Đi đến chân trời góc bể nào cũng đi. Phải đi để tìm một cuộc đổi đời. Đó là cái ước mơ bi đát lớn lao của hơn năm mươi triệu người dân Việt Nam đang sống khắc khoải dưới một định chế xã hội khắc nghiệt, phi nhân có tên Xã Hội Cộng Sản. Người ta chấp nhận phiêu lưu, hiểm nguy chỉ để mong sao tìm được một sự thay đổi, bằng mọi giá. Kể cả nhiều thứ “giá” trời biển mà chính những kẻ tìm đường vượt thoát đều không thể mường tượng được là nó mắc cỡ nào?
Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, đều hớ trong việc mang đời mình để mặc cả với cái giá tự do. Một nửa – hay hơn nữa – đã vùi thây dưới lòng biển cả, hoặc khô xác trên những chiếc thuyền con lênh đênh, hay ở những góc rừng biên giới. Số còn lại được đưa đến những nơi mà “hình như” không phải là nơi họ mong đợi. Họ may mắn thoát khỏi địa ngục Cộng Sản, thoát khỏi những hiểm nguy ngặt nghèo trên cuộc hành trình đầy bất trắc và cuối cùng thì họ bắt gặp chính mình đang đứng… ngoài cửa thiên đường!
Người Việt Nam đã và đang thực hiện một chuyến “exodus” hãi hùng và bi đát nhất trong lịch sử của nhân loại. Dẫu vậy, cái thảm kịch này vẫn chưa được nhân loại quan tâm và đánh giá đúng mức. Nó vẫn còn đang được nhìn với sự thờ ơ, lạnh nhạt; với sự dè bỉu đố kỵ và tệ hơn hết là với sự… hiểu lầm, ngộ nhận.
Tại sao? Có nhiều cái “tại” đau đớn lắm! Một trong những cái “tại” đó, có thể nói được ở đây là bởi chính những kẻ trong cuộc, những nạn nhân đều không nói lên được cái thảm kịch của dân tộc mình, một vết nhơ trong lương tâm của loài người.
Võ Hoàng, một trong những kẻ hiếm hoi may mắn sống sót, vừa làm xong điều đó. Ông làm được. Ông thực hiện công việc này với sự nghiêm chỉnh, chí tình và bằng tất cả những rung động xót xa qua cuốn truyện dài mà quý vị đang cầm trên tay.
Võ Hoàng viết gì trong tác phẩm “Góc Bể Bên Trời”? Xin thưa, không có gì lạ. Chỉ là một cuộc vượt biển “phụ,” một đoạn đường đi “thêm” từ vịnh Thái Lan đến… Úc Châu, trên một chiếc thuyền nhỏ, mong manh, thiếu thốn tất cả những phương tiện, những điều kiện cần thiết tối thiểu cho một hải trình dài dặc và có trăm ngàn thứ gian nguy…
Có khác chăng là Võ Hoàng đã ghi nhận lại chuyến đi của mình (chúng ta thì… không?) và ghi nhận bằng nhận xét của một thủy thủ nhà nghề, bằng một ngòi viết bình tĩnh, vững chãi và trên hết là bằng tâm hồn của một nghệ sĩ, một con người với những cảm nhận đau đớn, đau đớn đến thảng thốt về thân phận lưu đày của mình.
Có những hạn từ, những ý niệm hay đúng hơn là những tâm cảm mà người ta bắt gặp hoài trong suốt tác phẩm của Võ Hoàng. Một thứ tình hoài hương thiết tha, thấm thía khi con người rứt ruột ra đi nghĩ về “xứ mình”; cảm giác cô đơn lạc lõng khi lênh đênh trôi giạt giữa trời biển “xứ người,” và chua xót đau đớn hơn cả là cái tâm cảm “tủi thân”!
Đi với dằn vặt, với cắn rứt, với gian nguy mà nơi đến thì không có gì là hứa hẹn! Thoát khỏi địa ngục để chỉ đến được một “tầng địa ngục chuyển tiếp.” Nơi đó cuộc sống tù túng, khắt khe cùng với sự bạc đãi đều vẫn vượt quá sức chịu đựng và chờ đợi của con người. Lại đi. Đi nữa, với hy vọng đến được một góc bể chân trời tươi sáng hơn.
Trong cái thế giới mà theo Võ Hoàng thì “có quá nhiều người vô tình” này thì dù ở chân trời góc bể nào người tỵ nạn vẫn đều có chung chừng đó những thảm kịch. Lòng người vốn khắt khe, cuộc đời vốn nghiệt ngã nên bờ bến nào cũng khép kín. Ở “nơi cuối cùng có thể đến được” thì điều chờ đợi Võ Hoàng và những người đồng hành vẫn chỉ là… cánh cửa của một nhà giam.
Đó có phải là cánh cửa mở ra cho cuộc đời mới ở nơi góc bể chân trời? Đó có phải là một thứ nhà giam mới – ít chật chội, tù túng hơn – mà tất cả những kẻ tha phương lưu lạc như chúng ta có bổn phận phải đồng tâm hiệp sức để tìm cách vượt thoát. Thoát khỏi nơi đó để giải phóng chính mình hết kiếp lưu đày và giải phóng bao nhiêu triệu đồng bào khác nữa đang rẫy rụa, khắc khoải nơi cái phần quê hương tù ngục?
Câu chuyện của Võ Hoàng không đề cập đến điều đó. Không cần thiết phải làm như vậy. Kiếp sống tha hương mà chúng ta đang kéo lết từng ngày, với những thao thức, ray rứt hàng đêm đã minh thị điều đó?
Không ai – kể cả Võ Hoàng – mong rằng “Góc Bể Bên Trời” là tác phẩm duy nhất hoặc hay nhất viết về chuyến đi bi thảm của những người Việt Nam tỵ nạn. Ai ai – kể cả Võ Hoàng – cũng đều mong rằng có nhiều tác phẩm khác nữa, hay hơn, về cuộc đời tỵ nạn sẽ được viết ra. “Góc Bể Bên Trời” – có thể – chưa phải là một tác phẩm lớn nhưng cho đến nay – nói một cách công tâm – chưa ai trong chúng ta đã viết được một tác phẩm lớn hơn như vậy về vấn đề này. Vấn đề thiết thân mà chúng ta vẫn cố ý quên!
Mùa Hạ 1983
Góc Bể Bên Trời (1)
VÕ HOÀNG
Chiều xuống thật chậm như muốn kéo dài cuộc sống buồn tủi, một thứ buồn tủi đầy ngập khoảng đất lớn chỉ bằng cái sân bóng tròn chứa hơn hai ngàn người. Songkhla có những buổi sáng hối hả, những buổi trưa hừng hực nóng và những buổi tối thổn thức cho tất cả những người ở đó.
Hôm nào không có thêm người nhập trại là y như ai cũng có vẻ uể oải, chán chường. Người ta xoay qua để ý và gấu ó nhau từng chút chung quanh cuộc sống. Đằng kia cãi cọ nhau vì mấy “đồ mất dạy” mới chạng vạng tối mà đã xúm nhau leo lên mái thiếc giành giựt chia chác chỗ nằm, rồi thì “bọn khốn nạn” bên dưới tạt nước ướt cả chân. Gần dưới bến, mấy người lại chửi bới nhau về việc trả góp vàng bạc không sòng phẳng mà câu chuyện đã được gác qua nhiều ngày, rảnh rang lại đem ra như một thứ đề tài tiêu khiển. Đằng sau văn phòng trại cũng có chuyện tranh nhau sắp thùng lấy nước và gọi nhau bằng những “con đĩ.”
Năm tháng trời, trong cái cabine nhỏ tí xíu xiêu vẹo gần như nằm giữa lòng khoảng đất trại, Thanh nghe đã đủ hết những danh từ khó ưa này và thường thường mọi chuyện được giải quyết bằng một chuyện khác mới xảy đến, mục sư đem thư vô chẳng hạn, ghe Việt Nam tới hay cảnh sát Thái xách roi đi ngang qua đó.
Người ta hay vừa thấp thỏm chờ mong vừa nguyền rủa một ngày sắp tới. Không có gì được xem như là một hứa hẹn. Thanh không ngờ cuộc đời mình rồi cũng có lúc ngồi khoanh tay mỗi ngày nhìn lá cờ Thái Lan hai lần lên xuống không một chút cảm giác. Làm sao diễn tả cho đúng thực thể của một exodus có mình trong đó? Chung quanh anh bây giờ thật sự là những cuộc sống thuần tính chất quê hương, một thứ tính chất được lọc bằng nhiều năm tháng chiến tranh tàn bạo nhất thế kỷ
. Đôi lúc anh chợt cười mỉm một mình khi nghĩ rằng hồi nào xa khỏi nơi đây, chắc lại tiếc nhớ. Đối với anh, ngày tháng ở Songkhla phải là những ngày tháng được đặt vào chỗ trang trọng nhất trong cuộc đời ly hương. Một chút gì không ổn mà nhẹ nhàng chen lẫn vào sự khắt khe trong con người anh từ cái chuyện đám thanh niên lều kế bên vừa chưởi thề, vừa học Anh văn, rồi một bà vừa phun nước bọt vừa càu nhàu mấy đứa con sao không chịu giữ gìn sạch sẽ, cho đến ông cụ già vận xà rông ngồi xổm nguyền rủa mấy người con gái “Việt Nam mà bầy đặt nói tiếng Thái với nhau.”
“Chị Phượng, cho em mượn cuốn Hương Rừng Cà Mau đọc đỡ buồn. Hôm qua em thấy nhỏ Thu cầm. Hồi ở nhà em có đọc một lần…”
“Phải giữ gìn cho kỹ, nghe chưa! Hay là nằm đây đọc cho xong, lôi đi bỏ mất thì tiếc lắm đó.”
“Em giữ cho mà, ở đây ồn ào quá.”
“Ở đâu cũng ồn. Hôm nay có thơ không?”
“Có, của thằng bạn ở Tây Đức. Chị biết không, em thích nhất là truyện ngắn gì mà có anh nhà báo đi thâu tiền báo của độc giả dài hạn, rồi không thâu được lại còn bị dằng dai triết lý, chuyện đâu hồi học lớp ba trường làng cũng đem ra bàn luận. Vậy mà Sơn Nam viết hay ghê.”
“Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư!”
“Đúng rồi. Còn một truyện gì nữa, người lái đò già cuối cùng thì nghĩ rằng ‘trên đời sống, cần nhất là tấm lòng…’”
“Chị cũng thích đoạn đó, nhưng mà cũng quên tựa. Văn Sơn Nam hay thật hén!”
“Dạ.”
Mẫu đối thoại lọt vào giữa trăm ngàn âm thanh loạn xạ vậy mà Thanh nghe không sót một tiếng. Người con gái đó, cùng gia đình thoát đi từ cửa sông Ông Đốc hồi tháng chạp. Nghe kể thì cô ta bỏ quên nhiều thứ đồ đạc để chỉ nhớ có cái thùng giấy trong đó toàn sách và băng nhạc. Người con gái buổi chiều thường hay ngồi trầm ngâm, có hỏi nghĩ gì thì trả lời “đang nghĩ đến những buổi chiều ở Chùa Lá,” và hỏi lại, “anh có biết Chùa Lá không?” hoặc, “đang nghĩ đến những buổi chiều sau Tết này năm nào, một hôm có người bạn ghé thăm vào buổi chiều hôm trước thì chiều hôm sau nghe tin anh chết ở chiến trường Lộc Ninh…”
Cô hay nói đến những buổi chiều, những buổi chiều xa lắc, và câu chuyện được cô nói như đọc một đoạn văn đã được trau chuốt từng chữ. Lần đầu tiên, Thanh để ý tới người con gái này khi cô hồn nhiên vui đùa với những người ngư dân đảo Phú Quốc lều bên cạnh. Chưa đầy một tháng tiếp xúc nhau, cô có vẻ như là một dân đảo thứ thiệt. Một trang hồi ký dở dang có lần Phượng để quên trong quyển sách của Remarque và cho Thanh mượn:
Họ là con cháu những người đến lập nghiệp từ Thanh Hóa, Nghệ An vào thời chúa Nguyễn Phúc Ánh hãy còn bôn ba và liên tiếp hơn một thế kỷ sau đó. Sự chất phác của họ đã làm con người tôi thật sự thay đổi ít nhất cũng ở khía cạnh cư xử với nhau trong một loại người mà trước kia tôi ít khi lưu tâm tới. Có điều tôi chưa hiểu nổi và vẫn ao ước làm sao để sống lại ít nhất cũng vài năm ở ngay trên đảo bằng chính cái không khí bình thản đó – tôi nghĩ vậy – cái không khí đã tạo cho con người ta lúc nào cũng có vẻ an phận.
Họ dễ thương trong tất cả mọi sinh hoạt, nhất là lúc họ đùa giỡn với nhau…
Thanh mỉm cười. Giá mà Phượng biết rõ hơn gần hết những người dân đảo qua đến trại này, đa số là thanh niên, họ đến bằng những chiếc thuyền vừa cướp được. Cướp của hợp tác xã ngư nghiệp, cướp của công an biên phòng, cướp của những người “an phận” chưa kịp tháo chạy, cướp trên biển, cướp tại bến, cướp ngay trạm kiểm soát…
Hoàn cảnh xã hội đã biến những “con người dễ thương trong tất cả mọi sinh hoạt” này thành những kẻ liều lĩnh như thế đó. Và Phượng có biết được đâu, đêm nay họ lại sẽ cướp thuyền của cảnh sát Thái Lan để chấp nhận trở lại những ngày kinh hoàng trên biển chỉ vì mấy hôm nay, tình trạng căng thẳng do những xung đột giữa dân trong trại và cảnh sát mà chính họ là những thủ phạm sắp bị phát giác.
Tháng ngày ở đây đã bóp chặt sự thông cảm của con người lại. Nó làm lớn dậy những bực dọc nhỏ nhất mà Thanh nghĩ, nếu ở một hoàn cảnh khác, người ta sẽ bỏ qua một cách dễ dàng. Rồi thì bao nhiêu thứ gom vào một, thành ra bùng vỡ một cách hơi vô lý. Thanh cảm thông được với bạn bè vì những rắc rối này, nhưng Phượng thì làm sao hiểu được?
Trời không một chút gió, thành ra tiếng ồn ào như có vẻ lớn hơn mọi ngày. Thanh nhìn ra cổng rào, cố nghĩ tới một tâm trạng tương tự như vầy đã có lần nào đến trong đời mình chưa mà mãi không ra.
Hồng về đến trước lều và thuận tay dọn dẹp vội vàng những thứ đồ đạc bừa bãi. Nó chui nhanh vào lều, thỏ thẻ:
“Anh Thanh à, anh Hai chỉ tìm được một cái địa bàn nhỏ loại của bộ binh thôi, anh biểu tạm thời anh xài, ra khơi gặp tàu buôn thể nào cũng xin được hải bàn.”
“Gặp anh Triều đâu không? Anh đang tìm… Còn thằng Phong, thằng Chí nữa.”
“Đủ hết đằng lều anh Hào. Hồi nãy cảnh sát đánh người ở dưới bến, mấy người Phan Thiết, tụi nó lên cậy ván ghe làm củi. Chưa có gì đả động đến ghe mình hết.”
Thanh xỏ dép đi nhanh về phía lều thằng Hào.
Ghe mình! Thằng Hồng dùng tiếng “ghe mình” làm Thanh lại chợt mỉm cười. Đến trại được hai ngày, mọi chiếc ghe đều trở thành một thứ tặng vật của cảnh sát Thái. Người ta không có một dịp để gật đầu, không có một dịp để ký nhận bất cứ giấy tờ gì về việc “mua bán” chiếc ghe của họ. Hợp thức hóa chỉ là việc thò mắt nhìn mà không có ý kiến gì trong lúc cảnh sát xuống lục soát và mang lên những thứ có thể bán lẻ được, hải bàn, đèn pha chẳng hạn.
Ghe nào còn có vẻ tốt một chút thì trong vòng một tuần “bà già trầu” đến đem đi mất dạng. Có người nói lại bà nầy là một người Việt Nam hoặc chồng là người Việt Nam. Bà là một thứ “thầu,” thầu tất cả các ghe thuyền của người tỵ nạn. Năm ngoái, người đến còn bán được ghe thuyền của mình qua trung gian cảnh sát, nghĩa là họ nhận được một phần số tiền, sống lây lất. Lúc sau nầy thì cảnh sát bán và không ai biết gì cả ngoài việc “bà già trầu” dắt người tới mang ghe đi, chiếc nào không nổ máy nổi thì kéo.
“Ghe mình” mang số VNKG 0042 ADC và mới đến bốn ngày. Nếu Thanh đoán không lầm thì chỉ sáng ngày mai, “bà già trầu” lại đến. Chẳng bao giờ bà cần thấy mặt mũi món hàng tốt xấu ra sao, chỉ có mua và trả tiền, rồi kéo đi. Mỗi lần như vậy, dân trại nhốn nháo chen chúc nhau và hình như ai cũng cố nhìn cho rõ lần cuối cùng chiếc thuyền đã một lần đưa những người cùng khổ đến bến bờ nầy.
Thanh kiểm điểm trong đầu những cần thiết cho chuyến đi kỳ cục sắp tới. Bạn bè gọi anh là thuyền trưởng ngay từ lúc chiếc VNKG 0042 còn quay mòng mòng chưa cập bến. Trên bờ, anh nhìn thấy nó tiềm ẩn một sự chịu đựng ghê gớm và có một chút gì kiêu ngạo, để bất giác anh gật đầu.
Bây giờ thì tất cả gần như ổn thỏa, mặc dầu chỉ trong điều kiện tối thiểu. Dầu được hơn một trăm lít, một phần năm con đường đến hải phận Mã Lai. Thực phẩm chưa lượng được nhưng chắc chắn mọi người sẽ cùng lưu ý đến. Nước đá còn những hai hầm. Điều mà Thanh nghĩ đến nhiều nhất là làm thế nào để có một hải đồ lớn và chi tiết hơn, anh cảm thấy mình chỉ có quyền an tâm trong khoảng từ cửa bến Songkhla cho đến ngọn hải đăng Singapore, đoạn đường bốn ngày biển, bốn phân tây bản đồ. Ngoại trừ máy hư hoặc cướp có súng, đoạn đường nầy không có gì là nguy hiểm.
Chiều chậm nhưng lúc tối, tối thật nhanh. Thanh chỉ muốn cuộc sống chán ngấy còn sót lại của một ngày chết tắt ngay từ lúc nầy, “để người ta bắt đầu…” Mười giờ đêm rồi!
Thanh sắp đặt công việc trong điều kiện và hoàn cảnh mà bọn anh đang có. Không ai có ý kiến gì thêm ngoài câu hỏi của thằng Chí:
“Mầy có chắc là máy nổ được không?”
“Đó là vấn đề.” Anh quay qua Trường: “Mầy có chắc không Trường? Công việc tới đâu rồi?”
Thằng Trường tuột xuống võng, ngồi sát vào cả bọn, nói nhỏ:
“Mấy cái co dầu, cái nào cũng còn nguyên. Nếu cái bình còn đủ hơi, thì coi như ăn chắc.”
“Tao thử rồi,” thằng Phong xen vô. “Chiều hôm qua, tao lận mỏ lết chui xuống hầm vặn nhẹ đầu ống hơi, nó xì một cái ghê lắm mà.”
“Vậy là yên chí. Hồi chiều thằng Văn tắm sông, lặn gỡ xong mấy nuồi lưới quấn chưn vịt ra rồi.”
Thanh tiếp lời sau khi không thấy thằng nào nói gì thêm nữa:
“Hai tiếng đồng hồ để tụi mình lắp ống dầu vô và đem dầu xuống. Mình bắt đầu bất cứ giờ nào tụi cảnh sát đi ngủ. Cần nhất là vọng gác đàng sau. Thôi, ai về chỗ nấy, lạng quạng sanh chuyện lu bu, tụi nó thức càng khuya, mình càng lo thêm. Về nghe. Thằng Chí, thằng Văn lo việc cái vọng gác, nhớ không?”
Đi ngang văn phòng trại, Thanh nghe loáng thoáng tiếng một người đàn bà khóc rưng rức. Anh đi chậm lại. Tiếng anh Mai, trại trưởng:
“Chuyện nợ nần ở đâu hồi ở bển sao mà còn mang qua tới bên này đòi rồi sanh chuyện. Tui hết biết.”
Thanh phì cười một mình, anh quẹt tay vào các vách lều dọc theo đường về. Vài người vạch cửa ló ra nhìn.
Phượng đã rõ mọi chuyện và cô ngồi đợi ở lều.
“Phượng nghe Hòa nó nói, có phải vậy không? Anh định đi Úc?”
“…”
“Sao không rán chờ thêm vài tuần nữa. Anh không nghe Cao Ủy nói sẽ có danh sách ba trăm người đi Bangkok trong tuần tới sao?”
“…”
“Phượng nghe mấy người Tàu Chợ Lớn nói nhiều đến chiếc ghe nầy và họ cũng có ý định mua chuộc cảnh sát Thái…”
“Để chết à? Nó là một chiếc ghe mục, máy hư.”
“Vậy sao anh chọn nó?”
Thanh không trả lời. Người Tàu cũng có ý định nầy, bọn anh đã biết nhưng dù sao, đó cũng chỉ là ý định. Họ sẽ không đủ can đảm để quyết định và nhất là phải quyết định sau khi mọi thủ tục “đi tắt” với cảnh sát Thái hoàn tất. Còn lâu lắm! Đa số họ vì đủ thứ lý do khiến phái đoàn Mỹ không chấp nhận, rồi phái đoàn Úc từ chối, họ ở đây hơn một năm, tiều tụy và tuyệt vọng.
“Đã có nhiều người biết,” Thanh nhỏ giọng, “và một số sẽ đi theo đêm nay. Anh nghĩ nhiều người còn ngần ngại lắm, nhất là họ sợ cảnh sát Thái đánh đập khi đổ bể chuyện.”
“Vậy là anh quyết định thật!”
Rồi Phượng nín nghẹn. Một thứ tình cảm thật khó diễn tả trong đôi mắt khi cô nhìn Thanh. Không biết cô đang nghĩ gì.
“Cả bên nhà anh Hai đi, trừ anh và hai thằng con. Rồi tụi Triều, Phong, Chí và một số người Nha Trang, ai cũng rành về đi biển. Phượng đừng lo! Phượng về ngủ đi, anh gởi lời thăm hai bác, mấy chị em…”
Thằng Văn chui vào lều, nó móc túi lôi ra một xấp đô la:
“Anh Hai cho tụi mình, nói là để đem theo mua dầu, mua thuốc dọc đường. Ảnh dặn anh, chút nữa qua ảnh, nói gì đó. Anh Triều lấy cái địa bàn rồi.”
Phượng về, không thèm nhìn lại. Thanh quay qua Văn:
“Xuống thằng Hòa bảo tụi nó chuẩn bị cho xong hết đi.”
“Ờ! Tụi cảnh sát còn thức. Thằng ‘mặt ngựa’ bữa nay ‘xỉn,’ đi lòng vòng gặp ai cũng muốn đánh.”
Gần mười hai giờ, Thanh lẹp xẹp chui vào lều anh Hai. Anh vẫn còn thức. Làm sao mà ngủ được khi đêm nay tụi đàn em quyết định một cách liều lĩnh quá, anh không thể nào ngăn cản được nữa. Đối với anh, chuyến đi nầy vô thưởng vô phạt, có điều xa bọn đàn em nhiều ngày tháng chia sẻ nhau những giờ phút giày vò tủi nhục kéo dài qua các trại giam miền Nam Thái, anh thấy thương và lo, vậy thôi!
“Kêu em gì đó, anh Hai?”
“Ờ, ờ… Anh muốn biết đã sắp đặt những thứ gì rồi. Ngồi đi.”
Anh Hai với tay lấy gói thuốc và tụt xuống võng, ngồi bẹp trên sàn nhà:
“Em thấy cái địa bàn chưa?”
“Chưa, anh. Nhưng em biết loại đó rồi. Đây tới Singapore thì không sợ, khí hậu và gió mùa giống nhau, mình biết được.”
“Bao nhiêu dầu?”
“Khoảng một trăm lít thôi anh. Chỉ đủ chạy mấy tiếng đồng hồ, tụi em vẫn chưa đem xuống.” Thanh ngừng một chút, nhỏ giọng: “Anh Hai, anh có đi không?”
“Không! Tụi bây, thiệt anh không biết nghĩ sao, liều quá… Nhưng mà nếu không có hai thằng nhỏ, chắc anh cũng đi. Nè, Thanh, nhớ chạy dưỡng máy, đừng phí sức nó, lúc nào nghĩ rằng máy quá nóng mà muốn ngưng thì để ga nhỏ khoảng mười phút cho nước làm nguội rồi hãy tắt, không có nó đứt nắp quy láp thì chết.”
Rồi anh Hai nói nhiều đến những kinh nghiệm vượt biển đường xa, Thanh nghe và ghi hết vào đầu. Anh biết sẽ có nhiều điều cứu sống mình tuy bình thường nó có vẻ như những lời nói chơi.
“Đường từ đảo Banka đến Djakarta nhiều đá ngầm, một khoảng nữa từ khởi Bali đến đảo Timor nếu chạy đường trong rán xin cho được hải đồ. Ở những chặng đường nhiều đá ngầm, chỉ nên chạy ngày và lúc trời thật tối, đừng nên chạy lúc có trăng và buổi sáng sớm có sương mù, em sẽ không thấy ngời biển. Biển có một ít sóng là lý tưởng nhất. Mỗi lần gặp đèn thì chịu khó xem lại bản đồ và định điểm đứng cho chính xác, sẽ an tâm. Cần nhất là đừng để anh em trên ghe gây chuyện với nhau.”
Thanh nhớ hết. Anh đưa anh Hai xem lại bản tín hiệu morse:
“Anh coi có sai chỗ nào không, chữa giùm. Em thấy ít khi mình dùng tới, nhưng có vẫn hơn.”
Hòa bước nhanh vào lều, nó nhăn nhó:
“Em mới bị ‘thằng mặt ngựa’ quất một roi, nó biểu ‘bay nol.’ Má nó! Mấy thằng ở vọng sau ngủ hết rồi anh Thanh. Anh Triều kiếm anh, chờ anh bên nhà mình.”
Thanh nghĩ đến Phượng, cô ta buồn thấy rõ. Anh hất mặt chào anh Hai và bước ra ngoài. Đêm vẫn nóng và sao sáng đầy trời. Phượng đứng nép sát vào lều ngay khoảng cửa ra vào.
“Không sợ ‘thằng mặt ngựa’ sao? Nó có cây roi dài hai thước,” Thanh đùa. “Sao không đi ngủ đi, Phượng?”
“Nghe mấy anh sắp đi, mẹ em buồn và lo, nhỏ Thu cũng muốn khóc. Ba em hỏi anh có cần gì ông sẽ giúp cho. Ông nói ổng còn nguyên một tập bản đồ và một cây đèn bốn pin. Anh qua đó nghe!”
Cả nhà Phượng thức hết. Ai cũng có vẻ lo âu làm Thanh xúc động. Anh trả lại tập bản đồ cho ông cụ:
“Tụi cháu có, tỷ lệ có phần lớn hơn cái nầy một chút. Cảm ơn bác và cháu chỉ xin cái đèn pin.”
Nhỏ Thu đưa Thanh một hộp còn đầy ắp những phong kẹo chewingum:
“Em mua ở Hạc Dài, nhường lại cho anh, để khi nào hết thuốc hút thì nhai cho đỡ ghiền.”
“À! Nhắc anh mới nhớ.” Thanh quay qua Hòa: “Trước khi xuống ghe, phần em chạy lại đập cửa ông ‘phì lũ’ mua hai chục đô la thuốc Samith xập xì, chắc được năm cây, không có thì chết.”
Thanh liếc Phượng, cô không thể nào vui được với những cởi mở nãy giờ. Bất chợt, cô nháy mắt, như có điều gì chút nữa sẽ nói.
Một giờ rồi, Trường vẫn chưa xong. Thanh về lều và Phượng lẻn theo. Cô đưa cho Thanh một cuốn giấy bao tròn nilon cẩn thận.
“Quyển kinh. Quyển kinh Quan Đế! Anh giữ nó, khi nào gặp điều gì nguy hiểm thì lấy ra đọc.”
“Thì mọi chuyện sẽ qua phải không?”
“Anh đừng đùa, gia đình Phượng rất tin tưởng và đã được phò hộ nhiều lần. Còn đây là chiếc nhẫn.”
“…?”
“Khi nào cần, anh bán nó cũng được ít tiền. Phượng còn một chiếc.”
Rồi Phượng quay đi thật nhanh. Thanh nhìn theo dáng người con gái mà thấy nao nao. Anh chợt nhớ ra một điều, gia đình Phượng cũng đang chờ ngày đi Úc, “có thể họ tới trước mình.” Anh chui vào lều.
“Xong rồi, Thanh. Mình đem dầu xuống liền đi.” Triều thúc giục. “Cho mầy hay, dưới ghe bây giờ đã hơn ba chục người rồi mà tụi mình còn rải rác chưa xuống hết, người Tàu nhiều lắm!”
Góc Bể Bên Trời (2)
VÕ HOÀNG
Xuống ghe. Phong và Trường mồ hôi lấm tấm mặt. Hai “ông thợ máy” lộ vẻ hấp tấp ghê lắm.
“Đổ hết dầu vào phuy dưới hầm nghe Phong. Tao với Triều trở lên đem hết xuống, chờ tụi nó thêm chút xíu nữa. Trời ơi, có cả đàn bà, con nít nữa. Ở đâu mà dữ vậy?”
Phong nhún vai không trả lời. Trường “mời” tất cả bà con xuống hết hai hầm sát cabine. Nó nói với giọng gằn gằn đè nén:
“Mấy bà rán giữ đừng cho mấy ông nội con nít khóc nghe. Cảnh sát nó hay, nó xuống… xé xác không còn một người. Tụi tui thì nhảy xuống nước lội vô bờ là khỏe, cho mấy bà hay!”
Người ta im thin thít. Ai cũng sợ cảnh sát. Mấy đứa chuyền các bao nhỏ đựng gạo quăng xuống hầm. Đằng mũi, Chí ngồi chồm hổm trên “cà làng” thủ sẵn chiếc búa chờ chặt dây. Thanh phải đi lần về phía nó:
“Đừng chặt, Chí. Nới lỏng ra thôi, giữa sông đề máy không chạy thì bỏ mẹ, làm sao kéo vô?”
“Ừ.” Chí hết hồn buông búa. Người ta lần lượt xuống, không ai ngăn cản và hỏi han gì cả, chỉ việc giữ im lặng là đủ. Trương lú đầu lên khỏi hầm máy:
“Rồi chưa? Lâu thấy mẹ, chờ cảnh sát thức hả? Thanh!”
“Thằng Hòa, Văn, Tấn… Triều coi tụi mình đủ hết chưa? Thằng Nghiêm đâu? Thằng Giàu đâu?”
Thanh nhét vội quyển kinh vào ngăn kéo chứa lổn ngổn đủ thứ các chai thuốc mang nhãn hiệu Chợ Lớn, Sài Gòn, những cục pin Con Ó không biết còn hay hết điện. Trông nhỏ vậy mà cabine rộng ghê. Từ lúc ghe đến trại, Thanh chỉ một lần xuống và đứng bên ngoài. “Cuộc sống kế tiếp là ở nó, chết cũng ở nó.” Triều sấn tới, kề tai Thanh nói nhỏ:
“Đủ rồi, Thanh. Mẹ! Có cả thằng Cụt và bạn bè tụi nó. Mầy phải coi chừng, đã một lần tụi nó trở về Việt Nam rước người lấy tiền.”
“Giỡn! Nói cho tụi thằng Chí, thằng Văn biết, ra cửa biển là đe họng tụi nó lại. Xong rồi Trường, xuống đi, Phong, xuống đi. Xuống hầm máy đi!”
Chí nới lỏng dây, chiếc ghe theo dòng trôi xa dần bến nhưng vẫn không xa bờ được, bọn Thanh phải dùng sào chống đẩy ra. Một phút, hai phút. Nghẹt thở cho tất cả mọi người. Thanh nhìn thấy trên nóc những mái thiếc trại, đầu người ta lố nhố, chắc ai cũng thức. Vậy mà cảnh sát vẫn ngủ, nếu không, chúng đã bắn dọa.
Ngoài lạch, một chiếc ghe đánh cá Thái Lan đi vào, Thanh nói nhỏ:
“Mầy cầm ‘vô lăng’ nghe Triều. Tao chờ chiếc ghe Thái Lan đi sát mình là nói Trường đề máy, tụi nó không nghe tiếng. Sắp tới rồi… Nhớ cái lạch không? Mắc cạn là thấy mẹ đó.”
Thuyền đánh cá Thái Lan đèn sáng choang và chạy như xe. Ngang qua ghe, tiếng máy hình như lớn hơn lên. Thanh hét nhỏ:
“Đề máy đi, Trường!”
Thanh nín thở.
“Khẹt khẹt… khọt khọt…”
Thanh bỗng muốn khọt khẹt theo tiếng thở dài của máy. Mẹ! Hết chạy nổi rồi. “Rán thêm vài lần nữa coi sao, Trường,” Thanh hét thầm, tay ghì chắc lấy vô lăng.
“Đ. má, bình hết hơi. Vậy mà thằng Phong nói đã thử rồi. C.!” Trường la vang vang dưới hầm máy.
Ba lần nữa thì không còn “khọt khẹt” nổi. Hai hầm đằng trước nhao nhao lên, lại có tiếng con nít khóc. Tiếng Thanh dồn dập:
“Quấn dây vô bánh trớn kéo có nổi không, Triệu?”
“Ờ, có thể.” Chí và Triều đều đồng tình. “Dù sao cũng phải cố hết sức đã, cảnh sát chưa hay mà!”
Thằng Triều hùng hổ bới xốc đường neo sau lái, vội vã quăng một đầu dây xuống hầm máy.
Gần hai chục thằng kéo lần đầu, lại “khọt khẹt” mà có vẻ yếu hơn lần đề máy lần thứ nhất. Thêm lần nữa, còn lại tám chín đứa, rồi lần nữa năm sáu đứa.
“Mẹ! Vô phương,” Thanh kêu nhỏ. “Kéo vô, tiếp nhau kéo nhanh vô còn tính kế khác.”
Lại thằng Triều hùng hổ chạy phóng thẳng tới trước, giựt mối dây kéo mạnh. Còn thằng Chí vừa kéo vừa đùa:
“Hồi nãy tao chặt dây chắc bây giờ vui lắm hả Thanh?”
Thanh im lặng. Anh nhảy qua lưng nhiều người, về đàng trước.
Chưa vào tới bến, người ta đã đứng đầy nhóc trên ghe không biết từ lúc nào. Tiếng xao động bớt được một chút, có lẽ ai cũng sợ làm quá ồn ào không tốt.
“Trời ơi. Mấy người xuống hầm hết đi,” Triều la. “Tụi tui còn một bình đề nữa để ghe bên kia, chút nữa là đi mà.”
Không ai nghe, người ta ùa lên những chiếc ghe mục sát bờ, bỏ lại nhiều thứ đồ đạc lăn lóc. Phải lo giữ thân cái đã, cảnh sát xuống là chết!
Cảnh sát không xuống. Thật ra chúng không hay biết gì cả. Buổi chiều chúng uống rượu ở lều một gia đình Tàu và bây giờ ngủ như chết. Ghe cặp bến êm thắm như lúc rời. Một số người chán chường lần lượt chui rào trở vào trại. Cả bọn Thanh bỏ mặc đồ đạc, qua hết bên ghe sắt đã chìm một khúc, mỗi người chọn một chỗ dựa.
“Sao, Chí?”
Chí nhìn Triều, rồi Triều nhìn Thanh, cả bọn nhìn nhau không thằng nào nói gì thêm.
“Khui thuốc ra hút cho đã đi,” Hòa đề nghị. Và nó làm thiệt! “Lấy kinh ra đọc đi anh Thanh.”
Thanh bỗng phì cười, “Mẹ, thằng này nghe lén.”
Bất chợt như nhớ ra điều gì, anh vỗ mạnh Triều:
“Hồi nãy mầy nói… mình còn cái bình đề khác?”
“Dễ gì có,” Triều xụi lơ. “Tao thấy bà con ùa lên như giặc, tao teo quá nên nói bừa.”
Thằng Văn thỏ thẻ:
“Anh Thanh, chiếc ghe Vũng Tàu vô tháng trước bị chìm một khúc còn cái bình, mà sợ không đủ ký.”
“Ghe đó mấy máy?”
“Hai bloc đầu bạc.”
“Đủ nổ không Phong?” Thanh hỏi.
“Nếu hơi đầy thì nổ nổi, có thể thôi. Chỉ sợ xì hết cha nó như cái thằng khốn nạn này thì tốt hơn kêu cảnh sát dậy cho rồi.”
Chí kéo Văn và Tấn đi liền. Triều nằm vắt ngang xuống sàn ghe hát nho nhỏ. Tất cả những khuấy động dịu lắng lại hết, Thanh mới hay rằng đêm nay trời thật đẹp. Tự nhiên Thanh muốn được ngồi nói chuyện với một người bạn thân về những quan niệm vụn vặt trong cuộc sống. Thanh xoay tròn chiếc nhẫn và nghĩ đến Phượng. Có lần cô nàng ước mình được sống như anh gù Quasimodo ở nhà thờ Đức Bà trọn đời chỉ biết có mười mấy cái chuông đồng. Anh uể oải dựa lưng vào be nhìn lên trời.
Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
Góc Bể Bên Trời (3)
VÕ HOÀNG
Gần ba giờ rồi!
Bọn ba đứa ì ạch khiêng bình đề về tới, trông có vẻ nặng nề lắm. Tự dưng Thanh cảm thấy gần gũi và thương bạn bè hơn lúc nào hết. Anh nhỏm dậy:
“Lần này nữa thì thôi nghe, đừng cho ai hay hết. Tụi mình đủ rồi nghe Triều.”
Mà chắc không còn ai dám trở xuống một lần nữa. Thanh cùng các bạn trở lại những giây phút khó thở tưởng đã bỏ qua.
“Khi nào xong xuôi cho hay nghe Phong. Kiểm điểm tụi mình lại. Lần nầy thì đề tại bến rồi chặt dây chạy nghe Chí. Nới lỏng một chút cho mũi ghe bê ra ngoài, một chút thôi.”
Thanh phụ Phong và Văn thòng cái bình hơi xuống gầm máy. Ba giờ kém năm. “Cố lên! Ai cũng nghĩ tụi mình đã bỏ cuộc.” Trên nóc những mái nhà thiếc, đầu người không còn lố nhố nữa. Người ta ngủ cả, gia đình Phượng chắc đã ngủ, anh Hai chắc đã ngủ. Triều lui cui dọn dẹp các thứ đồ đạc ngổn ngang cản lối đi.
Và thằng Phong đề máy không cần chờ ghe Thái Lan che bớt tiếng động. Tiếng nổ ầm xé rách đêm vắng, tiếng nổ tức tưởi như đã lâu lắm chưa được nổ. Trong năm giây đồng hồ đầu tiên, tất cả hơi ngỡ ngàng và sau đó, ai cũng biết mình sẽ phải làm gì. Bọn Thanh phải ghì lái chạy thẳng qua phía bên kia bờ sông vì ngoài lạch, một tàu đánh cá Thái Lan đi vào trong khi lạch chỉ có thể đi lọt được một chiếc.
Thanh vẫn còn kịp nhìn thấy trên những nóc thiếc, người ta đứng hẳn dậy và ở dưới bến có tiếng la ơi ới. Triều che miệng hét:
“Đừng rọi đèn nghe Thanh, tao có thể đi lọt qua lạch. Cảnh sát thức rồi, coi chừng tụi nó bắn.”
Cảnh sát bắn thật, nhưng chúng chỉ bắn dọa, bắn báo động. Vài tiếng rời rạc và một loạt M16.
“Làm gì tụi nó dám bắn ngay ra đây, đừng lo. Trong đó nhìn ra ngoài nầy đâu có rõ được. Đằng trước là một căn cứ Hải quân có mấy chiếc tốc đỉnh chạy như PCF bên mình, qua ngang nó đừng để ga lớn nghe Triều. Chạy nép sát bên kia. Tắt đèn cabine đi.”
“Ừ! Mẹ, tối quá!”
Nghẹt thở suốt chặng đường mười phút trong sông rồi ghe cũng ra tới cửa biển. Gió lộng thổi tung các thứ quần áo phơi dọc theo hai bên cabine ghe. “Máy ba bloc đầu bạc có khác!” Thằng Phong chui lên khỏi hầm máy và ôm vai Chí nhảy cỡn:
“Ê, hơn một năm mới được đi biển lại, đã thiệt!”
Thanh không cho là “đã.” Đến lúc đối diện với biển rồi đây. Sóng nước đến nhẹ nhàng không làm anh yên tâm được. Biển có những cái hãi hùng đến từ dưới đáy, đến từ một cơn gió thật mát nhẹ, đến từ khoảng trời cao mênh mông mà trong một lúc, khoảng trời bị mặt nước che khuất.
“Chạy thẳng 90, Triều. Chưa đi ngang được đâu, có nhiều vớ ở hai bên cửa sông chạy dài theo bờ, ‘máng’ vô đó thì bỏ mẹ!”
“Mầy lái đi Thanh. Tao đi một vòng ‘điểm binh’ xem có gì đáng ngại không. Thằng Cụt, đ. mẹ thằng Cụt.”
Một tay Thanh chụp vô lăng và xoay nhẹ về trái, tay kia cái địa bàn. Khổ nỗi, kim không quay nếu nó không ở vị thế nằm ngang.
Thanh đứng áp sát vào vô lăng cố dán mắt vào bóng đêm. Anh mường tượng như mình đang ở trên đất và nhắm mắt chạy hết tốc lực, không kể gì trước mặt, không kể gì sau lưng. Đèn pin lúc này không giúp ích được gì cả, rọi lại càng thêm chói mắt. Thanh hét:
“Mấy thằng nào ở không ra trước mũi. Ngó cho kỹ thấy cái gì thì la lên, tao tránh.”
Hai ba thằng đứng xớ rớ không biết làm gì, nghe Thanh nói, khều nhau đi về đàng trước. Thanh quay qua Chí:
“Mầy đi luôn đi Chí. Cầm theo cây đèn pin, có gì thì rọi. Muốn tao quẹo trái thì la lên, muốn tao quẹo phải thì la lên. Đi đi.”
Thằng Chí chồm người lấy cây đèn, bước ra khỏi cabine.
Biển bắt đầu hơi có sóng, Thanh nghĩ: “Ở lằn này chắc tụi nó hết đóng đáy được rồi.” Anh ngửa tay coi lại địa bàn, tay kia xoay vô lăng nhẹ về phía trái. Số nhỏ dần, 80, 70, 60, …, 40.
Triều nhón chân nhìn vào địa bàn, la nhỏ:
“Sao mầy đi lên? Hướng đó là hướng Bangkok, hướng đi Miên, hướng về Việt Nam, Thanh.”
“Mầy cũng biết, tao định chạy như vậy ít nhất cũng một tiếng đồng hồ sẽ bắt đầu tính toán lại. Cảnh sát nó có rượt, nó rượt theo hướng nam, hướng đi Mã Lai phải không? Làm gì tụi nó không biết mình mang ý định đi Úc?”
“Ừ, tùy mầy. Sao cũng được!”
Thanh thở mạnh. Mọi thứ phải rõ ràng và dứt khoát chớ đâu lại “sao cũng được.” Dù sao cũng phải cố tránh không để cảnh sát Thái bắt lại. Cũng may, chuyện vừa rồi chỉ là việc đánh cắp chứ không là đánh cướp, vì hai hôm nay, không thằng cảnh sát nào chịu khó đi tuần vòng “kiếm chác” để đến nỗi tụi anh phải “dùng sức.” Thằng Chí, thằng Văn đỡ “mất công” làm việc.
Trong đêm tối mò mò, ghe âm thầm chạy lướt như tên. Sắp năm giờ rồi, gần một đêm vật lộn với những thứ vướng mắc nhỏ nhặt, cả bọn quên bẵng đi mọi nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bây giờ thì yên rồi, hơn một tiếng đồng hồ với tốc độ nầy, cảnh sát không thể nào tìm bắt lại được, ngoại trừ trường hợp máy bị hư giữa chừng.
Mặt trời chưa lên khỏi biển. Một vừng sáng chạy dài suốt dãy bên phải ghe. Thanh chợt thở dài, “ở đó là quê hương mình, ở đó lúc nầy bước ra khỏi nhà đã thấy mặt nhau, ở đó đã bắt đầu một ngày cho tất cả những người cùng khổ hiện diện, có kẻ đã hoàn tất một phần công việc trong nhà để lát nữa đây còn khăn gói nối lưng nhau lội bộ suốt hàng chục cây số ngàn làm sưu không công cho nhà nước.”
Đây với đó cách nhau hai ngày đường biển. Tự nhiên Thanh quay lại trông thẳng về chỗ sáng nhất của bóng đêm, hướng 90. “Tháng ba, cuối mùa gió bấc.” Thanh biết hồi này Cha phải thức dậy trước cơn gà gáy còng lưng vét từng nửa mo gầu nước để có mà tưới cây trong vườn khi cây vườn thì mỗi ngày mỗi cằn cỗi đi, không lớn thêm được.
Biển trời lồng lộng, đường về quê an bình càng thênh thang càng làm Thanh thêm ngậm ngùi. Bản đồ cách có hai phân tây mà chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình sẽ đi đến đó. Bao nhiêu là cố gắng bấy lâu nay cũng chỉ để khắc phục và tìm kiếm một thứ hạnh phúc cay nghiệt mà ngày trước anh không thể nào tưởng tượng ra được. Chỗ đến, cho tới bây giờ vẫn chưa lường được thời gian và trăm ngàn hiểm họa khác trên đường Úc Châu, Nam Dương hay Mã Lai, Thái Lan… Ở đâu cũng không phải là quê hương thì còn gì để mà nghĩ thêm?
Thanh nghe thèm một chút trên sóng nước bấp bênh mà thật sự được biết rằng mình đang ở vào hải phận Việt Nam.
Góc Bể Bên Trời (4)
VÕ HOÀNG
Trong cabine đã có thằng lăn ra ngủ không biết vì mệt hay vì say sóng, mặt thằng nào thằng nấy trắng bệch. Còn có ước mơ nào nữa không trong lúc nầy? Còn có lời biện hộ nào để cảm thông hơn cho từng đó người cả đời ngu ngơ không cao vọng bỗng chốc bỏ xứ ra đi, “một lũ đầu thai lầm thế kỷ”? Tưởng rằng sẽ được an phận, lại tiếp tục trôi nổi, phiêu bạt, đến bao giờ?
Thanh cài chân vào vô lăng nhoài người mở tung một xách tay không biết của ai lục tìm giấy bút. Anh ghi vội: “Ngày 9-3-78, 3 giờ sáng khởi hành, Songkhla, 6.45 giờ, stop.” Còn năm phút nữa, cố chạy thêm năm phút nữa, “cho gần quê hương…”
Bớt ga. Mọi người bật dậy, ai cũng có vẻ ngơ ngác.
“Tất cả là 28 người, Thanh. Thằng Cụt đi được có một mình. Nó ở dưới hầm mũi. Có bốn bà con gái. Mấy bà lì thiệt! Tao cứ tưởng chỉ có một mình vợ thằng Phong…”
Thanh trả số, ghe quay lờ đờ và cũng có vẻ ngơ ngác như mọi người.
“Xa bờ ba giờ rồi, mình nghỉ máy và xem xét kỹ lưỡng dưới ghe xong hãy đi tiếp nghe Triều. Hai mươi tám mạng cũng đủ rồi. Có Trường với Phong là yên phần cái máy. Mỗi lần gặp tàu mầy cặp nghe, giao cho tao là… lội cả lũ.”
Thằng Triều ầm ừ xong chợt dậm mạnh, la lớn:
“Dậy, dậy, tập hợp. Làm công tác. Dậy!”
Bây giờ là lúc phải chuẩn bị lại, sửa soạn lại tất cả. Dọn sạch sẽ sàn ghe, quăng bỏ những thứ không cần thiết, soạn và nối lại những cuộn dây neo đứt khúc, rối nùi… Sắp đặt những cái phuy trống mai nầy có mà chứa dầu, kiểm điểm lại các thứ phụ tùng máy móc, thiếu món gì cần thiết thì ghi ra gặp tàu sẽ xin, chia gạo và diêm quẹt ra nhiều phần nhỏ để nhiều nơi, sóng tạt ướt chỗ này còn chỗ khác.
Hai tiếng đồng hồ đủ để cả bọn mệt lả người.
“Dầu còn đủ chạy khoảng mười tiếng nữa không Triều? Nói với Trường úp cho ráo dầu hai cái can, mình sẽ xin nhớt thay vào máy.”
Thanh tính trong đầu một cách thức cột bè bằng các thùng phuy chắc và bảo đảm nhất cho từng đó người. Anh quyết định bốn ngày nữa, qua khỏi Singapore mới thực hiện chứ bây giờ chưa cần thiết và chưa đủ số thùng.
Thằng Phong mình mẩy đầy dầu máy, lú lên miệng hầm máy, la bai bải:
“Thằng nào xuống tiếp tao cắt cái nùi lưới quấn cây láp. Mẹ nó, cái này là tụi nó phá đám mình nè.”
Nó ngó Thanh, tiếp lời:
“Anh Thanh, ai đời lại đem lưới thả xuống đường ống láp. Mình bị chơi rồi đó nghe. Tụi nó không muốn mình đi khỏi mà.”
Thanh phóng nhanh xuống hầm máy. Ở trên bờ lâu ngày, xuống ghe đã thấy đầu óc quay mòng mòng, bây giờ xuống hầm máy, mùi dầu bốc xoáy vào óc vào đầu, Thanh muốn ói.
Rõ ràng là một dấu hiệu phá hoại, chắc vì sự ganh tị nào đó. Thanh không cần nghĩ tiếp. Vấn đề trước mắt là làm thế nào khắc phục. Anh ngẫm nghĩ một lát thì chui lên:
“Trường, mình pha dầu thêm vô nhớt thì chạy có được không?”
“Nhớt còn nửa đô, pha thêm phân nừa cũng được. Tao cũng nghĩ nên thay đi, không biết tụi nó có bỏ cái đ. gì trong đó không.”
Nó nói xong thì chui xuống.
“Phải nghỉ thêm nửa tiếng đồng hồ nữa”
Mặt trời lên cao dần.
Chín giờ ba mươi, biển không một bóng dáng chiếc thuyền nào.
Phong đề máy, mọi người cảm thấy tự nhiên những lo âu vẩn vơ ở đâu kéo về. Trời trong vắt mà như không thấy gì đằng trước.
“Quay phải nữa đi Triều, nữa đi. Một trăm bảy, ga tám trăm thôi. Mình còn phải nghĩ đến dầu nữa.”
“Bây giờ tao đi ngủ, mầy lái tới một giờ kêu tao dậy, khi nào gặp ghe tàu cũng kêu tao dậy. Để tao ra nói tụi nó chuẩn bị các thứ dao búa, không có gặp cướp là thấy mẹ.”
“Nó có súng mầy làm đ. gì?”
Triều không đáp, nó chui ra khỏi cabine. Trời bắt đầu hực nóng. Chạy như vậy thì đến tối may ra nhìn thấy mờ dạng bờ biển Thái Lan phía bên phải. Thanh không chắc lắm vì đêm qua, bọn anh phải đổi đủ thứ phương hướng xuôi ngược lên đông bắc.
“10.05 giờ. Hướng 170-800.” Anh tự nhủ gặp tàu sẽ xin hải đồ để gặp đèn định điểm đứng lại cho chắc, chớ bây giờ thì chỉ còn mỗi một cách chạy đúng hướng đã định và bổ óc tính vấn đề nhiên liệu.
Tính cách nào? Gặp tàu thì xin, không cho thì mua chút ít đi tiếp, dứt khoát không ghé lại bờ Thái Lan. Chí và hai thằng nữa chặt sào chống ghe, vạt nhọn đầu sắp dài theo hai bên be.
VÕ HOÀNG
Ba giờ trưa, trời có một ít gió mùa đông bắc đuổi theo hướng đi nên ghe nóng hừng hực. “Có lẽ mai phải tìm cách che mặt sàn ghe và sắp đặt lại việc canh gác máy, mũi và phòng lái, không có đến lúc xảy ra chuyện, anh em không đủ tinh thần đối phó…” Thanh nghĩ vậy.
Tự dưng Thanh kéo cần ga hết về phía trước, ghe sựng ngược lại. Xa xa ở hướng đông một bóng tàu đánh cá Thái chống mũi hướng về ghe. Nó nhỏ thôi. Thanh đoán loại này không hơn mười người và nó thấy mình ít nhất cũng hơn mười phút rồi.
Thanh la lớn:
“Triều, ghe Thái, Chí, ghe Thái, kêu tụi nó dậy hết, vô cabine đứng, đừng đứng ngoài lố nhố đông quá. Mình chạy không lại nó đâu, để coi nó làm gì, Triều. Đ. má, nó chạy như PCF.”
Lúc này mới biết trời có gió. Thanh đã trông rõ được những lá cờ màu sắc sặc sỡ cột dài theo mấy thanh tre trước mũi tàu Thái. “Ghe nó có phần ngắn hơn ghe mình. Tụi nó đánh lưới dằn.”
“Tụi nó chắc đông. Đ. má, ghe đẹp quá,” Triều bông lơn. “Mấy bà chui hết vô trong nầy đi. Tụi nó đánh hơi hén Thanh?”
“Ừ. Hồi tháng mười năm ngoái cũng loại này vớt tụi tao vô bờ, ghe không hơn bảy thằng đâu, tao biết mà. Để coi. Mầy thấy không, 21 Bangkok.”
“Hai đứa ngoài trước mũi không có cầm gì hết, tao nghĩ không đến nỗi nào đâu.”
“Mấy bà vô trong hết đi,” Thanh hét ầm. Một nhóm đông nép sát bên phải ghe chui hết vào cabine. Thanh liếc thấy mặt nhiều người xanh mét. Anh nối lưng Triều bước ra ngoài.
“Đừng quăng dây gì hết nghe Chí. Coi tụi nó làm gì.”
Tụi Thái quăng dây trước. Bên đó lố nhố những cái thùng gỗ thành ra Thanh không biết rõ đích xác bao nhiêu người. Anh chỉ thấy được năm. Một trong ba thằng trước mũi quăng mạnh dây một cách chuyên nghiệp sấn chụp lên thanh tre xà ngang từ mũi đến hầm số ba.
“Nắm thôi Chí. Đừng tóm.”
Thằng có vẻ là tài công bắt loa tay hét vong vỏng:
“Bây nẩy? Sỏn Kha?”
Nó hỏi mình đi đâu và đưa tay chỉ về hướng Songkhla.
“Để đó tao, Thanh.” Triều vừa đưa tay phụ mấy người chịu thân tàu cho khỏi chạm mạnh vào ghe vừa ngước mặt, hét lớn:
“Hê, Bây Mã Lai Sia.”
Nó nói tiếng Thái cứ như Thái, nó hỏi dầu. Rõ ràng Thanh thấy thằng tài công ngạc nhiên, nó chồm xuống hỏi đủ thứ chuyện. Thỉnh thoảng thằng tài công gật đầu, thỉnh thoảng nó lắc đầu. Mấy thằng đằng mũi cũng chõ miệng sang nói gì với tụi thằng Chí. Một thằng phóng xuống ghe, nó đi suốt một mạch từ mũi đến lái.
“Hê, Phú dỉn, phú dỉn sủi… sủi.” Nó thấy mấy bà hoảng sợ hụp sát xuống sàn cabine thì nghe răng cười.
“Mẹ, thằng này ngang tàng quá.” Xong anh bắc loa tay, lớn tiếng: ”Nó nói gì vậy Triều, rán hỏi xin cho được dầu.”
“Một chút nữa. Nó biểu có vàng thì nó bán dầu cho.”
“Hỏi giá nó xem bao nhiêu một thùng.”
Thằng Thái Lan đã xuống ghe cúi người dở nắp hầm sau lái chong mặt nhìn xuống. Nó hất sợi dây đeo cổ toàn những hình tượng Phật đang lủng lẳng và hình như toàn bằng vàng ra sau lưng. Thanh nghĩ: “Tụi này chắc hiền, không đến nỗi nào đâu.”
Cái mặt thằng Thái Lan thoa loại thuốc gì không biết mà trắng như bột. Nó ú ớ những câu khen chê xong lại nhe răng cười lần nữa rồi ngồi hẳn lên cabine, nhún nhún người ra chiều vui vẻ lắm.
“Ê Thanh, năm chục đô la một phuy, hai chỉ vàng một phuy.”
“Mình có được một trăm hai của anh Hai cho. Mấy thằng kia chắc không có nhiều. Nhưng còn phải để dành. Sao tụi nó bán mắc quá vậy?”
“Trả bớt xem nó chịu không, Triều?”
“Nó không chịu. C., Thanh! Chơi cái màn du côn nghe. Tụi này không có súng ống gì hết.”
Thanh cùng một lúc bất chợt có ý nghĩ như Triều. Anh chưa kịp đáp đã thấy Văn, Tấn, Giàu đứng sừng sững trên tàu Thái. Đằng sau cũng đang có một hàng người vây kín thằng tài công. Bên này ghe, Trường và Phong đứng chặn “thằng mất dạy.” Nó ú ớ nói không ra tiếng.
“Mình xuống hầm nó lục kiếm dầu đi Văn,” Thanh nói lớn. “Để dành tiền làm chuyện khác.”
Anh nhảy qua tàu Thái, bước vào phòng lái.
Triều và Chí lật tung các thùng gỗ không biết tìm gì. Tụi Thái Lan không thằng nào nói gì thêm nữa. Thanh lú ra, la to:
“Đừng có đứa nào làm bậy hết nghe, tóm thêm mối dây đằng sau đi. Dầu thì chắc chắn phải có, kiếm gạo, kiếm cá…”
“Hai thùng dầu giữa lòng ghe còn ít.” Thanh nghĩ hầm máy chắc nhiều hơn. Anh kéo Văn chui xuống, làm thế nào chuyển nhanh qua ghe, không có loay hoay một hồi thêm vài chiếc ghe Thái đến sẽ rắc rối. Thằng Văn lục tung một lúc bốn năm can, cắt phăng những ống cao su nào có thể dùng hút dầu ra nhiều đoạn. Nó hét vang:
“Thằng nào đứng trên miệng hầm chuyển dầu qua ghe mình, trút đại vô phuy, làm cho mau nghe. Anh Thanh coi chừng can nào đầy, dời ống qua can khác…”
Hai mươi phút, chuyển được hơn ba phuy. Tụi Thái sau một lúc hốt hoảng thì trở thành ngoan ngoãn chưa từng thấy. Chúng giúp tụi Tấn, Giàu móc những con cá thu lớn chôn lấp dưới lớp nước đá xoáy nát. Thằng tài công lôi từ hầm cuối cùng ra nào soong, chảo, dĩa, muỗng và chỉ chỗ chứa gạo.
Thanh vỗ vai Trường:
“Nói với Phong xuống hầm máy tháo hết các ống dầu ra gom về một chỗ. Tụi mình đi thì ít nhất hai tiếng đồng hồ sau tụi nó mới có thể chạy máy được. Nhớ đập dẹp mấy đầu ống.”
Ba phuy dầu đủ để bọn anh mò đến Singapore. Thanh nghĩ vậy cũng đủ rồi, anh không có thì giờ chuyển thêm nữa. Vấn đề là làm sao tránh không gặp thêm bất cứ tàu bè Thái Lan khác cho đến khi vượt qua được hải phận Mã Lai.
“Ngoài dầu, gạo, cá đừng cho thằng nào làm gì, lấy gì khác nữa nghe Chí. Những cái cần thiết cho chuyến đi thôi. Sao tao kiếm nhớt hoài không thấy, can nào cũng hôi rình và đen thui.”
Sắp bốn giờ rồi, mọi chuyện phải được giải quyết nhanh hơn nữa. Thanh chợt nhớ ra và thấy bọn anh may mắn quá vì gần một tiếng đồng hồ với sự náo động ở đây, không một chiếc tàu thứ ba trông thấy. Nếu có, thì chắc chắn lại là một chiếc tàu Thái, bao nhiêu là rắc rối sẽ xảy ra.
“Nhớt, tiếng Thái kêu bằng gì Triều?” Trường hỏi. “Mầy xuống đây kiếm tiếp với tao đi.”
Thanh cướp lời nó:
“Qua lấy nhớt bên ghe mình xong chỉ cho thằng tài công coi, nói mình muốn thứ đó.”
Triều quay đi, nó quăng mạnh mẩu thuốc lá ra xa với vẻ bực dọc, rồi càu nhàu:
“Nãy giờ mà không chịu nhớ đến, để bây giờ lu bu.”
Bên này ghe, bỗng dưng tiếng thằng Thái Lan la ơi ới rồi có tiếng như ai đó ôm vật nhau. Thanh phóng ra khỏi cửa hầm máy.
“Ê, đừng dở trò đó ra đây nghe! Tiếng thằng Chí.”
Thanh nhảy về ghe.
Thằng Cụt! Lại thằng Cụt! Thì ra lợi dụng tình thế có vẻ lộn xộn mà phần lép về phía tụi Thái, thằng Cụt sấn tới cố giựt cho được sợi dây đeo cổ của thằng Thái. Nó mà không la thì chắc không ai hay biết hết. Thanh điểm mặt nó:
“Tao đã nói, không được lấy bất cứ thứ gì khác ngoài dầu máy, nhớt, đồ ăn, mầy nghe chưa? Mầy có biết là nếu mình đi không khỏi đất Thái, mình sẽ ra sao không?”
Thằng Cụt im lặng, vẫn còn thở hổn hển. Chí cung tay đấm đưa qua đưa lại trước mặt nó:
“Bỏ cái thứ mọi rợ của mầy đi nghe không? Có tao ở đây, mầy phải biết. Vụ này, tao là tổ sư mà bây giờ tao còn biết suy nghĩ mà.”
Thằng Chí nói thật. Thanh biết nó nói thật. Nó là một thằng làm khuấy động trại Songkhla hồi tháng trước về vụ “thanh toán toàn bộ” số vàng của chệt Tòng giấu trong cái vali hai lớp đáy và chia chác cho gần hết những dân chơi trong trại. Nó bảo, “Việc này là việc nhỏ thôi nghe! Chơi lấy tiếng mà!” Việc đổ bể lúc số vàng còn lại chút ít, nó quăng hết cho cảnh sát Thái, yên chuyện ngay.
Thằng Thái Lan hai tay vịn lấy sợi dây đeo cổ, đi chậm chậm trở về ghe. Mấy thằng kia xúm lại, tiếng Thái Lan nhao nhao lên.
Thằng Cụt ngồi bẹp xuống sàn ghe, ôm đầu chịu đựng những cái nhìn của mọi người. Thanh nói với nó:
“Mầy thấy không ổn thì chút nữa tao bỏ mầy qua ghe Thái Lan cho mầy vô bờ trở lại. Đi, là phải giúp nhau mà chống chỏi với nhiều thứ ghê gớm lắm. Nhất định thằng nào làm gì mà để phiền tới thằng khác là không khá được.”
Thằng Cụt nhìn Thanh, thở hắt một cái thật mạnh. Thanh cảm thấy không nên làm nó đau thêm, anh hét tụi kia tiếp tục công việc.
Phong lú đầu lên khỏi hầm máy:
“Tháo ống dầu xong rồi, có một ống bị gãy tao không biết phải làm sao. Chí chuyển cho mấy cái can xuống tao sang nhớt, thấy rồi.”
Bọn Thái lúc nầy đứng hết đằng trước mũi ghe, không quan tâm gì nữa đến việc bọn Thanh lục lạo và lấy đi những thứ cần thiết. Chúng đứng lui về một góc và cuối cùng, bị lùa về đằng trước.
“Mình cần lấy nước không Thanh?”
“Không, chỗ đâu mà chứa!”
“Đ. má! Hải bàn tụi nó đóng cặp dưới tấm ván ngang trong phòng lái. Tao thấy nếu muốn lấy phải cạy bể miếng ván đó.”
“Thôi,” Thanh nói. “Tao lục không có cái hải đồ nào. Tụi nó quen vùng biển nầy nên không cần có. Mình chạy bằng địa bàn của mình cũng tạm được. Vùng nầy chưa có gì nguy hiểm đâu… Phá ghe tụi nó, rủi chạy không khỏi hải phận Thái lại tấp vô bờ là thấy mẹ.”
Nhớt đem qua xong, bốn giờ mười lăm. Thằng Hồng cẩn thận góp nhặt những thứ gia vị nấu ăn bỏ lốc cốc vào cái thùng gỗ đầy vẩy cá. Nó hét Hòa phụ khênh qua ghe.
“Mầy ra nói tụi nó ít tiếng đi Triều, kêu tụi nó lấy chăn nhúng dầu máy đốt thả trên biển, bạn tụi nó sẽ thấy lại dắt vô, ống dầu ghe nó gãy rồi. Cho tụi nó hay mình từ Songkhla đi Úc và chỉ cần dầu máy với những thứ cần thiết thôi. Nhớ cảm ơn tụi nó nghe.”
“Tao lấy thêm cuộn dây neo nữa.”
Triều nhảy mấy cái là tới trước mũi, nó bắt đầu khoa tay khoa chân. Một thằng bật nắp hầm chui xuống lôi lên hai ba cuộn dây neo đã được xếp khoanh gọn ghẽ. Thằng tài công cười mà miệng méo xệch, nó vỗ lưng Triều và hình như đang khen ngợi cái hình xâm sư tử vắt ngang lưng Triều, miệng cắn mỏ neo, đuôi dài vòng ra trước ngực.
“Hỏi xem ghe nó chạy bao lâu thì tới vịnh Kota Bharu của Mã Lai, Triều.”
Hai thằng lại chỉ chỉ, trỏ trỏ.
“Mười lăm tiếng, chắc ghe mình cũng phải hai mươi. Nó còn nói cảnh sát Mã Lai sẽ bắt nhốt tụi mình.”
“C., nó dọa mình đó. Thôi xong rồi, mình dọt. Về hết cả bên này đi.”
Máy nổ. Chí nới lỏng dây mũi. Hồng đằng lái, ghe bê ra dần và Thanh gài số. Bọn Thái vẫn đứng trước mũi, có một thằng đưa tay vẫy. Bên này vài người vẫy lại. Biển chỉ vẫn một chút gợn sóng nhẹ như trong sông. Hướng 170 tiếp tục. Thanh ghi thêm “một giờ lấy thêm nhiên liệu, 700 lít dầu – tiếp 170-900.” Lần này phải đi ga lớn, chạy trốn mà!
Trên biển, mọi xao động rồi cũng trả về sự im lặng, một loại im lặng đè chìm những khủng khiếp không bao giờ dứt. Có hai vấn đề Thanh cảm thấy không ổn mà không thể nào làm khác hơn được. Thứ nhứt, anh không thể tránh không gặp ghe Thái vì với tốc độ bình thường của mọi chiếc ghe đánh cá Thái, chúng có thể chạy vòng vòng chung quanh anh trong khi anh cố tháo chạy với tốc độ tối đa. Thứ hai, bọn anh chỉ cần cái sống mà bọn Thái chỉ nhắm cái lợi. Nhiều chuyện được nghe kể chuyền nhau trong những ngày tháng ở trại, anh biết đã có nhiều trường hợp bọn Thái không quan tâm đến những thứ gì khác hơn là cái lợi của chúng, kể cả mạng người.
Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
No comments:
Post a Comment