Wednesday, January 22, 2014

VIỆT NAM MÁU LỬA VII

CHƯƠNG BA (tiếp theo)
NHỮNG SỰ KIỆN CUỐI CÙNG 1953
Trước khi nói đến phản ứng quân sự của Việt Minh để đối phó với những trái đấm tấn công liên tiếp của Liên Quân Pháp-Việt, cần phải kể qua những hành động thuộc phạm vi tư tưởng trong vùng Việt Minh năm 1953.
Những hành độc chính trị ấy, đối với Việt Minh, đã là thứ võ khứ sắc bén, quan trọng và lợi hại hơn cả S.K.Z. hay đại bác Bofor.
Chính những võ khí ‘’tư tưởng’’ đã giúp Việt Minh thêm sức mạnh trên hai mặt trận chính trị và quân sự.
Vậy ‘’võ khí 1953’’ của Việt Minh là vũ khí nào ?
Thứ nhất là phong trào chỉnh huấn.
Thứ nhì là phong trào tố khổ.
Phong Trào Chỉnh Huấn: Vấn đề chỉnh huấn sự thực đã xuất hiện từ năm 1950 trong tất cả các cơ quan và đơn vị bộ đội. Chỉnh huấn là suy nghĩ về tất cả những lỗi lầm cũ, mới của mình ‘’tham thiền nhập định’’ xong, chép lên giấy, đề ra biện pháp sửa chữa, nói một cách nôm na tức là ‘’từ nay xin chừa’’ hết lỗi xưa để theo một cuộc sống mới.
Đối với mọi từng lớp nhân dân, công tác chỉnh huấn áp dụng rất giản dị và Việt Minh đã dễ dàng thành công trong chính sách nhào nặn con người trở nên cuồng tín.
Riêng có từng lớp trí thức là một bộ phận cứng đầu nhất, bướng bỉnh nhất, một lớp người đã bị ‘’văn hóa tư sản’’ nhào nặn lâu năm, 1953, lớp người đó bắt đầu đến lượt phải khởi hành trên đường chỉnh huấn.
Kết quả thu được đã đánh dấu một thắng lợi vĩ đại trên phương diện tư tưởng ở vùng Việt Minh.
Nếu trí thức, lớp người ‘’ngoan cố’’ nhất mà cũng ‘’đã ngả’’ thì ôi thôi, những kẻ chất phác hơn họ, những công nhân thành thực, những nông dân hiền lành, những tiểu thương mềm mỏng…tất cả có lẽ bị Việt Minh hoàn toàn lung lạc và chinh phục.
Chỉnh huấn, đối với Việt Minh, một công tác vô cùng hệ trọng, có thể ví như cuộc chuẩn bị vũ khí trước lúc tấn công, một loại vũ khí tinh thần để điều khiển vũ khí gang thép.
Vì chỉnh huấn quan trọng nên đích thân cụ Hồ chí Minh đã viết một bức thư gửi các lớp chỉnh huấn hồi tháng 6 năm 1953 như sau:
‘’Thân ái gửi lớp chỉnh huấn,
Nhân dịp mở đầu chỉnh huấn, Bác có mấy lời giúp các cô các chú nghiên cứu:
Vì sao phải chỉnh huấn.
Vì cán bộ ta lập trường chưa vững chắc, tư tưởng chưa thông suốt. Do đó mà mắc nhiều khuyết điểm như:
- Chưa hiểu rõ đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ, chưa nắm được vững chính sách trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh.
- Chưa phân biệt rõ ràng ai là thù, ai là bạn (trên thế giới, trong nước và trong bản thân mình).
– Vì vậy mắc nhiều bệnh, chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Đó là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác, như:
Tự tư tự lợi, sợ khó, sợ khổ.
Không yên tâm công tác. Ham danh vị danh tiếng.
Lãng phí, tham ô, quan liêu mệnh lệnh v.v…
Chỉnh huấn phải thế nào ?
Chỉnh huấn là cốt để giúp cán bộ nâng cao tư tưởng cách mạng, củng cố lập trường, rửa gột khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Muốn có kết quả ấy thì phải:
- Mở rộng dân chủ, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình.
- Chống thái độ rụt rè, nể nả giữa cấp dưới và cấp trên, giữa công nông và trí thức, giữa cán bộ ngoài đảng và trong đảng.
Nhiệm vụ của mỗi người:
Cán bộ phụ trách các cơ quan phải thật thà lãnh đạo việc chỉnh huấn.
Những người dự lớp chỉnh huấn thì phải quyết tâm học tập, quyết tâm cải tạo, giúp nhau học tập, giúp nhau cải tạo.
Các cô các chú đều là những cán bộ kháng chiến, cán bộ cách mạng, đều là những cán bộ có thể tiến bộ và có tương lai vẻ vang. Mong các cô các chú cố gắng học tập, để tiến bộ mãi, để toàn tâm toàn lực phụng sự kháng chiến, phụng sự nhân dân, để làm tròn nhiệm vụ (nhất là nhiệm vụ phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất), để trở nên những cán bộ gương mẫu.
Chúc các cô các chú mạnh khỏe và chỉnh huấn thành công.
Chào thân ái và quyết thắng.
Hồ chí Minh’’
Trên thực tế, chỉnh huấn đã làm cho những kẻ cứng đầu cứng cổ nhất phải nhún nhặn hòa mình với chủ nghĩa Đỏ.
Những Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Ngọc Văn, Tú Mỡ, Nguyễn Cao Luyện v.v…đã mềm đến mức độ nào ?
Để có thể đánh giá và ức đoán trình độ ’’mềm’’ của dân chúng vùng Việt Minh trong lò lửa ‘’Đỏ’’, chúng ta hãy nghe Nguyễn Tuân tự kiểm thảo.
Nguyễn Tuân, ai cũng biết là tác giả của ‘’Vang, Bóng Một Thời’’, của ‘’Tùy Bút’’ của ‘’Quê Hương’’ v.v…một cây bút lỗi lạc, nổi tiếng ngạo mạn. có một giọng văn đầy khinh bạc cuộc đời.
Giờ đây Nguyễn Tuân ‘’tự lột xác’’.
Sau khi tự kể rõ thân thế của mình, là con một ông Tú Tài chữ Hán khoa thi cuối cùng, chịu ảnh hưởng nặng của tư tưởng phong kiến suy tàn do cha truyền cho, tự thấy mình là người xấu số đến chậm, bất đắc chí, Nguyễn Tuân tìm đến nghệ thuật, trông cậy vào văn chương làm con đường độc nhất để gửi vào đầy nỗi niềm tâm sự của những người lạc phách muốn xuất chúng.
Chịu ảnh hưởng của những chuyện phù phiếm ‘’tiêu giao tuế nguyệt’’ do cha thường kể lại, tiêm nhiễm tư tưởng giang hồ chơi ngông của Tản Đà, cách sống cầu kỳ của Tản Đà, Nguyễn Tuân đã đem cái ‘’thèm khát cá nhân’’ về thú ăn chơi giang hồ đặt nó thành một mối băn khoăn của thời đại rồi do đó đã tự cho mình là một kẻ khôn ngoan tìm được một biện pháp giải quyết những thắc mắc trong đời sống.
Nguyễn Tuân tự tố cáo rằng mình đã hoài nghi tất cả và sợ thực tế, chỉ dám tin vào một chủ nghĩa: Hành lạc. Hành lạc là đáng kể, hành lạc được bao nhiêu rồi ghi lại tất cả những cảm xúc cảm giác ấy tức là có lãi trong đời sống, tức là không chịu lỗ vốn với định mệnh. Ngoài bấy nhiêu điều ra, mọi cái đều là hư ảo cả.
Nguyễn Tuân nói:
‘’Người nghệ sĩ của phái nghệ thuật vì nghệ thuật ở trong tôi càng tin tưởng con đường hành lạc vô trách nhiệm đó là một con đường đúng nhất cho mình thoát ly khỏi những ràng buộc hệ lụy của cuộc sống mà muốn thế nào đi nữa mình ở trong đó chỉ là một nạn nhân vĩnh viễn. Trong sáng tác tôi khoe khoang những điều tôi đã tìm hưởng được. Khi viết những cái đó ra, trong thâm tâm tôi không còn biết đến ai, viết cho ai, viết để làm gì. Tôi viết ra để giải quyết cho tôi, để tự trả lời cho tôi. Tôi muốn hưởng lạc đến cùng độ, mỗi ngày càng đi sâu vào những trụy lạc sa hoa, dục vọng. Đi sâu mãi vào mà vẫn thấy mênh mông ?…’’
Nguyễn Tuân thời chiến dịch đã lên án Nguyễn Tuân của ‘’Vang Bóng Một Thời’’ một cách gay gắt, thẳng tay:
‘’Trong Vang bóng một thời, tôi đã đứng về phía bọn phong kiến ăn bám bóc lột thống trị nông dân lao động và đưa ra một cái nhân sinh quan phải tiến bộ của bọn quan lại địa chủ tiêu giao hưởng lạc, bất lực trước nhiệm vụ lịch sử.
…Nhân vật ‘’Vang bóng một thời’’ của tôi tiêu biểu đầy đủ cho tư tưởng phong kiến địa chủ quan liêu. Tôi không có ruộng đất, tôi không trực tiếp bóc lột nông dân lao động, nhưng sáng tác của tôi đã đề cao lề lối sống, đề cao uy thế chính trị của địa chủ quan lại. Tôi đã đem tất cả những gì là đẹp nhất trong ngôn ngữ, chắt gạn những cái gì là vàng son nhất để tô điểm cho bọn bóc lột áp bức…’’
Truyện dài ‘’Quê Hương’’ in năm 1943 là một tội lỗi nữa về sáng tác cũ. Cái mà tôi định ca ngợi ở đây vẫn không ngoài cái tư tưởng tiêu giao của phong kiến. Căn bản của nó vẫn là cái tư tưởng hưởng lạc nhưng ở một khía cạnh khác, trong một khung cảnh khác…
Tôi sang một tập truyện khác tiêu biểu cho cái cá nhân chủ nghĩa đến cao độ của tôi. Tập ‘’Nguyễn’’ in sau ngày tổng khởi nghĩa. Nguyễn là nhân vật duy nhất của tập truyện. Tôi tự suy tôn qua mọi hành vi ích kỷ tàn nhẫn kiêu bạc của Nguyễn. Nguyễn cho sống là để thể nhiệm cái cá nhân mình vào con đường phiêu lưu của chủ nghĩa siêu nhân Nietzsche, vào con đường cá nhân phiến loạn và hành động không lý do của Gide, Nguyễn cho cuộc đời nghệ sĩ là đứng trên cái thiện ác của sự sống hàng ngày. Tôi tự truyền thần cái tôi thối nát và phá hoại đó vào tập ‘’Nguyễn’’, tự cho mình là một người hùng dám phủ nhận và đập phá cái trật tự xã hội bây giờ, tự dối mình cho là tâm hồn mình vẫn thanh cao mặc dầu thân thế tẩm vào bùn nhơ của rượu, thuốc phiện, dâm ô…’’
Khi đã tự mình vạch hết những lỗi lầm cũ, Nguyễn Tuân, con người xưa kia kiêu bạc bao nhiêu, nay đã chẳng nề hà lớn tiếng tuyên bố:
‘’Nhờ ánh sáng chủ nghĩa Mác Lê của đảng mở mắt cho thấy rõ ý nghĩa và phương hướng của nghệ thuật chân chính sau mười ba năm, in cuốn sách đầu tiên, nay tôi nhận rõ giá trị của sự nghiệp văn chương cũ của tôi chỉ là một mớ sai lầm và tội lỗi. Cái mà tôi vẫn tự phụ là sự nghiệp đó chỉ là những tội lỗi mà nhân dân khoan hồng đã tha thứ cho để tôi chuộc tội từ nay bằng những sáng tác phục vụ được cho lợi ích cách mạng…’’
Và Nguyễn Tuân hứa hẹn:
‘’…Tôi quyết tâm từ nay sáng tác vỉ lợi ích của dân cầy. Tôi phấn khởi đứng về phía bần cố nông mà thận trọng và cố gắng thể hiện cái tâm hồn sáng lên của dân cầy có đảng lãnh đạo. Tôi tin tưởng những biến chuyển mới ở nông thôn từ đây sẽ thổi vào tâm hồn và sáng tác của tôi những luồng sinh khí mới’’.
Hết Nguyễn Tuân đến lượt Thế Lữ, nhà thơ tài hoa với những bài có huyễn tượng thần tiên (Tiếng Sáo Thiên Thai, Vẻ Đẹp Thoáng Qua…) có hình ảnh và nhân vật ngây thơ của núi rừng (Cô Mán, Trèo Lên Trên Đỉnh), có vài nét vẽ tâm sự người kỹ nữ kiểu xưa (Bên Sông Đưa Khách), có vài lời về chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật (Lựa Tiếng Đàn, Lời Nàng Mỹ Thuật, Cây Đàn Muôn Điệu…) và có chút ít cảm tình đối với cuộc đời phiêu lãng của người hoạt động chính trị (Con Người Vớ Vẩn, Tiếng Gọi Bên Sông).
Nhà Thơ Thế Lữ đã phải kêu lên trước những tội lỗi của mình:
‘’…Riêng mặt hoạt động văn nghệ, sai lầm của tôi biểu hiệu nặng nhất ở:
- Quan hệ với Tự Lực Văn Đoàn.
- Quan hệ với Nguyễn Tường Tam.
- Nhận thức không đúng về ‘’sự nghiệp’’ văn thơ của tôi từ cách mạng tháng 8 trở về trước.
Qua lớp chỉnh đảng, ánh sáng của chủ nghĩa Mác-ăng-ghen, Lê-nin, Stalin, chân lý của tư tưởng vô sản đã chỉ cho tôi biết hướng đúng mà suy nghĩ và do đó về hoạt động văn nghệ trước kia, tôi phá được những từng khói ám dầy đặc và nhìn được bộ mặt thức của Tự Lực Văn Đoàn, của Nguyễn Tường Tam và của ‘’sự nghiệp’’ văn thơ của tôi.
Tự Lực Văn Đoàn:
1.- Chủ trương của Tự Lực Văn Đoàn không những không tiến bộ mà còn phản tiến bộ. Nó không có công mà có tội với nhân dân. Sau thất bại cách mạng tư sản, nhân dân càng bị áp bức và mê muội, Tự Lực Văn Đoàn tung ra khẩu hiệu ‘’yêu đời’’, ‘’vui vẻ trẻ trung’’ và nêu nhãn hiệu ‘’cải cách’’ để lôi kéo từng lớp thanh niên tiểu tư sản đang hoang mang trước thời cục. Văn, thơ, tiểu thuyết của nó đề cao những tư tưởng phi vô sản, đưa thanh niên vào đường lãng mạn, buông thả tự do cá nhân thoát ly đấu tranh, trốn tránh thực tế…
2.- Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết của tôi là thứ thơ văn xa thực tế, đi từ mơ màng, huyền diệu đến chán nản, trụy lạc, ngược đời. Nó sản xuất ra do cái quan niệm hưởng lạc văn nghệ, tóm lại ở hai điểm này:
a.- Ghi những cảm xúc lạ về hình sắc thanh âm, trước hết để cho mình hưởng lạc, rồi để cho người đời ai đồng điệu thì cùng hưởng lạc.
b.- Đối với cuộc đời, mình chỉ là người bộ hành đi qua (cái tên Thế Lữ cũng ngụ ý đó), thấy hay thấy lạ thì ghé vào chơi, sống từng lúc say đắm, chán rồi lại đi nữa…’’
Rồi Thế Lữ của năm 1953 kết luận:
‘’Cùng với Hồn Bướm Mơ Tiên, Đời Mưa Gió, Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng…văn thơ của tôi đã góp phần vào cái ưu thế độc tôn của Tự Lực Văn Đoàn và tăng thêm liều thuốc độc hại vào đầu óc thanh niên từ 32 đến 45. Ảnh hưởng đến nay vẫn chưa hết hẳn. Bản thân tôi, say mê và hư danh một thời, tự mình nhiễm nặng những bệnh tật gở lạ của văn chương đến đỗi đồi bại mình gieo rắc ra xung quanh, tôi bị tù hãm bao lâu trong những sai lầm tự kiêu, tự mãn và hưởng lạc’’.
Thế Lữ ngày nay nhận thấy:
‘’Qua lần học tập cải tạo tư tưởng ở lớp chỉnh đảng này, tôi đã biết tìm sự thật và nhận ra sự thật. Sự thật mãnh liệt vì đã gây một cuộc nhào đổ căn bản trong bản thân tôi. Đó là sự nhào đổ của tất cả những cái xấu xa, cái mục nát trong tư tưởng cũ của tôi từ trước tới nay. Nó kéo xụp xuống luôn thể cái lâu đài hàng mã là cái danh vọng sự nghiệp văn thơ cũ của tôi.
Không những không hề tiếc rẻ mà trái lại tôi rất sung sướng. Con người tôi được hoàn toàn giải phóng, để tiến vào cuộc sống sáng sủa, lành mạnh, đem khả năng ra phục vụ chính nghĩa cách mạng phục vụ đảng, phục vụ nhân dân’’.
Nguyễn Tuân xong, Thế Lữ xong, búa liềm cộng sản hái tới nhà thơ Xuân Diệu. ‘’mới nhất trong các nhà thơ mới’’ nhà thi sĩ chuyên môn: ‘’Run với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây’’, hoặc:
Em sợ lắm.
Gió băng tràn mọi nẻo,
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da…
Sau khi thi sĩ Xuân Diệu lý luận tự sỉ vả mình đã đẻ ra những vấn hèn yếu:
…Thi sĩ chỉ là một cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đá nam châm
hoặc đầy giọng bi quan:
…Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua
và:
Tắt nắng đi cho mầu đừng nhạt mất…
Xuân Diệu đã vỗ ngực mà thề rằng: ‘’Bây giờ thì phải dứt!’’
Dứt thế nào ? Chúng ta hãy nhận xét Xuân Diệu mới qua bài thơ làm sau kỳ chỉnh huấn:
Trước Đây Bốn Tháng
Trước đây bốn tháng, đến Trường
Hồn tôi nghiêng ngả, trí thường hoang mang,
Đường đi quên ánh sáng vinh quang
Bạn thù lẫn lộn, trái ngang cảm tình
Kéo dài tâm trạng lênh đênh
Sống mà lắm lúc như mình bỏ đi.
Hôm nay hết học kỳ chỉnh đảng
Thấy bốn phương trời ánh sáng ùa vào
Bước đầu tuy chửa là bao
Nhưng nghe đã rộng, đã cao vô ngần!
Mẹ xưa chăm cháo, chăm cơm
Đảng nay nuôi nấng còn hơn mẹ hiền
Bệnh từ đời cũ liên miên
Đảng trong thức ngủ chăn liền sớm hôm
Mẹ nào hiểu hết nỗi con
Đảng thông suốt cả nguồn cơn nỗi niềm
Chẳng hề ung nhọt, xét xem
Căm thù với bệnh, hòa êm với người
Khuyên ta tin tưởng không rời
Và tin tưởng ở cuộc đời của ta.
Cứu người, đảng vẫn thiết tha
Một lòng sửa chữa cho ta tốt lành
Lòng đảng tựa núi xanh hùng vĩ
Tôi xin theo chung thủy đến cùng
Đào sâu suy nghĩ, cảm thông
Mới hay đảng ở trong lòng mà ra,
Ta có đảng, đảng có ta
Dưới cờ một phút chẳng xa, phẳng rời
Ở đâu nước mắt mồ hôi
Ở đâu người bóc lột người mà ăn
Ở đâu còn giặc thực dân
Còn phường áp bức còn thân tôi đòi
Đảng còn tranh đấu không thôi
Ta còn theo đảng suốt đời tiến lên!
Những nhà thơ, văn Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Xuân Diệu hay Nguyễn Xuân Sanh đã biến thành những tín đồ của chủ nghĩa vô sản và đều hoạt động trong những cơ quan hệ trọng của Việt Minh. Về cá nhân, đó là một việc không đáng kể, nhưng nếu suy luận kỹ tất phải nhận thấy rằng đó là một kết quả của Việt Minh trên bước đường nhuộm đỏ dân tộc.
Không những chỉ riêng văn sĩ, thi sĩ, mà cả đến họa sĩ, nhạc sĩ, kiến trúc sư v.v…cũng đều biến thay phẩm chất:
- Họa Sĩ tên tuổi Tô Ngọc Vân, sau khi kể lể tâm sự ‘’một người bị đầu độc’’ đã hằn học đập phá những họa phẩm của và hăng hái nói rằng:
‘’Đảng đã cho tôi thấy rõ bản chất tử thù của tư tưởng tư sản đế quốc. Biết rõ nó, tôi không cần phải chạy hay trốn. Khỏe mạnh gạt nó ra, đường hoàng mau bước theo Công Nông trên đường tiến bộ rực rỡ trước mặt’’.
- Nhà hội họa Nguyễn Văn Tỵ tự tố cáo mình đã bị ảnh hưởng nghệ thuật êm đềm, dịu dàng của nhà danh họa phục hưng Ý-đại-lợi, Botticelli, đã vay mượn thêm một ít lý luận của mấy nhà nghệ sĩ lãng mạn và tượng trưng Rodin, Gauguin…và đến nay, sau chỉnh huấn, đã chuyển hướng:
‘’Tôi tin tưởng và yêu mến hội họa cách mạng của Trung Quốc, yêu mến văn nghệ Liên Xô, yêu mến những điệu múa Triều Tiên vì tất cả những biểu hiệu văn nghệ đó đã giải phóng cho con người, đang đem lại chân giá trị cho con người’’.
- Nhạc Sư Nguyễn Xuân Khoát tự phê bình:
‘’…Thái độ lừng chừng đứng giữa của tôi hiện rõ trong bài ‘’Thằng Bờm có cái quạt mo’’ trong đó tôi đã cười cả thằng Bờm lẫn phú ông. Hay ở bài ‘’Thằng Nhài, thằng Nha’’ tôi cười cả anh em ủng hộ thương binh lẫn anh em thương binh. Và còn rõ ràng là nhút nhát sợ chết ở bài ‘’Con cò đi ăn đêm’’, và luẩn quẩn loanh quanh không có lối thoát ở bài ‘’Con voi’’. Trong bài ‘’Tiếng chuông nhà thờ’’ tuy có căm thù có yêu thương tin tưởng nhưng còn đứng ngoài mà tin tưởng
Đấy là chưa kể những sáng tác như ‘’Mầu thời gian’’, ‘’Trầm hương đình’’ hay vài lối hát ả đào, chứng tỏ thêm tôi đã đồng lõa và ca tụng lối bóc lột xa hoa hưởng lạc của bọn phong kiến, và cũng chưa kể đến thái độ cộng tác của tôi là luôn luôn tránh việc vất vả mệt nhọc, khó khăn, trái hẳn với thái độ cộng tác của người cách mạng.
- Nhạc Sĩ Lê Yên, tác giả của những bài Bẽ Bàng, Vườn Xuân, Một Ngày Vui, Nghệ Sĩ Hành Khúc, Đoàn Kỵ Binh Việt Nam v.v…tự chỉ trích rằng trước đây đã cố ý làm những bản nhạc thật khó để tỏ ra mình giỏi, chỉ cốt thỏa mãm đầu óc hiếu danh của mình và đến nay chợt nhận thấy:
‘’…Càng phục vụ được nhân dân càng được nhân dân thích hát, tác phẩm mới có giá trị. Đảng giáo dục tôi phải đặt việc phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến lên trên hết. Từ đó tôi mới để tâm sáng tác ít bài ngắn để phục vụ kịp thời. Đảng còn dậy tôi phải quần chúng hóa sinh hoạt để cải tạo tư tưởng. Nhưng nhận thức của tôi còn kém, tôi chưa toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, về tác phong tôi vẫn xa quần chúng lao động, hoặc có gần thì cũng hời hợt hình thức. Vì vậy tôi chưa coi trọng việc học tập chính sách, chưa thực tâm học hỏi anh em nông dân, coi nhẹ công tác tổ chức, vận động, chỉ chú ý nhiều vào sáng tác để có danh vị…
Tôi tự nguyện quyết tâm và tin tưởng như Hồ Chủ Tịch đã dạy, tuyệt đốt trung thành với đảng, với nhân dân, vượt mọi khó khắn để cải tạo và để phục vụ quần chúng lao động’’
- Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, hai Kiến Trúc Sư quen tên, sau khi đã vạch những ‘’lỗi lầm’’ của mình hồi trước, lỗi lầm vì đã trực tiếp tham gia đôn đốc công việc xây dựng khu ‘’Nhà Ánh Sáng’’ (1937), đồng thanh nói:
‘’…Chúng tôi càng tin tưởng ở kháng chiến, tin tưởng con đường gian khổ nhưng anh dũng của cách mạng là con đường duy nhất để dân tộc tự xây dựng lấy sự nghiệp vinh quang và bền vững của mình. Và chỉ có phục vụ nhân dân trong sự nghiệp vĩ đại ấy mà các ngành chuyên môn, trong đó có Kiến Trúc, mới phục vụ đúng và phục vụ được…’’
- Ngoài ra còn phải kể thêm nhà thơ trào phúng Tú Mỡ, chuyện hài hước, châm biếm, từ mấy năm nay cũng được xếp hàng đầu trong việc phục vụ mọi chính sách của đảng cộng sản. Tú Mỡ vừa được thưởng giải nhất Văn Nghệ với tập Toàn Bộ Thơ Ca Kháng Chiến (25 vạn đồng và một bức ảnh Staline). Các nhà văn Phan Khôi, Thế Lữ lĩnh giải nhì, ba với những tập Toàn Bộ Các Bản Dịch về văn và kịch ngoại quốc. Nhà văn Ngô Tất Tố cũng lĩnh một giải thưởng về dịch hai tác phẩm: Trời Hửng và Trước Lửa Chiến Đấu…
Nói tóm lại, mục đích chính của Phong Trào Chỉnh Huấn là gì ?
Ngoài mục đích cải tạo tư tưởng con người, vô sản hóa dân tộc, công tác chỉnh huấn còn nhằm tiêu diệt những đối tượng cách mạng:
- Đối tượng thứ nhất là giai cấp địa chủ bóc lột kẻ thù của bần cố nông, trung nông, cần phải tiễu trừ.
- Đối tượng thứ hai là các nước tự do trên thế giới, trực tiếp là Pháp, Mỹ mà họ gọi là đế quốc xâm lăng tư bản thống trị, cần phải đánh đuổi.
Phong Trào Chỉnh Huấn 1953 lại ăn nhịp thời gian với một công tác mới:
Phong Trào Tố Khổ, một phong trào thanh trừng thẳng tay, nhẫn tâm, tàn ác đối với những địa chủ, phú nông sống trong vùng Việt Minh kiểm soát.
Tố Khổ là thế nào ?
Tố khổ là dân chúng bới móc, vạch ra tất cả các tội ác (ai mà chẳng có tội ác) của những địa chủ, phú nông. Tố khổ có mục đích phát động quần chúng nông dân, Việt Minh phải đề cao giai cấp bần cố nông, phải xu mỵ, ve vãn họ vì hiện nay nông dân chiếm đa số trong các ngành hoạt động, trong các đơn vị bộ đội chính quy hoặc địa phương hoặc dân quân du kích. Hơn nữa nông dân còn lại phải đóng thuế nông nghiệp nặng nề để nuôi bộ đội và cán bộ Việt Minh, nhất nhất cái gì cũng do nông dân đóng góp: Tiền của, sức lực, xương máu…
Nếu trước kia Lénine và Staline quan niệm rằng thợ thuyền là chủ lực quân và nông dân chỉ là đồng minh quân thì nay Mao Trạch Đông đã đổi lại: Nông dân mới là chủ lực quân của cách mạng.
Với chiến lược mới, Mao Trạch Đông đã thành công trên lục địa Trung Hoa và khiến các lãnh tụ Đỏ ở Moscou phải nể vì.
Theo kinh nghiệm của nhà lãnh tụ Đỏ Trung Hoa, Việt Minh cũng áp dụng chiến lược cách mạng kiểu Á Đông mới mẻ.
Để phát động quần chúng được kết quả, Việt Minh nêu lên những phương châm chủ yếu:
- Phát động tinh thần tự giác, tự nguyện.
- Phát động lòng căm thù và dũng khí.
Mục đích lôi cuốn nông dân vùng dậy đấu tranh đánh đổ phú nông, địa chủ, dành ưu thế chính trị cho bần cố nông lao động nơi đồng ruộng.
Về đối tượng đấu tranh của nông dân, Việt Minh đã phân chia thành từng hạng để đối đãi trừ khử:
- Việt gian phản động (!) (tức là phần lớn những người theo chính nghĩa quốc gia và hoạt động chống cộng) và ‘’cường hào gian ác’’ (tức là những người có tội ác đối với nông dân) sẽ bị thẳng tay trừng trị.
- Những địa chủ từ trước tới nay vẫn tuân theo pháp luật thì dù có một vài khuyết điểm cũng được châm chước.
- Những địa chủ ‘’thân sĩ tiến bộ’’ hăng hái hoạt động theo chính sách của đảng sẽ được ‘’đoàn kết bảo vệ’’.
- Những ‘’thanh niên trí thức trong gia đình địa chủ’’ nếu không có tội ác, không trực tiếp bóc lột, sẽ được cải tạo.
Và Việt Minh cũng ‘’chú trọng’’ tới các từng lớp nhân dân khác:
1.- Phú nông nào bóc lột tô tức cũng phải giảm. Nhưng phú nông không phải là đối tượng đấu tranh của phát động quần chúng. Chính sách của đảng và chính phủ hiện nay là liên hiệp phú nông, bảo tồn kinh tế phú nông.
Nếu họ có ruộng đất phát canh thu tô và cho vay nợ lãi thì phải giảm tô, giảm tức. Nhưng ngoài ra vẫn được tự do thuê mướn nhân công, tăng gia sản xuất.
2.- Phát động quần chúng trước hết phải dựa vào bần cố nông, chú trọng đến quyền lợi bần cố nông. Nhưng ‘’Bần cố, trung nông là một nhà’’, phải đoàn kết chặt chẽ với trung nông không được quên quyền lợi của trung nông, làm trung nông có lợi cho phát động quần chung và phấn khởi đấu tranh, tích cực tăng gia sản xuất.
3.- Ở nông thôn, còn có những người không phải là địa chủ hoặc phú nông, nhưng có một ít ruộng đất phát canh thu tô. Đó là những gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, chiến sĩ, những người già cả, tàn tật, mồ côi góa bụa, những công nhân, viên chức cán bộ, tiểu thương, tiểu chủ v.v…hoặc vì hoàn cảnh kháng chiến, hoặc vì thiếu sức lao động, hoặc vì bận công việc khác, không thể tự cầy cấy được, phải cho phát canh số ít ruộng đất của mình. Những người đó không phải là địa chủ không phải là đối tượng đấu tranh của nông dân. Giảm tô như thế nào, từng chủ ruộng và tá điền thương lượng với nhau, có khi không phải giảm, thí dụ đối với gia đình, liệt sĩ, thương binh, bịnh binh, chiến sĩ nghèo.
4.- Phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất, không những không xâm phạm đến công thương nghiệp, mà còn có lợi cho công nghiệp, tiểu công nghệ và thương nghiệp. Vì nông dân là số người tiêu thụ đông đảo nhất. Nông dân đời sống khá thì sẽ mua nhiều hàng, công thương nghiệp sẽ phát triển.
Đối với những nhà công thương nghiệp kiêm địa chủ hay địa chủ kiêm công thương nghiệp, thì chỉ đụng đến phần bóc lột phong kiến của họ, nghĩa là họ phải giảm tô, giảm tức. Nhưng việc giảm tức đây không áp dụng với những món nợ về công thương nghiệp. Các nhà công thương nghiệp vẫn được tự do thuê mướn nhân công.
5.- Phát động quần chúng lại có lợi cho những người trí thức, những nhà văn hóa. Vì ‘’nông dân bụng no thì lo học’’ văn hóa nhân dân sẽ có điều kiện phát triển.
6.- Đối với những thân sĩ, địa chủ yêu nước và tiến bộ, sẽ có dịp tỏ rõ thái độ của mình đối với tổ quốc, với nhân dân.
7.- Đối với những chủ ruộng hiện ở trong vùng tạm chiếm nếu họ không phải là trung bần nông, thì ruộng của họ sẽ đem tạm giao cho nông dân cày cấy, không thu tô. Đợi khi chủ ruộng trở về, và nếu xét trong thời gian đi vắng, không làm gì hại kháng chiến, hại nhân dân, thì sẽ được trả lại.
Nếu cha mẹ, vợ con chủ ruộng còn ở nhà, thì khi tạm giao có thể để lại cho những người ấy một phần để họ tự cày cấy mà sinh sống.
8.- Nông dân bị bắt đi ngụy binh cũng được chia ruộng công và ruộng tịch thu của thực dân Pháp và Việt gian phản động, chia theo lối ‘’treo dò’’, có khẩu phần, nhưng tạm giao cho nông dân nghèo cày cấy, không thu tô, đợi khi ngụy binh đó trở về, nếu không có tội, sẽ giao lại cho họ cày cấy.
Tóm lại, Việt Minh muốn xúi dục nông dân đánh ngã phú nông địa chủ. Việt Minh khôn khéo lẩn mình sau bình phong dân chúng, thúc đẩy dân chúng tự sát hại lẫn nhau, gây công phẫm, căm thù trong đám nông dân chất phác để chống với giai cấp địa chủ, phú hào, đồi tượng của chủ nghĩa vô sản.
Việt Minh tổ chức những buổi Tố Khổ để nông dân kết tội địa chủ, và nếu địa chủ nào không có tội, Việt Minh sẽ giúp họ tạo ra tội rồi lãnh đạo nông dân thi hành biện pháp trừng trị.
Trên lý thuyết, Việt Minh khôn ngoan tỏ ra mình chủ trương dung hòa quyền lợi của các từng lớp, kể cả từng lớp phú nông, địa chủ, thương gia, trí thức, nhưng trên thực tế, biết bao cảnh tượng thương tâm, biến mạng đẫm máu đã xảy đến với những từng lớp người chót mang tiếng là được ‘’bảo vệ’’ đó ?
Việt Minh giải thích sở dĩ như vậy là vì một số cán bộ lãnh đạo phong trào còn ấu trĩ, chưa nắm vững đường lối (!) hoặc vì địa phương cần phải ‘’hy sinh’’ một số người để làm ‘’điển hình’’, cần phải ‘’đánh ngã’’ một vài kẻ (dù có tội hay không ) để làm gương cho những người khác.
Hy sinh một vài cá nhân để thu được lòng đại đa số một phương châm mà Việt Minh vẫn nêu lên từ lâu.
Cải tạo, sửa chữa tư tưởng. Chỉnh Huấn hay Tố Khổ v.v…chỉ là những phong trào được Việt Minh đề ra, để dễ dàng kích thích xô đẩy dân lành chất phác theo đúng một chương trình đã vạch sẵn: Chương trình cộng sản hóa Việt Nam, mộng lớn của những người lãnh đạo Việt Minh.
THƯƠNG THUYẾT NGƯNG CHIẾN
Cuối tháng 11.1953, Việt Minh tung ra một đòn gió để dò xét phản ứng của các giới chính trị Pháp, Quốc Gia Việt Nam và Quốc Tế, về vấn đề thương thuyết ngưng chiến ở Việt Nam. Đó là lời tuyên bố của cụ Hồ chí Minh, sau bao năm im tiếng, với tờ báo Thụy Điển Expressen.
Nhật báo Expressen, ngày 29.11.1953, viết rằng: Theo đề nghị của thông tín viên báo đó ở Ba Lê là San Loefgren, báo đó đã đánh điện gửi tới Chủ Tịch chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 5 câu hỏi qua sự trung gian của phái đoàn Việt Nam tại Bắc Kinh.
Dưới đây là nội dung của những câu hỏi và trả lời:
Hỏi: Cuộc tranh luận mới đây tại Quốc Hội Pháp đã tỏ rõ ý của một số lớn chính khách Pháp muốn đi tới sự giải quyết cuộc xung đột Đông Dương bằng phương tiện đàm phán với chính phủ Ngài. Người ta có thể hy vọng rằng ý muốn đó ý muốn còn mạnh hơn nữa trong toàn thể dân tộc Pháp sẽ được Ngài và chính phủ Ngài tiếp đón một cách có cảm tình không ?
Đáp: Chính phủ Pháp bắt buộc dân tộc Việt Nam có chiến tranh. Dân tộc Việt Nam bắt buộc phải cầm khí giới mà chiến đấu và từ 7 năm nay, chiến đấu một cách anh dũng để bảo vệ nền Độc Lập của Quốc Gia và ý muốn được sống hòa bình. Nếu các nhà thực dân Pháp tiếp tục trận chiến tranh xâm lăng của họ, dân tộc Việt Nam quyết định theo đuổi một trận chiến tranh ái quốc cho tới khi toàn thắng.
Và nếu chính phủ Pháp, được nhiều kinh nghiệm qua những bài học của những năm chiến tranh, muốn nhận một cuộc đình chiến thì chính phủ và nhân dân nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sẵn sàng thảo luận đề nghị của Pháp.
Hỏi: Hiện nay có thể đình chiến hoặc hoãn chiến được không ? Với những điều kiện nào ?
Đáp: Chính phủ Pháp phải đình chỉ các cuộc xung đột. Như thế cuộc đình chiến sẽ là một thực tại. Căn bản của một cuộc đình chiến như vầy là chính phủ Pháp phải tôn trọng thực sự nền Độc Lập của Việt Nam.
Hỏi: Ngài có bằng lòng nhận sự giúp đỡ, nếu có, của một quốc gia trung lập để xúc tiến việc gặp gỡ giữa hai phe đối lập không ? Thụy Điển có thể sẽ đảm nhiệm được sứ mạng đó không ?
Đáp: Nếu các quốc gia trung lập muốn rằng trận chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt và tìm cách gây ra những cuộc đàm phán, thì những sáng kiến đó sẽ được tiếp nhận một cách có cảm tình, nhưng những cuộc thương thuyết về một cuộc đình chiến phải là một vấn đề chính để giải quyết giữa chính phủ Pháp và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Hỏi: Trong trường hợp đó, Ngài có chấp thuận một hội nghị để Ngài có thể chấm dứt những cuộc xung đột đang tiếp diễn không ?
Đáp: Chiến tranh đã đem lại cho dân tộc chúng tôi nhiều sự thử thách. Dân tộc Pháp cũng đã đau dớn nhiều. Chính đó là lý do mà dân tộc Pháp tranh đấu để phản đối trận chiến tranh ở Việt Nam. Lúc nòi tôi cũng có rất nhiều cảm tình và lòng khâm phục đối với dân tộc Pháp và các chiến sĩ Pháp chiến đấu cho hòa bình.
Ngày nay, không phải chỉ riêng nền độc lập của Việt Nam là đối tượng của những vụ xâm lăng gay cấn, nền độc lập của Pháp cũng bị đe dọa một cách trầm trọng. Một phần đế quốc Mỹ thúc đẩy các thực dân Pháp tiếp tục và bành trướng chiến tranh để chiếm lại Việt Nam hầu làm nước Pháp càng ngày càng suy nhược và thay thế Pháp ở Việt Nam.
Phần khác, đế quốc Mỹ bắt buộc Pháp phải ký một Minh Ước Phòng Thủ Âu Châu gồm có sự thừa nhận nền quân phiện của Đức.
Cuộc chiến đấu mà dân tộc Pháp theo đuổi cho độc lập, dân chủ và hòa bình và để chấm dứt trận chiến tranh ở Việt Nam là một trong những yếu tố chính để giải quyết vấn đề Việt Nam.
(Việt Nam Thông Tấn Xã ngày 30.11.53)
Giữa lúc thế giới đang xôn xao vì chiến lược ‘’Tần công hòa bình’’ của phe cộng sản, lời tuyên bố ‘’theo đường vòng’’ của cụ Hồ chí Minh đã khiến dư luận phải bàn tán đặc biệt chú trọng.
Trước hết, ý kiến của ông Marc Jacquet, Bộ Trưởng Pháp phụ trách liên lạc với các Quốc Gia Liên Kết:
‘’…Nếu tin đó là tin chính thức và do chính ở ông Hồ chí Minh thì đó là một tin có một tính cách quan trọng quốc tế.
Những tin đó hình như chỉ để đem nhập cảng, nếu tôi có thể nói được như vậy. Những câu trả lời đến đấy vẻ tuyên truyền nhưng nó có một ảnh hưởng to tát nhất là khi người ta nghĩ đến Hội Nghị Bermudes nay mai, và tới Hội Nghị sắp tới của Tứ Cường.
Lập trường của Pháp đã được Thủ Tướng Laniel trình bày. Chúng tôi không từ chối mở một cuộc đàm phán nếu có dịp. Dĩ nhiên chúng tôi không thể nào coi cuộc phỏng vấn này là một khởi điểm. Nhưng nếu ông Hồ chí Minh muốn tuyên bố một điều chính thức như vậy, ông ta không thiếu gì phương tiện để làm, nhất là qua sự trung gian của Đại Sứ Quán Thụy Điển tại Bắc Kinh.
Điều đáng chú ý trong những câu trả lời đó là sự liên tưởng đến những cuộc đàm phán có thể được trực tiếp mở ra giữa Việt Minh và Pháp.
Thế có nghĩa là ông Hồ chí Minh, bất cứ ở trường hợp nào đều không muốn điều đình với chính phủ Bảo Đại. Về phần Pháp thì trái lại, người ta nhận rõ ràng không có một biện pháp nào được thi hành nếu không có sự thỏa thuận của các Quốc Gia Liên Kết Việt Nam, Ai Lao và Cao Mên…’’
Ngay sau khi nhận được tin do nhật báo Exrressen nêu lên, Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm đã định rõ lập trường của chính phủ Quốc Gia Việt Nam và tỏ ý ngạc nhiên khi cụ Hồ chí Minh làm như không biết có chính phủ Việt Nam do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo mà chủ quyền đã được trên ba chục nước công nhận:
‘’…Cũng như tôi đã tuyên bố nhiều lần, chính phủ của Đức Bảo Đại muốn chấm dứt một trận chiến tranh mà chính phủ bắt buộc phải theo đuổi từ 7 năm nay và chỉ reo rắc những sự đổ nát cho Việt Nam. Chính phủ quốc gia có thể dự tính những cuộc đàm phán một cuộc đình chiến nhưng với sự dè dặt là phải có những sự bảo đảm chắc chắn nhất trước đã để một mặt tránh sự tái diễn vụ tàn sát ngày 19 tháng Chạp 1946, và mặt khác, Việt Minh không được lợi dụng được sự hoãn chiến này để tăng cường tiềm lực quân sự của họ, đã bị những cuộc tấn công Pháp-Việt mở đây làm thiệt hại nhiều.
Chính phủ quốc gia tha thiết mong mỏi hòa bình nhưng lại có bổn phận để bảo đảm an ninh của những người quốc gia tới xin che chở…’’
Lời tuyên bố hòa bình của cụ Hồ chí Minh đã mang lại kết quả là làm xúc động các giới chính trị tại Pháp.
Nào ông Max André, Nghị Sĩ Liên Hiệp Pháp, cựu Trưởng Phái Đoàn Pháp tại Hội Nghị Fontainebleau, hoài nghi:
1.- Ông Hồ chí Minh muốn hiểu nền Độc Lập của Việt Nam như thế nào. Theo ông ta thì nó phải được chính phủ Pháp tôn trọng. Ông ta có muốn chúng ta thừa nhận sự ưng thuận của Việt Minh với Mosscou và Bắc Kinh không ? Đó chính là ý nghĩa của chữ Độc Lập theo thuật ngữ của cộng sản quốc tế.
2.- Việt Minh có sẵn sàng đưa ra những bảo đảm cho các đối phương Việt Nam của ông ta không ? Hoặc ông có sẽ tỏ ra, theo danh từ ông ta thường dùng hồi năm 1946, rằng những kẻ phản bội với những tất cả cái gì chẳng lành gây ra bởi danh từ đó thốt ở cửa miệng nhà lãnh tụ độc tài không ?
Đến lượt ông Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao Quốc Hội Pháp tỏ ý hy vọng:
Hôm nay tôi chỉ muốn nhấn rõ ràng những lời lẽ của ông Hồ chí Minh ở trên cùng một phương diện với việc Nga Sô chấp thuận một hội nghị tay tư. Có lẽ đó là một sự khởi đầu cho một cuộc giảm bớt tình hình căng thẳng giữa Đông-Tây. Nó đòi hỏi cả sự săn sóc lẫn niềm hy vọng.
Ông Letourneau, nguyên Bộ Trưởng phụ trách các Quốc Gia Liên Kết, tuyên bố dè dặt:
Những điều mà người ta được biết trong lời tuyên bố của ông Hồ chí Minh thì không ngoài cái lối thông thường tuyên truyền của Nga…
Hết chính khách này đến chính khách nọ lên tiếng, hết báo này đến báo kia bình luận để đến nỗi ông J. Moch cựu Tổng Trưởng phải sốt ruột:
‘’Chúng ta không nên phạm vào cái lỗi tiếp tục lý luận sang đầu năm 1954 với tinh thần hồi năm 1950. Chúng ta hãy lợi dụng cho Hòa Bình và cho sự tài giản binh bị, sự tiến triển hình như đang được thành hình.’’
Ở Hoa Thịnh Đốn, các giới có thẩm quyền cũng chú trọng đến lời tuyên bố của cụ Hồ chí Minh vì các điểm:
- Lời tuyên bố nhằm trước ngày mở Hội Nghị Bermudes, một hội nghị giữa Tổng Thống Mỹ, Thủ Tướng Anh và Thủ Tướng Pháp. Cụ Hồ chí Minh muốn gây ảnh hưởng đối với các người Pháp chủ trương bỏ chiến cuộc.
- Cụ Hồ chí Minh đã hợp tác với phong trào do một số người Pháp cầm đầu chống Khối Cộng Đồng Phòng Thủ Âu Châu.
Các giới chính trị ở Luân Đôn không chú ý tới mấy và chỉ nhận định suông rằng:
- Lời tuyên bố đó chắc có mục đích làm bối rối chính phủ Pháp trước khi Hội Nghị Bermudes.
- Đó là kết quả của những cuộc thẳng trận mới đây của quân đội Pháp ở Đông Dương.
Về phía dân chúng Việt Nam, vô tình hay hữu ý, dư luận không tỏ ý xôn xao lắm trước quá lâu dài, vì đã có biết bao nhiêu là lý luận, biết bao nhiêu là lời tuyên bố mà rút cục, trên thực tế, người dân chỉ nhận thấy chiến tranh càng ngày càng thêm dữ dội, thêm chết chóc, thêm đau khổ.
Người dân Việt Nam đã gần như tuyệt vọng, không còn đủ sức để tin tưởng những lời tuyên bố đường mật ve vãn Hòa Bình.
***
Qua một thời gian lặng tiếng từ sau trận đánh xứ Lào mùa Hạ 1953, sau lời tuyên bố Hòa Bình của cụ Hồ chí Minh và nhất là sau những trận tấn công vũ bão liên tiếp của Liên Quân Việt-Pháp, bộ đội Việt Minh đã chuyển mình trong thượng tuần tháng Chạp 1953, phóng ra nhiều cuộc xung phong táo bạo vào Đồng Bằng Bắc Việt:
- Đồn Cao Xá của vùng giáo dân thuộc Hưng Yên bị tấn công cực kỳ dữ dội. Hai bên đánh giáp la-cà, đã dùng đến cả mã tấu và cắn xé nhau như một bầy thú dữ. (2.12.53)
- Đồn Gia Lộc, một đồn lũy hệ trọng trên đường số 5, gần Hải Dương, bị đánh úp và thiệt hại nặng nề. (6.12.53)
- Đồn Thọ Trường, cách Thành Phố Hải Dương 15 cây số về phía Nam, cách Đồn Gia Lộc 10 cây số, cũng chịu đựng một cuộc đả kích mãnh liệt.
Những trận tấn công phá hoại và ba đồn lũy đó đến là hành động của các phần tử thuộc trung đoàn 42, trung đoàn tinh nhuệ nhất của Việt Minh miền Đồng Bằng Bắc Việt.
Rồi những trận mìn chiến lại tái diễn trên các trục giao thông chính.
Từ ngày 24 tháng Chạp, Việt Minh tăng cường hoạt động trên đường số 11 (Trung Lào) gây ít nhiều tổn thất cho quân đội Pháp-Lào.
Việt Minh lại đánh Ai Lao!
Bộ Tư Lệnh Pháp loan báo quân đội Pháp-Lào đã rút lui bỏ Thakkehet theo kế hoạch đã định:
‘’Cuộc rút lui Thakkhet là để thu thập quân đội’’.
Chính phủ Thái Lan cũng lo ngại và phải phái quân đội đến bảo vệ 9 Tỉnh phía Bắc và Tây-Bắc giáp giới sông Cửu Long để đề phòng trường hợp quân đội Việt Minh xâm phạm biên thùy.
Quân đội Pháp bỏ Thakkhet để lập căn cứ Seno.
Seno, một ngã tư đường, cách Thị Trận Savannakket 30 cây số về phía Đông, đột nhiên biến thành một địa điểm được bố trí ráo riết.
Seno biến thành một căn cứ lục, không quân trọng yếu của cả vùng mông mênh thuộc trung lưu sông Cửa Long.
Tướng Franchi, Tư Lệnh khu vực đó giải thích:
‘’Seno không phải là một chiến lũy có tính cách phòng thủ như Nà Sản. Nó sẽ là một trung tâm có thể lan rộng đi mọi nơi, một căn cứ vừa tấn công vừa phản công như Điện Biên Phủ. Nó sẽ là nơi xuất phát của các cánh quân có nhiệm vụ đánh lui kẻ xâm lăng và phục hội hòa bình ở Ai Lao…’’
Chiến dịch mùa Đông của Việt Minh đã thực sự bắt đầu!
Kiểm điểm qua chiến lược và chiến thuật của họ, ta thấy:
- Căn cứ theo các hiện tượng chiến trường, hiện nay Bộ Tổng Tham Mưu của Võ nguyên Giáp vẫn có vẻ chỉ đang áp dụng, chiến thuật cũ.
Sự thực, tất cả các cuộc hành binh, chuyển quân của Việt Minh, bề ngoài tuy rầm rộ nhưng bề trong như chỉ mang một tính chất thường xuyên trong giai đoạn chiến lược, tính chất tiêu hao địch thủ.
- Việt Minh uy hiếp Thị Trấn Lai Châu để làm gì nếu không để đạt được mục đích muốn Đại Tướng Navarre thiết lập căn cứ Seno ?
Và rồi đây còn có thể mọc lên trên khắp lãnh thổ Đông Dương những căn cứ tương tự của Liên Quân Pháp-Việt, Mên-Lào.
Đạt được mục đích ấy Việt Minh hưởng lợi gì ?
- Mọi căn cứ kiểu Seno đã tiêu hao của quân đội Pháp-Việt, Mên-Lào, nào vũ khí nào sức lực tiến bạc. Cầu hàng không Hà Nội-Nà Sản trước kia tổn phí bao nhiêu thì chắc chắn cầu hàng không Hà Nội-Điện Biên Phủ, Sài Gòn-Seno, Hà Nội-X…Sài Gòn-Z…v.v…cũng tổn phí bấy nhiêu và có khi hơn nữa.
Nếu tính chất của các căn cứ mới đã khác với tính chất thụ động của căn cứ Nà Sản cũ thì tính chất đó cũng chưa phải là lý do chính đáng để bù đắp được sự tổn phí trong công việc thiết lập và tiếp vận cho các căn cứ đó.
- Nếu quân đội Pháp-Việt, Pháp-Lào v.v…phải thiết lập thêm nhiều Seno khác thì lực lượng sẽ lại bị rải khắp nơi, mất tính chất quy tụ, do đó Việt Minh dễ dàng thực hiện kế hoạch tiêu hao địch thủ.
- Đối với Việt Minh, có thể họ không cần quan niệm một cách cố định (ít nhất trong thời gian hiện tại) rằng đâu là chiến trường chính và đâu là chiến trường phụ. Họ đợi khi nào lực lượng Liên Hiệp Pháp đã phải chia sẻ khắp nơi rồi mới nhắm một địa phương nào Liên Hiệp Pháp mỏng manh nhất để đánh một đòn quyết định ở nơi đó.
Người ta thường nói Đồng Bằng Bắc Việt quan trọng nhưng Việt Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, Trung Nam Việt cũng có thể biến thành quan trọng nếu nhận xét theo đủ các góc cạnh về phương diện chiến lược, chiến thuật quân sự.
Chỉ lý luận một cách giản đơn người ta cũng sẽ thấy: Nếu mặt Bắc Ai Lao vào tay Việt Minh, khối cộng sản sẽ dễ dàng uy hiếp miền Nam, nếu mất Trung Lào thì Đông Dương sẽ bị ngăn đôi và tất nhiên là Bắc Lào sẽ bị cô lập và trở nên dễ dàng bị thanh toán, nếu mất v.v…Kết luận, trên lãnh thổ Đông Dương, đâu đâu cũng có thể trở nên quan trọng nếu một khi Việt Minh làm chủ được địa phương đó.
Nếu Việt Minh thấy Seno yếu, họ sẽ tung toàn lực thôn tính Trung-Lào, hoặc thấy Điện Biên Phủ yếu, họ sẽ tung toàn lực ra giải quyết biên giới Ai Lao-Việt Bắc, hoặc thấy Đồng Bằng Bắc Việt yếu, họ sẽ tung toàn lực để quét sạch địch thủ khỏi nơi đây và từ kết quả về chiến thuật, Việt Minh sẽ chuyển biến sang kết quả về chiến lược để cai thế của họ càng ngày càng trở nên vững chắc.
Một báo Pháp (J.E.O. số 1568, ngày 1.1.54) trình bày rằng chiến tranh ở Đông Dương đã tới ‘’một giai đoạn thực sự, trên một mặt mặt trận hơn 1000 cây số một thứ chiến tranh rất nặng nhọc, khó khăn’’ Báo đó nói mặt trận gay go ở Điện Biên Phủ, mặt trận ‘’trà trộn’’ ở Seno (Trung Lào) hai sư đoàn sắt ở mặt trận Đồng Bằng Bắc Việt cùng với 60.000 du kích quân địa phương đang chuẩn bị một trận có thể gọi là lớn nhất, rồi mặt trận Nam Trung Việt với một sư đoàn Việt Minh xuất phát từ căn cứ Lưỡng Quảng (Quảng Nam-Quảng Ngãi), rồi mặt trận du kích ở khắp Đông Dương…
Trên thực trạng báo đó thật đã nhận định đúng một phần nào.
Mà thực trạng đó hiện nay mới chỉ là khởi đầu cho một tình trạng ghê gớm hơn, nguy hại hơn và khốc liệt hơn, một tình trạng nguy hiểm với hàng chục mặt trận quanh trọng ngang nhau trên toàn lãnh thổ.
Tình trạng đó có thể sẽ xảy ra trong năm tới.
***
Trong khi Đại Tướng Navarre và Đại Tướng Việt Minh cùng ‘’thuận’’ dắt nhau lên võ đài thực sự ở Đông Dương thì trên ‘’thượng từng kiến thiết’’ của cả Pháp lẫn Việt Nam đã có một cuộc thay đổi lãnh tụ:
Pháp bầu Tổng Thống mới.
Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm từ chức nhường chỗ cho Hoàng Thân Bửu Lộc.
Ngày 18 tháng 12.1953, các Nghị Sĩ của Hội Đồng Cộng Hòa và Quốc Hội Pháp hội họp tại Điện Versailles để bầu Tân Tổng Thống.
Qua một tuần lễ đầu phiếu gay go khiến nhiều người phải sốt ruột, nước Pháp đã có một vị Tổng Thống thứ hai của nền Đệ Tứ Cộng Hòa, Tổng Thống René Coty.
Ngay sau khi trúng cử, Tân Tổng Thống đã tuyên bố:
‘’Lòng luyến ái của tôi trước hết dành cho những người Pháp ở xa nước nhà, cho những dân tộc Hải Ngoại và những công dân của các nước Liên Kết.
Về phần tôi, là Chủ Tịch Liên Hiệp Pháp thì ý nghĩa của vị Tổng Thống Cộng Hòa phải luôn luôn dành cho khối đó…’’
Ở Việt Nam, Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm đệ đơn từ chức và được Quốc Trưởng chấp thuận ngày 17.12.53.
Thế là sau 18 tháng cầm quyền chính, con người của câu ‘’Tôi đánh giặc’’ đã tạm lui trước tình hình chính trị, nhường chỗ cho người mới, một người trong Hoàng phái: Hoàng Thân Bửu Lộc.
Ngày 12.1.1954, danh sách thành phần chính phủ mới được công bố:
  • Hoàng Thân Bửu Lộc: Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Nội Vụ.
  • Nguyễn Trung Vinh: Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Căn Nông và Cải Cách điền địa.
  • Nguyễn Đệ: Quốc Vụ Tổng Trưởng.
  • Nguyễn Đắc Khê: Tổng Trưởng tại Dinh Thủ Tướng phụ trách việc Dân Chủ Hóa Quốc Gia.
  • Phan Huy Quát: Tổng Trưởng Quốc Phòng.
  • Nguyễn Quốc Định: Tổng Trưởng Ngoại Giao.
  • Dương Tấn Tài: Tổng Trưởng Tài Chính.
  • Nguyễn Văn Tỵ: Tổng Trưởng Kinh Tế Quốc Gia và Kế Hoạch.
  • Nguyễn Văn Đạm: Tổng Trưởng Tư Pháp.
  • Lê Thăng: Tổng Trưởng Thông Tin.
  • Lê Quang Huy: Tổng Trưởng Công Chính và Vận Tải.
  • Tân Hàm Nghiệp: Tổng Trưởng Y Tế-Cựu Chiến Binh và Nạn Nhân Chiến Tranh.
  • Phạm Văn Huyên: Tổng Trưởng Xã Lao
  • Đinh Xuân Quảng: Tổng Trưởng Phụ Tá Bộ Nội Vụ.
  • Vũ Quốc Thúc: Bộ Trưởng tạm quyền chức Tổng Trưởng Quốc Gia Giáo Dục.
Khác với những chính phủ trước. Nội Các mới gồm toàn những nhận vật thượng lưu trí thức và phần đông không đảng phái.
Trong buổi lễ chuyển giao công việc, Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm đã ân cần nói với vị Thủ Tướng mới:
‘’Sau 18 tháng cố gắng và nhẫn nại tôi lấy làm sung sướng được trao lại những trách nhiệm nặng nề cho Ngài’’.
Và tóm tắt những kết quả đã thu lượm được:
- Về phương diện kinh tế: ‘’Chúng tôi đã giữ vững giá gạo ở mức thường và mùa màng tốt sắp tới trong năm đây chúng ta nhiều hứa hẹn’’.
- Về phương diện tài chính: ‘’Chúng ta đã có thể nâng phần góp quân sự của chúng ta từ 800.000.000 bạc hồi 1952 lên 2.900.000.000 trong năm 1953 và hy vọng đưa lên 3 tỷ rưỡi trong năm 1954…’’
- Về phương diện quân sự: ‘’Tuyển mộ được gia tốc, thành lập được 50 tiểu đoàn trong bảy tháng cuối năm 1953.
Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm kết luận:
‘’…Việc tiến xa hơn nữa là về phần Ngài’’
Dân chúng Việt Nam cũng mong mỏi chính phủ mới sẽ tiến xa hơn nữa và đặt hết tin tưởng, hy vọng vào những việc làm tương lai của chính phủ mới.

No comments: