Wednesday, January 22, 2014

VIỆT NAM MÁU LỬA I

VIỆT-NAM MÁU LỬA 

Nghiêm Kế Tổ

nghiemketo_VNML_bia 

CHƯƠNG MỘT

Cá-tính quốc-gia trong quá-trình tranh-đấu của dân tộc


A- Những nét lớn trong lịch-sử dân-tộc
1- Chúng ta ngày nay tự hào và vinh dự khi đọc lại lịch-sử dân-tộc. Sức sinh-hoạt mạnh-mẽ, óc tổ-chức quy-củ. Dân Việt-Nam không bao giờ có thể diệt-vong.
Quá-trình tiến-hoá của dân-tộc trên 4000 năm là quá-trình tranh-đấu của tổ-tiên, của cha ông chúng ta. Trên quãng thời-gian dài dặc ấy, tâm-huyết người dân ngày càng hun đúc, lòng hêu nước xót nòi, ngày càng tăng. Chúng ta tự hào với thành-tích, sự-nghiệp vĩ-đại của tiên-nhân, kiêu-hãnh khi lật trang quốc-sử hùng-cường, oanh-liệt.
Vàng có thử lửa mới rõ là vàng tốt, người có trải gian nguy mới nổi bật giá-trị con người . Dân-tộc cũng vậy. Nếu không có gian-lao thử thách, sao tỏ rõ được chí-khí quật-cường.
Suốg giòng lịch-sử, người dân Việt biết đoàn-kết, biết siết chặc hàng-ngũ – đã đẩy lui được ý-chí xâm lăng miền Bắc, lập nền tự chủ – đã dẹp tan loạn phương Nam, mở mang bờ cõi – và gần đây, không hổ danh là giống nòi Hồng-Lạc, đã tranh-đấu không ngừng ngăn cản sóng xâm-lăng. Ý-chí ấy, quyết-tâm ấy, đoàn-kết ấy, ai là kẻ không hay ?
Qua các thời-đại, chí-khí quật cường, tinh-thần tự-chủ đã tượng-trưng bằng hành-động của biết bao anh-hùng dân-tộc.
- Hai Bà Trưng diệt Hán cứu dân thoát vòng nô-lệt (40 sau Thiên-chúa giáng-sinh)
- Phá quân Lương, Lý-Bôn lập thời-kỳ tự-chủ II (544-602)
- Diệt tan quân Nam-Hán, Ngô-Quyền mở đường vinh-quang cho đất nước sau 3 lần Bắc-thuộc (939-965)
Lòng thương yêu nòi giống, lòng thương yêu Tổ-quốc non sông là bó đuốc soi đường cho dân-tộc.
Nào anh-hùng Lý-Thường-Kiệt bình Khâm-châu, Liêm-châu, Ung-châu (thuộc Quảng-đông – Quảng-tây) đánh tan quân Tống trên sông Như-Nguyệt (Sông Cầu – 1075)
Nào Kiệt-liệt Trần-Quốc-Tuấn diệt quân Nguyên trên bến Vạn-Kiếp (1284), trên Bạch-Đằng-Giang (1287)
Nào anh-hùng Lê-Lợi đánh đuổi quân Minh (1427)
Nào anh-hùng áo vải Nguyễn-Huệ đại phá quân Thanh (1789)
Qua các triều-đại, tinh-thần quốc-gia và khả-năng sinh-tồn của dân-tộc đã được đánh dấu bằng sự-nghiệp Nam-tiến.
Từ Bắc phương tràn xuống, sau khi đã bám chắc được đồng lũng Bắc Việt, để tránh khỏi tiêu-diệt giữa sức ép của hai nền văn-minh tối-cổ hùng-hậu: Ấn-Độ và Trung-Hoa, muốn sống, dân-tộc Việt-Nam chỉ còn một cách là di dân lần lần về phương Nam.
Những cuộc hưng binh của Lê-Đại-Hành (981), Lê -Thái-Tôn (1044) để dẹp cái “bệnh” quấy nhiễu của Chiêm-Thành, chỉ là dấu hiệu báo trước ý-định di dân của một dân-tộc thông-minh, quy-củ, có tổ-chức và đầy sức sống. Đấy là ý-định thoát thai tất nhiên trong hoàn-cảnh địa-dư và tinh-thần của một dân-tộc luôn luôn tiến-bộ như dân-tộc Việt.
Sự-nghiệp di dân vĩ-đại đã được đánh dấu đều đều.
Chúng ta thử kiểm-điểm những kết-quả của tiền-nhân.
- Năm 1069, Chế-Cư, vua Chiêm-Thành, dâng cho Thánh-Tôn nhà Lý 3 châu: Địa-Lý – Ma-Linh – Bố-Chính (thuộc Quảng-Bình – Quảng-Trị)
- Năm 1306, Chế-Mân dâng cho Nhân-Tôn nhà Trần đất Châu-Ô và Châu-Rí (Thừa-Thiên)
- Năm 1402, Ba-Đích-Lai dâng cho nhà Hồ đất Chiêm-Động và Cổ-Lũy (Quảng-Nam – Quảng-Ngãi)
- Năm 1470, nhà Lê lấy đất Đồ-Bàn, Đại-Chiêm
- Năm 1611, Nguyễn-Hoàng lấy Phú-Yên
- Năm 1653, Chúa Hiến lập Thái-Ninh-Phủ (Khánh-Hoà)
- Năm 1693, Chúa Nguyễn lập Thuận-Phủ (Phủ-Bình-Thuận)
- Năm 1698 đến 1714, dân-tộc Việt-Nam lan đến Đồng-Nai Hạ rồi đến Hà-Tiên, cắm mốc cuối cùng của sự-nghiệp mở mang bờ-cõi
Năm 1802, Đức Thế-Tổ Gia-Long thu gồm giang-sơn về một mối, dân Việt-Nam sống tưng-bừng trong nền Độc-Lập thống-nhất, phú-cường.
Dân-tộc đã thành-công trong sự-nghiệp di dân vĩ-đại, dân-tộc đã tránh được sự thôn-tính của Bắc-phương, đã thoát được ảnh-hưởng ở bên kia bờ Cửu-Long-giang và đã lập được một nước Việt-Nam hùng mạnh, thống-nhất suốt từ Ải Nam-Quan đến đầu mũi Cà-Mâu. Người Việt tự bảo-vệ giống-nòi, do đó phát-huy khả-năng dân-tộc
Mỗi bước tiến về phương Nam chỉ là mỗi cuộc “tấn-công để phòng thủ”. Tính-chất của nó tương-đồng với ý-nghĩa của chiến-tranh tự-vệ chống Bắc-phương. Không thể ai chối cãi được tinh-thần bảo-vệ giống-nòi, trong sự-nghiệp phát-triển quốc-gia dân-tộc.
Từ năm 1862 đến năm 1945, nước nhà bị rời vào ách nô-lệ nhưng, 83 năm, con cháu oanh-liệt của tiền-nhân vẫn chiến-đấu không lúc nào ngừng, mặc dù thủ-đoạn thống-trị của Tây-phương khoa-học hơn mánh-khoé cai-trị của người Trung-Hao trước. Coi thường súng đạn, coi thường giam cầm đầy ải, biết bao nhiêu hoạt-động cứu quốc vẫn kế tiếp nhau, biết bao nhiêu phong-trào khởi-nghĩa vẫn thay phiên nhau:
Nào “Cần-Vương” của những Văn-thân bắt nguồn trong Khổng Mạnh.
Nào “Duy-Tân” với làn sóng văn-minh Âu – Á.
Nào “Dân-Tộc Giải-Phóng” với tư-tưởng cách-mệnh quốc-gia, quốc-tế.
Mỗi phong-trào tuy có khác nhau về hình-thức, nội-dung, nhưng kỳ chung, mục-đích đầu tiên cũng vẫn là: cứu dân, cứu nước
Vì đâu dân-tộc Việt có óc tự-cường, không hề bị tiêu-diệt trước hành-vi thôn-tính của vũ-lực ngoại-bang, trước ảnh-hưởng thấm-nhuần của mọi triết-lý Đông – Tây?
Chỉ vì dân-tộc Việt-Nam biết yêu nước, biết đoàn-kết, biết tranh-đấu. Không một sức mạnh nào lay chuyển nổi dù sức mạnh đó tàn-bạo đến bực nào.
Cá-tính quốc-gia đã được tượng-trưng bằng mọi hình, mọi vẻ.
Người Việt-Nam từng chịu Trung-Hoa đô-hộ trên một nghìn năm, trong khi họ đem sang ta dao bén, giáo dài. Họ đã mang theo cả khuôn-khổ của nền văn-hoá vĩ-đại hòng thôn-tính ta cả về thể-xác lẫn tâm-hồn. Nhưng nhầm thay, dân-tộc Việt sẵn có một cá-tính giống-nòi — luyện hợp với thủy-thổ, sinh-hoạt khí-hậu — đã biết thành cá-tính quốc-gia chỉ có phát-triển nhịp theo hoàn-cảnh, điều-kiẹn chứ không bao giờ có thể suy-vong.
Qua bao thế-kỷ, từng thấm nhuần Đông-triết, nay thêm tiếp-xúc văn-hoá Thái-Tây, người dân Việt đã biết dung-hoà và gìn giữ những gì là thích-hợp, tự tạo ra bản-năng đặc biệt và không bị hoàn-toàn chi-phối.
Cá-tính Quốc-Gia đã được chứng-minh bởi lịch-sử:
- Người Việt học NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ ,TÍN TRUNG-QUÂN, ÁI-QUỐC của Khổng – Mạnh. Nhưng người “tôi” Việt không “trung” với “Thiên-triều”; người dân Việt không “nhân” với bè lũ Thoát-Hoan, mà cũng không hề “nghĩa” với bè lũ Tôn-Sĩ-Nghị.
- Trọng LÃO giáo, PHẬT giáo, THIÊN-CHÚA giáo, học vị-tha, bác-ái, suy “Điềm-tĩnh”, “Vô-vi” nhưng trước hung-tàn bạo-ngược của ngoại-bang, người dân Việt biết đứng dậy xua đuổi quân thù.
- Thấm nhuần lý-thuyết của Locke, của Voltaire, của Rousseau, nhưng không dung những kẻ “tự-do” đi cướp “nhân quyền” để “phát-triển nhân-quyền”.
Trên một nghìn năm tranh-đấu chống ngoại-xâm đã chứng-minh tinh-thần dân-tộc.
Dân-tộc Việt ngày càng rèn dũa. phát-triển cá-tính quốc-gia trên mọi mặt.
Quân-sự:
Người Trung-Hoa dạy Tôn-Ngô Binh-pháp.
Người Việt đã quốc-gia-hoá Tôn-Ngô Binh-pháp: Binh-pháp của nhà Lý khiến cho Tống-triều phải học lại. Binh-Thư Yếu-Lược của nhà Trần đã đẩy lui quân Nguyên.
Chính-trị, Văn-hoá, Xã-hội:
- Thái-độ mạnh bạo trong cuộc cải-cách văn-hoá như sự phát-triển chữ Nôm trong thời-kỳ chữ Nho toàn-thịnh.
- Thực-hiện cải-cách cai-trị, thuế-má, điền-địa mặc dù trên đất nước Trung-Hoa những để tử của Khổng – Mạnh vẫn còn rụt-rè.
Quá-trình tiến-hoá của dân-tộc, qua bao lớp sóng phế-hưng , qua bao cuộc xâm-lăng của ngoại-bang đã không bị kiệt-quệ hoặc mất tính-chất thuần-túy quốc-gia, trái lại, đã nẩy nở thêm chí quật-cường lòng yêu nước thương nòi vô bờ bến trong tâm-can người dân nước Việt.
B- Những ngày tàn của một chế-độ
Qua ngót nghìn năm sống hiên-ngang với nền tự-chủ, đến cuối thế-kỷ 19, đường Việt lại bắt đầu vướng xích xiềng nô-lệ.
Người Pháp dùng chánh-sách “Tầm Thực” (tầm ăn dâu) chiếm miền Nam nước Việt (Hoà-Ước 1862) rồi lấn dần, lập cuộc Bảo-hộ Bắc, Trung (Hoà-Ước 1874 và Hoà-Ước Harmand 1883).
Kế tiếp chánh-sách “tầm thực”, chánh-sách “Chia Để Trị” được áp-dụng triệt-để, kết-quả: quyền nội-trị của Việt-Nam dần thu hẹp như “miếng da lừa”, ngày một mất tính-chất, có hình-thức, thiếu nội-dung (Hoà-Ước 184 và 1883), không còn giá-trị thực-tế nữa.
Vòng thuộc địa bắt đầu.
CHÍNH-TRỊ
Bắc. Trung, Nam có riêng mỗi xứ một chế-độ. Mỗi chế-độ một tổ-chức khác nhau và hình-thúc có vẻ dân-chủ:
- Nam-Việt có Thống-Đốc. Thống-Đốc lập ra Hội-đồng Thuộc-địa, Hội-đồng hàng Tỉnh, Hội-đồng Thành-phố.
- Trung-Việt có Khâm-Sứ làm việc “bên cạnh” nhà Vua. Khâm-Sứ coi việc “ngoại-giao” bằng cách quyết đoán mọi việc và chủ toạ Viện-Cơ-Mật. Khâm-Sứ lập Hồi-đồng Dân-biểu và đặt Công-sứ cho mỗi tỉnh.
-Bắc-Việt có Thống-Sứ. Thống-Sứ “hợp-tác” với Kinh-Lược Việt-Nam thay Vua định việc và chỉ phải tâu với Vua những việc đã làm. Mỗi Tỉnh có một Công-Sứ trực tiếp cai-trị. Thống-Sứ lập ra Hội-đồng hàng Tỉnh , Hội-đồng Dân-biểu.
Việc cai-trị 3 Xứ đặt dưới một Ông Toàn-Quyền. Toàn-Quyền phụ thuộc Bộ Thuộc-Địa Pháp.
KINH-TẾ:
Pháp thành-lập Sở Địa-Chất, Sở Mỏ đầy đủ để khai-thác tài-nguyên. Nhân-công của thuộc-địa nhiều và rẻ tiền khiến Pháp tận-lực lợi-dụng khai-khẩn trồng-trọt, mở-mang kỹ-nghệ nhẹ để thu lợi:
- Nào mỏ than Hòn-Gay, Uông-Bí, mỏ vàng Bồng- Miêu, mỏ sắt Cao-Bằng…
- Nào đồn-điền cà-phê Yên-Bái, Phú-Thọ, Chi-Nê, đồn-điền cao-su Thủ-Dầu-Một, Biên-Hoà.
-Nào nhà máy giấy Đáp-Cầu, nhà máy đường Hiệp-Hoà, nhà máy xi-măng Hải-Phòng, nhà máy diêm Bến Thủy, nhà máy sợi Nam-Định, nhà máy Rưọu, nhà máy Điện, nhà máy Nước v.v…
Việc xuất-cảng, nhập-cảng bị nắm trọn quyền. Thuế-má, điền-thổ được cải-cách thích-hợp theo nguyên-tắc muôn thuở của chánh-sách thực-dân.
QUÂN ĐỘI:
Một ngân-sách to lớn trên 100,000,000 đồng được thu lập để tổ-chức quân-đội, mục-đích giữ vững địa-vị “Bảo-Hộ” tổng thu quyền-lợi kinh-tế.
GIÁO-DỤC:
Trường công mỗi tỉnh không quá hai trường. Trường tư không có phép mở tự-do. Sự học gián-tiếp bị hạn-chế chỉ cốt có đủ số người dùng trong các công, tư sở Pháp. Đã vậy việc học hành lại hết sức khó-khăn, vì phải đủ nhiều “điều-kiện cần-thiết” mới được nhập trường hay thi-cử.
XÃ-HỘI:
Ngoài mấy công-việc đáng ghi nhớ như tẩy trừ bệnh dịch-hạch, đậu mùa, chó dại thì dân Việt-Nam vẫn phải “ưa” dùng thuốc Bắc rẻ tiền, dễ bề mời thầy, gọi thuốc. Lý-do: nhà thương ít ỏi, “đốc-tờ” ít ỏi.
Từ năm 1940, Toàn-Quyền Decoux cố-gắng bù đắp những lỗ hổng của quá-khứ:
- Cải-tổ Chính-phủ Nam-Triều (1942)
- Nâng cao Việt ngữ bậc Tiểu-học
- Cho phép thành-lập Hội Truyền-Bá Quốc-Ngữ
- Lập thêm trường ở hương-thôn
- Mở mang Đại-Học-vụ
- Công-chức Việt và Pháp tương-đối ngang ngạch về lương-bổng và đối-đãi.
- Phong-trào Thanh-niên Khoẻ của Thiếu-tá Ducoroy
- Đường sá cầu cống, thủy-nông, thành-phố được mở man sửa chữa.
Nhưng buồn thay, quá-trình “mở-mang khai-hoá” thuộc-địa của người Pháp đã làm cho Việt-Nam kém tin-tưởng. Những cố-gắng của Toàn-Quyền Decoux không gây được tiếng vang nào.
Chế-độ cai-trị và chánh-sách đối xử trong 83 năm qua đã gián-tiếp giúp Nhật-Bản lật đổ chính-quyền.
Nhật-Bản tuyên-bố giả Độc-Lập cho Việt-Nam sau ngày 9 tháng 3-1945 và nêu rõ mục-đích thiết-lập Đại Gia-Đình Đông-Á.
Việt-Nam Độc-Lập?
Trong lịch-sử các dân-tộc trên thế-giới thử hỏi có dân-tộc nào lại được may-mắn hưởng độc-lập dễ-dàng theo liểu của Việt-Nam ?
Toàn dân Việt đã thấy, sau khi vua Bảo Đại tuyên-bố hủy-bỏ tất cả những Hiệp-Ước ký giữa Việt – Pháp từ xưa để sửa-soạn tổ-chức một nước Việt-Nam Độc-Lập, thì tại Nam- Việt, Yoshio Minoda chiếm địa-vị Thống-Đốc, nguyên Đại-sứ Yokoyam thay chân Khâm-Sứ Pháp ở Trung-Việt và ngoài Bắc nhà ngoại-giao T.Tsukamoto nắm chặt cơ-quan cai-trị….
Song song với quyền cai-trị của các “Cố-Vấn” Nhật, chính-sách khủng-bố của quân-đội Machijiri, Tsushihashi, Sadao Kawamura được áp-dụng triệt-để làm hậu-thuẩn.
Việt-Nam chỉ độc-lập trên giấy tờ!!
Chính-sách thống-trị mới, vừa thâm-thúy vừa ích-kỷ vừa kiêu-ngạo độc-ác của quân-đội Thiên-Hoàng, vừa do hoàn-cảnh chiến-tranh khiến dân ta càng thêm đói cực, chết chóc kể hàng triệu.
Tâm-can người Việt-Nam hun-đúc trên 80 năm Pháp thuộc, nay người Nhật tưới thêm, dầu lửa cứu quốc nhất định phải bùng lên.
Chế-độ của Pháp, của Nhật, hay chế-độ thực-dân-địa nói chung đã đưa đến kết-quả dĩ nhiên: ngày lịch-sử 19 tháng 8 năm 1945.
<—Lời Tựa

No comments: