Wednesday, January 22, 2014

VIỆT NAM MÁU LỬA IX

PHỤ LỤC
Vì lý do đặc biệt, quyển sách này đã không thể ra mắt độc giả trong những ngày đầu Xuân.
Lợi dụng khuyết điểm về thời gian tính ấy, chúng tôi thêm bản Phụ Lục về biến chuyển trong mùa Xuân 1954. 
Mùa Xuân 1954 một mùa Xuân chuyển hướng ở Việt Nam kể về hai phương diện: Quân Sự và Chính Trị.
QUÂN SỰ
Ngày 20 tháng Giêng 1954, Liên Quân Việt-Pháp mở một cuộc hành binh rộng tại miền Trung: Hành binh Atlante.
Khu vực Atlante rộng chừng 25.900 cây số vuông, dân số trên 3 triệu, là một căn cứ địa chiến lược của Việt Minh (Liên Khu 5). Từ 8 năm nay, cội rễ cộng sản đã sâu xa chằng chịt tại vùng mầu mỡ yên tĩnh này. Việt Minh khai thác nhân công, mộ quân, mở trường huấn luyện binh sĩ, sử dụng sẵn sàng con đường xe lửa, và lấy gạo, lấy muối, lấy cá. Vùng chiến lược ấy là một dịp cầu để bộ đội Võ nguyên Giáp sẽ tràn vào uy hiếp miền Nam, Cao Mên, Cao Nguyên Darlac.
Cuộc hành binh Atlante chia làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn Aréthuse từ 20.1.54 đến 3.3.54. Mục đích chiếm đóng khu vực Phú Yên. Sau khi đổ bộ từ Faifoo đến Cấp Varella (20.1.54) và Tuy Hòa, Liên Quân Việt-Pháp thanh toán Cánh Đồng My. Chiếm được La Hai (23.2.54), xâm nhập sông Cầu, Tỉnh lỵ của cả miền Phú Yên trù phú (3.3.54), 6.000 cây số vuông thu hồi trong 6 tuần lễ tiến binh, Liên Quân bước sang giai đoạn thứ hai của trận đánh.
- Giai đoạn Axelle, mở ngày 13.3.54, mục đích chiếm đóng khu vực Bình Định. Hợp với sự hoạt động của những đơn vị mới, đoàn chiến thắng Aréthuse tiến chiếm Đèo Cù Mông, uy hiếp đồng bằng sông Giao và kiểm soát Quy Nhơn Cảng, một bờ biển có chiều sâu trên 6 thước rất tiện cho hải quân nhẹ.
Đồng thời gian với cuộc hành binh Atlante, Liên Quân đã chiếm lại Thị Trấn Thakhek (23.1.54), và cố gắng mở được nhiều cuộc tảo thanh thắng lợi.
- Trận Anjou, ngày 20.1.54, vùng An Sơn, Nam Việt.
- Trận Roussillon, trận Ariége, ngày 23, 25,1,54, vùng Chợ Mọi, Đồng Nai, Nam Việt.
- Trận Champagne, ngày 25.1.54, vùng Bến Tre, Hiệp Hòa, Nam Việt.
Nhưng, mùa Xuân 1954, quân đội Việt Minh cũng đã tỏ ra nắm chắc quyền chủ động chiến trường. Ai cũng phải công nhận là họ mạnh và họ đã tận dụng sức mạnh của họ.
- Bộ đội Liên Khu 3 uy hiếp Giám Khẩu (địa phận Ninh Bình) ngày 21.1.54 khiến cho pháo đội giang thuyền của Liên Quân Việt-Pháp phải khó khăn mới chiếm lại được.
- Cũng ngày 21, bộ đội Việt Minh uy hiếp Quốc Lộ số 9 rất dữ dội, xâm phạm Mường Pha Lan và Mường Phín.
- Sư đoàn 325 tiến binh lên Kontum-Pleiku ngày 28.1.54, khiến cho Thành Phố Kontum phải tản cư triệt để…
Rồi Đồ Sơn, Gia Lâm, Cát Bí lần lượt bị cảm tử quân Việt Minh xâm nhập đốt phá.
- Giao thông chiến phát triển trên trục Hải Phòng-Hà Nội, trục Hà Nội-Nam Định. Bằng chiến thuật hành binh giữa ban ngày, Việt Minh hoạt động liên tục trên Quốc Lộ số 5. Với khẩu hiệu thi đua bền bỉ, Việt Minh chôn mìn la liệt trên Quốc Lộ số 1, số 2.
Tất cả những trận trên đều chứa đựng nhiều tác dụng chính trị và tâm lý nhưng thật ra cũng chưa phải là những trận ghê gớm.
Cuộc tấn công dữ dội nhất trong đầu năm 1954 của quân đội Việt Minh là trận Điện Biên Phủ đã dần dần bị thu hẹp lại dưới pháo lực của quân đội Việt Minh.
Có người đã ví kịch chiến ở Điện Biên Phủ dữ dội như ở Verdun, Stalingrad. Chúng ta cũng nên tìm hiểu qua chút ít vùng lòng chảo với đường kính trên dưới 8 cây số ấy đã chôn hàng ngàn binh sĩ đôi bên, đã làm xôn xao thế giới.
Điện Biên Phủ là nơi đất đai yêu dấu của dân tộc thiểu số người Thái ở Tỉnh Lai Châu. Họ tin tưởng rằng lòng chảo Điện Biên Phủ là nơi ngự của tổ tiên: Khoum Borom, do trời sai xuống trị vì từ thế kỷ thứ 13.
Qua những bổng trầm thế sự, họ Đèo được bổ nhiệm (Đèo Văn Tri) cai trị Thị Trấn Điện Biên Phủ, Thị Trấn Lai Châu, Thị Trấn Tuần Giáo…(1910-1940).
Năm 1945, Đèo Văn Long (con Đèo Văn Tri) phụ trách Liên Bang Thái do Pháp thành lập và đến 1950, Quốc Trưởng Bảo Đại thu hồi Liên Bang Thái thành đất của Hoàng Triều Cương Thổ.
Về phương diện kinh tế và địa dư, Điện Biên Phủ là một vùng lòng chảo xung quanh có núi rừng trùng điệp, có ngọn cao tới 2.500 thước. Một Thị Trấn sầm uất, buôn bán của hàng đám nghìn dân cư, tiếp tế cho một vùng làng mạc bao la rộng rãi.
Về phương diện chính trị, Điện Biên Phủ là một Thị Trấn tượng trưng cho người Thái Quốc Gia những người Thái sống dưới chế độ Hoàng Triều Cương Thổ sau khi Thị Trấn Sơn La và Lai Châu bị mất.
Về phương diện quân sự, Điện Biên Phủ án ngữ biên thùy, chỉ có một đèo độc nhất dễ dàng thông qua địa phận Lào: Đèo Tây Chang. Còn ngoài ra chỉ có những nẻo đường mòn mất hút trong núi rừng rậm rạp.
Liên Quân Việt-Pháp thiết lập pháo lũy Điện Biên Phủ với hai tính chất: Thế thủ trong hiện tại và thế công trong tương lai.
Trước tháng Chạp 1953, Điện Biên Phủ còn là Thị Trấn ngoan lành yên ấm. Các vẻ đẹp của núi rừng luôn luôn cười vui dưới dáng cây xanh, sưởi ấm trong những lều tre dệt. Nào bưởi, nào cam, nào mơ, nào mận chi chít những cây nở hoa buông trái, nhưng, cũng ngay cuối năm 1953 Đại Tướng Tổng Tư Lệnh Navarre đã nhấn mạnh rằng: ‘’Sẽ có một trận Điện Biên Phủ, một trận vô cùng khốc liệt’’.
Lời tiên đoán trên đã khiến Điện Biên Phủ êm đẹp phải biến hình. Từ đầu Xuân 1954, không nếp tranh, cây cỏ nào còn tồn tại trên giải đất rộng mênh mông. Cây cối um tùm đã nhường chỗ cho những hàng cọc sắt chằng giây thép gai sắc nhọn. Từng thửa đất sới lên, hàng tạ mìn chôn xuống. Những con đường mới ngoằn nghèo, nào hầm Tham Mưu, nào ụ súng tua tủa, đồn ải chằng chịt, lố nhố. Điện Biên Phủ mùa Xuân năm 1954 mọc lên hàng dàn đại bác ngoại hạng. Những xe tăng cỡ lớn cũng được thả dù xuống pháo lũy. Trên sân bay thẳng tắp giữa cảnh hùng vĩ núi non có hàng dàn Brissol Curtiss Stratoliner C, 119…
Cách căn cứ Bạch Mai 292 cây số, pháo lũy Điện Biên Phủ thường nhật vẫn tiếp nhận hàng tấn lương thực đạn dược, thuốc men, hàng ngàn quân binh thiện chiến…
Ngày 31 tháng Giêng 1954, sư đoàn Thép 308 bỗng dưng rời bỏ hệ thống bao vây pháo lũy, tiến binh vũ bão xuống miền Luang Orabang. Hành động đột biến ấy đã làm cho các lực lượng Pháp-Lào đồn trú ở miền Bắc Luang Prabang phải lui ở Mường Sài và Kinh Đô Lào.
Người ta đã ngờ rằng Việt Minh lại đánh xứ Lào và Việt Minh đã trùn bước trước Điện Biên Phủ quá rắn chắc…
Sau khi nghỉ quân ở thung lũng Nậm Bách (tên một nhánh sông chảy vào Mékong) sư đoàn 308 lại quay ngược lại Điện Biên Phủ.
Đó là một chiến thuật thực ra có ba tác dụng:
- Đánh lạc hướng Bộ Tham Mưu Liên Quân Việt-Pháp.
- Xua đuổi quân đội Pháp-Lào đồn trú sau lưng vòng vậy Điện Biên Phủ.
- Nghỉ quân.
Quân đội Việt Minh đã tỏ ra muốn thật ăn chắc trong trận đánh.
Ngày 13.3.54, thế giới nhận được tin Điện Biên Phủ bị tấn công, tấn công như vũ bão, bằng các loạt đại bác mà từ xưa Liên Quân chưa từng thấy diễn ra trên chiến trường Đông Dương, bằng các đợt xung phong tràn ngập mà xác phủ kín hàng rào giây thép…
Lần đầu tiên ở Đông Dương, trong phạm vi một khu đất rộng 140 cây số vuông, binh sĩ Pháp-Việt phải chịu đựng ngày đêm hàng ngàn trái phá của những dàn đại bác đối phương quanh sườn núi tưới xuống.
Lần đầu tiên, tất cả những phi cơ Pháp bay trên chiến địa đã làm mồi cho hàng ngàn trái phá từ sườn núi tia lên.
Trận Điện Biên Phủ có hàng vạn quân binh tham chiến ngày đêm, kinh khủng đến mức nào ?
Để nhận được tầm quan trọng và mức độ hy sinh của các chiến binh chống giữ Điện Biên Phủ, chúng ta chỉ cần tìm xem phản ứng của thế giới bên ngoài:
- Điện văn ủy lạo các chiến sĩ Điện Biên Phủ của Sir John Harding, Tham Mưu Trưởng Hoàng Quân Anh-cát-lợi, của Jean Bloch, Chủ Tịch Hiệp Hội Quốc Gia Sĩ Quan Bỉ, của Mirambeau, Đại Diện Hội Cựu Binh Sĩ CEFEO, của Rebourset, Đại Diện Hội Liên Hiệp Sĩ Quan Đồng Minh Trừ Bị, của Sir Winston Churchill, của Tổng Thống Eisenhower…
- Việc thăng cấp cho Đại Tá De Castries, Tư Lệnh Liên Quân chống đỡ Điện Biên Phủ, bằng cách thả dù lon Thiếu Tướng.
- Việc tranh luận tại Nghị Viện Hoa Kỳ về việc can thiệp vào chiến cuộc Đông Dương.
- Việc gửi hai trăm chuyên viên Mỹ sang Đông Dương.
- Việc thiếp lập cầu hàng không Pháp-Việt, một chiếc cầu dài nhất trong lịch sử chiến tranh, để tiếp vận Liên Quân Việt-Pháp ở Đông Dương, có những Tướng Tá tên tuổi của Mỹ phục vụ như: William Tunner, người đã từng điều khiển cầu hàng không Ấn Độ, Trung Hoa qua Hy Mã Lạp Sơn trong thời kỳ Đại Chiến Lần Thứ Hai và hiện nay đang chỉ huy toàn thể không lực Đồng Minh ở Âu Châu, Đại Tá Lucien Powell người chỉ huy căn cứ Reistein, một căn cứ không quân của sư đoàn không quân 332, Đại Tá Fred Bound, Ame Van Pelt v.v…
- Việc đình chỉ một phần lớn công tác du hành vận tải Nhật Bản-Cao Ly để có thể rồi ra một số Flying Box cars, Globe Masters, sử dụng trong việc tiếp tế cho Việt Nam.
- Việc gửi cấp tốc những phi cơ Corsairs khu trục của Hoa Kỳ sang Việt Nam.
- Việc quyết định đề bạt Tướng Van Fleet, nguyên Tổng Tư Lệnh Đệ Bát Lộ Quân ở Cao Ly chức vụ Đại Diện đặc biệt của Tổng Thống Hoa Kỳ để nghiên cứu việc quân sự theo chiến lược mới trong Thái Bình Dương (nhấn mạnh vùng Đông Nam Á).
Chiến trường Điện Biên Phủ đang làm xôn xao thế giới dân chủ, tiếng súng tấn công đã tái diễn. 
CHÍNH TRỊ
Tất cả mọi người đều mong muốn có hòa bình nhưng hòa bình ở Việt Nam không phải là một chuyện giản dị. Vì quyền lợi chính trị, kinh tế, hay tinh thần, nhiều nước và nhiều vùng trên thế giới đã phải bận tâm đến cục diện Việt Nam.
Thật vinh dự cho người Việt Nam khi nhận xét thấy đời sống chính trị của mình tương đối quyết định hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp đến sự sống còn của một số các dân tộc văn minh, một số các tiểu nhược quốc…
Và cũng là một điều đại bất hạnh cho người Việt Nam khi nhận xét thấy bản thân mình đang làm mồi cho súng đạn mà riêng quyền chủ động hoàn toàn chưa hề có.
Vấn đề Việt Nam đã nổi bật trên trường chính trị quốc tế.
Ở Hội Nghị Tứ Cường ngày 26 tháng Giêng 1954 họp ở Berlin (Đức), Ngoại Trưởng Pháp (Bidault) đã cố gắng tiếp xúc riêng biệt nhiều lần với Ngoại Trưởng Nga (Molotov). Buổi tiếp xúc đầu tiên (26.1.54) gồm có các ông Molotov, Bidault, Joxe Đại Sứ Pháp ở Moscou về Laloy chuyên viên về các vấn đề Sô Viết, với kết quả, một câu nói của ông Molotov: ‘’Nếu tôi thực hiện ngừng chiến ở Đông Dương ông (Bidault) liệu có bỏ Khối Cộng Đồng Phòng Thủ Âu Châu không ?’’
Buổi tiếp xúc quan trọng (5.2.54) gồm có Vinogrodov, Đại Sứ Nga ở Ba Lê, Hyircheff, Đại Diện của Ông Molotov, cựu Sứ Thần ở Ba Lê, về phía Pháp có James Baeyens, Giám Đốc Thông Tin, đại diện của ông Bidault, Falaise và Gros…đã họp bàn bí mật về vấn đề Đông Dương.
Ngoài những buổi tiếp xúc riêng biệt nói trên, Hội Nghị Tứ Cường cũng bàn đến vấn đề Đông Dương trong một phiên họp kín.
Kết quả của những buổi tiếp xúc đã tóm tắt trong lời tổng kết của Ngoại Trưởng Pháp. Công việc đã tiến được vài ly…
Sau khi cuộc Hội Nghị Đà Lạt (21.2.54) bế mạc (Quốc Trưởng Bảo Đại, Thủ Tướng Bửu Lộc. Harold Stassen, Tổng Giám Đốc Viện Trợ Kinh Tế Mỹ. Donald Heath, Đại Sứ Mỹ. Pleven, Tổng Trưởng Quốc Phòng Pháp. De Chevigné Bộ Trưởng Chiến Tranh Pháp. Mac Donald, Tổng Ủy Viên Anh ở Viễn Đông). Tổng Trưởng Pleven về Pháp và nhấn mạnh:
Tình hình Đông Dương bị chi phối bởi yếu tố quan trọng:
- Sự khẩn trương của tình hình quân sự.
- Cuộc thương thuyết Việt-Pháp ở Ba Lê.
- Hội Nghị Genève.
Yếu tố thứ nhất chúng ta đã rõ, đó là cuộc hành binh Atlante, đó là trận Kontum, đó là những vụ đốt phá phi trường, những trận giao thông chiến trên các Quốc Lộ miền Bắc Việt Nam, và sau hết là cuộc tấn công dữ dội ở Điện Biên Phủ.
Yếu tố thứ hai, cuộc thương thuyết ở Ba lê mở từ ngày 9.3.54 giữa hai phái đoàn.
Việt Nam:
  • Bửu Lộc: Trưởng Đoàn.
  • Nguyễn Trung Vinh: Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Canh Nông.
  • Nguyễn Quốc Định: Tổng Trưởng Ngoại Giao
  • Nguyễn Đắc Khê: Tổng Trưởng Bộ Dân Chủ Hóa.
  • Phan Huy Quát: Tổng Trưởng Quốc Phòng.
  • Vũ Quốc Thúc: Tổng Trưởng Giáo Dục.
  • Dương Tấn Tài: Tổng Trưởng Tái Chính.
  • Nguyễn Văn Đạm: Tổng Trưởng Tư Pháp.
  • Lê Quang Huy: Tổng Trưởng Công Chính.
  • Nguyễn Văn Ty: Tổng Trưởng Kinh Tế.
  • Và một số Cố Vấn chính trị như:
    • Vũ Văn Huyên,
    • Lê Quang Luật,
    • Phạm Hòe,
    • Nguyễn Văn Kiểu,
    • Trương Văn Trinh v.v…
Ngày 8 tháng 3 tại phòng khách của Bộ Ngoại Giao Pháp, hai vị Trưởng Phái Đoàn khai mạc bằng những bài diễn văn như sau:
Pháp:
‘’…Về phần chúng tôi bao giờ chúng tôi cũng mong ước rằng những cuộc đàm phán này được diễn ra trong thời hạn ngắn nhất. Chúng tôi lại càng sung sướng hơn khi được tiếp các Ngài hôm nay. Nay chúng ta, các Ngài và chúng tôi đây, phải sửa soạn cho một thỏa ước Pháp-Việt.
Nền độc lập của Việt Nam không còn là vấn đề nữa.
Sự đồng quan điểm của ta phải phát khởi những công việc của chúng ta, chúng ta phải trình bầy một cách thành thật và đầy đủ những quyền lợi riêng của hai nước để mà điều hợp chung một cách tốt đẹp hơn.
Mở đầu hội nghị này với một tinh thần hiểu biết lẫn nhau, như vậy thì tôi chắc rằng chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra những giải pháp khả quan cho các vấn đề hiện có’’.
(Phái đoàn Pháp gồm có: Trưởng đoàn Laniel, Paul Reynaud, Bidault, Pleven Marc Jacquet, Maurice Dejean và một số các chuyên viên).
Diễn văn của Trưởng Đoàn Việt Nam:
‘’Đối với Việt Nam, tự do của nó có nghĩa là, trong sự hòa hợp của các quốc gia nó phải trở thành một quốc gia hoàn toàn độc lập và có chủ quyền. Thật ra không phải chỉ ngày hôm nay đây hai nước chúng ta mới thỏa thuận về chính sách đo cho nền độc lập của Việt Nam.
Đã từ lâu nước Pháp kiên quyết trong lý tưởng cổ truyền của nó mà Việt Nam trong các nguyện vọng sâu sắc nhất của nó đã chấp thuận nguyên tắc này và đã đi theo đường lối của nguyên tắc đó.
Trong giờ phút hiện tại, chúng tôi cần phải vượt qua được giai đoạn cuối cùng để tuân theo lệ thiên nhiên về sự tiến triển của vạn vật.
Giai đoạn cuối cùng này, chúng tôi phải quyết tâm vượt qua nó nhiều hơn là chúng tôi biết sẽ gặp trên địa hạt này, sự thỏa thuận đầy đủ của Pháp hôm 3.7.53 yêu cầu chúng ta cùng Pháp hoàn thành nền Độc Lập của chúng ta.
Chính vì thế mà với một thiệt chí hoàn bị, phái đoàn Việt Nam đang sẵn sàng cùng các ngài nghiên cứu những thể thức tổ chức sự liên hiếp giữa hai dân tộc.
Nền Độc Lập hoàn toàn của Việt Nam là một sự hợp tác căn bản và phong phú giữa hai nước chúng ta, là tất cả những đề thuyết chủ chốt của đường lối chính trị của chúng tôi.
Chúng tôi nhận thấy cần phải nhắc lại những điều đó ngay khi mới bước đến ngưỡng cửa của các điều đình của chúng ta. Dân tộc Việt Nam hãy tin chắc rằng được phát triển trong sự thực một cách mênh bạo và hoàn hảo các đề thuyết đó sẽ có thể đặt một trong khối quyết định trên cán cân lịch sử và có thể thúc đẩy nhanh chóng được hòa bình trở lại’’.
Qua một thời gian thương thuyết bổng trầm, nào xa lập trường của nhau, nào hoãn họp, nào xét lại hiến pháp v.v…phái đoàn Việt Nam đã có dịp đón tiếp Quốc Gia Bảo Đại ngày 13.4.54 từ nước nhà bay sang ‘’để được thấy nền Độc Lập Việt Nam và vị trí Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp thực hiện bằng một hiệp ước.
Sau một thời gian (8.3.54-23.4.54) người ta đã được biết Việt-Pháp đã thỏa thuận về nguyên tắc liên kết trong Liên Hiệp Pháp, nguyên tắc về Độc Lập của Việt Nam. Người ta được biết Thượng Hội Đồng Liên Hiệp Pháp rồi sẽ được biến thành một Hội Đồng Liên Chính Phủ…
Sau một thời gian họp hoãn họp…Việt-Pháp đã thỏa thuận, trên nguyên tắc, hai vấn đề căn bản:
- Nền Độc Lập của Việt Nam, độc lập thật sự.
- Sự liên kết với nước Pháp, bình đẳng.
Hai bên thỏa thuận ký một Bản Tuyên Ngôn chung. Một Bản Tuyên Ngôn! Nghĩa là chưa có quy ước ấn định những thể thức điều hành. (Một sự trừu tượng, tuyên ngôn chung, nằm trong sự trừu tượng, quy ước ấn định).
Ngót hai tháng trời thương thuyết, mọi đối tượng gián tiếp và trực tiếp của cuộc đàm phán về phương diện thời cuộc cũng như về phương diện thái độ đã làm nẩy ra một Bản Thông Cáo quan trọng của Văn Phòng Quốc Trưởng Việt Nam:
‘’Trong khi kết liễu giai đoạn đầu của những cuộc thương thuyết Việt-Pháp được nối tiếp lại từ gần hai tháng nay, và trong khi mà Hội Nghị quốc tế sẽ khai mạc ở Genève, Văn Phòng Đức Bảo Đại, Quốc Trưởng Quốc Gia Việt Nam cho rằng cần phải tỏ ra một cách rõ ràng lập trường của Ngài về những vấn đề liên quan đến Việt Nam cũng như đến cả Pháp và toàn thể thế giới.
1.- Ý nghĩ đầu tiên của Việt Nam trong những tình trạng hiện thời hướng về những vị anh dũng chống giữ Điện Biên Phủ. Nếu thực rằng quân đội Pháp có được một sự vẻ vang mới trong trận đánh khó khăn và chênh lệch, thì người ta không thể quên rằng những binh sĩ Việt Nam đã cung cấp một tỷ lệ về lực lượng rất quan trọng mà từ đây sự chống giữ anh dũng sẽ là lịch sử.
Cũng vì họ đã liên kết trong danh vọng cũng như trong tan tóc của sự chiến đấu, nước Việt Nam và nước Pháp phải tự cảm thấy liên kết trong đời chính trị.
Tuy nhiên, những cuộc đàm phán Pháp-Việt do Bản Tuyên Cáo 3.7.53 khơi mào và được thực sự bắt đầu mở ra từ 8 tháng 3 nay vẫn chưa có thể đưa tới việc ký kết những hiệp ước dành nền độc lập cho Việt Nam và ấn định những thể thức về một cuộc hợp tác bình đẳng và tự ý với Pháp.
Đến nay chưa thấy có cái mầm bất dồn quan trọng nào.
Nước Pháp đã nhiều lần tuyên bố thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, Việt Nam tỏ ý chí một cách minh bạch vẫn muốn liên kết với Pháp trong khuôn khổ một khối được thành lập một cách tự do giữa các quốc gia có thẩm quyền. Hai nguyên tắc chính đó đã được cả đôi bên chấp thuận thì từ lúc đó phải không thể nào còn có sự khó khăn nữa.
Việt Nam ý thức rõ ràng rằng đã không hành động trì hoãn một giải pháp mà hình như bắt buộc phải có trước Hội Nghị Genève.
2.- Rốt cuộc chính phủ Việt Nam đã quyết định không kết thúc giai đoạn đàm phán này bằng việc ký kết hai hiệp ước về độc lập và liên kết sau khi đã thực hiện được một sự thỏa thuận về việc này. Thật vậy, về vài phương diện, Việt Nam và nền độc lập của mình như một nước tự do liên kết đã được bảo đảm một cách đầy đủ trong những điều kiện phù hợp với những nguyên tắc đã được tuyên bố:
Về sự thống nhất, người ta được biết rằng nhiều chương trình đã được thảo ra trong đó hình như có sự phân chia nước Việt Nam. Nhưng giai pháp đó có thể có vài sự bất lợi và những nguy hiểm lớn cho tương lai. Có thể nó sẽ là một sự thách thức đối với lòng yêu nước của Việt Nam. Lòng yêu nước này đã được phát hiện một cách mạnh mẽ cả cho sự thống nhất lẫn nền độc lập của xứ ta, Quốc Trưởng và chính phủ quốc gia đều không chấp nhận được việc nền thống nhất quốc gia có thể bị phá vỡ. Nếu những người thân Hồ chí Minh từng bị lôi cuốn trong một cuộc chiến đấu bất lợi dưới cái cớ thống nhất và độc lập cho xứ sở không phải phục tòng hoàn toàn thì có lẽ họ sẽ khởi nghĩa chống chúng tôi trước sự bất thần về một cuộc phân chia nước Việt Nam do các cường quốc đề nghị.
Hẳn rằng hiện thời những người khuynh Hồ chí Minh có lường chăng lầm lỗi của họ và họ có tự giác chăng rằng lòng yêu nước của họ thường thường không chỗi cãi được đã bị lợi dụng cho những ý định thực dân, là những nỗ lực của họ đã quay chống lại những mục đích của họ như thế nào chăng.
Về việc liên quan với nền độc lập và sự bình đẳng của nước đó trong sự liên kết với Pháp, nước Việt Nam sẽ có thể mong rằng nguyên tắc của một chính sách tổng quát khởi thảo chung phải được hoàn toàn tôn trọng trong thực tế.
Trước sự nghiêm trọng của những tình trạng hiện thời, sự liên kết giữa Pháp và Việt Nam phải được diễn tả, không phải bằng lời nói hay bằng những thể thức luật pháp, nhưng bằng một sự thống nhất hành động hoàn toàn trong thực tế.
Người ta không thể chấp nhận sự tình cờ đưa đến những cuộc thương thuyết do đó nước Pháp, (thật là trái với nguyên tắc của Khối Liên Hiệp Pháp mà nước Pháp đòi hỏi) có lẽ sẽ điều đình với đối phương của Quốc Gia Việt Nam hay với những cường quốc thù nghịch với Quốc Gia Việt Nam, bằng các bỏ rơi, hay hơn nữa, hy sinh những nước liên minh với Pháp.
Trong những ý kiến đó Đức Quốc Trưởng Bảo Đại hôm 2.4.54 đã gởi cho Tổng Thống Retté Coty Chủ Tịch Khối Liên Hiệp Pháp một bức thư trong đó ngài yêu cầu triệu tập ngay tức thì ủy ban thường trực của Thượng Hội Đồng phù hợp với một quyết nghị đã được chọn với sự thỏa thuận chính phủ Pháp. Chính phủ Pháp được hỏi ý kiến, định rằng không trả lời lá thư yêu cầu đó.
Hẳn rằng trong cuộc hội họp của Ủy Ban Thường Trực của Thượng Hội Đồng ngày 25.2.54 Ngoại Trưởng Pháp có tuyên bố rằng không một đề nghị nào sẽ có thể được chính phủ quy định, về việc gì liên quan tới những vấn đề Đông Dương không có sự thỏa thuận rõ ràng với các Quốc Gia Liên Kết.
Việt Nam không muốn hoài nghi rằng lời hứa đó không được chính phủ Pháp giữ một cách chân thành nhưng Việt Nam cho rằng trong khi tiết lộ sự xác nhận giây liên lạc đó và Pháp trong việc nghiên cứu tỷ mỉ những vấn đề được đặt ra ở hội nghị Genève, có lẽ hai quốc gia không củng cố cái thế lẫn cho nhau mà còn củng cố cả cái thế của thế giới tự do trong toàn thể.
(Thế những cũng phải nhận rằng một phiên họp nhóm chiều hôm thứ bảy tại Bộ Ngoại Giao Pháp đã cho phép Ngoại Trưởng Pháp cho các đại diện các Quốc Gia Liên Kết biết những dự định của phái đoàn Pháp tại Hội Nghị Genève)
Dù sao, cả Quốc Trưởng lẫn chính phủ Việt Nam đều sẽ không coi như là bị ràng buộc những quyết định có thể phương hại trái với độc lập và thống nhất xứ xở, nhất là khi nó lại phần thưởng cho quân xâm lăng. Như vậy sẽ trái với những nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hiệp Pháp và trái với lý tưởng dân chủ.
Không cần phân tách tỷ mỉ lắm, chúng ta cũng ước lượng được một sự thật: Âm mưu chia xẻ nước Việt Nam.
Những ai đã có sáng kiến phủ phàng như vậy ? Nga ? Mỹ ? Anh ? hay Pháp ?
Chúng ta hãy tin biết sự việc bất lợi cho tinh thần dân tộc Việt.
Những người Việt Nam chân chính không ai có thể công nhận được những quyết định phương hại đến quyền lợi Quốc Gia Dân Tộc.
Đọc Bản Thông Cáo của Văn Phòng Quốc Trưởng chúng ta thấy ẩn náu một khía cạnh ngậm ngùi nhất sự yếu thế hiện tại của phe Quốc Gia Việt Nam, một sự yếu thế do chính những người Việt Nam Quốc Gia (vô tình hay hữu ý) đã nhào nặn.
Thử lại tất cả những hành động của phần lớn những người Quốc Gia ‘’mạnh’’, những người Quốc Gia có tinh thần, có lực lượng thực sự nào tổ chức chính trị, nào tổ chức quân sự, nào tổ chức đoàn kết, nào hô hào bầu bán ầm ỹ, rầm rộ nhưng kỳ chung trong thâm tâm, mỗi cá nhân chuẩn bị một thế, mỗi nhóm, mỗi phe chuẩn bị một thế. Chưa có thống nhất thực sự chưa có hành động thực sự bởi vì chưa có tư tưởng thống nhất đứng đánh và lành mạnh. Nếu những người quốc gia đã biết bỏ quyền lợi tây riêng nhỏ bé của mình, đã biết rõ thái độ hiểu biết, đã biết hòa hoãn trong tích cực, bớt kiêu ngạo…thì Quốc Trưởng Việt Nam đã có một hận thuẫn sạch, ngay ngắn không khập khiễng. Hậu thuẫn ấy sẽ giúp Quốc Trưởng và có thể tạo cho lãnh tụ của chúng ta ưu thế trện đường tranh đấu, gìn giữ và phát triển chính nghĩa quốc gia. Ưu thế đó tất nhiên phải đề cao cá nhân Quốc Trưởng nhưng, như vậy có nghĩa là đề cao Quốc Gia Việt Nam, đề cao chính chúng ta, như tất cả những người Việt Nam Quốc Gia hiện tại. Trên thực tế, ở nơi chúng ta có một hiện tượng tố cáo một sự trái ngược lạ kỳ các sự kiện của lịch sử tiến theo một đường, tinh thần hoạt động của lịch sử tiến theo một đường, tinh thần hoạt động của những lực lượng tượng trung chủ nghĩa quốc gia đi một nẻo. Nói như vậy không phải là những người quốc gia không hoạt động hay kém hoạt động. Chính thực ra đã hoạt động nhiều lắm. Đã có tốn sức tốn hơi nhưng tất cả chúng ta vô tình như đã có chủ tâm xây nhà không nền móng.
Nhất định không chịu xây nền móng, ngoan cố không chịu xây nền móng, do là khuyết điểm lớn chung của chúng ta.
Thêm vào vấn đề trên, còn phải kể đến một nền hành chính tầm thường, trong đó chưa tập hợp nồi các chân tài giá trị tham gia.
(Những người có chân tài không chịu tham gia chính phủ tự họ đã tượng trưng một loại người vô dụng. Có thể trong số những người này có những khuynh Việt Minh, nhưng ngay dưới mắt Việt Minh, họ cũng chỉ là những loại người lừng chừng vô tích sự).
Chúng ta nên kể thêm hành động kém cõi cả của một loại người vô tài, chuộng danh lúc nào cũng thường trực một ý nghĩ len lõi, giành dật chức vị. Người dân Việt Nam không muốn thắc mắc đến vấn đề vinh thân phì gia do sự lợi dụng chức vị của những người này nhưng bắt buộc phải buồn rầu khó chịu với một tâm tư! Chính quyền của chúng ta có được bao nhiêu người phụ trách và con số tỷ lệ loại người vô tài nói trên lên đến bao nhiêu ?…
Nói tóm lại, chính nghĩa quốc gia do một số, một phần những loại người kể trên gìn giữ đến giai đoạn nào ? Có thể có dư luận rằng vị lãnh tụ của chúng ta đã không khôn khéo cho nên chưa thống nhất được thực sự các lực lượng quốc gia nói chung. Ý kiến ấy không những không đúng mà còn tố cáo những tâm trạng ươm hèn, ỷ lại và lạc hậu.
Đọc Bản Thông Cáo của Văn Phòng Quốc Trưởng để liên tưởng tới khía cạnh ngậm ngùi, để bực tức, nhưng cũng để cùng nhau trỗi dậy, nhìn rõ vấn đề ngõ hầu tự định đoạt một cách đúng đắt số phận chung của những người theo chính nghĩa quốc gia.
Ngày 26 tháng 4, tại Genève, Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Cộng có mặt cùng với một số các quốc gia độc lập khác trên thế giới: Hội Nghị Genève.
Chúng ta chỉ tìm xem chuyện Việt Nam ở Genève giải quyết thế nào. Vấn đề giải quyết (trong khi viết những giòng này) chúng ta chưa thể biết được nhưng dù sao cũng chỉ có hai lối giải quyết Việt Nam bằng vũ khí và giải quyết bằng hòa ước.
Nếu người ta muốn giải quyết tấn thảm kịch ở Việt Nam bằng vũ khí thì tất nhiên chỉ cứ việc phát triển các trận đánh đang diễn ra trên đất Việt, cứ việc tiếp viện quân nhu lính tráng…và miễn phải bàn đến việc Việt Nam ở Genève nữa. Như vậy chúng ta thấy, trên nguyên tắc của lý luận, những nước tham dự Genève để bàn về Việt Nam, nói chung tất cả đều có thiện chí hy vọng giải quyết vấn đề bằng hòa ước.
Chúng ta hãy bước sang địa hạt thực tế nhận xét hành vi của một số quốc gia đối với vấn đề hòa chiến ở Việt Nam.
a.- Người ta thấy bề mặt Nga Sô hiện nay tỏ ra ưa hòa bình. Ít nhất là trong thời gian hiện tại.
Dân tộc là Sô Viết đang ở thời kỳ xây dựng và thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Thật vậy trong quãng ngày vừa tàn của chủ nghĩa xã hội, dân tộc Sô Viết rất cần một sự êm thấm nội ngoại để tiến mạnh trên đường thực hiện. Cộng sản chủ nghĩa. Rất nhiều chứng cớ khiến chúng ta chắc chắn rằng người Nga đang cố giữ hòa bình:
- Nga chuyển vàng qua Tây phương, đổi chác, giao thương.
- Nga ký hiệp ước thương mại (Tháng 1.1954) với Bỉ về vấn đề gang thép (Bỉ mua cả Nga 100.000 tấn gang.
- Nga ký hiệu ước thương mại (Tháng 2.1954) với Anh (400 tỷ Phật Lăng trong 3 năm).
- Hội nghị M.T.S họp tại Kremlin (Tháng 2.1954), một hội nghị bàn về chuyện máy cầy của tập thể Kolkhozes được Chủ Tích Malenkov chú ý hơn một hội nghị quốc tế.
Từ khi Staline tuyên bố chủ nghĩa cộng sản và tư bản có thể cùng chung sống được, chúng ta thấy đường lối chính trị của khối cộng êm dịu nhiều (dĩ nhiên cũng có lúc cứng nhưng sử sự đó chỉ thuộc trong phạm vi chiến thuật nhất thời). Chúng ta đã thấy những hội nghị hòa bình thế giới, những con chim hòa bình tung đi khắp năm châu, những khẩu hiệu hòa bình… tất cả đều nằm trong một chiến lược của trận đánh tối tân: Tấn công hòa bình.
Tấn công hòa bình chỉ là một chiến lược của phe cộng sản, một hình thức trong muôn vàn hình thức tấn công để tiến tới chế ngự hoàn cầu cộng sản hóa hoàn cầu.
b.- Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vừa thoát khỏi một trận vũ bão ở Cao Ly. Họ chưa dại gì thực hiện một cuộc diễn cái việc quyên tiền dân chúng để mua máy bay giúp chính phủ Việt Minh. Ít nhất nước Trung Hoa cộng sản cũng cần một quãng thời gian để kiến thiết, xây dựng nền Tân Dân Chủ. Trong nước họ đang có một vấn đề quan trọng căn bản: Thực hiện chương trình nông nghiệp và phát huy khả năng kinh tế của dân tộc. Thiếu một nền kinh tế vững chắc, Trung Cộng khó mà duy trì được chế độ của mình.
c.- Nước Anh muốn một Việt Nam yên ổn bằng cách dung hòa Quốc-Cộng. Chính phủ Liên Hiệp rộng rãi ? Hay hai chính phủ, hai miền Nam Bắc ? Bản Thông Cáo của Văn Phòng Quốc Trưởng đủ cho ta thấy có một cường quốc đã đề nghị một nước Việt cắt đội. Hòa bình kiểu ấy thật có lợi cho Anh-cát-lợi. Chiến tranh mãi chỉ nuôi thêm mầm tranh đấu cho các dân tộc trong Liên Hiệp Anh.
d.- Nước Pháp muốn giải quyết vấn đề Việt Nam bằng một đàm phán. Điều đó ai cũng có thể biết được. Trong cuộc tranh luận ngày 5 tháng 3 tại Ba Lê, đông đảo Nghị Sĩ Pháp đọc đến phần kết của bài trần thuật về Đông Dương và tất cả mọi người đều đã nghiêm trang yên lặng nghe ngóng các điều kiện đầu tiên của một cuộc ngừng bắn…
Ngày 9.3.54, Quốc Hội Pháp biểu dương ý chí hòa bình của dân tộc Pháp, đã chấp thuận bản nghị trình của Nghị Sĩ Sesmaisons với 333 phiếu thuận và 271 phiếu nghịch. Đại ý bản văn kiện là tán thành Hội Nghị Genève ngày 26.4.54 với mục đích xác định mọi phương tiện cấn thiết và thích hợp để chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
Hơn nữa, mặc dầu Pháp đã có những lời tuyên bố ‘’co đi, kéo lại’’, mặc dầu người ta thấy Pháp tích cực yêu cầu Mỹ cấp tốc gửi quân nhu vũ khí, tích cực tiếp viện cho Đông Dương…khi đọc Bản Thông Cáo của Văn Phòng Quốc Trưởng người ta cũng cảm thấy thâm ý của chính phủ Pháp, thái độ mới trong vấn đề Việt Nam.
e.- Riêng Hoa Kỳ, với những William Knowland, với những Mac Carthy, những Nixon, những Radford và Van Fleet, Hoa Kỳ rất chỉ muốn đả kích Việt Minh bằng phương tiện quân sự.
Nói chung, Hoa Kỳ là một trong số các quốc gia tự do trên thế giới:
- Thâm hiểu rằng tất cả mọi đường lối thái độ của những chính khách ở Điện Kremlin (chiến tranh hay hòa bình) đến chỉ là một hình thức mưu mô dẫn dắt tất cả các dân tộc làm cách mạng vô sản, theo chế độ vô sản độc tài.
- Thâm hiểu rằng tất cả những đồ đệ của Marx, Lénine không bao giờ chịu đứng bước tiến trên đường xích hóa hoàn cầu.
Nhưng Hoa Kỳ đã làm cường quốc độc nhất, muốn và dám cảnh cáo thẳng thắn trước mặt cộng sản, muốn và dám chơi trước lá bài quân sự với họ vì biết trước rằng:
- Chủ nghĩa tự do không thể sống chung với chủ nghĩa cộng sản.
- Trong một cuộc ‘’sống mái không thể tránh kẻ nào tấn công trước và tấn công lúc đối phương còn thiếu thốn (nói chung) kẻ ấy sẽ giữa phần ưu thế.
Nói riêng. Trong phạm vi Việt Nam, tốt hơn hết là nên thủ tiêu Việt Minh cộng sản lúc còn có thể thủ tiêu (!) được.
 Về phương diện chính trị, Hoa Kỳ có thể tự hào rằng đã tỏ ra tận tình giúp đỡ cho Quốc Gia ở Đông Dương và do đó có thể mua chuộc được cảm tình vô hạn.
Về phương diện quân sự, Hoa Kỳ không muốn buôn lỏng Đông Dương, một khúc trong sợi dây chuyền bao vây quân sự…
Về phương diện kinh tế, Hoa Kỳ muốn giữ thị trường. Mất miền quặng mỏ giầu lớn ở lục địa Trung Hoa, Hoa Kỳ cần chú ý đến của chìm vùng Đông Nam Á. Muốn có Đông Nam Á để khai thác, phải có một Đông Dương tự do và yên tĩnh.
Tổng kết ý nguyện của các cường quốc, hiện nay chúng ta mới chỉ riêng thấy có Hoa Kỳ muốn nuôi dưỡng một ‘’thái độ nóng’’ trong thời cuộc Đông Dương.
Bài diễn văn của Ngoại Trưởng Foster Dulles ngày 31 tháng 3 ở Nữu Ước chứng tỏ thái độ của Hoa Kỳ:
‘’…Trong những trường hợp hiện tại, việc hệ thống chính trị Nga Sô và Trung Cộng định lan tràn Đông Nam Á thực là một hiểm họa quan trọng cho thế giới tự do.
Đối với Hoa Kỳ một trường hợp như vậy không thể chấp nhận được một cách thụ động mà là phải hăng hái chiến đấu lại. Một hành động như vậy có thể liều lĩnh nhưng những sự nguy hiểm này không quan trọng bằng những sự nguy hiểm dễ phát sinh trong vòng một vài năm nữa nếu người ta không chấp nhận một thái độ quả quyết ngay tự bây giờ.
Đôi khi cần phải liều lĩnh trong thời bình cũng như là người ta đã liều lĩnh trong thời loạn.
Việc thừa nhận Trung Cộng sẽ trái ngược với những quyền lợi của Liên Hiệp Quốc.
Những người chịu trách nhiệm về chính sách của Hoa Kỳ phải tự hỏi liệu có phải là hành động phục vụ cho xứ sở khi tán tành, qua việc thừa nhận, để gây uy tín và ảnh hưởng cho một chính thể đang nhất quyết phá hoại các quyền lợi trọng yếu của ta không ? Câu trả lời lúc nào cũng sẵn sàng. Tôi xin nói là không!
Việc Trung Cộng thiếu xót ý định hòa bình đã được chứng minh tại Đông Dương.
Là một trong những nước hội viên Liên Hiệp Quốc, chúng ta phải tự hỏi có phải là một hành động vì quyền lợi trên phạm vi quốc tế không, khi cho gia nhập Liên Hiệp Quốc một chính thể đã bị coi như xâm lăng và vẫn tiếp tục đề cao việc sử dụng sức mạnh để vi phạm những nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc?
Tôi chỉ có thể lại trả lời một lần nữa: Không!
Tại Đông Dương, cộng sản đã dùng những khẩu hiệu quốc gia để chống lại Pháp ngõ hầu dành được sự ủng hộ của dân chúng địa phương. Nhưng chắc chắn là trong trường hợp mà họ có những thắng lợi quân sự hoặc chính trị họ sẽ nô lệ hóa dân chúng dưới một chế độ độc tài cộng sản tàn bạo, tuân theo những huấn lệnh của Moscou và Bắc Kinh.
Tôi tin rằng chúng ta có thể rút được một bài học tại Điện Biên Phủ, nơi tình trạng tạm yên có thể kéo dài được vài ngày nay nhưng thực ra thì chiếc gọng kìm đang xiết chặt vị trí của những người chống giữ.
Địch đã đào những hầm hố để giành được những vị trí khởi tiến sâu nhất và để có thể tấn công mãnh liệt vào pháo đài trung ương do ở những vị trí được đặt gần lại…’’
Ở Genève người ta đã thấy có mặt các ông Nguyễn Quốc Định (Quốc Gia), Phạm văn Đồng (Việt Minh), Hoàng minh Giám (Việt Minh).
Kết quả sẽ là việc cắt xén Quốc Gia Việt Nam, quốc tế hóa một vài thành phố, thành lập một chính phủ Liên Hiệp rộng rãi, kéo dài việc thương thuyết điều đình hay…tiếp diễn chiến tranh…tất cả chúng ta, những người Việt Nam Quốc Gia đến một phen thử thách thật sự.
(Khi viết đến những giòng này, buổi họp về Đông Dương ở Genève chưa bắt đầu)
Hà Nội ngày 4 tháng 5 năm 1954
Nghiêm Kế Tổ
Thân hữu BVCV đánh máy lại từ quyển:
Việt Nam Máu Lửa
Nghiêm Kế Tổ
Los Alamitos, CA: Xuân Thu tái bản năm 1989.

VIỆT NAM MÁU LỬA VIII

PHẦN KẾT LUẬN
Chính Nghĩa Quốc Gia!
Từ khi Quốc Trưởng Bảo Đại trở về lãnh đạo nước nhà mọi xu hướng chính trị thuần túy quốc gia đã được tập hợp dưới lá cờ chính nghĩa.
Chính phủ Quốc Gia Việt Nam thoát thai trong khói lửa và đã lớn trong khói lửa.
Dựa vào uy tín Quốc Trưởng, vì hậu duệ của triều Nguyễn, tất cả các chính phủ Quốc Gia, từ Nguyễn Văn Xuân đến Nguyễn Văn Tâm, đã dễ dàng thành công trên sự nghiệ
Lý tưởng Quốc Gia tự ngày xưa, thế kỷ qua thế kỷ, vẫn dồi dào đầy ắp trong tiềm thức của dân chúng Việt Nam và đã là yếu tố chính, yếu tố căn bản, nòng cốt trong mọi hành động cứu tổ quốc giang sơn của giòng giống Lạc Hồng.
Từ 1950, thế giới đã công nhận Việt Nam là một quốc gia Độc Lập. Tất cả mọi người Việt Nam, hoặc ở trong nước hoặc sống rải rác ở khắp nơi trên trái đất, ít nhất cũng đã được hưởng nền Độc Lập đó trên phạm vi tinh thần.
Muốn mở rộng nền Độc Lập, muốn được thỏa mãn hoàn toàn, muốn hưởng thụ quyền lợi như công dân Hồng Mao của Anh-cát-lợi, tất nhiên dân tộc Việt Nam phải tự mình cố gắng, tự mình đấu tranh, phát triển nền Độc Lập hiện hữu.
Đó là một nguyên tắc nhất định. Nền Độc Lập của quốc gia không thể do ai ‘’bán cho’’ mà phải chính tự mình nỗ lực tranh thủ lấy.
Đối với những người Việt Nam theo cộng sản, để đấu tranh với họ, ta chẳng nên chỉ nặng lời đả kích, nguyền rủa họ là ‘’phi quốc gia’’, là ‘’vong bản’’.
Vì sao ?
Vì những người cộng sản chỉ đã quan niệm hai chữ ‘’quốc gia’’ theo một chiều khác.
Người cộng sản suy luận theo Duy Vật, họ chắc chắn cá nhân chỉ tồn tại khi nào đoàn thể cường mạnh. Muốn đoàn thể cường mạnh, cá nhân không thể chỉ nghĩ đến lợi ích riêng tư nếu lợi ích riêng tư đó không hòa hợp với lợi ích đoàn thể. Hy sinh lợi ích nhỏ của cá nhân đi để lợi ích cho đoàn thể. Đoàn thể tiến bộ thì mặc nhiên cá nhân nằm trong đoàn thể cũng sẽ tiến bộ. Bởi vì đoàn thể là gì nếu không phải là tất cả cá nhân tập hợp lại.
Trên trái đất, mỗi quốc gia đối với tất cả các quốc gia khác cũng như một cá nhân sống giữa tập thể, mỗi dân tộc đối với tất cả các dân tộc khác cũng như một cá nhân sống giữa tập thể.
Nếu tập thể vô tổ chức, mọi cá nhân sẽ sống riêng biệt với quyền lợi riêng biệt và đó là nguyên do chính đưa đến xung đột, đưa đến chiến tranh, một thứ chiến tranh muôn thuở vì quyền lợi.
Chiến tranh ngàn xưa đã từng làm mất hẳn sức sống của một vài dân tộc và gần tiêu diệt một vài dân tộc trên trái đất.
Chiến tranh ngày nay làm suy nhược dân tộc kìm sức sống của quốc gia trên toàn diện trong một thời gian. Những tiến bộ về khoa học do chiến tranh phát xuất không thể bù đắp được những tiêu biến khả năng, sinh lực do chiến tranh gây nên.
Muốn khởi rơi vào tình trạng nói trên, tập thể xã hội phải được tổ chức và do đó đoàn thể có mặt, hiện hình.
Người cộng sản quan niệm đoàn thể là một hệ thống thông suốt, đồng tình, đồng chất, đủ khả năng thu góp các hy sinh của cá nhân để thực hiện được nhiệm vụ xuôi chiều, phân phát quyền lợi cho cá nhân trong vòng trật tự.
Làm được như vậy, cộng sản chắc chắn sẽ không còn xung đột, không còn chiến tranh, và do đó mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi cá nhân sẽ vươn được sức sống trong phạm vi trật tự, không xâm phạm nhau, không tiêu diệt nhau nữa.
Thực hiện được công cuộc ấy người cộng sản sẽ mãn nguyện rằng mình đã là một người quốc gia chân chính.
Trong tiềm thức những cán bộ kỳ cựu của cộng sản đã khắc sâu quan niệm yêu quốc gia dân tộc theo suy luận của họ, suy luận mà họ cho là đúng, quan niệm mà họ cho là độc nhất chân chính.
Tự điểm căn bản ấy, những lãnh tụ cộng sản giải thích và huấn luyện truyền thụ cho đảng viên để rồi các đảng viên lại đi hấp dẫn và lãnh đạo quần chúng theo đúng đường lối đã suy luận vạch ra.
Quần chúng (nói theo giọng cộng sản) một khi giác ngộ, lòng yêu nước chân chính (lòng yêu nước bao giờ cũng tiềm tàng thường trực, đột nhiên được khiêu gợi và hướng dẫn) sẽ trở nên nhiệt thành.
Sự nhiệt thành của quần chúng được nuôi dưỡng, gìn giữ liên tục qua thời gian sẽ trở nên cuồng tín, gần như rồ dại trước mọi vi phạm bất cứ tự đâu đến.
Vì đã quan niệm cố định như vậy, cộng sản không hề biết nhận và không bao giờ nhận rằng hành động của họ là ‘’phi quốc gia’’, là ‘’vong bản’’.
Không đả kích việt cộng là ‘’phi quốc gia’’ phải chăng vô hình chung đã thỏa thuận công nhận tư tưởng hành vi của họ ?
Không phải!
Bởi vì thời gian qua chứng tỏ rằng nếu chỉ đả kích cộng sản theo đường lối quá giản dị và ngây thơ ấy sẽ ít thu lượm được kết quả mong muốn.
Những người Nga chẳng đã không tiếc lời nguyền rủa đảng cộng sản Bolchevik để rồi đảng đó vẫn thành công trên đất Nga với việc thành lập một Liên Bang rộng lớn từ bờ Hắc Hải đến cực Đông sa mạc tuyết miền Tây Bá Lợi Á ?
Những chính khách tự do của các quốc gia trên thế giới chẳng đã từng nguyền rủa cộng sản là ngoại lai, vong bản, phản quốc ? Nhưng chính trong lòng những nước đó, các đảng cộng sản địa phương đã chẳng vẫn len lõi hoạt động, công khai hoặc bí mật phát triển để chờ ngày nào đó, một sự kiện sẽ đem lại nỗi kinh ngạc, bàng hoàng ?
Những người quốc gia tự do ở các tiểu quốc bên bờ sông Danube chẳng đã phỉ báng các đảng viên của những lãnh tụ Đỏ như: Zapotocky (Tiệp Khắc), Rakosi (Hung-gia-lợi) Gheoghiu De J (Lỗ), Bierut (Ba Lan), Tschervenkoft (Bảo), Pietro Nenni, P.Togliatti (Ý), Otto Grotewohl, W. Pieck, W. Ulbricht (Đông Đức), v.v…nhưng cũng không ngăn được họ thành lập các chính phủ Dân Chủ Nhân Dân theo ý họ.
Nghiên cứu những lý do thất bại trên, ta thấy rõ ràng: Ở nơi nào, chính quyền quốc gia hoặc thối nát không thu phục được nhân tâm, hoặc vụng về không tạo được một bản thân lực lượng vững chắc, đều đã vô tình giúp sức cộng sản bành trướng hoặc chiếm phần thắng lợi.
Những người quốc gia ở Việt Nam phải chú trọng tới những kinh nghiệm đau đớn đó để tránh khỏi vết xe đổ cũ.
Chúng ta hiện đang sống giữa thời kỳ mà tình hình quốc tế không lấy gì làm lạc quan cho lắm.
Nào chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng, nào chiến tranh trong bóng tối, nào chiến tranh tâm lý, chiến tranh cân não, tinh thần, rồi người ta đe nhau bằng bom nguyên tử, rồi người ta dọa nhau bằng bom khinh khí, vi trùng.
Sự thật ở trên trái đất đã không phải có một mà hiện nay đã chia thành hai: Độc Lập hai kiểu, Tự Do hai kiểu, Quốc Gia hai kiểu, Dân Chủ hai kiểu, Hòa Bình cũng hai kiểu v.v…một kiểu của thế giới cộng sản và một kiểu của thế giới tự do.
Trước tình thế nghiêm trọng như vậy, đã đứng về phe thế giới tự do, những chiến sĩ Quốc Gia Việt Nam đứng đắn, tin tưởng ở khả năng tạo tác của mình, phải tỏ rõ lòng nhiệt thành phục vụ dân chúng, phục vụ dân tộc bằng những hành động cụ thể mới mong dành được phần thắng lợi trong công cuộc đấu tranh với cộng sản.
Có khả năng tạo tác, dựa trên nền tảng ái quốc chân chính, nhiệt thành, người chiến sĩ quốc gia nhất định sẽ phục vụ được dân tộc và kết tộc và kết quả sẽ không thể kém phe việt cộng.
Nếu nghi vấn rằng: Thế mấy năm qua, những người quốc gia vẫn thiếu khả năng tạo tác hoặc đã thiếu lòng nhiệt thành hay sao ?
Không phải thế!
Từ trước đến nay, nếu vẫn còn một số người chưa chịu tham gia hoạt động thì số người ấy cũng không phải là tài năng độc nhất của dân tộc Việt. Trong chính quyền, từ Nội Các này đến Nội Các khác, ngoài chính quyền, từ năm này sang năm khác, vẫn có thừa các chiến sĩ đủ khả năng thường trực.
Lòng nhiệt thành cao quý của những chiến sĩ ấy đã làm tan biến mọi nghi ngờ.
Nhưng thành thực mà nhận xét, lòng nhiệt thành từ trước đến nay, chưa được sử dụng đúng nhịp của thời gian và khả năng tạo tác chưa hoàn toàn đúng hướng.
Sự sai khớp ấy đã khiến thế giới chưa thẳng thắn mạnh dạn giúp đỡ Việt Nam và cũng do đó, các chiến sĩ quốc gia chưa nắm được đủ phương tiện, tinh thần cũng như vật chất, để mạnh tiến trên đường phụng sự.
Công việc nắn lại khớp sai dĩ nhiên thuộc về phần chính phủ nhưng cũng là công việc của tất cả mọi người quốc gia tự nhận là thành thật với tiền đồ tổ quốc.
Có nhiều dư luận mới, dân chủ hóa chính quyền, cải tổ nền hành chính, tiếp tục cải cách điền địa, thành lập Quốc Hội v.v…tất cả đều là những ý kiến rất hợp thời trong khung cảnh tổ chức quốc gia.
Nhìn vào thành phần chính phủ Bửu Lộc, dân chúng Việt Nam rất tin tưởng:
- Tin tưởng ở tài năng học thức của các vị lãnh đạo. Những cấp bằng Thạc Sĩ, Tiến Sĩ, Bác Sĩ…bảo đảm một hiểu biết chắc chắn về chuyên môn.
Tất cả những nhân viên trong chính phủ Bửu Lộc sẽ là những vị Bác Sĩ đủ tài nắn lại các khúc xương sai khớp của bộ máy chính quyền.
- Tin tưởng vào đức tính vô tư của những con người trung lập trong chính phủ Bửu Lộc.
Với tổ chức thuần nhất trí thức người ta hy vọng chính phủ Bửu Lộc sẽ dễ dàng kết hợp được các đảng phái làm hậu thuẫn trong mọi hoạt động, hoặc đàm phán đối ngoại, hoặc kiến thiết, đấu tranh đối nội.
Nhưng phải chăng tất cả mọi người đứng ngoài chính phủ sẽ chỉ ỷ lại vào những vị Bác Sĩ đó mà thờ ơ với vận mệnh nước nhà ?
Nhất định không !
Toàn thể chúng ta, kẻ ít người nhiều đều phải nhiệt thành gom góp phần hiểu biết, xây dựng v.v…
Giờ đây những người quốc gia muốn đề nghị gì với chính phủ để có thể duy trì thắng lợi chính nghĩa ?
Kế hoạch tổ chức chăng ?
Kế hoạch cải tổ toàn thể hệ thống công tác chăng ?
Đề nghị giai cấp hóa chính phủ ? Dân chủ hóa chính phủ ? Quân đội hóa chính phủ ?
Những việc phải đến, sẽ đến, chúng ta không thể nhảy qua thời gian và rồi đây, những nhà lãnh đạo với tài năng chuyên môn chắc cũng không cam chịu thất sách, chậm chân trong bước tiến.
Chúng ta chỉ muốn đề nghị cùng chính phủ quốc gia một chính sách hoạt động gồm hai phương châm chủ yếu.
Chính sách: Phải Dứt Khoát.
Căn cứ vào tinh thần và tư tưởng của nhân dân đang sống trong vùng quốc gia chúng ta nêu lên phương châm thứ nhất: Thanh Toán Trà Trộn.
Công cuộc Thanh Toán Trà Trộn nhằm 4 mục tiêu:
- Quốc Gia
- Cơ Quan
- Cá Nhân
- Tư Tưởng
Mục Tiêu Thứ Nhất: Trên địa hạt tâm lý, dân chúng Việt Nam hiện nay hằng nhận thấy rằng mối liên hệ của Quốc Gia Việt Nam với Quốc Gia Pháp chưa được rõ ràng dứt khoát.
Đã từng có những bài diễn văn nghiên cứu tỷ mỉ rành rọt trong lời văn, long trọng trong buổi đọc, thú vị cho người nghe, hào hứng cho kẻ diễn, nhưng…nhưng sự thực hiện (giá trị chính của diễn văn) lại như ẩn, như hiện, quanh co lắt léo…
Lý do vì sao ?
Có dư luận nói vì tình hình chính trị của nước Pháp.
Có dư luận nói vì tình hình thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam cho nên mọi việc không thể tiếp nhận nhanh được.
Có dư luận nói sở dĩ chưa dứt khoát là vì chiến thuật tác chiến của Việt Minh lên bổng xuống trầm như đợt sóng.
Lại có dư luận nói vì Quân Đội Quốc Gia Việt Nam chưa đủ mạnh để tham gia toàn diện chiến trường, những nhà kỹ thuật Việt Nam chưa đủ tài năng già dặn để chỉ huy chính trị, chỉ huy kinh tế v.v…
Tất cả đều đúng, không nhiều thì ít.
Từ dăm ba năm nay, nền Độc Lập của Việt Nam vẫn còn trong tình trạng trà trộn, từ thượng từng kiến thiết đến hạ từng cơ sở, từ thái độ đến hành động, dân chúng đã nhận rõ được hình thái dưới con mắt vô cùng tế nhị.
Nói như vậy có phải là để trách oán chính phủ Pháp còn có ẩn ý gì đối với nền Độc Lập của Việt Nam không ? Những người nóng nảy, kiêu ngạo, cố chấp có thể bảo rằng chúng ta quả đã trách oán nước Pháp, một nước có ân tình thâm thủy với Việt Nam, nhưng chúng ta nói đây, hướng về những người Pháp đầy thiện chí xây dựng, đứng đắn và hiểu thời.
Thật vậy, nền Độc Lập của Việt Nam vẫn nằm trong tình trạng trà trộn, chưa dứt khoát trên thực tế.
Chúng ta mong rằng, sở dĩ có tình trạng đó, không phải vì chính phủ Pháp áp dụng ẩn ý của mình nhưng vì những thủ tục lễ nghi phiền toái, những giấy tờ nhiêu khê, phức tạp, những quan hệ vẩn vơ vô trách nhiệm, những kỹ thuật sai lầm trong khi áp dụng nguyên tắc đã vạch ra.
Nhiệm vụ của chính phủ trước tiên là phải chấm dứt tình trạng cũ.
Quốc dân mong chờ và tin tưởng ở những vị trí lãnh đạo đủ thiện chí, đủ nhiệt thành và nhất là đủ tài năng.
Mục Tiêu Thứ Hai: Thanh toán trà trộn giữa cơ quan với cơ quan.
Sự trà trộn của cơ quan Pháp với cơ quan Việt Nam, phải được giải quyết nhanh chóng, nhất là về phương diện hình thức để thức động tâm lý dân chúng.
Việc nầy liên hệ đến mục tiêu thứ nhất vừa kể trên và có thể chính phủ sẽ thực hiện được dễ dàng.
Thanh toán sự trà trộn giữa những cơ quan có ích và cơ quan vô ích.
Cơ quan vô ích là những cơ quan thành lập với mục đích tượng trưng, che đậy một tác dụng hay một thủ đoạn chính trị riêng để phục vụ cho một cá nhân hay một nhóm người.
Sự tồn tại hoặc phát hiện của những cơ quan vô dụng như trên sẽ làm thương tổn đến chính phủ về hai phương diện: Phương diện uy tín và phương diện tài chính.
Mục Tiêu Thứ Ba: Hạn chế sự trà trộn giữa cá nhân với cá nhân.
Phân loại rõ ràng và cố gắng áp dụng ‘’Công bình linh động’’ trong các ngành hoạt động.
Từ bỏ chính sách để những kẻ làm nhiều hưởng ít, làm ít hưởng nhiều đến nỗi xảy ra khích bác nhau, mâu thuẫn nhau, do đó địch sẽ lợi dụng được.
Từ bỏ chính sách để người kém chỉ huy người tài. Lối làm việc ngược chiều này đem lại tinh thần bất mãn và tiêu cực.
Từ bỏ cố tật hình thức và luật lệ ‘’Sống lâu lên lão làng’’ để sử dụng được khả năng của những người trẻ tuổi hợp thời hơn. Như vậy, tức là chính phủ chú ý đến lợi ích quốc gia dân tộc hơn lợi ích của lớp người lỗi thời theo luật đào thải thiên nhiên (Tất nhiên chính phủ phải có biện pháp thanh toán cho hợp lý và nhân đạo).
Từ bỏ mọi nguyên tắc cố định khiến cho kẻ kém dựa vào đấy để lẫn lộn với những người có thiện chí làm việc.
Công Bình Linh Động có phải áp dụng theo một phương châm cách mạng (‘’Làm việc theo sức khỏe. Hưởng thụ theo tài năng’’) ?
Không hẳn thế!
Công Bình Linh Động chỉ dung hòa quyền lợi mà không cách mạng quyền lợi. Công việc tế nhị này sẽ làm phấn khởi những tài năng non trẻ đầy thiện chí, tránh được vàng thau lẫn lộn, tăng thêm uy tín cho chính phủ.
Mục Tiêu Thứ Tư: Dứt khoát trong tư tưởng.
Hiện nay dân chúng Việt Nam có những người đã quyết tâm phục vụ chính nghĩa quốc gia. Chính phủ cần chú ý khai thác cho được khả năng họ.
Những người lừng chừng hiện nay chiếm đa số ở Việt Nam:
- Lừng chừng không tham gia chính phủ.
- Lừng chừng trong khi hoạt động cho chính quyền quốc gia.
- Lừng chừng trong quân ngũ.
- Lừng chừng, thờ ơ trước thời cuộc, lãnh đạm trước mọi biến chuyển, mặc thời gian trôi v.v…
Chính phủ đã không khai thác được sáng kiến và khả năng của họ. Họ lãnh đạm, tắc trách cho qua ngày, hoàn toàn gạt trách nhiệm chiến tranh cho một nhóm người mặc dầu họ đã cảm thấy rằng chính nghĩa không những đang nuôi sống họ mà có lẽ còn đang xếp đặt cho họ một đời sống tự do, phong phú. Tư tưởng giao động lừng chừng của họ do hai yếu tố khách quan: Một tương quan lực lượng quốc gia-cộng sản còn chênh lệch, hai liên hệ Pháp-Việt chưa dứt khoát hẳn hoi.
Chính phủ nên chú ý thanh toán vấn đề tư tưởng để họ được ngã ngũ phụng sự chính nghĩa.
Thanh toán không phải là loại trừ ra khỏi hàng ngũ mà là tiêu diệt tư tưởng ngược chiều còn dư lại trong đầu óc, làm phát triển tư tưởng đúng đắn để mọi cá nhân sẽ trở nên quả quyết và mạnh dạn phục vụ chính nghĩa.
Có phải chăng chúng ta bắt chước cộng sản mà muốn nên lên một công tác ‘’Chỉnh Huấn’’ không ?
Không phải. Bởi vì phong trào chỉnh huấn phải do một kết quả qua chuỗi thời gian và hoạt động có liên hệ dính líu đến kỳ chín mõm trong tâm lý con người, nó tự nhiên bộc lộ, chỉ cần khe khẽ thúc đẩy thôi.
Chính phủ phải có phương pháp tuyên truyền thích hợp và ráo riết. Chính phủ phải thi hành gương mẫu ở mọi phương diện.
Địa hạt tuyên truyền rất rộng rãi, không phải chỉ thu hẹp trong vài việc thông tin, giải thích, sách báo, chiếu bóng v.v…là đủ.
Tuyên truyền kết quả nhất là thực hiện được những ước nguyện của dân là nâng cao dược mức sống của dân, là tạo được bầu không khí tự do thực sự cho dân dễ dàng sinh tồn, nảy nở…
Nói tóm lại, chính phủ phải thức tỉnh lòng tín nhiệm của nhân dân để nhân dân ủng hộ chính nghĩa một cách cụ thể hơn, phải làm cho người dân hiểu rằng họ hoạt động cho chính nghĩa tức là họ hoạt động cho chính đời sống riêng của họ.
Với những người còn rụt rè, e ngại, lẽ dĩ nhiên chính phủ khó mà thúc đẩy sự hăng hái đến mức độ mong muốn nhưng không phải vì vậy mà không thể tiến tới đả phá tư tưởng rụt rè của họ. Kinh nghiệm chiến tranh từ 1946 đã cho biết trước mọi nguy cơ đến tính mạng, những người nhút nhát nhất có thể trở nên vô cùng can đảm, trước mọi nguy cơ sinh kế những người e lệ nhất có thể trở nên liều lĩnh, ranh mãnh, quả quyết. Với tài năng tháo vát của chính phủ, chúng ta ước mong sẽ thừa dư kế hoạch để kiến tạo và nhào nặn một tâm lý thuần nhất trong dân chúng.
Từng nhóm hoặc từng người nhiệt thành phụng sự riêng lẻ chưa đủ, cần phải phát huy được sáng kiến của quảng đại nhân dân, nếu không làm được như vậy, sự thất bại sẽ đều chẳng chóng thì chầy.
Phương Châm Thứ Hai: Phát Triển Chủ Lực Quân Quốc Gia:
Những Lenin, Stalin đã phân loại và phát triển chủ lực quân cách mạng. Chủ lực quân cách mạng của Lenin, Stalin là đội công nhân tiền phong, loại người đông đảo trong một quốc gia kỹ nghệ hóa. Những Mao Trạch Đông, Hồ chí Minh cũng đã phát triển được chủ lực quân cách mạng. Chủ lực quân của Mao Trạch Đông, Hồ chí Minh là nông dân, lớp lao công đồng ruộng đông đảo trong các quốc gia chuyên sống về nông nghiệp lạc hậu.
Về phía chúng ta, phát triển Chủ Lực Quân Quốc Gia phải có nghĩa là đoàn kết, thống nhất qua giai cấp, tập hợp tất cả những lớp người, vì lý do khác, không bằng lòng sống dưới chế độ độc tài vô sản.
Trên nguyên tắc, chúng ta có thể thực hiện được việc đó không ?
Rất có thể được vì những điểm sau đây:
- Hiện tượng hoạt động của một lực lượng thứ ba trên thế giới.
- Hiện tượng phóng khoáng của chủ nghĩa dân chủ Hoa Kỳ.
- Hiện tượng tồn tại của nền Vương chế Anh-cát-lợi.
- Hiện tượng tồn tại của chủ nghĩa tự do Pháp.
Nếu trong phe cộng sản họ lý luận rằng những hiện tượng ấy sẽ không thể tồn tại thì họ cũng không thể nào chối rằng hiện nay không có những hiện tượng đó. Hơn nữa, người ta biết rằng những hiện tượng đó vẫn nảy nở ngay giữa lúc chủ nghĩa xã hội đang thắng lợi ở Nga Sô.
Malenkov cũng như Stalin đã chẳng từng tuyên bố rằng chủ nghĩa xã hội (cộng sản) có thể chung sống với chủ nghĩa tư bản ?
Nhiều người đã cho câu nói đó chỉ là một chiến thuật trong chiến lược đấu tranh chính trị, nhưng người ta phải nhận thấy rằng Nga Sô đã cảm thấy sức sống của những người tự do trong thế giới, một sức sống vẫn vươn lên mà chưa hề tàn héo.
Những hiện tượng trên đã khiến cho người Quốc Gia Việt Nam tin tưởng rằng tư tưởng nhân loại luôn luôn khoáng đạt, đã tự nó phát sinh một cách thăng bằng. Chúng ta quan niệm tư tưởng đây là con đẻ của mọi sự kiện khách quan đã từng đem đến cho nhân loại tất cả nỗi niềm cay đắng hay vui thú, đã từng du nhân loại đến hoàn cảnh nguy kịch, bạo động an toàn…
Người cộng sản vẫn thường nói một cách tự cao rằng hành động của họ cốt đạt đến mục đích hòa bình nhân loại nhưng thực ra, trên thực tế, những hành động cũ đã đưa đến chiến tranh. Bởi vì chính cộng sản đã lãnh đạo và thúc đẩy đấu tranh giai cấp, đề cao một giai cấp để quyết tiêu diệt các giai tầng khác tính chất. Muốn dành quyền sống tự do, những người không cộng sản bắt buộc phải chống lại. Do đó, chiến tranh.
Có lẽ phe cộng đã thấy rõ như vậy, nên ngày nay đã thay đổi đường lối?
Người Quốc Gia Việt Nam cần phải lợi dụng ngay sự hòa hoãn tư tưởng hiện nay trên thế giới để đặt vấn đề tại địa phương nhà.
Vấn đề đó là: Gây lực lượng bản thân.
Nước Việt Nam cần phải có một Chủ Lực Quân Quốc Gia vững trãi.
Chủ Lực Quân Quốc Gia là gì ?
- Là sự thống nhất các đảng phái thuần túy Quốc Gia.
- Là sự tập hợp tất cả những người đã tỏ thái độ dứt khoát trước thời cuộc.
- Là tuyên truyền giác ngộ chính nghĩa cho quần chúng.
Chủ Lực Quân Quốc Gia không phải là một giai cấp riêng biệt mà là sự tập hợp qua các giai cấp của tất cả những người đã quyết tâm phục vụ chủ nghĩa quốc gia.
Mọi tầng lớp xã hội sẽ góp phần nhiều của mình để phụng sự chính nghĩa.
Cấu tạo Chủ Lực Quân có phải là chúng ta đã quyết chiến với việt cộng không ?
Đúng!
Nhưng, quyết chiến không nhất thiết là phải tổ chức đạo quân ra trận tiền. Chiến tranh mấy năm nay đã đem đến cho gia đình Việt Nam bao đau thương tang tóc.
Chóng, chày, cuộc chiến tranh sẽ phải ngừng và máu người Việt Nam sẽ thôi không phải chảy.
Như vậy Chủ Lực Quân Quốc Gia có nghĩa là một cơ cấu võ trang bằng chính nghĩa, bằng lý tưởng Quốc Gia…Một ngày gần đây, khi chiến tranh hoặc hoãn hay không hoãn trên đất Việt, đạo quân ấy sẽ gồm những người lính tiên phong hướng dẫn làm nòng cốt cho trận đấu tranh Chính Trị và Kinh Tế. Nếu việt cộng quả quyết rằng đường lối của họ đúng, nếu họ quả quyết rằng họ sẽ mang lại cơm áo, sung sướng cho nhân dân, Chủ Lực Quân Quốc Gia sẽ đi tiên phong trong công cuộc thi đua với họ.
Nếu chúng ta phát triển được đức hạnh, nếu chúng ta duy trì được Tự Do và Dân Chủ đúng mức, dung hòa được quyền lợi nhân dân, nếu chúng ta kiến tạo và phát huy được nền kinh tế quốc gia, văn minh hóa được đời sống vật chất và tinh thần dân chúng, chắc chắn chúng ta sẽ được dân chúng mến phục và ủng hộ. Nắm được dân chúng tức là xua đuổi được chủ nghĩa cộng sản.
Muốn thực hiện được nhiệm vụ vĩ đại ấy và để khỏi là những người thua cuộc cuối cùng, chúng ta phải chuẩn bị ngay một thực lực chắc chắn.
Thực hiện được Chính Sách Dứt Khoát.
Theo sát được phương châm Thanh Toán Trà Trộn.
Cấu tạo được Chủ Lực Quân Quốc Gia vững mạnh, tức là chính phủ quốc gia đã ném được trái cân ngang bằng với trái cân cộng sản ở Việt Nam và đó là kết quả căn bản đầu tiên quyết định thắng lợi cuối cùng.
HOA KỲ VỚI VIỆT NAM
Việt Nam là một trong ba quốc gia nằm trên Bán Đảo Đông Dương, một vị trí chiến lược trong vùng Đông Nam Á.
Đông Nam Á bao gồm các nước Ấn Độ, Đại Hồi, Tích Lan, Mã Lai, Thái Lan, Diến Điện, Nam Dương, Phi Luật Tân và Việt, Mên, Lào. Dân số tổng cộng trên năm trăm rưỡi triệu. 49% dân số toàn Châu Á.
Trước kia, hầu hết các nước ở Đông Nam Á đều bị các đế quốc biến thành thuộc địa hoặc bán thuộc địa. Trong trận Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, nhân dân vùng Đông Nam Á đã hợp tác với Đồng Minh chống cường quyền Phát-xít Nhật Bản. Sau chiến tranh, nhân dân vùng Đông Nam Á giác ngộ và vùng dậy tranh đấu giành độc lập như Ấn Độ với Anh-cát-lợi, Nam Dương với Hòa Lan, Đông Dương với Pháp, Phi Luật Tân với Hoa Kỳ…Tất cả đều được thắng lợi, riêng ở Việt Nam, cho đến nay, chiến tranh vẫn còn chưa chấm dứt.
Sở dĩ như vậy vì từ khi chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa của cụ Hồ chí Minh bị nhận rõ chân tướng là một chính phủ cộng sản trá hình, các nước tự do trên thế giới đã không ngần ngại bỏ rơi một cách phũ phàng và ủng hộ những hoạt động của Cựu Hoàng Bảo Đại, người chiến sĩ quốc gia số một của dân tộc Việt Nam.
Nếu cộng sản chi phối được Đông Dương, họ sẽ có thể chi phối được toàn vùng Đông Nam Á, gây họa cho thế giới tự do nhất là cho Hoa Kỳ.
Về phương diện kinh tế, sau khi Hoa Kỳ đã mất thị trường trên lục địa Trung Hoa. Hoa Kỳ càng không thể để cho thị trường Đông Nam Á lọt vào tay cộng sản. Đông Nam Á, một vùng giàu của, giầu người, lắm nguyên liệu và thóc lúa, một nguồn sống cần thiết vô tận không những riêng cho nhân dân còn lạc hậu ở Đông Nam Á mà cho cả các cường quốc tự do, kể cả Hoa Kỳ.
Về phương diện quân sự, nếu mất Việt Nam, cả vùng Đông Nam Á sẽ bị mất theo và sẽ ảnh hưởng vô cùng tới vận mệnh của toàn thế giới tự do. Đông Nam Á quan trọng sống còn cho thế giới tự do vì Đông Nam Á nối liền Trung Đông, Cận Đông với Thái Bình Dương chứa đựng nhiều trạm liên lạc giữa Châu Á với Châu Úc. Đông Nam Á có Hải Cảng Tân Gia Ba thuộc Mã Lai là trung tâm của các đường giao thông tối quan trọng nối liền Đại Tây Dương sang Nhật Bản hải. Đông Nam Á có những quốc gia ở biên thùy tiếp giáp khu vực Liên Bang Sô Viết như một phần biên cương Ấn Độ, tiếp giáp với Trung Cộng như biên cương Việt Nam, Diến Điện và Ấn Độ. Thế giới dân chủ muốn ngăn cản Liên Xô bành trướng tất phải cố gắng giữ vững Đông Nam Á, mặt Nam của khu vực cộng sản thế giới.
Về phương diện tinh thần và lý tưởng, Hoa Kỳ không thể khoanh tay để nhân dân vùng Đông Nam Á chịu áp bức dưới chế độ độc tài cộng sản, Hoa Kỳ có bổn phận phải giúp đỡ nhân dân vùng Đông Nam Á bảo tồn nền nếp cổ truyền, bảo tồn thuần phong mỹ tục, bảo tồn phẩm cách, tự do của con người.
Trong chính sách chung đối với những tiểu nhược quốc vùng Đông Nam Á, một mặt Hoa Kỳ cố gắng chuẩn bị các địa điểm quân sự để ngăn ngừa một trận chiến tranh bất thần với lực lượng cộng sản thế giới, một mặt Hoa Kỳ tích cực viện trợ giúp đỡ những chính phủ quốc gia để những chính phủ đó dần dần sẽ trở nên vững chắc trên nền tảng kinh tế.
Được giúp đỡ của Hoa Kỳ, những chính phủ quốc gia có thể tiến nhanh đến chỗ áp dụng triệt để mọi nguyên tắc dân chủ, nâng cao mức sống cho nhân dân một cách thật công bằng và trong sạch trên khắp phương diện. Được như vậy, nhân dân sẽ ủng hộ chính phủ chân chính của tổ quốc họ và do đó có thể cầm cự mãnh liệt chống lại kẻ thù chung, độc tài và phát-xít.
Tất cả những lý do trên đã thúc đẩy Hoa Kỳ cố gắng dìu dắt Việt Nam trên đường tự do dân chủ ngõ hầu Việt Nam có thể tự mình đứng vững trước làn sóng đỏ đang tràn lan trên thế giới.
Đối với ba quốc gia Việt, Mên, Lào, Hoa Kỳ có những đường lối chính:
- Giúp đỡ các nước liên kết làm sao để dân chúng có thể hoàn toàn ủng hộ chính phủ quốc gia của họ.
- Góp phần chống Việt Minh cộng sản bằng giúp đỡ kinh tế cho các chính phủ quốc gia.
Làm tăng sức sản xuất nhất về nông nghiệp.
- Viện trợ những nhu cầu cần thiết.
Mùa Xuân năm 1950, nhiều yếu nhân Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam, đã đặt nền móng cho cuộc viện trợ lâu dài.
Ngày 24 tháng Giêng, Đại Sứ đặc biệt của Hoa Kỳ Philipp Jessup cùng ông Gibbson, cựu Sứ Thần Hoa Kỳ đến Sài Gòn tuyên bố:
‘’…Yếu tố tối cần thiết quy định sự viện trợ trong phạm vi khả năng kinh tế của Hoa Kỳ cho các quốc gia ở Á Châu là mức độ mà nhân dân ở các nơi đó tỏ ra ủng hộ chính phủ đã chọn lọc của họ để chống bọn cộng sản giết người…’’
Ngày 9 tháng 2, Sứ Thần Hoa Kỳ Edmond Gullion đến Việt Nam và ngày 7 tháng 3, ông Robert A. Griffin bắt đầu ghi chú tại Sài Gòn những nhu cầu về kinh tế của ba Quốc Gia Liên Kết.
Ngày 6 tháng 4, ông Kenneth P. Landon, giám đốc cơ quan Đông Nam Á Vụ Hoa Kỳ đến Đà Lạt hội đàm cùng Quốc Trưởng Bảo Đại.
Tháng 7 năm 1950, Đặc Sứ Donald Heath, đại diện Hoa Kỳ ở Đông Dương đặt chân tới Việt Nam, chính thức mở đầu công cuộc viện trợ cho các Quốc Gia Liên Kết.
- Viện trợ kinh tế và kỹ thuật.
- Viện trợ quân sự.
Ngày 16 tháng 6.1950, quân nhu vũ khí chuyến đầu tiên trong chương trình viện trợ quân sự rời Hoa Kỳ sang Việt Nam gồm có 8 phi cơ Dakota và một số xe cộ, vũ khí.
Ngày 7 tháng 8.1950, cũng chuyến đầu tiên tượng trưng khu vực viện trợ kinh tế, Việt Nam nhận được một số thuốc men:
- 150.000.000 đơn chất pénicilline.
- 140 ký lô thuốc sốt rét nivaquine.
- 180 chiếc ống tiêm.
1.- Viện Trợ Kinh Tế Và Kỹ Thuật:
Hoa Kỳ cam kết viện trợ cho Việt Nam dưới hai hình thức, sau khi chính phủ Việt Nam và các nhà đại diện Hoa Kỳ ở Việt Nam đã ký một bản hiệp ước (Hiệp Ước Song Phương tháng 9.1051)
- Viện trợ trực tiếp bằng hàng hóa, dụng cụ, trang bị.
- Viện trợ thương mại, Hoa Kỳ sẽ giúp các nhà nhập cảng Việt Nam những chỉ tệ bằng Mỹ kim cần thiết cho việc mua hàng hóa.
Từ năm 1951 đến cuối tháng 6 năm 1953, trong chương trình viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ cho ba Quốc Gia Liên Kết đã ghi con số khổng lồ là 70.330.000 Mỹ kim, chia ra như sau:
- Xã Hội: 1.200.100 Mỹ kim.
- Y Tế: 7.049.500 Mỹ kim.
- Canh Nông, Lâm, Ngư Nghiệp: 4.554.800 Mỹ kim.
- Giao Thông Công Chính: 9.840.700 Mỹ kim.
- Giáo Dục: 344.000 Mỹ kim.
- Công Kỹ Nghệ: 9.000 Mỹ kim.
- Hành Chính, Thông Tin: 1.486.300 Mỹ kim.
- Thương Mại: 45.782.500 Mỹ kim.
Riêng Quốc Gia Việt Nam được hưởng 76,7% (562.630.000 đồng Đông Dương) trong tổng số tiền viện trợ Kinh Tế. (Cao Mên 15,3%: 112.000 đồng Đông Dương và Ai Lao 8%: 58.000.000 đồng Đông Dương).
Số tiền 562.630.000 đồng đã được dùng trong chương trình hoạt động kinh tế Mỹ ở Việt Nam trong khoảng ba năm:
Năm 1951
- Hoạt động về kiến thiết xã hội: 5.767.000.
- Hoạt động về y tế: 12.807.000.
- Nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp: 22.817.000.
- Giao thông vận tải, công chính: 79.135.000.
- Công, kỹ nghệ: 5.551.000.
- Giáo dục: 8.153.000.
- Hành chính: 12.462.000.
Tổng cộng năm 1951 là: 146.792.000.
Năm 1952
- Hoạt động về kiến thiết xã hội: 26.345.000.
- Hoạt động về y tế: 42.531.000.
- Nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp: 23.291.000.
- Giao thông vận tải, công chính: 84.020.000.
- Công, kỹ nghệ: 133.000.
- Giáo dục: 6.285.000.
- Hành chính: 25.674.000.
Tổng cộng năm 1952 là: 208.279.000.
Năm 1953
- Hoạt động về kiến thiết xã hội: 26.386.000.
- Hoạt động về y tế: 40.192.000.
- Nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp: 28.027.000.
- Giao thông vận tải, công chính: 65.157.000.
- Công, kỹ nghệ: 120.000.
- Giáo dục: 7.585.000.
- Hành chính: 20.092.000.
Tổng cộng năm 1953 là: 207.559.000.
Sau Hiệp Ước Song Phương, cơ quan Kinh Tế và Kỹ Thuật được thành lập (S.T.E.M-Special Technieal Economic Mission to Cambodia, Laos anf Vietnam) để trực tiếp giúp đỡ ba Quốc Gia Liên Kết.
Bộ phận S.T.E.M chịu dưới quyền cơ quan An Ninh Hỗ Tương (Mutual Security Ageney) trước kia là cơ quan Quản Trị và Hợp Tác Kinh Tế (E.C.A-Economie Cooperation and Administration) và cơ quan này trực thuộc Ngoại Nghiệp Cục ở Mỹ (F.O.A-Foreign Operation Agency).
Trong 3 năm, nhờ số tiền của Mỹ Quốc viện trợ, Quốc Gia Việt Nam đã thực hiện được trên địa hạt xã hội, kiến thiết:
- Phát cho dân chúng nạn nhân chiến tranh hàng 5 vạn chiếu, gần 2 vạn bộ quần áo, hơn 1 vạn chăn mền, hàng triệu thước vải trắng, vải ka ki.
Thực phẩm phân phát như sữa hộp, sữa bột kể hàng chục tấn, đồ hộp hàng trăm tấn và cả máy khâu, chỉ khâu, kim khâu v.v…
- Nạn nhân bị bão ở Trung Việt tháng 10 năm 1952 cũng nhờ tiền viện trợ Mỹ để xây dựng lại cơ nghiệp, nhà cửa và được phân phát thóc gạo, thực phẩm.
- Nhiều làng mới được thành lập để giúp nhân dân tỵ nạn chiến tranh. Phần đông những người này đã mất hết cả gia sản, làng xóm quê quán của họ hoặc đã bị tàn phá trơ trụi hoặc đang là trận địa. Nhờ được Mỹ Quốc viện trợ Kinh Tế và Kỹ Thuật đã trù tính rất nhiều kế hoạch và đã thực hiện được nhiều việc:
- Viện trợ những thứ thuốc sát trùng như Pénicilline, Auréomyeine, Terramycine, những loại Sulfa, thuốc bệnh lao bột D.D.T. v.v…
- Viện trợ nhiều xe nhà thương (Hospital Equipment) và vô vàm những dụng cụ như máy quang tuyến, kìm kéo, bông, băng…
Trừ bệnh sốt rét rừng, mỗi tháng có tới 16 vạn bệnh nhân được chạy chữa và 45 vạn nhà cửa được bơm thuốc D.D.T. Nhờ vậy, số người bị sốt rét mỗi ngày một rút bớt.
- Thiết lập hàng ngàn sơ sở y tế và hoàn thành nhiều giếng nước hợp vệ sinh để dân chúng được dùng nước trong sạch.
- Khám và ngăn ngừa bệnh thời khí, dịch hạch, chấy rận, hoa liễu, đau mắt hột. Bệnh hoa liễu đã thấy thưa thớt ở Việt Nam và số bệnh nhân đau mắt hột cũng đã giảm rất nhiều.
- Thiết lập và mở mang các dưỡng đường, huấn luyện và chỉ bảo phương pháp gìn giữ vệ sinh ngăn ngừa bệnh tật ở thôn quê.
Về phương diện canh nông, Mỹ Quốc đã giúp Việt Nam tiến bộ trong ba khu vực:
  • Nông nghiệp.
  • Lâm nghiệp.
  • Ngư nghiệp.
Nông Nghiệp:
- Phân bón và những máy móc dụng cụ canh tác do lối viện trợ trực tiếp đã giúp nhà nông Việt Nam tăng số lượng sản xuất. Hàng vạn tấn phân bón hóa học cho trên 20 mẫu tây ruộng và sức sản xuất do đó tăng được từ 25 đến 30%.
- Trâu bò dùng trong việc canh tác được tiêm thuốc ngăn ngừa bệnh dịch.
- Năm vạn mẫu Tây ruộng được hưởng nước điều hòa do những công cuộc thủy lợi. Đập dẫn nước khu nông giang Sơn Tây (Bắc Việt) bị phá hủy từ ngày chiến tranh được cơ quan An Ninh Hỗ Tương sửa chữa và xây đắp thêm năm 1951.
- Một Hợp Tác Xã sản xuất thuốc lá (Tháp Chàm Trung Việt), 4 nhà máy xay lúa và 1 Hợp Tác Xã máy xay (Cái Răng Nam Việt) đã được thành lập.
- Nhiều cơ sở được thiết lập với mục đích huấn luyện phương pháp canh tác khoa học. Chừng 1.153.000 quyển sách nhỏ giảng về canh tác đã phân phát cho nông gia, cộng thêm 50.000 tập nói về phương pháp bón xới và 500 bản đồ chỉ dẫn học hỏi. Nhiều sinh viên được đi học về kỹ thuật canh tác tại Mỹ Quốc.
Lâm Nghiệp:
Những máy kéo gỗ tồi tân được gửi sang để ngả cây và kéo cây.
- Nhiều nhà máy cưa được thiết lập.
Ngư Nghiệp:
- Viện trợ một số tàu nhỏ dùng trong việc đánh cá và che chở dân chài lưới khỏi bị Việt Minh làm khó dễ.
- Tổ chức huấn luyện kỹ thuật đánh cá giúp được hàng vạn gia đình chài lưới trở nên sung túc.
- Viện trợ những giống cá mới lạ, để nuôi và sinh sản mau chóng (Tỉ dụ cá Tilapia mang ở Thái Lan sang).
Về phương diện giao thông, vận tải, Hoa Kỳ gửi sang Việt Nam nhiều thứ xe kéo, xe trục, nhựa đường và nhiều dụng cụ nguyên liệu để kiến thiết đường xá, cầu cống. Thường xuyên mỗi năm Việt Nam nhập cảng tới 30.000 tấn nhựa đường.
- Nhiều cầu cống đã và đang được sửa chữa như ở Huế trên đường Sài Gòn-Ô Cấp (Nam Việt)
Ngót một nghìn cây số đường đi ở vùng ngoại ô thành phố được hoàn thành tiêu thụ mất 90.000 tấn nhựa đường, 19 tấn đá nghiền, phải sử dụng hàng trăm thứ xe kéo, xe lăn đường với nhiều dụng cụ như máy bơm, thuốc nổ, máy phát điện…
- Nhiều hải cảng và sân bay được mở rộng. Thêm nhiều dụng cụ và máy móc để đặt điện thoại nối liền giây nói nhiều tỉnh. Thêm nhiều tầu nhỏ đi lại trên các giòng sông giúp sự giao thông được điều hòa và hàng hóa khỏi bị bế tắc.
Trên địa hạt Công, Kỹ Nghệ:
- Mở mang việc khai thác than đá ở Bắc Việt.
- Mở mang kỹ nghệ sản xuất xi măng ở Bắc Việt.
- Thêm phương tiện và dụng cụ cho nghề dệt, nghề chế tạo các đồ dùng bằng cao su, nghề sơn, nghề diêm…
Trên địa hạt Giáo Dục:
- Mở những lớp Bình Dân Học Vụ cho những người chưa biết đọc biết viết khắp Trung, Nam, Bắc.
- Mở những trường dậy nghề nghiệp ở Hà Nội, Sài Gòn, Biên Hòa, Gia Định, Thủ Dầu Một. Học sinh có thể học những nghề: Kiến Trúc, Hội Họa, Điêu Khắc…
- Trường chuyên nghiệp dậy về Hàng Hải, Kỹ Nghệ ở Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Nội.
Trên địa hạt Hành Chính và Thông Tin:
- Thiết lập các Phòng Thông Tin, trưng bầy tranh ảnh sách báo.
- Sở Thông Tin về khắp vùng quê, chiếu phim, ca nhạc.
- Giúp đỡ mày móc dụng cụ về ấn loát, quay phim, giúp máy phóng thanh, xe hơi.
Trong tổng số tiền viện trợ Kinh Tế Mỹ (70.330.000 Mỹ kim), ngân khoản dàng riêng để mua hàng hóa nhập cảng là: 45.782.000 Mỹ kim. Từ 1951 đến tháng 6.1953 đã có 58% của ngân khoản đó được tiêu dùng (26.380.000 Mỹ kim). Số còn lại được ghi trên khế ước và hàng hóa sẽ dần dần được chuyển tới ba Quốc Gia Liên Kết.
Về niên khóa 1954, mục tiêu của chương trình nhập cảng (16.000.000 Mỹ kim) là cung cấp thêm số Mỹ kim cho Đông Dương để mua hàng hóa cần thiết. Do đó nạn khan ngoại tệ sẽ đỡ dần. Có ngoại tệ, các thương gia Việt Nam có thể gửi mua hàng hóa ở Hoa Kỳ hoặc ở các nước khác nếu giá hàng rẻ hơn ở Hoa Kỳ.
Đặt dưới quyền quản trị của một tổ chức tư với tên là Ủy Ban Nhập Cảng Lâm Thời, chương trình nhập cảng mới sẽ là một cố gắng chung của cả Pháp-Việt-Mên-Lào, nhằm mục tiêu tăng cường tài chính để mua các hàng hóa, vật liệu cần thiết cho các Quốc Gia Liên Kết.
Những hàng hóa, vật liệu đó là dầu hỏa, đầu chạy máy, bông, xe hơi, máy móc kỹ nghệ, dụng cụ nông nghiệp, phi cơ, những bộ phận máy tháo rơi, tầu thủy dụng cụ làm mỏ và những toa tầu hạng nặng để cơ khí hóa việc khai thác hầm mỏ…
Nói tóm lại, nhờ viện trợ của Hoa Kỳ, chính phủ Quốc Gia Việt Nam tương đối đã gây lại được mức điều hòa trong đời sống quá lệch lạc của dân chúng nạn nhân chiến tranh. Và cũng nhờ đó chính phủ đã có thể dễ dàng tiếp tục phát triển mở mang nền kinh tế quốc gia ngõ hầu đủ sức chịu đựng trong cuộc chiến đấu chống cộng sản.
2.- Viện Trợ Quân Sự:
Riêng một mình nước Pháp không thể nào chịu đựng nổi mãi cuộc chiến tranh trường kỳ ở Đông Phương. Số quân lính, vũ khí và chi phí chiến trường của Pháp ở Đông Dương chỉ có hạn. Tuy Hoa Kỳ đã dành cho ba Quốc Gia Liên Kết một ngân khoản là 30.500.000 Mỹ kim riêng viện trợ về quân sự năm 1953 nhưng sự thực số tiền đó chả là bao trong khi chiến tranh dữ dội ở Đông Dương cần thiết mỗi ngày tới 3.000.000 Mỹ kim.
Chiến sự giảm bớt ở Triều Tiên (tháng 6.1953) thì áp lực quân sự của Việt Minh lại có vẻ tăng lên và cộng sản thế giới chú mục vào khu Thái Lan-Miến Điện. Trận đánh Ai Lao của quân đội Việt Minh đã thúc đẩy Hoa Kỳ phải để ý hơn nữa đến vấn đề viện trợ quân sự cho Đông Dương.
Từ tháng 6 năm 1953, rất nhiều chính khách và Tướng lĩnh Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam.
Thống Đốc Adlai Stevenson, ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ Mỹ đã công nhận chiến tranh Đông Dương là ‘’một trận lôi cuốn máu và tiền’’.
Ngày 20 tháng 6, một phái đoàn quân sự Mỹ do Trung Tướng Fohn Daniel điều khiển đã từ Phi Luật Tân tới Sài Gòn.
Phái đoàn gồn có Thiếu Tướng Russel với 4 sĩ quan Tham Mưu Lục Quân Tướng Carty với 3 sĩ quan Tham Mưu Không Quân, Đại Tá Dillon với 2 sĩ quan Tham Mưu Thủy Quân Lục Chiến và ông Philip W. Bonsal, Trưởng Phòng Đông Nam Á trong Bộ Ngoại Giao Mỹ.
Thành phần quan trọng trong phái đoàn đã chứng tỏ Hoa Kỳ rất chú ý đến tình hình quân sự ở Đông Dương.
Mục đích của phái đoàn quân sự Mỹ là thảo luận với Đại Tướng Tổng Tư Lệnh Navarre Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Nguyễn Văn Hinh về cuộc viện trợ dụng cụ và chiến phí cho Quân Lực Pháp-Việt, đồng thời quan sát chiến trường Đông Dương.
Trước kia Hoa Kỳ chỉ viện trợ theo một phương pháp nhỏ giọt và quá ít ỏi, như vậy đã không giúp ích được mấy cho chiến trường.
Trong khoảng thời gian từ 1951 đến mùa Thu năm 1953, Hoa Kỳ đã viện trợ cho quân đội Pháp và quân đội các Quốc Gia Liên Kết:
- 170.000.000 viên đạn.
- 16.000 xe vận tải và rờ-móoc
- 850 xe thiết giáp.
- 350 phi cơ (phóng pháo và khu trục)
- 250 phi cơ (dành cho Hải Quân)
- 10.500 máy truyền thanh.
- 9.000 vũ khí tự động, cùng nhiều vật liệu về y tế, dụng cụ công binh và đồ trang bị.
Nhưng từ khi Đại Tướng Navarre sang giữ chức Tổng Tư Lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương và quyết định thay đổi chính sách quân sự trên phạm vi chiến lược và chiến thuật, kế hoạch mới đã đòi hỏi thêm nhiều sự chú ý của Hoa Kỳ về phương pháp và số lượng của cuộc viện trợ.
Hoa Kỳ cũng hiểu tình thế mới và tháng 7.1953 Ngoại Trưởng Mỹ Foster Dulles đã nhấn mạnh trong buổi họp với một nhóm Nghị Sĩ ở Hoa Thịnh Đốn về vấn đề Đông Dương:
‘’Tình hình hiện tại ở Đông Dương, chúng ta (Mỹ) phải coi nó như là một hiểm họa quan trọng nhất đương đè chĩu lên thế giới tự do.
Tại miền đó, trách nhiệm chính là ở Pháp, hiện giờ quân đội Pháp đang chiến đấu và chịu đựng một phần lớn gánh nặng tài chính của các nỗ lực quân sự’’.
Những nhu cầu tối cần thiết về quân sự ở Đông Dương cũng đã được Ngoại Trưởng Pháp Bidault nêu rõ trong tháng 7 ở Nữu Ước khi họp Hội Nghị ba Ngoại Trưởng tam cường Tây phương:
‘’Pháp không thể cứ theo đuổi tình trạng này mãi mãi không biết đến bao giờ. Gánh nặng của Pháp phải được giảm bớt và Pháp cần phải được Hoa Kỳ giúp đỡ’’.
Nói đến tổn phí về chiến tranh ở Đông Dương, Ngoại Trưởng Pháp đã cho Ngoại Trưởng Hoa Kỳ rõ ràng ngoài những dụng cụ không thể ước lượng được, nước Pháp đã chi phí gần 500 tỷ Phật Lăng cho ngân sách chiến tranh ở Đông Dương và đó là con số tối đa mà nền tài chính Pháp không tài nào làm hơn được nữa.
Ngày 27 tháng 7.1953, một sự kiện tối quan trọng được loan báo: Ngừng bắn ở chiến trường Cao Ly.
Việc ngừng bắn ở Cao Ly đã khiến Hoa Kỳ lo ngại tới việc ‘’chí nguyện quân Trung Cộng’’ có thể xuất hiện ở Việt Nam. Riêng chiến đấu với Việt Minh, Liên Quân Việt-Pháp cũng đã còn phải dằng dai ngót chục năm trời mà chưa thu được thắng lợi nếu nay thêm Trung Cộng, Quân Đội Mỹ không thể không trực tiếp tham gia một trận chiến tranh Cao Ly thứ hai ở Đông Dương, nếu Mỹ không muốn để cả vùng Đông Nam Á lọt vào tay cộng sản.
Trong kỳ họp Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ về vấn đề viện trợ cho ngoại quốc, Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield ở Cao Ly, Trung Cộng sẽ rảnh tay để tiếp tục tăng cường viện trợ cho Việt Minh, can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương, ông Mansfield nói:
‘’Cuộc viện trợ mà chúng ta bằng lòng chịu ở phần đất đó trên thế giới là để cho cuộc phòng thủ riêng của chúng ta cũng như cho cuộc phòng thủ của thế giới tự do. Nếu tôi tin được vào những tin tức mới đây ở Đông Dương thì giữa các nhà cầm quyền Mỹ-Pháp và chính phủ Việt Nam có một sự đồng quan điểm về những khả năng lớn lao của một cuộc đắc thắng quân sự trong vòng hai năm nữa với điều kiện là chúng ta không làm chậm trễ những vụ gửi dụng cụ chiến tranh sang Đông Dương’’
Sau Bản Tuyên Ngôn 3.7.1953 của chính phủ Pháp, Hoa Kỳ đã hài lòng về thái độ của Pháp đối với ba Quốc Gia Liên Kết mặc dầu sự hài lòng ấy cũng còn phải đợi những hành động tương lai của Pháp khi thấy nước này còn áp dụng một chính sách theo những ý thức lạc hậu đối với ba Quốc Gia Liên Kết. Nhưng từ sau Bản Tuyên Ngôn 3 tháng 7 và nhất là sau khi ký kết ngừng bắn ở Cao Ly, Hoa Kỳ đã tỏ ra tích cực giúp Pháp hơn vì đã nhận rõ số phận bản thân Hoa Kỳ cũng như của thế giới tự do giờ đây bị lệ thuộc vào trận chiến tranh trên lãnh thổ Việt-Mên-Lào.
Ngày 30 tháng 7, Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ đã thảo luận về con số Mỹ kim thêm vào chương trình viện trợ quân sự cho những quân đội chống cộng sản ở Đông Dương.
Vấn đề viện trợ quân sự Mỹ cho quân lực chống cộng ở Đông Dương và vị trí quan trọng của vùng này đã được Tổng Thống Eisenhower nhấn mạnh trong Bản Phúc Trình về chương trình An Ninh Hỗ Tương của Mỹ Quốc gửi Quốc Hội Hoa Kỳ trung tuần tháng 8.1953. Dưới mắt Tổng Thống Mỹ, Việt Nam và Cao Mên, Ai Lao là một cửa ngõ mở sang những vùng rất giầu nguyên liệu miền Nam Á Châu và cuộc phòng thủ Việt-Mên-Lào là mối thắc mắc lớn cho thế giới tự do:
‘’…Vì rằng Pháp không đủ sức đối phó với những điều cam kết cả ở Âu Châu lẫn Á Châu nếu không có một sự giúp đỡ ở ngoài, Hoa Kỳ phải cung cấp cho các lực lượng chống cộng ở Đông Dương những đồ trang bị và vũ khí mà những lực lượng đó cần dùng. Cuộc viện trợ quân sự cho các lực lượng võ trang Liên Hiệp Pháp và các Quốc Gia Liên Kết đã được tiếp tục trên một căn bản nhiều quyền ưu tiên trong Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt 1953. Nhịp gửi hàng tháng đã được tăng lên gấp bội so với năm ngoái. Những vụ gửi dụng cụ này và những ảnh hưởng của nó trong các cuộc hành binh đã góp một phần lớn trong việc cải thiện tình hình quân sự nguy ngập ở Đông Dương và đã ngăn cản được cộng sản xâm chiếm tất cả vùng Đông Nam Á.
Tuy nhiên cuộc chiến thắng chưa có thể có ngay được.
Nước Pháp đã phải chịu những sự thiệt hại nặng nề về sĩ quan và binh lính, chính phủ Pháp đã tiêu phí mỗi năm hơn 1.000.000.000 Mỹ kim để theo đuổi chiến dịch khó khăn và gay go đó, nhưng không thể nào đảm đương được tổng số phí khoản về trận chiến tranh mà không có hại cho sự góp phần quân sự với các lực lượng ở Âu Châu. Hiện nay người ta đã chú trọng tới sự thành lập những đạo quân quốc gia của các nước Việt-Mên-Lào. Trong cuộc chiến đấu để ngăn cản các lực lượng cộng sản tràn ngập Đông Dương cuộc viện trợ cho các lực lượng Liên Hiệp Pháp bằng người, bằng đồ trang bị và trong địa hạt huấn luyện tỏ ra rất cần thiết để lập những đạo quân quốc gia ấy.
Tuy nhiên khi cần đến, các lực lượng Đông Dương phải đủ sức để gánh vác một phần lớn hơn trong việc bảo vệ dân chúng chống các cuộc tấn công của cộng sản. Khi nào các lực lượng địa phương trở nên mạnh mẽ, Pháp có thể chuyển dần từ Đông Dương về Âu Châu những sĩ quan và binh lính thiện chiến cần thiết để thành lập những lực lượng của tổ chức Bắc Đại Tây Dương.
Nay mặc dầu có cuộc viện trợ cụ thể của Pháp và của Hoa Kỳ, các Quốc Gia Việt, Miên, Lào cũng bị bắt buộc phải lấy số tối đa trong số dự trữ của mình cho mọi nỗ lực quân sự.
Riêng nước Việt Nam đã dành 70% ngân sách cho các lực lượng võ trang của nước đó…’’
Hoa Kỳ coi trận chiến tranh ở Đông Dương là một đe dọa lớn lao cho hòa bình và để tâm nghiên cứu viện trợ thêm về quân sự. Đồng thời với những cuộc thỏa luận gấp rút ở Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ quanh vấn đề viện trợ quân sự cho các chính phủ ở Đông Dương, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên tiếng cảnh cáo Trung Cộng mục đích ngăn ngừa một cuộc can thiếp trực tiếp có thể có của cộng sản trên chiến trường Đông Dương.
Trên phương diện quân sự, Việt Nam đã nắm trong một chính sách mới mẻ của Hoa Kỳ. Chính sách mới ấy nẩy ra một tháng sau ngày 22 tháng 8.1953, ngày mà người kế vị Stalin, Malenkov lạnh lùng tuyên bố với thế giới rằng Liên Bang Sô Viết cũng có bom khinh khí. Ngày 22 tháng 9, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ quyết nghị:
1.- Chiến lược quân sự: Hợp Chúng Quốc phải tích cực tấn công trong phòng ngự hơn là thụ động phòng thủ.
2.- Chiến lược tâm lý: ‘’Chiến dịch trắng’’.
Nguyên tắc của ‘’Chiến dịch trắng’’ là thẳng thắn thúc đẩy dư luận dân chúng Hoa Kỳ và vạch rõ cho họ biết những sự thật có thể xẩy đến trong thời đại nguyên tử, huấn luyện cho họ quen những phương pháp phòng thủ bằng cách thi hành liên tiếp những buổi báo động thử.
Về quân sự, Hoa Kỳ cố gắng gấp rút sản xuất hai loại phi cơ tối tân ghê gớm để đề phòng:
- Loại phóng pháo cơ phản lực B-52 dùng để chở bom nguyên tử, có thể bay rất nhanh đến bất luận một căn cứ nào trên thế giới, thi hành xong nhiệm vụ, rồi lại trở về căn cứ.
- Loại khu trục cơ phản lực F-100 với tốc độ và hỏa lực vượt bực.
Kỳ họp thứ hai của ba Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, Úc và Tân Tây Lan tại Hoa Thịnh Đốn (9.9.53) đã ghi chú hiểm họa cộng sản ở Đông Dương. Các Quốc Gia Úc và Tân Tây Lan đã rất để ý đến tình hình Đông Dương và tìm cách cung cấp thêm dụng cụ.
Ngày 10 tháng 9, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ đã chấp thuận một ngân khoản 385.000.000 Mỹ kim để góp phần đặc biệt của Hoa Kỳ vào kế hoạch tăng nỗ lực quân sự Pháp-Việt ở Đông Dương.
Theo lời ông Tổng Trưởng phụ trách việc liên lạc với ba Quốc Gia Liên Kết, số viện trợ Mỹ này sẽ không có mục đích để kéo dài chiến tranh mà để chấm dứt nó. Sự tăng thêm 385 triệu Mỹ kim vào chiến phí Đông Dương sẽ làm tăng tiến Quân Lực Việt-Mên-Lào và giúp Pháp được rảnh tay chú ý tới các việc quan trọng khác.
Quyết nghị ghi chú hiểm họa cộng sản ở Đông Dương của Hội Nghị ba Ngoại Trưởng Hoa Kỳ-Úc-Tân Tay Lan cùng quyết nghị của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ về 385 triệu Mỹ kim viện trợ đã phù hợp với lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Mỹ Foster Dulles ở Saint Louis trước Đại Hội của Hiệp Hội Lao Động A.F.L.:
‘’…Ở Đông Dương, một trận chiến tranh khác đương tiếp tục và mối hiểm họa khi nhận thấy sức kháng cự có thể bị tan rã trước các lực lượng xâm lăng của cộng sản hiện vẫn có. Nếu sức kháng cự tan rã, do ở đó có lẽ nó sẽ là một đe dọa cho quyền lợi trọng yếu của chúng ta ở Tây Thái Bình Dương.
Rất nhiều người ở Đông Dương cũng đã từng tin tưởng từ lâu rằng họ đã phải lựa chọn giữa chủ nghĩa thuộc địa và chủ nghĩa cộng sản. Một sự lựa chọn như vậy không bao giờ làm cho người ta hết sức hăng hái hoặc có nhiều thiện chí để hy sinh và liều chết, đích tối cao của sự hy sinh.
Hiện giờ, Pháp đã cho biết rõ rệt ý định của mình qua Bản Tuyên Ngôn ngày 3 tháng 7, thỏa thuận dành cho các Quốc Gia Liên Kết ở Đông Dương một nền độc lập hoàn toàn, theo như các nước đó đã muốn.
Pháp và các Quốc Gia Liên Kết hiện đương xét đến Bản Tuyên Ngôn đó và chắc chắn là họ sẽ hoạt động với tất cả thiện chí.
Như vậy, tính cách của trận chiến tranh sẽ biến chuyển.
Theo đúng với lương tâm, Hoa Kỳ có thể góp sức rõ rệt bằng tiền và bằng dụng cụ để đi tới một kết luận khả quan cho cuộc xung đột nầy, nó bắt đầu thuộc đúng kiểu chiến tranh độc lập trong khi tính cách xâm lăng của chiến tranh cộng sản cũng bắt đầu bị phô bày ra’’.
Ngày 30 tháng 9, chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức chuẩn y ngân khoản 385 triệu Mỹ kim viện trợ quân sự cho chính phủ Pháp để sử dụng trong các cuộc hành binh chống Việt Minh ở Đông Dương. Bộ Ngoại Giao Pháp đã công bố một bản thông cáo vể việc viện trợ đó:
‘’Các lực lượng võ trang của Pháp và của các Quốc Gia Liên Kết đã tham dự từ 8 năm nay một cuộc chiến đấu gay go để ngăn chặn cộng sản tràn vào Đông Nam Á. Những nỗ lực anh dũng của các lực lượng đó để bảo vệ nền độc lập của các Quốc Gia Việt-Mên-Lào đang được thế giới tự do khâm phục và giúp đỡ.
Chính phủ Hoa Kỳ nhận thấy nỗ lực của Khối Liên Hiệp Pháp đã viện trợ chính phủ Pháp và các Quốc Gia Liên Kết dưới những hình thức khác nhau để góp phần vào việc chấm dứt một cách nhanh chóng nhất và đắc thắng cuộc chiến đấu dài dăng dẳng này.
Với Bản Tuyên Ngôn ngày 3.7.53, chính phủ Pháp đã quyết định hoàn thành nền độc lập của ba Quốc Gia Liên Kết Đông Dương bằng những cuộc thương thuyết với các chính phủ đó.
Một thỏa ước vừa được ký kết giữa hai chính phủ Pháp và Hoa Kỳ theo đó chính phủ Hoa Kỳ đã đặt dưới quyền sử dụng của Pháp trước ngày 31.12.54 một ngân khoản phụ nhiều nhất là 385 triệu đô la để đài thọ những kế hoạch mà chính phủ Pháp đã quan niệm hầu bành trướng những cuộc hành quân chống Việt Minh.
Số tiền này phải được coi như là thêm vào những số tiền mà chính phủ Hoa Kỳ đã dành để viện trợ về quân sự và kinh tế cho Pháp và các Quốc Gia Liên Kết.
Chính phủ Pháp đã quyết định mang hết nỗ lực của mình để làm tan rã và tiêu diệt những lực lượng chính quy của địch ở Đông Dương. Với mục đích đó, chính phủ Pháp có ý định hoàn thành những kế hoạch tăng cường các lực lượng võ trang của các Quốc Gia Liên Kết, hợp tác với Việt-Miên-Lào và tạm thời thích ứng phần quan trọng của các quân số riêng của mình vào những điều kiện cần thiết để bảo đảm thắng lợi cho những kế hoạch quân sự hiện tại.
Sự viện trợ thêm này của Hoa Kỳ nhằm việc cho phép đạt tới những mục tiêu đó một cách nhanh chóng và có hiệu quả hơn hết.
Việc tăng cường sự nỗ lực của Pháp ở Đông Dương sẽ không phương hại tới căn bản những kế hoạch hay chương trình của chính phủ Pháp về lực lượng Bắc Đại Tây Dương của Pháp và cũng không phương hại gì một cách vĩnh viễn’’
Việt Nam, vị trí trọng yêu trong mặt trận kháng chiến chống cộng, đã kích thích nhiều lãnh tụ Hoa Kỳ phải qua thăm.
Ngày 11 tháng 9.1953, Thượng Nghị Sĩ Knowland Chủ Tịch đa số Cộng Hòa tại Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ từ Hương Cảng tới Việt Nam. Sau vài ngày xem xét, nhận định. Thượng Nghị Sĩ đã tuyên bố trước khi rời Việt Nam đi Thái Lan rằng:
‘’…Căn cứ vào những điều tôi được thấy, tôi hy vọng rằng những lực lượng của ba tân quốc gia độc lập này có thể được tăng cường nhanh chóng chừng nào hay chừng ấy, được trang bị và huấn luyện cả về phương diện viện trợ hợp lệ cho lực lượng quân sự của chính họ cũng như cho những lực lượng cộng tác với họ trong công cuộc phòng thủ chung.
Tôi còn hy vọng rằng những kỹ nghệ phục hưng như những công xưởng sửa xe hơi hoặc những loại máy móc khác sẽ được thực hiện ở Việt Nam, Ai Lao và Cao Mên, không những để giúp cho vấn đề chuyên chở mà còn để khi cuộc chiến đấu dành tự do đã thắng lợi và quốc gia đã được thống nhất thì dân chúng địa phương đã được huấn luyện trong công việc này sẽ có đủ khả năng để củng cố nền kinh tế quốc gia và đồng thời khiến cho nền kinh tế được dồi dào.
Tôi cần phải kết luận rằng tôi rất tin tưởng tự do, vào khả năng quân sự, vào sự phát triển tương lai về kinh tế và sự trưởng thành của dân tộc tự do Việt-Mên-Lào.
Tôi không những chỉ muốn thấy họ duy trì tự do của họ bên ngoài bức màn sắt để tự giải thoát nhưng bởi vì tôi tin rằng bất cứ những quốc gia nào để mất tự do vào tay cộng sản họ cũng làm nguy hại đến tự do của các dân tộc khác trên thế giới’’.
Tuy Thượng Nghị Sĩ Knowland vẫn tuyên bố rằng ông lấy tư cách riêng tới thăm Đông Dương và chuyến đi của ông qua vùng Đông Nam Á không có tính cách chính thức nhưng với địa vị lãnh tụ nhóm đa số Cộng Hòa tại Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ, lời nói và ý nghĩ của ông không phải là xuông và kém tính cách quyết định.
Ông Knowland đã phải nhận thấy rằng người lính Quốc Gia Việt Nam sẽ cũng thiện chiến và cũng không kém bất cứ người lính nào khác trên thế giới nếu họ được võ trang đầy đủ, được huấn luyện và chỉ huy một cách khéo léo.
Tiếp theo cuộc thăm viếng của Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Knowland, đầu tháng 11.1953, Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon cũng đặt chân tới Việt Nam.
Cuộc kinh lý của Phó Tổng Thống Hoa Kỳ bao gồm những xứ: Hạ-uy-di, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi, Nam Dương, Tân Gia Ba, Thái Lan, Việt Nam, Cao Mên, Ai Lao, Đài Loan, Nam Cao Ly, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Tích Lan, Ấn Độ, Bắc Phi, quần đảo Acores.
Theo Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, cuộc tuần du này sẽ tỏ cho quốc gia ở Á Châu rõ rằng nước Mỹ coi Á Châu cũng quan trọng như Âu Châu.
Khi ở Việt Nam, Phó Tổng Thống Nixon đã nhấn mạnh:
‘’Mọi sự xẩy ra ở Việt Nam đều có một ảnh hưởng lớn lao đến tương lai của cả Đông Nam Á. Nếu cộng sản thắng thế thì tự do sẽ tận số. Để chống sự đó, các bạn đã chiến đấu và chúng tôi đã tình nguyện và hãnh diện giúp các bạn.
Những người biết tương trợ nhau thì chắc chắn là sẽ thắng thế trong những nguồn đen tối nhất, chúng ta chắc chắn sẽ có đủ lực để thắng vì chính nghĩa của chúng ta hợp lẽ và công bằng. Chúng ta đứng về phía công lý của nghĩa độc lập, còn về phía bên kia, họ chỉ có sự nô lệ’’.
Cuộc viếng thăm của vị đại diện cường quốc dân chủ Hoa Kỳ đã là một sự kiện rất quan trọng, một bảo đảm chắc chắn về thái độ và sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Sự viếng thăm ấy là kết quả của những tiến triển xâu xa và rộng rãi của Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo phòng thủ thế giới tự do chống độc tài cộng sản.
Trung tuần tháng 11.1953, một số nhân vật quan trọng nữa của Hoa Kỳ cũng ghé thăm Việt Nam.
- Tướng O’Daniel, Tổng Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương, lưu lại Việt Nam một tuần lễ rồi rời Sài Gòn ngày 15 tháng 11.
- Ngày 17 tháng 11, Đô Đốc Felix B. Stump, Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương, Phó Đô Đốc Phillips, Thượng Nghị Sĩ Alexander Smith, Đại Tá Hải Quân Frankel, Rivero, Trung Tá Hải Quân Gage, Lederer…
Những vị Tướng lĩnh Lục và Hải Quân Hoa Kỳ đi thăm các căn cứ quân sự, các phi trường, hải cảng ở Việt Nam tuy không ngoài khuôn khổ của những cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa các Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đồng Minh trong vùng Thái Bình Dương nhưng cũng đã chứng tỏ rằng sau Bản Tuyên Ngôn của Pháp ngày 3 tháng 7, sau ký kết đình chiến ở Cao Ly, Hoa Kỳ thật đã ra mặt thẳng thắn bênh vực bằng quân sự các quốc gia tự do miền Đông Nam Á. Số tiền viện trợ 385 triệu Mỹ kim mới chỉ là mào đầu cho một cuộc Liên Quân Mỹ-Pháp-Việt-Mên-Lào.
Lập trường của Hoa Kỳ trong cuộc viện trợ rất rõ rệt, như lời tuyên bố của Đặc Sứ Donald Heath ở Sài Gòn hồi đầu tháng 10.1953:
‘’…Tôi cho rằng điều sau đây cũng xác đáng khi nói về chính sách của chúng tôi đối với ba quốc gia tự do Việt-Mên-Lào và nỗ lực quân sự và tài chánh vô biên của ba nước cùng chung với Pháp để bảo tồn nền độc lập mới tranh thủ được và những viễn ảnh tương lai tự do phát triển của họ.
Võ khí và viện trợ kinh tế do Hoa Kỳ cung cấp phụ thêm vào phần gánh vác tài chính vô cùng quan trọng hơn của Pháp, đó là chưa nói tới những sự hy sinh của con dân nước Pháp, đó là chưa nói tới những hy sinh của con dân nước Pháp trên chiến trường.
Chúng tôi sẵn lòng cung cấp sự viện trợ đó để bảo vệ nền độc lập của ba quốc gia. Hoa Kỳ không đòi hỏi những đặc quyền để đền bù lại và cũng không ẩn ý gì khi cung cấp sự viện trợ đó. Mục tiêu của chúng tôi là ủng hộ các cố gắng chung của những lực lượng Liên Hiệp Pháp và những lực lượng Việt-Mên-Lào nếu bảo đảm cho họ các phương tiện cần thiết để chiến thắng kẻ thù chung là Việt Minh, không phải gì khác hơn là đạo quân xung phong của trục cộng sản Bắc Kinh-Mốt-cu.
Tôi tin chắc rằng kẻ thù cộng sản, chỉ tìm cách gây mầm chia rẽ và bất hòa giữa các quốc gia trong thế giới tự do, một lần nữa sẽ vấp phải một sự thống nhất cố gắng của ba Quốc Gia Liên Kết và nước Pháp.
Tôi hiểu rõ những nỗi lo ngại và khó khăn mà dân tộc Việt Nam mới thâu được chủ quyền phải đương đầu và phải chịu đựng một cách nhẫn nại. Dầu sao cũng có một niềm an ủi vô tận. Lịch sử dậy chúng ta rằng các dân tộc mạnh đứng trước một tai họa lớn lao càng được rèn luyện mạnh mẽ thêm bởi những nỗi đau của chính mình.
Trong ba năm trời lưu trú tại đây, tôi đã tìm hiểu được sẵn có của dân tộc Việt Nam và tôi tin chắc rằng, sau khi ra khỏi cuộc chiến tranh dai dẳng và đau thương này, nước Việt Nam chắc chắn sẽ là một quốc gia mạnh mẽ hơn và tự tin ở mình hơn…’’
Nhận rõ lập trường đứng đắn và mục tiêu không vụ lợi của Hoa Kỳ trong công cuộc viện trợ. Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm, trong bức thư ngày 11.10.54 gửi Đặc Sứ Donald Heath, đã thay mặt chính phủ Việt Nam và nhân danh tất cả các chiến sĩ Quốc Gia Việt Nam, tỏ lòng hoan nghênh và cảm ơn nồng hậu chính phủ Hoa Kỳ.
Nếu dưới mắt những người Quốc Gia Việt Nam, viện trợ Mỹ là một hành động quý báu để giúp nước nhà dành lại tự do, dân chủ thì đối với Việt Minh, viện trợ của Hoa Kỳ lại là một hành động mà họ không tiếc lời nguyền rủa.
Trong một bản tài liệu giải thích cho các đảng viên cộng sản, Việt Minh đã kết án Mỹ Quốc như sau:
‘’…Ngay sau Đại Chiến Thứ Hai, nhất là từ lúc chúng (Hoa Kỳ) bị bật khỏi Trung Quốc và đã nắm trong tay nền kinh tế chiến tranh ở Nhật, đế quốc Mỹ càng chú ý đến Đông Nam Á nơi đông dân, giầu của (nguyên liệu và thóc lúa), nông nghiệp lạc hậu. Một mặt chúng dùng mọi cách để trực tiếp đầu cơ, bán hàng, khai thác nguyên liệu v.v…ở các nước Đông Nam Á, mặt khác, chúng thúc đẩy và ủng hộ bè lũ tài phiện Nhật, tay sai của chúng, mở rộng việc xâm lược kinh tế Đông Nam Á, dần dần đánh lui thế lực kinh tế của Anh, Pháp, Hà Lan ở các nước đó. Ngoài ra trong con mắt Đế Quốc Mỹ Đông Nam Á còn là một nguồn nhân lực vô tận, cần thiết cho việc gây chiến tranh xâm lược Châu Á và Thái Bình Dương.
Để thực hiện đã tâm gây chiến tranh đó. Đế quốc Mỹ mưu mô gì ở Đông Nam Á ?
Chúng cấu kết và giúp đỡ đế quốc Anh, Pháp, Hà Lan hòng dập tắt ngọn lửa đấu tranh giải phóng đang hừng hực khắp Đông Nam Á. Chúng xây dựng nhiều căn sứ quân sự, đồng thời tìm cách dần dần chen lấn bọn Anh, Pháp, Hà Lan để giành quyền bá chủ ở Đông Nam Á về mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa và lôi kéo các nước Đông Nam Á vào cuộc chiến tranh thế giới mới.
Đế quốc Mỹ đã cùng bè lũ bù nhìn Quyrinô thẳng tay đán áp phong trào giải phóng Phi Luật Tân. Chúng ‘’viện trợ’’ vũ khí và tiền của cho thực dân Anh, Pháp để kéo dài chiến tranh xâm lược ở Việt-Mên-Lào, đẩy mạnh việc khủng bố phong trào Mã Lai. Chúng tìm đủ cách mua chuộc bọn phản động Ấn Độ, Nam Dương, Xiêm, Diến v.v…Hội Nghị Tân Gia Ba tháng 5. 1951, Hội Nghị Hoa Thịnh Đốn đầu năm nay (1952) những cuộc gặp gỡ gần đây giữa bọn Tướng Tá Mỹ, Anh, Pháp ở Đông Nam Á hoặc giữa Mỹ với bè lũ tay sai của chúng ở Hawaii chứng tỏ bọn chúng ngày càng đi sâu vào mưu mô cấu kết với nhau để chống lại nhân dân các nước Đông Nam Á.
Nêu cao chiêu bài ‘’chống cộng’’, mượn cớ ‘’phòng thủ chung’’ nhưng thực tế cốt để chuẩn bị xâm lược Trung Quốc, phá hoại hòa bình Châu Á và Thái Bình Dương. Đế quốc Mỹ đã bắt bù nhìn Phi Luật Tân nhường cho chúng 21 căn cứ quân sự, đã xây dựng nhiều căn cứ và đắp đường giao thông quân sự dọc biên giới: Xiêm-Trung Quốc, Xiên-Diến, Xiên-Miên, Xiêm-Lào, sửa sang sân bay Băng Cốc ở Xiêm thành sân bay lớn nhất Đông Nam Á, mở rộng sân bay Răng Gun ở Diến Điện, lập thêm sân bay ở Nam Dương, gấp rút huấn luyện và trang bị vũ khí tối tân cho 18 Tiểu Đoàn Xiêm, tiếp tế vũ khí đạn dược cho tàn quân Quốc Dân Đảng quấy rối biên giới Diến Điện-Trung Quốc và đặt nhiều cơ quan gián điệp ở Phi Luật Tân, Việt Nam, Diến Điện, Ấn Độ v.v…
Chúng trân tráo tự xưng là ‘’bạn tốt’’ (!) của nhân dân Đông Nam Á, nỏ mồm ‘’công kích’’ chế độ thực dân mà Anh, Pháp cố duy trì ở Việt-Mên-Lào và Mã Lai, gióng trống khua chiêng quảng cáo ầm ỹ cho lý tưởng ‘’tự do’’ của Mỹ và điểm 4 của chương trình Tờ-ru-man vênh mặt ‘’bênh vực’’ cho cái mà chúng gọi là ‘’chủ nghĩa dân tộc Châu Á’’. Chúng làm ra vẻ quan tâm đến đời sống của nhân dân Đông Nam Á, tuyên bố sẵn sàng ‘’viện trợ’’ nhân dân Đông Nam Á về nông cụ, thuốc men v.v…Nhưng nhân dân Đông Nam Á thừa hiểu đó chỉ là những trò bịp. Sự thật thì đế quốc Mỹ đang cố kìm hãm nhân dân Đông Nam Á trong tình trạng lạc hậu để tha hồ bán hàng, đầu tư, bóc lột, vơ vét nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chiến tranh ở Mỹ và Nhật. Đồng thời chúng mưu dùng nhân dân Đông Nam Á làm bia đỡ đạn cho chúng. Chúng tuyên truyền văn hóa nô dịch, tâng bốc đời sống đồi trụy và dâm ô để đầu độc tinh thần nam nữ thanh niên.
Bọn đế quốc Anh, Pháp, Hà Lan cũng biết đế quốc Mỹ đang tìm cách và cũng đã bắt đầu hất cẳng mình để đoạt quyền bá chủ ở Đông Nam Á. Nhưng vì cổ đã mắc vào tròng Mỹ và hoảng sợ trước phong trào đấu tranh ngày càng lên mạnh của nhân dân Đông Nam Á nên chúng phải bám lấy đế quốc Mỹ để cố duy trì phần nào địa vị của chúng ở Đông Nam Á. Chúng phải bấm bụng nhận những điều kiện thắt cổ của Mỹ về việc ‘’viện trợ’’. Ở Việt Nam, Pháp phải để cho Mỹ khai thác những khoáng sản quý như Thiếc, Than, Đá phốt phát v.v…ở Nam Dương, công ty độc quyền Mỹ chiếm của Anh và Hà Lan hơn 100 giếng dầu và hàng chục nhà máy lọc dầu. Hơn một triệu mẫu cao su ở Nam Dương và Tân Chi Nê lọt vào tay Mỹ, Hà Lan phải bấm bụng bán rẻ lại cho chúng nhiều khu mỏ chì, thiếc và rất nhiều vườn canh-ki-na và cà phê. Mỹ đoạt quyền lợi của Anh ở Xiêm về các ngành mậu dịch, xuất cảng và nắm lấy độc quyền khai thác cao su và thiếc. Chúng khống chế thị trường cao su và thiếc ở Mã Lai và lấy dần vào quyền khai thác dầu hỏa và cao su của Anh ở Ấn Độ.
Những trở ngại lớn trên con đường xâm lược của Mỹ:
Trên con đường xâm lược Đông Nam Á cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, đế quốc Mỹ đang gặp nhiều trở ngại đó sẽ ngày càng lớn. Bọn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Anh-Pháp-Hà Lan v.v…về căn bản thì nhất trí với nhau để khủng bố và nô dịch nhân dân Đông Nam Á, nhưng những mâu thuẫn trong nội bộ chúng càng ngày càng gay go. Đế quốc Anh đang cố lôi kéo bọn phản động các nước Đông Nam Á vào khối ‘’thịnh vượng chung’’ của Anh, ra sức chống lại sự cạnh tranh của Mỹ-Nhật trên thị trường Đông Nam Á và gần đây, vận động Úc và Tân Tây Lan phản đối Mỹ về việc dự định cho Nhật chính thức tham dự khối xâm lược Thái Bình Dương. Thực dân Pháp thì tỏ ý bất mãn về chính sách ‘’viện trợ’’ nhỏ gọt của Mỹ, mặt khác lại muốn được quyền sử dụng ‘’viện trợ’’ Mỹ để nắm chắc bọn bù nhìn Việt-Mên-Lào, nhưng Mỹ vẫn duy trì chính sách đó, đồng thời lại chỉ ‘’viện trợ’’ cho Pháp một phần, còn một phần thì ‘’viện trợ’’ thẳng cho bọn bù nhìn…’’
Luận điệu hằn học của Việt Minh, sự thực chỉ nằm trong chương trình chung gây tâm lý ‘’chống Mỹ’’ của cộng sản quốc tế. Dù hành động của Mỹ tốt đẹp thế nào, dưới mắt nhìn thiên lệch của những người cộng sản cũng biến thành xấu xa, vụ lợi cả.
Nhưng thực tế đã chứng tỏ rằng viện trợ của Hoa Kỳ đã theo đúng chánh sách đúng đắn và tinh thần tương hỗ không vụ lợi, như lời nói của Đặc Sứ Denald Heath ngày 23.12.50 tại Sài Gòn trong ngày ký kết Hiệp Ước quân sự giữa Pháp và Việt-Mên-Lào:
‘’…Cuộc viện trợ của Hoa Kỳ không đòi hỏi một chút quyền hành nào về việc sử dụng các căn cứ quân sự hay việc kiểm soát tài nguyên hoặc kinh tế, không đòi hỏi một chút quyền lãnh đạo chỉ huy trên lãnh thổ hoặc trong chiến dịch và cũng không có cả một đòi hỏi đặc biệt nào…
Sự thật, dân tộc Hoa Kỳ, dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc ham chuộng tự do khác trên thế giới chỉ muốn hòa bình, hòa bình tự do và dân chủ.
AI LAO
Ai Lao là nước thứ nhì trong Khối các Quốc Gia Liên Kết và cũng chịu chung ảnh hưởng của trận chiến tranh khốc liệt đang tàn phá Bán Đảo Đông Dương.
Với diện tích rộng 231.000 cây số vuông, Ai Lao chỉ có được một tổng số dân chúng gần hai triệu người, kể cả những nhóm dân tộc thiểu số (hơn 30 nhóm) ở rải rác khắp miền đồi núi như dân Thái, Khạ, Mèo, Lu Yaa v.v…
Cương giới Ai Lao, phía Bắc giáp Diến Điện, Trung Hoa và miền Bắc Việt Nam, phía Nam Giáp Cao Mên, phía Đông giáp miền Trung Việt Nam và phía Tây là con sông Cửu Long (Mékong), biên thùy thiên nhiên ngăn cách Ai Lao với Thái Lan.
Ai Lao sản xuất được nhiều gỗ quý, cánh kiến trắng để dùng chế nước hoa, xà phòng thơm và có nhiều thung lũng trồng toàn thuốc phiện.
Đất đai Ai Lao chưa hề bị khai thác, các nguyên liệu quý giá còn ẩn mình nguyên vẹn dưới chân những khu rừng núi hoang dại mênh mông.
Vì dân số quá ít ỏi và hiếu tĩnh nên xưa kia Ai Lao thường bị các nước lân bang thèm thuồng nhòm ngó, nhất là Thái Lan họ chỉ vượt qua sông Mékong là đe dọa ngay được Kinh Thành Luang Prabang, nơi chứa đụng nhiều bạc vàng châu báu.
Năm 1778, Ai Lao bị một Tướng Xiêm, Chao Mahak Rassad Souk, kéo quân vượt qua Mékong tàn phá Kinh Thành và cướp mất tượng Phật bằng ngọc xanh.
Không chịu được cảnh áp bức, nhà ái quốc Lào Chao Anon cùng dân chúng nổi dậy đuổi quân xâm lăng, và dân Lào dầm mình trong khói lửa (1828).
Rồi lại đến lượt quân Vân Nam vượt biên giới (1873) tràn đánh Thát Luồng. Quân chiếm đóng đi tới đâu đều để lại cảnh tượng hãi hùng, người bị phanh thây, xé xác, cung điện đền chùa đổ nát tan hoang. Kinh Thành Thát Luồng cũng chung số phận bị dày xéo. Những ngôi chùa đẹp nhất nước Lào (Vat Phra Leo, Vat Phra Vat) bị đốt phá trơ trụi điêu tàn.
Thời Trung Cổ, nước Lào gọi là Lan Xang vẫn do một dòng họ kế tiếp nhau trị vì.
Đầu thế kỷ thứ 17 (1711-1713) nước Lan Xang tách ra làm đôi, đứng đầu có hai vị vua cùng chung một dòng họ cũ. Vua Oun Kham ở Luang Prabang và Vua Kham Souk ở Champassak.
Năm 1807, phái bộ Auguste Pavie đặt chân lên đất Lào và chuẩn bị việc xâm chiếm.
Năm 1893, một Hiệp Ước Pháp-Lào được ký kết và từ đó Lào cũng như Cao Mên, Việt Nam, phải ép mình vào khuôn khổ xứ Đông Pháp, chịu quyền cai trị của Phủ Toàn Quyền Pháp.
Nước Ai Lao được hợp nhất và Hoàng Tử Sisavang Vong lên ngôi vua (Vua Sisavang Vong là con Hoàng Tử Nhouy và là cháu Vua Kham Souk).
Tổ chức chính quyền của Lào mới chỉ nằm vỏn vẹn trong một Hội Đồng tý hon gọi là Hosanam Luang có vài công chức cao cấp với địa vị Giám Đốc.
Rồi chiến tranh Thế Giới Lần Thứ Hai bùng nổ.
Dựa uy lực quân đội Nhật Bản, Thái Lan gây hấn với ‘’xứ Đông Pháp’’ (1940-1941) và đòi Lào phải hoàn lại mấy Tỉnh thuộc hữu ngạn sông Mékong.
Chịu nhún nhường vì yếu thế, Pháp phải ‘’trả’’ cho Thái Lan hai Tỉnh Bassac và Paklay của Lào.
Đền bù lại sự mất đất, Pháp nới thêm quyền hành cho Lào (Hiệp Ước Bảo Hộ chính thức giữa Pétain-Sisavang Vong ngày 29.8.1941).
Tổ chức Hosanam Luang mở rộng thành Nội Các, gồm một vị Thủ Tướng với bốn bộ:
- Bộ Nội Vụ và Quốc Phòng.
- Bộ Tài Chính Hoàng Gia và Giáo Dục Xã Hội.
- Bộ Kinh Tế và Công Chính.
- Bộ Tư Pháp và Bộ Lễ.
Ngày 9 tháng 3 năm 1954, quân đội Nhật trở mặt lật đổ chính quyền Pháp. Việc đó đã lôi cuốn theo cả xứ Lào vào ảnh hưởng của mọi biến chuyển chung ở Đông Dương.
Trước binh lực hùng mạnh của Nhật Bản, quân đội Pháp đồn trú ở Lào bị tan vỡ.
- Số quân đội đóng ở Bắc Lào chạy sang Trung Hoa thoát khỏi bàn tay Nhật.
- Ở Trung Lào, một số công chức trốn được vào rừng.
- Riêng ở Nam Lào, đại đội đầu tiên và độc nhất của quân đội Lào, thành lập tại Đồng Hến từ ngày xẩy ra chuyện xung đột với Thái Lan, đã bảo tồn được lực lượng vì đóng lẩn xa quân đội Nhật. Đại Đội đó (1cre Cie des Chasseurs Laotiens) đã kết nạp thêm và tăng quân số được gấp đôi để luôn luôn phục kích, du kích quân đội Nhật.
Ngày 8 tháng 4 năm 1945, Nhật Bản yêu cầu Quốc Vương Sisavang Vong tuyên bố Ai Lao Độc Lập và ‘’tình nguyện’’ gia nhập Khối Đại Đông Á do Nhật Bản đứng đầu. Một chính phủ được nhào nặn do bàn tay Nhật Bản.
Bốn tháng sau (8.1945) quân đội Phù Tang đầu hàng Đồng Minh không điều kiện.
Chính phủ Pháp vội ủy nhiệm Đại Tá Imfeld làm Cao Ủy ở Lào (28.8.45) Đại Tá Imfeld cùng quân đội vẫn ẩn núp trong rừng núi Bắc Lào từ sau ngày 9.3.1945.
Chính phủ Pháp-Lào lục tục từ các nơi đổ về thành thị:
- Bộ đội du kích Pháp-Lào về Vientiane (5.9.45).
- Bộ đội du kích của Hoàng Thân Boun Oum về Paksé (14.9.45).
An ninh chưa kịp tái hiện thì quân đội thuộc Sư Đoàn 93 của Thống Chế Tưởng Giới Thạch đã đặt chân lên Thủ Đô đất Lào (15.9.45) do sự thỏa thuận của Đồng Minh để giải giáp quân đội Nhật.
Trong thời gian có mặt quân đội Trung Hoa, nội tình Lào lại thêm lắm chuyện rắc rối:
- Quân Đội Trung Hoa áp dụng chính sách tuyên truyền bài Pháp làm một số người trở nên có ác cảm với Pháp.
- Thành Phố Vientiane vì quá lộn sộn nên dân chúng phải lũ lượt tản cư.
- Quốc Vương Ai Lao bị mất quyền và bị giữ.
- Đại Tá Tư Lệnh (kiêm Cao Ủy Pháp) Imfed bị tước khí giới ở Luang Prabang.
- Một chính phủ mới thành lập ở Vientiane do Hoàng Thân Pethsarath lãnh đạo.
- Phong trào Lào Issara (Lào Tự Do Độc Lập) liên lạc với Việt Minh, mạnh mẽ hoạt động, gây cơ sở tổ chức.
Nhưng sau khi quân đội Trung Hoa rút khỏi Ai Lao tình thế lại biến đổi.
Tháng Giêng năm 1946, Phủ Cao Ủy Pháp tới đóng Paksé (Hạ Lào) rồi quân đội Pháp tiến binh dần dần chiếm lại từng thị trấn.
- Ngày 17 tháng 3.1946, quân đội Pháp chiếm đóng Savanakhet.
- Ngày 21.3.46, trong khi tiến đánh Tỉnh Thakkhet quân đội Pháp phải giao chiến kịch liệt với quân đội Lào-Việt Minh và đuổi xa được họ.
- Ngày 25.4.46, chiếm lại Vientiane.
- Ngày 13.5.46, chiếm lại Luang Prabang.
- Ngày 4.6.46, chiếm lại Sầm Nứa.
- Ngày 21.6.46, chiếm lại Phong Saly trên miền biên thùy sát Diến Điện.
Trong Bản Tạm Ước ký kết với Quốc Vương Sisavang Vong, tháng 8.1946, Pháp công nhận Lào là quốc gia tự trị, thống nhất.
Do áp lực của Pháp, chính phủ Thái Lan đã phải trả lại cho Quốc Vương Ai Lao hai nhượng địa bắt bí được hồi 1941. Quân đội Lào-Issara-Việt Minh cũng bị đánh đuổi thất tán và các lãnh tụ của phong trào phải lánh sang Bangkok.
Qua một giai đoạn đầy rối ren, lủng củng, ai Lao bắt đầu được bước sang thời tạm ổn định.
Dân tộc Lào nói chung, phần đông chỉ thích an phận bình dị, yên tĩnh và không muốn thấy xẩy ra những xáo lộn, đụng chạm tới đời sống thanh nhàn, phẳng lặng của họ.
Nhưng những biến cố dồn dập đến với Việt Nam từ 1945 đã lôi kéo lây cả nước Vạn Tượng vào vòng luẩn quẩn.
Sở dĩ như vậy vì trên mọi phạm vi chính trị, địa dư, kinh tài, quân sự, Ai Lao đã phải có những liên hệ ràng buộc chặt chẽ với Việt Nam.
Về phương diện chính trị, không kể tới những đụng chạm lịch sử cũ kỹ giữa các triều vua Việt Nam-Vạn Tượng thời trước, mối liên hệ Ai Lao-Việt Nam cũng như Cao Mên-Việt Nam đã bắt nguồn mạnh mẽ từ khi cả ba nước cùng phải chịu chung sống dưới một chế độ cai trị của Phủ Toàn Quyền Pháp.
Và từ ngày chinh chiến, những tai họa xẩy đến với Việt Nam cũng bao trùm cả Ai Lao:
- Quân đội Phù Tang chiếm đóng với chiêu bài Đại Đông Á.
- Bánh vẽ Độc Lập Nhật Bản với bom đạn Đồng Minh, Quân đội Trung Hoa đồn trú để tước khí giới quân đội Nhật Bản.
- Phong trào Việt Minh rồi phong trào Lào Issara xuất hiện.
Về phương diện địa dư quân sự, cả Pháp lẫn Việt Minh đều rõ rằng đất Lào là một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.
Nếu Pháp giữ được Ai Lao, Việt Minh sẽ khó có thể mặc sức vùng vẫy tung hoành vì luôn luôn có một mũi dùi vướng ở cạnh sườn.
Ngược lại, nếu Việt Minh chiếm được xứ Lào, không những riêng số phận Đông Dương sẽ nguy khốn mà cả vùng Đông Nam Á phì nhiêu sẽ bị đe dọa nặng nề.
Sau Tạm Ước ký kết (cuối 1946) giữa Đông Cung Thái Tử Savang Vong với các nhà cầm quyền Pháp, một Hội Nghị Lập Hiến được thành lập.
Ngày 11.5.11947, Bản Hiến Pháp của Quốc Gia Lào được Vua Sisavang Vong thông qua và công bố cho toàn dân.
Những điểm chính trong Bản Hiến Pháp Lào đại khái như sau:
‘’Đang lúc Khối Liên Hiệp Pháp được xây dựng trên một nền tảng mới, hiểu rõ địa vị nước nhà qua những bảo đảm của lịch sử, tin chắc rằng tương lai Quốc Gia chỉ có thể vững bền do sự phối hợp của tất cả các đất đai trong nước, Quốc Gia Lào long trọng tuyên bố lãnh thổ Lào từ nay hoàn toàn thống nhất.
Dân chúng Lào đều tỏ lòng trung thuận với nền Quân Chủ, tỏ ý ham chuộng những nguyên tắc dân chủ và đồng thanh xuy tôn lên ngôi Quốc Vương Ai Lao, Đức Vua Sisavang Vong.
Lào sẽ thành một quốc gia tự trị trong Khối Liên Hiệp Pháp.’’
Bản Hiến Pháp Lào còn quy định quyền hành của Quốc Vương. vạch rõ quyền công dân và bổn phận công dân, giao phó quyền lập pháp cho một Quốc Hội dân cử và quyền hành pháp cho một chính phủ đã được Quốc Hội đó chấp thuận.
Thế là từ chính thể quân chủ chuyên chế, Quốc Gia Ai Lao đã chuyển một cách nhẹ nhàng sang chính thể quân chủ lập hiến.
Sau một thời gian cầm quyền chính lâu dài, từ 24.12.1947 đến 2.3.1949, chính phủ Hoàng Thân Souvannarath từ chức nhường chỗ cho Hoàng Thân Boun Oum với Nội Các mới.
Nội Các Boun Oum tiếp tục việc thương thuyết với các đại diện của Pháp ở Đông Dương và kết quả là ngày 19.7.49 tại Paris, Tổng Thống Vincent Auriol đã ký kết với Quốc Vương Sisavang Vong một Hiệp Ước tương tự như Bản Hiệp Ước Élysée của Pháp với Việt Nam.
Ngày 23.1.1950, hai phái đoàn Pháp, Lào với những ông Pignon, Schneider, Boun Oum, Thao Nhouy, Aphay v.v…lại đi tới thêm một tỏa thuận: Pháp sẽ giúp đỡ Lào đủ vật liệu, kỹ thuật để nâng cao nền kinh tế quốc gia, cải tổ phương pháp hành chính trong nước để Lào có thể trở nên hùng mạnh.
Lãnh tụ phe đối lập Phya Khammao tuyên bố giải tán đảng Lào Issara vì nước nhà đã độc lập và ủng hộ chính phủ do Quốc Vương Sisavang Vong lãnh đạo.
Những người Lào thân Việt Minh vội tổ chức một mặt trận mới với tên Neo Lao Issara và một chính phủ lưu vong Lào được thành lập ở miền Bắc Việt Nam để tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội Pháp và Quốc Vương Ai Lao: Chính phủ Sophanuvong của nước Pathét Lào (Quốc Gia Lào).
Ngày 17.2.1950, Nội Các của Hoàng Thân Boun Oum từ chức nhường chỗ cho một chính phủ Liên Hiệp Pháp mạnh mẽ hơn.
Từ Hiệp Ước Auriol-Sisavang Vong Tháng 9.1949 đến Hiệp Ước Auriol Sisavang Vong tháng 10.1953.
Ngày 23 tháng 2.1950 một vị Cao Ủy Pháp mới được cử sang Ai Lao: Cao Ủy Miguel de Pereyra.
Cao Ủy Pháp đến Vientiane vừa kịp để dự lễ Nội Các mới thành lập ra mắt quốc Vương. (24.2.50)
Thành phần Nội Các gồm có:
  • Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng: Phouy Sananikone.
  • Bộ Trưởng Bộ Tài Chính: Phao Panya.
  • Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế: Thao Lenam.
  • Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ-Bộ Lễ, Thanh Niên: Voravong.
  • Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp kiêm Y Tế: Phya Khammao.
  • Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao kiêm Giáo Dục và Thông Tin: Quthong Souvannavong.
  • Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Công Chính kiêm Bộ Kế Hoạch: Souvanna Phouma.
Chính phủ mới đã tỏ rõ tính cách một chính phủ Quốc Gia Liên Hiệp. Người ta nhận thấy ngoài những Bộ Trưởng vẫn ở cạnh Quốc Vương từ lâu còn có những Bộ Trưởng mới: Ông Outhong Souvannavong, một người đối lập với những chính phủ trước và các ông Souvnna Phouma, Phya Khammao, lãnh tụ của đảng Lào Issara.
Ở Quốc Hội, Hoàng Thân Pheul Panya, Phó Chủ Tịch đã được bầu lên làm Chủ Tịch thay Hoàng Thân Phouy Sananikone (lên ghế Thủ Tướng chính phủ).
Ngày 13.4.1950, một buổi lễ được long trọng cử hành tại Thành Phố Vientiane để đánh dấu ngày nước Pháp trao trả lại quyền hành cho chính phủ Ai Lao. Mười bản văn kiện chuyển giao cơ quan đã được ký kết giữa Cao Ủy Pháp với Thủ Tướng Lào.
Các cơ quan được chuyển giao:
- Thông tin tuyên truyền báo chí.
- Xã hội cứu tế.
- Thanh tra lao động.
- Cảnh sát công an.
- Kiểm soát giá cả.
- Thống kê.
- Công chính.
- Hầm mỏ.
- Giáo dục.
- Thủy lâm.
Những công thự của Pháp ở những Tỉnh Paksé, Thakkhet và Saravane cũng được giao trả lại cho các nhà cầm quyền Lào.
Đại diện địa phương của Pháp chỉ còn lại hai nơi, một ở Luang Prabang, một ở Savannakhet.
Qua lễ chuyển giao quyền hành tiếp ngay đến ngay đến ngày Tết tưng bừng nhất của dân tộc Lào: Tết Nguyên Đán (14.4.50) theo lịch Nhà Phật.
Nhưng trong khi đó những người Lào thân Việt Minh cũng không ngừng hoạt động. Chính phủ lưu vong của Souphanuvong đã gia nhập mặt trận liên dân tộc Việt-Mên-Lào do Việt Minh lãnh đạo.
Để đối phó với những hoạt động du kích đang phát triển của nhóm Lào Việt Minh (Neo Lao Issara), chính phủ Ai Lao một mặt cấp tốc xây dựng quân đội, một mặt đề nghị với Pháp trực tiếp giúp đỡ về quân sự.
Vì bản tính dân tộc Lào không hiếu chiến nên từ xưa nghề binh vẫn không được coi trọng. Trước năm 1941, ở Lào chỉ có một vài cơ lính dõng canh gác, tuần phòng (Như kiểu lính Khố Xanh (1940-1941) người Pháp vội thành lập thêm một Đại Đội mới (1ere Cie Chasseurs Laotiens) ở Đồng Hến, cách Savannakhet 65 cây số. Một đơn vị khác toàn quân tình nguyện cũng được kết hợp ở Tỉnh Vientiane, và sau ngày Nhật Bản đảo chính, những toán quân đó rút vào rừng hoạt động du kích chống lại quân đội Nhật.
Được thêm những đơn vị nhảy dù của Pháp từ Calcutta tới giúp sức, quân đội du kích mỗi ngày thêm lớn mạnh. Lúc Nhật Bản đầu hàng, quân số du kích Pháp-Lào đã lên tới 8 Tiểu Đoàn.
Cuối năm 1949, sau Hiệp Ước ký kết với Pháp, chính phủ Lào quyết định thành lập Quân Đội Quốc Gia.
Tiểu Đoàn Bộ Binh thứ nhất bắt đầu được mộ và huấn luyện hồi tháng 7 năm 1950 ở Chinaimo (cách Vientiane 6 cây số). Cuối năm 1950, Tiểu Đoàn đó được phân phối đi đóng ở các đồn bao quanh Thành Phố Vientiane, đồng thời một Tiểu Đoàn Bộ Binh thứ hai cũng được thành hình ở Hạ Lào.
Quân số Lào tiến triển theo thời gian.
Năm 1951 thêm:
- Hai Tiểu Đoàn Bộ Binh bảo vệ Luang Prabang.
- Một Tiểu Đoàn quân nhẩy dù.
- 25 đội Lưu Động dưới quyền chỉ huy của các Châu khouẻng (Châu Trưởng hay Tỉnh Trưởng) với nhiệm vụ bình định trong vùng.
Năm 1952 thêm:
- Hai Tiểu Đoàn Bộ Binh.
- Các Đại Đội công binh và vận tải.
- Một đơn vị giang thuyền tuần thám.
- 10 đội lưu động.
Khởi đầu từ cuối 1949 với độ hơn một ngàn binh sĩ, Quân Đội Quốc Gia Lào trong ba năm đã tăng được gấp mười lần. Tính đến mùa Thu năm 1952, số lượng đã lên tới 12.000.
Và còn phải kể thêm 10.000 binh sĩ Lào đang tiếp tục chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Pháp.
Để đủ số cán bộ chỉ huy, một trung tâm huấn luyện sĩ quan đã được mở cửa ở Đồng Hến (1950).
Khóa ‘’Tổ Quốc Lào năm 1951 khóa ‘’Thiếu Úy Bon Akham’’ năm 1952 đã đào tạo được chừng 150 sĩ quan.
Những sinh viên sĩ quan đó, sau một năm chịu huấn luyện, được mãn khóa với chức Chuẩn Úy. Sau đó lại phải thực hành thêm 6 tháng nữa trong đơn vị bộ đội rồi mới được chính thức lên ngạch sĩ quan.
Trong 30 đại đội bộ binh đã có 15 đại đội được dưới sự chỉ huy của sĩ quan Lào. Những cán bộ chỉ huy Trung Đội (Section) trong Quân Đội Quốc Gia hoàn toàn đã do người Lào đảm nhiệm lấy.
Một Trường Hạ Sĩ Quan được thành lập ở Chinaimo. Học sinh quân chịu huấn luyện trong 5 tháng.
Cuối 1952, ba khóa hạ sĩ quan đã tốt nghiệp (có chừng 120 Trung Sĩ).
Quân Đội Quốc Gia Lào ngày một tăng cường đã góp sức chiến đấu cạnh quân đội Pháp để diệt trừ những ổ phục kích Lào-Việt Minh.
Những cuộc chạm súng ngày càng thêm nhiều, ngày càng tăng phần gay go, ác liệt.
Hoa Kỳ cũng rất chú ý tới tình hình Ai Lao, đã dành riêng cho Ai Lao một ngân khoản viện trợ kinh tế và quân sự để kiến thiết xứ sở, tăng cường quân lực.
Trong những tháng cuối 1950 và đầu 1951, Hoàng Thân Outhong Souvannavong, Bộ Trưởng Ngoại Giao kiêm Thông Tin và Giáo Dục đã lãnh đạo phái đoàn Ai Lao sang Pháp để dự Hội Nghị Liên Quốc Pháp-Mên-Việt-Lào (Hội Nghị Pau).
Kết quả là về phương diện tài chính, đồng bạc của Ai Lao cũng như đồng bạc Việt Nam, Cao Mên đều nằm trong một Viện Phát Hành chung và lệ thuộc đồng Phật Lăng (Và tất nhiên cũng chịu chung ảnh hưởng của vụ phá giá đồng bạc Đông Dương năm 1953 do chính phủ Mayer quyết định).
Tình hình Ai Lao qua nhiều năm tương đối yên tĩnh bỗng trở nên nghiêm trọng. Sau việc thành lập một chính phủ Thái của Trung Cộng ở Hải Nam gián tiếp đe dọa Lào tiếp luôn đến việc Việt Minh trực tiếp trận đánh xâm chiếm Bắc Lào hồi đầu mùa Hạ 1953. Nước Ai Lao nhỏ bé, may mắn hay không may mắn, đã được toàn thể thế giới phải chú trọng để ý.
Những biến cố chính trị và quân sự ở Đông Dương đã ảnh hưởng sâu sắc tới vận mệnh Ai Lao và do đó phát sinh một cách dễ dàng mau chóng cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Vincent Auriol với Quốc Vương Sissavang Vong, tháng 10 năm 1953.
Lễ ký kết các Bản Phụ Ước Pháp-Lào đã diễn ra tại Phủ Thủ Tướng Pháp.
Phía Pháp có sự hiện diện của Tổng Thống Vincent Auriol, Thủ Tướng J. Laniel, Phó Thủ Tướng P. Reynaud, Bộ Trưởng Ngoại Giao G. Bidault, Bộ Trưởng Quốc Phòng R. Pleven, Bộ Trưởng phụ trách các Quốc Gia Liên Kết Marc Jacquet, Tổng Thư Ký Hội Đồng Liên Hiệp Pháp Mecheri, Đại Tướng Không Quân Bodet phụ tá của Tổng Tư Lệnh H. Navarre.
Phía Lào có mặt Quốc Vương Sisavang Vong, Hoàng Tử Savang Vathana, Thủ Tướng Souvanna Phouma, Ngoại Trưởng Nhouy Abhay, Đại Biểu Hoàng Gia Hoàng Thân Khammao, Bộ Trưởng Tài Chính Thao Katay, Bí Thư Quốc Vương Hoàng Thân Thong Soik.
Nói đúng Bản Hiệp Ước ‘’Thân thiện và liên kết giữa nước Cộng Hòa Pháp và Quốc Gia Ai Lao’’ như sau:
‘’Ông Vincent Auriol, Tổng Thống Cộng Hòa Pháp kiêm Chủ Tịch Liên Pháp và Quốc Vương Sisavang Vong, Vua nước Ai Lao.
- Nhận thấy rằng nước Pháp đã dữ trọn các lời đã hứa để bảo đảm cho Ai Lao chủ quyền hoàn toàn và nền độc lập hoàn toàn, được xác nhận bởi Bản Tuyên Cáo ngày 3 tháng 7 năm 1953.
- Cùng chung một ý muốn duy trì và cũng có những giây liên lạc thân hữu có truyện kết chặt hai nước, được củng cố bởi sự gia nhập của Vương Quốc Ai Lao vào Liên Hiệp Pháp.
- Đã thỏa thuận với nhau như dưới đây:
Điều 1: Nước Cộng Hòa Pháp thừa nhận và tuyên bố rằng Vương Quốc Ai Lao là một quốc gia hoàn toàn độc lập và có chủ quyền. Bởi vậy cho nên thay thế cho nước Cộng Hòa Pháp trong tất cả các quyền hành và trách vụ đó ở tất cả các hiệp ước quốc tế hoặc quy ước đặc biệt đã ký kết bởi nước Cộng Hòa Pháp nhân danh Vương Quốc Ai Lao hoặc Đông Dương trước khi có quy ước này.
Điều 2: Vương Quốc Ai Lao lại xác nhận tự do gia nhập Liên Hiệp Pháp, một tổ chức liên kết của các dân tộc độc lập, có chủ quyền, tự do và bình đẳng về quyền hành và bổn phận, ở đó tất cả các nước hội viên góp chung với nhau những phương tiện của mình để bảo đảm cuộc phòng thủ chung của toàn thể Khối Liên Hiệp. Vương Quốc Ai Lao lại xác nhận quyết định dự vào Thượng Hội Đồng, nơi phụ trách sự phối hợp các phương tiện đó và sự điều khiển chung Khối Liên Hiệp dưới quyền chủ tọa của Chủ Tịch Liên Hiệp Pháp.
Điều 3: Nước Pháp cam kết bênh vực và ủng hộ chủ quyền và nền độc lập của Ai Lao trước các tụng đình quốc tế.
Điều 4: Nước Pháp và Ai Lao cam kết tham dự chung tất cả các cuộc thương thuyết có thể xẩy ra có mục đích sửa đổi những quy ước hiện ràng buộc các Quốc Gia Liên Kết với nhau.
Điều 5: Mỗi bên cam kết trên lãnh thổ chính của mình, bảo đảm cho những kiều dân của bên kia sự đối đãi giống như sự đối đãi đã dành cho những người dân ở chính nước mình.
Điều 6: Đôi bên, trong trường hợp mà các Hiệp Ước đang quy định các liên lạc kinh tế giữa hai nước phải sửa đổi, cam đoan với nhau sẽ dành cho nhau những quyền lợi, nhất là dưới hình thức ưu đãi về thuế xuất.
Điều 7: Những quy ước riêng biệt ấn định những thể thức về liên kết giữa nước Cộng Hòa Pháp và Vương Quốc Ai Lao. hiệp ước và những quy ước riêng biệt thủ tiêu và thay thế tất cả những văn kiện cùng tính chất được ký kết trước đây giữa hai quốc gia.
Hiệp Ước này và những quy ước riêng biệt, trừ những quy định trái lẽ cho những quy định này, sẽ có hiệu lực vào ngày ký kết. Các văn kiện phê chuẩn Hiệp Ước này sẽ được trao đổi khi được các cơ quan Lập Hiến Pháp và Lào chuẩn y’’.
Hiệp Ước ngày 22 tháng 10 năm 1953 đã đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử bang giao Pháp-Lào. Nó xiết chặt thêm những giây liên lạc đã có từ hơn nửa thế kỷ giữa hai nước.
Thủ Tướng Ai Lao Souvanna Phouma hân hoan tuyên bố:
‘’…Chúng tôi còn cần phải có sự giúp đỡ của Pháp để phát triển tài sản của chúng tôi và trang bị nước chúng tôi. Đó là những công cuộc cần thiết cho tất cả các quốc gia tân tiến.
Chúng tôi sẽ khó mà đạt được mục đích đó bằng những phương tiện riêng của chúng tôi vì Ai Lao, về phương diện kinh tế rất yếu ớt trước năm 1945, lại bị suy nhược thêm từ khi chiến tranh lan đến biên thùy. Một vài thành phố của chúng tôi bị phá hủy. Phần lớn các đường giao thông của tôi không được săn sóc.
Vậy cần phải hàn gắn những vết thương của chúng tôi do chiến tranh gây ra, mở mang nước chúng tôi và đồng thời phải bảo vệ nền độc lập.
Nhiệm vụ thật là nặng nề cho một quốc gia mới trưởng thành đã phải động viên triệt để tất cả những sinh lực của mình để chiến đấu cạnh các đồng minh chống một kẻ thù từ ngoài tới muốn bắt phải theo một lý tưởng trái với những tập quán của mình.
Bởi vậy tôi yêu cầu nước Pháp tiếp tục giúp đỡ để cho Ai Lao giữ được địa vị trong Liên Hiệp Pháp và thế giới’’.
Về phía Pháp, Tổng Thống Vincent Auriol cũng đọc một bài diễn văn phân tách giá trị Hiệp Ước và trong đó còn ẩn thêm nhiều ý nghĩa xa xôi, bóng gió.
‘’…Nó làm hồi sinh mà không làm đứt đoạn những giây liên lạc kết chặt Vương Quốc Ai Lao và nước Cộng Hòa Pháp trong một cuộc liên kết tự do và thân thiện.
Những ai vì nhẹ dạ, vì có óc kèn cựa và vô ơn, hiểu nhầm Pháp và Liên Hiệp Pháp sẽ nhận được sự cải chính của các sự kiện vì không những Liên Hiệp Pháp không phải là một sự kiện trở ngại cho nền độc lập quốc gia nhưng nó có mục đích bảo đảm và bảo vệ nền độc lập đó.
Thật là vô sỉ những ai trong lúc này quên những công ơn của Liên Hiệp Pháp và không biết họ dẽ thiếu cái gì để tự vệ khi mà không có Liên Hiệp Pháp ?’’
Bài diễn văn của Tổng Thống Pháp được đánh dấu bằng việc trao trả Quốc Vương Ai Lao chiếc Ấn của Quốc Vương Luang Prabang mà từ 1887, lãnh tụ Thái Đèo Văn Tri chiếm được đã đem biếu Auguste Pavie (sau Auguste Pavie lại tặng Bộ Ngoại Giao Pháp.
Tháng 11.1957, dưới sự hướng dẫn của Thủ Tướng Souvanna Phouma, phái đoàn Ai Lao lên đường đi Ba Lê dự khóa họp của Hội Đồng Liên Hiệp Pháp.
Phái đoàn Lào gồm những vị: Phoui Sananikone Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Nội Vụ, Quốc Phòng. Outhong Souvannavong, Tổng Trưởng Y Tế, Hoàng Thân Khammao. Đại diện tối cao của Ai Lao, Chao Say Kham, Tỉnh Trưởng Xieng Khouang.
Quốc Vương Ai Lao đã thành công về chính trị nhưng xứ xở Ai Lao, một lần nữa, đã lại biến thành chiến trường quan trọng. Nào những cuộc hành binh Mouette, Castor sát cạnh biên giới, nào những cuộc tảo thanh Jura, Ardeche, Dampierre, Bearn v.v…, rồi tiếp đến những trận long trời lở đất ở quanh khu vực Séno, Thakkhet…
Thế giới lại một lần nữa hồi hộp trông cho kết quả của chiến trường Ai Lao, kết quả có ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của toàn cõi Đông Nam Á và của thế giới tự do.
CAO MÊN
Với cảnh Chùa Đế Thiên Đế Thích, Chùa Vàng, Chùa Bạc với biển hồ Tonlésap, xứ Cao Mên, tanh ngòm mùi cá, Quốc Gia của dân tộc Khmer khỏe, giầu đã từng qua một thời văn minh tưng bừng dưới vòm trời Đông Nam Á.
Giáp Thái Lan, Hạ Lào, Việt Nam và biển cả, Cao Miên nằm tròn chặn trong Bán Đảo Đông Dương đã bổng trầm cùng với Việt Nam trong cơn sóng gió.
Từ sự liên lạc của Quốc Vương Ang Dương với phái bộ Pháp tại Singapour năm 1854 đến Hiệp Ước Bảo Hộ 1863 ký kết giữa Mên Hoàng Norodom và các Đô Đốc Pháp, (Đô Đốc Charner tiếp xúc với Norodom từ tháng 3.1861 và tháng 6.1864, Đô Đốc Doudart de Lagrée dâng Norodom ấn tín Quốc Vương). Dân tộc Khmer bắt đầu yên định cuộc đời giống như hai dân tộc bạn: Việt Nam và Ai Lao.
Hoàng Đế ngày nay là cháu Mên Hoàng Norodom, tượng trưng cả 2 họ dòng dõi của những triều vua thời Đế Thiên Đế Thích, dòng Norodom và dòng Sisowath, Quốc Vương Cao Mên ngày nay (lên ngôi năm 1941, 20 tuổi) có một tên dài dặc: Prean Bat Samdach Préah Norodom Sihanouk Varman Reach Harivong Uphato Sucheat Visothipong Akamohaboras Rat Nikarodor Moharesecheathireach Baromaneat Préah Chan Anacbak Kampuchea.
Biến cố năm 1845 giúp Quốc Vương Sihanouk thoát ly hệ thống Bảo Hộ để tuyên bố một Cao Mên độc lập và khi Việt Minh bùng lên ở Việt Nam lại đã lôi cả dân tộc Khmer trộn lẫn với phong trào cách mệnh giải phóng. Chính phủ Khmer độc lập đầu tiên do lãnh tụ Sơn Ngọc Thành lãnh đạo (1945). Lợi dụng chức vị cao cấp trong chính phủ, Thủ Tướng Sơn Ngọc Thành lãnh đạo tuyên truyền chống Pháp. Lãnh tụ Sơn Ngọc Thành đã từng phải trốn tránh Pháp (1942) ở Thái Lan và trở lại Cao Mên 1945 sau khi đã đi Tokyo.
Tuyên truyền chống người Pháp, võ trang cho đám thuyền thợ và ‘’cu ly’’ đất đỏ (đồn điền cao su) Sơn Ngọc Thành đã chuẩn bị một sự hợp tác chặt chẽ với ‘’ủy ban nhân dân Nam Bộ’’ sau ngày Việt Minh cướp chính quyền ở Việt Nam.
Khi quân đội của Tướng Leclerc xâm nhập trung tâm Cao Mên (10.1945) Thủ Tướng Sơn Ngọc Thành bị bắt và kết án 20 năm khổ sai, đầy sang Vence rồi Poitiers (Pháp).
Trong chuỗi ngày mất Thủ Tướng, Miên Hoàng Sihonouk đã tiếp nhận Đại Tá Huard làm Thượng Sứ Pháp, đồng thời ủy nhiệm Hoàng Thân Monireth thành lập Nội Các (15.10.45). Tức khắc, xứ Cao Mên bị phân chia ảnh hưởng:
Một, Nội Các Monireth tuyên bố cuộc tái hợp cần thiết giữa Cao Mên và Pháp.
Hai, một số lãnh tụ cách mạng phe cánh của Sơn Ngọc Thành ‘’xuất ngoại’’ về phía biên giới Nam Việt (Sóc Trăng) liên kết với Việt Minh, thành lập tiểu tổ kháng chiến đầu tiên dưới tên: Khmer Issarak.
Mùa Xuân năm 1946, chính phủ Pháp ký với chính phủ Monireth tạm ước Modus Vivendi. Dựa vào đó xứ Cao Mên hy vọng cải cách hệ thống chính trị cũ rích để sửa soạn tiến bước theo dân chủ.
Tháng 9 năm 1946 Đảng Dân Chủ lấn bước và chiếm quyền điều khiển chính phủ. Nội Các mới dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Youtevong (đảng viên dân chủ). Đòi lại của Thái Lan vùng đất đai bị nhượng từ tháng 7.1941 (vùng Battambang). Nhưng, xứ Cao Mên mới không yên ổn và luôn luôn biến động. Quân giải phóng Khmer Issarak nhất định chống lại chính phủ của Mên Hoàng. Trong mạn rừng miền Tây Nam xát vùng biển cả, cố gắng tổ chức cơ sở kháng chiến theo kiểu Việt Minh. Họ đột kích, phục kích, đón đường cướp súng ống của quân đội Pháp.
Tháng 7.1947 Thủ Tướng Youtevong từ trần. Watchayavong lên thay (27.7.47) đã tổ chức cuộc bầu cử hội đồng lập pháp (21.12.47).
Năm 1948, tình hình xứ Cao Mên trở nên hỗn loạn. Trong khu vực Kandal miền Nam, quân kháng chiến Khmer Issarak đã hợp tác mật thiết với Việt Minh. Tổ chức quân sự quy mô phát triển: ‘’Liên Quân Mên-Việt’’. Thành phần chỉ huy quân đội này là một số người Việt Nam và Cao Mên nguyên tù chính trị ở Côn Đảo (được thể ra sau ngày Nhật-Pháp 9.3.45). Từ những căn cứ địa loáng thoáng trong rừng sâu ‘’Liên Quân Mên-Việt’’ phóng ra những trận đột kích phục kích giao thông chiến trên các Quốc Lộ Cao Mên, trên những nhánh sông có thuyền bè vận chuyển ngăn cản đường giao thông tiếp tế từ mọi hướng về Nam Vang, Thủ Đô chính trị dân tộc Khmer.
Tình hình mỗi ngày một quan trọng khiến Nội Các Watchayavong lại đổ (7.48). Ông Chean Vam được đứng ra lập Nội Các mới nhưng chưa được bao lâu ông Penn Nouth lại thế chân (8.48). Đầu tháng 2.49 Penn Nouth phải nhường ghế Thủ Tướng Yem Sambaur để thành lập chính phủ Liên Hiệp. Sự lủng củng mâu thuẫn luôn luôn xảy ra trong nội bộ khiến cho Yem Sambaur giải tán Nội Các cũ (15.9.49) và thành lập Nội Các khác (30.9.49). Tân Nội Các có nhiệm vụ tổ chức cuộc đàm phán với Pháp gồm có những nhân vật như sau:
Yem Sambaur, Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Nội Vụ và Quốc Phòng. Sum Hieng, Phó Thủ Tướng kiêm Lễ Nghi và Kinh Tế, Kosal, Tư Pháp. Auchhoenn, Tài Chính. Phick Phoeun, Canh Nông Công Chính. Ray Lamouth, Thương Mại Kỹ Nghệ Tiếp Tế. Neal Phleng, Y Tế. Kouth Khoeun, Thông Tin. Mess Saen, Giáo Dục. Pho Proeung, Phụ Tá Quốc Phòng.
Ngày 8.11 một Hiệp Ước Pháp-Miên ra đời, đại khái thuộc loại Hiệp Ước Pháp-Việt, Pháp-Lào (1949). Nào Quốc Gia Cao Mên Độc Lập trong Liên Hiệp Pháp, nào tinh thần tương hỗ, nào Cao Mên sẽ được ủng hộ gia nhập Liên Hiệp Pháp v.v…và v.v…tất cả gồm 20 khoản.
Cao Mên càng lộn xộn. Nhóm Việt Minh-Khmer Issarsk bất tình lình đã tuyên bố thành lập mặt trận giải phóng Cao Mên (10.49). Từ lén lút, Việt Minh-Khmer Issarak trở nên công khai khủng bố, mạnh bạo hoạt động. Lãnh tụ Nguyễn thành Sơn (người Việt Nam) điều khiển mặt trận Cao Mên đã tập hợp tất cả các lực lượng Khmer và lập thành một tổ chức: Mặt trận Issarak thống nhất. Mặt trận này trao cho Sơn ngọc Minh (người Cao Mên) lãnh đạo. Lãnh tụ Sơn ngọc Minh cho ra đời một chính phủ mệnh danh là ‘’chính phủ lâm thời Cao Mên tự do’’. Thế là chuối năm 1949 xứ Cao Mên phì nhiều đã có 2 chính phủ.
Đầu năm 1950 Cao Mên cũng như Ai Lao và Việt Nam được quốc tế công nhận (2.1950). Những cuộc tiếp xúc với Hoa Kỳ (Sihanouk-Quillon-Abott, Sihanouk-Giffin) là khởi đầu cho cuộc viện trợ (giống Việt Nam) quân sự và kinh tế.
Tháng 3.1950, Mên Hoàng tiếp xúc với các lãnh tụ chính trị, tỏ ý muốn thành lập một chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia rộng rãi. Đảng Dân Chủ, Đảng Tự Do, Đảng Dân Chủ Tiến Bộ, Đảng Dân Chủ Ly Khai, Đảng Cải Lương… mâu thuẫn ý kiến và bất đồng quan điểm quanh chức vị Thủ Tướng chính phủ. Sự mâu thuẫn khiến Mên Hoàng phải đích thân cầm quyền chính (1.5.1950). Một Nội Các ra đời như sau:
Quốc Vương: Norodom Sihanouk.
Thủ Tướng chính phủ tạm thời giữ ghế Quốc Phòng: Penn Nouth.
Ngoại Giao-Giao Thông-Công Chính: Ponn Nam.
Nội Vụ: Yit Stronn.
Tài Chính: Au Chloeun.
Kinh Tế: Khuon Nay.
Tư Pháp: Chan Nak.
Giáo Dục: Pitou de Monteiro.
Y Tế-Lao Động-Xã Hội: Neal Phleng.
Nghi Lễ-Mỹ Thuật: In Nginn.
Quốc Vụ Khanh: Tau Mau.
1.6.1950 Hoàng Thân Monipong thay Mên Hoàng giữ ghế Thủ Tướng để ký kết với Thượng Sứ Pignon (15.6) những điều khoản áp dụng Hiệp Ước Pháp-Mên và tổ chức phái đoàn đi họp Hội Nghị Pau (1950). (Outhong Sovannakong Tổng Trưởng Ngoại Giao kiêm Giáo Dục, Thông Tin, thay Sonn Nam làm Trưởng Đoàn). Tháng 2.1951 chính phủ Cao Mên lại đổ vì vấn đề thảo Hiến Pháp. Tháng 3 ông Oum Chheangoun được chỉ định thành lập Nội Các Lâm Thời, đến 13.6 thành chính thức và Đảng Dân Chủ bắt đầu bị loại. Danh sách mới như sau:
Thủ Tướng kiêm Quốc Phòng: Oum Chheangsun.
Phó Thủ Tướng kiêm Y Tế, Xã Hội, Lao Động: Sonn Nam.
Tư Pháp: Pitou de Monteiro.
Tài Chính: Au Chheun.
Ngoại Giao: Neal Phleng.
Nội Vụ: Prak Sariun.
Công Chính, Kế Hoạch, Giao Thông, Bưu Điện: Kosal
Giáo Dục, Mỹ Thuật: Poc Thuon.
Nghi Lễ: Sam Nhean.
Thương Mại Kỹ Nghệ Tep Phan.
Canh Nông, Chăn Nuôi: Chuop Hell.
Tuy đã có chính phủ chính thức nhưng một số dân Cao Mên vẫn hướng về Đảng Dân Chủ và nhất là lãnh tụ Sơn Ngọc Thành của họ. Tháng 10, hàng vạn người tụ họp đòi chính phủ Pháp trả lại tự do cho Sơn Ngọc Thành nhờ đó tháng 12 họ Sơn đã trở về nước.
Lợi dụng lòng tín nghiệm của dân chúng Sơn Ngọc Thành cho ra đời tờ báo Khmer Krok để tuyên truyền tranh đấu và phỉ báng như sau:
- Nền độc lập của quốc gia là giả dối.
- Nếu quốc gia được độc lập thật sự, Việt Minh sẽ tự lui ngay.
- Quân đội Pháp hồi hương ngay để đem lại an ninh cho quốc gia.
- Xé bỏ Hiệp Ước Pháp-Mên ký kết 1949.
Luận điệu quá khích của tờ Khmer Krok khiến tờ báo đó phải đóng cửa (2.1952) và việc đó làm Sơn Ngọc Thành bất mãn chạy sang hàng ngũ Việt Minh-Khmer Issarak. Liên lạc được với một ủy viên trong ủy ban giải phóng Cao Mên (Siêu -Heng) ngày 21.6.1952 Sơn Ngọc Thành bỏ vùng quốc gia ra bưng biền hợp tác với Sơn ngọc Minh chủ tịch quân cách mạng.
Thế là từ 1945 đến tháng 5.1952, xứ Cao Mên với vài triệu dạn còm đã thay đổi đến 10 Nội Các với 8 vị Thủ Tướng, chiếm kỷ lục ‘’linh tinh’’ trong ba quốc gia đau khổ ở miền Đông Nam Á.
Tháng 11.1950 khi đảng lao động Việt Nam ra mắt dân chúng (vùng Việt Minh) ở bên nước bạn thì dân Khmer cũng bắt đầu thấy mọc lên ở nước mình đảng lao động Cao Mên (cũng như dân Lào thấy đảng lao động Lào).
Trên mặt trận quân sự Liên Quân Mên-Việt tăng cường hoạt động và được vũ trang do việc đổi chác thổ sản như Kapok, hạt tiêu, nhựa thông, cá phơi v.v…với Thái Lan, tổ chức cơ sở kháng chiến vùng Kandal và những khu rừng rậm miền Bắc Battambang. Với quân số chừng 1,2 vạn, Việt Minh-Khmer Issarak áp dụng du kích chiến đánh úp các đoàn tiếp tế vận tải quân lương vũ khí của Pháp trên Thủy, Bộ, tiêu hao đối phương khắp chiến trường. Lợi dụng đức tín ngưỡng của dân tộc Khmer, Việt Minh-Issarak tổ chức huấn luyện những nhà sư giả mạo phái đi tuyên truyền ‘’đạo lý’’ gây cơ sở. Thường khi các nhà đương cục Pháp-Mên không thể nào phân biệt được thật hay giả để loại trừ hoạt động của Việt Minh. Đấy là một ưu điểm của Việt Minh-Khmer Issarak mà cũng là một nhược điểm của chính phủ Cao Mên và Pháp.
Những đối tượng của Việt Minh nhằm chia ra như sau:
- Hàng chục vạn người Việt Nam sống bằng nghề chài lưới, buôn bán trên các triền sông và nông nghiệp ở khắp lãnh thổ Cao Mên bị khai thác.
- 100.000 người Việt Nam ở Thủ Đô Nam Vang được tổ chức thành lập: ‘’Mặt trận Việt kiều ái quốc’’.
- Hàng vạn công nhân Việt Nam sống trong vùng đất đỏ bạc ngàn đã bí mật tổ chức chuyện phá hoại kinh tế Pháp.
- 300.000 Hoa kiều sống ở Cao Mên bị tuyên truyền và một tổ chức đã mọc ra. ‘’Hội giải phóng Hoa kiều hải ngoại’’, Hội này đã giúp Việt Minh nào tiền bạc, nào nông sản, nhiều nhất là trong vùng Kampot.
Từ ngày Sơn ngọc Thành bỏ ra bưng biền, tình hình chính trị xứ Cao Mên nhạt nhẽo hững hờ trôi. Cuộc bang giao Pháp-Mên tiến bộ chậm chạp ngắc ngoải khiến cho trên đất Cao Mên xảy ra một chuyện làm ầm ỹ cả thế giới, việc Quốc Vương Sihanouk vùng vằng bỏ nước lánh sang Thái Lan (14.6.1953). Sau Mên Hoàng trở lại Battambang và về đóng đô tại Siem Reap (30.6.53). Siem Reap là một Tỉnh phía Bắc Biển Hồ Tonlésap, gần Đế Thiên Đế Thích, là quê hương ấp trại của Trung Tướng Dap Chuôn, vị Tướng lãnh đã từ bưng về quy thuận 1949. Đóng ở Siem Reap, hành động của Quốc Vương thật đã làm căng thẳng sự bang giao Mên-Pháp. Nhưng dù sao bao giờ phút nghiêm trọng cũng đã dần trôi qua và những trách móc ngoại lai cũng bớt dịu dần dần. Tháng 7, chính phủ Pháp cho ra đời Bản Tuyên Ngôn chung cho cả 3 quốc gia Việt-Mên-Lào. Ta hãy nghe phản ứng:
Từ Siem Reap Mên Hoàng tuyên bố:
‘’Tôi mong rằng lời phúc đáp của chính phủ Cao Mên sẽ đúng với nguyện vọng chung của dân tộc Cao Mên và sẽ được nước Pháp tiếp nhận không đến nỗi khó khăn…’’
Để phúc đáp Bản Tuyên Ngôn 3.7, Mên Hoàng Sihanouk trước hết đã tỏ thái độ của mình:
- Hài lòng về sự bổ nhiệm ông Maurice Dejean làm Tổng Ủy Viên,,,
- Áp dụng một chương trình động viên toàn quốc.
- Thi hành kế hoạch Sihanouk, Mên Hoàng ủy nhiệm Hoàng Thân Essaro tổ chức những đơn vị xung phong với mục đích tiêu trừ ‘’tam loạn’’ loạn Việt Minh, loạn Issarak và loạn ‘’xâm lăng của ngoại quốc’’ (?).
Trong khi ấy, Quốc Vương và Tổng Trưởng Quốc Phòng Sirik Matak kiểm tra quân đội, từ Siem Reap đi Battambang (16.7) rồi lại từ Battambang về Siem Reap (22.7), rồi lại từ Siem Reap đi Battambang (27.7), bá quan văn võ rầm rầm rộ rộ v.v…và Thủ Tướng Penn Nouth bỗng nhiên biến thành ủy viên giao thông liên lạc giữa Siem Reap với Nam Vang…
Những yêu sách chính được nêu lên, nào yêu cầu Cao Mên tách ra khỏi Viện phát hành giấy bạc, tách khỏi Hối Đoái Cục Việt, Mên, Lào, đòi thiết lập tự do một Viện phát hành riêng và một Hối Đoái Cục Pháp-Mên độc lập nào yêu cầu tòa án Cao Mên sẽ nhân danh Quốc Vương xét xử các án tù và bãi bỏ Tòa Án Hỗn Hợp, nào đòi Pháp quyền Tổng Tư Lệnh cho Quốc Vương Cao Mên v.v…
Hạ tuần tháng 7, Thủ Tướng Penn Nouth cải tổ chính phủ, ông đã ghép Bộ Tài Chính, Bộ Thể Thao, Bộ Giáo Dục vào với trọng trách Thủ Tướng, Sirik Matak nhường ghế Quốc Phòng cho Sim Var nguyên Tổng Trưởng Kinh Tế và Công Chính, Sam Sary từ chức phụ trách các cuộc hội nghị ở Ba Lê về giữ Bộ Quốc Gia Giáo Dục thay Công Chúa Yukanthor (Yukanthor sang giữ Y Tế), Tiou Long nguyên Tổng Trưởng Thông Tin giữ Bộ Công Chính, Samson Fernandez nguyên Tổng Trưởng Y Tế đảm nhận Thông Tin và Prak Sarim giữ Nội Vụ.
Trong khi Quốc Vương và Thủ Tướng đưa yêu sách này nọ thì các nghị sĩ Cao Mên cũng nêu lên thêm nhiều câu chất vấn Bộ Liên Quốc (Versailles 2.8.53) để biểu dương tinh thần và ý chí dân tộc.
Mở một trận đánh tâm lý cốt tạo nên một thực lực bản thân, Mên Hoàng Sihanouk cố gắng thu phục dân tâm và đòi Pháp phải đối với Cao Mên như Anh-cát-lợi đã đối với Ấn Độ (quy chế Liên Hiệp Anh).
Hành động tích cực của Quốc Vương Cao Mên đem đến kết quả tháng 10, hai bên Pháp-Mên đã cùng nhau thỏa thuận sơ bộ:
- Để ba tiểu đoàn Mên cho Bộ Tư Lệnh Pháp sử dụng.
- Thiết lập ’’Khu hành binh Cao Mên’’ dưới quyền chỉ huy duy nhất của Cao Mên (4 tiểu đoàn và 16 đại đội) gồm 3 vùng Battambang, Reap, Kompong Thom.
- 11 Tỉnh còn lại của xứ Cao Mên sẽ do Pháp kiểm soát (ngoài những đơn vị Liên Hiệp Pháp, còn có 5 tiểu đoàn Pháp-Mên, 29 đại đội bổ túc, 2 tiểu đoàn Phi Châu, 5 tiểu đoàn Mên ’’cho mượn’’).
- Bộ Tham Mưu Pháp giữ quyền chủ động, tự do hành binh trên tả ngạn Cửu Long Giang, từ Bắc Kompong Cham đến danh giới Ai Lao Hạ.
Bộ Tham Mưu Cao Mên nhận lại tất cả những đơn vị Cao Mên đặt dưới quyền chỉ huy của người Pháp ngoại trừ 3 trong 5 tiểu đoàn Cao Mên thuộc quân đội Liên Hiệp Pháp và 9 trong 29 đại đội bổ túc (3 tiểu đoàn và 9 đại đội này sẽ họp lại thành ‘’toán hành binh Pháp’’ để phòng thủ đường giao thông Sài Gòn-Vientiane (khúc Cao Mên).
Lực lượng Cao Mên sẽ có sau thỏa hiệp trên là 11 tiểu đoàn chính quy, 14 đại đội bộ binh địa phương và 20 đại đội bổ túc…
Mọi việc tạm ổn định, Mên Hoàng Shihanouk ‘’hồi loan’’ sau 5 tháng lênh đênh trong đất nước.
Ngày 8.11.53 tiếng còi, tiếng chuông nhà thờ, tiếng đại bác đón mừng tại Thủ Đô Nam Vang, Quốc Vương tuyên bố:
‘’Tôi sẽ cố gắng trong phạm vi phương tiện của tôi, giúp nhiều vũ khí cho mọi sinh lực của quốc gia để họ bảo vệ các gia đình, đất đai và tài nguyên trong đồng quê chống lại lòng ganh tỵ, trục lợi, hành vi xâm lăng và độc ác của đám Mên Issarak và Việt Minh’’.
Ít ngày sau Thủ Tướng Penn Nouth từ chức nhường chỗ cho ông Chan Nak (23.11) cựu cố vấn của Mên Hoàng.
Tân chính phủ gồm ba đảng viên Dân Chủ, 2 Tự Do và 5 của các Đảng phái như: Đảng Đông Bắc Chiến Thắng, Đảng Nhân Dân, Đảng Cải Lương, Đảng Dân Chủ Ly Khai và Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (Kah Mongseng giữ Ngoại Giao, Khim Tit giữ Quốc Phòng, Yem Sambaur giữ Kinh Tế).
Về nội bộ, chính phủ Chan Nak thảo xong dự án ngân sách, một ngân sách tuy ít ỏi (2.000.000.000 bạc) nhưng thu chi phiền phức khó khăn như mọi quốc gia rộng lớn khác, quyết định giảm bới 30% công phí, thực hiện tiết kiệm trong chính phủ…
Đối với Pháp, Thủ Tướng Chan Nak đã ra lịnh cho các ký giả Cao Mên tránh công kích hoặc ám chỉ không hại tới chính sách của Pháp. Sự thân ái đón tiếp Cao Ủy Risterucci của Mên Hoàng Sihanouk đã như chấm dứt sự ngưng trễ xẩy ra từ sau khi Pháp giao trả những thẩm quyền cuối cùng để khởi đầu một cuộc bang giao mới.
Đối với cộng sản, Tổng Trưởng Quốc Phòng tuyên bố (17.12.53):
‘’Cộng sản Cao Mên không mở trận chiến tranh nóng như ở Bắc Việt hay như Cao Ly mà là một cuộc tác chiến tinh thần cốt làm cho dân chúng Cao Mên nổi dậy đòi độc lập.
Sau khi hiệp ước Pháp-Mên ký kết, cái lợi khí tâm lý của Việt Minh đã bị mất, bị đánh bại trên địa hạt tuyên truyền.
Việt Minh phải xoay chiều, chọn lấy hoặc đi khỏi đây, hoặc giàn mặt đưa ra một trận chiến tranh công khai. Tôi tin chắc họ sẽ chọn điều thứ hai vì vậy nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Ta phải mở mắt xem mấy tuần tới đây các ông sẽ nhận thấy Cao Mên nỗ lực giải cứu nước mình khỏi cuộc xâm lăng của Việt Minh’’.
Để tỏ vẻ cương quyết, Tổng Trưởng Quốc Phòng Khim Tít hứa hẹn một đạo quân tương lai hùng mạnh với một ngân sách ‘’10.000.000.000 Quan’’ sử dụng trong việc quốc phòng…
Nhưng…trên trang báo chí ngày 11 tháng 12 người ta lại được tin. Mên Hoàng bỏ Thủ Đô Nam Vang đi Siem Reap:
Quốc Vương có ra đi, Quốc Vương lại về, về về đi đi, đi về, thế giới cũng thôi xôn xao, các lân bang cũng thôi sốt ruột bởi vì, xứ Cao Mên, một quốc gia bé bỏng tại một miền Đông Nam Á Châu lạc hậu, chỉ vài năm đã từng có thành tích thay đổi chính phủ hàng chục lần, đảng phái cũng nhiều không kém và những chuyện lạ xẩy ra nhiều đến nỗi hóa thành chuyện thường. Thế giới còn lắm chuyện kỳ lạ hơn trong thời đại.
Vận mệnh, dân tộc Khmer dính líu đến vận mệnh dân tộc Việt Nam, Ai Lao. Từ bao nhiêu năm nay không một giải quyết chính trị hay quân sự nào lại có thể thi hành có kết quả riêng biệt trong 3 nước. Người Pháp đã dùng một thứ ‘’xi măng đặc biệt’’ từ đầu thế kỷ thứ 19 để gắn liền ba xứ Việt-Mên-Lào. Ngày nay tách riêng ra thật là khó lắm.
Trong khi những người tự do sống trên Bán Đảo Đông Dương hoạt động riêng rẽ thì Việt Minh, Khmer Issarak, Neo Lao Issarak đã kết hợp lại một khối thống nhất dưới một mặt trận thống nhất (Liên Minh Việt-Mên-Lào). Họ được bao bọc bởi một thứ xi măng mới, dai và chắc hơn ‘’xi măng lạc hậu’’ ngày xưa của người Pháp ở Đông Dương, đó là ‘’xi măng cộng sản’’. Dưới chiếc bay lành nghề của tay thợ, đầy kinh nghiệm, Hồ chí Minh, lâu đài cộng sản trên Bán Đảo Đông Dương mỗi ngày một thêm to, mỗi ngày một thêm vững.
Rồi ngày mai đây, nếu nhà kiến trúc sư kiêm thợ nề Hồ chí Minh thành công trong việc xây dựng lâu đài cộng sản ở Việt-Mên-Lào, chúng ta sẽ thấy cả một vùng Đông Nam Á bị tòa lâu đài ấy chi phối theo thường lệ.
Từ 11.1950 thế giới đã thấy nảy ra một phong trào: ‘’Giải phóng các người Hồi Giáo bị áp bức’’ (Libération des Féres musulmans opprimés). Sau Hội Nghị liên Hồi Giáo ở Karichi (Congrés Pan Islamique) và chính Việt Minh đã thành lập và lãnh đạo ‘’Mặt trận Mã Lai độc lập’’. Thúc đẩy dân tộc Chàm, Mã Lai, Thái nổi dậy, thúc đẩy binh sĩ quốc gia đào ngũ, tuyển mộ một đạo quân chống lại mọi lực lượng tự do vùng Đông Nam Á, Việt Minh đã đích thân chủ động mọi phong trào bởi vì hiện nay tại khu vực Đông Nam Á Châu chỉ có cộng sản Việt Nam là cốt trụ. (Lãnh tụ Mã Lai Toun Slès đã từng ký truyền đơn, tài liệu dưới sự chỉ đạo của Việt Minh mục đích tuyên truyền dân tộc Mã Lai. Tháng 6.1951 Toun Slès đã tách khỏi được khối cộng sản về với thế giới tự do dân chủ).
Dân tộc Khmer có lẽ được may mắn như lời tiên trị của tờ báo Ponnakar (ra trong quãng ngày hồi loan của Mên Hoàng Sihanouk, 11.53) Tờ Pounakar đoán rằng:
‘’Trong 4 năm nữa, chúng ta sẽ sống đúng giữa kỷ nguyên Nhà Phật, năm 2.500. Các vị tinh tú đã báo hiệu ngày ấy Quốc Gia Cao Mên sẽ cường thịnh và rộng lớn như dưới những triều Đế Thiên Đế Thích…’’
Sự tin tưởng thần bí ấy phải chăng là cả của dân tộc Khmer một dân tộc đã văn minh một thời tiền sử ?