Thursday, November 5, 2015

NGUYỄN HUY HÙNG * HỒI ỨC TÙ CẢI TẠO VIỆT NAM II

Bia sách Hồi Ức Tù Cải Tạo Việt Nam
Giới Thiệu Tác Giả
NGUYỄN-HUY HÙNG
Cựu Ðại Tá Quân lực Việt Nam Cộng hoà




 Chương 10
LAO ÐỘNG LÀ VINH QUANG !


Sau khi ở tạm tại K Lò Gạch (Phân trại Lò Gạch) được 2 đêm 1 ngày, thì có lệnh thu gọn hành trang di chuyển tới Khu Nhà Ngói (K1), vào một buổi trưa trời quang nắng ấm. K1 tức là Phân trại 1, ở tận phía rià bên kia của thung lũng xã Việt Cường.

Gọi là Khu Nhà Ngói vì, đây là dẫy nhà tường gạch có mái lợp bằng ngói đỏ duy nhất, nổi bật trong thung lũng. Nó lớn hơn cả khu nhà kho của Hợp tác xã, tường gạch, nhưng mái chỉ được lợp bằng tôn. Còn tất cả các nhà của dân chúng nằm bên ven rừng sát rià thung lũng, mái đều lợp bằng rạ (đoạn thân cây lúa già còn lại, sau khi đã gặt các bông lúa chín). Nhà của Cán bộ canh Tù, cũng chỉ có vách kết bằng “chổm” chẻ nhỏ, chát đất chộn rơm, rồi dùng bay gỗ xoa cát lên cho phẳng mặt coi như tường, mái lợp bằng các vỉ tranh “chổm”, hoặc bằng tôn mỏng gợn sóng.

Lúc lên đường rời K Lò Gạch sang K1, đồ đạc của Tù được chất lên 2 chiếc xe Molotova chở đi trước. Người xếp hàng đôi, nối đuôi nhau cuốc bộ theo sau, dưới sự áp tải của Cảnh vệ. Từ rià Tây thung lũng nơi có K Lò Gạch gần Ban Chỉ huy Liên trại 1, sang rià Ðông thung lũng nơi có K1 (khu nhà ngói), chỉ có một con đường đất trộn đá duy nhất thẳng tắp, dài chừng 3 cây số băng ngang khu đồng ruộng của Hợp tác xã.

Ði đến khoảng giữa đoạn đường, nhìn về hướng Nam thấy một đồi trồng trà. Bên sườn đồi có 1 dẫy nhà chổm nhỏ trông rất nên thơ, cách phiá sau cơ sở Ban Chỉ huy Liên trại 1 khoảng độ năm trăm mét. Sau này mới biết là nơi giam các sĩ quan cấp Tướng QLVNCH. Chừng hơn 20 ông thì phải, Tôi không biết rõ con số.

Vừa đến khu vực K1, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, khi thấy số anh em Ðại tá ở lại trại Suối Máu ngày chúng tôi ra đi, cũng đang có mặt tại đây. Không biết anh em được đưa đến đây từ lúc nào. Thật là mừng vô kể. Hơn 300 Ðại tá bị đưa ra miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, được tập trung học lao động cải tạo bên nhau, trong cùng 1 trại thì đỡ lo. Ở chung với các bạn sĩ quan cấp nhỏ trẻ khỏe hơn, chắc chắn không thể “thi đua lao động đạt thành tích cao” như họ, sẽ khó lòng được coi là “tiến bộ” mà hy vọng được tha về với vợ con.

Tuy chúng tôi chỉ là bạn Tù đồng cảnh với nhau, không phải là quyến thuộc, thế mà mới xa nhau có 2 ngày 2 đêm, nay được gặp lại tay bắt mặt mừng quấn quýt, tưởng như đã xa nhau hàng năm vậy. Thật là một cảm giác lạ lùng.

Qua câu chuyện trao đổi tin tức, được biết là các Ðại tá Bác sĩ Quân Y và một vài Ðại tá Bộ binh khác, được ở lại trong Nam, không ai biết nguyên do vì sao. Có tin cho rằng, các Bác sĩ vì nhu cầu chuyên viên nên được ở lại, nghe cũng hữu lý. Nhưng còn mấy Ðại tá Bộ binh đâu phải vì nhu cầu chuyên môn? Có người cho rằng vì mấy bạn đó có thân nhân theo Cách mạng lâu năm, nay có căn cội lớn nên xin cho được ở lại.

Toàn là ý kiến đoán mò. Thật ra chẳng ai biết được chính sách đối xử thật sự của Cộng sản, đối với người dân tại miền Nam ra sao. Nói chi là quân nhân Quân lực và nhân viên Hành chánh Việt Nam Cộng hòa, đã bị chúng đặt cho cái tên “Ngụy quân, Ngụy quyền”.

Chẳng hạn như hồi gần cuối năm 1975, Ðài phát thanh chính thức của Nhà Nước, ra rả cải chính tin đồn việc đổi tiền miền Nam ra tiền Cụ Hồ là thất thiệt. Thế rồi đùng một cái, vào một buổi sáng tinh mơ, cũng lại chính cái Ðài phát thanh đó, loan báo lệnh Nhà Nước buộc nhân dân không được di chuyển ra khỏi địa phương mình cư ngụ, để thực hiện việc đổi tiền theo hộ khẩu. Thời hạn đổi phải hoàn tất trong ngày. Mỗi người chỉ được phép đổi một số lượng theo quy định. Số tiền ai có nhiều hơn mức quy định, phải nộp cho Nhà Nước lưu giữ cứu xét giải quyết sau. Của đã vào tay Nhà Nước thì còn khuya mới lấy lại được. Ngoài ra còn bị gọi tới gọi lui, tra vấn khai báo về nguồn gốc tiền từ đâu mà có nhiều thế, lại là cái họa chẳng biết đâu mà gỡ. Thật là một chính sách bần cùng hoá nhân dân, san bằng giai cấp một cách tàn bạo vô nhân đạo. Chỉ có chế độ Cộng sản man rợ dã tâm mới lì lợm thực hiện công khai như vậy.

Chính sách khoan hồng nhân đạo của Cách mạng quy định, “Ngụy quân Ngụy quyền” đáng tội chết, nhưng Cách mạng tha không giết, và tạo cơ hội cho đi “học tập lao động để cải tạo tư tưởng”. Biết được giá trị “lao động là vinh quang”, phải “tay làm hàm nhai, không ăn bám vào Xã hội” như từ trước tới nay. Biết “yêu lao động là yêu Xã hội chủ nghĩa”, “yêu xã hội chủ nghĩa là yêu nước”… Do đó phải cố gắng lao động cho tốt, ngày ngày “thi đua nâng cao năng xuất cho mau tiến bộ”, có “tiến bộ nhanh, đạt tiêu chuẩn” mới được xét cho về hội nhập vào “xã hội mới Xã hội Chủ nghĩa”.

K1 nằm ngay bên đường huyết mạch của thung lũng, trên mỏm đồi lài lài xuống một khe suối nhỏ. Từ cổng vào phải qua khoảng sân trống chừng 100 mét, rồi tới 3 dẫy nhà “chổm” và một nhà bếp cũng bằng “chổm”. Băng qua các dẫy nhà “chổm” là một dẫy nhà ngói mới xây xong, theo kiến trúc khám giam Tù rất kiên cố, dài khoảng 3 chục mét, rộng 4 mét, tường chung quanh cao 3 mét xây bằng gạch thẻ.

Phiá trước dẫy nhà ngói có 1 hàng hiên rộng 2 mét, có mái che bằng phên “chổm” đập dẹp. Dẫy nhà chỉ có một cửa ra vào duy nhất bằng sắt, ở khoảng chính giữa hàng tường mặt trước. Hai bên cửa chính, có một dẫy cửa sổ cỡ gần 1 mét vuông bịt song sắt, cao hơn mặt đất chừng 1 mét. Tường phía sau, có một dẫy lỗ thông hơi cao 20 phân, dài 40 phân, cũng bịt các song sắt dọc cách nhau 10 phân, nơi gần sát mái nhà.

Bên trong, phiá cuối nhà, có 1 phòng nhỏ tường xây kín lên tới mái, có cửa sắt khóa, không biết để làm gì. Khoảng rộng còn lại, có một dẫy bệ nằm dài suốt bề dọc căn nhà, xây bằng gạch láng xi măng sát vào tường phiá sau, cao 1 mét, rộng 2 mét. Phiá trước dẫy bệ nằm là lối đi rộng 1 mét rưỡi, suốt từ đầu này đến đầu kia của căn nhà. Xi măng láng trong nhà chưa khô hẳn, còn xông mùi hôi nồng nặc, làm cho bầu không khí ngột ngạt hăng hắc khó chịu.

Những anh em được đưa từ trại Suối Máu ra sau chúng tôi, nhưng đến K1 trước chúng tôi, được chia nằm trong các dẫy nhà “chổm” phiá trước sân dẫy nhà ngói, và gần bếp bên cạnh suối. Thoáng khí và tương đối rộng, mỗi người được một chỗ nằm bằng chiếc chiếu cá nhân, khoảng 70 phân.

Chúng tôi ra Bắc trước, nhưng chuyển đến K1 sau, nên bị giam trong dẫy nhà ngói đang còn trống. Khoảng 100 người trong nhóm chúng tôi, được chỉ định nằm trong dẫy nhà ngói. Chen nhau chặt ních, mỗi người được chia 1 khoảng nằm rộng 2 gang tay. Tôi phải nằm trong nhà này. Số còn lại khoảng 50 người, được nằm dọc dưới mái hiên bên ngoài nhà. Nằm ngoài hiên tuy thoáng khí, nhưng đêm sương gió lạnh cóng. Còn nằm trong nhà thì ngộp thở, thiếu dưỡng khí, nóng nực mồ hôi đầm đià như tắm hơi.

Ngay đêm mới được chuyển đến K1, sau khi ăn bữa chiều vừa xong, có lệnh tập họp nơi mảnh sân chật hẹp ngay trước dẫy nhà ngói. Hơn 300 người ngồi chồm hổm dưới đất, sát bên nhau chặt cứng, ngửa mặt nhìn lên chiếc ghế và bàn nhỏ để trên mặt chiếc rờ-mọc, nghe Cán bộ Trưởng K1 đến “làm việc”. Ðại khái ông ta nói :

“-Vì khẩn trương quá, nên chưa có đủ chỗ nằm thoải mái cho mọi người, anh em cố gắng khắc phục, kể từ mai chúng ta sẽ tự túc xây dựng thêm nhà để ở cho được thong thả. Mọi người hãy cố gắng học tập cho nó tốt. Có điều gì thắc mắc thì cứ thành khẩn báo cáo, cán bộ quản giáo sẽ chỉ dậy cho.”

Ông ta còn nói nhiều nữa, lâu cả tiếng đồng hồ. Tôi không quan tâm cho lắm, nên chẳng biết ông ấy đã nói những gì. Nhưng các Ðội trưởng chắc chắn phải lắng nghe, để “nắm vững” mà nhắc nhở anh em. Nhiều người ngủ gục. Tôi cũng mệt mỏi ngáp ngắn ngáp dài sái cả quai hàm, trông cho mau xong để đi ngủ cho khoẻ, sau một ngày bận bịu vất vả.

Thời tiết đang vào Ðông, ngoài trời luôn ngăm ngăm lạnh, thế mà nằm trong nhà giam nóng như nung. Ði ngủ, ai cũng chỉ mặc quần ngắn áo thun, mồ hôi vẫn vã ra như tắm hơi. Chặt cứng như nêm, không đủ chỗ để nằm ngửa phải nằm nghiêng kiểu úp thià. Mỗi lần muốn trở mình cho khỏi mỏi, phải ngồi dậy xoay người rồi mới nằm xuống lại, để khỏi làm phiền 2 bạn nằm kế 2 bên.

Không ngủ được, thường sinh ra cái chứng mót tiểu hoài. Trong nhà nóng, bên ngoài lạnh cóng, mỗi lần đi ra phải mặc quần áo, chụp mũ lên đầu cho ấm. Khi trở vào, lại phải cởi ra, thật phiền phức trần ai hết mức.

Ði tiểu còn đỡ, địa điểm đặt các thùng đựng nước tiểu ở ngay bên chuồng gà, giữa Nhà ngói và Nhà bếp, khoảng cách gần chỉ độ vài chục mét. Còn muốn đi đại tiện, phải băng qua sân dài cả trăm mét, ra tới gần cổng trại, mới rẽ trái theo con đường mòn nhỏ xuống bên bờ suối, cả mấy chục mét mới tới Nhà vệ sinh. Sương đêm dầy đặc mù mịt trơn trượt, không đèn không đuốc, mò mẫm đi lại rất khó khăn nguy hiểm. Ngoài ra còn sợ nạn bị cọp rình vồ thịt, hoặc đạp lên mình trăn rắn đang trườn ngang lối đi, sẽ bị chúng mổ cuộn thì toi mạng. Thật là trần ai bể khổ.

Trong căn lều che hố vệ sinh, tối đen như mực, và chỉ có 2 chỗ cho 2 người. Muỗi rừng bay dầy đặc như ong vỡ tổ, đuổi không kịp, đốt nhức buốt xưng u ngứa ngáy khó chịu. Nhiều bạn xấu tính, ích kỷ, ngại đạp phải dơ, ngồi phóng đại bên đường, làm những người đi sau không thấy dẫm lên bê bết. Chùi quẹt giầy lên cỏ bên đường không sạch hết, khi trở vào phòng giam mùi sông nồng nặc, tưởng như có ai đau bụng đi không kịp, phóng ra quần tại chỗ nằm.

Suốt đêm nằm trăn trở không ngủ được. Mệt mỏi quá rồi cũng lả thiếp đi lúc nào chẳng biết. Ðang lơ mơ, bỗng một hồi Cồng bom oang oang đổ dồn, chói tai nhức óc. Giật mình thức giấc ngồi dậy, nghe lẫn trong tiếng cồng, tiếng hú thảm thiết của con chó bên khu Cán bộ vọng sang. Mọi người uể oải sửa soạn đón nhận thêm một ngày mới, với những biến cố mới chưa đoán biết được, sẽ đến trong cuộc sống tù biệt xứ đang gánh chịu.

Cán bộ Trực trại ra lệnh qua loa phóng thanh, giục mọi người “khẩn trương” ra sân tập thể dục. Sau 15 phút, bài học thể dục tập thể xong, lại phải “khẩn trương” đi lo phần vệ sinh cá nhân. Trong khi đó, bạn Trực phòng của Ðội đi xuống Nhà bếp, lãnh phần khoai lang luộc điểm tâm về chia cho anh em. Mỗi phần chỉ có 1 củ khoai bằng nắm tay, hoặc 2 củ bằng 2 quả trứng gà. Ăn chưa xong, cồng tập họp đi lao động đã vang dội cả thung lũng.

Mọi người vội vã kéo nhau ra sân tập họp. Từng Ðội xếp 2 hàng dọc, ngồi chôm hổm sát bên nhau đầy sân, quay mặt ra cổng chờ lệnh Cán bộ Trực Trại. Nửa giờ sau, Cán bộ Giáo dục và các Quản giáo xuất hiện nơi cổng. Bắt đầu đọc lệnh “biên chế” lại các Ðội. Sau khi Quản giáo nhận Ðội, ông ta dẫn riêng ra một góc sân, chỉ định Ðội trưởng, các Tổ trưởng, Thư ký đội, anh phụ trách nấu nước cho Ðội ngoài hiện trường lao động, anh Trực nhà, và phân chia anh em còn lại vào các Tổ.

Xong suôi, mọi người về thu xếp tư trang dọn đến nơi ở mới quy định cho Ðội. Tôi được chia vào Ðội Nông Nghiệp, do anh Lê Minh Luân (Ðại tá Không quân) làm Ðội trưởng. Láng ở của chúng tôi là dẫy nhà “chổm” gần bên láng ở của Ðội Anh Nuôi (hoả đầu vụ). Dẫy nhà tuy cũ kỹ, vách “chổm” khô cong kẽ hở lớn, thu hút gió Ðông lạnh dễ dàng, nhưng khoảng nằm rộng rãi hơn, thoáng khí không ngột ngạt như trong nhà ngói. Mỗi người được khoảng nằm rộng 60 phân, chiếu cá nhân phải để chồng mí lên nhau.

Buổi lao động chiều, cả K được lệnh dồn nỗ lực chia nhau phát quang dọn sạch sẽ các bụi cây cỏ dại chung quanh trại, để nới rộng sân tập họp, sửa soạn chỗ cất thêm nhà mới, làm hàng rào quanh trại, tu sửa bờ suối cạnh bếp và nơi tắm giặt công cộng...

Sau cuộc “biên chế” mới, nhóm bạn ăn chung cũng như nằm gần bên Tôi, suốt từ Long Giao ra đến đây, gồm anh Võ Quế và 2 anh Pháo binh (không nhớ tên), bị tách biệt ra mỗi người mỗi Ðội khác, hơi buồn.

Ngày hôm sau, các Ðội mới chính thức xuất trại đi lao động bên ngoài trại.




Khởi đầu “lao động vinh quang”,

Cồng bom (1) giục giã, xếp hàng giữa sân.

Từng đội theo lệnh “xuất quân”,

Vào rừng chặt chổm, vác dần về K (ca).

Ðóng rào, dựng cổng, cất nhà,

Ðể mà có chốn đi ra đi vào.

Ðắp nền Láng ở cho cao,

Kẻo mùa mưa lũ, nước trào vô trong.

Sàn nằm hai dẫy thong dong,

Ðầu quay sát vách, khỏi trông thấy ngoài.

Nhà ba gian, phải phân đôi,

Nhốt chung hai đội, trăm người vào ra.

Cấm không túm bẩy tụm ba,

Chuyện trò bàn thảo việc nhà, việc chung.

Ngày lo lao động tính công,

Tối ngồi “kiểm thảo” để cùng “sửa sai”.

“Hoạch định phương án” tương lai,

“Thi đua” “phấn đấu” mỗi ngày tiến lên.

Ốm đau “khắc phục” cho quen,

Ðội không được phép nghỉ trên một người.

“Khẩu phần” nhờ “đội anh nuôi”,

Lo cho cả trại kịp thời, đúng cân.

Dù ai lao động xa gần,

Ði về sớm muộn, có phần dành riêng.

Giống như Hợp tác xã viên,

Anh hùng lao động tại miền Bắc ta.

Thảm thương Ðại tá Cộng hoà,

Ðoạ đầy thể ấy, thành ma mấy hồí !

K1, LT1, Việt Cường, Yên Bái, tháng 7-1976.

(1) Theo lời giải thích của Quản giáo Ðội chúng tôi, chiếc cồng mà K1 đang dùng, là vỏ một quả bom do máy bay Mỹ thả xuống không nổ. Người ta gỡ thuốc và ngòi nổ bỏ đi, rồi treo lên dùng làm cồng báo giờ cho cả thung lũng cùng nghe được. Chiếc cồng được xử dụng đánh báo giờ giấc cho K1, mỗi ngày 8 lần : - báo dậy buổi sáng, -tập họp đi lao động buổi sáng, -giờ nghỉ giải lao giữa buổi sáng, -mãn giờ lao động sáng, -tập họp đi lao động buổi chiều, -giờ nghỉ giải lao giữa buổi lao động chiều, -mãn giờ lao động chiều, -báo điểm danh tối trước khi vào phòng giam. Ngoài ra còn dùng để đánh liên hồi 3 tiếng một, mỗi khi cần báo động.

Chiếc cồng phát ra một loại âm thanh kim khí lanh lảnh trong, với tần số rung rất cao, làm inh tai nhức óc người ta dễ sợ. Ðến nỗi con chó đặt tên là Pho của Quản giáo Ðội chúng tôi nuôi, bị tiếng cồng làm đau đớn nhức óc khiếp đảm, phải chu lên nghe rất thảm thiết ghê lạnh cả người. Tiếng kêu y như tiếng hú của chó sói trong rừng già hoang vu, diễn tả trong các phim chuyện của Âu Mỹ.

Không ai hỏi, nhưng ông ta tự động giải thích vì thù Ðế quốc Mỹ xâm lăng, bỏ bom miền Bắc Xã hội Chủ nghiã, nên lấy tên của Tổng thống Ford đặt cho con chó, để hàng ngày gọi cho ăn, và lúc nào không bằng lòng thì cột lại đánh cho bõ ghét.

Thật tội nghiệp cho những bộ óc thiển cận, ít học, lạc hậu. Ông ta đâu có biết tâm tình của người Âu Châu hoàn toàn khác hẳn. Chỉ nhân vật thân quen nào được qúy mến nhất, họ mới lấy tên của người ấy đặt cho con vật họ thương qúy trìu mến nhất như con. Tại Hoa Kỳ, còn có Luật bảo vệ gia súc như chó, mèo… Ai hành hạ súc vật bị tố cáo, sẽ bị làm biên bản đưa ra Tòa án phán xét xử phạt nghiêm khắc. Ðâu như tại Việt Nam, chó được nuôi bằng cơm thừa canh cặn, để dọn sạch sẽ những thứ do con người thải ra, để coi giữ nhà, và đặc biệt để làm thịt ăn. “Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó. Chết xuống âm phủ biết có hay không?”


















Chương 11


XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ TÌNH NGƯỜI



Nhân số Tù chia vào mỗi Ðội, gồm khoảng trung bình từ 40 đến 50 người, tùy theo loại công tác. Các Ðội được đánh số cho dễ gọi, và quy định đảm nhận những công tác chuyên biệt khác nhau : Lâm sản, Mộc, Ðan lát, Xây dựng, Rau xanh, Nông nghiệp, Anh nuôi.
Ðội Lâm Sản, được coi là Ðội của những “Tù tự giác” (không cần người theo sát canh giữ), đi vào rừng một mình đốn cây, chặt “chổm”, chặt giang, lấy măng. “Chổm” và giang, phải chặt dài tối thiểu là 4 mét, bó thành từng bó 20 cây, rồi kết chung với các thân cây thành bè, thả trôi theo dòng nước về tới đập nhỏ ở bià rừng, cách trại chừng 5 cây số.
Cây đốn xuống, lớn thì giao cho Ðội Mộc cưa xẻ thành ván ngay tại trong rừng, chuyển về sau. Các cây nhỏ thì cắt lấy thân đem về làm cột, kèo, dui nhà, còn cành lớn làm củi đun cho các bếp của trại giam Tù và bếp riêng bên khu Cán bộ.
“Chổm” được dùng làm rất nhiều việc. Hoặc để nguyên cây dài 4 mét, mổ dọc thân banh bẹt ra, đập dẹp, rồi ghép lại đan những tấm phên thật lớn, để dựng quanh nhà làm vách, và làm sàn nằm trong các Láng. Hoặc cắt thành các đoạn ngắn cỡ 1 mét, bổ dọc đập dẹp kết thành những mảng tranh dài 2 mét lợp mái nhà. Hoặc để nguyên cây, chôn sâu xuống đất, kết sát bên nhau làm hàng rào quây chung quanh trại. Hoặc làm cáng (“ki”) khiêng đất, tranh, gạch, và các vật liệu linh tinh khác.
Giang là loại tre thân nhỏ, đốt dài, gần như đặc ruột, sợi mộc dẻo dai, được cắt thành từng khúc ngắn hay dài, tùy theo công dụng. Có thể chẻ nhỏ chuốt nhẵn thành các loại nan để đan thúng, nia, rổ, rá, xọt, bồ. Hoặc tước mỏng để làm lạt (dây) cột, bện thừng, trão…
Măng được coi là một loại thực phẩm có “giá trị kinh tế cao”, có thể dùng “biến chế” được ít nhất là bốn món ăn khác nhau. Hoặc xấy khô để dành dùng trong những dịp Lễ Tết, khẩu phần được gia tăng, nấu với xương làm món măng ninh. Hoặc muối chua để dành nấu canh dần. Hoặc để tươi xào hay kho mặn dùng thay rau, trong mùa mưa măng đâm trồi đầy rừng.
Măng để tươi ăn ngay rất đắng. Nhưng “bước đầu” trại mới thành lập, trại viên chưa sản xuất được loại rau nào để ăn, nên măng được coi là món chính duy nhất, trong 2 bữa ăn hàng ngày. Hơn nữa, mỗi bữa ăn mỗi người chỉ được chia có vài bốn mẩu bằng ngón chân cái, nên vẫn thấy ngon và thèm. Theo phân tích khoa học ai cũng biết, măng chẳng có giá trị dinh dưỡng nào cho cơ thể con người, ngoài việc cung cấp chất sơ, giúp cho việc đẩy phân trong ruột dễ dàng không táo bón.
Trách nhiệm của Ðội Nông Nghiệp là, quanh năm suốt tháng, nắng cũng như mưa, tùy theo vụ từng mùa, hoặc đi phá rừng cuốc đất trồng sắn (khoai mì), khoai lang, ngô (bắp), luá. Hoặc thực hiện những tạp vụ khác tùy nhu cầu kiếm tiền, để trại nộp cho Nhà Nước hàng năm theo quy định. Chẳng hạn, Hợp Tác Xã nào đó trong địa phương cần một số nhân công, để phụ “tịnh kho” (dọn dẹp quét tước sạch sẽ nhà kho), hay gặt luá, đập luá, phơi thóc, lẩy hột bắp…, Trại giam sẽ tùy theo nhu cầu, chỉ định một hoặc nhiều Ðội Nông Nghiệp đi làm thuê tính công để lấy tiền. Nhưng cơ quan chủ thuê không bao giờ trả bằng tiền, mà bằng nông phẩm (lúa, khoai, ngô…) trị giá tương đương.
Tôi được “biên chế” vào một trong các Ðội Nông Nghiệp của K1. Nhưng Ðội chúng tôi chẳng bao giờ được giao đất để canh tác. Thường xuyên được tăng phái đi làm thuê cho các Ðội chuyên nghiệp khác, như đào đất đắp nền nhà, đi vác “chổm”, giang, cây và củi từ đập nước bên bià rừng về trại, đi lấy cát, hoặc làm thuê cho Hợp Tác Xã địa phương lấy tiền công nộp cho Trại.
Trong những buổi đi vác “chổm” hoặc giang, Quản giáo buộc mỗi người phải vác 1 bó 20 cây, nặng chừng 200 đến 300 kílô. Các bó “chổm” dài lượt thượt, vác trên vai di chuyển trên đường đất nhỏ vòng vèo, lên dốc xuống dốc quanh theo triền núi, thật vất vả. Chỉ dăm ba anh khoẻ làm được. Còn phần lớn chịu thua không vác nổi, ngã tới ngã lui, không xê dịch nổi bước nào, đành liều ngồi ì ra chịu trận xỉ vả của Quản giáo.
Cuối cùng, Quản giáo cũng phải nhân nhượng, bằng lòng cho 2 người khiêng chung một bó. Mỗi người ở một đầu, khiêng bó “chổm” trên vai, theo nhau kẻ trước người sau, bước chân lẹ như chạy cho đỡ nặng. Anh nào khoẻ hơn thì hy sinh khiêng phần gốc, nhường cho anh bạn làm chung yếu hơn khiêng phần ngọn. Ai khiêng phần ngọn đi trước, người khiêng phần gốc đi phiá sau.
Ðể chia đều sức nặng của bó “chổm” cho 2 người, phải rút một cây “chổm” ở phiá gốc thòi ra khỏi bó chừng 1 mét như chiếc đòn, cho người đi sau để trên vai khiêng. Cứ đi được chừng 300 mét lại phải ngừng, quăng bó “chổm” xuống đất ngồi nghỉ. Ðau vai, mỏi cột xương sống lưng, mệt đừ thở hổn hển muốn đứt hơi.
Nếu một mình vác nổi 1 bó, mỗi buổi lao động chỉ phải đi về có 1 lần. Còn 2 người khiêng chung, phải đi 2 lần để “bảo đảm đủ chỉ tiêu” quy định, mỗi buổi lao động mỗi người phải đem về trại 1 bó. Ngày làm 2 buổi, những người khiêng chung phải đi về tới 4 lần trong 1 ngày. Ai xong sớm được về trại nghỉ ngơi thoải mái. Còn những người yếu chậm chạp, bao giờ “hoàn tất đủ chỉ tiêu” mới được nghỉ. Có người phải làm suốt luôn 2 buổi, không nghỉ trưa, mới đủ thì giờ để “đạt chỉ tiêu” do Quản giáo quy định. Nhưng cũng có người mạnh, vác nộp luôn 2 bó trong giờ lao động buổi sáng, để nghỉ cả buổi chiều.
Gần đập nước có một xóm nhỏ, khoảng mươi lăm căn nhà dân địa phương cư ngụ. Mỗi nhà cách nhau bằng những hàng rào cây gai, và mảnh vườn nho nhỏ. Xóm nhà ở dọc dài ngay hai bên đường đi lên đập. Không thấy bóng trai tráng nam nữ nào cả. Chỉ có mấy ông bà già, và dăm bẩy đứa trẻ nít cả trai lẫn gái ở chuồng lồng lộng, lem luốc, chơi đùa giữa sân, giành nhau mấy mẩu sắn hay khoai gì đó, la hét chửi nhau ỏm tỏi.
Khi anh em Tù đi ngang, một bà già tiến ra sát bờ rào, xua chó sủa đuổi người lạ, và lớn tiếng chửi : “-Tiên sư cha chúng bay, loài qủy uống máu, ăn gan người. Sao chúng bay không chết bầm chết dập đi, mà còn vác mặt đến đây ăn hại cơm của nhân dân?”
Mọi người ngỡ ngàng, không biết Nhà nước Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tuyên truyền huớng dẫn quần chúng miền Bắc như thế nào về Quân lực Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam, mà lòng hận thù của dân chúng đối với anh em Tù ghê gớm đến như vậy. Thật khó hiểu, nó ngược hẳn với những gì mà Cán bộ đại diện Ðảng và Nhà Nước Cộng sản Việt Nam đã nói với anh em, qua các bài học tập cải tạo tư tưởng tại miền Nam trước khi ra Bắc.
Không riêng gì dân chúng, ngay cả Cán bộ Bộ đội miền Bắc, chưa bao giờ có dịp thấy thực trạng của miền Nam Việt Nam, cũng có những suy nghĩ sai lầm tai hại như vậy. Các Cụ ta ngày xưa đã từng khuyên :“ Phượng hoàng đậu chốn cheo leo, sa cơ thất thế phải theo đàn gà”, anh em đành nhẫn nhục chịu đựng chớ biết làm sao bây giờ. Không được phép giao tiếp với dân chúng, làm sao giải thích cho họ hiểu được. Thật khổ tâm vô cùng.
Ngoài công tác đi vác “chổm”, mỗi ngày Ðội chúng tôi còn phải cử một toán 5 người, đem xe “cải tiến” đi xuống tận vùng bờ sông Âu Lâu để chở cát về cho đội xây dựng, xây Nhà Vệ Sinh công cộng cho cả trại xử dụng. Ðường đi xa gần hai chục cây số, dọc ven sườn núi vòng vèo, khe dốc thẳng đứng sâu thăm thẳm hàng trăm mét.
Tôi được “Tự quản đội” tức là Ðội trưởng, đề nghị Quản giáo chỉ định vào toán đi lấy cát, bằng “Xe cải tiến”. Ðây là loại xe khung gỗ, thân dài 1 mét, ngang 90 phân, cao 50 phân, để trên 2 bánh xe niềng sắt với vòng lốp cao su tròn đặc. Xe có 2 càng dài khoảng hơn 1 mét ở phiá trước, để người kéo thay vì dùng súc vật. Ðể dễ hiểu hơn, “xe cải tiến” là một loại xe bò nhỏ để chở vật liệu do người kéo.
Mỗi chuyến đi phải lấy một mét khối cát. Vì thế phải dùng những tấm ván dầy và cót quây chung quanh thành xe cho cao lên, mới chứa đủ dung lượng một mét khối cát.
Toán “chuyển vận xe cải tiến” gồm 5 người, phân chia như sau : -1 người cầm càng xe để lái hướng đi cho xe, -2 người đi trước xe chừng 5 mét để cầm dây kéo, -2 người đi sau đẩy phụ cho xe tiến tới. Lần đi nào, Tôi cũng bị anh em trong toán giao cho cằm càng lái xe.
Việc đi lấy cát thật vất vả, nhưng cũng có nhiều kỷ niệm vui vui khó quên.
Mỗi chuyến đi lấy cát, ngoài cán bộ Quản giáo còn có 2 bộ đội cảnh vệ mang súng dài đi theo canh chừng 5 người Tù. Trưởng Phân trại K1 giải thích rằng : “-Cần có bộ đội cảnh vệ đi theo để bảo đảm an ninh, cho các anh không bị dân chúng hành hung, chớ không phải để canh gác vì sợ các anh trốn. Ở đất miền Bắc Xã hội chủ nghĩa này, dầy đặc “thiên la địa võng” làm sao trốn thoát mà phải lo.”
Lượt đi toàn là xuống dốc, xe tự động lao tới vùn vụt, người lái xe phải quay ngược cho xe trước càng sau, để chạy theo xe. Nếu không, lực trôi nhanh của xe có thể làm cho người cầm càng, chạy không kịp vấp chân ngã chúi xuống đường, hậu quả sẽ rất nguy hiểm đến tính mệnh. Những người đẩy và phụ kéo xe như đã phân chia, cũng phải tập trung đi phiá sau, để cầm dây níu cho tốc độ xe lao xuống dốc giảm đi.
Lượt về thì ngược lại, xe đầy 1 mét khối cát ướt nặng nề, đường lên dốc liên tục, xe luôn luôn trì kéo trôi lui chớ không chịu tự động lăn tới như lúc xuống dốc. Người lái phải gập mình về trước, đè cho càng xe chúi sát đất. Hai người đi trước khoảng 5 mét quàng dây kéo trên vai, cúi rạp người gò lưng kéo. Hai người đẩy phiá sau bám chặt một tay vào thành xe, ngả người về trước đẩy cho xe tiến lên, tay kia cầm 1 thanh gỗ để sẵn sàng chặn bánh xe lại khi cần thiết.
Thật là trần ai vất vả, tinh thần mọi người lúc nào cũng bị căng thẳng. Mặt đường lồi lõm đầy lỗ ổ gà. Nếu sơ xuất, xe có thể bị lật hoặc trôi tuốt xuống khe. Người có thể bị trọng thương vì xe cán qua hoặc đổ đè lên. Ðã có một toán thuộc Ðội khác, sơ ý không kiểm soát nổi, xe đầy cát bị trôi tuột xuống khe bên triền núi cao cả hơn trăm mét. Xe gẫy bể tan nát dưới khe sâu. May mà không ai bị lôi theo xuống khe, hoặc bị xe cán gây thương tích. Thật nguy hiểm không sao lường trước được. Quanh năm ngày tháng, cái chết lúc nào cũng sẵn sàng lởn vởn bên cuộc sống của Tù.
Gần mấy căn nhà dân chúng ở bên đường xuống bờ sông lấy cát, có 1 túp lều bán quà bánh bầy biệân thô sơ. Trên chiếc bàn nhỏ để ít keo thủy tinh kẹo bột, kẹo lạc, bánh bỏng ngô, bánh khảo, thuốc lá, thuốc lào, bình nước chà tươi… Quản giáo đi theo chúng tôi (Trung úy Khảm) tỏ ra dễ dãi, cho phép anh em mua kẹo, bánh, ăn để “bồi dưỡng”. Nhưng ông ta luôn mồm nhắc nhở, phải ăn hết trước khi về tới trại, và không được kể cho anh em trong trại biết. (Ông Khảm đã thố lộ cho anh em biết, trước 30-4-1975 ông ấy đã từng vào Nam chiến đấu tại vùng Khánh Hoà, và có người anh bà con làm Thiếu tá trong Quân đội thuộc chế độ miền Nam cũ tại Nha Trang.)
Nhà Vệ Sinh mới được xây bằng gạch mái lợp tôn, ngay bên mặt đường lớn bên ngoài cổng trại, trông như một quán nhà trọ có nhiều phòng. Dân chúng đi ngang qua, ai có nhu cầu cũng có thể ghé vào giải quyết.
Kiến trúc Nhà Vệ sinh giống như kiểu nhà sàn, có các bậc thang gạch đi lên cao chừng 1 mét rưỡi, có mái tôn che mưa nắng, và 1 dẫy 10 lỗ cầu ngồi, phân cách nhau bởi những mảng tường lửng cao 1 mét, có cửa gỗ che phiá trước mỗi ngăn. Nền nhà láng xi măng, hơi nghiêng nghiêng cho nước tiểu tự động chẩy xuống một hồ chứa. Phân đặc nằm lại thành từng đống giữa nền.
Dọc bên hông Nhà Vệ Sinh, có lối đi lát gạch vòng xuống phiá sau, để Tổ Phân thuộc các Ðội Rau Xanh, hàng ngày đến xúc phân, múc nước tiểu đem ra khu sản xuất rau xanh dùng. Anh em được hướng dẫn tùy theo hiện trạng lớn nhỏ của mỗi luống rau, hòa phân hoặc nước tiểu với lượng nước suối cần thiết cho hợp với nhu cầu bón tưới. Nhờ vậy, rau trồng tăng trưởng nhanh, xanh tốt, và mức “thâu hoạch” rất cao.
Việc xây dựng Nhà Vệ Sinh thuộc loại “ưu tiên hàng đầu” trong “dự án chung”. Vì hiện tại, trại chỉ có một hố vệ sinh duy nhất, với 2 chỗ ngồi, đào bên sườn đồi gần sát bờ suối, phiá trong cổng trại. Mỗi buổi sáng, anh em Tù phải xếp hàng nối đuôi nhau, chờ cả tiếng đồng hồ mới tới lượt vào giải quyết việc thải vàng ra khỏi cơ thể. Chẳng may, anh nào bị đau bụng tiêu chẩy, nín không được đành ngồi đại ngay bên đường mòn xả ra, hôi thối nồng nặc. Anh em khác khó tánh có nặng lời, cũng đành tỉnh khô, cắn răng, gục mặt chịu trận. Về sau “rút kinh nghiệm”, nhiều người tập thói quen, nhịn không đi đại tiện vào buổi sáng ở trong trại. Chờ khi ra ngoài lao động, mới xin anh bộ đội cảnh vệ cho đi giải quyết bên bờ bụi gần nơi lao động, vừa sáng sủa thoáng mát, lại không bị nạn muỗi đêm bu đốt hút máu.
Ðội Xây Dựng, chuyên pha cây, đục đục đẽo đẽo làm cột, kèo, dui, mè, để dựng nhà. Còn lợp mái, dựng vách, làm sàn nằm, là những việc phụ không cần chuyên nghiệp, có anh em Ðội Nông Nghiệp chúng tôi tăng phái phụ lực. Dĩ nhiên việc xây cất các kiến trúc bằng gạch, láng xi măng, dựng khung sườn nhà, ráp cửa… là phần vụ chuyên môn, đều do anh em Ðội Xây Dựng thực hiện.
Có một chuyện lạ không ai ngờ, số anh em vốn thuộc gốc Công binh được “biên chế” vào Ðội xây dựng, không ai chịu làm Ðội trưởng. Trại đã phải chỉ định một anh thuộc ngành Hành chánh Tài chánh (Ðại tá Bùi hữu Ðặng) làm Ðội trưởng Ðội Xây Dựng. Thế mà công tác xây dựng vẫn được tiến hành xuông sẻ, đáp ứng đúng “yêu cầu” của Trại và Liên trại đề ra.
Ðội Ðan Lát, chuyên pha “chổm”, đập dập để làm tranh lợp mái nhà, đan phên làm vách, sàn nằm, làm “ki”, và pha giang để chẻ lạt cột, bện thừng, đan rổ, rá, thúng, nia, bồ… Nhưng “trước mắt” có nhiều “yêu cầu khẩn trương” làm không kịp, Ðội Nông Nghiệp chúng tôi được tăng cường tiếp tay làm những công việc này. Nhờ thế mọi người học được nhiều nghề một lúc, bảo đảm sau này khi được tha ra, có thể tự lực lao động mà sống, không ăn bám vào xã hội như trước đây. “Ðáp ứng đúng yêu cầu Chính sách Nhà nước” đã đề ra cho các Cải tạo viên.
Ðội Rau Xanh, phá bụi cây dại và cỏ hoang ở 2 bên rià suối, giữa khu cán bộ ở và trại giam Tù, để cuốc xới đất làm các luống trồng rau cung cấp cho trại. Vì “bước đầu” mới khởi công, “trước mắt” chưa có rau để thâu hoạch, nên hàng ngày Ðội chúng tôi phải tăng phái một Tổ đi theo Quản giáo Ðội Anh Nuôi (hoả đầu vụ), đến các Hợp Tác Xã quanh vùng mua rau cung cấp cho nhà bếp. Toàn là rau muống bè thân dài thòng dai ngắc, hoặc ít trái bí ngô, bầu già đem về nấu ăn cả vỏ.
Ðội Anh Nuôi, được coi là bận bịu phải thức khuya dậy sớm, lo nấu thực phẩm, đun nước chín cung cấp đúng giờ giấc quy định cho cả trại.
Nhưng thực ra không vất vả nặng nhọc, bằng công việc của các Ðội Lâm Sản, Nông Nghiệp, Xây Dựng, Rau Xanh. Suốt bốn mùa, mưa cũng như nắng, mọi người phải đầu đội Trời chân đạp Ðất, lặn lội nơi rừng rậm âm u, bì bõm nơi đồng ruộng sình lầy, lạnh cóng, nóng nực. Ngoài ra, vào những dịp Lễ Tết, khẩu phần ăn được tăng cường, Ðội Anh Nuôi làm không kịp, lại được anh em Ðội Nông Nghiệp chúng tôi đến tăng cường phụ giúp, giải quyết cho kịp thời gian tính.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi 2 tháng trời, cả trại phải cố gắng “thi đua lao động” chào mừng ngày Lễ Ðộc Lập 2 tháng 9, và đón Phái đoàn Trung ương đến “tham quan định giá thành quả lao động cải tạo” của trại viên. Mọi người đã phải “khắc phục” “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, để hoàn tất mọi “đề án” được Phân trại chấp thuận, dựa theo “đề xuất” của “Ban Thường Trực Thi đua” phối hợp cùng các “Tự Quản Ðội”, trình bầy trong ngày Ðại hội phát động phong trào thi đua mùa Thu 1977.
Các công trình hoàn tất trong “Ðợt Thi Ðua” mừng ngày Ðộc Lập 2 tháng 9 lần thứ 30 này gồm : 1.- Chiếc Cổng Trại đồ sộ kiểu cách mỹ thuật; 2.- Dẫy Nhà Vệ Sinh rộng rãi sạch sẽ bằng gạch mái lợp tôn; 3.- Mấy dẫy nhà “chổm” mới cho Tù ở rộng rãi hơn; 4.- Vòng hàng rào 2 lớp “chổm” nguyên cây bao quanh trại; 5.- Khu vườn rau xanh mướt nằm dài 2 bên khe suối.
Trại nhận xét, “thành quả lao động cải tạo bước đầu” rất “khả quan”. Ðể cả Cán bộ lẫn anh em Tù “hân hoan”ø ăn mừng ngày Lễ Ðộc Lập lần thứ 30, của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay đã đổi tên là Cộng Hoà Xã hội Chủ nghiã Việt Nam từ cuối năm 1975, được linh đình. Ban Chỉ huy Phân trại K1, đã cho Quản giáo Ðội chúng tôi (Trung úy Khảm) dẫn mấy anh Ðội Lâm Sản, đến các Hợp Tác Xã tìm mua thịt tươi.
Con ngựa mua được, già gầy ốm trơ xương, què một chân không còn khả năng lao động, của 1 Hợp Tác Xã cách xa trại chúng tôi chừng vài chục cây số đường rừng. Ông Khảm cho biết : “-Tiền Nhà Nước tăng cường cho Tù trong dịp này không nhiều lắm. Mặc dầu quen biết lâu năm với các cơ sở địa phương, ông ta vẫn phải tốn công tới lui thương lượng nhiều lần, họ mới bằng lòng để cho với giá phải chăng.”
Làm thịt ngựa, phải dùng búa tạ đập đầu ngựa cho gục xuống mê man, rồi mới thọc huyết bằng ống nứa vạt nhọn tréo một bên. Mấy anh bạn Tù thuộc Ðội Anh Nuôi, người cũng lực lưỡng lắm mà làm không được. Lại phải nhờ đến Quản giáo Ðội chúng tôi ra tay tế độ.
Hôm đó, cả trại được nghỉ lao động, nên có dịp xem làm thịt ngựa. Thật là một cảnh thương tâm hãi hùng, Tôi chưa bao giờ được chứng kiến.
Một sợi thừng to, chắc, một đầu cột vòng cổ con ngựa, một đầu buộc vào cây cột cao 1 mét, níu cho đầu nó cúi thấp xuống. Một bạn Tù lực lưỡng đứng phiá trước con ngựa, cầm chiếc búa tạ sẵn sàng dơ cao lên đập mạnh xuống đỉnh đầu nó, để hạ cho nó ngất đi.
Hai mắt con ngựa mở trừng trừng ứa lệ, làm như khóc van xin đừng giết nó. Khi chiếc búa giáng xuống thì nó lắc đầu né, nên đập hụt. Ðập lần thứ hai, chắc vì xúc động, nhát búa giáng xuống không đủ mạnh. Con ngựa chỉ chúi xuống, rồi lại cố gắng vùng đứng dậy, tìm cách giật cho đứt thừng để chạy trốn.
Quản giáo Ðội chúng tôi đứng hướng dẫn và quan sát, lên tiếng chê : “-Ðàn ông gì mà nhát gan dở quá vậy, để tôi ra tay cho xem, mà rút kinh nghiệm về sau.” Ông ta sắn tay áo lên, đến trước con ngựa, vung tay búa lên giáng mạnh xuống, chỉ một nhát là giải quyết xong ngay. Thảo nào, các Cụ thường nói “trăm hay không bằng tay quen” là thế.
Ngựa ngất xỉu nằm sõng soài trên mặt đất. Lẹ tay ông Khảm buông búa ra, nhặt ngay ống nứa đã vạt nhọn để kề bên, thọc từ ức cổ con ngựa đâm sâu xuống ngực nó. Máu từ đoạn nứa tuôn ra như xối vào chiếc chậu nhôm to tướng. Một chậu không đủ chứa, phải tăng cường thêm 2, 3 chậu khác mới hết.
Thọc huyết xong, người ta lấy rơm rạ phủ một lớp thật dầy che kín hết con ngựa, rồi bật lửa thui nó. Cho đến khi da quanh mình nó đã xém vàng mới ngưng, để mổ banh bụng nó ra, moi lấy bộ lòng, lột da, xẻ thịt.
Một đùi sau, hai dải thịt bắp thăn lưng, tim, gan, và bộ óc dành cho Cán bộ Liên trại và K1. Phần còn lại, kể cả da lẫn xương, ruột, và huyết, là phần của anh em Tù K1 tổng số khoảng hơn 350 người, nấu nướng chia nhau ăn 2 bữa, để mừng ngày Cách mạng tháng 8 thành công từ 30 năm về trước.




TÌNH NGƯỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.

Muỗi, vắt, họp bầy đeo khắp thân,
Ðầm lầy, khe úng, điả bâu chân.
Tù, đua lao động nâng thành tích,
Cán, thúc ghi công xét định phần.
Ðôi mẩu ngựa già xào muối hột,
Vài khoanh măng đắng nấu xương gân.
Ðồng bào đâu thấy lòng nham hiểm,
Thế giới nào hay dạ bất nhân!

K1, LT1, Việt Cường, Yên Bái. Tháng 9-1976










Chương 12


THIÊN LA ÐỊA VÕNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA



Công tác xây dựng Phân trại K1 vừa hoàn tất, một số Ðội được đưa qua tăng cường xây dựng Khu Nhà Khách cho Liên trại. Khu này gồm 1 dẫy nhà ở, 1 dẫy nhà ăn cho khoảng vài trăm người, 1 nhà bếp lớn, 1 Thư viện, và 1 dẫy nhà vệ sinh công cộng bằng gạch có mái che, ở sườn đồi gần ngay bên K Lò Gạch. Tất cả các dẫy nhà đều được lợp mái bằng tôn.
Ðội chúng tôi được tăng cường làm vệ sinh chung quanh khu nhà Máy Phát Ðiện của Liên trại, bên kia đường đối diện Khu Nhà Khách.
Sáng nào cũng vậy, đi trên đường đến nơi lao động, anh em thường gặp 1 người da trắng, mũi lõ, tóc quăn mầu bạch kim, mắt xanh, khoảng trên dưới 30 tuổi, cầm chiếc cần câu cá và 1 hộp mồi giun đi ngược chiều về phiá đập nước. Chúng tôi nhìn với vẻ ngạc nhiên, nhưng không ai dám xì xào gì cả.
Quản giáo Ðội chúng tôi lanh lợi tinh ý, chắc là đoán được suy nghĩ của chúng tôi, lên tiếng giải thích : « -Anh này là người Mỹ sinh ở Pu-éc-ta-ri-cô. Anh ta vốn là tù binh xin ở lại, và xin được làm Công dân Việt Nam, lấy tên là Nam. Anh ấy có vợ người Việt ở Hànội. Mỗi tháng được phép về thăm vợ 1 lần. Anh ấy nói và viết tiếng Việt rất giỏi. Anh ấy phụ trách máy phát điện của Ban Chỉ huy Liên trại. »
Kế ngay bên nhà máy phát điện, là dẫy nhà « chổm » 2 gian dành riêng cho anh Nam. Khoảng mươi mét, phiá sau nhà ở và nhà máy phát điện, có 1 nhà vệ riêng của anh Nam. Nhà vệ sinh là 1 căn lều khoảng 4 mét vuông, quây kín chung quanh bằng phên « chổm », bên trong có 1 bục gỗ cao, làm chỗ ngồi đại tiện xuống 1 thùng gỗ đựng phân ở phiá dưới, để hàng ngày anh Nam lấy đi bón cho khu vườn rau riêng của mình.
Anh em lao động tại đây, nếu có nhu cầu đi đại tiện, cũng được phép bộ đội cảnh vệ cho vào xử dụng. Vì anh Nam thường ngày đi lên phiá đập nước câu cá, nên không có gì trở ngại. Tôi cũng đã có dịp vào xử dụng nhà vệ sinh này.
Trên nền nhà vệ sinh, thấy có vài cuốn vở học sinh viết đầy chữ Việt, vứt bừa bãi lẫn lộn với đủ loại giấy vụn, sách báo, giẻ rách dính đầy dầu nhớt. Bià vở, các trang giấy thấy còn mới, và chữ viết mực chưa bị phai nhoè hay bạc mầu theo thời gian.
Tôi tò mò, nhặt mấy tờ giấy đầy chữ lên đọc, xem viết những gì trong đó. Liếc qua ít câu, Tôi sửng sốt ngạc nhiên bỏ ra ngoài ngay, và không bao giờ dám trở lại nữa, vì sợ Cán bộ thấy sẽ mang họa. Giấy viết toàn những lời hướng dẫn đường trốn trại, từ Việt Cường qua Nghĩa Lộ, Mường La để thoát sang Lào, hay xuôi theo sông Ðà ra biển thuộc Vịnh Bắc Kỳ.
Ðêm về nằm mung lung suy nghĩ, trằn trọc không sao ngủ được. Nhiều câu hỏi tiếp theo nhau hiện ra trong đầu. Ai viết ra và vứt tại đó vậy? Phải chăng anh Nam là người của CIA cài lại, để tìm hiểu đường đi nước bước nhằm giúp chúng tôi trốn trại? Hay chính Cán bộ Cộng sản gài bẫy, để tạo cơ hội thực hiện những chính sách cư xử với chúng tôi khe khắt hơn, mà không bị anh em oán thù là tàn bạo vô nhân đạo?...
Làm vệ sinh khu nhà máy phát điện xong, Ðội chúng tôi được đưa đi làm thuê, «tịnh kho» (dọn sạch sẽ kho) cho Hợp Tác Xã ở ngay giữa đoạn đường đi từ Ban Chỉ huy Liên trại đến K1 (nơi giam chúng tôi).
Công việc phải làm, thoạt nghe thấy rất đơn giản nhẹ nhàng. Chỉ vun gọn bắp và sắn khô còn vương vãi trong kho, xúc bỏ vào các bồ đựng, khiêng cất sang ngăn khác, rồi quét dọn sạch sẽ để chuẩn bị chỗ chứa lúa Thu Ðông sắp sửa gặt.
Khi bắt tay vào việc mới thấy là rất cực nhọc. Vì phải làm liên tục không ngơi tay, giữa bầu không khí bụi mù ngột ngạt, hôi mốc rất khó chịu. Mũi miệng phải bịt khăn kín mít, thế mà bụi vẫn chui qua vải vào đầy lỗ mũi, bám đầy trên mặt, quanh mắt làm cộm ngứa. Suốt từ đầu đến chân, quần áo phủ đầy bụi bặm mạng nhện.
Kho đóng cửa lâu ngày không mở, từ dưới gầm sàn gỗ giữ cho ngũ cốc không chạm nền đất, chuột, muỗi tuá ra vô số kể. Nhiều ổ chuột con chưa mọc lông, da bóng láng đỏ hỏn, chưa mở mắt, lúc nhúc chúi vào nhau coi thấy mà ghê sởn gai ốc đầy mình.
Chỉ có một điều mừng duy nhất, khiến ai cũng mong được đi làm thuê cho Hợp Tác Xã là, trong những ngày đi làm cho Hợp Tác Xã, mỗi buổi lao động tùy theo mùa, mỗi người được « bồi dưỡng » thêm 1 khúc sắn luộc to bằng cổ tay dài độ 30 phân, hoặc 1 trái bắp lớn, ngoài phần ăn do trại phát rất nghèo nàn.
Mỗi tháng, không phân biệt tháng 30 ngày hay 31 ngày, khẩu phần ăn cho Tù được quy định khoán là 12 kí lô gạo. Như vậy « bình quân » mỗi ngày, một người chỉ được ăn khoảng 350 gờ-ram, vì còn phải trừ đi phần hao hụt chuyển vận, tồn kho, bàn cân không chính xác.
Nhưng chẳng bao giờ được lãnh gạo. Thường xuyên quanh năm, gạo được thay thế bằng sắn khô, bắp khô, hoặc khoai lang khô, tính theo phân xuất một đổi một. Có nghiã là 1 kí lô sắn khô, hay 1 kí lô bắp (ngô) khô, được tính tương đương với 1 kí lô gạo. Trường hợp đang mùa sắn hay mùa bắp thì được ăn tươi, tính theo phân xuất 4 kí lô sắn tươi cả vỏ, hoặc 4 kí lô bắp tươi cả lõi và lá bao ngoài, quy bằng 1 kí lô gạo.
Nếu có gạo nấu cơm, phần của mỗi người được chia là : bữa sáng một phần ba ca cơm, bữa trưa bằng miệng ca, và bữa tối cũng bằng miệng ca. Sắn khô hay bắp khô nấu chín, chia ra mỗi người cũng được một lượng ao tương đương như vậy. Không biết Cách mạng Chuyên chính Vô sản, tính toán đo lường làm sao mà tài đến thế.
Bắp tươi luộc, phát mỗi bữa được 1 trái lớn, hoặc 2 trái nhỏ, đem tẽ hột ngồi đếm, bữa nào cũng như bữa nấy, được khoảng từ 800 đến 900 hột. Dĩ nhiên bữa sáng thì chỉ được bằng một phần ba bữa trưa hoặc bữa tối.
Thức ăn mỗi bữa, mỗi người được vài cọng rau muống dài chừng 10 phân nấu canh với muối, hoặc vài khoanh măng tươi kho muối, là căn bản hàng ngày. Chỉ những ngày Lễ lớn hàng năm như Lễ Ðộc Lập, 3 ngày Tết, phần ăn được tăng cường thì mới biết mùi thịt, cá, hoặc tương hột đậu nành muối mặn, và 25 phần trăm cơm, 75 phần trăm sắn.
Một hôm, có lẽ vào khoảng cuối tháng 10 năm 1976, Ðội chúng tôi đang làm tại Kho Hợp Tác Xã, ở giữa quãng đồng từ K1 (khu nhà ngói) sang BCH Liên Trại 1, thì nghe 3 tiếng súng nổ liên tiếp nhau. Cán bộ Quản giáo và bộ đội cảnh vệ, ra lệnh cho anh em ngưng lao động, tập họp điểm số “khẩn trương” trở về trại giam. Mọi người vội vã hồi hộp, chẳng ai biết chuyện gì đang xẩy ra.
Tới trại mới thấy tất cả các Ðội, dù lao động xa hay lao động gần, cũng đều được lần lượt dẫn về hết. Mỗi Ðội phải ở trong láng riêng, không được đi lại lộn xộn giữa các láng. Mọi người hết đứng lại ngồi, đi quanh quanh trong láng, ngó nhìn ra sân, xì xầm bàn tán chẳng biết chuyện gì.
Mãi tới khi anh bạn Tù trực buồng xuống Bếp, lãnh thức ăn tối cho Ðội mang về, mới thì thầm cho biết, Ðội Lâm Sản có 4 người lạc trong rừng chưa thấy về. Các Ðội phải về trại, để tập trung Cán bộ đổ đi tìm từ chiều tới giờ chưa có kết quả.
Buổi chiều lúc gần mãn giờ lao động, các Ðội trưởng (gạch nối giữa Cán bộ và anh em Tù) được gọi lên họp với Ban chỉ huy K1. Họp xong trở về, Ðội trưởng của chúng tôi tập họp anh em, cho biết 4 anh trốn trại là : Võ Quế (Không quân), Ðỗ trọng Huề (Hành chánh Tài chánh), Thi (Pháo binh), Thành (Trung đoàn trưởng thuộc Sư đoàn 9 BB). Tôi không nhớ Họ của các anh Thành và Thi. Ðội trưởng cũng chuyển lệnh Trại nhắc nhở, những ai thường có tiếp xúc thân mật với các anh ấy, biết gì về hoàn cảnh của các anh ấy phải báo cáo lên Cán bộ. Nếu giấu diếm không khai, sau này điều tra ra, sẽ bị ghép tội tiếp tay cho người trốn trại.
Tôi giật mình suy nghĩ, trước ngày các anh ấy trốn, anh Võ Quế có đến gặp Tôi nhiều lần vào buổi tối, để xin thuốc kiết lỵ và hộp quẹt (diêm). Tôi hỏi cần để làm gì, anh Quế nói là lúc này phải đi Lâm sản, nhiều lúc lạnh quá muốn đốt lửa hút thuốc cho ấm mà không có quẹt, mấy anh cùng đi có nhưng hết cả rồi. Sở dĩ anh Quế đến xin Tôi là vì, suốt từ khi vào trại Long Giao, qua trại Suối Máu, ra đến K1 Liên trại này, anh Quế cùng 2 anh bạn gốc Pháo binh và Tôi, có cùng hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, thường chia sẻ cho nhau những gì chúng tôi có, nên đã tự nhiên trở thành bạn tâm tình rất thương nhau. Ða số anh em trong Ðội của Tôi ai cũng biết. (Anh Quế là em ruột Tướng Võ Dinh bên Không quân.)
Trong khi thông báo lệnh của Trại, anh Ðội trưởng đã cố ý nhìn Tôi nhiều lần, như muốn nhắn nhủ cho riêng Tôi điều gì đó. Nhưng Tôi làm ngơ như không biết gì cả. Thông báo xong, anh em tản mát mỗi người lo việc riêng của mình. Anh Ðội trưởng cũng là một Ðại tá Không quân, đến gần Tôi hỏi nhỏ : -Mấy bữa trước thấy anh Quế, tối nào cũng xuống gặp anh tại chỗ nằm để làm gì vậy? Anh ấy có than van gì với anh không? Tôi trả lời : -Không, anh ấy đến xin thuốc lá hút như hồi còn nằm gần bên nhau chung một Ðội, chớ không nói gì cả.
Những ngày kế theo, Tôi đã giữ im lặng chẳng khai báo gì hết, và sẵn sàng ứng biến với Cán bộ nếu bị thẩm vấn. Tôi đã có kinh nghiệm, bị gọi làm việc với Cán bộ nhiều lần ở trong Nam rồi, nên không sợ.
Qua ngày hôm sau, mỗi Ðội đi lao động được tăng cường thêm 1 tay súng thứ 2. Bình thường chỉ có Quản Giáo đội và 1 bộ đội cảnh vệ mang súng thôi.
Ðội chúng tôi không ra Hợp Tác Xã lao động nữa, được giao cho công việc đào 4 hầm giam, bên sườn đồi dốc đứng, đối diện khu nhà ở của cán bộ K1. Kỳ hạn phải làm xong trong 2 ngày. Mỗi hầm bề ngang 80 phân, cao 3 mét, sâu vào lòng núi 3 mét. Mái hầm làm bằng các cây gỗ nhỏ, xếp liền nhau trên mặt đất sườn đồi, rồi cột tranh chổm và đổ đất phủ lên bên trên. Mỗi hầm cách nhau 1 mét. Mỗi hầm có 1 cửa gỗ có khoá riêng bên ngoài, và một gông bằng gỗ dầy có 2 lỗ to vừa bằng cổ chân, ở ngay cuối bệ đất nằm, đóng chắc vào 2 cột sát bên vách hầm.
Vài ngày sau vào lúc xế chiều, Ðội vừa đi lao động về đến trại, nghe tin là 4 anh trốn trại đã bị dân chúng bắt đem nộp cho trại, và đang bị cùm trong những hầm giam mà Ðội chúng tôi mới thực hiện xong từ mấy ngày trước.
Một anh bạn Tù thuộc Ðội nhà bếp, Ðại tá Trần văn Thăng cũng thân với Tôi, được Cán bộ dẫn đem thức ăn cho các anh bị giam, cho biết là các anh ấy bị đánh nhừ tử như cái rẻ rách, trông rất thảm thương. Những người bị kỷ luật, mức ăn bị giảm xuống chỉ còn 9 kí lô một tháng, so với bình thường là 12 kí lô.
Mấy ngày tiếp theo, vào một buổi sáng anh em đang ngồi đợi tại sân tập họp, chờ gọi xuất trại đi lao động. Có tin xì xầm rỉ tai nhau : “-Hồi đêm anh Thành xé chăn đắp, làm dây treo cổ lên mái hầm tự tử chết.”
Ðội chúng tôi ai cũng ngạc nhiên. Từ nền đất nằm lên tới mái hầm cao 3 mét, cả 2 chân bị cùm bằng gông gỗ, chỉ có thể ngồi lên với 2 chân duỗi thẳng sát đất, chớ không đứng lên được. Với tư thế ngồi bẹt dưới đất trên sàn nằm như vậy, 2 tay dơ thẳng trên đầu không cao quá 1 mét rưỡi, các cây phủ nóc hầm ken (xếp) sát liền nhau không kẽ hở, khung cửa lại cách xa nền nằm 1 mét, làm sao tự cột dây lên mái hầm mà treo cổ được. Nói như vậy chắc ai cũng biết anh Thành chết vì sao rồi, khỏi cần giải thích thêm.
Khi có quyền sinh sát trong tay, người ta muốn làm gì nói gì mà chẳng được. Ai xì xào nghi vấn thì lập tức bị kết ngay tội bôi xấu Chế độ, và sẽ bị kỷ luật tức khắc. Càng trình bầy minh oan tội càng nặng, vì ngoan cố không chịu nhận tội để sửa sai.
Không biết mấy bạn Tù trốn trại này, có dịp vào xử dụng nhà vệ sinh của anh Nam (người tù binh Mỹ xin ở lại làm công dân Việt Nam, lấy vợ Việt), mà lượm đọc những trang chữ chỉ đường dẫn lối không?
Hay là bạn nào đã nhặt đem về đưa cho đọc, mà tin tưởng cả gan liều lĩnh đặt kế hoạch rủ nhau trốn trại như vậy? Bản thân Tôi kính phục lòng can đảm của các anh ấy vô cùng.
Nhiều bạn cũng khen là can đảm. Nhưng cũng có bạn chê là liều không đúng lúc, chỉ tạo cơ hội cho bọn Qủy Ðỏ bầy đặt thêm biện pháp xiết chặt cách cư xử, hành hạ gây thêm khó khăn cho cả mọi người.



MẮC NẠN THIÊN LA ÐỊA VÕNG.

Biết rằng dầy đặc Công an,
Một lòng đã quyết, nguy nan chẳng sờn.
Cho Hùm ăn thịt còn hơn,
Sống trong lao nhục, chết mòn, tủi thân.
Sau đêm tầm tã mưa tuôn,
Tầng tầng sương phủ rừng hoang mịt mờ.
Cùng nhau thực hiện ước mơ,
Bốn Tù Lâm sản lủi vô lòng rừng.
Tìm đường trốn thoát khỏi bưng,
Theo sông, vượt biển, tới vùng Tự do.
Cho Thiên hạ rõ mưu đồ,
Cộng quân nham hiểm hơn Hồ ly tinh.
Bầy ra đủ thứ cực hình,
Ðọa đầy Công chức, Chiến binh Cộng Hoà.
Tiếc thay đại nạn chưa qua,
Loanh quanh rừng rậm, không ra được ngoài.
Cạn lương, tìm rẫy kiếm khoai,
Dân rình bắt được, thẳng tay hạ đòn.
Không cho phân giải thiệt hơn,
Xúm nhau đấm đá, hả cơn hận thù.
Theo lời Cách mạng mùa Thu,
Không theo Cộng sản, là thù của dân.
Dù là máu mủ, quyến thân,
Liệt vào giai cấp thành phần hiểm nguy.
Phải cần tiêu diệt hết đi,
Chỉ còn vô sản, vô nghì với nhau.
Tiến lên theo Ðảng dẫn đầu,
Hoà cùng các nước chư hầu Liên sô.
Ðại đồng Thế giới Tam vô,
Trở về nguyên thủy, tha hồ Tự do.

Nguyễn Huy Hùng

K1, LT1, Việt Cường, Yên Bái, tháng 10-1976








Chương 13




CHÍNH SÁCH KHOAN HỒNG NHÂN ĐẠO CỦA NHÀ NƯỚC
XÃ HỘI CHỦ NGHIÃ TRƯỚC SAU NHƯ MỘT





Khoảng vài tuần lễ sau vụ trốn trại xẩy ra, một đoàn Cán bộ Trung ương tới trại tổ chức học tập. Người ta nhai lại những gì đã học ở trong Nam trước khi ra Bắc.
Trong buổi “tổng kết thành quả thâu hoạch” tại Hội trường về đợt học tập, đã xẩy ra một chuyện bất ngờ làm anh em ngạc nhiên. Trưởng đoàn Cán bộ Trung ương, yêu cầu anh em “mạnh dạn” cho biết những khó khăn muốn được giúp đỡ để học tập cho tốt, cũng như “thành khẩn” trình bầy những u uẩn trong lòng làm ảnh hưởng đến tinh thần học tập, kể từ ngày ra đến đất Bắc Xã hội Chủ nghiã.
Có mấy anh gan dạ, lên tiếng đưa ra 2 vấn đề xin được “giải toả thoả đáng” :
1.-Cán bộ cấp Trung ương, tuổi cũng bằng cỡ chúng tôi, mà còn gọi chúng tôi là các anh. Thế mà ở đây có một cán bộ rất trẻ, chỉ bằng tuổi con của chúng tôi, lại dùng từ “chúng mày” để nói với chúng tôi. Ông ấy còn nói là “con của chúng mày sẽ không bao giờ được vào Đại học”. Điều này trái hẳn với Chính sách khoan hồng nhân đạo của Nhà nước Xã hội Chủ nghiã, mà các Cán bộ đã giảng dạy cho chúng tôi bấy lâu nay, làm chúng tôi rất hoang mang.
2.-Nhà nước thông báo là chỉ đem tiền ăn và quần áo đủ dùng cho 1 tháng học tập. Đến nay đã hơn 1 năm rồi, quần áo mùng mền của chúng tôi đã rách, lại phải ra ngoài Bắc này thời tiết quá lạnh, không quần áo ấm làm sao đủ sức chịu đựng mà học tập lao động cho “tiến bộ” được. Chúng tôi tha thiết yêu cầu cho gửi thơ về gia đình, xin tiếp tế thêm quần áo lạnh và mùng mền.
Để trả lời, Trưởng đoàn Cán bộ Trung ương đã mau mắn khen ngợi tinh thần “thành khẩn” của anh em, và xác nhận rằng : “-Chính sách khoan hồng nhân đạo của Nhà Nước Xã hội Chủ nghĩa trước sau như một, không có gì thay đổi. Tuổi trẻ bao giờ cũng nông nổi, chúng tôi sẽ “kiểm thảo” để “sửa sai” cho những ai đã có hành động như vậy. Việc quần áo ấm thì chúng tôi sẽ trình Cấp Trên cứu xét giải quyết “khẩn trương”cho anh em. Hãy cố gắng học tập cho tốt đừng nản lòng. Việc được về sớm hay muộn, tùy thuộc vào tinh thần cố gắng học tập và mức tiến bộ của chính bản thân mỗi người. Các Chị và các cháu ở nhà vẫn sinh hoạt bình thường như mọi người khác. Các anh cứ yên tâm học tập cho nó tốt, không có gì phải lo lắng.”
Thật đúng là miệng lưỡi của “Vẹm” xảo quyệt, gian ngoan, lừa đảo, láo khoét, không sao tin được.
Sau này, khi được tha về vào tháng 2 năm 1988, Tôi mới được gia đình kể cho biết là : “Tháng 9 năm 1975, sau khi Tôi đi trình diện tập trung cải tạo được 3 tháng, người con trai thứ của Tôi đang học năm thứ 3 Y khoa, Đại học Minh Đức tại Saigon, đã bị loại ra khỏi trường Đại học bằng 1 biện pháp vô cùng dã man.
Chiều ngày 26 tháng 9 năm 1975, các bạn thân cùng nhóm học với Con tôi đến nhà báo cho gia đình biết, trong lúc đang cùng mọi người nghe thuyết giảng tại Trường Luật ở đường Duy Tân, Saigon, Con tôi đã bị Công an bắt đưa lên xe chở đi đâu không biết.
Vợ của Tôi lo lắng chạy ngược chạy xuôi, trình hỏi khắp các cơ quan Công an Quận, Thành phố, không ai biết gì. Chồng đã bị bắt đi trình diện học tập, suốt mấy tháng trời bặt không tin tức. Nay, khi không, Con lại bị bắt đưa đi đâu mất tích chẳng biết sống chết ra sao. Vợ của Tôi buồn phiền, lo nghĩ sinh bệnh nặng, phải đưa đi cấp cứu mấy lần mới thoát chết.”
Thật là “Họa vô đơn chí, Phúc bất trùng lai”. Mặc dù thất vọng, nhưng gia đình chúng tôi theo đạo Phật, thấu hiểu “luật nhân quả”, nên luôn luôn tin tưởng rằng không bao giờ Trời hại người hiền lương. Gia đình chúng tôi chưa bao giờ làm điều thất đức, trước sau gì rồi cũng được an toàn thoát nạn.
“Ngày tháng buồn khổ cứ vô tình trôi qua. Bỗng dưng một hôm, vào khoảng tháng 9 năm 1976 tức là một năm sau, tự nhiên có một người trẻ, bạn tù của con Tôi mới được tha, tới nhà báo tin cho biết là con Tôi đang bị giam trong Khám Chí Hoà. Mừng rỡ, Vợ của Tôi chạy đi nhờ người chỉ vẽ cách làm đơn xin và được vào thăm nuôi con.
Hơn 1 năm xa cách, Mẹ con mới lại có dịp thấy mặt nhau, trong sân của Khám Chí Hoà. Thấy con chỉ còn da bọc xương, ốm tong ốm teo, ghẻ lở cùng mình, đầu tóc rụng trơ sọ, quần áo rách nát bẩn thỉu, không đi nổi, phải bò lết ra gặp Mẹ. Trước cảnh tượng vô cùng đau thương đó, Vợ của Tôi sót xa, nghẹn ngào, tim gan se thắt, đau đớn như đứt từng khúc ruột.”
Bây giờ, ghi lại những dòng này, Tôi vẫn còn bị xúc động mạnh, không kềm nổi những dòng lệ nghẹn ngào, thương sót cho Vợ Con đã vì mình mà phải chịu họa lây thảm thương đến như vậy.
“Sau khi thăm Con ra về, Vợ của Tôi phải đi cầu cứu bạn bè quen biết, giúp chạy chọt nhờ các gia đình Cách mạng vẽ lối chỉ đường làm đơn xin bảo lãnh cho con được tha. Mọi thủ tục hoàn tất, việc cứu xét kéo dài một năm sau con trai của Tôi mới được tha về, vào tháng 7 năm 1977. Nhưng cậu ấy không được Phường, Quận, chấp nhận cho nhập “hộ khẩu” của gia đình.
Con của Tôi, phải nhờ bạn bè chỉ vẽ cách xin tình nguyện đi làm không công trong Phòng Y tế của Phường, tham gia đoàn công tác thường xuyên đến vùng Kinh tế mới Lê Minh Xuân, cách xa Saigon 15 cây số, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào làm Thủy lợi tại đây. Ba năm sau mới được thâu nhận làm nhân viên chính thức của Phòng Y tế Phường 10, Quận Phú Nhuận, và được giúp đỡ cho gia nhập “hộ khẩu” gia đình.
Lúc được tha về, cậu ấy kể lại cho gia đình nghe, ngay khi bị bắt đưa lên xe, người ta bịt mắt không cho nhìn đường. Họ chở tới giam trong một căn nhà villa nào đó, đánh đập tra hỏi đủ điều suốt mấy ngày liền về tổ chức Phục quốc. Cậu ấy khai không biết gì cả. Tra khảo mãi không lấy được lời cung khai nào, họ bèn đem cậu ấy ra xe đưa vào Khám Chí Hoà, Saigon, nhốt trong phòng biệt giam tăm tối. Hàng ngày, công an đến tiếp tục thay phiên nhau đánh đập tra khảo cả mấy tháng trời, vì bị nghi vấn tham gia phong trào Phục quốc, chống lại Chính quyền Cách mạng. Không khai thác được manh mối nào để kết tội, nhưng vẫn bị giam giữ suốt 2 năm trường, ngắc ngoải gần chết vì bệnh hoạn, thiếu dinh dưỡng.”
Nhờ trước 30-4-1975, Tôi và các Con hàng ngày đến Võ đường luyện tập Nhu đạo và Thái cực đạo, nên biết cách chịu đòn và biết bảo vệ những chỗ hiểm nên không chết. Nhưng cậu ấy vẫn bị hư màng nhĩ lỗ tai trái, không nghe được nữa.
“Trong khi Tôi đang đi cải tạo, ở nhà Vợ của Tôi và những bà vợ các Sĩ quan, Công chức của Chế độ Saigon cũ, thường xuyên bị Phường buộc đến tập trung nghe cán bộ nói về các chính sách của Nhà nước, thúc đẩy “đăng ký tình nguyện” đi vùng Kinh tế mới tham gia sản xuất. Có chịu đi thì chồng mới sớm được tha về đoàn tụ với gia đình. Trong khi đi vùng Kinh tế mới, Nhà Nước sẽ “quản lý” giùm nhà riêng tại Saigon.
Sau những đợt học tập như vậy, Chính quyền địa phương còn cho các nhân viên Nam Nữ trẻ, tuổi cỡ đôi mươi, ăn mặc sắc phục bộ đội, mang súng, đội mũ “tai bèo”, đến tận nhà hăm dọa đủ điều, để ép phải ký giấy tình nguyện đi vùng Kinh tế mới. Nhiều Bà nhẹ dạ cả tin đã ra đi. Một thời gian sau bệnh hoạn, đói rách, con chết, không chịu nổi, tìm cách trở lại Thành phố thì không còn nhà để ở, phải sống trong hoàn cảnh bất hợp pháp không có “hộ khẩu”.
Riêng phần gia đình của Tôi, vì đang phải nuôi người con trai út mới sanh hồi tháng 1 năm 1976, nên nhất định lỳ không chịu đi, mặc dù Phường cử nhân viên đến nhà hàng tháng đốc thúc, hăm dọa, nào là không đi thì Nhà nước sẽ không bán gạo cho, bệnh hoạn sẽ không chữa bệnh cho…
Cuối cùng, để gia đình không bị sách nhiễu nữa, cô con gái lớn của Tôi cũng là Sinh viên Y khoa, ngoài giờ đi học và thực tập tại Bệnh viện, đã phải tình nguyện đến làm việc không công cho phòng Y tế Phường, phụ trách châm cứu chữa bệnh cho đồng bào. Tới cuối năm 1977, tình nguyện và được chấp nhận cho đi làm tại nhà thương Nguyễn văn Cội vùng Củ Chi, cách Saigon chừng vài chục cây số. Đến gần cuối năm 1979, mới xin được chuyển về Saigon làm việc tại nhà thương Đồn Đất, khu Nhi (chữa bệnh con nít).
Năm người con nhỏ tuổi hơn, sau khi học hết Trung học, không ai được nhận vào Đại học, mặc dù điểm thi tuyển đạt rất cao, chỉ vì trong hồ sơ có vết tích Cha là Sĩ quan của chế độ cũ đang phải đi tập trung cải tạo. Chúng phải đi làm thợ cho các Tổ sản xuất mành Trúc, do gia đình các cán bộ Cách mạng làm chủ để kiếm cơm ăn hàng ngày.”
Vài ngày sau đợt học tập chấm dứt, một buổi sáng, các Đội đang ngồi tại sân tập họp đợi gọi đi lao động, một chuyện bất ngờ đã xẩy ra. Cán bộ trực trại tuyên đọc lệnh kiểm tra tư trang thay vì đi lao động.
Mọi người vào thu vén hết đồ dùng quần áo riêng của mình đem ra sân, bầy trước mặt trên đất, theo từng đội, tại khu vực do Cán bộ quản giáo đội chỉ định. Cán bộ đến kiểm soát kỹ lưỡng tư trang của từng người một, tịch thu những gì cán bộ cho là vi phạm quy luật trại giam, Tù không được lưu giữ bên người.
Kiểm tra suốt từ sáng đến trưa mới song. Một lệnh mới được loan ra, mỗi người chỉ được giữ lại hai bộ quần áo dùng đi lao động, còn tất cả phải xếp vào một bọc riêng cất vào kho, trong dẫy nhà ngói. Thuốc âu dược riêng của mỗi người, bỏ vào 1 túi nylon, viết giấy ghi tên mình để bên trong, cột lại, nộp cho trại giữ giùm, khi nào cần sẽ phát tùy theo nhu cầu. Tiền bạc và các vật qúy như đồng hồ đeo tay, nhẫn cưới, dây đeo cổ, đeo tay bằng vàng bạc, đều phải nộp cho trại cất giữ có cấp giấy biên nhận, khi nào được tha trại sẽ hoàn trả lại.
Một điều làm mọi người e ngại là, vàng thì ghi là kim loại màu vàng, lỡ sau này vàng sẽ bị trả lại bằng kim loại cũng màu vàng, nhưng là thau hay đồng thì sao. Lo vậy nhưng không ai dám nói gì.
Thật là thâm độc và xảo quyệt. Đây chính là biện pháp mà bọn Quản lý trại giam theo lệnh Nhà Nước, cần áp dụng đối với Tù chính trị miền Nam. Nhưng trước khi thi hành, họ lại tạo điều kiện xúi Tù trốn trại, rồi mới dựa vào cớ ấy để đưa ra biện pháp quản lý khắt khe, không ai có thể kêu ca quy tội cho họ là vô nhân đạo.



Cồng bom nhức óc, inh tai,
Chó tru thảm thiết, báo Trời rạng đông.
Dậy lo thu xếp chăn mùng,
Sẵn sàng tiếp tục thi công kiếp tù.
Sơn lâm chướng khí mịt mù,
Cỏ cây ướt sũng âm u lạnh lùng.
Não nề, ôí ! cảnh tập trung,
Dầm mưa dãi nắng, sức cùng lực tiêu.
Đắng cay, nhịn nhục đủ điều,
Gian lao, xốc vác, chỉ tiêu nặng nề.
Đọa đầy thê thảm ê chề,
Như bầy nô lệ làm thuê khốn cùng.
Đảng là vai chủ nhân ông,
Độc quyền sinh sát lao công tội tù.
Không theo Cách mạng muà Thu,
Tất nhiên Đảng phải diệt trừ không tha.
Khoan hồng, nhân đạo chỉ là,
Mượn lời Nhân Nghĩa, ba hoa bịp đời.
Lừa Nhân Thế mắc hợm chơi,
Bao giờ Cộng sản thương người Quốc gia !

K1, LT1, Việt Cường, Yên Bái, tháng 11-1976



HOME















Chương 14


YÊU LAO ĐỘNG LÀ YÊU XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.
YÊU XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
LÀ YÊU NƯỚC




Chung quanh K1 không có đất để canh tác, nên sau khi hoàn tất đợt học tập được khoảng một tháng, tất cả chúng tôi được di chuyển tới một khu khác, vào tháng 12 năm 1976. Mức cao độ của Khu trại mới này, thấp hơn mức cao độ K1 cũ chừng 40 mét. Nó ở về phiá Nam cơ sở BCH Liên trại 1, cách xa khoảng 5 cây số, trên con đường đi xuống hướng sông Âu Lâu.
Tới khu mới này, anh em chúng tôi bị chia ra làm 2 Phân trại : một nửa ở K2 (Trại Cây Khế) và một nửa ở K3 (Trại Cốc), cách xa nhau chừng một cây số.
Ngay tại ngã 3 đường rẽ vào khu Trại mới này, có một Bệnh xá, nơi điều trị các Tù bệnh nặng, không thể chữa khỏi tại các Phòng Y tế Phân trại. Tôi không biết Bệnh xá có bao nhiều giường. Nhưng thấy có tới 4, 5 dẫy nhà, chắc phải có ít nhất là 50 giường. Vì ngoài các Phân trại giam các Tướng, Đại tá, Liên Trại 1 còn quản lý mấy trại khác giam cấp Trung tá, Thiếu tá, cũng ở trong khu vực này. Mỗi trại cách nhau từ 5 đến 7 cây số, dọc 2 bên đường dẫn xuống phiá sông Âu Lâu.
Khu mới đến, là một thung lũng hẹp nằm giữa 2 dẫy đồi, sườn dốc thoai thoải chừng 30 độ góc, dài khoảng 100 mét từ chân lên đến đỉnh. Một con suối hẹp nằm dọc suốt thung lũng, nước chẩy xiết qua nhiều thác nho nhỏ cao 1 mét, ra đến bên đường lớn rẽ phải xuôi xuống hướng Nam. Đằng sau 2 dẫy đồi là những dẫy núi cao hàng trăm mét, trùng trùng điệp điệp, sườn dốc 60 độ, trồng những cây bồ đề để lấy gỗ làm giấy. Cây nào cây nấy gốc to một người ôm không hết, cao cả chục mét. Miệng thung lũng nơi sát đường cái, bề ngang rộng khoảng 500 mét, càng vào trong sâu càng nhỏ dần lại còn chừng 300 mét.
K2 ở ngay gần miệng thung lũng, cách Bệnh xá một cây số, gọi là Trại Cây Khế. Vì trên giữa đỉnh đồi gần bên trại có một cây khế to cao, xum xuê trái. Đi sâu thêm độ cây số nữa, tới K3 ở trong cùng của thung lũng, gọi là Trại Cốc.
Đội chúng tôi thuộc nhóm giam tại K2 (Trại Cây Khế). Khu nhà dành cho Tù ở trên sườn đồi phiá Bắc con suối, đối diện với khu Cán bộ ở trên sườn đồi phiá Nam con suối. Con đường dẫn vào K3 (Trại Cốc) chạy dài theo sườn đồi bên phiá khu Cán bộ ở.
Các dẫy nhà Cán bộ ở sát trên đỉnh đồi, cao hơn so với các dẫy nhà Tù ở phiá bên đối diện. Chạy dài theo rià sân trước những dẫy nhà Cán bộ ở, có đào 1 giao thông hào sâu 1 mét rưỡi, với những vị trí để súng liên thanh, súng cối, hướng sang khu Tù ở.
Các dẫy nhà Tù ở đều rất cũ, làm bằng “chổm”, cất tựa theo sườn đồi thành 3 nấc. Nấc dưới thấp hơn nấc trên một chiều cao nhà, tính từ nền lên đến mái. Nấc dưới cùng gần bên bờ suối là khu Nhà Bếp, sân tập họp. Các nấc kế trên là những dẫy nhà ở.
Đường lên xuống giữa các nấc nhà, là những bậc thang đất đào vào sườn đồi. Đội chúng tôi ở trong dẫy nhà trên nấc cao nhất, phải leo tới 30 bậc thang đất, mỗi bậc cao cỡ 40 phân, mới tới nơi. Mùa mưa, lúc đi xuống thường bị trượt chân giáng đít trên bậc đất oành oạch. Có người còn bị tuột luôn mấy bậc mới khựng lại, làm dồn xương sống, choáng váng mặt mày. May mà không có ai bị gẫy xương, trật gân vì những tai nạn nho nhỏ này.
Dẫy nhà chúng tôi ở chứa 2 Đội. Trước dẫy nhà có một sân rộng khoảng 5 mét, để sáng sớm cả Nhà ra xếp hàng tập thể dục, tối điểm danh trước khi vào Láng ngủ. Sân còn được dùng làm mặt bằng để pha “chổm”, đan phên, đan tranh, làm “ki” (cáng khiêng)...
Trong nhà có 2 dẫy xạp nằm sát dọc 2 bên vách, rộng 2 mét bằng phên “chổm”. Phiá vách sát nóc nhà, bên trên đầu xạp nằm khoảng 1 mét rưỡi, có 1 giàn kệ rộng 60 phân cũng bằng “chổm”, để Tù cất đồ dùng thường ngày của mình trên đó cho gọn gàng. Một đường đi rộng 1 mét rưỡi, dài suốt từ đầu này đến đầu kia, nằm dọc chính giữa dẫy nhà.
Nhà có 3 lối ra vào đều không có cánh cửa. Hai cửa ở 2 đầu nhà có 1 tấm phên cao rộng 2 mét, đóng xuống đất trên hiên phiá ngoài, cách khung cửa 70 phân, để cản gió mưa không tạt vào nhà. Vách phiá lưng nhà, nằm song song với thành đất sườn đồi, nên không có cửa sổ. Vách phiá trước, trông ra sân nhìn sang khu Cán bộ ở, chính giữa có một khuôn cửa ra vào rộng 1 mét, và 4 khuôn cửa sổ ở 2 bên. Tất cả đều không có cánh cửa.
Những bọc tư trang riêng, hồi còn ở K1 (khu nhà ngói) Tù phải để vào kho chung, nay được trả lại. Nhưng phải xếp tập trung vào một góc nhà, và thuộc quyền kiểm soát thường xuyên của Quản giáo Đội. Không ai được đụng tới, mỗi khi cần lấy thứ gì phải xin phép Quản giáo cho mới được.
Khu trại này không biết do ai dựng lên từ bao giờ, tình trạng rất cũ kỹ. Các vách “chổm” đã khô cong, kẽ hở rộng không còn khả năng chắn gió Bấc mùa Đông, được dự đoán sẽ “khắc nghiệt” hơn mọi năm. Chung quanh trại chưa có hàng rào. Cần có thêm dẫy nhà làm Hội trường, cho khoảng 200 người ngồi học tập trong những ngày mưa gió. Cần có Thư viện trưng bầy sách báo do các Lãnh tụ Cộng sản Việt Nam viết, truyện dài truyện ngắn Xã hội chủ nghiã do các Văn nô Cộng sản sáng tác, hoặc dịch từ các truyện của Liên sô. (Tù sẽ phải mượn đem về láng ở mà đọc, mà nghiên cứu, nghiền ngẫm để thấm nhuần tư tưởng Cách mạng tháng 8, cho mau trở thành con người Xã hội Chủ nghĩa.) Cần có 1 phòng hớt tóc chung cho mọi người. Cần có 1 Phòng Y tế chữa trị những bệnh thông thường hàng ngày cho Tù, để luôn luôn bảo đảm nhân số tham gia lao động cao. Mấy dẫy nhà bên khu Cán bộ ở, cần phải phá đi làm mới cho thêm khang trang, an toàn khi giông bão.
Đấy là những việc cần làm “khẩn trương”. Mùa mưa dầm gió Bấc của miền Bắc Việt Nam, đã bắt đầu rả rích từ gần 2 tháng rồi. Vì thế, trừ 2 Đội Rau Xanh và Đội Anh Nuôi ra, tất cả các Đội đều phải tập trung đi chặt “chổm”, chặt giang, đốn gỗ, cắt sậy, lấy lá chuối rừng đem về thực hiện những công tác cần nêu trên.
Đây là “đợt thi đua mới” được “phát động” để chuẩn bị mừng đón Tết Đinh Tỵ 1977. Mọi người lại phải cố gắng tham gia thể hiện cho nó tốt, mau “tiến bộ”, để hy vọng sớm được tha về “đoàn tụ” bên Vợ Con.
Thoạt đầu, Đội chúng tôi được đưa đi theo đường cái lớn, xuôi xuống hướng Nam chừng 5 cây số để chặt “chổm”.
Trên đường đi, cách Trại chúng tôi khoảng 3 cây số, gặp 1 trại gồm chừng 10 dẫy nhà “chổm” nằm sát bên trái đường, không biết giam Tù thuộc cấp bậc nào, bao nhiêu người. Trại này được xây dựng trên sườn núi cao không có khe suối. Nên phải dựng một giàn ống nứa dài, cao hơn mặt đường độ 6 mét, suốt từ suờn núi bên phải nơi có mạch nước chẩy ra, băng qua đường, sang tận sườn núi bên trái nơi dựng trại, để tiếp nước ăn cho Trại.
Rừng “chổm” cách trại này khoảng 2 cây số, dưới khe phiá bên trái đường. Khu vực sát bên đường người ta đã chặt trụi trơ hết. Chúng tôi phải đi vào trong sâu, cách đường 2 cây số mới có “chổm” để chặt.
Ít bữa sau, Đội chúng tôi lại được đưa đi về hướng Bắc, cách trại chừng 1 cây số, để đốn cây bồ đề về làm cột, dui, và kèo nhà. Chuyến đi này cheo leo khó khăn vất vả hơn. Muốn tới khu vực có bồ đề được Công ty Lâm sản Nhà Nước đánh dấu loại bỏ, cho phép chặt tiả, phải mất cả tiếng đồng hồ, leo lên tụt xuống 4 ngọn núi cao cỡ trăm mét nối tiếp nhau mới gặp. Không ước lượng được khoảng cách từ đường cái vào là bao xa.
Ngày thứ 2 đi đốn bồ đề, trên đường về Tôi đã bị một tai nạn khủng khiếp. Vết thẹo oan nghiệt nhớ đời, dài 3 phân, vẫn còn khắc rõ ràng nơi cổ tay trái, sát ngay phiá trên chỗ đeo đồng hồ. Từ ngày ấy đến nay, mỗi khi Tôi đưa tay lên xuống làm việc gì cũng thấy nó, một dấu ấn hận thù không bao giờ quên được. Tai nạn đã xẩy ra thật bất ngờ, Tôi không có cách nào phản ứng kịp để tránh nó.
Cán bộ quy định, một ngày mỗi người phải chặt và vác về 4 cây bồ đề dài 5 mét, đường kính phiá gốc tối thiểu là 20 phân. Ai mạnh có thể vác cả 4 cây một lượt về nộp xong thì được nghỉ, coi như ngày công lao động đã hoàn tất. Ai yếu như Tôi thì phải cột 2 cây làm một để vác làm 2 chuyến.
Vác gỗ vượt qua khỏi các đỉnh phiá trong, sườn dốc lài lài khoảng 30 độ góc, thì ra tới đỉnh sau cùng để xuống đường. Sườn núi sau cùng dốc đứng tới 60 độ, dài chừng 80 mét, nên không thể vác gỗ đi xuống được. Phải thả cho bó cây tự động trôi, tuốt từ trên cao xuống khe chân núi trước, rồi người mới từ từ đi lần xuống sau để vác ra đường.
Suốt đêm hôm trước, Trời mưa rả rích nên cỏ và đất núi trơn trợt. Sau khi đã thả hết cả 4 cây gỗ, cột thành 2 bó trôi xuống chân núi. Tay phải cầm con dao dựa chặt gỗ rất bén, Tôi từ từ đi xuống. Chẳng may bị trượt chân ngã nhào, lăn vòng vòng theo sườn dốc, khoảng chừng 30 mét tới khe chân núi mới khưng lại.
Sau cơn hoảng hốt, ngồi lên được thì thấy mu bàn tay trái đầm đià máu. Vén tay áo lên xem thì thật khủng khiếp, vết dao cắt đứt thật sâu, da miệng vết thương banh ra chừng 1 phân, trông thấy xương cánh tay trắng hếu. Tôi vội lấy chiếc khăn lông, đang cuốn ở cổ chống lạnh, để băng chặt vết thương lại. Rồi dùng bàn tay phải bóp chặt chỗ vết thương cho máu ngưng chẩy, vừa đi vừa chạy theo kiểu Hướng đạo sinh, suốt hơn 2 cây số đường về phòng Y tế của K2 xin băng bó. Mặc dù ở ngã 3 rẽ vào K2, có Bệnh xá Liên trại nằm ngay đầu đường, nhưng vì Cán bộ canh cổng không cho vào xin cấp cứu, nên đành chịu.
Về tới K2, sau khi được anh bạn Tù làm Y tá phụ Cán bộ trưởng Phòng Y tế, rửa khử trùng và băng bó vết thương xong. Tôi phải năn nỉ nhờ anh ấy đi gặp Cán bộ Y tế, xin giùm giấy chứng nhận bị thương tích trầm trọng không lao động tiếp được để về Láng nghỉ. Tôi cũng nhờ anh ấy xin Cán bộ, cho phép lấy thuốc trụ sinh riêng của Tôi gửi trại giữ để uống liền. Nhờ thế, những ngày kế theo, vết thương không làm độc.
Tôi chỉ được nghỉ 2 ngày làm việc nhẹ, phụ lặt rau cho nhà bếp, rồi lại phải tiếp tục theo Đội đi ra ngoài lao động như thường.
Cho đến bây giờ, Tôi vẫn không hình dung ra được là dao đã cứa cổ tay của Tôi, vào lúc nào trong khi ngã lăn lông lốc xuống núi. Nếu chẳng may mà dao lại cứa nhằm chỗ khác như cổ, mặt, bụng, hoặc vết cứa ở cổ tay chỉ nhích tới phiá trước chừng nửa phân thôi là đứt gân máu lớn. Máu sẽ chẩy nhiều hơn, nằm ngất sỉu nơi khe chân núi đến khi có người phát giác ra, thì chắc là Tôi đã không phải tiếp tục chịu đọa đầy cả hơn chục năm trời tiếp theo. Xác đã được vùi sâu nơi đồi thông phiá bên trái đường vào K2, như các bạn Đại tá xấu số Bá-Thìn tự Long, và Huỳnh Hữu Ban Trưởng Phòng 5 Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà rồi.
Trong lúc vận sui, vẫn có những cái may đến bất ngờ. Ngày Tôi phải đi lao động trở lại, Đội không đi lấy bồ đề nữa, mà đi lấy lá sậy và lá chuối rừng về phơi khô, kết phủ trên xạp nằm và chung quanh vách nhà cho kín gió, để mùa Đông trong Láng ở được ấm cúng hơn.
Nơi lấy lá ở ngay trên một khoảnh đồi, bên phiá trái con đường gần sát bià khu rừng nằm giữa K2 và K3. Bên sườn đồi, thấy nhiều dấu vết nền gạch của những căn nhà đã bị triệt hạ, chung quanh có những cây ổi, cây tranh. Đặc biệt trên đỉnh đồi, có 1 cây khế khá to đang đầy trái. Tuổi thọ của nó ít ra cũng khoảng vài chục năm chớ không ít. Sau này, một bạn vốn là diện rộng trong K3, trách nhiệm đi trăn trâu hàng ngày, bị chuyển đi trại Tân Lập, Vĩnh Phú một lượt với Tôi cho biết, theo lời tiết lộ của Quản giáo đội anh ta, hồi 1954 khu Cốc này đã từng là nơi có những nhà giam Tù binh Pháp thua trận Điện Biên Phủ.
Một tuần sau, Đội chúng tôi lại được đổi công tác. Đi lên hướng Bắc, xa hơn BCH Liên trại 1 và K Lò Gạch chừng 3 cây số, vào rừng xa đường lớn cả hơn cây số, để chặt giang. Đem về, pha, chẻ, tước thành nan đủ loại khác nhau, làm lạt cột, chuốt nhẵn đan nong, nia, rổ, rá, kết mành mành che cửa nhà ở của Cán bộ.
Con đường đi lấy giang, còn gian khổ hơn con đường đi lấy bồ đề nhiều. Sườn núi dốc đứng, dầy đặc cây gai và dây rừng chằng chịt, không có đường mòn để đi, phải lội ngược dòng suối, suốt từ ngoài đường lớn vào đến nơi có giang. Lòng suối lổn nhổn toàn đá sỏi, lởm chởm đầy rong rêu trơn trợt. Dòng nước chẩy xiết cóng buốt, có chỗ xấp xỉ cổ chân, có chỗ cao đến gần đầu gối. Chẳng may bị trượt chân, là té lăn đùng ra suối không gượng được. Quần áo ướt sũng từ đầu đến chân, bị dòng nước cuốn trôi một đoạn xa mấy mét, mới quờ nắm được cây bên bờ giữ cho khựng lại để đứng lên. Phải lội như vậy hơn một cây số, mới gặp rừng giang để chặt.
Giang là một loại họ nhà tre, nhưng lại mọc nằm bò dài từ bờ suối lên sườn núi, chớ không mọc thẳng đứng như tre hoặc “chổm”. Nó chen nhau chằng chịt, vươn dài chồng lên nhau để tìm ánh sáng mặt trời, nên rất khó chặt, và rất nguy hiểm.
Chặt giang nguy hiểm, vì chặt ở gốc sát mặt đất không được, phải trèo lên đứng trên đỉnh những gốc người ta đã chặt trước, để chặt từ lưng chừng thân cây cách gốc khoảng hơn 1 mét.
Hai chân phải đứng trên những gốc cụt. Tay trái nắm vịn vào thân cây khác kề bên, để giữ thăng bằng. Tay phải cằm dao chặt thật mạnh, làm sao chỉ một nhát chéo là đứt băng luôn thân giang. Nếu không thân giang sẽ bị tước ra không còn nguyên vẹn, trở thành vô giá trị, phải đi chặt cây khác. Đường kính thân cây giang chỉ khoảng 6 phân là lớn nhất.
Bao giờ cũng phải mò tìm chặt bỏ khúc ngọn trước, rồi mới chặt đoạn gốc sau. Vì thế, khi đoạn thân còn lại đứt lià khỏi gốc, là nó lao tuột xuống đất chẳng biết hướng nào. Có thể bật lên rồi mới tuột xuống, đẩy mình ngã ngửa ra phiá sau, gây thương tích cho chính mình. Hoặc có thể lao xa khỏi bụi gốc, đâm nhằm bạn nào đứng gần đó.
Đây là lần đầu tiên trong đời phải làm việc này. Không ai có kinh nghiệm để mà đề phòng, nên đã xẩy ra một tai nạn hú hồn hú viá. Một anh đang đứng đảo mắt tìm giang để chuẩn bị chặt, bị cây giang của anh khác chặt đứt ở bụi gần đó lao xuống, sướt qua cạnh ngoài đùi đâm xuống đất. Chỉ chệch sang bên trái độ 10 phân là gẫy đùi, và nhích lên một gang tay nữa là thủng bụng.
Một ngày mỗi người phải chặt 1 bó 10 cây dài 4 mét, bó chung lại vác về trại.
Việc đi lấy “chổm”, lấy bồ đề, lấy giang, thường phải làm thông tầm (không về nghỉ trưa tại trại), nên trước khi đi được lãnh luôn cả phần ăn sáng và phần ăn trưa, đem theo ăn tại chỗ.



LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG
Cô đơn bên những cô đơn,
Phùn (1) bay rát mặt, Bấc (2) dồn buốt da.
Âm thầm nối bước xông pha,
Ngược dòng suối cóng xót xa thân gầy.
Rừng giang (3) chằng chịt tầng cây,
Âm u mờ ảo gây gây lạnh hồn.
Đèo cao, khe, dốc dập dồn,
Dạ dày thôi thúc từng cơn đói lòng.
Chiêu xuôi nhờ ngụm nước trong,
Kèm bi “Thống Nhất”(4) chập chờn khói tan.
Cho quên bao nỗi cơ hàn,
Cho tâm bền vững tính toan sự đời.
Gian truân thầm trách Ông Trời,
Bầy trò dâu biển khiến người khổ đau.

Trại Cây Khế (K2), LT1, Yên Bái. Tháng 12-1976.
(1) Mưa phùn = mưa nhẹ hạt, bay lất phất theo gió dầy đặc như sương mù.
(2) Gió bấc = gió lạnh từ phương Bắc thổi xuống, vào mùa Đông .
(3) Giang là 1 loại họ nhà tre, các đốt dài rỗng ruột và mình nạc dầy hơn tre, sợi mộc dẻo dai, có thể tước thành nan thật mỏng để làm lạt buộc rất bền. Vào dịp Tết, người miền núi thường chẻ thành lạt, bó từng bó 100 sợi bán ngoài chợ, cho dân thành thị mua về cột gói bánh chưng.
(4) Thuốc lào hiệu “Thống Nhất” sản xuất tại miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, Trại phát không cho Tù hàng tháng mỗi người 2 gói 5 gram. Đây là một loại lá tương tự như cần sa, do người vun trồng chăm sóc như trồng rau. Tới lúc đủ già, hái lá về xấy khô, ủ với một chất hoá học, rồi thái nhuyễn cỡ sợi chỉ, ép thành bánh vuông đem bán. Người dùng vê từng viên nhỏ, để vào lõ chiếc “điếu cầy” hay “điếu bát”, dùng lửa đốt cháy để hút khói vào phổi. Hơi khói sẽ hoà tan theo máu, làm cho cơ thể tê mê, quên đói, quên lạnh, dễ du giấc ngủ. Không có điếu, người dùng có thể lấy một chiếc lá cuốn tròn, để viên thuốc vào một đầu, đặt đầu kia của cuốn lá vào miệng, rồi cầm lửa đốt thuốc và hút khói vào phổi. Hút bằng cuốn lá như vậy, luôn luôn phải ngậm trong miệng một ngụm nước để lọc khói cho đỡ nóng họng.

HOME






Chương 15


NHÂN QUYỀN TRONG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.



Sau khi chuyển về K2 được ít ngày, Trại cho Tù biên thư về gia đình xin tiếp tế quần áo lạnh, gửi qua đường Bưu điện, bằng những bưu kiện 2 kílô.
Mỗi trại giam do Bộ đội Cộng sản quản lý đều dùng Ám số hộp thư giống như KBC (khu bưu chính) của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, hoặc hộp thư riêng ở bên Hoa Kỳ (P.O. Box và Zip Code, nhưng không ghi tên thành phố), để dùng làm địa chỉ của Trại. Vì thế, gia đình nhận được thư, không thể biết thân nhân của mình đang bị giam tại đâu, thuộc vùng nào trong lãnh thổ Việt Nam.
Thư gửi đi, Tù phải để phong bì mở không được dán kín, để Quản giáo Đội đọc kiểm duyệt, rồi mới dán lại giùm và chuyển đi. Nếu trong thư ai có lời lẽ xa xôi, bóng gió than khổ, hoặc tiết lộ địa điểm trại giam thì sẽ bị gọi lên làm việc. Cán bộ lên giọng giáo dục, cảnh cáo cả tiếng đồng hồ, rồi bắt viết lại đúng theo hướng dẫn mới chuyển đi. Bị cảnh cáo một lần là coi như có tì vết trong hồ sơ cá nhân. Kể từ đó về sau, đến trại nào cũng bị Cán bộ “quan tâm” theo dõi.






Trong khi chờ hồi âm của gia đình, Trại được Trung Ương tiếp tế một số áo bông cũ dài tay, chăn (mền) bằng sợi pha bông, và màn (mùng) bằng vải sô Nam Định, để phát cho Tù. Áo bông và chăn thì mỗi người được phát một chiếc. Ai hên, lãnh được chiếc áo còn tốt thì mừng. Ai xui xẻo gặp phải chiếc cũ rách, đành buồn thiu cam chịu. Trường hợp gặp chiếc cỡ nhỏ chật hẹp, hay rộng dài thùng thình không mặc được, thì chịu khó tìm bạn bè cùng Đội mà đổi. Nếu không xong cũng đành chịu vậy. Riêng mùng (màn) thì ai không có, hoặc có nhưng đã quá cũ vàø bị rách nhiều chỗ mới được phát.
Khoảng cuối tháng 1 năm 1977, các bưu kiện từ miền Nam gửi ra cho Tù bắt đầu ào ào đến trại. Bưu kiện chỉ được phát vào buổi chiều, sau giờ lãnh cơm tối xong. Cán bộ phụ trách bưu phẩm, dùng loa đọc tên Tù lần lượt sang trụ sở BCH trại, để ký hồ sơ lãnh nhận bưu kiện của mình, trước sự chứng kiến của Quản giáo Đội.
Tù phải nói đúng tên người gửi bưu kiện, mới được ký sổ nhận lãnh. Trường hợp nói không đúng tên người gửi, được phép đoán thêm những tên khác, cùng với sự liên hệ thân thuộc của người ấy đối với mình. Nếu chẳng may sai cả, Trại sẽ giữ lại điều tra bổ túc và quyết định sau.
Trường hợp này đã xẩy đến với Tôi. Con gái thứ của Tôi đi gửi bưu kiện, nên phải ghi tên cô ấy là người gửi, chớ không phải tên Vợ tôi. Vì thế mới xẩy ra chuyện rắc rối cho Tôi. Theo nguyên tắc, Sở Bưu điện chỉ nhận Bưu phẩm để gửi đi, nếu so sánh tên và địa chỉ người gửi ghi trên Bưu phẩm, đúng với tên và địa chỉ ghi trên Thẻ căn cước của người mang Bưu phẩm tới gửi. Tôi đọc tên Vợ, không đúng. Cán bộ cho đọc một tên khác. Tôi đọc tên người con gái lớn, cũng không đúng. Cán bộ hỏi còn ai khác gửi nữa không? Tôi đọc tên người con gái thứ. Cán bộ mới đưa cuốn sổ ký nhận bưu kiện ra, và nói ký vào đây.
Quản giáo Đội của Tôi ngồi chứng kiến việc phát Bưu phẩm, cười cười hỏi : “-Tại sao vợ anh không gửi mà lại là con gái thứ? Chắc mấy người kia di tản hết rồi phải không?” Tôi trả lời không, tất cả Vợ Con của Tôi đều ở Saigon. Cán bộ xem lại bản tự khai lý lịch gia cảnh của Tôi thì rõ. Tôi đâu có dám nói dối với Cách mạng. Ông ta tủm tỉm tiếp : “-Nói chơi vậy thôi. Trung ương, Địa phương toàn là Cán bộ của Đảng và Nhà nước lãnh đạo cả, nên biết hết. Các anh dối trá làm sao được.”
Mọi bưu kiện nhận, phải mở tung ra để Quản giáo Đội kiểm tra tại chỗ, rồi mới được đem về. Một rắc rối đã xẩy ra ngay khi gói quà đầu tiên được mở, làm Cán bộ phải ngưng lại để đi xin chỉ thị của Trại trưởng. Vì lẫn trong quần áo có tiền, thư, và thực phẩm khô : đường cục, mật ong, lạp xưởng, bánh quy, trà, cà phê, thuốc chữa bệnh, sữa bột…
Cuối cùng thì mọi việc cũng được giải quyết tốt đẹp. Theo lời giải thích của Cán bộ : “-Trưởng trại nhận thấy trong thời gian qua, anh em đã có thiện chí cố gắng cải tạo tốt, tình trạng sức khoẻ đang bị xa xút trầm trọng, nên cho phép nhận cả thực phẩm khô để bồi dưỡng mà học tập cho nó tốt hơn nữa. Còn tiền và Âu dược thì phải gửi trại giữ như đã quy định trước đây.”
Dịp này, Tôi cũng nhận được 4 bưu kiện. Trong các bưu kiện Tôi nhận, lẫn với áo len, khăn len quàng cổ, mũ dạ, tất tay bằng da, giầy, bàn chải và kem đánh răng, sà bông, khăn mặt, tất (vớ), có cả thuốc trụ sinh, thuốc kiết lỵ, thuốc tiêu chẩy, thuốc ngừa sốt rét, thuốc bổ tổng hợp các loại vitamin, thực phẩm khô, và thư, nhưng không có tiền. Thư bị Quản giáo giữ lại đọc để kiểm tra, mấy ngày sau mới cho lại.
Một điều làm Tôi vừa thích thú vừa buồn cười, thán phục cái mánh khoé tinh khôn không ngờ của Vợ và các Con. Đôi giầy Bata cao cổ, được tách 2 chiếc riêng rẽ, để gửi thành 2 bưu kiện khác nhau. Trong mỗi chiếc nhồi đầy thực phẩm khô cho đủ 2 kílô. Nếu chẳng may, 1 trong 2 bưu kiện không đến nơi, thì chỉ có 1 chiếc giầy làm sao dùng cho cả 2 chân được?!
Vợ của Tôi là người lười viết thư nhất trần gian, nên đã để cô gái thứ biên thư cho Tôi, dựa theo ý hướng dẫn tổng quát của Mẹ. Trong thư đại ý nói : “-Cả nhà bình yên, sinh hoạt bình thường. Anh Hải đã được đưa đi vùng Kinh tế mới. Má nhớ thương Bố và anh Hải, nên buồn bịnh chút đỉnh, nhưng thường xuyên được Chính quyền Cách mạng địa phương giúp đỡ tận tình nên không sao. Cả nhà mong Bố ráng cố gắng học tập cho mau tiến bộ, để sớm được về đoàn tụ với gia đình.”
Thư gia đình gửi đến mà không viết như vậy, thì chẳng bao giờ Tù được nhận để đọc. Để được trông thấy tuồng chữ thân thương của thân nhân. Để xoa dịu nỗi cô đơn trong cuộc sống khổ nhục hàng ngày, dù biết rằng những lời nói trong thư đều trái ngược hẳn với sự thật.
Đầu năm 1988, Tôi được tha về gặp gia đình mới biết, ý chính trong thư đã nhận được muốn nói là : “Anh Hải bị bắt giam trong tù giống như Bố nên Má thương. Má bịnh vì Chính quyền Cách mạng thường xuyên đến thúc ép buộc gia đình đi vùng Kinh tế mới, nhưng gia đình không chịu đi.”
Một số bạn Tù không nhận được bưu kiện, vì vợ con đã di tản hoặc thất lạc không biết hiện ở đâu, để gửi thư liên lạc. Ngược lại, một số khác gia đình giầu có dư giả, lúc đi trình diện tập trung đem theo rất nhiều tiền. Hồi khởi sự học tập 10 bài nhồi sọ tại Long giao, trại mở “Căng tin”, mua ăn “thả giàn” mà vẫn chưa hết. Nay lại nhận được thêm tiền trong các bưu kiện, nên mạnh dạn đề nghị BCH trại mở “Căng tin”, bán đường, bánh, kẹo, sữa… để anh em mua ăn “bồi dưỡng” cho cơ thể khoẻ mạnh, tiếp tục học tập được mau “tiến bộ”.
Vài tháng sau khi chiếm xong toàn miền Nam Việt Nam, Chính quyền Cộng sản Bắc Việt đã thực hiện Chính sách bóc lột san bằng giai cấp, một cách vô cùng tàn bạo trắng trợn. Họ ra lệnh đình chỉ việc lưu hành tiền miền Nam Việt Nam, để đổi ra tiền miền Bắc với giá biểu 500 đồng bạc miền Nam ăn 1 đồng bạc miền Bắc.
Cả Thế giới đều biết, tiền miền Bắc thường được gọi nôm na từ hồi 1946 là tiền CỤ HỒ, không được quốc tế công nhận, vì không có vàng ký thác trong Ngân hàng Thế giới, để bảo chứng khi phát hành như đồng bạc của miền Nam Việt Nam, nên chẳng có giá trị gì. Nó chỉ là những mảnh giấy Tín phiếu tượng trưng, để trong nước dùng trao đổi với nhau mà thôi.
Tình trạng kinh tế đình trệ từ sau 30-4-1975 tại miền Nam Việt Nam, đã làm vật giá leo thang nhanh chóng, đồng tiền Cụ Hồ liên tục bị phá giá. Số tiền nhỏ nhoi anh em Tù gửi Trại giữ, để dự phòng trường hợp được tha có tiền ăn đường về với gia đình, cũng sẽ chẳng còn giá trị bao nhiêu. Hơn nữa, anh em bắt đầu cảm nhận thấy rằng còn lâu mới được tha. Với hoàn cảnh đầy đọa đói ăn, lao động cực khổ vất vả như vầy, chắc gì còn sống được đến ngày tha về với Vợ con mà để dành. Mình chết đi chắc gì Vợ con được biết, để mà xin lãnh nhận lại. Do đó, anh em mới đề nghị trại cho mua đồ ăn “bồi dưỡng” hết đi cho rồi.
Trung úy Khảm, Quản giáo Đội chúng tôi, không biết thứ vị Đảng ủy của ông ta cỡ nào, và sự quen biết ảnh hưởng của ông ấy đối với các Chủ nhiệm Hợp tác xã địa phương ra sao, mà thấy cả Trại trưởng lẫn các cán bộ trong Trại đều mến nể. Ông ta thường được Trại trưởng chỉ định đi cùng Quản giáo Đội Nhà Bếp, tiếp xúc địa phương để trao đổi mua bán thực phẩm cung cấp cho trại. Nhờ thế, khi anh em đề nghị ông góp ý kiến với Trại mở “căng tin” bán các thức ăn bồi dưỡng, thì ông ta đã sốt sắng “đề bạt” ngay với Trại trưởng.
Vài ngày sau, ông ta cho biết : “-Không mở “căng tin” được, vì trái quy định của Nhà Nước đối với Trại viên Cải tạo. Nhưng Trại trưởng “nhất trí”ù để ông ấy đi tiếp xúc với các Hợp tác xã, mua giùm “mật đường”, bánh khách, kẹo lạc, cho anh em “bồi dưỡng”. Tùy theo số tiền riêng của mỗi người đang gửi trại giữ. Ai muốn mua phải “đăng ký” tên với Quản giáo đội, tập trung trình Trại xét đưa người đi mua giùm cho.”
Giá cả các món hàng được thông báo qua các Đội trưởng. Các Đội trưởng làm bảng liệt kê tên những người xin mua, món gì, bao nhiêu, nộp lên Quản giáo đội.
“Mật đường” là nước miá ép ra, đem đun sôi cho bốc hết hơi nuớc, trở thành 1 chất lỏng sền sệt đặc hơn mật ong mầu nâu xậm. Để nguyên như vậy gọi là “mật đường”. Nếu người ta đem đổ ra các tấm phên lớn, để cho khô cứng lại, cắt thành từng miếng hình chữ nhật 10 phân bề ngang, 20 phân bề dài, ngoài Bắc gọi là đường phên hoặc đường thẻ. Còn ở trong Nam và miền Trung, thường đổ vào những chiếc chén (bát) để khô, gọi là đường chén hay đường tán. Muốn có đường cát vàng hay đường trắng tinh, người ta còn phải đem loại đường thô này biến chế và lọc với một loại hoá chất mới thành.
Kẹo lạc sản xuất tại vùng Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, Xã hội Chủ nghĩa này cũng rất đặc biệt. Đó là những miếng bánh tráng mỏng, hình tròn, đường kính độ 5 phân, có một lớp hột đậu phộng rang chín và “mật đường” mỏng rải đầy trên mặt bánh. Sau đó xếp thành từng chồng 10 cái, cuốn trong những miếng lá chuối khô để đem bán.
Bánh khách là loại bánh Trung Thu nướng, theo lối gọi của người miền Bắc. Thường thì vỏ bao ngoài làm bằng bột mì, nhân bên trong gồm 2 loại khác nhau. Có thể là nhân chay, làm bằng đậu xanh hoặc hạt sen trộn đường cà nhuyễn. Có thể là nhân mặn, trộn lẫn lộn các thứ thịt khô (lạp xưởng, gà quay), lòng đỏ trứng muối, mứt bí, hạt dưa, vây (vi) cá… gọi là nhân thập cẩm.
Nhưng bánh khách ở vùng này, vỏ bánh không biết làm bằng loại bột gì mà khô cứng, nhân là khoai lang luộc chín trộn chút đỉnh đường cà nhuyễn, mùi vị lợ lợ chua chua. Bánh đem về có nhiều chiếc bị nứt, mốc xanh, hình như không bán được đã trữ trong kho lâu quá. Nhưng Trại đã lỡ mua về không đem trả lại được, đành phải nhận cắt bỏ những chỗ mốc mà ăn cho đỡ tiếc tiền.
Tôi không nhớ giá tiền của mỗi món là bao nhiêu.
Cá nhân Tôi cũng còn chút tiền gửi trại, nên “đăng ký” mua hết trọn số tiền, được 2 Gô mật đường (lon đựng sữa bột Guigoz, tính tương đương 2 kílô), 2 chiếc bánh khách, và 2 gói kẹo lạc. Có nhiều bạn mua được nhiều hơn vì họ có nhiều tiền. Nhưng trước sau Trại chỉ đưa người đi mua có 3 đợt là chấm dứt, vì tiền của mọi người gửi Trại đã tiêu hết.
Một buổi chiều đi lao động vừa về tới Trại, được gọi tên trình diện kho tiếp liệu của Quản giáo Nhà Bếp, lãnh 2 Gô “mật đường” “đăng ký” mua từ mấy ngày trước. Tôi đem về Láng, ngồi múc từng muổng nhỏ nhấm nháp, tăng cường chất ngọt cho cơ thể đã bao ngày thiếu thốn. Bụng bảo dạ rằng, chỉ ăn tối đa một phần năm Gô thôi (250 gram). Nhưng “mật đường” thơm thơm ngọt ngọt thấm giọng, tì tì hết muổng này đến muổng kia, cạn tới nửa Gô lúc nào chẳng hay.
Anh bạn trùng tên với Tôi, Tôn Thất Hùng (có biệt hiệu là NGƯỜI VỀ TỪ TÂN CẢNH, vì anh ấy thoát chết, không bị bắt làm tù binh, trong vụ quân Cộng sản Bắc Việt tràn ngập Sư đoàn 22 đóng tại Dakto, hồi năm 1969) còn ngon hơn Tôi nhiều. Anh ấy ăn một hơi, hết luôn 2 Gô trong buổi tối mới lãnh về. May không ai bị đau bụng tiêu chảy hay xình đầy bụng chi cả.
Những ai bị đưa ra Bắc cải tạo, mới biết rõ công dụng đa dạng của chiếc lon Gô. Nó nguyên thủy là chiếc lon đựng sữa bột hiệu Guigoz, bằng nhôm, nhẹ, mỏng bền, có nắp đậy kín, cao 20 phân, đường kính cỡ 8 phân. Ăn hết sữa bột rồi, thay vì vứt chiếc lon không đi, anh em giữ lại dùng để nấu đồ ăn, tích trữ nước uống, cất đường, mì ăn liền, và các loại thực phẩm khô khác, không sợ kiến và chuột ăn vụng hoặc đánh cắp mất.
Khoảng 1 tuần lễ sau khi chúng tôi được đưa tới định cư tại K2, có mấy bạn Đại tá bị bắt từ hồi đầu tháng 4-1975 tại Đànẵng, bị áp giải ra miền Bắc Xã hội Chủ nghiã trước chúng tôi, được đưa về ở chung.
Các bạn này mặc đồng phục Tù, mầu nâu nhạt có sọc xám, nghe nói là do Trung Cộng viện trợ cho Công sản Bắc Việt. Tư trang các bạn ấy mang theo, đựng trong một túi xách nhỏ chẳng có gì. Chăn mùng cuốn tròn dài, đeo quàng tréo qua đầu, từ vai bên này xuống nách bên kia, trông giống hệt mấy người Tầu chạy loạn Nhật qua vùng Đồng Đăng, Lạng Sơn, Tôi đã gặp hồi 1940.
Không như chúng tôi, vali, balô cồng kềnh, ngoài mấy bộ thay đổi đi làm hàng ngày, ai cũng có tối thiểu ba, bốn bộ quần áo dự trữ. Trong những kỳ khám xét tư trang, Tôi còn thấy có anh đem theo nguyên cả bộ Âu phục lớn (quần dài, áo vét, cà vạt, giầy da thấp cổ bóng loáng). Chắc là để sau một tháng học tập như Nhà Nước thông báo, mặc vào để tham dự lễ phát bằng Công dân Xã hội Chủ nghiã tập thể, cho nó trịnh trọng.
Các bạn Đại tá mới đến nhập bọn, tình trạng cơ thể ai nấy xanh xao, gầy ốm tong teo. Ngắm bạn rồi nhìn lại mình. Mới có 6 tháng “thi đua lao động cải tạo” mà đã suy xụp hơn chục Kílô, da nhăn đen thui như mầu bánh mật, chắc rồi đây sẽ tàn tạ hơn họ nhiều.
Bây giờ ngồi ghi lại những dòng này, Tôi còn cảm thấy nao nao buồn, xót thương cho bao nhiêu đồng bào đang còn bị hành hạ nơi quốc nội. Biết đến bao giờ Họ mới thoát được nạn Cộng sản đọa đầy bóc lột.
Trong hoàn cảnh thiếu đói chung hồi đầu năm 1977 tại K2, một con chuột tinh khôn của rừng miền Bắc Xã hội Chủ nghiã, đã gây ra một truyện buồn giữõa anh em Tù, làm tủi lòng những người nghèo, chẳng bao giờ quên được. Đại để câu truyện như sau :
“ Hàng ngày, bạn bè ở cùng Láng ai cũng thấy, một anh béo phì, giầu tiền, nhiều tiếp tế của gia đình, thường để chiếc lon Gô đựng đầy thịt chà bông, tuốt sâu trong sát vách, trên kệ xếp tư trang riêng của anh ấy. Bỗng dưng một sáng chủ nhật nghỉ lao động rảnh rang, anh ta kiểm điểm đồ riêng, mới phát giác ra chiếc Gô không cánh mà bay đâu mất. Nằm kế bên anh ta là 2 bạn nghèo không có tiếp tế. Anh ta cao giọng nói trống không cho mọi người cùng nghe : “-Nếu ai lỡ táy máy đùa dai thì trả lại, nếu không sẽ thưa Cán bộ khám xét thì đừng trách.”






Anh em trong đội nhỏ nhẹ can ngăn, và bỏ cả sinh hoạt riêng tiếp tay anh ấy tìm kiếm. May sao, đúng lúc anh Đội trưởng cúi nhìn dưới gầm xạp ngủ, mặt trời lên cao ánh sáng tỏ hơn chiếu suốt vô nhà, qua các khe hở của vách phên “chổm”, thấy một vật gì trăng trắng bóng loáng nằm tuốt trong góc nhà. Khều ra thì là chiếc Gô đồ ăn có ghi tên người kêu mất. Quanh nắp miệng Gô và chung quanh đáy Gô, đầy những vết răng chuột gặm, có chỗ gần thủng. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, đem trả lại chiếc Gô cho anh ấy. Cầm lấy chiếc Gô, anh ấy nét mặt sượng sùng, mừng quên cả nói cám ơn.”
Hiện nay, anh ấy cũng đang định cư tỵ nạn tại Hoa Kỳ cùng với vợ con, như các bạn Tù cũ ở chung một Láng tại K2 (Trại Cây Khế) Liên trại 1, Việt Cường, Yên Bái, Hoàng Liên Sơn. Không biết đến bây giờ anh ấy có còn nhớ, và ân hận không ?






MẶT TRÁI CON NGƯỜI.

Hiểm nguy, hổ cũng cụp đuôi,
Khốn cùng, bản chất con người bộc ra.
Xưa kia luồn cúi ba hoa,
Ra vào cửa hậu, nhờ Bà cậy Ông.
Quan cao, nhà rộng mênh mông,
Mánh mung, thâm lạm của công làm giầu.
Cấp trên, nịnh đội lên đầu,
Tùy tùng, khai thác như trâu kéo cầy.
Chậm chân chạy, phải vào đây,
Gian lao đói khổ khác ngày quyền uy.
Tâm đen bần tiện tức thì,
Lộ qua lời nói hành vi đê hèn.
Gian manh sống cạnh người hiền,
Khác đâu lang sói ở bên đàn cừu.
Lúc sang, xoen xoét như diều,
Đến khi hoạn nạn, đặt điều hại nhau.
Canh ngon, hỏng tại bọ sâu,
Cây tươi, héo chết vì bầu mối xông.
Nhẹm đi ấm ức trong lòng,
Nói ra cho đỡ tức hông tuổi già.

K2 (Trại Cây Khế) LT1, Yên Bái, tháng 1-1977.







Chương 16


LAO ĐỘNG CẢI TẠO, THƯỚC ĐO LÒNG YÊU NƯỚC
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.



Mọi công tác chỉnh trang K2 (Trại Cây Khế) vừa hoàn tất, Trại lại phát động đợt “thi đua” mới. “Thi đua lao động cải tạo vượt chỉ tiêu Nhà Nước quy định”.
Theo lệnh Nhà nước, kể từ năm 1977, Tù phải tham gia sản xuất thật sự để làm ra tiền, tự nuôi mình, nuôi Cán bộ quản lý Trại, và đóng góp cho Nhà nước hàng năm mỗi đầu người 1 đồng một ngày. BCH trại được coi như Ban quản lý một Hợp tác xã. Chỉ có một điều khác Hợp tác xã là, Trại viên cải tạo hưởng quy chế ăn ở quy định cho Tù, chớ không phải Hợp tác xã viên.
Lý do đưa ra giải thích là : “-Vì Chiến tranh tàn phá quê hương, nay toàn Dân phải tham gia tái thiết, nên Cải tạo viên cũng phải đóng góp công sức mình, vào công việc chung của đất nước như mọi người. Đây cũng là dịp chứng tỏ lòng yêu nước, và thực tâm ước muốn cải tạo để trở thành người công dân Xã hội Chủ nghiã của các Cải tạo viên.”
Nghe tin này, nhiều người nhẹ dạ cả tin “phấn khởi”, cho rằng Chính sách này giúp mình mau quen với nếp sống của con người Xã hội Chủ nghiã, sẽ sớm được về đoàn tụ với vợ con. Thời gian lâu lắm, chắc cũng chỉ trong vòng 2, 3 năm là cùng. Ông Tướng Sư đoàn Việt cộng ra đón mình ở Phi trường, hồi mới đặt chân lên đất miền Bắc Xã Hội Chủ nghiã này, trước đây mấy tháng, cũng đã từng nói như vậy mà!
Thi hành lệnh Nhà nước, Trại khởi hoạch nhiều “phương án hành động”, làm thước đo mức “tiến bộ” của Cải tạo viên. Mọi người đều tỏ ra “hồ hởi”, sốt sắng và cố gắng hết sức mình. Tù tha hồ thi đua liên tục xả thân lao động. Cán bộ “bám sát” thúc đẩy Tù “thi đua đạt năng xuất lao động” ngày một cao hơn. Với mục đích duy nhất, làm sao Trại và Tù kiếm ra thật nhiều tiền, để đạt cho bằng được trăm phần trăm “chỉ tiêu” do Nhà nước quy định. Nếu vượt được mức “chỉ tiêu” quy định càng cao càng tốt.






Đợt thi đua bắt đầu bằng tập trung đắp đập đất, chắn ngang khe giữa 2 ngọn đồi gần K3 (Trại Cốc), để giữ nước làm hồ nuôi cá. Mặt đập rộng 50 mét, thân đập cao 30 mét, và chiều dài đập là 50 mét. Đào đất trên đỉnh đồi bên trái, khênh xuống đổ cho đầy khe.
Hình như Phân trại K3 là chủ thuê, nên thấy mỗi buổi lao động, Quản giáo Đội chúng tôi dẫn anh phụ trách nấu nước của Đội vào nhà bếp K3, lãnh một số sắn sống đem ra luộc tại hiện trường, để phát cho anh em. Mỗi người được 1 khúc bằng cổ tay, dài 20 phân, vào lúc nghỉ tại chỗ ăn bữa trưa hàng ngày. Đây là tăng cường “bồi dưỡng” của chủ thuê cho Tù, y như hồi đi làm thuê cho Hợp Tác Xã địa phương.
Các Đội tham dự công tác tại công trường đắp đập, được phân chia như sau : 1 nhóm cuốc đất trên đỉnh đồi khiêng xuống đổ dưới khe, 1 nhóm ban đất cho bằng phẳng tại mặt đập, 1 nhóm đầm nện đất, nèn cho mặt đập và sườn đập thật mịn và cứng chắc.
Đội chúng tôi thuộc nhóm đào đất nơi đỉnh đồi, khiêng xuống đổ lấp khe sâu giữa 2 quả đồi. Quản giáo Đội quy định, mỗi Tổ 10 người phải đào và khiêng đất xuống đổ vào đập mỗi ngày 5 mét khối. Vì thế, anh em Tổ của Tôi phải chia thành : 3 toán khiêng đất hết 6 người, và 1 toán 4 người vừa cuốc vừa xúc đất vào “ki” (cáng khiêng) cho các toán khiêng đi đổ xuống khe.
Chúng tôi thoả thuận luân phiên nhau, hôm nay cuốc xúc đất, thì hôm sau đổi lại đi khiêng đất, cho nó công bằng. Cũng như để mọi người, có dịp rút kinh nghiệm bản thân về các công tác khác nhau, mà “sáng tạo” ra phương pháp thực hiện cho thật nhanh. “Lao động là sáng tạo”, Cách mạng đã nghiên cứu xác định như vậy trong các bài học cải tạo tư tưởng, cần phải áp dụng cho Cán bộ nhận thấy là mình đã “thấm nhuần”, và “nắm được vững vàng sâu sắc” những gì đã học.
Trong suốt thời gian đắp đập, mọi người phải làm thông tầm (kể cả Cán bộ cảnh vệ và Quản giáo). Chỉ được nghỉ tại chỗ, 30 phút lúc giữa trưa để dùng bữa. Ăn xong là phải “tranh thủ” tiếp tục làm ngay. Đến chiều tối, khi nào đạt “chỉ tiêu” quy định trong ngày, báo cáo Quản giáo Đội đến kiểm tra chấp nhận đúng, Đội mới được ngưng để tập họp ra về.
Đặc biệt trong thời gian lao động vất vả này, Trại được cung cấp bột mì thay cho sắn khô hoặc bắp khô. Do đó, buổi sáng mỗi người được lãnh một nửa ca cháo bột mì, sền sệt như loại bột gạo người ta thường khuậy chín cho trẻ con ăn. Bữa trưa và bữa tối, được mỗi bữa một chiếc bánh bột mì nhồi nước đổ khuôn tròn luộc chín, đường kính 10 phân, bề dầy 1 phân. Thức ăn thì mỗi bữa đôi ba cọng rau muống bung nước muối.
Thời gian 30 phút nghỉ ăn trưa được coi là dài. Vì sau khi nhơi thong thả từng mẩu nhỏ của chiếc bánh mì luộc và khúc sắn, cho nhuyễn nhuần với nước miếng trước khi nuốt vào bụng. Cũng còn dư được ít nhất là 15 phút để nằm dài trên mặt đất chợp mắt xả hơi, trước khi bắt tay vào tiếp tục lao động trở lại.
Số giờ lao động hàng ngày quy định là 8 tiếng đồng hồ. Nhưng bao giờ anh em cũng phải làm nhiều hơn, mới đạt đủ “chỉ tiêu” quy định. Vì thế, chỉ trong vòng có 1 tuần lễ, ai nấy đều hốc hác xạm xọp đi ít nhất cũng 5 kílô. Nhưng sức chịu đựng vất vả, được tôi luyện dẻo dai hơn, và thuần nhuyễn như một cái máy chạy tự động không cần ai bấm nút.
Hằng đêm, sau giờ “kiểm điểm, phê và tự phê” xong, anh nào cũng lăn đùng ra ngủ say như chết. Nhờ vậy mà ngày hôm sau mới có sức chịu đựng tiếp. Nếu không ngủ được, phải thức trắng đêm như hồi mới ra, chắc là bây giờ chẳng còn sống trên Thế gian mà ngồi viết Hồi ký.
Ngày thứ 2 đi làm đập, toán của Tôi đến phiên đào và xúc đất vào “ki” cho các toán khác khiêng. Lúc phát quang các bụi rậm trước khi đào đất, Tôi may mắn gặp một ổ 4 chú Cúi con (trông giống như sóc, nhưng mặt mõm giống như lợn, lông đen, đuôi ngắn). Mỗi chú Cúi to bằng nắm tay. Tôi đưa cho anh Đại tá Dương Hiếu Nghiã, cùng một Tổ với Tôi, biến chế làm món Cúi bỏ lò trong lon Gô. Để 2 anh em chia nhau, thưởng thức lộc của Chúa Sơn Lâm “bồi dưỡng” cho Tù nghèo. Tôi tự làm lấy cũng được, nhưng vì đồ tiếp tế của Tôi đã hết, không còn gia vị để ngâm ướp, nên phải đưa cho anh Nghiã lo toan.
Sau này, qua 5 trại khác nhau trong suốt 13 năm cải tạo, lúc nào anh Nghiã và Tôi cũng ở chung một Đội. Chỉ có thời gian ngắn khoảng 1 năm ở K5 Trại Tân Lập, Vĩnh Phú, anh Nghiã ra làm Đội trưởng Đội Gạch, gồm toàn các Linh mục, Thượng tọa, Đại đức Tuyên úy QLVNCH (cũng phải đi cải tạo như chúng tôi) thì 2 anh em chúng tôi mới không ở chung Đội. Tới tháng 1 năm 1980, bị chuyển vào trại Thanh Phong, Thanh Hoá, anh Nghĩa và Tôi lại được “biên chế “ vào chung một Đội. Cuối tháng 4 năm 1982, chúng tôi cùng được đưa trở về Nam một lượt. Sau cùng, anh Nghĩa được tha trước Tôi 6 tháng, vào dịp 2 tháng 9 năm 1987, kỷ niệm Lễ Độc Lập của Cộng sản Việt Nam.
Những ngày nghỉ lao động trong đợt “thi đua muà Xuân 1977”, Ban chỉ huy Phân trại K2 cho phép anh em nấu nướng biến chế thực phẩm “bồi dưỡng”, không cấm đoán như hồi mới ra. Nhờ thế, các món thực phẩm khô, do gia đình gửi lén trong các bưu kiện tiếp tế quần áo lạnh, được Tù đem ra trổ tài biến chế. Không theo sách vở nào cả, thế mà mùi vị thức ăn biến chế xông ngào ngạt thơm phức cả một vùng, tưởng như đang đứng trong khu phố tiệm ăn Tầu Chợ Lớn vậy. Chỉ tội cho các bạn không được tiếp tế, phải vào xạp nằm chùm chăn kín mít, tìm khuây khoả trong giấc ngủ.
Từ khi “đợt thi đua mùa Xuân 1977” được “phát động”, tất cả Tù và Cán bộ đều bận rộn. Ngày nào cũng xuất trại lao động rất sớm, và đi đến tối mịt mới trở về. Nhóm đi đắp hồ cá K3. Nhóm đi hạ bồ đề, trên sườn núi cao gần ngay bên Bệnh xá Liên trại, thả xuống đường xếp thành đống, để Công ty khai thác Lâm sản đến đo, tính tiền công theo thước khối, rồi chở đi. Nhóm đi làm thuê cho các Hợp Tác Xã, trồng hoa mầu …
Sau khi đắp đập hồ cá K3 xong, Đội chúng tôi được đưa đi đắp đập thuê cho một Hợp Tác Xã, ở xa trại khoảng hơn 10 cây số, về phiá Tây. Ra đi từ sáng sớm, trước khi kiểng tập họp các Đội xuất trại lao động. Đến chiều, trở về đến trại trời đã nhá nhem, mọi người ở nhà đã nghỉ và dùng bữa tối xong xuôi.
Gần Tết tại vùng này, sáng nào sương cũng mịt mù đến 10 giờ mới tan, nên lúc ra đi phải dùng đường cái lớn, qua BCH Liên trại 1, qua K lò gạch, qua một công trường làm đường, rồi rẽ vào con đường nhỏ ngoằn ngoèo theo các sườn đồi, lên một vùng bình nguyên của Hợp tác xã (không biết tên) có khoảng vài chục căn nhà. Từ trại đến nơi lao động, lúc nào chúng tôi cũng phải đi nhanh như chạy Marathon, thế mà thời gian di chuyển tính ra cũng mất khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Buổi chiều, lao động xong, chúng tôi không trở về trại theo đường cái lớn, mà đi theo một con đường mòn, tắt băng rừng. Phải leo lên tụt xuống qua 3, 4 đỉnh đèo, qua đập nước K3 (Trại Cốc), rồi thêm một đoạn sườn núi chừng 1 cây số nữa mới về tới K2 (Trại Cây Khế) của chúng tôi.
Trong chuyến đi làm xa này, một ấn tượng vô cùng chua chát, đã hằn sâu vào bộ não của chúng tôi không bao giờ quên được, sau khi nhìn thấy tận mắt cái quang cảnh Công trường làm đường, và nơi ăn chốn ở của những Công dân Xã hội chủ nghiã miền cao nguyên Hoàng Liên Sơn.
Theo lời rêu rao của Bác Hồ, của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà Nước Xã hội Chủ nghiã thì, những người vô sản lao động thuộc giai cấp lãnh đạo Cách mạng kiến thiết đất nước. Thế mà hoàn cảnh sống “thực tế” của họ, trông thấy rõ ràng, so với cảnh sống của vợ con các Chủ nhiệm Hợp Tác Xã, hoặc Cán bộ Cộng sản lãnh đạo các cấp Trung ương, Địa phương, khác xa nhau một trời một vực.
Giá trị cuộc sống của giới lao động, công dân trung kiên theo Xã hội Chủ nghiã, từ hồi Cách mạng mùa Thu 1945 thành công đến nay, còn như vậy. Huống chi mình, đã từng cầm súng chống đối chế độ, đang phải cải tạo để được trở thành công dân Xã hội Chủ nghiã, tương lai sẽ như thế nào?
Một tấm bảng to tướng, ghi chữ “Công trường làm đường, Công ty…” được dựng ngay bên đường, mà chỉ thấy khoảng vài ba chục người, dùng cuốc, xẻng, xà beng, búa tạ, đầm cầm tay, “ki” làm bằng “chổm” khiêng đá, đất, cuốc ở sườn núi ra, để hì hục giặm vá, lấp các lỗ ổ gà xâu hoắm trên mặt đường. Trông chẳng khác nào đám phu làm đường miền thượng du, thời Thực dân Pháp đô hộ mấy chục năm về trước, mà Tôi đã từng thấy ở miền Lạng Sơn, Thất Khê.
Nhân công gồm toàn người lớn tuổi, và nam nữ thanh thiếu niên trạc 15 đến 17. Người nào trông cũng phong sương, đen xạm, làm việc không ngơi tay, dưới sự hò hét thúc giục “thi đua” của Giám đốc Công trường và các Trưởng toán.
Gần ngay nơi Công trường có 2 dẫy nhà ở, một khu nhà bếp, và dẫy nhà ăn tập thể. Tất cả các nhà đều lợp mái tôn, vách phên, sườn khung nhà bằng gỗ. Trong khi người lớn đi lao động, mấy đứa trẻ trên dưới 10 tuổi, áo quần rách rưới, lem luốc bẩn thỉu, mắt mũi đầy ghèn, đùa giỡn bên lề đường, trước sân nhà ăn.
Khi đi ngang, trong số anh em Tù chúng tôi có người lên tiếng thân thiện hỏi : “-Các cháu không đi học à ?” Lập tức có em lớn hơn cả trả lời ngay, không cần suy nghĩ : “-Ông nội của chúng mày, chớ cháu chắt gì, đồ ngụy bán nước.”
Thật ngỡ ngàng. Từ đó về sau, anh em rút kinh nghiệm, không bao giờ còn dại dột tìm cách làm quen xã giao với quần chúng địa phương nữa.
Đến nơi làm thuê, mới biết công việc của chúng tôi là phá đất đỉnh đồi, ban ra, để nâng cao mặt đập đã có sẵn từ trước, nèn đập cho thật chắc. Đập dài cả trăm mét, mặt đập rộng 50 mét, sườn đập phiá ngoài, từ mặt đến chân khe ước chừng cũng khoảng 100 mét. Đây là đập của hồ thủy lợi, vừa dùng tích trữ nước trong mùa mưa, để vào mùa nắng khô cạn có nước tưới ruộng trong bình nguyên, vừa lợi dụng thả cá “làm kinh tế” cho Hợp Tác Xã.
Ngoài Đội chúng tôi từ K2 (Trại Cây Khế) đến, thấy còn nhiều Đội khác ở trại nào không rõ, đang làm ở đây trước chúng tôi. Họ lấy đất đỉnh đồi ở đầu đập bên phiá Bắc, khiêng ra mặt đập, ban, nèn, đầm mặt và sườn đập cho chắc. Đội chúng tôi đến sau, được giao việc phạt sườn đồi ở đầu phiá Nam của đập, tạo một mặt bằng thật rộng, để sau này dựng cơ sở gì đó không biết.
Đất đồi nơi chúng tôi phá vỡ ra, phải dùng “xe ban” hất trôi xuống chân đập. “Chỉ tiêu” quy định mỗi người phải làm 1 mét khối đất một ngày, tức là gấp đôi “chỉ tiêu” làm tại đập hồ cá K3 (Trại Cốc).
Sau khi Cán bộ quản giáo và các anh Tổ trưởng đi đo đất, đóng cọc mốc diện tích riêng cho từng Tổ theo “chỉ tiêu” quy định xong. Các Tổ bắt đầu “thi đua khởi công”. Tổ nào xong trước được nghỉ sớm, ngồi chờ các Tổ khác làm xong mới cùng tập họp, rời “hiện trường lao động” trở về Trại.
Với chỉ tiêu nặng như vậy, chả có Tổ nào có cơ may nghỉ sớm cả. Ngày nào cũng phải làm khoảng hơn 10 tiếng đồng hồ mới xong. Vừa đúng lúc mặt trời đang tụt xuống, ngang đỉnh dẫy núi phiá Tây của bình nguyên.
Để “triển khai thi công”, Tổ chúng tôi phải chia thành 3 toán làm việc : 2 toán kéo “xe ban” hết 6 người, toán 4 người còn lại hiệp lực vừa phá đất, vừa gom vun thành đống cho “xe ban” kéo đi.
Nghe chữ “xe ban”, ai cũng tưởng là một loại cơ giới nào đặc biệt lắm. Thực ra nó chỉ là một miếng ván dầy 5 phân, dài 1 mét rưỡi, mặt rộng 50 phân, có một khung càng gồm 3 thanh gỗ tròn, đóng vào khoảng gần 2 đầu miếng ván, và 2 sợi dây kéo. Hình dáng “xe ban” trông y như chiếc bừa, nhà nông vẫn thường dùng để làm tơi đất, sau khi cầy lật thành từng hàng dài trên ruộng.
Xử dụng “xe ban”, có thể di chuyển được lượng đất nhiều và nhanh hơn dùng “ki” khiêng, nhưng phải cần tới 3 người. Một người cầm càng điều khiển, 2 người cầm dây kéo dài khoảng 3 mét cột ở 2 đầu miếng ván, y như dùng 2 con trâu keo 1 cái bừa vậy. Người điều khiển phải biết kỹ thuật cầm càng và phụ đẩy, xe mới trượt đi suông sẻ, nhẹ nhàng. Nếu không, xe sẽ khựng lại không kéo đất trơn đi, mà người cầm càng còn bị sức kéo, lôi cả người lẫn xe ngã chúi về phiá trước, rất nguy hiểm.
Ngày nào, Tôi cũng bị anh em trong toán, đùn cho việc lái “xe ban”. Qua kinh nghiệm học được, muốn “xe ban” chạy được suông sẻ, người cầm càng phải đứng ở khoảng đúng giữa “xe ban”. Chân trái, đưa ra phiá trước, để phần 3 lòng bàn chân lên cạnh trên của miếng gỗ thân xe. Chân phải, đứng trên đất soạc ra phiá sau, làm sao cho sức nặng của toàn thân, được chia đều trên cả 2 chân. Hai tay dang rộng nắm chặt đà ngang càng xe, và giữ cho càng xe nghiêng khoảng 30 độ góc, hướng vào ngang rốn của mình. Khi hô 2 bạn kéo tới, mình phải vừa đè càng cho thân xe sát mặt đất, vừa phụ đẩy, xe sẽ chạy nhẹ nhàng và rất nhanh. Sơ ý là cả 3 cùng lăn tuột theo sườn đập đến chân khe luôn.
Kinh nghiệm phá vỡ đất cho nhanh, chúng tôi được Trung úy Khảm Quản giáo Đội tiếp tay hướng dẫn thật tận tình. Ông ta vốn người lanh lợi, tháo vát, và có chút “tình người” đối với anh em trong Đội. Qua những lúc chuyện vãn trong giờ giải lao, ông ta thường khoe trướùc kia đã từng nhiều lần tham dự các cuộc “thi đua lao động”, do các Đại đơn vị Quân đội Nhân dân tổ chức, và lần nào cũng đoạt giải “Anh hùng lao động”.
Sở dĩ chúng tôi phá vỡ đất được nhanh, là nhờ phần sườn đồi nơi chúng tôi làm, đã được vạt thẳng đứng từ trước, cao khoảng 4 mét. Nên trước nhất, phải cuốc khoét đoạn dưới chân sát mặt đập, sâu vào khoảng 70 phân, cao 1 mét. Sau đó lên phiá trên, cuốc một rãnh dài sâu rộng chừng 3, 4 chục phân, và những lỗ xâu cách nhau 50 phân, rồi dùng xà beng bẩy mạnh là từng mảng đất lớn sẽ lở ra tụt xuống.
Thật rõ ràng “trăm hay không bằng tay quen” là thế. Nhưng “thực tế” bắt tay vào việc, mới thấy chẳng đơn giản như vậy đâu. Lẫn trong đất núi còn gặp những tảng đá to tướng, phải dùng búa tạ đục đẽo phá cho nó vỡ lần lần ra, cũng trần ai lắm. Vì thế mà chẳng ngày nào hy vọng làm ít hơn 10 tiếng đồng hồ cả.
Muốn cố gắng lột bỏ cái áo “Giai cấp Tư sản” của mình do Cộng sản gán cho, bằng “Lao động Cải tạo Tư tưởng” để trở thành người “Công dân Xã hội chủ nghiã”, thật không đơn giản dễ dàng gì.
Cái giá phải trả luôn luôn bằng máu, mồ hôi, và nước mắt, không chỉ của riêng bản thân mình trong các trại cải tạo, mà còn phải cộng chung của cả Vợ Con mình tại địa phương đang cư ngụ nữa.


KHOAN HỒNG NHÂN ĐẠO ?

Xót xa tình nghiã đồng bào,
Tha không xử chết, cho vào tập trung.
Học gương lao động anh hùng,
Tập tành đắp đập, phá rừng, làm nông.
Bao giờ thành thạo reo trồng,
Chăn nuôi,canh tác tinh thông thì về.
Xung vào Hợp tác xã quê,
Sống theo đời mới đủ nghề làm ăn.
Vợ, Con, khỏi phải băn khoăn,
Tội ai nấy chịu, chẳng can hệ gì.
Trẻ con vẫn học, vẫn thi,
Vợ thì lao động, hưởng tùy khả năng.
Thoạt nghe phấn khởi tinh thần,
Định tâm cải tạo bản thân đêm ngày.
Rêu rao chính sách thật hay,
Đến khi thực hiện đọa đầy dã man.
Gớm thay bè lũ bạo tàn,
Nỏ mồm lừa bịp thế gian nhân quần.

K2 (Trại Cây Khế) Liên Trại 1, tháng 1 năm 1977.





Chương 17


CÁI GIÁ PHẢI TRẢ, ĐỂ TRỞ THÀNH
NGƯỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA



Tết Đinh Tỵ 1977, anh em Tù K2 (Trại Cây Khế) được Ban chỉ huy Trại quan tâm săn sóc khá chu đáo. Nào là tổ chức thi đua làm Báo tường, tranh giải cờ tướng, đấu bóng chuyền giữa các Láng, và xem chiếu phim Liên sô ngoài trời.
Ngoài ra, mọi người còn phải học hát thuộc lòng các bài hát của Cách mạng. Giờ học hát, được thực hiện ngay sau buổi họp “phê và tự phê, xây dựng” hằng đêm. Các bài hát, do mấy anh bị bắt đưa ra Bắc từ hồi tháng 4 năm 1975, mới được chuyển về ở chung với chúng tôi, đọc cho chép và hướng dẫn tập. Có nhiều bài hát của Liên sô, Trung cộng, dịch lời sang tiếng Việt, nghe rất là ngô nghê chẳng ra làm sao cả, chẳng hạn : “Chúng ta là sắt thép…”. Hoặc những bài của các văn nô Cách mạng sáng tác, lời lẽ đầy sát khí : “Quét (giết) cho sạch nó đi…” Riêng bài “Tiến quân ca” (Quốc ca của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã Việt Nam) thì anh em không được học, theo sự giải thích của Cán bộ : “Tù cải tạo chưa xứng đáng được hát bài này!”









Chờ đón Xuân, còn có thêm một tin đồn rất là “hồ hởi”. Sẽ có đợt tha vào tháng 4, nhân kỷ niệm 2 năm ngày thống nhất đất nước, làm nhiều người mừng rỡ cho là chỉ dấu tốt. Ai nấy chuẩn bị đón Tết, với tinh thần “phấn khởi” hơn cái Tết tại Suối Máu năm 1976.
Trong dịp Tết, mọi người được nghỉ lao động 3 ngày. Nhưng ngày mồng 2, cả Cán bộ lẫn Cải tạo viên toàn Trại, phải “xuất hành” tham gia chương trình “cả nước trồng cây” hàng năm, để tỏ lòng nhớ ơn Bác.












Các món ăn Tết, cũng rất đặc biệt. Ngày mồng Một, cả bữa trưa lẫn bữa chiều đều được ăn 3 món : 1.- Thịt heo kho (mỗi người 3 mẩu bằng ngón tay cái); 2.- Thịt bò xào rau muống (cũng khoảng 5 cọng rau, và 3 mẩu thịt bò lẫn gân mỡ, mỏng bằng 4 đốt ngón tay); 3.- Trứng cá Mè Thác Bà kho (mỗi người khoảng miệng ca). Dĩ nhiên là ăn với bánh mì luộc, không có cơm. Hai ngày kế theo chỉ còn lại 2 món : cá Mè kho nhừ rục sền sệt như canh củ mỡ, ăn được cả xương mềm mục bùi bùi, và canh rau muống nấu với muối như ngày thường.















Cá Mè, do Cán bộ Hậu Cần Liên trại 1 đi mua từ hồ Thác Bà về. K2 của chúng tôi được chia 3 con, mình to bằng người ta, dài hơn 2 mét. Tôi chưa từng được thấy loại cá nước ngọt to như thế bao giờ. Nhà bếp phải lấy búa bửa củi tạ, mới chặt ra từng khúc nhỏ được.
Hai ngày trước Tết, mỗi Đội phải tăng cường cho Đội nhà bếp 5 người để tiếp tay gói bánh chưng. Theo dự trù, mỗi Tù sẽ được một chiếc bánh chưng nặng cỡ 1 kí lô sau khi luộc chín, và được lãnh vào buổi chiều tối ngày cuối năm.
Tôi được Đội cử tăng cường ngồi gói bánh chưng, nên 2 ngày giáp Tết không phải theo Đội ra ngoài lao động vất vả. Nhưng lưng vai cổ mỏi muốn gẫy, cơ bắp 2 chân đau tê cứng, vì phải ngồi lâu một chỗ làm liên tục không giờ giải lao. Có điều an ủi là mỗi bữa tăng cường làm tại nhà bếp, được bồi dưỡng thêm ba, bốn muổng tương hột kho, để ăn với bánh mì luộc, thay vì chỉ có vài cọng rau muống bung nước muối như mọi người.
Anh em tăng cường được chia thành 5 toán. Một toán chuyên lo chẻ lạt, rửa cắt lá giong cho hợp với khuôn. Một toán lo vo gạo nếp để trong từng thúng cho róc nước trước khi gói vào lá. Một toán cà rửa nấu đậu xanh, giã nhuyễn và nắm thành những nắm chặt tròn cỡ trái banh Tennis. Một toán cắt chia thịt heo thành những miếng dài cỡ 10 phân, dầy khoảng 1 phân. Toán sau cùng chuyên ngồi gói bánh theo khuôn gỗ, đã đóng sẵn cùng một cỡ 20/20 phân, cao 5 phân.
Ruột mỗi chiếc bánh chưng gồm : 2 bằng miệng bát đá gạo nếp vo rửa sạch cám (lộn gạo tẻ hơi nhiều), trộn chút đỉnh muối cho đậm đà, 1 nắm đậu xanh, và 1 miếng thịt heo có đủ nạc, mỡ, bì, ướp muối, hành củ thái mỏng, và hạt tiêu xay nhuyễn.
Có vài anh em Tù gói bánh rất thạo, không cần khuôn mà chiếc bánh rất vuông đủ 8 góc và chắc nịch. Còn phần lớn toàn là tay mơ vào học nghề, bánh gói không nèn được chặt và vuông vắn cho lắm, mặc dù đã có khuôn gỗ để trợ lực. Bánh chưng gói chặt tay luộc ra nền hơn bánh gói lỏng tay, và lúc chín vớt ra đem nén không bị phòøi ruột nơi các góc chiếc bánh.















Trong mấy ngày Tết, Trại mở máy thu thanh chuyền qua loa lớn cho cả trại Tù cùng nghe, những tin tức của đài phát thanh địa phương và Hànội.
Thư viện trong khu Tù ở cũng được mở cửa cả ngày, cho Tù vào đọc báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, và mượn sách, truyện xã hội chủ nghiã đọc tại chỗ hoặc đem về láng ở đọc dần. “Mục đích yêu cầu” của Trại mở Thư viện, để Tù có cơ hội tìm hiểu thêm về Cách mạng Xã hội Chủ nghiã tại Việt Nam, và tại các nước Cộng sản trên toàn Thế giới, mà noi gương “thi đua cải tạo” cho mau “tiến bộ”.












Anh Nguyễn văn Lương (Đại tá gốc Địa phương quân, trước 30-4-1975 làm Phụ tá Tổng cục trưởng Chiến tranh chính trị Quân lực Việt Nam Cộng hoà đặc trách Địa phương quân và Nghiã quân) được trại cử làm quản thủ Thư viện. Anh ấy là người bặt thiệp, luôn luôn hăng hái hướng dẫn anh em lựa sách, truyện mà anh ấy cho là hay, cũng như giới thiệu những loại tài liệu quan trọng cần nên đọc. Sau này anh Lương cũng phải chuyển đi Trại Tân Lập, Vĩnh Phú, và trại Thanh Phong, Thanh Hoá cùng một lượt với Tôi. Vào cuối tháng 4 năm 1982, Tôi được chuyểàn về miền Nam Việt Nam, anh Lương được chuyển ra vùng Nam Hà thuộc châu thổ sông Hồng ở miền Bắc. Hình như anh ấy và gia đình, cũng đang định cư tỵ nạn tại California.












Tất cả những cuốn truyện để tại Thư viện trại Tù, đều có nội dung tuyên truyền, đề cao tinh thần chiến đấu và thi đua sản xuất của các nam nữ anh hùng vô sản. Qua những cốt truyện dàn dựng, cho phép nhận định rằng trình độ hiểu biết của quảng đại quần chúng tại miền Bắc xã hội chủ nghiã, sau hơn 20 năm sống dưới sự cai trị chuyên chính của Cộng Sản Việt Nam, rất là thấp kém lạc hậu. Chẳng hạn, một đoạn truyện rất phi lý như …“phi công Bắc Việt đậu sẵn phi cơ MIG trong các đám mây dầy đặc ở trên không, để phục kích chờ phi cơ B52 của Mỹ tới thả bom Bắc Việt là sông ra bắn hạ, địch không kịp trở tay”... Ấy thế mà Sĩ quan quân đội Cộng sản Bắc Việt tin là thật, trầm trồ ca ngợi đề cao một cách hãnh diện trước mặt anh em Tù.












Để kéo dài cái thi vị Tết trong suốt 3 ngày nghỉ, Tôi và 2 anh bạn nằm kế bên, đồng thoả thuận canh ty ăn chung bánh chưng. Mồng 1 ăn chiếc bánh của Tôi, mồng 2 và mồng 3 thì lần lượt ăn những chiếc bánh của các anh ấy.
Sau khi ăn Tết xong, mọi người lại tiếp tục hăng hái xả thân, hoàn tất “kế hoạch thi đua” Trại đã đề ra hồi trong năm. Với hy vọng, mình sẽ có tên trong số “cải tạo tiến bộ”, được thả về đoàn tụ với Vợ Con sớm hơn những người khác.
Đội chúng tôi không đi làm đập ở Hợp Tác Xã nữa, được giao trách nhiệm vét khu sình, úng nước phèn ngập ngang đầu gối chân, ở ráp ranh đất giữa K2 và K3. “Mục đích yêu cầu” là dọn sạch rác rến, gai trà, cỏ lác, lội đạp đất sình cho nhuyễn như bừa, rồi rải vôi bột khử phèn để sẵn sàng trồng lúa vụ “ba giăng” (3 con trăng tức là 3 tháng).















Làm tại đây, mọi người phải bỏ giầy, cởi quần dài, vắn tay áo lên đến nách, lội xuống làm việc cả tuần lễ mới xong. Thực hiện công tác này, nguy hiểm nhất là loại cỏ lác, lá dài 3 cạnh bén như lưỡi dao. Phải quấn vải bảo vệ bàn tay cẩn thận, mới nắm gốc chùm cỏ lác để nhổ lên, thế mà vải vẫn bị cỏ cứa rách làm đứt tay.
Nước đục ngầu chẳng trông thấy gì. Dưới sình đầy mẩu cây gẫy và tre gai nhặt không hết. Trong khi đạp bùn, cẩn thận đến đâu cũng không làm sao tránh khỏi, bị đâm thủng hoặc xước da bàn chân và các ngón chân.
Trên mặt nước lẫn trong đám cỏ lác, cơ man nào là muỗi vằn, to bằng đầu tăm xỉa răng, bâu đốt vào cổ vào mặt vào tay đau buốt đuổi không kịp.
Mỗi lần xuống sình làm xong bước lên bờ, chân tay anh nào cũng bị nhuộm một mầu vàng nâu nhạt, phải kỳ cọ rửa bằng sà bông mấy ngày mới hết. Da các đầu ngón tay cũng nhăn nheo thật lâu, mới phẳng trở lại bình thường.












Để khử phèn, chỉ việc đi dọc trên bờ, bốc vôi bột vung rải đều khắp mặt ruộng, không phải lội xuống. Độ khoảng mươi lăm phút sau khi rải vôi bột, thì eo ôi ! đủ thứ loại sinh vật trong ruộng chết nổi lên đầy mặt nước. Nào là cua, cá, rắn, ếch nhái, ễnh ương… Rất nhiều điả trâu, to dài cỡ ngón tay út, có con no căng máu, có con đói dẹp lép, trông thấy mà rùng mình nổi gai ốc.












Sau khi đạp đất bùn nhuyễn, phạt sạch cỏ bờ chung quanh, vãi vôi bột khử phèn xong, khu sình biến thành mảnh ruộng vuông vức, thật lớn, trông rất đẹp mắt.
Hoàn tất công tác này, Đội chúng tôi được đưa đi tăng cường hạ gỗ bồ đề, trong khu rừng trên đỉnh núi cao, cách Bệnh xá Liên trại chừng 1 cây số, khiêng ra thả xuống bên đường cái.












“Mục đích yêu cầu” của công tác này là chặt tiả những cây đủ “tiêu chuẩn” ấn định, gốc phải to cỡ một người ôm không hết. Nhiều Đội khác đã làm ở đây, từ khi mới bắt đầu đợt thi đua hồi đầu năm Dương lịch, nên những cây gần ngoài bià rừng không còn. Chúng tôi phải đi theo triền núi vào sâu cả trăm mét, mới có cây để lựa đốn hạ khiêng ra nộp.
Trong khoảng 200 mét từ bià rừng ra đến đỉnh thả xuống đường, mọi cây nhỏ và bụi dại đều đã được phát dọn bằng địa, chỉ còn cỏ tranh khô héo dưới ánh mặt trời trưa nóng. Không khí bị đốt hiện ra trước mắt bàng bạc loang loáng, tưởng như mình đang bị bao phủ bởi một bầu thủy tinh.












Quản giáo Đội chúng tôi quy định, anh em trong Đội tự bắt bồ thành từng toán 5 người để cộng tác làm việc. Mỗi ngày, mỗi toán phải đốn hạ 1 cây, chặt bỏ cành và ngọn, rồi khiêng ra khỏi rừng, thả theo triền núi xuống bên đường cái lớn. Khi nào hoàn tất, tức là “chỉ tiêu lao động” trong ngày đã đạt, được phép tự động dắt nhau về Trại nghỉ. Nghe tả sơ như vậy ai cũng tưởng là đơn giản dễ ăn lắm. Nhưng khi bắt tay vào việc, mới thấy công việc vất vả, nguy hiểm gấp đôi việc đi lấy giang hồi mùa Đông vừa qua.
Chung quanh gốc bồ đề toàn là dây leo, cây nhỏ, bụi gai dại chằng chịt, phải phát quang cả chục mét mới vào được tới sát gốc. Khi hạ cây phải dùng rìu chặt mở 2 miệng sâu vào thân cây, ở 2 bên đối ngược nhau. Một miệng cao một miệng thấp, cây sẽ đổ xuống phiá bên có miệng thấp.









Trước tiên, chặt mở miệng thấp rộng 45 độ góc, ở bên phiá mình muốn cho cây đổ xuống. Mặt đáy miệng sâu vào khoảng nửa bề dầy của thân cây, cao hơn mặt đất khoảng 1 mét. Sau đó, mở miệng cao ở bên phiá đối ngược với miệng thấp đã mở. Miệng cũng rộng 45 độ góc, mặt đáy sâu vào khoảng 1 phần 3 thân cây, và phải cao ngang với đỉnh của miệng thấp đã mở bên phiá đối nghịch trên thân cây, thì cây mới không đổ ngược lại.






Trong lúc chặt mở miệng cao vào thân cây, tất cả mọi người phải dang xa cách gốc cây ít nhất là 50 mét. Chỉ còn một mình người phụ trách chặt, đứng trên giàn bắc bên gốc cây. Khi chặt đẽo mở miệng cao sâu vào chừng được 1 phần 4 thân cây, phải hô to báo động cho mọi người đang làm việc chung quanh, biết là cây sắp đổ về hướng nào. Người đang chặt cũng phải sẵn sàng nhẩy ra phiá sau khỏi giàn, kịp thời đúng lúc trước khi cây đổ.
Hạ cây đổ xuống rồi, anh em trong Tổ 5 người chia nhau chặt các cành và khúc ngọn khỏi thân cây. Cây thường dài cỡ 10 mét và khá nặng, 5 người khiêng không nổi. Phải phối hợp 2 Tổ tiếp tay nhau khiêng đổi công, tức là cả 2 Tổ gồm 10 người xúm nhau khênh từng cây một, ra đỉnh sau cùng của rừng để thả cho trôi xuống đường cái.









Đi từ sáng sớm khi trời còn sương mù lạnh căm căm, cỏ ướt sũng sương đêm. Hì hục thay nhau chặt đến trưa, mặt trời lên đến đỉnh đầu, mới hạ xong cây và chặt trụi cành để sẵn sàng khiêng đi. Vừa mệt vừa đói, mọi người ngồi nghỉ ăn bữa trưa. Xong suôi, mới tính tới công việc khiêng nộp cho nhanh chóng trọn vẹn, để về trại được sớm sủa.
Phải mất cỡ một tiếng đồng hồ, 10 người vừa khiêng vừa nghỉ lấy sức, mới khệ nệ men theo triền núi dài khoảng 300 mét, đem được cây gỗ ra tới đỉnh sau cùng để thả xuống đường.









Lúc cả 2 cây gỗ của 2 Tổ, được thả hết xuống đường xong xuôi, đồng hồ đeo tay của Cán bộ chỉ đúng 4 giờ chiều. Trời đang còn nắng trang trang gay gắt, không một hột gió, mệt vã mồ hôi, khát nước, miệng cổ khô như rang. Bình đựng nước mỗi người mang theo bên mình, cạn queo không còn một hột, thật cơ khổ cực cùng không sao tả siết. Mọi người vẫn phải cố gắng quay trở lại rừng, thu nhặt rìu, rựa, túi mang đồ dùng riêng để trở ra xuống núi về trại.
Trong lúc đi trở lại rừng, mắt Tôi có lúc hoa lên nổ tia đom đóm, đầu nóng bừng bừng, hai tai reo u, u, chân bước đi lảo đảo như muốn khuỵu xuống. Lo lắng suy nghĩ mung lung, không biết phải làm gì để tự cứu mình thoát khỏi bị ngất sỉu vì thiếu nước. May nhờ số chưa tới lúc, nên Trời đã khiến cho Tôi chợt nhớ ra cách tự cứu mình khỏi khát tạm, học được từ hồi còn nhỏ tham gia đoàn Hướng Đạo sinh là, tiểu ra mà uống.






Tôi vội lấy chiếc túi nylon nhỏ đựng đường thẻ, đã ngậm hết, để tiểu vào đó. Nước tiểu cũng chỉ được dăm giọt vàng khè. Đưa lên miệng hút cho hết và chép chép cho nước miếng tiết ra phụ hoạ cho đỡ khô miệng khô cổ. Quả là công hiệu, Tôi thấy dễ chịu hơn và lết được đến bià rừng, nơi đang để rìu, rựa, và các túi xách của chúng tôi.






Hỏi bạn bè không ai còn nước. Đảo mắt nhìn quanh, may sao thấy một cây chuối nhỏ cao hơn 1 mét, mọc sau một bụi xim, cách chỗ chúng tôi đứng chừng 5 mét. Quá đỗi mừng rỡ, Tôi cầm rựa tiến tới chặt phăng cây chuối sát tận mặt đất, chặt bỏ ngọn, lột các lớp bẹ ngoài để lấy nõn non bên trong cùng, cắn từng miếng nhai lấy nước nuốt từ từ. Nhờ thế mà tỉnh táo trở lại, rảo bước ra được khỏi rừng, xuống núi dốc thẳng đứng khoảng 80 mét mới tới đường. Ra về đến ngang Bệnh xá, cầu cứu mấy anh đứng bên bờ rào xin được nước, uống lấy uống để muốn bể bụng mới đã cơn khát.
Ngày hôm sau, chúng tôi cẩn thận hơn, ai cũng mang theo 2, 3 Gô nước cho chắc ăn. Nhưng tai họa lại xẩy ra trong trường hợp khác, đối với các bạn ở Đội làm việc bên đống gỗ ở cạnh đường. Chuyện xẩy ra vào lúc gần tàn giờ lao động chiều.






Sau khi 2 Tổ của chúng tôi thả xong cây bồ đề thứ 2 xuống đường. Anh em đang ngồi nghỉ ít phút, trước khi quay trở lại rừng thu nhặt rìu và túi đựng đồ riêng, để chuẩn bị xuống núi ra về. Bỗng nghe ở phiá dưới đường có tiếng người la, lẫn với tiếng lăn rầm rầm của đống gỗ bên đường đang đổ ra bừa bãi. Nhìn xuống, thấy có một anh nằm dài bất tỉnh trên mặt đất, mấy người khác xúm xít chung quanh hối nhau khênh đi Bệnh xá gấp.
Lúc xuống đến đường hỏi thăm anh em, biết được người bị nạn là Đại tá Bùi Dzinh, hồi đệ nhất Cộng hoà tại miền Nam đã có lần được Tổng thống Ngô Đình Diệm cho làm Tư lệnh Sư đoàn trong một thời gian. Anh Dzinh là người luôn luôn có tinh thần lao động “cải tạo năng nổ”. Kể từ ngày mới trình diện đi tập trung tại Đại học xá Minh Mạng, bên Chợ Lớn, Saigon, cũng như khi tới Long Giao, anh ấy luôn luôn “tự giác” làm những việc mà anh em ngại khó. Hình như muốn tỏ cho Cán bộ Cách mạng thấy, anh ấy “năng nổ muốn cải tạo mau tiến bộ” hơn người khác.






Tai nạn đã làm anh ấy mê man bất tỉnh nhiều ngày liền. Anh em Tù, thân hay sơ, ai cũng thương cảm. Mỗi người theo cách riêng của mình, đều hết lòng cầu xin Trời Phật cho anh ấy qua khỏi tử nạn. Một tuần lễ sau, chúng tôi mừng rỡ được tin anh ấy đã hồi tỉnh. Anh ấy được nằm điều trị tại Bệnh xá Liên trại, thêm một thời gian cũng cả tháng sau, mới phải trở lại K2 tham gia lao động nhẹ.
Ngay đêm hôm chứng kiến anh Dzinh gặp tai nạn lao động, Tôi bị lên cơn sốt. Trước tiên rét run lạnh thấu xương. Sau đó chuyển sang nóng, thân nhiệt lên cao tới khoảng hơn 40 độ Centigrade. Miệng khô, hơi thở nóng hừng hực, đầu nhức như búa bổ, các khớp xương đau nhức chịu không nổi. Anh bạn nằm cạnh, phải cõng Tôi xuống phòng Y tế xin cấp cứu.
Cán bộ y tế tới khám. Tôi nghĩ rằng mình bị sốt rét rừng hành. Hồi nhỏ lúc mới 12 tuổi sau khi đi tham dự trại Hè Hướng đạo ở núi Mẫu Sơn, châu Lộc Bình thuộc tỉnh Lạng Sơn, ngay nơi có cột mốc định ranh giới Bắc Việt và Trung Hoa, Tôi cũng đã bị sốt rét rừng hành phải chữa trị bằng thuốc Quinine cả năm mới hết. Những triệu chứng bệnh trạng hôm nay, thấy cũng tương tự như vậy, nên xin Cán bộ cho phép lấy thuốc Chloroquine riêng của Tôi, do Trại giữ giùm để uống.






Tôi bị sốt chưa đến nỗi ngất sỉu hay chẩy máu mũi. Sau khi uống thuốc được chừng nửa tiếng đồng hồ, cơn nóng cũng giảm dần. Nên Cán bộ Y tế quyết định không cần di tản ra Bệnh xá Liên trại. Kể từ hôm sau, mỗi ngày Tôi đều bị lên một cơn sốt tương tự. Cán bộ Y tế cho được nghỉ lao động, nằm tại Láng trị bệnh bằng thuốc riêng của mình. Trại chẳng có thuốc gì để cấp, ngoài những bát nước thuốc Nam, nấu bằng các loại lá mót nhặt ở rừng về, và những viên Xuyên Tâm Liên trị Bá Bệnh.






Tôi mới được nghỉ lao động trị bệnh chừng 3, 4 ngày, đã có vài anh trong Đội thắc mắc. Nhất là anh Đội trưởng, tối nào trong giờ “phê và tự phê, xây dựng”, cũng nhắc Tôi cố gắng “khắc phục” hôm sau đi lao động với anh em, để bảo đảm cho Đội có nhân số lao động cao trong đợt thi đua. Tôi trình bầy, hàng đêm vẫn bị cơn sốt rét rồi nóng hành hạ, các khớp xương đau nhức di chuyển rất khó khăn đau đớn. Ban ngày khi ra ngoài gặp ánh sáng, mắt bị chói buốt làm nhức đầu không chịu nổi, nên chưa thể đi lao động được, xin anh em “thông cảm nâng đỡ tinh thần” cho Tôi.









Quản giáo Đội đã, ít nhất 2 lần, lén rình để kiểm tra tình trạng sức khoẻ của Tôi. Một lần trong ban đêm gặp ngay lúc Tôi đang bị cơn sốt hành hạ. Một lần vào khoảng 9 giờ sáng, đúng vào thời gian các bệnh nhân từ Láng ở xuống phòng Y tế để được chẩn bệnh.
Từ láng ở đi xuống, Tôi phải lần mò đi từng bậc thang đất một, cũng như phải ngồi bệt xuống đất nghỉ nhiều lần. Mắt nhức nhối mở hi hí, bước hụt chân ngã lăn tuột cả 5, 6 bậc thang, tới sát hè Hội trường mới khựng lại. Lúc thấy có người nắm tay đỡ Tôi đứng dậy, ngẩng mặt nhìn lên để cám ơn. Tôi mới giật mình nhận ra người tiếp giúp chính là Quản giáo Đội của Tôi. Lúc này Đội đang lao động nơi hiện trường ngoài trại, tại sao ông ấy lại có mặt tại đây?






Tôi bị bệnh như vậy được chừng 1 tuần lễ. Bỗng một buổi chiều vào lúc nhá nhem tối, trên con đường từ K3 đi ngang K2 của chúng tôi, rần rần có 3, 4 toán người khênh cáng đi vội vã ra phiá đường cái. Một số anh em hiếu kỳ, giả bộ mò xuống suối tắm rửa để dò tìm tin tức. Khi trở lên cho biết, có 3, 4 anh trong K3 bị sốt nóng bất tỉnh nhân sự, phải đưa ra Bệnh xá Liên trại cấp cứu.
Sáng hôm sau có tin vài người đã chết không cứu được. Số còn lại thoát chết, đang nằm tại Bệnh xá tiếp tục điều trị. Người ta cho biết là sốt vàng da, bị nhiễm trùng vì lao động tại khu sình, nơi mà Đội chúng tôi phải dọn vét, rải vôi bột khử phèn trong mươi ngày trước.
Đến giờ điểm danh vào Láng đi ngủ, không thấy anh Đội trưởng. Tôi hỏi nhỏ anh nằm bên mới biết, hồi chiều đi làm về anh Đội trưởng bị sốt cao độ, chẩy máu mũi, xuống phòng Y tế khám, và đã được di tản ra Bệnh xá Liên trại cùng lúc với mấy anh khác, cũng sốt cao độ mê man bất tỉnh. Đội trưởng chúng tôi, anh Lê minh Luân, Đại tá thuộc Quân chủng hào hoa phong nhã trong Quân lực VNCH, lúc nào cũng bay bổng theo mây gió, được nằm điều trị ở Bệnh xá Liên trại, khoảng một tuần lễ sau thì bình phục.






Một buổi chiều đi lao động về, anh em cho biết là thấy anh ấy ngồi tắm suối, dơ tay vẫy chào anh em lúc đi ngang rất vui vẻ. Nhưng sáng hôm sau, khi Tôi xuống phòng Y tế khám bệnh, anh bạn phụ tá Cán bộ Y tế cho biết, anh Luân đã chết hồi đêm qua. Mới lúc chiều khoẻ khoắn ra tắm suối vui vẻ là thế, tự nhiên đến đêm bệnh biến chứng ngộp thở cứu không được.
Thế mới biết con người ta, sống chết đều do mệnh Trời định từ trước, muốn cũng không được, không muốn cũng không được. Tôi là người yếu sức khoẻ nhất trong Đội, bị bệnh sốt vàng da vật đầu tiên đau đớn gần chết, ai cũng cho là giả vờ trốn lao động. Nhưng mệnh Trời đã định, nên thoát khỏi chẳng sao.



ĐỊNH MỆNH DO TRỜI

Sa cơ nín thở qua sông,
Lo chi xoáy cuộn, sóng dòng nổi trôi.
Định tâm giữ vững đạo Trời,
Sống tròn Nhân Nghiã, bĩ thời sẽ qua.
Bao năm mặc áo Cộng hoà,
Dấn thân bảo vệ Tự do, Nhân quyền.
Thế, Thời, quốc nạn đảo điên,
Có đâu thối chí lãng quên lời thề.
Kiên trì nhịn nhục vì quê,
Đợi ngày thoát hạn sẽ về phục hưng.
Tàn cơn giông tố bão bùng,
Trắng đen phân tỏ Anh hùng Tiểu nhân.

K2 (Trại Cây Khế), Liên Trại 1, Mùa Hè 1977










Chương 18



ĐÔI GIỌT “MẬT ĐƯỜNG” TẠO NIỀM TIN CHO TÙ.



Cả mấy trăm ngàn chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà mọi giới (Quân nhân, Công chức Hành chánh, Đảng phái Chính trị, Báo chí truyền thông, Giáo chức…) thuộc miền Nam Việt Nam, đã bị Cộng sản Việt Nam đưa đi Lao động Cải tạo Tư tưởng trên đất miền Bắc Xã hội Chủ nghiã, vì đã chiến đấu chống sự bành trướng của Cộng sản tại Việt Nam. Sau thời gian 2 năm tập trung đầy đọa khổ nhục, tin đồn có đợt tha vào tháng 4-1977, nhân kỷ niệm 2 năm thống nhất đất nước, chỉ là cái bánh vẽ đưa ra để phát động đợt thi đua, thúc đẩy Tù làm ra nhiều tiền theo lệnh của Nhà nước mà thôi.
Mãi đến tháng 9-1977, kỷ niệm ngày Độc lập của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã Việt Nam, Đoàn Cán bộ Trung Ương mới từ Hànội tới Liên Trại 1, tổ chức học tập và thông báo tin tức đợt tha đầu tiên. Con số Đại tá được tha rất ít, có thể đếm trên đầu ngón bàn tay không hết. Chỉ vỏn vẹn có 3 người:
1/ -Đại tá Huỳnh hữu Ban (nguyên Trưởng Phòng 5 Bộ Tổng tham mưu) bị đưa ra Bắc hồi giữa năm 1976 cùng lượt với chúng tôi, đã chết vì bệnh phổi tại Bệnh xá Liên trại 1 vào khoảng cuối năm.
2/ -Đại tá Thọ (gốc Nhẩy dù) bị bắt tại trận Hạ Lào trong cuộc Hành quân Lam Sơn 719, (Tôi không nhớ Họ của anh Thọ). Phái đoàn Trung ương giải thích : “Anh Thọ được Nhà Nước Trung Ương tha, vì đã “cải tạo nhiều năm rất tiến bộ”. Nhưng Chính quyền Địa phương không nhận, vì lý do không bảo đảm được an ninh cho anh Thọ, tại địa phương nơi xin về cư ngụï. Do đó, Nhà Nước đành phải để anh ấy ở lại tiếp tục cải tạo.” Anh Thọ không ở chung Trại với chúng tôi, nên không có dịp tiếp xúc để kiểm chứng.
3/ -Đại tá Hồng Sơn Đông, ở chung với chúng tôi, từ khi bị đưa ra Bắc hồi cuối tháng 6 năm 1976. Anh Đông đã giải ngũ từ thời Tổng thống Ngô đình Diệm, Đệ nhất Cộng hoà tại miền Nam Việt Nam.
Từ khi ra khỏi Quân đội, anh Đông sống ở vùng Thủ Đức, Gia Định, thường xuyên cộng tác với một Nhật báo tại Saigon. Trong thời Đệ nhị Cộng hoà, anh Đông tham gia NHÓM KÝ GIẢ ĐI ĂN MÀY, xuống đường biểu tình chống đối Chính quyền vì đã kiểm duyệt và đóng cửa các Báo thân Cộng. Tất cả các Đảng phái Quốc gia chống Cộng sản tại miền Nam lúc bấy giờ đều biết rõ, những tờ báo này thường xuyên cố tình loan tin gây hoang mang, làm suy giảm tinh thần chống Cộng sản của Chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà và Đồng bào tại miền Nam Việt Nam.
Trước khi có lệnh tha, anh Đông đã từng úp mở nói với vài bạn thân là, “NHÓM KÝ GIẢ ĐI ĂN MÀY tại Saigon trước kia là Cán bộ Cộng sản nằm vùng. Từ sau ngày Giải phóng, họ có Uy thế lớn trong Chính quyền Cách mạng tại Saigon. Họ đãõ vận động cho anh ấy không phải đi cải tạo nhưng không kịp, nên cứ phải đi tập trung như mọi người, và đang đợi lệnh tha để ra về trong dịp sớm nhất.”
Đợt học tập này được tổ chức luân phiên, tại cả 2 địa điểm : K2 (Trại Cây Khế) và K3 (Trại Cốc). Ngày nào tổ chức học tại K2 của chúng tôi, anh em trong K3 phải dắt nhau ra học chung. Ngược lại, ngày nào tổ chức tại K3 trong khu tận cùng của thung lũng, anh em chúng tôi phải di chuyển vào trong đó, để cùng tham dự.
Hội trường K2 của chúng tôi chỉ có sức chứa 200 người. Nay dồn cả 2 Phân trại gần 400 người vào ngồi chung, chen nhau chặt cứng như nêm. Mọi người phải ngồi chồm hổm sát bên nhau. Đầu gối người sau đụng lưng người ngồi trước. Vai sát vai không chỗ hở mà cựa quậy. Hơi người bốc ra nồng nực. Đã có anh vì mắc bệnh xuyễn kinh niên, bị ngộp thở phải dẫn ra ngoài cấp cứu. Trong Hội trường không đủ chỗ, phải ngồi đầy cả ngoài hiên chung quanh bên ngoài.
Ngày nghe thuyết giảng trong Hội trường. Đêm được xem chiếu bóng ngoài trời, nơi sân tập họp lớn trước Thư viện. Mọi người ngồi bệt trên mặt đất. Sương đêm lạnh buốt, nhiều người phải mang cả chăn ra chùm kín từ đầu xuống chân, để không bị cảm lạnh.
Phim thuộc loại tuyên truyền ngây ngô xảo trá, với tựa đề “Anh hùng diệt tăng”, giàn dựng diễn tả lại trận phục kích Chiến đoàn Pháp, tại vùng Tây nguyên Trung phần Việt Nam hồi thập niên 1950. Đại ý kể truyện một anh Bộ đội Cộng sản Bắc Việt nằm phục kích bên lề đường, ném lựu đạn lên xe tăng của Pháp. Lựu đạn nổ trên đỉnh bên ngoài xe tăng không hề hấn gì. Xe tăng tiếp tục chạy trên đường vòng sang phiá bên kia sườn đồi. Anh Bộ đội chạy leo qua đỉnh đồi sang phiá sườn bên kia, trước khi xe tăng bò tới. Nhờ lợi thế ở trên cao sát bên mặt đường, anh Bộ đội nhẩy xuống nóc xe tăng, thả quả lựu đạn vào trong lòng xe. Anh Bộ đội từ nóc xe nhẩy xuống đất vừa xong, xe tăng nổ và bốc cháy???
Trong đợt học tập này, có một sự kiện rất đặc biệt không ai quên được. Đoàn Cán bộ Trung ương đã dẫn theo ông PHẠM KHẮC HOÈ, nguyên làm Ngự Tiền Văn Phòng của Hoàng đế Bảo Đại. Ông này đã giác ngộ, dứt bỏ giai cấp quan lại của mình trong Triều đình nhà Nguyễn, theo Cách mạng từ mùa Thu 1945. Hiện nay đang là người Cộng sản chính tông, đến nói chuyện tâm tình với Tù cấp Đại tá, thuộc giai cấp cầm quyền như ông Hoè trước kia trong “Ngụy quyền phản động”.
Ông Hoè khoe rằng, chính ông ấy đã khuyên và đốc thúc Hoàng đế Bảo Đại thoái vị Vua vào tháng 8 năm 1945. Nhờ thế, đã được Cách mạng trọng dụng từ bấy đến nay, không hề bị kỳ thị vì quá khứ của mình.
Khi chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp bùng nổ vào tháng 12 năm 1946, ông ấy bị Pháp bắt giam tại nhà tù Hoả Lò Hànội. Tháng 1 năm 1947 được đưa vào Saigon và Đàlạt để tiếp xúc với một số nhân sĩ : Vương quang Nhường, Phan huy Đán, Đinh xuân Quảng, Trần trọng Kim, Nguyễn văn Sâm, Trịnh đình Thảo, và Nam Phương Hoàng hậu. Đến giữa tháng 4 năm 1947, Pháp đưa trở ra Hànội và trả tự do cho ông ấy. Tháng 8 năm 1947, ông ấy bỏ Hànội ra Chiến khu theo Việt Minh. Tháng 9 được gặp Cụ Hồ, và ở lại theo Cách mạng luôn kể từ đó.
Ông ấy cũng đã được Nhà nước Cộng sản Bắc Việt, cho cái vinh dự làm một trong các thành viên tham dự Hội nghị Genève 1954, chia cắt đất nước Việt Nam làm hai miền Nam Bắc tại Vĩ tuyến 17.
Ông Hoè nói rất nhiều để sau cùng kết luận, nhờ suốt mấy chục năm trời theo Cách mạng, chỉ học được có 2 điều “cơ bản chính yếu” : YÊU và GHÉT.
“Ghét Giai cấp Thống trị, vì là kẻ thù bóc lột Giai cấp Vô sản.
Ghét ăn bám vào xã hội, nhờ thế mới biết Yêu Lao động.
Yêu Lao động tức là yêu Xã hội Chủ nghiã.
Yêu Xã hội Chủ nghiã mới là yêu Nước.”
Qua sự kiện này ai cũng thấy được, người ta đưa ông Hoè đến với mục đích chính yếu duy nhất, trình diện nhân chứng sống bằng xương bằng thịt. Cho mọi người nghe tận tai, thấy tận mắt, tấm gương của một người trước kia thuộc Giai cấp thù địch với Giai cấp Vô sản, biết giác ngộ, nhiệt thành hối cải, tận tụy theo Cách mạng lập công chuộc tội, đã được đối xử bình đẳng trong giai cấp Lãnh đạo của Cộng sản như thế nào. Tù hãy yên tâm noi gương mà cố gắng cải tạo.
“Đường đi khó không vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”, đấy là câu ông Hoè đã dùng để kết thúc buổi nói chuyện tâm tình thật dài của ông ấy, với các Tù Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hoà, đang bị tập trung cải tạo tại Liên trại 1, xã Việt Cường, Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Trong kỳ học tập này, Đoàn Cán bộ Trung Ương còn cho phát thanh một cuộn băng nhựa, ghi âm bài phát biểu ý kiến của Tướng Nguyễn vĩnh Nghi, gửi anh chị em Chiến sĩ thuộc Chế độ Việt Nam Cộng hoà cũ. Tướng Nghi nguyên là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiền phương của Quân đoàn III, bị quân Cộng sản Bắc Việt bắt tại mặt trận Phan Rang trước khi Saigon thất thủ, và đã bị Cộng sản Bắc Việt tuyên án tù chung thân,
Không biết kỹ thuật thâu băng dở, hay máy phát âm của Trại dở, mà âm thanh phát ra lúc rè, lúc nhỏ, lúc lạo xạo pha trộn các nhiễu âm, rất khó nghe. Tôi không nghe được đầy đủ nội dung nói những gì.
Nhưng sau buổi học tập, nhiều anh em cực đoan khó tánh, kín đáo thì thầm với nhau, có ý bất bình về những lời nói của Tướng Nghi. Đa số còn lại chỉ nhè nhẹ thở dài yên lặng, giữ thái độ “Im lặng là vàng” không biểu lộ ý kiến gì. Tôi thuộc nhóm thứ 2, cũng có vài suy nghĩ riêng, nhưng không nói ra trong lúc đó. Giả dụ như, Tướng Nghi có tự nguyện ngỏ lời kêu gọi khuyên anh em cố gắng cải tạo, lập thành tích đái công chuộc tội… để sớm được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước Cộng sản đi nữa, cũng chẳng có gì đáng trách.
“Gặp thời thế, thế thời phải thế.” Chính quyền miền Nam đã hoàn toàn xụp đổ. Quân lực Việt Nam Cộng hoà tan rã. Đồng minh bỏ rơi, cuốn gói chạy. Các Đại cường tham gia ký Hiệp Ước Paris 1973, im hơi lặng tiếng, làm ngơ trước sự vi phạm trắng trợn của Cộng sản trong suốt 2 năm qua. Trong hoàn cảnh vô vọng, mỗi người phải tự lo cho số phận riêng của mình. Tôi nghĩ, trong thâm tâm Tướng Nghi không muốn làm việc đó, nhưng vì bị áp lực cách nào đó ghê gớm lắm, mới chẳng đặng đừng, phải cắn răng nhịn nhục làm vậy thôi.
Chắc ai cũng nhớ rằng, sau mỗi buổi học rời Hội trường trở về Láng, mọi người bị buộc phải ngồi bên nhau mổ xẻ đào sâu thêm về đề tài đã được nghe, trước sự hiện diện theo dõi của Cán bộ. Mỗi người bị buộc phải thay phiên nhau, tự kiểm điểm và liên hệ với bản thân, tìm cho ra những sai trái của mình, của Chế độ mình đã phục vụ trước kia. Phải tự buộc tội mình, để mà hối hận, mà xin Cách mạng khoan hồng tha chết. Mọi ý kiến phát biểu đều phải kết thúc bằng lời hứa, quyết tâm cải tạo cho thật tốt, để sớm được về đoàn tụ với vợ con. Mặc dù chính mình cũng biết, trong các bài thuyết giảng có rất nhiều điều phi lý, suy luận một chiều, sai sự thật, nhưng chẳng ai dám có ý kiến ngược lại. Bởi vì làm như vậy, cả Đội sẽ phải tiếp tục ngồi xây dựng cho nhau hoài không được nghỉ. Cho đến khi nào Cán bộ thấy mọi người tỏ ra “thành khẩn” nhiệt liệt công nhận, “hào hứng” góp ý kiến tán tụng, những điều ghi trong tài liệu học tập là rất chính xác khoa học, mới được coi là “đạt mục đích yêu cầu”, “kết quả thâu hoạch tốt”, và cho ngưng thảo luận để nghỉ ngơi.
Đã có lần ở trong Đội chúng tôi, một anh bạo gan góp ý kiến thành thật, theo đúng tinh thần Dân chủ mà Nhà nước Cộng sản thường rêu rao. Lập tức được Quản giáo Đội (Trung úy Khảm) nhắc khéo rằng : “Một hai bộ óc dù có thông minh đến đâu, cũng không thể bằng cả trăm cả ngàn bộ óc của Bộ Chính trị Trung ương Đảng được. Các anh phải “nắm cho thật vững” điều đó. Chính vì “bản chất đại ngoan cố” như vậy, mà các anh đã lạc đường phản lại Cách mạng. Học tập đến giờ này mà còn chưa “giác ngộ”, bao giờ mới “tiến bộ” được tha về với Vợ Con?”
Nhờ có đợt học tập này, 3 anh Quế, Huề, và Thi, đang bị cùm trong nhà kỷ luật bên truồng heo của K2, suốt từ hồi trốn trại cuối năm 1976 bị bắt lại đến nay, được khoan hồng ân xá cho ra khỏi nhà kỷ luật. Mỗi người được biên chế vào một Đội khác nhau, để tiếp tục đi lao động với anh em như thường. Thấy hiện trạng cơ thể suy nhược của các anh ấy mà xót xa. Thương cho bạn mà cũng lo cho chính bản thân mình, cứ cái ngữ lao động cực khổ, đói ăn như vầy, rồi đây chắc cũng chẳng hơn gì.
Sau đợt học tập, anh em tiếp tục chuẩn bị làm vụ lúa Thu Đông. Đội chúng tôi được giao trách nhiệm đi lấy “cây cứt lợn” một loại thảo, mọc từng bụi cao cỡ 1 mét, có hoa từng chùm nhỏ mầu vàng, nhụy đỏ, mùi hôi hôi, hắc hắc như phân lợn, thân và lá có lông li ti đụng vào da làm ngứa ngáy như bị rôm cắn. Hàng ngày, mỗi người phải chặt 2 gánh nặng cỡ 40 kílô đem về bỏ tại khu ruộng của Trại. Có Đội khác ngồi đó chuyên lo bằm nhỏ, vãi xuống ruộng đầy nước cho mục rữa lần ra thành phân bón trước khi cấy mạ.
Đến tháng 10 năm 1977, mọi việc hàng ngày đang tiến hành êm ả. Bỗng dưng vào một hôm đẹp trời, toàn thể Tù K2 chúng tôi, không phải xuất Trại lao động buổi chiều, tập trung tất cả nơi sân tập họp trước Thư viện. Trại trưởng xuất hiện, thông báo tên một số người được lựa đưa đi lao động cải tạo thật sự. Ai nấy hồi hộp chờ đợi, hy vọng có tên mình trong danh sách.
Khoảng 2 chục người có tên, toàn là dân Chiến tranh Chính trị, An ninh Quân đội, Phòng Nhì, Tuyên Úy, Tỉnh trưởng, Xây dựng nông thôn, và Ban Liên hiệp Quân sự 4 bên. Đội chúng tôi có tới 4 người, gồm các anh Dương Hiếu Nghiã, Võ hữu Bá, Tôn thất Hùng và Tôi (Nguyễn-huy Hùng).
Bữa ăn tối, cả K2 “đột xuất” được đặc biệt tăng cường thịt heo, do chính Toán Chăn Nuôi của K2 chăm vỗ bấy lâu nay. Trại trưởng cho biết : “Đây là dịp “công khai” thanh toán sòng phẳng tiền dư thực, cho mọi người cùng hưởng trước khi chia tay nhau”. Mọi người được phép nấu nướng ăn uống đãi đằng, hàn huyên tiễn biệt nhau thong thả từ chiều tối cho đến giờ đi ngủ. Bạn bè kẻ ở người đi bồn chồn quấn quýt.
Đây cũng là lần đầu tiên, Tù được phép qua lại giữa các Láng ở, để nói chuyện chào tiễn biệt bạn bè thân quen của mình. Tại K2 của chúng tôi, có cả mấy vị Linh mục, Mục sư Tuyên Úy Quân đội, mang cấp bậc Đại tá nhiệm chức, nên cũng bị bắt đi cải tạo.


KẺ Ở NGƯỜI ĐI.
Giúp nhau chuẩn bị lên đường,
Thì thầm chia xẻ tình thương bạn bè.
Mai này cách trở sơn khê,
Chừng nào có được ngày về gặp nhau.
Bao năm cùng khoác chiến bào,
Sa cơ thất thế cùng vào Tập trung.
Bên nhau hứng chịu bão bùng,
Trăm chiều nhục nhã cực cùng khổ đau.
Còn đêm nay nữa bên nhau,
Dặn dò nhắn gửi hết câu chân tình.
Ai may sớm gặp gia đình,
Đừng quên tiếp tục công trình dở dang.
Đừng quên Quốc hận đang mang,
Đừng quên những kẻ đầu hàng cầu vinh.
Đừng quên tội phạm chiến tranh,
Là bầy lang sói đang hành hạ Dân.


K2 (Trại Cây Khế) Liên Trại 1, cuối tháng 10-1977



No comments: