Wednesday, January 22, 2014

VIỆT NAM MÁU LỬA IV

CHƯƠNG BA (tiếp theo)


HÀNH BINH CHỚP NHOÁNG

1.- Trận tấn công rầm rộ lên núi rừng Việt Bắc: Cuộc hành binh LEA (Opération LEA) Thu-Đông năm 1947 của Đại Tướng Valluy.
Từ sớm ngày 7 tháng 10.1947, quân đội Pháp đã chia làm hai mặt tiến lên Việt Bắc:
- Một đoàn xuất phát từ Trung Tâm Hà Nội, theo triền Nhị Hà lên chiếm Tỉnh lỵ Sơn Tây, rồi tiến thẳng lên Trung Hà, Hưng Hóa, Phủ Lâm Thao, Phủ Đoan Hùng
- Một đoàn tiến từ Căn Cứ Lạng Sơn thẳng tiến ngược đường số 4 (Đông Bắc Việt) đánh chiếm Thất Khê, Đông Khê
Giữa gọng kìm của hai binh đoàn ấy (Beaulfre Commmunal), quân đội Pháp nhẩy dù bất thần theo kế hoạch ‘’Cloclo’’ lên nhiều địa điểm của Việt Minh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Chợ Chu, Thái Nguyên, Tuyên Quang v.v
Để phối hợp và làm chủ chiến trường Bộ Tư Lệnh Pháp lập thêm hành lang Đông Tây chạy suốt từ Lạng Sơn qua Hà Nội lên Lào Kay.
Từ căn cứ Hòa Bình, quân đội Pháp tiến lên xứ Thái qua Nghĩa Lộ (đã chiếm đóng từ tháng 9.1947), lên Yên Bái (20 tháng 10), đến Lai Châu, Phong Thổ, ChaPa (21 tháng 10), chiếm Lao Kay (30 tháng 10).
Từ Hải Dương, Hải Phòng, Pháp tiến đánh vùng Đông Triều, Phả Lại, Lục Nam, Yên Thế Thượng đến tận vùng mỏ Na Lương (căn cứ địa của Cụ Đề Thám trước) và vùng Bắc Sơn (quê hương của đoàn du kích Chu văn Tấn).
Đồng thời, suốt dọc miền duyên hải Bắc Việt, quân đội Pháp đã làm chủ được tình thế, từ Hải Phòng qua Quảng Yên, Hòn Gay, Cẩm Phả mine, Cẩm Phả Port, Mông Dương, Khe Tù, Tiên Yên, rừng Ba Ché, Đầm Hà, Hà Cối đến Mong Cáy giáp giới Trung Hoa.
Cuộc hành binh Việt Bắc của Pháp đã song hành với giai đoạn chiến lược thứ nhất của Việt Minh, giai đoạn bảo tồn lực lượng (lẩn tránh, rút lui) cho nên quân đội Pháp đã tiến binh quá dễ dàng và nhẹ nhàng như vào chỗ không người.
Sức kháng cự quá yếu ớt của Việt Minh càng khiến Pháp chắc chắn tin tưởng ở suy luận của mình, chóng chầy Việt Minh sẽ phải mệt nhọc tan rã và đầu hàng trước sức tấn công ghê gớm của quân đội Pháp. Do đó Pháp coi thường thêm Việt Minh, coi thường khả năng chính trị, tiềm lực quân sự cùng đức tính kiên khổ của họ.
Với cuộc hành binh LEA vĩ đại, Pháp chưa tiêu diệt được chủ lực quân của Việt Minh như ý muốn và Việt Minh cũng không dại dột xuất trận để Pháp có thể dễ dàng áp đảo, vì vậy kết quả chỉ mang lại:
- Chiếm đóng được một số lớn Thị Xã Cao Bằng, Bắc Kạn (Đông Bắc), Lào Kay, Lai Châu (Tây Bắc) v.v
- Làm xáo lộn các vị trí cơ quan kháng chiến hành chính của Việt Minh ở Khu 1, Khu 10 và Khu 12.
Về phần các cơ sở trung ương thì ngoài bộ tài chính của Lê văn Hiến vì không chạy kịp đã bị mất một số lớn tiền và một vài công chức trong bộ, ngoài cái chết của nhà bác học Nguyễn văn Tố ở Bắc Kạn (Bộ trưởng không bộ nào trong chính phủ Việt Minh) quân đội Pháp chưa thể nào vào sâu được tận căn cứ địa số 1 và số 2 của Việt Minh trong những khu rừng vùng Quảng Nạp, Tân Trào, Chiêm Hóa để có thể uy hiếp được những cơ quan đầu não của chính phủ cụ Hồ.
- Phá vỡ được một số kho dự trữ của Việt Minh. Nhưng những kho đó không đáng giá chút nào vì sự thực, gia tài của quân đội Việt Minh hồi đó chưa có gì đáng kể.
- Tiêu diệt được một phần lực lượng đối phương mà đa số chỉ là những dân quân du kích mới chập chững cả về nghề binh lẫn nghề chính trị.
2.- Những trận tấn công liên tiếp trong năm 1948 ở Bắc Việt:
- Trận Đông Triều, Quảng Yên, quân đội Pháp tiến sâu vào vùng Lỗ Sơn, Trại Sơn, trung tâm điểm của trung đoàn 50 Việt Minh và do những trận oanh tạc, số lớn các chỉ huy của trung đoàn đó, kể cả trung đoàn trưởng Mạnh Hùng đã tử thương trong các hang đá của dẫy núi 99 ngọn miền mỏ than Bắc Việt.
- Trận Kiến An, làm tan rã trung đoàn ‘’Ngọ Cụt’’ (trung đoàn Hải Kiến-41) và trung đoàn trưởng cũng tử thương tại trận tiền.
- Trận Hải Dương, đả phá trung đoàn 58 khiến cho viên chỉ huy thất trận (Tướng Nam Long, trung đoàn trưởng trung đoàn Hải Hưng) phải về Việt Bắc ‘’học lại’’ chiến lược và chiến thuật của quân đội cách mạng.
Phá vỡ vòng dây của Tướng Thổ Hoàng Sâm chăng quanh Hà Nội. Quân đội Pháp tiến qua bến đò Mai Lĩnh, vượt Trúc Sơn Xuân Mai đánh thẳng vào chiếm Hòa Bình và một ngả quặt sang đánh phía Sơn Tây (pérations Ondine I-II).
Từ các Trung Tâm Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng (đường số 5) đã mở đầu cho lối đánh mìn của Việt Minh.
3.- Sau khi đã củng cố vững trãi hệ thống phòng thủ và hệ thống giao thông liên lạc, quân đội Pháp lại tiếp tục mở các cuộc hành trình đột ngột (Opérations Pégase-Diane) để đặt thêm một số căn cứ địa của quân đội Hoàng Sâm (Liên Khu 3) và ở Liên Khu 1 với những trận:
- Hành binh Bastille giải phóng liên Thị Xã Bắc Ninh, Bắc Giang, tháng 7 năm 1949.
- Hành binh chiếm liên Thị Xã Vĩnh Phúc Yên, tháng 8 năm 1949.
- Hành binh Junon Bourricot đánh Bùi Chu-Phát Diệm của cả Hải, Lục, Không Quân Pháp kết hợp (tháng 10.1949) đã xua đuổi quân Việt Minh ra khỏi vùng giáo đạo.
- Những cuộc hành binh Tonneau I-II…những cuộc hành binh đánh quây tròn khu Hưng Yên, Thái Bình (tháng 12.1949), đánh khu Chợ Cháy (Xuân 1950) và tiến đánh dọc đường số 18 (R.C. 18 Đáp Cầu-Phả Lại), được hình dung trong câu hát:
‘’Phen này Pháp đánh chữ O
Thử xem Vệ Túm nó bò đi đâu ?’’
Trong khi ở Bắc Việt, quân đội của Tướng Koch chiếm đất đai, mở đường gia thông thì ở Trung, Tướng Lebris (Chỉ huy T.F.C.A) cũng kiểm soát dược khúc Quảng Trị-Thừa Thiên-Quảng Nam và tương đối khá bình định được miền Phan Thiết, Phan Rang, Khánh Hòa, Ninh Hòa, bảo vệ đường số 9 (R.F.9) và đồng thời mở những trận tấn công đánh Bình-Trị-Thiên miền Khu 4.
Ở Nam Việt, quân đội của Tướng Boyer de la Tour du Moulin thu dồn được lực lượng Việt Minh vào 3 khu nhất định:
- Khu Đồng Tháp Mười.
- Tây Bắc Thủ Dầu Một.
- Bãi Cà Mâu.
Và kiểm soát chặt chẽ được những đường giao thông thủy bộ cần thiết:
- Đường Sài Gòn-Pnom Pênh.
- Đường Rạch Giá-Long Xuyên.
- Đường Vĩnh Long-Trà Vinh.
- Đường Long Xuyên- Sa Đéc.
- Đường Sóc Trăng-Bạc Liêu.
- Rạch Nicolai
- Rạch Long Xuyên-Rạch Giá v.v
Sau các cuộc tiến binh chớp nhoáng chiếm đất đai và mở đường giao thông quan trọng, quân đội Pháp áp dụng một chiến thuật mới: Chiến thuật ‘’bừa, cào’’.
Từ các căn cứ đã chiếm đóng, các đơn vị Pháp xuất phát theo lối ‘’răng-cào’’ đánh ào ạt ngang ngang, dọc dọc để nhổ sạch rễ Việt Minh và xong xuôi lại trở về căn cứ.
Đó là tất cả những cuộc hành binh nho nhỏ, chuyến to nhất là hai trận ‘’cào’’ lên tận Phủ Đoan, Tuyên Quang trên Lô Giang hồi đầu Xuân 1949 và khoảng giữa mùa Hạ cũng năm 1949 (Opération Pomone).
Thực ra ‘’rễ Việt Minh’’ hãy còn chằng chịt, nhỏ lăn tăn và lẫn vào trong lòng dân chúng, những cuộc càn quét khó có thể thu được kết quả như đã dự định.
Nhờ các trận tảo thanh, ‘’vết dầu’’ chiếm đóng càng ngày càng lan rộng. Vết dầu lan đến đâu, đồn canh quân sự (Postes) và ‘’đồn canh chính trị’’ (Hội Tề) mọc đến đấy và cứ như vậy, quân đội Pháp đã kiểm soát được nhiều vùng rộng lớn.
Sau cuộc kinh lý các mặt trận ở Đông Dương của Đại Tướng Revers, Tham Mưu Trưởng Lục Quân Pháp (tháng 6.1949), Đại Tướng Carpentier được cử giữ chức Tổng Tư Lệnh Quân Lực Pháp ở Viễn Đông thay Đại Tướng Blaizot (tháng 9.1949), đồng thời tại Bắc Việt, mặt trận chính của chiến địa Việt Nam, Tướng Alessendri cũng được ủy nhiệm giữ chức Cao Ủy kiêm Tư Lệnh Quân Đội thay thế Tướng Koch.
Đại Tướng Carpentier, tân Tổng Tư Lệnh Quân Đội Pháp ở Viễn Đông, người đã từng chỉ huy chiến trường Tunisie (1942) từng chiến thắng Thành Rome (Ý), từng làn Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn Thứ Nhất (1e Armée), từng dự cuộc đổ bộ lên St. Tropez, đã đến Việt Nam với một ý niệm:
‘’…Noi gương các Tướng Galliéni và Lyautey để thực hiện an ninh nhưng phải kính nể phong tục tình cảm, tín ngưỡng và của cải của dân chúng trên giải đất Đông Dương…’’
Ý niệm ấy đã vạch rõ một chính sách mới mẻ trong các cuộc hành binh nói chung trên toàn cõi Đông Dương.
Từ mấy năm qua, binh lính Pháp đã phải chịu đựng giao chiến với một địch thủ rất khó chịu, chuyên môn đánh úp, đánh trộm, đánh lén, du kích, phục kích, đột kích, dạ kích, xung kích…hàng bao nhiêu thứ ‘’kích’’ đã lên tinh thần quân lính Pháp luôn phải căn thẳng vì bất cứ lúc nào cũng phải đề phòng, chuẩn bị nghe ngóng. Binh sĩ tối tân Pháp chỉ quen trận địa chiến, vận động chiến, những lối ‘’chiến’’ dàn mặt, đường hoàng, thế mà sang đến Việt Nam lại phải đương đầu với một địch quân ‘’không thể thấy không thể tóm’’ nên binh lính Pháp, dưới khi trời oi bức, thường trút hết nỗi giận dữ, bức tức, cáu kỉnh lên tất cả những thứ gì họ gặp được trong các cuộc hành binh, kể cả người, loại vật, và đồ vật. Những hành động vô chính trị ấy vô tình đã giúp Việt Minh thêm lợi khí tuyên truyền thu hút dân chúng.
Đại Tướng Carpentier đã sáng suốt nhận rõ tình trạng đó và hạ lịch cho quân lính phải tôn trọng dân chúng, tôn trọng phong tục, tín ngưỡng, của cải lẫn tính mệnh của họ.
Dưới quyền chỉ huy của Tướng Alessandri, mặt trận Bắc Việt (T.F.I.N) được đổi thành ‘’vùng hành binh’’ (Z.O.T.-Zone Opérationnelle du Tonkin) và một chiến lược mới được áp dụng: Thời chiến dịch.
Tổng kết từ cuộc hành binh LEA trên chiến trường Việt Bắc đến cuối năm 1949. Bộ Tổng Tư Lịnh Pháp ở Đông Dương đã thu hoạch được nhiều kết quả cụ thể:
- Mở rộng phạm vi ở khắp ba phần Bắc, Trung, Nam.
- Xây nền móng cho việc kết hợp những lực lượng chiến đấu Pháp-Việt-Mên-Lào (ở Việt Nam, những nhóm quân sự bắt đầu thành hình ở từng địa phương mặc dầu chưa chính thức là Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, như Bảo Chính Đoàn miền Bắc, Việt Binh Đoàn miền Trung, Vệ Binh miền Nam…)
- Đặt nguyên tắc thống nhất hành động giữa Hải, Lục, Không Quân Pháp trên chiến trường Đông Dương mà từ trước chưa thực hành được.
Cuối năm 1949 một sự kiện mới đảo lộn tình hình thế giới: Thắng lợi của quân Trung Cộng trước Quân Đội Quốc Dân Đảng.
Bị thất trận, một nhóm Quốc Dân Trung Hoa phải chạy dạt sang biên giới Bắc Việt.
Lợi dụng cơ hội may mắn đó để gây xích mích với Pháp, Bắc Kinh vội lên án (24.12.1949) quân đội Pháp đã giúp đỡ Quân Đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa trái với quốc tế cộng Pháp và như vậy là Pháp tỏ ra gây hấn với Trung Cộng.
Thật nguy hiểm!
Pháp phải chuẩn bị đề phòng tới việc cộng quân Trung Hoa có thể giả vờ mượn cớ đuổi Quốc Quân để tràn qua biên giới Việt Nam, đồng thời đề ra những biện pháp đối phó với đám tàn quân Quốc Dân Đảng.
Tất cả những nhóm Quân Đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa đặt chân lên địa phận Việt Nam phải nhận hai điều kiện:
- Chịu để quân đội Pháp tước khí giới.
- Chịu để Bộ Tư Lệnh Pháp tập trung họ vào những khu vực nhất định.
Bộ Tư Lệnh Pháp cương quyết từ chối mọi cuộc hợp tác với nhóm tàn quân Quốc Gia Trung Hoa (quân của Tướng Bạch Sùng Hy) đồng thời chuyển dần họ vào Đảo Phú Quốc và các đồn điền cao su tại Nam Việt.
Nếu ở Việt Nam, cuộc xung đột chỉ xẩy ra giữa đoàn quân viễn chinh hùng mạnh của Pháp với một nhóm quân ‘’phiến loạn’’ thực sự thì chiến lược Galliéni-Lyautey có thể gọi là thập phần hoàn hảo, nhưng dần dần tình hình thế giới biến chuyển phân chia nhân loại thành hai khối rõ ràng, đồng thời áp lực của quân đội cộng sản Trung Hoa lại tăng cường, án ngữ suốt giải biên thùy Bắc Việt đã bắt buộc người ta phải lo lắng và bắt đầu thay đổi hẳn nhận định cùng quan niệm về trận chiến tranh ở Việt Nam.
Quan niệm đó được bộc lộ trong kế hoạch thay đổi chiến lược của Đại Tướng Tham Mưu Trưởng Revers sau cuộc công cán ở Đông Dương. Thu hối quân đội ở những vị trí lẻ loi vô ích trên Việt Bắc về tập trung phòng ngự tại khu Đồng Bằng Bắc Việt.
Sau khi thế giới cộng sản và thế giới tự do mỗi bên công nhận một chính phủ tại Việt Nam, quân đội Pháp vô hình chung đã biến thành những người lính phải chiến đấu với toàn khối cộng sản và ngược lại, quân đội của Tướng Võ nguyên Giáp cũng biến thành lính tiền phong của đạo binh cộng sản quốc tế chống với phe dân chủ, tự do.
Giữa năm 1950, một biến cố quan trọng nữa lại xẩy ra: Chiến tranh ở Cao Ly.
Chiến sự ở Đông Dương do đó phải lùi xuống hàng thứ, tuy nhiên tình trạng Đông Dương đã bước vào một giai đoạn mới.
Cuộc chiến tranh ở Đông Dương mặc dầu không được chính thức ‘’quốc tế hóa’’ nhưng bên trong ‘’bức rèm’’ đã lấp ló bóng các cường quốc của hai phe đối lập trực tiếp nhúng tay vào.
Về phía Pháp: Một phái đoàn được thành lập để thảo luận với một phái đoàn Mỹ tại Sài Gòn ngày 17 tháng 7.1950.
Phái đoàn Mỹ từ Thủ Đô Phi Luật Tân (Manille) tới gồm có:
- Fohn Melby, Trưởng phái đoàn.
- Tướng Graves B. Erskine. Tham Mưu, Chỉ Huy Đệ Nhất Sư Đoàn Thủy Binh Lục Chiến Hoa Kỳ.
- Glen H. Graigh, đại diện Cơ Quan Quản Trị và Hợp Tác Kinh Tế (E.C.A.-Economic Cooperation and Administraten).
- Donald Heath, Đặc Sứ Hoa Kỳ ở Đông Dương.
- Gullioa và một số chuyên viên quân sự.
Phái đoàn Pháp có các ông:
- Léon Pignon, Cao Ủy Pháp ở Đông Dương.
- Tướng Carpentier, Tổng Chỉ Huy Quân Đội Pháp tại Đông Dương.
- Tướng Harteman, Tư Lệnh Không Quân Pháp ở Lục Quân Pháp ở Viễn Đông.
- Tướng Landouzy, Tham Mưu Trưởng Trường Lục Quân Pháp ở Đông Dương.
- Đô Đốc Ortoli, Chỉ Huy Hải Quân Pháp ở Viễn Đông và một số chuyên viên ngoại giao, chính trị, quân sự
Về phía Việt Minh: Trung Cộng đã gửi một phái đoàn cố vấn sang bộ tư lệnh quân đội Việt Minh.
Đại Tướng Trung Cộng Trần Canh, một trong Ngũ Hổ Tướng của Mao Trạch Đông (Trần Nghị, Lâm Bưu, Bành Đức Hoài, Diệp Kiếm Anh, Trần Canh) đã có mặt ở Việt Nam trong chiến dịch Hoàng văn Thụ (trận đường số 4 đợt 2 năm 1950).
PHẢN ỨNG CỦA VÕ NGUYÊN GIÁP
Đối phó với những cuộc hành binh chớp nhoáng, những cuộc oanh tạc dữ dội không ngừng, những trận càn quét liên tiếp của quân đội Pháp, Tướng Võ nguyên Giáp đã làm gì ?
Sự thực, bộ tổng tư lịnh Việt Minh, về phương diện chiến lược đã không được tự ý hành động mà phải dập mẫu theo khuôn khổ nhận định của tổng bộ Việt Minh mà đại diện là Trường Chinh đã vạch ra trong tài liệu kháng chiến ba giai đoạn.
Trong thời gian Bảo Tồn Lực Lượng, Tướng tham mưu trưởng Hoàng văn Thái của bộ tổng tham mưu quân đội Việt Minh đã giải thích nôm na rắc rối rằng:
‘’Tuy phải chạy nhưng phải đánh, đánh để chạy và chạy để đánh’’.
Hành động luẩn quẩn ‘’chạy, đánh, đánh, chạy’’ đó đã được cụ thể hóa trên khắp chiến trường toàn quốc:
- Trận giao thông chiến đầu tiên dữ dội nhất ở Đèo Bông Lau (Đông Khê) trên đường số 4 ngày 30.10.1947. Trung đoàn Việt Minh Cao-Bắc-Lạng đã ghi một điểm đen cho đoàn quân Lê Dương và thân binh Nùng của Pháp ở biên giới Bắc Việt.
Cũng trên đường số 4 (ngày 22.12.1947) một trận phục kích ngang đường làm một số binh lính Bắc Phi Châu bị thiệt mạng.
- Trận La Ngà, 1.3.1948. Một trận phục kích lớn trên đường giao thông nối liền Sài Gòn-Đà Lạt đã phá hủy được của quân đội Pháp miền Nam ngót 100 xe vận tải và trong số binh sĩ tử trận có Trung Tá Gabriel Brunet de Sairigné, chỉ huy bán Lữ Đoàn Lê Dương thứ 13 (13e D.B.L.E)
Những trận giao thông chiến đẫm máu trên khúc đường số 3 (Cao Bằng-Bắc Kạn) hàng trăm lính Lê Dương tử trận.
- Những trận phục kích ở Đèo Hải Vân (Trung Việt).
- Những trận công đồn dạ chiến ở Phủ Thông Hóa giữa đường Cao Bằng-Bắc Kạn hồi tháng 7 năm 1948, do Tướng Thiết Hùng đích thân chỉ huy trận địa.
Biết chắc chắn rằng quân đội Pháp chỉ quen xuất trận với đoàn cơ giới cồng kềnh, bộ tham mưu Việt Minh liền nghiên cứu phương pháp đánh mìn. Mục tiêu chính nhằm Quốc Lộ số 5 (Hà Nội-Hải Phòng) đường mạch máu tối cần thiếu cho sống còn Bắc Việt.
Quanh đường Hải Phòng-Hà Nội, những đội đánh mìn mọc lên nhan nhản và đã nảy ra những anh tài thiện nghệ đánh mìn nổi tiếng như Sáu Đậu, một ông già 60 tuổi (Mỗi khi đi đánh mìn, ông lão lại mang theo cả nậm rượu và mấy bìa đậu phụ để nhắm).
Trong các đội đánh mìn, ghê gớm nhất có đại đội mìn của Huyện Kim Thành (Hải Dương).
Suốt khoảng 1947-1948, những xe hơi vận tải và xe lửa chạy Hà Nội-Hải Phòng đã phải chịu bao tai nạn khủng khiếp, thiệt hại cả người lẫn của do những trái mìn chôn dấu dọc đường.
Kỹ thuật trá hình mìn được Việt Minh nghiên cứu rất kỹ càng, tỷ mỷ.
Mỗi khi chôn mìn xong, họ lại khôn khéo phủ lại lượt đất cũ và lăn nhẹ hẳn một lớp lằn ô tô lên trên để các tài xế tưởng nhầm, yên trí đã có xe trước đi qua rồi, vững tâm chạy theo vết xe…đó. Có lúc Việt Minh chôn mìn ở giữa đường, có lúc lại chôn sát hai bên ria đường cộng với kỹ thuật dấu mìn biến hóa thiên hình vạn trạng khiến quân đội Pháp luôn luôn nghi hoặc không biết thực hư, hư thực ra sao.
Để đối phó với những đội mìn của Việt Minh, quân đội Pháp đã sử dụng những máy dò mìn tinh xảo (Détecteur de mine). Do đó, cách đánh mìn của Việt Minh lại càng tân tiến hơn nữa.
Những máy dò mìn tối tân của Pháp tuy rất có ích trên các chiến trường Âu Châu vì lẽ ở đó có hàng cánh đồng rải rác toàn mìn (Champs de mines) rất dễ dàng cho công việc tìm kiếm, phá hủy, nhưng trái lại ở Việt Nam, những đội dò mìn có thể phải phí công đi lần hàng hai mươi cây số chẳng thấy gì, có khi chỉ gặp toàn mìn giả đánh lừa, chán nản, mệt mỏi quay về, để đoàn xe đi tới cây số thứ hai mươi mốt lại chạm phải mìn như thường lệ.
Trong khi quân huấn cục của bộ quốc phòng Việt Minh ra công huấn luyện sĩ quan giao thông chiến thì quân giới cục cố công chế tạo những kiểu mìn mới mẻ khiến cho máy dò mìn của Pháp gần hóa ra vô dụng.
Để chống với những cuộc tảo thanh, càn quét thôn xón của quân đội Pháp, Việt Minh chế tạo loại ‘’mìn muỗi’’ nhỏ xíu cài lung tung khắp nơi: Bờ ruộng, lũy tre, cổng làng, bực cửa, chuồng gà, chuồng lợn…
Loại mìn nhỏ đó rất nguy hiểm đã bắt buộc quân đội Pháp phải dè dặt, thận trọng từng bước mỗi khi tiến binh vào một địa điểm nào.
Trên khắp chiến trường toàn quốc, Việt Minh dùng chiến thuật ‘’tỉa ngầm’’, thỉnh thoảng tấn công một hai đồn lẻ, hễ chắc chắn mười phần thắng lợi cả mười mới chịu ra quân.
Chính sách đánh tiêu hao của bộ đội Việt Minh đã gây cho quân đội Pháp nhiều nỗi bực dọc, căm tức.
Khổ nhất là những binh lính phải đóng giữ lại các đồn lẻ trên các trục giao thông trọng yếu. Sống lẻ loi buồn thảm trên cả đỉnh đồi chơ vơ, sườn núi hiu quạnh, xung quanh chỉ có rừng, có suối, có khe, đi hàng chục cây số chẳng một bóng người. Lương thực và dụng cụ cần thiết hoặc tin tức, thư từ mỗi tuần lễ một lần, có khi nửa tháng, do đoàn xe (convoi) chuyển tới. Gặp khi nghẽn đường, lại phải phi cơ thả dù tiếp tế.
Đã như vậy, đêm đêm lại bị du kích Việt Minh đến ‘’tấn công’’ bằng vài quả lựu đạn ném vu vơ, bắn vài băng đạn rời rạc cốt để quân đội trong đồn không thể ngủ yên tĩnh. Cách vài trận ‘’tấn công vờ’’ lại một trận tấn công dữ dội thực sự làm quân đội giữ đồn lúc nào cũng phải chuẩn bị đề phòng cẩn mật không thể coi thường những tiếng nổ ban đêm. Đến sáng lại phải bắt đầu những cuộc tuần tiểu (patrouilles) quanh vùng, sục sạo khắp kẽ đá, bụi cây, đi đến đâu cũng chỉ thấy vườn không nhà trống hoặc một vài cụ già nghễn ngãng, lẩm cẩm, một vài mụ đàn bà ngẩn ngơ, ù cạc chẳng biết chuyện gì. Sự thể đó đã khiến binh lính Pháp có dạo phải gọi đối phương là ‘’Ma Việt Minh’’. Một giai thoại trong khói lửa và nước mắt của chiến trường Việt Nam.
Cứ đà sống như thế, quân đội giữ đồn phải chịu đựng đều dều trong 6 tháng có khi một năm rồi mới được đổi về đô thị, với bộ mặt hốc hác vì thiếu ngủ, làn da xanh xao vì phải ăn toàn đồ hộp thiếu chất tươi hoặc thân mình gầy xọm vì những cơn xốt rét rừng, kiết lỵ.
Ngoài những trận đánh tỉa nhỏ nhặt ở khắp nơi, bộ tổng tư lệnh Việt Minh đã tập trung những binh đoàn thiện chiến nhất, dựa vào áp lực của Trung Cộng bên kia biên giới, mở một chiến dịch vĩ đại, chiến dịch đường số 4, mùa Thu năm 1950, tạo thành một giai đoạn mới trong chiến cuộc ở Đông Dương.
TRẬN CAO BẰNG-LẠNG SƠN (1950)
Trên miền rừng rậm của Biên Thùy Bắc Việt, đường ‘’thuộc địa số 4’’ dài hơn 200 cây số được xẻ núi san đồi hoàn thành hồi đầu thế kỷ (1911), chạy từ Cao Bằng qua Đông Khê, Thất Khê, Na Sầm đến Lạng Sơn rồi lại từ đó qua Lộc Bình, Đình Lập tới vùng Tiên Yên, Khe Tù miền Duyên Hải phía Đông Bắc Việt.
Trong chiến dịch LEA của quân đội Pháp Thu Đông năm 1947, đường số 4 được binh gia Pháp luôn luôn sử dụng để chuyển vận binh sĩ từ Lạng Sơn lên Cao Bằng.
Hàng đoàn cơ giới đã nối đuôi nhau tiến một cách khá dễ dàng tuy cũng gặp nhiều quãng xẻ đường ngăn trở.
Những trận giao thông chiến khốc liệt trên đường số 4 khởi điểm từ cuộc phục kích đầu tiên của Việt Minh đánh toàn bằng mã tấu (trận Đèo Bông Lau, Pont Bascou, ngày 30,10.47) khiến quân đội Pháp thiệt nhiều xe vận tải.
Rồi liên tiếp tới những trận phục kích ngày 22 tháng 12.1947, ngày 1.1.1948, ngày 28.1.1948 về sau đó luôn luôn Việt Minh phá hoại, đánh mìn.
Trong hai năm ròng, đường số 4 đã được mệnh danh là ‘’con đường chết’’ vì địa thế không những đã quá hiển trở, một bên núi cao, một bên vực sâu, lại còn luôn luôn xẩy ra những trận phục kích giáp la-cà kinh hồn.
Nhưng nhờ được những đội xe thiết giáp bảo trợ mạnh mẽ, nhờ những đồn binh đóng rải rác suốt dọc đường hộ vệ đắc lực nên các đoàn xe vận tải của Pháp tương đối vẫn đi lại được đều đều.
Bằng một thời gian đến đầu năm 1949, Việt Minh lại chú trọng đến đường số 4 và cướp phá các đoàn xe vận tải vũ khí lương thực của quân đội Pháp.
Rồi tới chiến dịch Hoàng văn Thụ đợt 1 (tháng 9.1949) quân đội Pháp đã phải trả một giá đắt trong trận này, ngót một trăm xe bị phá hủy, thiệt hại nhiều binh sĩ và vũ khí.
Bộ tư lệnh Việt Minh cố sức ngăn chặn đường số 4 để có thể cô lập được quân đội Pháp ở Cao Bằng.
Bộ Tham Mưu Pháp ở Bắc Việt quyết định (sau trận tháng 9.1949) không dùng đường số 4 để tiếp tế cho Cao Bằng nữa và thành lập một cầu hàng không thay thế.
Bộ tham mưu Việt Minh đã thắng keo đầu trong chiến dịch. Ẩn núp trong núi rừng âm u rậm rạp, Việt Minh gần như đã làm chủ quãng đường từ Cao Bằng đến Lạng Sơn.
Chiến dịch Hoàng văn Thụ đợt hai, tức chiến dịch Cao-Bắc-Lạng mở đầu bằng việc chiếm đóng Đông Khê, (16.9.1950).
Các trung đoàn mạnh nhất của Việt Minh như trung đoàn thủ đô, trung đoàn sông lô v.v…đều có mặt trong chiến dịch.
Lần đầu tiên Việt Minh dàn một trận đánh to và mạnh. Mặt trận dài trên 100 cây số.
Phụ họa với chiến dịch Đông Bắc, Việt Minh mở chiến dịch Lê hồng Phong ở vùng Tam Đảo, Quốc Lộ số 2 để tiêu hao và kìm giữ binh lực Pháp ở mặt trận Tây-Bắc Hà Nội.
Phía biên thùy miền Tây-Bắc, quân đội Việt Minh tăng áp lực uy hiếp Lao Kay.
Nhiều cuộc xung chiến dữ dội đã xẩy ra với Việt Minh trong cuộc thoái binh của Pháp ở Cao Bằng, Lạng Sơn.
Đồng thời ở mặt trận Tây Bắc Việt, quân đội Pháp phải bỏ cả Lao Kay, Hòa Bình, Vụ Bản, đường hàng tỉnh số 12 (R.P.12)
Thắng lợi quá dễ dàng của chiến dịch LEA Thu Đông năm 1947 của Đại Tướng Valluy đã chẳng còn gì sau chiến dịch Hoàng văn Thụ đợt hai năm 1950 của Đại Tướng Việt Minh Võ nguyên Giáp.
Trận rút lui Cao Bằng đã khiến Pháp thiệt hại vừa tử trận vừa bị tù binh 4.000 binh lính, 354 hạ sĩ quan và 98 sĩ quan (trong đó có hai Đại Tá Lepage và Charton), chưa kể số quân sĩ bị thương. Phần lớn số binh lính kể trên đều thuộc đạo quân Lê Dương của Pháp, một binh chủng từng đã có quá trình oanh liệt: 120 năm chiến đấu (thành lập năm 1831), dự trận 250 lần, từ Nam Mỹ qua Phi Châu trước khi có mặt tại núi rừng Bắc Việt.
Trận đánh lớn ở đường số 4 đã làm cho cán cân lực lượng giữa Pháp và Việt Minh thành ngang bằng và trong phạm vi chiến lược quân đội Pháp đã để mất thế chủ động nói chung trên chiến trường toàn lãnh thổ Việt Nam.
Ảnh hưởng nguy hại đó làm hoang mang tinh thần.
Tại Thủ Đô Hà Nội, người ta tấp nập chuẩn bị thiên đô, Pháp kiều đua nhau bán nhà cửa, đồ đạc và cả người Việt giầu có cũng rục rịch rời vào Nam…bởi vì, theo họ, Việt Minh có thể sắp tổng tấn công đánh vào Hà Nội.
Thất bại của Pháp ở chiến trường Việt Bắc đã do nhiều nguyên cớ.
1.- Không có một chủ trương chính trị dứt khoát.
Bộ Tổng Tư Lệnh Pháp từ lâu đã phải lưỡng lự trước hai đường lối:
- Hành binh theo chính sách bình định.
- Hành binh theo tính chất một trận chiến tranh.
Thái độ lưỡng lự đó phát sinh do chủ trương chính trị không dứt khoát của chính phủ Pháp.
2.- Không có một kế hoạch phòng ngự co dãn sát hoàn cảnh.
Từ hồi Tướng Revers sang kinh lý Việt Nam, vị Tham Mưu Trưởng Lục Quân Pháp đã nhận thấy nhiều lỗ hổng và nhược điểm trong hệ thống đóng quân của binh đội Pháp. Một kế hoạch cải tổ đã được phác họa. Về phương diện quân sự, Tướng Revers đã sáng suốt chủ trương rút quân ở biên giới Bắc Việt về tập trung ở những cứ điểm bao quanh khu tam giác Lạng Sơn-Hà Nội-Nam Định để bảo vệ miền Trung Du và Đồng Bằng Bắc Việt. Nhưng chẳng may kế hoạch Revers bị tiết lộ để đối phương biết được.
Kế hoạch của Đại Tướng Carpentier cũng nhằm bỏ khúc đường số 4 từ Cao Bằng và Lạng Sơn. Đủ chống giữ mặt biên thùy Đông Bắc, Đại Tướng Carpentier đã thiết lập trên khúc đường số 4 còn lại, từ Lạng Sơn đến Tiên Yên (95 cây số), một hành lang phòng ngự lởm chởm những pháo đài bằng xi măng cách nhau từng quãng ngắn (Tours de guet-Équipement défensìf de la R.C.4.). Nhưng nói chung kế hoạch của Đại Tướng Carpentier chưa được chú ý thi hành vì chính phủ Pháp còn do dự, lo ngại kế hoạch Carpentier đã giống kế hoạch Revers (vừa bị tiết lộ). Nếu kế hoạch Carpentier được thi hành triệt để, quân đội Pháp có thể tránh được trận bại với con số tử thương đau hận.
3.- Sự chậm trễ trong cuộc rút quân ở Cao Bằng.
Vài ngày trước khi rời bỏ Cao Bằng, phi cơ thám tính đã nhận xét không thấy dấu tích hành động của Việt Minh trên đường số 4. Và lệnh rút lui bắt đầu. Những đoàn quân của Đại Tá Charton, vì vướng nhiều hành lý nặng nề vô ích lại thêm có một số thương binh nên đi rất chậm.
Trong khi đó, Việt Minh đã đủ thời gian sửa soạn chuẩn bị trận phục kích, thừa thì giờ tiêu diệt đoàn quân của Đại Tá Lepage từ Thất Khê lên đón, xong xuôi lại vừa đúng lúc đoàn quân Charton về tới nơi. Trận huyết chiến kết quả thảm khốc thế nào, ta đã biết.
Trước áp lực hung dữ của quân đội Việt Minh, trước sự thất trận nhanh chóng của hai đạo quân Lê Dương và của Tiểu Đoàn Nhẩy Dù (3e B.C.C.P.) tới trợ cứu, Đại Tá Constant, chỉ huy khu biên giới vội vã ra lệnh cho quân đội tự phá hủy và rút lui ở Đồng Đăng, Lạng Sơn, Lộc Bình.
May mắn, Đại Tướng Juin đã kịp thời tới Bắc Việt để ngăn chặn đúng lúc những cuộc rút lui khác đồng thời hàn gắn lại tinh thần quân đội, những người vừa trải qua cơn ác mộng.
Thủ Đô Hà Nội nhờ đó đã đỡ hẳn phần bị uy hiếp.
Trước tình thế nghiêng ngửa ở Bắc Việt, chính phủ Pháp vội cấp tốc thay thế cặp Pignon-Carpentier bằng vị Lão Tướng đại tài Jean Marie Gabriel de Lattre de Tassigny (17.12.1950).
Đại Tướng De Lattre de Tassigny là người đầu tiên và độc nhất được chính phủ Pháp tín nghiệm trao trọn quyền chỉ huy quân sự và chính trị ở Đông Dương.
Đại Tướng De Lattre đã là vị Tướng trẻ nhất của quân đội Pháp hồi 1939, là vị Tướng đầu tiên của quân đội Đồng Minh đã tiến binh đến bờ sông Rhin trong trận Hoàn Cầu Đại Chiến Thứ Hai năm 1944, là vị Chỉ Huy Trưởng của Quân Đoàn Thứ Nhất (1ere Armée) trong quân đội Pháp, đến nay giữ chức Tổng Tư Lệnh Quân Đội kiêm Tổng Cao Ủy Pháp ở Đông Dương.
Đại Tướng De Lattre đã chặn đứng hẳn thắng lợi của quân đội Việt Minh đang được tiến triển và gây lại tin tưởng hoàn toàn cho quân đội Pháp.
Trước hết Đại Tướng Tổng Tư Lệnh phát triển tổ chức Binh Đoàn Lưu Động (G.M-Grocement Mobile), một binh chủng do Tướng Alexandri thành lập đầu tiên (11.1950) ở Bắc Việt và được các Tướng Salan, Boyer de la Tour du Moulin (Chỉ Huy Z.O.T.-26.11.50) hoàn bị thêm.
Binh Đoàn Lưu Động sẽ áp dụng một chiến thuật quân sự mới chống trả với lối hành binh nhẹ nhõm của quân đội Việt Minh.
Thứ hai, thiết lập hàng rào chiến lũy bê tông quanh khu vực Hà Nội, Hải Phòng, trên các đường giao thông lớn, mục đích ngăn cả sự thâm nhập của Việt Minh vào Đồng Bằng Bắc Việt.
Đó là những pháo đài rất kiên cố bằng xi măng cốt sắt, xây nửa nổi, nửa chìm dưới mặt đất, có hỏa lực bắn chụm rất mạnh, dễ dàng ứng cứu lẫn nhau khi bị tấn công và đủ sức san bằng đối phương nếu họ dự định vượt qua.
Thứ ba, thiết lập một ‘’hành lang trắng’’ (No Man’s land) ngăn Việt Bắc với Đồng Bằng Bắc Việt.
Trong phạm vi vài cây số bề rộng, tất cả những cây cối, lũy tre đều chặt trụi, mục đích để binh lính từ những đồn canh có thể dễ dàng nhận xét mọi hành động của Việt Minh nếu họ muốn lần mò vào vùng quốc gia kiểm soát.
<—Chương 3a —-> Chương 3 (tiếp theo

No comments: