Góc Bể Bên Trời (6)
Posted on 25/02/2013 by GBBT
VÕ HOÀNG
Mọi chuyện xem như ổn, vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Bây giờ thì Thanh mới cảm thấy mệt mỏi và cần phải nghỉ. Anh nhờ Chí kiểm điểm lại lần chót số người trên ghe, ghi hết vào một danh sách, kể luôn các cái “nghề” có thể “xài” được trên đường từ đây đến Úc.
“Mầy phải để ý đến chuyện gạo và nước nghe Thanh, còn phần ‘an ninh trật tự’ để tao lo. Dưới này, thằng nào lạng quạng là… chết mẹ với tao.”
Thanh an tâm. Chí là một thứ người của giang hồ. Ở Việt Nam, suốt sáu năm lính, nó toàn sống ở quân trường và quân lao ngoại trừ những thời gian ngắn trốn chui nhủi trong các xó xỉnh tối tăm, chia sớt và sống bằng bánh mì, cơm đụng của các chủ chứa, các động hút, hoặc các nơi giải hàng ăn cắp. Đôi khi, Thanh khám phá ra một vài điều lạ trong con người nó. Cái thằng “bạt mạng cô hồn” như vậy mà nó nói đến chuyện tương lai xa vời một cách chí tình. Những tháng ngày lăn lộn với cuộc sống tưởng không có ngày mai đó, Thanh gặp nó lần đầu tại một bàn cờ tướng trong con hẽm nhỏ ở ngã tư Tin Lành, Rạch Giá. Nó hỏi thăm về đảo Phú Quốc và có ý định sẽ ra đó đăng vào lính địa phương “cho nó nhàn, chớ đ. mẹ, sống như vậy hoài chán quá rồi, không biết bị bắt lúc nào.”
Thanh nhớ có lần nó nói với giọng thật nhỏ: “Má tao còn ở Hà Tiên, có chồng khác, tao thì không ưa ‘thằng chả’ đang sống với bà, đòi đánh lộn rồi bỏ đi biệt mấy năm nay đâu có về.” Nó nói đến những mánh khóe hủy hoại thân thể để được giải ngũ mặc dù dượng ghẻ nó thừa tiền để lo cho nó làm lính ma. Sau đó, nó về đảo thật.
Nó yêu đảo và nhớ đảo đến độ vào trại tỵ nạn, Thanh phải bỏ mất nửa ngày xâm cho nó cái hình đảo Phú Quốc bằng nắm tay trước ngực. “Mầy ngu quá, xâm bằng sữa con so, khi mầy ra nắng cái hình xâm sẽ đỏ ửng và nổi lên.” Nó tìm ở đâu được một cái ly nhỏ loại cạo gió, năn nỉ vợ thằng Khôi suốt buổi sáng xin được ít sữa. Thanh xâm cho nó và chưa thấy cái hình xâm nổi lên bao giờ. Đảo Phú Quốc chìm ẩn trong lòng nó, mất dạng.
Bây giờ nhìn bộ dáng khom khom của nó, tay cầm bút tay cầm giấy, Thanh thấy buồn buồn.
Trời chiều đã làm dịu cơn nóng. Thanh an lòng nghe tiếng máy nổ đều và mạnh biểu lộ một nguồn sinh lực còn dài. Triều thay tay lái, vừa lắc mạnh địa bàn vừa càu nhàu:
“Còn mấy tiếng đồng hồ nữa mới có sao mọc, cầm cái này mỏi tay thấy mẹ. Phải chi có cái gì nhắm hướng.”
“Tao mới khám phá ra mặt trời chiều không xê dịch hướng nhiều lắm thành ra mầy có thể chạy theo nắng. Nhìn cái bóng cột ngoài trước kia, chạy làm sao để nó lọt vào giữa hai ‘dây công’ của hầm số một, giữ như vậy hoài. Trời còn nắng mà. Nhưng rán hôm nay thôi, mai mình qua tới hải phận Mã Lai sẽ chạy cập bờ khỏi cần nó nữa, chừng đó thì chạy đêm lại mất công hơn. Mầy biết bao nhiêu thằng dưới ghe lái được, Triều?”
“Nhiều. Mình có thể chia mỗi ca hai thằng, mà mầy ngủ đi, ngủ tới tối, tới tao ngủ.”
“Ừ, thế nào thì mai mình cũng qua khỏi Thái Lan. Nhớ nhắc thay nhớt nghe.”
Đằng sau cabine, mấy “bà” con gái bắt đầu cãi nhau về chỗ nằm. Ngay ngày đầu tiên, Thanh đã cảm thấy khó chịu về tình trạng nầy. Gì chớ chuyện đàn bà thì Thanh chịu, không có ý kiến, nếu có chăng nữa cũng không giải quyết được gì, anh biết vậy. Ngay cả trong những tình thế cấp bách, cần đến một giải pháp có vẻ “nặng ký,” anh vẫn mắc phải thói quen nhường các bà một bước.
Vợ thằng Phong, chị đàn bà có cái giọng nói “cao” nhất, máy chạy ầm ầm vẫn không làm át đi được. Chị có vẻ là “sếp” trong bốn người đàn bà có mặt dưới ghe. Ngoại trừ thằng Phong và bốn bà, không ai biết bốn bà xuống ghe từ lúc nào, rồi những khi lộn xộn về máy móc, mấy bà ra làm sao. Điều chắc chắn là mấy bà xuống từ trước và không chịu lên kể cả lúc ghe phải cập bến trở lại vì máy không nổ.
Thật ra, theo tụi Chí, Văn, Thanh gọi họ bằng “bà” chớ họ đâu đã ra vẻ bà. Ba trong bọn họ, tuổi vào khoảng hai hai, hai ba, người còn lại là một cô… con nít, tuổi đâu mười bốn. Điều mắc cười là chuyến này cô không những đi theo tiếng gọi của tự do, của viễn ảnh một cuộc sống thoải mái hơn, cô còn… dứt khoát tư tưởng “bỏ cha mẹ già ở lại Songkhla nuôi đàn em dại khờ bụng bự, để ra đi theo tiếng gọi của con tim.” Thằng Văn nói thế!
Thanh chỉ biết chuyện này vài tuần sau khi nhập trại và không ngờ nó mãnh liệt đến thế. Chuyện hơi lạ nhưng anh chịu, không tìm cách để giải thích.
Vợ thằng Phong gọi cô là “con thịt chó.” Hình như ai cũng có quyền gọi cô bằng tên đó và chưa bao giờ Thanh thấy cô phản đối. Ông bố cô là một thứ “nhà giải phẫu,” giải phẫu… chó. Ở trại, những con chó rảnh rỗi, những con chó không chịu sống thỉnh thoảng đến viếng và ủy lạo đồng bào tỵ nạn. Bất kể ngày đêm, người ta đều hân hoan chào mừng chúng, ai cũng quyết tâm bắt cho kỳ được. Và cuối cùng đến tay “ông thịt chó” sau hai ba phút ục ặc trong những tấm poncho dìm sâu dưới nước. “Cô thịt chó” và một lũ em thừa hưởng cái tên “thân thiện” của ông bố, và chấp nhận – không biết từ lúc nào – như một tự nhiên.
Cô hiền và không thích gây sự. Nhiều lần Thanh bắt gặp cô nghiêm mặt lại và nhìn ra đâu xa xa, mà có vẻ như không nhìn gì hết. Vợ thằng Phong bảo cô nằm về phía bên phải cabine, chỗ gần ống khói nhất, cô ngoan ngoãn đẩy cái bị quần áo về phía đó và ngồi bó gối nhìn ra xa. Cạnh đó là A Kiếu, cô gái Tàu Chợ Lớn miễn cưỡng nằm xuống sau một hồi đôi co, Thanh nghe được tiếng “xì” thật dài của cô.
“Chưa biết cô nầy… đi theo ai đấy?”
“Thằng Nghiêm!”
Thanh chỉ đoán mò mà không chắc lắm vì ngày trước, cô mấy lần tới lều ngồi hằng giờ và chỉ chịu “vuốt lại mái tóc” khi thằng Nghiêm về đến. A Kiếu biết chắc Nghiêm sẽ đi trong chuyến này mặc dầu Nghiêm không nói. Điều làm Thanh buồn cười là thằng Nghiêm suốt ngày cứ uống rượu nằm vùi và tỏ vẻ… không màng thế sự, nó thường bỏ đi trước những khi A Kiếu tới lều. “Thế nào rồi cũng có chuyện lu bu,” Thanh nghĩ vậy.
Tự nhiên, Thanh nhỏm dậy đưa mắt dáo dác cố ý tìm Nghiêm. Để làm gì thì anh chưa biết nhưng anh chợt mỉm cười vì thằng Nghiêm đang như một ông thần, ngồi chễm trệ trên một phuy dầu nằm ngang trước mũi, bất động ra cái vẻ suy nghĩ lung lắm. Sắp có chuyện thật! Không biết nó nghĩ gì từ chiều hôm qua tới giờ…
Hình như thằng Triều cũng đang nghĩ đến chuyện nầy, nó quay lại Thanh:
“Không ngủ được hả? Mầy coi thằng Nghiêm nó ‘dô ga’ kìa, hôm qua tới giờ nó có vẻ khờ hơn mọi khi.”
“Ừ!” “Nghiêm khờ” bây giờ khờ hơn nữa. A Khiếu chứng tỏ tình yêu lần này quyết liệt quá làm thằng khờ chới với.
Thanh quay qua sau: “Tao như thằng Nghiêm, chắc tao đành yêu A Kiếu.”
Rồi anh lớn giọng: “A Kiếu, phải không A Kiếu?”
Cô gái Tàu nhỏm dậy, ngơ ngác. Chắc chắn cô không hiểu gì nhưng cũng ỏn ẻn cười. Tự dưng, Thanh cảm thấy hối hận ngay lúc đó. Đùa như thế, trong hoàn cảnh như thế này có đúng lúc chăng? Dù sao, con người ta sống, phải sống thực với lòng mình chứ, anh thường quan niệm như vậy mà!
Thanh tiu nghỉu ngã vật xuống sàn ghe, định bụng sẽ cố giấc ngủ. Triều lơ đãng hát nho nhỏ, giọng hát đong đưa, tiếng mất tiếng còn. Như nhớ ra điều gì, Thanh bật dậy ngay:
“Chết mầy rồi, Triều. Mầy hay gì chưa?”
“…?”
“Cái bình hơi” nó đi theo mầy phải không? Hay là mầy dắt nó theo?”
Không biết chiều nay “mắc cái giống gì,” Thanh nghĩ bâng quơ đủ thứ chuyện – thật ra có một chuyện những cặp tình nhân với nhiều khúc mắc trong chuyến đi nầy – không ăn nhập gì đến mình. Triều cung tay đấm lên trời, cười thành tiếng:
“Tao định nói mầy câu đó. Nhưng chắc tao hỏi lại nó thì hay hơn.”
Đến lượt Thanh cười. “Cái bình hơi” đi với thằng em trai tên Thông. Cô ta mập và cao lớn, rõ là một thứ người khổng lồ. Mỗi lần chen nhau đi ngược chiều dọc theo hai bên cabine ghe, Thanh phải vất vả chuyển tay vịn để eo người ra xa dành chỗ cho cô đi. Nhưng cái nét quá đẫy đà của cô không phải là lý do chính để có cái tên quái gỡ nầy. Tội nghiệp, người con gái thật xấu – xấu đến độ thằng Chí cho là “ghê thấy mẹ,” thằng Văn, thằng Giàu, những thằng nhiều chuyện hơn đàn bà cho là “chị ông kẹ” – lại cưu mang vào thân một cục bướu to tướng trước cổ. Cục bướu khốn khổ đó cộng thêm cái thân hình tròn trịa đáng thương của cô được bọn con trai “ăn cơm nhà, thổi tù và hàng xóm” kim loại hóa, thành ra cái tên “bình hơi,” mặc dù cô tên Nhung, tên đẹp chớ phải chơi đâu!
“Hình như cô ta thương mầy thiệt đó Triều, mầy phải suy nghĩ cho kỹ.”
“Nghĩ cái con mẹ tao. Đừng làm tao teo.”
“Tao nói thiệt đó.”
“Thôi mầy,” Triều nạt ngang.
Ở trại, bọn con trai tụm năm tụm ba nhắc đến “cái bình hơi” chỉ để cười và một điều rất tự nhiên là ai cũng nghĩ rằng cô ta mà thương người nào, người đó vô phúc lắm. Thanh chưa nghe cô ta hát lần nào, chớ nghe tụi nó nói lại, cô ta hát thật hay, “vì… hơi dài.”
“Để ngày mai rảnh rỗi, tao hỏi giùm cho,” Thanh vừa cười vừa nói. “Thế nào cũng có một buổi họp khoáng đại giải quyết thắc mắc và phân chia công tác.”
“Ngồi dậy, Thanh,” Triều la lớn. “Có một chiếc tàu Thái Lan ở phía trong đi ngược chiều với mình.”
Thanh vừa nằm xuống đã phải bật dậy. Chiếc nầy có phần lớn hơn chiếc đã gặp lúc trưa. Nó vẫn ung dung đi theo hướng đã định không có vẻ gì chứng tỏ muốn quay mũi về VNKG 0042. Thanh mong nó không chú ý đến mình. Anh lớn tiếng hét hai ba thằng đằng trước đang đứng xôn xao chỉ trỏ. Trời sắp tối rồi, cố thêm một tiếng đồng hồ nữa là đêm, chạy an toàn hơn.
“Đừng thêm ga, Triều. Chắc chắn sẽ không chạy thoát nếu tụi nó muốn rượt mình. Mà mầy chạy ga lớn, ghe mình sẽ có khói, tụi nó càng chú ý hơn.”
“Nó biết ghe mình là ghe Việt Nam thì giá nào nó cũng rượt!”
“À!” Tự nhiên Thanh nhớ ra. “Nhớ rồi, quay ngang về 90 đi Triều. Nó nhìn sau lưng mình thì khó mà nhận dạng được.”
Triều quay nhanh không cần hỏi thêm. Mặt trời chiều còn một ít, sóng chỉ gợn nhẹ thành ra bên trong nhìn ra bị chói, may ghê. Thanh bước hẳn ra ngoài nhìn chong về chiếc ghe Thái, anh cảm thấy an tâm.
“Với khoảng cách nầy, tụi nó rượt ít nhất cũng gần một tiếng đồng hồ mới bắt kịp mình, thì trời tối cha nó rồi. Mình ẹo đi một chút là đánh lạc hướng được ngay, ghe mình còn ga mà…”
“Mầy đáng là ông nội tao, Thanh. Bây giờ thì tao đ. sợ nó nữa.”
“Vậy chớ hồi nãy mầy teo?”
“Teo chớ! Tụi nó có súng là bốc c.”
Mấy bà vẫn còn sợ, ngồi túa về một phía bàn tán xì xào, ngoại trừ “cô thịt chó.”
Thêm mười lăm phút nữa, tuy khoảng cách không xa hơn bao nhiêu nhưng cả bọn an lòng vì biết chắc tàu Thái Lan không đổi hướng.
“Mình về 170 được rồi Triều. Cứ để y 170 ga cũ, không cần đổi nữa. Chắc phải nói với Cường, Hòa nấu cơm để tối có mà ăn.”
“Ừ! Ăn mì khô hoài khát nước thấy mẹ. Rán hôm nay nữa, sáng mai mình sẽ tổ chức lại tất cả.”
Thanh trở vào cabine, lần này thì nhất định không nói thêm một lời nào nữa, chỉ nghe và cố ngủ. Trời bắt đầu hơi lạnh nên mấy bà đàng sau đang phân chia chăn đắp, lại thêm một màn xí xó nhau…
Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
Góc Bể Bên Trời (7)
Posted on 24/02/2013 by GBBT
VÕ HOÀNG
Thanh thay lái khoảng hai giờ khuya, đến trời mờ thì đã thấy được những khoảng núi lờ mờ ở bên phải ghe. “Chắc chắn mình đã vào hải phận Mã Lai.” Đằng trước có vài người cũng thức dậy từ bao giờ. Thằng Chí, thằng Nghiêm hai ba đứa ngồi chùm nhum gật gù nói chuyện với nhau.
Như cơn mơ! Hơn một ngày để cả bọn vượt qua những thứ rắc rối ác nghiệt. Trước mắt chỉ là những thứ rắc rối “nhẹ người” hơn, ngoại trừ biển. Hơn năm tháng trời xa quê hương, bây giờ Thanh sống lại với tâm trạng bấp bênh của ngày đầu tiên vượt thoát, bỏ đảo Phú Quốc lại sau lưng, bảy mươi cây số chiều dài đứt làm chín khúc.
Phải rời Songkhla, Thanh cảm thấy một chút gì níu kéo mặc dù tâm trạng không giống như ngày nào gặp bến bờ lần cuối ở hòn Gầm Ghì, rồi ngang qua hòn Xưởng. Dù sao, từng đó người trong cuộc sống khốn khổ ở trại, đêm về chắc cũng để chút lòng nhớ lại cái nơi mình đã một lần cuối quay lưng.
Thằng Phong dưới hầm máy chui lên. Nó cười lớn:
“Vậy là thoát rồi hén, anh Thanh. Phải biết vậy trước khi đi, mình ví ‘thằng mặt ngựa’ đập cho một trận, lấy súng quăng xuống sông, bõ ghét. Mẹ nó!”
“Qua tới Mã Lai rồi, khỏe thiệt rồi!”
Hai đứa im lặng một hồi, Thanh nói chầm chậm:
“Nếu không có vụ Hạc Dài, chắc tụi mình không đi đâu hén Phong. Giờ này ở trại ngủ cho sướng.”
“Anh Thanh biết không, cái đầu tui tới bây giờ mà còn ê. Mẹ nó, mình té xuống đất rồi nó còn lấy giầy đạp lên nữa.”
“Đứa nào bị nặng nhất?”
“Thằng Văn. Một thằng cảnh sát lấy hai bàn tay đập một lúc vô hai cái lỗ tai, chịu gì nổi. Bởi vậy nó mới nổi sùng.”
Sáu đứa tụi nó trốn ra Hạc Dài chơi rồi bị cảnh sát Hạc Dài bắt được và đánh đập tại chợ. Tụi nó nổi khùng đánh lại. Thằng Văn đập bể con mắt một thằng cảnh sát. Một thằng khác bị Chí giật được súng và lận theo gần tới trại mới quăng bỏ.
Thằng Phong chợt bật cười lớn:
“Mẹ, cái bữa cảnh sát Hạc Dài vô nhìn mặt, sáu thằng trốn miết dưới tàu sắt, hơn nửa ngày trời lạnh teo. Bữa đó tui lại bị đau bụng, mắc cười quá.”
“Rốt cuộc thằng Thơ Cà Mau bị ăn bạt tai oan mạng. Cái thằng ngu thiệt, không biết tiếng Thái thì nhờ người ta thông dịch, tài khôn nói cà trật cà vuột, ăn đòn là phải. Mầy biết không Phong. Tụi nó bàn với nhau nếu được cấp trên đồng ý, ít ngày nữa lùa hết dân trong trại ra ngoài rào, điểm danh từng người đi vô, rồi tụi nó nhìn mặt. Tụi bây có trốn cũng kẹt, ra mặt cũng kẹt. Kể cũng may!”
“Ừ, tui có nghe chứ. Nó điểm danh mà mình trốn là có nước thành Thái Lan luôn chớ gì nữa. Hên thiệt.”
Có lẽ trong vài hôm nữa, anh em trong ban đại diện sẽ tìm cách nói cho bọn cảnh sát Thái biết rằng “chuyến đi vừa rồi có mấy thằng đã đánh cảnh sát ở Hạc Dài tuần trước.” Và như thế, mức độ trả thù với đồng bào trong trại giảm đi nhiều. Thanh định sẽ viết thư về cho ban đại diện hay, khi mình lọt qua được Mã Lai.
Chí vào, nó lục hộc tủ tìm thuốc hút:
“Phải chia mỗi ca hai thằng ngồi trước mũi nghe Thanh, thay phiên nhau. Trong cabine nhìn không rõ được chung quanh đâu.”
Trời sáng hẳn, mặc dầu mặt trời chưa mọc. Thanh kéo cần ga về phía trước, xuống thật thấp. Hôm qua đến giờ cứ để ga 900, tội nghiệp nó. Ghe sà chậm lại, vài đứa suốt đêm nằm ngổn ngang đằng trước nhỏm dậy hơi ngơ ngác.
Thanh buông lái bước hẳn ra ngoài. “Mát ghê.” Bờ biển đất nước Mã Lai không khác chi lắm ở xứ mình. Thanh thấy vậy.
“Tắt máy thay nhớt hả Thanh?” Triều vừa dụi mắt vừa hỏi.
“Khoan đã, để ga nhỏ khoảng mười phút hãy tắt. Mình tới Mã Lai rồi đó Triều. Chắc chắn mình ở Kota Bharu, tao tính không sai đâu.”
“Tao cũng mong như vậy. Đ. má, làm sao mà một hồi cảnh sát Thái Lan tới thộp cổ cả lũ. Coi chừng trong kia là Pattani, chỗ hồi trước tụi tao ghé vô một tuần, sát biên giới Mã Lai.”
“Mình đi phải hơn chứ. Kêu Trường, Phong thức dậy chuẩn bị thay nhớt đi mà.”
“Hai tiếng đồng hồ nữa mới thay được.”
“Quên! Nè Triều, từ đây vô bờ chắc hơn một tiếng đồng hồ, tao có ý định mình nên vô đó neo sát bờ, lên chặt ít cây xuống làm sườn cho sàn và cặp vô phuy làm bè.”
“Tùy mầy, mà coi chừng cảnh sát Mã Lai bắt thấy mẹ.”
“Vô nhanh, làm nhanh rồi ra.”
Mấy thằng nghe nói “đổ bộ” thì khoái, tranh nhau dao, búa. Chí cẩn thận kiểm soát lại mối cột của neo, nó với Văn hì hục bê neo ra sát cạnh ghe để sẵn. Bốn năm thằng không tìm được quần đùi, mặc đại quần lót ngồi xổm trông đến tức cười. Hình như đứa nào cũng thích lên bờ “cho biết Mã Lai nó ra làm sao.”
Thanh cho ghe chạy dài theo bờ và chọn khoảng rừng thưa hô lớn cho Chí quăng neo. Không cần biết neo có “ăn” hay chưa, vài thằng nhảy lội, rồi liên tiếp… như một đoàn rái, tụi nó ào lên bờ như quân đội đồng minh đổ bộ Normandie, thằng búa thằng dao tủa vào rừng.
“Tao không vô đâu, mầy hút xong điếu thuốc lội vô trong đó cho tụi nó hay nửa tiếng đồng hồ thì trở về ghe, đừng đi quá nghe Triều.” Thanh quay qua Chí: “Mầy có đi không Chí?”
“Không! Tao sợ lạnh.”
“Sợ nước! Xưa nay mầy vẫn vậy mà. Đem cuộn dây nhỏ lên chặt từng đoạn hai sải tay sẵn, đem vô, có mà bó cây lôi ra ghe. Nhớ bảo tụi nó nhanh nhanh nghe Triều.”
Triều không đáp, nó ôm luôn cuộn dây nhảy tòm xuống nước. Thì ra dưới ghe không còn cây dao lớn nào, mà dao nhỏ thì cắt đau tay.
Tắt máy. Trường lú đầu lên khỏi hầm:
“Thay nhớt luôn ở đây không Thanh?”
“Mầy thấy sao?”
“Mình chạy suốt đêm qua rồi, phải chờ cho máy thật nguội.”
“Ừ! Thì chờ, nhưng thay bao lâu thì xong?”
“Không lâu đâu, hơn nửa tiếng.”
“Ở đây không phải là đất nước mình, hơn nữa không hiểu tình hình bên trong ra làm sao.”
Thanh cảm thấy chưa quyết định gì được trong lúc nầy. Giữa chừng đang thay nhớt, có chuyện, không chạy máy được thì làm sao?
“Hay là lấy cây xong mình chạy ra khơi nghỉ máy vài tiếng đồng hồ rồi thay luôn, mầy thấy sao?”
“Sao cũng được! Trường buông xuôi.”
Dưới ghe không phải chỉ có nó với Triều là “gì cũng được,” mà còn nhiều thằng nữa. Thật ra một phần vì mọi người tin tưởng ở Thanh rồi mọi chuyện lần lần đều do Thanh quyết định một cách tự nhiên, anh biết rõ điều đó và lấy làm lo cũng chính điều đó. “Gần ba chục sinh mạng tự dưng mình có trách nhiệm.”
Bây giờ là lúc mấy bà lên giọng. Vợ thằng Phong vừa nói chuyện vừa nhai mì khô nghe rào rạo bắt buộc Thanh phải quay lại nhìn. Hôm qua tới giờ cô nàng chắc đã ói không còn thứ gì trong bụng. Cô lấy chân đá vào hông một thằng nhỏ đang lơ đãng vén quần gãi đùi:
“Có còn cơm không, “bộ đội”?”
“Còn chút xíu, không được hai chén đâu, chị ăn không?”
“Sao không! Còn gì ăn?”
“Tôm khô.”
Thằng “bộ đội” mười bốn tuổi, nó láu cá và nhát, không biết lội nên không lấy làm thích lắm khi thấy đàn anh đổ bộ. Thanh nhớ nó nhập trại sau Thanh ít ngày và lúc đó, nó mặc đồ bộ đội, thành ra cái tên. Nó là em bà con gì đó với Trương và đến Thái bằng chiếc PCF của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cùng với khoảng mười thanh niên. Chiếc PCF bị cướp ngay tại vàm sông Cái Lớn trong lúc công tác, vì phần lớn thủy thủ là hải quân “cũ” bị trưng dụng, và nó được “rước” trong lúc cùng ông bố giăng lưới cách cửa sông không xa lắm. Theo nó kể lại, anh em dưới tàu cặp vào ghe “bỏ xuống đó ba thằng bộ đội địa phương rồi bắt em đi theo, em biết ba em làm bộ không chịu. Lúc tàu chạy, ông vừa vẫy tay vừa khóc, em cũng khóc.”
Thanh thấy nó lớn hẳn lên chỉ trong năm tháng ở trại và rất ít khi nhắc về gia đình. Ai có ngờ được trong chuyến đi Úc nầy, nó cả gan đèo theo “con thịt chó.” Hai đứa vẫn chưa dám ngồi cạnh nhau ở chỗ nhiều người trông thấy, chỉ thỉnh thoảng liếc nhau. Thanh biết chiều hôm qua vợ thằng Phong càu nhàu “con thịt chó” đã giấu lại một vốc tôm khô để dành cho thằng “bộ đội,” cô nhỏ chỉ biết cúi mặt chịu đựng.
Thằng “bộ đội” hiên ngang chia phần cơm ra hai phần, mỗi phần lưng lửng chén, đưa cho vợ thằng Phong một, còn một nó bưng vòng qua bên kia cabine, chỗ “cô thịt chó” thường ngồi.
Trời có chút nắng rọi. Thanh định chút nữa sẽ xuống nước vẫy vùng “cho giãn gân giãn cốt” và luôn tiện xem xét lườn ghe. Có hai thằng lội trở ra và khoe rằng gặp mấy con dê đen mà ví bắt không được, “tụi kia chê cây cong vòng nên đi tuốt vô trong sâu, có một cái lạch nước ‘lợ lợ’ rộng hai sải, bên kia là cồn cát, chắc có nhà.”
Nước “lợ lợ” là nước không mặn nhưng không được ngọt lắm. Thanh nghĩ mình chưa cần thêm nước và hơi lo lỡ tụi kia gặp người sợ sanh ra rắc rối.
“Hồng lội trở vô hú lớn cho tụi nó biểu trở về ghe đi, được bao nhiêu cây thì được, mình còn phải ra xa thay nhớt nữa.”
“Hòa trở vô với tao đi,” Hồng nói. “Lội ‘mình ênh’ teo lắm.”
Hai thằng phóng xuống nước. Thanh và Chí dọn dẹp trống trải sàn ghe. Xong, anh ngồi thòng chân ra ngoài và cảm thấy lòng thư thái lạ. Hôm nay ngày 10, nếu không có gì rắc rối, anh quyết lòng đến Úc trong tháng này, nghĩa là anh chỉ có ba tuần trên biển. Anh đã từng nói với tụi bạn, chặng đường thật sự “không cần hết thời gian đó nếu biết cách đi và nhất là phải tự tin. Chắc chắn tao làm được!” Thanh nghĩ dứt khoát mình phải có hải đồ và hải bàn, để lúc nào đó “ở một nơi hai ba ngày rồi không thấy bờ bến vẫn tin rằng mình đi đúng đường.” Bao nhiêu chiếc tàu lớn nhỏ tới Úc trước đây từ Mã Lai, Việt Nam chưa ai đi ít hơn ba tuần. Hồi còn ở trại, hay tin chiếc Sông Bé đến Úc mất 22 ngày, anh suy nghĩ nhiều lần. “Nó là một thứ tàu tuần dương, còn mình, ghe đánh cá.” Hôm qua đến giờ, bao nhiêu giờ chạy chừng đó đoạn đường với một nấc nhỏ bản đồ, anh tin mình đã không quá lạc quan. “Phải chuẩn bị phương tiện ghe mình có điều kiện vượt biển như tàu, rồi cứ bẻ cấp của tàu mà chạy.” Thanh quyết định như vậy, qua khỏi Singapore là phải biết!
“’Cái bình hơi’ cằn nhằn gì mà ê a nãy giờ cả tiếng đồng hồ, dài hơi thiệt!” Thằng Chí bực mình lải nhải.
Thanh lắng nghe. Cô nàng đang xài xể thằng em, mới đầu biểu sao không thức dậy tiếp người ta sửa soạn các thứ, thằng em dậy, mà quạu rồi sanh chuyện.
“Bà để tui làm gì thì làm, đừng nói tới tui. Thằng này cũng lớn rồi.”
“Tao làm chị mầy, tao dạy không được chắc?”
“Bà dạy bà còn không xong nữa, bày đặt!”
“Mầy chưởi tao hả Thông?”
Tiếng lớn tiếng nhỏ, thêm hồi nữa thì “cái bình hơi” có vẻ… xì hơi, giọng nhỏ xíu. Thằng Thông đen đủi và gầy còm trông đến tội, có lẽ hôm qua đến giờ nó say sóng không màng đến thứ gì cả ngoài cái việc nằm trùm chăn lăn qua lăn lại.
Có mấy thằng lội trở về ghe kéo theo hai ba bó cây, lớn nhỏ đủ cỡ. Thanh phụ tụi nó lôi cây lên xong thì trở vô cabine lấy thuốc hút.
Vịnh Kota Bharu không lớn và nằm phủ thành phố lớn Trengganu, trong đó là trại tỵ nạn Poulo Bésa chứa mấy ngàn người tỵ nạn. Thanh bước trở ra ngoài nhìn xuống phía Nam. Có một thứ tình cảm kỳ lạ trong anh. “Nhỏ tới lớn, chưa bao giờ ra khỏi nước thành ra khó mà diễn tả cho được lòng con người ở bước đường lưu lạc gặp được đồng hương.” Thanh thấy thứ tình cảm này, mình chưa bao giờ có được kể cả lúc còn ở trại Surat Thami, gặp mười bảy người đi từ Sài Gòn bị chìm ghe giống như trường hợp tụi anh, phải nằm hai tháng vì tội nhập cảnh bất hợp pháp. Anh biết rõ, sau hai tháng tù đó, mọi người đều được đưa vô trại Songkhla cách trại tù mười mấy giờ đường xe. Còn bây giờ, trong kia mấy ngàn con người mà cả bọn nằm đây với cái hy vọng mơ màng, tới một nơi chưa chắc đã tới được.
Thanh nói với Chí:
“Dưới kia là Poulo Bésa đó Chí, chỗ tụi thằng Hùng lỗ tai cọp, thằng Xinh thọt ở đó. Mầy có muốn ghé vô không?”
Chí trề môi, lắc đầu. Thanh không tìm thấy sự phủ nhận quyết liệt trong cái lắc đầu của nó. Anh nói:
“Một chút nổi hứng, tao ghé vô không chừng!”
Bên trong, tiếng hú nhau văng vẳng. Đã có thêm mấy đứa kéo cây xuống sát bờ, chuẩn bị lôi ra ghe.
Mặt trời lên cao dần, buổi sáng trong vắt. Thanh có quyền ước mong một ngày bình yên mới, anh cởi áo hưởng một chút nắng sớm và thấy lòng thư thái, quên hết mọi chuyện.
Góc Bể Bên Trời (8)
Posted on 23/02/2013 by GBBT
VÕ HOÀNG
Còn ít nhất cũng năm tiếng đồng hồ mới ngang qua đó, ngọn đèn quay đã làm là mắt cả bọn. Ngả rẽ vào Singapore dài hằng mấy chục hải lý thênh thang làm Thanh thấy rằng mình sống qua mấy ngày thật sự có giá trị, ít nhất cũng ở một mức độ nào đó. Nguy hiểm chưa đến với bọn anh một cách “nặng độ” nhưng cũng làm Thanh đo lường được chỗ “tới” của nó.
Gần mười hai giờ khuya, những giờ phút cuối của ngày chúa nhật an lành, mai là ngày thứ hai. Thơ Thanh gởi đi hôm gặp tàu dầu Mã Lai có thể đến trại hai ngày nữa, anh Hai biết tin, gia đình Phượng biết tin, mọi người trong trại biết tin và tất cả sẽ an lòng khi hay VNKG 0042 vượt qua khỏi hải phận Thái Lan, Thanh chỉ mong có vậy.
Trọn bốn ngày đầu của cuộc hành trình, đến hôm nay Thanh nghĩ bọn mình đã vượt qua quá nhiều rắc rối và nhất là anh được nghĩ rằng mình sẽ vượt qua nhiều thứ rắc rối khác nữa mặc dầu nó chưa phải lúc xảy đến. Anh đã nhiều lần thử lại và đo lường mức độ chính xác của tấm hải đồ xin được của tàu dầu hai hôm trước, tấm hải đồ chỉ vẽ xuống cách phía nam Singapore vài chục dặm, không bao được những hòn đảo chi chít đáng sợ phía trên đảo Banka. Thanh sợ nhất đoạn đường nầy.
Văn dưới hầm máy chui lên tìm thuốc hút. Nó bật diêm, ánh lửa soi chập chờn gương mặt đen sậm, sần sùi. Thanh buông tay lái, vươn vai:
“Lái giùm anh chút, Văn.”
“Anh lái mình ênh hả? Ca này hai người mà!”
“Ừ, hai người. Thằng Hùng ngồi đằng trước.”
Hồi này, Chí phân công việc có thứ tự hết, đâu đã vào đó. Mỗi ca thức tám người, hai đàng trước mũi, hai đàng sau, hai ở phòng lái và hai dưới hầm máy. Đêm ba ca thay phiên nhau tới sáng.
“Sáng thì mình tới Tân Gia Ba phải không anh Thanh? Chắc mình cũng phải ghé lại đó kiếm thêm ít dầu, hổm rày ăn mấy con ốc ruốc hoài ngán thấy mồ, hết cha nó thuốc hút nữa rồi.”
Thuốc hút hết quả là khổ. Hôm rời Songkhla, thằng Hòa gõ cửa ông “phì lũ” mua theo bốn năm cây thuốc, mới mấy ngày kiểm soát lại thì coi như hết. Thằng Văn cười bí mật:
“Nói vậy chớ tui giấu lại ít đỉnh, chớ anh nghĩ coi, ngu sao mà mình đi xả láng, tụi này nhiều đứa lu bu lắm đó.”
Vậy ra thằng này tính chuyện “lu bu” trước. Cái thằng “chữ nghĩa đầy mình” có khác, nó mà đứng cạnh thằng Chí thì có học gồng mới dám kiếm chuyện. Cứ xem mình mẩy nó thì biết, đằng trước đằng sau, trên vai dưới đùi, chỗ nào cũng có những chữ những hình xâm chi chít, riết rồi không ai thèm cố đọc xem đó là những chữ gì, người ta gọi nó là thằng “chữ nghĩa đầy mình” cho tiện. Thật ra, Văn là một thằng thất học nhưng đối với Thanh, anh trọng một thằng thất học mà có nghĩa khí của một thằng dân chơi thứ thiệt. Ở cái thời buổi này mà thỉnh thoảng Thanh nghe thằng Văn dính líu vào những chuyện không đâu chỉ vì tính hay can dự, hay “xía.” Thằng này mà thấy việc chướng mắt là y như nó ngồi trên lửa, rồi thế nào cũng tìm cách dính vào. Nó không có mặc cảm là một thằng thất học, nhưng rõ ràng nó rất ghét loại người ỷ cái học làm điều qua mặt nó. Gặp chuyện, nó hỏi cho ra phải trái và khi biết được “thằng có học” này không thật tình với nó, nó tìm, rồi gặng hỏi, rồi nắm ngực, rồi bao nhiêu chuyện xảy ra. Ở trại có lần Văn nói với Thanh:
“Mình thất học mà thằng nào khinh là không được, phải không anh Thanh? Nó học nó nhờ, mình thất học mình chịu nhưng mạnh thằng nào nấy sống, gạt gẫm nhau là không khá được.”
Thanh biết, Văn mến và nghe lời anh chỉ vì một điều, anh cũng tỏ ra coi thường những “thằng có học” mà sống không thật tình với bạn bè và nhất là anh biết tìm những cái hay ở những “thằng thất học” như nó và chỉ chú trọng tới cái hay đó trong tình bạn.
“Văn ra kêu thằng Chí dậy nói chuyện chơi, chút nữa là tới ca của nó rồi. Anh cũng thức luôn, cho vui.”
Văn giao tay lái lại cho Thanh, nó khòm người chui ra ngoài. Ở đàng trước, ngọn đèn thỉnh thoảng hực lên từng lúc, đều đặn và an phận. Thanh châm điếu thuốc, lòng nhẹ hẳn.
Đàng sau lái có tiếng hát nho nhỏ, thằng Phong.
“Còn nhớ gì chỗ này không Phong?” Thanh hỏi lớn. “Có phải hồi bảy lăm mầy có đi ngang chỗ này không?”
Thanh biết thằng Phong hồi ba mươi tháng tư có tới Singapore ít ngày và sau đó về Việt Nam bằng Việt Nam Thương Tín từ đảo Guam. Phong một tay vịn đong đưa cây xà đóng dọc theo cabine, một tay giữ vạt áo khỏi bay bốc trước gió, giọng nó nhỏ xíu:
“Phải rồi anh Thanh. Vậy mà từ đó vô tới Tân Gia Ba mất cả nửa ngày chớ không gần đâu nghe.”
“Mình đi khoảng một phần ba từ bờ ra hải đăng thì vào tới Singapore không lâu lắm,” Thanh nghĩ. Thằng Phong vào hẳn trong cabine, thấy Thanh hút thuốc, nó cũng rút một điếu:
“Không ngờ có lúc lại trở lại chỗ này. Mấy năm rồi. Anh Thanh biết không, hồi tui trở về, tụi nó nhốt hết sáu bảy tháng mới tha. Cũng may đó, tại tui còn nhỏ, chớ không thì ở tù miệt mài rồi, tới bây giờ chưa chắc đã ra được. Hồi đó tui mới mười lăm tuổi chớ mấy.”
Thằng này với Triều là hai anh em ruột, quê hương tụi nó ở Hòn Mấu, một hòn nhỏ có khoảng chục gia đình nằm trong quần đảo Nam Du, còn gọi là Cổ Trơn, còn gọi là Poulo Banjang, nằm về phía Tây Nam thị xã Rạch Giá. Hồi còn ở Việt Nam, Thanh đã có nghe một biến động trên đảo này, số thanh niên trên đảo khoảng trên dưới mười người phục rượu bọn cán bộ địa phương chiếm đóng trên đảo và đoạt vũ khí thanh toán bằng hết và cướp ghe vượt biên tới Thái Lan mang theo trên ghe xác một người con gái bị lạc đạn chết. Qua tới trại Thanh mới hay đó là chuyện có thật trăm phần trăm.
Xác người con gái sình thối được đem chôn trong một khoảng đất trống cạnh trại Songkhla. Thằng Phong không được phái đoàn Mỹ nhận vì lý lịch của nó ràng ràng là đã trở về trên tàu Việt Nam Thương Tín, hai thằng anh cũng bị vạ lây. Trong chuyến này, thằng anh lớn nhất, thằng Hải ở lại trại vì sự bất đồng ý kiến với hai thằng em, nhất là Triều. Vả lại nó nghĩ nếu hai thằng em tới Úc, trước sau gì phái đoàn Úc cũng nhận nó, tội gì mà phải theo cho mệt. Thanh chỉ biết rằng nó không nỡ bỏ con bồ mà đi được thôi.
Ba anh em nó và số người đi từ Hòn Mấu đã ở lại trại hơn một năm có lẽ còn vì dính líu tới cái xác chết bị trúng đạn của người con gái. Triều và Phong đi chuyến này là đánh một cú dứt khoát với cuộc sống và ước mơ kéo dài quá lâu rồi.
Thằng Chí, thằng Văn và cả thằng Hùng tiếp nối chui vào cabine. Bây giờ thì mỗi đứa đều cầm trên tay một điếu thuốc, ánh sáng lóe lên từng chập. Thanh nhìn thoáng qua một lượt, sao mặt thằng nào cũng có vẻ hốc hác và khô đét. Mới có mấy ngày mà!
Đằng sau, tiếng chẻ ván cọc cạch, thằng “bộ đội” nấu cháo chắc. “Cháo trắng và ruốc rang muối, ăn khuya thì phải biết.”
Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
Còn ít nhất cũng năm tiếng đồng hồ mới ngang qua đó, ngọn đèn quay đã làm là mắt cả bọn. Ngả rẽ vào Singapore dài hằng mấy chục hải lý thênh thang làm Thanh thấy rằng mình sống qua mấy ngày thật sự có giá trị, ít nhất cũng ở một mức độ nào đó. Nguy hiểm chưa đến với bọn anh một cách “nặng độ” nhưng cũng làm Thanh đo lường được chỗ “tới” của nó.
Gần mười hai giờ khuya, những giờ phút cuối của ngày chúa nhật an lành, mai là ngày thứ hai. Thơ Thanh gởi đi hôm gặp tàu dầu Mã Lai có thể đến trại hai ngày nữa, anh Hai biết tin, gia đình Phượng biết tin, mọi người trong trại biết tin và tất cả sẽ an lòng khi hay VNKG 0042 vượt qua khỏi hải phận Thái Lan, Thanh chỉ mong có vậy.
Trọn bốn ngày đầu của cuộc hành trình, đến hôm nay Thanh nghĩ bọn mình đã vượt qua quá nhiều rắc rối và nhất là anh được nghĩ rằng mình sẽ vượt qua nhiều thứ rắc rối khác nữa mặc dầu nó chưa phải lúc xảy đến. Anh đã nhiều lần thử lại và đo lường mức độ chính xác của tấm hải đồ xin được của tàu dầu hai hôm trước, tấm hải đồ chỉ vẽ xuống cách phía nam Singapore vài chục dặm, không bao được những hòn đảo chi chít đáng sợ phía trên đảo Banka. Thanh sợ nhất đoạn đường nầy.
Văn dưới hầm máy chui lên tìm thuốc hút. Nó bật diêm, ánh lửa soi chập chờn gương mặt đen sậm, sần sùi. Thanh buông tay lái, vươn vai:
“Lái giùm anh chút, Văn.”
“Anh lái mình ênh hả? Ca này hai người mà!”
“Ừ, hai người. Thằng Hùng ngồi đằng trước.”
Hồi này, Chí phân công việc có thứ tự hết, đâu đã vào đó. Mỗi ca thức tám người, hai đàng trước mũi, hai đàng sau, hai ở phòng lái và hai dưới hầm máy. Đêm ba ca thay phiên nhau tới sáng.
“Sáng thì mình tới Tân Gia Ba phải không anh Thanh? Chắc mình cũng phải ghé lại đó kiếm thêm ít dầu, hổm rày ăn mấy con ốc ruốc hoài ngán thấy mồ, hết cha nó thuốc hút nữa rồi.”
Thuốc hút hết quả là khổ. Hôm rời Songkhla, thằng Hòa gõ cửa ông “phì lũ” mua theo bốn năm cây thuốc, mới mấy ngày kiểm soát lại thì coi như hết. Thằng Văn cười bí mật:
“Nói vậy chớ tui giấu lại ít đỉnh, chớ anh nghĩ coi, ngu sao mà mình đi xả láng, tụi này nhiều đứa lu bu lắm đó.”
Vậy ra thằng này tính chuyện “lu bu” trước. Cái thằng “chữ nghĩa đầy mình” có khác, nó mà đứng cạnh thằng Chí thì có học gồng mới dám kiếm chuyện. Cứ xem mình mẩy nó thì biết, đằng trước đằng sau, trên vai dưới đùi, chỗ nào cũng có những chữ những hình xâm chi chít, riết rồi không ai thèm cố đọc xem đó là những chữ gì, người ta gọi nó là thằng “chữ nghĩa đầy mình” cho tiện. Thật ra, Văn là một thằng thất học nhưng đối với Thanh, anh trọng một thằng thất học mà có nghĩa khí của một thằng dân chơi thứ thiệt. Ở cái thời buổi này mà thỉnh thoảng Thanh nghe thằng Văn dính líu vào những chuyện không đâu chỉ vì tính hay can dự, hay “xía.” Thằng này mà thấy việc chướng mắt là y như nó ngồi trên lửa, rồi thế nào cũng tìm cách dính vào. Nó không có mặc cảm là một thằng thất học, nhưng rõ ràng nó rất ghét loại người ỷ cái học làm điều qua mặt nó. Gặp chuyện, nó hỏi cho ra phải trái và khi biết được “thằng có học” này không thật tình với nó, nó tìm, rồi gặng hỏi, rồi nắm ngực, rồi bao nhiêu chuyện xảy ra. Ở trại có lần Văn nói với Thanh:
“Mình thất học mà thằng nào khinh là không được, phải không anh Thanh? Nó học nó nhờ, mình thất học mình chịu nhưng mạnh thằng nào nấy sống, gạt gẫm nhau là không khá được.”
Thanh biết, Văn mến và nghe lời anh chỉ vì một điều, anh cũng tỏ ra coi thường những “thằng có học” mà sống không thật tình với bạn bè và nhất là anh biết tìm những cái hay ở những “thằng thất học” như nó và chỉ chú trọng tới cái hay đó trong tình bạn.
“Văn ra kêu thằng Chí dậy nói chuyện chơi, chút nữa là tới ca của nó rồi. Anh cũng thức luôn, cho vui.”
Văn giao tay lái lại cho Thanh, nó khòm người chui ra ngoài. Ở đàng trước, ngọn đèn thỉnh thoảng hực lên từng lúc, đều đặn và an phận. Thanh châm điếu thuốc, lòng nhẹ hẳn.
Đàng sau lái có tiếng hát nho nhỏ, thằng Phong.
“Còn nhớ gì chỗ này không Phong?” Thanh hỏi lớn. “Có phải hồi bảy lăm mầy có đi ngang chỗ này không?”
Thanh biết thằng Phong hồi ba mươi tháng tư có tới Singapore ít ngày và sau đó về Việt Nam bằng Việt Nam Thương Tín từ đảo Guam. Phong một tay vịn đong đưa cây xà đóng dọc theo cabine, một tay giữ vạt áo khỏi bay bốc trước gió, giọng nó nhỏ xíu:
“Phải rồi anh Thanh. Vậy mà từ đó vô tới Tân Gia Ba mất cả nửa ngày chớ không gần đâu nghe.”
“Mình đi khoảng một phần ba từ bờ ra hải đăng thì vào tới Singapore không lâu lắm,” Thanh nghĩ. Thằng Phong vào hẳn trong cabine, thấy Thanh hút thuốc, nó cũng rút một điếu:
“Không ngờ có lúc lại trở lại chỗ này. Mấy năm rồi. Anh Thanh biết không, hồi tui trở về, tụi nó nhốt hết sáu bảy tháng mới tha. Cũng may đó, tại tui còn nhỏ, chớ không thì ở tù miệt mài rồi, tới bây giờ chưa chắc đã ra được. Hồi đó tui mới mười lăm tuổi chớ mấy.”
Thằng này với Triều là hai anh em ruột, quê hương tụi nó ở Hòn Mấu, một hòn nhỏ có khoảng chục gia đình nằm trong quần đảo Nam Du, còn gọi là Cổ Trơn, còn gọi là Poulo Banjang, nằm về phía Tây Nam thị xã Rạch Giá. Hồi còn ở Việt Nam, Thanh đã có nghe một biến động trên đảo này, số thanh niên trên đảo khoảng trên dưới mười người phục rượu bọn cán bộ địa phương chiếm đóng trên đảo và đoạt vũ khí thanh toán bằng hết và cướp ghe vượt biên tới Thái Lan mang theo trên ghe xác một người con gái bị lạc đạn chết. Qua tới trại Thanh mới hay đó là chuyện có thật trăm phần trăm.
Xác người con gái sình thối được đem chôn trong một khoảng đất trống cạnh trại Songkhla. Thằng Phong không được phái đoàn Mỹ nhận vì lý lịch của nó ràng ràng là đã trở về trên tàu Việt Nam Thương Tín, hai thằng anh cũng bị vạ lây. Trong chuyến này, thằng anh lớn nhất, thằng Hải ở lại trại vì sự bất đồng ý kiến với hai thằng em, nhất là Triều. Vả lại nó nghĩ nếu hai thằng em tới Úc, trước sau gì phái đoàn Úc cũng nhận nó, tội gì mà phải theo cho mệt. Thanh chỉ biết rằng nó không nỡ bỏ con bồ mà đi được thôi.
Ba anh em nó và số người đi từ Hòn Mấu đã ở lại trại hơn một năm có lẽ còn vì dính líu tới cái xác chết bị trúng đạn của người con gái. Triều và Phong đi chuyến này là đánh một cú dứt khoát với cuộc sống và ước mơ kéo dài quá lâu rồi.
Thằng Chí, thằng Văn và cả thằng Hùng tiếp nối chui vào cabine. Bây giờ thì mỗi đứa đều cầm trên tay một điếu thuốc, ánh sáng lóe lên từng chập. Thanh nhìn thoáng qua một lượt, sao mặt thằng nào cũng có vẻ hốc hác và khô đét. Mới có mấy ngày mà!
Đằng sau, tiếng chẻ ván cọc cạch, thằng “bộ đội” nấu cháo chắc. “Cháo trắng và ruốc rang muối, ăn khuya thì phải biết.”
Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
Posted on 22/02/2013 by GBBT
VÕ HOÀNG
05H00, 13-3-78, Hải Đăng Singapore.
06H10, …, Vịnh Singapore.
Thanh ghi thêm vào hải trình những diễn tiến mới. Bây giờ là sáu giờ mười, ngày thứ tư của cuộc hành trình. Ở hướng đông, mặt trời chưa lên khỏi biển nhưng vừng sáng lan rộng ra hơn nửa khoảnh trời. Không có mây thì hôm nay chắc là nắng ghê lắm.
Không biết từ bao giờ, Thanh đã thấy quen được với cái tâm trạng mà trước đây chưa lần nào anh nghĩ tới, tâm trạng của một người chấp nhận dễ dàng và dứt khoát rằng cuộc đời mình gắn liền với sóng và nước, với gió, mưa, nắng và tiếng máy nổ. Mỗi lần chợt nghĩ tới một trong những thứ này, Thanh biết mình phải nghĩ bằng sự cảm nhận hết sức nghiêm chỉnh. “Nó liên quan tới sự sống” chớ đâu có thường! Thanh nhớ lại lời cha anh nói, như nói để chơi chơi:
“Gió, nước, lửa là ba vật thiêng trong trời đất. Nhưng đứng trên bờ thì khó nhận biết được điều này lắm.”
Hồi đó, Thanh muốn tìm xem cái “khó nhận biết” nó như thế nào, mà rồi vẫn chịu. Những tháng ngày lênh đênh trên biển, cũng có khi mưa to gió lớn, nhưng anh vẫn thấy có một chút gì không thật tình với nhau giữa cái nhận biết và tâm tư mình khi đứng trên boong tàu có trọng tải hàng trăm tấn. Nắng với mưa, với gió lúc đó, theo Thanh nghĩ, như một thứ cần thiết nhỏ để điểm trang cho cuộc sống vốn đã có quá nhiều trang điểm. Điều này Thanh càng thấy đúng hơn vào những năm sau đó, lúc anh đọc được trong một quyển sách “loại cấm,” ông Trần Dần khôn khéo đã dùng mưa, gió và nắng trang điểm cho cái sống, ít ra cũng cho cái sống của chính tác giả. Vậy mà cái sống vẫn không khá hơn được.
Nắng với mưa là việc không phải của người, thành ra nói tới nắng tới mưa là rõ ràng muốn vượt qua giới hạn của người, phải “coi chừng.” Thanh mỉm cười một mình. Anh nhớ lại những buổi chuyện trò không dứt với tụi bạn ở một góc quán cà phê chệt Hiền, nhiều lần tụi anh nói tới Trần Dần và những khôn khéo trong một bài thơ, loại thơ chính trị. Thằng bạn, thằng Hà rành lắm, nó nói:
“Mới đầu, đó là Bài Ca Thống Nhất, nói toàn mưa. Thơ chính trị mà nói toàn mưa là đáng ngại lắm phải không. Đâu phải mưa như mưa đàng nam vừa làm vừa chơi, mưa đàng bắc đổ thóc ra phơi.” Xong, nó ngâm với giọng vịt đực:
“Em cúi đầu đi, mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
Không thấy phố, không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa, trên màu cờ đỏ…
Rồi biết sao không, Hoàng Cầm, Hoàng Cầm là bạn, khuyên nên làm thêm một đoạn nữa để ‘chứng tỏ lập trường’ mới mong đặng được. Thế là anh chàng thêm, và dĩ nhiên phải nói tới nắng. Sửa luôn tên bài là ‘Nhất Định Thắng,’ này nghe.
Hôm nay
Trời xanh, xanh đục
Nắng lên, đỏ phố, đỏ cờ
Cuồn cuộn mít tinh
Những ngày thương xót đã lùi xa
Anh bước đi
Đã thấy phố thấy nhà
Không thấy mưa sa
Chỉ thấy nắng lên, trên màu cờ đỏ…”
Khéo tới vậy mà cũng không khá được. Khéo tới vậy mà rồi cũng phải cứa cổ tự tử cho vừa lòng nhà nước.
Thanh không nhớ là anh đã nghĩ gì thêm lúc bấy giờ, chớ bây giờ thì anh biết rõ và thông cảm với tác giả “Nhất Định Thắng.” Dù sao thì cuộc sống ở đó, luôn luôn vẫn là cuộc sống trên đầu sóng ngọn gió, có khác gì đâu. Có lúc cũng cảm thấy được rằng mình đã từng nghĩ “chưa tới” một sự việc nào đó, người ta mỗi ngày mỗi lớn mà!
Ghe lọt vô vịnh rồi, mặt biển phẳng và xanh thẳm. Bên phải nổi lên xa xa những dãy núi con con chạy dài tới trước. Qua khỏi Mã Lai rồi, còn lại chút đó. Bên trái là những hòn đảo tên là gì cà? Những hòn đảo lớn nhỏ dán vào nhau.
Thanh chuẩn bị một số Ăng Lê trong đầu đủ để đối phó với tụi cảnh sát Singapore. Tụi này nói tiếng Anh thì phải biết, cứ như Mỹ chớ không phải chơi đâu!
Từ sau cái lúc ghé vào Trengganu, Thanh biết mình dở ẹt nhất là thứ Ăng Lê chó đẻ này. Hôm trước, bọn anh vào cửa vịnh với ý định kiếm thêm dầu đủ để tới thẳng Djakarta vì anh biết sẽ gặp rất nhiều rắc rối khi phải bắt buộc ghé Singapore. Nói, nó không thèm hiểu, cũng không cho lên bờ làm sao mà viết cho nó hiểu. Cuối cùng, thằng cảnh sát phóng xuống ghe đi lòng vòng xem xét đồ đạc, nó biểu phải ở đây và đợi làm thủ tục nhập trại Poulo Bésa, “trong đó, người Việt Nam đông lắm.” Tụi này man rợ không thua gì tụi Thái, Thanh đã nói với nó:
“Tụi tao không muốn ở đây. Tụi tao muốn đi Úc Đại Lợi.”
“Không được, mầy phải ở đây.”
“Không,” Thanh cố nói. “Mầy cho tao dầu máy, tao đi ngay.”
“Không được, mầy phải ở đây.”
“Mầy bán dầu cho tao. Tao có tiền Mỹ.”
“Không được!” nó hét lên. “Mầy phải ở đây.”
Thanh nhìn lên bờ, người ta bu quanh cầu tàu nhìn bọn anh với những con mắt tò mò bình thản. Anh thấy bóng dáng một thằng mũi cao tóc vàng, anh phóng lên bờ, cố tìm chữ để nói cho nó hiểu và giúp đỡ vì nghĩ rằng mình lỡ vào đây, khó mà thoát ra được. Cuối cùng anh chỉ nói được những gì đã nói với thằng cảnh sát. Người Tây phương lắc đầu, hắn bảo hắn là du khách Ý Đại Lợi và hắn không giúp được gì.
Thằng cảnh sát bắn chỉ thiên một phát, Thanh phải nhảy về ghe sau khi chửi thề một tiếng.
“Ra ngoài đó, và ở đó. Đợi!”
Sếp của thằng cảnh sát ra lệnh. Thanh cho ghe ra giữa sông và trong khi Chí, Văn sửa soạn lại đường dây neo, anh bất thần tống ga phóng tuốt ra cửa biển trước bao nhiêu cặp mắt ngạc nhiên của bọn trên ghe, bọn trên bờ. ”Mẹ mầy, không cho dầu ông cũng phải đi, không thèm ở đây. Ông đi Úc, ông phải tới Úc.”
Vậy mà cảnh sát Mã Lai bắn theo hai ba tiếng lẻ tẻ rồi thôi. Thanh biết như thế vì bọn này có rảnh rang đâu mà thèm làm những cử chỉ ra điều săn sóc đám tỵ nạn lơ thơ ở đâu tới làm phiền. “Đó là một kinh nghiệm chỉ nên tìm dầu ở ngoài biển, kẹt lắm mới phải vào bờ,” Thanh nhủ thầm.
Và hôm nay, bọn anh đã ở vào thế kẹt.
“Thế nào mình cũng phải ghé Tân Gia Ba, tụi nó không nhận người tỵ nạn đâu, mà mình cũng đâu có thèm. Làm gì nó cũng cho dầu để mình đi tiếp, đi đâu cũng được miễn ra khỏi hải phận tụi nó.” Thanh bàn với Triều, Chí, Văn chiều hôm qua và quyết định sáng nay sẽ ghé vào Singapore, như một kiểu làm nũng. Còn không đầy phuy dầu thì đi tới đâu, mong manh quá!
Có nắng. Mặt trời lên, rồi lên cao dần. Bọn Thanh đã nhìn thấy được hình dáng mờ mờ của những tòa nhà cao nằm san sát nhau trên hòn đảo nhỏ. Một vùng sương mù chưa tan kịp như mong manh lên đó và kéo dài ra, xuống thấp, rồi dính liền với mặt biển.
Trước mặt là một đất nước tự do thật sự, nhưng thật tình Thanh không thể tưởng tượng ra được chuyện gì sẽ xảy đến với bọn anh chút nữa đây. “Cứ nhắm thẳng trước mặt mà đi, may rủi không phải là việc của mình,” Thanh nghĩ như vậy. Bao lần rồi, anh cảm thấy cuộc sống sắp tới sẽ dính líu tới nhiều những phiền nhiễu mà một thời gian trước, ở bên nhà, mình không thể nào tưởng tượng được.
Cái “thân phận bé không đâu” của anh, của tụi Triều, Chí, của bao nhiêu người ở Songkhla, ở Poulo Besa và mấy trại tỵ nạn khác, của mấy chục triệu con người ở bên nhà quả là cái thân phận “không đâu.” Có điều, bé mà quá vất vả, vất vả đủ thứ chuyện, vất vả ở khắp mọi nơi.
Lúc này thì trên ghe hình như ai cũng thức hết rồi. Mấy bà nói chuyện với nhau và cười ầm ầm. Ba bốn đứa ngồi chùm nhum đàng trước tranh nhau chỉ trỏ và nói về vẻ đồ sộ của thành phố Tân Gia Ba mà trước đây chỉ có nghe nói, chưa hề thấy bao giờ. Tiếng vợ thằng Phong lớn nhất, át cả tiếng máy nổ.
Lúc bọn Thanh dọn dẹp sàn tàu sạch sẽ và dời các thùng phuy đang cột bè dang dở về phía cabine xong cũng là lúc bọn anh thấy bóng dáng nhiều chiếc ca nô của quan thuế Singapore tiến về phía ghe. Chắc chắn là tụi này thấy mình từ khuya rồi, tụi này giàu có và văn minh mà.
Thanh đi vòng ra sau múc lon nước, “cái bình hơi” nhìn anh, gật đầu chào và hỏi:
“Mình ghé Tân Gia Ba hả anh Thanh?”
“Không ghé, nhưng phải gặp tàu xin dầu.”
“Tụi này không cho ghé vô đâu, có khi còn làm khó dễ nữa đó. Sao anh không chạy thẳng rồi ghé qua mấy hòn đảo của Nam Dương?”
“Ở đó đâu có chắc là có dầu. Mà phải đi xa con đường hàng hải có nhiều tàu buôn quốc tế thì mình phải chuẩn bị nhiều dầu mới dám đi chớ.”
“Cái bình hơi” gục gặc đầu ra chiều đồng ý, xong ỏn ẻn cười với Thanh:
“Mấy bữa nay thấy anh Thanh có vẻ mệt dữ há!”
Mệt là cái chắc, nhưng Thanh thật tình “không dám” nói chuyện lâu với người con gái này. Anh biết mình hơi vô lý nhưng cố gắng không tìm xem vô lý ở chỗ nào. Thanh nhướng mắt chào rồi bước về phía trước, thở nhè nhẹ.
Bất chợt, anh quay lại, nhưng để nói với A Kiếu:
“Ờ nè, A Kiếu, chút nữa A Kiếu ra nói chuyện với tụi cảnh sát Tân Gia Ba nghe. Tụi nó nói tiếng Quảng phải không? Hay nói tiếng Phổ thông? A Kiếu nói tiếng Phổ thông được không?”
A Kiếu đang nằm sấp chống cằm nhìn ra xa, nghe Thanh hỏi thì ngồi dậy, nhanh nhẩu:
“Được, A Kiếu nói được hai thứ hết trơn.”
“Ờ, chút nữa ra ngoài trước nghe, chớ trên ghe ai cũng nói Ăng Lê dở ẹt hà, nghe.”
“Được, chút nữa A Kiếu ra.”
Thanh nói với “cái bình hơi”:
“Chị làm ơn dọn dẹp mền gối, xếp lại cho gọn ghẽ. Kêu đứa nào bắt ống nước phun rửa sau lái và mấy cái nồi cho sạch sẽ. Để như vậy thấy ghê quá.”
“Cái bình hơi” gật đầu tuột xuống khỏi chỗ nằm. “Cô thịt chó” lẹ làng theo sau trong lúc vợ thằng Phong với tay kéo tấm mền đắp thêm lên cái đầu rối nùi, lầm bầm những gì nghe không rõ.
Thanh bước ra ngoài. Bốn chiếc ca nô đã đến gần lắm rồi, trông đã rõ những đường nét trên lá cờ, một thứ cờ trong Liên Hiệp Anh. Những người cảnh sát mặc quần đùi đứng lố nhố nhìn qua bên này. Thanh nhìn đồng hồ, 9 giờ 35.
Thằng Văn soạn lại đường dây neo xong phăng ra mấy sải tay khoanh tròn, thảy sát vô be, nó hét:
“Coi lại dây đằng sau nghe, Hồng. Chút nữa cột cặp ca nô.”
Nhưng tụi cảnh sát Tân Gia Ba không dùng dây của thằng Văn. Hai thằng hai chiếc ca nô cặp hai bên nhảy phóc qua ghe gọn như sóc, tụi nó chòng thòng lọng vào cột. Một thằng trông “giống như Tàu” nói lớn:
“Good morning.”
“Good morning,” thằng Chí đáp lại.
Thanh nhả ga, bước ra ngoài. Hai chiếc kia không cặp, chỉ lửng thửng ngoài xa. “Mình là tỵ nạn mà tụi nầy làm thấy ghê quá, súng ống gì mà dữ vậy!” Thanh nghĩ. Anh lách mình nhường lối đi theo A Kiếu. Thằng cảnh sát kia hỏi Chí:
“Ai là thuyền trưởng? Mầy nói tiếng Anh được không?”
Chí lắc đầu, nó ngó lại Thanh. Thằng cảnh sát hỏi Thanh:
“Mầy là thuyền trưởng, phải không?”
“Phải,” Thanh đáp. “Nhưng tao nói tiếng Anh không thạo. Mầy nói tiếng Tàu được không?”
Thằng cảnh sát nhướng mắt:
“Tiếng Tàu? Được, được.”
Xong nó xổ một hơi tiếng Tàu. Thanh ngoái ra sau tìm kiếm A Kiếu. Đâu đó có tiếng thằng nào phì cười.
A Kiếu chờ thằng cảnh sát nói dứt câu xong, tằng hắng lấy giọng và kê sát mặt nó, nói lớn. Thanh chỉ nghe được hai tiếng “Úc Châu,” phát âm giống hệt tiếng Việt, còn bao nhiêu gió thổi đi tuốt.
Câu chuyện không biết đã tới đâu, chỉ thấy thằng cảnh sát nói lại với giọng dịu hẳn, gương mặt nó có vẻ thông cảm ghê lắm. Thằng cảnh sát “giống như Tàu” hồi nãy đã nhẩy trở về ca nô, đổi lại một thằng khác da ngăm ngăm đen, mặc civil, cái mặt không có cảm tình mấy. Thanh lầm bầm:
“Mẹ, lại gặp mọi. Thằng này chắc làm khó làm dễ gì nữa đây!”
Thật! “Thằng mọi” đi thẳng vô cabine lục lạo một hồi, lúc trở ra, nó cầm theo hai bao thuốc lá Samith và Gold mà bọn Thanh đem theo từ Songkhla. Nó quăng mạnh xuống sàn ghe, hỏi lớn:
“Tụi mầy người Thái?”
Mẹ nó, nó nghĩ tụi mình là Thái Lan! Thanh đáp:
“Không, Việt Nam!”
“Không! Thái!” nó hét lên.
Rồi nó trở vô cabine. Thanh cúi đầu ngẩm nghĩ, thật khó mà diễn tả cho đúng được tình trạng của bọn anh và nhất là sự có mặt ở đây trong một tư thế khác hẳn tư thế của những người Việt tỵ nạn đã tới Singapore trước. Không khéo lại dính líu tới luật pháp! Tụi cảnh sát Thái Lan có thưa gởi gì với Liên Hiệp Quốc không?
“Thằng mọi” trở ra, lần này cầm theo hai ba cục pin mang nhãn hiệu “Con Ó” và hai óp nhang Từ Hương! Nó ngồi cạnh A Kiếu, nghe chuyện vẫn với cái bản mặt hầm hầm.
A Kiếu chắc đang diễn tả đời sống ở trại tỵ nạn Songkhla. Thanh thấy cô ta vừa nói vừa chỉ cái xà rông của thằng Giàu đang vận. Thanh khều A Kiếu:
“Nói cho nó biết ghe này của người Việt Nam tới trại bỏ dưới bến, mình lấy đi nghe A Kiếu.”
“Chỉ cho nó coi hầm nước đá,” thằng Chí xen vào. “Nước đá Việt Nam nhỏ, có bọng ở giữa, nước đá Thái Lan lớn hơn.”
“Tụi này làm chó gì mà biết được điều đó!” Thằng Triều xía vô một câu.
“Nó thấy chữ “Con Ó” là biết liền chớ gì mà nói. Chữ Thái Lan lăng quăng như con lãi chớ đâu được vậy!”
A Kiếu quay lại Thanh:
“Người cảnh sát nói với A Kiếu đó, là nước Tân Gia Ba không nhận người Việt Nam vô nữa. A Kiếu nói A Kiếu biết rồi, A Kiếu xin dầu nó, nó nói nó cho.”
“A Kiếu hỏi nó chừng nào cho?”
“Chiều lận. Nó nói đợi tàu đi tuần tới.”
“Nó hỏi mình ở đâu tới phải không?”
“Ờ. A Kiếu kể cho nó nghe mình bị cảnh sát Thái Lan đánh hoài, nên mình sợ, mình đi ấy ghe của người Việt mới tới trại, mình đi Úc Châu.”
“A Kiếu giỏi quá! Có nói với nó là mình tỵ nạn tụi Việt Cộng không?” Chí vừa cười vừa hỏi.
“Có chớ. A Kiếu nói Việt Cộng dữ hơn cảnh sát Thái Lan. Nó nói nó biết rồi.”
Vậy là phải bấp bênh ở đây chờ chiều mới có dầu. Thanh nghĩ tới mà nóng lòng ghê. Tuy vậy, anh an tâm vì không gặp rắc rối thêm nữa, ít nhất cũng hết ngày hôm nay.
Thằng Giàu lom khom kéo cái neo về be, quay lại ra ý hỏi “thằng mọi,” nhưng thằng này đâu phải là “cớm,” nó nói một hơi với thằng kia, thằng kia gật đầu, xong nó gật đầu với Giàu. Cái neo lộn ùm xuống, tiếng dội lạc lõng giữa biển nước. Trên ghe ai cũng im lặng, hai thằng cảnh sát cũng im lặng, bốn chiếc ca nô và cả VNKG 0042 cũng thôi không nổ máy nữa.
Mười giờ sáng. Mười giờ sáng trong eo biển nhỏ xíu này yên lặng thật. Mấy người cảnh sát Singapore đã trở về ca nô và đùa giỡn với nhau. Thỉnh thoảng Thanh nghe tiếng rè rè của máy liên lạc. Thanh lục lại lá thơ và lôi ra ghi thêm một hàng tái bút: “Gởi lúc 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 11 tháng 3 năm 1978 tại hải phận Singapore.” Anh đọc lại lá thơ gởi về trại Songkhla, cảm thấy một ít xót xa.
Buổi sáng trời trong thật trong, chút nữa mặt trời lên cao hơn nữa sẽ nóng ghê lắm. Mười giờ mà ngước mặt lên nhìn trời đã muốn nhảy mũi. Sắp tháng ba ta rồi, ngày dài dần ra cho tới tháng bảy. “Tháng ba đàn bà đi biển,” gió “lồng trung” sắp đổi sang nồm thành ra cả vịnh Thái Lan biển êm láng. Thanh nghĩ vẩn vơ một hồi cũng đành nằm dài cố dỗ giấc ngủ. “Kệ nó, bây giờ nằm trong vịnh làm sao biết được bên kia đảo Sumatra gió thổi ra làm sao. Đàng nào mình cũng đi tới đó, vấn đề là có vượt qua được hay không thôi. Nghĩ hoài cũng mệt mệt!”
Anh nhỏm dậy nhìn ra hai bên. Bốn chiếc ca nô vẫn nằm im ở đấy, hiền từ nhưng không kém vẻ đe dọa. Đằng trước ba bốn thằng chụm đầu vào nhau đánh cờ tướng, thỉnh thoảng cãi cọ qua lại. Đàng sau, “cô thịt chó” thủ thỉ với A Kiếu chuyện gì đó, lâu lâu hai người phá lên cười. Một số rút xuống mấy cái hầm được chống nắp che bớt nắng. Đã bắt đầu nóng.
Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
05H00, 13-3-78, Hải Đăng Singapore.
06H10, …, Vịnh Singapore.
Thanh ghi thêm vào hải trình những diễn tiến mới. Bây giờ là sáu giờ mười, ngày thứ tư của cuộc hành trình. Ở hướng đông, mặt trời chưa lên khỏi biển nhưng vừng sáng lan rộng ra hơn nửa khoảnh trời. Không có mây thì hôm nay chắc là nắng ghê lắm.
Không biết từ bao giờ, Thanh đã thấy quen được với cái tâm trạng mà trước đây chưa lần nào anh nghĩ tới, tâm trạng của một người chấp nhận dễ dàng và dứt khoát rằng cuộc đời mình gắn liền với sóng và nước, với gió, mưa, nắng và tiếng máy nổ. Mỗi lần chợt nghĩ tới một trong những thứ này, Thanh biết mình phải nghĩ bằng sự cảm nhận hết sức nghiêm chỉnh. “Nó liên quan tới sự sống” chớ đâu có thường! Thanh nhớ lại lời cha anh nói, như nói để chơi chơi:
“Gió, nước, lửa là ba vật thiêng trong trời đất. Nhưng đứng trên bờ thì khó nhận biết được điều này lắm.”
Hồi đó, Thanh muốn tìm xem cái “khó nhận biết” nó như thế nào, mà rồi vẫn chịu. Những tháng ngày lênh đênh trên biển, cũng có khi mưa to gió lớn, nhưng anh vẫn thấy có một chút gì không thật tình với nhau giữa cái nhận biết và tâm tư mình khi đứng trên boong tàu có trọng tải hàng trăm tấn. Nắng với mưa, với gió lúc đó, theo Thanh nghĩ, như một thứ cần thiết nhỏ để điểm trang cho cuộc sống vốn đã có quá nhiều trang điểm. Điều này Thanh càng thấy đúng hơn vào những năm sau đó, lúc anh đọc được trong một quyển sách “loại cấm,” ông Trần Dần khôn khéo đã dùng mưa, gió và nắng trang điểm cho cái sống, ít ra cũng cho cái sống của chính tác giả. Vậy mà cái sống vẫn không khá hơn được.
Nắng với mưa là việc không phải của người, thành ra nói tới nắng tới mưa là rõ ràng muốn vượt qua giới hạn của người, phải “coi chừng.” Thanh mỉm cười một mình. Anh nhớ lại những buổi chuyện trò không dứt với tụi bạn ở một góc quán cà phê chệt Hiền, nhiều lần tụi anh nói tới Trần Dần và những khôn khéo trong một bài thơ, loại thơ chính trị. Thằng bạn, thằng Hà rành lắm, nó nói:
“Mới đầu, đó là Bài Ca Thống Nhất, nói toàn mưa. Thơ chính trị mà nói toàn mưa là đáng ngại lắm phải không. Đâu phải mưa như mưa đàng nam vừa làm vừa chơi, mưa đàng bắc đổ thóc ra phơi.” Xong, nó ngâm với giọng vịt đực:
“Em cúi đầu đi, mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
Không thấy phố, không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa, trên màu cờ đỏ…
Rồi biết sao không, Hoàng Cầm, Hoàng Cầm là bạn, khuyên nên làm thêm một đoạn nữa để ‘chứng tỏ lập trường’ mới mong đặng được. Thế là anh chàng thêm, và dĩ nhiên phải nói tới nắng. Sửa luôn tên bài là ‘Nhất Định Thắng,’ này nghe.
Hôm nay
Trời xanh, xanh đục
Nắng lên, đỏ phố, đỏ cờ
Cuồn cuộn mít tinh
Những ngày thương xót đã lùi xa
Anh bước đi
Đã thấy phố thấy nhà
Không thấy mưa sa
Chỉ thấy nắng lên, trên màu cờ đỏ…”
Khéo tới vậy mà cũng không khá được. Khéo tới vậy mà rồi cũng phải cứa cổ tự tử cho vừa lòng nhà nước.
Thanh không nhớ là anh đã nghĩ gì thêm lúc bấy giờ, chớ bây giờ thì anh biết rõ và thông cảm với tác giả “Nhất Định Thắng.” Dù sao thì cuộc sống ở đó, luôn luôn vẫn là cuộc sống trên đầu sóng ngọn gió, có khác gì đâu. Có lúc cũng cảm thấy được rằng mình đã từng nghĩ “chưa tới” một sự việc nào đó, người ta mỗi ngày mỗi lớn mà!
Ghe lọt vô vịnh rồi, mặt biển phẳng và xanh thẳm. Bên phải nổi lên xa xa những dãy núi con con chạy dài tới trước. Qua khỏi Mã Lai rồi, còn lại chút đó. Bên trái là những hòn đảo tên là gì cà? Những hòn đảo lớn nhỏ dán vào nhau.
Thanh chuẩn bị một số Ăng Lê trong đầu đủ để đối phó với tụi cảnh sát Singapore. Tụi này nói tiếng Anh thì phải biết, cứ như Mỹ chớ không phải chơi đâu!
Từ sau cái lúc ghé vào Trengganu, Thanh biết mình dở ẹt nhất là thứ Ăng Lê chó đẻ này. Hôm trước, bọn anh vào cửa vịnh với ý định kiếm thêm dầu đủ để tới thẳng Djakarta vì anh biết sẽ gặp rất nhiều rắc rối khi phải bắt buộc ghé Singapore. Nói, nó không thèm hiểu, cũng không cho lên bờ làm sao mà viết cho nó hiểu. Cuối cùng, thằng cảnh sát phóng xuống ghe đi lòng vòng xem xét đồ đạc, nó biểu phải ở đây và đợi làm thủ tục nhập trại Poulo Bésa, “trong đó, người Việt Nam đông lắm.” Tụi này man rợ không thua gì tụi Thái, Thanh đã nói với nó:
“Tụi tao không muốn ở đây. Tụi tao muốn đi Úc Đại Lợi.”
“Không được, mầy phải ở đây.”
“Không,” Thanh cố nói. “Mầy cho tao dầu máy, tao đi ngay.”
“Không được, mầy phải ở đây.”
“Mầy bán dầu cho tao. Tao có tiền Mỹ.”
“Không được!” nó hét lên. “Mầy phải ở đây.”
Thanh nhìn lên bờ, người ta bu quanh cầu tàu nhìn bọn anh với những con mắt tò mò bình thản. Anh thấy bóng dáng một thằng mũi cao tóc vàng, anh phóng lên bờ, cố tìm chữ để nói cho nó hiểu và giúp đỡ vì nghĩ rằng mình lỡ vào đây, khó mà thoát ra được. Cuối cùng anh chỉ nói được những gì đã nói với thằng cảnh sát. Người Tây phương lắc đầu, hắn bảo hắn là du khách Ý Đại Lợi và hắn không giúp được gì.
Thằng cảnh sát bắn chỉ thiên một phát, Thanh phải nhảy về ghe sau khi chửi thề một tiếng.
“Ra ngoài đó, và ở đó. Đợi!”
Sếp của thằng cảnh sát ra lệnh. Thanh cho ghe ra giữa sông và trong khi Chí, Văn sửa soạn lại đường dây neo, anh bất thần tống ga phóng tuốt ra cửa biển trước bao nhiêu cặp mắt ngạc nhiên của bọn trên ghe, bọn trên bờ. ”Mẹ mầy, không cho dầu ông cũng phải đi, không thèm ở đây. Ông đi Úc, ông phải tới Úc.”
Vậy mà cảnh sát Mã Lai bắn theo hai ba tiếng lẻ tẻ rồi thôi. Thanh biết như thế vì bọn này có rảnh rang đâu mà thèm làm những cử chỉ ra điều săn sóc đám tỵ nạn lơ thơ ở đâu tới làm phiền. “Đó là một kinh nghiệm chỉ nên tìm dầu ở ngoài biển, kẹt lắm mới phải vào bờ,” Thanh nhủ thầm.
Và hôm nay, bọn anh đã ở vào thế kẹt.
“Thế nào mình cũng phải ghé Tân Gia Ba, tụi nó không nhận người tỵ nạn đâu, mà mình cũng đâu có thèm. Làm gì nó cũng cho dầu để mình đi tiếp, đi đâu cũng được miễn ra khỏi hải phận tụi nó.” Thanh bàn với Triều, Chí, Văn chiều hôm qua và quyết định sáng nay sẽ ghé vào Singapore, như một kiểu làm nũng. Còn không đầy phuy dầu thì đi tới đâu, mong manh quá!
Có nắng. Mặt trời lên, rồi lên cao dần. Bọn Thanh đã nhìn thấy được hình dáng mờ mờ của những tòa nhà cao nằm san sát nhau trên hòn đảo nhỏ. Một vùng sương mù chưa tan kịp như mong manh lên đó và kéo dài ra, xuống thấp, rồi dính liền với mặt biển.
Trước mặt là một đất nước tự do thật sự, nhưng thật tình Thanh không thể tưởng tượng ra được chuyện gì sẽ xảy đến với bọn anh chút nữa đây. “Cứ nhắm thẳng trước mặt mà đi, may rủi không phải là việc của mình,” Thanh nghĩ như vậy. Bao lần rồi, anh cảm thấy cuộc sống sắp tới sẽ dính líu tới nhiều những phiền nhiễu mà một thời gian trước, ở bên nhà, mình không thể nào tưởng tượng được.
Cái “thân phận bé không đâu” của anh, của tụi Triều, Chí, của bao nhiêu người ở Songkhla, ở Poulo Besa và mấy trại tỵ nạn khác, của mấy chục triệu con người ở bên nhà quả là cái thân phận “không đâu.” Có điều, bé mà quá vất vả, vất vả đủ thứ chuyện, vất vả ở khắp mọi nơi.
Lúc này thì trên ghe hình như ai cũng thức hết rồi. Mấy bà nói chuyện với nhau và cười ầm ầm. Ba bốn đứa ngồi chùm nhum đàng trước tranh nhau chỉ trỏ và nói về vẻ đồ sộ của thành phố Tân Gia Ba mà trước đây chỉ có nghe nói, chưa hề thấy bao giờ. Tiếng vợ thằng Phong lớn nhất, át cả tiếng máy nổ.
Lúc bọn Thanh dọn dẹp sàn tàu sạch sẽ và dời các thùng phuy đang cột bè dang dở về phía cabine xong cũng là lúc bọn anh thấy bóng dáng nhiều chiếc ca nô của quan thuế Singapore tiến về phía ghe. Chắc chắn là tụi này thấy mình từ khuya rồi, tụi này giàu có và văn minh mà.
Thanh đi vòng ra sau múc lon nước, “cái bình hơi” nhìn anh, gật đầu chào và hỏi:
“Mình ghé Tân Gia Ba hả anh Thanh?”
“Không ghé, nhưng phải gặp tàu xin dầu.”
“Tụi này không cho ghé vô đâu, có khi còn làm khó dễ nữa đó. Sao anh không chạy thẳng rồi ghé qua mấy hòn đảo của Nam Dương?”
“Ở đó đâu có chắc là có dầu. Mà phải đi xa con đường hàng hải có nhiều tàu buôn quốc tế thì mình phải chuẩn bị nhiều dầu mới dám đi chớ.”
“Cái bình hơi” gục gặc đầu ra chiều đồng ý, xong ỏn ẻn cười với Thanh:
“Mấy bữa nay thấy anh Thanh có vẻ mệt dữ há!”
Mệt là cái chắc, nhưng Thanh thật tình “không dám” nói chuyện lâu với người con gái này. Anh biết mình hơi vô lý nhưng cố gắng không tìm xem vô lý ở chỗ nào. Thanh nhướng mắt chào rồi bước về phía trước, thở nhè nhẹ.
Bất chợt, anh quay lại, nhưng để nói với A Kiếu:
“Ờ nè, A Kiếu, chút nữa A Kiếu ra nói chuyện với tụi cảnh sát Tân Gia Ba nghe. Tụi nó nói tiếng Quảng phải không? Hay nói tiếng Phổ thông? A Kiếu nói tiếng Phổ thông được không?”
A Kiếu đang nằm sấp chống cằm nhìn ra xa, nghe Thanh hỏi thì ngồi dậy, nhanh nhẩu:
“Được, A Kiếu nói được hai thứ hết trơn.”
“Ờ, chút nữa ra ngoài trước nghe, chớ trên ghe ai cũng nói Ăng Lê dở ẹt hà, nghe.”
“Được, chút nữa A Kiếu ra.”
Thanh nói với “cái bình hơi”:
“Chị làm ơn dọn dẹp mền gối, xếp lại cho gọn ghẽ. Kêu đứa nào bắt ống nước phun rửa sau lái và mấy cái nồi cho sạch sẽ. Để như vậy thấy ghê quá.”
“Cái bình hơi” gật đầu tuột xuống khỏi chỗ nằm. “Cô thịt chó” lẹ làng theo sau trong lúc vợ thằng Phong với tay kéo tấm mền đắp thêm lên cái đầu rối nùi, lầm bầm những gì nghe không rõ.
Thanh bước ra ngoài. Bốn chiếc ca nô đã đến gần lắm rồi, trông đã rõ những đường nét trên lá cờ, một thứ cờ trong Liên Hiệp Anh. Những người cảnh sát mặc quần đùi đứng lố nhố nhìn qua bên này. Thanh nhìn đồng hồ, 9 giờ 35.
Thằng Văn soạn lại đường dây neo xong phăng ra mấy sải tay khoanh tròn, thảy sát vô be, nó hét:
“Coi lại dây đằng sau nghe, Hồng. Chút nữa cột cặp ca nô.”
Nhưng tụi cảnh sát Tân Gia Ba không dùng dây của thằng Văn. Hai thằng hai chiếc ca nô cặp hai bên nhảy phóc qua ghe gọn như sóc, tụi nó chòng thòng lọng vào cột. Một thằng trông “giống như Tàu” nói lớn:
“Good morning.”
“Good morning,” thằng Chí đáp lại.
Thanh nhả ga, bước ra ngoài. Hai chiếc kia không cặp, chỉ lửng thửng ngoài xa. “Mình là tỵ nạn mà tụi nầy làm thấy ghê quá, súng ống gì mà dữ vậy!” Thanh nghĩ. Anh lách mình nhường lối đi theo A Kiếu. Thằng cảnh sát kia hỏi Chí:
“Ai là thuyền trưởng? Mầy nói tiếng Anh được không?”
Chí lắc đầu, nó ngó lại Thanh. Thằng cảnh sát hỏi Thanh:
“Mầy là thuyền trưởng, phải không?”
“Phải,” Thanh đáp. “Nhưng tao nói tiếng Anh không thạo. Mầy nói tiếng Tàu được không?”
Thằng cảnh sát nhướng mắt:
“Tiếng Tàu? Được, được.”
Xong nó xổ một hơi tiếng Tàu. Thanh ngoái ra sau tìm kiếm A Kiếu. Đâu đó có tiếng thằng nào phì cười.
A Kiếu chờ thằng cảnh sát nói dứt câu xong, tằng hắng lấy giọng và kê sát mặt nó, nói lớn. Thanh chỉ nghe được hai tiếng “Úc Châu,” phát âm giống hệt tiếng Việt, còn bao nhiêu gió thổi đi tuốt.
Câu chuyện không biết đã tới đâu, chỉ thấy thằng cảnh sát nói lại với giọng dịu hẳn, gương mặt nó có vẻ thông cảm ghê lắm. Thằng cảnh sát “giống như Tàu” hồi nãy đã nhẩy trở về ca nô, đổi lại một thằng khác da ngăm ngăm đen, mặc civil, cái mặt không có cảm tình mấy. Thanh lầm bầm:
“Mẹ, lại gặp mọi. Thằng này chắc làm khó làm dễ gì nữa đây!”
Thật! “Thằng mọi” đi thẳng vô cabine lục lạo một hồi, lúc trở ra, nó cầm theo hai bao thuốc lá Samith và Gold mà bọn Thanh đem theo từ Songkhla. Nó quăng mạnh xuống sàn ghe, hỏi lớn:
“Tụi mầy người Thái?”
Mẹ nó, nó nghĩ tụi mình là Thái Lan! Thanh đáp:
“Không, Việt Nam!”
“Không! Thái!” nó hét lên.
Rồi nó trở vô cabine. Thanh cúi đầu ngẩm nghĩ, thật khó mà diễn tả cho đúng được tình trạng của bọn anh và nhất là sự có mặt ở đây trong một tư thế khác hẳn tư thế của những người Việt tỵ nạn đã tới Singapore trước. Không khéo lại dính líu tới luật pháp! Tụi cảnh sát Thái Lan có thưa gởi gì với Liên Hiệp Quốc không?
“Thằng mọi” trở ra, lần này cầm theo hai ba cục pin mang nhãn hiệu “Con Ó” và hai óp nhang Từ Hương! Nó ngồi cạnh A Kiếu, nghe chuyện vẫn với cái bản mặt hầm hầm.
A Kiếu chắc đang diễn tả đời sống ở trại tỵ nạn Songkhla. Thanh thấy cô ta vừa nói vừa chỉ cái xà rông của thằng Giàu đang vận. Thanh khều A Kiếu:
“Nói cho nó biết ghe này của người Việt Nam tới trại bỏ dưới bến, mình lấy đi nghe A Kiếu.”
“Chỉ cho nó coi hầm nước đá,” thằng Chí xen vào. “Nước đá Việt Nam nhỏ, có bọng ở giữa, nước đá Thái Lan lớn hơn.”
“Tụi này làm chó gì mà biết được điều đó!” Thằng Triều xía vô một câu.
“Nó thấy chữ “Con Ó” là biết liền chớ gì mà nói. Chữ Thái Lan lăng quăng như con lãi chớ đâu được vậy!”
A Kiếu quay lại Thanh:
“Người cảnh sát nói với A Kiếu đó, là nước Tân Gia Ba không nhận người Việt Nam vô nữa. A Kiếu nói A Kiếu biết rồi, A Kiếu xin dầu nó, nó nói nó cho.”
“A Kiếu hỏi nó chừng nào cho?”
“Chiều lận. Nó nói đợi tàu đi tuần tới.”
“Nó hỏi mình ở đâu tới phải không?”
“Ờ. A Kiếu kể cho nó nghe mình bị cảnh sát Thái Lan đánh hoài, nên mình sợ, mình đi ấy ghe của người Việt mới tới trại, mình đi Úc Châu.”
“A Kiếu giỏi quá! Có nói với nó là mình tỵ nạn tụi Việt Cộng không?” Chí vừa cười vừa hỏi.
“Có chớ. A Kiếu nói Việt Cộng dữ hơn cảnh sát Thái Lan. Nó nói nó biết rồi.”
Vậy là phải bấp bênh ở đây chờ chiều mới có dầu. Thanh nghĩ tới mà nóng lòng ghê. Tuy vậy, anh an tâm vì không gặp rắc rối thêm nữa, ít nhất cũng hết ngày hôm nay.
Thằng Giàu lom khom kéo cái neo về be, quay lại ra ý hỏi “thằng mọi,” nhưng thằng này đâu phải là “cớm,” nó nói một hơi với thằng kia, thằng kia gật đầu, xong nó gật đầu với Giàu. Cái neo lộn ùm xuống, tiếng dội lạc lõng giữa biển nước. Trên ghe ai cũng im lặng, hai thằng cảnh sát cũng im lặng, bốn chiếc ca nô và cả VNKG 0042 cũng thôi không nổ máy nữa.
Mười giờ sáng. Mười giờ sáng trong eo biển nhỏ xíu này yên lặng thật. Mấy người cảnh sát Singapore đã trở về ca nô và đùa giỡn với nhau. Thỉnh thoảng Thanh nghe tiếng rè rè của máy liên lạc. Thanh lục lại lá thơ và lôi ra ghi thêm một hàng tái bút: “Gởi lúc 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 11 tháng 3 năm 1978 tại hải phận Singapore.” Anh đọc lại lá thơ gởi về trại Songkhla, cảm thấy một ít xót xa.
Hai mươi tám người chúng tôi nhớ hoài những ngày đã sống ở Songkhla. Ở đây, mất đi cái thú ‘chờ nghe tên mình có thơ,’ chúng tôi thấy mất mát nhiều lắm. Cái âu lo của chúng tôi, có lẽ cũng không khác gì cái âu lo của bà con ở trại, làm thế nào có được một cuộc sống kế tiếp mà trong đó, con người ta còn nghĩ rằng mình sống mà làm được những điều mình muốn.Thanh định thầm sẽ viết nhiều lá thơ liên tiếp, gặp bất cứ tàu nào cũng nhờ họ gởi. “Mình gởi thơ về trại, ai không có thân nhân chắc cũng cảm thấy được an ủi.”
Chúng tôi chỉ mong được tới Úc bình an. Gạo, hôm đi bà con cho đến nay sắp hết, không hiểu rồi mai có được thêm chút nào không chứ hiện tại, chỉ còn ước mơ và niềm tin. Tên Minh, người Quảng Ngãi, Công Giáo, nhưng đã nhận công việc thắp nhang van vái ơn trên mỗi buổi chiều, y cũng không quên câu ‘bình an dưới thế cho người thiện tâm.’ Ở đó, có dịp, bà con cũng cầu nguyện cho chúng tôi với…
Buổi sáng trời trong thật trong, chút nữa mặt trời lên cao hơn nữa sẽ nóng ghê lắm. Mười giờ mà ngước mặt lên nhìn trời đã muốn nhảy mũi. Sắp tháng ba ta rồi, ngày dài dần ra cho tới tháng bảy. “Tháng ba đàn bà đi biển,” gió “lồng trung” sắp đổi sang nồm thành ra cả vịnh Thái Lan biển êm láng. Thanh nghĩ vẩn vơ một hồi cũng đành nằm dài cố dỗ giấc ngủ. “Kệ nó, bây giờ nằm trong vịnh làm sao biết được bên kia đảo Sumatra gió thổi ra làm sao. Đàng nào mình cũng đi tới đó, vấn đề là có vượt qua được hay không thôi. Nghĩ hoài cũng mệt mệt!”
Anh nhỏm dậy nhìn ra hai bên. Bốn chiếc ca nô vẫn nằm im ở đấy, hiền từ nhưng không kém vẻ đe dọa. Đằng trước ba bốn thằng chụm đầu vào nhau đánh cờ tướng, thỉnh thoảng cãi cọ qua lại. Đàng sau, “cô thịt chó” thủ thỉ với A Kiếu chuyện gì đó, lâu lâu hai người phá lên cười. Một số rút xuống mấy cái hầm được chống nắp che bớt nắng. Đã bắt đầu nóng.
Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
Góc Bể Bên Trời (9)
Posted on 22/02/2013 by GBBT
VÕ HOÀNG
05H00, 13-3-78, Hải Đăng Singapore.
06H10, …, Vịnh Singapore.
Thanh ghi thêm vào hải trình những diễn tiến mới. Bây giờ là sáu giờ mười, ngày thứ tư của cuộc hành trình. Ở hướng đông, mặt trời chưa lên khỏi biển nhưng vừng sáng lan rộng ra hơn nửa khoảnh trời. Không có mây thì hôm nay chắc là nắng ghê lắm.
Không biết từ bao giờ, Thanh đã thấy quen được với cái tâm trạng mà trước đây chưa lần nào anh nghĩ tới, tâm trạng của một người chấp nhận dễ dàng và dứt khoát rằng cuộc đời mình gắn liền với sóng và nước, với gió, mưa, nắng và tiếng máy nổ. Mỗi lần chợt nghĩ tới một trong những thứ này, Thanh biết mình phải nghĩ bằng sự cảm nhận hết sức nghiêm chỉnh. “Nó liên quan tới sự sống” chớ đâu có thường! Thanh nhớ lại lời cha anh nói, như nói để chơi chơi:
“Gió, nước, lửa là ba vật thiêng trong trời đất. Nhưng đứng trên bờ thì khó nhận biết được điều này lắm.”
Hồi đó, Thanh muốn tìm xem cái “khó nhận biết” nó như thế nào, mà rồi vẫn chịu. Những tháng ngày lênh đênh trên biển, cũng có khi mưa to gió lớn, nhưng anh vẫn thấy có một chút gì không thật tình với nhau giữa cái nhận biết và tâm tư mình khi đứng trên boong tàu có trọng tải hàng trăm tấn. Nắng với mưa, với gió lúc đó, theo Thanh nghĩ, như một thứ cần thiết nhỏ để điểm trang cho cuộc sống vốn đã có quá nhiều trang điểm. Điều này Thanh càng thấy đúng hơn vào những năm sau đó, lúc anh đọc được trong một quyển sách “loại cấm,” ông Trần Dần khôn khéo đã dùng mưa, gió và nắng trang điểm cho cái sống, ít ra cũng cho cái sống của chính tác giả. Vậy mà cái sống vẫn không khá hơn được.
Nắng với mưa là việc không phải của người, thành ra nói tới nắng tới mưa là rõ ràng muốn vượt qua giới hạn của người, phải “coi chừng.” Thanh mỉm cười một mình. Anh nhớ lại những buổi chuyện trò không dứt với tụi bạn ở một góc quán cà phê chệt Hiền, nhiều lần tụi anh nói tới Trần Dần và những khôn khéo trong một bài thơ, loại thơ chính trị. Thằng bạn, thằng Hà rành lắm, nó nói:
“Mới đầu, đó là Bài Ca Thống Nhất, nói toàn mưa. Thơ chính trị mà nói toàn mưa là đáng ngại lắm phải không. Đâu phải mưa như mưa đàng nam vừa làm vừa chơi, mưa đàng bắc đổ thóc ra phơi.” Xong, nó ngâm với giọng vịt đực:
“Em cúi đầu đi, mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
Không thấy phố, không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa, trên màu cờ đỏ…
Rồi biết sao không, Hoàng Cầm, Hoàng Cầm là bạn, khuyên nên làm thêm một đoạn nữa để ‘chứng tỏ lập trường’ mới mong đặng được. Thế là anh chàng thêm, và dĩ nhiên phải nói tới nắng. Sửa luôn tên bài là ‘Nhất Định Thắng,’ này nghe.
Hôm nay
Trời xanh, xanh đục
Nắng lên, đỏ phố, đỏ cờ
Cuồn cuộn mít tinh
Những ngày thương xót đã lùi xa
Anh bước đi
Đã thấy phố thấy nhà
Không thấy mưa sa
Chỉ thấy nắng lên, trên màu cờ đỏ…”
Khéo tới vậy mà cũng không khá được. Khéo tới vậy mà rồi cũng phải cứa cổ tự tử cho vừa lòng nhà nước.
Thanh không nhớ là anh đã nghĩ gì thêm lúc bấy giờ, chớ bây giờ thì anh biết rõ và thông cảm với tác giả “Nhất Định Thắng.” Dù sao thì cuộc sống ở đó, luôn luôn vẫn là cuộc sống trên đầu sóng ngọn gió, có khác gì đâu. Có lúc cũng cảm thấy được rằng mình đã từng nghĩ “chưa tới” một sự việc nào đó, người ta mỗi ngày mỗi lớn mà!
Ghe lọt vô vịnh rồi, mặt biển phẳng và xanh thẳm. Bên phải nổi lên xa xa những dãy núi con con chạy dài tới trước. Qua khỏi Mã Lai rồi, còn lại chút đó. Bên trái là những hòn đảo tên là gì cà? Những hòn đảo lớn nhỏ dán vào nhau.
Thanh chuẩn bị một số Ăng Lê trong đầu đủ để đối phó với tụi cảnh sát Singapore. Tụi này nói tiếng Anh thì phải biết, cứ như Mỹ chớ không phải chơi đâu!
Từ sau cái lúc ghé vào Trengganu, Thanh biết mình dở ẹt nhất là thứ Ăng Lê chó đẻ này. Hôm trước, bọn anh vào cửa vịnh với ý định kiếm thêm dầu đủ để tới thẳng Djakarta vì anh biết sẽ gặp rất nhiều rắc rối khi phải bắt buộc ghé Singapore. Nói, nó không thèm hiểu, cũng không cho lên bờ làm sao mà viết cho nó hiểu. Cuối cùng, thằng cảnh sát phóng xuống ghe đi lòng vòng xem xét đồ đạc, nó biểu phải ở đây và đợi làm thủ tục nhập trại Poulo Bésa, “trong đó, người Việt Nam đông lắm.” Tụi này man rợ không thua gì tụi Thái, Thanh đã nói với nó:
“Tụi tao không muốn ở đây. Tụi tao muốn đi Úc Đại Lợi.”
“Không được, mầy phải ở đây.”
“Không,” Thanh cố nói. “Mầy cho tao dầu máy, tao đi ngay.”
“Không được, mầy phải ở đây.”
“Mầy bán dầu cho tao. Tao có tiền Mỹ.”
“Không được!” nó hét lên. “Mầy phải ở đây.”
Thanh nhìn lên bờ, người ta bu quanh cầu tàu nhìn bọn anh với những con mắt tò mò bình thản. Anh thấy bóng dáng một thằng mũi cao tóc vàng, anh phóng lên bờ, cố tìm chữ để nói cho nó hiểu và giúp đỡ vì nghĩ rằng mình lỡ vào đây, khó mà thoát ra được. Cuối cùng anh chỉ nói được những gì đã nói với thằng cảnh sát. Người Tây phương lắc đầu, hắn bảo hắn là du khách Ý Đại Lợi và hắn không giúp được gì.
Thằng cảnh sát bắn chỉ thiên một phát, Thanh phải nhảy về ghe sau khi chửi thề một tiếng.
“Ra ngoài đó, và ở đó. Đợi!”
Sếp của thằng cảnh sát ra lệnh. Thanh cho ghe ra giữa sông và trong khi Chí, Văn sửa soạn lại đường dây neo, anh bất thần tống ga phóng tuốt ra cửa biển trước bao nhiêu cặp mắt ngạc nhiên của bọn trên ghe, bọn trên bờ. ”Mẹ mầy, không cho dầu ông cũng phải đi, không thèm ở đây. Ông đi Úc, ông phải tới Úc.”
Vậy mà cảnh sát Mã Lai bắn theo hai ba tiếng lẻ tẻ rồi thôi. Thanh biết như thế vì bọn này có rảnh rang đâu mà thèm làm những cử chỉ ra điều săn sóc đám tỵ nạn lơ thơ ở đâu tới làm phiền. “Đó là một kinh nghiệm chỉ nên tìm dầu ở ngoài biển, kẹt lắm mới phải vào bờ,” Thanh nhủ thầm.
Và hôm nay, bọn anh đã ở vào thế kẹt.
“Thế nào mình cũng phải ghé Tân Gia Ba, tụi nó không nhận người tỵ nạn đâu, mà mình cũng đâu có thèm. Làm gì nó cũng cho dầu để mình đi tiếp, đi đâu cũng được miễn ra khỏi hải phận tụi nó.” Thanh bàn với Triều, Chí, Văn chiều hôm qua và quyết định sáng nay sẽ ghé vào Singapore, như một kiểu làm nũng. Còn không đầy phuy dầu thì đi tới đâu, mong manh quá!
Có nắng. Mặt trời lên, rồi lên cao dần. Bọn Thanh đã nhìn thấy được hình dáng mờ mờ của những tòa nhà cao nằm san sát nhau trên hòn đảo nhỏ. Một vùng sương mù chưa tan kịp như mong manh lên đó và kéo dài ra, xuống thấp, rồi dính liền với mặt biển.
Trước mặt là một đất nước tự do thật sự, nhưng thật tình Thanh không thể tưởng tượng ra được chuyện gì sẽ xảy đến với bọn anh chút nữa đây. “Cứ nhắm thẳng trước mặt mà đi, may rủi không phải là việc của mình,” Thanh nghĩ như vậy. Bao lần rồi, anh cảm thấy cuộc sống sắp tới sẽ dính líu tới nhiều những phiền nhiễu mà một thời gian trước, ở bên nhà, mình không thể nào tưởng tượng được.
Cái “thân phận bé không đâu” của anh, của tụi Triều, Chí, của bao nhiêu người ở Songkhla, ở Poulo Besa và mấy trại tỵ nạn khác, của mấy chục triệu con người ở bên nhà quả là cái thân phận “không đâu.” Có điều, bé mà quá vất vả, vất vả đủ thứ chuyện, vất vả ở khắp mọi nơi.
Lúc này thì trên ghe hình như ai cũng thức hết rồi. Mấy bà nói chuyện với nhau và cười ầm ầm. Ba bốn đứa ngồi chùm nhum đàng trước tranh nhau chỉ trỏ và nói về vẻ đồ sộ của thành phố Tân Gia Ba mà trước đây chỉ có nghe nói, chưa hề thấy bao giờ. Tiếng vợ thằng Phong lớn nhất, át cả tiếng máy nổ.
Lúc bọn Thanh dọn dẹp sàn tàu sạch sẽ và dời các thùng phuy đang cột bè dang dở về phía cabine xong cũng là lúc bọn anh thấy bóng dáng nhiều chiếc ca nô của quan thuế Singapore tiến về phía ghe. Chắc chắn là tụi này thấy mình từ khuya rồi, tụi này giàu có và văn minh mà.
Thanh đi vòng ra sau múc lon nước, “cái bình hơi” nhìn anh, gật đầu chào và hỏi:
“Mình ghé Tân Gia Ba hả anh Thanh?”
“Không ghé, nhưng phải gặp tàu xin dầu.”
“Tụi này không cho ghé vô đâu, có khi còn làm khó dễ nữa đó. Sao anh không chạy thẳng rồi ghé qua mấy hòn đảo của Nam Dương?”
“Ở đó đâu có chắc là có dầu. Mà phải đi xa con đường hàng hải có nhiều tàu buôn quốc tế thì mình phải chuẩn bị nhiều dầu mới dám đi chớ.”
“Cái bình hơi” gục gặc đầu ra chiều đồng ý, xong ỏn ẻn cười với Thanh:
“Mấy bữa nay thấy anh Thanh có vẻ mệt dữ há!”
Mệt là cái chắc, nhưng Thanh thật tình “không dám” nói chuyện lâu với người con gái này. Anh biết mình hơi vô lý nhưng cố gắng không tìm xem vô lý ở chỗ nào. Thanh nhướng mắt chào rồi bước về phía trước, thở nhè nhẹ.
Bất chợt, anh quay lại, nhưng để nói với A Kiếu:
“Ờ nè, A Kiếu, chút nữa A Kiếu ra nói chuyện với tụi cảnh sát Tân Gia Ba nghe. Tụi nó nói tiếng Quảng phải không? Hay nói tiếng Phổ thông? A Kiếu nói tiếng Phổ thông được không?”
A Kiếu đang nằm sấp chống cằm nhìn ra xa, nghe Thanh hỏi thì ngồi dậy, nhanh nhẩu:
“Được, A Kiếu nói được hai thứ hết trơn.”
“Ờ, chút nữa ra ngoài trước nghe, chớ trên ghe ai cũng nói Ăng Lê dở ẹt hà, nghe.”
“Được, chút nữa A Kiếu ra.”
Thanh nói với “cái bình hơi”:
“Chị làm ơn dọn dẹp mền gối, xếp lại cho gọn ghẽ. Kêu đứa nào bắt ống nước phun rửa sau lái và mấy cái nồi cho sạch sẽ. Để như vậy thấy ghê quá.”
“Cái bình hơi” gật đầu tuột xuống khỏi chỗ nằm. “Cô thịt chó” lẹ làng theo sau trong lúc vợ thằng Phong với tay kéo tấm mền đắp thêm lên cái đầu rối nùi, lầm bầm những gì nghe không rõ.
Thanh bước ra ngoài. Bốn chiếc ca nô đã đến gần lắm rồi, trông đã rõ những đường nét trên lá cờ, một thứ cờ trong Liên Hiệp Anh. Những người cảnh sát mặc quần đùi đứng lố nhố nhìn qua bên này. Thanh nhìn đồng hồ, 9 giờ 35.
Thằng Văn soạn lại đường dây neo xong phăng ra mấy sải tay khoanh tròn, thảy sát vô be, nó hét:
“Coi lại dây đằng sau nghe, Hồng. Chút nữa cột cặp ca nô.”
Nhưng tụi cảnh sát Tân Gia Ba không dùng dây của thằng Văn. Hai thằng hai chiếc ca nô cặp hai bên nhảy phóc qua ghe gọn như sóc, tụi nó chòng thòng lọng vào cột. Một thằng trông “giống như Tàu” nói lớn:
“Good morning.”
“Good morning,” thằng Chí đáp lại.
Thanh nhả ga, bước ra ngoài. Hai chiếc kia không cặp, chỉ lửng thửng ngoài xa. “Mình là tỵ nạn mà tụi nầy làm thấy ghê quá, súng ống gì mà dữ vậy!” Thanh nghĩ. Anh lách mình nhường lối đi theo A Kiếu. Thằng cảnh sát kia hỏi Chí:
“Ai là thuyền trưởng? Mầy nói tiếng Anh được không?”
Chí lắc đầu, nó ngó lại Thanh. Thằng cảnh sát hỏi Thanh:
“Mầy là thuyền trưởng, phải không?”
“Phải,” Thanh đáp. “Nhưng tao nói tiếng Anh không thạo. Mầy nói tiếng Tàu được không?”
Thằng cảnh sát nhướng mắt:
“Tiếng Tàu? Được, được.”
Xong nó xổ một hơi tiếng Tàu. Thanh ngoái ra sau tìm kiếm A Kiếu. Đâu đó có tiếng thằng nào phì cười.
A Kiếu chờ thằng cảnh sát nói dứt câu xong, tằng hắng lấy giọng và kê sát mặt nó, nói lớn. Thanh chỉ nghe được hai tiếng “Úc Châu,” phát âm giống hệt tiếng Việt, còn bao nhiêu gió thổi đi tuốt.
Câu chuyện không biết đã tới đâu, chỉ thấy thằng cảnh sát nói lại với giọng dịu hẳn, gương mặt nó có vẻ thông cảm ghê lắm. Thằng cảnh sát “giống như Tàu” hồi nãy đã nhẩy trở về ca nô, đổi lại một thằng khác da ngăm ngăm đen, mặc civil, cái mặt không có cảm tình mấy. Thanh lầm bầm:
“Mẹ, lại gặp mọi. Thằng này chắc làm khó làm dễ gì nữa đây!”
Thật! “Thằng mọi” đi thẳng vô cabine lục lạo một hồi, lúc trở ra, nó cầm theo hai bao thuốc lá Samith và Gold mà bọn Thanh đem theo từ Songkhla. Nó quăng mạnh xuống sàn ghe, hỏi lớn:
“Tụi mầy người Thái?”
Mẹ nó, nó nghĩ tụi mình là Thái Lan! Thanh đáp:
“Không, Việt Nam!”
“Không! Thái!” nó hét lên.
Rồi nó trở vô cabine. Thanh cúi đầu ngẩm nghĩ, thật khó mà diễn tả cho đúng được tình trạng của bọn anh và nhất là sự có mặt ở đây trong một tư thế khác hẳn tư thế của những người Việt tỵ nạn đã tới Singapore trước. Không khéo lại dính líu tới luật pháp! Tụi cảnh sát Thái Lan có thưa gởi gì với Liên Hiệp Quốc không?
“Thằng mọi” trở ra, lần này cầm theo hai ba cục pin mang nhãn hiệu “Con Ó” và hai óp nhang Từ Hương! Nó ngồi cạnh A Kiếu, nghe chuyện vẫn với cái bản mặt hầm hầm.
A Kiếu chắc đang diễn tả đời sống ở trại tỵ nạn Songkhla. Thanh thấy cô ta vừa nói vừa chỉ cái xà rông của thằng Giàu đang vận. Thanh khều A Kiếu:
“Nói cho nó biết ghe này của người Việt Nam tới trại bỏ dưới bến, mình lấy đi nghe A Kiếu.”
“Chỉ cho nó coi hầm nước đá,” thằng Chí xen vào. “Nước đá Việt Nam nhỏ, có bọng ở giữa, nước đá Thái Lan lớn hơn.”
“Tụi này làm chó gì mà biết được điều đó!” Thằng Triều xía vô một câu.
“Nó thấy chữ “Con Ó” là biết liền chớ gì mà nói. Chữ Thái Lan lăng quăng như con lãi chớ đâu được vậy!”
A Kiếu quay lại Thanh:
“Người cảnh sát nói với A Kiếu đó, là nước Tân Gia Ba không nhận người Việt Nam vô nữa. A Kiếu nói A Kiếu biết rồi, A Kiếu xin dầu nó, nó nói nó cho.”
“A Kiếu hỏi nó chừng nào cho?”
“Chiều lận. Nó nói đợi tàu đi tuần tới.”
“Nó hỏi mình ở đâu tới phải không?”
“Ờ. A Kiếu kể cho nó nghe mình bị cảnh sát Thái Lan đánh hoài, nên mình sợ, mình đi ấy ghe của người Việt mới tới trại, mình đi Úc Châu.”
“A Kiếu giỏi quá! Có nói với nó là mình tỵ nạn tụi Việt Cộng không?” Chí vừa cười vừa hỏi.
“Có chớ. A Kiếu nói Việt Cộng dữ hơn cảnh sát Thái Lan. Nó nói nó biết rồi.”
Vậy là phải bấp bênh ở đây chờ chiều mới có dầu. Thanh nghĩ tới mà nóng lòng ghê. Tuy vậy, anh an tâm vì không gặp rắc rối thêm nữa, ít nhất cũng hết ngày hôm nay.
Thằng Giàu lom khom kéo cái neo về be, quay lại ra ý hỏi “thằng mọi,” nhưng thằng này đâu phải là “cớm,” nó nói một hơi với thằng kia, thằng kia gật đầu, xong nó gật đầu với Giàu. Cái neo lộn ùm xuống, tiếng dội lạc lõng giữa biển nước. Trên ghe ai cũng im lặng, hai thằng cảnh sát cũng im lặng, bốn chiếc ca nô và cả VNKG 0042 cũng thôi không nổ máy nữa.
Mười giờ sáng. Mười giờ sáng trong eo biển nhỏ xíu này yên lặng thật. Mấy người cảnh sát Singapore đã trở về ca nô và đùa giỡn với nhau. Thỉnh thoảng Thanh nghe tiếng rè rè của máy liên lạc. Thanh lục lại lá thơ và lôi ra ghi thêm một hàng tái bút: “Gởi lúc 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 11 tháng 3 năm 1978 tại hải phận Singapore.” Anh đọc lại lá thơ gởi về trại Songkhla, cảm thấy một ít xót xa.
Buổi sáng trời trong thật trong, chút nữa mặt trời lên cao hơn nữa sẽ nóng ghê lắm. Mười giờ mà ngước mặt lên nhìn trời đã muốn nhảy mũi. Sắp tháng ba ta rồi, ngày dài dần ra cho tới tháng bảy. “Tháng ba đàn bà đi biển,” gió “lồng trung” sắp đổi sang nồm thành ra cả vịnh Thái Lan biển êm láng. Thanh nghĩ vẩn vơ một hồi cũng đành nằm dài cố dỗ giấc ngủ. “Kệ nó, bây giờ nằm trong vịnh làm sao biết được bên kia đảo Sumatra gió thổi ra làm sao. Đàng nào mình cũng đi tới đó, vấn đề là có vượt qua được hay không thôi. Nghĩ hoài cũng mệt mệt!”
Anh nhỏm dậy nhìn ra hai bên. Bốn chiếc ca nô vẫn nằm im ở đấy, hiền từ nhưng không kém vẻ đe dọa. Đằng trước ba bốn thằng chụm đầu vào nhau đánh cờ tướng, thỉnh thoảng cãi cọ qua lại. Đàng sau, “cô thịt chó” thủ thỉ với A Kiếu chuyện gì đó, lâu lâu hai người phá lên cười. Một số rút xuống mấy cái hầm được chống nắp che bớt nắng. Đã bắt đầu nóng.
Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
05H00, 13-3-78, Hải Đăng Singapore.
06H10, …, Vịnh Singapore.
Thanh ghi thêm vào hải trình những diễn tiến mới. Bây giờ là sáu giờ mười, ngày thứ tư của cuộc hành trình. Ở hướng đông, mặt trời chưa lên khỏi biển nhưng vừng sáng lan rộng ra hơn nửa khoảnh trời. Không có mây thì hôm nay chắc là nắng ghê lắm.
Không biết từ bao giờ, Thanh đã thấy quen được với cái tâm trạng mà trước đây chưa lần nào anh nghĩ tới, tâm trạng của một người chấp nhận dễ dàng và dứt khoát rằng cuộc đời mình gắn liền với sóng và nước, với gió, mưa, nắng và tiếng máy nổ. Mỗi lần chợt nghĩ tới một trong những thứ này, Thanh biết mình phải nghĩ bằng sự cảm nhận hết sức nghiêm chỉnh. “Nó liên quan tới sự sống” chớ đâu có thường! Thanh nhớ lại lời cha anh nói, như nói để chơi chơi:
“Gió, nước, lửa là ba vật thiêng trong trời đất. Nhưng đứng trên bờ thì khó nhận biết được điều này lắm.”
Hồi đó, Thanh muốn tìm xem cái “khó nhận biết” nó như thế nào, mà rồi vẫn chịu. Những tháng ngày lênh đênh trên biển, cũng có khi mưa to gió lớn, nhưng anh vẫn thấy có một chút gì không thật tình với nhau giữa cái nhận biết và tâm tư mình khi đứng trên boong tàu có trọng tải hàng trăm tấn. Nắng với mưa, với gió lúc đó, theo Thanh nghĩ, như một thứ cần thiết nhỏ để điểm trang cho cuộc sống vốn đã có quá nhiều trang điểm. Điều này Thanh càng thấy đúng hơn vào những năm sau đó, lúc anh đọc được trong một quyển sách “loại cấm,” ông Trần Dần khôn khéo đã dùng mưa, gió và nắng trang điểm cho cái sống, ít ra cũng cho cái sống của chính tác giả. Vậy mà cái sống vẫn không khá hơn được.
Nắng với mưa là việc không phải của người, thành ra nói tới nắng tới mưa là rõ ràng muốn vượt qua giới hạn của người, phải “coi chừng.” Thanh mỉm cười một mình. Anh nhớ lại những buổi chuyện trò không dứt với tụi bạn ở một góc quán cà phê chệt Hiền, nhiều lần tụi anh nói tới Trần Dần và những khôn khéo trong một bài thơ, loại thơ chính trị. Thằng bạn, thằng Hà rành lắm, nó nói:
“Mới đầu, đó là Bài Ca Thống Nhất, nói toàn mưa. Thơ chính trị mà nói toàn mưa là đáng ngại lắm phải không. Đâu phải mưa như mưa đàng nam vừa làm vừa chơi, mưa đàng bắc đổ thóc ra phơi.” Xong, nó ngâm với giọng vịt đực:
“Em cúi đầu đi, mưa rơi
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
Không thấy phố, không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa, trên màu cờ đỏ…
Rồi biết sao không, Hoàng Cầm, Hoàng Cầm là bạn, khuyên nên làm thêm một đoạn nữa để ‘chứng tỏ lập trường’ mới mong đặng được. Thế là anh chàng thêm, và dĩ nhiên phải nói tới nắng. Sửa luôn tên bài là ‘Nhất Định Thắng,’ này nghe.
Hôm nay
Trời xanh, xanh đục
Nắng lên, đỏ phố, đỏ cờ
Cuồn cuộn mít tinh
Những ngày thương xót đã lùi xa
Anh bước đi
Đã thấy phố thấy nhà
Không thấy mưa sa
Chỉ thấy nắng lên, trên màu cờ đỏ…”
Khéo tới vậy mà cũng không khá được. Khéo tới vậy mà rồi cũng phải cứa cổ tự tử cho vừa lòng nhà nước.
Thanh không nhớ là anh đã nghĩ gì thêm lúc bấy giờ, chớ bây giờ thì anh biết rõ và thông cảm với tác giả “Nhất Định Thắng.” Dù sao thì cuộc sống ở đó, luôn luôn vẫn là cuộc sống trên đầu sóng ngọn gió, có khác gì đâu. Có lúc cũng cảm thấy được rằng mình đã từng nghĩ “chưa tới” một sự việc nào đó, người ta mỗi ngày mỗi lớn mà!
Ghe lọt vô vịnh rồi, mặt biển phẳng và xanh thẳm. Bên phải nổi lên xa xa những dãy núi con con chạy dài tới trước. Qua khỏi Mã Lai rồi, còn lại chút đó. Bên trái là những hòn đảo tên là gì cà? Những hòn đảo lớn nhỏ dán vào nhau.
Thanh chuẩn bị một số Ăng Lê trong đầu đủ để đối phó với tụi cảnh sát Singapore. Tụi này nói tiếng Anh thì phải biết, cứ như Mỹ chớ không phải chơi đâu!
Từ sau cái lúc ghé vào Trengganu, Thanh biết mình dở ẹt nhất là thứ Ăng Lê chó đẻ này. Hôm trước, bọn anh vào cửa vịnh với ý định kiếm thêm dầu đủ để tới thẳng Djakarta vì anh biết sẽ gặp rất nhiều rắc rối khi phải bắt buộc ghé Singapore. Nói, nó không thèm hiểu, cũng không cho lên bờ làm sao mà viết cho nó hiểu. Cuối cùng, thằng cảnh sát phóng xuống ghe đi lòng vòng xem xét đồ đạc, nó biểu phải ở đây và đợi làm thủ tục nhập trại Poulo Bésa, “trong đó, người Việt Nam đông lắm.” Tụi này man rợ không thua gì tụi Thái, Thanh đã nói với nó:
“Tụi tao không muốn ở đây. Tụi tao muốn đi Úc Đại Lợi.”
“Không được, mầy phải ở đây.”
“Không,” Thanh cố nói. “Mầy cho tao dầu máy, tao đi ngay.”
“Không được, mầy phải ở đây.”
“Mầy bán dầu cho tao. Tao có tiền Mỹ.”
“Không được!” nó hét lên. “Mầy phải ở đây.”
Thanh nhìn lên bờ, người ta bu quanh cầu tàu nhìn bọn anh với những con mắt tò mò bình thản. Anh thấy bóng dáng một thằng mũi cao tóc vàng, anh phóng lên bờ, cố tìm chữ để nói cho nó hiểu và giúp đỡ vì nghĩ rằng mình lỡ vào đây, khó mà thoát ra được. Cuối cùng anh chỉ nói được những gì đã nói với thằng cảnh sát. Người Tây phương lắc đầu, hắn bảo hắn là du khách Ý Đại Lợi và hắn không giúp được gì.
Thằng cảnh sát bắn chỉ thiên một phát, Thanh phải nhảy về ghe sau khi chửi thề một tiếng.
“Ra ngoài đó, và ở đó. Đợi!”
Sếp của thằng cảnh sát ra lệnh. Thanh cho ghe ra giữa sông và trong khi Chí, Văn sửa soạn lại đường dây neo, anh bất thần tống ga phóng tuốt ra cửa biển trước bao nhiêu cặp mắt ngạc nhiên của bọn trên ghe, bọn trên bờ. ”Mẹ mầy, không cho dầu ông cũng phải đi, không thèm ở đây. Ông đi Úc, ông phải tới Úc.”
Vậy mà cảnh sát Mã Lai bắn theo hai ba tiếng lẻ tẻ rồi thôi. Thanh biết như thế vì bọn này có rảnh rang đâu mà thèm làm những cử chỉ ra điều săn sóc đám tỵ nạn lơ thơ ở đâu tới làm phiền. “Đó là một kinh nghiệm chỉ nên tìm dầu ở ngoài biển, kẹt lắm mới phải vào bờ,” Thanh nhủ thầm.
Và hôm nay, bọn anh đã ở vào thế kẹt.
“Thế nào mình cũng phải ghé Tân Gia Ba, tụi nó không nhận người tỵ nạn đâu, mà mình cũng đâu có thèm. Làm gì nó cũng cho dầu để mình đi tiếp, đi đâu cũng được miễn ra khỏi hải phận tụi nó.” Thanh bàn với Triều, Chí, Văn chiều hôm qua và quyết định sáng nay sẽ ghé vào Singapore, như một kiểu làm nũng. Còn không đầy phuy dầu thì đi tới đâu, mong manh quá!
Có nắng. Mặt trời lên, rồi lên cao dần. Bọn Thanh đã nhìn thấy được hình dáng mờ mờ của những tòa nhà cao nằm san sát nhau trên hòn đảo nhỏ. Một vùng sương mù chưa tan kịp như mong manh lên đó và kéo dài ra, xuống thấp, rồi dính liền với mặt biển.
Trước mặt là một đất nước tự do thật sự, nhưng thật tình Thanh không thể tưởng tượng ra được chuyện gì sẽ xảy đến với bọn anh chút nữa đây. “Cứ nhắm thẳng trước mặt mà đi, may rủi không phải là việc của mình,” Thanh nghĩ như vậy. Bao lần rồi, anh cảm thấy cuộc sống sắp tới sẽ dính líu tới nhiều những phiền nhiễu mà một thời gian trước, ở bên nhà, mình không thể nào tưởng tượng được.
Cái “thân phận bé không đâu” của anh, của tụi Triều, Chí, của bao nhiêu người ở Songkhla, ở Poulo Besa và mấy trại tỵ nạn khác, của mấy chục triệu con người ở bên nhà quả là cái thân phận “không đâu.” Có điều, bé mà quá vất vả, vất vả đủ thứ chuyện, vất vả ở khắp mọi nơi.
Lúc này thì trên ghe hình như ai cũng thức hết rồi. Mấy bà nói chuyện với nhau và cười ầm ầm. Ba bốn đứa ngồi chùm nhum đàng trước tranh nhau chỉ trỏ và nói về vẻ đồ sộ của thành phố Tân Gia Ba mà trước đây chỉ có nghe nói, chưa hề thấy bao giờ. Tiếng vợ thằng Phong lớn nhất, át cả tiếng máy nổ.
Lúc bọn Thanh dọn dẹp sàn tàu sạch sẽ và dời các thùng phuy đang cột bè dang dở về phía cabine xong cũng là lúc bọn anh thấy bóng dáng nhiều chiếc ca nô của quan thuế Singapore tiến về phía ghe. Chắc chắn là tụi này thấy mình từ khuya rồi, tụi này giàu có và văn minh mà.
Thanh đi vòng ra sau múc lon nước, “cái bình hơi” nhìn anh, gật đầu chào và hỏi:
“Mình ghé Tân Gia Ba hả anh Thanh?”
“Không ghé, nhưng phải gặp tàu xin dầu.”
“Tụi này không cho ghé vô đâu, có khi còn làm khó dễ nữa đó. Sao anh không chạy thẳng rồi ghé qua mấy hòn đảo của Nam Dương?”
“Ở đó đâu có chắc là có dầu. Mà phải đi xa con đường hàng hải có nhiều tàu buôn quốc tế thì mình phải chuẩn bị nhiều dầu mới dám đi chớ.”
“Cái bình hơi” gục gặc đầu ra chiều đồng ý, xong ỏn ẻn cười với Thanh:
“Mấy bữa nay thấy anh Thanh có vẻ mệt dữ há!”
Mệt là cái chắc, nhưng Thanh thật tình “không dám” nói chuyện lâu với người con gái này. Anh biết mình hơi vô lý nhưng cố gắng không tìm xem vô lý ở chỗ nào. Thanh nhướng mắt chào rồi bước về phía trước, thở nhè nhẹ.
Bất chợt, anh quay lại, nhưng để nói với A Kiếu:
“Ờ nè, A Kiếu, chút nữa A Kiếu ra nói chuyện với tụi cảnh sát Tân Gia Ba nghe. Tụi nó nói tiếng Quảng phải không? Hay nói tiếng Phổ thông? A Kiếu nói tiếng Phổ thông được không?”
A Kiếu đang nằm sấp chống cằm nhìn ra xa, nghe Thanh hỏi thì ngồi dậy, nhanh nhẩu:
“Được, A Kiếu nói được hai thứ hết trơn.”
“Ờ, chút nữa ra ngoài trước nghe, chớ trên ghe ai cũng nói Ăng Lê dở ẹt hà, nghe.”
“Được, chút nữa A Kiếu ra.”
Thanh nói với “cái bình hơi”:
“Chị làm ơn dọn dẹp mền gối, xếp lại cho gọn ghẽ. Kêu đứa nào bắt ống nước phun rửa sau lái và mấy cái nồi cho sạch sẽ. Để như vậy thấy ghê quá.”
“Cái bình hơi” gật đầu tuột xuống khỏi chỗ nằm. “Cô thịt chó” lẹ làng theo sau trong lúc vợ thằng Phong với tay kéo tấm mền đắp thêm lên cái đầu rối nùi, lầm bầm những gì nghe không rõ.
Thanh bước ra ngoài. Bốn chiếc ca nô đã đến gần lắm rồi, trông đã rõ những đường nét trên lá cờ, một thứ cờ trong Liên Hiệp Anh. Những người cảnh sát mặc quần đùi đứng lố nhố nhìn qua bên này. Thanh nhìn đồng hồ, 9 giờ 35.
Thằng Văn soạn lại đường dây neo xong phăng ra mấy sải tay khoanh tròn, thảy sát vô be, nó hét:
“Coi lại dây đằng sau nghe, Hồng. Chút nữa cột cặp ca nô.”
Nhưng tụi cảnh sát Tân Gia Ba không dùng dây của thằng Văn. Hai thằng hai chiếc ca nô cặp hai bên nhảy phóc qua ghe gọn như sóc, tụi nó chòng thòng lọng vào cột. Một thằng trông “giống như Tàu” nói lớn:
“Good morning.”
“Good morning,” thằng Chí đáp lại.
Thanh nhả ga, bước ra ngoài. Hai chiếc kia không cặp, chỉ lửng thửng ngoài xa. “Mình là tỵ nạn mà tụi nầy làm thấy ghê quá, súng ống gì mà dữ vậy!” Thanh nghĩ. Anh lách mình nhường lối đi theo A Kiếu. Thằng cảnh sát kia hỏi Chí:
“Ai là thuyền trưởng? Mầy nói tiếng Anh được không?”
Chí lắc đầu, nó ngó lại Thanh. Thằng cảnh sát hỏi Thanh:
“Mầy là thuyền trưởng, phải không?”
“Phải,” Thanh đáp. “Nhưng tao nói tiếng Anh không thạo. Mầy nói tiếng Tàu được không?”
Thằng cảnh sát nhướng mắt:
“Tiếng Tàu? Được, được.”
Xong nó xổ một hơi tiếng Tàu. Thanh ngoái ra sau tìm kiếm A Kiếu. Đâu đó có tiếng thằng nào phì cười.
A Kiếu chờ thằng cảnh sát nói dứt câu xong, tằng hắng lấy giọng và kê sát mặt nó, nói lớn. Thanh chỉ nghe được hai tiếng “Úc Châu,” phát âm giống hệt tiếng Việt, còn bao nhiêu gió thổi đi tuốt.
Câu chuyện không biết đã tới đâu, chỉ thấy thằng cảnh sát nói lại với giọng dịu hẳn, gương mặt nó có vẻ thông cảm ghê lắm. Thằng cảnh sát “giống như Tàu” hồi nãy đã nhẩy trở về ca nô, đổi lại một thằng khác da ngăm ngăm đen, mặc civil, cái mặt không có cảm tình mấy. Thanh lầm bầm:
“Mẹ, lại gặp mọi. Thằng này chắc làm khó làm dễ gì nữa đây!”
Thật! “Thằng mọi” đi thẳng vô cabine lục lạo một hồi, lúc trở ra, nó cầm theo hai bao thuốc lá Samith và Gold mà bọn Thanh đem theo từ Songkhla. Nó quăng mạnh xuống sàn ghe, hỏi lớn:
“Tụi mầy người Thái?”
Mẹ nó, nó nghĩ tụi mình là Thái Lan! Thanh đáp:
“Không, Việt Nam!”
“Không! Thái!” nó hét lên.
Rồi nó trở vô cabine. Thanh cúi đầu ngẩm nghĩ, thật khó mà diễn tả cho đúng được tình trạng của bọn anh và nhất là sự có mặt ở đây trong một tư thế khác hẳn tư thế của những người Việt tỵ nạn đã tới Singapore trước. Không khéo lại dính líu tới luật pháp! Tụi cảnh sát Thái Lan có thưa gởi gì với Liên Hiệp Quốc không?
“Thằng mọi” trở ra, lần này cầm theo hai ba cục pin mang nhãn hiệu “Con Ó” và hai óp nhang Từ Hương! Nó ngồi cạnh A Kiếu, nghe chuyện vẫn với cái bản mặt hầm hầm.
A Kiếu chắc đang diễn tả đời sống ở trại tỵ nạn Songkhla. Thanh thấy cô ta vừa nói vừa chỉ cái xà rông của thằng Giàu đang vận. Thanh khều A Kiếu:
“Nói cho nó biết ghe này của người Việt Nam tới trại bỏ dưới bến, mình lấy đi nghe A Kiếu.”
“Chỉ cho nó coi hầm nước đá,” thằng Chí xen vào. “Nước đá Việt Nam nhỏ, có bọng ở giữa, nước đá Thái Lan lớn hơn.”
“Tụi này làm chó gì mà biết được điều đó!” Thằng Triều xía vô một câu.
“Nó thấy chữ “Con Ó” là biết liền chớ gì mà nói. Chữ Thái Lan lăng quăng như con lãi chớ đâu được vậy!”
A Kiếu quay lại Thanh:
“Người cảnh sát nói với A Kiếu đó, là nước Tân Gia Ba không nhận người Việt Nam vô nữa. A Kiếu nói A Kiếu biết rồi, A Kiếu xin dầu nó, nó nói nó cho.”
“A Kiếu hỏi nó chừng nào cho?”
“Chiều lận. Nó nói đợi tàu đi tuần tới.”
“Nó hỏi mình ở đâu tới phải không?”
“Ờ. A Kiếu kể cho nó nghe mình bị cảnh sát Thái Lan đánh hoài, nên mình sợ, mình đi ấy ghe của người Việt mới tới trại, mình đi Úc Châu.”
“A Kiếu giỏi quá! Có nói với nó là mình tỵ nạn tụi Việt Cộng không?” Chí vừa cười vừa hỏi.
“Có chớ. A Kiếu nói Việt Cộng dữ hơn cảnh sát Thái Lan. Nó nói nó biết rồi.”
Vậy là phải bấp bênh ở đây chờ chiều mới có dầu. Thanh nghĩ tới mà nóng lòng ghê. Tuy vậy, anh an tâm vì không gặp rắc rối thêm nữa, ít nhất cũng hết ngày hôm nay.
Thằng Giàu lom khom kéo cái neo về be, quay lại ra ý hỏi “thằng mọi,” nhưng thằng này đâu phải là “cớm,” nó nói một hơi với thằng kia, thằng kia gật đầu, xong nó gật đầu với Giàu. Cái neo lộn ùm xuống, tiếng dội lạc lõng giữa biển nước. Trên ghe ai cũng im lặng, hai thằng cảnh sát cũng im lặng, bốn chiếc ca nô và cả VNKG 0042 cũng thôi không nổ máy nữa.
Mười giờ sáng. Mười giờ sáng trong eo biển nhỏ xíu này yên lặng thật. Mấy người cảnh sát Singapore đã trở về ca nô và đùa giỡn với nhau. Thỉnh thoảng Thanh nghe tiếng rè rè của máy liên lạc. Thanh lục lại lá thơ và lôi ra ghi thêm một hàng tái bút: “Gởi lúc 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 11 tháng 3 năm 1978 tại hải phận Singapore.” Anh đọc lại lá thơ gởi về trại Songkhla, cảm thấy một ít xót xa.
Hai mươi tám người chúng tôi nhớ hoài những ngày đã sống ở Songkhla. Ở đây, mất đi cái thú ‘chờ nghe tên mình có thơ,’ chúng tôi thấy mất mát nhiều lắm. Cái âu lo của chúng tôi, có lẽ cũng không khác gì cái âu lo của bà con ở trại, làm thế nào có được một cuộc sống kế tiếp mà trong đó, con người ta còn nghĩ rằng mình sống mà làm được những điều mình muốn.Thanh định thầm sẽ viết nhiều lá thơ liên tiếp, gặp bất cứ tàu nào cũng nhờ họ gởi. “Mình gởi thơ về trại, ai không có thân nhân chắc cũng cảm thấy được an ủi.”
Chúng tôi chỉ mong được tới Úc bình an. Gạo, hôm đi bà con cho đến nay sắp hết, không hiểu rồi mai có được thêm chút nào không chứ hiện tại, chỉ còn ước mơ và niềm tin. Tên Minh, người Quảng Ngãi, Công Giáo, nhưng đã nhận công việc thắp nhang van vái ơn trên mỗi buổi chiều, y cũng không quên câu ‘bình an dưới thế cho người thiện tâm.’ Ở đó, có dịp, bà con cũng cầu nguyện cho chúng tôi với…
Buổi sáng trời trong thật trong, chút nữa mặt trời lên cao hơn nữa sẽ nóng ghê lắm. Mười giờ mà ngước mặt lên nhìn trời đã muốn nhảy mũi. Sắp tháng ba ta rồi, ngày dài dần ra cho tới tháng bảy. “Tháng ba đàn bà đi biển,” gió “lồng trung” sắp đổi sang nồm thành ra cả vịnh Thái Lan biển êm láng. Thanh nghĩ vẩn vơ một hồi cũng đành nằm dài cố dỗ giấc ngủ. “Kệ nó, bây giờ nằm trong vịnh làm sao biết được bên kia đảo Sumatra gió thổi ra làm sao. Đàng nào mình cũng đi tới đó, vấn đề là có vượt qua được hay không thôi. Nghĩ hoài cũng mệt mệt!”
Anh nhỏm dậy nhìn ra hai bên. Bốn chiếc ca nô vẫn nằm im ở đấy, hiền từ nhưng không kém vẻ đe dọa. Đằng trước ba bốn thằng chụm đầu vào nhau đánh cờ tướng, thỉnh thoảng cãi cọ qua lại. Đàng sau, “cô thịt chó” thủ thỉ với A Kiếu chuyện gì đó, lâu lâu hai người phá lên cười. Một số rút xuống mấy cái hầm được chống nắp che bớt nắng. Đã bắt đầu nóng.
Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
Góc Bể Bên Trời (10)
Posted on 21/02/2013 by GBBT
VÕ HOÀNG
Chiều, khi người cảnh sát “giống như Tàu” mang cái mặt thịt còn ngái ngủ nhảy qua ghe thì bọn Thanh cũng vừa nhìn thấy bóng dáng một chiếc tuần dương hạm đang từ phía đông chạy qua. “Loại này giống như một trong số các chiếc LST của hải quân mình nhưng nhỏ hơn một chút.” Thanh nhìn thấy rất nhiều thủy thủ mặc áo quần màu cứt ngựa đi qua lại trên boong.
“Tụi nó vào nhiệm sở tác chiến. Cũng y như mình lúc trước.”
Thanh xúc động, nhớ về một khoảng đời đã qua. Nhớ những ngày lênh đênh với HQ 503 lừng lững ngự trị một vùng biển cả, với PGM 612 khiêm tốn nhưng không kém kiêu ngạo, với chiếc giang đỉnh bé xíu, xông xáo, ngang tàng trên những mảng lục bình ương ngạnh miền Tây. “Hồi đó, sống nổi trôi mà tâm hồn mình bình lặng ghê!”
Thanh khám phá ra mình có quá nhiều thay đổi trong ý nghĩ trước những hình ảnh xét ra không có gì thay đổi. Ở bến Bạch Đằng, ở Hải đội 4, ở trại Tây Kết hay ở Duyên đoàn 32 xung phong, nhìn thấy bóng dáng một con tàu lớn, lớn hơn thế này cũng không cảm thấy mình bé nhỏ đi chút nào, sao bây giờ xót xa quá, lạc lõng quá.
“Đối với biển, bây giờ mình đã là bọt nước thật rồi!”
Chiếc tuần dương hạm đứng hẳn lại, mọi thủ tục để neo một con tàu đã hoàn tất. Nó hụ còi, thằng giám lộ đã thôi phất cờ. Tiếng máy liên lạc lại rè rè.
Rồi “thằng mọi” lại nhảy qua ghe trong khi Chí, Văn và hai đứa nữa kéo neo trở lên theo lệnh thằng “giống như Tàu.” Thanh đề máy, anh biết mình phải cập vào tàu ở phía bên phải vì ở đó, những người thủy thủ Singapore đang lăng xăng chấp nối và kéo những ống cao su lớn bơm dầu.
“A Kiếu,” Thanh nói, “A Kiếu ra hỏi xem tụi nó cho mình bao nhiêu dầu. Nhỡ ít thì phải rán xin thêm cho đầy tất cả các thùng phuy mình đang trống.”
A Kiếu chui ra ngoài. Thanh lách mình tránh và trao vô lăng cho Triều. Anh kéo hộc tủ lôi ra mảnh giấy mà mấy ngày nay anh thỉnh thoảng ghi thêm vào đó những món đồ cần thiết phải xin cho được.
“Anh Thanh! Nó cho mình hai trăm lít dầu máy với mười kí lô đồ ăn. Hai trăm lít nhiều không?”
Thanh nhìn A Kiếu, lắc đầu. Hai trăm lít mà làm cái gì? Mười ký thực phẩm mà làm cái gì? Anh không đáp lời A Kiếu mà bước thẳng tới thằng cảnh sát.
“Mầy cho tao bao nhiêu?”
“Cái gì?” thằng cảnh sát hỏi lại.
“Mầy cho tao bao nhiêu dầu máy?”
Thằng cảnh sát giơ hai ngón tay:
“Hai trăm lít.”
Rồi nó nói thêm một hơi dài thoòng. Thanh nghe không kịp, chỉ biết nó phân trần rằng đây là quyết định ở bên chiếc tàu. Anh cố hỏi nó:
“Làm sao tao đi tới Djakarta?”
Thằng cảnh sát nhún vai, không đáp. Mà đáp làm sao được vì đi tới đâu là chuyện không phải của nó. Thanh thấy mình hỏi như vậy là vô lý, anh quay qua tìm A Kiếu.
“A Kiếu, rán nói với nó. À không, chút nữa cặp tàu rồi A Kiếu rán nói với tụi trên tàu cho mình đủ dầu để đi tới Djakarta vì mấy đảo dọc dọc theo đường mình đi không chắc có dầu đâu nghe. Nhớ là Djakarta, nghe!”
“Djakarta.” A Kiếu gật đầu.
Thằng Triều cặp tàu chính xác và vừa vặn đến độ thằng thủy thủ vừa quăng dây vừa la “good, good.”
Ống dầu được thòng xuống và truyền vô hầm máy. Đàng sau, A Kiếu phải leo lên nóc cabine nói chuyện với mấy người thủy thủ đứng trên tàu. Chí vỗ vai Thanh, nói nhỏ:
“Nó không cho thêm dầu, mình mua chắc nó bán à Thanh. Mình còn tiền mà.”
“Không được, ở cái thế này, mình không nên hỏi mua dầu nó. Nó không thể bán được lại còn ghét tụi mình nữa, mầy biết không? Xin, và làm thế nào để nó cho, nhiều thì nhờ, ít thì chịu. Hỏi mua là kẹt cả hai đàng.”
Chí im lặng, chắc nó đã đồng ý.
Thanh nhét mảnh giấy vào đầu cây sào nứt nẻ và đưa lên tàu, anh hét:
“Tụi bây cho tao cái này, tao cần nó.”
“May, thì tụi nó giúp được!” Thanh nghĩ thầm.
Thằng thủy thủ ngần ngừ ít giây, xong chộp mảnh giấy mở ra đọc. Một lát nó cúi người xuống:
“Hải bàn?”
“Phải,” Thanh đáp.
“Bản đồ?”
“Phải.”
“Pin đèn?” Nó chúm năm đầu ngón tay ra ni.
“Phải.”
“Dây điện? Đèn, đèn gì?”
“Đèn.”
Thanh không biết gọi đèn pha là gì. Đèn pha loại đi biển hay dùng đó mà. Nhưng để “đèn” không thì nó không biết đèn gì thật. Đèn để dành rọi khi vào cửa biển ban đêm, đèn để đánh morse khi gặp nạn, đèn để chớp, phải rồi, đèn chớp. Anh hét lên:
“Đèn chớp, đèn chớp.”
Thằng thủy thủ phì cười, nó gật gật đầu rồi quay đi. Thanh cố tìm xem thằng thuyền trưởng ở chỗ nào nhưng không tìm được. Đàng sau, A Kiếu nói chuyện chắc đến hồi gay cấn, sáu bảy thằng bu nhau lại nghe. Thanh leo lên nóc cabine xong, anh cúi người hỏi Văn:
“Bơm dầu chưa, Văn?”
“Chưa.”
“Ừ, khoan hãy bơm, để A Kiếu xin thêm.”
“Cái ‘cò bơm’ bên ghe mình mà.” Văn cười.
A Kiếu bỗng dưng cười rất dòn và quay lại nói với Thanh:
“Người ta hỏi mình đi bao nhiêu lâu mới tới đây. A Kiếu nói bốn ngày. Người ta cho là lâu.”
“Ờ, lâu. Bởi vì mình phải nghĩ đêm hơi nhiều.” Thanh nhắc A Kiếu:
“Còn dầu máy thì sao? Tụi nó có cho thêm không?”
“Chưa biết đâu, còn phải hỏi lại ông sếp.”
Cuối cùng thì “ông sếp” cũng đồng ý cho đầy tất cả các phuy trống trên ghe. Họ còn cho thêm rất nhiều thực phẩm hộp, thực phẩm tươi, thuốc lá. Những món cần thiết của Thanh kê khai không được thỏa mãn đầy đủ. Một hải đồ in năm 1946 bắt đầu từ khoảng vĩ tuyến 4 xuống tới đỉnh chóp của đảo Banka, như vậy cũng tạm ổn. Thanh định rằng mình sẽ chạy lọt vào kẻ giữa hai hòn đảo lớn nằm phía nam của Singapore và dùng đường trong, sát Sumatra, đi qua kinh Banka để từ đó đi Djakarta. Tuy nhiều đá ngầm nhưng sóng nhỏ hơn nhiều. Hồi này trời có trăng lúc đầu hôm, tới trăng lặn thì nghĩ dưỡng máy vài tiếng, chờ đêm thật tối thì chạy tiếp. Đá ngầm mà cách mặt nước trên dưới một thước rưỡi cũng có thể thấy được ngời sóng, chạy an toàn hơn. “Ra khơi, biết đâu được gió mùa ở miền này thay đổi như thế nào!”
16H10, 13-3-1978. Thanh cho máy nổ. Những cái vẫy tay buồn tủi có dịp lặp lại. Thanh kéo hộc tủ cất vào đó tờ giấy có ghi địa chỉ người thuyền trưởng tàu Hải Quân Singapore. “Khi nào tới Úc Đại Lợi, mầy nhớ biên thơ cho tao hay, tao mừng nghe tin mầy còn sống!”
Bọn Thanh đổi dần xuống hướng 170 thì bị tàu bắn. Chúng bắn rất nhiều loạt ở phía bên phải ghe, để chận đầu chiếc ghe đang quày xuống. Triều la lớn:
“Đ. má, tụi nó bắn. Sao vậy Thanh?”
“Tụi nó không cho đi xuống. Kỳ vậy!”
Thanh lấy lái lại, 130-120 rồi 90. Đàng sau cách khoảng độ 300 thước, chiếc tàu im lặng đuổi theo sau. “Mẹ nó, sao không cho đi xuống!” Thanh cố quay lái về phải thêm lần nữa. Lại bị bắn, lần này dảy nước trắng xóa văng tung lên như một hàng rào bao che hết tầm nhìn của bọn anh về hướng nam. Tụi nó chơi đại liên 50.
“Không cho đi xuống thì đi lên! Mẹ mầy, đi ra ngoài khơi làm cái đ. gì ở ngoải!”
Thanh quay về trái. Lúc này ghe đã lọt ra ngoài vịnh Singapore. Hướng này là hướng chạy ngược về Thái Lan. “Chờ cho tụi nó bỏ mình thì lại đi xuống, mấy hồi.”
Nhưng Hải quân Singapore không cho đi lên, cũng không cho đi xuống. Chúng bắn dọc theo hai bên ghe. Bây giờ thì chỉ còn đi thẳng về hướng đông.
Về hướng đông để làm gì thì Thanh không đoán ra được, nhưng chắc chắn là từ lúc này tới tám giờ tối, bọn anh đã ra hải phận quốc tế.
“Kệ mẹ nó, phí chút dầu ra tới đó sẽ đi xuống sau. Nhưng phải ghi hướng cho đúng.”
Thanh nói với Triều:
“Mầy lái đi Triều, hướng 90. Kệ! Tới tối lọt ra ngoài, mình chạy lằn khơi. Giữ đúng hướng nghe. Tao đi coi sơ lại các thứ, đêm nay chạy chỗ lạ rồi đó.”
Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng, Nhân Văn xuất bản 1983.
No comments:
Post a Comment