Wednesday, January 22, 2014

VIỆT NAM MÁU LỬA



Để tưởng niệm các đồng chí đã bỏ mình vì nước
và thân tặng các chiến sĩ đang tranh đấu
…tranh đấu không ngừng cho sự sống còn của TỔ QUỐC
Nghiêm Kế Tổ

TỰA

Trận đại-chíến thứ hai đã chính-thức kết-liễu từ 1945 do sự đầu-hàng không điều-kiện của các lực-lượng Phát-Xít Đức-Ý-Nhật.
Các dân-tộc đã tưởng rằng, nhân-loại sẽ vui vẻ dắt tay nhau trên đường kiến-thiết, sẽ tu sửa lại những thành-phố nát-tan vì bom đạn, sẽ phát-triển sức sống mới dưới ánh sáng của khoa-học văn-minh.
Các dân-tộc đã tưởng rằng, con người vừa trả qua một đe-doạ ghê-gớm của những hung-thân ác-quỷ, sẽ tự-giác trong tư-tưởng, thanh-toán mọi xấu-xa nhơ-nhớp còn tồn-tại, sẽ tự-giác giải-thoát mình và tự đặt nhiệm-vụ giải-thoát người khác khỏi sự mọi rợ của xích-xiềng áp-bức.
Nhưng buồn thay!….
Trận đại-chiến thứ hai vừa chấm dứt thì trận đại-chiến thứ ba đã lại bắt dầu và tính-chất lưỡng-diện của nó vẫn chẳng ngoài: xâm-lăng – tự-vệ.
Đúng ra, người ta có thể nói trận chiến-tranh thứ ba đã bén rễ từ ngay trong lòng trận đại-chiến thứ hai. Chúng ta thấy rằng cuộc ký-kết 1945 thật chưa xứng đáng với những chữ: Thế-giới đình-chiến. Và nếu muốn, nhân-loại thực ra cũng chẳng cần dùng đến chữ “kết-liễu” hay “đại-chiến thứ ba” vì lẽ thời-gian của chiến-cuộc vẫn là một thời-gian liên-tiếp, con người vẫn tàn-sát con người , có khác chăng chỉ là một vấn-đề thu-hẹp và biến-đổi hình-thái chiến-tranh.
Nhớ lại những cuộc họp mặt Đồng-Minh, những Yalta, những Téhéran….ở đó nhân-loại đã nhìn rõ-ràng thấy những mâu-thuẫn nóng sẽ xẩy đến trong tưong-lai quốc-tế.
Cuộc đình-chiến ký-kết năm 1945 đã thực-hiện song-hành với những hành-động mới: chiến-tranh tiếp diễn dưới hình-thức cục bộ ở Trung-Hoa, ở Cao-Ly, ở Việt-Nam, ở Phi-Luật-Tân, ở Nam-Dương, ở Mã-Lai, ở Trung-Đông, ở Cận-Đông, ở Phi-châu… đấy là chưa kể chiến-tranh trên những giải đất khác dưới hình-thái: chiến-tranh lạnh, chiến-tranh cân-não, chiến-tranh tâm-lý
Trận đại-chiến 39-45 đã để lại trong đầu óc của con người thời-đại những dư-âm ghê-gớm: tiếng bom, tiếng đạn, tiếng rú ghê hồn của Tử-Thần trên không-trung…Những dư-ảnh của quặn đau: phố-phường tan-hoang, đất lành tung nổ trong đó con người xương thịt thoắt biến thành tro tàn bụi khét.
Dư-âm và dư-ảnh ấy đã có sức-mạnh kìm hãm giống người trên đường tương sát, nhất là cảng ngày nhân-loại càng phát-minh thêm những phương tiện mới-mẻ trong khoa-học giết người.
Cũng vì dư-âm và dư-ảnh ấy cho nên chiến-tranh chưa bùng nổ một cách toàn-diện và tổng-lực. Chưa bước sang giai-đoạn kinh-khiếp mà người ta vẫn mệnh-danh là : Đại-chiến thứ ba, trận chiến-tranh Nguyên-tử.
Nhân-lại biết kinh sợ cho nên “đợt kinh-khủng” chưa thể tái diễn ở hoàn-cầu, trái lại người ta cũng đã ra công dẹp bớt những cuộc xung-sát địa-phương, sự cố-gắng ấy thật đã là một ưu-điểm của nhân-loại.
Chúng ta thấy rằng lò lửa Cận-Đông đã được dập tắt dần, rồi Trung-Đông, rồi Nam-Dương, Phi-Luật-Tân, Mã-Lai cũng vậy.
Ở Triều-Tiên và Trung-Hoa, tiếng súng cũng đã ngớt, người ta cố tránh dùng những phương-tiện nóng. Nói chung, ở khắp mọi nơi tuy chưa hẳn được hoà-bình nhưng cũng có thể đã tạm gọi là yên tiếng súng.
Riêng ở Việt-Nam, Việt-Nam chưa có hoà-bình.
Việt-Nam là một lò lửa đã từ 9 năm nay. Ở đấy lửa cháy liên-tiếp trong những năm ròng, thiêu-tàn sức sống của muôn vật; ở đấy những con người nối đuôi nhau dài vô tận: chết âm-thầm, đau-đớn.
Cuộc đổ máu ở Việt-Nam đã trường-kỳ nhất, gay-go nhất, huyền-ảo nhất.
Trường-kỳ, bởi vì bởi vì người Việt-Nam đã chống lại chế-độ của người ngoại-quốc từ nhiều thế-kỷ nay.
Gay-go, bởi vì đã có bao nhiêu anh-hùng liệt-sĩ Việt-Nam phải bỏ mình và đã có ngay bao nhiêu mầm non của đất nước tiếp-tục sự-nghiệp đấu-tranh.
Huyền-ảo, bởi vì ở Việt-Nam, lòng tin-tưởng thường chọi nhau với tù-đày, trí cương-quyết thường chọi nhau với sức tàn sát, những cánh tay gầy thường chọi nhau với những súng ống tối-tân…
Thực ra, không phải người Việt-Nam chỉ mới chiến đấu từ 9 năm gần đây, không phải chỉ mới nổi dậy từ khi mặt trận Việt-Nam Độc-lập Đồng-Minh thành lập. Người Việt-Nam đã chiến-đấu từ trước năm 1930 khi ở Việt-Nam các đảng-phái cách-mạng thành-lập, hơn nữa người Việt-Nam đã chiến-đấu từ lâu rồi, âm-thầm chiến-đấu, nối tiếp chiến-đấu… Và còn chiến-đấu cho đến khi nước nhà độc-lập, nước nhà thống-nhất, nước nhà tự-do trong hoà-bình tiến-bộ, trong nhân-loại thái-bình.
Trước đây, Thế-giới ít biết đến Việt-Nam vì Việt-Nam chỉ là một quốc-gia xinh-xẻo với dân-số tý-hon mười lăm triệu.
Ngày nay, khoa-học giao-thông đã nối liền mảnh đất Việt-Nam với thế-giới, và cũng ngày nay thế-giới mới có dịp hiểu cái xứ xa-xôi nhỏ bé đó thực ra đã chứa đựng những con người không kém những con người của thiên-hạ văn-minh, thế-giới mới có dịp biết cái khối dân-số tý-hon đó đã chứa đựng một sức mạnh trong những sức mạnh vô biên của nhân-loại.
o O o
9 năm qua, trận chiến nóng ở Việt-Nam là một trận chiến cục-bộ đối với hoàn-cầu.
Đã là một trận chiến-tranh cục-bộ tất-nhiên nó liên-hệ đến vận-mệnh chung, ngoài phạm-vi ranh-giới.
9 năm qua, trận chiến Việt-Nam tuy đã mang nhiều tên khác nhau như chiến-tranh thuộc-địa, chiến-tranh Quốc-Cộng, nhưng thực ra, đứng-đắn mà nhận-xét, cuộc chiến-tranh hiện-tại vẫn chỉ là một giai-đoạn trong cuộc chiến-đấu trường-kỳ của dân-tộc Việt-Nam từ một thế-kỷ nay.
Để tất cả những người Việt-Nam có dịp nghiên-cứu mọi sự việc đã xẩy ra trong những năm ghê-gớm nhất của Tổ-quốc, để nhắc-nhở cho tất cả những ai thường hay lãng quên nhiệm-vụ, cố ý thoát-ly đời sống của mình ra khỏi hệ-thống chung của Quốc-gia Dân-tộc, để trình-bầy một cách thiết thực quá-trình chiến-đấu của nhân-dân Việt-Nam trong khoảng thời-gian 9 năm trường, quá trình ấy thường khi bị ngoại-quốc tóm-tắt một cách sai lầm trên một số trang sách báo, chúng tôi cố-gắng soạn quyển VIỆT-NAM MÁU LỬA ra mắt độc-giả.
Cố-gắng đứng ở vị-trí khách-quan, siêu đảng-phái để nhận-định và trình-bầy mọi sự việc đã xẩy ra, phân-tách qua-loa những tư-tưởng chủ-quan của những vai trò phái-đảng hay ngoại-quốc đã biểu-diễn phô-bày trên đất nước , chúng tôi còn có một hoài-vọng đặc-biệt là sưu-tầm để tự nghiên-cứu và để mọi người cùng có dịp nghiên-cứu bằng cách tổng-thu kết-hợp những tài-liệu mỏng-manh trong một trang duy nhất: trang VIỆT-NAM MÁU LỬA.
VIỆT-NAM MÁU LỬA không phải là một cuốn sử vì VIỆT-NAM MÁU LỬA còn khiếm sót nhiều trong những phạm-vi: cách-mạng sử-liệu, vấn đề thời-gian, nhân-vật, sự sống và sự hoạt-động của nhân-dân, sinh-hoạt kinh-tế, chính-trị v.v…
VIỆT-NAM MÁU LỬA cũng không phải là một cuốn phiếm-luận vẩn-vơ vô căn-cứ vì VIỆT-NAM MÁU LỬA đã chứa đựng một số tháng ngày đứng-đắn, một số nhân-vật đang chiến đấu cho giải đất thân yêu của chúng ta, một số tài-liệu tuy ít ỏi nhưng vô cùng xác thực.
Về phương-diện tài-liệu, chúng tôi có thể nói rằng đó là những tài-liệu sống và quý-giá mà chúng tôi đã may mắn sưu-tầm được để đem ra cống-hiến.
Có thể rằng, một số người có thiên-kiến sẽ lên án tác-giả là đã trình bầy xuyên-tạc nhưng, dù sao, sự thực vẫn là sự thực, và ở đây tác-giả chỉ biết trình-bầy những điều mắt thấy tai nghe để rồi mỗi độc-giả sẽ tự nhận-định và suy-xét theo lập-trường, quan-niệm của riêng mình.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng tự thấy chưa được hài lòng về số lượng của tài-liệu, đó là lời xin lỗi thứ nhất của tác-giả.
Lời xin lỗi thứ hai là sự hành-văn, lời văn không được gọt sửa kỹ-lưỡng có thể không làm vừa lòng độc-giả. Khuyết-điểm ấy do thời-gian viết đã quá cấp-bách và ngắn-ngủi.
Lời xin lỗi thứ ba là sự sắp xếp những sự-kiện nhắc đi nhắc lại một vài vấn-đề. Sự thực đó là một dụng-ý của chúng tôi dù rằng những sự-kiện khác nhau cũng thường khi đòi hỏi phải kể đi – kể lại một nguồn phát sinh ra mọi việc.
Ước mong rằng VIỆT-NAM MÁU LỬA sẽ đem đến cho các bạn độc-giả một chút gì mới lạ trong quan-niệm về cuộc chiến-tranh đang diễn biến trên giải đất yêu dấu của chúng ta.
NGHIÊM-KẾ-TỔ
(Mạnh hạ năm Giáp Ngọ 1954)

No comments: