Wednesday, July 1, 2009

SUY TƯ 32* SUY TƯ 90 * TỪ BỎ CS




 SUY TƯ  32*  SUY TƯ 90 * TỪ BỎ CS



Văn hoá-Tư Tưởng: Tôi từ bỏ CNCS như thế nào? (Nguyễn Kiến Giang)
Đăng ngày 02/03/2005 lúc 08:26:43 EST
Đề tài: Nhìn Lại Mình Nhìn Lại MìnhPhotobucket - Video and Image Hosting

Tôi từ bỏ CNCS như thế nào?
Nguyễn Kiến Giang

”...đừng nên lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm ranh giới để phân chia xã hội ra một bên là ta, một bên là địch. Và nên để hệ tư tưởng đó dành cho quyền của mỗi người. Vấn đề là đừng dùng hệ tư tưởng độc tôn ấy áp đặt lên trên toàn xã hội. Bởi vì cái gì không tốt cuối cùng nó sẽ làm hại cho chính nó...”
Trong cuộc phỏng vấn do Hà Mi thực hiện, nhà văn hóa Nguyễn Kiến Giang kể về hành trình của ông đến với chủ nghĩa cộng sản và từ bỏ nó như thế nào.

I.


Trong phần một, ông Nguyễn Kiến Giang cho biết ông đến với chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa cộng sản như thế nào và nên đối xử với nhau như thế nào khi có những bất đồng ý kiến.

Nghe phần I cuộc phỏng vấn


Nguyễn Kiến Giang (KG): Cuộc đời tôi cũng chẳng có gì đáng nói lắm đâu. Do hoàn cảnh đặc biệt, ông cụ tôi tham gia phong trào cách mạng khá sớm. Khi tôi mới khôn lên thôi đã tham gia phong trào cách mạng địa phương, chủ yếu tham gia Mặt trận Việt Minh vào năm 1945, khi mới 14 tuổi, trở thành Việt Minh và thành Đảng viên cộng sản một cách rất tự nhiên.

Một số anh em địa phưong biết tôi gọi tôi là cộng sản nò̀i vì hồi ông cụ tôi bị giam ở nhà giam Đồng Hới, bà cụ bế tôi đi thăm, nhưng thực ra thì nó là một hoàn cảnh đặc biệt. Tôi cũng không hiểu tại sao do một thiên hướng nào đó, tôi say mê với những hoạt động trong các phong trào của địa phương.

Năm 1947 tôi được cử vào huyện uỷ, sau đó lên tỉnh. Đấy là thời kỳ ở ta phạm vào những sai lầm như cải cách ruộng đất mà chính tôi là một nạn nhân. Việc tôi tham gia sớm là một chuyện mà chính vì tham gia sớm tôi lại trở thành nạn nhân của chính những cuộc khủng bố, đàn áp của thời kỳ cải cách ruộng đất.

BBC: Tại sao ông lại trở thành nạn nhân của các cuộc khủng bố thời cải cách ruộng đất đó, thưa ông?

KG: Bởi vì chính tôi bị bắt trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Nếu mà không có một trường hợp đặc biệt thì có khi không còn nữa đâu. Bởi vì lúc bấy giờ tôi bị giam trong cải cách ruộng đất, tôi bị chảy máu dạ dày, một sáng sớm ra ngoài, bị xây xẩm và ngã xuống bên một cái hố xí trong vườn ở nông thôn.

BBC:Ông đi Liên xô khi nào thưa ông?

KG: Tôi đi Liên xô là mãi cho tới đầu năm 1962. Sang bên đó thì học chưa xong thì có nghị quyết của Trung ương, gọi là Nghị quyết 9, chống chủ nghĩa Xét lại thì tất cả các anh em học trường Đảng bên đó đều bị điều về cả và sau đó không sang lại nữa. Khi tôi về nước, ít lâu sau thì bị đưa đi thực tế, nhưng thực ra đấy là một cách không cho mình làm việc gì cả.

BBC: Ông có nhắc tới thời kỳ CN Xét lại và Nghị quyết 9, cũng có một số đồng tình với Nghị quyết 20 của đảng CS Liên xô và một số theo quan điểm của đảng CS Trung quốc nên có sự phân hóa trong Đảng CS Việt Nam. Một số nghiêng theo phía Liên xô đó thì đã từ Liên xô bị gọi về và không được tham gia một số hoạt động. Theo ông giờ nhìn lại thì ông có suy nghĩ là nên đối xử với nhau như thế nào khi có những ý kiến trái ngược nhau, thưa ông?

KG: Theo tôi thì bây giờ đã rất rõ, vì lúc bấy giờ đó là một thời kỳ hết sức quyết liệt. Vấn đề chiến tranh và hoà bình đặt ra đặc biệt tại miền Nam. Miền Bắc cũng có những vấn đề nóng bỏng, phải giải quyết như thế nào để đưa miền Bắc đi lên tương đối ổn định. Lúc đó có những cách giải quyết gọi là duy ý trí mà sau này Đại hội Đảng 6 đã phê phán, là đã đẩy cuộc cách mạng XHCN quá nhanh, gây tổn thất, đảo lộn không cần thiết.

Còn trong Nam, vấn đề này tôi vẫn đang tiếp tục suy nghĩ, CM giải phóng miền Nam tiến hành thế nào cho đỡ đổ máu hơn. Hồi bấy giờ cũng có một số người cho rằng không nên tiến hành chiến tranh cách mạng miền Nam. Nhưng riêng tôi thì tôi nghĩ khác. Tôi muốn phong trào CM miền Nam đi theo kiểu vận động quần chúng như CM tháng Tám, chứ không hoàn toàn dùng bạo lực, dùng chiến tranh, nhưng khi cần thiết thì có thể dùng tới bạo lực ở một mức độ nhất định, nhưng nói chung tiến hành một cuộc CM phi bạo lực thì vẫn tốt hơn. Thế thì khi đó ý kiến rất khác nhau và một số anh em sau này bị kết tội đi theo chủ nghĩa Xét lại, và sau này còn bị quy cho là thuộc nhóm Xét lại chống Đảng nữa. Thì những anh em này có ý kiến khác với ý kiến vừa nói, tức là đối với chúng tôi, tất cả vấn đề là phải khôi phục và thực hiện cho được dân chủ hóa XH, dân chủ hoá nội bộ đảng, xây dựng xã hội, tôn trọng các pháp chế XHCN. Và để xây dựng thì phải nắm chắc các mặt trận kinh tế văn hoá khoa học kỹ thuật chứ không phải chỉ nói xuông về chính trị, hô hào xuông mà thôi.

Số người đó, thực ra lúc đầu cũng không phải biết nhau cả đâu. Bởi vì đó là sự bất đồng nảy sinh từ trong những nhóm khác nhau, các cơ quan khác nhau, không hề có những liên hệ gì với nhau cả. Tình hình phát triển lên thì có hiện tượng là những người có cùng quan điểm thì cũng trao đổi với nhau nhất là khi những quan điểm đó bị coi là Xét lại, bị lên án.

Thì cũng thỉnh thoảng có gặp nhau, trao đổi với nhau ý kiến này ý kiến kia, chủ yếu là để có thể nương tựa lẫn nhau về tinh thần trong lúc như vậy. Ở các nước XHCN có vấn đề như thế này người ta có sự nhầm lẫn giữa ba lĩnh vực, tư tưởng, chính trị và pháp luật. Nếu đã khác nhau về tư tưởng thì bị coi là kẻ thù về chính trị. Nếu anh không đồng ý với tôi về mặt tư tưởng thì về chính trị anh là kẻ thù, mà khi về mặt chính trị là kẻ thù thì luật pháp tha hồ, có thể bắt bớ, giam cầm, và có thể làm những chuyện khác nữa.

Số anh em mà người ta thường gọi là nhóm Xét lại chống Đảng cũng không có biết nhau nhiều đâu. Như riêng tôi ngoài một vài anh em cùng cơ quan có xu hướng gần như thế, như anh Minh Tranh, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản mới mất gần đây, thì với những người khác cũng không có liên hệ gì, không có những tổ chức gì như sau này người ta nói đâu. Chẳng hạn như tôi bị coi là nhân vật trung tâm của nhóm Chống Đảng thì thực ra nhiều cái tôi không biết gì cả, thậm chí có những anh em sau nay lúc ra tù mới quen nhau.

Theo tôi vấn đề là như thế này: Nếu ở trong Đảng có những ý kiến bất đồng với nhau và những ý kiến đó được phát biểu công khai, có thể giới hạn trong nội bộ Đảng, nhưng được phát biểu đàng hoàng trong tổ chức Đảng. Sau đó có thể dùng biện pháp thuyết phục đấu tranh với nhau về mặt tư tưởng, cũng không sao cả. Nhưng tuyệt đối không sử dụng công cụ bạo lực để đàn áp những người có ý kiến khác, bởi vì làm như thế lịch sử sẽ phải trả giá rất đắt, vì nhiều khi những ý kiến bị coi là sai đó về sau lại trở thành đúng.

Tôi lấy ví dụ như vấn đề kinh tế chẳng hạn. Thời đó nếu ai ca ngợi kinh tế thị trường thì trở thành một người phản bội CN Marx Lênin rồi. Bởi vì đối với CN Marx Lênin là kinh tế có kế hoạch, còn kinh tế thị trường là kinh tế của CN tư bản. Chẳng hạn như bây giờ ở Việt Nam, ai phê phán kinh tế thị trường thì trở thành một chuyện rất lạ. Nhưng khi ấy nếu ai chủ trương đi theo kinh tế thị trường thì người đó là xét lại, mà đã là xét lại về mặt tư tưởng thì có thể trở thành kẻ thù về chính trị, và phải chịu những hệ quả khác.

Cho nên là theo tôi, cần phân biệt mấy lĩnh vực đó, tức là khi khác nhau về tư tưởng thì không nên, không được, coi đấy là đối lập về chính trị. Và đối lập về chính trị đó phải có những tiêu chuẩn, như lập cương lĩnh, rồi có những tổ chức để đưa những chủ trương ra truyền bá trong dân chúng. Nhưng nếu không phải như thế thì không thể đối xử như là kẻ thù về chính trị được. Ở đây có sự nhầm lẫn giữa ba lĩnh vực ấy: tư tưởng, chính trị, luật pháp.

Dùng biện pháp luật pháp bắt giam, có những anh em chết ngay trong tù, như anh Phạm Viết, hay về nhà thì chết như anh Kỳ Huân chẳng hạn. Tôi thấy những cái đối xử như thế nó quá tàn bạo.

Có thời kỳ anh Nguyễn Trung Thành có viết một cái thư cho Trung ương để minh oan cho nhóm Xét lại chống Đảng, thì anh có nói: thực ra không phải là oan đâu vì ý kiến khác nhau là có thật, nhưng vấn đề là có nên đối xử với những ý kiến khác nhau như thế không, bắt bớ giam cầm đàn áp như thế không. Từ đó tôi nghĩ là chúng ta có một bài học rút ra: trong lĩnh vực tư tưởng nên có sự bao dung, đừng dùng những biện pháp đàn áp về mặt luật pháp. Chừng nào chưa có những biểu hiện phạm pháp, mới chỉ phát biểu ý kiến, phê phán ý kiến ông này ông kia, thì chuyện đó không có gì phải đàn áp cả.

Theo tôi những đối xử với những người bị coi là Xét lại Chống Đảng là những đối xử quá tàn bạo. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết là tôi có tội gì nữa cơ. Nghe người ta bảo là tôi phản động, tay sai nước ngoài, thì cũng nghe nói thế thôi, chứ còn trên thực tế từ giam ở xà lim mấy năm, và mấy năm quản chế, khoảng gần 10 năm. Khi tôi trở về Hà nội với tư cách là một người công dân thì tôi cũng không biết là tôi có tội gì. Cho tới nay cũng không ai nói với tôi là tôi có tội gì nữa.

BBC: Nh‎ững người được biết ông thì đều nói rằng ông là một người đọc rất nhiều và mặc dù bị những dập vùi gian truân, nhưng ông không có thái độ hằn học, hận thù, tại sao vậy thưa ông?

KG: Bởi vì tôi cho là những ý kiến, quan điểm khác nhau là chuyện rất bình thường và nếu chúng ta biết nghe nhau thì đều có lợi cho cả hai phía. Và sự phát triển xã hội có lẽ được lợi hơn nhiều.

Khi tôi mới ra tù có anh bạn hỏi tôi nếu anh có quyền thì anh có bỏ tù cái ông A, người mà được cho là chịu trách nhiệm đàn áp những người Xét lại chống Đảng này. Tôi đáp là không, vì nếu mình giải quyết theo cái lối cứ trả thù như thế thì lịch sử sẽ đi đường vòng, nếu người ta đánh anh, anh trả thù, thì con người ta, hay bạn bè người ta sẽ trả thù anh, và cứ như thế, một đất nước cứ loanh quanh luẩn quẩn trong cái chuyện trả thù lẫn nhau đó thì mất hết thì giờ.

Vấn đề là có phạm pháp hay không phạm pháp. Theo tôi nếu anh A đó phạm pháp thì cứ đưa ra pháp luật nhưng đây không phải là chuyện tuỳ tiện muốn bỏ tù nhau thì cứ việc làm, tôi cho rằng như thế không đúng.

Trong sự phát triển của VN lúc này, nếu biết nghe nhau thì có rất nhiều ý kiến hay. Như trong lĩnh vực giáo dục đang rất bê bối hiện nay, tôi đọc hàng chục bài báo của hàng chục người ở những vị trí, trình độ khác nhau, viết rất hay mà có lẽ những ý kiến như thế có thể không phù hợp lắm với những ý kiến của cơ quan quản lý giáo dục. Trong trường hợp ấy ông giáo dục chẳng bỏ tù được ai chứ nếu bỏ tù được thì có khi cũng bỏ tù đấy. Vì đấy là những ý kiến hoàn toàn đối lập, phê phán Bộ Giáo dục rất là nghiêm khắc.

Tôi nghĩ trong trường hợp có những ý kiến khác nhau như thế thì tốt nhất nên tổ chức những hội thảo, để được nêu ý kiến góp ý thẳng thắn, không bị hạn chế gì, mà như thế đất nước sẽ có lợi hơn, xã hội sẽ phát triển nhanh hơn và những sai lầm sẽ được khắc phục nhanh hơn nhiều.

BBC: Việc không nghe ý kiến của ngừoi khác và không để cho người khác nêu ý kiến của mình thì phải chăng đó là một biểu hiện của tình trạng không có dân chủ thưa ông?

KG: Đúng thế, hoàn toàn đúng. Theo tôi một trong những mục tiêu của cuộc vận động hiện đại hoá đất nước chính là vấn đề dân chủ hóa, vì nếu không có dân chủ hóa thì sẽ không có hiện đại hoá, hoặc sẽ có một hiện đại hóa nửa vời, rồi cuối cùng sẽ thất bại.

II.


Trong phần hai ông nói về vấn đề dân chủ, tới những điều kiện để có một nước Việt nam phồn vinh và hành trình đưa ông tới từ bỏ chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa cộng sản.

Nghe phần II cuộc phỏng vấn này


KG: Nước Việt Nam ta là một nước mà hiện đại hóa có thể ví như một chiếc xe. Chạy trên con đường hiện đại hóa thì chiếc xe đó phải lắp đủ 4 bánh. Thứ nhất là kinh tế thị trường, thứ hai là xã hội công dân, thứ ba là nhà nước pháp quyền và thứ tư là chế độ dân chủ. Anh muốn lắp như thế nào thì lắp, cái này trước, cái kia sau tùy đấy nhưng cuối cùng thế nào cũng phải lắp cho đủ 4 bánh xe ấy thì chiếc xe hiện đại hóa mới có thể chạy được. Nó mới có thể đi đến đích được. Bây giờ tôi vẫn giữ ý kiến như thế.

Trên thực tế thì chúng ta thấy thế nào, có những vấn đề trước đây người ta không thừa nhận kinh tế thị trường như hồi nãy tôi nói. Bây giờ kinh tế thị trường trở thành một lĩnh vực chủ chốt, chủ yếu trong đời sống xã hội. Trong điều kiện hiện nay anh không thể nào phát triển nếu không có kinh tế thị trường, mà đây tôi muốn nói là một nền kinh tế thị trường lành mạnh chứ không phải là một nền kinh tế thị trường hoang dã với nhiều độc quyền như hiện nay.

Thứ hai chẳng hạn như trước kia ai nói đến nhà nước pháp quyền cũng không được bởi vì người ta đã đi theo một định nghĩa của một lãnh tụ. Nói rằng chuyên chính vô sản là gì? là không có hạn chế về pháp luật, đấy là chuyên chính vô sản. Người nói câu đó thì nói rất nhiều về ý kiến khác nhau về chuyên chính vô sản, thường là trái ngược nhau. Nhưng trong đó có một ý kiến rằng chuyên chính vô sản là không bị luật pháp, không bị cái gì cản trở, không bị gì hạn chế cả.

Bây giờ thừa nhận là phải có nhà nước pháp quyền, nhà nước pháp quyền là khái niệm mới. Một khái niệm trong đó đối tượng là phải được tôn trọng các quyền của mình, các nghĩa vụ của mình chính là những người dân, chính là các công dân. Nhà nước pháp quyền chính là nhà nước vì các công dân chứ không phải là ngược lại, không phải là công dân vì nhà nước. Đấy là những khái niệm về xã hội công dân. Bây giờ chúng ta bắt đầu nói đến nhân vật xa xôi thì chưa được nói rõ.

Rồi thì vấn đề dân chủ bây giờ trở thành một trong những mục tiêu của phát triển xã hội, xây dựng một xã hội dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Dân chủ trở thành một giá trị, mục tiêu, giá trị lớn. Nhưng mà có điều là ngay hiện nay tôi thấy cũng có một điều rất là đáng tiếc. Những mục tiêu ấy, "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh" chưa hề được giải thích nào thật thấu đáo, đủ sức thuyết phục. Và cũng chưa hề có một cuộc thảo luận nào để lấy ý kiến của những người có hiểu biết. Hay là nói đúng hơn là ý kiến của tất cả những người quan tâm đến vấn đề đó để đi tới những ý kiến tương đối thống nhất.

Thế nào là công bằng vì ngay vấn đề công bằng không phải là một vấn đề đơn giản đâu. Hay là thế nào là dân chủ, ngay cả văn minh cũng thế, thế nào là văn minh. Những chuyện đó tôi theo dõi trên sách báo hiện nay, gần như là người ta cứ hô lên thôi, hô như là một khẩu hiệu. Trước kia là hô khẩu hiệu "nhanh nhiều tốt rẻ", "tất cả xây dựng chủ nghĩa xã hội" chẳng hạn. Thì bây giờ người ta cũng hô là "hiện đại hóa", "công nghiệp hóa", "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh". Như vậy nội dung của những cái đó là gì thì chưa được thảo luận. Theo tôi đấy là một thực tiễn lớn nhất trong công táclà tư tưởng phương pháp (?) lý luận hiện nay.

BBC:Như vậy thì theo ông giải pháp tốt nhất và nên làm tại Việt Nam để có thể lấp được 4 bánh xe như ông nói đó thì bằng cách nào để có thể thực hiện được điều đó, thưa ông?

KG: Nó có hai cách đi. Một cách là thụ động, cuộc sống nó thúc đến đâu giải quyết đến đấy. Cái mà tôi trình bày tức là cái mà thích nghi, tức là vì cuộc sống nó thúc đẩy và anh phải thích nghi với cuộc sống. Bởi vì nếu anh không thích nghi thì anh cũng không thể nào tồn tại được. Cho nên đi theo con đường đó thì nó chậm, tại vì anh thích nghi cũng có giới hạn. Khi thích nghi đến mức độ mà nó có hại cho vị trí cầm quyền chẳng hạn thì người ta lại không thể thích nghi nữa mà dễ chuyển sang kiềm hãm.

Thì cả thích nghi và kềm hãm, khi thích nghi khi kềm hãm như thế thì con đường đi của xã hội nó sẽ rất chậm.

Cách thứ hai, theo tôi nghĩ ít thụ động hơn. Tức là anh phải có đường hướng chiến lược. Đi trước, đón trước về mặt chiến lược cho sự phát triển của xã hội. Anh muốn đi trước, đi thế nào, đi bằng cách gì, những vấn đề đó đưa ra thảo luận. Chính thảo luận những vấn đề đó, theo tôi, đấy là nội dung cơ bản của dân chủ. Vì dân chủ không phải là tranh cãi nhau để mà kiếm những địa vị, quyền lực. Tôi không có quan điểm như vậy, dân chủ không có nghĩa là sự tranh chấp về quyền lực. Mà dân chủ trước hết ở Việt Nam trong lúc này là để cho các ý kiến khác nhau về các vấn đề mục tiêu của đất nước, của xã hội được trình bày một cách công khai, tự do. Và trong các cuộc thảo luận rộng rãi như thế, tức là xã hội và ngay những người lãnh đạo, xã hội lúc này cũng có thể thấy được con đường đi nên như thế nào.

Và đừng để cho mình thụ động, đấy chính là con đường chủ động, mà đấy là vấn đề hiện nay, theo tôi, là khó nhất.

Cách đây mấy tháng thì một anh bạn ở Mặt Trận Tổ Quốc trung ương cho tôi biết là sắp tới sẽ có một diễn đàn trí thức để bàn các vấn đề của đất nước. Tôi rất mừng. Nhưng hiện nay thì thấy có thông báo bỏ diễn đàn ấy. Tôi không hiểu thế nào cả.

BBC:Không có giải thích tại sao, thưa ông?

KG: Không có giải thích gì cả. Chỉ nói là từ đây cho đến sang năm, đến đại hội Mặt Trận Tổ Quốc lần thứ mấy đấy không có tổ chức cuộc thảo luận như thế. Tôi rất ngạc nhiên, bởi vì một chủ trương đưa ra xong rồi bỏ đi một cách rất là đơn giản như thế... đây là một chủ trương rất hay, và chắc chắn những người tham gia vào cuộc thảo luận đấy họ cũng chẳng có ý đồ gì nhằm làm thế này thế kia để có hại cho sự nghiệp chung đâu. Nhưng trí thức Việt Nam cho đến nay nói chung không phân biệt miền Nam hay miền Bắc, ở trong nước hay ở ngoài nước, cái tâm huyết đối với đất nước này rất lớn.

Còn con đường đi như thế nào, đấy là vấn đề phải bàn rất kỹ, bởi vì không một ai, tôi xin nhấn mạnh, không một ai đủ trí tuệ để giải quyết được tất cả các vấn đề của đất nước trong lúc này. Cái đó thì có một tập hợp trí tuệ, đối chiếu trí tuệ trong những cuộc thảo luận, trong những cuộc hội thảo, làm sao để đưa lên được những ý kiến có lợi nhất cho xã hội mà lâu nay có thể nói là vì người ta ngại mà người ta không dám nói ra.

Theo tôi, thực chất của dân chủ chính là cái đó. Tức là người dân được chọn những phương án phát triển xã hội nói chung, và phát triển đời sống của từng công dân, từng gia đình, từng địa phương nói riêng. Đấy mới là dân chủ. Còn nếu khi xã hội không có những phương án để cho người dân lựa chọn thì cái đó không có dân chủ. Dù anh có hò hét dân chủ cách mấy đi nữa cũng sẽ không có dân chủ.

Hiện nay, tôi thấy rằng tình hình xã hội lúc này có rất nhiều vấn đề phải thảo luận. Trên báo chí không phải là không có những cuộc thảo luận. Nhưng những cuộc thảo luận đó đều không đi đến đâu cả. Theo như tôi đã nói về vấn đề giáo dục, có hàng trăm bài giá trị giáo dục rất hay nhưng đến bây giờ một bên thì bảo nó có nhược điểm nhưng nói chung là nó vẫn tốt. Còn một bên cho đấy là một nền giáo dục đưa xã hội đến chỗ rất nguy hiểm, sẽ đào tạo lên những người không có năng lực gì cả.

Bây giờ những vấn đề như thế, những vấn đề phục hưng về giáo dục cũng nên thảo luận. Tôi cho rằng nếu như có những tổ chức thảo luận như thế thì có lợi chứ không có hại gì cả.

BBC: Ông có nói tới vấn đề là phải có dân chủ để cho mọi người có thể nêu ý kiến của mình và để có những ý kiến như vậy thì cùng bàn thảo. Thế nhưng có những trường hợp như bác sĩ Phạm Hồng Sơn, bác sĩ Nguyễn Đan Quế... bị bắt giữ rồi bị xét xử, bị kết tội làm gián điệp khi đưa ra những ý kiến về dân chủ. Như vậy thì làm sao những người khác làm sao dám đưa ý kiến của mình, thưa ông?

KG: Đấy là vấn đề. Bởi vì đấy tôi nói vẫn còn là một nguyện vọng, để thực hiện chuyện ấy thì còn phải vượt qua rất nhiều. Mà trước hết phải có những quan niệm đúng về dân chủ chẳng hạn. Bây giờ người ta vẫn lưu hành một quan điểm rất là buồn cười, tức là nếu mà dân chủ thì sẽ vô chính phủ, có một quan điểm như thế. Nhưng người ta không biết rằng dân chủ và vô chính phủ là như nước với lửa. Không phải là có dân chủ tức là vô chính phủ đâu. Như các nước dân chủ ở phương tây chẳng hạn, ở đấy người ta dân chủ nhưng không phải là vô chính phủ mà người ta có những luật pháp, có những qui định, có những qui tắc để giải quyết các vấn đề trong đất nước người ta như thế nào. Họ dứt khoát chống lại tình trạng vô chính phủ. Còn trong những trường hợp cụ thể như là chị nêu thì trên thực tế rất khó phát biểu, chị cũng hiểu vì sao !

BBC: Ông là một người theo và tin tưởng vào chủ nghĩa Mác từ khi còn rất là trẻ và kể cả trong giai đoạn xét lại, mặc dù có những dập vùi này khác thì ông vẫn là người Cộng sản. Nhưng cho tới giai đoạn đổi mới từ năm 1986 trở đi thì có lẽ ông đã có những thay đổi trong tư tưởng. Thì phải chăng từ đây ông đã từ giã chủ nghĩa Cộng sản, thưa ông?

KG: Vấn đề này là vấn đề rất lí thú đấy, về hành trình tư tưởng của tôi mà. Như khi nãy tôi nói là tôi sống trong một hoàn cảnh gia đình như thế, đi vào cuộc cách mạng một cách cũng rất tự nhiên. Tôi cũng nghĩ rằng từ trong học thức Cộng sản đấy tôi cũng rút ra được rất nhiều cái cho bản thân tôi, trên thực tế tôi đã làm như thế. Tôi cố hết sức, kể cả về mặt lý thuyết cũng như cả trong hành vi, đạo lý sống hàng ngày. Cố làm như thế, nhưng cuộc sống nó lại cho thấy hoàn toàn khác. Bởi vì một người chạy vào cuộc cách mạng này từ lúc rất sớm, lúc 14, 15 tuổi. Rất say mê, nhưng đến một lúc nào đó thì chính thành nạn nhân của cuộc cách mạng này.

Khi nãy chúng tôi nói về cải cách ruộng đất. Tự nhiên mà mình bị qui vào liên quan đến phản động, mà tôi không hiểu liên quan đến phản động là cái gì cả. Rất may là lúc bấy giờ có anh em họ cứu được, nếu mà không cứu được thì cũng gay go đấy. Tất nhiên tôi đặt cho tôi một câu hỏi, tại sao thế nhỉ? Tại sao mình trung thành với cách mạng đến như thế, trung thành với chủ nghĩa Cộng sản đến như thế, rất thành tâm, mình lại chịu như thế nhỉ? Không những chỉ cá nhân mình, bao nhiêu người cũng chịu đựng cảnh như thế - cải cách ruộng đất.

Chính đấy là một câu hỏi rất lớn mà tôi đặt ra cho tôi hồi đó mà không trả lời được. Cuối cùng câu trả lời vẫn là phải trung thành với chủ nghĩa Cộng sản. Như Lưu Thiếu Kỳ viết trong cuốn sách Tu dưỡng đảng viên Cộng sản. Ông có viết thế này, "người Cộng sản bị hiểu sai cứ kiên trì, cuối cùng thế nào đảng cũng hiểu mình" Lúc bấy giờ là một thái độ tôi noi theo. Tưởng rằng thay đổi đó đã đủ. Thế nhưng nó lại không phải. Cuộc sống của đất nước, cuộc sống của phe XHCN trên thực tế nó dồi lên và câu hỏi khác được đặt ra: Tại sao một chế độ tự coi mình là tiến bộ nhất nhưng dần dần lại bị lạc hậu trong đời sống kinh tế, đời sống khoa học kỹ thuật chẳng hạn, tại sao như thế? Tại sao một chế độ tự cho mình là tiên tiến nhất thì lại không dân chủ bằng một chế độ bị coi là phản động, bị coi là tư bản chủ nghĩa?

Những câu hỏi ấy trong cuộc sống tôi thường nảy ra. Có lúc cố trả lời nhưng không trả lời được. Nhưng có lúc cũng phải tự tìm cách để có thể trả lời một mình cho mình cái đó đúng hay sai.

Riêng tôi hành trình này nó trải qua 4 bước.

Khi thấy trong xã hội có những hiện tượng xấu xa thì đổ tội ngay lập tức đấy là tàn tích của xã hội cũ. Nhưng cách giải thích ấy nó không ổn, bởi vì có những cái nó không phải do tàn tích của xã hội cũ mà do những người hôm nay phạm vào thôi.

Bước thứ hai khi đại hội ĐCS Liên Xô phê phán sùng bái cá nhân Stalin lại có giải đáp thứ hai tức là không phải chỉ có tàn tích của xã hội cũ mà do sai lầm của một số người lãnh đạo như Stalin, Mao Trạch Đông, hay một số người khác.

Nhưng câu hỏi đó cũng không đủ, buộc tôi phải đi một bước thứ ba. Tại làm sao những người lãnh tụ ấy lại có thể làm được những việc như thế? Thì cuối cùng là phải đi tới là do thể chế.

Nhưng cái đó vẫn không đủ, tôi lại phải đi một bước nữa. Cuối cùng thì nó nằm ngay trong học thuyết của nó, ngay trong bản chất học thuyết của nó thì đúng hơn. Và cuối cùng thì tôi đã giải quyết được vấn đề này.

Có một anh bạn trẻ hỏi tôi, có phải là vì anh bị Cộng sản bắt giam nên bỏ chủ nghĩa Cộng sản phải không? Tôi nói anh nhầm. Lúc tôi bị bắt giam, tôi ngồi trong xà-lim là lúc tôi tự khẳng định mình là Cộng sản hơn bao giờ hết. Bởi vì nếu không tự khẳng định, không có chỗ dựa như thế thì rất khó chịu đựng. Cho nên lúc mấy giờ tôi phải tự nhận mình, mà trên thực tế cũng như thế, coi mình là một người Cộng sản rất chân chính, để đối lập với những người Cộng sản tôi cho là giả hiệu.

Giải quyết như thế không phải đơn giản, nó kéo dài từ năm 1954, 1955 cho tới mãi năm 1989 thì mới có thể kết thúc được quá trình giải dần đấy. Trong quá trình đó thì nó kết hợp với bao nhiêu chuyện trong cuộc sống hàng ngày của chính mình và của đất nước mình, của thế giới này, của con người này. Như tôi có viết trong một bài, đó là một cuộc tự lột xác, không phải không đau đớn. Bởi vì khi tôi viết xong để mình từ giã chủ nghĩa xã hội khoa học thì gần như không ăn, uống thì có nhưng gần như không ăn, vì nó mệt quá... Bởi vì đây là một niềm tin, một cái gì đó rất thiêng liêng, mà tự mình phải lột bỏ đi. Cái đó là một sự đau đớn ghê gớm.

Sau khi làm được sự lột xác đó thì người nó dễ chịu và bây giờ sống rất thoải mái. Đối với những người Cộng sản thì tôi vẫn nghĩ rằng mình đã từng là người Cộng sản rồi thì chả có vấn đề gì phải hận thù ai làm gì cả. Tất cả những nhận thức đều sớm hay muộn nó sẽ đến với mọi người.

Cho nên có những người nghe tôi từ bỏ chủ nghĩa Mác Lênin thì họ lấy làm lạ, họ đến hỏi tôi. Có một anh bạn hỏi tôi. Tôi bảo không, vấn đề chỉ là thế này. Trước đây tôi để chủ nghĩa Mác Lênin lên đầu và coi là giá trị lớn nhất, giá trị cao nhất của tư tưởng loài người và tôi bị cái vòng kim cô của chủ nghĩa Mác Lênin xiết chặt đầu tôi lại. Bây giờ tôi làm một việc khác, tức là tôi đặt bàn thờ chủ nghĩa Mác Lênin sang một bên, chứ không đặt lên đầu tôi nữa, tức là ngang với những nhà tư tưởng lớn của loài người như Rousseau, Robespierre, Montesquieu v.v. Tôi coi mỗi nhà tư tưởng đều có đóng góp của mình vào trong tiến triển của tư tưởng loài người cả.

Tôi nghĩ như thế là công bằng, cái gì mình thấy hay thì mình chấp nhận, cái gì mình thấy nó không thích hợp thì thôi. Mấy năm gần đây thì tôi đi vào những vấn đề về con người nhiều hơn. Rất tiếc gần đây tôi lại bị ốm, ngay khi nói chuyện ở đây thì giọng nó run, có người cho là tôi bị parkinson, có người cho là tiền parkinson, nhưng có lẽ tôi hiểu tôi,bởi vì có lẽ đây là một sự lão hóa về não nó kết hợp với thần kinh quá tải vì làm việc quá nhiều.

BBC:Ông đã trải qua một hành trình tư tưởng như vậy thì với những người vẫn còn tin vào chủ nghĩa xã hội khoa học cũng như chủ nghĩa Cộng sản thì ông có lời khuyên gì đối với họ không, thưa ông?

KG: Tôi quan niệm như thế này, như tôi có viết trong một bài, tôi gọi là “chủ nghĩa Mác Lênin còn lại gì”, bài đó tôi phát biểu trong một hội thảo năm 1995. Nói cho đúng hơn là tôi phát biểu trong hội thảo Nhưng vấn đề bây giờ là như thế này, dù chủ nghĩa Mác Lênin có những đóng góp rất lớn cho cách mạng Việt Nam, cho xã hội Việt Nam trong quá khứ, tất nhiên là bên cạnh đó nó cũng phạm vào những sai lầm, đáng tiếc. Trong hoàn cản hiện nay ta không thể nào mọi cái đều nhất nhất theo chủ nghĩa Mác Lênin, bởi vì đó là một sản phẩm của một gia tài lịch sử hoàn toàn khác. Rất nhiều vấn đề của chủ nghĩa Mác Lênin đã bị lỗi thời. Nhưng quan trọng nhất là chủ nghĩa Mác Lênin, theo tôi không nên biến thành một hệ tư tưởng độc tôn của toàn xã hội bởi vì về tư tưởng thì ai cũng có thể có cả. Như bây giờ một tín đồ Công giáo, một người theo Phật giáo, một người theo Hồi giáo, hoặc là một người theo học thức gì, thì đấy là quyền cũa mỗi người nhưng không có một xã hội nào mà chỉ tuân theo độc nhất một hệ tư tưởng. Cái đó hệ quả như thế nào thì chúng ta cũng biết rất rõ.

Cho nên trong bài đó thì cuối cùng tôi bảo thế này: đừng nên lấy chủ nghĩa Mác Lênin làm ranh giới để phân chia xã hội ra một bên là ta, một bên là địch. Và nên để hệ tư tưởng đó dành cho quyền của mỗi người. Vấn đề là đừng dùng hệ tư tưởng độc tôn ấy áp đặt lên trên toàn xã hội. Bởi vì cái gì không tốt cuối cùng nó sẽ làm hại cho chính nó. Hà Mi thực hiện

=

No comments: