Friday, February 27, 2015

VÕ HOÀNG * GÓC BỂ BÊN TRỜI IV

 

 Góc Bể Bên Trời (16)

VÕ HOÀNG
“Đảo Paulo Kanglam là đảo này đây. Từ đây mà đi xuống tới con kênh cũng mất nửa ngày. Nếu mình không ghé ở Bali thì phải nghỉ máy ở đây.”
“Vô đây đi Thanh. Đừng ghé đảo lớn sợ gặp cảnh sát lôi thôi lắm.”
Thanh cũng nghĩ như Chí. Nước uống sắp cạn, cần phải lấy thêm mặc dầu nước đá vẫn còn đủ cho bọn anh đi tới Úc. Thanh bước vô cabine, quăng mạnh xấp bản đồ lên bục:
“Lòn qua mặt bên kia kiếm chỗ êm hơn đậu nghỉ máy ít tiếng đồng hồ, tối chạy tiếp.”
Triều không nói gì, chỉ bập bập điếu thuốc.
Ba giờ chiều mà trời không có nắng, lại còn lành lạnh. Thanh chồm người lấy cái áo khoác của Canh, rút hai chân co vào ngực, nhìn vào đảo.
“Trên này chắc có người ở. Đảo cũng lớn lắm, Triều hả?”
“Ừ.”
Thanh lay thằng Hòa đang quấn một cục to tướng trong góc sàn cabine, sát phòng lái:
“Dậy. Dậy. Vô lấy nước, Hòa.”
Thằng nhỏ ngóc dậy, ngó bâng quơ, vừa định kéo chăn trùm tiếp thì Thanh vò đầu, la tiếp:
“Dậy đi, dậy hết đi.”
Triều bớt ga, máy chạy chậm chậm tìm chỗ tốt bỏ neo. Bất chợt đàng trước thằng Minh Quảng Ngãi la lớn:
“Có người, trên đảo có người.”
Ba bốn người, mỗi người một chiếc xuồng bơi dọc theo bờ biển cát trắng, nhìn đúng chỗ là thấy rất rõ. Thanh bước ra ngoài sau khi nói với Triều:
“Để ga nhỏ nhỏ, đừng lớn lắm, chạy vô trong một chút đi.”
“Tụi này đi xuồng giống mọi quá, Thanh hén.”
Thằng Chí nói xong thì đi lần về phía sau, nó hét tụi kia soạn thùng nhựa sẵn sàng chút nữa lấy nước ngọt. Thanh vịn tay vào cái bè bên trái, cố nhìn cho rõ ở trong để đánh giá mức độ an toàn cho mình khi phải ghé vào đó. Suốt một dọc bãi cát trắng, có thêm vài chiếc xuồng được kéo, kê hờ hững, không thấy một mái nhà nào trên đó.
Có gì bên trong?
Đảo Kanglam lớn bằng hai hòn Xưởng, nhưng chắc cũng có người. Dân Nam Dương, trước Thanh học địa lý có biết, đông và kém văn minh. Có nhiều nơi chính phủ trung ương vẫn chưa kiểm soát được. “Không biết tụi này có cà răng căng tai và ăn thịt người hay không?”
Ba chiếc xuồng có người rẽ một vòng ngắn rồi bơi thẳng ra ghe. Lúc này, khoảng cách còn chừng hai trăm thước.
Nhựt, anh em bà con với thằng Minh Quảng Ngãi đi lần về phía Thanh, nói nhỏ:
“Tui nói tiếng Nam Dương được chút chút, để tui hỏi thăm tụi nó nghe anh Thanh!”
“Nhớ là mình chỉ chủ ý ghé lên lấy nước ngọt thôi nghe. Không ổn thì thôi, ghé đảo lớn cũng được.”
“Dạ, để tui hỏi thử.”
Mười mấy cái thùng nhựa sẵn sàng để dọc theo be. Thằng Chí cẩn thận móc những khúc cây vạt nhọn đầu ở hầm mũi lên, quăng cho mấy thằng đang đứng xớ rớ đằng trước. Tất cả im lặng.
Đàng sau cũng im tiếng mấy bà.
Tới gần hơn. Ba người dân Nam Dương không mặc áo, chỉ có một mảnh chăn quấn ngang bụng, không giống váy, cũng không giống xà rông của người Thái. Da tụi nó đen bóng như thoa mỡ.
“Hỏi tụi nó, đây là đâu, Nhựt?”
Thằng Nhựt làm loa tay nói líu lo như mọi trong các phim thám hiểm. Tụi kia đồng loạt ngưng chèo. Một trong ba thằng đáp lại.
“Nó nói là cái gì đó, tui không hiểu. Mà thấy tụi này có vẻ hiền lắm, anh Thanh à.”
“Ừ, hiền thì hiền, nhưng nói với tụi nó, mình cần nước uống thôi, vô lấy xong thì đi ngay.”
“Chắc được!”
Khi ba chiếc xuồng áp sát vào ghe, hai ba đứa ở Nam Dương lâu ngày khom người xuống nói xí xố xí xào, thằng Văn la to bằng tiếng Anh:
“Nước, nước.”
Nó cầm cái thùng nhựa đưa lên cao.
Thằng Nhựt quay lên:
“Tụi nó biết rồi, tụi nó chỉ ở đầu gành đàng kia có nước, mình chạy ghe về phía đó đi anh Thanh.”
Thanh nhìn về hướng tay thằng Nhựt và thằng Nam Dương cùng chỉ. Những gành đá không lớn mà dài nằm san sát trên mặt nước. Chung quanh, rong rêu và bọt biển nổi lều bều chứng tỏ không được an toàn lắm. Anh nói:
“Chắc mình chỉ đậu được ở đây thôi rồi đổ bộ về đó lấy nước. Chạy ghe qua đó nguy hiểm lắm.”
Thanh nghĩ lại mấy tháng trước lúc ghé lại hòn Gầm Ghì cho người dưới ghe lên bờ đã bị kê lên đá. Mối nguy lớn tới độ xuýt nữa anh, thằng Hòa và hai thằng nhỏ nữa bỏ xác ngoài khơi nếu không gặp ghe Thái Lan vớt kịp. Thật thì ghe chỉ bị dộp một ít dưới đáy, nhưng chạy đường trường thì cái nguy càng lúc càng lớn. May là bọn anh đi được suốt đêm và nửa ngày hôm sau nữa, tới được lằn đánh cá của tụi Thái Lan.
Còn bây giờ, “có bề gì, lo làm sao nổi.” Trong khi mình vẫn có thể làm được chuyện với một chút khó khăn hơn, mà an toàn.
“Anh Thanh, nó nói mình cho nó tấm lều vải, nó sẽ chở nước ra đây cho mình.”
“Đâu được!” Chí nói. “Lều vải để che mưa che nắng mà cho cái gì, mình có một cái thôi mà.”
Thằng Nhựt quay xuống phân bua với người Nam Dương, cả hai thằng đều có vẻ không được vui.
Thanh thấy vấn đề không phải ở chỗ đặt điều kiện này nọ để trao đổi mà ở chỗ anh biết được những người trên đảo không có ý xấu với bọn anh là tốt rồi. Anh nói với thằng Phong đang đứng gãi đùi bên cạnh:
“Lấy mấy cái áo, cái quần lính, đồ của Liên Hiệp Quốc cho, cái nào không xài đem ra cho tụi này, chắc tụi nó cũng khoái như thường. Tụi này nghèo quá.”
Phong quay đi một lát, nó ôm ra một đống đủ thứ quần áo lâu nay nằm lang thang trong hốc kẹt. Thằng Nhựt vớ ngay một cái có vẻ tốt nhất, cúi xuống.
Kết cuộc, những người Nam Dương bơi xuồng trở vô với những cái thùng nhựa và đống quần áo cũ. Tụi nó có vẻ hài lòng lắm.
Thằng “bộ đội” chợt la bai bải:
“Chết mẹ rồi, cái áo của tui!”
“Kệ!” Phong cười. “Đồ Việt Cộng để làm gì?”
“Kỷ niệm! Tui để dành, nhớ ông già tui.”
“Mẹ mầy, ông già mầy là Việt Cộng hả? Qua Úc, người ta cho mầy đồ ‘vét’ mà mặc, mặc chi mấy cái thứ đó. Cảnh sát Úc còng tay mầy.”
Thằng “bộ đội” nín khe.
“Chắc tụi này không phản phé đâu Thanh há. Tụi này hiền quá.”
“Tụi nó hiền thiệt. Thôi bây giờ tắt máy nghỉ một lát, nấu cơm ăn tối chạy tiếp.”
Hùng, Hồng, Nghiêm dở hầm số hai lôi lên mấy con cá bè khô xách về phía sau. Tiếng chẻ củi phá rách không khí im vắng của buổi trưa âm u ở đây. Cảnh vật chung quanh gần như bất động, trông sao mà buồn quá.
Nửa tiếng đồng hồ sau thì một loạt sáu bảy chiếc xuồng từ trong bãi cát bơi thẳng ra. Không thấy những cái thùng nhựa bên trên. Thằng Triều tặc lưỡi:
“Mẹ, mấy cái thùng đâu hết trơn rồi. Có chuyện gì nữa đây!”
Tới gần thì rõ ra rằng những cái thùng nhựa chứa đầy nước ngọt vặn cứng nắp được cột dọc theo hai bên xuồng chìm dưới nước. Tụi này cột thùng bằng một loại dây rừng mà ở Việt Nam không thấy có. Trên xuồng, ngoài mớ quần áo cũ lúc nãy, có thêm những trái bí rợ to tướng.
Thằng Nhựt chỉ trỏ mấy trái bí, nói cười huyên thuyên, hai ba thằng Nam Dương cùng cười.
Những trái bí được chuyền lên trước tiên rồi lần lượt những cái thùng nước. Thằng Chí trở ra với thêm một đống quần áo ôm trước bụng. Nó quăng xuống một chiếc xuồng gần nhất. Mấy người Nam Dương thoáng một chút ngạc nhiên.
Tình hình cởi mở và vui vẻ hơn khi thằng Nhựt cho hay, những người Nam Dương sẽ chở thêm bí và thịt ra cho. Hỏi thịt gì thì thằng Nhựt không biết.
Tám cái thùng nhựa nước ngọt được đổ vội vàng vào thùng chứa và quăng trở lại xuồng. Còn bao nhiêu thùng khác, cả bọn chuyền nhau đem xuống hầm sau lái. Phải chờ thêm một chuyến nữa.
“Bí này dẻo mà ngọt lắm đó!” tiếng “cái bình hơi.” “Cậu Hùng đưa đây tui chặt cho. Nhỏ nhỏ thôi…”
“Sao chị biết ngọt, biết dẻo?”
“Đó, coi cái màu của nó.”
“Hay quá ta!”
Đàng sau xôn xao nấu nướng. “Cô thịt chó” với A Kiếu khệ nệ bê nửa cái thùng phuy chắt bỏ nước vo gạo. Thằng Nghiêm đứng cạnh đó, chỉ nhìn chớ không chịu tiếp tay. Thanh cảm thấy mắc cười trong bụng.
Gần nửa tháng nay, ít khi thằng Nghiêm léo ra chỗ mấy bà trú đóng. Nó với A Kiếu hình như không nói chuyện với nhau tiếng nào. Câu chuyện tình hình như đã không còn hấp dẫn như lúc ở trại đối với A Kiếu. Mà chắc thằng Nghiêm cũng muốn như vậy.
Cái đêm cuối cùng ở Djakarta, thằng “bộ đội” trên bờ xuống, thỏ thẻ với Trường rằng nó thấy A Kiếu ngồi ăn chè đậu đen với thằng Hải mà “hai người có vẻ tình lắm.”
Trường rầy nó:
“Chuyện của người ta, mầy xía vô làm gì. Con nít con nôi, kệ người ta.”
“Thì tui thấy vậy, tui nói vậy, xía cái gì đâu?”
“Vậy là xía rồi đó,” Thanh cười góp chuyện.
“Anh Thanh, sao anh Nghiêm làm tỉnh hay quá vậy. Tui thấy, tui phục ảnh ghê.”
“Vậy chớ như mầy, mầy làm tỉnh không được sao?”
“Đâu được anh, người ta thương mình, mình không thương lại là có tội chớ sao.”
Thằng Trường trề môi:
“Mẹ mầy. Mầy sợ tội với “con thịt chó” chắc!”
Thằng “bộ đội” nín ngay. Nó không muốn ai nhắc “cô thịt chó” trước mặt nó.
Chuyện thằng Nghiêm, Thanh chỉ mong cho nó được như vậy, ít ra cũng đỡ lu bu hơn. Chẳng qua, một đằng thì thờ ơ đã đành, một đàng thì cần thiết có sự che chở trên bước đường xa lắc không chắc tới bến tới bờ… Vậy cũng xong!
A Kiếu còn ông già bà già và hai đứa em ở Songkhla và nghe đâu có người anh ở Gia Nã Đại bảo lãnh, còn đang lo cho đủ tiền vé phi cơ là điều kiện của phái đoàn Gia Nã Đại như thế. Gia đình cô ở trại cả năm rồi.
Cô không đẹp, nhưng thật thà và làm gì cũng làm chí tình. Những ngày đầu, Thanh để ý thấy cô vẫn còn liếc trộm thằng Nghiêm mà sắc mặt không lộ vẻ gì gọi là cay đắng lắm, cho tới khi một buổi sáng mờ thay lái, Thanh thấy Hải và cô ngồi nói chuyện thì thào ngoài sau, cạnh thùng nước uống.
Mà sao thằng Nghiêm biết chuyện, lại có vẻ “khờ” hơn trước? Thanh nghĩ không ra.
Vợ thằng Phong cằn nhằn nho nhỏ gì đó, có lẽ đứa nào lấy mất cái áo khoác lâu nay cô ta dùng làm gối kê đầu. Xong thì ngồi ôm gối nhìn ra biển, không để ý gì đến xung quanh.
Mấy chiếc xuồng lại trở ra, vẫn mang theo nước uống, bí rợ và có thêm mấy xâu thịt khô. Thằng Nhựt nhăn mặt hỏi mấy câu. Một thằng dưới xuồng nói một hơi rồi cúi người giả cách bơi hai tay, mặt úp xuống.
“À, con vít cỏ,” Triều la lớn.
“Phải rồi, vít cỏ!” Phong la theo.
Thằng Triều làm như rành lắm, nó bô bô:
“Xứ tui kêu là vít cỏ, có nơi kêu là con thịt. Nó giống như con đồi mồi, con ba ba, con rùa đó mà.”
Thằng Phong ngồi hẳn xuống, lật qua lật lại mấy xâu thịt, chép miệng:
“Thứ này mà nướng vàng vàng, có rượu thuốc là uống chết bỏ.”
“Ê, có hai loại ‘thịt’ nghe!” Triều nói, nó cúi xuống. “Thứ này là ‘thịt mỏng’ nè, ăn được. Còn ‘thịt dày’ thì độc lắm. Người ta kêu là ‘vít lửa’ mà. Nó ăn toàn rong độc và sứa lửa, mình ăn nhằm một cái, trào máu họng, chết tại mâm luôn chớ phải chơi đâu.”
Những điều này, Thanh biết. Anh có nghe nhiều người chết vì loại thịt này rồi. Thằng “bộ đội” thắc mắc:
“Vậy làm sao biết được?”
“Sao không! Thịt dày cái thớ thịt của nó lớn hơn, mà trên lưng ít hơn mười ba vẩy. Thứ nào nhiều hơn mười ba vẩy là ăn được.”
Thằng “bộ đội” có vẻ phục nên gục gặc đầu, nói thầm thì:
“Ờ, ờ, vít lửa, ăn trào máu họng.”
Đứa nào cũng châu đầu vào cố xem cho được mấy xâu thịt khô. Những người Nam Dương nói với nhau gì đó rồi lấy dầm đập đập nước cho văng vào nhau, cười hăng hắc. Thanh thấy vui lây với cảnh vật ở đây.
Hoàn cảnh nào, xứ sở nào cũng vậy. Hễ có tiếng cười là con người thấy vui. “Mà kỳ! Tiếng cười và tiếng khóc của bất cứ giống người nào cũng đều giống nhau.”

Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.


 Góc Bể Bên Trời (17)
VÕ HOÀNG
3 giờ sáng ngày 24 tháng 3-1978.
Vịnh Bali vằng vặc ánh trăng đầy. Không khí ở đây dường như nhẹ hơn những nơi khác. Thanh cảm thấy lồng ngực tràn lan một thứ tình cảm dịu dịu mà mát rượi, nghĩ tới ai cũng vui được. Hình như đêm nay trăng rằm thì phải.
Neo lại nghỉ hơn một tiếng đồng hồ rồi mà Thanh vẫn chưa ngủ được. Tiếng hát “cái bình hơi” dù cho cố nén cách mấy cũng nghe tỏ rõ từng lời.
“Đêm khuya rồi, hát làm gì những câu hát đó, nghe buồn quá chừng,” Thanh nói thầm, nghe tiếp:
“Tình người sau cơn mê vẫn xanh
Dù bao tháng năm đau thương dập vùi
Trường quen vắng ta, mai ta lại về
Cùng theo lũ em học hành như xưa

Rồi đây qua cơn mê, xa cuộc đời bềnh bồng
Ta lại về bên em…”

Phải công nhận là tiếng ca truyền cảm không thua một ca sĩ thứ thiệt nào cả. “Cái bình hơi” chợt ngừng nói khẽ:
“Mầy gởi thơ về trại cho ổng rồi hả, Lược?”
“Cô thịt chó” tên Lược! Có lẽ chỉ gật đầu nên không nghe được tiếng trả lời. Chập sau, “cái bình hơi” nói tiếp:
“Đáng lẽ mầy không nên đi như vầy. Mấy đứa em mầy buồn chết. Mà mai mốt mầy cũng buồn chớ không phải chơi đâu nghe Lược.”
“Kệ! “Cô thịt chó” nói với giọng nhỏ xíu. Tui cũng lớn rồi, tui tự lo cho tui được mà!”
“Hồi đó mầy học tới lớp mấy?”
“Mới có lớp sáu thì giải phóng, nghỉ luôn.”
“Tao, thì tao rớt phần hai, bà già biểu nghỉ.”
“Cái bình hơi” cũng dân có học chớ không phải chơi đâu nghe. Thanh trở đầu qua một bên, lắng nghe.
“Mầy biết không, hồi đó tao học chưa có thằng con trai nào học lại tao mà. Con gái mà học toán mới hay chớ!”
“Hay, sao chị thi rớt?”
Có lẽ “cái bình hơi” suy nghĩ, nên trả lời chậm một chút:
“Năm đệ nhứt, kỳ đó, thi ai-bi-em mà, hên xui. Với lại tao học được có nửa năm, ông già chết, học hết vô.”
“Tui thì không ai chết hết mà ông già bà già cũng biểu nghỉ. Mà thiệt! Giải phóng rồi, đi học toàn là hát với lượm rác, không chán sao được.”
“Ừ, chán lắm.”
Rồi hai người cùng im lặng.
Thanh ngồi hẳn dậy, vươn mình kéo hộc tủ lấy thuốc hút. Anh bật diêm quẹt, ánh sáng chập chờn soi phòng lái chỉ có một mình. Đêm nay trời trong và mát, tụi kia kéo hết ra sàn ghe ngủ cả. “Cái bình hơi” lên tiếng:
“À, anh Thanh cũng không ngủ được hả?”
Không hỏi “sao chưa ngủ” mà lại hỏi “sao không ngủ được,” cô này hay thiệt. Thanh đáp:
“Ừ, nằm một hồi tự nhiên nhớ nhà quá!”
“Anh có đói không, Nhung nấu cái gì cho ăn nghe?”
“Thôi, cám ơn chị. Chị có đói thì nấu mà ăn. Còn cô Lược nữa đó, hai chị em nấu ăn đi.”
“Không, không. Nếu anh đói thì tụi này mới nấu, còn không thì thôi.”
“Thử nói chuyện lâu lâu với hai cô này coi sao.” Thanh gấp đôi tấm mền lại hất qua một bên, ngổi quay mặt ra sau, vừa cười vừa nói:
“Tôi nhớ nhà không ngủ được, hai người có nhớ nhà không mà cũng không ngủ?”
“Cô thịt chó” hớt lời:
“Nhớ chớ, nhớ chớ anh Thanh. Thường đêm em ngồi một mình, nhớ ba nhớ má…”
“Cái bình hơi” xen vô:
“Xí, mầy nhớ sao tự dưng mầy bỏ ổng bả mầy đi?”
“Vậy mới nhớ!”
“Nhớ thằng ‘bộ đội’ chắc!”
“Cô thịt chó” nín khe.
Thanh cười, đỡ lời:
“Phải rồi. Hồi ở với cha mẹ, có ai nhớ cha nhớ mẹ đâu. Đi khỏi rồi mới nhớ chớ!”
“Ra đời rồi mới biết,” “cái bình hơi” nói chầm chậm. “Nhung thì Nhung chỉ thấy tiếc mà không thấy nhớ.”
“Vậy là sao?” Thanh hỏi.
“Tiếc thật, anh Thanh à. Biết rằng con người ta sống đâu ai được trọn vẹn nhưng ít nhất mình có cố gắng chắc cũng khá hơn. Hồi Nhung ở nhà, chưa bao giờ dám nghĩ là mình phải làm cái này, phải làm cái nọ cho cha mẹ vui lòng. Ngay cả khi hay tin ông già chết trong trại cải tạo cũng còn chưa biết thương mẹ. Thiệt kỳ!”
Thanh im lặng, hơi xúc động. “Cô thịt chó” cũng không nói gì, và hình như cô cũng mới biết chuyện nhà của “cái bình hơi”.
“Mà phải chi mẹ Nhung đòi hỏi nhiều gì cho cam, đàng này bà chỉ mong chị em Nhung hiểu rõ hơn cái thân phận của mình rồi cố làm cho đừng khác người ta. Anh biết không, mầy biết không Lược, thiệt lâu lâu nghĩ tới, đứt ruột. Ông già bị bịnh ruột cả chục năm rồi, vô học tập mới nửa năm thì hết chịu nổi. Ở nhà hay được thì nó chôn đâu hồi nào rồi.”
“Làm sao mà ở nhà chị hay được?” “cô thịt chó” hỏi.
“Nhận được giấy báo tử! Bà già không khóc một tiếng, anh Thanh à. Mẹ Nhung không khóc một tiếng, nhưng thường thường, bà ưa ngồi yên lặng nhìn ra đâu đâu, nhất là ban đên, nhất là khuya…”
Thanh thở nhẹ. “Cái bình hơi” ngừng lời như đón nhận niềm thông cảm của người nghe chuyện.
Mà Thanh thông cảm thật. Bao nhiêu câu chuyện dù có cố nghĩ là được thêu dệt thêm, cũng không làm giảm đi cái tủi hờn đau đớn phải có của đời tủ, mà lại là tù Cộng Sản. Có những cái chết mà chỉ quỷ thần biết đến. Có những nỗi đau mà chỉ người tù và cai ngục cảm nhận ra được, Thanh nghĩ như vậy, bởi vì thật sự tất cả những sinh hoạt trong đời tù cộng sản đều được thực hiện theo một kế hoạch đã nghiên cứu tinh vi rồi.
Thanh lắc mạnh đầu, xua đuổi hình ảnh thằng cha Tám Nương với giọng cười hềnh hệch, đứng cạnh cổng chính nhìn vào hai ống chân anh, cái ngày rời trại Giồng Riềng. “Ghẻ khuyết ăn loét tèm lem ra trông giống như cái… mặt mẹ nó, rồi cười!”
Thanh nhìn “cái bình hơi”:
“Tù cộng sản ghê lắm, tôi biết. Tôi ở hết tám tháng mà. Thiệt tình là chỉ muốn trốn để chết, mà chưa dám.”
“Rồi sao, anh được thả hả?”
“Ừ. Ở nhà lo tiền mà. Bốn ngàn đồng, tiền mới.”
“Cô thịt chó” lè lưỡi:
“Hai triệu!”
“Ừ, hai triệu.”
“Anh tội gì?”
“Tội gì đâu! Nó nghe gì đó thì nó bắt!”
“Cái bình hơi” với tay lấy tấm mền đang đắp hờ ngang chân A Kiếu quấn vào người. Cô gái Tàu Chợ Lớn ú ớ mấy tiếng rồi lại ngủ tiếp. Thanh hịt mũi:
“Mấy cô gan thiệt. Biển cả sóng gió ghê gớm lắm sao rủ nhau mà đi như thể này. Ở trại chờ người ta bốc, cho sướng.”
“Mình thích là mình đi chớ, anh Thanh. Ở đời, làm cái gì mình thích làm mới có ý nghĩa. Nhung nghĩ, người ta ai cũng một lần chết, Nhung đâu có sợ.”
“Bữa nay, tưởng nói chuyện chơi cho vui ai dè ‘cái bình hơi’ làm thiệt như kiểu tâm sự.” Thanh quay qua “cô thịt chó”:
“Cô Lược vì cớ gì bỏ cha mẹ, em út ở trại mà đi? Cô không buồn sao?”
Cô gái nhỏ ngượng ngập cúi mặt, không đáp. Thanh nhìn thấy bàn tay bé tí xíu đang run run vò nhẹ lai quần thì đâm thương hại:
“Ừ, tôi đồng ý với cô Nhung là mình cứ làm những gì mình thích làm, miễn sao đừng phạm tội là được. Vấn đề chính yếu là ở chỗ đó.”
“Với lại phải sống cho đàng hoàng. Anh Thanh biết không, Nhung thì Nhung kỵ nhất là sống mà gạt người ta, với lại nói đàng này làm đàng khác.”
Cô nàng nhỏ giọng lại:
“Hồi ba Nhung còn sống, lâu lâu ổng về nhà một lần, mà ổng nói hoài, tín vi quốc chi bảo, chữ tín nếu ai cũng biết giữ thì nước yên, không loạn lạc. Như Nhung, hồi đi Nhung hứa với mẹ là sẽ lo cho thằng Thông tới nơi tới chốn, mà cái thằng thiệt không ra gì, cũng buồn…”
Thanh gục gặc đầu. “Cô nàng nói chuyện lộn xộn mà nghe ra cũng hết được. Ý nói làm người phải sống thành thật với nhau, rồi mượn cớ đó xin lỗi mình về chuyện làm của thằng em mấy hôm trước chắc!”
“Cô Nhung cũng rành chữ nho nữa à?”
“Không đâu, biết chút chút thôi. Ông già dạy tới đâu, biết tới đó chớ hay ho gì. Ở trường đâu có dạy…”
“Ba cô trước kia làm gì mà phải học tập?”
“Ông dạy học, rồi làm Thủy Lâm. Mấy năm sau này đổi tuốt lên Ban Mê Thuột. Phó trưởng ty đó!”
“Cô thịt chó” xen lời:
“Nhà chị hồi trước chắc giàu?”
“Giàu gì?”
“Thì phó trưởng ty…”
“Phó trưởng ty thì sao?” “Cái bình hơi” lớn giọng.
“Phó trưởng ty mà không giàu?”
“Mầy con nít mà cũng biết.”
Thanh phì cười:
“Thôi! Sao cô Nhung hay lớn tiếng với cô Lược quá vậy. Chuyện có chút xíu mà cũng muốn gây được.”
“Anh Thanh coi. Nó biết gì mà hỏi xách hỏi mé chuyện nhà Nhung. Bộ phó trưởng ty là phải giàu sao?”
Thanh không đáp lời, chỉ cười nhẹ. “Cái bình hơi” buông xẵng:
“Mà dù cho có ăn hối lộ thì cũng chỉ vì phải chia chác, đút lót cho mấy ông lớn ở trên để mà yên thân chớ giàu có gì. Nó hỏi giọng đó là ý nó muốn nói ông già Nhung không tốt chớ gì nữa.”
Thanh hết hứng nói chuyện với hai cô này rồi. Anh chống hai tay đẩy người lui về phía trước sàn cabine, chặc lưỡi:
“Tôi ít có ý kiến về chuyện đã qua. Nói một hồi sanh ra đủ thứ chuyện. Hai cô nhịn với nhau đi cho rồi.”
“Thì nói cho con Lược nó biết vậy mà, rầy rà gì nó. Nhung coi nó như em mà nó đâu có biết.”
“Cô thịt chó” thỏ thẻ:
“Thì tui cũng coi chị như chị tui, tui mới hỏi vậy chớ không, tui đâu có thèm hỏi.”
“Mà mầy hỏi cái giọng đó là không nên, mầy biết không?”
“Chắc tại tui dốt nên tui không biết.”
Thanh quay ra trước, cười thành tiếng. Hai cô gái chắc cảm thấy chuyện vừa rồi làm phật ý Thanh nên im luôn.
Thằng Hải có lẽ nghe tiếng nói hơi lớn của “cái bình hơi” nên không ngủ được nữa, từ trên nóc cabine thòng chân tìm chỗ tựa để leo xuống. Nó lầm bầm:
“Bàn đêm bàn hôm, nói chuyện nho nhỏ một chút cho người ta ngủ. Tiếng thanh quá!”
Không nghe tiếng “cái bình hơi” đáp lại. Cô nàng có lẽ biết đó là lỗi của mình nên im chắc. Thằng Hải kéo cửa hông cabine, lách mình vô:
“Anh Thanh cho em điếu thuốc.”
Thanh hất mặt:
“Trong hộc tủ đó. Có cả ống quẹt trong đó.”
“Đương ngủ, nghe ‘tiếng động lạ tai’, hết ngủ.”
“Thôi mầy.” Thanh cười nhẹ. “Đừng lớn tiếng, người ta nghe người ta buồn.”
Thằng Hải bật diêm châm thuốc. Nó lập bập mấy cái rồi cặp điếu thuốc, quơ quơ:
“Mai mình ghé vô đảo này không anh Thanh, hay đi luôn?”
“Đi luôn. Có mấy người đi lậu dưới ghe, tao sợ ghé vô gặp rắc rối. Mình còn đủ dầu đi tới Úc lận mà.”
“Bữa nay mấy rồi anh Thanh?”
“Hai mươi bốn, mai hai mươi lăm. Năm ngày nữa, nếu không có gì trục trặc, mình lọt vô hải phận Úc.”
Thằng Hải thấy Thanh tung mền ra đắp lên tới ngực, nó biết anh định ngủ, nói trỏng không:
“Trăng sáng quá, nằm ngửa trên kia khó ngủ ghê!”
Xong, nó lách mình ra và kéo cửa cabine lại. Thanh nghe tiếng nó mở nắp thùng nước uống và hỏi nhỏ:
“Lược uống nước không?”
“Mới uống.”
“Sao không ngủ đi, khuya rồi.”
“Ngủ không được.”
“Sao vậy?”
“Ai biết.”
“Ngủ đi.”
“Thì ngủ nè.”
“Ngủ sao còn ngồi đó?”
“Thì nằm.”
Có tiếng “cái bình hơi” cười khúc khích. Thằng Hải chắc ngượng nên không nói nữa và lọc cọc lạch cạch đạp chân vào vách cabine leo trở lên.
Đêm càng về khuya, trăng càng sáng. Thanh rút tay ra khỏi mền xem đồng hồ, hơn bốn giờ. Sắp sáng tới nơi. “Làm gì cũng phải ngủ cho thẳng giấc, hy vọng không ai làm ồn phá giấc sáng. Khi nào thức cũng được. Khi nào thức thì lại đi tiếp.”
Thanh kéo mền lên nửa mặt, nghiêng người về trái nhìn ra ngoài cửa kính nứt nẻ sau trận bão kỳ trước. Mặt nước sáng hực ánh trăng, chập chờn những lằn nét phối hợp hỗn độn của gợn sóng và lằn nứt cửa kính, lăng nhăng quá.
Anh nghĩ tới tiếng máy nổ đầu tiên của ngày mai, cảm thấy nôn nao. “Nó mà kiếm chuyện là mình chỉ có nước chịu thua. Giờ này, làm gì nó cũng mát lòng rồi. Chiều, thằng Phong xả nhớt, thay nhớt, lau chùi đâu đó sạch sẽ…” Thanh muốn kiểm điểm sơ trong đầu coi thử lúc này, ai thức ai ngủ, thằng nào còn thức thì nghĩ gì, thằng nào ngủ, có mền đắp không. “Không nghĩ tới thì thôi, mà hễ nghĩ tới ai dưới ghe này cũng thấy thương quá. Đương không tụ họp nhau rồi đi như thế này, sống chết không biết tới, cũng kỳ!”
Có bao nhiêu người thân yêu của từng này đứa ngóng trông chờ tin lành. “Ai mà biết được nơi trú của mình đêm nay ở đây, ngoài mình với trời đất?”
Thanh nghĩ tới cha rồi xót xa với mẹ. “Bao nhiêu năm mình không có mẹ rồi?” Anh nhớ ngày nào, mẹ lấy sách của cha đọc cho nghe hết một thiên Lục Nga, lại lẩm nhẩm “ai ai phụ mẫu sanh ngã cù lao” mà rưng rưng nước mắt. Mẹ kể cho nghe chuyện ông Vương Tồn Cổ: “Mày buổi sáng đi ra mà chiều về, thì tao tựa cửa nhà mà ngóng. Buổi chiều đi mà không về thì tao tựa cổng xóm mà ngóng.”
Non nước này, bao nhiêu người cha, bao nhiêu người mẹ đứng đâu mà ngóng? “Tụi này nó đi không biết ngày nào mà về.”
Thanh nhắm mắt, nghe từng hơi thở nhẹ của mình. “Phải lặng trước cái đã, chuyện, mai rồi tính tới…”
Anh mơ màng nghe tiếng “cái bình hơi”:
“Lược, sao mầy không xích vô trong này nè. Đắp chung cái mền với tao. Trời lạnh lắm đó. Trúng sương trúng gió mang bệnh ai lo cho mầy…”

Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
 
 Góc Bể Bên Trời (18)
VÕ HOÀNG
Mười một giờ sáng hôm sau thì bọn Thanh đi lọt vào con nước giữa hai hòn đảo Bali và Lombok. Con nước nằm ở khoảng kinh tuyến 116 về hướng đông và xuyên thẳng xuống Ấn Độ Dương đúng 180 độ.
Bắt đầu từ khi máy nổ buổi sáng sớm, không khí trong lành cộng với vẻ tấp nập của con đường hàng hải quốc tế làm cho Thanh thấy ấm cúng.
Hàng loạt những con tàu buôn xuôi ngược với đủ thứ quốc tịch. Thường thì họ nhìn bọn anh với cặp mắt là lạ, có khi họ cho tàu đi gần sát và bóp còi inh ỏi. Bên này, thằng Triều cũng không chịu thua, nó bóp còi trả lễ.
“Chiều tối là mình lọt xuống Ấn Độ Dương rồi nghe Triều. Chặng cuối đó, mà nguy nhất đó.”
“Sóng lớn không?”
“Ai biết. Nhưng chắc chắn là phải khá hơn bất cứ tháng nào trong năm. May cho mình lắm chớ không phải chơi đâu. Hồi đi, thật tình tao không nghĩ tới đoạn này. Mình tưởng nó cứ là biển như các biển khác.”
“Vậy thì khác cái gì?”
“Khác nhiều. Biển lớn khác nhiều. Mầy không thấy từ mặt nước lên cao tới gần phân nửa các dãy núi không có cây mọc sao? Sóng đánh quá mạnh thì cây cối nào chịu cho nổi. Mà đó là chỉ ở trong kinh này thôi. Mình lọt ra mặt nam của đảo này thì biết.”
Thằng Triều im lặng, suy nghĩ. Thanh tiếp:
“Sóng biển lớn thường thường thì không ảnh hưởng của gió mùa theo vùng nào cả. Nó quanh năm biển động. Nhưng mà không sao đâu, liên tiếp mấy ngày nay gió về hướng nam không hà. Ra tới đó, sóng có lớn cỡ nào cũng không thể bỏ vòi được. Ghe mình nhỏ thì chỉ sợ sóng bỏ vòi thôi, còn sóng lượn bằng cái núi cũng chấp.”
“Chà, chừng đó giống như là sãi ngựa, lên cao chót vót rồi xuống ào ào, sướng à.”
“Ừ. Tao cam đoan là mình sẽ không gặp rắc rối về sóng gió.”
“Chỉ cần máy không hư là yên chuyện,” thằng Chí góp ý. “Mà chắc không hư đâu.”
“Mầy chắc không? Phải hỏi lại thằng Trường, thằng Phong. Tụi nó là tài cải, tụi nó có quyền trả lời.”
“Đừng nói vậy chớ Triều. Chuyện hên xui ai biết được. Mà tao thì nghĩ vậy thôi. Tao tin là tao sẽ không chết ở tuổi này. Thầy bói nói mà.”
Thanh ngắt lời Chí:
“Mầy cũng tin dị đoan à?”
“Tin chút chút. Mầy không thấy có lần tao thắp nhang đó sao. Mình có lòng thành tốt hơn chớ!”
“Cái thằng không sợ người mà cũng biết sợ thần thánh. Làm như nó hiền đức lắm.” Thanh cười:
“Lúc nào mầy sợ chết, mầy mới vái ông bà phải không?”
Thằng Chí nghe nói thì nín. Triều cười lớn:
“Chớ gì nữa! Qua tai nạn thì nó quên hết trời phật, vái bao nhiêu bỏ luôn…”
“Giỡn mầy,” Chí cãi. “Tao công nhận tai qua nạn khỏi rồi thì ít khi tao nghĩ tới trời phật, nhưng đã vái cái gì là phải cúng cái đó. Uy tín mà!”
“Cái bình hơi” là gái, lại là gái xấu ỉnh, đêm qua nói tới chữ tín, bây giờ đến phiên thằng ba đá này nói tới uy tín. Thanh không nghĩ nhiều cũng biết được cả hai người đều nói thật lòng và anh tin ở lời nói của cả hai.
Thằng Chí cười, nói tiếp:
“Mầy còn nhớ thằng cha Ba Khước ngoài đầu Cồn không Thanh. Tụi tao đặt chả là cha Ba Gà.”
“Bị cá ba gà đâm phải không?”
“Không, mắc cười hơn.”
Triều xen lời hỏi với giọng ngạc nhiên:
“Cá ba gà gì?”
“Mầy biết cái mẹ gì con cá đó. Xứ mầy, chắc kêu là cá phướn đó. Ở Phú Quốc kêu là cá ba gà. Có người bị đâm, khóc mấy ngày mấy đêm, phải vái cúng ba con gà mới hết nhức.”
“Phải con cá nhỏ bằng hai ngón tay mà đẹp hơn cá lia thia Tàu nữa phải không?”
Thanh đáp ngay:
“Đó đó, nó đó. Đẹp lắm, hình như nó đẹp nhứt trong những con cá biển mà tao từng thấy. Nhỏ như vậy mà đâm một cái, thằng lì cỡ nào cũng la trời mấy ngày.”
“Rồi, tao biết rồi. Mà vái ba con gà có hết nhức không?”
“Ai biết đâu, tao nghe nói vậy thôi.”
“Còn chuyện cha Khước cha khẹo gì đó thì sao?”
Chí im lặng một lát, kể chầm chậm:
“Thì cũng là chuyện gặp điều lo sợ thì vái van vậy mà. Chả đi lưới ông Non ở ngoài cồn. Bữa đó gặp một mẻ cá bạc má lớn quá mà ông Non hồi nào tới giờ mang tiếng là đánh cá dở ẹc. Chả thấy mẻ cá quá lớn thì vái, vái thầm thôi, đánh trọn mẻ cá này cúng một con gà. Tới chừng bỏ lưới xuống, khấu ngáng lại rồi, thấy cá nó đóng quá, chìm hết phao, chìm mất luôn, bẩy tám người trục không lên, chả lại vái thầm là trục lên hết được cúng con gà nữa. Tụi bây biết không, đánh lưới xuống nước rồi, chín mười tiếng đồng hồ sau mới lấy hết lên được, cá nó muốn sình hết trơn. Từ đó mà chạy về cửa mấy tiếng đồng hồ nữa, còn mẹ gì, bán cho ai. Rồi tới cửa, ghe khẩm quá, lại sóng lớn, cha Khước vái nữa, vái là vô cửa bình yên cúng con gà nữa. Về tới cồn, cá sình rồi cũng phải tuôn lưới xuống nước cho rục đầu đặng mà rũ bỏ. Mặt chả buồn xo. Ông Non hỏi, chả nói là chả vái tổng cộng ba lần ba con gà mà không được đồng nào mẻ cá này. Tụi tao nghe, tụi tao cười từ đầu hôm cho tới sáng, ngủ thức dậy thì cười tiếp. Từ đó, ở dưới ghe, ai cũng kêu chả là cha Ba Gà.”
“Mà chả có cúng không?” Thanh hỏi.
“Cúng. Một hơi ba con gà, dưới ghe nhậu đã hết.”
“Ừ, phải cúng chớ!”
Triều tặc lưỡi:
“Đúng rồi, sống nghề biển đã không thể giỡn mặt với ông bà được. Coi vậy mà linh lắm.”
Chuyện có vậy mà đàng sau, tiếng cười A Kiếu vang vang lên. Tiếng thằng Chí kể chuyện bay theo gió lọt ra sau, mấy người con gái nghe chắc kỹ.
Không khí dưới ghe bữa nay vui hơn tất cả bữa nào hết. Trong cabine cả chục thằng nói chuyện huyên thuyên. Các câu chuyện mới đầu xoay quanh vụ ba con gà rồi dần dần chia ra hai ba tốp, đứa đứng đứa ngồi.
Thằng Hoà, thằng Văn xúm nhau xem xấp bản đồ Thanh bày ra trên tấm ván cạnh cái hải bàn, xì xào. Thanh bước ra ngoài. Gió heo thổi nhè nhẹ về phía trái ghe, lá cờ S.O.S. không biết rút dây hồi nào bay vật vờ. Thanh quay vô trong, nói trổng:
“Đứa nào ra lấy dây cột lá cờ lại. Mình đi đường trường đâu có cần phải trương lên.”
“Đi đường này khỏe hơn đi đường trong không Thanh?”
“Tao chắc là khỏe hơn.”
“Đường trong nhiều đá ngầm phải không?”
“Ừ, nhiều đá ngầm mà mình phải để ý nhiều thứ quá. Chẳng hạn như những hòn đảo nhỏ lớn chi chít, rồi sóng gió bất thường, mấy cái giáp nước tùm lum, nguy hiểm lắm. Mà đi lâu…”
Thằng Trường xoa xoa tay:
“Hai ngày nữa là phải thay nhớt nghe Thanh.”
“Ừ, hai ngày nữa, cao tay thì mình chỉ đi tới hòn đảo Lahaluta ở ngoài khơi Sumba. Ở đó, đậu núp trong sóng thay nhớt, nghỉ máy rồi trực chỉ tới Úc.”
Tụi kia nghe nói về đoạn đường cuối bằng giọng tỉnh táo và tự tin của Thanh, mặt đứa nào đứa nấy mừng lộ ra mặt.
Thằng Văn lần tay trên bản đồ, lầm bầm:
“Để coi… Lombok, rồi tới Sumbawa, rồi tới Sumba. Hòn đảo Lahuluta ở đây. Chà, sát một bên Úc. Đã thiệt.”
Hai ba đứa lại châu đầu xuống.
Thanh hỏi Trường:
“Chặng cuối mình phải đi tới gần bốn ngày. Không thay nhớt chắc được chớ gì?”
“Kẹt thì phải như vậy. Nếu không sóng lớn quá thì mình thả trôi mấy tiếng đồng hồ thay nhớt cũng được.”
“Không được. Ra tới đó mầy sẽ thấy nước nó chảy cỡ nào. Mấy tiếng đồng hồ nó trôi mấy trăm hải lý, làm sao mầy biết mầy ở đâu. Tới Úc được mà lọt vô đám sa mạc thì bỏ xác.”
“Neo không được sao Thanh?” Triều hỏi.
“Đó, ở trong lòng đảo Bali chỉ là màu xanh trắng mà xài hết bốn đường dây neo, neo mới tới. Ra khỏi con kinh này, màu xanh đậm. Tới khoảng hòn đảo Lahaluta thì xanh đậm đen. Mầy quăng neo chưa chìm tới đáy thì ghe mầy trôi biệt ngàn rồi.”
Thằng Văn lại lầm bầm:
“Để coi, đảo Lahaluta… ra một chút. Nước sâu mười tám ngàn. Mười tám ngàn gì vậy anh Thanh?”
“Bộ. Mười tám ngàn bộ tính ra gần sáu cây số. Sáu ngàn thước thì neo nào cho tới?”
“Teo thiệt. Cái này mà lọt xuống, chìm chưa tới đáy là sình nổi trở lên.”
“Bây giờ còn khoảng hai tiếng đồng hồ nữa là ra biển lớn. Kêu tụi nó nấu cơm ăn cho no, ra đó sóng lớn khó nấu lắm đó.”
Thằng Triều la lớn:
“Ê Thanh, cái tàu này nãy giờ tụi nó chạy cặp sát mình hoài, tao hụ còi mầy ra đàng trước phất áo kêu nó cho ghé lại mình xin đồ.”
“Thôi, mình có thiếu gì nữa đâu mà xin.”
“Thì kệ, đồ khô để dành lỡ có bề gì.”
Thật tình thì cũng không lấy làm chắc là mình sẽ không có bề gì. Tuy nhiên, theo Thanh, phải cặp một chiếc tàu để xin xỏ thứ này thứ kia chẳng qua ở những lúc anh không thể không xin.
Bắt đầu chặng đường này, ngay từ buổi chiều ra cửa Djakarta, Thanh tự nhủ, đoạn này mình có thể tự túc và tự giải quyết hết thảy mọi vấn đề. Cái tự ái mỗi lúc mỗi lớn sau những lần ghé tàu đã làm cho anh cảm thấy ái ngại mỗi khi nghĩ tới chuyện phải ghé lại chỗ này, phải ghé lại tàu kia…
Thằng Triều hụ còi. Đằng trước mấy thằng cởi áo quơ lia lịa, có đứa làm loa tay hú như Tarzan kêu voi. Năm bảy thằng thủy thủ nãy giờ đứng tựa bao lơn nói gì đó, chỉ chỉ chỏ chỏ qua bên này nhốn nháo.
Thằng Triều cho ghe chạy cặp gần hơn. “Ở trong kinh, tụi nó chạy tà tà quá. Mình chạy cỡ này có khi còn nhanh hơn nó.”
“Cây cờ chánh của nó cột ở đâu Thanh?”
“Ai biết đâu, nhưng phòng lái nó vẽ lá cờ lớn vòng qua tới bên kia đó.”
“Sao lại chữ thập màu xanh há!”
“Ừ, tụi Hy Lạp mà.”
Tàu Hy Lạp vẫn không đổi tốc độ. Khi thằng Triều cho ghe chạy gần lại, chiếc ghe nhẩy trườn lên những lượn sóng do tàu gây ra, bọt nước phủ tràn ra tới sau cabine. Thanh hét nhỏ:
“Thôi Triều. Tàu nó chạy mà gần làm sao được. Sóng đập ướt nhẹp hết.”
Cùng lúc, bên tàu mấy thằng thủy thủ động tay ném vài thứ qua ghe. Gần hết những thứ này lọt dưới nước. Đàng trước có thằng la:
“Nó cho đồ.”
Vài giây sau, lại có thằng la, nhỏ hơn:
“Đ. má nó. Nó liệng cam thúi.”
“Cam thúi.”
“Nó liệng, chớ không phải cho.”
Thanh lặng người. Anh bước hẳn ra ngoài, sau khi trườn mình hất tay thằng Triều và đẩy vô lăng về trái. Từ đó ra tới nắp hầm số hai có mấy bước, anh nghĩ thật nhanh và thầm mong đó là những trái cam tốt vì sức liệng và sức rơi, bị dập. “Để khỏi thấy xót xa, hay đúng hơn, để bớt thấy xót xa…”
Nhưng được vài bước, anh dừng lại, hét:
“Đ. má. Quăng bỏ hết. Quăng hết!”
Tụi kia chưa kịp ngơ ngác, Thanh nhỏ giọng lại:
“Không phải cam thúi đâu, xa quá mà, nó liệng qua dập hết. Không thằng nào ăn hết. Bỏ đi.”
Rồi anh quay trở vô, nghe đầu óc nặng chịch. “Cho dù thế nào, mình vẫn cảm thấy đau. Cố tránh không dám nhìn tận mắt những trái cam, cố nghĩ thật tốt lành về những trái cam mà cũng không ổn được. Đúng ra, nó cho mình cũng không nên cho bằng cách đó. Có lẽ tại vì nãy giờ, lá cờ S.O.S. bay vật vờ, tụi nó thấy tụi nó ghét.”
Thanh kéo hộc tủ lấy gói thuốc. Anh cầm ở tay mà cúi đầu suy nghĩ. “Thật ra cái thân phận mình chỉ có đồng bào mình hiểu với nhau. Thế giới này nhiều người vô tình quá.” Anh nhớ lại hình ảnh cô Linda, mục sư gì đó ở Songkhla, rồi viên Đại úy người Nam Dương, cố tìm một chút an ủi.
Thằng Văn trở vô cabine, một nửa người ướt sũng nước, nó nhăn nhăn:
“Cam thúi thiệt, anh Thanh à. Mẹ nó.”
“Ừ. Thay áo đi. Tiếp tụi nó nấu cơm nhanh, ăn cho kịp ra biển lớn…”

Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.

 Góc Bể Bên Trời (19)
VÕ HOÀNG
“Mười rằm trăng náo, mười sáu trăng treo.” Hai đêm rồi ở biển lớn, VNKG 0042 ADC vẫn âm thầm tiến dưới bóng trăng giữa trời tháng ba.
“Hừng sáng là mình đi ngang đảo Sumbawa, tới trưa là ghé hòn Lahaluta, nghỉ máy được rồi.”
Triều dán mắt vào bóng đêm, không đáp lời Thanh.
Sóng, lượn nào lượn nấy cao bằng nửa cái núi nhưng không bỏ vòi thành ra ghe nhỏ chạy càn lên đó, nhồi mà không lắc.
Thanh giở quyển tập ghi chép hải trình coi lại. Từ ngày 9 tới hôm nay, 26, trừ ra một số ít giờ đậu nghỉ máy, cặp tàu và ba đêm ở Djakarta, chiếc ghe mười sáu thước dài, ba bloc đầu bạc đã làm hết sức của nó. Tội nghiệp!
Nhiều lúc Thanh tự hỏi, có bao nhiêu sự dồn nén, ẩn ức trong tất cả những thứ hiện diện ở đây? Từ tấm thân gầy gò, đen thui của thằng “bộ đội” đến cái ống “xẹt măng” hừng hực nóng, khói nhớt ri rỉ chui qua những mảnh sét bao lâu rồi ấp ủ, từ cái khuôn mặt đầy mụn mủ của thằng Văn với bàn tay một ngón, gân xanh nổi dồn của thằng Cụt, rồi bên trong cục bướu của “cái bình hơi,” bên ngoài lớp rong rêu bám đầy thân ghe, tất cả!
Đêm qua, đêm đầu tiên trong đời Thanh ra biển lớn, Ấn Độ Dương, và lại là đêm trăng sáng nhất trong chuyến đi. Đúng vào đêm nguyệt thực toàn diện. Thanh cảm thấy mình thật sự sống trong một ngày bắt đầu của cuộc đời khác.
Từ đầu hôm, lúc mà ánh trăng tự dưng cuốn khoanh lại rõ vành và ngả màu vàng nhạt thì trên ghe, cả bọn náo động. Tụi nó tranh nhau tìm chỗ nằm tốt, ngửa mặt mà ngắm. Chưa tới nửa đêm thì kể cả Thanh cũng quên tuốt rằng trên đầu mình, một bằng cớ biểu hiện của sự đổi thay đang thay đổi.
Thằng nào ngủ, thằng nào thức? Và thằng thức thì đang nghĩ gì? Đàng trước, thằng Chí cuộn tấm mền lên tới cổ ngồi nhìn ra đâu đâu, đàng sau, “cô thịt chó” nằm nghiêng người, tay chống gò má cũng nhìn ra đâu đâu.
Rồi cái thẩn thờ không hẹn mà đêm nay đến với tất cả mọi người. Có lẽ dư nhiều thì giờ quá, không ai nghĩ tới chuyện ngủ mặc dù hơn nửa đêm rồi. Vợ thằng Phong còn không ngủ nữa mà! Lạ cái nữa là nhiều người thức, nhưng không ai nói gì với ai cả.
Gần hai chục ngày, tiếng máy nổ đập chát hai bên mang tai riết rồi cũng quen. Có khi, Thanh quên nó đi được và cảm thấy trời đất im lặng, tịch mịch, quái dị. Trong cái không gian nửa đêm nửa ngày này, sao tự dưng thấy mình lạc lõng, nhỏ nhoi quá!
Thanh nhớ nhà quá, nhớ cái sườn dốc núi nghiêng nghiêng mà ngạo nghễ, thách đố, chắc nịch từ hướng bờ biển chạy dài vô lòng đảo. Nhớ những ngày tháng ba này năm nào, đất quê khô nứt mà có quá nhiều rau cải xanh mượt xấp từng luống, từng hàng. Người ta thừa sức sống, thừa sức ngoi dậy từ những cái ép uổng của trời đất, từ những cái tráo trở của cuộc đời này mà! Cả năm nay, kể từ ngày Thanh bỏ đi, đã có bao nhiêu thay đổi?
Nói làm sao cho hết được tâm tình của một người tự dưng lưu lạc cả năm rồi mà chưa có một nơi nương tựa, dung thân, bỗng một đêm khuya nghĩ về cái hốc núi âm u, nghĩ về cái bìa rừng bốc khói đã có lần mơ ước dựng lên đó căn chòi lá, bên cạnh mấy giồng khoai… Xong rồi cuộc cách mạng máu lửa dai dẳng với đủ thứ khủng bố, lừa đảo, con người ta chỉ còn có những ước mơ. Rồi phải tới lúc quay đi, mang theo.
Mà không đi thì phải làm sao? Có lần, Cha nói với Thanh “Sẽ có lúc mình phải luôn luôn nói dối mới có thể sống được. Sẽ có những đứa hèn hạ sống khỏe hơn những đứa không hèn hạ. Sẽ có lúc con người ta chỉ còn biết tìm nguồn an ủi bằng cách trông chờ ơn trên giải thoát cho mình. Sẽ có lúc con người ta chỉ còn biết hài lòng với chính mình bằng sự thờ ơ của những người chung quanh. Sẽ có lúc con người ta nói tới hai điều trái ngược nhau mà vẫn tưởng là một.” Còn nhiều thứ “sẽ có lúc” nữa, Thanh nhớ không hết, nhưng chung quy toàn là những thứ dù muốn dù không, một người có tối thiểu một người thân, phải rán mà tránh đừng để có “cái lúc đó” xảy đến.
Sống mà phải nói dối người này nói dối người nọ thì khó thiệt. Cuộc đời, theo Thanh, cho dù có khốn đốn đến cỡ nào, con người ta tối thiểu còn lại cái chữ tín để ấp ủ. Có đâu như vậy?
Cho tới bây giờ, Thanh vẫn chưa hiểu được cái môi trường để sanh ra và nuôi dưỡng một loại người như vậy từ đâu mà có. “Người mình từ hồi nào tới giờ, cái gốc là sống với nhau bằng chân tình. Tụi này nó về, nó đã không có tình, còn dối nhau, vậy mà nó vẫn sống, vẫn thắng. Mới kỳ!”
Những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, một lần, ông bác ghé thăm Cha, có nhắc lại những ngày còn ở Liên Khu Năm. Thanh không thấy rõ những cái không ổn trong đó mà thiệt tình, Thanh tin ông bác nói thật lòng: “Chú nó coi, mình dìa, là mình biết mình dìa phía bên thua. Trước sau gì cũng thua mà! Có điều, ở lại trong đó, quá nhiều bực mình. Mà không chừng mình mất mạng như chơi.” Rõ ràng có một sự lựa chọn khắc nghiệt mà Thanh vẫn chưa hiểu rõ lắm cái mức độ khắc nghiệt tới cỡ nào. Niềm tin tất thắng của phía bên kia ở đâu mà có?
Chiều qua, thằng Văn hỏi thằng Triều:
“Sao mầy không ở bển, làm rẫy, đánh cá, mà đi làm chi cho khổ như vầy?”
“Ừ! Đi khổ thiệt. Mà điều ở bển, lâu ngày tao thấy tao ghét. Ai đời ông bà ông vải mình, mình thờ mình cúng mà nó vô nhà nó kêu thờ cúng là cái gì đó sai đường lối, rồi một hồi nó biểu thờ ông Hồ Chí Minh. Phải nó là cha người ta không?”
“Nếu như tụi nó không làm mầy bực, mầy có đi không?”
“Đi làm chi. Thời nào cũng vậy thôi. Để yên cho người ta làm ăn, thì ai mà không khoái.”
Hai đứa nói chơi nhiều thêm nữa nhưng Thanh biết, đứa nào cũng thiệt lòng.
Bây giờ, thằng Triều ngồi im lặng hút thuốc. Mặt nó ngó ra ngoài vùng ánh sáng vàng vọt của trăng nguyệt thực. Thằng Chí nằm dật dựa thòng một chân xuống sàn cabine, chút chút đưa tay gãi chỗ này, chỗ kia. Nó chưa ngủ, nhưng nó đang nghĩ gì? Thằng Triều đang nghĩ gì?
Cho tới lúc trăng bắt đầu nhả, thằng Chí nhảy xuống, mò thuốc hút, nó nói với Thanh:
“Mặt trời ăn mặt trăng như vậy, ở xứ mình chắc cũng thấy hén Thanh!”
Rồi nó không chờ nghe đáp lời lại, vội vã nhảy trở lên, tiếp tục nằm ngửa mặt lên trời.

Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
 
 Góc Bể Bên Trời (20)
VÕ HOÀNG
Bên trời, ở một góc bể xa lạ, khuya, A Kiếu nói với thằng Hải:
“A Kiếu biết làm như vậy thì A Kiếu không có đi đâu. Ở lại trại với ba má còn hơn…”
Rồi nó ôm ghì lấy thằng nhỏ, khóc rưng rức.
Trước phòng lái cũng có tiếng khóc, thằng Cụt. Nó khóc vì bị đánh. Thằng Chí từ đàng trước nắm mối dây neo còn dư đi lòn ra phía phải, xỏ dưới con lơn cột thêm cho chắc, xong nghiến răng:
“Cái thứ của mầy, tao giết không biết bao nhiêu thằng rồi, còn sót có mình mầy. Chui xuống hầm cho khuất con mắt. Ở đó lạng chạng tao xô dưới biển thấy mẹ mầy.”
Một dọc hai bên be, có hơn mười đứa ngồi im thin thít. VNKG 0042 ADC vừa trải qua nhiều cuộc náo loạn. Hình như lúc này ai cũng mệt mỏi, không thiết trò chuyện với nhau nữa.
Thằng Văn lo xong cái thùng phuy cắt đôi ra rồi cầm “can” dầu trút đó. Nó im lặng nhét vội cái mền màu cứt ngựa vô rồi lại tưới dầu lên. Thanh nói với nó:
“Đừng đổ nhiều quá, sóng lắc mạnh bị lật. Mày phải để xuống nước rồi hãy đốt.”
Lúc một mảnh của cái thùng phuy bốc cháy và trôi băng đi, Thanh mới nhận thấy nước dòng này chảy ghê quá. Chớp con mắt một cái, nó trôi biệt ngàn. Cứ cái điệu này, tới sáng sớm, ghe không gặp được tàu nào thì thua cuộc. Hiện tại, anh chưa xác định được rằng mình đã lọt vô hải phận Úc hay chưa.
Theo hải trình, còn không đầy ba mươi sáu tiếng đồng hồ nữa là bọn anh tới được vùng vịnh hải cảng Darwin thì máy bị hư. Máy tự động ngưng nổ. Khói đen bốc hừng hực từ dưới hầm máy. Đầu nắp quy láp bị bể.
Từ chạng vạng cho tới bây giờ, không biết là bao nhiêu chuyện gay cấn xảy ra. Trước hết, anh em thằng Hùng chưởi nhau, đánh nhau phải can ra. Thằng Minh Quảng Ngãi nổi cơn khùng bất tử nhất định thả phao xuống “lội vô bờ.” Vợ thằng Phong giành thùng nhựa với thằng Cụt chứa nước uống để thủ thân. Thằng Chí lấy búa bửa bàn thờ Bà Thủy quăng xuống biển sau một lúc cãi lẫy với đứa này đứa nọ. Rồi thằng Trường, thằng Phong, thằng Tịnh, ba thằng trụ cột của cái máy đổ thừa nhau trách nhiệm.
Thanh thông cảm hết mọi điều. Khi thằng Phong ở dưới hầm máy chui lên nói lớn để mọi người cùng nghe “Máy hết chạy được rồi!” thì chính anh cũng nghĩ trước tiên những điều kiện để được sống sót cho riêng mình. Một can nước uống chẳng hạn, giấu và không chia sớt cho ai rồi sau đó, mới tới ai là người đáng được chia sớt…
Vợ thằng Phong nói với chồng:
“Người ta nói gặp rắn thì đi, gặp qui thì trở lại. Mấy cha nội tui tự dưng ở đâu xin cho được con ba ba, vít lửa để trên ghe, tui biết là xui lắm mà không dám nói.”
Thằng Phong:
“Bà im cái miệng bà lại đi. Người ta lo trối chết, bà ở đó bà lải nhải. Chết thì chết hết chớ mình ênh bà sao bà nói hoài. Vậy chớ hồi đi, bà đã không kể chết rồi sao?”
Thằng Minh Quảng Ngãi:
“Từ đây đi vô bờ, lội ba ngày tới không anh Thanh? Mình cách bờ xa không? Nước có lạnh không? Ở đây có cá mập không?”
Thanh ngó nó:
“Mầy muốn lội thì nhảy xuống lội đi. Mà coi chừng ma da, hà bá.”
Thằng Chí thì cằn nhằn:
“Mẹ, ngày nào cũng thắp nhang đều chi, mà tới chuyện, ông bà ở đâu trốn hết. Để cái ‘trang’ chình ình ở đó làm gì?”
Thằng Giàu, thằng Văn can nó một hồi cũng không lại. Nó có cây búa trong tay mà.
Bây giờ thì thằng Văn lo xong việc đốt lửa làm hiệu, nó quay qua thằng Chí:
“Bà Thủy phạt mầy mà lây tới tụi tao, tao quăng mầy xuống biển giống như cái thùng dầu dơ đó.”
Trong đêm tối, thằng Chí ưỡn lưng, hẩy bụng đưa của quí cho thằng Văn, nó xì một tiếng nhỏ trong miệng.
Tình trạng còn rất nhiều hy vọng. Hồi chiều, Thanh nói với mấy đứa đứng lớ ngớ trong cabine:
“Máy không chạy được nữa, nhưng bây giờ mình lọt vô hải phận nước Úc rồi. Sớm muộn gì mình cũng gặp tàu. Đêm nay mình đốt lửa làm hiệu, thế nào cũng có người thấy.”
Còn một cái bình điện dư bỏ lâu nay, Thanh đem lên bắt chung dây với cái bình đang xài, dùng cho đèn pha.
Thanh nói với Chí:
“Nước chảy cỡ đó thì quăng neo xuống, nó kéo ghê lắm. Neo không ăn thì neo làm chi, Chí. Càng lúc mình càng đi xa bờ Úc thì phải rán mà làm cho đứng lại một chỗ chớ. Chặt dây đi!”
Thằng Chí tiếc sợi dây hoài nên cứ nấn ná, mà kéo neo trở lên thì kéo không nổi. Bốn đường dây, vị chi gần ba ngàn thước. Nó chịu thua nhưng cứ ngồi ngó đường dây cầm chừng. Chút chút xách cái mối dư đi tới, đi lui.
Thằng Nghiêm thì vừa bước qua cái nắp thùng nước uống, vừa bỉu môi nói với thằng Hòa:
“Non nước này mà ngồi một đống ở đó, ôm xà nẹo, xà nẹo. Tưởng như vậy là hay chắc! Mẹ…”
Nó liếc về phía A Kiếu, thằng Hải.
Ám ảnh của cái chết ít nhất cũng một lần đến trong đầu từng đứa, thành ra, có đủ thứ chuyện lạ lạ xảy đến. Thằng Hùng nói với em nó:
“Thầy bói nói anh sống tới bốn mươi mấy tuổi lận mà.”
Thầng em trừng con mắt ngó anh, không đáp gì hết mà cái miệng mấp máy.
Thanh cầm đèn pin chui trở xuống hầm máy. Ba bốn đứa, mình mẩy đầy dầu nhớt, lom khom, tháo ráp. Trường chửi thề:
“Mẹ, máy ba bloc đầu bạc mà như c.”
Thằng Tịnh:
“Phải chi cái hồi mới nứt, có khói ít ít, anh Trường tắt máy liền thì đâu đến nỗi.”
“Mầy biết cái củ c. gì mà nói.”
“Sao không biết!”
“Biết sao mầy không làm?”
“Làm sao được mà làm?”
“Mẹ mầy, mầy nhỏ mà hỗn hả?”
“Hỗn cái gì.”
Toàn là những chuyện đâu đâu không. Thanh nhờ tụi nó kéo cho hết đường dây của cái bình điện dưới hầm, đem lên trên luôn.
Cái kẹt của bọn anh là trời tối nay trong sáng quá. Mây thấp không có mà mây cao quá, đèn đi không tới. Gần như tất cả những cố gắng của bọn anh, chỉ ở giữa lưng chừng trời. Ánh sáng đèn không đi thành tia được, hình như nó lên được ít thước trên cao rồi tan mất.
Xa xa, bốn đốm lửa lập lòe nhấp nhô, ma quái quá. Thanh nói với thằng Triều:
“Mầy để ý việc gạo thóc với nước uống dưới ghe nghe Triều. Thằng nào lạng quạng chặn họng nó lại.”
“Cái bình hơi” nghe lọt được, tiếp lời Thanh:
“Mình phải tổ chức cho kỹ, chia sớt, dành dụm gạo thóc, nước ngọt. Mấy anh cho Nhung tiếp với. Ăn cháo cầm hơi nghe không. Chưa biết chừng nào mình gặp được tàu đâu.”
Rồi tất cả trở lại im lặng, tịch mịch. Thứ im lặng thiệt sự. Qua khoảng hở giữa hai cái đầu của thằng “bộ đội,” của “cô thịt chó,” Thanh nhận ra được có một đốm lửa sắp tàn đàng xa. Anh nghĩ tới Cha, tới Phượng, tới thằng Canh, nhỏ Thảo, rồi nghĩ tới quyển kinh Quan Đế, cái bàn thờ Bà Thủy. Còn có một sự liên hệ nào giữa những hình ảnh mông lung đó với cuộc đời tàn ở đây, ở một góc biển xa lạ, ở một cảnh trời xa lạ. Anh quay trở lại Triều:
“Chắc phải làm thêm một cái thùng phuy nữa, mấy cái kia sắp tàn hết rồi.”
THAY ĐOẠN KẾT
Sáng ngày 29 tháng 3 năm 1978 thì VNKG 0042 ADC nhận được tín hiệu từ một chiếc phi cơ của Hải Quân Úc Đại Lợi.
Bản tín hiệu được cột cặp với cái phao dù và quăng xuống nước ngay đầu ghe. Thằng “bộ đội” bắt lấy và đưa cho Triều. Triều đưa lại cho Thanh. “Chánh phủ Úc Đại Lợi chào mừng quý vị ghe số 0042.”
Năm giờ chiều cùng ngày, ở vịnh Darwin, Thanh bước qua ca nô của Cảnh Sát Hải Cảng để vô trụ sở của họ, có thông dịch viên Việt Nam đi kèm. Anh phải đối chất về việc cả bọn bị tố cáo là đã cướp chiếc ghe của cảnh sát Thái Lan. Hai tiếng đồng hồ sau đó, Thanh được biết mình bị tạm giam cho tới khi có sự chứng nhận từ Bangkok, chiếc ghe đó không phải là ghe của người Thái.
Thanh bước đi theo người cảnh sát Úc bằng những bước thật nặng sau khi nói với người thông dịch viên:
“Chiếc ghe đó từ nước mình chạy qua. Bỏ nước mà chạy, thì của ai cũng được. Sao anh không nói với tụi Úc như vậy?”

Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.