Wednesday, January 22, 2014

VIỆT NAM MÁU LỬA VI

CHƯƠNG BA (tiếp theo)

GIAI ĐOẠN MỚI


Bẩy năm qua, bẩy năm đã lôi cuốn biết bao nhiêu tiền và máu, tất cả những nỗ lực, cố gắng của chính phủ Pháp đã vượt bực mà chưa một viễn tượng hòa bình nào le lói ở chân trời Việt Nam.
Về quân sự, nước Pháp không thể thua trên chiến trường Việt Nam nhưng cũng không thể nắm chắc phần thắng. Cộng sản Việt Nam ngày nay không phải chỉ là những toán du kích quân lén lút những nhóm người chiến đấu đơn độc lẻ loi, mà là một tổ chức quy mô vững mạnh, có hàng sư đoàn chính quy quân tinh nhuệ có nhiều căn địa rộng lớn và có liên lạc mật thiết với toàn bộ thế giới cộng sản.
Về chính trị, nước Pháp đã noi theo một đường lối từ mấy lâu nay: Từ hình thái Bảo Hộ đến liên kết tương hỗ, từ Bộ Thuộc Địa, Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại đến Bộ Quốc Gia Liên Kết, cố gắng biến hóa người dân ‘’Bản xứ thuộc địa’’ nâng họ thành ‘’công dân’’ trong Khối Liên Hiệp Pháp.
Nhưng trên thực tế, người dân Việt Nam hình như vẫn chưa cảm thấy một thay đổi nào đáng kể, chưa nhận thấy điểm bộc phát mặc nhiên của tình thế và thời gian.
Nói đến Liên Hiệp Pháp, người ta chưa có một hiểu biết rõ ràng và ngay cả những người hữu trách cũng chưa xác định được minh bạch (hay chưa muốn xác định ?) quan niệm về Pháp Lý công dân tình của Liên Hiệp Pháp.
Tình trạng ấy đã kéo dài hết năm này qua năm khác, tốn giấy mực, tốn thời giờ, hại người, hại của.
Bẩy năm qua, biết bao biến chuyển dồn dập đã thúc đẩy chính phủ Pháp phải khêu một điểm sáng mới trong cuộc giao thiệp Pháp-Việt-Mên-Lào: Bản Tuyên Ngôn ngày 3 tháng 7.1953.
Bản Tuyên Ngôn đó là khởi điểm cho một cuộc đàm phán tương lai với mục đích hoàn tất nền Độc Lập của Việt Nam của các Quốc Gia Liên Kết, xác định sự liên lạc, đặt nền tảng cho một hợp tác lâu bền giữa Pháp và Việt.
Chính phủ Pháp muốn dân chúng Việt Nam thành thực hợp tác với Pháp trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung của toàn thể những người tự do tư sản.
Để đạt mong ước đó, chính phủ Pháp long trọng tỏ rõ chính sách và ý chí muốn trả Độc Lập hoàn toàn cho các nước Liên Kết và cũng đồng thời tìm kế hoạch quân sự mới để hy vọng chấm dứt chiến tranh.
Lập trường của chính phủ Pháp tóm tắt:
Một Cuộc Liên Minh Mới.
Đặt trên căn bản bình đẳng và hỗ tương. Pháp và các nước ở Đông Dương sẽ bắt tay kiến tạo một căn nhà mới, xây dựng và phát triển một tình hữu nghị vững bền.
Một Bước Tiến Thẳng Và Mau.
Con đường Liên Hiệp Pháp sẽ không còn bị che lấp bởi những khóm bụi quanh co, cây cành trở ngại. Đường đi tương lai sẽ thẳng tắp, ai cũng có thể nhìn rõ và chính phủ Pháp sẽ đem hết tâm lực thúc đẩy cuộc tiến triển đã phát khởi, bước nhanh đến một Liên Hiệp Pháp hoàn toàn bình đẳng, tự do.
Trao Trả Nhưng Không Bỏ Mặc.
Nước Pháp muốn có một ý nghĩa phân minh về trận chiến tranh ở Việt Nam, một trận chiến tranh rắc rối đến nỗi người ta thật khó mà giải nghĩa cho đúng đắn.
Mắc vào chiến cuộc ở Việt Nam nước Pháp không thể bỏ mặc hoặc cứ cố bám riết. Nước Pháp có thể tao trả Việt Nam cho chính phủ Việt Nam, một cuộc trao trả mà nước Pháp chỉ còn tồn tại những quan hệ tinh thần.
Một Nền Tảng Bang Giao Tương Hỗ, Cộng Đồng Quyền Lợi.
Khi Việt Nam đã độc lập hoàn toàn, mối bang giao Việt-Pháp sẽ đặt trên nền tảng tương thân, tương hỗ. Chính phủ Pháp sẽ theo những khế ước để thực hiện nhiệm vụ của mình ở Đông Dương. Khế ước ? Đó là sự tiếp tục công cuộc giúp đỡ tối cần thiết cho Việt Nam bằng mọi phương tiện sẵn có của Pháp.
Luật cung cầu và tất cả những sự lựa chọn cung cầu cân xứng sẽ được đặt ra, tiến tới điều hòa và cộng đồng quyền lợi của các nước hội viên Liên Hiệp Pháp.
MỘT LIÊN HIỆP PHÁP MỀM DẺO VÀ LINH ĐỘNG
Về quân sự chính phủ Pháp mong muốn các nước Liên Kết dành địa vị Tổng Tư Lệnh cho một vị Tướng Pháp cũng như Tây Âu dành địa vị đó cho một Đại Tướng Hoa Kỳ.
Đó là vấn đề cốt cán, nếu không thì ‘’không thể có Liên Hiệp Pháp’’.
Giữa thời đại liên minh, các lực lượng dồn xu hướng tất nhiên tự tìm nhau kết hợp để tồn tại. Như vậy, các nước hội viên trong Liên Hiệp Pháp phải liên kết với nhau, phải ‘’dung hòa một cách tin tưởng và bền vững các chính sách ngoại giao’’. Nói cách khác, trong Liên Hiệp Pháp, chính sách ngoại giao chỉ có một.
Về kinh tế, Pháp mong muốn những quyền lợi nhường nhau phải đủ để ‘’quân bình’’ sự hấp dẫn của thị trường ngoại quốc.
Tiếng Pháp, một thứ tiếng, theo Pháp, đã từng làm ‘’lợi khí cho cấp ưu tú của các Quốc Gia Liên Kết để học hỏi về chính trị và giải phóng quốc gia’’ phải được một địa vị ưu đãi ở các cấp Trung Học…
Nói chung, vấn đề Đông Dương theo chính phủ Pháp sau ngày 3 tháng 7 là ‘’không phải thanh toán mà chỉ sửa đổi lại các quy chế, hùn vốn thêm và phân phối lại trách nhiệm’’.
Tình thế khách quan và chủ quan đã bó buộc chính phủ Pháp phải tỏ ra lập trường mình, phải thành thực và mau chóng hoàn bị nền Độc Lập của các quốc gia trên Bán Đảo Đông Dương.
Cuộc chiến nóng tại Cao Ly đến ngày tàn, chẳng lẽ còn riêng nước Pháp phải chịu đổ máu mãi ở vùng Đông Nam Á ?
Hành động bỏ nước ra đi của Mên Hoàng Shihanouk, những thúc dục của chính phủ Việt Nam, trận đánh xứ Lào của Việt Minh tháng 4.1953, tất cả là những yếu tố phát sinh nhanh chóng ra Bản Tuyên Ngôn 3 tháng 7.
Vấn đề Việt Nam, quanh co khúc khuỷu, tổng hợp trên hai phương diện chính trị và quân sự, trước kia thuộc quyền cố Thống Chế De Lattre de Tassigny nay lại ủy nhiệm cho hai người Đại Sứ M. Dejcan và Đại Tướng Navarre.
Chính phủ Pháp phải đứng trước hai việc ảnh hưởng lẫn lộn như bóng với hình:
- Đàm phán, trao trả Việt Nam Độc Lập để chính phủ Quốc Gia Việt Nam đủ khả năng và phương tiện lao mình vào cuộc chiến đấu chống việt cộng.
Đó là nhiệm vụ chính của ông Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Liên Kết, của Đại Sứ Dejcan, một nhiệm vụ thực ra chẳng rắc rối khó khăn tí nào nếu mọi người đều tín nhiệm nhau và đều ngay thẳng.
Hành động quân sự, tấn công đánh đuổi Việt Minh để giúp chính nghĩa quốc gia để đặng phát triển khỏi bị lý tưởng quốc tế xâm phạm, đè nén. Đó là bổn phận Tổng Tư Lệnh Quân Đội Đại Tướng Navarre, vị Tướng ít tuyên bố, nhũn nhặn, sắc cạnh.
Trong khi cuộc chờ đợi đàm phán, chờ đợi hành động dứt khoát về chính trị, biện pháp quân sự được phát triển mạnh mẽ.
Đặt chân đến chiến trường Việt Nam, Tân Tổng Tư Lệnh quân đội viễn chinh đã nhận rõ chân tình trạng:
- Vấn đề uy tín của Pháp: ‘’Từ hai năm nay, nhìn vào bản đồ quân sự, phải nhận rằng chúng ta đã lùi rõ rệt, những vết đỏ đánh dấu cuộc tiến của Việt Minh đã lan rộng ở Trung Châu, ở xứ Lào hay xứ Thái, chỗ nào họ cũng len lõi được vào rất nhiều trừ một vài vùng quanh những pháo lũy cố thủ. Tại Trung Việt, đối phương cũng kiểm soát được nhiều vùng và đã có những sự len lõi về phía sông Cửu Long…Toàn thể không cho ta lạc quan lắm…’’
- Nhận xét của Đại Tướng Navarre đã chứng minh khả năng của Việt Minh, quyền chủ động của họ trên chiến trường nói chung. Việt Minh có thể khởi thế công ở bất cứ chỗ nào, thời gian nào và đối lại, quân đội Pháp phần lớn phải ở trong thế phòng ngự, thụ động về chiến lược.
- Đã lúng túng trong sự kém thế, quân đội viễn chinh lại còn bị thiếu cả cán bộ.
Biết rõ giá trị quan trọng thường xuyên của các cấp chỉ huy, Việt Minh huấn luyện cho bộ đội họ khi xung trận chỉ nhằm cấp chỉ huy đối phương mà khai hỏa trước tiên. Chính sách nguy hiểm ấy đã làm cho quân đội Pháp bị một lỗ hổng trong hàng ngũ cán bộ. Trước khi mỗi tiểu đoàn có thể có 28 sĩ quan, 110 hạ sĩ quan người Pháp, ngày nay những con số đó chỉ còn là những con số mong mỏi.
Khủng hoảng về nhân số gây ra khủng hoảng tinh thần.
Thường khi có những cán bộ phải đóng dai dẳng ở những đồn lẻ xa xăm không được thay thế đúng kỳ hạn. Tình trạng đó làm tinh thần họ sút kém, uể oải, chễnh mãng, và đấy là tất cả của lý do thất bại, của mất Đồn trước tinh thần xung phong cuồng nhiệt hung hãm của đối phương.
- Điểm thứ ba là giá trị quan trọng về kinh tế, chính trị, chiến lược của đồng bằng Bắc Việt.
Kinh Tế: Đồng Bắc Bắc Việt là một vựa lúa, giầu người, giầu của. Để lọt vựa lúa đó vào tay Việt Minh tức là giúp họ thêm phương tiện kéo dài cuộc chiến tranh trường kỳ tàn khốc. Từ 1947, quân đội Võ nguyên Giáp chỉ trông cậy vào sức sản xuất nghèo nàn của nông dân Việt Bắc, của miền đất sỏi Trung Du và Thượng Du. Đến 1950, tuy nhờ thêm được gạo Trung Cộng tiếp tế, Vệ Quốc Quân vẫn phải ngày hai bữa cơm mắm muối trắng, chẳng hơn được chút nào. Nay nếu cướp được Đồng Bằng Bắc Việt, Việt Minh sẽ có ngay tại chỗ một kho lương thực đầy ‘’gạo trắng, cá tươi’’, họ sẽ thêm hơi thêm sức để gây thêm nguy hại.
Chính Trị: Nói đến Đồng Bằng Bắc Việt là phải nói đến Thủ Đô Hà Nội, Cố Đô của các triều vua chúa, là Thăng Long Thành, là nơi phát sinh ra lịch sử của Tổ Quốc Việt Nam.
Hà Nội , bên bờ sông Nhị Hà, nằm giữa Đồng Bằng Bắc Việt có một giá trị về tinh thần cũng như về chính trị rất quan trọng đối với Quốc Gia Việt Nam, cũng như Ba Lê đối với nước Pháp.
Về phương diện chiến lược, nếu việt cộng chiếm được Đồng Bằng Bắc Việt, trước hết căn cứ địa của nọ sẽ liền được với miền Bắc Trung Việt vào tận Kinh Thành Huế, điểm thứ nhì, cả vùng Bắc Ai Lao sẽ mất theo, hợp với Bắc Việt thành một căn cứ địa tròn chĩnh, chắc chắn, đủ ưu điểm để phục vụ một trận chiến tranh rộng lớn, uy hiếp Miến Điện, Thái Lan…điểm thứ ba, hải phận quan trọng của miền Bắc Đông Dương sẽ lọt vào tay việt cộng. Sự chuyên chở tiện lợi, rẻ tiền bằng đường thủy sẽ giúp Việt Minh thêm nhiều vũ khí và việc mất hải phận miền Bắc sẽ nguy hại trực tiếp đến hải phận miền Nam.
Nói tóm lại, nếu quân đội Pháp không giữ được Đồng Bằng Bắc Việt là đã vô tình tạo một viên trái phá để bắn vỡ vùng Đông Nam Á sau này.
Muốn dành lại quyền chủ động đã mất qua tay Việt Minh từ Thu-Đông 1950, Đại Tướng Navarre chuẩn bị áp dụng một kế hoạch mới:
A.- Quật khởi và giữ vững tinh thần quân đội.
Nếu chiến trường Việt Nam từ vài năm nay không làm tổn hại được giá trị truyền thống vững chắc của đoàn quân viễn chinh thì ít nhất cũng đã làm chút ít oai hùng và khiến một số binh sĩ phải uể oải, chán nản. Tình trạng tâm lý đó không thể nào tránh khỏi trước lối đánh trường kỳ du kích chiến trong rừng rũ, trong bùn lầy, quân đội viễn chinh phải uể oải vì hai lý do căn bản:
- Chiến trường Việt Nam tượng trưng một lối đánh đặc biệt, chuyên dùng mưu kế thâm sâu và ác độc khác hẳn luật lệ nguyên tắc nói chung của mọi chiến lược cổ điển hay tối tân. Từ lối đánh mìn, giao thông chiến đến những đơn vị bạch binh sử dụng mã tấu, mác ‘’búp da’’, từ đơn vị ‘’độn thổ, độn thủy’’ đến lối đánh ‘’bàn chông’’ v.v…tất cả đều do những mưu mẹo hiểm độc kiểu Á Đông mà xuất hiện. Quân đội Pháp gần như phải đánh nhau với bóng, ít khi tìm thấy đúng địch thủ của mình.
- Lý do thứ hai thuộc phạm vi chính trị. Tất cả các cuộc cãi vã trên báo chí, sách truyện, tất cả những mâu thuẫn về ý kiến của các chính trị gia Pháp trong vấn đề Việt Nam đã lủng củng, dài dặc, rườm rà hình như không bao giờ có thể chấm rứt quanh tấm thảm xanh…
Để giữ vững tin thần và những đức tính tốt đẹp của binh sĩ, kế hoạch mới nhằm những nhiệm vụ chủ quan:
- Xác định ý nghĩa của mọi cuộc hành binh của mọi kết quả đã thu lượm được. Làm như vậy, từng binh sĩ sẽ có một nhận định tổng quát về tác dụng và hành động của mình trên chiến trường, trong cuộc hành binh. Họ sẽ tự ước lượng giá trị những cố gắng của chính họ. Do đó, binh sĩ tự tăng phần hoạt động, vui vẻ hăng hái ở tuyền tuyến. Họ sẽ hiểu rằng những cố gắng cá nhân có thể quyết định phần lớn tương lai cuộc chiến tranh, tương lai hòa bình, tương lai của chính bản thân họ.
- Phân nhiệm dứt khoát. Sự lộn xộn trong vấn đề chỉ huy thường không đem lại trách nhiệm hẳn hoi rõ rệt cho cán bộ. Đó là một khuyết điểm do nạn thiếu cán bộ đề ra. Muốn thanh toán nạn ‘’vá víu’’ cán bộ quân sự, kế hoạch mới nhằm việc đòi hỏi thêm ở chính quốc một nghìn sĩ quan ngoài việc thực hiện tại chỗ chương trình phân nhiệm thật rõ rệt.
- Nhiệm vụ chủ quan thứ ba là vấn đề lực lượng dự trữ. Lực lượng dự trữ đòi hỏi thêm một ngân khoản mới. Nhờ viện trợ Mỹ, việc đó có thể dễ dàng thực hiện.
Quân đội viễn chinh còn được thêm sự phụ lực của quân đội ba Quốc Gia Liên Kết (Nói riêng Quân Đội Việt Nam với con số 200.000 người trong năm 1953 và tương lai 1954 có thể có 300.000, nếu được huấn luyện kỹ càng sẽ có thể dần dần thay thế quân đội Pháp).
B.- Giành dật lại quyền chủ động chiến trường.
Thời gian đã làm mất phần giá trị của hệ thống pháo đài bê tông bao quanh Đồng Bằng Bắc Việt. Nếu các chiến lũy xây dựng từ thời cố Thống Chế De Lattre có tác dụng ngăn cản đợt sóng xung phong của bộ đội Võ nguyên Giáp thì ngược lại cũng đã khiến quân đội Pháp phải tập trung, mất tính chất lưu động lanh lẹ trong phạm vi chiến thuật.
Kế hoạch của Đại Tướng Navarre chủ trương:
- Không một đồn vô ích: Một đồn binh, một pháo lũy, chỉ lợi ích khi nào tự nó có một giá trị chủ động chiến trường, tự nó lăn mình vào cuộc chiến đấu. Nếu chỉ giữ riêng vị trí thụ động và tinh thần ngăn ngừa phòng ngự thì đồn đó không góp được phần kết quả của mình trong chính sách mới nhằm giành lại thế chủ động toàn diện.
- Không một mục tiêu cho bộ đội Việt Minh: Tất cả những đồn lẻ loi kém tác dụng cần thiết đều triệt bỏ để thu hẹp mục tiêu tấn công của Việt Minh và thanh toán được những chuyển giao thông chuyển vận giữa các đồn, tránh được nạn phục kích, giao thông chiến của đối phương.
- Không thụ động trong pháo lũy: Quân đội sẽ tiến ra khỏi pháo lũy, đi sâu vào đất địch, tìm địch và đánh địch ở căn cứ họ. Từ việc chiếm lại quyền của động chiến thuật tiến đến giữ quyền chủ động chiến lược, bắt buộc đối phương phải hoạch định lại kế hoạch của họ.
- Không hành binh cố định trong phạm vi thời gian: Từ trước, mọi cuộc xuất binh đều dựa theo thời gian cố định, tiến quân lúc mờ sáng để nghỉ chân khi trời xẫm tối. Ngày là của quân đội viễn chinh, đêm là du kích đối phương. Không bên nào bàn luận với bên nào mà thời gian như đã được thỏa thuận quy định như vậy.
Kế hoạch mới nhằm mục đích tấn công hoặc phản công trên khắp chiến trường, tiến quân liên tiếp vào căn cứ Việt Minh không để cho họ kịp sửa soạn hay chuẩn bị ứng đối.
Kế hoạch của Đại Tướng Navarre còn gắn liền hoạt động quân sự với tiến triển chính trị: Nền Độc Lập của các nước Liên Kết.
Nền Độc Lập Việt Nam bảo đảm vấn đề phát triển Quân Đội Quốc Gia và chỉ có Quân Đội Quốc Gia Việt Nam mới có đủ yếu tố chính trị cần thiết trong trận chiến tranh chống việt cộng. Đó là một điển tương quan căn bản mà Đại Tướng Navarre đã chú ý nhấn mạnh:
‘’Trận chiến tranh Đông Dương không phải là một trận chiến tranh Tây phương mà người ta cần điều khiển với những tiếp liệu khổng lồ về chiến cụ và tiền bạc. Nó cũng không phải là trận chiến tranh thực dân. Đó chỉ là một trận nội chiến có tính cách quốc gia. Vậy trận chiến tranh ấy chỉ có thể thắng được bởi dân tộc Việt Nam chứ không phải bởi một ai khác’’.
Lời giải thích trên đây của Trung Tướng Chassin nguyên Tư Lệnh Không Quân Viễn Đông mới chỉ đúng một phần nào về phương diện lý thuyết nhưng thực ra điều đó chưa được toàn thể dân chúng Việt Nam nhận thấy rõ rệt khi hãy còn ‘’cảm giác’’ sống trong nền ‘’Độc Lập thiếu thốn’’. Chừng nào ‘’cảm giác’’ đó còn tồn tại, chừng đó nhiệm vụ quân sự của đoàn quân viễn chinh còn nặng nề và vẫn ‘’cảm’’ thấy phải đơn thương độc mã đối phó với quân đội Việt Minh.
Lỗi đó tất nhiên riêng ở những người làm chính trị, những người lãnh đạo đường lối chính trị Pháp sống trong nền Đệ Tứ Cộng Hòa.
CHIẾN TRƯỜNG ĐÔNG DƯƠNG VỚI BA THẮNG LỢI
Tháng 7.1953 mở đầu hai cuộc hành binh lớn của ‘’Thời Navarre’’, hai cuộc hành binh quật khởi bắt buộc quân đội Võ nguyên Giáp phải tăng thêm ý thức chuẩn bị và không được khinh địch, đó là trận Hirondelle tại vùng Ải Nam Quan và trận Camargue trên chiến khu Quảng Trị.
Trận Hirondelle bắt đầu sớm ngày 18 tháng 7 dưới quyền điều khiển trực tiếp của Thiếu Tướng Gilles, 5.000 quân với sự chỉ huy của Đại Tá Ducourneau bất thần rơi từ không trung xuống các động chứa đầy vũ khí bên giòng sông Kỳ Cùng, nơi cách đây hơn hai năm, quân đội Pháp đã từng làm chủ.
Để bảo vệ đường về cho bộ đội nhảy dù ở Lạng Sơn, binh sĩ Liên Hiệp Pháp một mặt nhảy dù xuống Lộc Bình cách Lạng Sơn 27 cây số trên khúc đường số 4 Lạng Sơn-Khe Tù, một mặt tiến quân từ Hải Phòng đến Tiên Yên đón tiếp.
Cuộc hành binh chớp nhoáng đã đem lại ngạc nhiên cho Việt Minh vì họ chắc đã khinh thường lực lượng quân Pháp từ sau Thu-Đông 1950.
Trận Hirondelle nêu rõ:
- Quân đội Pháp đã cụ thể hóa được nhanh chóng kế hoạch Navarre áp dụng chiến thuật lưu động trong cuộc tấn công chủ động vào hậu địch. Nửa vạn quân bất tình lình đánh phá hậu tuyến địch và rút lui một cách cực kỳ nhanh chóng (Rút khỏi Lạng Sơn ngay đêm 17).
- Trận đánh xứ Lạng còn có một giá trị về thời gian vô cùng quan trọng. Thế giới tự do đột nhiên nhìn vào trận Lạng Sơn, phấn khởi và tin tưởng. Đó là một hành động thực tế thức tỉnh lại lòng tin của mọi người đang bị tinh thần chiến bại ám ảnh.
- Ngoài những kết quả về phương diện quân nhu vũ khí (Việt Minh mất 18.000 lít ét-săng, 250 lốp xe vận tải 6 xe vận tải, 57 động cơ xe hơi, 8 chiếc máy làm dụng cụ, 1 máy phát điện, một ổ điện thoại, 1.000 thước khối đạn dược, 1.000 súng liên thanh các cỡ…) trận Lạng Sơn còn đem lại cho binh sĩ Pháp chí phấn khởi chiến thắng, thêm tự tin ở năng lực của mình.
Trận đánh lớn thứ hai phát động ngày 29.7.53.
Cuộc hành binh Camargue cách cuộc hành binh Hirondelle 11 ngày, xảy ra trên ‘’Dãy phố buồn thiu’’ miền Nam Quảng Trị.
‘’Dãy phố buồn thiu’’ là căn cứ địa của một số tiểu đoàn thuộc sư đoàn 325, sư đoàn giữ Bình-Trị-Thiên, khu hắc búa nhất trên chiến trường Việt Nam. Một năm trước, tháng 7 và 8.1952, những cuộc hành binh Quadrille, Sauterelle đã từng làm mưa gió trên khu Mỹ Lợi, Phú Vang, gây tổn thất nặng cho trung đoàn 101 (thuộc sư đoàn 352).
Trước khi khởi trận Camargue, không quân Pháp đã luôn luôn đánh phá các cuộc chuyển dịch khả nghi trong khu vực, trái với tính chất tuyệt đối bí mật của trận nhảy dù Lạng Sơn, quân đội Việt Minh ở ‘’Dãy phố buồn thiu’’ đã được báo hiệu trước bằng những trận oanh tạc của nhóm không quân chiến thuật miền Trung Việt. Những phi đội khu trục oanh tạc cơ B-26 và Bearcat liên tiếp tưới bom xuống khu Tam Giác, một giải làng mạc chạy dài từ Tây-Bắc sang Đông-Nam miền Nam Quảng Trị, dựa vào cồn cát đối diện với biển xanh, nơi trung đoàn 95 đã phải thay thế cho trung đoàn 101.
Sáng ngày 29 tháng 7, từng đợt phi cơ xuất phát từ căn cứ Bắc Việt chở hàng ngàn quân nhảy dù dưới quyền Đại Tá Grandremy rầm rộ bay đến khu vực hành binh. Rồi từ mặt bể, binh sĩ ào ạt đổ bộ lên phía Bắc, vùng An Hội. Từ căn cứ Huế, những xe lội nước, xe thiết giáp tiến quân bao vây chận vùng Tây. Khu Tam Giác bị quây tròn, chặt chẽ.
Trung Tướng G. Leblanc, Tư Lệnh Lục Quân Trung Việt, người điều khiển hơn một vạn quân trong trận Camargue đã thu được những kết quả gì ?
Trước hết: ‘’2 tiểu đoàn Việt Minh bị thất tán và bị tiêu diệt một phần’’, ‘’Tất cả các căn cứ Việt Minh trong khu vực Tam Giác của dãy phố buồn thiu, mối hăm dọa cho Quốc Lộ số 1 và Thành Phố Huế, đã bị phá hủy…’’
Thế là trong vòng nửa tháng, hai cuộc hành binh chủ động đã phát hiện cách xa nhau hằng trăm, sáu trăm cây số, nhanh và mạnh. Quân đội Việt Minh bị đánh bất ngờ chỉ còn kịp chạy và để lại hàng kho vũ khí.
Chiến tranh Đông Dương đã tiến vào một bước ngoặc mới, hy vọng cho quân đội Pháp.
Vừa lúc Hoa Kỳ ký kết ngưng bắn ở Cao Ly và có dư luận xôn xao rằng như vậy là Mỹ ‘’đầu hàng’’ cộng sản, thì ở Việt Nam, Đại Tướng Navarre cố gắng dùng những miếng đòn táo bạo: Hai ‘’trái đấm’’ dương Đông kích Tây mục đích buộc Đại Tướng Việt Minh phải thay đổi chiến thuật của mình.
Trận Camargue đã chứng tỏ khả năng liên hợp những tiểu đoàn miền Bắc Việt với những đơn vị miền Trung Việt. Phương tiện và phương pháp di chuyển nhanh chóng của quân đội Pháp đã được khôi phục sẽ làm cho Việt Minh phải chú trọng nhiều về phòng thủ, tự vệ, bỏ lỡ mọi cơ hội tấn công trong những mùa chiến dịch của họ.
Mùa chiến dịch!
Danh từ quân sự ấy phát sinh từ 1947 sau cuộc hành binh LEA trên chiến khu Việt Bắc, đã ẩn ý nghĩa dài rộng của cuộc chiến tranh trên phạm vi chiến lược.
Nguyên tắc ‘’không nên hành binh vào mùa Hạ’’ do Tướng Lyautey nêu lên hàng bao chục năm về trước vẫn thường được các Tướng lĩnh Pháp noi theo ở Bắc Việt.
Từ 1947, cứ đến Thu-Đông là Việt Minh phải sửa soạn, chuẩn bị chờ đợi những cuộc tiến quân của bộ đội Pháp. Để ngăn ngừa những cuộc hành binh trong mùa Thu-Đông khô ráo, Việt Minh cố gắng mở những trận đánh chận đầu và từ Thu Đông 1950, sau trận ác liệt Cao Bằng, Lạng Sơn, ‘’quyền’’ mở chiến dịch trong ‘’mùa’’ đã chuyển qua tay bộ tư lệnh Việt Minh.
Hai năm rưỡi trôi qua…Ngày nay Đại Tướng Navarre quyết ý lấy lại quyền chủ động. Những cuộc hành binh mới đều tiềm tàng một tính chất ‘’muôn thuở’’ trong chiến cuộc Đông Dương: Ngăn ngừa đối phương, chận họ trước mùa chiến dịch.
MỘT CUỘC RÚT QUÂN CHIẾN THẮNG
Quân đội Pháp bất thần rút khỏi Nà Sản, một pháo lũy được xây dựng sau cuộc lui quân ở xứ Thái hồi cuối tháng 10 năm 1952. Rời bỏ Nà Sản, một ‘’thắng lợi rút lui’’ theo chiến thuật ‘’con dím thu hình’’.
Pháo lũy Nà Sản tuy đã gây nhiều thiệt hại cho Việt Minh nhưng Nà Sản đã không ngăn nổi Việt Minh trên đường tiến quân sang Lào. Nà Sản chưa cắt đứt hoặc làm xáo lộn được hậu quân của Việt Minh. Nà Sản chưa làm phân tán được các lực lượng đối phương trong xứ Thái…Hơn nữa Nà Sản cách quá xa Đồng Bằng Bắc Việt, cách xa căn cứ địa của Liên Quân Việt-Pháp nên đã gây vô cùng tốn kém về phương diện tiếp tế, chuyển vận.
Rút lui Nà Sản, một cuộc rút lui quy mô lành lặn chưa từng thấy. Ngàn rưởi tấn vũ khí, chiến cụ, ngót 2000 dân chúng và hàng ngàn binh sĩ.
Từ 9 tháng 8, mặc dầu thời thiết xấu, một số lớn các phi cơ vận tải Dakota và Bristol đã bí mật chuyển dần quân dân và dụng cụ vũ khí từ pháo lũy Nà Sản về Hà Nội. Cuộc rút lui bằng đường hàng không do sáng kiến của Trung Tướng Cogny Tư Lệnh miền Bắc Việt, ‘’trận rút lui’’ còn nguy hiển gấp bội phần trận Hirondelle (Lạng Sơn).
Cuộc rút lui được áp dụng theo nhiều chiến thuật nghi binh:
- Hành quân quanh điểm tựa. Trong vùng ngoại vi phòng thủ Nà Sản, từ điểm dựa nọ đến điểm dựa kia, một hai đơn vị chia nhau hành quân và canh gác trong khi các binh sĩ ở các đồn xa nhất lục tục kéo về sân bay.
- Tấn công phòng ngự. Trung Tướng Cogny điều động binh sĩ và thả một tiểu đoàn quân nhảy dù xuống Nà Sản mục đích đánh lừa Việt Minh khiến họ lầm tưởng quân đội Pháp sửa soạn tấn công xứ Thái. Lực lượng Việt Minh quanh đấy sẽ luôn luôn trong tình trạng báo động.
- Tập hợp giữa hệ thống phòng thủ. Từng toán nhỏ binh sĩ trên đường về sân bay tập hợp ở giữa hệ thống phòng thủ theo chính sách của ‘’kẻ chạy đi còn quay trở lại’’ khiến Việt Minh có thể suy luận lầm lẫn lối lui của địch thủ.
- Từ những đồn tập hợp quân nói trên, binh sĩ bí mật rút lui dần.
- Phút báo hiệu sau chót, những binh sĩ trừ một đơn vị ở lại phòng giữ ‘’khắc cuối cùng của Nà Sản’’, từ từ về sân bay lên những chuyến phi cơ sau rốt.
Trưa ngày 12 tháng 8, đơn vị cuối cùng của pháo lũy Nà Sản, một Tiểu Đoàn Thái dưới quyền Đại Úy Archambault, Thiếu Úy Marcowiak đã về tới Phi Trường Bạch Mai, hoàn tất một cuộc thành công vĩ đại: Rút lui không phí một viên đạn và không bị một vết thương truy kích.
Cuộc lui quân kỳ diệu ở Nà Sản đã giúp Bộ Tư Lệnh Pháp thu hồi được lực lượng cần thiết để tăng cường các đơn vị lưu động, sử dụng trong những cuộc hành binh tương lai.
‘’…Ba cuộc hành binh để tỏ cho địch cũng như cho toàn thế giới biết rằng các lực lượng Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương lại làm chủ động…’’
Đó là lời tuyên bố của Đại Tướng Navarre trong một bức thư gửi các lực lượng chiến đấu.
Ba cuộc hành binh:
- Hirondelle 18.7.1053 đối phương bị đánh vào hệ thống tiếp tế mà không gây được một phản ứng nào quan trọng.
- Camrgue 29.7.1953 ‘’Dãy phố buồn thiu’’ đã bị quân đội Pháp tảo thanh, kiển soát và quân đội Việt Minh ở vùng đó đã phải thất tán.
Nà Sản 9.8.1953 các Tiểu Đoàn của Liên Hiệp Pháp đã rút khỏi đồn cố thủ một cách yên ổn bằng không vận.
Tuy là những cuộc hành binh khác nhau về hình thức nhưng vẫn đồng một tính chất, chủ động hoàn toàn.
‘’…Tôi biết rằng tại các nơi tập trung của Việt Minh, họ đang sửa soạn cuộc phản công và cuộc phục thù.
Tôi biết rằng chiến dịch mùa Thu này gay go lắm.
Cũng chỉ vì muốn dự phòng chiến dịch đó mà Bộ Tư Lệnh đã tấn công trước các lực lượng Việt Minh để ngăn ngừa không cho họ tổ chức…’’
Đó là lời kết luận của Đại Tướng Navarre về tính chất của những cuộc hành binh mới mẻ.
ĐỒNG BẰNG BẮC VIỆT
Đồng Bằng Bắc Việt là nơi hai bên quân đội đối thủ luôn luôn rình mò tìm kiếm nhau, nhằm những chỗ chông chênh sơ hở của nhau để đánh úp bất nhờ.
Muốn chấm dứt trò chơi ‘’ú tim’’ đó, Bộ Tư Lệnh Pháp mở một loạt những trận đánh lớn cùng chung một tính chất tảo thanh, diễn ra ngay sau ba cuộc hành binh Lạng Sơn-Quảng Trị và Nà Sản:
- Trận Tarentaise, vùng Bùi Chu, dưới quyền điều khiển của Đại Tá Galibert. Trận Tarentaise khởi xuất ngày 5 tháng 8.1953, đã đem lại kết quả tiêu diệt được phần lớn tổ chức hành chính kháng chiến của địch trong vùng. Bộ Tư Lệnh Pháp đã chuyển giao lại quyền chỉ huy khu Bùi Chu cho Đại Tá Phạm Văn Đồng với các Tiểu Đoàn Khinh Quân, ngày 1.9.53, sau khi đánh bật Việt Minh ra khỏi địa phận.
- Trận Claude, vùng Tiên Lãng (Kiến An).
Tiên Lãng là một Huyện, một ‘’hòn đảo’’ ở đất liền xung quanh có sông nước bao bọc. Biển cả ở phía Nam, sông Văn Cừ chảy phía Đông, sông Thái Bình ở phía Tây và con kênh Khuôn Ngàn phía Bắc với khu vực ‘’đầu rắn độc’’ (Tête de vipère, Ninh Giang).
Tiên Lãng rộng khoảng 120 cây số vuông với dân cư chừng 70.000 người là một vùng chuyên trồng thuốc lào, rất giầu có Việt Minh đã khai thác được ở đấy, nhân lực, tiền bạc và đặc biệt sử dụng được địa hình địa vật để tạo nên những làng kháng chiến kiểu mẫu.
Cuộc hành binh Claude dưới quyền Đại Tá Nemo, Tư Lệnh Duyên Hải, khởi xuất ngày 28.8 và chấm dứt ngày 18.9.1953.
Thanh toán căn cứ vững chắc của Việt Minh miền bể thiết lập từ tháng 9 năm 1952, mối hy vọng của Đại Tá Nemo, là chấm dứt các cuộc phục kích giao thông chiến trên đường số 10, chấm dứt các cuộc đột kích vào đô thị lân cận mà hai vụ mới nhất là trận phá khó đạn Kiến An và trận phá kho ét-săng Hải Phòng.
Đối phó với Việt Minh vùng Tiên Lãng, với các chiến thuật ‘’độn thổ, độn thủy’’, du kích chiến, mìn chiến, chống với những chiến đấu viên cuồng tín ‘’muốn chết hơn là muốn hàng’’, chống với những chiến đấu viên tí hon 12-13 tuổi, quân đội Liên Hiệp Pháp thật cũng đã phải lao đao khó nhọc mới đạt được kết quả đầu tiên mong muốn. Chiếm lại lãnh thổ.
- Cuộc hành binh Flandre tại Tri Lễ (Hà Nội-Hà Đông) dưới quyền Đại Tá Vanuxem với mục đích tảo thanh một căn cứ địa của ủy ban kháng chiến hành chính Lưỡng Hà không đem lại được kết quả khả quan lắm.
- Cuộc hành binh Brochet, một trận tảo thanh lớn nhất trên Đồng Bằng Bắc Việt.
Giữa vùng ruộng lầy thuộc Hưng Yên, Việt Minh đã thiết lập được một căn cứ địa rất vững chắc và từ địa điểm đó Việt Minh luôn luôn mở những cuộc đột kích, phục kích, ẩn hiện chập chờn như ma trơi.
Một số lớn thôn xóm sau lũy tre xanh giữa khu đồng chiêm bùn lội được Việt Minh biến thành những ổ kháng chiến kiên cố, có hàng rào bảo vệ phòng thủ gồm những hầm trú ẩn, canh gác xây bằng bê tông, rồi nhà nọ thông sang nhà kia, xóm này liền qua xóm khác do những giao thông hào đào ngầm dưới đất lại có cả những đường hầm chạy dài xa ra ngoài đồng ruộng, bờ ao để dễ dàng tháo lui hay xuất hiện.
Tất cả mỗi cơ cấu phòng ngự lại được bao bọc bởi hệ thống ‘’Ba không’’ (Không nghe, không biết, không thấy).
Phát khởi ngày 23 tháng 9, cuộc hành binh Brochet đã sử dụng một quân số rất lớn đánh vào phía Bắc Hưng Yên cả phá sào huyệt của trung đoàn 42, trung đoàn thiện chiến số một của Việt Minh trong vùng Đồng Bằng Bắc Việt.
Nói đến trung đoàn 42, phải nhắc tới tiền thân của đơn vị chính quy ấy: Trung đoàn 41 và ít nhiều phần tử của trung đoàn 58 trên bờ sông Luộc, những cuộc giao tranh nảy lửa, đẫm máu của đơn vị 41 và 58 với Trung Đoàn Pháo Binh thuộc địa thứ IV (IV.R.A.C.M), với Trung Đoàn Bộ Binh thuộc địa thứ 23 (23e R.I.C.) dưới thời Tư Lệnh Dèbes năm 1947, trên đường số 5, số 10, trên giòng sông Luộc.
Đối với địa hình địa vật nguy hiểm của vùng Bãi Sậy Hưng Yên, đối với quá trình chiến đấu mãnh liệt quả cảm của trung đoàn 42, một trung đoàn có tương lai tiến tới sư đoàn (như sư đoàn Bình-Trị-Thiên tiền thân cũng chỉ là một trung đoàn của ba Tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên, và như sư đoàn 316, tiền thân là trung đoàn Sông Lô), Trung Tướng Cogny quyết tâm thanh toán dứt khoát món nợ dây dưa từ những trận Citron, Manderine, Nice 1, Nice 2 v.v…
Tấn công trung đoàn 42, một việc khó khăn ghê gớm vì đối phương ẩn hiện xuất quỷ nhập thần, lẩn tránh như lươn trạch, không thể mỗi lúc dễ dàng áp đảo.
Dùng mẹo đối mẹo, Tướng Cogny áp dụng chiến thuật ‘’điệu hổ ly sơn’’ cố gắng dử bộ đội Việt Minh phải nhoai mình ra khỏi nơi ẩn nấp của họ.
Thoạt tiên, một số các cuộc hành binh nho nhỏ, lẻ loi và sơ hở, tiếp diễn lung tung quanh khu vực Hưng Yên, Hải Dương. Đó là những ‘’miếng mồi’’ có vẻ ngon lành khiến quân đội Việt Minh thi nhau nổ súng, vô tình để lộ mục tiêu toan diện.
Sau một cuộc suy luận tính toán kỹ càng về hỏa lực rải rác của Việt Minh, Tướng Cogny đã nắm được chóp, đâu là quân lực chính và phụ đồng thời phác họa được hệ thống dàn quân của trung đoàn 42 trong vùng để rồi, bất thình lình, ngày 23.9.53, 24.000 quân Pháp-Việt nhảy sổ thẳng vào tận hang cọp dữ, bắt buộc đối phương phải nhận giao chiến.
Từng thước đất trong khu vực gồm 3-4 trăm làng thuộc Hưng Yên bị cày xới lên như ruộng nương trước ngày gieo mạ.
Tuy phải chịu đựng nào mìn, nào bẫy, nào bàn chông, nào những viên đạn lẻ tẻ, bí mật, quân đội Pháp-Việt cũng đã khiến trung đoàn thiện chiến của Việt Minh phải sức mẻ nặng nề, thiệt hại kể hàng ngàn người.
Ngoài những trận tảo thanh lớn ở miền Đồng Bằng Bắc Việt, quân đội Liên Hiệp Pháp còn mở nhiều cuộc hành binh khác trên khắp lãnh thổ Đông Dương như:
Trận Savoie giữa vùng sông Bé và Hậu Giang. Nào phi đội Grunman Goose, nào phi đội Bearcat, nào thủy đội Dinassaut, Hải-Lục-Không Quân Pháp đã tấn công Việt Minh miền Nam nước Việt, gây được tổn thất khá nặng nề trong hàng ngũ đối phương.
- Trận Bearn, thượng tuần tháng 9, của Tướng Cardet bên Ai Lao.
Từ tháng 5.1953, giữa các vùng Ban Ban-Nòng Hét, dựa vào giải Hoành Sơn, Việt Minh đã kiến tạo được nhiều ổ kháng chiến quan trọng. Cuộc hành binh Bearh của Liên Quân Pháp-Việt-Lào đã lấy lại được kiểm soát trên một khu vực rộng lớn, xua đuổi các đơn vị địa phương quân của đối phương ra khỏi biên giới Trung Việt-Ai Lao và giải phóng dân chúng thoát ảnh hưởng của cộng sản.
- Cuộc hành binh Dampierre với kết quả thu lại hai Thị Trấn Pakseng và Mường Sung (Ai Lao).
Trận Dampiere do nhiều lực lượng bộ binh quan trọng tham dự đã phải tiến hành một cách cực kỳ khổ nhọc trong vùng địa thế hiểm trở bên bờ Cửu Long Giang.
Trận đánh đã diệt trừ được nạn hăm dọa thường trực của đại đội 98 Việt Minh bao quanh Thủ Đô Luang Prabang.
Tóm lại, từ khi Đại Tướng Navarre giữ quyền Tổng Tư Lệnh, trong 3 tháng liền, một loạt tấn công giành chủ động đã được thực hiện trên khắp chiến trường Đông Dương.
Ý tưởng lạc quan đó, Đại Tướng Navarre đã nêu lên rõ ràng trong bức thư thứ hai, ngày 20,9.1953, gửi cho toàn thể binh sĩ dưới quyền.
PHẢI CHIẾM LẤY QUYỀN CHỦ ĐỘNG
‘’Ngày hôm nay tôi có thể cho các bạn biết rõ một ý kiến. Về phương diện quân số và dụng cụ, tôi đã được thêm những tăng viện để tôi thành lập nhiều toán lưu động mới nữa và tăng thêm các khả năng của tôi về việc chuyên chở bằng không vận và thủ vận. Rồi đây có thể sẽ có nhiều cuộc hành quân bộ quan trọng bằng đường sông và đường biển hoặc bằng đường hàng không. Về phương diện tài chính, tôi sẽ có các phương tiện để duy dưỡng đoàn quân viễn chinh và phát triển các quân đội liên kết một cách khả quan.
Chỉ mấy tháng nữa sẽ thấy rõ tương lai.
Từ nay đến ngày ấy, chúng ta sắp phải vượt qua một giai đoạn mà lúc này tôi nói với các bạn.
Chúng ta sắp bước vào thời kỳ của những cuộc hành binh lớn. Tôi nói cho các bạn biết rõ ý tôi muốn. Những cuộc hành binh đó phải được điều khiển như thế nào và ban cho các bạn ở tất cả mọi cấp bậc ‘’khẩu hiệu’’ của tôi.
Về chiến dịch mùa Thu năm 1950, Thống Chế De Lattre đã ban cho các bạn câu châm ngôn của Thống Chế để làm khẩu hiệu. Câu châm ngôn đó là ‘’Không cam chịu’’. Năm nay, 1953, trước khi một chiến dịch mới bắt đầu, tôi cũng cảm hứng về khẩu hiệu của Thống Chế mà ban cho các bạn một khẩu hiệu, cũng như Thống Chế, tôi bảo với các bạn phải ra tay trước, phải hành động nhanh hơn đối phưng, phải điều khiển chiến trận.
Khẩu hiệu đó là: Quyền chủ động.
Cũng như mọi năm, chắc chắn là đối phương đợi hết mùa mưa để phóng ra những cuộc hành binh lớn. Họ trông mong vào ảnh hưởng của một đòn ồ ạt và đột ngột như thường lệ để nắm và giữ vững lấy quyền chủ động.
Ở cấp bực nào chúng ta cũng phải chống lại đòn đó. Ở cấp bực tôi, tôi sẽ nắm lấy quyền chủ động bằng cách phóng ra những cuộc hành binh lớn vào lúc và vào nơi mà tôi sẽ lựa chọn.
Ở cấp bực phụ trách một lãnh thổ, một khu, một tiểu khu, các bạn sẽ nắm lấy quyền chủ động bằng những cuộc hành binh điều động tất cả các lực lượng trừ bị địa phương, thi hành điều động tất cả các lực lượng trừ bị địa phương, thi hành theo cùng một nguyên tắc nhưng mau chóng và kịp thời hơn bởi vì những cuộc hành binh đó sẽ được phóng ra theo các tin tức, tài liệu mà ta có thể lợi dụng ngay được liền đó.
Ở cấp bực trung, khi nào hành động của các bạn được, liền liền không một lúc nào ngưng, hình thức hành động đó được luôn luôn thay đổi, toàn có tính cách tấn công cho đến khi Việt Minh cảm thấy thật sự là bị săn đuổi, khi mà trong lúc giáp chiến các bạn đã biết đả kích đối phương bằng chuyển dịch bằng hành binh của các bạn hơn là bằng hỏa lực các trọng pháo của các bạn, ấy là các bạn đã nắm quyền chủ động rồi đó.
Nắm lấy quyền chủ động, tương đối rất dễ. Nhưng muốn giữ được nó thì phải luôn luôn cố gắng vì đối phương sẽ huy động hết mọi phương tiện của họ, tìm hết mọi mưu kế để đạt lại nó khỏi tay chúng ta.
Tôi không cho rằng ở địa vị tôi, tôi sẽ không có lúc nào phải cam chịu quyền chủ động của đối phương. Tôi tin chắc rằng có lúc tôi sẽ phải chịu những miếng đòn của họ, sẽ phải chống đỡ những hành động của họ, phải bồi đắp nhiều chỗ khuyết. Nhưng lúc nào tôi cũng tìm cách và càng mau chóng càng hay, phóng ra những cuộc trả đòn khiến cho tôi lại điều khiển được chiến cuộc.
Ngay ở cấp bực các bạn, thường thường các bạn cũng sẽ phải ‘’chịu đựng’’ đối phương. Đối phương sẽ cướp mất của các bạn nhiều đồn, sẽ phục kích các bạn nhiều trận, sẽ tấn công các đoàn vận tải của các bạn, sẽ phá hủy các đường giao thông của các bạn. Chúng sẽ tìm cách phân tán sự hoạt động của các bạn cho đến khi nào trong đầu óc các bạn chỉ còn có một tư tưởng: Phải đỡ đòn. Các bạn sẽ phải lâm vào thế thủ. Nhưng dù có gặp những trường hợp đó, nhất là trong trường hợp đó, các bạn cũng vẫn phải giữ vững thế công, vì đó là phương sách duy nhất để nắm lấy quyền chủ động.
Những phương thức ấy thật giản dị, tôi muốn nói: Thật là đúng với nguyên tắc, nhưng nhắc lại những phương thức ấy không phải là vô ích.
Nếu trong khi chiến đấu, các bạn được lệnh phải giữ vững thì các bạn phải giũ vững nhưng chỉ giữ với một phần các phương tiện của các bạn mà thôi. Phần đó sẽ dùng hỏa lực kìm đối phương tại chỗ trong hệ thống bố trí, phần đó là khối bất động.
Bao nhiêu phương tiện của các bạn còn lại phải giữ tính cách lưu động và tập trung sẵn sàng đánh vào nhược điểm của đối phương, sẵn sàng phản công hoặc vào sườn chúng hoặc vào hậu vệ trực tiếp của chúng.
Lực lượng trừ bị lưu động đó, ở cấp bực nào, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn v.v…cũng đều phải có và xuất hiện bằng những hành động ác liệt, những cuộc di chuyển mau lẹ.
Như vậy các bạn sẽ phải vừa đánh, vừa lui để chịu đựng một cuộc va chạm cực mạnh mà không bị tan rã (lấy mềm trị cứng). Trong trường hợp đó, các bạn sẽ áp dụng những phương pháp như trên. Ngay cả trong lúc rút về, các bạn vẫn cứ giữ thế công. Một phần các phương tiện chiến đấu của các bạn vừa đánh vừa lui nhưng phần còn lại sẽ hoạt động, hành động trong sự chuyển dịch tiến thoái của mình, đánh những đòn thật lẹ và thật mạnh, nó sẽ chận đứng được đà tiến của đối phương và làm đảo lộn được sự bố trí tấn công đối phương. Họ sẽ mất nhuệ khí và mất cái thế lợi hại của họ. Lúc Đó là lúc có thể phản công được họ và đánh bại được họ.
Bất cứ lúc nào và bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng cần phải hoạt động. Ở Đông Dương, người ta đánh giá một đơn vị theo tinh thần lưu động của nó. Tính cách ấy chứng tỏ rằng đơn vị ấy đã thiện chiến (theo ý nghĩa đầy đủ của danh từ này) nghĩa là đã rũ sạch những hành lý không cần thiết, chỉ giữ lại cái gì cần để có đủ sức mạnh thôi.
Điều kiện thứ nhì để giữ vững vai chủ động là phải hành động trong sự vững chắc. Một đơn vị trong bất cứ trường hợp nào cũng phải đề phòng.
Lúc đóng binh, ngoài những phương pháp tĩnh động thông dụng, một đơn vị còn cần phải tỏ ra có óc suy tính cho những toán tuần thám nhẹ và mai phục gần hay xa chỗ đóng binh tùy theo địa thế, phải tìm ra những mưu chước mới mẻ.
Khi đóng binh, đề phòng tức là lập lại cách bố trí tiền phong, trắc vệ và hậu tập, mà phải làm sao cho hợp với tính cách riêng biệt của trận chiến tranh này. Ở đây cũng vậy, cần phải biết suy tính.
Nói tóm lại, muốn chiếm và giữ vai chủ động cần phải có gan dạ, biết suy tính, có ý chí.
Có gan dạ để bỏ những thói quen cũ rích, những cách dàn binh quen thuộc (người ta cho là đã đem dùng có hiệu quả rồi) mà nếu đem ra dùng lâu thì sẽ bị tai hại.
Biết suy tính để thay thế những cách bố trí cũa bằng những phương thức mới giúp cho ta bắt trọn quân địch và sẽ được thắng lợi.
Và có ý chí để cố gắng mãi mãi.
Sau hết xin các bạn đừng quên rằng sáng kiến là một đức tính của người Pháp’’.
Đại Tướng Navarre, khi phác họa kế hoạch, đã không quên vạch rõ từ những nét lớn đến những nét nhỏ chi tiết trong nghệ thuật trong nghệ thuật dùng binh, từ chiến thuật cần phải áp dụng ở cấp Tướng đến chiến thuật cần phải theo ở cấp hạ sĩ trong các tiểu khu, lúc công lúc thủ…tất cả để đạt mục tiêu chiến lược giành lại quyền chủ động.
Ngày 3 tháng 10.1953, một trận nhảy dù đánh úp vô cùng táo bạo của 46 binh sĩ Mèo, Thái xuống Cóc Lếu-Lào Kay đã phá sập được chiếc cầu chiến lược của Việt Minh dùng trong việc chuyên chở quân nhu vũ khí do Trung Cộng tiếp viện.
Mặc dầu đơn vị nhảy dù Mèo, Thái chỉ chiếm đóng được ở Cốc Lếu có 3 tiếng đồng hồ, trận đánh úp đó cũng đã chứng tỏ rằng hậu tuyến của quân đội họ Võ còn mỏng manh, vẫn thường có mặt những ổ du kích quan trọng của dân tộc Mèo, Thái…
Với Đại Tướng Navarre, cựu chỉ huy du kích quân của nước Pháp, Việt Minh bắt đầu thấy mất độc quyền về phương diện chuyên môn sở trường của họ: Du kích chiến và tình báo chiến.
TỪ TRẬN MOUETTE ĐẾN PHÁO LŨY ĐIỆN BIÊN PHỦ
Cuộc tấn công mãnh liệt của Hải-Lục-Không Quân Pháp sau trận Hòa Bình: Hành binh Mouette đánh Thanh Hóa, đã là một hành động cụ thể và quyết liệt sau những lời tuyên bố giải thích đầy hứa hẹn của Đại Tướng Navarre về quyền chủ động chiến trường.
Thanh Hóa một vùng gạo trắng nước trong, một địa điểm vô cùng trọng yếu của bộ tư lệnh Việt Minh Liên Khu 4.
Trong một khoảng 255.000 mẫu tây đất rộng, dân chúng ở Thanh Hóa, với số lượng gần 1.000.000 người đã chia làm ba loại:
- Giáo dân miền Duyên Hải.
- Dân thiểu số miền rừng núi Thượng Thanh.
- Dân tiểu thương, nông gia (chừng nửa triệu) sống ở khu vực trung tâm tỉnh.
Mùa Đông năm 1948, những đơn vị Liên Hiệp Pháp đã một lần đổ bộ lên vùng Cầu Giát (cách Thanh Hóa 70 cây số về phía Nam). Trận Cầu Giát đã làm tỉnh đội bộ Việt Minh Thanh Hóa phải chịu đựng nhiều tổn thất.
Mùa Đông năm 1949, một đầu cầu của Liên Quân Pháp-Việt được thiết lập phía cực Nam Giáo Khu Phát Diệm. Phản ứng của bộ tư lệnh Liên Khu 4 là việc cấp tốc phái hai tiểu đoàn chủ lực khu ra chặn giữ danh giới Thanh Hóa đối diện với vùng Phát Diệm.
Để chuẩn bị đề phòng, bộ tư lệnh Liên Khu 4 đã phát triển tăng cường canh gác suốt dọc duyên hải và miền ruộng muối Quỳnh Lưu.
Muốn toàn thiện hệ thống phòng ngự miền Duyên Hải, Việt Minh tổ chức một cơ quan đặc vụ chuyên môn thu thập tin tức về các sự đi lại của những chiến hạm Pháp ngoài khơi và ngăn ngừa phản động lực của những làng theo Gia-Tô-Giáo.
Ngoài công an đặc vụ còn có dân quân, du kích quân và các đơn vị địa phương quân luôn luôn hoạt động kiểm soát chặt chẽ.
Việt Minh bỏ lỏng bờ biển (không có các tiểu đoàn thiện chiến và pháo binh đóng giữ), một là để tránh thiệt hại có thể gây nên do pháo lực của chiến hạm Pháp, hai là có ý muốn giữ Liên Quân Pháp-Việt vào sâu trong đất liền rồi mới nói chuyện sau.
Thanh Hóa của Liên Khu 4 với hàng vạn quân chính quy thuộc những sư đoàn tinh nhuệ 304, 320 với hàng vạn địa phương quân chủ lực tỉnh, chủ lực huyện v.v…đã chịu đựng trận tấn công vĩ đại của quân đội Pháp: Hành binh Mouette.
Nào Hải Quân của Đô Đốc Querville rập rình đổ bộ ngoài khơi Thanh Hóa (hành quân Pélican). Nào Lục Quân của Tướng Gilles xuất phát từ Đồng Bằng Bắc Việt tiến vào Bỉm Sơn, Yên Xá, vào dẫy núi đá vôi bên giòng sông Đáy…Nào Không Quân của Tướng Dechaux yểm hộ, tiếp tế dẫn đường…Tất cả đều dưới quyền điều khiển trực tiếp của Trung Tướng Cogny, một vị Tướng đã có nhiều thành tích oanh liệt.
Sau 23 ngày hành binh, từ 15 tháng 10 đến 8 tháng 11.1953, Liên Quân Pháp-Việt đã đạt được những kết quả gì ?
Đây là bản nhận định của những nhà chỉ huy quân sự Pháp:
‘’Cuộc hành binh Mouette không hề nhằm mục đích chiếm đóng vĩnh viễn đất đai. Vùng Phủ Nho Quan không có lợi gì cho chúng ta cả. Việc chiếm đóng Thanh Hóa chưa được đề cập tuy rằng nó quan trọng hiển nhiên nhưng sau này việc chiếm đóng ấy vẫn có thể tính đến. Chúng ta đã dùng thủy quân đánh nghi binh vào miền Duyên Hải Thanh Hóa để đánh lừa Việt Minh, quả nhiên Việt Minh đã bị lừa và ta đã đạt được mục đích.
Mục tiêu chính của cuộc hành quân Mouette là làm ngăn trở mọi kế hoạch của đối phương bằng cách ta nắm quyền chủ động khởi tác chính lúc Việt Minh sắp sửa ra tay tấn công. Mục tiêu này đã thực hiện được.
Ngày 15 tháng 10 là ngày tấn công, sư đoàn 320 đã sẵn sàng ở điểm khởi cứ. Thế rồi họ phải bỏ cuộc tấn công mà lui về thế thủ. Điểm khởi cứ của họ bị rối loạn, sư đoàn 320 bị tổn thất lớn lao và lâu lắm họ mới có thể có sức tấn công được. Nên nhớ là tất cả kế hoạch của Việt Minh đều trông cậy ở cuộc tấn công của sư đoàn 320 là hàng ngũ tiên phong cho sức tấn công của họ.
Mục đích thứ hai của hành binh Mouette là ngăn chận Việt Minh không cho tiếp tế vào phía Nam, mục tiêu này cũng đã đạt được vì các đường giao thông bị cắt đứt ở Lai Các đã buộc đối phương phải sửa soạn một con đường khác để tiếp tế Thanh Hóa và Trung Việt. Con đường này phải tuần lễ nữa mới làm xong.
Mục tiêu thứ ba là gây thật nhiều tổn thất cho toán quân đối phương uy hiếp cả mặt Nam-Trung-Châu. Về phương diện này, ta chỉ đạt được một phần kết quả. Sư đoàn 304 không chịu ra mặt. Nhưng sư đoàn 320 sau khi không chịu ra mặt đã tấn công nhiều lần. Những trận đánh này rất kịch liệt, có khi giáp la-cà, nhưng đều có lợi cho chúng ta.
Việt Minh tổn thất cả thẩy 1141 người bị giết, 179 bị bắt tù binh, tịch thu 450 vũ khí tự động, bách kích pháo, đại bác 75, đại bác 57…Theo lời khai của tù binh và không quân Liên Hiệp Pháp, Việt Minh có thể tổn thất tổng số đến 1.500 người. Chúng ta không biết rõ số các binh sĩ Việt Minh bị thương nhưng theo mức xuất tỷ lệ thông thường thì cứ một tử sĩ là có ba thương binh, vậy số thương binh Việt Minh có thể ước ít nhất vào khoảng 4.000 người.
Số tổn thất về phía chúng ta tuy khá quan trọng song so với đối phương thì rất ít ỏi.
Trận Mouette mở đầu một chiến thuật phản công mới, đã hoàn toàn có kết quả. Tiếp diễn trong những hoàn cảnh đã định đoạt từ trước và đã mang lại những kết quả mà Bộ Tư Lệnh trù đợi. Trong số 2 sư đoàn Việt Minh mà chúng ta dòm ngó đó, thì một không chịu ra mặt, một đã bị thiệt hại nặng nề. Cả hai sư đoàn đã bị đứng ngoài vòng chiến trong một thời gian khá lâu còn một sư đoàn thì bị chúng ta cầm chân ở Thanh Hóa.
Về phía hậu tuyến của chúng ta, tình hình gần hoàn toàn yên tĩnh. Được thế là nhờ một phần lớn các trận tảo thanh trước đây.
Đối phương lại một lần nữa phải đổi lại hết kế hoạch, bây giờ ta đã gần đến trung tuần tháng 11 mà Việt Minh vẫn chưa khởi công. Năm ngoái mới cuối tháng 9 họ đã bắt đầu tấn công và độ khoảng 8 tháng 10 họ đã đạt được những kết quả hẳn hoi nhờ được cuộc chiếm đóng Nghĩa Lộ.
Do cuộc hành binh Mouette này, người ta nhận thấy những hậu tuyến, những đường giao thông cũng như những điểm khởi cứ của Việt Minh đều không phải là bất khả xâm phạm. Chiến thuật đột kích tấn công của chúng ta khởi từ những căn cứ vững chắc đã khiến đối phương phải xuất trận. Còn như trước kia trận Hòa Bình và Nà Sản cũng như trận tấn công thứ nhất của quân đội lưu động chúng ta trong giai đoạn đầu tiên của cuộc hành binh Mouette lại làm cho họ nhất định không chịu xuất trận.
Tuy vậy những kết quả vừa kể không có nghĩa là chúng ta từ nay sẽ bớt phần khó khăn. Đối phương sẽ huy động tất cả để báo thù. Trừ sư đoàn 320, các lực lượng khác của Việt Minh đều gần nguyên vẹn. Chiến sự Thu-Đông sắp gay go lắm nhưng chúng ta rất vững lòng tin tưởng. Chúng ta đã bắt đầu một các tốt đẹp và thời gian hiện đang có lợi cho chúng ta’’.
Sau hành binh Mouette lại tiếp đến trận Castor, ‘’ván bài thứ hai’’ của Đại Tướng Navarre tái chiếm Điện Biên Phủ, một thị trấn cách Tỉnh lỵ Lai Châu độ 100 cây số về phía Nam và cách Hà Nội 300 cây số về phía Tây.
Điện Biên Phủ, vùng lòng chảo đầy ngô và lúa lốc thuộc xứ Thái trước đây đã phải rút lui trước những cuộc tấn công đe dọa của Việt Minh (tháng 4.1953).
Ngày 20 tháng 11.1953, Tướng Cogny, Tư Lệnh Bắc Việt lại mở một cuộc hành binh to lớn, với hàng mấy ngàn binh sĩ nhảy dù chiếm lại Điện Biên Phủ.
Là một cuộc hành binh táo bạo, trận Castor đã được chia ta thành từng chặng:
- Chặng thứ nhất hành động bất thần của hàng ngàn quân nhảy dù để kiểm soát và làm chủ chiến trường trong khu vực lòng chảo của Thị Trấn.
- Chặng thứ hai, thiết lập một trung tâm hấp dẫn về phương diện chính trị và bình trị thay thế cho Thị Trấn Lai Châu bị đe dọa. (cuộc hành quân Pollux rút bộ đội từ Lai Châu về Điện Biên Phủ ngày 9.12.53).
Trận Castor được tiếp tục bằng nỗ lực chuyển Điện Biên Phủ thành một pháo lũy cố thủ mạnh mẽ, một thủ đô mới của xứ Thái.
Nhìn chung trên chiến trường toàn diện, những cuộc hành binh mới đã nhằm mục đích gì ?
Trước hết ai cũng nhận thấy quân đội Liên Hiệp Pháp đang cố gắng theo đuổi mục đích chính: Giành quyền chủ động đã mất từ lâu.
Giành quyền chủ động! Kế hoạch nhằm mục đích đó tiến từ Hirondelle-Camargue-Nà Sản đến Mouette, Castor…Liên Quân Pháp-Việt đã nắm được quyền chủ động về chiến thuật.
Nhưng sự thật, trận Mouette và Castor ngoài ra còn ẩn mục đích gì khác?
Trước hết, về mặt chiến lược, Liên Quân Pháp-Việt muốn ngăn cản Việt Minh không cho họ tiếp tục mở chiến dịch Ai Lao. Mất Ai Lao, vùng Đông Nam Á sẽ bị lũng đoạt. Ý định thôn tính Ai Lao của Việt Minh đã được báo hiệu bằng trận đánh bỏ dở nửa chừng hồi tháng 4 năm 1953.
Muốn gìn giữ Ai Lao, Đại Tướng Navarre đã áp dụng một kế hoạch gồm hai trận lớn:
- Trận thứ nhất, Mouette, một hành động, hai mục đích: Một là để ngăn chặn những sư đoàn 304, 325 tái diễn cuộc tiến quân trên đường Hoàng Hậu Astrid tràn sang Lào. Như vậy trận Mouette đã có tính chất của cuộc hành binh Hautes Alpes hồi đầu mùa Hạ 1952 và có thể nói là Mouette giống hệt trận Hautes Alpes nhưng to lớn hơn. Hai là phá kế hoạch xâm nhập Đồng Bằng Bắc Việt của các sư đoàn 320, 316. Như vậy, trận Mouette đã có tính chất của những cuộc hành binh tảo thanh Amphibie, Mercure hồi tháng 3 và 4 năm 1952 tại vùng ven bể Thái Bình, Nam Định…
Trận thứ hai, Castor, cùng một hành động hai mục đích. Một là việc thiết lập một trung tâm hấp dẫn chính trị và quân sự mới trong xứ Thái (như đã nói ở trên). Như vậy trận Castor đã có tính chất một cuộc hành binh chiếm đất. Hai là tạo thành một bức bình phong cố thủ, hy vọng ngăn chặn đường tiến quân của Việt Minh sang phía Thượng Lào.
Cuộc hành binh Ardèche của Đại Tá Boucher de Crèva Coeur đã tảo thanh và đẩy lui việt cộng từ Luang Prabang lên phía Bắc, dồn họ đến chân tường ‘’Castor’’ ở biên giới Việt-Lào. Như vậy, trận Castor rõ ràng đã nằm trong khuôn khổ của chiến thuật tảo thanh lớn trong xứ Lào (Ardèche càn quét miền Bắc Lào và Jura, cùng một thời gian, càn quét miền Trung Lào).
Tóm lại, những cuộc hành binh lớn dù sao vẫn còn do thế chủ động chiến lược của Việt Minh mà phát khởi. Thế chủ dộng nói chung chưa được ngang bằng, hãy còn ngã về phía Việt Minh. Liên Quân Pháp-Việt còn phải cố gắng nhiều.
Trong khi chủ lực quân đội tham dự những trận đánh lớn thì những đơn vị địa phương Pháp-Việt cũng mở nhiều trận tảo thanh có kết quả như trận Auvergne, Querey ở Nam Việt, trận Văn Cốc (tháng 11) và trận Gerfaut (hạ tuần tháng 12) ở khu vực Thái Bình-Bắc Việt.
Chiến tranh Đông Dương đang ở trong một giai đoạn khốc liệt. Cả hai bên đã cùng sử dụng hàng vạn người đủ vũ khí tối tân trong những trận đánh dữ dội kinh hồn.
Lên tiếng trong cuộc tranh luận về vấn đề Đông Dương tại Hội Đồng Cộng Hòa ngày 13 tháng 11 năm 1953, Thủ Tướng Pháp J. Laniel đã nhấn mạnh:
‘’Bản Tuyên Ngôn 3 tháng 7, kế hoạch Navarre, những sự xáo động trong nền chính trị Việt Nam đánh dấu một giai đoạn trong cuộc chiến tranh Đông Dương.
Nước Pháp phải bước vào giai đoạn này mà không có gì lo ngại, trong tay nắm đủ tất cả các phương tiện của mình và với một sự tin tưởng chắc chắn về chính nghĩa của mình…
…Cuộc hành binh Mouette là một cuộc hành binh có kết quả.
Đó là một điều có thật và tại sao lại không nói rõ được sự thật ấy ? Nếu cuộc hành binh này thất bại thì người ta đã phải nghe biết bao nhiêu lời bình luận. Nhưng trái lại phải chăng đấy là một cách tốt đẹp hơn hết để dưng kính ý đối với những người đã hy sinh, là không im lặng về giá trị của sự hy sinh của các người ấy ?
Từ 15 tháng 10 cho đến những ngày đầu tháng 1, cuộc hành binh đã làm cho sư đoàn Việt Minh thiệt hại nặng nề về người và về võ khí.
Kế hoạch của đối phương đã bị đảo lộn. Sư đoàn 320 đã phải gọi những tiểu đoàn của họ về trong khi tiểu đoàn này đang len lõi. Các căn cứ, những kho dự trữ của đối phương đã bị phá hủy một phần. Đối phương đã phải tái lập trực tiếp tế khác bằng những đơn vị khác.
Chúng ta có thể biết điều ấy mà khỏi cần phải biết rõ về số người bị thương và những sự thiệt hại nặng nề mà chúng ta biết đã gây nên cho đối phương bằng pháo binh và không quân.
Chúng ta dễ hiểu tỷ lệ giữa số thiệt hại của Việt Minh và của chúng ta vì giá trị của các chiến sĩ chúng ta và giá trị những khí cụ của chúng ta. Đó là vì Nghị Viện chưa bao giờ từ chối, những ngân khoản cần thiết để tiếp tục nỗ lực quân sự của Pháp ở Đông Dương và ưu thế của chúng ta cũng đã được tăng gia nhờ phần đóng góp quan trọng của Mỹ khiến cho tinh thần của các chiến sĩ chúng ta đã được bảo vệ và nâng cao cho đến ngày hôm nay.
Tôi có bổn phận nhắc lại một cách hết sức rõ ràng và cương quyết rằng chính phủ Pháp không coi vấn đề Đông Dương như là tất nhiên phải có một giải pháp quân sự. Cũng như người Mỹ ở Cao Ly, lúc lâm sự chúng ta sẽ không buộc đối phương phải đầu hàng rồi mới thương thuyết với họ. Cũng như nước Mỹ, nước Pháp không theo đuổi chiến tranh chỉ vì mục đích chiến tranh, và nếu có thể có một giải pháp vinh dự trong khuôn khổ địa phương hoặc quốc tế thì tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng cũng như người Mỹ ở Cao Ly, Pháp sẽ hoan hỷ tiếp đón một giải pháp ngoại giao cho chiến cuộc này.
Từ khi tôi tuyến bố công khai những lời ấy trên diễn đàn Quốc Hội ngày 27 tháng 10 vừa qua, ông Hồ chí Minh cũng như chính phủ Trung Cộng đều không hề trả lời gì cả.
Tuy nhiên, tỷ dụ xứ Cao Ly mà tôi đã dẫn ra hai lần chứng tỏ rằng chính phủ Pháp không hề tuyên bố một cách khinh xuất, và cũng như ở Cao Ly, chỉ cần đối phương thay đổi tâm trạng để cho những ý định của chúng ta thực hiện được.
Chính vào dịp tổ chức việc thương thuyết ở Cao Ly mà ông John Foster Dulles đã chủ trương việc tìm cách giải quyết ôn hòa vấn đề Đông Dương.
Chúng tôi cũng hy vọng như vậy. Chúng tôi cũng mong ước theo thể thức ấy. Tôi yêu cầu tất cả những người nỗ lực khuyến khích thực hiện hòa bình lập tức đừng lầm nữa. Bây giờ chỉ còn phải thuyết phục ông Hồ chí Minh. Nhưng không nên giải thích sai ý muốn hòa bình của tôi vừa phát biểu.
Tại Ba Lê có vài người nói và viết như là họ sẽ được ông Hồ chí Minh nghe lời, như là họ không nhận định những điều hy vọng mà những lời ấy đem lại cho đối phương sự tự do chỉ có Pháp mà thôi.
Bởi vậy tôi ngỏ lời kêu gọi khẩn khoản những người thường dùng những lời nói ấy nhất là trên mặt báo hay tại các hội nghị chính trị, bởi vì các người ấy giúp cho đối phương của chúng ta được thấy rõ một gương mẫu về tâm trạng của chúng ta, việc ấy rút cục giúp cho cuộc tranh chấp kéo dài mãi.
Trong lúc này, chúng ta đừng lầm tưởng trong cuộc chiến tranh này, những lợi khí của cuộc chiến tranh và những cuộc thương thuyết chỉ là một. Chúng ta càng mạnh mẽ càng có thể đương đầu mà không nao núng và những hy vọng giải quyết cuộc chiến tranh bằng đường lối ngoại giao sẽ trở nên lớn lao hơn.
Vì đó chúng ta có thể tán thành triệt để phần đóng góp thêm của Hoa Kỳ cho Đông Dương. Số tiền 135 tỷ phụ thêm này gồm hai ý nghĩa tượng trưng: Sự đồng ý của Tây phương về ý nghĩa của một cuộc chiến tranh đã bị các giới Anh Mỹ hiểu lầm và sự duy trì một mặt trận phòng thủ chung cho những quyền lợi của thế giới tự do.
Nguyên do chính làm cho đối phương mất tinh thần chính là việc Đồng Minh cũng quyết tân không để cho cộng sản mặc sức làn chủ miền xung yếu về mặt chiến lược ở Đông Nam Á.
Tôi quả quyết rằng đối phương hoàn toàn mất tinh thần và điều này làm tôi hoan hỷ.
Những nước bạn Việt-Mên-Lào chẳng nên giải thích một cách sai lầm ý chí hòa bình của chúng ta.
Đối với những nước này, một cử chỉ bỏ rơi của Pháp sẽ gây những kết quả bi thảm mà hiện nay không ai nhận lãnh trách nhiệm.
Nếu chính phủ Pháp phải chấp thuận một sự hòa hoãn để nghiên cứu một giải pháp hòa bình thì thế nào cũng phải có sự tham gia của các quốc gia liên kết mà chúng ta đã khiến cho 33 nước tự do nhìn nhận nền Độc Lập của các Quốc Gia ấy.
Nếu Đông Dương lọt vào tay Trung Hoa cộng sản, việc ấy sẽ gây nên sự xụp đổ của Thái Lan, làm tăng gia những trận đánh du kích ở Mã Lai, Tân Gia Ba bị hăm dọa. Ấn Độ và các nước Á Rập sẽ tới lượt phải lung lay rồi cả thế giới tự do sẽ bị dồn vào những căn cứ sau chót ở Úc Đại Lợi và Suez.
Đó là ý nghĩa cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương vì thế giới tự do. Chính phủ đề nghị với các ông theo một chính sách duy nhất có thể dung hòa phẩm giá của nước Pháp, sự tôn trọng những điều đã cam kết và sự cần thiết phải bảo đảm những gánh nặng trên nền tài chính và quân đội của chúng ta.
Nhưng, chính sách này phải là một điều có tính cách liên tục. Chính sách ấy ràng buộc các nước liên kết với chúng ta cũng như ràng buộc chính chúng ta.
Mỗi một phần tử phải nhìn thấy với nỗ lực của xứ lân cận, phần thưởng cho nỗ lực của chính mình. Chúng ta phải làm sao cho những nước Liên Kết với chúng ta được bảo đảm về một quyết định khích thích không co thể sửa chữa lại được.
Chúng ta phải rộng rãi ban nền Độc Lập mà chúng ta đã hứa. Chúng ta phải tỏ ra tha thiết với nền Độc Lập này cũng như những nước liên kết với chúng ta, vì nền độc lập ấy cần thiết cho chúng ta cũng như cho những nước liên kết, nhưng chúng ta có lý mà mong chờ những nước này nỗ lực ít nhất cũng như chúng ta.
Nếu trong những tháng tới, Việt-Miên Lào không tận lực lao mình vào một cuộc chiến tranh, ngày nay là cuộc chiến tranh của chính nước đó không biết làm cho quân đội của mình có một giá trị chiến đấu, nếu những nước đó không muốn tự cung cấp tài chính cho quân đội của mình, nếu vì một sự lỗi lầm mà tôi không chịu tin là có, những âm mưu bí mật hoặc hành động mị dân công khai làm cho những nỗ lực chung không đưa đến kết quả gì, thì lúc đó nước Pháp sẽ tự xét là không phải ràng buộc với những nghĩa vụ của mình nữa. Chính phủ sẽ rút ra những kết luận thích đáng và sẽ duyệt lại hết thẩy chính sách của mình’’.
Hai chữ Hòa Bình đã thấy được nhắc tới sau 7 năm trời đầy máu, lửa và nước mắt, 7 năm trời đầy tang tóc và chia ly, 7 năm tượng trưng cho giải pháp quân sự của cả hai bên đối thủ.
Đến nay, chiến tranh bước sang một giai đoạn mới, ác liệt hơn, dữ dội hơn và gần như tổng lực, nhưng để…có thể tiến đến một giải pháp Hòa Bình!
Dù sao, người Pháp cũng như người Việt vẫn đang phải tiếp tục đổ máu và còn phải đổ máu nhiều hơn nữa trong năm tới.
<—Chương 3c —-> Chương 3 (tiếp theo)

No comments: