Thursday, July 23, 2009

TRIỆU TỬ DƯƠNG 7

Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

Ngày 1 tháng 7 năm 1993
Hẹn mời Vu Quang Viễn [1] bàn về lý luận của cải cách Trung Quốc

Vu Quang Viễn là quyền uy lý luận, có uy tín cao trong giới trí thức. Triệu Tử Dương có ý định hẹn ông đến bàn bạc, qua sự liên hệ và tháp tùng của tôi, ông đã có cuộc nói chuyện với Triệu Tử Dương.

Vu Quang Viễn nói: xem xét từ sự phát triển lịch sử xã hội loài người thấy, trong xã hội nguyên thuỷ, người ta chưa có quan niệm về tài sản, tương lai con người trong xã hội loài người cũng nên không có quan niệm tài sản. Nhưng ở giữa, từ mỗi một giai đoạn phát triển lịch sử xã hội của xã hội nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội tư bản chủ nghĩa đều là những xã hội mà “công hữu và tư hữu đồng thời tồn tại”, vì vậy “chế độ công hữu” không phải là tiêu chí khu biệt xã hội. Ý tưởng vốn có của Marx cũng không phải là chế độ công hữu (hoặc chế độ quốc hữu) mà là chế độ sở hữu xã hội. Marx vốn không đề xuất hai giai đoạn của chủ nghĩa cộng sản mà chỉ đề xuất giai đoạn thứ nhất của chủ nghĩa cộng sản và giai đoạn cao hơn. Cái gọi là chủ nghĩa cộng sản là giai đoạn cao cấp, giai đoạn xã hội chủ nghĩa là giai đoạn đầu là của Lenin.

Vu lại nói, về giai đoạn cộng sản, cái gọi là “làm theo năng lực”, “hưởng theo nhu cầu” trong đó lời dịch “hưởng theo nhu cầu” đúng là có đậm đặc mầu sắc lãng mạn của chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa tự do. (Lúc này Vu Quang Viễn nói một cách rất khiêm tốn và tự trách mình). Đó là sai lầm của dịch thuật. Thế nhưng, hiện nay mọi người đã công nhận là công thức, khó có thể sửa lại. Theo ý tứ vốn có của Marx, là nói: xã hội căn cứ vào năng lực của mỗi cá nhân, thu được những cống hiến của họ, [xã hội] căn cứ vào nhu cầu của mỗi người cho họ [một cái báo đáp] để thoả mãn cần thiết cá nhân.

Vu tiếp tục: đó là giai đoạn xã hội chủ nghĩa, cũng là sản phẩm của quá trình phát triển lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, quyết không thể dùng công thức tiên nghiệm cố định lại, tiến tới hình thành hình thái ý thức cứng nhắc và dùng nó để điều khiển.

Triệu Tử Dương nói xen: cần phải khu phân chế độ xã hội chủ nghĩa hiện hành và con đường xã hội chủ nghĩa; trước đây do công thức tiên nghiệm đã hình thành chế độ cứng nhắc, đặc biệt là chế độ công hữu, khi thực hiện đã làm cho trình độ công hữu hóa vượt quá trình độ sức sản xuất, khiến sức sản xuất bị phá hoại cực lớn, từ đó tạo thành nghèo nàn khiến chúng ta càng ngày càng xa chủ nghĩa xã hội, cũng là xa rời con đường xã hội chủ nghĩa.

Vu Quang Viễn tiếp: khi nghiên cứu vấn đề, chúng ta nên tách nhân tố cơ bản và nhân tố không cơ bản ra. Như nghiên cứu hoá học, nguyên tố cơ bản là thuyết nguyên tử phân tử, còn những thứ khác là vật hỗn hợp; về kinh tế học, nhân tố cơ bản là công hữu và tư hữu, nhân tố chủ yếu của nó là vật hỗn hợp, tức kinh tế chế độ cổ phần. Trong giới tự nhiên không tồn tại nguyên tố đơn thuần thuần tuý, cũng như vậy, trong bất kỳ xã hội nào, tức các giai đoạn phát triển của lịch sử loài người trước đây cũng không tồn tại “tư hữu” hoặc “công hữu” đơn thuần.

Vu lại phân tích: không nghi ngờ gì, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, nhân tố xã hội chủ nghĩa sẽ càng ngày càng nhiều, tỷ lệ và thành phần tư nhân sẽ càng ngày càng ít, cộng thêm việc thu thuế di sản, đặc biệt là thành phần các loại đoàn thể xã hội, các hội quỹ, cổ phần càng ngày càng tăng, kinh tế tư sản cũng chủ yếu phải dựa vào nhà doanh nghiệp. Khi điều đó xẩy ra, quan hệ tài sản sẽ biến thành mơ hồ.

Khi bàn đến quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Quang Viễn nói: luận điểm cách mạng bạo lực mà Marx nêu ra vẫn là thủ đoạn bất đắc dĩ, và cũng không phải là hình thức duy nhất phổ biến được áp dụng; quá độ lên chủ nghĩa xã hội nên có nhiều loại hình thức.

Triệu Tử Dương xen vào: cách mạng vô sản theo ý tưởng vốn có của Marx phải bùng nổ tại các nước tư bản chủ nghĩa phát triển chứ không bùng nổ tại các nước tư bản chưa phát triển; thế nhưng sự phát triển khách quan lại là giai cấp vô sản đã giành được chính quyền đầu tiên tại quốc gia lạc hậu. (Lúc này Triệu lại nói với giọng điệu trịnh trọng) những nước giành được thắng lợi cách mạng này lẽ ra nên tuân theo qui luật tự nhiên của sự phát triển kinh tế nước mình, căn cứ vào tình hình đất nước mình để phát triển sức sản xuất; thế nhưng lại muốn vượt giai đoạn, thực hiện công hữu hoá. Kết quả là dục tốc bất đạt mà bị sụp đổ, tan rã. Xem xét từ mười năm cải cách của Trung Quốc thấy, tăng trưởng của kinh tế cũng đều là từ kinh tế tư hữu phát triển lên, còn kinh tế quốc hữu đã được chứng minh là thiếu hiệu quả, không nâng cao nổi sức sản xuất.

Vu Quang Viễn tiếp tục: sự tan rã của Liên Xô nên nói là sự tất nhiên. Cái thể chế của nó, bất kể là về thể chế kinh tế hoặc thể chế chính trị đều là cứng nhắc, không phù hợp với trào lưu thời đại, và cũng không chịu nổi những xung kích của trào lưu khoa học kỹ thuật mới. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, chúng ta phân tích tình hình quốc tế cho rằng: kẻ địch ngày một thối nát, chúng ta ngày một tốt hơn. Chủ nghĩa tư bản lúc đó có bị trắc trở, rất có cái thế chủ nghĩa xã hội lôi cuốn cả thiên hạ. Nhưng chủ nghĩa tư bản đã thu được bài học từ trong thất lợi, tiến hành tự điều chỉnh, khôi phục được sức sống, thể hiện được sức sống dồi dào. Các nước xã hội chủ nghĩa chúng ta lại thiếu cơ chế điều chỉnh, hơn nữa tính tùy tiện của ý chí chủ quan lại phát huy tác dụng, kết quả là đi vào khó khăn, đi tới sụp đổ.

Nói đến đó, Vu tràn đầy niềm tin nói: mặc dù chủ nghĩa xã hội bị bất lợi nhưng nhìn chung xã hội vẫn phát triển theo phương hướng tiến bộ, hợp lý. Với tư cách là một học giả, tư duy lôgíc của Marx là nghiêm khắc chặt chẽ, thuyết duy vật lịch sử của ông là khoa học. Vấn đề nghiêm trọng vẫn là sự giáo dục cán bộ, làm thế nào để bọn họ giải thoát khỏi hình thái ý thức cũ.

Vu Quang Viễn nói, rất dí dỏm lý thú: mình vẫn là một anh Mác-xít chết không hối cải, và đề xuất công thức chủ nghĩa xã hội nên là: Chế độ sở hữu xã hội + Kinh tế thị trường + Phân phối theo lao động, đi theo hướng cùng giầu có.

Triệu Tử Dương nói, cải cách của Trung Quốc trước đây không đề xuất rõ ràng lý luận cải cách, những nhà cải cách dường như không phải là có lẽ phải không sợ gì; còn người chống cải cách lại lợi dụng luận điểm cũ để giầy vò, đến nỗi cải cách phải lặp đi lặp lại. Vấn đề hiện nay nên là, phải đột phá lý luận chế độ sở hữu. (Nói đến đó Triệu thể hiện rất phấn khởi). Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc là một nước lớn, cải cách lại tiến hành nhiều năm như vậy rồi, hoàn toàn có thể, hơn nữa càng có tư cách đề xuất hệ thống lý luận liên quan đến cải cách xã hội chủ nghĩa. Những nước xã hội chủ nghĩa khác không được. “Lý luận cải cách kinh tế Trung Quốc là dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc phát triển chủ nghĩa tư bản đi tới cùng giầu có”, đó đúng là một đầu đề rất lớn. Triệu Tử Dương đã đề xuất rõ ràng với Vu Quang Viễn.

Cuộc nói chuyện kết thúc ở đó. Với tinh thần rất tôn trọng, Triệu tiễn Vu lão ra ngoài cửa lên ôtô.


Ngày 9 tháng 9 năm 1993

I. Không đại phẫu thuật lớn doanh nghiệp quốc doanh, không được.

Tôi ra ngoài tham quan một số địa phương, sau khi trở về đã phản ảnh với Triệu Tử Dương mấy điểm về tình hình.

Tôi nói: từ tình hình bên dưới thấy, về mặt nông nghiệp thi hành chế độ khoán, đúng là thành công; sau này lại phát triển chế độ kinh doanh hai tầng, phát triển kinh doanh nhiều loại, gần đây lại đề xuất, nhất thể hoá công (nghiệp) nông (nghiệp) mậu (dịch). Xem ra con đường này là rất chính xác. Về thương nghiệp khoán cửa hàng, áp dụng biện pháp cho thuê. Như vậy, chia làm đơn vị nhỏ, phân tán kinh doanh tự chủ, vừa phát huy được tính tích cực lại vừa có thể sắp xếp nhiều nhân viên thành thị và tỉnh ngoài, lại vừa tăng thêm thu thuế, hiệu quả cũng rất tốt. Đối với hợp tác xã cung tiêu, có địa phương áp dụng biện pháp cổ phần hợp tác, không lỗ vốn nữa, xem ra đây cũng là một con đường.

Triệu Tử Dương hỏi: gần đây ngành thương mại đề xuất cửa hàng lên kết, hiệu quả kinh doanh thế nào?

Tôi không biết việc này, không trả lời được.

Tôi tiếp tục: về việc phát triển xí nghiệp hương trấn, trước đây nói chung đều do chính quyền hương trấn chủ đạo, được ưu tiên về nhân, tài, vật lực ra sức ủng hộ, nên phát triển; các vùng ven biển dựa vào điều kiện địa lý ưu việt, dùng cách bán cho thuê dất đai làm nhà đất phát triển. Cũng như vậy, xí nghiệp tập thể ở thành phố, để giải quyết sức ép công ăn việc làm của con em cán bộ nhân viên trong đơn vị mình đã dùng điều kiện ưu việt của cơ quan (xí nghiệp) mình ra sức giúp đỡ, phát triển, đúng là đều có tác dụng phát triển kinh tế to lớn, và cũng có cống hiến rất lớn. Thế nhưng bất kể là xí nghiệp hương trấn hay là xí nghiệp tập thể thành phố đến nay đều xuất hiện xu thế hiệu quả giảm sút. Nguyên nhân của nó là, gốc rễ là ở nồi cơm nhỏ, không cải tạo không được; áp dụng chế độ khoán, thực tế cũng chỉ là tự chịu lỗ lãi, cũng không được. Xem ra chỉ có đi con đường chế độ cổ phần hợp tác, làm rõ quyền sở hữu tài sản mới xong, hiện nay các nơi đều tiến hành theo cách đó, phát triển rất nhanh; có xí nghiệp quốc doanh nhỏ, áp dụng biện pháp cho thuê, đó là dân doanh quốc hữu, cũng là một con đường.

Cuối cùng, tôi nói: khó khăn nhất vẫn là doanh nghiệp quốc doanh, vẫn còn chưa ra khỏi con đường này.

Triệu nói: xí nghiệp nhỏ và vừa quốc hữu nên đi con đường dân doanh quốc hữu, áp dụng biện pháp, chế độ cổ phần và cho thuê, sáp nhập, phá sản v.v.., đối với các doanh nghiệp quốc hữu lớn có thể dùng biện pháp ghép chung vốn trong ngoài nước (thở dài trước điều này), tóm lại không đại phẫu thuật doanh nghiệp quốc doanh không được.

Cách nhìn của tôi là: rốt cuộc đại phẫu thuật như thế nào áo dụng thủ thuật nào vẫn là một đầu đề lớn, điểm khó là vấn đề sắp xếp nhân viên.


II. Bình luận của nước ngoài

Tôi trình bầy với Triệu Tử Dương những bình luận của nước ngoài. Tôi nói:

Gần đây tôi đọc một bài bình luận của nước ngoài liên quan đến Trung Quốc, cho rằng mặt trận xã hội chủ nghĩa không thể khôi phục được. Sau khi Liên Xô tan rã, sự phát triển của nước Nga từ nay trở đi chỉ có thể là quốc gia dân tộc chủ nghĩa, hoặc là động loạn dấy lên, hình thành chuyên chế kiểu phát xít, nhưng không thể nào khôi phục lại nhà nước xã hội chủ nghĩa vốn có. Trung Quốc cũng không là xã hội chủ nghĩa nữa, đang thay đổi, cũng tư bản chủ nghĩa hóa. Bọn họ phân tích cho rằng, trước đây, bất kể là Trung Quốc và Liên Xô đều là giương chiêu bài ngọn cờ xã hội chủ nghĩa và vì nhân dân phục vụ, trên thực tế đều là thực hiện thống trị chuyên chế độc tài, đều là phục hồi chế độ chuyên chế phong kiến.

Bọn họ bình luận, trước đây đảng cộng sản nắm chắc ngọn cờ chống phong kiến, lấy ruộng đất cho nông dân; nắm chắc ngọn cờ cứu vong dân tộc tiến hành đấu tranh chống Nhật; lại nắm chắc ngọn cờ chống độc tài Tưởng Giới Thạch, thực hiện dân chủ nhân dân. Đảng cộng sản Trung Quốc đã giành được lòng dân như vậy đó, tranh thủ đông đảo quần chúng các tầng lớp về phía mình, từ đó giành được cách mạng thắng lợi, thành lập Trung Quốc mới. Nhưng sau khi thành lập Trung Quốc mới, đảng cộng sản Trung Quốc luôn luôn đi xuống dốc.

Bọn họ còn phân tích, sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, đảng cộng sản Trung Quốc lúc đó nên giương cao ngọn cờ hoà bình phát triển, bởi vì trào lưu lúc đó là hoà bình phát triển, là tiến hành xây dựng kinh tế. Nhiều nước như Nhật bản, Đức v.v.. đều đã tranh thủ cơ hội này để phát triển lên. Chiến lược của Mỹ lúc đó vốn dự tính vứt bỏ Đài Loan, tiến hành kế hoạch viện trợ cho Trung Quốc, giống như dùng kế hoạch Marshall thực hiện viện trợ kinh tế cho các nước Tây Âu, để phục hưng Trung Quốc. Thế nhưng đảng cộng sản thực hiện phương châm “nhất biên đảo”, ngả về Liên Xô, và tham gia chiến tranh Triều Tiên, khiến kế hoạch đó của Mỹ phải tuyên bố thất bại. Trung Quốc cũng mất đi một cơ hội phát triển.

Bọn họ cho rằng, tiếp đó Đảng Cộng sản Trung Quốc lại phát động phong trào “nhẩy vọt lớn”, “công xã nhân dân” và “đại cách mạng văn hoá”, không ngừng có phong trào chính trị, tự mình tiêu hao mình, đảng cộng sản đã đẩy nền kinh tế quốc dân đến bên bờ của sự sụp đổ.

Kết luận của bọn họ là: người lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc trước đây đã chơi trò ma thuật tại Trung Quốc.

Cuối cùng tôi bàn thêm một chút về cách nhìn của người ta đối với cuộc chiến tranh Trung-Việt [1979]. Cho rằng Đặng Tiểu Bình phát động cuộc tác chiến với Việt Nam là một sai lầm, cũng là một bi kịch của ông ta, cái gọi là “dạy cho Việt Nam” vẫn là thể hiện của chủ nghĩa sô vanh nước lớn.

Trước những bàn luận nói trên của tôi, Triệu Tử Dương đều không biểu thị thái độ, chỉ lặng yên nghe.


[1]Vu Quang Viễn (1915 -) người ThượngHải, từng giữ chức Phó Viện truởng Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhà kinh tế học.
Nguồn: Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219
==


Tôn Phượng Minh
Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng
Dương Danh Dy dịch
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

Ngày 7 tháng 10 năm 1993

I. Triệu Tử Dương một mình vượt lên

Tôi đến nói chuyện gẫu với Đỗ Nhuận Sinh, có nói tới một cuốn sách do nhà kinh tế học Hồng Kông, Trương Ngũ Thường [1] viết, trong đó có câu “Triệu Tử Dương một mình vượt lên.” Tôi bắt đầu từ chỗ đó trình bầy lại với Triệu Tử Dương.

Tôi nói: Trương Ngũ Thường đề xuất cái gọi là “Triệu Tử Dương một mình vượt lên” là chỉ Triệu Tử Dương đã kết hợp cái tốt nhất của chủ nghĩa xã hội với cái tốt nhất của chủ nghĩa tư bản lại với nhau, chỗ hội hợp đó, chính là Triệu Tử Dương một mình vượt lên. Những điểm quan trọng của nó là:

Một là, thực hiện khoán, tách rời quyền sở hữu ruộng đất và quyền sử dụng, quyền thu lợi, có nghĩa là nói, ruộng đất vẫn là công hữu, nhưng quyền sử dụng, quyền thu lợi thuộc về tư hữu của nông dân sau này phát triển thành có quyền chuyển nhượng.

Hai là, thực hiện tách rời quyền sở hữu và quyền kinh doanh tại doanh nghiệp quốc doanh, mặc dù tài sản vẫn là quốc hữu nhưng doanh nghiệp có thể kinh doanh tự chủ. Có nghĩa là, có thể sử dụng biện pháp kinh doanh tư nhân, tức cái gọi là “dân doanh quốc hữu”

Ba là, cho phép xí nghiệp tư nhân và xí nghiệp ba loại vốn phát triển, loại bỏ sự lũng đoạn của xí nghiệp quốc doanh, thực hiện tự do bình đẳng, cạnh tranh công bằng, phát huy sức sống của kinh tế thị trường.

Bốn là, đề xuất chiến lược phát triển ven biển, ra sức triển khai mậu dịch đối ngoại, cái gọi là hai đầu ở ngoài, mở cửa giá cả và quản chế xuất nhập khẩu, tiến quân ra thị trường thế giới.

Năm là, cải cách chế độ ngân hàng, ngân hàng tiến hành khống chế vĩ mô, dùng lượng tiền tệ để khống chế lạm phát.

Trương Ngũ Thường viết: như vậy vừa có tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, và bảo lưu được hình tượng xã hội chủ nghĩa, lại vừa có kinh tế tư nhân, động lực của kinh doanh tư nhân, và phát huy được sức sống của cạnh tranh tự do kinh tế thị trường, từ đó thúc đẩy nền kinh tế quốc dân Trung Quốc vào quỹ đạo phát triển tốc độ nhanh.

Trương Ngũ Thường luận chứng rằng, bỏ hết chế độ khoán thì là chế độ tư hữu. Ở đây, quyền sở hữu trên kinh tế không quan trọng, có thể qui vào sở hữu quốc gia, cái quan trọng là quyền sử dụng, quyền thu lợi, quyền chuyển nhượng. Cái gọi là quyền tư hữu tài sản phải bao gồm ba điều kiện: một là quyền sử dụng tư hữu, hai là quyền thu lợi tư hữu, ba là quyền chuyển nhượng tự do. Ba điều kiện này đã được thể hiện trong chế độ khoán của Trung Quốc, vì vậy bỏ hết chế độ khoán hoàn chỉnh thì là chế độ tư hữu, điều này đã được xác định trong ba điều kiện giới hạn trên. Vì thế, tài sản của Trung Quốc thực hiện quốc hữu hoặc sở hữu xã hội cũng đều có thể thực hiện chế độ quyền tài sản tư hữu như vậy.

Trương Ngũ Thường lại viết, căn cứ vào định lý Gauss, kinh tế thị trường được phát triển trên cơ sở quyền tài sản tư hữu, bởi vì nó có thể sản sinh động lực, có hiệu quả kinh tế cao, là nhân tố chủ yếu phát triển kinh tế, có vai trò làm cho chế độ công hữu từ chỗ chết rồi lại sống lại.

Vì thế Trương Ngũ Quyền kết luận: Trung Quốc xã hội chủ nghĩa có thể, hơn nữa nên thực hiện kinh tế thị trường.

Trương Ngũ Thường còn cho rằng, từ nay trở đi, để tránh hiện tượng chế độ nhận khoán, nhận mà không khoán, chỉ thu lợi chứ không chịu thiệt, có thể áp dụng biện pháp giảm giá thích đáng tài sản quốc hữu, chính quyền đánh giá giá trị tài sản ròng đối với tài sản xí nghiệp. Chỉ yêu cầu xí nghiệp theo thời hạn nộp cho chính quyền giá trị ròng tài sản được tính theo lãi suất thấp, chính quyền chỉ thu hồi mức lãi phải thu hồi, những cái khác chính quyền không quản, để xí nghiệp kinh doanh tự chủ. Cũng như vậy, đối với nông thôn có thể coi ruộng đất là tài sản riêng của nông dân, phát cho nông dân, thực hiện chế độ thuế suất 10%, bãi bỏ mọi thứ phải nộp lên trên khác, mở cửa giá cả, thực hiện thị trường hoá nông sản phẩm, do nông dân kinh doanh độc lập tự chủ, đồng thời bảo đảm quyền thu lợi của nông dân không bị xâm phạm.

Triệu Tử Dương chỉ yên lặng lắng nghe những điều nói trên, không có biểu thị gì.


II. Không được để mất thời cơ

Triệu Tử Dương nói, mấy hôm trước đến bệnh viện, gặp Lã Đông [2] , nhờ ông này gửi một thư miệng tới Chu Dung Cơ: bất kể dùng chế độ phân thuế hình thức gì đều không được ảnh hưởng tới chiến lược phát triển ven biển, trước mắt nơi này là cơ hội lớn nhất của Trung Quốc.

Triệu lại nói, thực hiện chế độ phân thuế sẽ xẩy ra chuyện trung ương tập trung tiền của lại, điều này khiến các tỉnh đều chìa tay về trung ương. Nếu anh chia cho mỗi nơi mỗi nơi một ít như chia vừng, kết quả là không làm được việc gì lớn cả. Rất rõ ràng, nếu có nhập vốn nước ngoài thì cũng cần có vốn đồng bộ để làm xây dựng cơ bản, kết quả của làm bình quân là kinh tế không lên được.

Tôi nói xen vào: lần thực hiện phân thuế này, giữa trung ương và địa phương xẩy ra mâu thuẫn. An Chí Văn nói với tôi, trong mười năm, Quảng Đông sẽ thu ít hơn 20 tỷ NDT. Sau này áp dụng biện pháp thoả hiệp, tức là theo mức chi năm 1993, trả lại cho địa phương một phần.

Lúc này Triệu dùng giọng điệu tương đối khẳng định nói: tốt nhất là để cho các tỉnh tự trị, tức là các tỉnh căn cứ vào nhân lực, vật lực, tài lực của mình tự phát triển. Như thế sẽ không so sánh nữa, đều sẽ để mắt hướng nội, khai thác tiềm lực nội bộ của mình, hoặc cho phép kinh tế phát triển rất nhanh. Triệu đưa ra ví dụ nói, các nước Tây Âu sở dĩ có thể phát triển lên là dựa vào các nước đều phân tán, đều là độc lập tự phát triển; nếu như hình thành quốc gia thống nhất thì trước đây chưa chắc đã phát triển nhanh như vậy. Về điểm này, khi còn sống, Chủ tịch Mao đã từng nói tới. Cũng giống như vậy, sở dĩ nước Mỹ phát triển rất nhanh cũng là nhờ liên bang tự trị, các bang đều thực hiện tự trị, căn cứ vào năng lực của mình và phát huy tiềm lực của mình để phát triển. Sự vùng lên của bốn con rồng phương Đông cũng như vậy. Nếu Đài Loan, Hồng Kông ở dưới sự quản chế của thể chế Đại Trung Quốc Thống nhất thì có khả năng cũng chưa thể bay lên như vậy.

Sau khi nghe những lời bàn luận đó, điều khiến tôi suy ngẫm là, mặc dù thân đang trong “nhà giam”, nhưng Triệu Tử Dương vẫn quan tâm đến sự phát triển kinh tế vùng ven biển, điều nay không chỉ vì chiến lược vùng ven biển do ông đề xuất mà còn xuất phát từ trách nhiệm lịch sử. Bởi vì Trung Quốc dân số đông, vốn liếng mỏng, tài nguyên ít, muốn đưa kinh tế đất nước phát triển lên, phải nhập khẩu vốn nước ngoài với số lượng lớn, nhập khẩu khoa học kỹ thuật tiên tiến của phương Tây, phải ra sức phát triển mậu dịch đối ngoại, bao gồm cái gọi là “hai đầu ở ngoài” nhập nguyên liệu về gia công. Bất kể là Nhật Bản và Đức sau chiến tranh hay là bốn con rồng châu Á sau này đều là đã tranh thủ được điều kiện như vậy mới phát triển lên được. Đồng thời cũng phải nắm chắc thời cơ có lợi của trào lưu khoa học kỹ thuật mới trước mắt, có thể nói là không để mất thời cơ. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, do chính quyền nhà Thanh làm lỡ việc nước, để mất cơ hội, làm cho đất nước ngu muội, lạc hậu như cũ, rơi vào cảnh nguy hiểm bị các cường quốc xâu xé chia nhau. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, vào thời kỳ cách mạng khoa học kỹ thuật mới, do vào cuối đời Mao Trạch Đông sai lầm phát động nhẩy vọt lớn và đại cách mạng văn hoá, lại để mất cơ hội, khiến nền kinh tế quốc gia đã đến ven bờ của sự sụp đổ, nhân dân chịu khổ chịu nạn. Vào thời đại cách mạng thông tin hiện nay, Triệu Tử Dương cho rằng bất kể như thế nào cũng không thể để mất cơ hội lần này nữa, đó là lần có thể gọi là “không thể để mất thời cơ”.


Ngày 18 tháng 10 năm 1993

I. Chủ trương đổi chế độ quốc hữu làm chế độ sở hữu doanh nghiệp

Trước tiên Triệu Tử Dương nói: thử suy nghĩ xem liệu có thể đổi chế độ quốc hữu làm chế độ sở hữu doanh nghiệp hay không, bởi vì chế độ sở hữu doanh nghiệp cũng là hình thức thực hiện chế độ công hữu. Như thế sẽ do người thuê mướn doanh nghiệp kinh doanh tự chủ; đồng thời cũng có khả năng dùng biện pháp trả nợ tài sản quốc hữu theo từng thời kỳ, biện pháp vay tiền chia cho mỗi công nhân viên chức một phần.

Triệu nói: chỉ có xác định rõ ràng quyền sở hữu tài sản mới có thể phát triển kinh tế thị trường; không có quan hệ quyền sở hữu tài sản rõ ràng, kinh tế thị trường không phát triển được. Tự chịu lỗ lãi và kinh doanh tự chủ của doanh nghiệp là sự tương hỗ, nếu không thể kinh doanh tự chủ, doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện nổi tự chịu lỗ lãi. Thế nhưng (Triệu nhấn mạnh) kinh doanh tự chủ và quan hệ quyền sở hữu tài sản lại có liên hệ. Không có quan hệ quyền sở hữu tài sản rõ ràng sẽ khó thực hiện kinh doanh tự do. Còn về việc đánh giá tài sản quốc hữu, cũng nên xem xét từ phương diện chiến lược, doanh nghiệp và công nhân viên chức được nhiều một chút quan hệ cũng không lớn.

Triệu nhất quán chủ trương, cải tạo doanh nghiệp quốc hữu phải thực hiện biện pháp dân doanh quốc hữu, áp dụng biện pháp cho thuê, tức là cho phép theo biện pháp kinh doanh tư nhân để tiến hành quản lý kinh doanh một cách tự chủ. Ông không tán thành đều là chế độ cổ phần tài sản quốc hữu lắm, cho rằng làm như vậy không khác doanh nghiệp quốc doanh. Ông đã từng nói, nếu thực hiện chế độ cổ phần chí ít kinh tế tư nhân phải chiếm 1/3. Suy nghĩ của ông là, chỉ trên cơ sở phát huy đầy đủ kinh tế tư nhân, hình thành cơ chế thị trường mới có thể thúc đẩy doanh nghiệp quốc doanh ra thị trường, và cũng mới có thể tiến hành cải tạo doanh nghiệp quốc doanh; dù phải thúc đẩy doanh nghiệp quốc hữu ra thị trường nhưng cũng phải cho doanh nghiệp có quyền kinh doanh tự chủ, điều này đòi hỏi thực hiện chế độ sở hữu doanh nghiệp.

Tôi cho rằng Triệu Tử Dương đề xuất vấn đề như vậy là xuất phát từ phát triển kinh tế thị trường. Những doanh nghiệp quốc hữu hiện có, trên thực tế là do bộ môn chính quyền các cấp sở hữu và chủ quản. Nếu không thể tách chính quyền và doanh nghiệp ra, doanh nghiệp không thể thực hiện kinh doanh tự chủ, tất nhiên cũng không thể tự chịu lỗ lãi, từ đó khó thể hình thành vai trò chủ thể của doanh nghiệp trên thị trường, khó phát triển kinh tế thị trường.

Xem ra Triệu đề xuất quan điểm chế độ sở hữu doanh nghiệp này là có hội hợp với “Bàn về bản vị doanh nghiệp” của Tưởng Nhất Vỹ nhà kinh tế học đã mất.

Trước đó Triệu đã từng nói với tôi: tại nước ngoài doanh nghiệp quốc hữu cũng làm rất tốt, đó là vì chỉ trên sự thúc đẩy của cơ chế kinh tế thị trường mà kinh tế tư hữu chiếm ưu thế mới có thể làm được.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas


[1]Trương Ngũ Thường (1935-) Nhà kinh tế học Hồng Kông tôn sùng kinh tế thị trường tự do thả nổi và lý luận quyền tài sản. Từng là Chủ nhiệm khoa kinh tế học đại học Hồng Kông. Năm 2003 vì nghi ngờ trốn thuế bị chính phủ Mỹ ra lệnh truy nã.
[2]Lã Đông (1915-2002), người Liêu Ninh, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế quốc gia, nguyên Bộ trưởng Bộ luyện kim, Bộ trưởng Bộ Cơ khí số ba, cố vấn Tổ lãnh đạo tài chính kinh tế trung ương.
Nguồn: Tôn Phượng Minh, Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng, Khai phóng Xuất bản Xã, Hongkong 2007, ISBN: 9789627934219

No comments: