Trung Ương Cục dù có hạn chế tầm mắt, hạn chế tiếp xúc của Tốp, nhưng thế nào Tốp cũng sẽ yêu cầu được tham quan mọi sinh hoạt, mọi nghành, và biết đâu trên đường đi, bất thần Tốp sẽ gặp một vài nhân vật, một vài hiện tượng nào đó ngoài ý muốn của Trung ương Cục. Việc đó thực tai hại vô kể.

    Để loan tin cho Tốp biết là Tốp được phép đến tham quan cuộc “chiến đấu chống Mỹ” ở miền Nam, Trung ương Đảng trao nhiệm vụ này cho Hoàng Quốc Việt. Hoàng Quốc Việt sẽ nhơn danh Chủ tịch Tổng Công Đoàn Lao động Việt nam và Hội Việt-Xô Hữu nghị để nói chuyện với Tốp. Như vậy “Tốp sẽ quan niệm vấn đề này đúng theo hướng Trung Ương đề ra”. Tốp phải hiểu rằng Trung ương, Hànội đứng ngoài, không chịu trách nhiệm về việc chấp thuận hay không chấp thuận cho Tốp đến miền Nam, chỉ có miền Nam mới có quyền đó. Để Hoàng Quốc Việt tiếp xúc với Tốp, ngoài ý nghĩa trên, nó còn có ý nghĩa khác về ngoại giao. Vấn đề vào miền Nam, Bộ Ngoại giao Hànội không chịu trách nhiệm, Bộ Chính trị Đảng không dính dáng tới, anh cả Trung Quốc có muốn cự nự trách móc, Mao có muốn bất mãn Hànội tại sao để cho bọn xét lại, bọn cấu kết với dế quốc Mỹ, bọn phản động chủ nghĩa Mác-Lê lọt vào Miền Nam, chúng sẽ xuyên tạc và làm cản trở thêm việc thực hiện “đường lối Mao, tư tưỏng Mao trong cuộc chiến tranh nhân dân ở Miền Nam” thì chừng đó anh cả Trung Quốc “Mao vĩ đại” cũng phải ngậm miệng, không thể trách vào đâu được.

    Huống hồ về nghi lễ ngoại giao, thủ tục chính quyền, Tốp chỉ là một ký giả quèn, một anh đảng viên hạng bét, liên hệ một công tác ngoài phạm vi của Việt nam Dân chủ Cộng hoà thì Tốp phải tự hiểu rằng Bộ Ngoại giao sẽ không tiếp Tốp, Trung ương Đảng cũng không chấp nhận gặp Tốp. Tốp chỉ có thể gặp được những hội, những đoàn thể, tổ chức có tính cách nhân dân như Tổng Công đoàn, Hội Việt-Xô hữu nghị, ở đó người ta sẽ lo, sẽ giúp đỡ Tốp. Nhưng Hoàng quốc Việt là một Ủy viên Trung ương Đảng, như vậy đối với một đảng viên quèn như Tốp hân hạnh lắm đó !

    Nhiệm vụ của Hoàng Quốc Việt tiếp xúc với Tốp phải làm sáng tỏ các ý nghĩa nêu trên và phổ biến một vài chi tiết về cách du nhập vào miền Nam, trong cái được gọi là “phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của chúng tôi”.

    Tốp đến phi trường Gia Lâm, leo lên một chiếc Illyouchine của Hàng không dân dụng Liên xô đến Nam Vang, với tư cách một du khách. Sau đó Tốp đến Toà Đại Sứ Nga ở Nam vang và liên lạc với Phái đoàn Đại diện Thương mãi của Hànội để được biết ngày giờ đi, cách thức và các chi tiết khác về việc lọt vào chiến khu Tây ninh, nơi tập trung các cơ quan đầu não của các “lực lượng cách mạng miền Nam”.

    Thế rồi một ngày tháng 3/1964, Tốp đến biên giới Miên-Việt ở Tà păng. Một tiểu đội cảnh vệ đặc biệt của B1, tức Cục Tham Mưu R, được gửi đến đón tại biên giới. Những chiến sĩ cảnh vệ trong tiểu đội này không phải là những anh lính “đơ dèm cùi bắp” thực thụ của B1, mà lại là những cán bộ C, cán bộ B của B2, tức Cục Chính trị R đảm nhiệm. Trước khi giao việc này, Cục Chính trị đã cho họ học tập trước, phổ biến trước về cách nói chuyện với Tốp , những cảnh giác cần phải triệt để đối với Tốp, hạn chế vấn đề thảo luận, trò chuyện càng ít chừng nào càng tốt chừng ấy. Cục chính trị cho biết rằng Tốp là một ký giả Liên Xô, thuộc khuynh hướng xét lại, không phải là “đồng chí tốt” như Burchette trước đây. Có những điều cần phải giấu diếm, giữ bí mật, không thể để cho Tốp biết mọi ngóc ngách, xó xỉnh, những chỗ yếu, chỗ xấu. Hai yêu cầu lớn mà Trưng Ương đã đặt ra, tất cả cán bộ chiến sĩ phải học tập nghiên cứu nắm cho thật vững. Hãy coi chừng ! Tốp nói tiếng Việt “thần sầu quỷ khốc", chớ không phải mù tịt như Burchette đâu.

    Về hình thức, trang bị cho tiểu đội cảnh vệ, được Cục chính trị xem xét, kiểm tra cẩn thận. Quần áo phải là quần áo vải ta đen, thắt lưng phải là thắt lưng do quân trang may. Bình ton phải là bình ton Trung Cộng hay của Hànội sản xuất. Những gì có thể gây nghi ngờ là xuất xứ của Mỹ phải dẹp gấp. Và càng phải dẹp gấp hơn nữa, những gì có nhãn hiệu U.R.S.S. sản xuất từ Nga. Tại sao ? Để làm gì ? Điều này sẽ được trả lời ở phần cuối.

    Vũ khí, tiểu đội cảnh vệ này được trang bị như sau : súng ngắn thì loại K.54 được sản xuất ở Trung Cộng. Súng trường thì trường bá đỏ tức kiểu trường Nga, nhưng cũng do Trung Cộng sản xuất, trường Mas của Pháp, trường Đông Dương, tiểu liên thì loại Mituilles, loại K.50 cải tiến (Tuilles của Pháp, K.50 cải tiến của Trung Cộng). Trung liên thì trung liên Mas của Pháp. Lựu đạn là lựu đạn cán chày của Trung Cộng hay tự tạo tại các Binh công xưởng ở chiến khu. Đặc biệt nhất là không hiểu tìm ở đâu ra mầy trái O.F. của Ăng-lê cũ mèm, sét gặm mòn, loang lổ hết cả vỏ. Nói chung vũ khí loại được coi là khá nhất chì có súng lục K.54 và K.50 của Trung Cộng. Các loại kia chỉ là loại vất đi, loại ăn mót, với hỏa lực như vậy, ra mặt trận chiến đấu chỉ có nước bị hỏa lực địch tiêu diệt trong mấy phút đầu.

    Cho nên khi qua sông ở biên giới Tà păng gặp tiểu đội cảnh vệ đón chờ bên này sông, Tóp nhìn lom lom không chớp mắt. Viên tiểu đội trưởng mang súng ngắn K.54 tiến ra đón, rất đúng kiểu cách nhà binh, nói bằng tiếng Việt :

    - Báo cáo đồng chí ! Tôi, chỉ huy trưởng toán cảnh vệ đặc biệt, được lệnh đến đón , bảo vệ đồng chí đưa về Bộ chỉ huy. Chờ lệnh đồng chí !

    Tốp “lúng túng” đưa tay ra bắt, cười lấp đi !

    - Chào đồng chí ! Chào các đồng chí ! Xin các đồng chí tự nhiên. Cứ tự nhiên mà ! Các đồng chí mạnh giỏi ?

    Vừa bắt tay, vừa kéo viên tiểu đội trưởng lại sát mình, ôm vai siết mạnh tỏ cử chỉ thân mật cực độ :

    - Rất sung sướng được gặp các đồng chí ! Tôi rất lấy làm hân hạnh, vô cùng sung sướng khi bước chân đến mảnh đất miền Nam thân yêu này. Thay mặt nhân dân Liên sô và Đảng Cộng sản Liên xô xin gửi tới các đồng chí lời chào thân thiết nhất, cảm tinh nồng nhiệt nhất của chúng tôi. Tôi xin cảm ơn các đồng chí !

    Tiếng vỗ tay lẹt đẹt nổi lên. Lại một hồi trao đổi những llời bóng bẩy, êm ái dễ chịu, cái cung cách ngoại giao giữa anh chàng Tốp và anh chàng tiểu đội trưởng cảnh vệ. Anh chàng tiểu đội trưởng giới thiệu qua một loạt tên của từng người xong, đoạn bảo :

    - Bây giờ xin mời đồng chí lên đường.

    Tốp hỏi :

    - Chúng ta đi xe đạp à ?

    - Vâng tất cả đều đi xe đạp !

    - Chừng bao lâu tới nơi ?

    - Còn xa, hãy còn xa ! Và xin báo cáo với đồng chí, tuy rằng đường đi suông sẽ, trong vùng giải phóng nhưng cần cảnh giác địch tấn công bất ngờ. Vì vậy càng đi nhanh càng tốt.

    Cái hình ảnh đầu tiên không sao rời khỏi đầu mình, nên nhân qua câu nói của viên tiểu đội trưởng, Tốp bộc lộ băn khoăn về vũ khí :

    - Nều địch tấn công, thì tấn công bằng cách nào đồng chí ?

    - Trực thăng đổ quân bất thình lình hoặc dùng những đơn vị biệt kích len lỏi trong rừng.

    - Hỏa lực, vũ khí của địch có tốt không, có mạnh không ?

    - Dĩ nhiên là vũ khí bén, hoả lực mạnh, toàn vũ khí hiện đại của Mỹ.

    - Như vậy nếu dọc đường bị địch tấn công, các đồng chí làm sao ?

    - Chiến đấu.

    Tốp giương đôi mắt thao láo :

    - Với vũ khí trang bị thế này làm sao chiến đấu với địch nổi ? Tôi tưởng rằng Liên xô đã viện trợ, đã giúp đỡ cho các đồng chí vô số vũ khí hiện đại, tối tân của chúng tôi, sao các đồng chí không dùng ?

    - Đâu ? Đâu có ! Các đồng chí có giúp đỡ ủng hộ gì chúng tôi đâu. Chỉ có Trung quốc. Phải! Trung quốc thực là một người bạn tốt, một người anh em hết lòng hết dạ giúp chúng tôi trong phe Xã hội Chủ nghĩa. Đồng chí thấy đó. Phần lớn trang bị của chúng tôi, cả những nhu cầu khác đều nhờ sự giúp đỡ tận tình, tích cực của Trung quốc. Liên xô giầu mạnh, là người anh cả của phe Xã hội Chủ nghĩa, làm cho bọn đế quốc khiếp sợ, vậy mà… trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của chúng tôi, chúng tôi chưa hề thấy, chưa hề nhận được một sự giúp đỡ nào. Chỉ có Trung quốc.

    Tốp đực mặt ra, vừa xấu hồ, vừa khó chịu, vừa ấm ức, nhưng đành phải câm họng. Anh ta leo lên xe đạp.

    - Đồng chí đi trước dẫn đường đi ! Chúng mình lên đường.

    A ! Tốp đã bị trúng thương rồi. Cái đó rất tốt. Ngón đòn đầu tiên của miền Bắc, của Cục Chính trị R đã tặng cho Tốp ngay từ bước chân đầu tiên đặt đến biên giới Tây ninh, mới là món điểm tâm, khai vị cho hai yêu cầu trước đây mà Trung Ương Đảng ở Hànội đặt ra. Nó là cả một kế hoạch đã được chuẩn bị sẵn để chờ Tốp. Người ta nghĩ rằng Tốp sẽ mang những “thương tích” đó về trình diện với Điện Cẩm Linh, Mát-scơ-va. Xuyên qua Tốp, đồng chí “Khơ-rút-sốp” và Mát-scơ-va sẽ còn đau đớn hơn Tốp nhiều. Có thế mục đích mới đạt, yêu cầu mới đạt đến những kết quả tốt ngoài ý muốn. Có thế, việc cho Tốp vào miền Nam thực đúng diệu kế “mượn gậy ông đập lưng ông”, mới thực cần thiết và có tác dụng tốt chả kém gì Burchette.

    Khi về đến Bộ Chỉ huy R, Tốp được nghe xác nhận lại một lần nữa. Điều đó làm Tốp ngượng, tự ái dân tộc bị tổn thương rất nhiều và gây cho Tốp môt mặc cảm tội lỗi, xấu xa đối với mọi người anh em, mỗi khi gặp mặt. Nhưng Tốp là một ký giả, lại xuất thân ở Đại học Chính trị, anh ta nghĩ rằng có lẽ đó chỉ là một màn dàn cảnh “chơi xấu” Liên Xô, cố tình công kích Liên Xô, vì đường lối chung, Liên xô không tán thành cuộc chiến tranh này. Mặt khác còn có nghĩa là một thái độ về hùa với Trung cộng, chỉ trích ý thức hệ của Liên xô. Từ trưóc, Hànội vẫn tỏ cho Liên xô biết là mình đứng “trung lập”, không có ý kiến, không bênh vực lập trường của bất cứ bên nào, xem đó chỉ là vấn đề đấu tranh nội bộ giữa hai đảng anh em. Hànội không xen vào, vậy tại sao ở đây, ở miền Nam này, chưa gì Tốp đã cảm thấy có sự khác biệt, có sự thiên vị rõ rệt.

    Trong bữa tiệc tối đầu tiên đãi Tốp tại Bộ chỉ huy do Tướng Trần Độ dưới cái tên mới Phó Chính ủy Trần Quốc Vinh của “Bộ Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang, bán vũ trang” khoản đãi, Tốp mở màn một cuộc phỏng vấn thăm dò về vấn đề đó. Trần Độ chối phăng :

    - Vần đề đó là vấn đề riêng tư giữa Trung Quốc và Liên xô. Chúng tôi vẫn xem Trung Quốc và Liên xô là hai nước Xã hội Chủ nghĩa anh em thân thiết, rất tốt, hết lòng giúp đỡ Việt nam. Chúng tôi rất cảm ơn sâu xa với tất cả sự chân thành, thân thiết nhất. Riêng miền Nam đang cần, và vô cùng hân hoan đón nhận mọi sự ủng hộ, mọi sự giúp đõ, viện trợ bất cứ từ đâu tới. Cho nên những trang bị quân sự chúng tôi nhận được trong thời gian gần đây hầu hết là của Trung Quốc, còn của Liên xô chắc đang còn trên đường đi hoặc còn đang ở Hànội nên chúng tôi chưa có. Nếu được Liên xô viện trợ thì chắc chắn chúng tôi sẽ chiến thắng trong thời gian ngắn nhất.

    Tốp vẫn chưa hài lòng. Sáng hôm sau, lúc ngủ dậy đi súc miệng, rửa mặt, gặp anh cần vụ phụ trách việc phục dịch cho mình, Tốp hỏi ngay :

    - Đồng chí có đọc sách báo. Có nghe đài phát thanh Bắc Kinh tấn công chúng tôi về cái mà Trung Quốc gọi là xét lại chứ ?

    - Có thưa đồng chí có !

    - Vậy đồng chí nghĩ thế nào ? Trung Quốc nói đúng chớ ?

    - Chúng tôi nghe nhiều quá nhàm tai, chuyện đó chúng tôi không biết. Chỉ biết Đảng dạy chúng tôi rằng Liên xô Trung Quốc là hai nước xã hội chủ nghĩa anh em rất tốt với Việt nam. Việt nam rất cám ơn về sự giúp đõ nhiệt tình đó. Chúng tôi cũng biết ơn Liên xô Trung Quốc như nhau !

    Tốp cười, cái cười thoả mãn, yên tâm ! Nhưng Tốp có biết đâu rằng, trước khi Tốp đến, các đồng chí Việt nam của Tốp đã nghiên cứu, học tập đủ mọi điều, mở một chiến dịch dàn cảnh, dượt tới, dượt lui thuần thục quá rồi.

    Trong khi chờ đợi bên phiá văn phòng của Nguyễn hữu Thọ chuẩn bị tinh thần cho thực vững, Trần quốc Vinh nhân danh Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền, chính thức giới thiệu về thành tích, về quá trình cách mạng, đã, đang và sẽ thực hiện, thu được kết quả thế nào nói cho Tốp biết. Đồng thời, thông báo cho Tốp biết chương trình tham quan của Tốp ở chiến khu này. CHương trình đó gồm có những mục “ Tiếp xúc với Nguyễn hữu Thọ, tiếp xúc với Trung ương Cục và Quân ủy Miền, tiếp xúc với Bộ chỉ huy tối cao các lự lượng vũ trang, bán vũ trang, tiếp xúc với một đơn vị chiến đấu, tiếp xúc với các cơ quan hậu cần R. Tốp yêu cầu cho Tốp được tiếp xúc với nhân dân, tham gia vài trận đánh chiến dịch, được đi thăm tỉnh Bến Tre, nơi mà Tốp được nghe mọi người ai cũng ca tụng không tiếc lời. Dĩ nhiên yêu cầu của Tốp không được chấp thuận vì lý do phòng gian bảo mật, lý do kỹ thuật về an ninh, không biết Tốp có hiểu cho rằng Tốp là một tên xét lại, đâu phải là Burchette mà hòng yêu cầu này nọ, hòng được nhìn thấy bộ mặt thực của cuộc chiến tranh này. Người ta tiếp Tốp chẳng qua vì vấn đề ngoại giao hời hợt bên ngoài, thế thôi. Tiếp Tốp, người ta đã phải chuẩn bị dày công, phập phồng bao nhiêu là việc, thì Tốp phải ngoan ngoãn, đừng đòi hỏi gì thêm chứ !

    Khi Tốp chưa đến, người ta tung ra cái tin Tốp không phải là người tốt, nên cẩn thận. Tốp nói tiếng Việt giỏi hơn người Việt, có đặc điểm nhớ dai. Tốp nghiên cứu rất kỹ về địa lý của Nam bộ, biết tỉnh nào nhiều dừa, tỉnh nào nhiều lúa, nhiều cá, có đặc điểm gì. Mỗi nơi có mấy quận, cả những đặc điểm của quận đó. Nghĩa là Tốp là một tay “thần sầu quỷ khốc” chứ không phải ù ù cạc cạc như Burchette hay bất cứ một người ngoại quốc nào khác. Tung tin cho mọi người đều biết như vậy , nhưng Trung ương Cục và Quân ủy Miền báo riêng cho các cầp ủy Đảng ở những nơi Tốp sẽ được đưa đến tham quan : Tốp là một gián điệp ngoại hạng, được cơ quan Tình báo Trung ương Liên xô phái đến điều tra. Các cấp ủy phải liệu chấp hành thật tốt những kế hoạch đối phó do Tung ương Cục và Quân ủy chỉ thị. Chỉ các cấp ủy mới được phổ biến tin này, tuyệt đối giữ bí mật, không được tiết lộ ngoài cấp ủy.

    Nếu trước kia, khi đến đây Burchette làm việc với chiếc máy ảnh, caméra quay phim cỡ nhỏ và máy đánh chữ, thì Tốp giản dị hơn nhiều, chỉ xử dụng một chiếc máy ảnh thường, tập giấy trắng và cây bút bi. Và trước kia, Burchette ban ngày dành thì giờ để đi xem nơi này, nơi kia, nói chuyện, ban đêm thức ngồi rửa ảnh hoặc đánh máy đến hai, ba giờ sáng, thì bây giờ Tốp làm việc khác hơn. Tốp vừa nói chuyện vừa ghi, vừa nhìn vửa ghi, vừa quan sát vừa chụp ảnh. Tối đến thì ngồi uống trà, nói chuyện chơi với lính, hỏi thăm quê quán, gia cảnh, sinh hoạt đời sống gia đình. Thỉnh thoảng Tốp còn học hát, học đàn, hoặc ca vài bản nhạc Liên xô cho anh em lính R nghe, rồi đi ngủ sớm. Không thấy làm việc ban đêm bao giờ, ngay cả những phim đã chụp, chưa hề ai thấy Tốp lo rửa ảnh. Burchette đã “nhập gia tùy tục” để lấy lòng các đồng chí Việt nam, mặc quần áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, đi dép râu, ăn cơm cầm đũa, đôi lúc còn đòi ăn cả mắm ruốc. Tốp không thế. Tốp muốn mình vẫn cứ là một người Nga chính cống, một người khách đối với đầy đủ ý nghĩa của nó. Tốp vẫn mặc âu phục, vẫn mang giầy, vẫn ăn bánh mì và các thức ăn nấu theo lối Tây phương. Ai muốn nghĩ sao thì nghĩ. Mặc ! Tốp vẫn cứ cười.

    Sau khi đến Văn phòng Mặt Trận gặp Nguyễn hữu Thọ, không hiểu do Thọ quảng cáo hay một người nào khác, nói đến nhân vật Nguyễn thị Định là một nhân vật nữ đặc biệt, được đại tướng Nguyễn chí Thanh và Hànội đề cao là người phụ nữ số 1 của miền Nam, Tốp hỏi anh cần vụ được cử đến phục dịch cho mình, biết Định vừa mới được đề bạt lên chức vụ Tư lệnh phó Bộ chỉ huy tối cao. Anh cần vụ chỉ cho biết đến ngần ấy, hỏi thêm gì anh ta cũng không nói, làm Tốp càng khó chịu thêm. Ngày hôm sau, trong phần tiếp xúc với Bộ chỉ huy, Tốp yêu cầu được gặp và phỏng vấn Bà Tư lệnh Phó Nguyễn thị Định.

    Theo nhận định của anh Sáu thì dù thế nào chăng nữa, đứng về phương diện ảnh hưởng chính trị, ngoại giao không thể nào từ chối lời yêu cầu hợp lý của Tốp được. Từ chối sẽ mang đén những kết quả tai hại sau này. Nhưng để cho Tốp gặp Nguyễn thị Định phỏng vấn lại càng phiền hơn nữa. Phiền vì trong cuộc nói chuyện, thăm viếng xã giao, phỏng vấn tay đôi này, không thể có người khác ngồi kèm theo bên cạnh được. Tốp nói tiếng Việt, quá giỏi tiếng Việt, lại là một tay tình báo ngoại quốc.

    Điều chúng ta cần nên rõ là lúc ấy, Tốp được đón từ biên giới Tà-păng đưa về Cục Chính trị của Bộ chỉ huy Ba Cục ở Suối Nước Trong. Cục Chính trị nằm trong khu vực đó, tiếp xúc trực tiếp với Tốp là Phó Chính ủy Trần quốc Vinh. Cho nên tuy mang tiếng là Tốp được R tiếp đón, chỉ là Cục Chính trị thôi. Bộ Tư lệnh R vẫn ở gần đấy, trong phạm vi Suối Nước Trong nhưng không dễ gì mà gặp được. Dạo ấy Đại tướng Nguyễn chí Thanh có mặt tại Bộ chỉ huy, dưới cái tên là Sáu Vi. Trong cuộc tiếp xúc với Bộ chỉ huy R, anh Sáu chỉ thị cho Trần quốc Vinh chỉ cho phép Tốp được gặp Trần Nam Trung, tức Trung tướng Trần Lương, Trung tướng Trần văn Trà, Trung tướng Lê trọng Tấn, và Tư Thắng, Cục trưởng Cục Hậu cần mà thôi. Tưởng đâu thế là xong, không cần bàn cãi gì nữa. Bỗng vào giờ chót, Tốp nằng nặc quyết một yêu cầu Trần quốc Vinh cho gặp Phó Tư lệnh Nguyễn thị Định kỳ được mới nghe. Trần quốc Vinh vội vã cỡi xe đạp đến xin chỉ thị lại của anh Sáu. Không kịp ăn sáng vào lúc 7 giờ, Anh Sáu liền điện thoại cho gọi Trà, Tấn và Thắng đến ngay để hội ý cấp tốc.

    Nguyễn thị Định thì trung với Đảng có thừa, thành tích không thiếu , cấp bậc trong Đảng cũng Uỷ viên Trung Ương Cục chứ kém chi, lý luận cũng khá, nhưng đối diện đương đầu với Tốp thật Định không kham nổi trước những câu hỏi hóc búa, đầy ần ý chính trị, ngoại giao quốc tế của một ký giả xuất thân ở Đại học Chính trị Mát-scơ-va, lại là một điệp viên ngoại hạng.

    Nhất định về mặt lý luận, khôn ngoan chính trị, Định không sao bằng được Tốp. Bởi Định có học qua lớp chính trị trung cấp nào đâu, đường lối cách mạng vô sản quốc tế, đường lối ngoại giao quốc tế với cái hiểu biết của một trình độ văn hoá lớp ba, trình độ chính trị “lục lục thường tài” làm sao Định thấu triệt nổi. Trả lời những câu phỏng vấn đâu có thể đem cái kinh nghiệm mò, đem cái lập trường giai cấp thông thường ra mà đối chọi được.

    Anh Sáu nhà ta băn khoăn vì thế. Đặt Định trước Tốp không khác nào đặt một cô học trò dở vào thi hạch miệng trước một giám khảo cố tình “quậy” một cách ác ý đối với thí sinh.

    Khổ nổi vì danh dự, vì chính trị ngoại giao không thể từ chối được. Đường đường là uỷ viên Trung ương Cục, là Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền, nghĩa là cấp bậc thuộc vào hàng tướng mà sợ người ta phỏng vấn thì quả là không thể chấp nhận được.

    Hội ý một lúc lâu, sau cùng anh Sáu quyết định áp dụng phương pháp này, cái phương pháp mà anh Sáu cho là không còn cách nào hay hơn. Những tưởng bí mật này sẽ không ai biết ngoài Lương, Trà, Tấn, Thắng, Độ, nhưng sự đời dưới ánh sáng mặt trời không có gì bí mật cả. Sau cùng, cán bộ lớn nhỏ, cả lính quèn cũng truyền miệng nhau giai thoại này.

    Phương pháp đó là một mặt Độ tức Trần quốc Vinh trở về thông báo cho Tốp biết Định đã chấp thuận cho phép gặp mặt. Nhưng vì Định đang bận rộn những công tác khẩn cấp, quan trọng nên có thu xếp cuộc phỏng vấn sao cho ngắn gọn, càng ít thì giờ càng tốt. Mặt khác anh Sáu, chờ khi mọi người về rồi, điện thoại mời ngay Định đến thuyết phục Định và dặn dò Định những điều cần thiết, những cảnh giác chính trị cần phải có khi tiếp xúc Tốp. Trong khi đó, Trà ra lệnh cho bộ phận điện đài đến bố trí, mắc một cái micro điện tử vào lọ hoa trên bàn, kê sát vách lá ở nhà Định, chuyền thẳng đến máy và loa phóng thanh đặt tại nhà anh Sáu để anh Sáu có thể kiểm soát và giúp Định khi bối rối. Tất cả phải xúc tiến làm ngay trong một giờ đồng hồ cho xong.

    Không biết anh Sáu thuyết phục riêng với Định thế nào, không thấy Định phản ứng gì cả, vẫn vui cười hinh hích khi ở nhà anh Sáu ra.

    Tại căn cứ Bộ Chỉ huy Ba Cục, ngoài Cục Chính trị, Cục Tham mưu, Cục Hậu cần, còn có các tướng lãnh thuộc Bộ Tư lệnh. Mỗi người ở nhà cách xa nhau hàng trăm thước, có người phục dịch, cận vệ riêng. Mọi sự liên lạc ở khu vực đó đều dùng điện thoại chạy pile. Giữa các tướng lãnh như Trà, Tấn, Độ, Định, cao hơn nữa là anh Sáu Vi, còn có thêm một hệ thống điện thoại riêng. Do đó dây điện nhan nhãn mắc dọc theo đường đi ba bốn sợi, thì dù có mang thêm một sợi dây điện khác cho máy vi âm từ nhà Định đến nhà anh Sáu, khó có ai phát giác được một cách dễ dàng.

    Chín giờ sáng, khi Định từ nhà anh Sáu ra về thì hệ thống vi âm đã máng xong. Anh Sáu Vi điện thoại cho Độ đến gặp Tốp đưa Tốp giới thiệu với Phó Tư lệnh Nguyễn thị Định. Cuộc tiếp xúc bắt đầu. Sau giờ phút chào hỏi, xã giao thường lệ, Tốp bắt đầu phỏng vấn.

    Nội dung cuộc tiếp xúc giữa Tốp và Định như thế nào thì không ai được biết. Người ta chỉ biết một điều khá lý thú về cuộc phỏng vấn đó là những câu trả lời của Định. Qua hệ thống vi âm, anh Sáu giăng võng sát bàn làm việc, nằm đong đưa theo dõi những câu hỏi và câu trả lời. Máy điện thoại kéo sát lại gần, nằm trong tầm tay. Anh Sáu sẽ đạo diễn cho Định trả lời những câu hỏi hóc buá, nếu không Định sẽ trả lời bậy thì khốn. Mỗi khi Tốp hỏi một câu mà anh Sáu cho là một cái bẫy nguy hiểm, Định chưa kịp trả lời thì anh Sáu đã nhắc điện thoại lên quay máy nghe rè rè. Chuông điện thoại nhà Định reo vang. Dĩ nhiên Định cười xin lỗi :

    - Xin lỗi đồng chí, có điện thoại tôi nghe một chút nhé ! Công việc của tôi nó bề bộn như thế, đồng chí thông cảm cho.

    Nâng điện thoại lên, Định làm tuồng như nói chuyện với một thuộc cấp. Định hỏi :

    - Ai đấy ?

    - …

    - À ! Có gì đấy đồng chí ? Tôi đang có khách !

    - …

    - Đồng chí cho tôi biết ý kiến và nhận xét của đồng chí như thế nào, để tôi thảo luận lại, nghiên cứu kỹ lưỡng co quyết định sau.

    - …

    - Cảm ơn đồng chí !

    Định gác điện thoại lên giá, bình tĩnh cười tươi như hoa. Ngồi ngoài, Tốp nghe những lời Định nói, Tốp đâu ngờ rằng qua điện thoại anh Sáu đã mớm lời cho Định hướng dẫn Định trả lời.

    Suốt buổi ngồi nói chuyện phỏng vấn Định, Tốp phải nhiều lần ngồi nhìn trời chờ Định trả lời điện thoại.

    Không biết Tốp có hiểu rằng những câu trả lời của Định là do anh Sáu Vi, tức đại tướng Nguyễn chí Thanh, Uỷ viên Bộ chính trị Đảng của Hànội, bí thư trong ban bí thư Trung ương Đảng, và là chính ủy toàn quân của miền Bắc đang điều khiển, mớm lời cho. Và cũng không hiểu Tốp có hiểu cho rằng, người ta đã buộc lòng để Định tiếp Tốp, việc đó gây rất nhiều phiền hà cho người ta ? Với Tốp, không biết Tốp có hiểu hay không, chứ toàn thể cán bộ lớn nhỏ cũng như lính của R, đã truyền miệng nhau giai thoại này để mà cười.

    Xuyên qua ý kiến của đại đa số người về việc Định được đề bạt, bổ nhiệm làm Tư lệnh Phó của Bộ Chỉ Huy Tối Cao các lực lượng vũ trang, bán vũ trang của cái gọi là “cuộc kháng chiến chống Mỹ”, tuy chưa ai dám phát biểu công khai, nhưng giữa tay đôi, tay ba, họ kể lể, họ bình phẩm, nhận xét về vị Tư lệnh phó của họ như sau :

    - Bà Định mà làm Tư lệnh Phó ở Bộ chỉ huy R, điều khiển tụi mình à ? Trời đất ! Chẳng qua Đảng thấy rằng phụ nữ chiếm hơn phân nửa nhân số trên thế giới ngày nay, nên đưa bà Định lên để tuyên truyền, để động viên tinh thần, gây phấn khởi cho giới phụ nữ tham gia cách mạng. Nó còn là một đòn tâm lý muốn làm cho kẻ thù mất mặt chơi. Đàn bà cầm quân vẫn đủ sức “chơi” Mỹ, hạ nhau đo ván, cần gì phải đến đàn ông. Chứ bà Định biết cái thá gì về quân sự. Cầm cây súng chửa biết bóp cò làm sao nữa là khác. Đánh giặc trong thời vũ khí hiện đại như ngày nay, bà ta cầm quân chỉ huy chừng hai ngày là chết sạch không còn một mống. Xét về tài, bà Định chẳng có tài gì hết. Lý luận chưa suông câu, chiến thuật quân sự chưa biết cái tiểu đội tác chiến ra làm sao, thì tài gì ? Chỉ có tài chửi chồng là giỏi.

    Tội nghiệp cho chồng bà ta ! Lúc bà ta còn làm bí thư tỉnh ủy Bếntre, thì ông xã là Huyện ủy viên. Đến khi bà ta được đề bạt lên bí thư khu ủy thì ông xã mới bò lên bí thư huyện ủy. Khu ủy đóng ở Đồng Tháp, mỗi lần đi cống tác hoặc “nhớ vợ”, ông huyện ủy phải băng qua hai ba con sộng rộng, vượt qua mấy con lộ nguy hiểm, luồn qua nhiều ấp chiến lược mới đến được. Nghĩa là mỗi lần thăm vợ “nhứt sống nhứt chết”. Thế mà khi đến được Phòng thường trực khu ủy I2, ông xã nhờ cảnh vệ đến báo cho bà bí thư khu ủy biết là đức lang quân đến thăm, thì cảnh vệ trả lời như sau :

    - “Dạ, tui có báo cáo với chị Ba. Chị Ba bảo đang bận rồi đuổi tôi về, không nói gì hết. Thôi anh ở đây chờ đi, chớ anh đi đại tới gặp chị Ba, thì tụi tui bị kiểm thảo, hổng được đâu”.

    Ông ta chờ từ sáng cho tới chiều, rồi tối mò. Đến lúc ăn tối xong, bà bí thư khu ủy mới sai liên lạc ra đòi vào. Vừa gặp mặt, đã nổi thầu lậu lên, nói như tát nước vào mặt :

    - “Đồng chí đến đây làm gì ? Tôi đã chỉ thị cho Tỉnh uỷ Bến Tre nhiều lần là không cho phép đồng chí bỏ cơ sở, bỏ địa phương. Tôi cũng đã nhiều lần nói cho đồng chí biết rồi kia mà, tại sao hôm nay đồng chí lại đến ? Tôi không có công việc riêng tư gì với đồng chí hết. Tôi rất bận, không thể tiếp đồng chí lâu hơn nữa được, đồng chí nghe rõ chưa ?”

    Kết quả, ông nổi nóng, nắm đầu bà bí thư nện cho mấy thoi cho hả tức. Cảnh vệ nhẩy vào can. Sau đó nửa giờ, một cuộc kiểm thảo được triệu tập. Ông xã phải khoanh tay, bó gối, nghe bà khu ủy kiểm điểm, nhận xét, cuối cùng là cảnh cáo ông xã về tội : “một là tư tưởng lạc hậu, chưa giác ngộ lập trường cách mạng, đầu óc chưa gột rửa sạch ảnh hưởng của phong kiến. Hai là tự do vô kỷ luật, không chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Ba là xem nhẹ công tác Đảng, thiếu tích cực cách mạng, thiếu tinh thần trách nhiệm, chỉ biết đặt nặng tình cảm cá nhân, tình cảm gia đình lên trên v.v…”

    Nghĩa là trên đời này có bao nhiêu khuyết điểm. có bao nhiêu tư tưởng sai lầm đều được bà Khu ủy quy chụp lên đầu ông xã. Ông xã chỉ còn nước ấm ức, ứa nước mắt ngồi nghe. Súng ngắn thì bị cảnh vệ tước mất rồi. Trong buổi kiểm thảo còn nhiều người khác nữa, có phản ứng gì cũng vô ích. Ông xã không khác gì một tội nhân ngồi nghe xử án. Để biện minh, bào chữa cho tội lỗi trên kia, ông xã rơm rớm nước mắt trả lời : “Tôi đánh đồng chí là tôi lấy danh nghĩa một người chồng, quá nóng nảy nên đánh vợ chớ không phải là một bí thư huyện đánh bà Bí thư Khu ủy, hạ cấp đánh thượng cấp. Còn đến thăm đồng chí cũng vậy, tôi là một người chồng thương vợ, nhớ vợ đến thăm nhau, nó không thuộc về công tác Đảng, nó cũng không có tính cách Đảng, không khoác lớp áo Đảng vào người. Dù sao, đồng chí cũng là vợ tôi mà ! Nều đồng chí không còn chấp nhận tình vợ chồng nữa thì thôi tôi về, sau này những chuyện gặp gỡ thăm nhau riêng tư thế nảy, không bao giờ, nhất định không bao giờ còn xảy ra nữa. Về những khuyết điểm mà đồng chí quy thành hệ tư tưởng kể trên, tôi không chấp nhận. Tôi chỉ đồng ý một điều là tôi có khuyết điểm nóng nảy quá độ, giở thái độ vũ phu đánh vợ, vậy thôi”.

    Từ đó ông ta về luôn Bến tre, “guốc bay” bà vợ Bí thư Khu ủy. Cho đến ngày nay, bà Bí thư nhảy tuốt về Miền, lên chức Ủy viên Thường vụ Trung Ương Cục, cướp luôn cái chức Hội trưởng Hội Phụ Nữ Giải phóng của chị Ba Tú, đuổi bà địa chủ Cần thơ Ba Tú về I.4.

    Suố từ ngày thành lập R cho đến nay, trên danh nghĩa Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy chưa hề công bố chính thức tên tuổi từng nhân vật, hoặc xuất đầu lộ diện qua báo chí, qua đài phát thanh của bất cứ một nhân vật nào ngoài cái tên Phó Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Tối Cao Nguyễn Thị Định.

    Tất nhiên Tốp không hề biết được những chuyện đó. Nếu biết Tốp chắc cũng chả buồn phỏng vấn làm gì. Nhờ thế, lính R mới có chuyện để mà truyền khẩu, để mà “xả xú báp” những nổi bất mãn, khó chịu, bực mình về việc mình bị buộc phải chấp nhận nhân vật Phó Tư lệnh kia.

    Trong số những cơ quan Hậu cần mà Tốp được phép đến thăm có bệnh viện 320. Bệnh viện 320 được xem là bệnh viện lớn nhất của R nằm ở khu B. Bệnh viện 320 có đủ các khoa chuyên môn như nội thương, ngoại thương, tai, mắt, mũi, họng, chấn thương, sản phụ khoa, Hoá nghiệm, X quang (Rayon X) v.v… Phục vụ tại 320 có hơn 10 y, bác sĩ và gần 100 y tá, cứu thương, nhân viên không chuyên môn khác.

    Cũng như những nơi được dự định cho Tốp đến tham quan, Liên Chi ủy ở bệnh viện 320 đã xúc tiến việc học tập chỉ thị, đặt kế hoạch chuẩn bị đúng theo lệnh của Quân ủy đã ban ra. Sau cuộc học tập, một chiến dịch Tổng vệ sinh, dọn dẹp đường đi, nhà cửa, bếp và các phòng bệnh nhân v.v… Hội đồng Thương bệnh binh cũng được Ban Giám đốc phổ biến chỉ thị trên, sinh hoạt cho thương bệnh binh rõ, tham gia việc dọn dẹp vê sinh doanh trại, và chuẩn bị “đối lập” với Tốp. Những vật dụng nào có nguồn gốc chế tạo tại Mỹ, mang nhãn hiệu USA phải được giấu đi.

    Ở các khoa, những dụng cụ y khoa như ống nghe, ống tiêm, kềm kéo, dụng cụ giải phẩu, thuốc men, vật liệu không chỉ đem giấu những vật nào mang nhãn hiệu USA, mà giấu cả những món mang nhãn hiệu Nga. Những thứ được để ra dùng khi Tốp đến phải là sản phẩm của Trung Quốc và kế đó là của những quốc gia khác. Mục đích của nó vẫn là cho Tốp biết, người anh cả Liên xô xấu lắm, chẳng hề giúp đỡ viện trợ gì cho miền Nam, chỉ có Trung Quốc mới hết lòng, hết mình với miền Nam, mới là một hậu phương vững mạnh, hùng hậu nhất cho V.N.

    Chiếc máu khâu động mạch. bộ đồ giải phẫu thuật của khoa ngọai đang để ở phòng mổ là của Nga, sản xuất tại Mát-scơ-va, được lui cui mang ra rừng giấu vào bụi rậm. Ngược lại, nhân dịp này, Phòng Quân y cấp tốc cho người mang đến cấp luôn cho bệnh viện 320 một bộ đại phẫu thuật, ba bộ trung phẫu thuật và nhiều bộ tiểu phẫu thuật khác để thay vào. Những bộ dụng cụ phẫu thuật đó mới toanh, chưa bóc giấy, bóng loáng những mỡ vaseline nằm sắp lớp trong những hộp nhôm tô sơn màu lá cây. “Xưởng chế tạo dụng cụ y khoa Thiên Tân” bằng chữ nổi nằm trên nắp hộp. Tất cả những thứ đó được khui ra, lau chùi sạch sẽ.

    Ngày Tốp đến, coi như mọi việc đã xong. Đi theo Tốp có một số cảnh vệ, ngoài ra còn có Hoàng Tùng, một cán bộ của Cục Chính trị hướng dẫn.

    Cũng như những nơi khác, Tốp đến 320 với một tâm sự buồn nãn và khó chịu. Vì ở nơi nào Tốp cũng không tìm thấy sự vui vẻ, thân mật, chân thành mà chỉ là những vui vẻ, thân mật không có chiều sâu, kèm theo một sự trách móc kín đáo, nhất là sự có mặt của Trung Quốc nhiều quá. Tốp cố gắng tìm một sơ hở để tặng lại cho người anh em không mấy tốt bụng này. Và trời cũng không phụ lòng Tốp.

    Nhân lúc đến thăm căng tin của bệnh viện 320 Tốp chợt nhìn thấy một nhân viên tiếp phẩm vừa tải hàng từ Bến Củi về, áo ướt đẫm những mồ hôi, trong lưng còn mang sợi thắt lưng Mỹ, bình ton đựng nước cũng là bình ton Mỹ, trên vỏ bình ton còn in đậm hai chữ US màu nâu. Tốp cười tươi như hoa, mắt sáng ngời hỏi ngay :

    - Ở đâu có mà đồng chí có sợi thắt lưng đẹp quá vậy ?

    Vì anh tiếp phẩm mua hàng thường trực ở Bến Củi lâu lâu, cả tháng mới về bệnh viện một lần nên cái chuyện học tập chỉ thị về việc tiếp đón Tốp anh ta chưa được nghe. Thấy ông khách ký giả Liên xô này nói tiếng Việt giỏi quá, lại “biết của” lắm, có con mắt sành điệu chẳng khác gì “giải phóng quân” ta, biết rõ giá trị của sợi “xanh tuya” Mỹ là hạng nhất, anh ta cười toe :

    - Thắt lưng Mỹ đấy đồng chí ! Cả sợi “ xanh tuya ” với bộ bình ton này tôi phải mua bốn trăm rưởi họ mới bán đấy. Mấy đồng chí khác hoị mua rẻ hơn, ở Bền Củi đám con buôn, bán thiếu gì !

    Chính trị viên của bệnh viện vừa là bí thư Liên Chi, đứng chết trân, tái mặt, nháy mắt lia lịa ra hiệu cho anh ta đừng nói, nhưng cao hứng quá, anh ta mãi nhìn Tốp đâu làm sao thấy được.

    Gặp dịp, Tốp nhẹ nhàng nói với chính trị viên :

    - Đồng chí ạ ! Lần đâu tiên vào chiến khu của các đồng chí, tôi thấy chỉ có mỗi một đồng chí này biết xài đồ Mỹ thôi.

    Tốp cười vui vẻ, vổ vai anh tiếp phẩm !

    - Đồng chí tốt lắm ! Tôi cảm ơn đồng chí lắm !

    Khi Tốp trở về văn phòng, ông quản lý già mới nheo nheo mắt nói với anh tiếp phẩm :

    - Chết rồi ! Mày hại Ban Giám Đốc chết một cửa tứ rồi !

    Anh tiếp phẩm ngơ ngác, mắt tròn xoe :

    - Trời đất ! Chuyện gì kỳ cục vãy Bác Tư ?

    - Ở nhà, ai có xài đồ gì của Mỹ như xanh tuya, bình ton, ca muổng cho đến súng ống, lựu đạn, dụng cụ nhà mổ đều được lệnh ở trên dẹp ráo trọi. Thằng ký giả Liên xô này là thằng xét lại nguy hiểm lắm. Nó viết báo mày cũng nên. Sao mày thật thà quá đỗi vậy ? Mày mua bao nhiêu thây kệ mày, mấy anh em khác, ngay như tao đây mua xài thì mặc kệ tao, mắc mớ gì mày khai tùm lum vậy hả ? Thôi sửa soạn làm bản tự kiểm đi, đem ra kiểm thảo là vừa ! Không chừng phen này mày được “đề cao”, “biểu dương” toàn khu B là khác. Ác chi mà ác dữ vậy mậy ?

    - Ơ ! Tui biết đâu ! Sao mấy người hổng cho tui hay, hổng sinh hoạt gì ráo trọi, ai biết đâu mà tránh trước.

    - Tụi mày ở lì dưới Bến Củi, ai ngờ mày về bất tử vậy nè !

    - Xui ơi là xui !

    Khổ thân cho anh tiếp phẩm, khi Tốp trở lại Cục Chính trị để được đua qua Namvang lên máy bay về nước thì anh ta được đưa ra hội trường, nêu “điển hình” lãnh đủ, Nhờ vậy, “bài học điển hình” đó mời được Quân ủy soạn thảo gửi đi khắp các đơn vị trực thuộc R học tập và chuyện đó mới trở thành một giai thoại cho anh em lính R nhắc đi nhắc lại cùng cười trong những buổi uống trà, tào lao bát nháo.
    Trả lời kèm trích dẫn từ bài viết  này

  4. Trung quốc vốn là “ người anh cả vĩ đại ” hết lòng hết dạ với Việt Nam, là “ hậu phương có sức mạnh vô địch đè bẹp đế quốc Mỹ, hậu thuẫn vững chức cho nhân dân miền Nam ", là “ anh em ruột thịt một nhà “ v.v

    Đoàn Điện Ảnh Tân Hoa

    Sáu giờ sáng - giờ Đông Dương - tức bảy giờ sáng giờ Sàigòn – ngày 11 tháng 8 năm 1965, người ta thấy tại bến đò của đường dây “ Ông Cụ “, từ Phước Sang qua lộ 13 về khu B, ở bờ sông Bé, cả đoàn người đông đảo hơn một Trung đội ngồi chờ xuồng qua sông. Ngỡ là giao liên đưa khách, đưa cán bộ mùa Thu về R, nhưng chừng hơn mười phút sau đoàn giao liên của trạm Phước Sang mới đến, và họ qua sông ngay. Như vậy đoàn người đông đảo đó không phải là đoàn giao liên rồi.

    Nếu quan sát kỹ, thấy có mấy điều đáng chú ý. Một là, tuy đoàn người chỉ hơn ba mươi, nhưng trong đó có đến hơn mười lăm người mang súng ngắn, mang đồ đạc rất nhẹ, rất ít, còn chừng hai mươi người nữa mang toàn tiểu liên AK, vài ba cây trường tự động CKC, và hai trung liên. Số người được võ trang vũ khí chiến đấu này lại mang vác cồng kềnh có vẻ nặng nhọc. Nhìn vào hiện tượng này, nhất định không ai nghĩ đó là một trung đội chiến đấu được. Chiến đấu gì mà sĩ quan mang súng ngắn chiếm gần phân nửa quân số, lính chiến đấu lại mang vác nặng cồng kền, vậy thì còn chiến đấu nổi gì ?

    Hai là, trong đoàn đi, khi ngồi nghỉ chân, ít nhiều ai ai cũng nói chuyện đôi câu. Đàng này, có chín ông cán bộ mặt lạnh như tiền, tìm chỗ ngồi riêng một mình chẳng nói với ai và cũng không ai nói tới. Trên tay người nào cũng cầm cái bình ton đựng toàn nước chanh đường, thỉnh thoảng đưa lên miệng tợp vài ngụm rồi rút thuốc thơm ra châm hút. Tác phong và cử chỉ đó nhất định không thể là cán bộ R. Vì cán bộ của R mà như vậy thì coi như lính nó lôi ra đấu tưng bừng, không chịu nổi với nó. Nhìn vào gương mặt của chín cán bộ đó, sao họ có những nét “ ba tàu “ không chê vào đâu được. Mắt hơi xếch, miệng hơi hô, má hơi gầy, tóc hớt cao, đặc điểm chung như vậy đó. Nếu tinh ý, nhìn qua bao súng ngắn, cán lộ ra ngoài, thấy toàn những súng ngắn loại K.54, và những chiến sĩ trong đoàn đều toàn người miền Bắc. Điều ấy cũng không lạ, nhưng tại sao trong số cán bộ là có sự hiện diện của Tư Mước, Bí thư tỉnh ủy Phước Thành ?

    Do đó. người ta không hiểu nó ra làm sao cà.

    Nhờ nhận diện được Tư Mước nên theo truy Tư Mước, được biết đó là một phái đoàn Trung quốc, gồm 9 mạng “Ba tầu đỏ” từ Bắc Kinh đến, qua ngã Hànội, rồi “đường dây ông Cụ” để đến R.

    Trưởng phái đoàn này là một Trung tướng già mang kính, đang ngồi nghỉ dưới gốc dầu, gậy gác ngang đùi. Cách y hai thước, là một Đại úy ngoài ba mươi tuổi, vừa là cận vệ của y, cũng vừa là Bí thư riêng. Trong phái đoàn, hai thầy trò của y là người lớn tuổi nhất, và nhỏ tuổi nhất, cấp bậc cao nhất và cấp bậc thấp nhất. Còn bảy chư vị nọ, chư vị ốm và lùn nhất là Phó phái đoàn, mang cấp bậc Đại tá, tuổi ngoài bốn mươi. Kỳ dư đều mang cấp bậc Thượng tá và Trung tá, xuýt xoát trên dưới bốn mươi.

    Riêng Tư Mước, y chỉ biết có ngần ấy. Và sự có mặt của y trong đoàn người ngồi ở bờ sông Bé này, do chỉ thị của Trung ương Cục, của Quân ủy điện xuống cho biết : “có một phái đoàn quân sự Trung quốc đến R nghiên cứu về chiến lược chiến thuật và tham quan chiến trường miền Nam. Tỉnh ủy Phước Thành có nhiệm vụ tiếp đón, hướng dẫn và phục vụ Phái đoàn trong phạm vi tỉnh mình. Đảng ủy khu A sẽ đưa phái đoàn trên chặng đường từ bờ sông Đồng Nai đến trại giao liên Phước Sang ở bờ sông Bé, bàn giao lại nhiệm vụ cho tỉnh ủy Phước Thành. Tỉnh ủy Phước Thành đưa phái đoàn từ Phước Sang đến trạm Suối Bồ, bàn giao lại cho tỉnh ủy Bình Long. Vì tính chất quan trọng đặc biệt, tỉnh ủy Phước Thành phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Trung ương Cục trên khoảng đường thuộc phạm vi địa phương mình “quản lý".

    Điều đó có nghĩa tỉnh ủy Phước Thành phải cung cấp mọi nhu cầu cần thiết, tiếp đãi chu đáo và bảo vệ an ninh cẩn thận cho phái đoàn ở địa phận mình. Khi nhận được điện của R chỉ thị cho biết, Tư Mước đã phải cấp tốc triệu hồi tiểu đoàn cơ động tỉnh đang đóng ở Bà Đã trở về ngay, tung lực lượng này vào việc cảnh giới và kiểm soát tình hình khu vực đường dây từ lộ l6, lộ 13 vả lộ Chơn Thành đi Xa Cát. Đặc biệt nhất, khu vực biệt kích thường xuất hiện ở Chơn Thành - Xa Cát đến bờ sông Sàigòn. Chính Tư Mước đích thân đi theo phái đoàn để điều khiển trực tiếp lực lượng phòng vệ và tổ chức nơi ăn chốn ở mỗi khi đóng quân.

    Về vấn đề an ninh riêng, tỉnh ủy Phước Thành coi như đã xong. Việc tiếp đãi, phục vụ vật chất cho phái đoàn được đầy đủ ở giữa rừng sâu Phước Thành quả là phải cố gắng hết sức. Mước đã phải cho người tiếp xúc trước với các trạm giao liên, trao cho mỗi nơi hai chục ngàn đồng, chỉ thị phải đi chợ mua gấp một số hàng cần thiết dự trữ sẵn như gà, vịt, rượu, trà, thuốc thơm, đường, sữa, cà phê, ca cao, chanh tươi, cá hộp, trái cây hộp v.v... nói chung là thực phẩm và những thức cần dùng khác. Sợ rằng các trạm không lo đầy đủ, Mước huy động thêm một tiểu đội tiếp phẩm, mang trên lưng mỗi người một thùng thiếc đầy những món vừa kể để đủ dùng cho phái đoàn. Phải chi có mỗi chín người trong phái đoàn Trung quốc, Mước không lo, đàng này đi theo phái đoàn còn có hai tiểu đội lính chính quy miền Bắc, xuất phát theo bảo vệ từ khi rời Hànội. Rồi còn ba cán bộ thông dịch viên, hai cán bộ an ninh đặc biệt của Hànội phái đi theo để phối hợp với Ban chỉ huy lực lượng cảnh vệ, và Đại úy “Ba Tàu” - cận vệ của Trung Tướng - làm thành Ban Chỉ Huy chung cho nội bộ đoàn.

    Sáng sớm ngày 11 tháng 8 năm 1965, cả đoàn đi còn dừng lại bên bờ sông Bé, một phần vì các đồng chí “Trung quốc vĩ đại” mỏi chân, phần khác, hai tiểu đội cảnh vệ mang vác quá nặng, mỗi người ngoài súng đạn, trang bị cá nhân, còn phải tải thêm một thùng sắt vuông hàn kín, nặng hàng mấy mươi ký (không biết chứa giống chi mà nặng thế !) cũng cần phải cho người ta nghỉ ngơi. Và chính yểu là tiểu đội vận tải thực phẩm, đi lấy hàng mua ở chợ Phước Thành chưa về kịp.

    Tiểu đội tiếp phẩm này mới thực là quan trọng, vì trưa nay “ đàn anh Trung quốc vĩ đại “ sẽ dùng bữa với cái chi đây ? Bồ nhà thế nào cũng được, mắm ruốc cũng xong, muối đâm cũng tốt, cùng quá đói một bữa chả sao, chớ “ đàn anh “ mà ăn khổ thì cái địa vị Bí thư Tỉnh ủy Phước Thành của Tư Mước sẽ tuột mất. Cả cái Ban Chấp hành Trung ương Cục Miền Nam cũng không “ dễ gì “ với Bộ Chính trị ở Hànội đâu .

    Nhiệm vụ thực sự của Phái đoàn này được giữ kín, chỉ có Bộ Chính trị Đảng ở Hànội cũng như Trung ương Cục miền Nam biết một cách rõ ràng, kỳ dư cấp ủy các cấp biết một cách đại khái theo chỉ thị phổ biến hạn chế là “… phái đoàn quân sự của Hồng quân Trung quốc đến thăm chúng ta, nghiên cứu về chiến lược chiến thuật của ta cũng như của quân đội đế quốc Mỹ để đúc kết thành những bài học quý giá về chiến tranh nhân dân. Mặt khác, Đảng Cộng sản và Hồng quân Trung quốc muốn được tham quan tận mắt cuộc cách mạng thần thánh của nhân dân miền Nam. Để giữ được bí mật hoàn toàn về tính chất viếng thăm của phải đoàn Trung quốc anh em, các cấp ủy chỉ được phổ biến cho tập thể quần chúng cũng như đảng viên biết, đó là đoàn “Điện ảnh Tân Hoa “ sang miền Nam quay phim để làm tài liệu tuyên truyền ủng hộ ta, giúp ta tranh thủ ảnh hưởng cảm tình của nhân dân thế giới...“

    Đại khái, chỉ thị của Q'uân ủy Trung ương Cục gửi cho các cấp là vậy. Về vấn đề tiếp đón, chiêu đãi, phục vụ, Quân ủy không cần dặn dò chỉ thị gì, các cấp ủy bên dưới cũng vẫn thừa biết, “ ý thức ” được một cách rõ ràng “ từ khuya ” rồi. Trung quốc vốn là “ người anh cả vĩ đại ” hết lòng hết dạ với Việt Nam, là “ hậu phương có sức mạnh vô địch đè bẹp đế quốc Mỹ, hậu thuẫn vững chức cho nhân dân miền Nam ", là “ anh em ruột thịt một nhà “ v.v… vậy thì đối với phái đoàn phải “ chu đáo nhất ”, “ đầy đủ nhất “, “ nồng nàn nhất “, “ thân mật nhất “, “ vui vẻ nhất “ v.v… nghĩa là cái gì cũng nhất cả. Tóm lại, có thể nói “ những người anh cả “ này được tiếp đón, đối xử như những vì thiên tử để tỏ lòng biết ơn sâu đậm và kính nể một bậc thầy vĩ đại.

    Khoác lớp áo “ đoàn điện ảnh Tân Hoa “ tất phải biết quay phim, phải mang theo máy, mang theo phim sống. Cái đó đã nặng, còn quà cáp để biếu xén, một ít món hàng viện trợ tượng trưng, chả trách sao hai tiểu đội cảnh vệ phải còng lưng, đuối sức sưốt trên quảng đường từ Hànội đến R.

    Trở lại ngày bắt đầu lên đường của Đoàn Điện ảnh Tân Hoa ở Hànội, Đoàn Điệp ảnh này đi trên một toa xe lửa đặc biệt đổ xuống ga Hàng Cỏ. Tuy không dám tổ chức tiếp đón rầm rộ, sợ sự “ thính tai, thính mũi “ của gián điệp quốc tế nhưng cũng được Ủy viên Bộ Chính trị, Thượng tướng Văn tiến Dũng, Ủy viên Trung Ương Đảng Lê văn Lương và một số cán bộ quân sự cao cấp Hànội mặc thường phục, đem xe Volga đến chờ sẵn. Rồi Đoàn Điện ảnh đó được vào Chủ tịch Phủ, yết kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, được mời đến Văn phòng Bí thư thứ nhất Lê Duẫn, đến Uỷ ban Thường trực Quốc hội gặp gỡ Chủ tịch Trường Chinh, cuối cùng là những buổi tiếp tân, hội họp chính thực với Tổng Quân ủy Hànội và Đại tướng Võ nguyên Giáp. Trong thời gian ở Hànội, đoàn Điện ảnh Tân Hoa được xem là thượng khách của Bộ Tổng, Tổng Cục Chính trị có bổn phận tiếp đón và chiêu đãi.

    Một đoàn quay phim, một đoàn công tác điện ảnh tầm thường mà được đối xử đặc biệt, được xem là quan trọng đến như vậy sao ? Quả là chuyện khác thường khó thể tin được. Để rồi sau đó, được hai tiểu đội cảnh vệ đặc biệt do hai đại úy và hai trung úy cảnh vệ chỉ huy theo hộ tống Đoàn điện ảnh Tân Hoa, bí mật rời Hànội vào Nam. Chẳng những vậy, Bộ Tổng còn cử đại úy Huệ, Sĩ quan của Lực lượng Đặc Phòng, trực thuộc Bộ Chính trị Đảng đi theo làm tùy viên an ninh, điều khiển mọi công tác trong phạm vi này.

    Đoàn quay phim này, sau khi rời Hànội vào ghé Liên khu 5 thăm và “quay phim” các cơ sở ở đây. Sau đó, ngang qua tỉnh nào ghé thăm tỉnh đó, các căn cứ nằm trên đường đi, kể cả khu 6, khu A, rồi Phước Thành. Họ ghé thăm mỗi nơi, để tỏ tình quyến luyến chua xót gian khổ khó khăn với người Việt nam, anh em. Họ hỏi rất kỹ về tổ chức, về hoạt động nhất là những diễn biến về chính trị, sinh hoạt học tập thường ngày và những chiến lệ của những trận đánh lớn, nhỏ. Họ hỏi thăm thôi đấy, đừng có ai xấu mồm xấu miệng mà gắn cho là điều tra, là kiểm soát, là thanh sát, tội nghiệp cho họ ! Oan cho họ !

    *

    Vì đến đâu cũng bên phải ghé “ thăm “ nên mãi đến tháng 8-65 mới vào đến Sông Bé trong khi họ rời Hànội từ sau lễ “sinh nhựt Bác Hồ” 19-5-64, nghĩa là gần 15 tháng trời.

    Hành trang của đoàn Điện ảnh Tân Hoa, “không có gì” đáng kể lắm ! Mỗi nhân vật trong đoàn Điện ảnh dường như họ muốn sống kham khổ, chịu đựng thiếu thốn, để cùng chia sớt thông cảm với nỗi gian khổ của đồng bào ruột thịt miền Nam nên cái ba lô họ mang trên lưng thì to, nhưng chứa lỏng lẻo có vài bộ quần áo và một ít vật dụng nặng không quá hai ký lô. Lưng chỉ mang một sợi “xanh tuya” lủng lẳng bao đựng súng ngắn và cái bình ton nước trà hoặc nước chanh đường. Kỳ dư, còn lại bao nhiêu họ nhường cho hơn hai mươi cảnh vệ Việt nam mang còng lưng. Họ tốt như vậy đó.

    Tại bờ sông Bé, khi tiểu đội tiếp phẩm mò đến thì đã tám giờ sáng. Tư Mước sốt ruột nói đổng mấy câu, đoạn báo cho Đại úy Huệ biết là có thể lên đường được rồi. Nước sông Bé cuộn cuộn chảy như cắt. Tre rừng, lồ ồ cao vút, xanh um, uốn ngọn phủ kín bến sông. Xuồng nhỏ không thề chở được nhiều, mỗi chuyến năm người đi, kể cả người bơi xuồng. Theo sự sắp xếp của Tư Mước và Đại úy Huệ, một tiểu đội cảnh vệ sang bờ bên kia trước, cho một tổ trinh sát ba người đi trước cảnh giới. Kế đó là chín “đồng chí Trung quốc vĩ đại”, Đại úy Huệ, Tư Mước, Ban Chỉ huy Trung đội Cảnh vệ với tiểu đội tiếp phẩm. Sau cùng là tiểu đội cảnh vệ thứ hai.

    Đáng lẽ với quân số gần năm mươi ugười, cả đồ đạc qua sông chỉ tốn chừng mười lăm, mười sáu chuyến là xong tất và chỉ đến mười giờ là cùng. Nhưng khi tiểu đội I cảnh vệ sang sông rồi đến phần các đồng chí “ Trung quốc vĩ đại”, mỗi chuyến chỉ chở được một đồng chí mà thôi. Bởi các đồng chí ấy sợ chìm xuồng nên ngoài “đồng chí vĩ đại” chỉ có anh bơi xuồng. Vì vậy số chuyến tăng lên nên mãi đến gần mười hai giờ mới sang sông hết. Chính ở cái chỗ trưa trờ trưa trật đó, đường lại còn xa, các đồng chí “Trung quốc vĩ đại” suýt tí nữa giết chết sáu anh cảnh vệ vùi xác xuống đáy sông sâu.

    Số là khi chín “đồng chí vĩ đại” sang hết bên kia bờ với Huệ, Mước và ba chư vị thông dịch viên thì một thông dịch viên đến thì thầm bảo cho Huệ biết đồng chí Trưởng đoàn yêu cầu lên đường ngay vì không nên ở gần bờ sông lâu, phi cơ địch rất có thể bay dọc theo sông bắn bậy, Huệ định ra lệnh đi nhưng Mước yêu cầu chờ tiểu đội tiếp phẩm sang sông đã. Nếu dọc đường rủi ro gặp một trở ngại bất thần, lạc mất tiểu đội tiếp phẩm, thì các “đồng chí vĩ đại” chỉ có nước chết đói. Lý do rất chính đáng nên Huệ phải nghe theo. Đến khi tiểu đội tiếp phẩm sang sông hết thì các “đồng chí vĩ đại” có ý phiền nhiễu nên tất cả hối hả lên đường. Bên kia sông còn lại vỏn vẹn tiểu đội cảnh vệ thứ hai. Lần đầu tiên đi trong rừng lạ, ai cũng sợ lạc đường khi những người dẫn đường đều đi trước, do đó phía sau phải “tranh thủ”, phải hối hả sang sông. Chuyến chót còn đến những sáu người, thay vì phải chia làm hai, đàng này a thần phù dồn vào một, kết quả xuồng khẫm đừ, ra giữa sông sóng nước chảy mạnh xuồng lật úp.

    Trong sáu chư vị, năm chư vị không biết lội. Sông Bé lại sâu hàng chục thước, nước chảy mạnh như thác đổ. Tưởng đâu chết sạch, may sao có thân một cây dầu khô mục trôi theo dòng, cả sáu chới với chộp được, ôm cây thả trôi theo dòng. La cầu cứu thì cầu cứu ai đây ? Tất cả đi mất hết rồi.

    Cây trôi được chừng năm trăm thước thì tắp vào bờ vịnh, nhờ đó mới leo lên bờ được. Kết quả chìm mất hai cây súng tiều liên A.K. một cây súng lục, bốn cái ba lô, một số đồ đạc linh tinh khác, như khăn, nón, viết, đèn pile, dép râu và chiếc xuống của đường dây. Không biết sau đó có khách đi trên đường dây xuồng đâu mà qua sông đây không biết nữa !

    Chính vì vậy, chín đồng chí “Trung quốc vĩ đại” và đoàn cảnh vệ phải đến mười giờ đêm mới mò đến Trạm Suối Lung. Giờ đó, hầu hết mọi người đều yên giấc.

    Theo nguyên tắc của các trạm đường dây R, khu vực “đóng quân” của khách bao giờ cũng phía ngoài trạm. Mỗi trạm đều có nhà để cho nhân viên của Trạm ở và phòng hờ cho một số khách đặc biệt, cán bộ cao cấp trú ngụ. Để bảo vệ căn cứ cho Trạm, phía ngoài chung quanh căn cứ đó đều có hệ thống bố phòng như hầm núp tránh phi pháo, giao thông hào để chiến đấu và rút lui, nhất là có hàng rào chiến đấu với cổng bảo vệ, hệ thống lựu đạn gài, hầm chông, bãi chông lan v.v... Những khách được vào nghỉ ngơi trong trạm, tức là những cán bộ cao cấp, những khách đặc biệt sẽ được hưởng sự bảo vệ đó. Còn những khách thông thường, cán bộ sơ cấp, trung cấp kể cả số cán bộ mùa thu bất kỳ cấp bậc gì cũng đều phải ở ngoài trời, chỗ khu vực dành riêng cho khách ở bên ngoài cổng và hàng rào chiến đấu. Khách phải tự túc lấy việc ăn, ở, trạm không lý tới những việc đó kể cả vấn đề bảo vệ.

    Tốp khách giao liên hôm đó có mấy người bị sốt rét vật ngã dọc đường, cố lê bước đến Trạm và yêu cầu Trạm giúp đỡ bằng cách cho bệnh nhân vào nghỉ trong nhà, nhờ nhân viên y tế của Trạm tiêm thuốc, nấu cháo, săn sóc hộ.

    Nếu những ngày khác, yêu cầu đó có lẽ Trạm sẽ chấp thuận. Nhưng vì hôm đó được thông báo trước là có “đoàn Trung quốc" đến, chỉ thị cấp trên ra lệnh phải tuyệt đối cảnh giác, bảo vệ chu đáo và phải chuẩn bị đầy đủ mọi phương tiện phục vụ nên Trạm từ chối ngay :

    - Không được ! Hôm nay vì có một đoàn khách đặc biệt, ỏ trên chỉ thị cho chúng tôi không được cho phép ai vào Trạm. Các đồng chí bị bệnh cũng vậy, ráng chịu khó ở ngoài đi. Nhà thì còn trống nhiều chỗ đấy, nhưng không được.

    Có người khó chịu cật vấn lại :

    - Đoàn khách đặc biệt gì cũng vậy. Các đồng chí phải để bệnh nhân vào Trạm nghỉ và chăm sóc thuốc men cho người ta chứ ! Tháng này trời mưa dầm dề, để ở ngoài rủi ro bệnh nhân hy sinh thì ai chịu trách nhiệm đây ?

    - Ơ … Ơ ! Các đồng chí thắc mắc cứ về R mà báo cáo. Trạm chúng tôi được lệnh như vậy thì phải chấp hành.

    Trong tốp khách giao liên hôm đó, phần lớn là số cán bộ mùa thu thuộc đoàn K.74 tức đoàn công an võ trang, từ Bắc về Nam, và đoàn cán bộ Phòng Tham mưu Khu 6 (T.6) về Bộ Chỉ huy R hội họp.

    Đặc biệt nhất có Đặng văn Nhường, (đã được nói tới ở phần trước) vì bị sốt rét liên miên trên đường đi nên còn sót lại một mình, lóp ngóp theo đường dây trong khi đoàn cán bộ mùa thu của Nhường đã về đến R mấy tháng trước. Nhường nghe trạm giao liên trả lời như vậy, tự biết thân phận hầm hiu của mình nên chỉ thở dài nhắm mắt “thông qua". Số cán bộ công an võ trang thuộc loài K.74 thấy Nhường còn phải chịu nhịn thì họ cũng chả nước nôi gì, làm thinh luôn. Chỉ có đoàn cán bộ Phòng Tham Mưu khu 6 (B.I/T.6), Trưởng đoàn là Tham mưu Trưởng quân khu có giấy giới thiệu đặc biệt, đáng lẽ phải được hưởng chế độ đặc biệt là vào trong trạm nghỉ, nhưng đàng này bị cự tuyệt nên nổi nóng lên :

    - Đồng chí đó đọc kỹ giấy giới thiệu này chưa ? Tôi là Trưởng đoàn đồng chí cũng rõ tôi là ai rồi ? Huống là trong đoàn của tôi có một đồng chí cán bộ D trưởng bị bệnh các đồng chí dù có tiếp đón đoàn khách đặc biệt nào đi nữa thì các đồng chí cũng phải tiếp đón chúng tôi.

    Trưởng trạm giao liên trả lời bằng cách đóng cửa ngõ và cài lại, đi vào trong một nước Cũng vì vẩn đề đó, khách đường dây vẫn còn ức, ngồi uống trà “tố khổ” với nhau cho hả tức. Giữa lúc ấy, cái gánh “Đoàn điện ảnh Tân Hoa” kéo tới. Tư Mước đứng trước cửa ngõ hét om lên :

    - Ra mỡ cửa ngõ mau lên chớ mấy chư vị ! Đèn đóm gì tối om thế này ?

    Nhờ đứng lu bu đông đặc ở khu vực khách đường dây, Nhường mới chợt nhìn thấy trong số người của đoàn khách đặc biệt có thằng em nuôi của mình là Năm Hùng, hiện là cán bộ của Ủy Ban Đối ngoại của Văn phòng Trung ương Đảng ở Hànội. Nhường mừng rỡ ngóc đầu lên khỏi võng, vén mùng gọi khẽ :

    - Chú Năm ơi ! Chú Năm ! Chú Hùng ! Chú Hùng ! Chú lại đây !

    Hùng vốn trước kia là Ba Tàu lai, gốc gác ở Chợlớn, được gia đình Nhường nhận làm con nuôi, thời kỳ chín năm chổng Pháp công tác ở Phòng Huê Kiều vụ Nam Bộ. Tập kết ra Bắc được đưa về công tác ở Ủy Ban Đối Ngoại của Trung ương Đảng với nhiệm vụ làm thông dịch viên Hoa ngữ. Nghe tiếng gọi, Hùng dáo dác nhìn quanh, như sợ người bắt gặp mình, tách ra khỏi đám đông đi đến chỗ Nhường.

    Bấy giờ Nhường mới thấy Hùng, chứ Hùng thì đã thấy Nhường lúc sáng sớm ở bờ sông Bé, lúc tốp giao liên dẫn khách đường dây đi ngang, trong số đó có Nhường. Nhường mãi lo lóp ngóp đuổi theo người trước nên không thấy Hùng. Vì kỷ luật của Đảng bắt buộc, nhất là sợ Huệ - xếp an ninh của đoàn - nên tuy gặp anh mình đi ngang qua, mừng vô hạn, nhưng không dám nhúc nhích, hở môi.

    Bây giờ nghe gọi, Hùng biết người gọi ấy là ai rồi. Hùng rón rén bước nhanh đến bên Nhường khẽ hỏi :

    - Anh Ba hả anh Ba ?

    - Ừ ! Tôi đây ! Sao chú cũng có mặt ở đây vậy ? Còn đoàn nảy lả đoàn nào ?

    - Suỵt ! Anh nói nhỏ vậy ! Chốc nữa tôi giả bộ đi tắm rửa rồi sẽ gặp anh nói chuyện nhiều. Bây giờ không tiện đâu. Đoàn nảy là phái đoàn quân sự Trung quốc đến tham quan và nghiên cứu chiến trường miền nam. Bí mật phải giữ kỹ. Tôi được Trung ương phân công đi theo làm thông dịch viên cho đồng chí Trưởng đoàn. Thôi đi nghe anh Ba. Chút nữa tôi lại !

    Thế rồi Hùng lĩnh đi, lẫn vào đám đông. Chừng đó Nhường mới vỡ lẽ ra cái đoàn khách đặc biệt mà Trưởng Trạm nói ban chiều là phái đoàn Trung quốc này đây ! Hèn chi !

    Khi cổng mở, tất cả ”đoàn khách đặc biệt” kéo đi vào trong, chừa lại bên ngoài một tiểu đội án ngữ sát cổng, vừa nghỉ lo cơm nước, vừa canh gác bên ngoài. Toàn là chiến sĩ miền Bắc. Họ cười gọi nhau om lên làm tất cả khách đường dây đều thức giấc.

    Riêng Nhường gặp em trong cảnh bất ngờ, dặc biệt này mừng vô hạn, thức trông chừng chờ Hùng ra. Thấy bạn đồng hành, ông Tham mưu trưởng khu 6 giăng võng nằm kế bên, hãy còn thức. Nhường khẽ bảo :

    - Tưởng đoàn khách đặc biệt nào, ai dè mấy tay Trung quốc. Anh biết không, thằng Hùng hồi nãy nó là em tôi đấy. Nó làm thông dịch viên cho Trưởng phái đoàn.

    Một chốc sau, số khách đường dây nằm quanh Nhường đều biết chuyện đó. Một cán bộ công an vũ trang đoàn k.54 kéo tới ngồi xỗm quanh võng Nhường góp chuyện :

    - Trong đoàn đó, tụi tôi cũng có quen một người tên Đại úy Huệ, cán bộ Đặc phòng trực thuộc Bộ Chính trị, chắc y đi theo làm sĩ quan an ninh lo bảo vệ phái đoàn.

    Theo lời hứa, Hùng xách đồ đi tắm, nhưng trước khi tắm thì lẻn đến với Nhường, gặp cả một lô người đang vây quanh Nhường nói chuyện. Sau khi hỏi thăm chuyện gia đình, anh em, Hùng cho Nhường và mọi người biết :

    - Biết thì biết, chứ mấy anh phải giữ bí mật, không thì chết tôi ! Đây là phái đoàn quân sự do Đảng Cộng sản Trung quốc và Hồng quân Trung quốc đưa sang tham quan, nghiên cứu về chiến lược, chiến thuật ở chiến trường miền Nam. Người trẻ nhất và cấp bậc thấp nhất trong chín người của phái đoàn là lão Đại úy cận vệ của Trung tướng Trưởng phái đoàn. Chúng tôi khởi hành sau lễ sinh nhật Bác 19-5 năm ngoái. Bây giờ, hơn một năm sau mới tới đây. Đì dọc đường ghé lung tung thiên lên. Tại Hànội thì có hai tiểu đội cảnh vệ đặc biệt của Bộ Tổng đưa theo bảo vệ. Từ Quảng Trị vào đây cứ đến địa phận tỉnh nào thì có Tỉnh ủy ở đó tiếp đón, hướng dẫn, phục vụ phái đoàn rồi đưa sang tỉnh khác bàn giao lại cho Tỉnh ủy kia tiếp đón. Đi đường phái đoàn được giới thiệu dưới danh nghĩa là Đoàn Điện ảnh Tân Hoa. Mà cũng hay ! Mấy cha đó, cha nào cũng biết chụp hình, quay phim. Cha nào cũng có một cái máy chụp hình riêng hết, chỉ có Trung tướng Trưởng đoàn là không biết gì cả. Sướng lắm ! Mấy cha đó, nơi nào cũng có một tiểu đội tiếp phẩm mang thực phẩm, đồ hộp, rượu trà theo phục vụ. Như địa phận này là Phước Thành, Tư Mước y chỉ huy cái tiểu đội đó. Tôi cũng nhờ núp bóng Trưng tướng Trưởng phái đoàn nên cũng hưởng theo. Khá chớ ! Chính mấy tiểu đội theo bảo vệ, mang đồ đạc cho phái đoàn cũng có tiêu chuẩn bồi dưỡng mỗi ngày như trà, đường, chanh, thực phẩm v.v... Chỉ tội nghiệp cho ba thầy trò Tư Mưởc, Bí thư tỉnh ủy Phước Thành, mãi chạy tới chạy lui lo thu xếp cho phái đoàn, ăn uống không xáp vào được đám nào, thành ra chỉ có ruốc với khô.

    Thấy Nhường bị bệnh, Hùng vào vận động với Tư Mước thế nào không rõ, mang ra cho Nhường một hộp sữa, một gói trà, nửa ký đường và mấy quả chanh tươi rồi lại hấp tấp trở vào. Nhờ vậy, trên đường đi, từ sau Trạm Suối Bé đến đây, mấy cán bộ mùa thu không đào đâu ra trà, đường, giờ, gặp may Nhường mời tất cả xúm lại nấu nước pha trà nhai đường táng, kể chuyện tào lao để “hoan hô” phái đoàn Trung quốc.

    Tại trạm giao liên Suối Lung, “ các đồng chí Trung quốc vĩ đại” được xếp cho ngủ ở hai nhà. Nhân viên của trạm được mời xuống nhà bếp cho nó “ấm” ! Từ buổi ban chiều, mấy con gà tàu của anh em ở trạm nuôi tự túc “Cắc ca cắc cỏm” để dành cho nó đẻ, nhân dịp này trưởng trạm cho bắt ráo trọi theo lệnh trên đó phục vụ cho các “đồng chí vĩ đại”.

    Trông thấy cảnh Mước thực cũng tội. Trong khi ở trong nhà đèn sáng choang, các “đàn anh” đang gặm những đùi gà béo ngậy nhắm rượu, cá hộp, lạp xưởng chiên v.v... hai thầy trò Mước ngồi bệt ngoài sân, đốt đèn chong ăn cơm vắt với mấy miếng khô kho và chai muối tiêu.

    Bốn giờ sáng, cả đoàn lại lên đường cho kịp qua lộ 13 vào lúc tờ mờ sáng. Trưa qua lộ Chơn Thành – Xa Cát. Chiều qua sông Sàigòn và tối thì đến trạm Suối Bồ.

    Ngày hôm sau nữa, Mước sẽ đưa “đoàn điện ảnh Tân Hoa” đến trạm Bình Long để giao cho tỉnh ủy Bình Long, đang “cơm ghe bè bạn” chờ chực tại đây từ mấy hôm nay. Hai con bò tơ đang gặm cỏ bên đám le trước cửa ngõ của trạm Bình Long, đâu có ngờ rằng mình sẽ là vật chiêu đãi cho mấy “đàn anh vĩ đại”. Để thưởng công cho Mước cực khổ lặn lội, phục dịch mấy hôm nay, một buổi tiệc liên hoan thịt bê thui do tỉnh ủy Bình Long tổ chức tại trạm Bình Long để tiễn đưa Mước và cái gánh tiếp phẩm của Mước quy hồi về bên kia bờ sông Bé. Mà chiếc xuồng đã chìm mất rồi, giờ chỉ có nước lấy nylon làm phao, lần dây sang sông để trở về.

    *

    Riêng đoàn điện ảnh Tân Hoa, từ đó được đưa thẳng về phòng Thường trực R. Một lễ tiếp đón đã được chuẩn bị sẵn với Tấn, với Độ và một lô cán bộ cao cấp, một đại đội bảo vệ làm hàng rào danh dự, có mấy cô nữ văn công trong Đoàn Văn Công I ôm hoa chờ đợi.

    Lễ tiếp rước cũng xôm tụ lắm. Mấy khẩu hiệu bằng tiếng Tàu, lính nó đã học thuộc từ khuya, khi các đàn anh đến nó hô loạn cả lên :

    - “ Mão chớ Tung, oán xối “ !

    - “ Hủ chứ Ming oán xối " !

    - Oán xối ! Oán xối !

    Lại tiệc tùng và hội họp, báo cáo ! Lại “văn công” và “Điện ảnh” được triệu hồi về Bộ chỉ huy để trình diễn phục vụ các “ đồng chí Trung quốc vĩ đại “.

    Lịch trình tham quan các đơn vị R được Cục ChínhcTrị sắp xếp và loan đi, báo tin cho các nơi biết để chuẩn bị tiếp đón. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ba Cục được chỉ thị đại ý như sau :

    - Lần đầu tiên có một phái đoàn “ Trung quốc vĩ đại “ đến thăm chúng ta. Đó là “ đoàn Điện ảnh Tân Hoa “. Ngoài việc thăm viếng, đoàn còn được Ban Chấp hành Trung ương của hai Đảng Trung quốc và Việt Nam giao cho một nhiệm vụ đặc biệt. Do đó, yêu cầu các đồng chí tổ chức thật chu đáo các cuộc tiếp đón phái đoàn để thấy rằng chúng ta rất vui mừng phấn khởi, bộc lộ tình cảm nồng nàn thân thiết nhất như anh em ruột thịt với sự kính mến, biết ơn Mao chủ tịch và nhân dân Trưng quốc. Phải báo cáo cho phái đoàn biết thành tích về mọi vấn đề của đơn vị mình. Các đồng chí phải trung thực, không cần giấu diếm gì cả. Điều đó rất có lợi cho chúng ta.

    Thiên hạ ngơ ngác. Nếu là đoàn Điện ảnh thì việc chi quan hệ mà phải “nhận nhiệm vụ của hai Đảng giao cho” và quyền hạn gì bắt buộc “phải báo cáo thành tích về mọi vấn đề của đơn vị mình” ? Nội dung của chỉ thị trực tiếp cho mọi người biết một cách rõ ràng sự quan trọng và quyền hạn đặc biệt của cái phái đoàn mang tên " Đoàn Điện ảnh Tân Hoa “.

    Theo lịch trình được sắp xếp, thời gian đầu phái đoàn đi thăm, tham quan và quay phim các cơ quan, các đơn vị tĩnh tại, trực thuộc Ba Cục ở khu B. Sau đó phái đoàn sẽ đến tham quan, nghiên cứu và quay phim hoạt động của Công Trường 9 (Sư đoàn 9). Ở đây, có một trùng hợp mà mọi người ai cũng lấy làm ngơ ngác, thắc mắc, không hiểu việc thành lập hai đơn vị công trường 9 và công trường 5 có liên quan gì đến phải đoàn Trung quốc không ?

    Giữa tháng 8-65 phái đoàn đến R thì độ tuần sau có quyết định của Bộ chỉ huy R sát nhập 3 Trung đoàn chủ lực Q.761, Q.762, Q.763 thành công trường 9 và ba trung đoàn chủ lực mới thành lập sau : Q.764, Q.765, Q.766 thành Công trường 5.

    Để theo dõi bước chân của “ đoàn điện ảnh Tân Hoa ”, ta thử ghé mắt đến một đơn vị Hậu cần được lệnh tiếp đón đoàn như thế nào. Đơn vị này nhận được chỉ thị là cấp ủy họp, tổ cán bộ họp, vạch chương trình, kế hoạch xong nuôi liền triệu tập cuộc họp chính quyền toàn đơn vị, thông báo tin trên và kế hoạch của Ban Chỉ huy đơn vị. Theo đó, tổ tiếp phẩm cấp tốc từ khu B đi xuống I.4 (nghĩa là vùng Cầu Xe, Hố Bò, Bến Súc v.v...) để cấp tốc mua mang về một số gà vịt, một số thực phẩm, đồ gia vị ở thành, rượu bia, nước ngọt mang về đơn vị, trước ngày phái đoàn tới. Quản lý đơn vị phải chọn những chiếc xe đạp dùng để thồ cho thật tốt giao cho tổ này. Số còn lại, ở nhà lo dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh doanh trại, dọn đường đi cho trống để phải đoàn cỡi xe đạp tới, không bị vướng mắc. Dọc theo đường đi, cách đơn vị trong vòng năm cây số, phải đào một số hầm hố tránh phi cơ, để khi Phái đoàn tới, bị oanh tạc có chỗ tránh núp vững chắc. Bộ phận văn nghệ nghiệp dư (riêng của cơ quan) chuẩn bị tập dượt một số tiết mục văn nghệ chọn lọc, có qưyền lấy giờ chính quyền để tập trong một tuần lễ. Ban Tổ chức sửa soạn một cuộc triển lãm thành tích của đơn vị ở Hội Trường trong quá trình công tác kể từ ngày đơn vị được thành lập. Và Ban tổ chức vào ngày chót phải kiểm soát, thanh soát lại toàn bộ kế hoạch đã chuẩn bị như thế nào.

    Kiểm tra lại đường đi, nhà cửa, hầm hố, cầu tiêu, hội trường và trình diễn thử các tiết mục văn nghệ. Dĩ nhiên, thành phần Ban Tổ chức là Ban Chỉ huy và cán bộ phối hợp. Để động viên không khí chuẩn bị cho tốt, Ban Chỉ huy phát động một đợt thi đua để chọn những cá nhân xuất sắc. Công tác chính trong thời gian này là chuẩn bị tiếp đón phái đoàn.

    Chương trình tiếp đón được định sẵn vả loan báo lần cuối cùng cho toàn đơn vị biết trong buổi họp đêm trước khi phái đoàn tới. Theo đó, toàn thể đơn vị sẽ thức dậy sớm hơn thường lệ. Chị nuôi phải thức hồi ba giờ khuya để lo bữa ăn sớm cho đơn vị. Ăn xong, mọi nhân viên, chiến sĩ, cán bộ phải ăn mặc sạch sẽ, lựa đồ mới lấy ra mặc, các nữ đồng chí phải diện cho đẹp để kéo nhau ra khỏi đơn vị cách hàng cây số đón tiếp phái đoàn. Bốn nữ đồng chí trẻ, đẹp nhất được chọn để tặng hoa cho phái đoàn, phải sửa soạn kỹ lưỡng hơn các bạn gái khác.

    Khi phái đoàn tới, phải vỗ tay hoan hô theo nhịp điều khiển cho thực ăn rập. Bốn nữ đồng chí tiến ra tặng hoa. Kế tiếp, Ban chỉ huy đơn vị đến bắt tay trong khi toàn thể vừa vỗ tay vừa hô khẩu hiệu. Ban Chỉ huy bắt tay vừa đủ mặt phái đoàn là tốp lân múa, nhào ra múa chào mừng và dẫn đường cho phái đoàn về đến đơn vị.

    Chương trình đó mọi người phải thuộc nằm lòng. Gương mặt mọi người phải thực vui tươi. Từ cách vỗ tay, cách hô khẩu hiệu, cách bắt tay, cách tặng hoa, tất cả đều phải dượt lần chót gọi là “Tổng ôn”, “Tổng diễn tập” y như thật cho đến khi vừa ý thì thôi.

    Khỏi phải nói khi phái đoàn của “ đàn anh vĩ đại “ cỡi xe đạp vừa đến thì cảnh tiếp đón diễn ra rất xôm tụ. “ Đàn anh “ phồng mũi lên, khoái híp mắt, hả hê, miệng cứ “Tô xía” liên tục. Thực giống như cảnh rước thần về làng.

    Qua cuộc tiếp xúc, nói chuyện, làm việc với Ban chỉ huy có người phục vụ, tiếp tân đầy đủ tại một căn nhà riêng chuẩn bị trước, phái đoàn được mời đi thăm đơn vị, xem triển lãm, sau đó về hội họp riêng với cấp ủy Đảng và Ban chỉ huy đơn vị. Lại tiệc tùng, trà rượu, đớp hít tưng bừng. Tối đến, tất cả lên hội trường, đèn măng sông sáng choang, trang trí sân khấu thành lễ đài, làm “mít tinh”, đọc diễn văn, diễn từ, phát biểu cảm tưởng, tri ân Trung quốc, hoan hô kịch liệt như mọi cuộc “mít tinh” chào mừng khác.

    Cuối cùng, đêm văn nghệ chào mừng phái đoàn bắt đầu với những màn vũ, đơn ca, tốp ca, đồng ca, trò vui v.v… Đàn anh chỉ việc phồng mũi ra mà sung sướng, thụ hưởng.

    Qua đêm “mít tinh”, anh chị em trong đơn vị ai cũng ngơ ngác nhìn nhau vì theo lời đáp từ của Phó Trưởng đoàn “Điện ảnh Tân Hoa” (Đoàn có tất cả chín người nhưng vì hận công vụ nên phải ở lại nhà, nghĩa là tại Bộ Chỉ huy R, hết bốn đồng chí, trong đó có trưởng phái đoàn). Đoàn nhận nhiệm vụ của hai Đảng (Hànội và Bắc kinh) vào Nam, mong rằng các đồng chí sẽ giúp phái đoàn hoàn thành nhiệm vụ.

    Anh chị em hỏi nhau : - “ Quái ! đoàn Điện ảnh quay phim ăn nhằm vào chỗ nào mà lại nhận nhiệm vụ của hai Đảng ? Và từ hôm trước đến nay, cái đoàn Điện ảnh này đã đi thăm nhiều đơn vị ở khu B lắm rồi, mà hôm nay mới đến mình, quanh đi quẩn lại sao cũng chỉ có năm chư vị này, còn bốn chư vị kia, kể luôn cả trưởng phái đoàn, làm gì mà không ra khỏi Bộ chỉ huy Ba Cục ? “

    Do đó, không ai tin rằng đoàn này là phái đoàn điện ảnh Tân Hoa của Trung quổc gửi sang quay phim về chiến tranh ở miền Nam. Quay phim chỉ là hình thức bên ngoài, chỉ lả công tác phụ, công tác chính vẫn là vấn đề khác

    Cũng thời sang thăm miền Nam nhưng đoàn “ Điện ảnh Tân Hoa “ được tiếp đón một cách đặc biệt. Burchette khá khá một chút, còn “ Tốp “ thì thật đáng buồn. Dĩ nhiên Cộng sản Tàu phải đứng hàng thứ nhất, kế đó là các Đảng anh em, cuối cùng là Đảng Cộng sản Nga. Anh Nga là cái anh bẹt dem, mất chỗ đứng trong “cuộc cách mạng “ nầy rồi ?

    Sau khi thăm các đơn vị trực thuộc Ba Cục ở khu B xong, đoàn Điện ảnh Tân Hoa được Bộ chỉ huy R đưa đến thăm Công trường 9. Công trường 9 tức Sư đoàn 9, gồm có ba Trung đoàn : Q.761, Q.762, Q.763. Trưởng phái đoàn vẫn “ nằm nhà “ cùng với ba đồng chí. Chỉ có năm chư vị đi đó đi đây, xuất đầu lộ diện, khăn gói lên đường theo sự hướng dẫn của Phó Chính ủy Trần Quang Vinh tức Trung tướng Trần Độ đến Bộ chỉ huy Công trường 9 đóng ở Bình Long, có một Trung đội bảo vệ theo hộ tống.

    *

    Trước khi đoàn Điện ảnh Tân Hoa đến Công trường 9, Bộ Chỉ huy R đã chỉ thị cho biết trước để chuẩn bị một chiến dịch, gọi là chào mừng phái đoàn. Và phái đoàn “ Điện ảnh Tân Hoa “ sẽ có mặt trong chiến dịch đó, tham dự, nghiên cứu những trận đánh và quay phim.

    Lẽ tất nhiên về phía Đảng, Quân ủy Miền Nam cho Đảng ủy Công trường biết rõ các đồng chí Trung quốc này nằm trong phái đoàn nghiên cứu chiến lược, chiến thuật của Mỹ tại Miền Nam, do Mao Chủ tịch và Đảng Cộng sản Trung quốc cử đến. Họ là những sĩ quan cao cấp của Hồng quân Trung quốc và là những chiến lược gia, những nhà nghiên cứu về chiến lược, chiến thuật quân sự. Đảng ủy Công trường phải lãnh đạo các đơn vị chuẩn bị thực tốt, thực đầy đủ một trận đánh vận động chiến. R sẽ đưa phải đoàn tham quan và góp ý kiến, rút kinh nghiệm. Mặt khác, vấn đề bảo vệ phải đoàn phải có kế hoạch hữu hiệu. Nếu không, có một chư vị nào “ qua phần “ ở tại chiến khu này, là tai hại to, khó ăn khó nói khi phải trả lời cho Đảng Cộng sản Trung quốc biết nguyên do của cái chết.

    Cần ghi nhận thêm ở đây rằng, trong chiến dịch Đồng Xoài, nổ súng hồi 10 giờ đêm rạng ngày 10-6-1965, ba Trưng đoàn Q.761, Q.762 và Q.763 đều có tham dự. Trung đoàn Q.762 thiệt hại nặng nhất, coi như con số thương vong bị đi đứt một tiểu đoàn, cho nên vừa mới bổ sung quân số, học tập, luyện quân chưa đến đâu cả. Giờ lại phải chuẩn bị chiến dịch, học tập sa bàn, chỉnh huấn, động viên hạ quyết tâm thư thì thực là đáng ái ngại. Q.761 tuy thiệt hại ít hơn, nhưng quân số cũng hao hụt hàng trăm. Q.763 lại nhồi thêm trận Bù Đốp ở biên giới Miên cuối tháng 6, nên số thương vong đâu kém Q.762 là mấy. Thời gian trong vòng ba tháng mà vừa bồ sung quân số, vừa củng cố tinh thần chiến đấu, vừa học tập chiến lệ, rút kinh nghiệm chiến kỹ thuật rồi chuẩn bị chiến dịch mới, nghiên cứu học tập, thực tập, chỉnh huấn, ui chao ! Cả một vấn đề gay go, đâu phải dễ. Nhưng lệnh vẫn là lệnh.

    Trần quốc Vinh đưa phái đoàn “ Điện ảnh Tân Hoa “ đến Công trường Bộ. Phòng Tham Mưu Công trường 9 báo cáo cho biết về kế hoạch đánh đường 13. Nhưng vào giờ chót thì lại chuyển thành chiến dịch Dầu Tiếng cuối tháng 12 năm 1965 không biết vi lý do gì ?

    Đoàn “ Điện ảnh Tân Hoa “ đã xuất hiện tại R từ tháng 8-65 cho đến tháng 5-66 mới chấm dứt nhiệm vụ, trở về bằng con đường biên giới Tây ninh. Tòa Đại sứ Trung Cộng ở Nam vang cho xe bí mật đến đón phái đoàn tại biên giới. Sau đó lên phi cơ tại phi trường Pochentong - Nam vang về thẳng Bắc Kinh.

  5. SỨ GIẢ TRUNG ƯƠNG CỤC

    Sau Hiệp định đình chiến 54, Trung Ương Cục Miền Nam đề ra ba công tác lớn và chỉ thị cho các cấp phải thi hành gấp rút, hoàn thành trước cuối tháng 10/54. Ba công tác đó là :

    1) Tổ chức học tập sâu rộng từ trong đảng ra đến ngoài quần chúng, từ các cơ quan, bộ đội đến nhân dân về Hiệp định đình chiến.
    2) Tiếp thu các vùng tập kết.
    3) Phát triển công tác cơ sở.

    Công tác thứ ba là công tác tối quan trọng, công tác chiến lược quyết định của gia đoạn “ Tiền Tổng Tuyển Cử ” 1954 – 1956.

    Thế cho nên không ai lấy làm lạ khi thấy thành phần được tập kết ra Bắc hầu hết là giới quân sự, cán bộ dân chánh đảng chỉ một số ít không đáng kể. Số còn lại, trước khi trở về địa phương hay chuyển vùng hoạt động đều phải trải qua một lớp huấn luyện tập trung hay tại chức ngắn hạn từ 3 đến 15 ngày về tình hình chính trị, công tác dân vận cơ sở, phương châm hoạt động v.v...

    Vào khoảng cuối tháng 10 năm I954 trên lộ Đông Dương từ Rạch Giá về Sàigòn người ta thấy có một chiếc xe Citroen 11, cóp vuông, sơn đen, chạy bon bon góp mặt với những xe cộ khác chạy trên đường. Trên xe có 3 người, một tài xế già ngồi ở tay lái và một đôi vợ chồng ngồi ở băng sau.

    Người chồng mặc bộ vét màu xám, gương mặt xương xương, da trắng, trán hơi cao. Phong thái, cốt cách, đúng là một nhà trí thức trẻ ngoài ba mươi tuổi. Người vợ tóc cắt ngắn, uốn quăn, hơn mập, mắt to, miệng hơi hô, mặc chiếc áo dài rộng, bên ngoài phủ chiếc áo “ đình chiến ", bụng nổi to lên, tố cáo cái thai sắp đến nngày sinh nở.

    Đôi vợ chồng ấy là Trần bửu Kiếm và Phạm thị Yến. Trần bửu Kiếm là Tổng thư ký Ủy Ban Kháng chiến Hành Chánh Nam Bộ và Phạm thị Yến là dược sĩ chủ Pharmacie Phạm thị Yến ở đường Tổng đốc Phương (hiện bị tù ở Côn Đảo vì hoạt động trí vận - một tổ chức cơ sở của VC trong giới trí thúc - do tòa án Quân sự đặc biệt ở Saigon xử năm 1960, 18 năm khổ sai).

    Về Saigoi, Trần bửu Kiếm không ở chung với vợ tại nhà ở đường Cây Mai mà tạm ngụ tại một khách sạn ở đường Đồng Khánh.

    Bấy giờ, Kiếm đã nhận một công tác khác do Trung Ương Cục giao cho nên cái tư cách Tổng thư ký Ủy Ban kháng chiến Hành Chánh Nam Bộ không còn dùng đến nữa mà chỉ lấy danh nghĩa Kỳ Ủy Đảng Dân Chủ Nam Bộ. Điều này không ai lạ gì. Kiếm từ trước là ủy viên Kỳ Ủy Nam Bộ của Đảng Dân Chủ do Trung Ương Cục Miền Nam đảng Lao Động biệt phái sang để kiểm tra và lãnh đạo ngầm.

    Ngoài vệc liên lạc với Thành ủy Sàigòn và những tổ chức khác, việc đầu tiên của Kiếm 1à đi thăm lại những nhà trí thức có tên trong Phong Trào Hòa Bình 1954. Dĩ nhiên trong số đó có luật sư Nguyễn hữu Thọ. Sỡ dĩ các nhân vật trong Phong Trào Hòa Bình 1954 được Kiếm chiếu cố đến trước tiên, đặt biệt như vậy là vì Phong Trào Hòa Bình là một tổ chức tư, một tổ chức quần chúng yêu nước có cảm tình với kháng chiến, tạo nên để làm áp lực đối với Pháp. Chính vì không phải là một tổ chức của Đảng nhưng nếu nắm được thì sẽ lợi cho Đảng biết ngần nào nên những nhân vật trong Phong trào Hòa Bình được Kiếm quan tâm là vậy.

    Thời gian 2 năm trôi qua. Việc tổng tuyển cử thống nhất cả hai miền Nam Bắc không thành. Các cơ sở Đảng để lại miền Nam hoạt động gần như tan vỡ hết : lớp bị chính quyền bắt giữ, lớp bị theo dõi phải trốn tránh những nơi khác, lớp mất liên lạc bơ vơ, lớp chán nản không hoạt động nữa, lo làm ăn.

    Mặt khác, số cán bộ nhân viên, chiến sĩ tập kết ra miền Bắc, đặc biệt nhất là cán bộ chiến sĩ của sư đoàn 330 và sư đoàn 338, thất vọng, bất mãn đến cực độ vì lời hứa “ 1956 sẽ tổng tuyền cử, sẽ thống nhất, đất nước thuộc về ta, các đồng chí sẽ trở về Nam sum họp với gia đình ” do Đảng và chính phủ hứa không thành.

    Cái Tết đầu năm 1957, đầu năm 1958, người ta thấy hầu hết cán bộ. chiến sĩ của 2 sư đoàn này ôm nhau khóc suốt đêm giao thừa, la hét, đập bàn và người nào cũng nốc ừng ực hết chai “ ba xi đế “ này đến ly “ ba xi đế “ khác để cho say, cho nguôi niềm thương nhớ và uất ức. Tiếng khóc cứ tỉ tê suốt mấy ngày Tết, như đưa ma. Đảng và chánh phủ lúng túng, bối rối ra mặt, hết nhân vật này đến trấn an tới nhân vật khác đến an ủi, ủy lạo rồi sau đó phân tán mỏng chia đi nhiều nơi, không tập trung như trước để tránh trước tình trạng hỗn loạn có thể xảy ra. Sư đoàn trưởng 338 là Tô Ký và sư đoàn trưởng 330 là Đồng văn Cống được gọi về Trung ương nhận chỉ thị đối phó.

    Trước tình thế này, Bộ Chính trị do Hồ Chí Minh làm chủ tọa mở phiên họp bất thường và quyết định “ cứu cấp “ cho phong trào hoạt động ở miền Nam, chuẩn bị cho cuộc “ kháng chiến lần thứ hai chống Mỹ Diệm “, kết hợp đấu tranh chính tri và đấu tranh võ trang theo đường lối cách mạng vô sản chuyên chính. Thế là chiến tranh lại sắp sửa nổ bùng, biến miền Nam trở thình hỏa ngục.

    Trở lại vấn đề " Phong trào Hòa Bình “ năm I954, một số bị chính quyền Sàigòn thời bấy giờ bắt giam giữ, một số còn tự do ở bên ngoài. Cho đến cuối năm 1956 thì tất cả những người bị giam giữ có thể coi như được trả tự do hết.

    Và một số ít nhân vật trong Phong Trào này đã được Trần Bửu Kiếm tuyên truyền, lôi kéo đưa ra miền Bắc. Số lớn còn lại trong đó có luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Lúc ở tù, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị giam giữ chung một buồng cùng với giáo sư Nguyễn văn Dưỡng và thạc sĩ Phạm huy Thông. Sau khi được thả ra, Nguyễn hữu Thọ về sinh sống ở Nha Trang. Tại đây Trần bửu Kiếm đã đến thăm Nguyền hữu Thọ nhiều lần.

    Năm 1958 coi như năm cực thịnh của “ triều đình Ngô đình Diệm “ và cũng là năm xem như toàn bộ hệ thống cơ sở của VC gài lại hoạt động ở miền Nam tan nát không còn gì. Gửa lúc đó, Hànội quyết định gởi cán bộ vào Nam, mở đầu cho phong trào hồi kết, xây dựng lại lực lượng, lập lại cơ sở để mở “ phong trào đồng khởi” toàn bộ vào 1959.

    Dù muốn dù không, dù coi thường hiệp định Genève đến đâu, hai bên Sàigòn và Hànội vẫn còn bị hiệp định Genève ràng buộc, còn sợ bị dư luận và ảnh hưởng thế giới kiềm chế, nên đối với Hànội, muốn mở lại cuộc chiến tranh vũ trang, đánh miền Nam không thể và không dám làm một cách công khai được. Muốn che mắt thiên hạ, muốn cho thiên hạ lầm lẫn và không thể đổ trách nhiệm về mình, Hànội cử đại tướng Nguyễn chí Thanh bí mật vào Nam quan sát tình hình, thi hành quyết nghị mật của Bộ Chính trị.

    Đại tướng Nguyễn chí Thanh, nguyên là Ủy Viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Ương Đảng trong ban Bí thư, phụ trách về vấn đề nông dân và thanh niên. Về phía quân đội thì Nguyễn chí Thanh là Bí thư Tổng Quân Ủy Trung ương hay nói cách khác là Chính Ủy toàn quân.

    Nguyễn chí Thanh từ Hànội cải trang vào Nam-vang và cho người về liên lạc với thường vụ Trung ương cục miền Nam đóng ở giữa rừng sâu chiến khu D, thuộc tỉnh Phước Thành. Nguyễn chí Thanh sau khi nghe báo cáo tình hình, trao quyết nghị của Trung ương chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam phải gấp rút chuẩn bị cho công bố một tổ chức, tên được chọn sẵn là “ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam ".

    Có như thế, danh có chính ngôn mới thuận. Có như thế, nó mới có “ chánh nghĩa “ đặc hiệu của nhân dân miền Nam, không dính dáng gì đến miền Bắc, đến Hànội. Và tổ chức làm thế nào trong đó có đủ mọi thành phần tham dự như : trí thức, nhân sĩ, nông dân, công nhân, nghệ sĩ, tôn giáo, đảng phái, dân tộc thiểu số v.v…

    Thế là từ cuối năm 1958, cuộc vận động được Trung ương cục miền Nam tiến hành ráo riết. Nhưng còn mỗi một băn khoăn lớn là không biết chọn ai làm chủ tịch, cầm đầu cho cái tổ chức đó. Nếu đưa một cán bộ của đảng, một ủy viên Trung ương Đảng thì dễ quá, thiếu gì người, nhưng như vậy thì việc đó tự nó đã tố cáo sự vi phạm trắng trợn của Hànội lại không có lợi về mặt tuyên truyền.

    Phải chọn một người trong giới trí thức tương đối có tiếng tăm để gây nên một tiếng vang, nhưng người đó là ai ? Ai có thể chịu, dám từ bỏ mọi sự nghiệp, chịu gian khổ hy sinh đến tiếng tăm mình ?

    Nhiều người được đặt ra để vận động nhưng không thành, Cuộc vận động giữa Trần bửu Kiếm và Nguyễn hữu Thọ trở nên ráo riết, cũng chưa mang lại kết quả nào. Trong lúc đó, Hànội thúc dục hàng ngày việc công bố danh sách và tổ chức “ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam “.

    Đến giữa năm 60, việc đưa Nguyễn hữu Thọ ra làm chủ tịch Mặt trận vẫn chưa thành, Trung Ương cục miền Nam bèn dự định chọn bác sĩ Phùng Văn Cung. Sứ giả được tung ra, đi mời những đại biểu được vận động trước và chọn sẵn về dự buổi họp tại căn cứ giữa rừng sâu, gần cầu Cần Đăng, trên đường đá đỏ Trà-băng Trại bí - Xóm mới - Bổ túc - Sóc ông Trang thuộc tỉnh Tây Ninh, cách biên giới Việt Miên quãng 7 cây số ngàn.

    Nhưng... vào một sáng tháng mười năm 1960, trạm giao liên Suối đá của " đường dây ông Cụ “ (tức đường giao liên đưa cán bộ từ Bắc vào Nam) tiếp nhận hai người khách đặc biệt cùng một đại đội theo bảo vệ Họ đi từ phía sông Đồng Nai, vượt qua đồi Bù Cháp, đồi Tam Cấp đến.

    Hai người khách đó, một người mặc sơ mi trắng cụt tay, quần tây xám, mang giầy Bata, cỡi ngựa, và một người mặc đồ bà ba đen đi bộ, chân mang dép râu. Cả hai đều mồ hôi nhễ nhại, dù đường đi lá rừng che phủ không lọt chút nắng và khí hậu về trưa vẫn còn gai gai lạnh.

  6. ĐƯỜNG VÀO KHU CHIẾN

    Hai người khách được một đại đội hộ tống sáng hôm đó là Nguyễn hữu Thọ và Trần bửu Kiếm. Thọ đi ngựa và Kiếm đi bộ. Sau khi cả hai vào nghỉ ngơi ở trạm Suối Đá, viên Đại đội trưởng của đại đội cận vệ nghĩ đến việc phân công canh gác và chỉ định mấy người khác làm công tác cần vụ để phục dịch riêng cho Thọ và Kiếm.

    Theo phương pháp làm việc, bất cứ giao ai, phân công ai công việc gì, cán bộ lãnh đạo phải giải thích và đả thông tư tưởng trước rồi mới giao việc sau. Viên đại đội trưởng bảo với một trong ba trung đội trưởng :

    - Anh bảo hai ông kia cho anh em ra tập họp ngoài đường, mình sinh hoạt một tí. Năm phút thôi.

    Thế là đại đội tập họp, xúm xít kẻ đứng người ngồi thành một vòng tròn bít cả lối đi. Sau khi ngoáy ra sau, nhìn vào hướng nhà kiểm soát lại lần nữa, biết chắc chắn rằng đã xa nhà, ở trong nhà không thể nào nghe được và không có ai thấp thoáng, viên đại đội trưởng bắt đầu nhìn lướt qua mọi người :

    - Các đồng chí có đủ mặt chứ ?

    - Báo cáo đồng chí, đủ ! Tiếng của các Trung đội trưởng nhao nhao.

    Viên đại đội trưởng xoa xoa hai tay :

    - Báo cáo các đồng chí, tôi có mấy vấn đề cần sinh hoạt thêm với các đồng chí chừng năm phút. Và sau khi tôi trình bày, đồng chí nào thắc mắc hoặc có ý kiến gì xin nêu lên để chúng ta cùng giải quyết chung. Như các đồng chí đã biết, cách đây hai hôm, cấp trên phân công chúng ta một công tác đặc biệt là công tác chúng ta hiện đang làm đây. Đó là bảo vệ và hộ tống hai cán bộ cao cấp từ đây về R (Rờ). Đảng ủy chỉ thị cho chúng ta, bất cứ trong trường hợp nào, ta cũng phải hoàn thành công tác được tốt. Chúng ta đã hạ quyết tâm trước đảng ủy, nhận nhiệm vụ. Chúng ta đã hứa dù phải hy sinh hết cả đại đội trong trường hợp gặp đích phục kích hay tấn công bất ngờ dọc đường thì ta cũng phải hy sinh để bảo vệ cán bộ, vì trong chúng ta, đồng chí nào cũng đều biết cán bộ là vốn quý của Đảng. Không có cán bộ thì không ai lãnh đạo ta. Huống hồ cán bộ cao cấp, thì chẳng những hy sinh một C (đại đội), một D (tiểu đoàn), một E (trung đoàn) hay hơn nữa ta cũng phải hy sinh để bảo vệ cho kỳ được. Các đồng chí thấy đó, tôi là cán bộ D trưởng làm nhiệm vụ C trưởng và cho đến các đồng chí chiến sĩ trong các tiểu đội không có đồng chí nào dưới cấp bực A phó (tiểu đội phó) mà từ A trưởng trở lên. Cán bộ C nhận nhiệm vụ B, và cán bộ B nhận nhiệm vụ A. Và tất cả chúng ta không người nào là quần chúng thì các đồng chi biết nhiệm vụ của chúng ta đang làm đây quan trọng biết dường nào. Nhưng, trên đường hành quân từ sáng đến giờ, tôi phát hiện có một số đồng chí thắc mắc, không an tâm công tác cũng như có những câu nói không có lợi. Đáng lẽ các đồng chí đó phải bình tĩnh, chờ đem ra cuộc hội ý tổ tam tam hay tiểu đội mỗi chiều, giải quyết hoặc phản ảnh cho tôi biết chứ phát ngôn bừa bãi ngoài tổ chức như vậy, thật khuyết điểm vô cùng. Cũng may cán bộ của chúng ta chưa nghe, nếu nghe được tai hại hết sức. Đấy, bây giờ đúng lúc rồi đó, đồng chí nào có thắc mắc gì, có ý kiến gì xin nêu lên để chúng ta cùng giải quyết chung.

    Một người linh trẻ ngồi dựa gốc bằng lăng bên kia đường, nhổm dậy :

    - Tôi xin có ý kiến !

    - Mời đồng chí ! Đại đội trưởng nói.

    - Tôi xin nhận khuyết điềm là tôi có phát ngôn bừa bãi, nói ngoài tổ chức. Nhưng quả thật đến bây giờ tôi vẫn thắc mắc, tôi xin nêu lên thắc mắc đó để các đồng chí phê phán. Tôi thấy rằng chúng ta đi làm cách mạng vì giác ngộ giai cấp, giác ngộ cách mạng. Chúng ta đi chiến đấu để bảo vệ quyền lợi công nông, do đó đảng dạy ta rằng phải luôn luôn trau giồi học tập tư tưởng công nông, nắm vững lập trường đấu tranh giai cấp. Những thành phần bên trên, như tư sản, trí thức, trung phú nông, địa chủ chẳng hạn, khi giác ngộ, theo cách mạng tức là đã đầu hàng giai cấp chúng ta, gột bỏ đầu óc cũ, cải tạo con người, cải tạo tư tưởng để trở thành con người mới, thể hiện hoàn toàn lập trường giai cấp công nông. Vậy tại sao đồng chí cán bộ cao cấp mà chúng ta theo hộ vệ đây lại có những tác phong phi công nông, có những cử chỉ, ngôn ngữ không giống chúng ta. Sợ khó, sợ khổ như vậy thì biểu hiện lập trường vô sản, tư tưởng công nông ở chỗ nào ?

    Một số nhao nhao đưa tay có ý kiến. Một người khác nói :

    - Tôi có ý kiến. Cán bộ là người giác ngộ, lập trường sâu sắc hơn ai hết, tư tưởng...

    Viên đại đội trưởng khoa tay, hấp tấp cắt ngang :

    - Thôi, thôi ! Các đồng chí cho tôi xin. Các đồng chí chưa phát biểu hết ý kiến nhưng tôi hiểu các đồng chí sẽ nói gì. Đứng trên tư tưởng Mác Xít, Lê nín nít, đứng trên lập trường giai cấp và qua điểm cách mạng tôi hoàn toàn đồng ý với các đồng chí. Chúng ta là những người tham gia cách mạng lâu rồi, chúng ta được đảng giáo dục, rèn luyện, còn với những người mới tham gia cách mạng chưa được đảng dạy dỗ thì làm sao có được tư tưởng tác phong công nông như chúng ta. Huống hồ họ là tiểu tư sản trí thức, thành phần lưng chừng, cầu an, giai cấp đối kháng với công nông, nhưng hôm nay họ theo cách mạng, theo Đảng thì phải hoan hô họ chớ. Ta phải dìu dắt họ. Cải tạo tư tưởng, cải tạo con ngươi đâu phải một sớm một chiều, còn phải qua nhiều thử thách. Ấy là ta chưa nói đến tình hình cách mạng miền Nam hiện nay, đang từ chỗ thoái trào, bây giờ bắt đầu vươn lên. Như các đồng chí đã học tập tài liệu, các cơ sở cách mạng của ta đã bị Mỹ Diệm khủng bố, càn quét hầu như tan rã hoàn toàn trong những năm trước đây, bây giờ Đảng đang xây dựng lại, thực hiện cuộc kháng chiến lần thứ hai. Lực lượng ta đang yếu, chủ trương của ta là lôi kéo các từng lớp quần chúng tham gia cách mạng, tuyên truyền vận động quần chúng hưởng ứng cách mạng, cho nên chánh sách của Đảng hiện nay là chiếu cố các thành phần lớp trên. Cứ lôi kéo được một người trí thức đi theo chúng ta thì ảnh hưởng của cách mạng không nhỏ, họ là lợi khí tuyên truyền rất đắc lực cho ta. Ta rất cần đến cái tên của họ.

    - Vậy sao đồng chí bảo đó là một cán bộ cao cấp ?

    - Ừ, thì sẽ là cán bộ cao cấp ! Nhưng chuyện đó có quan hệ gì. Đảng giao cho ta nhiệm vụ bảo vệ thì ta cứ hoàn thành, còn những chuyện khác có Đảng lo, Đảng sẽ có chính sách lãnh đạo, có cách sử dụng mọi hạng người. Các đồng chí cứ nhớ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng là đủ. Cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo, mà Đảng là Đảng của giai cấp công nông. Tất cả mọi giai cấp khác là đối kháng, phản động, lưng chừng, cầu an. Người lãnh đạo là ta, còn họ hay ai ta cứ xử dựng nếu họ theo ta, đầu hàng ta. Vậy thôi, các đồng chí giải tán. Tôi sẽ hội ý với các đồng chí B trưởng rồi sẽ phổ biến cho các đồng chí biết về các vấn để phân công, sinh hoạt sau. Các đồng chí nghỉ !

    Cả đại đội đứng dậy. Tiếng cười nói, xầm xì bàn tán nổi lên nho nhỏ. Bỗng có người nói :

    - Vậy mà minh cứ tưởng ông Trung Ương nào, ai ngờ mấy thằng cha trí thức ở Sàigòn, cần gì phải tốn công đến thế này.

    Viên đại đội trưởng nhìn theo nhưng không biết rõ tác giả câu nói là ai.

    Cả đại đội hộ tống, ngoại trừ đại đội trưởng và ba Ban chỉ huy trưng đội từ cấp tiểu đội trở xuống không một ai biết nhà trí thức đó là ai, tên gì, đảm nhận chức vụ gì. Nhưng có một điều họ biết rất chắc là nhà trí thức đó không phải đảng viên, chưa có thành tích gì, công trạng gì với Đảng. Hắn được Đảng chăm sóc đặc biệt thế này vì một lý do nào đó có tính cách tuyên truyền, mua chuộc đúng theo chính sách và chiến lược của Đảng mà thôi

    Họ cũng muốn biết rõ hơn, nhưng không người nào dám hỏi. Nguyên tắc “ cảnh giác cách mạng “ theo kỷ luật của Đảng đề ra bao giờ cũng phải được chấp hành đúng : “ Cấp trên phổ biến đến đâu, hiểu đến đấy, không tò mò, vui vẻ chấp hành theo mệnh lệnh “. Cho nên dù có hỏi cũng không ai cho họ biết gì thêm.

    1 giờ chiều hôm đó, cả đoàn lại lên đường, đến sông Mã Đà vừa lúc trời nhá nhem tối. Rồi từ đó về sau họ lại tiếp tục qua Lộ Ủi, sông Rạc, Phước Sang, sông Bé, Lộ 13, Núi Cậu v.v... Giữa tháng 11 đoàn về đến căn cứ ở gần biên giới Việt - Miên.

    *

    Trong buổi tiệc tối được người ta mệnh danh là buổi tiệc họp mặt của Ủy ban Vận động Đại hội Nhân dân Miền Nam, Nguyễn hữu Thọ được Trần Bửu Kiếm giới thiệu cùng mọi người :

    - Thưa quý vị, hôm ấy tôi rất sung sướng và hân hạnh được giới thiệu với quý vị : đây là luật sư Nguyễn hữu Thọ, linh hồn Phong trào Hòa Bình 54, người mà bọn thực dân Pháp và Mỹ Diệm cúi đầu kính nể sợ hãi, nhiều phen âm mưu sát hại nhưng không sao sát hại được. Và trong Ủy Ban Vận động của chúng ta, luật sư cũng là người góp nhiều công trạng nhứt...

    Tiếng vỗ tay đôm đốp vang lên một lúc lâu. Nguyễn hữu Thọ rất xúc động trước sự quan tâm, săn đón nồng nhiệt mà người ta đã dành cho mình, cho nên Thọ làm sao nhận thấy một vài phản ứng kín đáo, tế nhị của những người ngồi ở cuối dãy bàn, qua những đôi mắt nhấp nháy và đôi mày nhíu lại. Những phản ứng đó đã nói lên :

    - Sướng chứ ông ? Được thổi phồng lên như thế, nó hả hê cái vong linh của ông lắm phải không ? Chứ thực ra ông cũng chả làm được gì cho đạí cuộc. Cách mạng của ông là loại cách mạng xa lông, chứ công lao hãn mã là tụi này đây, từng gian khổ, từng vào sinh ra tử, nhọc nhằn đủ thứ. Ông mà vận động gì ai, người ta vận động ông thì có.

    Những người ngồi ở cuối dãy bàn, người ta nhìn thấy có Ung ngọc Ky (Kỳ ủy Đảng Dân Chủ), Trần Bạch Đằng (tức là Năm Méo, cán bộ Trung ương Cục, cựu chủ tịch Ban chấp hành Thanh niên Cứu quốc Nam bộ), Trần hữu Trang (soạn giả cải lương Saigon), Nguyễn thị Tú (tức Ba Tú, Ủy viên ban chấp hành Phụ Nữ Cứu quốc Nam Bộ - điền chủ Cần thơ) v.v...

    Vì Nguyễn hữu Thọ và Trần Bửu Kiếm là người đến sau cùng trong khi mọ người đã đến trước, an tọa đâu vào đấy nên tất cả đứng dậy đến bắt tay Thọ. Mỗi người một câu chúc tụng, “ bốc thơm đến tận trời ", rất y là cuug kính của cái cung cách ngoại giao. Từ trước, Thọ chưa biết tên, biết mặt một ai trong Ủy ban Vận động. Ngược lại chẳng ai biết biết mặt Thọ nó tròn nó méo ra sao nên Kiếm phải giới thiệu từng người :

    - Đây là bác sĩ Phùng văn Cung.
    - Đây là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.
    - Đây là bác sĩ Mười Năng.
    - Đây là anh Hai Chủ Tịch Thường Vụ Lâm thời Trung ương Đảng Nhân Dân Cách Mạng Miền Nam.
    - Đây là anh Tư Thắng, Tổng thư ký thường vụ Trung ương Đảng Nhân Dân Cách Mạng.
    - Đây là anh Trần công Khanh, chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang và bán vũ trang.
    - Đây là Thiếu tá Thiên, Tư lệnh lực lượng Bình Xuyên ly khai.
    - Đây là Thiếu tá Mừng, Tư lệnh lực lượng Cao Đài ái quốc

    Rồi v.v... và v.v., một lô gần mười hai người được Trần bửu Kiếm giới thiệu cho đến hết với những danh vị “ đao to búa lớn “ nổ như pháo cối.

    Thì ra cũng có cả “ anh hùng hảo hớn “ Bình Xuyên, Cao Đài ly khai mà riêng Nguyễn hữu Thọ thì ngỡ là đã tan xác tự lâu rồi.

    Chỉ cần nhìn qua đôi mắt của Thọ, ai ai cũng thấy rõ điều đó. Vì khi Kiểm giới thiệu đến mấy “ tay “ này thì mắt Thọ tròn xoe. Và cũng chính sự ngạc nhiên đó, tố cáo sự không biết gì cả của “ người góp nhiều công trạng nhất trong ban vận động “ theo lời Kiếm đã giới thiệu.

    Như bất cứ tiệc tùng nào được tổ chức trên trái đất này, buổi tiệc tối hôm đó cũng được giới thiệu rồi đọc “ ~~~ cua “, ứng khẩu ca tụng, “ bốc thơm “. Người đứng ra ứng khẩu lại là Huỳnh tấn Phát chứ không phải là Trần bửu Kiếm. Phát nhân danh Ban Tổ chức của Ủy ban vận động đại hội.

    Nguyễn hữu Thọ được mời ngồi ở đầu bàn, chứng tỏ sự chiều đãi và dụng ý của những người có quyền thế trong nhóm này. Nếu là một người không phải trong tổ chức của họ thì “ Tết “ mới rõ ai là người có quyền thế, là linh hồn, là người quyết định mọi việc ở đây.

    Người đó là người “ nhũn “ như con chi chi, ít ăn, ít nói nhất, chỉ biết ngồi nghe và thỉnh thoảng chỉ nhếch miệng cười nụ, cười một cách hiền hòa và từ tốn. Cái trán sói bóng nhoáng qua ánh đèn “ măng sông “. Người đó là Anh Hai Chủ tịch Thường vụ Lâm thời Trung ương Đảng “ Nhân dân Cách mạng Miền Nam”. Anh em thường đặt cho cái tên là " anh Hai chủ tịch xe ngựa “ - người mà cách đấy một tháng đã đánh điện về Trung Ương đảng Lao động (Hànội) thỉnh thị việc kết nạp Tư Thiên (Thiếu tá Bình Xuyên) vào đảng “ Nhân dân Cách mạng Miền Nam “ vì lý do Tư Thiên “ đầu bò đầu bướu “, quen theo cái tánh “ trời đất " của Bình Xuyên, khó lãnh đạo, không sao kiểm thảo được y, nhất là dưới tay y có một đại đội vô kỷ luật, vô tổ chức không chịu được. Chiều chuộng mua chuộc mãi, chịu đựng đến mức cùng rồi... “Anh Hai chủ tịch xe ngựa " đã thỉnh thị Bộ Chính trị về trường hợp " bắt buộc phải nhuộm đỏ linh hồn “ trong trường hợp đặc biệt cho tay anh hùng lục lâm này.

    Sau mấy lời “ mở đầu ", Phát mời mọi người nâng ly. Đến bây giờ Thọ mới để ý thấy ly rượu khai vị ở giữa chiến khu xa thẳm này, toàn cây với lá lại là rượu “ sâm banh ". Thọ ngạc nhiên quá đỗi, quay sang Kiếm :

    - Mình ở đây có cả thứ này nữa sao anh ? Lại được ướp lạnh…

    Kiếm cười :

    - Kỳ công này là của anh Hai đó. Kiếm quay sang phía anh Hai chủ tịch xe ngựa để giới thiệu lần nữa, Kiếm tiếp :

    - Cách mạng vốn dĩ là mới lạ. Anh sẽ thấy có nhiều cái lạ hơn nữa mà anh không ngờ tới. Có gian khổ tất phải có vinh quang. Tuy là mình ở giữa rừng sâu núi thẳm, đúng là giữa nơi đèo heo hút gió, khỉ ho cò gáy nhưng mình không thiếu gì thứ đâu anh. Cá nhân mình muốn thì khó, chứ tổ chức muốn cái gì cũng dễ dàng. Rượu “ sâm banh “ do mấy người bạn ở Sàigòn gửi biếu, còn ướp lạnh thì... chả là ở gần đây mình có một cái xưởng dược, ở đó có tủ lạnh chạy bằng dầu hôi, họ “ sản xuất “ cho mình một số nước đá có khó chi. Mình uống rượu này anh có cảm tưởng gì ?

    - Không khác gì uống ở Magestic hay Continental Palace chút nào. Thọ cười. Phục mấy anh thật ! Phục anh Hai vô điều kiện đó anh Hai !

    Ông “ chủ tịch xe ngựa “ cũng cười một cách hiền hòa từ tốn, nhưng không quên đề cao vai trò lãnh đạo của đảng :

    - Tôi không dám nhận lời khen của anh đâu. Tự bản thân tôi thì không làm nên trò gì, cũng như rượu này không phải nhờ tôi mà có. Thực ra là do các đồng chí ớ Sàigòn gửi về cho chúng tôi để phục vụ Đảng trong những lúc tiếp đãi khách quý như hôm nay.

    Huỳnh tấn Phát tiếp theo :

    - Ấy, qua màn khai vị, mình còn mấy chai mạc-ten. Nhân danh Ban tổ chức, xin báo cáo với mấy anh được rõ. Về phần thực đơn hôm nay, toàn là sản phẩm đặc biệt của núi rừng, uống rượu thú lắm. Chắc anh Thọ chưa ăn thịt mễn, thịt công, gà rừng chứ ? Tuyệt lắm anh !

    - Chưa ! Dạ chưa ! Thọ nói.

    - Thú rừng ở đây nhiều lắm, không thiếu gì, nhiều đến nỗi mình có cảm giác như thú vật nhà, muốn ăn chừng nào thì bắt chừng ấy. Hằng ngày đi thăm bẫy thôi, không cần phải đi săn, thịt ăn cũng không hết rồi. Hôm nay xin đãi anh cái món gỏi thịt công, gà lôi rừng rô ti và thịt mễn nấu ra gu.

    Tại căn cứ này, việc bố trí nhà cửa chia làm nhiều khu vực. Khu vực này đến khu vực kia cách nhau từ 10 đến 15 phút đi xe đạp theo đường rừng. Khu vực ngoài cùng là khu vực cảnh vệ án ngữ trên đường vào căn cứ, có hàng rào chiến đấu phòng thủ. Hàng rào chiến đấu có 3 lớp, mỗi lớp cách nhau từ 200 đến 300m, làm bằng cách kéo ngã những cây con xuống đan vào nhau, kéo chà lấp kín những chỗ trống, lợi dụng triệt để những bụi mây rừng, những bụi le và dây xanh.

    Rừng rậm thiên nhiên, vạch lá đi đã khó mà làm hàng rào như thế này thì quả thực muốn vượt qua một lớp rào cũng phải trầy da chảy máu, quần áo rách bươm không biết đã qua nổi chưa. Huồng hồ bên trong còn có những hầm chông ngụy trang kín đáo.

    Đơn vị bảo vệ căn cứ, xây cất nhà cửa án ngữ ngang đường sau lần cổng thứ hai với quân số một đại đội. Nhà cửa làm bằng cây rừng, không phên, không vách, mái lợp bằng lá trung quân, lá mây hay bằng tranh.

    Qua cổng thứ hai, đụng ngay nhà đầu tiên đó là phòng thường trực, kiểm soát sự ra vào. Và trước cổng thứ nhất còn có nhiều tổ ba người, luân phiên nhau canh gác đường vào, ẩn sau những gốc cây dầu to. Chẳng những vậy, quanh căn cứ có 2 đại đội khác đóng ở hai điểm, hằng ngày luân phiên nhau đi cảnh giới, kiểm soát quanh vùng.

    Qua khu vực cảnh vệ là khu vực tiếp tân, có hơn 15 nhà để chứa khách, có Hội trường, nhà bếp, nhà ăn, sân bóng chuyền, kho thực phẩm, căng-tin, câu lạc bộ v.v… Ở khu vực này có hai ngả, một rẽ vào khu Hậu cần và một ngả rẽ vào khu vực “ Văn phòng “.

    Tại khu vực “ Văn phòng " tập trung các tai to mặt lớn, những kẻ nắm quyền điều khiển ở miền Nam. Những kẻ ấy không ai khác hơn là Trung ương Cục Miền Nam. Khu vực Văn phòng là khu cấm địa, ngoại trừ Trung Ương ủy viên và những cán bộ cao cấp, ngoài ra không ai được vào. Muốn vào phải xin phép trước hoặc có lệnh mời.

    Nguyễn hữu Thọ được thu xếp ở chung một nhà với Trần bửu Kiếm cạnh câu lạc bộ và nhà của Huỳnh tấn Phát tại khu vực tiếp tân. Phát là người thay mặt cho Trung ương cai quản khu vực này, vì Phát là trí thức, dù sao đối với tất cả mọi giới, mọi thành phần việc tiếp xúc thu được nhiều kết quả và có uy tín hơn. Người ta chỉ nghĩ là Phát là một trí thức, cách mạng chứ nào ai nghĩ Phát là một cán bộ cao cấp của Đảng, lãnh đạo mọi người. Đặt Phát ở khu vực tiếp tân này thực là hợp cách không chê vào đâu được.

    Còn Trần bửu Kiếm ở chung với Thọ là vì muốn cho Thọ vui và nói theo cách khác, để “ giúp đỡ “ Thọ. “ Giúp Đỡ “ ở đây phải hiểu là danh từ cách mạng, danh từ của Đảng đặt ra. " Giúp Đỡ “ nghĩa đen của nó không có nghĩa làm dùm, hỗ trợ mà là giáo dục và lãnh đạo. Nghĩa là Trần bảo Kiếm có bổn phận phải “ giúp đỡ “ Thọ giác ngộ lập trường giai cấp công nông, giác ngộ về cách mạng vô sản và “ lột xác “ hộ Thọ, theo đường lối của Đảng.

    Cho nên về sau, năm 1965, Thọ được kết nạp vào Đảng ta mới thấy công của Trần bửu Kiếm không phải là nhỏ vậy.

    Sau bữa tiếc họp mặt, ai về nhà nấy nghỉ ngơi. Riêng Thọ, Thọ có vẻ hả hê, phấn khởi lắm. Đời sống, sinh hoạt như thế này thì cũng đâu có gì “ nặng nề “ ?

    Sáng sớm ngủ dây, Thọ ăn sáng xong thì có “ anh Hai chủ tịch xe ngựa " cỡi xe đạp từ khu vực “ Văn phòng “ đến thăm. Trong việc đến thăm này, ngoài việc hỏi thăm sức khoẻ, ôn lại những kỷ niệm đã qua về Phong trào Hòa Bình 1954, và cuộc hành trình vừa qua, “ anh Hai chủ tịch xe ngựa “ còn báo cho Thọ biết tin :

    - Thưa anh, sáng sớm hôm nay tôi vừa cho người về rước chị và các cháu . Độ chừng bốn năm hôm nữa, thì chị và các cháu sẽ đến đây. Đến chừng đó, tùy ý anh chị, chị thích ở chung với chúng mình thì rất hay, nếu không, tại Nam Vang cũng có nhà cửa sẵn để chị ở. Nghĩa là chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo, xin anh cứ yên tâm, đừng lo ngại gì cả vì đó là bổn phận của tổ chức.

    Nguyễn hữu Thọ muốn phân trần, cảm ơn nhưng “ anh Hai " đã gạt đi :

    - Anh là chúng tôi, chúng tôi là anh. Chúng mình là một thì xin anh một lần nữa, đừng băn khoăn gì về vấn đề đó. Chúng ta xả thân cho cách mạng thì cách mạng phải chu toàn cho ta. Anh đồng ý chứ ? Và sau mấy ngày đường xa mệt nhọc, anh nên nghỉ ngơi vài hôm cho lại sức. Có nhiều việc hết sức quan trọng chờ sự góp ý kiến và quyết định của anh, chúng tôi còn nôn nóng hơn anh nữa kia, nhưng quả thực chúng tôi không dám vi phạm vào nguyên tắc chung là “ phải bảo vệ sức khoẻ của cán bộ trước đã “.

    - Không mà anh ! Thọ nói. Tôi khỏe lắm. Tôi muốn được góp sức ngay.

    Trần bửu Kiếm từ ngoài sân vào, nghe Nguyễn hữu Thọ nói thế, liền vồn vã, lên tiếng ngay :

    - Theo tôi, anh nên nghỉ vài hôm là phải. Rồi đây công việc dồn dập sợ anh thở không ra hơi là khác. Huống hồ tuy nói là nghỉ, nhưng rồi anh còn phải tiếp bao nhiêu là khách, anh em đến thăm. Và anh em nghe anh về thì kéo nhau đến thăm, trò chuyện, công việc tiếp khách của anh cũng là một công việc quan trọng vô cùng rồi.

    Nguyễn hữu Thọ nghe nói thế đành phải nghe theo. Mà thực, nhìn ra sân, Thọ thấy vợ chồng Bác sĩ Phùng văn Cung đang đi vào nhà để thăm mình. Viện lý do đi thăm anh em sau những ngày xa cách, Trần bửu Kiếm vá “ anh Hai “ kéo nhau ra, leo lên xe đạp chạy vào khu vực văn phòng để... “ Họp Đảng bộ ", bàn về kế hoạch và chỉ định lập danh sách Mặt trận báo cáo về Trung Ương.

    Và đúng theo lời Trần bửu Kiếm nói, suốt bốn hôm liền nhà Nguyễn hữu Thọ không lúc nào là ngớt khách đến thăm, ngồi muốn rã xương sống ra. Hết người này về thì người khác đến, cho đến khi Thường Vụ Đảng bộ họp xong, đã hoạch định sẵn danh sách, kế hoạch và phương châm lãnh đạo, khách mới không còn ai ngồi dai để hành tội Nguyễn hữu Thọ nữa.

    Theo quyết nghị của Đảng bộ thì Nguyễn hữu Thọ sẽ được điền vào chức Chủ tịch Mặt Trận Dân Tộc Giải phóng Miền Nam, thay cho Bác sĩ Phùng văn Cung đã được dự định trước kia và ngày khai mạc Đại hội sẽ là ngày 19 tháng 12 năm 1960, nhân ngày kỷ niệm toàn quốc kháng chiến (19-12- 1946).

    Nghị quyết này được chuyển qua Nam Vang và gửi về Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam (Hà Nội) chờ Hồ chủ tịch và Bộ Chính Trị phê chuẩn.
    Trả lời kèm trích dẫn từ bài viết  này

  7. Thử Lửa

    Qua sự kiện Nguyễn hữu Thọ phải tiếp khách không nghỉ bốn hôm liền. Trong khi ông bạn Trần bửu Kiếm ở chung nhà cũng gần như vắng mặt suốt bốn hôm, tuy không nói ra, những Thọ thừa biết vì sao người ta “mời” mình nên nghỉ ngơi cho lại sức. Cái việc tiếp khách liên miên có phải xuất xứ do sự thành tâm, do sự ngưỡng mộ của anh em hay là một sự dàn cảnh, khi Đảng bộ chưa thảo luận về trường hợp mình ?

    Dĩ nhiên là người ta sợ Thọ buồn. Cái cảm giác không đẹp trong những ngày đầu gặp gở sẽ ảnh hưởng đến công việc sau này, cho nên trong khi họp Đảng bộ (dĩ nhiên chỉ có Thường vụ và các ủy viên của Ban Chấp Hành) Kiếm phải vắng mặt, không còn trò chuyện với Thọ được, mới có cái màn dàn cảnh tiếp khách để Thọ đỡ buồn, và có thể diễn biến tư tưởng không hay. Chẳng những thế, trong cái việc tiếp khách liên miên đó còn làm Thọ phấn khởi hơn vì thấy mọi người ai cũng kính trọng, quan tâm chú ý, ngưỡng mộ mình.

    Nhưng Thọ biết, Thọ đâu có phải trẻ con mà dở trò “hút thuốc ra khói ở con mắt”. Kể ra Kiếm cũng là tay phù thủy “ cao tay “. Thọ không nói Kiếm cũng đọc được ý nghĩ của Thọ qua những cái nhìn, những cái cười không tròn miệng trong những bữa điểm tâm. Kiếm đi họp suốt ngày, cả đêm nhưng dù đêm khuya mấy, khi xong Kiếm cũng về nhà với Thọ, sáng dậy ăn điểm tâm xong mới tiếp tục đi.

    Vấn đề này trong buổi họp, khi bàn về Thọ, Kiếm đã báo cáo cho Đảng bộ biết. Tất cả đều đồng ý giải pháp phải nói thật với Thọ, nhưng nói như thế nào, nói đến đâu thì do “ anh Hai chủ tịch “ thay mặt Đảng bộ tiếp xúc trực tiếp với Thọ quyết định sau.

    Sang ngày thứ sáu (kể từ khi Thọ đến đây) “ anh Hai chủ tịch xe ngựa “ từ khu vực văn phòng cỡi xe đạp ra gặp Thọ. Sau vài câu thăm hỏi, uống vài chung trà, “ anh Hai chủ tịch xe ngựa “ nói :

    - Hôm nay xin mời anh đến nhả tôi chơi. Mình ăn cơm thân mật với nhau và xin trình bày với anh một số công việc. Từ hôm nay trở đi chắc chắn là anh bận tối mắt tối mũi về công việc chứ chẳng chơi.

    Thọ hỏi lại :

    - Đi bây giờ hả anh ?

    - Dạ ! bây giờ ! Nhưng xin anh chờ tôi một chút nhá.

    Quay ra sân, thấy có một anh lính đi phất phơ ngang qua. “ Hai chủ tịch xe ngựa " gọi to lên :

    - Đồng chí ơi ! Đồng chí vào đây tôi nhờ chút việc.

    Anh lính tất tả đi vào, đứng nghiêm chờ lệnh. “ Hai chủ tịch “ bảo ;

    - Anh đến văn phòng quản trị gặp anh Phát, báo cáo là xuất cho tôi một chiếc xe đạp và đem đến đây ngay bây giờ.

    Anh lính tất tả chạy đi. “ Hai chủ tịch “ cười nói với Thọ :

    - Xin anh giữ chiếc xe đạp để làm chân, đi tới đi lui cho tiện. Ở đây đất cát, lại cao ráo nên mùa nào đi xe đạp cũng được. Mình đắc dụng nhất là loại xe này chứ xe hơi thì dù có cũng liệng đi.

    Một chốc sau, anh lính trở lại với chiếc xe áp đạp hiệu “ Peugeot “ mới toanh. “ Hai chủ tịch “ bảo Thọ :

    - Mới đây tôi cho mua hai chục chiếc xe loại này để cho mình và những anh em ở xa về dùng làm phương tiện di chuyển. Và cả vấn đề liên lạc nội bộ, hay vùng căn cứ, tôi vừa chỉ thị cho bộ phận điện đài mắc cho mình ở đây một hệ thống Tê-lê-phôn từ cổng bảo vệ cho đến khắp hết mấy khu vực căn cứ. Có gì mình hội ý thông báo, nói chuyện với nhau cho tiện. Có lẽ nội trong vòng ngày mai là xong. Máy móc, dụng cụ mình có sẵn cả. Bây giờ... Thôi, ta đi anh ! Chiếc xe này là của anh đó.

    Cả hai leo lên xe “ tà tà “ đạp qua câu lạc bộ, vòng Hội trường rồi bọc theo hông nhà cảnh vệ, án ngữ đường rẽ vào khu vực Văn phòng. Thấy mấy anh em lính cảnh vệ lúi húi ở sân sau, kẻ lau súng, người chặt giây cáp làm bẫy thú, “ Hai chủ tịch “ dừng lại hỏi :

    - Tình hình cải thiện sinh hoạt của mình độ này khá chứ, các đồng chí ?

    - Dạ ! Một lính cảnh vệ trả lời. Báo cáo Thủ trưởng tươi lắm ạ ! Chiều hôm qua dính được hai con bò rừng. Đáng lẽ nhiều hơn, vì cả một bầy bò đông càn qua khu vực bẫy nhưng có mấy cần bị nó bẻ gãy kẻo đi mất dây. Mỗi con cũng tới 500 kí thịt.

    “ Hai chủ tịch “ giải thích cho Thọ hiểu :

    - Thịt bò rừng mềm và ngon lắm anh. Ngon hơn thịt bò nhà nhiều. Thêm nữa là loại bò rừng to lắm, như trâu cổ, mập tròn không khác cái ống chỉ. Cho nên lúc đầu tôi nghe nói mỗi con lấy được 500 kí thịt tôi không tin. Đến chừng được anh em dẫn đi xem mới thấy là đúng.

    Và “ Hai chủ tịch “ dặn anh em :

    - Trưa nay có anh Ba (tức Thọ) đến chơi, ăn cơm với tôi, đâu các đồng chí cố gắng tìm xem mấy luồng bẫy gà có được gà lôi hai cò ngãng gì không. Tôi muốn đãi anh mấy món mới chớ bò với nai mãi cũng nhàm đi.

    Một anh cảnh vệ đứng dậy nhoẻn miệng cười :

    - Dạ báo cáo Thủ trưởng, hiện giờ trong nhà có 4 con cò ngãng với 2 con cheo.

    - Ừ, được đấy ! Đồng chí cho tôi xin mấy con cò ngãng đi, còn cheo để lại các đồng chí.

    Anh cảnh vệ mang ra cột lại thành chùm. “ Hai chủ tịch " máng vào ghi đông xe đạp và cỡi đi.

    Thọ cứ nhìn mãi mấy con cò ngãng, lấy làm lạ sao nó không giống con cò chút nào. Nó giống con cút, hay gà con cỡ nhỏ thi đúng hơn. Cũng như Thọ hãy còn thắc mắc về cái danh từ Thủ trưởng lần đầu tiên trong đời được nghe. Nghe anh cảnh vệ nói, Thọ cứ chống mắt ngạc nhiên.

    Đường đi tuy không rộng nhưng suông sẽ, bằng phẳng, cỡi xe không khó khăn chút nào. Trên đầu, cành cây đan vào nhau kín mít, mát rượi. Không khí buổi sáng của rừng, yên tĩnh, nghe nó dễ chịu làm sao. Thọ thong thả đạp xe, vừa đạp vừa suy nghĩ lan man về cái chuyện cò ngãng và Thủ trưởng.

    Nhà của “ Hai chủ tịch xe ngựa “ nằm trên một gò cao. Ở phía sau hơn mươi thước là một con suối nhỏ. Phía trước có một cái sân quét dọn sạch sẽ. Trong sân, còn chừa lại những cây ngành ngạnh và sim vừa làm sân được mát vừa che mắt được phi cơ. Hai bên sân có hai cái băng dài làm bằng thân cây nhỏ chôn sâu xuống đất, có chỗ dựa đàng hoàng, để mỗi khi mát trời hoặc có khách đông có thể ngồi “ hóng mát “, đàm đạo thú vị hơn.

    Dựng xe đạp tựa vào băng cây, “ Hai chủ tịch xe ngựa “ vui vẻ :

    - Đây là nhà tôi đó anh !

    Và đưa tay khoa một vòng về phía trái, phía phải của ngôi nhà :

    - Đó là nhà của anh Khanh, anh Đằng, kìa là nhà mấy anh em bảo vệ, nhà bếp, nhà ăn...

    Thọ đưa mắt nhìn theo, những nhà nho nhỏ hiện qua lớp le rừng và cây tạp của rừng thưa. Những nhà này nối liền nhau bằng những con dường mòn rộng, phẳng và sạch. Quanh nhà, những cây con, những nhánh thấp, những bụi rậm được đốn hế, phát quang để tránh làm ổ cho muổi, rắn, rết.

    Bước vào nhà, chưa kịp ngồi yên xuống ghế, “ Hai chủ tịch xe ngựa “ hỏi ngay :

    - Anh dùng chi, anh ? Cà phê nhé ?

    - Vâng, xin anh !


    1. “ Hai chủ tịch xe ngựa “ để “ sắc cốt “ lên bàn, xong bước ra phía sau, lấy phích nước sôi và hai cái “ phin “ lọc cà phê, để trên kệ. Thọ thản nhiên, lơ đãng đảo mắt quan sát căn nhà. Như nhà Thọ đang ở, nhà “anh Hai” cũng lợp bằng tranh, cột chôn, không phên vách, không cửa nẻo. Hai bên là tấm liếp bằng cây len đan thưa. Giữa nhà là một bàn dài. Góc trái nhà, kê một cái giường, vạc cũng làm bằng le, bốn cột chôn xuống đất. Giường trải đệm phía dưới, phía trên là tấm vải bạt màu đất. Ba lô, màn, chăn, tấm đắp xếp để ở đầu giường. Dằng lên trên ba lô là sợi thắt lưng đeo súng lục bao đen, mấy túi da đựng đạn nhỏ và cái bidon nước. Kế bên là cái nón vải rộng vành, úp lên một quyển sách đang bỏ ngõ. Cạnh giường, một cái bàn con kê cao hơn, ngổn ngang những sách, báo, giấy in, tài liệu, bao thuốc lá, bộ chung trà hạt mít, một cái lon đựng đủ thứ bút và chiếc đèn Hoa-kỳ.

      Góc phải căn nhà cũng là một cái giường, nhưng bỏ trống, có lẽ để dành cho khách. Sát tấm liếp thưa, sau chiếc bàn dài, một cái kệ hai tầng : tầng trên đựng sách báo, giấy tờ, tầng dưới sắp thành hàng những lon, hộp như Ovatine, sữa, trà, cà phê, cacao, bánh ngọt v.v... Cạnh kệ treo hai tấm bản đồ lớn, bản đồ Việt Nam và bản đồ thế giới.

      Thọ mải nhìn, đưa mắt suốt lượt nên khi “ Hai chủ tịch xe ngựa “ chìa hộp thuốc “ 555 “ mở ngõ ra trước mặt Thọ, Thọ vẫn chưa hay. Tiếng nước rơi từng giọt qua hai cái “ phin “ xuống đáy cốc vẫn đều đều. “ Anh Hai " phải nhắc Thọ :

      - Mời anh Ba !

      Thọ quay lại, cười có vẻ ngượng, rút một điếu :

      - Ở rừng yên tĩnh, không khí cũng mát mẻ quá chứ anh Hai ?

      - Dạ ! Anh chịu không khí này chứ ?

      - Dạ ! Tôi thấy thích hợp lắm.

      Bật lửa đốt thuốc cho Thọ, “ anh Hai “ nhấc phin ra, quấy sữa cho đều và lấy một hộp bánh bích-quy mở nắp, mời Thọ dùng. Hai người vừa uống cà phê vừa nói chuyện rừng xanh. Tuyệt nhiên chưa bên nào hé môi nhắc đến chính trị trong khi cốc cà phê chưa hết.

      Uống xong cốc cà phê sữa đặc, “ anh Hai chủ tịch “ xoa xoa cái trán sói, nhập đề ngay :

      - Thưa anh, trước khi bàn về công tác và đường lối chủ trương hiện tại, tôi muốn được nhắc lại cùng anh một vài tài liệu có tính cách lịch sử. Những điều này anh đã biết hết rồi. Vi vậy, tôi thành thực xin anh hiểu cho là không phải tôi muốn “ múa búa trước cửa nhà sấm " mà chỉ muốn nhắc lại những điều này để chủng mình cùng ôn lại chuyện đã qua, thống nhất với nhau về nhận xét, thống nhất về quan điểm cũng như lập trường tranh đấu. Có hiểu nhau, có cùng đứng chung ở một quan điểm đấu tranh, có cùng thống nhất về lập trường cách mạng, chúng ta mới hết lòng, hết sức xả thân cho đất nước, cho nhân dân. Chắc anh không khác tôi về ý nghĩ này ?

      - Thưa anh, không ! Thọ nói. Xin anh cứ tiếp tục trình bày quan điểm của anh, có ý kiến gì khác tôi sẽ góp.

      Thế là “ Hai chủ tịch xe ngựa “ bắt đầu thao thao bất tuyệt về “ lịch sử Việt nam trên con đường Cách mạng “ trong khoảng Pháp thuộc trở về sau. Ông ta nhắc lại thời Pháp thuộc qua những cuộc khởi nghĩa của Phong trào Cần Vương, nhóm Văn Thân, rồi VN Quốc Dân Đảng cho đến ngày phát xít Nhật đầu hàng.

      Trong phần này, tuy ông ta chưa đem quan điểm Mác xít và duy vật biện chửng pháp ra nhận xét, sợ làm “ mích lòng “ Thọ, nhưng dù muốn dù không ông ta cũng phải kết luận nguyên do nào làm các cuộc khởi nghĩa ấy thất bại. Nếu dẫn giải lập trường giai cấp, đề cập đến Cách mạng vô sản, công nông hay đem ý thức hệ ra kết luận, nói cho Thọ nghe quả là không “ chu “ chút nào. Tiều tư sản trí thức lại mới là “ cách mạng tài tử “ chứ chưa phải “ chuyên nghiệp “, phải mềm dẻo, phải nhẹ nhàng mới có kết quả. Sau này sẽ “ cải tạo “ lần lần, “ gột rửa " sạch cái “ đầu óc phản động cũ “ chừng đó hãy hay.

      Cho nên thay vì kết luận đúng theo quan điểm Mác xít : “ các cuộc khởi nghĩa ấy thất bại vì không được đại đa số nhân dân quần chúng ủng hộ vì những phong trào, những nhóm, những đảng ấy theo đuổi đường lối cách mạng “ phản động “ phi công nông, không có lập trường giai cấp, không theo đường lối cách mạng vô sản “, ông ta chỉ kết luận vắn tắt là : “ Thất bại vì xa rời quần chúng, thiếu tuyên truyền vận động rộng rãi cũng như đường lối chủ trương không thích hợp với quần chúng.”

      Nhắc đến giai đoạn Việt Minh cướp chính quyền năm 1945, “ Hai chủ tịch xe ngựa “ tránh nói đến Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông ta kết luận sự thắng lợi của Mặt trận Việt Minh đưa Cách mạng đến thành công là vì mặt trận Việt Minh quy tụ được các tầng lớp quần chúng ủng hộ, là vì có chủ trương đường lối đứng đắn vả yếu tố căn bản là sự lãnh đạo tài ba của Hồ chủ tịch.

      Nghĩa là ông ta đã phủ nhận yếu tố thời cơ. Thời cơ đó là lúc Nhật đã đầu hàng đồng minh, đã bị bại trận, đã xếp giáp quy hàng.

      Rồi từ đó, Pháp chiếm lại Đông dương. Mặt trận Việt Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến, mà trong cuộc kháng chiến này, MTVM, với những cán bộ nồng cốt đều nằm trong Đảng Lao Động VN. Do đó. Đảng Lao Động được coi như là Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến thành công. Pháp thua, mới ký hiệp định Genève chia đôi đất nước tạm thời. Và cuộc cách mạng ngày nay tiếp tục là vì Mỹ - Diệm không thi hành hiệp định Genève, là vì phải chống Mỹ - Diệm biến cuộc cách mạng miền Nam trở thành chiến tranh đặc biệt.

      “ Hai chủ tịch xe ngựa “ không đá động gì đến vấn đề tập kết và tránh nhắc lại lần thứ hai về vấn đề chia cắt đất nước Việt Nam. Dĩ nhiên cái gì xấu, cái gì thuộc về trách nhiệm đối với dân tộc thi " Mỹ-Diệm " phải lãnh đủ.

      Điểm qua tình hình hiện tại, “ Hai chủ tịch xe ngựa “ kết luận :

      - Như tôi đã báo cáo với anh về quá trình của cuộc Cách mạng miền Nam trải qua nhiều thời kỳ, cao trào rồi thoái trào, bây giờ đã chấm dứt thời kỳ thoái trào. Qua mấy tháng sau “ đồng khởi “ ta đã giải phóng được nhiều nơi, vùng căn cứ ta mở rộng, thanh thế và ảnh hưởng của cách mạng như bảo tố. Chúng tôi là những người lãnh đao cuộc cách mạng này thoát qua được thời kỳ đen tối nhất thì anh nên cho phép chúng tôi được tự hào đôi chút về thành quả đó. Và ngày nay ta chiến dấu không lẻ loi. Sau lưng ta còn có một hậu phương miền Bắc vững mạnh, còn có Trung quốc vĩ đại, rồi Liên Sô và mười mấy nước Xã hội chú nghĩa anh em ủng hộ. Thời cơ đã cho phép ta công khai hóa cái tổ chức chỉ đạo cuộc cách mạng này, tuyên bố cho nhân dân trong nước và thế giới biết đến chúng ta. Sự có mặt của chúng ta đã là một thắng lợi vô cùng to lớn, làm cho kẻ thù run sợ ... Ý kiến anh thế nào ?

      Suốt cả buổi, ba bốn tiếng đồng hồ liền, Thọ chỉ biết ngồi nghe đến nhức đầu. “ Hai chủ tịch “ nói liên tục không ngừng một giây nào. Thời gian không có kẽ hở thì Thọ có muốn nói một tiếng cũng không chỗ để nói. Người ta bảo làm cách mạng là phải chịu dựng gian khổ, hy sinh. Thì trong những ngày đầu vô chiến khu, Thọ đã phải “ tiếp khách “ rồi bây giờ đây phải ngồi nghe, có nghe suốt mấy giờ liền vì lập luận chính trị thì chả là chịu đựng gian khổ hay sao ?

      Thọ chưa kịp trả lời thì có Trần bạch Đằng từ phía ngoài vào, gật đầu, bắt tay chào Thọ và nói với “ chủ tịch xe ngựa “ :

      - Báo cáo anh Hai đã 12 giờ rưởi rồi. Thức ăn đã dọn, mời anh Hai và anh Ba tạm ngưng công việc để dùng bữa. Chiều mình tiếp tục.

      Thọ thở phào, nhẹ nhõm. Dù sao ít ra là trong lúc này đầu óc mình nó cũng được nghỉ ngơi. Thọ vào chiến khu vì Thọ hận những ngày bị giam trong tù, Thọ hận anh em Ngô đình Diệm đã áp bức, hành hạ Thọ, đẩy Thọ vào một cái thế chống đối, phải trả thù. Thọ muốn làm nhanh, làm thật nhiều, miễn sao những việc đó hạ được anh em Diệm là toại nguyện lắm rồi. Chứ ngồi mà lý luận mãi về chính trị nó mất thì giờ vô ích, đã vậy lại còn nhức đầu, hao nước miếng, hao thuốc lá, tốn cà phê. Huống hồ, lý luận chính trị có khác gì cái bàn tay, úp xuống là trái, ngửa lên là mặt, úp ngửa mấy hồi. Mấy thằng cha nói nhiều rốt cuộc có làm được cái gì đâu, chỉ toàn những người không nói làm cho nó hưởng. Cuộc đời nó chó thế đấy.

      Thọ đứng dậy. “ Hai chủ tịch xe ngựa “ cũng đứng dậy đi ra. Trần bạch Đằng hỏi Thọ :

      - Làm một tí Mạc-ten anh Ba nhé ?

      Thọ từ chối :

      - Tôi ít uống rượu lắm anh. Cảm ơn anh, xin anh để khi khác.

      - Thôi mà ! Đằng ép. Có rượu nó mới ngon cơm. Anh uống một chút thôi. Anh em trong nhà cả mà !

      Thọ cười, im lặng. Đằng vụt chạy đi.

      Ăn cơm trưa xong về nhà “ Hai chủ tịch xe ngựa “ tự tay đi lấy võng nylon giăng xéo ở góc nhà, mời Thọ:

      - Trưa anh nằm võng này nghỉ một lúc. Bây giờ anh dùng chi ? Cacao nhé ?

      - Thôi anh, Thọ trả lời. Trà được rồi.

      Nhìn “ Hai chủ tịch xe ngựa “ pha trà, Thọ nhớ lại từ ngày theo Kiếm vào chiến khu, trên đường đi cứ phải uống trà đậm, chát như cau ngâm, khô quánh miệng. Bây giờ Thọ cũng hơi quen. Thọ không hiểu tại sao anh em họ lại có cái thú uống trà đậm đến như vậy. Mấy hôm nay mới rõ là cái thú uống này được mang từ miền Bắc, từ Hànội về, của những anh em miền Nam tập kết.

      Một anh em “ cán bộ mùa thu “ (danh từ ám chỉ những người tập kết trở về Nam) cho Thọ biết là trong những ngày tập kết ra Bắc, nhớ nhà quá, nhớ vợ con, cha mẹ, anh em cho nên ngày giờ làm việc, thường là sau giờ sinh hoạt đêm hay thứ bảy, chủ nhật, anh em tụ họp nhau kể lại chuyện nhà cửa, chuyện miền Nam. Những ngày đầu tháng, còn tiền thì ăn nhậu cho đến hết. Từ giữa tháng trở đi, hết tiền đành phải xoay ra uống trà với đường mía “ cầm tay “. Ra Bắc càng lâu càng nhớ dữ cho nên đêm nào trằn trọc không ngủ được thì dậy nấu trà. Dần dần cái vị chát đắng của trà đậm làm cho người nào cũng đâm ghiền không bỏ được. Thành ra nguồn gốc của nó là do sự ray rứt, dằn vặt nội tâm, thương nhớ mà ra.

      Thọ nâng chung trà hạt mít do “ Hai xe ngựa “ đưa cho, chiêu một ngụm. Quả là đắng thực. “ Hai chủ tịch xe ngựa “ cười :

      - Vậy chứ, ít lâu rồi anh sẽ thấy ngon.

      Ngưng một chút, “ Hai chủ tịch xe ngựa “ nói tiếp về một chuyện khác :

      - Có lẽ mấy hôm nay anh hơi mệt vì cái chuyện tiếp khách và buồn chúng tôi về việc chưa bàn công việc với ai. Điều này, chúng tôi thành thực xin lỗi anh và mong anh hiểu để không nỡ trách chúng tôi. Thực ra mấy hôm nay chúng tôi bận phải họp để giải quyết những vấn đề thuộc về nội bộ. Mãi đến đêm qua mới xong. Anh cũng biết là suốt mấy năm qua, trong những ngày đen tối nhất của cuộc cách mạng miền Nam, chúng ta đâu có được ai tiếp sức, chống mũi chống lái gì cũng phải tự xoay xở lấy. Là cấp lãnh đạo, chúng tôi phải nhận trách nhiệm, phải lo đến điên đầu, làm việc bất kể ngày đêm mới còn có được đến hôm nay. Bây giờ lại có được các anh tiếp sức, nhất là anh, chúng tôi mừng vô hạn và cảm ơn anh hết sức. Như anh thấy đó, cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng nhân dân, cách mạng giải phóng dân tộc, người nào cũng phải có trách nhiệm, đâu phải riêng gì chúng tỏi. Nhưng bận họp giải quyết những vấn đề cấp bách thuộc nội bộ, không thể dừng được nên để anh ở nhà một mình, anh thông cảm cho. Anh có thông cảm được, tôi mới hết băn khoăn. Ngoài ra chúng tôi có lầm lỗi, khuyết điểm gì, xin anh cứ thẳng thắn phê bình, góp ý kiến để chúng tôi sửa chữa. Là anh em với nhau cùng chung lo cho đại cuộc, lo cho cách mạng thì điều này hết sức tối cần. Anh đồng ý với tôi chứ ?

      Thọ đắn đo một tí mới trả lời :

      - Tôi hiểu là các anh bận việc nội bộ. Tôi không buồn gì đâu. Các anh cứ yên tâm. Ngoài ra có gì sẽ báo ngay các anh biết mà. Bây giờ tôi chưa thấy gì cả.

      Chiều lại, vì có một số anh em ở bộ phận điện đài đến loay hoay mắc hệ thống điện thoại nên “ anh Hai chủ tịch xe ngựa “ đưa Nguyễn hữu Thọ trở về khu vực tiếp tân, vào hội trường ngồi nói chuyện và cho mời cả Trần bửu Kiếm đến.

      Tại đây, trước mặt Kiếm, “ anh Hai chủ tịch xe ngựa “ thông báo cho Thọ biết về ngày họp đại hội nhân dân là ngày 19 tháng 12-1960. Như vậy chỉ còn một tháng nữa để chuẩn bị. Và “ theo ý kiến đa số đại biểu “ thì đại hội đó sẽ mang tên là : “ Đại hội thành Lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam “, trù liệu vào khoảng 300 đại biểu, nhưng có đủ số ấy không thì phải chờ đến chừng đó mới rõ được. Ngay cả cái ngày họp đại hội cũng vậy, vào giờ chót có thể thay đổi nếu có gặp trở ngại bất thường. “ Hai chủ tịch xe ngựa “ chỉ cho biết đó là ý kiến chung của Ban Vận động đại hội và các đại biểu chứ không đá động gì đến đó là nghị quyết của Đảng mà mọi người có bổn phận phải chấp hành.

      Ngay như chọn ngày 19-12 cũng do nghị quyết của Đảng muốn nhân ngày 19-12 là lễ kỷ niệm 14 năm ngày toàn quốc kháng chiến để nâng cao ý nghĩa thêm lên.

      Về nhân vật được đề cử vào Mặt Trận đó, “ anh Hai chủ tịch “ chỉ cho Thọ biết vài nhân vật thôi. Ông ta nói :

      - Thể theo ý kiến của Ban vận động và đa số đại biểu thì tất cả đều đồng ý cử một Ban Chủ tịch đoàn gồm có bảy người : một chủ tịch, sáu phó chủ tịch và ban Thư Ký độ năm người đại diện có uy tín nhất của các đoàn thể tôn giáo, tầng lớp xã hội. Ngoài ra độ chừng từ 30 đến 40 người nữa vào các chức vụ ủy viên phụ trách các tiểu ban.

      Thọ nóng ruột hồi hộp hỏi :

      - Như vậy trong Ban Chủ tịch đoàn sẽ gồm những ai ?

      - Chưa biết rõ anh ạ ! Còn phải chờ đại hội biểu quyết tín nhiệm. Nhưng dựa theo ý kiến chung của anh em, của đại biểu thì sẽ bầu anh vào chức vụ Chủ tịch của chủ tịch đoàn.

      Thọ phản ứng ngay :

      -Chết ! Mấy anh cho tôi xin. Tôi thấy mình không đủ khả năng và uy tín để đảm nhận chức vụ quan trọng đó. Giao tôi nhiệm vụ nào cũng xin nhận nhưng nhiệm vụ đó thì xin mấy anh đề cử người khác.

      -Về phương diện cá nhân anh thì anh không nhận thấy như vậy nhưng về phía tập thể, đại đa số đại biểu thì họ thấy không ai xứng đáng hơn anh, đầy đủ uy tín và khả năng lãnh đạo hơn anh. Riêng ý kiến cá nhân tôi, tôi hết sức tán thành, hoan nghinh về đề cử anh cả hai tay. Tôi nghĩ là khi nêu tên anh ra, tất cả sẽ bỏ phiếu cho anh 100 phần trăm. Thôi thì, tuy bây giờ chưa được đại hội chính thức bỏ phiếu đề cử, nhưng qua dư luận, qua ý kiến của Ban vận động, của đại đa số, anh nên vì đại cuộc, vì cách mạng miền Nam mà phải chuẩn bị tư thế trước để không phải ngỡ ngàng. Anh nên nghĩ đến anh em, nghĩ đến tiền đồ dân tộc mà nhận nhiệm vụ khó khăn này.

      Thọ rất xúc động trước sự kiện này, chỉ biết làm thinh. Trần bửu Kiếm nói thêm vào :

      - Chẳng những anh mà một số anh em khác cũng đã được tập thể chọn trước như anh. Như anh bác sĩ Phùng văn Cung đấy, phó chủ tịch thứ nhứt, anh Huỳnh tấn Phát phó chủ tịch thứ hai v.v…

      Thọ hỏi Kiếm :

      - Thế còn anh và anh Hai ? Anh em đã chọn, đề cử như thế nào ?

      - Tôi ấy à ? Tôi thì anh em đề cử làm Tổng thư ký. Còn anh Hai, thì anh Hai vì bận công tác Đảng, công tác đoàn thể nhiều quá, anh Hai gánh thêm không xuể nữa nên xin anh em thông cảm và miễn cho sự đề cử.

      “ Anh Hai chủ tịch xe ngựa ” giải thích thêm cho Thọ hiểu :

      - Sau ngày thành lập Mặt Trận xong, chúng tôi còn phải tổ chức đại hội Đảng để tuyên bố ngày thành lập. Cho nên tôi rất bận, anh nghĩ có còn thì giờ đâu để tham gia công tác chính quyền. Và bây giờ theo ý kiến anh thì ngày mai có thể họp Ban Vận động Đại hội để thảo luận, kiểm điểm lại tình hình công tác chuẩn bị được chưa ?

      - Tùy anh ! Sợ mấy anh bận, chứ tôi có bận gì đâu !

      - Vậy sáng mai mình họp ! Để tôi thông báo cho các anh chị kia biết. Trong phiên họp, tôi sẽ có mấy đề nghị. Về phần anh và anh Ba (tức Trần bửu Kiếm) tôi xin đề nghị hai anh chuẩn bị ngay từ bây giờ soạn thảo cương lĩnh Mặt trận, bản tuyên ngôn, chương trình Đại hội cũng như các cơ cấu tổ chức. Phương pháp làm việc của mình là tập thể. Như vậy, ngày mai anh Ba sẽ trình bày trong buổi họp đó để các anh chị khác góp ý kiến cho đầy đủ. Anh đồng ý chứ ?

      Thọ cười nhẹ :

      - Chà ! Không biết có kịp không đây ? Thảo chương trình Đại hội và hoạch định các cơ cấu tổ chức thì có thể chứ Cương lĩnh và Bản Tuyên Ngôn phải mất nhiều ngày giờ lắm.

      Có thể nói, kế hoạch chuẩn bị cho đại hội hoàn tất từ lâu và đã thông qua trong cuộc họp Đảng bộ, do các đồng chí trong Thường Vụ của Đảng soạn thảo, nhưng trước mặt Thọ, “ anh Hai chủ tịch “ và Kiếm phải tỉnh bơ làm như chưa biết, chưa chuẩn bị. Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, quyền lãnh đạo của Đảng là bất di bất dịch. Đó chỉ là vấn đề nguyên tắc, vấn đề thuôc nội bộ, Thọ không phải là người trong Đảng thì không cần phải biết làm gì. Huống hồ, Thọ lại là một nhà trí thức, nhiều suy tư, nhiều tự ái cá nhân thì lại càng phải tế nhị, kín đáo hơn.

      Kiếm nói :

      - Tôi cũng thống nhất ý kiến như anh Ba đó ! Từ bây giờ đến mai, cố gắng làm mới làm xong kế hoạch dự thảo chương trình đại hội và các cơ cấu tổ chức quanh Mặt Trận. Còn Cương lĩnh và Bản tuyên ngôn thì mình sẽ thảo sau. Ấy là chưa nói tới bản báo cáo chính trị hay tham luận đọc trước đại hội còn phải mất rất nhiều thời gian. Thôi ngày mai mình trình bày thông qua anh em từng ấy việc là đủ rồi. Còn những cái khác sẽ trình bày sau. Sẵn đây cũng xin báo cáo luôn để anh Ba rõ là kế hoạch chuẩn bị Đại hội, mình cũng đã có phân công rồi, công việc chuẩn bị đang xúc tiến khả quan. Như về phần tiếp tân, về phần tổ chức, xây cất hội trường, nhà ở, vấn đề bảo vệ, vấn đề ăn uống lương thực v.v... nói chung, rất chu đáo. Ngày mai mình sẽ được nghe, những anh em phụ trách báo cáo trong phiên họp. Có gì mình góp ý kiến thêm.

      Cả ba người đứng dậy. Thọ không giấu được sự thán phục :

      - Tôi thấy trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn gian khổ thế này má mấy anh đã chuẩn bị chu đáo đến được như vậy thì thật là phi thường. Tôi phục mấy anh sát đất.

      - Có gì là phi thường đâu anh. Cá nhân mình thì không làm gì được chứ có sức mạnh của tập thể, của tổ chức và... lý tưởng thì việc gì chả làm xong.

      Nói xong câu đó “ anh Hai “ cười, cái cười hết sức từ tốn nhưng nếu nhìn sâu vào đáy mắt, Thọ sẽ thấy đáy mắt đó còn nói nhiều hơn. " Ừ, tại anh không biết, chứ vấn đề này có gì đâu, mấy anh chỉ là những tay trí thức lơ mơ biết gì. Dùng mấy anh, chiều đãi mấy anh chẳng qua là vấn đề sách lược của Đảng, chiến thuật giai đoạn của Đảng - cần có mấy anh để tuyên truyền gây ảnh hưởng, gây uy thế cho Cách mạng, chứ mấy anh mà làm được gì cho chế độ vô sản chuyên chính ? Có mấy anh, thực sự mà nói, chỉ làm nặng nề thêm tổ chức, cản trở thêm cho công việc. Dùng được ít ra phải tẩy não tư sản trí thức, phải giáo dục mấy anh về lập trường giai cấp, căm thù giai cấp, phải biết tự căm thù oán ghét mình, lột vỏ, thoát xác thì họa may. Như mấy anh thấy đó, mấy anh chưa làm được gì, chúng tôi đã làm cả rồi, mấy anh còn phải phục, còn phải kính nể, vậy cần phải ráng cố gắng để biết vì sao. Và nếu mấy anh là kẻ thức thời, thông minh nên ngoan ngoãn nghe theo Đảng, làm theo Đảng, bởi vì, chỉ có Đảng là trên hết, đủ mọi khả năng, đủ mọi quyền uy tối thượng để lãnh đạo quần chúng, lãnh đạo mấy anh, mà đại diện cho Đảng là chúng tôi đây. Thế đủ rồi. Làm cách mạng, các anh chỉ cần biết thế “ !

      Tất cả những bản thảo, dự án kế hoạch, chương trình đại hội đều có sẵn trong “ sắc cốt “ của Trần bửu Kiếm. Nhưng để tránh mặc cảm cho Thọ, Kiếm không thể nói ra. Buổi tối, ăn cơm, trà nước xong xuôi, Kiếm đến văn phòng quản trị của Khu Tiếp Tân lấy về cho Thọ một ram giấy pelure trắng, vài “ men “ giấy ca rô và một cái bìa cứng với mấy cây bút bi xanh đỏ.

      Ngồi trước đèn ống khói, để xắc cốt trên bàn, đối diện với Thọ, Kiếm nói :

      - Ngày mai, về phần mình thì trình bày chương trình đại hội và hệ thống tổ chức của cơ quan Mặt trận từ cấp Trung ương đến cấp xã. Anh chắc chưa chuẩn bị ý kiến gì ? Còn tôi, trong thời gian lo vận động cho đại hội tôi cũng có chuẩn bị sơ sơ. Tôi đánh máy sẵn, để tôi đưa anh xem, anh thêm bớt cho nó hoàn hảo. Chớ bây giờ gấp quá, ngồi cặm cụi viết từng phần biết chứng nào mới xong,

      - Vậy thì tốt quá ! Thọ nói. Anh cho tôi xem đi.

      - Tôi đề nghị với anh phương pháp làm việc thế này cho nó khoa học hơn, là ý kiến thêm bớt của anh, ghi riêng ra một miếng giấy riêng. Ý kiến nào của tôi, anh đồng ý, anh cũng ghi riêng sau đó, sắp xếp theo thứ tự từng phần, từng vấn đề. Sau cùng thì mình thảo luận, tôi sẽ ghi chép lại những ý kiến chung để anh đỡ phải viết. Ngày mai thì anh trình bày. Bây giờ để anh yên tĩnh một mình làm việc dễ dàng hơn, tôi sang câu lạc bộ ngồi làm việc bên đó. Anh ngồi làm việc ở đây. Đúng 11 giờ tôi về và bắt đầu thảo luận. Anh đồng ý chứ ?

      - Đồng ý quá đi chứ ! Thọ cười.

      Phiên họp của Ban Vận Động Đại hội khai mạc, vào đầu “ anh Hai “ đả thông sơ sơ về phương châm lề lối làm việc, nêu mục đích yêu cầu phải đạt được trong phiên họp. Sau đó đề cập đến Nguyễn hữu Thọ theo tinh thần của nghị quyết Đảng bộ :

      - Trước đây trong hoàn cảnh gấp rút cũng như chưa lần nào họp mặt đầy đủ nên việc điều hành tạm thời, tôi, anh Phát và anh Cung phải đảm nhận. Hôm nay, ta tương đối đầy đủ hơn, tôi đề nghi nên có một vài thay đổi cho hợp lý. Như trường hợp anh luật sư Thọ, tuy từ trước tới giờ chưa họp chung với chúng ta lần nào, nhưng đã liên lạc, hội ý với Ban chỉ đạo nhiều lần. Nhân tiện hôm nay anh luật sư Thọ về đây chuẩn bị đại hội, tôi xin đề nghị kiện toàn lại Ban Chỉ Đạo. Như vậy nó vừa hợp tình, hợp lý và kết quả sẽ đạt được nhiều hơn. Các anh chị thấy sao ?

      - Đồng ý - Đồng ý thôi ! Tôi đồng ý ! Tất cả Trung ương Ủy viên của Đảng bộ và các cán bộ của Đảng nhao nhao lên làm hậu thuẩn. Còn một số ngoài Đảng quần chúng “ trơn lu “ thì bất động, chưa kịp phản ứng.

      “ Anh Hai chủ tịch xe ngựa “ nói tiếp :

      - Như vậy là tất cả chúng ta đều đồng ý. Trước đây trong Ban chỉ đạo tạm thời gồm có tôi, anh Phát, anh Cung, anh Kiếm, anh Khanh, chị Tú, anh Ky, anh Hiếu, nay xin thêm anh Thọ. Và tôi xin đề nghị để anh Thọ làm chủ tịch Ủy ban Vận động Đại hội, anh Phát anh Cung Phó chủ tịch, anh Kiếm, Tổng thư ký, còn tôi và anh Khanh, anh Ky, anh Hiếu, chị Tú là năm ủy viên thường trực.

      Từ trước “ chủ tịch xe ngựa “ coi như là Chủ tịch Ủy ban Vận động, người quyết định mọi công việc của Ủy ban. Nay có Thọ đến. Thọ, một trí thức quần chúng cũng như bác sĩ Phùng văn Cung, nhưng Phùng văn Cung già quá rồi, trên 60, tóc bạc trắng, sức lực ở đâu mà hoạt động nữa. Còn Thọ, mới ngoài bốn mươi, tăm tiếng, có nhiều người biết hơn, nhất là có chân trong Phong trào Hoà Bình năm 1954. Theo sách 1ược của Đảng cũng như đứng về chiến thuật giai đoạn, đưa Thọ là một trí thức quần chúng không đảng phái ra làm chủ tịch Ban Vận động Đại hội thì ngưòỉ ta sẽ không có cái mặc cảm “ Đảng “ lãnh đạo, gây cho đại biểu những ác cảm nặng nề hay những sự mâu thuẫn, chống đối có thể xảy ra.

      Đưa Thọ ra trình diện trước quần chúng, về phương diện tuyên truyền quả là đắc sách. Dù muốn dù không, số đại biểu được mời dự Đại hội Thành lập Mặt trận đâu phải hoàn toàn là đảng viên, nếu như vậy, Đại hội này chẳng có nghĩa gì cả, chẳng gây được tiếng vang nào, không ai thèm chú ý, trên lý thuyết thì nó chẳng hợp lý, hợp lẽ, hợp “ nguyện vọng “ chút nào thì tuyên truyền ai, vận động được ai ? Muốn có ảnh hưởng. hợp lý, đắc sách, bộ mặt của nó phải có vẻ quần chúng, đủ mọi từng lớp nhân dân tham dự. Có như vậy mới hô hào nó là một tổ chức được nhân dân quần chúng ủng hộ, mới nói nó là những nhà “ ái quốc chân chính “, mới có thể gán cho nó hằng hà sa số tên đẹp, tên hay, “ đánh trống múa lân “, “ bốc thơm “ đến tận trời mà những Me xừ ngây thơ về chính trị, nhất là nhũng người lam lũ làm ăn, cũng như những tên lưu manh trí thức hay lưu manh thành thị cứ mãi vùi đầu ăn trộm, ăn cắp để móc túi làm giàu thì biết gì, dễ “dụ” lắm.

      Đa số đại biểu được mời phải là quần chúng ngoài Đảng. Nhưng dĩ nhiên những người đó phải là những người được tuyên truyền “ giáo dục “ trước, có cảm tình với kháng chiến, có thù riêng với chế độ “ Mỹ - Diệm “ và nhất là gia đình họ có thân nhân tập kết ra Bắc, nếu không, vớ nhằm tay gián điệp nào đó, còn gì là Đại hội.

      Nghị quyết Đảng bộ đã xác định rõ vấn đề này và đưa Thọ ra trình diện trước “ quần chúng “, trước “ lịch sử “. Quần chúng, lịch sử bị bắt buộc phải chấp nhận sự có mặt của Thọ. Và dù chấp nhận hay không, Đảng cũng phải đem hết khả năng, tài hóa trang ra tô điểm để cho Thọ trở thành một vai tướng, một vai kép độc của một vở tuồng. Còn tướng hay hay tướng dở, kép độc hay tướng tồi thì đành... phó cho trời.

      Có thấy như thế, hiểu như thế ta mới thấy tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề được ghi vào nghị quyết mà tất cả mọi đảng viên đều phải triệt để chấp hành nghiêm chỉnh.

      “ Anh Hai chủ tịch xe ngựa “ đưa ra đề nghị thay đổị này toàn thể phiên họp đều đồng ý. Phe đảng viên chưa nói đã đồng rồi, cái đó rất dễ hiểu, còn phe quần chúng vì thấy ông “ Tổ “ đề nghị, ông “ Tổ “ đồng ý tự hạ bệ thì mình có nói cũng không ăn nhằm gì. Đồng ý là tốt nhất, như vậy đỡ mất thì giờ lại đắc nhân tâm.

      Thấy vấn đề trình diện Thọ và quy định thành phần Ban chỉ đạo xong xuôi một cách dễ dàng, “ anh Hai “ cười rất dễ thương, hướng về Thọ :

      - Xin mời anh Ba lên chủ tọa buổi họp.

      Thọ đứng dậy đến thay chỗ “ Hai chủ tịch “. Nhìn xấp giấy trên tay, giọng Thọ có vẻ xúc động :

      - Thưa các anh chị, tôi hết sức xúc động khi được các anh chị dành cho một cảm tình nồng hậu và sự tín nhiệm đặc biệt. So và các anh chị, tôi chỉ là kẻ đi muộn đến sau. Khả năng hiểu biết có hạn, tập tành đi vào Cách mạng thì thành tích cũng như kinh nghiệm còn thua kém các anh chị xa. Tôi chỉ mang đến đây tất cả sự tin yêu, lòng hăng hái, nhiệt thành và sự hy sinh xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, chống bọn xâm lược Mỹ và bè lũ Diệm-Nhu. Vì vậy trong công việc, mong được các anh chị giúp đỡ, chỉ bảo kinh nghiệm. Nếu đạt được kết quả nào đó cũng là công lao của tất cả các anh chị, của tập thề chúng ta.

      Thế là một tràng pháo tay nổ lên dòn dã, đôm đốp kéo dài. Và người vỗ tay lâu nhất, dứt sau cùng là “ anh Hai chủ tịch “. Điều đó có nghĩa là “ anh Hai “ rất hoan hô. Đảng có thể tín nhiệm được lắm. Câu nói của Thọ rất “đáng tiền”, thật không bõ cái công đề cử. Ừ, câu nói đó biểu lộ sự khiêm tốn, biết học tập rút kinh nghiệm, thấy công lao tập thể. Có như vậy, ý kiến của Đảng sau này sẽ được chấp nhận một cách dễ dàng hơn, không cần phải dùng nhiều “ nồng cốt “ để kèm cặp, không cần phải mất nhiều thì giờ tranh luận và dùng áp lực tập thể. Chỉ hơi tiếc một điều, phải Thọ phát biểu thêm một câu xác định về tư tưởng Cách mạng, động cơ thúc đẩy làm Cách mạng thì thật là toàn bích. Nhưng không sao, rồi đây được giáo dục lần về lập trường giai cấp, được học tập tư tưởng Đảng, lý luận của Đảng thì Thọ sẽ nói sau.

      Buổi họp có ba phần chính. Phần thứ nhất : Báo cáo và nhận xét công tác chuẩn bị của từng tiểu ban chuyên môn như tình hình vận động chung, công tác tổ chức, tiếp tân, công tác bảo vệ, phòng gian bảo mật. Công tác hậu cần và Dự án đại hội. Phần thứ hai : Đề án công tác tới. Phần thứ ba : Linh linh, đề nghị.

      Tình hình vận động chung trong đó có cả tình hình chính trị trong, ngoài nước, và kết quả việc vận động tham dự đại hội thuộc đủ các giới, các khu vực. Tiết mục này sẽ do “ anh Hai chủ tịch “ trình bày.

      Công tác tổ chức, tiếp tân trong đó gồm việc xây cất Hội trường, nhà khách, nhà ăn, câu lạc bộ, các bộ phận Khánh tiết, trang trí, điện ảnh, văn nghệ, Tiếp khách, đưa đón v.v… Công tác này thuộc Ban tổ chức và tiếp tân do Kiến trúc sư Huỳnh tấn Phát báo cáo.

      Công tác bảo vệ, phòng gian bảo mật gồm việc đào hầm hố chống phi pháo, kế hoạch chống biệt kích tấn công bất ngờ, việc cảnh giới vùng căn cứ và theo dõi khách, phòng gián điệp, kế hoạch di tản v.v… Việc này thuôc bộ phận quân sự an ninh do Tư Khanh trình bày.

      Công tác hậu cần là việc tổ chức bệnh xá, khám bệnh, cho thuốc, điều trị, chăm sóc, đại biểu, việc tổ chức hệ thống tiếp liệu, cung cấp thực phẩm, vật liệu ăn uống v.v…Tư Thắng phụ trách phần này.

      Còn Dự án đại hội gồm chương trình và thủ tục cần thiết như : việc chọn hiệu kỳ, quốc thiều, diễn văn khai mạc, cương lĩnh, tuyên ngôn, chính sách v.v... do Thọ báo cáo.

      Anh Hai chủ tịch xe ngựa: tướng Trần Nam Trung

      *


      Cuộc họp phải hai ngày sau mới xong. Nhiệm vụ ai nấy lo, chạy đi xuôi ngược. Riêng Thọ và Kiếm, cả hai về nhà lo việc viết diễn văn khai mạc và bản tuyên ngôn của Mặt trận, đọc vào ngày thành lập. Còn báo cáo chính trị trước đại hội thì “ anh Hai chủ tịch xe ngựa “ sẽ đảm nhiệm.

      Từ căn cứ đến khu tổ chức đại hội, cách nhau một ngày đường. Theo Phát báo cáo, công tác xây cất chỉ mới hoàn thành được phân nửa e rằng sợ không kịp ngày khai mạc. Thọ bàn với Kiếm muốn xem qua cho biết nhưng Kiếm lại ngăn. Thọ ngỡ vùng căn cứ thì yên như bàn thạch, đất của ta, trời của ta, núi rừng cây cối của ta. Ta muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, kẻ địch làm sao xâm phạm được. Kiếm thì biết quá rõ. Không nơi nào có thể gọi là bất khả xâm phạm, sống chết trong nháy mắt, lực lượng bảo vệ chỉ một dúm có nghĩa gì ? Năm ba trung đoàn, năm ba sư đoàn còn chưa ăn nhập vào đâu. Khinh địch chủ quan, thiều tinh thần cảnh giác cao độ, thất bại, thiệt hại sẽ đến ngay. Huống hồ bây giờ lỡ Thọ có việc gì thì phải hỏng hết mọi việc không ? Ngày đại hội đã đền gần. Ông trời này hết chuyện muốn rồi ư, cứ chực hòng gây khổ cho bao nhiêu người khác ?

      Nghĩ thì ngĩ vậy nhưng Kiếm đâu dám nói ra, chỉ bảo lúc này chưa thuận tiện nên chờ một dịp khác. Huống hồ công việc của Thọ, Thọ chưa làm xong. Diễn văn khai mạc đại hội là một diễn văn quan trọng. Thọ phải nắm tình hình cho thật vững, thông suốt đường lối chủ trương của Đảng, của hiện tình cách mạng, biết thật rõ những diễn biến tư tưởng của đại biểu thì Thọ mới có thể viết một bài diễn văn sâu sắc có giá trị được.

      Bây giờ, Thọ cần phải đọc, phải nghe, phải nghiên cứu ít ra là một tuần lễ mới có thể bắt tay vào việc. Rồi còn sửa tới, chỉnh lui. Nếu là Kiếm, là Phát, là “ anh Hai chủ tịch xe ngựa “ viết chỉ hai ngày là xong tất một bài diễn văn dài 15 trang đánh máy. Nhưng vì nhiều lý do, dĩ nhiên trong đó có lý do bảo vệ danh dự Thọ, không ai làm cái việc lố bịch đó, góp ý kiến thêm bớt, sửa chữa cũng đã quá nhiều lắm rồi.

      Một hôm ngồi làm việc với Kiếm, Thọ nói :

      - Anh Ba, về hệ thống hành chánh các cấp của Mặt Trận thì sao, tôi nghĩ thấy vấn đề này hơi khó...

      - Nghĩa là quy chế tổ chức, thành lập, điều hành từ Trung ương đến các tỉnh, quận, xã.

      - Phải !

      Kiếm mím môi, sờ cằm, xoa đi xoa lại mấy cọng râu thưa, đắn đo suy nghĩ. Đắn đo, không phải Kiếm không biết, không hiểu hay chưa có ý kiến gì về vấn đề này. Ngược lại Kiếm hiểu rất rõ, biết từng chi tiết nữa kia. Trong phiên họp Đảng bộ, Kiếm đã đọc tới đọc lui cũng như đã thảo luận rất nhiều. Ngay trong “ xắc cốt “ của Kiếm còn giữ một bản để lưu làm tài liệu. Nhưng nói cho Thọ nghe, trình bày cho Thọ biết dưới hình thức nào để Thọ dễ chấp nhận, là vấn đề cần suy nghĩ, đắn đo.

      Trong phiên họp Ban Vận động vừa qua, Kiếm nhận phần soạn thảo bản Tuyên ngôn và Qui chế tổ chức. Kiếm nhận phần này vì Đảng bộ đã phân công, chỉ định trước, cho nên trong phiên họp Ban Vận động Kiếm phải “ xung phong trước “ giành cho được nhiệm vụ này. Kiếm sẽ theo tinh thần Bản quyết nghị, lấy cái “ sườn “ của Đảng bộ mà xào nấu thêm gia vị để biến chất Đảng trở thành món ăn nhân dân quần chúng.

      Dùng kế hoãn binh. Kiếm hỏi ngược lại :

      - Theo ý kiến anh thì sao ?

      - Thì cũng thành lập Mặt Trận cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Mỗi nơi nó cũng có những Ban chuyên môn trực thuộc và hệ thống liên lạc chỉ đạo công tác hành chánh theo hệ thống dọc, xã lên quận, quận lên tỉnh, tỉnh lên Trung ương. Trên nguyên tắc thì như vậy, còn quy định thành phần, cách thức tổ chức, trách nhiệm của từng cấp tôi chưa có ý kiến gì rõ ràng lắm.

      - Theo tôi, Kiếm nói, trên quan điểm cách mạng, ta không chấp nhận chính quyền Mỹ Diệm là chính quyền dại diện cho nhân dân miền Nam thì ta phải xem Mặt Trận là chính quyền hợp lý và duy nhất... Hiện tại, ta chưa là chính quyền hợp pháp được mọi người và thế giới công nhận, cho nên ngoài việc đấu tranh võ trang, ta còn phải đấu tranh chính trị. Chánh trị và võ trang phải đi song song với nhau, cái này hỗ trợ, bổ sung cho cái kia. Vì thế, thắng lợi, có quật ngã được đối phương, bắt buộc mọi người phải xem ta là chính quyền hợp pháp. Trên lý thuyết, trên tinh thần, ta phải xem ta là chính quyền và bọn Diệm Nhu là ngụy quyền. Có ý thức được quan điểm đó, ta nói nhân dân là của ta, do ta kiểm soát, hệ thống hành chánh từ xã lên đến Trung ương là hệ thống Mặt Trận, thực thi chánh sách đường lối Mặt Trận. Quan điểm của ta là vậy, còn vấn đề tổ chức và thi hành chính sách đường lối Mặt Trận, vấn đề này khó đấy. Phải tiến hành từ từ theo từng giai đoạn một, tùy theo từng địa phương, tuỳ theo tình hình thắng lợi chung cả 3 phương diện chính trị, quân sự, kinh tế trong và ngoài nước mà hành động cho nó hợp lý, hợp lẽ, phù hợp với tình huống. Trong hiện tại ta coi như ta chưa có gì cả, ta phải dựa vào khối nhân dân quần chúng công nông, tranh thủ, vận động họ theo về với ta, lấy khối quần chúng đông đảo 95% dân số đó làm lực lượng hậu thuẫn. Việc này đã làm và đang làm, kết quả hết sức khả quan do Đảng tổ chức, điều khiển và lãnh đạo. Có thể nói mỗi xã đều có một chi bộ, huyện có huyện ủy, tỉnh có tỉnh ủy. Những người có khả năng lãnh đạo, tổ chức và nhất là trung thành với cách mạng không ai khác hơn là chi ủy, huyện ủy, tỉnh
      ủy, khu ủy. Anh đồng ý với tôi điểm này chứ ?

      Thọ lặng lẽ, gật đầu. Kiếm nói tiếp :

      - Theo ý kiến tôi, trước tình hình và giai đoạn này, công việc Mặt Trận phải do các cấp ủy Đảng ở địa phương đảm trách. Như Mặt Trận xã do chi ủy xã lãnh đạo, huyện do huyện ủy lãnh đạo, tỉnh do tỉnh ủy lãnh đạo, khu do khu ủy lãnh đạo. Đảng là nòng cốt lãnh đạo Mặt Trận đi theo đúng đường lối Cách mạng. Ở mỗi cấp có thể mời thêm vài quần chúng tốt có cảm tình tham gia vào Ban chỉ đạo Mặt Trận ở cấp đó. Riêng xã, huyện là cấp cơ sở, thực thi chính sách không cần phải bầu cử, họp đại hội nhân dân làm gì, chứ cấp tỉnh cấp khu phải tổ chức đại hội, mời đại biểu của mọi từng lớp tham gia. ảnh hưởng nó mới to lớn. Dĩ nhiên Ban tổ chức đại hội, lãnh đạo đại hội là cấp ủy của Đảng bộ ở đó để chịu trách nhiệm. Anh thấy có trở ngại gì không ?

      Thọ không trả lời ngay, hỏi Kiếm :

      - Vấn đề này ta có báo cáo trước Đại hội thành lập Mặt Trận Trung ương tới đây không ?

      Kiếm cười :

      - Không ! Vấn đề này là vấn đề nội bộ. Phải giữ bí mật chứ ! Ta chỉ báo về hình thức tổ chức theo hệ thống dọc từ tỉnh đến xã thôi. Nghĩa là cấp tỉnh vận động tổ chức thành lập Mặt Trận cho cấp Huyện, cấp Huyện chịu trách nhiệm thành lập cấp xã và gửi báo cáo về Trung ương. Còn vấn đề tổ chức thế nào, cách thức ra sao, lãnh đạo thế nào cái đó thuộc về vấn đề kỹ thuật, vấn đề chuyên môn của nội bộ, không đá động đến.

      Thọ thở phào một tiếng. Hai tay chống cằm, mắt lim dim ngó ra sân, trán hơi nhăn lại.

      Bỗng chuông điện thoại trên bàn reo vang. Thuận tay, Kiếm xách ống nghe đặt vào tai :

      - Có, có ! Tôi, Kiếm đây !... À, tốt quá ! Tất cả đều mạnh khỏe hả ? Chúng tôi ra ngay. Cảm ơn đồng chí !

      Buông ống nói xuống. Kiếm reo lên :

      - Anh Ba ! Báo anh tin mừng, chị và các cháu đã đến, mạnh khỏe cả !

      Thọ nhổm dậy. toét miệng cười :

      - Nhà tôi và mấy cháu đến à ?

      - Dạ, bây giờ chị và các cháu đang ngồi nghỉ chân, uống nước ngoài phòng thường trực. Các đồng chí cảnh vệ vừa điện thoại cho biết. Anh sửa soạn để chúng mình cùng ra đón chị.

      Và chuông điện thoại lại reo dòn dã. Thọ nhấc điện thoại lên :

      - A lô ! Tôi đây ! Anh Hai hả anh Hai ?.. Dạ.. dạ… Thưa anh tôi cũng vừa được điện thoại của mấy anh em ngoài thường trực báo cho biết..., Dạ ! cảm ơn anh Hai.

      Thọ đặt ống nói xuống giá :

      - Anh Hai cũng vừa điện thoại báo tin và chia mừng đấy anh Ba. Kể ra anh Hai hay tin cũng nhanh. Hay thật !

      Kiếm cười, muốn nói một câu :

      - Anh được tin chậm đấy, anh Hai còn biết trước anh nữa kia, nhưng Kiếm kịp ngưng lại. Kiếm cài lại cúc áo, dẹp giấy tờ vào “ xắc cốt “. Thọ cho giấy tờ vào ngăn kéo :

      - Thôi, anh Ba ở nhà, một mình tôi đi được rồi, phiền anh quá !

      - Ồ ! Chẳng có gì đâu. Tôi cùng đi với anh cho vui.

      Kiểm đẩy xe đạp ra đường trước, nhìn sang nhà bác sĩ Phùng văn Cung, thấy hai ông bà đang ngồi uống nước nói chuyện với Trần bạch Đằng và chị Ba Tú, Kiếm nói to lên :

      - Có chị Ba Thọ và mấy cháu vừa lên tới ở phòng thường trực. Tôi với anh Ba đi đón đây.

      Vậy là cả bốn người cùng ra khỏi nhà. Thấy Thọ và đồng chí cần vụ riêng của Thọ đẩy xe, súng các bin quàng qua cổ, đi ra vừa tới đường, Ba Tú lên tiếng trước :

      - Chị Ba lên hả anh Ba ?

      - Dạ !

      - Xin chia mừng với anh !

      Vợ chồng Cung và Đằng cũng rối rít chia mừng. Đằng nói :

      - Cho tôi đi đón chị với !

      Thêm Ba Tú :

      - Tôi nữa !

      Cả đoàn năm người, năm chiếc xe đạp do anh cần vụ dẫn đầu phây phây chạy ra phòng thường trực.

      Đêm hôm đó, một cuộc tiếp tân ở nhà Thọ xảy ra và kéo dài đến 10 giờ đêm mới chấm dứt. Và Kiếm cũng vác đồ đạc tản cư nơi khác vì bây giờ Thọ đã có người “ nói chuyện cho vui “ và nhất là về phép lịch sự, Kiếm không thể ở như vậy được.

      Vợ Thọ đến, dĩ nhiên thường vụ Đảng bộ phải hội ý để giải quyết vấn đề gia đình cho Thọ yên tâm. Về phía vợ Thọ việc này không khó. Hai giải pháp trước kia : hoặc là sống chung với Thọ tại chiến khu, hoặc là sang Nam Vang ở để vấn đề an ninh được bảo đảm hơn. Nhưng theo thói thường mà xét thì chiều hướng sống chung với Thọ ở chiến khu có lý hơn. Còn con của Thọ, sau một thời gian ngắn sống chung dĩ nhiên phải giải quyết vấn đề học hành, tương lai mai hậu cho nó để cha mẹ nó yên tâm.

      Mặt khác, sau này nó còn là người đóng góp công sức vào cuộc cách mạng và còn thể hiện được chính sách của Mặt Trận để tuyên truyền. Như vậy, con của Thọ sẽ được gửi ra miền Bắc, ra Hànội vào học trường Miền Nam.

      *

      Việc chuẩn bị cho Đại hội thành lập Mặt Trận xem như hoàn tất trước hạn định. Đến chiều tối ngày 18-12-60, số đại biểu ở các nơi về tham dự chỉ non trăm người, tức không đầy một phần ba số đại biểu dự định. Nhưng với số đại biểu non trăm người đó, hai phần ba đều là các bí thư tỉnh ủy, khu ủy viên hoặc các cấp ủy khác của các nơi từ Quảng trị đến Cà mau. Một phần ba còn lại trong số đó có cả Việt kiều ở Miên, ở Lào, ở Thái về, nhưng xem kỹ lại thì đó là cán bộ miền Bắc đến hoạt động công tác cơ sở ngoại kiều. Còn lại bao nhiêu, hầu hết là những người kháng chiến cũ.

      Kỳ hạn đến, số đại biểu chưa đạt phân nửa yêu cầu, làm Thường vụ Trung ương Cục đâm ra bối rối, chưa biết phải quyết định ra sao ? Cứ họp hay nên dời lại vài ngày, hy vọng số đến trễ có thể đông thêm. Phe thì tán thành dời lại ít hôm, phe thì cương quyết họp, thi hành đúng theo nghị quyết Đảng bộ.


      Thử Lửa Qua sự kiện Nguyễn hữu Thọ phải tiếp khách không nghỉ bốn hôm liền. Trong khi ông bạn Trần bửu Kiếm ở chung nhà cũng gần như vắng mặt suốt bốn hôm, tuy không nói ra, những Thọ thừa biết vì sao người ta “mời” mình nên nghỉ ngơi cho lại sức. Cái việc tiếp khách liên miên có phải xuất xứ do sự thành tâm, do sự ngưỡng mộ của anh em hay là một sự dàn cảnh, khi Đảng bộ chưa thảo luận về trường hợp mình ? Dĩ nhiên là người ta sợ Thọ buồn. Cái cảm giác không đẹp trong những ngày đầu gặp gở sẽ ảnh hưởng đến công việc sau này, cho nên trong khi họp Đảng bộ (dĩ nhiên chỉ có Thường vụ và các ủy viên của Ban Chấp Hành) Kiếm phải vắng mặt, không còn trò chuyện với Thọ được, mới có cái màn dàn cảnh tiếp khách để Thọ đỡ buồn, và có thể diễn biến tư tưởng không hay. Chẳng những thế, trong cái việc tiếp khách liên miên đó còn làm Thọ phấn khởi hơn vì thấy mọi người ai cũng kính trọng, quan tâm chú ý, ngưỡng mộ mình. Nhưng Thọ biết, Thọ đâu có phải trẻ con mà dở trò “hút thuốc ra khói ở con mắt”. Kể ra Kiếm cũng là tay phù thủy “ cao tay “. Thọ không nói Kiếm cũng đọc được ý nghĩ của Thọ qua những cái nhìn, những cái cười không tròn miệng trong những bữa điểm tâm. Kiếm đi họp suốt ngày, cả đêm nhưng dù đêm khuya mấy, khi xong Kiếm cũng về nhà với Thọ, sáng dậy ăn điểm tâm xong mới tiếp tục đi. Vấn đề này trong buổi họp, khi bàn về Thọ, Kiếm đã báo cáo cho Đảng bộ biết. Tất cả đều đồng ý giải pháp phải nói thật với Thọ, nhưng nói như thế nào, nói đến đâu thì do “ anh Hai chủ tịch “ thay mặt Đảng bộ tiếp xúc trực tiếp với Thọ quyết định sau. Sang ngày thứ sáu (kể từ khi Thọ đến đây) “ anh Hai chủ tịch xe ngựa “ từ khu vực văn phòng cỡi xe đạp ra gặp Thọ. Sau vài câu thăm hỏi, uống vài chung trà, “ anh Hai chủ tịch xe ngựa “ nói : - Hôm nay xin mời anh đến nhả tôi chơi. Mình ăn cơm thân mật với nhau và xin trình bày với anh một số công việc. Từ hôm nay trở đi chắc chắn là anh bận tối mắt tối mũi về công việc chứ chẳng chơi. Thọ hỏi lại : - Đi bây giờ hả anh ? - Dạ ! bây giờ ! Nhưng xin anh chờ tôi một chút nhá. Quay ra sân, thấy có một anh lính đi phất phơ ngang qua. “ Hai chủ tịch xe ngựa " gọi to lên : - Đồng chí ơi ! Đồng chí vào đây tôi nhờ chút việc. Anh lính tất tả đi vào, đứng nghiêm chờ lệnh. “ Hai chủ tịch “ bảo ; - Anh đến văn phòng quản trị gặp anh Phát, báo cáo là xuất cho tôi một chiếc xe đạp và đem đến đây ngay bây giờ. Anh lính tất tả chạy đi. “ Hai chủ tịch “ cười nói với Thọ : - Xin anh giữ chiếc xe đạp để làm chân, đi tới đi lui cho tiện. Ở đây đất cát, lại cao ráo nên mùa nào đi xe đạp cũng được. Mình đắc dụng nhất là loại xe này chứ xe hơi thì dù có cũng liệng đi. Một chốc sau, anh lính trở lại với chiếc xe áp đạp hiệu “ Peugeot “ mới toanh. “ Hai chủ tịch “ bảo Thọ : - Mới đây tôi cho mua hai chục chiếc xe loại này để cho mình và những anh em ở xa về dùng làm phương tiện di chuyển. Và cả vấn đề liên lạc nội bộ, hay vùng căn cứ, tôi vừa chỉ thị cho bộ phận điện đài mắc cho mình ở đây một hệ thống Tê-lê-phôn từ cổng bảo vệ cho đến khắp hết mấy khu vực căn cứ. Có gì mình hội ý thông báo, nói chuyện với nhau cho tiện. Có lẽ nội trong vòng ngày mai là xong. Máy móc, dụng cụ mình có sẵn cả. Bây giờ... Thôi, ta đi anh ! Chiếc xe này là của anh đó. Cả hai leo lên xe “ tà tà “ đạp qua câu lạc bộ, vòng Hội trường rồi bọc theo hông nhà cảnh vệ, án ngữ đường rẽ vào khu vực Văn phòng. Thấy mấy anh em lính cảnh vệ lúi húi ở sân sau, kẻ lau súng, người chặt giây cáp làm bẫy thú, “ Hai chủ tịch “ dừng lại hỏi : - Tình hình cải thiện sinh hoạt của mình độ này khá chứ, các đồng chí ? - Dạ ! Một lính cảnh vệ trả lời. Báo cáo Thủ trưởng tươi lắm ạ ! Chiều hôm qua dính được hai con bò rừng. Đáng lẽ nhiều hơn, vì cả một bầy bò đông càn qua khu vực bẫy nhưng có mấy cần bị nó bẻ gãy kẻo đi mất dây. Mỗi con cũng tới 500 kí thịt. “ Hai chủ tịch “ giải thích cho Thọ hiểu : - Thịt bò rừng mềm và ngon lắm anh. Ngon hơn thịt bò nhà nhiều. Thêm nữa là loại bò rừng to lắm, như trâu cổ, mập tròn không khác cái ống chỉ. Cho nên lúc đầu tôi nghe nói mỗi con lấy được 500 kí thịt tôi không tin. Đến chừng được anh em dẫn đi xem mới thấy là đúng. Và “ Hai chủ tịch “ dặn anh em : - Trưa nay có anh Ba (tức Thọ) đến chơi, ăn cơm với tôi, đâu các đồng chí cố gắng tìm xem mấy luồng bẫy gà có được gà lôi hai cò ngãng gì không. Tôi muốn đãi anh mấy món mới chớ bò với nai mãi cũng nhàm đi. Một anh cảnh vệ đứng dậy nhoẻn miệng cười : - Dạ báo cáo Thủ trưởng, hiện giờ trong nhà có 4 con cò ngãng với 2 con cheo. - Ừ, được đấy ! Đồng chí cho tôi xin mấy con cò ngãng đi, còn cheo để lại các đồng chí. Anh cảnh vệ mang ra cột lại thành chùm. “ Hai chủ tịch " máng vào ghi đông xe đạp và cỡi đi. Thọ cứ nhìn mãi mấy con cò ngãng, lấy làm lạ sao nó không giống con cò chút nào. Nó giống con cút, hay gà con cỡ nhỏ thi đúng hơn. Cũng như Thọ hãy còn thắc mắc về cái danh từ Thủ trưởng lần đầu tiên trong đời được nghe. Nghe anh cảnh vệ nói, Thọ cứ chống mắt ngạc nhiên. Đường đi tuy không rộng nhưng suông sẽ, bằng phẳng, cỡi xe không khó khăn chút nào. Trên đầu, cành cây đan vào nhau kín mít, mát rượi. Không khí buổi sáng của rừng, yên tĩnh, nghe nó dễ chịu làm sao. Thọ thong thả đạp xe, vừa đạp vừa suy nghĩ lan man về cái chuyện cò ngãng và Thủ trưởng. Nhà của “ Hai chủ tịch xe ngựa “ nằm trên một gò cao. Ở phía sau hơn mươi thước là một con suối nhỏ. Phía trước có một cái sân quét dọn sạch sẽ. Trong sân, còn chừa lại những cây ngành ngạnh và sim vừa làm sân được mát vừa che mắt được phi cơ. Hai bên sân có hai cái băng dài làm bằng thân cây nhỏ chôn sâu xuống đất, có chỗ dựa đàng hoàng, để mỗi khi mát trời hoặc có khách đông có thể ngồi “ hóng mát “, đàm đạo thú vị hơn. Dựng xe đạp tựa vào băng cây, “ Hai chủ tịch xe ngựa “ vui vẻ : - Đây là nhà tôi đó anh ! Và đưa tay khoa một vòng về phía trái, phía phải của ngôi nhà : - Đó là nhà của anh Khanh, anh Đằng, kìa là nhà mấy anh em bảo vệ, nhà bếp, nhà ăn... Thọ đưa mắt nhìn theo, những nhà nho nhỏ hiện qua lớp le rừng và cây tạp của rừng thưa. Những nhà này nối liền nhau bằng những con dường mòn rộng, phẳng và sạch. Quanh nhà, những cây con, những nhánh thấp, những bụi rậm được đốn hế, phát quang để tránh làm ổ cho muổi, rắn, rết. Bước vào nhà, chưa kịp ngồi yên xuống ghế, “ Hai chủ tịch xe ngựa “ hỏi ngay : - Anh dùng chi, anh ? Cà phê nhé ? - Vâng, xin anh !
      cảm ơn bác,bài viết của bác rất hay,đúng là cái e đang cần
      Oánh dấu cái,sau này cần nhất định sẽ qua phụ bác



    2. ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH

      8 giờ đêm 18-12. Lúc Thường vụ còn đang hội ý chưa ngã ngũ ra sao thì nhận được điện của Hànội báo cho biết là ngày mai, 19-l2-60, Bộ Chính trị sẽ có đại diện dến tham dự Đại hội để tham quan và điều nghiên tình hình. Không cần phải nói, tất cả Thường vụ Đảng bộ, ai ai cũng biết đó là đồng chí Trường Sơn, tức là Đại tướng Nguyễn chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách về Nông dân và Thanh niên, kiêm Chính ủy toàn quân của quân đội miền Bắc.

      Vậy là Đại hội không thể kéo dài, khai mạc đúng theo dự định. Nhưng phòng hờ Đại tướng đến trễ, ngày khai mạc được dời lại môt ngày tức ngày 20-12-60.

      Quyết định này được thông báo ngay tức khắc cho Thọ và các nhân vật trong Ban Vận động biết. Tuy nhiên, tin sẽ có Đại tướng Nguyễn chí Thanh được miền Bắc cử đến thì không hề tiết lộ.

      Cho nên sáng ngày 19-12-l960, trong buổi lễ kỷ niêm “ Ngày toàn quốc kháng chiến “ cử hành tại vườn hoa Ba Đình, Hànội, chiếc ghế cố hữu dành cho Đại tướng Nguyễn chí Thanh trên khán đài bỏ trống, không có ai ngồi.

      Trong giới ngoại giao cũng như báo chí, người ta rất quan tâm đến sự kiện ấy. Người ta thắc mắc tự hỏi,bàn tán nhau về lý do vắng mặt. Không ai biết gì cả. Các câu hỏi được nêu ra, nào bệnh hoạn, nào bị thanh trừng vì vụ cải cách ruộng đất, công tác bí mật v.v…

      Nhưng đến tối ngày 20 tháng 12 năm 1960, đài phát thanh Hànội loan tin Đại hội thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam khai mạc thì mọi người đều tự giải đáp được thắc mắc.

      Tin Mặt Trận được thành lập được tung ra làm dư luận xôn xao, vì nó báo hiệu cho cuộc chiến tranh, cuộc giết chóc tàn bạo, đau thương ở miền Nam bắt đầu phát triển mạnh. Máu và nước mắt sẽ đổ tràn trên mảnh đất nhỏ bé này...

      8 giờ tối ngày 18-12-60, giờ Đông Dương, tức 9 giờ tối, giờ Saigon, tất cả đại biểu dự Đại hội đều được báo tin phiên họp hoãn lại đến 20-12 vì lý do kỹ thuật. Thực ra, lý do chính là còn chờ “ đồng chi Trường Sơn “ đến vào ngày 19-12. Lý do thứ yếu là chậm lại một ngày biết đâu sẽ có thêm được nhiều đại biểu vì trục trặc sao đó, không đến kịp ngày.

      Đồng chí Trường Sơn đến, vừa là cả “ một vinh dự “ cho “ miền Nam “ nói lên sự quan tâm đặc biệt cũng như nỗi lo âu của Bác, của Bộ Chính Trị và Trung ương Đảng ở Hà nội, vừa là để chỉ thị lần cuối cùng về chiến lược, chiến thuật, đường lối chính sách của Đảng trong giai đoạn hiện tại.

      Và “ đồng chí Trường Sơn “ đến thực. Chiều ngày 19-12-60 “ người ta “ thấy có sự hiện diện của “ đồng chí Trường Sơn " ở khu vực Đại hội nhưng “ người ta “ không làm sao biết được, hiểu được “ đồng chí Trường Sơn “ đến hồi nào, đến bằng phương tiện nào, đi bằng cách nào, đi bằng ngõ nào, bằng con đường Nam Vang - Mimot, hay Nam Vang - Sway Riêng, hoặc nhảy dù ? Không ai rõ cả !

      Dĩ nhiên danh từ “ người ta “ dùng ở đây, phải hiểu là một số ủy viên của Trung ương cục miền Nam, một số khu ủy viên và những cán bộ trung cao cấp của Đảng đã từng ra Bắc vào Nam, từng biết mặt Đại tướng Nguyễn chí Thanh trước kia, chứ đại biểu của đại hội mà không thuộc vào loại vừa kể trên thì “ sức mấy “ biết được đồng chí “ Trường Sơn “ là ai ?

      “ Người ta “ ở đây chỉ là một số nhỏ, ngạc nhiên hỏi thăm nhau, lấy mắt báo hiệu nhau để mà phấn khởi :

      - Có Đại tướng Nguyễn chí Thanh đến !

      - Chắc không ?

      - Mình thoáng thấy đằng khu nhà của an ninh. Giống lắm ! Không thể lầm được. Cảnh vệ không cho vào, chứ không mình đã vào để xem cho rõ mặt.

      - Gấp gì, tối nay hoặc mai mình gặp ngay chứ gì !

      Để gây thêm phấn khởi và niềm tin cho đại biểu, một mặt để Thường vụ lâm thời Trung ương Cục Miền Nam không bị khách khuấy phá, đủ thì giờ họp mật với “ đồng chí Trường Sơn “, Ban Tổ chức được lịnh mời tất cả các đại biểu đến hội trường dự buổi chiếu phim và đoàn văn công trình diễn văn nghệ.

      Tnrớc khi trình diễn văn nghệ, xem chiếu bóng, Huỳnh tấn Phát thay mặt Ban Tổ chức nói chuyện với đại biểu ít phút. Phát nói hôm nay 19-12-1960 là lễ kỷ niệm lần thứ 14 ngày toàn quốc kháng chiến. Phát nhắc lại lịch sử VN bị trị, những cuộc kháng chiến tuần tự tiếp nối cho đến ngày VM cướp chính quyền, tình hình từ 18-9-1945 đến 19-12-46, rồi cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) cho đến hôm nay. Không cần phải nói, ai cũng biết rằng lịch sử mà Phát trình bày, đúng theo quan điểm lập trường của Mác xít, đúng theo lý luận, tài lệu của Đảng. Sau cùng Phát báo cáo và giới thiệu đoàn Điện ảnh Nhân dân, và văn công nhân dân.

      Ít phút của Phát dài gần 1 tiếng đồng hồ. Cũng may, Phát chỉ tóm tắt ý nghĩa ngày lễ cũng như lịch sử thôi đấy. Trên hàng ghế đầu, Thọ lẳng lặng ngồi nghe, miệng cười rất tươi với tất cả hào hứng và phấn khởi.

      Kế tiếp, Trần Bạch Đằng thay mặt đoàn Điện ảnh và Văn Công giới thiệu tiết mục và chào mừng đại biểu đến dự đại hội. Có những cuốn phim được Đằng giới thiệu đến : “Vợ chồng A Phủ” (của “Trung quốc vĩ đại” thực hiện theo kịch bản của nhà văn Tô Hoài), “ Chiến thắng Tây Bắc “, “Chiến thắng Điện Biên “ và “Chung một dòng sông”. Mở màn cho đêm trình diễn là màn đồng ca “Giải phóng miền Nam” của nhạc sĩ Huỳnh minh Siêng. Đằng giới thiệu và ca tụng đặc biệt, khen hết lời bản nhạc này, mục đích để giới thiệu và gây ấn tượng về bài ca mà mai đây sẽ được đề cử làm quốc thiều. Nếu không ca tụng hết lời, không quảng cáo dữ dội nhỡ họ không thèm nghe có phải “chết cửa tứ” không ? Giữa những cuốn phim sẽ có những màn đơn ca, tốp ca và vũ để chờ thay phim mới.

      Quả thực, mãi theo dõi chương trình văn nghệ dài dằng dặc ở Hội trường, không ai để ý đến cái “linh hồn của đại hội” và những kẻ có quyền thế nhất với những quyết định tối hậu mà “đồng chí Trường Sơn” đang thảo luận, chỉ thị cho thường vụ Đảng bộ Trung ương Cục Miền Nam về kế hoạch lãnh đạo, về “nhiệm vụ mới trong tình thế mới” qua cái bình phong Mặt Trận được thành lập vào ngày mai (20-12-1960).

      Như điện đã nhận được, Trung ương (Hànội) chấp nhận toàn bộ nghị quyết và báo cáo của Trung ương Cục Miền Nam, cứ tiếp tục chuẩn bị chu đáo cho Đại hội, mặt khác Bộ Chính Trị sẽ cử đại biểu đến chỉ thị sau. “Đồng chí Trường Sơn xác nhận lại lần nữa ý kiến thuận của Bác, của Bộ chính trị và Ban Bí thư trung ương Đảng. Bác và Bộ chính trị có nhắn gửi :

      -… Nhờ tôi trao đến các đồng chí sự thương nhớ vô biên, lời thăm hỏi nồng nàn thân thiết nhất và hôn mỗi đồng chí một chiếc hôn. Nhắc đến các đồng chí Bác khóc đấy !

      “Anh Hai chủ tịch xe ngựa, Tư Thắng, Tư Khanh, Năm Quốc Đăng mắt sáng ngời lên. Xúc động, sung sướng ra mặt. Thật là nó phơi phới trong lòng. Chờ cho mấy câu nói động viên tình cảm của mình làm xúc động “ các đồng chí thân yêu ", ngấm kỹ vào từng thớ thịt, “ đồng chí Trường Sơn “ mới nói tiếp đến nhũng vấn đề khác. Kỹ thuật động viên của đồng chí ủy viên Bộ Chính Trị quả lên đến mức thượng thừa, thuộc về hàng đại cao thủ.

      Tiếp đến, “ đồng chí Trường Sơn “ cho biết Trung ương rất đồng ý đặt Nguyễn hữu Thọ vào danh vị Chủ tịch Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam và Trung ương sẽ mở chiến dịch tuyên truyền giới thiệu ở ngoại quốc về đường lối của Mặt Trận và cơ cẩu tổ chức đó. Bộ Chính Trị chỉ thị Thường Vụ Trung ương Cục Miền Nam phải trực tiếp chỉ huy, lãnh đạo quân đội, nắm các lực lượng võ trang. Nghĩa là đảm nhận luôn công tác của quân ủy. Các cấp khu, tỉnh, huyện, xã cũng vậy, Đảng ủy của từng cấp lãnh đạo trực tiếp về quân đội, quân sự ở cấp đó. Có như thế, chỉ thị, chánh sách của Đảng mới được thi hành một cách triệt để nghiêm chỉnh. Trung ương đã chỉ định 4 đồng chí ủy viên và cán bộ quân sự cao cấp Trung ương Đảng bổ sung vào thành phần lãnh đạo Quân ủy. Đó là đồng chí Trần Lương, Trung tướng ở Tổng Cục Chính Trị.

      Đồng chí Trần Lương sẽ là Tư lệnh các lực lượng võ trang, bán võ trang, đảm nhiệm chức vụ ủy viên quân sự về phía Mặt Trận cho nó hợp pháp, hợp lý ở chính quyền. Tên Trần Lương được đổi lại là Trần Nam Trung.

      Đồng chí thứ hai là Thiếu tướng Trần văn Trà, vừa được thăng Trung tướng, Ủy viên dự khuyết Trung Ương Đảng, Chủ tịch Ủy Ban Miền Nam.

      Đồng chí thứ ba là Lê trọng Tấn, Thiếu tướng, cũng vừa được quyết định thăng Trung tướng, trước là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312, rồi Sư đoàn 312 - sư đoàn chủ công Điện Biên Phủ đang ở Tổng Cục Tham Mưu. Và đồng chí thứ tư là đồng chí Trần Độ, cùng cấp bậc với Lê trọng Tấn, trước là Chính ủy Đại đoàn 312, rồi Sư đoàn 312, coi như là một trong những người có công nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

      “Đồng chí Trường Sơn” nhắc lại chiến thuật của Đảng áp dụng trong giai đoạn hiện tại (1960), dù rằng trong Ban Thường Vụ Trung ương Cục Miền Nam không ai là không biết quá rõ về vấn đề này. Nghĩa là, sau Hiệp định Genève 1954, VN bị phân chia thành 2 vùng Nam Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Miền Nam thuộc vùng quốc gia kiểm soát, trong khối Thế giới tự do và Miền Bắc thuộc vùng Cộng Sản kiểm soát, trong khối Xã hội chủ nghĩa. Tất cả hai bên đều phải triệt thoái hết những tổ chức chính quyền cũng như quân đội của mình khỏi phần đất địch.

      Do đó, về mặt pháp lý không bên nào có quyền để lại một tổ chức, một lực lượng quân sự dù nhỏ đến đâu để hoạt động quân sự hay chính trị chống lại chính quyền, bộ máy nhà nước trên phần đất không thuộc vùng kiểm soát của mình. Tất cả mọi hành vi có mục đích trên đều vi phạm Hiệp định Genève. Ủy Hội Quốc Tế có nhiệm vụ kiểm soát, giám sát việc thực thi nghiêm chỉnh Hiệp định này.

       Nhưng trên thực tế lại khác. Sau Hiệp định Genève, Pháp vẫn còn cài lại hàng mấy trung đoàn Biệt động quân để hoạt động phá hoại và một số tổ chức bí mật khác, làm chính quyền miền Bắc mất ăn mất ngủ mấy năm liền. Chính quyền miền Bắc phải áp dụng tất cả mọi biện pháp như kiểm tra nhân khẩu, phân phối thực phẩm theo phiếu kíểm tra, kiểm tra thành phần, cưỡng bách lao động, cưỡng bách vào đoàn thể, phát triển màn lưới công an nhân dân và triệt để đàn áp, thanh trừng mọi thành phần trung, phú nông, địa chủ, tiểu tư sản, trí thức tư sản v.v... thực hiện chế độ vô sản chuyên chính mới phục hồi lại sự an ninh, kiểm soát chặt chẽ như ngày nay.

      Ở miền Nam, việc cài lại các lực lượng quân sự, bán quân sự hay những tổ chức chính trị được tổ chức chu đáo, có hệ thống, có kế hoạch quy mô hơn nhiều. Hệ thống đó tổ chức từ xã lên huyện, lên tỉnh, lên khu đến Trung ương, và từ Trung ương đến Hà-nội. Riêng về các lực lượng quân sự, bán quân sự tuy cài lại nhưng trong giai đoạn đầu chỉ làm công tác chính trị, dân vận xây dựng cơ sở quần chúng. Súng ống, vũ khí đạn dược đem chôn dấu chờ khi có lệnh mới. Chính quyền miền Nam cũng biết rõ như vậy, nên giống như Hà-nội, Sàigòn cũng áp dụng mọi biện pháp để thanh toán cho kỳ hết những lực lượng, những tổ chức này. Nhưng chính quyền Diệm Nhu giao trọng trách gần như hoàn toàn cho Công an Cảnh sát, mật vụ mà nhẹ về chính trị cũng như giáo dục. Cho nên vào những năm cực thịnh của chính quyền Diệm Nhu (1957-1958) nhìn chung thì thấy hầu như mọi cơ sở của Cộng sản để lại Miền Nam đều tan vỡ hết. Thực sự mọi hoạt động của họ không phải tan vỡ hoàn toàn mà chỉ rút lui triệt để vào bí mật, tạm thời ngưng hoạt động để gầy dựng lại cơ sở đó thôi.

      “Đồng chí Trường Sơn” kiểm điểm lại tình hình đó để nhắc lại việc dù sự có mặt của Ủy hội Quốc tế chỉ là một trò chơi vô thưởng vô phạt. Nhưng dù khinh thường hay không khinh thường Hiệp định Genève, về mặt pháp lý và công luận thế giới không thể xem thường, không thể vi phạm Hiệp định một cách trắng trợn, công khai thế nào cũng được. Bây giờ muốn phát động lại phong trào đấu tranh vũ trang tại Miền Nam thì về mặt pháp lý, muốn cho danh chánh ngôn thuận, cũng như che dấu được sự chỉ đạo chiến tranh của Miền Bắc và tất cả cơ cấu tổ chức của Miền Nam “ không do Miền Bắc điều khiển “ thì phải tạo cho nó một bộ mặt có vẻ Nhân dân quần chúng đặc hiệu Miền Nam, với những nhân vật miền Nam “ ngây thơ “ và có vẻ “ ô hợp “ mới có thể lường gạt được pháp lý và công luận thế giới. Vì những lý do đó, cần phải công bố gấp cái “ Mặt trận “ mà Đảng đã tạo nên.

      Giai đoạn hiện tại là giai đoạn khởi đầu của cuộc chiến tranh đặc biệt, lấy vũ trang làm hậu thuẩn cho việc xây dựng cơ sở chính trị, cơ sở Đảng, lấy chiến thuật du kích làm căn bản, phá hoại, khuấy rối, lật đổ chính quyền các cấp của địch để làm nền tảng cho Cách mạng, phô trương thanh thế Cách mạng, hạ uy thế địch để buộc địch và thế giới chấp nhận sự có mặt của cuộc cách mạng do “ Mặt trận Giải phóng “ lãnh đạo (chứ không phải do Đảng Lao động, do Hànội !) Sau đó củng cố cơ sở, phát triển du kích tiến lên chủ lực chính quy, tiêu hao rồi tiêu diệt sinh lực địch, chuẩn bị tổng công kích cướp chính quyền trên tay địch.

      Vì những lý do ảnh hưởng về chính trị cũng như pháp lý không thể chối bỏ được của hiệp đinh Genève, những nhân vật của Đảng, của Miền Bắc không thể có mặt một cách công khai, mà phải hết sức bí mật.

      “ Đồng chí Trường Sơn “ giải thích về trường hợp của mình :

      - Như trường hợp tôi, các đồng chí thấy đấy. Phải tuyệt đồi giữ bí mật, phải hết sức cảnh giác. Có tinh thần cảnh giác cách mạng cao độ mới bảo vệ được thực lực của Đảng. Từ nay các đồng chí chỉ biết Bí danh tôi là Trường Sơn, tên bên ngoài để gọi, để xưng hô. giới thiệu với mọi người là Sáu Vi. Cái tên Nguyễn chí Thanh xem như là quá khứ, không thuộc về hôm nay nữa.

      Vậy là kể từ đó mọi người chỉ biết có anh Sáu Vi, tức Trường Sơn qua những Báo cáo đảng, qua những bài Bình luận trên tờ báo của Đảng ( “ Tiền Phong “ ), của quân đội ( “ Quân Giải Phóng “), của Mặt trận (“ Giải phóng “, “ Cứu quốc “) được phát hành toàn Miền. Đôi khi để thay đổi không khí, bút hiệu Trường Sơn trên báo còn được thêm vào hai chữ “ Hạ sĩ “ tức Hạ sĩ Trường Son cho nó có vẻ văn nghệ đôi chút.

      Về trường hợp của 4 tướng Trần Lương, Trần văn Trà, Lê trọng Tấn và Trần Độ, anh Sáu Vi cho biết thêm là cũng vì lý do chính trị và nguyên tắc cảnh giác Cách mạng, nên các đồng chí đó chưa thể vào Nam ngay được. Danh sách của các ủy viên trong Mặt trận vẫn không thay đổi chỉ trừ ủy viên Quân sự, trước đây chỉ định Trần công Khanh nhưng bây giờ, vào phút chót Bộ chính trị chỉ định Trần Lương thay vào đó dưới cái tên mới Trần nam Trung. Vì vậy ngày mai, Trần công Khanh sẽ thay mặt cho ủy viên quân sự Trần nam Trung báo cáo về tình hình quân sự trước đại hội. Bởi nhu cầu hiện tại đòi hỏi, đồng chí Trần công Khanh chỉ là đại tá, không thể đảm trách nổi công tác quân sự trước mắt.

No comments: