Friday, February 27, 2015

VÕ HOÀNG * GÓC BỂ BÊN TRỜI III

 Góc Bể Bên Trời (11)

VÕ HOÀNG
3 giờ sáng ngày 15 tháng 3, VNKG 0042 gặp một trận bão khủng khiếp giữa biển khơi. Từ đó đi tới cửa khẩu tỉnh Banju Asink, nơi có thể núp sóng được tới mười tiếng đồng hồ.
Hai mươi bốn giờ kể từ đêm qua gặp mưa lớn, mặc dầu sóng không to, Thanh đã tưởng mình thoát ra được vùng khí hậu kỳ lạ bị bao che bởi các hòn đảo nhỏ chi chít. Vậy mà bây giờ phải thực sự đương đầu với trận bão này. Thì ra ở biển lớn, hai mươi bốn giờ chỉ là hai mươi bốn giờ, không là cái gì khác hơn.
Anh lầm bầm:
“Mẹ. Hai mươi bốn giờ xuôi gió xuống nam với ga 900 cũng không đi tới đâu thật!”
Năm sáu đứa nhớn nhác ôm chăn gối chạy lúp xúp vào cabine. Tấm tăng che sàn ghe mặc dầu đã được cuốn lại, cột cẩn thận vẫn bị gió thổi bức dây và văng mất. Một cái nắp hầm bị sóng tràn lên và trôi đi. Thanh biết rằng lúc này là lúc phải nhớ lại và làm theo những gì đã nghe được trong muôn ngàn câu chuyện về biển cả trước đây. Anh ôm ghì vô lăng xoay về trái để “phân ba” một loạt những ngọn sóng đang hùng hổ từ đằng trước ùa tới.
“Văng mất nắp hầm số bốn, chưa sao đâu!”
Hầm đó nhỏ và kín, nước vào đó chỉ thoát qua các hầm kế bằng hai “lỗ lù” bằng ngón chân cái. Anh hét nhỏ để trấn an Triều và tiếp:
“Xuống hầm máy, hầm số 3 tìm cách đóng kín hai lỗ lù lại. Mau lên Triều, kêu thằng nào tiếp.”
“Sao được! Lấy cái gì mà ém?”
“Đ. má,” Thanh hét, “lấy cây thằng Chí vạt nhọn sẵn rồi đó, quấn vải đóng nhẹ thôi nghe. Tét ván là thấy mẹ hết.”
Triều phóng xuống hầm máy. Thanh kéo phăng hộc tủ quơ một mớ đinh vụn nhụi vào tay thằng Hùng, kê sát tai nó:
“Kéo đại cái mền của ai cũng được, kêu thêm hai ba thằng ra căng đóng kín hầm số 4 lại. Nhớ lót thêm một cây ngang miệng hầm. Nó bọc nước thì tuột hết đó.”
Sóng đánh ngã ụp một bên vách cabine. Thanh nghe tiếng mấy đứa la ơi ới. Thằng Hùng chạy trở vào, một tay lau mặt, tay kia quăng mạng tấm mền xuống, nó thở từng chập:
“Nước đầy hầm rồi, còn đóng lại chi nữa.”
Nước đầy hầm số 4. Vậy là xong một việc, chỉ còn giữ làm sao cho nước khỏi qua các hầm khác. Cái may nhất, theo Thanh nghĩ là nhờ ở những người rảnh rỗi suốt chặng đường từ Trengganu tới Singapore, anh lục lạo và lần lượt đi khắp các ngõ ngách trên ghe với chủ ý thường tình: “thử xem nó như thế nào!” Anh biết hầm số 4 và số 2 kín, dùng để chứa nước đá.
Rồi tới đêm qua, mưa to, to đến độ anh nhìn những hạt mưa thật nặng rơi trên cánh cửa chống phòng lái mà liên tưởng tới những ngày tháng mưa dầm ở xứ mình. Mưa gãy cành cây, mưa xoáy lở đất rồi nước chảy trôi cầu, trôi nhà. Sáng ra, anh bảo Văn tìm cho đủ số đinh “một tấc” đóng hờ vào gáy những nắp hầm “tới chuyện, xách búa ra vỗ là yên chuyện.”
Nhưng không yên được. Sóng đánh trôi chiếc bè bên phải và kéo theo chiếc nắp hầm trốc cả đinh. Ghê thiệt! Bây giờ thì chiếc bè bên trái theo nhịp sóng đưa qua đưa lại và có thể trôi mất bất cứ lúc nào. Dây cột không ăn nhằm gì. Cánh cửa kính đàng trước mặt phòng lái chịu không nổi cái uốn vặn của cabine, nứt nẻ và cong lồi ra. Thanh quơ cán búa tống hết những mảnh kính chưa chịu buông hẳn ra ngoài.
“Ai không có phận sự xuống hầm máy hết đi,” Thanh hét. “Xuống dưới cho vững ghe.”
“Xuống hầm máy!” thằng Văn nói chuyền ra sau. “Xuống hết, xuống hết.”
Có mấy người ngần ngại. Thanh hiểu ý, anh nói lớn:
“Cứ xuống hầm đi, ở trên này ghe có chìm cũng không ai sống nổi đâu, nhảy lội cũng không sống được đâu. Xuống cho ghe nặng đáy, ít lắc. Xuống đi.”
“Không được,” tiếng “cái bình hơi.” “Anh Thanh, xuống dưới là em ói.”
“Ừ, xuống là ói,” vợ thằng Phong tiếp lời. “Ở trên này ướt thì ướt.”
“Xuống, xuống hết.”
Văn vừa hét vừa nhận đầu thằng Hòa đang lom khom chun vào cửa hầm máy. Thằng nhỏ chưa vào lọt thì chiếc ghe dội cao lên và nghiêng hết về bên trái, hết vịn được, nó té lăn. Thằng Văn tiếp tục hét, cuối cùng thì xuống hết, “cái bình hơi” cũng xuống, vợ thằng Phong cũng xuống.
“Bơm lườn còn bơm không, Văn?”
“Còn, bơm cọ cũng còn! Mình cách bờ xa không anh Thanh?”
Cách bờ bao xa? Ai mà biết được. Gần hai tiếng đồng hồ bỏ hướng, chạy ga nhỏ chế sóng, không hiểu mình đang ở chỗ nào. Sáng, Thanh bẻ cấp sau khi đi hết cái hòn nhỏ cuối cùng trong nhóm hòn nằm về phía đông Sumatra, con đường cách những dãy đá ngầm khoảng mười dặm, tương đương với một giờ xe chạy. Qua hai tiếng đồng hồ nếu đi sai hướng quá xa, bọn anh gặp hai điều nguy hiểm. Thứ nhất, dãy hòn nằm ngoài khơi về phía tay trái của lộ trình, thứ hai là dãy đá ngầm. Thanh không ngờ đến lúc này mình lọt vào cái thế thụ động hoàn toàn, nguyên do chỉ vì không nắm vững được tình hình.
“Cứ cái đà này, đến khi nào kê lên đá hay vô hòn mới hay là có chuyện,” Thanh nghĩ. Anh cố giữ thật lặng trí một lúc, nhưng không được. Có quá nhiều nỗi lo âu dồn nén, anh thấy mình yếu đuối quá.
Thanh lấy lái lại đúng 180. Chiếc ghe chịu liên tiếp hai ba lượn sóng trong tư thế buông xuôi, nó cúi gập lại và sắp gãy làm đôi. Thanh nhìn địa bàn, cơn bực tức ở đâu kéo tới. Anh giận mình ngu si không đủ kiến thức để tìm biết những biến chuyển liên quan tới cái sống và cái chết của chính mình.
“Còn đang ở nhịp một, mình vẫn chạy 160. Sóng đi đúng trước mặt.” Thanh nghĩ lại, mấy tiếng đồng hồ qua chế sóng, Thanh có thói quen, hay đúng hơn, vì không thể làm khác hơn được, anh thường quay một ít về phải để “phân ba.” Thanh đoán và rất muốn quả quyết rằng mình đang đi trên đường tới những dãy đá ngầm nằm bên phải của lộ trình. Những dãy đá ngầm không ai có thể thấy được trừ phi thuyền bị kê lên đó, những dãy đá ngầm mà trong hải đồ năm mươi hải lý một phân tây là những cái “đót” mờ mờ bắt đầu từ một voi đất khổng lồ của Sumatra lan ra tứ tung.
Làm sao mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong ba giây đồng hồ tới?
Mưa vẫn ào ào, sóng vẫn dồn dập.
Bây giờ thì chắc chắn không ai nghĩ tới cái lạnh. Trên cabine còn lại năm đứa, năm đứa im lặng theo đuổi ý nghĩ riêng tư. Thanh nhớ một trong những câu chuyện ngày trước, cha Sáu Leo kể cho nghe một vụ đi thuyền gặp bão, lão dùng ngón tay trỏ chỉ thẳng vào mặt Thanh:
“Tao nói cho mầy biết, gặp bão, sóng ít sợ hơn gió. Mầy cứ để ga nhỏ mà lạng, qua được mấy ngọn là có khả năng qua luôn. Tắt máy hoặc đậu lại, nó vật mầy chết liền. Bỏ hết những cái gì làm cản gió. Gió, mà là gió bão biển kỳ lắm, nó theo mầy tới hết trận chứ không như sóng đâu.”
Cái khó của anh là bây giờ phải làm sao không ngừng lại và phải làm sao không đi tiếp nữa. Hình ảnh của một chiếc ghe gỗ va phải đá ngầm đã thực sự tan nát và bồng bềnh trong đầu anh.
“Đậu lại nó vật chết liền.” Nhưng đi tới hoài ghê quá. Mình đang ở đâu trong cái hải đồ này?
Làm thế nào bây giờ?
Thanh nghĩ tới những người thân yêu. Thanh nghĩ tới cha già, anh có cảm tưởng mình được sinh ra chỉ để khắc phục những cái khó khăn vô lý do chính mình gây ra. Trong hoàn cảnh này, Thanh cố tìm một lời lẽ thật thân ái để trách mình. Đối với người cha già, trọn một đời anh chỉ biết nghe lời mà rất ít khi làm theo lời. Anh thèm được có cha bên cạnh trong giờ phút này. Cái cảnh “cốt nhục lưu ly đạo lộ trung” này thật ra ai mà muốn!
Thanh nhớ lại câu nói của Cha và hình như chỉ là câu nói duy nhất suốt ba tiếng đồng hồ buổi nói chuyện cuối cùng anh gặp người:
“Ở xứ người, có thể cuộc sống dễ dàng hơn, nhưng cũng có thể càng ngày càng thấy thiếu thốn nhiều thứ hơn. Con đi, rán mà sống cho khéo để đừng bao giờ phải ân hận về việc mình đã làm.”
Ừ, mới có mấy tháng mà Thanh biết mình mỗi ngày mỗi thiếu đi những thứ mà trước tới giờ, anh không ngờ là mình có. Còn sống cho khéo để đừng bao giờ phải ân hận thì đó là điều Thanh chịu. Bao nhiêu năm, anh chưa bao giờ thử nghĩ xem công việc mình đang làm rồi “nó sẽ ra sao” ra làm sao cả. Bằng chứng là giờ phút này, anh đang sống trong một tâm trạng quá sức lạ ít nhất cũng trong ý tưởng của anh.
Mỗi người có một cái số! Thanh trấn an mình và chợt nghĩ đến Phượng, đến quyển kinh Quan Đế. Hiện giờ quyển kinh còn nằm yên trong hộc tủ. Đêm qua, lúc bắt đầu đoạn đường mà anh cho là gian nan nhất, đoạn đường bắt đầu từ Singapore đi Djakarta, lần thứ nhất anh mở quyển kinh ra, thật tình là “để xem cho biết.” Vậy mà thằng Hòa liếc thấy và quay đi, mỉm cười. Thanh mắng nó:
“Mẹ mầy! Thằng tò mò. Tao chỉ coi thử coi nó ra làm sao thôi mà. Mầy cười cái gì?”
“Chà chà… Vui cười không được chắc!”
Thanh đành nín. Thằng Hòa nói thêm:
“Anh Thanh coi vậy mà có duyên ghê ta ơi. Tui mà được như vậy, nói thiệt với anh, tui ở lại trại, tới đâu thì tới.”
Thanh cũng cảm thấy mình có duyên. Anh quăng cho thằng Hòa một điếu thuốc và vừa cười mỉm vừa xem tiếp quyển kinh.
Trong trang đầu tiên Thanh đã thấy hơi lạ, anh lật tới. Tiếp đó là hai tờ giấy đô la xanh, mười đồng tất cả. Tội nghiệp, Phượng nhín lại, chia sẻ với Thanh những cái nhỏ nhặt như thế này sao? Anh thật sự xúc động.
Có thêm một mảnh giấy, Phượng viết vào đó địa chỉ của người bà con ở Mỹ. “Khi nào tới Úc thì liên lạc với địa chỉ này, Phượng ở đâu cũng biết được tin anh.”
Sau đó, Thanh dùng hai ba cái túi nylon gói quyển kinh lại cẩn thận. Anh viết thêm ngoài bìa: “Ai lượm được quyển kinh trên biển, xin chuyển về địa chỉ trong này.”
Thanh áp mình vào hộc tủ. Sóng lớn đánh ngã tất cả những thứ rời rạc trong phòng lái, sóng lớn làm anh không đủ thăng bằng mở được hộc tủ. Anh muốn đem quyển kinh ra và bỏ vào người.
“Chuyện gì sẽ xảy tới? Ai biết được.”
Với cái tâm trạng như thế kéo dài, thêm một lúc nữa Thanh cảm thấy mình rã rời, thân thể đau điếng, đầu óc nhức buốt. Anh chỉ còn biết nhìn thẳng đàng trước, những ngọn sóng bạc cao ngất không còn nghĩa lý gì với cái bất chấp của một lũ người bất chấp. Thanh quay lại như một cái máy, theo đà nghiêng của chiếc ghe. Tiếng máy lúc này như có vẻ hằn học, trách móc.
Rồi trời chợt bớt gió. Nhưng gió đổi ngọn, không lớn mà rít lên nghe rởn óc. Gió xoay chiều tứ hướng theo đà quay của chiếc ghe trốn sóng.
“Mình lọt vô đám hòn rồi!” Thanh nghĩ.
Lọt vô đám hòn phải lọt vô dãy đá ngầm ngang dọc bủa chung quanh đám hòn. Nhưng sóng vẫn lớn và có vẻ lớn hơn trước. Thanh buông lái:
“Triều lái đi Triều. Tao ra đằng trước.”
“Chi vậy?” Triều hỏi.
Để làm gì thì chính Thanh cũng không biết. Anh phóng ra mưa, gió thổi tạt vô mặt, rồi gió thổi từ đằng sau nhưng càng lúc càng thấy yếu đi. Trời lạnh thật lạnh.
Như thế, năm mười phút qua, Thanh chưa biết mình phải làm gì. Anh nghĩ mãi một điều, mưa gió và sóng nước từ đầu hôm tới giờ không tạo ra cái lạnh là lạ này. Thanh muốn quả quyết là mình ở rất gần những hòn đảo, và cái lạnh này là cái lạnh thoát ra từ đá. Ở quê anh, những người ngư phủ kể cho nhau nghe, về mùa bấc “ở ngoài biển khơi coi vậy mà ít lạnh, vô cửa biển, ngang qua mấy dãy đá giăng lại lạnh thấu xương, lạnh của giáp nước, lạnh của đá.”
Thằng Văn bước ra. Nó qua mặt Thanh và bò sát xuống cạnh hầm số bốn dùng tay kéo tấm mền lên coi thử, xong nó lắc đầu:
“Nước đầy thiệt! Ghê quá.”
Thanh chống tay vào be ghe, anh lần về phía trước và quay lại hét vào tai Văn:
“Ra bỏ neo với tao. Neo lại đi.”
“Hả? Neo làm chi. Lạnh quá!”
“Neo lại. Bớt gió rồi.”
“Sóng lớn lắm!”
Thanh chùn lại. Sóng vẫn còn lớn lắm, anh thấy mình không viện được lý do để thuyết phục Văn. Trong ghe, Triều và Chí nghe tới bỏ neo, hai thằng cùng lên tiếng:
“Neo làm gì?”
“Bộ khùng sao Thanh? Neo sao được!”
Thanh im lặng, suy nghĩ. Hồi lâu anh vịn tay vào cánh cửa sổ phòng lái chồm người vào cabine, nhỏ giọng:
“Tao sợ mình đang lọt vô đám đá ngầm!”
“Bậy,” thằng Triều cố cãi. “Nó cách mình xa lắm mà, chạy thẳng chưa chắc đã tới.”
“Không xa lắm!” Thanh nghĩ tiếp. Cái đà sóng và gió cộng thêm nhiều lần “phân ba” của anh, chiếc ghe lạc đường về phía phải của lộ trình một khoảng không thể tính chính xác được. Tuy nhiên, cái linh cảm vẫn mạnh trong anh. Thanh nhìn ra mưa, nói không cần ai nghe:
“Kệ! Tao ra bỏ neo một mình vậy.”
Mặt Thanh đanh lại. Anh đã quyết định, và cố gượng gạo bò về trước giữa trời tối om.
Thằng Văn theo liền, nó cố nói:
“Đừng neo, anh Thanh. Mình để ga nhỏ xíu mà sợ cái gì.”
“Nghe tao một lần này đi Văn. Tiếp tao.”
Thanh cố đạp cái neo về một bên theo đà nghiêng của chiếc ghe. Nhưng anh không dở lên nổi, vì một tay phải vịn vào be.
“Neo là chết, anh Thanh à.”
“Mầy chết, tao sống chắc! Neo liền đi.”
Cuối cùng thằng Văn tặc lưỡi, không nói nữa. Nó ôm xốc một cái móc mỏ neo lên, Thanh đàng đuôi, anh dùng chân đạp cuộn dây ra một khoảng trống cạnh hầm số một. Chiếc neo nhào xuống nước.
“Dây ngừng chạy là tóm liền nghe. Rồi anh la lớn, bớt ga, trả số đi Triều. Bớt ga, trả số.”
“Neo rồi hả?” Tiếng Chí trong cabine.
“Neo rồi, bớt ga trả số.”
Thằng Văn đã tóm xong mối neo, nó lom khom bò về đàng sau. Thanh ôm gốc cột khoảng giữa hai hầm trước nhịn thở lắng nghe.
Bây giờ thì lại lọt vô tình trạng đáng sợ hơn nữa. Sóng đánh, sóng bốc ghe lên cao, anh nghe được tiếng của sườn ghe bị kéo ngược ra lắc rắc. Anh lầm bầm những tiếng chửi thề.
Thằng Triều la lớn, vừa bò ra:
“Đ. má, một hồi nó xé banh chiếc ghe ra à Thanh. Tao teo quá, chặt neo đi.”
“Không,” Thanh quả quyết.
Ngừng một chút, anh tiếp:
“Kêu thêm ba bốn đứa nữa ra chịu neo.”
“Là làm sao?” Triều hỏi.
“Đ. má, ngu quá. Là mình không tóm chết mối. Ba bốn thằng chịu dây neo lại, sóng đưa xuống thì phăng, sóng đưa lên thì nhả ra. Mầy vô trong lái, tao kêu tới thì tới, tao kêu lui thì lui.”
“Vậy neo làm mẹ gì,” Triều vừa nói vừa bò ngược vô cabine.
“Neo để neo chớ làm mẹ gì!” Thanh nghĩ. Trong lúc này, cái neo được coi là mục tiêu và bọn anh làm thế nào không được rời xa quá mục tiêu đó. Nghĩa là ghe vẫn có quyền chạy ga nhỏ chế sóng và vẫn biết được mình không phải di chuyển nhiều quá trong biển nước đang cuồng nộ.
“Thấy dây chùng lại thì phăng liền nghe tụi bây, để nó quấn chân vịt là chết mẹ hết.”
Dây nghiêng quá, anh hét và Triều dời chỗ cho đến khi sợi dây neo ở vào một góc độ tương đối.
5.30 giờ. Mưa vẫn dai dẳng nhưng sóng đã dịu hẳn đi, không còn bủa vòi nữa. Thanh đã dám tóm dây neo lại và cả bọn ngồi rải rác dựa be ghe nhìn về cái cabine bể vụn một bên vách. Qua cơn rồi!
“Mình xuống hầm được rồi, Thanh hả. Tao muốn nằm thẳng cẳng một chút.”
Thằng Triều bò đi. Chí cũng bò đi, nhưng quay lại:
“Tao kêu mấy thằng lên coi chừng.”
“Yên rồi! Thanh nói, đừng tắt máy ghe nghe Chí. Kêu thằng Phong coi chừng lại hai cái bơm.”
Thanh không xuống hầm vì thật tình anh không chịu được mùi dầu ấp ủ dưới hầm máy, hóc nào cũng nóng hừng hực. Mà mấy hầm trước thì khóa đinh hết rồi.
Anh nằm đại xuống sàn ghe, xoay một bên người cho nước khỏi bắn vào mặt nói thầm:
“Nằm đây cho thẳng cẳng, sóng đưa thì lăn qua lăn lại, ăn nhằm gì, ‘xuống hầm thì em ói.'”
Trong cabine đèn bật sáng trở lại. Thằng Phong chắc đã tìm ra chỗ đứt của đường dây điện rồi.

Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.


Góc Bể Bên Trời (12)

VÕ HOÀNG
Ở bên trong một làng nhỏ cách Banju Asink ít dặm, phía dưới dãy núi chạy dọc theo bờ biển của đảo Banka có khói. Khói chiều bay là đà, nặng nề bên sườn, ánh mặt trời soi không thủng. Thanh thấy nhớ nhà ghê.
“Mầy thấy khói lam chiều chưa, Triều?” Thanh hỏi.
“Chưa. Khói lam chiều, là khói gì?”
“Là khói chiều.”
Thanh ở miền Nam từ bé. Những buổi chiều thường được thấy khói vườn nhà ai đó đốt cỏ cháy thành những nhúm nhỏ và phủ lên đó một thứ cỏ tươi hoặc cỏ mục lâu ngày. Lửa không tắt nhưng không lên ngọn và khói đặc lại, ri rỉ lan ra suốt đêm. Thật sự anh nghe nhiều bài hát nói đến cái quyến rũ, cái ngây ngất của buổi chiều khói lam bay loãng vào không gian làm con người ta quên cả thời gian mà ít khi anh cảm nhận được. Bây giờ, ở đây, nhìn khói xa xa bay, chỉ ngửi được mùi nước biển, anh thấy mình mất mát nhiều quá.
Con kinh giữa hai hòn đảo có chỗ hẹp lại, bọn Thanh nhìn thấy được cả hai bên bờ.
Bên kia là Sumatra, một hòn đảo lớn nhất nhì của xứ Nam Dương mà trước đây chỉ biết trong những bài học địa lý lớp ba lớp tư, cũng dừa xanh um tùm mọc, cũng sóng vỗ bờ đá, cũng cát trắng chạy dài.
Có một vấn đề xem thì trống rỗng mà thật sự chất chứa quá nhiều thứ, trong óc Thanh. Anh biết mình không giải quyết được gì, cái chuyện quê hương của người ta và quê hương của mình bây giờ đã xa quá, nó như một công án nặng chình chịch đè lên người anh thiền sinh mới tập tễnh.
Thanh thở dài, chui vào cabine.
Đàng trước mấy thằng đánh cờ tướng cãi nhau ỏm tỏi. “Tụi này thiệt không biết lo gì hết!” Hôm qua, đêm, lại chịu thêm một trận mưa dai dẳng mặc dầu sóng không to như đêm trước. Thằng Hồng té xuống hầm máy bể một bên mặt và sắp gãy một giò, chỉ ngồi mà lết. Vợ thằng Phong lấy muối thoa vô mặt cho nó và bó chân bằng dầu “cù là Thái Lan.” Thằng nào cũng lo ra mặt. Sáng lại thì đâu vào đấy.
Hầm số bốn được đóng kín lại bằng một cái thùng phuy chẻ ra và đàn cho thẳng mặt. Thanh bỏ ra hai tiếng đồng hồ huy động anh em dời đá dằn ghe hết xuống hầm số ba và hầm lái, dầu máy cũng được chuyển hết xuống hầm máy. Sau trận bão đêm 15 tháng 3, Thanh cảm thấy mình còn phải cẩn thận hơn nữa và anh để tâm đến việc sửa chữa những cái bè còn sót lại.
“Chỉ mới một phần ba đường mà xem ra đã có vẻ xơ xác rồi.” Cabine xiêu vẹo, đắp vá trông thảm quá.
Cái bàn thờ “Bà Thủy” được thằng Minh Quảng Ngãi đem ra phơi nắng và đóng vá lại, nó dùng dây quấn chung quanh chiếc lư hương bị sóng đánh ngã bể làm ba lại và bỏ miếng “mốp” vào đó thay cho cát, vừa cười vừa nói:
“Chà, còn có chút cát ở Việt Nam đem qua cũng bị sóng cuốn mất, xài đỡ ‘mốp ngoại quốc’ vậy.”
Thanh cũng cười theo, nhưng anh thấy một chút xót xa trong cái đồng tình của mình. “Ở hoàn cảnh này, không đồng tình cũng không xong.”
Nằm nghĩ quẩn một chút, Thanh nhỏm dậy, ra ngoài ngồi sà vào đám cờ tướng. Anh thấy rằng mình cũng nên có ít phút thoải mái cho nhẹ bớt cái đầu, để còn đối phó bao nhiêu việc sắp tới.
Cho tới lúc những quân cờ xanh đỏ gần như trùng màu nhau thì biển đã có ít sóng. Lúc này, VNKG 0042 ra khỏi con kênh thiên nhiên, nó bỏ lại đằng sau lưng những ngọn núi mập mờ như khói. Trời bắt đầu lạnh, sàn ghe còn lại vài đứa nằm vắt vẻo. Thanh gõ gõ mấy quân cờ:
“Tối rồi, nghỉ mầy!”
Chí nhoài người lấy cái hộp, nó bỏ nắm cờ vào đó và lượm từng con khác, xếp cuốn bàn cờ lại.
“Bao lâu nữa thì tới Djakarta?”
“Chiều ngày mốt. Đây tới đó mình đi khơi rồi!”
Trời tối hẳn thì ghe bị cạn. Ở biển khơi cách bờ một giờ mà bị cạn. Thanh nghe rõ lồng ngực mình dội thình thịch lúc anh ngồi bật dậy:
“Cái gì vậy Triều?”
“Cạn! Kỳ vậy. Ngoài khơi mà cạn.”
Cồn cát trong hải đồ là những vùng nước không sơn màu gì cả. Thứ này anh đã nhiều lần phải chạy càn lên đó, ai ngờ lần này vướng phải. Đàng trước, Văn và mấy thằng nữa kéo sào nghe sồn sột. Thanh vọt ra ngoài sau khi hét vào tai Triều:
“De, de lại. Bẻ hết lái qua bên này rồi hết qua bên kia.”
Hai bên hai sào đẩy ngược về đàng sau. Thanh vỗ vai Hùng:
“Qua bên kia luôn. Đẩy một bên thôi.”
Chiếc ghe chờn vờn, hơi lắc lư nhưng không lui được chút nào. Thằng Triều de, khói đen từng tảng tung lên trời. Sức của nó chỉ có vậy.
7 giờ tối. Giờ này mà xuống nước ghê thấy mẹ! Thanh nghĩ, nhưng cũng phải rán. Anh quay về cabine:
“Thôi, Triều! Để ga nhỏ, gài số máy rút coi ống chỉ quay không?”
“Ừ! Đặt neo ‘xệ’ phải không?”
Thanh không đáp, anh chồm người ra ngoài. Coi, cái ống chỉ quay chầm chậm nhưng chắc nịch.
“Rồi, quay rồi. Trả lại đi.”
Triều trả số, nó bước ra ngoài, hét vang vang:
“Người nhái. Thằng nào người nhái, ôm neo cho tao ‘xệ’.”
“Soạn neo đi Văn,” Thanh nói. “Soạn luôn năm sáu đường dây nhỏ, thằng nào xuống nước thì cột ngang lưng thằng đó, nước chảy ghê lắm.”
Khi năm thằng ngụp lặn kéo dần chiếc neo ra xa, phía đằng sau thì Thanh cũng vừa nhìn thấy một hàng mây đen kịt theo ánh chớp ở hướng tây nam, hiện lên khỏi mặt nước. Trời sắp mưa nữa rồi!
Thằng Chí búng tay “chóc chóc”:
“Mấy thím, mấy thím này, ra đàng trước, xuống hầm ngồi đi. Dây nó đứt một cái, nó văng gãy cổ hết, gãy cổ hết.”
Vợ thằng Phong “xì” nhẹ một tiếng nhưng cũng luống cuống túm tấm chăn nhảy phóc xuống. “Cái bình hơi” hỏi Chí:
“Mắc cạn hở anh Chí?”
“Chớ gì nữa! Còn phải hỏi!”
Cô nàng chép miệng định nói thêm câu gì nữa nhưng có lẽ thấy “cái giọng” của thằng Chí như vậy, nên thôi.
“Hầm số ba thôi nghe,” Triều nói. “Đừng ra đằng trước.”
Thằng Cường ôm theo một đầu dây phía bên trái nhảy xuống nước, nó giơ hai tay lên trời:
“Đã thiệt! Nước tới lỗ rún hà!”
Thêm một đường dây bên trái được kéo thẳng thì máy rút bắt đầu “xệ.” Hòa một bên, Chí một bên, mỗi đứa một ống chỉ. Dây quấn vừa hết vòng một thì ở dưới nước, tiếng thằng Văn la ơi ới:
“Neo cày, neo cày. Khoan.”
Có vẻ không khả quan nhưng phải rán. “Xệ” lần thứ hai, ống chỉ chạy mà dây không vô. Đến lúc dây vô lại cày neo.
Bấy giờ, nước chảy luồn qua kinh Banka hợp với giòng nước bên ngoài cùng chiều nên kéo dài cồn cát ra, có lẽ ra tới giáp nước mà Thanh thấy trên hải đồ. “Nó cách đây hai ba tiếng đồng hồ lận, mà phía bên kia.”
Bọn Thanh bị cạn ngay vào lúc bắt đầu, từ phía bên này cồn cát. De lại ngược giòng nước đang chảy xiết đâu phải dễ. Anh nói với Triều:
“Vô phương đi lui lại. Mầy để ý, nếu ghe nhúc nhích được thì lấy từ từ về phải nghe, lấy theo nước chảy. Bây giờ dời neo ra đàng trước, một bên thôi, ‘xệ’ một bên.”
Tội cho mấy thằng dưới nước. Trời lạnh rồi, chắc nước cũng lạnh lắm. Tụi nó vương mắc đủ thứ dây ở dưới đó.
Gió thổi vèo vèo sợi dây cột ngọn cờ SOS tới nóc cabine, nhẹ mà đều.
“Gió ngược nước, mà gió này không phải gió thường đâu,” Thanh nghĩ. Làm gì cũng có sóng lớn.
Bị cạn mà gặp sóng lớn ngược nước chỉ có chết. Sóng đưa ghe lên cao rồi “để nhẹ” xuống cồn, ghe cây chịu gì nổi! Làm thế nào cũng phải thoát ra đây trước khi sóng lớn tới. Thanh hét:
“Thêm mấy đứa xuống nữa, đem neo ra đằng trước mau mau. Nhớ cột lưng lại nghe, nước chảy…”
Vậy mà “xệ” cũng không thấy đi chút nào. Chiếc ghe nghiêng về phải gần hết độ nhưng vẫn nằm ì ra đó. Triều bớt ga, rồi lại lên ga. Nó cố hết sức nó, theo sức máy.
“Nước lớn phải không Thanh?”
“Ừ, nước lớn. Nước qua kinh mà vô vịnh thì lớn, nhưng lớn chậm lắm. Mầy thấy gió không? Nước lớn đâu có kịp gió. Nguy lắm nghe Chí!”
Chí im lặng một lúc, nó tặc lưỡi:
“Tao chặt dây tuôn tấm lều xuống ghe. Để đó nó cản gió, ghe đi không nổi…”
“Cũng được, đỡ được một chút.”
Chí chặt dây cột lều, tấm lều tuôn xuống, thòng một góc xuống nước, ba bốn thằng xúm lại.
Trời chớp càng lúc càng nhiều, và mây giăng càng lúc càng lên cao.
“Choàng dây rút qua “con lơn” đàng trước, kéo cái đầu. Còn bao nhiêu đứa ra quăng bỏ đá hầm lái đi…”
Thêm mười lăm phút lăng xăng cũng không đi tới đâu. Dưới nước còn lại hai ba đứa đạp neo, mấy thằng khác ngồi bên be run lập cập.
Gió mạnh rồi, nước lại mạnh thêm. Tình trạng xem ra vẫn y như trước. Thằng Triều chốc chốc trả số rút, gài ga chạy tới, rồi lại chạy lui, chốc chốc gài số rút. Nó cố, trong khi không mấy hy vọng. Thanh gục đầu, nhắm mắt lại.
“Gió ngược nước… Buồm nước!”
Thanh nhảy dựng lên. Buồm nước, danh từ này anh đọc ở đâu một lần trong câu chuyện của Bình Nguyên Lộc. Anh cố nghĩ thật nhanh về hình ảnh một cái buồm nước trong hoàn cảnh của mình hiện tại.
“Soạn cho đường dây neo, Chí!”
Thanh hét mấy đứa khênh nắp hầm số ba ra be, kê một đầu cao lên. Lạy Trời lần này!
Ba bốn sải tay dây, chặt, hai ba sợi… Thanh luồn qua mặt dưới nắp hầm, quấn quanh những đầu đinh khóa sẵn một vòng, lòn ra trước thành gút lại.
“Làm lèo bốn, để ngược nắp hầm như vầy cho nó bọc nước nè Chí, thả xuống nước, như thả diều…”
“Được không? Làm thêm một cái đàng trước nữa nghe.”
“Khoan,” Thanh nói. “Tao sợ nước cạn quá, nắp hầm không đứng được, nó xếp lèo thì mắc công thêm. Nhanh lên.”
“Ăn thua mầy để lèo cho đúng, nó không xếp.”
“Con diều nước” được thả xuống, lèo không xếp nhưng nắp hầm trôi xéo thành ra không bọc nước mạnh.
“Mình lấy thùng phuy lòn dây làm được à Thanh,” Chí nói. “Nhưng mà nó nổi phều phều…”
“Ừ được, mình có mấy thùng không?”
“Ba bốn cái lận. Mà nó nổi…”
“Mẹ, nổi thì đổ nước vô phân nửa!”
Thêm mười phút nữa. Bây giờ mây đen phủ lên đầu. Sóng chưa đủ sức làm nhúc nhích ghe nhưng đập vào mạng sườn từng lượn mạnh. Mười phút biến cải và thực hiện được, theo Thanh nó là những điều tốt đẹp nhất. Những cái thùng phuy được lấy búa chặt nham nhở chung quanh cột mỗi cái hai vòng lèo và thả xuống nước. Hai ba thằng kéo ngược nắp hầm về sau khi thằng Hòa lội ra chặt bỏ bớt hai lèo. Chí hét:
“Lên ghe hết đi, lên hết đi. Xệ, Triều!”
Triều gài số rút, kéo ga. Ba sợi dây ba cái thùng phuy căng thẳng băng. Thằng Minh Quảng Ngãi la lớn:
“Đi rồi, đi rồi! Sào nghiêng nè…”
Ghe đi từ từ, Triều lái nó về phía phải. Thanh dặn dò mấy đứa bất cứ giá nào cũng phải cố lấy neo cho được, đừng bỏ, còn mấy thùng phuy, chặt dây.
Tới lúc neo trốc rồi, ghe vẫn cứ đi được. Sóng lớn rồi. Thằng Nghiêm vừa đu người lên be thì sóng đánh ngã xuống, hai ba thằng kéo nó.
Chí la ong ỏng: “Còn một thằng, thằng nào?” Nó nắm sợi dây nhỏ còn thòng xuống nước, sợi dây thẳng.
“Thằng Cường,” Nghiêm hổn hển, “chắc nó lội không nổi đâu!”
Văn lại nhẩy xuống, không cột dây bụng. Nó nắm mối dây phăng lần ra. Trời tối mò rồi, nó đạp chân hai ba cái là hết thấy. Lúc này, ghe đi được nhanh hơn trước, rõ ràng nó có chiều hướng đi càng lúc càng xa cồn cát. Càng ra đầu cồn nước càng sâu mà!
Tiếng thằng Văn phất phơ:
“Kéo đi, kéo đi…”
Triều pha đèn về phía đó, chỉ thấy lấp ló cái đầu thằng Văn. Thanh la lớn:
“Có không? Có nó không?”
Ý nó muốn hỏi “thằng Cường đâu.”
Khi thằng Văn nắm được lườn ghe, nó phun phèo phèo:
“Vọp bẻ chắc, nó chìm…”
Văn ngụp nước xốc thằng Cường, ba bốn đứa xúm lại. Thằng nhỏ xụi lơ.
“Không sao đâu, xốc nước cho nó. Đem ra sau đi, Hòa lau mình lấy mền quấn cho nó nghe, xức dầu…”
Thanh trở vô cabine sau khi thằng Cường đã ói nước ra được và tụi Chí lấy neo lên xong.
Trời mưa. Thoát rồi! Thanh bắt đầu cảm thấy khờ khờ trong người. Lần nào cũng vậy, qua một lúc khủng hoảng, anh hay bị “xốc” và nghe lạc lõng quá. Giống như cái đêm bị bão ngoài khơi, sáng ra, lúc bất chợt nhìn thấy hàng đá ngầm xâm xấp mặt nước, giăng trước mặt cách có hai ba phút ghe đi, anh lặng người và biết lúc đó, nước mắt đang chảy xuống má. Suốt hôm đó, anh chỉ muốn nằm vùi. Chuyến đi có nhiều nguy hiểm đã được tiên liệu rồi nhưng sao thấy ghê quá!
“Đi trở vô nghe Thanh?” Triều hỏi.
“Chớ đi đâu nữa! Xuôi theo sóng, nửa tiếng vô tới chỗ êm sóng rồi. Ở đây lạng quạng qua không khỏi cồn cát.”
Thằng Chí xách cây dao yếm trở vào cabine, nó cằn nhằn:
“Đ. má, dao lụt nhầy. Chặt một ngàn cái mới đứt được sợi dây.”
“Ba sợi! Ba ngàn cái!” Triều cười.
“Mình vô hả Thanh?” Chí hỏi.
“Ừ!” Anh quay qua Triều: “Chạy về khoảng 350 thì đúng đó Triều. Chừng mười lăm phút, pha đèn vô kinh… Lâu lâu pha thử một cái…”

Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.


 Góc Bể Bên Trời (13)

VÕ HOÀNG
Gần ba mươi tiếng đồng hồ chạy ở 165, chắc tới tối thế nào cũng lọt vô vịnh Djakarta. Thanh định làm gì cũng phải đậu ngủ chờ tới sáng mới vô trong được, “không biết có cái gì ở trỏng!”
Khoảng năm giờ chiều thì mọi người cùng lúc nhìn thấy hai chấm đen mờ mờ ở hai bên mũi ghe. Thằng Triều bấm còi hụ vang vang, la lớn:
“Đ. mẹ, thằng Thanh hay thiệt. Đi ngay phóc vô vịnh, không chịch một mắt me.”
Thanh không dám lạc quan như nó mặc dầu anh vẫn tin là mình đi đúng. Buổi chiều, trời trong vắt mà ở trước mặt, một thứ sương mờ giăng tràn phủ dài sát nước chụp lên những dãy đất chập chùng không thấy gì khác nữa. Theo anh, đó là loại sương mù bốc lên từ một thành phố đông người.
Hồi trưa, nghe thằng Chí càu nhàu chuyện gì đó thì Thanh thức giấc. Hỏi ra mới hay thằng Nghiêm giao lái lại cho Minh Quảng Ngãi, nó dặn dò chạy theo 165. Thằng nhỏ nghe ba chớp ba nhoáng cứ để 185 mà chạy, tới chừng thẳng Chí hay được, chiếc ghe đã chạy như thế gần hai tiếng đồng hồ. Thanh dậy, hỏi lại cặn kẽ. “Hai tiếng đồng hồ tuy không bao xa, nhưng muốn chạy thật đúng hai tiếng đồng hồ thì quả là lạc hơi xa.” Anh tính lại đoạn đường lạc và đổi hướng.
Bây giờ là sáu bẩy giờ chiều. Vụng nước nằm lọt trong vịnh Djakarta êm phẳng mặt. Thỉnh thoảng, bọn Thanh thấy được vài cánh buồm ở xa xa.
“Kỳ há Thanh,” Triều nói. “Xứ này mỏ dầu hỏa tùm lum mà dân thì đi bằng buồm không.”
“Ờ. Dân Nam Dương nghèo, nghèo hơn Việt Nam mình nhiều. Mầy xem cho kỹ, chút nữa có bóng tối, nếu hai bên mũi đất đều có đèn chớp là mình đi đúng vô vịnh, xem kỹ cho chắc ăn.”
“Chắc rồi, chắc ăn rồi! Cả đảo Java có hai mũi đất này nhô ra cao nhất, mầy không thấy trên bản đồ sao?”
“Thấy, nhưng mầy lấy gì làm chắc? Hồi trưa chạy lạc mấy tiếng đồng hồ rồi.”
“Nghỉ lại hay vô luôn, Thanh?” Chí hỏi.
“Nghỉ! Cửa biển lạ tao không dám vô ban đêm.”
Đàng trước, có mấy thằng đã lo dọn chỗ nằm. Trời còn sáng mà tụi nó đã lo rồi.
“Bữa nay ngủ khỏe thôi. Tao chấp hết thảy, mưa gió, bão cũng được. Cứ xuống hầm máy là ngủ tới sáng.”
Thanh không tiếp lời Triều, mà anh thấy rõ như vậy. Đêm nay là đêm an bình nhất trong gần nửa đoạn đường đi. “Hôm nay là ngày 17, mình rời Songkhla như vậy là gần mười ngày. Phượng đã lên Bangkok chưa?”
Bọn Thanh bỏ neo ở một góc phía trái của cửa khẩu Djakarta. Ở đó, Thanh nghĩ, mình không làm cản trở lối ra vào của tàu bè mà không ai nhìn thấy mình. Vả lại, gió mùa ban đêm dù có thổi mạnh đến thế nào cũng phải nhường dãy núi nhỏ chạy dài từ tuốt bên trong ra tới mũi đèn.
Đêm. Trời càng tối càng thấy nhiều đèn. Thứ đèn giăng hàng của tàu buôn buổi chiều bị sương mù làm chìm lỉm hình dáng với dãy đất xám xịt, xa lạ. Thanh kéo tấm chăn leo lên nóc cabine, nằm nghiêng người nhìn ngược ra biển. Có vài cánh buồm xuôi thong thả dò đường vào cửa. Xứ sở này có vẻ an bình quá!
Thanh chợt nghĩ đến Songkhla. Giờ này là giờ người ta thăm viếng nhau và ngồi đấu láo. Mười ngày qua đã có thêm bao nhiêu chiếc ghe nhập trại? Và khoảnh đất nhỏ đã phải chứa thêm bao nhiêu con người trong đó?
Thanh thở nhè nhẹ. Anh dang thẳng hai cánh tay, nằm ngửa mặt nhìn lên trời. Cái lúc trời đất giao nhau này chỉ là cái lúc để làm con người ta moi móc những uẩn khúc bị che kín trong hồn ra sống với nó. Đối với Thanh, cái uẩn khúc kỳ lạ mà Thanh nghĩ rằng nó sẽ còn mãi trong con người anh là những cảnh tượng sống xem ra có vẻ gượng ép, giả tạo nhưng thật sự nó được sắp đặt trước hay ít nhất, nó cũng không có chút gì gượng ép, giả tạo khi con người ta bắt đầu nhập cuộc.
Anh nghĩ tới mình, anh nghĩ tới những người thân và cảm thấy ai cũng vậy, mọi người đều được Trời Phật đặc ân ban phát cho cái tính khí đáng giá, cái tính khí dễ dàng hòa nhập với tất cả mọi sự thay đổi một cách gần như tự nhiên.
Ở bên nhà, ở bên đảo, người ta cằn nhằn chút đỉnh về việc nhà nước nắm quyền quản lý hết tất cả ghe thuyền, mọi thu hoạch và di chuyển của dân đánh cá đều phải qua sự kiểm soát của nhà nước. Rồi không lâu, người ta xoay qua việc rẫy bái, tất cả mọi câu chuyện đều hướng về đó, tự nhiên như những người lính nói đến một trận đánh có mình tham dự và nói đến số lương mình sẽ lãnh được trong tháng tới, không một chút mánh lới trong câu chuyện. Thanh cố nghĩ rằng, người ta đã sống trong quá nhiều sự thay đổi, có thay đổi nữa thì thật sự cũng chỉ là những thay đổi… Nhưng cái uẩn khúc nằm trong đó chỉ có thấy được khi nào Thanh nghe nói tới, chính những con người dễ dàng hòa nhập với sự thay đổi đó, họ tự làm một việc thay đổi cho chính họ.
“Thì mình cũng vậy!” Nếu không vậy, sao có ngày hôm nay, một thân một mình nơi cái đất nước xa lạ này?
Ở trại, những ngày đầu mới tới, Thanh thích nhất được nghe bất cứ ai kể lại những diễn tiến trong chuyến đi của họ. “Ghe tui nhỏ xíu mà chứa tất cả trăm mạng, con nít nó khóc tùm lum, thằng công an lấy vàng xong rồi mà còn hăm he đủ thứ, rồi máy hư hết một bloc, tụi Thái Lan lùa hết mọi người ra đàng trước…” Mới đầu, anh còn góp ý và chủ tâm ghi nhớ những biến động có vẻ nặng ký nhất. Sau một dạo, hình như chỉ được một hay hai tuần lễ, anh tự dưng sợ phải nghe tiếp bởi vì kết cuộc nào cũng đi tới một cuộc sống kỳ cục mà anh và mọi người đang sống, mặc dầu người kể không bao giờ đề cập tới.
Ở đó, người ta cãi nhau và đánh đấm nhau chỉ vì chia chác cho nhau không hợp lý. Ở đó, người ta ngậm ngùi nhường nhịn nhau những thiếu thốn, người ta cam tâm lường gạt nhau bởi những người có khi cả đời chưa biết lường gạt bao giờ, và người ta bắt đầu thương yêu thứ mà trước kia, nó là những thứ đáng ghét.
Có một điều, cho tới bây giờ Thanh vẫn chưa dám cho mình là nghĩ đúng, con người ta sẽ mất nhau kể từ khi rời bỏ cuộc sống ở đó, cuộc sống của những con người thường xuyên bị mất mát, thứ này hay thứ khác. Thanh nhớ dập dồn những ngày tháng ở Songkhla. Có khi anh nghĩ, mình không nên rời khỏi nơi đó, tới bao giờ cũng được.
Đêm tối thật rồi. Sương lạnh phủ trùm VNKG 0042, đàng trước mấy thằng vừa choàng chăn vừa ngồi đấu láo. Dưới cabine có tiếng thằng Chí chưởi thề và vài tiếng cãi cọ. Nó phát giác hai gói thuốc lá của ai đó giấu dưới hầm máy, trong một xách tay Air Việt Nam. Hỏi, không thằng nào nhận. Cuối cùng, biết chắc chắn là xách tay của thằng Thông, nó nắm ngực thằng nhỏ, cho hai thoi vào mặt. “Cái bình hơi” thương em, thành ra gây gỗ. Thanh lắng nghe:
“Sao mới đầu hỏi, không chịu nhận?” Tiếng thằng Chí chậm rãi.
“Nó nhỏ, nó sợ. Anh còn đánh nó làm gì.”
“Tui nói cho chị nghe. Trên ghe này, đi đường lạ coi như sống chết có nhau. Chị không thấy chiều qua tới giờ có ai còn hút thuốc không. Nó giấu như vậy, chị cho là phải chắc!”
“Nó bậy, nó bậy tui công nhận. Mà đánh như vậy còn gì thằng nhỏ.” “Cái bình hơi” đã khóc thành tiếng.
Thẳng Chí gằn giọng:
“Nó có phước lắm nên tui chưa bẻ cái mặt nó ngược ra đằng sau, chị biết không. Gặp thằng Văn, nó đạp cho mà gãy cổ chớ không phải chỉ có hai thoi đâu.”
“Cái bình hơi” không nói nữa, chỉ khóa rấm rức. Thanh thấy thằng Chí làm đúng, nhưng hơi nặng tay. “Nói cho thằng nhỏ biết một lần chắc cũng đủ rồi.” Đàng trước nghe động, tụi kia lục tục kéo vô:
“Oánh thấy mẹ! Thằng nào?” Tiếng thằng Văn.
“Thôi đủ rồi,” Chí nói. “Thằng Thông, tao bắt được, nó còn nói xóc họng. Nó biểu thuốc này của cảnh sát Singapore cho nó. Đ. má!”
Mấy đứa kia im thim thít. Thanh tung chăn nhảy xuống, anh lo thằng Văn làm ẩu thêm nữa.
Vậy mà cũng không kịp. Văn nhảy phóc xuống hầm máy, chỗ thằng Thông đang ngồi ôm mặt nhăn nhó, anh nghe vài cái ịch đụi. Thanh thòng đầu xuống hầm hét:
“Thôi, Văn. Đ. má, sao lại đánh hoài vậy?”
“Cho nó chết mẹ luôn, anh Thanh. Thằng nào cũng vậy hết. Tui ghét nhứt thứ này.”
Ngừng một chút, nó buông thõng:
“Đ. mẹ. Xả láng mà còn thủ!”
“Tao tưởng chuyện như vậy thì tụi bây nói với nhau là đủ, làm gì tới đấm đá,” Thanh đứng lên.
Thằng Thông đứng gượng dậy, đi qua mặt Văn và leo lên cabine, một bên mặt sưng húp. “Cái bình hơi” vừa nhìn thấy thì khóc to hơn. Thằng Văn leo theo:
“Bà Nhung, bà dạy lại nó. Tui cho bà hay, không phải tui ghét gì nó, mà thằng nào cũng vậy hết. Kiểu đó mà sống với tui, tui đánh từ sáng tới tối, mệt thì nghỉ, hết mệt đánh tiếp.”
Tội nghiệp “cái bình hơi.” Cô biết lỗi của thằng em gây ra và cái lỗi này đụng chạm với hết cả mọi người trên ghe, thành ra xoay qua mắng thằng em:
“Mầy thấy không! Làm như vậy, người ta không đánh sao được?”
Ai cũng nín thinh. Hình như mọi người đều thông cảm với cái đau xót của cô. Thằng Chí buông nhẹ, sau một cái thở dài và vừa quay đi:
“Chớ gì nữa! Chơi như vậy thì chơi với nhau đâu có tới tết.”
Thanh nắm vai thằng Thông, kéo lại:
“Chị Nhung lấy muối đắp mặt cho nó.” Anh quay qua ngó thẳng mặt Thông: “Còn mầy, liệu mà sống chung với nhau cho có tình, gặp khổ người ta không bỏ. Cái điệu này, bạn bè không đánh mầy thì trời cũng đánh mầy, mầy biết không?”
Thằng Thông im lặng, chịu đựng. Thanh hét mấy thằng kia đi nằm. “Mai sáng còn nhiều việc phải làm.” Anh leo trở lên nóc cabine trong khi bên dưới, thằng Triều mở radio rà đài, một thứ nhạc xa lạ thoáng phát ra, bất chợt nghe được thì nghĩ ngay đến việc mình đang ở một nơi cũng xa lạ, quá xa lạ. Thanh quên luôn cả việc có lần thằng Văn giấu lại mấy gói thuốc lá.

Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.

 Góc Bể Bên Trời (14)

VÕ HOÀNG
Djakarta, Chúa Nhật 19-3-78.
Trần,
Chắc mầy ngạc nhiên khi nhận được thơ tao viết từ Djakarta. Lại trách chớ gì!
Tao cũng biết, bên đó mầy lo xong mọi thủ tục cần thiết cho tao. Đáng lẽ tao nên an tâm ở lại Songkhla và chờ, chờ hoài cho đến khi được rời khỏi nơi đó!
Làm sao tao nói để mầy hiểu được lý do tao phải bỏ đi trước khi một chương trình nhân đạo (riêng cho tao) hoàn tất, ngoài cái việc tao tự thú với mầy: Cuộc đời những thằng như tụi mình, làm được điều gì mình thích làm, đã là một hạnh phúc rồi, còn chờ gì nữa?
Thì cũng như mầy vậy thôi! Tụi mình mà có bôn ba lắm, đều luôn luôn thấy rằng mình đã lầm. Tội gì không lầm những điều mình thích lầm.
Có điều này, Trần à. Hai tháng rưỡi sống qua năm sáu trại giam của tụi Thái trước khi được đưa tới Songkhla, tao sống với cái hy vọng trọn vẹn lúc quay lưng bỏ đảo, cái hy vọng của những ngày cuối tháng 5 bảy lăm, cái hy vọng trong những chuyến xe phủ ngập bụi đỏ dọc con lộ đất cặp chân núi Dài, cái hy vọng trên yên chiếc xe đạp cứ vài phút là sút sên một lần, đạp từ chợ Long Hoa về Tòa Thánh tìm bạn bè… Tới trại, hai ngày, tao biết ngay, biết rõ, biết đúng là mình “binh trật” thêm lần nữa. Mà lần này, khó có thuốc chữa, khó gỡ.
Hình như tao chỉ viết cho mầy một lá thơ mấy ngày đầu tới trại và cũng chỉ là lý lịch, giấy tờ. Tao nghĩ mai mốt gặp nhau, thiếu gì lúc nói. Bây giờ, trên đường đi Úc Đại Lợi. Tao biết tao phải tới Úc và còn lâu lắm mới gặp được mầy. Chiều nay rảnh rỗi nhưng không an trong lòng được, nói chuyện với mầy nhiều nhiều vậy.
Trong hai ngày đầu tới trại, đọc thoáng qua một loạt những báo chí mới cũ được gởi tới từ “các quốc gia thứ ba,” tao chưng hửng và khám phá ra rằng: sao cuộc đời mình đã đụng chạm không ít những thực tế tàn bạo, bạc bẽo, mà vẫn không chừa được cái thói lý tưởng hoá cuộc sống. Thỉnh thoảng, bạn bè hay công việc trước mắt nhắc cho một tiếng, mới biết được rằng hôm qua mình “cải lương” quá.
Nhưng tụi mình làm gì khác hơn được, Trần? Đúng hơn, tụi mình không dám làm những điều khác hơn. Làm để chết à? Bao nhiêu con người đã tự tử bỏ cuộc đời chỉ vì đã lỡ làm những điều khác hơn cái hy vọng và khám phá ra mình hết hy vọng?
Không vậy sao thằng Hà thi rớt tú tài mà học đòi viết cương lĩnh, con nhà Huê lúc nào cũng sợ ma mà soạn được lời “hiệu triệu” kêu gọi “đồng bào tiếp tay khi lực lượng kháng chiến nổi dậy làm trách nhiệm cứu nước,” rồi Năm Đình nữa, ai hù sau lưng thì máu xâm nổi dậy, sùi bọt mép, giựt kinh phong, mà hiên ngang “tuôn một đống” truyền đơn trước cổng ủy ban nhân dân xã… Người ta sống được nhờ cái hy vọng, dù nhỏ, dù mỏng manh, nhưng là cái hy vọng trong cái hết hy vọng, Trần à.
Ở đây, bây giờ, tao vẫn hy vọng mình lầm thêm nữa để còn được yên tâm mà ăn cơm, yên tâm mà hút thuốc, chớ thiệt tình, cố gắng cho là mình đúng thì chỉ có bỏ ăn, bỏ hút, còn sống làm sao hết tháng ngày. Số là, theo tao cảm nhận được, gần ba năm nay, những người mà lúc trước mình gọi là “lực lượng ở ngoài” nghỉ ngơi lấy sức và đang có hiện tượng xâu xé nhau.
Tính thử xem, bởi vì mình không nên phủ nhận thực tại nghe Trần, tình trạng xâu xé nhau chắc chắn phải có. Trước hết, tao với mầy cùng một lượt hy vọng tình trạng này không kéo dài lâu lắm, có nghĩa là không kéo dài mãi mãi. Thì cho là mười năm, hai chục năm đi, miễn là đừng tới thời gian mà bà con mình còn ở lại “tự giải phóng cuộc đời” của họ, bên này mình sống với cái hy vọng nào nữa. Vậy ra, không phải buồn năm mười phút, mà là buồn lâu, buồn dài, buồn mấy chục năm bởi vì tao xét kỹ rồi, cỡ tụi mình, chỉ có đứng nhìn người ta xâu xé nhau đừng nói tới chuyện có mình trong những xâu xé đó và dĩ nhiên đừng nghĩ tới chuyện
Có mình trong bất cứ một “hành vi tạo sự kết hợp” nào cả. Dính vào, mang tiếng “thằng láu cá” ngay.
Như mầy đó, “chưa bao giờ tao kể người ta nghe về những chuyện làm của tụi mình, vì ở đây, người ta đang lo công việc quy mô hơn nhiều, và lãnh đạo cũng vậy, có tiếng tăm không hà…” Tao tủi cho mầy, tủi cho tao.
Không tủi sao được, Trần. Thiếu điều tao lạy tụi cảnh sát Thái Lan khi biết được tụi nó lấy cái xách tay của tao trong đó có hai cái bản đồ, một của Bộ chỉ huy huyện đội và một là các vị trí của gần trăm khẩu 106 phòng Duyên tụi Biên phòng đóng dọc theo bờ đảo. Không tủi sao được khi tao dặn dò ông già những chỗ có thể tản cư vào đó khi mà “tụi con theo lực lượng ở ngoài đổ quân về” một cách kỹ lưỡng và được lặp lại thêm lần cuối trước khi xuống núi.
Mình lầm, lầm ở những cái đáng lầm quá thì còn nói làm sao được với nhau cho hết lời hả Trần? Thằng Hà, con Huệ và nguyên đám thằng Vọng ở Lemsing chắc cũng tan hàng, để khỏi phải nhìn nhau hằng ngày, mà tủi thôi!
Tao chỉ muốn ngừng lại ở đây vì trong lòng không yên, nói nhiều nói bậy. Về chuyến đi của tao, mầy cũng chỉ nên biết rằng tao sẽ tới Úc, chắc chắn sẽ tới Úc, và không có gì phải kể lể dài dòng.
Còn cuộc sống sẽ như thế nào thì mầy qua trước gần nửa năm, chắc biết rõ hơn tao. Mỹ cũng vậy, Úc cũng vậy, không phải là Việt Nam thì ở đâu cũng vậy.
Dầu sao, tới Úc, mầy cũng có tin tao.
Thôi nghe, thương,
Thanh
Thanh xấp lá thơ lại, ngồi thừ ra một lúc, chưa biết phải làm gì nữa. Đàng cuối dãy nhà, một nhóm người ngồi chung quanh những cái thùng giấy kê sát lại làm bàn, họ uống trà và ca hát.
“Ở đây, đỡ khổ hơn các trại tỵ nạn khác nhiều,” Thanh nghĩ. Dầu sao thì sự đối đãi của chánh phủ Nam Dương đối với người Việt tỵ nạn cũng có ít nhiều tiêu biểu cho lòng nhân đạo hoặc được kiểm soát bởi những con người nhân đạo.
Mấy đứa em ở chợ về, tụi nó đem vào trại đủ thứ đồ vật và Thanh hiểu là sắp sửa có một bữa tiệc không nhỏ. Canh, thằng em con chú con bác vừa cười khà khà vừa nói:
“Anh Thanh nằm nghỉ một lát lấy sức đi, đêm nay mình phải vất vả lắm đó.”
“Định làm gì nữa?” Thanh giả vờ.
“Nhậu, nhậu cho đã thèm. Lâu nay tụi này cũng ít uống rượu. Nhưng bữa nay có anh mà, trời đất bao la mà gặp lại nhau, không nhậu, còn kêu lính bắt chắc!”
Cô em gái thêm vào:
“Ở đây giống xứ mình lắm, anh Thanh. Mấy ông nhậu đã rồi đi lang thang ngoài đường không ai nói gì hết, anh đừng lo.”
“Thôi,” thằng Canh ngắt lời. “Nhắc tới hoài, xứ mình, xứ mình. Để người ta vui cho trọn.”
Giữa đường lang bạt, anh em gặp nhau, Thanh quên hẳn đi mình đã trải qua nửa năm trời nhớ quay quắt những hình ảnh thân yêu gói ghém. Chiều hôm trước, ghé vào bến, Thanh nhìn thấy ngay hình dáng một chiếc ghe quen thuộc, loại ghe đánh lưới rút mà chỉ ở Phú Quốc mới có. Thằng Văn la lớn:
“Ghe ông Cả Bảy, anh Thanh. Dám có bà con mình lắm nghe!”
“Ừ, cũng hy vọng vậy. Mà chiếc này chắc mới qua, ở Songkhla mình chưa hay tin.”
Thanh gặp ông Chệt Lỳ, chủ tiệm tạp hóa dưới chân cầu Nguyễn Trung Trực, ngồi một đống trước mũi ghe. Anh bắt loa tay hét lớn:
“Ông Lỳ, ông Lỳ, nhớ tui không? Thanh! Thanh!”
Ông Chệt che mắt, nhìn lâu lắm. Rồi lần lượt ông nhìn ra đủ thứ thằng, từ Chí, Hòa, Văn… Ông la lên:
“Hê, hê, tụi mầy. Sao còn ở đây?”
“Tụi tui đi Úc,” Thanh đáp.
“Đi Úc? Mầy đi mấy tháng mà mới có tới đây?”
Ông Chệt ngạc nhiên cũng phải, nhưng chưa tiện giải thích vội, Thanh hỏi:
“Ai đi chiếc ghe đó? Bị cướp hả?”
“Con ông Cả Bảy, đám con ông Đực… Đông lắm, bốn năm chục người. Tụi nó ở trại, tao giữ ghe mình ênh!”
Gặp người đồng hương, cả đám tụi thằng Văn, thằng Chí, cả chục đứa phóng tuốt lên bờ chạy ngược về ghe ông Cả lúc VNKG 0042 vừa cập bến. Đàng này, Triều quăng dây cho một người Việt Nam mặc quần sọt đứng trên chiếc tàu sắt, vừa hỏi:
“Mình đi Úc, tụi nó cho đi không anh?”
“Đi Úc hả, cho chớ! Nó cho dầu.”
Thanh tắt máy, đi lần ra đàng trước:
“Tụi này có làm khó dễ gì mình không anh?”
“Bộ chỉ huy hải quân của tụi nó ở trên đó.” Anh thanh niên chỉ tay lên bờ. “Tụi này dễ ẹc hà. Hai bữa trước có một chiếc tàu ghé vô đây xin dầu đi Úc. Phải mấy anh tới sớm, đi chung luôn rồi, chiếc đó lớn như tàu hạm.”
Thanh yên tâm, và anh càng yên tâm hơn nữa khi tối hôm đó, Canh, nhỏ Thảo và cả chục người đồng hương theo chệt Lỳ xuống bến.
Con nhỏ Thảo bô bô:
“Ở đây dễ ẹc, tụi em muốn đi đâu thì đi. Mà sao nghe tin anh Thanh ở trại Songkhla, bữa nay gặp ở đây?”
“Anh lấy ghe đi Úc, ở trại khổ quá. Hồi em đi có ghé vô nhà bác không? Bác khỏe không?”
“Một tuần trước khi tụi em đi.”
Cả ghe nhôn nhao hỏi tin gia đình. Tụi kia khác xứ cũng rán hỏi này hỏi nọ, may thì biết thêm được chút tin. Thằng Minh trọ trẹ:
“Anh có biết trong trại ai người Quảng Ngãi không?”
Thằng “bộ đội”:
“Có ai người Xẻo Rô không?”
Hỏi, rồi biết chút ít, mập mờ, tối lại thì gần hai chục mạng chạy chọt “kiếm cho có tiền” kéo nhau theo hết vào trại. Thanh giữ Canh và hai ba thằng khác lại, “nói chuyện cho vui” và hỏi thêm tin nhà. Tối nay thì đến lượt anh ngủ trại. Nhỏ Thảo nói:
“Anh vô trại ngủ, có mùng. Ở đây giống như xứ mình, đêm, muỗi nó bay tối trời tối đất.”
Mới tới nửa tháng, anh em tụi nó sắm sửa đủ thứ đồ đạc nấu nướng mặc dầu phần nuôi ăn, người Nam Dương lo liệu cho hết.
“Đồ ăn tụi nó nấu kỳ cục lắm, Canh nói. Ba bốn thứ đổ vô hầm bà làng rồi tưới lên cơm.”
Nhỏ Thảo tiếp:
“Giống như cho heo ăn!”
Đêm nay Thanh biết tụi nhỏ nấu canh chua. Trong mấy cái túi giấy, anh thấy có cà chua và hai trái khóm. Thằng Canh tặc lưỡi:
“Cá hồng này, bên mình bán rẻ rề. Ở đây tụi nó ‘chặt’ bốn năm trăm đồng một con nhỏ xíu.”
“Tiền Nam Dương mà,” nhỏ Thảo dài giọng. “Tiền gì mà giống in toa thuốc Bắc!”
“Thì tiền Sài Gòn mình hồi trước cũng vậy!” Thanh nói.
“Đỡ hơn chứ anh!”
“Ừ, thì đỡ hơn một chút.”
Có không khí gia đình, Thanh cảm thấy vui vui, anh quên hết mọi thứ lo âu chất chứa lâu nay. “Lo quá cũng mệt, mai mới có việc phải làm, phải nghĩ.” Thanh hỏi Nhỏ Thảo:
“Bộ tính ở luôn đây sao mà sắm soong chảo đủ thứ hết vậy?”
“Hai ba chục đứa hùn tiền lại đó anh. Ở trại này, người nào đi sớm nhất là tám tháng, còn thường thường thì một năm, một năm rưỡi, ăn đồ tụi nó sống sao nổi anh.”
“Mấy đứa có dám xuống ghe với anh đi Úc không?”
“Thôi, xin anh. Hết một tuần lễ trên biển, em gần muốn chết, đâu dám đi nữa. Em cũng muốn nói với anh là ở lại đây đi, lần lần người ta làm giấy tờ, bốc đi bằng máy bay cho sướng, tội tình gì…”
“Ý, đâu được. Anh vượt biển lần này là lấy kinh nghiệm, mai mốt đổ bộ về nước mà!”
“Thật không đó!” nhỏ Thảo nhướng mắt.
Thanh cũng không biết là mình nói thật hay nói chơi. Vì thật tình có lần anh nghĩ như vậy, mà rồi đôi khi, anh nhận ra điều này có vẻ xa vời và cải lương quá. Lỡ nói ra, anh nghe một ít xót xa thoáng qua ngực.
“Hơn nữa,” thằng Canh nói, “tụi em phải đi Mỹ chớ đâu có đi Úc, bên Mỹ có anh Mộc mà. Ảnh sẽ làm giấy bảo lãnh tụi em.”
“Ờ, ờ, nhắc mới nhớ. Hai đứa có viết thơ cho Mộc, nói là anh đi Úc, khỏi phải tiếp tục lo giấy tờ cho anh. Chắc nó gởi thơ về Songkhla cho anh, thì anh đi rồi. Hơn mười ngày nay…”
Nhỏ Thảo hất hất cái mặt:
“Mà sao anh lại nhất định đi Úc? Có bồ ở bển hả? Hay là dưới ghe? Em thấy có ba bốn cô…”
Nó ngưng một lát, buông nhỏ:
“Mà xấu ỉnh!”
“Mầy thì ai cũng chê,” Canh nói. “Mai tao ra chợ rán tìm mua cho được cái kính soi mặt, mầy biết liền.”
“Xí, con này cũng đỡ, chớ bộ.”
“Ừ, đỡ. Tao có nghe nói!”
Thanh cười:
“Thôi, tụi bây như chó với mèo. Nói vậy chớ có ai đâu. Anh già thấy mồ rồi.”
“Anh già!” nhỏ Thảo trề môi. “Anh già thì chắc tụi em cũng gần chống gậy. Có bồ thì nói có bồ, ai cười em thoi vô mặt cho anh coi. Con này có nghề chút đỉnh mà!”
Bốn năm đứa nữa kéo về, rồi thì đủ thứ câu chuyện được đem ra. Thằng Canh phân công việc đâu ra đó. Còn phải canh cửa, không có “tụi Nam Dương xuống thấy xài điện lậu thì phiền lắm.” Nó vỗ vai nhỏ Thảo:
“Đi ngoại giao, mượn thêm ít đôi đũa nữa, mình đâu có đủ cho từng này người.”
“Lại sai biểu. Chốc nữa mà.”
“Đi bây giờ đi!” Canh nhăn mặt. “Tại vì phải mượn thêm cái rổ đựng rau. Mầy lại chị Thuận, tao thấy chị có cái rổ xanh to lắm.”
Nhỏ Thảo đứng lên. Canh quay qua Thanh:
“Bên này đi chợ, hên lắm mới thấy bán đũa. Đũa Tàu không hà. Tụi Nam Dương ăn bằng tay, anh Thanh, tụi nó bốc bằng tay mà ăn.”
Một thằng khác châm thêm:
“Đi cầu xong cũng lấy tay mà rửa.”
Nhỏ Thảo đi xa rồi cũng còn cố nói lớn tiếng:
“Vô duyên! Vô duyên…”

Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
 
 Góc Bể Bên Trời (15)
VÕ HOÀNG
Khi Thanh gặp lại viên Đại úy Hải quân, anh đưa cho ông ta xem tập bản đồ anh tìm được ở chợ Djakarta. Ông nói:
“Mầy thấy nó thế nào?”
“Tàm tạm, nhưng tao muốn có một cái lớn hơn.”
Viên Đại úy này được cấp trên chỉ thị phải liên hệ trực tiếp và giúp đỡ những người dưới ghe VNKG 0042. May cho bọn Thanh là ông ta cởi mở và tốt bụng. Ngay buổi chiều, lúc bọn anh mới vào, ông ta ở hàng giờ dưới ghe, ghi chép đủ thứ. Cái khổ nhất của Thanh là ông ta không nói được tiếng Anh mà nhất định phải nói tiếng Tây. Thì thôi vậy! “Chơi luôn.” Thanh biết rằng phải chờ tới ngày thứ hai mới có thể tìm được người Việt Nam biết nhiều tiếng Tây và nhờ họ, anh đành đem thứ Tây bồi ấm ớ ra xài tạm. “Thì quơ tay quơ chân phụ thêm vào, thứ gì mà không xong.” Anh đùa với thằng Chí:
“Từ ngày rời Việt Nam, nói chuyện với người ngoại quốc cũng nhiều, tay chân nở nang thêm.”
“Mầy còn rán, chớ tao thì khỏi nói! Muốn làm gì thì làm. Chịu hay không kệ mẹ tụi nó.”
Thanh nghĩ, ở cái thế của mình, không rán là không xong.
“Tao có thể giúp mầy, nhưng không chắc,” viên Đại úy nói. “Chiều nay, ba giờ tao sẽ gặp mầy nữa.”
Mười sáu phuy dầu vị chi là ba ngàn hai trăm lít cho chặng đường còn lại đã được thỏa mãn ngay sáng ngày chủ nhật. Thanh tuy nóng lòng nhưng cũng phải chờ đến hết ngày thứ hai, Bộ Xã Hội Nam Dương và đoàn Lãnh Sự Úc Đại Lợi xuống tận bến, xuống tận ghe để xác nhận và định lượng mức độ an toàn tối thiểu cho chiếc ghe vượt biển lớn. Thanh xúc động nghĩ tới bạn bè, có đứa phải chèo tay chiếc xuồng bơi vượt vịnh Thái Lan, vùng biển nước nguy hiểm không thua bất cứ vùng biển nào trên trái đất mà mức độ an toàn tối thiểu của chiếc xuồng chỉ có thể đề cập tới ở trong sông.
Cabine đương nhiên được đóng sửa lại, và nhất là cái hải bàn lớn được đóng dính xuống tấm ván lớn trước vô lăng. Nó là quà tặng của một chiếc ghe đánh cá Nha Trang tới Djakarta hồi đầu năm. Thanh vuốt ve giòng chữ khắc chìm dưới chân hải bàn “Việt Nam Cộng Hòa – Ty Ngư Nghiệp Khánh Hòa” mà thấy bùi ngùi.
Đàng trước, Canh và mấy thằng nữa đang hì hục khâu kết lá cờ trắng lớn và dự định vẽ lên đó ba chữ S.O.S. bằng sơn đỏ. Trên nóc cabine, thằng Hòa phụ đóng lại tấm lều che mưa với Triều, nó hát vang vang:
“Chiều nay ra khơi, thoáng thấy mắt em nhuốm buồn. Đời anh là gió sương…”
Thằng Triều cũng nổi hứng, vung búa đóng đinh theo điệu nhạc. Ở tàu sắt bên kia, một người hỏi lớn:
“Mấy anh đi có gặp sóng gió gì lớn lắm không?”
“Làm gì mà khỏi có,” Triều ngưng búa trả lời. “Cách đây bốn năm ngày bị một trận bão, tưởng đã về chầu Bà Thủy rồi đó! Anh không thấy cabine tụi tui tả tơi như thế này sao?”
“Xui cho mấy anh, hai hôm trước có chiếc Vàm Cỏ ghé qua đây xin dầu đi Úc, trên ghe gần hai trăm người.”
“Không sao! Có mấy ổng, tụi tui cũng đi chiếc này thôi, nhất định tụi tui phải tới Úc bằng chiếc ghe này mà.”
Anh kia cụt hứng, bắt qua chuyện khác;
“Anh người ở đâu?”
“Tui hả? Hòn Mấu, Kiên Giang.”
“Kiên Giang là Rạch Giá đó phải không? Tui có nghe nói, ở đó có nhiều mánh vượt biên lắm mà!”
“Anh đi từ đâu?” Triều hỏi.
“Thanh Hải, Phan Rang. Anh biết Phan Rang không?”
“Biết chớ! Việt Nam, ở đâu mà tui không biết.”
“Thằng nói dóc,” Thanh lầm bầm. “Trốn lính mà ở đâu cũng biết hết, chuyện gì cũng biết hết.” Phải nói, có đi lính mới biết được nhiều chỗ, có đi lính mới biết được nhiều thứ. Thằng Triều có lần than vãn với Thanh: “Tao tiếc là chưa lần nào lên Sài Gòn, chắc Sài Gòn đẹp lắm. Ở lẩn quẩn miền biển, nghe người ta nói chuyện mới hay mình nhà quê.”
Hình như chính thằng Triều cũng biết rằng không nên nói thêm về những địa danh mà thật ra nó không biết gì cả nên lấp liếm:
“Hồi trước tàu Sông Bé có ghé đây không?”
“Tui cũng không biết. Tui mới tới được một tháng nay thôi mà. Nhưng chắc không có đâu.”
Thanh chui ra ngoài, anh góp chuyện:
“Chiếc Vàm Cỏ lớn không anh?”
“Lớn, lớn hơn tàu tui nhiều. Tui có nghe họ bẻ cấp ngược, vòng qua Djakarta và đi thẳng đường dưới, không ghé thêm ở đâu nữa. Tàu lớn mà.”
Thanh cũng nghĩ vậy. Đường trong nguy hiểm về đá ngầm nhưng ngược lại, nó an toàn ít nhất cũng gần nửa đoạn đường, chặng còn lại phải vượt thẳng từ đảo Timor có ba bốn ngày đường. “Ghe mình nhỏ quá, đi đường trường ít bảo đảm.” Anh thở dài:
“Tụi tui vẫn chưa có đủ bản đồ. Hy vọng chút nữa ông Đại úy xuống, có thể có.”
Nói chuyện thêm một hồi, anh thanh niên hứa rằng sẽ hỏi lại chủ tàu và xin giùm cho bọn Thanh mấy chục cái thùng nhựa dùng làm phao cá nhân và đựng nước ngọt. Anh ta nói với sự thành thật:
“Mình qua đây rồi, còn gì có thể giúp nhau được thì giúp. Để tui coi anh còn cần những thứ gì nữa, tui có thể cho được, tui cho. Tàu này để đây rồi cũng bỏ. Còn chuyện này, tui cho anh hay luôn. Anh đừng ghé đảo Timor, ở đó đang có chuyện lộn xộn, người Úc và thổ dân đang gây cấn với nhau. Biết đâu được cái xui xẻo của mình…”
Thanh ghi nhớ lời này. Anh nhảy qua tàu một lúc thì vừa gặp ông chủ tàu cũng vừa xuống.
“Thưa bác, nghe anh Hoài nói lại, bác có thể giúp tụi cháu chút ít những thứ mà xem ra bác đang dư không xài nữa, trong khi tụi cháu đang cần mà không biết phải xin ai.”
“Nói đi, cần thứ gì, để tui liệu.”
Ông chủ lại là người Tàu Chợ Lớn, giọng nói lơ lớ. Thanh phủi đít ngồi bẹp xuống:
“Chẳng hạn như cái neo nhỏ đằng sau lái tàu bác, rồi mấy cái thùng nhựa, mấy đường dây, mấy bình điện…”
Đã đến lúc Thanh không còn phải khách sáo, anh nói hết những cái cần thiết của mình. “Được thì tốt, không được thì thôi, mất mát gì!”
Trước ba giờ chiều thì mọi việc đâu vào đấy, kể cả số lương thực Bộ Xã Hội Nam Dương hứa hẹn cũng đã được đem xuống. Thằng Canh và số bà con ở Phú Quốc chung tiền nhau lại mua thêm nhiều thứ đồ hộp, đồ khô, thuốc hút. Mọi người đều biết chắc chắn VNKG 0042 sẽ khởi hành trước tối hôm nay.
“Tụi em chờ anh Thanh một tuần lễ đầu tháng sau nghe,” nhỏ Thảo nói. “Anh tới nơi đừng quên tụi này đang trông tin anh. Để em nói anh Canh có tấm giấy mười đô Úc, đưa cho anh có mà đánh điện tín, bỏ thơ…”
“Anh có, anh có ít đỉnh tiền Mỹ. Tụi em để đó mà tiêu, đừng có tào lao.”
Con nhỏ nhất định kèo cưa với Canh và lấy tờ giấy bạc nhét vào túi Thanh. Thanh đành ậm ừ:
“Vậy thôi, anh lấy, nhưng anh đổi cho Thảo lại tiền Mỹ. Tụi em ở đây còn lâu, mà tiếp tế chậm thì cũng khổ.”
Thật sự Thanh còn có từng đó. Hồi đi, ở Songkhla anh Hai cho tổng cộng hơn một trăm đô Mỹ, Thanh chưa xài mẻ một đồng. Tới Djakarta anh quyết định chỉ chừa lại mười đồng, còn lại đổi hết ra tiền Nam Dương và mua sắm đủ thứ cần thiết cho chặng đường cuối mà anh nghĩ là không còn ghé ở đâu nữa. Anh móc túi lôi ra tờ giấy bạc, giúi vào tay nhỏ Thảo:
“Cầm lấy! Chuyện tiền bạc đừng để nói nhiều quá, kỳ lắm.”
Nhỏ Thảo hết đường gỡ, cong môi:
“Tiền Mỹ đâu có giá bằng tiền Úc mà anh đổi ngang xương vậy?”
Hai anh em cùng cười.
Thằng Hồng đến hôm nay đã đi đứng vững lại được, nó đề nghị và nhờ thằng Văn phụ chặt chiếc thùng phuy ra làm hai, lấy khúc dưới làm nồi nấu cơm.
“Anh chặt cái nắp làm sao mà đậy được phủ ra ngoài, không có nó lọt vô trong, cũng như không.”
“Được mà,” Văn nói. “Nghề của tao mà!”
Hai ngày cuối tuần ăn ngủ khỏe, hôm nay cả bọn làm việc hăng và nhiều. Thanh bày vẽ đủ thứ chuyện, từ việc đóng hàng cây dọc theo be làm tay vịn, dời đá, đến việc che mưa cho mấy thằng gác mũi, gác lái… Nhỏ Thảo nói:
“Thuyền trưởng có uy ghê hén. Anh Thanh còn thiếu bộ râu quai nón, trông hơi yếu.”
Ông Đại úy xuống, nhưng chỉ đứng đàng trước, đưa tay ngoắc Thanh:
“Mầy theo tao. Tao có bản đồ cho mầy.”
“Cám ơn mầy,” Thanh nói.
Thì ra, ông ta quyết định để Thanh tự tìm và lấy bản đồ trong cả tủ bản đồ các vị trí đóng quân của Hải Quân Nam Dương.
“Tụi này tốt hết chỗ nói.” Có điều Thanh không mấy hài lòng, phải được hải đồ mới có giá. “Làm sao mình biết rõ nơi nào có đá ngầm? Hơi đâu cứ chạy tránh hoài những vùng biển sơn nhạt nhạt.” Thanh hỏi:
“Tao có thể lấy nhiều cái được không?”
“Được, được. Mầy có thể.”
Cuối cùng, viên Đại úy tìm cho Thanh một cuốn băng keo loại trong và phụ anh chấp nối những mảnh bản đồ rời rạc mà Thanh đã chọn và xén lại.
“Nói cho tao biết về đảo Timor đi!”
“Không tốt. Mầy đừng ở lại đó.”
Rồi ông ta nói đủ thứ chuyện về hòn đảo đó. Thanh làm sao nghe cho hết, chỉ biết và nhận ra rằng mình không nên ghé qua hòn đảo đó. Vậy là đoạn đường cuối bị kéo dài ra tới sáu ngày, kể từ khi rời khỏi Sumba, mức cuối của Nam Dương quần đảo.
Xuống lại ghe thì trời đã hết nắng. Cả bọn đã chuẩn bị xong xuôi và ngồi đấu láo cú chót. Nhỏ Thảo đưa cho Thanh một hộp kẹo cao su:.
“Anh nhai cho đỡ buồn, đỡ ghiền thuốc!”
Thanh cầm lấy, anh nhớ tới nhỏ Thu, nhớ tới Phượng.
“Thảo biết địa chỉ trại Songkhla rồi, anh nhờ Thảo viết một lá thơ về ban Đại Diện trại kể cho họ nghe về việc ghe anh có ghé và chuẩn bị đầy đủ mọi thứ trước khi lên đường. Nói là tụi anh rời bến Djakarta ngày thứ hai, bảy giờ chiều.”
“Vậy chớ anh nhờ anh Canh gởi lá thơ về Songkhla, anh nói cái gì?”
“Thì chỉ vắn tắt thôi, anh muốn Thảo kể lại như là viết truyện cho họ đọc. Ở đó buồn lắm.”
“Thảo viết, người ta cười cũng hết buồn. Rồi, hứa!”
Canh nói:
“Tui để cho anh cái áo lính, loại áo khoác dày lắm, đêm ở biển chắc lạnh, anh mặc cho đỡ, không có bị cảm thì phiền.”
Tới giờ cuối, Triều cho hay có sáu người trốn xuống hầm máy và sẽ “đi với mình qua Úc.” Thanh ngẩm nghĩ:
“Người ta đối xử tốt với mình quá, làm như vậy cũng kỳ. Mà không chịu thì cũng kỳ, chẳng lẽ xuống đó la ó và mời họ lên.” Anh nói với Triều:
“Mầy biết chắc tụi nó tốt, không làm điều gì bậy hết chớ? Có gì mình kẹt ghê lắm nghe.”
“Rồi, hai thằng là anh em của thằng Trường, một thằng là bà con gì đó của thằng Minh Quảng Ngãi, ba thằng kia hiền lắm. Tụi nó muốn đi Úc thật mà.”
“Đáng lẽ tụi nó phải nói với tao chớ!”
“Thì tụi nó nhờ tao nói lại. Bây giờ còn kịp cho mầy quyết định.”
Thanh chui xuống hầm máy. Sáu người kia nhớn nhác ngồi dậy.
“Tôi nói thật, mấy anh em cũng nên nói thật. Nếu có anh em nào trong đây làm cái gì phạm luật với người Nam Dương thì thật tình tôi không đồng ý cho đi, vì trách nhiệm là trách nhiệm của tôi.”
Một đứa, trông gương mặt là biết ngay dân miền Trung, tóc dài gần tới vai, có lẽ là bà con gì đó với thằng Minh Quảng Ngãi, ngập ngừng:
“Anh cũng thông cảm cho tụi tui, ở đây quá lâu rồi mà không thấy ai nói chi tới. Tui là anh chú bác với thằng Minh, anh cho tụi tui đi chung tới Úc.”
Thằng Minh nói thêm:
“Ảnh ở đây một năm rưỡi rồi, anh Thanh. Lúc tui đi, má ảnh ở nhà nói là ảnh đang ở Mỹ, viết thơ về. Ai dè ảnh ở đây gởi qua Mỹ, rồi Mỹ mới gởi về.”
Thanh đang suy nghĩ tới trường hợp những người trốn theo ghe đi Úc, nên mặc cho thằng Minh tả oán đủ thứ. Năm đứa kia im lặng không nói gì, tất cả đều có vẻ mệt mỏi, ngồi vật vã đây đó, không màng dầu mỡ vương vãi khắp hầm máy. Anh nghĩ tới nỗi thất vọng của họ nếu bây giờ anh nhất quyết không nhận và mời họ lên. Trong hoàn cảnh như thế này, anh cảm thấy mình không nên làm họ mệt mỏi hơn nữa, họ chịu đựng và chờ đợi nhiều quá, lâu quá rồi. Anh ngồi xuống:
“Giả tỉ như ở một trường hợp khác, tôi dễ xử việc này hơn nhiều chớ mấy anh em biết, có gì kẹt cho tất cả anh em dưới ghe này lắm. Tôi không nói tới trường hợp anh em xuống đây mà không cho tôi hay trước.”
“Bây giờ,” thằng Chí nói, “ngoài anh bà con với thằng Minh ra, mấy anh kia thì công việc như thế nào?”
Ý nó muốn hỏi tình trạng mấy người kia ra làm sao mà diễn tả không được. Một người nói:
“Tui với thằng này là em bà con với anh Trường.”
“Ừ, tụi nó là em tui,” Trường xen vô.
Anh kia tiếp lời:
“Tụi tui thì phái đoàn Mỹ đã phỏng vấn xong xuôi rồi, có nghe nói tháng sáu tới có chuyến đi, mà bây giờ gặp anh Trường ở đây, tụi tui muốn theo anh đi Úc.”
Từ lâu, Thanh có thói quen coi thường những vụ chia tay và đôi khi anh đâm ra bực mình cái lối bịn rịn, dùng dằng. Sao bây giờ, ở giữa đường lang bạt, anh nghe thông cảm hết với tất cả mọi người. Hình như ai cũng có ý tưởng mỗi lần đi như vầy là đi luôn, đi đứt, không phương gặp lại.
Một thứ không khí đè nặng lòng tất cả mọi người, hầm máy im phăng phắc. Người ta chờ quyết định của Thanh trong khi Thanh chờ quyết định của lòng mình. Anh chớp mắt nghĩ tới những rắc rối có thể xảy ra, chỉ trong đoạn đường từ bến ra cửa biển, thêm nửa giờ ra khơi, là coi như thoát.
Có vài người mệt mỏi, đang đứng bỗng ngồi bẹp xuống sàn hầm, rồi vài tiếng thở dài.
Cuối cùng thì Thanh cũng đành. Anh nghĩ rằng cứ để cả sáu người dưới hầm máy trong lúc ra cửa biển, có gì, anh có thể nói là không biết, chắc không đến nỗi rắc rối vì quả tình, anh cũng muốn chìu lòng tất cả mọi người. Anh trở lên cabine.
Bây giờ thì dưới ghe chỉ còn lại toàn những người đi. Canh, nhỏ Thảo đứng bên chiếc tàu sắt, nhìn chòng chọc qua bên này. Có hơn ba chục người dân trại xuống, đứng đặc một bên sườn, không kể rất nhiều người đứng lố nhố trên bờ.
Lúc thằng Trường cho nổ máy thì cũng vừa vặn hai chiếc ca nô của Hải Quân Nam Dương từ phía sau cùng loạt cặp tới ngang VNKG 0042, ngừng lại. Hai ba thằng đưa tay làm hiệu, ý nói sẽ cùng đi với bọn Thanh ra cửa biển.
“Ê, Canh, Thảo, mạnh giỏi nghe…”
Tiếng Thanh hòa với tiếng của rất nhiều người dưới ghe, người trên bờ, người bên tàu sắt thành một thứ lời tiễn biệt tập hợp, ồn ào quá.
Đàng trước, thằng Chí rút lại đoạn giây choàng qua lỗ lù chiếc tàu sắt, có một người bên kia cúi người xuống phụ nâng dây cho nó. Hồng đàng sau, nó ngồi hẳn lên thùng nước uống kéo nhè nhẹ, sợi dây như một con rắn lội chập chờn trên mặt nước.
“Cho de lại một chút, lấy mũi ra khỏi hông tàu sắt rồi hãy tới nghe Triều.”
Triều gài số de, tiếng máy nhỏ đi một chút. Tiếng la ó lại được dịp nhao nhao lên. Ai cũng cố, muốn la cho lớn hơn người khác. Thằng “bộ đội” bắt loa tay, hét vông vổng:
“Bai, bai…”
Cuộc chia tay kéo dài cho tới khi ghe qua hết hàng dừa dọc bờ sông và thằng Triều tiếc rẻ nhận còi từng chập, vang vọng.
Thanh nhìn đồng hồ “sáu giờ bốn mươi lăm.” Đi trước hơn giờ định mười lăm phút.

Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
   

No comments: