Wednesday, January 22, 2014

VIỆT NAM MÁU LỬA II

CHƯƠNG HAI


1.- CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM


vietnamkhoilua_bia_xuanthu Chiến tranh hoàn cầu lần thứ II bùng nổ. Một việc trọng đại làm thay đổi cuộc diện thế giới như vậy, người Việt Nam không hề tỏ thái độ của mình. Hoặc ủng hộ Đồng Minh, hoặc theo ‘’Trục’’ hay ít nhất, đối ngoại phải tỏ rõ lập trường, đối nội, phải tích cực chuẩn bị giữ mình.
Hiểu tiền đồ dân tộc, rõ sự liên hệ mình với người, biết nhìn trước thời cuộc, chỉ có những người làm chính trị, những đảng phái cách mệnh, hay một số các người được gọi là trí thức.
Phải chăng đại đa số dân Việt Nam không biết đọc, không biết viết, không có dịp tập hợp dưới cờ Cứu Quốc, đã không theo dõi được tình hình, không kiểm điểm nổi bước tiến của Lịch Sử dân tộc ?

Phải chăng, với tình hình thế giới, người Việt Nam quá lãnh đạm thờ ơ ?
Nước Pháp thua ư ? Thì kẻ chiến thắng Pháp cũng là kẻ chiến thắng Việt Nam.
Ngước Pháp được ư ? Người Việt vẫn trong vòng cương tỏa, có chăng vài ‘’tù nhân’’ được ân xá, vài ngày lễ chiến thắng, điểm binh, công chức nghỉ phép, học trò được chơi…
Thế này hoặc thế khác, người dân Việt vẫn phải còng lưng làm việc, đóng thuế (có khi nặng hơn trước để bù vào chiến tranh phí), vẫn mù chữ (vì dốt nát giúp sự cai trị được dễ dàng), vẫn không được tự do ngôn luận, lập hội, lập đoàn…Nghĩa là người dân không thay đổi gì hết, nếu có, cũng không đáng kể gì.
Tại sao dân Việt Nam lại thờ ơ như vậy ?
Vì chế độ thuộc địa trên đất Việt đã khắc sâu vào tâm khảm người dân những nét đáng buồn.
Trên giải đất thân yêu có những phản ảnh lúc tế nhị, lúc bạo tàn. Sự thay đổi làn không khí âm u của non thế kỷ, dù không khí mới nhẹ hay nặng, việc đó không chắc lợi lộc gì cho Việt Nam cả.
Trạng thái tâm lý đã như vậy, nhưng tinh thần ra sao ? Phải chăng qua 80 năm trói buộc, tâm hồn người Việt đã bị trơ mòn đến nỗi tê liệt óc tranh đấu quật cường ?
Không!!


Bản tính người Việt suy nghĩ và trầm lặng.
Người dân Việt hằng nhắc tới hành động yêu nước trong những phong trào khởi nghĩa của Cha, Anh. Người dân vẫn chờ đợi, chờ đợi một cái gì mới mẻ sẽ đến.
Năm 1939, chiến tranh thế giớ thực sự bắt đầu.
Trục là kẻ thù của Pháp: Nhật Bản ở phe Trục. Nhật là người Á Đông, hình dáng giống Trung Hoa và Việt. Nhật cũng hấp thụ đạo lý Khổng Mạnh, cũng dùng chữ Nho: Huynh đệ với Việt Nam về phương diện tinh thần! Người dân Việt biết thế.
Năm 1940, muốn đánh tập hậu và chặt đường tiếp tế Tưởng Giới Thạch, quân đội Thiên Hoàng cố tình đổ lỗi cho Pháp, tìm cớ để mượn đường Bắc Việt hành quân. Đã kém vế với Hitler ở chính quốc, Pháp phải ôn hòa với Nhật ở Đông Dương, vì xét thực lực mọi mặt, Nhật Bản nắm ưu thế rõ ràng.
Sau một hồi tin đi mối lại, dưới sự hăm dọa của quân đội Phù Tang, Đô Đốc Decoux, người vừa thay thế chức Toàn Quyền Đông Dương của Tướng Catroux, dằn lòng cho Đại Tá Nhật đem quân lực vào Bắc Việt, ‘’mượn’’ Hải Phòng làm trạm dừng quân, ‘’mượn’’ căn cứ Gia Lâm, Lào Kay, Phủ Lạng Thượng cho Không Quân Hoàng Gia. Đối lại, chánh phủ Nhật phải tôn trọng chủ quyền Pháp ở Đông Dương và bảo đảm hành vi quân đội.
Tháng 9.1940, quân Nhật đặt chân lên đất Việt Nam theo thỏa hiệp đã ký kết.
Thoạt đầu bóng người quân nhân Nhật Bản cũng gây được đôi chút cảm tình với người dân Việt: có lúc lính Nhật cho trẻ con kẹo, bánh, thuốc lá, có lúc họ vào chơi nhà dân chúng, vái bàn thờ một cách lễ độ, có lúc họ đánh người Pháp bênh người Việt ngoài đường phố…Thái độ ấy người dân Việt thường tỏ ra bằng lòng.
Về sinh hoạt, người Nhật liên tiếp mở hiệu buôn, nhà thầu, tương đối giảm bớt được một số người thất nghiệp, có người đã trở nên giàu có…Hàng của họ bán rất rẻ, vải có, thuốc có (Thời kỳ này, ngoại phẩm bên Pháp không sang được).
Chữ Nho như trỗi dậy sau 80 năm tưởng chừng đã chết. Việt và Nhật có thể bút thoại, người ta bắt đầu sưu tầm ‘’bước tiến’’ loại sách báo Tân A, ‘’Vương dương Minh’’ thấy xuất hiện. Người dân quen dần với những chiếc xe nhà binh màu đất, với kiểu quần áo cắt lùng thùng, với cây kiếm dài lê thê, với tiếng giầy đinh lệt xệt…Một đôi khi, từ cái mũ (lưỡi trai) thốt ra câu tiếng Việt, người dân nghĩ đến Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, rể của Hoàng Tộc Phù Tang, bàn tán đến Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội.
Nhật thắng Pháp thêm một điểm, dân chúng Việt Nam quay nhìn sức mạnh của con cháu Thái Dương Thần Nữ, tơ tưởng đến lòng tốt của người Nhật Bản.
Chính khách của Thiên Hoàng xúc tiến đẩy mạnh phong trào nào giúp Đảng Đại Việt, Việt Nam Phục Quốc, Cao Đài, Hòa Hảo, v.v…
Đồng thời với những vụ rối loạn, bạo động ở Sài Gòn, Cần Thơ, Rạch Giá, Bạc Liêu, Đồng Tháp Mười (1940), Nghệ An, Đô Lương (1941), Pháp phải dùng đến bom triệt hạ, người Nhật đã biết lợi dụng lòng yêu nước của người Việt để xoa nặn lòng ái quốc của dân tộc Việt Nam , mục đích đẩy Pháp đến đường cùng.
Giữa lúc Pháp và Nhật tranh dành nhau, kèn cựa đối phó nhau, phong trào Việt Minh phát triển: Mối lo âu cho Nhật lẫn Pháp.
Việt Minh là hai chữ tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, do một số các người cách mệnh quốc tế lãnh đạo, thành lập năm 1941. Phương châm: ‘’Bài Phong, Phản Đế, Diệt Phát Xít’’ giải phóng dân tộc Việt Nam, hợp tác với mọi lực lượng chống Phát Xít, tiêu diệt thực dân và đế quốc chủ nghĩa.
Việt Minh tố giác Nhật Bản bề ngoài mơn trớn dân ta, bề trong giết ngấm, giết ngầm. Nào ‘’mua’’ thóc, nào ‘’khuyến khích’’ trồng đay, trồng gai thay cho ngô, lúa. Người Nhật có phương tiện ‘’giản dị’’ hơn người Pháp, thích hợp hơn người Pháp: dân ta, kẻ nào làm ‘’rối trật tự’’ chắc chắn được đi nếm vị ‘’âm dương’’, ‘’tầu bay, tầu thủy’’ (*) tượng trưng thuần túy của ‘’Võ sĩ đạo’’ và thường thường, kẻ ‘’có tội’’ được trả nợ non sống dưới đường kiếm sắc.
(*) Những đòn tra tấn khủng khiếp của Nhật khi họ bắt được dân chúng tình nghi hoạt động chánh trị đối lập.
Tinh thần người dân Việt lại lung lay. Tâm lý người dân Việt lại thay đổi. Một số người lại tiếc rẻ hình dáng cũ. Quân đội Nhật hung ác quá.
Người Nhật đào thêm hố chia rẽ giữa Pháp và Việt. Thái độ bàng quan của Việt do đó ngày càng rõ.
Phái thân Nhật phát triển hoạt động. Pháp cố gắng liên lạc với Đồng Minh. Tiềm lực giải phóng quốc gia dân tộc của Việt Nam liên tục chuyển mình.
Đùng một cái Matsumoto gửi tối hậu thư cho Decoux (20 giờ ngày 8.3. 1945), mười tiếng đồng hồ sau, cờ mặt giời phất phới tung bay trên thủ đô nước Việt.
9.3.1945!
Tòa nhà của Pháp nỗ lực xây trong 80 năm đằng đẵng sụp đổ trong khoảng khắc.
Sau khi đảo chính, Tổng tư lệnh quân đội Nhật ở Đông Dương tuyên bố: ‘’Người Nhật trao trả Độc Lập cho Việt Nam để cùng nhau lập khối Đại Đông Á’’ (**)
(**) Tuyên cáo của Tổng Chỉ Huy Quân Đội Nhật ngày 10.3.1945
Ngày 11.3.1945, Vua Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ tất cả những hiệp ước ký với Pháp từ xưa và chánh phủ Việt Nam tin tưởng ở nhiệt thành, đẹp đẽ của Nhật: Việt Nam Độc Lập.
Báo chí lại bắt đầu xuất bản. Các đảng phái công khai xuất hiện: Phục Quốc, Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, Thanh Niên Ái Quốc Đoàn v.v…
Tuy niên dân chúng vẫn thờ ơ, chưa thấy điều gì mới lạ. Để giải quyết vấn đề tâm lý, Nội các của các ông Thượng Thư giải tán.
Sau khi chuẩn y cho Nội Các cũ từ chức, Vua Bảo Đại triệu tập nhân tài ra giúp nước.
Tình trạng bi đát lúc giao thời: Nạn đói tung hoành trên đất Bắc, đốt thóc khai than tại miền Nam, toàn thể bộ máy hành chính bị tê liệt, sự đi lại bị kiểm soát ngặt nghèo. Thêm vào đó nạn chợ đen và bom Mỹ. Một đạo Dụ ra đời tạm thỏa lòng dân mong đợi:
Nước Việt Nam Độc Lập đã có một Nội Các mới (17.4.1945) do Cụ Trần Trọng Kim làm Thủ Tướng với các Bộ:
Ngoại Giao: Trần Văn Chương
Nội Vụ: Trần Đình Nam
Kinh Tế: Hồ Tá Khanh
Tài Chính: Vũ Văn Hiền
Tiếp Tế: Nguyễn Hữu Thi
Giáo Dục Và Mỹ Thuật: Hoàng Xuân Hãn
Tư Pháp: Trịnh Đình Thảo
Thanh Niên: Phan Anh
Giao Thông Công Chính: Lưu Văn Lang
Y Tế Cứu Tế: Trương Như Định
Đó là Nội Các đầu tiên với những tên Bộ nghe tân tiến. Chính phủ Nam triều trước ngày 9.3.1945 gồm có 6 Bộ do ông Phạm Quỳnh lãnh đạo:
Bộ Lại: Phạm Quỳnh (Nội Vụ)
Bộ Hộ: Hồ Đắc Khải (Tài Chính)
Bộ Lễ: Ưng Ủy (Tư Pháp)
Bộ Học: Trần Thanh Đạt (Giáo Dục)
Bộ Kinh Tế: Trương Như Định
Việc thành lập Nội Các mới đã giải quyết vấn đề tâm lý dân chúng một khoảng khắc. Người dân tỏ cảm tình khi nhận thấy số đông các vị Bộ Trưởng là những người tương đối có tài có đức. Cụ Trần Trọng Kim là một học giả danh tiếng, tài năng và đức hạnh của Cụ nhiều người đã biết. Lòng ái quốc từng được diễn đạt qua những tác phẩm của Cụ. Nay đứng lãnh đạo chính phủ với khẩu hiệu Dân Vi Quý của Vua Bảo Đại. Quốc dân tỏ vẻ tín nhiệm chính phủ mới cũng như Hoàng Đế tín nhiệm (***)
(***)Trẫm mong chư khanh sẽ đồng tâm hiệp lực và giúp Trẫm thế nào cho sự kiến thiết nền Độc Lập tổ quốc mau có hiệu quả cho đẹp lòng Trẫm tin cậy chư khanh. Dụ ngày 17.4.45
Ngày 3.5.1945, Hoàng Đế Bảo Đại ban bố một Bản Tuyên Chiếu lời lẽ súc tích, cứng cỏi, quảng đạt và vô cùng sáng suốt:
‘’Chư Khanh,
Nội Các này là chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Độc Lập sau 80 năm thuộc quyền ngoại quốc thống trị.
Trong thời gian đó, dưới chính thể eo hẹp của người ngoài, dù có tài năng ra giúp nước cũng thể thi thố được gì.
Nay nhờ được Hoàng Quân Đại Nhật Bản, nước nhà đã được giải phóng.
Những người ra gánh vác việc nước ngày nay là được cái vinh dự tối cao, mà cũng là đảm đương một trách nhiệm rất to và chịu một sự hy sinh rất nặng.
Trẫm đã lựa chọn khắp nhân tài trong nước, kén lấy những người có học thức, có kinh nghiệm để đảm đương việc nước trong buổi bây giờ. Trẫm chắc rằng chư khanh sẽ làm chức vụ không phụ lòng Trẫm ủy thác và lòng dân kỳ vọng.
Điều cần nhất là phải gây sự đồng tâm hiệp lực trong toàn thể quốc dân. Phải đoàn kết chặt chẽ các giai tầng xã hội và luôn luôn giữ mối liên lạc mật thiết giữa Chính phủ và nhân dân.
Chính phủ ngày nay không phải phụng sự một cá nhân hay một đảng phái nào cả. Dân nô lệ nhất thiết ỷ lại ở người, dân độc lập nhất thiết trông cậy ở mình. Trông ở mình thì phải gắng sức hy sinh mới mong sinh tồn phát đạt được ở giữa cõi đời cạnh tranh kịch liệt ngày nay.
Dân một nước Độc Lập là dân biết ham tự do mà cũng trọng kỹ luật, giữ trật tự thì sự trị an được dễ dàng mà chính phủ mới lo cải tạo quốc gia được.
Muốn cải tạo quốc gia, chính phủ cần hành động cho có quy củ, nghĩa là phải có Hiến Pháp.
Hiến Pháp tương lai của Việt Nam sẽ căn cứ vào hợp nhất quốc gia, sự quân, dân cộng tác và những quyền tự do, chính trị, tôn giáo cùng nghiệp đoàn của nhân dân.
Một Hội Nghị Lập Hiến sẽ căn cứ vào những nguyên tắc kể trên mà khởi thảo một bản Hiến Pháp.
Nhưng trong lúc chiến tranh nầy, những vấn đề quốc kế dân sinh rất là phiền phức và khẩn cấp. Chính phủ phải có đủ quyền mà giải quyết những vấn đề đó mau chóng.
Còn về phương diện dân, sẽ có những cơ quan cố vấn đặt trong toàn quốc hay trong các địa phương để bầy tỏ ý kiến với chính phủ và liên lạc chính phủ với nhân dân.
Đồng thời một ủy ban sẽ nghiên cứu những sự cải cách như sự nghi lễ, quốc kỳ và quốc ca v.v…
Trẫm biết nó dễ mà khó: Trên con đường độc lập của nước nhà còn biết bao là nỗi khó khăn nhưng Trẫm tin rằng một dân tộc trên 20 triệu người như dân Việt Nam ta, đã có 2000 năm lịch sử, vẻ vang oanh liệt, chẳng kém gì người, sẽ đủ sức vượt qua mọi sự khó khăn, đủ sức gánh một phần trách nhiệm trong việc kiến thiết nền thịnh vượng chung ở Đại Đông Á và đi tới địa vị một dân tộc hùng cường trong thế giới được.’’
Sau khi quốc dân được nghe tuyên chiếu, đến lượt Nội Các rõ ràng nhấn mạnh những việc phải thi hành ngõ hầu xây dựng một nước Việt Nam trường cửu:
Về kinh tế sẽ được định lại thuế khoá cho công bình, duy nhất, nâng cao trình độ sinh hoạt của dân chúng.
Về chính trị, hợp nhất mọi giai tầng xã hội, xây đài kỷ niệm để ghi ơn các vị anh hùng đã hy sinh vì nòi giống, sẽ tìm cách để những chính khách còn phiêu lưu nơi hải ngoại trở về Tổ Quốc, những án tiết về chính trị sẽ xóa bỏ.
Về xã hội, việc tiếp tế lương thực cho nhân dân ngoài Bắc được xúc tiến để diệt nạn đói đang hoành hành.
Về hành chính, diệt trừ nạn tham nhũng
Về tư pháp, trù tính việc thống nhất pháp luật để tránh lạm quyền hành chính và tư pháp…
Dân Việt Nam có vị Vua trẻ tuổi, có chính phủ tận tâm và nhiệt thành. Nhưng buồn thay dưới áp lực của người Nhật vì đại đa số dân chúng Việt Nam còn bỡ ngỡ trước những vấn đề chánh trị cho nên trên thực tế kết quả công việc chẳng được là bao.
Nhưng mặc dầu ở vào tình thế khó bề phát triển khả năng, Hoàng Đế cũng đã hướng dẫn được chính phủ tích cực hoạt động, đã gây được một ý niệm tốt đẹp với quốc dân.
Tuy Nhật Bản tuyên bố trao Độc Lập cho Việt Nam nhưng họ vẫn trực tiếp chỉ huy thực tế nền cai trị: Yoshio Minoda cầm quyền chính thay Thống Đốc Pháp ở Nam Việt. Trung Việt có Khâm Sứ mới Yokoyam kiêm ‘’ngoại giao’’. Bắc Việt, T.Tsukhan lo giữ chức Thống Sứ. Mỗi tỉnh một viên Công Sứ Nhật, mỗi sở một Ở địa hạt kinh tế, Nhật càng phát triển cường quyền:
- Bắt dân ta bỏ cấy lúa, trồng đay, trồng gai cho chúng dùng (Một trong những nguyên nhân gây ra nạn đói).
- Các sở mỏ hoặc bị trưng thu, hoặc bị dưới quyền ‘’cố vấn’’.
- Kỹ sư và giám đốc Pháp, Việt, chịu ăn lương của các Công ty Nhật Bản: nguyên liệu sản xuất bao nhiêu, được chuyên chở bấy nhiêu lên tầu buôn Nhật.
- Xe cộ bị trưng thu cho nhà binh, nhà cửa cũng chung số phận. Gia dĩ đường xe lửa đã bị gián đoạn bởi sự oanh tạc của Đồng Minh, cũng bị quân lính Nhật đặc quyền dùng….
Ở địa hạt quân sự. Nhật tuyển mộ binh lính với danh nghĩa gia đình Đại Đông Á, tăng cường công tác gián điệp.
Giữa hoàn cảnh ấy, chúng ta hãy kiểm điểm thành tích nội các họ Trần:
- Chính phủ lấy Cờ Vàng Quẻ Ly thay Cờ Long Tỉnh. Đặt quốc ca bài Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước thay cho bài Đăng Đàn Cung.
- Chương trình giáo dục mới được áp dụng. Tiếng Việt Nam làm căn bản của nền Tiểu Học và Trung Học.
- Những quan lại tham nhũng bị thanh trừ, thay thế bằng những vị liêm khiết…
- Bắc Việt: Khâm Sai Phan Kế Toại tích cực chống nạn đói, lập ban Cứu Tế, cải tổ ngạch quan lại. Ông Đốc Lý Trần Văn Lai phá bỏ tượng đồng trong thành phố, vết tích nền thống trị ngoại bang.
- Trung Việt: Ông Tổng Trưởng Phan Anh đôn đốc hai ông Tạ Quang Bửu, Phan Tử Lăng tổ chức Thanh Niên Tiền Tuyến và Thanh Niên Xã Hội (Thanh niên xã hội chưa kịp ra đời thì nội các đã cải tổ)
- Nam Việt: Bác Sĩ Phạm Ngọc Thạch thành lập Thanh Niên Tiền Phong. Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh tổ chức tải gạo cứu tế cho đồng bào Trung, Bắc.
Trong lúc chính phủ đang cố gắng ‘’tranh đấu’’ với quân phiệt Nhật để dành lấy tự chủ thực tế, phong trào cách mạng nổ bùng sau bao năm tiềm tiến…
Trước hoạt động mạnh bạo của các đội võ trang tuyên truyền Việt Minh, trước hành vi, tổ chức khôn khéo của các cán bộ Việt Minh, Nội Các Trần Trọng Kim, nội bộ thì bị gò ép vì quyền lực Nhật Bản, thiếu hậu thuẫn tinh thần trong quảng đại nhân dân, thiếu phương tiện vật chất, đã xin từ chức.
Chính quyền chính thức chuyển qua tay Chính phủ mới, chính thể mới: Ngày 19.8.1945
Thời gian quá ngắn ngủi có 4 tháng giời, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, điều kiện khách quan thiếu, điều kiện chủ quan thiếu: Những cố gắng của Nội Các Trần Trọng Kim dưới sự lãnh đạo của Đức Bảo Đại là một thành công
2.- CHÍNH PHỦ HỒ CHÍ MINH (Dân Chủ Cộng Hòa)
Trong khi các đảng phái chính trị như Phục Quốc, Đại Việt, Cao Đài, Hòa Hảo…công khai hoạt động dựa vào thế lực Nhật Bản, thì từ năm 1941, một đảng cách mệnh lấy tên là mặt trận Việt Minh thành lập hoạt động ráo riết. Mặt trận Việt Minh thoát thai Đông Dương Cộng Sản đảng, do một số người Mác Xít điều khiển, lực lượng cốt cán là những toán du kích Thổ địa phương. Khẩu hiệu tranh đấu của Mặt Trận: Bài Phong, Phản Đế, đoàn kết các giai tầng xã hội, các lực lượng cách mạng, các dân tộc thiểu số, liên kết với tất cả những Xứ bị áp bức ở Đông Dương và hợp tác với mọi phần tử chống Phát Xít.
Từ năm 1941, Việt Minh tích cực hoạt động.
Trên miền sơn cước, xúc tiến thành lập các chiến khu, gây cơ sở cho những đội du kích, thiết lập căn cứ địa và các kho dự trữ. Bắc Việt được chia thành những chiến khu:
- Khu I là trung tâm, gồm có Châu Tự Do và một phần hai Tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn. Chiến khu Cao Bắc Lạng gồm 3 Tỉnh biên cương Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
- Chiến khu II gồm mấy Tỉnh Sơn Tây, Hòa Bình, Phủ Lý, Hà Đông v.v..
- Chiến khu III và IV thuộc miền duyên hải .
- Sau đó, còn chiến khu V, VI, VII, VIII, IX ở Trung và Nam Việt.
Tại các chiến khu, những đội võ trang tuyên truyền được thành lập, với nhiệm vụ đi sâu vào các làng mạc để tuyên truyền cách mạng, thành lập các ổ du kích địa phương, huấn luyện chiến đấu cho dân quân, diệt trừ những phần tử đã liệt vào hạng ‘’phản động’’.
Ngoài những nhà cách mạng quốc gia lão thành, có kinh nghiệm, còn thì ít ai biết Việt Minh là Cộng Sản trá hình.
Khi lãnh tụ Cộng Sản là Hồ chí Minh bị bắt giam tại Trung Hoa (Liễu Châu), hoạt động Việt Minh còn kém cõi. Nhờ sự can thiệp của một Ủy Viên Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Nghiêm Kế Tổ) với chính phủ Trùng Khánh để xin tự do cho ông Nguyễn Tường Tam cũng bị giữ, tiện thể đã vận động cho cả hai người, nên Hồ chí Minh nhờ đó cũng được giải phóng.
Sau khi Hồ chí Minh thoát lao tù, Hồ chí Minh được các tướng lĩnh Trung Hoa thân cộng giúp đỡ tìm cách cho về nước nên Việt Minh càng ngày càng tiến triển hoạt động (****)
(****) Hồ chí Minh được Tướng Ngô Trạch, Tham Mưu Trưởng Đệ Tứ Chiến khu và Triệu Văn giúp đỡ. Tướng Ngô Trạch đã bị xử tử mới đây ở Đài Loan. Tiêu Văn hiện nay ở hàng ngũ Trung Cộng.
Về quân sự, Việt Minh tượng trưng phong trào Kháng Nhật cho nên được quân đội Đồng Minh giúp sức. Nào tiếp tế vũ khí, thuốc men, lương thực, tiền bạc. Nào giúp đỡ sĩ quan, huấn luyện quân sự, sử dụng vũ khí tối tân…Những khu du kích thi nhau phát triển ở Thượng Du, các thanh niên giác ngộ bỏ gia đình, trường học tìm đường lên chiến khu học tập.
Về kinh tài, Việt Minh tìm cách quyên tiền của dân chúng, chuyên chở khí giới, thuốc phiện lậu, cướp các đoàn xe vận tải, kho thóc lúa, tống tiền các quan lại, phú hào, điền chủ để lập Qũy hoạt động.
Về tuyên truyền, những sách báo bí mật như Quân Du Kích, Cờ Giải Phóng (Cộng Sản), Cứu Quốc (tổng bộ Việt Minh), Độc Lập (dân chủ đảng) được in và ngầm phát hành trong dân chúng, huấn luyện cho họ hiểu biết, quen thuộc với chính trị và tranh đấu, báo cáo tình hình trong và ngoài nước ngõ hầu người dân được thông thạo, am hiểu tình thế.
Lần đầu tiên dân chúng được làm quen với những tờ báo khổ nhỏ, in thạch bản, những bài hát cách mạng hùng hồn, quyến rũ, những danh từ chính trị cứng cõi, mạnh bạo, những hoạt động oai hùng của quân giải phóng, của Phụ nữ Hồ Ba Bể.
Tại Thủ Đô Hà Nội, những hành động táo bạo khi ẩn, khi hiện của các đội xung phong tuyên truyền trong các trường học, rạp hát, các nơi công cộng đã làm cho dân chúng tin phục.
Dựa vào thế âm u, dầy đặc của núi rừng, Việt Minh đã tận dụng mọi khả năng để chiến đấu mỗi khi quân đội Nhật định lần mò lên tiêu diệt (Một đèo gần Châu Văn Lang thuộc Thái Nguyên được mang tên là Đèo Kháng Nhật, tại đây, du kích quân đã hạ nhiều xe cam nhông của Nhật).
Mỗi việc xẩy ra, hễ hơi có lợi là Việt Minh tận lực tuyên truyền đập thẳng vào tâm trạng chất phác và giầu tưởng tượng của người dân. Do đó Việt Minh hấp dẫn được đông đảo nhân dân theo họ và ủng hộ phong trào. Đám dân chúng đã biến thành những đợt sóng cồn để Việt Minh tha hồ mà thổi.
Từ khi được lòng thán phục của quảng đại quần chúng, Việt Minh hết sức khai thác năng lực của nhân dân. Nào là thúc đẩy thanh niên nam nữ lên chiến khu, xung vào bộ đội. Nào là yêu cầu ủng hộ thóc lúa, tiền bạc. Nào là yêu cầu nhân dân nuôi nấng, che chở cán bộ hoạt động…Thật chẳng thiếu một hình thức nào.
Tóm lại, Việt Minh đã khôn khéo biết dùng sinh lực của nhân dân, để bồi bổ tổ chức, ngược lại, gây được uy thế với nhân dân trong nước. Do đó, Việt Minh, bán chính thức đã được Đồng Minh công nhận là một phong trào chống Phát Xít Nhật Bản.
Được thế danh chính ngôn thuận, đáng lẽ phải liên kết tất cả các đảng phái hiệp lực cứu quốc, đằng này các lãnh tụ Đỏ lại chủ trương chính sách loại trừ. Các lực lượng, các nhóm, đảng khác mầu sắc chính trị lần lượt nằm trong chương trình thanh toán của Việt Minh.
Trong nước, Việt Minh không bao dung các nhóm khác mầu chính trị, khăng khăng đẩy họ vào thế đối lập. Ngoài nước cậy mình đã có tổ chức, cơ sở hoàn hảo, thẳng tay đối xử với các đảng cách mạng quốc gia còn phiêu bạt và các lãnh tụ không cùng xu hướng.
Chánh sách Dĩ Đảng Trị Quốc chưa chi đã nổi bật không dấu diếm khiến mầm chia rẽ, bất hòa đã khởi điểm sâu sắc.
Ngày mồng 9 tháng 3.1945, Nhật lật đổ chính quyền Pháp, đồng thời trao trả chủ quyền cho Việt Nam.
Nhưng quốc dân dần dần nhận rõ những hành động dối trá của Nhật. Mặc dầu đã có chính phủ Trần Trọng Kim, Nhật Bản vẫn chiếm đoạt thực quyền cai trị. Bao nhiêu ‘’Cố Vấn’’ Nhật, bao nhiêu chính khách Nhật len lõi và các cơ quan hành chính và chuyên môn, người ta không thể đếm xuể nữa.
Sau khi hai quả bom nguyên tử nổ ở Hiroshima và Nagasak, Nhật đầu hàng Đồng Minh không điều kiện. Để nắm lấy thời cơ, Việt Minh gấp rút chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
Ngày 7.8.1945 một cuộc triệu tập ‘’Quốc Dân Đại Hội’’ tổ chức ở Khu giải phóng để bầu Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trước khi quân Đồng Minh đến tước khí giới quân đội Nhật.
Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc gồm có:
Chủ Tịch: Hồ chí Minh.
Phó Chủ Tịch: - Trần huy Liệu
- Võ nguyên Giáp
- Phạm văn Đồng
- Chu văn Tấn
Các Ủy Viên: - Nguyễn Lương Bằng
- Vũ đình Hòe
- Dương đức Hiền
- Cù huy Cận
- Nguyễn văn Xuyến
Một Ủy Ban Quân Sự được chỉnh bị, tập hợp lực lượng du kích quân và võ trang tuyên truyền thành quân đội giải phóng.
Ngày 10 tháng 8.1945, lệnh Tổng khởi nghĩa bắt đầu.
Vì tình hình biến chuyển quá nhanh, cuộc đại hội chưa đủ mặt các đại biểu, thì lệnh khởi nghĩa đã ban bố, một số đông cán bộ mới đi tới nửa đường đã phải quay trở lại.
Tại Trung Du, Việt Minh tiến chiếm một cách dễ dàng. Ở Thủ Đô Hà Nội, dân chủ đảng, một bộ phận trong mặt trận Việt Minh, gồm đa số là trí thức, sinh viên và tiểu tư sản thành thị, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.
Chiều hôm 17 tháng 8.1945, Tổng Hội Công Chức triệu tập một cuộc mít tinh ở Nhà Hát Lớn Hà Nội để tranh đấu đòi Độc Lập (Trong Tổng Hội Công Chức lúc đó đã có nhiều phần tử Việt Minh hoạt động). Giữa lúc các diễn giả đang hô hào dân chúng, một lá cờ đỏ sao vàng vĩ đại bỗng nhiên xuất hiện và Quốc Kỳ Quẻ Ly từ từ hạ. Từ các ngả, đội xung phong tuyên truyền Việt Minh tiến tới, đồng thời vang lên những khẩu hiệu ‘’Ủng hộ Việt Minh’’. Các cán bộ Việt Minh đàng hoàng chiếm máy phóng thánh để nói trước dân chúng
Một cán bộ phụ nữ (Cô Tâm Kính, người Trung Việt, dân chủ đảng, sau được bầu đại biểu quốc hội) hăng hái kêu gọi dân chúng tham gia và ủng hộ phong trào.
Cuộc mít tinh biến thành biểu tình tuần hành, riễu qua Bờ Hồ, Hàng Đào, Hàng Ngang, giải tán ở Quan Thánh trước thái độ yên lặng của quân đội Nhật.
Ngày 18 tháng 8.1945, các đội tuyên truyền Việt Minh công khai chia nhau đi các phố, các ngả, dùng loa kêu gọi toàn thể dân chúng nội ngoại thành chuẩn bị cuộc biểu tình tuần hành võ trang sẽ tổ chức tại công trường Nhà Hát Lớn ngày hôm sau.
Hà Nội hồi hộp sống giữa rừng biểu ngữ, truyền đơn, cờ đỏ sao vàng la liệt. Thành phố như lên cơn sốt rét, chỗ nào cũng bàn tán xôn xao, mong đợi ngày mai chóng tới để được biết mặt ‘’Việt Minh’’, những con người ngang tàng đã từng đùa rỡn Hiến Binh Nhật, đã từng ‘’chiến thắng’’ quân đội Nhật.
Ngày 19 tháng 8.1945. Tại công trường Nhà Hát Lớn, hàng mấy chục vạn dân chúng đã rầm rộ từ khắp các ngả đường kéo tới, tập hợp dưới sự hướng dẫn của Ủy Ban Khởi Nghĩa. Người ta nhận thấy những đội xung phong tuyên truyền, võ trang bằng súng lục, dao găm đứng trên thềm cao. Ở dưới, những đội cảnh sát với y phục trắng, những đoàn hướng đạo, học sinh v.v…Trước mặt Nhà Hát Lớn, một hàng rào cờ đỏ nghễu nghện, san sát bao vòng lấy vườn hoa. Những vũ khí thô sơ đủ kiểu, đủ hình..từ dao bầu, kéo sắc, kiếm thờ, bù loong, cầy, cuốc, bồ cào cho đến mã tấu, đinh ba, gậy gộc, súng săn…thôi thì đủ thứ, cái gì có thể ‘’đánh người’’ được, đều bị mang ra để biểu dương ý chí
Sau khi nghe lời hiệu triệu của ủy viên mặt trận, dân chúng bị khích động, rầm rộ kéo đến Dinh Khâm Sai theo sự hướng dẫn của các đội xung phong võ trang, yêu cầu ông Phan Kế Toại trao lại chính quyền cho nhân dân. Không tốn một viên đạn, chính quyền được trao lại cho các ủy viên đại diện. (Thực ra, đã có cuộc điều đình từ đêm hôm trước). Đoàn người nhu nước vỡ bờ, vừa đi vừa hô những khẩu hiệu mạnh mẽ, tràn đến Tòa Đốc Lý. Đến đây, Thị Trưởng Trần Văn Lai thức thời, ra niềm nở đón tiếp.
Khi dân chúng tiến đến Trại Bảo An Bình, quân lính Nhật thoạt tiên còn khăng khăng không chịu giao những kho vũ khí, viện cớ để trao trả Đồng Minh. Dân chúng phẫn nộ bao vây hàng mấy tiếng đồng hồ, sau đó quân lính Nhật đành xử nhũn để cho dân chúng chiếm trại.
Công việc chiếm đoạt chính quyền tại các Tỉnh tiến hành rất dễ dàng. Riêng có Hà Đông, khi dân chúng tiến vào Dinh Tỉnh Trưởng bị Quản Dưỡng hạ lệnh cho binh lính bắn chết và bị thương mất một số, nhưng sau Quản Dưỡng cũng bị bắt. (Khi chính quyền đã hoàn toàn về tay Việt Minh, Quản Dưỡng đã bị xử tử hình)
Tại Nam Việt, lực lượng Việt Minh rất kém cõi, nên hoạt động hầu như không có ai biết đến.
Ngày 14 tháng 8.1945, các nhóm chính trị gồm các Đảng Độc Lập, Thanh Niên Tiền Phong, Cao Đài, Hòa Hảo, Phục Quốc, Đệ Tứ cùng các đoàn thể trí thức, công chức tập hợp thành một Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Gia, mục đích để giao thiệp và trực tiếp nhận khí giới của Nhật trước khi Đồng Minh tới. Đại biểu của Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Gia là Trần Văn An, Hồ Văn Ngà và Nguyễn Văn Sâm, Khâm Sai Nam Việt.
Các cán bộ Việt Minh lãnh đạo Nam Việt nhận thấy nếu để khí giới lọt vào tay các đảng phái khác, Việt Minh sẽ thất thế.
Do đó, trong một cuộc hội họp, các lãnh tụ Đỏ đã khôn khéo thuyết phục các nhóm khác với lý luận: Nếu những đảng phái thân Nhật đứng ra tiếp thu khí giới, Đồng Minh sẽ viện cớ là đã hợp tác với Nhật từ trước, chủ quyền vì thế khó lòng đạt được, tốt hơn hết Đồng Minh đã biết mặt trận Việt Minh là phong trào duy nhất kháng Nhật, nên để Việt Minh tiếp nhận những vũ khí đó. Các đảng phái đồng ý, cho rằng Việt Minh đại diện là hợp lý.
Được thể, Việt Minh ra luôn công khai tuyên truyền sự hoạt động và hiện diện của Việt Minh trên toàn lãnh thổ, sự thành công Chống Pháp, Kháng Nhật của Việt Minh từ mấy năm nay…
Cờ đỏ sao vàng mọc lên như nấm. Đối ngoại, Việt Minh tiếp nhận quyền hành và võ khí của Nhật Bản. Đối nội, Việt Minh thành lập cấp tốc các ủy ban nhân dân địa phương, các sư đoàn dân quân, tăng cường lực lượng Thanh Niên Tiền Phong (lực lượng cốt cán, do Bác Sĩ Phạm ngọc Thạch, lãnh tụ Đỏ lãnh đạo), lấn át dần các đảng phái khác.
Tóm lại, Việt Minh đã hoàn thành ‘’sự nghiệp vĩ đại ‘’của họ mặc dầu thực lực của họ chẳng có gì, chỉ có một thiểu số khôn khéo lãnh đạo. Thời gian và tâm trạng dân chúng đã trực tiếp giúp cho Việt Minh thành công đưa nước Việt Nam tiến đến một bước ngoặt lịch sử.
Thâu đoạt được chính quyền trong tay, Việt Minh thành lập tức khắc các ủy ban để thay thế cho chế độ cai trị cũ tại các thành phố, các tỉnh, phủ, huyện, làng. Tất cả mọi hoạt động đều đặt dưới quyền điều khiển của Tổng Bộ Việt Minh gồm các lãnh tụ Cộng Sản:
  • Nguyễn lương Bằng, bí danh Anh Cả, Sao Đỏ,
  • Trần huy Liệu,
  • Võ nguyên Giáp, bí danh là Dương hoài Nam, đồng chí Văn,
  • Lý Ban bí danh Hoài Bắc,
  • Trần đăng Ninh, bí danh To đầu,
  • Đặng xuân Khu, bí danh Trường Chinh,
  • Phạm văn Đồng, bí danh Lâm bá Kiệt,
  • Chu văn Tấn,
  • Trần tử Bình,
  • Lê văn Hiến,
  • Lê Giản,
  • Trần văn Giầu v.v…
Trước khi Việt Minh chiếm Bắc Việt, từ ngày quân đội Nhật đầu hàng Đồng Minh, Vua Bảo Đại cũng đã nhìn rõ những sự khó khăn sẽ xẩy đến giữa Việt và Pháp cho nên Người đã ra lệnh tổ chức một Hội Đồng Cứu Quốc (18.18.1945) dự định tập hợp tất cả các đảng phái chính trị chuẩn bị một cuộc chiến đấu lâu bền nếu người Pháp còn ngoan cố không chịu nhìn nhận nền tự chủ của Việt Nam.
Để thực hiện ý định đó, Người đã vạch rõ chí quật cường của dân tộc Việt Nam trên 2000 năm lịch sử trong những Thông Điệp gửi cho các cường quốc. Người nhấn mạnh Việt Nam ngày nay đã đủ sức tự chủ và không muốn chịu đựng một cuộc đô hộ nào nữa. Nếu người Pháp cố ý thiết lập lại nền thống trị, họ sẽ thấy ở Việt Nam, mỗi làng là một ổ kháng chiến, mỗi người Việt Nam bạn cũ của Pháp là một kẻ thù mới, những công chức và kiều dân Pháp sẽ phải tự bỏ Việt Nam mà rút đi…Người nhấn mạnh sự cương quyết của dân tộc Việt Nam hiện tại.
Trong khi ấy, tại Thủ Đô Hà Nội đã tràn ngập bóng cờ đỏ sao vàng và một yêu cầu lịch sử của ủy ban giải phóng điện vào Huế yêu cầu Đức Vua thoái vị.
Tại Hoàng Cung, các cận thần của Vua đều vắng mặt. Người ta đã được nghe nhiều đến sự hoạt động của Việt Minh và đã quá sợ sệt cao trào cách mạng. Những tin tức về Việt Minh có lực lượng hùng hậu được Đồng Minh công nhận và giúp đỡ v.v…đã làm sôi nổi Đế Đô. Những tin tức ấy càng ngày càng nhiều, càng ngày càng được phóng đại.
Tiếp đến khi Hoàng Cung nhận được điện của ủy ban giải phóng thì bên cạnh Hoàng Đế trơ trọi đến phút cuối cùng chỉ còn có ông Nguyễn Duy Quang, một người chủ trì thuyết chống Việt Minh. Ngoài ra còn có một vị cận thần hồi đó hết sức khuyên Hoàng Đế đánh Việt Minh. …nhưng Hoàng Đế trả lời không nỡ gây cuộc huynh đệ tương tàn nên mới vui lòng thoái vị.
Ngày 24.8.1945, Hoàng Đế chuẩn y lời yêu cầu của ủy ban cách mạng để vui lòng làm công dân một nước độc lập.
Về mặt tinh thần, cử chỉ ấy thật là một việc phi thường, một hy sinh cực độ. Người quả xứng đáng là công dân số một của nước Việt Nam.
Về phương diện tâm lý, dân Việt Nam phải nhận thấy một niềm bùi ngùi, thương xót nơi Hoàng Đế. Không phải là Hoàng Đế quý ngai vàng bệ ngọc hơn nền Độc Lập của Tổ Quốc Giang Sơn, nhưng chính vì một lẽ rất thành thực là: Hành động của Hoàng Đế thoát thai ở những tin tức sai lầm, xảo trá, phóng đại, phiến diện, những tin tức có tổ chức, có hướng dẫn. Hành động của Hoàng Đế là kết quả của những ý kiến thiên lệch của đám cận thần ‘’Thân Cộng’’. Hành động ấy không hoàn toàn ‘’chủ động’’ và ‘’chín mùi’’ của một vị Hoàng Đề ‘’cô thế’’ giữa đám cận thần ‘’Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai…’’
Sự bùi ngùi và lo âu trong thâm tâm của Hoàng Đế có nghĩa là Người nghĩ đến những hậu quả có thể có sau quyết định của Người.
Nói đến thoái vị, phải nói đến phù hợp và ích lợi cho quốc dân, cho Tổ Quốc, nếu không, sẽ là một tội đối với Giang Sơn, đối với Liệt Thánh. Nếu sự thoái vị là kết quả của thủ đoạn chính trị do một nhóm người chủ trương lợi dụng lòng hy sinh cao quý của Người thì tránh sao Hoàng Đế chẳng lo âu.
Nhưng dù sao, lịch sử sẽ không phê phán hành động thoái vị của Hoàng Đế. Lịch sử sẽ riêng chỉ trích thái độ ‘’vỗ tay vào’’ của một số cận thần trong triều đã tắc trách, đã rũ áo trốn trách niếm, phó mặc Hoàng Đế đối phó với biến chuyển của thời cuộc.
Ngày 25 tháng 8 năm 1945, không khí bàng bạc buồn tênh muôn thuở của Đế Đô đã chứng kiến cuộc ‘’bể dâu’’ tại Ngọ Môn Đài. Vị Hoàng Đế cuối cùng của triều Nguyễn cũng như của dân tộc Việt Nam nghiêm trang trao Bửu Kiếm và Ngọc Tỷ, biểu hiệu Ngai Vàng cho đại diện cách mạng (Nguyễn lương Bằng) đại diện tổng bộ (Trần huy Liệu, phó chủ tịch ủy ban giải phóng lâm thời và Cù huy Cận, ủy viên). Đồng thời Người tiếp nhận dấu hiệu ‘’Người Công dân thứ nhất của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa’’.
Lá cờ đỏ rực, mầu máu lửa, thấp thoáng ánh sao từ từ được kéo lên Ngọ Môn Đài thay cho lá Cờ Vàng nho nhã Quẻ Ly…
Trước hoan hỷ chất phác của quốc dân, Vua Bảo Đại ban bố một tờ chiếu.
Chiếu rằng:
‘’Hạnh phúc của dân Việt Nam
Độc Lập của nước Việt Nam.
Muốn đạt mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố sẵn sàng hy sinh hết thảy, và muốn rằng sự hy sinh của Trẫm phải lợi ích cho Tổ Quốc.
Xét tới sự đoàn kết toàn thể quốc dân trong lúc này là điều tối cần thiết, Trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi trong giờ nghiêm trọng của Lịch Sử Quốc Gia: Đoàn Kết là sống, Chia Rẽ là chết.
Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc Bộ lên cao, nếu Trẫm cứ yên vị đợi một Quốc Hội thì e rằng khó tránh được sự Nam Bắc tương tàn, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận lợi cho người ngoài lợi dụng.
Mặc dầu Trẫm đau đớn nghĩ đến công lao Liệt Thánh đã vào sinh ra tử đã gần 400 năm để mở mang non sông đất nước từ Thuận Hóa tới Hà Tiên. Mặc dầu Trẫm buồn rầu nghĩ tới 20 năm qua Trẫm ở trong cái cảnh không thể thi hành được việc gì đáng kể cho nước nhà như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị nhường quyền điều khiển quốc dân cho chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa.
Sau khi thoái vị, Trẫm chỉ mong ước có 3 điều:
Đối với Tôn Miếu và Lăng Tẩm của Liệt Thánh, chính phủ mới nên giữ gìn cho có trọng thể.
Đối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền Độc Lập Quốc Gia nhưng không đi sát phong trào dân chúng, Trẫm mong chính phủ mới ôn hòa mật thiết đối xử để những phần tử ấy cũng có thể góp sức kiến thiết quốc gia và để tỏ ra rằng chính thể mới xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.
Trẫm mong tất cả các đảng phái, các giai tầng xã hội, các người trong Hoàng Tộc nên hợp nhất ủng hộ triệt để chính phủ dân chủ để giữ vững nền Độc Lập nước nhà.
Riêng Trẫm trong 20 năm Ngai Vàng Bệ Ngọc, đã biết bao lần ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân một nước Độc Lập, quyết không để ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay danh nghĩa của Hoàng Gia mà lung lạc quốc dân nữa.
Việt Nam Độc Lập muôn năm!
Dân Chủ Cộng Hòa muôn năm!
Khâm thử: BẢO ĐẠI.
Bản tuyên chiếu của Hoàng Đế Việt Nam biểu dương một tinh thần siêu việt, đậm đà lòng yêu mến quốc dân, lòng nhiệt thành với non sông, lòng quảng đại hiếm có.
Sau lễ Thoái vị cử hành ở Đế Đô, ngày 2 tháng 9 tại Hà Nội, Hồ chí Minh đọc trước quốc dân bản tuyên ngôn độc lập và tuyên bố nước Việt Nam hoàn toàn tự chủ.
Hồ chí Minh giới thiệu chính phủ lâm thời của chính thể mới:
Chủ Tịch kiêm Ngoại Giao: Hồ chí Minh.
Nội Vụ: Võ nguyên Giáp
Tuyên Truyền: Trần huy Liệu
Quốc Phòng: Chu văn Tấn
Tài Chính: Phạm văn Đồng
Kinh Tế: Nguyễn mạnh Hà
Lao Động: Lê văn Hiến
Thanh Niên: Dương đức Hiền
Giáo Dục: Vũ đình Hòe
Tư Pháp: Vũ trọng Khánh
Giao Thông, Công Chánh: Đào trọng Kim
Y Tế Vệ Sinh: Phạm ngọc Thạch
Xã Hội: Nguyễn văn Tố
Bộ Trưởng không bộ nào: - Cù huy Cận,
- Nguyễn văn Xuân
Chính phủ lâm thời nhấn mạnh trước thế giới những lời mà Cựu Hoàng đã tuyên bố ngày 11.3.1945: Chính phủ lâm thời thay mặt toàn thể dân tộc tuyên bố từ nay Việt Nam không còn ràng buộc phụ thuộc gì với đế quốc Pháp, hủy bỏ mọi Hiệp Ước đã ký giữa Pháp và Việt Nam, thủ tiêu mọi độc quyền của Pháp trên toàn lãnh thổ. Toàn thể dân Việt Nam nhất quyết tập hợp mọi khả năng tinh thần và vật chất, hy sinh tính mạng, tài sản để giữ gìn tự do và độc lập…
Chính phủ lâm thời ra mắt dân chúng được ai nấy đều hoan hô, tỏ tinh thần ủng hộ.
Nhìn qua danh sách, những người hằng tâm nghĩ đến quốc gia đều nhận thấy đa số lãnh tụ Cộng Sản nắm giữ những Bộ trọng yếu. Chính phủ đã ĐỎ, lại chịu quyền chi phối trực tiếp của Tổng Bộ Việt Minh, ‘’ĐỎ hơn một chút’’. Tổng Bộ lại là con đẻ của trung ương đảng Cộng Sản Đông Dương, như thế, ta thấy chính phủ lâm thời ấy quả chỉ là một kiểu ‘’bù nhìn’’.
Bắt tay vào việc, quốc dân ai cũng phải công nhận chính phủ lâm thời phải đối phó ngay với tình thế bi đát, vẫn do nạn đói, nạn lụt, nạn máy bay vừa qua…nhưng thực ra, chính phủ đã đặt công tác tuyên truyền lên hàng đầu và thứ đến là công tác diệt trừ các đảng phái chính trị khác như Đại Việt, Thanh Niên Ái Quốc v.v…
Các ủy ban hành chính thành phố, tỉnh, phủ, huyện, Làng được thành lập. Nơi nào cũng xúc tiến việc tập họp các giai tầng xã hội, các đoàn thể mọc lên như nấm: Thanh niên, phụ nữ, phụ lão cứu quốc, nhi đồng cứu vong, tự vệ phố, tự vệ thành, tự vệ chiến đấu v.v…
Tuy vậy, toàn dân chúng, lần đầu tiên tham gia hoạt động chính trị, cũng thấy vui và ham thích. Sự ham thích nhiều khi quá trớn đã gây nên nhiều chuyện đáng chê trách. Có nơi, con cái sau khi hội họp về, gọi luôn Cha, Mẹ bằng ‘’đồng chí’’, đáng lẽ dò la địch, lại về nhà dò la ngay trong họ để báo cáo lên cấp trên, nhiều thanh niên và phụ nữ cứu quốc ‘’hỗn loạn’’ khiến các bậc huynh trưởng phải bực mình.
Đám con trẻ của thời đại vừa chớm phải nọc ‘’duy vật’’ đã hăng hái bỏ hết thuần phong mỹ tục của cha, ông, tự coi mình là thần thánh.
Những chuyện đau lòng: Bỏ tù bố, giết anh, bỏ vợ, bỏ chồng ‘’không cùng lý tưởng’’ để lấy ‘’đồng chí’’ đã xảy ra không sao đếm xiết.
Trong mấy tháng đầu, ngoài việc tổ chứ hạ tầng cơ sở hành chính, chính trị, phân chia các Khu, các Phố, mở các trường quân chính, đào tạo cán bộ quân sự, chính trị, gây phong trào ‘’Khỏe vì nước’’, ‘’Đời Sống Mới’’…, chính phủ lâm thời tích cực tuyên truyền và sửa soạn bầu cử quốc hội vào tháng Giêng năm 1946.
Danh từ ‘’phổ thông đầu phiếu’’ là một mới lạ đối với người dân còn bỡ ngỡ.
Ngày 6 tháng 1.1946, lệnh Tổng tuyển cử được thi hành.
Các lãnh tụ Việt Minh và một số ‘’dân chúng’’ chia nhau ứng cử tại các tỉnh trong toàn quốc.
Thường thường danh sách đã được để sẵn gần như chỉ định để dân chúng, trong tâm trạng hào hứng nhất thời cứ việc biên lia lịa.
Từ 9.9.1945, quân đội Tưởng Giới Thạch do Tướng Lư Hán đặt chân lên Bắc Việt để tước khí giới quân đội Nhật. Cùng đi về có những nhà cách mạng quốc gia như Cụ Nguyễn Hải Thần, các ông Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, v.v…Trên đường hành quân của quân đội Trung Hoa, lực lượng cách mạng quốc gia, nhờ sự giúp đỡ, đã thiết lập luôn được căn cứ địa suốt dọc Lao Kay và Vĩnh Yên.
Đến Hà Nội, phong trào quốc gia mạnh bạo lên tiếng phản tuyên truyền Việt Minh, tố giác hành động Cộng Sản của Việt Minh, thành lập các trụ sở, xuất bản báo chí…Một mối nguy hại lớn cho phe Việt Minh .
Trước tình thế cấp bách có thể bị lộ chân tướng với quốc dân và thế giới, trung ương Cộng Sản đảng Đông Dương tuyên bố tự giải tán. Nhưng họ đã khôn khéo biến hình thành Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác Xít để che mắt mọi người. Thủ đoạn chính trị ấy vẫn không thể hoàn toàn lừa bịp nổi những chính khách đối lập khiến cho cuộc đấu tranh thật sự giữ những cán bộ hạ tầng tiếp diễn đẫm máu luôn luôn, trong các hang cùng ngõ hẻm, trên hè phố. Các đảng phái đòi thành lập một chính phủ Liên Hiệp.
Dưới sự tranh đấu gắt gao của các lực lượng Quốc Gia, Việt Minh gấp rút tổ chức tổng tuyển cử.
Tại Hà Nội, Hồ chí Minh được đắc cử với 98 phần trăm phiếu bầu. Võ nguyên Giáp trúng cử ở Nghệ An với 97 phần trăm phiếu bầu. Phạm văn Đồng, Lê văn Hiến trúng cử tại Trung Bộ. Ngoài ra còn có Cựu Hoàng trúng cử tại Thanh Hóa, và ở các nơi khác, những đảng viên dân chủ đảng: Vũ đình Hòe, Dương đức Hiền, Đỗ đức Dục…
Được đắc cử thực ra không ngoài các lãnh tụ Việt Minh và những người thân Việt Minh. Những người bị nghi ngờ ‘’đối lập’’ không hy vọng gì được tham gia quốc hội.
Nhưng bị áp lực của các lãnh tụ Quốc Gia, Việt Minh ép lòng thêm 70 ghế nghị sĩ cho phe ‘’đối lập’’ của họ. 70 ghế này dành cho Việt Nam Quốc Dân Đảng (50) và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (20).
Sau khi chính phủ lâm thời giải tán, Hồ chí Minh tuyên bố quyền tổ chức chính phủ mới do quốc hội định đoạt.
Quốc hội được triệu tập dưới quyền chủ tọa của Cụ Nguyễn Văn Tố quyết định những việc quan trọng: Quốc kỳ, Quốc ca, Hiến pháp và thành lập chính phủ Liên Hiệp.
Quốc hội biểu quyết lấy cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ. Bài Tiến Quân Ca làm quốc ca thay bài Tiếng Gọi Thanh Niên. Nhưng thực ra, cờ đỏ sao vàng, mầu cách mạng quốc tế, là cờ Đông Dưong Cộng Sản đảng đã được quyết định từ trước, cho nên Việt Minh vấp phải sự bất đồng ý của những người Quốc Gia.
Tiểu ban dự thảo Hiến Pháp được quốc hội giao cho nghị sĩ trẻ tuổi Nguyễn đình Thi phụ trách.
Chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia được thành lập gồm có thành phần của các đảng phái:
Hồ chí Minh: Chủ tịch
Nguyễn Hải Thần: Phó Chủ tịch
Huỳnh Thúc Kháng: Nội vụ
Nguyễn Tường Tam: Ngoại giao
Phan Anh: Quốc phòng
Vũ đình Hòe: Tư pháp
Trần đăng Khoa: Công chánh
Nguyễn Văn Tạo: Lao động
Lê văn Hiến: Tài chánh
Chu bá Phượng: Kinh tế
Nguyễn tấn gi Trọng: Tuyên truyền (Tổng giám đốc)
Trương Đình Tri: Y tế
Huỳnh thiện Lộc : Canh nông
Nghiêm Kế Tổ: Ngoại giao (Thứ trưởng)
Cù huy Cận: Canh nông (Thứ trưởng)
Quân Sự Ủy Viên Hội:
Chủ Tịch: Võ nguyên Giáp
Phó Chủ Tịch: Vũ Hồng Khanh
Cựu Hoàng giữ chức Cố Vấn Tối Cao của chính phủ.
oOo
CỐ GẮNG LỰC CỦA CHÍNH PHỦ HỒ CHÍ MINH
ĐỐI NỘI
Sau việc thoái vị của Hoàng Đế Bảo Đại, chính quyền đã hoàn toàn về tay chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa. Gia tài của chính phủ mới là một Việt Nam đầy chết chóc đau thương, nạn đói khủng khiếp vừa qua lại chập chờn xuất hiện, mùa màng nói chung hết sức xấu, tính đến vụ gặt tới, thiếu đến 50 phần trăm vì nạn lụt, sau lụt lại hạn hán, tiền nong không bảo đảm, quỹ hầu như rỗng, nhiều nhà cửa bị bom tàn phá, cầu cống chưa sửa chữa, đường giao thông vẫn hoàn toàn đứt quãng…Thêm vào đó, biết bao việc ngoại lai, rối ren với Pháp ở Nam Việt, cư xử với quân đội Trung Hoa, nạn quan kim…
Trước cảnh tượng như vậy, sự cố gắng của chính phủ phải vượt mức:
Về cai trị các ủy ban nhân dân được thành lập (5.9.45) thay thế những Hội Đồng Kỳ Mục, bãi bỏ chế độ quan lại.
Ngày 12.9.45, bộ trưởng bộ nội vụ Võ nguyên Giáp ký nghị định thủ tiêu chế độ quan lại và quyền quản lý tài phán, tất cả các công chức, quan lại đang tại chức phải ngừng ngay công việc để những con người mới làm việc với chính thể mới. Những nguyên tắc mới được nêu lên:
- Nam nữ được bình đẳng, bình quyền trong hoạt động chính trị trước pháp luật.
- Đối với Thái, Nùng, Thổ, Mán, Mường…những người dân tộc sinh hoạt trên lãnh thổ Việt Nam đều được coi ngang hàng với dân tộc Việt.
- Các nghiệp đoàn, đoàn thể được thành lập. Những lớp xung phong tuyên truyền để đào tạo cán bộ tuyên truyền cho dân làm quen với chính thể mới.
- Về xã hội, luật làm việc 8 giờ được áp dụng.
Để đối phó với nạn đói có thể xẩy ra lần thứ hai, chính phủ đề ra nhiều biện pháp. Thành lập một ủy ban trung ương khuyến khích tăng gia sản xuất ‘’không một tấc đất bỏ hoang’’. Thành lập ủy ban ngũ cốc để tiếp tế. Ngoài những ủy ban đó, những cơ quan chính quyền quân sự, các đoàn thể…mỗi tuần nhịn ăn một bữa để dư khẩu phần gạo cho dân nghèo. Từ bỏ chế độ ăn uống đình đám ở thôn quê trong các ngày hội hè.
Tất cả các biện pháp để chống giặc đói được nghiên cứu và cố gắng áp dụng.
Về kinh tài, chính phủ phải lo hai vấn đề:
- Giải quyết cho bần dân.
- Lấp lỗ hổng quỹ chính phủ.
Chính sách thuế má cũ đã xóa bỏ. Thuế thân, tượng trưng sự ‘’nô lệ’’ phải bỏ hẳn. Ngày 14.9.45. Nghị định bỏ thuế công, thương nghiệp. Hợp tác xã bắt đầu xây dựng. Những nông dân, ai có dưới năm mẫu ruộng đều được miễn thuế điền thổ.
Quỹ quốc gia, trước đã chẳng còn gì, nay lại xóa bỏ mọi thứ thuế, nên chính phủ phải kêu gọi dân chúng đóng thuế mới: Đảm phụ quốc phòng. Công chức và bộ đội lĩnh dư khẩu gạo (Bộ đội mỗi tháng được 20 cân gạo và 5 đồng để tiêu vặt). Những tổ chức quyên tiền cho ngân sách được nghiên cứu và cấp tốc thi hành: Việc bán ‘’ảnh cụ Hồ’’ và tuần lễ vàng thu được hàng triệu.
Do các biện pháp kể trên, một quỹ độc lập được thành hình. Thêm vào đó, tài sản tịch thu của những người mang tiếng là ‘’Việt Gian-Phản Động’’. Các địa phương phả tự giải quyết việc chi tiêu. Quỹ độc lập tương đối cũng giải quyết nhỏ nhẹ được sự chi tiêu cần thiết trong chính phủ.
Cuộc Tổng khởi nghĩa thành công ngày 19 tháng 8 năm 1945 nói chúng không phải áp dụng phương tiện quân sự, nhưng nay lại đứng trước tình thế rất có thể phải đổ máu. Quân Pháp muốn quay trở lại nước Việt Nam, hoạt động của Đô Đốc d’Argenlieu ở Trung Hoa của Tướng Blaizet ở Ấn Độ, tình hình rối ren ở Nam Bộ, là những sự thực đã và đang xẩy ra.
Song song với vấn đề xã hội bắt buộc phải giải quyết cấp tốc, chính phủ Hồ chí Minh đã phải triệt để chú trọng đến mặt quân sự, tăng cường quốc phòng ở mọi mặt, dưới mọi hình thức.
Các đội tự vệ, dân quân, du kích thi nhau xuất hiện. Thanh niên nam nữ, kể cả các dân tộc tiểu số, từ 16 tuổi trở lên là đã được luyện tập sử dụng vũ khí thô sơ (súng trường, súng lục) Thậm chí đến những đào thể nhi đồng cũng được khuyến khích tập tành quân sự.
Các trường quân chính được mở liên tục (quân chính ở Việt Nam Học Xá, Đấu Xảo, Bãi Đua Ngựa Hà Nội, trường võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây, trường Phan Đình Phùng ở Huế…) Những cán bộ quân sự, chính trị đã từng hoạt động đều được qua các lớp bổ túc mới.
Những xưởng làm vũ khí trung ương và địa phương ra sức tăng gia năng xuất và hiệu xuất.
Để đủ tiến mau và sản xuất vũ khí, thành lập các đơn vị bộ đội chính quy, chính phủ đã thu thập vàng (tuần lễ vàng), quyên đồng (tuần lể đồng) trong toàn thể nhân dân. Dân ta đã được mục kích những cụ già kệ nệ khuân cả những đỉnh đồng, hạc thờ, lọ đồng cổ, mâm, nồi để ủng hộ chính phủ, thật là vô cùng cảm động và kích thích xứng đáng vai con cháu các bô lão trong Hội Nghị Diên Hồng trên 700 năm về trước.
Miền Thượng Du Bắc Việt được đặc biệt chú trọng gây cơ sở của trung tâm kháng chiến toàn quốc. Trên bản đồ quân sự, lãnh thổ Việt Nam phân ra thành những chiến khu vĩ đại, mục đích chuẩn bị một cuốc kháng chiến trường kỳ.
Trong khi mải miết về ‘’kế hoạch no dân’’ và ‘’chống xâm lăng’’, chính phủ tận tâm để ý đến công cuộc chống nạn mù chữ.
Một sắc lệnh cưỡng bách học tập, từ 8 tuổi trở lên trai hay gái đều phải biết đọc, biết viết trong thời hạn một năm.
Ba cơ quan được thiếp lập tức khắc để đôn đốc và kiểm soát việc học tập:
- Một ủy ban nghiên cứu phương pháp học tập cho thích hợp với hoàn cảnh điều kiện từng địa phương, từng hạng tuổi.
- Một ủy ban tuyên truyền cốt gây không khí phấn khởi cho việc học tập.
- Một ủy ban đào tạo cán bộ đi huấn luyện và chuyên việc làm sách vở sao cho vừa dễ học vừa rẻ tiền.
Trung Học và Đại Học được khuyến khích và giải quyết học bổng cho một số học sinh sinh viên. Ngoài ra chi hội văn hóa cứu quốc ra đời để thu thập và nghiên cứu tài liệu ngõ hầu hướng dẫn, phát triển Văn, Nhạc, Kịch Việt Nam theo con đường mới.
Qua những cố gắng của Việt Minh chúng ta nhận thấy ngoài những ưu điểm, có những khuyết điểm sau đây:
Những cán bộ, hạ cấp lãnh đạo hành chính địa phương, đại đa số, hoặc là các thanh niên mới nhóm, hung hăng, không kinh nghiệm, không kể gì đến lễ độ, hoặc những người thô lỗ, ít học, không chuyên môn, đầy tư tưởng bảo thủ, vị kỷ. Các cán bộ địa phương là tay sai trung kiên nhất, dữ dội nhất…Dân chúng được mục kích luôn luôn cái cảnh bắt bớ, giam hãm đem đi ‘’Khu’’. Hễ ai trốn ‘’trách nhiệm’’ hội họp, ủng hộ…sẽ được gán ngay tiếng Việt Gian-Phản Động. Hai danh từ ấy là Lưỡi Hái của Thần Chết, chẳng nể nang ai, dù cha mẹ họ hàng thân thích, dù những người chuyên làm điều thiện, có đạo đức. Hơn thế nữa, cả những người yêu nước chân chính nhưng không cùng lý tưởng quốc tế và nguy hiểm nhất là những người chót có xu hướng thân mến, quyến luyến Nguyễn Triều. Óc sùng ‘’vương’’, cần phải ‘’thủ tiêu’’!! Những người đó đều bị bí mật theo dõi, điều tra, lên án và có khi bị chết oan. Thành thực mà xét ủy ban nhân dân cấp Huyện hoặc Xã có tính cách ‘’đồ tể’’ hơn là một chuyên nghiệp chính trị hành chánh.
Ai bảo cách mạng ‘’thành công’’ không đẫm máu ?
Suốt một giải đất chữ S những cảnh ‘’biến mạng’’ trong gia đình tiếp diễn kinh khủng khiến co ai không ưa chế độ mới cũng phải cố ưa, ai không thích chế độ mới, cũng phải cố thích, bởi vì, có làm ra bộ ‘’ưa’’, ‘’thích’’, ‘’nhiệt thành’’ thì các ông cán bộ mới để cho yên lành mà làm ăn đóng góp.
Mục đích bình quyền, bình đẳng giữa nam và nữ, giữa dân Thiểu Số và người Kinh, chưa mang lại điều lợi ích gì cho những kẻ được hưởng quyền, trái lại, những người được ‘’hưởng’’ nguyên tắc ấy, phải đóng góp triệt để, người ta thấy xuất hiện những đội nữ binh, bỏ gia đình con cái đi họp, đi hát, đi ‘’gác đêm’’, người ta thấy xuất hiện binh lính ‘’Việt Nam Mới’’ Thổ, Mán, Mèo, lìa bỏ nhà sàn rừng núi, ruộng nương để theo các ‘’đồng chí’’.
Nghiệp đoàn, đoàn thể, thi nhau thành lập, quyền lợi chưa thấy, thấy ngay ở đấy bóc lột được để tổ chức, kiểm soát tư tưởng có nghệ thuật, ai thiếu đóng góp nguyệt liễm, ai vắng mặt ở những cuộc ‘’khai hội’’, ai ít phát biểu ý kiến là nhất định chịu đựng nhiễu phiền, có khi nguy hại. Vì đó là những phần tử ‘’lừng chừng’’!!
Luật làm việc 8 giờ một ngày nêu ra tưởng chừng sẽ áp dụng để bảo vệ quyền lợi cho giới công nhân, nào ngờ, song song với sắc lệnh này, Việt Minh thi hành khẩu hiệu ‘’Tăng năng xuất cứu quốc’’ nghĩa là ngoài 8 giờ làm việc hết sức, công nhân còn phải nai lưng làm thêm vài tiếng đồng hồ ‘’ủng hộ’’. Hơn nữa, ngày chủ nhật còn là ngày ‘’xung phong’’ làm việc thêm của anh em thợ thuyền để xứng đáng là giai cấp gương mẫu.
Những lớp xung phong tuyên truyền liên tiếp huấn luyện đào tạo thanh niên nam nữ, nhồi sọ dân chúng chất phác bỏ Đình, bỏ Chùa, bỏ lễ nghi thờ phụng tổ tiên, dè bỉu đạo giáo, chỉ xuy tôn có một chủ nghĩa Cộng Sản, lý tưởng Mã Khắc Tư…
Tư tưởng duy vật tuy chập chững nhưng mạnh mẽ như nước vỡ bờ, cha, anh, chú, bác ngang nhau cả. Sự hỗn loạn thê thảm ấy là do hành động của đám cán bộ hạ tầng, vô chính trị, kém cõi, cứng nhắc, chỉ biết nạt nộ dân chúng, cúi đầu trước thượng cấp, thi hành mệnh lệnh máy móc, cực đoan.
Về thuế má, bỏ thuế nọ lại đóng thuế kia, danh từ có khác, nhưng nột dung chẳng khác. Đồng tiền vẫn từ túi dân bỏ ra ‘’hợp pháp’’.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng, dưới chế độ xưa, theo truyền thống tự nhiên của xã hội Việt Nam, một người chủ gia đình, đi làm nuôi cả, bỗng nay chỉ còn dư gạo cho riêng mình từng tháng, tương lai gia đình sẽ ra sao ?
Nước sôi, muốn thành lạnh, cũng phải để nguội dần, đằng này, các cán bộ hạ cấp Việt Minh, thi hành càng, chẳng suy tính đến nỗi đau khổ bên trong của gia đình.
Và đây mới chỉ là màn đền ơn báo hiệu một thống khổ trường kỳ cho dân Việt.
Ngoài kiểu lương theo ‘’khẩu phần gạo’’ và nhịn một bữa ăn, nhân dân còn phải ‘’xung phong’’ mua ảnh cụ Hổ, đóng góp tuần lễ vang, tuần lễ đồng và đủ thứ tuần lễ khác.
Trong khi dân chúng, do lòng ái quốc chân chính bị kích thích, cố công cố sức đóng góp thì các cán bộ Việt Minh, các ‘’quan cách mạng’’ tiêu pha phung phí, tiện ăn, tiện uống, chỉ thấy toàn cán bộ.
ĐỐI NGOẠI
(Chính Phủ Dân Chủ Cộng Hòa Với Pháp)
Từ khi cướp được chính quyền, tuy Việt Minh hoàn toàn tự chủ trong công việc, nhưng ai cũng rõ là chủ quyền còn mong manh như trứng để đầu đằng, còn phải tận lực tranh đấu mới may mắn đứng vững được.
Những việc lôi thôi với Pháp liên tiếp xẩy ra.
Trong Nam, ngay sau khi thành lập chính quyền nhân dân, cuộc xung đột với Pháp thực sự xẩy ra bắt đầu ngày 2.9.1945.
Ngày ấy, ủy ban Nam Bộ triệu tập một cuộc mít tinh vĩ đại, hàng chục vạn người, làm lễ độc lập. Trước Nhà Thờ Lớn Thành Phố, cuộc hội họp bắt đầu từ 2 giờ chiều. Các đoàn thể đã tề tựu đủ mặt: Thanh Niên Tiền Phong, Cao Đài, Hòa Hảo, Đệ Tứ, Phục Quốc, Bình Xuyên, mang theo khí giới phần nhiều là gậy tầm vông đầu bịt sắt. Thêm vào những tổ chức đó, còn có đoàn cảnh sát súng ống tề chỉnh, đoàn dân miền Hậu Giang mặc toàn đồ đen, dắt dao găm và súng lục, dân chúng chật ních…
Sau khi đại biểu ủy ban Nam Việt đọc tuyên ngôn, bỗng nhiên người ta nghe thấy vài tiếng súng nổ phát ra tại một hãng ô-tô Pháp gần đấy, thế rồi, giữa đám đông nhôn nhao, thét lên những câu ‘’Pháp bắn, Pháp bắn’’. Chẳng ai bảo ai, đoàn thanh niên nam nữ, thậm chí đến cả bà già và con trẻ đều xông cả vào hãng ô-tô, người ta nhẩy cả vào Nhà Thờ Thành Phố gần như biến loạn. Tại các ngã đường, các thanh niên có võ khí, tự động bắt người Pháp, từng xâu, từng xâu, đem giam lại một chỗ, có phố bị bắt cả già trẻ chẳng sót một mống.
Chiều dần, tiếng súng thưa thớt, cuộc mít-tinh giải tán hung hăng trong không khí hằn học. Cả Pháp và Việt đều thiệt hại.
Tình hình Nam Việt căng thẳng và điểm máu hồng liên tiếp, cho đến ngày 12.9.45, một Đại Đội Pháp được thả dù cùng với Tiểu Đoàn Ấn Độ của Anh. Tinh thần Pháp biến đột lên cao khi thấy có quân lính của họ tới và nhất là được Đồng Minh đồng ý (Tướng Anh Graccy), quân đội Pháp đã chia nhau đóng giữ mấy yếu điểm: Bến Tầu, xưởng đóng tầu Nhà Bè, Kho thuốc đạn…
Tình thế mỗi ngày mỗi khẩn trương, Việt nhìn Pháp uất ức. Pháp nhìn Việt khiêu khích, hận thù.
Ngày 19.5.45, Cédile tuyên bố trong cuộc họp báo chí: ‘’Việt Minh không phải đại diện cho đa số dân chúng Việt Nam đã bất lực trong việc gìn giữ trật tự an ninh’’.
Đối lại, lực lượng của các Đảng phái kết hợp, tổ chức phá hoại sân bay, các bến tầu. Ủy ban Nam Bộ kêu gọi dân chúng Tổng Đình Công. Việc bắt cóc các người thân Pháp xẩy ra liên tục.
Ngày 22.9.45, những quân nhân Pháp tung tăng ra phố. Trước hành vi khiêu khích vài cuộc xung đột lại tái diễn.
Sài Gòn uất ức dưới sức tiến của người Pháp.
Rạng ngày 23.9.45, quân đội Pháp bất thình lình chiếm đóng Sở Cảnh Sát Trung Ương, Kho Bạc, Sở Mật Thám, Tòa Đốc Lý, ủy ban Nam Bộ không kịp trở tay.
Thế là xong!
Toàn thành đã đổi hẳn bộ mặt, ầm ỹ, hoan hỷ vài hôm trước, hôm nay nhường cho nặng nề, căm hờn, thù oán.
Hành động trả thù: Dân chúng Việt Nam bị đánh đập, ngược đãi, bắt bớ, bắn giết tàn nhẫn…
Để trả miếng, ngày 24.9.45, một số Pháp kiều bị bắt cóc, ám sát, Nhà Máy Điện bị phá. Ngày 25, nhiệt độ càng tăng, hàng trăm thanh niên Việt bao vây Khu Pháp Kiều. Cuộc hạ sát bắt đầu: Hàng trăm kiều dân Pháp và Pháp lai bị hành hạ, nhiều người bị giết…
Cédile dùng biện pháp quân sự, khí giới được trao cho quân lính.
Trần văn Giầu ra lệnh tổng đình công, tản cư, cấm chợ. triệt lương thực và tuyên bố: ‘’Sài Gòn sẽ thành tro bụi’’.
Sau bao lần điều đình vô hiệu quả, ngày 5.10.45 Tướng Leclerc đến Sài Gòn. Từ ngày đó trở đi, chiến hạm Pháp luôn luôn nhả quân lên bộ. Nam Việt mất dần dưới sự hành động của quân đội Pháp.
Căn bản chính trị chưa có gì, nền móng hành chính, không võ khí, không chỉ huy, không lương thực, tan rã từng mảnh lớn, biết thành những đơn vị nhỏ, tự động tìm cơ sở, du kích, đột kích, phục kích.
Chiến tranh du kích bắt đầu. Từ dân chúng, những anh hùng dân tộc xuất hiện, nào ôm bom liều mình, nào xung phong gài mìn, nào cảm tử thông tin liên lạc, chết tan xác dưới làn mưa đạn, nào tẩm ép-săng vào mình làm ‘’đuốc sống’’ đốt kho…
Câu nói: ‘’Dân Việt là đồ hèn nhát, nếu mình cứng, họ sẽ rút lui và chạy như chuột’’ của người Pháp nào đó, đã bị những tấm gương hy sinh oanh liệt, trong một thời gian ngắn, quân đội Pháp cũng chiếm đóng tất cả các yếu điểm tại Việt Nam và miền Nam Trung Việt.
Việc ly dị Việt-Pháp không phải là một chuyện dễ dàng, người ta không thể, chỉ bằng lời tuyên bố hay gạch ngay một nét bút mà giật phức được sợi giây giàng buộc đã 80 năm ròng.
Những ‘’lộn xộn’’ xẩy ra trong hồi Đại Chiến Thứ II trên lãnh thổ Việt Nam chỉ là một hình thái chuyển biến, di dịch dĩ nhiên trong thời chiến, mỗi quyết định hoặc thi hành chỉ có nghĩa tạm bợ. Sau chiến tranh, ai khỏe, ai khôn, ai giỏi, người đó sẽ giữ ưu thế trong việc duy trì trật tự mới do hoàn cảnh khách và chủ quan cấu tạo.
Bởi vậy, ngoài những công việc cách mạng nhân dân, chính phủ Hồ chí Minh tập trung ý chí để chuẩn bị, đối phó với Pháp trên mọi mặt chính trị, quân sự, ngoại giao.
Có đối phó được với Pháp mới nói được đến chuyện dân sinh, dân chính, dân quyền.
Khẩu hiệu ‘’Độc lập trước đã’’ là phương châm chính của chính phủ.
Quân đội Pháp nhòm ngó Bắc Việt.
Trước tình trạng khẩn trương nguy hại của Nam Việt và tình trạng báo động của Bắc Việt, Việt Minh một mặt gởi cán bộ và bộ đội vào tiếp lực cho miền Nam, một mặt điều đình hòa hoãn với đại diện Pháp tại Thủ Đô Hà Nội. Vì chỉ có thương lượng hòa bình với Pháp, chính phủ mới mong tồn tại. Chiến tranh với Pháp là vạn bất đắc dĩ trong lúc quốc dân đang bị nạn đói, nạn lụt, hạn hán, đe dọa và nhất là đang lúc uy quyền và thực lực của Việt Minh chưa chuẩn bị hoàn hảo.
Từ tháng 8.1945, Sainteny, một Thiếu Tá Pháp đã có mặt tại Hà Nội.
Cuộc ‘’tiếp xúc’’ giữa cụ Hồ chí Minh và Sainteny khởi đầu còn bí mật. Người Pháp tích cực dùng ngoại giao với Trung Hoa để vớt vát quyền hành tại Việt Nam. Người Việt cũng tích cực dùng áp lực của hiện diện quân đội Trung Hoa để bắt bí Pháp.
Cả hai bên đều có ‘’thể’’
Hàng tuần lại hàng tuần, người ta thảo luận cân nhắc từng chữ để có thể đi đến một thỏa hiệp. Một đôi khi câu chuyện trở nên tắc nghẽn vì lập trường trái ngược và quyền lợi xung khắc. Nhưng trên tấm thảm xanh, giữa bầu không khí biến động ở Thủ Đô Hà Nội, vận mệnh Việt Nam non trẻ vẫn được tiếp tục bàn luận.
Ngày 16.2.1946, nguyên tắc sơ lược được hai bên đồng thuận cụ Hồ chí Minh bằng lòng đàm phán với đại diện Sainteny trên nguyên tắc Việt Nam Độc Lập trong Liên Hiệp Pháp. Thế nào là là Độc Lập và thế nào lại là Độc Lập trong Liên Hiệp Pháp ? Người ta chỉ còn cố gắng tìm cách giải quyết sao cho êm sự Độc Lập ‘’nằm’’ trong Liên Hiệp Pháp.
Vấn đề điều đình giữa Việt Minh và Pháp vấp phải dư luận phản đối của quốc dân. Ngay trong tổng bộ Việt Minh cũng bất đồng ý kiến, nhất là các nhóm quốc gia càng phản đối dữ dội và gán danh từ ‘’phản quốc’’ cho Việt Minh đã cõng rắn cắn gà nhà. Mạnh hơn nữa, họ đã cố gắng tổ chức biểu tình đả đảo chính phủ và đòi trao chính quyền cho Cựu Hoàng Bảo Đại.
Cụ Hồ chí Minh cần phải thuyết phục tổng bộ Việt Minh, thuyết phục các đảng phái quốc gia, thắng được tất cả mới mong có cơ thành tựu cuộc điều đình.
Sau một thời gian ngắn ngủi nhưng hết sức gay go, Việt Minh thỏa thuận với các đảng phái nguyên tắc thành lập một chính phủ liên hiệp kháng chiến, trong đó là 10 vị bộ trưởng. Việt Minh và dân chủ đảng giữ bộ tài chính, giáo dục, giao thông công chánh và tư pháp. Việt Nam Quốc Dân Đảng và Cách Mạng Đồng Minh Hội giữ ngoại giao, kinh tế, canh nông và xã hội, còn lại bộ quốc phòng và nội vụ dành cho hai người không đảng phái. Thành lập một quân sự ủy viên hội trong đó có 9 người mục đích chuẩn bị về phương diện quân sự.
Mọi phản ứng, mọi bất mãn đều được dẹp sau khi thỏa thuận nguyên tắc thành lập những tổ chức trên. Việt Minh và Pháp đàng hoàng công khai đánh nước cờ thỏa hiệp. Đang từ tư tưởng phản đối hoàn toàn các đảng phái đối lập bỗng nhiên chia nửa phần trách nhiệm về việc ký kết với người Pháp. Thủ đoạn chính trị khôn khéo của Việt Minh thật là vô bờ bến khiến cho đang phản đối hóa ra đồng tình. Đám dân chúng chất phác có hiểu đâu những ngoắt nghéo bên trong cho nên chỉ một vài ‘’điệu’’ tuyên truyền của Trần huy Liệu, lòng dân lại hoan hỷ và ủng hộ chí mạng…Nhưng thực ra các đảng phái quốc gia có phải đã mắc mưu lừa bịp không ? Không! Các lãnh tụ phe quốc gia đều thấy rõ sự quay quắt của Việt Minh nên đã cố hết sức tập hợp dân chúng để thúc đẩy phản đối, đòi quyền kiểm soát chính phủ và quân sự ủy viên hội.
Lo sợ không khí phản đối lại bùng nổ mạnh mẽ, Việt Minh tức tốc triệu tập quốc hội và mở rộng theo những nguyên tắc đã thỏa thuận với các đảng phái. Quân sự ủy viên hội gấp rút thành lập để chuẩn bị kháng chiến có Võ nguyên Giáp làm chủ tịch và Vũ Hồng Khanh làm phó. Một ủy ban kiểm soát hoàn toàn trong tay các lãnh tụ Đỏ. Ngoài chủ tịch của ủy ban, cụ Nguyễn Văn Tố mang tiếng là ‘’dân chúng’’ không đảng phái, nhưng xu hướng thân Việt Minh, còn ủy viên toàn là những Phạm văn Đồng, Hoàng minh Giám, Dương đức Hiền…
Nhìn qua chính phủ cải tổ, hình thức hoàn toàn đoàn kết, nhưng bên trong khác hẳn. Cụ Nguyễn Hải Thần, già yếu, nhu nhược, giữ ghế phó chủ tịch làm vì. Địa vị bộ trưởng của Nguyễn Tường Tam, nào có ngoại giao gì đâu, ngoại giao với Pháp thì đường lối chính, Việt Minh đã vạch sẵn mất rồi, chỉ còn có ngoại giao Trung Hoa thì cái thế ‘’anh em nhà’’ của Nguyễn ngoại trưởng với Lữ Hán, Tiêu Văn lại là một điều lợi cho Việt Minh quá. Về nội vụ, cụ già Huỳnh Thúc Kháng, chỉ còn dư gân sức ký những ‘’sắc lệnh’’ đã được thảo sẵn. Riêng bộ quốc phòng của ông Phan Anh thì làm cái nhiệm vụ tức cười nhất là: Kiếm quân, dưỡng quân và huấn quân, còn việc dụng quân lại hoàn toàn thuộc về Võ nguyên Giáp.
Việc ký kết còn đang giang dở tại Hà Nội thì…
Tinh sương ngày 6.3.1946, chiến hạm của quân đội Leclerc đã rập rình qua Lục Đầu Giang tiến vào bến Hải Phòng.
Đại Tá Vũ Hiền, tham mưu trưởng Đệ tam chiến khu ra lệnh Hải Phòng tản cư, bộ đội và hành chính rút lui về Bắc Nội thuộc địa phận Hải Dương chỉ để lại một chi đội đóng tại Hải An.
Đất Cảng đột nhiên có bộ mặt chiến tranh rờn rợn, các đội tự vệ nai nịt chỉnh tề, quần áo, mũ sắt, lựu đạn, súng trường, súng lục, kiếm dài, cây cối chặt để ngổn ngang trong đường phố, tủ chè, sập gụ, bàn, ghế được sắp thành chướng ngại vật. Dân chúng ùn ùn kéo qua Cầu Niệm sang Kiến An. Tại Sáu Kho, quân đội Trung Hoa hoàn toàn chiếm đóng, thiết quân luật.
Ngoài khơi, năm chiếc tàu đổ bộ màu xanh nhạt từ từ tiến vào bến, nghển nghện. Một loạt đại bác, liên thanh reo ầm, tiếng đạn bay rít gió, trọng pháo của Trung Hoa rót trúng chiến hạm Pháp. Liền ngay, đại bác từ tàu chiến khạc đạn trả miếng. Hải Phòng trong khói lửa, nhà đổ, cây gẫy, bật lên những tiếng rầm rầm kinh khủng.
Cuộc bắn nhau xẩy ra ngắn ngủi, rồi im hẳn. Tàu đổ bộ của Pháp thoái lui ra khơi. Hải Phòng lại chìm đắm trong yên tĩnh nhưng ấp ủ một không khí nặng nề chết chóc.
Hiệp Định Sơ Bộ ra đời!!
- Pháp công nhận Cộng Hòa Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ riêng, quân đội riêng, tài chính riêng trong Liên Bang Trung-Ấn và trong Liên Hiệp Pháp.
- Về sự thống nhất Trung-Nam-Bắc, chính phủ Pháp sẽ thừa nhận sau khi tổ chức Trưng Cầu Dân Ý.
- Về phía Việt Nam, chính phủ Cộng Hòa phải sẵn sàng thân mật tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế cho quân đội Trung Hoa theo như Hiệp Ước quốc tế đã ký kết.
Hiệp Định Sơ Bộ thỏa thuận cho quân đội Pháp đóng quân tại các địa điểm. Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Kay, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên Phủ, Huế, Tourane.
- Quân đội Pháp sẽ ở lại trên đất Việt Nam 5 năm, hết kỳ hạn, sẽ có quân đội tiếp phòng Việt Nam thay thế.
Sau khi ký Hiệp Định, hai bên chính phủ phải tìm phương pháp để ngưng các cuộc xung đột hiện tại, quân đội mỗi bên ở yên vị trí nhất định ngõ hầu tạo nên không khí hòa hảo chuẩn bị cho một cuộc thương thuyết sẽ tổ chức tại Hà Nội, Sài Gòn hay Ba Lê.
Qua nội dung của Hiệp Định Sơ Bộ 6.3.1946, người ta thấy người Pháp muốn lợi dụng thời gian để âm mưu thôn tính. Còn Việt Nam cũng cốt lợi dụng thời gian để tổ chức kháng chiến. Trên thực tế, Việt Minh phải đối phó với cả Pháp lẫn Trung Hoa. Lực lượng Pháp đang lan tràn trên lãnh thổ. Quân đội Trung Hoa cũng gây rắc rối không kém, nào nạn tiền tệ, nào sinh hoạt đất đỏ. Việt Minh muốn hoãn xung với Pháp để thanh toán sự hiện diện của Trung Hoa đồng thời lại dựa vào uy thế của quân đội Lữ Hán để bắt chẹt Pháp.
Hiệp Định Sơ Bộ là kết quả tình thế thực trạng của cả hai bên Pháp và Việt.
Thái độ và ý muốn của Việt và Pháp tương phản nhau như mặt trăng và mặt trời. Nhưng cả hai bên đều có nhược điểm bản thân khiến chưa bên nào có thể đánh quỵ ngay được đối phương. Nếu Hiệp Định Sơ Bộ đã giúp Pháp bước đầu để lấn Việt Nam thì Hiệp Định cũng đã giúp Việt Nam tạm ngăn bước tiến của Pháp để chỉnh bị tổ chức.
Hiệp Định đã ký! Phản ứng rầm rĩ nổi lên trong dân chúng. Thanh niên hục hặc, nghiến răng uất ức, những người yếm thế nhắm mắt, thở dài.
Tại Hà Nội, sôi sục bất mãn với việc ký kết giữa cụ Hồ và Sainteny. Để dẹp yên bầu không khí đang căng của Thủ Đô, Việt Minh vội vàng tổ chức một cuộc mít tinh chiều ngày 7.3.1946 để ‘’giải thích’’.
Trước dân chúng, Võ nguyên Giáp trổ tài hùng biện:
‘’Nước Pháp đã công nhận nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam là một nước Tự Do. Tự do không phải là Tự Trị, tự do hơn tự trị, nhưng chưa phải là Độc Lập. Nếu một khi tự do giữ được, dân ta sẽ tiến tới Độc Lập, độc lập hoàn toàn’’.
Tiếp theo, cụ Hồ chí Minh khuyên dân chúng nên bình tĩnh, giữ kỷ luật nhưng lúc nào cũng phải hăng hái và chuẩn bị. Cụ giơ tay thề với quốc dân không bao giờ bán nước.
Việc trần tình giải thích để dẹp lòng công phẫn bất mãn của dân chúng tạm xong.
Sau khi xẩy ra xung đột ở Hải Phòng, Võ nguyên Giáp xuống Cảng dự cuộc điều đình với hai Bộ Tham Mưu Pháp-Hoa mục đích để Pháp dễ dàng đem quân lên bộ.
Quân đội Pháp lục tục lên bến Hải Phòng nào xe 10 bánh nào thiết giáp, chiến xa, súng ống đen sì dưới nắt lạnh nhạt của người dân.
Riêng về phía quân đội Trung Hoa, mấy ông Tướng Tá ‘’con Trời’’ còn ‘’huých’’ thêm cho Pháp một đòn nữa: Để yên cho quân đội Pháp đóng xong đâu đấy, quân đội Trung Hoa liền bố trí, xây lô cốt pháo đài khắp các ngã đường, đặt súng ống nhắm vào các vị trí Pháp, bắt chẹt Pháp phải ‘’bồi thường sự thiệt hại’’ cho quân đội Trung Hoa.
Đến ngày 18.3.46 Tướng Leclerc mới đem được quân lên Hà Nội.
Binh sĩ và đoàn cơ giới Pháp tiến đến Hà Nội giữa hân hoan của Pháp kiều và lãnh đạm thờ ơ của dân chúng Việt.
Sau Hiệp Định Sơ Bộ, Hà Nội như một cái ung thư trong đó các loại vi trùng ra sức ngấm ngầm bành trướng: Việt Minh tăng cường tổ chức phòng ngự, vũ khí, dụng cụ tuôn lên các kho bí mật trên chiến khu, bộ đội, tự vệ ra công luyện tập, những lớp võ bị, quân chính mở liên tiếp để đào tạo cán bộ chỉ huy. Quân đội Trung Hoa ngấm ngầm phá quấy, những vụ xung đột nho nhỏ giữa Pháp và Hoa, giữa Hoa và Việt xẩy ra bằng một nhịp đều đều. Các đảng phái quốc gia cũng không kém. cũng mở võ bị lục quân, cũng gửi cán bộ, võ khí lên chiến khu Vĩnh Yên, Nghĩa Lộ. Còn Pháp thì làm ra mặt, cũng chiếm đóng bừa bãi một vài địa điểm.
Nói chung, tình hình Nam Việt không thay đổi, Bắc Việt càng ngày càng thêm nhiều mâu thuẫn. Việt và Pháp đều cố gắng tiến nhanh đến cuộc thương thuyết mới. Để tiến đến một Hội Nghị chính thức, hai bên thỏa thuận chọn Đà Lạt để trao đổi lập trường.
Ngày 17.4.1946, trong khung cảnh mát mẻ nên thơ ở Cao Nguyên LangBian, hai đoàn đại biểu Pháp-Việt gặp gỡ.
Đoàn đại biểu Pháp gồm có:
Max André: Trưởng Đoàn.
Pierre Messmer: Đổng Lý Văn Phòng Pháp Quốc Hải Ngoại
Bousquet: Quan cai trị
D’Arcy: Chánh Văn Phòng Bộ Quân Đội
Pierre Courou: Chuyên môn về tình hình Việt Nam
Léon Pignon: Quan cai trị
Torel: Cố vấn pháp luật
Clarec: Cố vấn ngoại giao
Conon: Cố vấn tài chính
Ner: Cố vấn giáo dục
Guillanton: Cố vấn kinh tế
Salan: Tư Lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương
Bên Việt Nam gồm có:
Nguyễn Tường Tam: Trưởng đoàn bộ trưởng bộ ngoại giao
Võ nguyên Giáp: Chủ tịch quân sự ủy viên hội
Vũ trọng Khánh: Chưởng lý tòa án
Hoàng Xuân Hãn: Thạc Sĩ Toán, Kỹ Sư cầu cống, tốt nghiệp Trường Bách Khoa.
Vũ văn Hiền: Luật Sư, Chuyên môn kinh tế học
Trịnh văn Bình: Giám đốc nhà Đoan
Nguyễn Mạnh Tường: Tiến Sĩ Văn Khoa và Luật Khoa
Cù huy Cận: Kỹ sư canh nông
Nguyễn văn Huyên: Y sĩ
Dương bạch Mai: Viết báo
Cuộc hội họp thoạt đầu đã muôn vàn khó khăn mâu thuẫn. Từ khi ký Hiệp Định Sơ Bộ chưa một việc gì giải quyết nên hồn, kinh tế, chính trị, quân sự, mỗi phương diện, mỗi khó khăn. Nhất là vấn đề nam giải: Chế độ Nam Việt.
Phái đoàn Pháp tuyên bố không đủ thẩm quyền để thảo luận về vấn đề Nam Việt đã được ổn định. Trái lại phái đoàn Việt cực lực phản đối cho rằng luận điệu nói Nam Việt đã dứt chiến tranh là một dối trá không thể tha thứ được.
Trong khi Hội Nghị Đà Lạt ‘’khởi đầu nan’’ thì ở Sài Gòn, một chính phủ địa phương thành lập, đồng thời cử phái đoàn sang Ba Lê để giao thiệp trực tiếp với chính phủ Pháp.
Tin phái đoàn địa phương Sài Gòn đi Ba Lê đến giữa Hội Nghị Đà Lạt làm tăng thêm bầu không khí khó thở.
Tóm lại, lập trường của phái đoàn Việt Nam:
Theo Hiệp Định Sơ Bộ 6.3.46, Việt Nam sẽ thành lập chính phủ riêng, có nghị viện riêng, hiến pháp riêng, quân đội riêng, tài chính riêng, tổ chức cai trị riêng…
Còn lập trường của phái đoàn Pháp:
Các quốc gia tự do phải đặt dưới quyền một Cao Ủy Phủ có Cao Ủy người Pháp. Vị Cao Ủy sẽ điều hòa các hoạt động chính trị quân sự kinh tế văn hóa v.v…Sẽ có một hội đồng các quốc gia liên kết gồm 60 đại biểu (Pháp 10. Cao Mên 10, Ai Lao 10, Nam Việt 10, Trung Việt 10 và Bắc Việt 10).
Về vấn đề Nam Việt, phái đoàn Pháp có vẻ ‘’lơ lửng’’ thiếu thực tế, thiếu thành thực.
Kết quả, Hội Nghị Đà Lạt chấm dứt trong hoài nghi ngờ vực, bi quan. Mỗi bên phái đoàn trở về với nhận định riêng, thâm ý riêng.
Hội Nghị Đà Lạt đã tiên báo ‘’Bất khả hợp tác’’ vì lập trường trái ngược của hai bên. Tuy vậy, sau khi Hội Nghị giải tán, chính phủ Việt Nam cũng hết sức thúc đẩy tiến tới một Hội Nghị chính thức.
Về phía Pháp, thật sự muốn trì hoãn hội nghị chính thức, phần vì tình trạng Nội Các còn lủng củng, phần thì muốn gây một vài ‘’việc đã rồi’’ trên lãnh thổ Việt Nam để nắm ưu thế khi thương thuyết, thí dụ như chiếm đóng Xứ Mọi Bamêthuột…
Chính phủ Việt Nam, bên trong chuẩn bị kháng chiến, bên ngoài thành lập phái đoàn đi Pháp.
Để tận thu khả năng, tiềm lực nhân dân, Việt Minh thành lập Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt. Liên Việt gồm đủ mọi giai tầng trong xã hội. Mặt trận Việt Minh với các đoàn thể cứu quốc, dân chủ đảng, Đồng Minh Hội, Quốc Dân Đảng, đảng xã hội (mới thành lập), các thân hào, thân sĩ, các giới nam, phụ, lão, ấu, Công Giáo, Phật Giáo…
Số người lãnh đạo Liên Việt, ngoài cụ Huỳnh Thúc Kháng (thân Việt Minh) làm chủ tịch, còn toàn Cộng Sản: Tôn đức Thắng phó chủ tịch, Cù huy Cận bí thư, Trần huy Liệu, Phạm ngọc Thạch…
Việt Minh cố hòa hoãn, thân thiện với Pháp để đối phó với quân đội Trung Hoa. Loại trừ được quân đội Trung Hoa, có nghĩa là đánh đòn quyết liệt các đảng phái đối lập.
Ngày 28 tháng 5.1946, phái đoàn chính thức khởi hành. Ngoài phái đoàn, Chủ Tịch Hồ chí Minh cũng sang Ba Lê với tính cách riêng. Tháng 7.1946, Hội Nghị họp tại Fontaiebleau gần Thủ Đô của Pháp.
Danh sách các nhân viên hai bên gồm có:
VIỆT NAM
Trưởng đoàn: Phạm văn Đồng, phó chủ tịch thường trực quốc hội.
Phan Anh: Bộ trưởng quốc phòng
Trịnh văn Bình: Thứ trưởng tài chính
Tạ quang Bửu: Thứ trưởng quốc phòng
Hoàng minh Giám: Thứ trưởng ngoại giao
Nguyễn mạnh Hà: Đại biểu quốc hội
Bửu Hội: Giáo Sư Trường Bách Nghệ Đại Học Pháp
Nguyễn văn Huyên: Bộ trưởng bộ giáo dục.
Huỳnh thiện Lộc: Bộ trưởng canh nông
Dương bạch Mai: Đại biểu quốc hội
Chu bá Phượng: Bộ trưởng bộ kinh tế
Đặng phúc Thông: Thứ trưởng giao thông
PHÁP
Trưởng đoàn: Max André Nghị sĩ cố vấn Hạt Scine. Nguyên Giám Đốc Pháp Hoa ngân hàng Hà Nội.
D’Arcy: Nhân viên văn phòng bộ quân đội.
Bayot: Đô Đốc, Tổng Tham Mưu Phó bộ quốc phòng
Baudet: Công chức chuyên môn về Á Châu Vụ và bộ ngoại giao
Bayen: Cố vấn học chính, Cao Ủy Phủ Đông Dương
Bourgoin: Nhân viên văn phòng bộ quốc gia kinh tế tài chính
Bousquet: Nhân viên bộ Pháp quốc hải ngoại
Gayet: Tổng thanh tra thuộc địa
Gouin: Nhân viên Cao Ủy Phủ Đông Dương
Juglas: Nghị sĩ Cộng Hòa Bình Dân
Lezeray: Nghị sĩ Cộng Sản
Messmer: Chánh văn phòng bộ Pháp quốc hải ngoại
Pignon: Cố vấn chính trị của Đô Đốc D’Argenlien
Rivet: Nghị sĩ Xã Hội (không dự)
Raoul Salan: Thiếu Tướng, Tư Lệnh quân đội Pháp miền Bắc Đông Dương.
Torel: Cố vấn pháp luật, nhân viên Cao Ủy Phủ Đông Dương
Nội dung chương trình nghị sự.
- Giải quyết địa vị Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp
- Liên lạc ngoại giao giữa Việt Nam và ngoại quốc
- Vấn đề Liên Bang Đông Dương
- Vấn đề Thống Nhất Việt Nam
Hội Nghị khởi đầu ngay trong mâu thuẫn. Bầu không khí nặng nề chưa chi đã bao trùm cả hai phái đoàn bằng những bài diễn văn nẩy lửa.
Thông Điệp rồi lại Thông Điệp, nhưng không một cuộc thảo luận nào đạt được kết quả. Người ta chỉ nhận thấy những ‘’đình chỉ’’ và ‘’Phá liệt’’
- Về chính trị: Phái đoàn Pháp không giải quyết nổi đề nghị của phái đoàn Việt Nam, viện cớ không đủ thẩm quyền, cần phải chuyển Nghị Án của Việt Nam lên chính phủ Pháp.
- Về ngoại giao: Việt Nam căn cứ vào quyền tự do và bình đẳng trong Liên Hiệp Pháp, muốn có chính sách riêng, tổ chức riêng. Trái lại phái đoàn Pháp sẽ điều khiển ngoại giao của toàn thể Liên Hiệp Pháp, Việt Nam chỉ đóng vai phụ.
- Ủy ban quân sự họp hai buổi, buổi thứ nhất, Pháp nêu 6 điểm mà Việt Nam gọi là ‘’Tối Hậu Thơ’’, hôm sau, Việt Nam đưa ra 9 khoản ước mà Pháp gọi là ‘’Không thể chấp nhận được’’. Về quân sự đình chỉ thảo luận.
- Về văn hóa: Cũng chẳng có kết quả gì sau khi trao đổi thông điệp.
- Về kinh tế, tài chính: Pháp muốn lồng Việt Nam vào hai tròng: Pháp và Liên Bang Đông Dương, ngược lại, Việt Nam chỉ muốn có quan hệ kinh tế tài chính giữa đôi bên mà không chịu phụ thuộc.
- Về vần đề Liên Bang Đông Dương, hai phái đoàn cũng chẳng thu được kết quả nào, bên thì muốn Liên Bang là một ‘’Hợp Chúng Quốc’’, bên thì muốn Liên Bang trong phạm vi kinh tế và tài chính.
Trong khi Hội Nghị đang vấp phải những mâu thuẫn khó hòa giải, bao chí xuất bản tại Ba Lê (23.7.46) đột nhiên tung tin có một ‘’Hội Nghị Liên Bang’’ sắp sửa họp tại Đà Lạt gồm Đại Biểu Nam Việt, Cao Mên, Lào, miền Nam Trung Việt và miền Cao Nguyên Mọi.
Một quả nổ giữa Hội Nghị Fontainebleau!
Người ta thấy mỉa mai ‘’Hội Nghị Liên Bang’’ tại miền Nam nước Việt khai mạc giữa lúc Hội Nghị của hai phái đoàn chính phủ trên đất Pháp bàn về hợp nhất 3 Kỳ.
Hội Nghị đầu tiên Việt-Pháp có tính cách quốc tế đã bị phá liệt hồi 10 giờ ngày 1.8.1946 sau khi hai trưởng phái đoàn đã tặng nhau những ‘’lâm ly, thắm thiết’’.
Trong khi người ta tưởng sợi giây liên lạc Việt-Pháp đã đứt rồi thì bên trong hai bên phái đoàn vẫn cố gắng tiếp tục cuộc thương thuyết.
Ngày 10.8.46, hai phái đoàn thỏa thuận dự định việc ký kết một Tạm Ước (Modus Viverd). Qua một vài ngày gay go tưởng chừng tan vỡ lần thứ hai. Tạm Ước đã được đột nhiên ký kết giữa Bộ Trưởng Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại Marius Moutet với chính phủ Chủ Tịch Hồ chí Minh.
Nội dung Bản Tạm Ước quy định:
- Pháp và Việt phải tín nhiệm lẫn nhau ngõ hầu theo đuổi một chính sách hợp tác ôn hòa, thiết lập bầu không khí êm dịu mở đường cho cuộc thương thuyết sẽ họp chậm lắm là đầu năm 1947.
- Việt Nam phải công nhận chính sách quan thuế tiền tệ ở Trung-Ấn, đồng bạc Đông Dương đứng trong khu vực đồng Phật Lăng.
- Trong khi chờ đợi kết quả một Thỏa Hiệp, việc liên lạc ngoại giao với ngoại quốc tạm thời có một ủy ban chung làm việc để bảo đảm sự hiện diện của Việt Nam ở những nước lân bang.
- Nếu Việt Nam cần đến các nhà chuyên môn thì sẽ nhờ nước Pháp trước tiên, nếu Pháp thiếu số người chuyên môn để thỏa mãn cho sự đòi hỏi của Việt Nam, Việt Nam sẽ nhờ ngoại quốc khác.
- Những người có quốc tịch Pháp ở Việt Nam sẽ được hưởng quyền dân chủ như người Việt và ngược lại những người có quốc tịch Việt Nam trên đất Pháp cũng được hưởng như vậy.
- Mọi hoạt động về khoa học, văn hóa của Pháp sẽ được tự do mở mang trên lãnh thổ Việt Nam, ngược lại cũng vậy.
- Mỗi bên chính phủ đều phải tìm cách chấm dứt sự xung đột hiện tại ở Nam Việt và miền Nam Trung Việt. Tù binh chính trị hay quân sự đều phải được giải phóng.
Sau khi ký kết (14.9.46) cụ Hồ chí Minh đáp tầu Dumont d’Urville về nước (19.9.46)
Tại Hà Nội, giữa hoan hô nhiệt liệt của quốc dân, Chủ Tịch loan báo ‘’tin mừng’’.
Đồng thời với cuộc bắt tay thân thiện với Pháp, Việt Minh quay mang ngay chính sách loại trừ các phần tử quốc gia trong chính phủ: Sự cải tổ quốc hội và chính phủ bắt đầu.
Ngày 26.10.46, tại Nhà Hát lớn Hà Nội, quốc hội nhóm họp, người ta thấy khiến diện ngót 50 nghị sĩ của phe đối lập. Trong chính phủ, một số bộ trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội tự ý thoái lui: Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Trương Đình Tri.
Ngày 13 tháng 11 năm 1946, chính phủ ‘’Liên hiệp quốc gia’’ thay đổi:
Hồ chí Minh: Chủ Tịch kiêm bộ trưởng ngoại giao
Nguyễn Vĩnh Thụy: Cố Vấn Tối Cao (Cựu Hoàng đã đi Trung Hoa từ tháng 3.1946)
Huỳnh Thúc Kháng: Bộ trưởng nội vụ
Võ nguyên Giáp: Bộ trưởng quốc phòng
Vũ đình Hòe: Bộ trưởng tư pháp
Lê văn Hiến: Bộ trưởng tài chính
Nguyễn văn Huyên: Bộ trưởng giáo dục
Ngô tấn Nhơn: Bộ trưởng canh nông
Trần đăng Khoa: Bộ trưởng giao thông công chính
Nguyễn văn Tạo: Bộ trưởng lao động
Hoàng tích Tri: Bộ trưởng y tế
Chu bá Phượng: Bộ trưởng xã hội
Hoàng minh Giám: Thứ trưởng ngoại giao
Hoàng hữu Nam: Thứ trưởng nội vụ
Tạ quang Bửu: Thứ trưởng quốc phòng
Trần công Trường: Thứ trưởng tư pháp
Phạm văn Đồng: Thứ trưởng kinh tế
Trịnh văn Bình: Thứ trưởng tài chính
Nguyễn khánh Toàn: Thứ trưởng giáo dục
Cù huy Cận: Thứ trưởng canh nông
Đặng phúc Thông: Thứ trưởng giao thông công chính
Nguyễn văn Tố: Quốc vụ khanh
Bồ xuân Luật: Quốc vụ khanh
Bên trong chính phủ, còn có Hoàng quốc Việt tức Hạ bá Cang, Nguyễn lương Bằng, Trường Chinh tức Đặng xuân Khu toàn là những lãnh tụ Việt Minh cốt cán cả.
Trong lúc toàn quyền về tay Việt Minh, đáng lẽ theo Tạm Ước, tình hình phải dần dần được yên ổn, trái lại, mỗi ngày mỗi biến cố.
Việc lôi thôi quan thuế tại Hải Phòng. Tự Vệ và các lính gác Pháp tại bến bắn nhau về chuyện bắt bớ chiếc thuyền chở muối. Ngày 8.11.46, Hải Phòng báo động. Ngày 20.11.46 súng ở Cảng nổ ran. Đồ đạc bàn ghế, cây cối lại được một lần nữa chặt vứt tung vãi làm chướng ngại vật, các đội tự vệ áo nâu, mũ trận, đặt súng máy lủng củng khắp các ngã đường, dân chúng lếch thếch kéo nhau tản cư qua Cầu Niệm, qua Bến Dá. Trên đường phố, xe tăng, xe phá ụ hục hặc, ình ình, xe 10 bánh tràn đầy binh lính.
Mặc dầu Herckel vả Hoàng hữu Nam cố gắng ký kết ngưng bắn ngày hôm sau (21.11.46) Hải Phòng vẫn phải tiếp nhận Tối Hậu Thư của Đại Tá Pierre Louis Dèbes Chỉ Huy Trưởng Pháp quân miền Duyên Hải. Ngày 23.11.46, Hải Phòng lại chìm đắm trong khói lửa. Chiến hạm Suffren nhả đạn bừa bãi lên đầu người Việt Nam, những mái tranh bùng cháy, những cột khói đen cuồn cuộn ngất trời, sặc mùi máu và thuốc đạn.
Bộ chỉ huy Khu III của Đại Tá Hoàng minh Thảo hạ lệnh đại phá trường bay Cát Bi, những mục tiêu quân sự Pháp. Trong tình thế ấy, người dân Việt chỉ còn một cách bồng bế nhau tản cư, để không biết bao giờ trở lại…
Cơn sốt rét run rẩy Hải Phòng lan dần khắp mọi nơi khó bề qua khỏi. Tại Lạng Sơn, cuộc tranh chấp giữa Việt Minh và quân đội của Đại Tá Sizcire cũng chẳng kém. Lạng Sơn, một Thành Phố nhỏ ở sát biên thùy đã phải tản cư.
Quân đội Pháp chiếm đóng gần hết Tỉnh. Bên kia bờ sông Kỳ Cùng, bộ đội Việt Nam cũng không ngừng nhả đạn vào Thành Phố.
Thêm vào Lạng Sơn, Hải Phòng, những việc ‘’đối đáp’’ bằng lửa đạn liên tiếp xảy ra ở trên đường Quốc Lộ 1, Bắc Ninh-Nam Định. Trong Nam, Tướng Nguyễn Bình chỉ huy trưởng tăng cường hành binh.
Hà Nội có lệnh tản cư. Dân chúng phân vân, lo ngại, dùng dằng. Kẻ ở lại người ra đi tản cư. Từng nhà, người ta chôn bát đĩa, mâm thau, đồ cổ, lọ sành, lọ sứ, người ta chôn vàng bạc của cải, thôi thì từ giầu đến nghèo, dân chúng ai có cái gì có thể chôn thì chôn, có thể cất thì cất, trừ bàn ghế đồ đạc lủng củng nặng nề không thể mang, thể dấu mới chịu.
Đối với chính phủ Hà Nội chẩn bị chiến tranh là chuyển súng chuyển đạn, chuyển cơ quan, chuyển giấy má, tài liệu, vật liệu lên chiến khu, chuyển bộ đội chính quy ra đóng bao vây Thành Phố, thành lập An Toàn Khu tại vùng Hà Đông để sửa soạn đường thoái đã dự tính trước.
Bộ mặt nội thành, chuẩn bị chiến tranh là ụ đất mọc lên như nấm, là xẻ đường đào hố, là cây cối chặt gẫy tứ tung cành lá xùm xòe hòng cản đường chặn lối cơ giới địch.
Đối với dân chúng, chiến tranh trong trạng thái tâm lý, từng đoàn, từng đoàn tiến ra các cửa Ô, từng nhóm, từng nhóm bàn tán xôn sao, sợ sệt nhưng khoan khoái. Bà già trẻ con đã đi nhiều, thanh niên trai tráng, kiểm lại súng lại đạn, lau lại dao găm, dao phay, mã tấu, soát lại lựu đạn ‘’nội hóa’’, lựu đạn chầy, điềm tĩnh, quả quyết.
Hà Nội chuẩn bị gấp rút mọi phương diện, mọi vấn đề, chẳng ai bảo ai, chờ ngày chờ giờ, từng phút từng giây.
Những việc khiêu khích, khủng bố, xung đột, ăn miếng trả miếng giữa binh gia pháp và Tự Vệ xẩy ra như cơm bữa.
Bầu không khí ngày càng nặng nề, càng căng thẳng, càng hằn học, càng bực bội.
Để tiếp vào việc ăn miếng trả miếng, ngày 18.12.1946, quân đội Pháp bao vây, khủng bố khu phố Yên Ninh, xả súng vào hàng trăm gia đình vô tội, bắn lính Việt Nam cùng gác tại Nhà Máy Điện, đối lại Tự Vệ nhả đạn vào lính mũ đỏ Pháp.
Cả Pháp cả Việt, ai chả có thiện chí hòa bình, nhưng hành động đôi bên vô tình đều hướng đến chiến tranh.
Biết rằng trước sau rồi cũng phải xẩy ra, ngày 19.12.46. Võ nguyên Giáp ra lệnh tấn công. Hà Nội Thủ Đô Việt Nam bùng trong khói lửa. Toàn quốc bắt đầu chuyển theo bước luôn vào chính chiến.
Đến đây chấm dứt công cuộc đối ngoại với Pháp của chính phủ Việt Minh. Những cuộc thương thuyết hòa bình trên tấm thảm xanh được thay thế bằng hội nghị sắt và máu lửa.
Máu người dân Việt tô điểm thêm non sông, bao thanh niên ưu tú Pháp gục ngã: Vì Lý Tưởng ?? Vì Quyền Lợi ??
CHÍNH PHỦ DÂN CHỦ CỘNG HÒA VỚI TRUNG HOA
Hội Nghị Postdam, năm 1945 quyết định sau khi Nhật Bản đầu hàng, quân đội hai nước Trung Hoa và Anh-cát-lợi sẽ đến Đông Dương giải giới quân đội Nhật, lấy vĩ tuyến 16 làm giới hạn đôi bên.
Đại quân Trung Hoa đến Bắc Việt vào hạ tuần tháng 8.1945 dưới quyền chỉ huy của Đại Tướng Lữ Hán gồm có chừng 20 vạn chia làm 2 binh đoàn địa phương quân và hai binh đoàn chính quy quân của Tưởng Thống Chế.
Đoàn quân Trung Hoa sang Bắc Việt, kéo theo cả bầu đoàn thê tử, đôi khi cả những người dân quê ngớ ngẩn, bước thấp bước cao…Sự trà trộn quân với dân khiến cho người Việt Nam không biết đằng nào mà nhận chân giá trị quân đội của Tướng Lữ Hán. Họ chiếm đóng những nơi ở lịch sự, rộng rãi nhất và đã làm cho đời sống dân chúng Việt ngã nghiêng. Nhưng đấy chưa phải là vấn đề đáng để cho chính phủ Việt Minh lo lắng. Lo lắng mấu chốt là quân Trung Hoa đã mang theo cả những nhà cách mạng quốc gia, những người yêu nước đã từng lao đao nơi hải ngoại và cũng đã từng được các lãnh tụ Cộng Sản cho nếm vị chua cay, những ‘’trận đòn chính trị’’.
Song song với cuộc hành quân của quân đội Trung Hoa, các người cách mạng quốc gia tích cực hoạt động. Vũ Quang Phẩm, Hoàng Quốc Chính lãnh đạo các đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng tiến chiếm Hà Giang, Vũ Hồng Khanh cùng cán bộ chiếm đóng Lào Kay đồng thời giúp đỡ Tù Trưởng Đèo Văn Long đặt nền móng chính trị ở Lai Châu. (Cụ Nguyễn Hải Thần cũng về Hà Nội vài ngày sau Lữ Hán).
Sự có mặt của các đảng phái cách mạng quốc gia là một việc khổ tâm cho Việt Minh, nhất là lực lượng ấy ngày càng tiến triển: Lào Kay, Yên Bái, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Bắc Giang…lần lượt dưới ảnh hưởng của Việt Nam Quốc Dân Đảng và ở miền duyên hải dưới ảnh hưởng của Cách Mạng Đồng Minh Hội.
Mặc dầu Trung Hoa trịnh trọng tuyên bố không hề có dã tâm xâm chiếm Việt Nam, mục đích sự hiện diện của Quân Đội Tưởng Thống Chế chỉ có để giải giới quân đội Nhật đã đầu hàng và giúp đỡ Việt Nam thực hiện nền Độc Lập. Dân Việt Nam chỉ hiểu có thể những các lãnh tụ Cộng Sản hiểu hơn nữa.
Các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam biết chắc chắn rằng một nước Trung Hoa Quốc Dân Đảng không bao giờ có mỹ ý bao dung một nước Việt Nam Đỏ. Những việc xẩy ra trên đất Trung Quốc giữa Quốc Dân Đảng và Cộng Sản là những kinh nghiệm sống. Ngày nay quân đội của Trung Hoa Quốc Dân Đảng đặt chân lên đất Việt, thế tất nhiên quân đội ấy phải ủng hộ Quốc Dân Đảng Việt Nam hoặc một vài đảng phái chính trị khác miễn là những đảng phái ấy đừng Đỏ.
Một mặt chính phủ hô hào thân thiện Việt-Hoa chiều chuộc các Tướng lĩnh Trung Hoa, một mặt điều đình thân thiện với Pháp. Đó là chiến thuật ‘’loại trừ địch thủ’’.
Để được vừa lòng Trung Hoa, Việt Minh nhượng bộ dùng thủ đoạn giải tán đảng Cộng Sản Đông Dương, mở rộng quốc hội, cho những người không cùng mầu sắc chính trị được tham dự.
Đồng thời Việt Minh không quên thành lập một phái đoàn sang Trùng Khánh gây tình hữu nghị Việt-Hoa. Phái đoàn do Nghiêm Kế Tổ hướng dẫn, có Nguyễn Công Truyền, Hà Phụ Hương. Nhân dịp này, Cựu Hoàng Bảo Đại cũng cùng đi với tư cách riêng.
Phái đoàn đã thành công trong nhiệm vụ thắt chặt tình giao hảo Việt-Hoa sau một thời gian ngắn ngủi tại Trùng Khánh. Phái đoàn đã được Tưởng Thống Chế tiếp đón nồng hậu tại Dinh Chính Phủ, thiết tiệc tại biệt thự riêng ở Sơn Đông v.v…Nói riêng chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa đối với Trùng Khánh hãy còn mờ mịt, phần vì mới thành lập, thế giới chưa ai công nhận, phần vì Tưởng Thống Chế còn bận đối phó với Mao Trạch Đông, chưa có thời giờ để chăm chú nhìn đến nước Việt Nam bé nhỏ, hơn nữa người Pháp đã trực tiếp giao thiệp với Trùng Khánh trước khi phái đoàn của Việt Nam gặp Tưởng Thống Chế, do đó sự niềm nở của Tưởng Thống Chế thực ra vì có mặt cá nhân Cựu Hoàng và Nghiêm Kế Tổ một đồng chí cách mệnh mà Tưởng Tổng Tài đã từng biết nhiều về thành tích hoạt động.
Khẩu hiệu: ‘’Việt Nam thân thiện’’ đã giúp Việt Minh dễ dàng trong công việc diệt trừ đảng phái không cùng lý tưởng, dễ dàng ứng phó với Pháp.
Trong khi còn nắm được ưu thế, Trung Hoa tích cực hoạt động trên địa hạt tuyên truyền, các báo chí Côn Minh nhấn mạnh đến ‘’dòng máu’’ Trung Hoa trong cơ thể người dân Việt, lý do là Trung Hoa đã từng cai trị người Việt trên nghìn năm lịch sử…nào là quân đội Trung Hoa sẽ cố gắng giúp đỡ Việt Nam Độc Lập, nào là Trung Hoa và Việt Nam có những liên hệ tâm lý và văn hóa…
Trên địa hạt quân sự và chính trị, Trung Hoa tiếp vận cho các đảng phái quốc gia, dùng áp lực quân đội để duy trì và tiến triển hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội. Tiến thêm nữa, quân đội Lữ Hán tìm cách gây mâu thuẫn với Pháp.
Ngày 1.4.46 nhân cơ hội 2 chiếc xe hơi Pháp và Hoa đụng nhau tại ngã tư Phố Mỹ Quốc, trước cửa nhà Godart cũ, nhưng vì sự mâu thuẫn đã ăn sâu và sự sích mích, cãi cọ liên tiếp xảy ra quân lính hai bên đã không ngần ngại mà tức khắc nổ súng. Kiều dân Pháp bị vạ lây. Cuộc vật lộn đẫm máu xẩy ra trên hè phố, trước cửa Pháp Hoa ngân hàng, trong tiệm ăn. Tiếng đạn rền nổ liên hồi cho đến chiều, dân chúng Việt Nam mục kích những chiếc xe chở Pháp bị đạn máu chan hòa, những lính Trung Hoa tử thương bên những mô đất ở bờ hồ Hoàn Kiếm.
Sự sích mích cá nhân giữa Pháp và Hoa liên tiếp xảy ra. Trước tình thế ấy, người Việt vẫn duy trì được tinh thần trung lập. Mặc dầu họ bị khích động, nhưng họ vẫn biết tôn trọng kỷ luật, vô hình chung đã phù hợp với chủ trương của Việt Minh, cố tránh sích mích với quân đội Trung Hoa, bình tĩnh đối với Pháp.
Chính sách của Việt Minh đối với Trung Hoa được hoàn toàn kết quả. Sau khi đã cố gắng làm lung lay hệ thống chính trị của Việt Minh, quân đội Trung Hoa thất vọng rút lui vào hạ tuần tháng 6.1946 đúng với thỏa ước Pháp-Hoa.
CHÍNH PHỦ HỒ CHÍ MINH VỚI CÁC CƯỜNG QUỐC
Chính phủ Hồ chí Minh từ khi thành lập đã hết sức tuyên truyền, chú ý gây thiện cảm với các cường quốc để được công nhận. Một khi đã được các cường quốc công nhận, Việt Minh sẽ thỏa sức tung hoành, ngoài, có thể có ưu thế với Pháp, trong, có thể độc tài, đảng trị.
Đối với Anh-cát-lợi, Việt Minh cố chịu cảnh ‘’cười trong nước mắt’’. Trước khi quân đội của Tướng Dougles D. Gracey nhẩy dù xuống Nam Việt, ủy ban nhân dân Nam Bộ đã hớn hở tổ chức những tiệm ăn, tiệm nhẩy dành riêng cho tù binh Anh. Những tù binh sau khi được ra khỏi trại giam Nhật Bản đều được tự do ra vào ăn, nhẩy linh tinh tại những tiệm dành riêng cho họ. Ở đấy lại được uống rượu mạnh không phải trả tiền và được những sinh viên Việt Nam đóng vai bồi hầu bàn. Những anh bồi tân thời ấy có nhiệm vụ xin chữ ký xin cảm tưởng của tù binh sau khi đã tuyên truyền những cái hay, những cái đẹp, những cái quý của dân tộc Việt, một dân tộc trẻ trung, mới dành độc lập có khả năng, có tinh thần. Họ có bổn phận vạch bầy những điều mà người Pháp cố tình dấu diếm khiến cho cường quốc năm châu từng hiểu nhầm, cho những kẻ ở Bán Đảo Đông Dương là con cháu của giống Mọi ‘’Răng đen, ăn thịt người’’.
Đối với lính hồng Mao, người dân Việt miền Nam đối đãi thật quá tốt, nhưng dần dần thái độ ‘’lạnh lùng’’ của người Anh đã ‘’lịch sự’’ ngả về phe Pháp.
Cảm tình Việt dành cho Anh nhạt dần rồi hờn giận.
Riêng chính phủ, tức thời, ra luôn Đạo Luật, Nghị Định cho các Công Ty Anh, Mỹ, Hòa Lan…được tiếp tục doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Thủ tiêu các Nghị Định cũ của Toàn Quyền Đông Dương bắt các tù nhân có quốc tịch Mỹ, Anh…phải khai tài sản ở Đông Dương và đặt tài sản ấy dưới quyền hành chính.
Đối với Hoa Kỳ, Việt Minh cố gắng nuôi dưỡng tinh thần thân thiện đã từng được cụ thể hóa khi Việt Minh còn trong bóng tối. Những nhân viên quân sự, những nhà báo Mỹ đặt chân lên Thủ Đô Việt Nam đều được chính phủ ưu đãi đặc biệt. Hơn thế nữa, trong tuyên ngôn độc lập, chính phủ Hồ chí Minh cố ý làm vui lòng Hoa Kỳ (mặc dầu bên trong có một dụng ý khác nữa) đã nêu câu Châm Ngôn trong lời Tuyên Bố về Nhân Quyền của Tổng Thống Hợp Chúng Quốc, Jefferson. Một Hội Việt-Mỹ được thành lập gây tình thân thiện, trao đổi văn hóa bằng cách mở lớp học, dịch sách báo.
Tất cả cố gắng của Việt Minh đối với Hoa Kỳ cũng không kết quả tốt đẹp. Trước kia Việt Minh đã được Hoa Kỳ tiếp tế quân nhu võ khí, nhưng đến khi đã thành lập chính phủ, Mỹ dần dần ‘’đánh hơi’’ thấy mùi ‘’Cộng Sản’’ trong chính sách Việt Minh. Cho nên mặc dầu cố tình gây thân thiện, Tướng Gallagher vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, không những thế còn quay nhìn chăm chú vào cá nhân Cựu Hoàng và giai cấp trí thức Việt Nam trong các đảng cách mạng quốc gia nữa.
Đối với Liên Bang Sô Viết, Việt Minh chỉ nhận được lạnh nhạt hầu như tuyệt đối. Người ta chưa hề thấy Điện Kremlin lên tiếng tỏ cảm tình với Việt Nam, ở Liên Hiệp Quốc, ở các Hội Nghị tại Mạc Tư Khoa. Họ cũng chẳng buồn gửi nhân viên sang Việt Nam nhận xét nữa. Những thức giả đều không hiểu tại sao phân bộ Cộng Sản quốc tế Á Đông lại đến nỗi thờ ơ với chính phủ Hồ chí Minh như vậy.
Nói chung, giữa tình thế cô lập, chính phủ Hồ chí Minh đã hết sức cố gắng trong lập trường đối ngoại nhưng buồn thay chẳng rút được kết quả nào đáng kể.
Pháp ? Sự xung đột ngày càng nhiều, Hiệp Định rồi Tạm Ước chẳng qua chỉ là một vài phút tạm thở của hai bên.
Trung Hoa ? Hiệp Ước 28.2.46 ký tại Trùng Khánh đã thực tế phô bày lập trường của Tưởng Thống Chế đối với chính phủ Việt.
Anh ? Tướng Gracey đã cố tình giúp Cédile gây rối ren trong Nam Việt.
Mỹ ? Người Mỹ rất thính mũi, họ lui xa Cộng Sản mà họ còn dìm thêm cho nữa.
Còn Nga ? Sự thờ ơ lạnh nhạt của các ông Chúa Đỏ tại Điện Kremlin phải chăng là một chiến thuật, một thủ đoạn ? Việc ấy chỉ có hỏi các ông trùm Cộng Sản Việt Nam mới rõ.
Người ta nhận thấy chính phủ Việt Minh chỉ trông cậy ở thực tài của mình để gây uy tín trong dân chúng, lôi kéo dân chúng ủng hộ mình ngõ hầu thành lập chủ nghĩa vô sản trên giải đất Việt Nam.
oOo
LÝ DO THẤT BẠI CỦA
CHÁNH PHỦ DÂN CHỦ CỘNG HÒA
TÍNH CHẤT QUỐC TẾ
Tiền thân của chính phủ Hồ chí Minh là ủy ban giải phóng dân tộc thành lập dưới quyền chỉ đạo của tổng bộ Việt Minh. Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội bên ngoài là một hình thức tổng hợp rộng rãi đủ màu sắc chính trị, có một mục đích chung: Tranh đấu cho nền Độc Lập Việt Nam. Chủ trương thành lập mặt trận đã được các lãnh tụ Cộng Sản nêu lên từ năm 1935-1936. Hồi đó, các lãnh tụ Cộng Sản có phái đại diện đến Nam Kinh thảo luận với Vy Chính Nam và Nghiêm Kế Tổ để liên hiệp, nhưng việc đó không thành vì Cộng Sản có nhiều hành động không thành thực, đồng thời lại vội vàng đề nghị công khai thủ tiêu danh từ Việt Nam Quốc Dân Đảng để thay thế bằng nhãn hiệu Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội. Mục đích thủ đoạn đó làm cho quốc dân và thế giới sẽ quên dần một đảng phái đã từng có thành tích oanh liệt để chỉ biết có Việt Minh. Vì thế mãi đến 1941 mặt trận Việt Minh mới ra đời công khai, và tất nhiên là vắng bóng Việt Nam Quốc Dân Đảng. Các cán bộ lãnh đạo cốt cán mặt trận đại đa số là những nhà cách mạng dưới quyền chi phối của Cộng Sản đệ tam quốc tế, phân bộ Á Đông. Cụ Hồ chí Minh, sáng lập viên mặt trận chính là cụ Nguyễn ái Quốc, một cán bộ quan trọng quốc tế Cộng Sản. Tuy nhà lãnh tụ cách mạng, lão thành đầy kinh nghiệm ấy đã khôn khéo đổi tên là Hồ chí Minh nhưng cũng không tài nào che mắt nổi các chính khách trên thế giới và các nhà lãnh tụ đảng phái quốc gia Việt Nam.
Riêng tay cụ Hồ đã nhào nặn ra các đảng Cộng Sản ở Đông Dương và số lớn các cán bộ Cộng Sản cao cấp miền Đông Nam Á. Cụ đã có một quá trình tranh đấu vĩ đại cho chủ nghĩa vô sản, đến nay đích thân cụ lại lãnh đạo chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa, hỏi ai là người không nhìn thấy con đường mà chính phủ mới sẽ dìu dắt dân Việt Nam ?
Trước khi dân Việt Nam biết các nhân vật Cộng Sản trong chính phủ Hồ chí Minh thì ở ngoại quốc, người ta đã biết rõ rồi, nhất là ở Ba Lê và Trùng Khánh. Hồ chí Minh, Hồ tùng Mậu, Tôn đức Thắng, Võ nguyên Giáp, Nguyễn lương Bằng, Phạm văn Đồng, Trần đăng Ninh, Trần tử Bình, Hà bá Cang v.v…hầu hết ra vào các nhà tù như cơm bữa.
Ở trường hợp nào cũng vậy, những người Cộng Sản đều dùng bình phong che đậy âm mưu hoạt động. Việt Minh che đậy lý tưởng quốc tế bằng lý tưởng quốc gia dân tộc, khiêu gợi và lợi dụng lòng yêu nước chân chính của quốc dân, thỏa mãn tâm lý họ. Về hình thức, danh từ ‘’chính phủ liên hiệp’’ thu gồm mọi xu hướng chính trị. Tại quốc hội, người ta thấy cũng lẫn lộn đủ hạng người: Cộng Sản, quốc gia, dân chúng…Nhưng bên trong bình phong, các lãnh tụ Đỏ nắm chặt quyền chỉ đạo. Trường Chinh, Sao Đỏ và một số ‘’cán bộ om’’ của Cộng Sản (ít ai biết mặt biết tên) lãnh đạo trong bóng tối, ngoài ra, Nguyễn Xiển, Trần hữu Đức, Trần văn Giầu, chủ tịch Bắc, Trung, Nam đều là đảng viên trung kiên của vô sản.
Trên cao, những ông trùm Cộng Sản giữ quyền lãnh đạo, bên dưới, những ấu trĩ đảng viên hành động. Phần đông những cán bộ cơ sở ‘’ấu trĩ’’, được Cộng Sản kết nạp quãng 1944-1945. Tuy ‘’lính mới’’, nhưng họ tỏ ra quá hy sinh, bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ gia đình êm ấm, thoát ly đi xung phong, có khi thí mạng vì công tác vì lý tưởng. Đối với họ, công tác đảng là trên hết. Mọi việc trên đời nếu không phải là việc đảng đều không đáng chú ý. Họ sống chết vì cấp trên, vì đảng, không kêu ca, không oán hận.
Bản thân của chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa tỏ ra Đỏ từ đầu đến cuối khiến cho thế giới dân chủ dần dần e ngại, hững hờ, bỏ rơi.
Về sự việc, các cán bộ hành động nhiều khi quá khích. Những thi hành vô tổ chức, hỗn loạn, đã chớp nhoáng xáo lộn nền móng từ ngàn xưa trên đất Việt.
Lãnh thổ Việt Nam từng chịu ảnh hưởng của Đạo Giáo Á Đông, tồn cổ, tồn phong, ngay đến tư tưởng cải lương dân chủ, tự do dân chúng cũng còn chưa thích hiểu, nói chi đến chủ nghĩa Mác-xít, Lê-nin-nít, Sta-lin-nít…
Các cán bộ nam của Cộng Sản Việt Nam đã đem áp dụng một chính sách tàn bạo: Phá đình, phá chùa đả kích tôn giáo, đả kích việc thờ phụng tổ tiên, thần thánh, tịch thu ruộng đất, tịch thu tài sản vô tổ chức. Ai không hưởng ứng tình nghi, ai vắng mặt ở phòng họp, thờ ơ lãnh đạm trước phong trào mới, lừng chừng, sẽ bị điều tra, theo dõi, bắt bớ hành hạ, giam cầm, đôi khi thác oan.
Chính sách khủng bố của Cộng Sản được thi hành dưới bàn tay đồ tể vô vàn cán bộ xu thời, mù quáng và ác độc. Những hành động quá khích, kết quả thì ít, tai hại thì nhiều. Phương châm đại đoàn kết của Việt Minh tự nó đã biến thành một kế hoạch loại trừ và phản đoàn kết đại quy mô. Đối với các đảng phái yêu nước, Việt Minh hoặc công khai thủ tiêu (giải tán Đại Việt, Thanh Niên Ái Quốc v.v…) hoặc dùng biện pháp quân sự (tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Vĩnh Yên, Nghĩa Lộ, Đồng Minh Hội ở Tiên Yên, Phục Quốc ở Lạng Sơn, Cao Đài, Hòa Hảo ở Nam Việt) chỉ đả phá hình thức hoạt động của họ và cố tình kết án không chịu đếm xỉa đến thiện tâm yêu nước tất nhiên của một đảng chính trị. Ngoài việc áp dụng kế hoạch ‘’đại đoàn kết’’ như trên với các đảng phái đối lập, những ban trinh sát, ám sát, Việt Minh mọc lên như nấm, thi hành những chỉ thị bí mật, đẫm máu, gây hoảng hốt trong tâm can người dân lành, chất phác. Đối với Giáo Hội Gia-Tô, lực lượng mạnh mẽ, có tổ chức chặt chẽ, Việt Minh cũng không tha, khẩu hiệu thì ‘’Lương giáo đoàn kết’’, nhưng được thực hiện bằng cấm mở Trường Thần Học của Giáo Hội bằng đổ lỗi cho các Cha Cố đã làm gián điệp cho ngoại bang, ép họ vào tội tàng trữ khí giới bất hợp pháp…Khẩu hiệu ‘’đại đoàn kết’’ của Việt Minh chính là mầm gây chia rẽ giữa đảng phái, giữa tôn giáo, giữa mọi giai tầng trong xã hội nghèo nàn của Việt Nam. Vin vài lý thuyết vô sản, hiểu nghĩa giai cấp công nhân lãnh đạo một cách lệch lạc, các cán bộ Việt Minh đã không nề hà, thủ tiêu mạnh và nhanh những người được gọi ‘’là thống trị tư bản’’ kẻ thù của dân tộc, kẻ thù của các giai cấp cần lao, đa số là trí thức, tinh hoa của đất nước.
Các lãnh tụ Cộng Sản đem áp dụng bao nhiêu thủ đoạn chính trị trong quốc hội, trong chính phủ, nào cải tổ, nào thành lập hội, đoàn mới, tổ chức mới, những hội, đoàn nào, tổ chức nào cũng phải biến thành khí cụ mới, một khi đã thành hình, để Việt Minh lợi dụng.
Mật ngọt chết ruồi!
Thủ đoạn và hành động vô hình hay hữu ý của Việt Minh đã khiến cho những người yêu nước, trong lý tưởng quốc gia không thể nào tin được họ nữa. Mỗi hành động, mỗi lời tuyên bố của Việt Minh đều gặp phản ứng. Sự thể ấy khiến cho ngoài nước, các cường quốc lánh xa, trong nước, dân chúng ngậm đắng, nuốt cay, thở dài mỗi khi nghĩ tới ‘’quốc gia hạnh phúc’’!
THÁI ĐỘ CỦA PHÁP
Lịch sử cho biết, Pháp đã chẳng nề hà, quản ngại đem áp lực quân sự để thôn tình thành trì Việt Nam. Thôn tính xong, chiếm đoạt xong rồi mới nói đến thương thuyết ‘’giảng hòa’’. Phương pháp ấy là cổ truyền của pháp, hay nói cho đúng, của những nước đi chiếm đất đai hồi thế kỷ thứ 19. Sau khi lập được nền đô hộ, lẽ đương nhiên là dân Việt Nam biến thành dân bị trị. Dân bị trị dĩ nhiên bị khinh rẻ, kìm hãm. Song với địa vị bề trên, người Pháp ở thuộc địa nuôi dưỡng tinh thần trịch thượng đối với dân bản xứ, Thái độ trịch thượng, khinh bỉ, coi rẻ dân bị trị đã theo thời gian ăn sâu vào tâm tủy từng người đi thống trị biến sính ra một giống người mới: Thực Dân. Ai đã từng sống với người Pháp sinh trưởng ở Việt Nam cũng phải nhận thấy đa số khác hẳn tính tình người Pháp ở chính quốc. Ở họ thiếu một cái gì của Pháp tinh túy, Pháp văn minh. Người dân Việt Nam chất phác chỉ hiểu nước Pháp thuộc địa, vô hình chung đã đánh giá dân Pháp bằng một thiểu số sống trên đất chữ S.
Do sự kém suy xét, kém sưu tầm, kém nhận định, người ‘’Pháp thuộc địa’’ đã phủ nhận tinh thần dân bản xứ, đã ngộ nhận đức tính của họ, đã đánh giá họ quá thấp. Trái lại, do sự thiển cận của dân ta, đã suy xét thiên lệch và đánh giá người Pháp theo kiểu ‘’cá mè một lứa’’, hai điểm tâm lý trên đã kết cấu và làm khó dễ từ cuộc thương thuyết này đến cuộc thương thuyết khác giữa Pháp và Việt Nam.
Năm 1944, pháp triệu tập một Hội Nghị ở Bazzaville bên Phi Châu để đặt nền móng cho chính sách mới tại đất đai Hải Ngoại, ngõ hầu thích hợp với tình thế sau chiến tranh. Không nhiều thì ít, việc ấy cũng là một tiến bộ trong lịch sử thuộc địa. Một tiến bộ bắt nguồn trong tư tưởng đầy xây dựng, đầy thiện chí của những người Pháp dân chủ (tuy nhiên chưa phải là tuyệt đích). Nhân sau cuộc chính biến tại Đông Dương do Nhật Bản gây nên, chính phủ lâm thời De Gaulle liền cấp tốc cho ra đời Bản Tuyên Ngôn đề cập chính sách của Pháp với các dân tộc trên giải đất chữ S. Người ta nghiên cứu một ý niệm mới: Ý niệm Liên Hiệp Pháp. Pháp dự định tổ chức Đông Dương thành một Liên Bang 5 xứ Bắc, Nam, Trung, Lào, Mên có chính phủ của liên bang, có quốc hội, có đủ mặt đại biểu theo tỷ lệ dân số…nhưng Pháp vẫn không quên đặt một vị toàn quyền Pháp trên chính phủ Liên Bang. Để chuẩn bị cho chính sách ấy, chính phủ Alger đã phong chức Cao Ủy Đông Dương cho Đô Đốc Georges Thierry d’Argenlieu. Đứng trước hoàn cảnh đã chót thất thế ở Đông Dương do Nhật Bản gây nên, Đô Đốc d’ Argenlieu cố gắng giao thiệp với Trung Hoa, một nước đàn anh ở Đông Á sát nách Việt Nam. Tiến thêm bước nữa, Đô Đốc thúc đẩy ký kết Hiệp Ước Pháp-Mên, Pháp-Lào (27.8.46 và 28.8.46) lập thành thế bao vây Việt Nam trước khi nói chuyện lại với dân tộc Việt.
Về mặt quân sự, Tổng Hành Dinh F.E.F.E.O (Forces Expéditionnaires Française d’Extrême Orient) của Tướng Blaizot đóng tại Calcutta (Ấn Độ) thiết lập đầu cầu dụng binh. Tướng Leclerc bay sang Tokin vận động cho đoàn quân của ông ta được tiến vào đất Việt.
Rồi mọi việc liên tiếp xẩy ra:
Nam Việt, từ những vụ đổ máu ngày 2.9.45 cho đến ngày Tướng Leclerc đặt chân lên đất liền, người Pháp đã hân hoan với bao ưu thế quân sự và chính trị tỉnh lớn tỉnh nhỏ chuyển dần từ tay ủy ban nhân dân sang quân đội Pháp, ủy ban Nam Bộ cuốn khăn gói rút khỏi Thủ Đô Nam Việt, rồi đến số phận các Tỉnh Gia Định, Phú Mỹ, Mỹ Tho, Cần Thơ…chỗ nào cũng lần lượt éo mình dưới gót giầy đinh của bộ đội Commando mũ đỏ, với đoàn xe bọc sắt Massu.
Người Pháp áp dụng võ lực không ngừng, nào tiến chiếm Cao Nguyên Mọi, nào nhảy dù xuống Paksane, Pnompenh, Vân Nam, đã sắp đặt tiến quân binh lính và quan cai trị Pháp nhẩy dù…
Tất cả những hoạt động về quân sự của Pháp làm hậu thuẫn cho những cuộc ‘’giảng hòa sắp tới’’.
Chính phủ Pháp, phần thì mắc bận việc của chính quốc, phần thì do những báo cáo thiên lệch, nhận định tình hình Đông Dương không hoàn toàn đúng, vô hình chung đã mặc nhiên công nhận những tư tưởng ngoan cố của một số người Pháp có nhiều quyền lợi trên đất Việt.
Thái độ của chính phủ Pháp đương nhiên làm dân chúng Việt hiểu nhầm lòng thành thật và quảng đại của nước Pháp dân chủ, một cường quốc từng có nền văn hóa sáng lạn, sẵn thiện chí dìu dắt các dân tộc còn hèn yếu, đem ánh sáng văn minh của mình cho thế giới soi chung.
Sẵn mầm mâu thuẫn tâm lý ấy, các lãnh tụ Cộng Sản chỉ việc đào cho sâu, khơi cho rộng để đến nỗi ngày bi đát, ngày đẫm máu buồn thảm của hai dân tộc đã xảy ra khủng khiếp, bao hành động bảo thủ vô ý nghĩa của Pháp, của Việt khiến cả đôi bên phải chịu đựng tang tóc, đau thương.
TIỀM LỰC CỦA CHÍNH NGHĨA QUỐC GIA TRONG CHÍNH PHỦ HỒ CHÍ MINH
Sau ngày Anh Hùng Nguyễn Thái Học bị xả thân trên đoạn đầu đài, những đảng phái chính trị mưu đồ phục quốc đa số thất tán lưu vong. Tuy vậy, các nhà cách mạng vẫn tiếp tục hoạt động ở Hải Ngoại với mục đích, nhất định, đem vinh quang cho xứ sở. Ngoài hoạt động của những người Việt Nam theo quốc tế Cộng Sản, các thanh niên yêu nước can đảm đều tìm cách lén sang Trung Hoa, gia nhập cách mạng dưới lãnh đạo của Tư Thương Mại, Vy Chính Nam, Lệch Trạch Dân…
Từ năm 1931 đến năm 1945 những đảng phái đua nhau thành lập hoạt động. Rút kinh nghiệm vụ Nguyễn Thái Học các lãnh tụ lợi dụng đủ mọi hình thức, tổ chức hợp pháp, bất hợp pháp.
Ngoài nước, Tổng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng công khai thành lập dưới chỉ đạo của Tư Thương Mại, Vy Chính Nam, Vũ Bá Biên ở Quảng Châu, ở Vân Nam do Vũ Hồng Khanh lãnh đạo. Sau bạo tàn, hợp Đảng Việt Nam Quốc Dân chính thức chính quyền Trung Hoa Dân Quốc công nhận và ủng hộ (Tháng Giêng năm 1834) Tại Nam Kinh.
Năm 1941 tại Liễu Châu, các lãnh tụ Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Trần Bảo, Trương Trung Phụng, Nông Kinh Dầu thành lập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội. Nhưng buồn thay, một số lãnh tụ lão thành vì óc địa vị, quân phiện, đã chia rẽ nhau lại thêm không được lòng Tư Lệnh Đệ Tứ Quân Khu Trương Phát Khuê nên hoạt động của Hội kém bề phát triển, gặp lắm khó khăn, khiến các lãnh tụ Cộng Sản lấn bước tung hoành.
Trong nước, những nhóm chính trị ra đời công khai dưới hình thức tôn giáo như Cao Đài (Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc, Tòa Thánh ở Tây Ninh thành lập năm 1926), nhóm Hòa Hảo (Huỳnh Phú Sổ thành lập tại Châu Đốc năm 1939), cùng các Đảng Đại Việt, Phục Quốc…thành lập trong thời Decoux. Mỗi đảng, mỗi nhóm, mỗi xu hướng chính trị riêng biệt.
Có nhiều cơ sở trong dân chúng, biết hướng dẫn tâm lý quần chúng và khéo tuyên truyền, Việt Minh đã đoạt chính quyền quá dễ dàng ngày 19.8.45 để rồi cấp tốc thi hành chính sách riêng ‘’đặc biệt’’ của họ.
Chính sách cực đoan, khủng bố, những phần tử quốc tế đã đem áp dụng mạnh bằng mọi hình thức.
Đại Việt, Quốc Gia Xã Hội bị đổ tội đã ‘’tư thông với ngoại quốc làm hại an ninh xứ sở và kinh tế quốc gia’’, lãnh tụ Cao Đài, Hòa Hảo bị khủng bố, Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Vĩnh Yên, Yên Bái, Lào Kay. Phục Quốc ở Lạng Sơn, Lộc Bình, Đồng Minh Hội ở Móng Cáy, Tiên Yên bị thẳng tay đàn áp.
Ngay giữa Thủ Đô, những trò bắt cóc, ám sát luôn tiếp diễn. Để trừ cái ‘’quốc gia chủ nghĩa’’, Việt Minh kiểm soát, giam cầm, thủ tiêu một số trí thức ái quốc có tư tưởng diệt cộng như Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh, Đốc Phủ Tâm (nguyên Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm) Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà. Cả Tạ Thu Thâu, nhà lãnh đạo đệ tứ Cộng Sản cũng bị các đồng chí đệ tam thanh toán (Họ Tạ đã thác oan tại Quảng Ngãi).
Mỗi đoàn thể trong mặt trận Việt Minh đều có một tổ chức trinh sát: Sưu sách, tình báo, đặc vụ, trinh sát mặt trận, trinh sát quân sự…là những ban chuyên môn dò la hành vi dân chúng. Kẻ nào vô tình hoặc hớ hểnh thốt ra những câu ‘’vô chính trị’’ là tức khắc có tên trong sổ đen và bị chú ý theo dõi.
Trước lưới do thám chặt chẽ, rộng rãi, các đảng quốc gia cũng đối lại bằng bắt cóc, ám sát. Một cuộc vật lộn dao găm, súng ngắn diễn ra kinh khủng. Cả hai địch thủ cũng có nhà tư che mắt dân chúng để thực hiện tra tấn, thủ tiêu đối phương đã bắt cóc được. Những tư thất đó chẳng khác gì loại hắc điếm trong tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Hoa. Dân chúng sống chung trong hỗn loạn, không bảo đảm, chẳng biết thế nào là phải, trái nữa.
Nói chung, chính nghĩa quốc gia đã được tượng trưng bằng hai chính sách, đã có những hoạt động điển hình:
- Chính sách ‘’vườn rau áo cá’’, sống yên bình, tỏ khí tiết ‘’giữa thời lố lăng’’.
Chính sách đấu tranh, mạnh bạo công khai đối lập. Chính sách anh dũng, tích cực đó do các người ái quốc, có năng lực, có óc tổ chức, ưa hoạt động, áp dụng dưới 2 góc cạnh khác nhau.
Chính khách ngoài Bắc có hoàn cảnh, phần vì sẵn có thực lực và cũng nhân thời thế dựa được thế lực quân đội Trung Hoa, áp đảo Việt Minh trong chính phủ, trong quốc hội, trong tuyên truyền, trong quân sự, khiến cho chính phủ phải cải tổ, quốc hội phải mở rộng, tuyên truyền phải đứng đắn, quân đội phải chịu chung kiểm soát. Ưu thế của các lãnh tụ quốc gia bên cạnh quân đội Trung Hoa rõ ràng đã làm cho Việt Minh chùn bước.
Chính khách trong Nam, nhờ hoàn cảnh địa phương dựa Pháp để đối phó với Cộng Sản. Nhận thấy mối giao hảo Việt-Pháp không dễ bị lý do nhất thời sụp đổ ngay, hai dân tộc Việt-Pháp cần phải để tương thân tương hỗ trên đường kiến thiết, các vị này đã mạnh bạo, gạt bỏ dư luận, cương quyết giao thiệp với Pháp để chống trả Việt Minh. Nhưng khó khăn thay, hình thức nhất thời đã chẳng vừa lòng dân chúng: Cái tâm lý dân chúng yêu nước bồng bột, kém suy nghĩ sâu xa, đã bắt buộc các nhà ái quốc Bắc chí Nam phải chật vật, gian truân sống trên dư luận.
Dựa vào Trung Hoa, một lân bang đã từng thống trị Việt Nam trên nghìn năm lịch sử hay dựa vào Pháp, một cường quốc vừa đô hộ nước nhà trên 80 năm, những nhà chính khách quốc gia mới thành công trong sự nghiệp thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Tự Do dưới lá cờ Bảo Đại.

No comments: